Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2022

Bó hoa Bắc Việt 3

Bó hoa Bắc Việt 3

HOA VỚI HOA

Chung quanh Hà Nội, có mấy làng trồng hoa, nhưng người Hà Nội, khi nói đến làng hoa thì liên tưởng ngay tới trại hàng hoa, tới làng Ngọc Hà, ở đằng sau vườn Bách Thảo.

Danh từ trại Hàng Hoa chỉ làng Ngọc Hà rất đúng. Mỗi nhà ở đây có một vườn hoa, và có khi những vườn hoa liên tiếp nhau. Những vườn hoa ở đằng trước nhà, những vườn hoa ở đằng sau nhà, những vườn hoa ở bên cạnh nhà. Vườn hoa nhà này, liền khu với vườn hoa nhà khác. Có những luống hoa song song bên nhau, có những luống hoa nằm tréo góc với nhau. Đủ muôn thức hoa, thay đổi theo thời tiết của bốn mùa. Những bông cúc long trào vàng tươi bên những bông cúc vạn thọ vàng sẫm lúc xuân gần tới. Những bông thược dược đủ các màu vàng đỏ tím xanh nhởn nhơ hứng sương sớm lúc xuân sang. Những bông hồng nhung đỏ sẫm, mọng tươi như cặp môi của một thiếu nữ, e lệ ẩn hiện trong đám lá với mưa xuân. Những cụm sói bông trắng lá xanh, kín đáo tỏa hương thơm ngát dưới nắng sớm lúc đầu hè. Những bông sen trắng đỏ, vươn mình khỏi mặt nước, trong những ao bên những vườn hoa, như muốn thi gan cùng nắng hạ. Khi thu tới những bông hoàng lan thơm ngát, những đóa hoa men như móng rồng thơm dịu dịu, những bông cúc kim tiền nho nhỏ thơm hăng hắc trang điểm cho vườn hoa thêm màu sắc. Và mùa đông đến, những cành bích đào, những cành mai trắng, mai vàng đua nhau thi nở, làm rừng hoa thêm rực rỡ trước ngọn đông phong. Lại những cụm quất lá xanh quả đỏ nghiêm trang bên muôn hoa khoe sắc phô hương.

Không kể đến thời tiết, có những loại hoa quanh năm đua nở, hết lớp nọ đến lớp kia: những bông huệ trắng như những nàng trinh nữ, những đóa lay-ơn xanh trắng đỏ vàng yểu điệu như một vũ khúc, những đóa mẫu đơn ấm cúng đậm đà như ngọn lửa chiều đông.

Thật là đủ muôn hoa, muôn màu sắc với muôn hương thắm dịu!

Những bông hoa muôn sắc hương ấy từ các vườn hoa được các bàn tay dịu dàng của các thiếu nữ làng Ngọc Hà hàng ngày đưa vào thủ đô xứ Bắc, bày bán trên các chợ, và được các khách chuộng hoa lựa chọn. Sống về nghề trồng hoa, dân làng Ngọc Hà, nhất là các thiếu nữ quanh năm bận rộn với vườn hoa. Các cô trông nom hoa từ khi gieo hạt cho đến lúc đâm bông. Các lớp hoa này cắt bán, lớp hoa khác nẩy chồi, luôn luôn các cô phải lưu ý tới hoa.

Đứng giữa rừng hoa, các cô là những đóa hoa tươi linh hoạt nhất. Sống ở một làng sát ngay thủ đô Hà Nội, các cô vẫn giữ được nếp dịu dàng mềm mại của đồng quê, nhưng các cô lại có cả cái trang nhã mặn mà của thành thị.

Không phải chân lấm tay bùn như các bạn gái đồng quê khác, các cô có nước da mịn màng, có khuôn mặt tươi thắm. Mắt các cô trong như nước hồ thu, các cô mỉm nụ cười kín đáo như hoa ngâu e lệ trên cành. Cử chỉ các cô êm ái như những lúc lựa hái hoa, lời nói các cô dịu dàng quyến rũ như những bông hoa thắm.

Y phục, có khi các cô ăn vận nửa tỉnh nửa quê, có khi các cô lồng mình trong những bộ áo quần lộng lẫy của đất nghìn năm văn vật, tùy theo từng trường hợp, cũng như tùy theo từng hoàn cảnh.

Bao giờ các cô cũng lịch sự, lúc chào mời bán hoa, lúc trao hoa cho khách hàng, cũng như những lúc chuyện trò cùng bạn bè quen thuộc.

Phải chăng muôn hoa đã ảnh hưởng tới các cô, truyền cho các cô sự mềm mại êm đềm, khiến cho các cô thêm vẻ khả ái trong ngôn ngữ và cử chỉ.

Ai đã tới Ngọc Hà thăm các vườn hoa, ai đã gặp các cô ở chợ hàng hoa bên bờ hồ Hoàn Kiếm, ai đã nhận hoa của các cô đưa tới tận nhà, đố ai quên được sự niềm nở, dáng ân cần vồn vã của các cô. Khách >yêu hoa thưởng thức hương thơm cánh thắm của muôn hoa, nhưng cũng không quên những lời nhẹ nhàng điểm theo nụ cười duyên dáng của các cô hàng hoa.

Cô hàng hoa kiều diễm, cô hàng hoa xinh đẹp, nhưng cô hàng hoa lại rất cần cù chịu khó như tất cả mọi người đàn bà Việt Nam.

Mặc dầu sống ở sát ngay thủ đô Hà Nội, cái quan niệm giáo dục của người dân quê Việt Nam đối với phụ nữ cũng không vượt khỏi mấy câu tứ đức tam tòng. Dạy con gái các bà mẹ quê rất chú trọng đến công dung ngôn hạnh, các bà không muốn các con quá tiêm nhiễm cái mới, tuy rằng có nhiều điều hay, nhưng cũng không khỏi có nhiều điều dở. Các bà muốn các con gái phải chịu khó cần cù để mai sau trở nên người vợ đảm người mẹ hiền. Dáng điệu cử chỉ và ngôn ngữ phải khoan thai dịu dàng cho hợp với nền nếp phương Đông; còn đức hạnh phải thuận hòa, biết người trên kẻ dưới, biết ai là cố hữu thân bằng, biết nghĩ đến người hơn nghĩ đến mình.

Chịu ảnh huởng nền gia giáo Á Đông, cô hàng hoa biết thương người, dịu dàng với mọi người cũng như dịu dàng với những bông hoa mảnh dẻ!

Hàng ngày, cô dậy sớm, ra vườn hoa, hái hoa. Sau đó cô vẩy nước chải chuốt lại những bông hoa hái từ trước và đã được phơi sương suốt ban đêm. Có trồng hoa mới biết tính chất của hoa. Có loại hoa, sáng ngày mới hái để giữ lấy màu tươi lúc đem bán, cũng có những bông hoa cần phải hái từ chiều hôm trước để giữ lấy vẻ hàm tiếu của hoa. Để hoa ở nguyên trên cành một đêm nữa, hoa sẽ nở to và sẽ không được khách mua hoa mến chuộng. Có những bông hoa cần sấp thêm nuớc để tươi thắm hơn, có những bông hoa đượm nhiều nước sẽ trông như nát cánh, nên cần lau bớt nước đi. Người trồng hoa cũng như người buôn hoa đều biết rõ sự đòi hỏi của từng hoa. Có như vậy mới trang điểm cho hoa thêm sắc nước để quyến rũ khách mua hoa.

Hoa đã hái được cô hàng hoa xếp thành từng loại, có khi bó thành từng bó. Loại hoa nào bán cho người chơi hoa để trang hàng, loại hoa nào bán cho người đi lễ. Những hoa dùng vào việc lễ bái, cô giữ cho thật thanh khiết. Có khi cô bó sẵn từng chục hoa như hoa sói, hoa lan.

Những gói hoa cúng thường gồm nhiều thứ hoa, phần nhiều có hương thơm, cô lựa mỗi thứ một vài bông, gói thành những gói rất xinh xắn. Còn các bó hoa, không bao giờ cô quên bó thêm mấy nhánh lá để tăng vẻ xanh tươi.

Hoa đã sửa soạn xếp thứ nào riêng thứ ấy thành từng loại, màu sắc ăn nhịp với nhau, được bán ngay tại nhà cho các phường buôn đến cất, hoặc mang bán tại các chợ Hà Nội, nhất là chợ hàng Hoa bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Tại các chợ có khi chính cô ngồi bán hoa, có khi cô chỉ mang hoa tới trao cho người khác, rồi chính cô phải đi đưa hoa cúng cho từng nhà mua hoa tháng.

Có những gia đình đông chị em, các cô chia nhau, người đi chợ, người ở nhà. Người đi chợ bán hoa, còn các cô ở nhà cũng chỉ săn sóc đến hoa. Các cô giúp đỡ cha mẹ trong việc trồng tỉa: nào bắt sâu, nào ương hạt, nào ủ giống, nào tưới cây, mỗi công việc một tỉ mỉ. Các cô làm việc với một sự kiên nhẫn đáng khen. Với thời tiết đổi thay khi mưa khi nắng, khi rét, khi nóng, các cô phải lo che chở cho hoa tươi thắm cùng thời tiết.

Quanh năm các cô săn sóc tới hoa, nhưng đã săn sóc tới hoa, các cô tất nhiên phải săn sóc tới chính riêng các cô. Các cô chẳng những là bông hoa đẹp hay sao? Mà lại là những bông hoa biết cử động, biết suy nghĩ, có tâm hồn, biết chuộng cái đẹp.

Vậy thì các cô phải săn sóc tới các cô, nhất là hàng ngày ra vào Hà Nội các cô đã nhìn thấy sự trang điểm tăng vẻ đẹp cho con người. Các thiếu nữ kiều diễm thanh lịch của thủ đô đất Bắc hàng ngày các cô gặp như khuyến khích các cô phải tô điểm cho nhan sắc mình. Bởi vậy ngoài những thì giờ bận rộn vì công việc các cô cũng lo may mặc bằng hàng mới theo kiểu mới, và những khi ra ngoài, nếu không phải là đi chợ, các cô cũng không quên thoa chút phấn, bôi chút son cho má thêm hồng, cho môi thêm thắm, cho nụ cười thêm duyên dáng, cho cặp mắt thêm sáng trong. Các cô đã đẹp tự vẻ người, nay các cô lại đẹp thêm vì trang điểm. Soi gương, ngắm bóng các cô nhận thấy mình lớn phổng lên với những đường cân đối của thân hình rất nhịp nhàng qua những cử chỉ dịu dàng khoan thai.

Các cô bâng khuâng nghĩ đến những chàng tư mã áo xanh đã cùng nhau gặp gỡ ở làng hoặc ở thủ đô Hà Nội. Các cô so sánh những chàng trai Hà Nội với trai làng. Lẽ tất nhiên lòng các cô ngả về chốn đô thị hơn. Người đô thị khéo ăn, khéo nói lại khéo chiều! Người đô thị trông gọn gàng thanh lịch hơn!.

Có nhiều cô, trong lúc cùng làm hoa, trong lúc gặp gỡ những trai làng đã tỏ nhiều thiện cảm với những chàng trai này, và đôi khi có cả chuyện gắn bó cùng nhau nữa, nhưng rồi các cô gặp những chàng trai thành thị, các cô xa dần những người bạn cũ, để một ngày kia lên xe hoa về Hà Nội.

Trước cảnh tình ấy các chàng trai làng ắt phải buồn, các chàng trai oán thói đời đen bạc, trách con người ham cái mã xa hoa, theo đuổi cái bề ngoài, bỏ mối tình chân thật đậm đà.

Có những khi chàng cuốc luống hoa trong vườn, có người cũ đi qua, người cũ này hoặc đã lành duyên cùng người khác, hoặc mới hờ hững với chàng trai để gắn bó cùng nơi khác, chàng trai tự ca lên mấy câu như để trách ai mà cũng như để trút nỗi hận hằng đeo đẳng mãi trong lòng:

Dẫu rằng đá nát vàng phai,

 Ba sinh phải giữ lấy lời ba sinh.

Duyên kia có phụ chi tình,

Mà toan sẻ gánh chung tình làm hai?

Bây giờ người đã nghe ai,

Thả chông đường nghĩa rắc gai lối tình?

Nhớ lời hẹn ước đinh ninh, 

Xa xôi ai có thấu tình chăng ai?

Cũng có khi, cô gái say mê người thành thị nhiều tiền lắm bạc, bỏ xa người cũ, nhưng rồi thành thị chỉ là cái bã, cô gái gặp bọn con trai thành thị thiếu chung tình, yêu ngay đấy là lại quên ngay đấy! Cô gái phải quay về làng. Chàng trai được dịp trách móc:

Tham vàng bỏ nghĩa ai ơi 

Vàng thời đã hết, nghĩa tôi vãn còn!

Rồi đàn lại nối giây tơ, khúc yêu đương lại dạo qua phím cũ, sau cơn mưa lại đến buổi đẹp trời. Trăm hoa trong vườn như mừng một cuộc tái hồi tốt đẹp. Rồi chỉ thắm xe tơ, đôi bên cùng nhau trọn niềm phu phụ.

Anh lại cuốc luống trồng hoa, chị lại gieo hạt chờ ngày mầm non nẩy lộc, hòe quế đầy vườn. Hoa tươi thắm lại càng tươi thắm, và một ngày kia có lũ trẻ nhỏ bi bô gọi mẹ, theo cha qua mấy luống hoa.

Rồi những ngày hội đền Voi Phục, hội chùa Láng, anh chị cùng dắt lũ con đi xem hội, để gặp các trai gái làng, đang cùng nhau biển chỉ non thề, nhắc lại cho anh chị thủa thiếu thời, anh chị cũng đã gặp nhau ở nơi đây, cũng đã hẹn hò nhau, cũng đã cùng nhau vào lễ Phật để cầu được hương lửa trọn niềm. Bao nhiêu kỷ niệm cũ như hiện lại, anh chị nắm chặt tay nhau, đưa mắt cùng nhau.

Tuy nhiên vui chơi chỉ ở trong ngày hội, còn vốn con nhà làm ăn, sau ngày hội lại ai lo phận nấy, anh có việc của anh chị có việc của chị, nhưng công việc của đôi người đều vẫn là chăm bón cho hoa.

Trồng hoa tuy vất vả, nhưng có những lúc rất khiến cho người ta ham thú: Ấy là những khi kìm được hoa nở chậm lại hoặc gò hoa nở mau hơn để được thưởng thức hoa cho hợp với cảnh trời, ấy là những lúc ngắm hoa nở với mùi hương phảng phất dưới ánh mơ hồ huyền ảo của trăng đêm. Chỉ những lúc ấy người trồng hoa mới thấy hoa thật là của mình, và hoa đã phản ảnh một phần nào tâm hồn của người yêu hoa, khác hẳn mọi lúc, người trồng hoa chỉ trồng hoa cho người, chỉ hái hoa đem bán.

Người chơi hoa tự trồng lấy hoa, có lẽ thấy tuyệt thú khi nhánh hoa đó dành riêng cho mình, nhất là khi nhánh hoa đó lại là hoa thủy tiên.

Hàng năm đêm trừ tịch, tại Trấn Ba Đình hồ Hoàn Kiếm Hà Nội, có cuộc thi hoa Thủy Tiên.

Những giò hoa mang tới thi không phải chỉ là những bông hoa gọt tỉa khéo. Cái khéo ở đây đành rằng ở sự trình bày hoa, nhưng cái khéo chính là phải giữ làm sao cho hoa đợi đúng lúc giao thừa mới nở.

Mỗi giò hoa Thủy Tiên gửi tới dự thi đã đem theo cả một công trình của một thiếu nữ với biết bao nhiêu tâm trí trong việc gọt củ, săn sóc cho hoa, tỉa lên những nhánh. Kể từ khi có củ Thủy Tiên, thiếu nữ phải gọt khéo để củ nẩy nhánh, đâm chồi, rồi lên nụ. Thiếu một bàn tay khéo léo, củ thủy tiên sẽ đâm thẳng ra mấy chồi như những bông hoa láng, hay tệ hơn nữa như những củ hành. Những cụm thủy tiên được đặt trong chiếc bình riêng, thửa sẵn chỉ để dùng có dịp này, những chiếc bình pha lê trong muốt với hình vẽ nổi rất đẹp và rất hợp với màu cánh trắng nhị vàng của hoa Thủy Tiên, hoặc những chiếc bình màu sặc sỡ có thể làm nổi bật vẻ đẹp của giò hoa.

Nước đựng trong bình, người gọt phải giữ tinh khiết và thay luôn luôn. Tùy theo thời tiết nước đó phải giữ lạnh nhiều hay tăng cho ấm thêm. Có như vậy, người gọt mói giữ nôi hoa không nở sớm quá hay muộn quá. Các cô gọt hoa bắt phải nở trong đêm giao thừa, hoặc giữa sáng ngày mồng một đầu năm để mang sự tươi đẹp thịnh vượng lại cho gia đình. Đối với những giò hoa dự thi các cô trông các mầm hoa, nhánh hoa, tính kỹ lưỡng hơn, để làm sao cho đúng lúc giao thừa hoa sẽ hàm tiếu. Như thế mới là khéo, và như thế mới hy vọng được giải trong cuộc thi ở Trấn Ba Đình. Gửi hoa tới dự thi, các cô đã tính thêm cả yếu tố mùi trầm hương làm tăng sức nóng của không khí trong đền và ảnh hưởng tới hoa.

Thường thường gặp tiết trời hơi nóng, xưa kia các cô vẫn đặt hoa xuống hầm cho lạnh nhưng ngày nay, có nước đá, các cô chỉ việc pha nước cho lạnh thêm; trái lại nếu trời lạnh quá, các cô sẽ phải để bình hoa trong một bình khác đựng nuớc ấm. Kinh nghiệm đã giúp các cô nhiều nên công việc gọt hoa hàng năm các cô đều làm đạt được ý muốn.

Mỗi năm tại Trấn Ba Đình có hàng mấy chục chậu hoa dự thi, thủy tiên đơn có, thủy tiên kép có. Những bông hoa trong các chậu hoa lả lướt như múa đón xuân sang theo tiếng pháo giao thừa. Chậu hoa nào cũng đẹp, nhánh hoa nào cũng thơm. Hội đồng chấm thi tha hồ phân vân trong lúc lựa chọn.

Những chậu hoa này của các cô gái các làng Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Hoàng Mai, và của chính các cô ở Hà Nội nữa. Các thiếu nữ phố hàng Gai và phố hàng Bạc, thường vẫn có hoa dự thi và vẫn thường được giải thưởng luôn.

Nhưng hoa của các cô gái Ngọc Hà cũng không phải thua kém; quanh năm các cô săn sóc cho hoa, các cô lấy việc đem hoa dự thi tại Trấn Ba Đình là một điều quan trọng.

Dù trúng giải hay không trúng giải, cô gái Ngọc Hà vẫn xinh đẹp giữa muôn hoa, và chính các cô vẫn là những bông hoa tươi thắm nhất.

GÁI NỘI DUỆ-CẦU LIM

Nội Duệ và Cầu Lim là hai làng nhỏ thuộc huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Hai làng này ở ngay bên đường quan lộ chạy từ Hà Nội đến Lạng Sơn.

Tỉnh Bắc Ninh là một tỉnh có nhiều đồi nhỏ. Những ngọn đồi này nổi bật lên giữa hai cánh đồng mạ con gái xanh mơn mởn, khiến cho phong cảnh tỉnh Bắc Ninh có một vẻ nên thơ.

Cảnh đẹp vẫn là thi hứng, nhất là phong cảnh đó lại có núi, có rừng ngay bên những dòng nước bạc như ngòi Tào Khê, như sông Nguyệt Đức, ngay bên những cánh đồng bao la vô tận. Người ta dù vô tình đến đâu, đứng trước một cảnh đẹp cũng phải thấy lòng rung động huống chi cảnh đẹp đó lại là nơi chôn rau cắt rốn của mình, là nơi có mồ mả đất cát tổ tiên của mình. Cho nên cô gái vùng Nội Duệ, Cầu Lim đã cảm hứng trước một vùng cẩm tú của non sông. Cô thấy cõi lòng rung động, cô muốn bày tỏ nỗi lòng đó. Chỉ có câu ca là tả được nỗi lòng của cô trong lúc ấy. Thế là cô cất cao giọng hát. Cô hát, hát mãi, hát trong lúc nhàn, hát trong lúc bận, hát trong lúc buồn, hát trong lúc vui. Đầu tiên cô hát vì muốn hát, nhưng rồi cô lấy câu hát để >giãi nỗi lòng, cô lấy câu hát để cợt đùa chúng bạn và đôi khi cợt ghẹo cả khách qua đường.

Các du khách ai đã có dịp đi qua vùng Nội Duệ, Cầu Lim, vùng này gồm cả một khu ba bốn huyện của tỉnh Bắc Ninh, chứ không phải là chỉ có hai làng Nội Duệ và Cầu Lim thôi, chắc nhiều khi đã phải buồn cười vì những giọng hát ở dưới ruộng đưa lên.

Cô gái Nội Duệ, Cầu Lim lúc đó cấy lúa, làm cỏ ở dưới ruộng. Chợt ngẩng đầu lên, cô thấy du khách đi qua. Cô hát ghẹo:

Hỡi người đi đường cái quan, 

Dừng chân đứng lại em than vài lời!

Mặc dầu lời hát ghẹo, khách vẫn rảo bước đi.

 Cô gái ở dưới ruộng vẫn hát theo:

Đi đâu vội mấy ai ơi,

 Công việc đã có chị tôi ở nhà.

Nhưng khách vẫn đi, và đã đi xa quá tầm tiếng hát rồi thì cô lại cúi xuống cấy lúa, hoặc làm cỏ, hoặc đập đất tùy theo từng mùa trong một năm. Cô vừa làm vừa ca những câu đầy hy vọng.

Thân em như tấm lụa đào, 

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.

Em ngồi cành trúc, em tựa cành mai, 

Đông đào tây liễu biết lấy ai bạn cùng.

Có khi trong câu ca, cô nghĩ tới ý trung nhân, cô vẫn chưa hiểu chàng có bụng yêu mình hay không:

Thân em như tấm lụa đào, 

Phất phơ trước gió biết vào tay ai.

Thân em như đóa hoa rơi,

Phải chăng chàng thật là người yêu hoa.

Cô lại nghĩ đến ngày xuất giá, cô không biết rồi ra cô có gặp người được người xứng đáng hay chăng:

Nghĩ xa rồi lại nghĩ gần,

Làm thân con nhện mấy lần vương tơ.

Biết đâu trong đục mà chờ,

Hương thơm hết tuyết nương nhờ vào ai.

Những lúc cô hát đó, nếu có chàng trai nào đi qua tất nhiên chàng trai đó phải cảm động vì giọng hát vút cao theo gió, trong như tiếng hạc và đầm ấm như ngọn lửa trời đông. Lẽ tất nhiên là chàng trai đó phải dừng chân để hát lại đôi lời. Nếu chàng trai đó hát lại, cô gái kia sẽ hát tiếp và câu đi câu lại, có khi cuộc hát kéo dài cho đến buổi hôm...

Nhưng chàng trai rụt rè, ngượng nghịu, chưa dám lên tiếng, bắt lời những câu ca thì, nếu cô gái bất chợt ngửng lên, đôi mắt bắt gặp chàng trai, thấy chàng cũng xứng đáng để mình hát tặng mấy bài ca, cô sẽ tự hát thêm, mong chàng bạo dạn hơn để đáp lại lời mình.

Thiên duyên kỳ ngộ gặp chàng,

Khác gì như thể phượng hoàng gặp nhau.

Tiện đây ăn một miếng trầu,

Hỏi thăm quê quán ở đâu chăng là.

Xin chàng quá bước về nhà, 

T>rước là trò chuyện sau là nghi chân.

Nếu những lời tình tứ trên kia không khiến chàng trai đáp cô sẽ sỗ sàng hơn

Anh kia có vợ hay chưa?

Mà anh ăn nói gió đưa ngọt ngào.

Mẹ già anh ở nơi nao ?

Để em về nhà hầu hạ thay anh.

Chẳng tham nhà ngói rung rinh, 

Tham vì một nỗi anh xinh miệng cười.

Miệng cười anh đáng mấy mươi, 

Chân đi đáng nén, miệng cười đáng trăm.

Tuy sỗ sàng cô vẫn không khiến được chàng trai bắt lời, nhưng chàng trai vẫn ngập ngừng chân bước đi, mặt còn ngoảnh lại, cô sẽ sỗ sàng hơn, bấy giờ là để trêu ghẹo chàng trước khi chàng đi xa hẳn:

Chàng về Hồ, thiếp cũng về Hồ, 

Chàng về Hồ Hán, thiếp về Hồ Tây.

Chàng bao nhiêu tuổi năm nay,

 Chừng rầy mười tám, thiếp rầy bốn ba.

Mồ cha đứa bảo thiếp già,

Thiếp còn gánh nổi một và trăm kim.

Trăm kim đổi lấy lạng vàng,

Mua gương Tư Mã, thiếp chàng soi chung.

Chàng về sắm sửa loan phòng, 

Thiếp xin điểm phấn tô hồng thiếp theo.

Xong câu hát chàng trai đã đi khuất cô lại cúi xuống làm việc. Hát thì hát nhưng việc làm không bao giờ cô xao nhãng. Tay vẫn cấy lúa, vẫn cắt cỏ, vẫn đập đất nhưng mồm vẫn hát, và có khi sau mỗi câu hát vẫn có những chuỗi cười ròn rã.

Nếu chàng trai hát đáp thì những câu hát sẽ chuyển từ những lời hứa hẹn, đến ngày thành hôn, rồi trong câu hát ta thấy cả sự thách cưới chua ngoa, nó thành một tập quán của dân Việt. Đã đành rằng câu hát chỉ tượng trưng, nhưng đó cũng chứng tỏ một phần nào tục lệ thách cưới ở dân tộc ta. Đây là một trong nhiều bài, cô gái thường hay hát về thách cưới:

Em là con gái nhà giàu,

Mẹ cha thách cưới ra màu xinh sao.

Cưới em trăm tấm gấm đào,

Một trăm hòn ngọc, hai mươi tám ông sao trên trời.

Tráp tròn dẫn đủ trăm đôi,

Ống thuốc bằng bạc ống vôi bằng vàng.

Sắm xe tứ mã đem sang,

Để quan viên họ nhà nàng đưa dâu.

Ba trăm nón nghệ đội đầu,

Mỗi người một cái quạt tầu thật xinh.

Anh về sắm nhiễu nghi đình,

May chăn cho rộng ta mình đắp chung.

Cưới em chín chĩnh mật ong, 

Mười cót xôi trắng, mười nong xôi vò.

Cưới em tám vạn trâu bò,

Bảy vạn dê lợn, chín vò rượu tăm.

Lá đa mặt nguyệt hôm rằm,

Răng nanh thằng cuội, râu cằm thiên lôi.

Gan ruồi mỡ muỗi cho tươi,

Xin chàng chín chục con dơi hóa rồng.

Thách thế mới thỏa trong lòng, 

Chàng mà theo được thiếp cùng theo chân.

Đã ghê gớm chua ngoa chưa? Cho nên ta chẳng lấy làm lạ rằng ở vùng quê đã có những chuyện gả con thách cưới như việc mua bán.

Nhưng hát mãi, cũng có lúc chia tay. Chàng trai phải ra về vì đường xa. Cô gái sẽ hát:

Mình về ta chẳng cho về, 

Ta nắm vạt áo ta đề bài thơ. 

Bài thơ ba chữ rành rành,

Chữ “trung ” chữ “hiếu ” chữ “tình ” là ba.

Chữ “trung” dành để phần cha, 

Chữ “hiếu”phần mẹ, đôi ta chữ “tình”.

Chàng trai đi rồi, cô gái Nội Duệ, Cầu Lim lại làm việc yên lặng một lúc đầu. Rồi cô lại cùng chúng bạn hát những câu hát khác để ôn lại những giây phút êm đẹp hoặc tròng ghẹo lẫn nhau, hoặc một vài người khách qua đường nào đó. Khách qua đường có thể là một nhà sư, cô cũng chẳng từ:

Hỡi ơi chú tiểu trên chùa,

Chú tu sao chú bỏ bùa cho tôi?

 Sư tôi đây là sư mô,

Tuy miệng niệm Phật vẫn có một bồ dao găm.

Khách qua đường nhiều khi cũng không phải tay vừa, thấy cô hát cũng hát ghẹo. Có khi chính khách thấy cô đang lúi húi cấy lúa lại hát ghẹo bằng một câu thâm độc:

Nhà em tội lỗi vì đâu,

Mà em đi chổng phao câu lên trời?

Câu hát đó đã chua chát, nhưng trêu vào tay gái Nội Duệ, Cầu Lim thì không được. Có bao giờ cô chịu ai. Cho nên cô đã bị ghẹo bằng một câu chua chát thì cô lại đáp lại một cách chua chát hơn:

Nhà em chẳng tội lỗi gì

Em chẳng đi chổng lấy gì anh xơi

Đã sâu cay chưa! Đúng nghĩa đen đấy, nhưng ở đây ta lại thấy có hai nghĩa đen!

Có bao giờ cô lại chịu ai đâu. Lẽ tất nhiên là sau câu hát trên, khách qua đường phải rảo cẳng đi mau hơn. Nhưng cô vẫn chưa tha, cô phải cho khách biết bận này hay bận khác cô hát:

Nhất cao là núi Ba Vì,

Chị còn vượt được sá gì cỏ may!

Nhất giỏi là trai Sơn Tây,

Chị còn đối được nữa giây bìm bìm!

Cô gái Nội Duệ, Cầu Lim hát quanh năm, nhưng cô hát nhiều nhất là mấy tháng xuân. Mùa xuân là mùa của hội hè đình đám, các cô được tự do đến hội cùng những chàng trai hát đối. Suốt mấy tháng xuân, các cô đi hát hội ở khắp các làng mấy huyện Võ Giàng, Tiên Du, và ở đâu bao giờ tài nghệ của các cô cũng khiến cho trai thiên hạ phải thán phục và nói đến hát là các chàng trai nhắc tới “Gái Nội Duệ, Cầu Lim”.

Trai tỉnh Bắc nhắc tới, trai tỉnh Đông nhắc tới, trai tỉnh Nam nhắc tới, danh tiếng các cô được truyền đi khắp tứ tỉnh trong ngoài, và những khách qua vùng Nội Duệ, Cầu Lim, bị các cô hát ghẹo thường tự lẩm nhẩm: “Gái Nội Duệ, Cầu Lim” và dù khách phương xa cho là các cô lẳng lơ, nhưng sự thực phải đâu là thế. Các cô hay hát ghẹo người khác cũng chỉ là do bởi phong cảnh hào hứng nên thơ của tỉnh Bắc đó thôi, và mấy tiếng gái Nội Duệ, Cầu Lim chỉ là mấy tiếng nhắc tới tài nghệ về hát của các cô gái ấy.

MẸ TÔI

Mẹ tôi chỉ là một người đàn bà nhà quê miền Bắc. Cũng như muôn nghìn phụ nữ đồng quê khác, mẹ tôi đã sống giữa sự vất vả làm lụng, trọn đời hy sinh cho chồng con và tự nhận lấy mọi sự cực nhọc về mình.

Ông ngoại tôi có chân nhiêu trong xã. Có chân nhiêu, nghĩa là ông ngoại tôi ngày xưa là một người khá giả trong làng, có ruộng có vườn,

và đình, ông ngoại tôi là một bậc vai vế, được ngồi chiếu trên, được hưởng những điều vinh dự của hàng dân làng xã.

Con một ông Nhiêu, mẹ tôi thời còn con gái cũng được đầy đủ hơn nhiều chúng bạn, có quần áo đẹp, có khuyên vàng sà tích bạc để đeo trong ngày hội, có nón quai thao, có dép cong để mang trong những dịp vui dịp tết. Mẹ tôi lại được đi học Hán tự cho mãi tới năm mười lăm tuổi.

Tuy vậy, không phải vì đuợc đi học, vì sung sướng hơn chúng bạn cùng tuổi mà mẹ tôi không phải làm lụng gì, trái lại mẹ tôi vẫn phải lo đủ mọi công việc của một cô gái quê.

Hàng ngày, ngoài buổi học ở nhà cụ đồ, về nhà cha mẹ tôi luôn tay bận rộn. Nào thổi cơm, gánh nước, khâu vá, thêu thùa, dọn dẹp nhà cửa, quét tước sân vườn, chăn gà nuôi lợn. Việc lớn, việc nhỏ mẹ tôi đều phải làm rất chu đáo, cẩn thận vì ông ngoại rất nghiêm, không bao giờ ông tôi tha thứ sự trễ nãi lơ là của con cái. Còn công việc tắm rửa cho các em, còn đôi khi phải gánh đi chợ bán ngô khoai đậu sắn là những sản phẩm của ruộng vườn nhà, để lấy tiền mua thức ăn đồ dùng.

Không bao giờ mẹ tôi xao nhãng việc làm, cũng như không bao giờ mẹ tôi chểnh mảng việc học.

Cụ đồ dạy mẹ tôi là bạn thân với ông ngoại tôi. Hàng ngày các cụ vẫn gặp nhau, nếu mẹ tôi lười biếng là ông tôi biết ngay. Cụ đồ thường khen với ông tôi: mẹ tôi là một cô học trò ngoan ngoãn thông minh, chịu khó, chữ đẹp lại văn bài làm tấn tới. Cụ vẫn bảo:

- Con bé ấy, nếu là con trai, chẳng giải nguyên cũng á nguyên.

Mẹ tôi chị em anh em đông, mọi người đều phải đi học và phải làm việc nhà. Các cậu tôi, sau buổi học sáng, chiều chiều phải đi chăn trâu, hoặc có khi phải cuốc vườn rất nặng nhọc.

Cũng như mẹ tôi, các người kia, cũng không bao giờ có ai hề phàn nàn về công việc, cũng như không dám bỏ nhác việc học hành, tuy rằng các người không được xuất sắc bằng mẹ tôi.

Ông tôi thường lấy mẹ tôi để răn các dì và các cậu tôi, song cũng có nhiều lần ông tôi quở mắng mẹ tôi vì cụ đồ đã cho ông tôi biết một vài bài văn mẹ tôi không nhớ điển, hoặc một vài đoạn kinh sách nào mẹ tôi không thuộc.

Ông tôi cũng rõ những hôm đó vì bận nhiều công việc nhà, nên việc học của mẹ tôi không được chu đáo, nhưng ông tôi vẫn gọi mẹ tôi bảo:

“Cụ đồ cho thầy biết, độ này con học hành không được chuyên cần. Thầy không bằng lòng. Con đừng thấy rằng phải làm việc nhà mà lững lờ với việc học. Có học mới biết, có làm mới nên người.

Nhân bất học bất tri lý

Ngọc bất trác, bất thành khí”

(Không học người có biết gì

Ngọc mà không rũa thành chi đồ dùng).

Lẽ tất nhiên trước những lời nghiêm huấn ấy mẹ tôi chỉ biết nhận lỗi xin cố gắng học hành, chăm chỉ làm việc để ông tôi đuợc vui lòng.

Quở mắng mẹ tôi, ông tôi thường dùng lời nhẹ nhàng, còn đối với các cậu tôi, ông tôi luôn luôn dùng roi vọt, nhất là khi nào các cậu tôi không chịu học.

Yêu cho vọt, ghét cho choi. Đối với ông tôi, con gái xao nhãng việc còn tha thứ được, chứ con trai cần phải học. Ông tôi thường mắng các cậu tôi:

“Chúng mày lười, sau này chúng mày sẽ dốt nát, sẽ làm đầy tớ người khác, như thế là điếm nhục gia phong, xấu lây tới tiên tổ. Kẻ làm trai phải lấy học vấn làm đầu.

Nhân sinh bách nghệ Văn học vi tiên

Nho sĩ thị trân Thi thư thị bảo. ”

(Người ta trăm nghệ tùy thân

Nhưng mà văn học phải cần đầu tiên Thi thư là máu rõi truyền

Học trò là kẻ sĩ hiền trọng thay).

Mẹ tôi đi học cho tới năm mười lăm tuổi. Theo lời mẹ tôi thuật lại thì ngày ấy là vụ gặt lúa chiêm, ông tôi có nhiều ruộng ở làng Song Lư tục gọi là làng Xưa tỉnh Bắc Giang, mà không có ai trông nom thóc lúa trong ngày gặt, nên buổi tối hôm đó, trong khi mẹ tôi đang cùng các cậu tôi học lại bài buổi sáng, ông tôi cho gọi và bảo:

“Từ mai con nghỉ học, để lên làng Xưa cùng với chị con trông nom gặt hái cho thầy. Con học thế cũng đủ rồi, con gái không cần học nhiều. Chỉ cần thông văn tự để hiểu lấy bổn phận của mình là đủ”.

Ông tôi đã định việc gì trong nhà không ai dám trái ý. Mẹ tôi chỉ biết nghe theo, nhưng lòng mẹ tôi lúc ấy mang một mối buồn. Thôi từ nay, hàng ngày không còn gặp thầy gặp bạn, hết làm thơ, làm phú, hết nghe kinh sách, hết giảng văn, tập đối.

Trước vẻ ngỡ ngàng của mẹ tôi, ông tôi bảo:

“Thầy cũng biết con còn muốn đi học, nhưng thầy đã nghĩ kỹ, con cần phải nghỉ học để còn lấy chồng. Đi học mãi người ta ai dám lấy. Đàn bà con gái cốt nhất giữ sao cho vẹn tứ đức, rồi trọn đạo tam tùng. Thôi ngày mai con đến xin phép cụ đồ và chào bạn học. Trưa mai con lên làng Xưa và chị con. Thóc lúa vụ này nhiều, hai chị em liệu mà trông nom”.

Thế là ngày hôm sau mẹ tôi đến xin phép cụ đồ để thôi học và chào các bạn học. Cụ đồ nói:

“Con học được, nhưng con gái học thế cũng đủ. Ở nhà con phải lo cho trọn bổn phận của con, và phải luôn luôn nhớ tới những điều đã học trong sách, lấy đó làm phương châm. Đừng để mang tiếng thầy là đã dạy con những điều không hay trái với đạo lý của thánh hiền, và cũng đừng để thầy mẹ con phải lo nghĩ về con”.

Mẹ tôi sợ cụ đồ cũng như sợ ông ngoại tôi. Những lời căn dặn của cụ đồ mẹ tôi suốt đời ghi nhớ, và vẫn hằng nhắc lại cho chúng tôi nghe.

Từ ngày đó mẹ tôi nghỉ học, nhưng hàng ngày mẹ tôi vẫn giở lại sách cũ để xem, và những lúc các cậu tôi làm văn làm phú, làm câu đối, làm thơ, mẹ tôi thường giúp đỡ, tìm hộ một vài điển, nghĩ hộ một vài chữ. Vì vậy, nên tuy nghỉ học, mẹ tôi vẫn trau dồi thêm được về kinh sách.

Nghỉ học, mẹ tôi phải cáng đáng công việc nhà nhiều hơn. Phải dậy sớm thức khuya để trông nom nhà cửa và người làm, phải cắt đặt công việc trong nhà cũng như công việc ngoài đồng ruộng.

Bà ngoại tôi thường khoe với mọi người là từ ngày mẹ tôi nghỉ học, mẹ tôi gánh đỡ mọi việc trong nhà và trồng nom đỡ việc đồng áng.

Mẹ tôi lại phải lo học làm bánh trái cũng như những việc khác về nữ công. Trong những dịp giỗ tết, ông tôi luôn luôn bắt mẹ tôi phải làm đủ các thứ bánh su sêm tràng gừng, bánh cốm, bánh thu đa nạp thiểu, 1 bánh ú, bánh ít, bánh gai, v.v...

Đời con gái của mẹ tôi kéo dài tới năm 18 tuổi. Tuy vất vả, nhưng những dịp hội hè đình đám tết nhất, mẹ tôi cũng được nghỉ ngơi như các chị em để cùng chúng bạn đi lễ chùa chơi hội với quần áo đẹp, với đồ trang sức rất đầy đủ.

Thỉnh thoảng mẹ tôi lại nuôi riêng được một lứa tằm, tiền bán kén đuợc bao nhiêu ông tôi cho cả để làm vốn, và để sắm sửa may mặc.

Theo lời thuật lại thì từ năm mười sáu tuổi mẹ tôi được rất nhiều người để ý tới. Các cụ trong làng đều khen ngợi mẹ tôi chịu khó, và nhiều cụ đã ngắm cho con trai mình.

Vừa là con nhà khá giả, vừa có chút vốn liếng lại vừa siêng năng ngoan ngoãn hay làm, trách nào mẹ tôi chẳng lọt mắt nhiều gia đình hồi đó.

Năm muời tám tuổi, mẹ tôi lấy thầy tôi.

Từ giã đời con gái để bước chân vào một cuộc đời mới, mẹ tôi biết thêm một chân trời, nhưng cũng chỉ bước từ một cuộc sống cần cù siêng năng này để sang một cuộc sống vất vả nặng nhọc khác, với thêm một trách nhiệm làm dâu và làm vợ.

Lấy chồng gánh vác giang sơn nhà chồng.

Tất cả các thiếu nữ đồng quê miền Bắc đều quan niệm bổn phận của mình lúc lấy chồng rất nặng nề. Ở nhà với cha mẹ, tuy làm lụng vất vả, nhưng chua có một trách nhiệm, mọi công việc đều theo ý cha mẹ, không phải do tự mình điều khiển.

Đã lấy chồng phải có nhiệm vụ, nhiều khi phải quán xuyến cả gia đình nhà chồng. Các cô gái quê, bởi vậy mỗi khi ra ở riêng đều được cha mẹ cho chút vốn riêng, và ở trong những gia đình nghèo, các cô phải tự gây lấy chút vốn đó để phòng khi xuất giá. Nhiều cô lấy chồng nghèo, của chồng công vợ, cùng nhau nhóm rau nhóm bếp xây đắp tổ uyên ương, trong cảnh nghèo nàn nhưng đầy hạnh phúc.

Mẹ tôi hồi đó cũng chỉ là một cô gái, một cô gái quê làng Thị Cầu, tỉnh Bắc Ninh. Đàn bà con gái làng này, lấy chồng thường phải nuôi chồng và khi bước chân về nhà chồng bao giờ các cô gái cũng đã nghĩ tới việc phải gánh vác giang sơn nhà chồng.

Khi lấy thầy tôi, mẹ tôi cũng có một chút vốn riêng và gánh hàng xén.

Nhà ông bà nội tôi hồi đó cũng vào bậc trung trong làng, có nhà ngói năm gian hai chái, có sân gạch, có vườn cau cây mít...

Lúc mới về làm dâu, mẹ tôi cũng không phải lo tới việc nhà chồng vì ông bà nội tôi cũng sung túc dư dật. Không những thế mẹ tôi cũng không phải vất vả lắm, vì mọi công việc trong nhà đã có các cô tôi làm nhiều. Mẹ tôi được yên tâm đi chợ, và mẹ tôi cũng thấy nhàn nhã hơn khi ở nhà.

Thỉnh thoảng mẹ tôi nghỉ một buổi chợ, thì lại cùng thầy tôi về thăm ông bà ngoại tôi. Những buổi về thăm nhà thế này bao giờ mẹ

tôi cũng được ông ngoại tôi hỏi thăm rất kỹ lưỡng về công việc nhà chồng. Lần nào ông tôi cũng nhắc mẹ tôi tới đạo tam tòng tứ đức, và dạy mẹ tôi phải kính mến bố mẹ chồng, chiều chồng và hòa thuận với anh chị em nhà chồng.

Mọi việc đều êm đẹp, mẹ tôi rất khéo ăn ở, kính trên nhường dưới, biết quý mến thương yêu hết mọi người.

Làm dâu được bốn tháng bỗng một buổi sáng, ông nội tôi gọi mẹ tôi tới bảo:

- Nhà cả ạ, thầy có chuyện này cần nói cho con rõ. Con cũng biết nhà ta, so với trong làng cũng vào bậc giữa và thầy cũng là người được tín nhiệm với trong thôn ngoài xã. Con về nhà này đã mấy tháng nay tất con rõ: Thầy và đẻ con không hề bao giờ muốn con phải lo đến việc nhà. Vợ chồng con còn trẻ, thầy đẻ không muốn các con phải lo nghĩ sớm, nhưng vừa đây, trong một lúc đùa vui chúng bạn, thầy đánh xóc đĩa đã thua mất mấy trăm bạc và thầy đã liều viết thế cho người ta dinh cơ nhà ta. Chỗ người lớn, giấy thầy đã viết ra thầy phải tôn trọng chữ ký, thầy sẽ trao nhà cho người ta, vậy thầy cho con biết, con liệu cố làm ăn dành dụm để sau này tậu lấy một miếng đất mà ở”.

Ông tôi nói nhiều, nhưng đại ý cũng chỉ khuyên mẹ tôi không nên buồn vì sự không may ấy.

Mẹ tôi không biết nói thế nào, chỉ biết vâng dạ, và ngay từ phút ấy mẹ tôi cảm thấy trách nhiệm của người con dâu.

Bấy giờ mẹ tôi mới hiểu tại sao trong mấy ngày gần đây, mấy lần người bắt gặp bà nội tôi cặp mắt đỏ hoe như khóc, và khi thấy mẹ tôi, bà tôi lại cố làm ra vẻ tự nhiên, bây giờ mẹ tôi mới hiểu tại sao trong mấy hôm liền ông bà tôi cứ luôn luôn bàn tính với nhau việc gì, và vẻ mặt ông tôi có bề lo nghĩ.

Việc đã xảy ra, mẹ tôi cũng chẳng có phép gì để gỡ lại. Cứ kể ra, nếu ông nội tôi là người không biết trọng chữ ký, ngôi nhà và đất người được bạc, có muốn cắm cũng khó khăn, nhưng ông tôi là người thấm nhuần cổ học, rất trọng chữ tín, nên đành chịu mất dinh cơ mình đang ở cho một canh bạc.

Người đuợc bạc, tuy được ông tôi viết nhượng cho cả nhà lẫn đất, nhưng cũng không dám lấy ngay. Gia đình tôi vẫn tiếp tục ở đó, cho tới khi mẹ tôi tậu được một miếng đất mới ở trong làng.

Từ hôm được biết chuyện chẳng lành trên, mẹ tôi chăm chỉ chợ búa hơn trước, đi hết chợ xa tới chợ gần, không nghỉ buổi nào. Thấy mẹ tôi vất vả, thầy tôi thường khuyên phải nghỉ ngơi. Trước mọi sự ân cần của thầy tôi mẹ tôi chỉ đáp:

- Nhà tưởng em vất vả hay sao, hồi còn con gái, em còn vất vả bằng mấy, nhà đừng lo.

Ngoài việc đi chợ, buổi tối về mẹ tôi lại làm gạo lấy cám nuôi lợn. Hôm nào mẹ tôi cũng thức khuya dậy sớm để giã gạo, xay lúa, dần sàng, ông bà nội tôi thấy con dâu chịu khó cũng thương, thường bắt các cô tôi giúp đỡ rất nhiều.

Tuy mẹ tôi làm lụng cực nhọc, nhưng cảnh gia đình rất vui hòa đầm ấm. Ông bà tôi rất thương dâu, và mẹ tôi bao giờ cũng kính trên nhường dưới, giữ trọng đạo mình.

Sau khi ông tôi thua bạc, mẹ tôi thưa về thăm nhà hơn trước, vì phải chợ búa nhiều hơn. Cách đó ít lâu, khi mẹ tôi về thăm ông bà ngoại tôi, ông ngoại tôi bảo:

“Thầy biết tin ông bà dưới nhà vừa được cái bổng. Từ nay con càng phải ăn ở ý tứ hơn đừng để trong họ ngoài làng hiểu nhầm. Ông dưới nhà là người thủy chung, thầy quý lắm”.

Rồi ông tôi khuyên mẹ tôi phải vui vẻ trước mọi sự vất vả, phải cố gắng buôn bán để chuộc lại đất nhà đã mất hoặc để tậu lấy một nơi khác.

Những lời đó, luôn luôn mẹ tôi ghi nhớ, và sau này mẹ tôi thường nhắc lại để răn dạy chúng tôi, nhất là các em gái tôi.

Nhờ tài tảo tần buôn bán, và nhờ sự tận tụy làm việc, cách đó ba tháng với chút vốn riêng mẹ tôi sẵn có, mẹ tôi tậu được thửa đất rộng với ngôi nhà ở xóm Đông. Ngôi nhà này chỉ cần sửa chữa lại đôi chút là ở được ngay. Sau này mẹ tôi có cho sửa sang xây cất thêm nhiều.

Thế là gia đình nhà tôi dọn về nhà mới.

Mẹ tôi được cả nhà quý trọng, và làng nước ai ai cũng ngợi khen, nhưng vì tậu nhà đất nên vốn liếng của người bị sút đi nhiều, người càng phải vất vả buôn sớm bán trưa.

Mọi việc trong nhà từ đó đều do người đảm đang. Bà nội tôi thỉnh thoảng giúp đỡ mẹ tôi ít nhiều tiền, nhưng chính mẹ tôi phải quán xuyến mọi việc trong nhà.

Mẹ tôi vẫn tiếp tục đi chợ, làm gạo thêm, nuôi gà lợn. Trong nhà nhờ vậy cũng đủ bát ăn, và dần dần mẹ tôi lại dành dụm được một số vốn.

Bao nhiêu giỗ chạp, ngày tư ngày tết mẹ tôi phải lo hết. Lại còn quần áo và tiền tiêu pha của thầy tôi, mẹ tôi chẳng để thiếu một thứ gì. Rồi những ngày hội hè, lệ dân, lệ làng cũng không thể khiếm khuyết được.

Hai năm mẹ tôi sinh tôi. Cảnh nhà tôi khi ấy đã sung túc hơn trước, và mẹ tôi cũng có đồng ra đồng vào. Nhà đã mượn được người làm nên mẹ tôi đỡ bận tâm với việc nhà, có thể chuyên lo việc buôn bán.

Thầy tôi cũng như tất cả mọi người trai khác ở làng Thị Cầu chỉ ăn chơi, không phải làm lụng gì. Khi thì họp năm bảy bạn bè uống rượu ngâm thơ, khi chơi chọi gà, khi chơi chim họa mi, khi quần áo bảnh bao để đi hội hát quan họ. Mẹ tôi rất chiều chuộng thầy tôi, bao giờ cũng muốn cho chồng sang trọng bằng người, nếu không hơn.

Ba năm sau nửa mẹ tôi sinh thêm em trai tôi, và cứ ba năm đôi, mẹ tôi sinh tất cả trai lẫn gái mười một anh em chúng tôi.

Lũ con làm cho vui nhà, nhưng cũng làm cho mẹ tôi cực nhọc lo lắng hơn: tiền nuôi vú, tiền người làm, tiền may mặc, tiền thuốc thang những khi sài đẹn.

Mỗi lần sinh xong, mẹ tôi chỉ nghỉ ngơi dăm buổi là lại đi chợ. Làng nước ai cũng nhận thấy mẹ tôi chịu khó, gây hạnh phúc cho gia đình tôi.

Càng có nhiều anh em chúng tôi, mẹ tôi càng thức khuya dậy sớm hơn, lo tảo tần chợ búa để kiểm đủ gạo nuôi con, đủ tiền để giữ bề thế cho gia đình với dân làng.

Lúc đi chợ thì không kể, còn về tới nhà là mẹ tôi luôn chân luôn tay, làm hết việc này tới việc khác. Nhiều khi ốm trong người mẹ tôi chỉ bỏ ăn chứ không bỏ việc.

Thầy tôi hoặc ai có bảo mẹ tôi không nên cố gắng quá sức e lâm trọng bệnh, mẹ tôi chỉ đáp lại:

“Tôi không cố gắng thì làm thế nào một con thế này không chịu khó sao có tiền nuôi chúng nó cho bằng con người ta”.

Năm tôi lên bảy, tôi được đi học vỡ lòng theo Hán tự. Tôi bắt đầu học quyển Hán Tự Tân Thư. Mẹ tôi sắm cho tôi quần áo mới và cả chiếc khăn xếp mới nữa. Ngay từ hôm đó, tôi đuợc mẹ tôi săn sóc tới sự học của tôi lắm. Tối nào mẹ tôi cũng dạy lại tôi bài và giảng nghĩa cho tôi từng chữ. Chính mẹ tôi đã cầm tay cho tôi viết tô bài đầu tiên.

Nhờ mẹ tôi chỉ bảo, tôi học mau tấn tới. Tối tối trong khi mẹ tôi sàng gạo, tôi mang quyển sách ngồi cạnh để học, quên đâu mẹ tôi bảo đấy.

Năm tôi lên chín, thầy tôi cho tôi đi học quốc ngữ ở trường tiểu học Đáp Cầu. Ngày đi học quốc ngữ ở trường, nhưng tối tối về mẹ tôi vẫn dạy tôi thêm chữ Hán cho tới khi tôi thi đậu bằng tiểu học. Cả các em tôi về sau cũng vậy. Dạy tôi học nhưng mẹ tôi vẫn không bỏ việc nhà. Đã biết bao nhiêu lần, nửa đêm tôi thức giấc, tôi còn nghe tiếng mẹ tôi giã gạo ở nhà ngang hoặc đang sửa soạn gánh hàng để đi chợ hôm sau.

Mẹ tôi chăm nom chúng tôi lắm. Đêm nào trước khi đi ngủ mẹ tôi cũng xem lại giường màn cho chúng tôi. Phải khi một trong anh em chúng tôi có người nóng đầu hay trái gió là mẹ tôi thao thức suốt đêm, thỉnh thoảng người lại sờ đầu con, hoặc hỏi han xem con ngủ hay thức.

Tình mẹ thật là bao la! Trời biển nào đã rộng bằng!

Dạy chúng tôi học Hán Tự, mẹ tôi chú trọng rất nhiều về phần tinh thần của chúng tôi, luôn luôn nhắc chúng tôi tới luân thường lễ nghĩa. Tôi còn nhớ có một lần tôi hẹn cho một người bạn một món đồ chơi, nhưng sau tôi lại tiếc không muốn cho, thì mẹ tôi bảo:

“Con đã hứa cho bạn thì con phải cho, con đừng thất tín. Con quên mất lời Tăng Tử đã nói: “Ngô nhật tam tinh ngô thân: sự nhị thân bất kính hồ, bằng hữu chi giao bất tín hồ, truyền bất tập hồ 2 hay sao”.

Để khuyến khích chúng tôi trong việc học hành, bao giờ mẹ tôi cũng chỉ dùng những lời dịu hiền hoặc quà thưởng. Khi tôi ở lớp năm được lên lớp tư, mẹ tôi đã khen ngợi tôi rất nhiều. Người bảo: “Con chịu khó học, được lên lớp, thầy u rất vui lòng, và rất hãnh diện vì con”. Lần ấy mẹ tôi đã mua thưởng cho tôi chiếc cặp da mới.

Anh em chúng tôi một ngày một lớn, về việc học hành càng tốn kém, nhưng may nhờ ở sự chắt chiu chịu khó và cũng nhờ tài đảm đang của người mẹ tôi mở được một cửa hàng tạp hóa ở ngay phố chính Thị Cầu việc buôn bán nhờ vậy nhẹ nhàng hơn và cũng dễ kiếm ăn hơn.

Làng nước thấy anh em chúng tôi khôn lớn, có nghề nghiệp làm nên đều mừng cho thầy mẹ tôi. Ai nấy đều bảo: “Rồi ông bà sung sướng vì các cô các cậu ấy thành người cả. Ông bà tha hồ nhờ”.

Nhưng than ôi! mẹ chúng tôi đã không được nhờ chúng tôi mà chỉ suốt đời vất vả vì chúng tôi!

Sau khi gây dựng được nhà cửa, lo đủ cho lũ con học hành xong mẹ tôi đã ngoài năm mươi tuổi! Mà cho tới lúc năm muơi tuổi mẹ tôi đã còn có biết bao nhiêu điều lo khác: nào ông tôi khao lục tuần, thất tuần, nào lúc ông bà tôi trăm tuổi phải lo việc ma chay cho xứng đáng, nào dựng vợ, gả chồng cho anh chị em chúng tôi.

Tôi quên chưa nói tới chuyện năm ngoài ba mươi tuổi, thầy tôi đã lấy thêm dì hai chúng tôi! Trước cảnh vườn thêm hoa mẹ tôi không hề ghen tuông, và vẫn tiếp tục chiều chuộng thầy tôi. Khi dì hai chúng tôi có con, mẹ tôi lại săn sóc cho cẩn thận, và mẹ tôi bắt chúng tôi phải quý các em chúng tôi như chính mẹ tôi sinh ra vậy.

Suốt đời tận tụy với chồng với con, không lúc nào mẹ tôi phàn nàn về số phận vất vả của mình. Hình như mẹ tôi lấy sự vất vả đó là niềm vui để càng cố gắng mãi mãi cho chồng được sung sướng, cho con được thành người.

Khi một vài anh em chúng tôi có thể giúp đỡ được mẹ chúng tôi đôi phần thì người đã già rồi! Mặc dầu tuổi cao, cũng không lúc nào người xao nhãng việc buôn bán. Người thường bảo chúng tôi:

“Bây giờ tuy một vài đứa trong các con đã lớn, có công ăn việc làm, nhưng các em chúng nó còn bé, u còn phải lo cho chúng nó nhiều. Các con có đỡ đần u thì các em chúng nó được rộng rãi, không có bằng nào u cũng vẫn phải lo”.

Mẹ tôi vui vẻ làm ăn, vui vẻ trông chúng tôi khôn lớn. Mỗi lần một đứa trong anh em chúng tôi lập gia đình mẹ tôi hình như sung sướng lắm. Có lẽ người nghĩ gây dựng xong cho một đứa con là lo xong một phần nào bổn phận của người mặc dầu sự gây dựng này đã khiến người phải tốn kém, nhất là đối với các em gái tôi, bao giờ người cũng gói riêng cho một số vốn nhỏ!

Đến khi vợ chồng tôi sinh đứa con đầu lòng thì người lại vui mừng hơn. Khi bế đứa cháu nội trong lòng người nựng nó, nét mặt người như nở ra, mắt người như sáng lại. Người căn dặn chúng tôi về cách nuôi con, người chỉ bảo vợ tôi về mọi điều kiêng cữ.

Đối với con nào mẹ tôi cũng thương yêu như nhau, và anh em chúng tôi, mặc dầu đã lớn tuổi, lúc nào người cũng coi như còn bé bỏng lắm, người phải cần săn sóc tới!

Ôi tình mẹ thật là cao rộng!

Mấy anh em chúng tôi đã nguyện cùng nhau cố gắng để cho người đuợc nhàn nhã lúc tuổi già, nhưng than ôi! trời già cay nghiệt, chúng tôi không được mảy may toại nguyện!

Vừa tới lúc chúng tôi có thể giúp đỡ được cha mẹ chúng tôi nhiều hơn, thì xảy ra liên tiếp những biến chuyển của thời cuộc. Chiến tranh xảy ra, tiếp đến làng tôi phải tản cư, và chính sách vườn không nhà trống đã phá hủy hết những công trình mẹ tôi đã suốt một đời vất vả mới gây dựng nên. Mấy căn nhà ngói mẹ tôi dành dụm mãi mới xây xong đều bị dỡ, bao nhiêu gốc cây ăn quả trồng ở trong vườn từ hồi mẹ tôi mới mua đất đều bị phá hủy. Mẹ tôi đã buồn buồn hơi rớm lệ khi nhìn những công trình của mình bị tiêu tan trong một buổi.

Đi tản cư, mẹ tôi vẫn tiếp tục buôn bán, nhưng với chiến tranh, sự buôn bán còn ra gì nữa!

Rồi không chịu nổi được lam sơn chướng khí, mẹ tôi đã mất tại Gốc Sộp vào ngày 26 tháng Tư năm Tân Mão, sau khi thầy tôi cũng đã quy tiên!

Tôi không được gặp mặt mẹ tôi lúc lâm chung, nhưng tôi biết là khi gần chết mẹ tôi đã nhắc tới chúng tôi nhiều lắm và người đã chết giữa những dòng nước mắt, nhìn mấy đứa em tôi chưa trưởng thành!

Phiên An Trấn, Mạnh Đông năm Đinh Dậu

Dự án 1.000.000 ebook cho thiết bị di động

--------------------------------

1

Một thứ bánh rán nở phồng lên.

2

Một ngày ta tự xét ta ba lần: thờ cha mẹ thiếu kính chăng, giao du với bạn hữu thiếu tín chăng, học hành thiếu tập chăng?

SƠN NỮ VÙNG TAM ĐẢO

Dãy núi Tam Đảo phân chia ranh giới hai tỉnh Vĩnh Yên và Thái Nguyên, chạy dài trên địa hạt mấy huyện Tam Dương, Bình Xuyên và Đại Từ của hai tỉnh. Có ba ngọn núi chính đột ngột cao vọt lên khỏi >những mỏm núi khác và chính ba ngọn núi này đã mang tên cho cả dãy núi Tam Đảo, và ở giữa ba ngọn núi này là một nơi nghỉ mát lập nên từ hồi người Pháp,

Du khách ai đã qua nơi nghỉ mát này chưa?

Nơi đây có rừng xanh, có núi đỏ, có gió mát, có trăng ngàn, và giữa ngay cây rừng cỏ núi, đã có một thành phố xinh xắn với những biệt thự tráng lệ nguy nga, với những con đường râm mát.

Ở đây có hồ Thanh Thủy (Lac Vert) nước xanh trong vắt, trông suốt tới đáy hồ; có thác Bạc (Cascade d´Argent) nước đổ trắng ngần, bọt nước bắn tóe như hoa huệ, có tiểu lộ Kim Thuyền (Aliée des Cigales) ve kêu ra rả suốt ngày tựa khúc trường thiên lưu thủy; có đường Chu Vi (Chemin Ceinture) bọc quanh thành phố, có ngả Cửu Tuyền (Val d’Enfer) ghê rợn chẳng kém lối về địa ngục.

Bên những giây leo hoang dại, bên những cánh rừng rậm bát ngát bao la, du khách lại được ngắm cả những vườn hoa nhân tạo với hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng.

Và du khách muốn đi chơi rừng chơi núi, du khách có thể lên núi Rùng Rình, lên chùa Thạch Bàn cao trên 1.400 thước, hoặc xuống Thạch Kiếm hay sang chùa Tây Thiên ở Thái Nguyên. Trong những con đường rừng nhỏ bé, chỉ đi lọt hai người, du khách sẽ được nghe chim hót, xem bướm bay, và thỉnh thoảng bắt gặp mấy con rùa nó chạy vội vàng vào khe suối. Nhân tiện xin nói qua về ngọn núi Rùng Rình. Núi này cao ngất tầng mây. Khi đứng trên đỉnh núi, ta sẽ thấy đất ở dưới chân chuyển động rùng rình, cơ hồ như muốn lún xuống. Tương truyền rằng ở đây có một hang sâu thăm thẳm không biết ăn tới đâu, nay miệng hang đã bị giây leo chằng chịt và rêu phủ lấp đi. Khi ta đứng trên đó, sức nặng của ta làm chuyển động đám giây leo rêu phủ, và do đó tên gọi núi Rùng Rình.

Giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ ấy, ngoài những người thành thị rủ nhau tới nghỉ mát, du khách thường bắt gặp những nàng sơn nữ, khăn áo chàm, đang thủng thẳng một mình leo núi, hoặc cùng bạn bè mang lâm sản hái được trong rừng về.

Những sơn nữ này người ở làng Quang Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Dị Nậu, Hạ Nậu huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên, hoặc ở các làng xa khác ở quanh chân dẫy núi. Người dường xuôi quen gọi họ là người Mán.

Những làng này ở ven rừng, có khi ở ngay giữa ba bốn khu rừng, người dân sinh sống trông chờ vào rừng. Họ đốt than, làm rẫy, nhưng ngoài những công việc thường xuyên đó, người đường rừng thường có nhiều hoạt động hàng ngày khác. Đàn ông thường chú tâm vào việc săn bắn lấy thịt ăn, hoặc đánh bẫy thú dữ để lấy da và xương bán cho người Kinh tới mua sau khi đã lọc lấy thịt dùng ngay hoặc phơi khô để dành.

Còn đàn bà, họ nhiều công việc lắm.

Ở nhà họ chăn nuôi gia súc vật, đủ gà lợn, trâu bò. Họ nuôi để bán, họ nuôi để dùng và để phòng khi có công kia việc nọ như cưới xin, ma chay, giỗ chạp. Nuôi súc vật, họ dành con nào việc nào, họ định ngay từ lúc bắt đầu nuôi. Nhà họ có mẹ già ư? Họ nghĩ đến lúc bà cụ từ trần, họ nuôi sẵn một con bò và một con lợn, thì con bò và con lợn này không bao giờ họ bán, dù có người muốn mua với giá nào. Nếu mẹ già của họ, trời để sống lâu, con bò hoặc con lợn nuôi mãi già rồi chết thì họ nuôi thay con bò, con lợn khác, chứ nhất định không đem dùng những con vật đó vào một trường hợp nào. Cũng như khi họ có con trai lớn sắp lấy vợ, họ cần có con trâu để mổ thịt vào ngày cưới, họ sẽ nuôi sẵn một con trâu, và con trâu đó họ chỉ dùng để làm cỗ cuới con.

Những súc vật nào, họ không dành trước vào việc gì, họ mới đem bán hoặc đổi lấy thực phẩm hoặc đồ dùng khác khi cần.

Ngoài việc chăn nuôi súc vật, chính người sơn nữ đã mang bán những con vật nhỏ như gà vịt, chim ngan. Đàn ông chỉ đi chợ khi nào cần bán những giống vật lớn như trâu bò.

Sự chăn nuôi gà vịt, trâu bò ở vùng rừng núi này không tốn bao nhiêu thì giờ. Gà vịt họ cứ thả ở dưới sàn nhà, hàng ngày vứt cho ít ngô, ít thóc, còn chính chúng phải tự kiếm lấy cái ăn. Rồi những con vật đó lớn lúc nào, đẻ lúc nào, ấp lúc nào họ cũng không để ý. Khi nào

cần bán hay giết thịt bấy giờ họ mới nhận thấy gà vịt của họ đã lớn hoặc đã sinh sôi nảy nở ra nhiều.

Ngay cả đến nuôi lợn và trâu bò cũng vậy. Núi rừng không thiếu gì cỏ, đàn vật họ thả rong, chiều chiều họ mới xua chúng về chuồng. Có mất mát vài con cũng không sao, rồi lợn nái sẽ sinh đàn lợn khác. Chỉ trừ khi mất con trâu con bò họ mới lưu tâm tìm kiếm.

Họ sống giản dị quen với thiên nhiên. Những con vật họ nuôi, họ cũng coi như những lâm sản ở trong rừng. Thực vậy, dù ở trong nhà hay ở trong rừng những con vật ấy cũng như những lâm sản ấy đều do trời đất sinh ra cả. Trời đất cho ta cái gì, ta được hưởng vật ấy. Ta chả cần mất công đi lấy về, hoặc nuôi cho chúng lớn là ta có quyền dùng. Ta mất công, ta phải có quyền hưởng, và cũng đừng bao giờ ta tranh công của người khác.

Nguyên tắc thật là đơn sơ nhưng cũng không phải là không hợp lý. Người ở rừng núi bao giờ cũng tôn trọng nguyên tắc này, nên không bao giờ xảy ra những truyện tranh giành, trộm cắp. Ai trồng cây người đó hưởng quả, và nếu cây mọc tự nhiên ở trong rừng ai mất công vào tìm người đó đuợc lấy quả.

Cũng theo nguyên tắc trên, các cô sơn nữ vùng Tam Đảo, hàng ngày thường vào rừng để kiếm tìm lâm sản. Có khi các cô dắt nhau vài bốn người cùng đi, có khi các cô đi một mình. Rừng rậm huyền bí với các người vùng xuôi, nhưng đối với các cô, rừng rậm không xa lạ gì. Những lối mòn, những cây đại thụ, tiếng hót của loài chim, tiếng kêu của giống thú, các cô quen lắm rồi. Các cô biết rõ đi tới đâu sẽ có suối chảy róc rách, đi tới đâu sẽ lấy được củ nâu, sẽ hái được lá kim giao, sẽ cắt được đông trùng hạ thảo, sẽ đẵn đuợc ống giang, sẽ lấy được mộc nhĩ... Hàng năm, tuần tự theo thời tiết của từng mùa, các cô vào rừng kiếm từng thứ mang về dùng ngay, phơi khô đem bán hoặc đem đổi tại các phiên chợ.

Đi rừng thường thường bao giờ các cô cũng ăn vận như đi chợ. Chiếc khăn chàm chít trên đầu như che lấy khuôn mặt trắng trẻo bầu bĩnh hiền lành. Mắt sáng, môi tươi, thỉnh thoảng giữa câu chuyện với nhau các cô nở một nụ cười duyên dáng. Đôi lỗ tai đeo đôi khuyên bạc hoặc đôi khi bắt chước người Kinh các cô đeo đôi trầm bằng hổ

phách đỏ sẫm lẫn mầu nâu. Các cô mặc chiếc áo cánh màu chàm bó chặt lấy người, và trước ngực là một chiếc yếm sặc sỡ tự tay các cô may và thêu, mặc phủ đè lên chiếc áo chàm. Một chiếc kiềng bạc lớn đeo ở cổ đè lên chiếc yếm, làm cho màu sặc sỡ càng thêm nổi. Hai tay các cô cũng đeo vòng bạc hoặc vòng hổ phách lẳn lên cổ tay tròn trĩnh. Các cô vận chiếc váy chàm có thắt lưng xanh tươi hoặc đỏ thẫm. Chân các cô thường đi đất, nhưng cũng nhiều khi các cô đi giày gai hoặc giày vải do các cô khâu lấy.

Các cô đeo trên lưng chiếc sọt lớn để đựng các lâm sản hái được. Để tự bảo vệ cũng như để phạt cây những khúc đường quá rậm rạp, bao giờ các cô cũng mang theo một con dao quai lớn.

Dù đi một mình hay đi có bạn, bao giờ cô sơn nữ cũng đi thủng thỉnh, lưng khom khom, bước đi theo đà dốc núi.

Trong lúc đi rừng như vậy các giác quan của cô rất tỉnh táo. Một mùi hương thoang thoảng, một tiếng động khác thường, một rung động của nhánh cây ngọn cỏ, cô đều để ý tới. Mùi huơng thơm có thể báo hiệu một tổ ong mật, một cây có quả chín; một tiếng động có thể do thú dữ gây nên; một rung động của ngọn cỏ nhánh cây có thể là kết quả của sự chuyển vận của một con rắn độc, hoặc một con thú rừng cô khả dĩ bắt được. Với những sự nhận xét ấy, cô có một phản ứng rất nhanh, hoặc cô kiếm tìm tổ ong đánh dấu để ngày hôm sau mang hương đốt và dụng cụ để lấy, và để tránh khỏi bị ong theo đốt; hoặc tìm cây để hái quả; hoặc cô cầm sẵn dao quai, đứng ẩn mình vào một gốc cây để đề phòng thú dữ và rắn độc. Cô rất bình tĩnh trước mọi sự xảy ra.

Cô vào sâu trong rừng, Cô đi từ sớm cho đến qua trưa mới ra. Cô hái nấm hương, hái mộc nhĩ, hái chè rừng, ngoài các lâm sản có theo thời tiết của từng mùa. Lúc ra về bao giờ chiếc sọt của cô cũng đầy lâm sản, có khi kèm thêm vài ổ trứng kiến, vài ổ chim rừng cô bắt gặp.

Gặp những hôm ấm trời, rừng nhiều vắt, đề phòng sẵn, cô thường mang theo một chất thuốc bằng lá cây. Những con vắt đang đốt người, bị một giọt thuốc nhỏ là nhả miệng ra lăn xuống đất.

Những lúc đi rùng từng bọn, các cô thường xuyên trò chuyện cùng nhau về công việc trong làng, nhất là về các chàng trai đã để ý tới các cô. Chàng nào săn bắn giỏi, chàng nào thổi sáo hay, chàng nào làm rẫy khỏe. Cũng có lúc, trước tiếng chim ca, trước cảnh hoa rừng đua nở, các cô nhớ đến người yêu, các cô cùng nhau cất tiếng ca vài câu hát. Rồi các cô lại lặng lẽ đi tìm lâm sản.

Người đường rừng, các cô sống với rừng nhiều. Rừng đã có với các cô rất nhiều kỷ niệm, có khi kỷ niệm yêu đương nữa, vì đã hơn một lần, những nàng sơn nữ đã gặp gỡ người yêu trong giữa lúc đi đường. Chàng trai rừng núi hoặc cũng đang đi kiếm lâm sản như cô, hoặc đang đi săn muông thú thì bắt gặp cô ở giữa rừng. Đôi bên chào nhau, rồi chàng giúp nàng xách bó núc nắc quá nặng nề nàng đang xách ở tay vì sọt trên vai đã quá đầy, hoặc gỡ hộ nàng nhánh gai vương vào quần áo. Nàng cảm động về sự tử tế của chàng, đôi bên nói những lời dịu ngọt, rồi hẹn hò cùng nhau, và đến phiên chợ cưới cuối năm đôi bên công nhiên gặp nhau như chính thức hóa mọi yêu đương giữa hai người. Hoặc có khi nàng hỏi thăm đường chàng, chàng đưa nàng ra khỏi rừng, tặng vài con muông thú săn bắn được, rồi nàng cảm động, chàng ngây ngất nhìn nàng: yêu đương bắt đầu từ đấy. Một lần gặp gỡ, hai ba lần gặp gỡ và những lần gặp gỡ sau nữa để sau cùng hẹn nhau tới phiên chợ cưới cuối năm như trăm nghìn cặp trai, gái khác. Mỗi trường hợp mỗi khác, nhưng yêu đương muôn thuở vẫn là yêu đương. Đôi mắt cùng liếc, đôi lòng cùng ưa, những nụ cười đáp lại những nụ cười, và theo những nụ cười là những lời êm ái. Đôi trái tim cùng rung động, chàng và nàng tưởng như trời sinh ra đôi người cốt để gặp nhau, để thuơng yêu nhau, để cùng nhau hẹn hò sau đó sẽ gặp nhau như cây liền cành như chim liền cánh cho tới khi đầu bạc răng long.

Gặp những hôm trời mưa, không đi rừng thì ở nhà nàng dệt vải. Nàng dệt những tấm vải sặc sỡ để làm yếm, làm khăn. Nàng cũng cần trang điểm cho mình, nhất khi nàng đã bén yêu đương với chàng. Cần phải cho chàng thấy cái nhan sắc kiều diễm của mình trong những bộ quần áo đẹp, để cho chàng thấy vẻ lộng lẫy của mình giữa mây ngàn gió núi, giữa hoa lá cỏ cây. Nàng cần trang điểm hơn nữa, khi đi phiên chợ cưới cuối năm.

Đây là một phiên chợ đặc biệt của đồng bào người Mán suốt mấy tỉnh Vĩnh Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang và Thái Nguyên. Chợ họp ngày 25 tháng chạp âm lịch tại xã Tam Lộng, huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên, trên một khu đất rộng, thường ngày vẫn là nơi họp chợ của mấy xã quanh vùng. Chợ ở ngay lối vào làng Tam Lộng, giữa cánh đồng bên một con sông đào nhỏ.

Ngày phiên chợ cưới, các nam thanh nữ tú đồng bào Mán từ mấy tỉnh trên kéo tới đông đảo vui vẻ lắm. Có cả các ông bà lão đi theo, trước để chứng kiến những lời giao uớc của các lứa tuổi niên thiếu, sau là để nhớ lại cái thời tuổi trẻ của mình đã tươi như hoa, đẹp như tranh vẽ.

Người già, người trẻ, ai nấy đều áo quần lịch sự chỉnh tề. Họ mặc bộ quần áo đẹp nhất. Họ đội chiếc khăn mới nhất, họ đi đôi hài sảo gọn nhất. Các sơn nữ khoác chiếc yếm sặc sỡ nhất, và có bao nhiêu đồ trang sức lộng lẫy, ngày hôm nay các cô phải đeo cho hết vòng cổ, hoa tai, vòng tay và cả vòng chân nữa.

Họ túm tụm đứng với nhau trên nền chợ, xen lẫn vào các người bán hàng hay họ túm tụm đứng với nhau ven bờ ruộng. Đây một cặp trai gái đang nỉ non tình tự, kia một chàng trai đang khẩn khoản biếu sơn nữ một món quà kỷ niệm.

Mặc cho gió cuối năm căm căm rét, họ vẫn đứng ngay giữa trời. Hôm nay họ cùng nhau ôn lại những buổi gặp gỡ từ trước, hôm nay có ông già bà cả chứng kiến lời giao ước đinh ninh của họ. Lòng họ rộn ràng lửa yêu đương; họ sợ chi giá lạnh ngoài trời. Bầu trời cuối đông đã bớt ảm đạm, trên cây những lộc non đã đâm chồi.

Gặp nhau đây, họ nhắc lại những lời êm dịu, sửa soạn cùng nhau đón một mùa xuân tưng bừng. Họ mua tặng nhau những kỷ niệm ở ngay phiên chợ.

Phiên chợ họp từ 10 giờ sáng cho đến 5 giờ chiều thì tan theo những người bán hàng về chợ.

Sau lời giao ước, họ dắt nhau đi ăn uống tại các quán chợ, trước khi cùng nhau từ giã.

Một năm một lần, trai lành gái tốt dắt nhau tới phiên chợ cuới để định đoạt cuộc hôn nhân của đời mình.

Ở chợ ra về, gái cũng như trai, lòng sung sướng, mặt hớn hở, vừa đi vừa vui vẻ chuyện trò. Cặp trai gái này thành vợ thành chồng rồi sang năm sẽ có những cặp trai gái khác dắt nhau đi chợ cưới Tam Lộng.

Chợ cuới xong thì xuân đến, một mùa xuân êm ấm cho những lứa đôi vừa trọn nghĩa hẹn hò!

Các sơn nữ vùng Tam Đảo, quanh năm sống cùng rừng núi không bao giờ quên phiên chợ cưới cuối năm. Các cô đi chợ để gặp gỡ những chàng trai, các cô đi chợ để trọn lời thề ước, các cô đi chợ để tạo lấy hạnh phúc của mình, và các cô đi chợ để chia vui cùng người khác.

Rồi xuân sang, các cô lại trở lại cuộc sống hàng ngày với núi cao rừng thẳm, nhưng những khi nhàn rỗi, các cô vẫn thường cùng người yêu ôn lại kỷ niệm ngày phiên chợ.

TRÊN ĐỒI CHÈ

Trên quốc lộ số 2, quãng đường từ Phú Thọ tới Đoan Hùng, phong cảnh hai bên đường thật là hùng vĩ đẹp đẽ và luôn luôn thay đổi: đây là những thửa mộng đồng cao, kia là một cánh rừng bát ngát, rồi xa

xa là những khu đồi liên tiếp. Mạ xanh của ruộng, cây xẫm của rừng tương phản với màu đất đỏ của những ngọn đồi như muốn vẽ nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt phẩm. Xen vào đó một vài ngọn suối róc rách chảy và sau những rặng cây, vài mái nhà lá như ẩn như hiện, sáng và chiều, tỏa làn khói lên không trung, điểm tô thêm cho phong cảnh.

Những ngọn đồi có khi ở ngay hai bên đường, có khi đi sâu vào mãi phía trong, lẫn vào những cánh rừng trùng trùng điệp điệp.

Có nhiều ngọn đồi đã được lập thành đồn điền, có người lập thành đồn điền, có người khai khẩn, trái hẳn với những khu rừng vẫn giữ nguyên vẻ hoang vu, được sự bao vệ của sở Kiểm lâm.

Trên những ngọn đồi là những nương trẩu, nương sắn, nương khoai và nhất là nương chè.

Chè là một nguồn lợi của dân chúng vùng Phú Thọ, và chính cũng nhờ số chè sản xuất hàng năm ở đây người ta sống được phong lưu, không bị chật vật lam lũ như dân nhiều vùng khác.

Chè là một trong những nguồn sống chính của dân trong vùng nên những đồi chè thường được trông nom rất cẩn thận. Người ta làm nhà ở chân đồi để hàng ngày tiện săn sóc nương chè.

Trồng chè rất vất vả công phu. Phải gieo hạt đúng mùa, phải bón xới đúng độ, phải tỉa cánh bắt sâu, và phải cẩn thận nhất trong công việc hái chè.

Trông nom đồi chè, người ta bận rộn quanh năm và công việc cũng đổi thay theo thời tiết. Nhiều việc rất tỉ mỉ và nhiều công việc rất cần có kinh nghiệm để giữ cho cây chè được tươi tốt, trổ được lá nhiều.

Những khi bón cây sửa luống, người ta phải lưu ý đề phòng nước mưa không cuốn hết chất mục của đất khiến cho đất trở nên chua, làm cho cây chè cằn cỗi.

Những khi tỉa cánh bắt sâu, người ta phải nhẹ nhàng để không hại tới mầm non đang nẩy lộc.

Rồi những khi gieo hạt gây giống, người ta phải tỉ mỉ chọn hạt để được những cây chè thật khỏe, chịu đựng nổi mưa gió trên ngọn đồi. Trong việc gieo hạt chè, thường có nhiều sự ngạc nhiên cho nhà trồng tỉa: rõ ràng hạt giống ở một cây chè đan, thế mà đến lúc mọc lên, với sự tinh quái của tạo hóa cây chè đó lại là một cây chè nâu. Rõ ràng hạt của loại chè thấp, thế mà cây chè mọc lên lại thuộc loại chè cao.

Trong nghề trồng chè công việc vui nhất là lúc hái chè. Ngọn cây thoai thoải, những cây chè thành từng hàng mọc đều đều theo sườn dốc. Lá chè xanh mát, hương chè dâng mùi dìu dịu. Những cây chè cao xấp xỉ đầu người, bóng ngã ngang sườn núi, theo ánh mặt trời. Những cô hái chè yếm trắng áo nâu; khăn mỏ quạ, lẫn trong những khóm chè, ẩn hiện cười ròn rã, với những khúc hát thanh tao. Má các cô hồng môi các cô thắm, mắt các cô trong. Trời xuân đầm ấm, nắng xuân chiếu tía trên muôn lá xanh tươi. Đàn chim xuân ríu rít bay truyền từ cây này sang cây khác, thỉnh thoảng lại hót lên mấy tiếng như muốn ca ngợi cảnh xuân hiền hòa. Những đàn bướm sặc sỡ bay lượn trong những khóm chè, trang điểm cho vườn thêm linh động.

Các cô hái chè tay nhè nhẹ vịn cành tay hái lá theo với đà câu chuyện. Những cành chè bị vít xuống, mỗi khi các cô hái hết búp non buông tay ra, lại bật lên, làm rung động cây chè khiến những hạt sương xuân lóng lánh lả tả rơi. Những bàn tay trắng nõn hái những búp chè xanh xanh, thoăn thoắt đưa lên đưa xuống. Mỗi khi búp chè nắm đầy tay, các cô lại bỏ vào chiếc giỏ đeo ở bên mình. Các cô vừa làm việc vừa chuyện suốt từ sáng đến trưa lại từ trưa đến chiều. Mỗi người hàng ngày hái được ba bốn luống.

Để cho khỏi mệt nhọc, cô nọ thường ghẹo cô kia, đem những câu vui đùa gán lẫn cho nhau. Các cô ghép cho nhau những chàng trai trong thôn, và các cô kể cho nhau nghe về những chàng trai ấy. Có cô lòng đã rung động về những lời nói chân thật hữu tình của một chàng trai nào, muốn được nghe chuyện về chàng này, thường gợi chuyện với nhau bằng cách gán cho người khác.
Theo sau những câu chuyện gán ghép là nhũng chuỗi cười trong trẻo ngây thơ của các cô.
Có khi cảnh trời mây xanh đẹp khiến lòng các cô rung động.
Các cô ca vài câu như muốn đem âm thanh tô điểm thêm cho bức tranh sơn thủy:
Rủ nhau lên núi hái chè,
Hái dăm ba lá xuống khe ta ngồi.
Giọng các cô vút lên không trung, lách qua ngàn cây kẽ lá, có khi lan tới chân đồi, khiến vài chàng trai đang cuốc đất, đang cày ruộng phải ngừng tay lắng tái nghe, rồi hát đáp:
Mây xanh xanh, núi xanh xanh, 
Nước non dành để cho mình với ta.
Mình với ta như cà với muối
 Ta với mình như cuội với trăng
Mình về mình nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng cô mình cười.
Tiếng hát vọng từ chân đồi lên vườn chè. Các cô lắng tai nghe rồi cùng khúc khích cười với nhau, cô nọ ghẹo cô kia.
Đấy các anh ấy hát cho chị nghe đấy. Cô kia đùn cho cô khác.
Các anh hát gì cho em, các anh hát cho chị nghe thì có.
Rồi các cô lại vui vẻ thi nhau thoăn thoắt đưa bàn tay trắng muốt để hái chè, tay hái chè làm nhịp cho lời ca. Giữa đám lá chè xanh, màu đen khăn mỏ quạ của các cô nổi bật lên và theo điệu bộ các cô cử động, những điểm đen đó cũng chuyển động làm rung rinh ngàn lá.
Đôi khi mỏi mệt, các cô ngừng tay nhìn phong cảnh. Con sông Thao lừ đừ chảy phía xa xa, hai bên là núi, là rừng hoặc vài cánh đồng hẹp. Thưa thớt một vài con thuyền đủng đỉnh đi ngang tại vài bến vắng. Thỉnh thoảng, bên bờ sông, giáp một ngọn đồi là một ngôi chùa cổ, vài cây cau cao vút như những chiếc tàn hiên ngang. Và không xa đấy, một lều cảnh thiên nhiên cao rộng. Từ mái lều tranh bốc lên làn khói >trắng đục, biến sang màu lam khi tỏa lẫn với mây trời. Vài con cò trắng lững thững trên đường mòn. Bỗng tiếng chuông chùa vang ngân đem âm thanh cho phong cảnh.
Cảnh đẹp như muốn xâm nhập vào tâm hồn các cô, và các cô hát để ca ngợi vẻ đẹp của con sông:
Phong cảnh tám bức vén tranh
Bình non mượn khắm; gương doành lét tô Bến Nam liễu bá con đò:
Mảnh mây viễn phố, cánh cò hàn sa.
Ngàn Đông khói lẫn lạc hà, 
Giọt mưa cổ thụ, tiếng gà cô thôn.
Vó câu pha gió nhẹ bon
Bên lầu Bắc hỏi hoàng hôn địch nào?
Trời Tây bóng hạc non sào,
Đường rêu khách quạng ruổi vào thiên thai. 1.
Một cô cất giọng trước, năm bảy cô khác hát theo khiến cho núi rừng cũng phải đượm theo cả màu nhạc lẫn ý thơ.
Các cô hát xong, các cô khen giọng nhau hay, rồi cùng nhau các cô cả cười để vẫn tiếp tục công việc hái chè của mình.
Mùi chè xanh thơm thơm, hăng hắc. Thỉnh thoảng một vài cây chè lại điểm mấy bông hoa sớm đài xanh, cánh trắng nhị vàng, tỏa một mùi hương dìu dịu. Những bông hoa tha thướt trước gió xuân nhởn nhơ với các cô gái hái chè.
Gặp những bông hoa, có khi các cô hái gài lên mái tóc, có khi đùa cợt nhau, cô nọ ném cho cô kia với vài câu nói ghẹo:
Tặng chị bông hoa để chị cài đầu cho thêm xinh để các anh ấy yêu.
Thì lại có lời đáp lại:
Thôi đi, em xin chị, chị chớ muốn ăn gắp bỏ cho người.
Các cô hái chè từ sáng cho tới trưa, lại từ trưa cho tới chiều. Các cô vui vẻ tha thiết với công việc. Tiền công hàng ngày sẽ giúp đỡ thêm cho gia đình hoặc dành để gây chút vốn riêng.
Cũng có người đã có gia đình và đã có con nhỏ. Những người này lại càng cặm cụi làm việc, chỉ mong hàng ngày kiếm thêm tiền giúp đỡ chồng, may cho con mấy bộ quần áo mới. Họ cũng cười đùa ca hát, nhưng bao giờ họ cũng nghiêm trang hơn các cô gái. Lễ giáo Á đông bó buộc họ nhiều khi không được nói những câu hoặc ca những bài chỉ dành riêng cho các thiếu nữ chưa chồng.
Chè các cô hái hàng ngày đã có những người chuyên môn vò và sấy để chế hóa trước khi đem bán. Có loại chè bán khô, cũng có loại chè bán tươi. Chè tươi dùng để nấu nước chè xanh mà khách bộ hành hằng uống ở những quán bên đường, sau những thôi đường mệt nhọc. Còn chè khô, được biến chế thành nhiều hạng, trong đó hạng chè tuyết rất được ưa chuộng cũng như hạng chè mạn được thông dụng từ khắp thành thị đến đồng quê xứ Bắc.
Chiều chiều, sau một ngày hái chè, các cô lững thững rủ nhau xuống đồi ra về. Bóng các cô thướt tha dưới chiều tà, in hình theo sườn đồi. Ngọn gió xuân, mặc dầu trời nắng, còn hơi lành lạnh. Các cô vừa đi vừa xuýt xoa và muốn cho đỡ lạnh, các cô đi sát bên nhau. Câu chuyện niềm nở trên đường về. Các cô bàn với nhau về công việc ngày hôm sau, về những dự định của mình, và có khi về cả tương lai nữa. Các cô cho nhau biết những câu chuyện tâm tình, những nỗi xao xuyến của yêu đương. Các cô hỏi ý kiến nhau về các chàng trai quen biết, về những cuộc hôn nhân dự định.
Trời dần dần tối! Đàn chim bay về tổ xào xạc, và các cô già đang mong con về để đón lấy mớ chè xanh, nấu nồi nước nóng cả nhà cùng uống sau bữa cơm chiều; ở nơi đây các đàn em bé đang ngóng chị để tranh nhau cướp lấy mấy bông hoa sớm; ở nơi đây cũng có người chồng trẻ đợi người vợ hiền và cũng có đàn con nhỏ dại đang chờ người mẹ yêu quí.
Các cô về nhà với vẻ tươi cười của những bông hoa chè sớm các cô hái mang về. Các cô mang rửa nắm chè xanh, nấu nồi nước nóng. Hương chè mới thơm ngào ngạt, khói bốc làm ấm gian nhà tranh lạnh lẽo. Chè này các cô hái ở đỉnh đồi, hương vị bao giờ cũng đượm, và nước bao giờ cũng ngon. Kinh nghiệm đã cho các cô rõ, chè trên đỉnh đồi thường ngát hương hơn chè ở chân đồi. Và đây cũng là những lá chè già nhất của những cây chè. Chè dùng để chế hóa làm chè khô thì cần hái non, những chè để đun ấm chè xanh lại phải hái những lá thật già, lá chè càng già, nước càng xanh và vị càng đượm.
Bữa cơm xong, người nhà quây quần quanh ngọn đèn dầu, mỗi người một bát nước chè nóng hổi, khói bốc nghi ngút hương chè thoang thoảng tỏa khắp nhà, cùng nhau trò chuyện vui vẻ thân mật. Thật là cái cảnh gia đình êm ấm! Bà mẹ già bưng bát nước chè, uống một hơi còn nóng, nhìn cô con gái, nghĩ đến trang giai tế nay mai. Cô con gái nhìn lại mẹ, rồi nhoẻn miệng cười. Bao nhiêu sự mệt nhọc của công việc ban ngày, tiêu tan hết! Chẳng biết nàng có thấu được ý nghĩ của mẹ không, nhưng chính nàng, nàng đang nghĩ đến hội đền Hùng vào ngày mồng 10 tháng 3 sắp tới.
Ngày hôm đó, vụ hái chè đầu xuân đã gần mãn, và dù cho còn, nàng cũng sẽ nghỉ một buổi để đi hội trước là lễ Tổ, sau là để khoe nhan sắc với thiên hạ đến trẩy hội. Nàng sẽ lên đu tiên để vòng đu từ từ quay đưa nàng lên như một tiên nữ với xiêm y nhảy múa ở không trung. Nàng sẽ dự xem cuộc ném còn của các cô gái Mán vùng Thạch Sơn. Và nàng sẽ gặp người hò hẹn! Nàng bâng khuâng sung sướng, nghĩ đến mộng đẹp của tương lai.
Rồi trong giấc ngủ những cảnh huy hoàng hiện ra với những tràng pháo nổ, với đám đưa dâu, với sự thẹn thùng của người trinh nữ.
Bình minh hôm sau, cùng tiếng chim gọi đàn, trong sương sớm, nàng cũng trỗi dậy sửa soạn để lại cùng chúng bạn đi hái chè.
Lại những lời ca, những câu hát, những chuyện bông đùa, nàng hái hết cây chè này chuyển sang cây chè khác, đầy rổ chè này đến rổ chè kia.
Cảnh đồi chè như linh động thêm!
Các tao nhân mặc khách, mỗi khi các vị thưởng thức chén trà đầu xuân với hương nồng vị đượm, có vị nào đã nghĩ đến các cô gái quê hàng ngày dưới mưa xuân, trong gió lạnh, vẫn vui vẻ nhanh nhẹn cùng nhau hái những nhánh chè sẽ mang hương vị tới bốn phương cho các vị không?
Và có ai đi qua Quốc lộ số 2, quãng đường từ Phú Thọ đến Đoan Hùng, có để ý đến những đồi chè xanh tươi cùng những cô hái chè nhí nhảnh đang cao giọng hát ở hai bên đường không nhỉ?.
Chú thích:

1

Mấy câu thơ này ở trong tập Mai đình mộng ký của Nguyễn Huy Hồ.

Toan Ánh
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...