Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017

Triết học phương Đông trong âm nhạc Việt Nam

Triết học phương Đông trong âm nhạc Việt Nam 
PHẦN MỞ ĐẦU
Âm nhạc và nghệ thuật luôn chiếm một phần quan trọng trong đời sống của con ngừơi. Vì lẽ, đời thiếu nghệ thuật, thì cuộc sống tinh thần sẽ nghèo nàn; đời thiếu nhạc, thì đời sẽ khô khan. Trong chúng ta, chắc hẳn có ai đó đã từng đôi lần thưởng thức giai điệu mượt mà của bản xô nát lãng mạn, hay cảm nhận được chất bi hùng ca của những bản Opera của các giả vĩ đại dòng nhạc bác học phương Tây. Ngừơi Argentina có thể tự hào với giai điệu Tango sang trọng, hay người dân Phi châu cuồng nhiệt, quyến rũ trong điệu nhạc Salsa, Lambada. Như vậy, bất kỳ quốc gia hay nền văn hóa nào, từ lâu âm nhạc luôn là phương tiện để con người thể hiện cảm xúc của mình với thế giới xung quanh, dù đó là lòng yêu thương hay thù hận, là niềm hân hoan hạnh phúc hay đớn đau cùng cực.
Có thể nói rằng, trong bản đồ âm nhạc hàn lâm thế giới, Việt Nam chúng ta tuy vẫn còn nằm ở một vị trí rất khiêm tốn vì chỉ thật sự tiếp xúc nền văn minh âm nhạc trong vòng một thết kỷ nay. Nhưng nếu xét về sự ý nhị, nhẹ nhàng nhưng hàm chứa sâu sắc triết lý, tinh thần của người phương Đông trong từng câu hát hòa quyện trong những thang âm điệu thức riêng biệt, âm nhạc Việt Nam đã tạo nên nét mộc mạc, chân phương nhưng rất đặc trưng ngay cả trong trình diễn cũng như cách thưởng thức. Bên cạnh đó, âm nhạc Việt Nam còn sớm thể hiện những tư tưởng tôn giáo, đời sống tâm linh, phong tục tập quán, nền văn hóa phong phú của một quốc gia phương Đông, đây là nét độc đáo làm nên bản sắc riêng biệt và sự quyến rũ tiềm ẩn của âm nhạc Việt Nam.
Là một người ngọai đạo về âm nhạc, nhưng với lòng tự hào và say mê nền âm nhạc nước nhà, với mong muốn góp phần bảo tồn và phát triển những giá trị truyền thống của dân tộc, người viết xin lạm bàn và thử tìm hiểu sự hiện diện của Triết học phương Đông trong giai đọan phong kiến trở về trước, đời sống Triết học phương Đông trong âm nhạc dân gian và nền tân nhạc Việt Nam, thực trạng âm nhạc Việt Nam đương đại, và sau đó dựa vào các phân tích trên đưa ra đề xuất nhằm khơi dậy và phát huy những nét đẹp truyền thống của tư tưởng Triết Học phương Đông trong âm nhạc Việt Nam.
CHƯƠNG 1
TRIẾT HỌC PHƯƠNG ĐÔNG TRONG ĐỜI SỐNG ÂM NHẠC VIỆT NAM GIAI ĐỌAN PHONG KIẾN TRỞ VỀ TRƯỚC

1.1. Nhã nhạc Cung đình và Triết học Nho gia trong đời sống tư tưởng văn hóa triều Nguyễn
Khổng Tử nói "Nhạc giả thiên địa chi hòa dã" Nhạc là sự hòa hợp của trời đất âm dương. Âm thanh êm ái, du dương và cử chỉ thanh cao tốt đẹp là hai phương tiện giúp vào việc giáo hóa con người trở về với đạo đức. 

Là một quốc gia nằm ở phía đông-nam châu Á, vị trí địa lý đã tạo lập cơ sở tự nhiên cho Việt Nam khả năng giao lưu văn hóa, tri thức với những học thuyết lớn từ nền văn minh khác nhau trong nhiều thế kỷ trước thời cận đại. Trong quá trình tiếp biến các hệ tư tưởng triết học được du nhập từ bên ngoài đó, Nho giáo từ Trung Quốc và Phật giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ đã đóng góp một vai trò đặc biệt quan trọng.
Ngay trong thời kỳ đầu triều Nguyễn, Nho giáo có xu hướng đi sâu vào những luận điểm triết học về chính trị và đạo đức, nhằm xác lập ý thức hệ cai trị phong kiến theo mô hình trung ương tập quyền cao độ. Nhà nước phong kiến xây dựng những thể chế, nghi thức nhằm phục vụ cho việc cai trị và trật tự tôn ti trong cả nước. Trong ngũ kinh mà Khổng tử sáng lập, lễ nhạc cũng được rất được chú trọng trong việc phục vụ các nghi thức triều chính.
Mang ý nghĩa "âm nhạc tao nhã" Nhã nhạc đề cập đến âm nhạc cung đình Việt Nam được trình diễn tại các lễ thường niên, bao gồm các lễ kỷ niệm và những ngày lễ tôn giáo cũng như các sự kiện đặc biệt như: lễ đăng quang, lễ tang hay những dịp đón tiếp chính thức. Nhã Nhạc có từ thế kỷ thứ XIII, nhưng nó chỉ đạt đến độ mức điêu luyện tại cung đình Huế dưới triều Nguyễn (1802 - 1945). Các vị vua đã dành sự ưu đãi khi ban cho Nhã nhạc một địa vị đặc biệt là âm nhạc chính thức của cung đình, bằng cách đó đã chính thức hóa nó như là biểu tượng về quyền uy và sự trường thọ của triều đại mình. Nhã nhạc đã trở thành một phần thiết yếu của quá trình nghi lễ và mỗi năm nó được trình diễn trong toàn bộ thời gian của gần 100 buổi lễ khác nhau. Phong phú về nội dung tinh thần, Nhã Nhạc đã được xem như là một phương tiện liên lạc và bày tỏ tôn kính đến các vị thần linh và bậc đế vương. 
Ngoài ra nó còn phục vụ như là một phương tiện cho việc truyền đạt những ý tưởng mang tính triết lý và những khía cạnh về vũ trụ của người Việt Nam. 
Từ nửa sau thế kỷ XIX, trước cuộc "từ phạm húy" cường độ đột ngột giữa Việt Nam và Pháp, Khổng giáo đã không còn giữ được chức năng tinh thần trước kia của nó. Sự giảm thiểu hiệu năng tinh thần của Khổng giáo là nguyên nhân trực tiếp đưa đến sự khủng hoảng tư tưởng ở Việt Nam. Vì vậy, văn hóa cung đình, trong đó có Âm nhạc cung đình lâm vào tình trạng suy thoái. Các nghi thức tế lễ được giản lược, Nhạc lễ cùng chung số phận, mà đến giai đoạn cuối triều Nguyễn thì các dàn nhạc và bài bản chỉ còn lại rất ít. Việc sử dụng âm nhạc trong các dịp lễ lượt cũng rất tùy tiện, không phân định rạch ròi như xưa. Nhạc cung đình lan tỏa vào dân gian qua các nhạc công cung đình, nhưng dân gian cũng chỉ tiếp nhận và lưu giữ một số ít những bài bản, nhạc cụ phù hợp với cơ chế sinh hoạt dân gian.
1.2. Lễ nhạc Phật giáo Việt Nam
Phật giáo Ấn Độ truyền sang Trung Hoa vào thời Đông Hán, vào khoảng năm thứ 67 Tây lịch. Lúc bấy giờ ở Trung Hoa đã có đạo Khổng và đạo Lão, vì muốn hoằng pháp phổ cập đến mọi tầng lớp nhân dân, nên các Tổ sư đã dùng mọi phương tiện như văn từ, âm nhạc, giọng điệu của hai đạo trên, rồi châm chước những giọng điệu sẵn có của mình, rút lấy những kệ tụng trong Tam tạng và giáo lý mà phổ vào. Còn âm nhạc thì dùng âm nhạc cổ điển ở phương Đông, giọng điệu thì theo những điệu thứ của chư Thiên mà táng tụng với mục đích là làm phương tiện cho việ truyền bá chánh pháp đến mọi người.
Âm nhạc Phật giáo Việt Nam, một phần nào đó cũng chịu ảnh hưởng bởi nhạc Phật giáo Trung Hoa, nhưng các vị Tổ sư Việt Nam sớm đã biết hội nhập cái hay cái đẹp của người rồi tiêu hoá thành nét đặc trưng của âm nhạc Phật giáo Việt Nam. Hơn nữa từ thời đại Lý-Trần, đất nước chúng ta mở mang bờ cõi về phương Nam, lại được tiếp nhận thêm âm nhạc Champa và Chân Lạp, đã giúp cho âm nhạc Việt Nam có đến ba nét đặc trưng của ba niềm Bắc, Trung, Nam, với những đặc trưng của mỗi vùng đất. Lễ nhạc tôn giáo là sức sống của tâm linh được thể hiện ra giọng điệu, cung cách bên ngoài. Đạo Phật, ngoài kho tàng triết lý sâu sắc ra, còn có âm nhạc, nghi lễ để ca ngợi công đức của chư Phật, Bồ-tát và đồng thời là một cách để diễn bày chân lý vô thường, vô ngã và giá trị giải thoát, dùng âm nhạc để thức tỉnh lòng người. Âm nhạc Phật giáo Việt Nam với đặc trưng “Viễn, hư, đạm, tĩnh”, trở thành một bộ phận quan trọng trong nền âm nhạc dân gian
Ngòai những ca khúc ngợi ca công đức của chư Phật, Bồ-tát, âm nhạc Phật giáo còn được sử dụng trong các nghi lễ Phật giáo như lễ nhạc, lễ tụng, lễ khí, lễ nghi, lễ bái, lễ phục, lễ đường v.v…
Các nhà nghiên cứu âm nhạc cho rằng, âm nhạc trong Phật giáo Việt Nam cũng như âm nhạc Phật giáo Đông phương có nhiều chất thơ. Nét độc đáo là chỉ trong 4 câu kệ tứ tuyệt mà thể nhạc phổ ra tiếng ngân nga trầm bỗng, nếu ghi nhạc ta sẽ thấy nhiều nốt (note) nối nhau bằng dấu liên âm mà lời nhạc chỉ có vài chữ. Sở dĩ có những thể nhạc kỳ lạ như vậy là vì đặc trưng âm nhạc Á Đông là thiên về tâm linh, tình cảm, nên phải dùng thể nhạc này mới diễn tả hết được. Vả lại, muốn diễn tả sự huyền bí cao siêu bằng tinh thần, thì phải dùng nét nhạc dài và ít lời. Về âm điệu thể nhạc nhà Phật có chừng ba bốn chục điệu, còn thể thơ ít hơn, đại để như: Loại ngũ ngôn: Thập phương tam thế Phật v.v…; Loại tứ ngôn: Nhứt tâm quy mạng v.v…
Trong âm nhạc Phật giáo Việt Nam, lời kinh tiếng kệ được diễn tấu thành những nét nhạc du dương, huyền mặc như khói trầm, an tĩnh như định lực, cao vút như núi tuyết và uyển chuyển như tràng phan. Không chỉ giá trị ở văn thơ, triết lý, nét nhạc diễn tả ý thơ, âm nhạc còn giúp người nghe tỉnh giác, thanh tịnh, nên nghi lễ âm nhạc mang tính chất siêu phàm thoát tục, không vướng lụy trần ai.
Trong nhạc lễ Phật giáo, nếu nghiên cứu ta sẽ thấy được một nếp sống tâm linh cao đẹp. Với màu sắc thiền vị, âm điệu du dương, thanh nhàn, nghĩa lý uyên thâm có công năng cảnh tỉnh người đời về với đời sống thánh thiện, đạo đức, nhìn vào thực tại để thấy được bộ mặt thật của mình, để không còn bị đảo điên trước huyễn cảnh
1.3. Nét phương Đông độc đáo trong âm nhạc dân tộc Việt Nam
Âm nhạc gắn liền với đời sống, phong tục, tập quán của con người Việt từ thời xa xưa. Âm nhạc Việt không thể tách rời đời sống Việt qua những sinh hoạt nghi lễ, tôn giáo, hội hè đình đám, ngoài đồng áng, hay lúc vui chơi giải trí. Từ những hoạt động chuyên nghiệp như sân khấu cho đến những câu hát ru, âm nhạc Việt đã có mặt lâu dài từ mấy ngàn năm nay và phong phú về nhiều thể loại.
Nhạc phòng (nhạc thính phòng) phát triển từ thời Lý (ở vào thế kỷ X đến XIII) trong giới quyền quý với nhạc lễ nghi, nhạc vui chơi như hát cửa quan, hát cửa đình (tiền thân của hát ả đào sau này), hát tuồng, hát bội dành cho vua chúa.
Ca trù còn gọi là hát Ả đào, là một môn nghệ thuật có từ lâu đời ở nước ta. Gọi là Ca Trù (theo các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian) vì khi chơi, người ta dùng thẻ (trù) để thưởng cho các đào nương, kép đàn khi hát và đàn những câu, đoạn mà người thưởng thức cho là xuất sắc... Ca trù là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp, bao gồm nhạc, thơ, múa và trò diễn mang đậm chất dân gian phương Đông ngay cả trong biểu diễn cũng như thưởng thức. Từ hát ở cửa đình ra sinh hoạt đời thường, hát khao vọng, hát mừng lên lão, rồi nó ra ca quán hát cho các nhà văn, nhà thơ nghe. Trong quá trình dịch chuyển đó nó vẫn bảo tồn được ba hình thức nghệ thuật ca, múa và trình diễn, tự dịch chuyển không gian và bảo tồn luôn giá trị. Rồi nó đi vào đời sống của người Hà Nội từ 50 năm nay. 
Ca trù là một loại hình có nhiều luật lệ nghiêm ngặt, chưa kể những tiêu chuẩn về thanh, sắc, đạo đức, về phép tắc và phương tiện. Chẳng hạn như: Hát có 5 giọng; Đàn có 5 cung; Phách có 5 khổ; Điểm trù có 5 phép. Đào nương nào muốn có giọng hát hay, tiếng phách róc đều và ròn phải luyện tập theo 8 tiêu chuẩn: Quán, Xuyến, Dằn, Thét, Khuôn, Rẫy, Diệu, Vợi. Nghệ thuật Ca trù bộc lộ tình đời một cách vừa quyến rũ, vừa thanh tao và độc đáo. Nghệ thuật ca trù là sự truyền đời từ đời này sang đời khác theo tổ chức, theo dòng họ. Vì thế di tích dòng họ cũng gắn với di tích về ca trù. Chỉ riêng việc theo dòng họ, nối đời này qua đời khác đã khiến ca trù gắn với tính thiêng, với tâm linh của dòng họ.
Điểm độc đáo là Ca trù bao hàm triết lý âm dương của người phương Đông, chính ở chỗ ca nương (đào nương) vừa ca hát, vừa đánh phách. Đây là một nét hết sức độc đáo vì giữa đánh phách và hát có sự đối kỵ nhau về tiết tấu. Bên cạnh đó là cây đàn đáy, nhạc cụ độc đáo của Việt Nam chuyên dùng đệm cho Ca trù có âm thanh ấm, trầm, đầy. Sự đối tỷ về âm sắc giữa đàn và giọng hát (tiếng hát thì cao vút, thanh, mảnh còn tiếng đàn thì trầm) đã tạo hiệu quả âm thanh rất lớn. Về thang âm điệu thức thì những chữ nhạc không phải tĩnh và đóng như phương Tây, mà nó động mà mở, đó là ưu điểm trong tiếng nhạc của Việt Nam nghĩa là tiếng nhạc nó biến chuyển, nó hạp với nguyên tắc về triết học tức nguyên tắc dịch lý.

Một điểm rất thú vị là trong âm nhạc Việt Nam chứa đựng nội dung triết học phương Đông sâu xa, chẳng hạn như thành phần dàn nhạc cùng những nhạc khí bát âm cổ truyền cấu trúc chế tạo theo ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ là 5 chất liệu cơ bản của thiên nhiên . Theo suy luận của văn hóa Đông phương, từ quan niệm đó chúng ta nhận thấy âm nhạc cổ truyền được dựa trên hệ thống Ngũ cung gồm 5 cung chính là: Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ, tương đương với ngũ sắc là 5 màu: Xanh, Đỏ, Trắng, Tím, Vàng, khác hẳn với âm nhạc Tây phương gồm 7 nốt chính và lối phân chia màu sắc 7 màu theo sự phân tích ánh sáng cầu vồng gồm Tím, Chàm, Xanh dương, Xanh lá cây, Vàng, Cam, Đỏ của khoa học thực nghiệm Tây phương. Có sự ngẫu nhiên lạ lùng là âm nhạc Tây phương dùng 7 âm chính, cũng như về màu sắc họ chia ra 7 màu, trong khi đó âm nhạc cổ truyền Việt Nam gồm ngũ âm (5 âm) và màu sắc cũng có ngũ sắc (5 màu).
Nếu chưa tìm hiểu sâu xa, nhiều người sẽ cho rằng âm nhạc của ta nghèo nàn hơn nhạc Tây phương, nhưng thật ra ngoài 5 cung chính: Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ, còn những biên cung nằm giữa nữa nên có nhiều thanh âm màu sắc phong phú không kém khi ta nghiên cứu so sánh đôi bên . Tiếc rằng các nhà viết sử âm nhạc thế giới vì không đủ điều kiện và phương tiện nên chưa có dịp đi sâu vào kho tàng âm nhạc các dân tộc trong đó có nhạc cổ truyền Việt Nam
CHƯƠNG 2
ĐỜI SỐNG TRIẾT HỌC PHƯƠNG ĐÔNG TRONG ÂM NHẠC DÂN GIAN VÀ NỀN TÂN NHẠC VIỆT NAM

2.1. Đời sống triết học phương Đông trong âm nhạc dân gian
Đất nước Việt Nam có một nền âm nhạc dân gian phong phú và đa dạng được hình thành trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Đây là vốn nghệ thuật quý báu của dân tộc được bắt nguồn từ cuộc sống lao động, sản xuất; từ phong tục, tập quán, địa lý, tình cảm và tiếng nói của từng vùng, miền, từng dân tộc. Ta có thể nghe những điệu hát ru, những bài đồng dao của trẻ nhỏ, những thể loại ca nhạc trong các nghi thức cúng lễ, dùng trong giao tiếp, trong lao động, trong vui chơi giải trí với những thể loại hát đố, hát đối đáp, hát nói, kể, sử thi, hát giao duyên... cùng những thể loại ca kịch truyền thống.
Âm nhạc cổ truyền Việt Nam phong phú bởi sự tích đọng những thể loại thuộc nhiều thời đại khác nhau và bởi cả tính đa sắc tộc. Cùng một thể loại song ở mỗi sắc tộc lại có phương thức biểu hiện, diễn tấu và âm điệu riêng tuy nhiên vẫng mang đậm nét đặc trưng của vùng lãnh thổ đông-nam châu Á. Điệu hát ru Việt khác ru Mường, ru Thái, hát ru của các dân tộc Tây Nguyên... Và nền âm nhạc chuyên nghiệp với tất cả những hình thức phong phú muôn màu muôn vẻ của nó cũng đều bắt nguồn từ di sản dân tộc, từ vốn cổ truyền của các loại hình dân ca của quốc gia phương Đông. Ngay từ khi ra đời, âm nhạc cổ truyền đã đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt của người Việt Nam. Ngày nay nó vẫn giữ một vị trí đáng kể trong xã hội. Một số thể loại ca nhạc vẫn tồn tại trong cuộc sống nhân dân. Một số khác đã bước lên sân khấu, tiếp tục phát huy tác dụng trong cuộc sống mới... Trải qua bao thăng trầm của lịch sử dựng nước và giữ nước và ngày nay trong thời kỳ đổi mới, vốn âm nhạc dân gian của dân tộc Việt Nam vẫn luôn được bảo tồn, vẫn còn đó những giá trị nhân văn sâu sắc, và tiếp tục phát triển trong quá trình hội nhập.
Những yếu tố đa dạng, phong phú và tế nhị mang tính hết sức đặc trưng trong truyền thống âm nhạc dân tộc Việt. Đó là nền tảng âm thanh không phải chỉ vài ba năm, mà là sự kết tinh của nhiều thế hệ, nhiều thế kỷ. Đó cũng không phải chỉ là một khía cạnh âm thanh của người Việt, mà là một thể hiện tập trung của ngôn ngữ, tập quán, đời sống sinh hoạt xã hội, và tư duy mỹ cảm. Âm điệu dân tộc là sự phản ánh những giá trị độc đáo của con người. 
Chúng ta không thể tách rời âm nhạc khỏi bản thân của con người đã làm ra nó. Chúng ta phải hãnh diện về nó, vì nó là thành tựu của cả lao động trí óc (suy tư, sáng tác, v.v.) lẫn lao động chân tay (người thợ đóng đàn, di chuyển đàn, xếp đặt sân khấu trình diễn, v.v.). Những dàn đại nhạc, những loại nghệ thuật sân khấu dân gian và cung đình, những hình thức ca nhạc tri âm tri diệu (thính phòng), những nghi thức lễ nhạc Phật Giáo, những truyền thống ca múa dân gian (múa gậy, múa xuân phả, hát dân ca, v.v.) là cả một kho tàng vô cùng qúi báu và rộng lớn của dân tộc ta. Phải nói, đãy là bản sắc văn hóa của người Việt mà chúng ta có đầy đủ lý do để tự hào. 
2.2. Sinh hoạt âm nhạc trong trình thức ma chay, cưới hỏi, hội hè của người Việt
Cho đến nay, vẫn còn một vài nơi ở nước ta vẫn còn gìn giữ được truyền thống tốt đẹp trong hội hè, sinh hoạt cộng đồng, những người già thường hát những làn điệu dân ca theo lối đối đáp ứng tác nhằm nội dung phê phán những thói hư tật xấu còn tồn tại trong xã hội và để khuyên nhủ con cháu sống tốt, hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương mọi người xung quanh.
Ca hát là niềm say mê của người Việt, lời ca tiếng hát được cất lên trong các dịp sinh hoạt gia đình, ma chay, cưới xin, hội hè. Trong tang ma, người ta thường hát các điệu hát cổ buồn bã chia ly, trong sinh hoạt lễ hội, lễ kết nghĩa giữa hai làng lại hay dùng điệu hát vui tươi .
Một số làng còn vẫn lưu giữ loại dân ca giao duyên. Đây là những điệu hát mang nội dung tỏ tình, là tâm tư, tình cảm của những lứa đôi yêu nhau. Không những vậy, nó còn là sự bày tỏ của những tấm lòng giàu yêu thương, khao khát một cuộc sống gia đình no ấm, yên vui; là lời khẩn nguyện thần linh, niềm ước mong về một cuộc sống ấm no và hạnh phúc.
2.3. Sự phảng phất nhẹ nhàng của Triết học phương Đông trong các sáng tác và cách thưởng thức âm nhạc của người Việt.
Triết học phương Đông không những tác động sâu sắc đến đời sống âm nhạc dân gian Việt Nam mà còn có những ảnh hưởng đến cả nền tân nhạc Việt Nam hiện tại mặt dù sự ảnh hưởng là không trọn vẹn.
Tân nhạc Việt Nam dù được ra đời khá muộn (khỏang năm 1930), nhưng trong thời gian ngắn đã sản sinh ra một thế hệ nhạc sỹ tài năng với nhiều tác phẩm mà cho tới hôm nay vẫn còn nguyên giá trị như: nhạc sĩ Lê Thương, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Nguyễn Thiện Tơ, Nguyễn Văn Tuyên, Dzoãn Mẫn, Đặng Thế Phong, Nguyễn Đình Phúc, Hoàng Quý, Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công Sơn…Chính những tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ trong thời kỳ này đã góp phần đặt nền móng cho nền âm nhạc mới Việt Nam. Chủ đề âm nhạc chủ yếu tập chung vào đề tài tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc. Một số tác phẩm đề cập về thân phận con người, quan điểm về sự sống và cái chết, kiếp luân hồi, lễ giáo, lòng hiếu thảo mang đậm chất triết lý phương Đông sâu sắc. Trong số tác giả của nền tân nhạc Việt Nam, có thể nói rằng âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã trở nên thân thiết và gần gũi với tất cả mọi ngươi dân Việt. Nghe nhạc Trịnh đối với nhiều người Việt cũng gần giống như nghe một câu kinh. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Phật giáo, Đạo Phật đến với Trịnh Công Sơn qua nếp sống gia đình, và rồi đi vào âm nhạc của ông ngày càng sâu sắc hơn qua sự trải nghiệm thăng trầm giữa cuộc đời này, âm nhạc của Trịnh Công Sơn chịu ảnh hưởng nhiều từ tư tưởng triết học nhà Phật đặc biệt là Thiền học.
Trong Tứ Diệu Đế của đạo Phật, chân lý đầu tiên là khổ đế. Khổ đế là một đề tài rất phổ thông trong nhạc Trịnh Công Sơn: Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người, ông đã hát trong Gọi tên bốn mùa. Cuộc đời đầy khổ và buồn vì không có gì trường cửu cả. Theo Kinh Kim Cương, Tất cả các pháp hữu vi là "như sương mai, như ánh chớp". Đây là một ý niệm mà Trịnh Công Sơn đã nhắc đi, nhắc lại trong nhiều lời ca của mình. Giống như con chim ở đậu cành tre và một con cá . . . trong khe nước nguồn , không ai trong chúng ta là những người định cư vĩnh viễn, tất cả đều là những người ở trọ trần gian này. Trong khi tạm cư ở chốn trần gian này chúng ta tìm chỗ ẩn náu trong tình yêu, nhưng rồi tình yêu cũng mất đi. 
Tình yêu như tất cả mọi sự khác đều vô thường như Trịnh Công Sơn đã viết trong bài Đóa hoa vô thường và nhiều bài ca khác. Các bài tình khúc của Trịnh Công Sơn là những lời tuyên bố siêu hình rằng những đổ vỡ tình yêu không phải là những chông gai nho nhỏ trên con đường đời đẹp đẽ vô song. Các bài tình khúc của Trịnh Công Sơn, như Hoàng Phủ Ngọc Tường nói, là những "bài kinh cầu bên vực thẳm". Các bài ca này là những lời nhắc nhở cho chúng ta về lẽ vô thường. 
Một đề tài Phật giáo khác trong nhạc Trịnh Công Sơn là thuyết luân hồi. Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ Để một mai tôi về làm cát bụi, ông hát trong Cát bụi. Hay Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô, trong Rừng xưa đã khép. Trong các ca khúc của mình Trịnh Công Sơn có vẻ đồng ý với đạo Phật rằng "Hiện tại là hình bóng của quá khứ và tương lai là hình bóng của hiện tại". 
Trịnh Công Sơn cũng tỏ ra chấp nhận thuyết luân hồi của nhà Phật trong những câu mà Trịnh Công Sơn đã làm nhòa nhạt biên giới giữa đi và về, như trong bài Phôi pha: Có những ai xa đời quay về lại/ Về lại nơi cuối trời. Nếu chết là để đi đến tái sinh thì khi ta ra đi nghĩa là ta trở lại. Nhìn sống và chết cũng như nhìn nước chảy trên sông và tự hỏi nước đang ra đi hay nước đang trở về. 
Những truyền thống tốt đẹp trong triết học Nho gia như Nhân, Lễ, Nghĩa, Hiếu tiếp tục được tiếp thu có chọn lọc và phát huy một cách phù hợp với điều kiện xã hội Việt Nam. Các bài hát đề cập lòng hiếu thảo của con cái và ghi nhớ công ơn của cha mẹ như trong bài Ơn nghĩa sinh thành của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước: Công đức sinh thành/ làm con phải hiểu/ công cha như núi Thái Sơn. Hay: Một bông hồng cho những ai đang còn mẹ…/ lỡ mai này mẹ hiền có mất đi/ như đóa hoa không mặt trời/ như trẻ thơ không nụ cười trong Bông hồng cài áo của Phạm Thế Mỹ cho ta thấy được tình cảm thiêng liêng của con cái đối với các bậc sinh thành, truyền thống yêu thương, đùm bọc trong gia đình của người Á Đông.
10 bài Đạo ca của Phạm Duy cũng mang đậm triết lý hư vô của Phật giáo, chẳng hạn như Đạo ca “Chàng dũng sỹ và con ngựa” nói về câu chuyện chàng dũng sỹ một mình cưỡi trên con ngựa bắt đầu hành trình đi tìm người yêu của mình. Chàng đi mãi, đi mãi vượt qua bao nhiêu con suối, bao nhiêu cánh rừng nhưng vẫn không thể tìm ra được người yêu. Người và ngựa đi vẫn tiếp tục đi, cho đến khi phía trước là một vách núi sâu thẳm. Chàng sắp gục ngã vì và đau đớn vì tuyệt vọng. nhưng kỳ lạ thay bỗng con ngựa cất vó hí vang và biến thành môt thiếu nữ xinh đẹp. Thì ra, từ lâu nay chàng đã cưỡi lên tình yêu của mình mà không biết.
Tinh thần phương Đông trong âm nhạc Việt Nam như là hơi thở là triết học làm cho con người yêu đời hơn, thanh cao hơn, góp phần giáo hóa con người trở về với đạo đức, về với tính nhân văn căn bản và tốt đẹp hơn.
CHƯƠNG 3
THỰC TRẠNG ÂM NHẠC VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

3.1. Khuynh hướng mới của âm nhạc Việt Nam
Trong những năm qua, khuynh hướng sáng tác âm nhạc cũng có nhiều thay đổi với một phong vị mới, tươi trẻ hơn, đa dạng hơn về nội dung, đề tài, hình thức thể hiện với các nhạc sĩ được biết tới như: Thanh Tùng, Dương Thụ, Từ Huy, An Thuyên, Trọng Đài, Nguyễn Văn Hiên, Nguyễn Ngọc Thiện.... và lớp trẻ hiện nay đang khẳng định vị trí của mình như: Anh Quân, Huy Tuấn, Đỗ Bảo, Quốc Bảo, Lê Minh Sơn... Họ được đào tạo bài bản, được tiếp thu những tinh hoa âm nhạc đương đại trên thế giới, nhưng hầu hết các sáng tác của họ vẫn mang đậm âm hưởng của dòng âm nhạc dân gian Việt Nam mà gần đây tiêu biểu nhất phải kể đến phong cách sáng tác word music của nhạc sĩ Quốc Trung đã được giới thiệu không chỉ ở trong nước mà còn được mời giới thiệu tại Nhật Bản
Một số lượng các nhạc sĩ, nghệ sĩ Việt Nam hiện đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài, cũng đã đạt được những thành tựu đáng tự hào như: Nhạc sĩ, nghệ sĩ Công Huân Nguyễn Lân Tuất, nhạc sĩ Hồng Hà ở Liên Bang Nga, nhạc sĩ Nguyễn Thuyết Phong ở Mỹ, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo, Trần Văn Khê, Tôn Thất Tiết ở Pháp... Họ không chỉ làm dạng danh đất nước bằng tài năng sáng tạo nghệ thuật của mình, mà còn góp phần quảng bá, giới thiệu âm nhạc Việt Nam ra thế giới
Có thể chia nhạc Việt hiện giờ thành hai loại. Một là loại nhạc có ý nghĩa sâu sắc, văn phong độc đáo, nhưng chỉ được số ít người có tuổi, có trình độ cảm nhận âm nhạc nhất định, hoặc được đào tạo âm nhạc căn bản thưởng thức. Hai là loại nhạc ít đào sâu về lời nhạc, nhưng cũng tạo ra được giai điệu không đến nỗi tệ, được nhiều tầng lớp có mặt bằng thẩm mỹ âm nhạc thấp hơn chọn làm “gu” của mình. Có điều đáng buồn là thực trạng hiện nay, lọai nhạc thứ hai này hầu như chiếm một lượng khán giả thưởng thức áp đảo so với lọai còn lại.
3.2. Sự phát triển ồ ạt của dòng nhạc thị trường
Nhạc trẻ hiểu nôm na là thể loại âm nhạc đáp ứng được thị hiếu chung của giới trẻ, được giới trẻ ưa chuộng. Do vậy, dòng nhạc này còn được gọi là nhạc thị trường. Bên cạnh pop (popular music - một thể loại âm nhạc phổ biến, dễ nghe), gần đây một số thể loại nhạc khác cũng bắt đầu được đưa vào ‘thử nghiệm’ trên thị trường như R&B, Hip Hop, Rock…song phổ biến nhất hiện nay vẫn là pop.
Thực ra, nhạc trẻ là một sự phát triển tất yếu của lịch sử âm nhạc; dù muốn hay không, chúng ta cũng không thể cưỡng lại sự phát triển này. Những nghiên cứu về âm nhạc thị trường cho thấy, nhạc thị trường thường đi liền với nhạc thời trang, làm ra tiền nhanh, cần bán ra thật nhiều. Nội dung theo các nhà phê bình cũng như nhiều tác giả nói chung là chưa lành mạnh bởi nếu không ủy mị, chia ly, xa cách thì cũng yêu cuồng, sống vội, yêu vô tư, yêu vô trách nhiệm. Vì thế, những tác phẩm này thường mang nội dung hời hợt, thiếu tính văn học, xa rời những nét đẹp truyền thống của người phương Đông.
3.3. Tình hình sinh hoạt âm nhạc truyền thống trong nứơc hiện nay
Âm nhạc Việt Nam truyền thống bây giờ đang bị trạng thái nguy hiểm, vì tất cả những chuyện toàn cầu hoá và mở rộng kinh tế thị trường đã tạo điều kiện cho các loại nhạc bên ngoài ồ ạt du nhập vào trong nứơc. Những loại nhạc này có cái mới, cái lạ, cái tiết tấu, cái sức sống thu hút được giới trẻ. Thành ra, giới trẻ bây giờ chỉ mở rộng tay mà đón các loại nhạc đó mà quên nhạc Việt Nam.
Cái hay của nhạc truyền thống, ngược lại, đòi hỏi sự trầm tĩnh, sự trở về, sự đánh giá nghệ thuật bằng trình độ văn hóa cao. Nghe nhạc truyền thống (ngâm thơ, đờn ca tài tử, ca Huế, hát ả đào, dân ca v.v.) bạn phải "chịu khó" thưởng thức cái thâm trầm của chữ đàn, của sự luyến giọng, lời văn, và nhất là phải qúi trọng nó như loại nghệ thuật đáng qúi của văn hóa Việt.
Tuy nhiên một thực trạng là lối sống hiện đại ít nhiều đã thâm nhập vào trong từng người dân Việt Nam. Tiếng hát ru cũng đã tắt dần trên môi các bà mẹ., chúng ta cũng đang mất dần tiếng đồng dao của trẻ em, làm việc đồng áng không còn câu hò điệu lý, không còn đối ca nam nữ... mà thanh niên gặp nhau thích nhảy theo điệu tango hay valse hơn, đi nghe thì không thích nghe hát chèo, hát bội, hay hát cải lương mà muốn đi coi nhạc trẻ, nghe nhạc sôi động.
Như thế, âm nhạc truyền thống Việt Nam vốn được đánh giá là có giá trị nghệ thuật rất cao, đậm chất phương Đông sâu sắc. Thế nhưng, lại đang đứng trước nguy cơ ngày một vắng bóng. Đây là một điều rất đáng lo ngại vì âm nhạc dân tộc Việt Nam dù được nhà nước để ý, khuyên giải cho nó trở lại về nguồn, muốn làm sao cho âm nhạc tiên tiến mà có được bản sắc dân tộc. Thế nhưng, đường lối đưa ra thì rất đúng đắn mà áp dụng đường lối thì chưa thật đúng. 
Chương 4
ĐỀ XUẤT NHẰM KHƠI DẬY VÀ PHÁT HUY NHỮNG NÉT ĐẸP TRUYỀN THỐNG CỦA TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC PHƯƠNG ĐÔNG TRONG ÂM NHẠC VIỆT NAM
Nền âm nhạc truyền thống mang đậm chất phương Đông của Việt Nam vô cùng phong phú, đa dạng nên việc khơi dậy và phát huy những nét đẹp truyền thống của tư tưởng triết học phương Đông trong âm nhạc Việt Nam là rất cần thiết. Để làm được điều này, tác giả đề xuất một số biện pháp cụ thể như sau: 
4.1. Tổ chức thu thập và bảo tồn nguồn tư liệu âm nhạc dân tộc có giá trị truyền thống quý giá trong dân gian
Sự phát triển của khoa học công nghệ kèm theo xuất hiện những cái mới sẽ làm mất dần bản sắc văn hoá dân tộc, trong đó có lĩnh vực văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng. Vì vậy, cần phải đưa ra những chương trình hữu hiệu cụ thể để gìn giữ kho tàng âm nhạc dân tộc của quốc gia. Đối với Việt Nam, trước kia, chúng ta chưa có một hình thức hay chương trình nào để bảo tồn âm nhạc dân tộc, và những phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa truyền thống nhưng vài năm trở lại đây, Nhà nước đã bắt đầu quan tâm đến việc bảo tồn nguồn tư liệu quý này.
Thường xuyên mở các cuộc hội thảo về bảo tồn âm nhạc truyền thống, qua đó có thể phát hiện kịp thời các giá trị truyền thống đang có nguy bị quên lãng để có biện pháp khôi phục và phát triển.
Những nỗ lực trong hành trình 10 chuẩn bị không mệt mỏi của chính quyền Trung ương, địa phương và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế dành cho Nhã nhạc Huế, kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại được Unessco công nhận trong năm 2003 là rất cần thiết và đáng ghi nhận. Chính nhờ những việc làm như thế, các giá trị truyền thống sẽ luôn được gìn giữ cho muôn đời sau.
4.2. Thuyết phục, nói chuyện, giảng dạy về âm nhạc truyền thống tại các trường học hay qua các phương tiện thông tin đại chúng
Hiện nay tại các trường nhạc viện tại Việt Nam, việc giáo dục về các nét đẹp truyền thống trong âm nhạc chưa được quan tâm đúng mức, điều này sẽ dẫn đến việc đào tạo ra những người sáng tác và biểu diễn chuyên nghiệp nhưng vẫn chưa hiểu rõ những giá trị truyền thống dân tộc, không bảo tồn và phát huy được giá trị tinh thần quý giá của dân tộc. 
Mặt khác, nên có biện pháp khuyến khích các sáng tác và biểu diễn những tác phẩm âm nhạc mang nét đẹp dân gian truyền thống thông qua các chương trình như Bài Hát Việt, Con Đường Âm Nhạc…
Việt Nam cần có định hướng để bảo tồn và tôn vinh âm nhạc dân tộc bằng cách thuyết phục, nói chuyện, giảng dạy về âm nhạc dân tộc tại các trường học hay qua các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên liên hệ với các Nhà xuất bản nổi tiếng trên thế giới để đưa các khái niệm về âm nhạc truyền thống Việt Nam vào trong bách khoa từ điển hay liên hệ với nhiều hãng in băng, đĩa để giới thiệu các bộ môn âm nhạc dân tộc.
4.3. Giảng dạy những giá trị truyền thống, âm nhạc dân tộc cho học sinh từ tiểu học
Một trong những phương pháp phổ biến kiến thức rộng rãi nhất là đưa vào trường học. Nên đưa ra những phương pháp và nguyên tắc rất mới phù hợp và kích thích sự hào hứng, say mê âm nhạc cho học sinh. Chẳng hạn như nguyên tắc đầu tiên là "học mà chơi, chơi mà học". Không phải dạy bằng cách tập cho con mắt trẻ đọc tín hiệu ghi âm, mà tập cho chúng nghe chính xác, và ghi nhớ, rồi sau đó mới đi tới tín hiệu .
Đem âm nhạc dân tộc vào trường học là một trong những phương pháp rất hữu hiệu, giúp âm nhạc truyền thống trở lại vị trí của nó. Ngòai ra thông qua vịêc phổ biến kiến thức âm nhạc rộng rãi, sẽ góp phần hình thành một mặt bằng thưởng thức âm nhạc cao hơn, đến lúc đó, những tác phẩm âm nhạc không có giá trị nghệ thuật cao, mặt nhiên sẽ bị đào thải. Như thế,âm nhạc nước nhà sẽ có điều kiện phát triển một cách tòan diện.
4.4. Nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo tồn nét đẹp truyền thống phương Đông trong âm nhạc 
Chúng ta phải làm sao dẫn dắt cho dân tộc Việt Nam biết được giá trị của bản sắc dân tộc mình như thế nào, giải làm sao cho mất được cái tự ti, mặc cảm. Và cần phải có sự quan tâm không phải của dân tộc không, mà cả chính quyền cũng phải ủng hộ âm nhạc dân tộc.
Đồng thời, mỗi người trong xã hội phải nhận thấy rằng đó là của cải quý báu của cha ông, mà mất đi rồi thì ngàn vàng không mua lại được, thì sẽ thiết tha tham gia vào việc tìm lại, đưa âm nhạc dân tộc vào trong trí nhớ, vào trong sự hiểu biết, nhận thức và thưởng thức của những ngừơi trẻ. Có như vậy, thì hoạ chăng trong vài chục năm nữa, mới có thể bắt đầu được thấy chân trời âm nhạc dân tộc Việt Nam sáng lạng hơn bây giờ.
4.5. Về yếu tố kinh tế - chính sách đãi ngộ đối với những người chuyên nghiên cứu các giá trị truyền thống, các nghệ nhân, nghệ sĩ âm nhạc dân tộc 
Về yếu tố kinh tế, học nhạc dân tộc rất công phu nhưng khi biểu diễn thu nhập lại ít nên thực tế có tình trạng âm nhạc dân tộc không còn là nghệ thuật phục vụ khán thính giả. Bây giờ, chúng ta ra ngoài đồng không còn nghe thấy những câu hò, điệu lý mà thay vào đó là máy thu thanh phát nhạc, băng video âm nhạc. Những người mẹ trẻ ít còn ru con bằng những câu ca dao của quê hương như trước. Vì vậy, ngay từ bây giờ, chúng ta cần thay đổi cách nghĩ, thói quen và phải nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo tồn dòng nhạc dân tộc. Do đó, Việt Nam cũng cần đưa ra chương trình đào tạo âm nhạc dân tộc cho học sinh từ khi còn học tiểu học đồng thời tạo cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với những người chuyên nghiên cứu về âm nhạc dân tộc và các nghệ nhân, nghệ sĩ có tâm huyết theo đuổi lĩnh vực âm nhạc.
4.6. Giao lưu, hội nhập với âm nhạc thế giới
Âm nhạc dân tộc Việt Nam với những nhạc cụ đa dạng, phong phú và có những nét đặc thù như: hình dáng thanh nhã, cân đối với các âm sắc khác nhau: tiếng thổ đàn kìm, tiếng kim đàn tranh, tiếng mộc nhịp phách, tiếng tơ đàn tì, tiếng đá biên khánh, bồi âm đàn bầu, hợp âm đàn đáy... Chính vì thế, nên việc bảo tồn, phát huy vốn âm nhạc truyền thống của Việt Nam hiện nay là rất cần thiết, trong đó có bàn đến việc bảo tồn và hội nhập với âm nhạc thế giới. Nói như vậy là chúng ta tiếp nhận và phát huy những lợi thế và những mặt tích cực của dòng nhạc hiện đại, nhưng cũng không lơ là với dòng nhạc truyền thống. 
Kết Luận 
Qua tất cả các điều được phân tích ở trên, tôi nghĩ rằng, những giá trị phương Đông cũng như âm nhạc dân tộc là huyết mạch trong mỗi người dân Việt Nam và việc khơi dậy và phát huy những nét đẹp truyền thống của tư tưởng triết học phương Đông trong âm nhạc Việt Nam là vô cùng cần thiết. Nếu quên đi dòng nhạc truyền thống thì tất cả chúng ta sẽ không thể biết rõ về cội nguồn của dân tộc mình cũng như các nước khác không thể biết đến văn hoá và quá khứ của âm nhạc Việt Nam. Âm nhạc Việt Nam cũng cần được hội nhập cùng với âm nhạc thế giới. Có như vậy, Việt Nam mới tiếp cận, học hỏi và rút được nhiều kinh nghiệm quý báu của các nền nghệ thuật tiên tiến trên thế giới, góp phần bổ sung cho nền âm nhạc truyền thống của Việt Nam thêm phong phú hơn. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Về Lễ nhạc Phật giáo Việt Nam - Thích Lệ Trang,
2. Triết học nhẹ nhàng của Trịnh Công Sơn - John C. Schadsf.
3. Phỏng vấn G.s Trần Văn Khê - Trà Mi.
4. Nhã Nhạc Cung Đình - Wikipedia
5. Giáo trình Triết Học (dùng cho học viên cao học và nghiên cứu sinh không thuộc chuyên ngành Triết).
Trần Quang Khang
Theo http://www.anhk19.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chê vợ - Truyện ngắn Chinh Văn

Chê vợ - Truyện ngắn Chinh Văn Lê từng bước nặng nhọc trên đường, Sen đi như kẻ mộng du. Ngày trước, đi trên con đường nầy lòng cô vui khấ...