Cỏ dại 2
Chương 6
Dù sao, tôi cũng đã trở nên một chú học trò hẳn hoi. Tôi vụt
biết chữ lúc nào, tôi không biết. Những ngày chủ nhật, tôi đem sách nằm bò ra
phản hè, viết lằng nhằng trên bốn mặt bìa, và suốt ngày tôi nói bì xì rặt tiếng
tây với cái Hồ. Không kém, nó cũng bì xì tiếng Tây đối lại!
Các dì tôi thỉnh thoảng hỏi xem tôi học được bao nhiêu chữ: Một
mẹt chữ? Tôi vâng. Rồi tôi cứ nhân dần mẹt chữ đó lên. Lâu lâu, tôi lại khoe với
cả nhà tôi đã học được những ba mẹt, bốn mẹt chữ. Bao giờ tôi học được đầy
thúng chữ thì tôi thành thày giáo. Những ngày nắng, mọi người giục tôi đem chữ
ra phơi kẻo chữ mốc mất. Tuy không biết phơi chữ ra sao nhưng tôi ưa được nghe
nói đùa kiểu ấy. Tôi cũng thích nghe các dì tôi nói chuyện về thày giáo dạy
tôi. Làm sao mà các dì tôi biết được thày giáo tôi là người ăn chơi. Cũng lại vẫn
trong câu chuyện buổi tối bên ánh đèn quay tơ của mấy dì, tôi biết hai con mắt
thày giáo tôi rất lẳng. Thày giáo Đức hay cười...
Thày giáo tôi có nhiều cô nhân ngãi. Thày giáo tôi thế này...
thày giáo tôi thế này... Các dì giễu cười thày giáo tôi. Nhiều lúc bênh thày, tức
quá tôi khóc.
Một buổi sáng, vừa ra chơi vào. Bên ngoài tam quan tiếng ngày
phiên chợ Bưởi ồn ào vang động. Trong con đường xế một mé sâu vào cái xóm nách
đình, người qua lại tấp nập. Một gánh chuối lếch nhếch. Thằng bé ôm chó đi bán.
Gà, vịt kêu quang quác. Bỗng thày Đức xuống cuối lớp, dặn nhỏ anh học trò lớn,
rồi thày đi ra cửa đình. Ngoài sân lấp ló bên cạnh cột trụ, một người đàn bà áo
đen, quần lĩnh, quàng khăn tua đen. Thày giáo tôi cùng người đàn bà ấy đi khuất
ra ngoài đường chợ. Học trò đợi mãi không thấy thày về. Lớp ồn dần sôi dần. Sốt
ruột, một anh ra đánh trống tan học. Có lần người đàn bà ấy lại đến. Thày giáo
tôi lại bỏ lớp, đi theo. Lại được tan học sớm.
Tôi học được ngót một năm thì thày giáo Đức bỏ đi biệt không
trở về nữa. Tôi không biết vì cớ gì mà thày Đức bỏ trường. Chỉ nghe phong thanh
thày giáo Đức đi theo một người đàn bà. Có phải cô nhân ngãi quàng khăn tua đen
kia chăng? Lại nghe nói, rồi thày chết ngã nước ngoài Cẩm Phả.
Thỉnh thoảng có thư thày tôi ở Sài Gòn gửi về. Bác phu trạm tận
phủ Hoài vào nhà tôi đưa thư. Bác còn trẻ, hay cười răng trắng tểnh. Bác đi bộ
suốt ngày hai bàn chân mốc trắng hai vai áo dài thâm bạc rách bươm. Lưng đeo
cái túi vải xám có quai vòng lên vai. Mỗi lần vào đưa thư rồi chính bác lại ngồi
xuống đầu phản hè bóc phong bì, lấy thư đọc cho cả nhà tôi cùng nghe.
Bác đọc liến láu, độn nhiều chữ i, a, nhi a trong câu. Tôi đứng
trông vào tờ giấy, chữ viết nhằng nhịt, chưa hiểu. Tôi mới thuộc các mặt chữ
trong quyển sách mở lòng của tôi.
Đọc thư xong, bác trạm uống bát nước vối, hút thuốc lào sòng
sọc. Bác ngồi nói pha trò cười một lúc, đến khi u tôi đưa bác đồng hào bạc trắng,
bác mới đeo túi đứng lên, hai mắt chấp chới đến hay, nhưng bác chưa đj. Bác trạm
tráng bắc cái ghế đẩu ra sân, hái mấy chiếc hoa ngọc lan giắt vào vành khăn và
gài vào khua cái nón dừa đã rách lướp tướp. Bác kính cẩn chào cả nhà. Bóng bác
đã ra ngõ, bên rổ tơ, dì Niêm và dì Bảy còn cười rinh rích.
- Người đen như củ súng thế mà lại định chim con gái làng
này!
Lần nào có thư, thày tôi cũng giục u tôi mang chúng tôi đi chụp
ảnh gửi vào Sài Gòn.
Nấn ná mãi, đến tháng Giêng năm ấy, u tôi mang tôi và cái Hồ
ra Kẻ Chợ chụp ảnh. Bấy giờ tháng giêng, phong vị tết nhất còn phảng phất trong
thôn xóm, quần áo tốt chưa đút vò hay cất vào hòm.
U tôi mặc the thâm đốm hoa lót nền xanh cánh chả. Vành khăn
sa tanh láng hoa dâu vắt vẻo rủ tóc lông đuôi gà. Cái yếm cổ xây cát bá trắng
bong với cái thắt lưng nhiễu thắt ra ngoài, lộ một mẩu lưng bao xanh buông
chùng bộ sà tích bạc reo lích tích. Hôm nay u tôi mặc váy lĩnh xùm
xoè, dưới chân lấp ló đôi dép cong. U tôi ẵm cái Hồ. Tôi súng sính bước bên làn
sóng váy u.
Từ làng tôi, qua một chặng đường thì lên đến bến xe điện. Trẻ
con chúng tôi chỉ mơ được đi xe điện. Trong các làng xóm, trẻ con ru em hát những
câu tả cảnh và tán tụng tầu điện rằng:
Ông Tây ngồi nghĩ cũng sành
Sinh ra tầu điện chạy quanh phố phường
La ga ở giữa Thuỵ Chương
Dây đồng cột sắt tìm đường kéo ngang
Bồi bếp cho chí bồi bàn
Chạy tiền ký cược đi làm sơ vơ
Xưa nay có thế bao gíờ.
Có chiếc tàu điện đứng chờ ngã ba.
Liền ông cho chí liền bà
Ai mà sang trọng thì là nhảy lên.
Ba xu cũng đáng đồng tiền
Một thôi về Bưởi bằng tiên non Bồng.
Năm xu ngồi ghế đệm bông.
Hỏi mình có sướng hay không, hở mình?
Trẻ con thuở ấy thèm đi tầu điện lạ lùng. Đứa nào được đi một
chuyến tàu điện về, kể mấy ngày không cạn chuyện.
Tôi đứng đợi xe điện bên cạnh đường cái, dắt tay em Hồ. U tôi
nhai trầu tóp tép, chốc chốc lại quết trầu bôi lên gốc cây.
Chẳng bao lâu, xe điện đã tới. Từ đằng xa, nghe những tiếng
quẹt quẹt trên lằn dây điện. Bánh tầu nghiến ken két, lượn nghiêng vào bến, rít
u u váng lên. Đôi khi, tầu điện lại kéo thêm chiếc toa đằng sau. Cái tàu cái
toa cùng sơn màu vàng thẫm, nối đuôi nhau chạy như thể bò con đuổi bò mẹ đòi
bú.
Một lát sau, tàu lại chạy trở vào thành phố. Người vát
man mặc áo tây vàng đứng đầu tàu vặn máy. Trước mặt ông có một cái thùng
to như cái bễ rèn. Hai tay ông cầm hai cái khoá đồng, vặn đj vặn lại trên mặt bễ.
Tầu từ từ đi, khoá đồng mở số 2, số 3 rồi mở 7, chạy nhanh nhất. Vùng tôi có tiếng
"chạy mở bảy" là vì thế.
Cái tầu chạy vui quá. Bánh lăn, chuyển rập rình, rập rình. Tiếng
gì dài dặc liên miên như tiếng mưa rào. Chuông kéo reeng reeng. Đằng cuối, còi
đáp lại huý huý. Gió lùa vào trong cửa phần phật. Ôi chao, tầu đã lượn đến bờ hồ
Tây. Gió mát thổi nhẹ người, bay mất cơn buồn ngủ. Ngoài xa, mênh mang một rừng
cây lá rút xanh ngòm. Bên trên, giải dài một lưỡi nước trắng tinh. Trong khung
cửa tầu, hiện lên nền trời xanh lơ lửng, ngọn núi Tam Đảo màu lam già, như vừa
mới nhô ra. Kề bên mặt nước, lô xô những mái đỏ và mảnh tường sang sáng. Hà Nội
ở phía đó.
Lác đác đã hiện ra vài con đường phẳng rẽ ngang, rẽ dọc chặp
vào nhau. Xe cao su ngẩn ngơ cu-li kéo. Rồi những toà nhà hai tầng sát cánh đứng
liền dãy. Người đi ùn ùn, xô nhau bước. Cái tường chợ Đồng Xuân lỗ chỗ như mặt
tổ ong bò vẽ.
Xuống tầu, người lên xuống đông quá, tôi không chen được, đứng
bẹp một chỗ, hai tay ôm mũ. Người đâu mà kéo ra lắm thế. Còn gì uôm uôm như ễnh
ương ngày mưa. Nỗi vui sướng được ra Kẻ Chợ vơ vẩn với nỗi lo vẫn được nghe nói
hàng ngày về những cái tai quái ở nơi đô hội. Kẻ cắp, nặc nô, ô tô, đội xếp,
hàng rong, bài tây. Trẻ con Hà Nội trèo me trèo sấu nhanh như chuột. Đủ các thứ
sợ. Tôi đi nép bên u, mắt liếc nghệch ngơ ngác. Hồ Gươm xanh rờn như nước lơ,
nước rau muống trong chậu. Phố Hàng Đào có đôi giày và cái mũ khổng lồ treo lơ
lửng. Cái gương soi vào thì lùn người. Cái ô to tướng, móc lủng lẳng. Con trâu
vàng. Cờ xanh cờ đỏ phấp phới. Những tấm bảng cửa màu vàng lớn, nhỏ, nhấp nhô rối
mắt. Rừng người nghìn nghịt, xôn xao...
Người thợ ảnh bảo u tôi ngồi ra cái ghế giữa nhà. Chúng tôi mỗi
đứa một bên cạnh. Bỗng bác chụp ảnh đẩy cái máy to cao lù lù như con trâu, lăn
từ đằng góc phòng lại tới trước mặt chúng tôi. Cái Hồ khóc thét. Tôi, bình tĩnh
hơn nó, lơ láo ngó con quái vật. Nó không phải là con trâu. Nó tựa một cái
thùng gì bí mật, trùm miếng vải đen rủ lê thê xuống hai cẳng chân gỗ có bánh
xe. Phía trước lồi ra cái mõm nhăn nhở đen xỉn. Đầu mõm, lóng lánh một miếng
kính tròn nhìn chúng tôi.
Bác thợ ảnh chui đầu vào trong bụng máy. Mảnh vải đen bụng nhụng
trên đầu bác. Bộ như bác sắp làm trò quỷ thuật.
Bác thợ ảnh nhấp nhô nấp trong bụng máy, thò một bàn tay cầm
cái chuông đồng. Bác lắc. Bác nói:
- Ê ê Trông vào đây... Loong... coong... Trông vào
đây... Loong... coong... Cười đi, cười đi...
Tôi ngoái đầu lại xem. Bác thợ ảnh tung vuông vải đen chui
ra, bác cười toe toét:
- Xong rồi. Gớm, phải làm mẹo chuông loong coong mới chụp được
nổi cậu này.
Ở hiệu ảnh phố Hàng Bồ ra, u tôi đem chúng tôi ra Bờ Hồ.
Phố đông, cái Hồ không đi bộ được. U tôi ẵm Hồ đi trước.
Tôi nhếch nhải theo sau. Đôi chốc, tôi lại ngó sang hai bên bờ
hè ngắm cái tủ gương loang loáng cùng người, xe chuyển vùn vụt. Mắt mải nghếch,
đôi lúc trông lên, thấy u tôi đã bỏ xa một quãng, có đến mấy lần như vậy.
Tới đầu một phố nhốn nháo đông người. Chỗ cái máy nước thùng
sắt tây va xoang xoảng, người tranh lấy nước như sắp đánh nhau. Bỗng một gã áo
trắng, quần thâm, đầu đội mũ nồi đen xông xáo từ đám đông, trong nháy mắt bước
theo u tôi. Trước còn cách một bước, sau sát đến tận nơi. Hai tay gã giơ lên
vai u tôi, nắm cái dây khoá bạc trong cổ cái Hồ, gỡ ngay xuống nhanh như lấy
cái dây khoá để sẵn trên vai u tôi.
Rõ ràng tôi trông thấy gã bỏ cái dây bạc vào túi áo. Gã quay
ngoắt lại, mặt trông nhâng nhâng, thản nhiên trở về chỗ máy nước. Tôi rảo bước
chạy theo u. Rồi tôi đi như thường.
Một lúc sau, u tôi nhìn không thấy cái dây chìa khoá bạc ở cổ
cái Hồ. Mặt u tôi xám lại, ngơ ngác nhìn tôi. Tôi bần thần bảo u:
- Lúc nãy trông thấy thằng đằng kia lấy cái khoá.
U tôi rối rít, loanh quanh. Hồ ngơ ngẩn, nước mắt vòng dưới
mi. U tôi cuốc tôi một cái vào đầu, nói xít trong răng:
- Trông thấy thằng kẻ cắp sao không bảo?
Tôi hu hu hu hu.
- Câm cái mồm, không tao giết bây giờ
- Vâng... Hức?
U tôi hỏi:
- Thấy thằng kẻ cắp lúc nào?
- Thấy ở chỗ đằng kia.
U tôi quay lại chỗ máy nước đầu phố.
Xung quanh máy, ràn rạt người. Người ấn vòi. Người đặt thùng.
Người quẩy. Đâu thằng kẻ cắp? Tôi không biết. U tôi đành ẵm Hồ đi. Tôi cúi mặt
như đứa chịu tội. U tôi làu bàu lẩm bẩm nói, tôi không nghe rõ. Chỉ thoáng vẳng...
về bà bảo cho... Con nhà lớ ngớ như gà toi... bà để tội cho mày về nhà...
U tôi rẽ xuống một phố sâu, đường lầm và rác rưởi, rồi vào một
cửa hàng bán đồ vàng bạc. Chỉ một chốc, u tôi ẵm Hồ ra. Cổ áo nó, sáng trắng
cái dây chìa khoá bạc, như cái dây mất lúc nãy. Tôi đứng thập thò ngoài cửa hiệu.
U tôi dặn doạ:
- Về nhà không được nói với ai là mất dây chìa khoá. Ai mà biết,
tao đánh mày chết.
Tôi chẳng bao giờ dám nói cái chuyện mất cắp và chuyện mua
vòng mới ấy với ai.
Trong kỷ niệm tôi mang bao nhiêu chuyến ra Kẻ Chợ.
Những lần dì Niêm đem đi xem hội Tây, xem rước Săng Ty xem tuồng
Quảng Lạc. Nhưng nhớ hơn cả là nhớ lần đi chụp ảnh lắm cái rắc rối đó. Hôm lấy ảnh
về, cả nhà xúm vào xem cùng trầm trồ khen là hệt. Ai cũng cười cái mặt ơ ơ của
tôi.
Riêng tôi, tôi nghĩ luẩn quẩn lấy làm lạ làm sao tôi lại đứng
trong ấy, rõ ràng là hình tôi.
Đầu tháng tư, Hồ và tôi, hai anh em cùng lên sởi. Tôi sốt trước,
phải nghỉ học. Người tôi mẩn đỏ, lẩn mẩn, người như rôm. Được mấy hôm, sởi lặn.
Mặt tôi khô se, róc từng đám gãi ra những vảy trắng lả tả. Giữa lúc ấy, bệnh sởi
của Hồ bắt đầu.
Tôi không nhớ rành rõ được những ngày đau yếu của Hồ thế nào.
Cả nhà ai cũng yêu Hồ hơn yêu tôi. U tôi hay ẵm nó. Nó nói leo lẻo. Mà ông tôi
thì mắng tôi chẳng hề bao giờ mắng nó. Tôi biết Hồ ốm nằm trong giường u tôi.
Nó vẫn nằm ngủ giường u trong buồng. Nó lên sởi nhưng không ai dám nhắc đến hai
chữ "lên sởi". Tôi cũng không biết nó lên sởi.
Một buổi sáng, mặt trời đã lên ngọn dừa, tôi chạy gọi dì mặc
áo cho tôi đi học. Bà tôi khẽ bảo:
- Hôm nay Cu nghỉ học.
Có một cái gì khác lắm. Tôi đem sách ra ngoài đầu hè định đọc.
Ông tôi chỉ tay, cấm. Mọi người chạy ra, chạy vào cửa buồng. Tôi cũng lén vào.
Nhưng dì Niêm giữ tôi lại. Tuy vậy, tôi cũng ghé được mặt nhìn vào, thấy cái Hồ
nằm trên giường. Mắt nó nhắm, như ngủ. Mặt nó trắng xanh xanh hơn ngày thường.
U tôi ngồi cuối giường.
Vào quãng mười giờ sáng, cả nhà tôi khóc ầm lên, xúm lại cửa
buồng. Bà tôi mếu máo chạy xuống bếp, lại chạy lên.
Ông tôi ẵm Hồ ra nhà ngoài. Ông tôi đặt Hồ xuống đất, ngay
gian giữa. Mắt nó vẫn nhắm. Mặt nó xanh như ban nãy. Tôi không hiểu là nó đã chết.
Ông tôi vuốt mắt nó, bảo:
- Hỏng rồi.
Dì Bảy lật đật cõng tôi ra ngõ. Tôi cũng khóc. Dì Bảy cõng
tôi vào trong xóm Trong, không cho tôi ở nhà, giữa lúc nhiều người trong xóm chạy
đến.
Đến trưa tôi được về. Đến bờ giếng thấy hai người khiêng cái
săng gỗ trắng bệch tròng hai dẻ mảnh thừng ra đằng cổng đồng. Trên nắp áo quan,
có bát cơm thắp hương. Dì tôi cõng tôi, cung cúc chạy. Vừa chạy, vừa khóc rưng
rức. Tôi ngơ ngẩn sợ nép xuống lưng dì.
Tôi cứ ngờ ngợ không bao giờ tin buổi sáng hôm ấy, cái Hồ chết.
Chết là thế a? Tôi cứ tưởng hình như rồi một buổi chiều nào, Hồ lại lủi thủi trở
về. Nó rón rén đi vào đầu ngõ cái mặt xanh xanh hời cúi, như mọi ngày.
Nằm trong buồng, u tôi quay mặt vào tường, khóc buổi sáng và
buổi tối. Được mươi ngày, ông tôi kê giường cho u tôi xuống nằm nhà dưới. Gian
cũ ấy khiêng vào một cái án thư để làm bàn thờ. Buổi chiều nào cũng thắp hương.
Dì Bảy sang bên vùng Bắc gọi hồn cái Hồ mấy lần. Thỉnh thoảng u tôi
nói rằng: "Độ đầu năm, mở quẻ Kiều có hai câu: Thiếp như hoa đã lìa cành,
Chàng như con bướm liệng vành mà chơi. Nghiệm quá... ới con ơi a...". Lại
khóc.
Ở trong Sài Gòn thày tôi gửi thư về, lá nào cũng hỏi con Hồ
có ngoan không? Hồ đã biết "xắm" giấy đỡ u chưa?
U tôi nhờ người viết cho thày tôi biết ở nhà trẻ con vẫn ăn
chơi như thường. Mỗi lần gùi thư đi, u tôi lại khóc.
Chương 7
Mấy năm sau, thầy tôi trở về.
Tôi đã vọc vạch, đọc thông được quốc ngữ. Biết làm tính cộng,
cũng thử được tính trừ, thày giáo Đức đi rồi, trường bỏ không. Tôi cất sách bút
vào gậm giường thờ, ở nhà. Tôi làm giấy đỡ u. Chiều chiều, đem cái
cút con đi mua rượu cho ông ngoại. Trong nhà quê, ông nội tôi cũng mất rồi.
U tôi đem tôi về quê nội mấy hôm. Buổi trưa nghe ngoài cửa
ngang vẳng tiếng chó sủa. Tôi trông ra ngõ, thấy đi vào một người mặc áo dài
đen bóng nhoáng, xương xương, da ngăm đen, mắt đeo kính rợp, một tay cắp một
gói lớn bọc giấy nhật trình. Đứng trong cửa buồng, bác cả Gái tôi reo to:
- Ơ, chú Hai?
Trong nhà, bác Cả giai chạy ra:
- Kìa, chú. Chú về. Cháu kìa...
Tôi đứng ngẩn. Bác Cả tôi vốn tính nói nhanh, hấp tấp tiếng nọ
cưỡi lên tiếng kia.
- Bố cháu đấy. Bố cháu ở trong Sà Goòng về đấy. Chú về bao giờ?
Chú về thẳng nhà hay chú đã tạt lên Bưởi?
À, thày tôi ở Sài Gòn về. Năm thày tôi đi, tôi mới lên sáu
tôi không nhận lại được. Thày tôi nói với bác Cả:
- Con vện nhà ta khôn quá. Lâu ngày thế mà nó thấy tôi chỉ cắn
một tiếng rồi ve vẩy đuôi, lảng vào gốc cam.
Thày tôi đặt cái bọc nhật trình xuống ghế. Thày tôi hỏi bà
tôi đâu? Rồi thày tôi bỏ mũ lên trước bàn thờ ông tôi, thì thụp lễ. Ở trong buồng
bà tôi che vạt áo lên mặt, khóc lu loa...
Hờ anh ơi, anh bỏ nhà cửa anh đi đằng nào, bây giờ con anh về
đây cháu anh về đây, anh ở đâu anh không về... hờ ơ ơ...
Nhưng chỉ khóc hai ba câu, rồi bà lập cập đi lần ra ngoài.
Nước mắt tuôn ròng xuống mảnh yếm nâu. Bà nội tôi mắt kém. Về
mùa rét, rận bò ra cả áo không biết. Trên khuôn mặt nhăn nheo xộc xệch, lèm
nhèm hai con mắt lờ đờ cùi nhãn.
Xung quanh vành mắt lầy nhầy, lông mi đã rụng hết. Lông mày
thì bạc phơ. Chẳng mấy lúc nhà đã đầy người. U tôi ở dưới bếp lên. U tôi nhòm cửa
bếp, biết thày tôi ở Sà goòng về nhưng nấn ná lên sau thím Ba. Chị Cóc con bác
Cả chạy đi gọi chú Ba. Chú Ba ở ngoài đồng. Anh Đợt, cũng con bác Cả đằng sau
vườn nhào vào. Bà Ba tôi, đến lúc chiều vàng vàng mặt trời, mới ở chợ về, quảy
cả một gánh cau khô, thuốc lào lù lù vào sân. Bà về chợ, thấy người ta nói
"Bác Quỳ nhà ông phó Giáo trên xóm Đồng ở Sài Goòng về". Bà tất tưởi
chạy vào chưa kịp về nhà.
Mọi người xôn xao mừng rỡ, tôi lủi ra đằng đầu nhà. Tôi cúi đầu,
ngắt những cánh hoa cải vàng. Một ý gì buồn bã đến tôi. Tôi thường có những nỗi
buồn vẩn vơ rất đột nhiên. Xỏ tay mặc một tấm áo mới hay một cái quần chúc bâu
còn xột xạt hồ tôi cũng tần ngần buồn một lúc thật lâu mới quen.
Thày tôi ở Sà Goòng về. Thày tôi đi lâu ngày như thế. Thày
tôi đi từ khi còn cái Hồ mà u tôi thường nói rằng đêm hôm ấy thày tôi nhổ hai
bãi nước bọt vào lòng bàn tay chúng tôi.
- Mày ra đây làm gì?
Tôi ngẩng mặt lên giữa những tiếng cười khúc khích của Đợt. Đợt
đứng cạnh từ lúc nào. Bỗng Đợt kêu:
- Ơ, thằng này khóc. Thím Hai ơi, nó khóc...
Tôi cũng không biết tôi đã khóc. Tôi đưa tay lên mắt.
Nước mắt đã đọng sẵn, chảy tràn ngay xuống má. Tôi bỗng oà
khóc. Tôi khóc thực to, thảm thiết như là bị ai đánh đòn. Tôi cứ úp mặt vào áo
u, gào ngằn ngặt, lẫn trong tiếng cười nói um xùm của các bà con đến chơi. Bác
Cả pha một câu: "Cháu khóc sẵn, kẻo sợ thày đánh đấy. Cháu ở nhà hư lắm,
chú Hai ạ?".
Hôm ấy được một bữa khóc vui, u không mắng. Đến chiều, tôi đã
quen với thày tôi. Tối hôm ấy, tôi nằm ngủ ở phản giữa. Tôi nằm bên, thoáng ngửi
một mùi thơm lạ mà tôi biết là mùi xà phòng thơm. Ban chiều thày tôi mở gói giấy
nhật trình. Gói đựng nhiều thứ. Một bọc kẹo to, chia đều cả nhà. Có một hộp sữa
bò tròn, một cục súc-cù-là hăng hắc đen như bùn gói quanh miếng giấy
trang kim bạc. Sữa và súc-cù-là ấy, phần quà cho tôi. Thày tôi bảo có
hòm đồ đạc còn gửi ngoài phố. Thày tôi có trong bọc một bánh xà phòng màu vàng
lợt. Xà phòng sát vào tay, hai bàn tay thơm lừng. Tôi lại rửa hai chân bằng nước
xà phòng. Đêm đi ngủ hãy còn thơm chân. Mùi xà phòng, mùi băng phiến. Những mùi
thơm mới mẻ, tôi nằm chập chờn tưởng đến cái phương xa mà thày tôi vừa ở đấy về.
Trong những ngày ở quê, nhiều lần thày tôi kể những chuyện dọn
đường cho tôi và Đợt nghe. Đợt là vai trên nhưng nó cũng bằng tuổi tôi.
Ôi, kỳ lạ biết bao con đường vào phương nam. Sau này nhiều lần,
tôi đã qua con đường vào miền Nam xưa thày tôi đã đi, nhưng tôi không thấy nó
giống mảy may trong tưởng tượng có con đường dài hun hút, qua những núi rừng âm
u nhiều ma gấp trăm đường Phan Rang, Phan Rí của ông ngoại tôi Có chỗ tầu hoả.
Có chỗ xe ô tô chạy, lại cũng có chỗ phải ra bể đáp tàu thuỷ. Bể rộng liền với
trời và không có đáy. Giữa bể có một cái rốn nước xoáy vào đấy. Thuyền nào vô
phúc chèo đến gần rốn bể bị xoáy cuốn mất tích. Đến cái tàu thuỷ to bằng cả
làng tôi, rốn bể cũng hút mất như thường.
Ngoài bể có giống cá ông voi to bằng cái đình làng ta. Ném
chùm dừa xuống nó nuốt chửng. Ném cái cối đá xuống nó cũng nuốt. Một lần kia,
con cá ông voi nuốt cả một cái thuyền và một nhà thuyền chài. Anh chài ở trong
bụng cá cứ lấy dao lóc thịt cá ông voi mà chén. Như vậy, sống được một tháng. Cứ
đến bữa anh chài xẻo thịt, cá ông voi đau quá, chạy cuồng khắp bốn bể. Rồi kiệt
sức, lên nằm chết trên bãi cát. Anh thuyền chài can đảm kia rạch bụng cá chui
ra, lại còn kéo được cả thuyền của mình ra nữa.
Hàng tháng vượt bấy nhiêu rừng và bể cá thì sang đến Sà
Goòng. Ôi chao, Sà Goòng xa lạ biết bao.
Mấy hôm sau, trở ra ngoài Nghĩa Đô, thày tôi đem tôi đi thăm
mả cái Hồ. Mả nó ở trong đồng sau làng, trên một giải gò cỏ, gọi là gò Mũ Đồng
Cân. Ông tôi đặt những mảnh sành hòn sỏi lẫn vào trong cỏ, mưa không làm trôi
được đất xuống. Mỗi gói ông chặn một hòn gạch vồ xám để đánh dấu đầu mả.
Trên chỏm mả ông tôi trồng mấy cụm cây ké. Hai bên rải rác mấy
cái mả nữa, toàn mả trẻ con. Mả của Hồ to nhất. Hồ thiêng lắm. Đã mấy lần, nó
hoá làm con đom đóm xanh lè to bằng cái vỏ trứng lơ lửng vào trong nhà, bay xuống
đỉnh màn u tôi. U tôi khấn là u đã biết con hiện về chơi rồi. Bấy giờ nó mới
bay ra Vừa khỏi luỹ tre cuối làng đã trông thấy mả em tôi. Nấm mả lù lù giữa gò
cỏ nhấp nhô. Phơ phất mấy cây ké, nom như một cái chỏm đầu trẻ con có núm tóc
hoa roi trái đào trên đỉnh. Qua một lớp ruộng cao khô nước, xơ xác mấy nhánh
hoa cỏ may cuối mùa. Một cụm ké cằn cỗi, thấp sát mặt cỏ, nở những cánh hoa ké
vàng: Thày tôi đặt lên chốc mộ bốn tấm mía, một gói nắm bỏng trắng với mấy cái
hoa hồng. Rồi thày tôi đánh diêm châm một nắm hương tăm cắm lên mộ, đằng phía
có chôn hòn gạch xám. Hòn gạch chỉ đầu em tôi nằm quay về hướng ấy. Thày tôi ngồi
thụp xuống lấy đất lèn chân hương, rì rầm khấn, rồi nói:
- Vào vái em đi.
Tôi xoè hai bàn tay, mắt đăm đăm, vái bốn vái. Tôi nhớ hôm
nào ghé khe cửa thấy Hồ nằm trong buồng, mặt xanh mét. Đã mấy năm qua rồi tôi
như vẫn chờ nó về. Tôi ngoay đầu lại. Thày tôi quay lưng trông xuống đồng Cáo.
Cái khăn mùi xoa đưa lên mặt. Dưới đìa sâu vắng man mác màu nước trắng không có
bóng người.
Cái buổi sáng đj thăm mả em tôi cũng cùng với tất cả những
ngày ấy trong ký ức tôi hỗn độn như một giấc mơ chắp nối. Thày tôi đem ở Nam Kỳ
về bao nhiêu truyện lạ, bao nhiêu thứ lạ. Thứ nhất, là cái kèn hát. Cái kèn mà
lỵ hát được. Nó là cái hộp vuông bằng gỗ màu vàng, to như một chiếc mâm xếp.
Một mặt gắn một cái cửa tròn, lổ chỗ lỗ nan mây. Một ống sắt sáng loáng to như
cái cổ ngỗng mắc bên cạnh là cái cần kèn. Đuôi cần gắn một chiếc loa loe tròn,
khía nhiều múi. Đầu cần có kim nhọn. Đuôi cần có loa to. Bên kia nắp, vẽ một
con chó tây ngồi trước một cái kèn hát bé tí tẹo. Hai tai chó dỏng thẳng trước
loa, ra ý đương nghe hát. Muốn cho kèn hát, thày tôi cắm một cái tay ngoẹo bằng
sắt thò vào một lỗ bên thành hộp, quay một hồi. Trong hộp nổi lên mấy tiếng lục
cục, u âm như tiếng cối xay. Thày tôi đặt một cái đĩa nhựa đen lên mặt kèn, thả
chiếc cần nhọn xuống mép đĩa quay xè xè... xè xè... Văng vẳng tiếng
chiêng, tiếng trống tiếng hát ở trong cái loa nói ra.
Buổi chiều, tôi rửa chân sạch sẽ rồi lên nhà xem thày tôi vặn
kèn nghe hát. Những buổi tối sáng trăng, đàn ông đàn bà trong xóm lũ lượt đến
ngồi nghe đầy sân và ngoài đầu tường.
Xung quanh tôi, không biết từ lúc nào, khắp mặt trẻ con các
ngõ đã ngồi la liệt hóng mặt lên. Tôi mơ màng tưởng ra một người đàn bà mảnh khảnh
mặt áo xanh đứng hát trước một dòng nước chảy. Đến những bài hát tuồng ồn ào
thì tôi lại thấy ông tướng "mặt như dồi phấn, môi tợ thoa son" cầm
kích vừa đánh phèng vừa đánh trống.
Tưởng tượng của tôi hơn hớn như một nhánh mầm cây bóng nước.
Trong cái rương của thày tôi lẫn lộn với quần áo còn một chồng sách. Những quyển
sách khổ lớn bìa xanh bìa đỏ xếp lên nhau. Một bộ Chinh Tây, tôi còn
nhớ Nguyễn Chánh Sắt dịch và một bộ Tam hạ Nam Đường. Hai bộ mấy chục
cuốn. Trong một xó hè khuất, tôi giải một mảnh chiếu chặn một bó giấy mộc che
phía ngoài. Phía trong liền giáp tường, thế là tôi nằm gọn lỏn vào giữa mà
không ai tìm thấy tôi. Suốt ngày, tôi vùi đầu vào cái chỗ đọc sách đặc biệt ấy.
Tôi dán mắt từ trang này qua trang khác. Những trang sách nhiều
tiếng miền Nam. Tôi đọc, đoán lơ mơ và quen lần lần với những cái miếng
chiên bài tòn ten, những cái lục lạc đồng cùng là những cánh rừng tòng
bá xum xuê. Trong những trang sách những tiếng khó nghe đó diễn ra bao nhiêu
truyện ly kỳ với những nhân vật rõ rệt đến nỗi tôi tưởng như tôi đi đường cũng
có thể gặp họ hoặc tôi cũng là họ không biết chừng. Những cái tên đáng yêu, những
cái tên đáng ghét lưởng vưởng trong đầu tôi. Tiết Nhơn Quý anh hùng. Chàng Tiết
Đinh San hươi cây thiên phương hoạ kích. Nàng Phàn Lê Huê học trò của Lê San
thánh mẫu. Lưu Kim Đính lia tới sợi khổn tiên thằng. Cao Quân Bửu là con Cao
Hoài Đức. Rồi những Dương Phàm, Tiết Ứng Luông, những Triệu Khuông Dẫn, Võ Tam
Tư, Trình Giảo Kim, tôi nhớ vanh vách, từng tên, từng mặt người.
Buông cuốn sách xuống, mặt tôi đờ đẫn. Trong cái khe cửa đầu
ngõ, tôi chứa đủ các thứ "khí giái". Cây hoạ kích, cái gậy dài nhọn đầu.
Cặp "song kím", hai mảnh tre bạt bôi phẩm tím. Hai quả chuỳ, là hai
quả bưởi có cắm chuôi. Và một đôi lang nha bổng (Lang nha bổng là khí
giái của Tần Hớn trong Chinh Tây, tôi đâu biết là cái gì?) Tôi
liền đẽo hai cái dũi tròn bằng tre. Nhiều khi thích chí tôi đem những thứ ấy ra
bờ ao, đứng nói lảm nhảm và múa may một mình. Tôi tập đánh nhau. Tôi tập hoá
phép. Có lúc lẩn thẩn, tôi nhắm mắt, đập đầu vào tường côm cốp. Cái đầu tôi
hình như rắn hơn trước.
Với bộ Chinh Tây và bộ Tam Hạ Nam Đường, thày
tôi còn mang về hai quyển sách nhỏ: truyện Bà chúa Ba và truyện Lục
Vân Tiên. Cái Lục Vân Tiên thế nào nhỉ? Ờ những buổi trưa hè nắng
chang chang võng đưa kĩu kịt, thày tôi nằm đọc.. Ờ Kim Liêng ơi hỡi Kim
Liêng. Đẩy xe ngờ ơ cho chỉ qua miềng ừ ừ Hà... ờ ờ Khê... Anh
Vương Tử Trực với anh Hớn Miêng còn yêu được chớ cái thằng Trịnh Hâm tôi ghét lắm
lúc muốn đánh cho một thương bể đầu. Tôi không thích đọc sách truyện Bà
chúa Ba mà vẫn phải đọc. Thày tôi bảo đấy là sách nhà phật. Thày tôi không
ăn thịt chó. Thỉnh thoảng, tôi đọc Bà chúa Ba cho cả nhà nghe. Đằng
cuối cuốn truyện Bà chúa Ba có phụ thêm nhiều bài kinh tụng phật.
Thày tôi thường bảo:
- Ba tháng hè, hễ tối nào ai cũng đọc được đủ ba mươi lần những
bản kinh kia thì nhà được phúc.
Tối tối, bà ngoại tôi kê một cái chõng ra bờ hè. Bên cạnh ngọn
đèn hoa kỳ và cuốn truyện Bà chúa Ba, tôi nằm phục vị chổng mông lên
đọc kinh. Bà tôi ngồi quạt cho tôi. Những buổi tối mùa hè rực rỡ. Vòm không bát
ngát đen thẫm lổ đổ cơ man nào đốm lửa sao. Trên trời lung linh sáng rợn, tôi
mê mải thành kính đọc kinh, lượt lượt nối nhau. Song chỉ được mươi hôm, rồi chối
dần dần. Bởi cứ phải đọc đi đọc lại mấy bài. Tôi giao hẹn với bà tôi từng lượt. Nam
vô Quan thâm bồ tát ma ha tát... Nam vô Di lạc bồ tát ma ha tát... Ma ha...
tát... tát. Chốc chốc lại trở lại, nhai chữ sái quai hàm. Rồi, cái việc đọc
kinh trở nên mệt quá. Một tối, tôi không lấy truyện Bà chúa Ba ra nữa.
Thấy vậy, bà tôi cũng bảo: "Đọc bính nhiêu tối được rồi". Thày tôi
không nói gì. Dáng hẳn mọi người cũng chán.
Cái mùa hè đến lắm chuyện lạ. Một hôm, không biết ở đâu bà
tôi đem về một tờ giấy chữ mực tím lèm nhèm. Trong giấy chép rằng: Năm nay độc
giời, tháng tư tháng sáu thì thiên hạ chết như rạ. Đến gà cũng toi, chết mất gà
gáy. Đức thánh truyền bảo cho nhân gian biết trước như vậy. Ai mà chép được năm
tờ thì thoát nạn, ai mà chép được hai mươi tờ thì cả nhà thoát nạn. Đứa nào mà
huỷ tờ kinh này thì chết tươi ngay.
Tôi hí húi ngồi chép năm tờ, mất mấy ngày, rã rời năm ngón
tay, toan thôi. Nhưng bà tôi sợ cả nhà chết hết, chết cả mấy con gà ngoài chuồng,
tôi lại phải cặm cụi mệt mỏi ngắc ngư bò từng dòng như vượt thôi đường nắng.
Xong mỗi tờ, bà tôi đem đặt lên trên bàn thờ, bên cạnh tán cây nến.
Thày tôi đem tôi về quê nội luôn. Những năm thày tôi vắng
nhà, ít khi tôi nhớ còn một cái làng nội của tôi ở trong Thanh Oai.
Tôi không nghĩ được ở quê nội lại có những ngày thảnh thơi
như trong mùa hè đó. Buổi tối, cơm nước xong. Chúng tôi ngồi giữa sân ngắm sao
và chơi đếm sao một hơi. Một sao, hai sao, ba sao... một vì sao đổi ngôi vút
dài một giọt sáng. Chị Cóc bảo thế là dưới trần gian có một người chết. Chị Cóc
lại chỉ cho tôi biết đâu là sông Ngân Hà, là cái mũ ông vua Thần Nông. Con vịt
và cái gầu tát nước thì ở chỗ nào.
Một buổi sớm giêng hai, tôi được đi chùa Hương với thày tôi
và các chị Cóc, anh Đợt. Cả chú Ba nữa. Chúng tôi trảy bộ vào Vân Đình, ngủ đỗ
hàng cơm ở đấy một đêm. Sáng hôm sau, mướn một chiếc đò. Nước sông cạn, có chỗ
bác lái phải thả thừng lên bờ, kéo đò đi. Nằm đò nửa ngày thì vào đến bến đò Suối
Lại sang đò Suối vào chùa Ngoài, từ đò Suối mà đi núi cao chập chùng, nước
trong leo lẻo. Lá vàng rơi thoáng mặt nước. Cỏ mọc nhô từ dưới lòng suối lên.
Đò trôi giữa những quả núi đá lừng lững. Này núi Mâm Xôi, này núi Con Gà. Có
núi cây xanh rờn, đàn khỉ leo lên leo xuống. Tôi đến chùa Trong vào buổi tối mịt
mù khói hương xôn xao. Sớm mai, trời chưa rạng sáng, cả nhà đã lóp ngóp leo núi
ra. Bởi chú Ba tôi bỗng đau mắt, tấy sưng húp. Chị Cóc bị mất cái áo bông ở nhà
trọ. Từ ngày ấy, tôi không trở lại chùa Trong lần nào nữa. Trên con đường trước
mặt thì thấy núi chùa Hương lô xô in hình xanh nhờ.
Một lần ở quê ra, thày tôi mua được một con chim vàng anh non
của trẻ chăn trâu ngoài đồng, và một chú chó con.
Hai con vật mà tôi được nuôi, làm thân và nhớ mãi. Thày tôi đặt
tên chó là con Bô Tô. Bô Tô có bộ lông trắng vá vàng chóng lớn như thổi. Thấm
thoắt ngót một năm đã trở nên một con chó thiến đứng đắn, biết sủa coi nhà đêm
hôm. Một hôm Bô Tô đi đâu mất rồi bà tôi tìm thấy Bô Tô nằm trên gò cỏ ngoài đồng.
Gọi Bô Tô không đứng dậy được. Bà tôi phải về nhà lấy thúng, bỏ Bô Tô vào thúng
rồi đội về. Bô Tô ốm ngắc ngoải mấy ngày. Tôi định nếu Bô Tô mà chết, tôi sẽ
đem chôn Bô Tô tử tế, đắp cho Bô Tô một nấm mồ. Chiều đó, tôi không thấy Bô Tô
nằm thở khò khè trong xó nhà. U tôi bảo Bô Tô chết buổi trưa. Tôi không nói gì.
Tôi biết Bô Tô chết thế nào rồi. Mấy hôm sau thì tôi rõ sự thực. Bô Tô sắp chết
thì bà tôi bán Bô Tô cho người ta đánh đụng. Bô Tô cũng được hai đồng bạc thịt.
Còn vàng anh thì sao? Ông tôi vót một cái lồng tre để vàng
anh ở. Tôi cho vàng anh ăn chuối và đậu phụ. Cho thứ gì vàng anh cũng há mỏ.
Tôi lại cho vàng anh ăn cơm trộn muối vừng. Người ta bảo cho chim ăn mặn thì dù
thả chim ra chim nhớ mồi không bỏ đi được. Hết mùa hè, bộ mã vàng anh óng ả. Buổi
sáng, vàng anh líu ríu trong mỏ. A, vàng anh học hót. Vàng anh học hót, vàng
anh tập nói như người. Nhưng đến mùa đông, vàng anh chết. Tôi không được biết
vì dạo ấy tôi đã xa nhà. Tôi ra ở nhà chú Tưởng ngoài Kẻ Chợ để đợi đi học. Hôm
tôi về, vàng anh đã chết rồi. Tôi ra sau nhà, tìm xác nó. Trong cây ngái, chỉ
còn mấy cái lông vàng rã rượi và một mảng xương khô. Tôi đào huyệt chôn cái
xương vàng anh bên bờ ao, cạnh gốc cây khế. Cũng đắp nấm và để hòn gạch lên mỏm
đầu mả. Bắt chước như mả em Hồ tôi.
Rồi thày tôi lại đi Sà Goòng. Thực tôi không rõ thày tôi đi
hôm nào. Một buổi sáng, tôi chợt thấy như mấy hôm rày vắng thày tôi. Tôi hỏi u,
u tôi bảo:
- Bố mày đi rồi!
Tôi bỗng khóc oà. Tôi khóc thương nhớ, chứ tôi không biết
thày tôi đã đi tìm việc nhiều nơi ngoài Kẻ Chợ nhưng không đâu có việc. Lại phải
đi.
Tháng tám thày tôi có thư về bảo u tôi đem tôi gửi chú Tưởng
ngoài phố. Chú Tưởng kèm tôi học, để rồi chú Tưởng xin cho tôi vào trường nhà
nước.
Tôi đã bỏ học từ hồi thày giáo Đức đi đâu mất. Bây giờ lại phải
đi học, Tết rằm tháng tám xong, u tôi đem tôi ra Kẻ Chợ.
Chương 8
Chú Tưởng là bạn đi làm với thày tôi ở sở bán bánh tây ngày
trước. Chú khoảng ba mươi tuổi, người gầy, lom đom như lúc nào cũng đeo bệnh
đau bụng sốt rét trong mình.
Ngày thày tôi ở nhà, tôi có xuống chú Tưởng vài lần. Nhà chú ở
giữa phố Hàng Mã. Một gian bán các thứ linh tinh, mà tôi không thể gọi đúng tên
hiệu. Những cái lọ bé như lọ dầu bạc hà. Những cái chai thuỷ tinh xanh to như
cái vò. Lại những cái chuông xe đạp, những hòn bi sắt những mảnh thiếc vụn.
Trên tường, treo các đôi giầy tây cũ. Lại mấy chiếc lốp ô tô
đã mòn. Các thứ ấy đều để bán cả. Những cái vứt đi, nhưng người mua cần thì lại
bán được tiền. Mỗi lần xuống chơi, thày tôi lại cười nói với chú Tưởng:
- Tôi cho cháu làm con nuôi chú. Sau này nhờ giời, cháu có được
nên người, trăm sự nhờ chú cả.
Bây giờ tôi phải xuống ở nhà chú Tưởng. Nói sao hết được nhớ
thương buổi ra đi. Đứng trong sân thì Kẻ Chợ ở phía gốc cây dừa. Những đêm tối
trời, tôi trông thấy ánh sáng thành phố đỏ sạm đằng góc trời đó. Nào có đâu xa,
mà bước chân ra khỏi ngõ, nước mắt đổ hai hàng. Tôi gắng lắm mới khỏi khóc to.
Bởi còn níu được chút hi vọng, những phiên u tôi đi chợ thể nào cũng ghé vào và
thế nào cũng có quà. Ra khỏi đầu tường, bà tôi dặn u tôi:
- Nhớ vào, nhả?
Tưởng vào đâu, hoá bà tôi dặn vào rừng Ông Cụ. Đầu làng tôi
có một cái miếu trong đám cây ruối bùm tum. Miếu thờ một con hổ bằng đá. Gọi là
rừng Ông Cụ. "Ông Cụ" ngồi rụm hai chân sau, nhìn ra, trong cái hang
gạch. U tôi cầm cái dùi, thỉnh mấy tiếng côông côông vào cái chuông bé như chiếc
bát úp treo lủng lẳng trên cái rễ si ngoằn ngoèo thò xuống. U tôi xuýt xoa lễ.
Tôi ngả mũ, cũng chắp tay lễ. Tôi nhìn ông Cụ Mắt ông Cụ bằng đá, cũng trắng
xanh nhệch nhạc. Ông hổ mà trông xoàng như con mèo.
Thế là tôi ra Hàng Mã. Lúc u tôi ra khỏi cửa nhà chú Tưởng,
tôi dân dấn nước mắt. Chú Tưởng bảo:
- Cháu cất mũ vào trong nhà mà ngồi chơi.
Tôi ngoan ngoãn đem mũ và bọc quần áo vào để bên khe tủ chè.
Cái Hiến đứng cạnh đấy, nói trống không:
- Cất ở trong nhà cơ?
Chú Tưởng bảo cái Hiến:
- Hiến dẫn anh vào.
Cái Hiến thấp hơn tôi, kém tôi một tuổi. Người nó quắt queo,
chân tay khô khẳng như cây hóp. Mặt nó xám, môi cong tớn. Hai con mắt trắng nhả,
chô chố. Đầu mới có ba cái tóc ranh mà hay chít khăn vắt vẻo. Nó lại mặc áo dài
nâu, hai vạt trước thắt quả găng. Nó đi lấy dáng. Cái tay ve vẩy. Nó là con chú
Phúc. Bà cụ sinh ra chú Tưởng được ba người con trai. Anh cả là chú Phúc. Thỉnh
thoảng, chú bận áo the dài, lê giầy lẹp xẹp xách cái khăn gói vải đỏ về quê.
Tôi không thấy vợ chú ra đây bao giờ. Chú mới được có một mình cái Hiến. Người
thứ hai là chú Tưởng. Chú Luyến bé rốt. Chú Luyến còn đi học.
Cái Hiến đưa tôi đến một căn buồng dài bầy biện đồ thờ đỉnh nến
sang trọng. Nhưng chúng tôi chỉ đi qua - đấy là nhà khác, rồi lại vào một mảnh
sân nhỏ, hôi, ướt láp nháp. Nó đẩy cánh cửa cuối sân, trong buồng kê hai cái phản
và một cái bàn bằng thùng gỗ vừa khít. La liệt sách vở quyển to quyển nhỏ chồng
đống. Trước bàn, chú Luyến cởi trần, đương đọc sách. Nghe tiếng kẹt cửa, chú
Luyến ngửng đầu lên. Ngực chú gày tóp, hằn từng đốt xương sườn. Thoạt thấy chú,
tôi có cảm tình ngay. Tướng gầy thế này mới ra tướng học trò. Chú Luyến hỏi cái
Hiến:
- Đứa nào thế?
Hiến đáp: "Thằng cu Bưởi".
- À!
Rồi chú lại cúi xuống quyển sách. Tự dưng tôi có tên là thằng
cu Bưởi. Tôi nhìn Hiến. Nó không biết nỗi ngạc nhiên của tôi. Nó cầm cái mũ và
bọc quần áo của tôi nhét xuống gậm bàn. Nó lại bảo tôi ra cửa hàng. Tôi lùi lũi
ra.
Cái nhà của chú Tưởng chia làm ba chủ ở. Giữa hai mặt phố có
một gác nhỏ. Ông phán chủ nhà ở cái góc nhỏ ấy với một phòng giữa tôi vừa đi
qua vào nhà trong. Thấy đồ đạc lỏng chổng với một gian chéo thót ba góc, đó là
cửa hàng chú Tưởng và cái nhà xép này. Cạnh gian đó, hàng nhà bà Thấp. Thành thử,
về gian trong nhà chú Tưởng có hai lối, qua nhà giữa, hoặc vòng hè phố, nhờ cửa
hàng bà Thấp.
Bà Thấp, người đúng như tên, thấp bè bè. Mặt bà múp míp như
chiếc âu đồng đỏ. Mắt bà tròn, mũi cũng tròn như cục thịt, đến cái miệng lại
tròn nốt, gần hệt một đồng xu. Tất cả người bà phình phình tựa một cái thúng
to. Bà bước vòng kiềng và đưa từng bên người đi một, lặc lè như vịt bầu. Lúc bà
nói, mặt bự lắc lư sang hai bên, đều đặn như mặt quân đèn cù máy tóc. Cửa hàng
bà bán đồ sắt vụn, sắt gẫy chồng chất đầy đống lên đến trần nhà, chỉ chừa một lối
đi vào.
Bà Thấp ngồi trên cái giường trong cùng, bên cạnh cơi trầu,
đen sẫm, lẫn với màu sắt rỉ. Suốt ngày, bà nhai trầu tóp tép. Ngồi bên này, thỉnh
thoảng mới nghe tiếng bà nói với khách mua, có khi bà mắng cậu Tịnh. Bà mắng
yêu, bao giờ cũng một câu:
- Này tôi bảo cậu, me nuôi cậu nhớn bằng ngần ấy rồi cậu đã
làm được cái tình chung gì cho me nhờ chưa? Ừ, cậu đã làm nổi cái tình chung gì
chưa? Hay là ngày hai bữa rồi xe đạp với đánh đàn tầu?
Mẹ mắng, cậu Tịnh chỉ cười rinh rích. Cậu cười, chìa ra cả một
hàm răng mái hiên. Mặt cậu đen bóng như bôi dầu. Tóc thì trơn mượt, lật úp ra đằng
sau. Đôi khi không chải cánh gà, tóc xoà vòng xuống hai bên mang tai. Bà Thấp
được có một mình cậu Tịnh. Cậu Tịnh cũng bằng trạc tuổi chú Luyến. Nhưng cậu
không đi học. Sáng ra, vừa bảnh mắt, cậu đã đánh đàn. Nhưng cậu có cái đàn tầu
tròn xoe treo trên tường. Cứ đàn cả ngày. Cậu ôm đàn, nghẹo cổ, tay gẩy liên liến,
tay nhấn dây rối rít. Tiếng đàn cũng nhảy nhót tính tính rối rít. Có khi cậu rủ
một lũ bạn đến. Mỗi cậu một cái đàn tầu cầm tay. Những người đi đường đứng lại,
ngó vào xem. Bà Thấp chỉ cười khì. Nhiều lúc cậu Tịnh tay đàn, miệng hát đưa
theo tính tình tình tình tình tinh... Tôi nhớ nhất và cũng thích nhất
cái bài điệu ma đờ lông hay bình bán gì đó có hai câu: Bưởi, hồng, cam,
quít, dứa, na... Táo, dứa, mận, dâu gia hồng bì...
Lúc nào không nghe tiếng đàn cậu Tịnh, thì tôi đoán chắc cậu
ra ngắm xe đạp. Tôi hé cánh cửa, nhòm xuống sân bếp. Y như rằng cậu Tịnh đang
hí húi với cái xe đạp. Cậu lau. Cậu cho dầu. Cậu tháo vành bánh xe treo lên. Cậu
lắp lại xích. Xe cậu là xe cuốc, một tay nhấc lên được. Tối tối, ăn cơm xong,
đánh đàn tầu một lúc, cậu vác xe đạp đi tập. Sáng hôm sau, cậu sang nói với chú
Luyến những chuyện tối qua trên Bờ Sông cậu chạy đội xếp bắt đèn. Cậu nói cậu đạp
rất hay kỳ thi này cậu sung sức ngang cua rơ Bổng. Hồi đó, cua rơ Bổng ở Hàng Đậu
đương nổi tiếng nhất Bắc Kỳ.
Có cuộc thi xe đạp vòng quanh Hồ Tây. Cậu Tịnh tập riết, đêm
khuya lắm mới gọi cửa. Sắp đến ngày thi, cứ ăn xong cậu lại đi nằm dưỡng sức.
Không ai nghe tiếng đàn tầu.
Hôm thi, cậu mặc áo đỏ, quần đùi đen thêm một ông sao trắng
và đội mũ nồi trắng có quai buộc xuống cằm. Trước ngực đeo hai bầu nước mang ống
cao su bắt lên miệng. Vai quàng vắt đôi săm mới. Khắp người cậu bôi dầu nhờn,
bóng nhẫy như pho tượng đồng đen. Cậu dắt xe đi. Chú Luyến cũng đi theo để đẩy
xe cho cậu Tịnh lúc các cua rơ sắp hàng bắt đầu chạy.
Độ giữa trưa đã thấy cậu Tịnh tò tò về. Cả xe đạp nằm trên
cái xe cao su người kéo. Cậu ngồi trong xe mặt tái mét.
Lúc xe đỗ, anh cu-li phải khiêng hộ cậu cái xe cuốc đem dựng
vào trong cửa. Cậu lò rò vào giường, nằm thẳng cẳng, mắt cứ trừng trừng lên trần
nhà.
Đâu cậu đạp được có hơn một vòng hồ đã chối tê hai đầu gối. Cậu
đuổi, đuổi, đuổi mãi. Cậu cố, cố. Sau lử dần và càng bét hơn, đành phải bỏ cuộc.
Luôn một độ cậu Tịnh không mó đến xe đạp và nhắc tới chuyện
xe đạp. Lại chỉ đánh đàn tầu. Dần dà, cậu lại vác xe đi tập đêm và đe với chú
Luyến rằng chuyến này cậu chạy hay tuyệt, so với phượng hoàng Lê Thành Các được.
Sang năm sau, lại có đua xe đạp vòng Hồ Tây. Cậu Tịnh đóng đủ
lệ bộ và lại bôi dầu nhờn khắp người. Chú Luyến tôi vẫn theo đi để đẩy xe đạp
cho cậu.
Lần này, mãi đến tận chiều, cậu Tịnh mới về nhà. Cậu cũng ngồi
xe cao su như năm ngoái. Nhưng anh cu-li phải cõng cậu từ ngoài hè vào trong cửa.
Hai đầu gối cậu choẹt ra, bê bết máu. Bà Thấp hoảng hốt khóc lu loa.
Cậu đạp được hai vòng hồ thì bị người ta chèn cậu ngã. Cậu
không kịp rút chân khỏi cái mõm bê-đan. Cậu ngã giáng hai đầu gối xuống mặt đường
đá. Tưởng gãy xương? May, chỉ toét máu.
Lâu lắm không thấy cậu bàn chuyện chơi xe đạp. Cậu lại chỉ
đánh đàn tầu. Cái ghi đông cuốc cậu đem mắc cong ngược lên như hai cái sừng
trâu. Chiều chiều đạp quanh mấy vòng hồ Hoàn Kiếm, cậu đi hóng mát...
Ông Phán chủ nhà có ba người con, cậu Tuyên và cô Chi. Còn
người lớn nhất đã lấy chồng. Không ai gặp ông Phán mấy khi. Bởi ông ở trên gác
cả ngày. Gác có cái cửa sổ ngó ra sân bếp. Tôi ngồi rửa bát dưới sân, nghểnh
lên nhìn cửa sổ thấy thấp thoáng một người đàn bà. Người đàn bà, tóc xoã đằng
sau, mặt lúc nào cũng có vẻ buồn. Người đàn bà thường nhìn lơ đãng sang góc sân
bên kia. Nhiều bận cô mang cả gương lược ra đứng cửa sổ chải đầu. Có những buổi
tối tôi xuống đứng dưới sân bếp, nghe văng vẳng tiếng hát trong cửa sổ. Tiếng
thanh mà trầm trầm, nhẹ thoáng. Một giọng kể chuyện não nùng thấm thía đến ruột
gan. Bao giờ cũng vậy, nghe tiếng hát của người đàn bà tôi cũng chạnh nhớ đến
cũng giờ giấc hoàng hôn này bác hàng phở quen, bác Nghĩa đã quẩy gánh vào dỗ
trước cửa ngõ nhà tôi. Ánh củi lập lờ: Phơ... ơ ơ... Tiếng bác rao,
vang vào hai bên tường, cả phố đều nghe thấy. Cái tiếng ơ cứ kéo dài như tiếng
còi. Đây thì những tiếng ngân ngư chìm lặng của giọng hát nhỏ lìm lịm trong cửa
sổ. Tự dưng tôi thương cái bóng người đàn bà. Cậu Tịnh nghé nghiêng nhìn lên cửa
sổ cười hểnh hàm răng bàn cuốc, bảo khẽ tôi:
- À, chú bé này hóm nhỉ? Biết ra đằng sau nhà nghe hát "ga
tuýt".
Cậu Tịnh cười rúc rích. Rồi tôi biết người đàn bà kia là vợ lẽ
ông Phán, một cô nhà trò. Chưa bao giờ tôi trông thấy cô xuống nhà dưới. Thỉnh
thoảng cô ra sân gác, gọi hàng phở gánh dưới phố rồi dòng một cái quang con đựng
bát xuống. Hàng phở đặt bát phở vào quang. Cô kéo lên, như ở nhà quê người ta
kéo nước giếng.
Cô Chi và cậu Tuyên thì ở dưới nhà. Trông hai người này tôi vừa
sợ vừa ghét. Hễ ông Phán đi khỏi nhà, cô Chi và cậu Tuyên lại chạy lên gác cãi
nhau với dì ghẻ. Bà Thấp, cụ hàng Mã, cái Hiến, giả lảng vảng xuống bếp, để đứng
nghe. Tiếng cậu Tuyên hét toang toang. Cái gì xô xát, rơi lốp bốp. Cô Chi léo
nhéo chửi con đĩ lẫn tiếng gào khóc của ngườí dì ghẻ. Tấn bi kịch bao giờ cũng
đến đoạn người nhà trò kêu hàng phố thì buông phông. Cô Chi, cậu Tuyên lại huỳnh
huỵch xuống gác.
Trong cửa sổ chỉ còn đưa ra tiếng khóc ti tỉ. Bà Thấp lạch đạch,
đủng đỉnh vào, tay vuốt quết trầu mép, nói một mình: "Cha kiếp? Đáng đời
con đĩ. Còn là lụn bại về cái giống nhà trò!"
Tôi tưởng đến lúc ông Phán về tôi sẽ được hả. Chẳng hạn ông
Phán sẽ đánh tung hai đứa con lên. Nhưng không, khi ông Phán về, cô Chi vẫn ngồi
đan, cậu Tuyên hí húi đánh giầy. Cảnh nhà vẫn im lặng, cho đến hôm nào ông lại
đi ra phố. Màn kịch bao giờ cũng chỉ diễn thiếu vai ông. Chắc là ông cũng biết
thế. Nhưng tôi chẳng nghe tiếng ông nói bao giờ Lần nào ông Phán vắng nhà, hai
chị em đã chán hành hạ dì ghẻ, cậu Tuyên chạy đi gọi chị, bà ký Cả. Bà ký Cả ngồi
xe nhà đến. Mặt bà hầm hầm quát từ ngoài cửa "Đứa nào bắt nạt em bà, đứa
nào dám trêu tay bà nào!". Bà trèo thẳng lên gác, hai em đi theo. Thế là
cái gác tối lại lầm ấm lên. Bà ký Cả vừa nói, vừa nhảy cờn cỡn hai chân. Tóc bà
tụt xoã xuống. Tay bà khum cong, mổ mổ ra đằng trước. Bà đứng sát bên cửa sổ,
miệng sỉ vả, mắt đá đưa nhìn xuống sân. Như ý khoe tài đanh đá với bà Thấp và mọi
người đứng tụ dưới sân bếp. Bà mắng sa sả, bà kể lể ngành ngọn đủ điều. Trước
còn nghe người dì ghẻ nói đối lại, sau chỉ có tiếng khóc ti tỉ. Rồi im. Bà ký Cả
nói chán, bà ký Cả về.
Cảnh nhà ông Phán chìm đắm trong cảnh rưng rỗi lục đục. Được
ít lâu, người nhà trò lấy trộm quần áo, trốn đi. Bấy giờ ông Phán đã khổ hơn.
Ông bán nếp nhà đó, rồi ông thuê lại căn gác để ở. Cô Chi lấy chồng. Cậu Tuyên
phiêu bạt lang thang đâu, không biết. Khoảng mươi năm sau, tôi gặp lại ông Phán
trên một chuyến tàu điện. Mặt ông xị, bủng dứ. Đôi mắt lờ đờ nhìn đâu chẳng buồn
dịch sang chỗ khác. Ông vẫn mặc tấm áo đoạn ngày trước. Chỉ khác, tấm áo đã
phơi ra lần lót nhiễu xanh nhớt. Tay ông vẫn cầm cái ô trắng, vải ô đã cóc đen.
Nom ông cũ, mốc, ốm chỉ còn phảng phất lốt xưa mà mỏi mệt hơn thôi.
Được ít ngày, một hôm chú Tưởng bảo tôi:
- Phải đợi hết hè mới xin vào trường Cửa Đông được. Bây giờ
cháu ở nhà học chú Luyến và làm đỡ chú.
Tôi chẳng thấy chú Luyến cho học gì. Ban ngày chú đi học, tối,
cơm xong chú lại cắp sách đi học nữa. Tôi không thể ngồi chơi trong nhà, từ cái
Hiến đến bà cụ ai cũng làm quần quật Tôi bắt đầu những ngày mới lạ ở thành phố.
Buổi sáng, chú Tưởng ra mở cửa hàng. Chú dỡ những tấm cánh cửa
xuống. Tôi bê từng tấm, xếp thành một chồng cao. Ở trong nhà, cái Hiến bưng ra
hai cái ô gỗ đựng chai lọ đặt lên chồng cánh cửa. Tôi chui vào gầm phản kéo ra
mấy bộ khung xe trẻ con bốn bánh đã rỉ hoen. Có khi tôi khiêng một thùng tôn,
xách mấy thanh sắt đem đặt trước hai vành ô gỗ.
Những thứ kềnh càng thì bầy ngoài cùng, kẻ cắp không dễ thó
được. Và chúng thay chỗ lần lần mỗi khi có người mua đi. Chỉ có chiếc lốp ô tô
hàng là lâu người mua nhất. Nó cao đúng đến ngực tôi, mà nặng, sức tôi không thể
nhấc nghiêng nổi một phía. Ròng rã cả năm, sáng nào tôi cũng huỳnh huỵch vần
cái lốp ô tô ra dựng ngoài mặt tường trước cửa hàng. Tối đến, tôi kề theo mé tường,
vần vào trong nhà, dựng một xó. Sáng mai lại loay hoay lăn nó ra.
Dọn hàng ra xong, chú Tưởng cho tôi một củ khoai lang luộc tím
mẫm, ướt nhựa. Bà cụ mua khoai ấy ở ngoài đầu phố. Chén hết củ khoai không bóc
vỏ, tôi lại vào ngồi trong góc nhà, cạnh gầm phản. Chú Tưởng lấy trên tường xuống
mấy đôi giầy tây. Chú đưa tôi một mảnh dạ xám bóng nhẫy vết sì đạt. Tôi kẹp chiếc
giầy vào giữa hai bàn chân. Tôi ngoẹo đầu, tay căng mảnh dạ, miết liên liến
trên mặt da giầy. Tôi đánh qua khắp các mặt giầy treo trên tường. Đôi to. Đôi
nhỏ. Đôi cụt cổ. Đánh xong mỗi chiếc, tôi lại đặt lên phản. Chú Tưởng đứng móc
từng chiếc vào những lỗ đinh trên tường. Tôi lại đánh cả những chiếc ghệt da dầy
cộp tới lưng bẹn. Đánh hết một loạt giầy, và những đôi ghệt, đã gần trưa.
Bà cụ đã đi chợ về. Tôi vào bếp nhặt rau muống với cái Hiến.
Chú Phúc thì chuyên thổi cơm. Chú thường khoe chú thổi cơm nhanh và ngon nhất
nhà. Tôi và Hiến dọn mâm. Cơm chín thì chú Luyến vừa hay đi học về. Cả nhà ăn
cơm ngay ngoài cửa hàng. Bát đĩa rếch bỏ chậu. Đoạn bữa, tôi vào sân bếp rửa
bát. Xong việc bát, tiếp đến cọ chai. Một chậu nước mấy mảnh giẻ và một cái thuốn
dây thép, cái Hiến và tôi cọ các thứ chai lọ trên đời - những cái chai của người
"chai, bao chè, lông vịt, đồng nát". Chúng tôi cọ, lau rồi đem bầy ra
những ô gỗ, lại bán.
Cọ được vài chục chai, đã đến buổi học trò về. Tôi sửa soạn
đi phụ thổi cơm. Nếu không, tôi đem mảnh giẻ khô ra lau xe đạp cho chú Luyến.
Đèn điện ngoài đường phố bật sáng thì trong nhà ăn bữa tối. Rửa bát buổi tối,
phần việc của Hiến, chén xong, chú Tưởng và tôi thong thả dọn hàng. Tôi lại vần
cái lốp ô tô khổng lồ vào trong xó tường. Chú Tưởng lên cửa. Chú Tưởng và tôi
ngủ ngay ở ngoài cửa hàng.
Gian nhà ngổn ngang cồng kềnh đủ thứ. Một góc, sắt vụn chồng
lên nhau cao ngút đầu. Có hai mảng tường. Một mảng mắc toàn giày tây cũ. Một tường
đóng khung xích đông đặt xếp hàng một dãy chai thuỷ tinh xanh béo lùn. Chỗ này
nằm một đống chai lọ. Chỗ kia nhấp nhô một đám những xoong chảo cũ. Không hở nổi
một hòn gạch vuông trong nhà. Một lối đi nhỏ - ai bước không khéo, có thể bị
móc rách vạt áo bởi những tay sắt cong queo nhô lên và len vào bên cạnh một tấm
phản. Trên phản, chú Tưởng và tôi nằm ngủ, không màn.
Dưới gầm, đầy chai, nút và bao chè bẹp. Tối nào tôi cũng phải
cất mấy ô chai, lọ ra nơi khác mới đủ chỗ cho chú Tưởng duỗi thẳng chân.
Ở nhà chú Tưởng, tôi được đọc một quyển truyện hay lắm. Quyển
truyện ấy, tôi nhặt được ở gầm bàn học chú Luyến. Quyển sách đã nát và bợt mủn
mấy tờ lót cuối cùng.
Cuốn Vô gia đình của Nguyễn Đỗ Mục dịch.
Tôi đặt quyển truyện vào trong khe phản, chỗ tôi ngồi đánh giầy. Buổi trưa cơm
xong, tôi ngồi đọc lén mấy trang truyện.
Cuộc đời lưu lạc của thằng bé trong truyện cứ như trông thấy ở
mỗi dòng chữ. Tôi mê man theo thằng bé từ lúc nó bỏ nhà đi theo ông già làm xiếc.
Cái lúc thằng bé đứng trên ngọn đồi nhìn lại túp lều nhà mình trước còn rõ, sau
mờ. Mắt tôi cũng mờ. Rồi nó quay mặt, quả quyết bước theo ông già. Tôi cũng
theo nó. Cũng buồn, cũng giận, cũng tủi cùng chung nỗi cảm thương với người bạn
xa xôi mà gần gũi đó.
Tôi giấu quyển truyện trong gầm giường, chỉ lo ai lấy trộm mất.
Tôi tưởng rồi suốt đời tôi không thể xa được anh bé trong truyện nữa.
Những đêm nằm cạnh chú Tưởng, tôi mơ mộng nằm bên anh bạn
trong truyện. Ô, quái sao, chỗ tôi ngủ đây đúng chỗ anh ta ở một cửa hàng bán đồ
cũ. Trên đầu anh, người ta treo con thiềm thừ to. Gió đập lắc cắc, con thiềm thừ
lắc lư như định ngoác mõm xuống cắn anh. Anh thiếp đi trong cơn mơ hoảng. Tôi nằm
trên phản này cũng khủng khiếp thế. Bốn bên xủng xoảng các thứ chai lọ. Trên mảng
tường lù lù những đôi giầy tây như những cái mặt nạ. Từ trần nhà rủ xuống ba
dây xích treo hai cái bồ và một cái quạt điện gãy cánh. Ánh điện ngoài đường bắt
nghiêng khe cửa vạch mấy dọc trắng lên nền trần dán giấy nhật trình. Bấy giờ
gian hàng biến ra một cảnh thực quái lạ. Không khí ẩm ướt, đẫm mùi rỉ sắt hăng
hắc. Cánh quạt điện vươn như hai cánh tay vượn in trên trần sáng chập chờn loe
dài thêm ra. Những thứ đó hoá thành những con ma, cứ lắc la lắc lư như con thiềm
thừ trong truyện Vô gia đình sắp chúi xuống nuốt tôi. Trong gầm và bốn
bên, tiếng những con gián động đậy cánh bay xè xè. Sao lắm gián thế nhỉ? Nó bay
ngã bồm bộp, chốc chốc chuột chạy loạt xoạt, đụng đổ từng chồng ống bơ. Chuột cắn
nhau. Chuột. Chuột rúc chííí... Tôi nhắm mắt, rúc đầu vào cái mền vải nâu.
Nhưng vẫn trông thấy con thiềm thừ đá đưa sắp xuống cắn chân. Tôi xoay nghiêng,
áp mũi vào lưng chú Tưởng. Ngoài khe cửa, thỉnh thoảng phào qua một tiếng rè rè...
Tỉm xắm bàoo.... những tiếng gõ sực tắc sực tắc ròn tan của một hàng quà
đêm. Tôi chợp dần, trong giấc ngủ, chắp nối nhiều cơn mơ ghê sợ. Có lúc
ngã xuống giếng. Có lúc ma đuổi. Hai chân cứ cuống queo, không bước được.
Cái Hiến với tôi thì như chó với mèo. Lành nhau đấy cũng chí
choé nhau đấy. Nó tinh ma quá quắt lắm. Nó nói bâng quơ:
- Hôm nay chủ nhật, chú Luyến đi xem đá boóng rồi.
Tôi doạ:
- Ông mách chú Tưởng bây giờ?
Nó trều môi, dồn một hồi:
- Cái gì cũng mách mách! Ai nói mà trạnh lòng, tôi bảo chú
Luyến đi xem đá boóng. Chú Luyến đi học. Một sòng bạc.
Cho dê đi học. Cho chóc ở nhà. Cho gà ăn thóc. Tôi
bảo thế đấy. Bận gì nào?
Sao lại không bận đến tôi! Tôi tức chín người đi chứ. Cái Hiến
nó nhại tôi. Tiếng Kẻ Bưởi tôi nói thế. Mọi nơi người ta nói óc, ong thì mím miệng
sau chữ c, chữ g. Như: lọc cọc, long tong. Vùng tôi, há miệng ra sau chữ c, chữ
g lọc chọc, loong toong. Cái Hiến choãi mồm ra chế tôi. Tôi phải tát vỡ miệng
nó. Nhưng rồi tôi chỉ lẳng lặng quay ngơ.
Hiến giở sang chuyện cái vòng. Nguyên cổ tôi đeo một chiếc
vòng bạc. Vòng ấy, tôi đeo từ năm lên bốn. Trước còn có chiếc nhạc và một con
cá rủ xuống ngực. Lần lần, tôi gặm cụt hai ngạnh đuôi cá. Con cá mòn méo một mảnh.
Cái vòng ấy hợp với tôi. Bao giờ tôi sốt, vòng cũng xám lại. Hồi nào tôi khoẻ,
cái vòng sáng trắng ra. Tôi không được bỏ vòng, bà bảo thế. Nếu tôi bỏ, thày
bói và nhà chùa bảo sẽ bị ốm ngay. Cho nên tôi đeo cái vòng ra tận đất Kẻ Chợ
này.
Cái Hiến, những lúc cọ chai, thường nói động đến. "Anh
có thấy ai đeo vòng như anh không? Đeo vòng thế là nhà quê lắm nhé?". Tôi
không thèm đáp. Thú thực tôi cũng không có lời đâu mà trả miếng. Quanh quẩn, hết
chuyện con cóóc, sang (huyện cái voòng, lại lộn lại chuyện con cóóc và
tiếp theo.
Và thỉnh thoảng, lại xảy ra những cuộc gây gổ tự nhiên. Buổi
tối hôm ấy chú Tưởng và tôi dọn hàng. Mọi khi phần cái Hiến phải bưng vào một ô
gỗ dựng chai. Nhưng hễ nó rửa bát thì tôi mang thay. Hôm đó, Hiến rửa bát. Tôi
lại tưởng chú Phúc rửa. Lăn xong cái bánh ô tô vào trong xó tường và dọn một ít
chai lọ, hết phần tôi, tôi vào rửa chân. Bấy giờ cả nhà đã ra ngoài nhà, bát
cũng đã rửa rồi. Tôi đương lúi húi dội nước thì cái Hiến te tái đi vào. Trời tối,
lấp loáng ánh đèn trong nhà hắt ra, tôi cũng không trông rõ Hiến. Nó vào giáp mặt
tôi. Tôi đứng áp tường. Một bên là chuồng tiêu, một bên là hai cái chum nước của
ba nhà. Chum nào cũng có nắp gáo riêng. Cái Hiến hùng hổ đấm tôi hai quả vào bụng.
Tôi oằn người, hai tay víu tường, ngơ ngác. Nó sừng sộ:
- Anh cu Bưởi có dọn cái ô chai vào không?
- Phần... phần...
- Hôm nay ai rửa bát?
- Chú...
- Chú gì? Đây vừa phải đòn oan. Hự...
- Ối!
Nó còn toan bồi thêm cho tôi mấy thụi nữa, nếu chú Phúc không
chạy ra, quát. Thì ra chú Tưởng thấy sót cái ô gỗ ngoài thành cửa, tưởng Hiến
đùn việc cho tôi, liền bợp cho nó một cái. Vậy mà nó vào nó thụi tôi luôn mấy ục.
Chú Phúc còn kể chuyện lại nhiều lần nữa. Chú cười tôi nhớn hơn mà để cho con
bé đấm luôn mấy quả, đứng ơ mặt, tay ôm bụng, nhăn nhó định khóc. Chú chuyện
vui cho cả nhà nghe. Thường tôi lại làm như sợ nó hơn để được mọi người cười.
Nó thực là một con chó, con chó cái dữ và lắm điều. Tôi là
con mèo. Tôi chỉ là một con mèo. Nhiều khi cái Hiến không thèm nói chuyện với
tôi, tôi chỉ biết chơi cùng con mèo đen.
Nhà nuôi một con mèo đen to. Tôi chưa hề trông thấy một con
mèo đen to đến như thế. Nó béo bằng cái ấm giỏ. Lông đen tuyền mướt như nhung.
Râu mép thì trắng, vuốt chân cũng lại trắng, hai con mắt tròn xanh như mắt thuỷ
tinh. Mèo Kẻ Chợ cũng có khác, chỉ đài các ăn cơm cá. Cơm rau, ngửi một cái, rồi
kêu ngoao ngoao, lảng đi. Vài hôm, bà cụ lại mua một con cá mè, một mớ tép kho
cho mèo xơi dần. Mèo lại không bắt chuột. Trong cống bếp, có một con chuột già,
mình mẩy loe loét tuột gần hết lông. Cái đuôi còn mẩu hủn hoen. Thỉnh thoảng nó
chui trong cống lên, ướt rườn rượt, lừ đừ bò đến thùng rác, thò đầu vào. Mèo
trông thấy ngó theo mà hai tai không động đậy. Cả ngày mèo ngồi lù lù trên đầu
bàn học chú Luyến. Hễ tôi lướn phướn đến, chú mình lại gù gù chùi đầu cọ vào sườn
tôi. Tôi vuốt lưng chú mình. Tay vuốt đến đâu đuôi mèo cong gợn lên đến dó.
Tôi hay nhớ nhà nhất những hôm râm trời không có nắng. Tôi nhớ
thắm thiết như anh bé phiêu lưu trong truyện Vô gia đình, nhớ con bò
và người mẹ nuôi của anh ở xứ quê.
Một khung cửa sổ căng lưới mắt cáo. Ngoài đường, lá sấu vàng
rượi rào rào rụng xuống như trút. Ở cửa đình làng tôi gặp ngày lắm gió, lá đa
rơi nhiều như thế chúng tôi đem thúng đi nhặt lá về đun.
Tôi đứng trong cửa sổ ngó ra. Người bước trên hè phố, sát bên
cửa sổ, trông mấp mé chỏm đầu. Tôi tưởng tượng như chỉ có mỗi cái đầu lùi lũi.
Những buổi ở ngoài hàng, tôi ngồi bên gầm phản, giữa đống chai lọ và giầy tây.
Trông ra thấy trên nóc nhà phố bên kia một mảnh trời xám ngắt và những chùm lá
sấu đen ngòm. Chẳng bù khi ở làng, lúc nào cũng thấy trời và bóng cây.
Đối hè phố trước mặt là hàng nước và một cửa hàng chữa và cho
thuê xe đạp. Bà lão hàng nước quanh năm chít khăn vuông xùm xụp, có cô con gái
mặc áo trắng hồ lơ, đội nón kính. Cô cười, ánh loé chiếc răng vàng, xa cũng nom
rõ. Không biết cô đi làm gì, thỉnh thoảng lại thấy diện xe cao su về tận cửa
Bác chủ hàng xe đạp đã có hai con. Cứ vài ba ngày hai vợ chồng lại đánh nhau một
lần. Mặt bác to như cái chiêng đồng. Mà bác lại chịu thua vợ, gầy lẻo khoèo. Hễ
đánh nhau, khởi đấm đá túi bụi vài "hiệp", vợ bác cầm cái ghi đông xe
đạp nhăm nhăm giơ lên. Mặt bác bỗng tái ngoét, bác lẩm bẩm nói gì đó rồi lảng
ra cái bàn chữa xe. Lại loay hoay rũa, vá lốp bơm, treo bánh xe lên quay thử.
Luôn tay làm suốt tối ngày.
Ngoài đường người và xe cộ lườn lượt diễu qua dưới khung cửa,
như quân đèn cù. Buổi sáng, một cái xe bò hai vòng bánh cao lênh khênh xích một
cây gỗ lớn vào giữa. Có tới mấy chục người đẩy xúm bâu xung quanh như đàn kiến
tha cái mồi to. Xe lăn rề rề sang phố Mới ra phố Bờ Sông không biết đi dâu. Một
chiếc xe cút kít đi qua, ót ét nỉ non.
Vào những sớm thứ ba, thứ sáu quanh năm các ông Tây đen đi lễ.
Cuối phố, có chùa Tây Đen. Tây đen ở phố nào vỡ tổ ra lắm thế. Chú mặc váy trắng
lùng nhùng. Chú bận áo tây gọn gàng. Chú để râu xồm xoàm. Chú cằm nhẵn thín, mắt
toàn lòng trắng. Chú nào cũng chon chỏn chiếc mũ lồng oản đỏ. Đôi khi, có cả
tua đen rủ từ trên đỉnh xuống. Các chú đi lũ lượt. Trên Hàng Mã đổ xuống, trong
ngõ hiệu Tây Cú đi ra. Nhiều lần, tôi đếm. Nhưng chỉ được độ trăm chú đã nhầm lộn
không đếm kịp.
Ngày mùa đông thì ngắn. Ngắn nữa là những hôm ẩm trời, phố xá
âm u như sắp tối. Mưa phùn rây trắng như phấn. Hai bên hè, chòm lá sấu già càng
tối thẫm. Những cây dâu da tây cao vút chẳng biết quả hay hoa, gió đánh rụng xuống
ruột đỏ hoe. Phố âm thầm, nhây nhớp. Những ngày mưa dầm dề như thế này, ở quê
tôi còn quạnh vắng hơn đây nhiều.
Nhưng không buồn. Người lớn xuống bếp rang ngô, những khi trời
lạnh thì họp bọn, mang thuổng, rọ, xuống đồng sâu bắt chuột về rán với vỏ quít.
Trẻ con đi bán kẹo bột rong các xóm. Có những đứa trẻ ra ngoài ruộng nhổ gốc rạ
đem xếp đống bên một gò cỏ khuất gió. Chúng hun lên, ngồi rúm vào nhau, sưởi ấm
cùng cười rúc rích. Đường phố mưa bay, mưa bụi. Ở nhà quê tôi có mưa thế này
không.
Tôi nhớ nhà quá. Nhớ vàng cả người. Vàng cả người là
bà ngoại tôi nói thế. Giữa tháng chạp, bà ra đón tôi về quê ăn tết Vừa trông thấy
bà, hai mắt tôi đã loá nước mắt.
Ra đường, bà tôi hỏi:
- Độ này, cháu có ăn được cơm không?
- Có ạ!
- Sao cháu vàng cả người đi thế?
Tôi mủi lòng, lại chực mếu. Một lúc lâu, tôi mới nói được rằng
tại cháu nhớ nhà quá.
- Con giai mà lại nhớ nhà? Cháu chịu khó ở dưới này, học các
chú, rồi sang năm các chú xin cho vào trường nhà nước. Sau này nhớn lên có chữ,
đi làm kiếm tiền nuôi bà.
Từ ngày xuống đây, tôi có học được chữ nào đâu! Tôi nín thinh
không dám khoe với bà tôi đã biết nhặt rau muống. Ngọn dài, ngắt làm đôi. Gốc cằn,
lá sâu thì bỏ.
Cuối năm ấy, tôi ở Kẻ Chợ về nhà được mấy ngày, u tôi ở cữ em
gái tôi. Đi đẻ trên nhà thương Cáo, suýt đẻ rơi - nhưng không dám viết thư vào
Sài Gòn kể với thày tôi thế. Ông tôi đặt tên nó là Ngó, "Sen ngó đào
tơ..." mà.
Chương 9
Thấm thoắt, đã ngoài mùng bảy, hạ nêu. U tôi lại đưa tôi xuống
Kẻ Chợ - Sao mày chóng hết thế, hử mày, Tết ơi! Sang mùng bốn, cảnh tết đã nhàn
nhạt. Qua rằm thì đi đứt hẳn.
Nào cũng như dang dở. Vừa xế trưa, đã tối ngay. Loanh quanh,
chơi gì cũng tiếc ngày, sợ hết. Càng sợ, càng bíu lấy cái tết lại càng thản
nhiên đi qua.
Trước tết năm ấy, u tôi mua cho tôi đôi bít tất nâu, cổ
khoanh vòng vàng, vòng trắng. U tôi lại sắm cho tôi một cái khăn nhiễu tây. U cứ
phàn nàn: Khăn trẻ con có ba hào mà mua những bảy hào. Vì đầu tôi to quá, hạng
đầu Bòi Cẩu, đội vừa khăn người lớn.
Nhưng buồn hơn cả, là bà tôi không mua pháo. Khi tôi còn bé
tí ti, vào những ngày tết cả trong sân nhà tôi xác pháo màu hoa đào ngập lên tận
thềm đá. Năm nay, ông tôi bảo đốt pháo chỉ tổ rác sân, không được bộ gì. Bà tôi
yên ủi tôi rằng không mua pháo tết, sợ đốt pháo em bé hãi, em bé khóc. Tôi đành
vậy, ngẩn ngơ một mình.
Sáng mồng một, vòm trời u ám. Sương bay lớp lớp trong cây mịt
mờ như khói. Ăn cỗ xong, cả nhà ngồi trong ghế uống nước. Tôi đứng ngoài hiên,
chốc chốc, chạy nhòm ra ngõ.
Đường cái chưa có người. Người ta chọn giờ tốt mới xuất hành.
Rồi dần dần, nghe lẹp kẹp lóc cóc giầy dép, tiếng guốc mới và tiếng quần áo
nguyên nếp đụng sột soạt.
Ngày nào tôi cũng đi chơi chùa. Tôi theo các bạn trong xóm đi
những chùa quanh miền. Có chùa đi đến mấy lượt xem người ta hún đu trước sân. Rồi
đánh tam cúc. Rồi chui đầu vào đám thò lò. Và đợi thò lò chiêng miệng thì xô
vào ù lò. Chỉ nghĩ khoác lác thế chứ chẳng bao giờ cướp được một chinh nào. Có khi
còn bị xô, ngã sầy cả hai đầu gối. Mà vẫn cứ thích đứng hóng. Mồng bốn tháng
giêng lên quán việc làng. Đến tận mùng bảy hạ nêu mới tan thò lò.
Bánh chưng đã có chiếc chua góc, phải rán. Nồi cá chỉ còn riềng.
Hết tết rồi. Trời đã màu thiên thanh và có nắng. Những con chim chào mào bay đến
hót xao xác. Một hôm, u tôi nói như hỏi:
- Tết năm nay, nhà có em bé mà chẳng thấy giấy má của
"anh" mày gửi về.
Bao giờ tết đến thày tôi cũng có thư. Năm nay, đã ngoài rằm
mà không tin tức gì. Cuối tháng giêng, u tôi bảo:
- Ngày kia u đi bán giấy, cháu xuống Kẻ Chợ nhân thể. Ăn tết
thế là xong rồi.
- U mới ở cữ em bé mà.
- Trong nhà chẳng còn đồng nào.
Tôi như chợt nhớ ra. Bấy lâu mê chơi tôi quên phố xá rồi.
Nghĩa là, tôi sợ ra Kẻ Chợ quá. Nhưng u bảo tôi đi. Bà tôi bảo
tôi cố học, mai sau cho bà nhờ. Năm trước, thày tôi viết thư hứa khi nào đi học
trường nhà nước, thày mua cho cái xe đạp con. Tôi lại ngậm ngùi mà đi.
Một buổi sáng tôi trở lại phố Hàng Mã. Tôi ôm bọc quần áo. U
tôi quảy một gánh giấy phèn đi bên cạnh. Xuống đến chợ Đồng Xuân, u tôi gửi tôi
vào một cửa hàng quen. Tôi đứng đợi dấy, để u tôi đi bán giấy. Lúc ở trên tầu
điện, tôi đã hẹn: "Phải cho ăn nem, rồi mới vào nhà chú Tưởng".
Mỗi lần ra Kẻ Chợ, tôi lại được u tôi cho tôi ăn nem rán.
Đi với bà, với dì Niêm cũng được chén như vậy. Có một hàng
nem rán ăn quen. Bà hàng nem ngồi kia, giữa chợ, xung quanh chầu ba cái hoả lò
than hồng. Một thúng bún lá trắng trần lót từng lớp lá chuối để trước mặt. Hai
rổ rau xà lách nõn trộn với húng láng và rau muống chẻ. Một hoả lò nướng chả.
Những cặp chả lợn bốc mùi thơm ngạt mũi. Một hoả lò đội cái chảo lớn rán nem.
Chảo mỡ sóng sánh, những chiếc nem dài, nổi trên mặt mỡ xèo xèo sủi tăm. Bà
hàng vớt từng chiếc chồng đống lên tấm lướt sắt dăng kín nửa chảo. Ba tấm ghế
dài vây bọc ngoài cùng. Trên ghế, khách ngồi sát cánh tíu tít ăn. Bốn bề chợ ồn
ào. Bà hàng quạt chả, cắt nem, bốc rau, pha dấm vào nước mắm, rút đũa, nhanh
thoăn thoắt. Mặt bà hoa, trắng tròn như nửa bát bánh đúc bột. Bà làm liền tay đồng
thời ngẩng mặt mời người qua lại: "Bà cho cậu xơi quà. Bà ơi..."
Tôi ngồi xuống ghế, u tôi gọi cho tôi một mẹt nem năm chiếc,
xu một cái. Mẹt nem bỏ lẫn rau xà lách. U tôi thì ăn bún chả. Những miếng nem
vàng ngậy, nhân thịt trộn miến chín nục. Tôi chấm miếng nem vào nước mắm dấm rồi
đặt xuống lòng bát lót mấy cánh rau xà lách. Tôi và lùa một cái ngồm ngoàm
nhai. Vị chua lại đậm, pha ngòn ngọt. Những mảnh bánh đa bị vỡ rơi vụn trên
đĩa, nhá ròn rau ráu. Tôi chỉ ăn hết năm chiếc. Nhưng hai con mắt tôi trông miếng
nem giòn vàng vả vào nước mắm dấm vẫn thấy thèm. Một thằng bé bán nước đứng kề
đấy rót nước vối ra cái cốc bằng hộp sắt tây đựng sữa bò. Một đứa cầm quạt nan
xán đến, quạt phành phạch. U tôi phải xua mấy lượt nó mới chịu ra chỗ người
khác. Có lão ăn mày xin khách cho ăn những chiếc xà lách thừa và dấm cặn. Lão
ngồi phệt, nhai rau, húp nước chấm xì xụp.
Đã đến lúc phải vào nhà chú Tưởng. Tôi còn nài u tôi đưa đi dạo
chơi mấy phố. Nhưng u tôi bảo:
- Phải về sớm. Đi lâu cái đĩ ở nhà nó khóc.
Tôi nghĩ như u tôi đương điệu tôi vào bóp đội xếp. Trông thấy
tôi, bà cụ hàng Mã nhoẻn cái cười xám mai mái. Cái cười mà lại đáng sợ hơn. Cả
bà Thấp cũng ngồi đấy. Bà Thấp xoa đầu tôi, bỏm bẻm nói:
- Thằng cháu nhà bác hiền như đất. Cả ngày chẳng nói một câu.
U tôi chào cả nhà, xách cái đãy và đôi quang gánh ra cửa.
Thế là tôi trở lại cuộc đời năm ngoái cọ chai và vần những
cái lốp ô tô vẫn đứng lù lù bên góc tường. Như nó đợi tôi xuống để tôi vần nó
ra bày hàng.
Tôi lại làm các việc như năm trước. Tối, nằm ngoài cửa hàng,
ngủ áp mũi vào lưng chú Tưởng. Chú đưa tôi một cái díp bẹt. Chú phồng một bên
mép. Tôi nhổ ria cho chú. Vài ngày một bận. Những hôm nắng ráo, tắm xong, chú cởi
trần ngồi giơ một tay lên đầu. Tôi cầm cái díp nhổ lông nách cho chú. Nhổ đến sạch
trắng nhễ nhại, chẳng còn một sợi. Ngày tháng lặng lẽ qua.
Không mấy khi tôi đi ra khỏi phố. Chú Tưởng cứ phải giục tôi
ra cửa chơi. Một tối có đám rước đèn của nhà binh giễu từ Cửa Đông qua đầu phố.
Chú Tưởng bảo tôi ra xem. Tôi ra thấy đông người quá lại lộn về đứng trong cửa,
nghe tiếng kèn toè toè và tiếng trống rầm rộ. Tôi chỉ ngồi nhà nghe mọi cái sự
vật chuyển quanh mình. Những câu chuyện chú Tưởng, chú Phúc, bà Thấp nói chuyện
hàng thầu trong tỉnh giá hàng tầm tầm kỳ này cao hay hạ. Đôi khi, lan man đến
chuyện người cô đầu vợ lẽ ông Phán trên gác. Cậu Tịnh bàn về xe đạp. Xe đạp cậu
Tịnh là xe đạp tài tử, ăn chơi. Không phải xe đạp cửa hiệu gõ kỳ cạch kiếm cơm.
Cua rơ Bổng đương kim vô địch Bắc Kỳ. Cậu Tịnh quen Bổng, lại quen cả Cổng nữa.
Hai anh em nhà nòi, đạp đường vòng chèn đến Tây cung bở hơi tai không lên được.
Cậu bảo cậu quen thân Bổng và Cổng, bắt tay luôn. Hay đi cao lâu, và gọi
nhau toa, moa là sự thường.
Chú Luyến tôi chỉ tán về bóng tròn. Chú Luyến lộ yết hầu cổ,
ngực lép như mai con cua mặn. Vậy mà chú chỉ thích xem đá bóng. Chiều chủ nhật
nào cũng phóng xe đạp lên bãi Cột Cờ. Bấy giờ hội bóng "Sì tát" đương
danh tiếng lẫy lừng, át cả đội Lạc Long. Tay gôn Nhuận bắt bóng đúng như gắn nhựa
vào tay. Mỗi lần đi coi đá bóng về, chú Luyến với cậu Tịnh hùng hổ bàn mấy ngày
chưa dứt về bóng tròn, về cái cầu tướng, về môn xe đạp. Tôi ngồi lau giầy bên gậm
phản tưởng tượng như chính tôi cũng vẫn đi xem thi xe đạp, đi coi đá bóng. Bổng
khoẻ như con voi, anh có mốt chèn đặc biệt. A-ri-e Phay sút cú một thế nào, sút
rót đầu ra sao. Tôi thạo cả.
Tôi lại biết tin tầu Cáp Lay đắm, cô Tuyết Hồng tự tử... Xẩm
tối những đứa trẻ, nách cắp tập báo, nhoẻn thoắt chạy phố này sang phố kia.
Chúng rao rầm rầm Hà Thành Ngọ báo một xu một số ơ, ơ... Các tin quan
trọng hay ngộ nghĩnh thường được trẻ rao rành rõ lắm. Tàu Cáp Lay đắm ơ...
Đám cưới mất cô dâu ơ... Người đẻ ra lợn ơ... Buồng chuối trăm nải ơ...
Tôi đứng trong cửa được nghe không mất tiền những tin tức mọi nơi.
Ngày tháng đều đặn qua. Mùa hạ đến. Chú Luyến đi thi. Chú đi
thi vào trường Bưởi. Hai năm, hai lần chú thi. Lần nào, trước khi đi bà cụ cũng
pha một cốc sữa bò và mua chiếc bánh tây. Năm nào chú cũng trượt vì thấy chú chỉ
đi thi có mỗi một buổi. Hôm sau lại cởi trần, lầm lì ngồi nhìn xuống sách. Cả
nhà, không một ai đả động đến chuyện thi cử.
Chú Tưởng lo việc thi của tôi. Tôi sắp phải thi vào trường Cửa
Đông. Chú bảo tôi:
- Chú xin cho cháu vào lớp ăng phăng tanh trường Cửa
Đông. Phải thi mấy cái tính. Cháu biết làm tính cộng, tính trừ chưa?
- Có
- Cháu biết làm tính nhân chưa?
- Có Nhưng cháu chưa thuộc cửu chương.
- Thế thì phải học cửu chương.
Tôi học cửu chương. Đã lâu, chẳng học hành gì, không cầm đến
cái quản bút, bây giờ bỗng học môn cửu chương khó quá. Đến bây giờ mỗi khi thấy
bản cửu chương ở cuối quyển vở của trẻ, đặc xịt, ngang dọc, lổm ngổm những con
số rắc rối tôi còn ngại. Chú Tưởng không đánh tôi bao giờ. Thế mà tôi học cửu
chương, chú cũng phải cốc tôi bươu đầu. Tôi càng lú thêm. Không thể nào tôi thuộc
để chú hỏi vặn được, chú chán đành cho tôi thôi. Tạm thuộc thế, cũng đã tốn một
tháng. Tôi xếp khoa cửu chương lại, đợi đi thi.
Đến hôm thi, bài thi vào lớp bét, một con tính cộng, một con
tính trừ. Tôi cuống quít thế nào, tôi đã biết làm tính trừ hẳn hoi mà lại nhầm
làm ngược cái tính trừ từ hàng trái sang phải.
Về xem bài, chú Tưởng lắc đầu:
- Dẵm vỏ chuối rồi.
Thế là tôi hỏng thi. Từ ấy, việc thi vào trường Cửa Đông của
tôi cũng không ai đả động đến nữa. Tôi lại đánh giầy, vần cái lốp ô tô.
Đã lâu, thày tôi không có tin tức về. Từ năm ngoái, chẳng nhận
được một lá thư nào. U tôi gửi thư. Chú Tưởng gửi thư. Bác Cả trong nhà quê
cũng gửi thư nữa. Đều không có trả lời.
Lần lữa, mùa hạ qua. Mùa thu đến. Cuộc sống vẫn một khuôn
quen thuộc. Nỗi nhớ nhà cũng khuây khoả trong công việc hằng ngày. Tôi quên hẳn
việc sách vở. Tôi làm khoẻ. Tôi ăn khoẻ. Mỗi bữa, tôi lùa hết ba bát lèn. Tuy vậy
người vẫn kheo khư, như con cá rô đực. Một hôm bỗng chú Tưởng ngám nghía tôi, rồi
hỏi:
- Đầu cháu làm sao mốc trắng lên thế?
- Cháu không biết.
Ít lâu nay, một bên đỉnh đầu tôi tự dưng nổi mốc trắng.
Tôi soi gương, thấy một mảng nhờ nhờ to bằng đồng bạc. Dần
dà, vết mốc loang to. Mỗi hôm, tôi ngắm đầu tôi trong gương càng sợ. Trước
thóp, bên thái dương, chỗ nào cũng gờ trắng. Tôi cúi đầu gãi. Phấn bụi bay ra lản
tản.
Bà cụ hỏi vặn sao đầu tôi giở chứng như thế. Tôi chỉ biết cúi
mặt. Trong khi đó, bà cụ cứ nhìn vào đầu tôi mà tả cho cả nhà nghe. Tôi cũng thấy
kinh sợ như bà cụ nói: Nổi từng đám. Cái vảy to như vảy cá. Nó có mùi tanh
tanh.... Ruồi muỗi bay theo thằng bé nhiều lắm.
Tôi càng ngẩn ngơ cả người. Tôi ngồi yên hàng giờ, đăm đăm
ngó ra đường phố. Mà không trông thấy chi hết. Tự hỏi không biết anh Khả Dân
trong truyện Vô gia đình đầu anh ấy có mốc như đầu tôi không? Tôi
nghĩ căm cái đầu mốc. Giá mà tôi có pháp thuật cao cường như Trần Đoàn lão tổ,
như sư phụ Vương Thiền, tôi hoá phép cho cái Hiến hoá ra con chó giữ cửa động
cho tôi. Tôi làm cho cái đầu tôi khỏi mốc. Hứng chí, tôi lầm rầm đọc thần chú.
Tôi hô một tiếng, nhổ thử một sợi tóc, soi lên trước mặt. Một tay tôi múa như
phe phẩy lá cờ phép.
- Ơ hay, thằng bé này phát rồ rồi a?
Bà cụ hàng Mã đứng trước mặt từ lúc nào. Hai con mắt quằm quặm.
Tôi bối rối quờ quạng vớ mảnh giẻ đánh giầy. Bà cụ bảo chú Tưởng:
- Từ ngày đầu nó hoá mốc, tao để ý thấy thằng bé thế nào ấy.
Ngồi một mình nó cũng rì rầm nói lảm nhảm. Thử xem hay là trả nó về Bưởi.
Chú Tưởng đáp:
- Nó chỉ phải cái đầu mốc thôi.
Và chú ngó tôi, cười. Đuôi con mắt nheo nheo hiền lành.
Một hôm, cái Hiến đau mắt. Tôi chưa thấy ai đau mắt gớm ghê
như nó. Có một đêm, hai mắt phồng như quả nhót mọng hùm hụp. Sang ngày thứ ba,
đúng là quả trứng gà đỏ đòng đọc lấp kín mắt, sưng đỏ tía cả nửa mặt. Cái Hiến
đau khóc ngằn ngặt cả đêm. Rồi chú Phúc mang Hiến về quê bên Bắc. Bố cõng con
đi, một buổi sáng tinh sương. Chẳng biết rồi mắt nó có khỏi không. Tôi không gặp
lại nó một lần nào nữa từ đấy.
Cái Hiến về quê, bà cụ hàng Mã thương cháu, thỉnh thoảng lại
khóc. Nhưng bà cụ vẫn không quên nói đến cái đầu mốc và nét mặt sắp hoá dở hơi
của tôi. Bà cụ cho rằng bởi tôi mà động trệ, cháu bà cụ đau mắt vì thế. Tôi là
cái hãm tài, cái vận áo xám nhà này. Chú Tưởng không thể đem chuyện tầy đình đó
để pha trò được.
Bà cụ nhắn người xuống đón tôi.
Bà tôi ra. Bà cụ hàng Mã kể lể ngọt ngào, ngoài cửa hàng. Tôi
lặng lẽ thu dọn quần áo của tôi. Tôi, nửa buồn, mà cũng không buồn. Không cách
nào lấy cắp được quyển Vô gia đình, tôi bèn để lại bên khe bàn, như
là con tàu vào tránh bão ở đấy. Bà cụ hàng Mã đưa bà cháu tôi ra phố vào một hiệu
thuốc. Ông lang bắt mạch tay tôi bảo:
- Cháu hoả vượng quá. Nó bốc lên đầu hoá bạch biến. Tôi chữa
cái này quen lắm. Hai thang là khỏi.
Tôi về Nghĩa Đô ngay chiều ấy. Bà cụ đưa tôi sang chào bà Thấp.
Cậu Tịnh và chú Luyến đi xem đá bóng. Bà Thấp ngồi phề phệ giữa phản, tròn như
cái âu đồng đại. Bà nhai trầu bỏm bẻm. Bà vuốt má tôi, bà cười. Tôi đi qua sân
bếp. Cái cửa sổ gác màu xanh dại nắng lợt lạt đóng im ỉm.
Chú Tưởng đưa tôi ra tận đầu phố. Chú cười, hai con mắt nheo
nheo.
- Bao giờ khỏi đầu lại xuống với chú nhé!
- Kìa chú dặn. Vâng đi.
Tôi không vâng được. Tôi vội ngước mắt phía khác. Nước mắt đã
ràn rua xuống. Nước mắt nhớ chú Tưởng hay nước mắt tôi sợ xuống Kẻ Chợ lắm rồi.
Lời tác giả
Có tiếng guốc bước lạch cạch ngoài ngõ. Chắc tiếng guốc của
Tư. Cái vành mũ nan màu vàng nhạt đã lấp ló vào đầu tường kia. Đúng Tư. Tư cúi
lom khom, rún chân bước lên thềm hè cao. Hai má Tư đỏ hồng. Đôi mắt Tư mở to
đen láy, ngó trân trân. Tư nhìn tôi, cười nhe mấy chiếc răng sún khấp khểnh -
"Cậu?". Tôi cười: "Ô, Tư đã xuống". Tôi nhấc chiếc mũ cho
Tư. Cái đầu trọc, lăn tăn tóc tơ. Tư đặt cặp lên bàn. Tư thò tay vào ruột cặp,
Tư moi sách. Rồi Tư trèo lên ngồi chiếc ghế đẩu kê một bên góc bàn viết của
tôi. Tôi lấy bút chì, viết cho Tư một trang chữ mẫu. Tư cầm bút buông thọc vào
bình mực. Quen lệ, Tư ngoáy bút một vòng cho ngòi viết chạm cót két xuống đáy lọ.
Tư hơi cúi đầu. Hai mắt tròn vạnh, nhung thẫm ngước mở, say mê nghiêng theo những
nét chữ rạm gai gợn, thô cứng. Thỉnh thoảng, Tư ngừng viết giơ nghênh quản bút.
Đôi môi Tư hé cong, Tư ngó lơ đãng, vu vơ Tư hát. Ồ, Tư hát. Ấy, Tư hát. Tư líu
ríu hát một điệu hát nhịp ngắn. Ơi, chim kia! Dừng cánh bay... Ta nhắn chim lời
này... Lòng ai đầy thiết tha... rồi Tư lại cúi, lại hăm hở viết.
Mỗi buổi sáng từ làng trên xuống đây, Tư phải cắp cặp đi qua
một cái chợ, một đoạn đường đá, lại một quãng đường đất với những ba cái cửa
đình. Tôi dạy cho Tư mấy chữ vỡ lòng.
Năm nay Tư chưa đủ bảy tuổi. Tư chuyện líu ríu. Tư cười như
con nắc nẻ. Buổi sớm mai, con chim Tư truyền đến căn buồng u tối của tôi, há mỏ
hát líu lo. Lòng tôi bừng một niềm hy vọng, cái hy vọng thắm tươi mà ngờ nghệch.
Tôi tin tưởng, tôi có quyền tin tưởng lắm chứ. Này đây một đoá hoa trong cánh rừng
xuân mới rỡ ràng của những Ngày Lớn chúng ta đương nằm trong lòng bàn tay tôi,
ơi người đồng chí thân mến.
Nhưng nhiều khi, tôi thoáng bâng khuâng buồn. Chao ôi những
năm tháng nào mờ mịt. Trong kỷ niệm tôi một hình ảnh ngẩn ngơ gợi dậy, xóng bên
cạnh cái bóng dáng lung linh hơn hớn của Tư. Ngày trước, ờ ngày trước, có một đứa
trẻ cũng trạc tuổi của Tư ấy. Nó không biết cười. Đứng đâu nó đứng chôn chân xuống
đất. Chọc miệng cũng không chảy ra được một tiếng. Đôi mắt đờ đẫn cứ gườm ngón
chân. Một ngón tay nó tẩn mẩn đút lùa vào giữa hai hàm răng, hết gặm lại nhay, lại
nhá, lại cắn. Mẹ nó mắng nó một câu. Tức thì nước mắt ràn ruạ ra xung quanh mí.
Nó lên ngay điệu kèn hát khóc ê ê. Rõ thực xấu thằng bé mau nước mắt, Tư nhỉ.
Tư ôm cặp, đi về. Cậu cho tan học. Học trò có mỗi mình Tư. Lại
không có trống tùng tùng. Tư buồn cười lắm. Cái vạt áo the hoa phấp phới khuất
bên giàn thiên lý trước ngõ.
Tiếng guốc nhẹ khua lóc cóc ra đường cái, vẳng xa sang phía đầu
tường đằng kia.
Tôi đặt bút trên lòng tờ giấy. Bụng cái ngòi bút chửa mọng mực
óng ánh. Tôi viết rất nhanh những hàng chữ này hàng chữ lia ngoáy chạy thi với
bao nhiêu hình, bóng loáng thoáng hiện, biến tới tấp. Những hàng chữ cong queo
như những sợi thuốc lào vương vãi trên mặt giấy, bắt đầu cho câu chuyện thằng
bé ngủ nhè ấy. Những ngày ấu thơ của nó leo hoang trong đám cỏ bên lề đường đi.
Cỏ dại, cỏ không có tên rườm rà ken khít nhau bò ngẩn ngơ trong khoảng đất rác
rưởi. Tất nhiên, nó chẳng giống Tư chút nào. Nó làm gì có cậu. Nó không có cậu,
như cậu với Tư đây, cậu cháu mình.
Lúc nào tôi cũng nghĩ đến Tư, khi tôi cầm bút chép mảnh truyện
nhỏ này. Mỗi buổi sáng, mỗi sớm mai, cái hứng viết của tôi lại đến ngồi chõm
choẹ trên chiếc ghế đẩu kia, hôm nay tươi tắn và hớn hở hơn hôm qua. Tư cười.
Tư hát. Tư pha trò. Tư nhớ lâu, nhớ mới. Tư là con choi choi. Tư là con liếu điếu
Tư vui, Tư dạn quá. Cậu viết sẵn những truyện này cho Tư. Bao giờ Tư lớn, biết
suy tưởng đứng đắn, Tư sẽ đọc cậu.
Nghĩa Đô, 11 tháng tám 1943/p>
Chương 10
Hai năm ở hàng Mã, tôi đem về được mấy hòn bi sắt và cái búa
đanh tí hon. Chẳng thêm một chữ nào trong đầu. Các dì tôi ngạc nhiên xiết bao,
khi thấy tôi biết nhặt rau muống cọ nồi thổi cơm thạo ve vé. Dì Niêm bảo:
"Cháu ra ngoài ấy học chữ hay là đi làm thằng ở thổi cơm?" Tôi không
biết đáp thế nào. "Có cháu học chữ chứ lỵ". Nhưng thực tình trong các
thứ kỷ niệm của hai năm thành phố, chỉ có cái đầu mốc rụng tóc. Chén thuốc ông
lang bảo "chỉ hai thang là khỏi" chẳng ăn thua gì. Bã thuốc đã đổ ra
rãnh chuồng lợn mà đầu vẫn mốc lại loang to hơn, lấn cả xuống gáy. Thoạt trông
như vết con giời leo, nổi gờ một dường vòng tròn. Ở trong da đỏ sần sùi như da
cóc. Ông tôi nói:
- Đầu thằng này hắc lào lang ben rồi.
Rồi ông tôi cắt nghĩa:
- Lang ben là cái hắc lào đầu. Nó còn ăn loang xuống mặt kia.
Cái này là mày nghịch tinh đi chui rúc vào bờ vào bụi phải cái sương độc rơi
vào tóc, bây giờ phát ra. Không chữa nó hoá hủi.
Bà tôi bảo:
- Trẻ con như cái rau ghém, thiếu gì bệnh. Nghe ông nói ghê cả
thịt.
Có người mách bôi mật lợn thì khỏi. Lập tức ông tôi mang tôi
ra đằng sau nhà. Người mài con dao thực bén, lia qua mấy nhát, đầu tôi đã trụi
hết tóc. Bà tôi xin trên chợ một chiếc mật lợn. Ông tôi xé lần bóng, đem phiết
cả cái mật lên đầu tôi. Tôi ngồi phơi giữa sân. Mỡ và mật lợn nhầy nhụa. Mật lợn
gặp nắng, tanh khẳn tanh lộn mửa. Tôi hắt hơi lia lịa, đầu cứ rúc chúi xuống.
Tôi mó lên đầu, đầu khô cứng như không phải cái đầu tôi. Không ai dám đứng cạnh
tôi. Bữa cơm, tôi cầm bát cơm ăn một mình ngoài bậu cửa. U tôi gội đầu cho tôi,
cọ đến bốn lượt xà phòng rồi. U cầm mảnh lược thưa, bừa đi bừa lại. Tôi đánh
hơi, vẫn còn phảng phất tanh.
Ông tôi phiết lên đầu tôi hai chiếc mật lợn nữa. Nhưng đầu vẫn
mốc.
Dì Nhâm tôi ở Vân Nam về. Dì Nhâm là em thứ hai ngay sau lưng
u tôi. Chồng dì là anh phiếc me cho nhà lãnh sự Pháp bên Vân Nam. Ông
y tá lấy dì tôi đã có một đời vợ nhưng bà ký Nhỡ này không có con, nên ông ấy bỏ.
Dì Nhâm đi Vân Nam đã lâu, tôi không biết mặt. Tôi chỉ nghe kể chuyện dì Nhâm đọc
kinh bên đạo: Đức Chúa Trời có mười cái răng. Lần này tôi mới biết dì
Nhâm. Dì Nhâm không giống một ai trong nhà. U tôi thì vừa người. Dì Tư, dì Niêm
thấp bé. Dì Nhâm béo tròn, da ngăm đen, mặt phinh phính. Không một nét gãy. Vẻ
đanh đá, đáo để. Dì Nhâm đem cả cái Nhâm và cái Châu về. Cái Nhâm kém tôi hai
năm, nó chín tuổi. Còn cái Châu thì lên bảy.
Chẳng biết Vân Nam tận chân trời góc bể nào, nhưng chắc là ở
đấy sung sướng lắm. Cái Nhâm trắng như bột. Hai mắt Nhâm lay láy, óng ánh. Tóc
Nhâm đen mướt, xén gọn, rủ đều xuống lưng trán. Cái Châu giống mẹ, béo ục ịch
và đen như củ cẩm. Nghe nói đi chuyến tàu hoả năm xưa lên Vân Nam, dì Nhâm sinh
nó dọc đường ga Á Minh Châu. Vì thế, nó được đặt tên là Châu. Qua vài ngày bỡ
ngỡ, tôi hơi quen, rồi thân ngay. Chúng nó có bao nhiêu là quần áo, bỏ chật hai
cái hòm. Các quả lê, quả táo, quả hồng hoá dì Nhâm còn đem về những cái lạp xường
đỏ mọng béo nhờn. Mấy miếng ca la thầu đen sì nhá ròn như cà.
Ở bên Vân Nam, chồng dì Nhâm đã thôi việc nhà thương. Dì tôi
có ý về thăm nhà, rồi định ở làng và đi buôn đường Vân Nam. Ở làng, nhà dì cũng
có một mảnh đất và một nếp nhà ngoài xóm Trẽ, vẫn để người ta ở nhờ.
Được ít lâu, bác Phùng chồng dì Nhâm cũng về. Bác Phùng về
thì Nhâm và Châu đã ra ở ngoài xóm Trẽ. Tôi còn nhớ buổi chiều tối, Nhâm vào rủ
tôi ra chơi ngoài nhà. Những buổi tối mùa lạnh. Đường xóm chập choạng vắng. Hai
anh em cầm gậy, dò từng bước. Gió thổi hun hút trong rặng tre kẽo kẹt bên đường
cái.
Nhà Nhâm đã lên đèn, đóng kín cửa. Trong nhà, ánh sáng đỏ kệch.
Phản giữa, dì Nhâm ngồi khâu. Gian bên, bác Phùng nằm hút thuốc phiện. Bác
Phùng nghiện. Ở bên Vân Nam, thuốc phiện rẻ như thuốc lào, ai cũng nghiện hút
cho vui bác bảo thế. Ngọn đèn dầu lạc bóng lùn sáng lập lờ. Bác nạo, ngoáy,
xoe. Bác hút... ro... o... ro... o... khói toả mùi thơm gây gây Bác nằm
thừ giữa làn khói. Mặt bác phảng phất, ẩn hiện, lung lay trong khói mờ.
Chị em Nhâm quen ngồi chầu bàn đèn của bố từ thuở lọt lòng.
Tưởng như chị em cái Châu đã nghiện khói thuốc phiện. Lệ, chặp tối, Châu xà đến
bàn đèn chầu rìa. Chốc chốc, cha lại cho con miếng lê, miếng bánh. Những tối mà
Châu không được ngồi vào bữa hút của cha, Châu gật gù hắt hơi vặt. Mẹ bèn cấm
không cho Châu ngồi cạnh bàn đèn nữa. Tôi không nghiện khói thuốc phiện mà tôi
thèm những miếng kẹo sìu để hãm thuốc của bác Phùng. Lúc nào bên khay đèn bác
cũng có một gói kẹo sìu bọc giấy nhật trình. Những thoi kẹo dài, bác Phùng ăn,
sau mỗi lần kéo một hơi ro... o ro... o. Bác cho chúng tôi ăn kẹo. Bác lấy
một miếng kẹo, bẻ đều làm ba. Mỗi đứa chén một khúc. Kẹo sìu ngọt quánh, thơm
và bùi ngấy mùi lạc. Tôi nhấm từng mảy một, không bao giờ chán.
Điểm vào vị ngọt bùi của kẹo sìu, bác Phùng lại kể cho tôi
nghe những chuyện anh hùng nghĩa hiệp bên Tàu. Bác Phùng kể nhiều chuyện ly kỳ
ghê gớm. Tiếng bác khàn khàn đều giọng như tụng kinh: "Cháu đã biết truyện
Thuỷ Hử chưa? Chưa hả? Trong truyện Thuỷ Hử có hàng trăm anh hùng. Cả nước Tàu
có hàng nghìn hàng vạn anh hùng, sao kể xiết được, ở bên Tàu bác quen một người...".
Người nào bác tôi quen cũng khiếp cả. Người ấy giỏi võ như võ
sĩ chùa Thiếu Lâm. Một ngày kia ông đi du lịch với một ông nữa, cũng giỏi võ
ngang ông ta. Tới một miền nọ nghe đồn có cô con gái kén chồng. Ả kén chồng một
cách oái oăm. Cô thách ai đánh ngã nổi cô, cô sẽ lấy làm chồng. Ông bạn bác tôi
hăng máu, xin vào tỉ thí. Chân tay không hai người đánh nhau ba ngày đêm chẳng
phân được thua. Đôi bên tạm nghỉ một ngày. Ông quyết tìm một miếng võ hiểm để hạ
cô ả kiêu căng. Ông nhớ ra một miếng đá đà đao. Đấu võ tiếp theo nửa ngày, ông
giả cách đấm hụt đà, chúi xuống. Người con gái nhảy theo. Bất ngờ, ông phóng cả
hai chân đá hậu vào mạng mỡ kẻ địch. Nhưng dường như đã đoán trước được miếng
võ hiểm ả nắm được cả hai chân ông phóng tới. Ông này vận nội công, người cứng
như khúc gỗ. Song bàn tay cô gái còn cứng hơn, cứ nắm chặt, giơ ngang cái thân
thẳng đơ của ông như thân cây. Đôi bên đứng ngang dọc như vậy hai ngày. Ông nhà
võ lại chợt bối rối không biết gỡ thế nào. Ông bạn đứng ngoài xem cũng lo thay.
Song ông ở ngoài tỉnh táo hơn ông kia. Ông nhớ ra một miếng. Ông máy tay làm hiệu
cho bạn. Ông bị túm chân sực tỉnh, liền tung vút người lên. Không kịp phòng bị,
ả ngã lăn chiêng. Thế là đôi bên lấy nhau.
Bác Phùng nói chuyện càng khuya càng nhiều, càng hay.
Có lẽ bác hút vào thì bác thích nói, hơn là nói cho chúng tôi
nghe. Châu thở khò khò từ nãy. Nhâm cũng ngủ rồi. Tôi gà gà hai con mắt. Câu
chuyện trượt ngoài lỗ tai, loáng thoáng tiếng được tiếng chăng. Rồi tôi cũng ngủ
nốt. Sáng sớm dì Niêm ra gọi về ăn cơm những mảnh chuyện đêm qua còn lẫn trong
cơn ngái ngủ. Tôi nhìn bác Phùng khiếp phục như chính bác là người trong chuyện.
Bốn phương trời trong những núi cao rừng rậm mà tôi chưa được biết, còn nhiều
người tài ba tuyệt diệu. Tôi lại vót cái kiếm tre và sửa thanh gươm gỗ. Gáy
gươm, bôi mực. Đằng lưỡi bôi vôi trắng. Thỉnh thoảng ngồi đờ mặt, tưởng tượng
chuyện luyện phép và nghĩ cách lên núi tìm tiên học đạo.
Dì Nhâm đã bắt đầu đi buôn chuyến lên Vân Nam. Mỗi lần đi,
hàng một hai tháng mới về. Ở nhà, chúng tôi tha hồ làm nguỵ. Tôi đóng vai thủ
chỏm và làm tướng trong đám.
Bây giờ tôi còn nhìn thấy trong tưởng tượng một góc vườn vắng
mát rượi. Vài cây chuối tiêu lùn tàu lá to uốn cong.
Chúng tôi chơi bán hàng, chơi làng và chơi đình chùa. Tay tôi
cầm gươm. Lưng tôi thắt bẹ chuối. Lá chuối tước nhỏ đeo vòng xùm xoè trên miệng
giả làm râu. Nhâm đóng vai nữ. Còn Châu thì làm lính, cầm cái que đi hầu. Chúng
tôi hát ỉ eo. Mẹ đi vắng. Thày cũng ra chơi Kẻ Chợ. Chúng tôi tha hồ làm trò.
Chẳng bao lâu, đầu cái Nhâm và đầu Châu cũng lổ đổ lang ben hắc
lào trắng như đầu tôi. Mới chỉ riêng tôi trông thấy. Bởi vì hai chị em nó tóc
xoã kín thái dương, không ai hay biết. Cả ngày chơi ngoài vườn không ai nhớ gội
đầu cho hai đứa.
Mẹ Nhâm đi mấy chuyến hàng chẳng ăn thua gì. Thày Nhâm không
tìm được việc làm. Cái ý định về mưu sinh ở quê nhà không thành. Một hôm, bác
Phùng vào uống rượu với ông tôi. Tối hôm ấy, bác ra tàu Lào Cai, lại sang Vân
Nam. Bác sang trước, chạy việc. Vả chăng, thuốc phiện ở nhà đắt quá.
Bây giờ, nhà Nhâm thực vắng. Mẹ vẫn đi luôn. Hai chị em, ngày
ăn cơm trong bà, tối về nhà ngoài ngủ. Tôi vẫn khoe với chúng là tôi giỏi, tôi
có võ và tôi đang luyện phép nữa. Nhưng tôi chưa dám ra ngoài ấy ngủ trông nhà
với chúng nó lần nào. Tôi sợ ma.
Có một bận, mặt trời đã lặn sau bụi tre. Cơm chiều xong từ
lâu mà không thấy chị em Nhâm vào ăn cơm. Ông tôi sai tôi ra gọi. Tôi rút thanh
kiếm tre trong xó ngõ, buộc vào một bên cạp quần. Lối vào nhà Nhâm hun hút giữa
hai bờ ao lớn ra sát cánh đồng. Gió đồng quạt vào bụi tre đùng đùng như bão cạn.
Bên bụi tre nhô ra một mỏm đất, người lối xóm gọi là gò Thần Đất. Ông thần đất ấy
linh lắm. Tôi nhắm mắt, chạy vù qua.
Tôi rón rén vào ngõ. Tôi kiễng gót, giơ kiếm bước lên đầu hè.
Trong nhà tối om. Tôi bình tĩnh dặng hắng một tiếng nhòm vào buồng đầu hồi. Tôi
thấy trên giường, chị em Nhâm đương ngủ. Cái Nhâm nằm úp mặt vào vách. Hai tay
Châu ôm lưng chị. Mùi đất ẩm mốc xông lên lạnh rợn. Tôi bỗng nghĩ hay là cái
Nhâm, cái Châu chết rồi. Thế là tôi quay vội ra. Rồi tôi chạy. Tôi mở hết sức
chạy về đến tận đầu sân mới hãm chân lại. Ông tôi hỏi:
- Chúng nó đâu?
- Chúng nó đâu... Cháu không biết... Hờ... hờ...
- Làm gì mà mày thở như bò thế?
Mãi đến tối, dì Bảy mới vác gậy đi xem chị em nó thế nào.
Chúng đã ngủ kỹ.
Sáng hôm sau, Nhâm và Châu dắt nhau vào nhà bà sớm. Bà hỏi đi
đâu không vào ăn cơm chiều? Nhâm đáp chị em luộc khoai lang ăn, rồi ngủ, quên mất
bữa. Hai chị em tha thủi như hai con gà con lang thang ngoài vườn. Cha đi rồi.
Mẹ vắng nhà hàng tháng. Hai cái đầu tóc bù phờ lên. Dì Niêm hò hét mấy lần
chúng mới chịu thay quần áo. Hai mắt Châu toét nhèm, nhoe nhoét nhử xanh. Phân
mũi vàng nhờn nguệch râu lên tận má. Quần áo hôi và khai đến nỗi đi thoáng qua
cũng ngửi thấy mùi. Đầu hè xó ngõ, đâu Châu cũng nằm ngủ được.
Chuyến về ấy, mẹ Nhâm thấy Nhâm và Châu nhem nhuốc, bẩn thỉu
quá, bèn cho mẹ con nhà thằng Lặc ở nhờ nhà ngoài ấy, nhân tiện, nuôi Nhâm và
Châu. Mẹ con nhà Lặc, người dưới Thái Bình, lưu lạc lên quay tơ cho bà tôi. Cu
Lặc trạc mười lăm, mười sáu, béo tròn múp míp như con quay. Hai mí mắt nó có ve
loăn xoăn. Đấy là mi mắt được cặp lên cho khỏi toét mắt. Mỗi khi ăn cơm no, bụng
Lặc phưỡn ra phình như bụng chum.
Mẹ con Lặc được ra ở thảnh thơi ngoài dì Nhâm tôi. Nhâm và
Châu ăn cơm nhà, ít lưởn vưởn vào trong bà. Mẹ Nhâm bắt mẹ Lặc cấm không cho chị
em Nhâm đi chơi vớ vẩn ngoài đường cái như trước kia. Lâu nay, tôi cùng
làm xắm giấy đỡ u. Muốn đi đâu, tôi phải hỏi u. U tôi nhổ một bãi nước
bọt xuống đất, bảo tôi: "Ừ, cho đi chơi một tý. Bãi nước bọt này, đi chơi
về mà khô thì chớ chết đấy?" Tôi vâng, chạy một mạch ra nhà Nhâm. Rồi bao
giờ cũng mải chơi, quên cả bãi nước bọt khô, chiều cũng chưa mò về. Tôi còn
đương hát tuồng ầy ấy ây. Chợt, cái Nhâm bảo:
- Kìa, u anh ra gọi anh kìa!
Tôi quay lại. U tôi đã vào đến sân, tay lăm lăm cầm cành tre.
Tôi rứt vội mấy mảnh râu chuối lua tua trên cằm.
- Có về ăn cơm không?
- Vâng.
Tôi cung cúc chạy về. Bỏ lại cả gươm với kiếm. Vài hôm lại một
lần u vác roi đi tìm tôi như vậy. Tôi ở nhà như ở tù sao mót đi chơi như thế.
Chỉ chạy ra chơi với chị em nó. Bây giờ thì cả nhà đều biết chị em nó cũng mốc
đầu như đầu tôi. Những chỗ khoanh hốc, tóc rụng thưa dần dần, lộ từng khoang trắng.
Đầu tôi bị ông tôi cạo từ dạo trước. Rồi ông tôi liếc dao cạo trọc đầu cái
Châu. Cái Nhâm không chịu cạo. Ông tôi lấy kéo phớt những sợi tóc còn sót lại
trong những khoảng đầu mốc. Thành thử, đầu Nhâm loáng thoáng điểm những lỗ hổng
tròn sau tóc. Chiều nào, ba chúng tôi cũng phải gội bằng nước lá cúc tần. Người
ta nói lá cúc tần có chất đắng giết chết trùng. Nhưng cũng chăng ăn thua gì. Mẹ
Lặc dìm đầu Châu xuống chậu, cứ móng tay sắc cào sồn sột. Đau quá, Châu kêu. Mẹ
Lặc tát Châu, bắt Châu "Câm mồm ngay". Châu phải im cúi đầu cho mẹ Lặc
vò.
Mẹ Lặc mặc váy nâu bạc phếch, mặt vàng bệch lấm tấm rỗ huê.
Miệng mụ rộng hoác. Nhưng chẳng bao giờ thấy mụ cười. Mụ nheo mắt, méo xệch miệng,
dứ dứ ngón tay, định củng xuống đầu Nhâm. Tôi cũng sợ. Mẹ Lặc thực là ác. Hôm
nào mụ cũng đánh thằng Lặc. Nhưng mụ vừa giơ tay, Lặc đã lu loa, kêu rầm xóm,
như con lợn bị chọc tiết. Hôm nào mụ cũng đánh Nhâm, đánh Châu. Mụ mang tơ
trong bà tôi về ngoài ấy làm. Mụ đặt rổ tơ giữa nhà, ngồi quay. Cu Lặc bên cạnh
mẹ, cũng phải gật gưỡng tập xóc ống. Chị em Nhâm len lét chơi tận cuối vườn.
Tôi vào đến đầu hè, nhớn nhác ngó mụ rồi chạy vụt ra ngoài vườn.
Trông thấy tôi, mụ hét:
- Thằng quỷ! Thằng quỷ! Hôm nay mà hai con ranh vầy đất lấm
áo thì bà bảo cho chúng bay!
Không bao giờ tôi muốn đi ngang sân. Đằng cuối vườn cũng có một
lối khác vào. Lối ấy qua gò Thần Đất. Tôi chỉ lách mấy cụm dứa dại đã lọt được
đến sân đất. Nhưng vốn sợ ông Thần Đất hơn sợ mẹ Lặc, tôi không dám chui đầu luồn
rặng dứa dại. Đành lấm lét chạy qua sân. Mụ cho chị em Nhâm ăn cơm với tép kho,
với tôm muối. Bữa nào hết tép thì ăn cơm trộn tương. Mụ da diết than vãn rằng mẹ
Nhâm để gạo thiếu không đủ ăn cả tháng. Có hôm, mụ Lặc đánh chị em Nhâm rồi đuổi
ra vườn, bắt nhịn bữa sáng. Tôi ra chơi thấy hai chị em nó đứng tẩn mẩn bóc bẹ
chuối, thút thít khóc với nhau. Tôi cũng khóc. Khóc chán, chúng tôi bày trò đám
ma chôn con mẹ Lặc. Tôi chống cái cẳng xoan, một tay bịt miệng cúi khom, bước
theo hai chị em. Tôi chống gậy giả cách là thằng Lặc. Nhâm, Châu khiêng cái bao
diêm đặt trên mấy chiếc que nứa. Ba đứa cùng gạt mắt, vờ khóc hi hi. Nhưng chỉ
một chốc, chán cuộc chơi. Không quên được đói, đương khóc bỡn, Nhâm và Châu hoá
ra khóc thật. Tôi chạy về, xuống bếp, lấy hai củ khoai lang. Ba anh em ăn, nhá
gau gáu. Khoai nghệ sống ngọt như mía, lại bùi như lạc.
Mẹ Lặc hành hạ chị em Nhâm đến điều, tôi biết mà không dám
mách ông bà. Chị em Nhâm cũng vậy. Chúng tôi sợ mụ đánh. Tôi chỉ mong mẹ Nhâm về
để xem mẹ Nhâm chửi mụ Lặc. Mặt mẹ Nhâm đen xám. Mỗi lúc giận dữ, mẹ Nhâm gầm
rít, quát rất sang tiếng. Tôi hả lắm. Nhưng rồi mỗi lần mẹ Nhâm đi vắng, tôi
thêm lo hơn. Càng ngày, Nhâm và Châu càng bị mẹ Lặc đánh mắng. Nhâm, Châu cứ
khóc luôn. Đầu chúng với đầu tôi, càng mốc nhiều hơn.
Ông tôi vẫn chịu khó chữa cho chúng tôi. Ông tôi đem điếu hút
thuốc lào ra sau nhà thay nước. Ông gọi tôi, bảo:
- Ngồi xuống đây.
Tôi ngồi. Ông tôi cầm cái nõ điếu lòng thòng quết lên đầu
tôi. Nước điếu xót quá. Tôi cắn răng, nheo mắt, như cả một bó kim châm vào đầu.
Muốn khóc mà không dám khóc. Tôi còn sợ ông tôi hơn. Đành ngồi co vai, xuýt xoa
nhắm tịt hai mắt. Một chốc, đỡ đau dần. Nước điếu nham nháp chảy xuống quanh
tai. Một mùi hôi nồng nặc, như cóc chết, giống hơi thối tai. Thoảng vào mũi, hắt
hơi liền và nhức chói óc. Hai tay tôi ôm lấy mũi. Ông tôi đổ nốt nước điếu lên
chân tường. Trước khi đi vào, ông dặn:
- Ngồi yên đấy, phơi cho nước điếu ngấm vào trong đầu. Tao thử
làm đầu mày khỏi, tao làm cho cái Nhâm, cái Châu.
Hôm sau, ông tôi cạo đầu tôi thực nhẵn bóng, đổ lên một lượt
nước điếu nữa. Đầu tôi thâm xỉn như củ nâu. Ông tôi mỉm mỉm, gật gù, lại bôi nữa.
Khổ tôi, nước điếu hôi quá.
Nhưng đến lúc gội đi, màu mốc sần sùi lại lộ ra. Gãi, vảy trắng
rơi lở tở. Nước điếu bám vào đâu, đen đấy. Đến lúc rã nước, đầu mốc vẫn mốc. Có
phần nó lại sùi mặt quỷ, lồi lõm hơn. Mỗi hôm, tôi gội đầu hai lần. Liền nửa
tháng mà vẫn như gai gai mũi.
Nhưng ông tôi không nản việc tìm tòi thuốc men vớ vẩn bôi lên
đầu tôi để "giết cho hết con lang ben". Một buổi chiều uống rượu
xong, ông tôi bảo:
- Mày ra gọi chị em cái Nhâm, sáng mai vào đây.
Đầu ông tôi ghếch lên chiếc gối cao gồ, nom mặt càng đỏ tía,
đến ghê. Sáng sau, hai chị em Nhâm vào trong bà thực sớm, ông tôi đã lội xuống
chuôm từ bao giờ. Bê lên một chậu bùn ao đen xám. Tôi mang máng đoán mình sắp bị
đem làm gì đây. Có lẽ ờ có lẽ. Quả nhiên thực.
Ông tôi bắt chúng tôi ngồi xếp dãy ở đầu hè. Lần lượt ông vốc
bùn lên đầu từng đứa một. Ông xoa bàn tay mấy vòng đầu chúng tôi biến ra đầu bụt
ốc trên chùa. Bôi xong cả đầu ba đứa vừa hay hết chậu bùn. Ông tôi cắt nghĩa:
- Cái trùng lang ben cũng như cái trùng ghẻ, buổi sớm nó ăn
ra. Bùn này là bùn non. Bôi vào, con vi trùng đương ăn ra, bị xót, thế nào cũng
chết. Chúng mày ngồi đấy, phơi nắng đến trưa cho khô hẳn bùn.
Ba anh em tôi ngồi lù lù đầu hè. Như ba ông đầu rau đen đủi
ngồi trong bếp gio. Giờ đây tôi tưởng lại những buổi sáng thiểu não ấy. Nhâm ơi
Nhâm! Tôi gọi Nhâm vu vơ dưới ngòi bút, trong ánh đèn dầu đêm mùa xuân này. Có
khi nào những dòng ký ức của anh mà em đọc đến, hẳn em không giấu được mỉm cười
ngạc nhiên rằng sao anh khéo nhớ ma mãnh thế. Nhâm đã quên và chắc là bây giờ
chẳng còn những ngày rầu rĩ như thế. Tôi thì tôi nhớ dai, nhớ lắm, em ạ. Cây viết
lê đến dòng kẻ này, mắt tôi nhìn vào bóng đêm câm lặng lẽ vẫn thấy lại buổi
sáng chúng tôi ngồi phơi đầu bùn trước hè, bên cạnh bậc hòn đá.
Nhâm, Châu ngồi chồm hỗm trước mặt tôi. Mắt Nhâm toét Nhâm
nhìn hó háy. Một đường đỏ hoe nhầy nhụa viền quanh mí. Cổ ngẳng, ghét bẩn bám
thây lẩy đen vân vân như vẩy tê tê. Hai bàn tay Nhâm ghẻ tướp. Ngồi một lúc, cứ
phải cọ khe tay cho dịu cơn ngứa. Cái Châu cũng ghẻ, bẩn và toét mắt như chị, tệ
hơn chị nữa. Một bên mắt nó nhử bám tịt chưa mở ra được. Vội chạy vào bà ngay,
mẹ Lặc chưa rửa mặt cậy nhử mắt cho Châu. Hai cái đầu đất đắp to bu lu, méo như
cái đầu bằng đất thực. Chị em gày gùa, bàn tay, bàn chân khô xác. Chúng ngồi rụi
vào nhau, ngơ ngẩn như những đứa ăn mày ngồi xó hè xin ăn. Nhớ ngày Nhâm và
Châu mới về. Nhâm trắng bột. Mắt nhung lóng lánh. Tóc Nhâm thơm phức thơm mát.
Tôi ngậm ngùi nhìn Nhâm mà nghĩ vẩn vơ như vậy Nhâm nhếch vành mép lở trắng, cười,
nháy tôi. Ý như muốn làm hiệu ngầm bảo cứ để nguyên cái đầu như thế đến lúc
khô, chốc nữa đem gươm và côn ra vườn chơi hát tuồng.
Đầu chúng tôi chẳng khỏi mốc. Bùn ao cũng không ăn thua. Chuyến
xuôi Hà Nội cuối năm ấy, mẹ Nhâm ở nhà liền nửa tháng với hai chị em lướp nhớp
như hai con mèo ốm.
Mẹ Nhâm bàn gì với u tôi, những chuyện người lớn, tôi không
rõ. Tôi chỉ mang máng rằng mẹ Nhâm đi buôn lỗ vốn.
Lần vừa rồi, giữa đường phải vứt hết hàng lậu đi. Mẹ Nhâm
phàn nàn hai đứa trẻ bẩn thỉu quá. Mẹ Nhâm túng quẫn hay cãi nhau. Có hôm, vào
cãi tay đôi với bà tôi. Rồi cãi nhau với khắp cả nhà. Tôi hãi dì Nhâm nói to lắm.
Khi dì ở nhà, tôi ít ra chơi với Nhâm. Dì hay mắng Nhâm, đánh Châu. Trông thấy
chúng phải đòn, phải chửi, tôi khóc. Một hôm, thấy Nhâm ở ngoài ngã ba xóm. Tôi
hỏi sao mấy hôm nay Nhâm không vào. Nhâm bảo:
- Mẹ cãi nhau với bà. Em vào thì bà mắng.
- Bà không mắng đâu? Cứ vào.
Một ngày khác, Nhâm khoe:
- Em sắp được lên Vân Nam với thầy.
Lại nói:
- Mẹ em đem chúng em đi.
Tôi im lặng, bối rối. Một lúc mới hỏi:
- Mày có lên trên ấy, nhớ gửi về cho tao hai đồng bạc Tàu để
tao làm đồng cái thủ thường, thủ vạch đánh đáo. Như mọi khi đấy.
- Trên ấy thì khối bạc Tàu.
- Nhớ đấy nhé.
Buổi chiều ấy, tôi ra nhà ngoài thấy mẹ con nhà Lặc đương thổi
cơm dưới bếp. Trên nhà, không có ai. Tôi thấy nhà văng vắng khác mọi khi. Tôi
ngơ ngẩn, tha thủi về. U tôi đi Kẻ Chợ mãi đến lên đèn, tối mịt mới về. Dì
Niêm, dì Bảy, bà tôi - cả ông tôi - xúm lại, thì thào, nhưng tôi cũng nghe tiếng
u tôi nói nho nhỏ:
- Tầu Lầu Cai chạy năm giờ sáng, sớm lắm. Bây giờ thì lên tàu
rồi.
Tiếng ông tôi ở mâm rượu nói với ra:
- Ừ, tầu Lầu Cai chạy năm giờ.
Tôi nằm chổng vộc, úp mặt xuống phản. U tôi ra, mắng:
- Sao lại nằm như thằng dở người thế kia?
Tôi không nhúc nhích. Dì Niêm lôi tôi lên. Tôi ngồi hai tay
bưng mặt. Tôi khóc tu tu. U tôi bảo:
- Việc gì mà phải khóc. Rồi chúng nó lại về chơi, tháng sau,
tháng sau thôi.
U tôi kể:
- Đứa nào cũng bảo sao không cho anh Sen đi Vân Nam với chúng
cháu.
Tôi nằm trằn trọc, nước mắt đầm đìa xuống chiếu. Tôi cố thức.
Nhâm, Châu ngủ ngoài Kẻ Chợ. Năm giờ sáng Nhâm, Châu và mẹ lên tầu. Tôi không
biết lúc nào là năm giờ sáng mai nhưng tôi biết có những buổi tối vắng lặng
nghe xa tiếng còi tàu và tiếng những con tàu rầm rầm chạy vào lòng cầu Long Biên.
Tôi thức dậy, nắng sớm đã loé vào xó cửa. Tôi bàng hoàng nhớ
không biết đã đến năm giờ sáng chưa. Ông tôi đi đâu về sớm quá. Ông mặc áo bông
dài. Nách cắp cái ô cán gỗ mộc choãi thưỡn ra. Ông tôi móc ô lên hóc cột, nói:
- Tao ra ga được một lúc lâu, mới thấy mẹ con dắt nhau đến.
Chúng nó lên tàu cả rồi, tàu chạy rồi.
Chúng nó lên tàu cả rồi, tàu chạy rồi. Nước mắt tôi lại đầm
đìa.
Mùa xuân này, mười lăm năm qua rồi. Nhâm đã đến hai mươi hai
tuổi mà Châu cũng mười tám. Từ ngày ấy, chưa một lần nào nhà dì Nhâm tôi trở lại.
Trước, mỗi năm được vài lá thư về. Thư nào bác Phùng cũng hỏi thăm họ nội, họ
ngoại "trong họ ngoài làng, đồng dân ta yên ổn. Còn về phần vợ chồng con
cái chúng con ở bên này, nhờ giời đi đồng đất nước người cũng được...". Ít
năm gần đây, thư từ ngày một vắng. Rồi vắng hẳn, không nhận được một chữ nào nữa.
Nhâm, Châu đi rồi. Còn mỗi cái đầu mốc trắng của tôi tha thủi
ngơ ra ngẩn vào. Có người mách u tôi nhà bà trạm tráng ngoài chợ có thuốc chữa
đầu lang ben tài lắm. U tôi đưa tôi ra. Bà trạm tráng mặt tròn như quả quít sần.
Bà vần nghiêng, ngoẹo đầu tôi, xem xét kỹ lưỡng.
- Con bé nhà tôi phải cái này bốn năm, mới khỏi năm ngoái. Nó
là bệnh bạch biến. Bác cháu mua trong nhà thương cho cái thuốc tây, bôi có mấy
lần, thuốc của người ta là thuốc thánh chứ chẳng chơi. Tôi làm phúc, bà đưa tôi
ba hào, phiên này lên lấy nhé. Bệnh bạch biến lang ben đây mà.
U tôi đưa bà trạm ba đồng hào trắng. Thuốc màu nâu xẩm, nhờn
như thuốc nẻ, đựng cái hộp có chữ "thuốc hắc lào tám xu một hộp". Được
ít lâu, những khoanh trắng trên đầu tôi dịu màu, gãi bớt rơi vẩy, rồi khỏi hẳn
lúc nào. Tóc lại mọc.
Tôi húi đầu vuông kiểu ca rê. Soi gương thấy đầu
tóc cún, mặt tôi thưỡn như cái lưỡi thuổng. Đầu tôi hết mốc. Chẳng thấy u tôi
nhắc nhỏm gì đến chuyện lại xuống Hàng Mã nữa. Mấy năm nay thật không một chữ
thày tôi gửi về. Có người đồn thày tôi đã lấy vợ bên Sài Goòng. Bà nội ở quê mỗi
khi chúng tôi về chơi lại mếu máo bảo u tôi:
- Nó ăn phải bùa mê bả dột, không biết đường nào về nhà nữa.
Thôi mẹ mày thương lấy con... thương tao. Hờ... ơ... anh ơi! Anh đi đằng
nào... bấy lâu anh bỏ cửa, bỏ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét