Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2022

Cầm ca Việt Nam 3

Cầm ca Việt Nam 3

Ca hát

Trước khi nói tới kỳ, cái thú phong lưu thứ hai của ta sau cầm, tôi nghĩ cần nói tới ca hát trước. Có đàn thì có hát, có cầm thì có ca; đàn giữ nhịp cho câu hát, hát trợ hứng cho cung đàn, và cổ nhân thường nói thú cầm ca để gồm cả đàn lẫn hát.
Tiếng nói của ta rất nhiều giọng, cho nên câu nói uyển chuyển bổng trầm rất dễ biến thành câu hát 1.
Ta hay hát vào những lúc nào?
Ta thường ca hát khi cảm hứng nổi lên muốn đem tâm tư gửi vào giọng hát, hoặc cũng có khi uất hận muốn gởi nỗi niềm bực tức vào câu ca. Ngoài ra trước một cảnh đẹp hoặc trong khi làm một công việc nặng nhọc, để thông cảm với vẻ đẹp thiên nhiên hoặc để cho công việc bớt mệt nhọc ta cũng ca hát. Bởi thế cho nên người nhà quê khi làm việc hoặc khi vui chơi hay hát lắm. Đứa trẻ chăn trâu, buổi chiều cho trâu về, hoặc cỡi trên cổ, hoặc nằm trên lưng trâu, nhẹ nhàng cất tiếng hát rồi năm mười đứa khác cũng họa theo. Những đàn ông, đàn bà cấy lúa, cắt lúa, làm cỏ hay tát nước ở dưới trăng hoặc đêm khuya đập lúa, giã gạo cũng theo nhịp nhàng tay chân mà hát để quên mệt. Trên các sông, nhất là trên sông Hương ở Huế, giữa đêm khuya thường được nghe một chị lái đò ở xa xa cất tiếng lanh lảnh hò "mái nhì" hay hò "mái đẩy", giọng thực não nùng tê tái. Những người kéo gỗ trên sông, những lũ kéo chài dưới biển, cũng thường dùng tiếng "hò khoan", "dô ta" để làm cho rập tay chân. Ở Bắc Việt, những đêm sáng trăng, nhất là đêm rằm tháng tám, con trai con gái trong làng thường họp nhau để hát đối hay hát trống quân... xem thế thì ta thấy người nhà quê ta rất thích hát 1.
Ta rất thích hát và hát cũng là một thú chơi thanh tao cao nhã không kém gì cầm kỳ thi họa.
Hát nghĩa là gì, và hát với ca có khác nhau không?
Theo Đào Đăng Vũ trong Việt Nam Bách Khoa từ điển thì ca và hát cũng như nhau và có nghĩa là "đưa giọng cao thấp lớn nhỏ và nhịp điệu để đọc những câu văn câu thơ nghe cho êm dịu. Ca chỉ là ngân nga giọng cho hay, còn hát gồm cả ca mà có điệu bộ hoặc có làm tuồng: ca vọng cổ, ca nam ai, hát cải lương, hát bội, hát chèo cổ."
Nói về ca hát, Việt Nam có những giọng ca điệu hát chung của dân tộc, nhưng mỗi miền Bắc, Trung, Nam lại có những lối ca hát riêng, tuy có đôi khi giống nhau, nhưng trong sự giống nhau vẫn có điều khác biệt vì tình tính con người mỗi địa phương tuy đại đồng nhưng vẫn tiểu dị.
Các giọng ca hát của ta có thể phân biệt:
- Các giọng bình dân.
- Các giọng trí thức.
Các giọng ca hát bình dân
Đây là những giọng ca hát do giới bình dân thường hát với nhau, hoặc được giới bình dân ưa chuộng thưởng thức.
Những câu hát dùng trong các giọng bình dân phần lớn là những câu ca dao nhưng khi đưa vào giọng hát đã hơi bị biến đổi trên hình thức dựa theo từng giọng.
Những giọng bình dân có giọng hát trong lúc làm việc để con người đỡ mệt như hát đò đưa, hò tát nước, hò kéo gỗ v.v... hoặc có tác dụng hẳn với việc làm như hát ru em.
Bên những giọng hát trợ lực cho việc làm, có những giọng hát trao tình giữa trai gái, những giọng hát này riêng bọn nam nữ dùng để đối đáp với nhau trong cuộc gặp gỡ khi làm việc, trong những đám hội hè hoặc trong những buổi hát thi hát đố.
Ở miền Bắc về lối hát trao tình này có ba giọng chính: hát ví, hát quan họ, và hát trống quân.
Ở miền Trung có hát ví, hát dặm, hát các phường, hò.
Ở miền Nam cũng có những câu hò, lại có hát cải lương và vọng cổ.
Với những giọng hát này, lúc hát các trai gái xướng họa đối đáp có thể có nhiều biến thể thành nhiều giọng khác.
Ngoài các giọng hát trong lúc làm việc và các giọng hát trao tình còn các giọng hát tôn giáo mà tiêu biểu nhất là giọng hát chầu văn ở miền Bắc. Lối này cũng có thể coi là một lối hát nghề nghiệp của các ông cung văn, tức là những người vừa đàn vừa hát trong các buổi hầu bóng.
Hát vè cũng là một lối hát, dùng những câu vè để nói về một việc gì hoặc một vật gì.
Hát xẩm của những người bị mục tật đi hát trong làm kế sinh nhai cũng là một lối hát nghề nghiệp, ta thường gọi là xẩm chợ.
Hát tuồng, gọi là hát bộ ở miền Trung, hát bội ở miền Nam cũng là hát nghề nghiệp, tuy nhiều khi cũng có những ban hát tuồng tài tử.
Sau hết phải nói đến hát chèo, một lối hát diễn lại các tích cũ giống như hát tuồng, nhưng với những giọng hát khác hẳn và thiên về luân lý nhiều hơn.
Ngoài các giọng hát đã kể trên, tôi tưởng cũng không thể bỏ qua được những câu hát của trẻ em, những câu hát được các em nhắc lại trong các trò chơi như Thả đỉa ba ba, Chi chi chành chành v.v...
Các giọng hát, trên bình diện khác nhau, nhưng phần nhiều nội dung câu hát không khác nhau.
Nội dung câu hát
Trước khi đi vào chi tiết của từng lối hát, chúng ta thử xét qua nội dung của những câu hát.
Có những câu hát tả cảnh của đất trời:
Ngồi tựa mạn thuyền
Trăng in mặt nước cùng nhìn non nước càng xinh
Sơn thủy hữu tình
Thơ ngâm ngoài lái, rượu bình giải trí trong khoang
Tay lựa cung đàn
Tiếng cao gieo giắt, tiếng trầm năn nỉ thiết tha
(Hát quan họ)
Nhiều hơn là những câu hát nói lên tâm tình của yêu đương:
Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên cái nón dưới càng hoa sen
Bắt được cho chúng anh xin
Hay là em để làm tin thì làm.
(Ca dao)
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Áo anh sứt chỉ từ lâu
Muốn mượn cô ấy vào khâu cho cùng.
(Ca dao)
Cũng có những câu hát để chòng ghẹo lẫn nhau:
Trống quân có đĩa thịt bò
Những anh không vợ đi mò cả đêm.
(Hát trống quân)
Trống quân trống quít trống còi
Ta chẳng lấy nó, nó đòi lấy ta
Trống quân anh đánh dịp ba
Lúc vào dịp bảy, lúc ra dịp mười
(Hát trống quân)
Cũng có những câu để thách đố lẫn nhau:
Cái gì mà thấp, cái gì mà cao?
Cái gì sáng tỏ như sao trên trời?
Cái gì anh trải em ngồi?
Cái gì tha thẩn ra chơi vườn đào?
Cái gì mà sắc hơn dao?
Cái gì phơi phới lòng đào hỡi anh?
Đã có câu thách đố, lẽ phải có câu trả lời:
Đất thấp ông trời thì cao
Ngọn đèn sáng tỏ hơn sao trên trời
Chiếu hoa em trải anh ngồi
Đêm nằm mơ tưởng ra chơi vườn đào
Nước kia nó sắc hơn dao
Trứng gà phơi phới lòng đào hỡi em.
Giữa câu hát, trai gái rất nhiều câu khen tặng nhau:
Cổ tay em trắng như ngà,
Con mắt em liếc như là dao cau,
Miệng cười như thể hoa ngâu,
Cái khăn đội đầu như thể hoa sen.
Và các cô gái thường có những câu hát đắn đo:
Thân em như tấm lụa đào,
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?
Thân em như đóa hoa tươi,
Phải chăng chàng thật là người yêu hoa?
Lại có những câu hát làm quen:
Lạ lùng tôi mới tới đây
Lạ thung lạ thổ tôi nay lạ nhà
Ba cô tôi lạ cả ba
Bốn cô lạ bốn biết là quen ai
Đến đây lạ cả bạn trai
Lạ cả bạn gái biết ai mà chào?
Bây giờ biết nói làm sao?
Biết ai quen thuộc mà nào trình thưa?
Cô cả cô hai ơi!
(Hát ví)
Cũng có những câu hát để trai gái nói lên những lý do yêu đương của mình, những câu hát này nhắc tới những điều đáng yêu của đôi bên. Dưới đây là những câu để chàng trai trình bày cùng cô gái tại sao chàng yêu cô:
Một yêu tóc để đuôi gà,
Hai yêu lời nói mặn mà có duyên;
Ba yêu má lúm đồng tiền,
Bốn yêu răng lánh hạt huyền kém thua;
Năm yêu cô yếm đeo bùa,
Sáu yêu nón thượng quai tua dịu dàng;
Bảy yêu nết ở khôn ngoan,
Tám yêu ăn nói lại càng thêm xinh;
Chín yêu em ở một mình,
Mười yêu con mắt hữu tình với ai.
Chàng ai đã yêu cô gái qua mười lý do. Ở đây tôi tưởng cần phải nói rõ về điểm thứ tư: Ngày xưa cho tới hồi tiền chiến, ở miền Bắc và phía Bắc miền Trung, ta có tục nhuộm răng đen, nhất là tại các vùng quê. Răng đen nhưng phải đen nhứt như hạt huyền mới đẹp, hay ít ra cũng phải đen như hạt na già.
Những hàm răng không đủ đen, lại loang lổ ta gọi là răng cải mả thì dù người đẹp cũng giảm vẻ đẹp rất nhiều.
Có câu hát trên để nói lên mười điều đáng yêu của cô gái, cũng lại có câu hát mười yêu khác nói tới những điều chẳng đáng yêu của cô gái chút nào:
Một yêu em béo như bồ,
Chân tay ngắn ngủi đít to như giành;
Hai yêu mắt toét ba vàng,
Đầu đuôi khóe mắt nhử xanh bám dày.
Ba yêu tới cặp môi dày,
Mỗi khi ăn nói bầy nhầy rãi ra.
Bốn yêu bộ mặt rỗ hoa,
Lại thêm em có nước da mực tàu.
Năm yêu mái tóc trên đầu,
Hôi như tổ cú chấy bâu hàng đàn.
Sáu yêu tính khí ngang tàn,
Bạ ai em cũng oang oang chửi liền.
Bảy yêu lời nói có duyên,
Chua như mèo mửa xỏ xiên cả trời.
Tám yêu những lúc em cười,
Trông xinh bằng mẹ đười ươi hiện hình.
Chín yêu dáng điệu hữu tình,
Đi đâu đổ quán xiêu đình như chơi.
Mười yêu khi đứng lúc ngồi,
Xổ tràng trung tiện sấm trời phải thua.
Thực ra câu hát trên chỉ là một câu hát để chòng ghẹo các cô gái, chứ ở đời đã mấy ai có đủ mười đức tính đáng quý như câu hát nêu ra.
Những câu hát tương tự không phải hiếm, tại các địa phương thường có những câu hát khác nhau. Trong Phong lưu đồng ruộng, soạn giả đã có dịp nhắc tới một câu hát nói về Cô gái Sơn Tây yếm thủy tầy giần, với những điều cũng đáng nực cười không kém chi mười cái đáng yêu của cô gái trong câu hát trên.
Tóm lại các câu hát qua những giọng điệu tuy khác nhau nhưng nội dung không khác nhau bao nhiêu. Có câu hát dùng cho lối hát này lại dùng cả cho lối hát khác. Và phần nhiều những câu hát đều là những câu ca dao; không biết những người hát đã dùng ca dao để hát hay chính những câu hát đã chuyển thành ca dao.
Những câu hát trong khi làm việc
Người bình dân thường sống cuộc đời làm lụng vất vả, một nắng hai sương. Trong lúc làm lụng để quên mệt nhọc, họ thường dùng những câu hát để trợ lực cho mình và cũng là để giải khuây cùng chúng bạn làm việc. Mỗi việc làm đều có giọng hát riêng, nhưng các giọng hát này đều có một điểm giống nhau là hát mà không có nhạc đệm. Muốn hát, người lao động bình dân cứ cất tiếng ca, cốt sao cho âm thanh êm ái, cao thấp cho nhịp nhàng, dài ngắn cho ngân nga, người nghe thấy êm dịu là khúc hát đã thành công.
Hát trong việc làm có nhiều giọng khác nhau bởi việc làm của mỗi người không giống nhau
Hát đò đưa
Hát đò đưa là giọng hát của các cô cậu lái đò lúc chở đò hát lên theo nhịp với cây chèo khua trên mặt nước.
Giọng hát đò đưa thường êm êm buồn buồn tạo cho người ta có một tâm trạng yếu đuối và dễ bị cám dỗ. Câu hát dài ngắn không đều, nhưng giọng bao giờ cũng buồn như gió lướt.
Cha mẹ thường cấm con gái nghe giọng hát đò đưa, và ca dao cũng có câu:
Trai khôn tránh khỏi vợ thừa,
Gái khôn tránh giọng đò đưa mới là!
Thực ra giọng hát đò đưa miền Bắc chỉ là một giọng hát huê tình, và các cô cậu lái đò trong khi chờ đợi đưa khách qua sông để tâm hồn được thông cảm với nỗi niềm riêng thường hát lên. Các cô cậu hát thường không phải để quyến rũ ai, mà cũng không phải hát cho một thính giả nào. Các cô cậu hát cho mình, nhưng cha mẹ các cô gái cứ luôn luôn dặn dò các cô phải coi chừng giọng hát đò đưa.
Giọng hát đò đưa thật quyến rũ, theo Mai Văn Lương trong La Chanson Annamite(9), phải kể tới giọng hát đò đưa miền Trung, nhất là giọng hát của các cô lái đò trên sông Hương ở Huế, giọng hát này, tức là hò Huế, sẽ được trình bày riêng ở sau.
Lối hát đò đưa cũng rất thịnh ở vùng Nghệ Tĩnh, các cô cậu trai gái lái đò vừa chèo thuyền vừa hát một mình hoặc có đối đáp với nhau. Hát một mình, dù trai hay gái hát, gọi là hát buông, còn hát có đối đáp gọi là hát cuộc. Khi hát cuộc hoặc hai chiếc thuyền đi song song với nhau, hoặc chiếc nọ đi sau chiếc kia trên cùng một dòng sông.
Người hát ngoài trai gái lái đò, có thể là khách đi đò.
Chèo đò thường vất vả, dãi nắng dầm sương mà công sá chẳng đủ ăn, do đó trong lúc hát buông các lái đò thường nhắc đến tình cảnh của mình:
Cau khô ăn với hạt bèo,
Lấy chồng đò dọc ráo chèo mà ăn.
Nghề chèo đò có kiếm được bao nhiêu, nghỉ chèo, chèo ráo nước cũng là thiếu tiền ăn!
Một trăm ông lái đò thanh nhàn
Không thương trai bạn cơ hàn nắng mưa!
Hát đò đưa tuy là một giọng hát trong lúc làm việc nhưng khi trai gái đối đáp đã biến thành lối hát trao tình.
Sông rộng trời cao, gió mát trăng trong, trước cảnh đẹp lại gặp người đẹp, hỏi trai gái nào khỏi động tâm. Họ hát với nhau, họ trao đổi tình duyên, họ hẹn hò căn dặn, mai sau có nên duyên hay không là chuyện khác. Họ hãy biết ngày nay gặp gỡ, cùng nhau hát trong một cuộc đưa đò, cùng trao nhau những lời êm dịu qua câu hát để hưởng lấy đêm trăng, để hưởng lấy cảnh đẹp và để hưởng lấy sự trìu mến nũng nịu qua những lời hát ái ân, lấy mái chèo làm nhịp, khua xuống mặt nước như nhặt như khoan.
Trên những dòng sông, thuyền bè qua lại, đã có biết bao mối tình được bắt đầu, được gửi lại hoặc được kết thúc tốt tươi.
Đây là lời dặn dò nhau:
Anh xuôi năm bảy tớ thầy,
Để em lẻ bóng trên này sao yên?
Anh về cho chóng mà lên,
Đừng vui dưới nọ mà quên trên này!
Dặn dò rồi nhớ nhung:
Từ ngày nhổ nọc lui thuyền,
Sông bao nhiêu khúc, dạ em phiền bấy nhiêu.
Hoặc gắn bó:
Sông sâu sóng vỗ rập rình,
Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu.
Hoặc trách móc:
Nước lên sắp lấp cầu dày,
Anh quen em mới được một ngày thuyền lui.
Rồi chia tay đôi bên có người chờ đợi:
Nước ngược anh bỏ sào xuôi,
Khúc sông bỏ vắng có người sầu riêng.
Nước chảy cho đá trôi nghiêng,
Anh vui chung thiên hạ, em sầu riêng một mình.
Khúc hát đò đưa thật là thú vị, nó đã làm cho các cô cậu lái đò đỡ vất vả trong lúc chèo thuyền, và cùng các cô cậu vui đời, yêu đời mặc dù đời chèo thuyền trên sông nước một nắng hai sương,
Những câu hát ái ân, những câu hát trìu mến, các cô gái tuổi mới lớn quên làm sao được, và giữ làm sao để tránh giọng hát đò đưa như lời khuyên nhủ của mẹ cha:
Mẹ cha khuyên nhủ sớm trưa,
Nhưng em vẫn hát đò đưa cùng chàng!
Chính vì vậy trên các khúc sông vẫn luôn vọng lên tiếng hát, trai hát mà gái cũng hát, và cũng có thể rằng một cuộc hát đò đưa bắt đầu cho một hảo lương duyên.
Khách đi đò đôi khi thấy các lái đò ca cũng cả hứng nảy tình đối đáp mươi câu, có khi cả một cuộc hành trình để lưu lại một kỷ niệm với con sông.
Sông bao nhiêu nước cũng vừa,
Đôi ta giọng hát đò đưa khác gì!
Hò kéo gỗ
Đây là lối hò đặc biệt của những người chung sức làm một công việc nặng, nhất là những người kéo gỗ.
Đặc biệt trong giọng hò kéo gỗ bao giờ cũng có điệp khúc là mấy tiếng hò dô ta.
Một bọn người cùng nhau kéo cây gỗ. Cây gỗ nặng, sức người cố gắng nhưng cây gỗ không nhích được bao nhiêu. Để làm nhịp cho mọi người cùng ra sức kéo một lúc và để đỡ sự mệt nhọc, một người hát lên một câu hát, thường là một câu hát vui hoặc một câu về tình ái. Câu hát chấm dứt, tất cả đoàn người đều cất tiếng hò dô ta rồi cùng cố sức kéo.
Thí dụ:
Dô ta kéo gỗ làm đình,
Con gái vô tình thì để vú ra!
Hò dô ta!
Không phải mọi người chỉ nhắc lại một lần hò dô ta, mà họ nhắc lại đôi ba lần. Nhắc lại tiếng hò dô ta lần đầu để gắng sức, những lần sau để thở.
Vừa hát vừa làm việc, công việc xong, họ cũng ngừng hát.
Người cất tiếng hát phải tìm những câu ngộ nghĩnh để đồng bạn cùng vui, công việc mới nhanh chóng và đỡ mệt.
Hò tát nước
Các thiếu nữ đồng quê, lúc cùng nhau tát nước, để vui công việc, họ có những câu hát riêng, không giống những câu hát lúc họ hát trao tình với các bạn trai. Trong câu hát, có tiếng bắt chước tiếng nước tát từ ao sang ruộng hoặc từ sông vào đồng:
Thì thuồm! Thì thuồm!
Tát nước ao chuôm,
Bóng trăng soi xuống, trăng suông soi vào!
Thì thào! Thì thào!
Nước chảy ào ào!
Cầu trời cho trận mưa rào tháng năm.
Tiếng gầu sòng, tiếng gầu dai vục xuống mặt nước, múc nước lên, đồ nước vào đồng phải chăng là những tiếng đệm cho câu hát.
Hai cánh tay tuy mỏi vì tát nước, nhưng câu hát nhịp nhàng cất lên giữa hai người cùng tát nước như có sức làm tiêu tan sự mệt nhọc, và các cô thiếu nữ, sau một buổi tát nước đêm, thấy nước trắng xóa trong ruộng nhà, lòng các cô phơi phới, hớn hở vì công việc đã xong, và vui vẻ xếp gầu cùng nhau ra về!
Hát ru em
Ru em cũng là một việc làm của người dân quê. Ta có câu:
Xay lúa thì đừng ẵm em,
Ẵm em thì đừng xay lúa.
Ru em là một phần trong công việc ẵm em. Ẵm em, ru cho em ngủ, còn để đi làm việc khác, hoặc cùng nghỉ ngơi với giấc ngủ của em.
Ru em phải hát với giọng êm êm để đưa em vào giấc ngủ.
Gọi là ru em, nhưng thường thì bà ru cháu, mẹ ru con, chị ru em nào cũng có, nhưng chị còn bận nhiều công việc khác ở trong nhà, ở ngoài đồng hơn.
Về mùa hè, bà ru cháu, hoặc mẹ ru con thường nằm võng, tiếng võng đưa kẽo cà kẽo kẹt như làm điệu cho nhịp hát, và võng đưa tạo nên luồng gió nhè nhẹ khiến cho cháu ngủ theo giọng hát của bà và bà cũng thiu thiu ngủ cùng với cháu.
Hát ru em thường bắt đầu bằng hai tiếng À ơi! hoặc Bồng bồng.
Câu hát là những câu ca dao, nhưng cũng có những câu chỉ dùng để hát ru em:
Bồng bồng mẹ bế con sang,
Đò dọc quan cấm đò ngang không chèo;
Muốn sang thì bắc cầu kiều,
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.
Hoặc:
À ơi! Cái ngủ mày ngủ cho lâu,
Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về!
Hoặc:
Bồng bồng! Cái bống là cái bống bình,
Thổi cơm gánh nước một mình bóng xơi!
Bồng bồng! Cái bống là cái bống bang,
Mẹ bống yêu bống bống càng làm thơ.
Những câu hát ru em thường nhiều câu chẳng có ý nghĩa gì hoặc đôi khi là những điều ước mong của người mẹ về đứa con:
Mẹ ru con ngủ cho ngoan,
Mai sau con lớn con nên thân người.
Hát chăn trâu
Các trẻ em ở thôn quê thường phải giúp đỡ cha mẹ, mà trong các công việc giúp đỡ cha mẹ, chăn trâu là một. Ở miền Bắc và phía Bắc miền Trung, các trẻ em lên chín lên mười đã được cha mẹ giao cho nhiệm vụ chăn dắt trông nom một con trâu, và công việc này các em, trai cũng như gái, thường làm rất trọn vẹn cho đến năm mười lăm mười sáu tuổi, khi các em có thể giúp đỡ cha mẹ trong các công việc khó khăn.
Trong lúc cho trâu đi ăn cỏ, các em họp đoàn cùng nhau, bày những trò vui, và có khi các em ca hát với nhau. Vua Đinh Tiên Hoàng thuở nhỏ cũng đi chăn trâu và thường cùng các bạn cờ lau tập trận. Theo lời tương truyền để lại, trong lúc chăn trâu, chơi tập trận, nhà vua cùng chúng bạn thường hát câu hát sau đây:
Cây cỏ ấy nước non này,
Nước non quanh quất cỏ cây xanh rì.
Rừng hoang cỏ rậm để chi,
Phen này ta quyết dọn đi cho rồi!
Này này chúng bạn ta ơi!
Những khi ngồi trên mình trâu một mình, các em vừa cho trâu gặm cỏ ở bờ đê, vừa thổi sáo hoặc cất tiếng hát:
Ngày xưa Ninh Thích chăn trâu,
Mà rồi mang ấn công hầu trâu ơi!
Ngày nay mình nghé ta ngồi,
Mai sau ta có một đời hiển vinh?
Ở vùng Nghệ Tĩnh, các em chăn trâu có rất nhiều câu hát:
Tru (trâu) một mà cột cơn da (cây đa),
Tru (trâu) đôi ăn kẹ (bờ ruộng), tru ba ăn cồn (bãi),
Cù cu (chim cu) tát nước ao bèo,
Mai đòi tru (dẫn trâu) lên trại ai rèo (chăn) cho mi?
Trước cảnh đồng ruộng bao la, các em cất cao giọng hát như muốn thông cảm với đất trời:
Thua choa (chúng tao), biết sự thua choa!
Mai đòi tru (trâu) lên trại, trải chiếu hoa cho ngồi.
Hát chăn trâu, các em vùng Nghệ Tĩnh có những tiếng ời ời kéo dài đệm cho câu hát, nghe như tiếng gọi nhau. Các em có những bài hát về đủ mọi điều, có khi về đám giỗ:
Trách người quân tử vô tình,
Hôm qua có giỗ không cho mình vắt xôi!
Đối với lời trách móc không biếu nắm xôi, em nhà có giỗ đã không ngần ngại hát đáp:
Giỗ thì anh nỏ (chả) mua vàng,
Xôi thì xôi độ (đậu) ngái (xa) đàng không đem.
Cũng có khi các em hát chòng ghẹo nhau:
Đứa mô (nào) không chộ (thấy) thì mù,
Có không con gái cội (cưỡi) tru quặp sừng.
Trong đám chăn trâu có các em lớn, mười lăm mười sáu tuổi trở lên, các em đã biết hẹn hò với nhau:
Năm ni em mắc chăn tru,
Vài năm chi nữa về làm du (dâu) mẹ thầy.
Năm ni anh mắc chăn bò,
Vài năm chi nữa về lo việc nhà.
Hát chăn trâu tuy là lối hát của trẻ em, nhưng nhờ những câu hát các em đã vui với công việc của mình.
Những giọng hát trao tình
Tại miền Bắc có ba lối hát trao tình, chính là hát ví, hát quan họ và hát trống quân, rồi từ những giọng hát chính này nó biến thể ra những giọng hát khác.
Hát ví
Hát ví là lối hát thông thường nhất ở trung du và trung châu Bắc Việt. Ở nhiều nơi ở miền Đông Bắc Việt, lời hát này còn được gọi là hát đúm. Hát ví có thể được coi là một bài hát làm quen 2. Đây là lối hát của những người mới gặp gỡ nhau và cuộc hội ngộ có thể được kéo dài 2. Hát ví có đối và có đáp, có hát để gắn bó và có hát để chia tay. Bài hát ví là một khúc tình ca nho nhỏ 2. và người hát ví thường dựa vào cảnh vật để nói lên tình ý của mình.
Hát ví trong lúc làm việc và cũng hát trong những đám hội, nhất là về vùng Bắc Giang.
Ai đã có dịp qua con đường cái quan mà hai bên là đồng ruộng, trên đường khách bộ hành qua lại, dưới ruộng thợ đồng làm việc, nam có, nữ có, người cày ruộng, người cấy lúa?
Ở quãng đường này, cách đây mấy chục năm về trước những chàng trai trẻ đi qua đám ruộng thường bị các cô gái hát trêu:
Bảo này:
Hỡi người đi đường cái quan,
Dừng chân đứng lại em than vài lời.
Đi đâu vội mấy anh ơi,
Công việc đã có chị tôi ở nhà.
Anh cả anh hai đó ơi!
Bắt đầu câu hát, người hát thường gọi lên hai tiếng bảo này như muốn cho người nghe chú ý tới câu hát của mình, và cuối câu hát thường đệm bằng mấy tiếng Anh cả anh hai đó ơi! hoặc Chị cả chị hay đó ơi! để báo cho người nghe biết câu hát của mình đã dứt, để người nghe sửa soạn hát đáp với mình.
Người khách bộ hành đi trên đường, nghẹ giọng hát đầy quyến rũ, lời ca đầm ấm, ngập ngừng rồi đứng lại để đáp lời làm quen của cô bạn gái dưới đồng.
Cô bạn gái đang cắt cỏ chăng? Chàng trai - vì khách bộ hành thường là một chàng trai mới được các cô gái ghẹo - liền hát lại:
Bảo này:
Cô kia cắt cỏ một mình,
Cho anh cắt với chung tình làm đôi.
Cô còn cắt nữa hay thôi,
Để anh cắt với làm đôi vợ chồng.
Cô cả cô hai đó ơi!
Thật là kẻ Bưởi vơ vào! Mới làm quen đã tính chuyện vợ chồng!
Câu hát có khi của chàng trai còn khắng khít hơn:
Bảo này:
Cô kia cắt cỏ bên sông,
Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây!
Sang đây anh bấm cổ tay,
Anh hỏi câu này: có lấy anh không?
Cô cả cô hai đó ơi!
Chàng trai hát trả lời cô gái vì lịch sự và vì phong nhã, chàng trai muốn gây chút cảm tình làm quen. Có chàng trai cứ cắm đầu đi mặc cho cô gái đồng hát ghẹo. Chàng trai rảo bước đi, cô gái không tha, hát theo:
Bảo này:
Ma kéo hay là ma lôi,
Mà chàng nỡ bỏ lời tôi chàng về.
Anh cả anh hai đó ơi!
Có chàng trai đi thẳng, nhưng cũng có nhiều chàng trai bực mình với các cô gái dưới đồng, chàng đứng lại, hát chọc một câu xuyên tâm:
Bảo này:
Cô kia mà hát ghẹo ai,
Cái mồm méo xệch như quai chèo đò.
Có muốn anh nắn lại cho,
Ngày mai chèo đò ăn bát cơm thiu!
Cô cả cô hai đó ơi!
Hát xong chàng bỏ đi thẳng, mặc cho cô gái muốn trả lời hay không.
Cũng có trường hợp chàng trai hát những câu sâu cay hơn:
Nhà em tội lỗi gì đâu,
Mà em đi chổng phao câu lên trời?
Đây là chàng trai có ý moi móc cô gái đang cấy lúa, đầu cuối xuống và bộ mông chổng ngược trở lên.
Tuy là gái quê, nhưng các cô cũng chẳng phải tay vừa. Bị hát châm chọc, các cô cũng hát lại:
Nhà em chẳng tội lỗi gì,
Em chẳng đi chổng, lấy gì anh xơi?
Câu hát rất đúng, đúng về nghĩa đen, nhưng cũng lại rất đau đớn về nghĩa bóng. Về nghĩa đen, các cô không đi chổng, nghĩa là đi cấy lúa, làm sao có gạo, còn về nghĩa bóng - chổng đây tức là đi đại tiện.
Thật là cay cú cho chàng trai, bị vố đau đớn, chẳng còn cách gì hơn là bỏ đi thẳng, vừa đi vừa lầm bầm rủa thầm lũ thợ cấy chua ngoa... Còn các cô, các cô tiễn theo chàng trai những chuỗi cười khiến cho chàng phải rảo bước đi mau hơn. Chàng không thể trách các cô được, tuy câu hát của các cô có hơi tàn nhẫn, vì sinh sự thì sự sinh, chàng hát câu sâu cay, chàng phải chịu những câu sâu cay hơn đáp trả. Các cô gái bao giờ cũng sẵn sàng những câu ứng biến đối với những chàng trai thiếu lịch sự. Như câu chuyện sau đây:
Các cô thợ cấy miền Bắc trước đây đi cấy thường mặc váy, chiếc quần một ống không đáy. Trong lúc làm việc đôi khi gió lộng hoặc các cô vô ý, thân váy tốc ngược lên. Có chàng trai ngẫu nhiên được trông thấy nơi kín đáo nhất của một cô, thật thiếu lễ độ và lịch sự:
Tấm vải đáng giá bao tiền
Mà em để cả tổ tiên ra ngoài?
Thật đáng giận chưa? Khi không mà bị chàng trai hát sược, có lẽ nào cô gái để yên. Cô suy nghĩ rồi cô hát đáp:
Nhà em tiết kiệm đồng tiền
Xin anh rước lấy tổ tiên về thờ!
Câu hát đáp mới thật là chua ngoa. Cũng ở chàng trai gieo gió thì gặt bão.
Bị câu hát làm cho tím mặt, chàng trai hoặc tìm những câu hát khiếm nhã hơn, hoặc làm thinh bỏ đi thẳng, thường thì đi thẳng cho êm đẹp, vì đối với bọn con gái chua ngoa mồm mép con trai đáp sao cho lại.
Chàng trai đi thì mặc chàng, các cô gái lại cúi xuống tiếp tục những công việc của mình bên những trai làng.
Rồi trong đám trai làng, một chàng cảm nhan sắc của một cô gái làng, từ lâu vẫn muốn ngỏ nỗi lòng nhưng chưa có dịp nào thuận tiện. Hôm nay trời đẹp, ánh bình minh tươi sáng, mùi đất được cày vỡ nồng nàn, lòng chàng phơi phới, chàng liếc nhìn cô gái, rồi chàng đánh bạo hát:
Bảo này:
Cô kia yếm trắng lòa lòa,
Lại đây đập đất trồng cà với anh.
Bây giờ cà chín cà xanh,
Anh cho một quả để dành mớm con!
Cô cả cô hai đó ơi!
Chàng trai hơi sỗ sàng, nhưng đây chỉ là nhự sỗ sàng của người đồng quê chất phác.
Cũng có những chàng trai tế nhị hơn, hát xa xôi hơn nhưng vẫn vơ vào phần mình:
Bảo này:
Cô kia má đỏ hồng hồng,
Cô chưa lấy chồng còn đợi chờ ai?
Buồng không lần nữa hôm mai,
Đầu xanh mấy chốc da mồi tóc sương!
Cô cả cô hai đó ơi!
Lời nói thật là khéo léo! Nhưng với những lời khéo léo ấy, cô gái chẳng động tâm; chàng trai cho rằng cô gái đã mắc mứu nơi nào; chàng hát xa hát gần:
Bảo này:
Cô kia đi đường này với ta,
Trồng đậu đậu tốt, trồng cà cà sai.
Cô kia đi đàng ấy với ai,
Trồng bông bông héo, trồng khoai khoai hà!
Cô cả cô hai đó ơi!
Và có khi chàng trai lúc bắt đầu rụt rè, nhưng với giọng hát, nhất là khi được cô gái đối đáp một đôi lời, chàng trở nên quyết liệt:
Bảo này:
Cô mình ơi! Anh quyết với cô mình,
Công anh dan díu chẳng có thành thì thôi!
Con sông kia, bên lở có bên bồi,
Bên lở thì đục, bên bồi thì trong;
Con sông kia nước chảy đôi dòng,
Biết rằng bên đục bên trong bên nào!
Cô cả cô hai đó ơi!
Trên đây chỉ là những câu hát nhắc lại những cuộc gặp gỡ giữa đường hoặc cùng làm việc với nhau.
Thật ra, trai gái đã yêu nhau vì tình đã quen hơi bén tiếng vì giọng hát câu ca, trai thường tìm đến làng gái để hát một vài canh, trong khi gái vừa làm việc vừa đối đáp với trai. Và những canh hát đối đáp này, thường khi đã kết quả bằng những lứa đôi tốt đẹp.
Đây là chưa nói đến hát hội.
Tại các đám hội xuân miền Bắc, nhất là tại các vùng Trung du, trai gái gặp gỡ nhau dùng miếng trầu mời hát để vui ngày hội, rồi cùng hẹn hò nhau tới những hội sau để cùng hát. Hoặc những cặp trai gái đã quen biết nhau, họ cùng hẹn nhau tới các đám hội để cùng nhau nối tiếp sự trao tình qua câu ca giọng hát.
Ở các đám hội, trai gái như có quyền tự do cùng nhau trao đổi câu ca tiếng hát để nói lên sự yêu đương tưởng nhớ của mình. Lễ giáo Việt Nam tuy khe khắt, nhưng tục lệ các làng lại rất rộng rãi trong các buổi hội xuân, cho trai gái được tự do luyến ái, miễn là sự luyến ái đừng đi tới trò trên bọc trong dâu.
Hát ví là giọng hát để làm quen mà cũng là giọng hát để đôi bên lưu luyến nhau:
Bảo này:
Mình về ta chẳng cho về
Ta nắm cổ áo ta đề bài thơ
Bài thơ ba chữ rành rành
Chữ "trung", chữ "hiếu", chữ "tình" là ba
Chữ trung thì để thờ cha
Chữ hiếu thờ mẹ đôi ta chữ tình
Cô cả cô hai đó ơi!
Trong những buổi hội xuân, với các đám hát vì quang cảnh thật là vui. Trời xuân lành lạnh, có khi mưa xuân lớt phớt. Những cô gái quê khăn mỏ qua, má ửng đỏ vì tiết trời, đứng tụm năm tụm ba cùng những bạn trai khăn đóng áo dài, vẻ mặt trung hậu chân thành, cùng nhau hát những lời yêu đương, thật là êm ái. Một đám hội không phải chỉ có một đám hát, mà có rất nhiều đám hát, Đằng sau chùa, đằng trước chùa, bên bờ ruộng, cạnh đường làng, chỗ nào cũng là chỗ để trai gái tụ tập ca hát.
Hát ví thịnh hành khắp miền Bắc, nhưng hát ví trong ngày hội thường chỉ nhiều tại mấy tỉnh trung du như Bắc Giang, Bắc Ninh v.v...
Hát ví Nghệ, Tĩnh
Từ trên, tôi mới trình bày về lối hát ví ở miền Bắc. Ở các tỉnh Nghệ, Tĩnh cũng có hát ví, và người dân quê ở vùng này, dù nam hay nữ không ai là không biết hát ví, vì ở đây hát ví cũng như ngoài Bắc, là một lối dân ca người đồng quê rất ưa thích.
Tục hát ví trước đây rất thịnh hành, chẳng những bình dân ca hát mà cả đến lớp nho sĩ cũng ham chuộng 3.
Hát lên ta nhởi ta nhơi,
Mấy khi đèn hạnh soi nơi quyển vàng.
Người ta hát theo những câu hát cũ hoặc đặt ra những câu hát mới. Những ai không biết cất điệu uốn giọng thì hát đệm cho người khác. Vì cho rằng có không biết hát nữa, đi dự đám hát, nghe người khác hát, theo dõi từng cây từng ý, từng cách lấy điệu tìm lời, từng giọng hát để thưởng thức, hiểu được lời, biết được điệu hát, rõ được giọng hay, dù chính mình không hát, cái thú của hát ví vẫn đến với mình.
Cũng như ở ngoài Bắc, hát ví là lối hát đối đáp, bên nọ lên tiếng bên kia trả lời, trả lời sao cho câu hát ăn với câu hát của người lên tiếng. Muốn như vậy, các trai gái hát ví phải ứng khẩu hát ngay tại chỗ nhiều câu hát mới tự đặt ra nếu không tìm được những câu hát cũ. Người dự hát phải chú ý nghe câu hát của người cất tiếng rồi lúc hát đáp vừa cất giọng hát vừa suy nghĩ để lựa chữ tìm vần. Cũng nhiều khi họ dùng những câu có sẵn đã lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, đã ăn sâu vào trí óc họ.
Sau những ngày làm lụng mệt nhọc, người dân quê vùng Nghệ, Tĩnh cũng như bất cứ người dân quê nơi nào ở Việt Nam, cũng cần phải giải trí, và hát ví chính là một thú giải trí tao nhã vừa làm tiêu tan được được sự mệt mỏi, vừa làm phấn khởi tinh thần con người để vui với việc làm.
Lắng tai nghe tiếng em "đàn",
Bằng ai buông chén ngọc đổ vào gan lạnh lùng!
Đàn đây tức là hát ví. Câu hát đã làm rung động lòng người nghe và đem lại sự ấm áp giữa trời lạnh lẽo.
Hát ví là một sự trợ lực cho việc làm, bởi vậy có làm việc là có hát ví như tục hát phường vải ở Nam Đàn (Nghệ An), hát phường chiếu ở Can Lộc (Hà Tĩnh), hát vá lưới ở các bờ biển, hát phường buôn ở các vùng kẻ chợ, hát phường cấy trong các vụ gặt cấy v.v...
Hát để giải mệt, hát để trợ lực cho việc làm, nhưng cũng lại là dịp để trai thanh tân, gái yểu điệu tìm hiểu hơn, và đã hơn một lần, những cuộc nhân duyên tốt đẹp đã bắt đầu bằng một canh hát ví như ở ngoài Bắc vậy.
Trong khi làm việc trai gái hát ví với nhau, nhưng các cụ già luôn theo dõi cuộc tranh tài của đôi bên, nhất là các cụ bà, và thỉnh thoảng lại nhắc lời nhắc ý cho con em. Các cụ thường khuyến khích trai gái thương yêu nhau để đi đến những lứa đôi cầm sắt, nhưng trong việc thương yêu, đôi bên đều giữ gìn kính trọng lẫn nhau, và chính các cụ già cũng vừa khuyến khích các cô các cậu nhưng cũng lại canh chừng để giới hạn những cử chỉ yêu thương chỉ ở trong vòng lễ giáo.
Hát ví, trai gái lựa câu để nói với nhau, để giãi bày tâm sự với nhau. Thảng hoặc có chàng trai nghèo, gặp một cô gái nhà giàu kiêu kỳ hợm hĩnh, chàng không ngần ngại gì không nói rõ sự lựa chọn lứa đôi của mình:
Trèo lên cây chuối cao tàu,
Vừa đôi thì lấy ham giàu mần chi?
Cô gái cũng chẳng phải vừa! Chàng trai đã miệt thị sự giàu có, nàng phải cho biết cái giàu là điều vẫn hơn:
Ham giàu răng lại mần chi?
Trâu cày, ruộng cấy, có khi thuê phường.
Thuê phường để phường hát đối đáp cho mà nghe tạo nên cảnh phong lưu vui vẻ.
Thường những câu hát ví Nghệ, Tĩnh xoay quanh câu chuyện yêu đương; giữa trai gái phải có yêu đương, có yêu đương mới nảy trí, có nảy trí lời hát mới hay:
Ba trăm năm nước cũ thanh bình,
Mừng nay gió mát trăng thanh một trời.
Thư hương mừng khách anh tài,
Lạ quen xin có mấy lời chào nhau.
Đó là câu hát lúc mở đầu đôi bên mới gặp nhau. Ý nghĩa câu hát thật là đẹp và tình tứ biết bao, nhất là khi câu hát lại do một thiếu nữ xinh đẹp hát lên.
Và chàng trai cũng đáp lại bằng một câu hết sức lịch sự, vừa nói lên sự hân hoan của mình, lại vừa ngợi khen nhan sắc của người đẹp.
Gặp hồi gió mát trăng trong,
Không đi thì sợ phụ lòng Hằng Nga.
Hữu tình ta lại gặp ta,
Biết nhau một tiếng đã là biết nhau!
Đã lịch sự chưa? Phụ lòng Hằng Nga tức là phụ lòng người đẹp đang đối đáp với mình, và người đẹp khả dĩ sánh với Hằng Nga.
Nhiều khi trai gái mới gặp gỡ nhau trong buổi hát đầu tiên, cô gái thấy chàng trai hướng tới mình nhưng không biết chàng trai đã có nơi chốn nào chưa. Cô kín đáo hỏi thăm qua câu hát:
Biết nhau biết tự buổi đầu,
Còn e núi thẳm sông sâu thế nào?
Trăm năm chút phận má đào,
Chín khôn một dại làm sao cho tròn!
Lẽ tất nhiên, nếu chàng trai thật lòng thương yêu cô gái, chàng cho cô gái biết tình trạng gia đình của mình:
Sách đèn chăm phận nam nhi,
Đại khoa trước đã, lo gì tiểu khoa.
Cầu Ô đợi bến Ngân Hà,
Ngư cầu gieo lá mới là đêm nay.
Trong những buổi hát, có những chàng trai than thở về mối tình bị chia cắt:
Chim bay về núi tối rồi,
Gửi thư, thư chậm, gửi lời, lời quên.
Cũng như hát ví miền Bắc, mọi trạng thái tâm hồn đều có những câu hát để phô diễn.
Nhắc lại mối tình xưa chăng? Họ sẽ hát:
Nghe tin em đã có con bồng,
Anh cho riêng đồng bạc, đúc chiếc đồng cháu đeo.
Để mỉa mai ai họ sẽ hát:
Hoa thơm mất nhụy đi rồi,
Về tô màu thuốc lại bán cho người đường xa.
Để diễn tả một ý chí vững mạnh họ sẽ hát:
Hoa tàn bướm hãy còn xinh,
Chợ tan mặc chợ, quán với đình cứ nghiêm.
Câu hát biến diễn theo mọi hoàn cảnh. Trước đây trong Văn hóa Nguyệt san số 69, xuất bản tháng 3 năm 1962, các tác giả Hoàng Diệp và Thiết Mai có nhắc đến câu chuyện cụ Phan Bội Châu trong một cuộc hát ví được một cô gái quê hỏi thăm một cách rất tài tình:
Vấn quân hà tính, hà danh?
Hà châu, hà quận? Niên canh kỷ hà?
Câu hát chỉ có 14 chữ, lại toàn chữ Hán, mà hỏi được tới năm điều. Câu hát sau này đã được dịch Nôm:
Hỏi anh tên họ là gì?
Quận châu nào tới, tuổi là bao nhiêu?
Cụ Phan đã trả lời câu hát trên và hát đáp:
Trước Lãm Thúy, sau Hồng Sơn,
Nhà nào đọc sách gảy đàn nhà anh.
Qua câu trả lời, cụ Phan đã trả lời để trả lời chứ so sánh câu hỏi với câu đáp, ta thấy câu đáp không sát với ý nghĩa câu hỏi tài tình và lém lỉnh trên, đấy không kể cụ đã dùng Nôm để đáp một câu Hán. Dù sao câu đáp cũng đã nói lên tính tình hào hoa phong nhã và chí khí can trường của một kẻ sĩ đất Lãm Thúy Hồng Sơn.
Hát ví Nghệ Tĩnh, ngoài những câu hát trao tình, và những câu hát nói lên tâm trạng của trai gái, còn có những câu hát đố rất khéo léo, đôi khi đến hiểm hóc, với những câu trả lời thật hay và thật tài nói lên sự ứng đối lanh lẹ của nam nữ ca hát.
Dưới đây là những câu thách lời đối đã được tác giả nhắc tới trên sách báo 3.
Thách:
Ai xô ông Tể mà ông Tể Ngã,
Ai lôi ông Phàn mà ông Phàn Trì? 4
Chàng mà đối được gái nữ nhi theo về.
Đối:
Ai đạp ông Cô mà ông Cô Trúc?
Ai đơm Vua Vũ mà Vua Vũ Vương? 5
Anh đã đối được hỏi nàng tính răng?
Thách:
Cô Xuân đi chợ Hạ,
Mua cá Thu về chợ hãy còn Đông.
Trai nam nhi đối được, gái má hồng xin theo.
Đối:
Anh ở bên Nam sang bán hàng thuốc Bắc,
Chữa con gái Đông phòng cảm bệnh miền Tây.
Ông Tơ Hồng, bà Nguyệt Lão như anh sang đây kết duyên.
Thách:
Chi là trưng, chi là đó, chi là đi.
Rượu bồ đào anh không uống, anh uống gì mà say?
Đối:
Trung là trung, trung là trữa (giữa).
Xích xuống tí nữa thì trung là ngay.
Anh không say vì rượu mà nghỉ say ngãi nàng.
Trên đây là một số câu thách và đối, còn nhiều câu khác với lối chơi chữ tương tự. Cũng có một số câu cho đến ngày nay vẫn chưa có người đối được đến nơi đến chốn.
Chữ rằng: Nhật nguyệt tịnh minh
Ngày Nghiêu tháng Thuấn, hội thái bình âu ca
Câu này khó đối bởi hai chữ nhật (), nguyệt () ghép lại thành chữ minh (). Nhật là mặt trời, nguyệt là mặt trăng, minh là sáng. Nhật nguyệt tịnh minh là mặt trời mặt trăng đều sáng, song nhật nguyệt lại có nghĩa là ngày tháng. Ngày Nghiêu tháng Thuấn chỉ sự thái bình.
Cha con thầy thuốc về làng,
Gánh một gánh hồi hương phụ tử, thiếp hỏi chàng đối chi?
Hồi hương là về làng, phụ tử là cha con, nhưng hồi hương và phụ tử lại là tên hai vị thuốc Bắc.
Nồi đồng ba nấu cháo ba ba,
Tam tam nhi cửu, hỏi anh đà chín chưa?
Mấy câu trên là những câu khó đối, và lối thách đấu văn tự này thường chỉ những người có đôi chút học thức mới đem ra thử tài nhau, còn giới bình dân họ có những câu đối giản dị và bình dân hơn, đối đáp ý nghĩa ở ngay nếp sống hằng ngày, tuy vậy cũng không phải là không tế nhị và không tài tình. Ta hãy thử nghe câu đối hỏi chú thợ cày:
Bây giờ hỏi thật chú cày,
Một trăm gánh lúa được mấy tay mấy gồi?
Đố:
Hai tay úp lại một bàn,
Một trăm gánh lúa được sáu ngàn tư tay.
Nghe tuy giản dị nhưng câu hỏi thật khó, và câu đáp thật rành. Theo cách gặt lúa vùng Nghệ, Tĩnh hễ gặt đầy trong nắm tay là một tay, hai tay nhập là một gồi, bốn gồi là một lượm, bốn lượm bó lại thành một bó, hai bó là một gánh, mỗi gánh lúa có 32 gồi tức là 64 tay, một trăm gánh là 6400 tay hoặc 3200 gồi.
Và sau đây là mấy câu đố khác:
Đố:
Anh muốn hỏi em một lời,
Mặt trời ở đó, trốc (đầu) trời ở mô?
Đáp:
Anh về van đất, ấy ơi,
Ra đây em chỉ trốc trời cho anh.
Đố:
Nghe tin em buôn bán tài tình,
Hỏi em con cá rô mấy vảy, con cá kình mấy xương?
Đáp:
Anh về đếm mạ giữa nương,
Đếm người giữa chợ, thì em mới đếm được mấy xương con cá kình.
Những câu đối đáp trong hát ví Nghệ, Tĩnh thường gần với nếp sống hằng ngày, và cũng luôn luôn thay đổi theo trường hợp của từng người hát.
Thách thức nhau, đối đáp với nhau nhiều khi còn có những câu châm chọc nhau hoặc moi móc nết xấu hoặc hoàn cảnh của nhau, tương tự như các lối dân ca khác ở khắp Bắc, Trung, Nam.
Hát ví Nghệ, Tĩnh là một thú của dân quê, rất tiếc ngày nay không còn nữa. Hát ví vùng này đã mất, chính quyền miền Bắc bao giờ cũng chủ trương biến hóa cho đến suy tàn tất cả những cái gì còn đượm dân tộc tính và thay thế vào lối hát cổ truyền này, phải chăng là những lối hát mới tuy không hợp với tinh thần người Việt nhưng đã được chính quyền cổ võ và ép buộc người dân phải theo.
Văn minh Đông Á trời thu sạch,
Này lúc cương thường đảo ngược ru!
Thi sĩ Tản Đà là một nhà tiên tri khi sáng tác hai câu thơ trên! Ngày nay cương thường thật là đảo ngược ở miền Bắc, và ở miền Nam người ta cũng đang lo sự suy đồi của văn hóa vì đụng chạm với những sản phẩm ngoại lai!
Hát quan họ
Hát quan họ là một lối hát trao tình đặc biệt của mấy huyện Tiên Du, Võ Giàng, Yên Phong tỉnh Bắc Ninh và huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang.
Tương truyền rằng hát quan họ có từ đời nhà Lê và người đặt ra lối hát này là Hiếu Trung Hầu tên húy là Diễn làm quan dưới triều vua Lê Cảnh Hưng. Xuất thân Hiếu Trung Hầu là hoạn quan, sau được thăng Thanh Hoa Trấn dốc đồng.
Hiếu Trung Hầu quê ở xã Lũng Giang, tổng Nội Duệ, huyện Tiên Du, trấn Kinh Bắc. Ngoài không có con và khi chết ngài bầu hậu hàng Tổng và hàng năm tổng Nội Duệ mở hội để kỷ niệm ngài tại Đồi Lim tức là Hồng Vân Sơn.
Hiếu Trung Hầu lúc về già, đặt ra lối hát quan họ để mua vui.
Đây là một lối hát đối đáp giữa hai bên trai gái, qua những câu hát nam nữ tỏ tình với nhau. Lời hát đôi khi thật văn chương bóng bẩy, đôi khi thật thắm thiết nồng nàn.
Hát quan họ, trai gái đối đáp với nhau không cần tới âm nhạc đệm, nhưng nếu có nhạc càng hay. Trường hợp có nhạc đệm rất hiếm, và thường chỉ thấy trong buổi hát thờ ở các đình làng.
Hát quan họ phải hát giọng đôi, hai người chầu miệng vào cùng nhau hát, hai giọng luyện với nhau, tiếng ngân vang vang vút, tiếng trầm êm ái như ru.
Hát quan họ có nhiều giọng, nhưng có ba giọng chính các nam nữ thanh niên vẫn dùng để đối đáp trong những ngày hội. Ba giọng đó là:
Giọng Sổng - Dùng để dạo giọng lúc bắt đầu hát. Giọng Sổng ngân vút cao nghe đầm ấm nồng nàn. Đây là giai đoạn đôi bên trai gái dò xét ướm hỏi lòng nhau:
Hôm nay tứ hải giao tình,
Tuy rằng bốn bể nhưng sinh một nhà.
Số anh phải lấy vợ xa,
Số em không lấy chồng nhà được đâu.
Đã chót yêu nhau, lấy nhau cho được,
Bõ lòng này rày ước ao mai!
Trên đây là một câu hát giọng Sổng. Lúc hát lên những khúc đệm ý a, ý á hoặc ới ư... hoặc những tiếng láy đi láy lại để câu hát ăn với âm thanh, âm thanh ăn với giọng hát.
Những câu hát Sổng có thể dùng cho bên nam, bên nữ cũng được, lúc hát lên bên đương sự chỉ cần đổi một vài chữ trong câu hát cho hợp với mình.

Giọng Vặt - Sau khi đôi bên dạo giọng bằng một vài câu hát Sổng là những câu hát Vặt để đôi bên gắn bó với nhau. Nếu giọng Sổng chỉ có một giọng thì giọng Vặt lại gồm nhiều giọng: giọng buồn, giọng vui, giọng cao, giọng thấp, giọng ngắn, giọng dài. Chính vì vậy mà gọi là giọng Vặt, giọng Vặt không đồng nhất. Có khi giọng hát bắt chước tiếng đàn với những lời đệm tình tang, tang tính, có khi giọng hát bắt chước tiếng chim líu lo nhưng nồng nàn, có khi bắt chước tiếng run để nghe buồn rầu ảo não. Giọng Vặt cần thay đổi mới nói lên đủ tình tiết yêu thương của đôi bên nam nữ.
Những câu hát giọng Vặt thường có hai câu để hai bên đối nhau, bên nọ hát lên, bên kia xướng lại dù bên hát trước là nam hay nữ. Cũng như những câu hát giọng Sổng, mỗi câu hát đều có thể dùng được cho cả đôi bên nam nữ chỉ cần thay đổi một đôi chữ trong câu hát để cho hợp với người hát:
Nam:
Ngồi tựa vườn đào,
Thấy người thục nữ ra vào lòng những vấn vương.
Gió lạnh đêm trường,
Nửa chăn để đó, nửa giường để đó chờ ai.
So chữ sắc tài,
Có công gắn bó ai người phụ nghĩa quên công.
Nên chăng đấy vợ đây chồng!
Nữ:
Ngồi tựa vườn đào,
Thấy người bạn ngọc ra vào lòng những vẩn vơ.
Tháng đợi năm chờ,
Yêu nhau chớ để hững hờ với khách tài hoa.
Khấn nguyệt trăng già,
Duyên tơ se lại một nhà đầm ấm yên vui.
Nguyệt lặng sao rời,
Bỏ công gắn bỏ, bỏ lời gắn bó giao đoan.
Nên chẳng tình Tấn duyên Tần!
Dưới đây xin thêm hai câu hát giọng Vặt khác đối nhau.
Nam:
Con chim bồ câu,
Nó liệng thấp nó lại liệng cao,
Liệng qua cửa phủ liệng vào trong dinh.
Ngọn đèn khơi ngọn tam tinh,
Khơi lên cho tỏ ta nhìn mặt nhau.
Nhìn người chẳng dám nhìn lâu,
Nhìn qua thấy mặt chịu sầu thiết tha!
Nào lời tôi dặn hôm qua?
Có nhớ những lời tôi dặn hôm qua?
Nữ:
Con chim bồ câu,
Nó liệng thấp nó lại liệng cao,
Liệng qua cửa phủ liệng vào trong kho.
Ngọn đèn chịu gió phất phơ,
Nào lời tôi hẹn bây giờ là đâu?
Khơi đèn nhìn mặt thêm sầu,
Khơi đèn nhìn mặt thêm đau tấc lòng!
Phụ tình ao ước chờ mong,
Trách ai đã phụ tình ao ước chờ mong!
Trong giọng Vặt có cả giọng ngâm thơ. Đấy là những bài thơ nói lên tình yêu của trai gái:
Biết chăng, chàng biết hỡi tri âm?
Vấn vít con tơ vận ruột tầm.
Khắc khoải sầu tuôn, lòng tựa bể,
Bồi hồi dạ nhớ tháng như năm.
Chăn loan bên đáp bên chờ đợi,
Chiếu nguyệt nửa nằm, nửa biếng thăm.
Một bức tình thư đưa nhạn gửi,
Thấu tình chăng hỡi bạn tri âm?
Giọng Bỉ - Trai gái quan họ dạo giọng bằng giọng Sổng, gắn bó với nhau bằng giọng Vặt và để chia tay nhau họ dùng giọng Bỉ, hoặc gọi là giọng Vỉ.
Giọng Bỉ ngân dài, nói lên sự chua sót của phân ly, sự luyến tiếc của ngày mau tàn, nhất là khi gặp nhau ở những đám hội phải chia tay từ giã nhau.
Bây giờ giáp mặt đinh ninh
Xa xôi ai có thấu tình ai chăng?
Hay là người đã nghe ai?
Thả chông đường nghĩa rắp gai lối tình!
Nội dung câu hát giọng Bỉ thường là căn dặn nhau, bảo nhau nhớ lấy những lời hẹn ước, đừng vì khuất mặt xa lời mà quên nhau.
Tuy ba giọng hát là ba thời kỳ của buổi hát, gặp gỡ, gắn bó, và giã từ nhưng nhiều khi hát sang giọng Bỉ rồi, có những đám quan họ lại trở lại hát giọng Vặt nhưng cố níu lấy sự lưu luyến của trai gái đang tuổi yêu đương. Giọng Vặt một đôi câu rồi họ lại chuyển sang giọng Bỉ để từ biệt và hẹn hò nhau.
Năm giọng trên
Ngoài ba giọng chính trên, quan họ còn có năm giọng gọi là năm giọng trên. Năm giọng này chỉ hát tới những ghi hát giải. Năm giọng đó có những tên nghe thật kỳ khôi: Đường bạn, Lên núi, Xuống sông, Hừ la, và Tình tang.
Đường bạn - Giọng gắn bó keo sơn với những lời hát rất tình tứ.
Lên núi - Giọng hát khi hát lên, người nghe có cảm giác như thấy một đoàn người reo hò cùng nhau lên núi. Câu hát lối thứ tự. Rất tiếc kẻ nào viết bài này lâu ngày không còn nhớ được câu nào.
Xuống sông - Cũng như giọng lên núi, khi hát lên người nghe có cảm giác như một đoàn người đang bước xuống kín nước ở dòng sông.
Hừ la - Tên thật kỳ khôi với những bài hát giọng kéo dài đặc biệt.
Tình tang - Cũng như giọng Hừ la, lúc hát câu hát được đệm bằng những tiếng Tình tang.
Năm giọng trên của quan họ chỉ người hát giỏi mới hát nổi, vừa tốn hơi tốn sức, lại phải diễn tả cho đúng điệu của mỗi giọng.
Nguồn gốc của tục hát quan họ
Như trên đã nói, theo tương truyền thì tục hát quan họ do Hiếu Trung Hầu đặt ra để mua vui lúc tuổi già. Vốn là một hoạn quan không có con cái, Hầu đã phó thác sự cúng giỗ của mình sau khi nhắm mắt cho dân chúng tổng Nội Duệ, nhưng trong tuổi già sống không con trơ trọi, ngày tháng nặng nề, Hầu tìm cái vui trong cái vui của đàn trẻ trong thôn xã, trong hàng tổng.
Dựa theo lối hát ví của vùng Kinh Bắc tức là Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay. Hầu đặt ra lối hát quan họ thay cho hát ví, vì hát ví bao giờ cũng chỉ có một giọng đều đều kém linh động, kém tình tiết, kém cả nồng nàn trong lối diễn tả. Vốn đã được hầu hạ nhà vua trong cung cấm, Hầu căn cứ vào những điệu nhạc khi vui khi buồn, khi đầm ấm, khi dằn dỗi để đặt ra lối hát quan họ với những giọng hát đúng tình cảm từ lúc trai gái mới gặp nhau, qua thời kỳ gắn bó cho tới khi từ giã tượng trưng bởi ba giọng chính: Sổng, Vặt, Bỉ.
Lúc mới sơ khởi, Hầu có ban nhạc cho hòa theo các giọng hát nhưng về sau trong thôn quê, không phải lúc nào cũng sẵn nhạc, nên dân chúng gặp gỡ nhau là hát theo những giọng Hầu đã đặt ra. Thay vì nhạc đệm, họ hát giọng đôi để tránh sự trơ trẽn của giọng đơn ca, để người ca giọng ấm có thể dìu dắt người còn non giọng. Hát quan họ, lúc đầu chỉ có mấy xã thuộc tổng Nội Duệ như Lũng Giang, Lũng Sơn, Duệ Đông v.v... nhưng dần dần, dân chúng vùng lân cận thấy hay đều cùng nhau tập hát. Cho tới thời tiền chiến, tục hát quan họ này lan suốt nhiều xã thuộc hai huyện Tiên Du và Võ Giàng tỉnh Bắc Ninh, và còn lan tràn sang một số các xã tỉnh Bắc Giang ở bên kia sông Cầu như Mật Ninh, Nội Ninh v.v...
Mùa quan họ
Chính ra, trai gái quan họ có thể hát với nhau quanh năm, bất cứ vào lúc nào. Nhưng đời sống nông dân bận lam lũ làm ăn, nên quanh năm nếu có hát quan họ, chỉ có hát lẻ tẻ, mà hát lẻ tẻ thì lối hát ví thích hợp với đồng quê hơn. Bởi vậy quan họ chỉ được hát trong những dịp lễ bái quan trọng hoặc trong những dịp khao cưới ở các tư gia.
Mùa Xuân là mùa hội hè lễ bái, dân quê nhân vụ chiêm vừa cấy xong, vụ gặt chưa tới, làng làng đua nhau mở hội và nam nữ thanh niên họp nhau thành từng bọn rủ nhau đi hát quan họ.
Mùa quan họ tới với mùa Xuân tưng bừng, tới với lòng hân hoan của những chàng trai cũng như của những cô thôn nữ nụ cười nhí nhảnh, yếm thắm thắt lưng điều.
Sau ba ngày Tết, từ ngày mồng bốn đã có làng mở hội, như làng Hữu Thấp huyện Võ Giàng tỉnh Bắc Ninh. Trai gái quan họ từ các làng kéo nhau tới.
Thường họ tới hội vào lúc quá trưa, và họ hát cùng nhau cho tới tối. Lúc ra về họ lại hẹn hò nhau tới các hội khác.
Suốt ba tháng Xuân, có hội ở làng nào đều có trai gái quan họ kéo nhau tới hát.
Cuối Xuân hội bắt đầu thưa dần, công việc nhà nông lại bắt đầu vất vả vì sửa soạn cho vụ gặt chiêm hoặc vì dỡ hoa màu phụ.
Rỗi rãi, họ hát chơi xuân, bắt đầu có công việc, họ bắt đầu làm việc trở lại và ghi nhớ những kỷ niệm ca hát của ngày xuân. Những cuộc gặp gỡ mùa xuân đã từng tạo nên những lứa đôi đầy hạnh phúc.
Tại sao lại gọi hát quan họ
Tại sao giọng hát này lại gọi là hát quan họ? Về điểm này, trước đây đã nhiều người giải thích trong số đó có cả nhạc sĩ Phạm Duy. Mọi người đều cho rằng vì sự kính trọng bọn người cùng hát với mình nên dùng tiếng quan để xưng hô, còn họ tức là ý nói một bọn đông. Quan họ là một bọn nhiều người được sự tôn trọng của những người khác. Hát quan họ tức là lối hát của những người này.
Tôi đã được dịp hỏi người dân xã Lũng Giang, các cụ già nơi đây đã trả lời:
Ta gọi nó là hát quan họ thì là hát quan họ. Chính chúng tôi ở nơi đây cũng không hiểu tại sao lại có danh từ này. Theo các cụ chúng tôi truyền lại thì đầu tiên những người hát là thân nhân họ hàng quan Hầu được ngài dạy cho trước. Quan họ là những người có họ hàng với Quan Hầu, và hát quan họ là lối hát của Quan Hầu tập cho những người này đầu tiên.
Lời giải thích xét ra rất có lý, vì lúc đầu truyền giọng hát mới, Hiếu Trung Hầu tất nhiên phải truyền cho con cháu trước rồi sau đó mới do con cháu truyền cho người ngoài.
Trong khi chưa ai biết đích xác tại sao lại gọi là hát quan họ, thiết tưởng nên chấp nhận lời giải thích của các cụ làng Lũng Giang, nơi có đồi Lim và có thể là quê tổ của tục hát quan họ.
Một bọn quan họ
Trai gái quan họ đi hội, họ họp nhau thành từng bọn để thay phiên nhau hát. Trai cũng như gái, một bọn quan họ gồm ít nhất năm người, do một người dẫn đầu, lo việc mời mọc bạn hát, hoặc quyết định những điều liên quan tới cả bọn. Người này các quan họ tôn là anh Hai hoặc chị Hai.
Sau đó là các anh chị Ba, Tư, Năm, và Sáu.
Nếu bọn quan họ có sáu người, ngoài anh Tư hoặc chị Tư còn có anh hoặc chị Bốn, không có anh Cả hoặc chị Cả như hát ví.
Một bọn quan họ bao giờ cũng gồm toàn những người cùng một làng, để còn đối đáp hát với trai gái làng khác. Trai gái cùng làng không cùng hát với nhau ở ngày hội.
Họ có thể hát tập hát chơi với nhau trong làng, nhưng đã đến hội bao giờ họ cũng tìm các bọn quan họ thiên hạ để mời hát, như vậy vừa được dịp tỏ tài năng nêu danh tiếng cho làng mình, vừa được hát thẳng cánh không nể nang gì.
Tại các hội Xuân, trai gái quan họ trông thấy bọn quan họ ở làng nào là nhận ra họ ngay. Mỗi bọn đều có một đặc điểm riêng, khi đứng hát với nhau hoặc những khi hát với các bạn.
Mời hát ở hội
Đi tới hội, các bọn trai gái quan họ sau khi lễ Phật hay lễ Thần, tùy theo hội chùa hay hội đình, cùng nhau đứng ở quanh nơi địa điểm hội, ở sân đình, ở trước chùa, ở những thửa ruộng khô quanh đình làng. Họ chờ các bọn khác mời hát hoặc họ đang tìm kiếm một bọn hát để mời hát. Trong lúc đó họ có thể xem những trò vui khác ở hội như đánh đu, đánh cờ, chơi tổ tôm điếm v.v...
Khi một bọn quan họ thấy một bọn quan họ khác, nếu là bạn quen biết vẫn thường hát trong các hội khác thì dễ dàng lắm. Họ chào nhau, rồi mặc nhiên như đã hẹn hò trước, họ cùng nhau hát cầu vui sau khi đã mời nhau trầu nước.
Bọn trai bảo bọn gái:
- Liền chị hôm nay đã đến đây, chắc liền chị vui lòng cho liền em hầu tiếp mấy câu.
Thế là bọn gái nhận lời:
- Liền anh đã không chê chúng em hát kém, xin liền anh cho chúng em theo.
Xưng hô với nhau, các bọn nam nữ quan họ thật là khiêm tốn. Họ tôn nhau là liền anh và liền chị, bao giờ cũng tự xin mình là liền em.
Và họ cũng rất là nhún nhường lịch sự: khi họ nói xin liền anh cho chúng em theo là ý họ muốn bên nam hát trước. Bên nam lẽ tất nhiên cũng phải lịch sự khiêm tốn:
- Liền em chỉ biết những chợ gần, liền chị đã đi chợ xa, xin liền chị cho liền em theo.
Câu nói trên của bên nam thật hết sức nhũn nhặn và tôn trọng bên nữ. Khi họ nói chỉ biết những chợ gần là ý muốn nói họ biết ít câu hát, chỉ hát được những câu hát dễ giọng thường, và khi họ nói liền chị đã đi chợ xa là ý muốn đề cao các bạn nữ biết nhiều câu hát.
Rút cuộc thường thường bọn nữ hát trước, bọn nam hát sau.
Có những trường hợp có một bọn quan họ nam hoặc nữ tới hội nhưng không gặp những bạn hát quen, chỉ toàn những bọn lạ. Như vậy họ không hát chăng? Có chứ, đã đi đến hội phải hát, không được hát họ thấy ngứa cổ làm sao, và họ bịn rịn vô cùng nếu phải về không. Họ ngắm những bọn lạ, rồi họ mời, có khi nam mời nữ cũng có khi nữ mời nam.
Một bọn nam chờ ở hội đã lâu không gặp bạn quen giờ thấy một bọn nữ họ liền mời. Thấy nhau họ biết nhau ngay đó là một bọn quan họ. Họ biết qua nhân số năm hoặc sáu người, và đi hội nhiều, mắt họ nhìn quen, họ nhận ra ngay đó là một bọn quan họ.
Họ mang trầu tới mời. Đi hội, các bọn quan họ thường có sẵn bọc trầu để mời hát. Miếng trầu là đầu câu hát! Có những bọn quan họ lịch sự, họ không mang trầu ở nhà đi, họ lấy ngay những cơi trầu các hàng nước bán trong ngày hội mời các bạn hát. Bạn hát dùng bao nhiêu họ sẽ trả tiền nhà hàng.
Họ mang cơi trầu tới trước bọn mà họ đoán là bọn quan họ. Họ mời:
- Mời liền chị xơi trầu! Nhất niên nhất lệ, hôm đây dân làng đây mở hội, gặp liền chị, xin liền chị cho liền em được hầu tiếp ca mấy câu mừng xuân.
Lẽ tất nhiên bọn con gái chối từ nói là không biết hát. Bọn trai sẽ năn nỉ:
- Vui xuân, liền chị biết chợ xa thì đi chợ xa, không biết chợ xa thì đi chợ gần.
Bọn gái lúc đầu từ chối nhưng về sau cũng nhận lời. Cũng có khi bọn gái từ chối hẳn vì họ đã có hẹn với một bọn trai khác. Họ sẽ trả lời thẳng thắn:
- Chúng em xin cảm ơn liền anh. Nhưng thú thực hôm nay chúng em đã có hẹn, xin hẹn với liền anh hội khác.
Có thể các cô đưa ra đề nghị để gặp bọn trai ở hội nào ngày hôm sau hay một ngày gần đó.
Đối với những bọn liền chị đã có hẹn trước như vậy, lẽ tất nhiên các liền anh không thể cố mời được và đành nhận sự hẹn hò một ngày gặp gỡ mai đây.
Hát ở hội
Bạn hát gặp nhau, cũng như hai bọn quan họ mới tiếp xúc lần đầu, sau khi chào mời và nhận trầu của nhau, họ bắt đầu hát, bên nào hát trước tùy theo sự thỏa thuận của đôi bên như trên đã trình bày.
Họ hát với nhau qua các giọng Sổng, Vặt và Bỉ.
Họ hát giọng đôi. Bọn gái thường lấy nón che gió để giọng đỡ văng, hát đỡ mệt. Bên nọ hát một câu, bên kia đáp lại.
Trong lúc hát, qua mỗi đoạn, họ lại dùng mấy tiếng gọi nhau như để nói hết tâm tình qua lời ca. Họ nhắc anh Hai ơi, anh Ba ơi... chị Hai ơi, chị Ba ơi... cho đến anh Sáu ơi, chị Sáu ơi, rồi họ lại gọi trở lại anh Hai, chị Hai nếu câu hát quá dài.
Ngồi rằng ngồi tựa vườn đào,
Thấy người thục nữ ra vào lòng những vấn vương.
Chị Hai ơi!
Gió rằng gió lạnh đêm trường,
Nửa chăn để đó, nửa giường để đó chờ ai.
Chị Ba ơi!
So rằng chữ sắc chữ tài,
Có công gắn bó ai người phụ nghĩa quên công.
Chị Tư ơi!
Họ hát với nhau ở bờ ruộng trước cửa chùa, ở bên đường cạnh đình làng, họ hát với nhau ở trên đồi như ở hội Lim.
Họ xúm nhau nhập thành một bọn, mải mê hát với nhau mặc cho thời gian trôi qua, mặc cho những ai đi xem có đứng quanh họ để thưởng thức lời ca câu hát của họ. Họ không biết tới ngoại cảnh, đôi bên họ chỉ biết hát với nhau. Mùa Xuân gió tuy lạnh nhưng lòng họ đang xuân!
Chỗ này một đám hát, chỗ kia một đám hát! Bao nhiêu những câu hát tình tứ nồng nàn, bao nhiêu những lời hứa hẹn ái ân! Nhiều cuộc trăm năm đã bắt đầu ở nơi đây qua những câu hát đằm thắm yêu đương.
Thường họ đến hội khi lúc quá trưa như trên đã nói và họ bắt đầu hát vào khoảng giờ Mùi. Họ hát với nhau cho tới lúc bóng chiều đổ xuống mới chia tay. Có khi cùng về một đường, họ tiếp tục cuộc hát trên đường về. Bọn họ khi đi theo đường đê, giọng hát văng vẳng rất xa, nghe rất du dương. Những lúc chia tay này, bao nhiêu câu hát hay đầy luyến ai họ đều đem ra hát với nhau, và lúc này họ không cần phải chọn câu đối cho xứng với câu xướng của bọn hát mà họ chỉ cần hát để nói lên sự cảm mến nhau.
Gió Xuân miền Bắc lạnh, nhưng họ không thấy lạnh, những câu hát đã khiến cho lòng họ ấm áp.
Họ tiễn đưa nhau đến cổng làng mới chia tay và họ còn hẹn nhau gặp gỡ ở những ngày hội mấy hôm sau. Có những bọn hát họ hát với nhau hết xuân này qua xuân khác và nhiều lứa đôi tốt đẹp đã nên duyên nhờ những khúc hát hội xuân!
Mời bạn hát tới nhà hát trắng đêm
Có nhiều bọn quan họ, tuy đã hát ở hội và trên đường về với một bọn quan họ bạn, đến lúc chia tay vẫn còn bịn rịn không muốn mỗi bọn về một nẻo. Họ đề nghị mời nhau về làng họ rồi hát suốt đêm.
Đọc đến đây, các bạn sẽ mỉm cười, sao họ say nhau quá vậy? Thật họ quả có say nhau, vì phần nhiều trai gái quan họ đều là những người mới lớn chưa lập gia đình. Như vậy gặp nhau, gần nhau, hát tặng nhau toàn những lời ca đầy tình tứ, làm sao họ khỏi say nhau. Say nhau, họ không muốn bỏ dở cuộc hát, họ cần hát cho thật thỏa, thật đã, như vậy họ mời nhau về làng để hát mua vui một canh có sao!
Có khi bọn quan họ trai mời bọn quan họ gái, và có khi bọn quan họ gái mời bọn quan họ trai. Thường khi, hai bọn mới gặp nhau đã say nhau lời hát, bọn gái vẫn mời bọn con trai về làng. Tại sao vậy? Xin thưa: bọn trai ngủ đêm ở một làng lạ không sao, còn bọn gái trước khi ngủ đêm tại xã nào cần phải được phụ huynh biết trước và cho phép.
Khi một bọn gái mời một bọn trai về làng, họ phải trình với phụ huynh và bọn hát bạn này thường được tiếp ở nhà chị Hai.
Tục lệ quan họ lạ lắm! Bọn quan họ trai tuy do bọn gái mời tới làng được phụ huynh bọn gái tiếp đãi rất long trọng. Cha mẹ các cô gái tỏ ra rất quý mến những chàng trai. Những chàng trai này được mời lên nhà trên, ngồi một bên, còn các cô gái ngồi mé bên kia, nghĩa là hai bọn ngồi hai gian bên giường thờ. Đôi bên lại tiếp tục hát, trong khi đó người làng các cô gái kéo nhau tới nghe hát và xem mặt liền anh.
Đôi bên sẽ hát với nhau trắng đêm!
Họ hát quên ăn chăng? Không, bọn quan họ trai được tiếp đãi lịch sự với cơm nước thịnh soạn. Các cô gái đã góp tiền nhau để làm cơm mời liền anh. Lẽ tất nhiên liền anh xơi cơm bên này liền chị cũng xơi cơm ở mé bên kia, và hai mâm đều có vẻ như hai mâm cỗ xuân.
Lần này liền chị mời liền anh, một bữa khác, liền anh sẽ xin phép phụ huynh liền chị để mời lại. Trong khi liền anh tới làng liền chị các trai làng không hề tỏ vẻ ghen tương mà còn tỏ rất nhiều thiện cảm với liền anh là khác.
Không nói chi trai làng, nếu cô gái quan họ có chồng, chồng họ cũng không ghen; và chính họ cũng không nhận là vợ e liền anh mất cảm tình, họ chỉ bảo đó là cháy hay họ hàng gì đó thôi! Trường hợp này rất ít vì các cô gái đã lập gia đình rồi thường giữ ý không đi hát hội như khi còn son trẻ nữa!
Đã có lần, có một chị Hai có chồng đứng đầu một bọn quan họ nữ. Bọn này mời bọn quan họ nam tới làng, và chị Hai phải lo việc đăng cai, chính chồng chị đã thân hành làm cơm để mời liền anh.
Sau bữa cơm, hai bên liền anh và liền chị cùng nhau tiếp tục cuộc hát cho tới tang tảng sáng. Liền anh ra về, liền chị đưa tới tận cổng làng, và cũng có nhiều anh chị em của liền chị đưa chân theo.
Khi một bọn quan họ nam mời một bọn quan họ nữ tới hát đêm thì cũng vậy, cũng cơm nước và cũng có người làng tới xem mặt liền chị và cũng tiễn đưa lúc sáng ngày.
Đừng ai có ý nghĩ xấu với họ! Họ tiếp nhau suốt đêm chỉ bằng câu hát, và không có chuyện trên bọc trong dâu!
Hát giải
Từ trên, tôi mới chỉ trình bày về những cuộc hát vui xuân, ở hội cũng như ở nhà. Hát quan họ có những cuộc thi đua lấy giải rất gay go.
Tại nhiều hội xuân tại các vùng quan họ, ngoài các cuộc vui như đánh đu, đánh cờ... còn có treo giải hát quan họ. Thường có ba giải, và giải thưởng thường gồm trà, pháo, khăn điều, đôi khi có thêm tiền.
Giải quan họ được treo suốt ngày hội để các bọn quan họ các nơi có thì giờ tới dự.
Hát quan họ giải thường hát ở hành lang đình.
Giải thưởng đặt ở trên một án thư, hai bên là hai chiếc tràng kỷ, dành cho hai bên dự giải, một bên Nam, một bên Nữ.
Trên án thư, về mé bên nữ có úp 10 chiếc chén và mé bên nam có 6 chiếc. Mỗi khi bên nào thua, bị lấy đi một chiếc chén. Như vậy, muốn thắng bên nam phải thắng bên nữ mười câu, còn bên nữ chỉ cần thắng bên nam sáu câu là được. Hát được một bọn chưa phải là được, có thể có những bọn khác vào tranh tài. Bọn thắng phải làm sao giữ giải trong suốt thời gian ấn định của hội làng có khi một ngày, có khi ba ngày.
Đôi bên hát giải dưới sự trọng tài của một người cầm trịch. Người cầm trịch là một người hát giỏi biết nhiều giọng, có thể hát lại được những câu hát sai của bên thua.
Muốn vào dự giải, bọn dự thi phải hát qua đủ năm giọng trên cho người cầm trịch nghe. Không hát đủ năm giọng trên không được dự hát giải.
Hát giải quan họ cần phải hát đối, nghĩa là bên hát một câu bên hát sau phải có một câu đối lại, phải đối cả ý lẫn giọng, sai ý hoặc sai giọng đều không đủ. Khi đối giọng phải đối đủ những mạch đệm câu ý a, tình tang tính, hự răng ới hư.
Thí dụ:
Ngồi rằng ngồi tựa có mấy vườn ới ha hạ đào.
Những mạch đệm câu có mấy lời ới ha hạ, cần phải được nhắc lại trong câu hát đối.
Thí dụ trên là đối giọng. Dưới là đối ý:
Ngắm xem duyên số buồn tình,
Muốn lên thượng giới tại thiên đình hỏi số xem chơi
Mướn tàu bay thẳng lên trời,
Sớ tâu trời bảo có người hạ giới kết thân.
Vội vàng hạ máy xuống dần,
Quả nhiên gặp bạn châu trần là đây.
Nên chẳng định liệu một ngày!
Câu hát trên ý thiệt mới, và cũng mới có từ thời Pháp thuộc. Để đối với câu này, giới quan họ gọi là câu Tàu bay, có câu Tàu ngầm như sau:
Ngắm xem duyên số buồn tình,
Tàu ngầm vặn lái đăng trình thẳng tới Thủy cung.
Được vào bệ kiến vua Rồng,
Nhà vua tra sổ phê rằng tốt số nhân duyên.
Vội vàng tàu lái về liền,
Quả nhiên gặp được bạn hiền nơi đây,
Nên chẳng định liệu một ngày!
Khi hai bên dự giải đã hát xong năm câu hát giọng trên và bên nào đã ngồi vào phía bên nấy, người cầm trịch mới gieo âm dương để xem bên nào hát trước.
Có nhiều khi bên Nam nhường cho bên Nữ hát trước mà không cần bói âm dương.
Trong lúc hát thi, dân làng và khách xem hội đứng bu quanh để thưởng thức tài nghệ của đôi bên. Có những trường hợp đôi bên đều hát giỏi, giằng co nhau đến hết hội không bên nào thua, và giải thưởng được chia đôi. Tuy nói là chia đôi nhưng trên thực tế, thường bên nam nhường cho bên nữ.
Để mừng bên thắng cuộc, dân làng đốt bánh pháo. Sau bánh pháo mừng, bọn quan họ thắng giải vào lễ thần tạ ơn trước khi lĩnh giải.
Giải thưởng tuy không đáng là bao, nhưng bọn được giải thực là hãnh diện.
Kết bạn
Đặc biệt nhất trong làng quan họ là tục Kết bạn.
Hai bọn quan họ thuộc hai làng khác nhau, một bọn nam và một bọn nữ, sau khi đã hát với nhau nhiều lần ở nhiều hội xuân và cũng đã mời nhau về để hát đêm nhiều canh, thường kết bạn với nhau.
Kết bạn, nghĩa là đôi bên giao kết chỉ hát với nhau ở hội và không hát với bọn nào khác. Việc kết bạn phải được phụ huynh và hương chức hai làng chấp thuận.
Đôi bên muốn kết bạn với nhau phải trình với phụ huynh và hương chức biết để xin sự đồng ý, nhất là những bọn quan họ nữ, càng cần được sự chấp thuận của dân làng hơn.

Bọn quan họ nam được bọn nữ cho biết hương chức trong làng và phụ huynh của bọn này đã bằng lòng sự kết bạn của họ với bọn nam, và họ mời bọn nam tới ngày hội làng nọ, hoặc nếu ngày hội đã qua rồi thì một ngày sóc vọng, tới yết thần ở đình làng. Bọn nam đến đúng hẹn cùng nhau mua đồ lễ thường gồm hoa quả, trầu cau, trà rượu, đi đến làng bọn nữ. Bọn nữ đợi đón họ cùng với dân làng, đưa họ vào đình trình diện với các hương chức. Giới thiệu xong bọn trai lễ yết thần. Có đốt pháo để mừng sự kết bạn của đôi bên, sau đó đôi bên cùng hát thờ thần.
Kể từ ngày đó, bọn nam được dân làng bọn nữ coi như những người thân của làng xã. Họ quý những chàng trai đó như những rể làng. Mỗi khi làng có công việc gì vui mừng, bọn trai đều được bọn gái mời tới để hát thờ thần và sau đó hát mua vui một vài canh. Lẽ tất nhiên mỗi lần bọn trai tới đều có đồ lễ yết thần, và bọn trai được bọn gái khoản đãi rất thịnh soạn.
Bọn trai đã đến làng bọn gái rồi, một ngày sau bọn gái cũng nhân một ngày lễ thần ở làng bọn trai, tới lễ nơi đây, hát thờ thần và sau đó cùng bọn trai hát một canh để dân làng bọn trai thưởng thức tài nghệ của liền chị. Bọn gái cũng được dân làng bọn trai tiếp đãi quý trọng như những cô dâu làng.
Đôi bên đã kết bạn rồi, khi làng bọn nam có lễ, bọn nam mời là bọn gái tới lễ và hát không cứ trong mùa xuân mà bất cứ dịp nào trong năm. Bọn nam đối với bọn nữ cũng vậy.
Và khi đi hội chỉ có hai bên hát với nhau. Bọn trai hát với một bọn gái khác bọn gái sẽ ghen, và bọn trai cũng sẽ ghen nếu bọn gái kết bạn với mình hát với một bọn trai khác.
Nếu tại một hội nào, vì chờ đợi lâu không thấy bọn kết bạn với mình tới, bọn nam hoặc bọn nữ có một bọn khác mời, lỡ dang hát dở, họ đành phải xin lỗi bọn kia để trở lại hát với bọn kết bạn.
Trai gái quan họ đều biết rõ lệ này, nên khi bọn đang hát với mình xin lỗi vì có bọn kết bạn đã tới, họ liền vui lòng ngừng hát để trả cho hai bọn kết bạn hát với nhau.
Tục kết bạn quan họ gần giống như việc cưới xin giữa hai bọn hát, nhưng chỉ ở trên phương diện ca hát thôi, vì các cô cậu tuy có kết bạn quan họ nhưng vẫn toàn quyền muốn lập gia đình với ai thì tùy.
Nếu một người trong bọn quan họ kết bạn lấy vợ hoặc lấy chồng, bọn kết bạn đều có đồ mừng, và trong dịp này đôi bên thường hát với nhau suốt đêm để mừng cho cô dâu chú rể.
Trong những đám tiệc khao vọng, các bạn quan họ cũng thường được mời tới hát để chúc mừng gia chủ và để mua vui cho dân làng của bạn hát.
Những bọn kết bạn với nhau thường dành cho nhau rất nhiều kỷ niệm. Khi đã lập gia đình không còn đi hát hội nữa, nhắc đến những kỷ niệm cũ là những điều rất thích thú của trai gái đã từng đi hát quan họ. Các bà vợ và các ông chồng không hề bao giờ ghen với các bạn quan họ của chồng hoặc của vợ. Họ đã biết tục lệ, và kết bạn chỉ là kết bạn không là hôn nhân.
Đại để những điểm chính về hát quan họ đã được trình bày. Trong đám cưới, trong đám khao, để mua vui cho quan khách, chủ nhân có khi mời hai bọn quan họ tới hát đối đáp trong đám tiệc. Và có làng trong những dịp hội xuân có mời các bọn quan họ tới hát thờ.
Hát trống quân
Hát trống quân cũng là một lối hát trao tình giữa trai gái. Thường trống quan hay được hát vào dịp Trung thu và hát ngoài trời, dưới trăng.
Hát trống quân có bên nam và bên nữ. Hai bên ngồi đối diện nhau, trống quân lập nên ở giữa.
Trống quân lập rất dễ dàng. Một chiếc thùng chè hay thùng sắt tây, không thì càng tốt, hai chiếc cọc, một dây thừng và một que chống thừng cho căng. Tất cả vật liệu để lập trống quân chỉ có thế, nhưng trong tháng trung thu từ đêm mùng bảy tới đêm mười sáu, trống quân lập nên tại một xóm nào ở làng quê là trai gái trong làng kéo nhau tới hát và nghe hát.
Hai chiếc cọc đóng giữ hai đầu thừng, có khi là một sợi mây; dây thừng bắt qua chiếc thùng nằm vào khoảng giữa hai đầu. Chiếc que chống chiếc thừng trên mặt thùng cho dây thật căng. Dây càng căng, tiếng văng càng dài. Đánh trống quân là một chiếc dùi nhỏ bằng tre. Dùi tre đập vào thừng văng ra những tiếng thình thùng thình.
Tại các làng quê vào dịp Trung thu, trai gái làng quê trước đây thường lập trống quân để hát mua vui với nhau. Có khi là con trai, có khi là con gái. Hát đối đáp là cái thú của trai gái chưa vợ chưa chồng. Một chàng trai đi đến một xóm có lập trống quân. Chàng vào hát nhưng chỉ muốn hát với những gái còn son rỗi. Ngồi xuống đám trống quân, cầm chiếc dùi đánh trống, tiếng thình thùng thình bật ra, chàng bắt đầu ca:
Tháng tám anh đi chơi xuân
Đồn đây có hội trống quân anh vào.
Thình thùng thình!
Trước khi hát anh có lời rao
Không chồng thời vào, có chồng thời ra.
Thình thùng thình!
Có chồng thời tránh cho xa
Không chồng ta sẽ lân la tới gần.
Thình thùng thình!
Tiếng rằng ca hát đối đáp thường dành cho trai gái thanh tân, đôi khi cũng có những người đã thành gia thất nhưng vẫn muốn hát để nhớ lại thuở còn con gái. Các người này cũng lập nên trống quân nhưng chính họ là người hát trước, và họ cũng không giấu gì tình trạng hộ tịch của họ, họ đã có chồng và có cả con:
Trống quân em lập nên đây
Áo vải làm chiếu, khăn quây làm mùng.
Thình thùng thình!
Mua vui với anh trăng trong
Có con cũng hát, có chồng cũng chơi.
Thình thùng thình!
Con thì em mướn vú nuôi
Chồng thì em để hát nơi xóm nhà.
Thình thùng thình!
Với câu hát trên, người hát đã nói rõ tình trạng gia đình của mình, bên Nam ai hứng thì hát, ai không chịu thì đi tìm đám trống quân khác mà hát với các cô thiếu nữ chưa chồng.
Trống quân nhiều khi lập nên, chỉ có một bên nam hoặc nữ. Họ chờ đợi người tới hát. Họ đánh trống và hát một mình để như mời người tới đối đáp.
Trống quân anh đánh nhịp ba
Lúc vào nhịp bảy, lúc ra nhịp mười!
Thình thùng thình!
Hoặc là họ hát những câu bông đùa để khuyến khích những người còn lảng vảng bên ngoài chưa dám ngồi xuống hát. Thường các cô thiếu nữ hay khiêu khích các chàng trai:
Trống quân có đĩa thịt bò
Những anh không vợ đi mò cả đêm!
Thình thùng thình!
Hoặc:
Trống quân, trống quít, trống còi,
Ta chẳng lấy nó, nó đòi lấy ta.
Thình thùng thình!
Những lối hát trống quân
Nếu hát quan họ khi hát có ba giọng chính để đối đáp với nhau thì trống quân chỉ có một giọng, nhưng câu hát lại nhiều, người hát có thể ứng khẩu đặt ra câu hát được.
Hát quan họ, vì ở nhà quê, trong những buổi hát hội thường hát giọng đôi, và câu hát phải hát theo giọng, nên phải có câu hát trước, không thể ứng khẩu được; hai người hát, một người ứng khẩu, người kia biết sao mà theo.
Hát trống quân dễ ứng khẩu, câu hát do đó thay đổi tùy người đi người hát, và với sự ứng khẩu câu hát thường nói lên rõ được tình tiết tâm trạng của người hát.
Hát trống quân có hai lối hát:
- Hát vận, là hát theo vần.
- Hát đố, là hát thành những câu đố bắt buộc đối phương phải trả lời.
Hát vận
Đây là lối hát thông thường mỗi khi có trống quân lập nên. Hát chỉ cần theo vần, người hát hoặc dùng những câu có sẵn hoặc tự đặt ra những câu hát mới, thường theo thể lục bát hoặc lục bát biến thể.
Đã đi đến chốn thì chơi,
Đã đi đến chốn tiếc lời làm chi!
Đã gặp nhau ở đây thì,
Hát năm ba khắc bõ khi vắng nhời.
Đó là một câu thông thường trai gái thường hát lúc bắt đầu cuộc hát.
Có khi bên gái lập nên đám trống quân, có những chàng trai hát giỏi tuy đã tới đám nhưng chưa chịu ngồi vào hát. Bên gái mời:
Đồn chàng là khách tài hoa,
Mời chàng đối đáp một vài trống canh.
Có lá mà lại có cành,
Có em mà lại có mình mới vui!
Câu mời sao mà khéo léo. Chàng trai biết cô gái muốn mời mình ngồi vào đám hát, và để tạ lòng người đẹp, chàng cũng hát một câu rất là phong nhã:
Người thanh lời nói cũng thanh,
Thấy ai lịch sự lòng anh vui mừng!
Đêm trăng sáng chỉ có chừng,
Đôi ta đã gặp thì đừng xa nhau.
Những trai gái trống quân lúc hát thường đã biết nhau nhưng cũng nhiều khi gặp người lạ. Trong trường hợp này họ dò xét tình ý nhau qua câu hát, hỏi thăm nhau đã thành gia thất chưa, đôi bên bằng lòng nhau liệu bác mẹ có tác thành cho chăng.
Thấy nàng anh cũng muốn thương
Sợ nàng còn vướng tơ vương nẻo nào!
Xuân xanh mấy độ trăng cao?
Yêu nhau bác mẹ vun vào cho chăng?
Có những câu hát trai gái thử tài nhau xem chàng có phải là con người có học thức, xem nàng có phải là gái trâm anh biết đủ điều tứ đức tam tòng.
Đây là gái thử trai:
Truyện Kiều anh đã đọc làu,
Xin anh hãy kể một câu hết Kiều.
Chàng trai chỉ việc đáp:
Trăm năm trong cõi người ta,
Mui vui cũng được một vài trống canh.
Hoặc bên gái thử bằng những câu sau:
Truyện Kiều anh đã đọc thông,
Xin anh hãy kể một dòng chữ Nho.
Đáp:
Hồ công quyết kế thừa cơ,
Lễ tiên binh hậu khắc cờ tập công.
Trong câu trên toàn chữ Nho, không có một chữ Nôm nào.
Hay câu sau đây:
Truyện Kiều anh đã đọc thông,
Xin anh hãy kể một dòng chữ Nôm.
Đáp:
Này chồng, này mẹ, này cha,
Này là em ruột, này là em dâu.
Trong câu trên toàn chữ Nôm, không có một chữ Nho nào.
Đấy là những câu gái thử trai, những câu trai thử gái cũng nhiều:
Thấy em là gái trâm anh,
Hỏi em hai chữ bố kinh thế nào?
Đáp:
Bố kinh thờ mẹ thờ cha,
Thờ chồng trọn đạo cùng là nuôi con.
Và có khi chàng trai đi sâu hơn:
Thấy em anh cũng quý lòng
Hỏi em tứ đức, tam tòng là chi?
Đáp:
Theo cha rồi lại theo chồng,
Khi chồng trăm tuổi, dốc lòng theo con.
Tam tòng đạo ấy vuông tròn,
Thì câu tứ đức ai còn nghĩ suy!
Công, dung, ngôn, hạnh nữ nhi
Phận em là gái em thì phải theo.
Trong những đám hát như vậy, hai bên đều thuộc nhiều câu hát và hai bên đều có tài ứng khẩu để trả lời nhau.
Thường trai cũng như gái, trong những đám trống quân tháng tám, mỗi bên có đôi ba người, luân phiên nhau hò hát để mua vui. Tuy mỗi bên mấy người, nhưng cặp trai gái nào có tình ý với nhau, họ chỉ đối đáp với nhau.
Có những đám hát thi, mỗi bên chỉ một người hát cho đến mãn cuộc.
Hát đố
Hát vận là hát theo vần, dùng những câu có vần mà hát với nhau.
Trong những cuộc hát thi hoặc trong đám hát mà trai gái hai bên đều muốn cho người nghe hát cùng thấy rõ tài nghệ của mình, họ thường dùng những câu hát đố bắt đối phương phải trả lời. Những câu đó có khắp trên mọi lĩnh vực, về luân lý, về lịch sử, về vạn vật cũng như về những điều thông thường cần biết.
Dưới đây là mấy thí dụ.
Hỏi:
Cái gì nó bé nó cay?
Cái gì nó bé nó hay cửa quyền?
Đáp:
Hạt tiêu nó bé nó cay,
Đồng tiền nó bé nó hay cửa quyền.
Hỏi:
Đố ai biết đá mấy hòn?
Núi cao mấy ngọn, trăng tròn mấy trăng?
Đố ai biết lúa mấy cây?
Biết sông mấy khúc biết mây mấy từng?
Đây là một câu đố mẹo, vì đố những điều không ai có thể trả lời được. Đáp lại một câu đố mẹo, người ta cũng phải trả lời mẹo:
Đá kia chỉ có một hòn,
Núi kia một ngọn, trăng tròn đêm nay.
Lúa kia chỉ có một cây,
Sông kia một khúc và mây chín từng.
Trong câu trả lời, người đáp đã thông thường hóa những điều mình trả lời. Đá nào biết bao nhiêu hòn, nhưng đá nào cũng là hòn đá, vậy chỉ dùng hai tiếng hòn đá, bất cứ hòn đá nào. Ngọn núi, khúc sông và cây lúa cũng vậy. Ai biết mà đếm được, cho nên bất cứ ngọn núi nào cũng là ngọn núi, khúc sông nào cũng là khúc sông và cây lúa nào cũng là cây lúa.
Riêng có trăng tròn thì đêm nay dưới ánh trăng thu đôi bên ca hát với nhau như trăng đang tròn vậy,
Mây được trả lời là chín từng vì có câu ca dao:
Nhất cao là chín tầng mây.
Và câu đố dưới đây tương tự như những câu đố về vạn vật.
Hỏi:
Quả gì năm múi sáu khe?
Quả gì nứt nẻ như đe thợ rào?
Quả gì kẻ ước người ao?
Quả gì lấp lánh như sao trên trời?
Quả gì ăn đủ năm mùi?
Quả gì to lớn có người trồng trong?
Quả gì thích chữ chạm rồng?
Quả gì cùi trắng nước trong hỡi chàng?
Quả gì da nó vàng vàng?
Quả gì lăn lóc giữa đàng cái đi?
Quả gì da nó xù xì?
Chàng mà đáp được, thiếp thì theo không.
Đáp:
Quả khế năm múi sáu khe,
Quả na nứt nẻ như đe thợ rào.
Quả mận kẻ người ước ao,
Quả mơ lấp lánh như sao trên trời.
Quả lê ăn đủ năm mùi,
Quả động to lớn có người ngồi trong.
Quả chuông thích chữ chạm rồng,
Quả dừa cùi trống nước trong đó nàng!
Quả thị da nó vàng vàng,
Bùa yêu lăn lóc gữa đàng cái đi.
Quả mít da nó xù xì,
Nay anh giảng được em thì theo anh.
Mấy câu đối đáp trên chỉ là một thiểu số trong hàng trăm câu hát đối đáp có sẵn.
Trái gái khi hát thường chỉ dùng những câu hát vận mới nói lên cảm tình yêu thương của nhau. Ít khi dùng đến hát đố như trên đã trình bày. Cũng có khi trong làng, trai xóm này gặp gái xóm khác, đôi bên tức khí nhau mới dùng đến những câu hát đố, mục đích để dằn mặt nhau và đánh bại nhau trong câu hát.
Nguồn gốc tục hát trống quân
Hát trống quân là một lối hát thuần túy Việt Nam. Có người cho rằng lối hát này bắt đầu từ đời nhà Trần. Thời đó khi quân Việt phải chống quân Nguyên, đức Trần Hưng Đạo đặt ra lối hát trống quân để quân lính mua vui với nhau.
Cũng có người lại cho rằng hát trống quân là một tục của người Tàu truyền sang Việt Nam và bảo rằng tục hát này bắt đầu từ thời nhà Tống. Lúc bấy giờ nước Tàu bị quân Nhung dịch quấy rối, quân sĩ phải đi đánh giặc nhiều, nhớ nhà nên ông Bao Công mới đặt ra tục hát trống quân để quân lính đóng bên Nam, bên Nữ hát với nhau cho đỡ nhớ nhà.
Ông Văn Thôn trong Văn Hóa nguyệt san số xuất bản về tháng 6 và 7 năm 1957, lại cho tục hát trống quân mới có từ đời vua Quang Trung. Ông đã viết:
Riêng về nước ta, vị anh hùng dân tộc Quang Trung cùng đánh dấu ngày rằm tháng tám bằng một cử chỉ không nhuộm vẻ hoang đường, đài các nhưng vô cùng thiết thực mà nên thơ. Muốn cho binh sĩ theo ngài đi đánh Đông dẹp Bắc, quên nỗi nhớ nhung cố quận, vua Quang Trung đã cho họ trong các giờ nhàn rỗi, nhất là các đêm gió mát trăng thanh, cùng nhau hát nhịp, để vừa hát đối, một bên nam một bên nữ, vừa đánh nhịp vào một đường dây thép, căng trên một chiếc thùng rỗng ruột. Nhân dân thấy hay lạ, đã bắt chước rồi áp dụng cuộc tiêu khiển vào ngày hội rằm tháng tám mà gọi đó là tục hát Trống Quân.
Ý kiến của ông Văn Thôn không biết đúng hay sai, nhưng có điều chắc chắn là hát trống quân là một lối hát rất phổ thông tại miền Bắc, nhưng lại rất ít thấy ở hai miền Trung và Nam. Nếu đúng hát trống quân và do vua Quang Trung đặt ra cho quân lính và được nhân dân bắt chước, hát trống quân phải được phổ cập nhiều ở miền Trung, miền Nam mới đúng.
Dù tục hát trống quân có từ đời nào, và do ai đặt ra thì tục này cũng đã ăn sâu vào phong tục dân quê Việt Nam, và đã là một trong ba lối hát giao tình chính của nam nữ thanh niên Bắc Việt trước đây.
Hát cò lả
Ngoài ba điệu dân ca chính để trai gái hát trao tình với nhau, miền Bắc còn có một điệu hát rất đáng kể và cũng rất phổ thông đó là điệu hát cò lả.
Điệu hát này không dùng để hát hội, thường chỉ được hát trong lúc làm việc khi có một bọn nam nữ, hoặc hai bọn nam nữ cùng đối đáp.
Thí dụ:
Con cò bay lả bay la,
Bay từ cửa Phủ bay về Đồng Đăng.
Điệp khúc:
Tình tính tang, tanh tính tình,
Cô mình ơi, cô mình rằng, rằng có nhớ, nhớ hay quên.
Câu hát thường là một câu lục bát do một người hát, còn điệp khúc do cả bọn cùng ca.
Điệp khúc, điệu không thay đổi nhưng lời đôi khi thay đổi.
Thí dụ:
Mừng nay vận nở thái hòa,
Bốn phương lạc nghiệp âu ca thái bình.
Điệp khúc:
Tình tính tang, tang tính tình,
Dân làng ơi, dân làng rằng, rằng có nhớ, nhớ hay quên.
Thường thì trai gái gọi tới nhau trong điệp khúc.
Tròng trành như nón không quai,
Như thuyền không lái như ai không chồng.
Điệp khúc:
Tình tính tang, tang tính tình,
Cô mình ơi, cô mình rằng, rằng có nhớ, nhớ hay quên.
Hoặc:
Người ta chồng trước vợ sau,
Anh kia không vợ như cau không buồng.
Điệp khúc:
Tình tính tang, tang tính tình,
Anh chàng ơi, anh chàng rằng, rằng có nhớ, nhớ hay quên.
Hát cò lả là một điệu hát rất vui, vui vì nhiều người hát và giúp đỡ người ta quên mệt trong lúc làm việc, nhất là công việc ngoài đồng.
Cái vui của trai gái làm vui cả những người đứng tuổi cùng làm việc, nhất là các bà già thường vun vào để trai gái làng yêu thương nhau.
Hát các phường
Đây là những lối hát đặc biệt của vùng Nghệ, Tĩnh. Chính những lối hát này chỉ là biến thể của hát ví vùng Nghệ Tĩnh và được ca hát trong những khi làm việc thuộc các nghề thủ công và làm ruộng.
Như trên đã trình bày, câu hát trợ lực cho việc làm, giải trí cho con người trong những lúc nghỉ ngơi và trong những khi hội hè đình đám; đây là cuộc chung vui của cả người hát lẫn người nghe.
Tại vùng Nghệ Tĩnh các nghề nghiệp được tổ chức thành phường, và những phường này trong khi làm việc trai gái thường ca hát với nhau, để việc làm tăng thêm năng suất và cũng là dịp để trai gái trao tình với nhau, có khi kén bạn trăm năm qua câu hát. Những cuộc hát phường có tổ chức nhất là hát phường cấy và hát phường vải. Ngoài ra cũng có nhiều phương thức khác nữa như phường buôn, phường củi v.v...
Hát phường củi
Đúng ra phải gọi là hát chặt củi vì câu hát được mọi người hát trong lúc rủ nhau đi chặt củi trong rừng.
Nghệ An, Hà Tĩnh nhiều rừng núi, dân chúng sau các vụ mùa, công việc đồng áng đã vợi, rủ nhau vào rừng chặt củi. Họ đi với nhau thành từng đoàn, như vậy để vừa vui công việc vừa hỗ trợ lẫn nhau nếu bất thần có hoạn nạn như gặp thú dữ, bị cây cối đè, bị té ngã hoặc bị bất cứ tai nạn gì. Có đông vui là có hát. Họ hát để quên mệt và cũng là để trai gái nhắn nhủ nhau.
Đi chặt củi, ngay từ sáng tinh mơ thanh niên, thanh nữ đã cùng nhau mo cơm, đòn sóc và lạt hợp nhau ở ngã ba đường để cùng đi thành từng hàng vào rừng. Họ phải leo núi, băng suối tới nơi có nhiều củi.
Núi Hồng Lĩnh thường được dân các hạt Can Lộc, Nghi Xuân, Đức Thọ, Thạch Hà kéo nhau vào chặt củi và họ gọi núi này là núi Ngàn Hống.
Đoàn người vào tới rừng, tản mác ra mỗi người một bụi để chặt củi. Công việc vất vả, họ vui vẻ làm. Trưa họ nghỉ ăn cơm rồi lại chặt cho tới chiều.
Vừa chặt củi, thỉnh thoảng có người cất lên tiếng hát.
Không đi thì nhớ thì thương,
Ra đi lên động xuống truông nhọc nhằn.
Động là con đường lên dốc núi, còn truông là con đường hẻm giữa hai trái núi. Câu hát trên nói lên sự nhớ thương của họ với núi rừng và nói lên sự nhọc nhằn khi đi chặt củi.
Hát để tả sự nhọc nhằn, hát để ca tụng công việc, nhưng hát nhiều hơn là những khúc hát yêu đương.
Đợi chờ anh với em ơi,
Sai rồi lên ngược xuống xuôi anh chờ!
Tiếng hát vang lên trong khu rừng ở một bụi nào, hòa với tiếng dao chặt vào củi như làm nhịp cho câu hát. Một tiếng hát cất lên ở bụi này, lập tức ở bụi kia có tiếng êm ái đáp lại:
Lên rừng những lách cùng lau,
Những săng cùng cỏ biết anh đâu mà chờ!
Và không lâu, câu hát chưa dứt, ở một bụi thứ ba đã có một chàng trai lên tiếng:
Tiếng ai nói với bên non,
Muốn sang coi thử có dòn hay không?
Có câu hỏi ắt có câu trả lời:
Một ngày hai bận trèo non,
Lấy gì mà đẹp mà dòn hỡi anh!
Tiếng hát lên, tiếng đáp lại, khu rừng rậm bỗng rộn ràng sinh khí. Pha vào đấy là những tiếng cười và đôi khi là những câu nói tạo cho khung cảnh thêm vui vẻ.
Với những câu hát, thời gian đi quá mau và công việc cũng nhiều kết quả, củi đẵn nhanh hơn, chẳng mấy chốc người người đều được một gánh nặng.
Đoàn người gánh củi trên vai lại đi thành hàng để trở về làng. Ra khỏi rừng có người còn quay lại nhìn như luyến tiếc, và có khi một câu hát lại được cất lên:
Ra về chỉ một ngóng (nhìn) theo,
Ngóng rừng rừng rậm, ngón đèo đèo cao!
Tiếng hát vang, bước chân nhịp nhàng, phường củi thoăn thoắt bước, gánh củi kẽo kẹt trên vai chẳng mấy lúc đã về tới làng.
Một câu hát của người đi đầu báo tin cho làng biết phường củi đã về:
Động cơn (cây) Mai thì hốc (dốc)
Động trợ đó thì dài
Ra đến động hai vai
Thậm chừng chi là khỏe
Chi thậm chừng là khỏe.
Câu hát của người đi đầu vừa dứt, mọi người đi sau đồng thanh tiếp vào hai tiếng Hay chừa.
Thật là vui, thật là vui. Củi được nhiều, một ngày qua không phí một ngày.
Hát phường cấy
Hát phường cấy có ở khắp vùng Nghệ Tĩnh, nhất là nơi nào nhiều ruộng.
Mùa cấy, nhà nông phải mượn thợ cấy để cấy lúa, và thợ cấy thường đi thành phường, trong phường thợ cấy thế nào cũng có đôi ba cô nhan sắc. Trai làng thấy có phường cấy, lại có các cô thợ cấy duyên dáng xinh đẹp, là ngay buổi chiều hôm đó, cơm nước xong các cậu rũ nhau một bọn tới nhà có phường cấy để xin phép chủ nhà hát đối đáp với gái phường. Lại những câu hát yêu đương tình tứ của vùng Nghệ Tĩnh mà dưới đây xin trích ra ít câu.
Thoạt tiên là những câu xã giao chào hỏi:
Nhân đêm thong thả mát trời,
Nghe tin bướm nhắn, vội dời gót qua.
Đến đây mừng cảnh mừng hoa,
Trước mừng hai cố, sau ra mừng phường.
Hai cố đây tức là ông bà chủ nhà, còn phường tất nhiên là phường thợ cấy.
Chào xong rồi đến mời, vì các cô trong phường bao giờ cũng làm cao, phải mời mọc các cô mới chịu hát.
Đến đây không hát cũng đàn,
Lẽ nào đâu có lẽ con người ngoan chối từ!
Mời một lần không được thì mời lần nữa, hoặc tìm những câu hát khích lòng tự ái của các cô trong phường.
Ôm đờn mà gảy năm cung,
Biết ai đem nhị ra mà gảy chung với đàn!
Rút cuộc bên gái bắt lời, và đôi bên câu qua câu lại cho tới thật khuya các chàng trai mới trở ra về. Chàng hát, nàng hát, vui thật là vui!
Ở nhà con khách mách tương liên
Con nhện sa trước mặt, đi ra tự nhiên gặp nàng!
Vừa ra vừa gặp anh đây,
Một là duyên kỳ ngộ, hai trời xoay đất vần.
Trong khi hát, đôi bên lựa câu hỏi thăm quê quán của nhau.
Đến đây lạ bến lạ rào (sông)
Hỏi con chim hồng nhạn ở phương nào lại đây?
Kẻo mai nhớ núi chim về
Ai nhớ chim muốn hỏi biết thư đề ra sao?
Đấy là lời chàng trai hỏi cô gái. Cô gái đáp lời và đồng thời cũng hỏi thăm lại chàng trai về danh tính.
Em đây là con chim phượng,
Chị em đó là con chim nga.
Từ Bằng Sơn bay lại, bướm gặp hoa là tình.
Hỏi anh quý tánh phương danh?
Mai ra đường gặp bạn khỏi mang tiếng vô tình làm ngơ.
Chàng trai trong câu hát đáp sẽ cho biết tên họ của mình và có khi cho biết cả tuổi, và tỏ ý săn sóc tới các cô gái, chàng hỏi thăm anh chị em cha mẹ cô một cách văn hoa:
Hỏi em cây quế mấy ngành?
Cây sung mấy nụ, cây hành mấy hoa?
Hỏi em phụ mẫu tại gia,
Chị em sum họp mấy nhà mấy nơi?
Lời hỏi han đã khéo léo chưa, và thật là bóng bẩy tài tình.
Và đây là lời cô gái đáp lại, và cô gái cũng hỏi thăm đến anh em cha mẹ của chàng trai như chàng trai đã hỏi nàng:
Thưa anh cây quế năm ngành
Cây sung năm nụ, cây hành năm hoa.
Song thân thượng ở tại nhà
Hai anh đầu chị cả, việc thất gia đành rồi.
Còn anh lan quế mấy chồi?
Hai ông bà thượng tại? Anh trả lời cho em...
Hỏi thăm về gia đình, rồi họ lại ướm dọ nhau xem đã có nơi có chốn nào chưa:
Trăng lên có chiếc sao chầu,
Hỏi thăm đào liễu đã ăn trầu ai chưa?
Mận hỏi thì đào xin thưa:
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.

Hai bên nam và nữ hát với nhau cho tới khuya, dân làng tới nghe hát cũng đông, nhưng càng về khuya người dự thính về dần. Đôi bên cũng phải cùng nhau tạm biệt. Họ hát từ giã nhau với những câu hát kể lể niềm thương nỗi nhớ:

Ra về răng được mà về?
Bức thư ai gửi, lời thề ai trao?
Ra về răng đứt răng đành?
Ra về bỏ mối tơ mành ai quây?
Ra về dặn trúc dò mai,
Dặn đào với liễu chớ nghe ai pha gièm.
Ra về lòng lại dặn lòng,
Cam chua chớ phụ, ngọt hồng chớ ham.
Vì cam nên quít đèo bồng,
Vì anh cần mẫn nên lòng em mơ.
Bọn trai ra về, ra tới ngõ còn hái quái trở lại như nhớ tiếc và để hẹn hò:
Ra về bẻ lá cắm đây,
Đến mai ta nhớ chốn này ta đi.
Bọn trai hát quái lại thì bọn gái ở trong nhà cũng hát vọng ra:
Trăng khuya soi bóng anh đi,
Thấy chân anh bước rọt (ruột) em thì quặn đau.
Cuộc hát đã tốt đẹp, đôi bên đã có lời hứa hẹn, sau khi đã cùng nhau tỏ tài đối ứng. Cũng có những trường hợp, trai gái trong khi hát khích bác nhau, và như vậy là hát không kết.
Trường hợp hát không kết là đôi bên bắt bẻ, vặn hỏi, thách đố nhau đi đến chỗ bí mà hỏng cuộc hát. Có khi còn dùng câu hát để chửi nhau là khác nữa. Những cuộc hát như vậy cũng rất ít xảy ra 3.
Hát phường cấy vùng Nghệ Tĩnh cũng tương tự như hát ví nhiều tỉnh miền Bắc, gặp khi ngày mùa, các nông gia có đón thợ cấy thợ gặt thì các trai làng thường rủ nhau xin phép nhà chủ được cùng các cô thợ cấy, thợ gặt hát ví một đêm.
Hát phường vải
Hát phường vải là lối hát của những cô thợ dệt vải. Dân chúng nhiều xã thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An có nghề dệt vải, và trong lúc đưa thoi dệt vải, họ có những câu hát, hát với nhau để quên công việc. Hát với nhau nhưng nếu có những chàng trai muốn đến hát thử tài với họ, họ sẽ không từ chối.
Nghề dệt vải có thể nói là một nghề sung túc, và con cái trong gia đình thường được đi học, có khi con gái cũng được cắp sách đến nhà các ông đồ ăn mày đạo thánh. Bởi vậy trong vùng có nhiều học trò họ cầm trịch trong những buổi hát, họ nhắc cho các cô gái những câu hát để thử tài với các chàng trai.
Hát phường vải có nghi thức, không giản dị như lối hát của các phường khác, tuy tựu trung vẫn chỉ là hát đối đáp giữa trai gái.
Để bạn đọc có một ý niệm về lối hát phường vải, chúng tôi xin in ở phần tài liệu đọc thêm một bài viết về lối hát này.
Hát phường buôn
Nhiều nơi vùng quê, sau những vụ mùa màng, người dân quê mang nông phẩm của mình đi bán, hoặc nhân lúc việc đồng áng rảnh rang mua nông phẩm của dân làng đi bán ở các nơi khác. Đây chỉ là những chuyến buôn bán tạm bợ, vì sự sinh sống chính là nông nghiệp.
Dân chúng vùng Nghệ Tĩnh cũng vậy. Đi bán như vậy họ họp nhau thành từng phường thì thường hàng mang bán ở chợ xa, họp thành phường đi cùng cho vui, để có sự giúp đỡ nhau khi cần thiết. Những phường buôn này gồm những người cùng buôn bán một thứ hàng và theo hàng hóa người ta gọi tên phường, phường củ nâu, phường chè, phường gạo, phường chiếu v.v... Phần nhiều là dân quê nghèo, những người sung túc họ thường nghỉ ngơi sau mùa màng để bù lại sự vất vả của công nghiệp nhà nông, và nông phẩm của họ, họ bán ngay tại nhà cho người các phường tới mua mang bán đi các chợ.
Hợp thành phường như vậy, họ tổ chức những cuộc hát với nhau. Thường thường họ đến nơi buôn bán từ ngày hôm trước để hôm sau họp chợ sớm. Tối hôm đó, các chàng trai hoặc ở các phường khác, hoặc ở nơi có chợ tìm phường có các cô thiếu nữ để xin hát một canh.
Cũng là để giải trí, nhất là để khoe tài, và đôi khi qua những cuộc hát phường đã có những đôi trai gái trở nên đôi bạn, nên các cô gái phường có trai phường khác hoặc trai làng chợ tìm đến yêu cầu hát, ít khi các cô từ chối.
Những câu hát của phường buôn cũng không qua những lời trao tình nồng thắm, những câu hỏi han nhau về gia cảnh, về lứa đôi, những câu ước hẹn chung tình.
Nghe tin em buôn bán tảo tần,
Khi đi xuôi về ngược, có nợ nần chi ai không?
Anh quen chưa ráo mồ hôi,
Chưa trưa buổi chợ đã chia đôi nẻo đường.
Em đang buôn bán cõi này,
Khi đi xuôi về ngược, ghe (còn) có ngày gặp nhau.
Ngoài những câu hát yêu đương, vì họ là phường buôn, nên thỉnh thoảng có thêm vào những câu hát liên quan tới nghề nghiệp, chê những sự lọc lừa mua rẻ bán đắt, đong đầy bán vơi:
Mẹ em cầm đấu đi lừa,
Tham hơn ba hội, giã chưa đến trày (chày).
Ai đã sống ở nông thôn, đã ăn gạo giã bằng cối ắt phải hiểu gạo phải giã đủ một số bao nhiêu chày mới trắng, gạo giã chưa đến chày là gạo giả dối và như vậy là do sự tham lam của người buôn gạo.
Chính vì sự tham lam mua rẻ bán đắt, buôn đầy bán vơi nên người đời mới có câu mai mỉa:
Thực thà cũng thể lái buôn!
Và trong khi hát với phường buôn, đã có những người lên tiếng chê bai phường buôn:
Cha gang, mẹ sắt, con đồng,
Tội gì mà lụy trong vòng nhà thau?
Đói cơm mà hơn no rau,
Khó mà quân tử hơn giàu lái buôn.
Nhưng dù ai chê bai phường buôn thì mặc, phường buôn lại gặp phường buôn, và đã có nhiều đôi kết chỉ se tơ cùng nhau nối duyên tần tấn cho đến đầu bạc răng long.
Hát với nhau, họ nhớ nhung nhau, và trong những ngày xa cách họ hằng nhắc nhở đến nhau.
Mấy lâu ni chợ đón không đi
Đò Lường không ngược, không biết anh mắc công chi ở nhà 6.
Trên đây là mấy lối hát của mấy phường Nghệ Tĩnh. Còn nhiều phường khác với những lối hát riêng, mỗi phường có một vài nét đặc biệt và mỗi phường lại có những câu hát nói về nghề nghiệp của mình, còn ngoài ra phần nhiều là những câu hát trao tình của trai gái.
Các phường đó là:
Phường gặt, câu hát và hoàn cảnh hát cũng tương tự như phường cấy.
Phường nón, làm nón, làm áo tơi.
Phường đan, đan những đồ dùng bằng mây, tre.
Phường chiếu, dệt chiếu.
Phường vàng, làm vàng mã.
Phường đường, nấu đường mía.
Phường vá lưới, vá lưới đánh cá.
Hát giặm
Hát giặm cũng là một lối hát đặc biệt của vùng Nghệ Tĩnh như hát các phường.
Hát giặm là hát thế nào? Muốn hiểu hát giặm là thế nào, trước hết cần phải hiểu giặm là gì.
Nguyễn Đổng Chi trong Hát giặm Nghệ Tĩnh quyển một đã giải thích giặm là đem một vật gì nhét vào, chắp vào, đệm vào, điền vào hay phổ vào một cái gì còn khuyết, một cái gì còn có thể chứa được.
Trong lúc hát giặm đối đáp, người trả lời phải liền vận với câu cuối của người hát hỏi. Thí dụ:
Hỏi:
Tôi hỏi mợ mấy lời
Xin mợ tường cho vẻ tỏ.
Đáp:
Lời cậu vừa nói đó
Xui dạ thiếp âu sầu
Nối liền vận như vậy gọi là giặm, và cũng còn gọi là bắt xắp, do đó hát giặm còn được gọi là hát xắp hay hát luồn 7. Luồn là len lỏi, ở đây là theo vần của người trên mà bắt vần câu hát.
Hát giặm có ba lối:
- Hát ứng khẩu để đối đáp giữa trai gái.
- Hát ứng khẩu giữa các bạn bè kể lên những câu chuyện mới xảy ra ở trong vùng hoặc ở nơi xa mới đồn đến. Cũng có khi có người biết hát đến chơi nhà bạn, hát chào mừng khen cái hay cái tốt của bạn. Ông Lê Văn Hảo đặt tên lối hát này là hát giặm thời sự 8.
- Hát giặm vè, dùng để kể đầu đuôi một câu chuyện hay một sự tích, văn thể gần giống như vè.
Hát giặm ứng khẩu
Trong ba lối hát dặm, lối hát ứng khẩu giữa nam nữ trai gái là lý thú và thịnh hành hơn. Trong cuộc hát giặm này, trai gái có dịp tỏ tài cùng nhau.
Cũng như hát ví, khi đi hát giặm, người ta họp nhau thành đoàn do một người cầm đầu gọi là người bẻ chuyện. Tay bẻ chuyện phải là người hát hay, bặt thiệp khéo léo để có thể noi theo câu hát của phe địch mà đối đáp cho sát nghĩa rồi nhân đó hỏi vặn lại 7.
Cùng với người bẻ chuyện còn có một hai người cặp, người cặp hát lắp theo câu hát của người bẻ chuyện, làm sao cho giọng hát được đồng đều liền với nhau phát ra, có như vậy gọi là hát cặp và không phải là một việc dễ dàng. Người cặp phải là người hát khá và có thể trở nên người bẻ chuyện của một đoàn khác. Trong một đoàn cũng có người không biết hát, đi theo đoàn để tập hát.
Người bẻ chuyện phải giỏi giang để trong khi đối đáp có thể ứng khẩu hát lên hàng chục, hàng trăm câu hát trong mỗi canh hát.
Hát giặm có những thủ tục riêng.
Lúc khởi sự hát, bên nam bắt đầu đứng lên xướng trước một vài lời giáo đầu cà kê bông lông. Chờ khi bên nữ có người cất giọng là câu chuyện mới bắt vào đề 7.
Trong lúc hai bên hát, có thiên hạ đứng nghe bốn phía. Dưới đây là một câu hát giáo đầu:
Tui cũng ngủ yên rồi,
Cậu cũng ngủ yên rồi,
Nghe đứa hú sau hồi,
Tui thức trước dậy ngồi.
Than với mụ một lời:
Giừ tau thủ phận rồi
Nhưng tính tau hay nhởi hay chơi
Giừ hắn kéo hắn lôi
Nhân trăng sáng rạng trời
Theo bầu bạn đi chơi 7.
Câu giáo đầu trên là theo lối cổ, nhưng có những câu giáo đầu rất ngộ nghĩnh khiến người nghe lấy làm thú vị. Sau đây là một câu ca tụng thổ sản hải sản của quê hương họ để dần bắt sang quang cảnh cuộc hát.
Ruốc tui ngon lắm bà ơi
Ngon bằng năm ruốc họ
Ngon bằng mười ruốc họ
Nhân trời thanh thanh tỏ.
Sau câu hát giáo đầu là câu nhập đề. Phái nam hát câu nhập đề kèm theo những lời hát chào mừng.
Tui nhớm bước chân ra,
Cậu nhớm bước chân ra,
Cũng không phải say đắm nguyệt hoa,
Nhân chuyện vô đây đà,
Trước mừng Ông mừng Bà,
Sau tui trộm phép thưa ra.
Từ kẻ lão người già,
Đến con nít đàn bà,
Cả bản hạt lân la,
Một tiếng chào cao hơn mâm cỗ.
Sau câu hát nhập đề, đôi bên trai gái hát mời trầu, mời cau, mời thuốc, hát hỏi lý lịch, rồi sau hết là đến những câu hát yêu đương. Yêu đương bao giờ cũng là chủ chốt của những cuộc hát giữa hai bên nam nữ bất cứ lối hát đó là lối gì.
Đôi bên nam nữ hợp nhau, cuộc hát giặm kéo dài có thể hết đêm này qua đêm khác. Cũng có khi đôi bên chỉ hát một canh, và chấm dứt cuộc hát một cách đột ngột có khi đến tàn nhẫn. Trước những lời ân cần của bên trai, bên gái có thể có cô lên tiếng phá đám cuộc hát:
Em đã có chồng rồi,
Em đã có lứa rồi,
Vung úp đã vừa rồi,
Đũa ghép đã thành đôi,
Bạn đừng có ỡm ờ với tôi.
Tôi lấy chân khóa lại.
Tôi lấy bàn khóa lại.
Hát giặm có vài tục cho là sái nhưng người ta vẫn cứ phạm, sái là không nói có, có nói không, như gái có chồng trai có vợ vẫn nói là chưa thành gia thất. Họ phải nói dối vậy để còn có thể đi hát được ngõ hầu hưởng cái thú nam nữ gần kề, và để có thể khoe tài, có khi khoe cả sắc đối với nữ giới. Những khi hay tay bẻ chuyện tài ba gặp nhau, đố nhau những truyện trên trời dưới biển, tìm được những điều hiểm hóc để mà đố khiến đối phương không thể đáp được là một điều thích thú vô cùng. Trong những trận tranh tài này, người thắng sẽ tiếng tăm lừng lẫy, được sự ngợi khen của cả vùng. Những câu hát họ đặt ra sẽ được truyền tụng.
Hát giặm thời sự
Hát giặm thời sự không có trai gái đối đáp, chỉ là những cuộc hát giữa bạn bè để kể những chuyện đã xảy ra. Ở lối hát này, ý nghĩa và giọng hát cần hơn lời hát, và những câu hát thường hát xong là quên ngay, thảng hoặc có người nhớ thì cũng không nhớ được hết bài. Hát giặm thời sự còn dùng để chúc mừng ca tụng người chủ nhà mình đến thăm. Dưới đây là một thí dụ:
Tràng cảnh lưu liên,
Anh em vội mừng tràng cảnh lưu liên.
Được hai chữ vững bền,
Được bốn chữ bình yên 7.
Hát giặm vè
Câu hát trong lối này đặt thành từng chuyện kể đầu đuôi một việc, một sự tích. Lời văn và ý nghĩa trong câu hát được chú trọng hơn giọng hát. Câu hát có thể đọc lên như một câu vè. Những câu hát giặm vè thường được đặt trước, phải có sự suy nghĩ của người đặt, không thể ứng khẩu như hai lối hát trên. Những câu hát giặm vè thường dài, có khi đến hàng trăm câu, và thường các tác giả được lưu danh. Cụ Phan Bội Châu có sáng tác bài kể chuyện Năm Châu dùng cho hát giặm vè, dài 150 câu và bắt đầu bằng những câu sau:
Kể chuyện Năm Châu
Em ngồi kể chuyện Năm Châu:
Á, Úc, với Phi, Âu,
Bên tây cầu châu Mỹ.
Lần xem trong lịch sử,
Thay đổi mấy tang thương,
Kẻ nhược có người cường,
Giống trắng có giống vàng,
Giống đen đỏ rõ ràng.
Cõi thế giới soi gương,
Ai đồng tâm soi lại,
Ai nhiệt thành soi lại.
Qua những câu hát trên, ta thấy những câu hát giặm được sáng tác theo thể ngũ ngôn hoặc ngũ ngôn biến thể với những câu 6,7 chữ nhưng rất ít.
Mấy câu đầu bài hát thường hay láy lại, cốt nhắc lên ý toàn bài.
Những câu láy lại, hát lên ảnh hưởng đến nội dung lời ca.
Hát giặm rất khó khăn, rất tốn hơi, do đó vùng Nghệ Tĩnh đã có câu:
Dai nhất là thổi tù và,
Thứ hai hát giặm, thứ ba thả diều.
Hò Huế
Hò Huế là điệu hò đặc biệt ta hằng được nghe các cô lái đò sông Hương hát lên.
Ở Huế, hò được phân biệt hò mái nhì, hò mái đưa và hò mái đẩy.
Mái chính là chiếc bơi chèo. Một con thuyền thường có hai bơi chèo, chiếc ở đằng trước gọi là mái nhất, chiếc đằng sau gọi là mái nhì.
Hò mái nhì là giọng hò khi kẻ trước người sau cùng chèo.
Hò mái đưa là giọng hò lúc thuyền buông tay chèo.
Hò mái đẩy là giọng hò khi chèo thuyền hai tay cầm hai chèo xoay lưng về hướng tiến lên mà chèo, vừa chèo vừa hò. Chèo thuyền như vậy gọi là đẩy.
Ba lối hò, tên khác nhau, tùy theo động tác của người hò, nhưng lúc hò, các cô lái đò thường dùng những câu ca dao đã có sẵn, hoặc đôi khi hát lên những điệu hát của cố đô.
Thường câu hò chỉ nói nhiều về yêu đương như bất cứ lối ca hát nào, nhưng đôi khi cũng bày tỏ những nỗi niềm ngoài phạm vi tình ái, như câu hò để nhớ tiếc ông Trần Cao Vân đã giúp vua Duy Tân chống Pháp, nhưng việc không thành rồi bị xử tử:
Chiều chiều trước bến Văn Lâu,
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm.
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai mong?
Thuyền ai thấp thoáng bên sông,
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non!
Và câu hò say đây nói lên tình thể ngửa nghiêng của nhà nước vào đời vua Thiệu Trị:
Bên chợ Đông Ba tiếng gà eo óc,
Bên chùa Thọ Lộc, tiếng trống sang canh.
Giữa sông Hương, dợn sóng khuynh thành.
Đêm khuya một chiếc thuyền mành ngửa nghiêng.
Theo Thái Văn Kiểm câu hò này đã nhắc lại một cuộc họp lịch sử vào năm 1847, nhân lễ tứ tuần của vua Thiệu Trị khi đó có cuộc tập hợp của 773 bô lão, tổng cộng là 59017 tuổi 9.
Quốc sự đang ngửa nghiêng, đảng Văn Thân gieo ra mấy câu hò thống thiết để kêu gọi nghĩa sĩ bốn phương.
Những câu hò đều ý nghĩa bóng bảy nhưng đã thúc giục lòng yêu nước của mọi người.
Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại,
Cầu Tràng Tiền đúc lại xi mon.
Ôi người lỡ hội chồng con,
Về đây gá nghĩa vuông tròn với ta.
Tiếng hát Ngư Ông giữa sông Nhật Lệ,
Tiếng kêu đàn nhạn trên ánh Hoàng Sơn.
Một mình em ngồi giữa sông Hương,
Tiếng ca theo khúc đoạn trường ai nghe!
Đôi khi câu hò cũng là những bức tranh linh động tả cảnh Huế cùng những vùng lân cận:
Tỉnh Thừa Thiên dân hiền cảnh lịch,
Non xanh nước biếc, điện ngọc đền rồng,
Tháp bảy từng, Thành Miếu, chùa Ông,
Chuông khua Diệu Đế, trống rung Tam tòa,
Cầu Trường Tiền sáu nhịp bắc qua,
Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ đợi khách âu ca thái bình.
Dù sao, những câu hò tả cảnh, nhắc lại lịch sử cũng chỉ là số ít, đa số câu hò đều là những câu hát yêu đương:
Nước đầu cầu, khúc sâu khúc cạn,
Chèo qua Ngọc Trản đến Vạn Kim Long.
Sương sa gió thổi lạnh lùng,
Sóng xao, trăng lạnh gợi lòng nhớ thương!
Cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp,
Anh qua không kịp tối lắm anh ơi!
Bấy lâu ni chịu tiếng mang lời,
Dẫu có xa đi nữa cũng bởi Ông trời mà xa.
Ngoài những câu ca dao thường được dùng làm câu hò, các thi nhân cũng sáng tác nhiều câu hát cho mỗi loại hò.
Hò mái đẩy
Biết an phận
An phận, thân vô nhục,
Tri cơ tâm tự nhàn.
Đám phù vân chấp chóa bóng giàu sang,
Chớ trông mong cho khỏe bụng,
Cứ chàng ràng mãi mất công.
Thảo Am Nguyễn Khoa Vy
Hò mái nhì
Biết ở đâu là cầu Ô Thước?
Mênh mông nguyện ước, dưới nước trên trời.
Đêm khuya ngớt lạnh mù khơi,
Khúc sông quạnh vắng có người sầu riêng
Ưng Bình Thúc Giạ
Tâm sự chát chua biết ai mua mà bán,
Rao khắp chợ đời không thấy dạng người mua!
Bán buôn là chuyện bông đùa,
Đành đem tâm sự chát chua ra về.
Bửu Lộc
 

Toan Ánh
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...