Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2022

Cầm ca Việt Nam 2

Cầm ca Việt Nam 2

Nhạc ở Việt Nam
Đã nói về cầm với các nhạc khí, chúng tôi thấy cũng nên nhắc qua tới các loại nhạc ở Việt Nam - ở đây chúng tôi xin phép chỉ nói tới cổ nhạc.
Theo những nhạc khí, theo hoàn cảnh xã hội và qua sự trình bày của các phường nhạc, nhạc Việt Nam có thể chia thành hai loại: nhạc lễ và nhạc tiêu khiển.
Nhạc lễ
Nhạc là một cái gì mầu nhiệm thiêng liêng và người xưa cho rằng chỉ những thiên tài mới chế được ca nhạc, và do đó phương Đông chúng ta lại quan niệm rằng nhạc là sự điều hòa giữa trời đất và nhạc hay cùng hòa chung với trời đất.
Nhạc lại có thể cảm lòng người và thay đổi được phong tục. Lễ nghi không có nhạc thiếu vẻ trang nghiêm, và để giữ gìn mỹ tục, để bảo tồn lễ nghi, người xưa dùng nhạc trong các buổi tế lễ.
Nước Tàu vào thời cổ vua chúa đặt ra nhạc để trông coi việc tế tự và dạy bọn nhạc công 1.
Chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, ngay từ ngày xưa, các vua chúa Việt Nam cũng dùng nhạc trong các buổi tế lễ, và dần về sau trong các cuộc tế lễ tại các đình miếu, từ đường ở các vùng nông thôn Việt Nam, hoặc trong các đám ma, đám rước thần người ta có sử dụng các hội tiêu nhạc 2.
Về đời nhà Lê, vua Lê Thánh Tôn đã sai các quan triều thần nghiên cứu âm nhạc Trung Quốc, đặt ra bộ Đồng Văn chuyên tập âm luật để hòa nhạc và bộ Nhã Nhạc chuyên dùng nhân thanh để xướng hát 3. Hai bộ này được sử dụng vào các lễ tế Giao Miếu và lễ triều hạ.
Rồi đến đời Lê Trung Hưng, các chúa Trịnh lại có đội bả lệnh dùng trong việc tang tế trong phủ Chúa cũng như ngoài dân gian.
Từ đời Quang Hưng (1578), nhạc khí dùng cho bộ Đồng văn và bộ Nhã nhạc gồm một số trống ngưỡng thiên lớn, một kèn trúc lớn, một long sinh long phách (sinh tiền và phách có hình rồng), một cây đàn ba, bốn hoặc mười lăm dây, một ống sáo và một trống mảnh một mặt. Nhạc khí dùng cho đội bả lệnh gồm trống, mõ, trống tiến bông, kèn đại, kèn tiểu và kèn tổ sâu.
Hai bộ Đồng văn và Nhã nhạc từ đời này thường ít dùng đến, và về sau trong các cuộc tế lễ Giao miếu và lễ triều hạ, cũng như trong các buổi tế thần của dân gian người ta đều dùng nhạc của giáo phường, tức là thứ nhạc dân gian. Nhạc này ngày càng biến hóa, và bộ nhạc gồm một cái nhịp dài bằng tre, do một mụ già gõ nhịp, một cái ống sáo, một cái quyển nhị, một cái trống cơm, một cái đàn đáy, mỗi người kép cầm một cái, còn đào thì cầm một cái phách, một cái sinh tiền, hoặc một cái trống mảnh một mặt dùng khi vừa hát vừa múa 4.
Ở miền Nam, âm nhạc của ta từ khi chúa Nguyễn vào khai thác, đã chịu ảnh hưởng của âm nhạc Chiêm Thành và đã tạo nên những khúc nhạc cung Nam trầm bi oán vọng, khác với những khúc nhạc linh hoạt cung Bắc. Nhạc miền Nam ngày càng phong phú thịnh vượng hơn, so với nhạc miền Bắc ngày một suy. Nhà vua có đội nhạc thánh dùng trong việc tế tự, gồm những tay giỏi nhạc trong nước, sử dụng các nhạc khí cũng giống như miền Bắc, gọi là Đường ngoài.
Tới ngày nay, nhạc lễ cũng thay đổi nhiều, và trong các buổi tế lễ chỉ dùng những ban nhạc thu hẹp thường gọi là phường bát âm với các nhạc khí: nao, bạt, bát, sinh tiền, kèn, trống nhỏ, đàn, nhị, sáo, một vài thứ đàn. Có phường có tám nhạc khí, có phường chỉ có năm sáu. Về đàn thì có khi là đàn nhật, có khi là đàn nguyệt, có khi là đàn tranh hoặc một thứ đàn khác, có khi hai ba thứ đàn.
Các ban nhạc dùng tới vui buồn thay đổi tùy trường hợp tế tự hoặc tang lễ.
Nói đến nhạc lễ cũng phải kể tới những buổi cầu đồng, hầu bóng tại các miếu điện vùng quê, mà ở đây có thầy cung văn vừa đàn vừa ca những bản chầu văn với mục đích để đồng sớm nhập.
Trong những đám rước thần ở thôn quê bao giờ cũng có ban nhạc tham dự, không kể trống chiêng đi theo cờ tiết mao trên đầu đám rước. Ban nhạc gồm cả phường đồng văn lẫn phường bát âm. Phường đồng văn đi sau voi ngựa và đoàn chấp kích, thường gồm một người cầm trống khẩu, người này đứng đầu gọi là cai đồng văn, một người cầm thanh la, hai người cầm sinh tiền, bảy hoặc tám người đánh trống bản. Có làng lại có thêm hai đứa con trai, ăn mặc giả gái, mỗi đứa đeo một cái trống cơm, gọi là con đĩ đánh bồng.
Phường đồng văn này, hễ trống khẩu, thanh la, sinh tiền khởi lên thì trống bản họa lại. Hai con đĩ đánh bồng vừa đập trống vừa múa nhịp nhàng theo khúc điệu của những bản nhạc.
Phường bát âm đi sau phường đồng văn, hai phường cách nhau bởi cờ vía và gươm dàn mặt 5.
Phường bát âm thường gồm tám nhạc khí đã trình bày ở trên.
Tuy gọi là phường đồng văn và phường bát âm, nhưng thường là dân đinh trong làng, ít khi các làng xã phải nhờ đến những phường chuyên nghiệp. Các thanh niên trong làng, trong lúc mùa màng nhàn rỗi thường cùng nhau tập luyện âm nhạc trước là để tiêu khiển sau là giúp dân làng trong các cuộc tế lễ rước xách. Những chàng trai quê thường rất lấy làm hãnh diện được tham dự ban nhạc, nhất là phường bát âm trong những buổi tế thần cũng như trong khi đi rước. Trong những dịp này, các chàng trai được các cô gái chú ý. Các chàng cố đàn cho hay, sáo cho giỏi...
Nhạc tiêu khiển
Ngoài các buổi tế lễ, người ta còn dùng nhạc để tiêu khiển mua vui cùng nhau. Năm ba bạn trẻ, có khi một người nhiều tuổi đứng đầu họp thành một ban nhạc, để cùng nhau luyện các bản và hòa tấu với nhau những khi gió sớm, lúc trăng chiều. Cũng có những người với một nhạc cụ, một cây đàn nhật hoặc đàn nguyệt, một cây nhị hoặc cây đàn bầu, khi nhàn rỗi vừa đàn vừa hát những bản nhạc mình yêu thích. Những lúc thư nhàn, hoặc khi đêm khuya thanh vắng buồn bã một mình, thì mượn tiếng đàn làm tiếng giải muộn. Hoặc đàn nguyệt, đàn thập lục dạo một vài câu lưu thủy, hoặc gảy chơi một câu tứ đại, nam ai v.v... Tiếng đàn thánh tha thánh thót, ti tỉ như dế kêu sầu cũng đủ tả tấm lòng ngao ngán 6.
Đem tâm tư gửi vào khúc nhạc, dùng nhạc để quên nỗi u buồn, dùng nhạc để nói lên niềm vui, nhạc thật là một thú tiêu khiển thanh cao tao nhã.
Trong các ban nhạc họp nhau để mua vui tiêu khiển các loại nhạc khí thường được dùng là: đàn kìm, đàn nguyệt, đàn tranh, hồ cầm, sinh tiền, sáo, tiêu và trống nhỏ; và các ban nhạc tài tử này cùng nhau hòa những bản nhạc thông dụng và được nhạc giới công nhận là có giá trị. Trong các bản nhạc này thường được phân chia thành hai loại: bản Bắc và bản Nam tức là những khúc nhạc cung Bắc và cung Nam như trên đã nhắc tới.
Nhạc cung Bắc
Đây là những bản nhạc linh hoạt, một phần phóng tác theo nhạc Trung Hoa, nhưng xoang điệu mang sắc thái Việt Nam. Thực ra cũng có những bản gốc Trung Hoa, cũng có những bản gốc Việt Nam, ngày nay lẫn lộn, khó mà phân biệt. Mấy bản cung Bắc chính có thể kể:
Cổ bản: Một bản nhạc cổ rất nhiều xoang điệu. Nhạc nghe êm tai, nhưng nội dung không rõ là gì.
Lưu thủy: Lưu thủy là nước chảy. Bản nhạc gây cho thính giả một cảm giác êm ái, điệu nhạc như trầm lặng, nhưng nhanh nhanh và buồn buồn.
Hành vân: Hành vân là mây bay. Qua hai chữ hành vân ta hình dung đám mây trôi xa xa giữa bầu trời xanh ngắt. Nghe bản nhạc hành vân, ta cảm thấy nhè nhẹ, êm êm, thanh thản.
Kim tiền: Bản nhạc gọi theo tên nhạc khí, kim tiền tức là sinh tiền dùng để đập nhịp. Nội dung và xoang điệu bản nhạc đi rất mạnh. Nghe bản nhạc, thính giả cảm thấy cái gì hăng hái, say sưa, mạnh mẽ. Trái hẳn với xoang điệu thanh thản của các bản lưu thủy, hành vân, xoang điệu bản kim tiền đi nhanh, dồn dập, réo rắt, hùng mạnh.
Bình bán: Bản này dung hợp cái chậm rãi và cái dồn dập của hai bản lưu thủy và kim tiền, xoang điệu vừa mau vừa chậm, vừa trầm vừa hùng. Nội dung bản này có thể nói đoạn đầu là lưu thủy và đoạn sau là kim tiền.
Tẩu mã: Bản này diễn ta nhịp ngựa phi, do đó vừa dồn dập, vừa nhanh, vừa mạnh. Điệu tẩu mã thường được sử dụng trong các vở tuồng với những vai anh hùng, tráng sĩ.
Tứ đại cảnh: Tứ đại cảnh là cảnh của bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông trong một năm. Nội dung bản nhạc diễn tả cảnh sắc bốn mùa. Bản nhạc này tuy được xếp vào các bản nhạc cung Bắc, nhưng nhiều người cho rằng tác giả bản nhạc này là vua Tự Đức vì các lẽ sau đây:
- Bản nhạc được phổ biến nhiều nhất ở Huế.
- Vua Tự Đức là nhạc sĩ có tài lại có tâm hồn nghệ sĩ, đàn giỏi, thơ hay.
Trên đây là những bản nhạc cung Bắc chính, ngoài ra cũng có những bản khác như Phú lục, như những bản cổ của người Trung Hoa v.v...
Nhạc cung Nam
Đây là những bản nhạc sản xuất ở miền Nam từ thời chúa Nguyễn, chịu ảnh hưởng rất nhiều các nhạc khúc Chiêm Thành. Từ nhạc thường buồn sầu bi oán, nhưng rất có giá trị, dưới đây là các bản chính là luôn luôn được cầm giới sử dụng:
Nam ai: Nam ai là thương Nam, xót Nam. Đây là bản nhạc buồn nhất, ai oán nhất trong các bản nhạc cung Nam.
Với bản nhạc Nam ai, rất nhiều nhạc sĩ, thi sĩ đặt lời ca, tùy theo hoàn cảnh cảm xúc và ý nghĩa của từng người. Thường bản ca Nam ai có ba vần tạo thành ba khổ. Dưới đây là một ví dụ:
Khuyên ai gắn bó đền công trình thầy mẹ,
Ân nặng nhường sông, nghĩa chất non cao.
Ơn cúc dục cù lao,
Sinh thành lo sợ xiết bao,
Lo cơm bữa nhường nao,
Ẵm bồng ra vào.
Nâng niu, bú mớm đêm ngày xem tày vàng ngọc,
Hay chạy, hay đi, lúc nắng lúc mưa.
Từ xưa đến giờ,
Lúc hãy còn thơ,
Đến bây giờ,
Chịu nhuốc nhơ,
Biết bao nhiêu mà!
Trông năm trọn ngày qua,
Da mồi, tóc bạc, mày xa,
Khuyên trong cõi người ta,
Thảo ngay mới là!
Xoang điệu của bản Nam ai chậm chậm để diễn tả nỗi buồn thảm cực độ, do ảnh hưởng của Chiêm Thành.
Nam thương: Nam thương là buồn Nam, mến Nam. Đây là một bản nhạc cổ điệu buồn nhưng không buồn bằng Nam ai. Bản nhạc cũng chịu ảnh hưởng nhạc Chiêm Thành, xoang điệu đi chậm nhưng một vài chỗ âm thanh có vẻ réo rắt, hàm ý thương tiếc nhớ nhung, đau khổ buồn buồn.
Nam xuân: Đây là một bản nhạc ít buồn và có đượm cái vui, tuy cái vui vẫn như thể bị cái buồn nối tiếp. Phải chăng đây là cái buồn truyền kiếp của một quốc gia đã bị diệt vong mà ảnh hưởng ăn vào âm nhạc của Việt Nam. Xoang điệu bản nhạc tuy buồn nhưng có nhiều nét thướt tha duyên dáng, cái thướt tha duyên dáng của hình bóng cô gái Chàm đi lả lướt trên bóng chiều.
Nam bình: Đây là một bản nhạc không buồn không vui, âm thanh đi đều đều. Có thể nói đây là một bản nhạc cung Nam được hòa hợp bởi ba bản Nam ai, Nam thương và Nam xuân cho nên nội dung pha lẫn buồn vui, nhưng cái buồn vẫn nhiều hơn.
Bốn bản nhạc trên, tuy nhạc chỉ có một bản, nhưng mỗi bản lại được phổ thành nhiều ca khúc bởi nhiều tác giả, mỗi ca khúc nội dung khác nhau tùy cảm hứng của từng tác giả.
Xét qua tất cả các bản nhạc cung Bắc và cung Nam, ta thấy số các bản nhạc không thay đổi mấy qua thời gian, nhất là rất ít có bản mới. Các nhạc sĩ Việt Nam ta xưa cho rằng trách nhiệm của mình là học cho đủ những xoang điệu cũ, chứ không dám đặt ra những xoang điệu mới, thậm chí có người cho rằng những tiếng dặm thêm của một vài tài tử trẻ tuổi là do tính hiếu kỳ 7. Với quan niệm trên ta đừng lấy làm lạ khi vấn đề sáng tác nhạc của ta xưa rất là hạn chế.
Từ mấy chục năm nay, vì ảnh hưởng nhạc Tây phương, nhạc Việt Nam cũng có đôi sự thay đổi. Người ta đua nhau chơi tân nhạc, xa rồi cổ nhạc. Cái thú phong lưu này của người xưa đã biến cải, và dường như những người ở chốn thị thành, những người tự cho mình là trí thức không lưu ý tới nền cổ nhạc. Phải chăng đấy là một sự tiến bộ, hay đấy chỉ là một hiện trạng gốc rễ bị lung lay.
Đã đành rằng với thời đại mới, người ta không thể cứ bo bo theo cũ, nhưng theo mới không bỏ cũ, dùng mới để cải tiến cũ, để dung hòa cũ, có như vậy mới mong giữ vững được cội rễ của văn hóa.
Nhạc Việt Nam không phải dở, đã có những người ngoại quốc tán thưởng, thì tại sao chính ta, ta không chấn chỉnh lấy nền nhạc nước nhà?.


Chú thích:

1

Nguyễn Tiến Chiêu - Trống cơm. Bách Khoa số 67, đề ngày 15 tháng 10 năm 1959.

2

Về nghi trượng đám rước, thứ tự cờ quạt đàn kiệu, trống chiêng v.v... mời xem Tín ngưỡng Việt Nam - quyển thượng, trang 177-181.

3

Indochine, nos 77-78, 1942.

4

Phạm Duy - Hát hội miền Bắc, Văn đàn tạp chí số 4, ngày 13 tháng 1 năm 1961.

5

Nguyễn Chung Anh - Hát ví Nghệ, Tĩnh.

6

Tề Ngã và Phàn Trì là học trò của Đức Khổng Tử.

7

Cô Trúc là vua nước Cô Trúc, Vũ Vương là vua nhà Chu.

Toan Ánh
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bản năng - Truyện ngắn của Mrozek Slawomir

Bản năng - Truyện ngắn của Mrozek Slawomir Sau khi bị bội tình tôi tậu một con chó. Tôi muốn nó phải là bạn chung thủy của tôi. Để được vậ...