Thứ Hai, 3 tháng 1, 2022

Cầm ca Việt Nam 5

Cầm ca Việt Nam 5

Tài liệu đọc thêm
Âm nhạc xứ Thượng
Âm nhạc của người Thượng rất đơn giản thường là kết hợp bởi những âm thanh man dại của núi rừng. Sống trong vị thế cách biệt hẳn mọi giao tiếp đổi thay của thế giới bên ngoài âm nhạc cũng như văn hóa người Thượng ít bị ảnh hưởng ngoại lai mà vẫn giữ bản chất nguyên vẹn buổi ban đầu. Những bài ca của người Thượng thường là những điệu hát thần thoại được kết dệt tự ngàn xưa, hoặc để kể lại nguồn gốc của bộ lạc, ca ngợi đời sống anh hùng của những tù trưởng can đảm, hay để mơ tưởng một cuộc sống thanh bình sung túc, hoặc ca tụng những mối tình thơ mộng của núi rừng. Những lời ca đó không được ghi chép bằng văn từ mà chỉ được lưu truyền qua cửa miệng của loài người trải qua nhiều thế hệ.
Âm điệu của những bài hát rất đơn sơ, chất phác mô phỏng tiếng nói của núi rừng: Tiếng gió lách qua chùm lá, tiếng chim hát, tiếng suối reo, tiếng thác đổ rạt rào...
Tất cả những âm thanh kết hợp thành nhịp điệu chi phối hình thức diễn tả. Do đó âm điệu của những bài ca miền núi thường thường trầm trầm nhẹ nhẹ như gió thoảng như thác không có những âm thanh cao vút hay dồn dập rộn ràng.
Nhạc cụ dùng phụ họa cho lời ca cũng để diễn tả những âm điệu mô phỏng của thiên nhiên với những tiếng ngân nhỏ nhẹ trầm buồn như tiếng thì thào của tâm hồn những người sơn cước.
Người Bahnar, Sédang hay chơi một loại đàn bầu giản dị. Ta gọi là đàn bầu vì đàn bên dưới làm bằng một quả bầu khô, cán đàn là một ống tre nhỏ, bên trên cắm 12 cái chốt để cột dây đàn. Dây đàn ngày trước làm bằng sợi dây gấc nên tiếng trâm và nhỏ, ngày nay thay thế bằng những sợi thép của dây điện thoại. Những sợi dây đàn được cột dài ngắn theo thứ tự vào những chốt trên cán đàn đối với thân bầu. Những sợi dài cho âm trầm, những sợi ngắn cho âm cao, tiếng rung của dây đàn sẽ được chuyển vào quả bầu và phát ra những âm thanh trầm trầm nho nhỏ. Muốn nghe đàn phải đứng rất gần người đánh đàn vì tiếng nhẹ như gió thoảng.
Người Sédang cũng thường thổi một loại ống sáo có 6 lỗ, thổi bằng cách nhậm vào một dàn ống. Ống sáo này cũng phát ra những tiếng nho nhỏ buồn buồn. Những thiếu nữ Bahnar thường chơi loại đàn ống. Nếu một hay hai người chơi thì đàn gồm 8 ống, nếu nhiều người cùng đàn có thể nhiều ống hơn. Những ống này làm bằng thây cây lồ ô đã thông mắt, các ống dài ngắn khác nhau. Những ống dài cho âm trầm, những ống ngắn cho âm bổng. Muốn đàn người ta gác dọc những ống này trên hai thanh tre nằm ngang trên mặt đất, ống dài nhất ở bên phải rồi theo thứ tự đến ống ngắn nhất bên trái. Nếu chỉ một người chơi đàn thì người này phải quỳ ngồi ngay dưới đất ở giữa các ống đàn, dùng tay vỗ vào nhau để phát ra hơi gió ở trước mỗi ống, hơi gió luồn vào trong ống, chạm vào thành ống tạo nên tiếng ngân rồi thoát ra thành một âm ở đầu kia của ống. Người đánh đàn phải thuộc âm điệu của từng ống, mỗi ống cho một âm khác nhau, nhưng người chơi đàn có thể đánh những bán âm bằng cách vỗ ở giữa hai ống gần nhau, hơi gió sẽ chia vào hai ống và phát ra một âm trung bình giữa hai âm. Thường bao giờ cũng có một người ngồi ở phía dưới đối diện để đánh nhịp. Người đánh nhịp chỉ vỗ vào ống có âm trầm thứ nhì, ống này được kê cho cao phía trên người đánh nhịp. Tiếng đàn này rất ấm và trầm, thoang thoảng âm vang hòa điệu với những bài ca âm điệu hiền làng.
Người Rhadé, người Stieng, người Khatu ở Quảng Trị có một loại kèn ghép bằng nhiều ống hóp nhỏ theo thứ tự cao thấp như hình bậc thang, tiếng kèn của những âm thanh đều đều có vẻ man dại và buồn.
Người Thượng ở miền Nam Cao Nguyên lại còn có một loại đàn ghép bằng hai thanh tre hay gỗ chuốc mỏng, tùy theo độ mỏng hay dầy, mỗi thanh tre cho một âm thanh khác nhau. Những thanh này được nối lại với nhau bằng hai sợi dây song song. Người chơi đàn cầm một thanh tre hay gỗ mỏng khác gõ vào đàn.
Có nơi loại đàn này biến đổi thành hai hình thức khác nhau, người ta không ghép những thanh tre lại để cầm mà đàn nhưng lại gác chúng lên trên miệng một đường mương nhỏ rồi dùng cây gõ lên những thanh tre đó sẽ có được những âm thanh trong trẻo và nhẹ.
Ngoài những loại đàn và kèn đặc biệt của đồng bào Thượng thay đổi cho từng bộ lạc, ta còn thấy đồng bào Thượng có một nhạc cụ thông dụng cho mọi nơi đó là những chiếc goồng và trống. Goồng hay chiêng và trống gồm có nhiều loại lớn bé khác nhau, đánh goồng trống cho hòa hợp là cả một nghệ thuật, người Thượng thường sử dụng các loại nhạc khí sau này vào những lúc có lễ lạc tế tự long trọng.
Người Thượng cũng có những vũ khúc bình dị, bình dị như âm nhạc và tâm hồn của họ. Vũ điệu thường đơn giản ít động tác và nhẹ nhàng hòa hợp với lời ca tiếng nhạc. Họ rất thích ca hát nhất là những cô thiếu nữ, lời ca ngân nga đều đều như không bao giờ thay đổi. Ngày nay xen lẫn với những điệu ca cổ truyền, người Thượng cũng biết hát những bản nhạc cải cách của Phạm Duy, Nguyễn Văn Đồng... Vào một vài buôn Thượng, thỉnh thoảng chúng ta được nghe điệu nhạc trầm buồn, vi vu qua tiếng đàn ống lẫn lộn với những âm thanh dồn dập như thánh thót của Tây Ban Cầm.
CỬU LONG GIANG và TOAN ÁNH
(Miền Thượng Cao Nguyên)
Tục hát trống quân giữa giai Xuân Cầu, gái Khúc Lộng
Nếu bạn đi ô tô theo con đường thuộc địa số 5, tức đường Hà Nội - Hải Phòng, bạn sẽ qua một phố con cách Hà Nội chừng ngoài hai mươi cây số, đó là chợ Đường cái.
Xuống xe, đi lần vào làng Nhạc Lộc độ nửa cây, bạn sẽ thấy một con sông con có cầu bắc qua mà bên kia ẩn hiện một làng khá đẹp, tên là Xuân Cầu thuộc tỉnh Bắc Ninh.
Xuân Cầu vẫn có tiếng là một làng văn vặt.
Với bộ óc mộc mạc, dân Xuân Cầu vẫn giữ được nề nếp cũ trong xóm, trong làng.
Quanh năm chăm chỉ làm ăn, giai làng chỉ có dịp chơi bời ngao du trong cảnh thu đẹp đẽ. Những đêm gió thu êm, trăng thu sáng, với một tấm lòng hả hê sau trận phấn đấu với công việc nặng nhọc, giai làng thường thường tìm vui trong thú hát trống quân.
Hát trống quân là một lối chơi rất thanh nhã mà họ vẫn giữ từ trước đến nay. Hằng năm, cứ đến tháng tám, họ rủ nhau tụ năm tụ bảy để ca hát. Có một điều lạ là không bao giờ họ hát với gái làng, vì gái làng hát không hay và rất kém về môn chơi đó, nên họ phải tìm những bạn "đồng thanh, đồng điệu".
Khúc Lộng, một làng hẻo lánh cách Xuân Cầu độ ba cây số, sản xuất rất nhiều "chim họa mi" vừa hát hay, vừa ví khéo.
Cứ mùa hát tới, giai Xuân Cầu, gái Khúc Lộng lại cùng nhau ca xướng dưới những tơ trăng mươn mướt mịn màng, mặc dầu đã nhiều lần làm giai các nơi khác đem tâm ghen tị.
Cứ tối đến, lúc trăng thu đã lên, gió mát đã thổi, họ đã xong công việc nhà, thì đôi bên gặp nhau trong "thơ mộng": chia làm hai đám, lên giọng ca hát véo von... Họ chào nhau một cách rất thân mật, rồi tha hồ tình tự trong phạm vi câu hát:
Lạ lùng anh mới tới đây
Thấy hoa thì hái, biết cây ai trồng!
Và cứ như thế, bên nọ giả lời bên kia rất thú vị.
Đó là mấy câu hát chơi trước khi vào cuộc cũng như thanh niên ta chơi mấy quả "ken cờ" trước khi vào bàn ping-pong.
Đùa cợt một lúc, bấy giờ họ mới bắt đầu hát đứng đắn.
Cẩn thận lắm, họ xưng danh với nhau trong câu:
Anh là con giai thôn Tam,
Làng anh nhất xã chia làm ba thôn
Văn minh đã nức tiếng đồn v.v...
Bên gái:
Em là con gái thôn quê,
Làng em, Khúc Lộng, huyện thì Văn Giang...
Và còn dài nữa... Họ kể tất cả mọi việc trong làng họ . Họ tả cảnh rất đúng bằng những câu văn mộc mạc nhưng lưu loát.
Thế rồi đến tình tự. Họ tự tình giữa công chúng, không một e thẹn, bằng một câu hát mà người ngồi nghe tưởng tượng như họ lấy nhau đến nơi rồi. Mà thật thế, họ tự nhiên lắm, họ khuyên bảo nhau như là một cặp vợ chồng thật.
Ví dụ lúc mới tự tình:
Đường xa thì thật là xa,
Mượn mình làm mối cho ta một người.
Một người mười tám, đôi mươi
Một người vừa đẹp, vừa tươi như mình...
Lúc mối tình đã kết chặt:
Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo,
Thất bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua.
Yêu nhau chẳng quản gần xa,
Một ngày chẳng đến thì ba bốn ngày.
Ái tình đã đằm thắm như vậy, thì lòng nhớ thương lai láng bội phần:
Nhớ ai em cũng khóc thầm
Năm thân áo vải ướt đầm như mưa!
Nhớ ai ra ngẩn, vào ngơ,
Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai?
Và họ đã quyết khi ái tình lên đến cực điểm:
Lòng em đã quyết thì hành,
Đã cấy thì gặt với anh một mùa...
Chắc như nhời ấy chớ sai
Tháng giêng đẵn gỗ, tháng hai làm nhà,
Tháng ba ăn cưới đôi ta...
Rồi khi đến chỗ họ lấy nhau thì:
Có con, lo liệu cho con;
Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng...
Họ rất chung tình:
Tay mang khăn gói qua sông,
Mẹ kêu, lạy mẹ, thương chồng phải theo...
Cứ thế, họ trao đổi với nhau bằng một giọng rất thân mật. Có lúc tưởng tượng như chàng đi học xa xôi, bên nữ hát rằng:
Hết gạo thì thiếp gánh đi,
Hỏi thăm chàng học ở thì nơi nao?
Hỏi thăm đến ngõ thì vào
Tay cất gánh gạo, miệng chào "bông soa"...
Giờ nầy sang giờ khác bằng những câu hát ứng khẩu, bắt vần rất khéo, họ ngồi đối diện nhau có khi tới sáng, không một chút nhọc mệt.
Hát như thế phần nhiều là họ hát chơi. Nhưng cũng một đôi khi có người ưa nghe, gọi vào trong sân nhà mình, treo giải để khích lệ họ hát. Trong trường hợp ấy, đôi bên nam nữ tranh nhau trổ tài, hát hết đêm này qua đêm khác cho đến chừng nào một bên không đối đáp được, thì phái thắng sẽ giật giải, bấy giờ mới là "chung kết".
Giọng trầm bổng còn dư âm... Trăng đã lặng và bình minh đã ló. Họ đứng dậy cáo từ nhau và mến tiếc nhớ thương. Lúc ấy, nếu bạn hỏi xem họ có mệt không, thì họ sẽ vui vẻ trả lời: "Không, chúng tôi chẳng những không thấy mệt mà lại còn khoan khoái là khác nữa..."
Hát ánh trăng: một dịp giúp cho văn chương bình dân được phát triển!
Ca đêm vàng: một cuộc bày tỏ tâm tư, trao đổi tình ý của nam nữ ở sau lũy tre xanh
ANH NGẪU
Tri Tân số 19 - Thứ Sáu, 17 Octobre 1941
Hát phường vải
Quand vous serez bien vieille, au soir, à la chandelle,
Assise auprès du feu, dévidant et filant,
Direz, chantant mes vers, en vous émerveillant:
"Ronsard me célébrait du temps que j’étais belle."
Ronsard - à Hélène
Trước hết, chúng tôi xin nói qua về nghề kéo sợi dệt vải ở Nghệ Tĩnh.
Ngày xưa chưa có vải tàu 1, các khung cửi phải dùng vải ta. Vải ta là vải kéo bằng tay. Kéo bằng tay thời nhất định phải thô kệch, không được trơn trắng mịn màng như vải tàu, so với popeline suisse và nylfrance bây giờ thì thật là một trời một vực. Nhưng đối với dân "cá gỗ" thích ăn chắc mặc bền, vải đó đã là thứ vải che thân hoàn hảo rồi.
Thường thì người ta không mặc đồ trắng, vì dễ bẩn và mau rách. Phải nhuộm nâu mới được. Có hai thứ vải nâu: nu non và nu bầm. Nu non là chỉ dùng củ non không thôi. Các cô các bà thường thêm vỏ già cho màu đen thêm tươi thắm. Còn nu bầm là thứ vải nhuộm nâu rồi, còn đem trấn bùn. Phải là thứ bùn lấy dưới ao sâu, đen lanh lánh và hăng sằng sặc. Phải chăng trong bùn đen ấy có chất moóc đăng (mordant) moóc điếc gì mà khi nhuộm bùn xong thì vải cứng lên một cách lạ lùng và dầy gấp bội. Thứ đó dùng may áo dài bền lắm, khéo mặc có thể dùng suốt đời nên thường gọi là áo chung thân. Nó không ấm không đẹp bằng ba đờ xuy của Tây, nhưng tiện lợi hơn nhiều. Khi đã mặc cũ và nhục rồi, thì mặt vải gãy như hình tổ ong.
Trong Hàn Nho phong vị phú, cụ Nguyễn Công Trứ ca tụng thứ vải đó.
Áo vải thân nặng trịch: lạnh làm mền, nực làm gối, bốn mùa thay đổi bấy nhiêu.
Khăn lau giặt đỏ lòm, trải làm chiếu, vận làm quần, một bộ ăn chơi quá thú.
Đàn bà có thể dùng vải nâu bằm để may "thọ nhất bức". Thứ váy đó không đẹp bằng váy lụa nhưng tiện lợn, kín đáo hơn và nhất là đi ngoài đồng áng không bị cỏ may bám vào. Vì thế nên có câu đố sau đây để so sánh hai thứ váy:
Xấu xa như tui, đâm năm bảy cấy,
Đẹp tốt như chị, đâm mấy thì đâm.
Muốn có vải ta việc trước hết là phải trồng bông. Tháng giêng trồng, tháng sáu lấy quả. Quả bông chín vàng, nở xòe như đóa hoa hồng bạch. Bông lấy về phải đem cán hết hột rồi bựt tung ra từng sợi và se thành cúi để kéo. Người ta bựt bông bằng cung và kéo sợi bằng xa. Không biết cái xa của Thánh Cam Địa thế nào, chứ cái xa của dân Nghệ Tĩnh thì giản dị lắm. Một người thợ một lành nghề chỉ làm trong một ngày là xong một cái. Nhà nào cũng có xa. Xa mẹ, xa con, xa chị, xa em, xa bà, xa cháu, có nhà đến năm bảy cái. Người đàn bà nào cũng biết kéo vải cả. Con gái từ bảy tám tuổi đã biết rồi. Năm sáu tuổi đã biết giằn. Giằn nghĩa là cuốn chỉ thành từng lọn để sau này đánh thành sót mà dệt. Trước khi đánh sót người ta phải ngâm hồ để sợi chỉ được bền và trắng hơn. Vì quê ở Quỳnh Lưu, nữ sĩ Hồ Xuân Hương không lạ gì công việc đó nên bà đã khuyên chị em bạn gái rằng "Cô nào muốn tốt ngâm cho kỹ", ngâm không kỹ là không tốt!
Xem thế thì từ lúc trồng bông cho đến lúc có vải nâu mặc, người dân quê Nghệ Tĩnh đã phải làm biết bao nhiêu việc: lặt bông, cán bông, bựt bông, xe cúi, kéo sợi, giằn hồ, sót, đánh ống, mắc vải, dệt nhuộm rồi cuối cùng mới may áo quần. Có thể nói kéo sợi là công việc quanh năm của đàn bà con gái. Vì công việc kéo dài thế nên mới sinh ra tục hát phường vải mà chúng tôi xin đề cập đến sau đây:
Kéo vải là một công việc rất dễ dàng nên thường làm vào ban đêm. Những người kéo thạo rồi thì không cần đèn nữa. Những đêm trăng sáng người ta đem ra sân. Để cho vui vẻ họ rủ nhau đến nhà nào có sân rộng và sáng. Có khi vài ba chục xa quay đều theo tiếng hát nhịp nhàng của các cô, các cô làm thành một âm điệu dịu dàng dễ chịu hơn tiếng các xưởng dệt ở Đô thành nhiều lắm. Trong khi đó ở nhà bên cạnh hoặc sân bên kia các chàng thanh niên trong làng cũng nhóm họp để hút thuốc lào, uống "nác chè sen" và nghe hát rồi hát đáp lại. Thành ra hai bên đối đáp nhau như lối hát quan họ ngoài Bắc vậy. Phần nhiều là những câu tình tứ gửi gắm nỗi lòng, những lời thăm dò ý kiến trao đổi một cách kín đáo, đôi khi nhờ đó có thể nên vợ nên chồng. Có khi là lời trách móc thiết tha sau nhiều năm chờ tháng đợi, hoặc tệ hơn nữa là những câu nặng nề nghịch ngợm để tẩy chay nhau một cách cay đắng.
Không phải người nào cũng có thẻ sáng tác được thứ văn chương hợp tình hợp cảnh ấy. Những câu thông thường là những câu vô giá trị. Phải là những tác phẩm i-nê-đi mới được. Thế cho nên chúng tôi có thể nói rằng phường vải là người văn chương bình dân dồi dào nhất của xứ Nghệ. Nói là bình dân, nhưng không phải chỉ các chị cu, o hét, anh xã, ả hoe đi hát, mà cả những cậu ấm cô chiêu nữa. Nếu cậu ấm Văn nhà ta mà sinh trưởng ở đất Hồng Lam thì cậu cũng đã nổi danh rồi. Các bậc khoa bảng cũng không từ chối lối chơi tao nhã ấy. Các cụ không hát thì đến đó để gà cho nam nữ thanh niên. Danh từ chuyên môn gọi là thòng sự, giống như đánh cờ tướng thì phải có đại thí vậy, có nơi gọi là ngoại tỷ. Có một thời cụ Phan Bội Châu đã nổi danh về khoa đó. Tiếc rằng các tác phẩm của Cụ cũng như của những nhà nho khác chưa được ai ghi chép, và bây giờ một nhóm người xa quê hương như chúng ta đây khó lòng mà nhớ hết. Chúng tôi còn nhớ dăm ba câu, xin chép lại sau đây để các bạn thưởng thức.
Đây là một đôi trai gái mới gặp nhau lần đầu. Họ tìm hiểu nhau, thử thách nhau bằng câu ca tiếng hát. Họ hỏi vặn nhau như Hạng Thác hỏi Khổng Tử. Người con gái có quyền chất vấn trước:
Đồn rằng chàng thông thạo sử kinh,
Em đố chàng biết được con cá kình mấy xương?
Hỏi thế thì đến ai cũng bí. Bí nhưng không lẽ lại chịu thua, chịu tịch mà về, bên con trai liền vặn lại để tìm lối thoát, một lối thoát không vẻ vang gì nhưng hơi trơ trẽn:
Em về đếm má mấy nương,
Anh đây đếm được mấy xương con cá kình.
Bây giờ người con trai lại muốn tỏ tình:
Thấy người thục nữ mỹ miều,
Anh đây muốn hỏi người yêu tên gì?
Cô kia trả lời một cách cầu kỳ:
Đem ra hai cỗ ích xì,
Lựa ra bốn Chức ấy là tên em.
Tuy vậy, anh chàng thông minh kia hiểu liền. Trong bộ ích xì (tức bài cào) có bốn con J hay V, mà ở Nghệ An gọi là Chức hay Bồi. Mỗi bộ bốn con, hai bộ tám con, nên anh chàng biết ngay tên cô kia là ả Tám Bồi và đáp:
Phải chăng là ả Tám Bồi?
Chừng mô về thăm mẹ, cho tôi theo cùng.
Nhưng cô ả không bằng lòng lối trao duyên sỗ sàng ấy:
Nghe lời anh nói, em đoán chắc anh khùng,
Đôi bên chưa biết tên, biết mặt đã đùng đùng xin theo.
Bị mắng là khùng, anh chàng chọc tức cho bõ ghét:
Muốn biết em thì khó chi mô,
Anh kiếm cơi trù, be rượu, sang phô với mẹ thầy.
Hỏi vợ mà chỉ mất một cơi trù và một be rượu thì thật quá dễ dàng, người con gái bị rẻ rúng quá chừng. Bị trêu ghẹo và bị khinh bỉ, cô ta chửi lại ngay:
Thầy mẹ em còn chọn đá để gửi vàng,
Không dư con gái để gả cho chàng ngu si.
Thế là anh chàng thất bại mà ra về.
Một chàng khác cũng bị tẩy chay một cách quyết liệt nhưng ở đây lời lẽ bóng bẩy hơn. Ý chừng anh chàng này ve vãn cô kia đã lâu mà không được xơ múi gì nhân lúc đêm khuya anh cất tiếng hát một cách chán nản:
Trăng lên đến đó rồi tề!
Hát dăm ba chuyện mà về kẻo khuya.
Và đây là câu tống biệt của nàng:
Anh về đi ngủ kẻo khuya,
Xấu chuôm, cá nỏ vô đìa cho mô!
Sau đây là lối dùng câu hát để trêu chọc nhau.
Một thanh niên ở Đức Thọ sang Nam Kim chơi. Anh cùng đi với một số bạn bè và gà cho họ hát, vì anh chột mắt nên bị các cô chế nhạo:
Anh đi Hà Nội năng chừ,
Con mắt anh bít bạc, cẩn xà cừ một bên!
Quá tức tối vì lối châm biếm độc địa của đối phương anh ta chửi lại và lẽ tất nhiên, chửi xong thì chạy ngay:
Anh đây bên Hạ mới sang,
Thằng cha cả họ, cả làng Nam Kim.
Bây giờ đến chuyện chàng thư sinh đất Đông Thành huyện Đông Thành, sau này gọi là Yên Thành, có tiếng là hay chữ. Chàng thư sinh kia (có phải là bạn N.T.D. không nhỉ?) sang một huyện khác chơi. Đi đâu, anh cũng tự phụ là học giỏi nên có hôm bị một cô chất vấn:
Đất Đông Thành đồn rằng chàng: "Hay trự"
Vậy thiếp hỏi chàng: "Thầy Mạnh Tử con ai?"
Hỏi thế thì thật khó. Sách Nho thường nói rằng Thầy Mạnh Kha là con Bà Mạnh Mẫu, người đã có công dạy con thành một bậc Á Thánh, còn ông Cha thì mất sớm, không công trạng gì nên không mấy ai để ý đến tên. Thế mà bây giờ có người hỏi mới nguy chứ! Không biết xoay sở thế nào, anh chàng bèn dùng chính sách độc tài để đàn áp cho xong chuyện:
Em là phận gái thuyền quyên,
Sao không chăm lo bếp núc, bàn chuyện thánh hiền làm chi?
Tuy trả lời được, nhưng biết là mình đuối lý, mà bên kia thì chắc chắn có người bày, chàng bèn đâm khùng, tiếp thêm một câu rồi bỏ chạy:
Thầy Mạnh là do cụ Mạnh sanh ra,
Tổ mẹ đứa hát, tổ cha đứa bày!
Đứa bày tức là các vị thông sự. Thông sự thường là những người lớn tuổi hơn, tài hoa hơn, nhưng giọng hát kém, chỉ ngồi bày vẽ cho đàn em. Thông sự đàn ông cũng có, mà thông sự đàn bà cũng có. Họ là những người ngồi trong bóng tối để chiến tranh tâm lý với nhau qua giọng hát của các em út. Thông sự có khi là bậc khoa bảng, tú tài, cử nhân hoặc tiến sĩ nữa. Họ thường chơi chữ với nhau như câu đối vậy. Chính Cụ Phan Bội Châu hay làm thông sự cho các thanh niên ở Nam Đàn, có lần đám học trò Cụ đi hát bị các cô tẩy chay một cách kịch liệt:
Biếu anh một mẻ ngô rang,
Đút mô cho mọc, đốt nhang ăn thề.
Ngô rang mà bảo đút cho mọc, thì trời cũng chịu. Ngày xưa, Ngô Phù Sai bị mưu lúa luộc của Việt Vương Câu Tiễn thì bây giờ chàng trai xứ Nghệ lại bị mẻ ngô rang của cô con gái (thọ nhất bức). Nhưng Cụ Phan gỡ rối cho chàng một cách vừa tài tình vừa độc ác:
Chỗ mô mà nắng không khô,
Mà mưa không ướt, đút vô mọc liền!
Lẽ tất nhiên là lúc hát xong, thầy trò cuốn gói dông tuốt, không cần ân nghĩa, không thèm nhang khói ăn thề gì nữa.
Một lần khác, bên gái hát:
Vua Nghiêu có chín người con,
Đan Chu là một, hỏi còn những ai?
Sử Tàu nói vua Nghiêu có năm bảy người con trai gì đó và chỉ có hai người con gái thôi. Vua Nghiêu không truyền ngôi cho con mà lại truyền cho Ông Thuấn, vì ông là người hiếu thảo nhất trong thiên hạ. Vua lại gả luôn hai Công chúa thôi, vì sử cũng nói rằng lúc Vua Thuấn mất, hai Bà ngồi khóc chồng bên bờ sông Tương, nước mắt biến thành Ngọc và rơi xuống đất mọc thành những cây Trúc đẹp như Ngà. Người nào tò mò thì có thể nhớ thêm tên Đan Chu là vị hoàng tử có đức hạnh và lớn tuổi nhất còn các vị khác thì không ai để ý làm gì. Vì thế dầu có đậu Đại Khoa cũng không thể biết được một chuyện quá chi tiết trong lịch sử rườm rà của Trung Quốc, Cụ Phan bèn gà rằng:
Em là phận gái nữ nhi,
Đan Chu cũng đủ, hỏi chi chín người!
Thật là tài tình! Con gái thì chỉ nên biết một người con trai thôi, biết làm chi đến chín người cho hỏng chuyện. Định lấy một lần chín chồng hay sao mà hỏi vớ vẩn thế?
Đó là những chuyện Cụ Phan làm thông sự cho bọn con trai. Nhiều hôm Cụ lại làm cho bọn con gái. Sau đây là những câu đã làm cho đối phương phải bí và xưa nay cũng chưa ai đáp được.
Xe cò ai đó rứa hề?
Phải người Sáo, Vạc thì về với Loan.
Xe cò là cái xe đạp, và cũng là tên một con chim sáo, vạc cũng là tên con chim và cũng là tên hai cái chợ lớn ở Nam Đàn, còn Loan là con chim loan và cũng là tên người con gái đang hát. Tên người tên đất tên chim lẫn lộn nhau, bạn nào tài giỏi thử đối coi!
Quế, Hòa, Tùng, Bá, Liễu, Mai,
Sum sum lục mộc anh tài đố chi?
Mấy chữ Hán Quế, Hòe, Tùng, Bá, Liễu, Mai đều thuộc bộ Mộc. Còn chữ sum viết bằng ba chữ mộc chồng nhau. Sum sum cũng là sáu mộc. Như vậy câu trên có sáu chữ mộc, câu dưới cũng có sáu chữ mộc, ai làm sao đối nổi?
Cha con thầy thuốc về làng,
Hồi hương phụ tử, xin chàng đối đi!
Đây là câu đối sửa đổi lại theo thể lục bát để có thể hát được. Chính câu đó là: Cha con thầy thuốc về quê gánh một gánh hồi hương phụ tử.
Hồi hương là về làng tức là quê hương, phụ tử là cha con, Hồi hương và Phụ tử lại tên vị thuốc Bắc. Bốn chữ ấy chằng chịt nhau. Xưa nay đã được bày nhiều, và tác giả chính không phải là Cụ Phan. Cụ chỉ có công sửa lại theo điệu hát thôi.
Trên đây là những câu hát trêu chọc đùa giỡn xỏ chua, xỏ ngọt để thử tài nhau. Nhưng phần nhiều hát phường vải là những câu trữ tình, thường đem đến kết quả tốt đẹp, không nên vợ nên chồng thì cũng thành đôi bạn tâm giao, xa nhau không đặng.
Nửa về nửa muốn ở đây,
Về thì nhớ bạn ở đây nhớ nhà!
Mình về để võng ai nằm?
Để chăn ai đắp, để trầm ai đeo?
Ai về Đức Thọ chợ Cầu,
Để thương, để nhớ, để sầu cho ai!
Cái buồn của đêm tàn phường vải cũng (lưu luyến bao tình) không khác chi "Đêm tàn bến Ngự" cũng ngao ngán chán chường như ngày tàn của mùa gặt.
Rồi mùa thóc rũ rơm khô,
Bạn về quê bạn, biết lộ mô mà tìm!
Cảnh sầu ly biệt đó, thiết tưởng cũng không kém gì cảnh "dương hoa sâu sát đọ giang nhân" của Trịnh Cốc đời Đường, hay cảnh giọt ngắn giọt dài của chàng Kim phải xa cô Kiều sau một đêm trăng thề quạt ước, để về đất "Liêu dương cách trở sơn khê".
Ngại ngùng một bước một xa,
Một lời trân trọng châu sa mấy hàng.
Buộc yên quẩy gánh vội vàng,
Mối sầu sẻ nửa bước đường chia đôi.
Buồn trong phong cảnh quê người,
Đầu cành uyên nhặt cuối trời nhạn thưa.
Não người cữ gió tùng mưa,
Một ngày nặng gánh tương tư một ngày.
Vì thế mà đôi trai gái thường phải qua nhiều trở ngại để được gần nhau, trở ngại lớn nhất hồi đó thường là cha mẹ:
Muốn ăn kẹo lạc với đường,
Dù cha dù mẹ ngược Lường với anh.
Chợ Lường tức là chợ Đô Lương có nơi gọi là chợ Lạng.
Chợ Lường sản xuất một thứ bánh dầy đặc biệt gọi là bánh Di Lạng. Bánh Di Lạng ngọt như bánh tổ ở Quảng Nam, Quảng Ngãi nhưng dẻo như bánh dầy của người Bắc và lại bùi vì ở trong còn có lạc (đậu phụng) nữa. Ở Vinh gọi là bánh bìa.
Kẹo lạc chợ Lường cũng đặc biệt ngon, vì làm bằng đường chứ không phải bằng mật như mấy chợ khác. Ăn kẹo lạc chợ Lường rồi nhấm nhấm đọi nác chè Giăng thì thú thật, nhất là được đi với anh nữa không gì bằng nhưng phải giấu cha giấu mẹ thì khó lắm anh ơi!
Các trở ngại ấy thường phát nguyên từ môn đăng hộ đối, hoặc vì tôn giáo gây nên. Ở vùng Đức Thọ những làng như Nghĩa Yên, Yên Phú, Thọ Ninh, Thọ Tường phần đông dân theo Thiên Chúa Giáo. Theo tục lệ thì người bên giáo không được phép dựng vợ gả chồng với người bên lương. Hồi Cụ Đình Nguyên Phan Đình Phùng khởi nghĩa văn thân, dân mấy làng ấy với dân kẻ lạ vùng Đông Thái, nơi quê cụ xô xát nhau dữ dội, Cụ Đình chống Pháp mà các cố Đạo hồi đó lại là người Pháp, và thường làm gián điệp nên nhiều cố bị giết, rồi con chiên cũng bị vạ lây. Sau khi Cụ Phan Đình Phùng mệnh trung quân Cần Vương tan rã, việc xung đột giữa lương giáo không còn nữa, nhưng việc hôn phối giữa đôi bên vẫn không thể được. Vì thế một anh chàng đã hát:
Chộ em anh cũng muốn thương,
Ngặt vì bên giáo bên lương khó lường!
Thì được cô ả trả lời một cách tình tứ, dịu dàng;
Quý hồ anh có lòng thương,
A men mặc thiếp, khói hương mặc chàng.
Trả lời như thế là trả lời ẩu, vì thương quá mà nói liều. Các vị Giám Mục đâu có chịu sự lộn xộn đó.
Trong một trường hợp khác cũng có cô trả lời một cách rất dễ thương:
Quý hồ anh có lòng thương,
Em có lòng đợi nhưng rương khóa rồi!
Ở nhà quê, rương khóa rồi thì không ai có thể mở được, nghĩa là một khi đã hỏi, dầu chưa cưới xin, chưa chung chăn gối, vẫn như đã là nghĩa vợ chồng. Nói chi bây giờ thời đại "văn miêng" nhất là ở Đô thành thiếu gì " passepartout" rương có khóa rồi dầu có khóa chữ đi nữa, họ cũng dám mở như thường.
Hoặc giả đã yêu thương nhau mà anh chàng lo sợ về cảnh nghèo của mình, thậm chí không sắm nổi một cái giường gỗ, một cái chõng tre để cưới vợ, thì cô ả cũng bất chấp, năn nỉ:
Quý hồ anh có lòng thương,
Trải chiếu nằm trửa đất cũng được, phải chọn giường mần chi!
Thưa các bạn trên đây là mấy câu hát ân tình của quê hương yêu dấu chúng ta, mà ba anh em chúng tôi đã cùng nhau chấp nối lại để cống hiến quý bạn. Mong rằng các bạn sẽ tiếp đón nó như tiếp đón một người bạn chung tình đã theo dõi chúng ta từ lúc tấm mẻn cho đến khi khôn lớn và mãi đến lúc về già. Nó không đài các nghiêm trang như thơ Bà Huyện Thanh Quan, không chải chuốt công phu như mất bài Sonnet của Malherbe hay Arvers, nó cũng không nỉ non thánh thót như tiếng đàn tỳ bà nơi "bến Tầm Dương đêm khuya đưa khách" để Giang Châu, Tư Mã mà cũng phải mượn mùi áo xanh. Nhưng nó thật thà giản dị đúng tâm trạng thật thà. Nếu ai có hỏi, thì xin các bạn cứ hiên ngang mà trả lời rằng: chúng ta có Đoạn trường tân thanh, có bài hát nói của Nguyễn Công Trứ, chúng ta có Tỳ bà hành, có truyện Hoa tiên, có Mai đình mộng ký, có thơ Hồ Xuân Hương, có phú Nguyễn Hữu Chỉnh... đã đành chúng ta còn có cả hát dặm và hát phường vải nữa, nhất là hát phường vải, một lối văn chương đặc biệt của xứ Nghệ đã bị văn minh cơ khí đào thải gần nữa thế kỷ nay.
NGUYỄN ĐÌNH KHUÊ
TRẦN XUÂN TUY
VÕ TƯ NHƯỢNG
TRƯỜNG VINH
Nội San của Hội Ái Hữu Cựu học sinh trường Vinh.
Xuân GIÁP THÌN 1964
Chú thích:

1. Vải tàu do nhà máy sợi Nam Định sản xuất với bông mua của Trung Quốc. Chính nhà máy sợi Nam Định đã giết chết nghề kéo vải. Nhưng đến năm 1937, lúc Trung Nhật chiến tranh bắt đầu thì nhà máy thiếu bông, nên vải sợi trở nên khan hiếm. Cái xa kéo vải lại xuất hiện ở vùng Hoan Châu suốt cả thời kỳ đại chiến cho đến mãi bây giờ. Nhưng sau này, thì tục hát phường vải không còn nữa. Có thể nói là nó đã chấm dứt từ năm 1930, năm Xô Viết Nghệ An.

Năm 1964 
Toan Ánh
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...