Thứ Hai, 3 tháng 1, 2022

Làng xóm Việt Nam 3

Làng xóm Vệt Nam 3

Trồng dâu chăn tằm

Nếu chúng ta có dịp xuôi theo dòng nước trên các con sông miền Bắc, từ sông Đuống sông Cầu, từ sông Nhuệ đến sông Thương, chúng ta sẽ phải chú ý tới những ruộng dâu ở hai bên bờ ven sông. Nếu phong cảnh hai bên bờ của một dòng sông được thay đối bởi núi cao rừng rậm ở miền thượng du thì khi dòng sông chảy tới trung du, ăn về đồng bằng những cánh núi rừng cao rậm đã được thay thế bằng những ruộng ngô, ruộng đậu, và nhất là ruộng dâu. Ruộng dâu có nhiều về mạn trung du hơn. Có lẽ đất nửa núi nửa sông ở mạn này hợp với cây dâu, và khí hậu ở nơi này cũng thuận tiện với nghề tằm tang nhiều!

Nông tang là hai nghề cốt cán của những xứ nông nghiệp nhất là những xứ kém mơ mang về kỹ nghệ như nước ta. Người dân quê Việt Nam, trăm người như một, đã thạo nghề nông họ biết cả nghề tằng tang nữa.
Sách có câu “Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn”, thì người dân quê Việt Nam, nhất là ở Bắc Việt, khi đã lo đến đói, tất nhiên họ phải phòng tới rét. Bởi thế cho nên, muốn có ăn họ cấy lúa cày ruộng, và muốn có mặc họ phải trồng dâu chăn tằm.
Trồng dâu chăn tằm liên quan rất nhiều tới đời sống hàng ngày của người dân, nên ruộng dâu và guồng tơ đối với họ cũng quý giá không kém đồng lúa và bịch thóc.
Người dân quê sống giữa ruộng dâu, cũng như sống bên ruộng lúa, cạnh lạch nước, trên đám đậu, nương khoai.
Nhà em ở dưới đám dâu, Thân trên đám đậu, đầu cầu ngó qua.
Ngó qua nhà trống bên sông, Thấy con bìm bịp khăn hồng quay tơ.
Dâu trồng bằng cành. Người trồng dâu, đốn cành ở các cây dâu khác, dăm xuống đất, những cành đó nẩy mầm, bén rễ rồi mọc cây.
Mỗi năm dâu phải đốn hai lần để chặt hết những cành già, thân cỗi, cho những mầm non mọc lên, nẩy ra nhiều chồi lá. Lá dâu xanh um, trông mơn mởn như lụa nõn. Lá dâu hái để nuôi tằm lấy tơ.
Vườn dâu xanh ngắt, liên tiếp ở cạnh những bờ sông, đón tia nắng sớm, hứng ánh sương đêm, hút hơi ẩm bốc từ mặt sông khiến là dâu thêm tốt, tằm ăn sẽ đượm tơ.
Du khách xuôi dòng sông chỉ thấy những ruộng dâu bát ngát, xanh xanh rồi lại xanh xanh: Giá có những buổi tiễn đưa, chắc người đi kẻ ở sẽ:
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,
Chỉ xanh xanh những mấy ngàn dâu.
Ngàn dâu xanh biếc một mầu,
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai.
Bao nhiêu dâu xanh lá bấy nhiêu tiền bạc của người dân. Người trồng dâu mong lá dâu tốt cho tằm hơn tơ.
Thường thường hái dâu chăn tằm là công việc của phụ nữ. Chỉ phụ nữ mới có đức tính chịu khó nhẫn nại cần cù để theo dõi việc nuôi tằm, bận rộn vất vả hơn nuôi con mọn.
Người nuôi tằm tùy theo số tằm đang gây, đã ăn ngủ mấy lượt, phải đi dạm mua dâu từ trước. Họ đến từng chủ vườn dâu, đặt tiền mua lứa dâu sắp tới, và khi cần đến họ mới cắt người đi hái dâu.
Trồng dâu ở ven bờ sông, nhưng người ta trồng cả trong vườn nữa. Một vườn dâu, một năm bán được nhiều lứa. Loạt lá dâu này hái đi, vài trồng sau, loạt lá dâu khác đã mọc lên, cũng xanh nõn rậm rạp như lứa trước.
Đi hái dâu, các cô thuờng rủ nhau vài ba người, như thế để vườn dâu nào đã hái thì hái cho xong hẳn, và công việc làm cho bạn bao giờ cũng nhanh chóng nhẹ nhàng hơn.
Vườn dâu xanh xanh, ánh nắng bình minh tía chói những hạt sương sớm lóng lánh như muôn ngàn hạt trai trên những lá dâu. Cơn gió nhẹ làm rung cành lá để bóng các cô hái dâu thấp thoáng hiện ra như những nàng tiên trong vườn. Má các cô ửng hồng dưới nắng mai, môi các cô thắm, mắt các cô trong Chiếc khăn mỏ quạ để lộ khuôn mặt trái soan xinh xắn. Các cô cười có hai hàm răng đều như hạt lựu và đen nhánh như hạt na già. Tay các cô thoăn thoắt đưa những lá dâu. Cành dâu lay động theo ngón tay các cô hái lá. Mỗi khi các cô vít cành dâu cao, lại làm rung rinh cả bụi dâu, khiến những hạt sương rơi lả tả. Gió sớm như muốn vờn vài sợi tóc của các cô phơ phất ngoài nếp khăn. Những con bướm đậu trong đám lá khi thấy động bay vụt ra vàm lá lượn quanh khóm dâu trước khi đậu vào một cành khác. Vài con chim khuyên líu lo hót ở một bụi xa xa. Mây trời giăng hàng lững thững. Tia nắng mặt trời tỏa tử thấp lên cao. Dòng sông bên cạnh vườn dâu cháy lửng lờ. Vài con thuyền đủng đinh trôi theo dòng nước.
Các cô ham với công việc. Mỗi lá dâu các cô hái đều là món ăn của tằm và mỗi con tằm sẽ nhả tơ kết kén, kéo kén dệt lụa các cô sẽ có những chiếc áo đẹp.
Em đi hái dâu,
Lá dâu xanh xanh
Nuôi tằm dệt áo dâng anh chờ ngày:
Trúc mai có đó có đây
Có tay Nguyệt Lão buộc dây tơ hồng.
Vừa hái dâu các cô vừa nghĩ đến công việc chăn tằm ươm tơ. Lá dâu xanh, tằm ăn dâu, tằm nhả kền vàng, kéo ra tơ nõn.
Các cô cùng trò chuyện, nào chuyện làm ăn, nào chuyện làng trên xã dưới nào lứa kén này được, lứa kén kia hỏng. Các cô làm quên mói. Đôi bàn tay trắng muốt đưa đi trên đám dâu xanh. Hết nhánh dâu này, các cô hái sang cành dâu khác, hết khóm dâu này, các cô đi tới khóm dâu kia. Bao giờ cho lá dâu đầy giành đầy gió, các cô mới rủ nhau ra về.
Có khi các cô cùng nhau hát vài câu để quên mệt. Giọng các cô vút trên ngàn lá, văng vẳng xa đưa, lan trên dòng sông. Có những câu hát tâm tình, có những câu hát cổ tích, có những câu ca dao dịu dàng và cũng có những câu hát khôi hài ý nhị. Một cô hát lên, vài ba cô hát đáp, vườn dâu như trở nên linh hoạt hơn. Rồi có tiếng cười hồn nhiên xen vào vài câu chuyện vui vẻ.
Dâu hái về hoặc để nguyên cả lá cho tằm ăn, hoặc phải thái nhỏ từ khi tằm mới nở cho tới khi đã ngủ ba. Tằm có khi ăn khi ngủ. Lúc tằm nhỏ, phải cho ăn đầy bữa, và lá dâu phải thái thật nhỏ. Tằm lớn dần thì dâu thái bớt nhỏ đi, đến khi tằm ăn rỗi tức là lúc tằm sắp chín, có thể cho tằm ăn cả lá dâu.
Nuôi tằm lúc tằm nhỏ tuy vất vả nhưng không phải chạy dâu, nhưng lúc tằm lớn, phải có sẵn dâu, không thể để tằm thiếu ăn được.
Một bát trứng tằm nở ra, lúc nhỏ chỉ đề trong một cái mẹt, rồi theo với sức lớn của tằm phải chuyển sang một chiếc nia, một chiếc nong rồi nhiều chiếc nong. Một nong tằm khi chín, kéo kén, số kén sẽ được nhiều nong:
Một nong tằm là năm nong kén,
Một nong kén là chín nén tơ. Công em trăm đợi nghìn chờ, Mà anh rút chỉ guồng tơ cho đành.
Nuôi tằm rất khó khăn, phải che nắng che gió, phải phòng nóng, phòng lạnh.
Trời đang tự nhiên, nếu chuyển gió tây, tằm sẽ bị hỏng. Có thể tằm mắc bệnh nghệ, nghĩa là toàn thân con tằm vàng như nghệ, hoặc mắc bệnh ủng, nghĩa là thân con tằm mang những nước mà chết:
Lạy giời đừng chuyển gió tây,
Lứa tằm em đã đến ngày nhả tơ.
Tằm đã ăn rỗi nghĩa là tằm đã sắp chín. Lúc này là lúc rất cần nhiều dâu cho tằm ăn. Mỗi lá dâu lúc này là một sợi tơ. Thiếu ăn khi tằm kéo kén, thân kén sẽ mỏng ương kén sẽ thiệt tơ. Lúc này là lúc bao nhiêu vườn dâu đặt trước, người nhà phải chia nhau đi hái để đủ cho tằm ăn. Như vậy tằm mới đầy kén, và đượm tơ.
Phương ngôn có câu "Ăn như tằm ăn rỗi" để chỉ sự ăn nhiều, ăn nhanh, ăn bỗ bã, thật là đúng. Tằm cắn vào lá dâu rào rào. Lượt dâu vừa rút vào nong tằm, không mấy chốc đã hết, lại phải vứt luôn lượt dâu khác. Thân những con tằm trông óng ánh mọng những tơ. Người nuôi tằm đã phải vất vả, nhưng nhìn đến kết quả người ta càng chịu khó hơn.
Các cô chia lượt nhau đi hái dâu và săn sóc cho tằm ăn. Người nhà cũng phải ngưng công việc khác để giúp đỡ vào lo tằm lứa tằm.
Rồi đến lúc tằm chín. Loáng thoáng trong nong vài con tằm nhả tơ cuộn kén. Bây giờ là lúc phải cho tằm lên né.
Chiếc né tằm giống như một chiếc vỉ lớn bằng chiếc nong, đan bằng tre hoặc nứa. Ở các mắt chiếc vỉ lớn này, có ken rơm. Những con tằm chín được nhặt từ nong đặt lên trên né bám vào những cụm rơm để làm kén.
Cảnh bắt tằm chín đặt lên né trông rất hoạt động. Ở những chiếc nong tơ, tằm còn đang ăn, người ta chọn những con nào đã bắt đầu nhả tơ kéo kén, nhặt để trên né. Một dãy nong dài dầy tằm, lẫn lá dâu đặt ngay trên mặt đất. Vài cô thiếu nữ tiếp tục vứt dâu cho tằm ăn. Bà nội trợ và vài bà già nữa lựa tằm mang lên né. Lũ trẻ con chạy quanh, bi bô chỉ chỏ, như hình chúng chia vui với kết quả tốt đẹp của lứa tằm sẽ mang lợi cho gia đình.
Một dẫy né treo theo xà nhà, chừng hai chục chiếc song song, khẽ lắc lư theo sự đụng chạm của người đặt tằm vào né. Những con tằm bám vào cụm rơm, cuộn tổ.
Đầu tiên là nhũng chiếc kén vàng mờ mờ mong mỏng, còn để cho ta thấy rõ con tằm qua lượt tơ óng ánh. Rồi chiếc kén dầy dần, hình con tằm không còn lờ mờ qua lượt tơ nữa. Những chiếc kén vàng ánh nằm bên nhau, phủ lên chiếc né. Thật là trồng cây đến ngày ăn quả. Người ta sung sướng nhìn những ổ kén đậm tơ vàng.
Tằm đã lên nê hết, mỗi con tằm đều đã cuốn kén. Người ta bắt đầu gỡ kén để vào nong. Người ta khe khẽ nhặt từng chiếc kén khỏi cụm rơm để xuống nong. Những chiếc kén dãy tơ được nhặt trước, và những con tằm còn bám trên né tiếp tục nhả tơ kéo cho xong chiếc kén của mình.
Những nong kén dầy, màu vàng óng ánh. Mùi tơ thơm thơm. Từng nong kén một, người ta xếp lên cũi tằm, thay cho những nong tằm không còn nữa. Mỗi nong kén là chín nén tơ và mỗi nén là một số tiền trả công khó nhọc cho gia đình chăn tằm.
Thường thường, trong những lứa tằm được, những con tằm được nhấc lên né đều kén kén nhả tơ hết họa hoằn mới phải một vài con tằm yếu không kéo tơ nổi, rơi xuống đất.
Một lứa tằm xong người ta như vừa xong một gánh nặng. Bao nhiêu là vất vả, bao nhiêu là sự săn sóc, bao nhiêu công trình. Nào thức đêm, nào dãi dầu mưa nắng để hái dâu.
Những nong kén đã xếp lên cũi tằm, lứa tằm mới thật là xong.
Từ nay người ta có thể nghỉ vài bữa để lấy sức và người nhà đã phải phục dịch khi tằm chín, nay có thể quay lại công việc của mình.
Số kén thu hoạch được, người ta có khi đem bán cả, và sau vài ngày nghỉ ngơi lại tiếp tục nuôi lứa tằm mới.
Mọi công việc hái dâu, thái dâu cho tằm ăn, lo tằm ngủ lại bắt đầu. Cũng có khi người ta chỉ bán một phần kén, người ta để lại một số để ươm tơ dệt lụa.
Kén cho vào nồi nước sôi, rút ra những sọc tơ gốc và sau đó cho vào guồng ương để quay lấy tơ nõn. Chỗ tơ gốc kéo ra, lại phải cho vào guồng tơ đề guồng thành từ con tơ, tiện cho việc dệt lụa, nái, dũi hoặc sại. Còn chỗ tơ nõn sẽ dệt ra lụa nõn.
Thường thường những người trồng dâu chăn tằm không tự ươm lấy tơ, chỉ những khi cần có áo quần mặc, họ mới đành lấy một số kén nhỏ để tự ươm kén kéo tơ.
Xưa kia, họ thường guồng tơ về ban đêm. Trong những lúc phụ nữ guồng tơ, thì các ông chồng đọc sách, ngâm thơ:
Sáng trăng, trải chiếu hai hàng,
cho anh đọc sách, cho nàng quay tơ.
Quay tơ phải giữ mối tơ,
Dù năm bảy mối vẫn chờ mối anh.
Thật là một cánh nên thơ. Chàng ngồi đọc sách, nghĩ tới ngày võng anh đi trước, võng nàng đi sau, trong khi nàng guồng tơ đều tay, sợi tơ theo đà tay cuốn lên chiếc guồng tre quay lạch xạch một nhịp đều hòa. Ngọn đèn le lói như soi tỏ sự cố gắng của đôi người. Chàng lo làm sao cho kinh sử làu thông, một ngày kia danh chiếm bảng vàng, trước là bõ công đèn sách, sau là báo đền công sinh dưỡng của mẹ cha, và sau nữa là làm vinh dự cho người vợ cần cù, nuôi chồng ăn học mải lo đêm lo ngày với chiếc guồng tơ, với nong tằm chín, với bao nhiêu sự vất vả nhọc nhằn. Nghĩ đến ngày vinh quy bái tổ, làng nước mừng, họ hàng khen, chàng càng cao giọng đọc sách.
Còn nàng cố công lo làm ăn, guồng tơ cho đều tay, dệt những tấm lụa nõn. Lụa sẽ may áo cho chồng, lụa sẽ đem bán để thêm tiền cho chồng kinh sử. Có phát nào nhàn, nàng lại lo việc thêu thùa may vá, như suốt từ thời con gái.
Gái thì giữ việc trong nhà,
Khi vào canh cửi khi ra thêu thùa.
Trai thì đọc sách ngâm thơ,
Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa.
Mai sau nối được nghiệp nhà Trước là đẹp mặt sau là ấm thân.
Cái thời xưa đã qua, nay không còn nữa. Không còn đâu chuyện:
Trai thì đi học đỗ ba khoa liền,
Khoa trước thì đỗ khôi nguyên.
Khoa sau tiến sĩ đỗ liền ba khoa.
Vinh qui bái tổ về nhà.
Ăn mừng hai họ đủ ba tháng chầy.
Hàng phủ, hàng huyện đông tây.
Rủ mừng quan trạng tới ngày hiển vinh.
Nhưng người dân quê Bắc Việt dù xưa hay nay, bản tính không bao giờ thay đổi.
Đàn ông thì ham học, phụ nữ thì ham làm. Nam nữ đều lo tới bổn phận của mình.
Những bản tính thuần chất Việt Nam mặc mọi cuộc biến thiên vẫn tồn tại với xứ sở. Người dân quê vẫn trồng dâu chăn tằm, guồng tơ dệt lụa, vẫn có mối tình thắm thiết với quê hương, cái mối tình nó đã làm cho dân tộc Việt được trường tồn bất diệt.
Lệ làng
Sơ lược
Ta có câu "Phép vua thua lệ làng", và các cụ lại hằng nói "Hương đảng, tiểu triều đình", vì mỗi làng đều như một nước nhỏ có những tục lệ riêng của mình mà phép vua cũng không vượt được, nhất là đối với những điều gì không liên quan tới quốc gia.
Chính vì vậy, nên thời xưa, thường nhậm đại chỉ dụ của nhà vua đối với các làng xã không chú trọng tới phần tổ chức, chỉ nhắc nhiều tới bổn phận của làng xã đối với quốc gia như ấn định thuế khóa, tuyển dụng binh lính, hoặc đôi khi tới những vấn đề liên quan tới một vài khía cạnh riêng như cải cách điền địa, tổ chức an ninh, kiểm soát tài nguyên của đất nước.
Ngoài ra, một sự điều hành trong làng đã có lệ làng. Đây là một điểm đặc biệt của làng xã Việt Nam. Làng xã không do pháp luật tổ chức, trái lại luật pháp chỉ công nhận là có làng với luật lệ riêng.
Hương ước
Tất cả những luật lệ riêng của làng xã đều bất thành văn, và người làng hiểu với nhau như những sự giao ước, do đó luật lệ của làng được gọi là hương ước. Dưới thời Pháp thuộc để buộc dân các làng quê vào khuôn phép, người Pháp bắt buộc mỗi làng phải lập bản hương ước, có hội đồng kỳ mục ký vào, các quan tỉnh phê chuẩn và đệ trình tỉnh hiến người Pháp duyệt y.
Thực ra, cho tới thời Pháp thuộc, hương ước khẩu truyền của các làng chưa bao giờ được nghiên cứu kỹ lưỡng và hương ước mỗi làng không giống nhau. Những hương ước này được dân làng áp dụng cho nhiều vấn đề rất khác nhau và rất tạp nhạp, từ việc tổ chức trong làng đến phụ quyên, từ những vấn đề tư pháp tới đời tư của dân làng.
Những hương ước được tạo thành dường như căn cứ một phần theo lẽ phải tự nhiên, một phần theo nền nếp đạo đức của Nho học và một phần dựa vào các chỉ dụ của triều đình.
Đạo dụ của vua Lê Thánh Tôn
Sử gia Trần Trọng Kim trong cuốn Việt Nam sử lược có nhắc tới đạo dụ của vua Lê Thánh Tôn về việc sửa đổi phong tục các làng. Đạo dụ này gồm 24 điều đã là một đạo luật có giá trị chi phối tổ chức làng xã dưới thời bấy giờ.
Để bạn đọc tìm hiểu cặn kẽ về hương ước có sẵn tài liệu xin ghi lại dưới đây bản dịch Đạo dụ này đã in trong "Việt Nam Sử Lược":
1- Cha mẹ dạy con phải có phép tắc, trai gái đều có nghề nghiệp, không được rượu chè cờ bạc tập nghề hát xướng để bại phong tục.
2- Người gia trướng tự mình phải giữ lễ phép để cho cả nhà bát chước, nếu con em làm càn thì bắt tội gia trưởng.
3- Vợ chồng cần kiệm làm ăn, ân nghĩa trọn vẹn, duy chỉ có khi nào người vợ phạm tội thất xuất thì mới được bỏ, chứ không được khiên ái, cẩu dung làm hại tới phong trào.
4- Làm kẻ tử đệ nên yêu mến anh em, hòa thuận với hương đảng, phải lấy lễ nghĩa mà cư xử, nếu trái phép thì người tôn trưởng đánh đập dạy bảo, có tội to thì phải đem nộp quan để trừng trị.
5- Ở chốn hương đảng, tông tộc, có việc hoạn nạn thì phải giúp đỡ lẫn nhau; nếu ai có tiếng là người hạnh nghĩa tốt, thì các quan phủ huyện sở tại phải bẩm lên tòa Thừa, tòa Hiến, để tâu vua mà tinh biểu cho.
6- Đàn bà có lỗi mà cha mẹ và chồng đã trừng trị thì nên phải sửa mình đổi lỗi, không được tự tiện trốn đi, làm hư mất nết đàn bà.
7- Người đàn bà góa không được chứa những đứa trai trẻ ở trong nhà, nói dối là con nuôi để âm hành những việc gian dâm.
8- Người đàn bà góa chồng đối với các con vợ cả hoặc vợ lẽ nàng hầu, nên có lòng thương xót, không được mưu mô để chiếm đoạt gia tài làm của riêng mình.
9- Đàn bà góa chồng, chưa có con cái, phải ở nhà chồng để giữ đủ tang lễ, không được chuyển vận của cái mang về nhà mình.
10- Làm đàn bà thì phải theo chồng, không được cậy cha mẹ mình phú quý mà khinh nhà chồng, nếu không như thế thì bắt tội đến cha mẹ.
11- Kẻ sĩ nên quý phẩm hạnh và giữ phép quan nếu cư xử xu nịnh những kẻ quyền quý để cậy thế làm càn thì phải cách bỏ đi không kể đến nữa.
12- Kẻ điển lại chi việc giữ sổ sách giấy má để làm việc quan, nếu làm những sự điên đáo án từ, thì quan trên sẽ xét ra trừng trị.
13- Quan dân đều phải hiếu đễ và chăm chỉ làm ruộng, cùng giúp đỡ lẫn nhau, khi đi làm việc quan không được trễ biếng, trốn tránh. Nếu ai có tiếng là người lương thiện thì các quan Phủ Huyện phải trình tòa Thừa tòa Hiến để tâu vua mà tinh biểu cho.
14- Kẻ thương mãi phải tùy thời giá mà buôn bán với nhau không được thay đổi thưng đấu, và tụ tập đồ đảng để đi trộm cướp, nếu phạm điều ấy thì trị tội rất nặng.
15- Việc hôn giá tế tự phải giữ lễ phép không được làm càn.
16- Chỗ dân gian có mở trường du hí hoặc cúng tế thì con trai, con gái đến xem, không được đứng lẫn lộn, để khỏi thói dâm.
17- Các hàng quán bên đường, có phụ nữ đi xa đến trọ, thì phải phòng giữ. Nếu để hà hiếp ô nhục người ta, việc phát giác ra, thì người phạm cùng với chủ nhà đều phải trị tội cả.
18- Phủ huyện phải lập bia ở các nơi ở tại để cấm con trai con gái không được cùng tắm một bến, để cho có phân biệt.
19- Các xã thôn phải chọn một vài người già cả đạo đức làm trưởng. Những ngày thong thả đem dân ra đình tuyên giáng những lời cáo dụ, để khiến dân bắt chước làm điều thiện thành ra mỹ tục.
20- Trong hạt phủ huyện có kẻ cường hào xâm chiếm điền thổ ức hiếp cô độc và xúi giục người ta kiện tụng, thì cho xã thôn cáo giác lên để quan xử trị, nếu mà tuẩn ẩn thì phải biếm bãi.
21- Các nhà vương, công đại thần dung túng những đứa tiểu nhân, đưa người khấn lễ, và để cho người nhà đi ức hiếp dân gian mà mua rẻ các đồ vật, thì cho dân được đầu cáo để trọng trị.
22- Những người làm quan Phủ Huyện mà biết khuyên bảo dân gian làm điều lễ nghĩa khiêm nhượng, có quan Thừa chính, Hiến sát xét thực, thì được cho vào hạng tốt, nếu ai không chăm dạy bảo dân thì cho là người không xứng chức.
23- Các huynh trưởng ở chốn xã thôn và phường biết dạy bảo con em trong làng cho nên được phong tục tốt, thì quan Phủ, Huyện phải bẩm tòa Thừa, tòa Hiến đế tâu vua ban khen cho.
24- Các dân Mường, Mán ở ngoài bờ cõi, nên giữ lời di huấn, không được trái đạo luân thường, như cha, anh, chú, bác đã chết thì con em không được chiếm lấy những thê thiếp, nếu mà trái phép thì sẽ trị tội rất nặng.
Đạo dụ của vua Lê Thánh Tôn đã được các làng mạc căn cứ vào để giữ gìn phong tục trong dân gian, và một phần các hương ước chính là những điều ghi trong Đạo dụ này.
Gần hai trăm năm sau, vua Lê Huyền Tôn vào năm 1662 lại có chỉ dụ khác để sửa đổi phong tục trong dân chúng. Chỉ dụ của vua Lê Huyền Tôn cũng chỉ nhấc lại những điểm chính mà vua Lê Thánh Tôn đã nói tới với một vài điều mới, sơ lược như sau:
"Dân làng phải tôn trọng lẫn nhau theo thứ vị tuổi tác, chỉ bảo cho nhau để giữ lấy sự công bằng chân thật và liêm sỉ. Người già phải rộng lượng với người trẻ, đừng cậy tuổi tác tỏ vẻ khinh bỉ kẻ ít tuổi hơn mình. Người trẻ phái kính trọng người già đừng ỷ thế giàu có coi người có tuổi không ra gì. Trong những ngày hội, nhũng buổi tiệc làng, người trẻ phải kính cẩn nhường người có địa vị và già cả lựa chọn khẩu phần, không nên vì ly rượu miếng thịt mà gây xích mích, trái với tình tương thân tương ái giữa dân làng.
"Dân làng không được ỷ quyền cậy thế, dựa vào số anh em đông mà hạ uy tín của các xã trưởng, tự nhận quyền phán xét trong việc tranh tụng hà hiếp, kẻ cô quả. Nếu trong làng có những kẻ xấu ấy, xã trưởng thôn trưởng được quyền bắt giải quan để trị tội.
"Riêng các xã trưởng, nếu trong làng có sự tranh tụng, phải vô tư phân xét và hòa giải. Không được xui nguyên giục bị rồi lại tự nắm lấy việc phân xử. Cũng không được tự đặt ra những luật lệ riêng rồi dựa vào những luật lệ ấy mà chiếm đoạt tài sản khiến cho các nạn nhân phải bán nhà đất cho khánh kiệt cô lập họ không cho tham dự các buổi tập họp hội hè mà trái với phép nước.
"Nếu những sự kiện trên xảy ra, các đương nhân có quyền khiếu nại lên quan sở tại để truy tố can phạm và trị tội.
"Bầu cử xã trưởng, dân làng phải kén chọn trong các hàng danh giá, học thức, có khả năng, đủ niên kỷ, được sự tín nhiệm và quý mến của mọi người, không được vì tiền bạc hoặc tiệc tùng mà bầu lên những người không đủ tư cách hoặc tìm cách thành lập thôn, hộ riêng gieo rắc sự hiểu lầm và sự chia rẽ. Ai phạm tới luật này sẽ bị trừng phạt".
Ta thấy rằng trên đây cũng chỉ là những điều rất đại cương không mấy rõ ràng, do đó lệ làng vẫn luôn luôn chi phối mọi sinh hoạt trong làng.
Lệ làng do hương ước ấn định, và về mỗi vấn đề lại những tục lệ riêng. Thường những vấn đề chính mà hương ước làng nào cũng đề cập tới là những tục lệ về:
bầu cử
khoán ước
tranh tụng
tài chính
tạp lệ
Bầu cử
Như đã trình bày tại chương "Tổ chức làng xã", làng xưa nay đều có một hội đồng, đấy là hội đồng kỳ mục, hội đồng này từng được thay đổi danh xưng trải qua các thời kỳ lịch sử. Những nhân viên trong ban hội đồng do dân làng bầu lên theo lệ từng làng, nhưng thường căn cứ trên các tiêu chuẩn niên kỷ, kiến thức và tài chính.
Kén chọn theo niên kỷ, vì người có tuổi có nhiều kinh nghiệm, theo kiến thức vì đây là những người có học đã từng học qua Tứ thư Ngũ kinh, thâu nhập được sự hiểu biết và kinh nghiệm của tiền nhân, theo tài chính vì đây là một sự bảo đảm cho người nhận trách nhiệm lãnh đạo làng xã.
Thường ra, những nhân viên trong ban hội đồng là các hàng chức sắc đã nói trong chương "Dân làng".
Tại chốn đình trung, hàng chức sắc này, cũng như các nhân viên khác trong các hội đồng kỳ mục đều có chỗ dành riêng đã được ấn định rô ràng bởi phép vua.
Khoán ước
Khoán ước là những điều dân làng ước hẹn với nhau và được đồng dân tôn trọng. Khoán ước đối với làng xã cũng như luật lệ đối với quốc gia.
Khoán ước chú trọng tới những việc nội bộ trong làng, còn những việc lớn đã có luật vua và phép nước.
Khoán ước trong làng, tức như một điểm khuyến trừng của nhà nước, khuyên người làm lành, ngăn kẻ làm dữ, nhờ có khoán ước mà nên thuần phong mỹ tục. 1
Trong khoán ước có thưởng có phạt. Khoán ước mỗi xã mỗi khác, nhưng về mặt đại cương thường có các điều sau đây:
Hộ tịch
Hộ tịch chi phối mọi việc về sinh, tử, giá thú.
Tại nhiều làng, sinh con ba ngày thì phải khai: Không khai thì phải phạt vạ, số tiền phạt vạ tùy theo từng làng 2 ; các chức dịch hoặc nhân viên trong ban hội đồng kỳ mục, bị phạt gấp đôi dân làng. Về việc tử cũng vậy, cũng phải khai trong thời hạn lệ làng ấn định. Việc cưới xin, nếu không khai, phải phạt vạ số tiền gấp đôi tiền lệ phí ấn định. Không chồng mà chửa phạt vạ nặng, có khi từ 10 đến 30 quan tiền.
Thưởng
Những người có công với làng đều được thưởng: bắt được kẻ trộm, kẻ cướp, kẻ hung nghịch có tội. Tùy việc khó dễ và công to nhỏ, có thể được thưởng tiền hoặc thưởng chân khán chủ trương tuần, hoặc được chân nhiêu, chân xã dự vào hàng quan viên hay miễn trừ tạp dịch.
Phạt
Người có lỗi với làng thì bị phạt vạ nặng nhẹ tùy theo tội: say rượu trong khi hương ẩm, nói càn xúc phạm tới bậc tôn trưởng, hành hung các người này, đánh nhau vỡ đầu, trộm cắp từ con gà, cái măng trở lên, hoặc có hành động gì bất kính với các nơi thờ tự, hoặc phạm tội để quan phải đòi tới dân làng. Và đặc biệt những nhà nào có con gái không chồng mà chửa đều bị phạt vạ.
Tùy lỗi nặng nhẹ, đương sự hoặc bị phạt hai ba quan tiền kẽm, hoặc phải nộp vạ gà lợn để Hội đồng làng sử dụng, hoặc tước ngôi thứ không cho dự chiếu hương ẩm. Những chức dịch bị lỗi nặng có thể bị làng truất bỏ cả chân chức dịch, không cho hưởng quyền lợi của hàng viên chức.
Chu tuất
Khi trong làng có cướp hoặc cháy, tuần đinh và dân làng trong khi đánh cướp hoặc chữa cháy chẳng may bị thương sẽ được làng cấp tiền điều dưỡng thuốc men, nếu bất hạnh qua đời, làng sẽ tổ chức long trọng lễ an táng và chu cấp cho vợ con. Có thể thưởng cho con cái chân nhiêu chân xã, hoặc cho miễn phu phen tạp dịch.
Tinh biểu
Những người làm lợi cho dân làng, hoặc xuất của hoặc xuất lực trong các công cuộc công ích, làng nhờ ân nghĩa, sống được làng kính trọng, chết được làng khắc bia để đời đời ai ai cũng nhớ.
Cấm lệnh
Làng có những điều cấm, mọi người đều phải theo: Có khách lạ phải trình với lý dịch, không trình sẽ bị phạt.
Tụ họp đánh bạc, hoặc làm điêu phạm phép vua luật nước hoặc tụ tập kẻ hung đồ đều bị cấm. Phạm những điều này, nhẹ, lý dịch bắt ra điếm giữ một vài giờ hoặc một ngày một đêm, nặng thì nộp quan trên định tội.
Trai gái giở trò dâu bọc bị bắt, phải phạt vạ.
°     °
°
Đại để trên đây là mấy điều chính về khoán ước tại các xã. Có thể có những điều khác.
Tranh tụng
Dân làng họp nhau, chính ra là các bị chức sắc, như thành một pháp đình nhó để phân xử những việc tranh tụng không quan trọng và không cần phải đưa tới quan trên, cũng như để trừng phạt những tội phạm vi cảnh ở trong làng.
Thời xưa quyền hạn về tư pháp của pháp đình làng xã có lẽ một thẩm quyền rộng rãi, nhưng dần dần triều đình thu hẹp quyền hạn này lại, và tới dưới triều Nguyễn, về hình sự, dân làng chỉ được phép xử những tội phạm vi cảnh phạt tiền, còn về dân sự đây chỉ là một cơ quan hòa giải. Các viên chức đối với dân làng phải dịu dàng khéo léo, khuyên bảo mọi người tránh sự kiện tụng, và muốn kiện tụng, việc gì cũng phải qua làng trước, nếu không sẽ bị phạt theo hương ước.
Ta có câu "Được kiện mười bốn quan năm, thua kiện mười lăm quan chẵn" để răn bảo những người muốn đưa nhau tới chốn tụng đình. Chính vì sự khuyên răn của các hương chức mà những sự kiện tụng trước đây rất ít xảy ra tại các làng quê, và người dân quê không ai ưa gì kẻ "xui nguyên giục bị" và chính những kẻ này nếu có, tục lệ cũng không dung.
“Bảo nhau làm phúc, không ai giục nhau đi kiện”, câu tục ngữ trên đủ nói lên cái tâm lý của dân ta đối với các việc kiện tụng.
Tài chính
Dân quê phải đóng thuế cho nhà vua, nhưng ngoài ra còn phải đóng phần thuế làng, tức là phần phụ thu của thuế chính ngày nay.
Mỗi năm theo lệnh triều đình mỗi làng phải nộp một số tiền thuế được ấn định tùy theo số dân đinh và điền thổ trong làng. Các hương chức phải lo thu đủ số thuế này. Còn về thuế làng mỗi làng tùy theo hoàn cảnh kinh tế của dân xã mà thêm, nhưng việc thu này, các hương chức cũng phải căn cứ theo tục lệ, không phải có quyền tự do muốn ấn định bao nhiêu cũng được. Thường số thu còn tùy theo từng người giàu nghèo, địa vị cao thấp trong làng xã, và cũng tùy nhu cầu hàng năm của dân làng. Những năm trong làng có việc cần thiết phải chi tiêu, thì ngoài tiền thu trong dịp thu thuế dân làng có thể bổ thêm vào dân đinh và điền thổ hoặc thu thuế bến đò, thuế chợ để lấy tiền đủ chi dùng cho việc làng, và đây chỉ là những việc cần thiết như đắp đê, sửa đường, sửa đình, chữa chùa làng v.v... Lại còn các tiền lệ phí khác nữa.
Theo tục lệ, làng thường thu các sắc thuế và lệ phí sau đây.
Thuế thân
Thuế thân là một thứ thuế đánh vào các dân đinh khỏe mạnh từ 18 tuổi đến 60 tuổi, ngoại trừ những người tàn tật hoặc những người đã được miễn theo luật lệ. Đàn bà không phải chịu thuế này. Thuế này trước thời Pháp thuộc, tô thuế thay đổi tùy từng thời đại, nhưng đến thời Pháp thuộc cho đến năm 1937, mỗi xuất thuế là 2$50, không phân biệt giàu nghèo. 3 Thuế này nộp cho nhà nước, nhưng theo lệ làng, làng có thể thu thêm của mỗi xuất một món tiền phụ thu cho quỹ làng. Tiền phụ thu này, có xã thu đồng đều, nhưng thường thì phân làm nhiều hạng, giàu nghèo đóng khác nhau.
Từ năm 1937, thuế thân được người Pháp ấn định lại, và những cùng đinh phải nộp mỗi năm 1$00, những người giàu có phải nộp tối đa 250$, cho quỹ nhà nước. Số phụ thu nộp cho làng được tính theo thuế chính, và do chính quyền ấn định, không cho dân được phép tự ý thu như trước.
Trên thực tế, sổ đinh của mỗi làng không ghi đủ số dân đinh nên vẫn có sự ẩn lậu, và sự ẩn lậu này, sở dĩ có vì dân làng cần thu đủ số thuế theo sổ đinh để nộp cho nhà nước, nhưng có nhiều người dù chỉ là 2$50 một năm cũng không có tiên nộp, và làng phải gánh phần của những người này. Số đinh ấn lậu để bù vào chỗ những người có tên trong sổ đinh mà không tự đóng thuế nổi.
Thuế điền trạch
Đây là thuế đánh vào ruộng nương, vườn tược đất cát. Ngoài phần thuế phải nộp cho triều đình, mỗi mẫu đất, mỗi mẫu ruộng đều phải nộp thêm thuế cho làng, số thuế căn cứ theo hoa màu và nhà cửa đất trên các thửa đất, không kể chủ ruộng chủ đất giàu hay nghèo.
Về thuế ruộng tuy căn cứ theo hoa màu, nhưng cũng lại thay đổi theo hạng ruộng tốt xấu, mỗi mẫu ruộng một năm theo huơng ước phải nộp cho làng một số thóc là bao nhiêu, số thóc này được tính thành tiền theo thời giá, và mỗi làng sẽ thu thuế của chủ ruộng theo giá biểu này. Còn về các hoa màu khác, trong hương ước cũng ấn định số hoa màu phải nộp cho làng tùy theo loại ruộng màu và tùy theo loại hoa màu được trồng. Hoa màu cũng như thóc tính thành tiền theo thời giá, và các chủ vườn ruộng phải nộp thuế theo giá biểu đã tính.
Cũng có làng, các chủ ruộng đất không phải nộp tiền mà nộp thẳng thóc lúa và hoa màu. Làng thu số thóc lúa và hoa màu rồi đem bán, tiền xung quỹ làng.
Về nhà cửa, tức là thuế thổ trạch của nhà nước, các chủ nhà phải nộp một số thuế ấn định cho mỗi loại nhà ngói hoặc nhà tranh.
Tiền lệ phí
Làng nào cũng vậy, ngoài những món tiền trên, có những món tiền dân làng phải nộp gọi là tiền nộp lệ. Tiền nộp lệ có nhiều loại: lệ cheo, lệ tang, lệ khao vọng v.v...
Lệ cheo là lệ phải nộp khi trai gái thành hôn.
Lệ cưới xin phải nộp tiền lan nhai cho làng, tục gọi là nộp cheo. Người trong làng lấy nhau thì nộp độ một vài đồng bạc gọi là cheo nội; người ngoài lấy gái làng thì bao giờ cũng phải nộp nặng hơn, hoặc dăm sáu đồng, hoặc mười đồng, hoặc một vài chục tùy theo tục riêng từng làng gọi là cheo ngoại.
Có nơi không lấy tiền, bắt nộp bằng gạch bát tràng, hoặc nơi thì nộp mâm đồng bát sứ, tùy làng cần dùng thức gì thì nộp thức ấy, nhưng chiếu giá tiền thì sơ sẩn như nhau. 4
Đây là lệ cheo làng, có nhiều địa phương ngoài cheo làng, còn lệ cheo xóm, cheo bản tộc, cheo bản thôn v.v... Tiền lệ cheo xóm, cheo bản tộc, cheo bản thôn thường ít hơn tiền lệ cheo làng. Đối với việc hôn nhân lệ cheo công nhận sự phối hợp của đôi bên nam nữ. Chưa nộp cheo, làng chưa cấp phải cheo, việc cưới xin kể như chưa hoàn tất cũng như thời nay chưa làm giấy giá thú vậy. Ca dao có câu:
Có cưới mà chẳng có cheo,
Dẫu rằng có giết mười heo cũng thừa.
Lệ táng phải nộp mỗi khi có đám táng. Nhà nào có người chết phải trình làng để xin phép chôn. Có trình làng mới được phép động thổ đào huyệt. Phải nộp cho làng một món tiền, to nhỏ tùy theo lệ từng xã. Có nơi phân biệt tiền lệ táng phải nộp để được làm ma với tiền lệ động thổ để đào huyệt. Những người nghèo không làm ma chay đám tang to tát, không phải nộp tiền lệ táng, mà chỉ phải nộp tiên lệ động thổ. Đối với những người cùng đinh nghèo quá, không có tiền nộp, làng có thể cho miễn, nhưng vẫn phải trình làng trước khi an táng người chết. Những trường hợp người quá nghèo, có khi dân làng còn giúp đỡ tiền bạc trong việc tang.
Lệ khao vọng là lệ phải nộp khi lên ngôi thứ, khi nhận chức việc, khi ăn mừng thi đỗ v.v... Tóm lại, mỗi khi có việc vui mừng, các đương sự mở tiệc ăn khao thì phải nộp cho làng một món tiền gọi là tiền lệ vọng. Món tiền này to nhỏ tùy theo từng xã và cũng tùy theo từng việc khao vọng. Thí dụ như một người đến tuổi lên lão theo lệ làng phải nộp món tiền, khi ra chốn đình trung mới được ngói vào chỗ dành cho bậc lão lại thí dụ như một người nhận một chức việc trong ban hội đồng làng, cũng phải nộp cho làng một món tiền lệ mới được công nhận, và như vậy ở chốn hương ẩm mới được ngồi vào chỗ dành cho hàng chức việc. Những người đi thi đỗ được thưởng phẩm hàm cũng vậy, muốn được làng công nhận cũng phải nộp tiền lệ vọng.
Phải nộp lệ vọng rồi mới được làm lễ khao. Vọng là bắt buộc theo tục lệ của làng, còn khao tuy cũng theo tục lệ nhưng đây là tùy các đương sự. Những người túng bấn có thể chỉ nộp lệ vọng mà không cần khao, nhưng vì vấn đề sĩ diện nên những ai đã nộp lệ vọng là có ăn khao. Việc ăn khao có thể linh đình cỗ bàn mời làng nước hoặc làm đơn giản mời một số bạn bè với một số các hàng chức sắc trong làng. Và khi ăn khao, ngoài tiền vọng đã nộp, còn có các món lệ phí khác phải nộp nếu hương ước bắt buộc như lệ phí đốt pháo, lệ phí mổ gia súc, lệ phí mượn đồ thờ của làng để rước văn, rước sắc v.v...
Thuế chợ, thuế bến đò
Những làng có chợ có thể thu thuế chợ, hoặc tính vào chỗ ngồi của những người bán hàng, hoặc tính vào các hàng hóa và gia súc bày bán tại chợ.
Tiền thuế này, hoặc ban hội đỏng cử người thu lấy, hoặc cho đấu thầu. Từ hồi Pháp thuộc tới nay, lối đấu thầu được thông dụng hơn. Theo các tục lệ xưa, chỉ những người làng mới được trưng thầu thuế chợ, nhưng ngày nay, tục lệ đã thay đổi, và người nào chịu nộp thuế trưng thu nhiều có lợi cho quỹ làng là được đứng trưng thầu.
Những làng ở bên cạnh sông, có khi lại thu thuế bến đò của các thuyền bè tới đậu, hoặc thu thuế của các lái đò chở khách sang ngang.
Cũng như thuế chợ, thuế bến đò cũng thường được cho đấu thầu. Trong việc đấu thầu, lẽ tất nhiên chủ thầu thường tìm cách bóc lột những người phải nộp thuế và hay có sự lạm thu, và việc lạm thu này đã gây ra nhiều sự kêu ca của dân chúng, nếu không có sự kiểm soát kỹ lưỡng của hội đồng làng.
Các lệ phí khác
Đây là tất cả lệ phí lặt vặt khác, ấn định tùy theo từng địa phương, làng này làng khác không giống nhau, có làng lấy những lệ phí này lại không lấy những lệ phí khác hoặc trái lại.
Ta có thể kể lệ phí về sát sinh mà mỗi người phải nộp khi mổ thịt một gia súc, lệ phí về đốt pháo, đánh trống đánh chiêng trong những việc vui mừng hay tang ma, lệ phí khi xin phép lợp nhà, lát sân gạch v.v...
Có làng, mỗi khi dân làng đào ao, đào giếng đều phải nộp cho làng một món tiền lệ phí, không thể phải sửa lễ ra đình để khấn xin đức Thành hoàng cho phép động thổ.
Đại khái những lệ phí lặt vặt trên thường được thu tại nhiều xã nhưng cũng còn nhiều lệ phí khác nữa, và những lệ phí này tùy theo từng xã, như những xã ở ven rừng có thể thu của dân làng vào rừng đốn gỗ một món lệ phí cho một loại cây nào, hoặc những làng có đầm lớn hồ rộng thu của những người đánh cá một món lệ phí.
Tiền bán nhiêu, bán xã, bán hậu v.v... .
Nói đến nền tài chính của một xã, không thể bỏ qua những món tiền bán nhiêu, bán xã, bán hậu v.v...
Chân nhiêu, chân xã, làng thường chỉ cấp cho những người có ân nghĩa với làng, và khi đã là nhiêu, là xã thì được dự hàng quan viên và được miễn các điêu phu phen tạp dịch.
Nhiều làng, vì cần tiền để sung vào công quỹ làm việc công ích, thường hàng năm hoặc ba bốn năm bán một số các chân nhiêu chân xã để những người giàu có trong làng bỏ tiền ra mua cho mình hoặc cho con cái. Số tiền ấn định cho mỗi chân nhiêu chân xã tùy theo từng làng, nhưng thường là những số tiền lớn đủ dùng cho một việc công ích đáng kể.
Và tiền bán hậu cũng là những món tiền lớn. Mua hậu của dân làng, tức là nộp cho làng một món tiền để sau này khi mình chết, làng sẽ cúng giỗ. Những người không con kế tự để lo việc hương hỏa thường mua hậu làng. Nhiều người con gái, bố mẹ không có con trai, không người cúng giỗ, bỏ tiền ra mua hậu để làng cúng bố mẹ.
Nhiều nơi, những người giàu không con có nhiều ruộng nương thay vì mua hậu, cúng cho làng một số ruộng, số ruộng này làng sẽ sử dụng và hàng năm hoa màu thuộc về làng.
Làng nhận số ruộng này, khi người cúng ruộng qua đời, làng sẽ cúng giỗ. Ruộng này gọi là ruộng hậu. Ruộng hậu được giao cho dân làng canh tác, người canh tác hàng năm nộp cho làng một món tiền hoặc một số thóc như tá điền nộp cho chủ điền, làng sẽ trích một số tiền để làm giỗ cho người đã cúng ruộng cho làng.
Việc cúng giỗ những người mua hậu hoặc cúng ruộng như trên gọi là giỗ hậu.
Ngoài các khoản bán nhiêu, bán xã, bán hậu, nhiều làng còn bán thủ từ, bán đăng cai v.v...
Các khoản chi
Từ trên mới nói tới các khoản thu của làng, nhưng có thu thì phải có chi, và những việc chi phải hợp với tục lệ mỗi làng.
Có thể kể các việc chi như sau:
Chi về tế tự
Chi về tiệc làng
Chi về sửa sang nơi thờ tự và mua sám đồ thờ
Chi về khai báo
Chi về nuôi lính, nuôi tuần và phụ cấp cho lý trưởng
Chi về cứu tế.
Trên đây là những việc chính cần phải chi, nhưng ngoài những món chi trên, cũng còn nhiều món chi linh tinh khác nữa.
Chi về tế tự
Chi về tế tự gồm những món chi thường xuyên hàng ngày và những món chi về hội hè đình đám. Chi tế tự thường xuyên, đó là tiền hương đăng, trầu quả hàng này tại các nơi thờ tự trong làng, còn tiền chi tiêu về hội hè đình đám là tiền bỏ ra để làng tổ chức vào đám hàng năm. Món chi hội hè này tùy theo từng năm năm nào làng mở hội to, vào đám linh đình thì khoản chi nhiều hơn những năm khác.
Chi về tiệc làng
Chi về tiệc làng tức là tiền chi vào những ngày giỗ hậu và sóc vọng, hoặc trong những dịp xuân tế, thu tế làng sửa lễ tế thần cúng hậu xong, dân làng thừa hưởng lộc thánh. Mỗi khi dân làng ăn uống, món chi đều chiếu theo tục lệ mà tiệc tùng to nhỏ, và cũng tùy từng làng. Thí dụ như giỗ hậu, làng có xôi gà trầu rượu cúng giỗ, người mua hậu lại có lễ cúng đức Thành hoàng và Thổ thần của làng. Lại tỷ như năm được mùa, lúc vào đám lớn có cúng tam sinh, tiền chi phí tất nhiên phải nhiều. Những khi sóc vọng thường chỉ có vàng hương trầu rượu và trái cây hoặc vài đĩa xôi, con gà. Đồ lễ này cúng xong, chia phần cho các quan viên thụ lộc ngay tại đình.
Chi về sửa sang nơi thờ tự và mua sắm đồ thờ
Khoản chi về sửa sang nơi thờ tự và mua sắm đồ thờ là một khoản chi được dân làng hết sức lưu ý. Những nơi thờ tự là đình, đền, miếu và cả chùa làng nữa.
Những nơi này khi bị hư dột, nứt lở v.v... dân làng phải lo chữa ngay, để hư hỏng mang tội bất kính với Thần linh.
Phải kể thêm các nơi công quán, điếm sở, khi bị hư hỏng cũng cần sửa chữa, và thuộc vào các khoản chi này. Tóm lại đây là khoản chi về tu tạo cho những công ốc, công sở của làng, mà phần chính là những nơi thờ tự.
Về những đó thờ phải sắm, gồm các đồ thờ tại đình đền như kiệu thần, đồ bát bửu, đồ lộ bộ. Các đồ thờ này làng sắm một lần thường dùng được nhiều năm mới hư hỏng, và khi hư hỏng dân làng cũng sửa chữa, dân làng chỉ sắm đồ mới khi cần thiết.
Đồ thờ phải kể cả những hoành phi câu đối của các nơi thờ tự, bình hương đài nến v.v... trên các bàn thờ, nhưng các tự khi này cũng ít khi phải mua sắm. Thường chỉ cờ quạt, tàn, tán, lọng và các nhạc khí như trống chiêng là dễ bị hư hỏng và mỗi khi hư hỏng không thể không sắm đồ mới được.
Chi về khai báo
Chi về khai báo tức những việc chi khi làng cần khai báo gì với quan trên. Trong việc khai báo này, như làng xin phép mở hội, làng xin phép sửa chữa, đình đền làng xin phép mở chợ v.v... thường phải nộp một số lệ phí ấn định bởi luật lệ quốc gia.
Cũng kể là chi phí về khai báo, tiền chi tiêu vãng phản của các chức việc khi đi trình báo quan trên về những việc trong làng, những việc khai báo trên hoặc những việc khác, như trong làng có cướp bóc, có dịch trâu bò hoặc có bệnh thời khí v.v…
Mỗi khoản chi phí về khai báo, ngoại trừ những món tiền ấn định bởi luật lệ quốc gia, đều do lệ làng ấn định. Một viên lý trưởng đi lên quan tiền chi phí vãng phản khác với món tiền này khi đó chỉ là một người dân phải lên quan vì việc làng.
Chi về nuôi lính, nuôi tuần và phụ cấp cho lý trưởng
Đây là những món tiền dân làng chi tiêu khi có lính tráng của quan về làng, hoặc để mang một tờ sức, hoặc để bảo vệ làng trong một thời gian nào. Lính tráng của quan tuy có lương nhưng khi tới làng vì đường sá xa xôi thường được dân làng mời dùng bữa, và tiền chi tiêu này do làng đài thọ.
Còn gọi là nuôi lính, khi nhà nước bắt lính, dân làng cử một số người xung quân ngũ, trong khi chờ đợi lên quan, những người này ở tại công quán của làng, và làng phải đài thọ sự ăn uống của họ. Trong khi những người bị làng cử đi lính thì vợ con ở nhà được làng chu cấp hoặc bằng tiền hoặc bằng ruộng để lấy hoa màu.
Ngoài tiền nuôi lính, làng lại phải chi tiền lương tuần phiên, trả tiền phụ cấp cho Lý trưởng. Lý trưởng được phụ cấp, vì Lý trưởng là nhân viên thừa hành của ban Hội đồng làng, phải chịu trách nhiệm về các việc trong làng. Có làng trả lương tuần phiên và phụ cấp lý trưởng bằng cách cấp cho ruộng công để lấy hoa lợi.
Chi về cứu tế
Trong làng thường có những người bệnh tật không có sinh kế, lại có những người vì việc làng mà mang tật nguyền. Đối với những người này, làng trích quỹ giúp đỡ.
Hoặc trong làng có tai nạn như đổ nhà, đổ tường làng cũng giúp đỡ các nạn nhân nghèo khó.
Hoặc trong làng có cướp bóc, có người hết lòng đánh cướp bị bỏ mạng, cũng như khi nước lên có người vì cứu đê mà bỏ mạng, những người này được làng lo ma chay, và chu cấp cho vợ con.
Có nhiều làng lại dành cả tiền để giúp đỡ học trò nghèo nhưng học giỏi. Ngày xưa mỗi khoa thi, những sĩ tử đi thi phải tốn kém vì tiền lộ phí. Đối với những người quá túng bấn mà được tiếng là học giỏi, không lo nổi món tiền lộ phí, làng cũng giúp, nếu người này thi đỗ, làng được tiếng với các xã lân cận.
Kể cả về cứu trợ, làng còn chi nhiều món khác như tiền giúp đỡ tống táng những kẻ nghèo không con cái, tiền giúp đỡ các cô nhi quả phụ v.v...
°     °
°
Dân làng có thu có chi, nhưng xưa kia không mấy nơi ai sổ chi thu đồng niên. Khi nào có việc tu tạo to tát thì mới có sổ, đóng độ vài chục tờ giấy bản, biên những số tiền mua bán vật liệu hoặc chi phí sự gì, và các món nhập khoản. Đến lúc hoàn thành thì dân làng chiếu số hội tính một lượt, thừa thì để lại gửi một người giữ tiền, thiếu thì bổ thêm mà đóng với nhau, thế là xong việc, không cần gì đến sổ nữa. Còn như các việc tế tự thì lý trưởng, hoặc đăng cai hoặc phần thu phải thừa biện trước, chi tiêu những gì biên vào mảnh giấy, đợi dân làng họp đông thì tính toán, bổ bán mà trả lãi. 5
Sau này, dưới thời Pháp thuộc, việc tài chính của các làng bắt đầu bị kiểm soát, và mỗi làng đều bắt buộc phải có sổ chi, thu, để tránh sự lạm thu cũng như những sự chi tiêu bừa bãi của Lý trưởng và của Hội đồng kỳ mục. Trên nguyên tắc thì như vậy, nhưng trên thực tế dân làng sống với nhau đã quen lệ từ xưa, có nhiều việc chi thu không hề được ghi vào sổ chi thu, nhất là những việc chi thu về lễ bái.
Lễ bái cốt ở sự thành tâm, do đó, nhiều khi trong sổ chi thu chỉ ghi một món tiền nhỏ, nhưng thực việc chi tiêu có thể lên gấp năm mười lần. Dân làng đã tự động đóng góp, có khi có sự kêu gọi của Hội đóng kỳ mục, có khi việc lễ bái cứ thực hiện rồi dân làng sẽ tự bảo nhau đóng góp.
Nhiều khi trong những sự bổ bán đóng góp, người dân trong làng phải gánh vác một phần có thể coi là nặng nề, nhưng họ không hề oán thán kêu ca, và họ vui lòng chịu phần làng đã bổ bán. Họ tin ở sự phân chia hữu lý về trách nhiệm cũng như về quyền lợi của dân làng của Hội đồng làng. Nếu họ có thấy rằng họ phải gánh vách nhiều hơn các bậc đàn anh, họ vẫn cho đó là một điều hợp lý vì những người đã đóng góp về phần trách nhiệm nhiều, thì về phần tài chính họ gánh phần nhẹ hơn cũng chỉ là một sự công bằng. Về lễ bái, nhiều người còn đóng góp nhiều hơn phần bổ bán của làng. Ở đây, chính do sự thành tâm của họ đối với sự tế tự.
Có người sẽ bảo rằng nếu dân làng cứ chịu phần gánh vác mà không kiềm soát sự chi thu của các bậc đàn anh, tránh sao khỏi sự hà lạm? Không phải sự hà lạm là không có, nhưng xưa kia trước thời Pháp thuộc, khi căn bản đạo đức còn vững bền, các bậc đàn anh thường là những người xuất thân ở những nơi đạo đức, họ không nghĩ đến sự hà lạm. Và cả đến dân làng nữa, với nếp sống thuần phác, họ không bao giờ có ý nghi ky các bậc đàn anh, và cho rằng họ biết có sự hà lạm đi nữa, họ cũng chịu, và họ nghĩ rằng các đàn anh gánh vác việc dân việc làng, phải có quyền thụ hưởng ít nhiều quyền lợi vật chất. Kể từ thời Pháp thuộc, nền đạo đức suy giảm, những tay sai của người Pháp dần dần được đặt vào những địa vị lãnh đạo dân làng, sự hà lạm mới bành trướng và mới xâm phạm nhiều tới quyền lợi của người dân. Để kìm hãm một phần nào sự hà lạm này, sổ chi thu hàng xã được thiết lập với ngân sách xã.
Tạp lệ
Đây là các lệ khác của dân làng ghi trong hương ước, nhưng không xếp được vào các mục trên.
Tuy gọi là tạp lệ, nhưng có nhiều tục lệ rất quan trọng đối với đời sống người dân hàng xã.
Trong các tạp lệ này, có thể kể tới những tục lệ về an ninh, cũng như các tục liên quan tới thuần phong mỹ tục của dân ta.
Về an ninh, hương ước có những điều cấm tụ tập những kẻ gian phi, cấm chứa gá cờ bạc, hoặc những điều bắt buộc phải khai báo khi có khách lạ tới ngủ đêm ở nhà.
Những tục lệ liên quan tới thuần phong mỹ tục có thể kể được những điều bắt buộc đàn ông trong làng phải lấy luận lý mà sửa mình, phải có nghề nghiệp làm ăn, không được du thủ du thực, còn đàn bà con gái không được trăng hoa ong bướm làm mất giá trị con người vì những trò trên bộc trong dâu.
Cũng có thể kể những điều cấm đoán và trừng phạt những kẻ gian phi v.v...
Tạp lệ có rất nhiều ở các làng và cũng thay đổi tùy theo từng làng.
Một mẫu hương ước
Trong hoàn cảnh hiện tại, tìm lại một hương ước cổ xưa thực là một việc khó khăn, nhất vào ngày nay việc lưu trữ văn khố lại bị coi nhẹ, và những hồ sơ cũ từ thời tiền chiến, không mấy hồ sơ còn được bảo tồn.
Để bạn đọc có một ý niệm sơ lược về hương ước xin ghi lại dưới đây những đoạn trích lục trong tập hương ước của làng Đề Điều tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc) đã được Phan Kế Bính đăng trong Đông Dương Tạp chí năm 1914 khi khảo về Việt Nam phong tục:
Về mục kỷ niệm
Tiết thứ I Khắc bia
Trong dân làng, không cứ đàn ông đàn bà, kẻ quí người tiện, ai có ân nghĩa gì với dân, thì dân có bia kỷ niệm, lúc còn sống thì dân kính trọng, lúc mất rồi thì dân khắc tên vào bia để dân nhớ ân nghĩa mãi về sau.
Tiết thứ II Việc ân
Ân: Ai có ân đức với dân, như xuất của nhà ra lập trường học, cho trẻ con trong làng học chữ, học nghề hoặc cúng ruộng cho dân làm học điền, hay là xuất của làm việc công ích cho dân, cùng là học được nghề gì trọng về dạy dân cho có nghề nghiệp hoặc dân làng chẳng may gặp phải khi tai biến lưu ly mà xuất tài xuất lực, giúp đỡ cho dân lại hội lại làm ăn như cũ. Vậy các việc như thế là ân.
Tiết thứ III Việc nghĩa
Nghĩa: Dân làng thảng hoặc đêm hôm có cướp đến phá làng ăn cướp, dân ai có sức đánh cướp giữ làng, không may bị chết vì việc dân, vậy như thế là nghĩa.
Tiết thứ VI Sửa lễ
Cứ lệ mỗi năm một lần tháng Giêng vào ngày đình đám xong rồi, dân xuất tiền công sửa lễ, và cắm cờ tàn, bài trí ở bia kỷ niệm cho tráng lệ như ngày đình đám, rồi đồng dân đọc bài văn kỷ niệm, để trước nữa là nhớ những người có ân nghĩa với dân, sau nữa là kinh khuyến lòng người trong chốn hương đảng.
Về mục tự trị
Tiết thứ III Đánh nhau
Phàm người trong dân xã, không cứ quí tiện, giàu nghèo, phải ăn ở với nhau cho tử tế hẳn hoi, trên kính dưới nhường. Hoặc ai có điều gì không nên không phải trình dân, để dân phải xử cho, chớ sinh tình ngạnh hoán đánh chúa lẫn nhau, để cho người ta chê cười, thì cả đôi bên đều phải phạt.
Tiết thứ IV Thưa kiện
Người trong dân, hoặc ai có điều gì bất bình mà thưa kiện nhau, thì phải trình dân trước, chớ không được thiện tiện lên ngay quan. Hễ dân xử không xong thì mới được lên quan. Nếu ai không tuân thế thì phải nộp một đồng bạc 6 nộp vào công quĩ bản xã.
Tiết thứ VIII Đàn ông
Đàn ông con trai trong làng, không cứ con nhà quí tiện giàu sang, ai cũng phải lấy luân lý mà sửa mình, có nghề nghiệp mà làm ăn. Nếu người nào du thú du thực, không chịu làm ăn, bất nhân bất nghĩa, trái đạo làm người thì phải phạt truất ngôi hương ấm.
Tiết thứ IX Đàn bà
Đàn bà con gái trong dân, người nào góa bụa hay chưa chồng, ai mà trăng hoa ong bướm, làm cho mất giá người đi, khán thủ tuần phiên bắt được thì phải phạt một đồng bạc. Người nào thất tiết hoang thai thì phải phạt như tiền nộp cheo. Bao giờ lấy chồng lại phải nộp tiền lan nhai 7 theo như dân khoán.
……
Tiết thứ XII Trộm cắp
Trong hương ẩm, ngoài đồng tiền hoặc có kẻ gian phi trộm cắp của công dân hay của tư gia một tí gì thức khinh vật trọng như là tiền bạc, phục dụng, vật dụng và các giống súc vật, cùng là cây cối tre măng, thanh bông hoa quả, lúa má hoa màu v.v...
Những kẻ gian phi trộm cắp ấy bắt được quả tang hễ người trong dân thì phải phạt truất ngôi hương ẩm, người ngoài thì dân giải lên trình quan.
..….
Tiết thứ XIV Tụ tập
Trong dân nhà nào tụ tập những kẻ gian phi, gá chứa cờ bạc hay làm điều phi pháp phạm cấm, mà khán thủ tuần phiên ẩn nặc không trình hương chính, lý trưởng thì khán thủ tuần phiên và các người làm điều phi pháp phạm cấm ấy đều có lỗi phải phạt
Tiết thứ XV Khách lạ
Trong dân làng nhà nào có khách lạ ở chơi cách đêm, thì phải trình cho khán thủ biết. Nếu không trình, hễ khán thủ tuần phiên đi tuần soát thấy thì nhà ấy phải phạt.
Người lạ ở cách đêm thực là người làm ăn lương thiện thì được, nếu du đãng thì không cho ở.
Về mục tuần phòng
…...
Tiết thứ III Thưởng, phạt
Dân làng hoặc đêm hôm có cướp đến phá làng ăn cướp, người nào can đảm đánh cướp bắt được một tên, thì dân thưởng năm đồng bạc, nếu bắt được hai tên thì thưởng mười đồng, hễ nhiều thì cứ số năm đồng mà thưởng lên.
Người nào nhút nhát trốn chạy, bỏ chỗ mình giữ thì phải truất ngôi hương ẩm.
Tiết thứ IV Hậu đãi
Những khi cướp đến phá làng ăn cướp, người làng đánh cướp giữ dân. Người nào bị thương thì dân trông nom, điều dưỡng cho tới khi khỏi. Những tiền phí tổn dân chịu cho cả.
Người nào bị chết thì dân làm ma cho trọng thể như ba hạng trong dân khoán, và khắc tên vào bia kỷ niệm, đã nói ở trên tiết thứ hai về mục kỷ niệm, lại cấp cho vợ con 15 đồng bạc, và cho con hay cháu một chân nhiêu nam, chung thân miễn trừ tạp dịch.
Trên đây là mấy điều trích lục trong quyển hương ước xã Đề Kiều, rất tiếc hồi đó ông Phan Kế Bính không cho in toàn bản hương ước này để ngày nay chúng ta có đủ tài liệu nghiên cứu.
Chúng tôi đã có ý tìm kiếm nguyên bản hương ước của một xã nào về thời trước, nhưng chưa gặp may mắn tìm kiếm được, do đó trong khi chờ đợi chúng tôi xin chép lại những tiết mục trên của hương ước xã Đề Kiều.
Đây chỉ là hương ước của một xã, và không phải hương ước xã nào cũng giống xã nào, mỗi xã đều có những tục lệ riêng, và những tục lệ này được ghi vào hương ước.
Nhiều xã trong mục thưởng phạt có nhắc đến công lao của những người tòng quân, những người chữa cháy, những người đắp đê cứu lụt, chứ không phải chỉ nói riêng đến những người đánh cướp như ở xã Đề Kiều.
Qua bản trích lục hương ước trên ta nhận thấy rằng tuy đây là lệ làng, nhưng lệ làng vẫn căn cứ vào phép nước, và nếu phép vua có thua lệ làng, đó chỉ ở trong những phạm vi tục lệ đặc biệt nhất là về tế tự.
Xã thôn có tự trị của xã thôn, nhưng không phải vì sự tự trị này mà xã thôn những tuân phép nước.
Lệ làng nhằm vào sự bảo vệ an ninh cho làng, lo cho làng thịnh vượng và gìn giữ những thuần phong mỹ tục, và đó chính là những điều phép nước đã đề ra.

--------------------------------

1

Phan Kế Bính. - Sách đã dẫn.

2

Tiền phạt xưa từ một quan trở lên.

3

Đồng tiền ngày xưa có giá. 2$50 tương đương với 2.500$ vào năm 1967.

4

Phan Kế Bính.- Tài liệu đã dẫn

5

Phan Kế Bính. - Tài liệu đã dẫn.

6

Giá tiền năm 1914, khi ông Phan Kế Bính viết tập Việt Nam Phong Tục trong Đông Dương tạp chí.

7

Tiền nộp cheo cho làng khi nhà trai đến nước dâu.

Dự phòng và tư cấp

Sơ lược

Người dân quê hay lam, hay làm nhưng vì nghiệp nông vất vả lại thêm gặp những năm mưa không thuận gió không hòa, mùa màng thu hoạch kém, nên tại nhiều làng thường xảy ra nạn đói kém.
Nghĩa sương
Để chống với nạn đói kém này, các làng xã đã dự phòng một kho lúa riêng, gọi là kho nghĩa sương và khi cần tới, đem lúa trong kho tư cấp cho người túng thiếu.
Nghĩa sương là kho chứa thóc của dân làng: Thóc này do dân làng góp vào và cũng chỉ được dùng cho dân làng. Những năm bị thiên tai, hạn hán hoặc lụt lội, mất mùa, dân làng khổ sở, lúa nghĩa sương được đem xuất ra chẩn cấp cho những người nghèo.
Kho nghĩa sương từ trước vẫn có, và năm Tự Đức thứ 18, nhà vua có chuẩn cho các thôn xã mỗi làng đặt một kho này, và giao cho người nào có đủ bảo đảm làm chủ thủ, chủ bộ hoặc còn gọi là sương chính để giữ kho, và cắt tuần phiên canh phòng.
Thóc nghĩa sương do dân làng nộp vào, và số thóc nộp được ấn định theo luật lệ.
Mỗi mùa, khi lúa chín gặt xong, đã được phơi khô quạt sạch, các chủ ruộng phải nộp vào kho nghĩa sương một phần bốn mươi số lúa của mình.
Tổng cộng tất cả số lúa do dân làng nộp được chia làm ba phần, hai phần nộp vào kho nghĩa sương, còn một phần đem phân chia cho các tuần phiên trong làng.
Dân làng phải nộp lúa vào kho nghĩa sương, số lúa nộp này coi như trả tiền công cho làng vì làng phải canh giữ đồng ruộng để mùa màng không bị gặt trộm và làng cũng đã gìn giữ an ninh cho các chủ ruộng. Hơn nữa dân làng phải có bổn phận đối với những người cùng túng, nộp lúa nghĩa sương để làng giúp đỡ họ.
Lúa nộp phải chia cho tuần phiên một phần ba vì chính tuần phiên vào những người chịu trách nhiệm về lúa thóc ở ngoài đồng. Số lúa tuần phiên được hưởng coi như tiền công của họ.
Nhiều nơi thay vì trả lúa cho tuần phiên, làng đã trả tiền và tất cả số lúa đem nộp vào kho nghĩa sương, như vậy kho lúa luôn luôn dư dật. Tuy nhiên không phải số lúa dự trữ trong kho không có giới hạn nào, thường mỗi làng chỉ dự trữ một số lúa tối đa là bao nhiêu, trên số tối đa này, dân làng sẽ đem bán lấy tiền gửi ngân hàng, hoặc kho bạc hàng tỉnh.
Tại nhiều nơi, dân làng nhờ các chủ có nhiều ruộng vào bậc phú hào cho kho nghĩa sương vay tiền hoặc vay thóc, người chủ thủ phải làm giấy biên nhận.
Tiền có thể đem mua thóc tích vào nghĩa sương lúc dân làng mới gặt xong cần tiền đem bán, và đến khi dân làng cần mua thóc vào những vụ giáp hạt, kho nghĩa sương lại bán thóc ra, thóc bán theo giá hạ hơn giá chợ, tiền lời thuộc kho nghĩa sương, như vậy kho nghĩa sương vừa sinh lời lại vừa giúp đỡ được dân làng: khi dân làng bán, kho mua theo giá chợ, dân làng không phải bán rẻ thóc; khi dân làng cần mua lại mua trở lại và không phải chịu giá đắt.
Số lúa bán ra có giới hạn, và bao giờ trong kho cũng phải có sẵn một số lúa dự trữ tối thiểu do điều ước nghĩa sương của làng ấn định, và số dự trữ này để dành chỉ cấp phát cho dân làng nghèo đói vào những năm mất mùa hoặc có dịch lệ.
Tiền vay của các nhà phú hào, kho nghĩa sương phải thanh toán sau ba năm. Thóc cũng vậy, sau ba năm phải trả lại cho các chủ ruộng số thóc vay, hoặc tiền thóc tính theo thời giá.
Các nhà phú hào, tiền dư của để, tuy là cho kho nghĩa sương vay, nhưng chính thật là đã làm một việc nghĩa để giúp đỡ dân làng.
Thóc ở kho nghĩa sương, ngoài các số thóc của chủ ruộng, thóc vay của các nhà phú hào, còn là thóc do các ruộng công nộp vào.
Ở nhiều xã có lệ trích ra một phần mười tổng số ruộng công để làm ruộng nghĩa sương, thí dụ như làng có 100 mẫu ruộng công, 10 mẫu được dành làm ruộng nghĩa sương. Thóc lúa thuộc các ruộng nghĩa sương, khi gặt được đều đem nộp hết vào kho.
Ruộng nghĩa sương do cả làng chung lưng đấu sức cùng làm. Thường thì ban Hội đồng làng yêu cầu các chủ ruộng giúp đỡ mỗi người mấy công cày, mấy buổi trâu, mấy buổi làm cỏ hoặc cấy hoặc làm bất cứ các công việc gì khác thuộc về các thửa ruộng này. Cả đến tiền phân tro, các chủ ruộng cũng kẻ nhiều người ít giúp ruộng nghĩa sương.
Việc quản trị kho lúa nghĩa sương chủ thủ phải có sổ sách phân minh và phải tuân theo mọi tục lệ của làng cùng tất cả những điều gì ấn định trong điều ước nghĩa sương.
Sổ sách này ghi rõ số thóc của dân làng nộp, số thóc của ruộng công, số thóc mua vào khi dân làng bán và số thóc bán ra khi dân làng mua. Số tiền lời của mỗi vụ phải được liệt kê rành rẽ.
Mỗi năm dân làng tính sổ một lần để biết rõ số chi thu xuất nhập.
Thường thóc nghĩa sương chỉ dùng để nuôi binh lính, tư cấp cho kẻ nghèo đói.
Số chi thu xuất nhập này, Hội đồng làng phải hội tính và lập thành hai quyền sổ, đem trình quan tỉnh để lấy sự phê duyệt.
Phê duyệt xong, một quyển lưu lại tỉnh đường tức văn phòng của vị tỉnh hiến như Bố Chánh, Tuần Phủ, Tuần Vũ hoặc Tổng đốc tùy theo từng tỉnh. Quyển thứ hai, tỉnh đường trao trả cho dân làng để Hội đồng làng giữ hoặc giao cho chủ thủ.
Tỉnh đường luôn luôn theo dõi các kho nghĩa sương tại các xã để kiểm soát việc sử dụng và để ngăn chặn mọi sự gian lận có thể xảy ra được.
Những năm mất mùa, muốn xuất lúa nghĩa sương để lo việc cứu trợ những người nghèo túng, hoặc cho các chủ ruộng vay làm mùa, dân làng phải trình cho tỉnh đường rõ.
Thóc nghĩa sương của làng nào, dân làng ấy sử dụng, chỉ trợ cấp cho dân nghèo trong làng cũng như chỉ cho các chủ ruộng kém sung túc ở trong làng vay làm mùa.
Những chủ ruộng vay thóc nghĩa sương làm mùa hoặc phải chịu một số lãi rất nhẹ, hoặc được dân làng cho vay không lời.
Thóc nghĩa sương không ai được xâm phạm tới một cách bất chính, nếu có sự xâm phạm, người xâm phạm phải chịu lỗi và nếu người nào cố ý lấy thóc lúa nghĩa sương, dân làng có quyền cáo với quan trên để bắt hoàn lại. Nếu người lấy thóc không chịu hoàn lại, dân làng có quyền tịch sản để lấy cho đủ số thóc bị xâm phạm.
Kho nghĩa sương rất ích lợi đối với dân làng. Nhiều làng không có ruộng công, nhưng dân làng cũng cố lập ra kho nghĩa sương để có một số thóc dự trữ cứu trợ dân làng của những giúp các chủ ruộng có thóc làm mùa khi cần thiết. Bất cứ ai trong làng, đàn ông hoặc đàn bà giúp đỡ được bao nhiêu thóc lúa cho dân làng, dân làng đều chứa vào kho và đều có sổ sách phân minh. Dù không có ruộng công, nhưng khi dân làng quyết tâm gây dựng kho nghĩa sương những xã này cũng có đủ thóc lúa cần dùng, chẳng kém chi các xã khác.
Với kho nghĩa sương, tinh thần hòa đồng tương trợ của người dân quê Việt Nam càng được chứng tỏ. Nghĩa tương bảo, tương phù trì và giúp đỡ lẫn nhau trong những năm đói kém, cũng như những khi hoạn nạn, thật là những điều hay trong thuần phong mỹ tục của ta vậy.
Điều ước nghĩa sương
Nghĩa sương được lập nên, phải có những điều ước để bảo đảm việc quản trị, cũng như để ấn định lệ thu xuất. Điều ước nghĩa sương mỗi làng mỗi khác, sự khác biệt tùy theo xã giàu nghèo, nhưng những điểm chính về mục đích, về điều hành căn bản thì thường có sự tương tự như nhau tại các xã.
Trong Việt Nam Phong Tục, Phan Kế Bính tiên sinh có lục sao lại điều ước nghĩa sương của xã Đề Kiều tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc).
Xã Đề Kiều, nhất xã tứ thôn, gồm các thôn: Thượng Thôn, Hạ Thôn, Châu Mỹ, và Điện Tiên. Điều ước nghĩa sương của làng áp dụng chung cho cả bốn thôn này.
Để bạn đọc tiện việc tra cứu, xin lục lại dưới đây bản điều ước nghĩa sương nói trên:
Điều thứ 1. Nghĩa sương của bản xã, chung cả bốn thôn: Thượng Thôn, Hạ Thôn, Châu Mỹ, Diện Tiền. Cứ chiếu điền bạ ra ai cầy cấy ruộng công hay ruộng tư trong bản xã, phải góp vào nghĩa sương mỗi sào một đấu thóc, mỗi mẫu mười đấu, mỗi năm thu một lần. (Đấu thì cứ cân trung bình một cân sáu lạng vào một đấu).
Thóc nghĩa sương chỉ dùng vào việc công nghĩa trong dân xã, như là năm mất mùa đói kém thì chẩn thải, khi dịch lệ mua thóc phát cho người nghèo. Bấy giờ tùy của với người nhiều ít mà chi độ, nhưng số thóc ở nghĩa sương ba phần phải lưu lại một phần để dành, trừ hai việc ấy ra, thời không được tiêu về việc khác.
Điều thứ 2. Đặt một người sương chính, bốn người thủ bạ và một người thủ quỹ để trông nom biên chép và giữ thóc nghĩa sương. Chức Sương chính phải chọn người công kiệm tùy dân xã, xem ai đáng thì bầu. Chức thủ bạ phải kén người cẩn thận, thì cả bốn thôn, mỗi thôn phải bầu một người, Chức thủ quỹ phải chọn người phân minh có vật lực.
Dân bầu sáu người chức dịch ấy để thay mặt dân xã coi việc nghĩa sương, thì cứ hai năm dân xã lại họp bầu lại một lần.
Điều thứ 3. Cứ vụ đông thu hoạch xong rồi, thì thu thóc nghĩa sương. Cả bốn thôn, ruộng thôn nào thì thôn ấy cứ chiếu điều bạ mà giao cho thủ bạ thu lấy thóc cứ đất nghĩa sương theo lệ mà thu, thu thiếu thì phải bồi, thu quá lệ thì có lỗi, được bao nhiêu thu vào sổ vào bản thôn cho minh bạch rồi giao thóc cho thủ quỹ giữ. Thủ quỹ nhận thóc thì phải biên vào sổ chính và ký biên nhận vào các sổ của các thôn người ta giao cho, để rồi sau đối số cho dễ tính toán.
Thóc nghĩa sương chỉ để thủ quỹ giữ đến bốn trăm thúng trở lại thôi (20 đấu vào một thúng), còn ngoài số ấy trở lên thời dân xã sẽ họp làm giấy, giao thủ quỹ bán thóc lấy bạc đem gửi ngân hàng, hay là kho tỉnh, bao giờ dân xã phải cần đến tiền, thời lại họp, làm giấy, giao thủ quỹ lĩnh bạc về để chi dụng.
Điều thứ 4. Khi nào phải chi tiêu về hai việc như đã nói trên điều thứ nhất, và những khoản tiêu vặt như là mua sổ sách giấy bút, các đồ dùng khác, thuê người giúp đỡ, cùng là chi phí về những ngày dân xã họp, thì bốn người thú bạ làm giấy, kể ra từng khoản cho minh bạch, lấy chữ ký sương chính, đem đến thủ quỹ lĩnh thóc mà chi dụng.
Thủ quỹ xem giấy xét thực, có đủ chữ ký bốn thủ bạ và sương chính, khai chi tiêu về việc nghĩa sương, thì mới được phát. Nếu mà sai thì thủ quỹ phải đền.
Còn như sương chính và bốn thủ bạ, nếu không phải chi tiêu về việc nghĩa sương mà mạo khai mạo ký thì phải đền, mà dân xã sẽ lại nghị phạt nữa.
Sáu người chức dịch chi được làm giấy phát thóc từ một tới 200 đấu mà thôi, ngoài số ấy trở lên thì phải có cả dân xã họp mới được. Những kỳ họp thì sương chính và thủ bạ phải có giấy thông báo dân xã trước mấy hôm, kể ra những việc gì sẽ bàn định, và họp vào ngày nào.
Điều thứ 5. Sổ thu và phát thóc nghĩa sương mỗi năm phải khám hai lần, bất kỳ lúc nào, dân xã bầu hai người đến khám hễ thiếu số hay là mục nát thì thủ quỹ phải bồi và dân xã còn nghị phạt nữa.
Cứ mỗi năm một lần, dân xã họp để bàn định và tính số nghĩa sương hoặc khi có việc gì cần, thì sáu người chủ dịch phải thông báo để dân xã lại họp mà bàn định.
Lệ họp từ các cụ tới dân đinh 18 tuổi đều được dự bàn, khi bàn định điều gì, phần nhiều người thuận thì được. Ai muốn bàn nói điều gì, cứ ngày dân xã họp thì đến mà bàn nói, nếu ngày ấy không đến thì sau không được nói lại.
Trong khi dân xã họp nghĩa sương, chỉ được bàn định việc nghĩa sương cho có ích lợi mà thôi, còn tịnh cấm không cho ai được nói về việc khác ăn uống rượu chè.
Bao giờ của nghĩa sương có thừa được nhiều, thì dân xã xem việc gì công ích, trình quan xin phép mà làm, để cho dân xã sẽ được công ích về sau.
Điều thứ 6. Công việc nghĩa sương hệ trọng và khó nhọc, cho nên dân xã phải bầu những ông công liêm tử tế làm việc giúp dân. Vậy mỗi năm một lần cứ đến Tết lớn, lấy thóc biếu những ông chức dịch như thế này:
Biếu ông sương chính 60 đấu, bốn ông thủ bạ và ông thủ quỹ, mỗi ông 40 đấu.
Ông thủ quỹ lúc thu phát phải cho công minh, không được thu đầy phát vơi, nếu mà có tai tiếng thì ông thủ quỹ có cữu.
Còn việc giữ thóc thường phải phơi phóng khó nhọc thiếu lại phải đền, nên phụ cấp ông thủ quỹ mỗi năm là bao nhiêu, để phụ vào chỗ hao hụt, nhưng hãy để bao giờ công việc làm đến, thì mới biết chừng sẽ định được.
Điều ước này viết ra làm 7 bản, một bản lưu tại tòa Công sứ, một bản lưu tại tòa Tổng đốc, một bản lưu tại phủ nha, còn bốn bản thì mỗi thôn giữ một bản làm bằng.
Bản điều ước nghĩa sương trên đây đã được cả dân xã Đề Kiều ký kết, có lý trưởng áp triện và đã được sự duyệt y của các quan tỉnh Tổng đốc và Công sứ.
Bản điều ước này soạn thảo vào khoảng năm 1914, nghĩa là sau khi người Pháp đã cai trị nước Việt Nam ta hơn ba chục năm, nên trong có nói đến nhà ngân hàng và kho bạc hàng tỉnh. Xưa kia, thóc nghĩa sương, khi quá số dự trữ, được đem bán, tiền lưu tại quỹ làng, và không hề bao giờ xảy ra truyện thâm lạm, - tinh thần đại đức của dân tộc ta đã ngăn cản việc làm tội lỗi này, nhất là sự thâm lạm lại nhầm vào tiền sẽ dùng trong việc phúc đức, cứu trợ những người túng thiếu trong các trường hợp mất mùa và dịch lệ.
Bản điều ước trên, nêu ra như một bản mẫu, nhưng mỗi nơi có một tình thế riêng, bản điều ước sẽ tùy hoàn cảnh mỗi làng được thay đổi để hợp với dân làng và không trái với tục lệ trong làng.
Mục đích cốt yếu của nghĩa sương như trên đã trình bày, là những kho trữ súc, hoặc trích một phần lúa thuế, hoặc lấy lúa nghĩa quyên của tư nhân bỏ vào để đến thời cơ cận thì đem lúa ấy giúp cho dân nghèo. 1 Số lúa thu của các chủ ruộng tuy tính theo đấu nhưng thường vào khoảng một phần bốn mươi số thu hoạch.
Bởi vậy, trong điều ước nghĩa sương bao giờ cũng có nói rõ về số thóc sẽ được nộp vào cũng như cách sử dụng số thóc này.
Với kho nghĩa sương, dân làng quê vừa dự phòng lại vừa tư cấp dự phòng cho cả làng và tư cấp cho những người cùng túng.
Tự cấp
Qua kho nghĩa sương, ta thấy dân quê chú trọng rất nhiều tới vấn đề xã hội. Thực vậy, nền luân lý cổ truyền của ta lấy việc phúc đức làm trọng, mọi người ai cũng nghĩ tới sự làm lành và giúp đỡ người khác. Rất nhiều câu ca dao đã nói lên cái tinh thần tương thân tương trợ và đã khuyến khích người ta trong các việc cứu tế:
Sướng gì hơn sướng làm lành,
Cho bao nhiêu của để dành bấy nhiêu.
°
Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
°
Thấy ai đói rét thì thương,
Rét thương cho mặc, đói thường cho ăn.
°
Miếng khi đói, gói khi no.
°
Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một loài.
°
Với tinh thần tương thân tương trợ, các công cuộc xã hội của ta tại các làng quê xưa rất là thịnh, và cách tổ chức sự cứu trợ rất thích hợp với hoàn cảnh kinh tế và chính trị của đất nước ta.
Rất tiếc những công cuộc xã hội ấy, khi người Pháp cai trị nước ta, họ sợ những tổ chức cứu trợ và tương tế sẽ là những mầm để dễ gây sự chống đối họ, họ đã làm cho dần dần tiêu tán đi hết. Và để thay thế những tổ chức cũ của ta, họ đã dùng các cơ quan xã hội Thiên Chúa giáo, trước là để giúp cho đạo mới này dễ dàng phát triển ngõ hầu họ lợi dụng tôn giáo cho chính trị, sau là để dễ bề kiểm soát và lấy sự cứu trợ làm một ân huệ đối với dân chúng.
Tất cả những cơ quan xã hội do người Pháp lập hoặc giúp Thiên Chúa giáo lập ra không đủ thay được những tổ chức của ta, phần nhiều xưa lấy thôn xã làm gốc, và do đó sự cứu trợ rất là phiến diện vì người Pháp trong việc cứu trợ chỉ lấy bề mặt, không tìm bề sâu, còn hội Truyền giáo Thiên chúa tuy đã mở được nhiều cơ sở để cứu giúp những trẻ con đau ốm trẻ con mồ côi, cùng những người giàu yếu tật nguyền, nhưng đấy chỉ là một phần rất nhỏ, so với sự cứu giúp tất cả những người nghèo túng trong dân xã thôn quê thời trước.
Việc cứu giúp và tương trợ của ta xưa được thực hiện dưới nhiều hình thức, và dưới đây là sơ lược những hình thức thông thường tại khắp các nơi trên đất nước Việt Nam đã được áp dụng từ đời vua Gia Long trở về sau.
Nghĩa sương, tỉnh huyện. Kho nghĩa sương đã được trình bày ở trên, nhưng chỉ nói đến kho nghĩa sương tại các xã. Các tỉnh, các phủ huyện cũng có các kho nghĩa sương để cứu giúp dân nghèo trong những năm đói kém.
Bình chuẩn sương. Đây cũng là những kho lúa tương tự như kho nghĩa sương, mới được lập từ đời Tự Đức, nhưng thóc ở những kho này do nhà nước xuất tiền ra mua rồi đến những năm mùa màng kém, đem bán lại cho dân theo giá mua.
Dưỡng tế sở. Đây là những nơi lập ra để nuôi dưỡng giúp đỡ người cùng túng tật nguyền. Dưỡng tế sở cũng như những kho bình chuẩn sương được lập tại khắp nơi để có thể cung ứng được cho dân chúng ở khắp các làng xã.
Các tổng ký phải tìm những người cùng khổ tật nguyền đưa họ đến ở dưỡng tế sở để họ được nuôi nấng và săn sóc thuốc men.
Trên đây là mấy tổ chức cứu tế do nhà nước chủ trì, nhưng đáng kể hơn là những tổ chức cứu tế và tương tế tại các làng xã.
Công điền cứu trợ
Các làng dành một số công điền để giúp các cô nhi quả phụ gọi là cô nhi điền, quả phụ điền. Lại có trợ sưu điền để lấy hoa lợi giúp cho những kẻ nghèo khổ có tiền đóng sưu thuế. Nhiều làng cũng dành một số công điền lấy hoa lợi dùng để chẩn cấp cho những người bần cùng, hoặc cho những người nghèo túng vay mà không lấy lại.
Hội tương tế
Về phương diện cá nhân, dân xã có nhiều hội tương tế dưới nhiều hình thức. Các hội này còn được gọi là hội tư cấp.
Hội tư cấp chia ra làm nhiều cách.
Chơi họ (còn gọi là hụi). Mươi mười hai người họp nhau chơi họ. Những người này góp tiền mỗi tháng để lần lượt cho một người lấy, như vậy người lấy có thể có được một số tiền lớn để làm vốn buôn bán. Thường có một người làm cái họ chịu trách nhiệm thu tiền của những người khác để giao cho người đến lượt lấy họ. Người được lấy họ hoặc là người gắp thăm trúng, hoặc là người chịu dành cho các người khác một số lời nhiều hơn cả.
Hội hiếu do nhiều người trong làng họp nhau để tương trợ nhau trong việc hiếu.
Những người này, mỗi năm một người làm chủ hội. Trong hội, ai có tứ thân phụ mẫu qua đời thì báo cho người chủ hội. Người chủ hội thông báo cho tất cả các hội viên để cùng đóng góp giúp tang chủ. Việc đóng góp hoặc bằng tiền hoặc bằng thóc gạo, số đóng góp của mỗi hội viên được ấn định trước từ khi lập hội. Cũng có nơi, các hội viên chơi hội bánh chưng bánh dầy. Trong trường hợp này, các hội viên góp tiền hoặc gạo cho chủ hội, chủ hội phải lo đủ số bánh chưng bánh dầy làm sẵn mang tới nhà tang chủ.
Hội viên các hội hiếu, ngoài tiên gạo hoặc bánh góp cho tang chủ, để tỏ lòng kính trọng bậc phụ mẫu các hội viên, hàng hội thường có tế. Các hội viên phải mặc tang phục để tế. Hôm đưa ma, các hội viên đều mặc áo trắng đi đưa.
Hội hỉ cũng do nhiều người trong làng tổ chức để khi một hội viên có việc hôn nhân hay vui mừng khác, trong hội cùng nhau góp tiền để giao cho đương sự hoặc để sắm lễ vật đi mừng.
Làm nhà, cưới vợ, gả chồng cho con, thi đỗ đều là những việc hỉ. Khao tuổi thọ, khao quan viên, mua được nhiêu xã, được thưởng phẩm hàm v.v... cũng là những việc hỉ.
Cũng như hội hiếu, số tiền mỗi hội viên phải đóng bao nhiêu cũng phải theo lệ định trước. Hội cũng có một người chủ hội như hội hiếu. Người có việc hỉ đưa trầu tới người chủ hội. Người chủ hội thông báo cho các hội viên, ấn định ngày đi mừng để hội viên góp tiền.

Dân làng đi chợ

(Ảnh: Nguyễn Cao Đàm)

Có nhiều khi hiếu, hỉ được nhập vào một hội, việc hiếu thì bất kỳ lúc nào, ai có tứ thân phụ mẫu mệnh chung đều lấy được ngay, còn việc hỉ thì thường có lệ ấn định mỗi năm chỉ có một số người được lấy, thí dụ bốn hoặc năm người chẳng hạn, như vậy chỉ có bốn hoặc năm người có việc trước, trình với hội trước thì được lấy những người có việc hỉ sau phải đợt tới năm sau. Việc hiếu thì không kể lần lượt, nhưng việc hỉ có khi kể lần lượt, mỗi người chỉ được lấy một lần, cho đến khi hết lượt hội viên mới được lấy trở lại.
Hội ăn Tết. Đây cũng là một số người góp tiền nhau chơi hội, đóng cho người chủ hội mỗi tháng một số tiền để đến Tết, người chủ hội gói bánh chưng, mua lợn, bò, đong gạo, tùy theo từng hội, phân phát cho các hội viên. Đây cũng là một cách dự phòng của người dân quê.
Kết luận
Qua các điểm trên, ta thấy rằng, xưa kia dân quê rất biết lo xa, và chính sự lo xa này đã khiến cho con người lo đến việc phúc đức. Do đó dự phòng và tư cấp là những điều quan trọng trong sinh hoạt đồng quê vậy.
Ngày xưa Ninh Thích chăn trâu. 
Mà rồi mang ấn công hầu trâu ơi!
(Ảnh Nguyễn Cao Đàm)
Chú thích:

1

Đào Duy Anh. - Sách đã dẫn.

Toan Ánh
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bầu trời bên ngoài ô cửa

  Bầu trời bên ngoài ô cửa Mây bay về cuối trời Gió ơi xin hãy đợi Niềm riêng cho ta gởi Khi hồn đang chới với Thân xác chừng rã...