Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Phạm Duy nói về điạ vị của ca khúc, về thơ phổ nhạc

Phạm Duy nói về điạ vị của 
ca khúc, về thơ phổ nhạc... 
(Trường ca Hàn Mặc Tử)     
Vào năm 1970, nhà xuất bản BORDAS, Paris-Montreal cho ra đời một cuốn sách nhan đề LA LITTÉRATURE EN FRANCE DEPUIS 1975.
Các tác giả là Jacques Bersani, Michel Autrand, Jacques Lecarme, Bruno Versier... đã cho rằng từ năm đó trở đi, Văn Học Pháp Quốc không phải chỉ là thơ, tiểu thuyết và kịch bản mà thôi. Vào thời đại này, trong văn học phải kể thêm truyện trinh thám, truyện bằng tranh và ca khúc.
Riêng về ca khúc, người ta nhận định rằng: Sau thế chiến 2, vì sự góp mặt của các thi sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ như Jacques Prévert, Boris Vian, Joseph Kosma, Georges Brassens, Charles Trenet v.v... ca khúc (chanson) của nước Pháp phải đi vào văn học sử bởi vì nó đã không còn là một thứ nghệ thuật yếu kém (un art mineur) nữa rồi. Thơ Prévert được phổ thành ca khúc và rất thành công cho nên vào lúc đó triết gia Jean Paul Sartre làm lời ca cho bài La Rue Des Blancs Manteaux, nhà thơ Raymond Queneau soạn lời cho ca khúc mang tên Si Tu T'imagines. Georges Brassens thì đem thơ Victor Hugo, Paul Fort ra phổ nhạc. Léo Ferré phổ thơ Aragon và Hélène Martin phổ thơ Jean Genet... Trong sách, có nói rõ về chỗ đứng của ca khúc: En quelques années, la chanson est devenue intelligente, humoristique, sensible, satirique, enfin intéressante.  La chanson a pénétré dans toutes les couches sociales. (...) Elle fait partie de notre vie quotidienne...
Biên giới giữa ca khúc và thơ gần như không còn nữa. Nhạc còn làm cho thơ (hay lời ca cũng vậy) đi nhanh vào lòng người.
Bây giờ ta nói đến Văn Học Sử Việt Nam. Phần nhiều nó là những thi phẩm được hát lên như TRUYỆN KIỀU, LỤC VÂN TIÊN với lối kể Kiều và nói thơ vân Tiên. Dân chúng thường biết đến văn chương thi ca qua hình thức ca ngâm cho nên tác phẩm thường có thêm chữ ngâm hay ca vào, ví dụ CHINH PHỤ NGÂM, CUNG OÁN NGÂM KHÚC, GIA HUẤN CA... Còn HÁT Ả ĐÀO thì hoàn toàn là thơ của những thi sĩ lỗi lạc như Tú Xương, Nguyễn Khác Hiếu... Ta có thể nói văn học Việt Nam của thời trước là những ca khúc ngắn và những ca khúc dài.
Trong Nhạc Sử Việt Nam, kể từ khi có Tân Nhạc để thay thế cho Cổ Nhạc, là những đoản khúc hay những trường ca, hoặc sử dụng nhạc ngũ cung của dân tộc hay đi theo đường lối nhạc chủ âm của Âu Mỹ... ca khúc đóng vai trò rất lớn. Nó có một chỗ ngồi rất vững trong lòng người, không phải là một mà tới ba, bốn thế hệ. Chẳng cần phải nghiên cứu kỹ càng cũng thấy rằng trong 50 năm qua, nhạc điệu của ca khúc Việt Nam mỗi ngày một phong phú thêm, lời ca mỗi ngày một trí thức hơn, mỗi thời đại, mọi tình cảm đều được diễn dịch qua hàng ngàn ca khúc của hàng trăm tác giả, từ Lê Thương, Đặng Thế Phong qua Văn Cao tới Trịnh Công Sơn... Và nếu thế hệ nhạc sĩ đương thời hay tương lai rất giỏi về nhạc lý, về nhạc thuật, chịu bỏ công ra để soạn phần hòa âm, phối khí mới mẻ cho những ca khúc cũ của các bậc cha chú thì nhạc Việt Nam chắc chắn sẽ không thua nhạc cổ điển hay tân thời của Âu Mỹ đâu. Hơn nữa, vì hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của nước ta cho nên nhạc Việt còn có rất nhiều sự sống mà chưa chắc nhạc cổ điển hay nhạc tân kỳ của Âu Mỹ có thể có được.
Khởi sự là một người soạn ca khúc, rồi không hề có một mặc cảm nào cả, tôi cứ mãi mãi là người soạn ca khúc bởi vì sau khi đi học ở Pháp về và nhìn vào tình trạng sinh hoạt âm nhạc ở nước mình thì tôi thấy không thể đi vào con đường nhạc thuần túy như nhạc cổ điển Tây Phương được. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ rằng nếu tiếp tục soạn ca khúc thì phải thăng hoa nó lên, nghĩa là phải làm sao cho cả hai phần nhạc và lời càng ngày càng tiến bộ. Nghĩa là vào lúc cuối đời, làm sao nhạc của mình có thể tiến dần tới cõi giao hưởng mà hình như mọi người đều coi là cái đỉnh của nghệ thuật âm thanh và lời của mình có thể được cho vào văn học sử.
Ca khúc của tôi, như mọi người đã biết, về phần lời ca, đa số là do tôi soạn, còn một số là những bài thơ đã nổi danh hay chưa ai biết tới khi được tôi phổ nhạc. Lý do tôi thích phổ thơ cũng rất là giản dị. Trước hết, tôi yêu thơ từ ngày còn bé. Lớn lên, tôi có nhiều bạn là thi sĩ làm thơ hay và làm cho tôi càng yêu thơ hơn lên. Cuối cùng, tôi có một người tình rất yêu thơ tiền chiến và làm 300 bài thơ tình tặng tôi.
Hành trình phổ nhạc những bài thơ hay của tôi xét ra cũng thật là dài. Khởi sự với thi phẩm của những thi sĩ đã thành danh như Cô Hái Mơ của Nguyễn Bính (1942), rồi tới Tiếng Thu (1945) sau đó là Vần Thơ Sầu Rụng, Hoa Rụng Ven Sông, Thú Đau Thương của Lưu Trọng Lư. Tôi đến với Tiếng Sáo Thiên Thai của Thế Lữ vào năm 1952, với Ngậm Ngùi của Huy Cận và với Chiều của Xuân Diệu vào đầu thập niên 60. Những bài thơ của các thi sĩ lớn khác như Mầu Thời Gian của Đoàn Phú Tứ, Tỳ Bà của Bích Khê, Con Qùy Lạy Chúa Trên Trời của Nhất Tuấn cũng được tôi đem vào nhạc trong những ngày xa xưa đó.
Ngoài việc phổ nhạc những bài thơ đã trở thành thơ cổ điển của nền THƠ MỚI, vào những năm 60, tôi là người đóng góp vào việc phổ biến những bài thơ tình của lớp thi sĩ trẻ vừa mới được in ra hoặc chưa ai biết tới như: Kiếp Nào Có Yêu Nhau, Đừng Bỏ Em Một Mình của Hoài Trinh, Mùa Thu Paris, Tiễn Em, Kiếp Sau, Bên Ni Bên Nớ, Về Đây, Chiều Đông của Cung Trầm Tưởng, Mùa Xuân Yêu Em của Đỗ Quý Toàn, Tâm Sự Gửi Về Đâu của Lê Minh Ngọc... 
Thơ về chiến tranh/ hòa bình/ tình yêu trong suốt 30 năm ly loạn ở trong nước cũng được tôi phổ nhạc rất nhiều như: Thanh Niên Ca của Đào Duy Kỳ, Đồi Tím Hoa Sim của Hữu Loan, Lời Mẹ Dặn của Phùng Quán, Kỷ Vật Cho Em của Linh Phương, Tưởng Như Còn Người Yêu của Lê Thị Ý, Khi Tôi Về của Kim Tuấn,  Nhân Danh của Nguyễn Đắc Xuân, Bi Hài Kịch của Thái Luân, Đi Vào Quê Hương của Hoa Đất Nắng, Tình Khúc Trên Chiến Trường Tồi Tệ, Thầm Gọi Tên Nhau Trên Chiến Trường Tồi Tệ  của Ngô Đình Vận, Mười Hai Tháng Anh Đi của Phạm Văn Bình, Còn Chút Gì Để Nhớ của Vũ Hữu Định, Ở Rừng U Minh Ta Không Thấy Em của Nguyễn Tiến Cung, Chuyện Tình Buồn của Phạm Văn Bình... Đó là chưa kể trường khúc CHIẾN CA MÙA HÈ gồm 13 bài thơ của Phạm Lê Phan mà tôi phổ nhạc trong Mùa Hè Đỏ Lửa vào năm 1972.
Trong khoảng đầu của thập niên 70, tôi lại có diễm phúc là làm cho mọi người nhanh chóng biết tới hai hiện tượng về thơ là: thơ rất Đạo của Phạm Thiên Thư như Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng, Gọi Em Là Đoá Hoa Sầu, Em Lễ Chùa Này... nhất là mười bài thơ được phổ thành đạo ca... và thơ rất phi Đạo (hay cũng rất Đạo) của Nguyễn Tất Nhiên như Thà Như Giọt Mưa, Em Hiền Như Ma Soeur, Hai Năm Tình Lận Đận...
Ra hải ngoại, ngoài những bài thơ ngắn của Hà Huyền Chi như Mười Năm Một Chuyện Tình Buồn và Năm Ngàn Năm Về Trước, của Nguyên Sa như Vết Sâu, của Cao Tần như Thư Em Đến và Mai Mốt Ông Về, của Viên Linh như Thủy Mộ Quan, của Nguyễn Xuân Quang như Mây Trôi Trôi Hết Một Đời, của Duyên Anh như Có Bao Giờ Em Hỏi và Em, Anh Đã Tới Paris và một loạt 5 tập thơ của Ngô Xuân Hậu nhan đề Mộ Khúc... tôi còn tung ra hai loại ca là Ngục Ca và Hoàng Cầm Ca mà mọi người đều biết đó là thơ Nguyễn Chí Thiện và thơ Hoàng Cầm do tôi phổ thành ca khúc.
Thế là sau khi đã đi qua gần như hầu hết các nẻo thơ của Nền Thi Ca Việt Nam Hiện Đại trong tuổi thanh xuân và tuổi buổi trưa rồi, bây giờ vào tuổi về chiều, hành trình phổ nhạc phải dẫn tôi tới thơ Hàn Mặc Tử. 
Nói về Hàn Mặc Tử
Tôi vẫn nghĩ rằng trong mấy chục năm qua, người Việt Nam yêu thơ chưa bao giờ hiểu biết kỹ càng về cuộc đời và thi phẩm Hàn Mặc Tử. Dù đã có những bạn văn của thi sĩ như Quách Tấn, Chế Lan Viên, Hoàng Trọng Miên, Trần Thanh Mại... viết khá nhiều về ông trong thập niên 40 nhưng rồi ở nước ta sau đó là một cuộc đổi đời kinh hoàng và kéo dài cho nên cho tới nay có lẽ người ta chỉ biết đến một số ít bài trong thơ Hàn Mặc Tử.      
Tôi tạm kể ra tiểu sử rất ngắn của thi sĩ:      
1912 năm sinh.      
1926 (14 tuổi) làm thơ Đường, bút hiệu Minh Duệ Thị.      
1930-1931 (18, 19 tuổi) đăng thơ trên các báo Phụ Nữ Tân Văn, 
Lời Thăm, với bút hiệu Phong Trần, nổi tiếng vì hoạ thơ với cụ Phan Bội Châu.      
1934-1935 (22, 23 tuổi) làm thơ lấy tên Lệ Thanh, rồi đổi là Hàn Mạc Tử, cuối cùng là Hàn Mặc Tử.      
1936 (24 tuổi) thấy mình có bệnh nhưng chưa biết là bệnh phong.      
1937-1939 (25, 27 tuổi) biết mình mắc bệnh phong, xa lánh tất cả mọi người, tập hợp các bài thơ lại thành các tập Thơ Điên (hay Đau Thương), Xuân Như Ý, Thượng Thanh Khí...      
1940 (28 tuổi) mất tại nhà thương phong Quy Hòa.
Phải nói rằng thơ Hàn Mặc Tử đã ám ảnh tôi từ khi tôi biết yêu những bài thơ đầu đời của ông và còn yêu cho tới bây giờ. Tôi làm quen với thơ Hàn Mặc Tử từ lúc còn đi học. Rồi theo rõi thơ ông cũng như những bài viết về ông. Đọc cuốn THI NHÂN VIẼT NAM thì thấy Hoài Thanh cho thơ Hàn Mặc Tử là quái dị. Vũ Ngọc Phan thì viết: ''Thơ Hàn Mặc Tử có những thi hứng dồi dào nhưng phần nhiều khúc mắc, nhạc điệu hình như không phải là phần quan hệ, lời thơ nhiều khi rất thô. Bệnh ông lại làm cho ông có những ý tưởng khác thường nên nhiều bài thơ của ông chỉ là những bằng chứng rất lạ cho những ai muốn khảo sát về một tâm trạng, một tâm hồn đau khổ...'' 
Người hết lòng bênh vực thơ Hàn Mặc Tử như Trần Thanh Mại thì đưa thơ Hàn Mặc Tử lên ngang hàng với thơ của Byron, Edgar Poe, Tourgeniew. Đọc Phạm Thế Ngữ trong VIỆT NAM VĂN HỌC SỬ thì thấy nhà khảo cứu này cho rằng thơ Hàn Mặc Tử, vào lúc đầu, ca tụng ái tình với một giọng suồng sã đắm đuối, rồi vì ác bệnh nên thi sĩ lấy Đạo như một lẽ sống tuyệt vời và trút vào thơ những chứng nghiệm của tâm hồn ông ráng leo lên đỉnh Thượng thanh. 
Bị quyến rũ bởi thơ Hàn Mặc Tử cho nên vào năm 1958, tôi đã phổ nhạc bài thơ Tình Quê. Bài Giết Người Trong Mộng soạn vào cuối thập niên 60 thì xuất xứ từ hai câu thơ của thi sĩ mà có lẽ vì tôi không cực kỳ đau khổ như ông nên tôi kết luận là nên Giữ Người Trong Mộng. Bây giờ lý do khiến tôi muốn soạn một trường ca (hay một chương khúc) gồm nhiều bài thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử là bởi vì sau khi đi vào đạo khúc, thiền ca hồi năm ngoái, bây giờ tôi muốn tiếp tục nói tới chuyện hóa giải nỗi oan khiên to lớn của cuộc đời Việt Nam sau nửa thế kỷ chiến tranh và hận thù bằng con đường đi vào Đạo để siêu hoá mọi sự. Và đột nhiên tôi thấy đề tài này có thể biểu lộ một cách hùng hồn bằng cách phổ thơ Hàn Mặc Tử.
Trước khi soạn Trường Ca hay Chương Khúc Hàn Mặc Tử, tôi đã đọc hầu hết những bài thơ của thi sĩ. Thì ra tôi tìm thấy trong thơ ông những chủ đề mà tôi theo đuổi từ lâu là chủ đề về Tình Yêu, về Sự Đau Khổ, về Cái Chết và về Đạo.
Thơ tình của Hàn Mặc Tử có những bài vừa lãng mạn, vừa trữ tình: Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ 
Em lấy chồng rồi hết ước m ơ 
Tôi sẽ đi tìm mỏm đá trắng 
Ngồi lên để thả cái hồn thơ...
Tình dục thì được đưa vào thơ ngay từ khi thi sĩ chưa mắc bệnh phong: 
Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối 
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn... 
Một nường con gái trông xinh xinh 
Ống quần vo xắn lên đầu gối 
Dạ thịt, trời ơi, trắng rợn mình... 
Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm 
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe 
Vô tình để gió hôn lên má 
Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm 
Em sợ lang quân em bắt được 
Nghi ngờ tới cái tiết trinh em...
Sự đau khổ thì hình như chưa có ai diễn tả tới cực điểm như nhà thơ Hàn Mặc Tử: 
Nghệ ơi Nghệ muôn năm sầu thảm 
Nhớ thương còn một nắm xương thôi 
Thân tàn ma dại đi rồi 
Rầu rầu nước mắt bời bời ruột gan 
Nghe hơi gió ôm ngang lấy gió 
Tưởng chừng như trong đó có hương 
Của người mình nhớ mình thương 
Nào hay gió lại chẳng vương vấn gì... 
Tôi vẫn còn đây hay ở đâu 
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu 
Sao bông phượng nở trong mầu huyết 
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu
Sự đau thương đến trở thành điên dại rồi dẫn tới cái chết, đó là những bài thơ mà thi sĩ cho vào một thi tập với nhan đề THƠ ĐIÊN: Bây giờ tôi dại tôi điên 
Chắp tay tôi lạy cả miền không gian... 
Một khối tình nức nở giữa âm u 
Một hồn đau rã lần theo hương khói 
Một bài thơ cháy tan trong nắng dọi 
Một lời run hoi hóp giữa không trung 
Cả niềm yêu, ý nhớ cả một vùng 
Hóa thành vũng máu đào trong ác lặn...
Về Đạo thì chắc chắn Hàn Mặc Tử phải là nhà thơ của Thiên Chúa Giáo rồi, nhưng ông cũng có những câu thơ có hương vị Phật Giáo:  
Nhạt mùi son phấn say mùi đạo 
Chán cảnh phiền ba mến cảnh chùa... 
Chùa không sư tụng cảnh buồn teo 
Cốt phật còn đây chuỗi phật đâu?
Thượng Đế luôn luôn có mặt trong thơ Hàn Mặc Tử, nghĩa là trong đáy nước hồ reo, trong cơn gió rung cành liễu và nhất là trong tình yêu: 
Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều 
Để nghe dưới đáy nước hồ reo 
Để nghe tơ liễu run trong gió 
Và để xem trời giải nghĩa yêu
Thiên Chúa là cứu cánh của Hàn Mặc Tử và đã cứu rỗi nhà thơ trong cơn đau khổ triền miên: 
Ôi cao sang khôn vị trọng ai bì 
Trên nước cả có vô vàn châu báu 
Trí rất ngớp bởi chưng xuân hồn hậu 
Đã ra đời theo lịnh của Ngôi Hai 
Ôi thánh tai, thánh tai và thánh tai!      
(Thánh tai: danh từ biểu lộ sư hoan hỷ và cung kính đối với Thiên Chúa)
Nói về Trường Ca Hàn Mặc Tử              
Phải thú thực là phổ thơ Hàn Mặc Tử khó vô kể. Trong một năm trời, vật lộn với thơ Hàn Mặc Tử, nhiều khi tôi chỉ muốn chết theo thi sĩ. Thơ ông phần nhiều là thơ 8 chữ, với ngắt đoạn 3 chữ rồi 5 chữ: Ngó như gần, song vẫn thiệt xa xôi 
Lau mắt đi, đừng cho lệ đầy vơi
... Tôi chết giả và no nê vô vạn 
Cười như điên sặc sụa cả mùi trăng...
Tôi không thể phá nhịp điệu trong thơ của ông, đành phải tìm sự phong phú hoá ở giai điệu hay ở thể điệu vậy. Bởi vì thơ Hàn Mặc có nhiều đặc tính, khi thì ấn tượng, khi thì siêu thực, khi thì tượng trưng cho nên nhạc cũng phải theo thơ. Tôi phải uốn nắn nét nhạc cho phù hợp với từng tâm trạng của thi sĩ bệnh nhân và xếp đặt lớp lang gần giống như Beethoven viết trong bản Symphony số 6 về Người chăn chiên, Tình quê, Giông bão và Lời tạ ơn.  Còn Duy Cường thì không soạn hoà âm đối âm theo lối tả thực mà dùng khá nhiều nhạc thuật của Debussy và Berlioz.
Phàm biết đọc chữ quốc ngữ thì có thể đọc được đủ các loại văn chương hay thi ca, nhưng hiểu được văn  hay thơ của trường phái siêu thực (chẳng hạn) thì có khi cần có thêm ít nhiều giải nghĩa. Cũng như có mắt thì có thể nhìn tranh nhưng nhìn tranh Picasso và hiểu ngay được ý vẽ của hoạ sư  thì hơi khó đấy. Phàm có lỗ tai thì có thể nghe đủ mọi loại nhạc, nhưng muốn hiểu kỹ càng Beethoven hay Chopin thì nên đọc những sách báo viết về các nhạc sư này.  Tôi không dám so sánh với bất cứ ai nhưng tôi xin anh chị em nghe trường ca hay chương khúc này ít ra là ba, bốn lần rồi mới nên có ý kiến cho mình hoặc cho soạn giả. Do đó, trong khi tôi còn sống, tôi muốn được giãi bầy tâm sự về một nhạc phẩm không dành cho đại chúng.
Trong quá trình sáng tác, dù là với đoản khúc, chương khúc hay trường ca, tôi đã cố gắng làm cho nhạc của mình đa dạng. Nhạc kháng chiến là hiện thực và trữ tình (Nương Chiều, Gảnh Lúa). Nhạc tình là cảm tính, đôi khi là nhục tính (Cỏ Hồng). Tôi đi vào ấn tượng với Chiều Về Trên Sông. Tôi mon men tới siêu thực khi đả động tới cái chết (Đường Chiều Lá Rụng). Trường Ca Con Đường Cái Quan là tả thực, Mẹ Việt Nam là tượng trưng, Tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ là ẩn dụ. Mười bài rong ca với Người Tình Già Trên Đầu Non đi vào vũ trụ là siêu nhiên. Đạo Khúc/Thiền Ca là hành trình vào cõi siêu linh. Tôi nghĩ rằng Trường Ca hay Chương Khúc Hàn Mặc Tử là tổng hợp các đặc tính kể trên.
Tôi chia nhạc phẩm này ra làm 3 phần:
Phần I: Nhan đề TÌNH QUÊ gồm những bài Tình Quê, Đây Thôn Vĩ Giạ, Dalat Tră ng Mờ. Phần này diễn tả sự bình thản trong lòng của một con người hay là của một nước Việt Nam thanh bình để, trước hết... có anh thơ thẩn trước sân nhà, có anh đắm đăm trông nhạn về. Rồi anh nhìn thấy mây chiều phiêu bạt, anh bước ra khỏi sân nhà để lang thang trên đồi quê... Anh là thi sĩ Hàn Mặc Tử mà cũng là chúng ta trong thuở Việt Nam thanh bình đó. Bài hát không cần phải hát liên tục mà có thể hát lên từng đoạn. Nhạc Duy Cường ở đây là nhạc chiều (serenade), là nhạc ấn tượng (impressionist) rất tha thẩn, quanh co, lang bạt, man mác. Giọng hát Duy Quang rất bình thản, nhẹ nhõm bởi vì dường như con người và cảnh vật vào lúc này đều chìm đắm trong một hạnh phúc êm đềm... Thế rồi tình yêu đến, anh đi khỏi vùng đồi quê miền Bắc để vào gặp em ở vùng cố đô Huế. Em bèn mời anh... về chơi thôn Vĩ để nhìn nắng hàng cau nắng mới lên, đôi tình nhân đắt nhau vào vườn ai mướt quá xanh như ngọc với lá trúc che ngang mặt chữ điền. Từ giai điệu qua hoà điệu tới tiếng hát Thái Hiền, tất cả đều phải rất mượt mà, rất đậm đà, rất ngọc ngà... dù áo em chỉ là áo trắng, hoa đây chỉ là hoa bắp, dòng nước chỉ là nước buồn thiu... 
Rồi con thuyền đậu trên sông trăng xứ Huế hay lối gió đường mây nào đó sẽ đưa đôi tình nhân đi xa hơn nữa, đi vào một miền huyền mơ thực huyền mơ, tức là miền Dalat Trăng Mờ, có hàng thông lấp loáng đứng trong im lìm, có làn sương nhạt, có tiếng nước hồ reo, có tơ liễu run trong gió... Tính chất thiêng liêng phải được nổi bật trong đoạn này qua sự nhắc đi nhắc lại một nhạc đề có nét nhạc min ơ (giống như âm giai Nhật Bản cho nên dùng tiếng sáo shakuhachi) để rồi chuyển qua đoạn majơ trong sáng ở cuối bài. Hòa âm của Duy Cường  càng làm tăng giọng rất đắm đuối của Tuấn Ngọc. Bời vì thi sĩ Hàn Mặc Tử đã thấy ĐẠO ở tất cả, ở đáy nước hồ reo, nhất là ở TÌNH YÊU cho nên toàn thể ca khúc là một sự nín thinh. Khi nghe trời giải nghĩa chữ YÊU thì phút thiêng liêng đã khởi đầu. Cả bầu trời nhuộm một mầu trăng. Tất cả nín thinh. Cả lòng tôi cũng im tiếng. Không một tiếng gì nghe đụng chạm dù rằng có tiếng nổ vỡ của sao băng tức là của vũ trụ. 
Phần II: Nhan đề TRĂNG SAO mở đầu với bài Trăng Sao Rớt Rụng. Trăng Sao là cái gì cao xa lắm, sáng láng lắm. Cho nên có ai ở trên đời này mà chẳng mê trăng sao? Kể từ William Shakespeare, Lý Bạch tới Tản Đà... Và Hàn Mặc Tử của chúng ta cũng đã yêu trăng. Cho nên thi sĩ lạy xin Chúa: Ôi vầng trăng cao sáng, lạy Chúa tôi, xin ban cho sáng thêm lên. Sáng thêm lên cho không gian rất đẫm, cho hồn thơ mát rợn tới hương nguyền. Thế rồi cũng như những người chạy cuống cuồng đi tìm hạnh phúc ở trăng sao, thi sĩ sẽ ngã theo trăng sao: 
Tôi đi trong ánh trăng mờ 
Tìm con trăng lạc ngoài bờ bên kia... 
Tôi đuổi theo trăng 
Trăng bay tơi tả trăng tan 
Trăng ngã trên cành 
Ngã trên cành vàng...
Tưởng rằng chạy đi tìm trăng sao thì chàng sẽ gặp nàng, tưởng rằng người đi tìm trăng sao thì gặp được lý tưởng,  ai ngờ trăng sao rơi rớt rụng xuống lòng giếng lạnh sâu và - loạn rồi loạn rồi, tôi hoảng hốt, loạn rồi loạn rồi, tôi hoảng hốt, loạn rồi loạn rồi, tôi hoảng hốt - thi sĩ cùng chúng ta nhảy ùm xuống giếng để vớt trăng lên... Thái Hiền diễn tả đoạn này với một giọng nữ êm đềm trong sáng bao nhiêu thì có một giọng nam Tuấn Ngọc hoảng hốt dữ dội bấy nhiều đi theo. Hòa âm của Duy Cường ở đây đầy tính bi kịch với những tiếng hú hồn và tiếng sáo Mèo len lỏi như hình dáng một con ma độc địa. Và trong cơn đau khổ đầu tiên của trường ca này, vẫn có lời lạy xin Chúa che chở và cứu rỗi. 
Thế là trong đau thương, khổ lụy vì chạy theo trăng sao như vậy,  con người cũng như thi sĩ đã bị chia thành hai. Trong bài HỒN LÀ AI, thi sĩ và hồn mình đi bên nhau, lúc thì cười như điên sặc sụa  cả mùi trăng,lúc thì ngả nghiêng lăn lộn giữa muôn hình, lúc thì dìm nhau xuống vũng trăng êm,lúc thì lặng yên trong thổn thức, lúc thì bay lên cho tới một hành tinh... Cả linh hồn lẫn xác thịt sẽ phải đau thương, điên dại, không cứ gì ở Trần Gian hay Địa Ngục mà ở ngay cả nơi Thiên Đường nữa, Tới đây thì Tuấn Ngọc mới cho ta nghe rõ giọng ca rất sân khấu của mình (nghĩa là đã ra thoát nhạc phòng trà) và Duy Cường mới cho ta thấy sự hữu ích của tiếng sáo Mèo, vốn là một nhạc cụ dân tộc cần có mặt trong những cầm tấu khúc Việt Nam soạn theo nhạc thể concerto Âu Mỹ. Gần đây, Duy Cường đã làm được một công việc rất tốt là lấy mẫu (sampling) nhạc cụ Việt Nam cho vào máy điện toán, để sử dụng cùng với những nhạc cụ Tây Phương đã có sẵn. Trong soạn phẩm này, Duy Cường đã biết dùng tiếng sáo Mèo để diễn tả sự u uẩn, sự bí hiểm, tính quái dị, tính siêu thực... rất đặc biệt trong thơ Hàn Mặc Tử. Tới bài cuối của Phần III này, bài Trút Linh Hồn, thì thi sĩ của chúng ta phải chết! 
Là thi sĩ, Hàn Mặc Tử tưởng rằng: Mực lùa khí vị vô hồn chữ, văn hút hào quang ở miệng ta. Giấy trắng tinh khôi tuôn huyết mạch, lời vàng nguyên vẹn trổ tài hoa. Nhưng ngờ đâu: Thơ chưa ra khỏi bút, giọt mực đã rụng rời. Lòng tôi chưa kịp nói, giấy đã toát mồ hôi... Cũng vẫn là tiếng sáo Mèo nghe như tiếng nhạc đám ma tiễn đưa thi sĩ về cõi chết. Nhưng vào giờ phút hấp hối chia phôi này, qua một giai điệu ngọt ngào, giọng thi sĩ êm ái biết là dường bao: 
Ta còn trìu mến biết bao người 
Vẻ đẹp xa hoa của một thời 
Đầy lệ đầy thương đầy tuyệt vọng 
Ôi giờ hấp hối sắp chia phôi 
Ta trút linh hồn giữa nơi đây 
Gió sầu vô hạn nuối trong cây 
Còn em sao chẳng hay gì cả 
Xin để tang anh đến vạn ngày
Phần I của trường ca này sự an bình dưới thế và sự thanh bình trên nước Việt yêu quý của chúng ta. Từ sân nhà hay đồi quê, trong mây bay hay dòng nước, nơi bờ liễu hay cành lê, trong im lìm hay qua tiếng động, lúc nắng lên trên hàng cau hay khi trăng về nơi thuyền neo bến, dưới đáy nước hồ reo hay trên đồi thông gió thổi... và nhất là trong Tình Yêu, tất cả đều là cao cả, thiêng liêng... Bởi vì thi sĩ Hàn Mặc Tử là một người phàm tục lúc nào cũng muốn thoát tục, cũng muốn siêu thăng. 
Phần II là sự đau thương và điên loạn đến tột cùng của thi sĩ hay của một nước Việt Nam trong chiến tranh và hận thù. Khiến cho thi sĩ nhiều lần phải ngất đi, hồn lìa khỏi xác. 
Phần III mang tên AVE MARIA phải là sự siêu thăng của hành trình thơ Hàn Mặc Tử từ tập GÁI QUÊ qua tập ĐAU THƯƠNG tới tập XUÂN NHƯ Ý. Cũng không khác gì một nước Việt Nam đang an lành bỗng lâm vào cảnh điên loạn rồi sẽ phải được siêu thăng. Phần này có ba bài: Lạy Bà Là Đấng Tinh Truyền Thánh Vẹn, Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Ga-bri-en và Phượng Trì Ôi Phượng Trì.
Qua cuốn sách HÀN MẶC TỬ, ANH TÔI của Nguyễn Bá Tín do nhà xuất bản TIN (Paris) ấn hành, tôi được biết vào lúc còn trẻ, Hàn Mặc Tử suýt bị chết đuối ở bờ biển Qui Nhơn. Khi leo lên bãi biển, bỗng dưng thi sĩ thấy ánh sáng chói lòa làm cho mình ớn lạnh, run rẩy đến lạc thần vì mơ hồ có Mẹ Maria đến quá gần. Bài thơ AVE MARIA được viết ra như lời thì thầm cảm tạ ơn cứu thoát. Trong trạng thái xuất thần, bài thơ này đưa thi sĩ đi rất xa trong cõi trời mênh mông mơ ước, pha trộn mộng và thực với những hình ảnh quen thuộc của Đức Trinh Nữ, của Sứ Thần Gabriel. Những kinh KÍNH MỪNG trong tràng hạt vang dội không dứt: AVE, AVE, AVE... Thi sĩ và chúng ta bỗng thấy có đầy đủ ơn lành của Đức Mẹ và được thừa hưởng thần trí của các vì Thánh. Bài Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Ga-bri-en chỉ cần hai giọng nữ Thái Hiền, Thái Thảo để xưng tụng một nguồn thơ bất diệt, ra đời một lần với Chúa Giê Su theo lời chào của Thiên Sứ Gabriel. Giọng hát cũng như nhạc điệu phải trong trẻo, trinh bạch như giọng hát của nữ đồng trinh và như nhạc của thiên thần. 
Với bài cuối của soạn phẩm mang tên Phượng Trì ôi Phượng Trì thì tôi xin được giải nghĩa hai chữ Phượng Trì. Nhờ được đọc cuốn sách kể trên tôi mới biết ý của Hàn Mặc Tử khi dùng hai chữ Phượng Trì. Nhân đi coi phim Tàu HỎA THIÊU HỒNG LIÊN TỰ, thấy trong phim có đoạn nhân vật anh hùng Cam Phượng Trì phi thân lên ngọn núi rồi lấy đà dùng thuật phi hành bay lên mất dạng trên trời cao. Người tình là nữ hiệp Diệp Tiểu Thanh chạy đi tìm, cất tiếng gọi: ''Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì!'' Tiếng gọi này cho Hàn Mặc Tử ý niệm ''bay về trời'' giống như hai chữ Au Ciel vốn là câu mở đầu của một bài hát nằm ở tập Cantiques De La Jeunesse.
Nói tóm lại, phần AVE MARIA này là lời reo như châu ngọc, thơm tho như hoa hương, sáng láng như thất bảo, làm xôn xao tinh tú, làm náo động muôn trời và vạn vật. AVE MARIA là nguồn vô tận để....
Thơ (của Hàn Mặc Tử) bay suốt một thời chưa thấu 
Hồn (của thi sĩ) bay biết bao giờ mới đậu 
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang 
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang.
Đường chiều lá rụng
Phạm Duy - Mộng Thủy
Phạm Duy 
Midway City, Tháng XI, 1993
Theo https://phamduy.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao - trên trời cao/ Chim non ca vang như ngày nào/ Bên em anh...