Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Văn nghệ phủ nhận chiến tranh và cuộc chiến tranh hiện nay

Văn nghệ phủ nhận chiến tranh 
và cuộc chiến tranh hiện nay 
Tôi nghe Phạm Duy hát tâm ca lần đầu tiên ở nhà một người bạn sau bữa cơm thân mật. Lúc đó anh mới làm xong vài bài hát thử cho bạn bè nghe. Tôi nhớ chẳng thấy xúc động gì cả. Ít lâu sau đi trại công tác với sinh viên, đêm tối quây quần ngâm nga tâm ca, tôi mới thấy xúc động và thấm thía, Tôi cũng nhận xét trong những buổi lửa trại đó, sinh viên chỉ hát tâm ca, dân ca hoặc những bài kháng chiến cũ. 
Phút chốc tôi cảm thấy như mình sống lại cái thời niên thiếu cách đây hai mươi năm. Tuổi thiếu niên của tôi đã trổi dậy với sự vùng lên của dân tộc hồi 1945. Cũng như tất cả thiếu niên lúc đó, tôi đã hát say sưa những bài ca độc lập kháng chiến: trong số những bài ưa thích, dĩ nhiên có nhiều bài của Phạm Duy. 
Nhưng từ hơn mười năm nay, tôi không hát nữa mà cũng không nghe cái mà người ta gọi là tân nhạc ở thành thị, qua đài phát thanh hay trong phòng trà tiệm cơm. Ðôi khi buộc phải nghe vì được mời ăn cơm hay để phân tách, phê phán mà thôi (1). Tôi phủ nhận Tân Nhạc vì hầu hết đều đượm tính chất lai căng, lãng mạn giả dối, rất lạc hậu và phản động, không phản ảnh những thắc mắc, băn khoăn, ước muốn thực sự của thế hệ sống trong hoàn cảnh đất nước phân đôi và chiến tranh liên tiếp. 
Nhất là từ vụ tranh đấu Phật Giáo và gần đây từ lúc chiến tranh gia tăng đến mức trầm trọng với sự tràn ngập ồ ạt lính tráng ngoại quốc thì Tân nhạc và cả một phần lớn văn chương công khai càng trở nên trơ trẽn, không thể chịu nổi nữa. 
Trước khi xẩy ra vụ tranh đấu Phật giáo nhiều báo chí nội san của sinh viên học sinh vẫn phảng phất tính chất lãng mạn tiêu cực, thoát ly, vô tình trước những vấn đề thời cuộc. Những vụ tranh đấu Phật giáo và nhất là cuộc chiến tranh bắt đầu tàn khốc từ hai năm nay, đã ném họ vào những thắc mắc tư lự chính trị. Những thắc mắc đó phản ảnh trong tất cả báo chí, nội san của họ. Từ sau 1-11-63, không còn những bài thơ lãng mạn, những câu chuyện diễm tình ích kỷ, nhưng toàn là văn chương liên quan đến chiến tranh, cách mạng. Báo chí văn nghệ của người lớn hoặc cố tình không đuổi kịp tâm trạng tuổi trẻ hoặc không thể đuổi kịp. Trong thời gian và bầu không khí sa đoạ đó, hình như Phạm Duy cũng không tránh khỏi vướng vất với một số bài hát xu thời hay dịch theo những vũ điệu ngoại quốc. 
Thế rồi Phạm Duy sáng tác tâm ca, phẫn nộ ca. Qua tâm ca, anh sống lại những ngày tháng tuyệt đẹp của thời kháng chiến và do đó làm cho cũng sống lại với anh. 
Tôi thích hát tâm ca không những vì tâm ca nói lên được một cách chân thực những nỗi niềm thắc mắc, đau xót của chúng ta trước tình cảnh bi đát của đất nước triền miên trong chiến tranh, mà còn vì một quan niệm trình diễn nghệ thuật. Nghệ thuật nào cũng có tính cách trình diễn, nhưng nghệ thuật là một sinh hoạt, nhất là trường hợp nghệ thuật cho quần chúng. Quần chúng thưởng thức nghệ thuật không phải chỉ là những khán giả thụ động, mà còn bằng cách tham dự tích cực vào sự trình diễn, nghệ thuật trở thành sinh hoạt tập thể, hội vui của một cộng đồng. Thực ra, sự thưởng thức cũng chỉ hoàn toàn khi khán giả đóng vai tác giả, diễn viên... 
Những buổi trình diễn ''tâm ca'' của Phạm Duy làm cho tôi nhớ lại những buổi sinh hoạt văn nghệ thời kháng chiến: mọi người đều được tập hát và cùng hát với tác giả, diễn viên:
Hát với tôi nào! Hát với tôi nào! 
Hát với nhau những lời hôm nay cùng hát  
Hát với tôi nào! Hát với tôi nào!
Hát với nhau những lời của người Việt Nam.
Ðiểm đáng chú ý khác là Phạm Duy đã làm say mê thính giả trong hai, ba tiếng đồng hồ chỉ bằng Tâm ca, Dân ca mà không cần vay mượn cầu cứu bài hát ngoại quốc. 
Tâm ca phải chăng là mê hoặc 
Muốn tìm hiểu tác dụng của tâm ca nơi người hát, phải xác định ai hát và hát trong hoàn cảnh nào. Tôi không biết Tâm ca có được chấp nhận hay không trong những giới lao động thành thị hay nông dân ở thôn quê nhưng trong giới học sinh, sinh viên thanh niên đô thị, tôi thấy có hai hạng Tâm ca: 
1) Hạng thanh niên tham gia công tác xã hội. Hình như Tâm ca bắt đầu phổ biến mạnh trong những trại công tác. Họ say mê ngâm nga Tâm ca suốt đêm sau một ngày làm việc mệt nhọc. Số ít thanh niên này cũng thường rất băn khoăn, thắc mắc về những vấn đề thời cuộc Trước một tình thế chính trị vượt quá tầm hiểu biết của họ, sau những tranh đấu chính trị mà họ thấy bế tắc, chẳng đi đến đâu, họ đi tìm phục vụ đồng bào bằng những công tác xã hội. Họ nghĩ rằng ít ra việc làm nhỏ mọn của họ cũng đem lại những kết quả cụ thể: đắp được một con đường, đào được một rạch cống, xây cất được ít căn nhà v.v... Nhưng làm công việc mà không khỏi ray rứt bằng cách cho họ bày tỏ những ray rứt đó ra. 
Chính ở đây, Tâm ca có thể có những tác dụng ''huyễn diệu'' lừa bịp như anh Lý Chánh Trung tố cáo. Tâm ca phủ nhận chiến tranh, phủ nhận những lập trường dứt khoát của đôi bên. Người hát tâm ca đứng trước một thực tế chiến tranh mà họ không chấp nhận nhưng lại không làm gì được để thay đổ thực tế đó đi. Nói cách khác, họ bất mãn và bất lực. Tâm ca có thể ''huyễn diệu'' họ khi tạo cho họ ảo tưởng đã giải quyết được sự bất mãn và đã quên được sự bất lực chỉ bằng cách nói lên những nỗi niềm đó. 
Trước những khó khăn chưa thể vượt qua, con người thường có thái độ ''giải quyết'' một cách ''ảo thuật'': từ những hình thức giải quyết có tính chất ''tự an ủi'' bằng cách xoá bỏ đối tượng muốn đạt tới (muốn hái quả, nhưng không thể trèo được, tự an ủi: quả còn xanh quá) hay tạo thêm một đối tượng mới muốn đạt tới đối tượng cũ (xe ca Hàng Không Việt Nam lúc này từ phi trường Saigon về hãng phải chạy luẩn quẩn vì những đường cấm,, hàng tiếng đồng hồ; ngồi trên xe sốt ruột tự an ủi: thôi chả mấy khi có dịp đi phố mà không mất tiền xe) (2) đến những hình thức giải quyết có tính cách phản kháng tiêu cực hằng châm biếm, chế diễu, chửi tục, hay chỉ bằng cách nói lên được... 
Dân tộc Việt Nam là dân tộc từng bị hết ngoại bang này đến ngoại bang kia áp bức, đô hộ. Trước khi có cơ hội vùng lên đánh đuổi ngoại bang, dân ta chống đối bằng óc trào phúng, châm biếm, chế riễu, mỉa mai. Ngoại bang nào cũng bị gọi bằng thằng cả, và đôi khi còn bị gọi trệch đi. Thằng Tây, thằng Nhật, thằng Tầu, thằng Mẽo... Ðã đành tao thua mày, bị mày đô hộ, nhưng tao vẫn hơn mày, vẫn thắng mày vì tao khinh mày. 
Phản kháng tiêu cực bằng phê phán chế riễu, hay chỉ bằng cách nói ra những điều uất ức có thể huyễn diệu mê hoặc nếu làm cho người phản kháng tưởng mình giải quyết được vấn đề và do đó bằng lòng thoả mãn với thái độ chống tinh thần. Thực ra những thái độ ảo thuật trên chỉ làm cho người ta dễ chịu đựng hơn một hoàn cảnh bất mãn mà không giải quyết được gì hết, nhưng ảo tưởng là ở chỗ tin rằng đã giải quyết được. 
Những thanh niên hăng say làm công tác xã hội có thể có ảo tưởng đã giải quyết được nỗi day rứt chính trị của mình chỉ bằng hát tâm ca, phẫn nộ ca, ảo tưởng đó càng trầm trọng hơn khi tưởng rằng đã giải quyết được cả vấn đề xã hội bằng những công tác xã hội, trong khi vấn đề là phải tranh đấu cho Hoà Bình thực sự và làm Cách Mạng xã hội mà việc tham gia công tác chỉ là một dịp gây cho mình một ý thức chính trị, một ý thức xã hội từ kinh nghiệm tiếp súc va chạm với thực tế lầm than xã hội. 
2) Một số thanh nhiên nhà giầu, chỉ lo học sửa soạn tới những địa vị tương lai cũng đón nhận tâm ca, nhưng có lẽ tâm ca không tác dụng gì được vào cuộc đời họ, cùng lắm là may ra có thể gây cho họ một vài phút thắc mắc, giao động chăng. Tôi còn nhớ một buổi trình diễn tâm ca của Phạm Duy ở một nơi sang trọng trong đô thành có đèn điện sáng trưng, ghế ngồi bảnh bao, có cả giải khát, khán giả là sinh viên thanh lịch ông bà dược sĩ, kỹ sư, bác sĩ v.v... ăn mặc lộng lẫy. Tôi có cảm tưởng đây là một buổi giải trí văn nghệ hát tâm ca cho người hưởng thụ chiến tranh, có lẽ không hợp cảnh. Họ chấp nhận tâm ca có lẽ vì tò mò nghe nhiều người nói đến, hay có thể cũng vì thấy nó hay, chân thành. Trưởng giả có thể chấp nhận cả thứ văn chương chống trưởng giả vì biết rằng nó chỉ là ''văn chương'' không thay đổi gì được nếp sống trưởng giả (3) và họ có thể mua vui đôi lúc với thứ văn chương nghệ thuật chống đối đó. 
Do đó với những lớp người này, Tâm ca có lẽ chẳng nguy hiểm gây tác dụng huyễn diệu vì họ không thắc mắc, day rứt, bất mãn vì chiến tranh. Ngược lại, nếu Tâm ca có tác dụng huyễn diệu thì là tại dụng ý nơi tác giả người trình diễn, nếu tác giả người trình diễn tưởng tâm ca có thể lay động và thay đổi cuộc sống của những người sống nhờ chiến tranh, bất công xã hội. Trong buổi trình diễn hôm đó, tôi vừa buồn cười vừa thương hại Phạm Duy người nghệ sĩ sắp về già, mái tóc đã hoa dâm và mấy sinh viên của anh, mặc bà ba đen, gân cổ mà hát hết sức mình với tất cả tâm hồn cho khán giả thưởng thức những phi lý của chiến tranh... Thật đúng là những thằng hề đạo diễn trên sân khâu trưởng giả. Tội nghiệp cho nghệ sĩ, cho nghệ thuật. 
3) Tâm ca cũng như những bài thơ chống chiến tranh đều không phù hợp với đường lối chính thức, do đó không thể là thứ văn chương nghệ thuật công khai. Nhưng vì Tâm ca cũng được phép in ra, cũng được các đài phát thanh phổ biến, ngay cả đài Tự Do. Phải chăng vì đánh giá thấp giá trị của Tâm ca hay vì cho rằng Tâm ca vô hại, cứ để cho nói, biểu lộ, nói chán thì thôi miễn là không đưa tới hành động thì là ngăn cản cấm đoán những oan ức. Hơn nữa, người ta còn lợi dụng tâm ca, mà nội dung là chống chiến tranh, đề cao tình tự dân tộc để yểm trợ đường lối chiến tranh. Tình tự dân tộc là giá trị cuối cùng có thể liên kết đoàn tụ mọi người Việt Nam: lợi dụng giá trị cuối cùng đó như một võ khí chống đối, loại bỏ hay tiêu diệt một khối tôn giáo, một tập thể ý thức hệ, thì thật là tuyệt vọng. Người ta nhân danh dân tộc để tiêu diệt những thành phần dân tộc mình không muốn chấp nhận... Không thể dùng tĩnh từ dân tộc để chống lại người Việt nam bất luận thuộc khuynh hướng nào. Chỉ có một trường hợp xử dụng chính đáng tình tự dân tộc là trường hợp chống xâm lăng, thống trị của ngoại bang thôi.  
Tình cảm, tư tưởng, hành động 
Người ta có thể trách Tâm ca, hay những bài thơ chống chiến tranh vì chỉ có tính cách phản kháng tiêu cực, hay chỉ bày tỏ một tình cảm nhân đạo chung, xí xóa giới tuyến và sự phân biệt bạn thù: Kẻ thù ta không phải là người bên kia rõ rệt, dứt khoát, cũng không phải là người nữa, mà là sự gian ác, hận thù, vô lương, lòng tham, tị hiềm, tự kiêu ở trong mỗi chúng ta. Hoặc trách tâm ca, thơ chống chiến tranh phản ảnh một tinh thần chủ bại, một ước muốn hòa bình với bất cứ già nào, nhất là thứ văn chương chống chiến tranh đó lại chỉ phổ biến ở một bên; như thế chẳng khác gì kêu gọi bên mình đầu hàng hay ít ra làm giảm bớt tinh thần chiến đấu ở bên mình. Những thắc mắc trên đặt vấn đề tính cách chính đáng của tâm ca. Chúng ta chấp nhận hay phủ nhận tâm ca tùy theo tâm ca có chính đáng hay không. 
Tâm ca hay văn nghệ phản chiến biểu lộ một tình tự chống chiến tranh nhưng tình tự đó xuất phát từ một nhận thức về cuộc chiến tranh đặc biệt và phức tạp này. Nhận thức đó, nghệ sĩ không bày tỏ bằng lập luận chứng minh, nhưng bằng hình tượng nghệ thuật. Do đó nghệ sĩ không thể nói rõ lập trường quan điểm, nhưng không ai chối cãi văn nghệ bao hàm một lập trường quan điểm. Lập trường quan điểm bao hàm trong văn nghệ phản chiến là một sự hoài nghi về những mục tiêu chiến tranh mà người ta vẫn chính thức rêu rao để biện hộ cho những lập trường chiến tranh. 
Chiến tranh chỉ chính đáng, bạn thù chỉ rõ rệt trong trường hợp chiến tranh chống ngoại xâm. Người lính cầm súng có thể yên trí bắn một đối phương khi đối phương đó là người ngoại quốc và đang ở trên đất nước mình, còn khi phải bắn vào một người Việt khác, thì dù nhân danh bất cứ một lý tưởng gì, người lính không thể hoàn toàn yên tâm được, nhất là khi những lý tưởng nêu ra chỉ là chiêu bài. 
Ða số người Việt nhìn nhận cuộc chiến này có một phần bắt nguồn từ những mâu thuẫn, tranh chấp giữa người Việt về một chế độ chính trị. Nhưng càng ngày, cuộc nội chiến càng mất ý nghĩa với sự can thiệp ồ ạt của ngoại bang lợi dụng sự chia rẽ của người Việt để bày tỏ và giải quyết những chia rẽ giữa họ và trầm trọng hơn nhiều, chi phối thống trị người Việt lấy cớ giúp đỡ, bảo vệ người Việt này chống lại người Việt kia. 
Do đó, đông đảo người Việt bắt đầu chán ngán cuộc chiến tranh này, khi thấy nó càng ngày càng mất ý nghĩa đối với mình, đồng thời cũng cương quyết không muốn đầu hàng, chiến bại trước những người Việt khác mà mình không đồng ý về đường lối, chủ nghĩa chính trị. 
Vấn đề là phải chấm dứt chiến tranh để cho các cường quốc khỏi có cớ lợi dụng đất nước này làm bãi chiến trường thử sức nhau đồng thời giải quyết được những tranh chấp giữa người Việt bằng những phương tiện không phải chiến tranh trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau và sự công chính. Ðó là tình tự hay hi vọng của đa số người Việt Nam, ước muốn mà chưa nói ra được. Ước muốn đó chính đáng và văn nghệ phản chiếu chống một chiến tranh đã bị các cường quốc thù địch nhau lợởdụng phản ảnh ước muốn đó cũng chính đáng. 
Nếu Nghệ thuật nhằm bày tỏ những tâm tình những tâm tình của một thời đại, một lớp người thì nghệ sĩ làm tròn vai trò của họ khi nói lên tình tự của đa số người Việt hiện nay.Thực ra, nếu những mục tiêu chiến tranh chỉ đơn giản như các lập trường chính thức rêu rao, thì chắc chắn không thể có Tâm ca. Vậy sở dĩ có tâm ca là vì những mục tiêu của cuộc chiến tranh này không đơn giản chút nào. Có những lý do chính đáng để chiến đấu, đồng thời cũng có những lý do không chính đáng xen lẫn những lý do chính đáng. Chúng ta không muốn bị thống trị bởi một chủ nghĩa và chúng ta chống lại ý chỉ thống trị của chủ nghĩa đó nhưng sự chống lại chính đáng đó cũng đã bị lợi dụng bởi những phần tử thối nát, cơ hội, hoặc bởi ngoại bang. 
Những lợi dụng này hiện nay quá rõ ràng, và lấn át hẳn mục tiêu chính đáng trên. Chiến tranh trở thành bế tắc và bế tắc cho cả hai bên. Bên kia cũng bị kẹt với đồng minh của họ. Nhưng bởi vì chế độ của họ chặt chẽ nên không thể nói khác được. Bên này cũng bị kẹt, nhưng còn có thể có khác được. Do đó một lối thoát phải được phác họa bắt đầu từ bên này. Chính vì thế mà bên này có tâm ca, văn nghệ phản chiến không còn có nghĩa như một thái độ đầu hàng nhưng như một khởi điểm cho việc tìm kiếm một lối thoát đích thực. Vậy vấn đề là làm thế nào để thực hiện những ước muốn hòa bình không phải đầu hàng? Phải có một đường lối và tiến tới một hành động. 
Nói cách khác, Tâm ca, văn nghệ phản chiến phải đưa tới một tư tưởng chính trị và một tranh đấu chính trị nhằm chấm dứt một chiến tranh đã vượt khỏi quyền lợi chung của người Việt. Không có tư tưởng chính trị và tranh đấu chính trị , không những văn nghệ phản chiến không giải quyết được gì, mà còn có thể đưa tới những tác dụng ngụy tạo, huyễn diệu, như đã trình bày ở trên. Tuy nhiên trách nhiệm gây ra những ảo tưởng, lợi dụng không phải ở người nghệ sĩ vì họ đã làm xong vai trò của họ mà là ở người suy tưởng và người làm chính trị. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp trước đây, không phải những bài hát kháng chiến đã đưa tới kháng chiến thắng lợi, mà chủ yếu là đường lối và sự chiến đấu gian khổ. Nhưng thử tưởng tượng cuộc kháng chiến không có bài hát, không có văn nghệ kháng chiến? Văn nghệ không bao giờ thay thế được tư tưởng và hành động, mà chỉ khơi mào và nuôi dưỡng yểm trợ tư tưởng, hành động. 
Ðến đây, vấn đề căn bản đã đặt ra thật rõ rệt: chúng ta đã có một đường lối và một lực lượng gì để chấm dứt chiến tranh trong tinh thần phác hoạ ở trên chưa?. 
Một chiến tranh không bài hát 
Cuộc chiến tranh này là một chiến tranh không có những bài hát hay chân thành. Ai thử tìm cho một báo nào ca tụng chiến tranh chống người Việt mà mình không chấp nhận có thể gây súc động và nâng cao tinh thần hăng say tiêu diệt người Việt đối lập họ. Nhưng một chiến tranh không có bài hát phải chăng là một chiến tranh thiếu chính nghĩa rõ rệt? Tại sao kháng chiến trước đây có nhiều bài hát hay? Vì kháng chiến có chính nghĩa rõ rệt: chống ngoại xâm, và xuất phát từ lòng yêu nước thực sự. Bài hát kháng chiến không thể gây tác dụng ''huyễn diệu'' vì có đối tượng rõ rệt: kẻ thù thực dân, có mục tiêu rõ rệt dành độc lập quốc gia. Và phổ biến song song với đường lối tranh đấu kháng chiến. 
Còn Tâm ca, văn nghệ phản chiến bây giờ? Rất dễ gây ảo tưởng vì chỉ phản đối tiêu cực và không phát triển song song với mọi tranh đấu chính trị. Chiến tranh này không có bài hát hay để hát. Tâm ca hát được nhưng chỉ hát tâm ca, lại chẳng đi đến đâu. Tuy nhiên vấn đề không phải là phủ nhận tâm ca, nhưng là tìm cho ra một tư tưởng chính trị, một hành động chính trị thể hiện những ước mơ của tâm ca và chấm dứt những nỗi niềm day dứt trong tâm ca. 
Ghi chú:
(1) Chẳng hạn để viết bài ''Ảo Ảnh Thanh Thúy'' đăng trong HÀNH TRÌNH số 1 và VĂN HỌC số 35. 
(2) Trong A.Q. chính truyện, Lỗ Tấn đã bày tỏ một cách thật sâu sắc những thái độ mà ông gọi là ''thắng lợi tinh thần'' của A.Q. A.Q bị đàn áp đánh đập nhưng vẫn tự an ủi: nó đánh mình là đánh bố nó và coi sự thua của mình vẫn là một thắng lợi, một thắng lợi tinh thần! Thật là ảo tưởng!. 
(3) Tôi có suy nghĩ về vấn đề này trong ''Văn chương và Chính trị'' Lược Khảo Văn Nghệ tập II, trang 200 để tỏ cao tính cách ảo tưởng của văn chương dấn thân. Sau buổi trình, tôi có tặng Phạm Duy cuốn tham khảo đó, để anh suy nghĩ.
Nguyễn Văn Trung
Nguồn: Báo BÁCH KHOA số 227 ngày 15-5-1966
Theo https://phamduy.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao - trên trời cao/ Chim non ca vang như ngày nào/ Bên em anh...