Làng xóm Việt Nam 2
Tuy muốn thay đổi các cơ cấu này, song trước khi đi vào sự cải cách có lợi cho họ, họ cũng chờ đợi hai chục năm sau khi đã chiếm đứt miền Nam nước Việt mới ban hành nghị định đầu tiên vào năm 1940 ấn định việc cải tổ hành chánh xã tại Nam Việt, và trước khi ban hành nghị định này, các viên quan cai trị chủ tỉnh đã có một sự nghiên cứu kỹ lưỡng.
Việc cải tổ bắt đầu ở Nam Việt trước để đi dần tới Bắc Việt và Trung Việt.
Tại Nam Việt
Trước năm 1904, hội đồng hương chức tại các làng Nam Việt gồm những chức vụ chính sau đây:
Hương cả : đứng đầu vì lý do tuổi tác.
Thủ chỉ : giữ văn khố.
Hương chủ : giữ nhiệm vụ cố vấn chính trị.
Hương sư : giữ nhiệm vụ trung gian chính thức giữa làng và các quan lại.
Hương lão : cố vấn hội đồng.
Hương trưởng : cố vấn trong việc thi hành mệnh lệnh của các cấp trên.
Hương chánh : giữ chức cố vấn chính thức
Câu đương : giữ nhiệm vụ thẩm phán trong làng.
Hương quản : trưởng ban cảnh sát.
Thủ bộ : giữ nhiệm vụ thủ quỹ.
Hương thân : chịu trách nhiệm về hành chánh tổng quát (cùng với Hương hào).
Xã trưởng : giữ nhiệm vụ trung gian giữa làng và chính quyền.
Hương bộ : giữ các sổ thuế.
Hương hào : chịu trách nhiệm về hành chính tổng quát cùng với Hương thân.
Qua các chức vụ trên, thường thì Hương cả đứng đầu Hội đồng Hương Chức, nhưng riêng tại tỉnh Bà Rịa, nay là Phước Tuy, Hương chủ lại đứng trên Hương cả.
Hội đồng hương chức với các chức vụ chính nêu trên bị người Pháp coi là thiếu quy củ và cho là cơ cấu này đang bị đe dọa vì mọi hương chức đều thờ ơ với công việc xóm làng. Người Pháp nói là muốn nâng cao uy tín cho các chức vụ tại hương thôn nên cần một sự cải cách.
Thực ra với nền tự trị, làng xã Việt Nam có rất nhiêu ưu điểm mà chính người Pháp cũng nhận thấy, nhưng họ muốn dùng cái ưu điểm đó có lợi cho họ. Nghị định ngày 27 tháng 8 năm 1904 được ban hành thành lập ban Hội tề tại các xã, còn gọi là Hội đồng làng, mỗi nhân viên trong ban Hội tề lĩnh một chức vụ riêng biệt. Cũng vì mỗi nhân viên trong Hội đồng làng có một nhiệm vụ rõ rệt như vậy, nên vị thứ các vị kỳ hào được ổn định theo tính cách quan trọng hay không của các chức vụ mà họ phụ trách.
Ban Hội tề gồm các nhân viên với các chức vụ và thứ vị sau đây:
Hương cả: Hương chức đứng đầu; chủ tọa Ban Hội tề; giữ văn khố.
Hương chủ: Phó chủ tọa; giữ nhiệm vụ thanh tra các cơ quan của làng và tường trình cho Hương cả.
Hương sư: Giữ nhiệm vụ cố vấn trong việc giải thích luật lệ
Hương trưởng: Giữ ngân sách làng; trợ giúp các giáo viên, nhân viên ban chấp hành.
Hương chánh: hòa giải những vụ tranh chấp nhỏ giữa những người trong làng.
Hương giáo: chỉ dẫn cho các hương chức trẻ tuổi; thư ký hội đồng.
Hương quản: trưởng ban cảnh sát; kiểm soát hệ thống giao thông và chuyển vận.
Hương bộ: giữ sổ thuế và sổ chi thu của làng; trông nom công sở cùng vật liệu của làng.
Hương thân: giữ nhiệm vụ của một hương chức chấp hành, là trung gian giữa nhà cầm quyền tư pháp và ban Hội tề.
Xã trưởng: giữ nhiệm vụ của một hương chức chấp hành, là trung gian giữa làng và chính quyền; giữ triện của làng; giữ việc thu thuế cho chính quyền.
Hương hào: giữ nhiệm vụ của một hương chức chấp hành.
Chánh lục bộ: giữ sổ sách về hộ tịch; báo cho dân chúng biết để đề phòng những bệnh truyền nhiễm xảy ra trong làng.
Ngoài 12 nhân viên trên, ban Hội tề, tùy từng xã với tục lệ riêng của mình, có thể có một số viên chức khác kém quan trọng hơn.
Hương lễ: giữ nhiệm vụ chủ tọa các buổi tế lễ.
Hương nhạc: trưởng ban âm nhạc.
Hương ẩm: tổ chức hội hè và tiệc tùng.
Hương văn: soạn thảo các bài văn tế vị thần làng.
Thủ khoản: chịu trách nhiệm về ruộng nương và gìn giữ công điền.
Cai đình: chịu trách nhiệm trông nom gìn giữ chùa chiền...
v.v…
Về nhiệm vụ hương chức chấp hành của ba vị Hương thân Xã trưởng và Hương hào phải kể việc giữ gìn trật tự an ninh, việc thi hành những quyết nghị của thượng cấp và của tòa án.
Việc tuyển lựa các hương chức vào ban Hội tề, nghị định năm 1904 ghi là những người này sẽ được tuyển lựa trong số các điền chủ trong xã.
Sở dĩ người Pháp tin dùng các điền chủ là vì những người này vì quyền lợi của mình sẽ không có những hành động chống đối với những người không có tư sản, và do đó không có quyền lợi nhiều. Người Pháp với nghị định 1904 đã bắt đầu tạo ra lớp cường hào ác bá để làm tay sai cho chúng.
Tuy vẫn tôn trọng tục lệ của dân làng, nhưng những tục lệ sẽ do chính chân tay người Pháp bảo toàn. Người Pháp đã khôn khéo đặt tại các làng tùy theo tục lệ địa phương một số các chức vụ có tính chất phong tục nhiều hơn là tính chất hành chánh.
Ngoài ra, cùng với việc thành lập ban Hội tề, người Pháp đã phục hồi lại tục lệ thăng chức các hương chức. Nói rằng để phục hưng tục lệ cổ truyền của dân Việt Nam, nhưng chính ra người Pháp đã dùng sự thăng chức này làm một sợi dây xích để trói buộc các hương chức đứng vào phe họ, có chịu tuân theo lời họ, hương chức mới có hy vọng được thăng chức.
Theo tục lệ này thì một kỳ hào ở cấp cuối cùng (tức là Hương hào) muốn trở thành vị Hương cả trong xã (tức là vị Chủ tịch Hội đồng xã, giữ chức vụ cao nhất), cần phải lần lượt vượt qua tất cả các cấp bậc ở dưới. 5
Với sự cải cách năm 1904, người Pháp tuy tạo ra một lớp cường hào ác bá, sẵn sàng làm tay sai cho họ, nhưng vẫn còn nhiều sự dè dặt, nhất là trong vấn đề tuyển lựa nhân viên ban Hội tề, quyền tuyển lựa tuy không nói rõ nhưng còn ở trong tay dân làng, và các luật lệ địa phương tại các xã vẫn được tôn trọng mặc dầu có sự giám hộ của chính quyền thuộc địa. Người Pháp thấy rằng với chế độ làng xã 1904, họ chưa thực quyền nắm hẳn công việc quản trị làng xã, nên hơn hai chục năm sau, năm 1927, họ lại cải cách ban Hội tề để họ có thể can thiệp một cách triệt để hơn vào các công việc làng xã.
Trước khi cải cách ban Hội tề, họ nêu lên lý do sự thiếu hữu hiệu của ban này. Trong thông tư ngày 24-11-1926, viên Thống đốc Nam Kỳ gửi cho các Chủ tỉnh, đã nhắc tới sự khó khăn gặp phải trong việc tuyển lựa nhân viên ban Hội tề. Giai cấp thượng lưu bản xứ nhất là giới địa chủ và giới trí thức, không chịu tham gia ban Hội Tề, khiến các chức vụ làng xã lọt dần vào tay những kẻ bất tài và thiếu lương tâm.
Để tránh tệ hại thực sự hoặc giả tưởng trên, nghị định ngày 30-10-1927 của Toàn Quyền Đông Dương ra đời. Ban Hội tề được gọi là Hội đồng kỳ hào và gồm 12 viên chức chính. Viên Chánh lục bộ trước không được xếp vào hạng kỳ hào nay được nâng lên hạng này.
Nhiệm vụ của các viên chức khác trong ban Hội tề cũng có sự thay đổi, và quyền hành chỉ huy được đặt vào trong tay mấy vị Hương cả, Hương chủ và Hương sư. Căn cứ theo nghị định 1927, dưới đây là nhiệm vụ mới của nhân viên ban Hội tề, so với nhiệm vụ ấn định bởi nghị định năm 1904:
Hương cả: ngoài các nhiệm vụ cũ thêm nhiệm vụ trông nom tất cả các cơ quan trong làng, nhưng chuyển giao công việc giữ văn khố cho Hương bộ.
Hương chủ: giữ thêm nhiệm vụ thủ quỹ và giao nhiệm vụ thanh tra cho Hương sư.
Hương sư: giải trừ nhiệm vụ cũ. Trở thành nhân viên trong ban chấp hành giữ nhiệm vụ thanh tra và nhiệm vụ phó chủ tọa.
Hương trưởng: giải trừ nhiệm vụ nhân viên ban chấp hành và nhiệm vụ giữ ngân sách làng; giữ nhiệm vụ trông nom việc học.
Hương chánh: thêm nhiệm vụ cố vấn cho các viên chức chấp hành.
Hương giáo: vẫn nguyên nhiệm vụ cũ.
Hương quản: thêm nhiệm vụ phụ tá của ông Biện lý.
Hương bộ: thêm nhiệm vụ giữ văn khố và giữ ngân sách làng.
Hương thân: vẫn nguyên nhiệm vụ cũ.
Xã trưởng: vẫn nguyên nhiệm vụ cũ.
Hương hào: thêm các nhiệm vụ Trưởng ban cảnh sát làng, nhiệm vụ thi hành luật lệ về đường sá và nhiệm vụ tống đạt giấy tờ của tòa án.
Chánh lục bộ: như cũ.
Với sự cải cách mới, như trên đã nói, chức vụ chỉ huy cả ban Hội tề lẫn làng xã nằm vào trong tay ba viên chức đầu, và riêng vị Hương cả được quyền chuyên biệt chỉ huy mọi cơ quan của làng. Vai trò của Hương cả do đó được rõ rệt hơn và ảnh hưởng của vị này cũng trở nên quan trọng đối với dân làng; chính ảnh hưởng quan trọng này đã là đầu mối của nạn cường hào ác bá và nạn này xảy là rất hợp ý muốn của người Pháp. Gia dĩ việc tuyển lựa các viên chức xã, người Pháp lại nhằm tìm một lớp người có đủ bảo đảm về lòng trung thành đối với nước Pháp; những địa chủ, những người giàu có, những công chức các ngạch từ trung đẳng trở lên hồi hưu từ dịch, các quân nhân trong quân ngũ thuộc địa giải ngũ với các cấp bậc đội trở lên mới được ứng cử vào hội đồng kỳ hào. Để có thể tuyển lựa dễ dàng vào ban Hội đồng này những người khả dĩ có thể tin cẩn ở lòng trung thành của họ được, nguyên tắc thăng cấp trước đây bó buộc các kỳ hào phải lần lượt vượt qua các cấp bậc dưới tuy vẫn được duy trì nhưng được áp dụng một cách mềm dẻo, linh động hơn. Với sự mềm dẻo linh động này, nhiều chân tay của Pháp được xung vào ban kỳ hào các xã.
Mặc dầu hậu ý của người Pháp là muốn giao nhiều chức vụ các xã cho bọn chân tay của họ, nhưng họ cũng không dám phạm vào tục lệ cổ truyền một cách trắng trợn, nghĩa là các kỳ hào mới vẫn phải do sự lựa chọn của các kỳ hào hiện diện trong ban Hội tề chỉ định. Tuy nhiên, với sự cải cách mới, các chủ tỉnh có quyền nhiều trong việc tuyền lựa kỳ hào, và việc tuyển lựa này muốn trở thành nhất định phải có sự duyệt y của chủ định.
Nghị định ngày 30-10 - 1927 được áp dụng cho tới hết thế chiến thứ hai. Trong thời gian này vấn đề cải tổ chế độ hành chánh xã trong Nam lại được đặt ra sau cuộc khởi nghĩa đẫm máu của anh em binh sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng tại Yên Bái hồi tháng 2 năm 1930 6 Tháng 8-1930, Thống Đốc Nam Kỳ cho thành lập một Hội Đồng Cải Cách với mục đích cải thiện đời sống dân chúng. Hội đồng này đã đề nghị một sự cải cách sâu rộng chế độ hành chánh xã thôn và muốn các xã tại Việt Nam được tổ chức như các xã bên Pháp, nghĩa là trong xã sẽ có các hội viên Hội đồng xã và các viên chức hàng xã. Đề nghị này chỉ ở nguyên trong vòng đề nghị vì chính quyền Pháp đâu có muốn sự cải cách sâu rộng vì quyền lợi dân chúng ấy. Họ cho là không thích ứng với xứ thuộc địa này, mà lại có sự nguy hiểm là sẽ đảo lộn trật tự của các xã, và nhất là, người Pháp sẽ khó nắm nổi được các Hội viên của Hội đồng xã dự định kia. Chế độ 1927 cứ được áp dụng cho đến sau cuộc bại trận của Pháp. Khi đó, trước mọi biến chuyển của tình hình chính trị tại Đông Dương, chính quyền Pháp lại nghĩ tới sự cải cách, và Toàn Quyên Đông Dương lại có ký nghị định ngày 5-1-1944 để cố gắng tập trung quyền hành một cách chặt chẽ trong việc chỉ định các hương chức tại Nam Việt. Nghị định quy định rõ ràng thể thức tuyển lựa các hương chức. Hương chức phái lập một ban danh sách ứng cử viên để một hội đồng gồm tất cá các hương chức, cựu hương chức, cựu công chức và cựu binh sĩ đã từng cư ngụ ở trong làng được ít nhất là hai năm căn cứ vào đó mà tuyển lựa. Những sự bổ nhiệm vẫn phải được vị tỉnh trưởng phê chuẩn, như trước. Một mặt khác các ứng cử viên phải đã có tên ghi trong sổ ghi dân số của làng ít nhất được hai năm, có đóng thuế thân ở làng và không bị can án. 7
Ngoài ra, với chế đội 1944, có thêm hai hạng ứng cử viên mới:
- Những người có học từ bằng Thành chung trở lên.
- Những binh sĩ tuy không có bằng cấp gì, nhưng đã tỏ ra can đảm trong khi lâm trận và được thưởng Anh Dũng Bội tinh. Những ứng viên này chỉ cần biết đọc và biết viết.
Với nghị định 1944, người Pháp kiểm soát chặt chẽ hơn việc tuyển lựa viên chức làng xã và nhờ sự kiểm soát này, họ dễ đặt vào hội đồng kỳ hào những người trung thành với họ. Chỉ riêng với thành phần ứng cử viên ta cũng thấy rằng, những người này, vì quyền lợi sẵn có của họ, họ sẽ không phản bội nước Pháp.
Chế độ 1944 hay hoặc dở và ảnh hưởng ra sao đến các tổ chức thôn xã, chưa có thể biết được, đã xảy ra cuộc đảo chính 9-3-1945, và với cuộc đảo chính này người Nhật đã thay thế người Pháp ở Đông Dương, nghĩa là ở cả Việt Nam trong đó có Nam Việt.
Qua các giai đoạn trình bày trên, ta thấy rằng trong thời kỳ thống trị Việt Nam, người Pháp đã dần dần nắm hết quyền kiểm soát nền hành chính xã, và lấn hết quyền tự trị xã thôn của ta tại Nam Việt, và với sự lấn át này, bao nhiêu tập tục nghìn xưa của ta, đã bị người Pháp dần phá hủy để tại nên một lũ cường hào ác bá tay sai.
Tại Bắc Việt
Chế độ làng xã tự trị tại Việt Nam là một chế độ tốt đẹp, và như trên đã trình bày có rất nhiều ưu điểm, nhất là về phương diện cai trị và an ninh trật tự xã hội. Hàng xã phải chịu trách nhiệm về hành động của dân làng đối với quốc gia. Khi người Pháp đặt chân sang đất nước ta, họ cũng không phủ nhận những ưu điểm của nền tự trị này. Paulin Vial, một viên quan cai trị Pháp trong cuốn Trung và Bắc Kỳ (L’Annam et le Tonkin) đã viết:
Đó là phương pháp duy nhất thích hợp với sự an toàn của chúng ta, vì nó chia rẽ dân bản xứ bằng cách thừa nhận cho họ sự tự trị các làng xã, một điều họ rất quan tâm đến. Phương pháp đó đã được đem ra thí nghiệm rồi.
Đó là phương pháp có kết quả tốt. Nó vừa thỏa nguyện vọng của người An Nam vừa mang lại an ninh cho các nhà cầm quyền Pháp, không cho nhân dân có thể liên kết với nhau trong một hành động chung để chống lại chúng ta. 8
(Cést le seul système qui fut compatible avec notre sécurité car il divisait la population en lui laissant l’autonomie den vil - lages à laquelle elle est attachée. L’expérience de ce système a déjà été faite.
C’est le seul ait donné de bons résultats. Il donne satisfaction aux Annamites et sécurité aux autorités francaises, ne permet pas aux habitants de s’unir contre nous dans une action générale).
Trong cuốn L’Annam d’autrefois, viên Toàn Quyền Pierre Pasquier cũng cho sự tự trị làng xã Việt Nam, là một lợi khí thống trị màu nhiệm. 9
Nhận thấy những ưu điểm của làng xã Việt Nam, nhưng chính quyền Pháp lại muốn những ưu điểm này phải là những công cụ để họ thống trị dân Việt Nam, như đã trình bày, chứ không phải đấy là những cơ cấu để thúc đẩy dân Việt Nam chống đối lại họ.
Họ đã sửa đổi, đã cải cách có lợi cho họ như trong cuộc cải cách hội đồng hương chức tại Nam Việt. Và ở Bắc Việt họ cũng nghĩ đến sự cải cách, nhưng thực hiện chậm hơn vì dân khí ở miền này. Họ muốn rút kinh nghiệm ở miền Nam trước khi có sự cải tổ ở miền Bắc, và đồng thời họ muốn dùng thời gian để vuốt ve dân chúng Bắc Việt làm cho đân khí dịu đi, tinh thần chống đối họ bớt mạnh mẽ. Họ đã chờ mãi cho tới năm 1921 mới có sự cải tổ đầu tiên, trong khi ở Nam Việt, ngay từ năm 1904, họ đã can thiệp vào nên tự trị của dân làng. Họ chờ để tạo nên được những yếu tố thuận tiện, và nhất là họ chờ cho lớp sĩ phu có khí tiết, có uy tín với tuổi tác phải lướt vào quá khứ, họ mới cải tổ làng xã để tránh sự phản kháng có thể rất hiệu quả của lớp sĩ phu này.
Năm 1921, khi họ cải tổ cơ cấu làng xã Bắc Việt tuy mục đích chính là mục đích chính trị nhằm giảm bớt uy thế của các kỳ hào, tước bớt vây cánh của những người này, ngõ hầu có thể ngăn giữ sự xúi giục dân xã nổi lên chống Chính phủ bảo hộ, nhưng họ vẫn nêu ra lý do ngăn ngừa mọi lạm dụng để bài trừ nạn cường hào ác bá.
Thực ra, phải nhận rằng với sự hiện diện của người Pháp, với ưu quyền của họ dành cho những tay em, với tình trạng nước nhà trong giai đoạn bị trị, làm sao mà tránh được sự lạm dụng, làm sao mà khỏi được nạn cường hào ác bá.
Dựa vào cớ bài trừ nạn lạm dụng và nạn cường hào ác bá, người Pháp đã thực hiện một cách hết sức táo bạo sự cải cách các cơ cấu làng xã tại Bắc Việt, năm 1921.
Với sự cải cách này, trước hết họ thành lập Hội đồng tộc biểu, có nhiệm vụ quản trị công việc làng xã, do dân xã bầu ra ba năm một lần, và gồm một số nhân viên gọi là Tộc biểu. Tộc biểu chính, nghĩa là đại biểu của từng gia tộc, nghĩa là của từng họ. Mỗi họ có quyền được bầu một số tộc biểu, và mỗi xã số tộc biểu cũng thay đổi tùy theo dân số, nhưng không quá số tối đa là 20 người mỗi làng.
Muốn ứng cử tộc biểu, phải 25 tuổi và phải có tài sản trong làng. Tộc biểu do các dân đinh từ 18 tuổi trở lên mà chưa phạm án đến mất quyền công dân, bầu ra. Các tộc biểu chọn lấy một vị Chủ tịch gọi là Chánh Hương hội và một Phó Chủ tịch gọi là Phó Hương hội. Chánh, phó Hương hội thay cho tiên, thứ chỉ về thời trước.
Trong việc bầu cử tộc biểu nếu có sự tranh chấp phải do các viên tri huyện, tri phủ phân xử, nếu không xong. Tỉnh trưởng người Pháp, viên Công sứ, sẽ quyết định sau khi lấy ý kiến của vị tỉnh hiến người Việt là vị Tuần phủ hay Tổng đốc.
Ở đây ta thấy chính quyền Pháp đã can thiệp rõ rệt vào việc quản lý làng xã, và đã lấn áp sự tự trị cổ truyền của đơn vị căn bản này của quốc gia.
Ngoài ra, những tộc biểu được bầu phải có sự chấp nhận duyệt y của viên Công sứ.
Hội đồng tộc biểu còn mang tên là Hội đồng Hương chính là cơ quan quyết nghị trong xã. Chủ tịch Hội đồng là Chánh Hương hội, giữ việc chấp hành, có Phó Hương hội phụ tá. Dưới quyền Chánh Hương hội có một số nhân viên giúp việc mà quan trọng nhất là Lý trưởng rồi đến Phó lý, Thư ký và Thủ quỹ.
Lý, Phó trưởng vẫn do dân bầu theo lệ xưa, còn thư ký và thủ quỹ được lựu chọn trong hoặc ngoài hàng các Tộc biểu.
Với nghị định năm 1921, một làng có một ngân sách. Thành lập ngân sách này, chính quyền Pháp nhằm sự kiểm soát tài nguyên của làng xã, nhưng vẫn nêu lên là để ngăn chặn mọi sự lạm dụng.
Với chế độ 1921, chính quyền Pháp đã xâm nhập vào việc quản trị làng xã ở Bắc Việt một cách rõ rệt, nhưng họ còn cho là chưa đủ, nên viên Thống sứ Bắc kỳ, năm sau đã ký nghị định ngày 25-6-1922 để ấn định các điều kiện được ứng cử Lý, Phó trưởng ứng cử viên phải từ 25 đến 50 tuổi, biết đọc, biết viết, có hạnh kiểm tốt và nhất là phải trung thành với Chính phủ bảo hộ. Ngoài ra lại phải có tư sản để bảo đảm.
Lý trưởng là người nắm nhiều quyền hành theo tục lệ trong làng mặc dầu trên vị này có vị Chánh Hương hội, vậy mà những điều kiện ấn định cho ứng cử viên như trên, ta thấy rằng, người đắc cử tất nhiên phải đứng về phe chính quyền để giữ lấy quyền lợi của mình. Nạn cường hào ác bá với sự lựa chọn này càng bành trướng mạnh, vì họ chính là những tay em của Pháp và được Pháp bênh vực, ấy là chưa kể, tuy nói rằng dân làng bầu cử lý, phó trưởng, nhưng chính ra chỉ những tay sai của Pháp mới được ở trong cử tri đoàn; Hội viên Hội đồng Hương chính hiện dịch, hội viên hàng tỉnh, nghị viên hội đồng Tư vấn Bắc Kỳ có ghi tên trong làng, đang làm việc hoặc đã nghỉ việc, các cựu Tổng lý và các Tổng lý hiện dịch có ghi tên trong xã và trương tuần.
Lý, Phó trưởng được cử tri đoàn hạn chế trên bầu ra nhưng cũng phải được bổ nhiệm của vị Công sứ qua một tấm bằng do viên Công sứ và vị tỉnh hiến Việt Nam đồng ký.
Chính quyền Pháp đã can thiệp một cách sâu rộng vào công việc quản trị làng xã như trên trình bày, nhưng vẫn chưa hết: viên Công sứ đầu tỉnh còn có quyền đặc cách bổ nhiệm Lý, Phó trưởng trong nhiều trường hợp.
Khi một xã chưa có Hội đồng Hương chính dự liệu bởi nghị định 1921;
Khi chỉ có một người ra ứng cử hay được chấp thuận để ra ứng cử chức vụ Tộc biểu mà thôi;
Khi khuyết chân Lý trưởng và trong xã có một viên Phó lý đã làm việc trong sáu năm rồi.
Qua các điểm trình bày trên, ta thấy rằng Chính quyền Pháp với nghị định 1921 đã bãi bỏ hẳn Hội đồng kỳ hào cổ truyền và gạt các nhân viên trong Hội đồng này ra ngoài công việc quản trị làng xã, công việc từ xưa vẫn do họ đảm nhiệm. Việc cải cách của người Pháp đã gặp sự phản ứng của dân chúng, trước hết là sự phản ứng tiêu cực của các cựu hương chức trong Hội đồng kỳ hào, không tham gia vào công việc làng xã. Và từ sự phản ứng tiêu cực này đã chuyển sang thế khác: sự xung đột có hại cho việc quản trị làng xã giữa các cựu hương chức này với nhân viên Hội đồng tộc biểu mới, phần nhiều kém tài đức và thiếu kinh nghiệm. Và hậu quả của sự xung đột là sự phản đối công khai hoặc ngấm ngầm chính quyền Pháp, sự thành hình của những đảng cách mệnh và sự hưởng ứng của phần đông dân chúng do sự tham gia của một số các cựu hương chức có uy tín.
Trước tình trạng này, người Pháp hết sức bối rối. Họ thấy cần phải sửa đổi lại quy chế làng xã để xoa dịu bớt sự bất bình của dân chúng và nhất là của các cựu hương chức của Hội đồng Kỳ hào cổ truyền.
Và ngày 25-2-1927, Thống sứ Bắc Kỳ đã phải ký một nghị định sửa đổi lại quy chế quản trị làng xã, và quy chế 1927 này đã được áp dụng trong gần 15 năm, cho tới năm 1941. Nghị định 25-2-1927 phục hồi lại một phần những tục lệ cổ truyền đã bị bãi bỏ bởi nghị định 1921, việc tái thiết lập bên cạnh Hội đồng Tộc biểu, Hội đồng Kỳ mục, giữ vai trò kiểm soát hơn là quản trị, và thành phần gồm các cựu kỳ hào, cực kỳ lý, những người đã có thái độ chống đối Hội đồng Tộc biểu trước đây.
Tuy Hội đồng Kỳ mục được thành lập lại, nhưng thành phần có hơi chặt chẽ hơn xưa, chỉ gồm những người hoặc đỗ đạt hoặc có phẩm hàm hoặc đã giữ các chức vụ cấp tổng hay cấp xã, riêng với hạng thứ ba này lại cần phải là những người cư trú ngay trong xã.
Số kỳ mục không hạn chế và nhiệm kỳ cũng không hạn định.
Chính quyền Pháp, trong việc kiểm soát làng xã giữ quyền duyệt y danh sách Kỳ mục cho các viên Công sứ, và danh sách này một bản được lưu giữ tại tòa sứ. Mỗi khi có sự thay đổi, các chức dịch hàng xã phải trình ngay với chính quyền.
Theo nghị định 1927, cơ quan chấp hành xã vẫn là Chánh Hương hội có Phó Hương hội phụ tá và có một số các chức dịch giúp việc: Lý trưởng, Phó lý, Trương tuần, Thủ quỹ và Thư ký. Ngoài ra còn thêm hai hương chức mới là Chương bạ giữ sổ địa bạ và Hộ lại giữ việc sinh tử giá thú.
Lý, Phó trường vẫn do sự bầu cử như cũ cho đến năng 1930, mới có thể lệ chỉ định. Theo thể lệ chỉ định này, phương pháp bầu cử Lý trưởng càng ngày càng ít áp dụng. Các Phó lý có ba năm thâm niên có thể được đặc cách bổ nhiệm làm Lý trưởng.
Chỉ còn hai trường hợp bầu cử Lý trưởng:
Trong xã có nhiều Phó lý có đủ điều kiện để được đương nhiện bổ nhiệm Lý trưởng.
Trong xã không có một Phó lý nào đủ điêu kiện đề được đương nhiên cải bổ Lý trưởng.
Nghị định 1927 vãn để sự kiểm soát làng xã cho các viên chức hàng tỉnh, nhưng để tỏ ra tôn trọng hiệp ước Bảo hộ, chính quyền Bảo hộ trao quyền bổ nhiệm Lý trưởng cho các vị định hiến Việt Nam và các viên Công sứ chỉ duyệt y nghị định của các vị trên. Việc duyệt y nghị định này là tất cả, vì có thể có trường hợp viên Công sứ từ chối việc duyệt y.
Mặc dầu người Pháp khôn khéo, bề ngoài ra vẻ áp dụng hiệp ước bảo hộ Bắc Việt với sự tái thiết lập Hội đồng Kỳ mục, nhưng họ vẫn không đạt được kết quả mong muốn. Họ vẫn gặp thái độ bất hợp tác của những người trí thức và có tiết tháo, cũng như thái độ chống đối của phần đông dân chúng với các đảng cách mạng chống họ mạnh mẽ hơn (Việt Nam Quốc Dân Đảng, 1930, Việt Nam Phục Quốc Hội, 1940 v.v...).
Rồi đến năm 1941, với tình trạng mới gây nên bởi cuộc đệ nhị thế chiến tại Tây phương, bởi sự bại trận của nước Pháp và nhất là bởi sự hiện diện của quân đội Nhật Bản trên các bán đảo Đông Dương, họ nhận thấy cần phải cải tổ lại nền hành chính hương thôn ở Bắc Việt để nắm vững lấy dân chúng thôn quê, ngăn chặn mọi mưu mô nổi dậy lật đổ chính quyền Bảo hộ Pháp.
Muốn như vậy họ phải đánh lạc hướng vấn đề và họ phải thỏa mãn một phần nào sự đòi hỏi của dân chúng, nhất là giai cấp trung lưu mà họ hy vùng có thể lợi dụng được bằng cách cho tham dự, trong một phần rất nhỏ, vào công việc điều khiển guồng máy hành chánh.
Với thâm ý trên, Thống sứ Bắc kỳ, đã đệ trình Hoàng đế Việt Nam phê duyệt đạo dụ ngày 23-5-1941 tổ chức lại nền hành chính xã tại Bắc Việt.
Đây là cuộc cải lương hương chính lần chót của người Pháp tại Bắc Việt.
Với sự cải lương này, Hội đồng Tộc biểu thiết lập tù năm 1921 bị bãi bỏ, cũng như Hội đồng Kỳ mục mới thiết lập năm 1927, và trong làng một Hội đồng Kỳ hào được ra đời, với một thành phần rộng rãi, gồm tất cả các dân đinh trong xã từ 21 tuổi trở lên có đủ điều kiện văn bằng hoặc phẩm hàm, hoặc đã giữ các chức vụ tổng lý trong thời gian ít nhất ba năm, như vậy tổng số kỳ hào không hạn định; vị thứ các kỳ hào được ấn định theo tính cách quan trọng của phẩm hàm, và vị chủ tịch là người có phẩm hàm cao nhất.
Vì số kỳ hào không hạn định, nên nhiều xã rất đông, trên 20 người. Trong trường hợp này Hội đồng Kỳ hào có thể ủy quyền cho một ủy ban Quản trị gồm có 7 nhân viên, chọn trong số các Kỳ hào có phẩm hàm cao nhất.
Hội đồng Kỳ hào giống như Hội đồng Kỳ mục trước khi có mọi sự cải cách, chỉ khác ở chỗ bị kiểm soát chặt chẽ bởi chính quyền Bảo hộ đối với việc chỉ định các kỳ hào, và danh sách kỳ hào phải đệ nạp chính quyền để tiện việc theo dõi. Trong trường hợp xã nào có Ban Quản trị, việc chỉ định cũng như mọi việc thay thế phải được chính quyền chuẩn y.
Cơ quan chấp hành theo dụ 23-5-1941 vẫn là lý, phó trưởng với một số các nhân viên thừa hành khác: Hộ lại, chưởng bạ, thư ký, thủ quỹ và trương tuần.
Từ Lý, Phó trưởng tới các nhân viên thừa hành đều là các nhân viên chỉ định và trường hợp bầu cử rất ít khi có, và nếu có cũng chỉ do nhân viên Hội đồng Kỳ hào bầu mà thôi, và thường chỉ có bầu cử Phó lý, còn Lý trưởng là do các Phó lý được tuyển nhiệm lên.
Mọi việc bổ nhiệm các hương chức này đều do vị định hiến Việt Nam và phải được sự chuẩn y của viên Công sứ Pháp, duy chỉ có Trương tuần thì do Hội đồng Kỳ hào tuyền lựa theo tục lệ trong làng.
Việc cải cách này cũng không mấy làm hài lòng dân chúng, tuy giai cấp trung lưu được tham dự nhiều vào công việc hàng xã, nhưng những, nhân viên thừa hành, nhất là các Lý, Phó trưởng, chưởng hạ, hộ lại và thư ký, với sự kiềm soát chặt chẽ, với sự chỉ định thay cho việc bầu cử, người Pháp đã nắm chặt quyền quản trị làng xã trong tay, và những người được chỉ định muốn làm hài lòng quan trên để hy vọng được chỉ định vào chức vụ khác, như phó lý được chỉ định Lý trưởng, thường là những tay sai trung thành của Pháp, và luôn luôn trung thành với chính phủ Bảo hộ, tức là đi ngược lại quyền dân. Sự chống đối trong dân chúng vẫn ngấm ngầm cho đến ngày 9-3-1945, ngày chính quyền Pháp ở Đông Dương bị lật đổ do quân đội Nhật Bản.
Tại Trung Việt
Trung Việt tức là Trung kỳ dưới thời Pháp thuộc. Tuy là một xứ bảo hộ, cũng như Bắc Việt, nhưng ở đây có Triều đình Huế với danh nghĩa cầm đầu Quốc gia dưới chính quyền Bảo hộ, nên người Pháp tuy muốn xâm nhập vào các công việc của người Nam vẫn phải tôn trọng quyền cai trị của các Nam quan và chỉ đành thiết lập những phương tiện để kiểm soát sự cai trị này.
Tôn trọng quyền cai trị của các Nam quan, người Pháp không dám vội vàng động tới việc cải cách các cơ cấu làng xã để nhúng tay vào việc quản lý những đơn vị căn bản này.
Họ phải đợi cho tới năm 1942 mới bắt đầu cải tổ nền hành chánh xã tại Trung Việt do chỉ dụ 5-1-1942 của Hoàng đế Việt Nam. Chỉ dụ Hoàng đế ký, nhưng nội dung do chính quyền Pháp sửa soạn.
Chỉ dụ 1942 về tổ chức hành chánh xã tại Trung Việt dựa trên những điêu khoản của đạo dụ 1941 về tổ chức làng xã tại Bắc Việt, nghĩa là công việc quản trị trong làng do Hội đồng Kỳ hào.
Trước đây, tại các xã vẫn có một Hội đồng Kỳ hào, nhưng việc tuyển lựa các hội viên hoàn toàn do tục lệ mỗi xã quy định, do đó sự kiểm soát của các cấp trên hầu như vô hiệu. Với đạo dụ 1942, những điều kiện để tham dự Hội đồng Kỳ hào được ấn định rõ ràng cũng như thành phần của hội đồng này.
Muốn tham dự Hội đồng Kỳ hào phải là dân xã lương thiện không can án, trung thành với chính phủ Nam triều và chính phủ Bảo hộ, có phẩm hàm, có khoa cử, tổng lý và ngũ hương, cựu tổng lý và ngũ hương đã từ dịch sau ba năm làm việc.
Hội đồng Kỳ hào ủy quyền cho một ủy ban Thường trực để giải quyết các công việc thường xuyên của xã - xã nào cũng có ủy ban, không giống như ở Bắc Việt chỉ những xã lớn mới có.
Cơ quan chấp hành của xã gồm lý trưởng, có Phó lý và năm viên chức thừa hành gọi là ngũ hương giúp việc. Ngũ hương là:
Hương bộ: có nhiệm vụ quản thủ văn khố xã.
Hương bản: giữ quỹ của xã.
Hương kiểm: giữ nhiệm vụ cảnh sát hành chánh và tư pháp trong làng.
Hương mục: trông coi, tu bổ các công sở, đường sá trong làng.
Hương dịch: thông tin xã và vệ sinh trong thôn.
Lý trưởng trước đây do dân bầu, với chế độ 1942 việc bầu cử được thay thế bằng phương pháp đương nhiên chỉ định bởi vị Nam quan đầu tỉnh sau khi đã thỏa hiệp với vị Công sứ Pháp. Người được chỉ định là Phó lý của xã có nhiều thâm niên công vụ, và khi có từ hai Phó lý đồng thâm niên công vụ, người nhiều tuổi hơn sẽ được chỉ định. Phương pháp bầu cử chỉ được dùng đến khi nào trong xã không có người Phó lý nào cả.
Phó lý và ngũ hương do Hội đồng Kỳ hào lựa chọn và các quan tỉnh duyệt y.
Trong việc cải cách nền hành chính làng xã Trung Việt, chính quyền Pháp không ngoài mục đích kiểm soát chặt chẽ các viên chức làng xã và đã đưa dần vào cơ quan quản trị những người trung thành với họ giống như khi họ cải cách lại nên hành chính xã tại Bắc Việt vào năm 1941.
Trên hình thức, nếu không xét kỹ ta thấy thành phần như không thay đổi vì cơ quan quyết nghị của xã vẫn là Hội đồng Kỳ hào, và cơ quan chấp hành vẫn chỉ gồm có Lý, Phó trưởng và ngũ hương, nhưng nếu đi sâu vào việc tuyển lựa, ta thấy ngay dã tâm của chính quyền Pháp muốn dân bãi bỏ phương pháp bầu cử bằng phương pháp chỉ định để có thể đặt tay sai của họ vào Hội đồng Kỳ hào và nhất là vào các chức vụ chấp hành. Ngoài ra, họ cũng đặt ra sự kiểm soát chặt chẽ. Chế độ 1942 tồn tại cho đến ngày 9-3-1945 của Trung Việt cũng như chế độ 1941 tại Bắc Việt.
Xét chung về việc tổ chức làng xã dưới thời Pháp thuộc, ta thấy người Pháp tuy bắt đầu sự cải cách ở ba miền Nam, Bắc, Trung trong ba thời kỳ khác nhau, nhưng cuối cùng họ đã thống nhất việc tổ chức trên đại cương trên cả ba vùng qua sự tương đồng của nghị định ngày 5-1-1944 với các đạo dụ ngày 23-5-1941 và 5-1-1942, với phương pháp chỉ định các hương chức và kiểm soát chặt chẽ cơ quan quyết định của xã.
Tổ chức làng xã sau tháng 8.1945 10
Chính quyền Pháp bị lật đổ, nhưng việc tổ chức làng xã Việt Nam vẫn được duy trì trong khi người Nhật thay thế người Pháp tại Đông Dương. Mãi cho tới tháng 8-1945, Việt Minh nắm quyền, việc tổ chức làng xã mới được sửa đổi lại.
Việc tổ chức làng xã tại Việt Nam, Việt Minh căn cứ vào bản hiến pháp năm 1946 chia nước Việt Nam thành kỳ, tỉnh, thị xã tại các vùng đô thị, huyện và xã tại các vùng quê. Không có tổng, đơn vị giữa làng và huyện như trước.
Mỗi xã bất kể Trung, Nam, Bắc có hai cơ quan đại diện là Hội đồng nhân dân và ủy ban Hành chính. Hội đồng nhân dân do phổ thông đầu phiếu bầu lên, và hội đồng này lại tự bầu lấy ủy ban Hành chính.
Tùy theo dân số, ủy ban nhân dân gồm từ 18 đến 25 nhân viên từ năm tới bảy nhân viên dự khuyết.
Những điều kiện ứng cử và bầu cử đều nhất loạt thay đổi. Bất cứ ai, 18 tuổi trở lên đều được ứng cử và bầu cử. Điền kiện cư trú cũng rút, ứng cử thì sáu tháng, bầu cử thì ba tháng.
Ủy ban Hành chính xã gồm một Chủ tịch, một Phó Chủ tịch, một thủ quỹ, một thư ký, một ủy viên phụ trách việc duy trì an ninh và hai ủy viên dự khuyết.
Theo nguyên Các, ai đủ điều kiện cũng được ứng cử vào Ủy ban Nhân dân.
Cuộc bầu cử ủy ban Hành chính xã phải được ủy ban cấp tỉnh chấp thuận mới có hiệu lực.
Cũng như dưới thời Pháp thuộc, mọi quyết định của Hội đồng nhân dân xã phải được phê chuẩn của cấp tỉnh mới có giá trị, tuy rằng nhân dân theo nguyên tắc có quyền phế bỏ Hội đồng nhân dân để đời bầu cử lại.
Tổ chức làng xã trong thời kỳ pháp Trở lại chiếm đóng Nam kỳ
Ngay sau khi trở lại Nam Kỳ, người Pháp thành lập Chính phủ lâm thời ở Nam Kỳ, bác sĩ Nguyễn Văn Thinh cầm đầu Chính phủ này mệnh danh là Chính phủ tự trị Nam Kỳ.
Dưới Chính phủ tự trị Nam Kỳ, tại xã có ban Hội Tề gồm tám hội viên do phổ thông đầu phiếu bầu lên. Ban Hội tề tự phân làm hai ủy ban, một ủy ban do vị Hương cả đứng đầu phụ trách các việc hành chánh tư pháp và các công tác xã hội, và một ủy ban do vị Hương chủ đứng đầu phụ trách các vấn đề tài chính, kinh tế và nghi lễ.
Ban Hội tề này không tồn tại bao lâu, vì sau đó, chính phủ Nam Kỳ tự trị không còn nữa, được thay thế bằng Chính phủ Lâm thời Việt Nam do tướng Nguyễn Văn Xuân làm thủ tướng, kế đó Bảo Đại trở lại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân trước tình thế rối bời của đất nước đã trao cho các Tỉnh trưởng quyền bổ nhiệm các Hội đồng xã để điều khiển công việc hành chính trong làng, và các chức dịch trong làng xã đương nhiên trở thành một bộ phận của toàn bộ hệ thống hành chính tập quyền.
Việc bổ nhiệm hương chức làng xã được tồn tại cho đến năm 1953. Sắc lệnh ngày 19-3-1953 được ban hành để tổ chức lại nền hành chính xã.
Theo Sắc lệnh này mỗi làng có một Hội đồng hương chánh gồm tới đa là chín người do dân chúng bầu lên bằng lối phổ thông và trực tiếp đầu phiếu. Ba nhân viên đứng đầu là Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Chánh thư ký.
Với tổ chức mới này, tổ chức làng xã đã trở lại khuôn mẫu Hội đồng xã cổ truyền trong một phần nào nhưng vẫn có sự giám sát của cơ quan cấp tỉnh.
Thực ra Sắc lệnh 1953 đã ra đời với ý muốn cố gắng thử tái lập một nền hành chính của thời kỳ Pháp đô hộ với sự mở rộng quyền kiểm sát của các cấp trên, song song với việc gìn giữ lại một vài tập tục cổ truyền về nền tự trị xã thôn.
Tổ chức làng xã dưới chính quyền Ngô Đình Diệm
Hội nghị Genève kết thúc và sự phân đôi nước Việt Nam. Ở Miền Nam Ngô Đình Diệm đã truất phế Bảo Đại để tổ chức bầu cử đưa mình lên ngôi vị tổng thống.
Làm Tổng thống, Ngô Đình Diệm đã cải tổ nền hành chính Việt Nam, trong đó có tổ chức hành chính xã.
Ngày 18-6-1956, Phủ Tổng thống đã gửi thông tư cho các Tòa tỉnh trưởng để thay thế Hội đồng Hương chính bằng một ủy ban Hành chính, gồm một Chủ tịch, một Phó chủ tịch phụ trách những vấn đề tài chính, xã hội và kinh tế và một ủy viên Cảnh sát. Những làng lớn có thể có thêm hai phụ tá trông coi việc hành chính và tài chính. Những nhân viên của ủy ban Hành chính này do Tỉnh trưởng lựa chọn trong những người địa phương có lòng trung thành với chế độ.
Ngày 24-10-1956, ủy ban Hành chính lại được đổi thành Hội đồng xã, với từ ba đến năm nhân viên do Tỉnh trưởng vẫn lựa chọn như trên, những xã lớn có thể có thêm một số phụ tá. Các tỉnh trưởng phải kiểm soát và theo dời các Hội đồng xã để ngăn cấm mọi hoạt động từ hành vi đến ngôn ngữ thiếu trung thành với chế độ.
Chính quyền Ngô Đình Diệm sau đó, với đạo dụ ngày 24-10-1956, đã chính thức đặt cho làng xã một pháp chế, nhưng tất cả mọi tổ chức về hành chính của Ngô Đình Diệm đã sụp đổ cùng với chế độ vào ngày 1-11-1963.
Tổ chức làng xã ở miền Nam sau ngày 1-11-1963
Chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ kéo sụp đổ theo nhiều cơ cấu trước đây được thiết lập để phụng sự chế độ, và trong những cơ cấu này phải kể các tổ chức hành chính tại làng xã.
Chính quyền Sài Gòn sau ngày 1-11-1963, muốn tại các làng xã, người địa phương lo liệu công việc địa phương, hành chính địa phương gồm những nhà chức trách, xuất thân tại mỗi địa phận, đứng ra gánh vác những công việc riêng cho địa phận mình. Những công việc riêng này phát sinh từ những đặc tính của mỗi địa phận, từ những nhu cầu riêng của dân chúng trong vùng. 11
Để thực hiện ý muốn trên, ngày 31-5-1964, Chính quyền Sài Gòn đã ban hành sắc lệnh để thay thế Hội đồng xã duy nhất của chế độ Ngô Đình Diệm bằng 2 cơ quan, một cơ quan quyết nghị là Hội đồng nhân dân xã và một cơ quan chấp hành là ủy ban Hành chính xã. Ủy ban nhân dân xã do nhân dân bầu lên, ủy ban nhân dân đề cử ủy ban hành chánh lên chính quyền tỉnh để chấp nhận.
Sắc lệnh 1964 tổ chức làng xã với các mục tiêu: Phân quyền cho nhân dân xã quyền quyết nghị về các vấn đề của xã.
Dân chủ hóa hạ tầng cơ sở qua việc phổ thông đầu phiếu để bầu Hội đồng nhân dân xã, các Trưởng ấp và Phó trưởng ấp.
Giúp đỡ xã thôn phát triển đồng đều với phương tiện chung do ngân sách quốc gia cung ứng.
Với cuộc thí nghiệm, nhiều khuyết điểm đã được các cơ quan cấp trên nêu ra:
Hội đồng nhân dân xã thường chỉ có hình thức mà không có thực quyền. Việc giải quyết các vấn đề của xã thường tùy thuộc cơ quan chấp hành xã, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của tỉnh, quận. 12
Tính cách đại diện của Hội đồng bị thu hẹp vì điều kiện cư trú chỉ vào sáu tháng, khiến nhiều người chưa hiểu biết rõ về làng xã cũng được bầu vào Hội đồng này, và như vậy, sự hiện diện của họ không có lợi cho công việc hàng xã. Hơn nữa, việc bầu cử theo từng ấp có thể có sự hiểu lầm là các hội viên đại diện cho ấp thay vì cho xã.
Nhiệm kỳ của Hội đồng quá ngắn, chỉ có hai năm, Hội đồng chưa đủ thì giờ để thực hiện những chương trình hoạch định, lại thêm dân xã luôn luôn bị bận tâm về bầu cử.
Còn về ủy ban Hành chánh, những khuyết điểm cũng không phải là ít. Theo tài liệu huấn luyện viên chức xã ấp của Tổng Bộ Xây dựng (Sài Gòn) 1967, có các khuyết điểm dưới đây:
Thiếu thuần nhất nội bộ và thống nhất chỉ huy.
1) Các ủy viên được đặt dưới sự bảo trợ trực tiếp của các bộ chuyên môn về phương diện công tác cũng như về phương diện thù lao khiến cho các đương sự trở thành viên chức chuyên môn và có khuynh hướng thoát ra ngoài sự chỉ huy của Chủ tịch ủy ban Hành chính xã.
2) Sự đãi ngộ giữa các ủy viên có sự chênh lệch (trường hợp ủy viên Cảnh sát và An ninh được tuyển dụng và hưởng lương theo chế độ công nhật CI/1).
Không có lực lượng cơ hữu xã.
- Chủ tịch ủy ban Hành chính xã không thể sử dụng dân vệ trong khi thi hành nhiệm vụ về phòng thủ và an ninh.
- Chủ tịch ủy ban Hành chánh xã không đủ quyền lực bảo đảm sự tự trị của ngân sách xã.
Thành phần ủy ban chưa đầy đủ.
1) Chủ tịch ủy ban Hành chánh xã kiêm nhiệm chức vụ ủy viên Hộ tịch nhưng không có người giúp đỡ về các công việc vật chất.
2) Thiếu hẳn các chức vụ ủy viên canh nông và ủy viên Xã hội, để phục vụ chương trình cải cách điền địa, cải tiến xã hội.
- Thiếu bảo đảm trong tình trạng công vụ.
Sự bổ nhiệm các viên chức xã ấp thường dựa vào tình cảm nhiều hơn khả năng, khiến các đương sự dễ bị sa thải.
Sự đãi ngộ không tương xứng.
Giá biểu tối thiểu phụ cấp viên chức xã ấp (Trừ Ủy viên Cảnh sát và An ninh) còn thấp kém, chưa đem lại đủ yếu tố khích lệ trong năng suất công tác và giữ được đức tính liêm chính.
Để sửa chữa những điều khiếm khuyết nêu trên, Chính quyền Sài Gòn đã ban hành sắc lệnh ngày 14-12-1966 ấn định việc cải tổ nền hành chính xã ấp nhằm các mục tiêu:
Khôi phục vị trí đơn vị hành chánh căn bản của xã trong cộng đồng quốc gia. Cử tri sẽ trực tiếp bầu Hội đồng nhân dân xã, và Hội đồng này sẽ bầu chủ tịch ủy ban Hành chánh xã và xét định việc bổ nhiệm Phó Chủ tịch và các ủy viên trong ủy ban Hành chánh xã. Xã thu hồi lại tất cả những quyền hạn của xã qua Hội đồng dân cử.
Ngoài ra, xã được trọn quyền sử dụng tài nguyên của xã để thực hiện chương trình công ích trong xã.
Tăng thêm hiệu năng cho guồng máy hành chánh xã.
a) Thống nhất chỉ huy; Chủ tịch ủy ban Hành chánh xã sẽ bổ nhiệm và bãi nhiệm Phó Chủ tịch và các ủy viên và có toàn quyền điều khiền ủy ban.
b) Dùng người hợp lý: việc bổ nhiệm và bãi nhiệm các viên chức xã ấp phải được Hội đồng nhân dân xã thỏa hiệp.
Việc bổ nhiệm còn phải căn cứ theo những điều kiện do Tỉnh ấn định chung cho mọi ứng viên và riêng cho mỗi chức vụ.
c) Huấn luyện đầy đủ.
d) Đãi ngộ tương xứng: tăng giá biểu phụ cấp các viên chức xã ấp và phụ cấp đồng đều giữa các ủy viên.
e) Tăng cường văn phòng xã để xã có phương tiện làm việc: thiết lập chức vụ Chánh, Phó thư ký và cung cấp thêm phương tiện vật chất như dụng cụ, văn phòng phẩm.
f) Đặt thêm những chức vụ cần thiết: ủy viên Canh nông để phụ trách chương trình cải cách điền địa và ủy viên Xã hội phụ trách các vấn đề văn hóa, giáo dục, xã hội, y tế và để lo việc kiến thiết cùng phát triển xã.
Theo sắc lệnh ngày 24-12-1966, Hội đồng nhân dân xã gồm từ sáu đến mười hai hội viên tùy theo xã to nhỏ, do dân trong toàn xã bầu lên theo thể thức phổ thông đầu phiếu, trực tiếp và kín.
Hội viên đắc cử với số phiếu nhiều nhất giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng. Hội viên đắc cử với số phiếu kế tiếp giữ nhiệm vụ Phó Chủ tịch.
Trong trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã đắc cử Chủ tịch ủy ban Hành chánh xã, các hội viên đắc cử kế tiếp sẽ giữ, theo thứ tự số phiếu đạt được trong cuộc bầu cử, các chức vụ Chủ tịch và Phó Chủ tịch.
Trong trường hợp Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã đắc cử Chủ tịch ủy ban Hành chánh xã, hội viên đắc cử có số phiếu kế tiếp sẽ giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã.
Nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân xã là ba năm, và các Hội viên có thể được tái cử.
Hội đồng nhân dân xã có thể bị giải tán bởi Chính phủ và các hội viên có thể bị giải nhiệm bởi Tỉnh trưởng.
Hội đồng nhân dân xã có quyền quyết định sau cuộc thảo luận về các vấn đề liên can tới xã, các quyết nghị thường sẽ do ủy ban Hành chánh thi hành.
Những quyết nghị quan trọng phải được các bộ sở quan chấp thuận hoặc Tỉnh trưởng duyệt y tùy theo trường hợp mới được thi hành.
Như trên đã trình bày, theo Sắc lệnh 1966, Hội đồng nhân dân xã có quyền bầu Chủ tịch ủy ban Hành chính xã và xét định việc bổ nhiệm Phó chủ tịch và các ủy viên trong ủy ban này.
Thành phần ủy ban Hành chánh xã gồm:
Chủ tịch kiêm ủy viên Hộ lại,
Phó Chủ tịch kiêm ủy viên Kinh tài.
Từ một đến bốn ủy viên phân chia các chức vụ kể sau:
Ủy viên An ninh
Ủy viên Tuyên vận
Ủy viên Xã hội
Ủy viên ủy viên Canh nông.
Nhiệm kỳ của ủy ban Hành chánh xã chấm dứt cùng một lúc với nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân xã.
Bạn chưa đăng nhập!
Đất nước Việt Nam Nếp sống văn hóa Việt Làng xóm Việt Nam Tổ chức Làng xã
Kết luận
Chúng ta đã xét qua lịch trình biến diễn của tổ chức nền hành chánh xã từ khi lập quốc tới ngày nay, lúc đầu làng xã do các xã quan của triều đình bổ nhiệm điều khiển, nhưng vẫn có sự tự trị riêng của dân làng, và dần dần cho tới triều Lê, các xã quan bổ nhiệm được thay thế bằng các hương chức do dân bầu ra. Nên tự trị làng xã càng vững chãi cho tới thời Pháp thuộc, người Pháp tìm cách xâm nhập vào việc quản trị làng xã, nhưng vẫn không dám trắng trợn thay đổi hẳn tục lệ của dân làng.
Việc tổ chức làng xã ngày nay đã hợp với nguyện vọng của dân chưa? Thời gian sẽ trả lời chúng ta liệu tổ chức làng xã đã thật đáp ứng với nhu cầu của quốc gia qua nguyện vọng của người dân chưa.
Xã là đơn vị căn bản trong hệ thống tổ chức quốc gia, và tuy nhỏ nhưng tầm quan trọng lại rất lớn vì đây là đơn vị nòng cốt để kết hợp và tổ chức dân chúng.
Chú thích:
1 | Trần Trọng Kim. - Việt Nam Sử lược, Tân Việt Saigon in lần thứ năm, trang 71 |
2 | Trần Trọng Kim. - Sách đã dẫn, trang 48. |
3 | P.Pasquier. – L›Annam d’autrefois. (Trang 54) lls›est toujours dérobé aux regards de I›étranger. On ne peut y pénétrer que difficilement et mème les mandarins représentant I’autorité de I›empereur, tout en y étant recus avec le respect et le cérémonial voulu par les rites et la coutume, n›en connaissent souvent que la maison commune, le đình ou la pagode où ils sont conduits. |
4 | Nguyễn Xuân Đào. - Tổ chức hành chánh tại cấp xã việt Nam. - Khảo sát về những diễn biến trong lịch sử. |
5 | Vũ Quốc Thông. - Pháp chế sử Việt Nam. - Tủ sách Đại học, Saigon 1966. |
6 | Vũ Quốc Thông - Sách đã dẫn. |
7 | Nguyễn Xuân Đào. - Tài liệu đã dẫn. |
8 | Vũ Quốc Thông dịch, trong sách đã dẫn |
9 | Un organe qui est un merveilleux outil de gouvernement. |
10 | Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (sau Cách mạng tháng 8-1945) |
11 | Tài liệu huấn luyện viên chức xã ấp, quyển I. - Tổng Bộ Xây dựng, Phủ Đặc Ủy Hành chánh, 1967. |
12 | Bộ tổng xây dựng – Phủ Đặc Ủy hành chánh – Tài liệu đã sẵn. |
Những đơn vị của Làng
Sơ lược
Làng là đơn vị nhỏ nhất, nhưng là đơn vị cốt cán của Quốc gia và là đơn vị căn bản tổ chức của xã hội Việt Nam. Tuy nhiên không phải ngay từ lúc hình thành làng đã là một đơn vị thành phần để họp thành quốc gia, và làng cũng không phải là một đơn vị cuối cùng, nghĩa là không phải không phân chia làm nhiều đơn vị nhỏ.
Như trên đã trình bày, lúc đầu có thể làng chỉ là một xóm, một ấp hoặc một thôn, rồi sau nhiều xóm, nhiều thôn, nhiều ấp họp lại thành một làng, hoặc một xóm, một thôn hoặc một ấp mới thành lập được sát nhập vào một làng đã có. Nói như vậy tức là làng gồm nhiều thôn xóm, và mỗi thôn, mỗi xóm là một đơn vị của làng.
Thực ra, một làng thường chia làm nhiều đơn vị nhỏ, có đơn vị căn cứ theo địa giới, lại có đơn vị căn cứ theo những liên hệ khác giữa dân làng như cùng họ, cùng nghề v.v...
Có thể nói rằng trong làng, sự tổ chức của làng bắt nguồn từ sự tổ chức của những đơn vị nhỏ này trong làng. Các đơn vị đó là:
Trang,
Trại,
Thôn,
Xóm,
Ngõ,
Ấp,
Giáp,
Phường.
Dưới đây lần lượt chúng tôi xin trình bày để tìm hiểu về những đơn vị này, đã họp thành làng và đã duy trì làng.
Trang
Trang chính ra không phải là một đơn vị của làng. Đây là một nơi quy tụ một số dân ở ven rừng núi do một người đứng cai quản gọi là trang chủ.
Trang có thể tự trị như một làng nhỏ, và ở trong trang có đủ đình chùa đền miếu như ở một làng. Người trang chủ đại diện dân trong trang giao thiệp với chính quyền, và chịu trách nhiệm với chính quyền về sự sinh hoạt trong trang, cũng như về các nhiệm vụ của trang phải đóng góp với quốc gia.
Ngày xưa, những người giàu có ở bên Tàu đứng lập những trang riêng ở một khu vực, gọi là gia trang. Những người trong gia trang thường là những người trong họ của trang chủ.
Danh từ trang, ở nước ta, chỉ là một làng nhỏ thiết lập trên một ngôi đất khô ráo, nhưng ở trang thường dân cư không đông, do đó thường hay bị cướp bóc. Để trông cậy vào sự giúp đỡ của những làng lân cận, dần dần những trang xin sáp nhập vào một làng lớn và biến thành một thôn của làng này. Cũng có trường hợp, trang ngày một mở mang, dân ngày một thêm đông vì ruộng đất cung ứng đủ nhu cầu cho nhiều người, trang biến thành làng với sự tổ chức đầy đủ các cơ cấu của một làng.
Trại
Trại là một khu đất ở đồng hoặc ở núi có người ở với vườn ruộng, chung quanh có cây cối để phòng giữ.
Trại thường do một người đứng ra lập nên, đưa những người nhà hoặc họ hàng tới ở. Người này là trại chủ.
Trại ở xa làng, không thuộc vào xóm nào hoặc thôn nào trong làng, nhưng vẫn lệ thuộc vào làng, chịu sự chi phối của làng. Vì ở xa làng, nên trại được phòng giữ bởi dân trong trại, và chung quanh có trồng lũy tre để phòng những sự bất trắc.
Trong trại có nhà cửa của trại chủ và của các gia nhân. Trại tuy là một khu đất nhưng trong trại không có ruộng mà chỉ có vườn. Trại chủ cũng như những người ở trại khai thác trại về trồng trọt hoặc về chăn nuôi.
Dưới đời nhà Lê, danh từ trại lẫn lộn với danh từ trang nhưng ngày nay trại thường là một chỗ lập nghiệp nhỏ của chủ trại.
Chủ trại chịu trách nhiệm với làng về mọi việc trong trại như một trưởng tộc. Những người ở trong trại phải phục tòng chủ trại như người ở trong gia đình phục tòng người gia trưởng.
Ở những trại có đông người ở, người chủ trại cho dựng một ngôi nhà, mời tăng ni tới trù trì, để dân trại có nơi thờ Phật.
Trại tuy không thuộc hẳn vào thôn xóm nào trong làng, nhưng nhiều khi để tiện việc thu thuế khóa, tiện việc cắt phu phen tạp dịch, Hội đồng làng vẫn xếp trại vào một thôn bao gồm địa hạt trại.
Dân trong trại không dự vào các việc tế tự hàng thôn hoặc xóm, cũng như những công việc chung khác của thôn xóm, nhưng lại có chân trong một giáp của làng và tham dự vào việc tế tự của làng cũng như vào việc làng, nếu hội đủ điều kiện ấn định bởi lệ làng. (Ở ý Yên một huyện của Hà Nam Ninh, nay vẫn còn trại, nhưng tổ chức có khác xưa).
Thôn
Nhiều làng rộng dân cư đông và ở thành từng nhóm cách xa nhau, mỗi nhóm thường là một thôn của làng.
Một làng có thể có hai ba thôn hoặc hơn nữa ta gọi là nhất xã nhị thôn, nhất xã tam thôn...
Thường tại mỗi thôn có một người phó lý, và cả làng chỉ có một lý trưởng và một Hội đồng kỳ mục. Thôn có khi có đình chùa riêng, và chung quanh thôn cũng có lũy tre bao bọc như chung quanh làng.
Có thể nói được rằng thôn có nền hành chính riêng của thôn. Tại mỗi thôn có một sổ đinh riêng, và hàng thôn căn cứ theo sổ đinh này để thu thuế và để phân cất các công việc phu phen tạp dịch. Theo nguyên tấc, tất cả các dân đinh, con trai từ 18 tuổi trở lên đều phải ghi tên trong sổ dân đinh này.
Thôn có Hội đồng hàng thôn, gồm những người ngoài các chân trong ban Hội đóng kỳ mục xã, có danh vọng, tiền tài và tuổi tác trong thôn, những người này được dân thôn cử vào theo những tiêu chuẩn riêng của hàng thôn, và những tiêu chuẩn này thường thay đổi tùy địa phương, nhưng bao giờ cũng căn cứ vào ba điểm nêu trên, lẽ tất nhiên những tiêu chuẩn này không giống và cũng không khó khăn bằng những tiêu chuẩn ấn định cho các quan viên trong Hội đồng kỳ mục hàng xã.
Đứng đầu thôn có Thủ chỉ thôn, quyên hạn đối với thôn cũng như Tiên chỉ xã đối với làng.
Ngoài tục lệ của làng, thôn có khi cũng có những tục lệ riêng của thôn với hội hè đình đám riêng. Sự chi tiêu của thôn do dân trong thôn đóng góp.
Những khi thôn có hội họp, ban Hội đồng thôn họp ở đình thôn, nếu thôn không có đình thì họp ở nhà công quán thôn.
Thôn có khi ăn theo với xã về mặt tế tự, khi cả làng chỉ thờ một vị Thành hoàng, nhưng lại có nhiều thôn thờ một vị Thành hoàng khác với Thành hoàng làng, như vậy việc tế tự riêng biệt: nhiều xã hai ba thôn, mỗi thôn thờ một vị Thành hoàng khác nhau.
Hội hè hàng thôn, khi tổ chức, dân thôn thường mời cả các quan viên Hội đồng kỳ mục hàng xã tới dự để chia vui và để tỏ tình đoàn kết cũng như sự phục tòng của thôn đối với làng.
Thôn có vẻ gần như tự trị đối với làng, tuy vẫn phải lệ thuộc vào làng về những vấn đề chung như thuế khớp, binh lính, v.v...
Trên các giấy tờ chính thức, thường chua tên thôn kèm theo tên xã, và nhà nước chỉ biết tới xã, không biết tới thôn. Xã phải chịu trách nhiệm về tất cả những thôn trong xã.
Xóm
Như đã trình bày ở chương đầu sách, một làng có nhiều xóm, và một thôn cũng vậy.
Một xóm là một khu có nhiều nhà ở liền với nhau, có một con đường đi thường ở giữa và hai bên dân xóm làm nhà, có cổng ngõ quay ra đường xóm. Gọi là nhiều nhà ở liền với nhau, nhưng không phải nhà nọ sát nhà kia như ở thành thị. Nhà nọ liền với nhà kia bởi tường hoặc hàng rào ngăn cách hai nhà, có thể sân nhà này liền với sân nhà khác, có thể sân nhà này liền với đầu hồi nhà khác, cũng có thể sân nhà này liền với vườn nhà khác.
Xóm có thể chỉ có một con đường chính đi từ cổng xóm vào đến cùng xóm, nơi cùng xóm có thể là lối cụt ngăn bởi lũy tre làng hoặc bởi một nhà cuối xóm, có thể xóm lại ăn ra đường làng bằng một lối khác; xóm có thể có nhiều con đường nhánh, từ con đường chính của xóm phân đi, và mỗi con đường nhánh được gọi là một ngõ.
Lối đầu xóm có cổng xóm và trong trường hợp lối cuối xóm ăn thông ra đường làng ở đây cũng lại có cổng xóm. Những gia đình trong xóm ở sát nách nhà nhau là hàng xóm láng giềng với nhau.
Xóm không có tư cách pháp nhân. Thuộc những làng nhỏ, xóm phụ thuộc ngay vào làng và chịu luật lệ của làng. Ở những làng lớn, nhất xã đa thôn, xóm thuộc vào thôn và chung đời sống với thôn.
Đứng đầu xóm là vị trưởng xóm, đây là một người có uy tín được dân trong xóm bầu lên để làm trung gian giữa làng và xóm. Xóm không giống như thôn có một hội đồng, nhưng ông trưởng xóm cũng có vài bốn người phụ tá để cùng lo công việc trong xóm.
Xóm tổ chức thành hàng xóm, quy tụ tất cả những người trong xóm để tương trợ lẫn nhau trong các công việc hiếu, hỷ và trong những cơn hoạn nạn.
Nhiều xóm có chùa riêng, nhưng xóm không bao giờ có đình riêng. Có thể xóm có một ngôi đền, nhưng đây là đền của làng, hoặc có một ngôi miếu, ngôi miếu thờ một vị thần không thuộc vào sự tế tự của làng, mà do hàng xóm thờ phụng.
Qua các điều trên, ta thấy rằng tuy không có tư cách pháp nhân về phương diện pháp lý, và nhà nước không biết tới xóm chỉ biết tới làng, nhưng xóm có quỹ hàng xóm, có sự tế tự riêng, và do đó có khi có hội hè riêng của xóm với những tục lệ đặc biệt chi phối riêng dân trong xóm.
Ngõ
Ngõ là một đơn vị của xóm, một xóm có thể gồm nhiều ngõ, mỗi ngõ tính theo một con đường nhỏ ăn từ đường lối xóm đi vào. Có ngõ cụt, có ngõ ăn thông trở lại với đường xóm hoặc ăn ra đường làng. Có thể gọi ngõ là một hẻm của xóm, và ngõ chỉ gồm những gia đình liền nhau nằm trong ngõ.
Ngõ cũng được tổ chức, thành hàng ngõ và đứng đầu là một ông trưởng ngõ, có nơi gọi là trưởng khu, vì người ta gọi ngõ là một khu của xóm. Chính ra, ngõ là một khóm nhà trong xóm nằm hai bên một con đường hàng ngõ.
Ngõ lệ thuộc vào xóm, cũng như xóm lệ thuộc vào thôn hoặc vào làng. Lẽ tất nhiên ngõ không có tư cách pháp nhân, nhưng hàng ngõ vẫn cứ được tổ chức để sinh hoạt chung trên phương diện tế tự hoặc tương trợ. Hàng ngõ cũng có những buổi họp để cúng bái và ăn uống như cúng vào hè, ra hè, cúng giao thừa v.v...
Mỗi khi hàng ngõ hội họp, một người trong ngõ đứng đăng cai. Khi có những việc chi tiêu chung cho hàng ngõ, người đăng cai hoặc một người khác làám mãi biện, ứng tiền trước rồi hàng ngõ sẽ bổ bán đễ trong ngõ đóng góp với nhau.
Ở các làng quê, trong những đám tang, nhiều nơi có tục mời hàng ngõ tới lo việc chôn cất. Những trai tráng trong ngõ đóng vai đô tùy. Nếu hàng ngõ nhỏ, người ta mời tới hàng xóm để có đủ người tham dự các chân khiêng vác trong đám tang.
Trong những tiệc tùng khao vọng, người ta cũng có lệ mời hàng ngõ, và lại mời mọc cả hàng xóm, hàng thôn, hàng xã. Trong việc mời mọc này, khi mời hàng ngõ, người ta có thể mời hết dân đinh trong ngõ, nhưng khi mời tới hàng xóm đã có thể có một sự hạn chế theo tuổi tác hoặc thứ vị trong xóm, và khi mời tới hàng thôn làng xã, sự hạn chế càng chặt chẽ hơn. Có người vì địa vị hoặc vì tuổi tác của manh, trong một tiệc khao vọng, cưới xin hoặc ma chay được dự mời từ hàng ngõ đến hàng xã, và nếu theo lệ làng có phần chia, người này được hưởng cả phần về hàng ngõ, hàng xóm hàng thôn lẫn hàng xã.
Dân trong ngõ sống thân mật với nhau với một tinh thần hòa đồng tương trợ và đoàn kết, tinh thần này chính là sức mạnh căn bản của dân tộc Việt.
Ấp
Ấp, chính ra chỉ là một xóm riêng biệt.
Như đã trình bày ở chương đầu sách, ấp ở trên địa phận làng, nhưng trước đây, nơi này hoặc chỉ là hoang địa hoặc vì ở xa làng quá nên có người đứng lên chiêu tập lưu dân để khai khẩn.
Có thể ấp do một vài người trong làng vì sinh kế, tới nơi hoang địa trông trọt, rồi dần dần có nhiều người khác tới cùng sống kiếm ăn mà thành ấp; cũng có thể ấp do một vài người giàu có trong làng có nhiều ruộng tọa lạc ở chỗ quá xá làng lập nên ấp và mượn tá điền ngụ canh; cũng lại có thể ấp do một số người làng sinh sống vê nghề đánh cá, cùng nhau tụ họp thành ấp ở bên sông.
Ấp có thể lệ thuộc vào một thôn, nhưng thường ấp lệ thuộc hẳn vào một làng, và chịu sự quản trị của làng. Để có người chịu trách nhiệm về ấp, xưa kia, nếu làng có lý trưởng và phó lý, thì tại ấp có thêm một người phó lý, như trường hợp Tân ấp thuộc làng Thị Cầu tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc) đã trình bày ở chương đầu.
Ngày nay ấp tại miền Nam không giống như ấp nói trên; ở đây ấp là một đơn vị của làng giống như một thôn.
Ấp lệ thuộc vào xã cũng như thôn xóm tại miền Bắc và miền Trung.
Giáp
Giáp không phải là một thành phần của xã, mà chính ra giáp có thể coi như một tập thể gồm những đàn ông con trai trong làng được cùng quy tụ bởi những liên hệ tôn tộc, bởi cùng ở một thôn xóm, hoặc có khi bởi cùng một liên hệ tinh thần gì khác như về tế tự chẳng hạn.
Một làng gồm có nhiều giáp.
Làng Phù Đổng, huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh có đến 10 giáp chia theo dòng họ. Họ to nhất là Đặng Trần thuộc giáp Đoài, thứ đến họ Khổng, thuộc giáp Đông v.v...
Làng Thị Cầu, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc) có 4 giáp phân chia theo khu vực trong làng: Giáp Đông ở phía Đông, giáp Già ở phía Nam, giáp Giữa ở phía Tây và giáp Bắc ở phía Bắc.
Tại những xã có thờ nhiều vị phúc thần tất cả những người trong khu thuộc phạm vi một vị phúc thần thường hợp nhau thành một giáp.
Giáp không phải là một tập thể chính thức tự nhiên mà có như thôn hoặc xóm, giáp phải do dân làng tạo nên bởi những liên hệ chung của một số người. Muốn thành lập một giáp, phải có phép quan trên, và khi giáp đã thành hình giáp, có địa vị ở trong làng cũng như những giáp đã có trước.
Tìm hiểu nguồn gốc của giáp nhiều người cho rằng đây là một tổ chức bắt chước Trung Hoa, nhưng xét cho kỹ, giáp cũng như làng xã Việt Nam, đã có vì tục lệ, vì tinh thần đoàn kết và tương trợ giữa những người có cùng một liên hệ về một phương diện gì, không phải vì bắt chước Trung Hoa mà có.
Trung Hoa đã đành cũng có những giáp do dân tổ chức ra, nhưng giáp của người Trung Hoa không giống giáp của người Việt Nam tuy cùng một danh xưng.
Ở Trung Hoa giáp là một tập thể tổ chức vì mục đích an ninh địa phương. Chữ Giáp tiêu biểu cho tất cả những cái gì có tính chất để che chở: mai rùa, móng tay, vẩy cá sấu, giáp trụ, và nói rộng là quân đội. 1
Mỗi giáp ở Trung Hoa gồm mười gia đình và được coi là tổ chức hữu hiệu nhất để bảo vệ an ninh cho dân chúng, nhất là chống giặc cướp.
Giáp tại Việt Nam không hề bao giờ là một tổ chức về phòng vệ, việc phòng vệ dân làng, do làng đảm nhiệm và làng đã có tuần phiên.
Giáp chính thức là một tổ chức tương trợ và tế tự đứng đầu là ông Thủ chỉ giáp, và giúp việc ông Thủ chỉ có ban hội đồng hàng giáp.
Mỗi khi trong hàng giáp có tang ma, mọi người có chân trong hàng giáp, nếu gia đình người chết mời hàng giáp, đều tới dự để giúp đỡ gia chủ trong lễ chôn cất. Những người trẻ đóng vai đô tùy, cầm cờ, cầm biển, cầm câu đối, những người già đi cho có mặt để điều khiển hàng giáp. Ngoài việc giúp đỡ về vật chất như trên, hàng giáp còn bổ bán góp tiên để giúp đỡ tang chủ về mặt tài chính.
Khi được tin trong hàng giáp có người mệnh một, dù người đó là một giáp viên hay người trong gia đình một giáp viên, ban Hội đồng hàng giáp đều có sửa lễ tới viếng. Tiền mua đồ lễ trích ở quỹ hàng giáp nếu hàng giáp cớ sẵn quỹ, bằng không, người mãi biện, một chân trong ban Hội đồng phải ứng tiền ra mua trước, tiền này sẽ do làng giáp đóng góp hoàn lại sau.
Nếu tang chủ không mời hàng giáp, nghĩa là không cần đến sự giúp đỡ vật chất trong việc chôn cất của hàng giáp, hàng giáp cũng vẫn có một số người đại diện đi dự đám tang, và có khi hàng giáp vẫn đóng góp để giúp đỡ về mặt tài chính.
Trong những dịp cưới xin của trai hàng giáp, nếu gia chủ mời hàng giáp tới dự tiệc vui mừng, hàng giáp ngoài lễ mừng còn cùng bổ bán để giúp đỡ chú rể.
Hàng giáp có những buổi tế lễ riêng tại miếu hoặc tại đền, trong những buổi tế lễ này, toàn thể hàng giáp đều dự. Thường có tiệc của hàng giáp trong những dịp tế lễ.
Tiệc tùng này, hàng giáp chung nhau xuất tiền, số tiền có khi đồng đều, có khi phân hạng người lớn trẻ con khác nhau.
Các vị bô lão trong hàng giáp thường được miễn phần đóng góp, nhưng khi có chia buồn, hàng giáp bao giờ cũng dành phần ưu tiên cho các cụ, nghĩa là các cụ có phần riêng đặc biệt hơn phần của các giáp viên khác.
Như trên đã nói, tại nhiều làng, những người cùng họ đứng chung một giáp, nhưng một họ lại có thể có hai ba giáp, và sự vào hàng giáp không bắt buộc. Một người có thể xin vào giáp này hoặc giáp khác, có khi vào một giáp không phải họ mình cũng được, và có người tuy ở trong làng nhưng lại không vào giáp nào, nhưng hạng người này rất hiếm, vì đã sống ở làng, người ta phải có chân trong một giáp để tham dự đủ mọi sinh hoạt của dân làng.
Mỗi giáp có một quyển sổ ghi tên những người trong giáp và những con trai các giáp viên đã được bố mẹ xin cho vào hàng giáp.
Muốn xin cho con vào hàng giáp, bố mẹ phải có cơi trầu đến ông thủ thỉ giáp để xin ghi tên. Có nơi, bố mẹ đứa trẻ phải nộp một món lệ phí nhỏ; có nơi không phải nộp lệ phí gì.
Tổ chức hàng giáp
Tổ chức trong hàng giáp thật hết sức là dân chủ.
Thứ vị trong hàng giáp căn cứ theo quyển sổ ghi tên nói trên, ai ghi tên trước, trong những buổi hội họp hàng giáp có chỗ ngồi ở trên, không kể gì tới địa vị xã hội của giáp viên. Dù chân khoa mục, dù người giàu có hoặc tuổi tác mà ghi tên sau, cũng phải theo thứ tự ghi tên mà định thứ vị. Và các quyền lợi của giáp viên cũng ăn theo thứ vị ghi tên này. Vì vậy mà mỗi khi sinh con trai, người ta vội vã xin ngay cho con vào hàng giáp.
Như trên đã trình bày, đứng đầu hàng giáp là ông Thủ chỉ Giáp với hội đồng hàng giáp.
Hội đồng hàng giáp gồm năm bàn, mỗi bàn bốn người. Trước hết là bàn nhất còn gọi là bàn quan lão gồm bốn vị thâm niên nhất trong hàng giáp. Bốn vị này được miễn hết mọi sự đóng góp cũng như ông Thủ chỉ.
Bàn thứ hai gọi là bàn nhì còn gọi là quan lệnh gồm bốn người có trách nhiệm lo công việc của hàng giáp.
Ba bàn kia gọi chung là ba bàn họp thành một ban để phụ giúp cho các quan lềnh.
Giáp có tư cách pháp nhân, có tài sản riêng, tài sản gồm những của cải đi tặng hoặc kính biếu, và tiền đóng góp của các giáp viên.
Các giáp viên có nơi phải đóng mỗi năm một số tiền nhỏ vào quỹ giáp, có nơi không phải đóng tiền này. Mỗi khi giáp tổ chức tế lễ hoặc phúng viếng giúp đỡ việc tang ma hay vui mừng của một giáp viên nàp, hàng giáp phải bổ bán đóng góp với nhau.
Những giáp viên không chịu đóng góp phần bổ tán của mình sau ba lần thì bị giáng thứ vị trong hàng giáp, và nếu bị giáng thứ vị đến bốn lần, sẽ bị gạch tên khỏi hàng giáp.
Hàng năm hàng giáp hội họp vài lần. Trong những buổi hội họp toàn hàng giáp thường có tiệc tùng ăn uống. Các giáp viên lần lượt phải giữ vai trò đăng cai để hàng giáp hội họp tại nhà mình, tục gọi là dọn hàng giáp.
Khi dọn hàng giáp, giáp viên được hàng giáp trao cho một số tiền tính theo đầu người để lo việc trầu nước hoặc ăn uống, hoặc cũng có khi đã có người mãi biện của hàng giáp mua sắm trầu nước và các thức ăn, người đăng cai chỉ phải lo việc nấu nướng và làm cỗ.
Thường dọn hàng giáp bao giờ người đăng cai cũng phải chi phí tốn kém hơn vì còn mời họ hàng bà con, và phải có người làm giúp để phục dịch hàng giáp.
Trong những buổi hội họp hàng giáp này, ban Hội đồng trình với hàng giáp mọi công việc đã làm và tính sổ về mọi việc chi thu.
Xin nói thêm hàng giáp cũng có giỗ lậu giáp, cúng giỗ những người mua hậu của hàng giáp. Có giáp có trụ sở riêng, đó là đền của hàng giáp, cũng có giáp không có trụ sở, mỗi khi ban hội đồng hội họp hoặc nhờ đình làng, hoặc hội họp ở nhà ông Thủ chỉ hoặc ở nhà một quan lão hoặc quan lềnh nào.
Phường
Phường là một thành phần của những làng có nhiều người cùng làm một nghề sống chung với nhau tại một khu.
Một làng có thể có nhiều phường nếu dân trong làng theo nhiều nghề, và trong trường hợp này, những người cùng làm một nghề thường ở gần với nhau trong một khu.
Cũng có làng, phần đông dân làng theo nghiệp canh nông, chỉ có một số ít dân làng làm nghề gì, những người này hợp nhau lại thành phường. Có thể họ ở cùng một khu, có thể có một số ít ở rải rác trong làng nhưng vẫn ăn theo phường.
Đứng đầu phường là một ông trùm hoặc bà trùm là người đại diện cho cả phường trong mọi việc liên lạc với làng xã hoặc với các phường khác về phương diện nghề nghiệp.
Khác với giáp, những giáp viên đều phái nam, trong phường có thể vừa là nam vừa là nữ, miễn là những nam nữ này cùng theo một nghề.
Giỗ phường
Cùng theo một nghề, họ thờ chung một Thánh sư, và hàng năm ngày giỗ Thánh sư gọi là ngày giỗ phường.
Giỗ phường làm tại trụ sở phường, đây có thể là một ngôi miếu thờ Thánh sư của phường, hoặc nếu phường không có trụ sở thì giỗ phường được tổ chức tại nhà ông trùm hoặc bà trùm. Trong ngày giỗ phường có cúng bái tế lễ, và các phường viên chung nhau góp tiền để chi tiêu cho ngày giỗ này.
Có những phường lớn thường tổ chức cả những đám rước từ trụ sở phường tới đình làng, với ý nghĩa để vị Thánh sư của phường tới yết kiến vị Thành hoàng làng.
Địa vị của phường
Phường thường có từ khi những người trong làng cùng theo nhau một nghề. Họ tổ chức quây quần để giúp đỡ và tương trợ lẫn nhau.
Phường có thể có giấy phép của chính quyền cấp để hoạt động, hoặc phường cứ hoạt động theo tục lệ và không phạm tới phép làng.
Dưới thời Pháp thuộc, nhiều phường ở các làng quê xin cấp giấy phép để được có tư cách pháp nhân, vì thường phường cũng có tài sản và tiền nong như giáp.
Ngày xưa, ở Hà Nội có rất nhiều phường, và mỗi phường ở một khu, sau biến thành phố, và những phố này thường chỉ gồm những người cùng làm một nghề hoặc cùng bán một loại hàng. Di tích này còn lưu tới ngày tiền Hiệp định Genève, tuy trong phố cũng có một vài cửa hàng lạc nghệ xen vào:
Phố hàng Đào gồm những cửa hàng bán tơ lụa,
Phố hàng Giấy gồm những cửa hàng bán giấy,
Phố hàng Đường gồm những cửa hàng bán đường hoặc những gia đình làm nghề bánh mứt.
Phường Mành gồm những gia đình làm nghề tết mành mành.
Phố hàng Chiếu gồm những gia đình làm nghề bán chiếu và dệt chiếu v.v...
Hà Nội, trước thời Pháp thuộc có 36 phố phường với 36 nghề.
Những phường ở các làng quê cũng không khác gì những phường ở Hà Nội, phường vải gồm những người làm nghề dệt vải và bán vải, phường cau gồm những người buôn cau v.v…
Tóm lại, phường là một tập thể, tập thể quy tụ những người cùng nghề.
Ngày nay phường được coi như đơn vị hành chính cấp xã, đặt ở nội thị các thành phố và thị xã.
Hội bách nghệ
Tại nhiều xã không có những phường, tuy dân trong xã cũng có người sinh sống về nghề nghiệp khác ngoài nghề nông trang, nhưng số người theo mỗi nghề không bao nhiêu, không đủ họp thành phường.
Không họp thành phường nhưng để tương trợ và dựa làm lẫn vào nhau họ thành lập những hội bách nghệ.
Hội bách nghệ là bao nhiêu người làm chung một nghề gì hoặc thợ mộc, hoặc thợ nề, hoặc thợ sơn, thợ sắt v.v...: Người làm nghề gì vào hội ấy, chọn cái một người làm trưởng hội, hoặc mỗi năm cắt lượt nhau làm trưởng hội một lần để chứa việc hội. 2
Những người có chân trong hội bách nghệ cùng nhau liên lạc để thắt chặt thêm tình đồng sự, và nhất là để giúp đỡ lẫn nhau trong các công việc hiếu kỷ. Khi một người trong hội có cha già mẹ héo, hoặc chính bản thân mình hay vợ con qua đời, hội có đồ lễ đến, viếng, ngoài ra hội cũng lại đóng góp tiền để giúp đỡ tang chủ.
Việc vui mừng cũng vậy, hội cũng có đồ mừng trong những dịp cưới xin khao vọng, và tùy theo lệ hội các hội viên cũng có thể cùng nhau hùn tiền đóng góp giúp đỡ gia chủ.
Thường thường, ngoài những trường hợp tương trợ trên, hội còn có một hình thức giúp vốn cho các hội viên bằng cách lập ra họ mua bán. Người mua họ (hụi) được các hội viên mỗi người đóng một số tiền thành một cái vốn. Tiền lời trong việc mua họ này sung vào vốn công của hội. Khi hội có nhiều vốn, hội có thể cho các hội viên vay nhẹ lại sinh lời.
Tiền của hội dùng trong việc hội.
Mỗi năm hội họp tại nhà trưởng hội vào ngày kỵ nhật Thánh sư để cùng làm giỗ Thánh sư rồi cùng nhau ăn uống giống như giỗ phường.
Ngoài ra, khi trong hội có việc gì cần phải hội họp nhau, đều họp ở nhà trưởng hội, và những chi phí hội họp ăn uống này đều lấy vào vốn công của hội.
Hội cũng đặt ra đàn anh đàn em, có người giữ sổ có người giữ tiền để điều khiển và duy trì hội.
Đối với làng xã, trong những kỳ sóc vọng hoặc tế lễ, hội đều có cử đại diện mang đồ lễ tới lễ.
Nhiều khi, những hội già, muốn lấy danh tiếng với làng, thường cúng tiền vào đình làng, chùa làng hoặc những đồ tự khí như hoành phi, câu đối, tàn tán v.v... Hội cúng vào làng thứ gì thì đề tên của hội vào thứ ấy để lấy danh giá với làng. Việc lập hội bách nghệ của dân ta nhằm những mục đích rất đẹp: giữ gìn công việc cho nhau, thắt chặt sự liên lạc tình nghĩa với nhau và nhất là bênh vực và cứu giúp nhau.
Qua các mục đích này, ta thấy đây chính là những hội ái hữu của những tầng lớp thợ thuyền vùng quê.
Kết luận:
Chúng ta đã duyệt qua các tiểu đơn vị của làng, tuy không phải làng nào cũng đủ những tiểu đơn vị trên. Có làng có thôn xóm mà không có ấp, có làng có ấp lại không có thôn.
Và phường thì chỉ có ở những làng sống về công nghệ và ở đô thị. Các tiểu đơn vị này, đơn vị nào cũng lo tiến phát trong phạm vi của mình để cùng nhau họp lại gây sức mạnh cho làng.
Chú thích:
1 | Nguyễn Hữu Khang. - Sách đã dẫn. |
2 | Phan Kế Bính. - Tài liệu đã dẫn. |
PHẦN THỨ HAI
SINH HOẠT
Sinh hoạt trong Làng
Sơ lược
Như các Chương trên đã trình bày, mỗi làng là một đơn vị tự trị trong phạm vi quốc gia. Đối với nhà nước, đơn vị này chỉ cần làm trọn những nhiệm vụ quốc gia ấn định và trao phó cho, phải thu đủ sưu thuế lo đủ tạp dịch và cung cấp đủ binh lính, ngoài ra làng xã có thể tự do xử trí công việc trong làng, nhà nước không can thiệp đến. 1Việc sinh hoạt trong làng, dân chúng chỉ cần đừng phạm phép nước, còn mọi việc đều do lệ làng chi phối. Đối với những người dân vi phạm phép nước, chính trong làng phải xử trí và phải giải trình lên cấp huyện hoặc tỉnh để trừng phạt nếu là những trọng phạm. Mặc dầu tục ngữ nói rằng phép vua thua lệ làng, nhưng lệ làng cũng không bao giờ đi ngược lại phép vua mà dung túng người làm càn làm bậy. Lệ làng cốt để bênh vực dân làng trong những trường hợp phép vua vì không phù hợp với tục lệ địa phương đa đi ngược lại quyền lợi của dân xã.Nói về sinh hoạt trong làng, phải phân biệt sinh hoạt cộng đồng và sinh hoạt tư nhân. Sinh hoạt cộng đồng gồm tất cả mọi công việc chung của dân làng, và toàn thể dân làng có quyền tham dự, như tế thần, tiệc làng, tuần phòng trong làng, bầu bán hương chức v.v... còn sinh hoạt tư nhân gồm những hoạt động của từng người, của từng gia đình, và những hoạt động này nhằm mục đích riêng cho một người hoặc một gia đình không liên quan gì tới công việc của làng. Tuy vậy, mỗi người mỗi gia đình, trong mọi hoạt động không thể có những điều gì đi ngược lại lệ làng, đi ngược lại quyền lợi của làng, nghĩa là quyền lợi chung của dân làng.Thí dụ: Đầu năm, dân làng chưa làm lễ động thổ, không ai được phép đào đất, dù là để an táng một người chết. Công việc an táng một người chết thuộc lĩnh vực sinh hoạt của cá nhân, còn lễ động thổ là công việc chung của cả làng và vì lý do tín ngưỡng mọi người phải đợi làng làm lễ động thổ mới được đào đất.Một thí dụ thứ hai: Kênh giữ nước là của cả làng, nước trong kênh dùng cho ruộng của toàn xã, kênh chỉ được tháo nước vào ruộng khi toàn xã xét thấy cần, nếu không phải giữ nước kênh để lưu trữ cho cả làng. Nay một chủ ruộng không thể vì ruộng của mình bị khô cạn thiếu nước mà tháo nước kênh được, tháo nước như vậy có thể có lợi cho một chủ ruộng, nhưng sẽ có hại cho làng vì kênh sẽ hết nước, khi cần không có, hoặc nước kênh tràn vào sẽ làm hại những khu ruộng đã có đủ nước.Mọi người làng đều tự do trong việc làm của mình, miễn là việc làm đó không phương hại tới dân làng, không phạm tới lệ làng và phép nước và cũng không phạng tới thuần phong mỹ tục của làng.Xét về sinh hoạt trong làng xã Việt Nam, phải đi từ sinh hoạt cá nhân tới sinh hoạt cộng đồng.Sinh hoạt cá nhân
Mọi người trong làng sang với nhau trong tình tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau khi cần tới, tùy người nào việc nấy và gia đình nào có việc riêng của gia đình nấy.Trên phương diện công tác hàng ngày, dân làng tùy theo nghề nghiệp của mình mà hoạt động, giữ lấy nền nếp, lo kế sinh nhai để khỏi phải phiền lụy đến trong họ ngoài làng.Người dân quê Việt Nam luôn luôn có một tinh thần tự lập và tự trọng, dù phải làm ăn vất vả họ cũng cố gắng, rất ít ai mong ỷ lại vào người khác, họ cho rằng ỷ lại vào người tức là phải nhờ cậy người, và như vậy người khỏe chân khỏe tay không bao giờ muốn. Ở đây có thể hiểu là lòng tự ái, nhưng chính là tinh thần tự trọng. Đã đành rằng có một đôi người vì lười biếng hoặc quá chơi bời thường tìm cách lợi dụng lòng tốt của người khác, nhưng không phải là số đông.Dân trong làng ở một làng canh nông hay ở một làng công nghệ, cũng gồm đủ bốn hạng người, gọi là tứ dân, theo các nghề nghiệp, là sĩ, nông, công, thương.Sĩ là hạng người chuyên nghề đi học, hoặc để thi đỗ ra làm quan, hoặc để đi dạy học, làm thầy thuốc, thầy địa lý, thầy bói, thầy tướng, thầy số v.v... là những nghề phong lưu nhàn hạ.Nông là hạng người chuyên làm ruộng. Dân Việt Nam ta thường thì ai cũng có ít ra là vài ba sào ruộng để cầy cấy nghĩa là nghề làm ruộng là nghề gốc của người mình. Dân ở nhà quê, phần nhiều ăn nhờ về ruộng nương.Công là hạng người làm nghề thợ hoặc làm một công nghệ gì để lấy lời. Nhưng vì nước ta khi xưa chỉ có những tiểu công nghệ, như quay tơ, dệt vải, dệt lụa, làm chài lưới, làm mắm muối v.v... chứ không có ai đại công nghệ để làm giàu như các nước khác. Đại công nghệ không có thì ai chuyên tập thể gì thì lập thành phường như thợ mộc, thợ nề, thợ rèn, thợ đúc, thợ gốm v.v... mỗi phường có thợ cả, thợ phó và thợ, và phường nào có tục lệ riêng của phường ấy. Những người làm nghề thợ thường là người ít học, quanh năm ngày tháng đi làm thuê làm mướn chỉ được đủ ăn mà thôi.Thương là hạng người làm nghề buôn bán. Song việc buôn bán của ta ngày xưa kém cỏi lắm... Người mình cả đời không đi đến đâu, chỉ quanh quẩn trong nước, buôn bán những hàng hóa lặt vặt... 2Bốn hạng Sĩ, Nông, Công, Thương trên theo tục ta hạng Sĩ thường được quý trọng hơn cả, rồi đến hạng Nông. Ta có câu:Nhất sĩ nhì nông,Hết gạo chạy rông thì nhất nông nhì sĩđể chứng tỏ sự kính trọng đối với hạng sĩ và hạng nông. Người dân trong làng, dù ở hạng nào cũng phải cố gắng về nghiệp mình, trước là lợi cho bản thân, sau là việc làm của mình sẽ có kết quả đối với làng xã quê hương.Nay mừng tứ hải đồng xuân,
Tam dương khai thái muôn dân hòa bình
Sĩ thời chăm việc học hành,
Một mai khoa bảng để dành công danh.
Công thời thượng các long đình,
Đủ nghề sư khoáng, rút hành công thâu.
Nông thời cuốc bẫm cày sâu,
Thu hòa, hạ mạch phong thâu có ngày.
Thương thời buôn bán liền tay,
Rút tài Tử cống ai tầy cho đang!
Người dân quê sống ở trong làng, công việc của mình, mình lo, tùy theo nghề nghiệp, có người hành nghề ngay ở trong làng, có người đi các làng lân cận để nhận việc, và có khi để làm việc, ban ngày ra đi, tối lại về làng. Những người buôn bán, khi buôn bán ở chợ làng, khi đi chợ các làng lân cận. Cũng có người bán những hàng hóa lặt vặt, thường là những phụ nữ, mang hàng bán rong tại các thôn, các xóm ngay trong làng.Đây là những công việc sinh kế hàng ngày, nhưng trong sinh hoạt của người dân, còn nhiều công việc khác ngoài những công việc sinh kế, như những việc vui mừng, tế tự v.v…Công việc sinh kế hàng ngàyNgười dân quê rất hay làm, ham công tiếc việc, sợ phí thì giờ, nhất là khi vì sinh kế, họ lại càng chịu khó, chịu vất vả dầm mưa dãi gió, cốt sao kiếm được miếng ăn để nuôi gia đình.Hàng ngày từ sáng sớm, trời vừa rạng đông, tiếng gà gáy còn đang liên tiếp đối đáp với nhau từ sân nhà này sang sân nhà khác, người dân quê đã dậy để lo công việc của mình, tuy sương đêm còn đang xuống, gió đêm chưa bớt lạnh.Họ dậy, người nào lo việc ấy, nhà nông lo việc nhà nông, người đi chợ lo sửa gánh hàng, người làm thợ lo sắp đồ nghề, và kẻ sĩ cũng lo tới văn bài của mình.Gia đình nhà nôngNhà nông, bà vợ hay cô con gái, trên giường bước xuống đất, lau qua mặt mũi, súc miệng bằng hớp nước lạnh, là vội vàng lo ngay bữa cơm sáng để chồng, anh hoặc cha và các thợ cày, thợ cấy ăn sớm còn ra đồng làm việc. Nào lấy gạo, nào vo gạo, nào dóm bếp thổi cơm, nấu thức ăn, tuy thức ăn chỉ đơn sơ rau cà hoặc mắm đậu.Các nông phu sau buổi cơm sáng, ăn rất vội vàng cốt cho no bụng để lấy sức làm việc đến trưa, người dắt trâu vác cày, người vác cuốc, người mang bừa, mang cào, mang dao, phát bờ, tùy từng công việc mỗi ngày cùng nhau ra đồng. Họ gọi nhau ơi ới. Sự hoạt động ở trong làng bắt đầu ngay từ lúc tinh mơ với tiếng gọi nhau nhà này, tiếng ầm ỹ trong nhà khác. Không phải riêng gì đàn ông, cả đàn bà cũng lo sửa soạn ra đồng sau bữa ăn, với nông cụ của mình.Hôm ấy là ngày nhổ mạ ư? Các bà các cô mang sẵn quang gánh lạt để sau khi mạ đã nhổ rồi, bó thành từng bó.Hôm đó là ngày cấy lúa? Các bà các cô gánh mạ ra đồng.
Hôm ấy là ngày làm cỏ ư? Các bà các cô bước ra đi với chiếc cào trên vai.Hoặc là ngày vãi phân thì các bà các cô gánh những gánh đầy phân tro ra ruộng.Dù với công việc gì các bà các cô cũng vui vẻ lo việc của mình, mùa nực cũng như mùa rét.Còn đàn ông, công việc đồng áng càng vất vả hơn cầy vỡ ruộng, phát bờ, đập đất. Lại còn việc tát nước khơi mương.Nhiều khi trong những công việc này có cả phụ nữ cùng làm. Ra đến cánh đồng nào người, nào vật cùng nhau làm việc không ngớt. Người cày ruộng với con trâu cày hết luống này qua luống khác, hết luống cày lại nghe người thợ cày ra hiệu cho con trâu bằng mấy tiếng vắt! vắt?.Người không ngại khó nhọc, trâu cũng theo lệnh người làm việc không biết mệt:Trâu ơi, ta bảo trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta,
Cấy cày vốn nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy ai mà quản công.
Bên những người cày ruộng, những người thợ đồng khác làm những công việc khác. Ở thửa ruộng này ba bốn người vừa đàn ông vừa đàn bà đang đập đất bằng những chiếc vồ dài. Ở thửa ruộng khác, vài ba cô thợ cấy đang cùng nhau lom khom cấy lúa. Không xa, ở một thửa ruộng cao hơn, một đôi trai gái đang dùng chiếc gầu dai tát nước vào ruộng. Ở một thửa ruộng lúa đã cấy rói, một cô gái làng đang làm cỏ, cô dùng một chiếc cào, cào hết những cỏ dại mọc bên chân lúa. Và ở một thửa ruộng không xa mấy, một chàng trai làng khỏe mạnh đang phát lại bờ ruộng cho thẳng và làm cho cỏ mọc bên bờ đứt rơi xuống theo những tảng đất... Còn nhiều người khác với nhiều công việc khác, người dỡ khoai trên một thửa ruộng màu, người nhổ mạ v.v...Ai làm việc nấy, chăm chú tận tâm.
Để vui cùng công việc, thỉnh thoảng một chàng trai cất lên một câu hát để ghẹo một cô gái làng, rồi cô gái làng đáp lại. Thế là có tiếng nói vui vẻ với giọng cười khúc khích của những người làm đồng. Cộng việc với tiếng cười câu hát như trở nên nhẹ nhàng hơn.Đôi khi trên đường cái quan, đi qua khu ruộng làng, một vài khách bộ hành đang vội vã đi qua. Mấy cô đang cấy lúa, bỗng một cô ngẩng lên thấy vẻ tất bật của khách, liền cất tiếng hát ghẹo:Hỡi anh đi đường cái quan,
Dừng chân đứng lại em than vài lời!
Đi đâu vội mấy anh ơi,
Công việc đã có chị tôi ở nhà!
Một người hát, năm bảy người cười và họa theo lời hát ghẹo. Công việc tiến đều mau mắn hơn. Có khi, một cô khác hát tiếp cô bạn:Ma kéo hay là ma lôi,Mà chàng nỡ bỏ lời tôi chàng về?Người hát, người cười, nhưng không ai ngưng làm việc. Ánh nắng lên cao, gió đồng phe phẩy thổi. Rồi chẳng mấy chốc, với công việc mải mê, mặt trời đã đỉnh đầu.Phải nói thêm rằng, trong lúc làm việc, thỉnh thoảng mấy bác nông phu cũng ngừng tay lên bờ hút điếu thuốc lào. Chiếc điếu kêu giòn tan, các bác rít một hơi dài, rồi thở làn khói như mây cuốn lên trời một cách khoan khoái thích thú. Rồi các bác chiêu hớp nước, xong lại xuống tiếp tục công việc.Cũng có bác, hút điếu thuốc xong, say ngất ngư, mắt lờ đờ một vài phút, nhưng hết cơn say, tiếng người như khỏe khoắn hơn, làm công việc như hăng say thêm, và càng vậy, điếu thuốc lào càng làm cho mọi người quyến luyến:Nhớ ai như nhớ thuốc lào,
Hễ chôn điếu xuống lại đào điếu lên!
Các bà các cô cũng nhiều người hút thuốc lào, và cũng có người say thuốc như muốn đến ngã người vào điếu, nhưng các bà các cô ăn trầu nhiều hơn, và các bà già thường nhai trầu thuốc.Trưa đến, người nhà mang cơm nước ra đồng, mọi người nghỉ việc lên bờ ăn uống dưới bóng mát một gốc đa, hoặc trong một cầu quán bên đường làng. Ăn uống xong họ nghỉ ngơi một lúc cho tiêu cơm, cho đỡ mệt rồi và lúc quá ngọ sang mùi, mọi người lại trở lại công việc với sự vui vẻ nhẫn nại, ai nấy đều chắc chắn công việc của mình sẽ đem lại kết quả tốt đẹp. Họ làm việc như buổi sáng, lúc nói bông cười đùa, lúc hát bỡn cợt nhau hoặc ghẹo khách qua đường nhưng công việc luôn tay không ngớt.Họ làm việc cho đến lúc trời chạng vạng, lúc trên không đàn chim đã tìm đường bay về tổ, và đàn dơi đã từ trong tổ chui ra bay ngang dọc, nhào thấp nhào cao để chai đàn muỗi, bắt đầu đi kiếm ăn với bóng chiều dần xuống.Có thể trên không trung, đàn cò trắng bay hàng chữ nhất buông ra mấy tiếng dài như nhắc cho thợ đóng cuốc cầy công việc nghỉ ngơi.
Gái làng(Ảnh: Nguyễn Mạnh Đan)
Gánh nước giếng(Ảnh: Trần Lê Sinh)Hoặc có cô nào còn tiếc bãi cỏ non, muốn cắt thêm vài nhát để cho gánh cỏ đỡ bên đầy bên coi, sẽ có thể có một chàng trai làng làm đồng trở về chòng ghẹo:
Mặt trời đã xế về Tây,
Hỡi cô cắt có bên đầy bên vơi,
Cô còn cắt nữa hay thôi,
Để tôi cắt với làm đôi chung tình.
Cô vội vã thu xếp gánh cỏ, cô chẳng muốn trùng trình làm gì, vì quả thật mặt trời đã xế hẳn về Tây. Có khi cô yên lặng ra về, có khi cô ghét anh chàng trai kẻ bưởi vơ vào, cô hát đáp một đôi câu giọng kiêu kỳ chanh chua:
Trầu vàng còn ở trên cơi,
Anh kia đũa mốc chớ chòi mâm son.
Lại một tràng cười của những người cùng đi làm đồng về khiến cho chàng trai đâm mắc cỡ.
Ở ngoài đồng về, lùa trâu vào chuông, cất các nông cụ, mọi người đi rửa qua chân tay ở cầu ao rồi đi ăn bữa cơm tối dưới bóng một ngọn đèn lù mù.
Bữa cơm cũng thanh đạm rau dưa cà muối, nhưng vì làm việc nhiều, đói, cơm ăn thật ngon, tưởng chìm cao lương mỹ vị cũng không bằng. Cơm dẻo lại nóng, ăn vừa chín tới, đây chính cái ngon của bữa ăn vậy.
Cơm nước xong, ngày tuy đã tàn, nhưng công việc còn chưa hết. Ngày có công việc của ban ngày, tối có công việc của buổi tối, đàn ông, đàn bà, con trai, con gái người nào việc nấy.
Người lo xay lúa giã gạo, người sàng, người sẩy, và nếu trong ngày mùa, lúa gặt về ban ngày, ban đêm phải đập lúa, quạt lúa để ngày hôm sau phơi phóng.
Đêm khuya tiếng xay lúa ù ù, hoặc tiếng chày giã gạo thình thịch vang động trong yên lặng tịch mịch, chứng tỏ sức sống của dân làng dồi dào và sự sinh hoạt của dân làng liên tục từ ngày này qua đêm khác.
Trong công việc đập lúa, trai gái thợ đồng trong làng lại gặp gỡ nhau. Đây là những buổi vừa làm vừa vui, tuy vất vả, nhưng mau lẹ bởi những câu chuyện trao đổi giữa trai gái làng, bởi những câu hát tặng nhau hoặc chòng ghẹo nhau.
Và những câu chuyện bông lông trong công việc, thường khởi đầu cho những cuộc nhân duyên bách niên giai lão.
Ngoài những người làm việc ở trong nhà trong sân, tuy đêm hôm, vẫn còn những người làm việc ở ngoài đồng. Đó là những người đi tát nước đêm để có nước hôm sau cày ruộng cấy lúa.
Lại có những người đánh dậm giương vó, đánh cá bì bõm ở ngoài đồng cùng với những người cầm đuốc đi soi ếch.
Mọi người đều làm việc, công việc chỉ ngừng lúc trời đã thật khuya.
Nói đến công việc nhà nông, nhưng chỉ nói tới những người làm ruộng, cấy lúa. Phải kể là nhà nông, cả những người trồng dâu chăn tằm, ươm tơ kéo kén, mà công việc phần lớn do các bà các cô đảm nhiệm cũng rất vất vả, có phần nặng nhọc hơn cả những người làm ruộng.
Công việc nhà nông vất vả, nhưng công việc cảu thợ thuyền, của những người buôn bán, sống theo nếp sống trong làng, họ cũng chẳng nhàn nhã hơn gì những người theo nghiệp canh nông.
Gia đình thợ thuyền
Người làm thợ, sáng dậy phải sửa soạn đồ nghề, lo bữa cơm sáng rồi đi nhận công việc để làm suốt ngày. Có khi họ phải dậy sớm hơn nhà nông, vì công việc họ nhận được không phải ở ngay trong làng, mà ở làng bên cạnh, cách xa làng mình ít nhất cũng vài ba cây số, có khi còn xa hơn nữa, năm sáu cây số là thường.
Những người thợ bạn phải đến nhà ông phó cả, nghĩa là người đứng đại diện cả bọn thợ nhận công việc để cả bọn cùng làm; ông phó cả cũng phải dậy sớm, ăn uống rồi chờ các thợ bạn tới để cùng đi làm việc, và công việc tính ngày tính buổi, phải đến nhà chủ sớm.
Họ cũng làm việc suốt ngày, tùy theo nghề, ở trong nhà hoặc ở ngoài trời. Thợ mộc làm nhà làm cửa đóng đồ đạc có thể làm việc ở trong nhà, thợ nề xây, tùy theo việc làm, phải làm việc ở trong nhà hoặc ở ngoài trời. Thợ đấu, đào móng, đào ao thường làm việc ngoài trời.
Mỗi bọn thợ thường có một hoặc nhiều phó nhỏ, tức là những trẻ em đang tập việc học nghề.
Bọn thợ làm việc tại các nhà chủ, làm từ sáng tới trưa, thường công việc bắt đầu rất sớm, trưa nghỉ một lúc để ăn cơm, cơm do nhà chủ phải chịu. Cơm nước xong cũng có nghỉ ngơi, nhưng thời gian nghỉ chẳng bao lâu họ lại phải tiếp tục công việc cho đến chiều. Thường họ chỉ nghỉ buổi chiều vào lúc mặt trời đã lặn, nghĩa là không còn đủ ánh sáng để họ làm việc. Cơm chiều cũng do nhà chủ cung cấp. Cơm nước xong, họ sửa soạn đồ đạc để trở lại nhà. Như vậy về đến nhà thường cũng đã rất muộn.
Qua ao làng, có khi họ lội xuống tắm rửa.
Về nhà, xếp lại đồ nghề, họ xoay vào công việc trong nhà, giúp đỡ vợ con, hoặc xay thóc giã gạo, hoặc làm những công việc khác nhưng thường thì cũng rất khuya họ mới đi ngủ. Trên là những bọn thợ làm việc ăn công ngày, nhà chủ trả công tùy theo loại thợ, và mỗi nghề nghiệp giá biểu cũng thay đổi từ ông phó cả đến người thợ bạn. Thường các phó nhỏ chỉ làm việc cơm không.
Đừng ai nghĩ rằng đấy là họ bóc lột sức lao động vì bọn thợ phải làm việc quá nhiều. Ở nhà quê không ai bóc lột ai, có làm thì mới có ăn, và đất lề quê thói là như vậy. Nhà chủ có công việc, bọn thợ cần việc làm, đôi bên thuận với nhau thì nhà chủ trao việc và bọn thợ nhận việc, đôi bên không thuận, không ai bó buộc ai. Đây chỉ là sự thuận tình của mọi người trong nếp sống hòa đồng từ nghìn xưa của người Việt Nam.
Ngoài những trường hợp làm việc ăn công ngày, lại có những công việc làm khoán, có khi vì người chủ sợ làm công ngày, thợ thuyền kéo dài công việc, sáng rửa cưa trưa mài đục hết ngày hết giờ tốn kém nên thuê khoán, hoặc có khi vì người phó cả muốn làm công việc cho mau xong, và công xá dứt khoát để tiện tìm thợ bạn, không muốn làm công ngày, chỉ nhận làm khoán.
Làng khoán, nhà chủ không phải lo cơm nước cho thợ thuyền; đi làm việc bọn thợ phải mang theo cả bữa ăn thường là bữa ăn trưa. Và làm việc họ cũng rất ít nghỉ ngơi, kể cả buổi trưa, họ cố gắng làm cho công việc mau xong để còn nhận công việc khác.
Đi làm khoán như vậy, buổi chiều họ chỉ nghỉ việc vào lúc thật không thể làm việc được nữa, và lúc trở về nhà thường muộn hơn là những bọn thợ làm ăn công ngày.
Về nhà họ mới ăn cơm bữa tối.
Tiền nong công xá đều trích trong món tiền nhà chủ trả khoán cho phó cả. Thường lúc mới bắt đầu làm việc, người phó cả được nhà chủ cho vay trước một món tiền. Món tiền này, người phó cả chia cho các thợ bạn mỗi người vay ít nhiều. Và khi công việc làm xong, nhà chủ trả hết tiền, người phó cả lại chia cho các thợ bạn. Tiền chia cho các thợ bạn, tùy theo công việc của mọi người, và thường có sự thỏa thuận trước giữa thợ bạn với phó cả.
Cũng có khi phó cả nhận khoán công việc, nhưng lại trả công ngày cho các thợ bạn, tiền công thường cao hơn khi ăn công ngày thẳng với người chủ có công việc. Trong trường hợp người phó cả trả công ngày cho thợ bạn, người phó cả thường phải lo bữa ăn trưa cho họ, còn bữa ăn chiều được tính gộp cả vào tiền công.
Dù làm khoán hay ăn công ngày, người thợ vùng quê bao giờ cũng làm tận tâm và kỹ lưỡng như nhau, ít khi có sự dối trá trong công việc. Họ cần phải giữ lấy tín nhiệm, vì thường công việc chỉ nhận ở trong làng hoặc các làng lân cận, nếu người thợ nào làm ăn không đứng đắn, cả vùng sẽ biết, và như vậy sẽ rất khó làm ăn, bởi lẽ không ai muốn mượn người thiếu cẩn thận.
Và đã làm việc là phải vất vả, làm khoán hay làm ăn công ngày cũng vậy. Chính sự vất vả này nó điều hành nếp sống hàng ngày của người dân quê. Ở nhà quê ít ai ăn không ngồi rồi. Những người ăn không ngồi rồi chỉ là những người không có nghề nghiệp, và như vậy thường bị dân làng coi là làm biếng, và nhìn bằng một con mắt rất ít thiện cảm.
Ngoài những bọn thợ đi nhận việc làm, còn những thợ làm việc ngay tại nhà, hoặc mở một cửa hàng ở một nơi nhất định.
Ngoài thợ rèn mở lò rèn ở quán đầu làng hay ở một gian lều chợ làng, sáng ngày phải dậy sớm ra nhóm lò thổi bễ; một vài người thợ kim hoàn trong vùng mở ngôi hàng hàng bạc ở ngay trong làng, người làng cũng như dân chúng các làng xã quanh vùng tới đánh đồ trang sức; một vài người thợ may mở những tiệm may nho nhỏ. Thợ may cũng có người mang kim mang kéo tới khâu vá tại các nhà trong làng. Đó là những người thợ kém dồi dào về mặt tiền nong, không thể có được một cửa hàng, không có nổi một máy khâu, phải khâu tay, đi nhận việc khâu.
Thường thợ thuyền phần nhiều là đàn ông, duy chỉ có thợ may, có một thiểu số là phụ nữ, và thiểu số này thường đi nhận việc khâu tại ngay trong xã.
Ngoài các nghề với các thợ thuyền nói trên, cũng còn nhiều nghề khác như thợ nhuộm, thợ đóng cối v.v... Những thợ này thường làm việc ở nhà như thợ nhuộm thợ thêu, hoặc đi tới các nhà để làm việc như thợ đóng cối, thợ hàn.
Trong lúc người thợ làm việc của nghề nghiệp, thường có khi vợ con phụ, hoặc vợ con lại làm công việc khác.
Việc làm ăn thật là đầu tắt mặt tối, nhưng nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, dù không sung túc cũng không phải sở cậy tới người khác.
Nếu giá trị con người ở chỗ biết tự trọng, người dân quê Việt Nam bao giờ cũng là những người biết giữ giá trị của mình, lo làm lo ăn để khỏi là một ký sinh trùng ăn bám vào xã hội.
Gia đình thợ thuyền so với gia đình nông dân, sự vất vả cũng tương đương, và tùy nghề, có người dư dật và có người quanh năm chỉ đủ ăn và đủ đóng góp với dân làng để dự phần vào những cuộc sinh hoạt chung của làng.
Gia đình buôn bán
Đúng như nhận xét của sử gia Trần Trọng Kim, việc buôn bán của ta xưa kia kém cỏi lắm... Nếu nói rằng sự buôn bán lớn không có ở người Việt Nam thời trước, cũng không phải là nói sai. Ta vẫn hằng nói "phi thương bất phú", nhung trên thực tế, những doanh thương lớn tại nước ta trước đây đều là người ngoại quốc, nhất là người Trung Hoa, còn người Việt Nam ta chỉ buôn bán quanh quần, và người nào có một vài chiếc thuyền mua hàng nơi này bán nơi khác đã được coi là hạng thương gia đáng kể rồi, và số người này tại các làng cũng chẳng bao nhiêu. Việc buôn bán của ta kém cỏi vì người mình cả đời không đi đến đâu, chỉ quanh quẩn ở trong nước, buôn bán những hàng hóa lặt vặt. 3 Gia dĩ, phần lớn, việc buôn bán ta lại chỉ giao cho đàn bà, khác hẳn ngày nay, đã nhiều đàn ông nắm lấy thương trường để cạnh tranh với ngoại kiều.
Ở làng xã rất ít người buôn bán lớn, và phần lớn chỉ là đàn bà, họa mới thấy mặt nam giới trong việc buôn bán này.
Chốn nhà quê, nơi nào không có ruộng nương, không có nghề gì thì xoay ra làm hàng xay hàng xáo, lái trâu, lái bò, hoặc bán hàng quà, hàng bánh, kiếm ít lời đầu tôm râu cá, về nhà cơm rau cơm cháo cho qua ngày. Nhà nào có được một vài trăm bạc, bỏ ra vốn đồng vốn để, hoặc chỉ là thóc chứa gạo, đồng lúa rẻ bán lúa đắt, cầm bát họ bát hàng, đã kể là nhà phong vận hơn người. 4
Vì buôn bán nhỏ, vì không khuếch trương thương nghiệp như các thương gia tại đô thị ngày nay, nên những người buôn bán ở vùng quê thật là vất vả với sự cực nhọc không kém thợ thuyền hay những nông dân cày sâu cuốc bẫm.
Cũng như những người trong làng, những người buôn bán, thường là đàn bà, phải dậy sớm theo tiếng gà gáy.
Dậy để lo thổi cơm nước, cơm nước để mình mang đi chợ, và cơm nước để chồng con ăn bữa sáng. Ở hoàn cảnh này cũng như ở bất cứ hoàn cảnh nào, người đàn bà Việt Nam bao giờ cũng thương chồng, thương con, lo tròn bổn phận đối với chồng con.
Trong lúc chồng con còn đang ngủ, nàng đã dậy sớm hơn, vo gạo thổi cơm, làm thức ăn. Khi mọi công việc xong xuôi, nàng sắp sẵn mâm bát để lát nữa chồng con dậy thì cơm nóng đó, canh ngọt đó, chồng con chỉ có việc ăn, sau đó các con lớn sẽ lo việc dọn mâng bát.
Riêng phần nàng, cơm đã chín, canh đã nấu, nàng ăn vội vàng vài bát cho no bụng lấy sức để còn quay gánh đi bộ trên quãng đường có khi dài tới hai chục cây số.
Một phụ nữ ở làng Phú Thị, huyện Lập Thạch mà đi chợ tỉnh Vĩnh Yên (Vĩnh Phú), phải vượt một quãng đường thật dài, nói trên hai chục cây số không phải là ngoa. Đi bộ rảo cẳng cũng phải mất gần bốn tiếng, bắt đầu ra đi ở nhà từ năm giờ sáng, có khi mười giờ mới tới chợ. Ở chợ bán hàng cho tới trưa, giở cơm ra ăn, cơm mang sẵn đi từ ban sáng rồi lại tiếp tục việc bán hàng hoặc mua hàng cho tới gần ba giờ chiều mới lo quang gánh về.
Lúc về chợ, thế nào người phụ nữ Việt Nam cũng phải nghĩ tới quà chồng quà con, còn chính nàng, nàng rất hà tiện tiết kiệm với mình. Nàng ăn miếng trầu ư, nàng ăn bằng chũm cau, còn những miếng cau ngon, nàng dành phần mang về cho chồng và cho mẹ chồng...
Bán hàng ăn những chũm cau,
Chồng con có biết cơ màu này chăng!
Một phụ nữ khác ở làng Thị Cầu, thường đi chợ Yên Phụ, gọi là chợ Núi, huyện Yên Phong Bắc Giang (Hà Bắc), cách làng mình cũng gần hai chục cây số, cũng phải dậy từ sáng sớm để khi trở về đã chiều tối. Có khi phụ nữ này, tuy Thị Cầu ở huyện Võ Giàng tỉnh Bắc Ninh, nhưng lại đi chợ Võ Dương, tục gọi là chợ Tri ở huyện Quế Hương, vào các ngày bốn, ngày chín, chợ Võ Dương cũng xa không kém chi chợ Núi.
Dù đi chợ nào, bất cứ người phụ nữ nào, quê ở xã nào, đã buôn bán, nhất là buôn thúng bán mẹt đều phải đầu tắt mặt tối vất vả mới kiếm được đủ ăn, đủ lo cho gia đình, đủ đóng góp với làng xã cho chồng con.
Thường buổi chiều, đi chợ về, nàng lại vào bếp làm cơm, và hàng ngày chỉ bữa cơm tối nàng mới được ăn cùng chồng cùng con, còn sáng và trưa nàng đều ăn một mình, và bữa trưa bao giờ cũng là cơm nắm cơm nguội mang ở nhà đi.
Cơm nước xong, nàng dọn dẹp công việc nhà và khi dọn dẹp công việc nhà đã xong, nàng lại phải tính đến việc buôn bán của mình.
Nàng tính tiền hàng, nàng sửa soạn gánh hàng để sáng hôm sau đi chợ sớm, nàng phải xem hàng nào còn, hàng nào hết tính chuyện buôn thêm bán bớt, xếp những món hàng ra riêng biệt để biết lỗ lãi.
Mọi việc xong, trời thường đã về khuya, lúc đó nàng mới có thể đi ngủ để sáng hôm sau lại dậy sớm với công việc hàng ngày.
Nàng chỉ ăn với chồng một bữa,
Ngủ với chồng nửa đêm.
Và để nói lên sự cần cù chịu khó và nhất là sự hy sinh của nàng, ca dao có câu:
Nửa đêm ân ái cùng chồng,
Nửa đêm về sáng gánh gồng ra đi!
Nàng đã vất vả chợ búa, nàng đã hai sương một nắng không nghĩ đến sức khỏe của mình, nhưng đến tình yêu đằm thắm đối với người bạn trăm năm, nàng cũng phải hy sinh, và mỗi ngày chỉ ăn với chồng có một bữa và mỗi đêm chỉ ân ái với chồng có nửa đêm.
Nàng đã vất vả như vậy, không phải chồng con ở nhà có nhàn nhã đâu. Sự vất vả là lẽ sống của người dân quê, người dân quê có vất vả mới quen chịu đựng và có quen chịu đựng, mỗi khi có nạn nước, họ mới sẵn sàng đồng tâm đoàn kết chịu gian nan để chống với ngoại xâm. Những cuộc chống Tống, dẹp Nguyên, đuổi Minh, bình Thanh và một trăm năm luôn luôn nổi dậy dưới gót sắt của người Pháp đủ chứng tỏ sự bền bỉ chịu đựng, sự đồng tâm nhất trí của dân Việt Nam trước những cơn phong ba bão táp của non sông. Người dân quê Việt Nam lúc nào cũng sẵn sàng chịu hy sinh, miễn sao sự hy sinh phải xứng đáng và các cấp lãnh đạo phải biết vì dân vì nước.
Trở lại những gia đình buôn bán, phải nhận rằng, đây cũng là những người làm lụng và họ cũng không nhàn nhã hơn những thợ thuyền hoặc những nông phu. Nếu những người đàn bà buôn bán chịu thương chịu khó thì những người đàn ông theo phương pháp ở làng xã cũng phải có đức tính ấy mới mong kiếm đủ ăn nuôi gia đình; đóng góp với xóm làng. Bất cứ buôn bán thứ gì, từ buôn gánh hàng xén đến buôn rau buôn đậu, làm hàng xay hàng xáo, họ đều phải chú tâm đến việc buôn bán của mình và phải chịu thương chịu khó luôn luôn tất bật mới mong có lời. Có những người gọi là buôn bán, nhưng sự thực là đem bán sức khỏe của mình đổi lấy miếng ăn. Thí dụ làm nghề bán bún phải xay gạo phải đổ khuôn bất bún, làm nghề bán giò chả, phải lấy sức mình để giã giò giã chả, làm nghề bán quà phải vất vả nấu bánh trái v.v…
Ông đồ bán chữ(Ảnh: Nguyễn Mạnh Đan)Nông công thương, ở vùng quê, so sánh ra ai cũng như ai, có làm thì mới có ăn, không ai có thể ăn dưng ngồi rỗi được.
Gia đình kẻ sĩ
Xét qua tứ dân, có lẽ công việc kẻ sĩ là nhàn nhã hơn, nhưng gia đình của kẻ sĩ, ngoài người chủ gia đình theo nghề nghiệp của mình, mọi người khác cũng phải làm việc để sống theo nhịp sống của dân làng.
Kẻ sĩ nhàn, vì đó là hạng người làm những công việc không phải vất vả tới chân tay. Đây gồm những người đi học để đi thi, những ông đồ dạy học, những ông lang bốc thuốc, những thầy bói thầy số. Và cũng có thể kể vào hàng kẻ sĩ những người trong ban hội đồng kỳ mục, đảm đương chức vụ trong làng, vì công việc của họ không phải là những công việc làm bằng chân tay, mà chính là công việc làm bằng trí óc.
Kẻ sĩ không vất vả lại được sự trọng vọng của dân làng, và luôn luôn được coi là bậc thượng lưu trong hàng xã.
Dân làng tuy vất vả, nhưng thấy kẻ sĩ nhàn, không bao giờ một ai có ý nghĩ ganh tị, mọi người đều nghĩ rằng địa vị của kẻ sĩ đáng được hưởng sự nhàn nhã phong lưu, vì họ chính là tầng lớp đưa đường dẫn lối cho dân quê, và những sự giúp đỡ của họ đối với dân quê được dân quê luôn luôn ghi nhớ và coi những sự giúp đỡ đó rất là đáng kể.
Ông đồ dạy học thì học trò đều là con cái dân làng. Và các ông đồ xưa, dạy học đâu có lấy tiền, bố mẹ học trò, những ngày sóc vọng tết nhất, muốn đưa biếu cái gì cũng được, nhiều ít không nề. Đạo Thánh là đạo rộng, cửa Khổng sân Trình luôn luôn mở đón các học sinh, dù giàu dù nghèo. Người dân nghèo, cho con đến nhập môn các ông đồ, ăn mày dăm ba chữ, lẽ tất nhiên họ quý trọng ông đồ, không nói chi đến trường hợp con họ học hành tấn tới có thể đỗ đạt nên ông nợ ông kia hoặc mai sau có thể làm đàn anh trong làng trong tổng được.
Ông đồ được tất cả dân làng kính nể và lệ làng đối với ông đồ cũng có sự biệt đãi: ông đồ được miễn hết sưu thuế, được miễn hết phu phen tạp dịch, và ở trong làng khi nhà nào có giỗ chạp cỗ bàn, họ đều mời ông đồ, và luôn luôn ông đồ được ăn trên ngồi trước ở những nơi này. Và những lời ông nói ra, thường dân làng đều lấy làm phải và nghe theo.
Trong hàng kẻ sĩ, ông lang cũng được mọi người tôn kính, vì học vấn cũng có, mà nhất là vì sự ra ơn của ông lang đối với dân làng. Đối với ông lang, họ cũng kính trọng như đối với ông đồ.
Ông lang tuy không dạy con họ học, nhưng ông lang đã chữa thuốc cho co họ và cho cả chính họ nữa. Đã đành chữa thuốc thì lấy tiền, nhưng ở đây không phải là một việc buôn bán, không ai đem tiền mà đổi lấy tính mệnh được.
Nếu ốm đau không có người cắt thuốc chữa bệnh, làm sao mà khỏi được bệnh. Không thề nói ốm no bò dậy!
Vì quan niệm như vậy nên các ông lang đối với dân quê rất được kính nể, và những người nào đã được ông lang nào chữa bệnh cho, cứu cho thoát bệnh hiểm nghèo, họ ghi ơn suốt đời không quên và họ thường sống tết chết giỗ.
Ngay các vị đàn anh trong làng, đối với các ông lang cũng có sự nể vì, và những khi tết nhất nếu người ta nghĩ tới các ông đồ, người ta cũng không quên các ông lang. Và cả những khi đám xá tiệc tùng tại các tư gia, người ta đều có mời các ông lang quen chữa bệnh cho gia đình và có những nơi ông lang cũng được ăn trên ngồi trước như ông đồ. Các ông lang cũng hiểu sự kính trọng của dân làng đối với mình, các ông thường bao giờ cũng tỏ ra xứng đáng với sự kính trọng này. Chữa bệnh thì lấy tiền, nhưng các ông chỉ lấy tiền trong giới hạn nào, thường là tiền thuốc men, chứ tiền công các ông tính rất ít. Ấy là chưa kể, có những trường hợp, có ông lang chữa bệnh làm phúc cho những người nghèo khổ.
Giữa thầy thuốc và con bệnh do đó có sự thân tình, có ân nghĩa mà tiền tài không thể xen vào. Nền đạo đức Đông phương cổ truyền ở đây cũng như trong nhiều trường hợp khác đã không bị đồng tiền chi phối.
Các ông lang cũng được hàng xã miễn cho phu phen tạp dịch, còn về sưu thuế nếu có phải đóng, sự đóng góp cũng không đáng kể.
Ngoài các ông đồ và các ông lang, những học trò đang đi học cũng được coi là kẻ sĩ, và cũng được sự kính trọng của mọi người, nhất là những người học trò giỏi, những người học trò trưởng tràng của các ông đồ.
Trai thì đọc sách ngâm thơ
Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa.
Ở nhiều làng, xưa có những học trò có tiếng là hay chữ, được mọi người kính trọng; ở đây, qua sự kính trọng người học trò, chính là sự kính trọng văn học. Và thời xưa, người học trò, hôm nay còn là một hàn sĩ, nhưng ngày mai, qua một cuộc thiên tử cầu hiền, chàng hàn sĩ bạch đinh có thể trở thành một chân khoa cử, rồi với ơn vua lộc nước sẽ có thể là một vị lương đống của triều đình, của quốc gia.
Đi học cũng như những người đi dạy học được miễn phu phen tạp dịch; dân ta quý trọng văn học và do vậy quý trọng cả những người dạy học và những người đi học. Những vị lãnh đạo các cấp bậc của quốc gia đều kén chọn trong đám học trò qua những kỳ thi, và việc thi cử của ta coi như việc nhà vua lựa nhân tài. Tại các cổng trường thi bao giờ cũng có bốn chữ "Thiên tử cầu hiền", nghĩa là nhà vua cầu người hiền tài.
Và chính cũng vì lẽ trong văn học, nên kẻ sĩ đứng đầu tứ dân.
Người ta trăm nghệ tùy thân,
Nhưng mà văn học phải cần đầu tiên.
Thi thư là báu dõi truyền,
Học trò là kẻ sĩ hiền trọng thay. 5
Cũng được coi là kẻ sĩ những bốc sư, những thầy địa lý, những người bán chữ, viết câu đối, thảo văn tế, văn khấu v.v… vì nghề nghiệp những người này đều phải dùng đến chữ nghĩa. Và đã là kẻ sĩ, họ cũng được dân làng kính trọng và được hưởng những sự biệt đãi dành cho kẻ sĩ.
Trong khi kẻ sĩ được hưởng sự nhàn nhã thì gia đình họ, vợ và các con vẫn phải làm việc khác.
Các bà đồ, vợ các ông đồ vẫn phải thắt lưng bó que, tất tưởi buôn bán kiếm lời nuôi gia đình, hoặc trông nom vài sào ruộng của gia đình, đảm đương công việc vất vả của nhà nông. Bà đã lấy đó làm vui vì lấy chồng học trò là lòng bà đã toại.
Bà đồ lo nuôi chồng; chồng vừa dạy học vừa luyện tập văn bài, khoa thi tới sẽ lại ứng thí với hy vọng bảng hổ đề danh, chồng nên danh, vợ cũng thơm lây, chồng võng đào, vợ võng tía. Nhiều khi ông đồ, bà đồ sống trong cảnh thanh bạch, nhưng luôn luôn bà đồ chịu khó cần cù tảo tần để giúp đỡ chồng, việc ruộng nương, việc buôn bán và có khi lại dệt vải guồng tơ.
Dăm thước vườn trống trải,
Nhà rơm một mái xiêu,
Nhưng mộng lòng đã toại,
Đâu dám quản chi nghèo
Đảm đang xuôi ngược sớm chiều,
Lòng mơ một chiếc võng điều mai sau.
Giọng ấm chàng đọc sách,
Thao thao tưởng nước nguồn.
Văn chàng hay nức tiếng.
Lòng nàng như pha son.
Nhường chàng nửa đĩa dầu con,
Kề trăng quên ngủ tay giòn quay tơ. 6
Từ sĩ nông công thương, với sinh hoạt trình bày trên, ta thấy rằng người dân trong làng luôn luôn tận tụy với công việc. Đây chỉ là những sinh hoạt cá nhân vì sinh kế, nhưng chính sự sinh hoạt tuy gọi là cá nhân này, đã góp phần vào sự thịnh vượng chung của làng xã. Và, từ trên mới chỉ nói tới công việc làm ăn, nhưng nếu có làm lụng vất vả thì người dân quê cũng có những lúc chơi bời với những thú chơi cao nhã như cầm, kỳ, thi tửu, hoặc tham dự vào những hội hè đình đám. Và ngoài ra còn nhiều sinh hoạt cộng đồng khác mà thường thường tất cả dân làng hoặc một phần dân làng tham dự vào.
Có nhiều sinh hoạt tuy là những sinh hoạt cá nhân nhưng lại được sự tham dự của nhiều người làng, những sinh hoạt này không kể là sinh hoạt cộng đồng được, vì không phải là công việc chung của cả làng, mà chỉ liên quan tới một gia đình hoặc một cá nhân, và đây cũng không phải là những sinh hoạt về sinh kế, và cũng không phải là những công việc thường xuyên hàng ngày, đây là những công việc vui mừng hoặc tế tự mà người dân quê, gọi là việc hiếu hỷ.
Sinh hoạt hiếu hỷ
Đây là tất cả những công việc liên quan đến sự vui mừng hay đau buồn của dân làng. Tinh thần đoàn kết đã khiến mọi người dân trong một xã gặp vui thì cùng chia vui và gặp sự đau buồn thì cùng san sẻ làm cho sự đau buồn được dịu bớt phần nào.
Trong các việc hiếu hỷ ta phải kể ra việc cưới xin, khao vọng, giỗ chạp, tang ma v.v...
Những công việc trên đều là những biến cố vui buồn xảy ra cho từng gia đình, nhưng không phải chỉ riêng gia đình liên hệ được hưởng sự vui hoặc phải chịu sự buồn.
Cưới xin
Trong đám cưới, lẽ tất nhiên có hai gia đình liên hệ là nhà trai và nhà gái. Ở đây tôi không nói tới những tục lệ về cưới xin, những tục lệ này trước đây tôi đã trình bày trong tập Nếp cũ Con người Việt Nam, nay tôi chỉ nhắc tới trên phương diện sinh hoạt của dân làng trong lệ làng.
Cưới xin là sự phối ngẫu của một đôi trai gái, và đứng lên lo việc cưới xin là hai gia đình của đôi trẻ, nhưng không phải người làng không tham dự vào việc vui mừng và không phải là không liên quan gì tới làng xã.
Trước hết, đôi bên phải trình với hội đồng kỳ hào trong làng biết để xin phép làm tiệc với việc mổ trâu bò dê lợn, và lại phải đóng lệ làng về các khoản hội họp, đốt pháo, giết thịt gia súc v.v... Và trong đám cưới, tùy tiệc to nhỏ, nhà trai nhà gái đều có mời họ hàng làng mạc tới dự tiệc, và ngày cưới phải có lễ ra đình làng để làm lễ đức thành hoàng.
Trong ngày cưới họ hàng bạn bè đôi bên kéo nhau tới làm giúp ăn cỗ. Đây là tinh thần tương tự vị tình không phải vị thực. Và liên bang hàng xóm cũng tới làm giúp và tới mừng cô dâu hoặc chú rể.
Những người đến làm giúp mỗi người một tay, ngay từ lúc sửa soạn đám cưới. Họ cùng nhau giúp gia chủ dựng rạp, mổ trâu bò, gà lợn, làm cỗ hoặc hầu hạ khách khứa trong bữa tiệc. Lại có người đảm nhận hẳn việc liên lạc với hội đồng hàng xã để lo mời việc xin phép theo lệ làng. Đối với những người đến làm giúp này, gia chủ coi như người nhà và chỉ cần có cơm rượu cho họ ai nấy đều tận tình lo như chính công việc của họ vậy.
Ngoài việc làm giúp, họ còn mừng gia chủ, có người mừng bố mẹ cô dâu chú rể, có người là bạn của cô dâu chú rể thì mừng hẳn các đương sự. Họ mừng đồ đạc, những đôi câu đối, những bức đại tự, nhưng phần nhiều để tiện dụng và giúp đỡ một cách thiết thực cho gia chủ, họ mừng tiền, mỗi người một món tiền to nhỏ tùy theo khả năng tài chính của họ. Gia chủ hân hoan nhận những đồ mừng cũng như nhận tiền và sự mừng ở đây, ngoài sự chia vui còn có ý nghĩa giúp đỡ cho gia chủ trong lúc cần sự tiêu pha.
Sự mừng cưới này nói lên tinh thần tương thân tương ái của dân làng với nhau, và đây chỉ là một sự đồng lần. Gia chủ thường bao giờ cũng biên sổ cẩn thận, để những người đã mừng mình, khi có việc vui buồn mình sẽ tới giúp lại.
Họ mừng, họ ăn, họ ở lại làm giúp, và những người bạn thân lại tham dự cả vào việc đưa rể đón dâu ngoại trừ những người có đại tang, những người này vì tục kiêng kỵ của ta không muốn trong lúc mang trọng tang lại tới dự một đám vui mừng. Trước hết họ kiêng cho cô dâu chú rể vì họ sợ mang sự không may tới, sau nữa là đạo hiếu của ta ngăn cản không cho họ được tham dự những việc vui mừng trong khi có đại tang, có đại tang là đang mang sự đau khổ vì mất người thân, nay lại dự vào đám vui mừng tức là kẻ mang tang đã quên nỗi buồn, nỗi thương tiếc của mình đối với người chết.
Những người làm giúp thường rất tận tình nên khi đám cưới đã đón dâu đưa rể xong, ngày hôm sau họ còn đến giúp đỡ gia chủ trong việc dỡ rạp và dọn dẹp nhà cửa. Đây thường là những hàng xóm thân tình hoặc họ hàng con cháu.
Giỗ chạp khao vọng
Nếu trong đám cưới, dân làng có sự tương trợ và giúp đỡ gia chủ, thì trong đám giỗ, việc giúp đỡ tương trợ này cũng sốt sắng như vậy.
Một gia đình nào có giỗ thường thường có con cháu tới, và có một số dân làng hàng xóm được gia chủ mời tới làm giúp ngay từ hôm tiên thường. Đây là nói những đám giỗ lớn, có cáo giỗ và có làm giỗ mời hàng xóm làng mạc. Những người tới làm giúp, họ cũng tận tình và làm những công việc như trong một đám cưới. Cũng làm rạp, cũng mổ lợn, mổ bò, cũng làm cỗ, và trong việc làm giúp đàn ông có, đàn bà có.
Đàn bà thường làm những công việc như bổ cau têm trầu, bày cỗ và phục dịch khách khứa. Những người làm giúp trong đám giỗ, sau khi làm giúp cũng lên lễ bàn thờ nhà chủ, và họ cũng có đồ lễ, như những khách khứa tới ăn cỗ. Đồ lễ thường là trầu cau vàng nến trà rượu. Không có tiền như trong đám cưới, tuy nhiên, con cháu người hưởng giỗ phải gửi giỗ cho nhà trưởng, và trong việc gửi giỗ có thể dùng tiền để giúp đỡ cho gia trưởng. 7
Cũng như khi cưới xin giỗ chạp, gia đình nào có việc khao vọng, dù là khao nhiêu xã, khao thượng thọ, khao nhận chức vụ trong làng như Lý trưởng, Chánh Hương hội v.v... khao phẩm hàm, khao thi đỗ, dân làng hàng xóm, những người thân mật cũng tới chia vui, làm giúp và có đồ mừng. Có khi, một người xây chiếc sân gạch, làm ngôi nhà mới cũng được hàng xóm tới giúp đỡ, bởi vậy khi ăn mừng nhà mới, gia chủ thường có cỗ bàn thết đãi, có mời cả ca nhi hoặc phường chèo tới xướng hát để mua vui cho mọi người.
Tang ma
Lại những gia đình có tang lễ, người làng cũng tới giúp đỡ và chia buồn. Trong việc giúp đỡ này, có những trai làng, xung các ban hàng giáp, hàng xóm dự các chân đô tùy trong việc đưa đám. Các cụ già, các người đứng tuổi, mỗi người giúp mỗi việc trong lễ nghi, cũng như trong nghi trượng đi đường, các tay văn tự thảo hộ văn tế, viết hộ đối trướng, các nhân viên trong ban tư văn tham dự các buổi tế.
Tới chia buồn trong đám tang, người ta có đồ phúng viếng: vàng nến hương hoa trầu rượu, câu đối trướng... Người ta cũng dùng tiền làm lễ phúng viếng, và đây cũng là một hình thức tương trợ.
Các việc khác
Cũng coi là sinh hoạt về hiếu hỷ những buổi làm chay cầu siêu cho người khuất, những lễ cải táng, những lễ bắc cầu giải oan cho những người gặp tai nạn bị bất đắc kỳ tử, và trong những dịp này đều có sự tham dự giúp đỡ của dân làng hàng xóm.
Tóm lại, những sinh hoạt về hiếu hỷ, tuy là những sinh hoạt tư riêng nhưng có sự tham dự đông đảo của dân làng với tinh thần tương trợ hòa đồng để cùng vui hoặc để chia xẻ nỗi đau buồn với các gia đình đương sự. Đây chính là những dịp để dân làng tỏ tình thân với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, biểu dương sự đoàn kết của làng xã và nói lên sự ràng buộc của dân làng với dân làng.
Người dân quê Việt Nam không ích kỷ, và họ sẵn sàng luôn luôn giúp đỡ những người làng trong mọi hoàn cảnh và tùy theo khả năng của mỗi người. Qua những sinh hoạt hiếu hỷ sơ lược trình bày trên, tinh thần tương trợ đã được biểu lộ, nhưng tinh thần càng rõ ràng hơn trong nếp sống hàng ngày của người dân trong hàng xã.
Tinh thần tuơng trợ trong nếp sống hàng ngày
Đời sống người dân quê vất vả cực nhọc, nhưng nhờ sự tương trợ với tình tương thân, tương ái giữa mọi người, sự vất vả cực nhọc này như giảm bớt được đi nhiều. Người trong làng lúc nào cũng như sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau từ việc nhỏ tới việc lớn, về tinh thần cũng như về vật chất.
Sự giúp đỡ trong các sinh hoạt hiếu hỷ đã nói nhiều lên sự tương trợ này, nhưng trong nếp sống hàng ngày luôn luôn có những dịp dân làng giúp đỡ lẫn nhau.
Một nhà đến bữa ăn thiếu chút muối ư? Nhà đó có thể xin ngay nhà hàng xóm một cách rất dễ dàng! Có thể nhà đó thiếu hẳn thức ăn trong một bữa cơm vì không gặp phiên chợ, và trong nhà không sẵn đồ ăn dự trữ! Cũng không sao, một nhà hàng xóm có thề sẵn sàng giúp đỡ mấy quả cà, đĩa mắm để nhà này dùng tạm trong bữa cơm. Và cũng thế, nếu nhà thiếu muốn sang ngay một nhà khác trong xóm, xin mấy cây rau, nhà hàng xóm sẽ vui lòng mời người thiếu tới vườn rau nhà mình tự cắt lấy số rau cần thiết cho bữa cơm.
Và nếu một nhà, bố mẹ đi vắng, đến bữa cơm, các con ở nhà chưa có gạo thổi, nhà hàng xóm biết, họ sẵn sàng cho vay số gạo cần dùng để các em thổi cơm.
Trong làng, có một nhà có chai mật ong tốt, có thể chữa được các chứng bệnh cam của trẻ em, thế là người làng mỗi khi trong nhà có trẻ bị cam răng, tưa lưỡi, họ đều mang chén tới xin, và nhà có của không hề bao giờ từ chối. Con người cũng như con mình, mình sẵn có, người thiếu thốn, tại sao mình lại không giúp.
Đây chỉ nói về những việc nhỏ, việc nhỏ giúp nhau được thì việc lớn người ta cũng giúp nhau.
Trong xóm có một người bị cháy nhà ư? Cả xóm sẽ cùng xô lại cứu chữa, người xách nước, người dọn đồ, và có thể nói được rằng, sự hôi của thật không khi nào xảy ra.
Một nhà có một con lợn sổng chuồng chạy ra đường ư? lập tức có vài người giúp chủ nhà đón bắt ngay con lợn lại.
Một người vô ý bị ngã xuống ao xuống sông chăng? Người làng lập tức hè nhau lội xuống vớt, và khi vớt được lên, mỗi người một tay, cùng nhau lo cứu chữa nạn nhân.
Và còn rất nhiều trường hợp, sự giúp đỡ của dân làng bao giờ cũng tận tình, và không hề ai nghĩ tới sự đền công của những người được giúp đỡ.
Một người nhận được một giấy quan đòi, không biết chữ, lập tức có người biết chữ đọc giùm.
Về mặt tinh thần sự tương trợ của dân làng càng rất đáng quý.
Một người không may bị oan khuất một điều gì, dân làng tìm cách minh oan, và nếu không minh oan được thì cũng có sự an ủi đương nhân.
Một người đi thi, cả làng đều cầu chúc cho may mắn đỗ đạt.
Sự tương trợ nhiều khi là một sự đồng lần. Thí dụ trong địp Tết đến, nhà nào cũng có gói bánh chưng ăn Tết; ngày hôm nay, nhà này gói bánh, ba bốn người khác tới gói giúp, và ngày mai, ngày mốt, đến nhà người khác gói bánh, thì lại cũng được sự giúp đỡ như vậy, của những người mình đã giúp và của cả những người khác nữa.
Ở trong làng, nhà này đi vắng, gửi nhà người hàng xóm là chuyện thường, và người hàng xóm khi đã nhận giữ nhà hộ, thường cho người nhà hoặc con cái sang trông nhà giúp người đi vắng. Có khi người ta gửi nhau cả con cái, và người nhận trông nom giúp, họ trông nom con cái người như chính con cái họ.
Tình tương thân tương ái giữa người làng còn thể hiện trong sự biến xén lẫn nhau.
Một người đi chơi xa về, có quà cáp, ngoài việc kính biếu bố mẹ, thường biếu cả hàng xóm láng giềng. Hoặc trong nhà có cây ăn quả, khi có quả chín, sau khi hái thắp hương cúng gia tiên và Thổ công, người ta thường mang biếu hàng xóm láng giềng.
Và trong những dịp lễ bái, có làm xôi nấu chè, người ta cũng không quên hàng xóm lân cận.
Không có việc gì có thể có lợi, người là điều mách nhau. Tính ích kỷ thật là ít có với dân quê.
Qua các điều trình bày trên, có lẽ có người sẽ cho rằng, như vậy chẳng hóa ra dân quê Việt Nam không có người nào xấu chăng? Sao vẫn có những vụ tranh giành kiện tụng nhau, sao vẫn có những vụ ăn trộm ăn cắp của nhau?
Xin thưa: trình bày như trên không phải nói rằng xã hội vùng quê Việt Nam không có những người xấu, nhưng số người xấu này rất hiếm. Đạo đức phương Đông dù sao cũng hạn chế bớt được nhiều sự tham lam vô nghĩa bất nhân, và con người với tính bản thiện chỉ hư hỏng khi chung quanh mình có nhiều người hư hỏng.
Vả chăng còn lệ làng kia, những người xấu thường bị lệ làng trừng phạt, và người ta rất sợ mang tiếng với làng nước, nên trong cách ăn ở người ta thường giữ gìn.
Những bài vè
Hơn nữa ở nhà quê, người ta thường hay làm vè để chế giễu những người có tật xấu. Một người làm gì không phải, không ai bảo ai, tự nhiên cả làng đều biết và lập tức có người đặt thành vè, nhiều khi những tật xấu đó chỉ là những tật xấu thông thường của con người.
Tôi nhớ lại hồi còn nhỏ, làng tôi có ông nhiêu Bút, một người vào bậc thượng lưu trong làng, vì ông có chân nhiêu, và ở trong ban tư văn. Ông có tính hay rượu, và một lần, ông đã nổi máu hảo ngọt mò một cô thợ cấy, nhưng chẳng may bị bà nhiêu bắt được. Chuyện xảy ra ở trong nhà ông, vậy mà cả làng đều biết và đã có bài vè như sau:
Làng ta có sự nực cười,
Có ông nhiêu Bút là người rượu say!
Mỗi ngày một lít như bay,
Rượu say, ông mới làm bây giở trò!
Bà nhiêu sao chẳng biết lo,
Mướn lũ thợ cấy ông mò một cô,
Nhưng mà hư hỏng cơ đồ,
Bà nhiêu bắt được liền vồ cả hai.
Bài vè chẳng văn chương gì, nhưng được cái dễ đọc dễ nhớ. Chỉ một ngày là cả làng đều biết và trẻ con đua nhau đọc cho nhau nghe. Gặp ông nhiêu Bút chúng không dám đọc, chúng chỉ lấm lét nhìn ông, rồi nhìn nhau tủm tỉm cười. Thế là đủ rồi!
Không cần có bích báo, không cần tuyên truyền, những bài vè có tính cách trừ xấu hoặc khen tốt thường lan truyền rất mau rộng trong dân làng, và những người bị vè chê hoặc được vè khen dù muốn dù không cũng được nghe ngay bài vè về mình, do những người thân nhắc lại.
Tôi lại nhớ tới bài vè sợ vợ xưa của làng tôi. Người làm vè thật khéo léo, đã gói ghém trong mấy vần lục bát tất cả những người trong làng có cái tật đáng quý là sợ vợ:
Làng ta sợ vợ nhất ai,
Có ông Lý cựu là người đời xưa,
Đầu ông búi tó trơ trơ,
Hỏi ông giữ đến bao giờ cho thôi,
Trương Đông sợ vợ hơn trời,
Lại ông Chánh bá mấy đời kém Đông.
Tuy rằng đóng mặt làm chồng
Xã Năm chịu vợ, phục tòng cho yên,
Nói ra nghĩ cũng thêm phiền,
Thôi đành sợ vợ cho êm cửa nhà.
Bài vè nhắc đến toàn những tay vai vế trong làng. Ông Lý cựu trên đầu còn để búi tóc nên bị gọi là người đời xưa; Trương Đông là ông Trương tuần tên là Đông, rất hách dịch, trai tráng trong làng đều nể sợ; ông Chánh bá là ông Chánh Hội làng tôi được triều đình ân thưởng bá bộ, còn ông Xã Năm chính là ông Lý trưởng đương kim hồi đó tên gọi là Năm.
Bài vè không biết của ai làm, đã khiến cho các ông tai to mặt lớn làng tôi thịnh nộ, và ông Lý trưởng đã cho điều tra những nhất định không tìm ra tác giả. Các ông nghi cho người này, người khác, nhưng nghi chưa phải là thực. Chỉ lũ trẻ con chúng tôi hồi đó là thú, đi chăn trâu cùng nhau oang oang hát bài vè, mỗi khi thấy một trong mấy vai chính, đi ở đằng xa những khi các vị đi đến gần thì chúng tôi lại ngậm miệng đứa nọ nhìn đứa kia tủm tỉm cười.
Bài vè dường như cũng có ảnh hưởng ít nhiều và đã khiến các bà sư tử Hà Đông đỡ gầm thét đối với các đức lang quân. Và bài vè này, cũng đã như những bài vè khác, chẳng mấy người trong làng là không thuộc.
Tôi không nhớ rõ, sau những cơn thịnh nộ đầu tiên, các vị được nhắc tới trong bài vè có còn giận kẻ làm vè hay đã thầm ơn họ, vì nhờ có bài vè mà móng vuốt của các bà sư tử nới tay với các ông, hẳn các ông phải lấy làm dễ chịu.
Có những bài vè như hai bài vè trên kể tội xấu của các đương nhân, nhưng những người phúc đức làm việc tốt cũng thường có vè. Tôi không nhớ rõ để chép ra đây nguyên văn một bài vè nào về loại nói tốt này nhưng tôi còn nhớ vào một năm mất mùa, làng tôi có bà Cả Hảo bỏ gạo ra nấu cháo giúp đỡ người nghèo trong làng đã có bài vè khen, trong đó có hai câu:
Miếng khi đói, gói khi no,
Cháo hoa bà cảm thơm tho nức làng!
Vì sợ những bài vè, vì sợ mang tiếng với làng nước, nên dân các làng quê thường trọng đạo đức và số người xấu, tuy có song nhiều khi chính kẻ xấu vẫn phải giấu giếm những tính xấu của mình, và tìm cách cố làm tốt để điều tốt khả dĩ che nổi điều xấu. Do đó trong sinh hoạt hàng ngày, tình thương thân tương trợ này chính là kết tinh của nền luân lý đạo đức đã thấm sâu vào đời sống của mọi người.
Sinh hoạt cộng đồng
Người Việt Nam đồng quê có một tinh thần hòa đồng hết sức rộng rãi, và chính cái tinh thần hòa đồng này đã là sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong suốt mấy nghìn năm từ khi lập quốc, có hòa đồng mới có đoàn kết, có đoàn kết mới thành sức mạnh, và có sức mạnh mới có ý chí tự cường bất khuất.
Tinh thần hòa đồng giữa dân làng rất bền chặt và rất nẩy nở, đến độ đối với nhau luôn luôn có sự thân ái khoan dung, và do đó, trong những tổ chức chung, người dân quê sẵn sàng gánh vác phần mình được làng giao phó, dù đôi khi có nhận thấy phần gách vác hơi quá nặng so với khả năng của mình và hơi chênh lệch so với phần gánh vác của người khác.
Họ không cho đấy là một sự bất công, mà họ nghĩ rằng lần này họ phải gánh vác nhiều, lần sau sẽ đến lượt người khác, hoặc giả hơn thế, họ nghĩ, việc làng là việc chung, càng tham gia nhiều, sự ích lợi đối với dân làng càng nhiều và đây là một niềm an ủi rất chính đáng, họ có thể tự hào.
Nói về sinh hoạt cộng đồng của thôn xã Việt Nam, phải nói về hương ẩm trước khi nói tới các sinh hoạt khác: phòng thủ trong làng, tương trợ v.v...
Hương ẩm
Những khi kỳ thần bài xã, và những khi có công việc gì đồng dân tụ hội ăn uống, gọi là hương ẩm. Hương ẩm có sổ, dân gian con trai từ sáu, bảy tuổi đã vào sổ hương ẩm. 8
Thường thường khi con trai tới sáu, bảy tuổi, bố mẹ có cơi trầu và đồ lễ ra làng để trình với làng. Trong việc trình làng, trước phải lễ thần, sau xin với Hội đồng làng được ghi tên vào sổ hương ẩm. Kể từ ngày ghi tên này, đứa trẻ được dự việc làng và chịu phần đóng góp với làng.
Dự việc làng, nghĩa là khi làng có tế lễ tiệc tùng, đứa trẻ có thể được phần chia, nhiều làng có tục chia phần cho tất cả lão ấu có tên trong sổ hương ẩm nhưng cũng có nhiều làng tuy có tên trong sổ hương ẩm, nhưng chỉ những người nào từ 18 tuổi trở lên mới được dự việc làng, nghĩa là được dự phần vào việc ăn uống ở đình, hoặc được chia phần trong những dịp tế lễ. Làng Thị Cầu, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh, (Hà Bắc) trẻ con dưới 18 tuổi không được dự việc làng, và chỉ trong ít trường hợp, vào những dịp dân làng lên xôn, lên xỉ, xôi gà nhiều, trẻ con mới được dự chia phần, mỗi đứa một nắm xôi, nhưng muốn được hưởng phần xôi, đứa trẻ phải ra đình để nhận phần khi đàn anh chia. Trẻ con làng này không có lệ phải đóng tiền việc làng. Tại nhiều làng khác, trẻ con có phần của trẻ con trong những dịp tế tự dù có mặt hay vắng mặt ở đình, và trong trường hợp này trẻ con phải đóng tiền việc làng, có khi bằng người lớn có khi ít hơn.
Sau khi đã ghi tên vào làng rồi, mấy năm sau, thường là khi 18 tuổi, cũng có nhiều xã từ khi ít tuổi hơn, người đã ghi tên trong sổ hương ẩm phải biện thủ lợn mâm xôi vọng tư văn hoặc hàng giáp hàng xã. 9 Cũng có nơi thay vì mâm xôi thủ lợn, phải nộp một món tiền lệ làng. Đối với hàng giáp, có sự đóng góp riêng.
Các nơi có ruộng có đầm, có đất giồng cây, thường lại có lễ vụn vặt, như vọng tiền thả cá, vọng tiền giồng cây, hoặc một vài quan, hoặc một vài tiền kẽm, nghĩa là sắp được ăn theo vào món lợi nào thì trước hết phải vọng lệ ấy. 10
Được ghi tên vào sổ hương ẩm, sau khi đã nộp vọng thường được dân làng, hay nói cho đúng ban Hội đồng làng, giao cho mảnh giấy biên nhận làm bằng. Các đương sự phải giữ mảnh giấy này, vì sau này khi ra đình, việc xếp đặt chỗ ngồi sẽ chiếu theo tên ghi trong sổ hương ẩm, và sự xếp đặt chỗ ngồi tại đình trung chính là sự phân chia ngôi thứ.
Vấn đề ngôi thứ là một vấn đề quan trọng đối với dân làng. Làm đàn anh phải ăn trên ngồi trước, khi họp ở đình để bàn việc công hay để ăn cỗ sau khi tế thần. Không ai được ngồi sai chỗ của mình, nhất là khi ngồi lấn lên chỗ của người khác, vào một chỗ mà mình chưa tới địa vị được ngồi. Ngồi lấn chỗ như vậy làng sẽ bắt vạ.
Ngôi thứ trong làng sắp đặt theo thứ tự tuổi tác và tùy theo sổ hương ẩm. Ngoài ra, các vị chức sắc, các chân khoa mục, các hương chức và những người đã bỏ tiền ra mua nhiêu mua xã cũng được ngồi các chiếu trên tại chốn đình trung. Và ngồi các chiếu trên, khi tiệc tùng các cụ được trọng vọng và được nhiều phần mang về cho con cháu. Tục ngữ ta có câu một miếng việc làng bằng một sàng xó bếp để chứng tỏ cái giá trị của nắm phần việc làng. Đây không phải là vấn đề tham ăn tham uống, nhưng thừa hưởng lộc thánh được miếng phần việc làng là một sự khước, còn miếng ăn trong xó bếp đã thường, ví sao được với miếng phần việc làng. Tôn trọng miếng phần việc làng chính là tôn trọng vị thành hoàng cai quản trong làng, vì đây là thừa hưởng một miếng phần ngài đã hưởng.
Vấn đề ngôi thứ trong chốn đình trung thường lệ làng ấn định Theo Đào Duy Anh trong "Việt Nam văn hóa sử cương", ngôi thứ này, vào năm Tự Đức thứ 14 có định:
"Văn từ nhất phẩm trở lên, ấm sinh, giám sinh và tú tài xuất thân mà được bát, cửu phẩm; võ từ suất đội trở lên, khoa mục từ cử nhân trở lên, thì ngồi gian giữa đình. Hương lão 70 tuổi trở lên, võ thất phẩm đội trưởng, văn bát, cửu phẩm tá tạp 11 bát, của phẩm, thiên, bách hộ, chánh tổng, ấm sinh, giám sinh, tú tài, viên tử, thiên, bách hộ nạp quyên, miễn sai, miễn giao đều ngồi gian tả. Phẩm trật đồng nhau thì ai hơn tuổi ngồi trên. Lý trưởng hương chức cùng dân làng thì ngồi gian hữu, lấy tuổi làm thứ tự. Ở những làng theo lệ thiên tước thì ngôi thứ dựa theo thứ tự ở trong sổ hương ẩm".
Định vị ngôi thứ đã rõ ràng bởi phép vua, nhưng phép vua thường được linh động thay đổi tùy theo lệ làng. Ngôi thứ đã có, mỗi khi có việc hội tụ ăn uống, cứ theo lệ hương ẩm, chỗ ai ở đâu, ngồi vào nơi đó. Như trên đã nói, lấn chỗ bị phạt vạ, và lệ phạt này gọi là vọng thăng thứ.
Không cứ riêng ở đình, tại các tư gia khi có việc hiếu hỷ mời tới dân làng, ngôi thứ cũng vẫn được giữ, và gian giữa nhà vẫn là chỗ của hàng chức sắc, còn hai bên tả hữu cũng tùy theo thứ vị mà ngồi.
Nhiều nơi trọng chức sắc, có bệ xây riêng ở gian giữa đình để hàng chức sắc ngồi, và có khi xây riêng một cái bệ cao để ông tiên chỉ chức sắc ngồi một mình một chiếu. 12
Có làng trọng văn học lại xây riêng một bệ dành cho các bậc đại khoa, hoặc đại thần từ tam tứ phẩm trở lên, nghĩa là phải đậu tiến sĩ hoặc phải làm quan to mới được ngồi. Trong những ngày tế tự, bệ này vẫn được trải chiếu bỏ trống, nếu làng chưa có người đủ điều kiện để được ngồi.
Như trên đã nói, cỗ và phần việc làng tùy theo ngôi thứ, và trong làng thường phân ra cỗ quan viên, cỗ trợ tế, cỗ hàng giáp, ai ngồi chỗ nào, ở địa vị nào được hưởng cỗ ấy. Trợ tế là những quan viên được cắt cử tham dự lễ tế thần, hàng giáp là những người ở từng giáp của làng. Có người vừa có chân nọ lại có chân kia được hưởng cả hai phần cỗ.
Ông tiên chỉ thường được phần cỗ rất nhiều, cỗ biếu, thịt, bánh biếu, lại thêm phần của thứ vị riêng. Không phải là ông tiên chỉ tự tranh lấy phần cho mình, nhưng dân làng dành phần cỗ và phần biếu cho vị tiên chỉ để tỏ lòng kính trọng vị lãnh đạo toàn xã, Phần biếu ở đây chỉ là một cách cụ thể hóa sự kính trọng dân làng vẫn có xưa nay đối với ông. Các ông tiên chỉ vốn đều là người có học vấn, có đạo đức và có uy tín trong vùng, nhất là theo lệ cổ xưa của ta trọng văn học, ông tiên chỉ bao giờ cũng là người có chữ nghĩa hơn đa số dân làng.
Trước tục hương ẩm của ta, nhiều người lên tiếng chê bai là việc ăn uống tốn kém mà sinh nhiều hủ tục. Điều đó chỉ đúng một phần nào tại những xã có sự bày đặt quá rườm rà còn chính ra hương ẩm tượng trưng cho sự hòa đồng và đoàn kết tạo nên sức mạnh của dân làng với nhau. Dân làng chung thờ một vị thành hoàng, chung chịu những gánh nặng phu phen tạp dịch, chung sống trong hoàn cảnh hàng xã, tất nhiên phải có dịp chung vui để cùng hội họp.
Vả chăng, người dân quê quanh năm vất vả, đầu tắt mặt tối, chỉ được nghỉ ngơi vào những dịp đầu xuân, tức là vào mùa tế lễ, thì cũng nhân dịp này dân làng bày ra cùng nhau ăn uống, trước là dâng lễ thành, sau là chia sẻ sự mừng vui với nhau. Người nhà quên, có đâu mỗi lúc mổ một con trâu, con bò hoặc con lợn, phải có dịp cúng lễ họ mới giết những gia súc này, vậy thì hương ẩm cũng tạo những dịp để những người dân quê ít ăn thịt được ăn thịt vậy.
Sống ở làng, sang ở nước, đã gọi là tục làng, dân làng phải theo. Thật cũng lấy làm nực cười, có nhiều kẻ cứ tưởng mình văn minh đã cả gan đề nghị bãi bỏ cả tế tự trong dân xã! Phải chăng họ muốn đi tới con đường vô thần, hay đây chỉ là hạng người mất gốc đã quên vun xới vườn mình và đã quên hẳn linh hồn đích thực của mình, và họ chính là lớp bọt bèo không bám được rễ xuống dưới đáy sâu nên họ không hiểu dân tộc mình là gì và họ không có lòng tự tin tự trọng hướng về dân tộc. Họ say cái vỏ của những dân tộc áo ngắn không lịch sự, chỉ sống hời hợt với những cái lòe loẹt bên ngoài, với những cái xảo trá kỹ thuật, họ đã tưởng mình là văn minh tân kỳ!
Tuần phòng
Để giữ việc an ninh trong làng, để đề phòng trộm đạo, làng xã nào cũng đều có tổ chức việc tuần phòng.
Người đứng đầu coi việc tuần phòng trong xã là trương tuần được dân làng đề cử ra. Cũng có làng thay vì trương tuần đó là vị khán thủ. Chính nghĩa hai chữ khán thủ là trông coi, người khán thủ là người đảm nhiệm trông coi việc làng, còn trương tuần là người đứng đầu các tuần phiên. Khán thủ cũng như trương tuần, do dân làng đề cử ra.
Có nhiều làng, như làng Thị Cầu, huyện Võ Giàng tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc), không có trương tuần mà cũng không có khán thủ, việc tuần phòng do phó lý đảm trách, và chỉ huy các tuần phiên để bảo vệ xóm làng.
Tuần phiên là những người trai tráng trong làng cắt ra, việc cắt này tùy theo tục lệ từng làng. Có làng tuần đinh gồm những kẻ cùng túng, không được dự vào ngôi thứ phải cắt đi tuần, cũng có làng việc cắt cử tuần đinh cắt theo lần lượt các trai làng từ 18 tuổi trở lên không phân biệt giàu nghèo, ngoại trừ những người đã được tụ lệ miễn cho phu phen tạp dịch: các hàng chức sắc quan viên, các học trò, các người đã mua nhiêu mua xã được dự vào hàng quan viên v.v...
Việc cắt lượt trai tráng, có thể mỗi người phải xung chân tuần phiên trong mấy năm, hoặc làng cắt cử mỗi năm một số người, và những người này chia nhau lần lượt, mỗi đêm mươi mười hai người để lo việc tuần phòng khắp trong làng. Những người tới phiên làng cắt cử, có thể có tiên thuê người khác đi tuần thay mình.
Ngoài việc tuần phòng trong làng, tuần phiên còn phải chịu sự sai phái của lý dịch và phải phục dịch các hàng chức sắc kỳ mục trong những việc công.
Việc tuần phòng trong làng để giữ gìn an ninh cho dân xã là một việc rất quan trọng, dân làng thường đặc biệt chú ý để việc tổ chức được nghiêm cẩn. Ở hai đầu làng, ở những chỗ ngã ba ngã tư trong làng, và cả ở những đầu xóm, đều có điếm canh. Làng tuy có lũy tre bao bọc, nhưng nếu không có tuần đinh tuần phòng, không có tuần đinh canh gác, thì dù có lũy tre che chở cho làng, kẻ gian cũng không khỏi dòm ngó.
Đêm đêm, tuần phiên chia nhau người gác ở điếm canh, người đi tuần quanh làng, thấy động ở đâu họ thổi tù và liên hồi để báo động. Trong lúc đi tuần, tuần đinh thường đi hai ba người và có mang theo khí giới là dáo mác, gây bẩy và có tù và. Thỉnh thoảng trong khi đi tuần, họ rúc lên một tiếng tù và để chứng tỏ sự hiện diện của mình cho dân làng yên tâm lúc đêm hôm. Về ngày mùa, tuần phiên lại phải chia nhau canh phòng mùa màng ở ngoài đồng.
Trương tuần, khán thủ, hoặc phó lý, đêm hôm phải luôn đi kiểm soát các điếm canh, có một vài người tuần đinh đi theo.Tại các điếm có trống canh, mỗi trống canh tuần phiên lại đánh trống, canh một, một tiếng, canh hai, hai tiếng, cho đến canh năm thì năm tiếng. Việc đánh trống cầm canh này, ngoài mục đích chứng tỏ sự hiện diện của tuần phiên trong làng tại các điếm, còn có tác dụng báo cho dân làng biết, đêm đã khuya đến bao nhiêu. Theo tục ta, một đêm chia làm năm trống canh, khi trống canh năm thì gà vừa gáy sáng. Có làng, thay vì tiếng trống là tiếng mõ cầm canh.Trương tuần cũng có khi đi tuần phòng, đi vào trong các xóm, lúc tới đầu xóm, người tuần phiên đi theo đánh lên mấy tiếng mõ, hoặc rúc lên một hồi ốc.Tiếng trống, tiếng mõ, tiếng ốc đêm hôm thanh vắng nghe lanh lảnh, khiến cho kẻ gian phải e dè mà lẩn trốn không dám hành động.Đi tuần phòng, bắt gặp người đi đêm, tuần phiên thường giữ lại nếu là kẻ lạ mặt ở trong làng, trừ trường hợp cùng đi với người làng hoặc có người làng bảo đảm. Những người thành tích bất hảo bắt gặp đi đêm trong làng đều bị giữ lại tại điếm cho tới sáng đem dẫn trình Lý trưởng, tùy Lý trưởng quyết định.Những kẻ bắt gặp quả tang ăn trộm hoặc làm điều phi pháp đêm hôm bị bắt giữ và buổi sáng giải trình Lý trưởng để nộp lên quan hay xử vạ ngay tại làng tùy theo tội nặng nhẹ.Ngoài việc tuần phòng ban đêm, ban ngày trương tuần, khán thủ hoặc phó lý cùng tuần phiên cũng phải giữ gìn an ninh trật tự cho làng, và có quyền bắt giữ những người phạm pháp như ăn trộm vặt, hái trộm hoa màu v.v... nhất là trong ngày mùa, nhiệm vụ trông coi mùa màng ở ngoài đồng thực là nặng nhọc đối với tuần phiên.Đi tuần đêm hôm nếu bắt gặp một đám cướp định vào cướp phá trong làng, tuân phiên nổi tù và liên hồi để báo động cho dân làng biết và đồng thời báo cho các tuần phiên khác để tới nơi tiếp ứng cho bọn họ.Thường, những bọn cướp bị tuần phiên bắt gặp mà chúng chưa kịp ăn cướp ở một nhà nào, chúng vẫn rút lui, vì chúng biết dân làng đã có phòng bị, nếu chúng hành động, chúng có thể bị bắt tại trận hoặc cũng không thâu được kết quả gì.Khi trong làng có cướp, khổ chủ hoặc người nhà hô hoán lên, tuân phiên nghe tiếng lập tức kéo đến Trương tuần sẽ chỉ huy bọn tuần phiên để đánh cướp. Và trong trường hợp này, những dân làng trai trẻ cũng lập tức biến thành những người đánh cướp để giúp đỡ tuần phiên.Trương tuần sẽ chia tuần phiên và dân đinh thành từng toán chặn giữ các ngả đường trong làng để ngăn bắt bọn cướp.Một bọn cướp vào một làng, nếu không có nội tuyến chỉ đường hoặc nếu chưa tìm hiểu các ngõ ngách trong làng, thế nào cũng bị tuần phiên và dân làng đón bắt được một vài tên. Bọn cướp chỉ thành công và chỉ thoát nhờ có nội tuyến, thường là những kẻ thành tích bất hảo trong làng.Có nhiều trường hợp, bọn cướp ở một xã này đã thoát ra khỏi xã, nhưng lại gặp dân làng bên cạnh đón đánh. Đó là lệ hàng tổng tiếp cứu nhau, hoặc hai ba làng gần nhau thường giao hiếu với nhau, nguyện cùng giúp đỡ nhau trong những cơn nguy khốn. Họ giữ gìn bảo hộ cho nhau, làng nọ bị giặc cướp quấy phá, làng kia tiếp cứu.Ngày xưa, những làng mới lập thường trông vào sự giúp đỡ của các làng lân cận, phải giao hiếu tới các làng này, tự nhận là xã đàn em để được các xã đàn anh bảo vệ. Lại cũng có khi trong cuộc lập ấp, có hai ba anh em rượt hoặc cùng làng, mỗi người tới khu hoang địa chưa khai khẩn lập một ấp, và những ấp này sau biến thành làng. Họ giao hiếu với nhau khởi đầu từ những người đứng lên lập ấp.Còn có những trường hợp, hai ba làng cùng thờ một Thành hoàng, những làng này có sự liên hệ với nhau qua tín ngưỡng, do đó họ giao hiếu với nhau và giúp đỡ bảo vệ lẫn nhau khi có giặc cướp. Dù sao qua các việc đánh đuổi giặc cướp ở trong làng, cũng như qua sự giúp đỡ bảo vệ lẫn nhau của làng nọ đối với làng kia, ta thấy giữa người dân quê có một tình đoàn kết mật thiết và họ biết bảo vệ quyền lợi lẫn cho nhau. Một nhà có cướp, cả làng đều tham gia việc đánh cướp. Sự đoàn kết này đã gây nên sức mạnh, do đó, bọn giặc cướp ít khi được thành công trừ những trường hợp chúng có nội tuyến hoặc chúng thật đông người tới áp đảo một làng nhỏ ở nơi hẻo lánh cách xa làng khác. Tính ích kỷ rất phổ cập nơi thành thị cháy nhà hàng xóm bình chân như vại, thật là ít thấy ở các làng quê.Cả những khi trong làng có đám cháy cũng vậy. Tuần phiên là những người đầu tiên chạy tới để cứu chữa và dân làng, khi có cháy, dù ở khác xóm họ cũng kéo nhau tới kẻ câu liêm, người gầu nước để cùng chữa cháy.Tuần đinh do dân làng cắt cử, nhưng làng cũng nghĩ tới quyền lợi của tuần đinh, làng nghĩ tới sự cấp dưỡng cho tuần đinh để tuần đinh được yên trí lo việc bảo vệ an ninh cho dân làng.Tiền cấp dưỡng cho tuần đinh, có thì để cho một vài mẫu ruộng, hoặc đến vụ gặt hái thì mỗi mẫu phải cho một vài lượng lúa, hoặc ai có trâu thì mỗi con trâu phải cho mấy hào. Về nơi không có ruộng thì tính từng nóc nhà, đồng niên mỗi nóc nhà phải cho một vài hào, hoặc nơi thì cho khỏi đóng thuế trong khi ra tuần, tùy tục riêng từng làng. 13Ngoài các công việc về tuần phòng nêu trên, tuần đinh còn nhiều nhiệm vụ khác. Chính họ là những người được hương chức phái đi bắt phu phen hoặc đi đốc thúc sưu thuế. Và như trên đã nói, tuần phiên chịu mọi sự sai phái của lý dịch và các hàng chức sắc trong những việc công của làng.Tại nhiều làng, có những người làm nghề tuần phiên chuyên nghiệp. Đây là những dân đinh vì không có ruộng nương hoặc nghề nghiệp gì, hay nếu có thì ruộng cũng chỉ độ vài bốn sào, và nghề nghiệp cũng không ra nghề nghiệp, nên họ nhận thay thế cho những trai tráng khác đến lượt phải làm tuần phiên, để nhận phần ruộng, phần lúa hoặc phần tiền của những người này. Ngoài ra những trai tráng nhờ họ thay thế cũng phải trả họ một số tiền ngoài những quyền lợi về ruộng lúa hoặc tiền dân làng đã dành cho.Những tuần phiên tại nhiều xã giàu có thường hay phải đương đầu với những bọn cướp táo bạo, có khi lại biết vô nghệ, nên ngoài những trai tráng của dân làng cắt ra, thường có một số tuần phiên chuyên nghiệp cũng biết võ nghệ và biết sử dụng các khí giới thông thường như dáo, mác, mã tấu, đinh ba, dao bảy v.v... Có những người tuần phiên võ nghệ rất cao cường, biết sử dụng cả những môn khí giới đặc biệt như thiết lĩnh bút chì, bút sắt và lăn khiên.Thiết lĩnh là một thứ khí giới gồm hai thanh gỗ cứng, một thanh mẹ dài và một thanh con ngắn. Hai thanh mẹ con này được nối liền vào nhau bằng một thứ dây chắc, - người ta thường dùng tóc để khỏi đứt: Chỗ nối liền hai mẹ con thiết lĩnh có vòng khuyên sắt. Lúc sử dụng tùy nơi rộng hẹp, cầm cây mẹ vung đánh bằng cây con hoặc cây con vung đánh bằng cây mẹ. Thiết lĩnh đánh rất mạnh, các khí giới khác gặp thiết lĩnh chống trả thật khó, thiết lĩnh mạnh nhưng lại có tính cách mềm, rất uyển chuyển, do đó rất lợi hại.Muốn phá thiết lĩnh, người ta thường dùng giây thừng hoặc cành tre, khiến cho thiết lĩnh vướng vào không vung được nữa. Ở đây, phải dùng nhu trị nhu, đồng thời nhu lại trị cả cương, và thiết lĩnh cương mà rất nhu ở chỗ dây nói hai thanh mẹ con.Bút chì là một chiếc mai hoặc chiếc thuổng có buộc vào cuối cán một dây thừng. Đây là một ngón đòn gió. Khi lâm trận, vung ném mai hoặc thuổng ra để tiện chân hoặc người kẻ địch. Người sử dụng phải có luyện tập để khi vung bút chì ra tấn công lại kéo về được ngay. Võ sinh điêu luyện có thể phóng liên tiếp ba bốn ngọn bút chì liền.Sử dụng bút chì có lợi, lúc phóng ra bút chì là một ngón đòn gió, nhưng lúc thu về bút chì lại biến thành một thứ khí giới để phòng địch.Bút sát cũng là một ngón đòn gió và được phóng ra như một ám khí.Đây chính và một ngọn dáo hoặc ngọn mác, mũi sắt cán tre, loại tre gai nhỏ nhưng thân rất cứng.Giữa khi đôi bên giao chiến hoặc cùng ở thế thủ rình nhau, người sử dụng bút sắt, uốn cong cán bút, rồi bất thần lựa chiều buông ra văng mạnh đi để ngòi bút tức là ngọn mác hoặc ngọn dáo lao tới kẻ địch.Bút sắc lợi hại, nhưng thứ ám khí này kém bút chì ở chỗ một khi đã phóng ra không kéo trở lại được.Lăn khiên là một môn võ nghệ đặc biệt của Việt Nam và vô cùng lợi hại.Khiên chính là cái mộc dùng để đỡ tên cũng như đỡ những nhát đâm chém của địch thủ.Dùng khiên trong môn võ lăn khiên, người ta đan những chiếc khiên bằng cật tre rất cứng, đan ngoài lại lót trong, thường là cật tre ngâm, để cho tên bắn không thủng, dáo mác đâm không qua và dao chém không đứt.Loại khiên này đan hình tròn, có chỗ tay cầm bên trong. Người lăn khiên cầm khiên bên tay trái, còn tay mặt sử dụng một thanh mã tấu hoặc một thanh gươm bén. Người đó lăn tròn chiếc khiên và ẩn mình gọn ghẽ đằng sau khiên, tiến tới và tấn công địch bằng mã tấu hoặc gươm, luồn dưới khiên để phạt chân địch. Địch đâm chém đã có khiên đỡ, và đồng thời lùa mã tấu ra chém địch.Mấy món khí giới đặc biệt trên, những tay tướng cướp lợi hại thường biết sử dụng, và thời xưa, dân làng không có súng ống, chống lại những bọn cướp ghê gớm cũng cần phải có những người có võ nghệ. Bởi vậy, những làng xã giàu có, để phòng cướp bóc, dân làng thường thuê một số tuần phiên chuyên nghiệp có võ nghệ để chống cướp khi cần tới. Và dân trong làng, cũng có người luyện tập võ nghệ để gặp khi nguy biến thì hỗ trợ cho tuần phiên đánh đuổi cướp.Ai đã có dịp được chứng kiến những cuộc giao phong giữa kẻ cướp và tuần phiên có dân làng hậu thuẫn mà cả đôi bên đều tài nghệ cao siêu, đều phải nhận rằng cuộc đánh đỡ của đôi bên thật là hào hứng với những ngón đòn gió thật là nguy hiểm, với những cây thiết lĩnh vèo vèo múa lên như cuồng phong thật là kinh khủng. Thêm vào đó tiếng tù và thổi, tiếng trống, tiếng mô và tiếng hò reo của dân làng ầm ĩ, thật là một trận sinh tử hiếm có.Rồi có khi dân làng tổng đổ ra trợ lực cho dân làng bị cướp. Bọn cướp trong trường hợp này, vừa chống đỡ vừa rút lui, không một người nào bị bắt, bị thương, có khi còn mang được cả đồ ăn cướp, kể thật là đáng khen. Sự thật, loại cướp cao siêu và tài ba rất hữu hạn, nên thường tuần phiên trong làng, với sự trợ lực của dân làng bao giờ cũng đánh tan bọn cướp và chúng thường phải rút lui trước sự đoàn kết của dân làng mà không lấy được gì. Cướp bóc chỉ thành công ở những làng kém tổ chức và ở những làng thiếu sự đoàn kết giữa dân làng với nhau.Bầu cử lý dịch
Một trong các sinh hoạt cộng đồng đáng kể của dân làng là việc bầu cử lý dịch, nghĩa là bầu cử những người ra gánh vác việc dân, việc làng, những người điều khiển mọi công việc trong làng và làm trung gian giữa dân làng với các quan triều đình ở huyện, phủ và tỉnh, mà ngày nay là các quận trưởng và tỉnh trưởng.Thường mỗi khi trong làng khuyết chân lý dịch, lý trưởng, phó lý hoặc hương trưởng, tỉnh và huyện sức về cho dân làng bầu cử người khác.Dân làng hội họp tại đình, kén chọn lấy một người có gia tư vật lực và là một người biết ít chữ cử ra làm việc. Tiên, thứ chỉ, kỳ mục và các bô lão đều phải ký kết vào đơn bầu, rồi mấy người kỳ mục dẫn người mới được bầu ấy đem trình quan phủ, huyện sở tại, quan sở tại bằng lòng thì bẩm lên quan trên, cấp bằng triện cho lý trưởng, hoặc phê chữ vào đơn dân bầu mà cấp cho phó lý, hương trưởng làm bằng, từ đó thì người được bầu ra mới ứng hành công vụ. 14Khi dân làng nhận được tờ sức của phủ, huyện về việc bầu cử, không phải việc bầu cử tư động thi hành ngay, và dân làng họp ngay tại đình để bầu cử người mình cho là xứng đáng. Phải có người ứng cử và người này phải nộp đơn trên phủ và huyện, khi nhận được đơn rồi, các viên tri phủ, tri huyện còn phải xét qua những điều kiện ấn định bởi luật lệ. Nếu ứng cử viên hội đủ những điều kiện bó buộc, đơn sẽ được chấp thuận và sẽ được tư về làng để dân làng tổ chức việc bầu cử.Không phải mỗi khi khuyết một chân lý dịch chỉ có một ứng cử viên, mà thường có hai ba người ứng cử. Có người vì công tâm muốn lo việc dân việc làng, có người ham danh, có người nhằm vào lợi lộc khi đắc cử, và chính hạng sau này thường trở thành cường hào ác bá!Khi có năm ba người ra tranh nhau một chân lý dịch, việc tranh cử rất gay go và thường có những sự vận động với các chức sắc, kỳ mục để những người này bầu cho mình. Không khí tranh cử trong làng rất sôi nổi. Đã ra ứng cử ai cũng muốn trúng cử, và như vậy, phải tìm cách mua chuộc các cử tri, nghĩa là những người có quyền được đi bầu.Có những ứng cử viên làm tiệc tùng mời các quan viên, các bô lão, lại có những ứng cử viên khác, mua quà biếu các cử tri. Việc vận động dưới thời Pháp thuộc, người ta còn thường dùng tiền để mua chuộc lá phiếu.Thời xưa, có làng, có lệ toàn dân từ 18 tuổi trở lên, không kể đàn bà, đều được đi bầu, nhưng ở nhiều làng khác lại chỉ có các hàng bô lão, chức sắc, quan viên và hương chức đương và cựu mới được đi bầu. Việc bầu cử, dân làng thường xét theo tài đức, do đó thời xưa, nạn cường hào ác bá ít xảy ra hơn dưới thời Pháp thuộc.Dưới thời Pháp thuộc, người Pháp đã tìm cách để cho bọn tay sai được giữ những chức vụ tại các làng ngõ hầu dễ bề thao túng sự cai trị, và người Pháp đã dung túng cho những tay sai này làm nhiều điều áp bức dân chúng, đè nén dân chúng, cốt sao cho dân chúng ít nổi dậy chống Pháp. Pháp lại đã cải cách việc bầu cử lý dịch và dần dần thay việc bầu cử bằng việc tuyển trạch chỉ định như đã nói ở chương "Tổ chức làng xã".Trở lại việc bầu cử lý dịch, khi một người đã được bầu làm lý trưởng phó lý, trước khi lên tới phủ, huyện phải được các chánh, phó tổng hiệp cử.Sau khi đã được sự chấp thuận của phủ huyện và của tỉnh, người trúng cử thường về làng khao vọng, trước là làm lễ thần linh trong làng, nộp lệ làng và sau là mời làng xã, nhất là các quan viên, chức sắc và bô lão đã bầu cử mình.Ngày xưa, những người trúng cử lý dịch, hôm bắt đầu nhận chức thường điếu tráp chỉnh tề, xuất bọn tuần phu, kẻ tay thước người sào gậy, rúc ốc, thổi tù và, và đi diễn từ đầu làng đến cuối làng một lượt, gọi là xuất tuần, nghĩa là trước mời dân sau cho tuần phu ăn uống một bữa, để tuần phu biết mình là người làm việc, cho từ sau dễ sai khiến bọn ấy, và xuất tuần đi như thế, để cho dân làng ai cũng biết mình là người đã ra cáng đáng công việc cho dân làng. 15Bầu rượu mời dân làng và tuần phu hôm nhận việc gọi là bữa rượu xuất tuần.Từ trên mới nói tới việc bầu cử hàng lý dịch. Dưới hàng này là các trương tuần, khán thủ, hương mục v.v... cũng do dân làng bầu ra, nhưng dân làng bầu xong là xong, không cần phải có sự ưng thuận của quan trên. Tuy nhiên, muốn được công nhận thường cũng có bữa tiệc khao vọng và cũng có sự xuất tuần như hàng lý dịch.Đã nói về bầu cử, tưởng cũng nên nói qua về việc bầu cử Chánh, Phó Tổng, tuy những vị này là chức dịch của hàng tổng nhưng vẫn có liên quan tới hàng xã.Việc bầu cử Chánh, Phó tổng cũng như việc bầu cử lý dịch mỗi khi có khuyết, các quan sở tại sức bầu người khác, hàng tổng mới tổ chức việc bầu cử. Phải có người ứng cử, và các ứng cử viên, lẽ tất nhiên phải hội đủ một số điều kiện của tục lệ. Tất cả các kỳ mục trong hàng tổng đều được tham gia sự bầu cử này. Việc bầu cử, khi thi hành xong phải có biên bản, và biên bản này phải được duyệt bởi quan trên.Trong những cuộc bầu cử Chánh, Phó tổng thường các vị huyện quan hoặc phủ quan chủ tọa, và duyệt y biên bản do tỉnh quan.Các Chánh, Phó tổng trúng cử, cũng như các lý dịch thường có tiệc khao, và đây là tiệc khao hàng tổng. Trong tiệc khao này, tất cả các hương chức thuộc các xã trong hàng tổng đều được mời dự, và nhân bữa tiệc này Chánh, Phó tổng thường đem trình cho mọi người thấy bằng sắc giấy tờ của mình để chứng minh sự đắc cử và cũng để cho cả hàng tổng biết mình đã bắt đầu cáng đáng công việc trong tổng.Tiếng nói rằng khao hàng tổng, nhưng các đương sự vẫn có cỗ bàn mời dân làng và có lễ tới đình để cúng thần linh.Dân làng dự tiệc khao, công nhận quyền nhất chánh chi tổng của đương sự, và dân làng cũng lấy làm hãnh diện vì có người làng được làm đàn anh trong hàng tổng.Việc bầu cử, cả Chánh, Phó tổng lẫn các chức dịch hàng xã, dưới thời Pháp thuộc có nhiều sự thay đổi, và người Pháp đã dần đi tới sự chỉ định để cố đặt các tay sai của mình vào các Chức vụ quan trọng cai trị từ hàng xã trở lên.Các sinh hoạt cộng đồng khác
Trên đây là mấy sinh hoạt cộng đồng đáng kể của dân làng, nhưng ngoài những sinh hoạt trên còn nhiều sinh hoạt khác, cũng rất quan trọng đối với dân làng, như việc hộ đê làng trong vụ nước, việc cử phu phen tham gia các công việc hàng tổng hàng huyện, việc bổ bán sưu thuế, việc tương tế, việc tế tự, và các việc lễ lạc khác như cầu mát, kỳ an v.v...Tóm lại, sống ở làng, dân làng tuy có sinh kế riêng, nhưng vẫn có những sinh hoạt chung trên nhiều bình diện mà đã là người dân không thể không tham gia được. Chính những sinh hoạt chung này đã tạo cơ hội để dân làng đoàn kết chặt chẽ với nhau hơn, để thương yêu làng nước hơn và do đó cuộc sống hòa đóng đã gây được niềm thông cảm giữa mọi tầng lớp trong dân xã, đã củng cố lệ làng, đã bảo toàn thuần phong mỹ tục, đã giữ vững đạo đức, đã duy trì lễ nghi và nhất là dân làng đã cùng lo tới việc làng. Làng mạnh là nhờ dân, và dân có an cư lạc nghiệp cũng là nhờ làng.
Chú thích:
1 | Đào Duy Anh. - Sách đã dẫn |
2 | Trần Trọng Kim. - Sách đã dẫn. |
3 | Trần Trọng Kim. - Sách đã dẫn |
4 | Phan Kế Bính. - Việt Nam Phong Tục. - Đông Dương Tạp chí, 1914. |
5 | Phạm Ngọc Khuê. - Dịch Minh Đạo gia huấn. |
6 | Bàng Bá Lân. - Bà Đồ, trích trong "Xưa" - Thơ Bàng Bá Lân, Nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê. |
7 | Về những tục lệ liên quan tới ngày giỗ, tới sự cúng giỗ xin xem trong cuốn Tín Ngưỡng Việt Nam Chương Thờ Phụng Tổ Tiên. |
8 | Phan Kế Bính. - Việt Nam Phong Tục. |
9 | Phan Kế Bính. - Việt Nam Phong Tục. |
10 | Phan Kế Bính. - Việt Nam Phong Tục. |
11 | Không phải khoa mục và ấm sinh, giám sinh xuất thân. (Chú thích của Đào Duy Anh). |
12 | Phan Kế Bính. - Việt Nam phong Tục |
13 | Phan Kế Bính. - Việt Nam Phong Tục. |
14 | Phan Kế Bính. - Việt Nam Phong Tục. |
15 | Phan Kế Bính. - Việt Nam Phong Tục. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét