Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Người chứng mệt mỏi

Người chứng mệt mỏi 
Một người trẻ vô danh bên phương Tây có lần nói: Bây giờ, cứ mười năm là một thế hệ. Tôi đồng ý, ít ra trên phương diện âm nhạc. Mỗi thời kỳ, đều có những âm thanh, cung bực của thời kỳ ấy, và cũng vì thế rất nhiều khi con người nghe nhạc như nghe quá khứ của chính mình. Một thế hệ trước đó và một thế hệ sau có thể nghe các cung điệu ấy, có thể thấy hay có thể không, nhưng chắc chắn không thể xúc động đến phần ký ức, đến con người đã qua sâu xa nhất của mình. Hãy để ý tới sự dị biệt trong chọn lựa băng nhạc và đĩa nhạc của một người bốn mươi và một người hai mươi bây giờ... 
Những bản nhạc và những người làm nhạc vượt qua được lằn mức thời gian, thật là hiếm hoi. Và ở Việt Nam, tôi mới thấy có một người thực sự là đã làm được như thế, đó là Phạm Duy. Tôi chỉ bắt đầu biết tới nhạc Phạm Duy - tuổi thơ của âm thanh tôi - sau khi theo cha mẹ về thành. Kháng chiến đã là quá khứ, cho riêng tôi, đã là ở bên kia ranh giới, cho riêng tôi. Thầy tôi lúc đó nhận một chức vụ coi về thông tin ở Hải Phòng và tôi đã biết tới Phạm Duy qua một buổi hòa nhạc ngoài trời ở công viên do thầy tôi tổ chức. Ðứa bé lem luốc là tôi ngồi bệt trên cỏ đã lắng nghe với mê say xuất phát từ tâm hồn của kẻ mới rời ấu thời bản Tiếng đàn tôi của Phạm Duy. Người hát bản, những người trong bản nhạc ấy chắc đã chết cả nhưng trong ký ức tôi, mỗi khi cần, tôi đều hình dung tổng quát được như cầm một chiếc ảnh cũ đã úa vàng lên... Và cũng tới khi đó tôi mới biết những bài ca, lời ca tôi thường hát như ngày trở về có anh thương binh chống nạng cầy bừa... cũng là của một người làm nhạc mang tên Phạm Duy. Vài năm sau, trở về Hà Nội, tôi đã lớn hơn và đã bắt đầu biết yêu. Những bản nhạc thời kháng chiến của Phạm Duy, tôi vẫn còn nghe đâu đây, nhưng đam mê bây giờ là những bản nhạc anh làm sau khi đã cùng toàn gia đình về thành. Một cô bạn gái mười sáu mặc màu áo của trường Trưng Vương đã cho tôi một bản nhạc nhỏ xíu chụp lại bản nhạc Tiếng sáo Thiên thai của Phạm Duy, và tôi đã từng vẩn vơ ngồi hát, dò từng nốt nhạc, suốt cả buổi chiều vào giữa mùa thu, buổi chiều có gió từ ngoài sông Hồng thổi vào làm rơi những hoa sấu vàng nhỏ, như điểm ngàn sao lên mái tóc những người con gái đi học về. Trong một tâm trạng và một tuổi như vậy, khi ban Gió Nam của Phạm Duy ra Bắc, dĩ nhiên là tôi, toàn thể Hà Nội tuổi trẻ chứ không riêng gì tôi, đều vui sướng tiếp nhận. 
Hà Nội có những buổi chiều đông, hơi mưa và lạnh, làm bất cứ ai có tuổi trẻ hay nuối tiếc tuổi trẻ đều muốn đi ra đường. Ðể đi uống một ly cà phê, nhấm nháp một ly rượu, hay chỉ để ra ven hồ Hoàn Kiếm mua một gói lạc rang nóng của ông Tầu già ngồi trước cửa bưu điện, rồi cứ thế mà hai tay đút túi quần đi lang thang trên các hè phố- tuyệt vời nhất là đi qua nhà người yêu một lần, hai lần, ba lần, ngước nhìn lên khung cửa sổ phòng nàng nhưng không mong chờ gì cả. Nàng tình cờ xuất hiện, một màu khăn quàng trên cổ và một nụ cười gió mùa đông làm cho câm nín, thì càng hay: có chất liệu để sung sướng một đêm đông hay hơn. Chỉ có khung cửa không hay hai cánh cửa đóng kín cũng vẫn được như thường. Có lạnh, có mưa nhỏ hạt, có hè phố, có lá vàng, và nếu cần, còn có những gánh cà phê dưới các vòm cầu xe lửa. Ban Gió Nam đã ra trình diễn vào những đêm Hà Nội như thế, làm sao không được hoan nghênh, làm sao không làm lòng người ghi nhớ. 
Vào thời đó tôi còn quá nhỏ để nghĩ tới chuyện đến mời nàng đi và tiền tiêu túi của tôi mỗi tháng được cấp phát có mười đồng - đủ tiền vé một phim thường trực - trong khi giá chót của ban Gió Nam ở nhà Hát Lớn tới những hai mươi đồng. Nhưng làm sao tôi không đi cho được: một ngày không xa lắm, tôi đã đứng dừng lại trước một quán ăn khá lâu để lắng nghe Thái Thanh hát bài Khối tình Trương Chi, dịu dàng và não nuột như một tình đầu chưa có mà có vẻ như đã qua đi... Bây giờ chính người hát và người làm nhạc ấy đã ra, và Hà Nội đã vào chiều mùa đông, gió đã lạnh buốt... Tôi vay được đủ tiền, đạp xe gần muốn thở dốc đến Nhà Hát Lớn, thì vé đã hết. Một đám đông đang đứng tụ họp trên thềm. Tôi muốn nghe với bất cứ giá nào, vậy hết vé không thể là một trở ngại. Cùng vài người bạn, tôi chạy sang phía hông, leo gần mười thước ống máng mà vào. Gió lạnh vừa vèo bên tai, nhảy vào hành lang, tiếng nhạc tiếng hát đã ấm, tiếng Phạm Duy đứng sau bức màn đã trầm trầm giới thiệu. 
Nhiều năm về sau, tôi vẫn tiếp tục nghe nhạc Phạm Duy và chỉ nghe qua đĩa và đài phát thanh, từ Về Miền Trung với tiếng hò dài lê thê ê chề mở đầu làm tôi mơ đến Huế, đến Hẹn hò khắc khoải. Tôi không hề đi coi anh cùng ban Thăng Long trình diễn bao giờ - đã xa rồi thời kỳ leo tường leo ống máng, dù chỉ để nghe Thái Thanh hay để ngắm trộm người yêu. Tôi chỉ gặp anh khi đã lớn, đã bắt đầu viết những bài văn đầu tiên. Một buổi tối, Duy Lam và Phan Lạc Tuyên, kẻ đã viết mẫu văn giới thiệu cho truyện ngắn đầu tiên của tôi, dẫn tôi lại đàm trường Viễn Kiến của anh Nguyễn Ðức Quỳnh. Sau phần thảo luận; Phạm Duy mới tới và anh ngồi trên chiếc đi-văng thấp, ôm đàn hát một bài nói về mưa và gió trong một đường phố buồn. Tôi nghe nhạc anh, nói chuyện với anh với chút e dè kính nể: anh lớn hơn tôi nhiều, anh có hào quang kháng chiến và hào quang của danh vọng nữa. Nhưng sự giao thiệp giữa anh và tôi rất giản dị và dễ chịu -- điều đầu tiên của con người Phạm Duy ngoài đời làm tôi thích, đó là sự giản dị và khiêm tốn của anh. 
Tương quan bằng hữu chưa thể gọi là có vào thời kỳ này. Và tôi hầu như không gặp anh trong những năm về sau, dù vẫn nghe nhạc anh, thích thú vài bản như Ngậm Ngùi và Vần Thơ Sầu Rụng phổ thơ của Huy Cận và Lưu Trọng Lư. Nếu có điều cần ghi lại chăng, về thời kỳ anh hay đưa thơ người vào nhạc mình ấy, đó là lần anh tổ chức cùng Cung Trầm Tưởng và Ngy Cao Uyên một buổi trình bày một tập nhạc phổ toàn thơ của Cung Trầm Tưởng và do Ngy Cao Uyên minh họa. Lam có đưa tôi coi tập nhạc và tôi rất mong muốn được đi dự buổi trình diễn mà không sao đi được - tôi chỉ là một sinh viên loăng quăng chưa biết viết văn là cái gì. Không được đi nghe, nhưng chính những bản nhạc trong tập đó lại theo đuổi tôi nhiều nhất trong những năm về sau, như bản Tiễn Em chẳng hạn, đã thành âm thanh của thời kỳ đã qua rất đẹp của tôi và Thi, thời kỳ mỗi tháng hầu như hai đứa phải tiễn nhau một lần. Một buổi tối chót Thi ở với tôi ở một tỉnh cao nguyên, ngồi nghe hoài những lên xe tiễn em đi..., hai đứa rủ nhau đi lang thang quanh thị trấn. Xa lộ đang mở, mùa khô đất đỏ, bụi bay theo gió lốc thật cao che khuất cả bóng trăng, đổi màu cả những bông cúc dại hai bên đường... Làm sao sau này tôi không thể nghe lại bản đó mà không nghe bằng quá khứ của chính mình. 
Ðó là thời kỳ của Phạm Duy của tình ca và tôi không nghĩ gì khác hơn thế về anh. Những bài ca thời kháng chiến của anh không còn âm hưởng trong tôi: tôi quá nhỏ để có thể tham dự kháng chiến, dĩ nhiên không thể có nhiều âm thanh ký ức. Khi đã lớn hơn, tôi đã hơi ngạc nhiên khi vào thăm một người bạn trong một doanh trại Sài gòn, thấy có một biển tên đề hai chữ Phạm Duy. Người bạn - họa sĩ Tạ Tỵ - cho biết là anh muốn đi vào quân đội để cất tiếng hát rộng lớn hơn. Tôi hơi ngạc nhiên vì tự nghĩ anh sẽ hát những gì đây trong cái tập thể chết chóc đọa đày này. Chỉ thắc mắc có thế thôi rồi quên đi, cho tới khi tôi ra Huế, đến chơi nhà Nguyễn Ðắc Xuân, căn nhà cổ kính nhìn xuống một dòng sông nhỏ, chủ nhân đã vặn cho tôi nghe các bài tâm ca của Phạm Duy. Xuân có nói thu trên thuyền vào một đêm mưa, âm thanh không tốt, nhưng tôi, tôi mê say nghe đi nghe lại tất cả những bài ca thắm thiết ấy - hình như tôi đang mong chờ những cung điệu như thế từ lâu bây giờ mới gặp. Lần này, quả Phạm Duy đã có điều để nói qua tiếng hát với những kẻ cùng đinh mới của miền Nam:
Tôi sẽ hát to hơn súng nổ bên bờ ruộng già  
Lời tôi ca lời tôi ca xin lúa đừng lo 
Lời tôi thay cho tiếng đạn bay... 
Tôi sẽ hát to hơn những kẻ khơi ngọn lửa thù 
Lời tôi ca lời tôi ca như suối rừng thu 
Lửa âm u ai đốt từ lâu 
Miền quê tôi khan tiếng kêu gào 
Lời tôi ca như nước nhiệm mầu 
Thành mưa rơi cho dứt niềm đau 
Tôi sẽ khóc to hơn đứa nhỏ đang ngồi vỉa hè 
Trẻ bơ vơ trẻ bơ vơ đi giữa vườn hoa 
Hỏi thăm em em có mẹ cha 
Hỏi thăm em em có ông bà 
Hỏi thăm em em có cửa nhà 
Một ngày qua em mất cả ba...
Phạm Duy đã cảm thấy những gì những người cùng đinh của miền Nam đang quằn quại. Cuộc chiến tranh đã nứt nẻ vỏ chính nghĩa bề ngoài, để lộ thực chất bên trong: không là gì hơn... Vào thời kỳ này, tôi đã viết truyện dài Tiền Ðồn để trình bày niềm khổ tâm của người dân nói chung trong thân phận ruồi muỗi và những lính như tôi đang biến thành thứ tốt đen sang hà cho các thế lực ngoại bang, các thế lực đang muốn người Việt vĩnh viễn coi nhau như quân thù: trắng nói ta phải giết hết tụi đỏ, đỏ nói ta phải tiêu diệt hết trắng. Bởi thế không có gì là lạ Phạm Duy đã gặp nhiều đả kích và và khó khăn cho các bài tâm ca của anh chỉ vì anh đã lên tiếng: 
Kẻ thù ta đâu có phải là người 
Giết người đi thì ta ở với ai  
Kẻ thù ta tên nó là gian ác 
Kẻ thù ta tên nó là vô lương 
Tên nó là hờn căm 
Tên nó là hận thù 
Tên nó là một lũ ma 
Kẻ thù ta đâu có phải là người 
Giết người đi thì ta ở với ai 
Kẻ thù ta mang áo màu chủ nghĩa 
Kẻ thù ta mang lá bài tự do 
Mang cái vỏ thật to 
Mang cái rổ danh từ 
Mang cái mầm chia rẽ chúng ta...
Không màu cờ sắc áo, không còn màu cờ sắc áo nào nữa, họa chăng chỉ còn là những tiếng giọt mưa trên lá:
Giọt mưa trên lá nước mắt mẹ già 
Lã chã đầm đìa trên xác con lạnh giá 
Giọt mưa trên lá nước mắt mặn mà 
Thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về...
Thật may là người làm nhạc như thế là một Phạm Duy có danh tiếng lớn và thời đó chưa có Tòa Án Mặt Trận và cái mũ phản chiế n... 
Con người Phạm Duy kháng chiến đã đi vào huyền thoại của một thời đã qua, con người Phạm Duy tình ca chìm lắng xuống, nhường cho một Phạm Duy mới, gần gũi với tuổi trẻ, với dân với nước. Dĩ nhiên là Phạm Duy mới được từng lớp trẻ ngưỡng mộ, quý mến, và trong bao đêm, từ tận dòng Bến Hải xuống mãi miền cực nam, những người trẻ đã quây quần nhau mà hát những bài tâm ca của anh, hát đến như muốn mê sảng mà lãng quên thực tại luôn. Trong thời này, nhóm Thái độ đang hình thành cố gắng ném những mốc dấu đầu tiên tìm đường dẫn tới một xã hội mới. Quay máy mãi, đánh máy mãi cũng mệt, một đêm tôi mời Phạm Duy đến hát cho anh em nghe... Anh đã đến ngay, và trong căn phòng nhỏ tồi tàn, anh đã ôm đàn ngồi xuống đất với những người trẻ, cất tiếng hát rất to vang động cả một vùng ngõ hẹp. Mái tóc anh là mái tóc đốm bạc duy nhất trong tất cả những người hiện diện. Anh đã có hào quang kháng chiến, hào quang danh vọng, nhưng anh không trốn tránh vào những thứ ấy. Anh biết anh phải liên đới trách nhiệm với những người cùng thế hệ anh, một thế hệ đã truyền lại cho chúng tôi, những người trẻ ngồi quanh, cả một di sản...
Ðể lại cho em này nước non mình 
Ðể lại cho em một nước đẹp xinh 
Một niềm oai linh hiển hách 
Chỉ còn dư vang thần thánh 
Ðể lại cho em hèn kém của anh... 
Ðể lại cho em một nước phân lìa 
Ðể lại cho em một giống nòi chia 
Hận thù nhân danh chủ nghĩa 
Bạo tàn vênh vang bề thế 
Ðể lại con tim nhỏ bé của anh 
Ðể lại cho em giọt máu dân lành 
Ðể lại cho em từng nấm mồ xanh 
Chập chờn bay trong bại thắng 
Ngọn cờ khăn sô màu trắng 
Ðể lại cho em một bãi sa trường...
Ðể lại cho em thành phố lên đèn 
Bọn người tranh nhau một đám bụi đen
Lệ buồn rơi trong tửu điếm 
Gởi người gian nan trận tuyế n 
Ðể lại cho em giả dối đê hèn.
Tôi quen biết rất nhiều người tranh đấu của thế hệ trước, từ địa hạt chính trị, cách mạng sang tới văn hóa, nhưng tôi chưa hề thấy ai dám nhìn nhận thực trạng như Phạm Duy. Lớp trẻ chúng tôi lớn lên để lãnh đủ cả một cuộc chiến tranh thảm khốc. Chúng tôi không hề dính dáng gì đến việc phát động ra cuộc chiến, chúng tôi không hề được hưởng lợi lộc gì trong cuộc đầu tư chiến tranh, thế mà chính chúng tôi lại lãnh đủ: từ hơi cay, dùi cui trong thành phố đến chuồng cọp ngoài hải đảo. Và chính chúng tôi cầm súng chiến đấu và chết: thế hệ đàn anh đã thu xếp cho mình ngoài tuổi quân dịch từ lâu... Thế mà không một người nào trong thế hệ đàn anh - ngoại trừ một vài người hiếm hoi như Nhất Linh và Phạm Duy chẳng hạn - dám công khai nhìn nhận là mình đã lầm lẫn, đã để lại cho thế hệ sau, đã Ðể Lại Cho Em cả một gia sản thê thảm như thế. Làm sao mà thế hệ trẻ lại không mất niềm tin ở các tiền bối khi thế hệ trước cứ khăng khăng ca tụng sáng d ội miền Nam hoài, làm sao mà trẻ già còn có thể bắt được cầu thông cảm qua hai thế hệ. Phải đợi cho tới khi Phạm Duy cất tiếng, chúng ta mới thấy mập mờ mỏng manh xuất hiện sự thông cảm tối cần thiết:  
Nhưng em thương anh thương anh 
Cho tủi hờn đi xuống 
Nhưng em thương anh thương anh 
Cho niềm kiêu hãnh vươn lên 
Nhưng em thương anh thương anh 
Cho súng phải thở dài 
Cho đường vũ khí qua tim 
Nhưng em thương anh thương anh 
Em đón nhận gia tài 
Xin nhận lời tranh đấu 
Nhưng em thương anh thương anh 
Ði tìm lối thoát cho nhau.
Với những lời thống thiết và chí tình như thế của một đàn anh, làm sao mà thế hệ sau lại không đón nhận gia tài một cách thông cảm, mặc dù có Trời Phật chứng giám cho tại sao chúng tôi phải lãnh cả một gia tài khốn khổ đến như vậy! 
Trong thời gian về sau, Phạm Duy ôm đàn làm người du ca đi khắp nước mà hát. Trong niềm hy vọng sẽ làm thức tỉnh được tình người, tình Việt Nam, anh còn đi tới mức mặc áo bà ba đen đứng trước màn nhung của một nơi sang cả quyền quí mà cất tiếng nữa. Nhưng như thế chưa đủ, vì muốn:
... Hát to hơn tiếng nhạc mơ hồ phòng trà 
Nàng danh ca vo khúc tình ca 
Thành vui điên hay khóc than vờ...
lời tôi vang như tiếng chuông chiều 
Lời tôi ca như tiếng ngọn diều 
Lời tôi sâu như tiếng tình yêu...
Anh cần phải xuất ngoại, cần phải sang tận quê hương nước bạn đồng minh vĩ đại mà cất tiếng nữa. Và muốn thế, anh cần phải làm một đường compromis tối thiểu với chính quyền đương thời cùng tòa đại sứ liên hệ - nếu không ai cho xuất ngoại và ai chịu cho anh nhập nội. 
Thời gian càng qua, giao tình giữa anh và tôi mỗi ngày một mật thiết hơn. Do đó tôi khám phá ra ở anh một Phạm Duy mà ít người biết tới: đó là con người từng trải về chính trị - dù chẳng tham dự bằng cái gì khác hơn là âm thanh cung điệu của mình. Anh đã từng sống với hết nhiệt thành của tuổi trẻ trong cách mạng mùa thu 45, anh đã tham gia kháng chiến và ở miền Nam, anh ra vào thong thả thơ thới hân hoan biết bao nhiêu biến cố lớn nhỏ... Kinh nghiệm phong phú của một đời người trải dài qua mấy giai đoạn lớn của lịch sử. Bởi thế, tôi thường hay lắng nghe anh phê phán về biến chuyển chính trị của đất nước và đôi khi, hỏi ý kiến anh về vài cách tiến thoái trong khi tranh đấu riêng. Về điểm này, anh thường chê tôi là cực đoan quá, lý tưởng quá, hỏng việc và vỡ mặt là cái chắc. Nên mềm mỏng, công việc sẽ hiệu năng hơn. Tôi đồng ý, nhưng chưa làm sao theo nổi trên thực tế - tôi còn quá trẻ và dại dột. 
Ảnh thực tế hơn tôi nhiều, anh hiểu làm người Việt Nam mà yêu nước Việt người Việt là điều rất khó. Anh hiểu sở trường của anh ấm thanh cung điệu, vậy vấn đề là làm sao duy trì được tiếng nhạc tiếng hát nên có quan niệm như vậy trong bộ môn văn. Tôi lại đồng ý với anh nữa, nhưng một lần nữa tôi lại không sao theo được, ít nhất ở vào tuổi hiện tại, dù trên thực tế, tôi đã hỏng việc và suýt vỡ mặt - tôi còn non kém và dại dột lắm. 
Những năm gần đây, anh ít còn giữ phong dáng thời tâm ca: anh làm tình ca nhiều hơn cùng nhiều loại nhạc khác nữa như Sức mấy mà buồn. Mỗi ngày hầu như anh cùng nhạc của anh có vẻ như quốc tế hóa hơn, xa dần thân phận VN... Dĩ nhiên là nhiều người trẻ trách cứ anh, luyến tiếc Phạm Duy xưa của họ. Còn tôi, tôi vẫn thích hình ảnh một Phạm Duy mặc bà ba đen đứng trên cát trên sỏi đá hát cho lính và người trẻ nghe hơn là một Phạm Duy mặc montagut trong ánh đèn màu made in USA. Nhưng tôi hiểu anh. Một người sáng tác trong bất cứ bộ môn nghệ thuật nào, nếu không muốn sự nghiệp dừng lại, cần phải dành lại tự do của mình từ nơi những độc giả thưởng ngoạn. Viết một loại truyện, làm một loại nhạc, được hoan nghênh và có danh tiếng, người sáng tác rất dễ bị phỗng hóa, nghĩa là dễ muốn bảo vệ cái danh vọng đã có, cứ viết kiểu cũ giữ cung điệu cũ hoài - dù rằng mình đã biến đổi và muốn diễn tả khác đi. Chính sự ph ỗ ng hóa này đã là nguyên nhân của sự chết non của rất nhiều nhà văn Việt Nam: họ nổi tiếng trong một thời nào đó nhất định rồi sau chỉ còn là những nhắc lại nhàm chán. Muốn chống lại phỗng hóa, chỉ có một cách duy nhất: thay đổi lối sống của mình đến tận căn bản (hay dám sống thực con người mới cuộc đời mới của mình) và nhất là chống lại chính độc giả ngưỡng mộ mình. Phải hủy diệt để có thể tái sinh. 
Nhiều khi tôi thấy có những người trẻ quá bất công với anh. Ðòi hỏi thế này thế kia. Tôi thường không đồng ý với một thái độ như vậy. Nhạc Phạm Duy đã cất lên hơn hai mươi năm nay rồi, đã đóng góp vào các công trình lớn của dân tộc và hiện diện trong các khổ đau của Việt Nam với tư cách người chứng trong cuộc, người chứng tham dự. Anh phải mệt mỏi và có quyền mệt mỏi. Không ai có thể làm anh hùng cả đời được, anh hùng cái thế chọc trời khuấy nước rồi cũng có lúc muốn phong kiếm quay ẩn mà về. Mà anh về đâu? Anh trở về với tình ca hiểu theo nghĩa thật rộng: tình của hai người nam nữ với nhau, tình của con người với con người. Và nhạc của anh vẫn hay, chúng ta còn đòi hỏi gì hơn. Ðòi hỏi hơn nữa, là bất công đối với Phạm Duy của chúng ta. 
Có thể có nhiều người trẻ không đồng ý với tôi về quan điểm trên. Cái đó không sao. Thời gian sẽ qua, các thử thách và nhiều mùa thu chết sẽ tới với họ, và tới khi ấy, rất có thể họ sẽ như tôi bây giờ, tôn trọng sự mệt mỏi chính đáng để Phạm Duy, và những người như Phạm Duy trong các ngành sinh hoạt khác, để yên cho họ rút về những dĩ vãng có các con đường mòn trên núi rừng Việt Bắc, những chiều mưa lạnh trên vỉa hè Hà Nội có tà áo dài len của một người thiếu nữ đập nhẹ trong gió như cánh của một loài bướm đang yêu. 
Thế Uyên 
Nguồn: Trích trong cuốn Ðoạn đường chiến binh 
Theo https://phamduy.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chùm thơ của Lưu Lãng Khách 15 Tháng Hai, 2023 Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao – trên trời cao/ Chim non ca vang n...