Thứ Năm, 12 tháng 4, 2018

Tôn vinh cây lúa - Một tín ngưỡng của nền văn minh lúa nước Việt Nam

Tôn vinh cây lúa - Một tín ngưỡng 
của nền văn minh lúa nước Việt Nam
Người Việt Nam cách đây hàng vạn năm đã biết thuần dưỡng cây lúa dại thành cây lúa nước; chuyển từ săn bắn, hái lượm sang nền văn minh nông nghiệp trồng trọt và chăn nuôi. Việt Nam là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước. Truyện cổ dân gian “Cây lúa” của dân tộc Kinh, truyện “Bó khâu quang” của dân tộc Tày đều có nội dung giống nhau, nói về quá trình thuần dưỡng cây lúa. Một cô bé đi cắt lúa, gặt xong khóm này, tiến lên gặt khóm khác thì gốc lúa ở khóm gặt rồi lại nảy sinh ra khóm mới. Gặt mãi không xong, cô ngồi khóc và cầu cứu đến Bụt. Bụt hiện lên và bày cho cách làm lúa đã gặt xong không trổ bông nữa. Đó là quá trình chọn lọc nhân tạo và trồng tỉa của con người qua nhiều năm.
Đối với cư dân nông nghiệp Đông Nam Á, cây lúa là tất cả cuộc sống của họ. Thần Lúa vì vậy là vị thần thiêng liêng nhất. Người dân Đông Nam Á có niềm tin mãnh liệt vào hồn lúa. Họ cho rằng nếu hồn lúa bay đi thì sẽ mất mùa. Trong con mắt người dân Đông Nam Á, hồn lúa rất đẹp. Với người Malaysia, hồn lúa được gọi âu yếm là “chú bé chín tháng”, “công chúa mặt trời” hoặc “công chúa pha lê”. Người ta luôn cầu khấn để hồn lúa ở lại với cây lúa, ở lại với xóm làng của họ. Còn ở Java (Indonesia) thì cây lúa được coi là hiện thân của nữ thần Dewi Sri, do đó nó thuộc đẳng cấp cao hơn hẳn các cây lương thực khác. Ở Thái Lan, thần Lúa được rước vào các nhà kho và giữ “ngài” ở đó cho đến tận mùa sau.
Thần thoại “Sơn Tinh-Thủy Tinh” là thiên anh hùng ca của dân tộc ngợi ca tổ tiên ta đã thắng lũ lụt để giành lấy những vùng đất màu mỡ ven sông để trồng lúa.
Người Việt cổ sùng bái tự nhiên: trời, đất, thần mưa, thần sấm, thần gió... Họ cũng sùng bái cây lúa. Nhiều dân tộc miền núi có tập quán thờ ông bà Lúa. Như dân tộc Kà Tu ở Thừa Thiên-Huế dành chỗ đẹp nhất trong bếp làm nơi thờ lúa. Một số đồng bào Tây Nguyên khi phát nương làm rẫy cũng tuân thủ nhiều điều kiêng kỵ. Già làng làm lễ cúng Giàng rồi mới ra chỉ nương cho phát. Nếu thấy hiện tượng dây leo không bình thường là điềm “Ông Lúa, bà Lúa không cho ăn nên tìm nương khác.
Có những tín ngưỡng liên quan đến cây lúa. Người ta thờ thần lúa, gọi vía lúa, rước mạ, rước lúa. Người Khơme kể rằng, xưa kia khi lúa chín thóc bay về kho, người không mất công gặt nữa. Nhưng ngày kia, có hai vợ chồng nọ, sống cạnh kho thóc, cãi nhau gây ra tiếng ồn khó chịu, làm phiền thần Lúa. Thần Lúa bỏ đi. Phải nhiều lần mời mọc khó khăn thần Lúa mới chịu về. Nhưng trong thời gian đó, nạn đói xảy ra ở vùng ấy. Và từ đó về sau, người phải mất công gặt hái mang về.
Có nhiều lễ “Rước mẹ Lúa xuống đồng” ở các dân tộc. Khấn vái buổi lễ này, chủ tế đọc bài khấn sau:
Cầu cho cây mạ làng ta tốt như dâu
Lúa tốt bằng đầu
Bông cái bằng bông lau
Bông con bằng bông sậy
Tiếng đồn đã dậy
Hỏi: lúa làng nào?
Thì nói: lúa làng ta nhé..
Lại có những lời cầu nguyện vừa thiêng liêng, vừa có thoáng chút nụ cười:
Hú ông Lúa, bà Lúa
Cỏ lên cỏ úa
Lúa lên lúa xanh
Tốt hơn láng giềng
Cao lên bằng cổ
Trổ lên bằng đầu
Bông như đuôi trâu
Bông như đuôi nghé
Bông nào be bé
Thì bằng đuôi voi
Bông nào loi thoi
Cũng bằng đuôi ngựa
Hạt nào rụng rựa
Cũng bằng bình vôi.
Ba con gà lôi
Không khiêng nổi một hạt thóc.
Tín ngưỡng cây lúa còn thấy ở lễ hội đền Hùng, ở dấu tích trên trống đồng, trong dân gian và cả trong triều đình, được xem như công việc của Nhà Nước. Theo sử cũ thì hằng năm, vào ngày 4 tháng Giêng âm lịch, sau khi tế thần Tiên Nông, nhà vua đích thân cày một luống cày trên ruộng tịch điền. Lê Đại Hành là ông vua đầu tiên tổ chức lễ cày ruộng tịch điền. Lễ này đến trước Cách mạng tháng Tám vẫn còn.
Một sứ thần Pháp ở triều đình An Nam (Huế) đã mô tả lại lễ tịch điền ở Huế như sau: Hoàng đế với cả triều đình đi cày ruộng tịch điền một cách long trọng. Cày được sơn son thếp vàng, do một con bò được phủ vải vàng kéo. Trước ông vua, hai quan đại thần dắt bò trong áo đại lễ thêu kim tuyến và đội mũ cánh chuồn. Ngày ấy, những người An Nam ở gần đó đều đến dự lễ và rất lấy làm phấn khởi.
Chúng ta đã biết chuyện Lang Liêu dâng bánh dày, bánh chưng lên vua cha, bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên. Đó là sản phẩm của lúa nếp. Chúng ta còn nghe đến cốm làng Vòng (Hà Nội) nổi tiếng. Cốm Vòng có màu xanh, thơm dẻo. Khi giã cốm, người ta giã kèm một ít lá mạ để nhuốm màu xanh. Và lúa nếp phải được gặt đúng lúc để cốm không khô. Cốm là món quà quý để những chàng trai chưa vợ mang đi chạm ngõ, ăn hỏi... với ý nghĩa “hồng cốm tốt đôi”.
Chúng ta lại nhớ đến hương lúa trong cưới xin:
Giúp em một thúng xôi vò
Một con lợn béo, một vò rượu tăm
Văn minh lúa nước cũng tạo nên một nền văn học dân gian phát triển. Đây là câu đối đáp của trai gái làng:
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?
Cô gái đã trả lời:
Ánh trăng em chả thiếu gì
Anh có thóc giống em thì đổi cho
Cũng từ cây lúa, chàng trai “phàn nàn” về mối tình không được đáp lại:
Anh đi lúa chửa chia vè
Anh về, lúa đã đỏ hoe đầy đồng
Anh đi em chửa có chồng
Anh về, em đã tay bồng tay mang
Lại có chàng trai đi sát chủ đề không chút do dự:
Nồi cơm kẽo với nồi canh
Quả bí trên giàn kẽo với tôm he
Kẹo lạc kẽo với nước chè
Cô em cò kè kẽo với anh đây
Không phải ngẫu nhiên mà bông lúa được trình bày trang trọng trên Quốc huy của đất nước. Cây lúa là cả một tâm hồn, tính cách của con người Việt Nam với nền văn minh lúa nước ngàn đời. "Tôi hát bài ca ngợi ca cây lúa..." là vậy.
Trần Xuân Toàn
Theo http://www.baobinhdinh.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chùm thơ dịch của Vũ Tuấn Hoàng “Ở một chừng mực nào đó, dịch giả cũng giống như một người đầu bếp. Từ nguyên vật liệu ngoại, cần phải n...