Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Rong ca hay là Phạm Duy viết nhạc như một triết nhân

Rong ca hay là Phạm Duy 
viết nhạc như một triết nhân 
(Bài tựa của nhạc tập RONG CA) 
Nghìn Thu, anh là suối trên ngàn 
Thành sông anh đi xuống anh tuôn tràn biển mơ.
Nhạc Phạm Duy như một dòng suối, mỗi ngày một rộng ra, sâu thêm và lớn lên, không bao chảy ngược lại bến cũ. Từ kháng chiến ca: 
Mẹ lần mò, ra trước ao  
Nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ 
Tiếc rằng ta đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ ...
Qua tình ca:
Ngày đó có em đi nhẹ vào đời  
Và mang theo trăng sao đến với lời thơ nuối 
Ngày đó có anh mơ lại mộng ngời 
Và se tơ kết tóc giam em vào lòng thôi! 
Có con tim nào, đã từng yêu, lại không rung lên với bản tình ca muôn thuở này? 
Ðến tâm ca:
Ðể lại cho em một bãi sa trường... 
Nhưng em thương anh, cho súng phải thở dài 
Nhưng em thương anh, cho tàu bay khóc với  
Nhưng em thương anh, cho lựu đạn im tiếng  
Nhưng em thương anh, cho đường vũ khí qua tim... 
Nhà sư Nhất Hạnh đã phải khóc với tâm ca. 
Nhạc Phạm Duy, tự nó đã có âm điệu rung động và lời ca gợi cảm đến độ như soáy vào lòng người, không cần bình giải, không cần tô son điểm phấn. Nhưng tới rong ca, suối nhạc Phạm Duy đã thoát ra tới biển khơi nên đã mông lung vời vợi. Không biết Phạm Duy sáng tác rong ca với ý thức hay tiềm thức, với kiến thức suy tư hay với cảm xúc mặc khải mà rong ca đã bao hàm các mối quan hệ giữa Người với Trời (Phật, Chúa), giữa Người với cõi Không (Lão), giữa Người với Người (Khổng) trong xã hội (Chính Trị), giữa Người với Thiên Nhiên, Vạn Vật (Trang). Rong Ca đã xúc tích đến độ nếu chỉ nghe thoảng qua âm điệu và lời ca, không thể thấu triệt ngay được ý nhạc tuyệt vời của thiên tài Phạm Duy, một quốc bảo của Việt Nam, một nghệ sĩ vĩ đại của thế kỷ 20. Bài viết quê mùa này chỉ coi như một trong muôn ngàn tiếng vọng lại để diễn ý bức thông điệp thế kỷ của nhạc sĩ-triết-gia Phạm Duy, hay như một chén trà khai vị cho những ai muốn thưởng thức rong ca. 
Bước thứ nhất của rong ca là một ballade nhan đề Người Tình Già Trên Ðầu Non hay là Hóa Sinh. Chữ già và chữ non gợi lại câu ca dao: 
Trăng bao nhiêu tuổi trăng già 
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non...
Ðời người trăm năm đã là già, núi non cả hằng triệu năm vẫn còn non. 
Gần đây, nhất là từ mùa Thu 1986, Phạm Duy không còn hứng thú sáng tác nên quay sang làm công việc thu vén các tác phẩm của mình để làm thành cuốn tuyển tập nhan đề Ngàn Lời Ca. Và sau đó Phạm Duy đột nhiên thấy lòng mình trống trải, cô đơn khủng khiếp:
Mặt trời lên, rồi chết dưới chân mây
Hoa đang tươi chợt héo hắt trong ngày... 
Ðã nghe nhịp sống, ới ơ đìu hiu. 
Ðã nghe gần gũi nhạc thiều âm ty... 
(trích bài Tình Thu) 
Cuối Ðông 1987, bỗng nhiên một niềm hứng khởi trở lại với Phạm Duy như thể vừa được nghe tiếng người tình cũ sau mấy chục năm vắng lặng; như thể giọt nước mắt Mỵ Nương đã rơi vào chén ngọc, trái tim của chàng Trương. Tác giả bớt hãi hùng, cô đơn, tự vực mình dậy, vững bước chân đi... vì biết rằng Phạm Duy vẫn còn đó với nỗi buồn. Thế là rong ca ra đời và tuyển tập Ngàn Lời Ca được thêm phụ trương Ngàn ''Lẻ'' Lời Ca. Nhưng người tình cũ nay đã hóa sinh: ... thành người tình đang trẻ ngây 
Sẽ đứng lên mê say từng ngày (hay từng tháng) 
để cùng tác giả bước qua thế kỷ 21: 
Người hẹn người leo thế kỷ chơi... 
Với người tình vừa mới hóa sinh, tác giả mê say trên lưng đồi phơn phớt cỏ nâu (hay cỏ hồng), cúi xuống thật gần để hôn vội bông hoa, để nghe thêm suối reo trong hang rì rầm và nghe tiếng em thì thầm (trong động Hương Tích hay Hương Tâm gì đó). Phạm Duy tưởng mình thành nắng mùa Xuân hay thành cây mùa Ðông cũng như Trang Tử thấy mình hóa bướm:  
Người từng là nắng mùa Xuân 
Ðã dắt em đi trên đường trần 
Ðã vuốt ve em trong Hạ mềm 
Rồi lạnh lùng Thu đến lìa em... 
Người trở thành cây mùa Ðông 
Lá úa rơi vun cao cội nguồn 
Nhưng cuối bước đi trăm năm một lần 
Ðầu cành khô bỗng hoa nở tràn...
Ðã đành lá úa là phải rụng về cội nhưng cái quan trọng là làm sao để hoa vẫn nở rộ trên những cành khô. Sự chết chỉ có ý nghĩa khi được tiếp diễn bằng sự sống. Với bài rong ca Người Tình Già Trên Ðầu Non, Phạm Duy đã vắt nhựa sống của đời mình cho thế hệ mai sau.  
Tình khúc Hẹn Em Năm 2000 là bước thứ hai của rong ca. Bài này nói tới thân phận nước Việt Nam và người Việt Nam trong thế kỷ qua. 50 năm đầu toàn dân xúm lại đánh đuổi ngoại bang để giành Ðộc Lập Tự Do, tưởng rằng nửa thế kỷ sau sẽ được rảnh rang để xây dựng tình yêu. Ai ngờ 50 năm sau lại chỉ là 50 năm chia rẽ, oán thù, đầy đọa nhau giữa người Việt ở hai miền, khiến cho lỡ dở bao nhiêu cuộc tình, khiến cho chính tác giả cũng không có thời giờ cho cuộc tình đẹp nhất đời mình: 
Từ ngày đi, theo cuộc tỉnh mê 
Trăm năm nhỏ bé, trăm năm bộn bề ... 
... để rồi phải ngậm ngùi, nghìn trùng xa cách: 
Ngày xưa đó, chia tay vội vã 
Trăm năm rộn rã, say sưa một mùa. 
Nào ngờ đâu, trong cuộc được thua,  
Trăm năm vật vã, trăm năm hận thù... 
Thời tìm tự do, nửa đời sương gió 
Nên mau tóc ngà, con tim sớm già. 
Một nửa đời sau, tưởng là châu báu 
Nhưng xương máu nhiều, bao vây sớm chiều. 
Còn gì đâu cho một tình yêu  
Vì không muốn rạch trái tim hồng ném xuống làm chấn động ao thu, tác giả phải nén lòng chịu câm nín để họa chăng gặp lại người yêu dưới nấm mồ hay phải chờ thêm 10 năm nữa cho đủ con số 40 năm ước hẹn: 
Hẹn Em nhé, năm 2000 sẽ 
Hai bên cửa hé 
Cho anh trở về... 
(Sống với em yêu của anh).
Như một người tình muôn thuở, Phạm Duy muốn hỏi tất cả mọi người rằng: Trăm năm lầm lỗi sắp qua có thể là bài học tốt cho trăm năm sắp tới của thế kỷ 21 hay không? 
Ðược gọi tên: thế kỷ nào đây? 
Trăm năm tình ái hay trăm ngậm ngùi? 
Bước thứ ba là Mộ Phần Thế Kỷ. Nếu thế kỷ thứ 8 là thế kỷ của Ðường Thi, một đỉnh cao của nền Thi Ca nhân loại với Lý Bạch, Ðỗ Phủ và từ thời kỳ Phục Hưng đến thế kỷ 19 là thế kỷ của Nghệ Thuật với Leonardo de Vinci, Rembrand, thế kỷ của Âm Nhạc với Mozart, Beethoven thì thế kỷ 20 này phải là thế kỷ của kỹ thuật và chiến tranh. Thế Chiến thứ nhất đã mở đầu thế kỷ. Thế Chiến thứ hai đã chấm dứt vào khoảng giữa thế kỷ. Trong bài Mộ Phần Thế Kỷ này, Phạm Duy muốn chôn đi những điều buồn của thế kỷ này, chẳng hạn những cuộc thế chiến:  
Một trăm năm đã gần xong 
Anh bình tâm đi lượm xác trên đường 
Những xác úa một thời 
Có bóng dáng triệu người 
Phiêu diêu nơi Thế Chiến Một, Thế Chiến Hai... 
Tiếp theo ngay là cuộc nội chiến trong suốt một phần tư thế kỷ: 
Lấy chém giết để giải hòa trong quốc gia... 
Phạm Duy còn muốn chôn đi những xác ướp của các ác chúa, những chủ nghĩa phi nhân và cả những yếu hèn trong Thế Giới Tự Do của chúng ta nữa: 
Những ác chúa từng miền 
Những xác ướp bạo quyền 
Chôn ngay đi, vứt chúng vào hố lãng quên.  
Vứt Phát Xít vào mồ 
Ném Mác Xít vào mộ 
Hãy lấp kỹ cả tội HÈN trong chúng ta... 
Trong mùa Ðông của thế kỷ, Phạm Duy muốn theo người phu đi lượm xác thời qua để vùi sâu trong mộ chung với tấm lòng nhân ái khoan dung:
Người đi trong mùa Ðông 
Ðội khăn tang, mang tình thương, 
Theo người phu đi vùi hết mộ phần  
... để khi mùa Xuân của thế kỷ mới đang tới thì những thây ma tội lỗi xấu xa của quá khứ sẽ: ... tan trong mộ sâu  
Một thây ma mang buồn đau, 
Thế kỷ sau, sẽ dùng bón hoa mầu. 
Xưa kia Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn, trước khi chết, dặn con cháu là sau khi Ngài qua đời, hãy đốt xác lấy tro rắc ngoài vườn cho rau cỏ tốt tươi, lấy xương vùi dưới gốc cây cho lắm hoa nhiều trái. Hồn thiêng sông núi đã rót đầy tâm hồn Phạm Duy, đã tụ lại trong tiềm thức Phạm Duy nên trong gần suốt nửa thế kỷ qua, nhạc Phạm Duy đã khóc cười theo mệnh nước nổi trôi. Cái dân tộc tính thực tiễn đơn giản trong việc tử sinh cũng lại ngẫu nhiên di truyền vào ý nhạc Phạm Duy (khác hẳn với Nehru và Chu Ân Lai, cầu kỳ, kiểu cách, đòi phải đốt xác rắc tro xuống sông Hằng, sông Hoàng). Nên trong bài hát, đến khi: 
Người phu trong chiều buông 
Lòng hân hoan, chôn mộ xong, 
Nghe mùa Xuân đang rộn rã tới gần... 
thì nhạc chuyển sang một âm giai rộn rã vui tươi. 
Nghe bên nấm mồ, 
Có tiếng đàn trẻ nhỏ 
Lưng trâu bé ngồi, 
Ðang cùng nhau hát chơi. 
Mai đây, nấm mồ,  
Một nụ vàng sẽ hé... 
- Hoa ơi, tên gì? 
Có phải hoa hướng dương?  
Cái hình ảnh hoa nở bên mộ đã một lần được nhắc nhở trong bài cổ thi Tọa Phong Hạc Ðình của Từ Dạ. 
Mộ thượng, mai khai, xuân hưu lão 
Ðình biên hạc khứ, khách không hoàn.
Trong Vang Bóng Một Thời, Nguyễn Tuân đã kể lại một cuộc đánh thơ như sau:
... Lá thơ đầu tiên đã ra khỏi miệng túi gấm vẫn khư khư nằm trong tay Mộng Liên. Cả làng chăm chú nhìn và ngân ngợi và ngẫm nghĩ. Cái gì mà: ... thượng, mai khai, xuân hữu lão. Cuối lá thư thả, có sẵn 5 chữ thả viết rất xương kính: TÁI (ngọn ải), SƠN (núi), ÐÌNH (sân), MỘ (ngôi mả), VĂN (sông Văn chảy qua đất Lỗ, quê của Khổng Tử). Cả làng ngâm ''vòng'' thượng, mai khai, xuân hữu lão... rồi đặt tiền vào mấy chữ TÁI, SƠN, ÐÌNH, VĂN. Chỉ có chữ MỘ là không ai đánh cả. Mộng Liên ngồi đánh được một phần ba bài Nam Bình. Thế rồi tiếng bạc nổ... Và cả làng đều ngã ngửa người ra khi đọc rõ lá thư thả là: ''Mộ'' thượng, mai khai, xuân hữu lão - Hoa mai nở trên nấm mồ, xuân lại càng già. Thơ phú thế có giết người không? 
Thế ra, người ta đa sô chỉ đổ xô lại ca tụng cái đẹp, đôi khi chỉ là giả tạo hay giả đạo đức và thường quay đi hay sợ hãi với sự thực gai góc, phũ phàng của cuộc đời. Phạm Duy đã nhìn thẳng vào mình, vào xã hội, vào thiên nhiên, nên đã tình ca lại ngục ca, đã tâm ca lại tâm phẫn ca, đã chiến ca lại bình ca. Ðã nói tới cái tục một cách rất hồn nhiên - còn gì thiêng liêng hơn cái tục? Ðã bỡn cợt với Thần Chết - có ai hối lộ được Thần Chết? Vì Phạm Duy đã sống thật đầy vơi, đã yêu rất miệt mài, đã nhởn nhơ trong vùng tử sinh nên đã nhìn ra bên nấm mồ còn có một nụ hoa hé nở. Trong một buổi hoàng hôn nắng vàng rực rỡ của miền Bắc Cali, cuối Ðông năm 1987, một người bạn tri âm đưa Phạm Duy đến thăm nơi an nghỉ cuối cùng sau này của mình và của người bạn trăm năm, trên một sườn đồi thênh thang hoang vắng. Ngôi Mộ ''đợi chờ'' gối đầu lên ngọn đồi làm nơi ''huyền vũ'' đằng sau cao dày. Hai bên là những dẫy núi chập chùng như ''tay long, tay hổ uốn vòng chiều lai''. ''Minh Ðường'' án trước mặt là cả một đại dương mang tên Thái Bình, sóng vỗ miên man, nước biếc mênh mông... 
Nếu một ngày kia, đôi chim bỏ xứ phải chết mục nơi đất khách quê người thì xác thân vẫn còn được ngoảnh mặt về cố hương qua lớp sóng vỗ êm êm như khuyên con nên trở lại Mẹ yêu, Việt Nam. Giữa những vạt nắng chói chan của buổi chiều hồng, đôi bạn tri âm đã ngả người trên ngọn cỏ mềm để trầm ngâm đến cái sống chết lung linh giữa khoảng trời mây lồng lộng, chan chứa tình âm dương:
Ði qua nấm mồ, sẽ thấy ngọn cỏ mềm 
Cho êm cõi đời, cho tình nhân ngã lên 
Khi trên nấm mồ còn nở rộ bông hoa mới 
- Hoa ơi, tên gì? 
- Hoa Tình Yêu đó em!  
Ngụ Ngôn Mùa Xuân là bước thứ tư của rong ca. Khi cuộc Thế Chiến thứ hai gần kết liễu, các nguyên thủ của Phe Ðồng Minh (nhưng trên thực tế chỉ có Nga, Anh, Mỹ mà thôi) đã ngồi lại với nhau đễ bàn việc chia chác chiến lợi phẩm và áp đặt toàn thế giới vào sự phân chia theo quyền lợi của riêng họ. Tại Hội Nghị Téhéran cuối năm 43 và Hội Nghị Tiền-Yalta đầu năm 44, con bò vàng Roosevelt và con cáo già Churchill đã phải nhượng bộ con cọp dữ Staline về 3 yêu sách sau: 
- Phải công nhận bức màn sắt của Cộng Sản
- Ðông Âu là chư hầu của Nga 
- Nước Ðức phải bị chia đôi. 
Sự chia vùng ảnh hưởng trơ trẽn đến nỗi Churchill đã cảm thấy ngượng ngùng và đề nghị đốt bỏ mảnh giấy chia thế giới theo tỷ lệ bách phân. Nhưng Staline đã lạnh lùng trả lời: ''Không sao, ông cứ tự nhiên giữ lấy''. Sau khi Roosevelt đột ngột từ trần, Truman ngồi với Churchill và Staline trong Hội Nghị Yalta (tháng 2, năm1945) và Hội Nghị Postdam (tháng 7, năm 1945) cũng chỉ để tái công nhận các đòi hỏi trên của Nga. Thế là thế giới được chia làm hai phe theo bề mặt: Tự Do và Cộng Sản, với 2 nước Ðức và tiếp theo đó là 2 nước Trung Hoa, 2 nước Triều Tiên và 2 nước Việt Nam (đầu mối của cuộc nội chiến 30 năm với cái đuôi ngu dốt nghèo khổ và lưu đầy biệt xứ). Nhưng theo chiều sâu thì bên trên là Tư Bản Mỹ và Cộng Sản Nga tháo túng, bên dưới là phần còn lại của thế giới (nhất là các tiểu nhược quốc) bị áp đặt.
Trong bài Ngụ Ngôn Mùa Xuân, Phạm Duy đã ví những quốc gia bị áp đặt (tất nhiên trong đó có Việt Nam) như những thằng mù, thằng câm, thằng điếc. Ðã mù lại còn mù quáng đánh nhau cho nên cả hai bên đều sứt trán bể đầu: 
Có hai thằng mù đánh nhau ngoài ngõ 
Cả hai thằng đều sứt trán, sứt tai.
Ðã câm (tiếng nói không quyền lực) lại còn thích chửi nhau (trên báo chí hay trong bàn hội nghị): 
Có hai thằng câm cãi nhau giữa chợ 
Cả hai thằng đều rát lưỡi, bỏng môi. 
Ðã điếc mà vẫn phải chịu nghe nhạc Tư Bản Mỹ hay nhạc Cộng Sản Nga. Ðó là những chủ thuyết phi dân tộc cho nên có nhồi sọ đến đâu cũng chỉ như nước chảy qua cầu: 
Có hai thằng điếc ngồi nghe nhạc Tầu 
Nhạc Tây, nhạc Mỹ, nhạc Nga... 
Phạm Duy còn ví Tư Bản Mỹ và Cộng Sản Nga như hai thằng mập: 
Có hai thằng mập đánh nhau thì chết! 
Cả hai thằng bèn cất võ khí đi. 
Có hai thằng kia gờm nhau quá độ 
Cả hai thằng bàn ký kết làm ngơ. 
Rồi lại: 
Bắt hai thằng gầy đánh nhau hộ nó... 
Tác giả Anthony Sutton đã viết về cuộc chiến tranh ở Việt Nam: Ngay từ năm 1972, quân đội Bắc Việt đã có rất nhiều xe tăng T-24 của Nga. Xe tăng ấy là loại xe Christie của Mỹ chế biến. Xe vận tải ZIL chạy trên đường mòn Hồ Chí Minh là xe do xưởng của Nga chế tạo bằng máy móc của hãng Mỹ Brandt. Xe lội nước PT-76 của Nga cung cấp cho Hà Nội được chế tạo tại Volvograd là nhà máy do 80 công ty Mỹ dựng lên. Ðó là mậu dịch hòa bình (theo chữ mà Hoa Thịnh Ðốn thường dùng). Mỹ và các nước Tây Phương đã cung cấp kỹ thuật để Cộng Sản mở chiến tranh tại Cao Ly và Việt Nam...
Và Phạm Duy nói tiếp: 
Bắt hai thằng yếu cùng nhau giải hòa 
Bằng xương, bằng máu, thịt, da... 
Ký giả Yoder cũng viết trên nhật báo THE REGISTER (30-91980):
''... Eisenhover đã hoàn thành xuất sắc cái gọi là chiến dịch Koelhaul, cưỡng bách những người tị nạn Ðông Âu trở về chịu sự hà khắc của các chính quyền Cộng Sản, ép buộc 100,000 tù binh Nga phải hồi hương để họ bị Cộng Sản thảm sát. Rồi tới trò thoả hiệp tại Cao Ly năm 1953, phản bội Nam Việt Nam, ép xứ ấy phải đầu hàng tại Hội Nghị Paris 1972, phản bội Trung Hoa Tự Do, ép xứ ấy thỏa hiệp với kẻ thù là Trung Cộng. Và sau hết là các thoả hiệp hạn chế khí giới chiến lược tại Helsinki, Wladivostock, kênh đào Panama. Cái tác phong lừa bịp và phản bội ấy được che kín dưới hình thức gian trá như chính sách ''hòa dịu'' hay ''xích lại gần nhau''...
Vì những áp đặt của hai thằng mập cùng sự xắp xếp quốc tế, Phạm Duy hát tiếp: 
Có khi mù này đánh lui mù đó 
Hả hê về nhà, mắt ốc ngước lên 
Có khi thằng câm thắng cơn cãi lộn 
Hả hê về nhà ú ớ, mừng rên. 
Sự mất miền Nam Việt Nam vào năm 1975, phần lớn là do quyết định phủi tay ở Ðông Dương của Quốc Hội Mỹ và sự hỗn loạn từ nội bộ, đã nhanh chóng đến nỗi làm cho Cộng Sản Bắc Việt sững sờ. Trong một tài liệu dài 20,000 chữ, phổ biến hồi tháng 7, 1975, Võ Nguyên Giáp tiết lộ: ''... Cuộc sụp đổ của chính quyền Saigon đã xảy ra ít nhất một năm sớm hơn chúng ta dự tính''. Và trong tài liệu Ðại Thắng Mùa Xuân dài 40,000 chữ, Văn Tiến Dũng cũng thú nhận: 
''... Một sự nghiệp hoàn thành quá lớn, mau quá. Ðối với ta, phải có một thời gian để tiêu hóa thắng lợi...'' Ðã như thế, họ không biết noi gương tiền nhân (Trần Nhân Tôn, Trần Hưng Ðạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung Nguyễn Huệ): sau mỗi cuộc đổ máu, đều lấy lòng khoan dung với quân thù; sau mỗi chiến thắng, đều lấy đức khiêm nhường soa dịu các nước lớn bại trận; chỉ mong sao mang lại hòa bình cho đất nước, hạnh phúc cho toàn dân. Ðạo của ta thờ Trời ra sao thì cũng kính người như thế, chẳng hề hiếu sát. Lý Thường Kiệt khi phạt Tống đã công bố cùng toàn dân Trung Hoa: ''Chỉ đòi lại đất tổ, không làm khổ lương dân''. Trần Hưng Ðạo, sau khi thắng trận, đã ân xá cho những kẻ lỡ lầm phạm tội phản quốc. Người Cộng Sản Việt Nam tự nhận mình là lương tâm của loài người mà hành hạ đồng bào trong các trại cải tạo cũng như trong các vùng Kinh Tế Mới. Họ tự cho mình là đỉnh cao trí tuệ mà tiếp tục xâm lăng nước nhỏ, gây hấn với nước lớn: 
Có khi thằng mù, gã câm, thằng điếc 
Gác chân, tự đắc, ngồi trong chòi nghèo 
Buồn thiu, mà ngỡ lầu cao!  
Có nghe gì chuyện nước tan, nhà nát! 
Chẳng nghe được gì tiếng khóc, tiếng than! 
Xương máu của hai miền đổ ra trong hai, ba chục năm và còn đang tiếp tục chảy đã mang lại cuộc sống nghèo khổ, tinh thần sa đọa cùng lòng hận thù cho người dân Việt. Ðã có Ðại Thắng Mùa Xuân nên có Ngụ Ngôn Mùa Xuân là như vậy! Nhận xét về Phát Xít, Ðồng Minh và nguyên nhân Thế Chiến II, Winston Churchill viết: 
'' ... Tôi muốn nói với mọi người rằng đáng lẽ thảm kịch Thế Chiến II đã có thể tránh được dễ dàng... Nhưng sự gian manh của kẻ độc ác đã được sự khiếp nhược của những người đạo đức tiếp tay... Chỉ vì muốn cầu an nên người ta đã chọn sự lừng khừng và sự lừng khừng ấy đã trực tiếp đưa tới đại họa.''
Sau năm 1943, thái độ khiếp nhược cầu an của Tây Phương trước mưu đồ xích hoá hung hãn của Cộng Sản đã đưa tới các thảm hoạ liên tiếp cho nhân loại. Xe tăng và lính Nga đã tàn sát nhân dân Ðông Ðức tại Ðông Bá Linh năm 1953, nhân dân Hung Gia Lợi tại Budapest năm 1956, nhân dân Tiệp Khắc tại Prague năm 1968. Cộng Sản Việt Nam đã cũng chiếm miền Nam năm 1975, xâm lăng Cao Mên năm 1978. Rồi Nga Xô trắng trợn xua quân chiếm A Phú Hãn năm 1979. Trước những bạo hành và tang tóc đó, thế giới Tự Do chỉ ầm ừ phản đối lấy lệ, mặc cho Nước Mắt Saigon và Giọt Lệ Kaboul (tựa đề sách của Phạm Kim Vinh) tiếp tục chảy: 
Có đâu nhìn ra mầu khăn góa phụ! 
Làm sao nhìn được mắt bồ mồ côi?... 
Bịt tai, bịt mắt, (chúng) lặng câm... 
Cuối cùng, từ đầu non, Người Tình Già Phạm Duy đã phải: 
... ghé chơi một chuyến 
Vào khi tàn rồi, cái cũ bách niên... 
Bỗng đâu Người Tình ghé tai người điếc
Nói chi chẳng biết, mà nghe dịu dàng... 

Ðiều mà Người Tình Muôn Thuở đã nói là một thông điệp Tình Yêu:
Tình Yêu đây là khí giới 
Tình Thương đem về muôn nơi 
Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người. 
(Trích bài Việt Nam Việt Nam)  
Nhưng tại sao Phạm Duy lại chỉ ghé tai nói nhỏ với người điếc mà thôi? À, vì có thể Phạm Duy e mấy người mù lòa văn hóa và chính trị lại giẫy nẩy lên rồi chụp mũ lung tung vì họ không nhớ ra rằng nhạc Phạm Duy thường có phản đề: 
Muốn cứu cả triệu người... 
... Tôi phải giết triệu người. 
(trích bài Nhân Danh) 
Ðó là cái giết hàng vạn quân Mông Cổ của Hưng Ðạo Vương mà Ngài vẫn không hề phạm giới sát sanh, vì thủ phạm chính là Ðế Quốc Nguyên Mông. Nếu chúng không xâm lăng nước ta, tàn sát dân ta thì đâu có đụng phải cọc trên sông Bạch Ðằng? Lão Tử hơn 2000 năm, Chúa Cứu Thế gần 2000 năm trước, đã nói: K ẻ nào chơi gươm sắc, sẽ chết vì gươm sắc. Nghe ra như vậy:  
Làm cho người mù mắt sáng bừng lên. 
Ðã trông được thời bách niên đổi mới, 
Ðã nghe được lời sáng suốt bên tai,  
Ðã không còn câm và im tiếng gọi, 
Ðã nói được lời vói tới tương lai 
Ðã ra được ngoài cõi tim tù tối 
Ðã trông được những đường đi, nẻo về ... 
Và: 
Ðời hai nghìn năm vừa sang... 
Phạm Duy đã viết Ngụ Ngôn Muà Xuân với ý thức cao về chính trị.  Mẹ Năm 2000 là bước thứ năm của rong ca. Bên cạnh Người Tình, Mẹ là nhân vật được xưng tụng trải dài trong nhạc Phạm Duy. Bên ngưỡng cửa thế kỷ, rong ca không thể thiếu bóng dáng người Mẹ được. Nhưng lần này, Phạm Duy không đưa ra những mẫu Mẹ lý tưởng mà trước đây chúng ta thường vẽ ra, trong hiện sinh và trong biểu tượng, như Mẹ Nữ Oa, Mẹ Âu Cơ, Mẹ Tiên của Rồng, Mẹ chiến sĩ của kháng chiến, Mẹ Gio Linh, Mẹ Phù Sa... Mẹ của chúng ta trong những năm 2000 cũng không còn có thể là Mẹ riêng của từng người, từng nhóm như Phật Bà, Mẹ Kính Tâm hay Mẹ Maria được nữa. Mẹ Việt Nam bây giờ chính là bầy trẻ thơ, em gái ở trong nước, đang lớn lên để trở thành Mẹ, nhưng đang thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu học hành, thiếu tự do, thiếu an ninh, thiếu tình thương, thiếu tương lai... đang phải sống trong căm thù, trong rình mò, sống trong giành giật, tranh nhau để sống, sống với bản năng thấp kém nhất của con người:  
Mẹ bây giờ là trẻ thơ, em gái 
Thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu học hành
Ðời thiếu an ninh, tình yêu cũng thiếu 
Mở mắt nhìn nhau, chẳng thấy mai sau...
Mẹ Việt Nam còn là những bé gái hiện nay đang sống ở nước ngoài, nhưng đã quên tiếng mẹ đẻ, đã thay tên đổi họ, có thể sẽ trở thành những mẫu Mẹ Tây hay Mẹ Mỹ trong tương lai: 
Mẹ bây giờ lạc loài trên thế giới 
Việt Nam là gì, giảng nghĩa cho coi 
Mẹ quên tiếng nói, tên họ đổi thay 
Cuối thế kỷ này, Mẹ sẽ hai mươi... 
Phạm Duy như một nhà giáo dục, hay một nhà xã hội học, đặt vấn đề: Chúng ta, ngay bây giờ, phải làm gì cho Mẹ Việt Nam của những năm 2000 đây? 
Mẹ đang đi vào cuộc đời đang tới, 
Mẹ đang đi vào thế kỷ ngày mai, 
Sinh con anh hùng, người hiền nhân ái? 
Hay sinh kẻ hèn, bạo chúa vô loài???  
Nếu Hẹn Em Năm 2000 là tình khúc hẹn hò với người tình cũ thì Nắng Chiều Rực Rỡ là tình khúc để mường tượng những chiều ái ân với người tình trẻ ngây, vừa mới hoá sinh, bên bờ mép đồi hồng của đời mình hay trên bãi biển hoàng hôn của thế kỷ. 
... Thế kỷ này đang trong nắng ban chiều 
Cho lòng người bâng khuâng nhớ nhau
Trước cửa vào trăm năm rất xa vời 
Trong chiều đời, yêu nhau rất lâu... 
Cuộc đời của Phạm Duy chẳng có gì phải dấu diếm, như thể chỉ được che đậy bằng một tấm kính trong suốt khiến cho mọi người có thể thấy rõ ràng chi tiết. Con người của Phạm Duy quá hồn nhiên như cây cỏ. Phạm Duy yêu mình, yêu người, yêu cuộc sống và yêu cả cái chết: 
Chớ buồn gì, trong giây phút chia lìa 
Khi chiều về, lung lay trúc tre... 
Chớ buồn gì, khi tan nắng, đêm về 
Cho thuận đường âm dương bước đi... 
Phạm Duy là con người nghệ sĩ hay vạch lá tìm hoa, bới bèo ra sen. Trong buổi chiều đời của mình mà vẫn thấy nắng chiều hồng tươi hơn nắng trưa chứ không chạng vạng như thứ nắng chiều của Phan Khôi: 
Từng vạt nắng ấm êm 
Còn là bao ước nguyện 
Ước nguyện thầm cho đôi lứa ân cần 
Nuôi thật dài hoàng hôn ái ân 
Ước nguyện rằng khi đêm chết chưa về 
Nắng chiều hồng tươi hơn nắng trưa... 
Không giống lão tiều phu trong ngụ ngôn La Fontaine: rất chán đời, không muốn sống nữa nhưng khi Thần Chết đến rước đi, lại run sợ... và chỉ xin Thần Chết đỡ dùm bó củi lên lưng để tiếp tục kéo lê cuộc sống buồn thảm. Phạm Duy rất yêu đời, dù chỉ còn sống một ngày, cũng cố vui muôn nỗi vui: 
Chớ lịm người, nghe anh sắp qua đời 
Anh chỉ còn bên em chút thôi 
Nếu phải lìa xa nơi thế gian này 
Còn một ngày, vui muôn nỗi vui... 
Và rất thong thả, thản nhiên, chờ đợi cái chết:  
Nắng còn nắng lê thê 
Thì đêm ơi, vội gì? 
Nắng còn nắng bao la 
Thì xin đêm đợi chờ! 
Trong những bài rong ca vừa bàn ở trên, tác giả đã: 
* Tái nhập thế hay tái hạ sơn với Người Tình Già Trên Ðầu Non; 
* Hẹn gặp lại cố nhân trong tình khúc Hẹn Em Năm 2000; 
* nhặt xác thời qua để mang chôn với hy vọng những hoa cỏ tốt tươi sẽ mọc lên trong bách niên tới với Mộ Phần Thế Kỷ; 
* Giải hóa các chuyện mù, câm, điếc hay giả mù, giả câm, giả điếc trong thế kỷ qua bằng Ngụ Ngôn Mùa Xuân; 
* Đặt vấn đề nuôi dạy các bà Mẹ Việt Nam tương lai cho thế kỷ mới trong Mẹ Năm 2000;  
* Dành chút nắng chiều của đời mình trong buổi hoàng hôn của thế kỷ cho cuộc tình mới hóa sinh trong tình khúc Nắng Chiều Rực Rỡ.
Và bây giờ thì tác giả ôn lại đời mình rồi sẵn sàng giã từ trái đất để đi vào cõi lớn với Rong Khúc: 
Từ cõi xa xôi, muôn ngàn thế giới.... 
Anh đã hân hoan ghé qua cuộc đời 
Cuộc đời trần gian 
Chỉ có trăm năm...  
Phạm Duy luôn luôn tự nhận mình là người hát rong, dành cho chữ ''rong'' (nôm na) ngôi vị quan trọng một cách không ổn về pháp ngữ (ghép danh từ kép) nhưng lại ngộ nghĩnh độc đáo như rong khúc, rong ca. Có lẽ cũng do bản chất nổi loạn và tính ngông cố hữu của tác giả: 
Anh đã rong chơi khắp miền hoang dã 
Anh đã đi qua bốn bể gần xa 
Êm ái rơi theo tuyết miền băng giá 
Hay cuốn bay theo gió sa mạc già... 
Con người hiếu động của Phạm Duy được tự thuật một cách trung thực: 
Chân đã tung tăng khắp nẻo đường đời 
Anh đã cho anh sống thật đầy vơi... 
Ba chữ yết hậu của ba đoạn rong khúc: Ở nơi dương thế mặn mà (đoạn I); Ở nhịp trần gian quay cuồng (đoạn II); Và lộ trình ta miệt mài (đoạn III)... là ba đặc tính của Phạm Duy. 
* Mặn mà: Thái Thanh cho biết lý do thích hát nhạc Phạm Duy vì nhạc Phạm Duy nồng nàn, mặn mà, nói hết, mở hết, cho hết, không e dè, ngập ngừng, che dấu... Nhạc Phạm Duy như một khung trời rộng mở để con chim Thanh thẳng cánh vẫy vùng.  
* Quay cuồng: Phạm Duy, theo nhịp trần gian, quay cuồng: lên đạo ca, xuống tục ca - lên mẹ ca, xuống bé ca - vào tâm ca, ra vỉa hè ca. Ai theo kịp cái đong đưa của nhạc Phạm Duy sẽ hưởng được cái thú vị của cuộc đời muôn hình muôn vẻ. 
* Miệt mài: Phạm Duy đã miệt mài sáng tác ngàn ''lẻ'' lời ca: Vĩ đại là thế, với âm điệu phong phú: thiên tài là thế, và đầy ắp tình tự dântộc: hồn nước là thế, quốc bảo là thế!
Chữ em trong bài Rong Khúc là ngôi thứ hai chỉ người tình, người thân yêu, bạn tri âm, đồng bào, quê hương cùng vạn vật thiên nhiên: lưỡi cần câu, tầu con ngựa, nhựa cây sung, chùa ông bụt, bút học trò và mo cây cau... 
trong những tình ca hay bé ca. Bây giờ, Phạm Duy muốn hiến dâng trọn con tim mình cho tất cả, cho bớt mông mênh cõi sinh mệnh buồn: 
Ðã chót đưa Em tới nguồn yêu dấu 
Anh cũng theo Em bước vào khổ đau 
Khi thấy ai trong cõi trần khô héo 
Anh đã dâng cho trái tim nhiệm mầu... 
rồi cuối cùng:
Thôi nhé, cho anh giã từ trái đất  
Anh đã nghe vang tiếng gọi càn khôn 
Nhưng nếu Em yêu muốn vào cõi lớn 
Anh sẽ cho Em dắt tay lên đường... 
để đi vào không gian, không thời gian: 
Một đường hành tinh đi thăm những Thái Dương 
Anh dắt tay Em đi vào Ngàn Mai (tương lai)  
Anh khoác vai Em bước về Ngàn Xưa (quá khứ)  
với ý niệm vô ngã hay phi ngã: 
Ta sẽ quên như có mình nơi đó 
Ta sẽ quên như có Ta nơi này... 
Xưa kia, Nguyễn Du than thở:
Bất tri tam bách dư niên hậu 
Thiên hạ hà nhân khốc Tố Như? 
Nay Phạm Duy hứa sẽ quay lại với những ai còn yêu mến mình:  
Nhưng nếu mai sau, ai gọi Người Tình 
Anh sẽ quay lưng bước về nẻo xanh... 
Bài Rong Khúc đã kết thúc loạt ''thế kỷ ca'' hay ''hát cho năm 2000''. Ba bài kế tiếp là ''triết ca'' gồm: 
Nghìn Thu hay Vô Hư (Tôn Giáo: Thiền và Dịch);  
Ngựa Hồng (Khổng-Lão);  
Trăng Già (Trang). 
Nếu Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu là người đầu tiên gọi trăng là chị và xưng mình là em: 
Ðêm thu buồn lắm Chị Hằng ơi 
Trần thế em nay chán nửa rồi... 
thì trong bài Trăng Già, Phạm Duy là người đầu tiên gọi trăng là em. Họ Phạm còn ngông hơn nữa, dám đo tuổi so tình với trăng: 
Ta già như Trăng, Ta già như Em 
Hỡi Em Trăng Già, Em vẫn sáng êm... 
Trăng ơi, Trăng ở một mình 
Thì ta cũng sống một mình như Trăng... 
Rồi nhận đại trăng là người tình của mình: 
Một mình như Trăng, cô quạnh như Em 
Hỡi Em Trăng Tình, Em sáng lung linh...
Và tán tỉnh em ''trăng tình'' là vẫn còn đương tơ: 
Ðá, Trăng bao tuổi, Ðá, Trăng mới già  
Mà sao ta thấy Trăng tà, cũng như Ðá già 
Vẫn còn đương tơ, vẫn còn trơ trơ 
Giữa nơi ta bà hay đối với ta...  
Trịnh Công Sơn có nhắc tới đá trong hai bài. Tuổi Ðá Buồn: chỉ có cái tên như vậy nhưng trong suốt bài hát không có một lời nào về đá. Rồi Như Ðá Ngây Ngô: người nghệ sĩ tài hoa họ Trịnh nhắc tới đá một cách vô tình và cũng rất ngây ngô chỉ trong câu chót của bài hát: 
Ðôi khi bước qua phố xưa lòng tôi nhớ 
Ðôi khi thấy trăm vết thương rồi như đá ngây ngô... 
Trong cuộc đời, Phạm Duy đã đi nhiều ngày đàng hơn Trịnh Công Sơn cho nên đã nhìn ra được cái lồng lộng nguy nga của đá, đã cảm thấy được cái tình đá buồn sâu xa, đá buồn long lanh: 
Ðá bao nhiêu tuổi đá mòn 
Mà sao ta thấy Ðá buồn, Ðá long lanh buồn 
Ðá buồn như ta, Ðá buồn sâu xa 
Ðá ơi, tuy buồn, Ðá vẫn nguy nga. 
Trong một chuyến du ngoạn nước Nhật Bản, Phạm Duy đã bàng hoàng khi bước chân vào một vườn đá (Ishi No Niwa, có nghĩa là thạch viên). Chỉ có một số đá với mầu sắc hình dáng khác nhau, được xếp đặt theo nghệ thuật cổ truyền trên một mảnh vườn sỏi vắng lặng mà gây được ấn tượng trận thần phong lịch sử xa xưa đã nhận chìm toàn đội thuyền xâm lăng của Mông Cổ.
Gần đây trong một chuyến đi thăm khu rừng hóa đá (petrified forest) tại thung lũng Napa, gần Thành Phố Cựu Kim Sơn, Phạm Duy đã bâng khuâng hàng giờ với những tảng đá im lìm mà xưa kia là những cây cổ thụ hoa lá xanh tươi: 
Kiếp xưa cây ở dưới rừng, 
Hỏa Sơn đi xuống đốt từng núi non 
Núi non cây rừng... 
Cây còn tươi xanh hay già trăm năm 
Hóa sinh ra thành tảng đá im lìm... 
Những tảng đá im lìm đó đôi khi cũng lên tiếng thở than tình tự. Trần Văn Khê, một nhà dân tộc nhạc học đã tâm sự với đá trong một thiên khảo luận về đàn đá (thạch cầm) mới tìm được tại vùng Khánh Sơn thuộc tỉnh Nha Trang như sau:  
Trần Văn Khê: Chẳng biết đàn năm nay đã bao nhiêu tuổi và ai đã tạo ra đàn?          
Ðàn đá Khánh Sơn: Nhớ thế nào được, ta cốt là đá, hóa kiếp thành đàn từ xửa từ xưa, không biết về đời nào, cũng chẳng nhớ ai đã tạo ra ta. Ta ở trong lòng đất tối om, im hơi lặng tiếng đã bao đời, làm sao biết được tuổi của ta...
Cảm xúc với những âm thanh của đàn đá Khánh Sơn mà Trần Văn Khê cho là một thạch cầm hay nhất hoàn cầu, Nguyễn Văn Tý đã làm một ca khúc trữ tình tựa là Âm Vang Ðàn Ðá
... Trong lòng đá còn vương băng giá 
Ðá theo ai tìm ánh lửa thiêng 
Ðá rung lên những tiếng đầu tiên 
Ðá quên đi nỗi sầu triền miên 
Ðá say sưa mơ ước tình duyên...
Ðời chỉ là một giấc mơ dài thì sao ta không thể mơ tới một ngày bầy chim bỏ xứ trở về cố hương, làm nhà tranh dưới chân núi, múc nước suối pha trà rồi gối đầu lên đá nằm ngắm trăng sao, nghe vọng bên tai khúc tình ca Phạm Duy hòa với đàn đá Khánh Sơn, trống đồng Ngọc Lữ cùng với tiếng cồng Cao Nguyên, nhịp mõ thôn dã ngân nga vang dội rừng núi bạt ngàn mà tưởng như hồn thiêng sông núi còn phảng phất trong kiếp này hay tới kiếp sau: 
Ðá nằm nghe ta, hát vọng Trăng cao 
Hát trong kiếp này hay hát trong kiếp sau. 
Trang Tử đồng hoá mình với con bướm, chim bằng. Phạm Duy đi sâu hơn vào thiên nhiên, vạn vật, cảm thông với trăng, với đá.
''Triết ca'' thứ hai của Phạm Duy là bài Ngựa Hồng. Nếu người Tình và bà Mẹ luôn luôn ngự trị trong nhạc Phạm Duy thì những con ngựa hồng, ngựa vàng cũng đã cất vó trong nhạc Phạm Duy. Vào đầu thập niên 40, trong Chinh Phụ Ca: 
Ngựa hồng âu yếm bước sang 
Trên lưng có chàng trai tráng 
Mang theo biết bao nhiêu ngày vàng... 
Qua thập niên 70, trong đạo ca Ảo Hóa hay là Chàng Dũng Sĩ Và Con Ngựa Vàng: 
Chợt con ngựa cũ thân yêu hóa thành người yêu!... 
Ngựa vàng đã hóa thân là người yêu muôn thuở 
Ngựa vàng đã hóa thân là người vẫn hằng mơ...
Tới thập niên 80 trong rong ca, chuẩn bị bước sang thế kỷ 21: 
Ngựa Hồng xưa kia oai phong tuấn mã 
Ði trong vinh quang...  
... Như ngựa thần của Phù Ðổng Thiên Vương, sau khi phá tan giặc Ân ngoại xâm, mang lại độc lập thanh bình cho quê hương, tự do hạnh phúc cho dân tộc, không màng tới công danh phú quý, rũ bỏ yên cương, cất vó thong dong lên núi: 
Bờm ngựa tung bay trong cơn gió sớm 
Ðuôi cong vung lên trong chiều khói lam... 
Nhưng ngày nay có nhiều con ngựa đã hơn một lần cùng bậc chinh nhân bách chiến nơi sa trường đời lại còn ham mùi danh lợi kiệu vàng, xe loan: 
Ngựa dù hôm nay đeo yên gấm vóc  
Hay đưa xe loan cũng là kiếp nô 
Kiệu vàng trên lưng, nhưng đôi mắt đã che ngang  
Bơ vơ trên đường nhấp nhô...  
đến nỗi phải chịu: 
Từng ngọn roi đau tàn bạo 
Từng gò dây cương nghẹn ngào 
Một hàm thiếc khóa miệng vào 
Cuộc đời lao đao của kẻ vong thân 
Khiêng voi, cõng rắn trên lưng... 
Nhiều kẻ đã từng đánh Ðông dẹp Bắc rồi chỉ vì tham miếng đỉnh chung, đã rước voi về dày mồ, đã cõng rắn cắn gà nhà mà không hay. Con ngựa rừng Phạm Duy: 
Ðộng lòng thương cho đồng loại 
Nồng nàn hí tiếng mời gọi... 
... tất cả các con ngựa đồng bào đang: 
Khiêng bao nặng nề trên lưng, 
Vó bước phong sương ngập ngừng... 
... long đong, trụi bờm, se lông 
Cong lưng, vó bước mông lung... 
hãy:
Quay lưng đưa chân đá vỡ yên cương 
Thong dong lên đường thoát thân. 
Cỏ nội xanh tươi thơm tho đón gió 
Sương rơi trên muôn hoa ngàn ngát hương.. 
Cách đây gần 2000 năm, Chúa Cứu Thế đã cảnh cáo: Người giầu muốn vào nước Thiên Ðàng còn khó hơn lạc đà chui qua lỗ kim. Bây giờ Phạm Duy, giáp tuổi thất thập, đã ngộ được cuộc đời, đã thấy mọi sự đều thong dong nhẹ nhàng kể cả việc chui qua lỗ kim nếu ta biết rũ bỏ mọi sự vương vấn, mọi tình vấn vương để cùng con ngựa già Phạm Duy: 
… Vươn lên phi qua lỗ bé trôn kim 
Thong dong đi vào cõi không... 
Ngựa hồng nhập thế, làm tròn bổn phận với đời như một Khổng Tử. Ngựa hồng thoát tục, nhẹ nhàng đi vào cõi không, như một Trang Tử. Phạm Duy viết bài Ngựa Hồng như một người hiền.
Bài ''triết ca'' thứ ba là Nghìn Thu hay Vô Hư mở đầu bằng mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Nếu hình hài con người ''tiểu thể - tiểu vũ trụ'' chỉ là một hạt bụi trong thiên nhiên ''đại thể - đại vũ trụ'' thì linh hồn con người ''tiểu linh quang'' chỉ là một giọt nước trong đại dương ''đại linh quang''. Nếu ta đóng chặt cửa lòng để sống với cái bé nhỏ tí tẹo của mình thì chẳng khác chi chiếc lá khô sẽ mau rụng khỏi cành. Nếu ta mở tung cánh cửa tâm hồn để đi vào cõi lớn thì: 
Nghìn Thu, anh là suối trên ngàn  
Thành sông anh đi xuống  
Anh tuôn tràn biển mơ 
Nghìn Thu, em là sóng xô bờ 
Vào sông em đi mãi 
Không bao giờ biển vơi... 
Mục đích của tôn giáo là sự thông công giữa con người tiểu thể - ở đây là con suối - và Thượng Ðế đại thể - ở đây là biển mơ. Phật tại tâm, Chúa ở trong lòng ta và ngược lại, con người tu hành đắc đạo sẽ đi vào cõi Niết Bàn hay Thiên Ðàng.
Phạm Duy đã từng gọi Mẹ Việt Em là Nàng, Trăng Già là Em, bây giờ lại gọi Biển Vũ Trụ là Em. Thế mới là ngộ, là thoát. Khổng Tử nói: Ðạo người quân tử bắt đầu ở tình phu thê. Trong Kinh Ước, Chúa Cứu Thế khuyên các môn đồ: Các ngươi phải tỉnh thức chờ ta đến như nàng dâu chờ chàng rể. Thánh Thi trong Kinh Cựu Ước cho phép loài người gọi Thượng Ðế là Người Yêu, là Chàng: 
Người tôi yêu đã vô đồng cỏ 
Chăn cừu non hái bó hoa tươi 
Tôi yêu chàng, chàng yêu tôi 
Giữa đồng huệ nở, chàng coi chiên mình 
(Ðào Mộng Nam dịch Thánh Thi) 
Phần còn lại của bài Nghìn Thu là một toát yếu của Kinh Dịch:        
Em là cõi trống - Anh là nơi vắng là: vô cực.        
Tình ra ánh sáng - Tình về tối đen là: lưỡng nghi (âm, dương).        
Nghìn Thu, anh là đã em rồi - Và em, trong muôn kiếp, em đã  ngồi ở anh là tứ tượng: Anh (thiếu dương) là đã em (thái âm) rồi.        
Em (thiếu âm) đã ngồi ở anh (thái dương). 
Ðây là văn minh nhịp tư tìm thấy cái người ở trong ta, cái ta ở trong người.  
Ðể mà... 
... Thương người như thể thương thân  
(Gia Huấn Ca - Nguyễn Trãi) 
Cũng là lòng từ bi hỉ xả, là đại nguyện: 
Muôn loài như sương rơi 
Xin làm hoa trắng đỡ 
Hoa yêu sương chẳng rời 
Hoa yêu sương tuyệt vời. 
Muôn loài như cát trắng, 
Xin làm dòng nước trong 
Ra trùng dương tím mát 
Cát sông vẫn nguyện lòng... 
(Phạm Thiên Thư viết Kinh Phật) 
Ngược lại với chủ nghĩa nhịp đôi, dựa trên mâu thuẫn chỉ đưa đến chiến tranh hủy diệt hay như hai đường thẳng song song không bao giờ gập nhau, không bao giờ thành công, họa chăng ở vô cực, ở ảo tưởng. Trong bài Nghìn Thu cái tuyệt của Phạm Duy là nắm được mối quan hệ giữa vô cực và thái cực, giữa Âm và Dương:
Em là cõi trống (cực) 
Cho tình đong vào (thái cực) 
Anh là nơi vắng (vô cực) 
Cho tình căng đầy (thái cực) 
Phải có cõi trống và nơi vắng (vô cực) thì tình mới có chỗ đong vào và căng đầy (thái cực): 
Nghìn Thu, em lặng lẽ ươm mầm (Âm) 
Cành mai, không ai biết 
Em âm thầm nở hoa (Dương) 
Nghìn Thu, trăng chợt sáng (Dương) hay mờ (Âm) 
Lặng im, anh lên (Dương) xuống (Âm) 
Không ai ngờ, hiển nhiên. 
Ðó là sự quan hệ thắm thiết giữa Âm Dương. Âm cực sinh Dương: Cành mai (khô)... nở hoa. Dương cực sinh Âm: Trăng sáng (rồi)... mờ. Ði về bên nớ, đi về bên này, rồi trở về cho hết cái đong đưa... Cái đong đưa lẳng lơ như quả lắc trong Vật Lý Học, như quả đất xoay quanh mặt trời, như mặt trời chuyển động trong Vũ Trụ. Tất cả chuyển động xoắn ốc như những vòng không mối (hoàn vô đoan, một nguyên lý của Dịch): 
Nghìn Thu ta bù đắp không ngừng... 
Cái quân bình của Dịch là một quân bình chuyển động (Équilibre mobile) như người đi trên giây phải nghiêng mình về bên này, về bên nớ để giữ thăng bằng. Trong Y Học, sinh lý bình thường của con người là ở chỗ quân bình. Suy hay vượng đều sinh ra bệnh tật. Cái quân bình sinh lý đó lại luôn luôn chuyển động nên cơ thể phải tự bù đắp, điều chỉnh không ngừng. Phạm Duy lại nắm thêm được một nguyên lý của Y Dịch: bù đắp, gia giảm... 
Tình âm dương chan chứa 
Xoay trong vùng tử sinh... 
Tóm tắt lại, qua Mười Bài Rong Ca, với nhan đề Người Tình Già Trên Ðầu Non hay là Hát Cho Năm 2000.  
* Phạm Duy đã nhìn thấy cái đẹp của quê hương Việt Nam, một dải non sông gấm vóc hình chữ S nằm cong cong bên bờ Thái Bình Dương như vạch Lưỡng Nghi, đường biên giới giữa Âm và Dương, giữa Ðất và Biển, giữa Vô và Hữu. Phía trên có Vịnh Hạ Long, Rồng từ cõi Vô giáng xuống cõi Hữu. Phía dưới có Núi Hà Tiên, Tiên từ cõi Hữu bay lên cõi Vô. Một miền đất chan chứa âm dương biết đâu sẽ đem lửa thiêng soi toàn thế giới để tạo nhịp cầu hoá giải mọi chủ nghĩa mâu thuẫn để nhân loại được an sinh, an vi. 
* Phạm Duy đã nhìn thấy cái đẹp của lịch sử Việt Nam, thắm tình âm dương chan chứa, có Cha Rồng, Mẹ Tiên, không côi cút như dân tộc Phù Tang chỉ có Nữ Thần Mặt Trời mà Cha đâu chẳng thấy. Huyền sử của ta có đôi chim Hồng Lạc trống mái sánh đôi chứ không buồn bã như con chim Bằng của Ðạo Trang, cánh nó rợp bay nhưng thân nó lẻ loi. Ðạo Khổng của Trung Hoa đặt trọng tâm vào người quân tử nên đã gây nên mặc cảm cho người thục nữ, khiến bao ngàn năm chỉ có dâm hậu chứ không phát sinh nổi anh thư như Bà Trưng, Bà Triệu... phất cờ nương tử, thay quyền tướng quân.  
* Phạm Duy đã nhìn thấy cái đẹp âm dương chan chứa của thiên nhiên trong lúc hoàng hôn: Khi tan nắng, đêm về, cho thuận đường âm dương bước đi... thì nắng chiều hồng (còn) tươi hơn nắng trưa. 
* Phạm Duy đã tìm thấy cái đẹp âm dương chan chứa của đời mình khi đi tới vùng tử sinh: Em có thấy không nắng chiều rực rỡ để trong chiều đời, yêu nhau rất lâu. Và để nuôi thật dài hoàng hôn ái ân... Và thanh thản đi vào cõi không: 
Người Tình vào cuộc tử sinh 
Sống chết 
Lung linh... 
Phạm Duy dùng lời ca điệu hát thay cho câu kinh tiếng kệ để giải thoát cho đời và cho mình. Quỳnh Giao thích bài Vô Hư nhất. Thái Thanh cũng thích bài Nghìn Thu nhất và thêm rằng: Chỉ vì một câu mà thích cả bài. Ðược hỏi câu gì, Thái Thanh đắm đuối trả lời: Nghìn Thu anh là đã em rồi... Ô hay! Quỳnh Giao, Thái Thanh, Phạm Duy có học Kinh Dịch bao giờ đâu nhỉ? Mà sao vẫn cảm thông Lý Dịch, vẫn hát lên Dịch Lý. Thế mới biết Ðạo Trời ở tại lòng ta. Tấm lòng mở rộng, phơi phới, không học mà vẫn có. Lòng dạ khép chặt, nhỏ nhoi, cố học mà chẳng được. 
Phạm Thiên Thư viết Kinh Phật (về Pháp Thân và Hoá Sinh, về Ngã và Phi-Ngã) bằng thơ lãng mạn: 
Xưa em là chữ biếc, nằm giữa lòng cuốn kinh 
Anh là thiền sư buồn, ngồi tụng dưới ánh trăng  
Xưa ta hẹn với nhau, tìm nhau giữa vô thường 
Anh hóa thân làm mực, thấm vào cuốn kinh thơm 
Mai sau chờ nhau nhé, đầu thai vào kiếp hoa 
Chốn mây mờ phiêu bạt, chờ đợi chim hót ca... 
Ðào Mộng Nam dịch Kinh Chúa (về Tình Yêu thiêng liêng giữa Thượng Ðế và con người) bằng thơ trữ tình: 
Hồn mơ mòng, tim rung cánh mộng 
Tiếng người yêu vang vọng ngoài phòng 
Mở cửa mau hỡi bạn lòng 
Hỡi bồ câu trắng, anh mong gặp mình... 
Bây giờ Phạm Duy hát Kinh Dịch bằng Nhạc Tình Yêu: 
Nghìn Thu, anh là đã em rồi 
Và em, trong muôn kiếp, Em đã ngồi ở anh 
Nghìn Thu, ta bù đắp không ngừng 
Tình âm dương chan chứa xoay trong vùng tử sinh... 
Phạm Duy đã làm nhạc... như một triết nhân.
Tái bút.- Nếu bạn đọc xong bài này mà bạn yêu nhạc Phạm Duy, yêu mình, yêu quê hương Việt Nam, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và thản nhiên với cái chết hơn trước... thì tôi đã trả được phần nào ân tình với hai người vừa là bạn, vừa là thầy của tôi là cố Bác sĩ Nguyễn Văn Ba và nhà nho Ðào Mộng Nam. 
1988 
Bùi Duy Tâm 
Nguồn: Pham Duy’ Study 2007
Theo https://phamduy.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao - trên trời cao/ Chim non ca vang như ngày nào/ Bên em anh...