Thứ Ba, 4 tháng 1, 2022

Khách nợ 1

Khách nợ 1

... Sừng sững một tòa ngôn ngữ chân chất, tinh diệu…

(Thay lời giới thiệu)

Trong tập tùy bút Thăm thẳm bóng người của Đỗ Chu, Nguyễn Tuân, Tô Hoài được tác giả giới thiệu bằng cảm hứng và lời văn trác tuyệt. Trong thăm thẳm bóng người có bóng ta. Có thăm thẳm bóng Nguyễn Tuân trong những kiệt tác ông để lại cho đời. Tô Hoài còn đấy, “đứng chống đòn gánh, dưới chân là hai quang sách nặng”, bóng của hàng triệu độc giả hòa vào bóng Tô Hoài trong những tác phẩm bất hủ của ông. Trước “cốt kiêu” và uy bút lực của hai ông, Đỗ Chu - lần đầu tiên tôi thấy - ... đứng khép nép.

Tôi đã có lần khép nép trước một tác phẩm của Tô Hoài, đó là Chuyện đầm sen Đền Đồng Cổ in trong tập truyện ngắn này. Sau Giăng thề, đây là kiệt tác thứ hai của Tô Hoài. ( Dế mèn phiêu lưu ký đương nhiên là một tác phẩm bất hủ, nhưng ý tôi nên xếp sang một chiếu khác). Trong Chuyện đầm sen Đền Đồng Cổ, hơi thở hùng tráng của lịch sử vừa kín đáo, vừa mãnh liệt chạm vào tình cảm sâu lắng nhất của bất kỳ độc giả người Việt nào. Ta gặp lại đam mê của Tô Hoài quan sát những lễ tục dân gian và sự am hiểu tinh tường những tập quán ngành nghề, sinh hoạt mà tác giả miêu tả.

Cảnh đám rước kiệu “bà” quay tròn:

“ Kiệu bát cống quay tròn, bây giờ mới thật như chiếc hoa giữa đám hội, vừa bay vừa cong cánh nở. Lòng hân hoan mong đợi của cả ngàn người xem hội cứ thế bồng bột mãi lên. Hai mươi bốn trai kiệu, nghe tiếng trống khẩu, một lượt quỳ như hai mươi bốn thớt voi rồi từ từ bò qua gò, vai kiệu vẫn phẳng lừ như tường đứng. ” (tr. 146)

Mùa vụ cây dó (làm bột giấy):

“ Cạn kỳ dó chính tuyết, vừa cuối thu. Lần sang vụ dó Một Chạp đến tháng Giêng là “đầu giao”. Một Chạp hay “đầu giao”, áo dó mới lột, quệt sương hay mưa đều ố nước, mất công phơi nhiều nắng mới bó được. Nhưng vừa xong cái vất vả rừng này lại phải lặn lội sang rừng khác, đã vào vụ dó chiêm. Dó chiêm tiếp dó đuôi tháng, quanh lại vừa trở lại chính tuyết. ” (tr. 163)

Đúng là Tô Hoài. Chỉ có thể là Tô Hoài.

Nhưng cái mà tôi kính nể là đọc tác phẩm này tôi như đứng trước sừng sững một tòa ngôn ngữ chân chất và tinh diệu. “Trong ngọc” nhất trong tòa ngôn ngữ này là những câu văn thuộc loại “văn xuôi thơ” sáng giá của văn chương Việt Nam hiện đại. Đây là những câu văn tả tình cảnh một người con gái ngồi trên thuyền ngược sông đi lấy chồng giầu mạn ngược:

“Những lời hò vui mà thảm thiết:

Ra khoang… em bước… qua cầu…

Bến vui em đến…

Trên mui bỗng lóng lánh một trời sao. Con thuyền đêm nao cũng đi qua một trời sao ấy. Dù cho con người có cạn nước mắt rồi cũng muốn hy vọng, như người chèo thuyền mong đến bến…

Một đêm, Hạ ra khoang sau. Hạ ngồi một lúc thật lâu. Bốn bề lặng ngắt. Những ngôi sao long lanh nhỏ lã chã những giọt nước mắt xuống thế gian…” (tr. 162)

Một lần Hội nghị nhà văn trẻ, nghe giới thiệu nhà văn Tô Hoài lên phát biểu ý kiến, cả hội trường im phăng phắc. Trái với sự chờ đợi của mọi người, nhà văn lão thành lên diễn đàn chỉ để nói với các nhà văn trẻ một câu: “… chừng nào chưa phân biệt được “mồm” và “miệng” thì đừng có cầm bút… ”. Tôi thiết nghĩ các bạn trẻ háo hức viết văn nên tìm đọc Chuyện đầm sen Đền Đồng Cổ , đọc xong mà nhận ra được vốn ngôn từ của mình sao mà nó nghèo nàn, thảm hại, xô bồ đến thế thì dù có tiến hay thoái cũng là một sự thức nhận hết sức có ích.

Thăm thẳm bóng người trong tập truyện ngắn này:

Bóng cô Cúc, “một sinh viên người Huế đẹp tuyệt trần” được nhà văn Tô Hoài trao cho bản thảo cuốn tiểu thuyết Đêm mưa “ một chiều đông rét mướt” năm 1946 và tòa nhà lưu niệm “tiêu điều, ảm đạm” của bà Điềm (cô Cúc năm xưa, nay đã trở thành nhà điêu khắc nổi tiếng Điềm Phùng Thị),... “trong những tủ kính trang nhã, phủ bụi mấy bức khắc tự họa của nhà điêu khắc”. (Hồi ký Tiểu thuyết đêm mưa)

Một người đàn bà “cả đời chỉ đi bói chèo ước mong tái hợp” vì chồng đi “đất đỏ Sài Goòng” mãi không trở về. ( Cô đào Thương)

Bà Tứ dở điên dở dại lúc hấp hối phải gặp được người tình năm xưa mới yên tâm nhắm mắt. ( Tình buồn)

Có một loạt truyện giúp độc giả hình dung được đầy đủ hơn trí tưởng tượng kỳ thú và hóm hỉnh của tác giả Dế mèn phiêu lưu ký : Đôi ri đá, Con gà trống ri, Truyện gã chuột bạch, Một cuộc bể dâu, Mụ ngan…

Trong những truyện về các dân tộc miền núi mà tiêu biểu là truyện Vợ chồng A Phủ, còn gì giản dị và sâu sắc hơn tinh thần cứu đất cứu mường nảy sinh trong tâm khảm và gắn với cuộc đời của các nhân vật.

“ …Nhấn nhớ lại cả cái đời thảm của mẹ và của mình. Nhấn muốn khóc.

Giữa khi ấy thì tiếng chim kỳ lanh lảnh như tiếng kèn giục phường săn. Nhấn không khóc được. Nhưng từ đấy, trong đời chiến đấu của người bộ đội, mỗi khi nghe trên cánh rừng, đầu rừng nào có tiếng chim kỳ kêu, Nhấn tưởng hồn mẹ và hồn em đi đâu cũng đuổi theo Nhấn .” ( Cứu đất cứu mường)

Tập Chuyện để quên có những truyện rất “quý”, làm sống lại không khí hồ hởi hồn nhiên của những năm đầu kháng chiến, những đoàn dân công, bộ đội, cán bộ đi công tác…

Truyện - ký Khiêng máy là một tác phẩm xuất sắc. Tiêu biểu là cảnh đám công nhân nhà in báo “ Cứu quốc Việt Bắc” khiêng máy nghỉ lại ở lán.

“…Cứ tối đến, các lán sàn trên, sàn dưới, hai tầng ghép lại bằng ống vầu tươi, người nằm người ngồi ngổn ngang. Một ngày cật lực khiêng máy, vác giấy, tải gạo, tải muối… Tưởng như mỗi khi ngả lưng xuống thì thiếp đi đến chết. Tiếng moóc-chi-ê ình oàng vào sương đêm, không biết từ phía nào. Nhưng chẳng ai có thể chợp mắt. Từ chập tối đến khuya, người nằm cứ rào rào kháo đủ các thứ chuyện. Chẳng chuyện nào vào chuyện nào, nhưng thú vị, hả hê. Họ đố nhau ăn uống cái gì ngon nhất, rồi lấy quần áo ra đổi chác. Quanh quẩn chỉ vài cái cứ đổi đi đổi lại lẫn lộn, như bọn đánh bạc. Lúc thì ồn ào như đương chè chén ở hiệu cao lâu. Lúc thì tranh nhau giá cả, bớt xén như ở nhà cầm đồ Vạn Bảo. Lúc lại bắt chước vợ chồng ỏn ẻn, nũng nịu. Rồi hát tuồng, gẩy đàn mồm, mãi khuya mới ngớt “cuộc vui”...” (Khiêng máy)

Có những truyện nói về cuộc sống cơ cực của người dân trong vùng bị chiếm đóng.

“Hờn khoác thừng kéo cày vào người, lúc đổi vai, lúc thắt ngang bụng. Cái cánh tay cụt giơ lên, cóng rét, bị nếp thừng kéo thít xuống. Có hôm chỗ đau lại bật máu ra, chảy thấm xuống tận nách áo. Nhưng Hờn vẫn cắn răng, lội. Hờn chỉ còn sức dựa vào cái thừng, lạch đi. Trên cánh đồng này biết bao nhiêu người bì bõm cầy bừa, cấy hái quanh năm như thế, cho đến lúc phía tỉnh gầm gừ tiếng xe, trời tảng sáng, các đồn bốt dọc đường sắp xua nhà phạt và lính tráng vác gậy đi dò mìn, thì những người làm đồng kiệt sức mới lục đục về làng.” (Người mất trí)

Trong một thời gian khá dài (hơn bốn năm), tôi tham gia làm đề tài nghiên cứu khoa học do anh Tô Hoài chủ trì. Thời gian đầu, một tháng họp một lần. Công việc tiến triển hơi chậm, anh Tô Hoài quyết định một tuần họp một lần. Tôi nghĩ bụng đến tuần thứ ba không biết còn chuyện gì để mà bàn, có khi phải hai, ba chầu bia mới hết buổi. Nhưng không phải như vậy. Tô Hoài là một kho chuyện vô tận, có khi một nghìn lẻ một buổi họp vẫn chưa hết chuyện, không riêng gì chuyện văn hóa, văn nghệ, hình như chuyện gì anh cũng biết, chuyện nào anh cũng nhớ vài ba chi tiết đặc sắc, rất quan trọng. Không riêng gì những thời kỳ gần đây, mà những chuyện thời Tự lực văn đoàn và Thơ mới, thời Đề cương văn hóa và Văn hóa cứu quốc, những năm đầu kháng chiến... anh Tô Hoài vẫn nhớ và nhớ tường tận. Những chuyện anh hồi tưởng và kể lại bao giờ cũng hấp dẫn. Anh rất quan tâm đến sự chính xác: tên người, địa danh, niên đại, những sự kiện lịch sử và những chi tiết của đời sống thực tại. Tô Hoài hay nhận xét về những chỗ sai, không chính xác trong các bài báo, bài văn và công trình nghiên cứu anh đọc nhưng tôi chưa thấy ai nêu những điều không chính xác trong những trang viết của anh. Duy có một lần Nguyễn Nguyên, một ký giả lão thành ở Sài Goòng nói với tôi: “Trong bút ký, hồi ký của Tô Hoài có những chi tiết thần tình, phải là một người sành ăn thì miếng thịt chó ngon mới gọi là “đặm và phải chăng cái miếng thịt”. Chỉ tiếc là trong một bài viết về “xóc đĩa” đăng trên Kiến thức ngày nay hồi năm trước có những chi tiết sai, tôi có cảm tưởng là Tô Hoài chưa từng bước chân vào sòng xóc đĩa.”

Nghe anh Tô Hoài hồi ức về “những năm tháng, con người và cuộc đời”, tôi hình dung một lịch sử văn hóa, văn nghệ khác, không giống như những điều được trình bày trong những bộ sử đã công bố, nó phong phú hơn, sống động hơn, chứa chất kịch tính, xem ra thảm hơn, mà cũng lớn lao hơn. Cuối cùng thì tôi thông, họp tuần một lần không phải là nhiều vì đề tài nghiên cứu của chúng tôi có liên quan mật thiết đến lịch sử văn hóa. Những chuyện anh Tô Hoài hồi tưởng và kể lại thiên về giải ảo hơn là ảo hóa những người thật, việc thật. Cách nhìn giải ảo thường là một nhân tố tiến bộ trong văn hóa, nhất là khi người giải ảo có ý thức đặt sự thật cao hơn những ước lệ và cấm kỵ. Tô Hoài quá hiểu lịch sử và lịch sử xem ra cũng nể ngòi bút hồi ký của ông. Tô Hoài không chỉ là một nhà tiểu thuyết phong tục có hạng, tác giả Cát bụi chân ai còn là một tác gia hồi ký bậc thày, vả chăng những truyện hay của Tô Hoài thường là mang tính chất hồi ký: Giăng thề (1943), Mười năm (1957 ), Tự truyện (1978), Ba người khác ... Anh Tô Hoài không thích nói chuyện sách vở nhưng khi nói chuyện đụng đến những công trình nghiên cứu thì thấy anh có đọc và đọc khá nhiều. Tôi vẫn cho rằng khổ công đọc sách là một biểu hiện đáng tin cậy của sự khiêm tốn, có thể giả vờ khiêm tốn trong ứng xử nhưng đọc sách thì không giả vờ được. Trong một chuyến thày trò trường viết văn Nguyễn Du hành hương về Tiên Điền, Nghi Xuân thăm quê hương đại thi hào có nhà văn Tô Hoài, chủ tịch đầu tiên và cuối cùng Hội đồng giáo dục Trường Nguyễn Du cùng đi. Trong buổi lễ viếng mộ, mọi người nín lặng khi nhà văn Tô Hoài bước ra đứng trước mộ. Ông thắp nhang, rưới rượu lên mồ rồi ông rót rượu vào cái chén ông cầm trên tay và uống cạn chén rượu trước mộ Nguyễn Du và trước mặt mọi người. Tôi nghe tiếng mấy sinh viên viết văn thì thào: “Tô Hoài tranh thủ uống rượu”, “Tô Hoài cũng ngang đấy chứ”... Tôi nghĩ đến hai câu thơ chữ Hán trong bài thơ Đối tửu của Nguyễn Du:

Sinh tiền bất tận tam bôi tửu

Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi.

Diễn nghĩa:

Lúc sống không uống cạn hồ rượu

Chết rồi ai rưới ruợu trên mồ cho?

Làm đề tài nghiên cứu khoa học, về bất kỳ vấn đề nào anh Tô Hoài cũng có chủ kiến riêng. Về vấn đề tranh luận: làm thơ bằng ý hay bằng chữ ? Ý kiến của Tô Hoài: làm thơ bằng chữ nhưng vấn đề là người làm thơ sống những chữ của mình như thế nào? Tôi thấy nói như vậy cũng là rõ và đủ. Đề tài của chúng tôi được phân thành nhiều vấn đề. Giải quyết mỗi vấn đề, trong nhóm đề tài (có Ngọc Trai, Vương Trí Nhàn và tôi) mỗi người viết bài, sau đó anh Tô Hoài tổng kết. Tôi nghiệm thấy trong bài tổng kết, anh Tô Hoài hầu như chỉ trình bày những chủ kiến riêng của anh. Mặt khác, anh Tô Hoài không bao giờ có ý định đưa ra những ý kiến hướng dẫn, dù là dưới hình thức góp ý, gợi ý nhẹ nhàng. Riêng tôi thấy cách làm việc như vậy hết sức dễ chịu. Có một buổi sinh hoạt nhóm tôi trình bày những ý kiến của tôi về văn hóa làng. Sang buổi sau anh Tô Hoài đưa tôi cuốn sách của Nguyễn Hồng Phong về Công xã nông thôn và hỏi: “Hiến đã đọc cuốn này chưa?”. Quả nhiên tôi chưa đọc cuốn này và đây là một tài liệu quý đối với đề tài của tôi, không có nó nội dung bài viết của tôi sẽ kém phần “chắc thiệt” nhiều. Trên đời có một loại ân nhân rất đáng quý nhưng lại ít được chú ý, đó là những người biết ta đương cần đọc cuốn sách gì và đưa cho ta một cách hồn nhiên đúng cuốn sách ấy. Trong các bạn đồng nghiệp ở trong nước, loại ân nhân này rất hiếm. Trong những bạn đồng nghiệp Pháp, Mỹ và Việt kiều dễ gặp hơn những người sẵn sàng chia sẻ sách và tư liệu với mình. Không có những cuốn sách mà Dan Duffy, Neil Jameison, François Jullien, Nguyễn Bá Chung (Mỹ), Nguyễn Ngọc Giao (Pháp)... cho tôi, những công trình biên khảo của tôi sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Những ý kiến riêng của anh Tô Hoài đôi khi rất bất ngờ. Trong một cuộc hội thảo, có một diễn giả nói rất mạnh về sự thiếu khiêm tốn trong giới trí thức. Đây là một định kiến phổ biến và tôi cũng nghĩ như vậy. Giờ nghỉ, anh Tô Hoài nói với tôi: “Lạ thật, cứ nói đến trí thức là nhấn mạnh vào bệnh không khiêm tốn, tất cả những người trí thức tôi biết đều hết sức khiêm tốn, không khiêm tốn làm sao có trí thức được?” Tôi thấy anh Tô Hoài có lý. Thiện cảm và ác cảm ở anh Tô Hoài cũng rất riêng. Có một người bạn văn anh Tô Hoài quen đã hơn bốn chục năm nhưng chưa lần nào anh đến chơi nhà, anh giải thích: “Giả dụ hôm nay tôi mời ông ấy ăn phở, y như rằng ngày hôm sau ông ta mời bằng được trả lại ngay, những người như vậy tôi thấy rất khó giao thiệp”.

Hoàng Ngọc Hiến

Nhà nghèo

Họ thường cãi nhau vì những cớ rất nhỏ, không có nghĩa. Cái đó cũng đã thành một thói quen. Lúc nào ngứa miệng, muốn to tiếng là to tiếng liền. Hàng xóm bốn bên bị nghe chán cả tai, không buồn nghe nữa.

Cũng như thế. Hôm nay hai vợ chồng anh Duyện lại cãi nhau ầm lên. Đầu tiên, có gì đâu. Khốn nạn, câu chuyện rắc rối chỉ chớm như thế này:

Anh Duyện thì nằm trong nhà, ghếch hai chân lên cột, ư ử mấy câu Kiều lẩy: “ Trăm năm trong cõi người ta. Chữ tài chữ mệnh mấy là ghét nhau ”. Anh ngâm đương có hứng. Cái cột nhà rung lạch bạch với hai bàn chân. Chị Duyện ngồi đụp áo ngoài sân. Bỗng nhiên, không hiểu có việc gì, chị muốn tìm cái Gái. Trông ngoài đầu ngõ không có. Chị gọi:

- Gái ơi!

Không có tiếng đáp. Chị réo:

- Ơ ơi... Gái... Cha đẻ mẹ con chết giẫm, ngã xuống ao chuôm rồi!

Đương ngâm nga, bị có người làm rầm rĩ, hỏng mất thú, Duyện nói chõ ra:

- Làm cái gì mà nhắng lên thế! Có im đi không!

Chị không im. Chị nói thêm:

- Người ta gọi nó mà cũng cấm hả?

Chưa thôi, chị lại đay:

- Nằm chỏng lên đấy, hát với hỏng, được tích sự gì!

Cái chỗ này mới là cái tức. Ra ý mỉa mai anh không đi làm bữa nay, vô tích sự đấy. Này, trời! Thực con đàn bà kia ăn nói những điều phụ công phụ của quá đỗi. Cả năm anh đi làm quần quật. Họa có ngày người ta làm hết việc, mới được nghỉ như hôm nay. Rỗi rãi thì anh nằm nghêu ngao một tí chứ sao. Nó láo quá. Anh bèn quát:

- Tao bảo cho con què biết rằng hai cái bàn tay này mà rời việc ra độ mươi bữa thì mẹ con nhà chúng mày rã họng ra! Đừng có...

Anh cũng không biết “đừng có” thế nào nữa. Anh im. Chị Duyện đáp:

- Người ta làm lắm thì người ta ăn nhiều chứ. Đây què thì đấy cũng làm sao. Thử sờ lên gáy mà xem.

Thế là hai người chua ngoa nói cạnh nhau. Chị Duyện vốn có tật chân bên phải từ thuở lọt lòng. Đã mang tật, lại nhà nghèo, nên ba mươi tuổi chị mới lấy chồng. Mà chồng cũng chẳng ra hồn chồng. Anh Duyện nguyên là người ở đâu đến ngụ cư. Ngụ cư đi làm mướn, chứ cũng chẳng danh giá gì. Khi anh gặp chị, thì đôi bên đã là cảnh xế muộn chiều rồi, cho nên cũng dễ dãi mà lấy nhau.

Và họ sinh con đẻ cái cũng thực là dễ dãi. Hai năm một, ba năm đôi, thấm thoắt mà đã ríu rít được ba đứa. Con Gái, con bé đầu lòng. Rồi thằng Cẳng, thằng Chân. Ấy là bỏ mất hai đốt về sau, nếu không còn lít nhít nữa kia. Thêm ba miệng con ăn, cũng đã là khổ lắm. Nhiều khi hai vợ chồng cãi nhau om sòm cũng chỉ vì vấn đề mấy đứa trẻ nhãi ăn không ngồi rồi đó. Con Gái nhớn đã biết, nhiều lần cha mẹ cãi nhau, nó ngồi khóc thút thít. Thằng Cẳng thì dắt thằng Chân xúm lại xem.

Bữa nay hai vợ chồng cãi nhau, trong lúc lũ trẻ đi chơi vắng. Nhưng đến lúc cơn bão cãi nhau đương nổi hăng, chúng ở đâu lù lù dẫn nhau về. Con Gái cõng thằng Chân. Thằng bé ngất ngưởng ngủ, ngoẹo một bên đầu, rãi và nước mũi chảy lòng thòng.

Thằng Cẳng chập chững đi sau lưng chị. Nó giả cách đương làm quan. Nó cầm cái roi phết đen đét vào cánh tay chị Gái và chửi rầm rĩ. Nhưng vào đến trong sân, nghe tiếng bố mẹ nói to, Gái đứng yên mà Cẳng thì tưng hửng. Chỉ có thằng Chân vẫn ngủ khò khè. Lúc ấy, cáu quá, anh Duyện nói nặng vợ một câu.

Anh vừa nói xong, người vợ trông thấy lũ con dẫn nhau về, chị lu loa:

- Ấy đấy, chúng mày về mà nghe bố chúng mày chửi tao.

Cáu, anh Duyện văng:

- Ừ, ông chửi cha con què đấy.

Lập tức, mụ Duyện ôm mặt, khóc ti tỉ. Rồi mụ kể lể. Nhưng không phải kể lể với chồng và ba đứa con, mà kể lể nỉ non với cái bức vách trước mặt:

- Ối thiên địa giời đất ơi! Ới cha ơi! Ới mẹ ơi! Tôi ăn ở với người ta chẳng gì cũng năm bảy mặt con, con sống có con chết có, mà nỡ nào người ta réo ông cha tôi lên. Cái thân tôi cực nhục trăm đường. Tôi buộc bụng nuôi con... hu... hu...

- Mày đẻ lắm thì mày nuôi nhiều...

- Ối ông cả bà nhớn ơi!... A, bấy lâu tôi nằm với... chó đấy a...

Anh Duyện đùng đùng chạy ra:

- Chó này!

Nhưng anh chưa thụi, vợ anh đã ngã lăn kềnh, tay chân múa đành đạch, rền rĩ:

- Đánh chết tôi đi! Cứ đánh chết tôi đi!

Hai đứa con thấy bố làm dữ, sợ quá ôm díu lấy nhau, khóc inh ỏi. Nằm trên vai chị, bị thức giấc, thằng Chân, cũng bật khóc theo.

Cả một góc xóm vắng bỗng vang tiếng khóc. Những con chó nằm rỗi chẳng biết chuyện gì cũng hóng mõm cắn xuống. Anh Duyện tức lắm rồi. Cơn nóng kéo đến đầu anh. Những chiếc gân xanh ở xung quanh trán và cổ nổi đũa lên. Giậm hai chân bạch bạch, anh quát:

- Ông giết chết cả lũ! Ông giết chết cả lũ chúng mày rồi ông đâm cổ ông sau. Những của nợ kia, ông nhất quyết xử chúng mày trước, rồi đến con mẹ chúng mày.

Những của nợ ấy khiếp vía, bíu nhau chạy. Chị Duyện cũng lật đật trở dậy, ôm váy lạch đạch ra ngõ.

Duyện quay vào bếp, tìm được con dao phay, hồng hộc chạy ra sân đã không còn ai. Anh quẳng con dao “choeng” một tiếng xuống đất.

- Từ giờ đến chiều, ông bắt được đứa nào thì ông giết chết tươi. Ối giời ơi! Chúng mày làm khổ ông. Ông mà đến nỗi thân tàn ma dại thế này cũng vì chúng mày. Chứ ông đâu đến nỗi.

Ngoài ngõ có tiếng nheo nhéo đáp vào:

- Nào tôi ăn tàn phá hoại gì của ai. Nào tôi bòn rút của chìm của nổi gì của ai. Một nhời nói một đọi máu, ăn nói còn có giời đất, có quỷ thần hai vai chứ.

Thế này thì anh Duyện uất đến chết được. Nó cứ núp ngoài kia mà đối vào từng tiếng. Anh đuổi, nó lại chạy. Anh uất quá. Uất run mười đầu ngón tay bần bật. Anh phải đập một cái gì cho đã. Trong nhà chẳng có thứ gì khả dĩ đập được. Cái giường, cái án thư, cái cột. Toàn những đồ đau tay. Có con dao, thì anh đã đập lên đập xuống nhiều bận rồi.

Ngoài cửa, mụ lắm điều lại la trời, la đất. Trời ở đâu mà la. Đất thị giẫm dưới chân đó. Kêu lắm mỏi miệng. Nhưng mà nó nói chọc dao vào óc anh. Vụt một ý, anh Duyện bỗng kêu lớn:

- À, mày đã khỏe to họng, ông đốt nhà cho xem.

- Anh đốt nhà thì hàng xóm bắt vạ anh.

- Thì ông đi ngồi tù cho chúng mày đi ăn mày cả lượt.

Mụ vợ đứng ngoài bờ rào, ngó thấy chồng hăm hở, hục hặc đi tìm lửa, vội kêu chóe:

- Ối ông cả bà nhớn ơi! Nó đốt nhà... Thằng Duyện nó đốt nhà... Nó...

Chẳng có ông cả bà nhớn nào chạy đến. Ai cũng đi làm chưa về, cửa ngõ đều đóng trở ra. Nhưng rồi loanh quanh mãi vẫn chưa thấy anh Duyện đốt được nhà.

Thì ra, nhà không có một chút lửa. Mỗi bận thổi cơm cái Gái vẫn phải ra tận đầu xóm xin lửa. Và tối thì mọi người trong nhà đi ngủ cùng với mặt trời, không cần đèn. Biết vậy, chị Duyện yên trí, lại sắp hờ trời hờ đất. Xong nào đã thôi.

- Mày tưởng ông sợ à? Ông đi xin lửa cho mà xem.

Có lẽ anh toan chạy đi xin lửa thực. Và chị vợ cũng sửa soạn kêu nữa.

Nhưng trên không trung, từ ban nãy, ông trời bao la đương đau bụng, mặt ông xám xịt lại. Bụng ông sôi ục ục, réo róc róc. Rồi bỗng nổi gió giật, lạnh ngắt. Sau cùng đổ xuống một trận mưa lớn.

°
°     °

Bấy giờ là đầu mùa hè. Trời ít mưa. Nhưng đã có trận nào thì mưa rõ cho ra chuyện.

Trận mưa đó thực to. Nước xối xuống rào rào, trắng xóa. Ở những vườn chuối, nước giội lùng bùng như trống đánh. Từng cơn gió chạy dài, rít lên, đập đùng đùng. Trên những mảnh sân thấp nước ngập lưng thềm. Được độ một lúc lâu, mưa dần dần ngớt. Những đám mây nước tản mỏng bay nhanh như biến. Mặt trời lại ló ra. Trời đất sáng ngời. Màu lá cây xanh mướt. Những con chim sáo sậu nhanh nhẩu bay linh tinh, hót từng hồi véo von. Mưa tạnh.

Bấy giờ khắp làng bày ra một cảnh lạ mắt. Ở các ngõ lố nhố chạy ra từng đám người. Đàn ông thì cởi trần trùng trục, đánh chiếc khố đơn. Đàn bà phong phanh cái yếm, đội sùm sụp chiếc nón. Còn trẻ con thì trần truồng như những viên đá cuội. Người ta chạy đổ xô đến các ngách cống, các bờ ruộng và các luống vườn. Tay mỗi người cầm một cái giỏ. Họ chen nhau, chạy tới tấp.

Vì trời vừa mưa xong. Ở những mặt sân đất, sôi bong bóng. Trong các lỗ ngập nước, giun quằn quại tòi lên. Trong các bụi cây tối và ướt, có con giun sâu nhoi lên, chúng ra kiếm ăn.

Và người ta cũng kéo đi bắt nhái, bắt chẫu kiếm cái cho người ăn.

Không hẹn, mà cha, con, chồng, vợ nhà Duyện cũng gặp nhau trong đám đông đi bắt nhái bắt chẫu này. Mưa vừa tạnh. Chị Duyện chẳng biết trú ở đâu, đã xon xon chạy về lấy giỏ. Thì chị đã thấy khuyết hai cái giỏ treo trên đầu bếp. Thằng Chân và thằng Cẳng đã được chị nó nhốt cẩn thận vào gầm phản, bốn bề chắn gỗ kín đáo. Hai đứa trẻ loanh quanh cứ bò lấp ló thò đầu ra như hai con chó con. Chị và bố chúng đi bắt nhái. Anh Duyện đã hết giận vợ, để bụng nghĩ đến bữa cơm chiều nhiều hơn. Bữa cơm nhà có cái thịt nhái nướng thơm phức chấm muối ớt, nhai giòn rau ráu, ngon tuyệt.

Chị Duyện cũng vác giỏ chạy. Người ta đã đổ ra nhiều quá, không bắt mau, hết mất. Chị gặp chồng. Cái thằng phải gió ấy cũng chịu khó vồ nhái ra dáng. Mặt nó không sưng sỉa lên nữa. Ấy vậy mà lúc nãy nó đã hùng hổ những giết con, giết vợ, đốt nhà.

Chị Duyện gặp cái Gái. Nó giơ giỏ lên khoe với u. Cái giỏ đã được lưng lửng. Trong giỏ, nhái xô nhau kêu oe oé. Con Gái nhe hai hàm răng cải mả đen xỉn, cười toét. Rồi nó lại lễ mễ vác giỏ xuống một vệ ao gần đấy. Trong khi mẹ nó tất tả ra miệt đầu đình.

Gái rón rén bước. Nó vạch xem từng ngọn cỏ. Nhưng cây cỏ nước xanh om, vươn cao ngọn, lòa xòa cứa vào người, khiến nó ngứa ngáy khó chịu. Mỗi lần vồ được một chú nhái, nó bẻ gẫy hai chân sau, bỏ tót vào giỏ, nó lại cười tủm một mình. Nó lần theo vệ ao, khuất sau mấy rặng dứa dại lởm chởm. Đàn nhái nhảy lõm bõm xuống nước.

°
°     °

Cuộc bắt nhái trời mưa đã vãn. Ai nấy ra về. Anh Duyện xách giỏ về trước. Thứ hai đến chị Duyện. Thằng Chân và thằng Cẳng phải tù trong gầm phản, đương khóc be be. Chị Duyện đưa cái giỏ nhái của mình cho chồng rồi chạy lại dỡ gạch, lôi hai đứa con trong gầm phản ra. Chị nựng con cho chúng nín. Anh Duyện ngồi ngẩn ngơ nhìn hai giỏ nhái. Nét mặt anh đờ đẫn. Có lẽ anh đương tưởng tượng đến bữa nhắm thú vị chiều nay.

Bỗng chị Duyện nói:

- Này, con Gái chưa về nhỉ? Nhà đi gọi nó xem...

Giọng chị ả dịu lại. Chính anh Duyện cũng không còn tưởng rằng lúc nãy mình vừa cãi nhau kịch liệt với vợ. Anh đứng dậy, đi ra ngõ. Vừa đi, anh vừa lẩm bẩm: “Tiên nhân con ranh, đi đâu thì chết rấp ở đấy”. Rồi anh gọi:

- Ới Gái...!

Ở trong sân, vợ anh nói với ra:

- Nó đi về phía bắt cá rô rạch ao nhà ông Cả Tràng ấy. Đẻ mẹ con ranh con!

Anh Duyện đi về phía bờ ao nhà ông Cả Tràng, về phía có nhiều cây dứa dại. Anh trông thấy cái Gái. Cái Gái nằm gục trên cỏ, hai tay ôm khư khư cái giỏ nhái. Lưng nó trần xám ngắt. Chân tay nó co queo lại. Người bố nhìn đứa con nằm chết, rú lên một tiếng quái gở. Tuy cuống lắm, nhưng anh cũng còn nhìn thấy ở ngay bên vệ ao, trên lớp bùn phẳng mới nguyên có một lốt rắn bò dài như cái sào nứa còn hằn lại.

Duyện cúi ẵm xác con. Anh chợt nghĩ bấy lâu nay nó ở trong cửa vợ chồng anh, cực khổ trăm đường. Người nó có bao nhiêu xương sườn, giơ hết cả ra. Thương ơi, bây giờ nó bỏ đi. Hai hàng nước mắt rỏ ròng ròng. Anh ghé vai, xốc con lên. Xác con vẫn còn ấm nóng, anh chạy về.

Tháng Mười hai 1942.

Lụa

I.

Tháng tám, tháng Chín, cho đến Tết Nguyên đán, tháng của làng xóm những đám sêu hỏi, cưới xin.

Bây giờ đương vào giữa tháng Chín. Cốm xanh ngăn ngắt, mềm mát lòng bàn tay. Còn hồng thì những quả hồng chín đỏ chon chót. Trong làng, đầu xóm này lạch tạch bánh pháo, cuối xóm kia một đám người áo the, thắt lưng lụa đỏ, đi từng dẫy, đội mâm cau, mâm hồng. Trẻ con, đàn bà, người lớn, ông già lũ lượt ồn ào rủ nhau đi ăn cỗ.

Cuối xóm Giếng có một đám chạm ngõ. Chạm ngõ, nghĩa cũng như là gật đầu. Đây là lễ chạm ngõ cô Lụa, con ông hương Rền lấy con trai ông phó An bên xóm Đình. Nhà ông phó An đã sang một cành cau ba chục quả thật tốt, với hai chai rượu. Chắc cũng chỉ xin vài ba hôm nữa thì đến đám hỏi. Bởi bên nhà ông phó An đã rậm rịch đi mua dưa cải và dạm mua lợn.

Nhưng cô Lụa không bằng lòng lấy con trai ông phó An. Cô nhất định rồi. Chẳng phải bướng, nhưng cô không thể lấy chồng một cách ép uổng như vậy, cũng không chê bai gì ai, mà cô không ưa thằng đó. Cô phụng phịu. Cô ậm ừ. Cô khóc lóc.

Song ông bà hương Rền coi thường, không để ý, cứ cho chạm ngõ. Và cứ cho người ta định ngày hỏi rõ ràng. Bà hương vừa nhai trầu vừa cười:

- Ồi, con gái mới nhớn, đi lấy chồng, cô nào chẳng khóc tỉ ti.

Cô Lụa càng nỉ non khóc lóc. Nhưng nước mắt không đủ cản được những lo liệu về việc vui mừng của cô. Chợt một hôm, người nhà ông phó An đến chạm ngõ. Cô ôm mặt nức nở:

- Tôi không lấy thằng ấy đâu! Tôi không lấy thằng ấy đâu!

Ông hương Rền phát xẵng một cách vui vẻ:

- Không lấy nó thì lấy chó à!

- Đừng có cho người ta chạm ngõ!

- Tao bằng lòng với người ta rồi. Hai mươi hai này.

Cô Lụa khóc nấc lên.

Ông hương trợn mắt, trợn râu, hè:

- Im!

Cô con gái thút thít im ngay.

Nhưng lúc đứng một mình với mẹ, cô lại làm già:

- Thày u mà ép con thì con cắn lưỡi mà chết, con đâm đầu xuống ao, xuống chuôm con chết.

Bà hương dịu dàng:

- Con ơi! Đừng có nghĩ xằng thế. Cha mẹ sinh ra con.

- Con đi đâu thì con đi.

- Xà, chớ có nói nhảm, làng nước người ta mỉa mai chê cười.

Cô Lụa quả quyết:

- U liệu thế nào thì u liệu. Con đã nhất định không lấy thằng ấy.

- Thế mày định lấy ai? Lấy Giời nhé? Con ơi! Con dại lắm. Nhà nó cũng là nhà có tai mắt trong làng, con biết đâu được...

- U đừng nói nữa. Giời đất ơi! Hu hu hu...

Cô Lụa nhất định không lấy con ông phó An. Nhưng ông bà hương Rền vẫn không để ý mấy tới sự nhất định của cô con gái bướng bỉnh. Bởi vậy hôm hai mươi hai, nhà người ta cứ dẫn cau dẫn rượu đến chạm ngõ tự nhiên.

Thấy việc “lấy con lão phó An” chắc như đinh đóng cột rồi, cô Lụa lo quá. Nhưng cô vẫn quả quyết không lấy thằng con lão phó An. Mà ác nỗi, cha mẹ cô khăng khăng một mực. Hay là cha mẹ cô biết. Cha mẹ cô cho là con gái quả quyết giả vờ, dọa suông đấy thôi. Ôi chao, khó nghĩ quá.

Đi chạm ngõ rồi, Lụa không khóc, không dỗi cơm, không giả vờ cách ốm nằm liệt trong buồng nữa. Chẳng phải cô đã bằng lòng. Chỉ bởi cô nghĩ rằng phản đối như thế mãi không thể ăn thua.

Cô đã nghĩ ra một mẹo, tuy thẹn nhưng phải trơ trẽn ghê lắm. Cô không dùng dằng, trơ mấy cũng đành.

Chiều hôm đó, trời đã sâm sẩm. Không mưa không nắng mà cô Lụa cũng đội nón sùm sụp, đi sang xóm Đình. Đã nhọ mặt người, đường cái vắng, không có ai. Ngõ nhà ông phó An nghe có tiếng gọi ơi ới. Đàn chó nhâu nhâu chạy ra sủa. Cô Lụa theo người nhà ra đánh chó. Đi thẳng vào trong sân. Phải, cô Lụa đó. Bà phó đi vắng, ông phó An vừa ăn cơm xong, đương ngồi đầu hè xỉa răng, cô Lụa chạy vào “lạy ông” rồi nói luôn một câu rất trơn tru:

- Lạy ông, cháu sang để thưa với ông rằng cái số cháu không được về hầu hạ cửa ông cửa bà thì xin ông bà đừng cho miếng giầu miếng cau làm gì...

Ông phó An gắt:

- À cô chê con tôi chắc?

- Dạ, cháu không dám, là cái số cháu thế, thì dám xin đưa gửi lại ông bà số tiền giầu rượu chạm ngõ hôm qua.

Lụa chìa ba đồng bạc ra.

Nhưng ông phó An xua tay:

- Này, tôi bảo thật. Cô về ngay đi. Tôi không nói câu chuyện này với trẻ con. Đã có ông hương bà hương bên ấy.

- Cháu xin ông là hết. Cháu gửi.

Lụa đặt ba đồng bạc xuống thềm hè. Lụa chào ông phó An. Rồi Lụa thoăn thoắt ra ngõ.

Câu chuyện bí mật không có hai cánh như ruồi, nhưng cũng bay từ chỗ nọ ra chỗ kia rất mau. Hôm sau, chuyện “cái Lụa đem trả tiền giầu cau chạm ngõ của nhà lão phó An” tràn khắp các ngõ xóm.

Đằng ông phó An đưa tin đến nhà Lụa một câu mát mẻ:

- Ông bà khéo dạy con cái quá. Cô ấy thực là ngoan.

Ông hương Rền trần tình với người mối:

- Sinh con ai nỡ lòng. Nó làm quái ra như vậy chứ chúng tôi chẳng đã nhận nhời đằng ấy là gì đấy.

Còn bên nhà ông phó An, tuy vậy, vẫn nằn nì nói lại định hỏi Lụa cho bằng được. Nhưng đằng ông hương Rền biết họ cố hỏi để lấy người về hành hạ cho đỡ tức, nên không dám nhận lời.

Cuộc nhân duyên ép uổng thế là tan.

Người trong lối xóm bàn tán:

- Cái Lụa bạo thực, dám lại tận nhà giả tiền giầu rượu.

- Ai có thừa đồ mà lấy thằng con lão phó An, nó cám hấp bỏ mẹ.

- Mấy lị có người xui chứ. Tôi biết.

- Ai xui?

- Cái Lụa phải lòng thằng Nguyên, mê nhau như ăn phải bùa. Nó xui gì mà chẳng nghe.

- Có nhẽ, nom thằng Nguyên có mã người hơn thằng này. Nhưng con gái thế thì đoảng rồi.

II.

Buổi trưa, đường xóm vắng, í ới mấy đứa trẻ vừa nhảy vô, vừa la.

Ngoài đồng vắng, lúa cao ngập đầu người, đương giỗ chín. Những bông lúa vàng hoe đeo nặng bông trĩu cong. Mấy con ri đá kêu kéc kéc trong ngàn lúa, chuyền loi choi. Nhưng khi đàn chim ri chuyền đến một góc ruộng kế bên bờ tre, thì thấy hai cái đầu người nhấp nhô. Hốt hoảng, cả đàn chim ri nhớn nhác vù lên ngọn tre.

Đó là Lụa và Nguyên. Hai người ngồi chéo khoeo, luồn hai tay dưới đầu gối, mắt đờ đẫn, nhìn bâng quơ. Lại bứt mấy ngọn cỏ. Chừng như đã lâu, đôi bên chưa nói với nhau một câu nào. Sự im lặng ngẩn ngơ trên những nét mặt băn khoăn. Lại có tiếng lạt sạt nho nhỏ của con chim ri đá ró ráy trong tụm lúa sau lưng.

Mãi sau, như không thể để mẩu câu chuyện dở dang, Lụa nói:

- Em đã hết lòng với anh. Nếu không, sao em đến tận nhà người ta mà giả giầu cau người ta.

Nguyên ngắt lời:

- Không, tôi có dám trách em lấy chồng đâu. Chúng mình chết thì cùng chết chứ gì. Chết với nhau cũng sướng. Thiên hạ chán vạn ra đấy.

Lụa buồn bã:

- Tính chuyện liều làm sao được!

Nguyên hỏi dồn:

- Thế chúng mình không thể lấy nhau được ư?

Lụa lấy dải yếm lên lau mắt:

- Em biết làm thế nào?

Lại im. Không ai nói với ai một lời. Gió dạt dào trong ngàn tre. Con chim sáo sậu đậu trên ngọn cây hót véo von.

Lụa giật mình:

- Ồ, sáo sậu đã ra hót bóng, đến bữa em phải về thổi cơm rồi. Em xin anh...

- Về hả?

- Vâng.

Lụa đứng dậy, nhìn người yêu rồi rón rén đi ra ngoài bờ ruộng. Nguyên gục mặt xuống đầu gối, bỗng anh gọi:

- Lụa!

- Dạ.

Lụa quay lại, Nguyên cũng đứng lên, nói:

- Tôi đã nghĩ kỹ rồi, Lụa ạ.

- Anh nghĩ sao?

- Chuyện chúng ta mà không xong, thì tôi phải đi.

- Anh đi đâu?

- Tôi đi vào Sài Goòng.

Lụa chép miệng:

- Đi làm gì cho nó khổ thân, ở làng ở nước, vẫn là phần hơn, mấy lị em đã nói, nếu như em mà vì cái số không lấy được anh, em chỉ còn có đi chùa mà thôi.

Nguyên bùi ngùi:

- Nhất định tôi đi. Tôi không thể ở lại làng này làm gì nữa. Chứ Lụa đi tu làm gì cho phí đời, Lụa ạ.

°
°     °

Tháng Chạp năm ấy, cô Lụa lấy chồng người bên làng Phú Gia. Sang tháng Hai, Nguyên cũng lấy vợ, người xóm dưới, cùng làng.

Không ai nghĩ đến chuyện đi đâu. Vào Sài Goòng đường xa lăng lắc. Đi tu phải cạo trọc mà cũng khổ lắm. Những lời quả quyết kia cả hai người vu vơ cũng đã quên.

Dầu Tiếng, tháng Mười hai 1942

Buổi chiều ở trong nhà

Ba bố con ngồi giữa sân, trong lòng một mảnh chiếu rách nham nhở.

Anh Hối xoe quần lên tận bẹn, doạng dài hai cẳng chân. Thằng Bang cưỡi một bên khoeo bố. Giả làm ngựa đang tế, nó nằm mọp xuống. Cái Hiệu ngồi cạnh, miệng nhai kẹo bột tép tép. Cả hai cùng chăm chú nhìn lên mồm bố đương hát. Anh Hối đương hát thực. Anh hát cho hai con anh nghe. Trước hết, anh phồng hai má, giáo đầu mấy điệu mồm. Chỉ có một cái mồm cũng đủ và cũng kiêm cả. Từ tiếng trống cơm bùng bung, tiếng nhị cò cư đến tiếng hát tình bằng ứ ự. Hai đứa trẻ thích bố quá. Bố vừa cho ăn kẹo bột, bố lại hát cho mà nghe.

Bung bập bung! Bung bập bùng!

Đào liễu, ối a! Cô mình

Đôi vai tình tang gánh chữ chung tình xa là đường xa...

Hai đứa trẻ lim dim mắt. Chúng mải mê theo lời hát vỡ rè rè. Chắc chúng đương tò mò nghĩ đến một đêm vào đám tháng Hai, đứng trước rạp chèo, trong sân đình làng... Thấy bố im, thằng Bang phát vào đùi bố: “Bố ngựa ơi, hát nữa đi, bố ngựa”.

Anh Hối thở phè một cái, lại cao hứng:

Anh thương cô nàng như lá đài bi

Ngày nắng dãi đêm thì dầm sương.

Rồi ba bố con cùng im. Trong tịch mịch, chỉ nghe tiếng người nhai cồn cột và tiếng muỗi hát o o. Cả ba cái mồm cùng nhai kẹo. Lúc chiều, anh Hối mua một chinh bốn chiếc kẹo bột ở ngoài ngõ xóm. Còn một cái để dành vợ. Chị Hối đi làm bây giờ cũng sắp đến độ về.

Trời đã chạng vạng.

Chị Hối đã về.

- Làm gì mà ngồi như bụt mọc cả thế kia?

- A mạ về! A mạ về!

Hối pha trò:

- Đáng nhẽ bố con tôi ngồi cả trong phản ấy, mà lơ mơ muỗi khiêng lúc nào không biết.

Bác Hối gái cười tủm. Cái Hiệu túm lại, hỏi mẹ:

- Mẹ bưng gì thế?

- Bát dầu.

Bác bưng bát dầu vào trong nhà. Mấy tháng nay, cả nhà bác thường đi ngủ từ lúc chập tối, lúc gà nháo nhác lên chuồng.

Bởi không có gì để làm cho sáng đèn. Riêng hai đứa trẻ thích đi ngủ kiểu gà vịt ấy mà thôi. Còn hai người lớn thì lấy đó là sự khổ. Bởi họ không làm thêm được một việc gì về ban tối. Vào những tuần trăng, cũng còn có thể ngồi đánh cái thừng, quay một ống tơ. Nhưng phải đâu đêm nào trăng cũng sáng. Và cái mảnh sân bé nhỏ của nhà này, bóng xế nghiêng xuống, ánh trăng lọt vào chẳng được mấy chốc, trăng chỉ nhởn đến chơi có một tí rồi lại lảng đi. Không ai nghĩ đến chuyện bỏ tiền ra mua dầu. Từ ngày các thứ dầu thắp trở nên đắt đỏ, vợ chồng bác Hối coi mua dầu là một chuyện tiêu hoang. Vợ chồng bác chưa biết tiêu hoang bao giờ. Nhưng lâu nay, bác Hối thấy người ta tính: mỗi tối thắp chập chờn độ hai xu dầu ta, có thể làm được đến năm xu việc. Bác muốn bắt chước mọi người. Chiều hôm ấy, mua về một bát dầu.

Bấy giờ, ở trong nhà, bác Hối gái hỏi với ra:

- Ba bố con ăn cơm chưa?

- Ăn rồi. Nhà ra tôi cho cái kẹo này.

Nói xong câu ấy, bác Hối lại bắt đầu hát cho hai con nghe. Bác đổi sang giọng kể chuyện. Tiếng trầm tiếng bổng hòa theo bàn tay vỗ vào bụng làm nhịp:

Có yêu thì nói rằng yêu

Chẳng yêu thì nói một điều cho xong

Làm chi dở đục dở trong

Lờ đờ nước hến cho lòng chẳng thương.

Dứt câu, bác Hối hỏi vợ:

- Hay đấy chứ, mẹ mày nhỉ?

Nhưng người vợ không đáp. Bác ta đang tìm cái gì lục cục trong nhà. Đúng, đương tìm vật gì thực. Hết đứng lại ngồi xuống, lại lom khom, quờ quạng tay vào trong gầm phản.

Người chồng hỏi:

- Mẹ mày tìm gì thế?

- Tìm cái chai.

- Chai nào?

- Chai đựng dầu chứ còn chai nào nữa!

Bác Hối trai ngẩn người:

- Tưởng mẹ mày mang chai đi mua dầu?

Bác gái biết có sự không tốt chi đây, liền lồng ra hiên, trợn mắt:

- Ai mang đi mua dầu. Thôi chết tôi rồi! Cái chai đâu?

Người chồng tần ngần một tí rồi hỏi:

- Tưởng nhà ta có hai cái chai.

- Bán một cái hôm nọ để mua thuốc cao cho thằng Bang rồi. Còn cái chai nữa ở nhà đâu?

Bác Hối cười ề à:

- Thế thì tớ không biết. Lúc nãy tớ bán nốt cái chai ấy rồi. Tưởng nhà có hai cái thì đằng ấy đem đi mua dầu. Ai biết đâu. Tớ bán cho thằng đồng nát được hai xu rưỡi. Một chinh đem mua kẹo chia cả nhà đấy.

Đáng lẽ bác còn kể lể dài dòng và dịu dàng nữa, nhưng vợ bác đã lu loa:

- Ối giời đất ơi! Hại tôi rồi! Làm hại tôi rồi. Có mỗi một cái để đựng dầu mà cũng bán tào bán huyệt của tôi đi rồi.

Thế là người đàn bà dằn bát dầu xuống phản, ngồi xoạc hai chân ra, kể lể. Chị làm ghê gớm như chồng vừa ăn trộm tiền để trong hòm. Bao nhiêu điều gì không phải từ năm ngoái năm kia, chị đem ra nói lại. Chị nói, kè nhè giọng cao giọng thấp. Thôi thế là anh Hối tức quá. Song anh cũng còn ngọt nhạt:

- Cái gì mà nói dai thế. Người đâu có người...

Chị vợ lấy hơi, gào to hơn trước:

- Ối giời đất ơi! Người ta làm hại tôi rồi, người ta cấm đoán tôi...

- Bố mày, ông cấm đoán gì mày?

... Thế là người đàn ông rực lên. Y mắm môi lại, xông vào đá ngay vợ một cái. Mụ đàn bà ngã lăn chiêng, kêu làng ầm ĩ. Hai đứa con cũng sợ quáng quàng, giơ tất cả hai tay lên khóc ra rả.

Cáu quá, anh chồng lại xô đến. Mụ vợ, tuy khóc nhưng vẫn trông trộm, vội bưng mặt, tóc rũ rượi, chạy tót ra ngõ. Chồng không đuổi, anh vớ cái chén uống nước ngoài hiên ném ra sân. Tiếng “cạch” sắc, nhưng hơi rè của một mảnh sành vỡ rạn. Chưa đủ hả giận, anh Hối vẫn còn nghe thấy cái gì tưng tức quanh đây. A hai đứa trẻ đương nhau thi khóc. Người bố nóng tính liền phóng cho mỗi đứa một cái bợp tai. Chúng khóc réo nữa và nhảy xuống bếp. Nhưng, chúng xuống đến cửa bếp thì hai đứa trẻ cùng im khóc. Chúng sợ bóng tối om om và sợ những ông vua bếp tưởng tượng. Rồi dần dần, chỉ còn tiếng thút thít. Và ngoài ngõ còn tiếng ậm ực.

Lúc sau, anh Hối vào phản đi ngủ. Chỉ có hai đứa trẻ vẫn ngồi, rồi nằm ngay xuống trước cửa bếp. Chúng ôm nhau, khò khè ngủ như hai con chó ốm.

Có một lúc, thằng Bang thức giấc. Đôi mắt nó mở thao láo. Nó thấy ông trăng vàng bệch, lơ lửng giữa trời, ở ngay trước mắt. Mắt nó khép lại. Giấc ngủ mê mệt lại tiếp theo.

Sáng hôm sau, hai đứa trẻ thấy chúng trở dậy trên phản, không biết ai bế chúng vào trong nhà lúc nào.

Mẹ đã đi làm từ tờ mờ đất. Còn bố cũng dậy sớm và cũng đi sớm. Nhưng không phải đi làm. Anh ta chạy qua cánh đồng lên đường “cái tây” nậy ít nhựa đường. Mang về, anh nhặt vào cái chén anh đập tối hôm qua rồi cặm cụi lấy nhựa chắp lại, vừa hí hoáy làm, vừa vui miệng hát:

Anh thương cô nàng như lá đài bi

Ngày thì nắng dãi đêm thì dầm sương.

Hai đứa trẻ thấy bố gắn gắn chắp chắp hay hay mắt, xúm lại xem. Thằng Bang ngồi xổm, hai tay luồn dưới khoeo, môi thưỡn ra, dãi chảy rỏ giọt xuống ngực.

Ông giăng không biết nói

- Này em ngồi xuống đây.

- Nói gì anh cứ nói, tôi không ngồi đâu.

Gã đàn ông cười nhạt:

- Gớm làm bộ nhỉ? À, sắp về nhà chồng có khác.

Người con gái im lặng. Nhưng chỉ một lát, rồi cô ấy nói, tiếng nho nhỏ.

- Đừng diếc tôi thế. Tôi đã bảo với anh nhiều lần rồi mà.

Gã đàn ông lại cười, tiếng cười nức nở, như xé ra ở trong cổ họng.

- Em nói những gì nhỉ? Tôi vô tâm quá! Quên mất rồi đấy.

- Thôi, đừng giả cách nữa.

- Tôi có giả cách đâu! Thì em cứ ngồi xuống đây.

Bấy giờ người con gái mới ngồi ghé xuống một bên thềm giếng. Mặt trăng đã tới đỉnh đầu, trĩu ra phía cánh đồng. Trăng về khuya, nét sáng gọn lại. Vòng tròn về góc dưới, bợt mất một miếng nhỏ.

Người con gái ngồi xuống, thì gã nhích lại gần. Gã nhìn mặt người yêu, ấm ứ muốn nói một câu, nhưng lại thôi. Gã bần thần nhòm xuống giếng. Lòng giếng tối om. Gã ngẩng mặt lên, cái mặt vênh váo và trơ trẽn một cách vô lý của người say rượu. Gã không nói, nhưng “hừm” một tiếng. Người con gái thấy lành lạnh trên gáy. Nàng quay lại đằng sau. Đằng sau là mặt trăng vằng vặc đương ngắm hai người. Dưới đất trước mặt có hai cái bóng. Bàn chân giẫm kề lên bóng chân. Người ta thở cũng nghe tiếng phào. Gã nghiêng má nhìn người yêu. Rồi gã lại thở dài phè phè. Cô gái xua tay lên mặt.

- Gớm! Mùi rượu ghê quá.

- Làm gì mà ghê! Có một cút rưỡi.

- Thì hãy một cút rưỡi. Thế là hại vợ hại con.

Người con gái nói một câu vô tâm ấy mà gã thấy đau nhói trong ruột. Lại ức nghẹn lên cổ. Tiếng ức ức ra tiếng ợ. Gã uống rượu thì hại vợ con gã. Gã đã làm gì ra có vợ con. Bấy lâu nay, gã chỉ yêu nó, gã chỉ định lấy nó mà thôi.

Nhưng người ta trong xóm nói mong manh rằng nó sắp lấy chồng. Gã đã gặng hỏi nhiều lần, người con gái chỉ chối, chối bai bải. Gã không làm sao mà biết được sự thực ở lòng người yêu của gã. Nó ngồi trước mặt gã đây. Mặt nó phơn phớt ánh trăng. Hai con mắt nó đưa long lanh. Hai con mắt say quá. Có lẽ gã mê hai con mắt ấy hơn là mê chính nó. Bởi vì, đã bao canh khuya vắng vẻ, nằm vò võ một mình, gã thường chỉ nhìn thấy đôi mắt. Đôi mắt đăm đắm, đen đen, ngời như nước giữa hai hàng mi. Gã muốn hớp lấy. Nhưng chưa bao giờ gã hớp được. Gã chỉ nghĩ đường dài rằng bao giờ nó là vợ mình, thì mình sẽ hớp được hai con mắt ấy. Chao ôi! Bao giờ, bao giờ...

Gã nắm tay người yêu. Gã hỏi một giọng rất buồn:

- Em ơi! Có phải em sắp lấy chồng hử?

Nắm tay nhau để hỏi câu ấy, thực không hợp thời. Bởi vậy, ả rút ray ra. Gã lại dồn thêm:

- Này, này... Đây bảo thực cho mà xem. Đây biết rõ cả rồi. Có lấy chồng thì cứ việc mà lấy, ai cấm đoán gì nhau đâu mà phải giấu giếm cái con cóc gì. Đấy mà biết đi ở riêng, thì rồi đây cũng đi lấy vợ. Ai kém cạnh gì ai đâu.

Ả không nói gì, lé mắt nhìn gã. Gã phồng mép, toan nói nữa, nói thực to. Nhưng lại thôi. Gã ngây ra. Bởi gã vừa bắt gặp được cái đuôi mắt rất sắc trong ánh trăng. Cái đuôi mắt chao đi, gã trề làn môi dưới thèm thuồng, môi đẫm màu trăng. Người con gái mủm mỉm cười. Thế là gã cũng cười lây.

Gã lại hỏi dịu dịu:

- Chúng mình yêu nhau mấy năm rồi nhỉ?

- Không biết.

- Từ phiên chợ Tết năm kia.

Ả rón rén đứng dậy.

- Anh có nói gì nói ngay đi.

- A... thì em hãy cứ ngồi đấy.

- Khuya rồi.

- Chưa khuya, giăng hãy còn cao chỗ kia.

- Nghe như trống hồi tan chèo? Thôi đích rồi.

- Không phải.

Đằng xa, bên kia vẫn rộn những nhịp trống cơm. Vầng trăng sáng lòi lọi ngả dần xuống cuối cánh đồng chiêm, ngát mùi cỏ và mùi lúa thơm. Người con gái thở dài. Không biết cô ta nghĩ gì. Nhưng cô ta lại ngồi xuống, đưa tay lên miệng và khẽ nói:

- Anh ạ!

- Gì?

- Chúng ta mà không lấy được nhau thì cũng là cái số giời bắt thế!

- Không lấy được nhau thì cùng chết với nhau chứ sao. Giời nào!

- Nhảm!

- Thực đấy.

- Chẳng nên oán trách nhau làm gì.

- Thế ra em sắp đi lấy chồng thật à?

Người con gái tự dưng khóc. Gã ngạc nhiên lạ. Cùng một lúc, gã thấy trong lòng bồi hồi. Không phải gã bồi hồi vì tiếng khóc thay lời thú tội của ả. Mà gã có cảm tưởng như ngày mai gã sẽ đi xa, đi phu phen đâu xa lắm. Người ngồi kia là vợ gã đương khóc tiễn gã đây. Gã giơ tay vuốt vào mắt em. Nước mắt dính ươn ướt trên đầu ngón tay. Gã chấm lên miệng gã. Gã đương khát nước. Rượu làm cổ họng gã ráo se lại.

Nàng khóc nhẹ như khóc dối cho nên cũng chóng tạnh như mưa bóng mây. Mảnh vạt áo bỏ xuống thì người đã đứng dậy.

- Em về.

- Không.

Bên kia thành tre, một hồi trống rung lên. Gã hơi giật mình.

- Tan chèo a?

- Không phải. Đây mới là trống hết tấn Nhị Độ Mai . Còn tấn Kiều Liên Tất Chánh nữa.

- Em cũng phải về.

- Năm ngoái, em vẫn ngồi với anh đến lúc giăng lặn kia mà.

- Bây giờ khác năm ngoái.

- Cái số chúng ta thế nhỉ?

Chua chát, gã cười khà khà.

Ả quay mặt, nói:

- Em về đây.

Rồi ả đi. Bỏ ông trăng với gã lại phía sau lưng. Gã chạy lên, bíu lấy:

- Em về thì tôi chết ở đây.

Ả cứ đi. Gã chuếnh choáng theo. Và bước chân đuổi hụt những bóng chân lung lay. Gã bíu lấy cánh tay ả. Chà, cánh tay trần, trắng bạch chắc nịch như đẵn mía, có thể nhá được. Tim gã đập mạnh, vang lên tận tai. Đầu gã bừng bừng. Nếu bình tĩnh một chút, chắc gã sẽ khóa trái cánh tay ả lại, đưa chân ra ngáng. Ả liền ngã xuống bãi cỏ. Nhưng gã đương cáu. Mà gã lại cáu vì việc khác. Gã gào vào tai ả một câu thế này:
- Ông biết thừa ra rồi. Ông hỏi thử chơi đấy thôi. Ông biết đến mười hai tháng sau thì cưới mày. Đồ khốn nạn!
Mắt gã long lên. Người con gái rú một tiếng, đẩy gã một cái mạnh, rồi chạy biến về lối xóm. Gã vốn khỏe. Nhưng rượu làm cho gã loạng choạng, ngã chúi xuống cỏ. Hai tay còn chới với giơ lên. Đến khi ngồi dậy được thì không còn thấy nó đâu nữa.
Mặt trăng vàng ệch xuống thấp lè tè ngay trên bờ ruộng. Bông lúa mảnh khảnh vươn vào trong trăng. Gã không theo ả vào xóm mà gã bò về bờ đá thành giếng. Hai tay khoanh lên bờ đá thành giếng, mặt gã gục xuống. Như thể một lúc. Hình như nằm xuống thì người mềm ra và say hơn lúc ngồi. Trong đầu gã lộn xộn những ý nghĩ. Nhưng ý nghĩ hòa với hơi rượu lan man không ra đầu mối nào. Có lúc gã cười khích khích, thè lưỡi liếm hòn đá, hai tay ôm quờ quạng, xoa nắn như xoa người ai. Gã mê. Nhưng có mỗi một điều gã tỉnh. Gã biết gã khát nước. Cổ gã ráo hoảnh. Nước bọt cũng đặc sít lại.
Gã thò tay vào trong miệng giếng. Lắng nghe phía dưới, có hai con chẫu đương đuổi nhau trong nước. Chân nó đạp nước kêu tóc tách. À! Dưới kia có nước. Gã thò đầu vào. Gã tuồi đầu xuống. Hơi thở của gã vang lên, thấm vào trong vòng tròn của thành đá.
Gã nói làu nhàu. Giọng khao khao, khàn khàn. Gã lại cười khích khích. Lúc ấy là lúc hai tay gã đã vừa với tới nước và lưng gã đã tuồi xuống khỏi thành đá, mà hai bàn chân không thể là hai cái móc nữa.
Thế là gã lăn xuống giếng sâu. Một bàn chân hắt rơi theo cả một tảng đá. Hai tiếng, người và đá rơi tũm vào nước, giống như nhau.
Róc rách một lát. Rồi im. Cánh đồng mông mênh ánh trăng.
Ngày mười hai tháng sau, cô gái nọ về nhà chồng. Gã trẻ tuổi kia chết đuối dưới giếng vào giữa đêm hát chèo ngoài cửa đình. Hai việc ấy không bận gì tới nhau. Người ta chỉ thương gã là một anh con trai hiền lành, vốn ít nói, chăm canh cửi đêm hôm, xưa nay được tiếng ngoan. Không ai rõ duyên cớ cái chết ấy.
Nhưng nếu ai chịu khó để ý tất thấy cô gái nọ, mỗi khi ở nhà chồng về nhà mình, lại đi vòng cánh đồng vào trong xóm chứ không đi qua bờ giếng như mọi người khác. Song nào ai biết đâu mà để ý. Đêm ấy chỉ có mỗi một ông trăng ngồi trên trời là nhìn được tỏ tường từ đầu đến cuối.
Song ả nọ đừng lo. Ông trăng thì ông ấy không biết nói. 
Tô Hoài
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  “Gió Cửa Hà” - Những ký ức còn nguyên thổn thức “Gió Cửa Hà” dập dềnh những nỗi niềm. Tâm sự ấy là của một nhân vật trữ tình muốn bộc bạ...