Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Nhạc tình trong tân nhạc

Nhạc tình trong tân nhạc
Tôi muốn nói qua về những tính chất nhạc tình trong Tân Nhạc Việt Nam. 
Khi mới thành hình, nhạc tình trong âm nhạc cải cách mang nhiều tính chất lãng mạn với những tác phẩm của Đặng Thế Phong, Lê Thương, Thẩm Oánh, Dzoãn Mẫn v.v... Tình nhân trong những ca khúc đó bao giờ cũng phải có mùa Thu, gió heo may, sông nước, trời mây, hoa cỏ ... đến để làm đẹp cho cuộc tình. Lúc đó là thời bình, khi tình còn xanh và yêu chưa lo sợ. Ngôn ngữ tình yêu thật là bình dị, đối tượng là cô hái mơ, cô láng giềng, cô lái đò, cô hái hoa  hay anh Trương Chi … 
Tới khi nước Việt bị chia đôi, nhạc tình miền Nam đậm sắc hơn và trong mười năm đầu, vì cuộc đời chưa thực sự bị đe doạ, người ta vẫn có những bài hát hữu tình hay thất tình, xinh xinh, hiền lành… Nhạc tình Việt Nam rời khỏi khung cảnh lãng mạn để tiến tới nhạc tình cảm tính (sentimentale). Bây giờ đôi lứa yêu nhau không còn cần đến bối cảnh chung quanh nữa. Trong loại nhạc tình này, chỉ có anh với em mà thôi, nghĩa là chỉ có người nam, người nữ dìu nhau đi trên đường tình. 
Rồi tới lúc đời sống trở nên bấp bênh, thanh niên được gọi đi lính rất nhiều (chết trận cũng nhiều) biết bao nhiêu đôi lứa phải xa nhau (có khi vĩnh viễn xa nhau) tình khúc miền Nam thay đổi ngôn ngữ. Nhạc tình không còn là nhạc lãng mạn, nhạc cảm tính với những câu hát đắm đuối hay hờn dỗi nữa! Bây giờ là những bài hát nhức nhối của những tình nhân yêu nhau trong cơn mê sảng. Nhạc tình bây giờ là tình ca của người mất trí. Nhạc trở thành não nề và đánh vào não tính (cérébral) với nhạc Trịnh Công Sơn. Rồi nhạc tình còn có thêm tính chất nhục tính (sensuel) với Lê Uyên Phương, ảo tính (psychedelique) với Nguyễn Trung Cang v.v... 
Nhạc tình của tôi không ít thì nhiều có đủ mọi tính chất kể trên nhưng nếu đa số các bạn đồng nghiệp của tôi chỉ chú ý tới những tình nhân vào tuổi  trung niên ở nơi thành thị mà thôi, thì tôi bao biện hơn, nói nhiều tới những mối tình học trò, tình sinh viên ở thành phố lớn hay nhỏ, tình của đôi lứa ở nơi quê mùa, tình của người tình trẻ và kể cả những mối tình của người tình già. 
Xin mời bạn đọc những bài viết về nhạc tình của tôi trong những trang kế tiếp…
Phạm Duy
Nguồn: Pham Duy’ Study 2007
Theo https://phamduy.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chùm thơ của Lưu Lãng Khách Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao – trên trời cao/ Chim non ca vang như ngày nào/ Bên em a...