Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018

Suy ngẫm về Bạch Mã huyền thoại

Suy ngẫm về Bạch Mã huyền thoại 
Chuyến hành quân lên Bạch Mã của các Tân Huyền đai 2017 kết thúc cuối tháng 6/2017. Xin lần lượt giới thiệu thu hoạch của các em. Trước hết, xin giới thiệu cảm nhận của của vị khách trong đoàn.
Sau những tháng ngày đau khổ tiễn biệt người vợ thân yêu của mình tôi gần như suy kiệt hoàn toàn; toàn thân đau nhức, mất ngủ triền miên. Là một người đã được tôi luyện trong lực lượng an ninh, đi qua nhiều năm tháng khó khăn khốc liệt, tôi luôn tự tin, bình tĩnh trước mọi thử thách. Nhưng giờ đây, trước sự ra đi đột ngột của người vợ thân yêu tôi suy sụp cả thể xác và tinh thần. Dẫu biết rằng trong vũ trụ này sự sống sinh ra không phải là bắt đầu, mất đi chưa phải là kết thúc nhưng lòng vẫn đau đớn, xót xa khôn nguôi.
Đến lúc này tôi mới biết được tình cảm mọi người giành cho tôi như thế nào. Bạn bè thương tôi vô cùng, nhiều người không thân quen cũng cảm thông, chia xẻ với tôi. Họ luôn tìm cách lôi kéo tôi ra khỏi nỗi buồn, giúp tôi chữa lành nỗi đau thể xác, xoa dịu trái tim tan nát của tôi. Món nợ tinh thần này đời tôi bao giờ trả hết được!
Một buổi sáng đẹp trời, sau khi làm một cuốc xe đạp lên Văn Thánh trở về, đang nhẩn nha bách bộ trên đường Nguyễn Đình Chiểu, ven bờ sông Hương thơ mộng, tôi tình cờ gặp võ sư Nguyễn Văn Dũng, người mà tôi luôn cảm mến, trân trọng bởi tính cách nhân văn và trưởng thượng của ông. Đã lâu rồi không gặp, ông mời tôi uống café sáng. Trong câu chuyện tâm tình, ông cho biết đang chuẩn bị một cuộc hành quân truyền thống của Võ đường Nghĩa Dũng lên Bạch Mã, ngọn núi huyền thoại của xứ sở, ông mời tôi tham gia làm khách mời của đoàn.
Tôi cũng đã nhiều lần leo núi Bạch Mã nhưng bằng… 4 bánh, trên xe ô tô máy lạnh! Hơn 25 năm trước tôi đã từng cõng đứa con gái đầu lòng của mình trên lưng cùng đồ đạc lỉnh kỉnh khoảng 30kg, trèo lên đỉnh Hải Vọng Đài, tụt xuống Ngũ Hồ, tắm trên đỉnh thác Đỗ Quyên. Giờ đây, tuổi đã trên 60, chân chồn gối mỏi, liệu có còn đủ sức leo trèo như xưa được không. Hơn nửa năm trời lo cứu vợ bị tai biến từ Tây Tạng về, nằm lỳ nhiều ngày trong phòng ICU của các bệnh viện để chăm sóc người thân, toàn thân đã rã rời. Bụng bảo dạ thôi cứ đi, củi lửa của những năm tháng thanh xuân chắc vẫn còn âm ỉ cháy, âu cũng là cơ hội để tạm quên nỗi buồn, biết đâu lại là liệu pháp chữa lành bệnh xương khớp; lỡ không theo được mọi người thì lên xe…leo núi. Tôi biết Võ sư Dũng đã bố trí một xe ô tô cứu trợ dự phòng.
Tôi khẩn trương chuẩn bị những thứ cần thiết cho cuộc hành quân. Các con của tôi lo lắng cho sức khỏe của ba nhưng cũng không ngăn cản. Chúng đã từng chứng kiến nhiều phen vượt khó của tôi và tin rằng tôi sẽ vượt qua thử thách.
Đêm ngày cuối tháng Sáu, chẳng hiểu sao trăn trở mãi vẫn không ngủ được. Chợt nhớ lại “Ngọn núi ảo ảnh” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, một ký sự để đời về ngọn núi Bạch Mã huyền thoại. Những suy cảm của anh về Đất, về Nước và Con người khi anh cùng các võ sinh Võ đường Nghĩa Dũng lên ngọn núi thiêng  này làm tôi hết sức xúc động.

Bạch Mã được một kỹ sư người Pháp phát hiện vào năm 1932, sau 5 năm con đường lên đỉnh núi đã được hoàn thiện. Đầu những năm 40 của thế kỷ trước ở đây đã mọc lên gần 150 biệt thự, trở thành một thành phố nghỉ mát lý tưởng của miền Trung. Nơi đây khí hậu ôn đới, nhiệt độ từ 4 - 22 độ tùy theo mùa. Bạch Mã lúc đó đã có bưu điện, sân tenis, bóng rổ, quán cafe, trạm y tế và 2 siêu thị nhỏ bán đồ Pháp và đồ Việt…Ở đây đã có hẳn một khu vực trồng rau và hoa tươi cung cấp cho đô thị. Thời đó có thể nhâm nhi rượu Tây với thịt rừng cùng lúc với đồ biển tươi do các bà các chị Cầu Hai gánh bộ lên, đông chợ lúc 8 - 9h sáng. Tôi đã hình dung một thành phố bằng kiến trúc châu Âu đắm mình trong không gian huyền diệu, suối reo, thác chảy, mây vờn của phương Đông, xứ Huế.
Đã bao lần lên Bạch Mã nhưng ngọn núi kia vẫn luôn hấp dẫn tôi; từng có nhiều cuộc ra đi nhưng sao lần này vẫn thấy hồi hộp. Trăn trở, thao thức suốt đêm, tôi trở dậy lúc 3 giờ sáng, chạy đến nơi tập kết thì 3 chiếc xe ca chở Đoàn võ sinh đã khởi hành. Anh chị Dũng đón tôi và đưa lên chiếc xe nhỏ chạy sau đoàn.
Mờ sáng, đến cửa rừng, nơi đón tiếp du khách của Vườn quốc gia Bạch Mã đã thấy các võ sinh đội ngũ chỉnh tề, ngồi theo hàng quân để ăn sáng, chuẩn bị hành quân.
Theo truyền thống của Võ đường Nghĩa Dũng, các võ sinh đai nâu đủ điều kiện phong huyền đai phải mang vác vật dụng cắm trại, hành quân 18 km từ chân núi lên đỉnh Bạch Mã, đêm xuống mắc võng ngủ trong rừng như các chiến binh. Sáng mai các võ sinh phải dậy thật sớm để đón bình minh trên Vọng Hải Đài, làm lễ phong huyền đai. Võ đường Nghĩa Dũng đã thực hiện nghi thức truyền thống này suốt hàng chục năm qua.
Lần phong đai này có hơn 110 võ sinh đến từ rất nhiều võ đường trên cả nước. Từ Hà Nội, Hải Dương, Nghệ An... đến Gia Lai, Bình Dương xa xôi với nhiều thành phần nghề nghiệp và độ tuổi khác nhau; từ học sinh PTTH cho đến sinh viên Học viện an ninh, Đại học y dược, bác sĩ kỹ sư, có người là phó giáo sư, tiến sĩ, giảng viên đại học.
Đã đến giờ hành quân, võ sư Nguyễn Văn Dũng đứng trước hàng quân như một lão tướng cầm quân. Đã gần 80 tuổi nhưng trông ông vẫn tráng kiện, vững chãi như một cây sồi. Bao phen dọc ngang trên núi rừng Bạch Mã ông tích lũy dày dặn kinh nghiệm đi rừng. Phải có một tình yêu sâu thẳm với ngọn núi huyền diệu mới khiến ông quyến luyến, mải mê chốn này đến vậy.
Sau khi phổ biến kỷ luật hành quân, căn dặn các kỹ năng leo núi ông quay sang giới thiệu khách mời và lãnh đạo các đoàn. Cuối cùng ông dặn nhỏ: Nếu gặp cọp trong rừng hãy nói với nó “Tao là võ sinh Võ đường Nghĩa Dũng đây!”; lập tức cọp sẽ bỏ đi ngay!?
Sau mệnh lệnh ngắn gọn, ông lặng lẽ đi trước, dẫn đầu đoàn quân lên núi.
Tôi đi ngay đằng sau ông, với tốc độ trung bình để đảm bảo cho các võ sinh mới tham gia lần đầu có thể theo kịp. Rừng cây ven đường còn ngủ, lá đen thẫm, ướt sương. Gió biển từ phía Cầu Hai thổi vào hòa quyện với gió lục địa mơn man trên da thịt, càng đi lên càng cảm nhận hơi lạnh từ trên cao tỏa xuống dịu dàng. Càng lên cao tầm mắt càng mở ra bát ngát, mênh mông. Vừa leo dốc trên con đường quanh co sườn núi tôi vừa ngẫm nghĩ, cảm phục người xưa. Từ khi phát hiện được Bạch Mã, chỉ vài năm sau con đường mòn đã lên đến đỉnh và gần 5 năm sau, một con đường rải nhựa dài gần 20 km đã hoàn tất. Từ con đường này đã hình thành nên một thành phố huyền thoại trong mây cách nay đã gần 80 năm.
Dừng lại bên bờ vực sâu thẳm, một bức tranh thủy mặc hiện ra ngay trước mắt tôi. Chợt nghĩ nơi đây mà làm những khung nhà gỗ làm trạm dừng chân để du khách ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên thì thật tuyệt vời.

Tôi ngoảnh nhìn lại đội hình, hầu hết các võ sinh khuôn mặt còn trẻ măng, cõng ba lô trên dưới 20 kg nhẫn nại chống gậy hành quân. Nhiều em lần đầu trong đời leo núi, đã thấm mệt, lê từng bước chân lên dốc nhưng nhất quyết không chịu gửi bớt đồ lên xe cứu hộ. Thầm thán phục các em và công lao dạy dỗ của thầy Dũng.
Tôi vẫn cố gắng bám theo đoàn ở tốp đầu mặc dù các khớp xương rất đau nhức. Các chàng trai Hà Nội tụt dần về cuối hàng quân. Họ nói đi chậm để ngắm cảnh và chụp ảnh!
Nhưng rồi mọi gian khổ cũng bỏ lại phía sau, chưa đầy 11h trưa tất cả thầy trò chúng tôi đã có mặt trên đỉnh Hải Vọng Đài.
Đã nhiều lần lên đây, đứng ở đỉnh cao nhất của  xứ sở  nhưng lần này trong tôi trào dâng nhiều cảm xúc đặc biệt, có lẽ do những biến cố cuộc đời, hay là lần đầu tiên tôi đã lên Hải Vọng Đài bằng chính đôi chân của mình. Từ đây, không một vật cản, tầm mắt tôi rộng mở về phía biển Đông mênh mông, phá Tam giang trải dài mềm mại như dải lụa, đầm Cầu Hai, hồ Truồi long lanh hiển hiện, đèo Hải Vân, Bà Nà ẩn hiện trong mây xa. Trời cao xanh lồng lộng, những đám mây trắng như đang hôn lên đỉnh núi. Tôi đưa tay ra phía trước như khẽ chạm vào đất, vào nước; tâm hồn tôi như hòa cùng trời, biển. Chợt nhớ tới các bậc tiền bối: Hoàng Đạo Thúy, Tạ Quang Bửu, Võ Thành Minh… đã từng là thủ lĩnh scout ở Huế, một thời dọc ngang Bạch Mã, với những biệt danh nổi tiếng Hổ Sứt, Chồn Fennec, Dã Mã của chốn rừng xanh. Có lẽ mạch sống cuồn cuộn của Bạch Mã đã góp phần nuôi dưỡng nên những tâm hồn lớn, những con người ưu tú của Tổ quốc.

Với bình minh
Dưới chân Hải Vọng Đài các võ sinh đã tập kết đông đủ, họ nhanh chóng hạ trại, những bếp lửa dã chiến đã cháy lên. Tôi mắc võng nằm nghỉ bên cạnh thầy Dũng, mùi khói bếp thoảng bay lên gợi nhớ những ký ức xa xôi. Phút chốc, một nữ võ sinh xinh đẹp lặng lẽ bưng lên một khay cơm canh nóng hổi mời thầy Dũng và tôi, vị khách duy nhất của đoàn. Cảm ơn các em, có lẽ đây là một trong những bữa cơm ngon nhất trong đời tôi. Lại một chén trà thơm của võ sinh nam mang tới. Sau bữa trưa “sang trọng, đài các”, trong cái điều hòa khổng lồ của đất trời, tôi lên võng, đắp chăn ngủ một giấc thật ngon mặc cho sấm chớp đùng đùng, mưa tuôn xối xả trên đầu suốt cả tiếng đồng hồ. Giờ này ở Huế các con tôi chắc đang đổ mồ hôi hột vì nắng nóng hơn 40 độ; điều hòa, quạt máy chạy rào rào. Tổ sư Suzuki đã từng định nghĩa cốt tủy của đạo Phật: Đói mà được ăn, khát mà được uống, lạnh mà có chăn ấm, buồn ngủ mà được ngả mình thiếp đi trên liếp cỏ là Phật! Thế thì hôm nay tôi bỗng trở thành “Bồ tát” rồi!? 
Chiều buông xuống nhè nhẹ, hoàng hôn đỏ rực phía Tây đỉnh núi. Tôi dạo quanh một vòng lên phía sân bay trực thăng cũ. Khi trở về, bữa cơm chiều đã dọn sẵn, lại có thêm mấy lon bia Huda và trà gừng - quế Quảng Nam nữa, thật sang trọng ở chốn này. Xung quanh tôi, các đội đã quây quần rộn ràng xung quanh mâm cơm. Lúc này tôi mới hiểu vì sao thầy trò võ sư Dũng không mang theo đồ ăn nguội lên núi cho đỡ vất vả. Thì ra, dù mang vác soong nồi, gạo mắm lỉnh kỉnh nhưng cùng nhau kiếm củi, gùi nước, đốt lửa làm cơm là những kỷ niệm không bao giờ quên, một trải nghiệm thú vị trong đời. Đó còn là kỹ năng sống với thiên nhiên, là tinh thần đồng đội, yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Sau những chuyến đi này, chắc chắn họ sẽ trở thành những người bạn tốt của nhau trong thế giới đầy bất ổn, xung đột, thù hận, cạnh tranh và vị kỷ.
Tôi lẩn thẩn nhớ lại mấy câu thơ nổi tiếng thế giới của F. Quasimor về nỗi buồn:

Mỗi người đứng cô đơn trên trái tim trái đất
Lòng xuyên qua một tia nắng mặt trời
Và chưa chi, chiều đã tắt!

Trong vũ trụ mênh mông này sự khác biệt là tuyệt đối. Con người cô đơn bên nhau với mỗi số phận riêng biệt, ngay cả những người ruột thịt thân yêu cũng chỉ có thể chia sẻ chứ không thể đau thay nỗi đau của nhau. Hàng tỷ người đứng cô đơn bên nhau nhưng may mắn thay họ được cùng nhau đứng trên trái tim trái đất, bởi tình yêu đã gắn kết họ với nhau. Sự sống con người quá mong manh, tồn tại được nhờ một tia nắng mặt trời. Nhưng hỡi ôi! Chưa chi chiều đã tắt!
Hiệu lệnh tập hợp sinh hoạt tập thể vang lên cắt đứt dòng suy nghĩ miên man của tôi. Đêm nay thầy trò Nghĩa Dũng không đốt lửa trại, bên ngoài gió lạnh như mùa đông, tất cả cùng nhau quây quần trong tầng trệt ấm áp của Hải Vọng Đài. Lâu lắm rồi tôi lại được hòa mình trong không khí sinh hoạt của một thời tuổi trẻ sôi nổi. Thầy Dũng có vài lời tâm sự với các võ sinh, động viên, nhắc nhở các em thường xuyên luyện võ và nuôi dưỡng đời sống tinh thần, giữ gìn phong cách và truyền thống của Võ đường Karatedo Nghĩa Dũng. Tiếp sau đó là chương trình văn nghệ giao lưu của các đoàn. Các võ sinh hát vang rừng núi các ca khúc cách mạng của một thời khói lửa chiến tranh, những khát vọng hòa bình, về tình yêu quê hương đất nước, về tuổi trẻ và ước mơ... Tôi lắng nghe bài hát “Đồng đội” của thời chiến tranh biên giới Tây Nam: “Bạn tôi cho hay, sau ngày xong chiến đấu, sẽ đi nông trường lái máy cày”. Ôi! Khát vọng của những người nông dân mặc áo lính, họ đâu muốn chiến tranh, xâm lược ai đâu, họ sang cứu bạn khỏi thảm họa diệt chủng, chỉ mong sao ngày hòa bình, được trở về cày ruộng trên mảnh đất của quê hương yêu dấu của mình. Gió ở bên ngoài hòa cùng những ca khúc đồng dao, dân ca 3 miền, dân ca Nga và cuối cùng là bài ca tạm biệt “Sa lom” của Israel - : “Sạ lòm sà vơ rim. Sà lom sa lòm… Cầm tay phút chia ly. Bạn ơi vui lên đi. Xa cách ta không nề, luôn nhớ nhau trong đời. Từ nay cách xa…”. Chợt nghĩ tại sao các tổ chức thanh niên không tổ chức những cuộc hành quân lên Bạch Mã như thầy trò Võ sư Nguyễn Văn Dũng đã làm lâu nay. Không cần nhiều lời sáo rỗng, có lẽ đây là cách thức giáo dục truyền thống, tình yêu Tổ quốc, tinh thần đồng đội, rèn luyện thể chất…cực kỳ hiệu quả, thiết thực cho tuổi trẻ ngày nay. Thật buồn khi thấy nhiều thanh niên ngồi hàng giờ trong các quán càfe; nghe các cô gái khoe rằng họ mặc váy, đi guốc cao gót, lên cáp treo…chinh phục đỉnh cao Phăng Xi Păng!
Thiết nghĩ ở Bạch Mã  không nên xây dựng cáp treo. Mọi người sẽ đến đây chinh phục đỉnh cao bằng đôi chân của mình, một trải nghiệm tuyệt vời cho bất kỳ ai đến du lịch ở ngọn núi huyền thoại này.

Hoàng hôn sao mà nhớ 
Chúng tôi thức dậy lúc 4h30 sáng để chuẩn bị đón ánh bình minh đầu tiên trên đỉnh núi. Xung quanh, núi rừng đen thẫm còn ngủ im lìm, những bông cỏ lau dậy sớm đang phất phơ trước gió. Đằng đông, mặt trời đỏ rực, lặng lẽ ló lên trên bầu trời trong vắt, hơi ấm nhanh chóng lan tỏa khắp đất trời. Trong tôi bỗng trào dâng những cảm xúc khó tả. Từ trên đỉnh núi này, ta cảm thấy tinh thần của ta hòa nhập vào tinh thần của vũ trụ. Trong khung cảnh huy hoàng của đất trời, tư tưởng của chúng ta thoát ra khỏi cái chân trời thiển cận, hẹp hòi của mình, hòa vào cái bao la vô tận của vũ trụ mênh mông. Những ý nghĩ trong đầu bỗng dưng trở nên trong trẻo hơn. Lúc này ta sẵn lòng tha thứ cho những trái tim không thành thật mà ta đã từng gặp trong cuộc đời.
Các võ sinh chen nhau lên xin chụp ảnh kỷ niệm với thầy Dũng. Đây có lẽ là những bức hình hiếm hoi, đẹp nhất trong đời. Rồi đây các võ sinh nữ dũng mãnh sẽ xây dựng gia đình, có chồng, có con; trong tổ ấm êm đềm, liệu các em có cơ hội hiếm hoi trở lại đỉnh núi này không? Nhưng chắc chắn ngọn lửa của ngọn núi thiêng sẽ cháy mãi trong tâm hồn của các em.
Sau hồi còi tập hợp, tất cả các võ sinh đai nâu tề chỉnh đội hình chuẩn bị làm lễ phong huyền đai. Thầy Dũng tự tay thắt đai đen cho từng võ sinh. Kỷ niệm thiêng liêng trên đỉnh núi huyền diệu này sẽ theo mãi các em trong cuộc đời. Bản lĩnh của võ sĩ cộng với tâm hồn rộng mở và trí tuệ minh mẫn trong thân thể cường tráng; được hun đúc bởi năng lượng của ngọn núi thiêng, chắc chắn mai sau các em sẽ là những con người tốt, có ích cho đời.
Sau lễ phong đai tất cả lại hành quân xuống Ngũ Hồ. Đây là tuyến du lịch mạo hiểm nhất Bạch Mã. Mặc dù đã có một tuyến cáp chạy dọc suối nhưng cũng vô cùng nguy hiểm nếu sơ ý sẽ tuột chân xuống vực. Suối reo, nước chảy trong vắt tạo thành những thác, những hồ nước huyền diệu. Không gian mát rượi, phong cảnh nên thơ làm chúng tôi quên hết sự nguy hiểm và mệt nhọc.
Tôi vượt lên trước, tách khỏi đám đông, tìm một phiến đá nhẵn lỳ bên dòng nước mát róc rách, kê đầu lên balo lim dim giây lát. Một nhánh lá Thạch Xương Bồ thoang thoảng thơm. Bên tai không còn nghe tiếng còi xe ồn ả nơi phố phường  chật hẹp. Từ chỗ toàn người là người chen chúc, hối hả đến chỗ bát ngát rừng cây, vắng bóng người, ta như lạc vào cõi tiên bồng. Lại chợt nhớ câu nói của nhà tiên tri Van Ga: Con người là một sinh vật đặc biệt nhất hành tinh, suốt đời nó chạy quanh tìm kiếm cái gì đó mà mãi không tìm ra!
Sau gần một giờ hành quân xuống Ngũ Hồ, đoàn quân lại hạ trại nấu cơm trưa. Đây là khu vực bằng phẳng ven suối mà những người Mỹ trong tổ chức MIA đi tìm hài cốt lính Mỹ chết trận đã tạm trú. Nhìn đất, nhìn trời thầy Dũng ra lệnh ăn cơm trưa xong phải hành quân ngay để tránh một trận lũ quét do mưa lớn. Lại hối hả hành quân!

Chỉ vài chục phút sau chúng tôi đã đến đỉnh thác Đỗ Quyên. Một khung cảnh hùng vĩ hiện ra. Từ đây, các dòng suối đã hợp thành con sông nhỏ đổ xuống vực sâu hun hút không nhìn thấy đáy. Mùa xuân, hoa đỗ quyên nở thắm ven suối. Tiếng chim hót réo rắt từ bên kia đỉnh thác vọng lại. Chợt nhớ ở đây có một chú cán bộ kiểm lâm rất giỏi bắt chước giọng của nhiều loài chim, dẫn dắt lũ chim hót rộn rã cả khu rừng, làm ngất ngây du khách nước ngoài.
Không dừng lại, tất cả lại lần từng bậc đá rêu phong, dốc đứng; xuống tận chân thác. Xương khớp đã rã rời nhưng cuối cùng tôi cũng đã đến đích. Một khung cảnh thần tiên hiện ra trước mắt tôi. Thác Đỗ Quyên như một dải lụa dài 300m mềm mại và dũng mãnh từ trên cao đổ xuống. Tôi bám dây thừng tụt xuống chân thác, tắm một trận đả đời trước khi lệnh cấm được thông báo; rất nguy hiểm vì chỉ cần sơ sẩy một chút là rơi xuống vực. Nước từ trên cao quất vào lưng mát lạnh làm tan biến mọi nhức nhối xương khớp. Cơn buồn ngủ ập đến, tôi mắc võng vắt vẻo ngay sườn vực, nằm nghe thác đổ rồi thiếp đi lúc nào không biết. Lại thành “Bồ tát” rồi!
Tôi đã từng đến thác Niagara, một ngọn thác đẹp mê hồn nằm giữa biên giới giữa Canada và Mỹ. Nghe nói thác này được xếp vào hạng nhất nhì thế giới nhưng chỉ cao có 50m. Mọi so sánh đều khập khễnh nhưng trong mắt tôi thác Đỗ Quyên của ta vẫn đẹp hơn nhiều!
Đêm nay không đốt lửa trại tập thể, giành thời gian cho các đoàn sinh hoạt nội bộ. Trời se lạnh, các võ sinh quây quần bên bếp lửa nướng khoai sắn, nấu chè, uống trà rủ rỉ tâm sự bên nhau. Một nữ võ sỹ huấn luyện viên trưởng Võ đường Đại học y dược Huế cùng nam võ sinh mang đến mời chúng tôi món chè hạt sen đường phèn nóng hổi. Đời người ngàn miếng ngon, lúc này chưa có món chè sen nào thơm ngon hơn thế!
Nhớ lại đầu những năm 80, tôi vào trường Quốc Học thăm mấy người bạn, ghé qua sân thể dục của trường thấy thầy Dũng đang tập võ cho các em gái tuổi học trò. Tôi đứng xem một lúc rồi lân la lại hỏi thầy Dũng: “Con gái Huế bản tính dịu dàng, thầy dạy võ cho các cháu làm gì?”. Thầy nhìn tôi một lúc rồi nói: “Tôi dạy cho các nữ sinh dạ thì phải dạ cho ngọt mà tát tai thì phải tát tai cho đau!”.

Đôi bạn
Vừa sửa soạn xong chỗ ngủ thì một cơn mưa ập đến xối xả. Ở Bạch Mã quanh năm ngày nào cũng mưa, lượng mưa trung bình gần 10.000mm. Nghe nói lượng mưa ở đây không chỉ cao nhất nước mà hình như cao vào hàng nhất nhì thế giới. Vào mùa mưa, chỗ chúng tôi nằm đây, cách chân thác hàng chục mét ngập trong  nước; đứng xa hàng trăm mét đã nghe tiếng thác đổ gầm réo, hơi nước mù mịt phả ra như gió bão khiến những người yếu tim rụng rời chân tay.
Người Pháp cho rằng thác Đỗ Quyên cao 300m. Nhưng theo thầy Dũng - người đã từng nhiều năm lặn lội khám phá nơi này cho biết: Sau khi đổ xuống 300m, dòng thác chảy ngang khoảng vài trăm mét rồi lại tiếp tục đổ xuống gần 300m nữa. Nó chính là dòng nước tạo nên nhánh Tả trạch sông Hương vạm vỡ. Hèn gì mà nước sông Hương luôn trong xanh ngọt ngào quanh năm. Giờ đây, nhánh Tả trạch này đã được chặn dòng thành hồ nước có dung tích hơn 600 triệu m3 nước. Có lẽ ít người biết, tất cả các con sông lớn của Thừa Thiên Huế đều bắt nguồn từ vùng núi của tỉnh nhà: sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, sông Truồi và sông Đại Giang. Ngày nay trên các con sông đổ vào Phá Tam Giang đã có14 hồ lớn chứa hàng tỷ m3 nước, hồ nào cũng đẹp long lanh. Trong khi các đô thị lớn của Việt Nam đều dùng nước của các con sông bắt nguồn từ nước ngoài thì đây phải chăng là an ninh nguồn nước khi có thảm họa?
Một đêm trắng. Không hiểu do ngập tràn cảm xúc hay do một dòng nước mưa len lỏi theo dây võng thấm nhẹ ướt lưng. Mấy khi trong đời được thao thức bên “Ngọn núi ảo ảnh” và dòng thác huyền thoại của đất trời quê hương. 
Theo http://nghiadungkarate.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao - trên trời cao/ Chim non ca vang như ngày nào/ Bên em anh...