Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

Ngôn ngữ nghệ thuật trong bài thơ "Hầu Trời" của Tản Đà

Ngôn ngữ nghệ thuật trong 
bài thơ "Hầu Trời" của Tản Đà
Mỗi một nhà thơ, nhà văn, trong hành trình sáng tạo, đều cố gắng tạo dựng cho mình một phong cách, một dấu ấn riêng. Dấu ấn và phong cách đó được xây dựng nên từ nhiều yếu tố, nhưng một phần quan trọng và cũng là yếu tố cơ bản quyết định đến giọng điệu, phong cách của từng cây bút chính là ngôn ngữ. Ngôn ngữ trong văn học (ngôn từ nghệ thuật) là phương tiện, là chất liệu sáng tạo cơ bản của một tác phẩm văn học, bộc lộ cá tính riêng của mỗi nhà văn. M. Gorki đã từng khẳng định: Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học, sự sáng tạo, tiếp nhận, đánh giá văn học nói chung và thơ nói riêng không thể thiếu yếu tố này. Ngôn ngữ nghệ thuật là một sự phân tầng khác của ngôn ngữ tự nhiên, tương xâm nhưng không đồng nhất với ngôn ngữ tự nhiên. Nếu ngôn ngữ tự nhiên thường mang tính ổn định, thì ngôn ngữ nghệ thuật, đặc biệt là ngôn ngữ thơ, với tư cách là một mã nghệ thuật lại luôn luôn thay đổi. Mỗi thời đại, trào lưu hay mỗi khuynh hướng, tác giả lại có cách sử dụng ngôn ngữ riêng để mang đến một thực tại và hình thức mới cho ngôn từ nghệ thuật thơ. 
Nghệ thuật làm thơ cũng chính là nghệ thuật sử dụng ngôn từ. Nhà thơ, trong quá trình lao động nghệ thuật của mình, đã tiếp thu nguồn ngôn ngữ dân gian, chọn lọc, gọt giũa để trở thành ngôn từ văn học. Cho nên, ngôn từ nghệ thuật vừa mang đặc trưng của ngôn ngữ nhân dân, vừa mang dấu ấn chủ quan của tác giả. Nó là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện cá tính sáng tạo, phong cách, tài năng của người viết.
Tìm hiểu nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ trong bài thơ Hầu trời của Tản Đà cũng là một cách góp phần khẳng định cá tính sáng tạo và phong cách nghệ thuật đặc sắc của nhà thơ. 
Trong dòng văn học cuối TK XIX - đầu TK XX, Tản Đà nổi lên như một ngôi sao sáng trên bầu trời thi đàn Việt Nam. Là một nhà thơ trong buổi giao thời, ở ông có chút bóng dáng của nhà nho tài tử thời trung đại, lại có hình bóng của một nhà văn thời hiện đại. Độc giả mọi thế hệ yêu thơ Tản Đà sẽ không bao giờ quên hình ảnh: 
Vùng đất Sơn Tây nảy một ông 
Tuổi chửa bao nhiêu văn rất hùng 
Sông Đà núi Tản ai hun đúc 
Bút thánh câu thần sớm vãi vung (1). 

Khi đọc thơ Tản Đà, dường như ta bắt gặp một con người thật quen mà cũng thật lạ. Quen bởi cái chất dân tộc ngọt ngào, đằm thắm; Lạ bởi cái ngông phá cách, dám bứt mình ra khỏi mọi khuôn khổ của câu chữ, để rồi vượt qua chặng đường dài hơn một thế kỷ mà sống mãi với đời bởi một chữ ngông đầy cá tính. 
Bài thơ Hầu trời được viết vào năm 1921, in trong tập Còn chơi. Đây là thời kỳ mà nền thơ Việt Nam đang tiến gần với quỹ đạo hiện đại hóa nên hình thức thơ cũng có nhiều biến đổi: bài thơ dài, mỗi bài nhiều khổ, ngôn ngữ chuyển từ điệu ngâm sang điệu nói. Là nhà thơ tiêu biểu của văn học giai đoạn giao thời, chiếc cầu nối của hai nền văn học cũ và mới, Tản Đà đã thổi một cơn gió lạ trên thi đàn văn học Việt Nam hiện đại. Những bước đi phá cách của Tản Đà về mặt nội dung và hình thức là bệ phóng cho sự ra đời của phong trào Thơ mới: “Từ ưu thế của cộng đồng trong lâu dài của lịch sử, ta thấy rõ Tản Đà đã thực hiện được một sự cách tân thật đáng kể, trong những năm 20 TK XX... Như một đòi hỏi giải phóng và như một nhu cầu phát triển, cái tôi ấy ở Tản Đà đã phản ứng lại mọi câu thúc, kiềm tỏa, bóp nghẹt của hoàn cảnh bằng sự tung hoành trên những giới hạn thật phóng khoáng của không ít đam mê, khát vọng” (2).
Hầu trời vốn được Xuân Diệu đánh giá là một bài thơ “đứng lại với thời gian, ngạo cùng năm tháng”. Đề tài lên tiên không phải là đề tài mới của riêng Tản Đà, mà đã gặp trong rất nhiều sáng tác dân gian và văn học viết thời trung đại. Tuy nhiên Tản Đà lên tiên trong bối cảnh, mục đích, diễn biến hoàn toàn khác so với trước đó: 
Đêm qua chằng biết có hay không 
Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mòng 
Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể! 
Thật được lên tiên sướng lạ lùng. 
Rõ ràng, cái duyên được lên hầu trời ngay từ mở đầu bài thơ được gắn liền với phút cao hứng của tác giả. Chuyện bịa mười mươi mà xem chừng rất ngộ nghĩnh, tự nhiên: 
Nguyên lúc canh ba nằm một mình 
Vắt chân dưới bỏng ngọn đèn xanh... 
Văn chương nào có hay cho lắm 
Trời đã sai gọi thời phải lên. 

Dường như tác giả muốn người đọc cảm nhận rằng đây là câu chuyện có thật, đang được diễn ra, để từ đó khẳng định khả năng vô hạn của câu chữ trong việc tạo nên bức tranh về thế giới khách quan và thế giới nội tâm của con người. Tự đề cao tài năng của mình, nhưng lại chọn hình thức để trời và chư tiên khen ngợi, chứng tỏ đây là một kiểu ngông rất đáng yêu trong thơ Tản Đà. 
Trước Tản Đà ta không sao tìm được ở nhà văn nào mà cái tôi lớn đến thế, cái ngông sắc cạnh đến thế. VỊ tiên bị giáng xuống trần thế với cái tên Nguyễn Khắc Hiếu ấy là một con người nhạy cảm, từng trải, cứ mỗi lần bước lên một nấc thang cuộc đời đều đúc rút được những kinh nghiệm và sẵn sàng gửi gắm vào trong thơ: 
Bẩm trời cảnh con thực nghèo khó 
Trần gian thước đất cũng không có 
Nhờ Trời năm xưa học ít nhiều 
Vốn liếng còn một bụng văn đó 
Giấy người mực người thuê người in 
Mướn cửa hàng người bán phường phố 
Văn chương hạ giới rẻ như bèo 
Kiếm được đồng lãi thực rất khó 
Kiểm được thời ít tiêu thời nhiều 
Làm mãi quanh năm chẳng đủ tiêu... 
Tản Đà vốn được coi là một ảo thuật gia có tài biến hóa về ngôn ngữ, tuy nhiên đối với bài thơ Hầu trời thì hoàn toàn ngược lại. Ngôn ngữ trong bài thơ hoàn toàn mộc mạc, như chính cuộc sống. Sở dĩ như vậy, bởi sức tạo hình của ngôn ngữ trong bài thơ trước hết được bắt nguồn từ mối liên hệ mật thiết với cuộc sống. Ngôn ngữ nghệ thuật “vừa là tiếng nói chân thực, giàu có của đời sống hiện thực, vừa là tiếng nói tình cảm của con tim đang rung động. Chiều sâu của sức suy nghĩ, tính chất mẫn cảm và tình tế của sức sáng tạo, những trạng thái rung động của tâm hồn... tất cả chỉ có thể đến với người đọc thông qua vai trò của ngôn ngữ” (3). Với Tản Đà, hiện thực chính là chiếc nôi nuôi dưỡng cho hồn thơ ông, cho ông vốn sống, vốn ngôn từ nghệ thuật phong phú, đa dạng, trong sáng và mang hoi thở của cuộc sống thường nhật. 
Những câu thơ dường như cứ tuôn ra một cách tự nhiên, hóm hỉnh thông qua cách xưng danh của chính tác giả: 

Dạ, bẩm lạy Trời con xin thưa 
Con tên Khắc Hiếu họ là Nguyễn 
Quê ở Ả châu và Địa cầu 
Sông Đà núi Tản nước Nam Việt. 
Tản Đà quan niệm, sáng tạo nghệ thuật phải thật dễ hiểu, ngôn ngữ thơ phải gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày mà vẫn đạt được cảm xúc mãnh liệt. Thực tế đã chứng minh điều đó, ông không ngừng khai thác kho từ vựng của ngôn ngữ đời sống, tận dụng hết biên độ biểu đạt của ngôn ngữ, tạo chiều sâu, sức lay động cho thơ. Ở bất kỳ góc nhìn nào, bức tranh cuộc sống cũng hiện ra chân thực, sinh động, in đậm dấu ấn của cái tôi trữ tình nhạy cảm và sâu sắc: 
Văn chương thời nôm na 
Thủ chơi có sơn hà 
Ba Vì ở trước mặt 
Hắc giang bên cạnh nhà 
Phải chăng đây chính là điểm độc đáo nhất của thơ Tản Đà, dung hòa cuộc sống thường nhật với thơ? 
Là người không tuân thủ theo những niêm luật bó buộc của thơ truyền thống, Tản Đà cũng thể hiện rõ nét sự sáng tạo trong tư duy ngôn ngữ thơ. Cách thức làm thơ dường như không tuân theo một khuôn khổ nhất định. Nhà thơ vươn tỏa ngòi bút tới từng ngóc ngách của hiện thực đời sống để giãi bày và chia sẻ những nỗi đau, những khát khao và ước mơ về một cuộc sống tươi đẹp. Viết về hiện thực bộn bề của cuộc sống, hồn thơ Tản Đà luôn rộng mở để đi sâu vào mọi góc khuất trong đời sống con người. Từ hiện thực đó, nhà thơ đã khúc xạ vào thơ những hình ảnh giàu sức gợi hình qua việc sử dụng nhiều động từ mạnh: 

Văn dài hơi tốt ran cung mây! 
Trời nghe, Trời cũng lấy làm hay 
Tâm như nở dạ, Cơ lè lưỡi 
Hằng Nga, Chức Nữ chau đôi mày 
Song Thành, Tiểu Ngọc lắng tai đứng 
Đọc xong mỗi bài cùng vỗ tay. 
Cách nói trúc trắc như kiểu văn xuôi mà Tản Đà thiết lập đã tạo ra một hiệu quả nghệ thuật đắc dụng, việc vận dụng cách nói thường ngày vào thơ là một cách dân chủ hóa trong thơ, nhưng nếu lạm dụng thơ sẽ trở thành dễ dãi. Tản Đà đã dựng lên bức họa chân thực về cuộc sống nhưng chất thơ vẫn luôn nồng cháy. 
Tản Đà đã thành công khi mở ra cho người đọc một cách nhìn, một cách cảm về con người và cuộc đòi bằng một ngôn ngữ rất riêng và độc đáo. Điều thú vị là nhà thơ đã khám phá ra những điều bình dị, quen thuộc nhưng lại khái quát lên được quan niệm về nhân sinh, cuộc sống... Và dường như trong trái tim đa đoan ấy, bao giờ cũng khát khao hết mình, tỏa sáng hết mình cho những ước mơ tốt đẹp. Trên con đường cách tân nghệ thuật, Hầu trời không hẳn đã là bài thơ hay nhất, nhưng có thể khẳng định rằng đây là bài thơ dày dặn chất liệu đời sống, nặng trĩu tư tưởng và có sức lay động, ám ảnh người đọc khôn nguôi. Thơ của Tản Đà là thơ của đời sống thường nhật, làm nên từ đời sống ấy và ở lại với đời sống ấy. Qua thơ Tản Đà, một lần nữa, người đọc lại nhận ra tính linh hoạt và những bước tiến mới của ngôn ngữ Việt trong việc thể hiện cảm xúc con người. 1. Các trích dẫn thơ đều từ Tuyển tập thơ Tản Đà, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2002. 
2. Phong Lê, Văn học trên hành trình của TK XX, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 1997. 
3. Hà Minh Đức, Thơ và mấy vẩn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Nxb KHXH, Hà Nội, 1974.
Hoàng Điệp
 Theo http://tailieudientu.lrc.tnu.edu.vn/

1 nhận xét:

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao - trên trời cao/ Chim non ca vang như ngày nào/ Bên em anh...