Thứ Ba, 4 tháng 1, 2022

Giăng thề 3

Giăng thề 3

Chương XI
Thực tình, Miến định đi riêng, mà chỉ dắt thằng Nếm, để khỏi ai chú ý. Sang tới đầu làng Thượng, Miến và Câu sẽ theo đường tắt lên ấp Đông. Rồi có vào lễ xem "thơ tiên" hay không thì định sau. Vì Miến muốn đưa cho người yêu "cái này" và muốn nói câu chuyện cần.
Nhưng mọi việc tính toán đều sai cả. Bởi vì Miến đã nói trước với ở nhà là rằm tháng Bảy đi xem "thơ tiên". Thế là Khuyên và Lụa đến rủ Miến đi. Là chị em trong xóm và cũng không biết từ chối thế nào, Miến đành cùng cháu Nếm đi sang ấp Đông với hai cô bạn.
Lúc gặp Câu, Miến băn khoăn quá. Song, chẳng lẽ dám thế nào. Câu chuyện yêu đương giấu diếm, ai biết, thì rồi ầm ỉ khắp làng. Miến phải tảng lờ đi. Nàng cũng không dám quay lại xem nhà giáo đi theo hay là lùi lũi ra về. Tới lúc đi một quãng xa, mới nghé nhìn lại. Nhưng chỉ thấy bụi tre xanh xanh đầu làng Thượng. Nàng vẫn đi, nhưng trong lòng buồn buồn, thương nhà giáo mất công chờ đợi. Song cái buồn cũng chỉ thoáng qua. Những câu chuyện dí dỏm, ma mãnh của hai cô bạn làm cho Miến khuây đi. Rồi Miến lại bẻm mép chẳng kém Khuyên và Lụa.
Chẳng bao chốc, đã tới ấp Đông.
Khắp cả vùng, đàn bà và con gái đồn ở ấp Đông có một cửa điện cô đồng cho thơ tiên hay lắm. Vào tháng Giêng hay là ngày Tết nhất thong thả, người rủ nhau đi xem đông. Có khối người tận ngoài Kẻ Chợ cũng chịu khó hỏi thăm về tận nơi. Khi nào ở đây người ta nói "có người ở Kẻ Chợ cũng biết", tất đã là một việc có tiếng tăm.
Đây cũng là một cửa điện như điện "cô" đồng Toản bên Nha, điện "ông" đồng Mía bên Thượng. Nhưng thằng Toản và bác Mía là những nhà đồng nghèo ít lộc, người đi lễ chỉ là những bà con loanh quanh lối xóm. Ở ấp Đông là một ông đồng, ông đồng Điếu. Thánh đương cho ông đồng Điếu ăn lộc, cửa điện luôn luôn có khách khứa dập dìu. Ông đồng Điếu, gọi là ông, theo tên của nhà thánh, nhưng với dương gian, ông đồng là một thị mẹt, đàn bà bắt đồng ông. Ngày còn trẻ, bà Điếu cũng đi lang chạ, có nhiều chồng thiên hạ lắm. Đến khi đứng tuổi, không còn chồng nào, thì bà về làng nổi đồng ông. Ông đồng Điếu mặc áo lụa điều, quần lĩnh hoa chanh. Cái khăn nhiễu tam giang quấn trên đầu, chỏng búi tóc lên. Miệng ông đồng ăn trầu thuốc cắn chỉ cả hai môi, lúc nào cũng lại ngậm phập phèo mồi thuốc lá quấn lấy. Ngày trước, điện đồng Điếu chỉ cúng lễ xem bói bằng lá trầu không. Ít lâu nay, đồng Điếu đón được một thầy bói sáng đoán số bằng thơ, gọi việc thánh là cho thơ tiên. Người ta càng năng đến lễ và xin thơ.
Ba cô gái làng Nha vào đến nhà đồng Điếu đã có nhiều người đương lễ. Đồng Điếu tong tả đi lại, nhai trầu bỏm bẻm, nói nói, cười cười. Trên bàn thờ điện, khói hương thơm ngào ngạt. Người lễ lổm ngổm la liệt. Người đứng trong, kẻ đứng ngoài, cứ lễ lẫn vào lưng nhau.
Thấy ba cô gái đi vào, đồng Điếu tất tưởi chạy ra. Các cô chào líu nhíu, "Ông" đồng Điếu nhổ quết trầu rồi cười toe toét:
- Các cô vào lễ thánh.
Ba cô vào lễ. Các cô ngồi xuống chiếu, xếp nghiêng đầu gối, khép tà áo trước sau, rồi chắp hai tay, vái thật dẻo. Mỗi một lễ, khi cúi đầu, chống hai bàn tay xuống chiếu, mắt ngước lên lá màn điều nửa vắt nửa buông. Ở trong, lấp ló một pho tượng nhỏ vàng chóe. Không biết bằng giấy trang kim hay bằng gì, chẳng ai dám trông kỹ. Lễ xong, các cô sang ngồi phản bên. Đồng Điếu đã bưng cơi trầu đến:
- Các cô xem quẻ thánh?
- Thưa vâng.
Một thằng bé chừng mười lăm, mười sáu chít khăn lượt, áo the dài, quần nâu, đi chân đất cầm quyển sổ con và cái bút chì. Đồng Điếu hỏi, các cô trả lời câu gì thì biên ngay vào sổ. Thằng bé biên nhoay nhoáy, - Nó đã quen việc nhà đền nhà thánh.
- Cô nói họ, nói tên.
- Cháu họ Lê tên là Miến.
- Lê thị Miến. Bao nhiêu tuổi?
- Cháu mười chín.
- Cô cầu gì? Cầu tài, cầu duyên chứ? - Miến bẽn lẽn, hai má ửng đỏ.
Thằng bé cứ biên lia lịa. Rồi đồng Điếu hỏi các cô Khuyên, cô Lụa cũng như hỏi Miến. Ba cô mỗi cô đưa ra năm xu tiền đặt quẻ, rồi ngồi đợi thánh giáng thơ.
Trên điện, đèn nến nghi ngút. Bên phải cạnh chiếc mâm bằng đồng sơn đỏ bầy ba nải chuối xanh, treo một dải phướn. Đầu trên, có một con chim tạc bằng gỗ, xòe hai cánh, mỏ quắp dải phướn. Trông không rõ hình thù con quạ, hay con vẹt. Người ta bảo đấy là con hạc thần. Con hạc thần được buộc lửng trên xà nhà thế nào, cũng không ai trông được rõ. Vì ở đấy lại có một cái mảnh màn che, khói hương, khói trầm lúc nào cũng bốc nghi ngút. Đầu dưới dải phướn cắm ngang một que hương.
Ngồi cạnh đấy, một ông lão chít khăn lượt búi tóc, đeo kính, quần áo lụa điều cứ trông vào khói hương mà ê a đọc vanh vách ra thơ. Thánh giáng thơ vào que hương. Thánh sai hạc thần ngậm hương. Rồi khói hương viết ra một chữ của thánh mà người ta bảo chỉ có cái ông già bói sáng ngồi gật gù đó mới đọc được chữ thánh thôi.
Ông lão cầm từng mảnh giấy của thằng bé con đưa vào. Cứ lần lượt, ông đọc. Ông lại lấy gân cổ, cất giọng nghêu ngao như hát chèo. Ông hát xong mỗi câu, một bác đàn ông cũng khăn áo tề chỉnh ngồi ngoài nhà, hát lấy lại câu ấy. Bác này hát to tiếng gấp đôi ông lão áo lụa điều kia. Bác hát mới ghê, tiếng đã ông ống, lại điểm thêm những "ê, a, ây, ầy" hệt như người kép tuồng đương ra roi ngựa hát bài đường trường. Mọi người đều lặng yên nghe, trong khi thằng bé lại hí húi biên các câu ấy ra tờ giấy điều. Tờ giấy, đem phát cho mỗi người xem thơ.
Ba cô gái ngồi đợi đến lượt thánh giáng thơ. Ông lão đương đọc to. Bác kia cũng đương hát. Ngoài hiên, đồng Điếu đương hỏi tên tuổi những người đến sau.
Chợt ông lão im bặt. Có ba tiếng chuông thính lên. Đấy là người ta báo hiệu khi thánh thăng. Nghĩa là trong điện ồn ào, tục tĩu, thánh giận, thánh về. Cái bác ấy thôi hát, đứng lên quát:
- Các bà, các cô, ngồi im mà nghe thánh dạy. Sao lại nói chuyện bô bô lên thế!
Các bà, các cô ngồi đấy, ngơ ngác nhìn nhau. Rồi không ai dám nói nữa. Chỉ nghe ông lão đeo kính rì rầm khấn... xin thánh. Một lát, thánh lại trở về. Nghĩa là ông lão lại trông vào khói hương, đọc ra thơ. Cái bác ngồi ngoài lại hát lô lố. Thằng bé con lại chép hí hoáy. Chép xong tờ thơ của người nào, nó đưa cho người ấy. Mỗi người cúi xuống, giơ hai tay đón tờ thơ. Lại ngước lên bàn thờ, nâng tờ giấy, vái tạ ơn mấy vái.
Bỗng ông lão đeo kính nói thực to:
- Số thơ tên Lê thị Miến.
Rồi ông cất giọng ngân nga:
- Này Lê thị Miến con ơi!
Bác ngồi ngoài hát lại:
- Này Lê thị Miến con ơi... ư...
Thằng bé cúi xuống viết, ông lão nâng cái kính trễ xuống, nhìn làn khói hương, lại đọc:
- Năm nay con hai mươi tuổi trời.
Ơn trên cho được thảnh thơi,
Này vì ơn trên cho được thảnh thơi... í... ơ...
Cả hai người nối nhau đọc to nhiều câu nữa. Nhưng Miến và hai cô bạn, tuy nghe rõ, không hiểu người ta đọc những gì, bởi mấy cô ngượng quá. Cứ thấy người ta gọi réo tên cái cúng cơm ra, rồi lại rành rọt cả tuổi sai lung tung nữa, tuổi cô Miến lại nói tăng lên, các cô luống cuống nghe không rành. Đến lúc ra về, trên mái tóc mỗi cô gài một tờ giấy thơ gấp lại.
Về tới giữa cánh đồng vắng, ba cô cùng bảo thằng Nếm đọc lại tờ thơ tiên cho các cô nghe. Trên bãi cỏ, thằng Nếm ngồi giữa, ba cô xúm quanh. Chữ viết ngòng ngoèo lèm nhèm lên tờ giấy hồng điều, nhưng Nếm cũng đọc được rành. Tờ thơ của dì Miến rằng:
Này Lê thị Miến con ơi!
Năm nay con hai mươi tuổi trời.
Ơn trên cho được thảnh thơi.
Làm ăn thong thả một đời hiển vinh.
Sang năm thì gặp quý nhân.
Đi trồng cây phúc, trời gần không xa.
Rồi Nếm đọc hai tờ của Khuyên và Lụa. Cũng na ná như vậy. Ba có ngồi đoán lẫn cho nhau.
- Chị Khuyên thì thánh dạy sang năm lấy chồng.
- Cái Lụa cũng thế.
- Cái Miến này là sướng nhất. Một đời hiển vinh. Làm ăn thong thả. À, sang năm lại gặp quý nhân. Chắc cũng lấy chồng nốt, ba đứa lấy chồng một hôm.
- Lấy chồng thì chỉ mua cái khổ, ích gì!
- Này các cô ạ. Cái câu của cái Miến, nói lạy thánh, hợp quá. Đi trồng cây phúc, trời gần không xa. Câu này ứng vào chỗ cái Miến sắp được ra Kẻ Chợ trông nhà cho bác Sủi nhá. Bác ấy ở cữ, mà đi trông nhà, là đi trồng cây phúc đấy.
- Thơ thánh nhỉ? Hôm nào chị Miến ra Kẻ Chợ?
- Ngày kia.
- Hôm nào về nhớ mua quà. Mà nhớ cõng cả anh nhân tình công tử bột Kẻ Chợ về cho chúng tớ xem mặt.
Miến phát vào lưng cô Lụa:
- Chỉ được cái tán nhảm. Mà tờ thơ của tớ sai tuổi, không đúng rồi. Về thôi!
Ba cô tất tả về. Vừa đi vừa ríu rít nói chuyện thơ tiên, chuyện Kẻ Chợ và những chuyện trêu chọc nhảm nhí râm ran. Cu Nếm bíu tay dì Miến nhếch nhái chạy theo.
Về đến gần đầu làng, sắp tới lũy tre, cô Khuyên trông ra phía gò ngoài đầu bãi bên dòng sông thắp thoáng bóng người mặc áo trắng.
- Ai như nhà giáo Câu?
Rồi Khuyên nghếch nhìn lại:
- Áo trắng dài là đích giáo Câu rồi.
- Sao chịu khó đợi ai thế nhỉ? Dáng ngồi đấy từ lúc chúng mình đi?
Lụa nói:
- Anh ả có tính dở người rồi.
Miến không nói gì, đôi mắt đăm đăm. Nhưng nghe hai cô bạn nói pha, Miến cũng cười nói góp:
- Dở người thì cũng mặc người ta. Có bận đến cô nào không đấy?
Chương XII
Mãi tới lúc xâm xẩm, giáo Câu mới lủi thủi về đến nhà. Không biết làm gì, anh ra ngoài vườn, xem đàn gà lên chuồng.
Buổi chiều mùa thu, mặt trời đã khuất vào những làn mây mờ mờ từ lúc xế trưa. Bây giờ bóng tối đến dần dà, chiều và tối lẫn vào nhau, rồi không biết nhá nhem từ lúc nào. Độ quảng chạng vạng đó, gà nháo nhác tìm chuồng. Cái chuồng đan bằng tre, có mái rơm và bốn chân cao lênh khênh, đứng ở góc vườn, bên một cây khế cơm.
Từ ban nảy, hai gà gà trống và một chị mái tơ đã nhảy lên, chui vào trong cửa. Một mụ gà mái ấp, lên chuồng rồi còn thò mỏ ra kêu cục cục rầm rĩ gọi đàn con. Đàn gà nhép còn đứng dưới, líp nhíp cục cục gọi nhau lạo xạ.
Giáo Câu đã chịu khó đan cái cầu tre, uốn cầu vồng từ mặt đất lên lỗ cửa. Nhưng chẳng chú gà nào chịu leo. Chúng chỉ định nhảy, định bay. Bay lạch đạch, lạt sạt cánh, ngả huỵch xuống. Lại kêu, lại bay nữa. Mẹ đứng trên, càng kêu cục cục to hơn lên. Mãi sau, hai con men leo lên cầu, tự nhiên vào cửa tổ, chui tọt vào. Mấy con kia, loanh quanh chạy vài vòng, rồi cũng lên được. Chỉ còn một chú vẫn ngơ ngác đứng dưới.
Nhà giáo vờn con gà nhỏ, muốn bắt nó lên chuồng. Nhưng dồn, nó chạy. Nó chạy luẩn quẩn. Rồi nó chạy vào cầu, leo cuống quýt. Tình cờ, lọt vào cửa chuồng, rúc ngay dưới bụng mẹ. Mẹ chúng nằm ủ lũ con, chốc lại kêu lục cục, như mắng mỏ, như dỗ dành.
Nhà giáo gài chéo cái que chắn cửa. Ở trong, lũ gà con đụng nhau, kêu lích tích, nhép nhép, cứ ríu rít như thế suốt đêm dưới bụng mẹ.
Nhà giáo đứng ngẩn, nghe ngóng vu vơ những tiếng gà kêu. Có tiếng chân bước lạt xạt đằng sau. Quay lại, thằng Nếm đương lùi lũi ra. Nhà giáo cũng không để ý. Nếm đến nói ấp úng:
- Thưa thầy...
- Gì?
- Thưa thầy, dì cháu gửi thầy cái này.
Nó đưa giáo Câu bọc giấy bằng cái phong thuốc lào. Nếm lại nói:
- Dì cháu bảo ngày kia dì cháu xuống Kẻ Chợ.
- Thế hả?
- Dì cháu xuống chơi với bá Sủi. Bá Sủi đẻ.
- Thế hả?
- Dì cháu bảo dì cháu ở dưới ấy lâu một tháng.
- Một tháng à?
- Vâng.
Nhà giáo không nói gì nửa. Mà thằng Nếm cũng hết câu nói khoe về dì nó. Nó chạy ra ngã ba nô đùa với trẻ trong xóm. Đêm nay rằm sáng trăng.
99
Giáo Câu mở cái bọc giấy. Một sợi chỉ se bằng mấy dặm tơ vàng buộc ngang dọc bốn góc. Tờ giấy mở ra. Nhà giáo thấy một cái khăn mùi xoa trắng và một lọ nước hoa bọc giữa chiếc khăn. Khăn mùi xoa bằng vải trúc bâu trắng, rộng độ vừa hai bàn tay. Đưa lên mũi, thoảng trong khăn có mùi vải mới và nước hoa thơm thơm. Lọ nước hoa xinh xinh bằng hai ngón tay chụm lại. Màu nước vàng, ngoài lọ, dán mảnh giấy trang kim óng ánh. Cầm trong tay mấy thứ người yêu tặng, Câu bâng khuâng, đờ đẫn cả người, quên cả chuyện Miến sắp ra Kẻ Chợ. Mãi, mới nghĩ thầm được một câu:
- À, nước hoa, khăn mặt tặng nhau.
Tối ấy, giáo Câu đi nằm sớm. Anh mang cả cái khăn mặt và lọ nước hoa vào màn. Mân mê, xem mãi không biết chán... Rồi anh để lọ nước hoa trên ngực. Cái khăn mùi xoa thì đắp kín lên mặt. Giáo Câu nằm lơ mơ. Cứ thế ngủ quên lúc nào, không biết.
Nhưng rồi hôm nào Miến xuống Kẻ Chợ, Câu cũng không biết. Bởi Câu cũng chẳng nhớ hôm nào là "hôm kia" nữa, mà đã mấy hôm kia rồi. Đến khi lâu lâu chẳng thấy Miến đi chợ qua, Câu mới giật mình.
Lại đâm ra hoảng hốt.
Một hôm, Câu đi ra Kẻ Chợ.
Một chuyến tàu điện, chẳng bao lâu đã xuống đến Bờ Hồ. Người đi tới tấp. Người đi lũ lượt. Người từng đàn dài lao nhao, ve vẻ như mắc cửi. Ngược lại xuôi, xuôi lại ngược. Đông ghế những người, ở những ngõ ngách nào mà tuôn ra nhiều người lắm thế này. Đôi chốc, từ đằng xa, đoàn tàu điện kéo đến. Chuông keng keng, máy ầm ầm đinh tai. Người ngồi trên toa tàu thò cổ ra, nhìn hai bên phố phường. Người ta bảo đất Kẻ Chợ quanh năm như hội, đúng thực.
Trưa hôm ấy, bác hương sư làng Nha đi lần vào những đám người qua lại quãng Hàng Ngang, Hàng Đào, trông ra bốn bên hàng phố và nghĩ ngợi lẩn vẫn ngẩn ngơ như thế.
Từ hôm Miến ra Kẻ Chợ, đã là mấy mươi ngày rồi. Nghĩ mãi vẫn rối tung chẳng ra thế nào. Độ nọ, mấy tháng liền giận dỗi nhau mà không sốt ruột mấy. Sao bây giờ anh bồn chồn thế. Chẳng muốn nhớ rõ ràng ra nữa. Chỉ biết toàn những nhớ, những vui, những giận chồng chất một mình.
Mỗi chiều, ăn cơm xong, Câu ngồi nhìn mặt trời khuất xuống sau bờ tre, lại nhớ. Giáo Câu cũng chỉ qua Hà Nội có một lần ở quê lên. Trong trí nhớ của nhà giáo, cái chợ Đồng Xuân, tường thủng lỗ chỗ như tổ ong. Con gái ăn mặc quần áo tân thời, má phấn môi son ngồi sau cái tủ kính. Rồi đến một cái hồ nước xanh như nước luộc rau muống. Cái cầu gỗ đo đỏ uốn lưng cong. Lại nữa, Hà Nội bao nhiêu là trai thanh gái lịch. Người ta bảo lắm cô mặc quần trắng áo màu lịch sự lại đi móc túi làm kẻ cắp. Công tử bảnh bao thế kia mà đi cướp giật đấy. Cái đất phồn hoa này nó nhố nhăng thế. Song cũng chỉ là nghe người ta nói...
Nhà chú Sủi ở phố nào, Câu cũng không biết. Í tứ hỏi khéo bà Thiêm mấy lần, Câu mới biết được nhà của chị của Miến ở phố Mã Mây. Đi đằng Hàng Đào lại thì về bên tay trái. Ngoài cửa có cái tủ kính, bày mấy thứ bánh khảo, ấy là bà Thiêm nghe chuyện nhiều thì nhớ thế, bà Thiêm cũng chưa đến nhà vợ chồng chú Sủi bao giờ. Câu thì nhớ thế đã là đinh ninh đến nơi được, rồi chàng quyết ra Hà Nội.
Đi gặp người yêu cũng có khác, nhà giáo diện lắm. Cái mũ đánh phấn trưa hôm qua. Đôi giày đế kép vải trắng cũng được đánh mới. Tấm quần vải ta gối đầu giường nếp cứng chẳng kém giặt là. Nhà giáo mặc áo the khuy xương trắng. Áo mồi đấy, chẳng mấy khi mặc. Và giáo Câu lại đã chịu sang bên Thượng, mượn giáo Răng cái kính râm gọng trắng, mắt xanh. "Đeo cái kính râm này đi, mới là hơi đá lối ăn chơi. Hừ!".
Bây giờ thì giáo Câu đương đi giữa phố Hàng Đào. Nhưng cái kính xanh, gọng trắng đã phải cất vào túi. Nhà giáo cũng muốn đeo nhưng đeo kính ấy, trông cái gì cũng ra màu xanh lơ. Mà ngộ nhỡ phải thằng du côn nó giựt mất thì chết, kính để trên mắt thì nó cướp dễ quá.
Nhà giáo sợ. Nhà giáo bước thong thả, rình hỏi đường. Phải rình, vì hỏi ai cũng ngại. Câu định tâm hỏi cậu bé nào mặt mũi nhẹ nhõm, có vẻ học trò. Vả lại, hỏi thăm trẻ con, thì chắc là không ngượng. Một bọn mấy cậu bé vừa đi qua. Câu hỏi ghé một đứa đi sau.
- Tôi hỏi thăm phố Mã Mây?
- Ông đi ra chỗ phố Hàng Bạc kia kìa.
Theo lối tay chỉ, Câu ra phố Hàng Bạc. Nhưng cái biển phố đề toàn chữ Tây, chẳng biết có phải Hàng Bạc không. Lại một lần hỏi nữa, mới tới được đầu phố Mã Mây. Nhớ rồi. Đi từ đằng này đến, thì về phía bên tay trái. Ngoài cửa, cái tủ kính bày bánh kháo, chiếc tủ bày phong bánh kháo.
A, có lẽ kia. Đúng rồi. Thôi, đích rồi. Lỗ cửa hẹp. Một cái hòm sơn xanh, ba mặt kính thè lè ra ngoài. Trong hòm, có mấy phong bánh kháo. Trên nóc, một dãy lọ thủy tinh đựng kẹo lạc kẹo sìu.
Câu đứng lại. Anh xốc cái cổ áo. Anh dặng hắng một tiếng lấy hơi. Anh quả quyết, đi qua. Và nhìn vào trong nhà. Chao ôi! Vừa hay, cô Miến ngồi ngay đấy. Nhưng cô quay mặt vào trong, cô không trông thấy Câu. Cô đương đùa với hai thằng bé con. Chắc là con bác Sủi. Chúng nó mặc quần áo Tàu, trông người béo tròn như cái hạt mít. Chúng đấm trộm dì Miến một cái rồi chạy vào nhà trong, vừa chạy vừa cười ồn ả.
Anh đã đi qua. Anh đứng lại, thở phì phò như chạy một quãng. Anh xốn xang cảm động. Lâu quá bây giờ mới lại được trông thấy mặt nhau. Anh đứng đằng xa, trân trân nhìn lại cái cửa hiệu bánh, mà chưa nghĩ đến sự lộn trở lại. Anh khoan khoái. Anh lại nghĩ: "Đã ra đến đây, đứng lẩn vẩn thế này, lại đâm ra ngại". Ý đó giúp anh bước mạnh dạn. Anh lại đi sát vào tủ kính, toan ho một tiếng.
Miến đã trông thấy Câu, Miến mỉm cười. Câu thì cười ngỡ ngàng. Rồi Câu lững thững đi ra đứng đầu phố, đợi. Một lát, Câu thấy Miến ra cửa, đứng cạnh cái tủ bánh, nhìn ngước lên. Nàng tìm Câu. Đứng đằng này, Câu cười. Miến quay vào, rồi trở ra, đi về phía Câu.
Ra Kẻ Chợ có khác, Miến mặc áo dài - tấm áo the nâu cài khuy - lẹp kẹp đôi guốc.
- Cậu xuống bao giờ thế?
- Vừa đến đây.
- Làm thế nào biết được nhà?
- Biết đường thì biết nhà, ở đâu mà chẳng tìm được. Ai lại đi lâu thế!
- Còn phải ở lâu nữa.
- Sao thế?
- Chị ở cử, rồi ốm. Không ai trông hàng. Đấy, cứ phải ngồi nhòm nhõm một mình cả ngày.
- Đi chơi một tí được không?
- Ai trông hàng cho mà đi. Cậu ở đây cả ngày chứ?
- Hôm nay chủ nhật được nghỉ.
- Thế độ bốn giờ cậu lại. May ra đi được. Chết, đứng lâu quả. Bốn giờ nhé!
Chương XIII
Câu còn chưa kịp đáp, Miến đã vội vã chạy về. Đến cửa, nàng quay lại, cuời. Câu cũng cười ngơ ngẩn. Rồi anh đi lên phố Hàng Đào. Trong đầu, nghĩ ngợi loăng quăng. Chẳng lẽ đã công trình ra tận đây, lại không được đi với Miến hay sao. Câu nhớ mãi cái bóng trăng chiều hôm xưa. Đến bây giờ, chốc nữa. Chốc nữa, Câu lại sắp đi với Miến một buổi chiều tương tự. Mà chiều nay, được đi với nhau giữa phố phường chẳng có ai quen thuộc. Câu về thế nào được! Trời, Câu về làm sao được!
Câu vào một hiệu phở phố Cầu Gỗ bên bến tàu điện Hà Đông.
Câu xuống Bờ Hồ, lên đứng hóng mát trên cầu. Anh bỏ mũ. Gió thổi lồng lộng vào trong tóc. Mới vào quãng hơn một giờ. Anh chàng đi quanh sang bên kia hồ, tìm một cái ghế. Anh ngồi lâu lắm, Câu đi nhòm những cửa hàng có đồng hồ mãi mới thấy chiếc kim ngắn xế bên con số bốn. Gần bốn giờ!
Câu đi lên phố, dạo qua. Miến nhìn ngay thấy Câu và Miến cười. Câu ra đứng đợi trên đầu phố, hí hửng. Miến đến, bảo:
- Một lát nữa nhá. Tôi đương giở tay.
Nàng lại chạy nháo về. Không kịp hỏi xem Miến giở tay làm gì. Lại một lúc nửa. Nhưng một lúc phỏng chừng cũng chiều chiều rồi.
Rồi chiều đã ra ý xuống, hơi tối. Phố xá nhuốm vẻ huyên náo hoàng hôn. Một chút nắng nhợt nhạt trên đầu những mảnh tường. Nhưng tất cả đều ẩn một dáng vội vã, hối hả trước lúc lên đèn. Câu vẫn đứng yên.
"Một lúc nửa" lâu quá. Câu ngóng về phía cửa. Vừa lúc Miến tất tả đi ra.
- Khổ quá. Cậu chờ tí nữa vậy. Tôi phải dọn cơm cho chị ấy ăn.Gái đẻ cơm khem, phải ăn riêng mà.
Lại đợi. Lúc đầu cũng không sốt ruột mấy. Vì Miến đã vừa ra. Câu thoáng thấy má nàng trăng trắng, hồng hồng "A, học mốt tân thời. Bôi kem, đánh phấn!". Những ngọn đèn điện ngoài đường đã bừng lên. Đường phố ra một vẻ mặt khác.
Bây giờ tay đôi đã đi song song ngoài phố. Miến nói cho Câu nghe về sự chậm trể:
- Dọn cơm cho chị ấy xong, phải cho cháu ăn. Thế là đến bữa rồi, tôi cũng phải ăn nhân thể. Nhà đông người, những ba thợ làm bánh nhà chú Sủi. Ăn xong lại dọn hàng, đóng cửa. Mọi khi mở khuya nửa đấy. Tôi nói dối đi có việc đằng này một máy. Chết, tối thế này thì rồi cậu về Nha làm sao?
- Tôi ngủ dưới này.
- Ngũ nhà ai?
- Bạn.
- Cậu...
- Ăn cái này.
Câu nhìn xuống. Từ nãy, Câu vẫn thấy Miến thu thu cái gói trong bọc áo. Cô Miến có gói kẹo lạc. Nàng lấy trong lọ đi một ít. Cho người yêu nếm cái quà Kẻ Chợ!
Miến khoe:
- Tôi ăn các thứ này cả ngày. Ăn nhiều đến phát ngấy. Cậu cầm lấy, bỏ vào túi ăn dần.
Phố Hàng Đào, Hàng Ngang sáng choang đủ thứ màu xanh đỏ. Ban đêm, quang cảnh khác hẳn. Những tủ kính bày hàng lồng ánh điện như động tiên.
Miến bảo:
- Đi chơi tối ở đây cũng vui bằng mấy đi xem hội to nhất vùng ta. Tôi mới có mấy chị em bạn, Tôi hay rủ nhau đi chơi đấy.
- Con gái mà cũng đi chơi tối a?
- Ở tỉnh thành phải thế chứ. Tối mà sùm sụp cái mũ trắng như cậu là cổ hủ đấy.
Câu ngượng, muốn vứt ngay cái mũ đi. Anh im, không đáp. Và anh nhìn Miến. Ở tỉnh thành phải thế. Nó quen chứ. Phải, Miến đã ra đây dễ thường đã được một tháng - trước Miến cũng ra luôn, nhưng chưa chuyến nào ở lâu - chuyến này Miến đã khéo học đôi lối phường phố. Cái áo the nâu đóng kín khuy ngực, áo dài cài khuy. Khăn vấn lắn và đầu ngôi rẽ lệch. Rồi má xoa phấn, môi thì bôi son. Có lẽ bóng tối Câu chưa trông thấy, nhưng Câu đoán thế. Lại ăn nói cũng mới mẻ ghê.
- Ta đi dạo một vòng bờ hồ.
Câu trông người ta đi tay đôi tự nhiên như không.
- Cậu có chuyện gì nói thì nói đi.
Câu chẳng có chuyện gì để nói. Hay chỉ là những chuyện vẩn vơ. Mấy bữa nay trở trời bà Thiêm đau lưng không quay được tơ. Thằng Nếm ngày nào cũng mong dì Miến chóng đem quà Kẻ Chợ về. Hôm phiên tơ, nhà giáo gặp cô Khuyên, cô Lụa đi chợ.
Hai người bước vào lối cỏ ven hồ. Lắm lúc Câu cũng muốn cầm tay Miến. Nhưng đường cái cứ chỗ tối, chỗ sáng, anh lại không dám. Mỗi lần gặp những tay đôi dắt tay nhau thản nhiên, nhưng anh vẫn thấy mình ngượng. Nghĩa là Câu ta khù khờ, lại nói rặt những chuyện chắp nối vu vơ. Dưới hồ, sóng nước óng ánh sáng. Phía bên kia, đèn các phố chi chít hơn sao sa. Chẳng mấy chốc, vui chân đã đi được mấy vòng hồ rồi không biết.
- Khuya đấy. Tôi về nhé.
- Mới tám giờ chứ mấy?
- Tám giờ ? Hai mươi giấc tốt, hăm mốt nửa đêm, hăm mốt thì trăng mới lên cao thế kia. Mười một giờ là ít.
Trên nóc phố, lơ lững ông trăng vàng rượi, to như chiếc chiêng đồng. Phía dưới, những hình mái nhà nhấp nhô đen xám cắt thành những nét gãy lên nền trời dát li ti trên mái nhà, không ai để ý. Chợt nhớ ông trăng hôm nào, Câu nói:
- Miến nhỉ, ông trăng ở đây không sáng.
- Đèn điện của người ta sáng gấp nghìn ông trăng ấy chứ. Đêm nào chả thế. Thôi cậu về đi. Chết, mai kịp dạy không?
- Chẳng cần. Tôi đưa Miến về rồi tôi về cũng được.
Đường phố vắng. Ánh đèn đỏ đòng đọc ở gầm những chiếc xe kéo, xa gần như những con đom đóm bay. Thỉnh thoảng, trong góc phố vang lên câu rao hàng đêm lạ tai. Về đến cửa, Miến cầm tay Câu, hai mắt long lanh:
- Cậu về nhá.
Rồi nàng gọi cửa. Câu quay đi, sang đứng khuất dưới cột đèn điện bên bờ hè. Cửa mở. Một chú khách, đầu trọc như quả dừa, cởi trần trùng trục, thò cổ ra. Không biết có phải chú Sủi chồng của chị Miến đấy không. Chú to béo như ông hộ pháp. Hai cái vú xị xuống như đôi vú người đàn bà nạ dòng. Cảnh cửa hé, Miến lọt vào. Chú khách giơ bàn tay hộ pháp khép cái cánh gỗ lại.
Câu chưng hửng, đi về.
Nhưng về đâu bây giờ? Lúc nãy, nói với khuếch khoác cho xong chuyện đấy thôi. Cũng như Câu chưa nói được với Miến chuyện gì vào chuyện gì. Bao giờ cũng thế, nghĩ lại, anh lại tiếc rẻ như còn những chuyện gì mà chưa nói nốt. Rồi đi một mình, anh lại nhớ ra bao nhiêu chuyện mà lúc nãy quên.
Nhưng Câu buồn buồn, buồn từ lúc trông thấy chú khách Sủi ra mở cửa. Không hiểu tại sao, khi yêu nhau, những ý nghĩ về nhau, biến đổi nhanh chóng. Tâm sự vui, buồn mõng manh như sợi tơ rớt.
Đêm đã về khuya. Đêm tháng tám, có sương muối. Hai vai áo the của Câu đã ẩm, lạnh ngắt. Không nghĩ, anh cứ đi. Từ giờ đến mai, bao giờ về đến Nha thì về.
Một mình một bóng lủi thủi. Trên đầu, có ông trăng đi theo.
Chương XIV
Nhà ai đám thứ gì mà đốt bánh pháo dài thế?
- Cưới con gái ông chánh Đặng.
- Lấy ai?
- Lấy cái nhà giáo Răng.
- À...
- Khéo không có mà nó đã có một mớ vợ ở nơi khác rồi.
- Chẳng lo con bò trắng răng!
- Dáng hẳn đôi bên cũng có thế nào rồi.
- Hình như có thế. Anh ả chị ả, tay đôi đã dan díu từ lâu, khiếp lắm.
- Thời buổi bây giờ con gái đoảng cả.
Rồi người ta bàn tán lan man về con gái thời bây giờ. Những câu chuyện vặt, chuyện đi đường của mấy người vùng ấy, khi đi qua ngoài lũy tre làng Thượng, nghe tiếng pháo nổ râm ran trong làng. Hôm ấy, cưới cô Tố con gái ông chánh Đặng. Đúng như lời thiên hạ nhỏ to. Cô Tố lấy thầy giáo Răng. Ông bà chánh Đặng lo lắng ngay cho vui vẻ cả. Ai cũng biết chuyện ra sao rồi. Người ta gọi là cưới che mắt thế gian. Bơ vơ, sướng cái anh giáo Răng!
Từ ngày đến Yên Thượng, Răng trọ ngay ở nhà ông chánh Đặng. Ông chánh cũng coi là thường. Nhưng ông chánh đã vụng tính. Ông có con gái lớn, cho người lạ ở khác nào cho rơm gần mồi lửa. Giáo Răng ở nhà ông chánh. Thôi thì bao nhiêu sổ sách, đơn từ, giấy má, bài bổ ông chánh đều giao cho thầy giáo đỡ được công việc. Ông chánh không tính đến, anh chàng Răng bẻm mép, cô Tố lăn lóc ngay. Có một lần kia, ông chánh bắt được đêm hôm rõ ràng thế nào ấy. Ông chánh toan đuổi Răng đi. Nhưng chưa đuổi, Răng đã đùng đùng đi ngay. Cô Tố lăn ra khăn gói theo. Ông biết thế là ông đã tóm phải con dao đằng lưỡi. Ông thu xếp, điều đình với Răng. Ông cho không Răng cô con gái.
Ông nói với mọi người:
- Tôi cho thầy ấy một đứa con gái đấy. Tìm được rể hiền là phúc. Tôi chỉ cầu người hiền thỏi.
Nhiều người khen ông chánh về chỗ ông thẳng tính. Nhưng nhiều người bảo ông sợ nhọ mặt, phải làm ra trò vè ấy.
Đám cưới linh đình. Ăn uống rả rích mấy ngày. Hôm nay, chú rể Răng mời khách chú rể. Tất cả những ông hương sư ở trong vùng. Và giáo Răng ra Kẻ Chợ mời cả chục bè bạn. Một dãy xe kéo ở trên tỉnh, trên phú đỗ sắp hàng ở cổng làng. Chưa bao giờ có nhiều xe kéo vào đậu trước cổng cái của làng như thế. Bà con làng nước lũ lượt đến làm giúp, ăn cỗ ròng rã, lại đánh tổ tôm, xóc đĩa cả đêm.
Khách khứa xa gần đủ cả, dù ai cũng chửi vụng ông chánh đủ điều:
- Cái lão ăn tơ ỉa tóc. Phải một miếng thế này, đứt từng khúc ruột. Vứt đi hàng trăm bạc, chứ chẳng chơi.
- Hai cái lông mày con Tố dựng ngược lên rồi.
- Chỉ ba bốn tháng nữa thì nằm ổ thôi.
Giáo Câu cũng đi ăn cỗ. Chẳng quen thuộc ai, ăn xong anh về ngay. Điệu bộ một ông khách vừa ở đám ra. Mặt đỏ gay như mặt gà chọi. Áo the, tụt trễ một khuy cổ. Cái khăn xếp không đội lên đầu, mà lại tròng lọng vào một bên cánh tay. Nhắp có lưng chén mà đã choáng váng. Nhà giáo này tửu lượng xoàng.
Về nhà, Câu nằm dài xuống phản, không kịp cởi áo. Anh nghĩ vẩn vơ về tay giáo Răng. Anh cho là giáo Răng đã gặp được bước may. Phải, Răng may thực Câu đương tưởng tượng cái cảnh của Răng là Câu, là Miến. Chao ơi!
Cơ khổ, đường tình của Câu lận đận làm sao. Miến vẫn chưa ở ngoài Kẻ Chợ về. Cũng không biết rồi ra thế nào.
Câu cũng chưa ra phố thêm được lần nào. Câu đương để dành tiền. Chàng muốn hôm nào ra Kẻ Chợ chụp một cái ảnh. Để tặng Miến. Và để đối lại với chiếc mùi xoa, lọ nước hoa của Miến đã cho.
Trong khi ấy Miến vẫn nấn ná ở ngoài phố, Câu tự dưng nóng ruột quá. Câu chẳng muốn Miến ở Kẻ Chợ. Câu nhớ đến cái đêm đi ở bờ hồ, Câu đội cái mũ trắng, Miến bảo cái mũ trắng hủ lậu. Câu lại buồn thiu.
Một hôm, Câu đương đứng trong lớp, nhận được một lá thư ở nhà dây thép trên phủ gửi xuống. Bóc xem, là thư của Kền ngoài Uông gửi về.
Uông Bí le 30 Mars 193...
Ngô huynh ơi!
Từ ngày tôi rời Yên Thượng, hôm nay mới có thư về ngô huynh. Chắc nhiều khi ngô huynh đã nghĩ trách tôi. Nhưng thực không phải tôi cố ý. Chỉ vì tôi muốn giữ gìn cho ngô huynh đây. Để bao giờ anh em ta gặp nhau, tôi sẽ nói chuyện để ngô huynh biết rõ ràng.
Ngô huynh ơi! Người ta ở đời, cũng nhiều bước gian truân, mà cũng nhiều phen sóng gió. Nghĩ như cái ngày anh em ta sum họp thì ai đâu ngờ rằng rồi sẽ có khi phải bó buộc chia tay không một lời từ biệt. Tôi tuy ở xa, nhưng cũng được biết Hoạnh không còn tại đây. Thế là chỉ còn có một mình ngô huynh ở lại. Than ôi! Kền tôi đã vắng, ai người nói câu tâm sự, Hoạnh cũng đi rồi, bạn đâu còn khách tri âm.
Lại nói từ ngày tôi ra đi. Tôi xuống dưới này nhờ người quen xin được vào sở mỏ làm. Thế là nghiễm nhiên đã thay nghề gõ đầu trẻ ra nghề bút chì lọ mực chép sổ. Lương lậu thì được khá hơn cái ngày ở Yên Thượng. Thế mới hay, có ra đến ngoài, mới biết cái cánh anh em ta thiếu thốn nghèo đớn quá. Thế mà... Nhưng thôi nói không tiện. Lại để khi nào gặp ngô huynh, sẽ nói chuyện nhiều cùng ngô huynh.
Ngô huynh ơi! Chắng hay từ bấy đến giờ, cận trạng của ngô huynh ra sao? Ngô huynh trả lời cho tôi mấy câu tường tận. Tôi mong. Phần tôi, sức khỏe vẫn như thường.
Kính ngô huynh khang an.
Kền bái
Trống tan học.
Trẻ con trường này, chỉ được cái đánh trống là thạo nhất hạng. Bởi chúng đã ham tập luyện mỗi dịp làng vào đám. Thòm... thòm... Từng tiếng... từng tiếng. Cái đầu dùi nện băng băng trên mặt trống, nhịp nhàng. Không ai để ý cái trống vô tình mà những trống tan học vào học, trống ra chơi còn để báo hiệu cho mọi nhà trong xóm biết hiệu mà ra khung cửi, mà sắp cơm nguội nước rau luộc - bữa thợ ăn buổi tối trước khi dệt cửi lên đèn.
Hồi trống vừa dứt, học trò nhao nhao chào thầy. Rồi ôm sách lên ngực, chúng chèn, huých nhau, chạy ào ào, hỗn độn líu tíu như một đàn vịt. Chúng tản vào các ngõ xóm. Trong nháy mắt sân trường vắng tanh. Chỉ còn sót lại mấy mảnh nắng chếch trên gò cỏ ấu non rượi. Thầy giáo Câu đương cầm trong tay cái thư của thầy giáo Kền. Câu đương nghĩ ngợi nhiều lắm, chỉ có một mình thầy giáo Câu.
Tháng Hai năm ấy, làng Nha mở hội. Thực ra chỉ là hội lệ như mọi năm.
Hàng năm tháng Hai, vẫn vào đám. Thịt một con bò làm việc làng. Rồi năm nào phong lưu thì gọi phường về chèo hát ngoài sân đình. Bằng không, chỉ có nhà tơ hát hầu thánh hát cửa đình.
Năm nay, làng vừa trù tiền đảo lại lớp ngói nóc. Mua thêm ít ngói mới vào. Vừa xong các việc, vào dịp đám tháng Hai... Cũng vào đám như thường lệ, nhưng to hon một chút gọi là làng Nha hội khánh thành đình.
Làng mướn phường chèo hát cả hai buổi, buổi ngày buổi tối. Và có thêm mấy trò nữa. Còn đấu võ tây, võ ta việc đấu võ, làng nhờ ông giáo Răng bên Thượng. Giáo Răng thích mê, được dịp khoe tài cho các làng xem. Nhưng ông chánh Đặng lại không bằng lòng. Bởi ông không ưa mấy ông hương hội bên Nha. Lại bởi sang năm làng Thượng cũng có hội khánh thành cái tam quan. Ông muốn chàng rể lập đài đấu võ bên làng Thượng trước.
Việc đấu võ làng Nha không thành, song chỉ riêng cả ngày cả tối chèo hát, hội làng Nha cũng đã vui chán. Nô nức các nơi kéo đến xem. Trong làng, khung cửi nào cũng nghỉ. Ăn uống vui chơi như ngày Tết Cả. Trường học cũng được nghỉ cả một tuần.
Đám hội đương đông.
Trong đình các cụ vừa vào cuộc lễ giữa đám tế. Lố nhố những tấm áo thụng xanh đã bạc phếch. Áo thụng xanh mặc còn khá, còn những cụ chỉ mặc manh áo the vá, chân đi đôi guốc đẽo bằng gộc tre. Không sao. Đủ lễ lạt là được. Hương... bái... Quán tẩy sở... Tiếng hô rầm rĩ lẫn tiếng trống lùng tùng, tiếng kèn toe toe. Nhưng chỉ có mấy ông đứng tuổi, sắp vào hàng lên lình lên lão cùng mấy anh trai làng, chịu khó đứng xem. Ý để học cái lề lối tế lễ của các cụ để sau này còn noi theo. Bao nhiêu người đổ xô cả ra sân.
Ngoài sân, phường chèo đương diễn ban ngày. Rạp chèo dựng ở cuối sân, cạnh góc đa. Bốn chiếc cọc tre cao, đóng bốn góc như cái chuồng lợn. Bên trên, che ba lá cót. Ở tầng giữa, gióng tre, gióng gỗ bắc khít nhau, kê thành một tấm ván rộng, dưới gầm, trẻ con như chuột chui qua dễ dàng. Sân khấu cũng chia làm đôi có một sợi thừng căng ngang. Trên thừng, vắt một mớ quần áo xanh đỏ lấm láp đã cũ của phường.
Dưới kia, đông ghế người lên. Trẻ con thì không thể len chân. Người lớn đứng ngẩng mặt. Nhiều anh tinh quái, leo lên cây nhãn, ngồi chòm chõm trên hai bên cột trụ và bức tường hoa. Tiếng ồn ào la hét, tiếng chửi bới và trẻ con khóc át cả tiếng hát trên rạp. Tuy vậy, người ta vẫn mê mải. Hàng năm mới được ngày thong thả, lại có chèo hát, tội gì mà chẳng ra xem.
Trên sân khấu, cũng lố nhố những người. Ở bốn bên, mỗi cột có một thằng oắt con, ngồi chầu hẫu. Chúng đã leo lên đấy để xem cho được thực gần. Và mé bên tay trái một dàn đàn sáo trống con, trống cơm, đàn, nhị...
Tuy là cả phường, mỗi người mỗi việc, nhưng những anh đánh trống, kéo nhị cũng hát theo với các người ra vai.
Những anh đánh trống, kéo nhị cũng hát ồn ả hát láy lại nửa câu. Sân khấu hẹp chỉ bằng chiếc chiếu. Đào kép trong buồng trò ra, chui qua mấy tấm áo xanh đỏ chăng trên chiếc thừng, đứng nhấp nhổm.
Bấy giờ đương diễn trò Kiều. Cảnh này là cảnh cô Kiều nằm mơ thấy nàng Đạm Tiên hiện lên cùng đi thanh minh tảo mộ với chị em Kiều ban ngày. Hiện đương là ban ngày, nhưng người ta giả cách là đương đêm. Cô Kiều mặc áo the ngồi trên cái hòm gỗ, một tay cầm quạt che mặt. Cô đương ngủ. Chợt từ trong buồng trò, một người trùm cái áo lụa điều lên đầu, ra chạy quanh một vòng rồi lại chệnh choạng chạy vào. Đấy là hồn ả Đạm Tiên. Trong khi, mấy người ban âm nhạc đàn sáo lại khua trống ầm ĩ. Cô Kiều buông quạt, ngơ ngác. Ra lối vừa tỉnh dậy, cô Kiều đứng lên. Cô xòe quạt. Cô rún chân bên phải, mắt liếc bên phải. Cô rún chân bên trái, quạt cũng nghiêng bên trái và đôi mắt cũng liếc sang bên trái. Cái quạt uốn éo, đảo một vòng, cô Kiều hát:
- Ới thương ơi! Ới hỡi thương ơi!...
Những người ngồi xung quanh cả những người đằng sau rạp cũng rầm rĩ hát vỡ nước theo và kéo nhị một câu ấy ới thương ơi!... Bung bung bập bùng... cò cư... cò cư... Vui quá.
Nhà giáo Câu và nhà giáo Răng cũng đứng trên thềm đình, xem chèo. Đứng lâu đã mỏi chân, hai người rủ nhau đi loanh quanh. Dưới cửa đình, có mấy quán bán nước. Con trai con gái các làng kéo đến xem hội, đi từng đám, từng bọn.
Ban ngày, hát chèo không vui bằng tối, chỉ được cái đông.
Hai nhà giáo vừa đi vừa tán chuyện về đám chèo. Nghe đằng bờ ao làng, nhiều tiếng người reo à à.
- Chơi bắt vịt chăng?
- Có nhẽ đấy.
Họ rảo bước lại. Cuộc vui đương ồn ào. Nhưng không phải đuổi vịt. Mà là trò bịt mắt bắt vịt bày ra từ sáng sớm ngoài ao làng. Có bốn con vịt, các tay lặn nhanh đã lùa bắt được cả. Chỗ này là trò chơi cột mỡ, đông người xem chẳng kém đám chèo trên sàn đình. Vòng trong vòng ngoài, nghìn nghịt bên bờ ao. Ở giữa chôn một cái cột xoan đã bóc vỏ nhẵn thín. Người ta đã bôi vào nhiều mỡ và nước xà phòng nhờn. Trên đầu cột, treo lủng lắng các thứ giải thưởng. Hai chiếc quạt Tàu, bên cạnh hai lọ nước hoa, hai gói giấy đỏ, trong đựng ba hào bạc. Năm sáu người leo, phần nhiều là những trai làng nghịch ngợm. Có những người làng khác thấy ngứa mắt, cũng cởi phăng áo, hăm hở nhảy ra. Nhưng chỉ được mấy cái tuổi, lại trôi tuột xuống. Trơn quá. Mỗi lần có người bị ngả ngữa ra bãi xung quanh lại reo hò loạn xạ. Trẻ con thích quá, vỗ tay, nhảy cẫng lên. Người ta càng cố leo. Nhưng vẫn không ăn thua. Cuộc vui kéo dài...
Hai nhà giáo lên cửa đình vào xem tế. Vừa đi qua quãng tường đầu đình, gặp một toán cô gái. Có một cô tân thời đi cùng với đám cô Lụa, cô Khuyên. Câu choáng người. Đó là cô Miến. Chao ôi! Cô Miến ăn mặc quần áo tân thời kiểu người Kẻ Chợ.
Cô ở trong đình đi ra. Hai tay cô bưng cái tráp sơn đỏ, sơn then - tráp đựng vàng hương, đem ra đình lễ. Đầu cô chít khăn nhung, vấn lẳn vành dây kiểu phường phố. Một bên mái tóc, gài một chùm hoa mộc trắng ngà. Tấm ảo satanh đen nhuyễn, óng ánh. Ở mỗi bước đi, cái quần lĩnh Sà-goòng bóng loáng ăn với áo satanh trơn, óng ánh xao động nhịp nhàng. Chân cô đi đôi dép Nhật Bản, cũng sơn đen bóng, đế thì bằng kếp trắng như lụa. Chưa bao giờ Miến tân thời thế này cho nên trông Miến khác hẳn.
Mà sao trông Miến cao cao quá, trắng quá. Cơm gạo và nước máy Kẻ Chợ có khác. Cô bước đi lả lướt, rõ ra lối đi của các tiểu thư óng ả ăn trắng mặc trơn.
Gặp Câu, Miến thoáng nhìn qua rồi, đi tự nhiên, như không biết nhau bao giờ. Giữa lúc ấy, một bà lão bước đến. Miến chào bà lão. Bà lão kêu lên:
- Úi chao ôi! Tưởng ai, hóa ra cái Miến. Cô tân thời làng ta, năm nay cho bà ăn cỗ đấy chứ?
Miến cười. Nhưng Câu đã thoáng nghe được mấy tiếng chào hỏi người làng của Miến. Cái giọng Miến sửa, Hà Nội đặc.
Giáo Răng hỏi giáo Câu:
- Con nào thế?
- Cô Miến.
- Con nhà xừ khán Tịnh phỏng?
- Ừ. Sao anh biết?
- Tớ là thổ công mấy làng này sao lại không biết. Con bé trông khấu quá. Ở đây lâu thế mà toa không tán được nó. Đằng ấy rõ quých quá. Không nói phét, chẳng phải tay moa...
Câu đờ đẫn cả người. Mắt anh hoa hoa. Đầu anh bỗng váng vắt.
Răng nhìn Câu, hỏi:
- Toa làm sao thế?
- Không. Có sao đâu.
- Mặt tái đi đấy.
- Tôi hơi nhức đầu.
Về đến nhà, Câu nằm thẳng cẳng như người chết rồi. Nhưng óc Câu cũng vẫn nghe bà Thiêm nói chuyện. Bà Thiêm vừa đi ăn cỗ đằng nhà ông khán Tịnh về. Cũng như mọi nhà, làng có đám thì nhà ai cũng thắp hương làm cỗ. Cái tính bà Thiêm chẳng để bụng được việc gì, câu gì có thế nào cũng khoe ngay, không sót một chuyện.
- Cái Miến nó làm thức ăn Kẻ Chợ ngon thần tình, cậu giáo ạ. Nó học lối cao lâu của khách người ta xào nấu. Con bé năm nay trông cao quá. Lại ăn mặc tân thời, người càng vổng lên. Cái Miến sắp lấy chồng đấy cậu giáo ạ.
Câu nhỏm dậy:
- Lấy ai thế, hả bà?
- À lại cái món họ hàng nhà mấy chú khách ấy. Lấy em chú Sủi. Cho ăn hỏi rồi lại cho cưới ngay. Số con bé mà sướng. Chị lấy anh. Bây giờ em lại lấy em. Con chị dắt con em đi. Thế cũng phải. Đời bây giờ cứ no cơm ấm cật là được, phải không cậu giáo?
Miến lấy em chú Sùi, Câu nhớ lại cái buổi tối, khe cửa mở hé. Cái chú khách cởi trần đầu trọc, béo đến có mấp ở gáy. Chú khách thò đầu, bàn tay hộ pháp mở cửa cho Miến. Đấy là chú Sủi hay đấy là em chú Sủi, Câu nào biết là ai. Câu chỉ biết Câu địch sao lại anh em nhà chú Sủi. Câu địch làm sao, Câu như con kiến, Câu thấy ruột đau quặn. Bà Thiêm vẫn kể chuyện đều đều:
- Này, cậu giáo. Khách người ta cưới xin hay đáo để. Dẫn lễ thì đem đến mấy bồ bánh bích quy, cậu giáo ạ. Cậu giáo ngủ đấy hả?
Câu không trả lời. Bà lão tưởng Câu ngủ. Nhưng, Câu nằm quay mặt vào vách, hai mắt Câu vẫn mở ráo trong.
Mấy hôm sau, đương buổi Câu dạy học. Miến đi qua ngoài kia, Miến về Kẻ Chợ. Vẫn bộ cánh là lượt hôm làng có hội. Chỉ khác hôm nay Miến vấn tóc trần, để đầu ngôi rẽ lệch. Nàng bước lên cầu Phượng. Bóng nàng khuất sang mé thành cầu. Rồi lấp sau mấy bụi dứa dại, lá mọc từng đám, gai dứa nhọn khía lủa tủa.
Nàng không đội nón, nàng không nghiêng nón nhìn nhìn vào trường. Làm như chẳng bao giờ người ta biết ở mé đường bên kia, ngay đầu cầu Phượng, có trường học làng Nha, có thầy giáo Câu hôm nào cũng ý tứ đứng nhìn hóng ra. Đàn bà nhẹ dạ dễ nhớ, dễ quên. Thôi, lần này thì quên hẳn rồi. Mảnh tình suông tan với tiếng gió vườn tre, với nước chảy đầu cầu.
Chương XV
Một buổi chiều tan học, tiếng trống tong tong nổi lên, rồi xung quanh lại im ắng.
Rấp cái phên cửa rồi giáo Câu, tay cắp mấy quyển vở tay xách cái đồng hồ vuông, lừ đừ đi về. Tiếng guốc lê rã rời trên con đường gạch lủng củng. Nắng xiên khoai vàng héo. Nắng này vào những buổi chiều tháng Ba, ông già bà cả hay sinh ra nhức đầu, đau lưng. Không trở trời theo nắng quái, nhưng nhà giáo cũng khó chịu vì nắng táp vào một bên mặt. Mấy quyển vở được giơ lên che. Mặt nhà giáo xịu xuống, chảy thưỡi ra, nhãn nhó. Có vẻ ốm, có vẻ buồn, cơn buồn ám ảnh từ lâu. Chiều nay, đầu nặng trịch, về nhà, anh cới áo dài, nằm xuống giường. Anh ngỡ mình mỏi quá, sắp chết mắt.
Bà Thiêm ở ngoài ao vào, nói: "Cậu giáo chưa ra xơi cơm à? Cậu giáo ra xơi cơm". Câu lừ khừ ngồi dậy, đi ra. Mâm cơm để ngoài hiên, dưới giàn mướp hương. Cái lồng bàn mở hé, mấy con nhặng xanh vo ve bay tọt ra. Trên chiếc mâm gỗ mộc, lỏng chỏng bát nước rau to nhất. Thứ đến bát chiết yêu rau muống, một đĩa cà pháo đầu mùa, trắng nhợt. Cái bát đàn đựng tương lổn nhổn những hạt đậu còn nguyên một nửa.
Câu xúc cơm chan nước rau luộc, lùa vội mấy miếng. Anh cố ăn, như ăn lấy lệ. Tuy chỉ và qua loa, ra vẻ chán cơm, nhưng anh cũng hết được ba vực bát. Dọn mâm cho cậu giáo, bà Thiêm nói: "Mấy bữa rày cậu ăn kém thế?". Rồi bà lại nghĩ và trả lời lấy: "Tháng Ba nắng mới, ai cũng dửng dưng cơm nước cậu giáo ạ".
Bây giờ thì nhà giáo đã đương dạo bước một ngoài đồng làng. Cơm xong, mở đến tập vở học trò, định mở ra chắm, ngần ngừ lại thôi. Anh thấy háo đi tản bộ như mọi khi. Vào buổi chiều đi lơ mơ ngoài cánh đồng cũng là một thói quen. Tự dưng nhà giáo trở lại cái hứng nhàn hạ, đi gật gù, hai tay chắp sau lưng, nghĩ ngợi vẩn vơ.
Con đường oằn oại truồi ngang cánh đồng. Trước mắt, làng Phú Gia đằng kia mờ trong sương. Bát ngát khắp nơi, bóng tối dịu dàng. Bất chợt, một ngôi sao lên lấp láy. Câu cúi đầu, thong thả đi như đếm bước.
Khi trời tối, Câu uể oải từ từ quay về.
Tưởng như chiêm bao thấy bóng người. Hôm nay mười rằm. Bỗng Câu đứng lại, ngước nhìn. Một vầng trăng lên sừng sững trên đầu khoanh tre, mặt trăng tròn xoe. Bấy giờ còn sớm, trăng chỉ có hình mà chưa có ánh. Những cành tre non, gió đu đưa, quét đi quét lại qua mặt ông trăng nhợt nhạt như mặt người ốm ngã nước. Mà ông trăng lại lửng lơ như cái diều tròn bằng giấy bản của trẻ con thả chơi, những buổi chiều có gió dưới.
Trông trăng, Câu chắng tưởng tượng xa gần gì nhưng ít lâu nay, hễ nhìn trăng anh lại buồn. Anh nhớ như mỗi lần thò tay vào túi, thấy cái mùi-xoa và lọ nước hoa chưa bao giờ mở nút thì anh ngậm ngùi. Những thứ của Miến. Anh nhớ hôm nào... Anh nhớ buổi chiều hôm nào... Ở bên gò cỏ ấu cao đằng kia. Hai người cầm tay nhau. Cuối cánh đồng, ông trăng tròn nhô lên và cười. Miến đã nói với anh những câu gì gắn bó lắm. Miến lại khóc. Những giọt nước mắt đầm đìa xuống má. Bây giờ, đổi khác, cái gì cũng đổi khác từ ngày ra Kẻ Chợ. Vậy mà sao còn có cái ông trăng này. Ông trăng đến mười rằm lại tròn như bát nước đầy. Thôi, Miến cũng đã bảo ông trăng ở ngoài ấy cũng chẳng sáng bằng đèn điện.
- Ừ, giá người ta còn ở lại đây, cũng khó lòng mà mình đã lấy nổi người ta. Ông trăng chẳng sáng bằng đèn điện, mình nghèo quá. Mình đã chẳng lo cho ai sung sướng được thì mặc ai. Mà sao mình lại chịu chết ở đây mai? Ngày trước có khi ta đã định đi bay nhảy làm ăn ở Sà-goòng kia mà.
Nhớ đến có lần xưa kia định đi Sà-goòng, Câu thấy lòng nao nao. Rồi lại tơ tưởng nhớ. Nhớ xa, nhớ gần. Những ngày anh em sum họp rồi sau tan tác. Câu nhìn lên trăng, anh lấy làm lạ, sao mình lại dễ ứa nước mắt vậy. Cơ chừng anh tủi thân với ông trăng.
Mấy quyển vở đã chấm xong. Tối nay, lười lĩnh, nhà giáo cầm bút, cứ gạt bừa bãi. Rồi hoa bút lên, nét mực đỏ ngoặc ra những con số điểm đỏ hoe. Song rồi giáo Câu gấp từng vở, để xuống mặt giường. Anh lấy ra một tờ giấy trắng. Chấm mấy lần mực, bần thần nhìn ngọn đèn hoa kỳ có những con muỗi cỏ bay lăng xăng vòng quanh.
Đến lúc bóng trăng đã lọt qua giàn mướp hương, cơ chừng vào nửa đêm, anh viết xong được một lá thư.
Hạ Nha le...
Bác Kền ơi!
Tôi nhận được lá thư của bác từ hôm đầu tháng. Mấy lần đã toan trả lời, nhưng vì công việc không lúc nào nhàn. Hôm nay mới có thì giờ, cầm bút viết mấy hàng này.
Từ ngày anh đi, làng xóm vẫn không có gì thay đổi. Bên anh, anh đi, giáo Răng đến, thì lại có vẻ tấp nập. Răng vừa dạy học, lại vừa dạy võ mấy nhà.
Răng mới lấy cô Tố, con nhà chánh Đặng, anh chẳng lạ gì. Câu chuyện rắc rối, giá anh còn ở đây, tất lại làm được mấy bài thơ hay. Còn bên Hoạnh, làng bỏ trường hoang cho cỏ mọc chắc không mở trường nữa rồi.
Tôi hỏi thăm về đường kinh tế quẫn bách nheo nhóc, vợ chồng Hoạnh lại cãi nhau, đánh nhau luôn.
Từ ngày anh đi, về phần tôi, cũng chẳng khác khi anh ở đây. Nhờ trời, anh ra ngoài ấy, làm ăn được ung dung như thế, thực là may mắn lắm. Chứ như tôi ở đất này, chẳng nói thì anh cũng đã biết mà nói thì chỉ thêm buồn khổ mà thôi. Đồng tiền phân bạc chẳng là bao, mà vào miệng cũng chẳng đủ. Khi anh em ta cùng nhau ly biệt mỗi người một ngả, một mình tôi ở lại, buồn quá. Giáo Răng thì không hợp tính. Chẳng sao còn như thuở xưa anh em ta. Ngày lại ngày, tối về một mình đối ngọn đèn xanh. Huống chi tôi lại có chuyện tâm sự đau đớn khôn xiết tả, để khi gặp anh, xin hầu chuyện anh nghe.
Bởi vậy, tôi muốn có một điều nhờ anh rằng anh xem ở ngoải Uông có công việc gì, sức tôi có thể làm, kham khổ cũng không sao, anh xin cho tôi rồi anh đánh giấy ngay cho tôi biết. Tôi không muốn ở đây một ngày nào nữa. Mong anh nghĩ tình bạn cũ mà để tâm giúp tôi, ơn ấy thực to tày bể.
Chúc anh mạnh khỏe, khang an.
Câu
Câu đọc đi đọc lại ba bốn lượt bức thư. Anh xé một tờ giấy gấp làm chiếc phong bì. Vừa làm, nhà giáo vừa nghĩ đến cái kết quả tốt đẹp của bức thư. Năm bữa nửa tháng, có thư đáp "tôi đã tìm được việc cho anh rồi". Ấy thế là Câu bỏ đất này, đi ngay.
Đi. Tưởng tượng khiến Câu nhìn ra công việc đương thu xếp.
Của cải nhà giáo có những gì. Thực là một nhà giáo khổ. To nhất có cái hòm gỗ mộc. Ở trong có vài cái quần áo, nhà giáo không bao giờ phải dùng tới khóa.
- Có một cái đồng hồ trẩm cầm đánh đàn. Một đàn gà, ba mái, một trống, mấy con gà con. Bán ngần ấy thứ có thể cũng được trên mười đồng bạc. Với tám đồng bạc đã để dành được vị chi ngót nghét hai chục. Đi tàu bè từ đây ra Uông Bí, chắc là cũng ung dung chán.
Bây giờ thì nhà giáo Câu tưởng tượng sang đến cái đoạn vui. Ấy là, vài năm sau khi nhà giáo đã nghiễm nhiên thành một tay thư ký sở mỏ ngoài Uông chẳng hạn. Một ngày kia, được nghỉ Tết, nhà giáo về Hạ Nha chơi. Thôi thì oách hết chỗ nói. Một bộ tây tuýt-xo mỡ gà thực chiến. Chân dận đôi giày dôn màu da cam có cổ. Cổ tay đeo đồng hồ. Đầu để trần chải lật, trơn mượt. Anh ung dung dắt cái xe đạp vào làng Nha, đến chơi nhà bà Thiêm. Gót giầy nện cá sắt, lách cách giòn tan. Chà chà, ông giáo Câu bây giờ bảnh quá, bảnh quá.
Nghe có người nói chuyện lại như thế, cô Miến ấp vạt áo lên mặt, ứa nước mắt.
Câu him mắt, tưởng tượng nữa.
Nhưng đến đấy thì không nghĩ thêm được điều gì khác hơn. Chấm hết dòng vẩn vơ, anh mỉm cười với cái hoa đèn đỏ thẫm. Ngoài kia, trăng đã xế. Chiếc phong bì vuông cũng vừa gấp xong.
Dầu Tiếng - Bến Ray - tháng Chạp 1942 
Tô Hoài
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  “Mắt trong” và hành trình Nghĩ, Tìm, Lặng Bùi Việt Phương là tác giả sinh ra ở miền núi nhưng phần lớn thời gian công tác và làm việc ở ...