Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017

Xuân Hà Nội

Xuân Hà Nội 
Hà Nội ơi! nhớ mãi trong ta/ Mùi hoa sữa thơm từng con phố nhỏ/ Tiếng chuông chiều ngân nga trong gió/ Mùa thu vàng cốm tỏa thơm hương.
Hà Nội trong tôi dẫu chỉ đến một lần thôi/ Mà sống mãi với ngàn lần xao xuyến!
Xuân Canh Dần (2010) cả nước hướng về Hà Nội, hướng về ngày kỷ niệm nghìn năm Thăng Long. Mùa xuân đến bên thềm Hà Nội, lòng rộn ràng hướng đến Hà Nội ơi. Biết bao thi nhân, nhạc sĩ, nghệ sĩ thành danh, in dấu, neo đậu trong lòng độc giả với những sáng tác về Hà Nội, bởi Hà Nội là địa linh, là văn vật, là hào khí ngàn đời của dân tộc.
Gắn bó với Hà Nội, thành danh ở Hà Nội với tập thơ Lửa thiêng, cố thi sĩ Huy Cận vẫn nhớ thương Hà Nội từ trong sâu thẳm trái tim mình Hà Nội ơi tôi quyết còn sống tới/ Ngày Thăng Long tròn nghìn tuổi dưới trời/ Mà nay đã nhớ, nhớ thiết tha nước Hồ Gươm in bóng/ Hồn cha ông, nhớ biết thuở nào nguôi. Nhớ Hà Nội ngay giữa lòng Hà Nội, thế mới biết sự gắn bó, yêu thương của thi nhân ngay từ thẳm sâu tâm khảm Hà Nội nghìn năm biển cồn, sóng nổi/ Hãy bay lên theo khí thế Thăng Long/ Vinh quang rồi không chỉ ngồi đếm tuổi/ Nước cuộn phì nhiêu mới là nước sông Hồng. Cảm xúc tự hào, cảm xúc tôn vinh cứ vang lên trong từng câu, từng chữ. Những câu thơ chở nặng văn hóa ngàn đời kết tinh trong lòng Hà Nội Hà Nội ơi, hồn văn minh Đại Việt/ Thơm như cốm Vòng, như sen ngát hồ Tây.
Hà Nội có bốn mùa với hương hoa sữa làm nên một nửa mùa thu, với tinh túy của gió mùa đông, nắng mùa xuân và mưa rào mùa hạ. Mùa đặc trưng, màu đặc trưng, đã làm nên một Hà thành có thương, có nhớ, có lãng mạn, có bâng khuâng, có cả tình yêu trong từng ngọn gió Hà nội ơi!/ Từng sớm thân quen/ Con đường xưa ai ngập ngừng không nói/ Sân trường xưa lá bay vời vợi/ Những mặt hồ tráng bạc như gương!. Câu thơ ngắn ngập ngừng trên trang giấy trắng, nỗi nhớ nhung thăm thẳm tận tâm hồn. Sao nhớ thế, Hà thành nhớ thế, gọi tên em muôn thuở Hà Nội ơi Hà Nội ơi!/ Năm tháng xa ơi!/ Mái cũ rêu phong vọng về phố nhỏ/ Hồ gươm xanh/ Nghe ướt mình cơn gió/ Hồ Tây xa/ Một bóng thuyền xa.
Sáng mai nay, như mỗi sáng mai/ Trời vừa ấm chim reo ngoài cửa/ Và hoa bưởi trắng tinh vàng nhụy/ Thế là xuân đến đó cùng ta/ Hồn nhiên như bạn cũ vào nhà. Có lẽ ít có ai say mê mùa xuân, dành cho mùa xuân nhiều trang thơ đặc sắc, đắm say lòng người như Tố Hữu. Hơi thở mùa xuân vừa đẹp đẽ nồng nàn, đắm say tha thiết; vừa hào hùng, hoành tráng, vừa lắng đọng nên thơ; vừa mang âm hưởng thời đại, vừa đậm chất trữ tình. Nặng lòng với mùa xuân, duyên nợ với mùa xuân, bước chân Du xuân của thi nhân in dấu trên mỗi nẻo đường của ba sáu phố phường Hà Nội Mọi con đường đều dẫn đến một đường/ Tôi lại đi về Đại lộ Hùng Vương/ Về với tổ tiên, thời Văn Lang, Âu Lạc/ Để hiểu hơn tầm cao của Bác/ Trong lòng ta, xanh mướt cỏ Ba Đình/ Xin cho tôi gọi Quảng Trường Hồ CHí Minh/ Để ghi lại một thời oanh liệt nhất
Hà Nội trong tôi là nỗi niềm đau đáu nhớ thương Hà Nội trong tôi là bạn bè ơi/ Ánh mắt thì tươi trong và nụ cười nghịch ngợm/ Cái hiếu khách cũng cực kỳ là Bắc/ Và giọng ai êm ngọt tựa sao rơi. Hà Nội trong tôi có tiếng còi tàu, có cây cầu Long Biên in bóng sông Hồng, có ba sáu phố phường ba sáu dây xuân, có người Hà Nội thanh lịch hào hoa và lãng mạn, có Tiếng đàn xuân như mời như gọi/ Tiếng đàn xuân đáp nghĩa đền ơn/ Tiếng đàn xuân đón bạn bốn phương/ Tiếng đàn xuân mừng ngàn năm tuổi! Tiếng đàn xuân Hà Nội ngân nga như mời, như gọi, như nhắc, như ghi trong lòng mỗi người dân đất Việt rằng dù Hà Nội đã bao lần đổi thay tên gọi, nhưng hồn xưa, tình cũ, nét Văn hiến ngàn đời thì chẳng đổi thay, ta Đã đi qua những ngày gian khổ/ Vết chiến tranh loang lổ phố phường/ Càng quý hơn tình nghĩa bốn phương/ Cùng Hà Nội và vì Hà Nội!
Ba sáu dây xuân đang ngân lên từ Hà Nội, Những cơn gió chạy từ thu sang đông/ Sáng nay có dừng trước cửa nhà em báo tin xuân đến? Anh đã gửi theo chút xanh lộc nõn/ Em có cầm lên với biêng biếc tuổi mình?.... Trinh nguyên, mới mẻ với mùa xuân của Hà thành có thương, có nhớ, có lãng mạn, có bâng khuâng, có cả tình yêu trong từng ngọn gió. Cả đất trời như bảng lảng một làn sương khói lững lờ, quấn quít từng góc phố hàng cây. Mùa xuân về, vạn vật như đang cựa mình sau một mùa đông giá rét. Lộc biếc, chồi non, muôn hoa trỗi dậy… Anh ở nơi này bốn phía mùa xuân/ Với trái tim phập phồng chờ đợi.../ Anh chợt thèm nghe tiếng bước chân rón rén/ Và tiếng gọi ngập ngừng tình tự gió giêng hai
Xuân đã về chưa Hà Nội ơi?/ Ta về lồng lộng gió lưng trời/ Sông Hồng bỗng đỏ như ngày ấy/ Nửa dường nhung nhớ, nửa xa xôi. Là người con của Hà Nội hay chỉ là lữ khách đã từng một lần đến thủ đô mỗi độ xuân sang cũng không thể nào quên sự ngọt ngào của mưa xuân, sự ấm áp khi những hạt mưa mơn man trên má. Mưa xuân lây phây bụi phấn, bàng bạc màn tơ, đổ xuống mái tóc người mà không ướt, bảo cho những bàn tay tìm nhau, mách những mái đầu nhích lại trong tình yêu, trong nhung nhớ, trong ước mơ Mùa xuân Hà Nội buốt hơi kem/ Hoa đào nghiêng nụ lung linh gió/ Lất phất mưa bay ướt lạnh thềm.
* Bài viết sử dụng thơ: Nghìn năm Thăng Long - Huy Cận, Khúc hát nhớ Hà Nội - Trương Anh Tú, Du xuân - Tố Hữu, 36 phố phường 36 dây xuân - Dân Huyền, Gửi người con gái mùa xuân - Phan Chính, Xuân Hà Nội - Thanh Trắc Nguyễn Văn.
Hoàng Thị Thu Thủy
Theo http://www.cdsphue.edu.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Fukushima: Thảm họa vẫn còn tiếp diễn

Fukushima: Thảm họa vẫn còn tiếp diễn Trích từ tiểu thuyết “Trò chuyện với thiên thần” của Trương Văn Dân Ba đang ngồi đọc lại những trang...