Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Phạm Duy Đường về cõi tâm

Phạm Duy Đường về cõi tâm
Nói tới “Thiền” nghĩa là nói con đường trở về cõi tâm. Nếu tôi không lầm thì người ta đã dùng nhiều phương tiện (hay phương pháp) để đạt tới thiền. Nào là ngồi thiền, thở thiền, nằm thiền, đi thiền... Trải qua bao niên kỷ, Thiền đã đi vào đời sống của nhiều dân tộc dưới nhiều dạng: Thiền của Bồ Đề Đạt Ma là Võ Thiếu Lâm, võ Thái Cực Quyền. Tổ sư Huệ Năng giã gạo, bửa củi để vào thiền. Người Nhật Bản coi việc pha trà, cắm hoa là hành thiền. Gần đây Thiền sư Nhất Hạnh còn đem thiền vào việc thức dậy, quơ dép, mở cửa sổ, vặn nước, rửa mặt, rửa tay chân, v.v... Quả con đường vào thiền có rất nhiều phương pháp. Phương pháp của tôi là hát lên mười khúc thiền ca. 
Đó là lý do vì sao tôi soạn thiền ca. Thế còn Đạo Khúc? Là bởi vì chắc quí vị và các anh các chị cũng đều thấy như tôi: sau 50 năm chiến tranh và hận thù, chia rẽ và ly tán, quả rằng có sự suy đồi trong đạo lý của người Việt. Bây giờ là lúc chúng ta cần xét lại đạo sống Việt Nam. 
Niềm hạnh phúc của tôi lúc này là vào lúc tuổi đã về chiều mà vẫn có thêm một chút hành trang mới, để làm nốt cuộc hành trình khá dài và khá nhiều gian truân. Tôi đã được cùng đồng bào vinh quang đi trên những nẻo đường kháng chiến, rồi cùng nhau chua xót đi giữa hai lằn đạn trên con đường cái quan bị cắt làm hai mảnh. Tôi đã được cùng các bạn yêu nhạc say đắm đi trên con đường tình chan chứa yêu thương. Tôi và các bạn cũng đã bị lôi cuốn đi trên con đường hận thù xiết bao buồn bã. Rồi 18 năm qua, trên con đường khốn khổ lưu vong, tôi vẫn còn được cùng đi với gần hai triệu đồng hương. Hôm nay đây, trên một con đường hoàn toàn mới mẻ, con đường trở về cõi tâm bằng những đạo khúc, thiền ca, tôi âu yếm kính mời quý vị và các anh các chị cùng tôi cất bước lên đường. 
Trước hết, tôi xin phép quý vị và các anh các chị cho tôi nói về những yếu tố làm nên kết quả đạo ca, rong ca, thiền ca của tôi. Lúc còn nhỏ, vì mẹ tôi là một Phật tử thuần thành cho nên tôi đã được theo mẹ đi tới các nơi lễ bái nổi tiếng như Chùa Thầy, Chùa Hương, đền Sòng Phố Cát... Tôi biết tụng kinh, chẳng hạn: Lư hương xạ nhiệt, pháp giới mông huân, chư Phật hải hội tất diêu văn, tùy xứ kiết tường văn, thành ý phương ân, chư Phật hiện toàn thân... Tôi cũng thuộc làu Kinh Bát Nhã: Xá Lợi Tử, Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc, Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc, Thụ, Tướng, Hành, Thức diệc phục như thị... Thuộc làu kinh kệ nhưng tôi chẳng hiểu gì hết!. 
Về sau tôi mới hiểu nghĩa của câu tụng là: Lư hương vừa đốt, cõi pháp thơm bay, chư Phật bốn biển đều xa hay, thấu tâm thành này, chư Phật hiển hiện ngay... Lời kinh Bát Nhã còn cho tôi biết cõi đời là bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm... cõi sinh là vô sắc, vô thanh, vô hương, vô nhãn... 
Lớn lên thì thấy những gì mình không hiểu trong Đạo dần dần được giảng giải một cách minh bạch và rất nên thơ, như:
Có thì có tự mảy may 
Không thì cả thế gian này cũng không
(Từ Đại Hạnh - Thế kỷ XII)
Tôi hiểu được rằng: tôi với cây cỏ, côn trùng hay với núi, biển, trăng sao là một. Tôi với hòn đá cuội có liên quan với nhau trong cõi sinh. Có tôi mới có nó. Không có nó thì không có tôi. Tôi hiểu được cái tôi trong cái ta. Và cái ta trong cái tôi.
Lớn lên hơn nữa, tôi được biết những lời thơ rất thiền của Khái Hưng (hay Xuân Diệu, Huy Cận?):
Thuyền xuôi thì nước cũng xuôi
Lại thêm mây bạc trên trời cũng bay 
Tôi đi trên chiếc thuyền này 
Dòng mơ tư tưởng đã thay đổi rồi 
Cái bay không đợi cái trôi 
Từ tôi phút trước sang tôi phút này
Qua những lời thơ này, tôi hiểu được cái lẽ vô thường của tạo hóa. Thế rồi tôi trưởng thành, phanh ngực vào đời và luôn luôn bị cơn phong ba thời đại cuốn đi, ít khi có thì giờ để suy nghĩ về đạo. Nhưng cũng có những buổi chiều quê hương, tôi đi một mình trên đường quê, lòng đang nặng trĩu những nợ đời, bỗng có tiếng chuông chùa gióng lên. Tôi cảm thấy vơi đi những lo lắng, ưu tư. Hoặc có những buổi trưa, nằm trên một cái chõng tre hay trên một cái võng gai, nhìn lên trời, thấy áng mây bay và bỗng thấy mình là mây, đang bay thoát ra khỏi cõi đời đầy tục lụy. Tôi thấy được cái gọi là siêu thoát. Tôi cảm thấy mình vừa ra thoát khỏi vòng vây chật hẹp của cuộc đời. Tôi thấy tôi đang đi vào cái Ta... 
Nền giáo dục trong gia đình và ở nhà trường còn dạy tôi rằng trong bất cứ một người Việt Nam nào cũng có ba đạo giáo Phật, Khổng, Lão thường được gọi là tam giáo đồng nguyên. Đạo Phật dạy ta về cõi đời, đạo Khổng dạy ra sống với đời, đạo Lão dạy ta thoát đời. Trong phạm vi văn học, tam giáo đồng nguyên hiển hiện trong Truyện Thơ Kim Vân Kiều của Nguyễn Du, Truyện Thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, trong tập thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm, tập hát nói của Nguyễn Công Trứ... trong nghệ thuật ca diễn, tam giáo đồng nguyên đó soi sáng tất cả các loại Tuồng, Chèo, Hát Ả Đào, Hát Cải Lương... 
Nói cho rõ hơn, vào cuối thế kỷ 19, tập thể Việt Nam sống trong gia đình và ngoài xã hội với tinh thần trung, hiếu, tiết nghĩa. Cá nhân Việt Nam là mẫu người từ bi, mẫu người quân tử, mẫu người phóng khoáng.
Cõi Tục, Cõi Tâm
Tôi là một nghệ sĩ, ngay từ khi vừa mới bước chân vào nghề ca nhân, đã ước mong rằng Tân Nhạc Nam sẽ có nhiều đề tài, có nhiều xu hướng. Nhưng tôi là một thanh niên sống giữa thế kỷ 20, trong lúc đất nước đang chuyển mình, cũng như tất cả các văn nghệ sĩ khác, tôi đã tự nguyện đem nghệ thuật của mình ra để phục vụ quê hương đất nước, tôi đã sẵn sàng soạn cho giai đoạn những bài ca kháng chiến, những bài ca xã hội... Mọi người đều đã biết tới nhạc chiến đấu, nhạc yêu nước nói tóm lại là nhạc hùng của tôi. 
Tới khi tôi soạn nhạc tình thì, cũng như mọi nghệ sĩ khác, đa số anh em chúng tôi đều chỉ chú trọng tới việc xưng tụng thân xác qua nhũng bài hát về những cuộc tình có được  hay những cuộc tình đã thua.
Như tôi đã nói ở phần đầu của bài viết này, vì đã hiểu biết cái lẽ vô thường của tạo hóa cho nên từ khi còn rất trẻ, trong hai loại nhạc tình cảm và nhạc xã hội của tôi, soạn ra và hát lên trong cõi trần tục đã le lói những ý tưởng về nhạc tâm linh rồi. 
Trong kháng chiến (1947), đứng bên chiếc cầu biên giới ở Lào Kai, tôi đã không phải là một người tình nhân thương nhớ một người tình (Em đến bên tôi một chiều khi nắng phai rồi, nắng ngừng bên chiếc cầu biên giới…). Tôi là người đã nhìn thấy trong lòng mình có một biên giới giữa tình yêu và thù hận, thấy trong cuộc đời có một biên giới giữa chiến tranh và hòa bình… Nhìn thấy nhưng chưa biết phải làm gì cả? 
Phải đợi khi tôi 32 tuổi (1953) thì trong cuộc đăng trình tới vô cực, tôi mới tìm thấy cho mình một hành trình qua bài: 
Lữ Hành 
(Saigon-1953) 
Người đi trên dương gian  
Thở h ơi gió từ ngàn năm 
Gió lung lay Hoành Sơn 
Gió dâng cao Biển Ðông.
Người đi trong thanh xuân  
Sưởi hương nắng như lửa sống 
Máu sôi như sắc trời 
Bước nhanh vượt chân đời.
Ði, đi đâu mà tới nơi? 
Thấy lòng lên phơi phới 
Ði phương nao mà tới đây? 
Chỉ thấy lòng còn say.
Hôm nay tình đầy 
Thương yêu tràn đầy 
Thiên thu trong lòng này 
Tương lai trong bàn tay.
Người đi trong không gian 
Nhịp xe uốn vòng tử sinh 
Bánh xe tang ngoại ô 
Chiếc nôi trong vòng hoa.
Người đi trong nhân gian 
Tà áo rách cô hàng quán 
Sức tuôn trên cánh đồng 
Lúa thương vạt nâu sồng. 
Người đi nghe xa xăm 
Mà chưa thấy bồn chồn chân 
Bước đi trong thời gian 
Vướng bao nhiêu lòng thương
Người đi trong thiên nhiên 
Từ khi biết nhen lửa chiến 
Máu xương chôn lấp rồi 
Cỏ hoa mọc kín đồi.
Ði, đi mau rồi tới nơi 
Ðất trời còn đen tối 
Theo tâm tư tìm gió khơi 
Ðã thấy mặt trời soi 
Anh ơi! Chuyện này 
Ðây câu ruộng cầy 
Anh em trong một ngày 
Chung vai vơi thù ai…
Người đi sâu muôn nơi 
Tình trinh tiết làm thành đôi 
Áo chăn che tổ uyên 
Miếng cơm vui tình duyên.
Người đi, đi không thôi 
Ngày thế giới lên nguồn vui 
Ngát như hương lúa mùa 
Sẽ lên đường trở về  
Ðường trở về...
Bài Lữ Hành là một tuyên ngôn: ta đi trên dương gian, trong thanh xuân, đi trong thiên nhiên và nhân gian, đi cả trong thời gian… bao giờ ta cũng phải bước nhanh vượt chân đời... 
Bước qua 1949, tôi soạn bài Xuân Hành. Ðó là sự trả lời câu hỏi muôn đời: qui es tu? d'où viens-tu? où vas-tu? Qua bài Xuân Hành, tôi cho rằng: Người từ lòng người đi ra rồi sẽ trở về lòng người. Người vừa là người, vừa là thần thánh và ma quỷ, biết thương yêu dai và cũng biết hận thù dài, rất là đắm say! Nhưng trong khoảnh sống ngắn ngủi này, người phải biết nhìn toàn đời trong từng chớp mắt, phải biết vui biết buồn ngay trong một cơn tim đập, tim ngưng...
Xuân Hành 
(Saigon-1959)
Người là ai? Từ đâu đến? 
Và người ơi, người sẽ bước chân về nơi nao? 
Người vì sao mà chớm nở? 
Rồi sớm tối, cánh hoa tươi tơi bời theo với những lá úa? 
Người là chi? Là cơn gió? 
Là cát trắng hay bụi xanh lơ? 
Người từ xưa, thuyền theo lái về bến cũ? 
Người lên xe đi từ hư vô qua hư vô? 
Ta ra đi từ lòng người, với tiếng khóc và nụ cười 
Thương yêu dai, hận thù dài, nuôi đắm say 
Trưa hôm qua còn là người 
Đêm hôm nay thành vị thần hay lũ ma lẻ loi 
Mỗi chớp mắt nhìn toàn đời, nuốt thế giới vào lòng rồi 
Muôn năm vui ở nửa vời câu hát đôi 
Nghe con tim chạy miệt mài, khi tim ngơi nhịp từng hồi 
Buồn nghìn đời len giữa cơn đập vui. 
Người là TA, một mùa Xuân tỏa ánh nắng mai 
Bước lên đời mang một duyên tình duyên mới 
Người là TA, đường nhân ái còn đi mãi mãi 
Hết bước Xuân, TA gọi nhau về trong NGƯỜI.
Trong một cuộc phỏng vấn của người phụ trách chương trình phát thanh Văn Học Nghệ Thuật của Ðài Saigon, tôi có nói là vào lúc đó (năm 1951) đối với tôi chỉ có ba điều quan trọng: Tình Yêu, Sự Ðau Khổ và Cái Chết. Tình yêu và sự đau khổ là rất thực nhưng cái chết thì đã là siêu thực, siêu hình. Tôi đã thể hiện vấn đề thứ ba trong nhiều ca khúc như đã nói ở trên. 
Và tôi tiếp tục con đường nhạc siêu hình như trong bài Nước Mắt Rơi. Giọt nước mắt ra đi từ bờ mi rồi sẽ chết ở bờ môi, nhưng trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, nước mắt là ngọt bùi của đôi lứa, là mặn đắng của khổ đau, là tình trinh nữ, là hồn thơ, là đời hoa sớm nở tối tàn, là suối lệ nhỏ nhoi hay biển nước mắt của chúng ta. Có cả nước mắt không mùi và nước mắt khô trong một ca khúc ngắn ngủi này... 
Nước Mắt Rơi 
(Saigon-1961) 
Nước Mắt Rơi - Khánh Ly - YouTube
Nước mắt rơi cho tình ra đời 
Nước mắt theo duyên về xa vời 
Mùa Xuân ngời trôi dòng lệ vui nhỏ bé xanh tươi. 
Nước mắt suôi cho người gặp người 
Nước mắt len sau từng nụ cười 
Lệ ngọt bùi say đời rủ nhau tìm lối ra khơi. 
Nước mắt rơi trên tình trinh nữ 
Nước mắt đem hương vào hồn thơ 
Cuốn gió theo con thuyền vượt qua những thác mơ 
Nước mắt tuôn suốt một đời hoa 
Cánh lá rơi, mặn mà tình ngơ 
Suối níu sông ra biển bao la, nước mắt ta... 
Nước mắt rơi trên đường đã dài 
Nước mắt đưa chân về cội đời 
Giọt lệ vàng không mùi ngược trôi về với đơn côi. 
Nước mắt êm đi vào tuổi trời 
Nước mắt khô âm thầm không lời 
Vài giọt sầu lững lờ dựa nhau về chết trên môi!
Lúc này tôi đang yêu đời lắm vì đang có một cuộc tình rất đẹp, nhưng tôi vẫn nói tới cái chết, chẳng hạn qua những kiếp lá trên đường trong bài Đường Chiều Lá Rụng. Lá đang như những chiếc thuyền rung rinh trong ngọn gió, bỗng nghe đất gọi về, lá rơi xuống để trở thành những ngôi mộ úa trên đường chiều, nơi đó có tôi và người yêu đang đi trong cuộc tình…  
Đường Chiều Lá Rụng  
(Saigon-1958) 
Đường Chiều Lá Rụng - Thái Thanh - NhacCuaTui
Chiều rơi trên đường vắng có ta rơi giữa chiều
Hồn ta theo vạt nắng, theo làn gió đìu hiu
Lá vàng bay, lá vàng bay
Như dĩ vãng gầy, tóc buông dài, bước ra khỏi tình phai
Lá vàng rơi, lá vàng rơi
Như chút hơi người giã ơn đời trên nẻo đường hấp hối.
Hoàng hôn mở lối, rừng khô thở khói
Trời như biển chói
Từng chiếc thuyền hồn lướt trôi
Neo đứt một lần cuối thôi
Cho cánh buồm lộng gió vơi, gió đầy.
Chiều ôm vòng tay, một bó thuyền say
Thuyền lơ lửng mãi
Từng tiếng xào xạc lá bay
Là tiếng cội già khóc cây
Hay tiếng lòng mình khóc ai giờ đây?
Chiều chưa thôi trìu mến, lá chưa buông chết chìm
Hồn ta như vụt biến, bay vờn trong đời tiên
Lá vàng êm, lá vàng êm
Như mũi kim mềm sẽ khâu liền kín khung cửa tình duyên
Lá vàng khô, Lá vàng khô
Như nét môi già đã nhăn chờ lên nẻo đường băng giá.
Chiều không chiều nữa, và đêm lần lữa
Chẳng thương chẳng nhớ
Ðể những lệ buồn cánh khô
Rơi rớt từ một cõi mơ
Nghe đất gọi về tiếng ru hững hờ.
Còn rơi rụng nữa, cành khô và lá
Thành ngôi mộ úa
Chờ đến một trận gió mưa
Cho rữa tình già xác xơ
Cho biến thành nhựa sống nuôi tình thơ.
Chiều tan trên đường tối, có ta như rã rời
Hồn ta như gò mối đang chờ phút đầu thai.
Trong thực tế, tôi đang sống một cuộc đời rất phỉ nguyện. Tôi có đầy đủ vinh quang và tủi nhục, hạnh phúc và khổ đau. Tôi cũng đã nói khá nhiều về cái chết. Coi như đã được sống tới tận cùng của cuộc sống, tôi muốn cám ơn tất cả bằng một ca khúc nhan đề: 
Tạ Ơn Ðời 
(Saigon-1959)
TẠ ƠN ĐỜI - Khánh Ly - YouTube
Tim vang còn giây lát
Hơi run còn thơm ngát
Dương gian còn trong mắt
Nghe tiếng hát chưa nhạt tan
Bao nhiêu là thương mến
Bao nhiêu là quyến luyến
Với bao nhiêu niềm xao xuyến
Đời vắng xa như mẹ hiền
Ôi một lần nương náu
Đi trên đời chẳng lâu
Trong trăm mùa xuân héo
Tay hái biết bao niềm yêu
em sèo nhân thế
Chưa phai lòng say mê
Với đôi ba lần gian dối
Đời vẫn ban cho ngọt bùi
Ôi ơn đời chói vói
Nhớ khi thân tròn ôm gối
Ba trăm ngày trong gói
Ngóng trông ra đời góp mối chung vui
Ôi ơn đời mãi mãi
Thoát thai theo đời vun xới
Bao nhân tình thế giới
Lớn lên trong vườn ân ái muôn đời
Mang ơn đời chăn vỗ
Dâng cho người yêu goá
Dâng cây đàn bơ vơ
Dâng biết bao ân tình xưa
Mang ơn đời nâng đỡ
Dâng nấm mồ thô sơ
Với dâng hương hồn thương nhớ
Còn vấn vương trong chiều tà
Tôi theo đúng cái ''credo'' của tôi trong bài Lữ Hành trước đây, nghĩa là sống cho đến tận cùng của mọi sự. Tôi soạn những bài nói tới toàn diện cuộc đời chứ không chỉ là mảnh đời vụn vặt. Một Bàn Tay là tất cả. Bàn tay đưa ta vào đời, dẫn dắt ta đi, đánh đập ta hay vỗ về ta... cuối cùng, bàn tay vuốt mắt ta.  
Một Bàn Tay
(Saigon-1959) 
Một Bàn Tay - Duy Quang - NhacCuaTui
Bàn tay đưa anh ra khỏi lòng người
Một đêm kêu lên hơi thở tuyệt vời
Bàn tay êm ái, ôi bàn tay khoan khoái
Nhạc ru tiếng khóc trần ai.
Bàn tay đưa anh đi gặp cuộc đời
Một xuân bao dung ai cũng là người
Bàn tay vun sới, ôi bàn tay đưa lối
Dọc đời, thơ hát đầy vơi.
Trong cơn mưa hè, tay nào khô héo bắt anh về
Bàn tay che mắt, ôi còn ngăn câu hát
Bàn tay ám khí u mê.
Nhưng tay em về, thơm mùi gỗ quý, gỡ anh ra
Bàn tay nắng lóa, ôi bàn tay khơi gió
Tình trong năm ngón nõn nà.
Bàn tay ôm anh trong cuộc tình đầy
Một thu sang, tim anh nở tròn ngày
Bàn tay ấm áp, ôi bàn tay bão táp
Bàn tay son, vẽ đời đôi.
Một mai đưa anh thăm thẳm lìa đời
Mùa đông khăn tang, mây bỏ đường dài
Bàn tay thương nhớ, ôi gặp anh băng giá
Lạ lùng, tay khép làn mi. 
Trong cuộc đời náo nhiệt của tôi lúc đó, nói thẳng ra, bổn phận đối với gia đình, đối với quốc gia, đối với xã hội, tôi đều lo toan rất là tròn trĩnh, dù có đôi ba lần gian dối, nhưng đời vẫn ban cho ngọt bùi. Thế nhưng trong lòng của một kẻ đang sống trong tuổi trung niên đầy sinh lực và đầy ân sủng, đã vẫn tàng ẩn cái cô đơn nghiệp dĩ của mình. Vì vậy, tôi đi tìm… 
Tìm Nhau 
(Saigon-1956) 
Tìm Nhau - Khánh Ly - NhacCuaTui
Tìm nhau trong hoa nở
Tìm nhau trong cơn gió
Tìm nhau trong đêm khô hay mưa lũ?
Tìm nhau khi nắng đổ
Tìm nhau khi trăng tỏ
Tìm nhau như chim mộng tìm người mơ...
Tìm trong câu thơ cổ
Tìm qua tranh Tố Nữ
Tìm trên môi đương ca câu thương nhớ!
Tìm sâu trong muôn thuở
Tìm sau lưng bốn mùa
Tìm nhau như Thiên Cổ tìm Ngàn Thu...
Gặp nhau trong hơi thở của cuộc đời, người ơi!
Gặp nhau, hãy nép hơi im trong hương mới...
Gặp nhau trong Nhân Tình đầy Bác Ái, ơi người!
Gặp nhau trong kinh cầu một hồi chuông...
Tìm nhau trong bom lửa
Tìm nhau trong mưa bão
Tìm nhau trên kinh đô xây trong xương máu
Tìm nhau trong thống khổ
Tìm nghe câu than thở
Tìm nhau như thiếu phụ tìm mộ bia.
Tìm đâu môi em đỏ
Tìm đâu mây trong mắt
Tìm cho ra mái tóc ngây thơ đó!
Tìm xem trong kinh sử
Tìm tương lai sáng tỏ
Tìm nhau khi nhân loại được trùng tu!
Gặp nhau trong vinh dự của đời người, người ơi!
Gặp nhau dưới Đức Tin bao la phơi phới
Gặp nhau trong cơ khổ của thế giới, ơi người!
Gặp nhau, đôi tâm hồn được nghỉ ngơi...
Gặp nhau trong vinh dự của đời người, người ơi!
Gặp nhau dưới Đức Tin bao la phơi phới
Gặp nhau trong cơ khổ của thế giới, ơi người!
Gặp nhau, đôi tâm hồn được nghỉ ngơi...

Hạnh phúc trong tình yêu khiến cho tôi sống như người mộng du.  
Mộng Du 
(Saigon-1959) 
Mộng Du - Thái Thanh - NhacCuaTui
Đêm đêm người mở lòng ra
Ôm ta trong cánh tay ngà
Giã từ đời bằng hơi gió
Hoá hồn theo cánh mây xa.
Ta đi bằng một sợi tơ
Lung linh luồn trong khói mờ
Ta treo hồn vào tình Thu
Thấy mình trôi loãng trăng lòa
Ta rơi bằng một đời hoa
Tan theo với ngàn cánh úa
Không ngờ hồn hòa
Vào làn phấn bướm xanh lờ (ơ... ớ)
Ta bay bằng một giọng ca
Tuôn ra thế giới mịt mù
Ta về bao la, trôi xuôi theo dòng tinh tú (u... ú)
Êm êm người dệt bài thơ
Nâng ta trong lưới mơ hồ
Ta về lòng người bỡ ngỡ
Khóc cười như bé bơ vơ
Ta theo đường mộng còn lưa
Hương đưa vào nẻo ngàn thu
Người về tay ngà thương nhớ
Kêu ta bằng một lời ru
Ta rơi bằng một đời hoa
Tan theo với ngàn cánh úa
Không ngờ hồn hòa
Vào làn phấn bướm xanh lờ (ơ... ớ)
Ta bay bằng một giọng ca
Tuôn ra thế giới mịt mù
Ta về bao la, trôi xuôi theo dòng tinh tú (u... ú)
Êm êm người dệt bài thơ
Nâng ta trong lưới mơ hồ
Ta về lòng người bỡ ngỡ
Khóc cười như bé bơ vơ
Ta theo đường mộng còn lưa
Hương đưa vào nẻo ngàn thu
Người về tay ngà thương nhớ
Kêu ta bằng một lời ru
Sau đó, bài Những Bàn Chân là sự tiếp tục của bài Một Bàn Tay và là sự phát triển ý niệm lên đường mà tôi từng nuôi dưỡng. Tôi xưng tụng những bước chân đi khai phá đất hoang, đi phá trại giam, đi nối liền hai cõi tử sinh. 
Những Bàn Chân 
(Saigon-1961) 
Những bàn chân, trên ruộng cằn 
Dưới nắng hè lửa thiêu đất khan 
Vỡ đồi nương, cho máu đào rơi thắm cỏ hoang 
Dù chông gai không sờn chân 
Về biển khô hay lên rừng thiêng 
Ôi bước chân, những bước chân khai phá triền miên 
Những bàn chân trên đồng lầy 
Trong nước lạnh mùa Ðông đắng cay 
Ấm lòng thay, những lúa gầy đứng giữa trời mây  
Bàn chân đi trong chiều nay, bàn chân mai chưa nghỉ ngơi 
Ôi bước chân, những bước chân xây đắp ngày mai. 
Bước, bước, bước chân nghìn trùng 
Ði, đi, đi chân người hùng 
Ðường mịt mùng, bàn chân còn giong ruổi, ruổi giong.
Những bàn chân trên sa trường 
Những bước buồn đạp trên máu xương 
Vẫn hoài mong cho đất vàng hoa nở nhiều hơn 
Vì tự do chân còn vươn, đời còn mang bao lầm than 
Ôi những bước chân, những bước chân đi phá trại giam. 
Những bước chân trong hòa bình 
Mang những lời yêu, trong gió xanh 
Bước hiền minh đi nối liền hai cõi tử sinh. 
Bàn chân êm trên đường quen, từ sông Mê qua bụi quên
Ôi bước chân, những bước chân đi tới đường tiên. 
Bước, bước, bước chân nghìn trùng 
Ði, đi, đi chân người hùng 
Ðường mịt mùng, bàn chân còn giong ruổi, ruổi giong. 
Cũng trong dòng nhạc siêu hình soạn cho cuộc sống, tôi soạn bài Xuân Ca, lần này không phải là hành khúc hay âu ca mà là dân ca phát triển. Trong bài này, tôi muốn nói mùa Xuân của tôi đã có ngay trong đêm tân hôn của cha mẹ tôi, Xuân như mặt trời nổ trong lòng mẹ, rồi từ đó, tôi ra đời, góp chung câu gào thiết tha cho mùa Xuân vĩnh cửu. Nếu tôi chết đi, xin cho tôi được tái sinh nhiều lần để tôi tiếp tục đi mãi trong mùa Xuân.  
Xuân Ca  
(Saigon-1961) 
Xuân Ca - Ngọc Lan - NhacCuaTui
Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui 
Một đêm, một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về. 
Xuân âm u lắc lẻo trong nguồn suối mơ 
Bừng reo rồi theo nắng lên từ cha chói chang lòng mẹ 
Xuân Xuân ơi, Xuân ới, Xuân ơi 

Xuân Xuân ơi, Xuân ới, Xuân ơi 
Xuân tôi ra góp chung câu gào thiết tha 
Là xinh, là tươi có Xuân thuở xưa ước mơ hiền hòa 
Xuân xanh lơ, hắt hiu trong trời nắng mưa 
Vườn Xuân là Xuân có hoa ngày mai hát Xuân thật dài 
Xuân Xuân ơi, Xuân ới, Xuân ơi 
Xuân Xuân ơi, Xuân ới, Xuân ơi 
Xuân tôi sang bến yêu tôi tìm gió trăng 
Tình Xuân là Xuân có khi mừng vơi có khi sầu đầy 
Xuân yêu đương muốn căng lên nhựa sống ngon 
Tìm em gặp em đón Xuân nghìn năm bão Xuân ngập lòng
Xuân Xuân ơi, Xuân ới, Xuân ơi 
Xuân Xuân ơi, Xuân ới, Xuân ơi 
Xuân lên cao chóp Xuân buông nhịp xuống sâu 
Hồn Xuân hồn thiêng ngút lên từ lâu cõi Xuân còn dài 
Xuân trong ta đã muôn ngàn lần đã qua 
Mặc cho, mặc bao những cơn buồn thương những cơn giận hờn 
Xuân Xuân ơi, Xuân ới, Xuân ơi 

Xuân Xuân ơi, Xuân ới, Xuân ơi 
Xuân tôi ơi sức Xuân tôi còn khát khao 
Dù nay, dù mai cũng như mọi ai chết trong địa cầu 
Xuân muôn năm có ta Xuân còn hỡi Xuân 
Thì xin, thì Xuân hãy cho tình nhân sống thêm vài lần. 
Xuân Xuân ơi, Xuân ới, Xuân ơi 
Xuân Xuân ơi, Xuân ới, Xuân ơi 
Tiếp tục Xuân Ca là Bài Ca Sao, rút ra từ câu ca dao: Sao tua chín cái nằm kề  Thương em từ thuở mẹ về với cha... 
Người Việt Nam khi xưa đã cho cả thời gian xa lắc lẫn không gian vô tận vào trong một câu thơ tình lục bát. Tình yêu thật là vô tận bởi vì nhìn vào tinh tú vô biên để thương yêu một người từ thuở chưa có người đó. Tôi thêm lời vào câu ca dao để soạn thành Bài Ca Sao, nói lên tình yêu đối với đối tượng của tôi lúc bấy giờ. Bài này cũng mang âm hưởng dân ca.  
Bài Ca Sao 
(Saigon-1961) 
Bài Ca Sao -Phạm Duy -Elvis Phương & Ái Vân -NNS - YouTube
Sao Tua chín cái nằm kề
Thương em từ thuở mẹ về với cha
Sao Vua sáu cái nằm xa
Thương em từ thuở người ra người vào
Sao Mơ sáu cái nằm chầu
Sao Khuê mấy cái nằm đâu
Sao Khuê chín cái nằm dài
Thương em từ thuở tình ngoài nghĩa trong
Sao Măng năm cái nằm ngang
Thương em từ thuở mẹ mang đầy lòng
Sao Vươn dăm cái nằm tròn
Sao Tư bốn cái nằm vuông
Sao Đôi hai cái nằm chồng
Thương em từ thuở mẹ bồng mát tay
Sao Hoa ba cái nằm xoay
Thương em từ thuở được vay nụ cười
Sao Băng bay vút vào đời
Sao Sa rơi xuống lòng vui
Sao Băng ngã xuống gầm trời
Thương em từ thuở mẹ ngồi nghĩ xa
Sao Sa rơi xuống vườn hoa
Thương em từ thuở người ta lại gần
Sao Hôm lấp lánh đầu làng
Sao Mai láp lánh đầu thôn
Sao Hôm le lói đầu hè
Thương em từ thuở em về với ai
Sao Mai le lói ngọn cây
Thương em từ thuở về xây tình người
Sao Vân xa tít đầu trời
Sao Quanh cao ngất ngoài khơi
Sao Vân muôn cái mịt mùng
Thương em từ thuở nghìn trùng cách chia
Sao Quanh theo gót người đi
Thương em chỉ có trời khuya nhìn về
Sao ơi sao hỡi buồn gì 

Sao ơi sao hỡi buồn chi
Có Bài Ca Sao rồi thì phải có Bài Ca Trăng. Bài này cũng muốn là một bài ca tình tứ. Tôi muốn nói rằng khi trăng còn non nớt thì cho trăng đi chơi ngoài đồng vắng. Khi trăng lớn dần sẽ cho trăng vào vườn chanh. Tới lúc trăng tròn trĩnh thì cho trăng vào giường ngủ với tôi. Rồi khi trăng già thì trăng sẽ khuất bóng. Một cuộc ra đi của trăng, chẳng khác gì cuộc lên đường của khách lữ vậy.  
Bài Ca Trăng 
(Saigon-1961) 
Trăng ơi, trăng ới kìa là trăng ơi! 
Trăng lá trai trong chiều vơi (láy)  
Lưỡi trăng treo đầu trời, đầu trời  
Ngoài đồng hoang vắng rơi (láy)  
Trăng ơi, trăng ới tình còn nhỏ nhoi 
Theo gió đưa trăng về khơi (láy) 
Trăng ơi, trăng ới kìa là trăng xanh!
Trăng sáng soi trong vườn chanh (láy)  
Sáng luôn trong vườn đào, vườn đào 
Kìa là soi trắng đêm (láy)  
Trăng ơi, trăng ới mặn nồng tình duyên 
Trăng thức lâu trên giường êm (láy)
Trăng ơi, trăng ới kìa là trăng đêm!  
Trăng đến khuya thăm người quen (láy) 
Gối chăn đã lạnh mềm, lạnh mềm  
Người về trong cõi duyên (láy)  
Trăng ơi, trăng ới tình già bình yên 
Trăng khuất mau sau màn đêm (láy)
Cứ như thế, những đoản khúc của tôi mang tính chất siêu hình ra đời cho tới khi (1966) tôi soạn ra những chương khúc 10 bài cùng có chung một đề tài như Mười Bài Tâm Ca chẳng hạn. Bài Những Gì Sẽ Đem Theo Về Cõi Chết là đoản khúc siêu hình cuối cùng trong đăng trình tới cõi cực. 
Những Gì Sẽ Đem Theo Về Cõi Chết  
(Saigon 1966) 
Những gì tôi đem theo vào cõi chết - Khánh Ly, Phạm Duy
Rồi mai đây tôi sẽ chết Trên đường về nơi cõi hết, 
Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây? 
Rồi mai đây tôi hóa kiếp 
Trong lòng còn bao luyến tiếc 
Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây? 
Tôi không đem theo với tôi được tiền tài hay danh lợi 
Tôi không đem theo với tôi được gái đẹp hay rượu nồng 
Tôi không đem theo với tôi được lầu vàng hay gác tía, 
Tôi không đem theo với tôi được mộng giàu sang phú quý, 
Tôi xin đem theo với tôi một nụ cười không nghi ngại, 
Tôi xin đem theo với tôi đôi mắt trẻ thơ đẹp ngời, 
Em giương to đôi mắt, soi vào cuộc đời đang bước tới, 
Tương lai vui hay tối thui cũng là nhờ anh lớn thôi! 
Rồi mai đây tôi sẽ chết Trên đường về nơi cõi hết, 
Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây? 
Tôi không đem theo với tôi được quyền hành trong giai đoạn, 
Tôi không đem theo với tôi được giới hạn tiếng anh hùng, 
Tôi không đem theo với tôi được tượng đồng bia đá trắng, 
Tôi không đem theo với tôi được tuổi vàng trong cõi sống. 
Tôi xin đem theo với tôi một cuộc tình không quen thuộc, 
Đôi uyên ương xin mến thương không khó nhọc hay ngượng ngùng! Trong đêm thâu ôm ấp nhau bên cột đèn hay khóm trúc 
Không ai ngăn hay lấy cung vì phạm thuần phong mỹ tục. 
Rồi mai đây tôi sẽ chết Trên đường về nơi cõi hết, 
Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây? 
Rồi mai đây tôi hóa kiếp 
Trong lòng còn bao luyến tiếc 
Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây? 
Tôi không đem theo với tôi được nhiều điều tôi mong đợi 
Tôi không đem theo với tôi danh với lợi ra ngoài đời, 
Tôi không đem theo với tôi được cả buồn vui mấy nỗi 
Tôi không đem theo với tôi, và để lại cho thế giới. 
Tôi xin dâng cho thế gian một vài điều tôi công nhận 
Tôi xin dâng cho thế gian, ôi số phận sinh làm người! 
Thương cho em chưa thoát thai trong cuộc đời chưa hết chuyến, 
Tôi xin dâng cho cái quên của một người sẽ tái duyên. 
Rồi mai đây tôi sẽ chết 
Trên đường về nơi cõi Niết, 
Tôi sẽ không đem với tôi những gì đâu! 
Rồi mai đây tôi hóa kiếp 
Trong lòng mừng không hối tiếc 
Tôi sẽ không đem với tôi những gì đâu!
Sau khi viết ra trong nhiều năm những đoản khúc có ít nhiều tính chất tâm linh, phải đợi khi tôi đã về già, tôi mới quyết định soạn nhạc cho cõi tâm qua những chương khúc, trong đó có sự chú trọng về nhạc thiền… 
Nhận định về nhạc thiền của tôi, nhà phê bình Thụy Khuê đã có lần nói: Thiền cho rằng tư tưởng là thủ phạm dẫn đến vô minh. Một cách gián tiếp, thiền đã nhìn nhận nội dung của giác ngộ là sáng tạo, là tự do tuyệt đối, hai yếu tố cơ bản để mở cửa đi vào vô cực và vĩnh cửu. Mà cuộc đăng trình đến vô cực ấy, trong thiền gọi là bến giác, Phạm Duy đã trực nhận từ thuở thanh niên…
Phạm Duy 
Nguồn: Pham Duy’ Study 2007
Theo https://phamduy.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chùm thơ của Lưu Lãng Khách Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao – trên trời cao/ Chim non ca vang như ngày nào/ Bên em a...