Thứ Hai, 3 tháng 1, 2022

Phong tục Việt Nam 1

Phong tục Việt Nam 1

Phong tục như ta đã hiểu là "thói quen chung của số đông người từ lâu đời đúc thành khuôn khổ nhất định" (Từ điển Hán Việt Nguyễn Văn Khôn).

Mỗi nước có phong tục tập quán của mình và cái đó đã góp phần làm nên bản sắc của mỗi dân tộc.

Trong nền văn hoá truyền thống Việt Nam do quy luật giao lưu văn hóa và hoàn cảnh lịch sự, phong tục tập quán ở ta có đôi nét giống một số nước trong khu vực nhất là Trung Quốc nhưng nói chung phong tục Việt Nam vẫn đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam, thể hiện rõ nét đời sống văn hoá xưa và nay của cộng đồng các dân tộc sống trên giải đất từ Bắc chí Nam.

Với thời gian và sự phát triển của xã hội, phong tục tập quán đã được sàng lọc; những tập tục lạc hậu mê tín dần dần bị đào thải; cái tốt đẹp, truyền thống được bảo tồn và phát huy phù hợp với nhận thức và sự tiến bộ của nhân loại.

Tuy nhiên, việc "gạn đục khơi trong" không thể có kết quả nếu chúng ta không tìm hiểu nhận biết những cái xưa đã lỗi thời để mạnh dạn gạt bỏ, chắt chiu gìn giữ cái gì còn có ý nghĩa tích cực.

Cuốn Phong Tục Việt nam của soạn giả Toan Ánh là một công trình biên khảo khá toàn diện và công phu về những phong tục tập quán, sinh hoạt của con người Việt nam trước đây trên hai bình diện chính là: Đời sống cá nhân và đời sống gia đình. Mục đích giúp người đọc nhất là các thế hệ sau biết được những nét lớn trong cuộc sống thường nhật của con người (từ nông thôn đến thành thị) và của cộng đồng (ở đây là gia đình), từ đó mà hiểu thêm về tình cảm, tính cách của người dân trong xã hội lúc bấy giờ....

Bằng nhân sinh quan mới, người đọc ngày nay sẽ nhận thức và phân biệt được cái đúng và cái chưa đúng, cái tiến bộ và cái cổ hủ... nhằm góp phần ngăn chặn và loại trừ những tàn dư lạc hậu, trân trọng và phát huy cái hay cái đẹp, tạo thêm sức mạnh cho văn hoá dân tộc phát triển, trước mắt cũng như mai sau. Đó cũng chính là mục đích và mong muốn của chúng tôi khi xuất bản cuốn sách này để làm phong phú thêm nguồn tài liệu tham khảo cho mọi người.

Mặc dù với tất cả sự thận trọng và tinh thần trách nhiệm cao trong quá trình tu chình bản thảo và in ấn song cũng khó tránh khỏi sai sót ở khía cạnh này hoặc khía cạnh khác. Chúng tôi rất mong được bạn đọc lượng thứ, chân tình góp ý trao đổi trên tinh thần xây dựng để việc phục vụ người đọc tốt hơn.

Nhân đây Nhà xuất bản cũng xin chân thành cám ơn soạn giả Toan Ánh đã tạo điều kiện cùng chúng tôi hoàn chỉnh và trao tay bạn đọc một tác phẩm có ý nghĩa.

PHONG TỤC LÀ GÌ?

Theo Đào Duy Anh thì phong tục là "thói quen trên xã hội". Đào Văn Tập trong Tự điển Việt Nam Phổ Thông, định nghĩa phong tục là "thói tục chung của nhiều người từ lâu đời".

Qua hai định nghĩa trên ta thấy rằng phong tục tức là những điều mà mọi người vẫn theo từ trước tới nay và đã trở nên thói quen trong xã hội. Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

Mỗi nước có phong tục riêng, và trong mỗi nước, mỗi địa phương, ngoài những phong tục chung của toàn quốc, cũng có những phong tục riêng, và ngay cả đến một địa phương, nhiều khi mỗi nhóm người lại có phong tục riêng.

Kỳ thủy, một thói quen, một tục lệ chỉ do một người hoặc một nhóm bắt đầu, rồi thói quen, tục lệ đó được mọi người nhìn nhận thấy là hay, bắt chước mà trở thành thói quen và tục lệ chung. Có thói quen ở thời đại này là hay, nhưng sang thời đại sau đã không còn ý nghĩa nữa; bởi vậy, phong tục thường luôn luôn thay đổi với sự diễn tiến của sinh hoạt con người.

Cũng có những phong tục đã thành hình vì những lý do phong thổ, khí hậu, chính trị, kinh tế hoặc xã hội.

Có những tục lệ bắt đầu ngay ở một địa phương, nhưng cũng có nhiều tục lệ di chuyển từ nơi khác tới.

Dù bắt đầu ở một địa phương hay di chuyển từ nơi khác tới, thì những thói quen cũng như những tục lệ không phải ngày một, ngày hai mà thành ngay. Muốn được mọi người theo chung, bất cứ thói quen và tục lệ nào, cũng phải trải qua một thời gian có khi lâu có khi chóng để con người tập nhiễm, thói quen và tục lệ đó mới đi vào phong tục được.

Xét các thói quen và tục lệ, có điều hay và cũng có điều dở, nhưng dù hay dù dở, những thói quen, tục lệ này cũng đã hợp với hoàn cảnh, với con người một nơi nào, nên mới được mọi người theo. Cũng có những tục lệ người ta biết là dở, "duy chỉ bởi tai mắt đã quen, lòng người đã tin dùng thì dẫu có người biết là dở cũng không sao đổi ngay đi được".

Nước Việt nam ta từ ngày lập quốc tới nay, trải 4.000 năm có lẻ, chúng ta đã có biết bao tục hay, tục dở, và những tục này cùng với sự hưng vong của đất nước đã nhiều phen thay đổi. Những tục lệ từ đời Hồng Bàng, tới ngày nay đâu có còn nguyên vẹn. Cùng với sự thâu nhập tinh hoa văn hoá của ngoại quốc, dưới các thời lệ thuộc, tổ tiên chúng ta đã nhận sự truyền bá cả những tục lệ của các nước này, tuy nhiên "ta có một cái nghị lực riêng và các tính chất riêng để độc lập", nên những điều thâu nhập của người ngoài đều đã được "Việt Nam hoá" để hợp với cuộc sống và hoàn cảnh của người Việt nam.

Những tục lệ riêng của ta, cũng như những tục lệ ta đã thâu nhập được qua những cuộc chung đụng với người nước ngoài luôn luôn biến đổi để dần dần những điều gì, trước đây thích hợp với tổ tiên ta, nhưng sau trở nên lỗi thời, bị đào thải từ từ, và chỉ còn lại những điều gì không phản lại sự tiến hoá của dân tộc. Đấy chỉ là một lẽ tự nhiên. Bất cứ phong tục nước nào mà chẳng vậy, chẳng chịu sự "gạn đục khơi trong" để bỏ bớt đi những tệ đoan mà gìn giữ lấy phần tinh túy.

Phong tục luôn luôn biến đổi, nhưng chưa bao giờ như ngày nay ở Việt nam, phong tục biến đổi một cách thật là mau chóng. Bao nhiêu tục lệ cũ của ta bị mất đi, hay có dở có, trong khi bên ngoài tràn thêm vào nhiều tục mới xét ra thực chẳng hay ho gì. Những tục mới "nhập cảng" này cũng đang chịu sự "sàng sảy" để những phần tốt đẹp được "Việt Nam hoá", còn những phần xấu xa sẽ bị đào thải.

Hiện nay, vì cuộc sống ồ ạt ở đô thị , vì tồn tại chiến tranh, có nhiều người không biết hết phong tục của nước mình, mặc dầu những phong tục này còn đang tồn tại. Lại có nhiều ngườii ngoại quốc khi tới Việt Nam, muốn tìm hiểu về phong tục, về nếp sống Việt Nam, họ đã bỡ ngỡ khi gặp những người Việt Nam không am tường rành rẽ về phong tục đất nước mình.

Với hoài bão trình bày một tài liệu có thể giúp ích cho bất cứ ai muốn tìm hiểu về phong tục Việt Nam, chúng tôi soạn tập sách này. Và cũng nhân dịp này, văn hoá dân

tộc đang được quan tâm, khôi phục, như vậy, đối với ai muốn phát huy và biểu dương văn hóa nước nhà, tập sách này chắc hẳn cũng sẽ được dự một phần đóng góp.

Để tiện cho bạn đọc tìm hiểu, tra cứu, chúng tôi cố xếp những phong tục Việt Nam qua năm phần chính:

Đời sống bản thân

Đời sống gia đình.

Đời sống tình cảm.

Đời sống xã hội.

Đời sống thiêng liêng.

Với năm phần chính trên, sách sẽ gồm nhiều chương mà tôi sẽ cố gắng biên chép từ nguồn gốc đến sự thay đổi của mỗi thói quen tục lệ cho đến trạng thái hiện tại.

Lẽ tất nhiên có thể còn nhiều điều sơ sót hoặc sai lầm, chúng tôi rất trông cậy ở bạn đọc để bổ khuyết, để sửa đổi, bổ sung Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

PHẦN THỨ NHẤT

ÐỜI SỐNG BẢN THÂN

Nghe như có sự mâu thuẫn khi nói tới Đời sống bản thân qua phong tục vì theo như định nghĩa của Đào Văn Tập ở trên thì phong tục là "thói tục chung của nhiều người từ lâu đời". Thật ra, mặc dầu là thói tục chung, phong tục vẫn chi phối từ bản thân con người đến xã hội và có những tục lệ con người phải noi theo cho đời sống bản thân của mình, vì những tục lệ này, tất cả những người khác ở xung quanh mình đều noi theo.

Tỷ như việc ăn uống, tuy là ăn riêng, uống riêng cho mình, nhưng cách ăn uống, món ăn đồ uống, giờ giấc ăn uống của mỗi người phải theo nếp sống chung của gia đình, của địa phương....

Như vậy, đời sống bản thân lẽ dĩ nhiên phải chịu sự chi phối của phong tục để con người có thể hòa hợp với gia đình, với xã hội và tham gia vào mọi sinh hoạt chung của mọi người.

Về đời sống bản thân xin kể đến ăn uống, may mặc, học hành, làm lụng và chơi bời.

Trong mọi điều này đều có những thói quen, những tục lệ do hoàn cảnh gây nên, cũng như do nếp sống hàng ngày mà thành vậy. Dù muốn dù không, con người cũng phải cố gắng theo những thói quen tục lệ đó, hiện đã thành nền nếp cho cả dân tộc Việt Nam.

Đã đành không ai cấm một người nào không theo những nền nếp này, nhưng sống giữa mọi người có chung một nếp sống, sống khác đi chỉ là lập dị, và sẽ tự thấy trơ trọi.

ĂN UỐNG

Xưa nay và bất cứ ở đâu, dinh dưỡng vẫn là cần thiết, có ăn có uống mới sống, người ta không ai nhịn ăn nhịn uống mà sống được mãi mãi.

Ta có câu dân dĩ thực vi tiên, người dân lấy ăn làm đầu, và Tây phương cũng nói ăn để mà sống.

Có ăn đứa trẻ mới lớn, cơ thể mới phát triển; có ăn người lớn mới giữ được những sức lực của mình và người già mới chống được sự suy yếu và bệnh tật của cơ thể.

Các cụ tuy nói rằng thực vô cầu bão, ăn không cần no, nhưng không ai có thể ăn đói mãi mà sống bình thường được. Người phương Tây khi nghiên cứu về dinh dưỡng thì tính sao cho món ăn, cho xuất ăn có đủ chất bổ để nuôi cơ thể con người, còn người Việt Nam, nhất là ở đồng quê, không có sự cầu kỳ tính toán ấy trong vấn đề ăn uống hàng ngày. Chỉ cần ăn no, ăn đủ no là cơ thể con người đủ duy trì và phát triển. Người ta cũng không kén món ăn, trừ người đài các và giàu có. Gặp rau ăn rau, gặp cá ăn cá, người bình dân nông thôn rất dễ dãi, chi mong có đủ ăn.

Có ăn thì phải có uống, nước cũng cần cho cơ thể như thức ăn. Người ta ăn riêng, uống riêng nhưng vẫn có thể vừa ăn vừa uống được, người ta uống trước bữa ăn, hoặc cùng với bữa ăn, nhưng lúc uống rượu người ta chỉ ăn những đồ nắm đồ nhậu, còn cơm người ta ăn sau khi uống rượu.

Người ta uống khi khát cũng như khi đói. Con người lệ thuộc rất nhiều vào ăn uống. Chính vì vấn đề ăn uống mà các cụ ta xưa thường lập làng xã ở những nơi sản xuất được thức ăn và có nước uống tốt.

THỨC ĂN CHÍNH CỦA NGƯỜI VIỆT NAM

"Từ xưa, người nước ta vẫn sinh hoạt bằng nghề cầy cấy và nghề chài lưới, cho nên hai chữ đồ ăn chủ yếu là gạo và cá"1

Gạo

Gạo là hoa màu chính của đồng ruộng Việt Nam cũng như cá là sản phẩm chính của sông ngòi và biển cả đất nước.

Gạo có gạo nếp, gạo tẻ. Trong gạo nếu có chất dính nhiều (nhựa), gạo tẻ ít chất dính hơn. Gạo tẻ nấu thành cơm, dùng làm bánh tẻ, gạo nếp thổi xôi, làm oản cùng các thứ bánh nếp. Gạo có thể để nguyên cả hột mà dùng hoặc xay thành bột.

Cách chế biến thóc thành gạo.

Thực ra, cây lúa ở ngoài đồng chỉ cho ta hạt thóc, và hạt thóc cần có bàn tay con người chế hóa để biến thành gạo.

Trước hết, thóc (lúa) gặt ở ngoài đồng về phải đập khỏi gié lúa, phơi khô và quạt sạch rồi đóng thành cót trong lẫm, trong vựa, để bán hoặc dùng dần.

Muốn biến thóc thành gạo, trước tiên ta phải đổ thóc vào cối xay để vỏ thóc gọi là trấu tách ra khỏi hạt; thóc đã xay rồi đem sàng, ta gọi là sàng gạo. Với động tác sàng gạo, trấu sẽ được loại riêng hẳn hạt gạo và gạo lúc đó vẫn còn lượt cám ở ngoài. Gạo sàng rồi được cho vào cối giã, gọi là giã gạo để cám cũng tách ra khỏi hạt gạo. Giã gạo cỏ thể giã lâu hoặc chóng tùy theo ý muốn người giã muốn giã kỹ hay dối. Giã kỹ gạo sẽ trắng tinh, giã dối sẽ có lẫn những hạt đỏ trong gạo trắng. Trong lúc giã gạo, có những hạt gạo bị nghiền vỡ nhỏ, gọi là tấm.

Giã gạo xong thì phải đem dần để cám và tấm rời riêng ra, và chỉ còn lại gạo sẽ đem dùng.

Phương pháp làm gạo này, ngày nay ở miền Bắc và miền Trung vẫn còn duy trì và hạt gạo tuy qua những giai đoạn xay, sàng,giã, dần nhưng vẫn còn ít nhiều cám bám chung quanh và chất cám này chính là sinh tố bổ dưỡng cho con người. Hơn nữa cái nhân hột gạo vẫn còn nguyên nên ăn rất bổ.

Ngày nay chúng ta đã có nhiều nhà máy xay xát gạo. Gạo xay này rất trắng, nhưng chỉ còn trơ lõi, hết cả cám, mất cả nhân, ăn thiếu hẳn chất bổ, nhiều người mắc bệnh phủ thũng, phải ăm thêm cám.

Nấu cơm

Cơm có thể nấu được bằng gạo tẻ hoặc gạo nếp. Nấu bằng gạo tẻ gọi là cơm tẻ, nấu bằng gạo nếp gọi là cơm nếp.

Cơm ăn hàng ngày của người Việt nam là cơm tẻ, cơm nếp chỉ ăn những trường hợp không thường xuyên.

1 Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

Nấu cơm dùng nồi, nồi đồng hoặc nồi đất. Gần đây, với sự sản xuất nồi gang và nồi nhôm, những người ở thành thị hay dùng nhưng loại nồi mới này, chế tạo theo hình những cái xoong của người Tây phương.

Khi nấu cơm cho nhiều người ăn, trường hợp giỗ chạp hội hè, ở nhà quê có những chiếc nồi lớn, còn ở thành thị, tại các trại quân, các dưỡng đường, các ký túc xá, các lao thất, người ta dùng vạc để nấu cơm.

Muốn nấu cơm, trước hết phải vo gạo, để sạch những mày trấu còn dính trong gạo.

Vo gạo, người ta đổ gạo vào rá, đặt cả rá gạo vào chậu nước rồi dùng tay chà xát vào gạo để những mày trấu mày cám tách ra, nổi lên mặt nước. Người ta thay nước, chà xát lại cho đến khi thấy nước trong, rá gạo mới được coi là sạch.

Ở nhà quê, người ta thường vo gạo ở ngay cầu sông, cầu ao.

Vo gạo chỉ làm cho gạo sạch mày trấu mày cám nhưng có khi gạo có sạn, vì thóc làm ra gạo phơi ở sân đất, mặt đường, khi hốt thóc đã có đất sạn lẫn vào - cần phải đãi gạo.

Đãi gạo, các bà nội trợ vẫn dùng rá; gạo chỉ đãi sau khi gạo đã vo rồi. Các bà lắc mạnh rá gạo trong chậu nước để những hạt sạn nặng hơn gạo lắng xuống dưới lòng rá. Các bà bốc chỗ gạo ở trên sang một chiếc rá khác hoặc vào ngày nồi nấu cơm. CÁc bà bốc dần dần cho đến khi trong lòng rá chỉ còn một ít gạo lẫn sạn, thì hoặc bỏ đi, vứt cho gà vịt ăn, hoặc có bà cẩn thận hơn, nhặt lấy hết những hạt gạo còn lại, mới đổ sạn đi.

Gạo đã vo rồi, bây giờ mới tới chính thức việc nấu cơm.

Người ta đổ nước vào nồi, ước lượng số nước sao cho cơm khỏi khô, khỏi nát. Nồi nước được đặt lên bếp đun cho sôi. Lúc đó người ta đổ gạo vào, rồi đậy vung lại; lát sau nồi cơm sôi trở lại, người ta lấy đôi đũa cả, gòn gọi là đôi đũa bếp để ghế cơm.

Đũa cả hoặc đũa bếp là một thứ đũa lớn làm bằng một thanh tre cật, bề rộng độ hai phân, còn bề dài, dài hơn đũa thường. Đũa cả chỉ dùng trong việc thổi cơm, ghế cơm và xới cơm.

Khi nấu cơm trong những nồi to, đôi đũa cả cần phải to hơn và dài hơn, những đôi đũa cả to và dài này dùng riêng trong việc nấu cơm.

Ghế cơm nghĩa là cho đôi đũa cả vào trong nồi cơn, sơ đi sơ lại, ngoáy nồi cơm cho đều khắp nồi. Tuy nhiên không nên ghế quá kỹ, vì như vậy cơm sẽ nát mất ngon.

Thường khi nối cơm ghế rồi, trong nồi nước phải ngấm cả vào gạo. Nếu thấy còn nhiều nước quá, người ta chắt bớt ra. Nước này gọi là nước cơm.

Nước cơm rất bổ. Thường người ốm, người già, người yếu, trẻ con uống nước cơm để bồi bổ cho cơ thể.

Nấu cơm khéo, phải tránh không chắt nước cơm, vì chắt nước cơm đi là chắt đi cả cái ngọt bổ của gạo, cơm ăn sẽ nhạt nhẽo. Các bà nội trợ thường hay canh chừng, ít chắt nước cơm.

Cơm ghế xong, nếu thổi cơm bằng củi, bằng than, người ta tắt lửa đi, để một ít than hồng, rồi đặt nguyên nồi cơm trên bếp, vung đậy kín, một lúc sau thì cơm chín.

Trong trường hợp bếp dùng vào việc khác người ta đặt nồi cơm xuống cạnh bếp, giữa hai ông đồ rau (ông bếp) hoặc giữa hai chân kiềng, rồi thỉnh thoảng lại vần nồi cơm.

Vần nồi cơm có nghĩa là xoay nồi cơm tại chỗ ở bên cạnh bếp để cho lửa trong bếp có thể tỏa sức nóng tới mỗi phía nồi cơm. Nếu nồi cơm cứ để riêng một phía vào bếp. Phía đó cơm sẽ cháy, còn các phía kia cơm sẽ sống, do đó phải vần nồi cơm để cơm trong nồi được chín đều.

Ở nhà quê, nhiều nhà thổi cơm bằng rơm, bằng lá khô, như thế người ta không thể

để nguyên nồi cơm trên bếp hoặc vần bên cạnh bếp được vì không có than, lại thêm lửa rơm,. lửa lá sức nóng không đủ mạnh để toả ra làm đủ chính nồi cơm vần bên cạnh bếp. Trong trường hợp này người ta phải đốt và ủ nồi cơm.

Đốt nồi cơm, người ta lấy tàn (tro) lửa rơm, lửa lá khô rời ra bên cạnh bếp, san phẳng rồi đặt nồi cơm lên; sau đó người ta phủ kín nồi cơm bằng rơm hoặc lá tùy theo thứ người ta dùng để thổi cơm, rồi người ta đốt chỗ rơm và lá đó. Đốt xong người ta dùng luôn tàn lửa (tro) để ủ nồi cơm.

Ủ nồi cơm như vậy cho đến khi làm cơm xong, nghĩa là sửa soạn xong mọi thức ăn thì cơm vừa chín.

Có nhiều người cẩn thận, đốt nồi cơm đến hai lần để lấy sức nóng làm chín cơm trong nồi.

Về lúc bắt đầu nấu cơm, tôi tưởng cần nói thêm, có người cho ngay nước với gạo vào nồi cơm, thay vì cho nước vào đun sôi trước. Nồi cơm nấu khéo khi mở vung ra hơi nóng bốc lên nghi ngút làm tỏa ra mùi thơm của gạo, trông hạt cơm trắng, dẻo, không khô không nát. Cơm ăn lúc vừa chín tới thật ngon, và người ăn hưởng được đủ hương vị thơm, bùi, dẻo của hạt cơm.

Không phải ai cũng có thể nấu được nồi cơm ngon dẻo, và không phải bao giờ nấu nồi cơm cũng được như ý muốn mình. Muốn nấu được nồi cơm ngon phải biết rõ thứ gạo mình dùng cần nhiều nước hay ít nước, cần già lửa hay non lửa. Những gạo cũ cần nhiều nước và nở cơm, những gạo mới, nhất là gạo chiêm mới miền Bắc phải cho vừa nước, nếu quá là nhão. Nấu cơm luôn luôn phải cho già lửa nghĩa là ngọn lửa to, cơm mới ngon. Đối với gạo mới, cần để trên bếp, vần hoặc ủ nồi cơm lâu hơn gạo cũ.

Nấu không khéo, cơn sẽ trương, sẽ sống, sẽ khê hoặc sẽ nát. Ta có một câu tục ngữ để chê các bà nội trợ nấu cơm vụng về:

"Trên sống dưới khê

Tứ bề nát bét"

Cơm sống, là cơm chưa chín, lúc ăn hạt cơm còn lõi sống bên trong, hoặc có khi còn sống nguyên một phần hạt gạo. Cơm ăn nhận thấy một chút lõi cơm còn gờn gợn sống, ta gọi là cơm chín rưỡi, nghiã là chưa chín cả mười phần.

Cơm khê, là cơm bị cháy đen ở một chỗ hoặc tất cả dưới đít nồi hay bên cạnh nồi, cháy đến có mùi khét, có khi thành than.

Những người làm ăn buôn bán kiêng ăn cơm khê vì cho rằng ăm cơm khê sẽ gặp những sự bực mình rắc rối bất như ý. Xưa người đi đánh bài bạc tin rằng, ăm cơm khê sẽ bị thua.

Cơm cháy, là cơm cũng bị cháy nhưng cháy chỉ vừa đủ làm vàng hạt cơm, và khiến cho cơm có mùi thơm như đem nướng. Nhiều địa phương gọi cơm cháy là sém - cơm bị sém hơi lửa.

Cơm nát là cơm thổi nhiều nước quá, ăn nát. Cơm nát ăn thường nhạt nhẽo.

Cơm khô là cơm thổi không đủ nước để hạt cơm được dẻo. Cơm khô ăn bùi, nhưng hạt cơm thường rời rạc và nhiều khi vì không đủ nước cơm thường bị sống.

Mấy cách nấu cơm đặc biệt

Ở trên chỉ nói đến cách nấu cơm thông thường hàng ngày, nhất là nấu cơm tẻ, nhưng ngoài lối nấu cơm phổ thông trên, có những lối nấu cơm cầu kỳ khác không phải để ăn hàng ngày, mà chỉ thỉnh thoảng mới dùng.

Cơm quay - Cũng nấu như cơm thường, nhưng trước khi đổ nước, đổ gạo vào nồi, người ta đặt dưới đáy nồi một miếng thịt lợn ba chỉ lớn, rồi dùng một chiếc bát úp lên. Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

Cơm nấu như vậy, chất mỡ ở miếng ba chỉ tiết ra làm cho cơm béo và thơm, còn miếng thịt, khi nồi cơm bắt đầu ghế, gạo hút hết nước, miếng thịt như được "quay" trong một chiếc chảo. Những thịt này ăn ngon hơn thịt quay, vì nhờ chiếc bát úp bao nhiêu hơi đậm đà đáng lẽ bốc lên khi quay ở chảo, ở đây đã đọng lại nguyên trong miếng thịt.

Cơm quay, các bà nội trợ, sau khi ghế thường để già than hồng để có cháy, cháy cơm quay ăn rất ngon. Xưa ở các nhà cô đầu thường thổi cơm quay để các quan viên dùng.

Cũng có khi thay vì miếng thịt lợn ba chỉ, người ta dùng một phần hoặc cả con gà, gọi là "cơm quay gà", nhưng thật ra nấu cơm quay bằng gà cũng phải có một miếng mỡ lợn, nếu không miếng thịt gà sẽ cháy.

Cơm nước dùng - Cơm nấu bằng nước luộc gà, vịt hoặc lợn thay cho nước lã.

Cơm ống nứa - Đây là nấu cơm trong ống nứa. Những người đi rừng không tiện mang theo nồi niêu, chỉ mang gạo đi theo, đến bữa chặt những ống nứa trong đó có sẵn nước, bỏ gạo vào rồi đem đốt cháy ống nứa ở bên ngoài.

Cơm ống nứa ăn rất đậm đà vì trong có chất muối của nứa ngấm vào.

Cơm ống nứa còn được gọi là cơm lam

Ngày nay có nồi cơm điện, việc nấu nướng giản tiện hơn.

Ăn Cơm

Cơm nấu chín, rồi đem ăn, nhưng ăn cơm cũng có nhiều cách.

Cơm trong nồi xới ra bát (chén) hoặc điã rồi ăn lẫn với thức ăn, đó là lối ăn thông thường, nhưng nhiều khi cơm lại không ăn như vậy. Có khi người ta ăn cơm nắm, cơm rang hoặc cơm hấp. Trẻ con, còn nhỏ không ăn như người lớn, chúng ăn cơm búng hoặc cơm nhót.

Cơm nắm - Cơm trong nồi đáng lẽ xới ra ăn ngay, nhưng có người bận công việc đi làm phải mang cơm theo, hoặc có người cơm nấu từ tối hôm trước để sáng hôm sau dậy ăn sớm, họ đem cơm nắm lại. Người ta dùng một chiếc khăn dấp nước rồi vắt cho kiệt nước đi, đổ cơm vào khăn mà nắm thành những nắm tròn hoặc những nắm dài.

Phải nắm cơm lúc nóng, cơm để nguội sẽ rời rạc không nắm được. Lúc nắm, người ta dùng sức mạnh của tay lăn nắm cơm trong vải để nắm cơm được mịn.

Cơm nắm lúc ăn cắt hoặc bẻ ra từng miếng.

Cơm rang hoặc chiên - Cơm nấu bữa trước ăn không hết để lại tới bữa sau, đem ra ăn thường khô cứng hoặc quá nguội, ăn mất ngon; nên người ta hoặc hấp lại hoặc đem rang cho nóng để ăn.

Rang cơm người ta bỏ vào chảo ít hành mỡ, đợi cho nóng, đổ cơm vào rồi đảo cơm lên. Khi cơm bắt đầu nóng, người ta tra mắm muối, cho vừa rồi đảo một lúc nữa là bắc ra ăn được. Cơm rang dễ ăn vì đậm đà hơn cơm nguội. Cũng có khi người ta đập vào chảo một vài quả trứng, thái vào chảo cơm một vài chiếc lạp xưởng, hoặc xá xíu hay thịt tươi thái nhỏ. Người ta còn thái nhỏ dưa cải bỏ vào cơm rang. Cơm rang như vậy lúc ăn không cần tới đồ ăn.

Chính ra người ta phải rang cơm vì cơm nguội khó ăn, nhưng ngày nay, trong những bữa tiệc tại các nhà hàng thường có cơm rang. Đây là cơm nóng đem rang. Trong cơm rang này, có đủ thịt, trứng, lạp xưởng... 1 "

Cơm hấp - Muốn cho cơm nguội ăn được ngon, nếu không ra người ta phải đem hấp. Cơm hấp sẽ dẻo trở lại.

Nhiều khi, nấu cơm mới, các bà nội trợ, sau khi ghế, tiếc rẻ chỗ cơm cũ còn lại bữa trước, bỏ lên trên cơm mới để hấp.

Ghế cơm nguội - Cũng có các bà nội trợ, khi nấu nồi cơm mới, lúc ghế cơm, đổ luôn chỗ cơm nguội bữa trước vào ghế lẫn với cơm mới, gọi là ghế cơm nguội. Cơm có ghế cơm nguội, ăn kém ngon hơn cơm nấu nguyên gạo mới.

Cơm búng - Các trẻ sơ sinh còn ẵm ngửa, sữa mẹ ăn không đủ, người mẹ phải cho con ăn thêm cơm, nhưng đứa bé ăn làm sao được! Người mẹ phải bỏ cơm vào mồm với chút muối nhai cho nát lẫn với nước miếng rồi bón dần cho đứa trẻ từng ít một. Như vậy gọi là cho trẻ ăn cơm búng. Ngày nay mặc dầu có sữa bò để các bà mẹ sử dụng nuôi con nhỏ, nhưng tại các vùng quê, người ta vẫn còn mớm cơm búng cho con.

Cơm nhót - "Cơm nhót" cũng là cơm cho trẻ nhỏ ăn, nhưng ở đây đứa trẻ đã hơi lớn. Người mẹ đưa miếng cơm vào mồm nhai lẫn với một chút đồ ăn nhai nhon nhót sơ qua rồi bỏ ra đút vào mồm đứa trẻ. Ở đây người mẹ chỉ làm công việc nhai cơm hộ con, vì đứa trẻ chưa có răng để tự nhai cơm lấy.

Cơm nếp

Gạo tẻ dùng để nấu cơm tẻ, thức ăn thường ngày của người Việt Nam.

Gạo nếp dùng để nấu cơm nếp, chi dùng trong những trường hợp không thường xuyên. Cơm nếp nấu toàn gạo, hoặc nấu lẫn với đậu xanh, đậu đen, lạc, củ từ, sắn, khoai lang...

Cơm nếp nấu nguyên gạo ăn thường ngán, và nhất là nấu lại nát thì càng ngán hơn. Ta đã có câu "Chán như cơm nếp nát". Chính để cho dễ ăn nên người ta mới nấu lẫn với một thứ ngũ cốc hoặc nông sản khác.

Xôi

Xôi cũng làm bằng gạo nếp, nhưng cách nấu không giống như cơm nếp. Xôi phải nấu cách thủy. Người ta gọi nấu xôi là đồ xôi. Muốn đồ xôi, người ta dùng chõ, một thứ nồi mà đáy có những lỗ thông hơi. Gạo nếp sau khi vo, đãi được đổ vào chõ. Chõ gạo này đặt lên một chiếc nồi, gọi là nồi đáy. Nồi đáy có đựng nước. Chỗ miệng nồi đáy ôm lấy trôn chõ được gắn kín. Nồi đáy đặt trên bếp và đun lửa. Khi nước sôi nóng, hơi nước ở dưới nồi đáy bốc lên chõ xôi làm chín gạo nếp đựng trong chõ thành xôi.

Người ta đồ xôi trắng, nghĩa là xôi nấu toàn gạo nếp, hoặc xôi đậu, xôi lạc, xôi gấc... Xôi ăn dẻo và ngon hơn cơm nếp. Xôi trắng ăn cũng ngon hơn cơm nếp trắng.

Xôi thường dùng trong việc cúng bái, và thường được đóng thành oản.

Oản - Đây là xôi lèn vào những chiếc khuôn cho chặt rồi đổ ra. Người ta cắt những khoanh lá mít để dán vào đít oản. Mé trên oản để trống hoặc có khi người ta dán vào những miếng giấy trổ hoa, nhất là giấy tráng kim.

Các thứ bánh trái

Từ trên, nói đến gạo, mới chỉ đề cập đến cơm và xôi do gạo nguyên chất tạo nên. Nhưng ngoài cơm và xôi, như trên đã nói, gạo còn dùng để làm các thứ bánh trái,hoặc để nấu cháo.

Gạo tẻ dùng làm các thư bánh như bánh tẻ, bánh bèo, bánh cuốn, bánh giò, bún.,,; gạo nếp dùng để làm các thứ bánh nếp như bánh chưng, bánh rợm, bánh giầy, bánh cốm...

Gạo dùng để làm bánh hoặc để nguyên hạt hoặc xay thành bột.

Trong các thứ bánh thông dụng trong lớp bình dân phải nói tới bánh đúc.

Bánh đúc

Nấu bằng gạo tẻ thường xay thành bột, nhưng cũng có khi để nguyên hạt. Muốn nấu bánh đúc, gọi là quấy bánh đúc , người ta hòa lẫn bột với nước và một ít vôi, đổ vào nồi đặt lên bếp đun, vừa đun vừa dùng đũa cả quấy cho tới khi bột chín, tức là đã có nồi bánh đúc. Người ta có thể cho thêm mỡ và nồi bánh đúc cùng với nắm muối Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

cho vừa ăn, hoặc không cho thêm gì vào cũng được. Bánh đúc không có mỡ và mắm muối là bánh đúc chay.

Khi nồi bánh đúc chín, người ta có thể múc ra bát hoặc đĩa hoặc đổ ra sàng, ra rá có lót lá chuối để giữ bánh đúc lại. Khi nguội bánh đúc sẽ thành từng bánh theo hình đồ vật dùng để đựng.

Người dân quê nghèo ăn bánh đúc thay cơm. Bánh đúc ăn chóng no, nhưng chóng đói. Quấy bánh đúc đỡ tốn gạo hơn nấu cơm.

Ở miền Bắc, về mùa đông rét lạnh, bữa qua trưa, người ta thường ăn bánh đúc sốt, nóng hổi. Bánh đúc sốt quấy có mỡ và mắm muối, lúc ăn, thêm vào hành phi thơm ăn thật ngon. Gọi là bánh đúc sốt vừa làm cho no lòng, vừa làm cho ấm bụng, gia dĩ, đây là một thứ quà rẻ tiền, rất hợp với sự tần tiện và tình trạng nghèo túng của dân quê.

Về mùa nóng. bánh đúc ăn nguội, nghĩa sau khi bánh đúc đã thành bánh ở đĩa, bát hoặc sàng mẹt... Ăn bánh đúc chấm tương hoặc chấm mắm tôm, được người dân quê ưa thích. Đây là một thứ quà ăn no. Tục ngữ có câu:

"Qùa đói bánh giò

Quà no bánh đúc"

Có những nhà hàng, để thay đổi chất vị của bánh đúc, thường quấy bánh đúc lạc hoặc bánh đúc dừa, nghĩa là người ta bỏ vào nồi bánh đúc một ít lạc hoặc một ít dừa thái nhỏ. Bánh đúc quấy như vậy, lúc ăn sậm sực rất ngon.

Gạo tẻ còn dùng để làm nhiều thứ bánh khác, nhưng thường những bánh này là những món quà, không ăn thay được cơm như bánh đúc vì không rẻ như bánh đúc.

Cháo

Cháo cũng nấu bằng gạo tẻ, đôi khi có pha chút ít gạo nếp để nước cháo được sánh. Cháo nấu bằng bột gạo hoặc bằng gạo nguyên hạt.

Thứ cháo thông dụng nhất là cháo hoa. nấu bằng gạo tẻ nguyên hạt, có pha thêm chút ít gạo nếp.

Muốn nấu cháo, phải bỏ ít gạo và đổ nước vào nồi. Nồi cháo đặt lên bếp đun đến bao giờ hạt gạo nhừ là được.

Cháo hoa, người ốm dùng thay cơm cho dễ tiêu, và những gia đình nghèo túng, bữa cơm bữa cháo cũng dùng cháo để thay một hoặc hai bữa cơm trong ngày, - nấu cháo đỡ tốn gạo hơn nấu cơm.

Người ốm ăn cháo hoa với đường hoặc với muối. Khi ăn cháo thay cơm, người dân quê có thể ăn với thức ăn như cà, đậu phụ, tép, hoặc chỉ ăn với muối.

Cháo cũng là một thứ quà rẻ tiền. ngoài cháo hoa, người ta hay nấu cháu đậu xanh, cháo đậu đen, cháo khoai... Người ta cũng nấu cháo cua, cháo hến, cháo ốc để ăn thay cơm.

Nhà giàu thì nấu cháo thịt, cháo gà. Nhà giàu ăn cháo không phải để thay cơm cho đỡ tốn gạo như nhà nghèo, mà trái lại, nấu một nồi cháo thịt, cháo gà lại tốn kém hơn một nồi cơm.

Muốn nấu cháo cho ngon để ăn chơi, bột gạo được dùng để thay gạo nguyên hạt.

Bánh chưng

Bánh chưng làm bằng gạo nếp. Cùng với bánh giầy, bánh chưng thường được dùng trong việc tế lễ.

Đây là "một thứ bánh vuông làm bằng gạo nếp nhân đậu gói thật chặt, luộc thật kỹ"1 . Thực ra bánh chưng không có bắt buộc phải hình vuông, có thể hình dài, hình khum trên phẳng dưới như bánh tẻ, bánh giò. Nhân bánh chưng không phải chỉ riêng bằng đầu, mà còn có thịt, lẫn với gia vị như hạt tiêu, cà cuống. Ngoài ra cũng có thứ bánh chưng nhân đường.

Bánh chưng phải gói thật chặt để khi luộc những hạt nếp dính liền với nhau cho bánh thật nền. Bánh phải luộc kỹ, luộc dối bánh sẽ bấy, các hạt gạo không dính vào nhau, rời rạc như xôi.

Bánh chưng cũng là một thứ quà rẻ tiền, ăn chóng no lại no lâu, tuy nhiên vẫn đắt hơn bánh đúc, cháo.

Sự tích bánh chưng bánh giầy

Cùng với bánh giầy, bánh chưng có một sự tích mà ít ai không biết đến. Sự tích xin kể lại như sau:

Vua Hùng Vương thứ VIII đông con, muốn lập một người làm thái tử để mai sau truyền ngôi cho. Các con nhà vua đều hoạt bát thông minh như nhau, nhà vùa không biết kén chọn ai.

Một hôm, cách Tết Nguyên Đán, hơn một tháng, ngài hội các con lại và bảo rằng:

- Từ nay đến Tết Nguyên Đán, trong các con, ai tìm được món ăn nào ngon nhất dâng lên cho cha mẹ sẽ được lập làm Thái tử.

Lệnh vua cha ban ra, các vị hoàng tử chia nhau đi các nơi để tìm kiếm sơn hào hải vị về dâng. Trong số các hoàng tử, có hoàng tử thứ tư không đi đâu cả, ở nhà hầu hạ vua cha. Hoàng tử thấy các anh em mình đều đã đi cả, nếu mình lại đi nốt, biết lấy ai hầu hạ cha mẹ già. Hoàng tử nghĩ chẳng thà không được làm thái tử, chứ không bỏ cha mẹ không người "thần hôn" "định tỉnh", lòng hoàng tử không đành. Không rời cha mẹ, nhưng hoàng tử cũng không dám trái lời vua cha, hoàng tử vẫn nghĩ tìm của ngon vật lạ để dâng hiến vua cha và hoàng hậu khi kỳ hạn tới.

Lòng hiếu của hoàng tử đã động tới thần linh.

Một hôm, lúc đó gần đến kỳ hạn của vua cha, trong giấc mơ, hoàng tử thấy một thần nhân tới mách:

- Của ngon vật là trong trời đất không gì bằng gạo của trời đất sinh ra. Con hãy lấy gạo nếp thổi xôi rồi đem giã cho nền mà nặn thành một thứ bánh hình tròn gọi là bánh giầy, hình tròn tượng trưng cho Trời, và con cũng lấy gạo nếp gói thành một thứ bánh vuông, trong có nhân đậu và thịt, luộc chín thật kỹ, gọi là Bánh chưng, hình vuông tượng trưng cho Đất. Hai thứ bánh giầy, bánh chưng tượng trưng cho Trời, Đất, con dùng làm đồ lễ dâng vua cha để nhân dịp Nguyên Đán, vua cha làm lễ dâng Trời, Đất, chắc hẳn vua cha sẽ hài lòng....

Kỳ hạn tới, các hoàng tử khác thi nhau dâng lên vua cha đủ thứ sơn hào hải vị, món nào cũng ngon và cũng quý, riêng có hoàng tử thứ tư là dâng lên vua cha hai thứ bánh chưng và bánh giầy.

Nhà vua dùng thử, lạ miệng thấy ngon. Hoàng tử trình bày rõ cả tên hai thứ bánh tượng trưng cho Trời, Đất, nói lên lòng thành kính của con người đối với Đất, Trời.

Vua cha rất hài lòng, bảo hoàng hậu:

- Các sơn hào hải vị của các hoàng tử tuy ngon nhưng duy chỉ có một mình ta được hưởng, còn hai thứ bánh chưng, bánh giầy này, làm bằng gạo của Trời, Đất sinh ra, ta chỉ việc phổ biến cách làm là toàn dân ta đều được thưởng thức cái ngon có ý nghĩa của bánh.

Hoàng hậu cũng đồng ý với nhà vua, công nhận bánh chưng bánh giầy ngon hơn các sơn hào hải vị khác.

Thế là hoàng tử thứ tư được lập làm thái tử.

Tết năm đó, nhà vua dùng ngay bánh chưng bánh giầy làm đồ lễ cúng Trời Đất, và cũng truyền dạy cho nhân dân cách làm bánh để dùng trong việc cúng lễ. Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

Bánh chưng bánh giầy xuất hiện ở nước ta từ khi đó, và Tết đến hàng năm trong dân gian đều gói bánh chưng, bánh giầy cúng tổ tiên, thần thánh và Trời, Phật. Khi cúng Phật người ta cúng bánh chay, nghĩa là bánh nhân đường hoặc nhân chỉ có đậu mà không có thịt.

Bánh giầy

Bánh chưng và bánh giầy cùng một sự tích, đã nói tới bánh chưng thì không thể không nói tới bánh giầy.

Như đã nói trong sự tích, bánh giầy làm bằng xôi. Xôi đồ cho khéo, dùng chày giã cho các hạt xôi nát ra, thành một thứ bột quánh dính vào nhau rồi bắt ra thành từng chiếc bánh tròn mà dèn dẹt, đặt trên lá mít hoặc lá chuối. Người ta xén lá mít hoặc lá chuối sát với chiếc bánh.

Trong lúc giã xôi làm bánh thường người ta bọc đầu chày bằng một mảnh cói, thỉnh thoảng có phết mỡ để xôi khỏi dính vào. Người ta không thể bỏ xôi vào cối mà giã như giã bột, giã cua. Xôi được rải trên một chiếc chiếu sạch, thường dùng riêng cho việc này. Những nhà hàng làm bánh giầy, có chiếc chày cao, khi giã bánh người ta đứng mà giã.

Bánh giầy làm bằng xôi không, gọi là bánh giầy chay. Người ta có thể bọc vào giữa bánh giầy một ít nhân đường họặc đậu.

Bánh giầy chay ăn với giò chả rất ngon. Bánh giầy nhân đường hoặc nhân đậu ăn lại có vị ngon khác.

Ngoài Bắc xưa có làng Quán Gánh, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, cách Hà Nội 13 cây số về phiá nam làm bánh giầy ngon có tiếng, và người làng này thường mang gánh giầy lên bán cho dân Hà Nội, được dân Hà Nội rất ưa chuộng.

Ngày xưa, Tết đến người ta nấu bánh chưng nhưng cũng có làm cả bánh giầy. Dần dần người ta bỏ bớt bánh giầy vì giã bánh giầy lịch kịch, người ta chỉ giữ lại bánh chưng cho ngày Tết thôi. Trong những dịp cưới xin, biếu xén, ma chay hoặc tế lễ, bánh chưng bánh giầy thường đi đôi thành cặp với nhau.

Bánh trái chế hóa bằng gạo, cả gạo tẻ lẫn gạo nếp. còn rất nhiều thứ như đã kể sơ qua ở trên, tuy nhiên dùng để thay cơm cho đỡ tốn chỉ có bánh đúc bằng gạo tẻ. Bánh chưng bánh giầy cũng là những thứ quà rẻ tiền, có thể thay cơm được tuy vẫn đắt hơn cơm. Còn các thứ bánh khách chỉ dùng ăn như ăn quà, không thay hẳn được cơm như cháo hoặc bánh đúc. Bởi vậy ở đây chỉ nhắc qua tới mà không nói rõ đủ chi tiết chế hoá như bánh đúc và bánh chưng, bánh giầy.

Tóm lại, gạo là thức ăn chính của người Việt Nam, được dùng để nấu cơm, đồ xôi và chế biến các thứ bánh trái.

Người dân quê Việt Nam rất quý hạt gạo, không dùng phí phạm. Ta thường bảo nhau gạo là ngọc thực Trời ban cho, ai phung phí sẽ phải tội.

Hai nghề chính của ta là nghề nông và ngư nghiệp. Gạo là món ăn chính của ta do nghề nông sản xuất ra, còn cá cũng là một món ăn chính như gạo nhưng do ngư nghiệp mà có.

Ta đánh cá ở hồ, ao, sông ngòi và ở biển.

Cá có thể ăn tươi, ăn khô hoặc ăn muối.

Cá tươi ăn rán, luộc, kho, hấp, nướng, nấu canh, làm chả.

Cá khô, là cá tươi đem phơi khô. Những cá lớn, trước khi phơi khô người ta đem bỏ ruột, còn những cá nhỏ, người ta đánh được sao cứ để vậy mà phơi.

Cá muối là cá đem ướp muối để làm mắm. Có nhiều thứ mắm: Mắm nêm, mắm thái, mắm mực, mắm chao...

Nước mắm

Người ta còn dùng cá làm nước mắm. Nước mắm là thứ gia vị thông dụng nhất ở nước ta. Chính nước mắm đem mùi vị cho các thức ăn.

Nghề làm nước mắm là nghề chính cùng với nghề đánh cá của dân chúng ở ven miền duyên hải: Cát Hải, Quảng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Mũi Né, Phan Thiết, Phú Quốc.

Nước mắm là thứ nước do cá muối chảy ra. Nước đầu tiên gọi là nước nhất.

Từ quê tới tỉnh, gia đình Việt Nam nào hàng ngày cũng phải dùng tới nước mắm như phải dùng gạo vậy. Người ngoại quốc tới Việt Nam đều để ý tới thứ gia vị đặc biệt này của ta dùng trong việc nấu nướng cũng như để chấm các thức ăn.

Ông A.Pazzi một nhà văn Ý Đại Lợi đã nói về nước mắm:

"Có lẽ ý thức về cái tinh thần cộng đồng sinh hoạt ở nơi người Việt được thể hiện rõ trong chén nước mắm đặt giữa mâm cơm. Mắm là món ăn phổ biến, có nhiều sinh tố, còn là thức ăn căn bản của mọi gia đình Việt Nam. Người Việt Nam khi sống ngoài đất nước mình, bao giờ cũng tưởng nhớ tới nước mắm một cách thân thiết. Chén nước mắm không bao giờ thiếu trong các bữa ăn, hay nói cách khác là nó không thể thiếu được. Mọi người ngồi chung quanh trong mâm cơm đều chấm thức ăn trong chén nước mắm ấy... 1

Nhiều bà nội trợ vùng quê tự làm lấy nước mắm. Người đàn bà đảm phải biết muối cá vì đó là một trong những công việc chính về bếp núc: Tương, cà, dưa, mắm.

Muốn hiểu biết nhiều hơn, xin mời bạn đọc thử, học cách làm mắm và nước mắm trong phạm vi gia đình, theo tài liệu của Nguyễn Văn Kiềm trong quyển Tân Châu sau đây:

Cách làm mắm chao

Dụng cụ làm mắm chao:

1- Một cái khạp đường 20 lít.

2- 20-23 kí cá he (khi làm xong còn 20 lít)

3- 4 kí muối đâm nhỏ.

4- 2 kí đường sắt.

5- 1 lít rưỡi nếp để làm cơm rượu

6- 1 viên rưỡi men thật ngon thì làm cơm rượu mới ngon.

Hễ cơm rượu ngon thì mắm chao mới khoái khẩu.

Cách muối cá - Cá đánh vảy xong, hai bên thân cá khắc chữ thập, kế xát muối vô từng con một. Đoạn lấy nửa lít muối quậy vào 2 lít nước, rưới lên xác cá cho cá mau thấm muối. Đậy nắp khạp để tránh ruồi lằn. Sau một tuần lễ, dở nắp, gài vỉ chắc chắn cho xác cá trở nên cứng cát.

Chao đường trộn cơm rượu - Cách hai tuần sau, gỡ cá để vào rổ, kê lên miệng vịm cho cá nhỏ hết nước mắm. Kế lấy 2 kí đường sắt thắng thật tới, rồi trộn cơm vô chảo đường cho thật đều, kế chao vào mắm. Xong gài vỉ kỹ lưỡng. Đoạn trộn xi măng trét kẽ nắp khạp cho kín hơi. Sau một tháng mắm chao dùng được. Đồng thời nước mắm chao cũng được các bà nội trợ nấu lại và lược kỹ để kho cá. Nên biết, khi mắm chao đem chưng, lúc ăn thịt nó rều rệu, ăn thật béo bùi. Mắm chao vì để lâu không được (chua), nên họ chỉ làm một số ít đủ dùng sốt dẻo trong vài ba tháng thôi.

Cách làm mắm cá linh

Dụng cụ làm mắm:

1- Một cái lu 100 lít Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

2- Vỉ tre, tre gài vỉ 6 miếng, mỗi miếng già hơn lòng lu một tí, ngang bằng hai ngón tay

3- Ba giạ cá linh, cắt đầu cắt đuôi xong còn già hai giạ.

4- Muối, mỗi giạ cá: 7 lít x2 = 14 lít (đâm nhỏ)

5- Đường sắt, mỗi giạ cá: 1 kí rưỡi x2 = 3 kí

6- Nếp một lít

7- Gạo lức 3/4 lít để rang thính

8- Hai trái đu đủ vừa già xắt miếng.

Cách làm cá - Cá cắt đầu, chặt đuôi xong, để vào cối giã gạo, dùng chày tỉa sọt cho hết vảy.

Tuôn vào giỏ, mang xuống sông rạch xả cho hết vảy

Cách muối cá - Chia cá ra làm hai phần, mỗi phần đổ vào vịm trộn thật đều với 7 lít muối, xong đổ vô lu, đậy nắp lại để tránh ruồi lằn. Sau ba hôm, cá thấm muối tiết ra nước mắm.

Cách gài vỉ - Bấy giờ họ lấy cái vỉ bện sẵn phủ lên xác cá và ém nhận cho dẽ chặt. Kế lấy 6 miếng tre gài vỉ cho thật chắc để một ít lâu nước mắm trào lên mặt vị. Họ lấy vá vớt cho sạch giòi, nếu có. Sau một tháng, họ nhận thấy mắm thật hôi (kinh nghiệm cho biết mắm càng hôi thì sau này mắm mới thật ngon) thì sang qua thính mắm.

Thính mắm - Họ gỡ vỉ, vớt ra rổ, gác lên miệng vịm cho cá rỏ hết nước mắm. Kế lấy 3/4 lít gạo lức rang cho thật vàng, rồi lần lần đổ vào cối đá xay thật nhỏ gọi là thính. Đoạn họ đổ cá ráo nước mắm vào vịm và lau lu cho thật ráo. Kế đỏ cả thính vào và ém nhận thật kỹ. Rồi phủ vỉ và gài chặt lại như lần đầu (nên nhớ thính nhiều làm mắm mới chua).

Họ nấu nước mắm múc ra khi nãy và thêm vào một cục phèn chua nhỏ cho nước mắm trong, Khi sôi, họ lấy vá hớt sạch bọt và dầu cá. Xong họ còn dùng vài lược thật kỹ và để ngoài vịm trong vài hôm mới đổ vào lu (kinh nghiệm cho biết, khi đổ nước mắm liền vào lu, mắm dậy làm nứt lu).

Chao mắm - Sau một tháng thính mắm là đến giai đoạn vô đường, thường gọi là "chao mắm". Bấy giờ, họ đổ xác cá ra tổ, thì thấy những con mắm ngon lành nhờ thấm muối nên cứng cát, ửng lên một màu hơi đỏ và thơm thơm. Đoạn họ lần lượt đổ mắm vào cối giã gạo quết cho thật nhuyễn. Đồng thời, người nhà lấy 3kg đường sắt thắng thật tới với xôi luôn một lít nếp. Hai thứ gia vị này trộn thật đều để nguội, rồi chao vào mắm cũng thật đều, cùng lúc họ thả thêm một mớ đu đủ xắt miếng sẵn (nên nhớ: Đu đủ nhiều làm mắm sẽ chua).

Xong đổ mắm chao vào lu và nhận ém dẽ dặt. Đến đây họ lấy lá luôn, mo cau, , hay lá chuối lót lên, đoạn phủ vỉ lên và gài lại như kỳ thính mắm. Rồi đổ nước mắm múc ra khi nãy, để khỏa mặt vỉ. Sở dĩ, họ phải chèn ém mắm cho thật kỹ, để nước mắm này không long vào con mắm, làm mắm mặn, lâu ngày mắm trở, (tức hôi).

Dùng mắm - Sau ba tháng thì mắm dùng được (có nhiều gia đình vì thiếu thức ăn, nên trong hai tháng họ đã mở mắm ra ăn lần lần). Người thôn quê ăn mắm theo hai cách: Mắm kho và mắm sống.

Kho - Mấy bà đồng quê thường kho mắm cá linh với cá đồng (lóc, rô, sặc), cá sông (lăng, leo, he, hết), lươn, thịt ba rọi và gia vị thêm sả cho ngon (khi không có cá, họ kho mắm với cà), nhưng nước mắm kho luôn luôn hơi long lỏng, để chấm rau luộc (rau muống, rau dền...) và rau ghém, bông súng, rau dừa, bông điên điển, đã vậy họ còn gia vị dừa khô nạo, nên lúc ăn rất bắt.

Ăn sống - Nhiều khi đi đồng gặp lúc cực ăn, nông dân dỡ mắm sống mang theo để ăn với cơm, có thêm ớt, gừng non - lúc đói ăn thật ngon miệng.

Ở nhà quê còn có cái lệ ăn cơm mai rất sớm (8,9 giờ sáng), cho nên các bà nội trợ thường bày ra buổi điểm tâm trưa bằng lối: Khi nắm bắp, lúc rang bắp nếp (bắp trắng), nước bắp, hoặc nấu các thứ khoai, nhất là khoai lang để ăn thoả thích với mắm sống.

Sau khi mắm cá linh dùng được thì cùng lúc nước mắm khoả mặt vỉ cũng đắc dụng trong khi kho cá và làm nước nắm chấm.

Làm nước mắm

1- Cái lu 100 lít

2 - Vỉ tre, tre gài như phần làm mắm.

3- 2 giạ cá linh để thật sình trong 24 giờ.

4- Muối, mỗi giạ : 12 lít x 2 = 24 lít

5- Đường sắt, mỗi giạ: 1 kí 50 x 2 = 3 kí

Cách trộn muối - Cách trộn muối này phân chia làm ba đợt, mỗi đợt cách nhau ba ngày. Khi mua cá (2 giạ) đem về thì cá đó đổ vô lu, sau 24 giờ cá sính. Bây giờ họ lấy 7 lít muối: 5 lít trộn thật đều vào xác cá, 2 lít còn lại để khỏa mặt cá cho ruồi lằn không bắt hơi bu vào lu. Hai đợt sau cũng làm y như vậy. Sở dĩ họ không trộn muối một lượt, mà phải trộn hai ba lần, là để cho cá thật ăn muối. Sau một tuần họ sang qua cách vô đường, gài vỉ, hớt dầu.

Vô đường, gài vỉ, hớt dầu - bấy giờ họ lấy 3 kí đường sắt thắng thật tới, để nguội rồi trộn đều xác cá (nhờ đường làm cho nước mắm dịu). Xong họ lấy vỉ tre phủ lên và gài tre lên vỉ thật chắc. Cách ít ngày sau, dầu cá lần lược phựt lên trong lu, họ lấy vá hớt hết dầu đó (phải bền chí hớt cho hết thì sau này nước mắm không hôi dầu). Đoạn họ kê lu nắm ngoài trời, khi nắng, dở nắp lu, lúc mưa đậy lại. Thế này gọi là ủ mắm. Sau 2 tháng, xác thật thấm muối và đường - như phần dùng cụ đã nói: 2 giạ cá phải đúng 25 lít muối, thì trong 3 đợtt vô muối hết 21 lít, còn lại 3 lít để long vào nước, hầu thắng nước mắm sau đây:

Dụng cụ thắng nước mắm

1- Một cái thùng thiếc (thùng dầu lửa dùng rồi)

2- 3 cái rổ

3- Ba cái vịm lớn hay thau lớn

4- Ba cái bồng bằng vải mười một.

Cách lấy nước mắm nhất hay nước cốt - Họ gỡ cây gài vỉ ra khỏi lu, bây giờ xác cá đã rã pha với nước muối thành một thứ nước sền sệt. Đoạn họ lấy 3 lít muối còn dư lại trước kia long vào 20 lít nước rồi đổ vào lu, trộn lên thật đều. Lần lượt họ múc nước mắm lẫn xác cá vào trong thùng thiếc nấy cho thật sôi và lấy quậy cho thịt cá nát biến. Xong họ mở miệng bồng đổ nước mắm đó vào và buộc miệng lại, để gọn vào cái rổ, kê ngang cái thang cho nước mắm nhỉ xuống vịm. Kế tiếp nấu cho hết nước mắm và xác cá trong lu (khi nước mắm nhỉ hết xuống vịm, xác cá còn lại trong bồng, họ đổ vào lu để nấu lại lần thứ nhì. Thứ nước mắm này gọi là nước mắm nhất hay nước cốt. Khi nấu xong, họ nếm thử như còn mặn thì thêm đường, lạt thêm muối cho vừa ăn. Đã vậy họ còn thắng lại một lần nữa, nước cốt trở nên vàng sậm và tiết ra một mùi hơi thơm thơm. Kỹ hơn nữa, họ lược lại lần cuối cùng để đóng vô ve. Hai giạ cá có thể cho ta 40 lít nước cốt; 30 lít để làm nước chấm, 10 lít sau để pha vào nước nhì, hầu kho cá cho ngon.

Cách lấy nước mắm nhì - Lần sau này, họ lấy ra 2 lít muối long vào hai chục lít nước, rồi đổ vào trộn với xác cá còn lại bỏ vô lu khi nãy. Kế thắng thêm một kí đường sắt trọn vào, rồi lấy cây quậy lên thật đều. Đoạn họ thắng lại như lần đầu. Kỳ này ta Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

lấy được 20 lít nước mắm nhì. Xong họ lấy 10 lít nước mắm cốt pha vào nước mắm nhì để kho cá thường trực trong gia đình .

Trên đây là mấy cách làm nước mắm và nấu nước mắm để dùng trong gia đình ở miền quê. Còn nhiều cách khác nữa, thay đổi tùy theo địa phương. Làm nước mắm không cứ phải dùng cá linh mà có thể dùng loại cá khác cũng được, nhất là cá nục ở biển thì nước mắm rất ngon.

Mắm và nước mắm bán trên thị trường mà dân chúng Việt Nam đều dùng, được các nhà kỹ nghệ nước mắm và mắm chế hoá sản xuất theo một quy mô rộng lớn, nhưng vẫn trong nguyên tắc dùng muối và cá.

Các sản phẩm đồng loại với cá

Danh từ cá ta dùng thường kèm theo tiếng mú. "Cá mú" dùng để chỉ tất cả các động vật ở dưới nước , sống trong hồ, ao, sông, ngòi và biển cả, gồm: tôm, cua, tép. lươn, trạch, cân cấn, đòng đong, ốc, hến, trai, don, v.v....

Cũng như cá, tất cả các thủy sản này đều được dân Việt Nam hàng ngày dùng làm đồ ăn, nhất là dân quê.

Các thủy sản người ta cũng ăn tươi, ăn khô hoặc muối.

Ăn tươi, người ta ăn cũng như cá, luộc, rim, kho, nướng, làm chả, nấu canh... Riêng về cua, nấu riêu ăn thật ngon.

Ăn kho cũng vậy, cũng giống như cá có tôm khô, mực khô, tép khô. Cua và rạm chỉ ăn tươi hoặc muối, không ăn khô.

Về các thủy sản, các ăm muối cũng quan trọng hơn hai cách trên như ăn cá vậy. Tôm tép được dùng làm mắm, và đa số dân chúng Việt Nam đều thích ăm mắm tôm, mắm tép. Mắm tôm trong nhiều trường hợp đã dùng được thay nước mắm làm đồ chấm trong những bữa cơm. Có nhiều món cần phải chấm mắm tôm mới ngon như măng tươi luộc, lòng lợn, cá ám, v.v.... Có nhiều món ăn, khi nấu phải có mắmột ôm mới dậy vị như giả cầy, canh cua.

Mắm tôm cũng được sản xuất nhiều như nước mắm và bất cứ tới chợ nào đều có hàng bán mắm tôm. Mắm tôm cũng được coi là một gia vị quan trọng của dân Việt Nam đứng sau nước mắm.

Mắm tép, tuy không quan trọng bằng mắm tôm, nhưng các gia đình dân quê cũng thường dùng thứ mắm này. Các bà nội trợ đồng ruộng phần nhiều làm mắm tép.

Mắm tép và mắm tôm được chế hóa bằng tôm tép với muối có pha thêm ít đường cũng như làm mắm cá.

Thứ mắm tôm dùng để chấm, lúc chế biến được quấy cho tan nhỏ, trộn lẫn với nước, có pha thêm bột xôi nên ta thấy sền sệt. Ngoài thứ mắm dùng để làm gia vị này, người ta còn dùng những con tôm lớn để làm mắm, ăn nguyên cả con. Làm mắm tôm này cũng như làm mắm cá nguyên miếng hoặc nguyên con, phải dùng đến muối, đường, thính, và người ta thường để lẫn vào vài lát riềng để nổi mùi thơm.

Mắm tôm nguyên con được coi là một món ăn đặc biệt, nên tại nhiều gia đình có tổ chức những bữa ăn mắm, và có mời bạn hữu thích ăn mắm tới cùng dự.

Cua cũng được dùng làm nước mắm, nhất là cua đồng. Tại miền Bắc, dân quê thường làm nước mắm cua để dùng thay nước mắm cá, vì giá nước mắm cá đắt hơn.

Cua và rạm thường được đem muối. Cua và rạm muối này, trước khi ăn người ta đem rán với mỡ có phi hành, ăn vừa giòn vừa thơm. Tại các chợ, cua muối, rạm muối đều có bán ở hàng cá mắm

°
°     °

Về ốc, hến, trai, don, người ta cũng ăn tươi, thườn g là luộc và nấu canh. Dân quên hay ăn cháo ốc, cháo trai, cháo hến. Sò thường ăn nướng và luộc.

Người ta cũng làm mắm trai và mắm hến

°
°     °

Cũng như gạo, cá và các thủy sản đồng loại, hàng ngày đều được dân Việt Nam ta dùng tới. Có người, ở những vùng quê nghèo, quan năm chỉ ăn vài bữa thịt, nhưng không ngày nào không ăn cá, ăn tươi, ăn khô hoặc ăn qua nước mắm, mắm tôm và cua muối. Bữa cơm không có chất cả, không có nước mắm, sẽ không thành bữa cơm Việt Nam

Những thức ăn phụ

Gạo và cá là hai thức ăn chính của dân ta, nhưng ngoài hai thức ăn chính đó, ta còn ăn nhiều thức ăn khác, thực vật có, động vật có mà khoáng vật cũng có.

Thực vật

Về thực vật, ta phải kể đến các loại hoa mầu phụ của nhà nông: Ngô, khoai, đậu, sắn (khoai mì), kê, ...., và các loại rau cỏ và trái cây.

Hoa mầu phụ

Những loại hoa màu phụ, hoặc được ăn nguyên chất, hoặc nấu nướng lẫn với các thức ăn khác.

Ăn nguyên chất, các hoa màu phụ này thường ăn luộc: Ngô, khoai lang, khoai sọ, sắn, lạc (đậu phụng)..., ăn nướng hoặc rang: Ngô, lạc, khoai lang hoặc xay thành bột làm bánh: bột ngô, bột khoai lang, bột sắn....

Ăn nguyên chất, người ta ăn thay cơm. Những năm mất mùa đói kém, ăn ngô, khoai, sắn, thay cơm là chuyện rất thường. Giá các hoa màu phụ thường rẻ hơn giá gạo.

Trước đây, những gia đình nghèo thường người ta ăn cơm độn, nghĩa là nấu cơm với một thứ hoa màu phụ: Cơm ngô, cơm khoai lang, cơm khoai sọ, cơm sắm... Có nhiều vùng kém phì nhiêu, nhất là ở miền Bắc và phía Bắc miền Trung, dân quê toàn vùng, trừ một vài gia đình giàu có, một năm có đến sáu bảy tháng phải ăn độn, chỉ được ăn cơm nguyên vào vụ gặt, đấy là không kể có những gia đình có những thời gian trong năm chỉ ăn toàn ngô, khoai hoặc sắn.

Người ta cũng nấu cơm đậu, đậu xanh, đậu đen, đậu trắng, nhưng thường thì giá đậu đắt hơn gạo, nên cơm đậu chỉ nấu để ăn chơi.

Vừng (mè), kê, lạc, đậu, v.v.... thường được nấu lẫn với gạo nếp thành xôi, và các thứ xôi như vậy ăn ngon hơn xôi trắng. Đôi khi nấu xôi với các nông phẩm phụ này người ta cho thêm đường, nhất là khi nấu xôi vừng, xôi dừa và xôi gấc. Đường làm nổi vị ngon của xôi, khiến xôi ngoài cái thơm của gạo nếp, cái bùi của các chất độn, lại thêm cái ngọt của đường.

Người ta dùng bột các thứ nông phẩm này để làm bánh, nguyên chất hoặc pha lẫn với một thứ khác: Bột ngô quấy bánh đúc ngô, bột khoai làm bánh khoai, bột sắn làm bánh sắn. Có khi thay vì dùng bột làm bánh, người ta lại dùng ngô chỉ giã sơ, khoai và sắn xắt ra từng miếng, nhưng vậy lúc làm bánh có pha thêm bột gạo.

Cũng có thứ bánh khi làm cần phải pha thêm đường như bánh sắn, bánh đậu xanh, bánh hoàng thanh v.v....

Rau

Cũng là thực vật, các thứ rau chỉ dùng làm thức ăn, ăn lẫn với cơm, chứ không thể ăn thay cơm như các hoa màu phụ nói trên. Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

Rau trồng ở vườn, ở ao hoặc ở ruộng.

Trồng ở vườn có rau cải, cải bắp, su hào, cải hoa, su su, hành, hẹ, cà chua, mùng tơi... Cũng phải kể cây cà rốt, một thứ rau mới đưa từ Tây Phương lại từ gần một trăm năm nay.

Trồng ở ao có rau muống, rau cần, rau rút. Rau muống là một thứ rau thông dụng suốt Bắc-Trung-Nam. Trước đây, người Nam không ăn rau muống, nhưng gần đây cũng ăn nhiều như đồng bào hai xứ Bắc và Trung.

Ở ruộng có rau lang, cà, mùng ... Rau lang chính là lá của cây khoai lang, còn mùng tức là dọc của một thứ cây giống như cây khoai sọ.

Rau ăn sống như rau diếp, cải xoong, cải quăn, cà chua, sà lách, húng láng, v.v... ăn xào, ăn luộc, hoặc nấu canh, như rau muống, rau cần, hành, su su, cải bắp, cà chua... Rau cũng được ăn muối, ta gọi là làm dưa: Dưa cải, dưa khoai, dưa giá. Cà cũng ăn muối ngoài cách xào nấu.

Ngoài các thứ rau trên, còn có những thứ rau hái ở các cây lớn hoặc cây leo, đây chính là lá những cây này như rau ngót, rau sắn, rau hoa thiên lý. Cây hoa lý là một cây cảnh, nhưng người ta thường hái những nụ hoa và lá non để nấu canh. Người ta cũng hái những lá non của các cây bí, mướp cùng với nụ hoa những cây này dùng làm rau nấu canh hay xào.

Măng tre, nứa, giang... cũng coi như một thứ rau.

Có thứ rau như húng láng, tiá tô, lá sả, lá ngổ, không dùng ăn riêng, nhưng để ăn như gia vị với các thức ăn khác. Ăn lòng lợn phải có húng láng, nấu canh cá giấm phải có lá ngổ hoặc tiá tô mới ngon.

Trái cây

Về thực vật, trái cây chiếm một phần quan trọng trong thức ăn của ta.

Có những trái cây dùng như rau, xào nấu làm thức ăn để ăn cơm như bầu, bí mướp, dưa gang, dưa chut, có những trái cây chỉ dùng làm gia vị như hạt tiêu, ớt, các trái đó có chất chua như quả muỗm (xoài), quả khế, chanh...

Phần lớn trái cây được để chính và dùng làm đồ ăn tráng miệng hoặc ăn chơi.

Trái cây ở nước ta rất nhiều, và có những trái cây quý như xoài, măng cụt, nhãn, hồng đào, quất hồng bì, cam. quýt, chuối, mít, vải, đu đủ,. chôm chôm, bưởi...

Tùy từng điạ phương và tùy mùa, các thứ trái cây xuất hiện và mùa nào thức ấy, ta có thể tìm mua trái cây ở ngoài chợ hoặc ở miệt vườn.

Dân ta có tục thờ cúng, thường mua trái cây về cúng trước ăn sau.

Trái cây chín thường được ăn nguyên như khi hái ở trên cây xuống, không bị chế hoá gì, nhưng muốn để dành, người ta thường làm các thứ mứt: Mứt bí, mứt hồng, mứt dừa. Trong vài chục năm gần đây, người ta nhập cảng lối đóng hộp trái cây của người Âu Mỹ, và hiện nay trên thị trường có bán các hộp trái cây. Ngày nay ta cũng đã chế biến được đồ hộp bằng trái cây.

Có những trái cây, chính ra chất chua hoặc chất chát, nhưng người ta đem muối hoặc tẩm đường để làm đồ ăn trong các bữa cơm như trám, trám muối, trám ngâm nước mắm, hoặc để ăn như một thứ quà: Mơ, mận...

Người dân Việt Nam thường dùng rất nhiều thực vật nhất là rau. Đối với người nhà quê, thịt cá không cần thiết lắm, bữa ăn chỉ có đĩa rau, chén nước mắm là đủ. "Nhà nghèo thì quanh năm chỉ ăn tương, cà, dưa, khoai, dưa cải, rau muống luộc, đậu kho, v.v... .

Tương là một thứ gia vị, dùng làm nước chấm hoặc kho nấu đồ ăn cũng như nước mắm. Tương làm bằng đậu, xôi nếp và muối. Có khi người ta làm tương ngô thay cho

xôi nếp. Tương là thứ nước chấm của những người ăn chay.

Đậu phụ làm bằng đậu nành, xay thành bột, cán thành bánh.

Tương và đậu phụ đều là những món ăn gốc ở đậu, nghĩa là rau vậy.

Đậu phụ kho tương cũng dễ ăn, và nhất là đậu phụ rán nóng ăn chấm tương thì ngon thật.

Động vật

Như trên đã trình bày, cá là món ăn chính thứ hai của ta sau gạo. Cá thuộc loại động vật ở nước, ngoài cá, tôm, cua, ốc, lươn, hến, v.v... đã nói ở trên, ta còn ăn thịt nhiều động vật khác, từ gia súc, dã thú đến chim chóc.

Gia súc

Gia súc gồm có trâu, bò, dê, lợn (heo), gà, vịt, chó. Ta ăn thịt tất cả các loài vật này, mỗi thức nấu nướng một khác.

Ngoài ra ta cũng ăn thịt thỏ, thịt cừu.

Có thứ gia súc vùng này ăn, vùng khác không ăn, hoặc người theo tôn giáo này ăn, người theo tôn giáo khác lại không ăn.

Trước đây, đồng bào thị thành miền Nam không ăn thịt chó, nhưng ngày nay, món dựa mận, "cầy tơ 7 món" thực cũng đã được nhiều người biết tới.

Làm thịt các gia súc, người ta chọc tiết, và tiết này cũng được dùng làm đồ ăn, luộc xào hoặc đánh tiết canh. Đánh tiết canh người ta dùng tiết sống, hãm bằng chanh hoặc bằng nước mắm cho tiết khỏi đông, rồi sau pha thêm nước dùng, tiết nhạt đi sẽ đông lại khi đánh tiết canh. Người ăn tiết canh heo, tiết canh dê và tiết canh chó. Món tiết canh ngon nhất là món tiết canh vịt.

Tiết bò, người ta có khi ăn sống gọi là "hồng hoa".Trong trường hợp này, lúc chọc tiết con bò, người ta thái mấy củ gừng vào chậu tiết, quấy đều lên trước khi tiết đông, như vậy khi chậu tiết đông lại, có chất gừng mà người ta tin rằng ăn vào nóng bụng không sợ bệnh tật do tiết sống sinh ra.

Tiết dê thường được hoà với rượu, gọi là rượu tiết dê. Rượu tiết dê được coi là rất bổ. và dân làng nhậu cũng khoái món rượu này lắm.

Thịt các gia súc có thứ ăn tái, nghĩa là chưa chín hẳn như thịt bê, thịt bò, thịt dê, có thứ ăn chín qua các cách xào nấu, luộc, rán, hầm, v.v....

Lòng các gia súc ta cũng dùng không bỏ đi như người phương Tây. Lòng lợn được ta đem đổ tiết vào với một ít các thứ thịt mỡ biến thành món dồi rất ngon. Các bộ phận khác của gia súc, dạ dày, gan, lá lách ta đều ăn cả, và khi chế hoá nấu nướng, các món này đều có vị ngon đặc biệt của mỗi bộ phận.

Xương các gia súc ta cũng đem ninh để lấy nước dùng.

Các hàng phở thường cho vào nước dùng rất nhiều xương bò và xương lợn ninh lên. Chất của xương và tủy tiết ra, thùng nước dùng càng thêm ngọt.

Ngày nay, thiịt các gia súc, ngoài cách nấu theo cổ truyền, người ta còn nấu theo kiểu Tây phương, nhưng dù sao, số người ăn theo lối Tây phương này chỉ là một số ít ở ngoài thành thị, còn ở nhà quê, người ta vẫn giữ nền nếp cổ xưa trong cách ăn uống và trong cách nấu các đồ ăn.

Dã thú

Dã thú là những thú vật sống tự nhiên nơi đồng nội, ở rừng như hươu, nai, chồn, cáo, cầy, thỏ rừng, lợn rừng, v.v..., khác với gia súc được người ta nuôi nấng săn sóc ở trong nhà.

Người ta săn bắn dã thú lấy thịt làm thức ăn, và đối với các dã thú lớn như cọp, gấu, ngoài thịt, người ta còn lấy da làm quần áo, hoặc đồ trang hoàng bày ở trong nhà. Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

Xương của một vài giống dã thú như hổ, khỉ được dùng để nấu cao, gọi là "cao hổ cốt", "cao khỉ", sừng hươu, nai dùng để nấu "cao ban long.

Muốn nấu cao, xương dã thú được đem rửa sạch, cưa ngắn và làm tách ra hết chất tủy, rồi cho vào nước nấu. Chất xương sẽ tan ra nước rồi dần động lại thành cao. Nấu cao hổ cốt, người ta thường chọn từng bộ xương cọp nguyên, người ta cho rằng được cả nguyên bộ xương như vậy cao mới tốt. Mỗi nồi cao, người ta thường dùng hai ba bộ xương, càng nhiều bộ xương cao càng có giá trị.

Ăn cao để trị bện đau lưng nhức cốt, cùng nhiều thứ bệnh khác, như thiếu sức lực, gầy còm, kém ăn.

Thịt các dã thú săn bắn được người ta cũng ăn tươi qua các món nướng, luộc, xáo, ninh, hầm.

Những dân chúng ở ven rừng, nhiều khi săn được nhiều dã thú, ăn không hết lại chưa kịp bán, thường phải phơi khô để ăn dần.

Nói về các dã thú, tôi cũng xin nhắc qua một vài giống vật khác ta không nuôi ở trong nhà mà chúng cũng không đồng loại với loài thú có lông mao. Tôi nói đến loài ếch, nhái, chão chuộc, rắn ta cũng thường dùng làm thức ăn.

Thịt ếch ngon như thịt gà. Chão chuộc thường dùng để nấu cháo; rắn đồng bào ta cũng ăn với các móm băm viên xào nấu - đồng bào miền Tây Nam Việt rất khoái thịt rắn. Có người cho rằng thịt rắn rất bổ, và khi trong người hơi choáng váng, chỉ cần ăn một bát cháo rắn hổ mang là thấy trở lại khoẻ khoắn ngay.

Ta lại ăn cả thịt dơi và thịt chuột đồng. Thịt chuột, thường người ta chỉ ăn thịt chuột đồng, chúng ăn thóc lúa hoa màu nên thịt chúng béo và ngon như thịt gà. Ở các đồng quê miền Bắc cũng như miền Nam, người ta thường bán thịt chuột đồng đã làm sẵn, ướp lá chanh.

Thịt dơi cũng thường gặp bán ở các chợ, nhất là về vùng Vĩnh Bình, Bến Tre.

Kể ra còn nhiều các con thú khác, khi bắt được ta thường ăn thịt như ba ba, rùa, sam, v.v....

Chim chóc

Chim chóc gồm tất cả các loại động vật có lông vũ ta nuôi ở trong nhà hoặc chúng sống tự do ở rừng rú và đồng nội.

Nuôi trong nhà có gà, vịt, ngan, ngỗng, chim câu, gà tây. ... còn loài dã cầm thì nhiều lắm: Chim sẻ, cò, giang, sếu, cun cút, gà gô, gà rừng... kể ra không xuể.

Thịt gà ăn ngon, nhưng thường, trừ những thị dân ít khi người ta ăn thịt gà, nhất là ở đồng quê. Chỉ trong những trường hợp giỗ tết hoặc khách khứa người ta mới giết thịt con gà.

Vịt, ngan, ngỗng và chim câu cũng vậy. Ăn thịt đến những gia cầm này, không phải thường ngày mà chỉ là những trường hợp hạn hữu. "Thực ra thì người nhà quê ít ăn thịt cầm thú, có người suốt năm chỉ những ngày tế tự ở nhà, hay những ngày việc làng ở đình thì mới được một chút thịt"

Gà, ngan, ngỗng người ta ăn luộc, quay, rán, xào hoặc nấu lẫn với rau cỏ thành món canh, hầm.

Trong những bữa ăn sang người ta có các món vịt tần. gà tần. "Tần"nghĩa là hầm kỹ cho thật chín nhừ, nhưng để làm món tần, gà vịt được mổ moi, bỏ ruột gan ra và nhét thay vào bằng thịt nạc băm hạt sen, ý dĩ và gạo nếp, hành mỡ trộn đều thành một thứ nhân.

Chim câu thường ăn quay, ăn hầm và cũng có khi ăn tần như gà vịt.

Các dã cầm săn bắn được, thường được quay, rán, nấu, nướng tùy con vật, trong hai chữ săn bắn ở đây, gồm cả cách đánh bẫy bằng lười hoặc bằng nhựa.

Sâu Bọ

Nói đến các loại động vật dùng làm món ăn của người Việt Nam, không nói tới sâu bọ là còn thiếu sót, vì rất nhiều loại sâu bọ được ta dùng làm món ăn rất ngon.

Trước hết xin nói tới rươi. Rươi là một lọai sâu bọ dưới đất, vùng ven biển miền Bắc, các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, chỉ chui lên khi thời tiết trở lạnh vào tháng chín, tháng mười âm lịch. Khi rươi lên, người ta mang thùng đi xúc và mang bán đi các tỉnh và nhất là mang về Hà Nội.

Rươi xúc ở ruộng lên như vậy lãn cả bùn đất và có nhiều chất nhớt do loài rươi sinh sản mà có. Trước khi ăn người ta lấy nước sôi khoắng rươi vào cho sạch hết bùn và chất nhớt.

Rươi làm lông xong, mới đem nấu ăn. Nấu rươi có nhiều cách.

Rươi được đem nghiền nhỏ, trộn lẫn với trứng đem rán, đấy là món Trứng đúc rươi.

Rươi đem xào với thịt ba chỉ, với vỏ quýt và măng tươi gọi là rươi xào.

Rươi nấu với thịt lợn, măng tươi, vỏ quýt, có nhiều nước, gọi là rươi nấu.

Người ta cũng làm mắm rươi: Rươi chỉ có vào cuối thu đầu đông. Muốn có rươi ăn quanh năm các bà nội trợ muối rươi thành mắm. Mắm rươi được gửi bán ở các nơi trong toàn cõi Việt Nam trước đây.

Các món rươi được các tay sành ăn thưởng thức và được dùng làm đồ nhắm (nhậu) trong các bữa rượu.

Về sâu bọ, phải kể đến con Nhng. loại sâu tơ, ở trong kén. Nhng là một món ăn rất phổ thông, nhất là ở những vùng có nghề tầm tơ. Nhng thường chỉ ăn rang với mỡ, nhưng cũng có khi được dùng nấu canh măng. Trong nhng có nhiều khi lẫn cả những con tằm.

Nhộng già thành ngài; Tức con bướm kén. Sau khi con ngài đã đẻ trứng, người ta cũng dùng con ngài làm một món ăn. Trước hết, ngài được đem rửa kỹ cho hết chất phấn, sau đó được đem rang với lá chanh và mỡ, nêm mắm muối cho đậm. Ngài đem ăn với bánh đa nướng giòn thật ngon, các tay rượu cũng ưa nhậu với ngài. Ngài ăn béo béo, đậm đà lại đôi khi sựt sựt vì những trứng ngài còn sót ở trong bụng ăn cũng hay hay.

Cũng thuộc về loại sâu bọ, người miền Bắc ngày xưa còn ăn con Đông Trùng Hạ Thảo. Đây là một loại sâu nằm trong thân một cây cỏ rừng, và cây cỏ này chỉ có sâu về muà đông, còn về mùa hạ cây cỏ chỉ nguyên là cỏ.

Trong Nam không có con đông trùng hạ thảo, nhưng có con Đuông ở cây dừa cũng được kén chọn để làm đồ nhắm. Con đuông ăn cũng béo và cũng được coi là rất bổ.

Về sâu bọ ta còn ăn con cà cuống. Cà cuống có hai loại, cà cuống bọng có chất nước thơm được trích ra làm gia vị, nhỏ vào nước mắm để chấm các thức ăn và cà cuống thịt, người ta dùng để ăn. Cà cuống bọng sau khi lấy hết chất nước thơm cũng đem dùng để ăn. Cà cuống thịt được đem luộc và trong khi luộc có chút muối bỏ vào cho thịt đậm.

Dế cơm cũng là một loại sâu bọ được dùng làm món ăn, nhất là món nhậu của đồng bào tỉnh Vĩnh Bình, Bến Tre.

Ta cũng lại ăn cả châu chấu non, nhưng thường chỉ dân quê mới ăn món này, nhất là dân quê các tỉnh Trung Châu miền Bắc. Tại các chợ như chợ Ngư Dại (Bắc Ninh), Đông Anh (Phúc Yên) ngày xưa thường có những hàng bán châu chấu đã luộc sẵn khi mùa châu chấu có nhiều, nhất là sau các vụ gặt lúa mùa.

Trứng kiến và mật cũng được dùng để ăn, kiến và ong cũng là những sâu bọ.

Có lẽ ở nhiều địa phương khác còn có những loại sâu bọ khác được dùng làm thức ăn, nhưng phần vì thiếu tài liệu, phần vì phạm vi quyển sách, nên xin tạm ngưng ở đây Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

về các loại động vật.

Khoáng Vật

Khoáng vật ta dùng làm thức ăn rất ít, và đứng đầu phải kể là muối. Cũng như bất cứ dân tộc nào, muối đứng đầu hàng gia vị và được chế hoá thành các thứ gia vị khác. Trong bất cứ món ăn nào, muốn có chất mặn phải dùng muối.

Ngoài muối, một khoáng vật ta thường ăn là vôi. Vôi do đá vôi nung mà có. Ta nấu bánh đúc với vôi, ta dùng vôi để tẩy rửa lòng các loài vật như lòng bò, lòng trâu và có nhiều thức ăn, ta phải cho chút vôi vào cho chóng chín như khi ta bung ngô hoặc ninh thịt một vài dã thú.

Vôi còn được dùng để ăn trầu, một món ăn đặc biệt Việt Nam, ăn không phải để nuốt mà chỉ để nhai rồi nhổ nước và nhả bã đi. "Miếng trầu là đầu câu chuyện".

Phèn chua cũng là một thứ khoáng vật thường được dùng trong việc làm các thức ăn và bánh mứt. Làm mứt mơ, mứt mận, mứt trám, người ta dùng phèn để những miếng mứt được cứng, bày được đẹp.

Người ta cũng lại dùng hàn the, thạch cao trong việc chế biến một vài thứ bánh, hoặc trong việc làm một vài thứ bột nấu chè cho cứng. Dùng thạch cao cần thận trọng hơn.

Tóm lại, trong loại khoáng chất, chỉ có muối là thật sự cần thiết trong việc dinh dưỡng của ta, vôi cũng tham dự vào một phần nào, còn những khoáng chất khác ta chỉ dùng đến rất ít và cần phải cân nhắc thận trọng để tránh tác hại

Qua các nội dung trên, phần lớn các thức ăn chính và thức ăn phụ đã được trình bày. Với những thức ăn này, ta có thể có những món ăn ngon tùy theo sự chế biến của ta. Cũng một thức ăn, chế hóa khéo, thức ăn sẽ biến thành món ăn ngon. bằng không để nguyên chất nhiều khi kém ngon hơn, tuy cũng có thức ăn tự nó đã ngon - nhưng dù có ngon mà được đem biến chế khéo, ta càng có món ăn ngon hơn.

Cùng một món ăn, cùng theo một công thức chế hoá, có bà nội trợ làm ăn rất ngon, cũng có bà làm ăn rất tầm thường. Thực ra nấu ăn là cả một nghệ thuật, trong đó việc chế mắm muối, đun lửa to, lửa nhỏ, gia vị rất ảnh hưởng tới độ ngon của món ăn.

Với những thức ăn của ta, theo Phan Kế Bính ta còn ít món ăn ngon. Trong "Việt Nam Phong Tuc", khi nói về ẩm thực, ông đã viết:

"Xét việc ăn uống của ta, cũng đủ các thứ thịt, cá, sơn hào hải vị, rau cỏ, hoa quả, chẳng thiếu thức gì, song chỉ hiềm cách nấu nướng còn vụng lắm...."

Thực ra Phan tiên sinh đã hơi khó tính. Biết bao nhiêu người đã ca tụng món ăn của ta, đã viết thành từng quyển sách như "Tản Đà ẩm thực"của Tản Đà, hoặc "Miếng ngon Hà Nội" của Vũ Bằng hoặc "Hà Nội ba mươi sáu phố phường"của Thạch Lam

Để ca tụng món cơm nắm, chả lợn Hà Nội, Vũ Bằng viết:

"Hàng ngày ai lại không ăn cơm, dù là ăn cơm với chả. Nhưng cũng chỉ là cơm, cơm nắm bán rong lại có một hương vị lạ lùng, mát mẻ làm sao, khiến cho người ăn thấy trơn tru cả cuống họng; nhất là cơm ấy lại chấm với nước mắm ấy, thật là cả một bài thơ tiết tấu vừa làm vui vẻ khẩu khoái lại vừa làm đẹp cả thị giác của ta nữa. Trông thấy miếng cơm trắng bong, mịn cứ lì đi, chấm vào trong một chén nước mắm vàng sẫm một màu quỳ, người ăn có cảm giác như ẳn hương ăn hoa" vào bụng. Miếng chả ăn lúc đó dẫu làm bằng thịt heo, cũng vẫn là một thứ gì thanh tao cao quý

hẳn đi

Vũ Bằng còn ca tụng nhiều miếng ngon khác, và món ăn nào dưới ngòi bút của Vũ Bằng, dù chỉ là những món ăn chế hoá bằng các thức ăn thường ngày, cũng đều có thể khiến cho người ta "nhỏ nước miếng"được, như vậy chứng tỏ sự nấu nướng của ta đâu có vụng về.

Tôi nhớ đến miếng lươn vàng, thơm phưng phức mà bùi, ăn vào, sợi miến cứ quánh lấy nhau "

Tôi muốn chép lại ra đây nhiều món ăn nữa đã được ngòi bút của Vũ Bằng ca tụng, nhưng rất tiếc phạm vi của quyển sách không cho tôi lan man hơn được nữa.

Và, dựa vào những món ăn thơm ngon đã được nhắc tới, tôi xin kết luận làmón ăn của ta ngon, dù nấu theo lối cổ truyền thì khi được bàn tay khéo léo của các bà nội trợ chế hoá vào, món ăn sẽ dậy vị và khi ăn ta còn thấy thích thú bằng mấy ăn những món ăn ngoại quốc.

Con người ta, càng nặng tình nghĩa với gia đình bao nhiêu khi nghĩ tới bữa cơm cả gia đình ngồi chung quanh chiếc mâm gỗ, càng cảm thấy những món ăn quê hương là hợp với khẩu thiệt của mình, nhất là khi những món ăn này lại do bàn tay khéo léo của bà vợ tấm mẳn chung thủy cố nấu cho ngon để mình thưởng thức!

Món ăn Việt Nam quả là ngon! Ai muốn ăn cơm Tây, ai muốn khen cơm Tầu, ai thích ăn cơm Mỹ, ai ưng nếm cơm Nhật, rồi một ngày kia như một lãng tử lìa bỏ gia đình sẽ có những giây phút thèm những món ăn Việt Nam, như lãng tử kia bỗng thấy lòng ân hận muốn tìm trở lại cái một cái quàng tay, một cái nhìn âu yếm, cả một thời ân ái của người vợ đầu gối tay ấp...

Đã ngon, món ăn của ta lại có cái đặc biệt là không đắt đỏ bao nhiêu.

Một lọ cà cuống không to hơn ngón tay; vài cái bánh cốm, bên một hàng chè mạn sen, hay một lọ vừng hoặc một chai nước mắm; mấy thứ đó tính theo thời giá không quá năm chục bạc . Thế nhưng mà những cái quà đó đã đem cho lòng ta bao nhiêu sự đắm say, bao nhiêu thú vị, bao nhiêu cảm giác mông lung nhã lịch! Ta cầm lấy mà thấy như ôm một chút hương hoa đất nước vào lòng.



NHỮNG BỮA ĂN

Dân Việt Nam ta ăn mỗi ngày ba bữa: Bữa sáng (điểm tâm), bữa trưa và bữa chiều. Những người ở thành thị ăn hai bữa chính và một bữa phụ, bữa phụ là bữa ăn sáng. hai bữa chính lúc trưa và lúc chiều. Nông dân ở nhà quê, ăn ba bữa đều nhau; và như vậy ba bữa đều là bữa chính.

Bữa sáng

Người thành thị gọi bữa ăn này là bữa "ăn lót dạ" thường ăn ít hơn hai bữa kia, và chỉ ăn cho đỡ đói.

Học trò đi học, công chức đi đàm, thợ thuyền tới xướng, người buôn bán đi chợ, đều ăn bữa lót dạ ở nhà trước khi đi, hoặc nếu không ăn ở nhà thì cũng rẽ vào tiệm ăn trước khi tới trường, tới sở làm hoặc tới chợ.

Trong khi chồng con ăn sáng, các bà nội trợ cũng ăn theo, hoặc trái lại khi vợ ăn đi chợ, con đi học thì người chồng cũng ăn, dù người chồng có khi không đi làm lụng gì.

Bữa ăn sáng thành thị thường ăn vào khoảng trước bảy giờ rưỡi, nghĩa là trước khi mọi người phải ra đi công việc của mình.

Vì là bữa "lót dạ"nên sự ăn uống cũng mau chóng, mọi người thường ăn ít hơn hai bữa chính.

Có thể chỉ là một bát cháo trắng, một nắm xôi, một bát cơm nguội, một vài củ khoai, một dĩa bánh cuốn, một chiếc bánh nếp hoặc bánh tẻ... Và từ khi tiếp xúc với cuộc sống Âu Tây, người ta ăn thêm bánh mì, sữa là những món ăn mới có từ thời Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

Pháp thuộc.

Nhiều ông bà công chức, trước khi tới sở, ghé vào các hiệu để ăn sáng; họ ăn phở, ăn mì, canh miến, cháo gà... Những món ăn Tàu như bánh bao, xíu mại cũng được người Việt dùng để ăn lót dạ buổi sáng.

Với nông dân ở vùng quê, bữa ăn sáng người ta cũng ăn nhiều như hai bữa kia.

Và người ta theo đúng câu tục ngữ "ăn lấy chắc mặc lấy bền", người ta phải ăn no, và ăn những thức ăn no lâu để có thể chịu đựng được với công việc làm. Người ta không ăn cháo, ăn xôi hoặc bánh trái gì, mà người ta ăn cơm hoặc ăn một thứ ngũ cốc hay hoa màu khác để thay cơm: Ngô, khoai, sắn...

Người ta thường dậy thật sớm để nấu cơm, ăn xong ra đồng làm việc. Cũng có khi người ta ăn cơm nguội bữa cơm tối hôm trước còn dành lại, trường hợp này người ta thường nắm cơm hôm trước, vì cơm nắm dễ ăn hơn cơm nguội. Và người ta cũng chẳng cần kén chọn thức ăn, cơm ăn với mắm, cơm nắm chấm với muối vùng, hoặc ăn với cà với dưa là xong.

Ăn cơm xong, họ lo đi làm đồng, còn ai ở nhà lo việc nhà.

Gặp những năm đói kém, bữa sáng người ta không ăn cơm, thường dùng khoai, sắn, hay ngô, có khi các nông phẩm này cũng thiếu thì người ta nấu cháo ngô, cháo khoai ăn cho đỡ tốn.

Bữa trưa

Đối với kẻ chợ cũng như nhà quê, bữa cơm trưa là bữa chính. Bữa trưa ăn vào quá ngọ.

Học trò đi học về, công chức tan sở về, thợ thuyền nghỉ ngơi buổi trưa, các người buôn bán dù bận khách cũng phải có mười phút để dùng bữa cơm trưa.

Trong bữa cơm này, gia đình quây quần quanh mâm cơm; cơm sốt, canh nóng ăn thật ngon, lại thêm cái thú gia đình đoàn tụ, bữa ăn càng vui vẻ.

Ở Sài Gòn, một thành phố lớn, nhiều công nhân và công chức ở ngoại ô xa xôi, không phương tiện chuyên chở, thường ở lại buổi trưa ở nơi làm. Và họ dùng bữa trưa ngay ở nơi đây. Những người sẵn tiền sang trọng thì ra ăn tiệm, còn phần đông thường đem cơm buổi sáng ở nhà đi, lúc giờ nghỉ bỏ ra ăn. Đã đành rằng ăn như vậy, cơm cũng như thức ăn đều nguội và thiếu sự vui vẻ của gia đình sum họp, nhưng đành vậy chứ biết sao vì công việc.

Bữa trưa này thường ai cũng ăn cơm với thức ăn do các bà nội trợ nấu nướng, hoặc trường hợp bà nội trợ mắc bận thì mua ở tiệm về.

Thức ăn thường thịt, cá, rau, dưa, xào, rán hoặc nấu canh tùy từng gia đình.

Có một số ít gia đình quên gốc, ăn uống theo lối Tây, dùng cơm Tây, ăn bánh mì thay cơm, nhưng đây chỉ là thiểu số. Cũng có khi, vì một lý do gì, trong nhà không nấu cơm, người ta cũng mua bánh mì về ăn thay cơm, nhưng trường hợp này rất hạn hữu.

Cơm xong người ta thường tráng miệng bằng trái cây hoặc bánh ngọt.

Ở nhà quê, người nông dân ăn bữa trưa cũng như ăn bữa sáng, chỉ có cơm với mắm, cà, dưa muối, hoặc năm thỉnh mười thoảng có miếng thịt, khúc cá.

Những người nào làm đồng ở gần nhà thì bữa trưa quay về ăn cơm, nhưng thường thì người nhà mang cơm ra đồng để những người làm đồng ăn. Cũng có những người vì nhà neo người, và lại ở xa, buổi trưa trở về không tiện mà cũng không có ai mang cơm cho, thì người ta mang sẵn cơm đi. Cơm thổi buổi sang nắm lại, đựng trong mo cau, thay cho bát đĩa, cùng với thức ăn, được mang đi để buổi trưa lúc nghỉ viêc ngả ra ăn cùng với các thợ bạn. Ăn xong, chiêu hớp nước, rồi nằm nghỉ dưới gốc cây một lúc. Bữa trưa thế là xong, không có cầu kỳ gì.

Như trên đã nói, trước đây dân quê ít khi ăn thịt cá, thường chỉ ăn rau và mắm, bởi vậy dù ăn ở nhà hoặc mang sẵn để ăn ở ngoài đồng, việc ăn uống cũng không có gì thay đổi. Ăn để mà sống, có đủ bữa ăn đã là quý rồi. Và cũng không có đồ ăn tráng miệng sau bữa cơm. Tráng miệng, dân quê chỉ ăn trong những dịp giỗ tết, hoặc thết đãi khách khứa. Mà đồ tráng miệng chẳng qua cũng vài quả chuối, hoặc bát chè là cùng.

Bữa chiều

Cũng như bữa trưa, bữa chiều là bữa chính của người Việt Nam. Thức ăn thường cũng như bữa trưa, nghĩa là có cơm và đồ ăn.

Người thành thị bắt chước nếp sống Âu-Tây, có một số bữa chiều thường kén thức ăn nhẹ, món súp kiểu Tây phương với bánh mì, còn đa số quần chúng đều ăn cơm.

Người nhà quê thì bữa chiều cũng như bữa trưa, vẫn món cơm tẻ là chính, nếu có khác chỉ là bữa chiều, công việc đồng áng đã xong, hoặc chợ búa đã về, cả nhà quây quần quanh mâm cơm, bữa ăm đượm màu ấm cúng dù thanh đạm cũng ngon.

Cũng như bữa trưa, người thành thị sau bữa cơm có ăn tráng miệng, còn người nhà quê chỉ cơm xong là hết, hoạ may hôm nào có bà vợ hoặc cô con gái đi chợ có mua chút quà bánh gì, kẹo bột, kẹo vừng, trái cây đang mùa - thì đó chính là đồ tráng miệng.

Bữa chiều, còn gọi là bữa tối, thường ăn vào khoảng 7, 8 giờ

°
°     °

Trên đây là ba bữa chính của dân Việt nam, nhưng ngoài ba bữa cơm này, những người ở thành thị cũng như ở nhà quê, còn thỉnh thoảng có ăn quà, nhất là người thành thị.

Quà ăn bất cứ vào giờ nào. Người ở tỉnh, hoặc người đi chợ, thấy có hàng quà, muốn ăn thì mua ăn bất cứ giờ nào. Chỉ những nông dân làm lụng ngoài đồng là ít dịp ăn, vì hàng quà có bao giờ ra bán ngoài đồng, trừ trường hợp mùa gặt, họ mang quà bánh đi đổi lúa thì lúc đó người nông dân mới thỉnh thoảng ăn quà.

Người ở kẻ chợ ăn quà không kể giờ gíấc, quà sáng, quà trưa lại quà tối. Các trẻ em đi học thường được bố mẹ cho tiền, chúng dùng tiền này ăn quà đường, mua kẹo, mua bánh...



BỮA ĂN VÀ CÁCH ĂN

Ta có câu:

"Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm"

Câu này ý muốn nói, khi ăn uống bát đũa sạch sẽ, người ta ăn thấy ngon miệng hơn. Bát đũa sạch sẽ tăng sự ngon miệng một phần, cách trình bày các món ăn cũng tăng sự ngon miệng thêm lên.

Bởi vậy, tới bữa ăn, người ta dọn mâm bát đàng hoàng, không ai ăn bốc ăn bải, hoặc ăn dấm ăn dúi, trừ những trường hợp vội vàng, phải ăn cho xong để làm một việc gì.

Về bữa sáng, người ở tỉnh thường dọn lên những chiếc khay cho người lớn ăn với bát đũa, còn trẻ con có khi gặp sao ăn vậy, mua ngay ở hàng quà mà ăn.

Còn ở nhà quê, bữa sáng đối với những người đi làm đồng, họ ăn vội vàng, thức ăn có khi dọn ra chiếc mẹt, trên chiếc mẹt có đĩa mắm, đĩa dưa, bát nước mắm đôi khi thêm khúc cá. Mấy người phải đi làm đồng ngồi quanh mẹt cơm, ăn cho xong để còn lo công việc. Người ở nhà ăn sau. Ngày nay có mâm cơm đàng hoàng.

Những gia đình có nhiều người ở nhà, hoặc những gia đình thợ thuyền, cũng như Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

những gia đình có người buôn bán ở các chợ, bữa sáng thường ăn muộn hơn những người đi làm đồng một chút ít.

Họ dọn mâm bát, bày thức ăn vào mâm, rồi mọi người ngồi chung quanh mâm cùng ăn. Mâm cơm đặt trên chiếc chiếu trải ngay xuống đất hoặc trên phản. Thường nhà quê dọn ăn ngay ở nhà bếp.

Giữa mâm cơm là chén nước mắm để cả nhà cùng chấm thức ăn. Bữa cơm thường chỉ rau dưa, nước rau luộc dùng làm canh, hoặc đôi khi có bát canh tôm, canh cá. Ít khi trong bữa cơm nhà quê có bát canh thịt hoặc đĩa thịt.

Bữa trưa và bữa chiều, ở tỉnh thì thức ăn hoặc dọn thẳng lên bàn hoặc dọn vào một chiếc mâm, mâm cơm bưng đặt lên bàn. Chén bát, thìa đũa để thành chồng trên bàn ăn hoặc mâm cơm. Lúc ăn, mỗi người dùng một chiếc bát nhỏ, trong nam gọi là "chén". Cơm xới vào bát. Lúc ăn, tay trái bưng bát cơm, tay phải cầm đũa. Đũa dùng để gắp thức ăn và để và cơm vào mồm. Trẻ con chưa biết dùng đũa thì dùng thìa, ngày nay dùng cùi-dìa. Lúc chan canh, có một vài chiếc thìa chung ở mâm cơm, ai chan thì dùng. Canh múc ở nồi lên thì dùng môi (muỗng canh).

Ở nhà quê, hai bữa này cũng như bữa sáng, mâm cơm được đặt trên một chiếc chiếu, chiếu trải ngay xuống đất ở nhà bếp, ở nhà ngang, và gặp những buổi chiều trời mát mẻ ở ngay ngoài sân. Nhà giàu có mới dọn cơm trên phản.

Khi có khách khứa hoặc giỗ tết, cơm mới dọn ở nhà trên hoặc nhà khách.

Cũng có nhà, người ông hoặc người cha, chủ gia đình được vợ con - và các cháu kính trọng thường dọn riêng một xuất cơm lên nhà trên.

Trong bữa ăn, thường con gái và con dâu phải ngồi đầu nồi để xới cơm. Ở thành thị khi bữa ăn, những nhà giầu có, thường có người giúp việc lo cơm cho mọi người.

Ăn Trầu

Như trên đã nói, ta có tục ăn trầu, ăn không phải để nuốt, đây không phải vì dinh dưỡng, mà ăn để nhổ nước và nhả bã. Theo người xưa, ăn trầu còn ý nghĩa xã giao

"Trầu có từng miếng, mỗi miếng trầu gồm một miếng cau tươi hay khô, một miếng lá trầu không quyệt vôi, phụ thêm một miếng vỏ cây chát hay miếng hột mây, hột móc. Ăn trầu có vị cay thơm, trừ được mùi xú uế trong mồm, chặt được chân răng, đàn bà lấy thế làm đẹp"

Sau bữa cơm người ta ăn một miếng trầu để khỏi tanh miệng. Sơ trầu quyện được hết những thức ăn còn giắt ở kẽ răng, do đó trầu làm cho sạch miệng.

Trầu cũng làm cho chặt chân răng, và nhờ có chất vôi, trầu cũng tránh cho ta được bệnh sâu răng.

"Đàn bà rất là hay ăn trầu, có người ăn luôn mồm cả ngày, nhả bã miếng này, lại ăn ngay miếng khác"

Đàn ông cũng ăn trầu, nhưng ăn ít hơn đàn bà.

Trong các đám giỗ tết, ma chay, cưới xin đều có trầu cau để mời khác.

Các bà lại có thói ăn trầu thuốc, nghĩa là thêm vào miếng trầu một miếng thuốc lào.

Hút Thuốc Lào

Thuốc lào thường được ăn với trầu, nhưng người ta còn hút thuốc lào.

Thuốc lào là một thứ lá cây giống như loại thuốc lá, người ta thái nhỏ phơi khô dùng điếu mà hút.

Ngày nay người ta còn hút thuốc lá. Xưa kia, thuốc lá dân mình cũng hút nhưng rất ít. Từ ngày tiếp xúc với Tây Phương, những người ờ thành thị hút thuốc lá hay thuốc lào, tuy vậy vẫn cò nhiều người hút thuốc lào. Người ta đã cho thuốc lào là "quốc túy, và ca dao có câu:

"Nhớ ai như nhớ thuốc lào

Hễ chôn điếu xuống lại đào điếu lên"

Hút thuốc lào cũng có hại, nuốt khói thuốc lại càng có hại hơn. Tốt hơn hết là nên bỏ cả thuốc lào, thuốc lá

°
°     °

Từ trên, các thức ăn chính và phụ của Việt Nam cũng như những thức ăn không phải để dinh dưỡng đã được trình bày, nhưng ăn thì phải có uống, đã nói thức ăn thì phải nói tới đồ uống.

Người ta có thể nhịn ăn được lâu ngày, nhưng chỉ có thể nhịn uống trong một thời gian ngắn.

Đồ uống chính của người Việt Nam

Nước

Cũng như bất cứ dân tộc nào trên thế giới, đồ uống trước tiên là nước, rồi nước đó được đem chế hoá thành các đồ uống khác.

Nước, ta thường dùng là nước lạnh sạch.

Ở nhà quê ta thường hứng nước mưa, đào giếng để lấy nước ăn và uống. Nước uống cần lắng lọc và nấu sôi.

Nước mưa giữa trời được coi là rất thanh khiết. Ta thường dùng nước mưa này là nước cúng, và khi khát người dân quê uống ngay nước mưa lạnh không qua một sự đun nấu lọc lõi nào.

Người ta uống khi khát, cũng như sau mỗi bữa cơm, người ta uống nước để súc miệng.

Ở những nơi gần sông, đầm hoặc hồ lớn, người ta dùng ngay nước sông, nước đầm hoặc nước hồ. Nước này thường vẫn đục, muốn cho trong người ta lấy phèn chua mà đánh. Chất phèn làm các chất bẩn trong nước lắng xuống đáy thùng và nước trở nên trong.

Người nhà quê, gặp lúc khát, thấy nước lã là uống ngay; bất kể nước mưa, nước giếng, nước sông hay nước hồ. Có lẽ vì cơ thể quen với nước dùng như vậy, nên dù có uống thứ nước mà ta thấy rõ ràng là thiếu vệ sinh có thể gây bệnh tật, nhưng dân quê vẫn cứ uống mà không thấy sao cả. Nói như vậy, không phải là ai cũng cứ uống nước lã và thích uống nước lã. Thật ra, người ta uống nước lã vì không có nước khác.

Thường nước lã được đun sôi với chè, lá vối, là đùm đụp, gạo rang v.v.... làm nước uống hàng ngày.

Nước chè tươi, chè xanh bỏ vào nước đun sôi là một thứ đồ uống rất thông dụng và rất được mọi người ưa thích. Cũng thông dụng và cũng được ưa thích như chè tươi còn có nước vối, nấu bằng lá vối phơi khô. Nếu chè tươi còn có vị thơm ngon có chất tươi của lá, thì nước lá vối uống lại ngòn ngọt, và theo các cụ bảo là lại dễ tiêu.

Ta cũng còn uống nước chè hạt và chè hạt cũng rất thông dụng. chè hạt chính là những nụ hoa cây chè hái đem phơi khô rồi pha với nước sôi để dùng. Cũng pha với nước sôi như chè hạt còn có chè mạn, tức là chè vá búp cây tra được hái phơi khô rồi đem ủ một thời gian.

Pha chè hạt cũng như chè mạn, người ta cho chè vào ấm, rồi đổ nước vào. Chất chè sẽ ngấm ra nước.

Trong lúc pha chè, để nước có mùi thơm, người ta thường cho vào vài bông cúc, ít nhị sen. Lúc uống mùi thơm bốc lên phưng phúc. Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

Người ta lại dùng chè mạn ướp với các thứ hoa: Hoa thủy tiên, hoa lài, hoa cúc, và nhất là hoa sen, và được dùng làm quà biếu các bậc bề trên, hoặc dùng để biếu Tết. Pha trà, trong những buổi cúng tế, thường ta dùng chè ướp hoa.

Người Việt Nam ta lại có tục, buổi trưa ngày Đoan Ngọ đi hái các thứ lá, bất cứ lá gì, ngoại trừ các thứ lá độc, đem về phơi khô dùng đun nước uống. Người ta tin rằng nước này uống rất tốt và trừ được nhiều bệnh tật.

Ta cũng uống nước nụ vối như chè hạt.Nước nụ vối được kể là ngon và lành hơn chè hạt; các cụ cho chè hạt uống háo.

Có một thứ nước uống được coi là lành và bổ, lại thêm có vị thơm, rất được dùng là nước gạo rang. Gạo sống được đem rang vàng lên, rồi pha với nước sôi, có khi đun hẳn với nước lạnh cho đến sôi, dùng làm đồ uống về mùa nực rất mát.

Ngoài Bắc, trong những mùa nắng, nhiều nhà để giúp đỡ khách bộ hành qua đường thường pha từng lu nước gạo rang để ở trước cửa nhà với đủ gáo, bát để ai đi qua khát nước cứ việc uống. Cũng có nhà thay vì để nước gạo, họ lại để lu nước vối, hoặc nước mưa.

Đây là một việc làm phúc đức, nên rất nhiều người theo. Thường ở trước cửa chùa chiền về mùa hè, cũng có sẵn một vại nước gạo rang cho khách qua đường.

Ngày nay, ở tỉnh nhiều người không uống nước chè, nước vối, nước gạo rang mà chỉ uống nước lọc, hoặc nước lạnh đun sôi. Người ta lại thường dùng nước đá pha vào nước lọc hoặc nước lạnh đun sôi để uống cho mát.

Ngoài ra, có các hãng chế các thứ nước ngọt, nước cam, nước chanh, nước xá xị, nước bạc hà, v.v.... bán làm đồ uống. Dùng các nước này, người ta thường dùng thêm nước đá cho thật lạnh.

Lại còn nước trái cây tươi, nước miá ép, đều được dùng làm đồ uống giải khát, uống với nước đá. Có những cửa hàng có sẵn máy ép nước trái cây, nhưng tại gia đình người ta dùng trái cây như chanh, cam, quýt vắt nước hoà với đường, thêm nước lạnh và nước đá mà uống.

Ta cũng lại uống nước dừa, tức là nước ở trong một quả dừa, uống ngòn ngọt và khỏi khát. Nước dừa uống với nước đá cũng được ta ưa chung.

Các loại nước mới, nước trái cây, nước mía, nước ngọt, thường chỉ có thị dân dùng nhiều, ở nhà quê ta chỉ quen uống các đồ uống cổ truyền: Nước chè, nước vối, thỉnh thoảng mới có khi uống các loại nước ngọt của thành thị.

Nói đến đồ uống, không thể bỏ qua được chè Tàu. Đây cũng chỉ là búp những cây trà được người Tàu hái rồi phơi ủ chế hoá thành một thứ chè ngon, khi pha ra thì nhỏ cánh xanh nước. Có loại chè đầu xuân, nghĩa là búp đã được hái vào đầu xuân, được các tay sành thưởng thức chè rất ưa chuộng.

Nghệ Thuật uống chè

Từ trên, mới chỉ nói đến các đồ uống từ xưa tới nay, nhưng chưa nói đến những bữa uống của người Việt Nam, có bữa ăn thì cũng phải có "bữa uống".

Ở đây, không nói tới sự uống sau mấy bữa ăn cốt để súc miệng, hoặc sự uống để giải khát khi trời nóng, mà tôi chỉ xin nói tới những bữa uống để thưởng thức hương vị, và trong những trường hợp này , uống chè là cả một nghệ thuật.

Là nghệ thuật vì uống mỗi thứ chè có một thứ cầu kỳ khác, uống chè Tàu không giống uống chè sen.

Và muốn thưởng thức hương vị của chè, không phải bất cứ lúc nào uống cũng thấy ngon, và cũng không phải bất cứ uống với ai cũng thấy cái hương vị thơm ngon ấy.

Ta hãy cứ tưởng tượng buổi sáng trời lạnh, với ấm chè nóng, hoặc ta thử tưởng tượng buổi tối lạnh, ấm chè sen thưởng thức với phong bánh đậu xanh thì sẽ thấy cái

thú uống chè khác nhau, tuy cũng lã trời lạnh, tuy cũng là ấm chè.

Phải hiểu uống chè là một nghệ thuật ta mới lấy làm lạ khi thấy có người cầu kỳ gửi mua tận ngoại quốc mấy bao chè đầu xuân, hoặc đi tìm kiếm khắp các hiệu để mua một bao chè Thiết Quan Âm chính cống. Phải cầu kỳ thế, lúc uống chén trà mới nghiền nghẫm hết hương vị của chè.

Uống chè Tàu (trà Tàu)

Qua nếp sống của ta, trong công việc giao thiệp chén nước chè dự phận rất nhiều, nhất là chè sen và chè Tàu. Riêng về chè Tàu, việc uống chè đã được người Trung Hoa nghiên cứu rất kỹ lưỡng từ xưa, và họ đã đặt ra những đồ ấm chén và lò siêu dành riêng cho việc pha chè. Những bộ đồ ấu chén có về đời nhà Tống qua nhà Minh cho đến đời Khang Hi nhà Thanh. Cách uống chè về đời Khang Hi càng cầu kỳ hơn và thay vì hãm chè bằng chén to, chè đã được pha thành từng chén nhỏ. Ấm chén, siêu lò được kén chọn kỹ lưỡng.

Chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Quốc, ta có lối uống chè của Người Tàu, nó rất hợp với người mình, nhất là ở miền Bắc về mùa lạnh. Các nhà quyền quý, các người giầu có cũng kén chọn bộ đồ trà, và cũng hằng bỏ những món tiền lớn để mua cho được bộ đồ trà vừa ý. Và chè họ cũng kén chè Long Tĩnh, chè Võ Di là những "danh trà"nổi tiếng không những chỉ riêng ở nước Tàu, mà ở khắp Á Đông. Thâm chí có người chốc giống chè chính son, chịu đặt tiền sẵn để mua cho bằng được, nhất là kém bằng được chè đầu xuân. Có loại chè này trong nhà, gia chủ rất lấy làm hân hạnh và vũng là một điều vinh dự.

Người sành uống chè biết phân biệt hương vị các thứ chè lại hiểu khí chất mỗi loại, loại nào phải pha thế nào uống mới đậm nước nồng hương, loại nào cần uống thật đặc, loại nào uống đặc vừa để hương thơm đủ bốc lên dìu dịu; lại cũng kén chọn đồ pha chè cho hợp: Ấm pha thế nào thì tốt, chén uống thế nào thì ngon, cho đến lò than và siêu nước cũng phải nấu thế nào cho mau. Đấy là tất cả những điều khó khăn của nghệ thuật, người không nghiện và sành uống chè thì không sao hiểu được. Cần phải có nghiên cứu và cần phải biết tinh tường.

Mời bạn đọc hãy theo dõi một bữa uống chè Tàu sáng sớm của một ông già vào muà lạnh hồi xưa ở miền Bắc:

Trời chắc phải lạnh lắm. Sáng dậy, ông già không rời khỏi chiếc phản hay nếu giàu có sang trọng thì chiếc sập. Ông ngồi chồm hổm trên chiếc sập, còn khoác trên người chiếc chăn bông chỉ thò có cái mặt và hai tay ra ngoài.

Cả bộ đồ trà cũng được rinh lên chiếc sập từ lò than, siêu nước đến bộ ấm chén.

Chiếc hoả lò không to, siêu nước cũng bé lắm, chỉ pha độ ấm chè nhỏ là hết.

Nước pha chè phải kén nước mưa, nếu không cũng phải là nước giếng khơi, mới không có lẫn chất vẫn khác đánh lạc mùi chè.

Chiếc ấm là một ấm chuyên nhỏ màu gan gà, chén uống nước là chén hạt mít. Ngoài ra cũng có một chén tống lớn dùng để gạn chè. Chiếc khay đựng ấm chén cũng không to bao nhiêu. Còn có thêm một chiếc bá để đựng chiếc ấm chuyên chè.

Tự tay ông già châm bếp đun nước bằng những thanh gỗ đóm giữ lửa thật đều để nước sôi đúng độ và cũng sôi đều.

Nước bắt đầu reo, nghĩa là gần sôi, ông mở hộp chè. Hương thơm chè từ trong hợp toả ra. Ông gia khìn khịt mũi ngửi một cách khoan khoái như cố hít lấy cái hương chè, sợ để bay đi thì phí uổng. Ông nhúm một nhúm chè trong hộp. bỏ vào ấm chuyên.

Vừa lúc ấy nước cũng sôi đủ độ. Ông đổ nước sôi vào ấm chuyên, ông đổ mau, đổ đầy cho nước tràn ra chiếc bát đựng ấm chuyên làm nóng cả bề ngoài chiếc ấm. Đây là môt cách để giữ vị chè, và cũng để giữ cho ấm chè nóng đều. Ông đậy nắp ấm chuyên Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

lại, rồi ông cầm cả ấm chuyên chắt nước vào chén tống. Đây là chè chuyên nước nhất, đủ cả mùi vị thơm ngon của chè. Đổ hết nước trong ấm chuyên ra, ông lại rót thêm nước sôi vào lần thứ hai.

Nước chè rót ra chén tống, lúc ấy ông mới từ từ gạn sang chiếc chén hạt mít lưng lưng và nhiều lắm cũng chỉ đến ba chén mà thôi.

Hai chén chè gạn được, ông sai con cháu kêu cụ bà lên, đưa mời một chén để tỏ lòng quý mến cụ bà. Rồi ông mới cầm chén chè lên nhấp nháp từng hụm nhỏ một. Ông say sưa với chén chè như cố tận hưởng hương vị chè tạo hoá đã sinh ra cũng như người đã chế hóa được nên.

Cụ bà cũng bắt chước cụ ông, cũng đưa chén chè lên miệng nhấp nháp ngon lành lắm. Cụ bà cũng biết thưởng thức chè, dù cho có không biết thưởng thức đi nữa thì cũng làm ra bộ "thưởng thức" để cụ ông hài lòng.

Vừa thưởng thức chén chè, hai cụ vừa trao đổi một vài câu để khen chén chè ngon, cụ bà lựa khéo, cụ ông pha chè có kỹ thuật, xanh nước lại đượm hương.

Thật là một bức tranh đẹp, cái cảnh hai ông bà già, thuận vợ thuận chồng trong bữa uống chè sáng sớm!

Uống xong chén chè, cụ bà lại đi lo công việc của mình, còn riêng cụ ông vẫn cứ ngồi lại trên sập tiếp tục hưởng hương vị của chè ngon bằng chén hạt mít qua những ngụm nước rất nhỏ được nhấm nháp rất từ từ...

Thưởng thức chè, các cụ uống từng ít một như vậy, nên đối với những người không biết thưởng thức mùi vị hương chè, vớ được chén nước đưa lên uống ngay một hơi, các cụ mệnh danh là bọn ngưu ẩm , nghĩa là uống như trâu, uống hùng hục không hiểu chè là gì. Các cụ rất coi thường bọn này

"Ở nước ta uống chè Tàu sành là một biểu hiện phong lưu. Nhiều người nghiện chè Tàu, hễ sáng dậy không có một chén chè đậm thì không làm được gì cả. Có người nhịn ăn thì được mà không thể nào nhịn được chè"

Uống chè sen

Từ trên mới nói tới cách uống chè Tàu, nhưng bên cạnh chè Tàu, ta cũng có một thứ chè rất qúy, đó là chè sen. Trong các thứ chè ướp hoa, chỉ có chè ướp hoa sen là được chuộng hơn cả; hàng năm về mùa sen, những gia đình phong lưu đều mua hoa sen về để ướp chè. Uống chè Tàu cầu kỳ ở chỗ pha chè, trái lại uống chè sen thì cầu kỳ lại chính là ở chỗ ướp chè với hoa sen.

Người ta lấy gạo sen, tức là những hạt nhỏ trắng ở đầu nhị sen dùng để ướp chè.

Những gia đình nền nếp Việt Nam cho việc ướp chè sen là vịệc không thể bỏ được, nên dù túng bấn, hàng năm tới vụ sen cũng cố mua sen ướp một ít chè, chẳng nhiều thì một cân hoặc nửa cân cũng là có. Trong các nơi thờ cúng, ta thường kén chè sen để pha nước.

Chè ướp sen phải mua thứ chè mạn hảo thật tốt, lúc uống mới dịu giọng và đượm nước, mà không làm lạc mùi sen. Chè mua về, con cháu trong nhà xúm vào nhặt để loại bớt những mảnh trà vụn, những lá trà già, những cung trà còn lạc lõng vào cân chè. Chè nhặt kỹ lưỡng xong được ủ kín để khỏi bay hương chè, trong khi chờ mua sen và nhặt gạo sen.

Muốn ướp chè, người ta dùng những quả đựng chè sơn then. Chè được rải một lượt mỏng trên quả, rồi một lượt gạo sen được rắc đều lên trên. Rồi lại đến một lượt chè, và sau lượt chè lại là lượt gạo sen. Cứ như thế cho đến hết. Một chiếc khăn được ủ lên và nắp quả được đậy kín lại. Người ta để như vậy qua đêm để hương sen luyện vào cánh chè. Ngày hôm sau, chè đó ta đem sàng để những hạt gạo sen rơi xuống. Chè đã sàng, loại xong gạo sen được cho vào trong một chiếc túi bằng giấy bóng buộc kín để giữ

lấy cả hương sen lẫn hương chè, rồi đặt lên sấy trong một lò than âm ỉ.

Sấy chừng ba tiếng đồng hồ thì bỏ ra. Cánh chè đã khô, hương sen đã đượm một phần cánh chè.

Lại mua một lớp sen thứ hai để ướp lần thứ hai và lại sấy như lần thứ nhất. Sau hai lần ướp chè đã đượm khá đủ hương sen, nhưng những gia đình phong lưu thường ướp chè đến bốn năm lần để hương sen càng luyện vào cánh chè, và càng ướp nhiều thì chè càng thơm.

Lần ướp cuối cùng, việc sấy được kỹ lưỡng hơn cho cánh chè thật khô kiệt.

Chè sen đã sấy xong rồi được cất vào hũ hoặc hộp kín để hương thơm của sen cũng như của chè khỏi bay đi.

Lúc mua sen, phải chú ý, mua sen chứ không mua quỳ. Quỳ cũng giống như sen nhưng nhụy không đượm hương thơm như sen. Sen bên trong thường có lá nhỏ còn qùy lớp lá nhỏ hầu như không có.

Chè sen ướp thì công phu cầu kỳ như vậy, nhưng đến khi uống thì lại rất giản dị, không lôi thôi như khi uống chè Tàu.

Chè sen pha vào ấm nào cũng được, pha nhiều hay pha ít tùy theo ấm to, ấm nhỏ, không kén chọn ấm chuyên và chén uống trà cũng vậy, có chén để uống là được rồi.

Chè sen uống vào lúc nào cũng được, và bất cứ ngồi vào chỗ nào, trong nhà ngoài sân ta đều có thể thưởng thức được ấm chè sen và số nhiều ít cũng không sao. Nếu uống chè Tàu chỉ "độc ẩm" mới ngon. Trái lại chè sen vẫn giữ được nguyên vị và vẫn thơm ngon, dù ẩm khách là bao nhiêu người, nhiều cũng không sao. Hơn nữa, uống chè sen với bất cứ hạng khách nào cũng đều thích hợp.

Có khách tới nhà, muốn mời ấm chè sen, chủ nhân chỉ việc tráng ấm, bỏ chè rồi rót nước sôi vào, ủ trong ấm giỏ bốn năm phút. Chè rót ra chén hương thơm ngào ngạt và khi uống vào chủ khách đều cảm thấy một hương vị nhẹ nhàng dìu dịu từ chén chè bốc lên, từ trong cổ họng đưa ra và từ hơi khói ngào ngạt trong ấm nước.

Chè sen ngon và đặc biệt Việt Nam đã biểu hiện cái tinh thần hoà dịu của người mình, nhưng trong cái hoà dịu cũng vẫn có cái gì bất khuất như hương trà muốn toả lên vậy.

Thường ra uống chè sen không cầu kỳ, nhưng các cụ đồ cổ, các bậc lão nho và các cụ già chủ nhân ông các ao sen cũng có một lối uống chè sen rất cầu kỳ, và ai không phải là chủ nhân ông một ao sen thì không bao giờ có thể mà thưởng thức được, ngoại trừ trường hợp được các chủ nhân ông các ao sen ưng thuận. Mà chè sen uống kiểu này thì tuyệt ngon, có lẽ ngon hơn bất cứ thứ chè Tàu nào.

Mỗi buổi chiều, trước khi trời tối, khi mùa sen bắt đầu trổ hoa, chủ nhân ông ao sen hoặc sai con cháu hoặc tự thân tìm lấy một hai bông sen sắp nở, vạch cánh hoa ra nhét vào mỗi bông một dúm chè. Sáng hôm sau, dúm chè được lấy ra đem pha chè. Trải qua một đêm nằm trong lòng hoa, Những cánh chè đã được ướp trực tiếp hương sen ngay trong lòng hoa. Những cánh chè đã đượm hương sen lại thấm cả hơi ẩm của hoa trong ban đêm, uống rất thơm và đặm nước.

Chè ướp sen đã cầu kỳ, nhưng nước dùng để pha chè lại cầu kỳ hơn.

Mùa sen nở là từ mùa Hạ cho tới đầu Thu. Đêm đêm sương thường xuống đọng trên các lá sen. Sáng ngày, muốn lấy nước để pha trà, các cụ cho con cháu đi hứng những hạt sương đọng trên lá sen, đem đun sôi pha trà.

Ta hãy tưởng tượng trên mỗi lá sen chỉ đọng một giọt sương, phải qua bao nhiêu lá sen mới hứng được đủ nước cho một ấm trà.

Các cụ nói, uống chè sen, với chè ướp trong hoa, với nước đọng trên lá sen, các cụ đã hưởng được tất cả cái chất tinh túy của sen qua hương thơm cũng như qua sương Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

đọng, và đồng thời cả cái khí thanh khiết của trời đất.

Chè uống như vậy các cụ khen rất ngon. Có lẽ ngon vì hương sen, vị trà, nhưng cũng ngon vì cái công phu để có thể có được ấm trá.

Có công phu, uống ấm chè sen mới càng thấy thú, và cái thú này, các chủ nhân các ao sen, hàng năm bao giờ cũng không bỏ qua.

Ông Lê Văn Siêu, trong cuốn "Văn Minh Việt Nam"có nói đến chuyện ăn cắp hương thơm của sen bằng cách đến những hồ sen tìm "những bông sen còn cúp, khẽ vạch cánh hoa ra bỏ vào giữa một sợi bấc, rồi lại nắn cho cánh hoa nó cúp lại như cũ. Đến sáng sớm hôm sau, trước khi người ta hái đem bán, thì lại đến những bông hoa ấy mà rút những sợi bấc ra. Sợi bấc để trong lòng bông sen suốt một đêm thì hương thơm của sen đã có một phần lớn được hút vào sợi bấc. Một ấm trà mà cho vào một sợi bấc ấy thì thơm ngát như ướp mấy lần sen vậy"

Cứ kể ăn cắp hương thơm của sen như vậy, bông sen có thể giảm đi rất nhiều độ thơm, nhưng thực ra dùng bấc để lấy hương thơm của sen cũng không khác đặt những dúm chè vào bông sen. Việc làm này chỉ có các chủ nhân ông hồ sen, ao sen mới làm được. Có người cho rằng dù bông sen có bị lấy đi hương thơm nhưng hoa sen vẫn còn ở trong đầm, chưa bị hái hẳn, hương thơm dù có bị lấy đi, chẳng qua cũng như hương thơm vẫn bị tiết ra, và hoa có tiết ra bao nhiêu hương thơm, cái chất thơm vẫn do cây cung ứng cho đủ.

Rượu

Rượu cũng là một thứ đồ uống. Xưa nấu rượu bằng gạo nếp, đồ xôi, ủ men rồi cất ra.

Ta thường dùng rượu để cúng. Cúng xon, người ta mới dùng để uống.

Thường rượu được uống trước bữa cơm. Lúc uống rượu phải có đồ nhắm để đưa cay, gọi là đồ nhậu.

Rượu nấu riêng bằng gạo nếp gọi là rượu trắng, còn gọi là rượu đế. Nếu rượu được ướp thêm các thứ hoa như hoa sen, hoa cúc, hoa hồng, hoa cau, hoa lài, v.v.... thì gọi là rượu mùi. Ta thường dùng tên thứ hoa ướp để gọi tên rượi: Rượu cúc, rượu sen, rượu bồ đào,....

Người ta dùng rượu để ngâm thuốc, gọi là "rượu thuốc". Rượu thuốc uống để chữa bệnh hoặc để bồi bổ sức khoẻ. Có khi người ta ngâm rượu với ba con rắn, năm con rắn gọi là "tam xà", "ngũ xà tửu. Trái cây cũng được dùng để ngâm rượu như mơ, cam, qúyt, táo, v.v....

Ngày nay, ngoài các thứ rượu cổ truyền kể trên, những người ở thành thị còn dùng các thứ rựợu Tây phương. Bia là một thứ rượu được dùng rất phổ thông trong mọi tầng lớp. Ở nhà quê hiện giờ cũng có nhiều người uống bia.(Gọi là la de).

Thường chỉ có đàn ông mới hay uống rượu. Hoạ hoằn phụ nữ mới có người uống rượu. Trừ những người nghiện rượu, người ta chỉ uống rượu khi có bạn bè, khách khứa hoặc khi có tiệc tùng, cỗ bàn.

Bia mặc dầu là một thứ rượu, uống vào thì say, mặt đỏ. Những người nghiện rượu lại chuộng những thứ rượu nhiều độ gọi là rượu mạnh.

Ngày xưa thường có các cô hàng rượu quảy rượu đi từng làng bán, rượu đựng trong các hũ hoặc bong bóng trâu hoặc bò. Từ thời Pháp thuộc rượu được đựng vào chai và được bán tại các ty rượu, các hàng tạp hoá.

Giờ đây, mặc dù có thứ rượu Tây, rượu đế vẫn được nhiều người chung, nhất là ở nhà quê. Tuy nhiên hạn chế uống rượu hoặc bỏ rượu vẫn là điều tốt nhất.

Ăn lấy no, uống lấy khỏi khát. Ăn uống là điều cần thiết của con người. Việc ăn uống mỗi quốc gia mỗi khác, khác từ thức ăn đến cách chế hoá thức ăn.

Những món ăn Việt Nam của ta cũng như những đồ uống cổ truyền, dù có sự tiếp xúc với người ngoại quốc, nhưng luôn luôn vẫn giữ được các đặc tính Việt Nam. Các đặc tính này từ Bắc chí Nam không khác nhau bao nhiêu. Ngoài Bắc xứ lạnh thường ăn nhiều mỡ để tạo hơi nóng, ở Trung và ở Nam dùng nhiều ớt hơn.

Phải nói rằng, dân tộc chúng ta là một dân tộc thống nhất từ việc ăn uống trở đi.

MAY MẶC

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc chuộng điều thiết thực, nhất là trong các vấn đề, ăn uống, may mặc

Qua các điều trình bày về ăn uống, hẳn bạn đọc phải thấy chúng ta ăn lấy chắc, tuy cũng là một lớp người, hoặc có một đôi trường hợp chúng ta tìm kiếm cái thích thú qua sự cầu kỳ trong ẩm thực, nhưng đấy không phải là thông thường.

Đã ăn lấy chắc, chúng ta lại lo mặc lấy bền. Các cụ thường nói:

"Cơm ba bát, áo ba manh,

Đói không kinh, rét không sợ"

Hình thể nước chúng ta dài mà hẹp, phải chịu đựng nhiều thứ khí hậu khác nhau, cái tinh thần thiết thực đã giúp chúng ta có những loại quần áo phù hợp với mọi điạ phương trong nước cũng như mọi sự thay đổi của thời tiết.

Đông the, hè đụp" đó là câu khuyên răn và chỉ dẫn cho ta trong vấn đề y phục.

Nhiều người ngoại quốc rất lưu ý tới những bộ quần áo của ta, họ cũng nhận thấy ta nhũn nhặn trong màu sắc, giản dị trong may mặc.

"Trong cách ăn mặc của người Việt Nam chúng ta đều nhìn thấy vẻ thiết thực khá đặc biệt ấy. Người Việt xét trên đa số, không có thói quen làm dáng bằng màu sắc sặc sỡ như các thổ dân bộ lạc và cũng không cần khoác lấy áo quần kiểu cách nặng nề của những lớp người tự nhận văn minh. Nói về ăn mặc, người Việt là một dân tộc ít ưa màu sắc, ngoại trừ một số trường hợp đối với trẻ con. Hầu như họ cảm thấy rõ được cái nhu cầu ăn mặc sao cho thích ứng với những điều kiện sinh hoạt khó khăn và cũng nhìn thấy được cái tính cách trang nghiêm, mực thước của giá trị mình trong cách ăn mặc"

Sự thật, ăn mặc, dân ta phải dùng màu sắc cho thuận tiện với cuộc sinh hoạt, nhất là trong công việc hàng ngày. Ngoài miền Bắc, người ta thường dùng màu nâu, màu của đất; trong miền Nam, thường dùng màu đen, màu của bùn. Hai màu này luôn giữ được vẻ sạch sẽ khi đụng chạm với bùn lầy, đất cát, và việc giặt giũ cũng dễ dàng, mà lại nói lên được sự nhũn nhặn tâm hồn của dân mình. Còn về các kiểu quần áo phải nhận là chúng ta không cầu kỳ, tuy chúng ta cũng phân biệt những loại quần áo mặc để làm việc với những loại quần áo mặc trong cuộc giao tế xã hội.

Hơn nữa, cũng tùy địa vị xã hội của mọi người, màu sắc và kiểu quần áo được thay đổi. Sự thay đổi này không phải là một sự phân chia giai cấp, mà chính chúng ta chấp nhận sự thay đổi để bảo tồn trật tự xã hội, để giữ vững uy tín của những người có uy tín, cũng như trong quân đội của bất cứ nước nào, cái phù hiệu giữ điạ vị và uy tín cho các cấp chỉ huy.

Có người chê y phục của ta, với sự phân biệt tùy theo điạ vị xã hội là phong kiến, đó chẳng qua vì họ hiểu lầm cái tinh thần dân tộc của ta và vì quá thiên lệch, họ đã không nhìn thấy cái trật tự nó thể hiện trong xã hội ta.

Dân ta tôn trong các cấp lãnh đạo để cùng duy trì nếp sống bình yên thuần thục của đất nước. Đối với những kẻ thị của ăn mặc lòe loẹt, hoặc cậy có địa vị đã lạm dụng địa vị của quần áo, không làm gì lợi được cho dân lại gây sự phiền hà, ta đã có câu ca dao:

"Hơn nhau tấm áo tấm quần.

Thả ra mình trần ai cũng như ai!" Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

Ngày nay đời sống văn minh đem lại nhiều sự cải tiến, y phục cũng chịu nhiều ảnh hưởng, và địa vị xã hội của mọi người không phân biệt qua các kiểu, các màu áo nữa. Tuy nhiên, giới bình dân bao giờ y phục cũng giản dị cho tiện với công việc hàng ngày, chỉ những người giàu có ỷ của mới bày vẽ nhiều kiểu cách trong y phục. Những người lịch sự khiêm tốn, bất cứ trong hoàn cảnh nảo, y phục cũng mang vẻ trang nhã thanh đạm.

"Chúng ta có đề cập đến màu sắc áo quần thanh đạm mà họ mặc hàng ngày như là dấu hiệu của óc thực tiễn, nhưng nghĩ xa hơn, đó là biểu hiện của tinh thần luân lý, của sự thanh nhã khiêm tốn, không muốn phô trương lòe lọet ra ngoài, mà âm thầm giữ thái độ chín chắn bên trong. Tất cả màu sắc rực rỡ đều có tính cách hướng ngoại, dấu hiệu của óc nông nổi hẹp hòi, tuy có chứng tỏ được vẻ trẻ trung. Còn màu nhã đạm bao giờ cũng có một nét âm thầm hướng nội và có bề sâu sinh hoạt, chiều dài thăm thẳm của nền văn minh Nói về sự may mặc của ta, không thể quên được điểm đặc biệt sau đây: Y phục không phân biệt cho từng tuổi tác, ngoại trừ màu sắc loè loẹt cho trẻ con. Thường áo trẻ nhỏ giống áo người lớn mà kích thước thu nhỏ lại. Ta có thể nhận thấy điều này qua y phục của trẻ em mặc trong những dịp hội hè tết nhất. Có nhiều em trai cũng đi khăn, áo dài, quần chùng và đi giầy giống hệt người lớn.

Điểm đặc biệt quần áo không phân biệt tuổi tác này cũng có một cái lợi thiết thực cho những gia đình đông con, áo thằng anh, khi mặc không vừa nữa nhường lại cho thằng em, và con cái lớn thường mặc áo quần của bố mẹ. Dân ta nghèo, việc nhường lại quần áo của người lớn cho người nhỏ cũng giải quyết được một phần lớn vấn đề y phục trong nhiều gia đình. Nhưng đó là chuyện ngày xưa, nay có nhiều thay đổi do xã hội phát triển.

Quần áo mặc cốt để che thân, để chống gió rét, cốt sao đạt được mục đích ấy, sự diêm dúa chỉ là số ít. Đối với dân tộc ta, luôn luôn phải nhìn vào thực tế, vì hoàn cảnh địa dư, vì lẽ sinh hoạt, vì phải chống đối với bao cuộc chiến tranh cung như chống thiên tai, sự thiết thực trong y phục là một điều dĩ nhiên. Qua các áo quần sẽ trình bày sau đây, chúng ta sẽ luôn luôn nhận thấy tinh thần thiết thực ấy.



VẬT LIỆU CHÍNH TRONG Y PHỤC

Không kể những người sang trọng giàu có lại cầu kỳ kén chọn các hàng ngoại quốc để may mặc, phần đông dân Việt nam chỉ mặc áo vải, hoặc nếu sung túc hơn thì mặc sồi, đũi, the, luạ.

Vải dệt bằng bông, ta tự trồng lấy, hoặc mua bông ở nước ngoài về kéo sợi.

Sồi , đũi, the, lụa, dệt bằng tơ tằm, mà tơ tằm do ta sản xuất lấy qua nghề tầm tang. Ta cũng có mua tơ Tầu về dệt.

Ngày nay, ngoài vải và lụa. ta còn nhập cảng nhiều hàng ngoại quốc khác mà vật liệu chínhdùng để dệt không phải là bông hoặc tơ tằm. Thường là chất hoá học như ni-lông, hoặc chất lông các loài vật như len, da, v.v....

Màu sắc

Như trên đã nói, ta thường dùng màu nâu và màu đen, í tkhi dùng màu lòe loẹt.

Màu nâu, ta nhuộm bằng củ nâu hoặc bằng các thứ vỏ cây như vỏ xó, vỏ đa, vỏ đề. Từ khi tiếpxúc với Tây phương, ta dùng thêm phẩm hoá học để nhuộm.

Màu đen, ở miền Bắc nhuộm bằng cây phèn đen, miền Nam nhuộm bằng cây mặc nưa. Ta cũng có loại cây sồi dùng để nhuộm màu đen.

Ở miền Bắc, ta cũng dùng cả bùn để nhuộm đen vải may quần áo, gọi là ngả lầm. Vải đã nhuộm nâu rồi được đem nhúng bùn, có khi ngâm bùn một đêm, hôm sau giặt và phơi, nếu chưa đủ đen, lại “ngả lầm” thêm lần nữa.

Ngoài hai màu chính là nâu và đen, các màu khác ta rất ít dùng.

Màu trắng chỉ được mặc khi đi chơi. Các cụ già đôi khi mặc quần đỏ. Ở miền Trung, các cụ già cũng mặc cả quần xanh.

Ngoài ra trẻ con mới được dùng các màu lòe loẹt.

Màu vàng là màu danh riêng cho nhà Vua.

Thời thế thay đổi, giờ đây ai muốn mặc màu nào cũng được tuy nhiên chỉ dân thành thị, nhất là các bà các cô mới dùng áo màu, còn dân quê thường vẫn chỉ dùng qưần áo vải màu đậm hơn tùy theo địa phương.

Đặc biệt về quần, các bà các cô cũng chỉ mặc quần đen và quần trắng khi ra ngoài. Ở trong nhà, những bộ quần áo ngủ, thường có nhiều màu sắc sỡ như quần áo trẻ con.

Nhiều người ăn mặc theo lối Âu Mỹ thì quần áo có đủ các màu, nhưng đây cũng chỉ là những số ít người ở thành thị, cá biệt có những bộ quần áo các kiểu lố lăng.

Quần áo

Quần áo ta mặc, trước đây thường theo kiểu của người Trung Hoa, nhưng bộ quần áo của Trung Hoa khi truyền sang ta, đã bị “Việt Nam hoá” cho hợp với thủy thổ, sinh hoạt và tính chất của dân ta.

Người Tàu mặc áo cài về bên phải. Quần áo ta ngày nay cũng cài về bên phải. Như vậy, có lẽ trước đây quần áo dân Việt Nam cài về bên trái, nhưng trải qua thời Bắc thuộc, chịu ảnh hưởng của người Trung Hoa, cúc áo của dân ta đã chuyển chỗ từ bên trái sang bên phải?

Theo “Vũ Trung tùy bút” của Phạm Thái, đời xưa học trò và người thường mặc áo xanh lam, khi có công việc thường mặc áo đen, lúc làm lụng mặc áo màu sừng; màu trắng ít được dùng.

Màu sừng sau này bị thay bằng màu nâm và màu đen.

Một bộ quần áo ta bồm có áo ngoài, áo trong, và quần. Ngoài ra còn có thêm nhiều thứ phụ với quần áo như thắt lưng, dải yếm v.v... Quần áo đàn bà khác với quần áo đàn ông, quần áo làm lụng khác với quần áo chơi bời.

Một bộ y phục đầy đủ không phải chỉ riêng có quần áo mà còn có những thứ dùng để đội trên đầu và đi dưới chân: Nón, khăn, mũ, giầy, tất, v.v....

Nói về may mặc, phải nói về tất cả mọi thứ cùng chung họp lại thành bộ y phục Việt Nam từ đầu tới chân, kể cả những thứ phụ ngoài.

Xin kể bắt đầu từ đầu, và qua mỗi thứ. Xin nói cả những đồ dùng của đàn ông và của đàn bà.

Khăn

Trên đầu người Việt Nam thường trước đây có đội khăn, đàn ông cũng như đàn bà, tuy hai loại khăn khác nhau.

Đàn ông dùng khăn lượt đen, khăn nhiễu Tan Giang chít trên đầu, lúc chít khéo léo để ở chỗ trán hai nếp khăn đầu tiên xếp thành chữ “nhân”, hoặc một nếp đầu tiên xếp thành chữ “nhất”. Người miền Bắc đội khăn chữ “nhân”, người miền Trung và miền Nam đội khăn chữ “nhất”.

Lượt và nhiễu là hai thứ vải được dùng làm khăn nhiều, nhưng người ta cũng dùng khăn xuyến, khăn đoạn, và những năm gần đây người ta còn dùng nhiễu cát để làm khăn.

Mỗi chiếc khăn dài độ mưòi vuông, vào khoảng từ thước rưỡi đến hai thước ngày nay. Khổ khăn được gập thành tư, và lúc chít ngoài việc lựa đặt chữ “nhân” hay chữ “nhất” ở đằng trước trán, những nếp sau phải quấn sao cho đều lần lượt nếp nọ để lên nếp kia và các mép hơi chênh chếch nhau. Lại phải lựa làm sao, để sau nếp sau cùng, đầu khăn cài về phía sau.

Việc chít khăn, tuy vậy cũng phải khéo léo và khó khăn, những nếp khăn mới được Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

tề chỉnh, bởi vậy, các hàng khăn mũ có bán sẵn các loại khăn chụp, mua về chỉ việc đội lên đầu như một chiếc mũ. Những khăn chụp, còn gọi là khăn xếp, cũng làm theo kiểu chữ nhân và chữ nhất tùy theo địa phương. Những khăn chụp làm theo kiểu miền Nam, ngoài chữ nhất đằng trước trán, mé đằng sau đầu, còn có một cụm vải dính liền vào khăn, như búi tóc.

Trong dân chúng, khăn dùng màu đen và tím Tam Giang. Nhà vua đội khăn màu vàng, các quan văn võ đội khăn màu huyết dụ. Những người tang dùng vài trắng làm khăn. Sự phân biệt màu sắc ngày nay không còn nữa, ai muốn đội khăn màu gì cũng được, ngoại trừ người có tang bao giờ cũng dùng màu trắng. Tuy không ngăn cấm, nhưng người ta thường chỉ dùng màu đen, trừ các cụ già mới dùng màu Tam Giang.

Khăn lượt, khăn nhiễu hoặc khăn vải người ta chỉ đội trong những khi giao dịch, trong những buổi tế lễ, còn thường ngày, xưa người ta búi tóc, nay tóc đã húi ngắn, người ta để đầu trần. Nếu phải đi làm lụng ra ngoài nắng, người ta dùng mấy vuông vải quấn lên đầu chiếc khăn tai chó, còn gọi là khăn đầu rìu vì hai đầu khăn vểnh lên như hai chiếc tai chó, trông giống như đầu rìu. Cũng có khi người ta dùng chiếc khăn bông quấn ngay lên đầu để vừa giữ tóc vừa để che nắng.

Về mùa lạnh, ngoài chiếc khăn chít bên trong, bên ngoài người ta còn quàng thêm một chiếc khăn bông gọi là khăn quàng. trùm lên đầu, che hết hai bên tai, và hai đầu khăn thắt ở dưới cằm. Khăn quàng giữ hơi nóng và che gió khỏi lọt vào tai. Khăn quàng thường là loại khăn bông (lông), khăn len, nhưng người nghèo thường chỉ dùng mấy vuông vải.

Những người có đại tang, nghĩa là tang cha mẹ, chít khăn ngang, tức là khăn vải sô chít múi đằng sau, và buông thõng hai đầu xuống.

Khăn của đàn bà khác của đàn ông.

Đàn bà thường để tóc dài. Tóc này được quấn vào trong một chiếc vấn đầu. Chiếc vấn đầu tức là một mảnh vải dài độ bốn vuông, vào khoảng hơn một thước, dùng để bọc hết tóc rồi vấn chung quanh đầu. Những người ít tóc thường dùng thêm chiếc độn tóc để vấn đầu được tròn và đầy đặn. Những người tóc dài đuôi mớ tóc thò ra ngoài vấn đầu một quãng gọi là đuôi gà, xưa được coi là đẹp. Ca dao có câu:

"Một yêu tóc bỏ đuôi gà,

Hai yêu lời nói mặn mà có duyên”

Giờ đây, một số lớn các bà các cô ở thành thị, cắt tóc ngắn và uốn tóc kiểu Tây Phương, nhưng nhiều người vẫn để tóc dài theo lối cũ.

Có người không dùng vấn đầu mà chỉ quấn tóc trần hoặc có cô tết tóc thành hai chiếc đuôi ngựa, hoặc buông xoã, gọi là tóc đuôi có kẹp ở sau gáy, hoặc bỏ không có kiẹp cho tóc toả thòng xuống.

Vấn đầu bằng the, bằng vải, bằng sa tanh hoặc bằng nhung thường màu đen, màu tím và màu nâu. Những người có tang dùng vấn đầu vải trằng. Các bà có đại tang cũng dùng khăn ngang như đàn ông.

Người ta hoặc vấn chít đầu trần hoặc phủ ngoài một chiếc khăn vuông, bằng vải, bằng the, bằng nhung và từ khi có len nhập cảng, có thêm khăn vuông len.

Chiếc khăn vuông, như tên đã chỉ, hình vuông mỗi cạnh độ một thước. Người ta gập chép chiếc khăn vuông theo hai góc, một bên non nữa, một bên già nửa, nửa già ở ngoài rồi đội trùm lên vấn đầu. Khăn vuông giữ cho vấn đầu khỏi tuột, và về mùa rét có công dụng chống rét.

Khăn vuông chít theo lối mỏ quạ hoặc đồng tiền.

Khăn mỏ quạ chít thành chiếc mỏ nhọn ở trước trán, che kín hai ta và hai đầu khăn buộc chéo nhau ở dưới cằm.

Về miền Bắc, mùa lạnh các bà các cô thường chít khăn mỏ quạ, nhất là các chị em làm việc ở ngoài đồng và các chị em phải đi chợ từ sáng sớm dưới bầu trời rét buốt.

Khăn đồng tiền cũng chít thành chiếc mỏ ở đằng trước, nhưng hai đầu khăn, thay vì buộc chéo nhau dưới cằm lại buộc ra đằng sau đầu, chỗ trên gáy. Khăn chít như vậy, làm hằn chiếc khăn vấn đầu bên trong tròn như đồng tiền.

Khăn vuông dùng màu đen hoặc màu nâu, trừ những khăn vuông len đôi khi mới có màu khác.

Người có tang cũng dùng khăn màu nâu hay màu đen, không bắt buộc phải dùng màu trắng. Tang được thể hiện qua chiếc vấn đầu trắng. Tuy vậy thỉnh thoảng vẫn có người dùng khăn trắng trong lúc có tang.

Có nhiều người búi tóc, miền Trung và miền Nam nhiều hơn, không dùng vấn đầu nhưng vẫn dùng khăn vuông phủ ngoài.

Các phụ nữ miền Nam, nhất là những chị em lao động và buôn thúng bán bưng, thường quấn trên đầu chiếc khăn lông để che nắng. Chiếc khăn này giống chiếc khăn lông đàn ông vẫn dùng.

Nón

Tuy trên đầu có đội khăn, ra nắng ra mưa, người Việt nam dùng nón để đội đầu. Có nhiều kiểu nón: Nón chóp, nón thúng, nón ba tầm, nón gủ.

Nón chóp là thứ nón hình chóp nhọn đầu. Nón chóp thường khung tre lớp lá gồi. Nón chóp trước kia chỉ dùng riêng cho đàn ông, nhưng giờ đây, cả nam nữ đều dùng loại nón này. Muốn đội nón, phải buộc chiếc quai, giữ ngang cằm cho nón khỏi bay.

Những người sang trọng làm chóp nón bằng dứa, gọi là nón chóp dứa. Trên đỉnh chóp, nhiều khi có lắp một chóp nhọn bằng bạc, chỉ có những hàng quan lại tổng lý xưa mới dùng loại nón này.

Ở Huế, có loại nón chóp bài thơ; nhìn nón soi lên mặt trời ta thấy hiện lên mấy câu thơ, những câu thơ này được xếp vào giữa hai lượt lá.

Nón thúng là nón đàn bà rất rộng mặt, chung quanh vành và giữa có khuôn.

Thân nón hình tròn, đường k1nh có khi đến tám mươi phân ngày nay.

Vành nón ở chung quanh thân nón và gập thẳng thước thợ với thân nón. Vành nón thường đo được từ năm tới mười phân ngày nay.

Khuôn nón là cái khuôn để đội trên đầu thường được đan bằng tre, đặt ở giữa thân nón, hình tròn lòng sâu vào khoảng từ ba đến năm phân ngày nay, đường kính độ mười lăm phân.

Khuôn nón được gài chặt vào nón. Ta có thể tưởng tượng khuôn nón như một cái hộp tròn, đáy gài vào thân nón và không có nắp.

Nón thúng cũng khuôn bằng tre và lợp lá. Lá được khâu vào khuôn cũng như nón chóp bằng những sợi dây móc rất dai. Ngày nay người ta dùng các loại chỉ.

Loại nón này chỉ thịnh hành ở miền Bắc từ Nghệ An trở ra.

Nón ba tầm cũng là một thứ nón thúng nhưng mảnh de hơn.

Nón thúng và nón ba tầm đều phải dùng quai để đội. Quai buộc vào hai bên vành nón, lúc đội quai giữ vào cằm để nón khỏi bay.

Người sang trọng dùng nón quai thao, tức là loại quai tết bằng tơ, ở hai chỗ buộc vào vành nón có rũ xuống hai chiếc “thao”.

Nón thúng quai thao là loại nón sang trọng của các bà các cô thời trước.

Nón gủ là loại nón bình dân, đàn bà nhà quê thường đội trong lúc làm ăn. Nón gủ thân nón rộng bần bằng nón thúng khum khum lòng chảo ở giữa, còn gọi là nón lòng chảo, không có chóp cũng không có vành. Nón gủ cũng có khuôn ở giữa nón như nón thúng và lúc đội cũng cần có quai giữ vào cằm. Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

Quai nón gủ thường chỉ là miếng vải buộc hai đầu vào hai bên mép nón, vào một chiếc khung nón. Có khi quai chỉ là một chiếc lạt. Nón gủ rất thông dụng. Tuy là loại nón phụ nữ làm ăn, nhưng đôi khi đàn ông cũng dùng vì nó rộng bề mặt hơn nón chóp, che mưa che nắng được nhiều.

Nón gủ cũng khuôn bằng tre và lợp bằng lá cọ, khâu bằng những sợi dây móc.

Ngoài các nón kể trên còn nhiều loại nón khác: Nón tu lờ của đồng bào Thượng du miền Bắc, giống như nón của người Tàu, nón vải của các trẻ em, nón lông, nón sơn là những nón của đàn ông hình như nón chóp.

Những người có tang còn đội nón cạp, gọi là nón “đại xuân lôi”, sọ to. Ngày nay người ta khâu vào vành nón một miếng vải đen.

Mũ cũng là loại nón, đội để che mưa tránh nắng. Những kiểu mũ của người phương Tây nhập cảng vào thường có thân mũ, vành mũ. Đôi khi trên mũ lại có chỏm mũ. Mũ làm bằng cây nút, nút chai lợp vải, hoặc có thể mũ làm bằng len, bằng vải. Lại cũng có mũ đan bằng tre chẻ mỏng.

Các trẻ và người già có mũ bằng vải.

Trẻ nhỏ dưới bốn năm tháng người ta đội cho nó chiếc mũ thóp. Đây chỉ là một miếng vải có thêu hoa hoặc khăn chỉ màu, đôi che chiếc thóp của trẻ em. Các trẻ em lớn hơn, có những loại mũ vải đội kín cả đầu.

Mũ vài của các cụ già gọi là mũ nỉ. Đây là thứ mũ đội kín đầu, lại có thêm hai miếng vải thòng xuống để che kín hai tai.

Đối với những người có tang, họ cũng đội loại mũ thường, nhưng quấn một băng tang chung quanh mũ. Giản tiện hơn, nhiều người chỉ cài vào mũ một miếng vải đen nhỏ bằng ba ngón tay về phía sau tai.

Ô và dù

Phong hóa đổi mới, trang phục cũng thay đổi theo. Do đó ở những nơi thành thị, người ta dùng ô và dù thay cho nón và mũ. Ô của đàn ông và dù của đàn bà, tuy nhiên nhiều trường hợp ô và mũ cũng được dùng song song. Đó là các em học sinh đội mũ, nhưng mũ không đủ che mưa nắng, các em dùng thêm ô, nhất là để che mưa

°
°     °

Khăn, mũ, ô, dù là những y phục dùng ở trên đầu. Từ cô trở xuống, là phần áo quần.

Có áo quần dùng về mùa nực, có áo quần dùng về mùa rét.

Áo

Áo có áo dài và áo ngắn, áo trong và áo ngoài.

Áo trong là loại áo lót mình, ngày nay là chiếc áo may-ô dùng cho đàn ông. Ngoài chiếc may-ô là chiếc áo sơ mi, một kiểu áo mới nhập cảng từ thời Pháp thuộc, chính cũng chỉ là áo mặc trong, nhưng thường ngày người ta dùng làm áo ngoài. Ngoài chiếc sơ mi còn chiếc áo ngoài, gọi là áo vết-tông.

Cổ áo sơ mi, thường có đeo theo một cái nút qua chiếc nơ hoặc cà vạt.

Từ áo lót mình đến áo vết-tông, tất cả đều dùng cho người ăn mặc theo kiểu Tây Phương.

Áo cổ truyền của đàn ông là chiếc áo ngắn hoặc áo cánh ngoài Bắc gọi là áo khách, trong Nam gọi là áo bà ba. Áo khách bó lấy người hơn áo bà ba. Cả hai áo đều may theo một kiểu, ở giữa có hàng cúc năm chiếc ngày xưa là cúc đồng tròn, ngày nay là cúc nhữa, hoặc cúc trai bẹt. Áo có khi xẻ ở quãng dưới hai bên nách chỗ trên gấu một

chút, có khi may gấu liền. Áo khách thường hay để xẻ hơn, những áo không may xẻ gọi là áo “bít tà”.

Áo có hai túi đằng trước về mé dưới. Cũng có khi may chừa theo kiểu Tây, có thêm một túi trên ở mé ngực trái.

Áo khách và áo bà ba thường chỉ để mặc ở trong nhà, hoặc trong khi làm lụng. Trong những buổi tế lễ hoặc khi giao dịch, ngoài chiếc áo ngắn này, người ta mặc thêm chiếc áo ngoài.

Áo ngoài là loại áo dài. Áo dài may bằng vải chỉ màu trắng và màu đen. Chỉ những người sang trọng mới mặc áo gấm màu lam hoặc các màu khác.

Áo dài, theo như tên chỉ, mặc dài quá đầu gối, và như vậy, lẽ tất nhiên dài hơn áo ngắn. Áo dài có cổ hơi cao cao, một khuy cài ở vai bên phải và ba khuy cài ở dưới nách bên phải. Áo có hai vạt lớn, đằng trước và đằng sau, ở đằng trước về mé bên phải có thêm một vạt con. Cũng có khi người ta may cụt vạt con.

Áo vải trắng hoặc áo vải thâm khi may, thợ may thường tết ngay khu vải. Các áo the, áo xuyến, áo đoạn, áo gấm được dùng khuy đồng. Những người giàu có sang trọng dùng khuy vàng.

Áo dài mặc đơn hoặc mặc kép, nghĩa là mặc một chiếc hoặc hai chiếc lồng với nhau. Ngày xưa áo dài thường mặc kép, và người ta chỉ mặc đơn khi mặc áo trắng dài.

Áo dài có thể may đơn hoặc may lót. May lót, nghĩa là ngoài lượt vải bên ngoài, bên trong còn một lượt lót. Người ta dùng lụa màu xanh hoặc màu vàng để lót.

Về mùa rét, ở miền Bắc, người ta thường mặc áo dài cặp ba: Trong cùng chiếc áo trắng dài, ở giữa chiếc áo kép, ngoài cùng chiếc áo đơn. Trong trường hợp này, áo đơn thường là áo the hoặc áo sa, có hoa hoặc không.

Ngoài các loại áo dài kể trên, người miền Bắc có khi còn may áo bông dài. Áo bông dài may như áo kép, nhưng ở giữa lượt vải ngoài và lượt lót trong là lượt bông.

Thường các cụ già hay mặc áo dài bông. Áo này ấm lắm.

Ngoài áo ngắn và áo dài, còn loại áo trấn thủ.

Đây là loại áo ngắn cụt tay, may như áo bông, hai lượt vải ở giữa có bông. Áo trấn thủ có năm khuy gài ở giữa, không có cổ. Đây là loại áo, xưa kia, các lính đi thú, hoặc đi trấn thủ biên phòng thường mặc để chống rét, do đó có tên áo trấn thủ.

Để chống với rét, từ ngày tiếp xúc với Tây phương, người ta còn mặc áo gi-lê, náo nịt bằng sợi vải hoặc bằng len. Về mùa nực, lúc làm lụng hoặc ở trong nhà, người ta cũng mặc áo may-ô.

Loại cón loại áo kiểu dài nhưng may ngắn như áo cánh, có cổ và khuy cài ở bên. Lối áo này mặc lấy ấm, có cổ, và đôi bên tà đều bít, không giống như áo dài, tà mở ngang thắt lưng trở xuống.

Áo này cũng mặc trong những lúc làm lụng hoặc khi ở trong nhà, tuy nhiên, có trường hợp giao dịch hoặc tiếp khách tại gia, người ta cũng vẫn mặc chiếc áo này, không cần mặc thêm áo dài ở ngoài như khi mặc áo cánh.

Về áo dài đàn ông, tưởng cũng cần nói thêm về chiếc áo dạ Tây Phương (Pardessus) được mặc về mùa lạnh.

Từ trên, mới chỉ nói tới áo đàn ông, chưa nói tới áo đàn bà. Áo đàn bà phức tạp hơn nhiều, và gồm nhiều bộ phận hơn áo đàn ông.

Đàn bà cũng mặc áo cánh, nhưng áo cánh thường hở cổ gọi là áo cổ thìa. Các bà các cô mặc áo cổ thìa không phải để khoe cái cố và cái ngực đẹp, mà chính vì bên trong chiếc áo này đã có chiếc yếm để che ngực.

Yếm là một thứ y phục may bằng một miếng vải, phụ nữ dùng để che phía trước thân từ cổ tới thắt lưng. Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

May yếm, các bà các cô thường dùng một vuông vải cắt chéo góc, góc trên làm cổ, hai góc hai bên được đính dải vào để thắt vạt ra sau lưng, rồi lại quấn trở lại đằng trước, còn góc thứ tư dùng để bụng dưới, được gài vào trong thắt lưng.

Yếm có yếm cổ xây và yếm cổ xẻ.

Yếm cổ xây, còn gọi là yếu cổ viền, cắt tròn theo hình cổ và viền chung quanh cổ. Yếm cổ xẻ là yếm mé trên của vuông vải được cắt làm đôi và được khâu viền lại để khỏi tuột sợi. Yếm này còn gọi là yếm cổ thìa vì khi mặc yếm, thắt hai cái dải ra đằng sau cổ, cổ yếm trông như hình cái thià.

Các bà thường mặc yếm màu nâu, hoặc đôi khi mặc yếm trắng. Các cô chỉ dùng yếm trắng hoặc yếm màu hoa đào.

Ở miền Nam., phụ nữ không dùng yếm, mặc áo nịt lót sát thịt ở ngoài mặc áo bà ba hoặc áo dài.

Các phụ nữ thành thị, miền Bắc cũng như miền Trung, Nam ngày nay đều không dùng yếm. Các bà các cô dùng y phục lót mình của Tây phương, đó là chiếc coóc-xê, đôi nịt vú và vú giả.

Các bà các cô ngày xưa sợ vú to, nhất là vú thòng dưa gang, nên phải mặc yếm để giữ lấy vú; ngày nay ngực càng to càng được coi là đẹp, những người ngực nhỏ thường độn vú giả cho thật to.

Đàn bà nhà quê miền Bắc, cũng như đàn bà Bắc di cư, ăn bận theo lối cổ truyền vẫn dùng yếm.

Ăn mặc theo lối mới vì không dùng yếm nên chiếc áo cánh cũng không may theo lối cổ thìa, mà may theo lối đóng cúc, hoặc may theo những kiểu Âu-Mỹ, cổ có thắt nút, hoặc cũng để hở cổ để khoe cô và bộ ngực đẹp.

Đàn bà cũng mặc áo dài. Áo dài của người tỉnh khác áo dài của người vùng quê.

Áo dài mặc ở ngoài áo cách và chỉ mặc những khi có việc giao dịch hoặc đi lễ bái. Chiếc áo dài đàn bà thường cũng mặc tới quá đầu gối, có khi đã xuống gần tới gót chân với những kiểu áo mới.

Người đàn bà nhà quê mặc áo nâu sồng, chỉ những người giàu có mới mặc the lụa.

Áo dài phụ nữ đồng quê có áo tứ thân và áo năm thân.

Áo tứ thân có một vạt đằng sau che hết cả lưng và hai vạt đằng trước ở h ai bên, một vạt bằng nửa vạt đằng sau.

Ngày xưa, khi dùng vải ta, khổ nhỏ, phải dùng bốn thân vải để may chiếc áo này nên gọi là áo “tứ thân”. Hai thân đằng sau nối nhau ở giữa sống lưng gọi là sống áo, hai mép nối nhau để về phía trong.

Những người có đại tang, tang chồng và tang cha mẹ, mặc áo trái sống, nghĩa là chỗ hai thân vải tiếp nhau, mép vải ra phía ngoài.

Hai thân áo đằng trước thành hai chiếc vạt áo, khi mặc được thắt lên, hai tà áo thòng xuống ở giữa. Mặc áo tứ thân không cài khuy được.

Áo có cổ và gấu áo viền lên. Những người đại tang để áo xổ gấu.

Áo năn thân cũng may như áo tứ thân, duy có điều khác là đằng trước vạt áo bên trái cũng may bằng hai thân vải như vạt đằng sau, còn vạt bên phải chỉ may bằng một thân vải. Hơn nữa, áo tứ thân không có khuy, còn áo năm thân có khuy như áo đàn ông. Lúc mặc có thể mặc cài khuy hoặc thắt vạt áo như áo tứ thân.

Các bà các cô vùng quê ưa những màu u nhã, thường chỉ kén màu nâu và màu đen, hoặc những màu gần với màu nâu như màu hạt dẻ, màu gỗ gụ. Có đại tang, các bà các cô mặc màu chàm, màu tím sim và màu đen lầm.

Áo dài của phụ nữ mặc đơn hoặc mặc kép như áo đàn ông. Và cũng có áo lót, áo bông.

Áo dài của các bà các cô ở tỉnh thường may cài khuy, không có vạt con bên tay phải. Kiểu áo thường luôn luôn thay đổi, giống như y phục Âu –Tây. Các bà các cô mặc áo có cổ, không có cổ hoặc hở cổ. Cũng có bà, ít tho mới, khi mặc áo dài cũng mặc áo cánh bên trong, nhưng các bà các cô thật tân thời ngày nay, khi mặc áo dài không có áo cánh. Bên trong chỉ đeo chiếc nịt vú hoặc đôi vú giả. Nhiều bà nhiều cô dùng áo vải mỏng hằn rõ cả da thịt.

Ở nhà quê, ngoài áo dài áo ngắn, về mùa rét thường mặc chiếc áo bông ngắn, có tay và khuy cài ở giữa. Từ ngày tiếp xúc với Tây phương, các bà các cô cũng mặc thêm áo gi-lê, áo len, áo nịt để chống rét.

Ở tỉnh thay vì chiếc áo bông, các bà mặc áo vét ở ngoài, áo len choàng hoặc những kiểu Âu-Mỹ khác.

Những áo trên chỉ là những áo mặc lúc ở nhà hoặc lúc ra ngoài đường. Khi trời mưa, có loại riêng.

Áo tơi là loại áo mưa của ta thuở trước. Áo tơi làm bằng lá, khoác vào vừa đỡ được mưa lại vừa chắn được gió.

Loại áo mưa ngày nay bằng ni-lon, vải sơn, vải không thấm nước để thay cho chiếc áo tơi của ta thời trước.

Quần

Trước hết xin nói tới quần đàn ông, của những người ăn mặc theo lối Âu-Tây. Những người này, bên trong họ mặc chiếc quần lót gọi là quần đùi.

Quần đùi thường may bằng vải mỏng để mặc bên trong và thường hai ống chỉ ngắn đến ngang đùi. Quần đùi được giữ đeo lên bằng chiếc dải rút. Nay dùng thun.

Bên ngoài chiếc quần đùi là chiếc quần dài.

Quần dài có hai ống, dài tới gót chân, thường may bằng len, vải, các hàng nội, ngoại hoá, trắnt hoặc màu, thường là những màu xanh, đen, xám, màu tro, quần da cam hoặc những màu sặc sỡ. Thường quần may bằng vải màu, hoặc có lấm chấm pha màu khác, chứ không may bằng vải sặc sỡ nhiều màu. Quần thường cùng màu với áo vết-tông.

Quần dài may có hai túi hai bên, có một hoặc hai túi đằng sau, tùy từng người.

Quần được giữ vào người bằng thắt lưng.

Ở miền Bắc, về mùa lạnh, quần len được thông dụng, quần vải dùng về mùa hè.

Ăn mặc theo lối Âu Tây, thường chỉ có hai loại quần: Quần đùi và quần ngoài.

Giờ đây, chúng ta nói về quần của những người ăn mặc theo lối bản xứ, quần trong những bộ y phục hoàn toàn Việt Nam.

Quần may theo kiểu Việt Nam cũng có quần lót trong và quần ngoài.

Quần lót trong cũng là chiếc quần đùi của bộ y phục Âu-Tây, và nên nói thêm là người Việt Nam chỉ mới mặc quần đùi từ khi ăn mặc theo kiểu người phương Tây.

Xưa, chiếc quần ngoài may rộng, cũng có hai ống và ở giữa có đũng. Đế tránh sự rách đũng, người ta may quần theo kiểu có “chân què” đỡ tốn vải. Chân què là một miếng vải chéo từ cạp quần, tới gấu quần suốt qua ống.

Quần Việt Nam thường chỉ có ba màu: Nâu, đen và trắng.

Quần nâu và quần đen mặc để làm lụng, người miền Bắc mặc quần nâu, người miền Nam mặc quần màu đen. Quần trắng mặc lúc đi ra ngoài cùng với áo dài.

Những bộ quần áo bà ba của thị dân miền Nam, mặc lúc ở nhà có khi màu trắng, thì quần lẽ tất nhiên cũng màu trắng như áo. Ngày nay, bộ quần áo bà ba ở tỉnh được may bằng các vải màu khác, nhưng ở nhà quê, màu đen vẫn là màu thông dụng.

Những người giàu có sang trọng thường mặc quần lụa mỡ gà, hoặc lụa trắng để mặc với áo dài the đen, hoặc áo dài lụa trắng, nó biểu hiệu sự sung túc. Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

Quần trắng thường được đem là phẳng gọi là quần ống sớ, vì hai ống quần đều thẳng và giống như hai chiếc ống đựng sớ.

Quần dài có ba phần: Cạp, ống và gấu.

Cạp quần là phần trên cùng, chỗ để thắt lưng. Giản tiện hơn, cạp quần được may khép để luồn giải rút. Ngày xưa, không may cạp dải rút, cạp thường rộng đến 10 phân.

Ống quần ăn suốt hai ống chân cho đến gót, và được viền bằng gấu quần. Những người đại tang mặc quần sổ gấu.

Quần dài cũng như quần đùi may theo lối Việt nam không có túi.

Ngoài hai chiếc quần đùi và quần dài nói trên, những người sống theo Âu-Mỹ, thay vì mặc chiếc quần đùi, họ chỉ mặc chiếc sì-líp, một loại quần may khít vào người đủ che hai mông đằng sau và chỗ hiểm đằng trước. Thường sì-líp chỉ dùng để mặc khi tắm.

Cũng có người, đôi khi thay vì mặc chiếc quần ngoài, họ quấn quanh người một tấm vải sặc sỡ theo kiểu người Lào và người Miên, tấm vải quấn như vậy được gọi là cái sà-roong.

Về quần đàn ông, chẳng qua chỉ mấy thứ kể trên, tùy theo người ở tỉnh hay ở quê. Về phần đàn bà hơi có khác.

Đàn bà ở tỉnh thường mặc ở ngoài quần dài hai ống hơi rộng, thường may bằng các thứ vải màu trắng hoặc đen. Quần cũng có cạp, gấu và ống như quần đàn ông, nhưng ở gấu quần họ thường viền thêm đăng ten, cho đẹp. Quần thường may vải trơn, ít dùng đến vải hoa, mà cho có dùng đến thì hoa vải cũng đồng màu.

Bên trong chiếc quần dài này, họ cũng mặc quần đùi hoặc sì-líp.

Nhiều phụ nữ ăn mặc theo lối Tây phương mặc váy đầm các kiểu, hoặc mặc một lối quần ống chẽn.

Quần mặc để làm lụng hay ăn chơi cũng một kiểu, duy quần làm lụng thì bằng vải rẻ và bền, không diêm dúa như quần mặc đi chơi.

Phụ nữ miền Nam cũng hay mặc bộ bà ba, trong trường hợp này chiếc quần tức là chiếc quần bà ba.

Quần của phụ nữ đồng quê hoặc lao động cũng không khác chi quần của chị em thành thị, nếu có khác chỉ ở chỗ vải tốt hoặc xấu.

Miền Bắc, ngoài chiếc quần, trước đây đàn bà toàn mặc váy, nghĩa là chiếc “quần một ống”. Giờ đâu, người ta khi mặc váy khi mặc quần, riêng những phụ nữ thành thị chỉ mặc quần mà không mặc váy nữa.

Các bà nhà quê giàu có thường mặc váy sồi, váy the, váy lĩnh....

Váy cũng như quần không có túi.

Chiếc váy bị cho là thô bỉ, nên dưới thời Minh Mạng đã có lần nhà Vua bắt dân gian không được mặc váy, mà phải mặc quần. Lệnh này đã gặp phản ứng mạnh mẽ của dân chúng và cũng rất ít ngưòi tuân theo. Hồi đó có câu ca dao:

"Tháng tám có chiếu vua ra

Cấm quần không đáy người ta hãi hùng

Không đi thì chợ không đông

Đi thì phải mặc quần chồng sao đang!”

Tuy nhiên với lệnh này, người miền Bắc bắt đầu mặc quần, nhưng không bỏ váy.

Xét cho cùng, váy đâu phải là một y phục thô bỉ. Phụ nữ Tây phương, họ cũng mặc váy thì sao, mà váy của họ không những cũng may theo lối một ống mà lại ngắn cũn cỡn hơn váy Việt Nam, vậy mà sao ta lại đi bắt chước!

Đã nói đến quần, tưởng không thể bỏ qua chiếc khố.

Ngày xưa, khố thay cho quần.Dân Việt Nam ta vốn nghèo, nhiều người nhà quê,

nhất là ở miền Bắc, tuy có quần áo nhưng chỉ mặc lúc đi chơi hoặc khi mùa lạnh, còn làm lụng, nhất là những người làm nghề đánh dậm, đánh cá.... thường chỉ cởi trần và đóng một chiếc khố, để đủ che chỗ hiểm. Khố là một mảnh vải dài quấn vào người, vòng ngang thắt lưng và luồn xuống dưới để che kín hậu môn và chỗ hiểm.

Khi đóng khố, người ta phải để thõng một chiếc đầu khố ở phía trước, còn một đầu thì cài vào khố để giữ cho khố khỏi tuột. Người ta hay dùng chiếc thắt lưng để đóng khố

Thắt lưng

Qưần được giữ vào thân thể con người bởi thắt lưng hoặc dải rút.

Dải rút là chiếc dây nhỏ luồn qua cạp quần, dùng thắt vào người để giữ quần khỏi tụt. Dải rút thường bằng sợi tết thành hoặc bằng một miếng vải khâu giữ mép lại. Ngày nay, người ta còn dùng dây thun (cao su) để giữ quần thay dải rút, nhất là dung cho các trẻ em. Xưa, quần trẻ em không có dải rút, phải dùng vải đeo: hai chiếc dải đính vào hai mép quần luồn qua trước ngực đưa lên sau gáy thắt lại.

Dải thường chỉ dùng cho quần trong, còn quần ngoài thì phải dùng đến thắt lưng.

Đối với chiếc quần may theo lối Âu phục, ở cạp quần có đính vào những “con bọ”, người ta đã thắt lưng da, một miếng da hẹp bề ngang, luồn qua “các con bọ” để giữ lấy quần, siết vào người nhờ chiếc khoá thường ở trước bụng. Khoá bằng kim loại có khi là hai chiếc móc ở hai đầu thắt lưng móc lại với nhau.

Gọi là thắt lưng da, nhưng nhiều khi không phải làm bằng da, mà là một miếng vải dầy, một miếng cao su hoặc chất hoá học khác có thể co giãn theo cỡ to lớn của từng người.

Nhiều quần Âu phục may kiểu mới, được tự siết chặt bằng những con bọ có cúc hoặc có khoá, khi mặc không dùng đến thắt lưng, nhất là lối quần áo của thanh niên ăn chơi.

Ngày xưa các cụ mặc nam phục cũng dùng thắt lưng da từ khi tiếp xúc với người Pháp, nhưng đấy chỉ là chiếc thắt lưng to bản, gấp ba bốn chiếc thắt lưng da ngày nay, dùng để giữ chiếc quần Việt Nam của các cụ, và chỉ riêng các cụ ông dùng tới thôi.

Thắt lưng da ngày nay không phải chỉ riêng có đàn ông dùng, mà các bà các cô ăn bận Âu phục cũng đôi khi dùng tới, làm thứ trang sức hơn là để giữ cho quần siết vào người.

Quần dài ta, xưa cũng như nay, có dải rút để thắt vào người, nhưng xưa còn có loại quần may cạp lớn không có dải rút phải dùng thắt lưng, riêng cho đàn ông.

Với chiếc quần này, các cụ cũng dùng thắt lưng da như trên đã nói, nhưng thực ra ít cụ ưa dùng, các cụ dùng chiếc thắt lưng vải cổ truyền.

Thắt lưng vải, như trên đã nói, là một chiếc thắt lưng bằng vải. Thắt lưng vải dùng cả hoặc nửa khổ vải của ta xưa, mỗi khổ vải từ 0th35 đến 0th40, và dài vào khoảng hai thước.

Thắt lưng đàn ông giản dị lắm, chỉ một miếng vải như vậy, có viền hai đầu để khỏi tuột sợi, không diêm dúa và cũng không cầu kỳ gì. Thường là thắt lưng trắng hoặc nâu. Các bậc phong lưu dùng thắt lưng lụa hoặc thắt lưng nhiễu thường nhuộm màu điều. Thắt lưng nhiễu điều là loại thắt lưng sang trọng thời xưa.

Thắt chiếc thắt lưng vải này, người ta quấn chiếc thắt lưng qua người, ở chỗ bụng trên háng và thắt chặt ở đằng trước. Thường để cho đẹp và để dễ cởi, thắt lưng đưọc thắt múi.

Các chàng trai quê, có chiếc thắt lưng đẹp, nhiều khi làm như vô ý quên mặc áo dài. Cứ kể một chàng trai mười tám, đôi mươi, áo cánh trắng, quần ống sớ, đầu đội khăn lượt, chân đi đôi giầy Gia Định mà thắt chiếc thắt lưng điều trong cũng nổi. Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

Thắt lưng của trẻ em, đây tôi nói tới con trai, thường thắt lưng nửa khổ, và ngắn hơn thắt lưng người lớn . Thắt lưng trẻ em được nhuộm màu cho sách, ít khi các em thắt lưng trắng. màu thường dùng là màu hoa lý, màu nâu, màu gụ, màu đỏ, v.v......

Thắt lưng đàn bà cũng không khác gì thắt lưng đàn ông mấy, có các bà các cô thường tệ dua ở hai đầu thắt lưng và thường kén chọn thắt lưng sồi, the hoặc thắt lưng lụa, nhất là ở nhà quê, vì khi mặc áo năm thân hoặc tứ thân thắt vạt, chiếc thắt lưng để lộ ra ngoài, có khi lại thắt đè lên hai vạt đằng trước, nhất là về mùa đông để giữ lấy hơi ấm.

Phụ nữ tỉnh thành xưa cũng như nay không chú ý tới thắt lưng, quần có thể may dải rút hoặc có khuy cài, vì lối y phục mặc áo dài cài khuy, nếu có thắt thắt lưng, thắt lưng cũng bị che kín đi.

Các bà các cô thường dùng màu đen hoặc màu Tam Giang, và thắt lưng cũng hơi dài hơn thắt lưng của đàn ông, để khi thắt múi hơi lớn rồi thắt lưng còn thòng xuống, vung vẩy theo bước đi.

Cùng với chiếc thắt lưng thường dùng, các bà các cô còn dùng thêm chiếc thắt lưng bao, đây là cái bao dài để các bà caóc cô đựng túi tiền.

Thắt lưng bao có chiều dài như một chiếc thắt lưng, khâu hai mép lại với nhau, nhưng lúc khâu bao cũng để lệch độ một khổ vải để miệng bao có hình chênh chếch, đút túi tiền vào được dễ dàng.

Thắt lưng bao cũng được nhuộm các màu, các bà các cô thường ưa màu hoa lý và màu đỏ già gần chuyển sang màu nâu. Thắt lưng bao cũng thắt quanh người và cũng giống như thắt lưng thường. Chiếc thắt lưng bao còn được mang tên là ruột tượng.

Ngoài hai chiếc thắt lưng và thắt lưng bao, các bà các cô trong lúc ăn chơi còn mang thêm đôi giải yểm.

Đôi dải yếm chính là hai chiếc dải của chiếc yếm, thường bằng lụa, bằng nhiễu, bằng the hoặc bằng đũi hay bằng sồi. Cũng có người dùng dải vải, nhưng dùng thứ vải mỏng.

Dải yếm nhỏ bản hơn thắt lưng, và cũng ngắn hơn một chút.

Đôi dải yểm nguyên là một chiếc dài được cắt làm đôi đều nhau. Mỗi chiếc dải yếm đính vào một bên chiếc yếm, thắt vắt ra sau lưng rồi quấn trở lại đằng trước như trên đã trình bày khi nói về chiếc yếm.

Ở đây đôi dải yếm cũng có tác dụng để giữ thêm chặt chiếc quần, nhưng chính ra đôi dải yếm nhằm mục đích làm đẹp nhiều hơn. Dải yếm thường màu mỡ gà, hoặc nhuộm các màu tươi đẹp như màu hoa hiên, màu hoa lý, màu đào ngọt. Các cô gái mười tám đôi mươi, mặc yếm trắng thắt dải yếm hoa đào trông thật đẹp.

Với đôi dải yếm, ta có thể nói người phụ nữ đồng quê Việt Nam đã dùng đến ba

chiếc thắt lưng cùng một lúc khi họ ăn mặc đầy đủ, trong lúc đi chơi, đi hội, hoặc đi giao thiệp; Thắt lưng chính, thắt lưng bao và đôi giải yếm; ấy là chưa kể quần hoặc váy của phụ nữ bao giờ cũng có dải rút, không giống như quần đàn ông, nhiều khi may cạp rộng không có dải rút.

Giày, dép, guốc

Từ đầu, qua khăn mũ, áo quần và thắt lưng, ta đã đi dần tới chân.

Người Việt nam chân thường đi giày, dép, guốc đàn ông.

Của đàn ông thì "giày hết thảy là giày hở gót, mũi nhái, da láng hoặc da me"2

Đàn bà,m "người phong lưu đi giày thêu, hoặc guốc sơn dầu, sơn đen; kẻ hà tiện đi dép một quai"3

Những điều nhận xét trên của Phan Kế Bính tiên sinh thật đúng, nhưng về đàn ông còn có điều bỏ sót.

Đàn ông còn đi loại giày kinh, giống như hài của đàn bà, nhưng bản to hơn.

Loại giầy hở gót, mũi nhái, da láng hoặc da me, chính là giày Gia Định. Loại giày này chỉ được dùng bởi những người sang trọng hoặc trong những buổi đình đám, giỗ tết; ngày thường, guốc được dùng thay giày. Những người làm ăn, chân lấm tay bùn, không đi giày mà cũng không đi guốc, họ đi chân đất.

Guốc đàn ông to bản hơn guốc đàn bà.

Giày, dép, guốc trên đây là những đồ dùng cổ truyền ta đi dưới chân. Từ khi tiếp xúc với Tây phương, những đồ dùng dưới chân này cũng đã thay đổi nhiều.

Trước hết, bây giờ đàn ông đi giày thường có đôi bí tất bằng vải hay bằng tơ. Những người đau ốm cũng dùng bí tất để che kín bàn chân tránh gió máy.

Đàn ông ngày nay, ngoài đôi giày Gia Định, chỉ còn một số rất ít người sử dụng, người thành thị thường đi kiểu giày phương Tây kín gót, có cổ hoặc không có cổ, thắt giây hoặc không thắt giây. Loại giần ban, dùng cho những người sang trọng giàu có không có giây, người ta chỉ việc lồng chân vào, tự giày ôm lấy chân. Những người mặc nam phục thường lấy việc đi giày ban làm đẹp.

Giày Gia Định chỉ có màu đen. Màu trắng dùng cho người có tang. Hoạ hoằn mới có gnười đi giày Gia Định màu nâu.

Giày có cổ theo lối phương Tây rất nhiều màu; chính thì có ba màu đen, nâu và trắng, nhưng giữa ba màu này đã xen rất nhiều màu khác: màu nâu nhạt, màu nâu đỏ, màu xám xanh, màu tro... Ngoài ra giày cũng đóng theo nhiều kiểu: mũi nhọn, mũi hơi vuông, mũi tròn, .... Lại có loại giày vải.

Dép dùng để đi ở trong nhà, đây là nói những thị dân và những người sang trọng, vì

2 Phan Kế Bính – Việt nam Phong tục.

3 Phan Kế Bính. – Việt Nam Phong tục. Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

dân thường đi câm lãm. Dép cũng có nhiều kiểu, dép da, dép dừa hoặc dép cao su. Có cả loại dép đan bằng mây.

Cũng có người dùng dép da đi ra ngoài đường; có loại dép chỉ dùng ở trong nhà. Dép đi ra ngoài đường, có quai đằng sau giữ lấy gót chân. Dép có thể có quai chéo hoặc quai ngang.

Guốc cũng chỉ dùng để đi trong nhà, tuy nhiên cũng có người dùng guốc đi ra ngoài đường. Guốc bằng gỗ, sơn quang dầu, sơn đen hoặc để mộc. Dân Thượng Du miền Bắc có loại guốc mộc đi không trơn, rất chắc. Mắt guốc, chỗ gót chân và chỗ đầu bàn chân, nơi các gót chân nối vào bàn chân, họ có khía những hình quả trám để giữ cho chân khỏi bị tuột.

Guốc có quai ngang, bằng da, bằng vải hoặc bằng cao su.

Mang guốc khi bước chân đi phát ra những tiếng “lốc cốc”.

Giày, guốc, dép của đàn bà có cầu kỳ hơn đàn ông.

Ngoài những lối giầy cổ truyền, hài, giày nhọn mũ, thị dân còn dùng loại giày của phụ nữ Tây Phương.

Hài thường đế bằng gỗ hoặc bằng da, bọc vải, mũi bằng vải thêu hình sặc sỡ, hoa lá, chim chóc, rồng phượng. Hình rồng xưa chỉ dành riêng cho nhà Vua, nhưng sau này, ai có tiềm muốn dùng hài ra sao cũng được. Mũi hài có thể tròn hoặc hơi nhọn.

Giày của đàn bà mũi nhọn cũng hở gót như giày đàn ông và thường bằng da, mũi láng đen.

Giày cũng như hài xưa kia gót phẳng, nhưng về sau theo Tây phương, các bà các cô đi giày cao gót, cả đến đôi hài, gót cũng cao hơn trước.

Dép của phụ nữ xưa phía mũi cong lên, thường cùng dùng với nón thúng quai thao.

Dép có một quai nhỏ lồng vào ngón chân trỏ và hai quai chéo để ràng hai bên chân.

Dép đóng bằng da. Dép cong chỉ dùng đi trong lúc hội hè đình đám hay tết nhất. Ngày thường có loại dép khác, đầu mũi không cong, và cũng có ba quai như dép cong. Đây là loại dép da trâu, bò, dùng cho những người chợ búa phải đi đường xa để khỏi rát chân.

Dép đàn bà ngày nay có nhiều kiểu giống dép Tây phương.

Trước đây có bán loại dép cao su, dùng cho đàn bà hay đàn ông đều được cả.

Ở trong nhà, các bác cô dùng loại guốc cao giống như guốc đàn ông; khi ra đường, loại guốc nhỏ bản, gót cao, sơn đẹp với hình vẽ trên mặt được sử dụng.

Chính ra phụ nữ Việt Nam mới đi guốc cao từ năm 1930 với phong trào “guốc Phi Mã”. Và cũng từ phong trào “guốc Phi Mã”, giày của phụ nữ Việt Nam mới bắt đầu cao gót lên.

Các bà các cô ít dùng bí tất, trừ trường hợp ăn vận y phục Tây Phương.

Dù sao, giày, dép, guốc của đàn ông cũng như của phụ nữ, thường chỉ thị dân và những người sang trọng mới dùng tới , còn đám dân quê, quần áo còn thiếu nói chi đến giày, dép, guốc.

Tại nhiều nhà miền quê, tối tối trước khi đi ngủ, người ta mới rửa chân đi và đôi guốc, còn cả ngày, trong mọi sinh hoạt, người ta đều đi chân không.

Ngày nay, một số ít người đã dùng những giày vải hoặc dép cao su trong khi làm lụng, nhưng một số vẫn đi chân đất. Phần vì thói quen mà cũng phần vì khó khăn.

Y phục trẻ em

Từ trên tôi đã nói qua về đủ loại y phục, nhưng đây chỉ là thường phục của người lớn. Y phục của trẻ em hơi có điều khác biệt vói y phục người lớn.

Trẻ em ưa màu sắc sặc sỡ. Các em nhỏ, ngoài mỗi chiếc áo có đeo chiếc yếm dãi để nhớt dãi khỏi rơi vào quần áo.

Quần áo trẻ em nhỏ thường hổng đít.

Ngoài những điều hơi khác biệt trên, quần áo trẻ em như trên đã trình bày, cũng giống quần áo của người lớn.

Các loại y phục khác

Ngoài những thường phục trên của dân chúng, có những loại y phục dành riêng cho từng hạng người. Quần áo của tăng ni không giống quần áo thường, quần áo đạo sĩ không giống quần áo của tăng ni. Lại còn quần áo mặc trong lúc có tang cũng thay đổi tùy theo trọng tang hay khinh tang.

Phải kể đến phẩm phục của vua quan, nhung phục cũa quân đội, lễ phục của thường dân.

"Phẩm phục mặc những khi triều hạ lễ bái, những khi chiến trận thao luyện, lễ phục mặc những khi tế tự" 4

Những người làm nghề nghiệp riêng cũng có những y phục riêng: Đô tùy có y phục khi đưa ma, phu cưới có y phục khi dẫn lễ..

°
°     °

Y phục cốt để che thân. Mỗi dân tộc tùy theo phong tục mà có y phục riêng.

Bàn về lối ăn mặc ta, nhiều người cho rằng ta ăn mặc lôi thôi không có vẻ đẹp, và bộ quần áo đàn bàn miền Bắc, với chiếc áo tứ thân hoặc năm thân, với chiếc quần lãnh đen, với yếm và dải yếm đã bị coi là kém đẹp, nhưng thực ra nếu ta để ý ngắm, bộ quần áo đó nó có một vẻ đẹp riêng của nó mà những người ăn mặc kiểu cài khuy không thể có được. Hơn nữa phải thấy bộ quần áo này, với đủ thắt lưng, thắt lưng bao, dải yếm, áo bông mới chống nổi cái rét cắt ruột của mùa đông miền Bắc.Hơn nữa, trong bộ quần áo nó tiềm tàng cái sức phấn đấu của dân tộc Việt Nam cũng như cái tinh thần phục tòng của người phụ nữ đối với gia đình.

Ngay đến bộ quần áo đàn ông với chiếc áo dài đen, cái quần trắng trông kém chi vẻ lịch sự, ấy vậy mà người ta vẫn chê bai để ăn vận theo lối Tây phương đôi khi thật cũn cỡn. Tôi lại nhớ tới lời các cụ có khí tiết khi xưa nói đến người Pháp đều gọi “lũ áo ngắn”,và bảo người Pháp là lũ quan thầy áo ngắn của bọn vong nô.

Để bênh vực cho bộ quốc phục của ta, tôi tưởng không gì bằng nhắc lại đây ý kiến của một tác giả ngoại quốc về bộ y phục này:

"Tôi nghĩ đến cái áo dài màu đen thích hợp với những sinh hoạt đồng ruộng cũng như không khí trang nghiêm của cái xã hội nông nghiệp phong kến thuở xưa, cái áo dài ấy thật là giản tiện một cách bi đát, che giấu một cách tài tình... một cái lót rách

4 Phan Kế Bính – Việt Nam Phong Tuc Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

nát và chịu đưng khá oanh liệt bốn mùa mưa nắng phôi pha"5

Có lẽ có người cho rằng mấy lời trên đây chỉ là những lời chê khéo léo! Cho có là lời chê khéo đi chăng nữa, qua những lời này ta cũng thấy rằng y phụ của ta phù hợp với hoàn cảnh đất nước ta.

Riêng tôi, tôi thấy rằng bộ quần áo của ta rất trang nhã, lịch sự, không cầu kỳ như bộ Âu phục phải lịch kịch năm ba thứ áo.

Y phục của ta, ta mặc thật hợp cho ta vậy.

TRANG SỨC

Trang sức nghĩa là sửa soạn, trau dồi. Riêng chữ "trang" theo Hán tự còn có nghĩa là quần áo. Vậy vẻ đẹp của con người, bằng những đồ phụ vào quần áo, và như vậy cùng với quần áo, đồ trang sức nhằm vào khiá cạnh mỹ thuật.

Ta phân biệt đồ trang sức đàn ông, đàn bà và trẻ em.

Đồ trang sức đàn ông

Thực ra đàn ông Việt Nam cũng như đàn ông bất cứ dân tộc nào khác, ít dùng đồ trang sức. Thường, những người nghèo, những dân quê không bao giờ để ý đến trang sức. Chỉ những người giàu có mới đeo nhẫn vàng ở đốt trong cùng ngón tay giữa. Từ khi tiếp xúc với Tây phương, ta bắt chước tục đeo nhẫn cưới ở ngón tay nhỡ, giáp ngón tay út, cũng gọi là ngón tay áp út. Nhẫn cưới của người giàu thì bằng vàng, của người nghèo thì bằng bạc hoặc bằng đồng. Nói vậy, không phải là tất cả người đàn ông nào cũng đeo nhẫn cưới; phần nhiều những người theo đạo Thiên chúa giáo mới dùng nhẫn cưới. Các người theo tôn giáo khác rất ít người dùng.

Nói về chíếc nhẫn vàng, có người đeo nhẫn trơn, có người đeo nhẫn ở giữa mặt có hoa hoặc hình một trái tim hoặc có gắn mặt đá gọi là ngọc thạch. Những người có của thay vì ngọc thạch, nhẫn được gắn mặt kim cương.

Ngoài nhẫn ra, đồ trang sức đàn ông có thể kể thêm được bộ nút áo dài bằng vàng, đánh trơn hoặc có chạm hoa. Bộ nút áo này chỉ lồng vào khuyết khi mặc. Ngày nay con trai còn đeo dây chuyền ở cổ và dây khoá ở cổ tay. Cùng với dây ở cổ, có khi ta thấy đeo thêm tượng Phật hoặc cây Thập tự giá tùy theo tôn giáo.

Đồ trang sức đàn bà.

Đàn bà nhiều đồ trang sức hơn đàn ông. Việc trang sức của đàn bà bắt đầu từ trên mái tóc.

Các bà, các cô khi vấn đầu để trần, muốn làm đỏm, dùng kim vàng. Những người tóc ngắn, muốn có đuôi gà, dùng độn tóc.

Trên đầu các bà các cô còn có thể cài trâm vàng hoặc lược đồi mồi, tùy theo tóc búi hay vấn.

5 A. PAZZI – Người Việt Cao Quí. Hồng Cúc dịch

Có khi, sau khi vấn đầu, búi tóc, các bà các cô còn cài lên đầu mấy bông hoa như hoa ngọc lan, (bông sứ), hoa cúc, hoặc hoa ngâu... vừa để lấy mùi thơm vừa để tăng vẻ đẹp cho mái tóc.

Trong ngày cưới, ngày nay bắt chước phương Tây, các cô dâu để tóc trần hoặc tóc uốn còn đi trên đầu chiếc ngọc niệm. Có người còn dùng cả chiếc ngọc niệm trong những đám tiệc tùng họp bạn.

Dưới đầu là hai tai. Ta có tục xâu lỗ tai cho con gái, đế lấy chỗ đeo đồ trang sức. Các bà, các cô thường đeo hoa tai trằm, nụ thông, cuống giá, khuyên.

Hoa tai, bằng vàng hoặc bằng bạc, có hoặc không gắn mặt ngọc thạch hoặc kim cương.

Hoa cũng có nhiều kiểu, các cô gái xưa thì đeo hoa cánh bèo tức là chiếc có những cánh xoè ra. Đôi hoa có gắn mặt đá lóng lánh hoặc kim cương thường làm nổi hẳn khuôn mặt của người sử dụng.

Ở miền Bắc, phụ nữ nhà quê đeo hoa bằng hổ phách, khi không có hoa vàng, hoa bạc.

Trằm cũng từa tựa như chiếc hoa, bằng vàng hoặc bằng bạc.

Nụ thông giống như chiếc nụ cây thông, đằng trước xòe ra, đằng sau thót lại để cắm vào lỗ tai. Nụ thông thường có mặt đá, nhất là màu đỏ, xưa rất được các cô gái quê ưa chuộng, bằng vàng, bằng bạc hoặc bằng hổ phách.

Cuống giá hình giống như cuống một cọng giá, phía trên ở ngoài vành tai, còn phía cuống ở trong vành tai. Cuống giá cũng bằng vàng hay bằng bạc được mạ một lượt vàng.

Khuyên trong Nam gọi là khoen là thứ nữ trang thông dụng nhất của phụ nữ vùng quê. Khuyên hình tròn đeo lủng lẳng vào lỗ tai.

Khuyên đánh bằng vàng hoặc bằng bạc. Lối khuyên trong Nam đánh mỏng thân, còn lối khuyên Bắc đánh thân to và tròn, nhiều khi đeo làm trễ cả đôi tai.

Phụ nữ ngày nay đeo nhiều hoa kiểu Âu-tây, bằng vàng, bằng bạc có, mà cũng có thứ hoa bằng các loại kim khí khác. Ngày nay trên thị trường có bán nhiều loại hoa tai bằng cao su, bằng ni lông. Những chiếc hoa này có bộ phận kẹp vào trái tai, không cần có lỗ tai cũng đeo được.

Các bà các cô giàu ưa dùng hoa có gắn mặt kim cương.

Phụ nữ Việt nam chỉ đeo đồ nữ trang ở tai, không giống như nhiều dân tộc khác gắn kim cương ở trán hoặc đeo vàng bạc ở lỗ mũi.

Đàn bà Việt nam cũng đeo nhẫn ở tay, thường đeo ở ngón tay nhỡ, cùng với chiếc nhẫn cưới. Các cô chưa lập gia đình đeo nhận có chạm hoa, hoặc đeo nhẫn ở ngón tay nhỡ, có khi đeo riêng, có khi cùng đeo với một chiếc nhẫn khác có nạm mặt đá hoặc kim cương hoặc có chạm trổ.

Ngoài nhẫn đeo ở ngón tay, phụ nữ ta còn đeo những đôi vòng, đôi xuyến ở cổ tay, giàu thì vòng vàng, xuyến vàng, nghèo thì vòng bạc, xuyến bạc. Những chiếc vòng xuyến có thể trơn hoặc có chạm trổ. Những người giàu có thường nhận mặt kim cương hay thủy xoàn. Cũng có người nhận ngọc thạch các màu.

Có người đeo vòng ngọc, ngọc thạch màu xanh nhạt có gắn vàng chạm trổ, hoặc vòng huyền đen nhánh.

Ngày nay, bắt chước Âu-Mỹ, nhiều người đeo "vòng tuần lễ". một bộ gồm bảy chiếc vòng bằng vàng hoặc kim loại khác, tính theo ngày đeo số vòng: thứ hai, hai vòng; thứ ba, ba vòng...

Cũng bắt chước Âu-tây, có người đeo ở cổ tay chiếc dây xích có mang khoá, lại có một mảnh khắc tên mình gọi là chiếc lắc, phiên âm chữ "plaque" của Pháp. Lắc bằng Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

vàng hoặc bằng bạc. Theo mốt hiện tại, những mắt xích của chiếc lắc đánh càng to, càng dày, càng đẹp.

Vòng không những đeo ở tay, phụ nữ còn đeo cả còng cổ, gọi là kiềng, bằng vàng hoặc bằng bạc, trơn hoặc có chạm.

Các cô gái mới lớn đang tuổi dậy thì, mặc áo trắng dài, đeo chiếc kiềng vàng trong thật nổi.

Các bà các cô, thường cùng đeo dây chuyền vàng hay bạc ở cổ với một quả tim bằng vàng hoặc bằng ngọc thạch xanh gắn vàng. Có cả dây chuyền bằng bạch kim. Cũng có khi dây chuyền được đeo cùng với một tượng Phật, một chữ Vạn, một Thập tự giá tùy theo tôn giáo của từng người.

Ngoài kiềng và dây chuyền, các bà còn đeo những chuỗi hạt trai, hạt huyền, hạt ngọc ở cổ. Trên thị trường ngày nay có bán những chuỗi hạt bằng chất hoá học đủ các màu, các hình và các kiểu.

Ở miền Bắc xưa các thôn nữ ăn vận áo thắt vạt, năm thân hoặc tứ thân còn có đeo chùm xà tích ở dây lưng.

Chùm xà tích này thường bằng bạc, dài ngắn tùy người, và mỗi chùm có bốn năm dây, mỗi dây mang một thứ: chìa khóa, ống vôi, díp (nhíp) bạc v.v... ống vôi bạc được đánh theo hình quả đào có chạm trổ.

Chùm xà tích được coi là sang trọng, và các cô gái quê miền Bắc ai cũng muốn có để đeo trong những dịp đình đám hội hè.

Phụ nữ Việt nam cũng như đàn ông không đeo đồ trang sức ở chân. Nếu đôi khi ta bắt gặp một người đàn ông hoặc đàn bà đeo vòng bạc, xích bạc ở chân, đấy không phải vì lý do trang sức mà chính là sự mê tín. Tục ta tin rằng những người đó hoặc là con cầu tự, hoặc "con thần thánh", muốn giữ lại ở cõi trần phải dùng xích. Chiếc vòng hoặc chiếc xích đeo ở chân tượng trưng cho sự cùm xích người kia ở lại cõi trần.

Thường một người khi đã thành niên thì tự động bỏ vòng hoặc xích ở chân đi.

Đồ trang sức trẻ em

Trẻ em nhiều đồ trang sức hơn người lớn, kể cả đàn bà.

Tai các em cũng đeo vòng, đeo khuyên, cổ các em cũng vậy.

Có điều khác là ở chiếc vòng cổ, thường có đeo thêm chiếc khánh với ba chiếc nhạc. Mỗi khi em nhỏ cử động ba chiếc nhạc lại kêu "loong coong".

Con nhà giàu có vòng vàng, khuyên vàng, nhưng thường chỉ đeo trong những dịp tết nhất hội hè, còn thường ngày, bố mẹ chỉ đeo đồ bạc để tránh mọi sự bất trắc.

Tay các em cũng đeo vòng bạc. Mỗi chiếc vòng cũng kèm chiếc nhạc, hoặc thay vì chiếc nhạc là một quả bầu bằng bạc để các em khi còn nhỏ đưa lên mồm ngậm. Cũng có gia đình đeo vào chiếc vòng tay một chiếc vuốt cọp, cái lông voi hay chiếc lưỡi tầm sét mà họ tin rằng "kỵ" được tà ma cùng gió máy.

Chân các em cũng đeo vòng như ở tay, và cũng có đeo thêm nhạc như ở tay.

Về chiếc khánh đeo vào chiếc vòng ở cổ, xưa thường có khắc bốn chữ Tràng sinh bản mệnh, ý muốn cầu mong cho con trẻ được sống lâu. Có khi thay vì chiếc khánh là một đồng tiền vàng hoặc đồng tiền bạc cũng khắc bốn chữ trên, hay một miếng ngọc thạch

°
°     °

Đại khái tất cả những đồ trang sức của ta chỉ có thế, nhưng thật ra không phải ai cũng có tiền bạc hoặc có thì giờ dể đủ lo trau dồi vẻ đẹp cho mình.

Người nông dân Việt Nam thường lo làm ăn, nghĩ đến gia đình hơn nghĩ đến bản

thân mình, bởi vậy vấn đề trang sức đối với họ hết sức là phù phiếm ngoại trừ một vài trường hợp, nhật là đối với các cô gái cần trang điểm trong một vài dịp.

Chỉ những người ở thành thị, những người thừa ăn thừa tiền mới nghĩ đến sự sửa soạn trau dồi để tăng thêm vẻ đẹp của mình, và cũng chỉ những người này mới cầu kỳ trong vấn đề trang sức, mới có sự ganh đua trang sức.

Đã đề cập đến vấn đề trang sức không biết có nên nói tới sự tô son đánh phấn, sửa lông mày, đánh móng tay, móng chân mà các bà các cô rất lưu ý để làm đẹp cho mình?

Nếu phải kể sự làm đẹp nói trên, thì không thể bỏ qua được chíếc ví (bóp) các bà các cô kè kè xách bên tay, với tác dụng một món trang sức, vì nhiều khi trong ví không đựng gì cả, hoặc có đựng cũng ít khi đựng tiền. Nhiều bà nhiều cô, xách chiếc ví thật lớn với những hình thù thật kỳ lạ, khiến đã có người phải nói trông cái ví của các bà như "Cái bị thằng ăn mày". Lối xách ví này cũng là một kiểu nhập cảng của Tây Phương.

Đã nói đến chiếc ví của các bà, không lẽ không nói tới chiếc gậy, mà các ông gọi là ba-toong là can theo danh từ của thực dân để lại. Có chiếc "can" bịt bạc sơn màu, có chiếc khắc thành từng lóng với đầu can mang hình một con vật hoặc đồ dùng. Các ông cầm can nhất là mấy cậu, khi cao hứng quay tít chiếc can trông thật chẳng ra trò trống gì! Có người khôi hài đã dùng danh từ kiếm hiệp để chỉ chiếc can hay ba-toong của các ông là "Đả cẩu bổng", tuy nếu gặp "cẩu" có khi các ông bỏ chạy.

Ta cũng đừng lầm chiếc gậy "Đả Cẩu Bổng" của mấy ông với chiếc gậy mà các cụ già, cả cụ ông lẫn cụ bà, phải dùng để chống lúc di chuyển, chiếc gậy của các cụ là cần thiết trong lúc đi đứng.

Mái tóc

Tóc trên đầu khéo búi, khéo chải tăng rất nhiều vẻ đẹp cho con người, nhất là đối với phụ nữ.

Ta có câu: "Cái răng, cái tóc là góc con người", bởi vậy đối với mái tóc trên đầu, phong tục ta có rất nhiều điều liên quan tới, và chính cũng vì sự liên quan này mà ở đây, tôi xếp mái tóc vào chương Trang Sức.

Tóc trẻ em

Tóc trẻ em mới sinh gọi là tóc máu, sợi tóc mềm mại lơ thơ. Một tháng sau khi sinh, ta cho gọt hết loại tóc máu này. Lượt tóc sau mọc lên, khi quá dài lại được cắt gọn đi, cho đến khi lên ba, lên bốn, tóc mới bắt đầu được để dài.

Xưa, tóc con trai thì để dài ở đỉnh đầu, gọi là cái chỏm . Ta có thành ngữ "Từ ngày để chỏm" để nói từ thời kỳ còn nhỏ. Cái chỏm còn được gọi là chóp hoặc hồng mao . Ngoài cái chỏm ra, tóc ở xung quanh, mỗi khi dài lại bị cạo.

Con gái nhỏ không để chỏm. mà lại để một mớ tóc che thóp và hai mớ ở hai bên sọ. Chỗ tóc ở thóp gọi là cái cun cút, còn gọi là cái vá, hai mớ tóc hai bên gọi là hai trái đào. Cũng như đối với con trai, những tóc mọc ngoài "Cái cun cút" và "hai trái đào" đều bị cạo hết.

Tóc trẻ em cứ để như vậy cho đến khi mười ba mười bốn tuổi, nghĩa là tuổi đã được coi là hơi lớn, lúc bấy giờ tóc mới để hẳn không cạo nữa.

Ngày nay, trẻ em vẫn để chỏm, trái đào và cun cút nhưng chỉ ở vùng quê, mà cũng chỉ đến một tuổi nào, độ bốn năm tuổi là cùng. Sau đó cha mẹ thường cho các con húi đầu theo lối mới, hoặc húi trọc, hoặc húi móng lừa, hoặc để tóc rồi húi kiểu rẽ giữa, rẽ bên cho con trai, còn con gái thì để dài rồi chải ngược ra đằng sau hay chải sang hai bên, để xõa hoặc dùng cặp tóc cặp lại.

Ở tỉnh, bố mẹ nuôi tóc cho con từ còn nhỏ, nhất là đối với con gái, khi nào quá dài Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

thì xén bớt, rồi tết tóc hoặc dùng cặp tóc cài lại. Còn con trai thì tóc được húi từ nhỏ theo lối mới.

* Tóc đàn ông

Xưa, đàn ông, tóc dài búi thành một búi tóc tròn trên đầu, khăn chít bên ngoài. Búi tóc phải to mới được coi là đẹp. Búi tóc để ở sau đầu; thường có khăn đỡ lấy búi tóc nhưng cũng có khi tóc để trần.

Gần đây, ngoại trừ một số các cụ già nhiều tuổi vùng quê, đàn ông đều cắt ngắn tóc theo kiểu Tây Phương.

Tóc đàn bà

Đàn bà cũng búi tóc như đàn ông, nhất là ở miền Trung và miền Nam. Miền Bắc đa số dùng vấn đầu, khăn vuông, vì nơi đây xứ lạnh. Tóc đàn bà càng dài càng mượt càng xinh được gọi là tóc mây. Có người tóc dài chấm đất. Khi vấn đầu, có tóc dài khỏi vấn đầu mới đẹp, và chỗ tóc này gọi là đuôi gà. Những người ít tóc phải dùng tóc độn.

Ngày nay, có người quấn tóc trần dùng lược để cài, và phụ nữ các đô thị lại đua nhau cắt tóc ngắn kiểu Âu-tây, hoặc để tóc hơi dài rồi uốn xoăn làn sóng

°
°     °

Đấy là nói về tóc những người thường. Các tu sĩ Phật giáo không để tóc, nam tu sĩ cũng như nữ tu sĩ đều cạo trọc đầu.

Nhuộm răng

Ca dao có câu:

"Răng đen ai nhuộm cho mình

Để duyên mình thắm để tình ta say!"

Lại có câu:

"Môi son lại điểm má hồng

Hàm răng đen nhức ai lòng chẳng say!"

Hai câu ca dao trên chứng tỏ xưa hàm răng đen là qúy và hàm răng càng đen nhức lại càng đẹp hơn. Và hàm răng cũng dự phần vào việc trang sức của con người.

Trong "Cung Oán Ngâm Khúc"của Ôn Như Hầu có câu:

"Trắng răng đến thủa bạc đầu

Tử sinh kinh cụ làm nau mấy lần"."

Qua câu thơ này ta thấy rằng, lúc trẻ thì răng trắng và lớn lên về già, răng không còn trắng nên nói tới tuổi già, Ôn Như Hầu chỉ nói tới bạc đầu. Về tục nhuộm răng, Đào Duy Anh trong Việt Nam Văn Hoá Sử Cương viết:

"Nhiều người ngoại quốc cho rằng người Việt Nam vì ăn trầu cho nên răng đen. Thực ra tục ăn trầu và tục nhuộm răng không có quan hệ với nhau, duy hai tục ấy đều khiến cho hàm răng vững chắc".

Nhuộn răng là một cổ tục của ta, thiều nhiều sách sử thì có từ đời Văn Lang, cũng như tục ăn trầu. Thực ra hai tục này không phải riêng của dân tộc Việt nam, mà đây là những tục chung của nhiều dân chúng Á châu. Người Cao Miên, người Ấn Độ, người Mã Lai, đều có ăn trầu. Xưa, người Nhật Bản, người Mã Lai, và một số ít giống người ở các đảo Indonesia cũng có tục nhuộm răng.

Theo tục Việt nam ta, răng chỉ bắt đầu nhuộm khi đã thay xong lượt răng sữa, và đã có một số răng hàm.

Nhuộm răng chia làm hai lớp, lớp đầu nhuộmm cho răng có màu đỏ, sau đó mới nhuộmm màu đen lên màu đỏ.

Muốm nhuộm răng màu đỏ, phải dùng cánh kiến tán nhỏ. Vắt chanh vào bột cánh

kiến này rồi để kín trong bảy ngày cho chất chua chanh ăn vào bột cánh kiến.

Dùng bột cánh kiến pha chanh này phết vào những mảnh lá dừa hoặc lá cau, bản to bằng chiều cao chiếc răng, rồi lúc đi ngủ ấp vào hai hàm răng. Màu cánh kiến qua đêm sẽ ăn dần vào men răng, và răng lúc ấy cũng đỏ lờ lờ, qua độ bảy đêm, răng sẽ nhuộm một màu đỏ già cánh dán.

Màu đỏ như vậy kể là đã nhuộm xong. Bây giờ phải bước sang lớp thứ hai nhuộm răng màu đen.

Thuốc nhuộm răng đen vẫn dùng cánh kiến, nhưng lần này bột cánh kiến không hoà lẫn với chanh, lại hoà lẫn với lá phèn đen. Hai thứ nghiền lẫn để luyện với nhau, rồi cũng phết vào lá cau hoặc lá dừa rồi ấp lên hàm răng. Chỉ cần nhuộm đen hai đêm là răng đen nhánh.

Bấy giờ, muốn để màu đen đó khỏi lạt đi, khỏi phai đi, phải chiết răng.

Chiết răng nghĩa là làm cho răng giữ mãi được màu đen. Người nhuộm răng sẽ ngậm những ngụm nước dưa chua, nước dua chua có tính chất giữ màu cho răng. Ngâm và súc miệng nhiều lần bằng nước dưa chua, màu đen sẽ ăn liền vào răng và hàm răng đen bóng.

Cũng có người không dùng nước dưa chua, mà lại chiết răng bằng nhựa sọ dừa. Lấy một cái sọ dừa để lên con dao mà đốt cho chảy nhựa ra, lấy nhựa đó phết vào răng, răng sẽ không phai màu nữa. Cách này ít làm.

Trong những năm tiền Đệ nhị thế chiến, trên thị trường có xuất hiện những thuốc nhuộm răng hoá học, nhuộm thằng từ răng trắng qua răng đen không qua màu đỏ.

Thuốc nhuộm răng, dù cổ truyền hay là thuốc hóa học đều là những chất nồng và cay, thường làm cho môi, lưỡi và lợi người nhuộm răng sưng lên, khiến trong thời kỳ nhuộm răng, ăn cơm không dám nhai và chỉ nuốt chửng. Bởi vậy trong khi nhuộm răng người ta thường ăn những đồ mềm, dễ nuốt như cháo, bánh đúc v.v.... để khỏi phải nhai, vì nhai trước hết đau lợi, đau môi, thứ nữa sợ phai thuốc.

Sau khi đã "chiết răng" rồi, màu răng không phai được nữa, người ta mới lại ăn uống và nhai như thường.

Răng nhuộn đen với thời gian có thể trở nên nhạt màu, biến thành "răng cải mả", nghĩa là thứ răng loang lổ, nên người ta cần nhuộm lại.

Đàn ông chỉ nhuộm độ hai lần, cách nhau vài năm thì thôi, răng sẽ đen cho đến già, hoặc có hơi nhạt màu cũng không sao, những chỗ nhạt màu đó, thường người ta ăn trầu nên cũng không rõ rệt bao nhiêu, duy đàn bà họ thường mỗi năm nhuộm răng lại một lần. Hàm răng đen lánh của một thiếu nữ là hàm răng đẹp. Các bà đã ngoài ba chục tuổi cũng ít khi nhuộm răng lại.

Kể từ năm 1945 tới nay, tục nhuộm răng hầu như mất dần. Người ta chỉ gặp những người răng đen cỡ tuổi đã rất cao.

Có người đã nhuộm răng đen rồi lại đem đánh trắng đi cho hợp với cuộc sinh hoạt mới.

Ngày xưa, răng trắng bị coi là "bất chính". Răng trắng bị chê là "răng lợn luộc" . Những thành ngữ "răng trắng như răng chó", "răng trắng như răng ngô" thường được dùng để chê bai những kẻ để răng trắng nhỡn như hạt bàu.

Răng đen cũng là một yếu tố nhan sắc phụ nữ. 'Răng đen hạt huyền", "răng đen lánh như hạt na già", "răng đen nhức", đó là những thành ngữ để khen những hàm răng đẹp.

Thời thế đổi thay, cái đẹp ngày xưa không còn là cái đẹp của ngày nay nữa, và các cô kén chồng ngày nay cũng không còn nói: Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

"Lấy chồng cho đáng tấm chồng

Bõ công trang điểm má hồng răng đen"

Ngày nay người ta để răng trắng, nếu muốn trang điểm cho hàm răng, người ta bọc đôi ba chiếc răng vàng

LÀM LỤNG

Ăn để mà sống, nhưng người ta có làm mới có ăn. Ca dao Việt nam có câu:

Ở đời ai cũng phải làm,

Chăm thì sung sướng, lười cam chịu hèn"

Việt Nam là một nước nông nghiệp, việc làm của người dân Việt thưòng xoay quanh nghề nông. Sau này công kỹ nghệ đã được thiết lập ở Việt nam, ngoài nông dân ra, thợ thuyền cũng là một thành phần quan trọng tại nước ta. Ngoài ra, xưa nay, bên cạnh nông dân ta cũng vẫn có những người buôn bán và những người làm nghề khác bằng chân tay.

Với mỗi nghề, công việc tuy có khác và sự làm lụng của mỗi người không giống nhau.

Bên cạnh những công việc của nghề nghiệp, còn có những công việc trong gia đình mà mỗi người dù lớn dù nhỏ đều chia nhau cùng làm. Những công việc gia đình này, tuy vậy cũng có liên hệ, nhiều ít với công việc về nghề nghiệp của mỗi người.

Khi nói đến làm lụng tức là nói đến cả công việc trong gia đình lẫn công việc nghề nghiệp, tuy nhiên, người ta trăm nghìn nghề, nếu đi vào chi tiết của mỗi nghề nghiệp, lẽ tất nhiên là một việc không thể được với khuôn khổ tập sách này, và cũng là một việc không thể được với sự hiểu biết quá nông cạn của kẻ viết.

Bởi vậy, ở đây, chúng tôi chỉ nói tới sự làm lụng trong phạm vị gia đình mà mỗi cá nhân phải tham gia vào, từ nam tới nữ, từ già tới trẻ, từ lớn tới bé. Và những công việc làm lụng hàng ngày được bắt đầu từ sáng sớm cho tới khuya, lúc đi ngủ. Cứ kể, công việc trong gia đình của mỗi người không phải là ít, mặc dầu đây không phải là việc lớn.

Công việc lúc tinh sương

Xưa, ở nhà quê, người ta dậy thật sớm, từ lúc gà gáy, mọi người trong nhà đã lục tục bắt đầu trỗi dậy, và người nào đi lo ngay việc nấy. Công việc thay đổi tùy từng gia đình, và cũng có công việc thay đổi tuỳ từng mùa.

Trước hết hãy nói tới gia đình nông dân thuở xưa.

Người đàn ông có công việc ngoài đồng: Cày, bừa, làm cỏ ngoài ruộng; sau khi từ trên giường bước chân xuống đất là lo ngay đến những đồ dùng để mang đi đồng: cày, cuốc, dao phát bờ, và con trâu, con bò nếu ngày hôm đó phải cày vỡ ruộng.

Trong lúc đó, bà nội trợ hoặc cô con gái vội vàng xuống bếp lo bữa ăn sáng cho những người đi đồng. Công việc là phải thổi nồi cơm, dọn mâm cơm. Lẽ tất nhiên nếu không có thức ăn sẵn thì phải nấu cả thức ăn, nhưng ở nhà quê bao giờ cũng sẵn chĩnh mắm, vại dưa, vại cà, hũ trám, nồi tép kho, v. v... là những thức ăn thông thường của mọi gia đình.

Mâm cơm dọn ra, cả nhà xúm vào cùng ăn từ sáng sớm, hoặc những người phải đi làm đồng ăn trước, còn những người lo công việc ở nhà ăn sau.

Bữa cơm xong, những người đi làm ra đi với công cụ, với con trâu, con bò từ lúc gà vừa gáy sáng, trời mới rạng đông, những người ở nhà lại còn lo trăm nghìn công việc khác.

Việc đầu tiên là cùng nhau ăn cho xong bữa cơm, rồi còn thu dọn mâm bàn, rửa bát, rửa đũa. Nhiều gia đình có những ông bà già, chưa dậy sớm, không cùng ăn cơm với thì các cô con gái, các cô nàng dâu lại phải dọn riêng để phần một mâm cơm cho các cụ dù mâm cơm thanh đạm cũng phải gọn ghẽ sạch sẽ.

Cất dọn mâm chén, rửa ráy bát đuã xong để lo ngay tới bữa cám lợn (cám heo).

Những gia đình canh nông, thường trong nhà nuôi thêm đàn gà, đàn lợn để lấy lợi tức chi dùng vào những giỗ tết, sửa chữa cửa nhà, đóng sưu thuế, bởi vậy các cô gái, các nàng dâu không thể không lưu tâm tới nồi cám lợn được.

Thực ra thì nồi cám lợn từ tối hôm trước đã vẫn vần ở trong bếp. Giờ đây chỉ việc múc đổ ra chậu, ra lon cho lợn ăn. Công việc không khó khăn gì, nhưng lúc cho lợn ăn cũng phải đổ từ từ để chúng ăn, kẻo đổ quá đầy chúng sốc mõm lại tranh nhau ăn, cám sẽ rớt ra ngoài.

Trong lúc cho lợn ăn, thì một ấm nước đã được đặt trên bếp, để lát nữa các cụ già dậy có nước pha trà.

Tưởng cũng nên nhắc qua là cùng với bữa cơm sớm, một ấm nước vối, một ấm nước chè tươi, hoặc một ấm nước lá đùm đụp đã được nấu sẵn để người đi làm đồng có nước dùng và có nước để mỗi bọn mang theo một ấm sành đầy.

Cùng với công việc cho lợn ăn, lại còn công việc cho gà vịt ăn nữa. Nếu nhà có đôi ba người thì chia nhau người việc nọ, kẻ việc kia, còn nhà nào ít người thì tất cả mọi công việc đều dồn vào tay bà nội trợ hoặc cô con gái lớn hay nàng dâu trưởng.

Công việc nhiều tất bật, nhưng các bà các cô bao giờ cũng làm cho xong, cho trọn, và không bao giờ các bà các cô phàn nàn.

Bận công kia việc nọ như vậy nhưng các cô cũng không quên nghĩ đến lũ trẻ nhỏ, chúng chưa làm gì được, mới biết ăn và quấy, hoặc lớn hơn một chút mới biết cắp sách đi học.

Phải cho chúng dậy, lo cho chúng ăn; đối với những đứa trẻ nhỏ quá lại phải bón cơm búng cơm nhót cho chúng; đối với những đứa đi học lại phải nhìn qua sách vở, quần áo chúng.

Những gia đình nông dân công việc như vậy, những gia đình buôn thúng bán bưng hoặc thợ thuyền vùng quê cũng không khác bao nhiêu.

Những người buôn thúng bán bưng cũng như những thợ thuyền ở đồng quê không nhiều, mỗi làng dăm ba người, đầu làng một lò thợ rèn, cuối thôn một hàng thợ may, gần chợ một tiệm thợ bạc, v, v....

Trong những gia đình này, với nếp sống đồng quê, mọi người cũng đều dậy từ lúc tinh mơ, ngoại trừ các cụ già và trẻ em, trời nóng cũng như trời rét.

Các bà các cô buôn thúng bán bưng, thường phần nhiều việc buôn bán này do phụ nữ, nhìn lại gánh hàng đã thu xếp tối hôm trước, rồi đích thân đi thổi cơm, lo buổi sáng cho cả nhà. Xong đâu đấy mới vội vã đi chợ. Có người cũng phải lo cả công việc lợn, gà cho xong. Đi chợ các bà các cô mang theo nắm cơm với tí mắm, tí cà để ăn bữa trưa, như vậy đỡ phải ăn quà. Các bà các cô tằn tiện lắm, ngay đến miếng trầu ăn cũng chỉ ăn những chũm cau, còn cau ngon để dành phần chồng, cha mẹ chồng.

"Bán hàng ăn những chũm cau

Chồng con có biết cơ màu này không?"

Các bà các cô đi chợ, còn công việc ở nhà thì sao? Xin thưa hoặc bố mẹ già, hoặc chồng con, hoặc đàn em nhỏ, lo được đến đâu thì lo; nếu không, chiều về các bà các cô sẽ lo nốt.

Trong những gia đình thợ thuyền cũng không có gì khác bao nhiêu. Từ sớm tnh mơ, mọi người thức dậy. Ông thợ rèn, thợ bạc đi lo cái bễ của mình, đàn bà, trẻ con Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

trong nhà lo việc cơm nước, cũng như mọi công việc khác trong gia đình.

Nếp sống đồng quê được điều hoà bởi công việc, chính công việc đẻ ra công việc, công việc trong nhà phụ vào công việc đồng áng, việc buôn bán, việc làm ăn. Tất cả mọi công việc của mọi người tạo nên sự sinh hoạt chung của gia đình và xã hội Việt Nam.

Công việc buổi sáng

Mọi người mải lo công việc của mình chằng mấy lúc trời đã sáng rõ, rồi mặt trời dần dần lên cao. Người nội trợ còn bao nhiêu việc khác.

Nhà cửa không thể dơ dáy. Cho lợn, gà vừa ăn xong, các bà các cô đã vội vàng lấy chổi quét nhà, quét sân.

Lúc này các cụ già cũng đã dậy. Cô con gái hoặc bà nàng dâu phải nghĩ đến nước để các cụ rửa mặt, về mùa đông phải pha cho mỗi cụ một thau nước âm ấm, về mùa hè cũng phải múc sẵn một thau nước để trên giá thau cho các cụ.

Các cụ rửa mặt xong, lại phải bê lên cho các cụ siêu nước nóng để các cụ súc miệng và pha ấm trà buổi sáng. Công việc tráng ấm tráng chén các cụ lo lấy, nhưng thỉnh thoảng vẫn có một ngày phải rửa kỹ khay chén cho các cụ.

Quét sân, quét nhà chưa xong, đã có những công việc khác đợi sẵn. Đó là việc đi lấy bèo ngoài đồng, ngoài ao về đề băm và sửa soạn nồi cám lợn. Lại còn công việc giặt giạ quần áo, đôi khi sau trận mưa được ngày nắng lớn, giặt cả chăn, mùng, mền.

Có người thì công việc được chia nhau, không có một người vẫn cứ phải lo cho xong.

Giặt giũ quần áo. chăn màn, không phải giặt ngay ở nhà, vì ở nhà mấy nhà có sẵn nước. Phải mang quần áo, chăn chiếu ra hồ, ra ao, ra sông mà giặt. Phải giặt vội vàng nhưng cũng không cẩu thả, quần áo, chăn chiếu ít ra cũng phải sạch sẽ, quần áo cũng phải được vò được giũ.

Giặt giũ xong, mang quần áo về nhà phơi phóng vừa xong thì mặt trời đã mọc cao hai con sào!.

Ấy thế mà nước chưa gánh, cám lợn chưa nấu!

Lại vội vội vàng vàng quẩy đôi thùng ra giếng gánh lấy mấy gánh nước, ít việc thì gánh nước cho đầy chum, đầy vại, nếu công việc còn nhiều thì hãy tạm quày lấy một vài đôi cho lấy đủ nước dùng.

Cũng có gia đình bà mẹ già thấy con dâu vất vả, dù yếu đuối cũng cố giúp đỡ cho các con một vài công việc nhẹ nhàng như ra ngoài vườn vơ ít lá để đống dùng để đun, ra đống rơm rút một ít rơm để tết một vài chiếc chổi.

Các cụ ông cũng có công việc. Các cụ phải đi họp việc xóm, việc làng, và tuổi tác các cụ là tuổi nghỉ ngơi, tuổi đọc sách, tuổi chơi cây cảnh, nhưng không phải vì thế mà các cụ không giúp đỡ con cháu trong công việc nhà. Và công việc trong nhà của gia đình Việt Nam thật là nhiều, kể ra không xuể, vì ngân sách gia đình nghèo, mọi việc người ta đều chia nhau làm lấy.

Các cụ ông giúp con cháu chẻ ống tăm, vót ống đũa.

Lại những khi sắp giỗ chạp, các cụ lau chùi đồ thờ, sửa soạn bàn thờ. Cũng có cụ sức còn khoẻ mạnh, đắp cho con cháu mấy bộ dồ rau (ông bếp), hoặc ngày ngày có sẵn nước giếng, nước ao các cụ có thể tưới hộ mấy luống khoai, luống rau trong vườn. Và còn bao nhiêu việc không tên không tuổi: Nhặt con sâu ở cành cây, sửa lại cái bẫy chuột, chèn lại chiếc chân giường, chăm sóc cây cảnh, v,v.....

Các cụ lại còn tiếp các khách bạn già của các cụ, rồi các cụ lại bận viếng đám ma, đi mừng đám cưới, đi ăn giỗ, ăn khao nữa chứ .... Đấy cũng phải kể là những công việc, vì đấy chỉ là lẽ đồng lân nằm trong nếp sống dân ta, nó nói lên cái ý nghĩa hợp

quần, cái tinh thần tương trợ, cái tình đoàn kết của những người cùng làng, cùng xã, cùng thôn, cùng xóm.

Tôi xin trở lại công việc của những bà nội trợ, của cô nàng dâu hoặc cô con gái.

Gánh được vài gánh nước về, mặt trời đã cao cao.

Lũ trẻ con đi học đã về; với nắng lên, bà nội trợ hoặc cô con gái đã cảm thấy trong người hơi mỏi mỏi. Các bà các cô muốn nghỉ ngơi, vươn vai một chút cho đỡ mệt, nhưng kia nồi cám lợn chưa ai vần, thế là bà hoặc cô lại vội vàng lo đến món ăn của lợn. Và lúc này đàn vịt ăn buổi sáng nghe chừng đã đói hay sao? Chúng kêu ầm ĩ ngoài vườn, có mấy con gà tinh ranh đã nhảy lên sào trong sân bới tung đống bèo cho lợn đang băm dở. Thế là hoặc người này, hoặc người khác nếu có người, có thể là mẹ chồng già giúp con dâu việc này, bằng không lại chính đương sự phải đi lấy cám hoà vội vàng với nước gạo cho gà, cho vịt ăn để chúng khỏi kêu.

Chà! Bộn quá! Chưa chi đã phải lo đến bữa cơm trưa. Không thể để cho thợ thuyền ngoài đồng chờ ngóng được. Có ăn mới có sức làm việc chớ.

Thế là nàng dâu hoặc cô gái lại làm ù mọi công việc khác để kịp thổi bữa cơm trưa.

Ở tỉnh thì lúc nào cũng vào khoảng mười một giờ. Ở nhà quê, ít gia đình có đồng hồ, mà dù có đồng hồ người ta cũng ít ai nhìn tới. Người ta chỉ căn cứ vào bóng mặt trời, hoặc gặp những ngày u ám không có mặt trời, người ta chỉ căn cứ vào những công việc mà lo liệu thời giờ.

Trẻ con đi học về, tiếng còi xa xa của xe hoả, v.v... tất cả những cái đó đều có thể chỉ giờ cho dân quê được.

Bữa cơm trưa hơi mất công hơn bữa sáng, vì ngoài nồi cơm ít ra cũng có chút thức ăn gì: Vài mớ rau muống, với vài cây rau cải luộc hoặc sang hơn thì nấu canh với tôm, với cá, một nồi cà bung, và cũng có khi có đĩa cá rán, hoặc nồi cá kho. Thường chỉ có một món, có rau thì không có cá, còn lẽ tất nhiên bữa cơm còn có dưa hoặc cà, hoặc đĩa mắm, v.v.... Chén nước mắm cố hữu có vắt chanh, dầm ớt bao giờ cũng có ở giữa mâm cơm.

Cơm thổi xong, dọn cho những người ở nhà ăn, bữa này có các cụ già, trẻ con và tất cả ai ở nhà đều ngồi quây quần chung quanh mâm cơm. Cả nhà đều ăn, duy riêng có bà nội trợ, cô con gái hoặc nàng dâu vẫn chưa ăn. Bà hoặc cô còn bận mang cơm cho thợ ngoài đồng kẻo cơm nguội. Trong lúc người nhà ăn cơm, bà hoặc cô chạy quàng mang cơm ra đồng cho người nhà cùng thợ bạn. Cơm để lại, bà hoặc cô lại chạy vội về nhà.

Về đến nhà, người nhà ăn vừa xong, bà hoặc cô ngồi xuống mâm cơm và bắt đầu ăn, ăn xong dọn dẹp và rửa mâm bát là vừa hết buổi sáng.

Đây là công việc của gia đình nhà nông, công việc tại gia đình các thợ thuyền hoặc những người buôn thúng bán bưng cũng không khác là mấy. Cũng là những công việc dọn dẹp trong nhà, lo cơm nước và lo lợn, gà. Nếu có thay đổi chỉ ở chỗ không phải mang cơm ra đồng, nhưng cũng có nhà, mẹ đi bán chợ làng thì phải mang cơm cho mẹ, hoặc phải ra trông hàng thay mẹ để mẹ về ăn cơm.

Đến đây có người sẽ đặt câu hỏi: Trong lúc làm cơm có thức ăn, rau, cà, tỏi, cá, v.v... ai đã đi mua những thức này, hoặc đã đi mua vào lúc nào?

Xin thưa: Những gia đình có vài ba người thì có người đi mua rau, hoặc giả ra hái ngay ở ngoài vườn hoặc dưới ao trước cửa nhà. Tôm cá có thể mua ở chợ, có thể là tôm cá người cha đã đặt lờ bắt được ở bờ ao, bờ ruộng nhà... Người nội trợ đảm thường bíết tính trước lo sau, bởi vậy có thể chính tay bà đã mua thức ăn nhân lúc đi gánh nước, hoặc lúc đi vớt bèo cho lợn, đã tiện thể mua ngay mấy mớ rau muống của một bà đang hái rau gần đó, hoặc mua mấy xóc cua hay mớ tôm, mớ cá của một người Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

đang bán ngoài chợ đi qua.

Người nội trợ đã lo toan mọi việc trước, càng bận rộn bao nhiêu càng xếp đặt công việc của mình chừng đó. Và các nàng dâu, các cô gái, cô nào cũng phải tập làm tập ăn, học lấy sự chăm chỉ chịu khó và biết lo toan của các bà mẹ.

Công việc buổi trưa

Bữa cơm xong thì đã quá ngọ, mặt trời hơi chênh chếch về Tây. Lúc này ở ngoài đồng mọi người đều nghỉ ngơi, và ở trong nhà cũng là sự tạm nghỉ của mọi người. Cụ ông có lẽ đang nằm đọc sách, cụ bà đang ru cháu ngủ, lũ trẻ con có đứa đi ngủ, có đứa xem lại bài học, có đứa rúc vào một chỗ với vài đứa khác nghịch những trò chơi của chúng.

Bà nội trợ, gọi là tạm nghỉ, nhưng bà chỉ ngồi một chỗ cho đỡ mệt, chứ thực ra bà vẫn làm những việc cũng như nàng dâu hoặc cô con gái. Có thể bà vá những quần áo rách của các con, có thể bà chẻ mớ rau để sửa soạn sẵn cho bữa chiều, có thể bà thái mớ dưa... Nàng dâu và cô con gái cũng tùy việc chia nhau, hoặc đem mớ gạo ra nhặt thóc, nhặt sạn, hoặc tuy ngồi trong nhà, nhưng thỉnh thoảng ra xóc lại mẹt đỗ, thúng ngôi phơi ở ngoài sân. Có người khéo chân, khéo tay thì buộc lại cho chặt chiếc chổi sể... Hay đôi khi, đứa em, đứa cháu nhỏ quấy bà quá nhiều, các cô lại dỗ cháu, ru cháu ngủ cho bà. Gặp ngày trời nóng mùa hè, cô con gái quạt cho bố ngủ, hoặc cô nàng dâu quạt cho mẹ chồng ngủ. Nếu gặp ngày ít việc, có thể các cô vạch đầu nhau ra bắt chấy, hoặc cởi chiếc áo ra bắt rận.

Tóm lại, buổi trưa là lúc tạm nghỉ của mỗi người, nhưng thực ra người dân quê tham công tiếc việc, quen tính chịu khó, vẫn không nghỉ tay và luôn có công việc để làm.

Thời giờ nghỉ ngơi buổi trưa thực cũng không lâu, nhiều lắm là hết giờ ngọ, hết nắng gắt mọi là mọi người lại bắt đầu làm công việc trở lại, ở nhà cũng như ở ngoài đồng.

Riêng các bà các cô buôn thúng bán bưng, buổi trưa cũng vẫn ngồi bán hàng, lúc này tuy khách hàng mua bán ít, nhưng biết bỏ cửa hàng cho ai mà nghỉ ngơi.

Công việc buổi chiều

Sau lúc nghỉ ngơi buổi trưa. mọi người lo tới công việc buổi chiều.

Ở ngoài đồng, công việc nhà nông nhộn nhịp trở lại; các thợ thuyền lại ai việc nấy, người thợ rèn ở bên chiếc bễ, người thợ may bên bàn may.... có thể nói được rằng trong lúc buổi trưa, ngoại trừ lúc ăn cơm, những người này cũng chẳng nghỉ ngơi gì. Những người thợ vẫn lai rai làm việc một cách uể oải, cho đến lúc hết nắng gắt, tinh thần họ phấn chấn trở lại; công việc tại lò rèn, hiệu may cũng như tại các cửa hàng thợ thuyền khác, lại hoạt động nhưu buổi sáng.

Và ở ngoài chợ, các bà các cô buôn thúng bán bưng cũng cố bán nốt chỗ hàng để còn sửa soạn ra về. Có nhiều chợ quê chỉ họp có lúc sáng, trong trường hợp này, các người bán hàng lúc trưa đến là đã lo dọn hàng về, ngoài trừ một vài ngôi hàng cố định bán cả ngày như các hàng tạp hoá, hàng đồ khô lặt vặt.

Ở trong nhà, bà nội trợ, tuy không ngủ, cũng như choàng tỉnh giấc, bà vội vàng lo tới nồi cám lợn: Bèo đã làm rồi, có nhà không dùng bèo thì dùng rau muống già, rau lang, thân cây chuối, v.v... cũng đều đã băm nhỏ buổi sáng, cần phải đem hầm để bữa chiều cho lợn ăn. Nồi cám lợn được bắc lên bếp, nước đổ vào, một ít cám đổ vào, bao nhiêu khoai ngôi, bữa ăn còn thừa đều đổ vào hết, cả nước vo gạo được chắt gạn cũng đổ cả vào. Nếu nhà đun củi, thì chất củi cho đầy bếp, nhóm cho cháy lên, rồi để đấy, để còn phải lo công việc khác. Nếu nhà đun rơm hoặc đun cỏ, một trẻ nhỏ buổi chiều nghỉ học sẽ được phái đun sôi nồi cám lợn, nếu không, chính bà nội trợ hoặc cô gái

phải để mắt vào cho đến khi nồi cám lợn sôi mới đem vần xuống bếp.

Nhìều gia đình không đun nồi cám lợn như vậy. Họ vần nồi cám vào bếp, đổ trấu phủ kín từ dưới lên trên, và cả dưới đáy cũng trải một lượt trấu, châm mồi lửa vào trấu âm ỉ cháy, cháy hết chỗ trấu là nồi cám lợn cũng chín.

Lo xong nồi cám lợn xong, lại nghĩ đến cất quần áo giặt buổi sáng đã khô.

Có nhiều người đi quẩy đôi nước, lấy nước dùng buổi chiều.

Các trẻ em lúc chiều này cũng có việc. Các em phải lùa trâu ra cánh đồng để chúng ăn cỏ. Các em chăn trâu từng bọn rất vui, vừa chăn trâu vừa thả diều, hoặc có khi để mặc cho đàn trâu gặm cỏ bên bờ đê, các em túm tụm nhau lại chơi một trò chơi gì: Đánh cờ chân chó, nặn đất, chọi gà bằng những cây cỏ gà, đá cầu và vui nhất là khi các em chia làm hai phe đánh "trận giả".

Cũng có em đang chơi, thấy trâu ăn chưa no, liền bỏ cuộc để dắt trâu đi ăn ở những nơi sẵn cỏ non. Em trai cũng như em gái, lúc này thường ngồi trên mình trâu, đầu đội chiếc nón mê, mặc cho trâu gặm cỏ, còn mình hoặc miệng thì thổi sáo, và các em gái thỉnh thoảng cất tiếng hát một câu dân ca:

"Ngày xưa Ninh Thích chăn trâu

Mà rồi mang ấn công hầu, trâu ơi!

Ngày nay mình ghé ta ngồi,

Mai sau ta có một thời hiển vinh!"

Thấy cái cảnh em bé chăn trâu, ngất ngưởng ngồi trên mình trâu, hỏi mấy ai mà không nhớ lại một bài tập đọc trong sách học lúc thuở nhỏ:

"Ai bảo chăn trâu là khổ! Không, chăn trâu sướng lắm chứ! Đầu tôi đội cái nón mê như lọng che, tay tôi cầm nhành tre như roi ngựa, ngất ngưởng ngồi trên mình trâu... "

Chăn trâu là công việc của các em bé, nhưng cũng phải có sẵn cỏ để sáng hôm sau cho trâu ăn. Phải có người đi cắt cỏ.

Thường công việc này là của cô con gái. Dù bận rộn công việc nhà tới đâu, các cô cũng phải tạm ngưng để buổi chiều quang gánh đi cắt cỏ cho trâu.

Các cô phải cắt sao cho đầy gánh cỏ trước khi trời tối! Đôi quang gánh với chiếc liềm, vài ba cô rủ nhau đến bờ đê, chỗ nào cỏ xanh tốt, để cắt cho đầy đôi quang gánh. Nhiều khi, trời đã về chiều, các cô còn gánh cỏ bên đầy bên vơi, và do đó, chàng trai quê làm đồng đi qua mới hát ghẹo:

"Mặt trời đã xế về Tây,

Hỡi cô cắt cỏ bên đầy bên vơi.

Cô còn cắt nữa hay thôi,

Để tôi cắt với làm đôi chung tình!"

Gánh cỏ phải đầy trước khi trời tối, và phải trở về cùng với thợ đồng.

Trong lúc cô đi cắt cỏ thì bà mẹ hoặc cô chị ở nhà cũng có những công việc phải luôn tay mới kịp.

Bóng chiều bắt đầu ngả, phải lo tới bữa cơm chiều. Lại phải cho lợn cho gà ăn.

Nếu có đôi chút rảnh rỗi, phải muối ngay mớ dưa vừa thái lúc trưa và đã phơi tai tái.

Bữa cơm nấu xong phải dọn sẵn ra để đó. Lúc ấy mặt trời đã chạng vạng. Những người đi làm đồng, các cô đi cắt cỏ, các em đi chăn trâu cũng vừa về.

Mâm cơm dọn sẵn, mọi người quây quần chung quanh mâm cơm lúc này ăn thật là ngon lành, tuy chỉ là bữa cơm độn khoai, độn ngô với bát canh rau, nhưng cơm sốt, canh nóng, tất cả cái ngon là ở đó cũng như ở chỗ cả nhà xum họp vui vẻ sau một ngày mệt nhọc. Cô nàng dâu và cô con gái, ngồi ở đầu nồi luôn tay xới cơm, bao giờ hai cô cũng ăn xong sau cùng, và lĩnh luôn phần dọn mâm ra rửa bát đũa. Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

Tôi quên không nói là trước bữa cơm, các bà các cô còn phải nghĩ tới việc tắm rửa cho lũ trẻ con và giục lũ trẻ lớn đi tắm rửa lấy.

Bữa cơm chiều xong, công việc buổi chiều coi như cũng xong với việc rửa mâm bát sau bữa cơm.

Công việc buổi tối

Công việc buổi chiều tuy hết, nhưng công việc buổi tối bắt đầu, và công việc buổi tối mới là công việc nặng nhọc.

Cơm nước vừa xong, cô gái đã lo đến thúng gạo xem còn đủ ăn được mấy ngày. Gạo hết phải xúc thúng thóc ra xay. Ở nhà quê, ăn tới đâu làm gạo tới đó, làm gạo vừa lấy gạo ăn, vừa lấy cám nuôi lợn, nuôi gà, lấy trấu vừa để đun, vừa để ủ phân ngoài ruộng.

Thóc lấy ra bao nhiêu, người nội trợ phải biết, mấy thúng, mấy gánh, và số thóc đó thành gạo bao nhiêu, người nội trợ thường cũng ước lượng không bao giờ sai. Thóc lấy từ trong cót ra được mang ra chái nhà bếp hoặc nhà ngang là nơi có đặt cối xay, cối giã của mỗi gia đình nông dân.

Xay lúa là công việc nặng nhọc, không phải một người mà xay được dễ dàng. Hai chị em xúm vào chiếc tay cối, xay cho xong cối thóc, khi xay nhiều phải mất cả buổi tối.

Vừa xay thóc, để cho đỡ mệt, các bà, các cô thỉnh thoảng hát một vài câu dân ca. Cối xay kéo ù ù, một vòng lại một vòng, thóc xay rồi rớt xuống một chiếc nia. Thóc trên cối hết, một người đứng lên đổ thóc vào trong khi người khác vẫn tiếp tục xay. Người đổ thóc vào cũng khéo và người xay cũng xay chầm chậm hơn để thóc khỏi bắn ra ngoài.

Chị em xay thóc dưới một ngọn đèn dầu lù mù, nhưng công việc đã quen, nên dù không có đèn, có thể xay thóc mò cũng được.

Cối thóc xay xong, chưa là hết việc. Không thể để chỗ thóc xay rồi như vậy được. Phải sàng mẻ thóc, công việc này gọi là sàng gạo.

Sàng, giống như chiếc mẹt, nhưng mắt thưa và nan mỏng hơn. Gạo xay rồi được đổ lên sàng để sàng. Cô gái sàng gạo đưa cái tay rất dẻo, như xoay tròn mẻ gạo. Với động tác đưa tay đi đưa tay lại khéo léo, gạo rớt xuống chiếc nia đặt ở dưới, còn trấu đọng lại trên sàng. Cô bốc chỗ trấu ở trên, rồi lại sàng. Gạo đã xay tiếp tục rớt xuống nia, còn những hạt thóc lõi, xay chưa vỡ, được bốc riêng ra để bữa sau đổ vào cối xay với thóc mới.

Mẻ thóc sàng xong, cũng phải quá nửa đêm. Bây giờ bốn bề yên lặng. Xa xa họa chăng có tiếng mõ cầm canh và tiếng chim đêm, tiếng gió hú trên cây. Người đã mỏi mệt lắm rồi, bấy giờ, người dân quê, nhất là phụ nữ mới sửa soạn đi ngủ.

Thật là đúng như lời dạy trong Gia Huấn Ca của cụ Nguyễn Trãi:

"Trống canh một chớ đà vội ngủ

Siêng năng thường chăm chú việc ta

Nhiều nhà, trong lúc vừa xay lúa, một người thỉnh thoảng lại bỏ ra đi để ủ nồi cám lợn để sáng hôm sau cho lợn ăn.

Đọc tới đây, có lẽ bạn sẽ hỏi: Vậy đàn ông làm gì mà mọi công việc lại vào tay đàn bà cả?

Thưa rằng: "Nam ngoại nữ nội". Đàn ông lo việc bên ngoài, việc trong nhà là của đàn bà. Nói thế không phải đàn ông không làm gì, đàn ông cũng có việc của đàn ông. Các cụ già thì đọc sách, người lớn thì trong nom việc học hành của trẻ con, còn ban ngày họ đã làm lụng ở ngoài đồng, ở vừờn rau, với những công việc nhọc nhằn, buổi tối học chỉ làm thêm những công việc đàn bà làm không hết. Họ cũng phụ vào công

việc xay lúa, giã gạo. Buổi tối cũng là lúc họ xem xét lại các đồ dùng, sửa lại chiếc chuôi dao phát bờ, sửa lại chiếc lưỡi hái cho sắc, hoặc đóng lại mấy chiếc răng bừa cho chắc chắn. Cũng có người, ngồi đan chiếc rổ, chiếc rá, vót mấy nan tre, vá chiếc mẹt hoặc cạp lại chiếc thúng.

Tóm lại, đàn ông cũng không phải nhàn gì, và công việc cũng không phải không nặng nhọc.

Về công việc buổi tối của đàn bà, ngoài công việc xay lúa, sàng gạo lại còn việc giã gạo, dần gạo. Bữa nay xay lúa và sàng gạo thì bữa mai giã gạo và dần gạo.

Giã gạo cũng là một công việc nặng nhọc. Khi gạo đã sàng xong tối hôm trước, tối hôm sau bỏ vào cối giã gạo mà giã.

Các nhà nông đã có cối xay thì cũng có cối giã. Mỗi chiếc cối giã gạo gồm một cần cối làm bằng thân cả một cây xoan hoặc cây mỏ dài trên ba thước. Đầu cần cối là một chiếc chày dài chừng năm tấc, mé trên đóng liền vào cần cối theo đường thẳng thước thợ, và mé dưới có bịt sát chúc xuống lòng cối. Lòng cối đào sâu xuống đất, xây bằng xi măng và lót bằng một chiếc cối đá.

Gạo sàng rồi, đổ vào lòng cối đá này để giã cho trắng.

Cuối cần cối, nơi những người giã gạo đứng được vạt phẳng, có khía những đường ngang ăn sâu vào gỗ để giữ cho người giã gạo khỏi bị trơn chân. Ở cuối cần cối, đất cũng được đào sâu xuống để mỗi khi theo đà chân dậm, đầu chày nâng bổng lên, cuối cần cối sẽ chúc xuống.

Tính từ phía lòng cối, ở vào khoảng chia ba hai phần cối, có một trục gỗ tròn nặng và cứng xuyên qua thân cây xoan làm thành hai tai cối. Cần cối đặt trên hai chiếc chạc bằng gỗ. Hai chiếc chạc này chôn sâu xuống đất, đở lấy hai tai cối, ôm lấy cần cối. Mỗi khi theo đà chân dậm, mỏ chày bổng lên hay hạ xuống, đều nhờ ở hai tai cối, đè lên hai chạc cối, tạo nên cứ điểm cho chiếc cối vậy.

Để giúp cho những người đứng giã gạo có chỗ vịn, từ trên xà nhà thường buộc thòng xuống những chiếc dây. Lúc giã gạo, dậm chân cần lấy sức, phải nắm lấy những chiếc dây thừng buôn thõng này.

Muốn giã gạo cho trắng phải giã ít nhất bốn trăm chày trở lên. Lúc đó cám đã rời khỏi hạt gạo, nhưng gạo chưa đủ trắng. Thường người ta giã năm trăm chày.

Giã gạo mệt, ít nhất phải hai người, một người không đủ sức nân nổi cần cối.

Công việc này, ở nhà quê thường làm về khuya, nên đêm hôm yên lặng người ta có thể nghe tiếng chày giã gạo vang đi thật xa.

Giã gạo xong phải dần ngày; nếu để đến tối hôm sau, dầu cám chảy ra, ngấm vào gạo sẽ mất ngon.

Dần gạo bằng chiếc dần. Dần cũng giống chiếc sàng nhưng mắt nhỏ hơn. Các bà các cô cũng đưa đẩy tay như lúc sàng gạo, để cho cám lọt qua mắt dần rơi xuống chiếc nia, còn gạo ở lại.

Giã một cối gạo, lại dần cho xong phải quá nửa đêm. Sự làm lụng ở đồng quê thật là vất vả. Nếu vì lý do gì, gạo đã giã rồi mà không dần được ngay, thì buổi sáng hôm sau công việc này phải làm cho xong. Làm công việc này, nhưng không bỏ qua những công việc khác, sự cố gắng của phụ nữ đồng quê nhiều khi thật là phi thường. Có như vậy công việc nhà mới song, có như vậy nếp sống mới điều hoà, và có như vậy, người ta mới sung sướng khi làm hết mọi công việc, bắt đầu bước chân lên giường đi ngủ.

Về công việc buối tối, nông gia bận rộn và nặng nhọc nhưng những người đi buôn bán cũng chẳng nhàn nhã gì hơn, khi đã sống ở nông thôn.

Người nội trợ thường đi chợ đến gần sẩm tối mới về. Cũng có gia đình ở nhà đã có người lo cơm nước thì về nhà cũng phải tắm rửa, xem xét lại hàng hóa, tính toán lại Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

tiền nong, sắp đặt việc cất hàng hoặc bán hàng ngày hôm sau. Chỉ những công việc ấy thôi, từ lúc xong bữa cơm cũng phải tới khuya mới xong. Nếu không có ai lo cơm nước sẵn ở nhà, chính bà nội trợ đi chợ về lại phải lo bữa cơm của gia đình. Một ngày bà chỉ ăn bữa cơm chiều với chồng con, vì buổi sáng bà đi chợ sớm, buổi trưa bà ăn cơm ở chợ.

"Ăn với chồng một bữa

Ngủ với chồng nửa đêm".

Câu ca dao trên đủ nói lên cuộc sống của người phụ nữ buôn bán đồng quê. Ngủ với chồng có nửa đêm, vì nửa đêm về sáng, người nội trợ phải dậy thật sớm, lo bữa cơm sáng cho gia đình, rồi lại phải quang gánh ra đi ngay.

"Nửa đêm ân ái cùng chồng;

Nửa đêm về sáng gánh gồng ra đi!"

Cái cảnh sống vất vả của dân quê Việt Nam với sự làm lụng cực nhọc đã hun đúc cho ý chí tự cường tự lập của người dân Việt, và nhất là tinh thần kiên nhẫn chịu đựng nó đã giúp cho chúng ta vượt qua được hết mọi sự khó khăn.

Công việc của gia đình nào, dù thợ thuyền, buôn thúng bán bưng hay nông dân cũng đều tương tự như nhau, mà sự chịu khó đã giúp cho người ta vượt hết được mọi sự vất vả.

Ở trên, nói chỉ phác ra những công việc thường hàng ngày, mà đây là chưa phải ngày mùa.

Gặp ngày mùa người dân quê còn vất vả hơn. Phần thì lo trông nom việc gặt thóc, gánh thóc về. Thóc mang về nhà phải phơi phóng đập xẩy. Lại còn những công việc phơi rơm đánh đống rơm, cắt rạ, bao nhiêu là việc có tên và không tên, cộng thêm vào những công việc thường ngày vẫn phải làm và bận rộn hơn, vì với nhân số thợ gặt, cơm phải thổi nhiều hơn, thức ăn cũng vậy, và mọi việc khác đều thêm ra... Lúc này, người trong nhà, đàn bà, đàn ông, ai gặp việc nào làm việc ấy, cốt sao cho thóc chóng khô quạt sạch để quây vào cót mới gọi là tạm yên.

Ngoài ngày mùa ra, phụ nữ đồng quê cũng thường có thêm rất nhiều việc, ngoài công việc đã sơ lược kể qua các đoạn trên.

Chum tương ngoài sàn hết ư? Chính bà nội trợ phải lo mua gạo, đậu về để ngả chum tương khác, và công việc này cũng chẳng qua nổi tay bà, tuy có sự giúp đỡ của chồng con trong việc rang và xay đỗ tương, cũng như trong việc nấu xôi ủ mốc, nhưng người lo sao cho chum tương ngon, ngả đúng ngày vẫn chính là bà.

Sau vụ mùa, quần áo của chồng con đã rách, nhất là những áo làm lụng, bà nội trợ phải nghĩ đến việc mua vải về nhuộm để may cho chồng, cho con và cho cả bản thân mình một lớp quần áo mới.

Công việc nhuộm vải không phải là dễ và cũng khôngphải là nhẹ nhàng gì! Trước hết, những vải dùng để may sống may váy phải cắt ngắn và khâu lại cho vừa khuôn khổ chiếc váy, chiếc sống; còn vải may quần áo thì để nguyên khổ dài mà nhuộm. Phải khâu vào bốn góc vải bốn chiếc dải để khi phơi căng vào bốn chiếc cọc đóng sẵn ở sân trong những dịp nhuộm vải.

Vải phải nhuộm qua mấy ngày vỏ só để đượm được màu nâu tươi, sau đó mới nhuộm bằng nâu cho đến khi vải có màu nâu già như ý muốn, màu nâu giống như màu đất đồng quê.

Vỏ só mua về phải đem nấu cho sôi rồi mới đem vải nhúng vào. Nhuộm vải rồi phải căng ra phơi trên mặt đất.

Còn nâu, muốn nhuộm phải đem những củ nâu xắt vào chiếc bàn xát để bột nâu rơi ra hoặc phải cho vào cối giã, sau đó đem hoà với nước rồi mới đem nhuộm quần áo.

Một lượt vải, muốn nhộm cho được thành màu nâu già, kể từ lúc nhuộm vỏ só phải mất ít nhất trên nửa tháng.

Nhuộm nâu xong, đối với những tấm vải dùng để may váy, lại phải đem ngả lầm, nghĩa là lấy bùn ở ao về để nhuộm thêm mấy ngày, cho tấm vải đó có màu đồng lầm mới thôi.

Tất cả công việc về nhuộm vải, từ khâu dải vải, nấu vỏ só, giã nâu, lấy bùn, nhuộm phơi thường đều do bàn tay phụ nữ đảm trách: Các bà nội trợ, các nàng dâu, các cô con gái, các em nhỏ đi học về cũng có thể giúp đỡ trong công việc căng vải, phơi vải.

Cũng có những ông chồng thấy vợ con quá vất vả thì cũng giúp đỡ cho ít nhiều việc như giã nâu, nhuộm vải, v,v.... nhưng phần chính vẫn nhờ ở bàn tay các bà các cô.

Một năm ở nhà quê thường nhuộm vải hai lần sau vụ gặt tháng năm và vụ gặt tháng mười, nhưng mỗi gia đình thường chỉ lo nhuộm vải một lần vì mỗi lần giở ra như vậy, thật rất mất công. Bà nội trợ cũng phải để ý đến việc bán các hoa màu phụ. Ngoài vườn cà đã rộ ư? Người nhà hái cà xong, để ở nhà dùng hết bao nhiêu thì để, còn lại, bà nội trợ hoặc cô con gái lại phải nhân một ngày phiên chợ gánh cà đi bán để mua mắm mua muối hoặc mua những đồ nhật dụng cho gia đình. Nếu vườn nhà có trái cây chín cần đem bán cũng vậy. Lại còn ngô, khoai, đậu, tùy từng mùa, khi dỡ khoai, khi hái ngô, hái đậu, con mắt bà nội trợ đều phải để ý tới. Những công việc nặng nhọc như cuốc xới ruộng khoai, bẻ chặt cây ngô, các ông chồng, các anh em trai hoặc con trai đảm nhiệm, còn những việc nhặt ngô, xếp khoai, tiả đỗ là việc của đàn bà. Nhiều khi đàn bà cũng cuốc, xới chẳng kém gì đàn ông.

Mỗi khi trong nhà thiếu món gì, hoặc cha mẹ già cần mua thức gì, người con dâu lại lựa một ít khoai, một ít ngô hoặc một ít đậu mang đi chợ bán... Nói ngô, khoai, đậu là phải nói tất cả các nông phẩm phụ ngoài thóc lúa như kê, vừng, sắn, lạc, v.v....

Công việc ở thôn quê nhiều lắm. Có những việc có tên, và có những việc không tên tuổi gì. Đàn ông, đàn bà cùng đều bận rộn.

Đấy là chưa kể đến những dịp giỗ tết, ai nấy đều phải lo việc sửa soạn cỗ bàn, lau chùi giường thờ. Những công việc dính dáng tới việc thờ phụng cúng lễ thường do đàn ông phụ trách, đàn bà theo quan niệm cũ bị coi "kém sạch sẽ", không được động chạm đến những đồ thờ.

Không động chạm đến đồ thờ, nhưng các bà phải lo cỗ bàn, trầu nước để mời khách khứa. Việc mổ trâu, giết lợn, nếu có, đó là công việc của đàn ông, nhưng chuẩn bị nấu nướng, lau rửa nồi niêu và dọn dẹp bày cỗ bàn là việc của các bà, các cô. Cả đến những việc gói giò, làm bánh cũng ở các bà, các cô hết. Các bà các cô không những phải nhanh nhẹn để có thể làm hết mọi việc, lại cần sự khéo léo về bếp núc, bánh trái.

Người đàn bà không biết công việc nội trợ là người đàn bà đoảng, và những người đàn ông nào phải lo nhiều công việc trong nhà thay vợ thường chịu sự chê cười của chúng bạn.

Mỗi lần tết đến, bao nhiêu công việc bề bộn, các bà các cô đều sắp xếp lo liệu, các ông chỉ việc lo việc nhà trên, còn ngoài sân, dưới bếp, ngoài vườn đều là công việc của các bà.

Nào lo gói bánh chưng, nào lo đặt giò chả, lo làm chè lam, bán phỏng, lo mua trầu cau, mua đồ lễ gửi Tết, các bà các cô đều phải nghĩ tới. Nếu các bà các cô nhớ không xuể, các ông chồng hoặc bố mẹ chồng sẽ nhắc nhở cho mà lo. Ấy, trăm công nghìn việc như thế, nhưng bao giờ người phụ nữ miền quê cũng vẫn lo tròn bổn phận, và mọi công việc đều xong xuôi, và nàng vẫn vui vẻ với ngày Tết, đón Tết chào Xuân như bất cứ ai ai, tuy trong lúc vui Xuân hưởng Tết, nàng vẫn có công việc phải chăm sóc. Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

Khách khứa của cha mẹ, của chồng tới, cha mẹ hoặc chồng muốn mời khách nếm bánh chưng hoặc uống chén rượu xuân, bao giờ nàng cũng sẵn sàng bánh đấy, rượu đấy và cả mâm cơm đấy để bố mẹ hoặc chồng con tiếp bạn. Cha mẹ đi chúc Tết, chồng đi vắng, ở nhà có khách đến lễ Tết, chính nàng là người phải tiếp khách thay cha mẹ. Và trong ngày Tết, nàng cũng vẫn phải trông nom con cái, và các em như thường. Và những công việc thường xuyên như con lợn, con gà và bếp nước, nàng cũng không thể bỏ qua được.

Ngày Tết nàng có nhàn hơn, vì mọi người đều nghỉ ngơi, đồ ăn, đồ uống lại có sẵn. Với ngày Xuân, má nàng thêm hồng, môi nàng thêm thắm nàng được thêm một tuổi trời. Nàng có dịp mặc quần áo đẹp đi lễ bái, đi hội hè cùng các chị em bạn gái, để rồi Tết qua, nàng lại phải làm lụng với mọi công việc hàng ngày....

Từ trên tôi chỉ nói đến sự làm lụng của người dân đồng ruộng, còn người dân ở những thành thị, công việc làm lụng có khác hơn nhiều.

Ở thành thị, người nào đi làm các công tư sở thì ngày đi làm hai buổi, về nhà cũng có người để mắt tới những công việc vặt trong nhà, xem lại bài vở cho con cái, trang hoàng nhà cửa. Những người buôn bán thì lo buôn bán, thợ thuyền thì đi làm từ sáng đến tối mới về.

Việc nhà, ở những gia đình bình dân, túng thiếu, người vợ ở nhà trông nom quán xuyến, các công việc cũng không khác gì công việc của người nội trợ đồng quê, duy chỉ có điều, ở tỉnh sẵn tiện nghi, nhiều việc không cần phải làm lụng lấy; quần áo có thể đưa thợ giặt, thức ăn có những thứ bán sẵn, bếp nước có bếp điện, bếp dầu hôi đun nấu dễ dàng hơn.

Tuy vậy, người đàn bà đảm ở thành thị cũng tự thấy nhiều công việc: suốt từ sáng đến chiều, trong những lúc chồng con đi làm vắng, người nội trợ phải luôn luôn bận rộn với những công việc thường ngày: Quét dọn, nấu ăn, trông nom con cái, khây vá, đan may, v.v....

Các gia đình ở tỉnh thường có người giúp việc, những công việc nặng nhọc như bổ củi, đi chợ, giặt giũ quần áo, lau nhà lau cửa, nấu nướng, các gia nhân phải làm hết. Có nhiều bà nhiều cô cũng đi làm công tư chức nên việc nhà đã chểnh mảng.

Nhiều bà nội trợ thành phố không biết công việc nhà là gì, chỉ biết ăn chơi, đua đòi chúng bạn, học đòi lối sống Âu, Mỹ, thay vì trông nom nhà cửa, các bà lo chơi bời cờ bạc, có bà trụy lạc chạy theo bả hào nhoáng của thị thành đã lừa chồng dối con, nhất là từ khi có ngoại bang xâm lược, nhiều đàn bà đã bị hư hỏng vì tiền bạc, vì thú vật chất...

Đời sống ngày một thay đổi, nhưng sự làm lụng của dân ta ở chốn nông thôn vẫn luôn luôn vất vả. Sự vất vả này nó đã rèn luyện cho con người Việt Nam chịu đựng được tất cả mọi sự gian lao qua nhiều cuộc hưng vong của đất nước. Những kẻ đua đòi theo Âu Mỹ chỉ là một thiểu số, đấy là những con thiêu thân thấy lửa đỏ thì lao mình vào, nhưng chỉ khi ngọn lửa đốt sém mất đôi cánh những con thiêu thân mới biết mình đã lao đầu và chỗ chết. Những kẻ cậy tiền ỉ của, nhờ thời cuộc mà làm giàu được, không biết đến sự vất vả của công việc, chẳng qua chỉ là những kẻ mất gốc, rồi đời họ sẽ chỉ đi sâu vào vòng tăm tối. Làm sao hiểu được sự làm lụng là lẽ tồn vong của con người.

Những bọn gian thương, những bọn nhũng lạm sâu dân mọt nước, làm sao cho họ hiểu được sự cao quý của việc làm?

*

* *

Như trên đã nói, trong chương này, chỉ đề cập đến sự làm lụng trong một gia đình nông thôn, thành thị xưa mà không đả động tới công việc của nghề nghiệp. Tuy nhiên, vì nước ta là một nước nông nghiệp, nghề nông đứng đầu, và công việc nhà nông quanh năm rất nhiều. Để bạn đọc có ý niệm về công việc nhà nông từ đầu năm đến cuối năm, xin chép lại đây mấy câu ca dao về công việc nhà nông:

'Khó thay công việc nhà quê,

Cùng năm khó nhọc dám hề khoan thai.

Tháng chạp thời mắc trồng khoai,

Tháng Giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà.

Tháng ba cầy vỡ ruộng ra

Tháng tư bắt mạ thuận hoà mọi nơi.

Tháng năm gặt hái vừa rồi,

Bước sang tháng sáu nước trôi đầy đồng.

Nhà nhà, vợ vợ, chồng chồng,

Đi làm ngoài đồng sá kể sớm trưa.

Tháng sáu, tháng bảy khi vừa,

Vun trồng giống lúa, bỏ chừa cỏ tranh.

Tháng tám lúa rỗ đã đành,

Tháng mưới cắt hai cho nhanh kịp người.

Khó khăn lắm mấy tháng trời,

Lại còn mưa nắng bất thời khổ trông.

Cắt rồi nộp thuế nhà công,

Từ rày mới được yên lòng ấm no".

°
°     °

"Tháng chạp là tháng trồng khoai,

Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà.

Tháng ba cày vỡ ruộng ra,

Tháng tư làm mạ mưa sa đầy đồng.

Ai ai cùng vợ cùng chồng,

Chồng cầy, vợ cấy trong lòng vui thay.

Tháng năm gặt hái đã xong(!)

Nhờ trời một mẫu năm nong thóc đầy.

Năm nong đầy em xay em giã,

Trấu ủ phân, cám bã nuôi heo.

Sang năm lúa tốt tiền nhiều;

Em đem đóng thuế, đóng sưu cho chồng.

Đói no có thiếp, có chàng,

°
°     °

"Tháng Giêng là tháng ăn chơi,

Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà.

Tháng ba thì đậu đã già,

Ta đi ta hái về nhà phơi khô.

Tháng tư đi tậu trâu bò,

Để ta sắp sửa làm mùa tháng năm.

Sớm ngày đem lúa ra ngâm, Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

Bao giờ mọc mầm ta sẽ vớt ra.

Gánh đi ta ném ruộng ta,

Đến khi lên mạ thì ta nhổ về.

Lấy tiền mượn kẻ cấy thuê,

Cấy xong rồi mới trở về nghỉ ngơi.

Cỏ lúa dọn đã sạch rồi,

Nước ruộng vơi mười còn độ một hai.

Ruộng thấp đóng một gầu giai,

Ruộng cao thì phải đóng hai gầu sòng.

Chờ cho lúa có đòng đòng,

Bấy giờ ta sẽ trả công cho người.

Bao giờ cho đến tháng mười,

Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta.

Gặt hái ta đem về nhà,

Phơi khô quạt sạch ấy là xong công."

°

NGHỈ NGƠI

Nghỉ ngơi hiểu theo nghĩa là ngưng làm việc, có thể ngồi nghỉ hoặc năm yên một chỗ.

Thực ra, người dân Việt Nam, với hoàn cảnh địa dư, với nếp sống cổ truyền rất ít có sự nghỉ ngơi. Chỉ những người già lão gần đất xa trời, đã mệt nhọc vất vả với việc làm gần suốt hết một đời, đến lúc sức lực suy kém, việc cử động chậm chạp, đi đứng khó khăn mới nghỉ ngơi. Tuy không làm lụng gì nữa, nhưng các cụ vẫn có những việc riêng mà không dùng đến sức lực. Trong lúc con cái cả ngày vắng nhà vì công việc đồng áng, công việc chợ búa thì các cụ ở nhà trôntg nhà. Chỉ cần sự hiện diện của các cụ ở nhà, đủ cho kẻ gian không dám mon men đến. Trong một làng miền quê, người trong làng thường quen mặt nhau hết, vì vậy cho nên kẻ gian sợ bị nhận diện, không bao giờ dám gian tham khi có người thấy mình.

Lại như các cụ bà, tối tối lũ cháu quây quần chung quanh để nghe kể những câu chuyện cổ tích các cụ kể. Đây là một công việc hết sức tế nhị và khó khăn, vì mỗi câu chuyện kể ra đều có ảnh hưởng nhiều ít tới trí óc trong trắng của lũ trẻ thơ. Qua các câu chuyện kể lại, các cụ bao giờ cũng đề cao đạo đức, gián tiếp khuyên các cháu nhỏ phải hiếu kính cha mẹ, phải giúp đỡ người nghèo, phải săn sóc người tàn tật, phải ăn ngay ở thẳng, phải thương người làng, người nước, phải hoà thuận anh em, v.v.... Những câu chuyện đuổi giặc cứu nước như chuyện Phù Đổng Thiên Vương đuổi giặc Ân, chuyện Trần Bình Trọng "Thà làm quỷ Nước Nam còn hơn làm vua đất Bắc".... luôn luôn được các cụ nhắc lại để khuyến khích đàn cháu nhỏ nuôi sẵn chí bất khuất của giống nòi.

Gọi là công việc, nhưng các cụ coi đây là sự nghỉ ngơi, và các cụ thường nói vui đuà với đàn cháu nhỏ là như vậy.

Các cụ không phải lo thức khuya dậy sớm, các cụ có thể bình tĩnh để sáng sáng thưởng thức ấm trà ngon, hút mồi thuốc lào Vĩnh Bảo, thong thả nhai miếng trầu sau những bữa cơm hay khi thấy nhạt miệng. Các cụ có thể ung dung ngắm hòn núi non bộ, từ từ ra vườn ngắm những luống hoa hoặc những cây quả. Thấy những quả đầu mùa, thấy những bông hoa thơm mới nở, các cụ sai con cháu hái vào thắp hương trên bàn thờ rồi các cụ ăn nếm và chia cho các cháu. Hoặc khi ngoài chợ có của ngon, con

cháu mua về, các cụ dâng cúng Thổ Công và tổ tiên, các cụ lấy thế làm sung sướng.

Các cụ quanh quẩn trong nhà, ngoài nhà, các cụ nhìn lại cỗ hậu của mình kê ở gầm giường thờ. Rồi khi có khách tới thăm các cụ vui vẻ tiếp, nhất là gặp các bạn già, các cụ cùng nhau hàn huyên câu chuyện, kể lại những việc đã xảy ra, và nhắc lại những kỷ niệm hồi thơ ấu để bao giờ các cụ cũng kết luận: "Chóng quá, mới ngày nào!".

Cụ ông có khách của cụ ông, cụ bà có khách của cụ bà. Các cụ mời khách uống nước, ăn trầu, hút thuốc. Các cụ bà vừa giã trầu vừa tiếp khách.

Giã trầu là thế nào? Các cụ già, răng yếu hoặc đã rụng nhiều, muốn ăn miếng trầu, vỏ cứng, cau cứng, các cụ nhai không được, phải vỏ vào chiếc cối nhỏ gọi là chiếc cối giã trầu dùng một miếng que đồng hoặc sắt nhỏ nghiền trước rồi mới cho vào miệng nhai sau.

Tiếp khách, các cụ giã trầu cho mình, các cụ lại giã trầu mời khách.

Các cụ ông lại còn cái thú đọc sách ngâm thơ, gặp bạn cùng nhau khoe những bài thơ mới sáng tác, cùng nhau góp ý kiến câu hay câu dở. Rồi các cụ lại đọc cho nhau nghe những bài thơ các cụ cho là hay, kể cho nhau nghe những đoạn sách các cụ lấy làm lý thú.

Các cụ cùng nhau uống chén trà, bàn luận về trà ngon trà quý, khen những bộ ấm chén của cụ này, cụ kia lâu đời.

Các cụ lại mời nhau nếm thử bình rựơu cúc mới cất, hoặc một chén Mai Quế Lộ thằng cháu ở tỉnh gủi về biếu.

Rồi các cụ ra đình họp việc làng vào những dịp sóc vọng tuần tiết, giỗ hậu hoặc tết nhất. Các cụ lững thững đi, mũ nỉ che tai, tay chống chiếc gậy đầu có hình con dơi hoặc bông hoa.

Các cụ bà đi lễ chùa, lo làm phúc, cứu giúp người hoạn nạn, cúng cháo, v,v... Các cụ cho như vậy là để dành phúc đức cho con cháu.

Tuổi già các cụ thanh nhàn, nhưng nhiều người không con không cháu, lại không có nhà cửa ruộng nương thì cảnh già cũng không có sự thư thái đó. Các cụ vẫn phải lo kiếm ăn, nhưng thường các cụ đến ở chùa, gọi là "ăn mày cửa Phật", sống nhờ sự giúp đỡ của nhà chùa, và của người làng. Trong các làng quê thường có hội chư bà lo việc làm phúc giúp đỡ những người không nơi nương tựa. Ở chùa các cụ cũng để mắt vào công việc của chùa để cất chân cất tay đỡ các tăng ni trong những việc nhẹ nhàng.

Rất may, những người số phận hẩm hiu như vậy không nhiều, còn thường ai cũng có con cháu, nếu không có con cháu thì cũng có họ hàng thân thích.

Tinh thần tương trợ ở đồng quê rất mạnh, người dân quê giúp người để giúp, chứ không phải giúp người để phô trương, tuy sự giúp đỡ ít ỏi, nhưng lòng rất chân thành. Chính cái tinh thần tương trợ này nó đã làm cho những người nhận sự giúp đỡ không thấy tủi, và những người này thường tự nói:

"Sống nhờ cửa Phật, chết nhờ Chùa."

Cửa Phật và Chùa đây gồm cả của dân làng đã giúp đỡ vào chùa.

Như vậy nghĩa là người già, dù giầu nghèo, khi không còn sức làm lụng nữa, vẫn được nghỉ ngơi trong tinh thần vẫn lo công việc

NGỦ

Trong tiếng kép "nghỉ ngơi", ngoài tiếng nghỉ nghĩa là ngừng hết mọi công việc, còn tiếng ngơi còn có nghĩa là ngủ. Và ngủ mới chính là nghỉ. hoàn toàn nghỉ, không lo nghĩ làm một việc gì nữa. Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

Ở đây tôi xin trình bày về "Sự ngủ" của người Việt Nam.

Qua các chương trên, ta thấy rằng, người Việt Nam thường làm nhiều ngủ ít, làm cho tới tận khuya mà sáng tinh mơ đã dậy. Gia dĩ ở đồng quê lại không có lệ ngủ trưa, trừ các cụ già và các con trẻ.

Các cụ già trưa chỉ ngả lưng một lát, còn thật ngủ chỉ có các trẻ em.

Cách ngủ và lối ngủ, chắc dân nước nào cũng vậy, ngủ thì phải nằm mắt phải nhắm, và phải ngủ ban đêm. Cũng có người "ngủ ngồi, ngủ đứng", nhưng đấy chỉ là những người đang bận làm công việc gì rồi nhãng quên đi mà ngủ. Lúc buồn ngủ không được đi ngủ, cứ tiếp tục mới có chuyện ngủ ngồi và ngủ đứng, nhưng rồi ngủ gật là bừng tỉnh dậy. Ngủ ngồi và ngủ đứng là ngoài ý muốn của người ngủ.

Nhưng cũng có người chỉ ngủ ngồi mà không bao giờ ngủ nằm - tôi không nói những người mắc bệnh tật không ngủ nằm được - những người chỉ ngủ ngồi đây là những cư sĩ Phật Giáo theo môn phái khổ hạnh. Họ suốt đời ăn chay, và lúc ngủ, họ ngồi trên ghế, hai tay bó gối mà ngủ.

Có người sẽ cho rằng, như vậy sao mà ngủ được, họ sẽ chỉ lơ mơ ngủ gà ngủ vịt, nhưng sự thực những cư sĩ này tâm hồn thanh thản, họ ngủ ngồi là theo tôn giáo, khổ hạnh thân xác chứ thực ra ngủ, họ vẫn ngủ say như mọi người ngủ nằm vậy.

Nam nữ hữu biệt

Việt Nam ta chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa, nếp sống trong đạo đức, và lấy sự nam nữ hữu biệt là một điều răn. Tiếng rằng sự hữu biệt của ta không khắt khe quá như người Trung Hoa, vấn đề "nam nữ thụ thụ bất thân" ta không lấy làm quan trọng, nhưng nam nữ, ngoại trừ vợ chồng, không bao giờ ngủ chung với nhau dù là anh em, chị em ruột . Đàn ông có thể ngủ chung giường với đàn ông, đàn bà chung giường với đàn bà, việc chung giường này người Âu Tây thường kỵ nhất là cùng đàn ông với nhau.

Đàn ông ngủ chung giường với đàn ông, tại nước ta chỉ là một việc thường, và cũng không hề bao giờ xảy ra một chuyện bất thường gì, như là những chuyện xảy ra giữa người Âu với nhau.

Ngoài trường hợp vợ chồng ngủ chung với nhau, sự "nam nữ đồng sàng" tuyệt đối cấm, tuy nhiên con cái còn nhỏ có thể ngủ chung với cha mẹ, hoặc cháu nhỏ ngủ chung với ông bà được. Mẹ chỉ cho con trai ngủ với mình lúc con còn chưa hiểu gì, cũng như trường hợp bà cho cháu trai ngủ chung vậy. Con trai hơi lớn, độ lên năm lên bảy không được ngủ chung với mẹ nữa, phải ngủ riêng, hoặc với anh em trai hoặc ngủ với bố.

Con gái ít ngủ với cha, trừ khi nào người cha cưng con lắm, nhưng cũng chỉ là những trường hợp hạn hữu, và cũng chỉ trong khi đứa con gái mới độ lên năm, lên ba.

Ca da có câu:

"Con gái mười bảy chớ ngủ với cha,

Con trai mười ba đừng năm cùng với mẹ".

Chính vì sự "nam nữ hữu biệt", nên các phòng của con trai con gái cũng riêng hẳn.

Xếp đặt các phòng ngủ

Ở thôn quê, thường ngôi nhà chính có ba hoặc năm gian, lại thêm hai chái. Gian giữa là giường thờ gia tiên và trước giường là chỗ người cha tiếp khách. Hai gian bên có thể dùng làm nơi ngủ cho các ông bà già hoặc trẻ em. Những cặp vợ chồng không bao giờ ngủ cạnh gian nhà thờ. Họ phải có phòng riêng. Đây chính là sự kính trọng đối với tổ tiên và cũng là để tránh sự ô uế cho nơi thờ phụng.

Các kiểu nhà của ta xưa, nhà chính hay ở hướng Nam, các buồng con trai ở phía Tây gọi là Tây phòng, con gái ở phía Đông gọi là Đông phòng. Trong trường hợp nhà

không làm theo hướng Nam, phòng các con trai ở bên phải gian chính có bàn thờ gọi là Hữu phòng, con gái ở bên tay trái gọi là Tả phòng. Trong trường hợp nhà đông người, những gian ở ngôi nhà chính phải dành cho ông bà, cha mẹ cùng các người lớn khác, con cái sẽ ở các căn nhà phụ nhưng bao giờ trai gái cũng vẫn ngủ riêng ở từng phòng hoặc từng gian nhà, nếu bị bó buộc ngủ chung trong mpộ phòng thì cũng phải riêng giường.

Ngày nay, nếp sống tuy thay đổi, nhưng việc trai gái ngủ riêng giường, riêng phòng tuỳ theo ngôi nhà rộng hay hẹp, vẫn được tôn trọng như xưa, và nếu có điều gì người ta không còn tôn trọng nữ, ấy là điều người ta không phân biệt "Tả phòng", "Hữu phòng", "Đông phòng", "Tây phòng" như xưa, và người ta giữ sự hữu biệt của nam nữ tùy theo sự thuận tiện của ngôi nhà, của nhân số trong gia đình, của công việc làm ăn, v.v...

Giường, Màn, Chăn, Chiếu

Ta ngủ thế nào, ngủ ngay trên mặt đất hay ngủ trên giường? Điều này cũng tùy từng người và tùy cả địa phương nữa, nhưng người Việt Nam thường ngủ trên giường, trên phản, trên ghế ngựa, trên sập, .... hoặc cũng có người ngủ ngay trên sàn nhà, ngủ võng, v.v....

Giường

Có thể là giường tre hoặc giường gỗ, giường cao hoặc giường thấp.

Ở vùng quê miền Bắc, giường thường có bốn chân khá cao, dù là giường gỗ hay giường tre, vì ta có tục cất đồ đạc đáng giá dưới gậm giường để phòng kẻ gian phi.

Một chiếc giường có khung giường bốn chung quanh gọi là thành giường, ở bốn góc khung giường là bốn chân giường. Ngang theo hai thành giường chiều dài, có những thang giường. Trên thang giường là vạt giường. Một chiếc giường rộng hẹp tùy theo số người nằm, thông thường chiều dài là hai thước và chiều rộng là thước sáu vừa cho hai người nằm; những chiếc giường đơn, một người nằm chiều ngang hẹp hơn và thường chỉ là một thước.

Thang giường để sâu ở phía dưới thành giường gọi là giường trũng, giường thùng, thang giường để mé trên thành giường, gọi là giường nông.

Vạt giường có thể bằng tre hoặc bằng gỗ, đặt trên các thang giường và trên mặt vạt thường có trải chiếu.

Giường lớn hoặc có hai vạt giường nhỏ, hoặc một vạt giường lớn.

Chiếu thường chỉ dùng một chiếc chiếu trải hết một chiếc giường.

Phải phân biệt đầu giường và chân giường. Lúc kê giường, không kê đầu giường hướng ra ngoài đường và cũng không bao giờ kê chân giường về phía giường thờ.

Những giường phản kê ở hai bên gian nhà chính cạnh giường thờ, bao giờ cũng kê đầu giường hướng về cạnh giường thờ.

Giường ở vùng quê, nay vẫn như xưa. Ở tỉnh, kiểu giường bị thay đổi khi tiếp xúc với cuộc sống Âu Tây, và gốc của cái giường ở các nơi đô thị coi như bị mất cũng như phần lớn chủ nhân của chúng.

Cái giường ở thành thị không có chân, bốn cái thành giường nằm liền xuống đất. Hoặc cũng có chiếc giường còn tiếc chút gốc gác Giao Chỉ, thì bốn cái chân, nếu có cũng lùn tịt. Người ta cho thế là hợp thời trang, là lịch sự, là văn minh. Mặt giường không trải chiếu mà người ta trải đệm bông, đệm rơm, và giờ đây thêm có đệm cao su gọi là đệm mút. Trên chiếc đệm trải một chiếc khăn bọc trùm lên gọi là khăn trải giường, thường màu trắng.

Lúc ngủ, trên đầu giường có gối.

Gối nông thôn là gối sơn bằng gỗ, và cũng có cả loại gối sành. Những nhà sang Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

trọng dùng những chiếc gối Giang Tây trông rất đẹp. Gối của ta thường hình khối chữ nhật.

Cũng có loại gối vải, trong nhồi bông, rơm, hoặc quần áo cũ.

Ở thành thị gối cũng cầu kỳ lắm. Thường gối vải trong nhồi bông, ngày nay có loại gối trong bằng mút.

Thường người lớn ngủ mới cần gối, trẻ con ngủ ít cần gối.

Chiếu

Như trên đã nói, trên giường tại nông thôn có trải chiếu. Chiếu có loại chiếu tre, có loại chiếu cói.

Chiếu cói làm bằng những cây cói (Lác), mọc nhiều ở các vùng ven bể, miền Nam gọi là cỏ lát. Cây cói khô dệt vào với nhau, nguyên cả cây, hoặc từng mảnh do thân chẻ ra, có chỉ bằng sợi móc giữ chặt sợi cói nọ với sợi cói kia. Ngoài Bắc nơi sản xuất chiếu có tiếng là Kim Sơn và Phát Diệm. Nhiều người quê ở Phát Diệm hiện nay cũng hành nghề dệt chiếu tại miền Nam.

Chiếu có nhiều hạng, hạng tốt và hạng chiếu đậu dùng bằng những sợi cói trắng mịn dệt nên. Loại chiếu thường, dệt bằng thứ cói sấu hơn.

Chiếu cói có thể dệt trơn hoặc cải hoa. Chiếu hoa và chiếu đậu thường dùng ở những gia đình sang trọng.

Chiếu hoa có loại chiếu hoa trắng, lại có loại chiếu hoa màu. Muốn cải hoa màu, người ta phải nhuộm cói trước khi dệt chiếu.

Chiếu tre là loại chiếu làm bằng cật tre, chẻ nhỏ, vót nhẵn, tết liền vào với nhau như mành mành nhưng dày hơn mành mành. Chiếu tre nằm về mùa hè rất mát, lại rất bền, nhưng giá đắt gấp mấy lần chiếu cói, nên chỉ những gia đình dư dả mới dùng chiếu tre.

Chiếu tre nhìều khi thay vạt giường, và trong trường hợp này, nhiều nhà, vẫn dùng thêm chiếu cói để trải lên chiếu tre.

Phản

Nhà quê có dùng giường, nhưng thường dùng phản nhiều hơn. Giường kê trong các phòng ngăn riêng, còn ở hai bên giường thờ, phần nhiều là kê phản.

Phản ngoài tác dụng, ban đêm làm nơi ngủ cho người nhà, bàn ngày còn là nơi tiếp khác của các bà mẹ, bà chị - đàn bà không tiếp khách trước giường thờ.

Phản do những tấm ván dày ghép vào nhau kê trên hai chiếc mễ để ở đầu và ở cuối phản, hai chiếc mễ này có mỗi chiếc bốn chân, giữ vững chiếc phản giống như những chân giường giữ vững chiếc giường.

Trên mặt phản hoặc có trải chiếu hoặc không.

Về mùa hè, người ta thường ngủ phản trần cho mát. Có những tấm phản sơn quang dầu, trời nóng, cởi trần nằm ngả lưng thật thú.

Ca dao có câu nói về tấm phản:

"Ngửa lưng cho thế gian nhờ,

Chẳng ơn thì chớ, lại ngờ bất trung!"

Ghế ngựa

Ghế ngựa cũng là một loại phản, do những mảnh ván dày ghép vào nhau thành tấm. Hai tấm này kê chung trên hai chiếc mễ, sát vào nhau như một tấm phản. Người ta thường dùng danh từ "Bộ ngựa" để chỉ hai tấm ghế ngựa. Ghế ngựa có khi để mộc, nhưng phần lớn sơn quang dầu.

Ghế ngựa trông sang trọng hơn phản và thường kê ở hai bên giường thờ, cũng như phản, vừa để ngủ vừa để tiếp khách.

Những nhà phong lưu dùng ghế ngựa thay phản. Trên mặt ghế ngưạ cũng có trải

chiếu hoặc không, tuỳ từng gia đình và cũng tùy từng mùa. Về mùa lạnh thì bao giờ cũng có trải chiếu.

Sập

Đây là một loại phản, nhưng có chân, thường là chân quỳ ăn liền với mặt sập, không kê lên mễ. Sập gụ là một loại sập sang trọng.

Trong những gia đình đông con, hai hàng phản hoặc ghế ngựa kê hai bên giường thờ, dành cho các con ngủ lúc ban đêm. Chỉ những cặp vợ chồng mới cần phòng riêng. Các con tuy ngủ chung, nhưng như trên đã trình bày, trai gái không cùng ngủ lẫn lộn.

Chõng

Đây là một loại sập bằng tre, hẹp bề ngang, có bốn chân, có khung và mặt bằng những thanh tre xếp liền nhau theo chiều dọc. Nhà quê thường kê chõng ở hàng hiên để ngủ trưa.

Màn

Còn gọi là mùng, dùng để che muỗi ban đêm khi ngủ. Màn thường may bằng thứ vải thưa sợi. Những người sang trọng dùng màn the, và khi có hàng tuyn nhập cảng, những nhà giầu có may màn tuyn thay cho màn sợi ta.

Có thứ màn một, dùng cho một người ngủ, có thứ màn đôi dùng cho hai người.

Nhà quê có loại màn gian là một thứ màn lớn dài suốt một hàng phản hoặc hàng ghế ngựa, dùng cho hai hàng phản hay ghế ngựa ở hai bên giường thờ. Đây là một loại màn tập thể, rất thiết thực cho những gia đình đông con. Một gian nhà chỉ cần một chiếc màn, như vậy vừa đỡ tối tiền lại tiện lợi trong lúc buông xuống hoặc vén lên.

Màn ở nông thôn thường màu nâu cũng như màu quần áo, nhất là ở miền Bắc; những gia đình sang trọng dùng màn the màu trứng sáo hoặc màu hồ thủy.

Ở thành thị, người ta dùng màu trắng, thường là màn tuyn.

Chăn

Ở miền Nam còn được gọi là mền.

Chăn dùng để đắp lúc ngủ cho khỏi lạnh. Có nhiều loại chăn: Chăn đơn, chăn kép, chăn bông, chăn dạ, chăn len, v.v...

Chăn dùng để đắp cho khỏi lạnh. Lạnh ít đắp chăn đơn, lạnh nhiều đắp chăn kép, nếu lạnh hơn nữa thì đắp chăn bông hoặc chăn len.

Chăn đơn là một miếng vải rộng, viền mép chung quanh. Cũng là chăn đơn, những tấm chăn dệt bằng bông vải.

Chăn kép là chăn hai lần vải, tức là chiếc chăn đơn gập đôi. cũng có nơi vẫn gọi chiếc chăn vải gập đôi này là chăn đơn, vì chỉ có một lần bên ngoài, không lõi. Chăn kép có thêm lõi vải. Khi lõi chăn bông được bật theo khổ vải để lòng vào chiếc chăn đơn, chiếc chăn gọi là chăn bông, và bông ở trong gọi là lõi bông. Những người thợ bật bông đã bật bông và dàn thành hình một chiếc chăn. Lõi bông được giữ bằng những sợi vải để bông khỏi tuột.

Thường dùng lõi bông, người ta khâu chần qua một lượt chỉ để giữ lõi bông được bền hơn. Cũng có người cẩn thận, họ bọc chiếc lõi bông bằng một lượt vải màn trước khi khâu chần, như vậy chiếc lõi bông thật bền và thật chắc.

Lúc mùa rét, người ta lồng lõi bông và chăn đơn, hết mùa rét, người ta lại tháo ra cất lõi bông đi, chỉ dùng chăn đơn khi trời lạnh ít, như vào mùa thu và cuối mùa xuân.

Chăn bông đắp ấm lắm. Với cái rét căm căm của miền Bắc, nhất là các tỉnh Trung du và Thượng du, ban đêm không có chăn bông, thiệt là khó ngủ vì trời lạnh.

Chăn len mới được nhập cảng nhưng thực ra cũng không ấm bằng chăn bông.

Đệm

Ta thường nói trên chăn dưới đệm, ý muốn nói về mùa rét trên đã đắp chăn,nhưng Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

ở dưới cũng phải có trải đệm nằm mới đủ ấm.

Đệm có thể là đệm bông hoặc đệm vải hay đệm cỏ. Dù là đệm gì, bên ngoài cũng phải có một lượt vải bọc.

Đệm ở giường dùng để thay chiếu. Ở nhà quê, đệm chỉ dùng về mùa rét, nhất là khi ngủ trên phản trên sập hoặc trên ghế ngựa.

Ổ rơm

Về mùa rét tại vùng quê có thú nằm ổ rơm. Ổ rơm ấm lắm. Ta có câu:

"No cơm tấm, ấm ổ rơm".

Người ta dùng rơm để trải ngay xuống đất, trải hơi dày dày bên trên trải một chiếc chiếu.

Cũng có nhiều nhà, đem rơm đánh thành những tấm tranh, trải lên mặt phản, mặt ghế ngữa, rồi lại trải chiếu lên trên.

Ổ rơm được giữ suốt mùa rét. Khi trời bắt đầu bớt lạnh, người ta mới bỏ ổ rơm.

Người dân quê không phải ai cũng giàu có để có thể mua được chăn bông, chăn len, nên ổ rơm đã giúp người ta rất nhiều trong việc chống rét về mùa đông vậy. Nằm ổ rơm, đêm hôm dù trời rét, người ta chỉ cần đắp một chiếc chăm đơn hoặc chiếc chiếu là tạm đủ rồi.

Nóp

Nhiều người khi chống với khí lạnh cũng như để chống với muỗi, dùng những chiếc nóp. Đây là những chiếc túi đan bằng cói hoặc bằng sợi to, đựng vừa cả một người. Đêm đêm người ta chui vào trong nóp ngủ, sáng lại chui ra. Chiếc nóp thường thấy ở miền Nam.

Võng

Võng đan bằng sợi, hoặc bằng dây thừng, treo lên hai chiếc cột. Người nằm trên võng đưa đi đưa lại, vừa muỗi khỏi cắn lại vừa tạo nên gió mát.

Nhà quê, khi ru trẻ ngủ, người ta thường nằm trên võng, hoặc đặt chúng ngủ trên võng mà đưa.

Về những buổi trưa hè, bên ngoài trời nắng chang chang, bốn bề im ả, trong nhà tiếng võng đưa kẽo kẹt, thật là khiến cho người ta muốn ngủ. Thêm vào tiếng kẽo kẹt ấy, lại có giọng à ơi uể oải của bà ru cháu thì ai nghe thấy cũng phải buồn ngủ và muốn ngủ.

Từ trên đã trình bày về các giường, phản, chăn, màn... dùng cho người ta lúc nằm nghỉ hoặc ngủ, nhưng dân quê Việt Nam tính rất dễ dãi, nhiều người bạ đâu cũng là giường tiện đâu ngủ đấy, nhất là về mùa nực, mọi người chỉ kén chọn chỗ mát để nằm ngủ.

Có người mắc chiếc chõng ra ngoài sân nằm ngủ, có người ngả lưng ngay trên hè nhà, lại có sẵn chiếc nong chiếc nia, dùng ngay nong nia đó ngả xuống đất làm giường nằm vào trong, và cũng đã ngủ những giấc ngon lành không kém gì những người ngủ trong lầu vàng điện ngọc.

"Ăn được ngủ được là tiên,

Không ăn không ngủ mất tiền thêm lo".

Ban ngày làm việc nặng nhọc, thân thể mỏi mệt, sau những công việc cuối cùng, người dân quê đặt mình là ngủ, và ngáy o o. Vùng quê lại thoáng khí, ruồi muỗi cũng không nhiều, mà cho có muỗi ban đêm chăng nữa, một chiếc quạt giấy hoặc quạt nàn phành phạch là đủ vừa đuổi muỗi vừa ngủ rồi.
Sự thực, với gió đồng, rất ít muỗi, tôi không dám nói tới những vùng lắm muỗi như Đồng Tháp Mười, như Cà Mau. Ở vùng này, người ta dùng nóp, và đã chui vào nóp là ngủ, ngủ một giấc cho tới sáng, sự mệt mỏi đã làm cho người ta dễ ngủ không cần biết đến đêm dà hay ngắn. Tiếng muỗi vo ve ngoài nóp hoặc ngoài màn có can gì.
Từ khi có xi măng, dân ta dùng để tráng nền nhà, nằm ngủ trên nền xi măng cũng thú và mát
Ăn và ngủ là những điều cần thiết, không ăn không ngủ không ai có thể sống được Tuy vậy, dân tộc ta ở một vị trí địa dư lắm núi đồi, nhiều biển cả, lại nhiều vùng thật là khô khan, nên tổ tiên chúng ta đã quen và lưu truyền lại cho chúng ta cái tinh thần khắc khổ, chống mọi gian nan do thiên nhiên tạo nên, thêm vào đó, luôn luôn hoạ xâm lăng đe doạ đất nước, nên lúc nào dân ta cũng đề cao cảnh giác để có thể chịu đựng sự gian khổ ngõ hầu vùng lên khi có thời cơ thuận lợi như lịch sử đã chứng minh. Với tinh thần chịu khắc khổ bất chấp gian lao, biết rằng ăn với ngủ là những điều không thể không có được, nhưng ta chỉ ăn để mà sống, và ngủ để cho lại sức, tiếp tục sản xuất, sinh hoạt.
Thực vô cầu bão, cư vô cầu an, ăn chẳng cầu no, ở chẳng cần yên, huống chi ngủ, cốt sao cho qua đêm để lại sức, và sau một giấc ngủ, người Việt Nam lại phải nghĩ ngay đến sự làm lụng.
"Khoan ăn bớt ngủ ai ơi!"
Câu ca dao trên đã luôn luôn nhắc nhở chúng ta chớ quá lưu tâm về ăn với ngủ, vì làm việc mới là lẽ sống, nhất là đối với một hoàn cảnh như dân tộc Việt Nam chúng ta.
Ngày nay, do ảnh hưởng cuộc sống vật chất phương Tây, một số người đã xa truyền thống, họ ăn các món ăn ngoại quốc, nấu theo lối lai căng, còn ngủ họ cũng cầu kỳ tìm đủ tiện nghi, cốt sao bản thân họ được sung sướng đúng như "tinh thần" của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa vật chất.
Toan Ánh
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những trường đại học của tôi 2XXX

Những trường đại học của tôi 2 Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải t...