Nếp xưa 2
CHƯƠNG III
I. Tiệp giật mình thức dậy, nhìn ra ngoài trời còn tối lắm. Chung quanh tiếng gà gáy báo hiệu canh năm. Ở ngoài cổng xóm có tiếng lào-xào của mấy người đi làm đồng sớm nói chuyện.
Khoan bảo vợ: «Dậy làm chi sớm vậy em? Trời
còn tối mà!»
Tiệp đáp: «Anh nằm ngủ đi! Em phải dậy chứ,
muộn rồi còn sớm gì nữa. Gà gáy đã lâu, và em đã nghe tiếng những ông bà đi làm
đồng nói chuyện lào-xào ngoài đầu ngõ».
Rồi Tiệp bước ra khỏi giường, đưa tay vấn lại vấn đầu gạt những
sợi tóc xõa xuống mặt lên hai bên tai.
Cũng như mọi hôm nàng đi thẳng xuống bếp, thổi đống dấm chấu
lấy lửa dóm bếp thổi cơm. Còn Khoan lại kéo chăn nằm ngủ tiếp.
Trời mùa đông về sáng lạnh lắm. Gió bấc rít từng cơn thổi qua
ngọn tre như muốn rải-rác cái lạnh cho khắp mọi nơi. Không có mưa dầm, nhưng
sương đêm dày đặc, khiến ở ngoài trời hơi cách xa một chút là không trông thấy
gì.
Tiệp cũng thấy lạnh lắm, nhưng nàng mặc chiếc áo bông cộc nên
cũng đỡ rét được phần nào. Múc nước vo gạo, nàng thấy cóng tay và buốt tới tận
xương. Nàng hơi suýt-soa, và vo vội giá gạo rồi trở vào trong bếp cho ấm.
Sương đêm hắt vào mặt, luồn vào cổ áo, làm tăng thêm cái rét.
Tiệp hắt hơi luôn hai ba cái, nước mắt nước mũi dàn ra, rồi nàng húng-hắng ho.
Vo xong giá gạo, đi trở vào trong bếp, bên ngọn lửa hồng nàng
lại thấy ấm người ngay. Đổ gạo vào nồi rồi, nàng dơ hai tay hơ lên trước ngọn lửa
bếp.
Ngọn lửa hồng tươi nổ reo lách-tách đã làm khô hai bàn tay ướt
của Tiệp.
Đã hơn một tháng nay, kể từ tuần tứ-cửu ông đồ xong, Tiệp về
sống ở nhà Khoang, và chỉ thỉnh-thoảng mới qua lại nhà mình.
Trước khi Tiệp về, nàng đã được bà đồ căn-dặn đủ mọi điều về
cách làm dâu, trên kính-trọng bố mẹ chồng, và chồng, dưới đối với các em chồng
phải có độ-lượng khoan-dung. Nhà Khoan tuy nghèo, nhưng là nhà gia-giáo, nền-nếp,
con dâu càng phải ăn ở cho phải đạo, nhất là Tiệp lại là con một ông đồ. Giấy
rách phải giữ lấy lề, con nhà nề-nếp phải giữ vững nếp xưa lối cũ của gia đình.
Bà đồ dạy Tiệp mọi cách ăn ở với đủ mọi người và công việc
làm ăn.
Bà bảo Tiệp : « Nhà chồng con không giàu của, nhưng
giàu đạo-đức. Về bên ấy có lẽ con sẽ vất-vả phải làm-lụng nhiều hơn, nhưng con
cũng sẽ được sự đối-đãi đứng-đắn của nhà chồng. Con cần phải tỏ ra biết kính
trên nhường dưới ».
Mọi lời mẹ dạy, nhất nhất Tiệp ghi nhớ.
Nàng đã hiểu, lấy nghèo tất nhiên phải vất-vả, nhưng bù lại sự
vất-vả đã có tình yêu chân-thật của Khoan. Vả chăng, cha nàng đã từ chối một
đám nhà giàu, để gả nàng cho Khoan, nhà nghèo tất nhiên cha nàng không lầm. Và
chính nàng, nàng cũng chuộng cái cảnh nghèo của Khoan hơn là sự giàu có của
Thúc.
Nàng đã vui với mọi sự vất-vả, thức khuya dậy sớm, làm-lụng
nhọc-nhằn, luôn luôn nàng vui-vẻ và không bao giờ nàng tỏ ra sợ-hãi công việc nặng
nhọc.
Đúng như lời mẹ nàng đã nói trước, về nhà Khoan nàng phải vất-vả
nhiều hơn, nhưng đối với nàng, tất cả mọi sự cực-nhọc đều không có nghĩa lý gì
khi nàng được gần Khoan.
Khoan rất thương yêu nàng, săn sóc nàng từng chút và thường
an-ủi nàng kh thấy nàng vất-vả với công việc nhà.
Chồng yêu quý, cha mẹ chồng đối với Tiệp cũng tỏ lòng thương
mến, nhất là mẹ Khoan. Bà biết Tiệp khi ở nhà sung-sướng, tuy có việc làm cũng
không đến nỗi cực-nhọc, nay về nhà chồng phải gánh vác đủ mọi việc nên bà cụ rất
hiểu biết đối với con dâu. Nhiều khi thấy Tiệp làm quá sức, bà bảo Tiệp nghỉ
ngơi để công việc cho các em chồng, hoặc có khi chính bà làm đỡ Tiệp rất nhiều.
Kể ra thì Tiệp vất-vả thật, đầu hôm sớm mai không mấy lúc nghỉ-ngơi.
Lúc đầu nàng cảm thấy hơi mệt, nhưng sau một thời-gian ngắn nàng thấy nó cũng
quen đi, công việc nàng không lấy làm ngại nữa.
Từ lúc sáng tin-sương, trời mưa cũng như trời lạnh trời
rét-buốt cũng như khi trời ấm-áp, Tiệp phải dậy sớm để thổi cơm cho người nhà
ăn ra đồng. Lại còn công việc đồng áng, phát bờ, làm cỏ, bón phân nhất nhất mọi
việc nàng đều vui-vẻ làm không nề hà một việc gì.
Ở đồng về, nàng lại làm việc nhà, nào quét tước nhà cửa, nấu
cám lợn, cho gà vịt lợn ăn và tối tối thỉnh-thoảng lại xay lúa giã gạo.
Nàng làm việc gọn-gàng sạch-sẽ, đâu vào đấy. Mẹ chồng rất
thương và luôn miệng khen. Bà thường bắt các em gái Khoan phải giúp đỡ Tiệp,
nhưng các em gái Khoan còn nhỏ cả có giúp đỡ nàng cũng chẳng được bao nhiêu.
Tuy vậy, sự giúp đỡ của các em chồng dù không nhiều cũng giúp Tiệp thêm tinh-thần
làm việc. Nhiều khi mấy chị em cùng xay lúa giã gạo, chuyện-trò với nhau đầm-ấm
lắm.
Tiệp kể cho các em chồng nghe thời mình còn con gái, và đôi
khi mấy chị em lại kể cho nhau nghe những câu truyện cổ-tích rất hay và rất có
ý-nghĩa.
Làm việc nhiều, lắm lúc mệt, Tiệp lại bảo các em chồng hát
lên vài câu rồi mấy chị em lại cùng nhau cười khúc-khích. Mọi sự mệt nhọc đều
tiêu-tan không còn nữa.
Có những buổi tối, Tiệp đang làm việc với các em ở nhà dưới
Khoan ở nhà trên đi xuống. Thấy Khoan tới các cô em xúm lại nói đùa trêu Tiệp
vui-vẻ lắm.
Có cô nói : « Chị ấy vừa nhắc tới anh thì anh xuống.
Anh vào đây giã gạo với chị ấy cho vui, chúng em nhường ».
Cô khác nói : « Anh với chị như keo sơn ! Sắp
nửa đêm đi ngủ rồi, anh còn phải xuống đây, sợ chị ấy trốn mất hay
sao ? »
Khoan cười, Tiệp cũng cười và Tiệp nói : « Các cô
chỉ được cái giỏi nói đùa ».
Rồi Tiệp bảo Khoan : « Các cô ấy hay trêu em lắm.
Anh phải đánh đòn các cô ấy đi ».
Cả mấy chị em phá ra cười, cả Khoan nữa. Hỏi han công việc của
vợ và các em xong Khoan lại lên trên nhà đọc sách. Sẵn sách của ông đồ để lại,
Khoan tha hồ học thêm cho rộng kiến-thức, Khoan cũng định tâm khao thi sắp tới
chàng sẽ lều chõng lên đường, để may nhờ tổ-ấm biết đâu chẳng được lúc võng anh
đi trước, võng nàng đi sau.
Cũng có hôm, Tiệp đang lúi-húi làm việc gì một mình dưới bếp
vào lúc đã khuya, các cô em chồng đã đi ngủ cả, nàng bỏ việc chạy lên trên nhà
nhìn chồng đọc sách. Thấy vợ, Khoan ngừng đọc âu-yếm hỏi vợ : « Em
xong hết mọi việc rồi à ? Em đi ngủ kẻo mệt ».
Tiệp nũng nịu đáp : « Chưa, em lên với anh một chút
thôi, đã đi ngủ sao được. Em phải sàng xong cối gạo để mai lấy cám cho lợn
ăn ».
Nàng nhìn vào sách chồng đang đọc, đọc theo chồng một vài đoạn
rồi đi xuống bếp tiếp-tục công việc của mình.
Nàng bảo chồng : « Anh cố học đi nhé, em lại xuống
bếp đây ».
Khoang thương hại bảo vợ : « Em vất-vả quá !
Thôi nhà nghèo em chịu khó nhé ! »
Tiệp nguýt chồng nói : « Anh làm như em vẫn
than-van về nhà nghèo hay sao ? Bây giờ chúng ta nghèo tiền nghèo bạc,
nhưng ta giàu cái khác, giàu phúc-đức, giàu văn-chương, đủ lắm rồi, mai sau
chúng ta cũng giàu tiền, giàu bạc lo gì ».
Tiệp đi khỏi, Khoan lại cúi xuống đọc sách, tiếng chàng
sang-sảng trong đêm khuya tịch-mịch.
II
Nồi cơm đã chín, nồi canh cũng đã nấu xong.
Tiệp đặt thêm nước để lấy nước lát nữa bố chồng pha trà và rửa
mặt.
Trời tang-tảng sáng. Tiếng gà gáy quanh xóm đã lưa-thưa rồi
ngừng hết. Ánh bình-minh lóe trên ngọn cây óng-ánh như dát vàng muôn lá. Mấy
con chim sào-sạc bay ra khỏi tổ, cùng líu-tíu hót như chào đón ánh dương-quang
đã đem lại sự ấm-áp. Với bình-minh, trời bớt lạnh, tuy làn sương đêm còn che phủ
trên ngọn cây nhánh cỏ. Những hạt sương còn đọng trên cọng lá, đài hoa
lóng-lánh như muôn ngàn hạt ngọc.
Gió vẫn thổi qua ngọn tre và những bụi sương phơ-phất bay tạt
vào trong hiên nhà, khiến cho Tiệp thấy như lạnh hơn.
Tiệp dọn cơm cho người làm ăn để họ đi làm đồng. Cứ kể hôm
nay họ đi làm hơi muộn nhưng trời lạnh, theo lời bà mẹ chồng, Tiệp không đánh
thức họ dậy quá sớm. Tham công tiếc việc cũng chẳng hơn được bao nhiêu. Họ ăn
cơm xong trời vừa sáng, vác cày cuốc ra đồng là vừa.
Cũng như mọi sáng, Tiệp lên nhà trên lấy ấm chén ra rửa để bố
chồng dậy pha trà. Đã có nước nóng. Tiệp pha thêm vào nước lạnh cho tan giá và
rửa ấm chén cho được kỹ-càng hơn.
Bọn người nhà đã ăn cơm xong. Nàng dẹp bát đĩa lại.
Trên nhà bố chồng nàng cũng đã dậy. Ông cụ rửa mặt, rồi trở
vào ghế ngựa vén một bên màn lên, ngồi xổm sù-sù, khoác chiếc chăn bông cho đỡ
lạnh.
Quen lệ, Tiệp đặt khay nước trước mặt bố chồng.
Ông cụ hỏi nàng : « Có lạnh không con ? Chồng
con đâu ? Bảo nó đi mà uống nước ».
Không chờ Tiệp trả lời, ông cụ rung đùi ngâm :
« Bình minh xổ trả trà
Mỗi nhật cứ như thử
Lường y bất đáo gia »
Tiệp thưa : « Thưa thày con cũng thấy hơi lạnh. Con
xin gọi nhà con ạ ».
Khoan cũng đã chỗi dậy từ lâu.
Tiệp ngó vào trong buồng nhìn chồng cười : « Anh dậy
rồi hả ? Thầy bảo anh sang uống nước. Nhưng anh hãy chờ đấy để em lấy thau
nước nóng lên anh rửa mặt nhé ».
Nàng lại chạy xuống bếp bưng thau nước nóng lên.
Đứng trước giá thau, hơi nóng tỏa bóc, Khoan thấy ấm-áp lạ
lùng. Chàng âu-yếm nhìn vợ và nói : « Em vất-vả quá ! Có rét và
có mệt không ? »
Tiệp cười đáp : « Rét thì có rét nhưng mệt thì
không. Em không thấy vất-vả gì khi hầu hạ thày đẻ và anh ».
Tiệp nói thật ! Được hầu-hạ bố mẹ Khoan và Khoan nàng lấy
làm sung-sướng. Bố mẹ chồng có thương nàng mới cho nàng hầu-hạ. Còn hầu-hạ
Khoan là một điều xưa kia nàng hằng ước mong, ngày nay mới được như nguyện thì
sao còn vất-vả.
Khoan cười vui-vẻ. Tiệp thật hiền-từ nền-nếp.
Từ ngày về làm dâu, Tiệp được thày đẻ Khoan quý-mến lắm. Cách
cư-xử của Tiệp, hai cụ rất hài lòng và không tiếc lời khen ngợi.
Cụ ông bảo cụ bà : « Nó con nhà gia giáo, lẽ tất-nhiên
ngôn-ngữ cử-chỉ đều có khuôn phép, đâu phải như con nhà bách-tính ».
Khoan rửa mặt, nước nóng đã làm da thịt Khoan thấy dễ chịu.
Những mạch máu với tiết trời rét như muốn chạy chậm lại được nước nóng làm cho
lưu-chuyển đều-hòa hơn.
Khoan vắt khăn mặt kỹ, lau mặt đôi ba lượt, từ cổ trở lên, tự
thấy nhẹ-nhàng trong người. Xong, chàng vuôn vai ngẩng đầu lên. Bây giờ chàng mới
để ý đến Tiệp vẫn ngắm mình trong mọi động-tác.
Tiệp mỉm cười và hỏi : « Anh thấy trong người
khoan-khoái lắm sao ? Trông anh vuôn vai đến ngộ ».
Khoan cũng cười đáp : « Rửa mặt bằng nước của em
đun anh phải thấy trong người khoan-khoái. Trông anh ngộ thật chứ ? Anh
trông em cũng ngộ lắm ».
Tiệp nguýt dài Khoan một chiếc. Nàng giặt lại chiếc khăn chồng
vừa dùng, vắt lên giá thau rồi bưng chậu nước bẩn đi.
Nàng bảo chồng : « Anh sang uống nước với
thày ».
Khoan sửa lại áo chỉnh-tề sang phòng cha uống nước. Thân mẫu
chàng cũng đã ngồi đó và đang cùng cha chàng nhấm nháp chén trà chuyên nước nhất.
Thấy Khoan cụ ông bảo : « Sang uống hớp nước cho tỉnh-táo người,
con ! »
Rồi ông cụ tự rót một chén nước đưa cho Khoan, Khoan trân-trọng
xin cha và đỡ chén nước. Đó là một cử-chỉ âu-yếm của cụ ông. Thường cụ chỉ rót
nước mời cụ bà và thỉnh-thoảng hôm nào trong người cụ dễ chịu bằng lòng cụ mới
rót nước cho Khoan.
Vừa uống nước cụ bà vừa khen : « Trà nhà Khoan của
nó mua khéo, và ông pha cũng khéo nữa. Trà thơm nước cũng thơm ».
Cụ ông bảo : « Xưa kia nó vẫn mua trà để pha nước
ông đồ dùng ! »
Rồi cụ hỏi Khoan : « Nó đâu rồi, bảo nó lên đây, thầy
cho nó chén nước uống ấm bụng ».
Khoan thưa : « Nhà con đang làm gì ở dưới bếp ».
Cụ ông hướng về phía nhà bếp gọi : « Nhà cả
ơi ! Lên đây thày bảo ! »
Sau một tiếng dạ, Tiệp chạy lên.
Cụ ông nói : « Con lại đây uống hớp nước nóng cho ấm
bụng. Dậy sớm từ sáng chắc lạnh ! »
Tiệp dạ dạ luôn mấy tiếng.
Cụ ông lại thân rót chén nước nhỏ đưa cho Tiệp. Vừa đưa chén
nước cho Tiệp, ông đồ vừa nói : « Trà con mua khéo lắm ! Nhỏ
cánh, xanh nước ! »
Cụ ông lấy siêu nước pha thêm vào ấm trà.
Tiệp hai tay nâng chén nước, thong thả vừa nhấm-nháp, vừa ngước
mắt nhìn chồng mỉm cười. Khoan cũng nhìn Tiệp. Bốn mắt gặp nhau. Đôi lòng đầy một
nỗi hân-hoan sung-sướng.
Uống xong chén nước, Tiệp rón-rén tới đặt chén trên khay nàng
lại xin phép cha mẹ chồng xuống bếp để lo sửa-soạn dọn cơm sáng.
Người làm đã ăn cơm để đi làm đồng. Bây giờ mới tới lượt người
nhà.
Tiệp cũng phải chờ Cụ ông uống nước xong, và phải chờ Khoan
trở dậy cũng như các em nhỏ của Khoan mới dọn cơm. Mấy cô em gái lớn cũng đã dậy
sớm và cũng đã người nào lo công việc nấy. Người nào phải đi làm đồng đã ăn cơm
trước cùng với người làm, còn không thì chờ người nhà cùng ăn.
Mâm cơm dọn xong, chầu nước buổi sáng của cụ ông cũng vừa
mãn.
Tiệp mời mọi người đi xơi cơm : cha mẹ chồng, chồng, và đôi
khi cả em chồng nữa.
Sáng sáng, Khoan ăn cơm xong mới đi dạy học, buổi học kéo từ
sáng cho tới trưa ! Cụ ông cũng cơm nước xong mới đi dạo quanh ra vườn hoặc
nằm xem sách, còn cụ bà có hôm đi chợ hoặc có hôm cũng đi ra đồng giúp đỡ người
làm.
Nhà Khoan ruộng chẳng có bao nhiêu nên người làm cũng chẳng
có mấy, người nhà phải bỏ công vào nhiều. Chính vì vậy mà Tiệp càng phải vất-vả.
Nàng cáng-đáng mọi công việc nhà và cũng có khi cả công việc ngoài đồng nữa.
Vất-vả nhưng nàng vẫn vui vì nàng được bố mẹ chồng thương mến,
và sống bên chồng nàng thấy hoàn-toàn hạnh-phúc.
III
Khoan đã đi dạy học.
Cũng có hôm Tiệp đi chợ hoặc có dịp đi đâu lại rẽ qua về nhà
mình, và trong những lúc đó, thế nào Tiệp cũng ghé qua nhà học để ngó chồng dạy
học và đôi khi tròng-ghẹo xoa đầu một vài trò nhỏ.
Nàng biết mình là đàn-bà có công việc của mình nên không bao
giờ lân-la lâu, chỉ tạt qua vào nhà học lại ra ngay và cũng ít khi nàng trao đổi
một đôi câu với chồng tại nơi đây. Nàng chỉ nhìn Khoan mỉm cười và Khoan cũng
cười nhìn lại ! Thế là đủ, thế là lòng nàng thỏa mãn !
Các học-trò nhỏ xem ra có vẻ mến nàng. Chúng thường nói với
nhau : « Cô đồ dễ thương quá ! »
Và chúng cũng thường khen nhan sắc nàng : « Trông
cô đồ đẹp quá nhỉ ! »
Những lời đó thường lọt vào tai Khoan. Khoan vẫn về nhà kể lại
cho Tiệp nghe.
Tiệp sung-sướng ủng đỏ đôi má, bảo chồng : « Có anh
bịa ra thì có ! Đứa nào nói thế đâu ! »
Sáng hôm đó, sau khi Khoan đi dạy học, nàng sửa-soạn mọi việc
nhà xong, nàng phải đi chợ để mua rau về nấu cám lợn. Nàng lại tạt ngang qua
nhà mình và cũng không quên ghé vào nhà học của Khoan vài phút.
Lũ trẻ thấy nàng tới mừng rỡ. Chúng chào thật to. Nàng lại tới
xoa đầu vuốt má chúng. Vừa đứng bên lũ trẻ, nàng vừa liếc nhìn Khoan đang chấm
bài.
Nàng cũng lại ra đi sau khi mỉm cười với chồng.
Ra đến đầu làng nàng gặp Thảo. Hai người chào hỏi nhau rồi
cùng đứng nói chuyện. Trông Thảo ăn mặc sang-trọng và có vẻ nhàn-nhã, không như
nàng phục-sức theo lối làm ăn và luôn luôn có vẻ bận-bịu.
Thảo bảo Tiệp : « Trông chị độ này như hình vất-vả
lắm thì phải ».
Tiệp cười nói : « Chị cứ nhìn em thì rỏ. Thật ra em
cũng không vất-vả đâu ! Mình làm việc cho mình và cho chồng thì sao lại gọi
là vất-vả được. Còn chị, chắc chị không bận như em ».
Thảo không đáp. Nàng nghĩ tới lời Tiệp nói. Làm việc cho mình
sao lại gọi là vất-vả. Chắc là Tiệp phải sung-sướng, Khoan tuy nghèo nhưng người
đứng-đắn và có đạo-đức, biết thương vợ, và như vậy Tiệp đâu có khổ !
Thảo ngắm nhìn Tiệp. Nước da Tiệp tuy có sạm đen đi vì làm-lụng
nhiều, nhưng trông nàng xinh ra, xinh hơn hồi con gái.
Tiệp thấy Thảo nhìn mình một cách quá kỹ-lưỡng, tự nhiên nàng
thấy ngượng. Nàng nói một câu bâng-quơ : « Trời lạnh quá chị nhỉ ? »
- Trời lạnh thật !
Thảo mặc đủ áo bông áo kép cũng vẫn thấy lạnh. Tiệp cũng mặc
áo ấm, nhưng so với y-phục của Thảo thì kém nhiều.
Rồi Tiệp lại bảo Thảo : « Chiếc áo bông của chị đẹp
quá nhỉ ! Chắc phải đắt tiền ».
Chiếc áo bông của Thảo là một chiếc áo bông ngắn trong lót lụa
xanh, ngoài bằng cẩm-nhung đen. Áo bông mặc chùm ngoài áo dài để giữ hơi ấm.
Thảo chìa vạt áo cho Tiệp xem và nói : « Em cũng
không biết đắt rẻ thế nào ! Cẩm-nhung này, thày em gửi mua ở Hà-Nội. Nhà
em may áo dài còn thừa, may cho em chiếc áo bông này ».
Cảnh Thảo thật là phong-lưu sung-túc. Chắc-chắn nàng không phải
chân lấm tay bùn lam-lũ như Tiệp. So-sánh cảnh mình với Thảo, Tiệp thấy về vật-chất
Thảo hơn nàng.
Hai người đang cùng đứng, bỗng nhiên Tiệp vội-vã từ giã Thảo :
« Thôi chào chị em phải đi chợ mua rau lợn kẻo muộn ».
Sự thật Tiệp không sợ muộn, nhưng Tiệp thấy hơi thèn-thẹn
trong lòng vì tự-nhiên nàng lại so-sánh như vậy ! Nếu nàng muốn sự sung-sướng
vật-chất của Thảo thì trước đây có khó gì ! Nàng đã yêu Khoan và đã từ chối
Thúc, nàng phải lấy làm mãn-nguyện được sống bên Khoan. Ý-tưởng so-sánh, nàng
thấy mình đắc tội với Khoan vô cùng.
Thảo không để cho Tiệp đi, giữ lại nói : « Đi đâu
mà chị vội vàng thế ! Lâu lắm hôm nay mới gặp chị, hãy đứng đây nói chuyện
một lát ».
Trời vẫn lạnh. Trên ngọn cây gió bấc rít từng hồi. Nền trời
u-ám, không một tia nắng. Đường làng cũng vắng người. Ở đầu làng lũ trẻ chăn
trâu nhặt từng lá khô cành gẫy vun thành một đống đốt để cùng nhau xúm quanh sưởi
ấm. Khói bốc lên màu lam tỏa cao trên không trung.
Trên những cành cây trơ lá, không một tiếng chim kêu, không một
con bướm lượn.
Cảnh lạnh trời đông thật là buồn.
Bị Thảo níu lại, Tiệp đành đứng thêm một chút để đáp lại những
câu vớ-vẩn của bạn.
Một lúc sau. Tiệp lại từ giã bạn để đi chợ, thì vừa lúc đó,
Thúc cũng ở đâu đi tới.
Thấy Tiệp. Thúc gật đầu chào rồi hỏi : « Hai chị em
nói chuyện gì mà thân-mật thế ? »
Thúc lại bảo Thảo : « Sao em không mời chị Khoan lại
nhà chơi ».
Sau đó Thúc mời luôn Tiệp : « Hôm nào mời chị lại
chơi. Từ ngày thày mất đi, ít khi gặp anh chị ».
Tiệp đáp : « Nhà em bận dạy học, còn em thì việc
nhà nhiều lắm ».
Đột nhiên Thúc hỏi : « Đằng nhà anh Khoan chắc
không được như ở nhà chị. Có lẽ túng lắm phải không chị ».
Tiệp chưa kịp đáp, Thúc đã nói thêm : « Nếu lúc nào
chị có cần gì, mời chị lại chơi, tôi sẵn-sàng giúp đỡ chị ».
Tiệp vội gạt đi : « Cám ơn anh ! Vợ chồng tôi
tuy vậy cũng đủ tiêu và thày đẻ chúng tôi tuy không giàu nhưng cũng có ít nhiều
ruộng đất. Anh chị có lòng tốt, tôi xin ghi và nếu cần chúng tôi sẽ nhờ anh chị ».
Thúc nhìn Tiệp trân-trân : Tiệp xinh đẹp thật. Thật đúng
câu môi son má ửng hồng mày ngài mắt phượng. Nàng nói trông cái miệng
sao mà tươi thế. Đôi hàm răng đều như hạt lựu và đen nhức như hạt na già. Trời
lạnh khiến đôi gò má nàng đã ửng hồng càng thêm đỏ. Chiếc khăn mỏ quạ tăng vẻ
thùy-mị của khuôn mặt trái soan.
Đã thế tiếng nói của nàng lại dịu-dàng ấm-áp, những nụ cười mủm-mỉm
của nàng mới càng duyên dáng làm sao !
Thấy đứng lâu với vợ chồng Thúc không tiện, nhất là thấy Thúc
cứ nhìn mình quá kỹ lưỡng, Tiệp từ-giã hai người đi chợ.
Thúc vẫn nhìn theo, quên mình đang đứng trước mặt vợ.
Dáng đi của Tiệp trông cũng đẹp. Những bước đi yểu-điệu uyển-chuyển
tăng vẻ thanh-thoát của thân hình. Cử-chỉ nàng mềm-mại nhẹ-nhàng.
Thảo thấy chồng nhìn theo Tiệp trong bụng hơi ghen ghen. Nàng
bảo chàng : « Thôi về chớ anh ! Sao anh nhìn chị Khoan kỹ thế ! »
Lời của Thảo đã kéo Thúc trở lại thực-tế. Thúc cười chữa thẹn
với vợ : « Trông chị ấy hình như đẹp ra, cũng như em dạo này cũng đẹp
ra ! »
Hai vợ chồng Thúc song song dắt nhau về.
Tuy đi bên cạnh vợ, nhưng Thúc vẫn cho ý nghĩ theo đuổi bóng
dáng của Tiệp.
Trước đây Thúc tưởng Tiệp lấy chồng nghèo bị lam-lũ xấu đi,
chàng không ngờ, ngày nay Tiệp lại đẹp hơn trước gấp bội.
Người đẹp như vậy tại sao lại không phải của chàng ? Thật
là bực-bội, nhưng con một ông chánh-tổng quyền thế nhất làng có thể nào chịu
lép ai đâu !
IV
Tiệp cho lợn ăn ở đàng sau nhà.
Có tiếng chó sủa ở mé sân. Nhà lại có khách.
Tiệp lẩm bẩm : « Khách nào mà đến chơi sớm thế ».
Phải, còn sớm lắm. Nhà Tiệp mới ăn cơm sáng xong. Khoan vừa
đi dạy học, và mẹ chồng nàng cũng vừa ra đồng.
Tiếng chó sủa rồn-rập chứng tỏ trong nhà chưa có ai ra đuổi
chó. Không hiểu bố chồng nàng đi đâu ? Sau bữa cơm, nàng dọn-dẹp bát đũa
xong là vùi đầu ngay vào công việc khác. Cũng như mọi ngày, nàng đã thấy bố chồng
lên nhà trên nằm xem sách, và đứa em chồng nhỏ chơi quanh ở sân nhà nên nàng mới
yên trí dọn-dẹp ở phía sau nhà.
Chó cắn hoài ! Lấy làm lạ, nàng vội rửa tay chạy ra đằng
trước xem khách là ai.
Khách chẳng phải là ai lạ, chính là Thúc.
Thấy Thúc, Tiệp lấy làm khó chịu, nhưng nàng cũng phải mắng
chó mời khách vào. Nàng thoáng cau mặt nhưng có lẽ Thúc không nhận thấy.
Vào đến trong nhà, nàng bảo Thúc : « Mời anh ngồi
chơi, tôi đang bận chút việc ở đằng sau. Để tôi mời thày tôi về ».
Thúc nói : « Đi qua đây, tôi ghé vào thăm chị. Thôi
chị đừng đi mời cụ nữa ».
Rồi Thúc hỏi thăm việc nhà của Tiệp : « Chị bận rộn
quá ? Sao chị không mượn thêm người làm ».
Tiệp cười đáp : « Anh tính nhà nghèo, cả nhà làm lụng
lấy mọi việc còn chẳng đủ ăn, tiền đâu mượn người làm ».
Thúc vin ngay vào câu đó, sỗ-sã bảo Tiệp : « Tôi đã
bảo chị có cần tiền tôi giúp. Tôi cho vay không lấy lãi đâu. Tội gì chị cực-nhọc
vậy ».
Lần nầy không biết lần thứ mấy Thúc dạm cho Tiệp vay tiền
nhưng cũng như mấy lần trước, Tiệp lại gạt đi : « Xin cảm tạ lòng tốt
của anh. Vất-vả còn hơn mắc nợ, dù nợ không lãi ».
Thấy một mình tiếp Thúc không tiện, Tiệp vội vàng chạy đi bỏ
mặc Thúc ngồi. Nàng bảo Thúc : « Anh ngồi chơi nhé, tôi đi mời thày
tôi về ! »
Dứt lời nàng đi thẳng. Thúc không kịp giữ lại.
Tiệp thấy Thúc đến chơi nhà mình luôn rất e-ngại. Nàng không
muốn gặp Thúc, nàng không muốn tiếp chuyện với Thúc nhất là khi không có một
người thứ ba ở đó. Nàng hiểu tà-tâm của Thúc, những dáng điệu, những cử chỉ, những
cái nhìn, những câu nói của Thúc đều biểu lộ sự tà-tâm đó, tuy chưa đến chỗ sỗ-sàng.
Nhưng nếu nàng không cẩn-thận, từ sự tà-tâm đến chỗ sỗ-sàng không bao xa.
Nàng chạy đi tìm bố chồng. Thật là lạ, ông cụ vừa ở nhà đã đi
đâu nhanh vậy. Cả thằng bé em Khoan nữa, nó cũng đi đâu mất.
Tiệp chạy xuống nhà ngang, sang nhà hàng xóm tìm cũng không
thấy ông cụ.
Nàng có hiểu đâu ông cụ vừa ra đứng ngoài cửa thì Thúc tới.
Thúc nói dối ông cụ là có ai muốn hỏi ông cụ ở ngoài đình. Thật-thà ông cụ đi
ngay. Còn thằng bé con thì Thúc xúi mấy đứa trẻ rủ nó đi chơi.
Trong nhà chỉ còn có mình Tiệp, Thúc biết vậy vì Thúc vẫn để
ý dò xét. Thúc chỉ muốn gặp Tiệp một mình.
Từ hôm gặp Tiệp nói chuyện với Thảo ở đầu làng Thúc càng có
ham muốn Tiệp. Chàng nhận thấy Tiệp đẹp lạ lùng. Bên cạnh nàng, vợ chàng trông
không còn gì nhan-sắc nữa, thật một trời một vực.
Xưa nay, Thúc không đến chơi nhà Khoan, nhưng từ bữa đó Thúc
luôn kiếm cớ đến thăm Khoan, nhưng cốt chỉ để gặp mặt Tiệp. Một lần Thúc đến,
Tiệp vẫn lánh mặt, nhưng nhiều khi lánh không kịp nàng lại phải miễn-cưỡng chào
hỏi.
Mọi lần Thúc đến vào lúc Khoan có nhà, nhưng hôm nay Thúc đã
định tâm gặp Tiệp trong khi Khoan đi dạy học. Chàng muốn ngỏ lại nỗi lòng của
mình với Tiệp, nhưng chàng chưa kịp thực-hành ý định Tiệp đã chạy vụt đi.
Cũng như mọi lần trước, chàng muốn lung-lạc Tiệp bằng đồng tiền.
Chàng nghĩ ở trong cảnh túng-bấn, chắc Tiệp phải cần tiền ? Biết đâu trước
đây Tiệp từ chối, nhưng với sự ân-cần của chàng Tiệp lại chẳng nhận lời để
chàng giúp đỡ.
Tiệp hiểu rõ ý Thúc ; tuy nghèo thật cũng không bao giờ
Tiệp vay tiền của Thúc, nhất là sự vay tiền đó lại không được Khoan đồng ý. Có
nhiều lần cần tiền, nàng ngỏ ý muốn về nhà xin bà đồ đều bị Khoan gạt đi :
« Em chớ nên phiền đẻ. Túng bấn, chúng mình chịu, có lý đâu bắt đẻ phải lo
hộ chúng mình ».
Rồi Khoan cười : « Có nghèo chúng ta mới yêu nhau đằm-thắm.
Nghèo tiền đâu có đáng sợ ».
Tiệp cũng cười phụ họa chồng và bốn mắt nhìn nhau đầy âu-yếm.
Có lần Tiệp đã nói cho Khoan biết việc Thúc muốn cho vợ chồng
nàng vay tiền, và chính Thúc cũng có lần đã nói chuyện đó trước mặt Khoan.
Khoan đã cười trả lời bạn : « Anh thật tốt, nhưng
chúng tôi đâu dám phiền anh ».
Sau nhiều lần Thúc lại thăm Khoan, Khoan hơi ngờ về thái-độ của
Thúc, nhưng chàng không tỏ ý gì. Chàng nhận thấy vợ chàng vẫn luôn tìm cách
tránh mặt Thúc, và đã có lần nói xa xa với chàng : « Anh Thúc dạo này
nhàn rỗi hay sao, em thấy lại đây chơi luôn. Anh ấy, từ ngày lấy vợ, cử-chỉ
không được đứng-đắn như xưa ».
Khoan không đáp. Chàng hiểu ý vợ. Có lẽ Thúc đã có nói gì với
Tiệp, Tiệp mới phải phàn-nàn.
Khoan cũng không muốn giao-thiệp với Thúc.
Vài lần đầu Thúc đến thăm Khoan, Khoan có đáp lễ đến thăm lại,
nhưng về sau Khoan thấy Thúc hay đến thăm mình nhiều, Khoan tuy không dám tỏ ý
lạnh-nhạt, nhưng cũng tiếp-đãi một cách kém đậm-đà và chàng phải xin lỗi Thúc
không có thì giờ để thỉnh-thoảng lại chơi đáp lễ Thúc được.
Thúc có cần gì sự đáp lễ của Khoan. Thúc chỉ muốn được gặp Tiệp,
muốn thấy mặt Tiệp để trao đổi một vài câu và nếu có thể được chàng sẽ tỏ rõ
cho Tiệp biết sự nhớ-nhung của mình.
Tiệp là con người đứng-đắn và thông-minh. Qua một vài lần
Thúc tới nhà nàng hiểu ngay cái dã-tâm của Thúc. Nàng cẩn-thận đề phòng, nên
Thúc không có dịp nào để thổ-lộ hết tâm can trước mặt Tiệp.
Hôm nay, Thúc đã đánh lừa bố chồng Tiệp và thằng bé em Khoan,
để một mình Tiệp ở nhà bó buộc phải tiếp mình, nhưng Tiệp cũng đã mau-lẹ bỏ đi,
mặc cho Thúc ngồi trơ-trọi trong nhà khách.
Tiệp đi khỏi, Thúc bực-dọc lắm. Thế là sảo ý của của chàng vẫn
chưa được trình bày như ý chàng muốn.
Tiệp đi khỏi không lâu thì ông cụ bố chồng về. Thúc phải miễn-cưỡng
ngồi lại nói dăm ba câu chuyện bâng-quơ trước khi cáo lui.
Tiệp càng khôn-ngoan, Thúc càng phục Tiệp và càng mong chiếm
được lòng nàng. Thua keo này, bày keo khác, nhẹ-nhàng không xong, chàng sẽ dùng
đến những bước mạnh bạo. Miếng mồi ngon, có đâu chàng chịu bỏ !
Ra về Thúc thở dài, chàng so sánh Thảo với Tiệp, lòng ham muốn
của chàng càng tăng.
Gọi được bố chồng về, Tiệp chạy thẳng ra sau nhà không để cho
Thúc trông thấy mình. Nàng ghê sợ Thúc. Nàng biết rồi đây, Thúc sẽ dùng nhiều
mánh-khóe để cố ý gần nàng.
Giấy rách phải giữ lấy lề, dù sống trong hoàn-cảnh nào, nàng
cũng phải giữ lấy cái nếp của gia-đình.
V
Thời gian lững-lờ trôi ! Mùa rét qua, tết đến rồi xuân
đi.
Vợ chồng Khoan cùng nhau sống êm-ái trong sự thương-yêu, mặc
sự nghèo túng cũng như mặc Thúc thỉnh-thoảng lại tới thăm vợ chồng mình.
Khoan vẫn đi dạy lớp học của ông đồ để lại. Số học-trò trong
làng vẫn tới học đông-đúc như xưa, và các trẻ con mới lớn cũng được bố mẹ gửi tới
Khoan như xưa kia họ vẫn gửi bố vợ chàng. Những dịp ngày tư ngày tết, bố mẹ học-trò
cũng đóng góp gạo tiền biếu. Vợ chồng Khoan nhờ vậy cũng đỡ túng thiếu. Tiệp má
càng hồng, môi càng thắm, mắt càng trong và nụ cười càng duyên-dáng đáng yêu. Đời
nàng thật là tươi đẹp, và mọi công việc nặng-nhọc đối với nàng thật không có
nghĩa-lý gì nữa.
Thúc vẫn tìm cách và kiếm cớ để gặp Tiệp, nhưng trước thái độ
không đứng-đắn của Thúc bao giờ Tiệp cũng lẩn tránh kịp thời khiến cho Thúc càng
thấy ở Tiệp nhiều vẻ đẹp về tinh-thần cũng như về nhan-sắc.
Tiệp sợ Thúc một ngày kia đi tới chỗ quá trớn nên đã bảo chồng :
« Anh Thúc kém đứng-đắn, chúng ta nên tránh ».
Khoan biết lắm, biết rõ cả tâm-trạng của Thúc, nhưng vì thế-lực
nên gia-đình Thúc ở trong làng, Khoan không muốn có sự đụng chạm với Thúc,
không muốn làm phật ý Thúc khi Thúc vẫn chưa bước qua ranh giới của sự giữ-gìn.
Chàng bảo Tiệp : « Thì mình vẫn tránh anh ấy, nhưng chẳng lẽ anh ấy lại
chơi nhà, mình đuổi ra hay sao. Biết anh ấy như vậy, mỗi khi anh ấy tới, em
lánh mặt đi ».
Rồi câu chuyện qua, cuộc sống bình-thường vẫn điềm-nhiên tiếp
diễn. Khoan vẫn thương yêu vợ. Tiệp vẫn kính mến chồng. Cả hai vợ chồng đều hằng
ngày mong đợi một tin mừng kết quả của cuộc lương duyên.
Đến một hôm, Tiệp thấy trong người khác, hay buồn nôn và thèm
chua. Công việc nàng uể-oải không muốn làm và nàng thấy mệt nhọc.
Nghe Tiệp nói rõ sự khác trong người, lại nhìn thấy dáng điệu
Tiệp có vẻ ngượng-nghịu, bà mẹ Khoan cười bảo với chồng : « Nhà Khoan
nó có tin mừng. Cầu Trời Phật phù-hộ cho nó được luôn luôn khỏe mạnh ».
Tiệp có tin mừng thật. Với tin mừng nàng mang một niềm vui
tràn ngập tới hết mọi người trong nhà từ bố mẹ chồng tới chồng, và cả bà đồ
cũng lấy làm sung-sướng.
Khoan để ý săn sóc tới vợ luôn. Chàng bảo Tiệp nên nghỉ-ngơi
không nên làm gì quá sức, và chính mẹ Khoan cũng bảo Tiệp đừng cố gắng trong mọi
công việc làm.
Thời kỳ ốm nghén cũng lâu lâu. Tiệp nôn ọe, người bần-thần
lúc váng đầu, lúc mỏi mệt. Người Tiệp có vẻ xanh xao, nhưng trông nàng vẫn
không kém vẻ xinh đẹp.
Được tin nàng có nghén, Thúc lại dắt Thảo đến thăm và bảo Thảo
mua quà tặng Tiệp, Tiệp không tiện từ-chối, đành phải nhận, nhưng nàng vẫn cảm
thấy ngài ngại mỗi khi Thúc đến nhà nàng hoặc mỗi khi nàng chợt nghĩ tới hậu ý
của Thúc.
Chỉ Khoan là sung-sướng ! Mẹ chàng sắp có cháu bồng, và
cha chàng sẽ lên ông nội ! Đó là điều hai ông bà hằng mong ước.
Ngày ngày nhìn bụng vợ một to hơn Khoan thấy trách nhiệm của
mình cũng sẽ nặng thêm, nhưng chàng cũng thấy vui vui khi nghĩ tới rồi đây
trong nhà sẽ có vang tiếng trẻ khóc.
Chàng bảo vợ : « Em thích sinh con trai hay con
gái ».
Tiệp nũng-nịu đáp lại chồng : « Anh thích sao thì
em thích vậy. Còn riêng em, em không biết thích sao cả. Trai hay gái cũng là
con mình. Em chỉ cần làm sao cho nó kháu-khỉnh để thày đẻ mừng là em sướng ».
Những mẩu truyện nho nhỏ giữa hai vợ chồng Khoan luôn luôn nhắc
nhở đến đứa trẻ sắp ra đời.
Cả mọi người đợi chờ đứa bé với bao nhiêu hy vọng, bao nhiêu
sự sắp đặt sẵn-sàng cho đứa nhỏ.
Có lúc Khoan đang đọc sách, Tiệp đến cạnh chìa bụng ra khoe với
chồng : « Nó đã lớn rồi. Nó đang máy ở trong bụng em anh có trông thấy
không ? »
Khoan buông sách, nhìn theo tay vợ chỉ vào bụng, thấy chỗ đó
động-đậy. Chàng ngước mắt nhìn vợ cười và nói : « Ừ, nó máy thật, chắc
chân nó đạp đấy. Em có thấy mệt không ? »
- Bây giờ quen đi không mệt nữa, lúc mới đầu sao em thấy
trong người khó chịu thế.
Bụng Tiệp ngày càng lớn hơn. Nàng bắt đầu lo tới tã và áo
sơ-sinh cho đứa bé.
Bao nhiêu quần áo cũ của nàng cũng như của Khoan, nàng đem cắt
rồi khâu lại thành những chiếc tã sơ-sinh.
Nàng lại cắt mấy chiếc áo dài của Khoan để may áo cho đứa bé.
Nàng bảo Khoan : « Lấy áo của anh cắt áo sơ-sinh để
con có hơi-hướng của bố sẽ mau cứng cáp ».
Và chính ông thân sinh của Khoan cùng đưa mấy chiếc áo của
mình cho Tiệp và bảo : « Con cắt ra làm tã và làm áo cho cháu nó được
khước ! »
Chẳng bao lâu đã tới ngày khai-hoa mãn-nguyệt.
Khoan hồi hộp chờ đợi. Chàng vẫn không thể bỏ buổi học của
các em, nhưng chàng rất chờ đợi tin mừng.
Thấy Tiệp kêu đau bụng, mẹ Khoan biết ngay nàng tới giờ sinh
nên cho mời bà mụ tới.
Tiệp đã sinh con trai. Trông thằng nhỏ giống Khoan như đúc.
Cái trán cũng rộng, đôi mắt cũng sáng ngời.
Tiếng khóc oe-oe của đứa bé từ trong buồng đưa ra, cảnh như
thêm vui-vẻ. Bà mẹ chồng lăng-xăng chạy vào, chạy ra, đi lên nhà trên lại đi xuống
nhà ngang. Bà khoe với ông : « Nó đẻ con trai ông ạ ! Nhà mình
ăn hiền ở lành, nó được mẹ tròn con vuông, tôi cũng mừng ».
Nghe vợ nói, ông đưa tay lên vuốt râu, rồi thủng-thỉnh bảo :
« Con trai thì tốt quá ! »
Ông truyền cho người nhà phải sửa đồ lễ để ông vào yết gia
tiên về việc dòng họ mới nẩy thêm một chồi lộc mới.
Khoan dạy học nhưng nóng lòng chờ đợi tin mừng. Có người tới
báo cho Khoan biết Tiệp sinh con trai. Khoan vui mừng quá. Chàng bỏ lớp học để
chạy về nhà. Chàng vừa về tới cửa bà mẹ đã khoe : « Nhà mày sinh con
trai ! Thằng bé nom kháu-khỉnh lắm. Mẹ con nó khỏe-mạnh cả ».
Khoan về nhà, để về nhà, chứ sự thật cũng như mọi người đàn
ông hồi đó, Khoan kiêng việc vào phòng gái đẻ, sợ ô-uế.
Các em Khoan cũng ríu-rít khoe anh. Cảnh nhà thật vui.
Một vài bà cô biết tin cũng đã chạy tới thăm và lo giúp đỡ vợ
Khoan săn-sóc đứa nhỏ.
Tiếng khóc oa-oa của đứa bé nghe mới vui tai làm sao ! Cảnh
nhà có trẻ nhỏ thật đúng là vườn có hoa.
VI
Sau một thời gian kiêng cữ, Tiệp đã mạnh trở lại. Nàng lại bắt
đầu săn sóc mọi công việc trong nhà, tuy bà mẹ chồng cũng giúp đỡ nàng nhiều để
nàng khỏi thức khuya dậy sớm.
Con nàng đã được đặt tên, vào hàng xóm vào làng. Mỗi việc đều
theo đúng tục-lệ hương-đảng và đều do ông thân sinh ra Khoan lo-liệu.
Cụ đặt tên cho thằng bé là Hoà để tên nó đi đôi với chữ Khoan
tên của bố, cụ lại đã mang trầu cau tới ông Trưởng thôn để xin ghi tên cháu vào
hàng xóm và mang lễ vật tới lễ tại đình làng để ghi tên nó vào danh sách hàng
xã.
Là con đầu cháu sớm, đứa bé được mọi người trong nhà
nâng-niu. Ông nội bà nội luôn luôn âu yếm cháu, quý hơn mọi bảo vật, Đi đâu về
bà cụ cũng bế cháu một chút trước khi làm công việc khác. Ông cụ cũng hỏi-han
săn-sóc tới nó luôn.
Nói chi tới Khoan và Tiệp. Đi dạy học về là Khoan hỏi tới
con, bế nó và hôn-hít nưng-niu, còn Tiệp, lẽ tất nhiên phải yêu quý con vì tình
mẫu-tử. Bận gì thì bận, giờ bú của con không bao giờ nàng quên. Nàng được cho
con bú là vui, là sung-sướng. Ngắm-nghía con, nàng tự thấy kiêu-hãnh. Nó giống
cha nó như đúc. Thương con nàng lại thêm kính nể chồng. Khoan đối với hàng hết
sức chiều-chuộng.
Với tình yêu của chồng, với đứa con kháu-khỉnh, với sự
săn-sóc của gia-đình nhà chồng nàng tự thấy bằng lòng mặc dầu về phương-diện tiền
tài hơi túng bẩn.
Sinh nở xong, nàng như đổi lớp da mới. Trông nàng đẹp hơn gấp
bội trước. Da nàng mịn như trứng gà bóc, mắt nàng sáng như ánh sao hôm, miệng
nàng tươi hơn hoa hàm tiếu, tóc nàng óng chuốt như nhung, nàng cười nói thật là
dịu-dàng duyên-dáng.
Thật đúng câu ca-dao Gái một con trông mòn con mắt.
Ai cũng phải nhận rằng nàng đẹp ra.
Những người lâu lâu không gặp nàng đều ngạc-nhiên về nhan-sắc
lộng-lẫy của nàng. Và cả đến những người hằng ngày vẫn gặp-gỡ cũng phải chú ý tới
vẻ đẹp càng tăng của nàng.
Khoan cũng thấy vợ đẹp hơn trước.
Thêm vào cái nhan-sắc kiều-diễm nàng như càng dịu-dàng, từ
dáng đi uyển-chuyển, cử-chỉ khoan-thai đến lời ăn tiếng nói nhẹ-nhàng đầm-ấm.
Thấy mọi người khen ngợi mình đẹp, Tiệp e-lệ thẹn-thùng và sự
e-lệ thẹn-thùng càng tăng nét mỹ-miều của nàng. Có lẽ chính Tiệp cũng thấy mình
đẹp ra. Nhiều khi Tiệp biết Khoan ngắm nhìn mình, lòng nàng rộn-ràng niềm vui,
rồi khi ngước mắt lên đôi mắt nàng lại gặp đôi mắt Khoan, cả hai người cùng mỉm
cười say-đắm.
Tiệp sợ nhất gặp Thúc. Thái độ của Thúc ngày càng làm cho
nàng không ưa. Đôi khi Thúc tỏ ra hơi sỗ-sàng. Tiệp gặp Thảo đã nói ý xa xôi để
Thảo giữ chồng. Không biết Thảo có dám nói gì với Thúc chăng, nhưng xem ý thì
Thúc coi như không có Thảo.
Có lần để đáp lại một vài câu hỏi vu-vơ của Thúc, Tiệp đã bảo :
« Anh về hỏi chị Thảo ở nhà. Chị Thảo hiểu biết hơn tôi ».
Thúc coi Tiệp như miếng mồi ngon, chàng như con chim dữ. Đời
nào chàng chịu bỏ. Chàng kiếm mọi cách để gặp-gỡ Tiệp nhất là từ sau khi sinh nở
Tiệp càng trở nên quyến-rũ hơn đối với Thúc.
Ở đời có nhiều điều người ta muốn tránh mà không tránh được,
cũng như có nhiều câu nói người ta không muốn nói mà vẫn phải nói.
Tiên đoán trước một ngày Thúc sẽ trở nên lả lơi với nàng, như
khi nàng còn con gái Thúc đã chọc-ghẹo nàng ở bờ sông, Tiệp hết sức lẩn tránh
Thúc. Nhưng người cùng trong làng, sự lẫn tránh thành rất khó-khăn.
Rồi việc phải xẩy ra đã xẩy ra.
Hôm đó, vào một buổi trưa. Như thường lệ, Tiệp cho con bú, đặt
đứa bé ngủ trong giường, tã lót quần cẩn thận rồi nàng đi thăm đồng, mang cơm
nước cho người làm. Nàng nhờ mẹ chồng coi chừng hộ con : « Đẻ để ý đến
cháu hộ con nhé. Con mang cơm ra đồng một lát con về ngay ».
Mẹ chồng nàng cũng bận, nhưng bà cụ cũng như mọi ngày vừa làm
việc vừa để ý tới đứa bé, khi nào nó khóc, bà cụ chạy vào vỗ về nó vài cái, nó
nín bà cụ lại bỏ ra làm việc của mình.
Ra đến đồng, bọn người nhà cũng vừa nghỉ-ngơi dưới gốc cây đa
lớn.
Trời nắng. Hơi nắng ở cánh đồng bốc lên. Bốn bề yên lặng. Một
vài bọn thợ đồng ngồi uể-oải dưới một vài gốc cây. Có bọn đang ăn, có bọn còn
chờ cơm người nhà mang tới, và có bọn ăn xong rồi nằm nghỉ dưới bóng cây, hoặc
một vài người đang hút chiếc điếu cây reo lóc-sóc, và thở làn khói trắng bốc
ra.
Tiệp đưa cơm cho mấy người nhà ăn, chờ họ ăn xong lại mang
bát đũa về. Nàng lân la trò-truyện với một vài người thợ đang nghỉ-ngơi quanh đấy.
Bọn thợ rất quý Tiệp. Tính nàng vui-vẻ nhẹ-nhàng và nhất là
không bao giờ lên mặt kênh-kiệu với anh chị em chân lấm tay bùn. Ai cũng khen
nàng có đức.
Họ bảo nhau : « Chị Khoan đã xinh đẹp lại nhũn nhặn.
Thật đáng mến. Lấy chồng nghèo mà chị ấy đẹp ra. Thật là được cả người lẫn nết.
Chẳng bù với mấy cô ả khác đã xấu lại hợm-hĩnh kiêu-căng ».
Thấy Tiệp ra tới đồng, hôm nào bọn họ cũng thi nhau chào hỏi :
- Kìa chị Khoan đã ra.
- Chào chị, trông chị càng ngày càng đẹp !
- Chị mặc chiếc yếm nâu thắm trông nổi quá !
Tiệp sung-sướng nhận những lời khen và vui vẻ đáp lại những lời
chào. Nàng nói vừa nhẹ-nhàng vừa duyên-dáng, cái miệng trông đến xinh, ai cũng
ưa.
Người nhà Tiệp đã ăn cơm xong. Tiệp thu dọn bát đĩa chào mọi
người ra về.
Tiệp đi khỏi, những người làm đồng tắm-tắc khen đức-hạnh và
nhan-sắc nàng :
- Anh Khoan thật tốt số, được vợ đẹp lại hiền.
- Chị ấy lấy anh Khoan nghèo mà lại chê cậu Thúc con ông Chánh-Tổng
đấy. Nhà ấy thật là giàu cự-phú lại lắm uy-quyền.
- Vợ chồng cần yêu thương nhau chứ cần gì giàu có với uy-quyền.
Tiệp ở đồng vừa bước lên con đường làng bỗng nàng ngập-ngừng
nửa muốn đi, nửa muốn quay lại.
Thúc ở đằng trước mặt đi tới.
Thúc đi gần tới nàng hơn. Không tránh được Tiệp đành rảo cẳng
đi, vừa đi vừa cúi mặt xuống như không thấy Thúc.
Mặc nàng muốn lẩn tránh. Thúc đã chào nàng : « Kìa
chị Khoan đi thăm đồng về đấy à ? »
Tiệp vừa đáp vội-vàng một tiếng « Vâng » vừa rảo cẳng
bước đi. Đời nào Thúc chịu bỏ lỡ cơ-hội gặp-gỡ nàng, Thúc gọi : « Chị
Khoan ! Chị Khoan ! »
Tiệp không đáp lại cứ rảo bước mau hơn. Nàng thấy Thúc mà
ghê-sợ. Có lý gì, mình đã có vợ, người ta đã có chồng lại cứ theo đuổi người ta
hoài.
Tiệp vẫn bước đi như chạy và Thúc vẫn gọi theo.
VII
Thúc gọi giật lại, nhưng Tiệp vẫn rảo cẳng đi nhanh hơn như
không nghe thấy tiếng gọi.
Thấy gọi Tiệp không chịu đứng lại, Thúc chạy theo, chàng chạy
mau hơn, nên chẳng mấy phút đã đuổi kịp Tiệp và đứng chắn ngang lối đi.
Chàng nhăn-nhở cười một cách rất khả-ố, bảo Tiệp :
« Xem chị có chạy khỏi tay tôi không ? Chị đi đâu vội-vàng hấp-tấp thế ?
Chị khinh người quá, tôi gọi chị chẳng thèm nghe ».
Tiệp đưa tay gạt Thúc lấy lối đi và nói : « Xin lỗi
anh, tôi phải vội về cho cháu bú, kẻo đến bữa của cháu, nó đói nó khóc ».
Nhưng Thúc không để cho Tiệp đi, nắm tay nàng lại. Tiệp muốn
vùng-vẫy thì chàng bảo : « Thì hãy đứng đây một lát, tôi hỏi cái
này ».
Tiệp giật tay ra, nhưng bị Thúc giữ chặt, nên nàng phải
nói : « Ô hay ! Anh này lạ chưa ! Anh nắm tay tôi thế này
là nghĩa thế nào ? Anh nên nhớ tôi là gái có chồng, anh là trai có vợ, anh
không có quyền tròng ghẹo tôi, Anh nắm tay tôi, ngộ vợ anh bắt gặp có phải phiền
cho tôi không ».
Thúc đáp : « Vợ tôi thì mặc vợ tôi, phiền gì mà phiền ! »
- Lại còn chồng tôi nữa ! Anh nên đứng-đắn một chút. Anh
nhìn xem ở dưới đồng bao nhiêu người, anh không sợ người ta cười sao.
Trước những lời nói nghiêm-nghị của Tiệp, Thúc vẫn nhăn-nhở
cười và bảo : « Chồng chị có chi đáng ngại ! Cái anh đồ gàn
nghèo kiết ấy mà chị sợ hay sao. Còn những người ở dưới đồng hơi đâu tôi để ý tới
người ta ».
Tiệp đã nổi nóng. Nàng giật mạnh tay Thúc ra. Nàng chỉ vào mặt
Thúc bảo : « Xin anh đừng có thái-độ bỉ-ổi ấy. Chồng tôi là bạn học của
anh, anh lại cợt nhả với tôi, tôi không hiểu liêm-sỉ của anh để đâu. Anh có vợ,
tôi có chồng có con, anh phải để cho tôi yên. Anh cứ theo đuổi tôi làm
gì ».
Mặc những lời nói trên như tát nước vào mặt Thúc, Thúc vẫn giữ
nguyên thái-độ trước : « Chị không hiểu rõ bụng tôi sao ? Chị phải
biết rằng từ khi chị chưa lấy chồng, tôi vẫn luôn luôn yêu quý chị muốn chị
cùng tôi chung lập gia đình. Lòng tôi đối với chị rất thành, tôi không hiểu tại
sao chị lại chê tôi, một người có thể làm cho chị được sung-sướng suốt đời. Chê
tôi, tôi tưởng chị lấy ai ? Chị đi lấy một anh nghèo xác nghèo xơ, sống bữa
hôm lo bữa mai. Tôi thương yêu chị lắm… »
- Anh đừng có giở cái giọng ấy ra ! Anh tưởng anh lấy tiền
tài quyến-rũ tôi nổi hay sao ? Tư-cách của anh đáng khinh lắm. Tìm cách
tròng-ghẹo vợ bạn, tôi không ngờ anh lại kém nhân-phẩm đến bực ấy.
Đáng lẽ những lời nói ấy phải làm cho Thúc cáu-kỉnh mới phải,
nhưng Thúc vẫn bình-tĩnh. Chàng bảo Tiệp : « Chị không nên nói thế.
Nhân-phẩm tôi có làm sao cũng là vì chị, chị không hiểu mối yêu tha-thiết của
tôi đối với chị, tôi vẫn muốn gần chị. Chị nên rõ lòng tôi ».
Tiệp không nghe lời Thúc nói nữa. Nàng cố tiến lên, nhưng
Thúc vẫn cứ cản đường. Bực mình Tiệp phát gắt : « Anh tránh cho tôi
đi. Con tôi đợi tôi ở nhà. Anh định làm cái truyện gì mà cản đường
tôi ? »
- Tôi chẳng định làm gì cả. Tôi chỉ muốn chị hiểu lòng tôi.
Tiệp không nói, vùng-vằng bước lên. Thúc vẫn cản đường.
Vừa lúc ấy ở dưới đồng có vài người đi tới và ở trong làng
cũng có mấy người đi ra.
Sợ những người này hiểu lầm mình, phao lên những điều không tốt
có hại cho mình và phiền lòng Khoan. Tiệp phải phân-bua với mọi người :
« Các ông bà xem, anh Thúc có vô lý không ? Tôi là gái có chồng có
con, anh ấy là trai có vợ. Vậy mà anh cứ đón đường tròng ghẹo tôi ».
Rồi nàng quay lại nói với Thúc trước mặt mọi người :
« Tôi xin anh giữ liêm-sỉ một chút. Tôi là vợ bạn anh, anh không nên giở
trò khốn-nạn ra với tôi. Anh để cho tôi đi, anh cứ cản đường tôi là làm
sao ? »
Mấy người làng không ai nói gì. Người ta sợ oai-thế ông
Chánh-Tổng. Người ta chỉ nhìn Thúc rồi lại nhìn Tiệp.
Xưa nay người ta vẫn hiểu Thúc có ý tà-tâm đối với Tiệp, và
thái-độ của Tiệp là một thái-độ đứng-đắn, nên Thúc chưa thể làm điều càn-dỡ.
Truyện Thúc hỏi Tiệp không được, cả làng ai còn lạ.
Người ta chê Thúc nhưng chẳng ai nói ra. Có người dừng bước một
bước một lại rồi đi ngay, cũng có người đi thẳng không nói-năng gì.
Chính nhờ có mấy người làng đó mà Thúc không dám cản đường Tiệp
nữa, nhưng Thúc đã nổi giận. Tiệp đã nhục-mạ chàng trước mặt những người khác.
Chàng phát thẹn.
Để chữa thẹn, Thúc mắng lại Tiệp : « Mày bảo ai khốn-nạn
không có liêm-sỉ. Thấy mày là bạn học cũ, lại là con thày học, tao muốn mày đứng
lại nói chuyện mày lại sỉ-nhục tao. Liệu hồn mày, và liệu hồn cả thằng chồng
mày nữa. Rồi tao cho chồng mày đi tù ».
Tiệp rảo bước, mặc những lời đe-dọa của Thúc. Nàng biết Thúc
quá thẹn nên nổi khùng, không đáng chấp. Rồi nàng sẽ nói cho Thảo hay việc này.
Chứng kiến những lời qua tiếng lại của đôi bên, mấy người
làng mỉm cười. Họ nhìn theo Tiệp, và khi nàng đã khuất dạng xa xa, họ sẽ thì thầm
với nhau.
- Chị đồ Khoan trông ngon mắt thế chẳng trách cậu Thúc
thèm-thuồng.
- Nhưng mình đã có vợ rồi không nên ghẹo gái có chồng.
- Cậu Thúc cậy thế cha là ông Chánh-Tổng cho nên mới dám bậy-bạ !
Chẳng biết Thúc có nghe thấy những bàn ra tán vào của mấy người
làng không, nhưng chàng cau-có tức-bực lắm. Có lẽ sợ mọi người chê bai, chàng
nói phách mấy câu : « Rồi sẽ biết tay thằng này ! Tưởng đã mỹ-miều
lắm. Người ta bảo đứng lại nói chuyện chứ làm gì ? »
Những người làng đã đi khỏi hết, hoặc họ đã xuống đồng, hoặc
họ đã vào trong làng. Trên đường vắng chỉ còn trơ lại một mình Thúc. Chàng đành
lủi-thủi ra về, vừa đi vừa nghĩ đến truyện xảy ra mà tức.
Nỗi nhục chàng thấy cần phải rửa, không thể để cho vợ chồng
Khoan coi thường mình được. Mù-quáng vì căm-giận, Thúc không thấy rằng chính
chàng đã coi thường chàng, chứ vợ chồng Khoan đâu có làm gì. Chàng nghĩ lại từ
khi chàng bị Tiệp từ hôn mà cay đắng ! À, ra thế này thì chàng thua Khoan,
sao chàng lại chịu thua Khoan !
Chàng đi vào trong làng vẻ mặt hầm-hầm. Vừa đi trong đầu óc
chàng vừa tính đến sự trả thù Khoan đã cưới tranh Tiệp của chàng và cũng là để
trả thù Tiệp đã khinh-rẻ chàng.
Chẳng mấy lúc chàng đã về tới nhà. Chàng đi thẳng vào trong
phòng nằm vật trên giường.
Thấy chồng đi đâu về, vẻ mặt không được vui Thảo chạy vào
săn-đón. Thúc lạnh-lùng trước sự hỏi-han của vợ. Chàng còn đang căm-giận vợ chồng
Khoan.
Còn về phần Tiệp, nàng cũng rất bực mình với Thúc. Nàng vội-vả
về cho con bú. Nhưng nàng không sao quên được những cử-chỉ và ngôn-ngữ của
Thúc. Trước đây nàng cũng đã biết dã-tâm của Thúc, nhưng thực nàng không ngờ
Thúc lại dám đón đường nàng.
Vừa về đến ngõ nàng đã nghe tiếng thằng Hòa oe oe khóc. Nàng
cất vội đồ mang cơm, rửa qua mặt mũi chân tay, rồi vào với con.
Nàng vừa cho con bú, vừa nói nựng : « Con mẹ đói
quá nhỉ ? Thôi mẹ thương ! »
VIII
Chỉ nội nhật ngày hôm sau cả thôn, rồi cả làng đều biết truyện
Thúc đón đường tròng-ghẹo Tiệp và bị Tiệp cự-tuyệt một cách đích đáng. Người ta
biết cả lời đe dọa của Thúc đối với vợ chồng Tiệp.
Ngay trưa hôm đó, Tiệp đã thuật lại cho Khoan biết thái độ
vô-giáo-dục của Thúc, những lời nàng sỉ-vả Thúc cũng như những lời dọa-nạt của
Thúc.
Khoan an-ủi vợ : « Thôi em cũng đừng để tâm đến việc
đã xảy ra làm gì. Việc đó đâu phải tự em. Từ này mình sẽ không giao thiệp với hạng
người ấy nữa. Còn lời đe-dọa, có gì đáng kể. Hắn tưởng bố giàu, muốn làm gì ai
cũng được sao ».
Tiệp nói : « Nhưng dù sao, những lời đe dọa của hắn
em vẫn sợ lắm. Quân tiểu-nhân, hắn bị xấu-hổ trước mọi người, hắn có thể đem bụng
thù hằn vợ chồng mình được ».
Khoan lại gạt đi.
Tuy gạt lời vợ, nhưng Khoan cũng hơi có ý ngại ngại vì chàng
hiểu với những con người tâm-địa kém lại sẵn tiền họ có thể lén hãm-hại mình được
lắm. Khoan hết sức đề-phòng. Chàng tránh mọi sự giao du với Thúc, nhưng nếu bất-đắc-dĩ,
với những sự tình cờ chàng gặp Thúc thì chàng làm như không hề biết tới truyện
xẩy ra.
Về phần Thúc, tuy Khoan không tỏ thái-độ gì, nhưng chàng vẫn
căm-giận Khoan lắm. Chính vì Khoan nên chàng không lấy được Tiệp. Đã thế ngày
nay Tiệp lại sỉ-nhục chàng trước mặt người khác để đến nỗi khắp làng ai cũng biết
truyện.
Lần đầu tiên Thảo biết tin đó, nàng vội-vàng về hỏi chồng :
« Có thật anh bỡn-cợt chị Khoan để chị ấy mắng cho không ? »
Thúc gạt đi : « Ồ ! Truyện trẻ con ấy, có gì
đáng kể mà em phải hỏi lại ».
Thảo hơi tức. Nàng nói sẵng : « Anh tưởng là truyện
trẻ con, nhưng còn tôi. Thật anh không coi tôi ra gì cả. Anh khinh tôi
quá ».
Thúc lại gạt đi : « Em lôi thôi lắm ! Truyện
đã xong rồi, nhắc đến làm gì. Một câu nói bỡn-cợt có gì ».
Máu ghen của Thảo nổi lên : « Sao lại không có
gì ! Anh có vợ rồi sao còn đi bỡn-cợt gái có chồng, vợ của bạn anh, để bây
giờ làng nước chê cười ? »
Rồi Thảo bù-lu bù-loa khóc. Thảo lại bảo chồng :
« Tôi sẽ thưa chuyện nầy với thày xem thày nói sao ! »
Thúc bắt đầu khó chịu : « Này, đừng có rắc-rối !
Khóc-lóc cái gì ! Khổ lắm hay sao ! »
- Không khổ thì sướng à ? Chồng con gì không thương vợ lại
chọc ghẹo người khác để bị sỉ-nhục.
- Sỉ-nhục à ? Rồi vợ chồng nó sẽ biết tay tôi.
Thảo vẫn khóc. Thúc trước giòng nước mắt của vợ, bỏ đi nơi
khác. Thảo gọi theo chồng và khóc to hơn, nhưng Thúc làm thinh như không nghe
tiếng.
Tiếng khóc của Thảo kinh-động tới ông Chánh-Tổng. Ông hỏi Thảo :
« Làm gì mà gào thét lên vậy ? Lại ghen-tuông phải
không ? »
Thảo mếu-máo thưa với bố chồng : « Nhà con khinh
con quá ! Ai lại vợ con thế này lại đi chọc ghẹo gái có chồng có nhục cho
con không ».
Ông Chánh-Tổng bảo : « Ghen tuông làm gì ! Đàn
ông ai chẳng chơi-bời ».
Thảo vẫn khóc nói : « Chơi-bời con không nói làm
gì ? Đằng này nhà con lại đi bỡn-cợt với chị Khoan, vợ của bạn mình để đến
nỗi chị ấy sỉ-nhục làng nước đều biết ».
Ông Chánh-Tổng khuyên Thảo nên nguôi giận, ông sẽ bảo lại
Thúc.
Tuy khuyên dâu vậy, nhưng ông Chánh-Tổng cũng rõ bụng Thúc lắm.
Biết con ai bằng cha mẹ. Ông hiểu Thúc say mê Tiệp từ lâu. Và cho đến ngay câu
chuyện Tiệp cự-tuyệt Thúc và Thúc đe-dọa vợ chồng Tiệp, ông đều rõ, vì khắp
trong làng chỗ nào người ta cũng nói tới, và lẽ tất nhiên phải đến tai ông mặc
dầu trong lúc người ta đang nói chuyện thấy bóng ông là người ta nói tránh sang
truyện khác.
Ông thấy con ông cũng hơi quá, nhưng vốn xưa nay chiều con,
ông không muốn mắng Thúc sợ Thúc buồn, không ngờ bây giờ lại đến Thảo
ghen !
Ngay chiều hôm đó, ông Chánh-Tổng gọi Thúc bảo :
« Thế nào có truyện gì mà con để vợ con nó phải khóc thế. Lại chơi-bời
trai gái phải không ? »
Lẽ tất nhiên Thúc chối : « Thưa thầy có truyện gì
đâu. Nhà con đàn-bà hay truyện bé xé ra to, khóc lóc ầm-ĩ lên, sự thật có gì
đâu ».
Ông Chánh-Tổng nói : « Thày đã rõ hết truyện của
con. Thày không muốn con như vậy. Mình là con nhà danh-giá, làm việc gì cho
đàng hoàng. Đối với vợ, con cần phải giữ-gìn đừng để nó làm ầm-ĩ. Mọi việc là ở
nơi mình. Đàn ông ai lại chẳng chơi-bời, nhưng chơi-bời mà không mất danh-giá,
chơi bời mà vẫn đàn-anh mới được ».
Thúc cúi đầu không nói gì.
Ông Chánh-Tổng nói tiếp : « Thày lại nghe nói con
đe-dọa vợ chồng nhà Khoan ? »
Thúc lặng im.
Ông Chánh-Tổng nói : « Con nên nhớ con là con của
cha. Làm việc gì phải cân-nhắc và nói điều gì phải suy-nghĩ. Con là học trò của
ông đồ Ngư, nghĩa là bố vợ của nhà Khoan, muốn làm gì con cũng nên nhớ tới công
thày một chút, chớ làm những việc xấu-xa đến nỗi mọi người chê cười được. Vả lại
mình là đàn-ông, không bao giờ đe-dọa ai điều gì mà mình không làm nổi. Người
đàn-ông đã nói ra là phải làm, dù việc làm đó là một việc làm thiếu nhân nghĩa.
Còn đe-dọa vợ chồng nhà Khoan, liệu con có làm gì nỗi vợ chồng nó
không ? »
Từ nãy Thúc vẫn lặng yên, nay bị cha hỏi dồn, lòng tự-ái như
bị kích-thích, chàng liền trả lời : « Con đã nói, con phải làm được !
Thầy tưởng con hèn-mạt sao ? »
Ông Chánh-Tổng cười mỉa, nói : « Ờ con không hèn-mạt !
Nhưng thày nhắc lại lần nữa để con biết là thày không muốn vì con mà uy-tín của
thày bị giảm trước dân làng, thày không muốn vì con mà người khác có thể cười
vào mặt thày được ».
Ông chỉ nói thế rồi ông đi.
Bị cha mắng, Thúc tức-bực lắm. Chàng vừa giận vợ, lại vừa
nghĩ càng căm-giận vợ chồng Khoan. Nhất định chàng không chịu cái nước khổ-sở
như thế nầy.
Ở nhà bị cha mắng, vợ kỳ-kèo, đến khi đi ra ngoài lại bị người
nọ kẻ kia dị-nghị. Người ta nói chuyện cùng nhau, nhưng có ý để cho Thúc nghe
thấy : « Cái đồ kém liêm-sỉ, cậy quyền cha, ghẹo con thày học, con
thày học lại là vợ bạn mình. Con người đâu có tâm-địa như vậy. Chỉ có giống súc
vật mới thế ».
- Trông mặt mũi thế mà là đồ vô-nhân-nghĩa. Nó trả ơn thày học
nó như thế đấy.
Thúc tức lắm. Thiên-hạ ra rỗi mồm ! Việc của chàng làm việc
gì đến họ mà họ nói vào. Càng bị nhiều người chê-bai. Thúc càng căm-giận vợ chồng
Khoan. Chàng coi như chính vợ chồng Khoan là thủ-phạm, chính vợ chồng Khoan đã
làm cho mọi người đàm-tiếu chàng.
Vợ chồng Khoan luôn luôn tránh mặt Thúc và cũng không hề nói
gì thêm vào câu truyện đã xẩy ra. Không những thế, có ai nhắc tới, cả Khoan lẫn
Tiệp đều gạt đi.
Không phải là Khoan sợ Thúc ! Câu chuyện chẳng hay ho gì
nhắc lại thêm khó chịu. Vợ chồng Khoan chỉ muốn yên thân.
Người làng bảo vợ chồng Khoan là tốt nhịn, họ cho tốt nhịn
như vậy là phải.
Ai muốn nói sao thì nói, vợ chồng Khoan vẫn lặng-thinh.
IX
Dân làng Kim-Đôi xôn-xao về việc bàu-cử chân lý-trưởng để
thay thế ông lý cũ đã mãn nhiệm-kỳ.
Làng Kim-Đôi là một làng lớn, nhất xã tam thôn, dân-cư
đông-đúc, làm đàn anh tại xã này rất có uy-quyền, nhất là lại làm lý-trưởng thì
càng được dân chúng kính-trọng và sợ-hãi hơn.
Ông Chánh-Tổng đã già, muốn sau này, khi ông nghỉ, không làm
việc dân việc tổng nữa, Thúc sẽ thay-thế ông để giữ lấy vai-vế trong thôn xã.
Năm ấy Thúc hai mươi hai tuổi. Theo tục-lệ hương-thôn cũng
như theo luật-lệ muốn làm lý trưởng ít nhất phải trên hai mươi mốt tuổi, cũng
như muốn ứng-cử Chánh Phó Tổng phải hai mươi nhăm tuổi trở lên.
Thúc đã đủ điều-kiện niên-kỷ để ứng-cử chân lý trưởng trong
làng.
Chính Thúc cũng muốn có chút công-danh để khỏi bị dân làng
coi thường. Học-hành chàng đành chịu kém, nhưng về đường danh-vọng trong làng,
chàng không muốn thua ai.
Ông bà Chánh-Tổng đã gây cho chàng cái óc làm đàn-anh trong
xã.
Đã từ lâu, Thúc vẫn nghĩ tới một ngày kia chàng sẽ nắm giữ một
chức-vụ gì trong làng xã, và có như thế chàng mới mong trả được cái thù Tiệp nhục-mạ
chàng.
Có lần trong xã khuyết chân thư-ký hộ tịch, Thúc đã có ý muốn
ứng cử chân đó, nhưng ông Chánh Tổng bảo chàng : « Đã làm việc dân việc
xã, phải làm những chức-vụ ra làm, bằng không hay tạm giữ chân bạch-đinh chờ
cơ-hội. Làm chân thư-ký hộ-tịch làm làm gì, ít ra cũng phải là một chân Phó-lý,
Trương-tuần, nếu không phải từ chân lý-trưởng trở lên ».
Thế là Thúc lại tuân lời cha chờ cơ-hội, và cũng âm-thầm mang
mối hận đối với vợ chồng Khoan. Thúc đã nghĩ đến nhiều cách để hại Khoan và Tiệp
nhưng chưa có dịp nào thuận-tiện.
Thời gian lững-lờ trôi. Ngày qua tháng lại tuy chậm mà mau.
Ông đồ Ngư chết đã đoạn tang, và ngoảnh đi ngoảnh lại, Tiệp
có một con, rồi có hai. Trông nàng vẫn duyên-dáng khả-ái như ngày còn con gái
vì dáng-điệu đi đứng của nàng ai cũng phải khen, chính Thúc đã ngậm đắng nuốt
cay vì nàng, và khi gặp nàng vẫn thấy ở nàng một sự quyến-rũ khêu-gợi lạ-lùng.
Gặp Tiệp bây giờ Thúc không dám chào hỏi săn-đón như xưa,
chàng chỉ lẳng lặng nhìn theo. Còn về phần Tiệp bao giờ nàng cũng cố tránh mặt
Thúc, nàng không muốn nhắc lại truyện không đẹp trước, nhất là không muốn truyện
đó xảy ra lần thứ hai.
Sự nghiêm-trang đứng-đắn của Tiệp càng làm cho Thúc căm-giận
Khoan, và Thúc càng có ý muốn hại Khoan, vì ghen với hạnh-phúc của Khoan cũng
như vì muốn một ngày kia biết đâu với mọi sự thay đổi Tiệp đối với chàng chẳng
phải đổi thái-độ.
Ngày lại ngày, tháng lại tháng, thắm-thoắt mấy năm qua.
Chân lý-trưởng trong xã khuyết.
Đây là cơ hội để Thúc trở nên đàn-anh trong làng. Nhất lý chi
trưởng, trong thôn xã, chân lý-trưởng có ai dám coi thường.
Thúc ngỏ ý muốn ứng-cử chân lý trưởng khuyết này với cha. Ông
Chánh-Tổng nói : « Đây là một dịp cho con trở nên đàn-anh trong làng.
Thày muốn lắm, nhưng chỉ e rồi ra con không đủ tư-cách để đảm-nhiệm chức-vụ
đàn-anh đó thôi. Làm đàn-anh phải bỏ hết mọi cử chỉ tạp-nhạp và phải tỏ ra mình
là người lớn, nhiều khi mình phải có những hành động trái với ý muốn của mình.
Thày lấy một thí-dụ : Thày biết con thương yêu vợ thằng Khoan, nhưng con phải hết
sức tránh mọi hành-động có thể để người làng đàm-tiếu ».
Sự yêu-đương con phải để trong lòng, rồi tìm dịp làm cho vợ
thằng Khoan không thể từ-chối được con nữa. Và cho thằng Khoan có biết, cũng
đành im họng ! Làm đàn-anh phải như vậy, không thể xử thế như con trước được !
Con chọc-ghẹo vợ người giữa ban ngày, con lại đe-dọa vợ chồng
nó một cách thật là vu-vơ ! Như thế không được ! Làm đàn-anh đã không
nói thì thôi, đã nói thì phải làm, tìm mọi cách làm cho bằng được, không bao giờ
đe-dọa vu-vơ cả.
Nghe cha nói về cách làm đàn-anh, Thúc phục cha lắm. Chàng nhất
nhất nghe lời cha. Khi cha dứt lời chàng thưa : « Trước đây con trẻ
người non dạ nên làm phiền thày, nhưng ngày nay con đâu còn như trước. Con đã từng-trải
hơn nhiều. Vả chăng nểu con có làm lý-trưởng tất con phải theo những đường lối
của thày. Con nguyện sẽ dẹp hết mọi điều tẹp-nhẹp về ngôn-ngữ cũng như về
hành-động. Con sẽ tỏ ra xứng đáng một bậc đàn-anh trong làng trong xã ».
Ông Chánh-Tổng gật-gù có vẻ bằng lòng. Ông cũng hiểu đây là dịp
may để cho con ông có chút công-danh. Mà kỳ này có ra tranh lý-trưởng sự
tranh-cử cũng không gay-go lắm. Ông lý mãn làm việc đã không được lòng quan nên
kỳ này quan đã bảo thẳng ông đừng ứng-cử nữa. Còn Phó-lý thì không có tiền đâu
mà ra tranh-chấp với Thúc nổi.
Ông Chánh-Tổng bảo Thúc : « Ờ ! nếu con có chí
thày sẽ kêu với quan trên. Con liệu thu xếp mọi giấy tờ hồ-sơ ứng cử đi. Thày rất
muốn con nối được nghiệp thày ».
Thúc mừng lắm ! Thúc chưa quên mối hận đối với Tiệp nhất
là đối với Khoan. Ra làm lý-trưởng, Thúc sẽ có cơ-hội trả được thù riêng, và
thâm-tâm của Thúc còn mong một ngày kia chiếm đoạt được Tiệp, mặc dầu Tiệp đã
hai con.
Tuy sống bên cạnh Thảo, nhưng Thúc luôn luôn ao-ước Tiệp. Mấy
năm qua cuộc chung sống bên cạnh Thảo không làm cho Thúc quên Tiệp.
Trông Thảo cũng đẹp ra, nhưng nhìn nàng vẫn không bằng vợ
Khoan. Thúc vẫn mang cái mộng một ngày kia sẽ làm hại được Khoan, và lúc đó lo
gì Tiệp không phải chịu chàng. Thúc muốn làm lý-trưởng để trở nên đàn-anh trong
làng, điều đó đã hẳn, nhưng cũng là để dễ trả mối thù bị Tiệp sỉ-nhục trước mặt
mấy người làng.
Ông Chánh-Tổng đã đồng-ý để Thúc ra ứng-cử chân lý-trưởng
khuyết.
Thúc lo lập hồ-sơ, và trong khi đó, ông Chánh-Tổng lo vận-động
với huyện, với dinh Tổng-đốc để việc ứng-cử của Thúc có kết-quả.
Lẽ tất nhiên là phải tốn tiền rồi. Làm đàn-anh chẳng thủng
xanh cũng thủng nồi, phương-ngôn đã nói, sai sao được.
Muốn con làm lý-trưởng lại không chịu tốn-kém đời nào con làm
lý-trưởng nổi.
Vận-động với quan trên xong, lại còn vận-động với dân làng.
Có phải đâu chỉ có một mình Thúc ứng-cử.
Phó-lý xã Kim-Đôi cũng muốn chân nhất lý chi trưởng, và lại
còn ông lý cựu cũng xin tái-cử.
Ngoài ra lại vài ba người làng khác cũng thọc đơn để kiếm-chác
chút bổng còm. Họ bảo nhau : « Nhà ông Chánh Tổng thiếu gì tiền !
Anh em mình cứ việc nộp đơn ứng-cử, thế nào cha con ông chẳng tới điều đình, và
thế nào chẳng có chút tiền lẻ ».
Sau rất nhiều thể-thức, lên quan, ra tỉnh, lại về làng, tới
ngày bầu-cử. Thúc đã được trúng cử.
Ông bà Chánh-Tổng tuy tốn-kém, nhưng con được chút công-danh
ông bà cũng mừng.
Bữa tiệc khao lý-trưởng của Thúc thật linh-đình long-trọng, mời
cả hàng xã trong Tổng.
Thật là một vinh-dự cho Thúc.
Thúc hãnh-diện với dân xã, và Thúc nghĩ ngay tới mối-hận vẫn
chịu lâu nay với vợ chồng Khoan.
X
Thúc tỏ ra là một hương-chức rất mẫn-cán, làm việc quan việc
dân rất đàng-hoàng.
Đêm ngày Thúc lo sao để được lòng quan trên. Chàng chịu khó lắm,
từ việc tuần-phòng trong làng đến việc thu sưu-thuế của dân.
Thúc năng lên quan luôn, lân-la gần bọn thơ lại trong huyện,
rồi tìm cách biếu-xén từ tên lính hầu quan đến mấy anh nho trong bàn giấy. Thúc
tìm cách mua chuộc hết mọi người không tiếc tiền biếu xén vào những dịp ngày tư
ngày tết.
Quan huyện có ý mến Thúc và tin Thúc. Gia-dĩ, ông Chánh-Tổng
còn đó, mọi sự giao-thiệp của ông từ trước tới giờ đều có lợi cho Thúc ngày
nay.
Thấm-thoát, Thúc làm việc quan đã được gần một năm. Càng được
lòng quan trên, uy-tín của Thúc ở trong làng càng tăng.
Dân xã thường bảo nhau : « Thật là nòi nào giống nấy.
Ông Chánh-Tổng là kẻ cả trong tổng thì con ông nay cũng là kẻ cả trong
làng ».
Từ ngày nhận việc dân việc xã, lý Thúc rất bận-rộn, và cũng bắt
đầu từ ngày đó, ông lý trẻ của làng Kim-Đôi đã tỏ ra hách-dịch chẳng kém gì mấy
ông lý lão-luyện khác, và đã có nhiều trường-hợp sự hách dịch của lý Thúc còn
hơn cả cha.
Con hơn cha là nhà có phúc, dù lý Thúc mới chỉ hơn cha ở điểm
hách-dịch.
Nửa bước ra đi, lý Thúc đều có tuần-đinh đi theo hầu, và có
nhiều buổi chiều, khi công việc hơi rảnh-rang, lý Thúc lại sắm yên cương, đội
nón dứa chóp bạc đi quanh làng từ xóm nọ đến xóm kia, từ thôn này sang thôn
khác.
Dân làng thấy lý Thúc cưỡi ngựa đi qua đều đứng nếp sang một
bên và kính-chào lễ-phép. Những đứa trẻ gặp lý Thúc lạy hỏi rất to.
Lý Thúc thấy mình lớn. Ngồi trên ngựa thấy người làng đứng
nép bên đường, ông lý hả-dạ, và khi có người lạy chào ông lý trẻ càng sung-sướng
hơn.
Con ngựa đi bước một, trông lý Thúc thật oai-vệ và sang-trọng.
Ngựa thì yên cương tề-chỉnh, người thì quần áo bảnh-bao, nón dứa chóp bạc, áo
the quần lụa, giầy Gia định.
Nhiều cô gái chưa chồng nhìn thấy ông Lý, ước-ao sau này chồng
mình cũng sẽ đường-hoàng làm đàn-anh trong dân xã như Thúc.
Bà lý Thúc, cô Thảo ngày trước, cũng được kiêu-hãnh vì chồng.
Từ ngày chồng làm Lý-Trưởng, đi đâu Thảo cũng được người ta trọng vọng, một lời
kêu bà Lý, hai lời kêu bà Lý.
Trong làng có tiệc, có đám bao giờ cũng có trầu, cau tới mời
ông bà Lý. Lẽ tất-nhiên người ta cũng phải mời vợ chồng ông Chánh-Tổng.
Thảo cũng thấy sung-sướng có chồng làm nên và trời cũng chiều
người, lấy chồng mấy năm không sinh nỡ, thì cùng với việc Thúc đắc-cử lý-trưởng
xong, Thảo cũng thấy tin mừng.
Có tin mừng, Thảo mừng lắm. Đã bao lâu nay, nàng chờ đợi một
đứa con, nay đứa con đó sắp tới với nàng. Đứa con như một sợi giây thiêng-liêng
buộc giữ Thúc gần nàng.
Trước đây, mỗi khi đi chơi bời, bị vợ kỳ-kèo Thúc đều lấy cớ
con cái chậm, buồn-bã phải đi tiêu sầu. Ngày nay với đứa con, Thảo có thể dễ
nói Thúc hơn mỗi khi Thúc nhãng quên bổn-phận làm chồng.
Thảo mừng, Thúc cũng mừng, nhưng mừng nhất có lẽ là ông bà
Chánh-Tổng. Cưới nàng dâu về, ông bà chờ đợi cháu bồng, vậy mà ngày ấy qua ngày
khác, thấm-thoát đã mấy năm vợ Thúc cứ đực ra không sinh đẻ gì. Bà Chánh-Tổng
buồn, đã có ý muốn cưới thêm vợ bé cho Thúc. Ý-định của bà tuy chưa nói với con
và dâu, nhưng bà đã bàn với chồng. Ông Chánh-Tổng không bày tỏ ý-kiến. Ông chỉ
bảo hãy cho Thúc có chút công-danh sē hay.
Thúc đã có công-danh, vợ Thúc cũng lại có tin mừng, ông bà
Chánh-Tổng vui-sướng quá. Thật là đủ danh-giá tiền-bạc và rồi đây hòe quế sẽ đầy
sân, cây non nẩy lộc, hạnh-phúc nào sánh bằng !
Có tin mừng Thảo cũng đẹp thêm.
Làng nước có người bàn-tán : « Bà lý Thúc thật vạn
sự may-mắn. Chồng làm đàn-anh, vợ có tin mừng, trông càng béo đẹp ra ».
Những người trước đây chê Thúc về truyện chàng tỏ ra bất
chánh với Tiệp, vừa là vợ của bạn lại vừa là con của thày học, bây giờ không ai
còn dám nhắc tới việc cũ đó. Gặp vợ chồng lý Thúc đi đâu người ta len-lét sợ và
khép-nép chào. Ai dại gì chống với người thịnh.
Lý Thúc càng hách-dịch dân làng càng nể sợ.
Ông Chánh-Tổng thấy con biết ra oai với dân xã thì bằng lòng
lắm. Như thế mới biết làm đàn-anh.
Ông thường bảo bà Chánh-Tổng : « Tôi không ngờ thằng
lý Thúc nhà ta thế mà hay ! Làm việc quan được và dân làng lại sợ-hải nể
vì. Trước tôi cứ tưởng nó còn dại-dột ».
Bà Chánh-Tổng đáp lại : « Chuyện ! Ông cứ nghĩ
thế chứ, con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh. Ông làm Chánh-Tổng oai
vệ như vậy, sao con ông lại không làm được lý-trưởng. Rồi sau này nó lại không
hơn cả ông nữa ! »
Ông Chánh-Tổng vuốt râu cười hề-hề khoái chí.
Hổ phụ đâu sinh khuyển tử được. Con ông biết làm việc quan,
con ông biết làm đàn-anh, thế mới thực là con ông.
Tre già, măng mọc là vậy. Sau này, mãn khóa Chánh-Tổng, được
chút phẩm-hàm, ông sẽ nghỉ việc quan để thanh-nhàn dưỡng tuổi già. Lý Thúc sẽ nối
nghiệp ông :
Có lần ông nói truyện ấy với bà Chánh, bà Chánh chê ông bảo:
« Chưa già đã nghĩ truyện già. Thì ông hãy cứ giữ việc quan, để còn binh-vực
cho con chứ. Ông tưởng ông về nghỉ với chút phẩm-hàm, con ông vẫn được người ta
nể như ngày nay hẳn. Ông còn làm Chánh Tổng thiên-hạ họ sợ bóng sợ vía ông nhiều ».
Ông Chánh-Tổng vuốt mấy sợi râu, châm điếu thuốc lào hút, thở
khói lên cao, ông hà một hơi dài. Sau đó ông đáp : « Bà mày nói cũng
có lý, nhưng bà mày cứ yên-trí. Ai chớ thằng lý Thúc, đố ai bắt-nạt được nổi
nó. Nó tha bắt-nạt người khác thì chớ, chứ đời nào nó chịu ai. Bà xem nó làm việc
dân có hơn Lý cựu không. Và bây giờ nó đang được quan trên nể mến, và nó cũng
đã bắt đầu thu lại được dần dần cái tiền tôi và bà bỏ ra tiêu cho nó ứng-cử ».
Bà Chính thấy ông Chánh nói cũng đúng. Hạng người như lý Thúc
lại sẵn thế cha, không những là đàn-anh trong làng, còn là vai-vế trong hàng Tổng.
Từ ngày làm việc quan đến nay, lý Thúc thay đổi khác hẳn trước. Bao nhiêu những
điều tẹp nhẹp, lý Thúc đều làm bộ không để ý tới, tuy trong thâm tâm, lý Thúc
không bỏ qua một điều tẹp-nhẹp nào, từ việc rất nhỏ trở đi.
Người làng ai cũng sợ lý Thúc. Ai hơi có lỗi là lý Thúc cho gọi
ra đình hạch tội, và đối với những kẻ thiếu thuế hoặc « phạm-pháp nhà nước »,
lý Thúc làm ghê-gớm lắm. Hắn cho tuần đinh tới tận nhà bắt trói ghì cánh khuỷu
dẫn ra trói cột vào tam-quan đình, không nể gì người làng người nước cho tới
khi đóng được thuế hoặc giải lên quan.
Lý Thúc sơi tiền cũng khôn-khéo. Hắn làm ra mặt không đòi hỏi
ai, nhưng đừng ai hòng được việc, dù đây chỉ việc thị-thực trên giấy khai-sinh,
nếu không có tiền cho thầy lý và nếu ai chỉ-trích lý Thúc thì coi chừng. Lý
Thúc chỉ cười hề-hề, nhưng hắn trả thù lúc nào không biết.
Từ ngày làm lý-trưởng, Thúc không hề đả-động tới việc Tiệp đã
làm nhục hắn, nhưng không phải hắn đã quên. Mỗi hận đó bao giờ hắn quên cho nổi,
nhất là hình-ảnh và nhan-sắc của Tiệp hắn vẫn chôn xâu trong tâm khảm với một sự
ước-ao thèm-muốn phải cố nén cho lắng xuống.
Khoan vẫn chỉ là một anh đồ kiết, gõ đầu mấy đứa trẻ trong
làng. Học-trò cũng vẫn đông, và sự túng-bấn cũng vẫn vậy. Bà đồ Ngư cũng có đôi
khi trợ-cấp cho Tiệp, nhưng cả hai vợ chồng đều rất khảng-khái, ít khi nhận sự
giúp đỡ của mẹ.
Người làng đem so sánh Khoan với Thúc.
Có người bảo Tiệp là dại, nhưng có người không cho Tiệp là dại,
bảo Tiệp là thủy-chung với tình.
Tiệp vẫn sống đời của Tiệp bên cạnh Khoan và hai con, mặc
Thúc kiêu-hãnh với sự sang-trọng của mình. Gặp Thúc đâu, Tiệp vẫn tìm đường lẫn
mặt như trước.
XI
Thế mà đã hơn một năm kể từ ngày Thúc ra làm lý-trưởng !
Càng làm việc quan, trông ông lý càng có mã người, đường-hoàng bệ-vệ. Ông béo
trắng, có vẻ phong-lưu đài-các hơn trước nhiều.
Ngồi ngắm chồng, bà lý tự thấy thỏa-mãn ! Kể từ ngày còn
là cô Thảo, học-trò ông đồ Ngư, tới ngày lấy Thúc, rồi ghen tuông với Tiệp, Thảo
không bao giờ khổ về đường vật-chất tuy đã có lúc thấy tủi thân khi Thúc để ý tới
Tiệp mà sao-nhãng mình, nhưng truyện đó xa-xôi rồi. Lúc này Thảo chỉ thấy chồng
nàng danh-giá, nàng cũng được mọi người nể-vì. Nàng sung-sướng, nhất là từ khi
sinh thằng bé con trai đầu lòng. Ông Chánh-Tổng đặt tên cho nó là thằng Giao,
và nó rất được ông Chánh-Tổng quý-hóa.
Gái một con trông mòn con mắt ! Có con hình như da-dẻ
thay đổi, trông Thảo xinh đẹp hơn lên, và có nhiều cậu trai làng đã ngắm bà Lý
đương một cách thèm-thuồng.
Ông Lý cũng thấy bà Lý đẹp ra, nhưng ở cái đẹp của bà Lý ông
vẫn thấy thiếu một cái gì, đó là cái duyên-dáng ở Tiệp. Gần vợ đẹp ông Lý vẫn
không quên được cô bạn thuở xưa đã làm cho lòng ông ngây-ngất và đã nhiều lần
khiến tâm can ông rạo-rực.
Nhớ đến Tiệp, ông lại nhớ tới những lời Tiệp đã sỉ-nhục ông
trước người làng khi ông còn là một anh bạch-đinh trong xã.
Ông hận, ông oán Khoan vô cùng, chính vì có Khoan nên Tiệp mới
lọt khỏi tay ông. Thử hỏi không có Khoan thì cách đây mấy năm, còn ai có thể
hơn cậu Thúc, con ông Chánh-Tổng để làm rể con ông đồ Ngư nữa.
Truyện đã qua, nhưng Thúc coi như chưa kết-liễu, vì Khoan vẫn
còn đấy và Thúc vẫn ao-ước Tiệp.
Khoan tuy chỉ là một anh đồ kiết nhưng rất thương vợ, và Tiệp
cũng rất quý chồng ở nhân-cách và đạo-đức.
Người làng Kim-Đôi đối với Khoan không sợ bằng đối với Thúc,
nhưng phần lớn ai cũng nể-vì, nể-vì bởi có con học Khoan, nể-vì bởi Khoan đứng-đắn,
nể-vì bởi Khoan học rộng và nể-vì hơn nữa ở chỗ Khoan tuy giờ đây chỉ là một
anh đồ, nhưng Khoan đã được mọi tay khoa-cử trong hàng tổng hàng huyện khen là
hay chữ.
Học-trò theo học Khoan ngày càng đông. Chúng được Khoan dạy-dỗ
cẩn-thận nên sự học của chúng ngày càng tấn-tới.
Trước sự kính-mến của người làng đối với Khoan, Thúc thấy
mình khó làm gì nổi Khoan, và chàng vẫn đành ôm mối hận không biết đến bao giờ !
Nhưng cuộc đời thường có nhiều truyện bất-ngờ, nhiều truyện
chẳng ai đợi vẫn cứ tới. Những truyện bất-ngờ càng ngày càng nhiều hơn ở một nước
như Việt-Nam ta hồi đó, mới chịu sự đô-hộ của người Pháp.
Đây là thời người Pháp mới đặt chân lên đất Việt được ít lâu,
nền móng cai-trị của họ chưa ăn sâu bén rễ lắm. Tại khắp nơi đều có những cuộc
nổi dậy của quân Cần-Vương chống Pháp ; và dân chúng nặng một lòng yêu nước,
tuy vũ khí kém-cỏi, đều hăng-hái xung vào những đoàn nghĩa-quân, để đánh kẻ
thù.
Chống lại súng ống, người lính Cần-Vương chỉ có lòng dũng-cảm
và gươm dao. Vậy mà trận được thua, quân Pháp cũng đã nhiều phen thất-điên
bát-đảo với quân ta.
Người Việt chống Pháp từ trong chí ngoài, từ Nam chí Bắc. Ở
đây người ta theo cụ Phan-đình-Phùng, ở kia người ta tác-chiến dưới quyền chỉ-huy
của cụ Võ-Duy-Dương, và ở một nơi thứ ba đó là ông Nguyễn-Thiện-Thuật, ông Bang
Tốn. Bao nhiêu chiến-sĩ hữu danh và vô danh đã bỏ mình cho chánh-nghĩa trong cuộc
chiến-đấu chống xâm-lăng.
Người Pháp ra sức cố bình-định, hết dùng uy-lực, lại dùng
ân-điển, nhưng dân Việt muôn năm vẫn là dân Việt bất-khuất, không sao chấp-nhận
được sự đô-hộ của ngoại-bang.
Để giữ vững nền cai-trị của mình, người Pháp tìm đủ mọi cách
giết mọi mầm-mống chống đối, họ tung tiền ra mướn bọn chó săn, mộ lính khố đỏ,
trọng dụng những bọn vong-bản như Nguyễn-Thân, Hoàng-Cao-Khải, Lê-Hoan, nhờ bàn
tay bọn này đàn áp nghĩa quân khắp mặt trận.
Bọn quan lại trung-thành với Pháp được cử đi trọng nhậm khắp
nơi, và bọn này, không có một chút lương-tâm đã không nới tay tàn-sát đồng-bào.
Những nghĩa-quân bị bắt giam tù đày đã đành, cho đến những người lương-thiện bị
chúng tình-nghi cũng bị bắt giữ.
Bọn chúng sức lệnh về khắp chốn quê, bắt buộc hương-lý phải tố-cáo
hết những ai có đầu óc cách-mạng để chúng trừng trị, ngõ hầu tận-diệt cho hết rễ
của mầm cách mạng.
Nhận được tờ sức phải tố-cáo những nhà cách mệnh, những ai có
đầu óc chống Pháp, ông lý Thúc xã Kim-Đôi mừng lắm. Tờ sức này là bảo-bối giúp
ông để trừ khử kẻ thù, kẻ cưới tranh người đẹp của ông, kẻ đã khiến cho người đẹp
sỉ-nhục ông trước công chúng. Kẻ đó là Khoan.
Lý Thúc mừng. Rồi đây cái đinh trước mắt sẽ được nhổ, và rồi
đây thử xem Tiệp có phải chịu ông không.
Lý Thúc khoan-khoái nghĩ tới ngày ông cho là tốt đẹp, ngày mà
Khoan không còn gần Tiệp nữa, ngày mà Tiệp sẽ phải đến cầu-khẩn Thúc để cứu chồng.
Ông Chánh-Tổng cũng nhận được một tờ tương-tự. Ông cũng hơi
nghĩ-ngợi khi đọc tờ sức.
Ông biết tố-cáo ai bây giờ. Người hàng tổng cả, biết ai là
cách-mệnh mà tố cáo.
Giữa lúc ông Chánh-Tổng phân vân như vậy thì lý Thúc tới hỏi
ý kiến ông. Ông trầm-ngâm suy-nghĩ rất lâu rồi nói : « Việc này can-hệ
lắm. Tố-cáo ai phải có chứng cớ, và cũng không nên để cho ai bị oan-ức, người
ta sẽ oán than, như vậy rất tổn âm đức. Nhà ta sở-dĩ mấy đời nay được mát mặt
là nhờ phúc đức của các cụ. Không gây được phúc-đức để lại cho con cháu thì
thôi, đừng nên phạm tới căn phúc đức mình đã có sẵn ».
Ông ngừng một lúc, hút một điếu thuốc, rồi ông lại nói tiếp :
« Đây cũng có thể là một việc cho người ta lập công để tiến bước trên đường
danh-vọng, nhưng trước khi lập công phải cẩn-thận, kẻo rồi có khi mang họa vào
thân ».
Lý Thúc lắng nghe lời cha, không nói gì. Ông Chánh-Tổng nói
thêm : « Con cũng đã lớn tuổi rồi, làm việc quan ít lâu cũng chín-chắn,
thày tưởng không cần dạy con hơn. Làm việc gì con cần mang cái biết của con ra
mà suy-xét, đáng làm thì làm, nên làm thì phải làm, bằng không thì thôi ».
Lý Thúc thấy cha nói rất phải. Những việc hệ-trọng mà làm cẩu-thả,
thiếu sự cân nhắc thường hỏng việc lại hay gây nhiều hậu-quả tai-hại. Trong thời
gian làm lý-trưởng, Thúc đã có nhiều kinh nghiệm bản thân.
Với tờ sức trên của bọn quan lại thân Pháp, các tay hoạt-động
đã gặp nhiều sự khó-khăn. Dân chúng cũng sợ-sệt, và tại nhiều nơi có rất nhiều
vụ bắt-bớ tình-nghi. Nhiều người bị bắt oan, song vẫn cứ bị nhốt.
Các bọn Chánh-Tổng, hương-lý các nơi muốn lập công, vu-cáo
cho nhiều dân làng mắc phải tai-ương, và nhiều hương-chức đã được dựa vào tờ sức
này để thanh-toán những mối thù riêng của mình.
Lý Thúc mân-mê tờ sức, đọc đi đọc lại những hàng chữ trong
đó. Trông ông như suy-nghĩ đắn-đo lắm.
Ông chép miệng, rồi như ông quyết định một điều gì. Đôi lông
mày ông nhíu lại, mồm ông lẩm-bẩm những điều không ai nghe rõ.
XII
Việc anh đồ Khoan bị bắt giải lên huyện làm cả làng Kim-Đôi sửng-sốt.
Không hiểu tại sao anh đồ lại bị bắt. Xưa nay anh là người hiền-lành
chỉ biết dạy học đem đạo thánh-hiền truyền bá cho đàn em, anh chưa hề làm điều
gì phạm-pháp bao giờ. Thuế-má anh vẫn đóng đủ, phu-phen tạp-dịch anh vẫn lo
tròn phận-sự. Vậy mà anh bị bắt !
Theo lời nhiều người nói, anh bị bắt vì tình-nghi làm cách-mệnh
chống lại triều đình và người Pháp. Nói là danh-nghĩa triều đình, nhưng chính
ra đây là người Pháp. Dù chống triều-đình hay chống Pháp thì điều đó dân làng
cũng thấy rằng anh đồ Khoan bị oan. Anh hiền lành ít giao-du, không hiểu kẻ nào
đang tâm vu-cáo làm hại anh.
Cũng có người nói : « Biết đâu được mà ăn cỗ, những
người càng hiền-lành bao nhiêu, thường khi lại càng làm những việc ghê-gớm bấy
nhiêu. Anh đồ Khoan tuy hiền lành nhưng là người có học, có thể anh thấy-uất ức
vì người Pháp bắt nạt triều-đình và bóc-lột dân nước Nam ta ».
Người khác, có lẽ biết truyện hơn, nói : « Anh đồ
Khoan thì cách-mệnh gì ? Chẳng qua là ông lý Thúc báo thù đây. Ông lý Thúc
vẫn căm anh đồ về truyện không lấy được cô Tiệp lại bị cô Tiệp sỉ-nhục cho mấy
chuyến nên tìm cách báo thù ».
Người làng cũng chỉ biết bàn với nhau như vậy rồi thôi không
ai làm cách gì giúp đỡ được anh đồ Khoan, và sự bàn-tán cũng hầu như lén-lút,
ai cũng sợ uy-quyền ông Chánh-Tổng và lý Thúc.
Đã hai ba hôm nay Tiệp phải long-đong tất-tả, đi cậy người
này nhờ người kia hỏi thăm tin-tức chồng.
Thật là tai bay vạ gió ! Chồng nàng chỉ biết làm ăn
lương-thiện, sao người ta lại bắt chồng nàng ?
Trông Tiệp gầy hẵn đi. Hai quầng mắt nói lên biết bao nhiêu sự
lo-âu. Mải lo cho chồng nàng đành bỏ con để mẹ chồng trông nom. Nàng lên tỉnh,
lên huyện rồi lại về làng, cậy chỗ này nhờ chỗ khác, nhưng mọi sự lo-lắng của
nàng đều như vô-hiệu và chỉ tốn-kém. Nàng xưa nay đã không dư dật gì lại túng
thêm !
Bố mẹ Khoan phải cho người tới tìm ông Khóa Hữu nhờ ông Khóa
lo-liệu giùm. Ông Khóa Hữu phải thân đi nói với một người bạn học cũ, cũng là
chỗ quen thuộc của ông đồ Ngư trước, và cũng do đó Tiệp mới được phép vào thăm
Khoan ở nhà giam huyện Võ-Giàng.
Trông Khoan gầy-guộc đi, Tiệp oà lên khóc, nhưng Khoan khuyên
vợ : « Nín đi em ! Vào đây thăm anh mà khóc còn nói được truyện
gì ».
Tiệp lau nước mắt nhìn chồng. Khoan thấy vợ gầy-còm cũng
thương hại. Chàng bảo : « Em đừng quá lo nghĩ. Đây là vận-hạn của
anh. Em phải bình-tâm để còn kiếm ăn trước là thờ thày mẹ sau là nuôi con thay
anh trong lúc anh bị vận-hạn ! »
Tiệp không biết nói gì chỉ nhìn chồng. Nàng trao cho chồng
quà bánh mang tới. Cầm quà bánh, Khoan lại nói : « Em đừng lo về anh
quá ! Anh bị thằng lý Thúc nó vu oan cho anh làm cách-mệnh, anh tin rằng rồi
đây nỗi oan của anh sẽ được minh xét ».
Hai người chưa nói chuyện được bao lâu, lính canh đã vào giục
Tiệp đi ra, Tiệp phải biếu tên lính ít tiền, mới được dùng-dằng nói chuyện lâu
hơn cùng chồng.
Khoan chưa bị tra xét gì, còn bị tạm giam. Khoan báo Tiệp về
nhờ Vinh tìm những chỗ học-trò cũ của ông đồ Ngư hiện đã thành-đạt để nhờ
can-thiệp.
Ngay khi thăm chồng về, Tiệp thân hành tới tận chỗ Vinh làm
việc thuật lại những điều chồng dặn và yêu cầu Vinh tìm đến những học-trò cũ của
ông đồ để nhờ cậy.
Vinh bảo : « Việc này thế nào anh cũng phải lo chú ấy,
cô cứ yên tâm. Chỉ giận thằng lý Thúc sao mà nó táng-tận lương-tâm đến thế, bỗng
dưng vu-oan giá-họa cho người nhất là khi người đó lại là con rể của thầy học
nó ».
Tiệp nói lại cho Vinh nghe những truyện trước đây Thúc chọc
ghẹo nàng và đã có lần bị nàng cự tuyệt trước mặt vài người làng.
Vinh chỉ lắc đầu.
Sau bữa gặp Vinh. Tiệp lại trở về làng, vì nàng cũng còn bổn-phận
với hai con. Riêng về phần Vinh, chàng cũng hết lòng để lo cho em rể.
Về làng, Tiệp tìm gặp Thảo để hỏi về việc lý Thúc vu oan cho
Khoan, Thảo trả lời nàng không hiểu gì về những việc làm của chồng, để nàng hỏi
lại.
Từ trước Tiệp vẫn cố ý tránh mặt Thúc, kể cả từ ngày chồng
nàng bị bắt. Nhưng giờ đây nàng không thể không gặp mặt Thúc được. Nàng cần gặp
Thúc để hỏi cho rõ, xem Thúc nói năng ra sao.
Lý Thúc thấy Tiệp đến nhà mình tủm-tỉm cười. Nào thử xem, Tiệp
có tránh được một chàng mãi không.
Tiệp vào nhà lý Thúc. Lý Thúc mỉa-mai hỏi : « Kia
chị đồ ! Sao hôm nay chị lại tới nhà tôi ; mọi khi chị vẫn tránh mặt
tôi ! »
Tiện nghiêm-trang đáp : « Anh nói đúng, tôi vẫn
tránh mặt anh vì tôi không muốn có những truyện phiền không phải cho tôi mà cho
anh ».
Lời nói ngay thẳng của Tiệp làm cho Thúc hơi lúng túng. Con
người ta ai cũng vậy, trước một người mình vẫn hằng thầm yêu trộm nhớ, khi gặp
gỡ dù kẻ tàn-ác cũng có những phút giây lúng-túng. Đó chính là trường-hợp của
Thúc đối với Tiệp.
Thúc mời Tiệp ngồi, rồi nói : « Tôi nói vậy thì nói
chứ đối với chị tôi không giận, tuy đôi phen chị có tàn-nhẫn với tôi ».
Rồi Thúc ngồi xuống tràng kỹ ở trước mặt. Người nhà Thúc lên
pha trà, rót nước, mời giầu.
Tiệp vào thẳng câu chuyện : « Hôm qua tôi đến thăm
nhà tôi ở huyện, nhà tôi có nói nhà tôi bị bắt chính vì anh. Anh đã vu oan cho
nhà tôi làm cách-mệnh ».
Thúc cướp lời Tiệp : « Chị đừng có nói thế oan tôi.
Tôi đâu có vu oan cho anh ấy. Lệnh trên bảo tôi phải tróc nã những người
tình-nghi. Chính anh Khoan cũng có tên trong danh-sách những người bị tình-nghi
nên phải bắt. Tôi có dự gì vào truyện bắt-bớ này đâu ».
Tiệp nói : « Anh làm lý-trưởng ở làng, anh còn lạ
gì nữa. Nhà tôi với anh lại đồng thôn, có điều gì tình nghi hay không anh phải
biết chứ, tại sao anh lại nhắm mắt để cho nhà tôi bị bắt ».
Giọng nói của Tiệp dắn dỏi. Thúc thấy hơi khó trả lời. Chàng
bảo : « Chị làm gì mà cứ buộc tội tôi vậy. Anh ấy hiện bị bắt nhưng
khéo kêu xin, nỗi oan của anh ấy có thể được xét, và anh ấy sẽ có thể được
tha ».
Tiệp nói thêm : « Tôi muốn nhờ anh để giải tỏ nỗi
oan cho nhà tôi. Tôi lấy tình bạn học nói với anh. Hơn nữa nhà tôi với anh cũng
có nghĩa đồng-môn cần phải cứu giúp nhau ».
Thúc không nói gì. Chàng ngắm nhìn Tiệp. Tuy vì lo-lắng Tiệp
có gầy đi, nhưng trông nàng vẫn đầy vẻ quyến-rũ. Thúc tự thấy một sự thèm muốn.
Nghĩ ngợi một lúc. Thúc bảo Tiệp : « Anh Khoan oán
tôi, tôi biết, nhưng cứu anh Khoan để tôi mang lụy hay sao. Chân lý-trưởng của
tôi sẽ bị lung-lay nếu tôi bị dính vào việc này, và có khi tôi cũng có thể bị bắt
được ».
Nghe Thúc nói, Tiệp thẫn-thờ chán-nản. Nàng hỏi :
« Vậy thế anh không giúp gì được cho nhà tôi ? »
Thúc nói : « Tôi muốn giúp lắm nhưng khó-khăn quá.
Dù sao tôi cũng phải nghĩ đến tôi trước khi nghĩ đến bạn ».
Thấy Thúc nói vậy. Tiệp đứng lên cáo-từ : « Thôi
cám-ơn anh ! Anh không giúp được nhà tôi thì thôi vậy. Để tôi tìm nhờ chỗ
khác ».
Thúc giữ Tiệp lại : « Chị hãy ngồi chơi, rồi ta
cũng bàn cách để cứu anh ấy ».
Tiệp lại ngồi xuống. Thúc lại nhìn Tiệp từ đầu đến chân. Đôi
con mắt của chàng như muốn thu hút hết hình ảnh của Tiệp : « Tôi có
thể cứu anh Khoan thoát khỏi sự tội tù, nhưng phải cần có chị ».
Tiệp nói : « Lúc nào tôi cũng nghe lời anh chỉ bảo ».
Thúc tiếp : « Việc này ở như chị. Chị muốn cứu anh ấy,
tôi bảo gì chị phải nghe tôi. Chị nghe tôi, tốn kém bao nhiêu tôi xin chịu hết
để chạy bằng được cho anh Khoan về ».
Tiệp hỏi : « Nghe anh nghĩa là thế
nào ? »
- Chị nghĩ cho kỹ lại sẽ hiểu. Nghe tôi nghĩa là theo ý muốn
của tôi.
Mặt Tiệp sa-sầm. Nàng không nói gì hơn, đứng lên cáo-từ Thúc.
Thúc nói theo : « Chị nên nghĩ cho kỹ đi. Tôi lúc nào cũng sẵn sàng
giúp chị nếu chị muốn ».
Tiệp đầu váng tai ù. Nàng không muốn nghe Thúc nói, nàng thấy
toàn những lời ô-uế.
ĐOẠN KẾT
Trời đã khuya lắm rồi !
Tiệp nằm ngủ giữa hai con, thằng Hòa và con Thuận, đang mơ
màng bỗng như nghe thấy tiếng ai gọi cửa khe-khẽ. Tiệp lắng tai nghe, tiếng gọi
rất quen thuộc. Tiểng gọi chỉ vừa đủ nghe, người gọi như không muốn gọi to.
Trời đang mùa đông lạnh ! Tiệp tung chăn bước nhè-nhẹ xuống
đất sau khi đã đắp ấm cho hai con. Nàng rón-rén đi ra cửa. Vẫn còn tiếng gọi.
Nàng hỏi khẽ : « Ai ? »
Có tiếng đáp lại : « Anh đây mà, Khoan đây ? Mở
cửa cho anh ».
Nghe rõ tiếng chồng, Tiệp mừng lắm. Nàng vội vàng mở cửa. Cửa
ngỏ mở ra, Khoan bước vào ra hiệu cho Tiệp nói rất khẽ.
Vào trong nhà, Tiệp thắp lên ngọn đèn dầu. Lúc này nàng mới để
ý ngắm Khoan. Trông Khoan người gầy đi, nhưng gương mặt có vẻ dắn-dỏi hơn.
Khoan bảo : « Anh về thăm em và hai
con ! »
Tiệp hỏi : « Sao anh về được, họ cho anh về ! »
Khoan đáp : « Họ đâu có cho anh về ! Anh vượt
ngục ».
Tiệp trố mắt nhìn chồng toan hỏi. Khoan gạt đi bảo :
« Em đừng hỏi để nguyên anh nói. Anh bị chúng nó buộc vào tội làm cách-mệnh
chống triều-đình, có thể bị xử tử được. Trước đây anh không hiểu làm cách-mệnh
là gì, nhưng từ ngày anh bị giam đã được gặp các cụ và nhiều anh em nói cho anh
rõ tình-trạng nước nhà hiện nay bị Pháp chiếm đóng và dân chúng rất khổ-sở với
sự đô-hộ của Pháp. Chúng lấy của giết người, hà-hiếp dân ta. Lại thêm bọn chó
săn của chúng tìm cách vu oan giá họa cho dân lành để lập công. Làm người con
trai phải có bổn-phận với đất nước, không thể ngồi mà chờ chết ! Anh đã
lĩnh-hội được những điều các cụ và các anh em chỉ bảo. Anh phải vượt ngục để
thoát khỏi bàn tay chúng mới mong mưu-cầu chống lại chúng giải-thoát cho nước
nhà. Anh sẽ đi theo nghĩa quân. Trước khi đi anh về thăm em và hai con. Anh nhờ
em trên thờ cha mẹ, dưới nuôi hai con thay anh. Anh có ngày đi mà không biết
ngày về. Việc ở nhà anh trông cậy hết ở em. Em gây dựng dạy-dỗ các con ».
Tiệp nghe chồng nói, lặng người. Nước mắt ràn-rụa nàng bảo chồng :
« Em xin vâng lời anh ».
Khoan không chào bố mẹ, nhưng chàng nhờ Tiệp nói cho bố mẹ
hay. Chàng không muốn các cụ buồn thêm, nhất là cụ bà thêm bịn-rịn.
Khoan ở nhà không lâu, chỉ đủ thời-giờ để Tiệp xếp thêm cho
ít quần áo. Có bao nhiêu tiền Tiệp đưa hết cho chồng.
Khoan không đánh thức hai con dậy.
Chàng chỉ mở màn nhìn chúng một cách âu-yếm và lưu-luyến.
Rồi chàng ra đi ! Chàng bảo Tiệp : « Anh phải
đi ngay, kẻo có thể chúng nó đến tìm bắt anh bây giờ ».
Tiệp lại tiễn chồng ra cửa, nhìn chồng ra đi trong đêm tối,
theo một cuộc đời vô định.
Khoan đi khỏi, Tiệp quay vào quên cả đóng cổng nằm vật mình
xuống giường ôm mặt khóc. Và suốt đêm đó cho đèn gần sáng nàng không ngủ.
Và khi gần sáng, ngoài cửa có tiếng lao-xao.
Đó là lý Thúc dẫn lính huyện và tuần đinh tới vây nhà Khoan dễ
tìm bắt Khoan. Họ rầm-rộ kéo thẳng vào trong nhà lục-soát mọi chỗ, từ nhà trên
xuống nhà dưới, từ đống rơm tới nhà bếp.
Không thấy Khoan, lý Thúc hỏi Tiệp : « Đêm qua anh ấy
không về hả chị ? »
Tiệp không trả lời, mặc người nhà đối-đáp với Thúc cũng như đối-đáp
với bọn lính huyện.
Tin Khoan vượt ngục đồn-đải khắp trong làng. Tiệp đi tới đâu
cũng được người ta hỏi thăm và ái-ngại.
Từ đêm Khoan trở về rồi lại ra đi. Tiếp buồn rầu nhưng can đảm
sống bên hai con, lo tròn bổn-phận phụng-dưỡng bố mẹ chồng và chăm nom con nhỏ.
Nhờ trời thằng Hòa, Con Thuận đều ngoan-ngoản kháu-khỉnh biết
thương yêu Tiệp nên nỗi buồn của Tiệp cũng dịu đi một phần nào.
Con nhà nền-nếp, Tiệp sống theo khuôn-khổ của lễ giáo, đành
riêng chịu nỗi đau-đớn một mình. Làng nước ai cũng thương hại ngợi khen.
Dân làng Kim-Đôi sau một dạo xôn-xao về truyện Khoan vượt ngục,
về truyện lý Thúc tiểu-nhân hại bạn, hại con thày, thì đời sống bình thường của
thôn quê trở lại, ai lo việc nấy.
Cho đến một buổi sáng, có người đi chợ sớm thấy lý Thúc nằm
chết gục ở gốc đa bên bờ sông, ngực bị đâm xuyên đằng trước ra đằng sau.
Không ai biết lý Thúc bị ai giết. Có người bảo là Khoan đã trở
về giết lý Thúc để rửa lại mối thù xưa ! Có người bảo đó là những nhà
cách-mệnh đã hạ sát lý Thúc để giết bớt một tên cẩu-tẩu của ngoại-quốc. Có người
lại bảo chính là Tiệp đã giết Thúc báo thù chồng vì có một lần buổi tối người
ta bắt gặp Thúc đi ở xóm đình với một người đàn-bà trông như Tiệp. Rốt cục cũng
chẳng ai dám quả-quyết là ai đã giết lý Thúc. Nhà chức-trách đã mở cuộc điều
tra rất gắt nhưng không đi đến kết-quả nào.
Ngay buổi chiều hôm lý Thúc bị giết, Tiệp mang quần áo ra
sông giặt như thường lệ. Trong đám quần áo thoảng như có chiếc dính máu, nhưng
không rõ đó là quần áo đàn-ông hay đàn-bà. Tiệp vừa giặt quần áo vừa khóc. Đôi
mắt nàng mọng đỏ giống như những lúc ai nhắc tới truyện Khoan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét