Thứ Năm, 1 tháng 11, 2018

Hình ảnh con đường trong thơ Tản Đà

Hình ảnh con đường trong thơ Tản Đà
1. Đặt vấn đề:
Tản Đà là gương mặt nghệ sĩ lớn của văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ông hiện diện với nhiều tư cách: nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà viết kịch, nhà dịch thuật... nhưng phần đặc sắc nhất làm nên tên tuổi Tản Đà chính là thơ ca. GS Nguyễn Đình Chú khẳng định: “Thơ ca là phần hồn nhất, tinh túy máu thịt nhất, cái phần tạo nên Tản Đà bất tử với non sông đất nước” [1].
Đọc thơ Tản Đà, chúng tôi nhận thấy, hình ảnh con đường thường xuyên xuất hiện. Đó là một tín hiệu nghệ thuật, góp phần thể hiện thế giới nghệ thuật độc đáo của thơ Tản Đà.
2. Nội dung nghiên cứu:
2.1. Về nguồn gốc hình ảnh con đường trong văn chương
Con đường có nguồn gốc từ khái niệm “đạo” trong Đạo đức kinh của Lão Tử. Lão Tử nói về “đạo” như là khởi điểm của mọi khởi điểm. Người Trung Quốc truyền đạt nó qua một hình tượng cụ thể, đó là hình tượng con đường. Con đường “là công cụ thuận tiện để xây dựng nên những liên tưởng khác nhau về không gian và thời gian” [4].
Hình ảnh con đường đi vào văn chương và trở thành không gian nghệ thuật đặc sắc. Trong thơ Đường, hình ảnh con đường không chỉ đóng vai trò là không gian để đi lại mà còn mang ý nghĩa tượng trưng cho đường đời đầy khó khăn: “Đường đi khó, đường đi khó/ Nay ở đâu, đường bao ngả” (Hành lộ nan - Lí Bạch”. Trong truyện ngắn Hêminguây, con đường “là không gian của sự nhận thức, của nỗi lưu đầy và của niềm cô độc” (Lê Huy Bắc).
Con đường xuất hiện với tần số khá nhiều trong thơ Tản Đà. Nó được biểu hiện dưới hai dạng: con đường cụ thể và con đường biểu tượng. Đây là một trong những tín hiệu quan trọng thể hiện cảm quan nghệ thuật trong thơ Tản Đà.
2.2. Biểu hiện của hình ảnh con đường trong thơ  Tản Đà
2.2.1. Hình ảnh con đường cụ thể
a. Con đường khơi gợi cảm xúc trữ tình
Từ xưa, hình ảnh con đường đã trở nên quen thuộc, gắn bó với mỗi người dân Việt Nam. Con đường như cái cớ đưa đẩy cảm xúc của con người:
Đường xa thì thật là xa
Mượn mình làm mối cho ta một người
Một người mười tám, đôi mươi
Một người vừa đẹp, vừa tươi như mình.

(Ca dao)

Vận dụng cách nói của nhân dân lao động xưa, những áng phong dao của Tản Đà cũng tự nhiên, uyển chuyển, mềm mại khi thể hiện về hình ảnh con đường cụ thể như thế:
Đưa nhau một quãng đường xa
Gió mai quyên giục, trăng tà nhạn kinh
Ai đi đường ấy cùng mình
Mình đi để lại gánh tình ngổn ngang.

(Phong dao)
Hay:
Đưa nhau một quãng đường trường
Cát bay dặm trắng tơ vương liễu vàng
Ai đi đường ấy cùng chàng
Chàng đi, đi một bước đường một xa.

(Phong dao)
Rõ ràng, với vai trò là không gian khơi gợi cảm xúc, hình ảnh con đường hiện lên thật thi vị. Những hình ảnh đi kèm với nó trong bài thơ này cũng mang sắc thái rực rỡ, tươi mới. Đây là những hình ảnh hiếm gặp trong thế giới thơ thiên về nỗi sầu buồn của Tản Đà.
b. Con đường xê dịch của thi nhân
Sống giữa xã hội buổi giao thời, cuộc đời Tản Đà đầy long đong lận đận. Ông nếm trải đủ mọi nghề, “khi là chủ bút, lúc viết mướn”. Sinh ra ở vùng Sơn Tây nhưng ngay từ nhỏ, Nguyễn Khắc Hiếu đã theo người anh cùng cha khác mẹ sống ở nhiều nơi: Ninh Bình, Nam Định, Vĩnh Tường, Vĩnh Yên... Lớn lên, do tính chất nghề nghiệp, công việc sáng tác và cuộc đời đầy trắc trở, Tản Đà cũng được sống và thăm thú, ngao du nhiều nơi, nhiều cảnh đẹp của đất nước.
Mặt khác, Tản Đà là một nhà thơ, nhà nho tài tử. Ông say mê, tôn thờ cái đẹp. Tản Đà dám công khai khi nói đến những sở thích đặc biệt của bản thân: thú ăn chơi, thú xê dịch, thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên... Ông tự hào khẳng định:
Túi thơ đeo khắp ba kỳ
Lạ chi rừng biển, thiếu gì gió trăng.
Thú ăn chơi đã gọi rằng
Mà xem chửa dễ ai bằng thế gian.

(Thú ăn chơi)
Có thể nói, bước chân của khách giang hồ Tản Đà in dấu trên khắp nẻo đường đất nước. Dấu ấn của những cuộc chơi, những chuyến thăm thú xuất hiện khá nhiều trong thơ Tản Đà. Lúc thì ông dạo chơi xứ Huế:
Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
... Xe hơi đã quá Đèo Ngang
Ấy qua Hà Tĩnh, đường sang Quảng Bình.

(Chơi Huế)
Khi lại xuôi ngược khắp nơi:
Khê Thượng Bất Bạt về Hà Nội
Sài Gòn, Vĩnh Yên ra Hải Phòng
Bờ Hồ Hoàn Kiếm xuống Nam Định
Xế chợ Đồng Xuân sang Hàng Bông.

(Tiễn ông Công lên chầu trời)
Trên con đường đó, Tản Đà được thưởng ngoạn cảnh đẹp của đất nước, được thỏa thích với thú ăn chơi của riêng mình:
Hôm qua chơi ở Dương Quỳ
Trắng phau ngựa trắng, xanh rì rừng xanh.
Hàm Rồng nay lại qua Thanh
Dưới cầu nước biếc in hình thi nhân.

(Qua cầu Hàm Rồng cảm tác)
Ông được thưởng thức bao hương vị đặc sản của đất nước:
Thú ăn chơi cũng gọi rằng
... Hà tươi cửa biển Tu ran
Long Xuyên chén mắm, Nghệ An chén cà
Sài Gòn nhớ vị cá tra
Cái xe song mã, chén trà Nhất Thiên...

(Thú ăn chơi)
Rõ ràng, Tản Đà quan niệm đời là một cuộc vui chơi, là những chuyến đi. Chẳng thế mà ông tự nhận mình là kẻ:
Tài cao, phận thấp chí khí uất
Giang hồ mê chơi quên quê hương.

(Thăm mả cũ bên đường)
Theo hành trình mỗi con đường cụ thể, người đọc thấy hiện lên hình ảnh thi nhân say sưa thưởng ngoạn với những địa danh, sản vật khắp nẻo quê hương đất nước. Tản Đà say sưa, ngông nhưng không hợm hĩnh. Trong cái ngông của ông có cái ngang tàng của khách tài tử giang hồ. Đó là cái ngông có cội rễ sâu xa của lòng đam mê, tôn thờ cái Đẹp, ở nhân cách và cá tính của một nhà nho tài tử.
2.2.2. Hình ảnh con đường biểu tượng
a. Con đường đời quanh co
Dùng hình ảnh con đường để nói đường đời là cách ví von thường thấy trong văn chương từ trước đến nay. Trong thơ Tản Đà, ta bắt gặp nhiều hình ảnh con đường mang ý nghĩa đường đời như: đường công danh, đường mây, đường lối khó, đường xa, đường trường, đường đời... Trên bước đường đời ngang dọc, người đọc cảm nhận thơ ông mang nỗi sầu buồn vô tận. Tản Đà sầu bởi thời gian vút nhanh như bóng câu qua cửa sổ, tuổi già hiện lên mái đầu mà cơm áo gạo tiền vẫn còn đè nặng:
Cuộc nhân thế câu cười tiếng khóc
Nghề sinh nhai lối dọc đường ngang
Đầu xanh ai điểm hơi sương
Những e cùng thẹn những thương cùng sầu.

(Nói chuyện với ảnh)
Tản Đà cảm thương cho số phận những kẻ có đường đời lấp vấp quanh co nhưng cũng ngậm ngùi nỗi thương mình. Ông viết bằng chính sự trải nghiệm của cuộc đời mình nên những câu thơ cất lên càng thấm thía:
Lại những kẻ tài cao chí thấp
Bước đường đời lấp vấp quanh co
Phong lưu rồi ấm đủ no
Kém ra lưu lạc giang hồ cũng thân

(Đêm đông hoài cổ)
Đường có kẻ đường mây gặp bước
Bước công danh sấn trước trèo cao.

(Đêm đông hoài cổ)
Mải miết đi tìm mộng công danh, để rồi một ngày cánh chim bằng ấy mỏi cánh, hối hả quay trở về quê hương:
Bốn phương bay mỏi cánh hồng
Đường mây bãi tuyết chán lòng tha hương
Tản Viên gác bóng tà dương
Gió thu giục khách lên đường về quê.

(Một bức thư của người nhà quê)
Tóm lại, âm hưởng chung bao trùm lên những bước đường đời, đường công danh trong thơ Tản Đà là nỗi buồn, nỗi sầu ngậm ngùi, chua xót. Từ góc độ này, có thể nhận thấy: hình ảnh con đường trong thơ Tản Đà đã vượt ra khỏi ý nghĩa của một không gian công cộng, nó được trừu tượng hóa và biểu hiện dưới các dạng khác nhau (đường mây, đường đời, đường xa...). Đi sâu khám phá ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh con đường, người đọc mới thấy hết vẻ phong phú của không gian nghệ thuật thơ Tản Đà.
b. Con đường hội ngộ của những bậc tài hoa
Trong lời tựa cuốn Giấc mộng lớn, Tản Đà tự nhận mình là “người mộng”. Ông cho rằng “mộng là cái mộng con, đời là cái mộng lớn”. Vì thế, Tản Đà luôn nhớ nhung, tiếc nuối và “nhớ mộng”. Ông sống giữa trần gian, giữa cuộc đời thực nhưng lại luyến tiếc cõi mộng. Đó cũng là cách Tản Đà đi ngược, quay lưng và phản ứng với xã hội đương thời.
Lên tiên cùng Tản Đà, ta được dạo bước trên những lối Thiên Thai. Ở đó, con đường không còn màu sắc thực mà lung linh, huyền ảo trong cõi mộng. Đó là con đường của cõi tiên, cõi hạnh phúc:
Lá đào rắc lối Thiên Thai
Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi
… Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.

(Tống biệt)
Theo hai cô tiên lên đường mây
Vù vù không cánh mà như bay
Cửa son đỏ chói, oai rực rỡ
Thiên môn đế khuyết như là đây.

(Hầu Trời)
Rõ ràng, chỉ trong cõi mộng, thế giới nghệ thuật thơ Tản Đà mới rực rỡ, lung linh và thanh khiết đến thế. Chỉ trong cõi mộng, Tản Đà mới gặp được người tri âm, tri kỉ. Có thể nói, con đường chính là không gian nối liền cõi thực và cõi mộng, đưa Tản Đà hội ngộ với những bậc tài hoa.
c. Con đường cô đơn, sầu muộn
Bao trùm không gian nghệ thuật thơ Tản Đà là hình ảnh con đường vô hạn. Trên con đường ấy, nỗi sầu muộn lớn nhất trong lòng Tản Đà là nỗi sầu muộn vì vắng bạn tri kỷ. Sống trong xã hội Á - Âu kệch cỡm, ông luôn có cảm giác cô đơn, lạc lõng. Tản Đà tìm đến thú ăn chơi, rượu, ngao du sơn thủy để quên đi nỗi sầu. Tìm ở cõi trần, cõi say không được, ông tìm cách lên tiên, đắm mình vào cõi mộng với những bậc tài hoa, nói chuyện với bóng, với ảnh:
Có khi quãng vắng đêm thâu
Mình ta với bóng, âu sầu nỗi riêng.

(Nói chuyện với bóng)
Tâm thế tìm kiếm tri kỉ trong thơ Tản Đà là tâm thế thất vọng, sầu ngay cả khi chưa tìm kiếm và đang tìm kiếm. Vì thế, khi bước chân giang hồ đã ngập ngừng mỏi gối, đối diện với thi nhân, không phải là con đường tấp nập ngược xuôi khách qua lại mà là con đường hun hút không tới đích. Trên con đường quạnh quẽ ấy, chỉ có một mình Tản Đà đối diện với nỗi cô đơn:
Tìm đâu cho thấy người trong mộng
Mộng cũ mê đường biết hỏi ai?

(Nhớ mộng)
Con đường vô hạn khách Đông Tây
Ta nhớ ai mà đứng mãi đây?

(Quê nhà chơi mát cảm hứng)
Có thể thấy, con đường vô hạn đóng vai trò là không gian tâm lý trong thơ Tản Đà. Bất cứ lúc nào, dù là khi bước chân mỏi gối hay giữa lúc đêm khuya giật mình tỉnh giấc, hình ảnh con đường vô hạn vẫn ám ảnh tâm trí ông. Bởi con đường ấy chẳng khác gì con đường đời Tản Đà: lận đận, nghèo khó, công danh sự nghiệp không thành, tình yêu dang dở...
3. Kết luận:
Con đường là hình ảnh không gian thường thấy trong thơ Tản Đà. Nó biểu hiện dưới nhiều dạng: con đường cụ thể, con đường biểu tượng... Đây là tín hiệu nghệ thuật đặc sắc, góp phần đáng kể trong việc thể hiện thế giới nghệ thuật thơ Tản Đà.
Trong thơ trữ tình, mỗi chi tiết, hình ảnh đều mang một giá trị biểu cảm nhất định. Hình ảnh con đường chỉ là chi tiết nhỏ trong không gian nghệ thuật rộng lớn của thơ Tản Đà nhưng đã mở ra cho người đọc cảm nhận sâu xa hơn về vũ trụ thơ ông. Trong vũ trụ ấy, cái tôi Tản Đà hiện hữu chủ yếu với nỗi sầu, nỗi cô đơn không thể giải thoát.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Nguyễn Đình Chú (1993), Thơ văn Tản Đà, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[2]. Nguyễn Ái Học (1999), Thế giới nghệ thuật trong thơ Tản Đà, Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội.
[3]. I.X.Lixevich (2000), Tư tưởng văn học cổ Trung Quốc, Nxb Giáo dục. 
[4]. Nhiều tác giả (1993), Nhìn lại một cuộc cách mạng trong thi ca, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Bài đăng trong Kỷ yếu Hội nghị khoa học trẻ, Trường ĐHSP Hà Nội 2 lần thứ IX, năm 2016, tr.141-147.
Nguyễn Phương Hà
Theo http://hpu2.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vết thương hạnh phúc

Vết thương hạnh phúc Quỳnh tương Một mình nửa chén nửa đêm nửa con mắt thức nửa lim dim tình nửa bất tử nửa hoa quỳnh nửa ho...