Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2022

Cầm ca Việt Nam 1

Cầm ca Việt Nam 1

Tựa

Tôi mừng rằng công trình sưu tầm biên khảo về Nếp cũ của ông Toan Ánh càng ngày càng được quốc dân hoan nghênh. Non ba chục năm trước, đọc những bài chép các tục lạ ở thôn quê Bắc Việt và đăng rải rác trên các báo Tri Tân, Trung Bắc Chủ Nhật, Tao Đàn tôi đã để ý đến ông liền: khu vực đó ít người khai thác mà những chuyện ông kể đều hấp dẫn, dồi dào về chi tiết. Kế đó là chiến tranh Pháp Việt. Bẵng đi một thời gian, sau Hiệp định Genève một ít lâu, tôi lại thấy ông xuất hiện trên văn đàn với những tác phẩm: Bó hoa Bắc Việt, Trong lũy tre xanh. Và trong mấy năm nay, không năm nào ông không cho ra vài ba cuốn, có cuốn dày 400-500 trang khổ lớn: Tín ngưỡng Việt Nam, Người Việt... Đất Việt, Làng xóm Việt Nam, Miền Bắc khai nguyên...Ông đã sớm định một chí hướng từ khi mới ra làm việc, lựa một con đường ít người đi mà cũng là con đường đẹp nhất, thích thú nhất: đi sâu vào lòng dân tộc, tìm hiểu nếp sống của tổ tiên; và luôn mấy chục năm, tập trung mọi hoạt động vào đó, sưu tầm trong các sách báo cũ và mới, đi tới từng miền để điều tra, ghi chép, lợi dụng mọi hoàn cảnh để đạt mục đích (cuộc di cư 1954 đối với ông chính là một điều may vì nhờ nó mà ông đã nghiên cứu được tại chỗ phong tục miền Trung và miền Nam) nên tài liệu của ông mỗi ngày một nhiều, sự sáng tác của ông mỗi ngày một phong phú. Nghe nói ông dự tính soạn thêm năm sáu cuốn nữa, mỗi cuốn bốn năm trăm trang. Và công của ông đến nay đã được quốc dân đền đáp. Đó là điều đáng mừng, không phải mừng cho ông mà cho tiền đồ của văn hóa nước nhà.
Sau Hiệp định Genève, khi ảnh hưởng của Mỹ bắt đầu lan tràn vào Việt Nam, trong khoảng mười năm đầu một số người hăng hái tiếp thu văn hóa Mỹ vì nó lạ đối với chúng ta, một số khác nhiệt liệt giới thiệu những trào lưu tư tưởng mới của Pháp. Dĩ nhiên công việc đó nên làm, nhưng chúng ta đã say với cái mới, cái lạ, của người mà cơ hồ quên đi cái đẹp, cái cũ của mình. Vài năm nay, có một trào lưu ngược lại: chúng ta đã thấy mặt trái của phương Tây: có một lực lượng phi thường chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại mà họ không ổn định nổi chính xã hội của họ, lại chỉ gây thêm vô số xáo trộn trên thế giới, ở Đông Á, Tây Á, Phi Châu, Nam Mỹ. Nên một số học giả phương Tây đương muốn tìm hiểu sâu hơn văn minh của phương Đông; ở nước ta thì một số nhà văn đã trở lại nghiên cứu Văn hóa cổ truyền của mình: triết lý cổ, tuồng cổ, văn thơ cổ, nếp sống cổ... Chúng ta chưa biết công trình của các nhà đó có dẫn tới một đường lối nào dung hòa mới với cũ không, tạo nên một nhân sinh quan mới, một nếp sống mới nào không, nhưng nội một điều quốc dân, nhất là thanh niên, đã hoan nghênh công việc của họ, cũng đủ cho ta mừng rồi: có tìm hiểu kỹ dĩ vãng của mình thì mới quý nó được, có quý nó thì mới tìm được hướng đi cho tương lai; không một dân tộc nào đoạn tuyệt hẳn với dĩ vãng mà cường thịnh được. Lịch sử là một sự liên tục: tương lai ở trong hiện tại, mà hiện tại ở trong dĩ vãng. Tôi mong mà cũng tin rằng "sự suy đồi của văn hóa vì đụng chạm với những sản phẩm ngoại lai lúc này" - lời của ông Toan Ánh - chỉ là một thứ lở lói ngoài da phát sinh trong các thành thị, còn đại đa số dân chúng ở thôn quê, ở các quận, các tỉnh nhỏ vẫn còn giữ được nếp sống cũ. Tôi có thể dẫn chứng được vì đã mục kích nhiều gương hi sinh nhẫn nại tiết tháo.
Trước sự xâm nhập ồn ào, "man rợ" của các loại nhạc Jazz, Twist, Be-bop mấy năm gần đây, ông Toan Ánh âm thầm thu thập tài liệu về Cầm ca Việt Nam để chúng ta thấy tính cách nghiêm trang mà hòa nhã, vui mà không loạn của ca nhạc cổ, nhất là cái tinh thần "cộng lạc" giữa giai cấp sĩ phu và bình dân thời xưa ra sao. Tôi yêu quí các cụ Nguyễn Du và Phan Bội Châu quá khi các cụ đêm đêm đi hát dặm với các cô thôn nữ, và tôi thích cái tục hát quan họ ở Bắc Ninh làm sao? Thời đó trí thức và bình dân đâu có cách biệt như ngày nay, mà không có cách biệt thì làm gì có đấu tranh giai cấp.
Tác giả không thể đi sâu vào chi tiết được - như vậy thì biết mấy ngàn trang cho đủ? Nhưng ông đã ghi hết được những đại cương về cầm ca của ta từ thời cổ cho tới đầu thế chiến vừa rồi: nhắc qua "nhạc lý": lục kỵ, thất bất đàn; tả mấy chục thứ nhạc khí và không biết bao nhiêu giọng ca hát trí thức và bình dân: hát đò đưa, hát chăn trâu, hát ru em, hát ví, hát quan họ, hát dặm, hát trống quân, hát phường, hò, vè, hát xẩm, hát ả đào, ca Huế, hát thờ, hát tuồng, hát chèo, vân vân, cả ca cải lương nữa, chấm dứt là những bài hát đầu tiên chịu ảnh hưởng của Tây phương.
Đọc tác phẩm của ông tôi bâng khuâng nhớ lại một lúc vui thanh thoát trong đời tôi mà nhờ dân ca tôi đã được hưởng. Cách đây non bốn mươi năm, cũng vào một đêm Trung thu như đêm nay, nhưng ở làng Thịnh Hào cách Hà Nội dăm sáu cây số. Anh em chúng tôi ba bốn người đương chuyện trò trong một khu vườn bỗng có tiếng hát văng vẳng đưa lại, và chẳng ai bảo ai, mọi người đều im bặt. Tiếng hợp ca mỗi lúc gần và chúng tôi nghe rõ là điệu Ru hời:
Tay tiên là tay chuốc chén ơi ới đào là rượu đào,
Đổ đi là đi thời tiếc, ơi ới vào, uống vào, uống vào thời say.
Ru là ru ru hỡi, ơi ới hỡi là ru hời...
Giọng ca tới những tiếng chén, tiếc, bay vút lên không, rồi chìm hẳn ở những tiếng (rượu) đào, (uống) vào; sau cùng tan lẫn trong cảnh bao la của đồng ruộng. Đúng lúc đó nhìn qua bờ ao, chúng tôi thấy một đoàn thợ gặt, cả trai và gái khoảng mười mấy người đi hàng hai dưới ánh trăng vằng vặc trên con đê (tức đường Quần ngựa). Tiếng hát ngừng một chút rồi lại cất lên, tôi nhổm nhổm muốn chạy theo họ, nhưng rồi lại ngồi xuống, vì băng qua được cách đồng chiêm tới chân đê thì họ đã đi xa mất rồi. Tôi lắng tai nghe tới khi dư âm tắt hẳn, mà tiếc ngơ tiếc ngẩn! Suốt đời tôi, chưa có lần nào giọng ca làm cho mê như lần đó: nó du dương, uyển chuyển, bát ngát, tôi biết dùng tiếng gì để tả bây giờ? Ca nhạc Tây phương không sao gợi cho tôi được cảm xúc thần tiên đó. Ca nhạc của mình quả thật không phong phú, nhiều sắc thái bằng phương Tây nhưng có những nét riêng, cái thần riêng thấm thiết với ta, như là tiếng gọi của tổ tiên, của dân tộc. Ông Toan Ánh đã có công gợi cho ta nhớ lại, nhớ cái hồn của đất nước đó trong cuốn Cầm ca Việt Nam này. Chỉ là một "nhất lãm" nhưng rất đủ để hướng dẫn những người muốn đi sâu vào chi tiết.
Một điểm đáng chú nữa là ông đã khéo lựa những câu hát để chúng ta thấy tinh thần khả ái của thôn nữ Việt Nam.
Họ sống thật cực khổ:
Một ngày hai bận trèo non,
Lấy gì mà đẹp mà dòn hỡi anh!
mà họ rất chung tình:
Ra về chỉ một ngóng theo,
Ngóng rừng rừng rậm, ngóng đèo đèo cao.
và rất hiếu thảo với cha mẹ, tận tụy với chồng con:
Bố kinh thờ mẹ thờ cha,
Thờ chồng trọn đạo cùng là nuôi con.
Một số thiếu nữ ngày nay, hạng bận mini-jupe, hút Salem, uống huýt-ky, đọc những câu đó tất bĩu môi, cho là cổ hủ; nhưng dân tộc ta - mà dân tộc nào cũng vậy - sở dĩ vượt qua được những cơn hỗn loạn, khủng hoảng mà lại hiên ngang ngửng đầu lên được, chính là nhờ những người vợ, người mẹ cổ hủ như các bà mẹ Sào Nam, Tú Xương, Nguyễn Quang Diêu...
Sàigòn, Trung Thu Kỷ Dậu
NGUYỄN HIẾN LÊ
Thú vui tao nhã
Người ngoại quốc sống trên đất Việt, tìm hiểu nếp sống của người Việt Nam, đều công nhận Việt Nam là một dân tộc chịu khó, không ngã lòng trước mọi khó khăn, đã chiến thắng được tất cả mọi trở ngại vật chất và tinh thần trong chịu đựng, trong gian lao. Lịch sử Việt Nam trải qua bao nhiêu cuộc hưng vong, người Việt Nam như cây tre, gặp gió mạnh thì ngã xuống, qua cơn gió lại vươn mình lên. Trong cuộc sống hằng ngày, họ không nề hà vất vả, làm lụng sáng chiều, đầu tắt mặt tối, vật lộn với sự sống. Sống trên một dải đất khi nắng thì như thiêu đốt, khi lạnh thì như cắt da cắt thịt, đất đai thì núi rừng trùng điệp và đồng lầy mênh mông, nếu tổ tiên chúng ta không kiên nhẫn phấn đấu, không bền gan chịu đựng, làm sao ngày nay chúng ta có một giang sơn gấm vóc. Chúng ta đã chống lại được sự thôn tính của người Trung Hoa về phương Bắc, chúng ta lại mở mang được bờ cõi về phương Nam, và gần đây, chúng ta lại tự giải thoát được ách nô lệ của người Pháp, mặc dầu kẻ địch của chúng ta có đủ khí giới tối tân, đối lại chúng ta chỉ có sự đoàn kết dân tộc với lòng bền bỉ kiên cường.
Ở hoàn cảnh rất khó khăn, về địa lý cũng như về chính trị, dân tộc Việt Nam đã phải làm lụng nhiều hơn tiêu khiển, đã phải đương đầu chiến đấu nhiều hơn hưởng thụ, gia dĩ, từ ngày lập quốc tới nay, hết kẻ thù gần tới kẻ thù xa, họ luôn luôn muốn thôn tính đất nước chúng ta, cho tới ngày nay tham vọng ngoại trên-đất nước vẫn chưa hết, họ muốn sang đoạt hết quyền sống, trách chi chúng ta không cực nhọc trong sinh hoạt!
Nói như vậy không phải là người Việt Nam không có những thú chơi giải trí. Có lắm chứ, tuy vất vả, tuy bận rộn, nhưng sau những giờ làm lụng, sau những cuộc phấn đấu, chúng ta vẫn có nghỉ ngơi và chơi bời, có như vậy chúng ta mới có dịp tự thưởng công cho mình.
Chúng ta giải trí với những thú vui riêng của dân tộc, và những thú vui này là những trò tiêu khiển của mọi tầng lớp, thay đổi tùy theo từng hạng người và cũng có khi từng địa phương.
Và ngay trong các lối chơi tiêu khiển cũng có năm bảy đường "có cách chơi nhã, có cách chơi tục, có cách chơi thanh, có cách chơi thô, có cách chơi nghĩa lý văn chương, có cách chơi bá láp vô vị, có cách chơi đủ dinh dưỡng tính tình, có cách chơi làm hư bại nhân cách" 1.
Thói thường có làm thì phải có chơi, và chơi bời cũng không phải là có hại, "có lao lực phải có tiêu khiển" điều cần thiết là phải chọn lối chơi mà vui, vì trong cách chơi hay hoặc dở, nhã hoặc tục, thanh hoặc thô thường do lối mà cũng do cả người chơi nữa. "Người chơi phong nhã cao thượng thì cách chơi cũng cao thượng phong nhã; người chơi nhả nhớt tục tằn thì cách chơi cũng tục tằn nhả nhớt". Người biết chơi thường tìm những thú chơi hợp với mình. Có những thú chơi ầm ĩ ồn ào, có những thú chơi yên tĩnh trầm lặng, có thú chơi cần tới sức vóc, có thú chơi cần sự suy nghĩ, lại có thú chơi cần cả trí lẫn lực. Có thú chơi, người chơi chỉ một mình cũng thấy thú, lại có những thú chơi phải có đồng bạn mới hào hứng; có thú chơi không cần sự ganh đua, có thú chơi phải ganh đua mới thỏa thích.
Thú chơi thay đổi tùy người, thay đổi tùy địa phương, nhưng cũng lại thay đổi tùy thời đại. Tôi không nói tới những thú chơi mới ngày nay do ảnh hưởng của Tây phương mà có, tôi chỉ hạn chế trong những thú cổ xưa của người mình, và tôi cũng không đề cập tới những thú chơi ồn ào rầm rĩ, những thú chơi mạnh mẽ cần tới sức vóc, chỉ muốn nhắc tới những Thú vui tao nhã của người xưa.
Những thú tao nhã này, trước hết phải kể tứ thứ phong lưu là cầm, kỳ, thi, họa, rồi đến những thú tiêu khiển khác như ca hát, chơi cây cảnh, uống trà, chơi chim, chơi hòn non bộ, chơi diều v.v...
"Xét trong cách chơi bời, cách nào cũng có một cái thú tiêu nhàn, cũng di dưỡng được tính tình, cũng khoan khoái được thần trí" 2.
Những thú chơi tao nhã của tổ tiên chúng tôi trải qua bao nhiêu cuộc hưng vong của đất nước, ngày nay nhiều thứ vẫn còn tồn tại và đương thời cũng có nhiều người thích thú. Còn hay mất, những thú chơi này đã từng làm cho ông cha chúng ta say mê, chúng ta phải tìm hiểu, tìm hiểu để thưởng thức cũng như để so sánh với một vài thú chơi ngày nay.
Nếu chúng ta được nghe những cụ già đứng trước những cây tùng của hòn non bộ thân bằng cổ tay lá bằng mũi kim vào giữa mùa nóng rực mà nói rằng thấy mát cả người như đã bước chân vào rừng tùng; nếu chúng ta được thấy một người đứng tuổi vào bực đàn anh trong làng cặm cụi ngồi vót từng cái khung diều, uốn đôi cánh diều quên cả ăn, quên cả mệt; nếu chúng ta được nhìn một cụ già khác cặm cụi với nghiên mực, với ngọn bút nho để vẽ một bức tranh thủy mạc, chú ý tới nét vẽ của mình như quên hẳn cuộc đời bên ngoài; nếu chúng ta lại chứng kiến các cụ pha một ấm chè tàu buổi sáng, được tự tay đun lấy bình nước, tự tay tráng chiếc ấm và những chiếc chén, từ chén tống tới chén quân; và nếu... còn nhiều nữa, chúng ta sẽ cảm thấy cái thanh thú của những thú chơi lịch sự thanh tao của người mình và chừng đó chúng ta ắt phải say những cái say mê của tổ tiên.
Viết về những thú vui tao nhã trong nếp sống cũ của dân tộc, tôi tự biết rằng sẽ không làm thỏa mãn được nhiều độc giả vì sự hiểu biết quá nông cạn của tôi, vì tôi chỉ nhắc lại một cách quá giản lược, chính tôi không phải là một tài tử trong một thú chơi, không lột hết được những điều phải trình bày, nhưng tôi vẫn viết, viết để ghi lại một vài cái gì của ông cha để hoặc có người lưu ý tới sẽ đào sâu bới kỹ hơn, trình bày rõ ràng và đầy đủ với một sự tham bác rộng rãi hơn.
Trước khi đề cập tới những thú vui tao nhã khác, trong tập sách nhỏ này, trước hết tôi xin trình bày về hai thú Cầm, Ca.
Tôi sẽ rất thỏa mãn nếu những trang sách nhỏ này có người đọc tới và sẽ chỉ bảo cho những điều thiếu xót để bổ khuyết về sau.
Tháng giêng năm Kỷ Dậu - 1969
Chú thích:

1

Phạm Quỳnh - Văn chương trong lối hát ả đào. Nam Phong số 69, tháng 3 năm 1923.

2

Phan Kế Bính - Việt Nam phong tục, Đông Dương tạp chí, 1914-1915.

Cầm
Trong những thú vui tao nhã của ta, người xưa xếp tứ thứ phong lưu lên đầu, mà đứng đầu tứ thứ này là cầm, nghĩa là chơi đàn.
Gảy đàn (cầm) là một lối chơi thanh nhã, hoặc gảy một mình, hoặc hợp tấu với bạn bè 1.
Cầm tuy nói là đàn, nhưng ta phải hiểu đây là nhạc, vì ngoài đàn ra, trong thú tiêu khiển này người xưa còn thổi sáo, kéo nhị, đánh trống, chơi sinh tiền v.v...
Những lúc thư nhàn, những khi đêm khuya thanh vắng với một nỗi tâm tư vui buồn riêng, dạo một khúc đàn, thổi một bản sáo để tự tỏ nỗi vui hoặc giải nỗi buồn, quả thật là thú vị. Sự trầm lặng yên tĩnh càng tăng vẻ tao nhã của thú chơi. Tiếng đàn thánh tha thánh thót như những cung bực của niềm vui, mà cũng có thể như những tiếng nói để thổ lộ nỗi buồn u uất.
Đàn tuy là một thứ tiêu khiển, nhưng trong đạo trị dân của người xưa, đàn, hay đúng hơn, nhạc cũng là một trong những điều quan trọng, vì điệu đàn là tự lòng người mà hiện ra. Qua điệu đàn của một địa phương, có thể biết được phong hóa thịnh suy, chính trị mờ tỏ.
Sách Lễ ký có nói rằng: Nhạc giả thông luân lý giả dã, nghĩa là nhạc thông với luân lý. Tiếng nhạc thanh tao êm ái có thể biến thành khêu gợi dâm đãng. Người xưa chơi đàn gìn giữ chánh thanh, cố giữ điệu đàn không có âm thanh biến thể để chánh thanh hóa dâm thanh.
Đàn tuy tao nhã, nhưng chỉ tao nhã với khách phong lưu; với những con người đạo đức kém, người xưa cho là gia hữu cầm, nữ tử dâm.
Đàn hay dở lợi hại là do người, người học đàn phải biết tự điều khiển mình, tiếng đàn mới hữu ích và không di hại.
Người xưa thường dùng đàn để chính tâm dưỡng tính, để khuyến thiện, răn ác với mục đích sửa cho ngay lòng người. Vua Thuấn xưa gảy đàn năm dây, ca bài Nam Phong đem lại sự đại trị lại cho thiên hạ, đức Khổng Tử khi ở nước Tề, nghe nhạc Thiều mà quên ăn.
Tại nước ta, đàn nhạc đã có từ lâu và vua Lê Thánh Tôn đã quy luật âm nhạc bằng cách đặt ra bộ Đồng Văn và bộ Nhã Nhạc để hòa nhạc và xướng hát.
Trong các cuộc tế lễ từ Triều đình đến dân gian, bao giờ đàn nhạc cũng điều hòa nghi lễ.
Đàn đã ăn sâu vào phong tục của ta, đàn đã là một thú tiêu khiển thanh tao, và đàn cũng đã gắn liền với một phần đời sống của nhiều người, từ nơi dân giả tới hàng quý tộc.
Bát âm
Đàn hay dở do âm thanh, khéo điều hòa âm thanh thì tiếng đàn thánh thót thanh cao êm ái, điều hòa vụng, âm thanh rối loạn và như vậy tiếng đàn cũng biến theo.
Để phát ra âm thanh, ta dùng tám thứ tiếng phát ra bởi tám vật liệu khác nhau, gọi là bát âm, do đó các phường nhạc của ta xưa còn được gọi là phường bát âm.
Bát âm gồm:
Kim: tiếng loại kim khí, thường là tiếng đồng như tiếng chuông, tiếng bạt (loại chuông nhỏ), tiếng chiêng, tiếng nao (loại chiêng nhỏ), tiếng nạo bạt, tiếng sinh tiền v.v...
Thạch: tiếng đá, thường là tiếng khánh.
Thổ: tiếng đất sét nung, thường là tiếng huân, một thứ nhạc dùng để thổi, tiếng còi và có khi tiếng bát
Ti: tiếng phát ra do dây tơ, thường là tiếng các thứ đàn: cầm, sắt, tỳ bà, tranh, nguyệt, v.v...
Trúc: tiếng các loại tre, thường là tiếng các loại sáo, loại tiêu v.v...
Bào: tiếng trái bầu, trái bí, thường là tiếng kèn. Cổ nhân thường dùng các trái bầu bí làm kèn.
Cách: tiếng da thuộc căng thẳng, thường là tiếng trống.
Mộc: tiếng gỗ, thường là tiếng mõ, tiếng phách.
Những nhạc khí chế tạo bởi các nguyên liệu trên phát ra mỗi loại một thứ tiếng khác nhau, nhiều âm thanh có thể đi đơn độc trong các bản độc tấu, nhưng thường trong một buổi hòa nhạc, phải có sự hòa hợp pha trộn giữa nhiều âm thanh của nhiều nhạc khí. Tiếng gọi là bát âm, nhưng trên thực tế rất ít khi phường bát âm dùng đủ các nhạc cụ với đủ tám âm thanh của tám nguyên liệu nói trên, nhứt là tiếng gỗ, thiệt ít khi được dùng đến. Thường trong những buổi đàn hát, các âm thanh của ti, trúc, cách và kim được dùng đến nhiều, và những nhạc khí cũng được thay đổi tùy từng trường hợp, nhiều nhạc khí như kèn trống đám táng không đem dùng trong buổi tế lễ, mặc dầu các bản nhạc không giống nhau.
Trong trường hợp có một bản nhạc hòa nên bởi cả tám nhạc khí, bản nhạc gọi là bát âm nhã nhạc. Thường phường bát âm xưa chỉ chơi những điệu sẵn có, lưu thủy, ngũ đối, tứ đại, nam ai, nam bình, tẩu mã v.v... rất ít có bản mới.
Lục kỵ
(Những điều kỵ)
Người xưa chơi nhạc có sáu điều kỵ gọi là lục kỵ, những điều kỵ này đều về thời tiết. Các nhạc cụ là những đồ lúc làm cần tỉ mỉ để giữ cho cung điệu được đúng, sai một chút là lạc âm thanh. Kỹ thuật chế tạo nhạc cụ của ta xưa dù sao cũng chưa hoàn toàn tinh vi, nhất là thân nhiều nhạc cụ đều bằng gỗ hoặc tre, rất dễ chịu ảnh hưởng của thời tiết.
Lục kỵ của ta là:
Kỵ đại hàn - Trời lạnh thường làm mọi vật se lại, co lại, và trong lúc đó khí trời cũng khô hanh. Gặp kỳ đại hàn, nước còn đông lại, đàn không thể hay được.
Kỵ đại thử - Trái với lạnh, gặp nóng vật gì cũng nở ra, lúc đàn nắn dây so phím không được như lúc tiết trời mát mẻ, ấm áp.
Kỵ đại phong - Gió lớn làm rung bầu không khí, những âm thanh phát ra cũng bị rung động theo, đàn trong cơn đại phong cũng không lột hết được ý đàn.
Kỵ đại vũ - Mưa to, nước đổ như trút, tiếng nước đổ át tiếng đàn, đàn không hay. Đây là chưa nói, không khí có nước làm âm thanh có thể sai lạc và dây đàn cũng chịu ảnh hưởng sự ẩm thấp của khí trời.
Kỵ sấm sét - Khi sấm sét vang trời, đàn không hay, tiếng sấm sét át tiếng đàn.
Kỵ đại tuyết - Khi tuyết phủ đầy đường, đàn không hay. Nước ta không có tuyết, nếu có cũng rất hạn hữu và cũng chỉ có ở các tỉnh biên giới miền Bắc nơi có núi cao.
Sáu điều kỵ trên của các tài tử phương Đông thời xưa, các cụ ta vẫn hằng theo. Xét cho kỹ những điều kỵ đó cũng đúng, nhất là đối với các nhạc khí của người mình chế tạo, tuy có tinh vi nhưng cũng không hoàn toàn thoát khỏi được ảnh hưởng của thời tiết.
Ngày nay với những nhạc khí Tây phương của nền tân nhạc, chế tạo bởi những nguyên liệu chọn lọc qua một kỹ thuật tân kỳ, không hiểu lục kỵ trên có còn chăng? Và các nhạc sĩ cổ điển ngày nay có còn giữ những điều kỵ của người xưa?
Thất bất đàn
(Những trường hợp không đàn)
Gặp những khi thời tiết kỵ với tiếng đàn, người ta không đàn, nhưng ngoài những trường hợp đại kỵ nêu trên, cũng còn những trường hợp khác người tao nhã không đàn. Những trường hợp này có bảy và người xưa gọi là Thất bất đàn. Bảy trường hợp này hoặc nằm trong khuôn phép xử thế của người lịch sự thanh cao, người chơi đàn thường cố giữ gìn để tránh tiếng chê trách của bậc trí thức thượng lưu, hoặc vì tôn trọng ngón chơi, nâng cao nghệ thuật.
Thất bất đàn là:
1- Tang tóc không đàn,
2- Khi nhạc có chuông trống ồn ào không đàn,
3- Khi tâm trạng bối rối không đàn,
4- Khăn áo không chỉnh tề không đàn,
5- Không xông trầm không đàn,
6- Trong mình không sạch sẽ không đàn,
7- Không gặp tri âm không đàn.
Qua bảy điều trên, người chơi đàn đã có lý do chính đáng để không đàn trong mỗi trường hợp.
Tang tóc không đàn vì sự buồn rầu; chơi đàn là để giải trí, giải trí trong lúc có tang không hợp với đạo đức của phương Đông. Các cụ còn nói nghe tang không đàn, tang đây có thể là tang của người khác, như được một tin buồn của người khác, người lịch sự không có quyền vui với đàn địch trong khi người khác đau xót.
Khi nhạc có chuông trống không đàn vì tiếng chuông tiếng trống sẽ át hẳn tiếng đàn, đàn dù có hay mấy cũng không ai biết thưởng thức và chính mình cũng không tự thưởng thức được tài nghệ của mình, lại khi tâm trạng rối bời, đàn làm sao mà hay được?
Khăn áo không tề chỉnh, trong người không sạch sẽ, không xông trầm không đàn chính vì lý do nâng cao nghệ thuật.
Không gặp tri âm cũng không đàn, vì đàn lên ai là người nghe, ai là người thấu được tâm trạng của mình qua tiếng đàn.
Nhân đây, tôi xin được phép nhắc lại sự tích Bá Nha, Tử Kỳ, mặc dầu tích này bạn đọc đều thừa biết, nhưng nhắc lại để chứng tỏ đàn mà có tri âm, người chơi đàn mới thật là mãn nguyện.
Sự tích Bá Nha, Tử Kỳ
Bá Nha người nước Tống làm quan đến chức Thượng Đại Phu, chơi đàn rất giỏi, nhưng chưa gặp người hiểu đàn để thưởng thức ngón đàn tuyệt diệu của mình. Một ngày kia Ông đi Sứ nước Sở trở về, qua một quãng sông, gặp đêm trăng thanh, gió mát, lại thêm cảnh vật nên thơ, Ông cho ghé thuyền vào bờ sông Hàm Dương lấy đàn ra gảy. Lúc ấy ở bên bờ sông có Tử Kỳ vừa đốn củi về, nghe tiếng đàn dừng lại nghe trộm. Bá Nha đang gảy đàn, đàn bỗng đứt dây. Bá Nha đoán có người nghe trộm tiếng đàn của mình, và Ông nghĩ, quãng sông vắng vẻ, rừng núi chập chùng, kẻ nghe trộm đàn ắt không phải thiện nhân. Ông cho quân sĩ lên bờ tìm bắt. Tử Kỳ lên tiếng nói:
- Tôi là người đốn củi, qua đây, thấy đại nhân gảy khúc đàn hay nên lắng tai nghe, tôi thật không phải kẻ bất lương.
Bá Nha không tin một gã tiều phu lại thưởng thức nổi tiếng đàn của mình, hỏi lại:
- Vừa rồi ta đàn bản gì?
Tử Kỳ đáp ngay:
- Ngài đàn bài Đức Khổng Tử thương tiếc thầy Nhan Hồi.
Thấy Tử Kỳ am hiểu tiếng đàn của mình, Bá Nha có lòng trọng, mời xuống thuyền, rồi lên dây gảy một bản đàn khác. Trong lúc đàn, Bá Nha nghĩ đến non cao, Tử Kỳ khen hay và nói:
- Tiếng đàn cao vút, chí của Ngài vòi vọi ở chốn non cao.
Bá Nha lại đàn một bản khác, tâm trí nghĩ đến giòng nước chảy, Tử Kỳ lại khen hay:
- Chí của Ngài cuồn cuộn như giòng nước chảy.
Thấy Tử Kỳ biết thưởng thức ngón đàn của mình, Bá Nha nhận thấy thiệt là tri âm và quý mến lắm. Hai người cùng nhau đàm đạo về đàn, về nhạc thân mật và tương đắc.
Bá Nha muốn mời Tử Kỳ cùng về Kinh đô nước Tống với mình để cùng chung hưởng sang giàu, nhưng Tử Kỳ từ chối vì còn cha mẹ già phải phụng dưỡng, không thể bỏ cha mẹ ra đi, trái đạo làm cao.
Hai người hẹn nhau đến năm sau cùng hội ngộ ở nơi này.
Năm sau, y hẹn, Bá Nha xin phép vua Tống trở về thăm nhà, đi qua chỗ cũ, đem đàn ra gảy. Đàn gảy lên, Bá Nha không thấy Tử Kỳ, tiếng đàn lại nghe như sầu não oán than. Bá Nha nghi hoặc, tìm đến nhà Tử Kỳ, hỏi ra mới biết Tử Kỳ đã chết. Bá Nha buồn rầu thương tiếc, xin đến mả để thăm người bạn tri âm lần chót.
Đến mộ Tử Kỳ, Bá Nha đem đàn ra gảy một bản đàn ai điếu nghe bi thảm não nuột sau khi đã bày đồ lễ trước nơi an nghỉ cuối cùng của người tri kỷ. Bá Nha khóc than thảm thiết và khi đàn xong, Bá Nha đập vỡ đàn, thề trọn đời không đàn nữa, vì người duy nhất biết thưởng thức đàn của mình là Tử Kỳ đã chết.
Qua sự tích trên, phải nhận rằng, chơi đàn đã là một cái thú, gặp người biết thưởng thức ngón đàn của mình lại càng thú hơn.
Bát tuyệt
Đàn hay, khách chơi đàn cần phải có tri âm và khi đã đạt tới mức của Bá Nha, ngón đàn thật là tuyệt diệu.
Theo người xưa, cái tuyệt trong đàn có tám điều gọi là Bát tuyệt, và tám điều này, đạt được thực ra rất hiếm người.
Bát tuyệt là:
Thanh: đàn hay, người chơi đàn khiến được tiếng đàn. Gặp cây đàn tiếng đục, lúc chơi tiếng cũng hóa trong.
Kỳ: đàn hay thật là huyền ảo, biến hóa vô cùng, trong đục rõ rệt và nghĩ tới đâu, tiếng đàn như theo tới đó, như khi Bá Nha đàn cho Tử Kỳ nghe, lúc lên non cao, lúc theo giòng nước.
U: Tâm hồn người chơi đàn nằm trong tiếng đàn nếu có chuyện gì u trầm, trong tiếng đàn có thể hiện ra. Sách xưa ghi lại truyện Đức Khổng Tử đánh đàn. Lúc Ngài đang đàn, có thầy Tăng Tử và thầy Tử Cống đứng bên cửa nghe. Khi Ngài đàn xong, thầy Tăng Tử nói rằng: "Trong tiếng đàn dường như có tham ý, sao mà bất nhân thế!"
Thầy Tử Cống nhắc lại lời thầy Tăng Tử với Đức Khổng Tử. Ngài bảo rằng:
- Sâm (tên húy của thầy Tăng Tử) thật là người hiền trong thiên hạ, đã quen thẩm âm rồi. Khi ta đang đàn có một con chuột chạy ra, con mèo thấy, mắt lăm le, chân nhẹ nhẹ rình bắt con chuột, ta muốn cho bắt được, điều muốn của ta đã hiện trong tiếng đàn.
Nhã: tiếng đàn vui vẻ mà hòa nhã, không hấp tấp, lụp chụp.
Bi: trong tâm có điều gì bất như ý, tiếng đàn nghe sầu não ai oán.
Tráng: gặp việc đắc ý, tiếng đàn nghe mạnh mẽ hùng hào.
Du: ý người đánh đàn ở non cao hay vực thẳm, tiếng đàn biểu hiện được nơi đó hoặc cao xa hoặc thăm thẳm.
Trường: ý người đánh đàn tại chỗ sâu xa, tiếng đàn nghe dài dặc, cuồn cuộn như giòng nước.
Chơi đàn đạt được bát tuyệt, ngón đàn thật là tinh vi, và người sành đàn được thưởng thức tài nghệ tuyệt diệu này cũng lấy làm thú vị.
Chú thích:

1

Đào Duy Anh - Việt Nam Văn hóa Sử cương, NXB Bốn phương Saigon, 1961.

Nhạc khí
Chơi nhạc, người sử dụng nhạc khí này, người sành nhạc khí khác, mỗi cây đàn, cây sáo, cây nhị, âm thanh mỗi khác. Tình cảm của người chơi nhạc biểu lộ qua cung đàn, điệu sáo, nhưng mỗi ngón đàn nhạc lại nói lên một cách tâm hồn của người chơi cũng như diễn tả lại một tính tình khác nhau? Có tiếng đàn gảy lên những khúc hùng tráng mạnh mẽ, có tiếng đàn tạo nên những điệu êm đềm mơ mộng nhẹ nhàng. Có người chỉ giỏi về một cây đàn, có người tài nghệ có thể diễn hiển trên đôi ba nhạc khí.
Nhạc khí của ta rất nhiều từ đàn đến sáo, từ sáo đến nhị - ở đây tôi không nói đến những loại thanh la, nạo bạt, chuông, trống, chiêng, khánh, thường chỉ được sử dụng trong những cuộc tế lễ.
Dưới đây xin nói qua về mấy nhạc khí chính tôi được biết hoặc qua sách vở hoặc được thấy bạn bè đã từng dùng trong những buổi hòa nhạc.
Các loại đàn:
Ta chơi nhiều loại đàn, có thứ hoàn toàn Việt Nam, có thứ do nước ngoài du nhập vào.
ĐÀN BẦU - Cây đàn hoàn toàn Việt Nam, nặng tính chất Việt Nam nhất phải kể đến cây đàn bầu. Đàn bầu được chế hóa một cách hết sức giản dị, và chỉ có một dây, do đó đàn còn có tên độc huyền cầm.
Dây đàn căng thẳng trên trống đàn, một đầu dây buộc chặt vào trống đàn, còn một đầu buộc vào cây trụ bằng tre. Cây trụ dùng để nhấn âm thanh khi nhạc sĩ gảy đàn. Đàn không ngựa, không phím, và trên mặt trống đàn chỉ có ba vạch trắng, chia đàn làm bốn cung thay vì năm cung như các đàn khác. Các nhạc sĩ thành thạo, không cần đến các vạch trắng, họ đã hiểu cung nào ở chỗ nào.
Trống đàn làm bằng một thứ gỗ đục rỗng thường cỡ 1.20m x 0.12m x 0.16m.
Tuy đàn chỉ có bốn cung, nhưng mỗi cung có thể tạo ra rất nhiều âm thanh và tiếng đàn nghe tha thiết buồn buồn , một thứ buồn êm ái quyến rũ, đôi khi đến não nùng để thấm lặng vào tâm hồn con người.
Người xưa cho những bản nhạc của đàn bầu là tục nhạc, là dâm thanh vì tiếng đàn dễ gợi u hoài và tạo niềm sầu cảm.
Ca dao có câu: Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu.
Đàn bà con gái bị cấm nghe đàn bầu chính vì sức quyến rũ của những bản đàn.
Những lúc đêm khuya thanh vắng, tiếng đàn như rót vào tâm hồn con người và có một sức khêu gợi mãnh liệt, người có tâm sự buồn nghe càng buồn thấm thía, trách chi những thiếu phụ, nữ lang sống cô độc trong khuê phòng làm sao tránh khỏi ảnh hưởng của âm thanh sầu man mác và đầy quyến rũ.
Nhớ lại hồi nhỏ tôi đã được nghe một tay đàn bầu, vừa đàn vừa ca bài Tiễn chân anh Khóa của Á Nam. Nhạc sĩ đã khéo diễn tả cái cảnh chia ly trên cung bực với những tiếng đàn nỉ non thánh thót, người nghe như có cảm tưởng đang sống trong một cảnh chia ly:
Anh Khóa ơi! Em tiễn chân anh đến tận bến tàu.
Hai tay em đỡ cái khăn trầu em lấy đưa anh.
Tay cầm trầu giọt lệ chạy quanh,
Anh sơi một miếng cho bỏ tình em nhớ thương.
Anh Khóa ơi! Cái bước công danh ngoắt nghéo đủ trăm đường,
Anh đi một bước tấm gan vàng em xẻ làm hai,
Kìa người ta bè bạn vui cười,
Hai anh em ta thương nhớ chỉ ngậm ngùi mà đứng thương nhau!
Bài hát của nhà thơ đã đi sâu vào tâm khảm người nghe lại thêm tiếng đàn rấm rứt như than vãn não nề, ôi buồn sao buồn vậy!
Đàn bầu để nằm và người chơi ngồi thẳng, một tay gảy, một tay cầm cây trụ để điều khiển âm thanh.
Đàn bầu thường chỉ độc tấu, vì đàn rất khó hòa âm với đàn khác. Chính vì tiếng đàn độc tấu nên nghe càng như rền rĩ nỉ non, và do đó sức khêu gợi, quyến rũ càng mạnh.
Khách tài hoa nhiều người chơi đàn bầu, nhưng đặc biệt xẩm chợ thường dùng đàn này để xướng ca làm kế độ nhật.
NHỊ hay ĐÀN CÒ - Nhị cũng là một nhạc khí hoàn toàn Việt Nam, và được gọi là đàn cò ở miền Nam. Gọi là đàn, nhưng khi chơi nhị, tài tử không phải gảy vào dây hay đánh vào thỏi ở trên đàn như các loại đàn khác, mà dùng mã vĩ cọ sát vào hai dây nhị. Nhị hơi giống vĩ cầm của Tây phương, và sự phát thanh của nhị cũng như của vĩ cầm.
Nhị còn có tên là Hồ cầm. Nhị có bốn phần: thùng, cần, ngựa và dây.
Thùng nhị làm bằng một khối gỗ đục rỗng và được bịt bằng một miếng da trâu ở trên mặt. Một con ngựa được gắn trên trống thùng, để căng hai dây qua.
Cần nhị dài chừng nửa thước và cắm chặt vào thùng. Hai dây nhị được buộc từ đầu cần xuống tới ngựa, những dây này ăn vào hai trục để lên dây, và luồn qua một cái khuyết ở giữa cần, khuyết là một vòng đồng.
Như trên đã trình bày, chơi nhị, phải dùng mã vĩ cọ sát vào dây nhị. Mã vĩ làm bằng đuôi ngựa hoặc bằng tóc buộc vào một cung tre, dây mã vĩ được đặt vào giữa khe của hai dây nhị. Khi chơi nhị, cầm chiếc cung tre kéo mã vĩ. Sự cọ sát giữa mã vĩ và dây nhị tạo nên âm thanh và âm thanh được rung mạnh trên một một mảnh cây tùng hương.
Chơi nhị gọi là kéo nhị. Những nghệ sĩ tài hoa khi kéo nhị, tiếng nhị nghe êm ái hòa với các tiếng đàn khác. Những người mới tập, khi kéo nhị, âm thanh phát ra như xé vào tai với những tiếng the thé chát chúa.
ĐÀN CẦM - Cầm là một loại đàn cổ từ Trung Hoa truyền sang ta. Theo sách cổ để lại thì đàn do vua Phục Hy sáng chế ra đầu tiên. Sách kể lại rằng: "Xưa vua Phục Hy thấy chim Phượng Hoàng đậu trên cây Ngô đồng là loại cây quý nhất, nên ngài sai đốn ngã cây Ngô đồng xuống cưa làm ba khúc, và gõ thử từng khúc một: khúc ngọn tiếng quá trong, khúc gốc tiếng quá đục, chỉ có khúc giữa đủ tiếng nặng nhẹ đục trong.Nhà vua đem ngâm khúc giữa này ở dòng nước chảy 72 ngày rồi sai người thợ khéo là Lưu Tử Kỳ đẽo ra làm thành cầm đặt tên là Diêu cầm. Đàn dài ba thước sáu tấc sáu phân, trước rộng tám tấc, sau hẹp bốn tấc, trục ngọc, phím vàng. Đàn có 13 phím, 5 dây."
Về sau, Bá Ấp Khảo con vua Văn vương nhà Chu thêm một dây, đến đời vua Võ vương lại thêm một dây nữa. Bảy dây của đàn cầm mang tên: cung, thương, giốc, chủy, vũ, văn, võ.
Chơi đàn cầm có nhiều bài, và danh tiếng nhất là khúc Phụng cầu Hoàng.
Sử sách chép lại, những tay chơi đàn cầm hay thuở xưa là Bá Ấp Khảo, Bá Nha, Tư Mã Tương Như v.v...
Theo ông Thạc Nhân trong Xã hội Nguyệt san số 6 xuất bản tháng 4 năm 1966, đàn cầm là đàn Nguyệt cầm, còn gọi là đàn kìm, tương tự như đàn Madoline của Tây phương. Đàn nguyệt cầm này khác hẳn với đàn cầm của vua Phục Hy. 1.
ĐÀN SẮT - Cầm sắt thường đi đôi với nhau, cả hai đều dùng dây tơ. Theo sách cũ chép lại thì đàn sắt nguyên của Bào hi Thị sáng chế ra, dài bảy thước hai tấc, hai mươi lăm dây.
Ông Thạc Nhân trong bài dẫn trên có đề cập tới Dương cầm sắt và ông viết: "Dương cầm sắt là một thứ cổ nhạc khí của đồng bào người Việt gốc Miên. Đàn được cấu tạo bởi những thanh sắt dẹp, đặt khít nhau trên một cái đàn bán cung, theo thứ tự âm thanh từ thấp lên cao. Mỗi thanh sắt là một âm. Người chơi đàn luôn luôn ngồi thẳng hai tay cầm hai thanh gỗ có mấu đánh cùng một lần xuống những thanh sắt. Do đó mỗi lần gõ đều có một hợp âm bởi hai thanh. Đặc biệt sự chế biến âm thanh cho dương cầm sắt này là người ta đục rỗng ở dưới thanh sắt nhiều ít tùy theo mỗi âm thanh..."
ĐÀN TRANH - Đàn tranh bằng gỗ đục rỗng lòng máng, có 16 dây, 16 dây này tùy theo nhu cầu của âm thanh, căng chùng, dài ngắn khác nhau và tất cả đều bằng đồng. Những dây này máng trên những ngựa gắn vào khoảng giữa thùng đàn. Người chơi đàn phải ngồi thẳng, dùng đầu ngón tay phải có móc những móc sắt mà gảy, giống như người chơi Hạ Uy cầm; tay trái nhấn trên các sợi dây để lựa âm thanh.
Theo sách xưa để lại, đàn tranh dài sáu thước, mười hay dây, cao ba tấc.
ĐÀN TỲ BÀ - Đàn tỳ bà có bốn dây, gồm một thùng đàn trông từa tựa như thùng đàn Mandoline nhưng nhỏ hơn. Đàn có 14 phím gắn trên thùng từ lưng chừng thùng đến hết cần đàn, mỗi phím là một âm thanh. Âm thanh dài ngắn tùy theo tay nhấn vào phím. Chơi đàn, nhạc công phải ôm đàn vào lòng, tương tự như chơi mandoline ngày nay. Âm thanh được tạo ra bởi tay gảy vào dây, dây rung lên.
Người xưa cho đàn tỳ bà nguyên do người Hồ làm ra, do đó còn mang tên Hồ cầm. Người Hồ khi đi ngựa thường chơi đàn này, lấy tay nẩy ngược lên kêu là Tỳ, nảy xuôi xuống kêu là Bà, đàn được đặt tên là tỳ bà vì vậy. Đàn tỳ bà được người xưa trỗ gỗ Ngô đồng ra mà làm, bụng như rùa, cổ như phụng.
Từ đời nhà Nguyên tới nay, đàn tỳ bà làm bằng gỗ, đầu cong, cổ dài, có bốn trục vặn bốn dây, ở giữa có 14 phím.
DƯƠNG CẦM - Đàn có mang tên là Đả cầm, hình như trái cật, dài 1 thước 5 tấc, bề ngang một thước (5), có 42 dây đồng, chia làm 14 bậc, mỗi bậc 3 dây.
Khi chơi đàn, để đàn trước mặt dùng hai thanh tre có mấu mà đánh, do đó gọi là đả cầm.
Đàn này mới có từ đời nhà Thanh.
Tại Việt Nam còn có Dương cầm sắt đã nói ở trên. Dương cầm gỗ cũng giống như Dương cầm sắt, chỉ khác ở chỗ những thanh sắt đục rỗng được thay thế bằng những thanh gỗ cứng, dày mỏng tùy theo nhu cầu của mỗi âm thanh, Dương cầm tre với những thanh tre thay những thanh sắt. Ngoài ra lại còn có Dương cầm đồng trình bày và cấu tạo cũng gần như các dương cầm trên, nhưng "có điểm đặc biệt là thay vì những thanh sắt hay gỗ, người ta làm những chiếc chiêng đồng nhỏ, dày mỏng cũng tùy theo nhu cầu của mỗi âm thanh. Lối chơi cũng như các dương cầm trên" 2.
ĐÀN NHẬT - Đàn này ngoài Bắc Việt còn gọi là Đàn tứ vì có bốn dây. Thùng đàn hình tròn như mặt trời, cần dài 7 tấc, mặt thùng rộng 8 tấc. Đàn có 10 phím, 4 dây, 2 dây chập một.
ĐÀN NGUYỆT - Đàn nguyệt hình mặt trăng, còn được gọi là Nguyệt cầm. Ông Thạc Nhân đã lầm đàn này với đàn cầm.
Đàn này thùng rộng tám tấc rưỡi, dày một tấc rưỡi, hoàn toàn kín, cần dài 1 thước 7 tấc, 8 phím, 4 dây, 2 dây chập một như đàn nhật. Người sử dụng đàn có tài chỉ cần 2 dây. Mỗi phím có thể có 4 âm thanh tùy theo tay rung mạnh hay yếu trên dây, nhờ đó đàn có những biến âm rất êm tai và quyến rũ.
ĐÀN TAM - Tên đàn do ba dây của đàn. Đàn giống như đàn nguyệt nhưng bé hơn. Thùng cũng bằng gỗ, rộng năm tấc, dày hai tấc, hai bên bịt bằng da trâu thay vì bằng gỗ mỏng như đàn nhật và đàn nguyệt. Cần đàn dài một thước năm tấc, có ba trục để níu ba dây; giữa mặt đàn có con ngựa, dây căng qua, và dây cũng luồn qua một chiếc khuyết ở giữa cần như dây nhị, chiếc khuyết này bằng ngà hay bằng xương có xoi ba lỗ cho ba dây. Khi chơi đàn, nhạc sĩ ngồi xếp bằng, kê đàn trên đầu gối chân mặt, tay trái ôm cần mà nhấn trên dây, tay mặt cầm một miếng ngà dài chừng hai tấc, rộng chừng tám phân hoặc miếng đồi mồi mà gảy.
ĐÀN CẦM NAM - Đây là một cây đàn đặc biệt, có thể ăn theo với mọi điệu hát cung cao và cũng là một cây đàn hoàn toàn Việt Nam. Theo tài liệu của cụ Hoàng Yến trong Cầm học tầm nguyên đăng trong Nam Phong tạp chí số 47, tháng 5 năm 1921, thì đàn này do Luân Quốc Công, tên húy là Dục đặt ra. "Ngài là một tay rất mực phong lưu, tinh thông nhã nhạc; phàm điệu hát, câu hò, khúc lý, về tay ngài sửa sang, phần nhiều Ngài thấy điệu hát mình cung cao lắm, đờn xưa ít ăn theo. Ngài mới hiệp cả Cầm, Sắt, Tỳ bà lại một, chế ra một cây đàn mới, kêu tên là Nam cầm. Đờn này thùng dày, hình như quạt lá vả, cần dài 3 thước, tám dây. Nam Bắc truyền bá ai cũng cho là hay."
ĐÀN ĐÁY - Đàn đáy còn được gọi là đàn nhà trò, vì được dùng nơi cầm ca, do các kép gảy khi ca nhi hát à đào. Đàn mặt sau khoét rỗng, nên còn được gọi là vô để cầm. Đàn thùng vuông, cần dài ba thước và cũng có ba dây, căng từ cuối thùng đàn lên đầu cần đàn, nơi có ba chiếc trục để vặn ba chiếc dây, hình thức gần như đàn cầm nam. Có người cho rằng đàn đáy chính là biến thân của đàn cầm nam mà hình dáng được sửa đổi lại.
Đàn đáy gảy theo điệu hát của các ca nhi, cao thấp mau chậm, nhặt khoan tùy theo điệu hát, thật là hay. Ngày xưa, người Nghệ An chơi đàn đáy rất tuyệt diệu, được tiếng khắp trong nước, và trong các tài tử có Cửu Đạm đàn thật cao nên ngày nay nhắc tới, những người quán ở tỉnh này còn nhớ.
Tương truyền rằng đàn đáy do ông Lý Thuyết Quài, một vị trong bát tiên sáng chế ra: Xưa có hai vợ chồng nhà đốt than ăn ở rất nhân từ mà vẫn nghèo, cho đến một hôm được một ông già cho một cây đàn và bảo hai vợ chồng tập đàn ca sẽ giàu có.
Hai vợ chồng mang đàn về nhưng không biết đàn, lại tìm đến ông già ấy dạy cho hàng ngày cho tới khi biết sử dụng đàn. Vừa hay lúc ấy gặp ngày lễ Vạn thọ vua Hán Vũ Đế. Hai vợ chồng đến đàn hát.
Bầy tôi vua Vũ Đế có ông Đông Phương Sóc, nghe tiếng đàn thấy điệu quen, đã từng được nghe. Hỏi thì hai vợ chồng nhà này nói rõ đầu đuôi và tả hình dạng ông già. Đông Phương Sóc lúc đó mới nhớ lại đây là bản đàn của Lý Thiết Quài gảy ở cung tiên. Do sự tích trên mà sau này tại các làng có nghề nhà trò, khi cúng tế, thường tế vua Hán Vũ Đế, ông Đông Phương Sóc và ông Lý Thiết Quài, như ở làng Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, Tỉnh Hà Tĩnh vậy.
Trên đây là mấy loại đàn được ta thường dùng ngày trước, và cho tới ngày nay cũng không có mấy thay đổi đối với cổ nhạc.
Nói cho đúng, đàn không thay đổi, không có nhạc cụ mới - tôi không nói tới đàn Tây phương - mà cả đến bản đàn cũng rất ít bản đàn mới. Nhạc độ ở nước ta xưa thấp kém lắm, các bản nhạc phần nhiều chịu ảnh hưởng của Trung Hoa và Chiêm Thành, ngoại trừ những bản hòa với dân ca đầy màu sắc dân tộc.
Các nhà chơi đàn của ta xưa, trong các cây đàn nêu trên, thường lấy 5 cây đàn làm ngũ điệu: đàn Tranh, đàn Nguyệt, đàn Tỳ bà, Nhị và đàn Tam. Các tài tử phong lưu xuất sắc thường biết chơi cả năm cây đàn trên.
Các loại sáo:
Đàn nhị thường đi với sáo. Trong một phường bát âm không thể không có sáo được. Tiếng sáo hòa với tiếng đàn khiến khúc nhạc càng êm ái và càng diễn tả rõ cái hay của bản đàn. Tiếng sáo bao giờ cũng thanh nhã. Tiếng sáo tạo nên do không khí chịu hơi thổi mà ra.
Sáo cũng có nhiều loại với nhiều tên khác nhau, có thứ thổi ngang, có thứ thổi dọc. Dưới đây là mấy loại sáo đã được cụ Hoàng Yến nhắc tới trong Cầm học tầm nguyên.
HOÀNG - Hoàng là 1 ống sáo có cái lưỡi gà, khi thổi tiếng phát ra do cái lưỡi gà, và âm thanh trầm bổng tùy theo các lỗ sáo.
TIÊU - Tiêu bằng trúc có sáu lỗ, năm lỗ ở mặt trước và một lỗ ở sau.
Tục văn hiến thông khảo nói rằng ống Tiêu được chế ra từ đời nhà Minh, dài một thước chín tấc năm phân, tròn ba tấc, đầu ống khoét một lỗ gọi là Sơn khẩu.
ĐỊCH - Địch có bảy lỗ tức là ống sáo ta thổi bây giờ.
QUẢN - Nhạc khí này ta thường gọi lầm là địch. Quản chế ra từ thời nhà Đường có bảy lỗ, được gọi là thất tinh quản, lại có một lỗ ở bên cạnh, lỗ này thường được dán lại bằng lụa ruột cây tre để cho tiếng reo lên, là trợ thanh. Ngày nay khi thổi sáo, ta thường lột lụa mo cau hoặc lụa củ hành mà dán lỗ này.
TRÌ - Trì giống như ống địch có đáy, thổi ngang, sáu lỗ.
HUÂN - Đây chính là một cái còi bằng đất to, như trứng gà, tròn năm tấc rưỡi, dài ba tấc, sáu lỗ.
Kèn
Kèn cũng là một nhạc khí mà âm thanh tạo nên do hơi thổi làm chuyển động không khí trong kèn. Kèn thường như một ống loa, trên thân kèn có những lỗ, số lỗ nhiều ít theo nhu cầu của âm thanh, mỗi lỗ có hai âm thanh cao và trầm.
Miệng kèn nhỏ như một tổ sâu, có cái lưỡi gà để tạo âm thanh. Kèn phải thổi dọc.
Xưa kèn chỉ thường được dùng trong việc tế lễ, nhất là tang lễ. Tang lễ có một loại kèn riêng gọi là kèn đám ma, thổi lên kêu tò te tí te, tiếng thật là buồn, nhất là đêm hôm, khi con cháu khóc người chết có đệm tiếng kèn thật là ảo não.
Sinh tiền
Đây cũng là một nhạc khí Việt Nam làm bằng hai thanh gỗ gắn vào nhau, trên mỗi thanh gỗ có lồng những đồng tiền đồng, do đó tên là sinh tiền. Nhạc sĩ sử dụng sinh tiền đập mạnh, tiếng những đồng tiền chạm vào nhau vang lên để tăng nhịp điệu cho bản nhạc được hòa âm bởi những nhạc khí khác. Các thanh niên chơi sinh tiền trong phường bát âm thường có những điệu bộ như điệu múa, và đôi mắt đưa theo những đồng tiền lên xuống va chạm vào nhau trông thật khả ái.
Phách
Phách làm bằng hai thanh tre dùng để đánh vào nhau theo nhịp đàn và làm nhịp cho câu hát. Các ả đào khi hát thường đánh phách.
Bát
Đây chính là chiếc bát lớn dùng để gõ nhịp khi có ca hát đàn địch.
Trống
Trong các buổi tế lễ thường có tiếng trống và trống dùng trong dịp này thường là thứ trống to.
Trống có nhiều loại, mỗi loại được dùng một cách riêng, có loại dùng một dùi trống, có loại dùng hai dùi trống, và có loại chỉ cần hai bàn tay vỗ vào mặt trống là phát ra âm thanh.
Trống bao giờ cũng hình ống có khi hai đầu và giữa bằng nhau, có khi ở giữa khum khum, hai đầu nhỏ hơn. Trống có hai phần:
Thành trống - thường bằng gỗ - đây là tôi nói riêng về trống Việt Nam, những trống phương tây ngày nay du nhập vào nước ta, thành bằng kim loại. Thành trống thường rỗng giữa.
Mặt trống - ở hai đầu thành trống, được bịt bằng da, ta thường dùng da trâu. Hai đầu bịt này là hai mặt trống.
Đánh trống phải có dùi, dùi to hay nhỏ tùy theo loại trống.
TRỐNG CÁI - Đây là loại trống đại, thường đình làng nào cũng có. Trống này bề cao có khi tới hai thước và mặt trống có khi rộng tới một thước. Trống dùng để điểm vào trong cuộc tế lễ, cùng đi với tiếng chiêng.
Trong những đám rước, trống cái phải có hai người khiêng và một người thứ ba đánh trống.
Những khi làng có hát thờ thần, thường có một vị chức sắc ngồi cầm chầu đánh trống, mỗi khi có điều gì đáng khen lại đánh một tiếng trống.
Trong đám tang cũng có khi có trống cái, trống đánh nhát gừng tiếng một dẫn đầu cho đám tang.
TRỐNG CƠM - Trống cơm là một loại trống hoàn toàn Việt Nam, mình dài và nhỏ, khi đánh trống không dùng đến dùi mà dùng hai bàn tay vỗ vào hai mặt trống. Trên hai mặt trống, lúc chơi thường có hai nắm cơm nếp nhỏ, có lẽ do hai nắm cơm nếp này mà trống được mang tên là trống cơm. Cũng có nơi "như làng Đình Bảng, làng Phù Đổng, tỉnh Bắc Ninh chẳng hạn, nhạc công lại không bao giờ đính cơm nếp lên mặt trống, họ chỉ để nguyên da trống như vậy trong lúc biểu diễn mà thôi 3".
Trống cơm được coi là một nhạc cụ cần thiết trong các phường nhạc bình dân. Từ những bản nhạc dạo hành khi rước thần hoặc đưa ma đến những đám hát chèo ta đều nghe có tiếng trống cơm, và bao giờ tiếng trống cơm cũng giữ nhịp cho điệu nhạc.
Tiếng trống cơm nghe cũng đặc biệt, bùng bập bùng, không trong lanh lảnh và cũng không trầm như chìm xuống. Tiết điệu trống cơm thật là phong phú và cách biểu diễn tiết tấu cũng rất tài tình. Tiếng trống cơm với tất cả những âm thanh trầm bổng như nặng hồn dân tộc bên trong.
TRỐNG BƯNG - Có ai đã dự một cuộc thi vật ở các hội quê miền Bắc chưa? Và có ai đã dự một buổi đánh cờ bỏi hoặc đánh cờ người trên sân khấu chưa? Đã dự những cuộc này, ắt phải để ý tới một người cầm một chiếc trống nhỏ có cán đi sát các đấu thủ gõ lên những tiếng tong tong tong để khuyến khích các đô vật hoặc thúc dục các kỳ thủ khi cuộc vật đi vào lúc gay cấn hoặc khi các kỳ thủ đang nghĩ nước cờ. Tiếng trống thúc dục này đánh trên trống bưng. Có lẽ gọi như vậy vì người sử dụng phải bưng chiếc trống trên tay, mặc dầu bưng đây không đúng hẳn nghĩa, vì trống được cầm bằng một chiếc cán ở tay trái, còn tay phải cầm dùi trống đánh vào mặt trống.
Trong các buổi cúng lễ của các pháp sư đạo Lão, ngoài tiếng tiu, tiếng cảnh cũng có tiếng trống bưng. Trống bưng còn được gọi là trống khẩu.
TRỐNG ẾCH - Đây là một thứ trống của trẻ em chơi. Ở nhà quê, khi ăn thịt ếch, người ta lột da, và có người dùng da ếch bịt lên một ống tre, một khúc gỗ nhỏ khoét rỗng, phơi khô cho trẻ em chơi làm trống gọi là trống ếch. Danh từ trống ếch về sau được dùng để chỉ loại trống nhỏ, mặt cũng bịt bằng da trâu, dùng cho các trẻ em chơi trong những khi chơi tế lễ rước xách, nhất là khi có múa sư tử vào dịp Trung thu ở miền Bắc.
Hồi năm 1945, khi Việt Nam nắm chính quyền tại các xã, họ đã tổ chức những đoàn nhi đồng và các đoàn này đã đánh trống ếch đi rước khắp làng tuyên truyền cho họ. Hồi đó, nhiều người chỉ nghe tiếng trống ếch là đủ sợ, tiếng trống ếch làm họ liên tưởng tới mọi sự chết chóc họ đã chứng kiến.
TRỐNG BẢN - Những phường nhạc đám tang có một loại trống riêng, thành rất thấp độ hai tấc rưỡi ta, nhưng mặt lại rất rộng, đường kính trên tám tấc. Tiếng trống nghe trầm và rất ăn với tiếng kèn. Trống này gọi là trống bản, và nôm na hơn người ta gọi là trống đám ma.
Trống bản cũng như trống cơm, khi sử dụng nhạc công phải dùng dây đeo qua vai và để trống phía trước mặt và đánh trống có hai dùi.
TRỐNG NGŨ BỘ - Trống này giống như chiếc trống cái nhưng khuôn nhỏ hơn, thành trống cao độ nửa thước, và mặt trống đường kính bằng hai phần ba thành trống.
Không hiểu tại sao lại gọi là trống ngũ bộ? Phải chăng trống này hòa cùng với tiếng nạo bạt đánh lên nhịp năm, như phường trống ở làng Thị Càu, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh. Phường trống này thường gồm bốn người, hai người đánh trống và hai người chơi nạo bạt, mà người dân quê quen gọi là chũm chọe, vì nạo bạt gồm hai mảnh bằng đồng hình tròn có núm, khi chơi đem hai mặt đánh vào nhau.
Trong những cuộc tế lễ hay rước xách ở làng Thị Càu, ngoài phường bát âm có thêm phường trống này. Tiếng trống nghe nhịp năm tung tung cắc tung tung, hòa với tiếng chũm chọe ăn theo thành những tiếng dịch dinh dinh choe.
Nhạc công chơi trống cũng dùng quai, nhưng lại đeo thõng ngang vai, để trống ở mé cạnh sườn. Đánh trống cũng phải dùng hai dùi.
Tại các nhà cô đầu, trống dùng để đánh chầu đệm theo câu hát, điệu đàn, tiếng phách là loại trống hình thể giống trống ngũ bộ, chỉ khác khi đánh trống, quan viên thường bịt mặt trống để tiếng trống nghe tom tom thay vì tung tung.
Ngoài mấy loại trống kể trên, còn nhiều trống khác như trống bỏi, trống thầy cúng v.v...
Một số loại khác:
Đàn, nhị, sáo, sênh phách, kèn trống là những nhạc khí chính, thường ai cũng rõ, nhưng còn nhiều nhạc khí khác chỉ những người sử dụng mới hiểu như tiu, cảnh, lệnh, mõ, cồng, khánh v.v...
Tiu là một nhạc khí bằng đồng hình như cái bát, các thầy cúng thường đánh với cảnh tiếng nghe cheng cheng.
Cảnh cũng là một nhạc khí bằng đồng, gõ lên tiếng kêu cũng cheng cheng. Cảnh hình tròn vòng trong nổi cao hơn vòng ngoài. Khi sử dụng thầy cúng dùng một chiếc dùi nhỏ gõ vào nơi vòng trong. Ở vòng ngoài, tức là vành cảnh có ba lỗ xỏ dây để mắc vào một chiếc khung tròn bằng sắt hoặc bằng đồng, chiếc khung này có cán. Lúc gõ cảnh, thầy cúng gõ thành những tiếng chập cheng, muốn tạo nên tiếng chập thì thầy đưa tay giữ lấy chiếc cảnh. Tiếng cảnh hòa với tiếng ê a đọc kinh hoặc đọc sớ của thầy cúng.
Lệnh là một nhạc khí bằng đồng dày vào khoảng 5 ly ngày nay, hình tròn đường kính độ 20 phân tây, khi gõ lên, tiếng kêu beng beng. Lệnh thường được dùng tại các làng quê để triệu tập những phiên họp của quan viên tại đình làng. Lệnh có một lỗ ở mép để xỏ dây vào, người đánh lệnh xách lệnh lên bằng dây này và gõ vào bằng một chiếc dùi.
 bằng gỗ hoặc bằng gốc tre, tạo nên những tiếng cốc cốc.
Cồng bằng đồng, hình tròn, ở giữa có núm tròn lồi lên, người ta dùng dùi đánh lên núm tròn này, vang lên những boong boong. Chung quanh cồng có vành cao độ ba bốn phân tây, hoặc ít nhiều hơn tùy theo cồng to hay nhỏ.
Khánh bằng đá hoặc bằng sành, gõ vào phát ra những tiếng coong coong.
Còn nhiều nhạc khí khác mà rất tiếc với kiến thức nông hẹp, người viết không đủ hiểu để diễn tả, hoặc không biết để nói tới được.
Chú thích:

1

Thạc Nhân - Xã hội Việt Nam với vấn đề Lễ nhạc.

2

Thước tấc đây là thước tấc của ta thời xưa. (1 thước = 40 cm, 1 tấc = 1/10 thước = 4 cm)

3

Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề - Việt Nam ca trù biên khảo, trang 23.

Toan Ánh
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Sắc đỏ rừng xa  Nhất chi mai chíu chít nụ phơn phớt hồng e ấp hé trong gió sớm đợi xuân về là bua lụa khoe hương. Vài chậu trà bạch tròn...