Thứ Hai, 3 tháng 1, 2022

Làng xóm Việt Nam 4

Làng xóm Việt Nam 4

PHẦN THỨ BA

TẾ TỰ
Tế tự
Sơ lược
Một sinh hoạt cộng đồng được toàn thể dân làng chú ý là việc tế tự, và với việc tế tự, dân làng càng có với nhau một mối liên lạc mật thiết, mật thiết vì tính chất thiêng liêng của sinh hoạt, mật thiết vì tín ngưỡng đồng nhất của dân làng.
Việc tế tự ở hương thôn biểu lộ qua việc thờ cúng Thành hoàng, thờ cúng Thổ địa, thờ Phật thờ đức Khổng Tử và thờ cả chư thần nữa.
Tôi đã có dịp trình bày những nghi thức và tục lệ về mọi sự thờ cúng trong cuốn "Tín ngưỡng Việt Nam", ở đây xin không nhắc tới nữa mà chỉ xin nói chung về tế tự một cách sơ lược để nêu lên tính chất quan trọng của sinh hoạt cộng đồng này đối với dân làng
Tục thờ thành hoàng
Thành hoàng là vị thần linh cai quản toàn thể thôn xã che chở cho dân làng, phù hộ cho dân làng được bình yên thịnh vượng.
Thành hoàng có thể là một vị thiên thần như Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử v.v... một vị thần danh sơn đại xuyên như Tản Viên Sơn Thần, Tô Lịch giang thần v.v.. hoặc là một vị nhân thần, lúc sinh thời có công lao với dân với nước, như Lý Thường Kiệt, Lê Phụng Hiểu, Trần Hưng Đaọ, nên khi chết đi được nhân dân nhớ ơn phụng thờ.
Thành hoàng cũng có khi là những người đã có công lập ra làng xã như Hoàng Cao Khải được thờ ở ấp Thái Hà, hoặc những yêu thần, tà thần, những người chết gặp giờ lành nên dân làng thờ phụng.
Có làng thờ cả người sống làm Thành hoàng.
Các Thành hoàng thường được sắc vua phong, ngoại trừ các yêu thần, tà thần.
Theo tục lệ xưa, nhà vua phong các vị Thành hoàng làm Thượng, Trung hoặc Hạ đẳng thần tùy theo các vị thần có công trạng với nước với dân. Và các vị thần cũng có thể được nhắc từ thứ vị nọ lên thứ vị kia, Hạ đẳng thần có thể được phong làm Trung đẳng thần, và Trung đẳng thần có thể được phong làm Thượng đẳng thần nếu các vị này đã giúp đỡ được nhiều cho dân chúng. Việc thăng phong các vị thần căn cứ vào sớ tấu của xã về công trạng của vị thần, sớ tâu này, từng thời hạn một, các xã phải đệ về triều đình. Mỗi lần thăng phong triều đình đều có sắc gửi về xã, sắc này được cất trong hòm sắc thờ ở hậu cung đình.
Đối với dân làng, Thành hoàng là biểu hiện của lịch sử, phong tục đạo đức, pháp luật cùng hy vọng của cả làng, lại cũng là một thứ quyên uy siêu việt, một mối liên lạc vô hình, khiến cho hương thôn thành một đoàn thể có tổ chức và hệ thống chặt chịa. 1
Dân làng đối với Thành hoàng rất tôn kính và tin ở sự phù hộ của ngài. Làng không có Thành hoàng, làng bất an.
Một tác giả Pháp, khi khảo về Tín ngưỡng của ta đã viết:
Sự thờ phụng tổ tiên tượng trưng cho gia đình và việc nối dõi tổ tông, sự thờ phụng Thành hoàng tượng trưng cho làng xã và sự trường tồn của thôn ấp. 2
Đúng vậy, sự thờ phụng Thành hoàng tượng trưng cho làng xã, và qua vị Thành hoàng của mỗi làng người ta có thể hiểu biết được đôi phần dân phong của xã này.
Một làng thờ một vị tà thần, thường có một đôi tục lệ không phù hợp với mọi sự tốt đẹp của đạo đức, dân làng dù nhiều ít gì cũng bị ảnh hưởng bởi những tục lệ này, dù cho các vị huynh thứ có hết sức giữ gìn để mong hoàn toàn bảo tồn lấy thuần phong mỹ tục, trái lại một làng thờ một vị anh hùng của dân tộc, lẽ tất nhiên tấm gương tốt đẹp của vị anh hùng cũng được dân làng noi theo.
Thành hoàng còn được gọi là Phúc thần tức là vị thần ban phúc cho dân. Thường thì mỗi làng chỉ có một vị Thành hoàng nhưng cũng có làng thờ hai ba vị. Cũng nên nói thêm rằng. Thành hoàng có thể là nam thần hoặc nữ thần, như trường hợp các làng thờ Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Liễu Hạnh Công chúa v.v...
Đức Thành hoàng ngự tại đình, chứng kiến đời sống của dân xã, bảo vệ cho mọi người, phù hộ cho làng được thịnh vượng. Ngài thông cảm với nếp sống của dân chúng, cùng dân chúng ghi nhớ mọi kỷ niệm của làng xã. Từ đời này qua đời nọ, các thế hệ nối tiếp nhau ở trong làng, những thời gian trôi qua, hay hoặc dở, những con người chết đi, nhưng đức Thành hoàng vẫn trường tồn.
Ngài duy trì đất lề quê thói, ngài bảo tồn đạo đức. Những người hiền lương ngài thường phụ trợ, những kẻ gian ác bị ngài trừng phạt. Luật lệ của ngài là luật lệ của dân làng, những điều ngài cấm, dân làng kiêng kỵ.
Những kẻ phạm tới uy ngài, ăn ở trái phép thường có những hành động hại cho dân làng, bị ngài quở phạt phải có sớ tạ mới khỏi bị lỗi.
Các hương chức trong làng, mỗi khi muốn mở hội hoặc tổ chức việc gì đều phải có lễ cúng thần xin phép trước.
Có thể nói được rằng Thành hoàng chính là vị chỉ huy tối cao, không những riêng về phần thiêng liêng mà cả một phần về đời sống thực tế của dân làng nữa.
Dân xã được đoàn kết, nếp sống hòa đồng được bền chặt, chính vì sự thờ phụng ngài. Và sự đoàn kết hòa đồng này chính là cái sức mạnh về phần thực tế của ngài vậy.
Dân xã đối với Thành hoàng cũng kính cẩn như con cháu đối với tổ tiên.
Đình, nơi thờ phụng Thành hoàng
Thờ phụng tổ tiên, con cháu có nhà thờ, thì thờ phụng Thành hoàng dân làng cũng phải có nơi riêng, nơi riêng đây chính là đình làng.
Làng nào cũng có đình, có khi mỗi thôn lại có một ngôi đình riêng.
Đình là trung tâm sinh hoạt cộng đồng của xã, và những sinh hoạt này thực hiện dưới sự chứng kiến của đức Thành hoàng.
Đình dựng lên để thờ phụng Thành hoàng, nhưng đình cũng là nơi hội họp của dân làng để bàn việc làng, để giải quyết những vấn đề chung của hàng xã, và trong những vấn đề đó có việc thờ cúng Thành hoàng. Việc thờ cúng này thể hiện qua các cuộc lễ bái, tế tự, rước xách, cầu khẩn và tổ chức hội hè.
Đình là nơi thờ tự, bởi vậy kiến trúc đình phải phù hợp với việc thờ cúng, và đình lại là nơi thờ cúng của cả làng, nên trong việc kiến trúc, người ta phải chú ý tới sự hội họp của dân làng những khi có cúng lễ.
Để tỏ lòng tôn kính đức Thành hoàng, đình thường xây ở một nơi cách biệt dân chúng, nhưng phải tiện đường đi và ở nơi trung độ. Cách biệt dân chúng để tránh sự ồn ào, kinh động tới quỷ thần là một sự bất kính, nhưng phải tiện đường và ở nơi trung độ để dân chúng có thể đi tới dễ dàng trong những khi hội hè đình đám.
Chung quanh đình thường có vườn trồng nhiều cây cối cho sầm uất, nhất là các cây cổ thụ.
Đình thường làm theo một kiểu giống nhau. Hướng đình thường là hướng Nam, ngoại trừ những trường hợp vì lý do phong thủy, đình mới làm theo hướng khác.
Đình nào cũng gồm một số các lớp nhà phân chia làm nhà hậu cung, nhà tiền tế, tả gian, hữu gian và nhà hành lang.
Đình thường làm theo chữ đinh (T) ngược hoặc chữ công ( ). Khi đình làm theo kiểu chữ công thì nhà tiền tế rộng hơn hậu cung.
Cách xếp đặt các ngôi đình cũng giống nhau, tuy tại mỗi làng, sự rộng hẹp lớn bé có khác nhau. Nhiều làng có những ngôi đình thật lớn, rộng rãi đến năm bảy gian, tám chín gian, cột to tới hai người ôm. Tại các xã trù phú, đình thật là nguy nga, cột sơn son vẽ rồng, rui hoành chạm trổ sơn thiếp, hoàng biển cửa võng rực rỡ trang hoàng.
Cửa đình ở đằng trước, thường là cửa lùa hay cửa xếp. Cửa chính đình ít khi mở, trừ những ngày có cúng lễ hoặc hội hè. Hai bên cửa chính có hai cửa nhỏ, luôn luôn mở trong những ngày thường để dân làng hoặc khách thập phương vào lễ thánh.
Hai bên tả hữu đình, có tường hoặc vách, mỗi bên vách thường có một cửa sổ nhưng không có cửa ra vào. Các cửa sổ đình thường hình tròn mặt nguyệt hay liên hoàn hay mang hình hoa lá mây trái.
Đình không có gác.
Trông ở ngoài, vì lòng đình rộng, thấy mái đình như rất thấp, nhưng khi vào trong đình nhìn mới thấy cao.
Bốn đầu mái đình thường cong vút nhọn với những nét nhẹ nhàng thanh thoát, nhưng cũng lại rất cầu kỳ với sự chạm trổ hoa lá, mây hoặc chữ.
Các cụ bảo rằng, mái đình sở dĩ cong vút ở nơi đầu góc là để tránh ảnh hưởng xấu của những đường thẳng. Có khi những nóc đình được xây như một cành cây, hoặc cũng có khi chỉ như kiểu mái lều đóng cọc.
Mái đình thường lợp ngói, và ngói được lợp hai lượt, một là ở dưới gọi là ngói chiếu có trang trí sơn phết, và một lượt ở trên gọi là ngói phủ. Với hai lượt ngói, mái đình rất nặng, và sự kiện cốt để chống với cuồng phong thường xảy ra và đã từng cuốn theo cả những mái nhà lợp nhẹ.
Phải nói thêm rằng đình làm theo kiểu nhà sàn, suốt từ trong cho tới ngoài, duy nơi tiền tế, chỗ cử hành tế lễ, trước bàn thờ là không có sàn và ở liền ngay mặt đất. Có lẽ vì lý do cung kính, khi tế lễ các quan viên phải đứng dưới thấp nên nơi tiền tế này không làm sàn.
Tam quan đình, nhà hậu, nhà hành lang cũng không làm sàn.
Cách xếp đặt một ngôi đình
Như trên đã nói, đình chia làm nhiêu lớp, và mỗi lớp có công dụng riêng.
Trong cùng là hậu cung, còn gọi là nội điện, đình trong hay đình thượng, nơi có bàn thờ đức Thành hoàng. Đây là chốn thâm nghiêm an phụng thần vị có thể là một thần tượng, nhưng thường thì là một chiếc long ngai hoặc một chiếc long ỷ phủ lụa đỏ hoặc lụa vàng, thần tượng đội một chiếc quan mạo, và chân đi đôi hia. Thần tượng ngồi trên ngai, hoặc trong trường hợp không có thần tượng thì chiếc quan mạo và đôi hia cũng vẫn có, quan mạo ở trên ngai và đôi hia ở phía dưới. Ngoài ra lại có bài vị của thần linh.
Trước thần vị là bàn thờ. Trên bàn thờ ngoài các đồ thờ, tam sự, ngũ sự hoặc thất sự bằng đồng, đài rượu quả trầu v.v...
Còn có hòm sắc đựng sắc phong, kinh sách và thần tích. Trước bàn thờ và một hương án, trên cũng có bình hương và các đồ thờ khác.
Hai bên bàn thờ và hương án là tả, hữu nội gian.
Giữa bàn thờ và tả, hữu nội gian, hai bên có hai hàng tự khí gồm cờ quạt, tàn lọng, đồ bát bửu, đồ lộ bộ, ngựa hồng, ngựa bạch hoặc voi.
Gần nơi cung cấm trong đình, thường hai bên có một biển một cờ, gọi là biển vía, cờ vía, để chức tước của vị Thành hoàng.
Hậu cung thường đóng cửa trong ngày thường, cửa ngăn cách hậu cung với đình ngoài, chỉ mở khi có cúng lễ hoặc hội hè.
Không ai được vào hậu cung, ngoài vị thủ từ và người có nhiệm vụ trông coi ngôi đình.
Ngoài hậu cung là đình ngoài, còn gọi là nhà đại bái nhà tiền tế hoặc hạ đình, là nơi cử hành mọi cuộc tế lễ của dân làng.
Đình ngoài có trung đình ở giữa, nơi các quan viên tế lễ và hai bên là tả gian và hữu gian.
Trong những buổi tiệc làng, các quan viên chức sắc ngồi ở trung đình, còn dân làng tùy theo ngôi thứ ngồi ở tả gian hoặc hữu gian.
Ngoài nhà đại bái là sân đình, hai bên có hai dãy hành lang là tả mạc và hữu mạc, còn gọi là hai dãy muỗng, nơi để các quan viên sửa soạn mũ áo vào tế. Khi nào làng vào đám lớn, hai dãy hành lang cũng dùng làm chỗ ngồi cho dân làng.
Ngoài cùng có cửa tam quan, làm cách tôn nghiêm rộng rãi, tường hoa cột trụ xây đắp chung quanh. Hai bên vách tường, nhiều nơi đắp con rồng con cọp, hoặc vẽ hình đôi võ tướng cầm long đao, hoặc vẽ voi vẽ ngựa, hoặc làm voi đá đứng đôi bên, trên đầu cột thì xây đắp một con sấu sành. 3
Nhiều đình ở đằng sau có nhà hậu. Nhà hậu thường cách đình trong một khoảng sân, gọi là sân hậu.
Nhà hậu là nơi thờ Thổ công, bộ hạ của đức Thành hoàng, và cũng là nơi thờ các người cúng hậu vào đình. Cúng hậu nghĩa là cúng tiền hoặc ruộng cho làng để khi mình chết đi được làng cúng giỗ. Những người không có con trai nối dõi, thường phải cúng hậu.
Cúng lễ Thành hoàng
Trong việc sự thần, cúng lễ là điều quan trọng, không có cúng lễ không có sự phụng thờ.
Việc cúng lễ Thành hoàng tại đình thường thực hiện quanh năm dưới hình thức thắp hương đèn mỗi buổi chiều tại các bàn thờ. Có nơi hương đèn liên tiếp thắp suốt ngày đêm.
Ông thủ từ phụ trách công việc hương đèn trầu nước.
Hương phải thắp tại khắp các bình hương trên các bàn thờ từ trong nội điện ra ngoài đình trung, và cả ở những nơi thờ các bộ hạ của đức Thành hoàng.
Ngoài việc hương đèn quanh năm, còn việc cúng lễ trong những ngày nhất định: tháng ngày lễ sóc vào mồng một đầu tháng, lễ vọng vào ngày rằm mỗi tháng, và những ngày tiết lạp bốn mùa, từ lễ giao thừa, tết nguyên đán qua các lễ tiết khác trong năm cho đến tết Táo quân vào ngày 23 tháng chạp.
Ngoài ra lại còn những ngày thần húy, tức là ngày giỗ của đức thần linh và ngày thần đản, tức là ngày sinh nhật của ngài. Trong những ngày tiết lễ trên, tuy có cúng lễ nhưng không có tế, ngoại trừ ba ngày:
Xuân tế vào ngày Đinh đầu tháng hai.
Thu tế vào ngày Đinh đầu tháng tám.
Lạp tiết vào ngày mồng Hai tháng chạp.
Trong các ngày Thần húy và Thần đản, khi dân làng mở hội cũng có tế.
Việc cúng tế long trọng nhất tháng năm là ngày nhập tịch của dân làng, tức là ngày làng vào đám. Và long trọng hơn nữa là khi làng mở đại hội, thường năm bảy năm mới có một lần.
Làng thường vào đám vào dịp giêng, hai hoặc tháng tám, nhưng cũng có nơi tổ chức vào đám nhân ngày thần húy, còn gọi là thần kỵ hoặc ngày thần đản. Trong những ngày tuần tiết hội hè trên, dân làng đều có dự lễ cúng thần.
Những người tới lễ hoặc có mang đồ lễ riêng, có khi là lễ mặn, có khi là lễ chay, nhưng bao giờ cũng có hoa quả, trầu rượu, vàng hương, hoặc có người không tiện mang đồ lễ thì cúng một số tiền dùng trong việc đèn hương thờ tự.
Về việc cúng lễ thần linh, mỗi làng cắt cử một ông cai đám, chọn trong hàng quan viên bầu lên.
Muốn được làm cai đám rất khó khăn, có những điều kiện rất bó buộc. Trước hết phải là người làng, tổ tiên đã ở nơi đây và đã nhập tịch dân làng ít nhất từ đời tam đại. Phải là người lành mạnh, không tàn tật, không góa bụa. Người có tang cũng không được dự vào chức cai đám.
Mỗi người được làm cai đám trong một hoặc nhiều năm, tùy theo tục làng. Suốt thời gian này ông cai đám phải chay tịnh, không được gần vợ, không được đi viếng đám ma và đi thăm người đẻ. - những việc bị coi là ô uế. Và ông cai đám cũng không được cúng lễ tổ tiên mình, việc cúng lễ này, trong nhiệm kỳ cai đám, ông phải trao cho một người khác để chuyên lo việc sự thần.
Trong những ngày sóc vọng hoặc tiết lễ thường, ông cai đám làm chủ lễ. Ông đặt đồ lễ lên bàn thờ, thắp đèn hương, rồi lễ nghênh thần bốn lễ.
Lễ xong ông cai đám quỳ trước bàn thờ, hai tay chắp ngang trán. Trong lúc đó, một ông đám hoặc quan viên rót rượu vào ba chén đặt trên đài, đồng thời một quan viên khác đọc sớ khấn.
Ông đám cũng do hàng quan viên bầu ra để giúp ông cai đám. Có làng có ba bốn ông đám, mỗi giáp một ông. Sớ đọc xong, rượu rót lần thứ hai cũng vào ba chén trên. Ông chủ lễ đứng lên lễ thêm hai lễ.
Rượu lại rót thêm lần thứ ba. Lần này ông chủ lễ tạ bốn lễ. Sớ được đem hóa.
Ông chủ lễ lui ra. Lúc đó các ông đám khác, các quan viên và dân làng lần lượt vào lễ mỗi người bốn lễ ba vái.
Suốt trong buổi lễ luôn luôn có chiêng trống nổi lên cho đến khi lễ tất.
Trên là thể thức cúng thần linh. Ngoài việc cúng còn có tế trong những ngày quan trọng.
Nghi thức tế rất cẩn trọng và trước khi tế có các lễ:
Lễ cáo yết, dân làng trình với đức Thành hoàng việc tổ chức tế.
Tả văn và rước văn, nghĩa là viết văn tế và rước văn tế, từ nơi tả văn đến đình.
Việc tế do ban tư văn trong hàng quan viên phụ trách. Trong lúc tế có âm nhạc chiêng trống, và tế kết thúc bằng lễ phần chúc nghĩa là đốt văn tế.
Ngoài việc cúng tế, dân làng mỗi khi có việc tại gia đình đều có lễ tới đình làng để cầu khẩn với thần linh.
Sinh con cái.
Cưới xin.
Ma chay.
Khao vọng v.v...
Có thể nói rằng, mỗi biến cố quan trọng xảy ra tại gia đình, khi có lễ cáo gia tiên thì gia chủ cũng sửa lễ cúng thần linh tại làng trước là để trình báo biến cố sau là để cầu xin sự phù hộ của ngài.
Đền
Ngoài ngôi đình làng để thờ vị Thành hoàng, phần nhiều các làng đều có thêm một ngôi đền, có khi hai ba ngôi, nếu trong làng thờ hai ba vị phúc thần.
Đền là một nơi thờ tự công cộng dựng lên để kỷ niệm một anh quân, một vị anh hùng hoặc một vị thần nào đã có công với dân chúng.
Đền nhỏ hơn đình, nhưng kiến trúc cũng tương tự như kiến trúc của đình, cũng phân ra hậu cung, nhà đại bái, tả, hữu, nội, ngoại gian. Trước đền cũng thường có sân và cũng có nhà tang quan.
Đền khác đình ở chỗ không xây theo lối nhà sàn. Theo lời các cụ truyền lại thì đền thường là chỗ quỷ thần an ngự, còn đình chỉ là nơi thờ vọng, nghĩa là tại đình tuy có bàn thờ, nhưng chỉ trong những ngày tuần tiết, vị thần linh mới giáng lâm, còn trong ngày khác ngài ngự ở đền. Đây là nói những xã chỉ thờ một vị Phúc thần làm Thành hoàng, còn những xã, ngoài đức Thành hoàng ra, có thờ thêm nhiều vị Phúc thần khác, mỗi vị thần dân làng đều thờ tại một ngôi đền riêng.
Trong những ngày tuần tiết sóc vọng, dân làng cũng làm lễ tại đền, và mỗi đền đều có một ông Thủ từ.
Khi trong làng có mở hội vào những dịp vào đám, dân làng bao giờ cũng tổ chức lễ rước thần tù đền tới đình.
Trong những ngày lễ tiết dân làng ở gần đền thường tới lễ tại đền với đồ lễ cũng như khi tới lễ tại đình.
Các nơi thờ tự khác
Ngoài đình và đền, trong nhiều làng thường có các nơi thờ tự khác để thờ các vị thần:
Miếu. Cũng như đền, miếu là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu chữ nhật, có hai phần ngăn cách nhau bởi một bức rèm, trong là nội điện và ngoài là nhà tiền tế. Miếu không có tả gian và hữu gian, nhà tả mạc và nhà hữu mạc. Cũng không có sàn và miếu nhà tam quan. Thỉnh thoảng có một vài ngôi miếu lớn xây theo kiểu chữ đinh thì hai bên nhà tiền tế còn có tả gian và hữu gian.
Miếu thường xây trên gò cao, ở những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị không bị làm ồn ào bởi đời sống của dân chúng.
Miếu còn được gọi là nghè.
Tại nhiều ngôi miếu có các tín nữ mang cúng những đồ mã như nón, hài, gươm, dao, treo ở trước bàn thờ gần giống như một điện chư vị.
Miếu thường là nơi thờ phụng Phúc thân, nhưng cũng có miếu thờ các vị thần khác. Miếu thờ vị thần nào thường được gọi rõ tên như Miếu Hai Cô ở Kim Liên, Hà Nội là nơi thờ hai trinh nữ linh thiêng, Miếu Sơn Thần là nơi thờ thần núi, Miếu Hà Bá là nơi thờ thần sông. Có khi miếu được gọi theo địa danh như Miếu Hát ở xã Hát Môn, nơi thờ Hai Bà Trưng, Miếu Trúc ở thôn Trúc làng Thổ Tang, phủ Vĩnh Tường... Ngoài ra lại có những Miếu Cô, Cậu thờ những nam nữ thanh niên chết trẻ còn thanh tịnh, gặp giờ linh. Lại có Miếu Cô Hồn, còn gọi là Am Chúng Sinh dựng nên ở gần bãi tha ma để thờ cúng những cô hồn uổng tử không ai hương khói.

Miếu không có thủ từ. Dân làng hoặc thôn xóm nơi gần miếu cắt cử người hàng ngày đến miếu đèn hương. Có nhiều người tự động tới miếu thắp hương, nhất là tại các Miếu Gốc Đa ở đầu hoặc cuối làng.

Trong những ngày sóc vọng, lễ tết dân làng gần miếu kéo nhau tới lễ bái. Hoặc trong những ngày thường, gia đình nào có người ốm đau, đi xa hoặc muốn cầu khẩn việc gì cũng ra miếu lễ.
Nhiều người gặp bệnh hoạn, cho là bị tà ma ám ảnh cũng thường đến miếu cầu xin với thần linh dùng uy quyền khu trừ tà ma để cho mình khỏi bệnh.
Ban. Đây là những bàn thờ nhỏ, lộ thiên hoặc có mái xây ở chân núi, ở đầu làng, ở gốc đa để thờ một vị thần linh nào không được thờ tại đình, đền, miếu.
Miễu. Miễu là một ngôi miếu thờ những người bất đắc kỳ tử gặp giờ linh. Những người này trước khi được thờ phụng, theo tục truyền, thường hiện hồn có những phép lạ chứng minh sự hiện diện với uy quyền của mình.
Tại các ban, miếu, thường có người tin ở sự linh thiêng của thần linh cũng như linh hồn được thờ phụng, hàng ngày mang lễ vật tới cúng bái, và các ngày rằm, mồng một thường khói hương nghi ngút.
Dân làng tới lễ ở các nơi này, cũng như tại các đình đền với lòng chân thành đối với giới vô hình, và sự chân thành này nhiều khi thường đi tới chỗ dị đoan mê tín.
Nói đến tế tự của các làng quê, không thể bỏ qua những tĩnh, điện của các môn đồ, lưu phái đạo Lão dựng nên ở tư gia để thờ các vị thần của đạo Lão hoặc để thờ các ông Hoàng, bà Chúa, các Cô, các Cậu với sự lên đồng lên bóng. Tĩnh của các thầy Phù Thủy dùng bùa phép trị bệnh, còn điện của các ông Đồng bà Cốt thờ cúng chư vị. Thường ngày dân làng có người đi tĩnh và điện xin bùa, xin tàn hương nước thải đề trừ tà ma.
Sự tin tưởng của dân làng ở bùa phép nhiều khi đã biến thành một sự mê tín dị đoan vượt qua khuôn khổ tế tự.
Thờ phật
Tế tự là thờ cúng. Dân Việt Nam, ngoài việc thờ thần còn thờ Phật, nhưng việc thờ Phật không giống việc thờ thần, nhất là việc thờ các Phúc Thần. Phật thờ tại chùa.
Thờ Thành hoàng là công việc chung bắt buộc của dân làng và đình, đền mỗi xã thường có quan hệ mật thiết với lịch sử và sinh hoạt của xã này, nên làng nào cũng có, và cũng được coi là những công ốc chính thức của làng. Các miếu, miễu ban chỉ có tùy ở từng xã, từng thôn, và việc thờ phụng không phải là việc của dân toàn xã.
Việc thờ Phật cũng vậy, đây không phải là việc công của làng, và có thể làng có chùa hoặc không có chùa, nhưng nếu làng không có chùa công thì các tư nhân cũng xây dựng nên chùa. Thực ra, làng nào cũng có chùa do dân làng xây dựng. Chùa thường ở một chỗ phong cảnh thanh u, cách xa vùng nhà ở. Chùa của làng hoặc của tư nhân xây nên cũng đều do một hòa thượng hoặc một sư bà trông giữ tùy theo chùa sư nam hay sư nữ.
Xưa kia, mỗi làng ít nhất phải có một ngôi chùa, có khi mỗi thôn xóm đều có một ngôi chùa.
Chùa
Như trên đã nói, chùa thường xây ở nơi phong cảnh thanh u, bởi vậy người ta hay tìm nơi gò cao để xây chùa, nếu không người ta cũng tân đất lên cho cao hơn nền thường.
Nhiều làng cất chùa ở những nơi danh lam thắng cảnh thật là rộng rãi đẹp đẽ như chùa Hương làng Yến Vĩ, tỉnh Hà Đông (Hà Tây) hoặc chùa thầy làng Thụy Khê, tỉnh Sơn Tây (Hà Tây). Những làng trung du thường xây chùa ở ven sườn núi hay trong hang núi như chùa Láp làng Tích Sơn, tỉnh Vĩnh Yên (Vĩnh Phú), chùa Trầm, làng Long Châu, tỉnh Hà Đông (Hà Tây) v.v...
Chùa từ ngoài đi vào thường đi qua một sân đất ở trước tam quan. Hai bên sân có hai hàng phỗng đá hoặc chó đá. Từ sân đất bước lên tam quan có một bực xây gạch.
Tam quan là một căn nhà ba gian có ba cửa khá rộng, và ba cửa này đều được coi như ba cửa chính, thường đóng quanh năm, trừ những ngày hội hè, sóc vọng hoặc tết nhất.
Cạnh tam quan về phía tay phải, thường có thêm một cổng bên, cổng này luôn luôn mở trong những ngày thường, và trên cổng này là gác chuông. Cũng có chùa, gác chuông ở trên tam quan. Trên gác chuông có quả chuông lớn. Tăng ni lên thỉnh chuông phải leo một cầu thang có khi xây bằng gạch, có khi chỉ là một chiếc thang gỗ.
Nhà tam quan thường dùng làm nơi cho các hào mục trong làng hội họp khi cần bàn tính tới việc chùa.
Khởi tam quan là một lớp sân rộng lát gạch. Qua lớp sân này là nhà thờ Phật gồm chính điện và nhà bái đường.
Chính điện
Tại chính điện có các tượng Phật thờ trên các bệ xây. Nơi này còn được gọi là nhà Thiên hương, danh từ do những đỉnh trầm và những bát hương luôn luôn tỏa khói ngạt ngào mà có.
Trên cùng, bệ cao nhất, cần giáp mái chùa có tượng Tam thế. Đây là ba pho tượng nhỏ khuôn khổ bằng nhau, hình dáng giống nhau ngồi trên tòa sen tượng trưng cho chư Phật mười phương ở ba đời: quá khứ, hiện tại và vị lai.
Kế lớp trên là tượng Di Đà tam tôn gồm đức A di đà ở giữa, và ở hai bên tượng nhỏ hơn là hai vị bỏ tát Quan Thế Âm và Đại Thế Chí.
Lớp thứ ba là tượng Thế Tôn tức là Đức Thích Ca Màu Ni, giáo chủ đạo Phật, hai bên có tượng hai vì Văn Thù và Phổ Hiền bồ tát hoặc đứng trên tòa sen hoặc Văn Thù cưỡi con thanh sư tượng trưng cho trí tuệ và Phổ Hiền cưỡi con bạch tượng, tượng trưng cho chân lý trong sạch và vững chắc.
Lớp thứ tư, ở giữa thờ tượng Cửu Long, còn gọi là Thích Ca sơ sinh, tức là tượng đức Thích Ca mới giáng sinh, có chín con rồng phun nước cho ngài tắm. Tượng đứng, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, có chín con rồng vây bọc chung quanh. Trên mây có các vị bồ tát và chư thiên nhã nhạc.
Ở bên trái tượng Cửu Long là tượng vua Đế Thích và bên phải là tượng Đại phạm thiêng vương, cả hai vị đều y phục hoàng đế và ngồi ngai.
Bốn lớp tượng trên ta thường thấy ở các chùa làng miền Bắc và miền Trung, nơi Phật giáo theo phái đại thừa. Bốn lớp tượng này ở nhiều chùa có sự thay đổi, thờ một vài vị bồ tát khác thay vì các vị kể trên và lại có thờ tượng Tuyết Sơn là tượng đức Thích ca khi tu khổ hạnh ở trong núi Tuyết Sơn.
Cũng có chùa thay vì bốn lớp tượng lại có năm lớp, và các tượng thờ cũng bài trí hơi khác cách bài trí với bốn lớp tượng kể trên là cách bài trí phổ thông nhất tại các chùa Phật giáo đại thừa.
Tại các chùa theo phái Tiểu thừa, nơi chính điện chỉ có tượng Phật Thích Ca, ngoài ra không có pho tượng nào khác. Ngoài các pho tượng, lẽ tất nhiên nơi bàn thờ Phật phải có đồ thờ như bát hương, đèn, nến, v.v... hoặc bằng đồng hoặc bằng gỗ tùy theo từng chùa.
Nhà bái đường
Mặt trước chính điện thờ Phật là nhà bái đường.
Nhà bái đường là chỗ các tăng ni tụng kinh và các tín đồ tới lễ Phật.
Nhà bái đường cũng có các tượng và các bàn thờ. Hai bên tả hữu liền với điện thờ phật là tượng hai vị Hộ Pháp ta gọi là ông Thiện và ông Ác, một ông trông hiền từ, một ông trông nghiêm khắc.
Ở phía bên trái nhà bái đường có bàn thờ Đức Ông mặt đỏ, chính là Thổ thần ngôi chùa, còn gọi là Đức Chúa.
Cạnh bàn thờ Đức Ông có bàn thờ Long thần, một vị Long vương đã quy y phép Phật.
Ở phía bên phải nhà bái đường có bàn thờ A Nan đà tôn giả, ta gọi là Thánh tăng, một vị đại đệ tử của đức Phật Thích Ca.
Thường ở hai bên vách nhà bái đường, có xây mười động của Thập điện Diêm Vương, cũng nhiều chùa không có những động này.
Hành lang
Ở hai bên chùa là hai dãy hành lang, mỗi bên có chín pho tượng to bằng người thật: đây là Thập bát La hán.
Tăng đường
Hai dãy hành lang ăn thông vào Tăng đường còn gọi là nhà Tổ ở phía sau chính điện. Tại nơi đây có bàn thờ các vị sư tổ đã truyền đạo sang nước ta, trong số đó có đức Bồ đề Đạt Ma gọi tắt là Tổ Đạt Ma hay Tổ Tây.
Lại cũng có bàn thờ các vị sư tổ đã tu tại ngôi chùa nhưng đã tịch.
Điều đáng chú ý là ở nhà Tổ, ngoài các bàn thờ trên lại có cả bàn thờ Chư vị, các vị thần không liên quan gì tới đạo Phật như Đức Ông, Thánh Mẫu, ông Hoàng, bà Chúa, bà Cô v.v…
Nhà hậu
Phía sau chùa, có nhà hậu để thờ những người mua hậu chùa.
Ở hai bên nhà tổ là các tăng phòng của tăng ni và phương trượng để tiếp khách.
Đại để, mỗi ngôi chùa đều được xếp đặt qua các kiến trúc trên, tuy có nhiều chùa rộng lớn hơn hoặc hẹp hơn được xếp đặt hơi khác, nhưng bao giờ cũng gồm Chính điện với bàn thờ Phật, nhà bái đường, hai dãy hành lang, nhà thờ Tổ, các tăng phòng, và đằng trước có nhà tam quan.
Đứng đầu mỗi ngôi chùa là một vị hòa thượng được gọi là sư cụ nếu là chùa có các sư nam hoặc một sư cụ bà nếu là chùa có các sư nữ.
Hê thống tăng ni
Các tăng ni có một hệ thống trật tự giống nhau tại khắp các chùa.
Lúc mới quy y là sa di hay tiểu sa môn gọi là chú tiểu, hay diệu.
Trên hạng sa di là hạng trung sa môn, tục gọi là sư bác, sư thầy. Trên nữa là sư ông được gọi là thượng tọa, đã là bực kỳ cực trong tăng hội.
Trên sư ông là sư cụ, còn gọi là Hòa thượng hoặc kiết ma, đứng đầu chùa, chịu trách nhiệm về công việc điều khiển nhà chùa, cắt đặt nhiệm vụ cho các tăng ni.
Nhiều chùa cùng ở một địa phương chịu sự chi phối của một vị Hòa thượng đứng đầu các vị Hòa thượng khác 4
Muốn lên đẳng cấp trong nhà chùa các vị sư thường phải qua các kỳ thi trong môn giáo.
Tăng ni tu riêng chùa, chùa nào của sư nữ chỉ có toàn sư nữ, chùa nào của sư nam chỉ có toàn sư nam.
Tu ở chùa các tăng ni phải lo việc đèn nhang, trông nom việc thờ phụng, ngày ngày học kinh kệ, làm những công việc của nhà chùa.
Dân làng thường đến chùa lễ Phật nhất là trong những ngày tuần tiết. Những gia đình có tang ma thường cúng tuần tứ cửu ở chùa.
Nhiều chùa hàng năm có mở hội vào ngày lễ vị sư tổ đầu tiên. Hội chùa thường chỉ có lễ bái và kinh kệ. Kẻ tu hành thường ăn chay, phải theo năm điều cấm tức là ngũ giới: không sát sinh, không trộm cắp, không gian dâm, không vọng ngôn, không dùng rượu thịt.
Các tăng ni khi thường thì bận áo nâu ở miền Bắc áo chàm ở miền Trung và áo vàng ở miền Nam.
Khi làm lễ, các nhà sư mặc áo cà sa, đội mũ tỳ lư, tay phải cầm pháp trượng, tay trái cầm bông sen giả.
Ngày ngày, sớm và chiều, các tăng ni phải thắp hương đèn lễ Phật, đánh chuông, gõ mõ, tụng kinh.
Mỗi năm vào ngày vía Phật, tức ngày Phật đản và ngày tết Trung Nguyên các chùa làm lễ rất to, ngày Phật đản để kỷ niệm đức Phật ra đời, tết Trung Nguyên để giải oan và siêu độ cho các linh hồn.
Ngày việc lễ Phật ở chùa, các tăng ni thường được dân làng mời tới làm lễ ở các nhà riêng, trong những khi có người đau yếu thì mời làm lễ tụng kinh để cầu bình an, và trong những đám táng thì mời làm lễ siêu độ.
Mỗi năm vào tuần kết hạ từ rằm tháng tư đến rằm tháng bảy và vào tuần kết đông tư rằm tháng mười đến rằm tháng chạp, các tăng ni phải cấm túc, nghĩa là phải ở luôn trong chùa mà tụng niệm.
Thỉnh thoảng tăng chúng lại tổ chức những buổi hội lớn để mời các vị cao tăng đạo đức đến thọ giới cho các sa di để lên sa môn. Cuộc hội này gọi là Trường kỳ. Các vị cao tăng được gọi là Đại đức.
Già lam
Có chùa thì thường có sư, nhưng cũng có nhiều chùa thanh vắng quá, người lễ bái không bao nhiêu, chùa lại nhiều không có ruộng đất để một vài vị sư có thể sinh sống được, nên không có tăng ni trụ trì. Tuy vậy chùa vẫn không bị bỏ hoang và vẫn có người sớm tối đèn nhang, và khi có khách tới lễ chùa, vẫn có người thỉnh chuông đánh khánh.
Những người giữ việc đèn nhang ở các chùa này là các thầy già lam. Các thày già lam không phải ở chùa và không bắt buộc phải ăn chay, có thể ở nhà mình, ngày ngày tới chùa lo việc hương đăng.
Những lộc của chùa thày già lam được hưởng.
Trong những ngày sóc vọng tuần tiết, thày già lam phải giữ mình cho thanh tịnh.
Cư sĩ
Tin theo Phật, dân làng tới chùa lễ Phật. Không đi tu mà tin theo Phật là những Ưu bà, nam là Ưu bà tắc hoặc Ưu bà sa, nữ là Ưu bà di.
Các ưu bà thờ Phật ở nhà. Trong những ngày tuần tiết sóc vọng, các ưu bà tới chùa lễ Phật tụng kinh. Ngày nay, danh từ cư sĩ được dùng thay cho hai chữ ưu bà. Ngoài các cư sĩ, lại còn các Phật tử là tất cả những người tin theo đức Phật.
Cư sĩ thường ăn chay một tháng mấy ngày, còn các Phật tử không bắt buộc phải ăn chay.
Đạo Phật ngày nay đang trong thời kỳ chấn hưng, tại các làng quê, việc thờ Phật vẫn được dân quê theo giữ, và các chùa luôn luôn có các thiện nam tín nữ tới nghe kinh và lễ Phật.
Trong việc thờ Phật, dân làng luôn luôn rất chân thành. Hàng năm, vào đầu mùa hạ, để cầu sự bình an cho dân làng, người ta có làm lễ kỳ an, tục gọi là lễ cầu mát. Trong lễ này, người ta có lễ Phật và cầu chư vị thần thánh phù hộ cho dân làng được bình yên, không bị những chứng bệnh thiên thời mà người ta tin là do các Ôn chúa gây nên để bắt binh lính.
Việc cúng cầu mát để mong cho dân làng tránh được các chứng bệnh thiên thời là một điêu thành khẩn của mọi người dân quê. Với sự tin tưởng ở thần quyên, việc cúng bái này có một ảnh hưởng tinh thần tốt đẹp là gây lòng tin tưởng ở người dân; với sự tin tưởng này, con người khả dĩ có thêm sức mạnh để kháng bệnh. Tuy nhiên, tại nhiều nơi sự cúng cầu mát đã biến thành một tục mê tín dị đoan có hại và đã làm đầu đề cho nhiều sự chế giễu của nhiều người, vì nhiều khi thay vì đem lại sự yên ổn lại cho dân làng, lễ cúng cầu mát đã là nguồn gốc cho các chứng bệnh thiên thời bắt đầu, vì trong lễ cúng này có các đó lễ bị phơi bày cho ruồi nhặng bu vào; những đồ lễ này, sau đó dân làng cùng hưởng, đã có những người mắc bệnh thiên thời do ruồi nhặng truyền vào thức ăn. Lại có khi, có một số người lợi dụng lễ cầu mát để thủ lợi cho mình.
Thờ Đức Khổng Tử

Về tế tự tại các làng xóm, còn phải kể tới việc cúng tế của dân làng tại văn chỉ hoặc văn từ nơi thờ phụng đức Khổng Tử, các vị tiên hiên và các bậc khoa hoạn trong làng, hàng năm vào các dịp xuân tế và thu tế.
Văn chỉ hoặc văn từ là một đàn xây thường ở đầu làng. Nơi đây thay vì hương án có bệ xây. Đà có mái hoặc lộ thiên, có mái là văn từ, lộ thiên là văn chỉ.
Văn từ và văn chỉ thường được xây trên một gò cao, ở nơi phong cảnh thanh nhã êm đềm.
Văn từ hoặc văn chỉ có ba lớp:
Lớp trong cùng thờ đức Khổng Tử, được mọi người tôn làm Tiên thánh sư, chủ trương cho việc văn học trong làng.
Lớp này gồm một ban xây thay cho hương án, hai bên có những đôi câu đối, và ở trên nếu là văn chỉ thì viết ngay vào tường, nếu là văn từ thì có hoành phi mang mấy chữ đại tự "Vạn Thế Sư Biểu" hoặc "Chí Thánh Tiên Sư". Trên ban có bình hương riêng. Không có bài vị nhưng mấy chữ đại tự trên đủ thay cho bài vị.
Lớp thứ hai gồm ba ban, một ban ở giữa và hai ban ở hai bên. Cả ba ban này đều xây bằng gạch thay cho hương án.
Ban ở giữa thờ những người làng đã đỗ Đại khoa từ Tiến sĩ và những người làm quan từ tam, tứ phẩm trở lên.
Các bậc tiên hiền nước ta như Chu Văn An, Hàn Thuyên đều được thờ ở ban này. Các người Trung Hoa có công truyền bá Nho giáo sang Việt Nam như Nhâm Diên, Tích Quang, Sĩ Nhiếp cũng được thờ ở đây.
Ban bên phải thờ những người làng đã đỗ Trung khoa từ Cử nhân và những người làm quan từ lục, thất phẩm trở lên.
Ban bên trái thờ những người làng đã đỗ Tiểu khoa từ Tú tài và những người làm quan cho đến bát, cửu phẩm.
Việc phân biệt ba ban trên gọi là liệt tự, nghĩa là liệt hạng để thờ phụng. Ba ban phân các hạng được dân làng thờ làm ba hạng nhất, nhì, ba có bia ghi rõ ở văn từ hoặc văn chỉ.
Lớp thứ ba là Bái đình, sân dùng trong việc tế tự.
Trong việc phụng thờ liệt tự, các hào mục, tổng lý, các ông đồ trong làng không có chân khoa bảng không được ghi tên trong bia của dân xã nhưng trong khi tế tự, thường dân làng vẫn khấn mời cả các vị này tới phối hưởng.
Như trên đã nói, tại các văn chỉ và văn từ hàng năm dân làng có tế hai lần gọi là xuân tế và thu tế. Ngoài ra trong dịp kỷ niệm đản sinh đức Khổng Tử, cũng có làng làm lễ tại văn từ hoặc văn chỉ.
Ngày xưa, năm nào có khoa thi, các sĩ tử trong làng họp nhau tới lễ tại văn tù hoặc văn chỉ, gọi là lễ kỳ khoa. Có nhiều nơi cả làng đều làm lễ để cầu cho xã mình được nhiều người đỗ đạt.
Khi thi xong, các ông tân khoa đều ra lễ tạp văn từ hoặc văn chỉ để tạ ơn đức Chí thánh tiên sư và các bậc tiên hiền.
Tục lễ lễ văn từ văn chỉ của các thí sinh và tân khoa còn được giữ dưới thời Pháp thuộc cho cả các kỳ thi của nền học mới tại nhiều nơi.
Các người có con đi học vỡ lòng cùng với đồ lễ tới nhà ông đó, xưa kia, cũng dắt con mang đồ lễ tới văn từ hoặc văn chỉ để khấn xin cho con được học đại Thánh. Đứa trẻ sắp đi học khai tâm sau khi người cha khấn lễ xong, cũng lễ trước bàn thờ các vị thánh hiền.
Đạo Khổng duy trì đạo đức cho con người, dân chúng thờ phụng đức Khổng Tử và tôn trọng đạo ngài.
Ngày nay, mặc dầu thời thế đổi thay, ảnh hưởng đạo Khổng tuy bị suy giảm trong dân chúng, nhất là trong bọn người mất gốc bị mù quáng bởi cái vỏ của nền văn minh xảo kỹ của người Tây phương, nhưng đạo đức vẫn là đạo đức, và những người có căn bản dân tộc không bao giờ quên sự duy
Thờ các thánh sư
Ngoài các sự thờ cúng đã trình bày ở trên, tại Việt Nam còn một sự sùng bái nữa rất trọng yếu là việc thờ cúng các tổ sư bách nghệ.
Làng nào theo nghề nào thường có miếu thờ vị tổ sư của nghề đó, và riêng những người hành nghề, trong nhà đều có bàn thờ Thánh sư còn gọi là Nghệ sư.
Vị tổ sư một nghề, hoặc là người thủy tổ phát minh ra nghề ấy, hoặc là người thứ nhất đem nghề ấy ở nơi khác truyền lại cho dân chúng làng nào hay miền nào. Thường người ta không biết vị tổ sư ấy là ai, và người ta cứ coi vị tổ sư như một vị thần bảo hộ cho nghề nghiệp.
Bởi vậy, thờ Thánh sư tại nhà gặp những ngày tuần tiết sóc vọng, giỗ tết, ngoài lễ cúng gia tiên và Thổ công, gia chủ còn cúng cả Thánh sư.
Trong một năm, lễ cúng Thánh sư quan trọng nhất nhằm vào ngày kỵ nhật của Thánh sư, đối với những vị mọi người đều biết, hoặc là một ngày nhất định mà mọi người trong phường hoặc trong làng cùng theo một nghề kể là ngày kỵ nhật của ông Tổ nghề mình.
Những người cùng làm một nghề thường sống thành phường. Trong làng có thể có nhiều phường khác nhau nếu dân làng theo nhiều nghề.
Ngày kỵ nhật của vị Thánh sư tại các phường còn được gọi là ngày giỗ phường. Các phường có lập miếu riêng, trong trường hợp cả làng đều theo một nghề, thì cả làng chỉ có một miếu, và có khi vị Thánh sư lại chính là vị Thành hoàng làng.
Ngày giỗ phường, các phường viên họp nhau tại miếu, làm lễ Thánh sư rồi cùng kéo nhau về một nhà đăng cai để làm cỗ ăn uống.
Mỗi khi bắt đầu kinh dinh một việc quan trọng cùng khi hoàn thành công việc người ta đều phải làm lễ tổ sư. 5
Có nhiều nghề, ở một vài nơi, như thợ mộc, thợ nề làm nhà, thợ đóng ghe thuyền, thợ xe nước ở Quảng Ngãi, ngoài hai lễ bắt đầu và hoàn tất nói trên, trong khi đương làm công việc còn phải làm nhiều các lễ khác để cầu xin Thánh sư che chở cho.
Ngày xưa, quân lính ta có lễ tế cờ, cũng có thể coi là một lại lễ Thánh sư của nghề chinh chiến vậy.
Nhân nói về sự thờ cúng Thánh sư, xin đơn cử một vài thí dụ về các vị Thánh sư đã dạy nghề cho dân nhiều làng xã tại nước ta:
Ba anh em các ông Trần Hòa, Thần Điện và Trần Điền, người làng Đinh Công, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (Hà Tây), đã truyền cho dân nghề kim hoàn từ đời Lý Nam Đế.
Ông Phạm Đôn, người làng Thanh Nhạn, huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên (Vĩnh Phú), mang nghề dệt chiếu từ làng Ngọc Hồ tỉnh Quảng Tây bên Tàu về truyền cho dân Việt Nam, bắt đầu là làng Hải Thiện, tỉnh Nam Định (Hà Nam Ninh) vào cuối thế kỷ thứ X.
Hòa thượng Khổng Lộ cùng hai học trò là Phạm Quốc Tại và Trầ Lạc trụ trì tại chùa Phả Lại, Hải Dương (Hải Hưng) dạy dân ta nghề đúc đồ đồng về đời vua Trần Thái Tôn, 1226.
Ông Trạng Bùng tức Phùng Khắc Khoan dạy dân nghề dệt the lụa và đời vua Lê Kính Tôn, 1600.
Trên đây chỉ là mấy thí dụ. Các nghề khác còn có các vị Thánh sư khác.
Những người hành nghề, ngoài các trường hợp cúng lễ đã nêu trên, mỗi khi gặp sự trắc trở đều làm lễ kêu khấn Thánh sư để được phù hộ cho gặp may mắn. Ta có các thành ngữ Tổ độ và Tổ trát để chỉ những người gặp may mắn được Tổ sư thương phù hộ cho hoặc không may bị thua lỗ bởi sự trừng phạt của Tổ.
Thờ chư thần thiên nhiên và các thần khác
Trong việc thờ cúng của ta, ta còn thờ tất cả các thần thiên nhiên đã phù hộ giúp đỡ ta với sức mạnh vô hình: sấm, sét, gió, mưa, nước, lửa, núi sông v.v...
Ta lại cho là các cây to, đá lớn cũng có thần. Những hòn đá hình thù kỳ quái ở trong hang động hay ở trước cửa đình cửa chùa đều có thần và đều có sự thờ phụng; ta hằng bắt gặp trước những hòn đá một bát hương kể trên mấy trăm vàng mã, lại có bên cạnh đôi hài, cái nón, con ngựa mã v.v...
Những người đi sông biển gặp những hòn đá ở giữa ghềnh hoặc ở bờ biển, có thể gây tai nạn cho ghe thuyền đều cho là có thần, và mỗi khi đi qua những nơi này người ta thường đốt vàng hương khấn vái. Dân các xã ven sông biển, tại những nơi này, thường lập miếu thờ. Ta lại thờ cúng cả thần Sóng, như trước đây tại Phá Tam Giang, tục truyền có ba thần Sóng ông, Sóng Bà và Sóng Con.
Tại nhiều làng vùng núi ta lại bắt gặp những miếu thờ Thần Hổ, và nhiều làng ven biển thường có những miếu thờ Nam Hải tướng quân, tức là Cá ông.
Những người mắc bệnh, cho nhiều chứng bệnh có những thần hoặc ma riêng như thần Cúm gieo bệnh cúm, ma Tịt gây bệnh tịt v.v... thường cúng ông Cúm bà Co, ông Tịt bà Tịt hoặc các thần và ma khác để cầu khỏi bệnh.
Đối với các vị thần thiên nhiên cũng như các vị thần khác nói trên, việc tế tự có khi do cả dân làng, hoặc có khi chỉ do một vài tư nhân. Tại những làng có thờ Cá Ông như làng Kiến Phước, quận Hòa Tân, tỉnh Gò Công (Tiền Giang), việc tế tự do toàn xã phụ trách, và hàng năm vào ngày rằm tháng sáu âm lịch dân làng có mở hội tế Cá Ông.
Việc thờ cúng các vị thần thánh là do tín ngưỡng và việc tế tự chỉ là cách cụ thể hóa lòng tín ngưỡng, tuy nhiên, nhiều khi với lòng chân thành chất phác của người dân quê, trong sự sùng bái tin tưởng không khỏi có lẫn tính chất mê tín dị đoan! Nhưng làm sao được, nói đến tín ngưỡng tất nhiên có nhiều điều mâu thuẫn và huyền hoặc, nhưng thường tất cả những điều huyền hoặc và mâu thuẫn lại là thể chất của tín ngưỡng. Và trên lãnh vực tín ngưỡng, có nhiều lý lẽ riêng mà lý lẽ và cả khoa học nữa không giảng giải nổi dù đủ sự chứng minh.
Vậy, đối với sự tế tự của dân chúng các làng xã, chúng ta nên thận trọng để tránh phạm tới tín ngưỡng của mọi người.
Những điều mê tín dị đoan, ta phải chờ sự giác ngộ của chính những người đang tin.
--------------------------------

1

Đào Duy Anh. - Sách đã dẫn.

2

Le culte den ancêtres symbolyse la famille et sa continuité, le culte du génie communal symbolyse la commune et sa pérennité. G.COULET. Cultes et Religions de L›Indochine Annamite. Imp. Ardin, Saigon.

3

Phan Kế Bính. - Sách đã dẫn

4

Về trật tự tăng ni, có người cho vị hòa thượng đứng đầu các hòa thượng này là Thượng tọa, còn sư ông cũng chỉ là sa môn.

5

Đào Duy Anh. Sách đã dẫn. Làm lễ để cầu Ngài phù hộ cho công việc được xuôi xẻ, buôn may bán đắt, hoặc lúc đi đường xa tránh được mọi sự rủi ro, cũng như làm lễ tạ ơn khi công việc đã có kết quả tốt đẹp.

Lễ cầu mát

Sự cúng cầu mát, như đã trình bày, đã biến thành một tục mê tín dị đoan ở nhiều nơi, và đã làm đầu đề cho nhiều sự chế nhiễu. Dưới đây xin trích một bài về lễ này, rút trong cuốn "Trong lũy tre xanh" (xuất bản lần thứ hai tại Sài Gòn vào năm 1960).

Trời đã sang đầu tháng tư. Nắng đã bắt đầu gắt và trên cây đàn ve đã ra rả kêu. Sau mấy tháng xuân ấm áp, cái nắng đầu hạ thật là khó chịu. Nhiều người như thấy mỏi mệt, và đã lác đác có người đau ốm. Ở một đôi xóm trong làng, có một vài bà đi chợ về tự nhiên đau bụng, phải cúng lễ và xoa dầu nóng mới khỏi! Cái tháng tư năm nào cũng mang theo sự đau ốm như vậy.

Ban Hội đồng trong làng đã họp bàn về lễ cúng cầu mát để dân làng được yên trong vụ nắng hè, nghĩa là trong vụ các quan âm đi bắt lính.

Nhớ lại mùa hè năm ngoái, dân làng chỉ chậm cúng cầu mát mà có ngay mấy người đi tả, các người này có kẻ chết người sống, ai khéo lễ bái van xin thì sống còn ai không chịu cầu cúng đều bị các quan bắt chết.

Năm nay để tránh sự tai hại cho dân làng, các cụ định cúng cầu mát ngay từ đầu tháng tư. Việc lễ bái càng sớm càng hay vì càng chứng tỏ được lòng thành của người cúng lễ.

Năm nào chẳng vậy, từ đầu tháng tư là các quan Ôn ở dưới âm được lệnh đi bắt lính ở trên dương gian. Tốt lễ dễ van, nơi nào chịu cúng kiến thì có thể được các quan tha cho và đi bắt lính ở nơi khác.

Việc bổ bàn đóng góp và trích quỹ làng đã xong. Bàn thờ cúng cầu mát đã được thiết lập ngay gần chợ, trên một bãi đất rộng, rất tiện cho dân làng tụ họp.

Dân trong làng, kẻ giàu người nghèo, ai nấy đều vui lòng gom góp suất tiền ban Hội đồng bổ cho và ngoài ra còn rất nhiều người cúng thêm tiền để việc lễ bái được rộng rãi.

Một vài kẻ xấu miệng nói dèm ban Hội đồng: Cầu mát với cầu ấm, mấy lão trong ban Hội đồng chỉ chuyên thu tiền dân nhiều mà tiêu ít.

Rồi họ làm phác con tính số tiền thu được theo đầu người chưa kể những người hằng tâm hàng sản cúng thêm. Họ lại phác cả con số chi về lễ vật, về vàng mã và về cả các chi phí lặt vặt. Số thu chênh lệch số chi nhiều quá. Thu nhiều, tiêu ít, có lẽ tiêu chưa hết một nửa số thu. Rồi họ kết luận:

Chỉ béo mấy lão trong ban Hội đồng. Ngồi mát ăn bát vàng. Mỗi việc lễ bái lại kiếm chác được một món. Rõ bọn buôn thần bán thánh.

Người dân, trước những lời dèm pha của vài kẻ xấu miệng, chỉ gạt đi và bảo:

Ai gian trá người đó có tội với thánh thần. Mình là dân làng chi biết đóng góp cho thành tâm để việc lễ bái được chu đáo.

Những kẻ xấu miệng cứ dèm pha, ban Hội đồng vẫn cứ thu tiền, dân làng vẫn cứ đóng tiền và lễ cầu mát vẫn cứ thành tựu.

Bàn thờ đặt trang nghiêm trên một hương án sơn son thiếp vàng. Giữa bàn thờ là mấy cỗ mũ ngũ sắc đặt trên những trăm vàng thoi cũng ngũ sắc. Một đinh trầm nghi ngút tỏa hương thơm ngào ngạt đặt trước những cỗ mũ này. Một bên là một mâm bồng đầy hoa quả, một bên là cỗ xôi con gà và trầu rượu. Lại có những nghìn vàng hoa bầy ở hai bên, màu óng ánh rất hoa mỹ.

Dưới hương án, trên mấy chiếc nong là những thoi vàng đã gỡ ra, có thoi xanh, có thoi trắng, có thoi tím, có thoi vàng vứt lẫn trong đám quần áo giấy ngũ sắc, những bộ quần áo rất nhỏ, chiếc nọ lồng vào chiếc kia mà người ta đã gỡ ra một cách quấy quá nên chưa rời hẳn nhau.

Theo tín ngưỡng thì những bộ quần áo tuy nhỏ, nhưng các quan âm có phép thần thông, có thế biến hóa thành lớn để âm hồn nào cũng mặc vừa.

Xen lẫn vào những thoi vàng và những quần áo giấy là hoa quả, nào nhót, nào mơ, nào đậu nành, nào dưa chuột, nào ổi, nào khoai lang v.v…

Ngoài hoa quả còn có kẹo bánh, kẹo vừng, kẹo bột, bỏng gạo, bỏng ngô, bánh phồng, bánh đậu...

Mấy nong đều đầy hoa quả và kẹo bánh. Cúng lễ xong, con trẻ tha hồ thi nhau xô cướp.

Gần ngay mấy nong ấy, có hai nồi cháo đại, khói bốc lên nghi ngút, đem theo mùi thơm của gạo mới ngạt ngào.

Hai bên bàn thờ là voi giấy ngựa giấy và hình nhân. Voi ngựa để cúng các quan và hình nhân để thế mạng cho dân làng. Dân làng mong các quan nhận lễ rồi đi bắt lính nơi khác và ra ơn đại xá cho dân làng trong vụ này.

Cạnh những lớp voi ngựa và hình nhân, trải dọc mãi về tận xa xa là những bồ đài lá đa cài trên những que tre, cắm la liệt hai bên. Mỗi bồ đài đều có mấy giọt cháo.

Đấy là cháo cúng âm binh và các oan hồn đi theo các quan.

Lễ bắt đầu. Ông thầy cúng rung chuông đánh trống. Dân làng xúm quanh xem hành lễ, trên từ các cụ, dưới đến đàn bà trẻ con. Người ta lần lượt vào lễ sì sụp trước bàn thờ. Người ta khấn vái cầu xin các quan thương xót dân làng. Lũ trẻ mắt hau háu nhìn vào những nong hoa quả, bánh kẹo. Chúng nó chỉ mong cúng cho chóng xong để xô nhau vào cướp những nong này.

Chà! Những quả mơ mọng chín khiến chúng nuốt nước miếng ừng ực! Lại những quả nhót đỏ tươi, nhìn cũng đủ biết là chua! Kìa những chiếc kẹo bột, kẹo vừng trông ngon lắm! Cả những nắm bỏng ngô trông càng thật quyến rũ!

Bên cạnh chúng cũng có những người lớn lăm lăm tay cầm những chiếc liễn, những chiếc âu, chỉ chờ cúng xong là ào vào múc cháo mang về. Mất tiền đóng, tiền góp, cũng phải được hưởng thụ chứ! Lẽ đâu chỉ có các cụ và ban Hội đồng là được chè chén thả cửa, rượu ngon, xôi dẻo, thịt mềm hay sao? Chẳng được miếng thịt miếng xôi thì liễn cháo cũng đủ bõ với tiền đóng góp vậy!

Chỉ có đàn ruồi là sướng! Chúng ở chợ kéo đến ào ào, con lớn, con nhỏ tranh nhau đậu trên kẹo, trên bánh, trên khoai, trên cháo. Có những con ngã vào nồi cháo rồi chết lăn kềnh trong đó.

Ông thầy cúng ê a đọc sớ. Dân làng sì sụp lễ, con trẻ và những người đi lấy cháo đợi chờ. Lễ cầu mát năm nay long trọng lắm. Ông tiên chỉ thấy dân làng đến lễ đông cười ha hả:

Dân làng ta sùng bái thế này năm nay nhất định làng ta yên.

Làng có yên không, đó là chuyện sau, nhưng giờ đây, hãy biết ông cùng mấy cụ ban hội đồng sẽ được chè chén no say, được lấy phần về, lại còn được chia nhau món tiền dân làng góp chi tiêu không hết.

Nghĩ đến món tiền cũng thấy kha khá, ông bái lý trưởng:

Ông lý ạ lẽ ra làng ta hàng năm phải cúng cầu mát năm bảy bận, cúng một lần ít quá.

Có lẽ ông lý đã hiểu ý ông tiên nên ông gật gù cười đáp:

Ông tiên chỉ nói phải lắm!

Hai ông đều phải cả. Mọi sự không phải nếu có là ở dân làng. Nếu dân làng, có người vì thụ hưởng lễ vật cầu mát mà mắc bệnh tả rồi mạng vong, đó là lỗi tại họ, họ đã vô phúc thiếu thành tâm, nên bị các quan âm bắt lính, thì tiên chỉ cũng như lý trưởng các ông còn làm gì được nữa.

Tục giao hảo kỳ lạ giữa hai làng Phú Đa Và Trinh Nữ

Khi nói tới tục giao hiếu giữa các xã, tôi đã nhắc tới sự giao hảo giữa hai làng Phú Đa và Trinh Nữ, thuộc phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương (Hải Hưng) với tục lệ đặc biệt là trai gái hai làng này không được lấy lẫn nhau.
Dưới đây là chi tiết thêm về tục giao hảo kỳ lạ này với đám rước hàng năm khi hai làng mở hội. Ngoài tục lệ trên, giữa hai làng này còn nhiều tục lệ đặc biệt khác nữa.
Nhắc lại những tục lệ này, tôi không dám nói là tốt hay xấu, mà tôi chỉ có mục đích trình bày những hình ảnh xa xưa giờ đây không còn nữa. Hình ảnh này là những dấu của văn hóa dân tộc, chúng ta cũng nên biết để hiểu rõ tổ tiên hơn, tuy có nhiều điều không còn hợp với ngày nay.
Tục giao hảo kỳ lạ giữa hai làng Phú Đa và Trinh Nữ bắt nguồn từ đâu?
Theo lời các cụ bô lão kể lại thì Thành hoàng của làng Trinh Nữ là một người đàn bà quê mùa ở Phú Đa xưa kia. Bà về làm dâu làng Trinh Nữ được ít lâu thì một hôm làng chồng bà bị giặc kéo đến vây phá. Trong lúc thập phần nguy nan, bà can đảm tìm cách vượt trùng vây của giặc, chạy về làng mình khẩn khoản xin người làng Phú Đa đến cứu giúp làng chồng. Dân làng Phú Đa liền kéo sang đánh đuổi bọn giặc tơi bời, và từ đó hai làng giao hảo với nhau rất mực thân thiết. Đi đường gặp nhau, họ không bao giờ chào hỏi bằng những danh từ thông thường mà phái kính cẩn kêu nhau bằng “Ông chạ bà chạ” cho dù cả hai đều còn rất trẻ tuổi đi nữa.
Gặp nhau giữa đường một người hỏi thăm trước:
Kính thưa ông chạ, ông chạ vẫn mạnh chứ ạ? Bà chạ nhà ta sinh ông hay sinh bà? (tức là sinh con trai hay sinh con gái).
Người kia liền đáp:
Cảm ơn ông chạ, bà chạ nhà tôi mới sinh ông...
Người cùng làng với nhau có thể ghét nhau thậm tệ, nhưng trái lại khi người làng Trinh Nữ gặp người làng Phú Đa, hay ngược lại, thì tay bắt mặt mừng tựa hồ như người trong thân thích vậy. Họ hết sức nhường nhịn nhau, không hề bao giờ dám có một cử chỉ hay một lời nói nào thất thố cả, vì sợ bị... bắt vạ. Thật thế, trong một phiên chợ, nếu người làng Phú Đa đang mặc cả mua một món đồ nào đó chẳng hạn bỗng có một người làng Trinh Nữ đi ngang qua ghé vào trả giá cao hơn để mua tranh, thì người Phú Đa nọ sẽ lập tức tìm kiếm những người làng Trinh Nữ có mặt trong chợ tới để phân bua:
Thưa các ông chạ bà chạ, tôi đang mua món hàng này có bà hàng làm chứng, bỗng nhiên ông chạ đây ở đâu tới giá hơn giá đề mua tranh của tôi. Xin các ông chạ bà chạ chứng kiến dùm tôi...
Sự việc phân bua không phải đến đó là chấm dứt đâu. Vì sau đó người kia về làng thuật lại cho mọi người biết và lập tức người lâng Phú Đa sẽ bắt vạ người làng Trinh Nữ. Nếu bên Trinh Nữ không chịu nhận lỗi thì tình giao hảo giữa đôi bên sẽ coi như chấm dứt. Nhưng được cái từ bao nhiêu năm nay đã trôi qua rồi, người ta chưa hề bao giờ thấy bên có lỗi mà lại không chịu nhận lỗi cả. Nếu người phạm lỗi không nhận, thì chính toàn thể dân làng phải góp tiền lại mua lễ vật, tùy theo bên bắt vạ đòi hỏi những món gì, mà sang nộp vạ. Lẽ dĩ nhiên trong trường hợp đó thì kẻ phạm lỗi mà ngoan cố kia sẽ bị khinh ghét, khó lòng sống nổi ở làng nữa.
Tục lệ giao hảo kỳ lạ đó không những được người dân hai làng gìn giữ nghiêm trọng ở ngoài Bắc mà có nhiều dân lâng Phú Đa và Trinh Nữ vào trong Nam làm ăn, nếu để xảy ra chuyện rắc rối xích mích đại loại kể trên, khi có dịp về thăm quê nhà họ cũng lôi ra để bắt vạ nhau như thường.
Giữa hai làng Phú Đa và Trinh Nữ ngoài tình giao hảo như đã nói bên trên còn có một tục lệ khác rất khe khắt là không bao giờ trai gái hai làng được phép kết hôn với nhau. Trai Phú Đa có thể lấy vợ cùng làng hoặc gái Trinh Nữ có thể lấy chồng là một chàng trai nào đó cùng làng Trinh Nữ, tuyệt nhiên gái Phú Đa muốn làm dâu bên Trinh Nữ, hay ngược lại, thì đừng có hòng. Sở dĩ hai làng tuân theo tục lệ nghiêm khắc đó một cách tuyệt đối là vì họ quan niệm rằng người hai làng đã coi nhau như anh em ruột thịt rồi, không bao giờ được gả con cái cho nhau nữa. Nếu làm trái chẳng hóa là phạm tội loạn luân sao?
Hàng năm sau ngày Tết Nguyên đán ít lâu, vào ngày mười bảy tháng hai âm lịch là ngày làng nọ phải rước "Chạ sang bên làng kia theo tục lệ cổ truyền. Rước Chạ tức là rước ông Thành hoàng của làng mình sang làng bạn, rồi sau khi dự cơm khoản đãi ở bên đó lại rước về. Cứ mỗi năm rước một lần vào đúng ngày tháng trên, và hai làng đổi phiên cho nhau! Năm trước bên làng Trinh Nữ đã rước Chạ họ sang bên Phú Đa rồi thì năm sau đến lượt làng Phú Đa phải rước Chạ của mình sang đáp lễ bên Trinh Nữ.
Đúng ngày mười bảy tháng hai khoảng tám giờ sáng, các quan viên làng rước Chạ tề tựu đông đủ ở đình làng. Người nào người ấy đều khăn áo chỉnh tề. Mọi việc đã cắt cử xong xuôi. Bọn trai trẻ được lãnh việc khiêng kiệu. Chiếc kiệu sơn son thiếp vàng, có những đòn rồng, trông rất nguy nga tráng lệ. Trên kiệu có một ngai thờ cũng sơn son thiếp vàng chói lọi. Chiếc ngai đó được rước từ trong đình ra và là một vật tối linh thiêng của cả làng. Một người đi sau cầm một cái lọng lớn để che cho ngai thờ. Đám rước Chạ bắt đầu khởi hành...
Kể ra thì cỗ kiệu đòn rồng cũng nhỏ thôi, chỉ năm sáu người khiêng là dư sức rồi. Nhưng vì muốn cho tăng thêm phần long trọng nên các quan viên trong làng cắt cử tới mười hai người ghé vai lên các đòn rồng khiến người xem có cảm tưởng cổ kiệu như nặng lắm. Rồi thì cờ quạt, chiêng trống dàn thành một hàng thẳng tắp, tạo cho khung cảnh đám rước có một vẻ nhộn nhịp đẹp mắt lạ lùng.
Đám rước Chạ từ làng nọ tới làng kia đi băng qua đồng đến gần chính ngọ thì tới cống làng. Tại đây, các quan viên làng chủ cũng khăn áo chỉnh tề đã đứng tề tựu đông đủ để đón tiếp. Họ theo sau đám rước Chạ để đi thẳng đến đình làng mình.
Đám rước chạ đi một cách hết sức thong thả trang nghiêm. Những người rước kiệu cũng như những người đón kiệu đều giữ tuyệt đối im lặng, không ai nói qua một lời nào cả. Tục lệ cổ xưa bắt phải như vậy. Nếu ai mở miệng nói tức là phạm lỗi, năm sau sẽ phải nộp vạ cho làng kia.
Sau khi kiệu đã vào đến sân đình, từ từ hạ xuống, lập tức người ta liền rước ngai thờ của làng khách vào đặt song hàng với ngai thờ của làng chủ. Những người không phận sự hoặc đi coi rước, khi đến cổng đình phải dừng lại, không ai được vào. Bởi vậy trong đình lúc đó chỉ toàn những đàn ông, không có qua một bóng đàn bà con gái.
Tới đây, một hồi trống tế bắt đầu nổi lên. Quan viên hai làng Phú Đa và Trinh Nữ bắt dầu cúng tế một tuần rượu để mừng hai vị Thành hoàng nhân buổi gặp gỡ hàng năm này. Cuộc tế cũng diễn ra trong một bầu không khí hoàn toàn im lặng. Ngoài tiếng trống tiếng chiêng để làm hiệu lệnh, ngoại giá không còn một tiếng gì khác, kể cả những tiếng hô xướng hoặc đọc chúc như ở các cuộc tế lễ bình thường khác.
Sau cuộc tế kỳ lạ kể trên, đến phần nhập tiệc. Các quan viên làng khách được mời cứ bốn người ngồi vào một cỗ, ăn uống tự nhiên. Trong khi đó thì các quan viên làng chủ cắt cử nhau đứng ngoài hầu tiếp rất chu đáo nhưng cũng là để quan sát bắt lỗi những ông khách nào vô ý vô tứ có những cử chỉ hoặc lời nói vi phạm đến cổ tục. Chẳng hạn như trong lúc ăn, khách vô tình trật khăn trên đầu ra, gãi đùi gãi bẹn hoặc vì men rượu chếnh choáng chót buột mồm nói chuyện với người bên cạnh v.v... Tục lệ từ xưa để lại cấm các quan viên hai làng trong lúc tế lễ hoặc dự tiệc tại đình làng bạn, không được trật khăn, sờ gãi, và nhất là không được nói năng một tiếng nào cả.
Trong khi các quan viên làng khách đang ngồi ăn uống như trên, thì tiếng phách bỗng nổi dậy, tiếp theo là tiếng một ả ca nhi cất cao giọng hát giúp vui. Đồng thời, bên cạnh ả ca nhi là một anh kép đàn đầu đội khăn đen, tay ôm một cây đàn đáy có ba dây cũng bắt đầu gẩy những cung đàn phụ họa. Nét mặt anh ta như nhăn hằn lại, cặp mắt lim dim mơ màng cố nắn những âm thanh cung bực cho thật ngon ngọt. Ả ca nhi lấy giọng hát theo điệu "Hát Giải" tức là một loại hát nói thường hát ở cửa đình, hát một câu mừng sự giao hiếu của hai làng:
Xinh thay mấy Thiên thai cảnh lạ
Dưới trần gian một áng non bồng
Sườn non mây kéo ngất trên không
Cửa động gà kêu vang dưới nguyệt
Bích sa động lý càn khôn biệt
Hồng thụ chi biên nhất nguyệt trường 1
Nước lao xao điểm rót khúc sinh hoàng
Mây lơ lửng mỉa mai con điểu tước
Hoan hớn hở sắc vàng chen sắc biếc
Nức hai bên như đón rước người
Lạ lùng thay cảnh Thiên thai...
Việc rước Chạ từ làng nọ sang làng kia là một tục lệ bắt buộc giữa hai làng, người ta dù không muốn cũng vẫn phải làm. Bởi vậy trừ các vị bô lão ra thì không kể, còn bọn trai trẻ ai cũng muốn ăn uống cho mau để còn về. Đó cũng là vì lý do ngồi ăn uống mà không được phép nói năng gì, ai cũng phải lấy làm bức rứt.
Cho nên hàng năm, trai tráng hai làng nếu ai được cử vào đám rước Chạ sang làng bên trong bụng đều không lấy gì làm sung sướng lắm. Nó như một công việc có tính cách bắt buộc đối với các anh thì đúng hơn. Ăn uống được là bao mà phải đi bộ bốn năm cây số rồi đói rồi mệt, rồi phải ngậm miệng nín tiếng trong hàng ba bốn tiếng đồng hồ.
Các quan viên làng khách và các quan viên làng chủ chịu khó đứng hầu nhau chăm chỉ nhưng có những cặp mắt cứ hau háu rình mò bắt lỗi trong khi ca nhi vẫn êm ả cất tiếng hát họa cùng với tiếng đàn đáy. Đàn đáy là một cây đàn dài, dây dài và hơi chùng không giống bất cứ một loại đàn nào. Chính nhờ sợi dây hơi chùng mà khi nắn cung bậc tiếng đàn có một âm thanh nũng nịu, mơn trớn. Có lẽ các cụ nhà ta xưa kia đã phải bỏ ra nhiều thì giờ và công phu nghiên cứu nên mới có thể tạo ra được một cây đàn có cái âm thanh tài tình hợp người hợp cảnh đến như vậy: Thật thế, vị nào không tin xin cứ hỏi lại những ai đã từng đi hát ả đào, xem có phải tiếng đàn đáy khi gẩy lên nghe nũng nịu rất mực, như phụ họa với những lời nói êm đềm của các cô đào hay không.
Trong lúc ca nhi và hát xong một khổ thì một quan viên xã khách đang ngồi ăn bỗng buông đũa buông bát, vớ lây một chiếc dùi nhỏ để cạnh gõ một tiếng kẻng nhỏ. Nghe tiếng kẻng đó ca nhi lập tức "dạ to một tiếng. Nét mặt cô ả và anh kép đàn cùng hớn hở hẳn lên, vì đó là tiếng kẻng thưởng tiền, thưởng cô đào hát hay, thưởng anh kép đàn ngọt.
Ngoài ra, tiếng kẻng thưởng tiền đó cũng còn có một ý nghĩa khác. Nó để thay cho lời nói cua quan viên xã khách bảo với quan viên xã chủ rằng cuộc gặp gỡ đã khá lâu, chúng tôi sắp sửa xin cáo lui.
Các quan viên xã chủ hiểu ý nghĩa của tiếng kẻng vừa gõ. Lập tức họ sai sắp sẵn các thứ tăm nước để khách dùng sau cuộc rượu. Có lẽ vì muốn chóng về hơn, ông quan viên xã khách lúc này lại cầm dùi gõ thêm hai lần kẻng nữa. Theo sự giao kết từ trước giữa đồng dân hai làng, một khi đã gõ đủ ba lần kẻng thưởng tiền như thế có nghĩa là cuộc rượu đã mãn rồi, chúng tôi xin phép rước Chạ chúng tôi về làng, và làng chủ không thể tìm cách giữ lại được nữa. Vì nơi đây không được nói một tiếng nào cả nên người ta phải dùng hiệu kẻng để thay thế ý muốn của mình.
Tiếng kẻng thứ ba vừa dứt, các mâm rượu được dọn đi, trầu nước được bưng ra. Sau đó các quan viên xã khách đồng loạt đứng cả dậy. Chiếc ngai thờ của làng này được cung kính rước ra khỏi đình làng chủ, đặt lên cổ kiệu đòn rồng đề đi trong một bầu không khí im lặng trở về làng cũ.
Khi đã rời khỏi làng chủ tới giữa cánh đồng, các quan viên làng khách mới thở phào nhẹ nhõm và bắt đầu bô bô nói chuyện ồn ào như để bù đấp lại mấy tiếng đồng hồ giữ mồm giữ miệng vừa qua.
Trong thâm tâm người nào cũng cảm thấy thư thái như vừa thoát khỏi một cuộc thử thách gay cấn. Họ định bụng sang năm dân làng bạn rước Chạ sang bên họ, họ cũng sẽ kiểm soát các quan viên làng bạn thật ngặt nghèo như họ vừa phải trải qua vậy.
--------------------------------

1

Sắc biếc trong động ngăn cách với đất trời. Cây cổ thụ bên cạnh chứng tỏ sự trường tồn với tháng năm.

Ăn tết
Ăn Tết là một cái thú. Mặc dầu có những người khổ sở lắm. Vì Tết, khi năm cùng tháng tận đã phải chạy ngược chạy xuôi, lạy van hết chỗ này đến cửa khác để vay chỗ nọ mà đập trả chỗ kia cho đến lúc giao thừa mới yên tâm được mà tết với nhất. Lại càng có nhiều người công nợ quá rồi, chạy không đâu tiền trả thì đành liều trốn nợ, đến đêm ba mươi, mới dám lò dò về nhà, thấy khách nợ không còn ai thì bấy giờ mới đóng cửa lại để lo thu dọn mà ăn Tết.
Cái cửa đêm ba mươi đóng lại như thế là một cái gì yên trí lắm đối với con nợ khỏi bị réo róc, chẳng được lâu thì ít ra cũng được đến ngày hạ cây nêu. Bởi trong mấy ngày Tết, nếu cho người ta chẳng kiêng cho mình thì cũng phải kiêng cho người ta để đừng to tiếng đừng giận hờn khiến giông cả năm.
Kể ra nếu từ xưa không có lối kiêng cữ như thế thì có lẽ bây giờ chúng ta cũng nên bày ra cho có để người ta vui sống với nhau, ít nào cũng được lấy năm ba ngày trong một năm, còn hơn là không có ngày nào cả.
Thú nhất và buồn cười nhất là vừa mới chiều ba mươi người ta đã mắng nhau như tát nước vào mặt, mà sáng mồng một ra đường gặp nhau, đã lại nhoẻn miệng cười chúc nhau năm mới làm ăn phát tài bằng năm bằng mười năm ngoái. Bao nhiêu công nợ, bao nhiêu điều ong tiếng ve, bao nhiêu giận hờn oán ghét, đến hết ngày ba mươi là hết đấy. Lại cho đến khai hạ mới là bắt đầu lại cuộc sống bình thường, để bắt đầu nói chuyện lại về những vụ đó.
Cái khoảng mấy ngày Tết là cái khoảng mà người ta thấy hoàn toàn nhẹ nhõm để vui với gia đình, để ăn mà biết là ăn ngon, mặc mà biết là mặc đẹp.
Có những đứa con hư, đi lang bạt quanh năm suốt tháng, rồi làm bậy bạ, không ai còn muốn nhìn mặt nó nữa, nhưng đến đêm ba mươi Tết, nó biết lò dò vác mặt nó về, thì người ta cũng thôi, đánh chữ đại xá cho nó, để nó được ăn Tết, xong rồi mới lại đuổi cổ đi. Không khí bao dung trong gia đình Việt Nam thật là một không khí kỳ lạ.
Chẳng rõ như vậy có phải vì ảnh hưởng của những sự kiêng cữ, không thích thấy những gì gì là nặng tay nặng chân, nặng mày nặng mặt, và không muốn nhìn những gì là đổ vỡ, hư hỏng, xấu xa? Để tất cả một xã hội nhìn nhận ngày Tết là cái gì khác hẳn với những ngày thường trong đó chỉ toàn là tốt đẹp và vui vẻ.
Từ những người tài cao học rộng, đến những người chẳng biết một chữ gì, người nào cũng cảm thấy như mình vứt bỏ một chuỗi ngày cũ kỹ đi, để bắt đầu lần những chuỗi ngày mới, với không biết bao nhiêu hy vọng không biết bao nhiêu yêu đời. Dẫu cho có đứa con đau yếu vạn bất đắc dĩ người ta mới phải chạy tìm ông lang, còn có thể nấn ná được thì người ta cũng để qua ngày qua ngày mồng một trong khi gia đìng thỉnh thoảng ghé vào thăm nom, còn bên nhà ngoài tiếp khách, người ta cũng vẫn tươi cười như không có điều gì âu lo trong bụng.
Người ta nén bỏ những gì buồn phiền, để không làm buồn phiền sang những người khác trong dịp tết. Người ta dấu kín những đau khổ để không làm mất thú vui của người khác trong dịp vui ấy. Dù ai muốn hiểu thế nào đi nữa, tôi cũng vẫn phải nói rằng: đó mới là những thái độ và cử chỉ văn minh.
Bởi vậy ngày tết là một ngày thiêng liêng lắm. Một người sắp chết, hấp hối thêm một giờ nữa sau giờ giao thừa là đã tính thêm một tuổi nữa. Một đứa trẻ xổ ra trước giờ giao thừa một giờ sang đến ngày mồng một là đã bắt đầu lên hai tuổi. Không có ngày nào giờ nào khác trong năm lại có năng lực khiến toàn thể mọi người phân công nhận sự kỳ dị như vậy.
Sự kỳ dị này đã đến một mức không ngờ nữa là cả guồng máy xã hội đã như ngưng cả lại cùng với bầu không khí, cũng như đọng cả lại mà chờ đón buổi giao thừa. Việc gì quan trọng mấy cũng nghỉ hết. Từ trong triều đình đến các tỉnh đường, huyện đường, mọi hoạt động ở mọi ngành đều nhất loạt là nghỉ hết. Cho đến các đền chùa miếu mạo cũng chỉ cúng một lần chót, lần tất niên để rồi nghỉ qua năm mới. Kiện cáo gì cũng nghỉ, giao thiệp gì cũng nghỉ, học hành gì cũng nghỉ, làm ăn sắp đặt gì cũng nghỉ, tính chuyện đi xa đi gần gì cũng nghỉ. Việc thật hết sức cần, nhưng nếu không phải là cháy nhà, là giặc giã cướp bóc, giết người hại của, thì dầu phải làm trong ngày Tết kiếm được nhiều tiền, người ta cũng không bao giờ làm.
Hỏi tại sao thì chẳng ai cần biết rõ hơn, mà chỉ nhận rằng thế đấy, thế mới là Tết. Cho đến cầm cái chổi quét rác trong nhà, người ta cũng không quét nữa, để cho cái ý niệm nghỉ ngơi thật hoàn toàn là nghỉ ngơi, không làm gì cả, cho cả tâm hồn lẫn thể xác hòa đồng với cảnh sắc xuân tươi mà mới hết cả lại.
Thật cứ y như một tấm lụa nhuộm màu, phải lắng lại trong một thời gian rống rỗng cho màu kịp ăn vào đến trong lòng của từng tơ lụa.
Ngày Tết, với những màu nhân tạo của cây cỏ hoa lá, với những màu nhân tạo của nhà cửa đồ đạc, quần áo món ăn, quả là nhuộm thắm lại tất cả lòng người đến nét mặt của mỗi người nữa.
Cho nên người Việt Nam chúng ta đã ăn Tết mãi và sẽ còn ăn tết mãi như một cái thú mà Trời đã dành riêng cho kẻ biết thưởng thức cái giờ phút đẹp nhất của vũ trụ trong một năm vậy.
Hội làng
Sơ lược
Như chương trên đã trình bày, ngoài việc cúng lễ hàng ngày, và trong những ngày tuần tiết sóc vọng, hàng năm dân làng còn có lệ vào đám để mở hội cho dân làng mua vui.
Vào đám nghĩa là mở ra những cuộc hội hè có cúng bái tế lễ. Làng vào đám còn gọi là tổ chức trà nhập tịch, tức là tổ chức tiệc hội để dân làng theo ngôi thứ dự việc tế lễ thần linh, rồi sau đó lại theo ngôi thứ mà ngồi ở chốn đình trung để thừa lộc thánh, nghĩa là để cùng nhau hưởng thụ đồ lễ sau các cuộc cúng bái tế Lễ.
Khi làng vào đám thường có những cuộc vui để dân làng và dân các làng lân cận đến cùng mua vui, ngoài các cuộc tế lễ theo nghi thức.
Làng quê thường vào đám vào dịp tháng giêng, tháng hai hoặc tháng tám.
Mùa thu có những hội làng,
Có cây đu buổi xuân sang dập dìu. 1
Trong những dịp này, dân làng nô nức xôn xao, nhất là các trai gái làng lại được dịp công khai gặp gỡ nhau với quần là áo lượt, với sự chải chuốt đỏm dáng. Những chiếc khăn vuông mỏ quạ ôm ấp những cặp má hây hây và những cặp môi hồng tươi nở thơm nức hương trầu và cũng thắm đượm mùi trầu cay. Những con mắt long lanh của những chàng trai khăn đóng áo dài thường gặp những cặp mắt ngây thơ lưu luyến của các thiếu nữ trong đám hội.
Nói về hội làng phải phân biệt những lễ nghi tế tự với những trò vui trong ngày hội dành cho nam nữ thanh niên.
Lễ nghi tế tự
Làng thường vào đám vào hai dịp xuân thu, nhưng nhiều làng tổ chức hội hè vào các ngày thần húy và thần đản. Dù trong dịp nào, thường mỗi khi vào đám, dân làng đều theo đúng lễ nghi tục lệ về tế tự. Những lễ nghi này bao gồm:
Lễ rước nước. Đây là đám rước được tổ chức đi lấy nước ở một cái giếng hoặc một khúc sông nào trong sạch mang về đền để tắm thần vị.
Rước nước cử hành một ngày trước lễ chính thức.
Cũng có khi nước được lấy ở hồ. Ở hồ hay ở sông thì khi lấy nước cũng phải chèo thuyền ra giữa hồ hay giữa sông để lấy nước trong.
Lễ mộc dục. Đây là lễ tắm thần vị. Một ngày trước khi vào đám, có khi nửa đêm hôm trước dân làng cáo yết thần linh để xin tắm thần vị. Tắm thần vị bằng nước đã được dân làng rước mang về, nhưng thường tắm bằng nước này xong, dân làng lau lại thần vị một lần thứ hai bằng nước trầm hương.
Tại những làng có đền, nơi thần linh an ngự, lễ mộc dục cử hành tại đền, những nơi không có đền lễ này cử hành tại ngay đình.
Tế gia quan. Tế gia quan tức là tế mũ áo sau khi đã lau hết bụi.
Chính nghĩa hai chữ gia quan, theo Đào Duy Anh trong Hán Việt Từ điển là làm lễ đội mũ. Theo tục người Trung Hoa khi 20 tuổi thì làm lễ gia quan.
Theo lễ nghi vào đám của dân làng, sau lễ mộc dục thì những quần áo đại trào của thần linh, hoặc là quần áo của triều đình ban cho, hoặc quần áo bằng giấy, trong ngày thường vẫn thờ tại hậu cung, nay được đem lau chùi và phong lại bởi người cai kiệu và những chân kiệu, nghĩa là những người được cử khiêng kiệu đức Thành hoàng trong những buổi rước. Thường là các trai làng trong hạng đại hạ. Những người này phải trai giới từ mấy hôm trước, và chỉ những người này mới được tham dự việc lau chùi và phong mũ áo của thần linh.
Trong lúc lau chùi và phong mũ áo, mỗi người phải bịt miệng bằng một chiếc khăn điều để trần khí không xông tới Thánh cung mà mang tội bất kính.
Mũ áo, đai, mãng đã phong lại rồi được an phụng lên long kiệu, rồi tế một tuần, chờ đến sáng hôm sau thì rước từ đền về đình. Nếu mũ mãng ở ngay tại đình thì không có đám rước này, nhưng dân làng sẽ tổ chức những đám rước khác.
Rước. Ngày hôm sau thần vị được rước từ đền về đình. Đám rước này được gọi là đám rước nghênh thần.
Đi đầu đám rước là cờ quạt rồi đến trống chiêng. Sau trống chiêng là voi ngựa có tàn lọng che và có người vác thanh long đao đi kèm. Kế tiếp là các chấp kích viên vác đồ hộ bộ và bát bửu đi ở hai bên, còn ở giữa là một vị quan viên mặc áo thụng xanh có lọng che mang một chiếc biển bầu dục có đề mấy chữ “Thượng Đẳng Tối Linh” hoặc “Lịch Triều Phong Tặng”.
Rồi đến phường kèn trống, gọi là phường đồng văn với trống khẩu, thanh la, sinh tiền.
Sau đến cờ lệnh, kiếm lệnh, sau nữa là phường bát âm.
Sau phường bát âm tới long đình tức là kiệu có mái.
Rồi lại đến cờ quạt tàn lọng gươm đao để đi sau hết là long kiệu. Long kiệu không có mái, trên có mũ mãng đã phong từ tối hôm trước.
Rồi đến các quan viên đi theo.
Các chân đi trước, chân kiệu, cờ, đồng văn, bát âm đều do dân làng cắt cử. Những người này phải trai khiết từ hôm trước và phải tắm rửa sạch sẽ. Phần nhiều những người được cắt cử đều là trai làng hoặc gái làng, những người này phải sắm sửa quần áo, thường nam thì khăn đóng áo dài, thắt lưng điều ngang lưng, gọi là thắt lưng bó que, còn nữ thì áo cặp tứ thân hoặc năm thân, cũng thắt lưng điều ngang bụng trông rất gọn gàng. Quần áo phải đồng màu, nam khăn đen, áo dài đen, quần trắng, còn nữ hoặc áo màu nâu, thắt lưng điều hoặc một màu sặc sỡ khác.
Các chân nữ được gọi là phù giá, chỉ những làng nào thờ các vị nữ thần mới có.
Trong lúc đi rước, khiêng kiệu thánh ông do chân kiệu nam, kiệu thánh bà do chân kiệu nữ. Đi sau kiệu thánh bà, có các cô phù giá đội những tráp khảm, quả trầu đựng đồ lễ.
Rước đi từ đền đến đình, qua đường làng. Dân làng hoặc đi theo đám rước, hoặc đứng ở hai bên đường xem đám rước đi qua.
Các cô thôn nữ thường trong những dịp này ngắm nhìn kỹ lưỡng những chàng trai có chân kiệu, chân cờ, chân đồng văn, chân bát âm v.v... đã từng để ý tới các cô. Và các chàng trai, chân tuy bước theo đám rước, nhưng mắt vẫn nhìn sang hai bên để tìm kiếm người đẹp các chàng vẫn hằng mong ước mà các chàng tin rằng thế nào cũng có mặt trong đám dân làng đi xem rước.
Đám rước đi chầm chậm trong trật tự.
Long đình long kiệu có khi bay. Đó là do các chân kiệu bị tự kỷ ám thị cùng nhau đi mau, đi mau hơn mãi, hình như bị thúc giục, hoặc có khi vì người ngoài đi xem đông quá xô đẩy, các chân kiệu không kìm giữ được nên bước mau. Tục tin là Thánh giáng cho nên kiệu bay. Trong lúc này mọi người khấn vái, và những nhà ở hai bên đường vừa khấn vái vừa thắp hương.
Đám rước đi tới đình, kiệu được nước vào trong đình và thần vị được đặt lên bàn thờ.
Đại tế
Thần vị đã đặt lên bàn thờ, dân làng dâng đồ lễ tế một tuần long trọng.
Các vị quan viên được cử vào việc tế, gồm một vị chủ tế đứng mạnh bái, hai hoặc bốn vị bồi tế, hai người đông xướng và tây xướng, hai người nội tán, từ mười tới mười hai người chấp sự.
Thường ông tiên chỉ đứng chủ tế, còn các người khác đều kén chọn trong những người có chân khoa mục hoặc chức sắc trong làng.
Lễ tức trục
Trong suốt thời gian vào đám, mỗi tối dân làng đều có trầu rượu hoa hương cúng thần do các vị bô lão và quan viên làm lễ. Một số người được cắt canh, trong đó có ông cai đáng, tại đình để chầu chực hầu hạ thánh cho đến khi rã đám.
Xướng ca
Tại nhiều làng tối hôm trước thần vị về đình và có khi luôn mấy hôm sau, dân làng có tế thần. Trong những buổi tế này, mỗi tuần hiến rượu lại có ca nhi hát thờ thần. Tế xong ban hát, có khi là ả đào, có khi là hát bội, hát chèo, hát chúc thánh mừng dân suốt đêm. Trong lúc này, các bô lão và quan viên được cử cầm trống chầu.
Tuyên lời khánh chúc
Tại nhiều làng, trong khi mở hội có tục tuyên lời khánh chúc.
Thường lời khánh chúc được tuyên đọc sau buổi tế thần. Đây là một bài trường thiên từ phú, nội dung tả cái cảnh thanh bình của dân làng với tất cả những điều tốt đẹp làng xã được hưởng, có nhắc tới cả những danh lam thắng tích trong làng, để đoạn chính kể lại những công đức của đức Thành hoàng, nhờ ngài mà dân làng được thịnh vượng bình yên, nhờ ngài mà được phong đăng hòa cốc, và nhất là nhờ ngài mà bao nhiêu thiên tai dịch khí đã tránh được. Đoạn kết của lời khánh chúc là dân làng dâng lên ngài sự biết ơn và cầu xin ngài luôn luôn phù hộ cho dân làng được an cư lạc nghiệp.
Để lời khánh chúc được tuyên đọc long trọng, dân làng có giải thưởng cho những người lên đọc.
Thường có ba giải thưởng bằng khăn nhiễu điều, chè tàu, trầu cau hoặc đồ văn phòng tứ bảo như bút lông mực tàu.
Ai cũng có thể xin lên đọc lời khánh chúc được, dân làng hoặc người hàng tổng hàng huyện, hoặc bất cứ một người nào tới dự hội làng.
Khi đọc, dân làng cắt một tay văn tự cầm trống, hễ sai một tiếng hoặc sai một chữ thì đánh một tiếng cắc, bỏ một thoi vàng làm thẻ, người nào sai nhiều, số thoi vàng sẽ nhiều. Những người tốt giọng, đọc trơn tru gãy gọn từ đầu đến cuối, không sai chữ nào, không ngập ngừng ngắc ngứ thì được giải. Phần định giải cho những người cùng đọc trơn tru không sai chữ nào, tùy theo các cụ trong làng, người tốt giọng, đọc dõng dạc nhất được tặng giải nhất, rồi đến những ai đọc kém dõng dạc hơn được giải nhì và giải ba.
Thường rất nhiều người xin được dự đọc lời khánh chúc, vì đây là một dịp chứng tỏ cho dân làng biết mình cũng là tay văn tự, đọc thông từ phú, nhất là các chàng trai muốn nhân dịp khoe tài với gái làng. Ngoài ra, được giải thưởng là một điều vinh dự.
Số người xin dự đọc thường nhiều, nên những ai đọc quá ngập ngừng và sai quá mười chữ, thì vị quan viên cầm trống mời ra ngay, để người khác vào đọc.
Dân làng cũng như dân các làng lân cận rất ưa xem cuộc thi đọc lời khánh chúc. Những người đọc trơn tru được mọi người ngợi khen, trái lại những người quá kém, đọc sai nhiều, lại ngắc ngứ thường tự thẹn thùng khi bị mời ra để cho người khác đọc thế.
Các cô gái làng đứng ở hai bên cùng nhau tủm đám cười với những lời bàn tán, mỗi khi một chàng trai gặp trường hợp trên.
Cuộc tuyên lời khánh chúc thật là vui, vui cho người xem, vui cho các cụ trong làng phân định giải và vui cả cho những người được đọc hết lời khánh chúc dù không được giải.
Rã đám
Hội hè chừng khoảng mươi mười lăm ngày, tùy theo từng làng, tới ngày rã đám. Rã đám nghĩa là tan hội. Cũng có làng kéo dài hội hè đến hàng tháng, khi làng tổ chức đại hội, mới rã đám.
Ngày rã đám, dân làng tổ chức thêm một tuần đại tế tại đình làng.
Sau đó, thần vị lại được rước hoàn cung, nghĩa là rước trở về đền hoặc miếu, nơi thần linh thường hằng y an ngự.
Đám rước cử hành ngay sau tuần đại tế, hoặc có khi vào buổi chiều hay buổi tối. Rước vào buổi tối có thêm đèn đuốc rất vui. Nghi trượng rước vẫn theo như hôm rước thần vị từ miếu tới đình.
Tại nhiều xã, trong ngày rã đám có những cuộc vui đặc biệt và rất được hoan nghênh, và những cuộc vui này bao giờ cũng chỉ dành vào đêm hoặc ngày rã đám. Dưới đây là mấy thí dụ:
Làng Thị Cầu huyện Võ Giàng tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc) hôm rã đám có tục thi ném pháo. Một quả pháo đại treo trên cột cờ dân làng dùng pháo nhỏ đốt ném lên pháo đại, làm sao để pháo nhỏ nổ, bén lửa sang ngòi pháo đại cho pháo đại nổ theo thì được giải.
Làng Thị Cầu vào đám vào mùa thu, từ mồng bảy đến ngày 16 tháng tám thì rã đám.
Làng Dã La, tục gọi là làng Nam ở Hà Đông (Hà Tây) mở hội từ mồng sáu cho đến mười hai tháng giêng. Tối hôm rã đám làng này có một tục rất kỳ lạ trong khi tế rã đám. Tối hôm đó, toàn thể dân làng, nam, phụ, lão, ấu, con gái bà già, có vợ có chồng hay còn son trẻ đều có mặt tại đình làng để dự cuộc tế rã đám. Cuộc tế chỉ bắt đầu khi trời đổ tối. Dân làng thắp đèn để tế.
Khi cuộc tế vừa dứt, bao nhiêu đèn nến đều tắt hết và trong đình tối om om.
Trong lúc tối om này, dân làng tha hồ mà sờ soạng lẫn nhau; Ông già sờ được cô gái trẻ, cậu trai mười tám nắm phải bà già. Tắt đèn ai biết ai.
Đèn tắt để dân làng đùa cợt sờ soạng lẫn nhau một lúc lâu, đèn lại thắp lên. Và tế rã đám đã xong.
Có câu ca dao:
Bơi Dăm, rước Giá, hội Thầy
Vui thì vui vậy chẳng tầy rã đám Dã La.
°     °
°
Đại để về lễ nghi tế tự của các hội làng thường có các cuộc cúng lễ rước tế như trên.
Được dự vào các cuộc tế lễ là một điều vinh dự và phải là những bậc đàn anh trong làng, còn dân làng thường chỉ được tham dự vào những cuộc rước sách xung chân cờ, chân bệu, chân đồng văn, chân nhã nhạc nhưng như thế họ cũng đủ lấy làm sung sướng vì họ đã được phục dịch thần linh. Họ không bao giờ nệ tốn kém vì phải sắm sửa áo quần để đúng với y phục trong lúc rước lúc lễ.
Trong suốt thời gian dân làng vào đám, cửa đình làng mở rộng cờ quạt tàn tán cắm la liệt ở sân đình ở trước cửu tam quan. Luôn luôn có tiếng trống làng, luôn luôn trong làng có một không khí tưng bừng náo nhiệt với cờ ngũ sắc phấp phới, với thanh nam thanh nữ áo quần lòe loẹt kéo nhau đi xem rước, đi xem tế, đi dự những cuộc vui.
Và cũng trong thời gian này cửa chùa làng cũng mở để dân làng tới lễ nhân dịp hội làng, và cũng để cho khách thập phương tới xem hội, có dịp viếng thăm cảnh chùa lễ Phật.
Tại nhiều làng, trong các ngày hội, có một ngày dân làng cử hành đám rước thần vị từ đình tới chùa để đức Thành hoàng lễ Phật và nghe kinh.
Làng Thị Cầu tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc) trong thời gian hội làng, vào ngày mười hai tháng tám, dân làng có tổ chức đám rước thần vị từ đình làng đến chùa Điều, một ngôi chùa ở đầu làng, và thần vị cũng như Long kiệu được lưu tại chùa một đêm ở nhà bái đình. Sáng hôm sau, mười ba tháng tám dân làng rước thần vị trở lại đình.
Theo lời các cụ trong làng thì ngày mười hai tháng tám, đức Thành hoàng tới chùa lễ Phật và đêm đó ngài ở lại nghe kinh.
Trong đêm này, các vị sư ni trụ trì tại chùa, đây là một chùa sư nữ, luân phiên nhau gõ mõ tụng kinh trước Phật đài. Một số các quan viên đi rước phải thay phiên nhau vào lễ kinh, còn những người khác thì chầu chực ở nhà Tam quan. Bát hương trên kiệu thần, trước thần vị cũng như bàn thờ Phật đèn hương suốt đêm.
Các chân kiệu chân cờ cũng như các chân đi rước khác, ngoại trừ các vị quan viên có phận sự chầu chực thần vị, sau khi rước kiệu thần vị lên nhà bái đình đều ra về để ngày hôm sau lại tới chùa rước kiệu trở về.
Tại chùa đêm đó, quang cảnh tấp nập, vì dân làng nhân dịp này kéo nhau tới lễ Phật nghe kinh, và các khách thập phương cũng nhân dịp này tới thăm chùa.
Cùng với việc tụng kinh tại chùa, những trò vui buổi tối của hội làng như tổ tôm điếm, hát chèo v.v... nếu có, vẫn tiếp tục để dân làng và dân các làng lân cận tới xem hội mua vui.
Hội chùa
Từ trên mới nói về các nghi lễ tế tự của hội làng tổ chức nhân dịp làng vào đám và liên quan tới đức Thành hoàng. Thực ra khi nói về hội làng phải nói tới cả hội chùa tại các làng.
Chùa thường mở hội vào dịp kỵ nhật vị sư tổ đầu tiên của ngôi chùa.
Hội là hội chùa, nhưng sự tổ chức cũng phải được sự đồng ý, nhất là sự bảo trợ của ban hội đồng kỳ mục trong làng.
Thường trước ngày hội, ban hội đồng được nhà chùa xin phép và mời hội ở tam quan chùa để ấn định chương trình của ngày hội. Tuy gọi là hội chùa nhưng ngoài việc tụng kinh lễ Phật, cũng có tổ chức những trò vui như đánh đu, cờ người, cờ bỏi v.v... để dân làng mua vui. Ban hội đồng kỳ hào ngoài việc bảo trợ về tinh thần cho nhà chùa, còn giúp đỡ thêm cả tài chính để tổ chức những cuộc đàn chay; những chi phí về các trò vui cũng do quỹ làng gánh vác.
Nhân dịp giỗ sư tổ này, nhà chùa làm cỗ chay trước là cúng Phật, sau là cúng sư tổ. Cúng xong, nhà chùa khoản đãi dân làng tới lễ.
Những người đi lễ, ăn bữa cơm chay, tục gọi là thụ trai đều tự ý góp tiền bạc nhiều ít để giúp đỡ nhà chùa. Thụ trai xong, khi ra về họ được nhà chùa tặng lộc Phật gồm oản, chuối.
Oản do nhà chùa đồ xôi rồi đóng thành oản, còn chuối, một phần do nhà chùa mua ở chợ, nhưng phần lớn do các thiện nam tín nữ mang tới lễ Phật với trầu cau hương nến.
Trong những ngày hội chùa, các bà vãi thường tới chùa kể hạnh, nghĩa là tụng những bộ kinh nhắc lại sự tích đức Phật và chư vị bồ tát với đức hạnh của các người. Thường các bài kể hạnh hay nhắc tới sự tích Quan Âm Thị Kính với những sự hàm oan của người.
Những trò vui xuân
Ngoài phần tế tự, hội đình cũng như hội chùa có những trò vui xuân làm tăng sự nhộn nhịp cho ngày hội, và chính những trò vui xuân này đã khiến cho người ta nô nức kéo nhau đi xem hội, và trai gái làng thường cũng nhân trong những trò vui xuân này mà gặp gỡ hẹn hò nhau.
Các cụ gọi những trò vui này là trò bách hí, nghĩa là một trăm trò vui.
Bách hí là các trò vui, mỗi trò đều có treo gỉai. Giải treo nhiều ít tùy từng làng, nhưng giải nào cũng có phân làm hai ba hạng, giải thưởng hoặc tiền, hoặc nhiễu, hoặc quạt tàu, chè tàu, v.v... Hạng nhất thì được giải to, hạng kém thì được giải nhỏ, còn kém nữa thì gọi là giải hàng. 2
Có nhiều trò vui, tuy làng có treo giải, nhưng những người tham dự thường không dự giải, mà chỉ lấy sự tham dự làm vui. Tỷ như các trai gái vùng Bắc Ninh dắt nhau tới hội để hát quan họ, họ lấy sự hát với nhau làm thú, dù làng mở hội có treo giải, cũng rất nhiều bọn không vào dự giải mà họ chỉ cùng nhau đứng bên bờ ruộng, đằng sau đình, hoặc trước sân chùa để cùng hát với nhau. Những bọn hát này có khi là người làng, có khi là trai gái các làng lân cận kéo nhau tới. Gặp gỡ nhau được hát với nhau là họ toại nguyện, họ thực rất ít đề ý tới những giải thưởng của làng nên họ không vào dự hát giải.
Lại cũng như thú đánh đu ngày hội. Hội hè tại các tỉnh Bắc Ninh Bắc Giang (Hà Bắc) thường hội nào cũng có cây đu, có làng trồng hai ba cây đu trong dịp hội. Trai gái kéo nhau tới hội, thấy cây đu là rủ nhau lên đánh đu. Được đánh đu với nhau là họ thỏa mãn, không bao giờ họ nghĩ đến việc đánh đu lấy giải.
Chính vì sự thờ ơ của trai gái với các cuộc thi đánh đu lấy giải, nên nhiều làng, trong khi mở hội có làng trồng mấy cột đu nhưng không đặt giải thì đánh đu.
Đu trồng lên đấy, trai gái làng hoặc trai gái thiên hạ, đã đến hội, ai muốn lên đánh đu cũng được, và càng đông người giành nhau cây đu, hội càng vui.
Các trò bách hí thay đổi tùy từng hội của từng làng. Làng này mở hội với những trò vui này, làng khác lại mở hội với những trò vui khác.
Hội hè đình đám về mùa xuân thường kéo dài hết ba tháng xuân. Ca dao có câu:
Tháng giêng ăn Tết ở nhà
Tháng hai cờ bạc tháng ba hội hè.
Để nói lên sự nhàn rỗi của dân quê trong ba tháng đầu năm.
Lúc ấy là lúc vụ cấy chiêm đã hoàn thành mùa gặt tháng năm lại chưa tới, dân các làng quê có thì giờ nghỉ ngơi.
Nói là ăn tết, cờ bạc và hội hè, nhưng chính ra trong ba tháng xuân là ba tháng của hội hè, ngoại trừ mấy ngày Tết đầu năm. Có làng mở hội ngay từ ngày mồng ba Tết như làng Tích Sơn, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Yên (Vĩnh Phú), làng Lũng Ngoại, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên Vĩnh Phú, làng Mai Động, tổng Mai Điệp, Đại lý Hoàn Long, Hà Nội; hoặc cũng có làng mở hội ngày mồng bốn Tết như làng Hữu Chấp, tục gọi là làng Chắp, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc), làng Bàn Giảng, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên (Vĩnh Phú). Và sau đó từ mồng năm tháng giêng trở đi, hết làng này đến làng khác mở hội. Hội hè để người dân quê vui xuân, nhất là ở miền Bắc. Nơi đây, đất hẹp, dân đông, lắm đồi nhiều núi, kỹ nghệ chưa mấy phát triển, chưa đủ thu hết thì giờ rỗi rãi của người dân quê trong mùa quân.
Suốt quanh năm đầu tắt mặt tối, làm buổi hôm, lo buổi mai, hết công việc đồng áng tới công việc vườn tược, dân làng quê rất ít dịp nghỉ ngơi để vui chơi, ca hát và ăn uống, chỉ có mùa xuân họ mới có thì giờ nhàn rỗi để cùng nhau chia vui trong những buổi hội hè.
Tại sao, được nghỉ ngơi dân ta không tìm thú vui riêng, cứ phải có hội hè mới vui xuân được? Xin thưa, không kể tục lệ hương ẩm nó ràng buộc người dân trong cuộc sinh hoạt cộng đồng từ ngàn xưa, dân ta vẫn lấy sự quây quần xum họp làm vui, nên lúc vui người ta muốn hòa đồng cùng vui, niềm vui sẽ tăng lên gấp bội, người ta vui cùng dân làng, cùng những người làng trên xã dưới cùng tới thưởng thức những trò vui của hội làng.
Những trò vui này thật nhiều, và có trò vui của người đứng tuổi như tổ tôm điếm, cờ người, cờ bỏi, thi thơ... nhưng nhiều hơn là những trò vui dành cho tuổi trẻ, cho các trai gái làng đang lớn trong tuổi yêu đương: đánh đu, hát quan họ, hát ví, bắt trạch trong chum... Có những trò vui khuyến khích tinh thần thượng võ như đánh vật, đánh phết, đánh trung bình tiên, bơi thuyền, kéo co..., lại có những trò vui khuyến khích việc nữ công như thổi cơm thi, thi cỗ, thi dệt vải... Có nhiều nơi, có những trò vui nhằm cổ võ sự chăn nuôi gia súc: thi trâu bò, thi lợn gà... hoặc việc trồng trọt: thi dưa hấu ở làng Thổ Tang, phủ Vĩnh Tường...
Các trò vui ngày hội bao giờ cũng quyến rũ các nam nữ thanh niên, và thành phần đi xem hội thường ở trong lứa tuổi này. Đã đành rằng, có người già có người trẻ, và ai nấy tới hội đều tìm thấy cái thú của mình. Các bà già đến hội cũng có những thú riêng: đi chùa lễ Phật, nghe kinh và nghe kể hạnh.
Đây là chưa kể nhiều làng có tục diễn lại các thần tích, với những giai đoạn lịch sử như hội làng Phù Đổng có diễn lại tích Phù Đổng Thiên Vương giết giặc Ân, hội làng Trường Yên, huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình (Hà Nam Ninh) có diễn lại tích “Cờ lau tập trận” của vua Đinh Tiên Hoàng hoặc có những làng tổ chức những cuộc vui cả làng tham dự như làng Cung Thuận, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây tục gọi là làng Me, hàng năm vào ngày hội mồng 4 tháng hai âm lịch, có tục cả làng đánh cá tại ao làng ở trước đình. Nhân dịp này, tất cả trai làng đều xuống ao đánh cá, còn những người khác cùng với khách thập phương đứng vây trên bờ ao xem các chàng trai đánh cá với tiếng hò reo inh ỏi: Các chàng trai hàng trăm người với hàng trăm cái vó, cái nơm, cái cụp cùng lội bì bõm ở dưới ao đuổi theo những đàn cá thật là nhộn nhịp.
Các trò vui của hội quê, mỗi trò một vẻ, trong phạm vi một chương sách, rất tiếc chúng tôi không nhắc tới được nhiều.
Đi hội xuân để vui xuân, ngày vui nhàn rỗi người dân quê thường đi hội xuân để tham dự hoặc thưởng thức những trò vui của ngày hội. Và, những hội xuân này tuy gọi vào hội làng nhưng vẫn hằng lôi cuốn được rất nhiều khách thị thành hàng năm tới xem hội với những trò vui hấp dẫn và lành mạnh.
Trước đây, ai đã ở Hà Nội, chắc còn nhớ quang cảnh ngày hội Lim tổ chức trên đồi Um, tên chữ là Hồng Vân Sơn, thuộc xã Lũng Giang, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc) với đông nghịt những chàng trai Hà Nội về xem hội. Cũng như ai đã tìm được dịp xem hội Gióng, tại làng Phù Đổng vào ngày mồng 9 tháng 4 âm lịch, với sự diễn trận Phù Đổng Thiên Vương đánh giặc Ân ắt phải nhận thấy sự hiện diện của rất đông khách thành thị về dự hội.
Thành thị hay thôn quê, ai mà không biết thưởng xuân với những trò vui xuân của hội hè.
Tục giao hiếu
Nhiều địa phương, các làng xã gần nhau thường cùng thờ một vị Thành hoàng, như bốn xã Phù Đổng, Phù Dực, Đông Viên và Đông Xuyên huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc) cùng thờ đức Phù Đổng Thiên Vương, như hai xã Yên Sở và Đắc Sở, huyện Thanh Trì tỉnh Hà Đông (Hà Nội) cùng thờ vị danh tướng đời Tiền Lý là Lý Phục Man; cũng có khi hai ba xã ở cách xa nhau một vài xã khác cùng thờ một vị Thành hoàng như các xã Yên Cư, Đa Giá, Yên Bồng, Yên Khê tỉnh Ninh Bình (Hà Nam Ninh) và xã Bảo Lộc tỉnh Nam Định (Hà Nam Ninh) cùng thờ Hưng Đạo Vương, như các xã Thị Cầu tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc) và Nam Ngạn, tỉnh Bắc Giang (Hà Bắc) cách nhau con sông Cầu cùng thờ hai vị danh tướng đời Lý Nam Đế là Trương Hống và Trương Hát; ngoài ra, còn trường hợp hai xã thờ hai vị thần có liên hệ với nhau như xã Đông Cao, phủ Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định (Hà Nam Ninh) thờ Mỵ Châu, con gái vua An Dương Vương và xã Đông Bộ cùng tỉnh thờ vua An Dương Vương.
Những xã cùng thờ một vị thần, hoặc thờ các vị thần có liên hệ với nhau, thường có tục giao hiếu làng nọ với làng kia.
Các xã này thường hàng năm cùng tổ chức vào đám một dịp, những xã này rước lẫn sang nhau gọi là rước đánh giải. Khi xã nọ cử hành đám rước tới xã kia thì các bô lão, quan viên, các chân kiệu cũng như các chân đi rước đều vào đình lễ thần sau khi đã rước kiệu vào. Sau đó để tỏ tình giao hiếu, xã chủ mời xã khách giải tọa uống rượu và nghe hát.
Việc giao hiếu tùy lệ, có nơi chia nhau mỗi xã làm chủ một năm, các xã khác đều ước hẹn một ngày cử hành đám rước tới xã này, rồi cùng tổ chức một lễ tế thần chung. Tế xong, các xã cùng thừa hưởng lộc thánh ăn uống với nhau, và cùng nhau dự các cuộc vui chung: nghe hát, dự xem các trò bách hí v.v...
Cơm khoản đãi
Thường trong việc giao hiếu, xã chủ bao giờ cũng làm tiệc khoản đãi xã khách. Đám rước xã khách tới đầu làng đã được hàng bô lão quan viên xã chủ áo thụng khăn xếp đứng đón để đi theo đám rước vào đình.
Sau cuộc tế lễ, xã chủ mời xã khách rất cung kính trịnh trọng, thường dùng chiếc cạp điều trải để mời xã khách.
Xã khách được xã chủ mời chia nhau theo thứ tự trên dưới ngồi như ở làng mình để dự tiệc, và xã chủ cũng cùng dự tiệc và phải cắt người tiếp khách đúng theo thứ vị của xã khách, thí dụ bô lão thì do bô lão tiếp, quan viên thì do quan viên tiếp, các chân kiệu chân cờ do dân làng tiếp.
Bữa tiệc khoản đãi này rất vui. Cả xã chủ lẫn xã khách, sau khi an tọa cùng nhau trong bữa tiệc reo to ba lần, gọi là reo hoan thanh, nghĩa là cất lên những tiếng reo vui mừng để cùng mừng bữa tiệc liên hoan giữa các xã. Ba lần reo cách nhau khá lâu, lần đầu 3 tiếng, lần thứ hai 6 tiếng và lần thứ ba 9 tiếng. Khi reo xong lần thứ ba thì bữa tiệc tan.
Cơm quả, cơm Quan viên
Xã khách tuy được xã chủ khoản đãi, nhưng theo tục lệ, trước khi đi rước, những người đi rước thường làm sẵn một mâm cỗ lịch sự đựng vào trong một chiếc quả đỏ, cho người đem tới xã chủ, gọi là cơm quả để lễ thần. Các bô lão, quan viên và chức sắc, ngoài mâm cỗ nói trên, còn sắm sửa năm ba mâm nấu những đồ ngũ trân bát vị, đủ các thứ bánh đường bánh ngọt mang tới xã chủ để lễ thần gọi là cơm quan viên.
Trong bữa tiệc liên hoan giữa các xã, cơm quả và cơm quan viên, cùng được hạ xuống để dân mấy xã chủ khách cùng xơi.
Trong tục giao hiếu, các làng thường hết sức giữ lễ với nhau, nhất là trong bữa cơm khoản đãi, phải giữ gìn lời ăn tiếng nói và cố tránh mọi sự sơ ý có thể gây nên hiềm khích giữa hai làng.
Mấy đám rước giao hiếu
Như trên đã nói, những xã giao hiếu với nhau thường có tục rước đánh giải. Dưới đây là mấy thí dụ đơn cử ra để tìm hiểu ở những người quê hương tại các xã này:
Bốn xã Phù Đổng, Phù Dực, Đông Xuyên và Đông Viên vào ngày mồng chín tháng tư cùng tham dự chung cuộc diễn trận Phù Đổng Thiên Vương phá giặc Ân mà trước đó và sau đó có những đám rước chung. Đặc biệt là ngày 11 tháng 4, tất cả bốn xã đều cùng rước nước để rửa lại khí giới và đồ thờ đã dùng trong việc diễn trận. Và ngày 12, bốn xã lại có một đám rước chung để cùng đi kiểm soát lại chiến trường. Trong đám rước này, cờ trắng được trương lên đầy đường để chứng tỏ quân giặc đã quy hàng.
Làng Thị Cầu, hàng năm vào đám, có tổ chức đám rước sang làng Nam Ngạn vào ngày mồng mười tháng tám. Xã Nam Ngạn được xã Thị Cầu coi và xã đàn anh, nên dân làng Thị Cầu rước thần sang làng Nam Ngạn ngày hôm trước, thì hôm sau dân làng Nam Ngạn đáp lễ lại, cũng theo đám rước sang làng Thị Cầu. Nói là dân làng, ở đây phải hiểu là các bô lão, các quan viên và các chân đi rước.
Đám rước phải qua sông Cầu, xưa kia chưa có cầu phải dùng thuyền, và cuộc rước thần qua sông rất vui. Dân làng Nam Ngạn đón đám rước làng Thị Cầu từ bờ sông và dẫn đám rước tới đình.
Làng Yên Cư thờ Hưng Đạo Vương vào đám vào dịp tháng tám. Trong dịp này có tổ chức vào ngày 20 tháng tám đám rước qua sông Đáy, sang xã Phú Hào nằm đối diện với xã Yên Cư ở bên kia sông. Đặc biệt trong đám rước này kiệu thần do các thiếu nữ thanh tân từ 18 tuổi phụ trách khiêng, và có nhiều thiếu nữ khác đi kèm gọi là phù giá. Lệ làng này trong ngày hội, những con trai 18 tuổi trở lên được dân làng cắt khiêng kiệu nhưng làng cũng lại cắt các thanh nữ cùng tuổi để khiêng kiệu của Hưng Đạo Vương phu nhân và các quận chúa.
Đám rước ngày 20 từ xã Yên Cư sang xã Phú Hào thuộc tỉnh Nam Định (Hà Nam Ninh). Lẽ tất nhiên rước qua sông phải dùng thuyền, nhưng theo dân làng Yên Cư thì các kiệu của Hưng Đạo Vương, của phu nhân và của các quận chúa không phải dùng thuyền. Trong buổi rước này, các kiệu đều do các cô phù giá khiêng và lội qua sông. Phép màu của Hưng Đạo Vương thực là huyền diệu nên các kiệu lội qua sông không chìm và các cô phù giá cũng không ai bị ướt.
Đám rước sang tới xã Phú Hào, nghỉ tại đình làng này và được dân làng khoản đãi theo tục lệ, cho đến chiều đám rước lại trở về, nhưng lần này thì quay về bằng thuyền.
Đám rước qua sông vui lắm. Nào cờ bay phấp phới, nào binh khí dàn hàng, nào phường bát âm, nào trống kèn, hương tỏa khói trầm và người đông nghịt những con thuyền.
Xã Đông Cao, Nam Định thờ Mỵ Châu, hàng năm mở hội từ ngày 15 tháng 8 âm lịch cho đến ngày 20 mới rã đám. Hội vui nhất vào hôm 18, tức là hôm có đám rước kiệu Mỵ Châu từ xã Đông Cao cho đến đình làng Đông Bộ, ở bên bờ sông Hồng Hà.
Theo dân xã Đông Cao thì đám rước này, chính là đám rước để Mỵ Châu tới yết kiến vua cha có đền thờ tại xã Đông Bộ. Chính ngày này, tại Đông Bộ, dân làng cùng mở hội để kỷ niệm vua An Dương Vương.
Làng Đông Bộ năm nào cũng chờ dân xã Đông Cao rước kiệu Mỵ Châu tới.
Dân địa phương gọi hai đền thờ vua An Dương Vương và Mỵ Châu là ĐỀN CHA và ĐỀN CON. Hàng năm Con phải tới yết kiến Cha để vấn an cũng như để tạ tội xưa vì mình mà nước mất nhà tan rồi vua cha phải thác.
Đám rước tới Đông Bộ, kiệu Mỵ Châu được rước vào đình, sau đó các bô lão, chức sắc và quan viên xã Đông Cao vào tế một tuần, ý nghĩa của buổi tế là để mừng Mỵ Châu ra mặt vua cha.
Sau buổi tế, dân làng Đông Bộ tiếp đãi các bô lão, quan viên, chức sắc và các chân đi rước xã Đông Cao một cách lịch sự với tiệc khoản đãi.
Buổi chiều, kiệu của Mỵ Châu lại được rước từ đình làng Đông Bộ về Đông Cao.
Trên đây là mấy đám rước cử hành giữa các xã có giao hiếu với nhau. Đây chỉ là mấy thí dụ đơn cử ra. Thực ra, về các xã giao hiếu với nhau có rất nhiều, và những đám nước chung hoặc riêng ở các địa phương không phải ít. Có khi cả một tổng cùng đi rước như tại Phủ Giây, huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định (Hà Nam Ninh), nơi xã Bảo Ngũ, có đền thờ Liễu Hạnh công chúa, đám rước cả tổng cử hành, hoặc như tại Trường Yên, Yên Mô, Ninh Bình (Hà Nam Ninh) đám rước vua Đinh Tiên Hoàng có rất nhiều xã dự v.v...
Tương trợ, tương ứng giữa các xã giao hiếu
Các xã giao hiếu thường coi nhau như xã anh em do đó mối liên lạc giữa các xã rất mật thiết, không kể sự liên lạc về tế tự như đã nói ở chương này.
Các xã thường giúp đỡ nhau trong những cơn hoạn nạn, chia vui sẻ buồn cùng nhau. Khi đàn anh một xã qua đời, các xã kia đều có đó phúng viếng, khi một xã có giặc cướp, các xã khác tự động tiếp ứng.
Khi hai xã giao hiếu giáp ranh nhau cùng chung một cánh đồng, tuần đinh thường canh giúp cả những ruộng lúa của xã kia ở gần địa giới xã mình. Chẳng may một xã gặp thiên tai lụt lội, các xã khác sẽ giúp đỡ về mặt vật chất bằng cách cho vay lúa giang hoặc quyền để cứu trợ.
Trong tục giao hiếu của các xã, nhiều khi có những tục rất lạ lùng, nhất là khi sự giao hiếu này lại cấu kết bởi ân huệ của xã nọ đối với xã kia. Trong trường hợp này, khi xã thi ân có hội làng, xã thụ ân thường có đồ lễ tới lễ thần, và những ngày Tết nhất, các xã đàn em cũng như các xã thụ ân thường cử một phái đoàn gồm một số bô lão quan viên tới lễ Tết và chúc Tết lại xã đàn anh hoặc xã thi ân.
Dân hai xã Phú Đa và Trinh Nữ, phủ Bình Giang tỉnh Hải Dương (Hải Hưng), vì giao hiếu với nhau, nên trai gái hai làng không được lấy lẫn nhau.
Tục giao hiếu giữa các làng với tinh thần tương thân tương trợ, kể ra thực đáng duy trì, vì đây chính là sức mạnh của các làng quê nói lên sự đoàn kết giữa những xã anh em.
Các làng đã giao hiếu với nhau phải chú trọng tới sự tế tự và những sự liên lạc trong những kỳ đình đám hội hè. Phải tôn trọng tục lệ của nhau, và nhất là phải giữ lễ với nhau.
Làng này làng khác phải coi trọng đình đám hội hè của nhau và phải giữ phần gánh vác của mình trong những kỳ đình đám chung.
Và không bao giờ xã nào được bỏ đám rước đánh giải khi làng vào đám đối với xã anh em. Chính đám rước này đã củng cố tình giao hữu giữa những làng lân cận.
Mấy hội làng với vài nét đặc biệt của phong tục địa phương
Ngoài những điểm chung của nghi lễ, mỗi hội làng có những đặc điểm riêng của phong tục, và chính những đặc điềm riêng này biểu lộ qua các trô vui đã kéo khách thập phương tới xem hội.
Địa phương nào có tục lệ riêng của địa phương ấy, và mỗi trò vui lại có một khía cạnh, và đã tìm hiểu văn hóa của dân tộc không thể bỏ qua những khía cạnh này, hay dở tùy nhãn quan của từng người.
Kể ra, nếu nói về hết mọi hội, tất nhiên không thể gói ghém riêng trong mấy trang giấy được, nhất là khi người ta định tìm hiểu kỹ càng các thần tích với những trò diễn lại. Ở đây tôi không mang hoài bão nêu lên các hèm của chư thần, nhưng tôi muốn mượn những điều đã được một số các nhà văn trình bày qua sự sưu tầm để cống hiến bạn đọc một đôi nét độc đáo của phong tục Việt Nam, những nét độc đáo này vì thời cuộc, vì mọi biến chuyển của đất nước đã mất đi nhiều, và có lẽ ngày nay chỉ còn là những dư vang.
Các tục lệ của ta rất nhiều, nói hết không sao xuể trong phạm vi một chương sách. Tôi chỉ xin trích lại vài bốn bài để bạn đọc có ý nhiệm về những hội hè địa phương từ Bắc chí Nam với những trò vui đặc biệt. Ngoài những bài này, muốn tìm hiểu nhiều hơn, rất mong bạn đọc sẽ tìm kiếm trong những sách khác nói về phong tục Việt Nam với hội hè đình đám.
Có lẽ bạn đọc sẽ thấy là quá ít với bốn hội làng được trình bày sau đây, nhưng tôi tin rằng qua các hội này, các bạn cũng đã có một ý niệm về những tục lệ địa phương.
Tục thi thả diều và thi chọi diều hàng năm của dân chúng tổng Hà Nam (Quảng Ninh)
Trong các thú chơi ở đồng quê Việt Nam có thể nói chơi diều là một thú chơi phổ thông nhất. Phổ thông nhưng không phải và thiếu cầu kỳ. Vì có thấy tận mắt một người cặm cụi làm diều, ta mới rõ rằng thú chơi diều quả là đòi hỏi cũng lắm công phu, không kém gì những thú chơi khác ở đồng quê như cây cảnh, chim cu, chim yến, chọi gà v.v...
Nhưng nếu bảo rằng thú chơi diều biến trở thành tục lệ hẳn hoi thì quả thật không đâu bằng ở tổng Hà Nam, tỉnh Quảng Yên (Quảng Ninh), Bắc Việt 3 Tục lệ thả diều thi tại đây đã có từ lâu, đời này truyền lại cho đời khác, và nó đã nghiễm nhiên trở thành một tập tục không thể thiếu sót hàng năm của người dân trong vùng.
Tổng Hà Nam vốn là một cù lao chung quanh toàn biển cả vây bọc. Chung quanh tổng Hà Nam có đắp một con đê để ngăn nước biển khỏi tràn vào. Ruộng ở đây phần đông toàn ruộng nước mênh mông. Lúa mọc rất cao. Có khi từ thân cây lúa tới mặt nước đo được tới tám mươi phân hay hơn nữa. Cây lúa mập và khỏe khác hẳn các cây lúa ở vùng khác. Từ thị xã Quảng Yên tới, người ta có thể đi đò len lách qua các ruộng lúa. Hoặc nếu dùng đường bộ thì có một con đường đất đỏ ở sát chân đê, sau khi đã đi phà từ bên tỉnh vượt qua một vùng biển nhỏ để tới tận chân đê bao quanh tổng Hà Nam. Chính con đường đất đỏ trên dẫn tới một ngôi chùa giữa cánh đồng, nơi có sẵn bãi đất rộng dùng để tổ chức cuộc thi thả diều hàng năm của toàn dân trong vùng.

Ngôi chùa giữa đồng này ở cách làng Hải Yên và làng Phong Cốc cũng không xa, chỉ khoảng hơn một cây số. Vào những hôm rằm hay mồng một, thiện nam tín nữ trong vùng đi lễ chùa đông lắm. Trước kia chùa bị hư nát, tượng Phật xấu xí sau được một nhà hằng tâm hăng sản bỏ tiền ra trùng tu lại, đúc thêm chuông tạc thêm tượng, ngôi chùa trở nên phong quang mỹ thuật nhiều.

Theo tục lệ hàng năm do người xưa lưu truyền lại, cứ đến ngày mùng tám tháng tư âm lịch, ngày Phật đản, công việc lễ bái xong xuôi là toàn thể tổng Hà Nam cùng bàn tính đến việc thi thả diều. Ngày thì luôn luôn là ngày rằm tháng tư âm lịch. Theo sự tin tưởng của mọi người, năm nào cuộc thi thả diều vào hôm rằm tháng tư được tốt đẹp, nghĩa là trời quang mây tạnh, trăng sáng vằng vặc, tức là năm ấy mùa màng sẽ được tốt tươi, dân tổng no ấm không phải lo sợ nạn đói kém.

Các vị chức sắc kỳ mục trong toàn tổng Hà Nam họp nhau tại đình làng Phong Cốc, một ngôi nhà lớn nhất tổng để bàn bạc mọi việc tổ chức cuộc thi thả diều. Tiếp theo, mô làng được lệnh đi rao cho tất cả mọi người đều hay để ai nấy kịp sửa soạn con diều của mình. Có nhiều ông mê diều cố tìm cách sáng tạo nên những chiếc diều thật đẹp, những chiếc sáo thật hay để đem thi. Lệ thi là phải thả loại diều cánh cung và phải diều lớn ít nhất từ hai thước tây chiều ngang trở lên.

Các thứ diều trẻ con chơi không được dự thi. Diều bé dễ lên hơn diều lớn. Công việc làm một chiếc diều lớn mất lắm công phu, chẳng phải bất cứ ai cũng làm được.

Trước hết muốn cho con diều sau này sẽ bay cao bay bổng người ta phải biết chọn tre. Tre càng già, càng nhẹ, con diều càng dễ lên cao. Tre già uốn diều cũng dễ, hai cánh diều sẽ cân và đều hơn.

Nếu làm diều cho trẻ con chơi cầu kỳ một phần thì ngược lại vót diều cho người lớn đem đi thi cầu kỳ gấp cả ngàn lần. Người ta phải nắn vuốt làm sao cho hai đầu cánh diều thật thuôn thật đều nhau, không bên nào được nặng hơn bên nào dù chỉ một li. Ở giữa cánh diều, người ta buộc một sợi dây treo lên xà nhà, hai đầu cứ ngang bằng như cán cân thì mới được gọi là trúng. Khi lắp thành khung diều rồi công việc cũng cầu kỳ không kém. Sợi đây chăng ở khung diều cũng bắt buộc phải được đo được kỹ lưỡng, để khi phất giấy lên chỗ nào cũng như chỗ nào, không có ô lớn ô nhỏ. Những con diều lớn có khi dài tới năm sáu thước tây rộng với hai thước rưỡi hay ba thước là thường. Bởi vậy người ta không thể phất cánh diều bằng giấy được, mà phải dùng vải thay thế. Bên ngoài lớp vải người lại còn cẩn thận phất thêm một lần cậy hoặc một lần sơn để diều có thể chịu đựng được mưa nắng lâu ngày không bị hư mục. Nguyên do, có khi con diều được thả bay trên trời hàng tháng hoặc suốt cả mùa chơi, cho tới sang thu mới kéo xuống.

Khoản dây diều cũng hết sức quan trọng. Thời xưa người ta có thói quen làm dây diều bằng tre. Loại tre dễ vót dây diều cũng được chọn lựa kỹ lắm. Tre phải là thứ tre mảnh cật, giống tre thẳng và đốt không bị cháy hay sâu mọt đục khoét. Hơn nữa, cây tre dùng để làm dây diều phải là cây tre già vì tre non không được bền dai mấy. Người ta chẻ cây tre thành từng mảnh dài suốt dọc từ gốc đến ngọn. Sau đó, mới lấy dao nhỏ ngồi vót cho thật đều và nhẵn. Một cây tre vót làm dây diều giỏi lắm chỉ được chừng hai ba trăm thước là nhiều. Muốn diều lên cao hơn phải vót thêm. Những sợi dây tre đó được nối lại với nhau và đó chính là một công trình tỉ mỉ. Khi tre đã vót xong, nhất là tre già thường giòn và dễ gẫy nên không thể nối ngay vào nhau được. Mà nếu cứ để y nguyên như thế đem thả diều, thì chắc chắn chỉ vài cái vặn, diều chao lên chao xuống vài lần, là đứt. Cho nên người ta phải tìm cách làm cho dây mất tính chất giòn đi. Người ta bỏ dây tre vào một chiếc nồi lớn đem luộc. Có người cho muối vào luộc, có người lại gia giảm thêm vài vị thuốc bắc để dây tre không những mềm mại mà còn kỵ được mọt nữa. Dây diều hết năm này qua năm khác vẫn lại dùng được khỏi cần phải làm dây mới. Nội công việc luộc dây cũng mất ít nhất là nửa ngày. Có người luộc kỹ gần suốt ngày nhưng đó là tùy theo độ già của cây tre. Công việc chế tạo dây diều tuy có mất nhiều thì giờ thật đấy, nhưng khi mang ra dùng nó sẽ có nhiều lợi. Thứ nhất là không sợ đứt, thứ hai là nó rất nhẹ, diều thả lên không sợ bị võng dây v.v.,. ấy là chưa kể dùng dây tre thật rẻ tiền vì ở nhà quê tre không thiếu.

Con diều đã làm xong rồi, dây diều cũng đầy đủ rồi, ta có thể mang diều ra thả được ngay, không sao cả. Nhưng nếu có một chiếc diều đẹp thả lên cao như vậy mà không có tiếng sáo kèm theo thì có khác nào như một giai nhân xinh đẹp mà lại mắc tật... câm? Không được. Như thế không ai có thể chấp nhận được. Đã gọi là diều thì phải có sáo. Mà một khi con diều càng đẹp bao nhiêu, bay bổng bay cao bao nhiêu, thì nó lại càng cần phải có một bộ Sáo xứng đôi vừa lứa bấy nhiêu.

Nói như thế có nghĩa là không phải là bạ sáo nào cũng cứ lắp vào diều được đâu. Sáo là những ống tre to nhỏ được gọt giũa kỹ lưỡng, hai đầu có gắn hai cái "miệng sáo" trông tựa hồ như miệng cái nhạc ngựa để khi gió thổi vào thì sẽ phát ra tiếng kêu vi vu trầm bổng...

Muốn làm sáo diều, ống tre phải chọn ở những thân tre già, còn hai miệng sáo thì dùng thứ gỗ mỏ. Sở dĩ cầu kỳ như thế vì tre già gỗ mỏ vốn chịu đựng được mưa nắng, không sợ bị co dãn hay sứt mẻ. Muốn sáo kêu hay, sau khi lựa được ống tre rồi người ta phải gọt bớt lớp áo bên ngoài rồi dùng lưỡi dao nhỏ để nạo ruột bên trong cho mang đi. Có như thế tiếng sáo mới kêu lớn và thanh. Chính giữa ống sáo người ta đục một lỗ để luồn cọc sáo rồi gắn lại cho thật kín để giữ gió sáo mới kêu vang. Nghệ thuật khoét miệng sáo càng khó khăn hơn, vì phải tính toán làm sao cho miệng sáo hút lấy gió và thổi vào trong lòng sáo, ngõ hầu tạo nên âm thanh theo đúng ý muốn của mình. Miệng sáo nhỏ và dài, lòng sáo hút nhiêu gió sẽ rít lên, miệng sáo khoét rộng và có hình vành cung thì gió sẽ thi nhau hút vào hết đợt nọ đến đợt kia, tạo thành những tiếng ngân dài êm ả...

Những người sành chơi diều sáo khi xưa đã từng phân biệt được ra bốn loại âm thanh của sáo: chim, còi, đẩu và cồng. Sáo chim người ta không buộc vào diều thả lên mà buộc vào chim bồ câu để thả thi trong những ngày hội hè. Thứ sáo này chỉ có một đầu, còn sáo buộc vào diều thì luôn luôn có hai đầu. Sáo còi thì có tiếng kêu the thé và kéo dài. Sáo đẩu phát tiếng kêu ngân nga vo vo và đều đều. Tiếng sáo cồng lớn nhất, mạnh mẽ nhất, y hệt tiếng chiêng rền vang trong chốn ba quân vậy. Giới sành điệu thường nói "diều nào sáo nấy" không thể lẫn lộn được. Chẳng hạn như một chiếc diều khi đâm lên nhanh vun vút, thỉnh thoảng đảo ngang vài cái thật mạnh gọi là diều cánh cắt, luôn luôn đổi dây có khi kéo cả người theo. Những luồng gió mạnh đối với loại diều này không ăn thua gì. Đó là loại diều phải lắp sáo còi, có khi lắp hai ba chiếc cũng được, để nó rít lên từng hồi inh ỏi. Diều càng no gió, sáo còi càng rít khỏe. Một chiếc diều có đeo loại sáo đẩu phải là chiếc diều khi đâm lên thì bốc một cách từ từ, ung dung, không có vẻ gì sôi nổi. Nếu gặp lúc gió mạnh, nó hơi ngất ngây một chút như cốt làm duyên với đám người bên dưới chiêm ngưỡng nó. Lúc đó, đám người sẽ được thưởng thức tiếng sáo đẩu ngân nga thật dịu dàng nghe như tiếng ru con của một bà mẹ hiền trong những buổi trưa hè oi ả vậy. Nếu chiếc diều đó mà đeo bộ sáo còi vào thì thật không gì vô duyên bằng, vì có khi sáo câm tịt không ra tiếng, có khi phát ra những âm thanh ngập ngà ngập ngừng như một anh ngọng. Riêng sáo cồng chuyên để ráp vào những con diều thật lớn. Diều nhỏ không thể đủ sức mang nổi nó.

Lẽ đương nhiên tất cả những người dân trong tổng Hà Nam đều sành sỏi chơi diều sáo hơn ai hết. Ngay mấy bữa trước ngày thi chính thức, người ta đã nô nức mang diều ra bãi đất cạnh ngôi chùa giữa đồng để thả thử, xem có gì khiếm khuyết thì sẽ kịp thời sửa chữa. Bãi đất này là bãi đất công cộng, thường ngày trẻ chăn trâu tụ họp ở đây để chơi đùa trong lúc trâu bò gậm cỏ. Trên khắp bãi đất cũng như chung quanh đó rất xa không hề có cây cối vướng víu, do đó là một nơi thả diều thật lý tưởng. Tuy nhiên, trước hôm thi người ta cũng cho dọn dẹp bãi đất cho được sạch sẽ quang quẻ hơn, và cấm không cho chăn trâu ở đó nữa. Theo tục lệ của tổng Hà Nam, ngày thi thả diều hàng năm cũng là một ngày lễ thánh để cầu khẩn đấng thiêng liêng phù hộ cho mùa màng của dân chúng toàn tổng được tốt tươi.

Sáng sớm ngày rằm tháng Tư âm lịch, theo chương trình đã dự định từ trước, các vị bô lão đại diện cho tất cả các làng trong tổng Hà Nam kéo đến chùa cúng tế rất long trọng. Chính buổi sáng hôm đó người ta mới lập danh sách những người có diều muốn được dự thi. Muốn dự thi không khó khăn gì, chỉ việc tới nói với vị chánh tế. Sau khi cuộc tế chấm dứt thì ông chánh tế lo việc kể tên những người dự thi diều vào một cuốn sổ.

Thí sinh không phải mất một khoản lệ phí nào, chỉ phải tuân theo một điều lệ bắt buộc là mang diều dự thi của mình đến để trình diện. Ông chánh tế điền tên thí sinh vào sổ xong, sẽ viết mấy chữ nho lên trên cánh diều của người đó. Viết bằng sơn để khỏi bị mờ. Có nhiều chiếc diều đã dự thi năm bảy phen, nét bút sơn ghi thành từng dãy dài, và đó chính là niềm hân hoan kiêu hãnh của người chủ diều. Lệ định chung là tới chính ngọ ngày hôm ấy thì khóa sổ, những ai chưa kịp ghi tên phải đợi đến sang năm dự thi vậy.

Tới khoảng bốn giờ chiều khi trời đã nhạt nắng các tay đua bắt đầu đem diều ra bãi. Năm nào cuộc thi thả diều cũng thu hút được rất nhiều khán giả tới xem. Nhất là trẻ con thì đông vô kể. Chúng cũng mang theo những chiếc diều tí hon ra và tổ chức thi riêng với nhau như người lớn, tạo nên một khung cảnh ồn ào nhộn nhịp hiếm có.

Khi số diều dự thi đã hiện diện đầy đủ, người ta bắt đầu so sánh bàn tán xem cái nào hay cái nào dở. Cuộc bàn cãi thật ồn ào gay cấn.

Tới đúng năm giờ chiều cuộc thi bắt đầu. Ông chánh tế ban sáng lần lượt phát số cho từng chiếc diều tùy theo số dự thi nhiều ít mà ông sắp đặt. Chẳng hạn năm nay có hai chục diều dự thi, thì ông sẽ chia làm bốn chuyến, mỗi chuyến thi năm chiếc diều. Không bao giờ được quá con số năm cánh diều đâm lên trong cùng một chuyến, bởi lẽ nếu nhiều quá thì các giám khảo sẽ khó nhận xét. Trong khi một chuyến diều sắp sửa được đâm lên, có một người đàn ông lực lưỡng, tay cầm nhăm nhăm cái câu liêm, cặp mắt hau hau nhìn... Đó là nhân vật chuyên môn... cắt dây diều. Những chiếc diều dự thi khi đâm lên mà đảo lên đảo xuống hoặc quay tít... sẽ bị vị hung thần câu liêm kia cắt đứt dây ngay lập tức. Chính vì lẽ đó mà điều lệ thả diều đã cấm ngặt các chủ diều không được cột diều bằng dây thép hoặc dây kim khí. Một đôi khi những gã lưu manh ăn tiền của một người dự thi nào đó giả bộ lân la xán đến xem diều của kẻ khác rồi rình lúc người ta sơ ý, kéo lệch dây lèo đi một tí, thế là xong. Dây lèo đã lệch thì lúc đâm lên diều không cân sẽ đảo ngang, đảo ngửa vị hung thần sẽ được dịp vung câu liêm ra để thi hành cái bổn phận kiểm soát của mình.

Vậy thì, giờ phút nghiêm trọng đã tới. Năm người năm diều đứng cách nhau đúng mười thước tây. Họ cùng giơ cao con diều của mình lên, và phía trước mặt đàng xa thì người kéo diều, cách khoảng năm chục thước. Diều thi cỡ lớn phải dài dây như thế mới lên được. Dây ngắn quá không đủ sức cho nó bốc. Nếu làm diều khoét sáo là một nghệ thuật thì khi đâm diều và kéo diều lại là một nghệ thuật khác nữa. Thật thế, muốn thả diều cho bốc phải biết lựa cơn gió. Gió mạnh thì đâm làm sao, gió nhẹ phải đâm cách nào... Nếu áp dụng đúng phương pháp diều sẽ bốc thật mau thật thẳng. Bằng không thì sẽ nhiều chuyện lôi thôi lắm. Khi diều đã lên hết cả rồi và không có chuyện gì xảy ra nữa, các chủ diều phải từ từ nhử để đưa diều về một điểm ấn định trước rồi đóng cọc buộc đấy đợi cho tất cả diều dự thi bay lên hết rồi mới chấm điểm. Ban giám khảo sẽ căn cứ vào lúc diều mới thoạt đâm lên, xem cách diều bay có thẳng hàng không, có thường bị chao qua chao lại không v.v... Những diều thi tuy không bị câu liêm cắt đứt từ lúc đầu nhưng khi lên cao rồi mà cứ đảo ngang đảo dọc thì coi như hỏng. Chủ diều phải mau mau kéo xuống. Cuối cùng ban giám khảo đồng ý chỉ để lại ba cánh diều nào được xem là hoàn hảo nhất, thi nhau bay trên trời cao, và đợi đến sáng hôm sau mới tuyên bố kết quả. Bởi lẽ người ta còn phải để cả một đêm dài suy nghĩ và lắng tai thưởng thức tiếng sáo của ba chiếc diều kia, xem tiếng sáo nào vi vút hơn trầm bổng hơn, nhiên hậu mới định ngôi cao thấp một cách hết sức công minh được.

Và sáng hôm sau, khi trời vừa hửng nắng, mọi người sốt sắng tề tựu ở sân chùa để nghe ông chánh tế và cũng là chánh chủ khảo cuộc thi thả diều tuyên bố kết quả. Giải thưởng tuy không đáng là bao, nhưng ai cũng mong muốn được đoạt giải vì nó là niềm hãnh diện mà tất cả những dân chơi diều tổng Hà Nam đều đã từng ôm ấp từ lâu. Sau khi kết quả đã được tuyên bố và những người trúng giải đã lãnh giải xong, diều của họ cứ việc cột ngoài đồng cho bay như thế trong ba ngày ba đêm liền. Tới hôm thứ tư, người ta mới đem kéo diều xuống. Thông thường, diều nào chiếm giải nhất thường được mọi người xúm lại hỏi xin chủ diều một đoạn dây để lấy khước.

Cuộc thi thả diều hàng năm đã hoàn tất mỹ mãn rồi. Bây giờ mới là lúc người ta tổ chức một cuộc thi khác cũng về diều nhưng gay go và hào hứng hơn: Thi chọi diều.

Nếu muốn thi thả diều, người ta phải mất công làm diều cho thật kỹ lưỡng thì trái lại làm diều để chọi người ta không quá cầu kỳ đến như thế. Diều chơi không cần phải đứng yên lặng, nếu không muốn nói là nó càng chao qua đảo lại bao nhiêu càng tốt, miễn đừng chao đảo xuống đất. Đồng thời, diều chọi cũng phải có những đặc tính là luôn luôn tuyệt đối tuân theo sự điều khiển của người cầm đây để có thể bất thần bốc tướng lên cao hoặc trên cao bổ nhào xuống như máy bay khu trục tấn công phá hoại diều địch. Diều để chọi thường được buộc thêm ba cái đuôi ở phía sau dài lối hai ba thước tây cho cân...

Người ta thường tổ chức cuộc chọi diều vào những hôm có gió thổi lớn. Gió càng lớn, cuộc chọi diều càng nhiều hào hứng gay cấn. Muốn được dự cuộc chọi, hai diều phải bằng nhau, không cái nào lớn hơn cái nào. Trái với loại diều thả thi, diều chọi được vót nhọn hoắt ở đầu diều, hai bên cánh buộc thêm hai mũi dùi bằng tre vót nhọn dài năm phân tây. Đó là ba món khí giới để tấn công diều địch.

Ở tổng Hà Nam, điều lệ chọi diều được đặt ra như sau:

Hai diều phải có kích thước y hệt như nhau vẻ cả chiều dọc lẫn chiều ngang.

Có khí giới đều nhau.

Dây thả diều dài bằng nhau.

Diều phải phất bằng giấy bản thường, không được phất cậy, sơn, hoặc bất thứ nhựa gì khác (cốt để cho khí giới đối phương có thể đâm thủng được).

Nếu xem thi thả diều hào hứng một phần, thì xem chọi diều hào hứng gấp trăm. Điều quan trọng là tùy tài nghệ của người cầm dây điều khiển ở bên dưới. Có những lúc diều nhào xuống rồi lại đâm bổng lên, hoặc xoay tít như chong chóng mà không hề bị rớt xuống đất, thế mới thật tài tình.

Diều chọi thường thả bằng dây đàn se bằng tơ tằm. Dây tơ tằm nhỏ, đanh sợi và rất bền. Thoạt đầu hai bên xem xét diều của nhau một cách kỹ lưỡng và cùng công nhận cả hai rất hợp điều lệ để chơi. Họ bắt đầu đâm diều lên cao trong cùng một lúc. Thả diều lên hết dây rồi, họ đóng cọc để đấy, đợi nắng bớt gay gắt đã. Chọi diều mà bị nắng chiếu vào mặt, chói mắt thì còn điều khiển ra sao? Cần phải bớt nắng mới được. Cũng trong lúc đó, các quan viên ưa đánh cá bắt đầu ngóng cổ quan sát hai con diều và đánh cuộc xem diều nào thắng, diều nào bại. Cuối cùng, cuộc chọi bắt đầu. Hai chủ diều thong thả nhổ cọc và sửa soạn trổ tài. Giây phút hồi hộp đã tới rồi đây.

Trước tiên không ai bảo ai mà cả hai đều tìm cách thu ngắn bớt dây diều của mình lại. Đó là một miếng đòn thông thường của phép chọi diều, để bất thình lình khi đã lừa cho diều địch ở đúng phía trên diều của mình rồi thì thả dây ra, cho diều mình bốc lên đâm một đòn chí tử hầu đoạt phần thắng lợi trong chớp mắt. Nếu không tránh kịp miếng đòn này, diều địch sẽ bị đâm thủng một lỗ. Một lỗ rách là một điểm. Nếu trong lúc giao đấu không có diều nào bị hạ đo ván thì người ta sẽ mang diều xuống mà định hơn thua.

Miếng đòn độc thứ hai của phép chơi diều là lối kéo diều mình đi chếch chiều gió để cánh nhọn tạt ngang làm thủng cánh diều địch. Đòn thứ ba là điều khiển cho diều từ trên cao bổ nhào xuống đâm thủng lưng đối phương v.v...

Nói tóm lại, đòn chọi diều tuy không nhiều nhưng nếu biết áp dụng một cách tài tình biến hóa thì cũng tạo nên những pha gay cấn hồi hộp không thua gì cả hai võ sĩ trên đấu trường.

Trò chơi chọi diều của dân chúng trong tổng Hà Nam còn kéo dài cho đến hết tháng tư âm lịch mới thôi. Sau đó người ta đem cất diều đi để lo việc đồng ruộng và đợi đến năm sau sẽ lại dự giải thả diều cũng như sẽ đem diều ra chọi.

Toan Ánh
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lần Tính Toán Sau Cùng Gã ngồi lặng bên khung cửa, lắng nghe từng cơn đau xé da thịt. Gã tính khoảng cách giữa các cơn đau, gã nhớ lần...