Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2022

Bó hoa Bắc Việt 2

Bó hoa Bắc Việt 2

CHUNG QUANH ĐẦM VẠC

Nếu chúng ta có dịp đứng trên núi Tam Đảo nhìn xuống Vĩnh Yên, chúng ta sẽ thấy sát ngay tỉnh lũ Vĩnh Yên một làn nước trắng bao la, giống hình một chiếc vạc ba chân: đấy là đầm Vạc.

Đầm Vạc là một chiếc đầm lớn rộng, ở liền kế ngay tỉnh lũ Vĩnh Yên, hình giống một chiếc vạc ba chân, ăn vùng qua chín làng thuộc hai huyện Tam Dương và Bình Xuyên đi từ xã Vĩnh Thịnh, Tịch Sơn, Đông Đạo, Vị Thanh, Vị Trù, Khai Quang thuộc huyện Tam Dương,

suốt đến mấy xã Quất Lưu, Ngọc Canh, Hương Canh và Tiên Hương thuộc huyện Bình Xuyên, ăn thông với hai con sông Cà Lồ và Tiểu Đáy. Nước sông Cà Lồ trước kia chảy vào đầm Vạc và trút ra sông Tiểu Đáy do một nhánh sông đào nhỏ, nhưng ngày nay nước sông Cà Lồ chảy thẳng qua sông Đuống, và nơi ăn thông với đầm Vạc cũ đã bị ngăn lấp.

Nước đầm Vạc trong và mát; cá đầm Vạc béo và ngon, và những dân làng sống quanh đầm Vạc chỉ cần chịu khó đôi chút là được hưởng tất cả những nguồn lợi thiên nhiên của tạo hóa chứa đựng trong đầm này.

Thật vậy, đầm Vạc rộng và sâu, nước lên xuống tùy theo mùa mưa mùa nắng, khiến đàn cá ở sông Đáy, khi nước lên, theo dòng nước vào đầm, và lúc nước ra, ở lại đầm, biến thành một nguồn lợi cho chín làng ở quanh đấy. Ngoài ra, đất ở đáy đầm là một thứ đất sét quánh, dùng để nung lon nặn nồi rất tốt người ta vẫn thường lấy để mang bán cho các nơi làm đồ gốm như Thổ Hà ở Bắc Giang, Bát Tràng ở Bắc Ninh, Định Trung ở Vĩnh Yên v.v...

Ven bờ đầm, những đám rong xanh dùng cho lợn ăn rất lợi, có thể thay bèo và rau được.

Sống ở chung quanh đầm Vạc, lẽ tất nhiên người dân biết khai thác phải được hưởng những nguồn lợi vô tận của đầm này. Người ta đánh cá, người ta nuôi lợn, người ta đào rạch để lấy nước trong những năm hạn hán, người ta lặn xuống đáy đầm để lấy đất sét dùng cho nghề nặn. Và cỏ mọc ở bờ đầm rất xanh tốt, trẻ con trong các làng vẫn cho trâu ra gặm cỏ, và các cô gái cùng nhau cắt cỏ nơi đây.

Sáng sáng, từ lúc tinh sương, trên mặt đầm đã có người, nhất là ở khu giáp mấy làng Vị Thanh, và Vị Trù. Dân mấy làng này ra đầm đánh cá, trai có, gái có, trẻ có, già có. Đánh cá ở đầm cũng vất vả như đánh cá ở sông và cũng cần đủ những dụng cụ như vậy: phải có chài, có lưới, có thuyền. Ngoài ra còn cần đặt thêm đó, thêm lờ ở những chỗ nước chảy vào đầm hoặc từ đầm chảy ra ruộng để đón cá.

Đầm Vạc tuy rộng và sâu, nhưng khu sâu nhất là ở ven xã Vị Thanh, mé bên kia tỉnh lũ Vĩnh Yên, và các cá lớn vẫn tập trung ở khu này.

Mỗi buổi sáng dân xã Vị Thanh đánh được rất nhiều cá. Cá ở đây có tiếng là ngon và sạch, nên phường buôn thường tranh nhau mua.

Cảnh đánh cá trên mặt đầm hoạt động và vui vẻ lắm.

Sáng tinh sương, ánh bình minh vừa hé ở phuơng đông, những người dân chài đã có mặt ở ngoài đầm. Mặt trời tự phương đông chiếu đỏ xuống mặt đầm. Gió sớm làm làn nước bạc rung rinh, gây nên những con sóng nhỏ gợn hồng dưới dương quang. Những con thuyền đi ngang đi dọc trên mặt nước. Bơi chèo khua xuống nước, nước bắn lên mạn thuyền tóe trắng như bạc. Thuyền từ từ đi, người thuyền chài chiếc lưới gai đen tỏa ra rơi xuống mặt nước, chùm một bề mặt khá lớn rộng, rồi khép dần lại ở dưới nước theo sức nặng của những thỏi chì, khiến những đàn cá ở trong vòng lưới đành chịu mắc nghẹt để chờ lôi lên khỏi mặt nước. Có những chiếc thuyền chài lội hẳn dưới nước chăng ra quây hẳn lấy một vùng đầm. Trong khi đó thì có những thiếu nữ, những ông già chở những chiếc thuyền nan đi đuổi cá về phía chăng lưới. Thuyền nan bơi nhè nhẹ, thiếu nữ hoặc ông già dùng hai miếng gỗ gõ mạnh vào nhau tạo nên những tiếng động xua cá về cả một hướng. Chiếc lưới chăng dần dần khép lại. Đàn cá bị đuổi, bơi mắc vào mắt lưới.

Mỗi lần một chiếc lưới kéo lên, những con cá bạc quẫy như muốn trốn. Chiếc lưới kéo dần dần, đàn cá mắc lưới nhoi dần lên khỏi mặt nước, được các người trên thuyền gỡ dần ra ném vào khoang. Cá to có, cá nhỏ có. Có cá chép, có cá trắm, có cá mè là những loại cá to, nhưng lại có cả cá mương, cá diếc, cá bống, cá mại là những con cá nhỏ. Người ta sẽ chọn để riêng từng loại cá để tiện bán cho những hàng buôn đang chờ đợi trên bờ đầm.

Vừa đánh cá người ta vừa trò chuyện nói cười với nhau. Mặt trời dần dần lên cao, cuộc đánh cá hàng ngày cũng xong dần. Những chiếc thuyền được đưa vào bờ. Mặt đầm vẫn nhuộm hồng ánh tía của mặt trời.

Cá được các hàng buôn mua ngay tại bờ, hoặc có khi vợ con các nhà chài tự mang bán tại chợ Vĩnh Yên.

Sau buổi đánh cá sớm ngày, đầm Vạc trở nên hoang vắng, tuy nhiên vẫn còn một đôi người đơm cá hoặc úp cá ở ven bờ, nhất là ở các thửa ruộng sát liền với đầm, và mấp mé mặt nước đầm. Một vài ngư ông có tuổi, với chiếc cần câu, thủng thỉnh buông câu, dưới nắng sớm một cách thật là nhàn nhã. Chiếc thuyền nan bềnh bồng theo sóng nhẹ, mặt nước đầm lăn tăn. Đầu đội chiếc nón mê che nắng, ngư ông ung dung mắc mồi, thả câu mặc cho thời gian đi, tuởng chừng như không biết tới đời là gì nữa. Thỉnh thoảng chiếc phao nổi dập dềnh, nhấp nháy, ngư ông giật cần câu lên, thường thường là một con cá bạc đã cắn câu, đương vùng vẫy ở đầu sợi dây để tìm lối thoát thân.

Trong lúc một vài ngư ông già còn buông câu một cách thanh bình như vậy, thì những người đánh cá ban sáng đã người nào việc ấy rồi. Các bà nội trợ, các cô gái mang cá đi bán tại chợ tỉnh Vĩnh Yên; các thanh niên sau khi kéo thuyền vào một chỗ trên bờ, đang xem lại thuyền, đang sửa lại lưới để dùng ngày hôm sau. Những người đàn ông có lẽ đã đi thăm đồng, có lẽ đang đôn đốc công việc trong nhà, hoặc có khi đang nghĩ đến việc khơi mương cho cá theo nước chảy vào ruộng.

Cũng như tất cả dân quê miền Bắc người dân ở đây rất siêng năng chịu khó, ham công ham việc. Có việc tại dân số miền Bắc quá đông, cuộc sống quá chật vật nên người ta phải vất vả chăm làm.

Có làm thì mới có ăn

Không dưng ai dễ mang phần tới cho.

Những người dân ở đây, sáng dậy từ tinh sương, làm lụng suốt ngày, mãi thật khuya mới đi nghỉ. Ai có việc nào lo việc ấy, và việc nọ vừa làm xong, họ làm ngay tới việc khác.

Những người đánh cá ban sáng, sau buổi chài, lại săn sóc ngay tới công việc cày cấy của mình, nào tát nước, nào làm cỏ, nào phát bờ. Có nhiều gia đình lại lợi dụng đất gần đầm tiện việc tưới bón để trồng rau. Các thiếu nữ những gia đình này, trừ những buổi chợ, thường ngày luôn luôn ở ruộng rau. Các cô bắt sâu, các cô tưới nước, các cô bón phân, và khi rau ăn được, lại cũng chính các cô cắt rau mang bán. Các cô không nề hà công việc tỉ mỉ hay nặng nhọc. Quần xắn cao, các

cô gánh nước đầm lên tuới rau, rồi các cô lại vén tay áo bắt từng con sâu, bón rau từng gốc.

Ruộng cau chia làm nhiều luống, màu rau xanh xanh nổi lên màu đất nâu nâu. Những cây rau ngày một tốt, màu xanh xanh biến dần sang màu xanh đậm. Rồi rau trổ hoa. Những luống rau để bán đã được cắt dần, còn những luống rau để giống thì có hoa rồi có hạt. Các cô gái quê tươi tỉnh, vui vẻ nhanh nhẹn săn sóc những luống rau.

Ngoài công việc trông nom các vườn rau, các cô cũng cần để ý tới công việc đồng ruộng nữa, vì nguồn lợi chính của gia đình các cô hàng năm là hai vụ gặt.

Các cô cũng như người nhà, theo từng tháng trong năm phải làm công việc ngoài đồng. Nào gieo mạ, cấy lúa, bón phân trồng màu, gặt hái v.v...

Chiều chiều những ngày mùa xuân, sau khi công việc khác đã vãn, các cô thường cùng lũ trẻ dắt trâu cho gậm cỏ ở bờ đầm. Với mưa bụi của ngày xuân, những ngọn cỏ non vươn mình mơn mởn. Đường bờ đầm quanh co, mươi con trâu thủng thỉnh đi bước một hoặc đang cúi đầu gậm những đám cỏ non tươi. Lũ trẻ có đứa đang thổi ống sáo theo một bài hát cổ tự bao giờ; có đứa dắt trâu lững thững và thỉnh thoảng lại kêu một tiếng “họ” rất dài trước một bãi cỏ non. Các cô gái quê cũng chăn trâu, các cô cũng theo, sự vui sướng hồn nhiên của các em bé nói cười với chúng. Các cô cũng ngồi trên mình trâu hoặc cũng đang bước một theo con trâu của mình.

Chăn trâu cũng lắm cái thú. Nhìn con trâu ăn cỏ một cách ngon lành, dưới bầu trời rộng rãi, bên làn nước trắng trong, cạnh những cánh đồng bát ngát, làm sao lòng người ta không rộn ràng say sưa được. Gió nhẹ như đùa mái tóc mây, mùi lúa xanh bốc lên ở cánh đồng chiều ngào ngạt. Ánh mặt trời xuân tía úa ở non Đoài chiếu lan trên đồng rộng tô điểm cho lúa xanh nuớc trắng. Xa xa chuông chùa thu không, thong thả buông từng tiếng êm và dài. Đàn chim chiều bay về tổ hiện rõ trên không trung nổi bật lên nền trời xám đục. Tiếng ca của em bé vẳng lên:

Ngày xưa Nịnh Thích chăn trâu.

Mà rồi đeo ấn công hầu trâu ơi!

 Ngày này lưng nghé ta ngồi

Mai sau ta có một thời hiển vinh?

Bên đám trẻ và các thiếu nữ chăn trâu, có những cô khác đi cắt cỏ. Lưỡi liềm sắc bén cứa vào cỏ soèn soẹt. Tay trái các cô nắm ngọn cỏ, tay phải các cô đưa liềm đều đều. Các cô xếp cỏ vào đôi quang gánh, lớp nọ trên lớp kia. Các cô lom khom bên bãi cỏ xanh, in bóng đen xuống nền cỏ. Có khi các cô hát vài câu.

Và không xa đấy, bên những thửa ruộng, có những chàng nông phu đang xẻ mương lấy nước, đang phát bờ hoặc đang cuốc ruộng màu.

Mặt trời dần khuất. Chàng nông phu ngừng tay, nhìn đàn chim bay về tổ. Chàng thở ra khoan khoái vì kết quả của một ngày vất vả. Bỗng tầm mắt chàng bắt gặp cô cắt cỏ bên đầy bên vơi ở trên bờ đầm. Chàng hỏi đùa vài câu chuyện, và cũng có khi chàng hát ghẹo các cô:

Mặt trời đã xế về Tây,

Hỡi cô cắt cỏ bên đầy bên vơi, 

Cô còn cắt nữa hay thôi,

Để tôi cắt với làm đôi vợ chồng?

Nghe chàng nông phu hát cô gái có khi mỉm cười, có khi nguýt dài chàng một cái. Cô bảo:

-  Sao nhà bác nói dễ nghe thế! Này tôi bảo cho nhà bác nhé:

Giầu vàng còn để trong cơi

Anh kia đũa mốc chớ trèo mâm son!

Bị câu nói chanh chua, chàng nông phu chỉ mỉm cưòi, chàng cũng chẳng lạ gì các cô gái làng nữa, các cô khẩu xà nhưng tâm Phật. Chàng lại nói trêu hát ghẹo. Chàng nói:

Sao nhà chị chua ngoa thế.

Giầu vàng đâu mãi trong cơi.

Sợ mai giầu héo, giầu ơi là giầu!

Trời tối dần dần. Đàn trâu trên bờ đầm lần lượt đi về làng. Các cô cắt cỏ cũng xếp lại quang gánh ra về, và các chàng nông phu cũng vác cuốc trên vai lững thững đi theo các cô trên nẻo đường làng. Vừa đi có chàng vừa tiếp tục cuộc nói chuyện dở dang, đem những lời ong bướm cợt trêu người thiếu nữ vừa cùng chàng đối đáp. Trước những lời chòng ghẹo của chàng trai, nhiều khi cô gái đã cự tuyệt một cách tinh tế.

Bao giờ trạch đẻ ngọn đa,

Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình

Bao giờ rau diếp làm đình 

Gỗ lim thái ghém thì mình lấy ta.

Trời tối hẳn, bóng lẫn vào bóng tối: bờ đầm, bãi cỏ trở nên vắng vẻ. Mọi người đã về làng, cho đến sáng sớm hôm sau ngoài đồng mới lại có bóng người.

Và đầm Vạc, với ánh bình minh, trên bờ dưới nước lại có cảnh hoạt động hàng ngày.

Có làng như làng Khai Quang tuy ở gần đầm Vạc, nhưng không sống về nghề đánh cá. Hoạt động của dân làng này ngoài công việc đồng áng, họ chuyên việc nặn và nung các đồ sành. Hàng ngày trong khi đàn bà trẻ con ở nhà nặn đồ nung thì có những người đàn ông ra đầm lấy đất sét. Họ rủ nhau từng bọn hai ba người, mang thuyền ra giữa đầm để lấy đất. Đất sét ở đáy đầm Vạc quánh và mềm, dùng trong nghề nung rất tốt, nhưng việc lấy đất rất công phu.

Chiếc thuyền gỗ không mui chèo ra giữa đầm được cột chặt vào chiếc sào cắm sâu xuống đáy đầm. Một người ở lại trên thuyền còn mấy người khác chỉ quấn mỗi người một chiếc khố lặn xuống nước dí chiếc mai để đào đất. Đất họ xén thành từng tảng vuông. Mỗi lần được một tảng đất, họ lại nhoi lên đưa cho người ở thuyền đỡ lấy, xếp >vào khoang thuyền. Người lấy đất lại ngụp xuống và một lát sau họ lại mang một tảng đất khác lên.

Từng tảng đất một, họ kiên tâm lấy cho tới chất vừa thuyền họ mới thôi. Những tảng đất sét lấy ở dưới đầm lên còn uớt nước ở bên ngoài, trong như bôi mỡ. Ánh mặt trời chiếu vào lớp nước ngoài óng ánh những tia đỏ chói.

Khi đã lấy đất xong, họ thủng thỉnh bơi thuyền vào bờ. Những tảng đất sét lấy đó, qua bàn tay đàn bà con gái ở nhà, sẽ biến thành những chiếc nồi đất màu ngói, những chiếc chậu màu da lươn hoặc những chiếc chum màu gạch già.

Những người dân chung quanh đầm Vạc mỗi làng mỗi nghề. Họ quanh năm làm lụng để lo sao cho gia đình không những đủ tiêu, lại sung túc hơn người. Họ làm việc không quản ngại thời tiết nóng hay lạnh, mưa hay nắng, sớm hay trưa.

Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa 

Sang đâu đến kẻ say sưa tối ngày.

Đầu năm chí cuối họ làm ăn cần cù chăm chỉ, và họ chỉ giải trí nghỉ ngơi trong dịp Tết và những dịp hội. Trong những ngày này thì trai cũng như gái, trẻ cũng như già, họ đều nghỉ ngơi, để dự hội cũng như để vui chơi. Ngày thường họ quần áo lam lũ thì ngày hôm nay, có bộ quần áo nào đẹp nhất họ mang ra mặc. Họ cũng vui vẻ tươi tỉnh hơn. Gặp nhau ở hội họ hớn hở chào đón ngợi khen nhau.

Mỗi làng ở quanh đầm Vạc có tục lệ riêng của mình. Làng Tích Sơn thì ngày mồng bốn tháng giêng có tục thi cơm. Các cô gái làng phải lo thổi nồi cơm cho thật dẻo, thật ngon. Các trai làng kén vợ thường kén qua nồi cơm thi các cô thổi cho cha hoặc anh em để trình làng. Ngoài thi cơm còn thú kéo co, tục chém gà và lễ rước thần từ đền làng đến chân Bàu. Làng Vị Thanh có tục đánh vật và chơi Trung Bình Tiên. Vị Thanh là một lò đô vật có tiếng ở Vĩnh Yên. Các đô vật làng này đã nắm nhiều giải ở các làng trong tỉnh trong dịp đầu xuân. Làng Động Đao cũng có tục Vật và tổ chức hội làng vào ngày rằm tháng giêng tại chùa Cói, là một ngôi chùa cổ của miền Bắc. Các làng khác cũng đều có mở hội vào tháng giêng. Hội có rước thần, có đánh vật,

có đánh cờ. Hội ở mấy xã Ngọc Canh, Hương Canh và Tiên Hường hàng năm mở to lắm. Ba làng này là ba làng giàu có nhất ở quanh đầm Vạc, nhiều ruộng lại có nghề buôn bán rất phát đạt. Hàng năm những vụ nước lên, đem mầu mỡ vào ruộng, đồng lúa càng thêm tốt.

Quanh đầm Vạc, mỗi làng mỗi vẻ, mỗi xã có mỗi nghề. Ai tới vùng này có lẽ đã được nghe câu đồng dao:

Vị Thanh đánh vật 

Đào đất Khai Quang

Làng Cánh[5], Tiên Hường

Lắm tiền nhiều ruộng.

[5] Để chỉ hai làng Ngọc Canh và Hương Canh, tục là làng Cánh

Có thể lời đồng dao còn dài, và còn có ghi đến các xã khác, nhưng vì lâu ngày người ta chỉ truyền khẩu được có bốn câu trên; cũng có thể vì các làng khác không được người ta chú ý bởi không có gì đặc sắc, nên không được truyền vào lời đồng dao chăng? Nhưng dù làng đó có tên hay không ở lời đồng dao, thì những người dân quê chịu khó ở quanh đầm Vạc vẫn suốt đời tận tụy với việc mình.

NGHỀ HÀNG XÁO 1

Nghề hàng xáo chỉ có ở miền Trung và miền Bắc. Ở miền Nam kỹ nghệ xay thóc đã mở mang, người ta dùng máy móc thay cho nhân lực để xay lúa thành gạo, nên không có những người hàng xáo đi đong thóc về xay, giã thành gạo đem bán cho người dùng.

Trên khắp các địa hạt Trung và Bắc, ở đâu cũng có nghề làm hàng xáo, nhưng thịnh hành nhất ở chung quanh các đô thị. Ở nhà quê chỉ những người ăn đong mới mua gạo của hàng xáo, còn những nhà có

ruộng, thì nhà nào cũng có cối xay, cối giã và thường thường người nhà làm lấy gạo để dùng.

Các xã ở sát các tỉnh lũ, dân chúng phần đông cũng vẫn theo đuổi nghề nông, nhưng có phần sinh nhai bằng nghề buôn bán tại các chợ tỉnh lũ, và một phần nữa làm nghề hàng xáo. Những người đi buôn, cũng như những người làm hàng xáo là những người không có ruộng nương, không thể dựa vào nghề nông để sống và về nuôi gia đình được.

Làm hàng xáo thực ra cũng chỉ là một lối buôn nhỏ của những người ít vốn. Mua thóc về, đem sức mình ra xay giã, dần, sàng, chế biến thóc thành gạo đem bán cho người dùng, lấy công làm lãi.

Nghề hàng xáo là một nghề vất vả, thức đêm dậy hôm, đem bát mồ hôi đổi lấy bát cơm, đem sức lao động đổi lấy một chút lời nhỏ.

Đấy là một nghề của những người không có vốn đi buôn to, không có ruộng nương để cày cấy. Làm hàng xáo thường là đàn bà con gái. Chồng con anh em họ chỉ phụ lực giúp thêm.

Thực vậy nhiều gia đình đã có một nghề khác, nhưng vợ con họ vẫn còn rỗi rãi, mà tiền chi tiêu lại không dư dật, nên buộc lòng, các bà nội trợ cũng như các cô gái phải hàng xay hàng xáo để kiếm thêm giúp đỡ cho gia đình.

Phụ nữ làm nghề hàng xáo phải thành thạo. Có thành thạo mới mong có lời nhiều, mới biết tính toán khi mua thóc lúc bán gạo, và cũng cần thành thạo mới đỡ mệt nhọc trong công việc làm.

Người làm hàng xáo phải có nơi để đong thóc, cũng như phải có khách để bán gạo.

Không phải người ta muốn mua thóc lúc nào cũng được và muốn ở đâu cũng có. Nếu thóc mua dễ dàng về vụ gặt thì trong những ngày giáp hạt, mua được thóc lại là một sự khó khăn. Phải biết ở làng nào có những người rẻ đong, đắt bán; phải biết ở đâu có những chủ ruộng muốn bán thóc mà rủ nhau tới mới hòng mua được giá hời, mới hòng đong nổi thóc khi không phải là ngày mùa.

Bọn hàng xáo họ đã hiểu những ai có tiền dư thường đong thóc trong ngày mùa giá hạ, để bán ra khi giáp hạt giá cao. Bọn con buôn khôn ngoan và chắc chắn mỗi khi bán thóc họ nghe ngóng giá thị trường để chỉ bán ra từng ít một, nhưng các bạn hàng xáo không phải là người chịu mua thóc giá cao.

Họ là những người sục tìm mua thóc rất giỏi. Họ rủ nhau đi từng bọn năm ba mươi người, đi khắp các làng ở quanh vùng, những điền chủ nào tích trữ được nhiều thóc, họ đều biết rõ.

Có khi họ mua ngay ở xã mình, nhưng nếu ở đây chủ thóc muốn bán nhích giá lên, họ tìm đi nhiều làng khác, hết làng gần đến làng xa. Hoặc chịu đi xa lắm, họ sục vào trong các ấp, hoặc đi sang các tỉnh khác để đong thóc, cốt sao mua được nới giá, mới mong kiếm được chút lời.

Với đôi quang gánh, đôi thúng, cái đấu, từng bọn rủ nhau vào các nhà có thóc, kèo nài xin mua. Tuy nhiên mỗi khi đong thóc, họ đều kén thóc già nắng, quạt kỹ. Thóc già nắng xay đỡ tốn, nghĩa là đỡ có nhiều tấm, thóc quạt kỹ làm gạo đỡ hao. Và mua thóc, họ lấy đấu khảo lại thùng hạt thóc của người bán để tính giá cả. Thùng non họ sẽ xin triết tiền.

Những người làm hàng xáo là những người chịu khó và chịu đựng được mọi sự vất vả vật chất cũng như tinh thần. Mua thóc, họ phải mất công đi hàng thôi đường dài dưới nắng rát của mùa hạ cũng như dưới mưa phùn của mùa đông. Thóc mua rồi lại gánh nặng trên vai để trở về, qua một lần nữa những thôi đường thăm thẳm. Ánh nắng ở mặt đường bốc lên, ánh nắng ở trên trời chiếu xuống, hoặc gió buốt như cắt lùa qua mặt, hơi giá như đồng bao phủ lấy người, chân đi đất, họ chịu đựng mọi thời tiết không hề phàn nàn. Họ chỉ cần có nơi mua thóc, có thóc là họ mừng. Có thóc tức là có công việc, là có ăn.

Còn sự vất vả họ có nề hà gì. Đã làm nghề thì phải chịu sự nặng nhọc khó khăn của nghề đó.

Vả chăng, đi mua thóc có bạn, quãng đường xa vui câu chuyện có là bao. Bọn họ trẻ có già có, đứng tuổi có, có con gái, có cả những bà nội trợ bốn năm con. Các bà nội trợ, nhiều bà thường vẫn kể lại

chuyện mình thời con gái. Các bà xưa kia đã từng ra giày vào dép, đã từng có kẻ hầu người hạ, nhưng:

Đàn bà như hạt mưa sa

Hạt vào bãi cát, hạt ra vườn hồng.

Lấy chồng phải theo hoàn cảnh của chồng, phải sống theo nền nếp nhà chồng, không thể mang cái phong lưu đài các của nhà mình tới được. Phải giúp đỡ chồng, phải gánh vác giang sơn nhà chồng.

Sự làm lụng khiến con người trở nên rắn rỏi gọn gàng. Có nhiều người quá chịu thương chịu khó, thân hình không thể nở nang được, đã gây cảm mến giữa bà con bè bạn họ. Và trong bạn bè có ai thương hại hoàn cảnh của họ, ái ngại cho họ vì quá lo tảo tần buôn bán đến nỗi phải thân hình gầy yếu, họ chỉ mỉm cười hoặc đáp lại qua một giọng nửa như đùa, nửa như thật:

Những người thắt đáy lưng ong, 

Vừa khéo chiều chồng, vừa khéo nuôi con.

Những người béo trục béo tròn, 

Ăn vụng như chớp, cấu con cả ngày.

Phải rồi, thân hình gọn gàng gầy nhỏ thanh thoát chứng tỏ sự khéo lo lắng để chiều chồng nuôi con, trái lại sự đẫy đà có làm gì, nếu không phải như câu ca dao trên, nó chỉ tiêu biểu cho mấy cái tính xấu của đàn bà con gái.

Làm hàng xáo không phải chỉ vất vả trong việc đi đong thóc, mà còn vất vả cả trong các công việc khác nữa.

Thóc mua được, gánh về nhà, cần phải xay, giã dần cho thành gạo.

Những nhà làm hàng xáo, nhà nào cũng có cối xay, cối giã. Thường thường người ta vẫn có một chái nhà riêng để làm gạo, như thế để tránh những bụi bậm của trấu của cám.

Thóc mua về chính các bà các cô sẽ đổ vào cối xay lấy. Đôi khi chồng con hoặc anh em có rảnh rỗi cổng việc thì đỡ tay vào.

Thóc đổ vào cối, các bà các cô tận lực mà xay, mặc dầu trời nóng bức. Tiếng cối xay ù ù, đều đều. Hạt thóc được nghiến cho trấu tách ra. Theo đà xay, trấu và gạo chảy xuống một chiếc nia kê ở dưới cối. Để cho quên mệt, đôi khi họ vừa xay thóc vừa hát. Các bà hát lại những câu thường hay ca hồi con gái để nhớ lại một dĩ vãng tươi đẹp, cũng như để quên hiện tại quá vất vả. Còn các cô, đang độ thanh xuân, trong lòng còn mang bao nhiêu mộng đẹp, các cô vừa hát vừa nghĩ đến một cuộc sống tưng bừng tốt đẹp hơn bên một người yêu. Nghề làm hàng xáo vất vả quá, và cũng chẳng giũp các cô thừa thãi được bao nhiêu. Các cô phải cố dành dụm lắm mới sắm được bộ cánh để mặc trong những ngày hội hè trong những buổi đi ăn cỗ, hoặc đi chơi cùng chúng bạn.

Nghĩ đến chúng bạn là các cô nghĩ đến những chàng trai đã gặp các cô, và đã nói với các cô những lời dịu ngọt hoặc là những lời nói thẳng, hoặc qua mấy câu hát:

Hôm qua tát nước bên đình,

Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen.

Bắt được cho chúng anh xin, 

Hay là em giữ làm tin trong nhà.

Nhan sắc kiều diễm của các cô đã từng được các chàng trai khen ngợi, và nhiều phen các cô đã rung động tơ lòng trước những lời ca tụng của các chàng:

Cổ tay em trắng như ngà, 

Con mắt em liếc như là dao cau.

 Miệng cười như thể hoa ngâu,

Cái khăn đội đầu như thể hoa sen.

Những lời khéo léo ấy, các cô quên làm sao đuợc. Lòng thơ ngây của các cô tránh sao khỏi bâng khuâng. Lại còn những lời khen rất ý nhị, đã từng làm các cô vô cùng sung sướng.

Trúc xinh trúc mọc đầu đinh

Em xinh em đứng một mình cũng xinh 

Trúc xỉnh trúc mọc bờ ao

Em xinh em đứng nơi nào cũng xinh.

Có những khi các cô đi đong thóc qua lối ngõ nhà chàng, đã từng được chàng mời khéo dừng chân:

Đầu làng có một cây đa

Cuối làng cây cậy ngã ba cây dừa 

Dù em đi sớm về trưa

Xin em hãy nghi bóng mát cây dừa nhà anh.

Theo dòng tâm tưởng của các cô, chiếc tràng cối vẫn đều đều đưa chiếc thớt cối xay ù ù. Cô hát nhắc lại những câu hát mình đã được nghe, và cô mơ mộng vẩn vơ, cho đến khi cối thóc xay xong.

Thóc xay xong, phải lo tới việc sàng để tách cho trấu rời khỏi gạo. Công việc không nặng nhọc nhưng cần sự khéo léo. Phải làm sao trong gạo không còn lẫn trấu nữa. Công việc này, vì phải làm hàng ngày, nên các bà các cô quen tay làm rất gọn gàng.

Gạo đa dần rồi, còn phải giã trắng, chỗ trấu, đừng tuởng là bỏ đi đâu. Trấu sẽ được dùng để hầm cám lợn, trải chuồng lợn. Gia đình nào làm hàng xáo cũng đều nuôi lợn. Họ nuôi bằng cám giã ở gạo ra. Nuôi lợn tức là để dành một cái vốn.

Việc giã gạo thường làm về buổi tối, sau khi mọi công việc hàng ngày đã xong. Buổi tối những cặp vợ chồng trẻ cùng giã gạo, hoặc các cô gái thì sẽ có các chị em hoặc anh em giúp đỡ.

Ban ngày các cô hàng xáo còn nhiều việc khác. Đi mua thóc về, xay thóc, dần gạo là những công việc các cô phải làm đã đành, nhưng các cô còn phải làm cả những công việc ngoài phạm vi chuyển thóc thành gạo nữa. Các cô phải đi lấy bèo, phải hầm cám lợn và phải cho lợn ăn. Người nhà sẽ giúp đỡ các cô một vài việc, nhưng chính các cô phải săn sóc lấy những công việc đó.

Có thể nói nuôi lợn cũng là ở trong khuôn khổ hàng xáo, vì chính làm hàng xáo, có tấm cám thừa mới dùng để nuôi lợn và tiền bán lợn sẽ giúp thêm vốn để mua thóc để dành dùng làm gạo trong những hôm không có nơi bán thóc.

Nếu làm hàng xáo vất vả, thì nuôi lợn cũng không phải là công việc nhẹ nhàng. Phải đi cắt rong, phải đi hớt bèo, dù trời nóng hay rét. Ta hãy tưởng tượng những hôm gió rét căm căm, nước lạnh như băng, mà các cô thiếu nữ vẫn quần vén tới ngang bẹn, lội xuống nuớc để vớt rong, vớt bèo! Bầu trời mùa đông lại xám xịt như muốn sụp, có khi lại điểm mươi hạt mưa phùn, khiến cái lạnh lại càng lạnh buốt! Ấy thế mà các cô thiếu nữ vẫn vui vẻ vớt bèo, vui vẻ vớt rong để lấy các thức ăn cho lợn! Trời lạnh ư? Các cô bịt chiếc khăn mỏ quạ cho kín tai, sẽ thấy bớt lạnh! Gió buốt ư? Các cô xây lưng lại chiều gió, tránh cho gió khỏi tạt vào mặt! Vả chăng khi người ta vui với việc làm thì ngoại cảnh có chi là đáng kể. Người ta chỉ cần nghĩ đến đàn lợn ngày một lớn, chúng đang ủn ỉn kêu ở nhà là người ta vội vàng vớt cho đầy gánh bèo, cắt cho đầy rổ rong! Rong đó, bèo đó, người ta còn phải băm, còn phải hầm với cám! Bây giờ ở ngoài ao, ngoài sông tuy lạnh nhưng lát nửa vào bếp sẽ sưởi ấm bằng hơi lửa của trấu bốc lên! Khói nghi ngút bốc ra ở nồi cám lợn hầm càng làm cho lòng người ta thêm ấm hơn!

Vì tất cả đấy sẽ là cái vốn để dành. Có thể lợn sẽ bán vào dịp tết, tiền bán lợn sẽ giúp cho cái tết của gia đình thêm to, nồi bánh chưng thêm đầy, sân thêm nhiều xác pháo, các cô cũng như các em sẽ có những bộ quần áo mới để thưởng xuân. Và các ông chồng sẽ cũng nhờ món tiền bán lợn mà có vài lưng vốn để khai xuân.

Bao nhiêu sự nặng nhọc, những người làm hàng xáo đều chịu đựng được hết. Họ chỉ nghĩ đến cái vui của chồng, nỗi sung sướng của con, hay nếu họ là các cô gái, họ chỉ nghĩ đến sự sung túc của gia đình, nghĩ đến cái hân hoan của cha anh và nghĩ đến bộ cánh của mình trong những dịp hội, dịp xuân là họ càng chịu khó hơn.

Đã bao nhiêu đêm họ phải thức khuya để giã gạo để sàng gạo mà không biết mỏi. Đã bao nhiêu sáng, họ phải dậy sớm để đi bán gạo, để đi đong thóc mà không biết mệt.

Giã gạo, họ đếm từng chầy, mong cho gạo chóng trắng. Việc giã gạo nhọc nhất trong nghề làm hàng xáo, nhưng trong công việc này, họ vẫn được người nhà giúp đỡ thêm, vì mọi người trong gia đình thừa rõ, sức một người phải cố gắng lắm mới có thể dậm nổi cần cối, và như vậy mỏ cối không rơi xuống mạnh, gạo sẽ lâu trắng.

Trong khi giã gạo, nhiều khi theo sự lựa chọn của khách hàng, các bà các cô hàng xáo thường hồ cho gạo đuợc trắng xanh bằng cách giã lẫn một chút lá cây vào gạo.

Gạo giã xong, các bà các cô phải sàng để cám và tấm tách riêng khỏi gạo.

Gạo sẽ đem bán, cám dùng cho lợn ăn, còn tấm sẽ dùng để thổi cơm để các bà các cô ăn. Cơm tấm no lâu, sẽ giúp các bà đi chợ đường xa quên mỏi, và ăn cơm tấm đó, các bà các cô cũng lại đã tiết kiệm được một món tiền nhỏ cho quỹ gia đình. Cơm gạo ngon, các bà dành cho chồng con xơi, còn tự các bà, bao giờ các bà cũng tự hy sinh ăn cơm tấm. Chồng con có thương hại, bảo các bà cùng ăn cơm gạo ngon, các bà chỉ cười. Có khi các bà nói:

Tấm cũng là gạo chứ sao! Bỏ đi hay cho lợn ăn phí quá!

Công việc làm hàng xáo bận quanh năm, nhưng các bà các cô vẫn vui vẻ với nghề quên mệt nhọc. Hai thúng gạo đầy, hàng ngày gánh đi chợ bán, đó là một phần thưởng đích đáng của mọi sự vất vả. Vả lại có vất vả mới có tiền, gia đình mới vui vẻ, con trẻ mới có cơm ăn áo mặc! Ở đời ai chẳng phải làm, không theo nghề này tất phải làm nghề khác!

Và những ai hàng ngày bưng bát cơm đầy, hạt cơm trắng và dẻo, mùi cơm thơm và dịu, có bao giờ đã chịu nghĩ tới những sự vất vả của nghề hàng xáo không?

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần!

Nhưng đắng cay thì mặc đắng cay, hết vất vả sẽ có lúc nghỉ ngơi, sự nghỉ ngơi đó mới đáng quý.

Vất vả có lúc thanh nhàn Không dưng ai dễ cầm tàn che cho!

Quanh năm vất vả nhưng đến những ngày hội và những ngày tết họ sẽ nghỉ ngơi, vui chơi cho thỏa thích những khi làm lụng. Họ sẽ leo đu, họ sẽ đi chùa lẽ Phật, họ sẽ dự những cuộc hát quan họ, hát ví hay hát đúm, tùy theo từng hội của từng vùng

Họ cũng sẽ rủ năm ba chị em cùng đi, như khi đi đong thóc, nhưng những hôm nay là những hôm họ thong thả thanh nhàn, áo tứ thân khép nếp, họ đeo hoa vàng, sà tích bạc, họ cố làm cho thân hình thêm duyên dáng, cử chỉ thêm dịu dàng. Họ nói đùa với nhau, họ gán ghép cho nhau những chàng trai làng hoặc trai thiên hạ!

Nhung ngày hội xong, ngày tết hết, họ lại trở lại cuộc đời cân cù vất vả như mọi sự hy sinh của người phụ nữ Việt Nam.

--------------------------------

1

Nguyên bản của tác giả là Hàng Sáo

TRỒNG DÂU CHĂN TẰM

Nếu chúng ta có dịp xuôi theo dòng nước trên các sông miền Bắc, từ sông Đuống đến sông Cầu, từ sông Nhuệ đến sông Thương, chúng ta sẽ phải chú ý tới những ruộng dâu ở hai bờ ven sông. Nếu phong cảnh hai bên bờ của mỗi dòng sông được thay đổi bởi núi cao rừng rậm ở miền thượng du, thì khi dòng sông chảy tới Trung du, ăn về đồng bằng những cánh núi rừng cao rậm, đã được thay thế bằng những ruộng ngô, ruộng đậu, và nhất là ruộng dâu. Ruộng dâu có nhiều về mạn Trung du hơn. Có lẽ đất nửa núi nửa sông ở mạn này hợp với cây dâu, và khí hậu ở nơi này cũng thuận tiện với nghề tầm tang nhiều.

Nông tang là hai nghề cốt cán của những xứ nông nghiệp nhất là những xứ kém mở mang về kỹ nghệ như nước ta. Người dân quê Việt Nam, trăm người như một, đã thạo nghề nông họ lại biết cả nghề tầm tang nữa.

Sách có câu “Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn”, thì người dân quê Việt Nam, nhất là ở miền Bắc, khi đã lo đến đói, tất nhiên họ phải phòng tới rét. Bởi thế cho nên, muốn có ăn họ cấy lúa cày ruộng, và muốn có mặc họ phải trồng dâu chăn tằm.

Trồng dâu chăn tằm liên quan rất nhiều tới đời sống hàng ngày của người dân, nên ruộng dâu và guồng tơ đối với họ cũng quí giá như đồng lúa và bịch thóc.

Người dân quê sống giữa ruộng dâu, cũng như sống bên ruộng lúa, cạnh lạch nước, trên đám đậu, nương khoai.

Nhà em ở dưới đám mây,

Thân trên đám đậu, đầu cầu ngó qua.

Ngó qua nhà trống bên sông, 

Thấy con bìm bịp khãn hồng quay tơ.

Dâu trồng bằng cành. Người trồng dâu, đốn cành ở các cây dâu khác, dâm xuống đất, những cành đó nẩy mầm, bén rễ, rồi mọc cây.

Mỗi năm dâu phải đốn hai lần để chặt hết những cành già, thân cỗi, cho những mầm non mọc lên, nẩy ra nhiều chồi nhiều lá. Lá dâu xanh um, trông mơn mởn như lụa nõn. Lá dâu hái để nuôi tằm lấy tơ.

Vuờn dâu xanh ngắt, liên tiếp nhau ở cạnh những bờ sông, đón tia nắng sớm, hứng ánh sương đêm, hút hơi ẩm bốc từ mặt sông khiến lá dâu thêm tốt, tằm ăn sẽ đượm tơ.

Du khách xuôi dòng sông chỉ thấy những ruộng dâu bát ngát, xanh xanh rồi lại xanh xanh. Giá có những buổi tiễn đưa chắc người đi kẻ ở sẽ:

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy 

Chi xanh xanh những mấy ngàn dâu 

Ngàn dâu xanh ngắt một mầu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai.

Bao nhiêu dâu xanh là bấy nhiêu tiền bạc của người dân. Người trồng dâu mong lá dâu tốt cho tằm hơn tơ.

Thường thường hái dâu chăn tằm là công việc của phụ nữ. Chỉ phụ nữ mới có đức tính chịu khó, nhẫn nại cần cù để theo dõi việc nuồi tằm, bận rộn và vất vả hơn nuôi con mọn.

Người nuôi tằm tùy theo số tằm đang gây, đã ăn ngủ mấy lượt, phải đi dạm mua dâu từ trước. Họ đến từng chủ các vườn dâu đặt tiền mua lá dâu sắp tới, và khi cần đến họ mới cắt người đi hái dâu.

Trồng dâu ở ven bờ sông, nhưng người ta trồng cả trong vườn nữa. Một vườn dâu, một năm bán được nhiều lứa. Loạt lá dâu này hái đi, vài tháng sau, loạt lá dâu khác đã mọc lên, cũng xanh nõn rậm rạp như lứa trước.

Đi hái dâu, các cô thường rủ nhau vài ba người, như thể để vườn dâu nào đã hái thì hái cho xong hẳn, và công việc làm có bạn bao giờ cũng nhanh chóng nhẹ nhàng hơn.

Vườn dâu xanh xanh, ánh nắng bình minh tía chói, những hạt sương sớm lóng lánh như muôn ngàn hạt trai trên những lá dâu. Cơm gió nhẹ làm rung cành lá, để bóng các cô hái dâu thấp thoáng hiện ra như những nàng tiên trong vườn. Má các cô ửng hồng dưới nắng mai, môi các cô thắm, mắt các cô trong. Chiếc khăn mỏ quạ để lộ khuôn mặt trái xoan xinh xắn. Các cô cười có hai hàm răng đều như hạt lựu và đen nhức như hạt na già. Tay các cô thoăn thoắt đưa ngắt những lá dâu. Cành dâu lay động theo ngón tay cô hái lá. Mỗi khi các cô vít cành cây dâu cao lại làm rung rinh cả bụi dâu, khiến những hạt suơng rơi lả tả. Gió sớm như muốn vờn vài sợi tóc của các cô phơ phất ngoài nếp khăn. Những con bướm đậu trong đám lá khi thấy động bay vụt ra và là lượn quanh khóm dâu trước khi đậu vào một cành khác. Vài con chim khuyên líu lo hót ở một bụi xa xa. Mây trên trời giăng hàng lững thững. Tia nắng mặt trời tỏa từ thấp lên cao. Dòng sông bên cạnh vườn dâu chảy lững lờ. Vài con thuyền đủng đỉnh trôi theo dòng nước.

Các cô ham với công việc. Mỗi lá dâu các cô hái đều là món ăn của tằm, và mỗi con tằm sẽ nhả tơ kết kén, kéo kén dệt lụa, các cô sẽ có những chiếc áo đẹp.

Em đi hái dâu,

Lá dâu xanh xanh,

Nuôi tằm dệt áo dâng anh chờ ngày. 

Trúc mai có đó có đây,

Có tay nguyệt lão buộc dây tơ hồng.

Vừa hái dâu các cô vừa nghĩ đến công việc chăn tằm ươm tơ. Lá dâu xanh, tằm ăn dâu, tằm nhả kén vàng, kén ra tơ nõn.

Các cô cùng trò chuyện, nào chuyện làm ăn, nào chuyện làng trên xa dưới, nào lứa kén này được, lứa kén kia hỏng. Các cô làm quên mỏi. Đôi bàn tay trắng muốt đưa đi trên đám dâu xanh. Hết nhánh dâu này các cô hái sang cành dâu khác, hết khóm dâu này, các cô tới khóm dâu kia. Bao giờ cho lá dâu đầy dành đầy giỏ các cô mới rủ nhau ra về.

Có khi các cô hát cùng nhau vài câu để quên mệt. Giọng các cô vút trên cành lá, văng vẳng xa đưa, lan trên dòng sông. Có những câu hát tâm tình, có những câu hát cổ tích, có những câu ca dao dịu dàng và cũng có những câu hát khôi hài ý nhị. Một cô hát lên, vài ba cô hát đáp, vườn dâu như trở nên linh hoạt hơn. Rồi có tiếng cười hồn nhiên xen vào vài câu chuyện vui vẻ.

Dâu hái về hoặc để nguyên cả lá cho tằm ăn, hoặc phải thái nhỏ từ khi tằm mới nở cho tới khi đã ngủ ba. Tằm có khi ăn khi ngủ. Lúc tằm nhỏ, phải cho ăn đầy bữa, và lá dâu phải thái thật nhỏ. Tằm lớn dần thì dâu thái bớt nhỏ đi; đến khi tằm ăn rỗi tức là lúc tằm sắp chín, có thể cho tằm ăn cả lá dâu.

Nuôi tằm lúc tằm nhỏ tuy vất vả nhưng không phải chạy dâu, nhưng lúc tằm lớn, phải có sẵn dâu, không thể để tằm thiếu ăn đuợc.

Một bát trứng tằm nở ra, lúc nhỏ chỉ để trong một cái mẹt, rồi theo với sức lớn của tằm phải chuyển sang một chiếc nia, một chiếc nong

rồi nhiều chiếc nong. Một nong tằm khi chín, kéo kén, số kén sẽ được nhiều nong:

Một nong tằm là năm nong kén,

 Một nong kén là chín nén tơ, 

Công em trăm đợi nghìn chờ,

Mà anh rứt chỉ guồng tơ cho đành.

Nuôi tằm rất khó khăn, phải che nắng che gió, phải phòng nóng phòng lạnh. Trời đang tự nhiên, nếu chuyển gió tây, tằm sẽ bị hỏng. Có thể tằm mắc bệnh nghệ, nghĩa là toàn thân con tằm vàng như nghệ, hoặc mắc bệnh ủng, nghĩa là thân con tằm mọng những nước mà chết:

Lạy giời đừng chuyển gió tây, Lứa tằm em đã đến ngày nhả tơ.

Tằm đã ăn rỗi nghĩa là tằm đã sắp chín. Lúc này là lúc rất cần nhiều dâu cho tằm ăn. Mỗi lá dâu lúc này là một sợi tơ. Thiếu ăn, khi kéo kén, thân kén sẽ mỏng, ươm kén sẽ thiệt tơ. Lúc này là lúc bao nhiêu vườn dâu đặt trước, người nhà phải chia nhau đi hái để đủ cho tằm ăn. Như vậy tằm mới đầy kén, và đượm tơ.

Phương ngôn có câu “Ăn như tằm ăn rỗi”, để chỉ sự ăn nhiều, ăn nhanh, ăn bỗ bã, thật là đúng. Tằm cắn vào lá dâu sào sạo. Lượt dâu vừa vứt vào nong tằm, không mấy chốc đã hết veo, lại phải vứt luôn lượt dâu khác. Thân những con tằm trong óng ánh mọng những tơ. Người nuôi tằm đã phải vất vả, nhưng nhìn đến kết quả người ta càng chịu khó hơn.

Các cô gái chia lượt nhau đi hái dâu và săn sóc cho tằm ăn. Người nhà cũng phải ngừng nhiều công việc khác để ý giúp đỡ vào lứa tằm.

Rồi đến lúc tằm chín. Loáng thoáng trong nong vài con tằm nhả tơ cuộn kén. Bấy giờ là lúc phải cho tằm lên né.

Chiếc né tằm giống như một chiếc vỉ lớn bằng chiếc nong, đan bằng tre hoặc nứa. Ở các mắt chiếc vỉ lớn này, có ken rơm. Những con >tằm chín được nhặt từ nong đặt lên trên né, bám vào những cụm rơm để làm kén.

Cảnh bắt tằm chín đặt lên né trông rất linh động. Ở những chiếc nong to, tằm còn đang ăn, người ta chọn những con nào đã bắt đầu nhả tơ kéo kén, nhặt để trên né. Một dãy nong dài đầy tằm, lẫn lá dâu đặt ngay trên mặt đất. Vài cô thiếu nữ tiếp tục vứt dâu cho tằm ăn. Bà nội trợ và vài bà già nữa lựa tằm mang lên né. Lũ trẻ con chạy quanh, bí bô chỉ chỏ, như hình chúng chia vui với kết quả tốt đẹp của lứa tằm sẽ mang lại cho gia đình.

Một dãy né treo theo xà nhà, chừng hai chục chiếc, song song cùng nhau khẽ lắc lư theo sự đụng chạm của người đặt tằm vào né. Những con tằm bám vào cụm rơm, cuộn tổ. Đầu tiên là những chiếc kén vàng mờ mờ mong mỏng, còn để cho ta thấy rõ con tằm qua lượt tơ vàng óng ánh. Rồi chiếc kén đầy dần, hình con tằm không còn lờ mờ qua lượt tơ nữa. Những chiếc kén vàng ánh nằm bên nhau, phủ lên chiếc né. Thật là trồng cây đến ngày ăn quả. Người ta sung suớng nhìn những ổ kén đậm tơ vàng.

Tằm đã lên né hết, và trên né, mỗi con tằm đều là cuốn kén. Người ta bắt đầu gỡ kén để vào nong. Người ta khe khẽ nhặt từng chiếc kén một khỏi cụm rơm để xuống nong. Những chiếc kén dày tơ nhặt trước, và những con tằm bám trên né tiếp tục nhả tơ kéo cho xong chiếc kèn của mình.

Những nong kén đầy, màu vàng óng ánh. Mùi tơ thơm thơm. Từng nong kén một, người ta xếp lên cũi tằm, thay cho những nong tằm không còn nữa. Mỗi nong kén là chín nén tơ, và mỗi nén vài con tằm yếu không kéo tơ nổi, bị rơi xuống đất.

Một lứa tằm xong, người ta như trút xong một gánh nặng. Bao nhiêu là vất vả, bao nhiêu là sự săn sóc, bao nhiêu công trình. Nào thức đêm, nào dãi dầu mưa nắng để hái dâu.

Nhũng nong kén đã xếp lên cũi tằm, lứa tằm mới thật là xong.

Từ nay người ta có thể nghỉ vài bữa để lấy sức và người nhà đã phải phục dịch khi tằm chín, nay có thể quay lại công việc cũ của mình.

Số kén thu hoạch được, người ta có khi đem bán cạ, và sau vài ngày nghỉ lại tiếp tục nuôi lứa tằm mới. Mọi công việc hái dâu, thái dâu cho tằm ăn, lo tằm ngủ lại bắt đầu. Cũng có khi người ta chỉ bán một phần kén, người ta để lại một số để ươm tơ dệt lụa.

Kén cho vào nồi nước sôi, rút cho những sợi tơ gốc và sau đó cho vào guồng ươm để quay lấy tơ nõn. Chỗ tơ gốc kéo ra, lại phải cho vào guồng tơ để quay thành từng con tơ, tiện cho việc dệt lụa nái, đũi hoặc sại. Còn chỗ tơ nõn sẽ dệt ra lụa nõn.

Thường thường những người trồng dâu chăn tằm không tự ươm lấy tơ, nhưng những khi cần có áo quần mặc, họ cũng dành lấy một số kén nhỏ để tự ươm kén kéo tơ.

Xưa kia, họ thường guồng tơ về ban đêm. Trong những lúc phụ nữ guồng tơ thì các ông chồng đọc sách, ngâm thơ:

Sáng trăng giải chiếu hai hàng, 

Cho anh đọc sách cho nàng quay tơ.

Quay tơ phải giữ mối tơ,

Dù dăm bảy mối vẫn chờ mối anh.

Thật là một cảnh nên thơ. Chàng ngồi đọc sách, nghĩ tới ngày võng anh đi trước, võng nàng đi sau, trong khi nàng guồng tơ đều tay, sợi tơ theo đà tay cuốn lên chiếc guồng quay lạch cạch một nhịp đều đều. Ngọn đèn le lói như soi tỏ sự cố gắng của đôi người. Chàng lo làm sao cho kinh sử làu thông, một ngày kia danh chiếm bảng vàng, trước là bõ công đèn sách, sau là báo đền công sinh dưỡng của mẹ cha, và sau nữa là làm vinh dự cho người vợ cần cù, nuôi chồng ăn học, mải đêm lo ngày với chiếc guồng tơ, với nong tằm chín, với bao nhiêu sự vất vả nhọc nhằn. Nghĩ đến ngày vinh qui bái tổ, làng nước mừng, họ hàng khen, chàng càng cao giọng đọc sách.

Còn nàng cố công lo làm ăn, guồng tơ cho đều tay, dệt những tấm lụa nõn. Lụa sẽ may áo cho chồng, lụa sẽ đem bán, thêm tiền cho chồng kinh sử. Có phút nào nhàn, nàng lại lo việc thêu thùa may vá, như suốt từ thời con gái:

Gái thì giữ việc trong nhà

Khỉ vào canh cửi khi ra thêu thùa.

Trai thì đọc sách ngâm thơ 

Dùi mài kinh sử để chờ dịp khoa

Mai sau nối được nghiệp nhà

 Trước là đẹp mặt sau là ấm thân.

Cái thời xưa đã qua, nay không còn nửa. Không còn câu chuyện:

Trai thì đi học đỗ ba khoa liền 

Khoa trước thì đỗ trạng nguyên 

Khoa sau tiến sĩ đỗ liền ba khoa 

Vinh qui bái tổ về nhà

Ăn mừng hai họ đủ ba tháng tày 

Hàng phủ, hàng huyện đông tây

Rủ mừng quan Trạng tới ngày hiến vinh.

Những người dân quê miền Bắc dù xưa hay nay, bản tính vẫn không bao giờ thay đổi.

Đàn ông thì ham học, phụ nữ ham làm. Nam nữ đều lo tới bổn phận của mình. Những bản tính thuần chất Việt Nam mặc mọi cuộc biến thiên vẫn tồn tại với xứ sở. Người dân quê vẫn trồng dâu chăn tằm, guồng tơ dệt lụa, vẫn có mối tình thắm thiết với xứ sở, cái mối tình nó đã làm cho dân tộc Việt được trường tồn.

HƯƠNG LÚA TỈNH NAM

Nam Định xưa kia thuộc trấn Sơn Nam Hạ, đất rộng, người đông một năm một vụ lúa chiêm. Ở đây dân tình thuần hâu người người chăm chú lo sự làm ăn. Những cánh đồng thẳng cánh cò bay, lan rộng tới

mãi chân trời, dòng sông Vị, giải sông Hồng lượn quanh giữa đám ruộng màu mỡ, làm cho đất cát thêm phì nhiêu, lúa thêm xanh, và phong cảnh thêm cẩm tú. Non Côi cao sừng sững hiên ngang như muốn kiểm soát một cõi sơn hà. Xa xa mờ mờ phía chân trời tây, dẫy núi Hoành Sơn giống như một bức bình phong muôn vẻ che đỡ cho ruộng đồng bát ngát. Giữa cánh đồng mạ mơn mởn mầu tơ nõn, nước trắng xóa, những làng mạc ẩn trong lũy tre, nổi bật lên những hàng cây xanh tốt. Chiều chiều cùng với lúc chuông chùa thu không, vang rền tự những ngôi chùa sau các lũy tre những làn khói lam từ từ bốc lên cao và tỏa ra màu trắng đục, biến lẫn với mây trên không trung đang nhẹ nhẹ bay thành từng giải theo gió vắt ngang trời.

Những lúc trời sâm sẩm tối, mặt trời đã xế, không gian mờ mờ tím, bốn bề vắng vẻ phẳng lặng, phong cảnh đồng quê tỉnh Nam đượm một vẻ buồn man mác. Phảng phất từ ruộng lúa bốc lên, một mùi nhạt nhạt của mạ non, hoặc mùi thơm thoang thoảng của lúa đòng đòng mới trổ, tùy theo với ngày tháng trong năm. Lững thững trên bờ ruộng, bóng đen của vài nông phu vai cày, vai cuốc dắt trâu về làng. Im lặng và tịch mịch. Lưng trời vài con vạc bắt đầu đi kiếm ăn kêu mấy tiếng dài gọi đêm trường nghe buồn mênh mông.

Cũng như phong cảnh trầm lặng, người dân tỉnh Nam trầm lặng ít nói. Họ mộc mạc và đơn sơ. Quanh năm áo nâu sồng màu của đồng đất, họ chỉ quan tâm đến đồng đất. Đàn ông thì quần nâu, áo nâu, còn đàn bà cũng vẫn màu nâu ấy, nhưng đáng lẽ họ trang điểm cho màu nâu thêm tươi tắn bằng một đôi giải yếm lụa mỡ gà, chiếc thắt lưng màu thiên thanh hay hoa lý, đào ngọt hay cánh sen như phụ nữ các tỉnh Bắc Ninh, Sơn Tây thì ở đây, với chiếc thắt lưng tím họ đã làm cho y phục màu nâu của họ càng tối sầm và tẻ ngắt.

Họ quanh năm lam lũ làm ăn, hướng tinh thần vào đồng ruộng. Hương lúa thơm phức tỏa lên khi vụ chiêm tới dưới nắng oi ả của trời tháng năm là tất cả mọi phần thưởng và mọi niềm an ủi của những công lao khó nhọc của họ.

Thực vậy người dân tỉnh Nam, giống như hầu hết các dân quê khác thuộc các vùng đồng chiêm xứ Bắc, rất chịu khó cực nhọc và mất rất nhiều công lao cho đồng ruộng của mình.

Ruộng chiêm hàng năm ra ngoài vụ tháng năm, nước ngập trắng xóa bát ngát. Làng mạc biến thành những cù lao xanh biếc, và giữa làn nước bạc, thỉnh thoảng một vài con đường làng đắp cao, nổi màu tro nhạt, đi ngoằn ngoèo từ xã nọ tới thôn kia. Những cô lái đò đồng chiêm với chiếc thuyền nan bềnh bồng chở khách từ nơi này đến chốn khác. Đôi khi ngọn gió đồng thổi làm chiếc thuyền chập chờn quay mũi, những con sóng đồng làm bật nước vào mạn thuyền tung bọt trắng xóa. Cơn gió mạnh qua, mặt nước đồng lại lăn tăn gạn những làn sóng nhỏ, và chiếc thuyền nan lại nhè nhẹ đè mặt nước theo đà của con sào hoặc của chiếc bơi chèo.

Bên những con đường làng uốn khúc, những thửa ruộng ngập nước, một vài người nông phu theo với tình trạng của cánh đồng đã biến thành những ngư phủ đang dậm lưới, úp nơm để kiếm chút cá vụn. Thỉnh thoảng một vài con cá nhỏ quẫy mình trắng như bạc óng ánh dưới nắng trời hè. Vài phụ nữ, váy xắn cao, khăn bịt đầu thật chẽn đang lom khom mò cấy bắt cua ở gần đây.

Cảnh nước lớn kéo dài cho tới tháng tám. Bấy giờ mùa mưa nâu đã qua, mùa lụt đã khỏi, nước đồng ngấm dần xuống đất hoặc chảy dần ra sông, người dân quê vùng Nam Định mới lo tính đến chuyện cày cấy vụ chiêm.

Làm mùa chiêm rất vất vả nặng nhọc. Ruộng đồng phải cày bừa vào lúc bắt đầu hanh, chân tay thường bị nẻ khô, cấy lúa vào giữa lúc trời đông giá lạnh, khi gặt, lại gặt đúng vào lúc nắng hè oi ở và gay gắt nhất. Đồng lúa chiêm lại lắm đỉa, nhất là vụ gặt, mùa mưa rào đã bắt đầu, đồng ruộng đã chớm nước, loài đỉa càng sinh sản nhiều. Thật là tốn công vậy! Nhưng đã gọi là con nhà nông, chỉ biết có hương thơm của lúa, công việc dù mệt nhọc có sá gì. Chỉ cầu sao cho mưa nắng phải thì đúng độ, lúa trổ bông đúng kỳ gặt hái là người nông phu sung sưóng.

Ơn trời mưa nắng phải thì

 Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu 

Công lênh chẳng quản bao lâu

Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng

Xin ai đừng bỏ ruộng hoang

Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu.

Phải một tấc đất bỏ không là bỏ phí mỗi năm một số thóc, cho nên tấc đất là tấc vàng. Người làm ruộng không bao giờ chịu bỏ đất hoang, dù đất đó khô rắn, dù sự cày bừa vất vả nhưng nghĩ đến hạt cơm trắng với mùi thơm dịu dịu, người ta có thể quên được những buổi cày dưới nắng chang chang với mồ hôi nhễ nhại.

Cày đồng đang buổi ban trưa

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày 

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần!

Người nông phu không quản nắng mưa, cam chịu đắng cay để xới đất, bừa ruộng, cày luống, ngõ hầu mai sau người người có bát cơm dẻo là lòng hân hoan. Người nông phu không kể chi mình, chỉ trông đến kết quả của công việc mình làm, có ích cho đồng bào là hài lòng. Tuy nhiên, vất vả phần mình chịu đã đành, lại còn con trâu, người bạn mưa nắng cũng chịu dầu gió dãi mưa như mình. Mà làm ruộng, phải có con trâu! Phải săn sóc con trâu, đủ rơm đủ cỏ để trâu có sức mới giúp đỡ được người trong việc cày bừa nặng nhọc! Người nông phu thường trìu mến con trâu không kém một người bạn quý, và thường an ủi trâu với những lời lẽ rất dịu dàng:

Trâu ơi, ta bảo trâu này

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta 

Cấy cày vốn nghiệp nông gia

Ta đây trâu đấy ai mà quản công!

Bao giờ cây lúa còn bông,  

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

Ruộng đã cày bừa xong, đất để cho ải, trước khi tát nước vào làm vụ cấy.

Thóc giống gieo trên ruộng mạ sâm sấp nước. Thóc nảy mầm, những cây mạ non mọc lên như tơ nõn. Ngọn mạ lăn tăn trước gió lạnh của trời đông. Những ruộng mạ trông như tấm thảm xanh, chỗ thưa chỗ dày, chỗ đậm chỗ nhạt. Vào giữa khoảng tháng một, mạ đã mọc cao chừng ba tấc. Bấy giờ người ta nhổ mạ, bó thành từng bó, xén bớt đầu lá để cấy lại trên ruộng lúa. Người ta tát nước vào những thửa ruộng này cho dễ dàng việc cấy.

Trời lạnh, nước cạn, công việc tát nước rất tốn công. Nếu về vụ hè, cánh đồng chiêm mênh mông những nước thì giờ đây, khi cần tới nước nước lại khan hiếm, phải tát từ những nương rất xa, nhiều khi phải cho nước chảy qua ba bốn thửa ruuộng khác mới tới thửa ruộng của mình.

Nước ở những mương này có năm rất cạn, chỉ dâng cao theo với ngọn thủy triều. Người dân quê đồng Nam phải chờ nước triều lên, rủ nhau tát nước họ gọi là đi cướp nước ngọn triều. Những ruộng cao tát bằng gầu dai, còn ở các ruộng thấp phải dùng gầu sòng.

Ruộng cao sắm một gầu dai

 Ruộng thấp thì phải sắm hai gầu sòng.

Ruộng đã có nước, việc cấy lúa bắt đầu. Các cô thôn nữ lại cùng nhau quẩy ra đồng những bó mạ, cách đấy mấy hôm các cô vừa nhổ ở ruộng mạ mang về, những bó mạ xinh xinh nhu những đứa trẻ lên ba thắt lưng con cón.

Vừa bằng thằng bé lên ba

Thắt lưng con cón chạy ra ngoài đồng.

Việc cấy lúa chiêm rất vất vả. Trời đang giữa mùa đông gió đang lạnh, nước đang giá! Thế mà các thiếu nữ đồng quê không quản chi gió bấc mưa phùn, cùng nhau làm việc ở dưới ruộng, nước ngập trên mắt cá nhân. Các cô cũng rét, nhưng các cô phải vui vẻ với việc làm. Đầu các cô chít khăn mỏ quạ che kín hết hai tai cho tới cằm, và muốn cho được ấm thêm, các cô lại buộc một chiếc lạt ở ngoài khăn, theo nếp vấn đầu để giữ lấy hơi nóng. Các cô mặc áo ấm, phần nhiều là áo bông. Bước xuống ruộng váy phải xắn cao, và để tà váy đằng trước >cũng phủ đằng sau khỏi kéo lê trên mặt nước, các cô lấy lạt buộc thắt lại.

Gió đông lạnh buốt làm má các cô ửng hồng, hai hàm răng các cô run rẩy cắn chặt lấy nhau. Các cô vẫn can đảm làm việc mặc trời giá rét.

Ba bốn cô cấy một thửa ruộng. Những bó mạ đặt ngay ở giữa ruộng. Các cô cởi mở bó mạ ra, tay cầm từng nắm nhỏ, cấy từ bờ ruộng này tới bờ ruộng kia. Các cô cúi lom khom, thoăn thoắt đưa tay cắm những cây mạ xuống ruộng. Các cô vừa cấy lúa vừa lùi, cứ theo bước chân các cô lùi những hàng mạ được cấy lên. Các cô mải mê với công việc, chỉ ham làm, quên cả chuyện trò với nhau. Trời lấm tấm mưa phùn, gió bấc căm căm thổi. Nhung cây mạ được cấy rồi, ngả đầu theo chiều gió mặt nước ruộng lăn tăn gợn sóng. Vài con tôm con tép nhảy tanh tách làm mặt nước rung rinh với những vòng tròn nhỏ.

Cấy hết nắm mạ này, các cô lấy nắm mạ khác, và hết một bó mạ, các cô lại cởi thêm bó khác. Thửa ruộng theo với tay các cô nhanh nhẹn cắm những cây mạ gọn gàng xuống đất, chẳng mấy lúc đã được cấy gần xong. Các cô chăm chú với nhánh mạ ham công ham việc mong sao cấy cho thửa ruộng chóng xong để còn cấy sang thửa ruộng khác.

Các cô không để ý tới những thửa ruộng gần đấy, cũng có những người khác đang cấy lúa như các cô, hoặc một vài nông phu đang cày bừa chăm chỉ với con trâu. Các cô cũng chẳng bao giờ để ý tới vẻ rộn rịp của cánh đồng với cảnh nơi cày, noi cấy, nơi bừa.

Có lẽ các cô vừa cấy lúa vừa mong cho vụ lúa năm sau được mùa để dân làng no ấm! Có lẽ các cô đang cầu khẩn cho mưa thuận gió hòa để cho thóc rẻ gạo hơn! Có khi các cô không tính gì tới cả công cấy của mình!

Người ta đi cấy lấy công

Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề:

 Trông trời trông đất trông mây

Trông mưa trông gió trông ngày trông đêm 

Trông cho chân cứng đá mềm

Trời yên bể lặng mới yên tấm lòng.

Các cô làm việc từ sáng tới trưa, chỉ nghỉ tay để ăn cơm rồi lại làm việc từ trưa đến tối. Và sớm hôm sau, cùng với các nông phu dắt trâu ra đồng cày ruộng, các cô đã rủ nhau đi để cấy nốt thửa ruộng đang cấy dở, hoặc cấy cho xong mấy thửa ruộng khác:

Rủ nhau đi cấy đi cày

Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu 

Trên đồng cạn dưới đồng sâu

Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa.

Các cô hối hả lo công việc, các cô nhanh nhẹn với lúa mạ, không quản gì khó nhọc với nắng mưa, có lẽ các cô nghĩ tới ngày phong lưu của năm sau, ngày mà thóc vàng tỏa hương thơm ngát khắp cánh đồng chiêm, ngày mà người ta lũ lượt gánh thóc về trên đường làng, ngày mà những người thợ gặt nào liềm nào hái, vui vẻ nói cuời và gặt lúa trên đồng cạn cũng như dưới đồng sâu.

Cấy lúa xong, người dàn quê lại vất vả với những công việc khác, nào làm cỏ, nào phát bờ, nào rải phân. Mọi công việc đều đòi hỏi ở họ một sự siêng năng và một lòng kiên nhẫn. Rồi khi lúa đến thời con gái, phải tát thêm nước, kẻo để chân lúa khô, lúa dễ bắt sâu. Họ phải theo dõi cây lúa cho tới khi lúa trổ đòng đòng đâm bông.

Bấy giờ đã cuối tháng tư, lúa đã sắp chín, và sắp sửa là mùa nước. Những đêm chớp bể mưa nguồn là những đêm khiến cho người dân quê lo ngại. Họ sợ những trận mưa to, nước lũ kéo về nuớc sông dâng lên có thể gây lụt lội, công trình của họ sẽ theo mây gió hết! Mà nếu có sự chẳng may ấy, họ sẽ đói họ sẽ khổ! Tiền đâu mà sưu thuế, tiền đâu mà việc nọ công kia. Sự lo lắng của họ quả thật là chính đáng. Họ sẽ chỉ có thể than thở với trời cao xanh.

Bây giờ gặp phải hội này:

Khi thì hạn hán, khi hay mưa dầm 

Khi thì gió bão ầm ầm

Đồng tiền thóc lúa mười phần còn ba!

Lấy gì đăng nạp nữa mà

Lấy gì công việc nước nhà cho đang!

Lấy gì sưu thuế phép thường 

Lấy gì bổ chợ đong lường làm ăn

Trời làm khổ cực hại dân.

Họ phải trồng nom ruộng lúa cho tới khi được gặt. Thóc gặt về, đập sẩy, phoi phóng xong họ mới yên tâm. Được mùa là họ được tất cả, họ sẽ có cơm no, áo ấm, có đủ tiền để đóng góp với làng. Chồng con họ sẽ không lo thiếu sưu thiếu thuế.

Tháng năm gặt hái đã xong

Nhờ trời một mẫu năm nong thóc đầy.

Năm nong đầy em xay em giã, 

Trấu ủ phân, cám bã nuôi heo. 

Sang năm lúa tốt tiền nhiều,

Em đem đóng thuế, đóng sưu cho chàng.

Đói no có thiếp có chàng,

Còn hơn đủng đinh giàu sang một mình.

Câu ca dao trên đã tả đúng tâm lý của chị phụ nữ đồng quê! Được mùa chị sẽ sung sướng, nhưng trong cái sung sướng chị vẫn tính chuyện làm ăn và lo lắng sưu thuế cho chồng. Cũng như muôn ngàn người đàn bà quê miền Bắc, chị phụ nữ tỉnh Nam chịu hy sinh mọi sự cho chồng, chị mong đuợc cùng chồng no đói có nhau!

Lúa đã gặt rồi, người dân quê tỉnh Nam mới khỏi lo ngại, và mấy tháng trồng cây, bây giờ mới là ngày kết quả.

Thóc đã đập đã phơi, đã sẩy rồi, họ chỉ việc quây vào cót để ăn dần, bán dần lo việc nhà, việc làng, việc nước!

Lúc ấy trời đã cuối tháng năm. Mưa rào đã nhiều và cánh đồng chiêm lại đầy nước trắng xóa. Lại có những người nông phu biến thành ngư phủ, lại có những chị thợ cấy đi mò cua bắt ốc, hoặc đi chở chiếc thuyền nan! Rồi những bà nội trợ, những cô gái quê đội gạo, hoặc một vài nông phẩm khác như cà, đậu ngô khoai họ đã trồng được ở những chỗ ruộng cao tới các chợ bán: họ đi chợ Rồng, họ đi chợ Bạch Tính, họ đi chợ Ninh Cường. Phong cảnh những con đường làng thỉnh thoảng lại được đôi ba ngày tấp nập vì một vài phiên chợ. Những người đàn bà ở đây đi chợ họ đều đội hàng hóa trên đầu, họ không gánh gồng như dân quê các tỉnh miền Bắc Hà Nội. Họ bảo rằng ở đây cánh đồng chiêm, thường phải lội nước, không tiện cho việc gồng gánh! Có lẽ vì phải đội nặng lên đầu nhiều nên đàn bà con gái vùng này ai nấy đều có vẻ lùn thấp

Trong mùa nước ngập, có những gia đình không bận gì về công việc đồng áng thì họ cùng nhau làm tiểu công nghệ: làng Ninh Cường làm nón, các làng ở huyện Mỹ Lộc mua sợi về dệt vải quê v.v... Nền tiểu công nghệ, tuy chỉ là nghề phụ, nhưng cũng đã giúp đỡ cho nhiều gia đình sống qua vụ nước một cách dư dật và đôi khi lại có tiền để sắm sửa cho gia đình, may mặc cho con cái.

Cần cù nhẫn nại, chăm chỉ siêng năng là những đức tính chung của tất cả dân quê xứ Bắc, dù ở tỉnh Nam Định, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hải Dương, tỉnh Phú Thọ hay tỉnh Bắc Giang. Lẽ sống của họ là ở sự làm việc và chịu đựng, nhất là đối với các phụ nữ. Họ chịu đựng chồng con ở nhà, họ chịu đựng luật lệ ở làng, họ chịu đựng sự bất công của xã hội, và nhiều năm họ đã phải chịu đựng cả những sự giận dữ của tạo hóa đã gây ra bão lụt, hạn hán hỏa tai.

Nhưng trong sự chịu đựng đó họ đã có những nguồn an ủi vô biên: ấy là cái cảnh gia đình đầm ấm, vợ chồng con cái đề huề, ấy là lòng tin tưởng ở tương lai, ở kết quả của mọi sự cố gắng và chăm chỉ của họ.

Ngoài ra, không kể những ngày làm lụng vất vả, họ cũng có những lúc ăn chơi và nghỉ ngơi. Ấy là những ngày hội ngày Tết. Những hôm đó, họ nghỉ gông việc, quần áo lịch sự họ rủ nhau đi chùa đi lễ.  -

Hàng năm ở Nam Định có hai hội lớn. Hai hội này, không riêng gì dân chúng tỉnh Nam tới dự, mà có thể nói là toàn dân miền Bắc Việt Nam đều tới dự.

Ấy là hội Phủ Giầy ở xã Bảo Ngũ, nơi có đền thờ Công Chúa Liễu Hạnh và hội ở xã Bảo Lộc, nơi có đền thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Ngày hội Phủ Giầy hàng năm rất linh đình nhộn nhịp, hội mở từ ngày mồng một tháng ba và kéo dài tới ngày hai mươi mới rã đám. Các thiện nam tín nữ các tỉnh miền Bắc và một phần các tỉnh miền Trung kéo nhau tới trẩy hội rất đông. Trong ngày hội các cuộc tế lễ rất tưng bừng. Đáng chú ý nhất là đám rước từ Phủ Giầy tới xã Phù Chính ở chân núi Côi vào ngày mồng sáu tháng ba: đây là một đám ruớc đồ sộ, có hàng mấy trăm ngàn người từ các ngả tới dự. Trên con đường Phú Chính đông nghịt những người, nối dài hàng năm sáu nghìn thước. Màu sặc sỡ của cờ, mùi hương quyện với mùa hoa, tiếng trống rước xen lẫn tiếng người thật là ầm ĩ nhộn nhịp. Người ta hân hoan sùng bái Liễu Hạnh Công Chúa, người đã giúp đỡ cho nhiều dân chúng miền Bắc, người đã giáng bút với những thiên văn thơ tuyệt phẩm.

Ngoài đám rước trên, tại hội Phủ Giầy vào ngày mùng mười lại có cuộc kéo chữ. Phu hội hàng mấy nghìn người trong huyện Vụ Bản từ các xã cắt tới dự cuộc kéo chữ này. Có năm kéo chữ nẩy Thiên Hạ Thái Bình, có năm kéo mấy chữ Phong Đăng Hòa Cốc. Người ta nô nức đi xem kéo chữ, cũng như người ta nô nức đi dự đám rước cùng các đám tế lễ trong suốt thời gian kéo hội.

Hội Phủ Giầy rã đám, người dân quê tỉnh Nam lại quay về công việc của mình cho tới tháng tám người ta kéo nhau tới xã Bảo Lộc để dự hội kỷ niệm vị đại anh hùng Việt Nam Trần Quốc Tuấn, người đã hai chuyến phá quân Nguyên, giữ Vững nền độc lập cho nước non nhà. Hội đền Bảo Lộc đông vui, người ta tôn kính và biết ơn vị anh hùng của dân tộc. Dự hội đền Bảo Lộc người ta lại nhớ tới trận thủy >chiến ở Bạch Đằng Giang, và người ta truyền tụng cùng nhau những vần thơ hùng tráng về kỳ công của quân tướng nhà Trần.

Tiếng lau rú ào ào tiếng gió 

Sóng bập bồng to nhó thưa mau

Tiếng buồm tiếng nước hòa nhau

Tạo thành khúc nhạc vui đau hỗn đồng. 

Hùng tráng tựa tiếng ông Nguyễn Khoái

 Hô chiến thuyền quay lại đánh Nguyên 

Tiếng gào tiếng thét xung thiên

Hiệu kêu lùi xuống, lệnh truyền tiến lên. 

Tên vùn vụt từ trên bờ bắn

Thuyền xâm lăng vỡ đắm tan hoang 

Tướng Nguyên van lạy xin hàng 

Quân ta thắng lợi reo vang nức trời.

Hương lúa tỉnh Nam dịu dàng thơm ngát, người dân quê tỉnh Nam mộc mạc đơn sơ. Họ cần cù với công việc, nhưng không bao giờ họ quên họ là người dân nước Việt. Họ chăm chỉ làm ăn nhưng họ vẫn nhớ tới công ơn những người vì nước.

ĐỒNG CÓI

Ninh Bình có sông Vân núi Thúy với những bài thơ khắc trên đá của biết bao danh sĩ, Ninh Bình có động Hoa Lư, kinh đô nước Đại Cồ Việt của Vạn Thắng Vương với những phong cảnh hùng vĩ của non cao rừng rậm, Ninh Bình có động Dịch Lộng với những hang lớn đẹp thạch nhũ óng ánh như sao muôn sắc. Ninh Bình có núi Cánh Diều, có đèo Ba Dội, nhưng Ninh Bình lại có cả biển mênh mông, có cả những cánh đồng Cói bao la, chạy dài ven bãi biển.

Ai đã tới Ninh Bình chưa? Và tới Ninh Bình ai đã đi miền Phát Diệm, Kim Sơn không nhỉ? Nơi đây là thổ sản của cói, một loại cây giồng ven bờ đê, dùng để dệt chiếu.

Những cánh đồng cói bát ngát, liên tiếp nhau ở Cồn Thoi cách Phát Diệm hơn mười cây số, chỗ sông Đáy chảy ra bể Nam Hải, chia làm hai nhánh, nơi tỉnh Ninh Bình giáp cận với địa phận Thanh Hóa.

Thân cói xanh xanh, cọ sát vào nhau rào rào theo từng cơn gió bể. Những nhánh hoa đo đỏ, giống như hoa ngô đồng nổi bật trên đám lá xanh. Suốt khắp cồn Thoi, trông giống hình một con thoi dệt vải, man mác chỉ cói và cói. Những ngọn cói ngả đầu vào nhau theo chiều gió, và gió lướt trên ngọn cói như sóng gợn rung rinh. Hoa đo đỏ, lá xanh xanh dao động. Vài con bướm nhởn nhơ bay từ cánh hoa này, sang cánh hoa khác. Thỉnh thoảng vụt bay từ giữa đám cói ra một vài con két, con rẽ, con sít, hoặc con mùng.

Hai nhánh sông Đáy lững lờ bao bọc lấy cồn Thoi, nuớc lờ lờ xanh, hòa hợp với màu cói xanh, cũng như với nền trời xanh thẳm. Một vài con thuyền nhỏ đủng đỉnh, của vài người đánh cá, hoặc chở khách ngang sông. Xa xa, ngọn núi Nẹ đứng sừng sững một mình ngự trị ở miền duyên hải. Trông ngọn núi im lặng, thâm thẫm màu lam. Đàn chim hải âu bay ngang trời. Mấy sợi mây trắng nhẹ nhàng giăng trên đỉnh núi. Ngọn núi giống như một tấm bình phong ngăn cánh đồng cói với chân trời xa thẳm.

Về mé biển, sát cánh đồng cói, nơi nuớc mặn sàn sàn tràn ngập, đấy là rừng Vẹt, những cây vẹt xanh biếc cưng cứng tựa lá si, mọc suốt ven bể, lan mãi ra xa. Đất có nước mặn là có cây vẹt, một thứ cây dại thường mọc ở ven bể. Màu xanh biếc của cây vẹt điều hòa màu nước biển xanh thẫm với màu xanh tươi của cánh đồng cói. Phải chăng tại đây hóa công muốn tô điểm cho phong cảnh không những bằng sông núi mà bằng cả nhịp nhàng của màu sắc nữa.

Trên nước biển xanh thẫm, lá vẹt xanh biếc, đồng cói xanh tươi, những đàn le le, sâm cầm, mòng két thỉnh thoảng lại vụt bay như muốn đem tâm hồn linh động cho cảnh vật. Mây trời bao la, nước biển cả mênh mông man mác, vài con thuyền căng buồm đè mặt nước, trông thật hữu tình nên thơ.

Và ở cánh đồng cói, các cô thôn nữ xinh tươi đang cùng nhau cắt cói, nói nói cười cười, bên các chàng trai lanh lẹn hoạt bát luôn luôn đáp lời các cô một cách đậm đà duyên dáng.

Cói là một nguồn lợi của dân chúng vùng Phát Diệm, Kim Sơn. Cói dùng để làm chiếu và bổi cói dùng để lợp nhà.

Những cánh đồng cói ở đây đã giúp cho người dân được sung túc, đỡ lam lũ hơn các vùng đông dân cư khác ở quanh vùng.

Ruộng trồng cói phải cày bừa trong năm đầu kỹ lưỡng. Sau đó cói được trồng và với mầu mỡ đất gần biển, lớn dần. Cói trồng vào tháng mười năm trước, tới tháng tám năm sau đã cao và đã trổ hoa. Trong thời gian này, chủ ruộng chỉ cần thỉnh thoảng xẻ rãnh cho có nước vào ruộng để cói lớn mạnh.

Sự trông nom không vất vả mấy, và cói đã trồng rồi cứ theo thời tiết lớn dần, lớn dần cho tới khi thu tới, sau những trận mưa ngâu tháng bảy, cói trổ hoa. Hoa cói báo hiệu ngày gặt cói sắp tới.

Với thu sang đàn én từ phương Bắc bay về, mỗi buổi chiều sè sè liệng trên cánh đồng cói, chao qua chao lại. Tiết thu hơi lành lạnh, và buổi chiều sương thu buông thả, phủ lên ruộng cói bao la. Thân những cây cói nhẹ cọ sát vào nhau rào rào như nỉ non than thở.

Người ta gặt cói về tháng tám. Cói gặt xong lớp này, lớp khác sẽ lại mọc lên, và đến tháng tám năm sau người ta lại gặt lượt khác.

Một ruộng cói chỉ cần cày bừa trong năm đầu, những năm sau cói cứ tự nhiên mọc lên. Người ta có thể gặt được mười vụ cói mới cần cày bừa lại ruộng và trồng cói lại.

Cánh đồng cói vui vẻ nhất về mùa gặt.

Trời thu trong và dịu. Gió thu nhè nhẹ mát. Lòng người ta thư thái thênh thang. Người ta hân hoan đón gặt những cây cói, những cây cói quí báu sẽ biến thành tài sản của người ta.

Dân chúng mấy xã Tân Mỹ, Kim Đài, Văn Hải v.v... ngay từ lúc chớm thu người ta đã sửa scạn vụ gặt cói, người ta đợi cho hoa cói rộ nhiều, thân cói già hơn một chút là người ta rủ nhau đi gặt. Đầu tháng tám

là hoa cói đã rải đỏ khắp cánh đồng, rung rinh với gió thu, dưới những cánh bướm chập chờn, cùng những đàn ong từ núi Nẹ lũ lượt bay ra hút nhị hoa về làm mật. Thân cây cói sẫm hơn, và cũng có đôi ba cây ngả từ mầu xanh sang mầu vàng nhọt.

Người ta bắt đầu vụ gặt.

Từ từ mờ sáng tinh sương, tự các ngã làng người ta lũ lượt dắt nhau ra cánh đồng, đàn ông có, đàn bà có. Vừa đi người ta vừa vang vang nói chuyện, gây nên một cảnh nhộn nhịp trên những con đường làng. Có những cô thiếu nữ xinh tươi, cười nhí nhảnh với những chàng trai nhanh nhẹn. Có những người đứng tuổi đi nghiêm trang giữa đám trai trẻ bông đùa. Có những chàng trai đi sát cánh với gái làng để nói vài câu chuyện không đâu.

Một vài bà già chậm chạp đi sau, ý chừng đang hồi tưởng lại thủa mình còn con gái. Các bà có lẽ cho bọn trẻ bây giờ quá tự do, con gái mất cả vẻ thùy mị e lệ của thời xưa, và con trai thì quá sỗ sàng. Đôi khi có bà nghiêm khắc quở mắng ngay con cháu về tính quá tự nhiên của chúng, thì lại có bà trẻ hơn, rộng rãi hơn, hiểu biết mỗi thời mỗi khác can ngăn. Vả chăng ai chẳng có thời con gái:

Xưa kia ai cấm duyên bà,

Bây giờ bà già bà cấm duyên tôi.

Dân làng đi tới những ruộng cói, kéo nhau xuống cắt cói, ai ở ruộng người ấy. Họ vui vẻ làm việc. Gió mát như làm tăng sự hăng hái của họ. Câu chuyện làm cho công việc nhẹ nhàng hơn.

Một tay cầm liềm, tay cầm nắm cói, họ cúi xuống đưa liềm cắt vào chân đám cói. Cói đã cắt, họ đặt ngay xuống ruộng để cắt đám khác. Lưỡi liềm sắc bén cứa cây cói rất gọn gàng. Họ lúi húi vừa cắt cói vừa nói chuyện với những bạn làm việc ở nơi ruộng bên cạnh, hay ở chính ngay ruộng mình. Tiếng ở ruộng này vọng qua, tiếng bên ruộng kia vọng lại. Họ bàn về cói tốt cói xấu, họ nói về chuyện làm ăn và đôi khi cả chuyện tâm tình nữa.

Cánh đồng cói quanh năm vắng lặng, với vụ gặt đã trở nên náo nhiệt khác thường. Ở ruộng này vài thiếu nữ đang cắt cói, ở ruộng kia

vài thanh niên đang đon cói thành từng gù, nghĩa là bó cói thành từng bó dài, ở một ruộng khác vài bà già đang cắt bỏ những bông hoa cói.

Không xa đấy, dăm ba thiếu phụ đang soi gương những gù cói nghĩa là xén chân những bó cói cho đều. Và các em bé cũng có công việc: các em nhặt những bổi cói nghĩa là những cây cói nhỏ kẹ, mà khi đon gù, người ta bỏ lại để xếp lại từng đống. Bổi cói lại sẽ đuợc bó lại thành từng bó, đánh thành danh bổi để lợp nhà.

Lớn, bé, già, trẻ, thiếu nữ thanh niên, ai nấy đều chăm chú với công việc mình. Họ cặm cụi làm việc, mặc dầu họ luôn luôn cùng nhau trò chuyện cho đỡ mệt.

Ruộng cói nào cũng thấp thoáng những bóng người, với những cử động làm rung rinh ngọn cói chưa cắt.

Thỉnh thoảng lại vụt lại vài tiếng cười ròn rã của các thiếu nữ vừa được nghe một vài câu chuyện vui trong lúc làm việc.

Mùi cói thơm thơm hòa lẫn mùi đất miền duyên hải dịu dịu.

Đi cắt cói, đàn ông cũng như đàn bà, họ ăn mặc rất đơn sơ gọn gàng. Chỉ có quần nâu áo nâu. Các cô thiếu nữ có đội thêm chiếc khăn vuông màu nâu đỏ để giữ cho tóc khỏi xõa. Ở đây các cô không ưa diêm dúa như thiếu nữ các tỉnh miền Bắc ngoài quần áo còn thêm nào yếm, nào giải yếm hoa đào, thắt lưng lụa bạch, hoa lý hoặc thiên thanh. Họ không có cả đến chiếc thắt lưng màu tam giang như chị em vùng Nam Định. Tuy y phục đơn sơ, nhưng trông các cô cũng không kém vẻ duyên dáng. Dưới nắng thu, má các cô ửng hồng, môi các cô tươi thắm, và những lúc mỉm cuời, các cô để lộ đôi hàm răng đều như hạt lựu và đen nhức như hạt na già. Các cô luôn luôn vui vẻ trong việc làm. Để quên mệt nhọc, đôi khi các cô đã nói ghẹo những trai làng cùng làm cói khiến cho nhiều chàng trai thẹn thùng đỏ mặt tía tai. Các cô nói đùa, các chàng trai nói đùa trả lại, tiếng cười tiếng nói vang trong gió. Công việc theo đà câu chuyện càng thêm mau lẹ.

Họ làm việc từ sáng đến trưa, lại từ trưa đến chiều quên cả thời gian lẫn sự mệt nhọc. Buổi trưa, lúc mặt trời đứng bóng, có những người tự các ngả làng mang cơm tới, họ đình công việc để cùng nhau dùng bữa. Bát cơm thanh đạm, miếng ăn rau dưa nhưng rất ngon >miệng. Cơm nước xong, người ta nghỉ ngơi mươi lăm phút. Trong những phút này có những chàng trai tìm đến những thiếu nữ bạn lòng để ngỏ mấy lời tri kỷ. Mối tình ấp ủ từ bao lâu, giờ đây mới là lúc giải ngỏ cùng nhau. Nàng nghe chàng nói lòng sung suớng, trái tim dồn dập. Và nàng cũng ngỏ lòng mình với chàng. Bốn mắt cùng liếc đôi lòng cùng ưa.
Đôi ta như đôi con tằm
Cùng ăn một lá cùng nằm một nong, 
Đôi ta như đôi con ong
Con quấn, con quít, con trong con ngoài.
Rồi chàng đưa trầu mời nàng ăn. Nàng ngập ngừng không biết có nên nhận hay không. Miếng trầu là đầu câu chuyện, nên mặc dầu ngập ngừng, nàng không từ chối. Lá trầu xanh, miếng vỏ đỏ, mảnh cau dày màu sẽ làm cho môi nàng thêm thắm đỏ, miệng nàng thêm tươi. Rồi bao nhiêu câu chuyện tâm tình sau miếng trầu.
Gặp nhau ăn một miếng trầu 
Gọi rằng nghĩa cũ về sau mà chào
Miếng trầu đã nặng là bao 
Muốn cho đông liễu tây đào là hơn
Miếng trầu kể hết nguồn cơn 
Muốn xem đây đấy thiệt hơn thế nào
Miếng trầu là nghĩa tương giao
 Muốn cho đây đấy duyên vào hợp duyên.
Rồi miếng trầu tàn, câu chuyện đôi bên cũng phải ngừng để phải tiếp tục nốt công việc gặt cói.
Họ lại cùng vui vẻ làm việc cho tới chiều.
Những bó cói đã được cắt hoa, soi gương xong, được xếp xuống thuyền để đưa về làng, nhưng một số lớn cũng do người ta đội về.
Họ làm việc cho tới lúc trời sâm sẩm tối, chuông nhà thờ Kim Đài gióng giả đổ hồi.
Với tiếng chuông nhà thờ, người ta tạm ngừng mọi công việc ở ngoài đồng.
Trên các con đường làng, họ lại lũ lượt kéo nhau ra về. Bóng họ in lên bóng hoàng hôn. Người người đều đội trên đầu những bó cói lớn. Bóng họ khuất dần vào bóng tối đang lan trùm trên cánh đồng. Những làng xa xa với những nóc nhà thờ cao vút, với những lũy tre xanh nổi đen sẫm trên màn đêm đang phủ xuống.
Mang cói về nhà, người ta chất đống ở giữa sân, rồi người ta rủ nhau đi nhà thờ cầu nguyện để tạ ơn Chúa đã ban chàng trai trẻ, nhưng thiếu nữ lại xin ơn trên ban phước cho họ được hòa hợp duyên ưa với người họ hằng mong ước mến yêu.
Lòng họ đang tin tưởng ở Chúa, cũng như tin tưởng ở tương lai ở một ngày mai tươi sáng huy hoàng, ở cái ngày mai mà trước mặt Chúa họ sẽ được các Linh Mục lồng vào ngón tay họ chiếc nhẫn yêu đương để gắn liền đời họ với đời của người bạn lòng mong mỏi.
Ban đêm họ mê thấy Thiên Thần mang tới cho họ tình lành giấc mộng đẹp như hoa, rực rỡ như buổi bình minh.
Và buổi bình minh hôm sau họ lại lũ lượt dắt nhau ra đồng để tiếp tục vụ gặt.
Cói gặt về, sẽ được chẻ làm tư, phơi khô và dùng để dệt chiếu, đan bị, hoặc tết những túi nhỏ gửi bán ở thành thị.
Khi cói đã được phơi khô người ta sẽ lựa chọn phân loại, tùy theo việc mà dùng. Những sợi cói nhẵn đẹp trắng, không ố, không vết sẽ được để riêng để dệt loại chiếu đậu là loại chiếu tốt, hằng được các nhà quí phái kén lựa. Còn loại cói khác dùng để dệt chiếu sô, tức là loại chiếu thường. Loại chiếu này có khi dệt xong được in hoa, gọi là chiếu hoa. Cũng gọi là chiếu hoa những loại chiếu được dệt bằng những sợi cói đã nhuộm sẵn, đó là chiếu hoa cải. Những sợi cói xấu dùng để đan bị, đan bao.
Cói gặt trong vụ tháng tám, người dùng quanh năm, và quanh năm người ta có việc làm. Các thiếu phụ, thiếu nữ ngày ngày nhuộm cói, dệt chiếu, vất vả sớm hôm, nhưng luôn họ vui vẻ với công việc của mình. Hạnh phúc gia đình đến với việc làm của họ. Làm việc họ chỉ nghĩ đến sự no đủ của chồng con, sự êm ấm của gia đình.
Mỗi ngày chủ nhật họ rủ nhau đi nhà thờ. Họ cầu nguyện cho chồng con họ, họ cầu nguyện cho những người họ yêu đương. Họ tin tưởng ở bề trên, họ giữ vững lòng tin bên cạnh Chúa. 
Toan Ánh
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...