Bó hoa Bắc Việt 1
LỜI NHÀ XUẤT BẢN
Nhà văn, nhà nghiên cứu phong tục Toan Ánh tên thật là Nguyễn
Văn Toán sinh năm 1915 (Ất Mão) tại Thị cầu, tỉnh Bắc Ninh.
Vào làng cầm bút từ rất sớm (1934), với nhiều bút danh trên
các lĩnh vực như thơ ca, văn xuôi, kịch bản và biên khảo phong tục học như: Đào
Vân, Kinh Vũ, Minh Chúc, Hảo Lân, Vương Quốc Sủng, Thành Nghĩa, Hiển Vi... và
nhiều nhất là Toan Ánh.
Ông mất ngày 15 tháng 5 năm 2009, tại Thành phố Hồ Chí Minh,
hưởng thọ 95 tuổi.
Trong hơn 70 năm cầm bút sáng tác và hoạt động văn học nghệ
thuật, ông đã cộng tác với hàng chục tờ báo khắp trong Nam ngoài Bắc, làm chủ
nhà in, nhà xuất bản ở Hà Nội (trước năm 1954), thành viên Trung tâm Văn bút Quốc
tế (Pen Club), giáo sư thỉnh giảng tại nhiều trường đại học và cao đẳng như Đại
học Vạn Hạnh Sài Gòn, Đại học Văn khoa Huế, Đại học Văn khoa Cần Thơ, Đại học
Đà Lạt, Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn... về các môn phong tục học, văn hóa xã hội
Việt Nam, lịch sử nghệ thuật và nếp sống dân tộc Việt Nam.
Do đảm nhiệm nhiều công việc trên nhiều lĩnh vực khác nhau
thuộc về hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật, lại được sự giáo dục thuở thiếu
thời của gia đình và nỗ lực học tập của bản thân, sụ quảng giao với người trí
thức nhiều vùng miền trong cả nước, nên hầu hết các tác phẩm thuộc thể loại khảo
cứu phong tục và văn hóa dân gian của ông có giá trị thực tiễn và khoa học cao.
Gần 120 tác phẩm (không kể những bài báo, những bài giảng) đã
được tác giả và gia đình tập hợp, có 70 tác phẩm đã được xuất bản trước và sau
ngày 30.4.1975 bởi nhiều nhà xuất bản khác nhau (tính đến năm 2004).
Từ năm 2004, trong tinh thần tiến đến thực hiện “Toàn tập
Toan Ánh ”, Nhà xuất bản Trẻ đã được tác giả và gia đình đồng ý trao quyền xuất
bản từng phần các tác phẩm của ông đã và chưa công bố.
Việc tổ chức tập hợp, sắp xếp theo chủ đề, đế mỗi tác phẩm
Toan Ánh mà Nhà xuất bản Trẻ xuất bản là một sản phẩm mang đầy đủ giá trị
và tinh thần Toan Ánh nhất, đồng thời đáp ứng được yêu cầu
nghiên cứu, tìm hiểu của bạn đọc rộng rãi.
Trong tinh thần đó, Nhà xuất bản Trẻ xin được trân trọng giới
thiệu tập sách này đến bạn đọc nhân kỷ niệm hai năm ngày nhà văn - nhà nghiên cứu
Toan Ánh về với tổ tiên.
NHÀ XUẤT BẢN TRẺ
LỜI TÁC GIẢ
Mỗi nước có những thuần phong mỹ tục riêng. Người ngoại quốc
muốn nghiên cứu sự sinh hoạt tiến triển xã hội của một nước nào thường căn cứ
vào những phong tục tập quán của dân nước ấy, vì phong tục tập quán là cái phản
ảnh của tinh thần dân tộc mỗi nước.
Nước Việt Nam ta, từ khi lập quốc trải bốn nghìn năm có lẻ, vẫn
có PHONG TỤC LỄ NGHI riêng của dân tộc ta. Những phong tục lễ nghi Việt Nam đã
tạo nên con người Việt, có những đặc tính riêng, những đặc tính đáng quý nó khiến
cho người Việt có thể tự hào với thế giới.
Ngày nay theo lẽ tự nhiên của luật biến chuyển, sự sinh hoạt
xã hội của người Việt Nam cũng đổi thay, những đặc tính riêng của người Việt
Nam cũng bị pha loãng và có khi mất hẳn. Đó là một điều đáng tiếc.
Đứng trước một sự thay đổi không thể tránh được, vốn là một
người dân quê ở đồng bằng miền Bắc, tôi không thể dừng mà không tìm cách cố ghi
lấy những điểm đẹp của con người Việt Nam đang dần dần biến thể để đi tới sự mất
hẳn.
Nhiều phen tôi nhớ đến cảnh đồng quê đất Bắc và tiếc những hạt
ngọc của phong tục nước nhà.
Những hạt ngọc đó nếu không biết giữ gìn rồi đây có lẽ chỉ
còn là những bóng vang của một thời...
Loạt bài nhỏ này không nói riêng đến phong tục nào, nhưng nhắc
đến tất cả THUẦN PHONG MỸ TỤC qua những nhân vật không phải là ai xa lạ, chính
là những người dân lành của đồng quê miền Bắc quê tôi.
Tôi tự biết rằng tôi không đạt hẳn được ý muốn vì không đủ
tài năng, nhưng tôi cũng cố đem hết sức mình, làm được phần nào hay phần ấy.
Tôi cố trình bày những bông hoa thơm xứ Bắc với các bạn đọc, mong có chỗ nào
thiếu sót hoặc sai lầm, các bạn phủ chính cho.
TOAN ÁNH
tổ tiên.
NHÀ XUẤT BẢN TRẺ
Thị Cầu ở vùng trung du miền Bắc, có núi, có sông, có cánh đồng
man mác, lại sát ngay đô thị Bắc Ninh. Trong làng có chợ, mỗi tháng họp sáu
phiên chính, vào các ngày ba ngày tám, còn các ngày khác dân làng vẫn họp để
trao đổi hàng hóa hoặc buôn bán lẫn với nhau.
Hai ngọn Thiềm Sơn và Chu Sơn đi song song gần tới sông Nguyệt
Đức, tạo nên một thung lũng và chính nơi thung lũng này là trung tâm của xã Thị
Cầu.
Con gái Thị Cầu sống giữa cảnh núi cao, sông rộng, bên cánh đồng
thơm ngát mùi lúa, lẫn vào sự ồn ào của chợ búa thị thành, đã chịu ảnh hưởng rất
nhiều của hoàn cảnh địa dư.
Núi cao làm tâm hồn cô cao đẹp, sông rộng khiến thân hình cô
thanh thoát, còn đồng lúa chín thơm cũng như cảnh sinh hoạt ồn ào của buổi chợ,
ngoài việc giúp cô vừa thạo về đồng ruộng, vừa biết buôn bán tần tảo lại còn
luôn luôn nhắc cho cô cái bổn phận thiêng liêng của người phụ nữ phương Đông với
câu tam tòng tứ đức và khi lấy chồng phải gánh giang sơn nhà chồng.
Con gái Thị Cầu rất xinh đẹp. Mái tóc mây của cô vấn chặt với
vành khăn đen lánh như trang điểm cho khuôn mặt trái xoan, có đôi mắt sáng
trong dưới hai hàng lông mày óng mượt, có mũi dọc dừa, có đôi môi tươi thắm điểm
nụ cười như thể hoa ngâu, để lộ đôi hàm răng đều như hạt lựu và đen nhức như hạt
na già. Cô đi nhẹ nhàng uyển chuyển, cô nói êm ái dịu dàng. Chiếc áo tứ thân đổi
vai, thắt vạt khiến bước cô đi trông thoăn thoắt gọn gàng, và dáng người càng
thêm cân đối.
Cô xinh đẹp thật, chẳng có thế mà khi cô đi chợ qua làng Cổ Mễ,
ở cách Thị Cầu một thôi đường, tất cả các chàng trai làng này đã ốm tương tư:
Thị Cầu có quả cau đầu
Ném sang Cổ Mễ ốm đau cả làng.
Quả cau đầu đây là một thiếu nữ tuổi trăng tròn lẻ. Với tuổi
dậy thì, đôi má cô ửng hồng và đôi mắt cô long lanh sáng, cô lại luôn tươi cuời
trong lúc mua bán, thử hỏi trái tim của chàng trai nào không rung động trước
nhan sắc ấy! Nhất là các chàng trai ấy lại quanh năm chỉ thấy gái làng chân lấm
tay bùn, vóc người cục mịch, vẻ mặt thô sơ, lời ăn tiếng nói thiếu bề thanh lịch,
như những chàng trai làng Cổ Mễ. Vậy thì cô gái ngây thơ mới lớn của làng Thị Cầu
đã khiến các chàng trai cổ Mễ phải ngơ ngẩn vì tình, biếng ăn biếng ngủ, mong
được ngày duyên lành chắp nối, sống bên người ngọc, như Tiêu Lang được vầy
duyên cùng Lộng Ngọc ái nữ Tần Mục Công thời trước.
Con gái Thị Cầu xinh đẹp, khiến cho trai thiên hạ say mê nhan
sắc của mình, nhưng cô rất vất vả. Thị Cầu là một vùng đất đồi, ruộng ít, người
dân ngoài công việc làm đồng phải để vơ con buôn bán kiếm thêm.
Con gái Thị Cầu phải tảo tần, buôn đò bán chợ. Khi còn bé cô
đi buôn để giúp đỡ cha mẹ và để gây lấy cái vốn nhỏ, phòng lúc lớn lên thành
gia thất. Khi lấy chồng cô phải buôn bán để nuôi chồng. Cô buôn ở chợ nhà, cô
buôn ở chợ thiên hạ, cô bán hàng ở trong làng, cô lại bán hàng cả trong các
làng lân cận.
Một thầy địa lý, khi ngắm phong thủy làng Thị Cầu đã nói:
“Làng này đường cái xuyên tâm, đàn bà phải nuôi chồng”.
Thật vậy trong làng có một con đường chính, sau đổi thành đường
quan lộ đi suốt dọc thung lũng của hai ngọn núi Chu và núi Thiềm. Dân làng làm
nhà ở hai bên, dốc lên sườn hai ngọn núi và đúng như lời thầy địa lý, phụ nữ
làng Thị Cầu phải nuôi chồng:
Em là con gái Thị cầu
Em đi bán chỉ ở đầu đình Kim.
Câu ca dao trên có vẻ như chơi chữ, nhưng đã tả đúng: Chợ Thị
Cầu ở ngay đầu đình Kim, ngôi đình đồ sộ của làng này.
Con gái Thị Cầu hay buôn bán hàng xén, tức là lối hàng tạp
hóa của người buôn thúng bán bưng. Trong các hàng cô gái bán có kim chỉ, giấy
bút, lược gương.
Gánh hàng hóa tuy nhỏ bé chẳng có gì, nhưng cô phải kiếm làm
sao, lấy công làm lãi, để có tiền giúp đỡ cha mẹ, lại có tiền để dành làm vốn.
Cô phải chịu khó lắm, dậy sớm để đi chợ xa, về muộn để bán nhặt mấy món hàng ế,
thức khuya để thu xếp hàng hóa hôm sau.
Rồi cô lấy chồng. Lấy chồng gánh vác giang sơn nhà chồng.
Chàng trai ở Thị cầu thật là sung sướng. Làng ít ruộng, công việc đồng áng chẳng
bao nhiêu. Khi bé chàng được cha mẹ nuôi, lớn lên, lấy vợ lại vợ phải nuôi.
Chàng chỉ cơm ngày hai bữa, lo đi hội hè, nuôi gà chọi, nuôi chim gáy, nuôi họa
mi và thỉnh thoảng lại vui anh, vui em một bữa rượu hay cùng chúng bạn đi hát
quan họ với gái thiên hạ trong ngày xuân. Lẽ tất nhiên mọi việc chi tiêu của
chàng đều dựa vào lưng vợ. Người vợ không hề bao giờ than vãn vất vả, mặc dầu
phải quai gồng bôn ba kiếm ăn cho gia đình, kiếm tiền cho chồng. Lại còn khi giỗ
ngày tết, đều là những dịp cho nàng phải lo sao cho bằng người, cho họ nhà chồng
trông vào. Nào đâu đã hết, còn tiền đóng tiền góp với dân làng, tiền sưu tiền
thuế của chồng của con. Và bao nhiêu công kia việc nọ: khi mừng, khi vui, khi
khao, khi vọng, nhất nhất nàng đều phải lo sao cho chồng đẹp mặt, lo sao cho khỏi
thiếu lệ làng.
Cô gái Thị Cầu quanh năm tất tưởi, kể cả những phút yêu chồng:
Xin chàng bỏ áo em ra
Để em đi chợ kéo mà lỡ phiên
Chợ lỡ phiên tốn công thiệt của
Miệng tiếng cười người rỡ sao đang
Lấy chồng gánh vác giang sơn
Chợ phiên đã lỡ, giang sơn còn gì?
Tuy vậy có làm thì phải có chơi, có vất vả phải có lúc thanh
nhàn. Cô gái Thị Cầu cũng không ra khỏi công lệ đó, nhưng trước thanh nhàn người
ta thường phải vất vả nhiều hơn.
Hàng năm gần dịp Tết đến là cô gái Thị Cầu bận rộn nhất. Nàng
phải đi hết những phiên chợ, buôn bán quanh năm chỉ trông vào mấy ngày
gần Tết, hàng hóa bán được chạy, mới kiếm được nhiều lời.
Nàng phải chịu khó để kiếm cái Tết cho chồng con và cho cả chính mình nữa.
Giêng hai, ngày rộng tháng dài, trong làng mở hội thì cũng phải có quần này áo
khác, và chồng con cũng phải tề chỉnh bằng người.
Các cô gái chưa chồng trong dịp này lại càng chịu khó hơn.
Các cô cần dành cho mình một món tiền để sắm sửa ganh đua với
chị với em. Phần thưởng một năm vất vả của các cô chỉ có thế, và chỉ như thế các
cô cũng đã sung sướng lắm rồi!
Vậy thì các cô cố gắng hơn, cố gắng trong việc buôn bán, cố gắng
trong việc giúp đỡ cha mẹ.
Sống quanh năm không bằng lo ba ngày Tết. Các cô phải lo sao
cho cái Tết ra cái Tết, cho hơn thiên hạ.
Ngày xưa, làng Thị Cầu có nghề làm pháo. Các cô ban ngày đi
chợ, tối về sau khi thu xếp hàng hóa bán hôm sau xong, các cô lại phụ việc làm
pháo của gia đình. Các cô quấn pháo, ghim pháo, tra ngòi, bó chục, xếp trăm.
Nghề làm pháo chỉ là một tiểu công nghệ gia đình của dân làng. Pháo làm quanh
năm, để dành đến Tết mới bán để lấy tiền tranh pháo cho trẻ. Tiếng như thế,
nhưng sự sung túc của dân làng trong lúc cuối năm trông cậy rất nhiều ở số pháo
bán.
Mỗi năm, để sửa soạn đón xuân sang, dân làng Thị Cầu dồn nhiều
công việc và thì giờ vào làm pháo. Và cô gái làng, môi đã thắm càng thắm thêm,
tay đã hồng càng hồng nữa vì luôn luôn phải động tới áo pháo giấy đỏ, nhưng
lòng cô cũng tưng bừng sung sướng hơn vì số tiền bán pháo của cha mẹ sẽ giúp
cho bộ cánh mừng xuân của cô thêm đẹp.
Rồi Tết đến, ba ngày Tết cô cũng nghỉ ngơi như mọi người, cô
cũng mặc quần áo đẹp, đeo hoa tai, đeo sà tích bạc đi xuất hành lễ Tết, lên
chùa, ra miếu. Nhưng nếu mọi người nghỉ hẳn thì cô gái Thị Cầu tuy nghỉ, vẫn phải
lo cỗ bàn ngày Tết để cha anh hay chồng tiếp khách ngoài tỉnh hoặc khách làng
bên tới chúc xuân. Lửa bếp ngày xuân khiến đôi má cô thêm ửng đỏ, mắt cô thêm
sáng, cô thêm xinh đẹp duyên dáng giữa muôn hồng ngàn tía.
Và thấm thoát đến ngày mồng ba tháng giêng, trong làng mở hội.
Trò vui chính của ngày hội xưa kia là đốt pháo và chọi gà, nhung từ năm Đinh
Mão dựa vào cớ có thể xảy ra tai nạn được, chính quyền Pháp cấm dân làng này
làm pháo để chuyển độc quyền cho nhà máy pháo ở Đáp Cầu, thì trong ngày hội mồng
ba tháng giêng ngoài cuộc lễ thần ở đình Kim, chỉ còn chọi gà. Nhân ngày hội,
trai lành gái tốt trong làng đều quần là áo lượt rủ nhau đi lễ và ngắm nghía lẫn
nhau. Có những chàng trai tơ lòng rung động trước nhan sắc kiều diễm của các cô
gái, có những cô gái tâm hồn xao xuyến vì những lời chân thật đầy yêu đương của
các chàng trai. Nhưng gặp nhau chỉ để biết nhau chứ cô gái Thị Cầu không bao giờ
bước chân quá lề lễ giáo.
Ngọc còn ẩn gốc cây ngâu
Con còn phụ mẫu dám đâu tự tình.
Có những chàng trai gặp một cô gái làng xinh đẹp muốn tỏ tấm
tình quyến luyến, trong ngày hội thường mời cô xơi trầu, nhưng luôn luôn cô từ
chối:
Mẹ em hằng vẫn khuyên răn Làm thân con gái chớ ăn trầu người
Ngày mồng ba hội ở đình làng vừa xong, thì ngày mồng chín
tháng giêng làng lại có hội ở chùa Cao, còn gọi là chùa Trong và ngày 20 tháng
giêng có hội ở chùa Diêu còn gọi là chùa Ngoài.
Hai ngày hội chùa này có trai gái thiên hạ tới lễ Phật và hát
quan họ với trai làng
Cô gái Thị Cầu lẽ tất nhiên phải có mặt ở đám hội. Cô vào lễ
Phật, nghe kể hạnh, rồi ra sân chùa xem nhún đu, nghe hát. Vẻ xinh đẹp thùy mị
dịu dàng của các cô được các chàng trai xung quanh vùng để ý. Từ trước vẫn đuợc
nghe tiếng đảm đang của cô gái Thị cầu, nay lại được thấy khuôn mặt đáng yêu của
nàng, có chàng trai đem dạ mến yêu, hỏi thăm tin tức, rồi mối lại tin đi. Đã có
những cuộc nhân duyên tốt đẹp, nhưng cũng có nhiều khi lúc chàng trai nhờ mối
lái xin bỏ miếng trầu; mua cốm mua hồng sang chơi thì ván đã đóng thuyền, người đẹp đã thành gia thất. Chàng trai buồn và oán trách duyên phận bẽ
bàng:
Hỏi thăm em chửa có chồng
Để anh mua cốm mua hồng sang chơi
Sang chơi em đã có chồng
Đế cốm anh mốc, để hồng long tai
Tưởng rằng long một long hai
Ai ngờ long cả trăm hai quả hồng.
Vui chơi hết ngày hội, cô gái Thị Cầu lại lo việc buôn bán của
mình, giúp đỡ cha mẹ, nuôi chồng nuôi con cho đến vụ gặt tháng năm tới, nàng mới
chịu nghỉ mấy buổi để trông nom thóc lúa rơm rạ.
Cơm gạo chiêm thơm và đặm, nắng đồng chiêm làm nàng rám má hồng,
nhưng nàng sung sướng được trông thấy thóc nhà đầy cót, ba bốn đống rơm rạ đánh
ở sau vuờn.
Xong vụ gặt nàng lại đi chợ, việc đồng ruộng chẳng có bao
nhiêu, nàng để dành phần cho các anh các em.
Thấm thoát phiên chợ này qua, phiên chợ khác lại, mỗi tháng
sáu phiên chợ làng còn nàng đi các chợ xa gần khác, chẳng mấy lúc đã thu sang.
Với tết trung thu, làng Thị Cầu kéo hội từ mồng bảy đến hết
ngày mười sáu tháng tám. Lại một dịp để cô gái Thị Cầu lo và cũng lại một dịp để
cô trổ tài và khoe nhan sắc với trai làng và trai thiên hạ.
Cũng như nhiều làng khác ở vùng quê tỉnh Bắc, nhân dịp trung
thu, trong làng thường lập các đám trống quân tại các xóm. Trai làng hát hay,
gái làng hát giỏi các đám trống quân đã kéo được rất đông khách tới nghe giọng
hát và thưởng thức các câu hay.
Suốt ngày chợ búa nhọc nhằn, tối đến, có trăng thanh gió mát,
cô gái Thị Cầu thường cùng vài cô bạn lập trống quân để hát:
Trống quân em lập nên đây
Áo giải làm chiếu khăn quây làm mùng
Mua vui dưới ánh trăng trong
Có con cũng hát, có chồng cũng chơi
Con thì em mướn vú nuôi
Chồng thì em để hát nơi xóm nhà.
Tiếng rằng câu hát nói vậy, nhưng thật ra, các cô gái đã có
chồng không bao giờ còn thì giờ đi hát nữa. Các cô bận lo cho chồng cho con.
Lo cho chồng con bằng người trong dịp tháng tám không phải là
không tốn. Có khi chồng con được làng cử vào chân đi rước, các cô phải sắm cho
chồng con đủ khăn lượt, áo the, quần lụa, dây lưng nhiễu điều, giày Gia Định để
cho chồng con được xứng đáng với vinh dự làng cử rước thần. Bao nhiêu tiền dành
dụm từ đầu năm, có khi chỉ một dịp này cô phải tiêu cho hết.
Lo quần áo đủ cho chồng, cho con đã xong đâu, các cô còn phải
lo tới mâm cỗ thi của chồng con đêm hôm giã đám vào ngày mười sáu tháng tám.
Để khuyến khích phụ nữ trong việc nội trợ, làng này hàng năm
có cuộc thi cỗ của bọn trai làng được cử vào chân đi rước.
Trong làng có bốn giáp: giáp Đông, giáp Bắc, giáp Giữa và
giáp Già.
>Thanh niên trong bốn giáp này đều ganh đua nhau trong cuộc
thi >cỗ.
Cuộc chấm cỗ hàng năm của dân làng rất kỹ luỡng. Những mâm cỗ
dự thi phải tinh khiết sạch sẽ. Có nhiều món ăn ngon chưa đủ, còn cần phải biết
chế hóa ra nhiều món lạ, và món ăn tuy lạ, nhưng phải nấu bằng thổ sần trong
vùng.
Hội đồng cũng chú ý đến cách bày cỗ. Mâm cỗ phải gọn gàng, và
các món ăn phải trình bày lịch sự.
Đây là một dịp để các cô gái làng tỏ tài nữ công. Các cô có
chồng tuy không thích ganh đua, nhưng cũng phải lo sao cho chồng có được mâm cỗ
xứng đáng đến nỗi thua chị kém em. Còn các cô chưa chồng, nấu cỗ cho anh hoặc
em, các cô quyết đem hết tài năng để cho mâm cỗ được hội đồng chú ý. Làng nước
phải biết đến các cô, và những chàng trai kén vợ phải lưu tâm tới tài nội trợ của
các cô. Đã có nhiều cô chỉ vì mâm cỗ của anh hoặc em được hội đồng làng ngại
khen mà sau ngày hội có tin đi mối lại về chuyện trăm năm.
Cô gái Thị Cầu lo về tháng tám, các cô cũng mừng mỗi khi
tháng tám đến.
Các cô bỏ vài buổi chợ để xem rước, hay cho đúng là để ngắm
các trai làng trong các bộ áo quần đẹp đẽ và các cậu trai làng đi trong đám rước
cũng rộn ràng sung sướng vì biết có các thiếu nữ đang ngắm mình và mắt các cậu
thường hướng về phía các cô đứng mặc dầu chân các cậu vẫn bước theo đà đám rước.
Nhưng ngày vui thường ngắn. Chẳng mấy lúc hội hè đã qua cô
gái Thị cầu lại lo công việc của mình, đi chợ với gánh nặng trên vai để giúp đỡ
cha mẹ, để nuôi chồng con hoặc để dành gây cái vốn nhỏ đợi lúc thành gia thất ở
riêng.
Cô gái Thị Cầu rất cần cù chăm chỉ. Bé ở nhà giúp đỡ cha mẹ,
lớn lên lấy chồng nuôi chồng, và lúc có con gây dựng cho con.
Đàn ông Thị Cầu, những người làm nên đôi chút danh vọng thường
lấy vợ thiên hạ.
Các cô cũng biết vậy, nhưng các cô vẫn tự an ủi: “Làng ta đường
cái xuyên tâm, số đàn bà phải nuôi chồng!”
CÔ LÁI ĐÒ SUỐI
Đã có ai đi trẩy hội chùa Hương Tích chưa? Chùa này là một thắng
cảnh của miền Bắc thuộc địa phận làng Yến Vĩ, phủ Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông.
Đã đi chùa Hương Tích phải đi qua đò Suối, và phải biết các
cô lái đò nhí nhảnh xinh tươi, thắt lưng con cón, nụ cười như hoa, với những
chiếc thuyền nhỏ nhẹ nhàng lướt nước, đè ngọn cỏ, đưa khách trẩy hội suốt từ địa
đầu bến Đục, qua chùa Trình tới chùa Thiên Trù tục gọi là chùa Ngoài.
Đi chùa Hương thường do hai lối đường bộ hoặc đường thủy,
nhưng đi đường nào thì khi tới bến Đục, hoặc bến Hà Đoan khách trẩy
hội cũng phải đi đò Suối. Đường bộ qua Hà Đông đến phủ Vân
Đình, tới làng Hòa Xá, rồi sang sông cập bến Hà Đoan. Từ bến Hà Đoan khách trẩy
hội sẽ đi bộ chừng năm năm thước, và đây là đò Suối.
Đi đường thủy, khách đi đò dọc trên sông Đáy từ Phủ Lý, tỉnh
lỵ tỉnh Hà Nam. Thuyền đi chập tối hôm trước, và tang tảng sáng hôm sau tới bến
Đục, xế bến Hà Đoan, khách cũng lại đi bộ năm trăm thước trước khi tới đò Suối.
Bến Đục là địa đầu cảnh Hương Sơn, Phong cảnh trông thật là
bao la hùng vĩ.
Trong những ngày mở hội từ trung tuần tháng giêng cho tới hết
trung tuần tháng hai, thì giữa khung cảnh bao la hùng vĩ này, chen vào một vẻ tấp
nập nhộn nhịp khác thường.
Dưới sông, thuyền đậu san sát tại bến. Những cột buồm chi
chít, khiến ở đàng xa, trông như một rừng tre khô. Những con đò ngang đi đi lại
lại, tự bên này sang bên kia sông, và những con đò dọc từ mạn Phủ Lý tới lừ lừ
cập bến. Du khách đứng nhấp nhô trên mũi thuyền, trên mạn thuyền. Mái chèo khua
nước bắn tóe, sóng sông nhẹ vỗ vào mạn thuyền đều đều, khiến những con thuyền rập
rềnh như chen chúc nhau. Du khách gọi nhau chỉ chỏ cùng nhau cảnh núi non cao rộng,
cảnh sông nước bao la, trông như tranh vẽ.
Trên bến Đục người đi lễ đông nghịt, ai nấy đều tay xách nách
mang, lúng túng những vàng hương cùng đồ tế lễ. Họ kéo nhau tới đò Suối, hoặc họ
vừa ở đò Suối đi ra. Những lớp người tiếp những lớp người, những lớp người gặp
những lớp người. Không ai quen biết ai, nhưng gặp nhau họ đều vui vẻ chào nhau.
Những tiếng nam mô vang lên, những tiếng nam mô đáp lại. Lòng khách đi lễ, hay
đã ở chùa ra về, ai nấy đều hướng vào đức Phật Bà Quan Âm, cầu xin ở đức Phật mọi
sự từ bi hỉ xả, mong đức Phật ra tay cứu vớt họ, để bao nhiêu lỗi lầm của họ về
trước đều được xóa bỏ từ nay.
Đi bộ một lúc lâu là đến đò Suối.
Đứng ở bên đò, khách nhìn bao quát được hết phong cảnh vùng
chùa Hương. Non nước bao la, xa gần nét đậm nét nhạt, những dãy núi trùng điệp
nối tiếp nhau. Bầu không khí trong vắt. Lòng du khách
thấy nhẹ lâng lâng. Những tiếng nam mô của chư khách chào
nhau vẳng lên trời cao, vang lên mặt nước, lẫn vào ngàn mây. Bụi trần lúc này
cơ hồ như gột sạch.
Ở đây khách sẽ xuống đò đi vào chùa Ngoài.
Những cô lái đò lanh lẹn trên chiếc thuyền nan, với nét mặt
tươi cuời, với giọng quyến rũ mời khách đi đò.
Trời đầu năm còn lành lạnh. Các cô chít chiếc khăn mỏ quạ, để
lộ đôi má ửng hồng. Với khuôn mặt thanh tú với dáng điệu mau mắn, các cô giúp đỡ
khách đi chùa. Có những cô thuyền vừa cặp bến, chở khách từ chùa ra, có những
cô đã cắm thuyền từ trước đợi khách vào chùa. Cô nào cô nấy đều vui vẻ đón chào
chư thiện nam tín nữ thập phương.
Có lẽ ở đây là cảnh Phật, nên lòng người ai cũng thấy nhẹ
lâng lâng, không bợn chút bụi trần, người ta đang sống ở một thế giới khác mà tấm
lòng vị tha đã thắng sự ích kỷ vị ngã, lấy sự niềm nở giúp đỡ nhau làm trọng yếu!
Có lẽ ở đây cảnh thiên nhiên mơ màng như không như có, như xa
như gần, người ta chịu ảnh hưởng của núi trời mây nước, trở nên phóng khoáng rộng
rãi, quí người hơn quí mình!
Có thật chăng? Các cô lái đò chùa Hương, tuy chở đò lấy tiền,
nhưng vẫn nghĩ tới sự giúp đỡ khách đi đò, đã chịu ảnh hưởng nhiều của hoàn cảnh
và của vị trị địa dư!
Hoàn cảnh, vì các thiện nam tín nữ khi đi trẩy hội một nơi,
thắng tích thờ đức Phật Bà Quan Âm ai nấy đều có dạ từ bi bác ái, cố noi gương
đức Phật. Ở đây miệng người ta chỉ niệm “nam mô” chỉ đọc kinh và tay người ta
chỉ lần tràng hạt, ở đây người ta chỉ nói tới đạo Phật, chỉ kể cho nhau nghe sự
tích hy sinh cao cả của đức Phật!
Còn vị trí địa dư! Một khung cảnh bao la hùng vĩ, cái gì cũng
to tát rộng rãi tất nhiên phải ảnh hưởng tới con người! Trước cảnh đẹp con người
nghĩ cũng cỏi mở đẹp đẽ hơn! Bao nhiêu những điều ti tiện nhỏ nhen có ở cuộc đời
ở những nơi chen chúc, thì ở nơi đây đều bị thay thế bởi những cái gì khoáng đạt
cao cả.
Các cô gái đò Suối quanh năm sống giữa núi cao, bên rừng rậm
với sông nước trời mây, hằng ngày đuợc nghe chuyện bác ái từ bi của đức Phật,
trách nào các cô chẳng vui vẻ giúp khách thập phương trong dịp hội nhất là sự
giúp đỡ đó gây cho cô biết thiện cảm của khách đi chùa.
Khi thuyền vừa cập bến, các cô dừng chèo, mang lên bờ giúp
khách nào mơ, nào lão mai, nào rau sắng. Lại còn những dẫy lộc Phật mà khách trẩy
hội không ít thì nhiều ai cũng phải có mang về để lấy phước. Miệng các cô hớn hở
tươi như hoa, lời các cô nhẹ nhàng, điệu bộ các cô nhanh nhẹn. Khách đi thuyền
ai cũng phải ngợi khen.
Chào khách ra về, các cô niệm Nam vô A Di Đà Phật, và các cô
nói theo: “Xin Phật độ trì cho cụ để sang năm cụ lại đi trẩy hội, chúng con sẽ
đón cụ ở đây”.
Khách cũng đáp lại:
A Di Đà Phật! Tôi cũng cầu xin Phật phù hộ cho cô luôn luôn
khỏe mạnh, chở được nhiều khách tới lễ Phật.
Đấy là những khách rời thuyền, còn những khách xuống thuyền nữa.
Các cô đon đả chào mời. Dù khách xuống thuyền cô hay xuống
thuyền khác của một cô khác, các cô cũng vẫn vui vẻ giúp đỡ khách. Các cô lên bờ
mang xuống thuyền giúp khách đồ lễ, vàng hương và có khi khách mang theo cả
chăn màn để phòng lúc ngủ lại chùa. Khách được các cô giúp đỡ đều vui mừng, cảm
ơn lòng từ bi của đức Phật đã cho du khách được may mắn, nhưng các cô cũng hài
lòng.
Một người khách xuống thuyền, hai ba người khách xuống thuyền!
Chiếc thuyền bé nhỏ của mỗi cô chỉ chở nhiều lắm là năm sáu người khách. Khách
đã đủ, thuyền các cô rời bến.
Cô lái đứng ở đầu thuyền, quay mặt về phía khách. Theo đà tay
cô bơi, mái chèo đập xuống nước, làm bắn những bọt trắng lên mạn thuyền. Người
cô cúi xuống hay đứng lên tùy theo mái chèo đưa về đằng sau hay đằng trước. Đò
lướt nhẹ nhàng trên dòng suối nhỏ, nước
trong vắt. Du khách có thể nhìn thấy đám cỏ mọc ở dưới nước,
hoặc những cây rong bập bềnh theo gợn sóng.
Dòng suối quanh co chảy qua cánh đồng chiêm, hai bên bờ suối
có những ruộng mạ con gái xanh mơn mởn như tơ nõn như chạy suốt tới chân trời
hoặc tới chân một ngọn núi xa xa. Đi khỏi cánh đồng chiêm, suối lọt vào những
vách đá xanh rì. Ở thuyền nhìn lên, du khách thấy những ngọn núi đủ các hình
cao có, thấp có, xa có gần có, ngọn đậm ngọn nhạt, ngọn chênh vênh, ngọn hiền từ.
Cô lái đò vừa bơi thuyền, vừa nói chuyện với khách chỉ dẫn
cho khách biết đâu là núi Gà, núi Tượng, núi Trống, núi Chiêng, đâu là động Tuyết
Quỳnh, đâu là chùa Trình. Cô lại giảng giải cho khách nghe tại sao có suối Giải
Oan, có chùa cửa Võng, tại sao lại gọi là hang Phật Tích, tại sao có chùa Tiên,
đường lên Trời thế nào, lối xuống địa ngục ra sao?
Khách trẩy hội vừa nghe cô nói vừa nhìn theo phong cảnh cô chỉ.
Đồng thời khách cũng luôn miệng niệm nam mô mỗi khi gặp chiếc thuyền ở trong
chùa đi ra, hoặc mỗi khi vượt một chiếc thuyền khác.
Cô lái đò dẻo tay chèo, vui câu chuyện và cũng nhẹ miệng niệm
“nam mô A Di Đà Phật” theo với du khách. Thuyền lướt sóng đè ngọn cỏ, đi nhè nhẹ,
bên các thuyền khác. Tiếng niệm Phật “nam mô” vang động khắp dòng suối.
Mỗi khi thấy một ngọn núi cô lái đò thường chỉ cho du khách:
“kìa là núi Mâm xôi, đây núi Mẹ bồng con!”
Cảnh đi đò Suối là cảnh nên thơ nhất trong cuộc đi trẩy hội
chùa Hương. Khách ngồi đò, với lòng tin tưởng vô biên ở đức Phật, hướng cả tâm
hồn về cõi Phật.
Những con đò bập bềnh đè mặt nước, chiếc nọ trước chiếc kia.
Khách đi thuyền miệng không ngớt niệm “nam mô”. Họ niệm Phật để chào nhau, họ
niệm Phật để cầu cho đò mau tới bến, họ niệm Phật để cầu phúc cho mình và cho
các bạn đồng hành. Những con đò vào gặp những con đò đi ra, tiếng niệm Phật lại
vang vang dội hơn. Các nam thanh nữ tú, các cụ già, các thiếu phụ, mặc dầu
không hề quen biết vồn vã nhau trong tiếng chào, cầu chúc cho nhau những điều
may
mắn. Những nụ cười đón những nụ cười, những nét mặt hân hoan
đáp lại những nét mặt hân hoan. Tỉnh cũng như quê ở đây người ta không phân biệt
ai sang ai hèn. Đạo giáo đâu có giai cấp, và đức Phật đâu có của riêng ai. Những
chàng thanh niên thành thị, ăn vận rất lịch sự tới nơi đây hằng tươi tỉnh chào
các cụ già nhà quê, chào các thiếu nữ đồng ruộng, và những cô áo quần sặc sỡ
xanh đỏ tím hồng ở đây vẫn là bạn của những cô quần sồi áo vải. Ai gặp ai cũng
đều mừng rỡ, và những tiếng “nam mô” hồn nhiên như muốn tả hết nghĩa bác ái của
đức Phật. Tiếng “nam mô” của khách trẩy hội thuyền lướt sóng thấm thoát đã tới
chùa Trình.
Khách có người vào lễ chùa Trình, có người đi thẳng, bao giờ
gần tới chùa Trình, cô lái đò cũng loan báo cho khách biết.
“Thưa các ông bà, đây là chùa Trình, có ông bà nào muốn vào lễ
để cháu ghé thuyền”.
Rồi cô giải nghĩa tại sao gọi là chùa Trình. Khách trẩy hội
vào chùa này như trình diện trước khi tới cảnh Phật, và khách ra về cũng vào lễ
chùa này như để từ giã cảnh Hương Sơn.
Rời khỏi chùa Trình, chiếc thuyền nhỏ lần này đi thẳng tới
chùa Ngoài, tức là chùa Thiên Trù. Trước bến lên chùa, đò Suối như vùng rộng
ra.
Chùa Thiên Trù xây trên một suờn đồi giữa cảnh núi rừng. Từ bến
đò suối có bực đi lên chùa, chùa rất khang trang rộng rãi, sân gạch bao la,
chung quanh có cây xanh lá biếc, trùng trùng điệp điệp...
Thật là một nơi tịch mịch nếu không phải là ngày hội. Suối chảy
róc rách, tiếng chim gõ mõ trong ngàn cây, khiến cho ta quên hết mùi trần tục.
Lại thêm đàn cá lửng lơ dưới suối nghe kinh. Chuông chùa từng hồi vang lên như
muốn đưa tâm hồn ta tới cõi hư vô.
Trong những ngày hội cảnh tịch mịch trên đã bị xáo động bởi
các thiện nam tín nữ. Người ra kẻ vào tấp nập. Mùi huơng trầm sục nức. Tro vàng
lá bay theo khói tản trên không. Tiếng mõ, tiếng chuông hòa lẫn tiếng niệm Phật
của khách trẩy hội.
Người ở trong chùa người ở sân chùa, người ở bến đò, nào vàng
hương, nào đồ lễ, nào chai nước suối Giải oan, nào khúc lão mai, nào bó rau sắng,
nào bì mơ.
Ở bến đò, các cô lái đò cũng vui vẻ giúp đỡ khách lên bờ hoặc
xuống thuyền. Đối với khách lên chùa, các cô vui vẻ mách đường cho khách rõ lối
đi chùa Tiên, lối vào chùa Cửa Võng và chùa Hang.
Từ chùa ngoài đi vào, đường đi khấp khểnh, nhưng phong cảnh rất
hữu tình, và khách lễ chùa luôn miệng, niệm “nam mô”. Lòng người hướng cả vào đức
Phật. Người ta dẻo chân đi quên mỏi. Hai bên đường thỉnh thoảng lại hiện ra một
rừng mơ, khách có thể tới hái để giải khát. Đi một quãng đến chỗ rẽ lên chùa Tiên,
ở trong một hang trống, có hai lối ra vào khác nhau. Bên ngoài, những nhũ đá chảy
xuống thành từng nếp trông rất đẹp. Xa hơn quãng rẽ một chút là chùa Giải Oan, ở
đây có một cái giếng nhỏ, nước trong và mát. Khách lễ chùa tin rằng nước này uống
vào người sẽ nhẹ nhàng thanh thoát và tiêu giải được mọi nỗi oan khiên. Cũng vì
thế phần đông khách trẩy hội đều lấy theo về một chai nước giếng quý báu này.
Ở Chùa Giải Oan ra đi về chỗ rẽ, theo lối cũ sẽ tới chùa Cửa
Võng, trước khi tới chùa Trong hay chùa Hang tức là động Hương Tích.
Chùa Cửa Võng mang tên theo lối kiến trúc còn chùa Hang theo
lời truyền lại chính là nơi xưa kia đức Phật Quan Âm đã thành Phật và cũng vì vậy
dân làng mới thờ đức Phật tại động này.
Bước vào chùa Hang, du khách thấy ngay ngoài cửa động năm chữ
đại tự rất lớn “Nam Thiên Đệ Nhất Động” tương truyền là chữ của vua Lê Thánh
Tôn với những nét bút rất sắc sảo.
Trong động có tượng đức Phật Bà Quan Âm và chư vị La Hán. Những
nhũ đá rủ xuống óng ánh muôn mầu rất kỳ diệu, ở gần giữa động, nhiều tảng đá nổi
lên, trông như hình các em bé. Khách trẩy hội hiếm con thường xoa đầu các em bé
ấy, rủ về với mình. Nhiều tảng đá đã nhẵn thín vì những bàn tay các tín nữ cầu
con.
Động có nhiều hang ngách. Ánh sáng lọt vào thưa thớt khiến những
hình tượng cũng như những nhũ đá càng thêm ảo huyền.
Ngày hội, khói trầm hương nghi ngút tỏa. Người ra vào như mắc
cửi.
Các cô lái đò chỉ dẫn cho du khách rất rõ ràng. Khách chỉ việc
theo lời cô sẽ đi được khắp mọi chùa và hiểu khắp mọi tích.
Khách lên bờ, vào chùa Lễ Phật, cô lái đò lại đón khách đi
ra. Vẫn những dịp chèo đều đặn, vẫn những vách đá chênh vênh, rồi đến cánh đồng
chiêm. Khách đi ra cũng như khách đi vào luôn luôn niệm Phật và ngắm nhìn không
biết chán cảnh non nước trời mây với đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt.
Một năm có một tháng hội chùa, cô lái đò đón khách lại đưa
khách. Cô vừa giúp đỡ được khách trẩy hội lại vừa kiếm được cái vốn nhỏ để tiêu
thêm về gia đình. Cô có thể may thêm được mấy bộ quần áo mới, cô có thể sắm được
đôi khuyên vàng trước là để trang điểm cho mình sau là để dành đợi lúc ra ở
riêng.
Rồi hội chùa Hương hàng năm phải hết, không còn khách trẩy hội
để cô chở theo dòng suối nữa, nhưng dòng Suối vẫn là dòng Suối cô vẫn có thể chở
dân chúng từ Yên Vĩ ra Hà Đoan, hoặc từ Hà Đoan vào Yên Vĩ và dân chúng các
làng đọc theo hai bờ Suối.
Sau ngày hội, nhiều cô lái đò lại quay về nghề nông để chờ đợi
kỳ hội năm sau. Các cô lo làm cỏ ruộng chiêm, đợi chờ vụ gặt tháng năm.
Một số ít các cô tiếp tục chở đò trên dòng Suối, nhưng chở đò
quanh năm đâu có vui như ngày hội. Nhiều khi vắng khách, cô nhớ những buổi tấp
nập của giêng hai, cô mong thời gian đi mau để ngày hội chóng tới.
Có đôi lúc các cô ngó lại phận mình. Thấy người ta chồng chồng
vợ vợ, các cô cũng mong một ngày lành duyên cùng một chàng trai xứng đáng. Đã
nhiều khi trong những lúc chèo thuyền vắng khách, các cô hát ghẹo mấy chàng
trai đang thăm đồng, hoặc đang đánh cá.
Người ta chồng trước vợ sau
Anh kia không vợ như cau không trầu
Cau không buồng ra tuồng cau đục,
Trai không vợ cực lắm anh ơi.
Nghe lời ca, chàng trai ngửng đầu lên nhìn cô lái đò, xinh đẹp
với vẻ nhí nhảnh đáng yêu. Chàng trai ngập ngừng một lát, rồi hát lại:
Bóng quế giãi thềm
Tiếng chuông đưa bát ngát càng thêm bận lòng
Dao vàng bỏ đẫy kim nhung
Biết rằng người thục nữ có lòng với chúng tôi chăng
Thấp thoáng bóng trăng!
Nhưng câu hát thoáng qua như vậy đã nhiều phen có những kết
quả đáng ghi. Những cặp trai lành gái tốt đã thành đôi, và thuyền của cô lái đò
Suối trên dòng đời coi như đã tới bến.
Đấy là những cô lái đò, còn khách trẩy hội chùa?
Đã một lần đi chùa Hương, đố ai quên đuợc đò Suối. Để nhớ mãi
nên thơ ấy trong những lúc trà dư tửu hậu, khách đã hằng ngâm bài thơ Hương
Tích tuyền độ của cụ Phan Mạnh Danh:
Phong điềm lãng tĩnh quýnh vô trần
Lương ngạn sơn đầu thảo mộc xuân
Khê hạ nhất hoằng nguyên thủy lục
Chu hành nghi thị Vũ lăng tân.
Bản dịch của cụ Phạm Huy Toại:
Sóng êm chẳng chút bụi trần bay,
Hai mạn xanh rì núi cỏ cây
Dòng suối dưới khe tuôn nước biếc,
Thuyền đi ngỡ đến Vũ lăng đây.
Đã ngâm thơ về đò Suối, khách phải ngâm thơ về toàn cảnh chùa
Hương. Cụ Chu Mạnh Trinh đã dành cho khách bài thơ tuyệt bút sau đây:
Bầu trời cảnh bụt,
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay,
Kìa non non nước nước mây mây
“Đệ nhất động” hỏi rằng đây có phải?
Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái
Lững lờ khe yến cá nghe kinh
Thoảng bên tai một tiếng chầy kình,
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.
Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng
Này hang Phật Tích, này động Tuyết Quỳnh
Nhác trông lên ai khéo vẽ hình
Đá Ngũ sắc long lanh như gấm dệt.
Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt,
Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây.
Chừng Giang Sơn còn đợi ai đây,
Hay Tạo Hóa khéo ra tay xếp đặt,
Lần tràng hạt niệm “Nam vô Phật”
Cửa từ bi công đức biết bao.
Càng trông phong cảnh càng yêu.
Nhớ lại chùa Hương và đò Suối khách ngâm thơ, khách ngâm thơ
để lại nhớ đò Suối với chùa Hương, để năm sau khách lại đi trẩy hội, để lại đi
Suối của các cô lái đò nhí nhảnh nhẹ nhàng tới chùa Hương.
NGƯỜI NỘI TRỢ VÙNG LẬP THẠCH
Để tả Sự chịu khó siêng năng của người nội trợ mấy xã Quan Tử,
Phú Thị vùng Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Yên, cụ đốc học Trần Lê Nhân, tác giả bộ cổ Học
Tinh Hoa đã có câu ca dao:
Nửa đêm ân ái cùng chồng,
Nửa đêm về sáng gánh gồng ra đi
Đúng thật, người nội trợ vùng Lập Thạch rất cần cù đảm đang,
chịu mọi sự hy sinh, ngay đến cả niềm ân ái để tần tảo buôn bán nuôi chồng, lập
cơ sở cho gia đình và gầy dựng cho con cái.
Huyện Lập Thạch ở ven sông Lô, mấy làng Phú Thị, Quan Tử, ở
giáp ngay bờ sông, cạnh huyện Bạch Hạc, nơi sông Tiểu Đáy chảy vào sông Lô.
Sông Lô chảy tới Bạch Hạc thì nhập vào sông Hồng Hà, và chính nơi đây, tại hữu
ngạn sông Lô, đối diện với vùng Lập Thạch, thị trấn Việt Trì đã được thiết lập
và tạo nên cảnh sầm uất trên bến dưới thuyền.
Cảnh sầm uất này đã giúp cho việc buôn bán các vùng lân cận
được phát đạt, và các bà nội trợ vùng Lập Thạch quanh năm buôn đò, bán chợ, đi
sớm về hôm cũng nhờ vậy kiếm ăn được dễ dàng hơn mặc dầu phải vất vả.
Nước sông Tiểu Đáy lặng lẽ chảy vào dòng Lô Giang và nước Lô
Giang cũng lặng lẽ chảy vào sông Hồng Hà. Quanh năm ngày tháng các bà nội trợ
vùng Lập Thạch cần cù nhẫn nại, lo luôn lo bán không hề phàn nàn, siêng năng
như nước chảy theo dòng. Các bà lận đận sớm khuya, nhưng lòng các bà hân hoan
sung sướng bởi lẽ các bà đã làm tròn nhiệm vụ với chồng con, đúng như câu ca
dao các bà vẫn hát ru em khi còn con gái:
Bên này con sông, Bên nọ con sông,
Nước sông bên nọ theo dòng bên kia.
Quản chi lận đận sớm khuya,
Thân em dầu dãi nắng mưa vì chồng.
Hai con sông trong câu ca dao không hiểu là sông Hồng Hà và
sông Lô, hay sông Lô và sông Tiểu Đáy? Nhưng điều đó không can hệ gì, điều đáng
kể là các bà nội trợ vùng này phục tùng chồng, như sông bên nọ theo dòng bên
kia và quanh năm các bà chịu nhọc nhằn dầu sương dãi gió vì chồng.
Ai đã có dịp qua mấy làng Quan Tử, Phú Thị chưa? Nơi đây là một
nơi quê mùa, nhưng trong làng nhà ngói san sát, nhà nào nhà nấy đều tường gạch,
sân gạch và đến cả cổng ngõ cũng xây lát tinh tươm. Sự trù phú của dân làng đều
do tay các bà nội trợ gây dựng nên.
Làng ở ven sông, các bà buôn cá, muối cá, làm mắm đem bán dất
ở các chợ. Lại có bà buôn hàng ở bến sông đem bán các xã thuộc mấy hạt Bạch Hạc,
Vĩnh Tường, Yên Lạc và Lập Thạch. Lời lãi bao nhiêu, các bà lo trang trí cho cửa
nhà, lo sắm sửa cho chồng và lo gầy dựng cho con.
Các bà chỉ nghĩ đến chồng đến con, còn chính các bà, các bà
thường tự quên mình, quên mình để chiều chồng, quên mình hy sinh cho con thơ,
quên mình để lo cho gia đình đầy đủ.
Hàng ngày, gà gáy canh hai các bà đã trở dậy, sửa soạn gánh
hàng để lo đi chợ, dù trời bức hay trời rét, trời nắng hay trời mưa, dù đôi mi
mắt còn nặng trĩu giấc ngủ. Các bà khe khẽ nâng chân bước ra khỏi giường, rón
rén đi nhè nhẹ để khỏi động tới giấc ngủ của chồng con. Các bà đánh thức người
làm, dặn bảo công việc nhà, nhất là về cơm nước bữa sáng, khi các bà vắng mặt,
rồi các bà gồng gánh ra đi giữa đêm khuya, giá lạnh, giữa lúc mọi người còn
đang thiêm thiếp giấc nồng. Các bà đi khỏi, người làm lại đóng cửa đi ngủ. Các
bà đi chợ Hạc Trì, tỉnh Phú Thọ, các bà ra bến Việt Trì, các bà đi chợ Bạch Hạc,
chợ Liêm Sơn, chợ Thổ Tạng, phủ Vĩnh Tường, chợ Me huyện Tam Đương và có khi cả
chợ tỉnh Vĩnh Yên, cách đấy gần hai chục cây số. Dù đi chợ nào các bà cũng cần
đi sớm, có đi sớm mới cất được hàng, có đi sớm mới tranh đuợc chỗ ngồi, có đi sớm
mới bán xong hàng sớm để còn về cho kịp bữa cơm chiều.
Đến bến hoặc đến chợ, trong khi chờ đợi cất hàng, hoặc trong
khi bán hàng hay lúc đã cất hàng xong, các bà mới lo tới bữa ăn của mình. Có bà
mở gói cơm nắm mang từ nhà ra ăn, có bà ăn quềnh quàng mấy món quà chợ như bánh
đúc bún riêu cho xong bữa. Các bà chỉ cốt buôn bán, việc ăn uống chỉ là việc phụ.
Ăn uống xong, cũng như tất cả mọi người dân quê Việt Nam, các
bà ăn miếng trầu. Ăn trầu còn khiến cho môi thêm thắm, cho má thêm hồng, cho miệng
thêm tươi tắn để chào khách hàng bán hàng. Ăn trầu các bà đã chọn mua những quả
cau thật ngon, nhưng quả cau này, các bà chỉ cắt chũm để mình ăn, còn cau ngon
lại dành để phần chồng:
Bán hàng ăn những chũm cau
Chồng con có biết cơ màu này chăng?
Cau các bà mua là cau bổ bảy, nhưng muốn cho chồng say sưa với
miếng trầu, cau đó các bà thường chỉ bổ làm ba, chẳng như ai đạm bạc đem bổ ra
làm tám làm mười:
Yêu nhau cau bảy bổ ba
Ghét nhau cau bảy bổ ra làm mười.
Buổi tan chợ, hoặc hàng đã bán hết hay cất xong các bà quang
gánh ra về, lại vội vàng trên đường về cũng như vội vàng lúc ra đi... Quãng đường
thường dài trên chục cây số, tuy xa, nhưng đối với các bà, đó chỉ là những đoạn
đường đi bộ hàng ngày hai buổi. Đường càng xa bước chân càng dẻo dang, tay vung
càng vắt vẻo, và quang gánh trên vai càng kĩu kịt theo một nhịp điệu mau hơn.
Tới nhà đặt quanh gánh xuống là các bà lo tới bữa cơm chiều của
chồng. Thường thường khi các bà về tới nhà thì mặt trời đã chênh chếch non
Đoài. Lũ con, thấy mẹ về chợ xúm xít hỏi quà. Bà mẹ bế những đứa nhỏ, nựng nó
vài câu, có khi cho nó bú bầu sữa đầy đang tưng tức, vì từ sáng bà mới vắt sữa
có vài lần ở chợ. Đứa trẻ bú mẹ, nhoẻn miệng cuời, bí ba bí bô mấy tiếng reo
vui, rồi bà mẹ lại đưa nó cho chị nó hoặc người làm bế. Bà chia quà cho các con
lớn, và chọn >những trái cây chín thơm, những chiếc bánh ngon lành cất
đi để phần chồng.
Bữa cơm chiều trong gia đình bao giờ cũng thịnh soạn và mùa
nào thức ấy, người nội trợ vùng Lập Thạch không tiếc tiền mua để chồng con xơi.
Tháng sáu có nhãn lồng Hưng Yên, tháng tám có hồng Đào, tháng chín có quýt Thái
Nguyên, tháng mười có cam Bố Hạ v.v...
Gặp những hôm đi chợ Sơn Đình hoặc đi chợ Liễn Sơn, có thịt
nai, thế nào các bà cũng dành mua một miếng thật ngon về xào cho chồng nhắm rượu.
Mặc dầu đã mệt nhọc về buổi chợ, vì quãng đường xa đi bộ, người
nội trợ vùng Lập Thạch vẫn tự tay làm lấy bữa cơm chiều để cho cơm được dẻo,
canh được ngọt, để có thức nhắm ngon cho chồng nhắm rượu, có thức ăn ngon cho
con ăn cơm.
Ngọn lửa hồng sưởi ấm lòng nàng, bốc theo mùi thơm ngào ngạt
của đồ xào nấu. Vừa đun bếp nàng vừa nghĩ tới sự hân hoan của chồng, sự sung sướng
của con khi thưởng thức món ăn tự tay nàng làm ra. Cảnh lạc thú gia đình là phần
thưởng đích đáng của mọi vất vả nàng phải chịu.
Và khi người chồng nhấm nháp chén rượu với món xào họp ý, một
lời khen ngợi đủ khiến cho mọi sự mệt nhọc của nàng tiêu tan.
“Món xào này bu mày làm khéo quá!” “Bát canh bu mày nấu ngon
quá!”
Nàng chẳng mong gì hơn là chồng biết đến sự tận tâm của mình.
Sự sung sướng về tinh thần đã cho nàng thêm can đảm chịu đựng sự nhọc nhằn.
Cơm nước xong, buổi tối, khi đi ngủ, lại chính tay nàng săn
sóc giường màn cho chồng. Nàng cho đấy là một công việc thiêng liêng, người đàn
bà nào không săn sóc tới giấc ngủ của chồng, là người đàn bà không làm trọn
thiên chức của mình.
Ăn với chồng một bữa, ngủ với chồng nửa đêm!
Câu tục ngữ này thật đúng với người nội trợ vùng Lập Thạch.
Ăn một bữa với chồng, nhưng là một bữa cơm vui vẻ, ngủ với chồng
nửa đêm, nhưng là nửa đêm đằm thắm nồng nàn!
Ai chẳng tiếc thời gian, ai chẳng muốn cơm ngày hai bữa với
chồng, ai chẳng muốn trọn đêm gối cùng chồng? Người nội trợ vùng Lập Thạch đã tự
hy sinh một phần niềm ân ái và những phút giây quý báu hàng ngày của mình chỉ
vì muốn chồng con đuợc hơn người. Về phương diện này nàng có một tinh thần ganh
đua rất đáng quý.
Thấy nhà hàng xóm xây cổng, lát sân, nàng cũng cố tần tảo chợ
búa dành dụm để có tiền xây cái cổng đẹp hơn, lát cái sân rộng hơn; thấy ông
hàng xóm mặc chiếc áo da Mông Tự về vụ rét, nàng cũng cố may cho chồng chiếc áo
đoạn Thái Tây. Ông hàng xóm sang chơi khoe bộ đồ trà Giang Tây, thì khi ông
hàng xóm về, nàng đã nghĩ ngay tới bộ đồ trà quý giá hơn! Nói tóm lại, nàng muốn
chồng nàng bằng người, hơn người. Thua trời một vạn không bằng thua bạn một ly!
Đời nào, nàng cũng đi chợ, cũng buôn Tần bán Sở lại chịu thua bà hàng xóm.
Rồi ngày giỗ, ngày Tết! Nàng cũng muốn làng nước trông vào!
Nhà người ta có mâm cao cỗ đầy, có sơn hào hải vị, thì nhà nàng cũng phải có.
Ngày giỗ người ta mời cả xóm, cả thôn, thì nàng phải mời cả làng xã! Nàng không
chịu kém ai, nàng thường đoán trước được ý muốn của chồng trong mọi sự ganh đua
cùng làng nước!
Lại những khi chồng lên quan viên hoặc được cử vào ban tư
văn, hoặc khoa ngũ, lục tuần, bao giờ nàng cũng lo đủ lệ làng, không hề ngại
ngùng tốn kém.
Tiếng đảm đang cần cù của nàng vang khắp huyện, khắp tỉnh, ai
ai cũng ngợi khen và lấy nàng ra làm gương cho đàn bà con gái!
Nàng vất vả quanh năm, nhưng tự lo vào thân mình rất ít. Hết
ngày này sang tháng khác nàng nhẫn nại buôn bán, chiều chồng nuôi con. ít khi
nàng nghỉ một buổi chợ, ngay cả những khi thai nghén.
Khi thai nghén, muốn an thai nàng không nay thuốc này mai thuốc
khác, cho tốn kém. Nàng chỉ cần ăn mấy chiếc bánh ngói mua tại chợ huyện, chợ tỉnh.
Bánh Ngói là một thứ bánh làm bằng một thứ đất lấy ở một xã vùng Lập Thạch, nặn
giống như hòn ngói rồi đem nung như
nung ngói. Người ở vùng này cho rằng bánh ngói đó có tính chất
an thai.
Người nội trợ Lập Thạch chịu đựng khổ sở, kính chồng thương
con được tiếng tăm, nên các cô gái vùng này rất đắt chồng. Các cô chưa tới tuổi
cặp kê đã có rất nhiều đám rắp ranh bắn sẻ, trai làng cũng có, trai thiên hạ
cũng có.
Các bà mẹ có con tới tuần trăng tròn là lo sắm sửa cho con để
mong kén được trang giai tế xứng đáng. Đồng thời các bà dạy dỗ con công ăn việc
làm, học buôn học bán để sau này lo tròn đạo thờ chồng nuôi con.
Các cô gái khi đến tuổi lành duyên đều bắt đầu học tập lo
công việc gia đình theo sự chỉ dẫn của mẹ, của chị. Đồng thời các cô cũng lo
cho má thêm hồng, cho môi thêm thắm, cho nụ cười thêm duyên dáng, dáng đi thêm
uyển chuyển, cử chỉ thêm dịu dàng, vẻ người thêm cân đối.
Rồi những ngày hội ở đền thờ Đại Tướng Quân Trần Nguyên Hãn,
vị danh thần khai quốc nhà hậu Lê, tại xã Quan Tử, vào trung tuần tháng tám hoặc
ở đền thờ Thổ Lệnh Đại Vương xã Bạch Hạc với cuộc thi thuyền trên sông Lô, vào
ngày hai mươi tháng giêng hàng năm, các cô quần áo xếp nếp vấn đầu nhung, dép
chéo quai, tai đeo khuyên vàng, tay đeo nhẫn mặt ngọc, thắt lưng lụa lủng lẳng
bộ sà tích, dắt nhau đi xem hội để trai thiên hạ trông vào.
Thấy nhan sắc kiều diễm của các cô, nhiều chàng trai tơ lòng
rung động. Các chàng nhờ mối lái để mong được vầy duyên cầm sắt cùng người đẹp.
Cá bống còn ở trong hang
Cái rau tập tàng còn ở ruộng dâu
Ta về ta sắm cành câu
Câu lấy cá bống nấu rau tập tàng
Có chàng trai đã sắm cần câu đúng dịp, được hài duyên với
giai nhân, cùng giai nhân bách niên giai lão, nhưng cũng có chàng trai
vì >chậm lỡ bước, giai nhân đã nhận trầu nơi khác, hoặc đã ôm cầm vui
khúc phỉ nguyền chàng Tiêu.
Chàng đành than tiếc mà buồn:
Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra cánh biếc
Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay
Đôi khi lời than thở của chàng trai cũng động lòng người đẹp,
nhưng biết làm sao được, vì ván đã đóng thuyền! Tại sao chàng trai đã chậm trễ,
tại sao chàng trai không xin bỏ miếng trầu từ khi nàng còn là con gái:
Vẻ gì một miếng trầu cay,
Sao anh không hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra!
Chàng trai đành thất vọng. Chẳng lẽ chàng lại xui người con
gái lỗi đạo hay sao:
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng mở cửa mà ra!
Không, không bao giờ có chuyện như thế đuợc. Còn gia đình còn
lẽ giáo. Người con gái vùng Lập Thạch một khi đã lấy chồng là phải lo bổn phận
nội trợ của mình.
Nửa đêm ân ái cùng chồng.
Nửa đêm về sáng, gánh gồng ra đi.
VEN BÃI BỂ ĐỒNG CHÂU
Đồng Châu là một xã nhỏ thuộc huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình, ở
ngay ven bờ bể, gần cửa sông Trà Lý. Dân làng sống về nghề chài lưới. Đất đai
này phần nhiều ở ngoài con đê ngự hàm hàng huyện, thường bị ngấm nước muối,
không tiện cho việc canh nông.
Làng Đồng Châu có một bãi bể rộng, chạy từ cửa sông Trà Lý đi
tới, suốt đầu làng đến cuối làng và kéo dài tới nhiều xã lân cận. Bãi bể này
sàn sàn ăn lan thẳng ra biển nên trước đây người Pháp đã có lập một nơi nghỉ
mát tại đó.
Để chống gió bể, cũng như để giữ cho đất khỏi bị sóng bể đánh
trôi đi, dân chúng trồng ven làng về mé biển hàng dãy phi lao. Nhưng cây phi
lao xanh rờn, lá rủ thõng như lá liễu, gặp gió biển thổi qua, rền rĩ như khúc
nhạc sầu, phản ánh cuộc đời vất vả của dân quanh bãi bể.
Dân chúng Đồng Châu, cũng như các xã lân cận, ven bãi bể,
ngoài con đê ngự hàm vất vả thật. Họ chật vật với cuộc , sống hàng ngày. Không
có ruộng nương, sinh kế của họ chỉ trông nhờ vào biển.
Nước biển noi đây ở ven bờ đỏ ngầu, lẫn phù sa do sông Trà Lý
đưa tới. Mãi xa xa mầu biển mới biến sang mầu xanh sẫm.
Biển đục thường nhiều cá, nhưng cá chỉ có ngoài khơi còn ở
ven bờ nếu có, chỉ là những đàn cá nhỏ, tôm, cua, sam sứa...
Sống trông nhờ vào biển, người dân vùng này phải có đủ dụng cụ
để đi biển. Họ phải có thuyền, có lưới, có vợt, có buồm. Những vật dụng cần thiết
này, dù nghèo túng đến đâu họ cũng phải sắm cho kỳ đủ, nhiều khi phải vay nợ trả
dần: Đó là nguồn sống của gia đình, được lưu giữ cha truyền con nối.
Hàng ngày từ sáng sớm tinh sương, dân làng đã rủ nhau ra
khơi. Cảnh bờ biển thật là ồn ào nhộn nhịp.
Trước ánh mặt trời vừa vươn khỏi mặt nước, tỏa ra những tia
tía, nhuộm thẫm bầu không khí sớm hôm, ráng đỏ xuống mặt biển, sóng
nhẹ nhấp nhô, hàng nghìn con thuyền rải rác từ chân trời tới
bờ biển. Trên những con thuyền, bóng người ẩn hiện quăng lưới, kéo lưới, hoặc
khua bơi chèo đuổi cá. Những cột buồm, sừng sững trên mỗi chiếc thuyền, theo với
bơi chèo đi ngược đi xuôi, trở ra trở lại. Những làn sóng bật vào mạn thuyền
làm bắn tung nước trắng xóa; lưng trời đàn cò bể là lượn trên đám thuyền. Thỉnh
thoảng một vài con đột nhào mình xuống nước, và khi bay lộn trở lên, bao giờ
trong mỏ cũng cặp một con cá bạc xinh xinh.
Mặt trời dần lên cao thì đám thuyền rải rác ngoài khơi cũng dần
kéo nhau vào bờ, gần cửa sông Trà Lý. Thuyền nào thuyền ấy đầy cá, những con cá
trắng như bạc quẫy nhảy làm lan vẩy óng ánh dưới ánh bình minh. Tiếng người nói
ồn ào, ở thuyền này gọi, ở thuyền kia thưa. Những người dân chài quần nâu áo vá
nhộn nhịp chạy trên mạn thuyền, tay với, tay khua.
Ở trên bờ bể, gia đình họ túm tụm nhìn ra bể để đón đợi thuyền
về. Gió sớm thổi vào mặt những người thiếu nữ ngây thơ làm làn tóc phơ phất bay
trên nước da mặt mịn màng. Những manh áo nâu vá vai, đổi tay đứng xem nhau. Họ
đợi chờ thuyền về với biết bao hy vọng. Chồng họ ra khơi buổi nay có may mắn
không, cá có nhiều không? Dân làng họ ra đi có ai bị rủi ro gì không? Bể cá hôm
nay có rộng lượng với đám dân chài không?
Bên đám người nhà dân chài, có lẫn những phường buôn đợi chờ
cân cá. Trông họ quần áo sang trọng hơn, và trong óc họ cũng tính toán những điều
khác nhau: liệu hôm nay họ có cân được nhiều cá với giá hời không? Liệu những
người vay tiền trước của họ hôm nay có cân đủ cá trả họ không-?
Các thuyền dần dần vào bờ. Thật là một sự ồn ào nhộn nhịp!
Một chiếc thuyền vào bờ là người ta đổ xô xuống. Thân nhân
nhà chài xuống để giúp đỡ người nhà kéo thuyền lên bãi bể, bưng cá, xếp luới, bọn
con buôn thì xô vào khoang cá, lọc con này, lựa con khác, phân loại để cân.
Tiếng nói ầm ĩ, tiếng hỏi, tiếng trả lời: Pha lẫn vào có những
tiếng cười trong trẻo hồn nhiên của người dân quê bên những tiếng cười xã giao
của bọn con buôn, chỉ mong mua được giá hời.
Từng chiếc thuyền một vào bờ. Khi mặt trời lên độ hai con sào
thì ở ngoài khơi lơ thơ chỉ còn vài con thuyền và ở trong bờ biển cảnh nhộn nhịp
cũng không còn nửa. Việc mua bán cá đã xong. Những gia đình dân chài đã thu xếp
những dụng cụ của mình để sửa soạn cho buổi ra khơi hôm sau.
Đời sống của dân chúng ven bãi bể Đồng Châu cũng như phần
đông dân quê ở ven bể thật khó khăn. Đất đai khó trồng trọt vì nước mặn, họ sống
nhiều về nghề chài lưới. Hàng ngày từ sáng sớm tinh sương họ đã đưa thuyền ra
khơi để đánh cá. Những người chồng ra đi, những người vợ ở nhà đợi chờ hồi hộp;
những người con trai ra đi, những người mẹ già trông ngóng lo âu; những người
anh ra đi, các cô em gái phấp phỏng trông chờ; những vị hôn phu ra đi, những vị
hôn thê mong mỏi băn khoăn.
Người ra đi cũng như người ở lại, họ đều có một tâm sự như
nhau. Họ cầu mong, Trời đất ban ơn cho họ, cho chồng con anh em người yêu của họ,
có đi thì có về. Người ra đi, thân ở ngoài bể khơi, nhưng lòng thật vẫn ở cạnh
mẹ già, vợ dại con thơ, ở bên người em gái chân thành, ở gần người yêu khả ái.
Họ mong bề trên ban phúc cho họ để bể yên sóng lặng, cá đánh được nhiều, thuyền
nhẹ lúc ra đi, thuyền nặng lúc trở về.
Còn người ở nhà, lòng họ thật là hồi hộp. Bể cả đã chẳng bao
lần nổi giận, đập phũ phàng những người dân chài lương thiện, cuốn họ theo sóng
lớn, đánh tan nát chìm đắm thuyền lưới của họ, khiến cho họ lúc ra đi thì có,
lúc trở về thì không. Đã bao nhiêu người vợ mất chồng, người con mất cha, người
mẹ mất con, người anh mất em, đã bao nhiêu lứa đôi không trọn nghĩa và biết bao
hạnh phúc bị tan tành vì những cơn giông tố bất ngờ! Bể cả đã là mồ của biết
bao người dân chài luơng thiện!
Người ra đi trông trời trông nước, kẻ ở nhà nhìn gió nhìn
mây. Có khi bể đang yên lặng, bỗng vần vũ ở đâu mây đen kéo tới, gió nổi lên, rồi
mưa đổ xuống. Có khi là một cơn giông, có khi là một trận bão.
Sóng bể bốc cao như thác, vỗ ầm ầm; gió gào thét và như muốn
ra uy, sấm chớp từ cao giáng xuống.
Những lúc ấy người đi khơi lo đã đành, cả kẻ ở nhà cũng không
yên dạ. Người đi khơi lo cuốn buồm quay mũi mau cho thuyền đến được bờ, còn kẻ ở
nhà nóng lòng sốt ruột cầu nguyện thương xót tới chồng con mình, run rủi sao
cho qua khỏi cơn sóng gió.
Hàng ngày cứ bao giờ thuyền cá về tới bờ, người dân chài mới
biết xong chuyện ra khơi hôm đó. Và cá phải bán xong, họ mới biết ngày hôm đó họ
đã may mắn hay không?
Những cá to họ bán, còn những cá nhỏ không có người mua, họ
mang về phơi khô để các bà nội trợ mang bán tại các phiên chợ Tiền Hải, Trà Lý.
Tiền bán cá, họ lo trả món nợ vay trước để sắm thuyền, mua lưới, mua chì... Sự
vất vả về phần họ, nhưng hưởng lợi, thực ra là bọn có tiền ở các ấp Hưng Thịnh,
Ông Hậu 1 , cho họ vay lãi để trả dần. Biết bọn người
cho vay để lợi dụng họ ăn lời nhiều, nhưng họ không hề phàn nàn. Họ coi đó là một
sự dĩ nhiên, vì đi vay thì phải chịu lãi, và nếu không vay được tiền thì lấy gì
mua sắm vật dụng cần thiết. Họ không oán các chủ nợ, nhiều khi họ còn nặng mang
ơn là khác. Và những ngày từ ngày Tết, thường họ vẫn dành những con cá to, những
con mực lớn, những chục cua đẫy để mang biếu chủ nợ.
Thuyền ở khơi vào, cá bán xong, họ kéo lên bãi bể. Đàn ông
xem lại thuyền, có cần gắn lại chỗ nào, buổi ra khơi sớm ngày có hư hại gì đến
thuyền lưới không. Nếu lưới rách, họ căng lên ngay bãi bể, và các cô thiếu nữ,
các bà nội trợ sẽ vá lại những chỗ rách thủng để ngày hôm sau đánh cá khỏi bị lọt
lưới. Họ vừa làm vừa trò chuyện về buổi ra khơi, về những việc đã xảy ra ở
quanh vùng, về lòng nhân hậu của người chủ nợ này, sự cay nghiệt của người chủ
nợ khác. Đồng thời họ săn sóc tới chỗ cá vụn đang phơi ở bãi biển.
Việc vá luới có khi tỉ mỉ rất nhiều công phu. Vá những mắt lưới
xong, nhiều khi họ còn phải móc thêm những thỏi chì vào mép lưới. Họ săn sóc
cái lưới hơn một bảo vật, vì đây không những là một phần >gia sản của họ,
mà còn là phương tiện để giúp gia đình họ sinh sống nữa.
>Các cô thiếu nữ má ửng hồng, cặm cụi làm việc dưới nắng sớm.
Tay các cô đều đưa mũi kim. Các cô bâng khuâng nghĩ đến hoàn cảnh gia đình, đến
tương lai của mình. Nhiều khi các cô nghĩ đến những chàng trai đã tỏ dấu yêu
đương các cô, các cô nhẩm những câu đầy tình tứ các chàng đã tặng mình.
Bể sâu sóng vỗ rập rình
Bể bao nhiêu sóng thương mình bấy nhiêu.
Có khi, các chàng trai đó cũng đang lúi húi gắn lại chiếc
thuyền hơi thấm nước ở ngay bên cạnh các cô. Như vậy thỉnh thoảng bốn mắt lại gặp
nhau, và những nụ cười được trao đổi, theo những lời êm dịu. Chàng trai khe khẽ
ca:
Đôi ta như chỉ mới se
Như măng mới mọc như tre mới trồng
Đôi ta như lúa đòng đòng
Đẹp duyên mà lại đẹp lòng mẹ cha
Mắt cô gái sáng lên, má cô ửng nóng và lòng cô rộn ràng sung
sướng. Các cô cúi nhìn lũ dã tràng xe cát tròn tròn dưới chân. Những con dã
tràng vội vã chạy rào rào, lăn những hòn cát theo chân chúng.
Rồi như để giấu nỗi thẹn thùng với lòng mình cô gái nói:
- Anh nhỉ, giống dã tràng chúng tốn công xe cát, thế mà chỉ một
làn sóng, bao nhiêu công trình của chúng lại mất hết.
Chàng trai có thể trả lời thẳng cô gái, có thể chàng chỉ ngâm
lại câu ca dao:
Dã tràng xe cát biển đông
Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì.
Và chàng sẽ nói thêm:
Em ạ, tôi ước mong rằng công đeo đuổi của tôi sẽ không là
công dã tràng xe cát.
Những cuộc hôn nhân đẹp đẽ thường thường đã là kết quả của những
buổi nói chuyện trong việc làm ấy, nhưng cũng đã có những lứa đôi không cùng
nhau trọn lời thề ước, anh đi đường anh, chị theo nẻo chị. Gặp nhau, nếu chàng
có buông lời trách móc, cô gái chỉ biết đổ lỗi cho chàng:
Vì anh chẳng tại em đâu
Anh se chỉ mảnh em khâu sao bền.
Những buổi nói chuyện đó qua, những cuộc hôn nhân đã thành hoặc
đã lỡ, người dân bể bao giờ cũng phải nghĩ tới cuộc đời thực tế của mình. Những
buổi ra khơi của những người đàn ông, nhiều khi không đủ chi tiêu trong gia
đình, những người đàn bà, những cô gái thường phải đi làm thêm để giúp đỡ cho
cha mẹ, giúp đỡ cho chồng. Các bà các cô rủ nhau đi bắt don ở cánh đồng. Don là
một loại trai nhỏ, sống ở các ruộng ven bờ bể. Các bà các cô dắt nhau đi mò
don, có khi cả ngày mới được hai lưng thúng. Don này các bà các cô đem bán ở
các chợ quanh làng, thêm tiền mua thức ăn cho con may mặc cho chồng. Còn các
thiếu nữ, tiền bán don, các cô giúp đỡ cho cha mẹ một phần, một phần các cô
dành dụm để làm vốn phòng lúc lấy chồng.
Đi bắt don họ phải chịu nhọc nhằn với nắng mưa, chân tay luôn
luôn ngấm nước, nhưng họ vẫn tận tụy với công việc. Họ nghĩ tới mâm cơm của
con, họ nghĩ tới mảnh vải của chồng, họ nghĩ tới số tiền sẽ để dành dụm được, họ
quên mọi nỗi nhọc nhằn. Sự vui sướng của chồng con, sự đầy đủ một phần nào
trong tương lai, đấy mới là cái phản thưởng đích đáng cho mọi cố gắng của người
dân đồng chua nước mặn.
Ngoài công việc đi bắt don, đàn bà vùng này còn kiếm thêm bằng
cách ngâm sứa đem bán. Những con sứa chồng con bắt được ở bể lên, họ ngâm bằng
vỏ già cho đến khi sứa nổi mầu nâu tươi sẫm thì họ đem bán. Việc ngâm sứa cũng
giúp đỡ cho gia đình được nhiều. Người dân quê Việt Nam ở đâu cũng vậy, nhất là
các bà các cô chất >phác, bao giờ các bà các cô cũng nghĩ về gia đình.
Việc gì có lợi cho gia đình, dù cực nhọc cũng không bao họ từ nan.
Có nhiều bà nhiều cô, muốn cho gia đình được dư dật thường
thuê đất ở trong đê ngự hàm để hàng năm trồng dưa hắu bán về vụ tháng năm. Việc
trồng dưa phải tốn công nhọc sức, săn sóc theo dõi, dưa mới tốt và nhiều quả.
Những quả dưa xanh xanh tròn tròn, nằm như lũ lợn con ở các luống ruộng đã là
niềm vui của các bà nội trợ. Tháng năm tới hái dưa đem bán, các bà sẽ được thêm
tiền để giúp chồng thay chiếc lưới mới, mua thêm chì, hoặc chữa lại chiếc thuyền.
Mặc dầu chịu khó làm ăn, có nhiều gia đình vùng Đồng Châu vẫn
không đủ tiêu, có khi vì làm ăn không gặp may mắn, có khi vì chồng con ốm đau.
Các bà nội trợ những gia đình đem hết sức mình để giúp đỡ chồng con bằng mọi
cách. Làm thuê, vá lưới mướn. Có người gạn nước bể để nấu muối đem bán. Việc
làm này tuy không được lợi nhiều, nhưng cũng giúp thêm đôi món tiền cho gia
đình. Khốn nỗi, việc nấu muối đâu có dễ dàng, họ cần giấu giếm, kẻo nhà đoan
Diêm Điền biết, họ không những mất số muối nấu ra được, còn bị phạt bị giam là
đàng khác.
Đời người dân ven bãi bể Đồng Châu thật là vất vả, nhưng họ vẫn
vui sống.
Hàng tuần ngày chủ nhật, họ dắt nhau tới lễ và cầu nguyện ở
nhà thờ xã Bạch Long gần đấy.
Những phút giây này, họ thật là gần Chúa, lòng họ thật là
bình tĩnh tin ở Chúa, tin ở cuộc đời.
Ở nhà thờ Bạch Long ra, nét mặt họ sung sướng, lòng họ thênh
thang, bước đi họ nhẹ nhàng. Họ nói cười vui vẻ, quên hẳn mọi nhọc nhằn của cuộc
đời.
Chú thích:
Tên này dùng để chỉ đồn điền của một người ở Thái Bình vốn
được gọi là ông Hậu, có lẽ vì có chân Hậu bổ |
NHỮNG GIA ĐÌNH THỢ THÊU XÃ HƯỚNG DƯƠNG
Xe lửa chạy đuờng Hà Nội Nam Định khi đi khỏi ga Thường Tín một
quãng thường đậu tại một ga xép, ga Kiều Thụy. Từ ga này đi vào phía tay trái,
trên một con đường liên xã, độ hơn một nghìn thước, du khách sẽ tới một làng nhỏ
xinh xinh, ở ngay sát bên đường. Ấy là làng Hướng Dương, thuộc phủ Thường Tín,
tỉnh Hà Đông.
Hướng Dương là một làng rất bé, dân cư thưa thớt. Cả làng chỉ
gồm có hai xóm: xóm Đình, và xóm Chùa, và chỉ có độ hơn một trăm nóc nhà, vừa
nhà ngói lẫn nhà tranh.
Cũng như trăm nghìn làng khác ở đồng quê miền Bắc, chung
quanh Hướng Dương có một lũy tre xanh bao bọc.
Xã này hơi khác các xã khác ở chỗ đình làng ở ngoài lũy tre
xanh, ngay lối vào cổng làng, chỗ nẻo đường rẽ của hai xóm. Trước cửa đình
là một sân gạch to rộng, rồi đến một cái giếng lớn, không có
bờ, hình tròn. Ở giữa giếng nổi lên một cồn đất cũng hình tròn, và ở trung tâm
cồn đất, có một cây hoàng lan, với mùi hương sực nức lan tới khắp làng, khi
hoàng hôn xuống cũng như buổi bình minh lên.
Người ta bảo đấy là một cuộn chỉ và chiếc kim thêu, và hương
hoàng lan tượng trưng cho cái gì có màu sắc, đẹp đẽ, mỹ thuật có thể khiến cho
người ta say mê như khi người ta ưa thích cái hương thơm của hoa hoàng lan
thoang thoảng trong gió sớm vậy.
Không hiểu lời nói trên căn cứ vào phong thủy, có từ bao giờ,
từ trước khi dân làng Hướng Dương có nghề thêu, hay vì tại làng này có nghề
thêu, nên người ta dựa vào phong thủy mà giải thích như vậy?
Dù sao có điều không ai chối cãi được là dân làng Hướng Dương
hầu hết biết nghề thêu, và họ đều là những người thợ thêu có tài và có tiếng.
Chung quanh Hướng Dương, nhiều làng khác cũng có nghề thêu
như làng Đào Xá ở ngay sát nách với Hướng Dương, làng Tam Sơn, ở phía trước mặt,
làng Quất Động ở mé trên v.v... nhưng chỉ nghề thêu của làng Hướng Dương là nổi
tiếng.
Những du khách, ai đã đi qua Quốc lộ số 1, tất phải lưu ý tới
ngay bên đường cái một tấm biển viết bằng chữ Pháp lập nên từ hồi Pháp thuộc,
có mấy hàng chữ: Làng Hướng Dương đồ thêu mỹ thuật.
Đồ thêu của làng Hướng Dương sản xuất quả thật là mỹ thuật. Các
nhà xuất cảng đã gửi nhiều đi ngoại quốc, và chính ngay ở các hiệu thêu lớn nhất
phố hàng Trống, phố hàng Quạt Hà Nội, phần lớn những đồ bày bán đều sản xuất tại
Hướng Dương.
Nghề thêu là một thủ công nghệ mỹ thuật gia đình. Nhà nhà tại
Hướng Dương đều có khung thêu, và trai gái trong làng hơi lớn tuổi một chút đều
học nghề thêu, cả thêu trắng lẫn thêu màu.
Và đến khi nên chồng nên vợ, nghiễm nhiên họ thành những cặp
vợ chồng thợ thêu. Đôi bên góp tài góp sức để cùng tạo nên những bức thêu rất đẹp
đẽ mỹ thuật đã mang lại danh tiếng cho xã Hướng Dương.
Chồng vẽ kiểu, vợ thêu, hoặc có khi chồng vẽ kiểu, vợ góp ý
kiến thay đi đổi lại, rồi hai vạ chồng cùng thêu, chồng thêu một đầu khung, vợ
một đầu khung. Tác phẩm hoàn thành tất nhiên phải đẹp, vì thuận vợ thuận chồng
tát bể đông cũng cạn huống chi là xây dựng nên một bức thêu.
Bức thêu xong, vợ chồng cùng ngắm, rồi họ cùng khen đẹp giữa
những luồng sóng đằm thắm, giữa những nụ cười đầy âu yếm. Chồng khen mũi kim của
vợ tinh vi, vợ khen mũi kim của chồng linh hoạt. Màu sắc của chỉ ăn nhịp với
nhau đã tạo nên những cảnh rất nên thơ, trông như những bức họa, có khi là một
phong cảnh sơn thủy có đủ mây nước núi trời, có khi là một cảnh sinh hoạt đồng
quê với ruộng lúa, với con trâu cày với đàn chim bay lơ lửng, có khi là một sự
tích cổ xưa như Trọng Thủy Mỵ Châu, hoặc Trưng Vương đuổi quân Tô Định, có khi
lại là hình một nhân vật như đức Phật, đức Khổng Tử hoặc một danh nhân khác.
Ngắm bức thêu lòng họ hân hoan sung sướng, cùng nhau nghĩ đến
công trình của hai vợ chồng đã chung sức chung tài tạo nên.
Một bức thêu xong, họ bắt đầu bức thêu khác, có khi theo những
mẫu đồ điển đã sẵn có, có khi theo một mẫu mới thích hợp với sự ưa chuộng của mọi
người. Hai vợ chồng cùng giở quyển mẫu in sẵn, cùng nhau góp ý kiến để chọn một
bức thêu cho có giá.
Em thấy bức tranh thủy mạc này đẹp, thêu lên chắc nhiều khách
hàng phải mua.
Ý kiến của mình cũng giống của anh, nhưng hôm nọ ông chủ hiệu
thêu có ý muốn mua một bức thêu đàn voi kéo gỗ.
Ồ nếu thế thì chúng ta thêu bức tranh Đàn voi kéo gỗ trước rồi
sau chúng ta làm đến bức tranh thủy mạc này.
Họ đồng ý rồi lại khởi công thêu một bức mới, hai vợ chồng lại
chia nhau từng mẫu tranh, để lại cùng cúi đầu vào nhau, chăm chú từng đường kim
mũi chỉ, cố làm sao đặt hết cả tinh thần vào bức thêu. Vừa thêu, họ cùng nhau
trò chuyện trông thật là một đôi uyên ương với tất cả những lạc thú của yêu
đuơng.
Hàng tháng hai lần họ mang hàng lên Hà Nội bán tại các cửa
hàng thêu, để mua chỉ và vải. Cũng có khi hai vợ chồng cùng đi để nhân thể vui
chơi vài ngày ở đất ngàn năm văn vật để sắm đôi thứ cần dùng hoặc đánh đôi
khuyên chiếc nhẫn vàng làm của để dành, nhưng thường vợ vẫn ở lại nhà để làm nốt
bức thêu dở, hay chăm lo công việc khác.
Người chồng đi Hà Nội bán xong hàng, mua xong vải và chỉ thì
tính ngay đường về. Thì giờ là vàng ngọc, chàng ta không muốn lãng phí: còn biết
bao nhiêu công việc đang đợi chờ chàng ở chốn quê. Tuy nhiên bao giờ chàng cũng
mua cái gì về làm quà chơ vợ con. Có khi là chiếc khăn vuông len để vợ quàng
trong vụ rét. Có khi là chiếc mũ để con đội đi học. Cũng có khi là thực phẩm,
tùy theo từng mùa xuất hiện ở Hà Nội: tháng Tám là cốm Vòng, tháng Chín là hồng
Lạng Sơn, tháng Mười là bưởi Đoan Hùng.
Chàng sung sướng mang quà về cho vợ con, cũng như vợ ở nhà
sung sướng đón chồng về với một mâm cơm thịnh soạn hôm ngày thường. Hôm nay họ
sẽ thổi cơm trắng gạo dự 1 chứ
không ăn cơm gạo thông 2 đỏ quạnh như mọi bữa. Thức ăn hôm đó phải
có món người chồng xưa nay ưa thích, món ăn đó không cứ là cao lương mỹ vị. Có
thể là đĩa cá bống kho khô với nõn khoai, có thể là đĩa thịt lợn rim mua tại chợ
Tó, thịt lợn chợ Tó có tiếng là ngon, đã được truyền tụng vào câu tục ngữ: Gà
Tò, lợn Tó... và chợ Tó cũng không cách xa xã Hướng Dương là mấy.
Những hôm chàng đi Hà Nội về, nàng ở nhà cố thu xếp công việc
cho xong sớm để ra ga Kiều Thụy đón chuyến tầu hoặc chuyến ô tô chở chồng về.
Lúc tầu đến ga, hay ô tô tới trạm, chồng ở trên xe bước xuống,
khệ nệ tay xách tay mang, nào gói vải, nào gói chỉ, nào bánh của con, nào quà của
vợ. Thấy vợ, chàng tươi cuời, và nàng vội vã đỡ tay cho chồng, rồi đôi người
cùng nhau song song đi về làng vừa đi vừa hỏi han nhau như tưởng chừng họ xa
cách nhau hàng mấy tháng rồi. Chồng hỏi vợ về công việc nhà, về con cái, vợ hỏi
chồng về chuyện Hà Nội về việc bán hàng và mua vải chỉ. Vợ khoe chồng sự ngoan
ngoãn của lũ con cũng như việc nàng đã hoàn thành bức thêu dở, chồng khoe vợ về
giá cao của những bức thêu đã bán được, về một vài màu chỉ đẹp và nhã chàng mua
chuyến này, về các món hàng các hiệu thêu Hà Nội đặt làm và về cả chuyện Hà Nội
nữa.
Mỗi lần ra Hà Nội bán hàng, những người thợ thêu thường rủ
nhau năm bảy người cùng đi, nên khi ở xe lửa hoặc ở ô tô xuống, năm bảy người
đó lại cùng về, thì trên con đường liên xã Kiều Thụy Hướng Dương lại có năm bảy
cặp vợ chồng cùng đi cùng trò chuyện với nhau. Cũng có lúc cặp vợ chồng này hỏi
thăm cặp kia về hàng hóa hoặc về công việc đồng ruộng. Con đường xưa nay vắng vẻ
nhất là sau buổi hoàng hôn, bỗng nhiên nhộn nhịp tiếng cười xen lẫn tiếng nói.
Đôi khi lại có lẫn cả tiếng trẻ bi bô, những đứa trẻ này theo mẹ ra đợi cha để
đón quà.
Thấm thoắt con đường không xa, bóng cây hoàng lan mọc ở giếng
làng đã nổi đen trên nền trời mờ tối và một mùi hương dịu dịu đang tỏa theo gió
nhẹ buổi hoàng hôn.
Đến đầu làng, bọn họ chia tay ai về nhà nấy, rẽ theo hai lối
xóm.
Tới nhà, đặt các bọc vải, chỉ, quà bánh xuống giường người vợ
vội vàng vào ngay bếp để hâm lại mấy món ăn, và trong khi đó thì người chồng
cũng mở các gói để lấy quà cho con, hoặc bày ra đĩa các hoa quả bánh trái mua từ
Hà Nội, để lát nữa cơm nước xong, cả nhà sẽ cùng ăn tráng miệng.
Mâm cơm dọn ra, khói bốc nghi ngút, mùi xào nấu tỏa lên ngào
ngạt. Trong mái nhà tranh, dưới ngọn đèn dầu le lói, vợ chồng con cái họ quây
quần ăn uống đầm ấm lắm. Vợ gắp cho chồng những miếng ngon, chồng khen vợ tài bếp
núc khéo léo. Hai vợ chồng giục nhau ăn, và cùng gắp thức ăn cho đứa con nhỏ.
Đến lúc tráng miệng vợ lại khen chồng chọn được thứ bánh
khéo, hoa quả tươi, và chồng lại ép vợ ăn thêm một quả hồng, hoặc miếng bánh ngọt.
Cơm nước dọn dẹp xong, chồng lấy vải và chỉ ra khoe vợ. Chàng
đưa cho vợ xem mấy màu chỉ đặc biệt chàng mới mua lần này. Chàng nói:
Màu hoa cà này thêu với màu tím sẫm nổi lắm.
Màu xanh nhạt này dùng làm nền trời cho những bức thêu sơn thủy
thì tuyệt.
Vợ cũng đồng ý với chồng và chồng lần lượt đưa hết màu chỉ
này đến màu chỉ khác cho vợ xem, họ bàn nhau đến những bức thêu sẽ thực hiện.
Cũng có những cặp vợ chồng còn bố mẹ già, thì mỗi lần đi Hà Nội
về, người con bao giờ cũng dành một món quà kính biếu bố mẹ, thì trong bữa ăn
thịnh soạn của những buổi đi về này, hai vợ chồng còn thi nhau gắp những miếng
ngon mời bố mẹ xơi.
Lễ giáo của phương Đông lấy hiếu làm trọng, và trong chữ hiếu,
việc kính mến phụng dưỡng cha mẹ là cần thiết. Những ông bà già thấy vợ chồng
con hòa thuận quý mến nhau lại hiếu thảo với mình cũng lấy làm vui. Tấm lòng
già cũng thấy nhẹ nhàng trước cái lạc thú của đại gia đình.
Ngày hôm sau, họ lại bắt đầu vào công việc hàng ngày, nghĩa
là họ lại chăm chú đến việc thêu. Lại chọn mẫu lại hai vợ chồng cúi đầu cùng
nhau cặm cụi trên khung, mũi kim đưa lên, mai đưa xuống, dần dần những bức thêu
lại được hoàn thành, và chẳng mấy chốc lại tới kỳ phải mang hàng đi Hà Nội bán,
cùng với các bạn thợ thêu khác.
Cũng có nhiều lần, họ được tiếp khách đến tận nhà đặt hàng.
Có thể đó là những người ngoại quốc muốn đặt một bức thêu đặc biệt để gửi làm
quà về nước mình, có thể đó là một người Việt muốn thửa một bức thêu để tặng
ai, có thể đó là một người buôn đồ thêu, đến mua đồ thêu rồi đi rao bán tại các
khách sạn lớn, hoặc tại các khu có nhiều người ngoại quốc cư ngụ.
Những lần có khách như vậy công việc của họ lại bận rộn lên
đôi chút, nhưng cũng khiến cho quỹ gia đình của họ dồi dào hơn. Ấy là những dịp
để họ có thể may thêm cho con được manh áo mới, cho chồng chiếc áo dài để mặc
trong những buổi việc làng, hoặc sắm cho vợ chiếc thắt lưng sồi se, hay đôi giải
yếm lụa mỡ gà để vận trong những khi hội hè đình đám và những khi đi ăn giỗ, ăn
cưới.
Tuy việc làm quanh năm, nhưng thực sự những gia đình thợ thêu
xã Hướng Dương rất ít người được sung túc. Hàng họ làm ra phải bán ngay để lấy
vốn làm lớp hàng sau. Các hiệu buôn tuy bán các đồ thêu được giá cao, nhưng họ
buôn của những người sản xuất với giá rất hạ, chỉ để đủ cho những người này một
chút lời như trả công thêu vậy. Trừ những khi có khách đến nhà đặt hàng với giá
cả khả quan, những người thợ thêu thường khi mang hàng lên Hà Nội là phải bán,
tuy biết rằng hàng của mình có giá mà vẫn bị trả rẻ.
Lại có nhiều gia đình thợ thêu không có vốn, phải lấy tiền đặt
trước hoặc phải đi vay lãi để mua chỉ mua vải. Như vậy họ càng bị thiệt thòi
hơn, nhưng họ cũng vẫn vui vẻ với công việc của mình. Họ nghĩ dù có thiệt thòi
thật, nhưng vợ chồng con cái họ có công việc làm trong những ngày nghỉ công việc
đồng áng, và có làm là có ăn.
Làng Hướng Dương ở một cánh đồng cao, hàng năm chỉ cấy có vụ
lúa mùa, còn về vụ lúa chiêm, ở đây người ta trồng màu như ngô, khoai, đậu.
Mặc dầu làng có nghề thêu, nhưng căn bản của dân quê là nghề
nông, nên song song với nghề thêu dân làng này vẫn làm ruộng.
Các cô thợ thêu vẫn phải đi tát nước làm cỏ, vẫn phải đi xới
đất rỡ khoai, và các chàng trai tuy có hoa tay vẽ kiểu thêu, nhưng vẫn sử dụng
bàn tay để đắp bờ, khơi nước, để bừa đất, đào mương.
Trong những ngày bận việc đồng áng, họ nghỉ việc thêu.
Với hai công việc khác nhau, họ sống giữa hai khung cảnh khác
biệt, nếu lúc thêu, họ ở trong nhà với bầu không khí thân mật của gia đình, thì
khi làm đồng lại được gần gũi thiên nhiên hơn: đồng mông, gió mát, trời cao với
muôn sắc mây vần vụ, với hương thơm của sương sớm, với nước róc rách chảy bên
mương. Nếu trong lúc thêu, họ cùng nhau nhỏ nhẻ những câu chuyện êm ái thân mật,
thì ở ngoài đồng họ ca hát, họ cười đùa cùng chúng bạn làm đồng.
Công việc làm đồng tuy mệt nhọc hơn, nhưng lại đầy thú vị. Ở
đây có những chàng trai chưa vợ, có những cô gái chưa chồng đang hàng ngày gặp
gỡ nhau trong việc làm. Nhiều cô gái lọt vào mắt những chàng trai, và cũng có
nhiều chàng trai đã khiến cho các thiếu nữ ngây thơ nghĩ ngợi.
Giữa một khung cảnh phóng khoáng cao rộng, lòng những chàng
trai tránh sao được nỗi xao xuyến trước nhan sắc của giai nhân, và những giai
nhân có lẽ nào sắt đá được với những cử chỉ ân cần, với những lời êm dịu. Yêu
đương nẩy nở trong lòng người ta, và muốn tỏ nỗi lòng, những chàng trai đã hát
những lời ca rất nhiều ý nghĩa:
Con chim bồ câu
Liệng thấp liệng cao
Liệng ra cửa phủ liệng vào trong kho.
Ngọn đèn chịu gió phất phơ
Nào người tôi đợi, tôi chờ hôm qua
Có nhớ những nhời tôi dặn hôm qua
Nhưng yêu đương là một chuyện, còn đôi bên có được yêu đương
nhau không lại là chuyện khác. Nhiều khi có những cuộc tình duyên ngang trái vì
đôi bên bác mẹ chẳng thuận tình, có khi vì chàng trai nghèo, có khi vì so đôi
tuổi chẳng hợp nhau, hoặc vì cô gái đã nhận trầu đám khác. Chàng trai buồn và gửi
nỗi buồn trong câu hát:
Con chim bồ câu
Liệng thấp liệng cao
Liệng ra cửa phủ, liệng vào trong dinh
Khơi lên cho tỏ ta nhìn mặt nhau
Nhìn người chẳng dám nhìn lâu
Nhìn qua thấy mặt chịu sầu thiết tha
Bao lời hẹn ước buổi qua
Những chàng trai hát, những cô gái cũng hát, hát để tạ lòng
những chàng trai, hay là để hẹn ước một lời ba sinh:
Mẫu đơn nở cạnh nhà thờ
Đôi ta trinh tiết đợi chờ lấy nhau
Cánh đồng làng Hướng Dương sát ngay cánh đồng mấy làng Hạ Vĩ,
Từ Vân và Đào Xá, nên trong những buổi làm đồng nhiều chàng trai các làng trên
đi qua, thấy nhan sắc các cô gái Hướng Dương xinh đẹp, đem lòng cảm mến. Các
chàng trai hát ghẹo:
Tóc em dài, em cài bông hoa lý
Miệng em cười có ý anh thương
Có khi câu hát đi xa hơn lời khen, nói rõ một ước ao:
Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây ...
Xây dọc đừng chớ xây ngang
Xây hổ bán nguyệt cho nàng rửa chân.
Mặc những lời hát ghẹo, các cô làm đồng vẫn cặm cụi với công
việc. Các cô muốn việc đồng áng cho xong để còn trở lại với khung thêu, kiếm
thêm tiền giúp đỡ cha mẹ.
Ngoài các công việc đồng áng, mỗi khi rỡ xong màu, các bà nội
trợ, các cô gái lại phải đem bán tại các chợ Kiều Thụy, chợ Tía, và có
khi đi cả chợ Mới, bên kia sông Hồng Hà tại phủ Khoái Châu tỉnh
Hưng Yên nữa.
Tiền bán màu ngoài công việc dùng để vun đắp cho đồng ruộng
như mua hạt giống, sắm dụng cụ, còn giúp các gia đình xã Hướng Dương làm tròn
nhiệm vụ với lệ làng.
Lệ làng Hướng Dương, mỗi khi tuần tiết, cũng như trong các
ngày rằm và mùng một hàng tháng các dân đình từ 60 tuổi trở xuống phải cắt lượt
nhau để sửa lễ tại đình. Tùy theo từng tiết, dân làng cúng lễ chay hoặc lễ mặn.
Đã là đàn ông con trai trong làng, dù nghèo, túng đến đâu, ai cũng muốn lo tròn
bổn phận của mình với thôn xã, nhất là khi bổn phận đó chỉ là việc sửa lễ tại
đình, để nhớ ơn vị Thượng Đẳng thần đã đem nghề thêu tới cho dân làng.
Theo lời dân làng thì xã Hướng Dương thờ ông Lê Công Thành,
người đã đi sứ sang Trung Hoa và đã học được nghề thêu và truyền dạy cho dân
chúng dân làng này và mấy làng lân cận.
Nghề thêu của xã Hướng Dương vẫn nổi tiếng và càng phát đạt.
Những gia đình thợ thêu cũng nhờ đó được sung túc hơn. Họ vui sướng hưởng hạnh
phúc dưới mái nhà tranh, sống một cuộc đời giản dị, chồng cũng như vợ chỉ lo
làm ăn, gây dựng cho con cái.
Những bức thêu của họ hoàn thành được gửi đi bốn phương trời,
những ai khi ngắm một bức thêu mỹ thuật có bao giờ nghĩ cuộc sống bình dị của
những nam nữ nghệ sĩ đã tạo nên bức thêu chăng?
Chú thích:
Tên hai thứ gạo ở miền Bắc. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét