Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Phạm Duy - Tâm ca một thi sĩ đắm đuối và phẫn nộ

Phạm Duy - Tâm ca một thi sĩ 
đắm đuối và phẫn nộ 
Viết về Phạm Duy là một điều khó. Ngay cả đối với những người có hoàn cảnh và điều kiện để trình bày cái nhìn của mình ở một mức độ khá sâu và kỹ - như qua một cuốn sách có tính cách khảo cứu, đánh giá sự nghiệp sáng tác suốt hơn 40 năm qua của người nhạc sĩ này với khoảng 1.000 ca khúc nói lên đời sống cũng như tâm tình ở đủ mọi khía cạnh của người Việt gần 3 thế hệ, hay qua một cuốn sách theo kiểu biography để trình bày về con người Phạm Duy - tác giả của những cuốn sách này cũng sẽ gặp phải những bối rối do chính cái đề tài mà họ lựa chọn mang đến.
Ðiều đó hiển nhiên, nếu người ta đã từng sống, lớn lên, thở hít cái mùi rơm rạ đất cát quê hương, cái mùi lửa khói ngập tràn những thôn làng Việt Nam, cái mùi chiến chinh tang tóc bay vương vất trong hơi thở của người ta mỗi ngày... Ðiều đó hiển nhiên, nếu người ta đã từng có một thời tuổi trẻ, tóc người ta đã xanh mướt và mềm thơm mùi lúa; rồi người ta lớn lên, phanh ngực đi vào đời đón nhận những phong ba bão táp của cuộc sống-còn nói chung và của định mệnh Việt Nam nói riêng, gió cát tấp vào mặt người ta, môi người ta rướm máu nhưng trái tim người ta vẫn yêu thương nở một nụ cười; rồi một ngày nào đó tóc người ta điểm bạc, định mệnh quê hương bắt người ta trở thành những kẻ lưu vong ngay trên đất quê nhà hay trở thành những người lữ thứ nhưng mắt và lòng cứ ngóng hoài về một chốn quê xưa... Ðiều đó hiển nhiên, khi trong tất cả những bước thăng trầm của quê hương và của chính đời sống người ta, khi nước mắt người ta đọng trên vành mi hay tuôn rơi đầm đìa trên môi trên má, khi người ta cười nụ nhỏ hay khi người ta cất tiếng hát to, khi người ta quỵ ngã hay lúc người ta hăng hái dấn bước lên đường, người ta đều có cho mình một vài câu hát - nếu không là những bài hát - của Phạm Duy. Nhạc cũng như những lời thơ của Phạm Duy đã là một phần đời sống của mỗi một chúng ta. Chúng ta đã nhận diện mình, nhận diện anh em bạn bè dân tộc kẻ thù đất nước thiên nhiên hoa cỏ cái sống cái chết cái vui cái buồn cái hèn cái đởm cái thật cái giả cái tục cái thanh... qua những câu hát của Phạm Duy.
Ðể viết một con người đã chia sẻ với ta tất cả những cảm xúc đó, con người đã thành thật, can đảm và sống hết sức bùng vỡ để nói hộ cho ta những điều ấy, quả thật có khó. Hoàn cảnh và đời sống của Phạm Duy lại càng làm cho mọi sự nói - hoặc định nói - về ông trở thành khó khăn hơn.
Ta nên nói gì về một con người như thế? Ðọc lại những câu viết của chính mình từ đầu bài tới giờ, tôi thấy mình đã phải dùng rất nhiều câu phức hợp (complex and compound sentenses) để nói về Phạm Duy, nói về cái khó khăn của mình. Tại sao? Bởi lẽ Phạm Duy không phải là một con người tĩnh, ông luôn luôn động. Mọi sự từ ông hoặc trong ông đều như muốn tràn ra. Ta thực không thể nói được điều gì toàn vẹn về một vật (sự vật, diễn biến, con người...) đang vẫn còn trong trạng thái chuyển động. Cố gắng của ta, nếu thực hiện được, chỉ có thể nói lên cái diễn biến của sự chuyển động này cho tới cái giây phút mà ta đang nói. Sự chuyển động còn đang tiếp diễn và có thể cái ta đang nói hoặc đã nói về nó sẽ trở nên khác ở một thời điểm kế tiếp. Sự khó khăn bật lên ở chỗ đó.
Phạm Duy lại không phải là con người nhất mẫu, nhất bề (unidimensional man) theo cái nghĩa xã hội của nó. Ông cũng không phải là con người thường - có thêm một, hai, ba bốn bề nữa - như chúng ta đôi lúc tự đánh giá hoặc nhìn ngắm chính mình. Ông sống một đời phong phú hơn thế. Và cũng từ đó hạnh phúc hơn, đau khổ hơn, nhiều ngộ ngận hơn, nhiều chìm nổi hơn... rất nhiều người trong chúng ta.
Nói về Phạm Duy, chúng ta nên nói điều gì? Trong suốt hơn 40 năm qua, những sáng tác về đủ mọi thể loại của ông, diễn tả biết bao tình cảm và khía cạnh của đời sống người Việt, đã khiến tôi có ý nghĩ là ông đã dâng tặng cho quê hương Việt Nam - và cho mỗi một chúng ta nữa, thật thế - một bức bích hoạ vĩ đại. Trên bức bích hoạ này, Phạm Duy đã vẽ và kể lại tất cả những khía cạnh hào hùng cũng như tang thương nhất của dân tộc, những cơn vui và những nỗi buồn, những mặt trời và những hoàng hôn, những khoảng sáng và những vùng tối, những hân hoan và những thất vọng, những gió mưa sương nắng, những nụ cười trong sáng và những giọt lệ thảm sầu của đời sống. Bức bích hoạ không chỉ được vẽ thuần bằng một đường nét nào đó hay với một kỹ thuật, khuynh hướng, trường phái hội hoạ nào. Ông vẽ nó bằng tấm lòng, bằng một trái tim sôi nổi và nhiệt thành của một người muốn sống, sống say sưa và sống thật với tất cả cảm quan, suy nghĩ, ước vọng, lý tưởng của mình. 
Có những khoảng tranh mang đường nét hào hùng mạnh bạo như một bức sơn dầu. Lại có những chỗ khác mềm mại phơn phớt của một vùng thủy mặc. Có chỗ chỉ là một hòn cuội, một lá cây, một giọt sương, một phiến đá. Có chỗ mang mầu sắc ấn tượng hay siêu thực. Có chỗ mở vào những khoảng không bao la, phảng phất hơi thở của Ðạo. Có chỗ lại soi chiếu vào lòng người thăm thẳm, vẳng lên tiếng nói của Ðời. Chỗ khác lại chỉ là những nét vẽ nguệch ngoạc- có nhất thiết nguệch ngoạc cứ phải là thiếu nghệ thuật hoặc thiếu thành thực không, hay ngược lại - hay những nhăng cuội thiết tha, phản ánh nhịp đập của trái tim đời sống qua những tiếng nói, ngôn ngữ có khi sống sượng nhưng lại rất thật của một thứ graffiti kiểu Mỹ. Phạm Duy đã viết và vẽ đầy lên tường những gì biểu hiện cho trái tim ông, cho tiếng nói vào đời sống của ông. Người nghệ sĩ ấy đã sống và sáng tác như thế, ai có thể nói đủ về đời sống này?
Phạm Duy đã ở giữa chúng ta suốt mấy chục năm qua với các bài dân ca, trường ca, tâm ca, tâm phẫn ca, đạo ca, vỉa hè ca, tục ca, bé ca, nữ ca, bình ca, tị nạn ca, ngục ca, hoàng cầm ca như thế. Ðó là chưa kể những tình khúc Phạm Duy mà những dấu vết của chúng còn vương vãi trên khắp nẻo đường quê hương, nơi chúng ta đã sống, đã lớn lên hay đã phải tạm rời bỏ để lên đường tị nạn. Những tình khúc ấy mỗi lần được cất lên, dù chỉ là được cất lên trong một nơi sâu thẳm và tội nghiệp nào đó của trái tim mỗi chúng ta, đều làm lóng lánh trở lại những giọt lệ hạnh phúc cũ mà chúng ta đã chia sẻ, một lần một lúc nào đó, với người yêu dấu của mình. Như thế, Phạm Duy.
Ta nên nói gì về người ca nhân này? Ông là một thi sĩ. Ðã hẳn. Tất cả những lời hát mà Phạm Duy đã để vào các nốt nhạc của ông hầu như đều là những lời thơ. Trong thơ của Phạm Duy, ta thấy chất đọng, chất thơm của những bông lúa chín; chất sáng chất tối của trời đất thiên nhiên con người vạn vật; chất mặn chất ngất của những môi hôn (đầu đời hay cuối đời) và những giọt lệ (ôi, những giọt lệ thảm sầu và lóng lánh kia ơi, sao các ngươi cứ chảy âm thầm và lặng lẽ giữa tình người!)
Hãy gọi Phạm Duy là một thi sĩ. Phạm Duy là một thi sĩ đắm đuối và phẫn nộ. Hãy để tôi thử nói lên điều này ở Phạm Duy qua những bài tâm ca của ông.
Mười bài Tâm Ca của Phạm Duy được soạn ra và phổ biến vào thời khoảng giữa thập niên 60. Năm 1965. Trong giai đoạn này, nhạc miền Nam đã dần dần tách khỏi cái không khí lành mạnh nói chung của những năm sau di cư để bắt đầu đi vào qũy đạo của một loại nhạc thời trang à la mode. Tân nhạc, quay theo chiều hướng chung của những biến chuyển xã hội, đã trở nên giống như những sản phẩm khác được làm ra cho một xã hội tiêu thụ. Chúng biến thành những thương phẩm (produit commercial), nhất là khi chúng được soạn ra theo nhu cầu đặt sẵn của các thương nhân nắm giữ thị trường phát hành bài bản, đĩa hát... thời ấy.
Chính là nhờ ở vào cái thời điểm 1965 này, với những cuộc đảo chính, chỉnh lý, xuống đường liên tiếp, đời sống trở nên càng lúc càng khốc liệt, mức độ gia tăng của chiến tranh càng lúc càng được thấy rõ qua sự đổ quân ào ạt của người Mỹ, xã hội Việt Nam quay cuồng theo cơn lốc chiến cuộc, những giá trị tinh thần đang trong tình trạng gẫy vỡ và bị thay đổi bằng những giá trị vật chất. Việt Nam trở thành nơi thử v' khí và tranh chấp ý thức hệ của những thế lực quốc tế, người dân sống trong lo sợ, hoài nghi, khinh thị, mà Tâm Ca ra đời.
Mười bài Tâm Ca, với những tựa đề như Tôi Ước Mơ, Tiếng Hát To, Ngồi Gần Nhau, Giọt Mưa Trên Lá , Ðể Lại Cho Em, Một Cành Củi Khô, Kẻ Thù Ta, Ru Người Hấp Hối, Tôi Bảo Tôi Mãi Mà Tôi Không Nghe, Hát Với Tôi đã cất lên tiếng nói lương tâm của con người đối mặt cùng sự thật và nhận diện lại mọi thứ trong đời. 
Tâm Ca số 1 (Tôi Ước Mơ) nhận diện cái bi đát của xã hội trong giai đoạn ấy.       
Tâm Ca số 2 (Tiếng Hát To) là thái độ của tác giả trước sự bi đát đó.       
Tâm Ca số 3 (Ngồi Gần Nhau) nhận diện lại dân tộc.       
Tâm Ca số 4 và số 6 (Giọt Mưa Trên Lá, Một Cành Củi Khô) nhận diện lại thiên nhiên, siêu nhiên, đời sống con người khi được (hay bị) đặt vào cái thiên nhiên đó và trái tim của nó hướng về những điều siêu nhiên kia.       
Tâm Ca số 5 (Ðể Lại Cho Em) nhận diện lại gia tài của người đi trước để lại cho người đi sau.       
Tâm Ca số 7 (Kẻ Thù Ta) nhận diện kẻ thù.       
Tâm Ca số 8 (Ru Người Hấp Hối) nhận diện cái chết.     
Tâm Ca số 9 (Tôi Bảo Tôi Mãi Mà Tôi Không Nghe) nhận diện chính mình.      
Và Tâm Ca số 10, một tuyên ngôn, trình bày lại thái độ (và lời mời gọi) của tác giả sau khi ta đã có cơ hội nhận diện lại mọi sự trong đời như thế.
Ở một khía cạnh nào đó, giữa cuộc giết chóc tương tàn mà máu xương và nước mắt đang tiếp tục đổ và còn đang trong viễn tượng sẽ còn tiếp diễn ở một mức độ thảm thiết hơn, kinh hoàng hơn, những lời ca của tâm ca chứa đựng trong nó một thái độ nhân bản, một lời thiết tha kêu gọi yêu thương con người. Ở một góc cạnh khác, nó tỏ sự phẫn nộ chính đáng của một người dân, hơn nữa của một thi sĩ, khi nhìn thấy xương máu của cha mẹ, anh em, con cháu, bạn bè mình đổ ra chỉ để vinh danh cho những chủ nghĩa, cho những hệ tín điều đã chết cứng. Tấm lòng của Phạm Duy, chúng ta nên thấy rõ.
Cái không may của tâm ca, và cũng là của chúng ta nữa, là nó đã được cất lên trong giai đoạn mà người cộng sản đang dốc toàn lực để xâm chiếm và nhuộm đỏ miền Nam. Tâm ca là tiếng nói của lòng nhân bản, để tự nói với mình, nói với anh em, mong tìm một lối thoát cho nhau, để giúp nhau xoa dịu hay hàn gắn những vết thương mà ta đã để lại trong lòng nhau và trên xác thân của Mẹ. Nhưng tiếng nói ấy, trong giai đoạn ấy, có những lúc đã bị ngộ nhận, bị lợi dụng và như chính Phạm Duy đã viết, đã trở thành những chất kích thích dẫn đến sự ra đời của nhạc phản chiến sau này (1).
Tất cả những bài tâm ca đều có trong chúng cái hơi thở của Thiền, của tinh thần từ bi Phật Giáo. Và cũng có cả tinh thần bác ái của Công Giáo nữa. Nhưng thật sự thì phải nói, sau thời điểm 1963, khi Ðệ Nhất Cộng Hòa đã sụp đổ (vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà lịch sử vẫn còn đang tiếp tục soi rõi những cái nhìn vào), tinh thần và không khí Phật Giáo bắt đầu tràn ngập trong các lãnh vực nghệ thuật và giáo dục. Xét về mặt xã hội, qua lịch sử Việt Nam với những biến chuyển trong giai đoạn đó, đây cũng là một phản ứng ngược lại cái không khí duy linh, nhân vị (với những gi trị và ảnh hưởng riêng của nó), mang đậm mầu sắc Công Giáo trong các lãnh vực này dưới thời Ðệ Nhất Cộng Hòa. (2)
Bỏ ra ngoài những ngộ nhận và những lợi dụng không có lợi cho chúng ta trong cuộc chiến với những con người Cộng Sản- chỉ quyết một chết một còn với chính những người anh em ruột thịt của họ - qua một vài bài tâm ca của giai đoạn 1965 (3) tất của những bài tâm ca của Phạm Duy đều là tiếng nói của con người rao giảng về lòng tin yêu và về sự mầu nhiệm của yêu thương (Lời tôi ca như nước nhiệm màu - Thành mưa rơi cho dứt niềm đau...) Lời ca ấy mang trong chúng trái tim vũ trụ và cũng là tr ái tim của muôn loài muôn vật cất lên tiếng nói sẻ chia gắn bó. Nó khởi báo cho tinh thần đại nguyện và chỉ rõ cái pháp thân mà Phạm Duy và Phạm Thiên Thư phát biểu trong Mười Bài Ðạo Ca sau này.
Tiếng nói của tâm ca là tiếng nói đậm đà, tha thiết, có những lúc đi đến chỗ đắm đuối, mời gọi mọi người bước vào để chia sẻ tình yêu. Tình yêu theo cái nghĩa tràn đầy và dung chứa được mọi thứ của nó. Tiếng nói ấy cũng có khi xót xa thoảng lên lời cay đắng (Ðừng cho ai ăn cướp tình ta - Ðể lại cho em thành phố lên đèn - Bọn người tranh nhau một đám bụi đen - Chập chờn bay trong bại thắng - Ngọn cờ khăn sô màu trắng...) rất nhẹ, rất nhẹ thôi, nhưng thấm thía. Sự phẫn nộ (mặc dù vẫn dung chứa yêu thương) được nhận thấy rõ nhất ở hai bài Tâm Ca số 7 (Kẻ Thù Ta) và số 9 (Tôi Bảo Tôi Mãi Mà Tôi Không Nghe). Ở đây, nhìn thấy cảnh chém giết, đầy đọa nhau của chính con người Việt, nhìn thấy sự ngụy thiện vẫn tiếp tục vênh vang bề thế của nó, người thi sĩ không giấu nổi sự phẫn nộ của mình. Phẫn nộ là yếu tố kích thích và là thước đo của chính lòng quý trọng, yêu thương. Sự phẫn nộ không phải là sự thù ghét. Phẫn nộ là cái gì trái lại với thù ghét.
Phẫn nộ là một góc cạnh của tình yêu. Hãy phẫn nộ, hãy cất tiếng, hãy hành động để tình yêu được trả về cho chúng ta, cho con người. Nhưng chớ nên thù ghét. Người Cộng Sản đã cho ta thấy rõ bản chất của họ khi họ dạy bảo nhân dân ''biến căm thù thành hành động'' hay ''không có thù ghét, hờn căm, làm sao ta có được tình yêu thực sự'' và ''chỉ có tình yêu khi con người biết căm thù'' (Ðược xây dựng và dạy dỗ như thế, các em bé Việt Nam, máu thịt của chúng ta, con cháu của chúng ta, rồi sẽ tìm thấy tình thương, tình yêu ở đâu? Liệu các em rồi sẽ nhìn ra yêu thương trong mắt anh em, bạn bè, hay những người ruột thịt? Liệu trời đất hoa cỏ sông núi quê hương có xóa sạch được dấu vết hận thù được ghi khắc tinh vi vào trái tim của các em mỗi ngày? Dù sao, tôi vẫn muốn tin vào tình yêu của Mẹ. Mẹ Việt Nam sẽ không để cho các con của mình bị dắt đi mãi trong đường tăm tối. Có những người đã lên đường ra đi để thắp lại những ngọn đuốc thiêng trong đêm dài tối om Việt Nam. Bao giờ những ngọn đuốc nối lại được tình yêu thì ta sẽ nhìn lại được bình minh trên quê nhà khốn khó).
Với một nội dung đẹp đẽ như thế, tâm ca đưa ra những hình ảnh hết sức tha thiết, đậm đà - như những gì vẫn được nhìn ra ở tấm lòng Phạm Duy, nơi những bài hát của Phạm Duy - đặt trong những nhịp điệu và nhất là những tư tưởng mang đầy tính chất đối xứng và cân phương của ông. Tính chất đối xứng và cân phương của tư tưởng này được thể hiện rất rõ nét và lập đi lập lại trong nhiều - nếu không nói là hầu hết - những bài hát của Phạm Duy. Nó đem lại sự hòa hợp cân đối đầy nét thẩm mỹ trong thưởng ngoạn của quần chúng. Tôi sẽ trình bày một vài ví dụ về sự đối xứng và cân phương này trong phần phân tích ở dưới về ngôn ngữ của những bài tâm ca. Tôi chỉ muốn nói thêm ở đây là cái nét cân đối ấy nó là một trong những nét chủ đạo của tinh thần Việt Nam. Cân/đối, tròn/đầy, thủy/chung, trước/sau, trên/dưới... Những cặp phạm trù này chỉ rõ cái tinh thần hòa hợp, cái lễ nghĩa, văn hóa của người Việt. Phạm Duy (có thể chỉ do vô thức hay tiềm thức mà viết ra những lời lẽ cân xứng này, những tư tưởng tròn đầy này) đã chứng tỏ ông là người thấm đẫm tinh thần và văn hoá dân tộc. Tinh thần ấy vươn lên từ ca dao lục bát, từ Truyện Kiều, từ Nguyễn Du, từ miếng cau miếng trầu, từ hát bè hát đối, từ đu tiên, từ bánh chưng bánh dầy... Ðấy là một phần của văn hóa Việt Nam. Và nhạc của Phạm Duy đã chuyên chở thể hiện được cái văn học ngàn đời ấy của dân tộc.
Bây giờ, tôi muốn nói qua về một số những ý tưởng từ bi và nhân ái, mang đầy tinh thần văn hoá Việt Nam, qua hình tượng và chữ dùng của Phạm Duy ở những bài tâm ca.
Trong Tâm Ca số 1 (Tôi Ước Mơ) cặp hình ảnh đóa tường vi/cái chết của người em nơi chiến trường là một cặp hình ảnh cân đối một cách bi đát. Ðóa tường vi và em, một cái sống và một cái chết, một cái mộng và một cái thực (đóa hoa: biểu tượng của mộng đời nở tươi bất tuyệt), một cái thơ ngây kiều diễm và một cái dày dạn phong sương, một hạnh phúc và một đau khổ... Giữa hai hình ảnh trái ngược, nhưng đã chặp lại làm một ấy, tôi vẫn phải nhìn phải thấy phải ăn phải thở. Tôi phải sống. Nhưng biết bao giờ, biết bao giờ tôi mới nói lên được những điều tôi hằng ôm ấp, ước mơ. Cũng giống như cặp thược dược/em trong một bài thơ của Quách Thoại (nhưng ở đây không phải là hình ảnh ghép song song mà là hai hình ảnh ghép đối nghịch), cặp hình ảnh đoá tường vi/cái chết của Nhất Hạnh và Phạm Duy đã làm bật lên những câu hái về tình yêu, về tình người, về sự khắc khoải của con người trong việc đạt đến cái tình yêu cao tuyệt đó. Hình ảnh ở đây đã được siêu nhiên hóa.
Tâm ca số 2 (Tiếng Hát To) là bài hát dài nhất trong mười bài Tâm Ca của Phạm Duy. Và vì nó dài, nó cũng chứa đựng được rất nhiều hình tượng và tư tưởng nhân bản của Phạm Duy. Bài này gồm tất cả 6 đoạn, không có điệp khúc. 
Tôi sẽ hát to hơn súng nổ bên bờ ruộng già 
Lời tôi ca, lời tôi ca xin lúa đừng lo. 
Lời tôi thay cho tiếng đạn bay 
Lời tôi xây cho vững tay cầy (...) 
Tôi sẽ hát cho vơi thống khổ vơi dòng lệ nhòa 
Một miền quê, một miền quê tim héo và khô. 
Lời tôi ca khâu vá tình thương, 
Lời hôm qua chắp nối Con Ðường, 
Lời hôm nay vương tiếng Mẹ buồn, 
Lời mai đây cao ngút Trường Sơn (4)
Tiếng hát của tôi to hơn tiếng súng nổ gầm thét đêm đêm bên bờ ruộng lúa thân yêu kia. Nhưng xin lúa đừng lo, lời ca tôi chỉ xin xây cho tay cầy thêm vững, cho dòng lệ nhòa đi, và cho nỗi thống khổ vơi dần. Hôm qua tôi hát Con Ðường Cái Quan để xin làm người lữ khách ra đi nối lại lòng người và đất nước. Hôm nay, tôi hát Mẹ Việt Nam để tôn vinh Ðất Mẹ, Núi Mẹ, Sông Mẹ, và Biển Mẹ. Còn ngày mai, tôi sẽ hát to tiếng hát Trường Sơn: (5) 
Tôi sẽ hát to hơn những kẻ khơi ngọn lửa thù... (...) 
Tôi sẽ hát to hơn lũ quỷ đang tìm đường về 
Lời tôi ca, lời tôi ca xua hãi hùng đi.  
Mùa xuân qua ai mất tuổi thơ 
Lời tôi ca hôn má xuân già 
Còn yêu nhau xin cứ mặn mà 
Ðừng cho ai ăn cướp tình ta. 
Và rồi tiếng hát to kia bỗng bật lên thành tiếng nấc, tiếng khóc trước cuộc đời:
Tôi sẽ khóc to hơn đứa nhỏ đang ngồi vỉa hè  
Trẻ bơ vơ, trẻ bơ vơ đi giữa vườn hoa.  
Hỏi thăm em, em có mẹ cha, 
Hỏi thăm em, em có cửa nhà, 
Một ngày qua em mất cả ba!
Nhịp cân phương trong hình tượng, trong ý tưởng lại dẫn Phạm Duy đến đoạn 4 của bài hát:  
Tôi sẽ khóc cho em gái nhỏ theo mụ chủ nhà 
Một chiều mưa, một chiều mưa đi trong ngõ bùn nhơ. 
Từ vườn quê ra chốn phồn hoa  
Người em xua dĩ vãng đen nhòa 
Rồi đêm đêm son phấn nhạt mờ 
Mới nhận của tôi dâng mấy lời thơ...// 
Tôi hát tiễn đưa dăm thiếu phụ quay về đường nhà 
Lời tôi ca, lời tôi ca hun bếp lạnh tro. 
Lời như tơ như tóc tìm nhau  
Giường thơm tho chăn gối tươi mầu 
Mảnh gương to rơi vỡ ngày nào  
Còn lại bao nhiêu vẫn soi rõ mặt nhau.
Những cặp hình ảnh em gái nhỏ theo mụ chủ nhà/thiếu phụ tìm đường về, chiều mưa trong ngõ bùn nhơ/lời ca như củi hun lại bếp lửa, dĩ vãng đen nhòa/chăn gối tươi mầu..., xét trên khi cạnh thẩm mỹ học, đã được sử dụng rất khéo và thơ. Những cụm từ tơ tóc tìm nhau, mảnh gương rơi vỡ ngày nào, vẫn soi rõ mặt nhau là những sợi chỉ lóng lánh màu sắc thi ca trong bài hát này của Phạm Duy.
Và đoạn hết, còn gì thiết tha, thơ mộng, ngọt ngào, và sâu thẳm hơn những lời nguyện sau đây.
Tôi sẽ hát to nhưng hát nhỏ như lời nguyện cầu  
Lời yêu nhau, lời thương nhau cho đến dài lâu. 
Lời tôi ngoan như tiếng trùng kêu 
Lời tôi vang như tiếng chuông chiều 
Lời tôi cao như tiếng ngọn diều  
Lời tôi sâu như tiếng tình yêu!
Ðây không là một cặp hình tượng nữa mà là bốn hình tượng dùng theo lối so sánh và điệp ngữ lồng vào nhau, quấn quít, xoắn xuýt vào nhau như những tiếng đập đắm đuối theo cùng một nhịp tình yêu của tất cả mọi người.
Trong Tâm Ca số 3 (Ngồi Gần Nhau) Phạm Duy kêu gọi mọi người hãy bỏ hết mọi tị hiềm để ngồi vai sát vai nhau tựa đầu, tay nắm tay cho thật lâu... Hãy ngồi vào đời nhỏ nhoi, trong kiếp sống đầy vơi của mỗi chúng ta. Ngồi gần người từ bi cũng như gần kẻ ác hiểm. Ngồi gần loài dun dế cũng như gần ác thú hùm beo. Ngồi gần với nhau trong tiếng than và trong nụ cười. Hãy cứ bước vào làm đỏ đen cho đời. Ngồi trong bão mưa, trong lửa đạn, trong nước mắt, trong tiếng cười nghẹn ngào của đôi tân hôn làm đám cưới chạy tang bên ngôi mộ còn tươi của mẹ cha. Hãy ngồi vào giữa niềm yêu dấu, giữa cơn hoan lạc kia, hay giữa mối thù sâu thẳm đất trời. 
Ngồi gần ngồi gần nhau, đây đó chung quanh địa cầu. 
Ngồi gần ngồi gần nhau, trong kiếp xưa, trong đời sau. 
Ngồi gần ngồi thật lâu, cho đến khi hai ngọn đầu 
Thành một người trong nhau nguyện cầu.
Ta và cái - không - ta bây giờ đã chập lại thành hình ảnh một ngọn nến dâng lên lời nguyện xin tha thiết cho tình yêu, cho cuộc đời, cho cuộc sinh tử hôm nay. Cho đến khi hai ngọn đầu thành một người trong nhau nguyện cầu. Hình ảnh con người lại được siêu hoá để thể nhập vào một thế giới không buồn vui, giận ghét, sắc mầu. Ðó chính là cái ta của vạn hữu (6).
Giọt Mưa Trên Lá là Tâm Ca số 4 thể hiện rõ khả năng sử dụng các cập hình tượng lồng vào nhau và soi chiếu, phản ảnh nhau qua hình ảnh giọt mưa rơi trên cánh lá. Ngoài 6 cặp hình tượng chính thể hiện qua 3 đoạn hát (mỗi đoạn 2 cập), những cặp hình tượng này lại được lồng vào nhau, phản nh nhau để nhân số cặp đối nghịch và song song lên gấp nhiều lần. Chẳng hạn, trong đoạn 1, ta có cặp đối nghịch tiếng khóc oa oa (của đứa bé) tiếng nói bao la (của người già) nhưng lại có hai cặp ba song song khác: tiếng khóc oa oa/đứa bé chào đời/nụ cười và tiếng nói bao la/tóc trắng đậm đà/tình già. Hãy lắng tai nghe lại những tiếng mưa nhỏ giọt vào tình yêu, vào nỗi xôn xao bỡ ngỡ, bồi hồi bối rối, ráo riết miệt mài, dạt dào cuống quít của mỗi chúng ta. Tiếng mưa rơi đều và dáng mưa gợi lại một nỗi niềm đợi chờ, khép nép, bơ vơ, thấp thoáng nào đó. Rồi cuộc đời đẩy tình yêu của chúng ta vào những chốn bùi ngùi muôn dặm thẳm. Ðó là Giọt Mưa Trên Lá của Phạm Duy. Ðó là tâm tình của cả một thời đại.    
Bài Tâm Ca này, tuy thế, vì được soạn theo thể điệu valse, dìu dặt, dễ phổ biến vào quần chúng nên đã được thu vào các loại dĩa hát và băng nhựa và đi dần ra ngoài vòng Tâm Ca, mặc dù chính nó lại chứa đựng tinh thần của Tâm Ca nhiều nhất. Nhạc sĩ Hoa Kỳ, Steve Addiss cũng đã soạn lời tiếng Anh và hát cho quần chúng Mỹ nghe. Phạm Duy soạn thêm lời Pháp. Giọt Mưa Trên Lá dần dần được nhìn như là một biểu tượng của và về Phạm Duy, hơi bị dung tục hoá đi, hơn là biểu tượng của Tâm Ca, một giai đoạn sáng tác đầy tình yêu thương đậm đà của Phạm Duy, hơi nghiêng về khuynh hướng siêu việt hoá con người (ở một vài bài) cũng như nâng cao tình cảm, cảm xúc, xúc động của nó lên. Một lần nữa, ta hãy lắng tai nghe lại những tiếng mưa rơi kia. 
Giọt mưa trên lá tiếng nói thầm thì 
Bóng dáng Phật về xoa vết thương trần thế. 
Giọt mưa trên lá tiếng nói tinh khôi 
Lúc Chúa vào đời xin đóng đanh vì người.  
Giọt mưa trên lá tiếng khóc chơi vơi  
Thế giới lạc loài chưa thoát ra phận người. 
Giọt mưa trên lá cố gắng nguôi ngoai 
Nói với loài người: xin cứ nuôi mộng dài.
Tâm Ca số 5 (Ðể Lại Cho Em) là lời thú nhận chân thật của lớp đàn anh với đàn em đang lớn. Thú nhận là các anh đã hèn yếu, tham lam, tội lỗi, mất nết, giả dối, đê hèn. Xin trao lại cho các em một gia tài rách nát, tả tơi, chỉ còn lại những dư vang thần thánh ngày xưa. Xin các em đón nhận, tha lỗi cho các anh, và hãy bắt tay vào thay thế cho các anh, giúp các anh sửa chữa, gây dựng lại quê hương.
Ðể lại cho em một nước phân lìa  
Ðể lại cho em một giống nòi chia 
Hận thù nhân danh chủ nghĩa 
Bạo tàn vênh vang bề thế  
Ðể lại con tim nhỏ bé của anh 
Ðể lại cho em giọt máu dân lành 
Ðể lại cho em từng nấm mồ xanh 
Chập chờn bay trong bại thắng
Ngọn cờ khăn sô màu trắng 
Ðể lại cho em một bãi sa trường.
Và các anh đã nhỏ lệ khi các em đầu ngẩng cao và mắt nhìn thẳng, đầy lòng thương yêu đưa tay đón nhận gia tài khốn khổ trao bởi các anh, và nguyện sẽ cùng các anh góp sức mới để cùng tranh đấu và đi tìm lối thoát cho nhau. Ðây là một trong những bài hát chân thành và cảm động mà chúng ta có được qua cuộc chiến dài đằng đẵng suốt mấy chục năm trên quê hương Việt, 
Tâm Ca số 6 (Một Cành Củi Khô) đưa ra những hình ảnh của thiên nhiên để kéo con người trở lại cái chân thật của mình. Cành củi khô, tờ lá úa, hòn cuội to, ngọn cỏ may, hạt mưa bay, giọt sương mai... Con ve, con kiến, con nhện, con tò vò, con dế, con giun... Tất cả đều là một với con người. Cả nghìn thế giới ấy đều có ta trong đó, sao không yêu quý đời sống mà bóp nát nó đi. 
Tâm Ca số 7 (Kẻ Thù Ta) và số 9 (Tôi Bảo Tôi Mãi Mà Tôi Không Nghe) là những tiếng nói phẫn nộ, đau thương chua sót của người thi sĩ trước cảnh tượng quê hương. Thi sĩ không bao giờ mất đi lòng chân thành và trái tim yêu đương chan chứa, nhưng thi sĩ phải bật ra lời phẫn nộ để lên tiếng cải sửa cuộc đời.  
Kẻ thù ta đâu có phải là người  
Giết người đi thì ta ở với ai? 
Kẻ thù ta tên nó là gian ác 
Kẻ thù ta tên nó là vô lương  
Tên nó là hờn căm.  
Tên nó là hận thù. 
Tên nó là một lũ ma.
Trong sự nhận diện, thi sĩ nhìn ra rằng kẻ thù của chúng ta khoác áo chủ nghĩa, mang lá bài tự do, mang cái rổ danh từ, mang cái mầm chia rẽ, nên thi sĩ đã vạch mặt nó. Thi sĩ cho biết nó là vu khống, là vô minh, là lòng tham, là tị hiềm, là sự ghen ghét... Nó nằm ngay trong mắt thèm lơ láo, trong góc đầu tự kiêu, trong trí óc hẹp hòi, và trong giấc mộng xâm chiếm nhau của mỗi chúng ta. Bởi thế, thi sĩ cất tiếng cảnh giác:
Kẻ thù ta đâu có phải là người  
Nó nằm đây, nằm trong ở mỗi ai!
Ước mong mọi người cùng chia sẻ sự nhận diện đó để tự cải sửa, đó chính là nỗi lòng của thi sĩ. Nhưng chiến tranh luôn bay tới với một cặp mắt mù. Nó giăng đôi cánh lớn, xoè những móng vuốt sắc nhọn quắp lấy đời mỗi một chúng ta. Những kẻ mang áo mầu chủ nghĩa không bao giờ chịu chia sẻ cái nhìn chân thật của thi sĩ. Chúng cười nham hiểm, trong khi thi sĩ:  
Cứ cố tin rằng lòng người còn trong, còn trắng... 
Cứ cố yêu người dù rằng người đang lừa người... 
Ðứng giữa hận thù chỉ ngờ mình là Horace... 
Chiến đấu quân thù mà tìm chưa ra thù ghét... 
Thấy máu quân thù chỉ buồn và thề không uống...
Ðó là tấm lòng thân thật, nhit thành của thi sĩ. Tấm lòng muốn mở ra ôm lấy tất cả trời biển đất cát người thương người ghét vào lòng. Thi sĩ biết rằng mình đang đi ngược lối (Tâm Ca số 8: Tôi Bảo Tôi Mãi Mà Tôi Không Nghe), nhưng sự phản đối những bất công, giả trá, ngụy thiện, ngụy tín... của cuộc đời đã đẩy thi sĩ đến hành động phẫn nộ trong nỗi yêu thương đắm đuối của mình. 
Tâm Ca số 9 (Ru Người Hấp Hối) là một bài hát nhận diện cái chết. Một cái chết mặn mà chan chứa gói trọn cả một cuộc đời đã sống tràn trề và chân thật với hết cả tấm lòng. Cái chết bay lên như khói lam chiều, như chiếu nắng rớt sau đồi kia. Cái chết và cái sống chỉ là lối đi về của vô biên. của những lời hò hẹn tự nghìn xưa.
Tâm Ca số 10 (Hát Với Tôi) là một tuyên ngôn chan chứa tình người. Hãy nghe lại những lời ca đắm đuối, vô úy và nhìn chiếu thẳng vào đời sống này:  
Hát với tôi khi sắp chui vô trong quan tài. 
Hát với tôi khi mới mang thân phận bào thai. 
Vào cuộc tình đôi lứa sục sôi, 
Vào mộng đời tan vỡ tả tơi, 
Vào tuổi già êm như làn khói lưng trời (...) (...) 
Hát với tôi thương lúa non không ưa phũ phàng.
Hát với tôi thương cánh hoa sớm nở chiều tan. 
Buồn vì người reo rắc lầm than, 
Mừng vì còn mong ước người hơn, 
Vì lòng còn tin yêu còn hát nghìn năm.
Những cập hình tượng đối nghịch, song song lại xen kẽ, lồng vào nhau và nhân nhau lên. Cuộc đời lại trở nên giầu có, phong phú và toả sáng mọi mặt. Lòng tin yêu của thi sĩ vẫn còn nguyên vẹn để gửi đến con người. Tình yêu cũng như mộng đời, dù có sục sôi hay tan vỡ, thì thi sĩ cũng chỉ mong cho con người có được một tấm lòng chan chứa yêu thương. Hận thù, gian manh, độc ác hay căm tức, lọc lừa. tham lam, chán ghét... không phải là những gì có thể trụ với vô biên. Chỉ có tình yêu, tình yêu thương chan chứa của con người là sẽ kéo chúng ta gần lại với nhau. Chính là tình yêu thương sẽ làm cho chúng ta sống như những con người chứ không phải là bất cứ một điều gì khác có thể trở về cho chúng ta cái danh vị cao qúy đó.
Trong gần 1.000 bài hát được làm ra trong suốt cuộc đời ca nhân của mình, Phạm Duy đã luôn luôn muốn nói đến tình yêu. Tình yêu trong mọi thế thái của nó. Ông cũng đã không ngần ngại dùng những tiếng nói bình thường hay sống sượng của cuộc đời để nói lên lòng yêu thương cuộc đời, sống và chết cho cuộc đời, của ông. Ông cũng đã cất lên tiếng nói của Ðạo, của thăng hoa, siêu thoát để diễn tả cũng những tâm tình tha thiết đó. Nhưng tiếng nói đi thẳng ra từ trái tim thi sĩ, trái tim luôn đập cùng những nhịp đập với đời sống kia, có lẽ mới là những tiếng nói đi sâu, và, nhờ thế, ở lại trong tâm hồn con người lâu nhất.
Cùng với những bài tình ca bất hủ của chính Phạm Duy. Tâm Ca của ông sẽ còn ở lại mãi với những tâm hồn chân chính, mong tìm cái đẹp, cái cao cả ở cuộc đời. Và, dù cho có đôi lúc phẫn nộ, nói cho cùng, Tâm Ca Phạm Duy chủ yếu vẫn là những tiếng lòng đắm đuối, tha thiết của một con người chân thật muốn tìm về cái đẹp, cái trong sáng và vĩnh cửu của đời sống.
Tôi muốn tặng cho người thi sĩ xa quê ấy một bông hoa, ngắt từ những khổ đau đắm đuối của cuộc đời, với lời hát thì thầm trên môi: 
... Ngày mai sông về quê mến yêu 
Cho trùng dương cũng theo hương chiều... 
Bởi vì thương nhiều nên nhớ Tình Yêu (7) 
Chú thích: 
(1) Trong cuộc đàm luận giữa Phạm Duy, Ðỗ Ngọc Yến về Tâm Ca và Du Ca, Phạm Duy trình bày:... ''Với mức độ chiến tranh càng ngày càng khủng khiếp, với sự có mặt của quân đội và vũ khí ngoại quốc ở cả hai miền đất nước, nhờ ở sự dọn đường của Tâm Ca và Du Ca, một dòng nhạc khác xuất hiện, mang tính chất nhạc phản kháng (protest song) dẫn tới nhạc phản chiến... '' (Ðàm Luận Phạm Duy - Ðỗ Ngọc Yến về Tâm Ca và Du Ca, Midway City 1986, trang 4) Nhận là mình có bị ngộ nhận và lợi dụng, Phạm Duy cũng cho biết là ở Mỹ, phong trào phản chiến cũng đem Kẻ Thù Ta (Tâm Ca số 7) ra hát (Sđd, trang 10). Trong bài này, Phạm Duy thiết tha lên tiếng: ''Kẻ thù ta đâu có phải là người. Giết người đi thì ta ở với ai ?'' để rồi phẫn nộ, lên tiếng khẳng định trong ý hướng đòi mỗi người tự nhìn lại mình, tự sửa chữa, ''kẻ thù ta đâu có phải là người, nó nằm đây, nằm trong ở mỗi ai!'' Nhiều người trong chúng ta chấp nhận cái chân lý có tính cách vị tha và biết tự trách tự sỉ này. 
(2) Nhà báo Ðỗ Ngọc Yến trong cuộc đàm luận với Phạm Duy đã đưa ý kiến là: ''Sau biến cố tháng 11/1963 việc giảng dậy về văn hoá bớt bị giới hạn trong văn ho công giáo, duy linh, nhân vị... Phật Giáo được đem vào trong tất cả các môi trường giáo dục còn nhấn mạnh tới những truyền thống Phật Giáo thời Lý, Trần... và gây được sự học hỏi sôi nổi trong giới trẻ. Nhấn mạnh tới Lý Trần là nói tới Thiền Việt Nam. Hơn nữa lúc đó cũng là lúc mà Phương Tây đang học hỏi về Thiền của Phương Ðông, và sách vở ùa vào Việt Nam vì không bị hạn chế như (...) trước đây, Rồi phong trào hippy cũng tràn vào, cùng với những sách như Câu Chuyện Dòng Sông (...) nhạc dân ca có giọng điu phản chiến của Pete Seeger, tất cả đều là sự tìm hiểu và làm quen với Thiền trong giai đoạn dễ hiểu và ngộ nghĩnh của nó. (Sđd, trang 6,7). 
(3) Tất cả những điều này (qua qu trình sáng tác của Phạm Duy suốt từ những năm đầu thập niên 40 và kéo dài không ngưng nghỉ cho đến nay với những tị nạn ca, ngục ca, hoàng cầm ca và qua thái độ của một kẻ sĩ, một thi nhân nơi Phạm Duy) có thể cho ta thấy rằng những ngộ nhận hoặc lợi dụng của nhóm này nhóm nọ đối với nhạc Phạm Duy, đặc biệt là đối với Tâm Ca của ông đều không nằm trong chủ hướng sáng tác của người nghệ sĩ. Phạm Duy chỉ muốn cất lên tiếng nói phản ánh tâm linh của thời đại mình. 
(4) Những lời hát trích dẫn trong bài này được rút ra từ tập sách Ngàn Lời Ca của Phạm Duy, 1987 (computer print outs, chưa xuất bản). 
(5) Trong thói quen làm bộ ba, Phạm Duy đã dự định sau khi làm trường ca Con Ðường Cái Quan và Mẹ Việt Nam để nói lên chiều dài và chiều sâu của đất nước, dân tộc, ông sẽ làm trường ca Trường Sơn để đi lên chiều cao của quê hương. Tiếc là biến cố 1975 đã không cho phép ông hoàn tất ước vọng này. Tuy nhiên tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ một loại trường ca được Phạm Duy làm tại hải ngoại, đã giúp ông làm tròn đầy và thủy chung lời tự hẹn hứa của mình. 
(6) Cộng Sản có thể có lúc lợi dụng Tâm Ca qua những nhóm phản chiến trong và ngoài nước, nhưng đã cực lực lên án Tâm Ca vì những câu đầy tinh thần siêu thoát theo triết lý Phật Giáo như thế này. Không sắc mầu, không yêu ghét, không buồn vui! Lập trường chao đảo, duy tâm, không phân biệt rõ bạn và thù!!!. 
(7) Những lời hát trong bài Chiều Về Trên Sông của Phạm Duy (Saigon 1956).
8/9/1987 
Bùi Vĩnh Phúc 
Nguồn: Pham Duy’ Study 2007
Theo https://phamduy.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao - trên trời cao/ Chim non ca vang như ngày nào/ Bên em anh...