Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2018

Đường lên Ngọa Vân tự

Đường lên Ngọa Vân tự
Băng qua đồi thông già, vượt qua đỉnh Đá Chồng, xuyên qua rừng trúc bạt ngàn, lên đỉnh núi Vây Rồng bồng bềnh mây trắng... là những trải nghiệm không thể quên của chúng tôi trong chuyến khám phá Ngọa Vân tự mới đây.
Phút dừng chân nghỉ ngơi ở quán nhà lá trên đỉnh Đá Chồng.
Ngoài vùng phủ sóng
Sau bao lần sắp xếp, phòng chúng tôi mới bố trí được một chuyến du lịch cuối tuần cùng nhau. Công việc làm báo của chúng tôi luôn là những chuyến đi, nhưng hiếm có những cuộc như thế này, nên mọi người đều rất háo hức, chờ đón. Hoa, cô phóng viên trẻ nhất phòng nói, chẳng khác mấy du lịch “phượt” thời sinh viên, nghĩa là những chuyến đi ngẫu hứng, không người dẫn đường, không biết điểm đến, không dịch vụ rườm rà, chỉ đi bằng lòng đam mê và khám phá... Trong chúng tôi, nhiều người chẳng biết “phượt” là gì, nhưng được một lần bỏ ngoài mọi áp lực công việc, những lo toan thường nhật, để đến một vùng đất chưa được biết, cùng trải nghiệm, cùng cảm nhận, là đã thấy hấp dẫn, khó cưỡng. 
Cả phòng thuê một chiếc xe 7 chỗ ngồi, tự lái. Hẹn ăn sáng cùng nhau ở một nhà hàng Bãi Cháy theo giới thiệu là “có nhiều cái nhất”, nhưng thực tế vừa đắt, vừa không ngon. Mặc dù vậy, mọi người cũng không bận tâm lắm vì mải bàn về lịch trình sắp tới, cũng không quên động viên nhau cố ăn vì phải leo bộ một quãng đường dài, không dám mang đồ ăn theo.
Địa điểm được chúng tôi chọn cho chuyến đi này là chùa Ngọa Vân ở xã Bình Khê, huyện Đông Triều. Ngay cả nhiều người dân sống dưới chân núi quanh khu vực này cũng chưa một lần lên đến chùa, thậm chí chưa nghe đến ngôi chùa này. Còn chúng tôi cũng chỉ mới biết ngôi chùa gần đây qua bài báo của một cộng tác viên người địa phương. Đến địa phận xã, từ tỉnh lộ vào, đường ở đây có nhiều ngã rẽ, nên cứ khoảng vài trăm mét là chúng tôi phải dừng lại để hỏi đường. Người dân ở đây khá thân thiện, nhưng cũng không mấy người biết chính xác chùa Ngọa Vân ở đâu. Vừa đi vừa hỏi với nhiều chỉ dẫn rất khác nhau của người dân địa phương, cuối cùng chúng tôi cũng đến được đền Trình (theo cách gọi ở đây) dưới chân một ngọn núi, thuộc thôn Tây Sơn của xã. Đến đây thì chúng tôi phải bỏ xe, đi bộ. Đền nằm lọt thỏm trong một thung lũng rộng được bao bọc bởi trùng điệp những dãy núi hùng vĩ, quanh năm mây phủ. Cách đó vài chục mét là một ngôi nhà xây 2 tầng chưa được trát xi măng. Chủ nhân là chị Nguyễn Thị Tỉnh, thấy chúng tôi, đon đả mời vào nhà uống nước.
Câu chuyện giữa những người lần đầu gặp nhau nơi hoang vu rừng núi, rất nhanh chóng trở nên thân thiết. Chị Tỉnh là người ở thôn Tây Sơn của xã, hơn chục năm trước cùng chồng vào khu vực này lập trang trại chăn nuôi gà, lợn, trồng thông, tre bát độ. Vài năm nay, thấy có khách thập phương về đây vãn cảnh, chị mở thêm quán bán nước và dịch vụ trông xe ô tô, xe máy, nhưng chủ yếu là để có cơ hội trò chuyện cùng khách ở nơi tĩnh mịch luôn thiếu tiếng người này. Chị Tỉnh khoát tay giới thiệu: Phía dưới kia là đền Trình, ngọn núi xa xa bên tay trái là Tháp Bút, bên tay phải là núi Voi, đi lên trên là núi Đá Chồng. Phong cảnh trên đó hoang sơ mà đẹp lắm. Chị cũng chưa có cơ hội lên Ngọa Vân lần nào, nhưng nghe người ta nói thì “chỉ còn 3,6 cây số, vừa leo vừa nghỉ, chắc chỉ mất hơn giờ đồng hồ là đến nơi thôi”. “Chuyện nhỏ! Ta cứ nghỉ ngơi uống nước, rồi túc tắc leo, giữa trưa xuống thị trấn ăn cơm là đẹp” - Phóng viên Phạm Hoạch mới lấy vợ, người khởi xướng chuyến đi này, hăng hái nói, rồi móc điện thoại di động gọi cho một chiến hữu đặt hộ cơm ở nhà hàng. “Ngu quá, không gọi trước. Ngoài vùng phủ sóng rồi anh em ơi!” - Phạm Hoạch chợt thốt lên như reo, chẳng biết buồn hay vui. Tôi nhẩm tính, từ quốc lộ vào đây chỉ trên chục cây số mà đã không liên lạc được, thảo nào bao năm chẳng có thêm ai đến ở. Nghĩ cũng như ở chùa Lôi Âm và Khu du lịch Lựng Xanh (TP Uông Bí), chúng tôi hỏi, đặt trước chị Tỉnh món gà nướng. Chị bảo, ở đây gần chùa, không sát sinh...
Dấu tích còn sót lại của chùa Ngọa Vân xưa.
Thung lũng trên đỉnh núi
Gặp một con suối nhỏ nước trong xanh trên đường, mọi người ùa xuống rửa mặt mũi, chân tay cho mát, chuẩn bị tinh thần, lấy sức cho hành trình leo núi được báo trước là “bất khuất” không kém lên Yên Tử. Đường khá gập ghềnh, khúc khuỷu, dốc cứ lên cao mãi. Trời mát mẻ, đường vắng, chỉ có đoàn chúng tôi “độc hành”. Thời tiết nơi này cũng khác thường, đang nóng chảy mồ hôi phải cởi bớt áo, đã vội phải mặc ngay vào vì gặp gió lạnh. Gió núi thật đặc biệt, rất lộng, quay hướng nào cũng bị quất vào mặt, rối tung đầu tóc, cảm giác vừa khó chịu, vừa phấn khích. Càng lên cao, cảnh thiên nhiên thật hùng vĩ. Chúng tôi đi qua khu rừng đầu tiên toàn thông và những cây có lá màu đỏ, nhìn rất đẹp, một vẻ đẹp hùng vĩ, đậm chất hoang sơ. Cảm xúc thật khó diễn tả thành lời, nó hòa quyện giữa thiên nhiên và tình người, tình đồng nghiệp, không dễ lặp lại trong đời... Vượt qua dốc núi Voi, chúng tôi đến một bình nguyên toàn cỏ gianh. Nắng nhạt nhảy múa lung linh trên thảm cỏ, làm khuôn mặt ai trông cũng ngẩn ngơ. Dù đã mệt nhoài sau hơn tiếng đồng hồ leo núi, nhưng cảnh vật nơi đây vẫn thừa sức hấp dẫn chúng tôi. Nhìn lên phía trên chỉ thấy toàn mây trắng bay. Chợt phóng viên Quang Minh bật ngâm 2 câu thơ, nghe khá quen: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/Heo hút cồn mây, súng ngửi trời”, rồi đố ai biết của tác giả nào... Minh bảo, thời đi học giỏi nhất môn văn, đến giờ vẫn thuộc lòng bài “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng. Chắc cảnh rừng Tây Bắc xưa cũng chỉ thế này là cùng...
Thêm hơn nửa tiếng nữa, chúng tôi đến chân núi Đá Chồng. Ngước  nhìn lên, thấy có một ngôi nhà nhỏ lẫn trong mây trên đỉnh núi, chúng tôi đoán là nhà chùa. Lúc này sự hào hứng ban đầu đã giảm đi đáng kể bởi sự mệt mỏi vừa đói, vừa khát. Từ chân núi đi lên có hai đường. Chúng tôi hội ý tách đôi đoàn? Cuối cùng quyết định chọn đi chung một đường, tuy dốc, nhưng rộng, có vẻ dễ đi hơn, hằn nhiều vết kéo gỗ, phỏng đoán chắc là đường do “lâm tặc” mở. Vượt qua đoạn cua của sườn núi, trước mắt chúng tôi sừng sững hiện lên một “cánh rừng đá”, nhiều hòn xếp chồng lên nhau như có bàn tay người sắp đặt, có những tảng đá to bằng phẳng có thể bày được mâm cỗ hàng chục người ngồi. Từ nơi đây có thể phóng tầm mắt khắp dãy núi Yên Tử xa xa... Mải ngắm, chợt nghe phóng viên Nguyễn Huế reo lên: “Kìa! Có một thung lũng nhỏ, lại có cả nhà ở dưới đó...”. Hơn cả điều tưởng tượng, trên đỉnh núi cao ngất chỉ thấy gió và gió, lại có mấy gian nhà tranh nép mình trong thung lũng, cạnh là thửa ruộng canh tác, nghe văng vẳng tiếng chó sủa, tiếng mõ trâu lốc cốc... Robinson trên “ốc đảo” này là ông Phạm Thịnh, năm nay 70 tuổi, cười phô hết cỡ hàm răng ám khói thuốc lào, gọi mọi người vào nghỉ chân. Ông cho biết, hôm nay chúng tôi là đoàn thứ hai qua đây, rất hiếm khi có nhiều khách như vậy, đoàn trước cách khoảng tiếng đồng hồ, giờ chắc cũng đã đến nơi... Ông kể, vợ, chồng ông trước ở thôn Đồng Đà, Bình Khê, có 7 người con. Làm ruộng không đủ sống, ông bà thêm nghề hái măng rừng. Măng ở đây nhiều vô vàn. Hơn chục năm trước, trong một lần lên núi Bảo Đài hái măng trúc, ông phát hiện ra thung lũng tuyệt đẹp này có thể canh tác và nuôi thả trâu, bò. Ông về bàn với vợ lên núi Đá Chồng lập nghiệp. Ban đầu, vợ con ông gàn giữ lắm, nhưng khi ông dẫn cả nhà lên “mục sở thị” thì mọi người đồng ý ngay. Ông đặt tên cho nơi mình ở là thôn Đá Chồng. Các con ông nay đã lấy vợ, lấy chồng đều hạ sơn, giờ trên này chỉ còn hai ông bà già. Trước đây có khi cả mấy tháng trời ông chẳng thèm xuống núi, giờ nhớ con, nhớ cháu, cứ mấy ngày ông lại xuống một lần rồi lại lên ngay. Khí hậu trên này khắc nghiệt lắm, mùa đông có hôm xuống tới âm vài độ. Đợt rét đậm năm kia đã làm chết hơn 30 con trâu, bò của gia đình ông, mất gần nửa tỉ bạc, tiếc đứt cả ruột. Đã có lần, vợ chồng ông tính bán hết trâu bò, gửi tiết kiệm, xuống ở với các con, nhưng cứ xa thung lũng của mình chỉ một ngày là ông nhớ đến phát ốm. Khu vực này trước đây hầu như không có người vãng lai, đường lên rậm rạp, um tùm, cây kín lối. Chỉ vài năm nay, khi quần thể di tích Ngọc Vân - Hồ Thiên được phát hiện, tuyến đường này mới được mở, lượng khách hành hương về đây ngày một đông, ông dựng thêm ngôi nhà tranh trên đỉnh núi (mà lúc đầu từ dưới chân núi nhìn lên, chúng tôi tưởng nhà chùa) cho khách dừng chân, bán mấy chai nước, nếu khách muốn có thể nghỉ đêm miễn phí... “Nếu muốn thăm Ngoạ Vân trong ngày thì các cô, cậu nên đi ngay, bởi còn vài cây số đường rừng nữa” - Ông giục.
Chùa Ngọa Vân
Trả lại giá trị vốn có
Tạm biệt “Ông già buôn gió” (biệt hiệu mọi người đặt cho ông, vì quán của ông chỉ có gió là gió) chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá. Đường từ đây khá bằng phẳng. Chúng tôi xuyên qua rừng trúc, gió vi vu thổi, chim hót rộn rã. Con đường nhỏ, chiều ngang chỉ đủ cho một người đi, khá lầy, do mấy hôm trước có mưa. Trên đường rất nhiều măng trúc do ai bẻ, bỏ lại (chắc nhiều quá không mang xuể). Qua khỏi rừng trúc, chúng tôi nghe thấy tiếng chuông chùa vẳng đưa giữa trùng mây. Đi theo tiếng chuông, leo qua những bậc thang bằng đá xếp, cuối cùng chúng tôi đã đến được Ngọa Vân tự. Đây là ngôi chùa được xây lại cách không xa điểm chùa cũ giờ chỉ còn là phế tích. Ngọa Vân tự nghĩa là “chùa nằm trên mây”. Chùa nằm trên Bảo Đài sơn (còn gọi là núi Vây Rồng), cao hơn 500m (có tài liệu nói 800m) so với mực nước biển, thuộc thôn Tây Sơn, xã Bình Khê. Trên này, hơi nước từ đá toả ra tạo thành mây, bao lấy chùa, phủ trên tán cây, đẹp như một bức tranh thủy mặc.
Theo những gì được ghi lại, thì trong hệ thống chùa, am, tháp ở Yên Tử, chùa Ngọa Vân xa xôi cách biệt ít được mọi người biết đến, nhưng là chốn linh thiêng bậc nhất. Nơi đây đệ nhất tổ Thiền phái Trúc Lâm Trần Nhân Tông đã từng tu hành và viên tịch. Với những giá trị độc đáo, chùa Ngọa Vân đang được trùng tu, tôn tạo, trả lại giá trị vốn có.
Đàm Tuấn - Quang Minh
Theo http://baoquangninh.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao - trên trời cao/ Chim non ca vang như ngày nào/ Bên em anh...