Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Âm vực của công án nghĩ về Thiền ca của Phạm Duy Thiền khúc Trên đường về

Âm vực của công án nghĩ về Thiền ca 
của Phạm Duy Thiền khúc Trên đường về
Ðêm Thiền ca tại Úc - 1993 
Cuộc đời là một nỗi bất hạnh được đột nhiên ngộ chứng. Kierkegaard gọi đó là một tâm thức ớn da gà - crainte et tremblement. Triết lý, tôn giáo thường là những cố gắng thuyết phục con người thí chứng với nỗi bất hạnh đó để thoát ra, vươn tới. Ðạo Phật với nghiệp, đạo Nho với thân dân, đạo Lão với vô vi, đạo Chúa với thiên ý... Nghiệp giúp người chấp nhận đời, thân dân chỉ cách ở lại với đời, vô vi dẫn đường thoát đời, thiên ý chỉ đường về đất hứa ngoài cuộc đời này. 
Mặt khác, Marx bảo triết lý là một trò chơi phù phiếm vô bổ chỉ để kiến giải đời mà không thúc đẩy cải tạo đời, và tôn giáo chỉ là ma túy không chủ trị đau nhức mà chỉ làm nguôi quên nhức nhối chốc lát. 
Thực tế thì không phải tôn giáo mà chính cuộc đời mới là ma túy; sống khổ, yêu khổ, ghét khổ, tham khổ, hận khổ nhưng cứ bám riết. Bởi nhất thời chẳng còn đường nào khác hơn là tự tử và ''đấu tranh''. Mà tự tử và đấu tranh không phải là điều mà ai cũng có thể làm vì tự tử đòi hỏi một quỷ biện toàn triệt, trong khi đấu tranh - xuất gia, làm cách mạng, đòi hỏi một thoát xác toàn diện, một dấn thân tuyệt đối. 
Ngao ngán vì những chém giết điên cuồng của đại chiến thứ hai, Sartre và các nhà văn hóa hiện sinh đã nghĩ rằng đời là một ngớ ngẩn lố bịch - absurde. Mười năm trước đó, Huizinga đã nhẹ nhàng hơn bảo rằng bản chất của hiện hữu không chỉ là lao tác - homo faber, là suy tư - homo sapiens; bản chất của hiện hữu là hí lộng - homo ludens. Chẳng có gì thường hằng nghiêm túc theo nghĩa thông thường. Nhưng không phải ngày một ngày hai mà người ta thấy được làm lắm cũng tắm ở truồng. Hí lộng chỉ xuất hiện ở cuối đường trần thân bầm dập, nhức nhối. Hí lộng cũng chính là một quan niệm về cuộc đời của Phật giáo. Quan niệm vô thường, sắc không. Bởi đầu đường trần thân bầm dập là ý thức khổ và cuối đường bầm dập trần thân là ý thức vô thường nên hùng mạt vận bán qui tăng nếu có xảy ra cũng là chuyện đương nhiên. Phạm Duy là một hiện thân của sự trở về đương nhiên đó với album mới mang tên Thiền Ca. 
Anh hùng mạt vận? Tôi không nghĩ Phạm Duy đã mạt vận theo nghĩa thông thường của nhân thế. Bởi đã cái tuổi ''cổ lai hy'' mà Phạm Duy vẫn ăn cho vừa, chơi cho thật, sống cho thẳng, chết cho ngay, yêu cho lâu, ghét cho mau, khóc cho đầy, cười cho rõ, mà Phạm Duy còn viết nhạc, còn hát, còn ngao du, còn thất tình được như một kẻ mới hai mươi tuổi đời thì quả thật Phạm Duy chẳng mạt vận chút nào. Phạm Duy đang tồn tại như một lõi trầm hương, tuổi đời càng chồng chất thì càng cứng, càng thơm. Phạm Duy chỉ quay về với đạo vì Phạm Duy thấy rằng khổ lụy tận cùng là thoát đau thương (Thiền Ca 9). 
Tôi không nhớ một nhà văn nào của Pháp đã nói đời chỉ hơn thua nhau về cái chịu chơi - la seule chose qui compte c'est le risque. Tựa đề Thiền Ca của Phạm Duy là một thách thức loại đó. Bởi dùng lời để kiến giải Thiền, dùng nhạc để tỏ bày tâm thức Thiền là một thứ liều của kẻ muốn kiến giải công án Thiền để mở cửa giải thoát. Tiếng hát Thiền tiêu biểu hình như là tiếng cười làm vũ trụ giá băng của Thiền Sư Không Lộ - Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư. Hình ảnh Thiền tiêu biểu là nụ cười mím chi của Ca Diếp đáp lời Phật vấn. Thiền hình như là tâm trạng của người ý thức được mình đang ở điểm hết chỗ nói. Phạm Duy đã muốn truyền cho đời cái kinh nghiệm vong ngôn tự tuyệt đó bằng album Thiền Ca. Hết chỗ nói mà vẫn muốn nói, vẫn muốn hát. Hát cho người thấy được kinh nghiệm hết chỗ hát, hết chỗ nói của mình. Ðó là thái độ thách thức đời của một nghiệp dĩ tài hoa, của một ''đứa con hoang'' mà Thánh kinh nói đến. Và vì chân giá trị của đứa con hoang là lúc nó trở về nên có thể nói Thiền Ca là tiếng hát của đứa con hoang trên đường hồi xứ. 
Nói cái không thể nói là bản sắc của công án Thiền. Mười bài Thiền Ca có phải là mười công án? Câu hỏi đó người nghe nhạc Phạm Duy phải trả lời lấy. Riêng tôi, bài Thiền Ca 2 với tựa đề Võng là bài đáng chú ý nhất về phương diện nầy. Trong bài phỏng vấn của báo Người Việt ngày 6-10-92, Phạm Duy đã gián tiếp nhắc đến nguyên ủy của bài Võng khi Phạm Duy tâm sự có những buổi trưa, nằm trên một cái chõng tre hay trên một cái võng gai, nhìn lên trời, thấy áng mây bay và bỗng thấy mình là mây, đang bay thoát ra khỏi tục lụy. Tôi nghĩ rằng Phạm Duy chưa muốn nói hết những gì Phạm Duy muốn nói. Và điều Phạm Duy chưa muốn nói hết ra đó mới chính là giá trị thực của công án Võng. Võng là hình ảnh của cuộc đời, của sự sống, là biên cương di động, chông chênh, vi tế giữa hai hoàn cảnh, giữa hai lựa chọn, giữa tốt và xấu, thiện và ác, đúng và sai, hận và thương, yêu và ghét, chấp và xả... theo nghĩa thông thường của nhân thế. Sống là động, sống là nằm võng. Không thích đưa võng, không chịu võng đưa thì nằm giường nằm đất cho yên, chẳng cần phải lên võng làm gì. Cũng như sống là phải lựa chọn. Võng đưa bên nầy thì xa bên kia, như Phạm Duy nói, gần sinh thì xa tử, gần tình thì xa hận, gần vui thì xa khổ. 
Cuộc đời Phạm Duy cũng là biểu hiện của những nhịp võng lịch sử. Năm 45, nhịp võng đưa Phạm Duy vào đường tay súng tay đàn, vì độc lập tự do của quê hương, mấy năm sau nhịp võng lại đưa Phạm Duy rời xa cái lồng son ngột ngạt mùi hoa độc tôn độc thiện, rồi nhịp võng đưa Phạm Duy xuôi Nam cho đến năm 75 nhịp võng đã biến Phạm Duy thành cánh chim bỏ xứ... Trong hành trình bầm dập trần thân nổi trôi theo mệnh nước đó, phần nào là lựa chọn của Phạm Duy, phần nào là đời lựa chọn cho Phạm Duy? Ðiều đó chỉ có mình Phạm Duy biết, chỉ mình Phạm Duy trả lời được Phạm Duy kết thúc bài Võng với câu Tôi nằm đó, nằm im mọi chỗ, có phải Phạm Duy muốn đời nghĩ rằng đã đến lúc Phạm Duy không còn muốn đưa võng mà cũng chẳng còn muốn để võng đưa? 
Trên đường bôn ba đào tị, một hôm Lục Tổ Huệ Năng thấy hai chú tiểu cãi nhau về chuyện ''gió động, phướn động''. Lục Tổ hòa giải bằng cách bảo rằng gió không động, phướn không động, chỉ có tâm động. Tâm không động nữa thì gió không lay mà phướn cũng không bay. Tâm không động nữa là không đưa võng và cũng không để võng đưa, là nằm im mọi chỗ vậy. Phạm Duy viết Thiền Ca vì muốn võng nằm yên, hay vì võng đã nằm yên? Câu hỏi đó không khéo lại trở thành một công án cho chính Phạm Duy... 
Chỉ khi tâm không còn động nữa, võng không còn đưa nữa, không lựa chọn và cũng không để đời lựa chọn cho mình nữa thì hình như người ta mới đạt được cái tràn đầy tròn trịa, hay như Phạm Duy, thấy được cái thật thà gian dối nơi chính người tình tuyệt vời (Thiền Ca 7). Hình ảnh thật thà gian dối tròn trịa tuyệt vời nầy nhắc tôi nhớ đến một ý tưởng tương tự của Hồng Lâu Mộng:
Giả diệc chân thì, chân diệc giả Vô vi hữu xứ, hữu diệc vô... tạm hiểu là lúc giả biến thành chân thì chân cũng là giả; lúc cái vô vi đã an trú thì có cũng là không. Có lẽ Phạm Duy đã thể nghiệm được điều đó nên Phạm Duy mới thấy được người yêu trần truồng đứng bên Ngọc Hoàng Thượng Ðế (Thiền Ca 9). Có lẽ Phạm Duy đã thể nghiệm được điều đó nên Phạm Duy mới nói được tưởng địa ngục đen, ngục sáng hơn đèn và mới hay thiên đường kia cũng tối om (Thiền Ca 9). 
Phật ngày xưa, đang đêm phải ba chân bốn cẳng bỏ vợ bỏ con tìm đường thoát. Không phải Phật đành dứt tình thê nhi để cứu lấy thân như những người được may mắn di tản trước ngày 30-4-75. Phật lìa tình nhỏ để được trọn vẹn với tình lớn. Tình chúng sinh. Từ chối tình riêng thường là bước khởi đầu của quyết tâm vượt biên sang bờ Giác. Kinh nghiệm siêu nhiên của Phạm Duy hình như có hơi khác về điểm này. Chính vì Phạm Duy đã nói Thiền Ca được sáng tác trước hết (để) tạ ơn một người tình (Tựa Thiền Ca). Cũng dễ hiểu thôi với một người hình như vừa đa tình, vừa nặng tình như Phạm Duy... 
Bích Khê từng tả người tình tuyệt vời của mình một cách thật hết chỗ nói:
Nửa trên em là thiên đàng 
Nửa dưới em là hỏa ngục. 
Bởi không thể tách được người tình làm đôi để khi cần phần nào thì dùng phần đó nên yêu phải là nhận cả thiên đàng lẫn địa ngục. Tình yêu tuyệt vời là tình yêu bất nhị, địa ngục cũng là thiên đàng. Ðiều này nhắc tôi nhớ đến một công án không biết ai đã bày ra... Mùa Vu Lan, Phật chạnh lòng nhớ đến người bà con ham làm đảo chánh của Phật là Ðề Bà Ðạt Ða đang thọ hình dưới địa ngục âm ti. Phật bèn dùng thần thông xuống... thăm nuôi Ðề Bà Ðạt Ða. Biết Phật còn thương mình. Ðề Bà Ðạt Ða đã nài nỉ xin thêm Phật vô lượng từ tâm bảo lãnh cho Ðề Bà Ðạt Ða về Niết Bàn với Phật. Ðiều đáng nói là không ai cứu được Ðề Bà Ðạt Ða ngoài Ðề Bà Ðạt Ða vì lý do đơn giản là không ai đã tạo ác nghiệp cho Ðề Bà Ðạt Ða ngoài chính Ðề Bà Ðạt Ða. Phật không nỡ giải thích điều đáng buồn ấy cho người bà con được nên Phật chỉ tìm cách an ủi bằng cách ghé tai Ðề Bà Ðạt Ða nói nhỏ: Bộ Ngài tưởng trên Niết Bàn bao giờ cũng vui lắm sao? 
Bởi Phạm Duy đã thấy địa ngục có khi sáng hơn thiên đàng nên Phạm Duy có làm Thiền Ca vì người tình tuyệt vời thì cũng chẳng có gì phải ngạc nhiên vậy. Hiểu theo nghĩa đó thì Thiền Ca cũng là Tình Ca. Lời ca của một người tình đã từng đi qua tận cùng khổ lụy để thấy được những hư huyễn của cuộc đời, của yêu thương, của đam mê. Thấy để mà có thể an nhiên hát nhỏ khi ta chưa ôm em thì mất em (Thiền Ca 6). 
Mười bài Thiền Ca chỉ có bài 1 và một phần bài 4 là không trực tiếp nói đến tình, dù tình nhỏ, dù tình lớn. Phạm Duy là người nặng tình, nặng nợ mà! Ðiều nầy đã làm cho Phạm Duy không đi vào Thiền như một Thiền giả, không đến với Thiền bằng những hình thức, những ngôn từ, những nội dung cổ điển, kinh viện. Vả lại, hành Thiền mà chỉ lo bám vào hình thức thì có ngày bước hụt, có lúc tẩu hỏa nhập ma. Những đồ đệ vụ hình thức của Khổng Tử ngày xưa đã làm cho Khổng Tử có lúc phải vò đầu bứt tai kêu trời như bộng: Ô hô! Ai tai! Nói đến Lễ ta đâu có nói lụa là, nói đến Nhạc, ta đâu có đòi chiêng trống!
Mấy trăm năm sau, Chúa Jesus cũng lặp lại ý tưởng tâm đạo đó trong Thánh Kinh Matthieu rằng: chớ nên đánh trống thổi kèn khi làm việc thiện. Phật thì cảnh cáo rõ hơn về bệnh hình thức - ngay cả Thiền hình thức, khi Phật nói trong Kinh Kim Cang rằng: nếu dựa vào sắc mà thấy ta, lấy âm thanh mà cầu ta thì tức đã hành tà đạo, khó mà thấy được Như Lai. Có phải Phạm Duy đã đi theo dòng tu không vụ hình thức đó mà vào Thiền khi dùng Tình để đến gần với Ðạo như người ta dùng ghe để vượt biên không? Ðiều đó chỉ có Phạm Duy trả lời được. 
Ðạt được lẽ sắc không của đời, của tình nhưng Phạm Duy hình như chưa dứt được tình, chưa lắng được tâm. Cho nên lời tình trong Thiền Ca quá buồn, một nỗi buồn phảng phất nhưng sâu đậm, man mác nhưng đau nhức. 
Phạm Duy đã đạt đến mức thượng thừa khi hát những cuộc tình đổ nát đau thương không trọn vẹn. Nghìn Trùng Xa Cách, Nước Mắt Mùa Thu, Anh Yêu Em Vào Cõi Chết v.v... Những nỗi đau đó rất sắc, rất nhọn, như mũi kim xuyên thẳng vào tim óc người nghe chứ không tản mạn rã rời như lời tình của Thiền Ca. Lời tình của Thiền Ca làm cho người nghe đau thấu xương tủy nhưng không để lại một vết bầm nào trên da thịt. Ðau nhừ, đau ê ẩm, đau khắp nơi nhưng không vết bầm, vết máu. Phải chăng vì Phạm Duy chưa muốn thực sự nhìn Tình qua con mắt Ðạo như David của Do Thái trong Thi Thiên, như Tô Man Sự của Trung Hoa thời Cách mạng Tân Hợi? 
Nhạc Thiền Ca sáng trong và thanh thoát nhưng lời Thiền Ca lại vụn vỡ não nuột. Không hiểu sao tôi lại cảm như vậy, một cảm nghĩ mà tôi đã không có khi nghe Moon-stone của James McCarty và Luis Cennamo hay Zen của Terry Oldgiels. Có phải vì Phạm Duy chịu quay về với đạo như ''hồn bướm mơ tiên'' nhưng chưa chịu quay lưng với cuộc đời phù thế bầm dập? Có phải Phạm Duy quay về để nghỉ mệt chứ chưa nghỉ chơi, chưa bỏ cuộc chơi? 
Phạm Duy hình như cũng gián tiếp xác nhận điều đó: Bây giờ đã trên 70 tuổi, tôi vẫn còn được đứng chung với anh em trẻ hay già, làm cuộc chiến đấu cho nhân quyền, cho dân chủ, nghĩa là cho sự tự do của con người. (Người Việt, sđd). Nếu quả vậy thì âu cũng là nghiệp dĩ, và với tôi, đó là điều mừng cho làng nhạc Việt lưu vong. 
Mười bảy năm rồi, niềm đau về quê hương vẫn còn sường sượng, chưa chín; niềm hy vọng về dân tộc vẫn chưa đơm hoa kết nụ. Họa hoằn mới có được vài hạt minh châu trong vụn cát bồi, ít nữa là trong làng nhạc. Ngoài ra thường chỉ là những niềm đau suông, những hi vọng hờ, những phẫn hận vờ vịt, những hoài bão giú khí đá diễn đạt bằng ngôn từ ba rọi lừng khừng, chuyên chở bằng những âm ba giả cầy lai căng của những kẻ chủ bại từ trong xương tủy, những kẻ đã quên dòng giống còn nhanh hơn người bản xứ quên được lý do tại sao họ có mặt ở đây. Phạm Duy đã cố vươn lên khỏi tình huống đó bằng Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ, bằng Con Ðường Cái Quan, như một ánh đèn trong đêm đen, như một vì sao lúc trời hừng sáng. Thiền Ca là một cố gắng khác của Phạm Duy trong loại nầy. 
Thành công của Thiền Ca, phần khác cũng nhờ tiếng hát Thái Hiền. Có những tiếng hát tôi chỉ muốn nghe một lần, bởi sợ nghe lần nữa thì bớt say mê, không còn ý vị ban đầu như nỗi lo xa của Hàn Mặc Tử. Lần đầu tôi nghe Thái Hiền là từ hơn hai mươi năm trước qua Tuổi Thần Tiên. Hôm nay tôi lại nghe Thái Hiền hát Thiền Ca. May mắn, khuôn thiêng vẫn còn chiều tôi, cái ý vị ban đầu trong tiếng hát vẫn còn. Thái Hiền không hát, Thái Hiền chỉ nhập thân với lời ca ý nhạc, vẹn toàn như một nhạc sĩ thiên tài nhập thân với cây đàn, một vũ nữ xuất chúng nhập thân với điệu múa. Nét thanh thót của Thiền Ca không có Thái Hiền thì người nghe khó mà được thưởng thức trọn vẹn. 
Cảm nghĩ của tôi về tiếng hát Thái Hiền ở đây, khác hẳn cảm nghĩ của tôi khi nghe Về Miền Trung, Bến Xuân, Nghìn Trùng Xa Cách, Con Ðường Cái Quan... Ai hát cũng được, hát lúc nào cũng được, miễn sao còn nhạc, còn lời. Như một người rưng rưng nghe bản quốc ca khi xa quê đã dài ngày. Bởi những bản nhạc đó đã hòa vào máu huyết thịt xương tôi tự bao giờ không rõ nữa. Tôi chỉ mong, ngày nào đây, Thiền Ca hôm nay - hay những bài nhạc mới khác của Phạm Duy, cũng sẽ cho tôi và những thế hệ sau tôi cái cảm nghĩ đó, cái ước ao cấp thiết đó. 
Hoàng Nguyên Nhuận 
Nguồn: Pham Duy’ Study 2007
Theo https://phamduy.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chùm thơ của Lưu Lãng Khách 15 Tháng Hai, 2023 Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao – trên trời cao/ Chim non ca vang n...