Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Trường ca Hàn Mặc Tử

Trường ca Hàn Mặc Tử
Với tuổi đời 75 và mái tóc bạc phơ, người nhạc sĩ lão thành Phạm Duy vẫn còn hăng say sáng tác, đặc biệt là ông vẫn xông pha vào lãnh vực mới mẻ của âm nhạc như ông đã từng làm từ khi còn là một chàng thanh niên trai trẻ tài hoa.
Hơn hai năm trước, nhạc sĩ Phạm Duy đã thực hiên chuyến Úc du để giới thiệu hai tác phẩm hoà âm hợp tấu, một tâm huyết ông thai nghén trong suốt 17 năm trời: Con Đường Cái Quan và Bầy Chim Biệt Xứ hay Bầy Chim Hồi Xứ. Lần này Phạm Duy tới Úc Châu để giới thiệu hai sáng tác mới nhất của ông: Nhạc Thoại Trường Ca Hàn Mặc Tử và CD Rom Hành Trình Trên Đất Mẹ.
Phạm Duy sáng tác nhiều thể loại, đề mục âm nhạc, từ nhạc Nhi Đồng tới nhạc Dân Ca rồi Tình Ca, Tục Ca, Ngục Ca rồi Thiền Ca và bây giờ là Nhạc Thoại Trường Ca.  Có không ít bài thơ hay đã được phổ nhạc nhưng đây là lần đầu tiên những bài thơ tiêu biểu của một nhà thơ đã được Phạm Duy phổ nhạc và được thực hiện thành đĩa CD với gia đình của nhạc sĩ Phạm Duy Hàn Mặc Tử với Duy Cưòng hoà âm phối khí, với các giọng hát Duy Quang, Tuấn Ngoc. Thái Hiền Thái Thảo.
Từ Ngục Ca sang Thiền Ca là một chặng đường nhiều biến chuyển tâm tư, tinh thần của nhạc sĩ lão thành Phạm Duy. Việt Nam có nhiều thi sĩ tài hoa tại sao Phạm Duy lại chọn thơ Hàn Mặc Tử để mở hướng sáng tác Nhạc Thoại Trường Ca? Từ Thiền Ca, Phạm Duy đã vượt khỏi Tình Ca, thoát khỏi Ngục Ca ba lên không gian, bắt gặp trời mây, trăng sao... và bắt gặp Hàn Mặc Tử.
Có thể nói Phạm Duy không đi tìm Hàn Mặc Tử mà ông chỉ bắt gặp Hàn Mặc Tử trên bước đường ông đi. Phạm Duy đi đâu? Ông đi tìm kiếm những hình ảnh, tâm tình của một quê hương Việt Nam đã xa cách muôn trùng và ông bắt gặp Tình Quê của Hàn Mặc Tử: 
Trước sân anh thơ thẩn  
Đăm đăm trông nhạn về 
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê 
Gió chiều quên ngừng lại 
Dòng nước luôn trôi đi 
Ngàn lau im tiếng nói 
Lòng anh dường đê mê 
Cách nhau xa nhau vạn dặm 
Nhớ chi tới trăng thề 
Dầu ai không lắng đợi 
Dầu ai không lặng nghe 
Tiếng buồn trong sương đục 
Tiếng buồn trong lũy tre 
Dưới trời Thu man mác 
Bàng bạc khắp thôn quê 
Dẫu ai bên bờ liễu 
Dẫu ai dưới cành lê 
Với ngày xanh hờ hững 
Cố quên tình phu thê 
Trong khi nhìn mây nước 
Lòng Xuân cũng não nề...
Tâm trạng trong khi nhìn mây nước, lòng Xuân cũng não nề của Hàn Mặc Tử năm xưa phải chăng cũng là tâm trạng của Phạm Duy hôm nay, tâm sự của rất nhiều người Việt Nam tị nạn lưu vong?
Năm xưa Ba Huyện Thanh Quan chỉ mới rời xa Hà Nội, chỉ mới tới Đèo Ngang mà tâm sự đã mang mang, đã khắc khỏai mơ màng khi nghe chim quốc, chim gia kêu ở bên đường. Hôm nay, xa cách muôn trùng đất nước đất nước thân yêu, nghe tiếng sáo trúc, sáo Mèo hòa tấu với nhiều loại khí đặc thù Việt Nam của Duy Cường, giọng hát trầm nhẹ nhàng, truyền cảm của Duy Quang diễn tả Tình Quê của Hà Mặc Tử, ta không khỏi bâng khuâng, thao thức tâm tình. 
Trước sân anh thơ thẩn, đăm đăm trông nhạn về, Phạm Duy bất chợt ngẩn ngơ khi nghe câu hỏi: Sao anh không về chơi Thôn Vỹ của bài thơ Đây Thôn Vỹ Dạ: 
Sao anh không về chơi thôn Vĩ 
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên 
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền...
Sao anh không về? Làm sao trả lời? Trả lời làm sao? Nhà văn Lệ Hằng bảo sẽ về. Nhất định về bây giờ chỉ là chưa về là nhiều nguyên cớ, vì lòng người còn những cách ngăn và nhiều phức tạp.
Phạm Duy đã có công phá vỡ những cách ngăn và những phức tạp đó bằng cách phổ nhạc bài thơ Đây Thôn Vỹ Dạ với giàn hòa âm đại hợp tấu với phối khí của Duy Cường, với tiếng hát lênh đênh cao vút mà ngọt ngào chất ngất của Thái Hiền, Phạm Duy đã mang thôn Vỹ Dạ xa xôi muôn trùng đến khắp mọi nơi, mọi miền, mọi chốn, mọi lòng.
Áo Lụa Hà Đông và Nắng Saigon nhờ lời thơ của Nguyên Sa đã đi khắp muôn phương và khi thơ đã thành nhạc thì giờ đây ở đâu cũng có áo lụa Hà Đông và đâu cũng có nắng Saigon.
Vỹ Dạ với nắng hàng cau nắng mới lên và vườn ai mướt quá xanh như ngọc, với lá trúc che ngang mặt chữ điền... đã theo dòng nhạc Phạm Duy đến đất Cali, Texas, Melbourne, Sydney v.v...
Thuyền ai neo bến sông trăng đó, có chở trăng về kịp tối nay. Cái gì làm cho lời thơ trở nên kỳ lạ dù chỉ là hình ảnh một con thuyền, một ánh trăng? Là cái tâm tình chứa đựng trong thuyền, trong trăng và cả cái hình thức câu thơ nghi vấn một hình thức gần như chỉ có trong thơ Hàn Mặc Tử, có nhiều trong Đây Thôn Vỹ Dạ gần như mỗi câu thơ đều là một câu hỏi, câu hỏi không có lời giải đáp, chỉ có những ray rứt của tâm tình đầy vơi. Thuyền ai? Thuyền ai đậu? Thuyền ai đậu bến? Thuyền ai đậu bến sông? Thuyền ai đậu bến sông trăng đó? Có chở? Có chở trăng? Có chở trăng về? Có chở trăng về kịp? Có chở trăng về kịp? Có chở trăng về kịp tối nay?
Chính cái thể loại và tâm tình của từng câu thơ, mỗi lời ngâm, tiếng hát Thái Hiền đều có thể làm ta rung động, xót xa. 
Mơ khách đường xa, khách đường xa 
Áo em trắng quá nhìn không ra 
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh 
Ai biết tình ai có đậm đà?
Mơ khách hay Khách mơ? Đó là dụng ý của Hàn khi lập lại trong cùng một câu thơ ngắn ngủi hai lần điệp khúc Khách đường xa, khách đường xa.
Khách đường xa của Hàn là ai? Là một cô gái mặt chữ điền, một người em Vỹ Dạ tên là Hoàng Thị Kim Cúc, một người yêu bam đầu, một tình yêu đơn phương nhưng tha thiết chân thành chỉ là tình tuyệt vọng! 
Tưởng cần nhắc lại trường hợp và đối tượng sáng tác của bài thơ Đây Thôn Vỹ Dạ chúng ta mới hiểu rõ ý tình của bài Đây Thôn Vỹ Dạ và nhất là bốn câu thơ cuối. Người em Vỹ Dạ Hoàng Cúc thật ra không hề hay biết tình yêu thầm kín của Hàn Mặc Tử mãi nhiều năm sau khi Hàn Mặc Tử mang bệnh sắp qua đời, người anh họ của Hoàng Cúc, một bạn thân của Hàn mới cho Hoàng Cúc rõ và khuyên Hoàng Cúc nên gửi cho Hàn vài lời thăm hỏi bệnh tình, để an ủi một tâm hồn vô cùng đau khổ. Hoàng Cúc đã vâng lời người anh họ Hoàng Tùng Ngân gởi cho Hàn Mặc Tử một bức ảnh phong cảnh nhỏ vừa bằng tấm carte visite. Trong ảnh có mây, có nước, có chiếc đò ngang với cô gái chèo đò, có mấy khóm tre, có cả ánh trăng hay ánh mặt trời chiếu xuống nước. Hoàng Cúc chỉ viết vài lời thăm hỏi sức khoẻ Hàn về phía sau tấm ảnh phong cảnh nói trên. Từ bức hình phong cảnh của Hoàng Cúc tặng, Hàn Mặc Tử đã làm nên bài thơ Đây Thôn Vỹ Dạ gởi tặng lại Hoàng Cúc, kèm theo mấy hàng chữ nguyên văn như sau: Túc hạ, Có nhận được bức ảnh Bến Vỹ Dạ hừng đông (hay một đêm trăng?) với mấy hàng túc hạ gởi thăm. Muôn vàn cảm tạ. Túc hạ còn nhớ đến người bạn năm nao, thế là phúc hậu lắm rồi và mong rằng một mùa xuâ nào đây gặp lại túc hạ mới phỉ tình cho. Thăm túc hạ bình an và vui vẻ. Ký tên Hàn Mặc Tử.
Trong tranh không có tà áo hay bóng hình của khách đường xa nhưng Hàn, với tâm hồn thơ mộng vẫn tin mong là có áo nàng bay nhưng chỉ vì áo trắng lại là trắng quá cho nên người nhìn không ra,  nhìn không thấy, chỉ là không thấy bằng mắt thịt tầm thường còn riêng con tim thi sĩ thì vẫn thấy áo nàng. Và cả hình dáng nữa cũng là ở đây, chỉ vì sương khói tỏa mờ:
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh 
Ai biết tình ai có đậm đà?
Bài thơ mở đầu bằng câu hỏi Sao anh không về chơi thôn Vĩ kết thúc bằng câu hỏi ngẩn ngơ, bi thiết, ngậm ngùi: Ai biết tình ai có đậm đà?. Một câu hỏi tự muôn đời, muôn nơi của muôn vạn con người nơi chốn trần gian tình lụy khổ đau.
Tâm tình của nhân thế, muôn thuở, muôn nơi và tâm sự riêng tư của nhà thơ đau khổ Hàn Mặc Tử kết quyện nhau đã tạo thành cái lôi cuốn quyến rũ người nghe thơ nhạc Đây Thôn Vỹ Dạ.
Bài thơ thứ ba của Hàn Mặc Tử được Phạm Duy phổ nhạc trong Trường Ca Hàn Mặc Tử là bài Đà Lạt Trăng Mờ trong tập thơ Đau Thương, đoạn một Hương Thơm đề tặng Quách Tấn, một bạn thân của Hàn Mặc Tử. Đà Lạt là thành phố nghỉ mát đẹp nhất của Việt Nam với cao độ 1.500 mét trên mặt biển, khí hậu mát mẻ, phong cảnh hữu tình là nơi được Hàn Mặc Tử hết lòng yêu thích. Bài thơ có tựa đề Đà Lạt Trăng Mờ nhưng ta chỉ thấy trăng sao mà không thấy những nét đặc thù của Đà Lạt cho nên những ai đã từng qua Đà Lạt, đã từng mến hay nhớ nhung Đà Lạt có lẽ sẽ không tìm thấy những gì mình mong muốn kiếm tìm, cũng có lẽ vì vậy mà bài thơ do ca sĩ Tuấn Ngọc trình bày đã không mấy lôi cuốn người nghe. Hình ảnh dễ nhận ra nhất trong bài Đà Lạt Trăng Mờ là hàng thông: Hàng thông lấp loáng đứng trong im lìm 
Cành lá in như đã lặng chìm 
Hư thực làm sao phân biệt được 
Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm
Ngay cả hình ảnh của hàng thông cũng chỉ là lấp loáng và đứng trong im lìm chớ không là cây thông đứng giữa trời mà reo của Nguyễn Công Trứ, ngay cành lá cũng như đã lặng chìm và tất cả hàng thông, cành lá hay những gì gọi là cảnh vật của Đà Lạt trăng mờ đều không phân biệt được là hư hay thực. Cũng chỉ vì hư thực làm sao phân biệt được cho nên tả cảnh Đà Lạt mà không có Thác Cam Ly, không có Hồ Than Thở mà chỉ có sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm. Hình ảnh của Đà Lạt ảo mờ hư thực, lặng im, còn âm thanh có lẽ chỉ mới một Hàn Mặc Tử mới tả âm thanh không tiếng động: 
Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều 
Để nghe đáy nước, nước hồ reo 
Để nghe tơ liễu run trong gió 
Và để nghe trời giải nghĩa yêu...
Trời đất đã lặng im mà Hàn Mặc Tử còn đòi ta cũng hãy lặng im nghe tiếng reo của nước đáy hồ, tiếng run của tơ liễu và tiếng trời giải nghĩa yêu. Trời đất, thiên nhiên muôn năm đã được con người chiêm ngưỡng, ca tụng, đã được bao nhiêu thi sĩ, văn nhân mô tả nhưng có lẽ chỉ có Hàn Mặc Tử đã say sưa hoà nhập tâm hồn mình vào vạn vật, thiên nhiên và đặc biệt là với trăng sao: 
Cả trời say nhuộm một mầu trăng 
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng 
Không một tiếng gì nghe đụng chạm 
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng.
Mô tả tiếng động thì rất dễ, mô tả cái lặng thinh mới khó, nghe được âm thanh thì dễ, nghe được cái im lìm không tiếng động của đất trời đòi hỏi một tâm hồn nghệ sĩ, thi nhân. Xưa Hàn Mặc Tử đã nghe được tiếng im lìm của trời đất, trăng sao và nay Phạm Duy nghe được tiếng lòng của nhà thơ Hàn Mặc Tử, đã phổ tiếng lòng của nhà thơ, tiếng thinh lặng của đất trời Đà Lạt trăng mờ... thành âm nhạc, thành tiếng đáy nước hồ reo, tiếng tơ liễu run trong gió, tiếng trời giải nghĩa yêu, tiếng vỡ của sao băng. Dĩ nhiên là có người nghe được tiếng lặng im của đất trời, tiếng lòng Hàn Mặc Tử, tiếng nhạc của Phạm Duy, nhưng có không nghe được hay không muốn nghe: 
Đang khi mầu nhiệm phủ ban đêm 
Có thứ gì rơi giữa khoảng êm 
Rơi tự thượng tầng không khí xuống 
Tiếng vang nhè nhẹ dội vào tim. 
(HMT)
Phần II của Trường Ca Hàn Mặc Tử là Trăng Sao gồm có ba bài thơ Trăng Sao Rớt Rụng, Hồn Là Ai và Trút Linh Hồn. Đây là một phần khác của cuộc đời Hàn Mặc Tử. Thất vọng trong tình yêu nam nữ, Hàn Mặc Tử đã hướng vọng tình yêu của mình vào trăng sao, nhất là với trăng. Đối với Hàn thì trăng như một người thân, người tình. Trong những cơn hành hạ của chứng bịnh phong cùi, nhà thơ đau khổ Hàn Mặc Tử đi tìm kiếm và bắt gặp linh hồn mình. Phải đọc những bài thơ, nghe những bản nhạc trên đây, chúng ta mới cảm thông được hết cái khổ của một nhà thơ đau khổ, đau khổ vì yêu, đau khổ vì tình, đau khổ vì bịnh, đau khổ vì đời. 
Máu đã khô rồi thơ cũng khô 
Tình ta chết yểu tự bao giờ 
Từ nay trong gió, trong mây gió 
Lời thảm thương rền mọi nẻo mơ 
Ta còn yêu mến biết bao người 
Vẻ đẹp xa hoa của một thời 
Đầy lệ đầy thương đầy tuyệt vọng 
Ôi giờ hấp hối sắp chia phôi 
Ta trút linh hồn giữa nơi đây 
Gió sầu vô hạn nuối trong cây 
Còn em sao chẳng hay gì cả 
Xin để tang anh đến vạn ngày ...
Phần III của Trường Ca Hàn Mặc Tử mang cái tên là Ave Maria gồm ba bài thơ Lạy Bà là Đấng Tinh Truyền Thánh Vẹn, Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Gabrien, Phượng Trì ôi Phượng Trì.
Hàn Mặc Tử đã thất bại trong tình yêu, đã đầu hàng cơn bệnh dữ, nhưng sau cùng Hàn đã bước lên cõi Trời cao của Sứ Thần Thiên Chúa Gabriel của Đức Mẹ Maria, cõi vĩnh hằng, ân sủng. Để diễn tả niềm tin, mơ ước của Hàn Mặc Tử vào Đức Mẹ, Thiên Chúa, Sứ Thần... Phạm Duy đã dẫn ta  bằng dòng nhạc Thánh Đường cao vút, ngân nga, rào rạt, xôn xao... 
Maria, linh hồn tôi ớn lạnh 
Run như run thần tử thấy long nhan 
Run như run hơi thở chạm tơ vàng 
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.
Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Gabriel 
Khi Người xuống truyền tin cho Thánh Nữ 
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Người có nghe náo động cả muôn trời 
Người có nghe xôn xao nghìn tinh tú 
Để ca tụng bằng hoa hương sáng láng 
Bằng tràng hạt bằng Sao Mai chiếu rạng 
Một đêm Xuân là rất đỗi anh linh?
Chúng ta lại bắt gặp ở đây những câu hỏi trong thơ Hàn Mặc Tử và lần này không là những câu hỏi cho những con người ở nơi chốn trần gian mà những câu hỏi cho những đấng thên thần. Hàn Mặc Tử đã từ giã cõi đời, từ giã rất sớm, mới 28 tuổi đời, nhưng không phải là chết, tình không chết và thơ còn nguyên vẹn: 
Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước 
Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm 
Thơ trong trắng như một khối băng tâm 
Luôn luôn reo trong hồn, trong mạch máu
Cho vỡ lở cả muôn nghìn tinh đẩu 
Cho đê mê âm nhạc và thanh hương 
Chim hay tên ngọc đá biết tuổi vàng...
Lòng vua chúa cũng như lòng lê thứ 
Sẽ ngất ngây bởi chưng thơ đầy ứ 
Nguồn thiêng liêng yêu chuộng Mẹ Sầu Bi...
Phượng Trì ôi Phượng Trì ôi Phượng Trì 
Thơ tôi bay suốt một thời chưa thấu 
Hồn tôi bay biết bao giờ mới đậu 
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang...
Lòng vua chúa cũng như lòng lê thứ đều có thể cảm thông, yêu mến, trân trọng thơ ca, tình tự của Hàn Mặc Tử nhưng có lẽ chỉ có một người đã thực sự góp nhiều công sức để đưa thơ Hàn Mặc Tử bay lên cao vút, đi xa xôi ngàn vạn chốn nơi, người đó là nhạc sĩ Phạm Duy với công trình compact disc NHẠC THOẠI TRƯỜNG CA HÀN MẶC TỬ. Năm xưa, Hàn Mặc Tử thở than: 
Một mai kia ở khe suối ngọc 
Với sao sương anh nằm chết như trăng 
Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
Đến hôn anh và rửa vết thương tâm...
Sau khi Hàn Mặc Tử đã mất, đã có nhiều người mến mộ khóc thương mà tiếng khóc chân thành đau thương nhất có lẽ là tiếng khóc của nữ sĩ Mai Đình: 
Ai về thăm thẳm trời tinh tú 
Để lại trần gian bóng lạnh lùng 
Hồn ai siêu thoát ngoài dương thế 
Có biết hồn em vẫn đợi chờ 
Từng đêm trăng sáng, đêm trăng sáng 
Biết mấy đau thương, mấy ngậm ngùi… 
Bây giờ, 55 năm sau khi Hàn Mặc Tử mất, có một nàng tiên nữ ở chốn non bồng xa xôi đã bay đến chốn trần gian, đáp đậu vào hồn nhạc Phạm Duy để phổ thơ Hàn Mặc Tử.
Với nhạc thoại trường ca này, thơ Hàn Mặc Tử đã chắp cánh bay xa đến khắp cùng trời đất và mới đây đã bay vào sân khấu Đại Hỳ Viện Cesar Palace trong đêm hát kỷ niệm 20 năm Thúy Nga, Paris By Night, lênh đênh trong tiếng hát của cô ca sĩ Mỹ Dalena trong trang phục huyền mơ trình bày xúc cảm bài hát Đây Thôn Vỹ Dạ chất ngất tâm tình.  Bây giờ Hàn Mặc Tử đã đi về cõi trời mây xa thẳm, về nơi chốn mà anh hằng ước mơ réo gọi: Phương Trì ơi Phương Trì, với trăng sao mà anh hằng yêu dấu nhưng mà ở mơi trần gian này anh vẫn còn để lại những tâm tình mật ngọt và cả những tâm tình đắng cay: 
Anh đã về nơi cõi nước mây 
Còn đây tình ý mộng mơ bay 
Còn đây thơ với trời tâm sự 
Là của ân tình, lệ đắng cay...  
Tháng 12-1995
Thái Nam Trân 
Nguồn: Pham Duy’ Study 2007

Theo https://phamduy.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao - trên trời cao/ Chim non ca vang như ngày nào/ Bên em anh...