Thứ Ba, 4 tháng 1, 2022

Khách nợ 3

Khách nợ 3

Một người đi xa về

Buổi trưa hôm ấy, có một chiếc xe sắt, chở một người khách lạ, vào đầu làng Nghĩa Đô.

Con đường nhỏ, mỏng manh, bò ngẩn ngơ giữa cánh đồng lúa, như một làn khói vương. Thanh vắng quá. Nói là một đám mây bao la. Cánh đồng bát ngát im, đợi. Bây giờ đương mùa thu. Trong mùa thu thường có những ngày rất êm ả, trời đất dâng dâng mơ hồ, khó lòng mà đoán được giờ giấc.

Chiếc xe ngật ngưỡng trên dải đường gồ ghề. Cái chốt bánh nỉ non lên từng hồi cót két. Đôi vòng sắt nghiến xuống những mô, hõm đất, vỡ ra những tiếng nức nở nhỏ. Người phu xe khom lưng xuống, hai khuỷu tay nhô lên như hai cánh chim, mặt đất trắng lì, những bàn chân vả xuống bạch bạch.

Người khách ngồi ngất nghểu, lắc lư theo từng vòng bánh. Khách lạ thực. Hình như không phải là người làng. Nom không quen mặt. Mà cách ăn mặc lại ngộ nghĩnh, khác kiểu. Đó chừng là một người ở xa tới. Một người ở trong những cái thành thị ánh sáng nào đó, về đây.

Người ấy, đầu đội một chiếc mũ cát-két bằng vải mông-ta-nhắc, sọc đen sọc trắng lẫn lộn. Cái lưỡi trai lại lật ngược ra đằng sau gáy, tỏ vẻ một tay ăn chơi. Chiếc áo bành tô vàng sọng, có một chuỗi khuy đồng trước ngực. Ở cửa tay, ở hai bên cổ, ở những miệng túi, cả hai bên ngực, cũng rải rác những chiếc khuy nhỏ. Làm gì mà lủng củng những khuy. Và đến túi cũng lắm. Túi nhỏ, túi lớn. Túi ở hai bên bẹn, túi ở hai bên ngực, túi ở hai bên trong lườn. Giá mà để đựng tiền thì đựng biết bao nhiêu tiền cho đầy! Chàng vận một cái quần lĩnh đen bóng nhoáng. Nền lĩnh lấm tấm hoa dâu óng ánh. Chân mang đôi giầy Tàu bằng nhung. Đôi giầy Tàu nhung thực là đẹp. Nếu có ở hai bên mũi giầy hai cái ngù hoa đỏ, thì đúng hệt đôi giầy của một ông tướng võ, một ông Triệu Tử Long chẳng hạn, trong những phường hát đám tháng Giêng.

Đấy, người khách ăn mặc kỳ lạ như vậy. Điểm vào bộ quần áo khác người, một khuôn mặt đen nhánh và rắn rỏi. Ở Nghĩa Đô, không có ai giống thế. Vả lại, trước mặt chàng ta, trên sàn xe, lù lù hai cái bồ cao ngất ngưởng. Hai cái bồ mới, thừng chằng xung quanh kỹ lưỡng. Đúng là người ở đâu đến. Một người ở xa đến làng. Một người đi làm ăn xa trở về làng. Có thể.

Chiếc xe đỗ. Con đường dẫn đến một cái cổng gạch. Chiếc xe ngừng ở đấy. Nhưng đường còn tiếp theo, đi dọc mấy ruộng rau muống ven sông Lịch và tựa vào một thành tre dài dằng dặc, rồi lấn nghiêng sang cánh đồng khác.

Bên trong cái cổng là một túp lều lá. Quán hàng nước đầu làng. Người ta, những ông già, những người rỗi việc, thường ra ngồi uống nước chè tươi và lấy đó làm nơi tụ tập để nói những câu chuyện hay, chuyện dở của mọi nhà. Những câu chuyện hàng nước vớ vẩn.

Người phu vừa hạ hai cái càng xe xuống, đã có mấy đứa trẻ không biết ở đâu, chạy đến. Lũ trẻ con lắt nhắt rất tài. Ở đâu cũng có chúng. Việc gì cũng có chúng. Chúng xán ngay lại và vây lấy chiếc xe. Những đôi con mắt mở to nhìn trừng trừng. Người kia không để ý gì đến bọn trẻ. Chàng bước gần lại phía hàng nước, trong khi người phu khuân hai chiếc bồ xuống đất, rồi đủng đỉnh dắt xe ra. Ở hàng nước, chỉ có vài người đàn bà. Chàng nọ bật chiếc mũ két ra cầm ở tay.

- Thưa các bà ngồi chơi...

Người ta nhao nhao:

- Chúng tôi không dám.

- Các bà không nhớ tôi ư? Tôi là Tại đây mà. Tại, con bà ba Miến mà.

Có người trố mắt nhìn. Bỗng có một người sửng sốt, kêu tru lên:

- Ối giời ôi, anh Tại đấy ư? Thảo nào, tôi nom cứ ngờ ngợ. Anh có nhớ tôi không? Tôi là dì anh đấy. Hai Trụy! Hai Trụy!...

- A...

Anh Tại chỉ mới “a” được một tiếng, thì bác gái hai Trụy đã cướp mất lời. Bác nói láu táu, láu táu. Bác nói như sợ ai nói tranh hết. Bác nói tất cả những điều thân mến với anh Tại, cũng cốt là nói để cho những người đàn bà đứng quanh đấy dỏng tai ra mà nghe nhân thế...

- Anh về nhà chứ?

- Vâng, cháu có hai cái bồ kia...

- Để trẻ nó khiêng cho. Chúng mày khiêng cho tao hai cái bồ vào nhà bác ba Miến. Có quà đấy.

Lũ trẻ xúm vào, dô ta , khiêng đi nhoay nhoáy. Nghe tiếng “quà” là hai lỗ mũi trẻ con nở ra rồi.

Bác hai Trụy tong tả đi vào trong xóm. Những người đàn bà ở hàng nước nói chuyện với nhau đằng sau:

- Con mẹ nặc nô chỉ hay làm công làm cán. Bà lão Miến bà ấy vẫn khinh như con chó. Vỏ chứ ruột thịt đếch gì!

- Trông thằng Tại bây giờ khác nhỉ?

- Chuyện! Nó đi Sài Goòng đã tám chín năm rồi đấy. Tôi còn nhớ năm đói ấy nước to lắm.

Chóng nhỉ.

°
°     °

Chóng thực. Chốc là tám năm trời. Làng nước bây giờ cũng đổi thay nhiều. Con đường ngõ xóm đã được lát bằng mấy dòng gạch phẳng phiu. Hai bên lối, không còn là những rặng cúc tần, rặng ô rô, những bụi xương rồng. Mà là những bờ tre gọn gàng, những nếp tường hậu vững chãi. Những người trai trẻ đứng lấp ló trong các ngõ nhìn ra đường, nom như những đứa bé ngày xưa, vừa mới lớn lên. Cả những tiếng chó sủa gâu gâu ở bên bờ ao, nghe cũng là lạ. Một mùi đất mốc dâng lên, ngửi quen thuộc như mùi lá vối. Đổi thay. Đổi thay. Thương ôi! Dưới gót năm tháng, cái gì không xê lệch đi. Hai bên má anh Tại đã mờ mờ hai vết lõm. Khi anh nhếch mép cười, để lộ ra hai chiếc răng vàng chóe.

°
°     °

Ngày trước, đáng lẽ cũng như những người con trai khác trong làng, công việc cả đời của anh Tại là tập học cho thạo nghề nhà, nghề dệt lĩnh. Chẳng may - hay là may - Tại lại không giống như họ. Cũng vì một câu chuyện nhỏ mọn. Câu chuyện nhỏ mọn lắm. Khi người ta lớn hơn lên, nghĩ đến câu chuyện cũ kia, có thể người ta bật buồn cười một mình. Hoặc khi người ta đã để râu rồi, nghĩ lại, có lẽ phải tự xỉ vả ghê lắm. Cái gì thế? Ôi, nó là câu chuyện tình của những người trẻ tuổi. Anh Tại, ngày ấy cũng có một câu chuyện tình. Câu chuyện đã làm xiêu vẹo cuộc đời anh đi.

Ngày ấy, anh yêu một người con gái làng. Cô Pha. Hai người yêu nhau lăn lóc, mê tơi. Cả làng đồn ầm lên rằng thể nào đôi ấy cũng lấy nhau. Và chính cả đôi ấy cũng tin chắc như thế. Yêu nhau rồi lấy nhau. Những ngày tháng sắp đến, bấm đốt ngón tay mà tính trước được.

Mùa đông năm ấy, đằng nhà anh Tại mượn người đến nhà cô Pha đánh tiếng. Nhà cô Pha bằng lòng. Hai nhà cũng gần gựa đăng đối như nhau. Trong làng, không đến nỗi lép vế gì. Thầy cô Pha chỉ chê có mỗi một câu: “Phải cái nhà nó khí thanh bạch”. Thì mẹ cô Pha kêu lên rằng: “Ôi chao, thầy nó chỉ nghĩ lẩn thẩn sự đời, nghèo thì càng dễ ở với nhau. Tôi chỉ thích những nơi cũng tiềm tiệm như mình”. Ông chồng không nói gì thêm. Tức là ông chồng đã ưng. Công việc của đôi trẻ xong được phần thứ nhất, cái phần giáo đầu. Bên nhà Tại, một hôm tốt ngày, đã xin cho đi lá trầu quả cau chạm ngõ.

Anh Tại mừng rơn, không phải thấp thỏm gì nữa. Tiền đò đã trả sẵn, chẳng còn lo ai ngồi tranh mất chỗ. Anh ta, mẹ anh ta, anh anh ta đương cùng cố để dành dụm lấy ít tiền. Ngày cưới định vào mùa rét năm sau. Những đứa cháu con nhà anh anh Tại hong hóng đợi ăn cỗ chú.

Nhưng mà hỏng. Nếu lũ trẻ đợi, ắt chúng nó mốc mép ra. Bởi rằng nhà cô Pha, thầy mẹ cô đã không ăn ở đúng được như lời nói. Tháng Giêng năm sau, có một đám khác cũng đến đánh tiếng muốn hỏi Pha. Người này là con một nhà khá giả bên Phú Gia. Người ta có ruộng, có đất bên làng này. Thầy cô Pha không biết nghĩ thế nào cho phải. Song lại chính mẹ cô Pha đã bằng lòng. Mẹ cô lật lưỡi ra mà nói rằng: “Ừ, mà phải. Cha mẹ mong cho con cái được sung sướng, chứ có mong đâu cho con cái phải khổ sở. Lấy cái thằng Tại thì bao giờ mới mở mặt được bằng ai”. Thầy cô Pha vốn hiền lành và nhu nhược. Ông ta tặc lưỡi. Ừ, công việc lại xong một lần nữa. Nhưng công việc xong với anh cả Nhiệm bên làng Phú Gia, không phải với anh cu Tại. Lá trầu quả cau chạm ngõ của nhà Tại người ta coi như không có. Chỉ thấy mẹ cô Pha ra đền lễ. Không ai biết được bà ấy khấn khứa thế nào.

Không ai nói gì với Pha. Cha mẹ xếp đặt nơi ăn chốn ở cho con gái. Song đến khi Pha biết thì Pha cũng ừ. Thế mới chết người. Chẳng hiểu cô nghĩ ngợi ra thế nào. Ai mà biết được những ý nghĩ tráo trở của người con gái mắt trắng kia. Có lẽ cô ta cũng chẳng nghĩ ngợi gì đâu. Nghĩ quái gì cho phiền phức. Muốn nơi no ấm, chẳng ai muốn nơi bần hàn. Cô ta nghĩ phần lợi cho mình. Tháng Giêng năm ấy, cô Pha lấy anh cả Nhiệm. Đám cưới làng nọ đi sang làng kia rất linh đình. Cưới xong, hai vợ chồng đem nhau về bên Nghĩa Đô làm nhà ở bên này, cho được gần gũi cha mẹ. Thật là khéo, con gái đi lấy chồng mà bố mẹ không mất con. Anh Tại không khóc. Anh lại cười. Anh cười nhạt, gằn lại. Trước ngày cưới Pha, mấy lần anh hẹn Pha đi nói chuyện mà Pha không đi. Pha nhất định không dính líu rắc rối gì với Tại nữa. Những người con gái, hay quên quá. Đầu tiên, Tại lấy sự bị quên đó là một điều rất tủi cực và đáng để tâm thù lắm. Thù này ắt hẳn thù lâu, Trồng tre nên gậy gặp đâu đánh què.

Anh không định đánh què. Mà anh định cắt lưỡi nó đi. Phải, cầm một con dao bầu thực nhọn và thực sắc, đưa ngay vào cuống họng nó. Anh nghĩ thế ra lối hăng lắm. Nhưng tới khi anh tưởng tượng rằng rồi nó ngã gục xuống, máu ở vết dao đâm tuôn xối ra ướt hết áo quần và bắn lên cả mặt anh. Một cái gông bằng gỗ to lắm tự dưng lù lù kẹp vào cổ anh... Anh thoáng rùng mình, lạnh gáy. Thế là những cái mẩu tư lự ghê gớm đó tan mất.

Để nghĩ tiếp, anh Tại lại nghĩ được thêm rằng: Nên cơn cớ này chỉ vì anh ta thiếu mất một thứ, nên mới bị phụ tình. Anh thiếu những đồng bạc tròn tròn, trắng trắng. Gõ xuống gạch bạc kêu reng reng. Anh ta đã hiểu. Từ đó, anh lại không hục hặc gì nữa. Giữa năm đó, Tại bỏ nhà đi vào Nam kỳ. Ai can cũng chẳng nổi. Ừ mà năm ấy nước to, đói kém.

°
°     °

Cho đến bây giờ.

Anh Tại về làng. Cái gì cũng thay đổi cả. Từ kẻ bỏ làng, bước chân ra đi, cho tới người ở lại nhà. Anh Tại bây giờ đã là một tay buôn bán. Anh buôn bán gì ở đâu thì chẳng ai biết, chỉ rõ ràng anh mang về nhà có được bạc trăm. Còn cô Pha? Cô Pha bây giờ nghèo khổ lắm. Vài năm hàng họ ế ẩm, vốn liếng bây giờ bay lên mây hết. Nhà đã nghèo, lại thêm một đàn con ríu rít như đàn gà. Ừ, ai mà biết trước được sẽ ra sao!

Anh Tại sai các cháu đi chia quà bánh cho khắp xóm. Những quả măng cụt đen sì. Những quả dưa đỏ - thứ này trái mùa, ở vùng đây bây giờ không có. Rồi, cuối tháng, anh Tại làm một bữa rượu, mời bà con anh em đến chén. Khắp làng đồn inh lên rằng anh Tại bây giờ giàu sang lắm.

Cũng buổi chiều hôm ấy, vợ chồng anh cả Nhiệm choảng nhau một trận kịch liệt. Trước cũng vùng vằng xoàng, sau hình như chị ta có than một câu rằng: Ngày xưa, giá như thế này... thế nọ... tao đã chẳng khổ như bây giờ... Anh cả Nhiệm hiểu ngay lập tức. Anh cả Nhiệm giận tím mặt lại. Anh vác rõi cổng phang vào lưng vợ. Rồi anh cầm cả một cái rổ bát, quẳng ra giữa sân...

1942

Mùa ăn chơi

Đã có mưa bụi. Về buổi sáng, từng cơn mưa nhỏ rây bụi nước bay vân vân, phủ mờ mịt trong cánh đồng. Cỏ xanh rười rượi. Cây lên ngút ngàn. Mùa xuân mới đã sang rồi.

Bấy giờ đã ngoài rằm tháng Giêng. Những đám bà già lũ lượt đi hội chùa đã vãn. Bắt đầu vào các hội đình. Một buổi sớm đầu tháng Hai, một toán khách lạ đi vào trong làng. Có đến bảy tám người. Ai cũng chít khăn lượt, bận áo the dài. Trong nền áo, lòe xòe túm thắt lưng lụa đỏ, hoặc thắt lưng nái vàng khè. Mấy ông đứng tuổi đi trước. Cánh tay khoác lõng thõng cái ô. Những bác con trai, bác nào cũng đeo trên lưng một khăn gói nhỏ. Khách có dáng ở nơi xa tới. Đi đến cửa đình thì mọi người đứng lại. Một ông trong bọn đón một người đàn bà đi chợ qua, hỏi thăm:

- Bác cho tôi hỏi thăm nhà ông lang Thái.

- Nhà ông lang Thái ạ? Các ông cứ đi hết đường gạch này, đến chỗ bờ ao có bụi cúc tần, thì trông thấy cái cổng tán cạnh ba cây xoan. Nhà ông lang Thái đấy.

Bọn khách đã đi khỏi, người đàn bà đứng ngó theo. Những ai lạ đi vào xóm, bao giờ người làng cũng hay nhìn, ngắm tò mò như thế. Và không biết ở ngõ nào đã có mấy đứa trẻ con cõng em ngật ngưỡng lóc cóc chạy ra. Chúng hỏi:

- Người ta vào nhà ai thế, hả bác Niệng?

- Nhà ông lang Thái.

Chúng reo vu vơ:

- Anh em ới! Vào nhà ông lang Thái.

Có những đứa trẻ khác đã lẽo đẽo theo sau bọn khách, hợp thành một cái đuôi lôi thôi rách rưới. Cũng có đứa nhanh nhảu đã lon ton chạy đến cổng nhà ông lang Thái để gọi hộ.

Trong những hàng rào dâm bụt sau nhà, người ta đứng ngó đám khách lạ. Chó các nhà thi nhau sủa loạn làng. Một người, vẻ thông thạo, đoán:

- À, người đến đấu võ hội tháng Hai làng ta đấy mà.

°
°     °

Năm ấy, làng vào đám tháng Hai. Đám cũng đám lệ, không có hội hè gì. Làng mổ một con lợn, một con bò, cắt phần việc cho bốn giáp. Cửa đình mở từ sáng sớm hôm mùng mười. Bên sông Lịch, một lá cờ được kéo lên đầu cột. Trong đám lá xanh đậm, màu cờ nhuộm một sắc đỏ chói lọi. Giữa sân bầy một chiếc long đình.

Đôi bên cắm hai hàng cờ đuôi nheo. Phấp phới, hỗn độn những màu xanh đỏ tím vàng vẫy nhau trong gió. Gần đấy, đặt nghiêng một chiếc trống cái. Trẻ con giạng cẳng, thả sức nện trống suốt ngày. Bên góc sân, phía gốc đa, đã dựng lên một rạp chèo. Bốn cái cọc tre, đỡ một nền sàn bằng ván gỗ vuông vắn, trên phủ một lá cót, che mưa nắng. Đêm đêm, có hát chèo. Ngày mười một, các cụ trong làng phủng sắc vào một cái long đình, gõ chuông côông côông, rước loanh quanh thôn này qua thôn khác. Đám rước lệ, lèo tèo có vài bô lão đi guốc, áo thụng bạc phếch, và một lũ rất nhiều trẻ con. Trẻ con trong làng đổ theo cái long đình, sau mấy bô lão, bám như cái đuôi. Ba hôm việc làng, rước xách, trong các xóm, khung cửi nào cũng nghỉ dệt. Người ta nghỉ ngơi, ăn uống và tối lũ lượt ra cửa đình xem hát chèo.

Nhưng đám tháng Hai năm nay hơi khác mọi năm. Rước xách vẫn nhạt nhẽo vậy. Đêm đến, cũng phường hát chèo. Năm nào, phường Bắc cũng nhớ ngày tới xin đám. Song đám năm nay khác, đám lớn hơn thường khi. Chèo hát ồn ã liền những tám đêm. Ban ngày, ngoài cuộc thường niên kia, lại có nhiều cuộc vui khác. Đánh cờ bỏi, chọi gà bên bãi Cơm Thi. Diễn võ trên rạp chèo. Leo cầu noi, lại có trò vui bắt chước hội Tây: bắt vịt dưới ao làng. Đám hội năm nay, ngoài sự lấy lệ, còn có tính cách một hội khánh thành cầu mới. Chiếc cầu quét vôi trắng xóa một nhịp ngang con sông nhỏ đã cạn dòng gần hết nước. Bởi thế, người ta gọi là hội cầu. Hội cầu làng Nghĩa Đô.

Suốt buổi có đánh cờ bỏi. Với đàn trẻ, trò này nhạt quá. Đâu chỉ có mươi ông râu đai đứng ngẩn ngơ bên những rào nứa cắm lỗ. Đánh gà chọi còn thú hơn. Hai con gà, da ức đỏ gay, nhảy lên đá nhau bịch bịch. Nhưng khoái nhất là xem đấu võ.

Ai cũng thích võ. Người lớn ham xem. Ông già lại càng ham nữa. Thời xưa, kẻ nào xoàng hạng bét cũng có thể vỗ đùi một cái, nhảy qua được một bờ rào xương rồng. Cái ngày dụng võ của thuở những ông cụ tám mươi ấy, còn in dấu vết nhiều trong đầu mọi người. “Ngày xưa, làng ta có cụ tám Lừ hét một tiếng vượt rút nóc nhà... Trước, bác cả Chửng làng ta, chân tay không mà đánh ngã được mười tên cướp... Cái độ loạn Cờ Đen bà Khảng lừa mẹo chặt cụt tay một thằng giặc Khách...” Câu chuyện ngày xưa, cái hồi giặc Cờ Đen sang ta... được kể trong những đêm mọi nhà tụ họp dưới ánh đèn. Chao ôi, ngày xưa ấy, người ta giỏi võ quá. Ai cũng ưa xem võ. Từ hôm đoàn các lò võ lục tục đến thì cả làng rộn rịch, nháo lên. Các nhà võ thì ăn chực nằm chờ, đợi ngày đấu. Người ta ngong ngóng đi xem.

- Hôm nào nhỉ?

- Mai.

- Nhớ rủ tớ nhé.

Đến đàn bà, con gái cũng náo nức:

- Mai chị rủ em đi xem đấu võ nhé!

°
°     °

Hôm đó, từ buổi sớm, sân đình đã đông ngộn, ghê người lên. Người đứng chen nhau, đen ngòm. Không một chỗ hở đủ cho đưa được một bước chân. Nghẹt quá, không thở được, trẻ con khóc inh ỏi như một đàn lợn bị chọc tiết. Rồi chúng trèo tường đình, chúng leo lên gốc đa. Bám thèo đảnh như con nhái bén. Một chân bôông bêênh, một chân bíu rễ đa, đầu nghếch dòm vào trong rạp chèo. Cứ kiểu lạ ấy mà chịu khó đứng được mãi.

Trên sân khấu cao, chưa thấy bóng một nhà võ nào. Nhưng các đồ võ đã bày la liệt. Một cái giá bằng tre, cắm ối thứ đánh nhau, mà người ta bảo là những mười tám thứ khí giới. Một thanh siêu dài, lưỡi xám xịt, đầu khoằm cong, cao cùng hàng với chiếc côn, cái thương và thanh kích mũi sắt. Hàng dưới, đều một dãy, hai con cá gỗ đuôi nhọn, gọi là song hỷ, hai quả chùy to thô lố như hai quả dừa. Một lá chắn đan bằng mây để đánh lăn khiên. Lại thanh mã tấu lưỡi vạt sắc lém. Hai thiết lĩnh có xúc xích loăng quăng. Tất cả, bầy dàn một hàng dài cho mọi người ngắm nghía.

Bên cạnh giá khí giới, kê một chiếc trống cái lớn. Một bác trai tuần, áo the dài, khăn lượt chít, một tay chống nạnh mạng sườn, cúi lom khom, nghiêng tràn dột từng hồi ngũ liên.

Tùng tùng tùng... Tùng tùng...

Ba tiếng một, hai tiếng một. Những hồi trống ngũ liên rền rĩ vang lên như nước cuồn cuộn chảy, như khói lửa nhuốm lên, nghe như xô đẩy, thúc giục kêu gọi ráo riết. Đấy là những tiếng trống thảm thiết của những ngày nước lớn, những khi có lửa cháy trong xóm. Với những người khố đơn, nghe mấy tiếng trống đòi nợ này, ai cũng giật mình, nghĩ đến tháng Năm của mùa hè sưu thuế. Nhờ trời, đây chỉ là những tiếng trống oai hùng thúc giục người ta đấu võ cho khỏe, và làm nao nức những người đứng xem.

Tiếng trống liên miên càng thúc người xô đến nhiều nữa. Đứng trên rạp chèo trông ra, đầu người lô xô, man mác. Người ta ganh nhau, cố nhô được mũi lên để thở. Đông quá, ai cũng nhăn nhó. Bọn con gái trong làng đứng họp một tốp lớn trên thềm đình cũng càng ngày càng nghển cao cổ lên, mới trông được thấy rạp. Lần lần, người ta len đến càng nhiều. Những anh con trai lúc này hay lượn qua lượn lại chỗ ấy, bây giờ cũng chịu đứng im, hết lượn. Không còn chỗ mà lách được nửa bàn chân! Nhưng ai cũng chịu khó ngong ngóng đợi. Sắp đấu võ đến nơi rồi. Trẻ con hét lên như thế. Rồi một tiếng đồn lan rộng trong đám đông, bao nhiêu người thét rầm rĩ:

- Đã ra kia. Đã ra đấy, anh em ơi!

°
°     °

Các đoàn võ sĩ đi ra. Một bọn mấy người áo the khăn lượt đi guốc mộc là những người ở lò võ vùng Bạc. Các ông đi giữa, nhai trầu bỏm bẻm, mặt đỏ gay và tròng mắt cũng đỏ lịm. Đấy, đoàn võ bên Phú Gia. Đi sau cũng là các tay võ làng Nghĩa Đô và những nhà võ bên Bắc.

Tất cả mọi người lên đứng dàn phía sau rạp trò. Bên trên trò ràn rạn mấy thứ giải cuộc đấu. Hai cái gương tranh vẽ con diều hâu mỏ khoặm, đậu trên một hốc cây cụt, giương đôi cánh lớn. Hình Anh hùng độc lập . Phấp phới mấy vuông nhiễu điều thắm tươi. Lại có treo lủng lẳng hai bánh pháo.

Bây giờ bác trai tuần đã dừng tay thúc trống. Người ta đốt một bánh pháo để khai cuộc diễn võ. Tiếng pháo nổ tì toạch. Khói pháo bay mịt mù, phủ vào trong đám đông. Đến lúc khói pháo tan lên ngàn cây sân đình, rạp trò đã mở ra cảnh múa võ.

Ông Thái là một tay võ làng này. Ông ăn mặc thực ra kiểu nhà võ. Đầu ông bịt vòng khăn, bỏ lửng một múi bên tai. Áo đen khuy tết may rộng thùng thình hai cánh tay, như áo chú Khách bán thuốc ê. Quần cũng màu đen. Hai đầu ống bó lại, nhét trong bít tất đen, quấn vòng ngoài một chiếc nịt cao su đỏ. Chân ông cũng dận một đôi giày đen. Khắp người ông toàn một màu đen tối xỉn lại. Chỉ trừ một dải lưng lụa bạch, thắt bỏ dài thõng hai múi xuống. Dải lưng trắng xóa, nổi bật trên nền đen tuyền. Ông Thái cầm dùi trống, gõ chậm chậm từng tiếng. Ông đứng cầm trịch. Trước hết, người ta biểu diễn qua tất cả các môn võ các lò với những khí cụ cắm trên giá. Lần lượt, các võ sĩ trèo lên sân đấu. Mỗi người đi một bài. Một ông chụp hai tay lên miệng làm loa, quay xuống đám đông, hô thực to:

- Võ sĩ Nành ở Phú Gia đi bài “Quý châu”!

Võ sĩ Nành trèo lên sân khấu. Võ sĩ Nành cởi trần, mặc quần nâu lửng. Đứng giữa rạp, võ sĩ thóp bụng lại, khoạng hai chân, xuống tấn trung bình đánh huỵch một cái. Hai tay cong lên, lấy gân. Rồi mắt, rồi mũi, rồi má, trợn trừng trợn trạo, võ sĩ loay hoay đấm đá, gạt đỡ linh tinh ra bốn phía. Tiếng trống thúc đều đều... Một lúc, võ sĩ Nành khom lưng, xuống chảo mã vòng khuỷu một tay, một tay xòe trước mặt, vêu cái cằm, tròn mắt nhìn ra mọi người. A, bái tổ, hết bài. Trẻ con vừa cười vừa kêu. Ngoài kia tiếng vỗ tay rầm lên như sấm động.

Cái ông làm loa ban nãy, lại hô:

- Võ sĩ Định ở bên Bắc đi bài “Hầu quyền”!

Võ sĩ Định lên đài, múa nhoay nhoáy một bài hầu quyền, chân tay thoăn thoắt như con khỉ trèo cây. Rồi khum người, bái tổ, lùi xuống. Ông “loa” lại quát:

- Võ sĩ Đại ở Phú Gia đánh bài “côn”!

Tiếp đến đánh côn, đánh song xỉ, lăn khiên, múa chùy. Đủ cả. Mỗi võ sĩ lên múa một thứ, ông “loa” lại nói cho mọi người được rõ. Tiếng vỗ tay rền lên. Người xem thích quá, mê tít, không biết mỏi chân, mỏi mắt. Mãi đến quá trưa, mới vào những cuộc đấu. Trước hết, ông “loa” mời người đứng xem ở dưới, ai có giỏi thì lên đấu quyền. Không ai giỏi, nên chẳng mãnh nào dám lên. Rồi ông “loa” lại mời những người đứng dưới, ai có giỏi thì lên đấu kiếm, hoặc đấu một thứ khí giới nào cũng được. Không ai nhúc nhích. Lũ trẻ con bám ngoài cọc rạp thì há miệng, tưởng tượng. Tưởng tượng giá ta biết võ mà được lên đài bây giờ, ắt đấu nhau phải khiếp lắm. Kể ra, mời mọc như thế, cũng chỉ là mời lấy lệ. Bởi ai người ta cũng chỉ cốt đi xem. Ai có võ, đã đứng ra đằng sau rạp rồi.

Thường lệ, không mấy ai đấu quyền với các lò lạ. Đấu quyền nguy hiểm. Nếu cố ý, có thể thoi những quả ngầm chết được người. Bởi vậy, sau mấy cặp đấu quyền biểu diễn, người ta vào cuộc đấu kiếm.

Một nhà võ nhảy lên đài. Đầu húi ngắn, mặc áo nịt ngắn và quần cộc đen, tay xách chiếc kiếm gỗ, trèo lên sân khấu. Tiếng trống khua đều đều... Mỗi nhà đi một bài kiếm, trước khi đấu. Đường kiếm bắn ra xung quanh vun vút. Khi lên khi xuống, ngọn kiếm lia vù vù, thấp thoáng ẩn hiện.

- Võ sĩ Vị đấu với võ sĩ Tộ.

Bây giờ hai người đứng đối mặt nhau. Hai thanh kiếm so lại, dứ, rồi bắt đầu đánh. Tiếng song tiếng lụi đập chan chát. Chàng này xô thì chàng kia lụi. Một người đâm, một người đỡ. Những cái gạt xoèn xoẹt biến chuyển cùng với hai cánh tay rắn chắc, thịt nổi lên như những thớ đá.

Tiếng trống thúc đổ rền rền..., cuộc đấu càng ngày càng hăng và dữ dội. Người xem hồi hộp theo từng nhát kiếm vút.

Bỗng soạt một tiếng mạnh. Một thanh kiếm văng lên, rơi ra ngoài rìa ván gỗ. Võ sĩ Tộ, mặt tái mét, run run giơ cánh tay phải. Một dòng máu đỏ tươi, từ trong khe ngón nhuộm xuống lòng bàn tay. Kiếm của Tộ đã ăn một đòn mạnh quá của Vị, văng đi mất. Tộ bị toạc hổ khẩu, chảy máu. Tiếng vỗ tay dội lên. Nghe như thác nguồn đổ xói vào hốc đá. Võ sĩ Vị thắng cuộc.

Và cuộc đấu kiếm, cứ đôi một, kéo dài mãi. Mọi người xem mê mải. Cho tới quá trưa, đám võ mới thôi. Nhưng hôm nay mới là cuộc đấu loại. Ngày mai vẫn còn đấu loại. Ngày kia mới đấu thực ăn giải. Ai cũng đoán:

- Năm nay giải kiếm về bên Bắc mất.

°
°     °

Ba hôm sau, hết hội làng. Mọi khung cửi lại sắp bắt đầu dệt. Những cây hoa giấy xanh đỏ trồng trong các ngõ xóm đã rách tướp và rụng lả tả. Trẻ con buồn, tiếc ngẩn ngơ. Ngày vui thực là chóng tan.

Các đoàn võ sĩ cũng giải tán, đâu về đấy. Những khăn gói lại đeo lên vai. Đoàn bên Bắc vẫn tám người đầy đủ. Mấy ông áo the chùng, khăn lượt chít, cánh tay khoác ô đi trước. Vài bác con trai đi sau, tay nải nằm trên lưng. Có bác vác một cái gì như một chiếc mâm gỗ vuông, ngoài phủ vuông lụa đỏ. Nom tựa mâm đồ đi đám cưới. Không, không phải. Đó là cái giải kiếm, chiếc gương lớn vẽ hình Anh hùng độc lập . Kết quả của sự tài giỏi và những ngày ăn chực nằm chờ khó nhọc. Về đến nhà, lại tốn kém, chết vô khối gà vịt để ăn mừng. Nhưng giờ không ai bận nghĩ đến chuyện tốn kém. Ba tháng xuân hội hè, người ta ăn chơi.

Đoàn võ sĩ vác giải về tận bên Bắc. Thôi đường cánh đồng xa thẳm, đi hàng nửa ngày. Nhưng mọi người bước những bước vui. Bấy giờ trời đất vẫn còn cái u ám mát rượi của mùa xuân dịu dàng. Gió bay phần phật những dải thắt lưng lụa nhuộm điều, những dải thắt lưng nái vàng khè. Mưa sa phơi phới.

1943

Giữa thành phố

Trên tầu hỏa bước xuống ga đầu cầu, Lấm đã trông thấy chú Tư nghểnh cổ trong đám người lố nhố trước mặt. Lấm vừa reo, vừa nhảy, vừa kêu lên:

- A chú Tư! Ối, ối kìa chú Tư!

Hắn xô cả mọi người, chạy lại với chú Tư. Hắn nói vội ngay một câu đầu tiên:

- Hết cái cầu sắt thì đến ngay ga, chú nhẩy? Đúng quá.

Làm như cái sự đúng ấy là một việc gì kỳ dị.

Hai chú cháu, kẻ trước người sau, vòng theo cái cầu bậc đá, đi xuống vệ đường. Vừa đi bác Tư vừa nói:

- Đem làm gì khoai với củ ra thế này. Ở nhà đã chả có.

Lấm cúi nhìn xâu khoai đeo lủng lẳng dưới cái tay nải. Lấm nhìn chú. Và Lấm ngơ ngác nhìn xung quanh. Hắn nhéch mép để hểnh hai hàm răng mái hiên màu cải mả nhờ nhờ. Không hiểu Lấm cười hay là Lấm mếu!

°
°     °

Hôm xưa, về quê ăn giỗ ông nội, bác Tư dặn cháu Lấm đến mười tư thì sang Hà Nội chơi. Bác đưa sẵn cả cho Lấm một suất tiền tầu và thêm mấy xu cho uống nước.

Bác hơi huếnh một tí. Bởi bác nghĩ tội nghiệp thằng cháu ngốc nghếch ngót hai mươi tuổi đầu mà chưa được trông thấy cái đèn điện sáng nó ra thế nào. Hôm về làng, ngoài mấy phong bánh khảo nhân đậu, bác Tư còn bọc được vào đáy bị mạt cưa một cân nước đá. Để làm cái quà lạ mắt. Và cả nhà đều lấy làm lạ mắt thật. Cân đá chảy ngót gần hết, nhưng cũng còn đủ để bác Tư chặt mảnh đá nhỏ, đem đặt vào lòng bàn tay Lấm. Thấy lạnh, Lấm cười khì khì. Đến lúc buốt, Lấm giãy nảy, kêu rầm lên. Lấm bảo với chú: “Cái thứ đá Tây quái nhẩy? Nó buốt tê thin thít. Ai có tội, đem bỏ vào mồm thì đến rụng ráo cả răng!”.

Sáng nay, Lấm trở dậy tự lúc gà mới gáy tam canh. Mẹ Lấm, thầy Lấm và cả cái Hoe, em gái Lấm cũng dậy sớm như thế. Cả nhà rộn rịch sửa soạn cho Lấm sang tỉnh. Thầy Lấm soi đèn vào buồng, chọn từng củ khoai nghệ mẫm, đem xâu cái lạt tre. Mẹ Lấm và cái Hoe xuống bếp thổi cơm. Cơm chín, Hoa lấy vuông khăn vải, bóp nhào nhuyễn lại thành một nắm lớn rồi bọc kẹp vào hai mảnh mo cau non để Lấm mang đi làm lương ăn đường. Mẹ Lấm cứ nhắc đi nhắc lại: “Lên tầu thì ngồi vào giữa ghế, không được trông nghênh, trông ngáo, không được thò cổ ra ngoài. Nhớ để cái tay nải kẹp vào hai đầu gối, kẻ cắp tầu hỏa là chúa ranh đấy. Mà ngồi thì phải chọn chỗ ngồi với ông già bà cả. Mỗi bận tầu đỗ phải hỏi người ta xem đã đến nơi chưa. Ga gì nào? Ga Đầu Cầu. Tầu đi hết cái cầu sắt kêu xoành xạch điếc tai một lúc là đến nơi. Nghe kỹ chứ đừng nhăn răng ra cười mà có khi trắng mắt ra đấy, nỡm ạ!”

Lấm ra vẻ ngoan ngoãn nghe. Nhưng mà ra vẻ thế thôi, chứ từ hôm chú Tư cho tiền để đi Kẻ Chợ, Lấm được nghe những câu mẹ dặn đã tới tám mươi nhăm bận rồi.

Lấm rối rít đi rửa mặt và vuốt nước lên chỏm tóc đỏ hung hung. Hàm răng vẩu như chìa dài thêm ra, Lấm mặc cái áo tấc chồi vàng chóe, còn nguyên cả đầu mấu. Cái quần vải ta của Lấm, hai ống rộng huếch, cứng cành cạnh. Lấm định mượn đôi giầy của anh Điềm để diện, nhưng thầy Lấm mắng: “Chớ có mó đuôi ngựa. Mày lại không biết tính cách thằng Điềm keo cú! Đi lên chỗ đô hội, kẻ cắp như rươi, mà mất của nó thì gọi là đền mượt. Đi chân đất thì làm sao? Càng thanh mảnh, càng mát mẻ cái chân. Tao, tao cứ đi đất hàng đời”. Cho nên, Lấm lại thôi không dám mượn. Và quả tình với sự quen xưa nay, cũng thấy đi đất là nhẹ nhàng, chả có khác gì cả.

Chỉnh tề rồi, Lấm đeo lên vai cái tay nải trong đựng nắm cơm. Xâu khoai thì buộc vào núm đầu vai.

Trời chưa tan sương. Từ làng Lấm đi ra cái ga xép gần nhất, phải qua hai cánh đồng. Mẹ và cái Hoe đi với Lấm ra tận cổng làng.

Và bây giờ Lấm đã để chân được xuống ga Đầu Cầu.

°
°     °

- Vào đây, cháu.

Từ lúc vào đến trong phố, đôi mắt, đôi tai, hai lỗ mũi và cả mồm dẩu của Lấm cứ trông, cứ nghe, cứ rối rít tang bồng. Người ta và các thứ xe cộ đi lại nhộn nhịp leng keng cả lên. Bao nhiêu tiếng động rầm rầm, to bằng mấy họp việc làng, như sắp vỡ chợ, như trong xóm có đám cháy. Lấm để tinh thần vào tất cả đến nỗi chú gọi mà cũng chẳng nghe thấy tiếng.

Bác Tư tóm lấy cánh tay Lấm:

- Vào đây chứ, Lấm!

Lấm hốt hoảng chìa răng ra cười:

- Hờ. Đã đến nhà rồi? Chỗ nào, chú?

Chú dẫn cháu vào một cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu. Cái cửa hàng đó ở giữa một phố cụt, lúc nhúc những nhà hẹp và tối, rộng bằng bề ngang cửa như những bao diêm để cạnh nhau.

Chẳng biết đây có phải là một cái nhà không, hay là một cái đình con con. Nếu cứ trông lên nóc nhà của các phố buôn bán thì không thể nhịn cười được. Những mái hẹp, ngắn, méo, dài cổ lỗ tự đời kiếp nghiệp lai nào! Mái nhà, tường nhà chen chúc nhau, kèn cựa nhau để lấy một chỗ ló mặt. Những mái nhà trong những phố đông đúc, khổ sở, khốn nạn, bẩn mắt. Đến ngay cu Lấm, ngắm nghía mãi, mà cũng phải lấy làm không thích cái chật hẹp quá thế.

Lấm bước chân vào trong nhà, đụng phải vô khối người. Cả người cũng lủng củng, chật hẹp thế. Nào đàn bà, nào đàn ông, nào trẻ con. Nhưng dường như chẳng một ai chú ý đến chú cháu nhà Lấm. Bác Tư cũng không để Lấm đứng ở đấy. Bác đưa Lấm vào một góc nhà tối om. Mắt Lấm bỗng sầm lại. Bác bảo Lấm: “Trèo lên”. Lấm ngẩng đầu để xem là mình trèo lên cái gì.

Ồ! Lấm sẽ trèo lên một cái thang. Ở phố phường mà cũng có cái thang. Ừ, cái thang. Nhưng cớ làm sao, trông thấy cái thang để trèo lên, Lấm lại ngần ngừ và quay lại nhìn chú? Ấy bởi những cái bậc gỗ, lắp vào hai gióng gỗ và gắn dựng đứng lên cái tường xám. Nó thẳng như một thân cây cau. Nó thẳng nghiêm chỉnh, không nghiêng, không vẹo về phía nào hết. Những bậc gỗ, vì lên xuống nhiều, đã lên nước bóng nhoáng.

Thấy thằng cháu nhìn mình thì bác Tư hiểu ra cơ sự nó lạ nó sợ. Không nói, bác thực hành luôn để cho nó trông thấy. Víu cái bậc gỗ, bác cong người lại. Tay bác lên một bậc thì chân bác lên một bậc, y như thằng người leo cột mỡ. Trên đầu bác Tư hổng ra một cái lỗ vuông. Bác chui lọt vào cái lỗ rồi đưa tay xuống với lấy cái tay nải và xâu khoai. Bác ra hiệu:

- Oách... oán... oong... đơ. Trèo dễ như bỡn. Cứ như trèo cây ổi ở nhà ấy mà.

Lấm nghe lời chú, bám cái bậc gỗ, khom lưng lại mà trèo. Ở nhà, ngày nào Lấm chẳng trèo cây. Thì quả dễ y như rằng. Lên khỏi thang, Lấm luồn được người vào trong một cái bục gỗ. Cái bục này ba phía giáp với mái nhà, một phía có cửa nhìn ra đường chằng một lượt dây thép mắt cáo. Để cho ai vô ý khỏi lăn thòm xuống thềm hè dưới kia. Người ta không thể đứng được. Hay nếu có gọi được là đứng, thì chỉ khom người, khòng khòng cái lưng.

Hai người ngồi trong cái gác thì vừa vặn. Những tiếng lắc rắc chuyển động xung quanh cái mộng ván nghe đều đều vui tai nhưng sao cứ cảm như mảnh ván bập bênh có thể sập xuống như một cái cạm chuột, lúc nào không biết chừng.

°
°     °

Chui rúc trong cái gác đó đến sáng hôm sau thì Lấm chỉ để ý để mắt cũng thông thuộc cả nhà dưới, nhà trên, nhà ngoài - nói là hai gian nhà ngoài thì đúng hơn - nhà ngoài là một hàng bán tương cà, mắm, muối và kim chỉ của vợ chồng một “thày ký” mà chú Lấm bảo: “Ông ấy đi làm việc Tây”. Nhà ấy có một đàn bốn đứa con.

Nhà trong chỉ là một chiếc giường rộng, kê vừa khít vào cái ô buồng, lối lên thang gác nhà chú Tư. Ban ngày, giường ấy chẳng có ai. Nhưng tối đến, có năm người đàn ông nằm song song. Tính ra, kể tất cả lớn bé, tới xấp xỉ mười lăm mười sáu người nhét trong cái bao diêm nhà chồng lên nhau này. Gác của bác Tư ở lơ lửng quãng giữa. Chui vào gác tối om như thể chui vào cái vỏ chai. Chưa bao giờ Lấm nghĩ ra Kẻ Chợ lại như thế.

Nhưng thế mà Lấm cũng thấy thích đáo để. Cả ngày chú Tư đi làm. Chú Tư làm việc sở lục lộ. Chẳng hiểu chú làm việc gì. Lạ lùng, có hôm thấy chú vác về cái chổi tre cán dài như chiếc đòn gánh. Chỉ biết dẫu sao sở lục lộ cũng là nhà nước. Chú Tư mặc quần áo nâu và đeo ở bên cánh tay trái một cái biển đồng bóng nhoáng to bằng cái lá mít. Chú thổi cơm buổi sáng, ăn cơm rồi còn bao nhiêu đem nắm làm hai nắm. Một đem đi ăn trưa, một để lại cho Lấm. Như thế tiện và đỡ diệu vợi bếp nước. Bởi vì đỡ phải khó chịu về sự thổi cơm nhờ bếp lại thêm việc bưng nồi lên cái thang kỳ quái ấy còn là một điều khó nhọc hơn.

Lấm cũng ăn cơm như chú. Lấm ngồi nhòm nhõm trên gác, nhìn qua cái lưới mắt cáo, xem những người đi lại dưới đường. Cũng vui mắt. Đêm đến, không phải thắp đèn. Cái đèn điện của nhà nước ở luồng dây thép giữa đường sáng cả vào chỗ chú cháu Lấm nằm.

Lắm đêm, chợt thức giấc, thấy sáng vằng vặc, giật mình, quên không biết nằm ở đâu. Mãi mới tỉnh ra. Tẩn mẩn, Lấm nằm nhìn xem những con muỗi đất bay lăng nhăng xung quanh cái chao đèn trắng bong. Lại cũng không tưởng tượng ra được cái cảnh ngoài Kẻ Chợ như thế này.

Lấm bảo chú:

- Nghe thấy bảo ngoài Kẻ Chợ có tượng bà đầm xòe ?

- Ừ, tối hôm nay tao cho mày đi xem.

Cả ngày hôm đó. Lấm ngồi ôm khối hy vọng.

........................................................... 1

1942

1

Kiểm duyệt thời Pháp bỏ mấy trang cuối.

Ông dỗi

Bữa cơm chiều vừa ăn xong. Nhưng lão Múi vẫn chưa đứng dậy. Trong khi ấy, vợ lão lục đục dọn dẹp mâm bát, bỏ vào rổ, đem ra ngoài ao để rửa. Rửa bát xong, bà lão vẫn thấy ông chồng ngồi lì ở góc phản. À, lại muốn có sự gì đây. Bà lão vừa úp bát vào chạn, vừa ngắm trộm ông lão. Lão ngồi cái điệu khác thường lắm. Hai tay chống xuống phản. Cái mặt đầy ngòm những râu ria rậm rạp thì thưỡi ra. Đuôi mắt cá ngão, giương bạnh, tròn xoe. Y như lối ngồi của một chú ễnh ương bụng ỏng và lồi mắt. Nhìn chán, xong bà lão không nói, không hỏi gì. Bà lẳng lặng đi ra ngoài đầu hè.

Bấy giờ chiếc mặt thưỡi ấy mới động đậy. Chòm râu hơi rung rung. Thực cho đến lúc cái chòm vừa râu vừa ria ghê gớm ấy chuyển động, người ta mới kịp nhớ để biết rằng trong đó, còn có cái miệng ông lão. Miệng ông lão mấp máy. Đầu tiên, nảy ra mấy tiếng tóp tép, tóp tép. Rồi ông thở khà. Và chợt cười nức lên một hồi khớ khớ quái quỷ như nứt vỡ ở trong cổ họng và đưa ra ngoài từng miếng, từng miếng.

Bà lão không lạ gì lối cười của ông lão. Lão làm như ông thái sư mõm đốm trên rạp chèo, vuốt râu mà cười khểnh. Lão Múi cười khẩy đấy. Bà lão biết. Và bà lão lấy thế làm sốt ruột. Bà cũng cười, nhưng cười nhạt:

- Mát mẻ gì thế?

- Hừm, ông lại thèm mát mẻ đứa nào à? Này ông bảo thực... Này ông bảo thực cho mà biết...

- Biết cái gì?

- Ông không phải con chó, biết chửa? Cu soong bú dù cái nhà quê nhà mày!

- À à... ông có là con chó đâu, ông chỉ được ăn hai bát cơm ngữ. Con chó thì vào nồi rồi.

Ra từ nãy, ông Múi đã tức bà lão Múi, vì bà ấy chỉ cho ông ăn có hai bát cơm. Thế thì đáng giận thực. Bụng ông to ngần này. Miệng ông to ngần này. Ông có thể ăn bốn bát đầy. Làm sao chỉ cho ông ăn có hai bát cơm? Cớ làm sao, hỡi con mẹ chột một mắt kia?

Bình tĩnh, vợ ông đáp thủng thẳng:

- Hết gạo... Còn có từng ấy gạo. Mai đong được thêm thì mới có mà ăn đủ.

Rồi bà lão ung dung xỉa răng, nhìn lên trời. Trên trời có gì mà nhìn. Có mỗi một ông sao Hôm long lanh. Nhưng, không phải bà lão chú ý nhìn ông sao Hôm. Bởi vì, có tiếng bà lẩm bẩm:

- Ngồi giữ vua bếp ở nhà, thì nốc gì lắm cho hại gạo nhà nước!

°
°     °

Chao ôi! Ông lão Múi đã nghe, nghe rõ tất cả cái câu xỏ xiên của vợ nói ra. Nó nói như lấy cái sào nứa dài mà chọc vào bụng ông. Nó bảo ông giữ vua bếp. Nó bảo ông ăn hại gạo nhà nước. Nó nói một câu ngu hết sức. Chính ông đã từng là thằng người nhà nước rồi đấy.

Ngày xưa, ông đi lính. Ông đi lính thổi kèn. Ông cũng được đi giầy săng đá, đeo thắt lưng da, đội mũ chào mào như những ai. Ngày ấy, mỗi tháng ông gửi từng đồng bạc, từng nắm tiền về cho vợ. Vợ ông đã tiêu hết tất cả tiền bạc của ông rồi. Cho đến khi mãn khóa trở về, hai bàn tay ông vẫn trắng bạch, không có một đồng xu nhỏ dính túi.

Bây giờ lão cũ kỹ. Lão là đồ bỏ ra ngoài đồng rồi. Vợ lão khinh lão ra mặt. Nó cậy thế rằng bây giờ nó phải làm để nuôi lão. Lão cần cóc gì. Lão có cần một tí gì đâu. Chẳng qua là nó không ra gì, nó thiếu âm đức, nên nó cụt cuối cụt ngọn, con cái không có. Lão cũng vô phúc mà lấy phải nó.

Lão Múi đã nghĩ đến chuyện lấy nhau như xưa kia người con trai mười tám. Lão nghĩ như là ở những ngày mà đôi vợ chồng còn son rỗi.

Thế là, nhất định lão không thèm ăn cơm của vợ nữa. Bắt đầu từ ngày mai trở đi, lão thèm vào!

°
°     °

Từ ngày hôm sau, lão Múi không ăn cơm thực.

Bà lão già thấy chồng giở chứng như vậy, cũng không nói năng gì. Bà lão không sợ, bà lão cũng không bực mình. Sự chịu đựng lâu năm đã đến với bao nhiêu nỗi quen thuộc. Vả vốn tính bà lão không thích nói, không thích nghĩ xa nghĩ gần. Bà lão chỉ nghĩ độc có mỗi một câu khôn ngoan và thiết thực: “Ông lão dỗi cơm hầy? Mặc! Không đưa cái khóa hòm gạo cho ông lão nữa”.

Cả ngày bà Múi bán hàng ngoài chợ. Hàng của bà là một cái thúng, trong đựng kim chỉ, lơ, nến và vài thứ linh tinh, lặt vặt. Vậy, cũng sống. Người ra vốn sống dễ dàng. Vào cảnh nào cũng xong. Kiếm được ít, ăn ít. Trong cuộc đời tần tảo, rất đỗi khó khăn, chẳng có gì là khó, hình như thế, bởi cứ thấy khổ mãi.

Hôm ấy, bà lão ăn quà vơ váo ngoài chợ. Bà yên chí chiều về, thế nào lão Múi cũng phải làm lành với mình. Nhưng không, chiều đến, bà lão về, vẫn thấy chồng ngồi im tây ngây trên phản. Hai mắt - và cả một lũ râu - trừng trừng nhìn bà. Nhưng không phải con mắt đói. Vẫn ung dung, bình tĩnh như thường và lại có ý thách thức nữa. Ra điệu ta no rồi đây. Ta chẳng cần phải lụy đứa nào.

Bà lão đoán:

- Chắc lão còn có một hào trong túi.

°
°     °

Chiều hôm sau, bà lão ở chợ về nhà. Ông lão đi đâu vắng. Lão vẫn dỗi cơm. Một lát, lão sừng sực về, một bên tay xách lủng lẳng cái vò. Chiếc khố đơn dính sát vào người, ướt sũng. Những đầu ngón chân, ngón tay nhăn lại, tím bệch. Dáng lão vừa mò mẫm dưới ao lên.

Lão đứng giữa sân. Một tay lão thò vào trong vò. Bỗng trong cái miệng vò tối om om, rộn lên những tiếng ngóe ngóe thảm thiết. Như có rắn bắt nhái. Không là rắn bắt, nhưng là một bàn tay lão Múi thò vào vò, lôi ra từng con nhái lớn chỉ xanh, quật đét từng con xuống mặt đất. Những chú nhái khốn nạn run rẩy, nhuỗi hai tay, hai chân ra, chết cứng. Cả thảy chừng mười lăm nhách. Rồi lão lăn cái vò xuống đất. Độ từng nấy con ốc nhồi đen nháy đổ ra.

Bỏ cả ốc và nhái vào rổ, lão cắp xuống cầu ao. Một lúc sau, lão đem lên một xâu nhái lột da, đã chặt đầu, chặt chân cẩn thận. Những con nhái trắng phếch, thịt gợn tia gân đỏ, tanh nhức mũi.

Ốc thì bỏ vào nồi luộc. Nhái, hơ lên ngọn lửa, nướng như nướng chả. Vụt chốc, một mùi thơm gây gây dâng lên ngạt ngào. Lão tíu tít loay hoay vừa nướng vừa đun.

Chẳng bao lâu, lão Múi đã làm xong cả các công việc. Lão khệ nệ bưng nồi ốc lên đặt ngoài đầu hè. Lão ngồi xuống, xếp bằng tròn hai gối, chĩnh chện như ngồi ăn cỗ. Có nhẽ lão cũng tưởng như lão đương ngồi ăn cỗ thực. Những con ốc nhồi cữ tháng Bảy béo lắm. Nhai sừn sựt tựa nhai thịt gà mái ghẹ. Lại chấm thêm một chút muối. Tuyệt, điểm món ấy, còn món chả nhái. Chả nhái cũng chẳng kém chả lợn. Có phần ngon hơn chả lợn. Lại thơm vô cùng. Thơm điếc cả mũi hàng xóm. Thơm điếc cả hai lỗ mũi bà lão chột mắt kia. Cho con mụ biết rằng lão đây không cần gì con mụ. Trời sinh voi thì trời sinh cỏ. Con mụ không cho lão ăn, lão cũng chẳng chết đói nào. Của trời, khối ra đấy. Ốc dưới ao. Nhái ngoài vườn. Tha hồ ăn suốt năm, cũng không thể hết được ốc, được nhái. Con mụ cậy con mụ làm ra tiền. Ngày xưa, lão cũng làm ra bao nhiêu tiền. Cái thúng kim chỉ nát của con mụ? Ra chó gì. Lão chỉ đá phốc cho một cái thì bồng cả thúng lẫn người lên nóc nhà! Nhưng ghét cái giống đàn bà bạc bẽo, lão không thèm đá. Lão chỉ khinh vào mặt. Lão nhai thực rõ to. Tóp tép... tóp tép...

Bấy giờ, trời sầm tối. Ông sao Hôm quen thuộc lại lấp lánh trên ngọn tre, đương hờ hững nhìn xuống. Ngồi xa, bà lão Múi không trông thấy chồng. Nhưng bà cũng nghe rõ ràng những tiếng rau ráu, tiếng tóp tép. Bà không có những ý nghĩ khinh người và bướng bỉnh như ông lão. Bà chỉ đoán:

- Nốc lắm ốc, lắm nhái vào! Tối hôm nay, miệng nôn trôn tháo sớm!

°
°     °

Quả nhiên. Suốt đêm đó, lão Múi không chợp được mắt. Những quân vô danh vô thức nổi loạn trong bụng lão, kéo binh đi rầm rầm, ục ục... Lão nằm một tí, lại chạy ra đầu nhà. Cứ thế! Cứ thế! Đến tận sáng bạch.

Sáng ngày ra, ông mặt trời ló xuống, xiên vào ngắm nghía cái mặt tái ngoét của lão già. Những chòm râu vô tri, dường như cũng phờ phạc, ngơ ngác. Lão nhọc quá, mệt quá.

Đến lúc vợ lão sắp bưng thúng hàng ra chợ, lão khẽ gọi:

- Này...

...

- Đưa cái chìa khóa hòm gạo cho tôi...

Lẳng lặng, bà lão cởi hầu bao, lấy cái chìa khóa, đặt xuống đầu phản. Bà lão định nói một câu: “Ăn thêm nhái nữa vào! Sao chẳng nhất định dỗi nữa đi?”.

Song bà lão Múi không nói ra như thế. Hình như bà ta thở dài. Từ ngày xửa ngày xưa mà đôi bên lấy nhau, đã có đến mấy mươi nghìn lần, lão Múi “nhất định” như thế rồi.

1942

Vàng phai

Có lá lốt tình phụ xương xông,

Có chùa bên Bắc, bỏ miếu bên Đông tồi tàn.

Có bát sứ tình phụ bát sành...

(Ca dao)

Hẹn phải lòng Mây từ một ngày giữa năm ngoái.

Chàng trai ấy chẳng bạo dạn một chút nào! Đến bây giờ, Hẹn chỉ mới dám nhìn Mây mà tủm tỉm cười nụ. Mỗi khi gặp Hẹn, hai má Mây cũng bừng đỏ, và Mây đi rảo bước, nghiêng nón về một phía.

Lòng Hẹn càng thêm nao nao. Chẳng lẽ đã “thầm yêu” những bảy tám tháng ròng rồi mà lại “cứ vậy” mãi. Biết đến bao giờ Hẹn mới dám nói với Mây một lời? Không thể thế này được. Phải khác và phải hơn nữa.

Vốn Hẹn đã quen Mây. Nhưng chỉ sơ sơ thôi. Ra lối ấy, nói đến yêu mới lại là sự khó. Bởi đã quen biết nhau mà ngỏ ý tán tỉnh, người ta bằng lòng đã đành, ngộ chẳng may nếu không, cái mặt mình sẽ ra thế nào? Chao ôi, khó khăn thay là cái bước ban đầu này.

Mây ở xóm Giếng, Hẹn ở xóm Giữa. Cả đôi bên đều là người làng Nghĩa Đô. Nhà Mây làm lụa. Nhà Hẹn cũng sinh nhai nghề ấy. Mây mười tám tuổi, mà Hẹn vừa hai mươi.

Từ xóm Giếng vào xóm Giữa, phải đi một độ ngõ ngoắt và mấy đường bờ ao nhỏ mấp mô. Hẹn mà quen Mây là bởi cớ ngày trước hai đứa cùng học với nhau một trường.

Cũng như các trẻ khác ở trong làng, những năm còn nhỏ xíu, chưa đầy mười tuổi, Hẹn và Mây được thày mẹ cho đến trường làng. Học cho biết đọc, biết viết. Bởi thế, học được chừng hai ba năm, khi chúng đã kể được chuyện Hoàng Trừu , viết được tọc tạch, và làm nổi cái tính cộng, thì thày mẹ chúng nghĩ rằng: “Thế là đủ. Học ngần ấy cũng nhiều rồi. Ngày xưa, thời các cụ ta, nhà nước phải cho đánh trống gõ mõ, bắt dân gian đi học, ai đến trường lại được thưởng giấy bút mà cũng chẳng mãnh đại nào đến. Bây giờ thời buổi này, học được bấy nhiêu đã là tốt lắm”.

Họ bắt con cái ở nhà. Hẹn nối nghề tổ là tập việc dệt lụa. Còn Mây thì tập quay tơ, làm hồ và đi chợ Bưởi mua rau.

Chỉ chừng ít lâu, bao nhiêu chữ nghĩa gần trả công thày ráo! Hẹn và Mây đều chả cần. Bởi vì thế cũng còn thừa đủ chữ để đọc Kim Vân Kiều tân truyện.

Vậy sự giao tình của đôi bên khởi tự cái thủa đồng môn ấy.

Một hôm đương dệt cửi, Hẹn bỗng nhớ ra một điều:

- À phải rồi, phải rồi. Nếu cứ rình để nói được một đôi câu với Mây thì chắc hẳn lâu lắm. Mà cái tính mình lại cả thẹn, chưa chắc đã dám nói. Mình viết một bức thư, ờ tả một bức thư để đưa cho Mây. Hà! hà! Bút huê tay thảo thư đào , có thế mới ra con người lịch thiệp được!

Hẹn bèn hì hục viết thư. Chàng phải nhấm mãi đầu bút chì mới nghĩ được một câu. Viết xong, Hẹn ư ử đọc lại mỗi câu. Rồi xóa rồi viết, mất mấy đêm liền mới đoạn được cái công trình kỳ khu ấy. Này đây là những lời thư:

Thưa em Mây,

Bút huê tay thảo thư đào

Sự tình mấy chữ gửi chào tình nhân

Thấy em là gái má hồng

Hãy còn nghiêm cấm trong phòng đợi xuân

Cho nên trong dạ ước ao

Chỉ hiềm một nỗi ra vào chưa quen

Thường khi tôi vẫn gặp nàng

Cũng toan uớm hỏi, nhưng tình còn e

Ước gì như sợi chỉ xe

Muốn đi lại lắm, còn e ông bà

Tôi thấy nàng thật thà tử tế

Muốn tạc gương chỉ để soi chung

Nên ra nàng quyết cho xong

Chớ phụ lòng khách bõ công đợi chờ.

Cái tác phẩm tuyệt cú đây viết trên một tờ giấy trắng mới nguyên mua ở hàng xén và được gấp nếp làm tám, bỏ cẩn thận trong xó cùng cái dạ cá của Hẹn đeo ở trước thắt lưng.

°
°     °

Một ngày phiên chợ lụa, Hẹn đưa được cho cô nàng Mây cái bức thư đào đó. Hẹn run run đưa. Mây chúm chím cười, cầm lấy. Ồ, làm sao mà dễ dàng. Chàng nghĩ ngợi khó khăn những trên trời dưới đất, mà chỉ phải hành động có một cái giơ tay, đã làm được việc.

Mây bỏ thư vào túi. Và Mây nói:

- Vẽ! Lại còn phải thư với từ...

Hẹn cảm động run cả người. Chả biết chàng ấp úng nói những gì. Thế là cái sự bắt đầu khó khăn trong cuộc yêu đương qua nổi rồi.

Mấy hôm sau, Hẹn cũng được Mây giúi cho một mảnh giấy. Đó là tờ thư trả lời của Mây.

Thư rằng:

Anh Hẹn ơi!

Quế trên trăng, nhạn trên trời

Nghĩ chi cho nát dạ người như tương

Hắc huyền phó giả con hương

Làm chi mượn ấp cầu hôn bận lòng

Nhỡ nhàng nước đục chưa trong

Trăm năm để một tấm lòng từ đây

Sông dù cạn, núi dù lay

Dẫu mòn bia đá, dám sai lòng vàng

Ngồi một mình lại nghĩ một mình

Than thân chẳng dám bạc tình với ai

Ngồi cành trúc tựa cành mai

Đông đào tây liễu lấy ai bạn cùng

Bức thư hồng phong tờ giấy đỏ

Gửi lời thăm hai họ bình an.

Hẹn nhận thư.

Hẹn đọc đi đọc lại bài thơ không biết bao nhiêu lần. Anh sung sướng đến nỗi hoang mang, bối rối, như chưa bao giờ có cảm giác ấy. Anh học thuộc lòng nó như cháo.

Những đêm dệt cửi khuya, dưới ánh đèn dầu hiu hiu, anh Hẹn cao giọng hát ngâm từng câu một. Tiếng vang ngân như lẫn với tiếng con thoi chạy thậm thọt qua mặt lụa kêu lách cách.

°
°     °

Đã đến lúc hai người gặp nhau kín đáo ở một nơi hẹn hò. Chỗ đó là một khoảng vườn tre phía ngoài đầu xóm Giếng. Qua bờ giếng thơi, tiếp mấy khoảng ruộng trống, rồi đến vườn tre, ngoài kia lại là đồng ruộng mênh mông.

Vườn ấy người ta bỏ hoang. Bên những gốc tre sần sùi, mọc ken bề bộn những thứ cây dại, không có lối đi. Tha hồ các giống cỏ được trổ tự do, cao đến lưng ống chân. Ở bên góc vườn có một cái cổng tán, bởi lâu ngày không người mở tới, những dây bìm bìm hoa tím được bò ngủ đầy ở trên nóc làm cho cái cán tre gẫy mục, đổ quỵ cả tấm thân cổng xuống.

Một buổi trưa, Hẹn và Mây đứng với nhau ở đấy.

Anh chàng lúng túng trong cuộc hẹn lần đầu. Anh chẳng biết nói gì cả, còn Mây thì cứ cười tít đi. Mây hay cười quá. Đôi má phúng phính lúm lại và đỏ hây lên. Cặp mắt long lanh giữa đôi mi húp híp. Cái mắt mới tình tứ làm sao! Mây cười cả má, cả mắt.

- Anh Hẹn, anh làm thơ hay quá.

- Em nói khen dối.

- Không em bảo thật mà.

- Em cũng thế, em lại còn làm giỏi hơn tôi.

Những lời vụn vặt ấy trao đổi nhau. Và đôi tình nhân ấy đứng với nhau rất khờ khạo. Hẹn đứng xa Mây tới một xoạc chân dài. Có khi chính Hẹn cũng muốn mem chân lại gần xít xít một chút. Nhưng chỉ muốn thôi chứ không dám.

Rồi Hẹn cũng đâm ra bạo. Bởi vì nếu chẳng liều một tí thì biết bao giờ mới dám cầm tay người bạn tình. Hẹn bèn nói rằng:

- Cái thắt lưng lụa bạch này Mây chuội nhà hả?

Mây nói:

- Vâng, em chuội lấy. Trông được đấy chứ?

Mây nhấc mảnh thắt lưng lên. Hẹn cầm lấy ngắm và nhân tiện nắm ngay bàn tay Mây. Mây yên lặng.

- Mây ơi! Mây có yêu tôi không?

- Em chả biết.

- Ồ, tôi hỏi thật đấy.

Mây tóm lại đôi bàn tay Hẹn vào lòng bàn tay nóng hôi hổi của mình mà nói:

- Yêu lắm chứ!

Hẹn cười:

- Thế hử?

Rồi anh chàng bần thần nhìn người yêu. Tay Hẹn cứ nắn vuốt tỉ mỉ từng ngón tay của Mây. Mặt Mây đỏ hồng, đôi môi mọng như hai múi quýt ngọt. Tấm ngực hơi đầy đầy trong cái yếm trắng bong. Nhưng Hẹn chỉ ngắm các thứ ấy và thở ra đằng mũi một hơi dài.

- Mây ơi! Thế nào tôi cũng lấy Mây.

Mây núng nính người, nói ngoay ngoảy:

- Em chả lấy.

Rồi Mây giơ tay tát nhẹ vào má Hẹn một cái.

- Chừa nói nhảm nhé!

- Tôi nói nhảm đâu.

Hẹn nhìn Mây, rất đù đờ, rồi im lặng. Gió nổi dạt dào trong ngàn lá tre, nghe quen quen như một thứ tiếng lúc nào cũng có. Những mảnh nắng nhỏ in hoa trên vai áo, trên tóc hai người. Bỗng Mây nói:

- Em về anh ạ. Đứng đây lâu ai biết thì chết.

Hẹn ngẩn ngơ buông tay Mây:

- Ừ, Mây về. Bận khác nhá!

Mây về. Cái bóng người cao cao mặc áo tấc trắng nổi trên nền cỏ, và cây xanh xanh đi thoăn thoắt về ngả bờ giếng.

Hẹn đứng tần ngần. Anh chàng tưởng như nói thế hãy còn thiếu, còn muốn thêm và còn đương lúc dở dang câu chuyện nhiều lắm. Hẹn nhìn bâng quơ lên trời, mủm mỉm. Anh nghĩ: “Ối dào! Còn khối, ngày rộng tháng dài, lo gì!” và Hẹn đi về xóm Giữa, bước những bước nhẹ lâng lâng.

Bây giờ Hẹn đâm ra sính làm thơ quá. Cả ngày chỉ vừa co cổ dệt cửi, vừa đăm chiêu nghĩ thơ. Vì anh cho rằng cái môn nói chuyện hẳn mình kém. Chỉ có tả thơ thì chắc Mây phải phục và yêu mình.

Nên có đâu năm ba bữa sau, Hẹn lại gò xong một bài thơ để gửi cho Mây:

Bút huê thảo tình thư nhất bức

Tâm thư này tri thức nên chăng

Lần lần ngày gió đêm giăng

Thời anh mượn gió cát đằng đưa duyên.

Bỗng có một buổi chiều, có tiếng giầy Tây nện cồm cộp trên con đường gạch đi vào lối xóm Giếng gần làng. Cái tiếng động lạ ấy làm bao nhiêu chó và trẻ con trong xóm chạy nháo ra xem. Những người đàn bà đứng ngấp nghé sau những bờ rào râm bụt và cúc tần. Bởi vì ở trong cái xóm tĩnh mạc ấy, cả năm cũng chả một lần có cái âm thanh kỳ lạ như vậy.

Kẻ đi đôi giầy hùng dũng đó là một người lính tập. Người ta ngó bác lính rồi nói với nhau:

- Tưởng ai, bác Vực. Trông bác ta bây giờ oai phạm.

Những người đàn ông đang mải dệt cửi cũng ngừng thoi lại, ngó đầu ra ngoài nan cửa, nói lớn:

- Kìa bác quyền Vực về chơi.

Đáp lại những người hỏi thăm, bác quyền Vực ngả cái mũ vàng ra chào theo kiểu Tây.

Bác ta đi. Mỗi một tiếng giầy cộp trên nền gạch, một người tặc lưỡi: “Hừ? Cái tiếng giầy Tây có đinh mới khiếp chứ!”.

Có đầy người hàng xóm tới nhà bác Vực để hỏi thăm. Bà mẹ bác ta phải đun nước, têm trầu, tíu tít mời mọi người.

Nhà bác Vực ở gần nhà cô Mây. Cách có mấy ngõ.

Từ cái chiều mà Vực về, hôm nào bác cũng sang chơi bên nhà Mây. Sang chơi để nói chuyện Kẻ Chợ với thày mẹ Mây. Bao nhiêu là chuyện tân kỳ ở ngoài kinh thành phù hoa ấy. Gớm, sao con người mới uống nước máy chảy ngược bằng vòi có ba tháng mà đã có được cái giọng đặc phố. Những câu chuyện kể thực có duyên.

Thành ra cô Mây cũng phải chú ý và nghĩ ngợi.

Thoạt tiên, Mây thấy bác quyền cũng thường, chỉ hơi lạ một chút. Bởi mới năm ngoái, năm kia bác ở nhà, Mây chẳng để ý gì đến.

Thỉnh thoảng, bác quyền cũng nói chuyện với Mây, bác bảo:

- Chứ như cô Mây, chỉ ra Kẻ Chợ mà ăn mặc theo kiểu tân thời vào, thì đến con gái Hà Nội chính tông cũng phải thua đứt đuôi.

Mây cười:

- Bác cứ nói xấu con gái làng làm gì thế. Chuông khánh còn chẳng ăn ai, nữa là mảnh chĩnh, mảnh chai ngoài đồng.

- Chẳng tin bữa nào cô cứ ra Kẻ Chợ với tôi.

Bác quyền liếc nhanh sang mắt Mây mà nói câu ấy. Mây hỏi:

- Hôm nào bác ra tỉnh?

- Tôi được nghỉ một tuần chủ nhật nữa.

Rồi có một bận, lúc chập choạng tối, bác quyền gặp Mây ở bên bờ giếng. Đường ngõ vắng lạnh. Bác liền mời Mây đứng lại nói chuyện. Mây chủng chẳng, nhưng rồi Mây cũng đứng. Ngoài đồng trời mờ mờ, trăng đầu tháng nhô lên một mảnh lưỡi liềm vàng hoe ở cuối đồng xa. Chiều hoàn toàn. Bác quyền nói nho nhỏ:

- Thưa cô, tôi yêu cô lắm.

- Em xin bác, chỗ hàng xóm ta...

- Cô để tôi nói nào... Suốt cả tỉnh Hà Nội, chả ai đẹp như cô, tôi biết. Tôi chỉ muốn yêu cô. Sự tâng bốc ấy khiến Mây đứng lặng, cúi đầu, vuốt mái tóc. Quyền Vực ta đến sát tận nơi, giơ hai tay quàng chặt vai cô ả. Mây vùng vằng. Bác Quyền thủ thỉ:

- Mình ơi! Tôi yêu mình quá. Mình đừng nguây nguẩy thế. Tôi bảo mẹ tôi cho tôi lấy mình. Chúng ta lên Hà Nội ở với nhau, sướng lắm.

Mây rừng rực cả người bởi sự đụng chạm của một thân trai lạ và bởi những câu nói êm dịu, ngọt như đường. Mọi khi Mây hay lí láo lắm, mà bây giờ chỉ nói được một câu gắt khẽ: “Buông ra nào, có người kia kìa”. Rồi im.

- Thôi vậy. Mình bằng lòng chứ? Tôi cứ phải hỏi trước thế cho cẩn thận đấy. Mình về nhé!

Quyền Vực buông Mây ra. Bác Vực cũng không quên cái lối gặp nhân tình Hà Nội là phải hôn một cái. Quyền Vực ta bèn cúi xuống hôn đánh choét một cái vào má Mây. Cái má phính nóng rừ.

Mây chạy đùng về nhà. Nằm đến quá nửa phần đêm mà Mây vẫn chưa ngủ được vì nghĩ đến cái hôn ấm áp - như hãy còn hằn lốt trên má - của bác quyền Vực giỏi trai và lịch sự “mốt” mới.

Thôi thế là cái mảnh tình của anh cu Hẹn bay lên trời rồi.
Đám cưới cô Mây lấy bác quyền Vực thực linh đình. Hỏi xong, người ta xin cưới ngay. Làng xóm kéo đến ăn cỗ rất đông đảo. Giết hai con lợn thì vừa đủ cỗ chén hai hôm. Tong ơ đi mấy chục bạc, nhưng bác quyền Vực và mẹ rất vui được cái hân hạnh tiêu tốn với làng xóm như thế.
Công việc cứ xuôi nhẹ như nước sông Lịch chảy. Đến hôm hết nghỉ phép, bác quyền Vực đã ra tỉnh, đi cả với bác gái.
Cô quyền Vực vận cái áo vải rồng mới, đeo trên vai cái tay nải to tướng, miệng nhai trầu mủm mỉm, đi ve vảy bên cạnh chồng - anh chồng bảnh bao có đôi giầy to, bước nghe cồm cộp vui tai.
Chao ôi! Ai đo được nỗi khổ lòng của anh chàng Hẹn bây giờ. Khi cái việc tầy đình kia đến tai thì anh ta choáng váng cả người. Thơ của anh làm hay đến thế mà cô ta phụ tình nhanh chóng vậy. Tình chàng coi như nặng đá đeo, mà ở người lại chỉ thoáng bằng một cơn gió may về sớm.
Nhưng nghĩ đến anh quyền Vực thì Hẹn thôi không tư lự gì nữa. Hẹn biết rồi. Bởi vì Hẹn không sộp. Khi Hẹn không sộp và mạnh bạo và mốt mới như cái người đã ra thị thành ấy, thì vài câu thơ thẩn lôi thôi, còn có nghĩa chi chi nữa!
Những lời thơ của con người ấy vẫn còn đây. Anh Hẹn vẫn gấp nếp mảnh giấy cẩn thận, nhét vào một bên cái thắt lưng da cũ. Giữ lấy chút hương thừa vậy.
Từ đó những khi châm đèn dệt cửi khuya, Hẹn thôi không hát ầm nhà lên như xưa.
Song thỉnh thoảng, buồn miệng quá, anh cũng hát. Nhưng anh bỏ cả mấy cái bài tình tứ trước đi. Anh chỉ rền rĩ có mỗi một câu rằng:
Tham vàng bỏ ngãi ai ơi!
Vàng thời ăn hết, ngãi tôi hãy còn.
Ý giả Hẹn ta hát kháy đời.
1942
Tô Hoài
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyền thông là một nghề bạc đức

Truyền thông là một nghề bạc đức Tôi đã nhiều lần có suy nghĩ loáng thoáng như thế và viện đủ cớ bao biện cho cái nghề mưu sinh của mình. ...