Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Phạm Duy, Người viết nhạc tình

Phạm Duy, Người viết nhạc tình
Phạm Duy có một số lượng ca khúc hết sức đồ sộ. Nói rằng ông là người viết nhiều nhất trong số các nhạc sĩ Việt Nam thì chắc chắn không phải là điều còn cần phải đem ra tranh cãi nữa. 
Ông viết đủ mọi thể nhạc: trường ca, truyện ca, kháng chiến ca, bé ca, đạo ca, tục ca, tình ca... Nhưng căn bản, đầu tiên và cuối cùng, ông vẫn là một nhạc sĩ viết tình ca, trước sau vẫn chỉ như thế. Ông có thể được biết tới qua những loại nhạc khác, nhưng ông vẫn trung thành và thuỷ chung với nhạc tình hơn hết. 
Bản nhạc tình đầu tiên ông viết là bài Cô Hái Mơ, ca khúc ông đóng góp phần nhạc cho một bài thơ của Nguyễn Bính. Cô Hái Mơ ra đời năm 1942, như ông cho biết, là một trong những ca khúc cải cách sơ khởi của nền tân nhạc Việt. Bài hát này, cũng như tác phẩm của các nhạc sĩ tuổi tác trên dưới, cùng thời với ông, được viết để đáp ứng đòi hỏi của giới thanh niên thời đó, thế hệ chỉ được nghe các ca khúc Tây phương du nhập vào Việt Nam với những giọng ca của âm nhạc Pháp. Tuổi trẻ muốn có những ca khúc mà Lê Thương gọi là "bài hát ta, điệu Tây", những ca khúc viết về tình yêu sử dụng ngôn ngữ và nhịp điệu mới, trình tấu bằng nhạc cụ Tây phương, đi ra khỏi những dòng nhạc cổ truyền với nhịp xênh, tiếng phách không còn hấp dẫn giới nghe nhạc trẻ tuổi và Tây học nhiều nữa. 
Như thế, ông bước vào con đường sáng tác, khởi đầu bằng một tình khúc. Ông có thể không coi đó là một đóng góp hoàn toàn của riêng ông vì phần lời ca vẫn là của một người khác. Bài Cô Hái Mơ được ông đem đi hát ở nhiều nơi trong nước, đem tới người nghe nhạc Việt, một sinh hoạt mới mẻ đầu thập niên 40, một ca khúc khác hẳn những gì người ta được nghe trước đó. Thành phần thính giả trẻ tuổi, Tây học ở các thành thị lúc ấy đang muốn có những đổi mới trong âm nhạc.   
Khởi đi bằng một tình khúc, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, cuộc cách mạng mùa Thu năm 1945 đã kéo Phạm Duy đi sang một hướng đi khác. Con đường kháng chiến chống Pháp mà ông và những người cùng tuổi ông từ bỏ cuộc sống ở các thành thị, một cuộc sống tương đối yên lành để dấn thân vào. Điều này thấy rõ qua tư tưởng trí thức thành thị, tiểu tư sản trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến. Cuộc kháng chiến, có cái lãng mạn và rất nhiều nét làm dáng tiểu tư sản mời gọi. Những thành phần này lần đầu tiên có được chuyến lên đường có một mục đích hẳn hoi, không chỉ là rũ áo phong sương trên gác trọ, không chỉ để đi một chuyến, để có thể làm người ấy bên sông đứng ngóng đò nữa. Kháng chiến và cách mạng là những cái cớ rất thuận tiện cho trí thức trẻ để làm một chuyến lên đường mặc dầu không ai có thể phủ nhận lòng yêu nước rất có thực của họ.   
Cái lãng mạn tiểu tư sản làm dáng đó khiến cho Phạm Duy bỏ thành phố đi kháng chiến, nhưng trong ba lô của ông vẫn là các tình khúc.   
Bài Chinh Phụ Ca viết năm 1945 của ông đầy những hình ảnh lãng mạn tình ái mượn từ những Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, từ tráng sĩ Tiêu Sơn. Đây là chàng: 
... Chàng ngồi trên yên, mơ bóng dáng em 
Mịt mù trong đám khói tên 
Bâng khuâng mắt nhìn tay kiếm 
Không sao dấu đôi lệ hiền...   
Còn đây là nàng: 
... Rồi nhìn qua song em thấy trước sông 
Ngựa hồng âu yếm bước sang 
Trên lưng có chàng trai tráng 
Mang theo biết bao nhiêu ngày vàng...  
Ở giữa những tình khúc lồng trong khung cảnh lãng mạn cổ điển, ông viết Xuất Quân (1945), Chiến Sĩ Vô Danh (1945), Thu Chiến Trường (1946), Nợ Xương Máu (1946)...   
Nhưng ông lại vẫn trở về với những ca khúc đẫm mùi lãng mạn. Như Cây Đàn Bỏ Quên (1945) hay Khối Tình Trương Chi (1945). Làm thế nào chối bỏ được nét tình ái trong những câu:  
Hôm xưa tôi đến nhà em 
Ra về mới nhớ rằng quên cây đàn... 
Hôm sau tôi đến nhà em 
Cây đàn nằm đó nhưng em đâu rồi...   
mặc dù lời ca Cây Đàn Bỏ Quên còn giản dị đến hơi ngây ngô và thêm nét khờ dại ở trong?    
Bài Khối Tình Trương Chi được viết ở một trình độ cao hơn nhờ khung cảnh và cái gốc cổ tích của câu truyện. Phạm Duy đưa vào phần lời ca của bản nhạc những hình ảnh vô cùng lãng mạn:  
... Hoa lá quên giờ tàn...  
Ấu yếm nâng tà quạt 
Hôn gió đưa về thuyền 
Tưởng người trên sóng ru thần tiên... 
Nâng chén nơi ngàn trùng 
Lệ sầu tuôn xuống câu hò khoan...   
Trở về Hà Nội năm 1946, cuộc tình với một vũ nữ đã trở thành cảm hứng cho bài tình ca mà ông cho là đích thực và đầu tiên của ông, bài Tình Kỹ Nữ. Bài ca làm nhớ đến Tì Bà Hành của Bạch Cư Dị, cũng cùng một lứa bên trời lận đận tuy chiều dài của bài hát không thể so sánh được với bài trường thi kể chuyện người ca kỹ bến Tầm Dương:  
Đêm nay đôi người khách giang hồ 
Gặp nhau tình trăng nước 
Sánh vai nhịp bước giang hồ 
Kề vai ước xây nhà bên suối 
Kề môi ước gây vài đường tơ...
Ta nâng niu làn dư âm 
Của khách năm xưa yêu nàng...
Lòng ta nhớ cung đàn mùa xưa...   
Năm 1946, ông lại bỏ Hà Nội đi lên những tỉnh miền Bắc và khởi viết một loạt ca khúc mới, những bài mà ông gọi là Thanh Niên Ca để đáp lại nhu cầu trong giai đoạn này. Đó là các ca khúc Nhạc Tuổi Xanh, Về Đồng Hoang, Đường Về Quê, Thanh Niên Ca, Thanh Niên Quyết Tiến...   
Trong năm 1947, người ta ghi nhận ông viết khoảng 40 bài hùng ca, quân ca, kháng chiến ca như thế. Tuy đa số mang những hình ảnh, ca từ hùng tráng, nhưng thản hoặc, vẫn có những ca khúc kháng chiến mang theo rất nhiều hình ảnh lãng mạn. Chính ông cũng nhìn nhận điều đó như ông viết trong hồi ký: "Những bản nhạc kháng chiến ngoài nhạc tính hào hùng, còn có thêm chất lãng mạn" (Hồi Ký Thời Cách Mạng Kháng Chiến trang 92).   
Giữa không khí nhạc hùng, nhạc kháng chiến như thế, ông cho ra đời, cũng ở Lào Cai năm 1947, một ca khúc rất tiểu tư sản, từ nhạc điệu đến lời ca: Bên Cầu Biên Giới. Phần nhạc, ông dùng thể tango, loại nhạc lúc ấy đi liền với Ấu châu ăn chơi, với đèn mờ, tiếng phong cầm, tiếng chổi quét trên mặt trống. Lời ca ông viết là một bâng khuâng giữa cây cầu, nhìn xuống dòng nước, một lựa chọn:  
... Người đi chưa hết hương sầu lữ thứ 
Hồn theo cánh gió quên tình xa xưa 
Tuổi xanh như lá thu rụng cuối mùa 
Mộng về đêm đêm khát vùng trán ngây thơ ... 
Bên cầu biên giới 
Tôi lặng nghe dòng đời từ từ trôi ... 
Lòng tôi sao vẫn còn biên giới 
Đời tôi sao vẫn ngừng nơi đây...   
Bài Bên Cầu Biên Giới là một bản nhạc tình hiếm hoi vào thời đó nên được phổ biến rộng rãi và nhanh chóng.  
Bài ca, cũng như hoàn cảnh chính trị lúc ấy bầy ra trước mặt Phạm Duy những lựa chọn: ở lại với kháng chiến với khung cảnh đã bắt đầu đổi khác hay đi theo tình cảm của mình giữa lúc tình cảm cá nhân bắt đầu bị đem ra phê bình, chỉ trích là tiểu tư sản… Hoàng Cầm, một nhà thơ rất thân với ông, đã phải cột dây vào bản kịch (bị phê bình là không thích hợp với đường lối văn nghệ kháng chiến) của ông và treo lên cột nhà, khai tử nó, như một dứt khoát, cắt lìa với quá khứ trí thức tiểu tư sản thành thị mà ông mang theo.   
Nguyễn Xuân Khoát, một nhạc sĩ đàn anh rất gần gũi ông lúc đó cũng khuyên Phạm Duy nên từ bỏ tư tưởng tiểu tư sản và những sản phẩm của đầu óc lãng mạn thành thị mà tiêu biểu là bài Bên Cầu Biên Giới như Hoàng Cầm đã làm với kịch bản của ông.    
Vì thế, chính bài tình ca đầy nét lãng mạn tiểu tư sản xa hẳn không khí kháng chiến này đã đặt Phạm Duy trước những lựa chọn đi hay ở.   
Ông quyết định ở lại với nhạc tình. Ông chưa thể bỏ kháng chiến nhưng cũng không thể từ bỏ nhạc tình. Ông nhất định không làm như Hoàng Cầm, không giết chết bài Bên Cầu Biên Giới.   
Sau bài Bên Cầu Biên Giới, Phạm Duy viết một ca khúc khác cũng lãng mạn không kém. Bài Tiếng Đàn Tôi viết năm 1947 ở Chợ Đại, Cống Thần là một tình khúc cũng rất tiểu tư sản. Đường lối của Việt Minh không thể cho đi chung với nhạc hung, những bài ca viết về tình cảm riêng tư, thành phố, trí thức, lãng mạn:  
Đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt 
Với bao tiếng tơ xót thương đời 
Vì cuộc tình đã chết một đêm nao 
Lúc trăng hãy còn thơ ấu...
Ở đoạn gần cuối, Phạm Duy viết: 
Có tiếng hát ru hồn tôi 
Ru cho đau thương linh hồn đắm đuối...  
Ở thời điểm toàn dân đang ôm bom ba càng lao vào chiến xa, đem thân đi lấp chiến hào mà viết những ca khúc quá lãng mạn, thì Phạm Duy không thể tiếp tục ở với kháng chiến được.   
Phạm Duy có thể bỏ văn nghệ kháng chiến nhưng ông không thể bỏ tình ca. Những tình khúc lãng mạn ông viết trong những năm cuối của thập niên 40 đưa đến một quyết định dứt khoát: ở với tình ca chứ không ở với văn nghệ chỉ huy, văn chương khẩu hiệu, nghệ thuật có lãnh đạo.   
Câu cuối của Tiếng Đàn Tôi là:  
Lạnh lùng em đã rời tôi…   
Ông rời kháng chiến có lẽ cũng lạnh lùng như thế. Ông bắt đầu sửa soạn cho chuyện về thành.   
Nhưng trước khi trở về Hà Nội, ông còn viết một hai bài tình ca cho một khúc quanh tình cảm quan trọng trong đời sống của ông. Bài Đêm Xuân viết ở Chợ Neo, Thanh Hóa năm 1948:  
Đêm qua say tiếng đàn 
Đôi chim uyên tới giường 
Chim báo tin Xuân đã về trong giấc mộng   
Đêm Xuân là bài hát ngợi ca hạnh phúc đầu tiên và lớn nhất của ông. Rồi bài Chú Cuội trong đó thấp thoáng tình yêu dành cho cô Hằng ông cũng viết trong năm 1948 tại Thanh Hoá.   
Phần lời ca của hai bài tình ca này cho thấy nhạc tình của Phạm Duy mang những nét cá nhân hơn, không còn là những ca khúc viết cho những mối tình mà chính ông gọi là vu vơ, tưởng tượng hay ở ngôi thứ ba nữa. Những bài ca trước đó, trong cái nhìn của Phạm Duy, không phải là những tình khúc viết cho mình, cho chính ông, cho tác giả. Ngôn ngữ dùng để đặt lời cho hai ca khúc Đêm Xuân và Chú Cuội thoát ra khỏi những ước lệ của những bài hát đề cập đến tình yêu trước đó, khi ông còn phải mượn chút Chinh Ph ụ Ngâm , chút cổ tích. Ngôn ngữ giản dị, thân mật, gần gũi nhưng không phải là không lãng mạn và thiếu chất thơ:  
... Chưa quen nhau lúc đầu
Em nghe theo tiếng sầu 
Ôi khúc ca nuôi mối tình muôn sắc mầu 
Em phôi pha tháng ngày 
Vì lúc trăng khúc đây có đàn đêm ấy 
Đã ru trái tim này 
Hồn em tìm nương náu 
Tình em chờ thương đau 
Lòng em chưa tàn, xin đừng phụ nhau...   
Sau cuộc họp năm 1950 với giới lãnh đạo trung ương và được nghe tận tai những chủ trương van hóa rõ ràng của kháng chiến, Phạm Duy trở lại Thanh Hóa để sửa soạn đưa gia đình về Hà Nội.   
Bài Cành Hoa Trắng viết sau đó, năm 1950 ở Thanh Hoá nghe đầy không khí lãng mạn cổ tích kể chuyện nang tiên Giáng Hương bị đầy xuống trần chính là ẩn dụ của chuyến đi khỏi vùng kháng chiến của nhạc sĩ họ Phạm. Ông từ Thanh Hoá về Hà Nội và đi thẳng vào Sài Gòn giữa năm 1951.   
Cành Hoa Trắng với ca từ lãng mạn cũng là bài tình ca cuối cùng ông viết khi còn ở với kháng chiến. Thái độ dứt khoát nhạc khẩu hiệu để về lại với tình ca cũng được Phạm Duy khẳng định từ đó.   
Phạm Duy và gia đình vào Sài Gòn định cư, nhưng qua những bản nhạc ông viết trong mấy năm sau đó, người ta thấy ông vẫn còn loay hoay với cuộc sống, với một khung cảnh sống mới mà những kỷ niệm về miền đất cũ, quê hương miền Bắc bỏ lại vẫn níu kéo những tình cảm của ông: con sông đào, vòm tre non, khói ấm hương thôn, mảnh đời ngây thơ, tóc sương mẹ già, tiếng ru nỗi niềm thơ ấu, khói lam vương, tâm hồn chìm xuống....
Ông viết Tình Hoài Hương, Bà Mẹ Quê, Vợ Chồng Quê, Em Bé Quê... và một loạt những bài hát về miền đất dung thân mới như Tiếng Hò Miền Nam, Tình Nghèo, Hò Lơ...  
Tiếp tục dòng nhạc đó cho đến năm 1957. Nhìn lại, ông thấy là khoảng gần 10 năm, từ năm 1948 đến năm 1957 là những năm nhạc tình của ông đã ngủ một giấc khá dài.   
Ở trang 88 của cuốn Ngàn Lời Ca, Phạm Duy viết rằng trong những năm đó, ông đã không soạn một bản nhạc tình nào cho riêng ông. Ông nhìn nhận trong những năm đó, ông chỉ viết được những bài ca xưng tụng tình yêu của những đôi tình nhân khác ở thôn quê (Vợ Chồng Quê) hay ở thành thị (Phố Buồn)... Ông cũng đem một số thơ ra làm công việc phổ nhạc, cho chúng một đời sống âm thanh. Và vẫn là những bài thơ tình là những bài ông thành công nhất khi phổ nhạc, những thơ của Thế Lữ, Lưu Trọng Lư...   
Nhưng thực ra, Phạm Duy không hề xa rời hẳn tình ca như ông nói vì chính những bài ca ông nói là viết cho những cặp tình nhân, những đôi lứa khác như Vợ Chồng Quê hay Phố Buồn cũng là những tình ca, những ca khúc nói về tình yêu đôi lứa...   
Và luôn cả những bài mà ông cho là những bước đi vào với thiên nhiên như Hoa Xuân (1953), Xuân Thì (1953), Tơ Tình (1956), Dạ Lai Hương (1953)... chất tình ca vẫn thấy rất rõ cả trong lời ca cũng như thể nhạc dùng để chuyên chở.   
Nhưng năm 1957, ông lại trở về với việc viết tình ca. Và những bài tình ca viết trong giai đoạn sau 10 năm đã rất khác với những tình ca của những năm trước. Thuở tình xanh khi chưa lo sợ đã qua đi.   
Những bài Tìm Nhau, Thương Tình Ca... của giai đoạn này không còn là những bài ngợi ca tình yêu trong sáng như buổi sáng, như bình minh của mùa xuân hoa cỏ tốt tươi nữa:  
... Tìm nhau như Thiên Cổ tím Ngàn Thu  
Tìm nhau trong thống khổ ... 
Tìm nhau trong câu than thở 
Tìm đâu môi em đỏ 
Tìm đâu mây trong mắt 
Tìm cho ra mái tóc ngây thơ đó...
Đó là những tình ca tan nát, bất hạnh, những bước dìu nhau sang bên kia thế giới, dìu nhau nương thân ven chín suối... đưa nhau vào ngàn thu. 
Và chính trong những năm từ giữa thập niên 50 đến đầu thập niên 60, Phạm Duy lại quay trở lại với việc phổ nhạc những bài thơ tình mỗi khi ông thấy không đủ lời ca và có đủ tấm lòng để nói lên tất cả những hoan lạc và khổ đau của cuộc tình (Ngàn Lời Ca trang 110) trong đó có một số thơ của Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Bích Khê, Cung Trầm Tưởng, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên... 
Việc chọn những bài thơ của các nhà thơ vừa kể và phổ rất thành công những bài thơ tình đó cũng lần nữa cho thấy Phạm Duy là người viết nhạc tình và viết thành công nhất. Sự kiện các ca khúc phổ từ thơ được phổ biến rộng rãi, đem tên tuổi của các nhà thơ này tới cho những người thông thường không đọc thơ hay rất ít khi đọc thơ cho thấy thành công của Phạm Duy. Phải có một hồn nhạc tình mới làm được công việc ông đã làm khi đem âm nhạc vào thơ. 
Điều đó cũng còn được thấy qua những đoạn ca dao được ông đem viết thành nhạc, phát triển thêm để thành những tình ca mới bằng cái nền dân ca. Chẳng hạn như Bài Ca Sao, Bài Ca Trăng, Đố Ai... 
Đem những đầu tư của ca dao, ông đưa vào các trường ca Con Đường Cái Quan, Mẹ Việt Nam để một số tiểu khúc có thể một mình trở thành những tình ca ngắn mà Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi là một thí dụ. 
Những tình khúc kế tiếp như Ngày Đó Chúng Mình (1959), Đừng Xa Nhau (1958), Mưa Rơi (1960), Đường Em Đi (1960), Mộng Du (1959), Nếu Một Mai Em Sẽ Qua Đời (1958), Còn Gì Nữa Đâu (1960), Nước Mắt Rơi (1961), Tạ Ơn Đời (1959), Một Bàn Tay (1959) đều nói đến chia cách, lìa xa, đứt đoạn, chết chóc của một hay những mối tình mà người trong những cuộc tình ấy, trong gặp gỡ đã có chấm dứt, biệt ly và tan vỡ.    
Người viết những nhạc khúc như thế không phải tự nhiên mà mượn ý của Hoài Trinh để viết Kiếp Nào Có Yêu Nhau năm 1958:  
... Hoa xanh đã phai rồi... 
Môi nhăn đã quên cười... 
Kiếp nào có yêu nhau 
Thì xin hẹn đến mai sau 
Hoa xanh khi chưa nở 
Tình xanh khi chưa lo sợ ... 
Trong khoảng một thập niên, nhạc tình của Phạm Duy, sau khi thức dậy từ giấc đông miên đằng đẵng, lại cất lên, nhưng bằng những khổ đau của cuộc tình không trọn vẹn, không thể đi lùi mà cũng không thể đi tới.    
Trong ca khúc Đừng Xa Nhau ông viết: 
... Đừng đi mau để mãi mãi 
Là chiếc bóng đậm mầu 
Còn theo nhau tới muôn đời sau...   
Trong Ngày Đó Chúng Mình: 
... Ngày đó có em ra khỏi đời rồi 
Và mang theo trăng sao chết cuối trời u tối... 
Ngày đó có bơ vơ lạc về trời 
Tìm trên mây xa khơi có áo dài khăn cưới 
Ngày đó có kêu lên gọi hồn người 
Trùng dương ơi! Có xót xa cũng hoài mà thôi!   
Và đây là mấy câu trong Nếu Một Mai Em Sẽ Qua Đời:  
... Nếu một mai không còn ai 
Đứng bên kia đời trông vòi vói 
Không còn ai! Đâu còn ai?  
Trong ngày mai có dư hương người  
Chỉ là giăng dối mà thôi 
Nếu về sau em có qua cầu
Không chẳng vì sầu, thương chẳng còn đâu? 
Mà nó chuyện quên nhau 
Nếu vì sao quay gót cuốn mau 
Dấu chân in sâu vết không lâu 
Chẳng nợ gì nhau...    
Dường như Phạm Duy, trong đời sống sáng tác của ông, cứ mỗi 10 năm, ông lại tự làm mới mình. Thập niên 1947 đến 1957, rồi 1957 đến 1967.   
Nếu thập niên 1947 đến 1957 được đánh dấu bằng những tình ca tan nát khổ đau, thì thập niên kế tiếp lại đem tới cho Phạm Duy, người viết nhạc những cảm hứng mới. Như bừng thức dậy, vùng lên, bước qua vùng bóng tối của những mối tình mang lại toàn thương tích, bất hạnh thương đau, Phạm Duy viết một loạt tình ca mà ông gọi là Tình Ca Mùa Hạ, trong đó, mùa hạ bừng lên chói chan trước khi mùa thu của cuộc đời tràn tới. Ông viết Phượng Yêu, Hạ Hồng, Ngày Tháng Hạ, Gió Thoảng Đêm Hè trong mấy năm đầu của thập niên 70.   
Ngôn ngữ dùng để đặt lời cho những ca khúc này là những ngôn ngữ táo bạo, không còn mềm mại, tròn trĩnh như trong Thương Tình Ca, Ngày Đó Chúng Mình, Nếu Một Mai Em Sẽ Qua Đời... nữa. Ngôn ngữ hừng hực, nóng bỏng, hối hả đầy dục tính như trong Hạ Hồng:  
... Đôi ta chỉ có một mùa Hè thôi 
Đôi ta chỉ có một cuộc tình thôi 
Mùa hè vừa tới nơi rồi 
Đôi ta chỉ có một mùa mà thôi 
Đôi ta chỉ có một lần đời vui... 
Mùa hè đi qua như làn gió 
Mùa hè trong ta đã đỏ hoe 
Mùa hè đôi ta bốc lửa cháy... 
Khoảng mấy năm giữa cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, không biết vì nguyên do gì, Phạm Duy một loạt ca khúc mà ông gọi là Tình Ca Một Mình. Khi xếp tựa của những bài ca này cạnh nhau, có thể phần nào người ta nhìn ra được những biến cố xẩy ra quanh đời sống tình cảm của ông: Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài (1969), Nghìn Trùng Xa Cách (1969), Nha Trang Ngày Về (1969), Cỏ Hồng (1970), Mùa Thu Chết (1970), Giết Người Trong Mộng (1970) Trả Lại Em Yêu (1971)...   
Từ ngôn ngữ ẩn dụ của Cỏ Hồng thấp thoáng dục tính qua những đau đớn chia xa của Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài, Nghìn Trùng Xa Cách tới vĩnh biệt đành đoạn Mùa Thu Chết, Giết Người Trong Mộng... người viết cho thấy ông đang từ từ dẫn người nghe nhạc của ông sang một khúc đời mới của những chuyện tình không có hạnh phúc ông gặp trên đường đi. Những sáng tác trong giai đoạn này có thể được coi là những bài nhạc tình hay nhất của ông. Đó là những chung khúc cho những mối tình ở hồi cuối với đoạn kết đớn đau phải tới. Cỏ Hồng về mặt nhạc ngữ xứng đáng được coi là một trong những tình khúc hay nhất của ông:  
Rước em lên đồi, cỏ hoang ngập lối 
Rước em lên đồi, hẹn với bình minh 
Đôi chân xinh xinh như tình thôi khép nép 
Hãy vứt chiếc dép. bước đi ôm cỏ mềm... 
Đồi quen quen, cỏ ngoan ngoan 
Tưởng mơn man làm tóc rối mềm 
Rồi nghe thêm lời van xin 
Từ trong em, đồi choáng váng 
Rồi run lên cùng gió bốn miề n 
Cỏ không tên nằm thênh thang 
Rồi vươn lên vì ta yêu nàng 
Hỡi ôi con đồi ngoan! 
Hỡi ôi cỏ hồng hoang!  
Năm 1975 Phạm Duy viết Chỉ Chừng Đó Thôi, bài tình ca ông nói là bài cuối cùng để sau đó không bao giờ réo gọi nhau nữa. Lời của bài hát như những đoạn ngũ ngôn buồn bã:  
... Ta yêu em tình cờ 
Như cơn mưa đầu mùa 
Rơi trên sân cỏ nhà  
Làm rụng rơi cánh hoa 
Chỉ cần một cơn mưa  
Là vai gầy thêm nữa
Cho ướt môi mềm da... 
Ông muốn khép lại những chuyến đi của trái tim, cám ơn những người tình lần cuối nhưng rồi chu trình sáng tác của Phạm Duy lại mở ra một thập niên mới. Bài tình ca đau đớn viết năm 1975 tưởng như đã chấm dứt cuộc đời sáng tác tình khúc thì lại mở ra những không gian mới.    
Nhưng những tình khúc của ông trong những năm của thập niên trước đó vốn đã là những ca khúc đầy những tan nát, thương đau của những cuộc tình cuối cùng, thì những bài ông viết sau năm 1975 lại càng đau xót, chập chùng khổ đau hơn:  
... Đôi ta đã mất cả mộng mơ 
Chỉ còn xác xơ, hình bóng xưa 
Dĩ vãng mịt mù 
Buồn như chiếc lá rụng, mùa Thu 
Ngồi lại đây, xin ôm chặt lấy 
Bàn tay này chứa đựng hôm nay 
Năm ngón gầy đưa nhau tìm lối...   
Trong bài Chỉ Còn Nhau (1978) cũng như những bài tình ca khác viết sau đó, người ta thấy luôn luôn là những ngoái nhìn lại, những mơ ước trở về, những hồi ức về những mối tình cũ, căn nhà xưa, nơi hẹn một thời. Như trong bài Rồi Đây Anh Sẽ Đưa Em Về Nhà (1981) hay Nghìn Năm Vẫn Chưa Quên (1983):
... Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà 
Nhà của đôi ta xinh xinh nhỏ bé 
Có vườn rau xanh ngát ngoại ô... 
Về nơi công viên yên vui lặng lẽ 
Nếu mưa rơi sẽ mát lòng em 
Về đây ta sẽ tới ngôi của cũ 
Róng tiếng chuông xưa tiếng nghe tình tơ...
Như từng giọt máu nhỏ 
Trở về trái tim khô 
Con sông đời trăm hướng 
Đưa ta tới vô thường! 
Trong bài tựa cho tập nhạc Ngày Đó Chúng Mình Yêu Nhau xuất bản năm 1968, Phạm Duy coi ông là người bất hạnh vì trong số bao nhiêu ca khúc đã viết, ông chỉ tìm được 14 bài hát dành cho đôi lứa mà trong đó, có 6 bài ông phải mượn ý và lời của các thi sĩ. Ông coi chuyện được người đời công nhận là một ca nhân của ái tình (chantre de l’amour) là một vinh dự lớn nhất của cuộc đời. Ông tiếc đã không làm được công việc đó và mong các nhạc sĩ trẻ khác sẽ biết dành cả đời mình để ca tụng tình yêu vĩnh cửu.   
Nếu có thể nói được với Phạm Duy một điều, tôi tin là nhiều người sẽ nói rằng ông không nên nghĩ ông quá dại dột hay quá bất hạnh, nghĩ mình đã không vì những người nghe nhạc đều đã coi ông là một ca nhân của ái tình. Vì những ca khúc ông để lại, ngay cả những bài ca ông không coi là tình ca, vẫn được người nghe coi đó là những tình khúc nói hộ cho hai ba thế hệ những điều khó nói nhất của những cặp tình nhân, an ủi những mối tình không may, vỗ về những đời sống bất hạnh. 
Ông đích thực là một ca nhân của ái tình theo những ý nghĩa đúng nhất và tốt đẹp nhất của những chữ này. 
Trong một tập nhạc khác in tại Sài Gòn năm 1970, Phạm Duy cho biết ông mơ ước được suốt bốn mùa ca hát thương yêu vô tận vô biên… Có thể ông không biết, ông chỉ mơ ước được làm điều đó, nhưng đó chính lại là điều ông đã làm được trong gần hết đời sống ông đã sống.  
Ông là một nhạc sĩ viết nhạc tình và tên tuổi của ông sẽ còn ở lại mãi chừng nào còn có những cặp tình nhân trong đời sống này hát cho nhau nghe những lời tỏ tình.  
10/5/2002
Bùi Bảo Trúc
Nguồn: Pham Duy’ Study 2007
Theo https://phamduy.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chùm thơ của Lưu Lãng Khách 15 Tháng Hai, 2023 Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao – trên trời cao/ Chim non ca vang n...