Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2018

Tư tưởng khát vọng của người xưa với linh khí núi

Tư tưởng khát vọng 
của người xưa với linh khí núi
Đ
ầu những năm 80, tôi gặp ông Trang Điền ngẫu nhiên trong một lần lên chơi núi Công Sơn. Vào thời ấy đất nước còn khó khăn, thiếu thốn nhiều cái, nhất là cái ăn nên cũng ít người giao du sơn hà như vậy - và tôi cũng chỉ là một "kẻ ăn theo" các nhà làm  phim về danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi.
Nhưng lại là thời ông Trang Điền còn đang sung sức, khám phá bí mật của núi. Sự tình cờ như cơ duyên sắp đặt chúng tôi nhận biết nhau nhờ qua chất giọng (cái chất giọng Huế nói khó, lại ít người ta nhại giả giọng được!). Ông Trang Điền nói với tôi lúc đang đứng ở sân chùa Côn Sơn như một phát kiếm mới của ông:
- Có lẽ âm điệu ''Mệ'' dịu dàng pha chút âm Chàm cổ ấm nóng rất riêng biệt của tiếng nói vùng Huế mà những người Huế xa quê chỉ chợt thoáng qua là nhận ra nhau nhanh lắm.
Vậy nên, tôi gọi ông "kẻ túi vải, mũ nan, chân hài da trâu" lang bạt thế nhưng nay bắt gặp "mùi hương quê nhà" như ông Trang Điền "lòng ta xao xuyến sướng run lên chẳng khác nào kẻ ngồi thiền bỗng nhiên vớ được quyền năng phá công án, thoát ra khỏi miền sa mạc mênh mông dẫn nhãn trí tới bến bờ mới như là sự trở về ký ức cội nguồn..."
Sau lần gặp thành ra kết nhau, tuy ông hơn tôi đến ba chục tuổi. Ông Trang Điền rất vui, cười vênh râu trông hiền như một ông tiên xuống núi. Ông níu áo kéo tay tôi theo chân ông lên Chùa Côn Sơn vốn là ngôi chùa cổ nằm trên đất huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương. Chùa còn có tên chùa Hun (hay chùa Khói) từng là trung tâm thiền Đại Việt vào đầu thế kỷ XIV, là nơi các Tổ Trúc Lâm thường lui tới truyền bá tư tưởng giảng luận triết học cho tăng chúng cùng giới quý tộc nhà Trần.
Ông Trang Điền kể với tôi lúc ngồi nghỉ trưa dưới cây đại già hình thù quái cổ, tương truyền do chính tay quan Tư Đồ trồng lúc ông về lại Côn Sơn tĩnh dưỡng tuổi già vào năm 1385, hiệu Xương Phù đời Trần:
- Ta đã lên đây nhiều lần, và lần nào cũng vậy, ta thường quỳ gối rất lâu trước ngôi Thượng điện thờ Phật Di Đà và ngôi Tổ dinh để được chiêm ngưỡng tượng Trúc Lâm Tam Tổ cùng nhan khí uy nghi của pho tượng Trần Nguyên Đán.
Theo ông Trang Điền "có lẽ đấy là viễn tổ của dòng họ Trần làng Trúc Lâm ở Huế". Hơn nữa, sau ngày nước nhà thống nhất ông mới có dịp tìm về "nghiên cứu" chính cái nơi nuôi dưỡng khát vọng hun đúc nên sự nghiệp vĩ đại nghĩa dấn thân từ ấu thơ của Nguyễn Trãi. Chính từ Côn Sơn Nguyễn Trãi đã thấm đẫm giáo huấn sâu sắc mang nỗi đau của người tri thức trước thân phận con người và cả trước thời đại. Những lý tưởng cao cả với bản chất đòi dân chủ, khát khao độc lập tự do, ước mơ xây dựng nhà nước đức trị, mở rộng đạo nhân nghĩa, mở rộng lòng ái quốc vằng vặc "như sao khuê" chắc chắn Ức Trai đã lĩnh hội từ ông ngoại tiến sĩ Trần Nguyên Đán và người cha bảng nhãn Nguyễn Phi Khanh. Và dĩ nhiên sơn mạch tĩnh lặng khí vận trùng trùng của núi rừng Côn Sơn phát kế cũng góp phần xây dựng nên nhân cách lớn ở con người Nguyễn Trãi.
Ông Trang Điền kể vậy rồi cứ say sưa đi tìm bí ẩn của những ngọn núi…
Bây giờ, khi mà cuộc vân du tang bồng thỏa chí, đọc hết chừng vạn cuốn sách kim cổ, tóc, "người giang hồ quái kiệt" đã ngã sang màu sương bạc, khuôn mặt gầy khô đen sạm hằn thêm nhiều nếp nhăn, râu ria tua tủa để dài xuống tận bụng trông như một chiếc phất trần của viên quan giám; duy đôi mắt vẫn sắc thần nhân hoạt toát lên chân tướng của người sương gió từng trải. Ông Trang Điền hậu duệ của dòng họ Trần làng Trúc Lâm - Huế, mới chịu quay về bản quán, dựng nhà ở xóm Hà Khê gần cồn đất mang dáng hình con rồng vươn đầu ra mép sông Hương, nơi nguyên xưa an táng đại thi hào Nguyễn Du dưới chân sau chùa Thiên Mụ. Thi thoảng ông lại chống gậy trúc thượng sơn và bình thản tự lại ngồi lặng thật sâu trên đỉnh núi Kim Phụng định thần. Bóng Trang Điền đổ dài theo chớp nắng. im lìm cô độc giống như con sư tử già lẻ bạn chờ ngóng trăng vàng cuối tháng, để thời gian nhấm nháp khí lành giữa thiên trung cùng với mây ngàn gió núi luyện phép dưỡng sinh!
Núi Kim Phụng còn có tên là ngọn Thượng Sơn, dân gian Huế quen gọi núi Búp Măng vì đứng xa nhìn như một ngọn măng đâm lên. Núi cao chỉ khoảng 427m nhưng bứt thoát khỏi vòng kim tỏa của dãy Trường Sơn chừng khoảng để tự do phóng khoáng làm nên dáng vẻ lẫm liệt khác thường. Toàn trái núi xanh rì rêu phong bích địa được các nhà phong thủy học xem là ngọn Chủ Sơn, các nhà văn hóa thì phong Đệ nhất bút tinh của vùng địa cuộc Huế. Núi hiển hiện đầu nguồn sông Hương - con sông định mệnh lẫy lừng văn hóa sử thi của xứ sở.
Đứng trước dòng sông ấy tôi thường ngẫm nghiệm rằng, những gì cùng sinh ra lớn lên bên các dòng sông thì đều có ấn chỉ văn hóa hoành tráng của nó nhất là những dòng sông ầm vang chiến công giữ nước, trĩu nặng huyền thoại lẫn cùng dấu chân của những người xưa đi mở đất…
Một chiều năm trước trên đường lên chiến khu xưa, tôi dừng lại nghỉ chân dưới núi Kim Phụng, xem mấy đứa trẻ chăn dê đánh trận giả. Bỗng tôi nghe tiếng sóng vũ hội theo điệu chầu văn vọng tới, lúc ào ạt lúc du dương diệu vợi… Khi ấy tôi mới nhận ra nơi đây đang vào mùa lễ hội của các tín đồ đạo hữu, của ngư dân vạn đò Huế. Trong ký ức tôi chợt hiện lên hình dáng những cư dân Việt đang từ cửa biển tiến dần lên phía thượng nguồn sông Hương: thì trước đó rất lâu người Chàm với nền văn minh Chămpa ực rỡ họ đã chọn nơi đây - sơn thủy hữu tình - để xây dựng một "trung tâm văn hóa tâm linh", mà dấu tích Thánh địa còn tạc sâu vào hòn Ngọc Trản kế dưới chân núi Kim Phụng - đúng vị thế Điện Hòn Chén ngày nay, nơi tiếp nhận giao hóa tín ngưỡng thờ  Mẫu Chàm Việt, được xem là linh nghiệm nhất Huế bấy giờ!
Lần ấy có hẹn, tôi lên thăm ông Trang Điền đang ngồi định thiền dưới bóng gậy cắm trên núi cao. Tự khắc lòng mở rộng như túi càn khôn thu nhận nguồn năng tinh tú phát tỏa ra từ Kim Phụng. Với nỗi khát vọng trở về dưới mái nhà xanh vũ trụ cùng tâm thức của "kẻ giang hồ quái kiệt", vui buồn nơi sơn cùng thủy tận, đói ăn rau rừng trái cây, khát uống nước lã mà ông chứng  ngộ đạo hạnh nhà Phật, tìm thấy cái minh diệu vô vi của đạo Lão, giải thoát lục căn của nội tại khỏi lụy tục để tâm hồn người thanh thản minh triết hơn.
Những ngày cuối thu mây mù phủ dày lên đỉnh núi mà vốn thường mây đã nghĩ trọ trên ấy. Không gian u tịch không bóng người, không một cánh chim. Chỉ có tiếng róc rách của những khe nước nhỏ phun ra từ trong mạch đá núi trút nhòa vào làn gió ngọn núi cao chầu về thổi qua, bay đi.
Tôi căng mắt dõi tìm về phía thành phố cổ kính, nhưng chỉ thấy khói mây mù trời che khuất.
Ông Trang Điền ngồi xếp bằng rung cặp đùi, cười khểnh hỏi tôi:
- Sao, có nhìn thấy gì không?
- Không, hôm này mây dày quá. Tôi trả lời.
- Còn ta, ông nói - ta đang "chứng kiến" sắc tím của dòng sông Hương hắt lên thinh không những vòng sóng nhỏ. Ta nghe rõ tiếng sóng quẫy lòng tận biển khơi trước sức cuồng nộ của bầy cá kình đang phá lưới bủa vây của những con tàu đánh cá. Và ta cũng nghe được cả nỗi thổn thức từ trái tim anh.
Ông Trang Điền lại cười rung rung chòm râu bạc như cước.
Thú thật là người hâm mộ, tôi hết sức kinh ngac trước "khả năng ngoại cảm" của ông, tôi e có lẽ chẳng chuyện gì dấu ông được. Nhưng Trang Điền lại khoát tay, không cho đấy là điều cao siêu (theo ông thì ai cũng làm được) tuy nhiên để đạt điều này cũng không thật là dễ - mà ta phải khổ luyện nhiều năm điều hòa chân khí, tâm thật tĩnh lặng.
Rồi trong một lần cao hứng ông Trang Điền sôi nổi triết luận với tôi về những tháng ngày ông giao du khắp đất nước. Vốn là người thích môn Địa lý học nên ông đi là muốn để truy tìm dấu tích cổ nhân từng tàng ẩn dưới bóng núi trầm mặc và văn hóa sâu thẳm của nó, mà năng lượng hùng khí từ các ngọn núi ấy người Việt xưa - nay đã khai sáng làm nên những điều kỳ diệu thăng hoa cho dân tộc mình.
Dư địa chí của Nguyễn Trãi viết rằng: Tản Viên là núi Tổ của Đại Việt. Trên núi thờ vị thần hộ quốc, được phong Đại vương, linh hiển có tiếng. Triều Lý, vua Nhân Tông sai thợ làm đền ở trên đỉnh ngọn thứ nhất cao tầng lầu. nay dấu tích vẫn còn.
Việc thờ thần núi Tản Viên xuất hiện từ cái thời "rồng rắn thú dữ sống kề cận con người", đồng bằng sông Hồng với những cột sóng mùa lũ bất ngờ ập tới. Anh hùng thần thoại (Sơn Tinh) xuất hiện đứng về phía nhân dân dùng phép thuật Trời ban nâng núi cao thêm chóng chọi với (Thủy Thần), không chỉ là chuyện tâm linh tín ngưỡng, mà nó còn là nỗi khát vọng tình yêu hòa bình, ước mơ vươn tới đỉnh cao, con người từ hoang sơ trước cuồng phong vũ trụ họ đã biết dựa vào núi và chân khí của nó!
Thời các Vua Hùng còn mặc khố đầu đội mũ lông chim, đã biết chọn đất đóng đô với hình thế 99 ngọn núi cao chầu về phía phong châu - Bạc Hạc, như những con voi quy phục trước quyền uy tối thượng của con người. Để ngày nay, hằng năm thần dân trăm họ lại tụ về đây giỗ tổ các Hùng Vương.
Đến đời Đinh Bộ Lĩnh cưỡi trâu trắng, phất cờ lau thống nhất 12 sứ quân cát cứ, mở ra nhà nước độc lập đầu tiên Đại Cổ Việt, lấy núi Hoa Lư đóng đô ở Ninh Bình. Các vua nhà Lý chọn núi Hương Tích xây dựng nên trung tâm Phật giáo trở thành Quốc giáo; và theo truyền thống đều chọn các vị thiền sư phong làm Quốc sư, giúp vua trị nước.
Nhà Trần, mặc dù các ông vua đều là những người chiến thắng, lại có trong tay quân đội hùng mạnh, nhưng họ vẫn lấy việc nhường ngôi báu khi còn sung sức, trí lực vẫn sáng - lui về phủ Thiên Trường làm Thái Thượng Hoàng. Ngày nhàn đọc sách làm thơ, rồi thản nhiên chống thiền trượng vân du lên núi Yên Tử dựng am Ngọa Vân tu dưỡng tinh thần "xem con trị nước". Từ đỉnh Yên Tử quanh năm mây trắng giăng màn, người anh hùng dân tộc đánh Nguyên Trần Nhân Tông lập am tu Thiền. Trong sương núi gió ngàn Ngài đã khai sáng ra phái Thiền Trúc Lâm (thường gọi là Trúc Lâm Yên Tử), Ngài trở thành Tổ thứ nhất của Thiền phái này, hay còn gọi là Trúc Lâm đầu đà.
Nhà Trần kiến thiết vùng núi Yên Tử, xây dựng Thiền tông theo một hệ phái truyền thừa riêng, uyển chuyển giữa Tĩnh và Động, giữa Xuất thế và Nhập thế, để nơi đây trở thành Rừng Thiền của kinh đô Phật giáo đầu tiên của Việt Nam.
Khác với rừng núi Yên Tử, vùng núi Côn Sơn là "trung ấp lui về" để thỏng áo nhẹ đai hưởng chút cái nhàn của những bậc nhân tài tuấn kiệt từ nhiều thế kỷ trước, như Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư, Nhị Tổ Pháp Loa, Tam Tổ Huyền Quang, cả thầy Chu Văn An, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh, và cả danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi… Cùng nhiều trí thức, nghệ sĩ quan tướng triều đình Trần - Lê, cũng đã ghé qua thưởng ngoạn hoặc là quy tụ về đây sống những ngày cuối đời thanh nhàn! Và cũng từ núi này cả một khối lượng văn chương, triết học, lịch sử, âm nhạc… đồ sộ đã ra đời. Chính vì vậy mà Côn Sơn trở thành trung tâm tư tưởng đứng ngang với kinh đô Phật giáo Yên Tử, và đối mặt với trung tâm quyền lực ở Thăng Long suốt gần hai thế kỷ thời thịnh trị nhất của quốc gia Đại Việt.
Triều Lê vua Thái Tổ, nhớ buổi dựng cờ nghĩa dấy binh, Lê Lợi đã chọn núi Chí Linh - Thanh Hóa lập căn cứ kháng chiến. Sau ngày tổ quốc độc lập về lại Đông Đô, Nguyễn Trãi vi thần tổng kết chiến tranh đã phóng bút ngợi ca thánh tích núi cũ chiến khu xưa với bào phú núi Chí Linh nổi tiếng. Mà có lẽ ngày nay đọc lại bốn câu cuối ta vẫn thấy được hào khí ngút trời của nghĩa quân Lam Sơn đánh Minh, ân nghĩa sâu dày của núi Chí Linh được đất trời ủy nhiệm, mà ta ghi nhớ đến muôn đời:
… Thấy núi này vòi vọi chừ, nhớ đến gian khổ xưa
Vỗ nền vương nghiệp chừ, mãi mãi vấn vương!
Xin ghi thịnh đức vào đá chừ, để truyền mãi về sau
Suốt thiên cổ, vạn cổ chừ cùng trời đất cửa trường (1)
Thời Lê Thánh Tông võ trị Chiêm Thành trên đường hành quân qua cố đô Hoa Lư, Ngài lệnh dừng chân ghé thăm núi Non Nước. Núi này có Thạch Cốc của danh sĩ Trương Hán Siêu, người từng đi trấn nhậm Thuận Hóa, tác giả của nhiều áng văn, thơ, ký, trong đó có bài Phú Bạch Đằng giang tuyệt hay, ông cũng là người được các vua Trần cùng thời đều tôn gọi bằng Thầy. Ngày Trương Hán Siêu giải chức về ẩn tuổi già ở đây, thấy núi soi mình bên dòng sông bạc cuồn cuộn phù sa giống như hình con chim trả đang tắm. Ông liền đặt tên cho gọi núi Dục Thúy Sơn. Vua Thánh Tông cảm xúc cảnh đẹp người xưa đá cũ đã làm thơ cho khắc vào núi.
Triều Nguyễn, vua Minh Mạng Bắc tuần lên đây ngắm cảnh cố đô xưa. Vua Thiệu Trị sai xây thành phòng hộ, khi xây gặp núi lấy ngay núi làm thành nên đổi là Hộ Thành Sơn, nhà vua cảm hứng đề mấy câu sau, xin dịch nghĩa:
Trước là núi Dục Thúy, nay đổi Hộ Thành Sơn
Chữ nhàn trông thật khó, người bận, núi không an!
Các vua sau như Tự Đức, Thành Thái, Khải Định; cùng nhiều trí thức nghệ sĩ lớn, những nhà văn hóa của nhiều thời đại như Ngô Thời Nhậm, Dương Phước Vịnh, Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát… đến 42 người đều lên Dục Thúy "hát vang lương trời" lưu thơ vào đá.
Tôi theo dấu người xưa leo lên núi vào ngày mây trắng tản xa, thấy ngọn tháp Linh Tế hiện lộ ký ức, trong tháp có tấm bia khắc bài minh của danh sĩ Trương Hán Siêu lưu truyền chính sử. Tôi ngưỡng vọng cố nhân bởi những dấu tích văn hóa tạc vào đây sừng sững qua năm tháng gió mưa mà vẫn tỏa thần khí thi ca. Núi này là một thắng tích như một "thư viện thơ khắc đá bậc nhất trong tư tưởng phóng khoáng cao siêu của người Việt" trên đất Ninh Bình.
Ngày tôi theo Trần Hà về quê anh hùng Cảnh Dương, một làng cổ dưới chân Hoàng Sơn (Đèo Ngang) để dự lễ cầu ngư và tế cá Ông Voi. Đêm vui uống rượu nóng ran người, tôi rủ anh ra biển hứng gió ngăm trăng vàng hạ tuần. Trên con thuyền đánh cá neo sát bờ, tôi ngồi vắt vẻo lắc lư theo nhịp sóng đưa, còn Trần Hà anh nằm nghiêng trong khoang thuyền chống khuỷu tay kê làm gối, ngửa mặt nhìn trời đêm. Rồi bằng âm giọng của dân biển anh kể với tôi, hồi anh còn nhỏ ngày hè thường rủ bạn đi hái trái sim muồng, tìm bắt chim núi. Có lần mải chơi, mệt quá ngồi nghỉ trên thềm cửa ải xưa rồi ngủ thiếp đi… Trong miên man anh gặp Tiên chúa Nguyễn Hoàng đang thống lĩnh dân binh vượt qua Hoành Sơn hiểm trở, thực hiện mưu đồ "một dãy Hoàng Sơn dung thân vạn đại" theo kế của Trạng Trình.
Ở miền Trong chúa chọn núi Ái Tử đóng dinh, tung hoành gươm mở cõi; chúa sai dựng chùa, lập phố chợ, dung nạp người hiền, khoan sức cho dân, vỗ nuôi tướng sĩ. Và chỉ 200 năm sau, các chúa Nguyễn đã thu về cho Tổ quốc một miền đất Nam Bộ rộng lớn phì nhiêu như bây giờ; công ấy bằng cả sức dân tộc mở nước 4000 năm!
Hiển nhiên người Đàng Trong làm được nhanh như vậy, theo tôi: một phần cũng nhờ vào dãy Hoành Sơn sừng sững đứng án ngữ chắn ngang lưng trời, lại thêm có trấn Lũy Thầy, sông Gianh hỗ trợ để hạn chế bớt các cuộc xung dột ừ Bắc vào, đã tạo thuận lợi cho các chúa Nguyễn rảnh tay tiến thẳng xuống miền Nam xa xôi.
Từ bãi biển của làng Cảnh Dương, tôi ngước mắt nhìn lên dãy ĐèoNgang mà từ đấy nó được mệnh danh vùng biên giới cây hoa mai thuộc về khí hậu phương Nam. Dưới trăng mờ sương giáng, núi ngủ yên trông hiền như một con rồng vươn mình về biển, đến đây say với sơn tình thủy mặc đành nằm lại chiêm ngưỡng mà hóa thạch. Trong màn sương khuya ấy từ bên kia chân núi, những luồng ánh sáng đèn xe vượt đèo chợt hồng rạng lên một góc trời tím ngát. Đã qua rồi cái thời hung hãn đất Quảng Bình "Ô châu ác địa" suốt cả ngàn năm.
Tôi ngồi lắng yên nghe núi thở, đêm về gần sáng làng biển Cảnh Dương thật bình lặng.
Nhớ một lần ngang qua đất Thành Vinh, mùa nắng gió Lào ràn rạt thổi. Tôi dừng xe nghỉ trưa ở quán nước bên đường ngay dưới chân núi Hồng Lĩnh. Ngồi uống bát nước chè xanh, ăn tấm kẹo cuđơ, nhân vui tôi hỏi chuyện làm ăn của chị chủ quán (được giới thiệu) từng là thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn đánh Mỹ, ngày ra quân chị về quê lấy anh chồng thương binh (nguyên là đồng đội của chị). Rồi chị dựng mái quán lá cọ bán nước dưới chân núi Hồng Lĩnh, để kiếm thêm chút lời nuôi 3 đứa con quyết theo đòi đèn sách cho đến bậc đại khoa.
Đất Hà Tĩnh xưa nay đều chí học, còn có hai thứ "đặc sản bình dân" nổi tiếng mà người Việt Nam chắc ai cũng biết. Truyền rằng ngày trước khi thực dân Pháp thống trị nước ta nghe đâu họ cũng thèm nghiện hai thứ: "đặc sản" này lắm: uống bát nước chè xanh đặc quánh, chếm miếng kẹo cuđơ ngọt lịm mà thanh thần của mật mía đất Hà Tịnh!
Dãy núi Hồng Lĩnh chạy dài nhấp nhô như từng đốt xương sống của trục đất này. Núi quần tụ với 99 ngọn mà truyền thuyết khởi thủy mô tả là nơi bầy chim Hồng đóng vai trò Thiên sứ bay về đậu trên các mỏm núi. Chúng có nhiệm vụ tìm kiếm một cuộc đất để vua Hùng lập đô từ thưở Văn Lang vừa mới ra đời.
Mặc dù thời gian dẫu chưa thực hiện được theo như truyền thuyết kể, song dưới chân Hồng Lĩnh những ngôi làng bình yên mộc mạc, tưới mát nguồn nước phù sa sông Lam bao đời đã phát kế hun đúc nên những con người xuất chúng. Suốt cuộc đời họ "nếm mật mằm gai" dấn thân vì đại nghĩa cứu quốc; cả sự nghiệp sáng tạo nghệt huật của họ để lại những công trình tác phẩm đồ sộ vô giá đã làm vinh thăng cho nền văn hóa dân tộc Việt. Thí dụ như những Mai Thúc Loan, Bùi Cẩm Hổ, Hà Công Trình, Nguyễn Thiếp… Những dòng tộc với nhiều thế hệ nối tiếp làm rạng danh tổ tiên như Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Du… Nguyễn Huy Oách, Nguyễn Huy Tự… Phan Huy Ích, Phan Huy Vịnh… Rồi những Nguyễn Công Trứ, Ngô Đức Kế, Phan Đình Thông, Phan Đình Phùng… Mới đây khoảng giữa thế kỷ XX này xuất hiện những con người như Trần Phú, Hà Huy Tập, Hà Huy Giáp, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Từ Chi, Nguyễn Phan Chánh, Xuân Diệu, Huy Cận, Phan Huy Lê… Nếu đem kể mãi tôi e danh thứ này sẽ kéo dài đến hàng vạn nhân tài tuấn kiệt đã sản sinh ra dưới chân ngọn Hồng Lĩnh. Có một điều kỳ lạ, hình như những con người bình thường chân chất ấy khi bước ra khỏi cổng làng, đi tới những nơi thi kỳ đô hội, các trung tâm chính trị tư tưởng của đất nước (và ngay cả nước ngoài) họ như có phúc ấm tổ tiên từ mái đình làng phù trợ thêm sức để biến hóa mà "trở thành người giỏi tức thì - giỏi thực sự đúng nghĩa của nó!"
Tôi thường chiêm nghiệm Hồng Lĩnh mỗi khi qua đây nhìn dãy núi cao ngất sừng sững giữa trời xanh, và nghĩ rằng phải chăng nguồn khí vận sinh phát của trục đất Hà Tĩnh minh diệu trường tồn?
Tôi lục tìm trong sách xưa thấy cổ nhân đã viết về thần tích phong thủy củ những ngọn núi này với những điều huyền diệu như là bất biến để khẳng định một mỹ ý: Còn khí thiêng trên núi Hồng Lĩnh nghĩa rằng còn nhiều người hiền tài xuất hiện nơi đây!
Và tôi đã thấy điều này qua thời gian, bóng núi trầm mặc…
Hồi năm 97, tôi có công chuyện phải ra Hà Nội 3 tháng nên chi tôi không gặp được ông Trang Điền và cũng không biết thêm tin gì. Hôm trở lại Huế tôi dành hẳn một ngày để leo lên núi Kim Phụng thăm ông Trang Điền, thì được biết "ông ấy chết rồi!"  Như sét đánh, tôi bị hụt hẫng cả người. Tìm bọn trẻ chăn dê dưới núi tôi hỏi chuyện, chúng hồn nhiên kể lại: "Ông ấy ngồi im như một pho tượng kiết già đến mấy ngày liền rồi hóa đá. Mấy bữa sau trèo lên đỉnh xem thì hình như ông đã thăng thiên về trời. Qua một đêm mưa gió đã xóa nhòa mọi dấu vết ở núi, chỗ ông Trang Điền hóa mây"…
Tôi cảm thấy cô độc giữa cõi mênh mông của núi rừng vì đã mất ông bạn vong niên hay ngồi thiền trên đỉnh Kim Phụng. Song phần mình tôi nghĩ: ông Trang Điền chưa chết, mà ông chỉ đi xa về phía núi thẳm như một sơn Thần nhập vào vách núi của sự hiện hữu để linh hồn được nhẹ gánh trở về cội nguồn tâm thức mà thôi.
Tôi ngồi lại dưới chân xem đám trẻ chăn dê đùa nghịch như cái thời ngày xưa tôi cũng thường hay chơi vậy. Lòng trĩu nặng trống vắng, tôi chợt nhớ về điệu cười vênh râu của ông già quái kiệt.
Có một lần trên đỉnh núi Kim Phụng mây trắng giăng giăng kín núi. Ông Trang Điền đang khua gậy tít mù dừng lại nói với tôi, đại ý rằng - Núi đồi Huế khi đã bứt khỏi dãy Trường Sơn thì không còn hùng vĩ dữ dội như núi đồi Thanh - Nghệ - Tĩnh hay như vùng núi Tây Bắc nơi phát xuất Tổ Sơn của Việt Nam. Nhưng lại có những ấn chứng sâu thẳm của văn hóa địa tầng để con người chọn núi ẩn cư, Phật giáo chọn núi dựng chùa, các chúa Nguyễn tìm đất lấy nguyên khí làm bình phong đóng dinh phủ. Tất thảy kiến trúc đều theo thuật phong thủy dựa vào các quy luật của thiên nhiên. Trải qua thời gian định cư để rồi thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phong vận: đã thấm vào căn cốt tạo nên một sức bền chịu đựng trong từng con người Huế. Sức bền chịu đựng để tồn tại phát triển rất khắc nghiệt ấy đã ngấm vào "máu di truyền" trở thành một nếp sống, cách sống mang bản sắc riêng mà xưa nay người ta thường cảm nhận rằng - Người Huế có một đời sống văn hóa nhuốm đậm màu Thiền.
Với tôi không dám nghĩ là mình đủ sức căn duyên, hoặc đã bị lực hút cuồng si mạnh mẽ của núi đồi Huế như ông Trang Điền. Nhưng rõ ràng là điều gì phát xuất mà dựa vào Núi hoặc Nguyên khí của núi thì lịch sử ghi nhận thành công, thành đạt, được ngưỡng vọng dài lâu…
Người Huế xưa lấy núi Kim Phụng làm Chủ Sơn để rồi tôn phong Đệ nhất bút tinh bên cạnh núi tiền án Ngự Bình làm Đệ nhất bảng tinh cho mặt kinh thành trấn trị và phát triển. Việc núi Bút tinh khắc họa lên núi Bảng tinh thì chắc chắn đất ấy trọng việc học hành chữ nghĩa rồi.
Thời chúa Tiên kinh lý miền Nam, nghe chuyện Mụ Trời hiện ra ở đồi Hà Khê (Nơi xưa kia bị Cao Biền yểm tà khí sau chân núi) chúa liền sai dựng chùa Thiên Mụ nhằm cầu cho tụ khí mong bền vững triều đại. Các vị chúa Nguyễn kế tiếp thì chọn núi Ngự Bình làm Đệ nhất án sơn. Anh hùng Nguyễn Huệ lấy lại núi Ba Tầng đắp đàn tế trời lên ngôi Hoàng Đế. Còn Phật giáo Huế với nhưungx Tổ đình thâm uy nổi tiếng, là nơi có nhiều dòng Thiền du nhập vào để chấn hưng phát triển thành kinh đô Phật giáo thứ hai của Việt Nam sau Yên Tử. Vị Thiền sư có công chấn hưng Thiền phái Trúc Lâm ở Thuận Hóa là Hương Hải thường gọi Tổ Cầu, Ngài chọn núi Linh Thái sát cửa biển Tư Hiền lập chùa, dựng Thiền Tịnh viện trên núi để hoằng hóa Phật pháp. Cạnh đó là núi Thúy Vân  được Nguyễn Phúc Tần cho xây đàn cầu an để sau này thành chùa Thánh Duyên soi mình bên bóng nước dầm Đá Bạc, Thiền sư Thích Đại Sán từ Trung Quốc đưa dòng Thiền Tào Động sang với chú Nguyễn, Sư dựa núi Thiên Mụ ruyền đạo. Hoàng thượng Tử Dung thuộc dòng Thiền Lâm Tế đời thứ 34 vào Đàng Trong chọn núi Long Sơn lập chùa Ấn Tông, sau vì phạm húy tên vua Thiệu Trị mà đổi tên Từ Đàm - Một ngôi chùa trung tâm phật giáo Huế và Việt Nam bây giờ. Còn hòa thượng Giáp Phong lại cắm tích trường trên núi Hàm Long để dựng chùa báo quốc. Nơi đây từng phát chúng rất nhiều thiền sư cao tăng, uy danh đức hạn vượt trội lên trên các vị ngang hàng giáo phẩm.
Chùa hiện còn lưu giữ bộ sách quý viết cách đây vài trăm năm trước về con người, cảnh vật thuần hóa và hành trạng của các vị Chư Tổ, sách chưa được dịch truyền rộng rãi ra ngoài, đó là bộ hàm long sơn chí; và một khu bảo tháp. Riêng Tổ Liễu Quán từ đất Phú Yên ra Thuận Hóa học đạo với hai thầy thuộc hai phái Thiền Lâm Tế, Tào Động là sư Giáp Phong và Tử Dung. Ngài lấy phía Nam Ngự Bình đối diện với núi Ngũ Phong dựng chùa Viên Thông tu Thiền. Đến khi đắc chứng ngài vào núi sâu dựng Tổ đình Thuyền Tôn ẩn dưois chân núi Thiên Thai, khai mở ra một Thiền phái riêng, mang phong cách độc đáo của văn hóa Việt, gọi là Thiền Liễu Quán. Vốn là ngôi Tổ đình lớn được các triều đại trước cũng như tăng ni Phật tử, các nhà nghiên cứu Phật học đánh giá cao công nghiệp của Chư Tổ trong dòng truyền thừa theo tư tưởng giáo hóa của người Việt Nam khi qui y cửa Thiền. Đến Hòa thượng Nhất Định, vân du lên đồi núi Thủy Xuân với ngàn thông xanh ngát cất một thảo an lấy chổ che mưa che nắng, vừa dành thời gian phụng dưỡng mẹ già đã ngoài 80, vừa chú tâm tham cứu Thiền…để ngày nay có thêm một ngôi chùa mang tên Từ Hiếu, cảnh sắc mây lòng, bóng núi, chim hót sau vườn tháp, suối chầm chậm lượn trước nhà. Kẻ bụi lòng trần tục đến đây thắp hương cúng Phật mà như lạc vào chốn bồng lai thượng giới, xóa một nỗi u phiền để giữ cho tâm khí thêm thanh tịnh!
Núi đồi Huế cũng là nơi lui về trong cõi vĩnh hằng của các ông vua nhà Nguyễn. Dựa vào núi họ như muôpns mở ra một thế giớ "khác của cõi âm", mặc dù lúc tại vị họ vẫn theo quan niệm "chết là sự trở về nguyên khí của vũ trụ". Nhưng sự trở về ấy trong thực tế họ lại muốn bảo lưu cái phần xác nặng nề kia bằng một "vương quốc lăng tẩm" mà sức nhân dân cộng với tri thức thời đại tạc vào núi để hấp thu vượng khí nghĩ yên trong lòng đất.
Có một nhà du lịch người Đức đầu thế kỷ này khi tham quan những công trình lăng tẩm vua chúa Nguyễn đã nhận xét rất tinh tế rằng: "Nơi đây tang tóc mỉm cười, vui tươi thổn thức!". Thật là cảnh tiên nhàn của bầu trời khác.
Tôi lên làng Định Môn nằm về phía trái thượng nguồn sông Hương, giữ vùng bình nguyên khá hẹp - lăng Gia Long u mờ trong sương sớm, vết chân đi như đánh thức núi đồi trầm mặc. Lấy núi Thụ Sơn lớn nhất dãy đứng tấn đằng trước (sau nàu đổi ra Thiên Thụ) cùng với 42 ngọn đồi nhỏ khác quay đầu về, thế quân tụ phủ phục giữ cho âm trạch tịnh độ của lăng.
Vua Minh Mạng thì chọn núi Cẩm Khê xây lăng (sau lại ban tên Hiếu Sơn), mặt nhìn ra ngã ba đồn Tuần nơi tụ nước từ nguồn xa đổ về, xung quanh có một loạt núi nhỏ đứng hộ vệ như núi Bình Sơn, Tam Tài, Hành Sơn, Đức Hóa, Khải Trạch, Đạo Thống… để Tử Cung vưa lùi dần vào sâu trong đất, tàng dưới chân núi hóa vào tinh không vũ trụ.
Các ông vua sau như Thiệu Trị lăng dựa núi Thuận Đạo; Tự Đức lăng tạc vào núi Khiêm Sơn… Ứng lăng Khải Định xẻ ngang quả núi nhỏ ở làng Châu Chữ,  dưới chân núi ấy có khe Châu Ê  lượn quanh hồ Thủy - xẻ núi xây núi xẻ tẩm điện nên còn gọi tựa lăng nghĩa là lăng tựa vào núi, để từ đây trên cao phóng tầm nhìn ra sông Hương phản chiếu nỗi đau quốc vận của một ông vua suy hèn, yếu nhược.
Làng Châu Chữ xưa có nhiều chuyện âm dương được truyền kể: đất nơi đây hung khí người Chàm tích tụ, nó thường xung lên biến ảo gây hại mùa màng dịch bệnh với sinh linh. Nên phật giáo Huế đã dựng bức tượng Bồ Tát đứng trên một ngọn núi cao trong vùng để tránh hung khí diệt tà. Người Huế nói rằng làm như vậy cốt là giữ yên cho tinh hoa mạch đất. Nhưng rồi khi người Pháp xâm chiếm Đông Dương, và gót giày thực dân đã bước qua cái ngách cửa chủ quyền còn lại cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn, họ đã khẳng định vào kinh thành Huế - thì cùng lúc ấy trên ngọn đồi cao núi cao kia những chiếc lô cốt quân sự mọc lên ngạo nghễ…
Mỗi lần đưa bạn khách chơi lăng vua, tôi có thói quen dừng lại ở một đoạn cong bên ngọn đồi, trước khi mở ra khoảng không gian mới dẫn tới lăng Khải Định. Từ vị trí ấy tôi ngước mắt nhìn vọng lên cao xanh bóng núi thấp thoáng "chiếc lô cốt thực dân" bằm phủ trong mây trắng. Một "dấu hiệu" chiến tranh còn sót lại đập vào mắt tôi, vào ngực tôi ngấm vào sâu ký ức của tôi nhắc nhở tôi nhớ lại cái thời vong quốc nô lệ. Có một người tiều phu hàng ngày thường ngồi nghỉ chân bên đường xuống núi, đưa cánh tay gầy như một cành cây khô chỉ thẳng về phía tượng Phật đang đứng nhìn chúng sinh trong nỗi vô vọng, nói với chúng tôi: "Phật đứng cao hơn vua nhưng vẫn bị thua lô cốt!"
Tôi chợt ngộ ra ý nghĩ sự so sánh câu nói của người tiều phu già đang khuất dần sau bóng núi.
Và chúng tôi đi về phía làng Châu Chữ…
Hai năm sau ngày ông Trang Điền quy tiên, một buổi chiều cuối thu trời Huế se lạnh,sương khói bay nhòa trên sông Hương. Tôi một mình ngược đường Kim Long lên làng Trúc Lâm. Trong không gian tĩnh lặng, tôi chợt nghe những âm thanh nhạc khí từ chùa Thiên Mụ dựng trên đồi Hà Khê thong thả đột vào thinh không, chạm nhẹ người tôi nghe vừa như xa xôi diệu vời, vừa gần gũi sâu lắng chảy xuống cõi thiền tâm con người.
Sương trắng càng lúc giáng xuống dày thêm, trời tối dần. Trước khi rẽ vào làng Trúc Lâm tôi ngước mắt nhìn lên đỉnh núi Chủ Kim Phụng. Thấy trong mây mờ ảo ảo bóng ông Trang Điền đang múa gậy. Gió núi ràn rạt thổi, thi thoảng lại chớp lóe lên vài tia sáng trông như tia nắng Mặt Trời…
(1) Theo Nguyễn Trãi toàn tập.
Dương Phước Thu
Nguồn: Tạp chí Cửa Việt số 59
Theo http://www.tapchicuaviet.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao - trên trời cao/ Chim non ca vang như ngày nào/ Bên em anh...