Thứ Hai, 3 tháng 1, 2022

Cầm ca Việt Nam 4

Cầm ca Việt Nam 4

Hò giã gạo
Thực ra không phải chỉ riêng ở Huế có lối hò giã gạo, lối hò này khắp Bắc Trung Nam đều có. Đây là những câu hò trai gái hò với nhau, hoặc hò một mình trong khi giã gạo để quên mệt.
Khi trai gái cùng đối đáp, họ dùng những câu hò để trao tình và cũng để thử tài nhau. Dưới đây là một thí dụ, các câu hò do cụ Ưng Bình Thúc Giạ sáng tác.
Nữ:
Giữa chợ phiên có điều lạ lạ,
Có dân quê giã gạo hò khoan;
Hay đâu có thiếp có chàng,
Thuyền quyên quân tử hai đàng gặp nhau.
Nam:
Chợ phiên đây không có dây Bà nguyệt,
Xe duyên xe nợ chửa biết làm sao;
Thuyền quyên mới gặp anh hào,
Một đôi câu nhân nghĩa hát chào nhau chơi.
Nữ:
Điệu hò khoan em nghe anh hát,
Câu mái đẩy em xin hát anh nghe.
Mặc dầu ai có khen chê,
Giở hay tay giữ dạ, chớ hề đơn sai.
Nam:
Khen với chê là nghề khán giả,
Dở với hay xin hạ bút trường quan.
Giải thưởng treo có bạc có vàng,
Có anh đây là Tư Mã, lại có nàng là Văn Quân.
Nữ:
Nay mô may, gặp người quân tử,
Xin cho tiện nữ hỏi vài câu:
Xôn xao kẻ trước người sau,
Giữa chợ phiên qua lại ai sầu ai vui?
Nam:
Bạn thuyền quyên hỏi chi câu nớ?
Trang hào kiệt nghe đà khó nghe.
Buồn là buồn cho qua chẳng có hiền thê,
Vui là vui cho bậu cập kê đang kén chồng.
Nữ:
Ai có chồng ai không có vợ,
Chừ duyên chừ nợ, xin chớ nói dè chừng;
Tuổi em đây hãy còn xuân,
Dạo chơi giữa chốn ba quân em kiếm chồng.
Nam:
Mày liễu mặt hoa gọi là sắc gái,
Văn hay võ giỏi mới gọi tài trai;
Chợ phiên này cô đã dạo chơi,
Hỏi thăm cô đã chấm đặng người mô chưa?
Nữ:
Nói rằng chưa thời tôi chưa muốn nói,
Thưa rằng cờ thời tôi nọ muốn thưa.
Dầu cho năm lọc bảy lừa,
Duyên đằng không thuận nẻo, gió đưa biết răng chừ?
Và dưới đây là hai câu hò đối đáp để thử tài nhau.
Nữ:
Chợ Ngô Thành tiếng tiêu ai thổi?
Chợ Hoài Âm ai lòn lỏi thiếu niên?
Ngày xưa ai đến chợ phiên?
Nhớ xưa danh sĩ, danh hiền là ai?
Nam:
Chợ Ngô Thành là tiếng tiêu ông Ngũ Tử,
Chợ Hoài Âm là lịch sử chú Vương Tôn.
Hay tay Quốc Sĩ tiếng đồn.
Chuyện xưa tích cũ, e cô gái khuê môn đã thuộc lòng.
Ca Huế
Ngoài các lối hò, Huế còn có những lối ca đặc biệt được mệnh danh là Ca Huế. Những bản ca này cũng thường được các cô lái đò sông Hương nhắc tới: gọi là ca Huế, nhưng ta có thể thấy ở khắp miền Trung, nhất là các tỉnh ở giữa Trung Việt, và ngày nay ở cả miền Nam Việt nữa. Dưới đây là mấy lối ca Huế chính.
Cổ bản
Nguyên là một bản nhạc cổ 10. Bản nhạc này được phổ thành rất nhiều bản ca khác nhau về ý và lời. Cổ bản còn được gọi là ca Bắc hoặc ca Lý. Xuất xứ không rõ ở đâu nhưng người Huế hay ca cùng với các điệu ca khác. Bài ca có sáu vần làm sáu khổ. Đây là một thí dụ:
Duyên thắm, duyên càng đượm vì giống đa tình,
Thêm nhiều ngày mặn nồng càng xinh.
Song duyên kia đừng phụ, nào trách mình.
Chỉ non thề nguyện cùng trời xanh!
Lòng dặn lòng cho đành,
Nỗi kết minh, kết minh!
Thư nhạn đưa tin tháng ngày,
Nguồn ân ái dám đâu vơi đầy,
Thương càng bận làm bận lòng đây,
Vấn vương tình tự vì đây,
Tơ hồng kéo se thực là may.
Trăng rọi thềm hoa,
Lầu ngọc sáng lòa,
Hương hương ngút nhà,
Khắp gần xa,
Tiếng đàn hòa ca.
Ngâm vịnh mấy chén quỳnh,
Say sưa cùng mình.
Sánh tay vai,
Nhân ngãi lâu dài,
Thực là vui, dám nào phai,
Tâm đầu ý hợp như rứa mấy người!
Ngọc Vô Hà, Biện hòa mới hay!
Một ngày tương tri, tình si ấy là ai,
Muôn vàng không ngại mua ngay tiếng cười,
Gọi mười người như người.
Anh hùng có đâu, có là đâu,
Thôi thôi đừng, đừng năn nỉ suy nghĩ thêm sầu;
Mặc ai dầu,
Lại hầu thương yêu, mặn nồng bao nhiêu!
Đường còn lâu, chút tình sâu!
Vui lòng ưng ý, danh lỵ chi cầu!
Kim tiền
Kim tiền cũng nguyên là bản nhạc được phổ thành nhiều bản ca, rất phổ biến ở Huế, điệu nhịp mạnh và nhanh. Kim tiền ca chỉ có hai vần và hai khổ:
Bắt tay ngồi lại đây,
Không mấy khi ta gặp bên này,
Cho đó rõ niềm Tây,
Lời đắng cay,
Tuy xa đàng, không xa mặt,
Chung tình lại càng vui,
Càng thêm vui...
Ai khéo xui mình gặp,
Một cặp đa tình,
Thiệt tại trời xui mình.
Hay là lối ba sanh,
Hay đó là lối ba sanh,
Xin cho bền dạ, giữ dạ.
Dầu gặp người quen,
Xin cho bền dạ, giữ dạ.
Lưu thủy
Đây cũng là một bản nhạc cổ được phổ thành nhiều bài ca. Mỗi bài ca có bốn khổ tạo nên bởi bốn vần:
Kể từ ngày gặp nhau,
Trao lời hẹn cho vẹn vàng thau,
Dây tơ mành se chặt với nhau.
Se không đặng đem tình thương nhớ,
Cảm thương người ngẫm nghĩ ba thu,
Xa cách nhau đêm nằm vẫn thấy.
Thấy là thấy chiêm bao,
Biết bao vấn vương bên mình,
Mình giật mình đòi cơn.
Biết bao lại quan sơn một đường,
Tình thương tơ vương mọi đường,
Xin cho trọn cương thường.
Hành vân
Cũng như Lưu thủy, Hành vân cũng do một bản nhạc cổ mà ra, và mỗi bản ca cũng có bốn vần tạo thành bốn khổ:
Một đôi lời,
Nhắn bạn tình ơi!
Thề non nước giao ước kết đôi,
Trăm năm tạc dạ,
Dầu xa cách, song tình thương nhớ chớ phụ thì thôi.
Niềm trọn niềm xin đừng xao nhãng,
Trước kia định nợ ba sanh.
Đẹp duyên lành,
Trọn niềm phu phụ, bậc tài danh.
Dầu tiên có tại non Bồng,
Kết nối tơ hồng,
Ấy thời trông!
Nghĩa sắt cầm,
Hòa hợp trăm năm,
Bởi vì xa cách, nhắn nhe cùng bạn tri âm.
Nam ai
Nam ai là bản nhạc buồn nhất được phổ lời ca, lời ca thường cũng buồn. Ca thể có ba vần tạo thành ba khổ:
Khuyên ai gắn bó đền công trình thầy mẹ,
Ân nặng nhường sông, nghĩa chất non cao.
Ơn cúc dục cù lao,
Sinh thành lo sợ xiết bao,
Lo cơm bữa nhường nao,
Ẵm bồng ra vào.
Nâng niu, bú mớm đêm ngày xem tày vàng ngọc,
Hay chạy, hay đi, lúc nắng lúc mưa.
Từ xưa đến giờ,
Lúc hãy còn thơ,
Đến bây giờ,
Chịu nhuốc nhơ,
Biết bao nhiêu mà!
Trông năm trọn ngày qua,
Da mồi, tóc bạc, mày xa,
Khuyên trong cõi người ta,
Thảo ngay mới là!
Nam thương
Cũng là một bản nhạc buồn, một bản cổ nhạc được phổ lời ca. Phải chăng vì chịu ảnh hưởng nhạc Chiêm Thành nên bản nhạc này cũng như nhiều bản nhạc khác đượm vẻ buồn. Ca thể cũng có ba vần như Nam ai để tạo thành ba khổ:
Ôi! Tan hợp xiết bao, tháng ngày đợi chờ non nước,
Ngàn dặm chơi vơi!
Mấy lời nào dễ sai lời,
Ai ơi, chớ đem dạ đổi dời,
Ý ưng tình thêm càng ưa ý.
Thiệt là đặng mấy người,
Lại sai lời.
Tương tri cho đá vàng thêm lại yêu vì,
Nhớ khi cuộc rượu câu thi,
Thêm càng thương tiếc, phong lưu ai bì!
Nặng vì tình, tình đôi ta, duyên trao nợ, rằng ai.
Buộc lại người sinh,
Lời hẹn ba sinh,
Vấn vương tơ tình.
Nam bình
Vốn là một bản cổ nhạc không buồn không vui, âm thanh nhẹ nhàng đi đều đều, được phổ ra lời ca và thường được ca nhi ưa hát. Ca thể có ba vần tạo thành ba khổ:
Thương nhau vì nợ tri âm,
Mối tình thâm!
Buộc ràng đây đó,
Vầy cuộc ca ngâm.
Dưới trần như đã riêng phần!
Để riêng phần!
Mặc duyên may hay là nợ với nần.
Chi bằng ưa ý,
Nợ hay duyên, hỏi người thanh khí,
Ai là kẻ xoay vần?
Tuổi xuân xanh, chưa từng cái nợ phong trần,
Vương vào cuộc ân ái,
Càng cay đắng, đắng cay muôn phần.
Được như lời ước mong,
Cho thỏa tình tư tưởng.
Tưởng rồi trông,
Ngồi tựa bên sông,
Thỏa mùi bông,
Vấn vương tơ lòng.
Ơi người Việt ơi!
Gặp khi thời lai...
Ngọn đèn kiến thức,
Bừng rạng muôn nơi,
Trí tài đua kịp theo người,
Kịp theo thời sánh chung vai...
Cho xứng mặt giống nòi,
Sống đời khang thái...
Bước quang vinh ta càng hăng hái,
Thêm vững thêm dài.
Hết chông gai...
Tung cánh bằng bay lượn khắp trời.
Nhân dân chờ một tương lai...
Mừng nay đến, đến trong mọi người,
Vững một niềm an vui...
Đô thị cùng hoang dã đặng hòa lai,
Rạng ngời ánh mai... cảnh càng tươi,
Ý dân là ý trời.
Ngoài những ca thể trên, ở Huế còn rất nhiều thể ca khác, phần nhiều là do những bản nhạc cổ, những bản nhạc này phần lớn đã được trình bày trong chương thứ nhất về Cầm. Dưới đây, soạn giả xin cố gắng, về mỗi ca thể chứng dẫn một bài để bạn đọc cùng hiểu, nếu có thiếu sót hoặc sai lầm rất mong được sự nể tình.
Tứ đại cảnh
Thương trăng tròn, thương trăng khuyết,
Thương tha thiết, trăm mối bên lòng,
Thương đóa hoa vừa nở, dập dìu ong bướm ong,
Thương đóa hoa tàn lạt phấn phai hương,
Nào ai kẻ buồn trông?
Thương mây bạc, gió đưa xiêu lạc, không biết về đâu!
Thương nước trôi bèo dạt, bèo dạt trôi nơi nao!
Thương số ba đào, chìm nổi lao đao,
Đời vất vả biết là bao?
Thương chim nhạn đêm đông kiếm bạn,
Bao quản tuyết sương!
Sương tuyết sương dày dạn, tiếng nhạn kêu thảm thương!
Thương kẻ si tình, theo dõi người thương.
Trông mòn mỏi ngày xanh,
Đành đành thương trông đỉnh Ngự chiều đông.
Thông reo não nùng,
Mưa gió không ngừng,
Nào bạn tác ngày xuân, ai chịu lạnh cùng không?
Ngùi ngùi thương ca nhi giữa sông Hương,
Véo von gọi tình năm canh,
Dầu giãi sương gió sương,
Cái thương sao cứ quanh bên mình.
Thương chi trọn trăm nghìn mối thương,
Thương đâu vẹn trăm nghìn mối tình thương.
Bình bán
Non nước, nguyền non nước,
Xin ai sánh vai đừng ngại,
Quyết lâu dài, sum vầy trúc mai,
Mấy lời phụ người,
Cùng nhau trước sau cho vẹn.
Trăm năm chớ đem tình, tình lợt phai,
Dẫu lạt vàng phai, dám nề sai,
Có đâu dời đổi tính ai!
Nhắn khuyên bạn ân tinh hãy còn lâu,
Lại giục lòng ta, nhớ người xa,
Bóng trăng tà, gió lồng hơi ba.
Cầm ca, ngân nga tiệc quỳnh,
Trằn trọc, xa mối vàng đá dựa màn loan,
Giận duyên, buồn riêng,
Chạnh niềm tây, đắng hòa cay,
Châu rơi tương tư càng nặng.
Khéo thay là, những lại qua,
Đêm thanh vắng, tinh người ngọc,
Thở than thêm phiền!
Buồn tủi phận, lận đận bèo mây,
Trăng gió, trăng gió đưa tình,
Vừa gặp mình, thiệt trời khéo dành! 
Tẩu mã
Cành bèo sen, đà hiệp duyên,
Trăng thề một bên, vầy bạn tiên.
Lúc say tỉnh mảnh trăng tàn,
Chuyện hiệp tan, màn loan.
Bấy lâu đợi chờ,
Chút duyên tình cờ,
Lúc tình cờ, bây giờ thấy đây!
Một lòng càng xinh,
Có tình với mình ấy ai?
Ngậm ngùi lúc hương nguyền,
Rượu nghiêng tiệc quỳnh,
Mấy nỗi đá vàng,
Đêm thâu người đâu, người đâu?
Người đâu đã thấy nhau còn ngờ!
Người đâu lại thấy bây giờ!
Ngày xưa, mưa gió thêm nồng,
Song đã vương vấn, vương vấn tơ mành,
Thề non, thề chớ sai lời!
Điệu ca tẩu mã hát dồn dập như ngựa nhảy. Điệu này nguyên trước đây là một điệu ca nhạc của Tàu cho nên cũng gọi là ca khách, và bản nhạc gọi là nhạc khách.
Nam xuân
Nguyên là bản nhạc Nam, bản nhạc vui nhất trong các bản Nam, được phổ lời ca. Dù là bản nhạc vui hơn các bản khác nhưng vẫn đượm nét buồn do đó bản ca Nam xuân khi hát lên nghe cũng man mác hiu buồn, một cái buồn thướt tha trầm trầm.
Nhắn nhe vườn hạnh, ngồi chờ chim xanh,
Khéo đưa tình,
Đưa tình đưa lại cho ta, lại cho ta,
Trót đã nặng mà!
Đã gần xin bạn đừng xa,
Sớm đào tối mận lân la,
Trước còn trăng gió, còn trăng gió,
Sau ra đá vàng!
Loan ôm phụng, phụng ôm loan,
Biết bao giờ cho hiệp mặt mơ màng.
Đã lo toan vầy hiệp nhân gian,
Mây hồng đưa gửi thơ nhàn, gửi thơ nhàn,
Đưa sang tình tự thiếp chàng,
Đôi đàng thương nhớ,
Thiếp với chàng, đôi đàng thương nhớ.
Thương nhau phải băng ngàn!
Trót cưu mang, xin cho toàn,
Chớ đem dạ phụ phàng!
Mảnh trăng thề vằng vặc soi chung,
Đầu thu hết, sang đông, đông xin chờ!
Mối chỉ hồng cậy cùng Ông Tơ,
Se dây Bà Nguyệt.
Cho duyên này hiệp mặt sum vầy,
Đài gương suốt đó đây phỉ nguyền!
Phụ lục:
Nguyên cũng là một bản đàn được phổ lời ca. Phú lục thường gồm bốn vần, bốn khổ:
Giữa bụi hồng
Thấy, thấy nghe thấy,
Thấy nghe thêm nực cười,
Khiến cho người đòi phen,
Ngồi không xuống, đứng không yên,
Lạ quen đua chen ngỡ ngàng.
Đời muôn mặt, đời lắm tuồng,
Say cùng tỉnh, đà chuyện thường,
Bao màu sắc, bấy đau thương,
Ngao ngán trăm đường,
Ôi đâu cồn đa đoan!
Cầu danh lợi như giấc mộng vàng,
Càng suy nghĩ... lòng thêm càng,
Trông cây cỏ mà thẹn thuồng,
Lo quyền quý, sánh thua hơn,
Năm tháng quay cuồng,
Đâu tâm hồn... đâu tâm can.
Rằng hay... rằng dở... rằng khéo khôn...
Khôn khéo... dăng díu ai tường,
Lỡ làng khắp muôn nẻo đường,
Bụi hường... chèn chân mãi càng vương,
Luống trông vời non nước,
Khốn lo toan.
Bửu Lộc
Ngoài các bản ca trên rất được phổ biến tại Huế, còn nhiều bản khác, nhất là các bản Tàu với mười bản cổ, mệnh danh Liễn bộ thập chương, rất được giới ca nhạc xưa sử dụng:
Phẩm Tuyết,
Nguyên Tiêu,
Hồ Quảng,
Tây Mai,
Liên Hoàn,
Xuân Phong,
Long Hổ,
Giao Duyên,
Quả Phụ,
Lý Tử Vi.
Cũng còn nhiều bản ca khác nữa, rất tiếc soạn giả không biết rõ hết để trình bày cùng bạn đọc.
Hò miền Nam
Cũng như ở miền Bắc và miền Trung, miền Nam cũng có những câu hò để trai gái hò cùng nhau, hoặc hò một mình trong khi làm những công việc nặng nhọc. Tuy câu hò không làm tiêu tan được sự mệt mỏi, nhưng cất tiếng hò, người ta cảm thấy như công việc nhẹ nhàng đi phần nào, và sức chịu đựng như tăng lên.
Miền Nam cũng có nhiều lối hát hò khác nhau tùy theo công việc và tùy theo trường hợp của người hò.
Sau đây là mấy loại hò miền Nam, được phổ biến hoặc trên toàn cõi miền Nam, hoặc trên một vài địa phương.
Hò cấy
Phổ biến khắp miền Nam. Lối hò này tương tự như lối hát ví ngoài Bắc khi trai gái làm đồng hò với nhau, tuy giọng hò có hơi khác giọng ví.
Hò chèo thuyền
Phổ biến khắp miền Nam. Trai gái trong lúc chèo thuyền hò với nhau, hoặc trong khi đi sông nước hò một mình. Miền Bắc và miền Trung có giọng hát đò đưa, miền Nam có hò chèo thuyền.
Hò Đồng Tháp.
Hò Bến Tre.
Hò Bạc Liêu.
Hò Sa Đéc.
Hò Đối Gò Công.
Hò Đối Mỹ Tho.
Sáu loại hò này là những loại hò địa phương, mỗi nơi giọng hò hơi có khác nhau, nhưng tựu trung đây đều là những "Loại hò chèo thuyền phổ biến trên các sông lạch miền Nam là những đường giao thông thông dụng nhất." 11.
Ngoài các loại hò trên, có lẽ tại miền Nam cũng còn những loại hò khác, nhưng khi hò lên giọng cũng không khác mấy các loại hò trên, và cũng được nam nữ hò đối cùng nhau trong lúc làm việc trên cạn hoặc dưới nước.
Cũng như bất cứ loại ca hát nào, những câu hò thường nói tới sự yêu đương của trai gái, mặc dầu cũng có những câu nhắc tới những vấn đề khác, như tỏ lòng mến phục kính yêu các vị anh hùng cứu quốc, như nhắc tới lòng oán hận của dân chúng đối với cường hào ác bá, như nêu lên những đức tính tốt của phụ nữ:
Chẳng thà em chịu đói chịu rách,
Học theo cách Bà Mạnh, Bà Khương,
Không thèm như Chị Võ Hậu nhà Đường,
Làm cho bại hoại cương thường hư danh.
Những câu hò nhắc tới những vấn đề ngoài yêu đương như vậy không nhiều, chỉ những câu hò nội dung trữ tình là phong phú nhất.
Hò là một loại dân ca, mà đã là dân ca, phần lớn các câu ca dao được sử dụng. Những câu hò miền Nam cũng như những câu hát miền Bắc và miền Trung đều thoát ở những câu ca dao ra, nhiều khi chính là những câu ca dao.
Này đây, ta hãy nghe giọng hò của một chàng trai chở đò lúc đêm khuya, trước sự lẻ loi của mình:
Gió đưa cơn buồn ngủ lên bờ,
Mùng ai có rộng cho tôi ngủ nhờ một đêm!
Nghe câu hò sàm sỡ, không hiểu câu cô lái đò miền Nam có trả lời chăng. Có thể cô dùng một câu ca dao để đáp lại:
Trời một vùng đêm dài không hạn,
Mượn gió chiều hỏi bạn ngàn sông:
Thân em là gái chưa chồng,
Tơ duyên có chắc như dòng nước chăng?
Có khi cảm vì câu hò có duyên của cô gái, chàng trai đem dạ mến thương:
Sông sâu sóng bủa lán cò,
Thương em vì bởi câu hò có duyên.
Làm thơ chẳng biết cậy ai đem,
Cậy con chim nhạn nó đem cho mình.
Trong những câu hò thường có những câu nam nữ thách đố thử tài nhau:
Nước dưới sông lững đứng,
Mây đưa gió vật vờ,
Tơ duyên đã buộc sờ sờ,
Qua đây bậu đấy còn chờ đợi ai?
Thấy em hay chữ,
Anh hỏi thử đôi lời:
Tây giăng dây thép giữa trời làm chi?
Đấy là một câu nam hỏi nữ. Nam nữ bình dân thường hỏi đố nhau những câu rất tầm thường. Nam hỏi thì nữ đáp, nhưng vừa đáp nữ vừa hỏi lại:
Tây giăng dây thép giữa trời,
Chờ anh có việc trao lời em hay.
Tiếng anh ăn học chữ Tây,
Cho em hỏi thử mặt trời xây phía nào?
Nữ hỏi thì nam cũng đáp, đáp để tỏ ra mình không kém cỏi:
Mặt trời sáng mọc phương Đông,
Chiều tàn bóng xế xây trong non Đoài.
Cũng có khi câu thách đố cần một sự hiểu biết sách vở cao hơn mới trả lời được. Thường những câu này, cũng như những câu hát ví phường vải ở Nghệ Tĩnh là do những người có học thức đặt trước hoặc trong những cuộc hát đối đáp, những người này đã gà nghĩ hộ một bên nào:
Hỏi anh đọc sách thánh hiền,
Ai người đi tới non tiên đúc vàng?
Tiếng anh ăn học nhà trường,
Trả lời em thử trong vườn mấy cây?
Trả lời:
Em nghe anh trả lời đây,
Trong vườn chỉ có hai cây nghĩa là:
Một cây xanh tốt rườm rà,
Một cây xanh tốt nữa là thung huyên.
Sách xưa chép chữ còn nguyên,
Người cày núi Lỗ non Tiên đúc vàng,
Trời xui anh đặng gặp nàng,
Bà Nguyệt cho sợi xích thàng hôm nay!
Muốn đố gì thì đố, bao giờ rút cuộc cũng là những lời hát trao tình yêu đương. Những cuộc hò đối đáp hai bên kéo dài cho đến khi xong công việc, cũng có trường hợp tuy rất hiếm, cuộc hát không được đến đầu đến đũa vì trong câu hát đôi bên có sự xích mích. Trong trường hợp này, nhiều khi đôi bên hát những câu thật tàn nhẫn, có khi như chửi nhau:
Vườn có chủ, giữ gìn cây có chạ,
Hoa có rào ngăn đón bướm ong vô.
Hỡi anh chớ khá bơ thờ,
Đừng có quen đường cũ bước trờ gãy chân!
Sự xích mích rất ít xảy ra, vì đã ưng đối đáp với nhau, họ chỉ tìm những câu nhẹ nhàng êm ái để trao đổi với nhau, tuy đôi khi người con gái tỏ kiêu kỳ, nhưng kiêu kỳ để chinh phục chàng trai:
Chết tôi tôi chịu,
Mình đừng bận bịu,
Bớ bạn chung tình!
Nhạn bay cao khó bắn,
Cá ở ao quỳnh khó câu.
Cô gái có ý nói mình không phải là kẻ dễ dàng, không phải bạ đâu vương đấy.
Cá ở ao quỳnh cá cũng ở lâu,
Mồi ngon thả xuống lâu lâu cũng chìm.
Nhạn bay cao nhạn mỏi nhạn tìm,
Giương cung theo mãi cũng hìm nhạn sa.
Sao mình không lo bảy lo ba,
Lo cau trổ muộn lo già hết duyên.
Tóm lại dù một cuộc hò có bắt đầu bằng những câu hò thế nào đi chăng nữa, thường cũng kết thúc bằng những câu yêu đương đằm thắm.
Trai gái hằng ngày gặp gỡ nhau, sự yêu đương càng nảy nở, và những câu hò càng thêm tình tứ, dù họ hát lại những câu ca dao cũ hay sáng tác ra những câu hò mới trong dịp đối đáp với nhau.
Quang cảnh những buổi hò thật là vui, nhất là những buổi hò đã tụ tập trai gái vì công việc.
Sự gặp gỡ giữa trai gái là một sự thường trực diễn ra hàng ngày hàng đêm, trên đồng, dưới sông, chung quanh cối xay, cối giã, giữa đêm trăng, trong đêm tối, giữa một gái một trai, giữa một đám người có thể gồm cả nam phụ lão ấu, trong hoàn cảnh thiên nhiên, giữa nhịp sống thông thường của dân tộc. Sinh hoạt trong nông thôn, công tác nơi đồng áng không phân rẽ trai gái, mà trái lại, luôn luôn đoàn tụ trong một tinh thần tương trợ tương thân, trên một thửa đất màu mỡ lành mạnh làm chứng cho cuộc gặp gỡ duyên vị nồng nàn 12.
Cùng làm việc, cùng gặp gỡ, câu hò đã nói thay lời nói yêu đương, và sự yêu đương luôn luôn được giới hạn trong vòng lễ giáo, được sự chấp thuận và giúp đỡ của người lớn. Chính vì vậy mà trải bao nhiêu cuộc biến chuyển của đất nước, những lối hò vẫn tồn tại, và sẽ còn tồn tại mãi mãi và những câu hò sẽ ngày một thêm phong phú về nhạc điệu cũng như về nội dung, nhất là về nội dung.
Đêm khuya thanh vắng cũng như ban ngày giữa đồng ruộng, chúng ta còn được nghe những tiếng hò ơ, bắt đầu một câu hò. Hai tiếng hò ơ có thể kéo dài như vô tận trước khi bước vào câu hò chính thức.
Những tiếng hò ơ tiêu biểu của câu hò miền Nam cũng là những tiếng để nói lên cái tinh thần đoàn kết bất diệt của dân Việt Nam. Người Việt đã đoàn kết để chung vui, đã đoàn kết để khuyến khích nhau trong công việc, đã đoàn kết để khích lệ nhau trên đường chính nghĩa, và sự đoàn kết càng keo sơn bền chặt trước những quốc biến, ấy cũng là nhờ ý nghĩa những câu hò, và ảnh hưởng của những cuộc hò đối đáp, Nam, Bắc, cũng như Trung.
Hát vè
Chính nghĩa vè là một bài văn kể một chuyện đặc biệt xảy ra và ngụ ý khen chê 13. Bài này này thường làm thành thể thơ bốn chữ, năm chữ, lục thất hay song thất lục bát hoặc các thể thơ trên với biến thể.
Bài vè được đặt ra thường được hát lại và truyền khẩu người này qua người khác.
Thông thường những bài vè bắt đầu bằng mấy chữ vẻ vè ve.
Vẻ vè ve
Mày vè lá lốt.
Cô kia thời tốt
Cậu nọ thời xinh
Đôi bên rập rình
Muốn lấy nhau chăng?
Những bài vè theo thể lục bát, song thất lục bát v.v... có khi không có mấy chữ vẻ vè ve, nhất là những câu vè miền Bắc:
Làng ta có sự nực cười,
Có Ông Nhiêu Bút là người rượu say;
Mỗi ngày một lít như bay,
Rượu say ông mới làm bây giở trò.
Bà Nhiêu sao chẳng biết lo,
Mượn lũ thợ cấy, ông mò một cô.
Nhưng mà hư hỏng cơ đồ,
Bà Nhiêu bắt được liền vồ cả hai.
Hát những câu vè người ta thường lấy giọng đọc lên, không có đệm trên, đệm giữa hoặc đệm dưới như các lối hát khác.
Ở miền Nam có những câu vè về các loại cây, loại cá, các thứ bánh, dạy trẻ v.v... ngoài lối vè kể truyện. Và các câu vè thường bắt đầu bằng sáu chữ:
Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè...
Thí dụ:
Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè con Cúc
Trâu ăn mấy chút
Bắt mẹ tôi đền 14.
Dưới đây xin trích mấy đoạn ở mấy câu vè miền Nam.
Vè trái cây
Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè trái cây.
Dây ở trên mây
Là trái đậu rồng.
Có vợ có chồng
Là trái đu đủ.
Chặt ra nhiều mủ
Là trái mít ướt.
Hình tựa gà xướt
Vốn thật trái thơm...
Vè các loại cá
Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè loại cá.
No lòng phỉ dạ
Là con cá cơm.
Không ướp mà thơm
Là con cá ngát.
Liệng bay thăn thoắt
Là con cá chim.
Hụt cẳng chết chìm
Là con cá đuối...
Vè các loại bánh
Bài vè này đặc biệt không bắt đầu như những bài vè trên, lối hát bắt đầu hơi khác:
Bà con cô bác,
Lẳng lặng mà nghe.
Tôi nói cái vè,
Vè các thứ bánh.
Mấy tay phong tình huê nguyệt
Thì sẵn có bánh Trung thu.
Mấy gã phật tu
Bông sen thơm ngát.
Ai mà hảo ngọt
Thì có bánh cam.
Những kẻ nhát gan
Này là bánh tét...
Vè dạy trẻ
Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè dạy trẻ
Có công cha mẹ
Có chữ thánh hiền
Gần mực thì đen
Gần đèn thì rạng
Khuyên ráng học hành
Làm lành lánh dữ
Nấu sử sôi kinh
Cho minh thế sự
Cho tử xem coi
Học đòi việc tốt...
Tất cả mấy bài trên đều đều rất dài, mỗi bài bảy tám chục câu hoặc hơn nữa, bài vè nào nói riêng về thứ đó.
Nhưng bài này cũng như những bài vè khác, thường được trẻ em người nghêu ngao hát những lúc buồn rỗi một mình.
Hát vè để tiêu thì giờ, hoặc trong khi làm việc người ta hát lên để quên mệt nhọc, cũng như giữ dịp cho việc làm. Hơn nữa những câu vè kể chuyện xấu tốt thường được nhắc tới để răn người phạm lỗi, để khuyến khích việc hay.
Hát vè không có nhạc, nhưng thực ra, giá có ai đem phổ nhạc những bài vè, có thể những bài vè sẽ là những bản nhạc đáng được người đời lưu ý.
Ngoài các bài vè thuật chuyện hoặc đặt về các loại cây, cá v.v... có những bài vè được tác giả đặt tình ý bên trong, như trong khi vận động phong trào Cần vương, lối hát vè được dùng làm lợi khí tuyên truyền. Ý nghĩa trong bài vè này rất giản dị, dễ hiểu.
Chàng ơi chàng ngồi lại
Thiếp bàn giải đôi lời:
Bảy tám chục năm trời
Đem thân làm nô lệ
Cúi đầu làm nô lệ.
Nỗi đắng cay xiết kể
Nói ra chữ thảm sầu
Chữ nhân sĩ sự thù
Sao mà anh chịu được?
Sao mà chàng chịu được?...
Hát tôn giáo
Hát tôn giáo là những điệu hát lời ca được hát trong những dịp tế tự.
Ở đây tôi không nói tới những bản ca nhạc đã được dùng trong hết mọi lễ nghi, đã thuộc vào nghi thức của tế tự tôi chỉ nói tới những loại ca tôn giáo thuộc giới bình dân, mà tiêu biểu nhất như trên đã nói là điệu chầu văn.
Các giọng hát tôn giáo có nhiều và sự khác biệt lại rất ít giữa các giọng này. Dưới đây là mấy giọng chính.
Hát chầu văn
Đây là lối hát của các người cung văn tại các đền điện khi các Cô đồng, Bà đồng, Ông đồng lên đồng.
Các ông đồng, cô đồng và bà đồng lên đồng, còn gọi là hầu đồng nghĩa là ngồi trước bàn thờ để hồn các ông Hoàng bà Chúa, hoặc các Cô các Cậu nhập vào. Muốn cho đồng chóng lên, nghĩa là để giới vô hình sớm nhập vào thân xác hữu hình của người ngồi đồng, các cung văn vừa đàn vừa hát những câu xứng tụng công đức, tài nghệ và nhan sắc của những hồn nhập đồng.
Đối với mỗi vị ông Hoàng bà Chúa, Thượng Ngàn hoặc Thủy Cung v.v... đều có những khúc hát chầu văn riêng.
Đàn cung văn là chiếc đàn nguyệt và gảy lên một điệu phứng phưng phưng phứng phừng phưng. Những câu hát chầu văn được hát bằng một giọng riêng, hết sức tâng bốc đối với các giá đồng nghĩa với các ông Hoàng, bà Chúa, các Cô, các Cậu nhập đồng.
Cô rằng cô đẹp nhất đời
Dáng đi điệu múa miệng cười có duyên!
Tiếng đàn vang lên, tiếng cung văn hát, lại thêm các con hương đệ tử vây quanh người ngồi đồng xuýt xoa khấn vái. Những người ngồi đồng được gọi là ghế đệm của các ông Hoàng, bà Chúa, các Cô, các Cậu.
Hát sai bảo, lệnh, truyền
Đây cũng là một lối hát tôn giáo, nhưng không phải là của các cung văn, mà là của các Thầy Tự, nghĩa là những người thờ các vị thần đạo Lão, người dân quê gọi nôm na là các ông thầy Cúng. Tục cho rằng các Thầy Tự rất cao tay có thể khu trừ được ma quỷ và khi cúng khấn có thể ra lệnh sai bảo hoặc truyền khiến các vị thần để tróc ma trừ tà.
Nếu giọng chầu văn của những người cung văn như tâng bốc giới vô hình thì giọng hát sai truyền rất là hách dịch. Cùng với tiếng hát này có tiếng cảnh tiếng tiu.
Thầy sai Đại Thánh Tề Thiên
Huyền công dùng phép dẹp yên loài tà.
Thường câu nào cũng bắt đầu bằng hai chữ Thầy sai.
Những câu hát thờ
Đây là những câu hát dùng để hát trong những buổi lễ thần, thường là hát theo những điệu múa. Cũng có khi ca nhi đơn ca theo một điệu đàn, lối hát đơn ca theo đàn này gọi là hát giải, mà dưới đây là một bài mẫu. Bài này dân hai làng Phú Đa và Trinh Nữ, thuộc phủ Bình Giang tỉnh Hải Dương, thường dùng hát mừng lẫn nhau khi có đám rước giao hảo, làng nọ tới làng kia 15:
Xinh thay mấy thiên thai cảnh lạ,
Dưới trần gian một áng non bồng.
Sườn non mây kéo ngất trên không,
Cửa động gà kêu vang dưới nguyệt.
Bích sa động lý càn khôn biệt
Hồng thụ tri biên nhật nguyệt trường 16.
Nước lao sao điểm rót khúc sinh hoàng
Mây lơ lửng mỉa mai con điểu tước.
Hoa hớn hở sắc vàng chen sắc biếc,
Nức hai bên như đón rước người.
Lạ lùng thay cảnh thiên thai!
Thực ra câu hát trên chỉ là một câu hát nói, nhưng hát nói trong trường hợp hát thờ thần được gọi là hát giải.
Trong những buổi hát thờ, trước khi hát giải, ca nhi phải hát dâng hương. Ca nhi thắp hương dâng lên bàn thờ và hát:
Một nén hương thơm thấu chín lần,
Kính trời, kính đất, kính linh thần.
Chữ rằng nhất niệm thông tam giới,
Mừng vua muôn tuổi trị muôn dân.
Một nén hương thơm thấu cửu thiên,
Mây lồng năm thức, nguyệt lồng in.
Kinh thành những bén duyên hương lửa,
Rỡ rỡ vinh hoa ức vạn niên.
Dâng hương xong, đôi khi ca nhi ngâm bài Nhạc nhang:
Thông minh chính trực vị chi thần,
Biến hóa vô cùng đức đại lân.
Mừng vua có sắc phong choi chói,
Đệ nhất Vua, đây thượng đẳng thần.
Ca nhi có thể là những ả đào tới xin hát hoặc có khi gái làng được dân làng cử ra, trong trường hợp này, họ phải tập trước.
Nếu là ca nhi chuyên nghiệp được mời tới để hát thờ thần, cuộc hát kéo dài suốt đêm, và như vậy có ca thì có nhạc. Đã có nhạc, bao giờ ca nhi cũng phải hát thêm bài Thét nhạc.
Đời nhà Lê, mỗi khi trong cung tế lễ, trước hết quan Thái Thường cho nhạc công bày các đồ nhạc khí cùng hòa lên với tiếng hát của ca công để cho tiếng nhạc và tiếng hát ăn với nhau nên gọi là khúc thiết nhạc, nghĩa là bày những đồ nhạc khí. Đời sau đọc chệch thành Thét nhạc 17.
Dưới đây là bài hát Thét nhạc:
Tiếng Dương tranh,
Đàn ai một tiếng Dương tranh,
Chưng thuở ngọc ô đàn não nùng chiều ai oán.
Nhạc Thiều tâu,
Xa đưa tiếng nhạc Thiều tâu,
Vẳng nghe chuông gióng lâu lâu lại dừng.
Dương, hơi dương đầm ấm...
Năm thức mây che,
Thức mây che rờ rỡ ngất trời.
Nguyệt đãi thềm lan,
Thanh, bóng trăng thanh nguyệt dãi thềm lan.
Tiếc thay mặt ngọc thương ai,
Vậy là đêm là đêm đông trường.
Rạng vẻ mây rồng,
Thiên, Nam thiên rạng vẻ mây hồng, rực rỡ nghìn thu.
Nghìn thu ngạt ngào,
Lãng Uyển xa bay,
Luống thâu đêm, đêm nghe phảng phất mối sầu tuôn.
Tuôn khôn nhịn ngẩn ngơ nỗi buồn.
Thu, lá thu ngô đồng rụng.
Một lá thu bay, hơi sương lọt mày,
Sương lọt mày, ngồi nghe tiếng đàn.
Sông, sông hồ nước biếc, chín khúc cuốn quanh.
Đáy nước long lanh, dạo ngồi chơi, ngồi chơi thủy đình.
Nguyệt tà tà xê xế, ánh đãi chênh dênh,
Trên không hoa cỏ lặng canh dài.
Đỉnh Thần sơn, đỉnh Thần sơn mặt ngọc mày ngài,
Thấy khách hồn mai.
Dãi tường lầu,
Nguyệt dãi tường lầu đồng vọng bóng trăng thâu,
Nặng tiếng, tiếng đỉnh đang,
Tiếng đỉnh đang, xui lòng thiếu nữ.
Nhớ thương ai gửi bước đường trường,
Bước đường trường, chầy ai đã nện, nện tương tư sầu.
Vò vò phòng hương,
Luống chực phòng hương.
Gửi cố nhân tình thư một bức, gợi nỗi ái ân.
Tư, tương tư sầu.
Theo lệ hát thì tại các cửa đình, mấy lối hát dâng hương, thét nhạc ca nhi đều phải đứng mà hát và kép đàn cũng phải đứng mà đàn. Hát nhạc xong mới được ngồi để bắt đầu hát giải.
Hát giải có những bài về phong cảnh như bài hai xã Phú Đa và Trinh Nữ thường dùng đã nên trên lại còn những bài về sử, về truyện, những bài này đều là những bài hát nói.
Trong những buổi hát thờ, nhiều khi dân làng yêu cầu ca nhi hát khúc Đại thạch.
Đời vua Lê Thần Tôn, gặp ngày lễ Vạn Thọ hát khúc Đại thực các quan đều dẫn người nhà vào trong cung xem. Vua thấy đông đúc mới truyền tiểu giám lấy những hòn đá to cho bọn nữ nhạc đứng lên trên hòn đá mà múa hát, chủ ý để cho mọi người cùng trong thấy. Từ đấy khúc Đại thực gọi là Đại thạch 17.
Bài hát Đại thạch là một bài thơ lục bát có biến thể ở mấy câu cuối:
Chúa từ bi nghe hết vân vi,
Thoát thôi lại nói tỷ tê nỗi lòng.
Ngọn cờ đỉnh núi xa trông:
Nọ sao cung quế, hẹn cùng trúc mai.
Trách thay ô thước nỡ hoài,
Cớ chi sao bỗng lạc loài cho nên.
Chốn này là chốn cung tiên,
Ước gì lại được phỉ nguyền nhớ mong.
Boong boong chuông gió đêm đông,
Cảm lòng người những luống công đợi chờ.
Hỏi thăm ai kẻ thân sơ,
Bóng trăng dãi tỏ có ưa chăng là.
Đêm đêm tưởng bóng ngân hà,
Trong sao Bắc Đẩu đã ba năm tròn.
Non mòn nghĩa ấy chẳng mòn,
Tào khê nước chảy lòng còn như in.
Tình thư phong gửi cá chim,
Chim tìm non thẳm, cá tìm vực sâu.
Duyên ưa có thấu tình nhau,
Ngày này Ô thước bắc cầu sông Ngân.
Mảng vui chơi bóng ánh xoay vần,
Lòng càng mong ướm hỏi lân la, lân la gió mát chiều ai khoan nhạc vũ.
Lũ thiếp gặp ngày vui,
Hội Long vân Thánh thượng khánh thọ,
Tấu nhạc quỳ dân, tôi chúc mừng 17.
Ngoài những câu hát theo nhịp đàn nhịp phách, trong những buổi tế lễ còn có những nam nữ vũ sinh vừa múa vừa hát thờ thần. Những vũ nữ này có thể là những ca nhi chuyên nghiệp hoặc là các trinh nữ trong làng cắt cử, như tục lệ làng Trúc Cương phủ Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa.
Vũ thì có nhiều bài, dưới đây chỉ đề cập tới đôi ba bài chúng tôi biết hoặc có tài liệu.
Hát bỏ bộ - Hát bỏ bộ là vừa hát vừa làm theo điệu bộ hợp với câu hát. Bài hát bỏ bộ gồm hai phần, phần mở đầu và phần chính. Thường bốn cô chia làm hai bên hát múa với nhau. Số người có thể tăng hơn nhưng phải là số chẵn.
Phần mở đầu:
Năm canh ngồi đợi trống canh (Các vũ nữ ngồi xuống)
Năm canh ngồi đợi giải cơn buồn.
Ngậm ngùi nhớ thương (Các cô đứng lên)
Tay nâng bàn rượu túi thơ (Tay làm hiệu giơ bàn rượu túi thơ)
Một mình đủng đỉnh giải lo phiền giải phiền (Các cô đủng đỉnh đi)
Ngồi buồn se chỉ chỉ se (Các cô ngồi xuống lấy hai tay se như se sợi chỉ)
Xỏ kim kim xỏ (Tay phải như cầm sợi chỉ, tay trái như cầm kim để xỏ)
Ngồi hè vá may (Tay phải cầm kim như khâu vào vải)
Giương cung ta bắn con cò (Các cô đứng dậy, giơ tay lên như bắn cung)
Con le nó lặn, con le nó lội, con cò nó bay (Hai tay các cô xòe ra, nhắc lên nhắc xuống như con le lội và chập chờn như con cò bay).
Sau phần mở đầu, các cô hát tới phần chính của bài hát Bỏ bộ. Phần chính này thường gồm 5 đoạn, dưới đây chính xép một đoạn làm mẫu:
Tình tang tính (Các cô đều múa)
Em ra kẻ chợ em coi (Vừa đi vừa nhìn)
Thấy quan tập trận
Ô kìa chòi bắn cung (Tay chỉ lên)
Gióng con ngựa hồng (Đi như cưỡi ngựa)
Mao tiền mao hậu (Quay phía trước lại quay phía sau)
Võ thần quan áo nậu vắt vai (Hai tay chống hai bên cạnh sườn)
Cờ vác vai (Hai tay để lên vai)
Súng anh tọng nạp (Tay làm hiệu nạp đạn vào súng)
Gươm tuốt trần (Tuốt gươm ra)
Tay cắp mộc mang (Tay cắp vào nách)
Trường khu đuổi đánh đã vang (Đi nhanh, tay làm ra điệu đánh).
Trên đây chỉ là một đoạn phần chính, còn bốn đoạn nữa cũng tương tự, và khi múa hát các ca vũ nữ phải cùng múa đều nhau. Những ca nhi chuyên nghiệp họ đã thuộc điệu múa và đã hát với nhau nhiều ở cửa đình nên khi múa hát điệu bộ của họ không những ăn với câu hát mà còn ăn cả với điệu đàn, điệu sáo.
Tại những làng, việc múa hát do các trinh nữ đảm nhiệm như ở xã Trúc Lương, nơi có đền thờ ông Lê Phụng Hiểu 18, các cô được dân làng cắt cử hát múa thờ thần phải luyện tập trước có khi hàng tháng. Thường tại các xã, việc múa hát do trinh nữ, số các cô được cắt cử thường gấp đôi ba hoặc hơn nữa so với số các ca nữ tại mỗi buổi hát thờ.
Ca múa bài bông - Múa bài bông là một lối múa dàn hàng theo điệu nhạc. Bài là bày hàng, bông là hoa, múa bài bông là những bông hoa đẹp dàn bày múa hát.
Các làng, thường những làng lớn, chỉ có múa bài bông trong những dịp vào đám. Múa bài bông, ít nhất phải có 8 vũ nữ, trong những buổi đại lễ con số tăng gấp ba bốn lần. Làng xã phải kén các trinh nữ đồng tuổi và suýt soát bằng nhau. Lúc múa các cô mặc áo màu sặc sỡ có dát kim kính, thêu kim tuyến, thắt dây lưng nhiễu xanh đỏ để múi rộng, đầu đội mũ kim phượng, tay cầm quạt. Hai bên vai các cô đeo đèn lồng thắp nến. Các cô múa dưới sự chỉ huy của một bậc đàn anh trong làng, vị này cũng được dân làng chỉ định trước để cùng luyện tập với các cô.
Tất cả các cô dự múa bài bông họp thành một hoa đội, đứng ở ngoài sân đình.
Phường bát âm đi trước, các cô theo phường bát âm đi hàng một vào trước hương án, trong khi vị đàn anh chỉ huy đánh trống cái giữ nhịp. Đứng đầu tất cả các cô có một cô trưởng ban, cô này gõ phách theo điệu nhạc. Bước của các cô nhanh chậm theo nhịp đàn phách.
Tới trước hương án, các cô chia làm hai hàng quỳ trước bàn thờ, hai tay nâng quạt lên khỏi đầu. Cô trưởng ban đóng vai Tiên đồng ra khai mạc buổi ca vũ. Cô hát, giọng giống như hát bội:
Tiêu dao lồng lộng Thiên đình
Tật tốc giáng dương trần bộ bộ
Khâm thừa Phật Tổ
Giáng hạ trần.
Lược nghĩa:
Nhởn nhơ chơi đạo Thiên đình
Mau mau kịp xuống dương trần xuống mau
Lệnh vâng đức Phật nhiệm màu
Cõi trần giáng hạ ai đâu dám từ.
Rồi hát tiếp một câu nói lối:
Như tối nay, Tiên ông trao chức
Ngô biểu tự Tiên đồng
Truyền ca nhi nam bắc tây đông
Đều múa hát dâng hương Thượng đế.
Tất cả các trinh nữ đều đứng lên và bắt đầu vừa múa vừa hát.
Múa lấy nhạc làm chuẩn đích, tiến thoái nhanh chậm đều do nhạc điều khiển, lúc quay chỉ quay một nửa người, không bao giờ quay lưng vào hương án 17.
Ngoài mấy điệu ca vũ trên, trong những buổi tế lễ xưa còn nhiều bài ca điệu vũ khúc, thay đổi tùy theo từng buổi tế, từng địa phương hoặc từng vị thần dân chúng phụng thờ.
Các giọng hát tôn giáo khác
Cứ kể trong việc thờ cúng thần linh, ngoài mấy giọng Chầu văn, Sai bảo lệnh truyền và Hát thờ trình bày ở trên còn nhiều giọng khác trong các buổi cúng bái. Cúng cô hồn có những bài văn, bài hát riêng. Cúng mụ, cúng thần cũng có có những bài văn bài hát, những bài văn bài hát này thường các thầy cúng chỉ ê a đọc lên mà không hát như Chầu văn và Sai khiến chư thần.
Có thể kể là những bài hát tôn giáo, những bài hát trong những dịp cúng lễ có múa như múa đèn, bài văn cúng cháo, các bài văn tế v.v...
Những giọng hát về nghề nghiệp
Đây chính là những giọng hát hành nghề, trong số đó có thể kể được các lối hát Chầu văn và Sai bảo lệnh truyền đã trình bày.
Mấy lối hát hành nghề đáng kể là hát Xẩm, hát Tuồng, hát Chèo, hát Cải lương v.v...
Hát xẩm
Hát xẩm còn gọi là xẩm chợ là lối hát kiếm ăn của những người thường thường bị mục tật. Họ đi một đôi ba người tới các nơi đông dân cư. Họ ngồi hát bên bờ đường, trước cửa chợ, trước cửa đình. Họ ngồi chung quanh một chiếc chậu thau. Thường là một cặp vợ chồng, chồng mù vợ sáng, vợ dắt chồng đi kiếm ăn bằng nghề hát. Đi theo hoặc là đứa con, hoặc là một người khác có khi cũng bị mục tật.
Người chồng gảy chiếc đàn bầu mà ta gọi văn vẻ là cây độc huyền cầm. Đây là một nhạc khí độc đáo hơn bất cứ một nhạc khí nào của quốc gia nào.
Đây là một cây đàn hoàn toàn Việt Nam, và chế hóa một cách hết sức giản dị. Đàn chỉ có một dây, căng thẳng trên trống đàn, một đầu dây buộc chặt vào trống đàn, còn một đầu buộc vào cây trụ bằng tre. Cây trụ này dùng để nhấn âm thanh mỗi khi gảy. Đàn không ngựa không phím, và trên mặt trống đàn chỉ có một sợi dây đàn. Đàn chỉ có bốn cung, nhưng mỗi cung có thể tạo ra rất nhiều âm thanh, và tiếng đàn nghe thiết tha buồn ảo não.
Người xẩm gảy đàn bầu để để đệm cho lời ca của mình. Có khi chính người này, có khi người vợ hoặc người đi theo hát. Có khi họ đồng ca.
Những câu hát của họ rất thay đổi, có khi tả cảnh có khi tả tình. Đây là một câu hát mà đám hát xẩm nào cũng thường hát tới:
Sáng trăng suông vằng vặc cái đêm trăng rằm,
Nửa đêm về sáng, trăng bằng cái ngọn cây tre,
Anh có yêu em cho vẹn một bề,
Để em thơ thẩn ngồi kề bóng trăng,
Sự tình này ai có thấu cho chăng?
Để em chỉ nguyện bóng trăng chịu sầu,
Tương tư một nhịp đôi ba cầu,
Bắc Nam đôi ba ngả, chịu sầu đôi ba nơi.
Con chim khôn chết mệt về mồi!
Có khi đám hát xẩm ngoài chiếc đàn bầu, lại có thêm cây nhị, khi nhị, khi đàn bầu, đệm cho lời ca, và cũng có khi hòa tấu cả hai thứ nhạc khí Việt Nam này.
Những người nghe hát xẩm thưởng thức lời ca, giọng hát cũng như tiếng đàn tiếng nhị, quăng tiền vào chậu thau để thưởng tiền cho bọn xẩm.
Hát tuồng
Hát tuồng do những ban hát trình diễn để lấy thù lao, do vậy ở đây chúng tôi xếp vào loại chuyên nghệ, những đào kép hát lấy tiền thù lao làm kế sinh nhai, tuy rằng vẫn có những tài tử lấy hát tuồng làm một thứ giải trí tao nhã, và thường trong tích hát chỉ thủ những vai mình ưng ý.
Hát tuồng còn gọi là hát bộ hoặc hát bội, là lối hát diễn lại những sự tích cổ trích trong các truyện, với mục đích rút ra một kết cấu với một ý nghĩa luân lý. Trong khi diễn lại tích cũ, các đào kép vừa hát vừa múa, đi lại trên sân khấu. Lối hát này do người Trung Hoa truyền sang nước ta từ đời nhà Tống, vào khoảng dưới triều Lý nước ta 19. Cũng có sách cho rằng lối hát này mới truyền sang nước ta từ đời nhà Trần, do một tài tử là Lý Nguyên Cát.
Hát tuồng xưa là một lối hát rất được giới phong lưu trí thức ham chuộng, và giới bình dân cũng ưa thích. Theo Đoàn Nồng, xưa vua Tự Đức cũng soạn tuồng và hát với các danh nho, vua Thành Thái thích xem hát và cũng tự mình sắm vai trong tích hát; cho đến vua Khải Định cũng ưa hát, ban xiêm giáp rực rỡ cho con hát và bắt phải luyện tập hẳn hò 20.
Vì do Trung Hoa truyền sang, nên các tích hát thường soạn theo sử Trung Hoa, mãi về sau, từ dưới Pháp thuộc mới có những vở tuồng soạn theo sách sử Việt Nam như Tây Nam Đắc Bàng, Gia Long Khai Quốc, Đông Á Song Phụng v.v... Các cách hóa trang, bố cảnh, các điệu múa đều chịu ảnh hưởng theo lối diễn tuồng Trung Hoa, cho đến cả những câu nói lối, hát khách cũng vậy. Về sau có thêm nhiều điệu hát Việt như những câu hát Nam hoặc câu nói lối bằng văn xuôi.
Hát tuồng có những điểm đặc biệt hoàn toàn Á Đông mà trong những điểm này, căn bản là sự tượng trưng. Có thể nói hát tuồng là một nghệ thuật, và tất cả các nghệ thuật Á Đông không bao giờ có ý tả chân mà chỉ dùng tượng trưng để diễn đạt.
Trong hát tuồng, sự tượng trưng đi từ bố cảnh, hóa trang xiêm áo cho đến điệu bộ và câu hát.
Về bối cảnh, vài cái ghế và một cái bàn là cung điện; một cành lá buộc vào ghế biến cung điện thành rừng xanh; hai ghế chồng lên nhau là núi non hiểm trở; một cây chèo là con thuyền; một roi ngựa là con ngựa; miếng vải có vẽ bánh xe đó là chiếc xe của nhà vua hoặc của hoàng hậu công chúa v.v...
Về hóa trang thì người trung mặt đỏ, râu năm chòm, nịnh mặt mốc, mặt xám hay mặt đen và râu ria. Tướng Phiên thì mặt vằn vện râu quai nón. Yêu thì mắt lục lạc, tóc màu nâu bắp 20.
Về xiêm áo thì nịnh đội mũ vuông, tướng Phiên có lông trĩ, lông Công, còn kép núi thì khăn đen.
Về điệu bộ, mỗi cử chỉ của đào kép là có ý muốn biểu lộ một cảm giác, một mối cảm tình hoặc một nền luân lý trật tự của người xưa. Khi một đào kép giơ một cánh tay làm bộ lau nước mắt không phải là có ý muốn tả chân cái buồn cho chư vị khán giả mà chính là muốn cho khán giả tự do tưởng tượng lấy bao nhiêu nỗi đoạn trường đau đớn. Mỗi điệu bộ tượng trung một việc; trung, nịnh điệu bộ khác nhau.

Xoay mặt vén râu làm bộ uống rồi đổ cặn rượu về phía sau lưng là đang uống rượu. Đưa cánh tay mặt ngang mày rồi kéo nhẹ từ trái qua phải là khóc. Ngồi xuống ôm bụng, lúc đứng lên có ôm thêm "Ông Làng" (Ông Tổ Hát bội) là nở nhụy khai hoa. Thấy cánh quạt, nghe tiếng cười cũng biết ai trung ai nịnh. Về câu hát, tướng đang bị thua mà hát câu khách tức là sắp chết. Nghe nhịp "cắc rụp cắc" biết là thầy rùa tướng núi sắp ra 20.
Sự tượng trung trong hát tuồng thật là nhiều ý nghĩa, và người dân Việt Nam, sống trong lề lối Á Đông, qua mỗi màn mỗi cảnh của tuồng, qua xiêm áo cử chỉ của mỗi đào hát đều thấu hiểu, và do đó mới thấy thích thú.
Thích thú về điệu bộ, về xiêm áo, vè bố cảnh khán giả lại còn thích thú về ca thể của tuồng. Ca thể này tổng hợp rất nhiều lối hát: nói, dặm, sa mạc, trống quân, quan họ v.v...
Thường mỗi khi diễn tuồng, đều có câu giáo đầu. Sau câu giáo đầu mới vào tuồng chính. Đào kép hát tuồng, đóng vai gì lúc bước ra sân khấu, phải xưng danh vị của mình:
Tế trào Nguyên Lão,
Mỗ hiệu Đinh Công,
Son sắt một lòng,
Tuyết da sáu giáp,
Lộc nước ơn nhà đều khắp.
Một trai một gái cũng đặng hiền...
Mỗi lối hát được ca lên trong những trường hợp riêng.
Nói lối tuồng để xưng danh:
Quyền Đô Đốc xà tang,
Ngã tánh Chu Công Cẩn.
Nói lói bốp dùng khi hai tướng địch mới gặp nhau hoặc khi cha mắng con để nói lên sự phẫn nộ:
Ới hợi! Chớ khoe khoang thần võ,
Không phủ phục thiên sai!
Nói lối ai dùng để tả sự buồn rầu.
Hát khách thường do các tay đóng tướng hát trước khi ra trận hay đi tuần núi, vai đóng quan hát trước khi đi nhận chức, hoặc vai người thư nhàn đi ngoạn cảnh.
Hát khách phú hay hát khách phú lục là loại hát đối đáp của những người xa cách gặp nhau, hoặc hai tướng địch hỏi lai lịch của nhau trước khi giao tranh.
Hát khách tẩu mã là lối hát của những vai đuổi giặc hoặc có việc chi cấp bách.
Hát khách tử do người đóng vai sắp chết, tướng sắp tử trận hoặc người sắp tự tử.
Than và oán được hát để tả nỗi buồn.
Ngoài các điệu hát trên còn có các điệu nam xuân hát lúc sắp lên đường dạo cảnh, nam bằng hát lúc vui, nam dựng hát lúc nửa vui nửa buồn.
Tại miền Nam có hai lối hát buồn:
Nam đi: Hát lúc buồn nhưng không phải cảnh biến,
Nam chạy: Hát lúc gặp hoạn nạn, bị hổ hoặc bị cướp đuổi.
Hát tuồng còn được gọi là tuồng cổ hiện nay vẫn được nhiều người ưa chuộng, và trong những dịp đình đám ở Nam Việt bao giờ cũng có vài buổi hát bội. Các vị quan viên, chức sắc, trong những buổi hát thường cầm chầu đánh trống để khen chê các diễn viên.
Hát chèo
Theo Dương Quảng Hàm, hát chèo dùng để diễn các việc vui cười, những tật hư thói xấu của người đời, trong lời văn có nhiều giọng khôi hài, nhưng lại có tính cách khuyên răn người đời, thiên về luân lý. Có thể nói rằng, hát chèo dùng cái cười để dạy đời.
Trong Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ cho biết lối hát chèo xuất hiện từ đời nhà Trần. Đời ấy khi có quốc táng, dân chúng xúm chung quanh quan tài để xem, người đông quá đến chật cả điện đình, dẹp rất khó khăn. Người dẹp đám mới bắt chước lối vãn ca thời xưa, đặt ra lối hát song ngâm, sai quân lính đi hát diễu ở quanh đường để dân chúng xúm lại xem cho chỗ điện đình rảnh lối mà lo việc tống táng. Đời sau người ta bắt chước và mỗi năm vào Tết Trung nguyên, các tang gia mời người đến hát để giúp lễ, và những người này được gọi là phường chèo. Đến đời vua Lê Cảnh Hưng, lối hát vãn được biến thể và được xen lẫn nhiều giọng hát của tuồng mà thành hát chèo ngày nay và đã trở thành lối hát tuồng bình dân, hát tuồng nhưng lại khác hát tuồng, có thời rất thịnh hành tại miền quê Bắc Việt. Tôi còn nhớ khi tôi còn nhỏ, đi xem bất cứ đám hội làng nào buổi tối chúng tôi đều được xem hát chèo, và hai tiếng xem chèo đã trở nên đồng nghĩa với đi xem hội quê vào mỗi buổi tối.
Trong khoảng trước Thế chiến thứ hai, ở Hà Nội có rạp Sán Nhiên Đài chuyên hát chèo và ban chèo cổ Nguyễn Đình nghị đã từng là một ban chèo cổ nổi tiếng ở Thăng Long.
Những tích chèo một phần dựa theo truyện cổ Trung Hoa như hát tuồng, nhưng phần khác được soạn theo các tích cổ Việt Nam, nhất là các loại truyện bình dân.
Chèo Chu Mãi Thần dựa tích cổ Trung Hoa, các chèo Lưu Bình, Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính, Thúy Kiều Kim Trọng v.v... soạn theo các truyện bình dân Việt Nam.
Chèo có những điệu hát riêng, khác với hát tuồng và phân làm nhiều loại được hát tùy theo từng đoạn của vở chèo: vui tươi, buồn thảm, ý nhị, đanh đá hoặc bông lơn.
Hát chèo có những đoạn đối thoại như ta nói chuyện. Ngoài ra còn có ba cách nói gọi là: nói lối, nói sử và nói lửng.
Nói lối - Cách nói của các tay đóng học trò thi đỗ hoặc khách nhàn du. Thường là bốn câu thơ thất ngôn, hoặc có khi chỉ có ba câu, nhất là trong các vở chèo cổ.
Nói sử - Đây chính là ngâm thơ, nhưng nhịp điệu thay đổi.
Sử chúc dùng vào lúc giáo đầu, ca ngợi đất nước.
Sử xuân tính chất vui tươi.
Sử sầu dùng để diễn tả sự buồn thảm lo âu.
Sử vãn dùng để than, thường là thơ lục bát.
Nói lửng - Cách nói của những đào kép thủ vai lẳng lơ như Tú Bà trong Truyện Kiều, Thị Mầu trong truyện Quan Âm Thị Kính.
Chèo cũng như tuồng chịu ảnh hưởng rất nhiều của thời cuộc. Ngày nay, thuần túy chèo rất ít được trình diễn tại các rạp, chỉ thỉnh thoảng xen vào một cảnh nhỏ. Những người lưu tâm tới văn hóa, trước những sự thay đổi của ca hát không khỏi bùi ngùi khi thấy lối hát chèo đang dần đi vào con đường đào thải.
Hát cải lương
Đây là một lối hát mới có từ thời Pháp thuộc, phối hợp cổ kim, sử dụng đủ các bản hát cổ kim, các loại tuồng chèo, các loại ca bình bán, nam bình, nam ai, hò ca, vè, và cả vọng cổ nữa. Cùng với các bản ca, các nhạc sĩ, đệm nhạc bằng đủ loại nhạc cũ, nhạc mới.
Do sự pha trộn này, cải lương có vẻ dồi dào phong phú về ca và nhạc, và thích hợp với đủ mọi loại khán giả, nhất là dân chúng vùng quê miền Nam. Ở Bắc Việt cho đến thời tiền Genève, lối hát cải lương không mấy phổ cập trong thôn dã, không như ngày nay tại miền Nam, mọi người dân đều ưa cải lương, đặt cải lương vào một địa vị quan trọng của nghệ thuật.
Tại khắp các rạp hát miền Nam hiện thời đều có trình diễn cải lương, ở đô thị cũng như ở vùng quê. Và các vở cải lương được soạn ra rất nhiều, phỏng theo dã sử, phỏng theo những tiểu thuyết tình cảm và có khi phỏng theo cả truyện kiếm hiệp, truyện thần thoại. Cũng đôi khi có những vở cải lương xã hội nội dung có phần nào đến gần thực tế.
Cải lương đã thắng cả hát tuồng và hát chèo, không hiểu đây có phải là một sự phân hóa của văn hóa chăng?
Ca vọng cổ
Vọng cổ là một bài ca xuất xứ tại miền Nam và rất được phổ biến trong đại chúng. Vọng cổ giọng buồn, não nùng, tha thiết, dễ cảm, dễ xót xa. Có lẽ chưa bài ca nào được đại chúng miền Nam ưa thích bằng những bài vọng cổ. Thường một bản ca vọng cổ có 6 câu, nhưng trên thực tế một câu, hai câu, ba câu... đều có thể được cả.
Trước sáu câu có một khúc nói lối. Dưới đây là thí dụ:
Nói lối
Em gọi tên người bằng niềm vui vô vọng, rồi buông rơi hai tiếng ấy giữa không gian, nhặt đâu đây vài cánh hoa tàn, em xếp lại để tủi buồn cho số kiếp. Kìa mấy cánh hoa rụng xuống giữa cô liêu, nó đã tàn úa, không còn dám luyến lưu tình bướm trắng.
Bài ca
Chị em ơi, khó cho một cuộc đời vô vọng của những cánh hoa rơi rụng dưới chân đồi, nó đã tàn phai nhan sắc từ lâu rồi, nó đã xa lìa sự sống của những ngày ủ mộng đời xuân sang. Cát bụi sẽ phủ lên mình nó để rồi mưa nắng thời gian không còn biết nó là hoa gì, được mấy tuổi ước mơ mà chôn vùi nguồn mơ ước.
Chị em ơi, em muốn nói đời hoa ấy là em, là Thu Lan đã hơn ba năm nay hầu hạ dưới chân người, nó từng thức thâu đêm để nghe gió lạnh thở dài, nghe lá rụng, nghe tâm tình thổn thức và để buồn vui theo ánh mắt của người yêu, nhưng em không có quyền thổ lộ, vì em đã lỡ yêu. Hương tình của thuở ban đầu nhạt phai, thì đâu thế nào em lại nói tiếng yêu ai.
Chị em ơi, em là kẻ tàn tật, linh hồn trong trắng mà mảnh hồng nhan không che kín được vết thương. Nếu em có yêu thì yêu người đồng chung cảnh ngộ, người trong sạch, linh hồn trong trắng mà tàn phế xác thân, người ấy đang cùng lương tri tâm hồn điên loạn cũng như em. Người ấy, người có quyền điều khiển đám tàn quân, có quyền oán vua hận chúa và người ấy là người đã từng phen hạ lệnh cho em dâng cơm, hầu nước, đốt lửa, giăng màn. 20
Về văn chương, những câu hát vọng cổ thường đại để như câu trên, chỉ than van, chỉ thương nhớ, nhưng với điệu ca, vọng cổ đã có ma lực mãnh liệt để quyến rũ giới bình dân miền Nam và cả giới trí thức nữa.
Trong các rạp hát, khi ca sĩ hạ đến đoạn mùi là tất cả khán giả vỗ tay, và trong lúc ca sĩ hát, nhiều khán giả đánh nhịp chân, gõ nhịp tay theo giọng ca.
Về nguồn gốc giọng ca vọng cổ, có nhiều người đưa ra nhiều luận điệu khác nhau.
Nguyễn Tử Quang trong Thử tìm xuất xứ bài vọng cổ đăng trong Bách Khoa số 63, xuất bản ngày 15 tháng 8 năm 1969, đã viết:
Vào khoảng năm 1920, tại chùa làng Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu có một nhà sư, tên họ thật là gì, người làng không biết được mà chỉ biết pháp danh là Nguyệt Chiếu. Vì ở xa lại nên người ta không rõ được tông tích nhà sư.
Nhưng thấy nhà sư nho học uyên thâm với tư tưởng ẩn dật, người ta đoán chừng là một văn nhân chống Pháp trong thời Cần Vương, nay thất thời nên tạm lánh mình vào cửa Phật.
Tuy đã đi tu nhưng vẫn mang nặng tình non nước, lòng còn hoài bão chí khí lớn lao với một cuộc đổi thay nên nhà sư mới đem tâm sự mình ký gửi trên bài từ, đề là dạ cổ hoài lang, nghĩa là đêm khuya nghe tiếng trống nhớ chồng. Đại ý của nó cũng tựa như tác phẩm Chinh phụ ngâm của bà Đoàn Thị Điểm.
Bài thơ này lại được vào tay ông Sáu Lầu, một nhạc sĩ có danh tiếng lúc bấy giờ, giữa đôi bên thông cảm được mối tình thương nhà nhớ nước nên ông Sáu Lầu mới lấy bài thơ ấy ra phổ nhạc.
Đó là bài Dạ cổ hoài lang nhịp đơn, âm điệu mường tượng hai bài Hành vân và Xuân nữ. Bài ấy lời lẽ như thế này:
Từ phu tướng,
Báu kiếm sắc phong lên đàng,
Vào ra luống trông tin chàng.
Thêm đau gan vàng,
Trông tin chàng,
Gan vàng thêm đau!
Chàng dầu say ong bướm,
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang.
Đêm ngóng trông tin bạn,
Ngày mỏi mòn như đá vọng phu.
Vọng phu vọng luống trong tin chàng,
Năm canh mơ màng,
Chàng hỡi, chàng có hay.
Đêm thiếp nằm luống những sầu tây.
Bao thuở đó đây sum vầy,
Duyên sắt cầm tình thương.
Nguyện cho chàng,
Đặng chữ bình an,
Trở lại gia đàng,
Cho én nhạn hiệp đôi.
Lúc đầu vọng cổ chỉ có thế, chỉ là bài Dạ cổ hoài lang. Bài này được đưa lên sân khấu bởi gánh hát thầy Năm Tú ở Mỹ Tho đầu tiên, rồi lần lượt các gánh khác cũng sử dụng, nhất là trong các tuồng cải lương.
Rồi bài hát chịu sự biến đổi, từ Dạ cổ hoài lang đổi sang Vọng cổ hoài lang, để về sau tên gọi được đơn giản hóa hơn với hai tiếng Vọng cổ.
Những bài vọng cổ được soạn ra dài hơn, lâm ly hơn, bi sầu não nuột hơn!
Điệu Vọng cổ buồn, phải chăng nó báo trước cái buồn của dân tộc Việt Nam ngày nay! Anh em đánh giết nhau, rồi bom rơi đạn nổ, bàn tay ngoại tộc đã dính vào, Bắc cũng như Nam, máu người Việt càng đổ nhiều vì khí giới dị bang! Những người có trách nhiệm vì quyền lợi riêng tư của mình không nhìn thấy tiền đồ của dân tộc. Người ngoại quốc, chúng có thương chi mình là người khác giống! Thử hỏi trong chúng ta ngày nay mấy gia đình là không tang tóc?
Bản ca vọng cổ vẫn được hoan nghênh, cái điệu ca vong quốc này còn được nhiều người thích thú, có lẽ đất nước chúng ta còn chịu nhiều đau đớn, và nỗi u buồn của dân tộc còn dài dằng dặc không biết đến bao giờ?
Trong các nhạc sĩ miền Nam có nhiều người tài ba đã soạn ra nhiều câu vọng cổ thật là não nuột. Dưới đây chúng tôi xin trích ra một bài của ông Trinh Thiện Tứ, một nhạc sĩ quán ở Bạc Liêu rút trong cuốn Ca nhạc Cổ điển, điệu Bạc Liêu để bạn đọc cùng thưởng thức. Bài này gồm câu nói lối và sáu câu vọng cổ.
VUA THOÁI VỊ ĐI TU
Nói lối
Câu: Phú quý tợ môn tuyền tuyết; chữ công danh như thảo thượng sương. Cõi trần ai là cốt khổ tang thương, tránh sao khỏi con đường sanh, bịnh, tử. Thà kiến tánh để trở về ngôi vị cũ; lo tu tâm giải thoát nẻo sa đà. Mặc dầu ngày mai trẫm kế nghiệp Tiên vương...
Vọng cổ
1- Lên ngôi nhất thống sơn hà,
Đại quốc vi vương, sống trên nhung lụa ngọc ngà,
Trẫm đội vầng nhật nguyệt, đạp máy âm dương, cầm đầu văn võ bá quan,
Giữ gìn xã tắc, thế thiên trị quốc an bang,
Nhưng bao nhiêu chí cả hiên ngang, cũng là tạm thời mộng ảo.
2- Có câu ca dao: Vì chưng kiếp trước khéo tu, ngày nay con cháu võng dù nghênh ngang.
Gieo căn là hưởng quả trên trời trả công phu bằng ấn ngọc ngai vàng.
Nhưng có lẽ đâu trần duyên tạp niệm, danh lợi tóm thâu khi kế nghiệp cho tiên hoàng.
Biết đâu màn vô minh kia là tội trọng vật khinh, nó che nguồn đạo đức.
Thôi kể từ đây thế sự giai hưu, trẫm xin nhường ngôi thoái vị.
Thiên tùng nhân ý, mãng bào long cổn cởi ra, trẫm mặc vào chiếc áo cà sa.
3- Công danh như bào ảnh, phú quý tợ phù vân. Xét ra tứ đại giả tan;
Trên thế gian xác phàm là tượng trưng cho tứ khổ: sanh, lão, bệnh, tử của con người.
Dầu ai có trục lợi tham danh, cũng chỉ suốt đời tạm hưởng bởi sách có câu:
"Sơn trung tự hữu thiên niên thọ, thế thượng nan phùng bá tuế nhơn."
Nghĩa là: ngàn năm cây vẫn sống, nhưng thế gian trăm tuổi ít ai còn.
Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu; cao phi viễn tẩu giả nan toàn.
4- Đứng giữa thanh thiên, trẫm phát tâm lập nguyện siêu thoát ngươn hồn.
Xả thân cầu đạo, tế chúng độ nhơn đặng mót bòn công phu công quả.
Vì ngươn hồn là khối chơn linh bất diệt, là bửu pháp vô vi.
Vậy trẫm còn mến tiếc nữa chi? Cõi đời sanh ký tử quy, cái xác thân phàm hý.
Cứ lo mặc sướng ăn sung, nằm cao và ngủ kỹ, sanh ra lục dục thất tình.
Tham vọng hư thân, đã không tích đức lại thêm nhơ bọn phong trần.
5- Nhứt điểm vô minh chi hỏa năng thiêu âm đức chi lâm.
Có thể đốt rừng đạo hạnh vì chưng nhóm lửa mê huyền.
Nhớ câu: Phật pháp thậm thâm vô biệt niệm, đắc kiến Như Lai khi giác ngộ đạo Thiền.
Khuyên ai đừng mê vật chất bản thân, lo tu tâm đặng gieo trồng hậu quả.
Tu tâm vì Phật tại tâm, vậy phải dọn sạch lòng mới mong được gần nơi Phật tọa.
Bởi đời đây là đời giả, cố nhiên đạo cả mới vững bền.
6- Muốn qua bỉ ngạn, tìm cảnh kỳ viên, ta nên phản tục quy nguyên, sang thuyền bát nhã.
Đổ chuông cảnh tỉnh, gióng trống giác mê, trẫm gõ mõ tẩy trần và tụng kinh sám hối,
Đặng đem hạnh phúc giả phàm đối lấy nguồn đạo đức chơn như.
Xóa nợ trần ai, tìm chốn Phật Đài, ngày đêm đốt nén trầm hương, đặng xông sách cõi lòng.
Không màng khổ hạnh, bao nài lảo đảo xác thân, giỏi cho tuyết sương chang thử thách bá tòng.
Vì tâm kiến Như Lai, khỏi đọa luân hồi lục thú.
Nam mô Phật A Di Đà... Tự giác, giác tha.
Những lối ca hát trí thức
Nếu các lối ca bình dân được phổ biến trong đám quảng đại quần chúng thì những lối ca hát tri thức chỉ được giới trí thức ưa chuộng. Những lối ca hát trí thức cầu kỳ hơn cần phải có trình độ văn hóa để hiểu biết lời ca, cũng như cần phải có khả năng tài chính để trả thù lao cho ca nhi.
Trong các lối ca hát trí thức có hai lối rất thịnh hành trước đây là Ngâm thơ và Ca trù.
Ngâm thơ
Các tay văn tự thường làm thơ rồi ngâm cho nhau nghe, giọng thơ ngân nga như muốn diễn tả hết tình ý chứa đựng trong lời thơ.
Các cụ nhà nho có thú xướng họa: một cụ làm một bài thơ, cụ khác họa nguyên vận rồi cùng ngâm để cùng thưởng thức.
Nhiều người không làm được thơ nhưng rất ưa ngâm thơ. Họ thường ngâm những đoạn trong Truyện Kiều, Tống Chân Cúc Hoa, Lục Vân Tiên, Nhị Độ Mai v.v...
Ngoài ra các nhà văn tự lại ưa làm thơ tập Kiều, nghĩa là lấy những câu trong Kiều để ngâm vịnh cho những đề khác.
Ngâm thơ thường không có nhạc. Ngày nay các tác giả mới cũng ngâm nga thơ của mình, và có đệm nhạc.
Làm thơ xong, hoặc các tác giả cùng bè bạn tự ngâm để thưởng thức với nhau, hoặc giao cho ca nhi ngâm.
Trong những buổi tối đi mua vui ở xóm cô đầu, nhiều nhà văn, nhà thơ thường soạn sẵn những bài thơ hoặc những bài tập Kiều để cô đầu ngâm.
Đây là cái thú thanh cao của người biết chữ.
Ca trù
Các cụ xưa rất ưa ca trù. Ca trù chính là hát ả đào, nghĩa là lối hát của cô đầu khi tiếp đãi quan vên.
Sở dĩ gọi là ca trù vì ngày xưa khi có tế lễ thường mời ca nhi tới hát và khi hát có lệ hát thẻ. Thẻ gọi là trù làm bằng mảnh tre ghi chữ đánh dấu, dùng để thưởng ả đào thay cho tiền mặt. 17
Trong buổi hát thờ, mỗi khi ca nhi hát hay, lại được thưởng một chiếc thẻ, khi buổi hát tan, đoàn ca hát cứ theo số thẻ lĩnh tiền thưởng. Do đó, hát ả đào gọi là ca trù, nghĩa là hát thẻ.
Hát ả đào còn gọi là hát cô đầu, hát nhả tơ hay hát nhà trò.
Khi ả đào hát có kép dùng đàn để đệm cho câu hát và có quan viên đánh trống cầm chầu.
Chính ả đào trong lúc hát lại gõ phách để giữ nhịp câu hát.
Hát ả đào có ba lối chính:
Hát chơi là hát khi tổ chức tại nhà quan viên hay tại nhà ả đào để quan viên mua vui. Trong những buổi hát chơi này, cô đầu thường ca những bài phóng khoáng và tình tứ.
Hát cửa đình là hát để thờ thần. Trong những buổi hát này, ca nhi thường hát những bài về sử, về kinh truyện, về sự tích danh nhân, ngoài những khúc do đào hát còn những khúc do kép hát và những vũ bộ 17.
Hát thi là lối hát để khảo sát tài năng của đào kép.
Với ba lối hát, ca trù có tất cả trên 40 thể, nhưng những thể thường được hát nhiều là:
Bắc phản
Mưỡu
Hát nói
Gửi thư
Về âm luật ca trù có 5 cung chính (cung ở đây là giọng hát và hơi đàn):
Cung Nam, giọng bằng phẳng mà xuống thấp.
Cung Bắc, giọng rắn rỏi mà lên cao.
Cung Huỳnh, giọng đọc dính vào nhau mà mau.
Cung Pha, hơi ai oán, giọng đọc chệch lơ lớ đi.
Cung Nao, hơi chênh chênh, đương ở cung nọ chuyển sang cung kia. Cung nao chen lấn ở giữa, âm nhạc Tây phương gọi là nửa cung.
Về sau có thêm một cung nữa gọi là cung Phú. Cung Phú hơi như vẻ đọc Phú, cuối câu có hơi ngân bậc cao 17.
Bắc phản

Hát Bắc phản mở đầu cho cuộc hát. Sau khi đào kép dạo phách là hát Bắc phản. Giọng hát thanh tao từ hơi Nam chuyển sang hơi Bắc, do đó có danh từ Bắc phản.
Câu hát là những câu lục bát, giọng hát bằng phẳng đều đều.
Dưới đây là một câu hát Bắc phản cổ:
Nỗi xa cách nhớ thương,
Trêu người chi mấy trăng già.
Se dây cho hẳn một nhà với nao,
Bấy lâu duyên những ước ao,
Giấc hòa mộng tưởng, chiêm bao mơ màng.
Sơn lâm mấy cõi tướng vàng,
Cây bao nhiêu lá thương chàng bấy nhiêu.
Hát mưỡu
Sau Bắc phản thường là Hát mưỡu, điệu phách khoan thai. Câu hát là một hoặc hai câu lục bát tùy theo từng trường hợp. Hát mưỡu tuy câu hát cũng là lục bát như Bắc phản, nhưng giọng Nam, giọng Bắc phân minh, lời hát réo rắt khác với sự bằng phẳng của Bắc phản. Mưỡu mở đầu cho bài hát nói. Mưỡu một câu lục bát là mưỡu đơn, hai câu lục bát là mưỡu kép. Mưỡu tóm tắt ý tưởng trong bài hát nói:
Đêm thu Thăng Long
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.
Mịt mù khói tỏa ngàn sương,
Nhịp cầu An Thái, mặt gương Tây Hồ.
Trên đây là một câu mưỡu khép cổ, không rõ tác giả. Dưới đây là một câu mưỡu kép của Tản Đà:
Hỏi gió
Cát đâu ai bốc tung trời?
Sóng sông ai vỗ? Cây đồi ai rung?
Phải rằng dì gió hay không?
Phong tình đem thói lạ lùng trêu ai?
Hát nói
Sau Hát mưỡu là Hát nói, nhưng trước bài hát nói có năm khổ đàn. Với hát nói, tác giả gói ghém ý mình muốn nói vào câu hát.
Hát nói đủ khổ có 11 câu.
Hát nói dôi khổ có trên 11 câu.
Hát nói gối hạc là bài có nhiều câu, vừa dôi phách lại vừa cách đặt khúc khuỷu.
Hát nói mưỡu hậu là bài hát nói có câu lục bát trước khổ cuối.
Bài Hỏi gió của Tản Đà là một bài đủ khổ:
Khoái tai phong dã!
Giống vô tình cây đá cũng mê tơi.
Gặp gió đây hỏi một đôi lời,
Ta hỏi gió quen ai mà phảng phất?
Thử thị Đà Giang phi Xích Bích,
Dã vô Gia Cát dữ Chu Lang.
Ai cầu phong? Mà gió tự đâu sang?
Hay mải khách văn chương tìm kết bạn?
Gió hỡi gió, phong trần ta đã chán,
Cánh chim bằng chín vạn những chờ mong,
Nên chăng gió cũng chiều lòng.
Một bài hát gối hạc và dôi khổ:
Nhàn nhật tầm phương
Xuân bất lão nhân hà lão,
Lúc thanh nhàn đủng đỉnh dạo tìm hoa.
Nào Lan, Đào, Mai, Lý, Cúc, Trà,
So hương sắc, mỗi hoa tươi một vẻ.
Chẳng trách bướm ong ham đáo để,
Nhẽ nào quân tử lại vô tâm?
Đã chơi hoa ngắm nghía ôm cầm,
Vậy thưởng thức có tinh thần thời mời thích.
Xuân khứ xuân hồi thi mãn bích,
Hoa hàm hoa tiếu tửu khinh tôn.
Rượu pha hương say tít càn khôn,
Hoa đượm tuyết lại càng tôn vẻ quý,
Vườn ngự uyển chị Hằng lưu ý.
Khách tầm phương thường để trí vãng lai,
Còn xuân hoa nguyệt còn dài.
Chiêu Dương
Một bài hát mưỡu hậu của Nguyễn Công Trứ:
Nợ phong lưu
Cõi trần thế nhân sinh là khách cả,
Nợ phong lưu kẻ trả có người vay.
Trong trần ai, ai biết ai hay,
Làm ra đứng phi thường cho rõ mặt.
Quân tử dụng tâm vô đố tật,
Trượng phu xử thế hữu kinh quyền.
Bất vưu nhân bất oán thiên,
Ba vạn sáu nghìn ngày thích chí.
Năm ba chén trà nhân rượu trí,
Một vài câu thơ thánh phú thần.
Nhởn nhơ trong cõi hồng trần,
Gặp ngày chung đỉnh đai cân cũng vừa,
Thảnh thơi bầu rượu túi thơ.
Hát gửi thư
Đây là giọng hát để người hát diễn đạt tình ý dưới hình thức một bức thư. Bài hát thường là những bài văn song thất lục bát, đôi khi có biến thể thêm một vài chữ cho rõ nghĩa.
Bài Gửi người tình nhân không quen biết của Tản Đà thường được dùng để hát gửi thư:
Ngồi buồn lấy giấy viết thư chơi,
Viết bức thư này gửi đến ai.
Non nước xa khơi tình bỡ ngỡ,
Ai tri âm đó nhận mà coi.
Ngàn mây biếc long lanh đáy nước,
Bóng tà dương ngả gác non đoài.
Tranh kia ai vẽ cho trời?
Ngoài sơn thủy lại một người đứng trơ.
Hồn kiếp trước ngẩn ngơ chưa tỉnh,
Mối duyên tình vơ vẩn càng thêm,
Tuyệt mù tăm cá hơi chim,
Nào người nhớ hỏi thăm tìm là đâu?
Kể từ độ lọt đầu se tóc,
Cũng cùng mang tiếng khóc mà ra.
Cõi sầu ta lại với ta,
Lọ quen biết mới gọi là tương tri.
Cơn gió thảm có khi cùng khóc,
Bóng trăng thanh lắm lúc cùng chơi;
Gượng vui cùng một nét cười,
Nguyệt hoa cùng trải cuộc đời như nhau.
Bể trần hải chẳng sâu mà sóng,
Cầu hành tinh đã rộng thêm tròn;
Tài tình một gánh con con,
Đông Tây Nam Bắc ai còn gặp ai.
Nỗi béo nước đã thôi thời thế,
Tình cỏ sương khôn dễ mà khuây.
Phòng văn trở lại gót giầy,
Chén tương tư rót cho đầy lệ vơi.
Tấc son giãi mấy lời huê bút,
Tờ giấy bay theo ngọn gió đông.
Lòng kia hỡi có tin lòng,
Nước non khơi cách ngàn trùng chưa xa.
Nêu trên là mấy lối hát ca trù thường được các ca nhi hát tới và được quan viên ưa thưởng thức. Ngoài ra còn trên bốn chục lối hát khác nữa, đáng kể là Kể truyện, Hãm, Tì bà, Xẩm cô đầu...
Hát trẻ em
Từ trên, chúng tôi đã trình bày phần lớn các lối ca hát Việt Nam, từ những lối ca bình dân đến những lối được hạng trí thức ca hát hoặc ưa thưởng thức. Đấy mới là những lối ca hát của người lớn, nhưng các trẻ em trong những trò chơi chúng nó cũng có những lối hát riêng. Dưới đây là một số những câu hát đi theo với trò chơi.
Chi chi chành chành
Đây là lối chơi đi tìm. Một em chìa bàn tay ra các em khác để ngón tay trỏ trên bàn tay của em này, rồi em này cũng lấy ngón tay trỏ của mình đặt lên bàn tay vừa đi vừa hát:
Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa chết chương
Ba vương Thượng Đế
Ù... ù... ập!
Sau tiếng ập, em nắm tay lại, em nào có ngón tay bị nắm trong bàn tay của em kia, sẽ nhắm mắt lại để các em khác đi ẩn, rồi em đi tìm.
Thả đỉa ba ba
Trò chơi này cần một em làm đỉa, còn các em khác là những người lội qua sông. Các em thường cùng chơi ở sân đình, sân chùa, hoặc lúc đi chăn trâu thì chơi ở trên một thửa ruộng đã dỡ màu rồi. Hai bên bờ ruộng, hai bên mé sân được coi là bờ sông. Em làm đỉa đứng ở giữa sân hoặc giữa ruộng, còn các em kia chạy qua chạy lại. Đỉa phải đuổi bắt người lội sông. Em nào bị đỉa bắt phải làm đỉa thay cho em cũ được trở thành người lội sông trong trò chơi.
Lúc đầu tiên cần phải có một em làm đỉa. Tất cả các em đứng vây quanh thành vòng tròn, một em hát bài thả đỉa ba ba mỗi tiếng chỉ vào một em, em nào trúng tiếng sau cùng em đó làm đỉa. Bài hát như sau:
Thả đỉa ba ba,
Chớ bắt đàn bà,
Phải tội đàn ông.
Cơm trắng như bông,
Gạo thuyền như nước,
Đổ mắm đổ muối,
Đổ tưới hạt tiêu,
Đổ niêu phân gà,
Đổ phải nhà nào,
Nhà ấy phải chịu.
Em nào trúng tiếng chịu em ấy phải làm đỉa.
Đại khái, chúng tôi kể ra vài trò chơi với các câu hát liên hệ của trẻ em để bạn đọc có một ý niệm về lối hát này. Thực ra các trẻ em nhiều trò chơi lắm, và với các trò chơi thường đều có các câu hát, chúng tôi rất tiếc không kể được hết ra đây 22.
Hát Tân nhạc
Đây là thời tiền chiến của ca hát Việt Nam.
Tại các thành thị, người ta hầu như xao lãng hết những điệu hát cổ truyền. Chiếu bóng, âm nhạc Tây phương, phong trào thể thao và hướng đạo đã ảnh hưởng rất lớn tới nền ca hát Việt Nam với những câu hát vui tươi, với những bài hát sáng tác bởi các nhạc sĩ phái mới.
Kể từ những cuộc vui chơi của trẻ em nhắc lại những tích cổ cũng có những câu hát theo điệu mới, như câu hát sau đây nhắc lại sự tích vua Đinh Tiên Hoàng.
Anh hùng xưa nhớ thời là thời niên thiếu,
Dấy binh lấy lau làm cờ,
Quên mình là mình giúp nước,
Hết sức giữ gìn cho nước,
Dấn thân trước nơi nguy nàn...
Những cuộc lửa trại hướng đạo được tổ chức thay thế những trò chơi tập thể của trẻ em vùng quê, và trong những cuộc lửa trại này những câu hát Pháp được chuyển sang tiếng Việt Nam. Như bài hát con Voi dưới đây:
Trông kìa con voi,
Nó đứng rung rinh,
Nghiêng mình trong đám.
Nhện chăng vò tơ,
Anh chàng voi ta,
Thích chí mê tơi,
Bèn mời anh khác,
Đằng xa vào chơi.
Trên lãnh vực ca hát của người lớn, người thành thị miền Bắc hồi đó - chúng tôi muốn nói vào khoảng từ năm 1932 trở lại - như muốn say mê những điệu hát lai Tây. Có thể vì âm nhạc mới lạ, nhưng cũng lại vì những lời ca nồng cháy của những mối tình đầy xác thịt. Những bài hát Âu Tây này khác hẳn những bài hát Việt Nam cũng ca ngợi tình ái, nhưng ở đây là mối tình êm đềm kín đáo mà thắm thiết.
Chính vì quá say mê cái mới Tây phương mà lớp người mới ở thành thị thường ca hát những bài tiếng Pháp.
Và nhiều bài hát Pháp được chuyển sang Việt ngữ, trai gái thị thành thích thú những bài hát này, chúng đề cao cá nhân. Dưới đây là một trong những bài hát của lũ người mất gốc hồi đó, bản tiếng Việt của bài Créola:
Phút mơ màng,
Ngồi bên em tựa thiên đường.
Và ngàn hương sắc huy hoàng chim hót ca lừng vang.
Chào xuân đi, nàng tiên, trời tươi thắm, một mầu tươi sáng.
Ta cố quên ngày tháng, sung sướng đi nàng tiên!
Kia hồ xưa xa xăm man mác êm đềm,
Ồ người tiên, mắt em mơ màng,
Cười cùng anh chớ nên ưu phiền.
Ca hát đi nàng tiên,
Vang ca khúc tình duyên.
Bài hát trên có thể tượng trưng cho tất cả những bài hát ngoại quốc được chuyển sang lời Việt hồi đó. Những bài hát này chỉ ca tụng một cách vụng về tình ái lộ liễu của trai gái.
Nhưng dù con người thành thị có ưa những bài hát này đi mấy, chúng cũng chỉ có một thời.
Chỉ ít lâu sau, một phong trào mới về ca hát xuất hiện nhờ ảnh hưởng của phong trào hướng đạo. Nam nữ thanh niên đua nhau hát những bài hát Mên, Lào, cả giọng hát Thượng mặc dầu họ không hiểu gì về ý nghĩa của bài hát. Chúng tôi có thể kể lại đây những bài Hời Màn Prồ, Nùng Păng Cà lô ti v.v...
Sau đó, vào khoảng 1941-1942, những bài hát Trung Hoa cũng được đồng bào thành thị miền Bắc hát tới và chuyển sang Việt ngữ. Một bài danh tiếng của thời đó là Hà nhật quân tái lai? nghĩa là Khi nào chàng trở lại? được hầu hết các thanh niên nam nữ thuộc lòng, và một số người ở đồng quê cũng hát. Có lẽ nó có tính chất phương Đông nên dễ phổ biến chăng?
Hà nhật quân tái lai?
Đi có để hình bóng,
Cùng mối thương anh để bên lòng.
Em nhắn nhủ thời gian,
Mang đến trả tình quân.
Như đóa hoa thơm như sương,
Mau cứu hoa khỏi héo tàn...
Vương vấn âu sầu làm chi,
Nếu sau ngày biệt ly,
Còn mong sẽ có một trùng lai tư nhi.
Giữ duyên khỏi phai,
Dù bước phong trần lôi kéo đời.
Em cũng như tình quân,
Yêu lo một kỳ tái xuân.
Bài hát trên là lời than thở của một xuân nữ, cầu khẩn cho người yêu trở lại và mong mỏi ngày tái ngộ.
Ngoài bài trên, còn bài Nhớ rừng cũng chuyển từ Hoa ngữ sang rất được thanh niên nam nữ học sinh ưa thích.
Thời kỳ sáng tác
Chịu ảnh hưởng của nền âm nhạc Tây phương, không lẽ người Việt Nam cứ chuyển mãi những bài ngoại quốc sang Việt ngữ, do đó, cùng với sự chuyển dịch trên, các nhạc sĩ Việt Nam cũng sáng tác được nhiều bản nhạc đã lột được tinh thần của nhạc sĩ và đã trở nên rất có giá trị, nó hợp với tâm hồn người Việt Nam hơn. Có những bài như bài Bên sườn núi của Phạm Đăng Hinh, bài Việt Nam bất diệt của Hoàng Gia Linh, bài Khỏe vì Nước của Hùng Lân v.v... rất được phổ biến. Vào năm 1942, những bản nhạc do nhạc sĩ Thẩm Oánh sáng tác cũng rất được hoan nghênh, và được đám quần chúng say mê, trong đó đáng kể là các bài Hồ xưa và Tâm hồn anh tìm em.
Ngoài ra, một hướng đạo sinh, ông Phạm Văn Xung có soạn được bài Đi đi ta cùng đi cũng được giới bạn trẻ luôn luôn hát tới.
Để tượng trưng cho các bài hát được sáng tác trong thời kỳ tiền chiến này, chúng tôi xin ghi lại đây bài Tâm hồn anh tìm em đã từng làm cho giới thanh niên thích thú.
Tâm hồn anh tìm em,
Theo lần sang vườn Thúy,
Dưới trăng mờ sao huyền,
Lòng anh giá băng,
Dưới bóng trăng mờ,
Tìm hình người mơ,
Gió lay trong trời thanh,
Anh mến xin hương trầm tóc xanh.
Ánh trăng hằng sáng,
Như mắt nhung mơ màng,
Và tóc em là màn liễu xanh rờn.
Tâm hồn anh tìm em,
Theo lần sang vườn vắng,
Nhớ nhung căng tràn tim
Trong bóng điệu trăng mờ sao huyền,
Một mình bên sông mờ với em.
Bản hát trên thật là êm ái, lời lẽ thật là thanh nhã, hợp với tâm hồn bạn trẻ và cũng không đi ngược lại hướng đạo đức của phương Đông như những bài quá nồng cháy dịch ở các bài hát Tây phương sang tiếng Việt.
Tưởng cũng nên nói thêm là nếu tất cả lối ca hát cổ truyền Việt Nam có thể ca không nhạc ngoại trừ Hát chèo, Hát xẩm, Ca trù và Hát tôn giáo, thì những lối hát Cải hương và hát Tân nhạc đều có nhạc đệm.
Kết luận
Chúng tôi đã trình bày sơ lược các lối ca hát tại Việt Nam qua các giai đoạn từ cổ truyền tới tân nhạc. Đã đành rằng sơ sài quá và còn nhiều thiếu sót, nhưng khuôn khổ tập sách này và sự hiểu biết nông cạn bắt buộc chúng tôi phải thu hẹp nhiều điều chúng tôi muốn nói rộng hơn.
Ở đây chúng tôi cũng không đả động tới những lối ca hát mới ngày nay ở miền Bắc kể từ năm 1945, nhất là từ năm 1954, sau hiệp định Genève. Những lối ca hát mới này chịu ảnh hưởng rất nhiều của nền ca nhạc Trung Hoa đỏ và được chính quyền miền Bắc khuyến khích.
Chú thích:

1

Đào Duy Anh - Việt Nam Văn hóa Sử cương, NXB Bốn phương Saigon, 1961.

2

Phạm Duy - Hát hội miền Bắc, Văn đàn tạp chí số 4, ngày 13 tháng 1 năm 1961.

3

Nguyễn Chung Anh - Hát ví Nghệ, Tĩnh.

4

Tề Ngã và Phàn Trì là học trò của Đức Khổng Tử.

5

Cô Trúc là vua nước Cô Trúc, Vũ Vương là vua nhà Chu.

6

Đò Lường là chuyến đò ngược lên chợ Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

7

Nguyễn Đổng Chi - Hát giặm Nghệ, Tĩnh I.

8

Lê Văn Hảo - Vài nét về sinh hoạt của hát giặm và hát ví, dân ca Nghệ Tĩnh. Đại Học số 34, tháng 8 năm 1963.

9

Thái Văn Kiềm - Cố đô Huế trang 5, Nhà Văn hóa, bộ Quốc gia Giáo dục, xuất bản năm 1960.

10

Xin xem chương về cầm.

11

Lê Văn Hảo - Vài nét về Hò, dân ca miền Trung và miền Nam. Đại học số 35 và 36, tháng 10 và 12 năm 1963.

12

Thuần Phong - Duyên Hội Ngộ. Bách Khoa số 7, ngày 15 tháng 4 năm 1956.

13

Đào Văn Tập - Tự điển Việt Nam phổ thông.

14

Tiền Giang - Vè miền Nam, NXB Phạm Văn Tươi, Saigon 1956.

15

Xin xem quyển Làng xóm Việt Nam, Nam chi tùng thư Saigon, 1968, trang 367-375.

16

Sắc biến trong động ngăn cách với đất trời; cây cổ thụ bên cạnh chứng tỏ sự trường tồn với tháng năm.

17

Đỗ Đoàn Bằng và Đỗ Trọng Huề - Việt Nam ca trù biên khảo.

18

Xin xem quyển Nếp cũ: Hội hè đình đám của soạn giả.

19

Đoàn Nồng - Sự tích và nghệ thuật hát bộ.

20

Trần Văn Khê - Hát tuồng. Bách Khoa số 60, ngày 15 tháng 6 năm 1959.

21

Thạc Nhân - Xã hội Việt Nam với vấn đề Lễ nhạc.

22

Mời xem cuốn Trẻ em hát, trẻ con chơi của Nguyễn Văn Vĩnh.

Năm 1964 
Toan Ánh
Theo https://vietmessenger.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...