Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Phạm Duy Con đường cái quan

Phạm Duy Con đường cái quan 
(trích HỒI KÝ III) 
Ngoài việc học nhạc với thầy Robert Lopez, tôi theo Trần Văn Khê tới học nhạc ngữ ở Institut de Musicologie (nằm trong Đại Học Sorbonne) để hiểu rõ hơn về sự thành hình và biến hình của âm giai. Vào năm 1954 này, môn nhạc học vừa mới được thành lập, các lý thuyết gia như Jacques Chailley, Constantin Brailoui vừa đặt xong nền tảng cho khoa nhạc học. Khi giảng bài, giáo sư cần những ví dụ về giai điệu để chứng minh cho tiến trình thành lập âm giai, thì tôi - vốn biết nhiều giai điệu cổ truyền Việt Nam - đứng lên cống hiến một vài ví dụ. Chẳng hạn, để chứng minh cho giai đoạn tam cung (tritonique) tôi hát mấy câu hát ví, giai điệu nằm trong ba cung DO FA SOL. Chứng minh cho giai đoạn tứ cung (tétratonique), tôi có điệu ru Huế, giai diệu nằm trong bốn cung DO RE FA SOL... 
Nhờ những ngày đi nghe giảng về khoa nhạc ngữ này, tôi thấy mình có thể phát triển những đoản khúc dân ca lên thành những bản trường ca. Trước kia, tôi chưa bao giờ theo học một lớp nhạc nào cả và chỉ vô tình đem hơn một âm giai ngũ cung vào một ca khúc. Nay tôi hiểu rõ hiện tượng métabole nghĩa là sự chuyển điệu từ ngũ cung này qua ngũ cung khác khiến cho giai điệu của bất cứ nhạc phẩm nào cũng có rất nhiều cung bậc mà nghe ra vẫn là giai điệu Việt Nam. 
Học hỏi về nhạc lý và lịch sử âm nhạc cổ điển Tây Phương còn giúp tôi phối hợp đặc tính của hai loại nhạc có chủ thể (musique tonale) và nhạc không có thể (musique modale). Tôi cũng chăm chú nghe đĩa hát và tập đánh đàn những đoản khúc soạn cho piano của Debussy để thấy nhạc sĩ này đã sử dụng âm giai ngũ cung ra sao trong việc sáng tạo những giai điệu mới. Bản La Jeune Fille Aux Cheveux De Lin của ông cho tôi thấy rõ ràng cách ông phát triển nét nhạc ngũ cung. Những nhạc phẩm của Debussy đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều vì mấy chục năm sau, dù đã quên hẳn Debussy nhưng trên đường tị nạn, tôi đã soạn ra một ca khúc nhan đề Dấu Chân Trên Tuyết. Chắc chắn trong tiềm thức của tôi vẫn còn cái tên của bản nhạc Des Pas Sur La Neige của Debussy. 
Sau khi nắm được hiện tượng métabole và bí quyết soạn nhạc ngũ cung của Debussy rồi, tôi soạn ra mấy khúc đầu của Trường Ca CON ĐƯỜNG CÁI QUAN:
Tôi đi từ Ải Nam Quan, tôi gặp Nàng Tô Thị y y ý  
Cho tôi gửi một đôi câu: chớ có về...
Tôi soạn xong phần đầu của Con Đường Cái Quan ở Paris vào năm 1954 để phản đối ngay lập tức sự chia cắt đất nước bởi Hòa Hội Geneve, nhưng phải đợi sáu năm sau (1960) tôi mới hoàn thành bàn trường ca này.  
Vì tôi quen biết mấy anh em làm việc trong tờ báo SÁNG DỘI MIỀN NAM dưới thời Ngô Đình Diệm, nhân tòa báo tổ chức một chuyến đi từ Saigon ra Quảng Trị, tôi xin đi theo để lấy cảm hứng soạn nốt phần còn lại của trường ca. Lần đi đường thiên lý này có vẻ thú vị hơn những lần trước. Tôi không còn là lữ khách lầm lũi trong thi nô lệ hay hấp tấp trong thời chiến tranh. Hai xe hơi đưa chúng tôi đi ven bờ biển Thái Bình, vượt qua những nơi đầy ắp kỷ niệm như Phan Thiết sáng sủa, Nha Trang ấm áp, Qui Nhơn lộng gió, Đà Nẵng ồn ào, Huế thơ mộng và Quảng Trị cằn khô. Khi ghé Quảng Ngãi, Hồng Vân (nữ  ca sĩ) lúc đó còn bé tí teo, leo lên bờ tường khách sạn, ngồi rình xem mặt Phạm Duy. Chúng tôi có những giây phút trầm ngâm trước cảnh tượng hùng vĩ của Đèo Cả, Đèo Hải Vân và  cũng không quên nhào xuống biển để tắm táp và kỳ cọ ở bãi Lăng Cô.
Bản Con Đường Cái Quan soạn xong phần đầu ở Paris năm 1954 để phản đối sự chia cắt đất nước, sau sáu năm bỏ dở, bây giờ nhờ chuyến đi rất thanh bình này, được hoàn tất nhanh chóng. Trong khung cảnh trời cao biển rộng đường dài, trong hoàn cảnh chung của nước Việt trong thời kỳ đầu của nền độc lập, trong niềm hạnh phúc được tự do sáng tác của riêng mình, tôi có nhiều hứng khởi để diễn tả con đường mạch máu của đất nước và tấm lòng khao khát thống nhất của người dân Việt. Những ca khúc mạnh mẽ trong phần MIỀN BẮC diễn tả sự hào hùng của người đi khai sơn phá thạch. Trong phần MIỀN TRUNG, ca khúc trở nên ngọt ngào, đôi khi xót xa như bước chân Huyền Trân Công Chúa. Phần MIỀN NAM rất hoan lạc vì đó là những bước chân thành đạt của lữ khách để cùng toàn dân hoàn thành nước Việt.    
Sau khi hoàn thành, Con Đường Cái Quan được đăng trên báo SÁNG DỘI MIỀN NAM rồi được trình diễn tại quán ANH VŨ. Sau đó, trường ca còn có một ngân sách để tái lập giàn nhạc hoà tấu và mời nhạc sĩ người Đức Otto Soellner làm hoà âm phối khí. Có thêm những buổi trình diễn tại Saigon, Dalat, Nha Trang. Tất cả những giọng hát tốt nhất của Saigon  được  huy động để đi trình diễn trường ca này. 
Vào năm 1960 này, Tân Nhạc ở miền Nam đã phát triển toàn diện. Đã có khá nhiều xu hướng như: 
* xu hướng nhạc theo trường phái cổ điển Tây Phương;  
* xu hướng nhạc khiêu vũ; 
* xu hướng nhạc hài hước; 
* xu hướng nhạc của các tôn giáo; 
* xu hướng nhạc tình; 
* xu hướng nhạc dân ca.
Với trường ca Con Đường Cái Quan, tôi tiếp nối dòng nhạc xướng tụng quê hương của tôi với một tầm vóc lớn hơn, giống như Văn Cao đã làm trong kháng chiến với bản Trường Ca Sông Lô. Sau tôi, Hoàng Thi Thơ cũng soạn một trường ca nhan đề Ngày Trọng Đại để xưng tụng chế độ Cộng Hòa do Ngô Tổng Thống lãnh đạo. Trường ca Con Đường Cái Quan là một bài hát lên đường. Trước đây, tôi đã chủ trương xướng tụng những cuộc lên đường rồi. Hoặc lên đường tâm tưởng như Lữ Hành, Viễn Du. Hoặc bước đi trên những nẻo đường kháng chiến như Khởi Hành, Đường Về Quê.  Rồi còn phải đi trên con đường tình ái rất ướt át của mình nữa, với những bài dìu nhau đi trên phố vắng hay Đường Em Đi. Đi thêm trong mộng mị với Mộng Du. 
Trường ca Con Đường Cái Quan có tới ba, bốn cuộc lên đường gom lại, vì lữ khách bây giờ đi trên con đường quê hương gấm vóc, đi trong lịch sử kiên cường, đi trong tình yêu, còn đi cả trong lòng của nhân dân nữa.
Về hình thức, qua trường ca này, loại dân ca cải tiến được tôi phát triển lên mức độ cao nhất. Trường ca gồm 19 đoản khúc, đại đa số bài nằm trong nhạc ngũ cung, có thêm nhạc thuật chuyển hệ khiến cho giai điệu được phong phú.  
Nhạc sĩ người Đức Otto Soellner, khi soạn hòa âm phối khí cho bản trường ca, nói rằng: có những đoạn trong trường ca giống như nhạc của Johann Sebastian Bach. Nhạc học gia người Gia Nã Đại Georges Etienne Gauthier, vì hiểu biết nhạc dân ca Việt Nam hơn, qua một bài viết đăng trên báo BÁCH KHOA vào năm 1970, cho rằng trường ca này dung hợp được tinh túy của cả hai loại nhạc Đông Phương và Tây Phương. Khá nhiều người có uy tín trong giới nghệ sĩ như Trần Văn Khê, Nguyễn Đình Toàn, vì có lòng yêu nên đánh giá cao tác phẩm dài hơi của tôi. Và mỗi lần có đảo chính ở Saigon, trong khi nhân viên của Đài chờ người làm chủ tình thế tới tiếp thu cơ quan truyền thông quan trọng này thì bản trường ca được phát thanh suốt ngày khiến cho nó được phổ biến rất mạnh mẽ trong dân chúng. Ngoài ra, còn có nhiều sinh viên ở nhiều nơi đã dựng tác phẩm này thành một hoạt cảnh, đúng như lời tôi ghi trong đoạn giới thiệu. Tôi xin trân trọng cám ơn tất cả những người hữu danh và vô danh kể ra trên đây.  
Tôi còn muốn nói thêm một điều: Trong bản trường ca, khi đi tới cuối con đường xuyên Việt rồi, ước vọng của lữ khách là có ngày đường tan ranh giới để lữ khách được đi xa hơn nữa trên con đường dài của tình yêu, ở nơi thế giới xa xôi, và trong lòng dân chúng muôn nơi  Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, gia đình tôi và một số rất lớn đồng hương đã thực hiện được ước vọng đó! Xin cám ơn cuộc đời! 
Trường Ca CON ĐƯỜNG CÁI QUAN
PHẦN THỨ NHẤT TỪ MIỀN BẮC:
Mở đầu là tiếng hát vu vơ của một cô cắt cỏ: ANH ĐI TRÊN ĐƯỜNG CÁI QUAN 
Hỡi anh đi đường cái quan 
Dừng chân đứng lại y ý 
Dừng chân đứng lại y ý 
Cho em đây than đôi lời 
Đi đâu vội mấy anh ơi?
Lữ Khách: 
TÔI ĐI TỪ ẢI NAM QUAN 
Tôi đi từ ải Nam Quan sau vài ngàn năm lẻ e e é 
Chia đôi một họ trăm con đã lên đường 
Năm mươi người ngược núi rừng 
Đã dựng vòng biên ải y y ý 
Năm mươi người trẩy theo sông tới khơi chừng 
Tôi theo người vượt quan san 
Ơi, ơi, người ơi! Ơi, ơi, người ơi! 
V ẽ lối mòn gìn giữ quê hương ngăn đường giặc Hán 
Tôi chưa về Ải Chi Lăng 
Ơi, ơi, người ơi! Ơi, ơi, người ơi! 
Dưới chiến bào người thấy băn khoăn thương ai đầu nguồn 
Tôi theo người vượt quan san 
Ơi, ơi, người ơi! Ơi, ơi, người ơi! 
Vẽ lối mòn gìn giữ quê hương ngăn đường giặc Hán 
Tôi chưa về Ải Chi Lăng 
Ơi, ơi, người ơi! Ơi, ơi, người ơi! 
Dưới chiến bào người thấy băn khoăn thương ai đầu nguồn
Người lữ khách nhớ thương nàng Tô Thị lúc này đang đứng đợi người ở đầu nguồn. Nhường người vọng phu lại khuyên người đi đừng có trở về, vì nếu người về thì nàng chẳng thành đá và chẳng còn được người đi thương mến nữa. Nàng Tô Thị ru rằng: 
ĐỒNG ĐĂNG CÓ PHỐ KỲ LỪA 
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa 
Có nàng Tô Thị (ý y a) đứng (a) chờ đợi (ỳ) ai? 
Và khuyên người chẳng tái hồi 
Cho ngàn năm được (ý y a) sống đi vọng (à) phu!
Người lữ khách đi trong miền thượng du. Có dân chúng vùng núi rừng hát tiễn đưa. 
NGƯỜI VỀ MIỀN SUÔI 
Người về miền suôi đem theo tình người miền núi 
Nhà sàn tả tơi đứng bên đường hoang vắng soi 
Đưa chân anh qua đồi 
Cơm lam đem theo người 
Lên cao anh ôm trời 
Để dòng suối lẻ loi.
Lữ Khách: 
Đường về ruộng dưới ngát hương củi rừng gạo núi 
Vượt tầm đèo khơi thấy con đường lúa tươi cười. 
Đường về miền suôi biết bao đò bao quán mới 
Đường dài mà vui hỡi người bạn đường nặng vai 
Rồi một ngày mai có qua nhịp cầu tả tơi 
Nhìn bọt bèo trôi nhớ chăng màu tóc xanh ngời?
Lữ khách và người miền núi: 
Đường ngược đường suôi nhớ nhau vì chuyện đầu môi 
Tạm biệt một nơi thấy nhau ở cuối chân trời.
Người lữ khách về tới vùng trung du. Qua đò ngang, gặp cô lái đò. NÀY NGƯỜI ƠI! 
Này người ơi! Ghé bến (y) sang sông 
Lên đường đi tới bỏ công em chèo thuyền 
Mừng người đi tìm thấy tình duyên 
Con đường đất nước nối liền lòng dân.
Lữ khách:
Sông Thương ơi! Nước chẩy đôi ba dòng 
Anh về Hà Nội một lòng, lòng yêu em 
Sông Thương ơi! Nước đục người đen 
Anh về thành phố không quên cô mình.
Lữ khách đã về tới Thủ Đô miền Bắc: 
TÔI ĐI TỪ LÚC TRĂNG TƠ 
Ra đi từ lúc trăng tơ, trăng một miền hoa cỏ
Trăng lên đầu cửa ô xa vẫn chưa mờ 
Im nghe lời Thủ Đô chào, ôi lời mừng đông đảo 
Đi trong lịch sử dân ta, luống nghẹn ngào
Lữ khách và dân chúng thủ đô: 
Hai bên nhà cửa thân yêu
Ơi, ơi, người ơi! Ơi, ơi, người ơi! 
Đã mấy lần để đám rêu xanh thay mầu gạch ngói 
Thăng Long buồn tủi chia phôi Tháp, 
Tháp Rùa ơi! Tháp, Tháp Rùa ơi! 
Gió tiễn người về đến quê hương câu ca giọng Hời!
PHẦN THỨ HAI QUA MIỀN TRUNG:
Vào tới Miền Trung, một lũ bé chạy ra đón lữ khách: 
AI ĐI TRONG GIÓ TRONG SƯƠNG 
Ai đi trong gió trong sương ơ? 
Phải mau ơ! Phải mau để mà tới người ơi! 
Kẻo đường ơi, người ơi còn xa! 
Kẻo đường ơi, người ơi còn xa!
Và một người mẹ trẻ đang ru con: 
AI VÔ XỨ HUẾ THÌ VÔ 
À á ơ a á à á ơi! 
Ai vô xứ Huế thì vô 
Chớ sợ Truông nhà Hồ, chớ sợ Phá Tam Giang à ơi! 
A á ơ a á à á ơi! 
Ngó ra quê cha đường xa sông rộng 
Ngó về quê m ẹ núi lộng đèo cao 
À á ơ a á à á ơi! 
Nhưng con ơi, con ngú ngủ sâu 
Chứ nối lại nhịp cầu chứ đã có o ó ư người đi 
À á ơ a á à á ơi.
Qua thôn xóm, gặp lúc ngày mùa, lữ khách nghe thấy tiếng hò giã gạo.
AI ĐI TRÊN DẶM ĐƯỜNG TRƯỜNG 
Hò hô hò hò ơi hò! 
Ai đi trên đường là dặm đường? 
Đi mô mà vội vã à, cùng là hò khoan 
Hố hô hò khoan 
Hò hô hò hò ơi hò! 
Khoan khoan tôi mi là mi bạn 
Vui là họp đoàn đêm nay chừ là à nay 
Hố hô hò khoan
Lữ khách:
Năm tê trong lúc sang Xuân 
Tôi theo Công Chúa Huyền Trân tôi lên đường. 
Đường máu xương đã lắm oán thương 
Đổi sắc hương lấy cõi giang san 
Tôi đi theo bước ái tình 
Đi cho trăm họ được hòa bình ấm no 
Đèo núi cao nghe gió vi vu, 
Thổi phấn son bay tới kinh đô
Dân miền Trung:
Hò hô hò hò ơi hò! 
Anh đi trên đường là gập ghềnh 
Mau mau đi kẻo lỡ à chuyện tình nước non 
Hố hô hò khoan 
Hò hô hò hò ơi hò! 
Mau mau đi kẻo là kẻo lỡ 
Câu chuyện tình năm xưa là tình à xưa 
Hố hô hò khoan
Lữ khách muốn được như nàng Huyền Trân khi xưa, đi vào phía Nam bằng một tấm lòng. Lữ khách nghe thấy tiếng hát của Công Chúa  vọng lên từ những Tháp Hời. 
NƯỚC NON NGÀN DẶM RA ĐI 
Nước non ngàn dặm (à a a) ra đi! 
Nước non ngàn dặm (à a a ra) đi! 
Dù đường thiên lý xa vi 
Dù tình cố lý chơi vơi
Cũng không dài bằng lòng thương mến người 
Bước đi vào lòng (ừ ư ư) muôn dân 
Bước đi vào lòng (ừ ư ư) muôn dân 
Bằng hồn trinh nữ mơ màng 
Bằng tình say đắm ơi chàng 
Ước nuôi dần hòa bình trong ái ân 
Nhường ánh Tháp vàng 
Cây quế giữa rừng 
Chỉ một mùa tang là hương là sắc (ứ) tan. 
Tàn cả tình yêu 
Vì hận còn gieo 
Đất nước cháy theo với ngọn lửa thiêu! 
Mới hay tình nhẹ (è e e) như tơ! 
Mới hay tình nhẹ (è e e) như tơ! 
Mộng ngoài biên giới mơ hồ 
Chẳng ngăn được sóng vỡ bờ 
Với đêm mờ hồn về trên Tháp ma
Công chúa Huyền Trân muốn nói rằng con đường thiên lý dù sao cũng không dài bằng con đường đi vào lòng người. Nàng mong lữ khách nối tiếp công việc đi vào đất nước và lòng người của nàng khi xưa. Lữ khách vội vã ra đi, và trong sớm tinh mơ nghe thấy giọng hò của cô gái Huế vẳng lên từ ngôi chùa Thiên Mụ bên sông Hương. 
GIÓ ĐƯA CÀNH TRÚC LA ĐÀ 
Ớ ơi hò! ở hò ơi! 
Gió đưa cành trúc la đà 
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà đêm sương 
Người về chưa ghé sông Hương 
Đã nghe tiếng gọi đôi đường đắng cay 
Anh đi mau ơi nối lại duyên may 
Tình xưa là nghĩa cũ anh đắp xây cho thiệt bền 
Ớ hò ơ ơ!
Lữ khách cất tiếng hát qua đèo vào vùng ven biển 
TÔI XA QUÊ NGHÈO RUỘNG NGHÈO 
Hò hô hò hò ơi hò! 
Tôi xa quê nghèo là ruộng nghèo 
Tôi leo qua cồn cát à, vượt đèo Hải Vân
Hố hô hò khoan 
Hò hô hò hò ơi hò! 
Tôi trông én liệng là từng đàn 
Tôi gọi đàn chim i kìa là à chim 
Hố hô hò khoan
Dân miền Trung:
Vua Lê dắt lính vô Trung 
Anh theo Chúa Nguyễn vượt Cù Mông anh qua đèo 
Để núi cao ngơ ngác trông theo 
Để tháp son thương nhớ trong chiều. 
Anh đi chân cứng đá mòn,
Đi chưa thấy mỏi mà lòng còn say sưa. 
Biển thắm ru tiếng hát thiên thu 
Làn gió xanh theo gót phiêu du
Lữ khách:
Hò hô hò hò ơi hò! 
Lênh đênh ven bờ là biển sâu 
Hương thơm là thoang thoảng à đất màu miền Nam 
Hố hô hò khoan. 
Hò hô hò hò ơi hò! 
Lênh đênh ven bờ là biển giàu 
Nghe nhịp cầu đã nối tình là à xưa 
Hố hô hò khoan.
PHẦN THỨ BA VÀO MIỀN NAM: 
Lữ khách vào tới miền Nam, nghe tiếng hò của một cô gái: 
ANH ĐI ĐƯỜNG VẮNG ĐƯỜNG XA 
Hò ơ ơ ớ ơ hò! 
Bớ anh đi đường vắng đường xa 
Dừng chân đứng lại  i ì 
Hò ơ ơ ớ ơ hò! 
Nghe em đây ca đôi lời 
Nghe em đây ca đôi lời 
Chiều về trên cánh Đồng Nai
Chờ người xây đắp ngày mai.
Và lữ khách mừng rỡ hát khúc hành ca: 
NHỜ GIÓ ĐƯA VỀ 
Nhờ gió đưa về, về miền gió chan hòa 
Thơm lòng đất phù sa 
Trời nắng huy hoàng, trời sưởi ấm con đường 
Cho ta vô miền sông nước. 
Chiến đấu với sình lầy 
Với thú dữ ư tràn đầy 
Với lũ muỗi ư đặc dầy như đám mây. 
Chiến đấu với rừng tràm 
Ta như ong từng đàn 
Lập cuộc đời trên đất rừng hoang. 
Vào tới xóm dừa, vào vườn chuối la đà. 
Ôi là mát lòng ta! 
Bầu vú sữa tròn và mảnh trái thơm ròn 
Hương sầu riêng ngọt ngon. 
Có mái tóc xu ề xòa, có khóe mắt thiệt thà 
Đôi môi xinh hàm răng xít xa 
Có áo ngắn mặn mà, có tiếng nói đậm đà 
Người yên lành như một giấc mơ!
Cô gái miền Nam muốn theo lữ khách trên con đường và trong cuộc đời: 
ĐI ĐÂU CHO THIẾP THEO CÙNG 
Đi đâu cho thiếp theo cùng 
Đói no thi ế p chịu lạnh lùng thiếp cam 
Ví dầu tình có dở dang 
Thì cho thiếp gọi đò ngang thiếp về.
Lữ khách:
Tới đây lạ xứ quen người 
Trăm bề nhũn nhặn đừng cười tôi nghe 
Ví dầu tình bén duyên thề 
Thì xin kết bạn đền nghì trúc mai.
Từ biệt miền Bắc với tâm trạng của người chồng Nàng Tô Thị. Vào miền Trung với mối tình của Huyền Trân Công Chúa, nhưng tới miền Nam, lữ khách đã tìm được lương duyên ở cảnh và ở người. Lữ khách kết duyên cùng cô gái. Dân chúng miền Nam hát hò mừng đôi vợ chồng mới. 
ĐÈN CAO CHÂU ĐỐC GIÓ ĐỘC GÒ CÔNG 
Hò lơ hó lơ!  Lắng tai nghe tiếng ai đang hò lờ! Hò lơ hó lơ! 
Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc? 
Gió nào độc cho bằng gió Gò Công? 
Vợ chồng son đã nuôi lòng ước mong 
Thuận vợ chồng sẽ cùng tát Biển Đông 
Hò lơ hó lơ! Lắng tai nghe tiếng ai đang hò lờ! Hò lơ hó lơ!
Đôi vợ chồng son cưỡi sóng Cửu Long Giang về miền Hậu Giang sinh sống. 
CỬU LONG GIANGVỀ MIỀN NAM 
Cửu Long Giang! 
Gió về vui trên sóng sông 
Uốn quanh như chín con rồng ôm chặt đứa con 
Người từ Tiền Giang đi về xa xăm 
Cuối con đường say đắm là miền rộng thênh thang 
Cửu Long Giang! 
Trôi về ôm ấp đất hoang 
Thiết tha như gái yêu chồng trong chiều mênh mông 
Người về Hậu Giang xây tổ uyên ương 
Có cánh đồng lúa chín uốn mình trên sóng sông.
Vợ chồng lữ khách và dân chúng: 
Về miền Nam! Ôi quê hương mới ơi! 
Về Cần Thơ khơi kinh, khơi nước ngòi 
Về Hà Tiên ta tiễn Chúa ra đảo khơi 
Về Cà Mau ta đốt biết bao lửa vui 
Về miền Nam ta theo cơn gió đưa 
Về miền quê ta theo cơn gió về 
Về miền sông ăn cá nướng thơm ngày mưa. 
Về đồng dưa ta tắm nắng vui đi ta 
Về miền Nam! Về miền Nam! 
Người về đây trong gió bình an.
Thành lập xong cuộc đi trên đất miền Nam mầu mỡ, vợ chồng son hát tạ ơn: 
GIÃ ƠN CÁI CỐI CÁI CHẦY VỀ MIỀN NAM 
Giã ơn cái cối cái chầy 
Đ êm khuya giã gạo, có mầy, có tao! 
Giã ơn cái nhịp cầu ao 
Đêm khuya vo gạo, có tao có mầy!
Dân chúng:
Về miền Nam đem theo sương gió xưa 
Về đồng khô đem cơn mưa rét về. 
Người về đây thương nhớ lắm con đường xa. 
Về miền Trung, ra xứ Bắc yêu mẹ cha. 
Đường từ xa đem ta đã tới đây! 
Chùa chiều nay rung chuông trên luống cầy 
Người gửi ơn ra bốn phía chân trời mây 
Ngẩng đầu lên dâng vút đóa linh hồn say 
Đường về đây! Đường về đây! 
Trời về Tây nghe gió cuồng bay.
Lữ khách đã tới cuối con đường xuyên Việt. Tạm dừng chân, người mong con đường cái quan sẽ có ngày hết ranh giới để người được mãi mãi đi trong cuộc đi và trong tình người. Toàn thể nhân dân hát:  
ĐƯỜNG ĐI ĐÃ TỚI 
Đường đi đã tới! Lòng dân đã nối! 
Người tạm dừng bước chân vui! Người ơi! 
Người mơ ước tới đường tan ranh giới 
Để người được mãi đi trong một duyên tình dài. 
Con đường thế giới xa xôi, trong lòng dân chúng nơi nơi.
Khởi soạn tháng 11/1963 Kết thúc tháng 5/1964 Với lòng tin yêu Mẹ càng ngày càng sâu đậm.
Phạm Duy
Nguồn: Pham Duy’ Study 2007
Theo https://phamduy.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chùm thơ của Lưu Lãng Khách Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao – trên trời cao/ Chim non ca vang như ngày nào/ Bên em a...