Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Nghĩ về sáng tác mới nhất của Phạm Duy - Thiền khúc trên đường về

Nghĩ về sáng tác mới nhất của Phạm Duy
Thiền khúc trên đường về 
Trong cuộc đời ồn động dục lạc (1) của Phạm Duy, đây là lần thứ ba anh đi vào nhạc tưởng về đạo. Nhạc tưởng tâm ca là dòng nhạc dấn thân hành thế theo phong cách Thiền. Nhạc tưởng đạo ca là biểu tượng. Bây giờ, với thiền khúc trên đường về, mở ra chân trời siêu thoát. 
Theo truyền thống tu học của Thiền nhắm giải phóng mọi hệ lụy, quan trọng nhất là sự hàng phục cái Tâm. Quá trình hàng phục tâm trải qua ba giai đoạn: một là bắt cái tâm, hai là ý thức cái tâm vô tâm; và ba là bình thường tâm trong cuộc sống đời một cách an nhiên tự tại, tức Tự do tối hậu. 
Cách đây 10 thế kỷ, phương pháp giải thoát này được một hoạ sư vẽ thành 10 bức tranh hướng dẫn sự tu học, gọi là bản vẽ Mười Cảnh Chăn Trâu (Thập mục ngưu đồ). Phải đợi tới 10 thế kỷ sau, mới có một nhạc sư đưa tranh vào nhạc: Phạm Duy qua mười thiền khúc. Từ ý vào tranh, mất 15 thế kỷ (nếu tính Phật thức ra đời 5 thế kỷ trước Thiên Chúa). Từ tranh vào nhạc, thêm 10 thế kỷ nữa. Ngó như có nhiều công sức của thời gian và người đóng góp. Nhưng kỳ thực chỉ là sự chuyển hoá trong nháy mắt từ ngôn sang vô ngôn đấy thôi! Thiền kỵ lý luận, biện giải, nói năng ồn tạp, nên thiền vô ngôn. Vô ngôn là Nhạc. Tiếng sét chẻ tan mọi nói năng trùng phức (tautologique) đầy tự phụ và vô minh. Ðại thừa Phật giáo lý giải tâm là ngã tưởng. Thiền nói ngã là niệm. Niệm hay khái niệm là thành kiến mê chấp vọng tưởng ra. ngoài vô niệm không có gì phá nổi. 
Bản vẽ Mười Cảnh Chăn Trâu nói trên đề ra quá trình bắt tâm để bình thường tâm, tức đi từ niệm tới vô niệm. Hoạ sĩ hình tượng tâm (hay đạo) là con trâu, kẻ đi bắt tâm là đứa bé chăn trâu (mục đồng). Bản vẽ một vẽ kẻ chăn trâu đi tìm trâu (tầm ngưu), tìm tâm, tìm mặt mày chân thật của mình (bản lai diện mục). Bản vẽ hai, thấy dấu chân trâu trên đường (kiến tích). Bản vẽ ba, gặp trâu (kiến ngưu). Bản vẽ bốn, bắt được trâu (đắc ngưu). Bản vẽ năm, chăn trâu (mục ngưu). Bản vẽ sáu, điều phục được trâu nên cưỡi trâu về nhà (kị ngưu quy gia). Bản vẽ bẩy, quên mất trâu nhưng vẫn còn người (vong ngưu tồn nhân). Bản vẽ tám, người và trâu đều được quên (nhân ngưu câu vong) tranh vẽ một vòng tròn trống rỗng. Bản vẽ chín, trở về nguồn cội (phản bổn hoàng nguyên), tranh vẽ cây tốt tươi bên dòng suối, lá bay, chim lượn. Bản vẽ mười, kẻ chăn trâu thong dong trở về phố chợ, tức Nhập thiền thùy thủ (buông tay thư thới vào chợ). Giai đoạn giải thoát, sống an nhiên hòa điệu và tự tại giữa loài người, cho loài người và muôn loài. 
Xem lại và nắm bắt ý nghĩa mười bức tranh trên đây giúp ta cảm nhận lý thú trong việc thưởng thức Mười Thiền Khúc của Phạm Duy. Hẳn nhiên nhạc ở đây không vẽ lại chuyện trâu và mục đồng. Nhạc đi xa vào chính diện của nhân sinh: Cuộc Tình Người. Kẻ đi tìm là đàn ông, hoặc đàn bà, tùy ai thao thức. Ðiều bắt được là anh hay em. Anh hay em là tâm, là đạo, là chân lý tối hậu.
Hiện hữu nhiệm mầu trên mặt Ðất này, có gì khác hơn Anh và Em, người đàn ông với người đàn bà? Ðạo là đường hay là thượng đế, cũng chỉ là bọt, danh từ, khái niệm thôi, nếu hai người ấy chẳng chịu nhập một vào nhau!. Ðàn bà là sự thử thách của đàn ông. Ðàn ông là nỗi trông mong của giềng mối Ðạo. Tình Yêu là nơi hai nhân tính nhập một để cho Ðạo được truyền giống. Nhờ truyền giống mới có truyền giáo. Mười Thiền khúc là Tình Yêu trên đường về Tâm Ðạo, ánh chớp huy hoàng khi hai khối đá đối chạm vào nhau. 
Những chi quý và báu nhất của người và trái đất đều được giữ nguyên nơi mười khúc thiền ca này. Mặc bao bội bạc, dối trá, hận thù, giết chóc. Mặc bao tội lỗi. Mặc bao chiến tranh. Chiến tranh chỉ là hiện tượng miền (2) không là bản chất sống. 
Trong một thiền khúc (3), Phạm Duy viết: 
''... Tuyệt vời, từ đầu từ cuối'', khác với lối nói ''từ đầu đến cuối''. Bởi vì đầu hay cuối đều là khởi điểm, nơi bắt đầu, ngày thứ nhất tạo hoá. Người là trung tâm. Trái đất là khởi điểm cho ý thức. Từ đó, lên hay xuống - thiên đường hay địa ngục, vào hay ra - ta hay người, cứ tùy thích, tùy thuận mà sống. 
Lâu nay có số người tưởng Thiền là điều chi cao xa, thoát ly cõi sống ngày thường, cách lìa ân ái, dục lạc. Ít ai nhận ra Thiền là Sống. Sống cuộc sống người, sống cuộc hành tinh. Vì vậy cuộc Thiền rộn rã tưng bừng (2) đã bị bao gói, đóng hộp thành một loại Thiền tương chao. Ít ai thấy như Phạm Duy: Thinh không đầy ắp sinh trùng. Tất cả là tôi mà cũng là chung (2). Thấy ra lẽ đó, cõi sinh vẹn toàn (4). Vẹn toàn như một vườn hồng, dù nơi đó nhiều gai đâm. Vẹn toàn như một cuộc tình, dù cũng chênh vênh (5). Nhìn gai hay nhìn hồng? Sống tình hay cảm thức chênh vênh? Mọi sự tùy thuận mà hình thành cuộc đời nhân ái. Nhân sinh chỉ cần thế thôi (5). Nhân sinh không hề cần - vì không thể - đồng thuận kiểu nhất trí của đám quan lại chính khách, mới dám sống. 
Phạm Duy nhận định: Nơi thế gian ta sống, hầu như tất cả đều bội bạc, dối trá. Trừ tôi (6). Hầu như tất cả đang hận thù giết chết loài người. Chỉ còn lại tôi. Tôi là sự sống. Ai biết an nhiên hát nhỏ cùng tôi sẽ được giải thoát, giác ngộ. Hát là lựa lời cho hợp, để nói thứ ngôn ngữ chưa thốt, nơi lối cũ mỏi mòn năm tháng (6). Hát như hát mười khúc thiền ca trên đường về. 
Với mười khúc ca này, Phạm Duy là người nhạc sĩ đã vượt chặng đường con hát, trở thành bồ tát trên Ðường về. Bồ tát là Kẻ Tỉnh thức, người đã thấy biết (bodhi, giác ngộ) nhưng vẫn sống đời với người cùng muôn loài (sattva) để âu yếm phục vụ. Nhạc ở nước ta thường là những ca khúc tâm sự, than kể hay động viên. Nhạc gợi nhớ hay gợi nhắc. Mười khúc thiền ca khác thế, nhạc đây gợi hứng. Có lẽ Phạm Duy là người đầu tiên đẩy tư duy vào nhạc duy qua mười khuông nhạc tưởng. Nung nấu nhưng thanh thản. Như thời Lão Tử viết năm mươi mấy chương. Thời Heidegger viết Sạn đạo (Holzweg). Như Basho làm Thơ. 
Không quay quắt nhớ hay đẫm cháy nhiệt tình, mười khúc thiền ca trả lại ta kho châu báu của tuổi thơ. Quê hương trái đất vẫn nguyên vẹn thuở ban đầu. Từ đáy lòng cũ phơi nở những thinh không bát ngát trời xanh. Nhạc tượng ra sương, ra sấm, động cỡn với cơn dông, ra lễ hội vui vầy của gió, nước, những con chuồn chuồn điểm nước, chiền chiện rảy cánh, én vụt, nhạn lia. Nhạc tượng ra người, những nét hình yêu dấu, kín đáo hay sỗ sàng đều phơi mở như một khu Vườn kỳ lạ vô song. 
Mười khúc thiền ca là nhạc vô thể nhưng vẫn gói trọn mọi thể tích trần gian, vẫn tiết điệu hoá thành mầu sắc âm thanh, tựa tranh thời Bắc Tống. Nhờ nhạc, mọi sự được thấy lần đầu, được nghe lần đầu, cảm nhận lần đầu. Hiên tại làm mất làn ranh vừa quá khứ vừa tương lai. Bởi thế nhạc gợi hứng chứ không gợi nhớ. Hứng sống vạm vỡ và hồn nhiên. Nhạc làm chín tâm tư trên cuộc lão suy, phiền muộn. Nhạc vượt khỏi ấn tượng, biểu tượng, thành tâm ấn của nhạc tâm. Nơi mà người là đầu mối xáo trộn cõi ì trơ hủy hoại. 
Nói như Phạm Duy, người là cơn gió lên làm tắt đi đèn đóm. Nhờ thế, mới hay Thiên đường kia cũng tối om. Ðịa ngục tưởng đen, hóa ra ngục sáng hơn đèn (7). Sáng với tối, địa ngục hay thiên đường đều là ảo vọng. Hãy ở nơi lưng chừng, nhớ nhau mà sống. Ở nơi lưng chừng là ở ngoài hai cực ảo vọng, là cõi người. Cõi độc nhất có quyền chọn lựa lên hay xuống. Ở cao thì rớt. Ở thấp thì ì. Riêng nơi cõi người, người mới có cơ hội và khả năng làm thánh hay làm quỷ. Tùy thích. Nhưng thánh hay quỷ cũng không bằng làm người! 
Trời là cõi chỉ biết phán xét hay nhàn cư. Ðịa ngục là nơi đoạ đầy, hành hạ. Duy Trái đất của cõi người mới biết yêu và được yêu. Yêu em bằng da bằng thịt, hay yêu em chân lý thì cũng thế. Cả hai cùng đòi hỏi sự hoà nhập giao thoa. Như Phạm Duy nhận thức: chưa ôm em là mất em ngay. Ta lôi em về - Ta kéo em đi - Nâng em lên trời - Ðem xuống âm ty - Chôn em trong lòng - Xong lấy em ra (8)... Ngó tưởng như dằng co, tục lụy. Mà thực là quá trình yêu dấu, hay tiến trình giác ngộ. Sáu thức nhảy sáu nhịp, đưa dục về vô dục:
Về, đi, lên (Trời), xuống (âm ty), vào (lòng hay ta), ra (người hay vô ngã). 
Nhạc mở buổi khai thiên lập địa nơi Thiền Khúc Một. Thời hỗn mang khi thinh không sinh ra vũ trụ. Theo nhịp ''chân không diệu hữu''. Một là tất cả. Tất cả là tôi mà cũng là chung, trong nghĩa tương duyên liên đới. Tiếng hát thay nhạc khi gióng lên như một lóng sáng tôi luyện những thiên thể chưa hình dáng. Soi đường nơi u minh mông địa cho người đi tìm cái tâm bị mất, tìm mặt mày chân thật của mình. Những đối âm (contrepoints) lùa nhạc khí rộn rã đuổi theo tiếng hát bình minh ấy. Thỉnh thoảng vang lên tiếng ầm ỳ sấm động, rồi tiếng ve ran hay côn trùng nhởn nhơ báo hiệu sự hiện hữu trên mặt đất. Nhạc nhỏ giọt sương thứ nhất trên đầu ngọn lá. Rồi những giọt mưa thứ nhất bắt đầu rơi ngân, thành vang thành bóng trên mặt nước. 
Sau giọt mưa, nhạc buông từng giọt nắng, rộn rã chất ngất thành Trưa, theo nhịp dập dồn tiếng hạc do thái. Nắng là sự báo hiệu lạc thú trần gian, tượng hình qua chiếc võng ở Thiền Khúc Hai. Chiếc võng mắc giữa hai đầu sinh tử, giữa dục và vô dục. Kẻ nào nhắm diệt dục sẽ không bao giờ nắm được vô dục. Trên chiếc võng lạc thú phiêu du của vô dục ấy, người tựa lưng là kẻ biết nằm vui mọi chốn (lời nhạc viết là nằm im mọi chỗ). 
Thiền Ca Ba suy tưởng về trụ xứ của cái đẹp, tình yêu, nước mắt, khổ đau, hạnh phúc. Những tên gọi khác nhau của cuộc đời. Và đời là tồn sinh chuyển hoá. Sự tồn sinh biểu lộ qua giai điệu nhẹ nhàng, êm ái và chuyển hoá theo ba nốt chính của cung âm là âm chủ (tonique), thang âm năm (quinte) và thang âm bốn (quarte). 
Thiền Ca Bốn nói tới cái ta vô ngã của trùng trùng pháp giới hay trùng trùng duyên khởi. Nghìn thế giới hoà hiệp sum vầy. Nhạc khúc trầm lắng nhưng toả lan theo hương. Chất mát và thơm khi sao hôm vừa mọc quyện nhau trong giai điệu ngọt ngào. Ta nghe rõ cả tiếng rung ren của từng hạt nhụy rơi. Hương ngây ngất không tan, mà toả lan như một vĩ khúc (coda) dư hương. 
Thiền Ca Năm là bức Xuân thư nói về lẽ không hai. Có thể hiểu theo mọi cách, hoặc đồng nhất thể, hoặc âm dương hòa hợp, hay tính không của bất nhị. Nhạc khởi bằng liếc quắt long lanh của mắt, của kiếm chém, hay én vút, nhạn sa. Tất cả nhào nặn cho đời bằng khúc thương ca. 
Thiền Ca Sáu là sự nhập diệu về Một của lý sự vô ngại trong Hoa Nghiêm sau quá trình lục thức luân lạc tứ tung về, đi, lên, xuống, vào, ra. Ðây là đoản khúc tái sinh. Nhạc mang sắc thái thức tỉnh, gọi mời trìu mến. Ðỉnh cao trong mười Thiền khúc. Nhạc lực bồng ấm những tâm tư sa đắm vong thân đặt vào miền an lạc phiêu diêu. 
Thiền Ca Bẩy phác hoạ tính vô trụ xứ (9) (không nơi chốn, trong nghĩa không bám víu, mê chấp). Ðâu cũng là đấy (đương xứ tiện thị, yathabutham). Từ đầu hay từ cuối đều có thể phát khởi nhân sinh hay vũ trụ ra bốn chiều không gian. Khác với từ đầu đến cuối, là đường thẳng giới hạn và buồn tênh. Nhạc rời suy tưởng trở về với nhạc thể trữ tình của thời Tâm ca hay Rong ca. 
Thiền Ca Tám nhớ mình rồi quên mình luôn để đi vào vô niệm kết thúc trầm luân, đau khổ, tranh chấp. Nhạc độ lượng qua tiếng cười bao bọc yêu thương. 
Thiền Ca Chín tụng ca cõi người độc nhất vô nhị. Sự khiêm tốn trần gian, tuy rất tự hào. Nét nhạc vui qua đối thoại nhịp nhàng giữa tang trống và lòng trống. Tiếng trống của hội hè chứ không là trống chiến tranh của Tràng thành lung lay bóng nguyệt. Trống ở đây thôi hoa. Trống làm cho hoa nở, tình phơi, tâm đạo tô ngời. Vì trống không đi với chiêng, mà theo với sáo. Tiếng sáo như sợi tơ đưa người lên thượng giới hay thông xuống A tỳ. Người đi tìm người. Anh đi tìm em - em lạc lối nơi mông địa nhiệt tình. Yêu là nhớ, Nhớ là sống. Thiếu niềm nhớ, người sống cũng hoá thạch. Thiếu niềm nhớ, tình bạn tan, tình yêu hay tình quê hương hủy diệt. Nằm cạnh bên nhau nghìn đời, vẫn chỉ là hai tảng đá, hai khúc gỗ cách biệt. Ðá hay gỗ đều không biết nhớ. 
Thiền Ca Mười là sự vẹn toàn tròn trĩnh của trái đất khi ''nhân quả đồng thời'' xuất hiện. Ai chẳng tin, chẳng biết rằng có một luật nhân quả cho thế gian này. Không kẻ nào thoát khỏi. Nhân nào quả ấy. Nhưng khe hở cho khổ đau, luân hồi chen vào tác quái, thống trị, là khoảng cách giữa nhân và quả. Kẻ nào thực hiện được một nhân quả đồng thời - nhân và quả xẩy ra cùng một lúc - ở mỗi ý nghĩ, lời nói, cử chỉ, kẻ ấy thể hiện Niết bàn, tức Tự do, An nhiên, Tự tại. Giây phút ấy, trầm luân ngừng, khổ đau chấm dứt. Ðây là lúc đã bình thường tâm xong, nên nhạc mở bằng ba tiếng chuông Ðại hồng. Như có ngôi Chùa an lạc tĩnh lặng dựng lên giữa lòng người. Không xây bằng gạch, đá, đèn nê-ông, mà bằng Nhạc. Tức Vô Ngôn rộn rã trùng phùng. Nhạc của Giọt Mưa ở Thiền Khúc một chuyển thành giọt nắng ở Thiền khúc hai, nay đến Thiền khúc mười hóa ra Giọt Ðất. Trái Ðất xanh tươi giữa vũ trụ không cùng đang bị quất phá bởi muôn thiên hà sao chổi nóng nung. 
Trên đây là cảm nhận Mười Khúc Thiền Ca bằng suy tưởng, theo ngôn ngữ hiện qua lời nhạc. Nhưng bên ngoài ngôn ngữ ấy, biết đâu không còn ẩn ngữ khác để nói lên những hình tướng khác về cuộc đời muôn mặt và mầu nhiệm này? Người nghệ sĩ sáng tạo, người thưởng thức cũng phải sáng tạo. Nghệ thuật giầu lên. Trái đất mới sinh sôi. 
Với tôi, Mười Khúc Thiền Ca của Phạm Duy còn tới bằng con đường tâm cảm. Hai ngày trước đây, giữa mùa hè thanh thản tuy bỏng cháy thế sự, nhận được cuốn băng ghi, gửi từ Thị Trấn Giữa Ðàng bên California. Pha ấm trà Long Tỉnh, vừa nhấp vừa nghe đi nghe lại ba lượt. Nhạc thấm theo hậu vị ngọt của trà. Nhạc thấm vào tôi như hương phả. Như chiếc áo cắt từ muôn mảnh thiên thanh vừa vặn với hồn mình. Mấy lời giáo đầu về Thiền ca trong thư Phạm Duy bay mất. Mười âm ảnh rạt rào, lưu luyến dâng lên trong tôi. Nghe rõ từng cái cọ mình những tuyến sóng sáng ngời qua tiếng haut bois vờn đưa, nhào nặn vũ trụ. Người tôi run cơn an lạc, lung linh thiên thể. Cảm nhận từng hạt vôi li ti nơi đáy biển trong ngần, đang vươn mình làm núi. Cảm nhận vô vàn cây cỏ, côn trùng, phù du, vĩnh hằng qua những nháy mong manh. Bình yên, say đắm, hào hùng. Rồi trầm ngâm, tha thiết, an nhiên. Mười âm ảnh gợn qua Mười Khúc Thiền Ca ấy là: Tinh mơ, Trưa, Vườn, Vực, Xuân, Chiều, Sông, Tiếng cười, Lễ hội, Trái... 
Tinh mơ là lúc mặt trời đi lên, hôn phối khởi hợp. Trưa, đứng bóng, ảo ảnh mất, bóng và người nhập một, mặt trời bắt đầu đi xuống. Chiều chấm dứt một hành trình, nắng tái sinh vào Trăng - con Trăng chân lý. Giữa ba mốc Không-Thời của tâm tư ấy (Tinh mơ, Trưa, Chiều), khu Vườn hiện ra như một giao ước. Vực hố lắng sâu vào uyên tư tha thiết, trào thành Xuân, thành Sông, vỡ Cười theo chân sóng, tuôn về Lễ hội của mùa Trái. Thứ quả của người, tròn trĩnh, thơm tho. Chứ không là hệ quả của những nhân duyên buồn. 
Mười Khúc Thiền Ca hình thành như hôm nay, phải ghi thêm công của người hoà âm phối khí tuyệt vời là Duy Cường. Nơi xã hội bon chen hay sầu thảm Việt Nam, tôi ít thấy ai còn đủ trầm tĩnh, khiêm nhường, lại giầu có âm thanh như Duy Cường để an nhiên trau giồi và phát triển nghệ thuật hòa âm cho những ca khúc. Nơi đôi mắt sắc và linh lợi của Duy Cường chẳng chứa riêng ánh sáng, vì còn có một kho tàng âm thanh tới mức huyễn lộng. Ðó là một họa sĩ của thanh âm đã phụ tay kiến trúc và đóng khung cho mười bức Âm ảnh ta vừa thưởng thức. 
Còn tiếng hát của Thái Hiền. Âm điệu và những nhạc nhạc khí sẽ mồ côi mất thôi, nếu không có tiếng hát ấy. Có thể Thái Hiền thiếu chút chi diễn xuất như giọng ca Thát Thanh. Nhưng mười Thiền khúc của Phạm Duy lại hợp với Thái Hiền. Một giọng hát hồn nhiên, trong sáng. Giọng hát của vô tâm. Khu đền Tình cần một Nữ Ðồng Trinh, thì Thiền khúc cần một giọng lụa. Một giọng tơ, một tiếng ngọc chưa hề bợn vấy hồng trần. Phải rồi, đơn sơ, bình dị, nhưng trong sáng, mượt mà nhạc thể và lưu luyến âm dung, là tiếng hát Thái Hiền. 
Cảm ơn người nhạc sĩ trên bước đường đạo sĩ trở về: Phạm Duy! Cảm ơn người hòa âm dấy trong tôi vô vàn khí hậu: Duy Cường! Cảm ơn tiếng hát đang liêu trai lòng tôi: Thái Hiền!. 
Ghi chú:
(1) Xin chớ hiểu dục lạc hay đạo theo nghĩa luân lý, tức bản vị so sánh cao thấp để khen chê, đánh giá. Dục lạc hay đạo trong đời người chỉ là thực chứng hay tiến trình. Quãng đường từ hoa sang trái, từ trái tới hạt mầm sau:
(2) thiền ca 1 
(3) thiền ca 7 
(4) thiền ca 10  
(5) thiền ca 3 
(6) thiền ca 5 
(7) thiền ca 9 
(8) thiền ca 6 
(9) Tùy theo trình độ tu chúng mà thể hiện Niết Bàn tức Tự do, Giải thoát. Phật giáo chia làm ba thứ Niết Bàn: Hữu dư y Niết bàn (Upadhisesa Nirvana) tức khi những vọng tưởng, vô minh, đam mê hoàn toàn vắng lặng, nhưng thân và tâm vẫn tiếp tục hiện hữu vì đại nguyện cứu chúng sinh. Như trường họp đức Thích Ca sau khi thành đạo. Vô dư y Niết bàn Nirupadhisesa hay Parinirvana) là trạng thái mà vọng tưởng, vô minh, đam mê cũng như năm hợp thể đã chấm dứt vòng luân chuyển khổ đau. Và Vô trụ xứ Niết bàn Apratisthita Nirvana) trạng thái của những kẻ Tỉnh Thức đạt quả vị Phật song tự nguyện hiến mình phục vụ cho quần sinh đau khổ. (xem Kinh Ruột, Tuệ giác Siêu Việt - Biện Chứng Phá Mê Trừ Khổ, Thi Vũ, NXB Rừng Trúc, Paris 1973)
1992
Thi Vũ
Nguồn: Pham Duy’ Study 2007
Theo https://phamduy.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chùm thơ của Lưu Lãng Khách 15 Tháng Hai, 2023 Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao – trên trời cao/ Chim non ca vang n...