Thứ Hai, 3 tháng 1, 2022

Phong tục Việt Nam 3

Phong tục Việt Nam 3

GÂY DỰNG CON CÁI

Sinh con, ai cũng muốn con nên người, và bổn phẩn của cha mẹ là phải gây dựng cho con cái. Trong công việc gây dựng con cái phải kể từ lúc bắt đầu con đã lớn khôn, qua thời kỳ trứng nước cho đến khi dựng vợ gả chồng cho con, bố mẹ mới tự coi là bổn phận của mình đã đầy đủ.

Theo pháp luật ngày nay, con cái đến 21 tuổi là coi như thành nhân và phải chịu lấy trách nhiệm những hành động của mình, nhưng đối với bố mẹ, người con dù bao nhiêu tuổi cũng vẫn như còn bé nhỏ, và bố mẹ lúc nào cũng theo dõi các con để giúp đỡ hoặc chỉ bảo, tuy rằng có nhiều người con tự cho là “khôn ngoan” hơn bố mẹ.

“Áo chẳng qua đầu”, các cụ thường nói vậy để chứng tỏ rằng con cái dù sao cũng không qua khỏi sự khôn ngoan của bố mẹ, và “trứng” có bao giờ “khôn hơn vịt”.

Nuôi con, con bắt đầu hơi lớn khôn, bố mẹ đã nghĩ đến tương lai của con và phải lo cho con ngay từ tấm bé. Sự lo lắng tương lai cho các con tùy theo hoàn cảnh của cha mẹ, và chính hoàn cảnh và địa vị của cha mẹ sẽ hướng dẫn cha mẹ trong việc gây dựng cho các con.

Bố mẹ giầu có, con cái có thể được theo đuổi bút nghiên cho đến lúc thành tài: bố mẹ kém sung túc hơn, con cái cũng được đi học, “ăn mày dăm ba chữ hiền” rồi hoặc ở nhà lo việc nhà, hoặc phá ngang đi kiếm ăn bằng chữ nghĩa, hoặc bỏ học chữ đi học nghề; bố mẹ nghèo quá không lo được giấy bút cho con đi học, con cái đành chịu cảnh dốt nát, nhưng không phải vì vậy mà bố mẹ không tính đến ngày mai của các con, bố mẹ hướng dẫn cho con đi học nghề hoặc tìm chỗ gửi gấm cho con tập làm ăn, hoặc cùng lắm thì con cái mới phải đi chăn trâu ở đợ, nhưng trong hoàn cảnh này bố mẹ không khỏi đau lòng.

VIỆC HỌC HÀNH

Dân ta trọng chữ nghĩa nên bậc làm cha mẹ ai cũng muốn cho con được cắp sách đi học, may ra thì mai sau được “võng tía võng đào”, dù không may kém cỏi thì khỏi mang tiếng đồ “dốt đặc cán mai”. Ta thường nói “đi học để thông văn tự” và biết ba chữ ký” để chỉ những người học hành dở dang, không đỗ đạt gì cũng không đủ giỏi giang để làm thầy đồ thày đạc, nhưng cũng đọc thông đuợc những bức văn tự bán nhà bán ruộng, tậu trâu tậu bò, biết ký tên mình khi cần đến”

"Nhân sinh bách nghệ,

Văn học vi tiên;

Nho sĩ thị trân,

Thi thư thị bảo.”

Nghĩa là:

"Người ta trăm nghề tuỳ thân,

Nhưng mà văn học phải cần đầu tiên;

Thi thư là báu dõi truyền,

Học trò là kẻ sĩ hiền trọng thay!”

(P.N Khuê dịch)

Mấy câu mở đầu sách MINH ĐẠO GIA HUẤN của Trình Tử đủ nói lên việc học hành ở xứ ta được chuộng nhường nào, và do đó kẻ sĩ nước ta được xếp hàng đầu trong tứ dân: Sĩ, Nông, Công, Thương”. Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

Những buổi học đầu tiên

Tuổi đi học tại nước ta xưa không hạn định ở mức nào. Tùy theo đứa trẻ khỏe mạnh hay ốm yếu, đậm sức hay gầy còm, bố mẹ cho con đi học sớm hay muộn vào khoảng từ sáu, lên bảy đến tám.

Xưa chỉ có con trai được đi học, con gái phải ở nhà học làm học ăn, trừ những gia đình phú qúy mới cho con gái đi học, do đó phụ nữ ngày xưa phần lớn bị thất học.

Việc học ngày xưa hầu như không tốn kém gì ngoại trừ tiền giấy bút chẳng đáng bao nhiêu. Tại các làng xã, thôn xóm đều có các ông đồ dạy học, và học trò đi học cũng chẳng phải trả tiền học ông đồ. Hằng năm, bố mẹ học trò chỉ cần mang tết ông đồ thúng gạo và quà bánh vào những dịp tết nhất, tháng năm tháng mười, hoặc giỗ chạp. Ai muốn cho con đi học chỉ cần sửa lễ đến xin ông đồ nhận dạy con mình, và cái lễ này cũng không đắt đỏ gì, chỉ gồm cơi trầu, bao chè là đủ.

Đi học cũng không cần phải mua sách vở đắt đỏ như ngày nay. Các bài học thường do các ông đồ viết tay vào sách cho học trò, và khi nào học trò đã có thể tự viết lấy được thì học trò sẽ tự chép lấy bài học. Chỉ những con nhà giàu có mới mua được sách in.

Lễ Khai tâm

Buổi học đầu tiên đánh dấu quãng đời mới của đứa trẻ, bởi vậy dân ta rất chú trọng, và có “lễ khai tâm” để đứa trẻ học vỡ lòng (còn gọi là “mở lòng”).

Lễ khai tâm mở đầu cho cuộc đời mới của đứa trẻ, lễ mở đầu phải thận trọng, cuộc đời của đứa trẻ mới tốt đẹp tới lúc tuổi già. Người ta chọn ngày lành tháng tốt. Ðứa bé được tắm rửa, cạo đầu sạch sẽ và ăn mặc bộ quần áo đẹp nhất . Người ta làm lễ cáo gia tiên, rồi dẫn đứa bé với đồ lễ tới lớp học của ông đồ để xin “nhập môn”.

Ông đồ làm lễ thánh, tức là lễ trước bàn thờ Đức Khổng Tử để xin nhận đứa trẻ làm học trò. Đạo Thánh là đạo rộng, có bao giờ ông từ chối việc dạy học một đứa trẻo nào.

Làm lễ Thánh xong, đứa trẻ cũng phải lễ trước bàn thờ Thánh.

Ông đồ lại làm lễ cáo gia tiên việc nhận thêm một môn sinh mới, sau đó ông mới bắt đầu dạy đứa trẻ bài học đầu tiên.

Có nhiều ông đồ cẩn thận, trong buổi khai tâm đứa trẻ, các ông đã dẫn đứa trẻ ra văn chỉ, tức là miếu thờ Đức Khổng Tử ở trong làng để làm lễ rồi ông mới nhận cho đứa trẻ “nhập môn”.

Bài học đầu tiên

Thường bài học đầu tiên của trẻ là mấy dòng đầu của sách Tam Tự Kinh. Và buổi đầu tập viết, đứa trẻ dùng bút tre chấm vào mực lã tô lên nhưng khuôn chữ đã đục sẵn trên một mảnh ván cho đến khi quen tay mới dùng bút mực tô lên những chữ son ông đồ viết sẵn trên giấy.

Kể từ đó, cậu học trò nhỏ lần lần ngay một ngày hai học hết sách “Tam Tự Kinh” tới sách khác, cho đến khi học tới “Tứ Thư”, “Ngũ Kinh”.

Ngày nay việc học hành của trẻ nhỏ khác xa với sự vỡ lòng ngày xưa.

Học hành ngày nay

Con trai, con gái ngày nay đều được đi học. Cũng còn gia đình kén ngày cho con đi học vỡ lòng, còn phần đông cho con tới học tại các trường đều đi học theo ngày khai trường, theo quy định chung của nhà nước.

Nhiều gia đình cho con đi học các lớp mẫu giáo từ khi con mới lên bốn tuổi. Tới lớp mẫu giáo, đứa bé vừa học vừa chơi để dần dần mở trí khôn tiếp nhận những bài học của chương trình tiểu học sau một vài năm.

Trẻ học ngày nay có sách in sẵn, và khi tập viết, lúc đầu chúng dùng bút chì. Chúng cũng tô lên những nét gạch có in sẵn trong sách hoặc do các thầy, cô giáo viết mờ mờ

cho chúng theo đó tô cho đậm.

Việc học hành có giờ, có chương trình. Học trò đi học trường công còn có theo học bán công, trường tư tháng tháng phải đóng một số học phí. Các em phải mua sách vở, giấy bút, việc học xét ra tốn kém hơn xưa. Các gia đìn nghèo chỉ cho con theo học tới một trình độ nào, vì càng học lên cao việc học càng đắt đỏ. Nhà nước có đặt ra học bổng để giúp đỡ trẻ em nghèo học giỏi, nhưng ở ta người nghèo thì nhiều, học bổng chỉ có hạn, nên con nhà nghèo vẫn còn chịu sự thiệt thòi trên đường học vấn so với các trẻ sinh trong các gia đình sung túc. Nhà nước đã có những chính sách để tạo sự bình đẳng trong học tập của các em.

Việc học ngày nay chia ra ta từng bậc, và bậc tiểu học hầu như bắt buộc nhưng trên thực tế, nhiều trẻ em nghèo chỉ đi học cho đến khi biết đọc biết viết là nghỉ để giúp đỡ cha mẹ, trông nom việc nhà.

Việc học hành ngày xưa chỉ học có kinh sách, chỉ luyện có văn chương, nhưng trong chương trình học ngày nay có đủ các môn sử ký, địa lý, toán pháp, vệ sinh, vạn vật, v.v.... để giúp kiến thức của các em toàn dịện hơn. Việc xoá mù chữ đã và đang tiến hành tốt trên cả nước.

Ông đồ và cậu giáo xưa

Như trên đã nói, các em vỡ lòng và tiếp tục sự học tại lớp của các ông đồ. Vậy ông đồ là người thế nào?

Ông đồ chính là những bậc văn tự, học vấn uyên bác nghĩa là những người hay chữ, nói theo lối ta xưa, mở lớp để dạy học trò, cả trẻ em lẫn học trò lớn, có thề sau một khoá thi là trở nên ông Cử, ông Tú và được vào thi Hội để lấy thêm bằng Tiến sĩ, Bảng nhãn, Thám hoa.

Ông đồ có thể là một vị hưu quan, có thể là một bậc khoa cử không ham muốn công danh, từ chối sự xuất chính, lấy việc dạy học làm lẽ sống.

Lại có những người tuy không đỗ đạt gì và đã từng nhiều phen lao đao trường ốc nhưng vì hay chữ được dân làng mời mở lớp dạy học. Học trò các ông đồ hay chữ thường rất đông, và dù làm nên danh vọng cao xa bao giờ cũng kính trọng thầy, và chính các ông đồ cũng luôn luôn giữa địa vị mình, chẳngmay nếu gặp phải học trò vong ân, coi rẻ thầy, các ông lập tức “cấm cửa” không bao giờ thèm nhìn nhận là học trò. Ta cứ đọc truyện ông Chu Văn An đời nhà Trần đủ biết uy tín của một ông đồ đối với học trò ra sao.

Các ông đồ trước đây mở trường dạy học dễ dàng không bị luật lệ nào ràng buộc. Các ông đồ được hoàn toàn tự do mở lớp dạy học trò. Điều kiện cần thiết là phải hay chữ, có hay chữ mới có học trò.

Ngoài các ông đồ mở lớp dạy học, nhiều gia đình khá giả cũng rước ông đồ về dạy bảo con cái ở trong nhà. Trong trường hợp này các ông đồ biến thành những “gia sư”. Đối với các vị gia sư học trò kính trọng đã đành, các phụ huynh học sinh cũng kính trọng,vì các gia sư này đều là những người văn hay chữ tốt đem đạo thánh hiền dạy cho con cái mình. Các ông đồ thường nhận thêm học trò nếu có người khẩn khoản xin cho con học.

Ngày nay nhiều gia đình cũng mướn gia sư: Đây là những cậu giáo hoặc cô giáo kèm trẻ em học thêm ở trong nhà.

Các cậu giáo, cô giáo này không cần phải học vấn uyên bác, chỉ cần có trình độ cao hơn mấy đứa trẻ mình dạy là đủ.

Học sinh ngày nay đối với các cậu giáo, cô giáo thường hay “lờn” vì chúng cho là bố mẹ chúng thuê những người này đến để dạy bảo chúng, chúng có một vài cử chỉ kém lễ độ. Học sinh đã vậy, ngay cả đến phụ huynh học sinh có người cũng coi Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

thường các gia sư ngày nay, các vị này ỷ tiền cậy của coi các gia sư chỉ như những người “làm công lãnh lương” của họ.

Nói chi đến gia sư, ngay tại các trường học, có nhiều học trò cũng khinh lờn thầy giáo, chúng cho rằng đi học thì chúng phải đóng tiền, các thầy giáo ăn lương của nhà nước thì có bổn phận phải dạy chúng. Đấy là nói trường tư, ở các trường công sự kính trọng của một số học trò cũng bị “xuống cấp”. Do vậy có người kêu:

"Văn minh Đông Á trời thu sạch,

Này lúc cương thường đảo ngược ru”

Người xưa trên mọi lãnh vực đều lấy lễ nghi làm căn bản trong sự giao tế; nói đến “lễ nghi” là nói đến đạo đức, mà đạo đức thì không kể đến tiền tài, chỉ kể đến sự cư xử sao cho thuận lẽ, cho hợp với ân tình. Bởi vậy thầy thì ra thầy, thầy không phải là kẻ làm, và trò cũng phải ra trò, trò không phải là lũ thiếu giáo dục, thiếu luân thường chỉ biết lấy tiền tài mà rãy.

Xưa khác này. Nền đạo đức cổ truyền cũng có cái hay riêng của nó.

Việc dạy học xưa và nay

Dạy học ai cũng mong cho học trò chóng tấn tới, học trò lười biếng ông thầy phải thúc đẩy, học trò tối dạ ông thầy phải kiên nhẫn chỉ bảo sao cho đến khi học trò hiểu được thì thôi.

Bản tính của trẻ em bao giờ cũng ham chơi hơn thích học, các ông thầy nếu không bó buộc các em phải học, lẽ tất nhiên tự chúng sao cho khỏi sự xao nhãng được, và như vậy làm sao cho có được những kết quả tốt đẹp.

Người xưa nói rằng: ”Giáo bất nghiêm sư chi nọa”, việc dạy dỗ không nghiêm là do ông thầy lười.

Ta lại nói: “Nghiêm sư tác thành”, ông thầy nghiêm làm cho ta nên người. Vì tôn sư phải đức nghiêm làm đầu, và có nghiêm mới có uy tín đối với học trò.

Thầy đã nghiêm, học trò phải giữ lễ phép làm đầu, và việc học bao giờ cũng bắt đầu bằng học lễ trước, tiên học lễ hậu học văn. Học lễ phép rồi mới đến học chữ nghĩa văn bài.

Học lễ phép không phải chỉ riêng ở lớp học mà còn ở cả ngoài đường và ở nha mình nữa.

Mỗi lớp học của ông đồ xưa đều có anh trưởng tràng để thay thầy trông nom các học trò khi thầy vắng mặt và để dạy các em mới vỡ lòng. Học sinh đối với anh “trưởng tràng” phải có sự tôn kính như đối với người anh cả ở gia đình.

Để giữ lễ, để thúc đẩy học sinh chăm chỉ, ông đồ nào cũng có ngọn roi mây. Thứ nhất hay chữ, thứ nhì dữ đòn. Đối với học trò ông đồ càng dữ đòn lại càng là ông đồ giỏi. Bôốmẹ học sinh rất mong ông đồ trừng trị con em mình bằng roi vọt để chúng nên người, và các em học sinh thời xưa thành đạt một phần cũng nhờ những ngọn roi mây của thầy học.

Ngày nay khác hẳn! Thầy không được đánh học trò, và đã có hơn một lần, phụ huynh học sinh kêu ca vì thầy học đã đánh mắng con em mình, thậm chí lại có người đưa cả việc này tới công môn.

Trẻ con non dại, phải có cái gì làm cho chúng sợ, chúng mới chịu học, vậy mà ông thầy lại đành khoanh tay trước sự lười biếng của chúng, thử hỏi ông thầy làm sao chu toàn nổi nhiệm vụ của mình.

Nhiều ông thầy đã gặp những học sinh quá kém lại quá lười, mặc sự kiên nhẫn chỉ bảo, mặc thiện chí khuyến khích của ông thầy, những học sinh này vẫn trơ trơ, vào lớp nghịch ngợm, bài học không học, bài làm không làm, thử hỏi ông thầy còn làm sao mà đưa chữ vào đầu óc chúng được. Vậy mà các phụ huynh học sinh đã chiều con lại

hay phàn nàn thầy dạy không tấn tới.

Nếu tình nghĩa “tôn sư trọng đạo” còn được như xưa, ông thầy còn dùng được roi vọt để hướng dẫn các trẻ nhỏ có lẽ kết quả cũng đỡ tai hại hơn nhiều.

Thầy dạy học ngày nay chỉ biết cố gắng dạy, còn muốn học hay không đó là quyền ở học trò. Vậy mà còn xảy ra những vụ trò đánh thầy, trò đâm thầy! Nền văn minh cơ khí ít nhiều đã mang lại cho xã hội sự ”xuống cấp đạo đức”.

Lại nói đến học hành, các trẻ em thời xưa, để giữ cho được sáng láng, có những điều cần phải kiêng kỵ riêng:

- Không nên ăn qúa no e lấp mề không học được

- Không nên ăn chân gà e run tay không viết được.

- Không nên ăn cơm cháy hoặc những thịt thà của các con vật chết e u tối trí tuệ.

- Không được vứt giấy có chữ viết xuống đất, trông thấy người khác vứt phải nhặt đốt hoặc đem thả trôi theo dòng sông.

- Không được gối đầu lên sách.

- Phải kính trọng sách vở và chữ nghĩa.

Ngày nay, ta cho những điều “kiêng”trên là “mê tín”, và vô lý, nhưng trong việc bắt buộc trẻ học hành, có những phương pháp để giúp trí nhớ và làm cho chúng chóng lĩnh hộu được những lời giảng dậy. Cái xưa cũng còn ít nhiều giá trị nhân bản của nó.

Thi cử xưa và nay

Có học thì phải có thi, và sự thi cử đánh dấu mức nhận thức của học sinh đã qua. Người ta thường chê tinh thần khoa cử cũng như sự quá lưu ý về văn bằng của nước ta, nhưng thật ra nếu không có thi cử thì lấy gì để kiểm soát sư học của các em học sinh, va nếu không có văn bằng thì lấy gì để chứng thực trình độ các em đã học qua. có điều là ta không nên lấy thi cử để cản bước tiến của các em học sinh và cũng không nên quá chú trọng đến văn bằng đến nôi lấy văn bằng để phân giai cấp trong xã hội.

Tóm lại, xưa cũng như nay, đã có học thì phải có thi, dù thi tại các trường thi hay thi kiểm soát trong lớp học như ngày nay, người có trách nhiệm về giáo dục bắt các em thi để lấy điểm căn cứ vào đó cấp chứng chỉ tương đương với các văn bằng.

Thi cử xưa

Ngày xưa có các khoa thị tại trường thi, và cũng có cả những kỳ thi kiểm soát như ngày nay, đó là các kỳ thi “sát hạch”, các kỳ thi “khảo hạch”.

Các kỳ thi bắt đầu được tổ chức tại Việt Nam từ năm Ất Mão 1075 với khoa thi Tam Trường đầu tiên dưới triều vua Lý Nhân Tông. Thi bằng chữ Hán; việc thi cử trải qua các triều đại có nhiều sự thay đổi. Hai khoa thi cuối cùng về hán học tại Việt nam là khoa thi năm Ất Mão 1915 tại trường Hà Nam, Bắc Việt và khoa thi năm Mậu Ngọ tại các trường Bình Định và Nghệ An, Trung Việt.

Sau hai kỳ thi cuối cùng này, việc học ở ta bị chính phủ Pháp sửa đổi, do đó thể lệ thi cử cũng chịu sự đổi thay.

Về khoa thi, xưa ta có ba kỳ thi chính thức là thi Hương, thi Hội và thi Đình, những kỳ thi này ba năm mở một lần, trừ trường hợp có nhà vua mới lên ngôi mở các “ân khoa”.,

Muốn dự thi Đình, phải đậu thi Hội, mà muốn dự thi Hội thì phải đậu cử nhân tại kỳ thi Hương, hoặc ít ra cũng phải đậu Tú Tài, với chân tú tài nếu được nhà vua cho phép có thể được thi Hội.

Không phải ai cũng có thể là thí sinh kỳ thi Hương được. Muốn đi thi Hương phải qua các kỳ thi “khảo hạch” tại hàng tỉnh, tức là sơ khảo và phúc khảo.

“Sơ khảo” là khảo hạch ở phủ, ở huyện do các Huấn đạo và Giáo thu phụ trách; “phúc khảo” là khảo hạch ở tỉnh do các Đốc học phụ trách. Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

Trúng tuyển kỳ thi sở khảo, các thí sinh được cấp bằng Tuyển sinh; trúng tuyển kỳ thi phúc khảo, được cấp bằng Khoá sinh.

Các khoá sinh được phép dự thi Hương, nhưng trước kỳ thi còn phải trải qua một kỳ sát hạch. Kỳ thi này được tổ chức tại mỗi tỉnh những năm trước có kỳ thi Hương để loại bớt một số thí sinh học lực còn kém. Chương trình kỳ thi sát hạch này giống như chương trình thi Hương rút ngắn.

Người nào qua được kỳ sát hạch này được là Thí sinh và người đỗ đầu gọi là “Đầu xứ”.

Kỳ hạch này rất quan trọng, và học quan hàng tỉnh, Đốc học, Huấn đạo, Giáo thụ, phải chịu trách nhiệm trong việc tuyển thí sinh dự các kỳ thi Hương. Những khoá sinh vìm ột lý do gì vắng mặt trong kỳ sát hạch này, có thể được tham dự một kỳ sát hạch thứ hai dành riêng cho họ, tổ chức vài tháng trước khi thi Hương.

Thi hương

Qua các kỳ sát hạch, các thí sinh còn lại được dự kỳ thi Hương đều là những thí sinh đã có căn bản. Nếu lọt một thí sinh nào quá kém dốt dự kỳ thi Hương, các quan học hàng tỉnh sẽ có lỗi.

Thi Hương về đời Nguyễn mở ba năm một khoa và vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu và các thí sinh phải qua bốn kỳ thi:

1) Kinh nghĩa;

2) Thơ, phú;

3) Văn sách;

4) Phúc hạch.

Các thí sinh dự thi ở các trường sau đây:

- Trường Hà Nam cho tất cả thí sinh Bắc Việt;

- Các trường Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên và Bình Định cho các thí sinh Trung Việt.

Từ năm 1884 trở về trước, nghĩa là trước hiệp định Patenôtre, trường thi Nam Định cho các thí sinh tại Nam Việt.

Về các bài thi, ngoài bốn môn kể trên, mấy khoa thi sau cùng, các thí sinh có thể thi thêm bài tình nguyện chữ Pháp, dịch Pháp văn ra quốc ngữ. Điểm thừa ở bài chữ Pháp, có thể dùng bù cho điểm thiếu ở các bài kia.

Các thí sinh khoa thi Hương, điểm cao thì đậu Cử Nhân, còn điểm trung bình thì đậu Tú Tài, kém nữa thì hỏng.

Thi hội

Đậu Cử Nhân ở kỳ thi Hương, các thí sinh đực dự k ỳ thi Hội mở tại kinh đô Huế.

Theo chỉ dụ năm Minh Mệnh thứ sáu, các khoa thi Hội được ấn định vào tháng 3 những năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi, tức là sau năm có kỳ thi Hương.

Cũng được dự khoa thi này, ngoài các chân Cử Nhân, những Giám sinh, Giáo thụ và Huấn đạo. Các chân Tú Tài và Ấm sinh cũng có thể dự nếu được Triều đình cho phép.

Khoa thi Hội gồm 4 kỳ:

Kỳ nhất: Kinh nghĩa, ít nhất 3 đề.

Kỳ nhì: Chiếu, Biểu, Luận;

Kỳ ba: Thơ, Phú;

Kỳ tư: Văn sách.

Điểm các kỳ thi này tính theo phân, bài nào không được một phân thì bị loại.

Muốn trúng cách phải có tất cả 8 phân cho bốn kỳ.

Thi đình

Đậu kỳ thi Hội, các thí sinh được vào thi Đình.

Trong kỳ thi Đình, các quyển đều do toàn thể Hội đồng Giám khảo chấm và đệ nhà Vua duyệt lại.

Thi Đình chỉ có một bài “Đối sách” rất dài, nghĩa là phải trả lời một câu hỏi về luân lý, chính trị, hành chánh v.v....

Đề thi Đình do nhà Vua tự chọn.

Những thí sinh có điểm cao đậu Tiến sĩ, còn điểm thấp đậu Phó bảng.

Dưới triều Nguyễn không có Trạng nguyên, Thám hoa, Bảng nhãn và Hoàng giáp.

Xin nói thêm là về đời vua Quang Trung, thi Đình có dùng chữ Nôm, nhưng tiếc thay lệ này về sau không được nhà Nguyễn giữ lại.

Nền học mới của người Pháp (từ thời Pháp thuộc)

Việc thi cử với các văn bằng trên tồn tại cho đến năm Khải Định tam niên, 1918, và từ đó, một nền học mới của người Pháp ấn định được đem thi hành, một cách từ từ.

Lúc đầu, chính quyền (Pháp-Việt) chia việc học ra làm ba bậc:

- Ấu học.

- Tiểu học.

- Trung học.

Ấu học thực hiện tại các làng xã với các trường do chính quyền lập nên. Các trường này vẫn dạy Hán tự, song có dạy kèm thêm Quốc ngữ. Học hết bậc Ấu học, học sinh phải đi thi và bằng của bậc Ấu học vẫn gọi là bằng Tuyển sinh như cũ.

Cần nói thêm là song song với các trường của chính quyền vẫn còn có các ông đồ dạy Hán tự cho các trẻ em ở các làng xã.

Tại các trường Phủ, Huyện dạy chương trình bậc Tiểu Học. Các học sinh có bằng Tuyển sinh được theo học các trường này. Chương trình vẫn dạy Hán tự kèm thêm Quốc ngữ nhưng học rộng hơn. Ngoài “Tứ thư”, “Ngũ kinh” có dạy thêm “Nam sử” và những giờ dạy chữ Pháp tình nguyện.

Học hết bậc Tiểu học, học sinh được thi bằng Tiểu học vẫn gọi bằng Khoá sinh.

Các khoá sinh theo học lên bậc Trung Học tại các trường tỉnh do các Đốc học điều khiển. Vẫn dậy chữ Hán và chữ Quốc ngữ nhưng có Hán văn bắt buộc.

Học hết bậc này các khoá sinh thi kỳ thi Thí sinh.

Ngoài ba bậc học trên, người Pháp còn mở thêm các trường khác sau đây:

Trường Hậu Bổ, ở Huế và trường Sĩ hoạn ở Hà Nội để đào tạo quan lại hành chính và học chính. Các thí sinh được tuyển theo học các trường này.

Trường Quốc học ở Huế và trường Bảo Hộ ở Hà Nội để dạy chữ Pháp và để đào tạo các công chức cho các công sở Pháp.

Lại phải kể trêm các trường Tiểu Học Pháp Việt được mở tại các Tỉnh song song với các trường dạy chữ Hán để học sinh học chữ Pháp và chữ Việt bắt buộc có dạy thêm chữ Hán. Học hết chương trình Tiểu Học Pháp-Việt, các học sinh qua kỳ thi bằng Cơ thủy, sau gọi là bằng Tiểu Học Pháp-Việt. Đậu bằng Cơ thủy, học sinh được dự tuyển vào trường Quốc học hoặc Bảo hộ cùng các Thí sinh chương trình Hán học.

Tiếng Hán, tiếng Việt, tiếng Pháp học đi đôi như vậy trong một thời gian, rồi vì ứng dụng với thực tế, tiếng Việt và Pháp tồn tại mà loại hẳn nền Hán học đi và tàn cuộc.

Lúc này người Pháp mới áp dụng chính thức Nghị định tổ chức việc giáo dục của Toàn Quyền Đông Dương ký ngày 21 tháng 12 năm 1917.

Việc học được phân chia rõ rệt:

- Bậc Tiểu học với ba cấp Sơ học, Tiểu học, và Cao đẳng Tiểu Học.

- Bậc Trung học.

- Bậc Đại học. Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

- Công nghệ học.

Bắt đầu bậc Tiểu Học là cấp Sơ học, với văn bằng Sơ học yếu lước, rồi đến cấp Tiểu học với văn bằng Sơ học Pháp Việt hoặc Cơ thủy. Cao nhất bậc Tiểu học là cấp Cao đẳng Tiểu học với bằng Thành Chung còn gọi là bằng Cao đẳng tiểu học.

Trên cấp Cao đẳng Tiểu học là bậc Trung học, hạn học là ba năm, thi bằng Tú tài bản xứ (Brevet de capacité équievalent au Baccalauréat métropolitain) để phân biệt với bằng Tú tài Pháp của chương trình học lúc bấy giờ.

Bằng “Tú tài bản xứ” có hai phần, Tú tài I và Tú Tài II, chương trình dạy bằng Pháp ngữ, có Việt ngữ kể là một sinh ngữ.

Các học sinh đậu xong cả hai phần Tú Tài được vào Đại học.

Đại học mở tại Việt nam từ năm 1919, lúc đầu chỉ là những trường Cao đẳng để đào tạo các nhân viên chuyên môn cho chính quyền thống trị. Về sau mới mở các trường Luật Khoa, Y Khoa và Dược Khoa Đại học. Mãi tới năm 1938 mới có mở thêm các trường Nông Lâm và Công chính. Sau đó mới có trường Khoa Học.

Cùng với việc học chữ, người Pháp còn mở các trường Công nghệ thực hành, tại các thủ phủ, hoặc ở một vài Tỉnh lớn gọi là trường Bách Nghệ nhằm đào tạo một số thợ thuyền chuyên môn.

Trong lúc nền học bản xứ được tổ chức như vậy, người Pháp vẫn có một nền học Pháp riêng cho trẻ Pháp học, một số các trẻ Việt cũng xin được vào các trường này, có đủ các bậc từ Tiểu học đến hết bậc Trung học với bằng Tú Tài. Các trường Pháp này, mặc dầu người Pháp đã rút khỏi Việt Nam từ năm 1954, nhưng vẫn còn tồn tại hoàn toàn ở miền Nam cho tới năm 1967, là năm bắt đầu các lớp Tiểu học Pháp bị bãi bỏ đối với trẻ em Việt Nam, và dần dần từ năm 1968 các các lớp trên sẽ được bãi dần dần bắt đầu từ năm đầu tiên của bậc Trung học tương đương với lớp Đệ Thất của các trường ở Miền Nam lúc ấy.

Học chế

Người Pháp rút khỏi Việt nam năm 1954, “học chế” của ta được tổ chức lại cùng với sự thu hồi nền độc lập và lúc ấy có 4 bậc với các kỳ thi các văn bằng cho mỗi bậc (ở miền Nam):

- Bậc Tiểu học, các học sinh thi bằng Tiểu học.

- Bậc Trung học, chia làm đệ nhất và đệ nhị cấp. Học sinh đệ nhất cấp học 4 năm và thi bằng Trung học đệ nhất cấp; học sinh để nhị cấp học 3 năm và thi bằng Tú tài, có hai phần: Tú Tài I và Tú Tài II.

- Bậc Đại học dành cho các học sinh đã đậu xong Tú Tài II. Theo học bậc Đại Học, các học sinh được gọi là sinh viên. Tốt nghiệp Đại học là bằng Cử nhân hoặc bằng Kỹ sư.

- Bậc Cao học dành cho các sinh viên đã đậu bằng Cử nhân. Tốt nghiệp bậc Cao học là bằng Tiến sĩ.

Cùng với các bậc học trên, ta cũng có mở các trường kỹ thuật để dạy nghề, các trường mỹ thuật và các trường cán sự chuyên môn.

Ngày nay ta có đủ các bậc học từ Mẫu giáo đến Phổ thông và Đại học. Việc học hành, thi cử đúng quy chế do nhà nước ban hành.

Xưa cũng như nay, bậc làm cha mẹ, ai cũng muốn cho con hay và gây dựng cho con nên người, nhất là mong cho con trở thành những người có địa vị, có học thức, bởi vậy ai cũng muốn cho con cái đi học cho đến lúc thành tài. Đứa trẻ “phá ngang” chỉ vì chúng quá dốt kém, hoặc vì hoàn cảnh gia đình bắt buộc, nhưng dù có “phá ngang” thì bố mẹ cũng cho đứa trẻ đi học nghề hoặc tập tành làm ăn buôn bán.

Tập nghề

Ta có câu:

"Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay”

và sách cũng có chữ rằng:

"Vạn khoảnh lương điền,

Bất như bạc nghệ”.

Qua mấy câu trên ta thấy rằng dân ta nếu trọng văn học, nếu nhiều người theo đòi nghiệp bút nghiên, hoàn toàn không phải ta khinh rẻ những nghề nghiệp khác.

Cha mẹ gây dựng cho con, nếu không thể cho con học hành đến nơi đến chốn tất phải nghĩ đến việc cho con tập lấy một nghề, mai sau làm kế sinh nhau.

Nước ta xưa không có trường dậy nghề, nhưng các người thợ đều nhận các trẻ tập việc để có người giúp đỡ trong những công việc vặt.

“Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, ta chỉ cốt cho con cái học nghề, không nề hà đó là nghề vất vả nhiều hay ít, và dù con cái có bị cực nhọc thì chính nhờ sự cực nhọc chúng sẽ nên người.

Nghề nghiệp tại nước ta

Nghề nghiệp tại nước ta trước đây có thể xếp theo “tứ dân” là Sĩ, Nông, Công, Thương, nhưng trong mỗi hạng đều phân ra nhiều ngành khác nhau.

Sĩ thì có Nho, Y, Lý, Số. Những người theo học nghiệp văn cho đến thành đạt, đỗ ông Nghè ông Cống đứng đầu hàng Nho, rồi đến các ông đồ dậy trẻ. Cũng phải xếp vào hàng Nho các ông Khoá, ông Tú làm “nghề bán chữ” không phải bằng cách dạy trẻ mà bằng cách nghĩ và viết những bức trướng đối, những bài văn viếng, văn tế, văn mừng, văn chúc v.v..., và cả chính những nho sĩ mở hàng đối trướng nữa. Còn nhiều hạng Nho, có hạng được xã hội trong vọng, cũng có hạng khác bị xã hội coi thường và có khi khinh rẻ như hạng “nho lại” tại các công môn đã dùng chữ nghĩa để bày đặt đơn từ xui nguyên dục bị, đã dùng chữ nghĩa để ăn không nói có v.v....

Sau hàng Nho là hàng Y, tức là những người theo đuổi nghiệp thuốc. Muốn học nghề thuốc cần phải thông chữ nghĩa để đọc trên các vị thuốc, để viết các đơn thuốc.

Muốn cho con trở thành ông Lang, theo đuổi y nghiệp, trước hết bố mẹ phải cho con đi học cho thông văn tự, sau đó mới tìm đến một vị danh y để xin cho con được vào làm đệ tử. Nếu vị danh y chấp nhận,, bố mẹ đứa trẻ sẽ sửa lễ đến nhà vị lương y, gọi là “lễ nhập môn”. Vị lương y sẽ làm lễ Thánh sư nghề thuốc và cáo gia tiên trước khi thu nhận đứa nhỏ. Thường đi học nghề làm thuốc, đứa trẻ ít nhất phải 15 tuổi trở lên mới có đủ trí khôn để lĩnh hội hết những sự tế nhị của nghề.

Lúc đầu đứa nhỏ tập nhận diện các vị thuốc, và phải học theo sách dược tính của mỗi vị thuốc. Sau đó học những bài thuốc chữa cho mỗi bệnh, rồi sau cùng tới tập bắt mạch, kê đơn. Học nghề thuốc rất khó khăn vì sai một ly đi một dặm, mạng người ở trong chén thuốc.

Nước ta hằng có những bậc danh y như Hải Thượng Lãn Ông, tiếng tăm vang lừng không những riêng trong nước mà các nước láng giềng như Trung Hoa, Nhật Bản đều biết tiếng.

Xếp hàng sau Y, là Lý. Đây là những thầy địa lý, những thầy dùng kinh truyện mà đoán mọi việc cho người về đất đai, nhà cửa, phong thủy, v.v....

Sau Lý là đến Số. Đây chỉ các ông thầy bói toán đoán số mệnh của mọi người khi xưa. Trong ngành số chính cũng chia làm nhiều nghề: xem bói dịch. đoán tử vi, đoán Hà lạc lý số, xem tướng, xem chiết tự, v.v.... Hai hạng trên chỉ tồn tại trong thời trước đây.

Hạng Sĩ, với bốn ngành Nho, Y, Lý, Số được coi là đứng đầu “tứ dân”.

Sau Sĩ đến hạng Nông với các ngành Ngư, Tiều, Canh, Mục. Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

Ngư là nghề đánh cá, nhưng phải kể gồm cả các nghề khác liên quan tới như muối cá, làm mắm v.v... Sở dĩ cá cũng xếp vào hạng Nông, vì chính cá cũng ở đồng ruộng mà ra.

Tiều là nghề đốn củi, đốt than.

Canh là nghề trồng trọt như làm ruộng, trồng cây và cả nghề tằm tang, nghề hàng xáo cũng xếp vào ngành Canh. Cũng kể là canh tất cả những nghề nào có liên quan tới việc trồng trọt, hoặc tới các hoa màu....

Mục là nghề chăn nuôi, nuôi súc vật dùng cho việc cày cấy như nuôi các súc vật khác.

Bốn ngành Ngư, Tiều, Canh, Mục xếp hàng Nông vì ít nhiều gì những nghề nghiệp của các ngành này, cũng trông nhờ vào đất cát, dù đó là đốn củi trên rừng, nuôi súc vật ở cánh đồng, đánh cá ở hồ ao, hay trồng trọt cầy cấy ở ruộng vườn.

Sau Nông đến hạng Công tức là thợ thuyền.. Kể ra ta có thề phân chia các nghề tuỳ theo vật liệu sử dụng: Kim, Mộc, Thủy, Hoả, Thổ.

Nghề kim hoàn, nghề thợ rèn, nghề đúc đồ đồng v.v... là những nghề sử dụng kim liệu.

Nghề thợ mộc, nghề thợ tiện, nghề thợ chạm, nghề đan rổ, rá, nong, nia v.v.... là những nghề sử dụng mộc liệu.

Nghề chở đò sống trên sông nước.

Nghề đốt than, nghề rèn, nghề đúc dùng đến lửa.

Nghề đất nấu, nghề nung vôi, nung gạch, nghề thợ hồ v.v... dùng đến đất cát.

Tuy lấy “ngũ hành” để phân biệt các nghề, nhưng nhiều nghề cần đến hai trong “ngũ hành” như thợ rèn, cần cả đến lửa lẫn sắt, nghề đắp tường cần đến cả nước lẫn đất v.v....

Đứng sau cùng trong “tứ dân” là Thương để chỉ những người buôn bán. Buôn bán có người buôn tại chỗ, có người đi xa về gần; có người buôn lớn, có người buôn nhỏ.

Xưa, gây dựng cho các con, cha mẹ thường tùy hoàn cảnh mình, tùy sự thông minh khéo léo của con, và cũng tùy sự quen biết của mình là gửi các con đi học nghề nào cho thích hợp và thuận tiện.

Trừ những người trong hạng Sĩ, đứa nhỏ cần phải có học hành chữ nghĩa ít nhiều, còn các nghề khác, sự biết chữ chỉ ở mức độ.

Ngày xưa thợ thuyền hợp thành từng bọn, muốn cho con học nghề gì bố mẹ phải nhờ người đứng đầu một bọn thợ nhận cho.

Ngày nay xã hội phát triển, nghề nghiệp cũng phát triển. Việc học nghề đòi hỏi nghiêm túc và có văn hoá, chuyên môn.

Phó cả

Đứng đầu một bọn thợ xưa là ông Phó cả. Người này điều khiển toàn thể bọn thơ 5và có quyền nhận các phó nhỏ tức là các trẻ em tới xin tập việc để học nghề. Ông phó cả phải lo nhận công việc cho cả toán thợ làm. Giúp việc ông phó cả có các ông phó hai, phó ba... Những đứa trẻ tới tập việc đều gọi là “phó nhỏ”. Lúc đầu các phó nhỏ làm những công việc lặt vặt, và kể từ khi bắt đầu đi tập việc là các phó nhỏ đã được ông phó cả nuôi ăn. Khi các phó nhỏ đã biết nghề, các phó cả có thể tùy tiện trả cho ít nhiều tiền công.

Những bọn thợ thường ít khi có cửa hàng như ngày nay. Họ đi kiếm công việc tại các nhà trong làng. Mỗi khi trong làng, hoặc các làng lân cận có công việc cần làn, họ phải đi tìm các ông phó cả.

Ai đã từng ở vùng quê chắc hẳn thấy từng bọn thợ mộc, từng bọn thợ hồ dắt nhau đến các nhà lĩnh việc. Các nghề khác cũng vậy, có bọn thợ đất đấu đi nhận đào ao, đào

móng, có bọn thợ xẻ đi nhận xẻ gỗ v.v...

Cũng có nghề cần phải có cửa hàng nhất định như thợ chạm, thợ sơn, thợ may... Tuy vậy, vẫn có các ông phó cả và các ông phó phụ, và những người tập việc vẫn được gọi là phó nhỏ.

Việc tập nghề ngày nay

Ngày nay, nhà nước có các trường dậy nghề, đó là các trường công nghệ và các trường kỹ thuật. Ngoài ra lại có các lớp dạy nghề của Bộ, Ngành, đào tạo các thợ các nghành chuyên sâu.

Với sự tiến bộ của khoa học, nước ta có thêm nhiều nghề mới, và có nhiều nghề không dạy ở các trường công nghệ và kỹ thuật cũng như không dạy ở các lớp dạy nghề của Bộ, Ngành nên vẫn còn nhiều em phải tìm học nghề tại các xưởng thợ hoặc tại các ông phó cả như xưa. Ngoài ra còn có khoá dạy tư theo chuyên ngành riêng.

Học nghề buôn bán

Nghề buôn bán theo ta là một nghề dễ làm, dễ sống. Ta có câu “Phi thương bất phú” nghĩa là không có buôn bán thì không giàu được.

Các nhà buôn thường truyền nghề cho con, nhưng cũng có nhiều nhà buôn nhận con các bạn hữu tới học tập nghề buôn bán. Trong thời gian học nghề này, đứa trẻ phải làm hết mọi công việc như kẻ ăn người ở và phải chịu mọi sự vất vả để tìm hiểu công việc làm ăn buôn bán, từ bán lẻ đến bán buôn, từ mua cao bán hạ đến mua xa bán gần v.v...

Xưa nước ta ít có các bậc đại thương gia, việc buôn bán lớn thường ở trong tay người Tàu, ta chỉ có nghề buôn bán lẻ, và do đó việc buôn bán của ta thường do phụ nữ đảm nhiệm; hoạ hoằn mới có một nhà buôn lớn do nam giới điều khiển. Chính vì vậy mà ít người cho con trai học nghề buôn bán. Chỉ các cô gái theo mẹ đi chợ dần dần tập buôn tập bán quen nghề.

Việc buôn bán ngày nay khác hẳn xưa, nhiều nhà buôn Việt Nam kinh doanh cạnh tranh không những riêng với người Tàu mà với tất cả ngoại kiều khác. Các ngành buôn ngày nay cũng nhiều và phát triển hơn xưa. Tuy vậy, việc buôn thúng bán bưng tại các chợ cũng như tại các vùng quê vẫn do các chị em phụ nữ đảm trách.

Gây dựng con cái ai cũng muốn cho con cái hơn người, nhưng nhiều khi hoàn cảnh người ta đành phải chịu để con cái theo học một nghề mà chính bố mẹ không ưng. Nhưng khi đã cho con học bất cứ nghề nào, bố mẹ đều khuyên con cố gắng, vì chỉ có người hèn chứ không có nghề hèn. Ca dao có câu:

"Nhất nghệ tinh nhất thân vinh,

Ai ơi phải qúy nghề mình mới nên.

Hoặc buôn bán, hoặc thợ thuyền,

Nghề gì cũng sẽ làm nên sang giàu.”

Những nghề hạ tiện

Tuy trên đã trình bày là bố mẹ có thể cho con học tập bất cứ một nghề gì, tuy nhiên cũng có những nghề xấu xa mà bố mẹ phải tránh cho con. Đó là những nghề hạ tiện, làm mất đi nhân phẩm con người. Theo câu tục ngữ xưa “Bé đi câu, lớn đi hầu, già đi làm khách nợ”. Ta thấy những nghề “đi câu”, “đi hầu”, “đi làm khách nợ” bị rẻ khinh vì không phải là những nghề tốt đẹp. Đi câu ở đây không phải là nghề đánh cá mà chính là những người mang cần câu đi câu cá ở ao hồ của người khác. Việc đi câu như vậy không khác gì ăn trộm. Còn đi hầu, chẳng phải nói ai cũng thấy là hạ tiện, vì đi hầu là chịu sự sai bảo, phải nịnh bợ, vả chăng trong nghề đi hầu phải kể cả nghề làm mõ, tức là kẻ hầu chung cho cả một làng.

Đến đi làm khách nợ lại cũng bị xã hội ta chê cười. Người mà khách nợ được chủ Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

nợ thuê đi đòi nợ một người nào, đến nằm ì ở nhà người này như bố mẹ già người ta, lại hạch ăn hạch uống, nhà con nợ có cái gì cũng lấy. Hành động của người khách nợ là hành động vô nhân đạo vì con nợ nghèo túng đã không có gì còn bị bọn khách nợ bóc lột ăn bám, mà chúng làm công việc này chính chỉ vì bọn chủ nợ, bọn người hút máu, hút mủ, ăn nhiều phân lời của đồng bào.

Mấy nghề khác

Ngoài các nghề trên là đáng kinh cho ba hạng tuổi, còn những nghề khác bố mẹ cũng cần tránh cho con, trong đó là nghề nho lại tại các công đường như trên đã trình bày.

"Một đời làm lại làm hại mười đời”.

Xưa, nghề “làm lại” xoay ngọn bút, sửa giấy tờ, ăn không nói có, làm những điều thất đức có hại tới con cháu.

Ngoài miền Bắc tại tỉnh Bắc Ninh, phủ Gia Lâm, trước đây có làng Thổ Khối có nhiều người đi làm nho lại tại các phủ, huyện. Không phải những người này ai cũng đều là những người xấu, có kẻ xấu cũng có kẻ tốt, nhưng vì nghề làm nho lại bị thành kiến coi là độc ác hay làm hại mọi người, nên phương ngôn có câu: “Nói dối Thổ Khối đến nhà”. Câu này là một câu nguyền rủa những ai nói dối sẽ bị các ông Nho lại người làng Thổ Khối tới “thăm” nghĩa là sẽ bị những sự rắc rối, chịu những điều vu khống, ăn không nói có của bọn “bẻ chữ” “xoay tờ giấy”.

Tất cả mấy nghề trên tuy bị xã hội coi khinh, nhưng chỉ ảnh hưởng về tinh thần, hay nói theo như quan niệm của ta về phúc đức thì cũng chỉ ảnh hưởng về mặt phúc đức đến con cháu mà thôi. Tôi chưa nói đến một nghề mà con cháu không những chịu ảnh hưởng về tinh thần, lại phải chịu ảnh hưởng rất nặng nề ngay về mặt vật chật nữa. Ấy là nghề “xướng ca đàn địch” mà ngày nay gọi là nghệ thuật và ca sĩ, nhạc sĩ đều được coi là nghệ sĩ, được sự qúy trọng của nhiều người. Ở xã hội Việt Nam ta xưa, “ca hát đàn địch” chỉ là “xướng ca vô loài” mày đã bị xã hội tước bỏ khá nhiều quyền lợi của chính họ và của con cháu họ đến ba đời. Xã hội ta xưa quan niện lũ “Xướng ca vô loài” là một tầng lớp vô luân. Họ bị coi là vô luân không phải vì họ sa đoạ, chính sự sống của họ cũng không phải là sa đoạ, mà chỉ vì những vai trò họ đóng khi xướng hát: Họ bị coi là “vô luân” ở đây chỉ vì người con có thể đóng vai vua và người cha đóng vài bày tôi quỳ lạy, anh em ruột có thể đóng đôi vợ chồng, và vợ chồng lại có thể đóng vai mẹ con hoặc cha con.... Tất cả cái “vô luân” là ở đây, đấy là sự luân thường đạo lý đã không còn nữa, mặc dầu chỉ trong những lúc trình diễn. Xã hội đạo đức Việt Nam không thể chấp nhận cho họ, những kẻ đã lộn luân lý, dù trong việc đóng trò, được quyền hành, có điạ vị xã hội để lãnh đạo xã hội. Chính vì vậy mà con cháu những kẻ “xướng ca vô loài” đến ba đời không được dự các khoa thi, theo quy định xưa.

Về điểm này, có lẽ ta thấy xã hội ta xưa qua hẹp hòi với loại nghệ sĩ, ca xướng này, vì theo sử đã lưu truyền lại, ông Đào Duy Từ, chỉ vì cha làm quản giáp, nghĩa là đứng đầu các nhạc sĩ trong một bọn xướng ca mà không được ứng thí tại miền Bắc với vua Lê chúa Trịnh, đã phải vào miền Nam, lập công lớn với chúa Nguyễn.

Quan niện “xướng ca vô loài” thật là hẹp hòi, nhưng nếu chúng ta có ý thức về luân lý cần thiết để tự vệ và tự tồn, chúng ta sẽ sẵn sàng chấp nhận quan điểm hẹp hòi đó để bảo vệ cho sự tồn tại, cho sự độc lập của dân tộc mình. Thực ra, thời xưa, giới xướng ca vô loài có rất nhiều ảnh hưởng sâu xa đối với chính họ cũng như đối với những người khác. Sống về nghề cầm ca, họ có mặc cảm nguy hại là chính họ không đứng đắn, bị coi rẻ, thường tự có hành động giảm giá trị của mình trong cuộc sống bừa bãi đến mất cả nhân phẩm, và đã có những trường hợp, sự đồi bại giả tạo trong các vai

trò của họ đã biến thành sự đồi bại thật của chính họ. Những tấm gương xấu của họ bị người đời chê bai và nhiều khi những tấm gương xấu này đã gây tai hại cho một số người thiếu suy nghĩ.

Chẳng cứ gì thời xưa, ngay thời nay, ca nhạc được coi là nghệ thuật được cổ võ và các nghệ sĩ được hoan hô, thành kiến “xướng ca vô loài” không còn nữa, mà chúng ta đã từng thấy nhiều chuyện tai tiếng xấu, ngay một số ít nghệ sĩ danh tiếng hằng được hâm mộ, mà báo chí đăng tải trước đây đã có một câu chuyện loạn luân giữa hai nghệ sĩ tân nhạc, và cũng lại đã có câu chuyện nghệ sĩ bị cướp chồng tranh vợ ở giữa Sài Gòn đó sao?

Vậy thì chúng ta có nên chỉ trích sự cố chấp của quan niệm cũ chăng? Chúng ta còn có chăng cái hoài bão duy trì nền luân lý đạo đức nó đã khiến cho dân tộc ta vững bền, nó đã khiến cho nếp sống của ta đẹp đẽ? Ngày nay chắc chắn mọi người đã có nhận thức đúng đắn về các vấn đề này.

Cô đầu

Trong hạng “xướng ca vô loài”, xưa các cụ còn liệt vào hàng ca nhi những giọng hát nhịp phách cung đàn để quyến rũ bọn nam nhi: Đó là các “cô đầu”. Xưa vẫn có cái thành kiến rất xấu xa về “cô đầu”:

"Lấy quan, quan cách,

Lấy khách, khách về Tầu,

Lấy nhà giàu, nhà giàu hết của.”

Dân gian cho “cô đầu” là một hạng người bòn rút của cải của đàn ông, phá tan nhiều gia đình đang đầy hạnh phúc.

"Cô đầu, cô đít, cô đuôi,

Bố tôi đi vắng ai nuôi cô đầu!”

Nghề võ

Đã nói về nghề nghiệp và sự gây dựng con cái, tưởng không thể bỏ qua không nói tới nghề võ được. Theo đòi nghiệp võ để nhập vào binh ngũ. Võ nghệ ta xưa có lớp học, có đủ kỳ thi, và người thi đỗ cũng vinh quy bái tổ như kẻ học chữ thi đỗ vậy. Có những môn võ bắt buộc như cử tạ, múa côn sang, bắn súng, và tập võ nghệ có những phương pháp riêng, đi dần dần từ dễ đến khó, từ yếu đến khoẻ 5. Những võ sinh thi đỗ được bổ dụng vào chức quan võ, cũng như các “tân khoa” về văn được bổ dụng vào các chức quan văn.

Nghề binh cũng là một nghề, và là một nghề bắt buộc trong thời loạn ở xã hội cũ. Nhiều bà vợ vẫn hằng khuyên chồng nhập ngũ và tự nguyện trông coi việc nhà:

5 Bạn đọc muốn biết kỹ các kỳ thi võ, sự luyện tập các môn võ nghệ xưa xin đọc NẾP CŨ: CON NGƯỜI VIỆT NAM, chương Võ nghệ và Thi võ – Cùng tác giả. Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

“Làm trai cho đáng thân trai,

Xuống đông, đông tĩnh, lên đoài, đoài yên.”

KHAO VỌNG

Đời người thường xảy ra nhiều biến cố, có những biến cố vui, có những biến cố buồn, mỗi biến cố thường để lại cho con người những kỷ niệm, có người suốt đời không quên.

Trong các biến cố vui phải kể ngày thành gia thất, lúc sinh con đẻ cái, khi làm được ngôi nhà mới. Đi thi đỗ, được dân làng bầu lên chức vụ trong hàng dân hàng xã, đạt được đến một tuổi thọ, đều là những biến cố vui mừng. Lại những khi lát xong một chiếc sân gạch, tậu thêm được con trâu, mua thêm được vài thửa ruộng, v.v..... tất cả đều là những kỷ niệm vui mừng.

Thường trong những cơ hội tốt đẹp này, người ta có bày tiệc tùng để khoản đãi họ hàng bạn bè sau khi cúng lễ gia tiên và thần linh.

Việc ăn uống linh đình, khoản đãi bạn bè trong những dịp vui mừng, ta thường gọi là “khao”. Đã có “khao” thì phải có “vọng”. Vọng là “nộp tiền hay lễ vật theo lệ để được ăn theo ngôi thứ trong làng”6. Ở đây ta phải phân biệt “lệ vọng” với “sóc vọng” trong việc tế tự.

Vậy khi có một biến cố vui mừng, người dân Việt nam có lệ khao họ hàng làng nước bạn bè, và đồng thời với việc khao phải nộp lệ làng gọi là “vọng” để được làng công nhận, nhất là chốn đình trung. Tuy vậy, cũng có nhiều dịp vui mừng mà người ta chỉ có cỗ bàn thết đãi họ hàng bạn bè mà không phải nộp lệ vọng, như ăn sinh nhật, ăn mừng nhà mới, ăn mừng con cái sinh đẻ,v.v....

Dù sao, từ kép “khao vọng” được dân làng quen dùng để chỉ tiệc tùng trong những dịp vui mừng. Ý nghĩa của “khao vọng” là đem sự vui mừng của mình chia sẻ cùng mọi người. Bởi vậy, mới có ăn uống, và nhiều khi có cả những cuộc cờ bạc như tổ tôm, tài bàn, và trong những cuộc khao long trọng của những gia đình sung túc xưa có cả những cuộc vui để bà con họ hàng giải trí như hát chèo, hát cô đầu, v.v....

Lệ Khao

Có tiệc vui mừng, sau khi đã kén ngày, đương sự phải có cơi trầu trình với các nhà chức trách trong làng, thường là các vị Tiên chỉ hoặc Lý trưởng. Lý trưởng có trách nhiệm về hành chánh trong làng, còn Tiên chỉ đứng đầu về phương diện tế tự.

Được sự đồng ý của Tiên chỉ và Lý trưởng về ngày khao, người ăn khao phải sửa lễ cáo với đức Thành Hoàng bản xã để xin ngài chứng giám.

Lẽ tất nhiên, sau đó có lễ cáo Thổ Công và cáo gia tiên ở nhà.

Như trên đã nói, người ăn khao làm cỗ bàn linh đình mời họ hàng bạn bè và làng nước.

Mời họ hàng bè bạn thì muốn mời lúc nào và mời cách nào cũng được, duy việc

6 Đào văn Tập – Tự Điển Việt Nam phổ thông. Phong Tuc Tap Quan Viet Nam mời làng nước có tục lệ riêng.

Muốn mời ban kỳ mục, ban tư văn và quan viên trong làng, đương sự phải có cơi trầu đến hội đồng kỳ mục hoặc trưởng ban tư văn để xin phép mời các người trong ba. Khi ông chánh hội đồng kỳ mục và ông trưởng ban tư văn đồng ý, chính các ông ấy sẽ phụ trách việc mời và cho biết giờ họ sẽ tới. Gia chủ phải tiếp đón trịnh trọng, và cỗ bàn phải đặc biệt, và sau bữa cỗ lại phải có phần biếu .

Ngoài những bữa tiệc mời, gia chủ phải sửa lễ ra đình cúng thần, thường là trâu, bò, rượu, lợn, xôi và trầu cau; cũng có khi là dê, gà thay cho trâu, bò, lợn tùy theo lệ làng và cũng tùy theo người ăn khao. Những lễ vật sau khi cúng thần rồi, một phần làm phần biếu hương lý kỳ mục quan viên, một phần làm cỗ.

Có nhiều nơi, tục khao rất nặng, phải có bánh giầy, bánh chưng, cùng một vài thứ bánh khách như bánh tràng gừng, bánh ú, bánh gan gà, v.v... dùng làm đồ lễ cúng thần và dùng làm đồ biếu.

Có khi gia chủ lại phải dành riêng một mâm cỗ đặc biệt cho hương lý kỳ mục, rồi lại phải có bàn đèn thuốc sái để họ hút ban đêm và lại phải mời ca nhi tới cho họ nghe hát mua vui.

Các gia chủ bao giờ cũng sẵn sàng để thoả mãn những điều yêu cầu của kỳ mục để tiệc khao càng thêm linh đình và để chứng tỏ sự rộng rãi của mình. Nếu các kỳ mục quan viên muốn mua vui bằng tổ tôm tài bài thâu đêm suốt sáng, gia chủ phải cắt người túc trực hầu hạ và phải lo bữa tiệc đêm cho họ.

Lễ ăn khao kéo dài có khi tới bốn năm hôm, gia chủ không nề hà tốn kém.

Cũng có người kém sung túc, may mắn được chút danh vọng, ơn trời cho tuổi thọ, cũng cố khao lệ làng, nhưng sự ăn uống vui chơi thường giảm tới tối thiểu.

Tiệc khao xong lại nộp theo lệ làng một số tiền ấn định tại hương ước để sung vào quỹ làng. Đây là tiền vọng. Có nhiều làng, không có lệ nộp tiền vọng mà chỉ cần một mâm xôi gà lễ thần để các hương lý kỳ mục thừa lộc thánh, chia nhau lấy phần.

Nếu có người nào may mắn được danh vọng, nhưng túng thiếu quá không ăn khao, danh vọng cũng không được ai nhắc đến, coi như không có. Ta có câu vô vọng bất thành, nghĩa là chưa đủ lệ làng, làng không công nhận sự nên danh giá của đương nhân.

Sự công nhận của làng xã đối với đương nhân thể hiện qua sự xưng hô: ông Cửu, ông Bát, ông Hàn v.v... nếu được ân thưởng mà chưa khao, người ta vẫn xưng hô theo thường lệ là bố cu, mẹ đĩ. Và tại chốn đình trung, nếu chưa đủ lệ làng, chưa được dự vào hàng chiếu dành cho người có danh vọng đã đủ lệ khao vọng rồi.

Khao thi đỗ

Thi dỗ la làm nên danh giá, có khi từ bạch đinh trở thành ông Tú, ông Cử, ông

Nghè. Người thi đỗ, lúc “vinh quy bái tổ” được dân làng đón rước, lẽ tất nhiên phải năn mừng sự thi đỗ. Việc ăn mừng có khi chỉ thu hẹp trong phạm vi xã mình, nhưng khi đỗ Đại khoa, thường ăn khao tới hàng phủ, hàng huyện.

Phải thành thực công nhận rằng, nước Việt Nam ta cũng như nhiều nước phương Đông xưa, Đại đăng khoa rất được tôn trọng. Sự thi cử xưa rất khó khăn, ba năm mới có một khoa, mà số sĩ tử đỗ đạt rất là hạn chế. Và việc thi cử cũng là một điều rất quan trọng: Tại các cổng trường thi, mỗi khoa thi đều có treo mấy chữ đại tự THIÊN TỬ CẨU HIỀN. Điều này chứng tỏ người đỗ đạt được quý trọng đến bậc nào.

Một vị hàn nho hôm trước hôm sau đã trở nên ông Nghè, rồi mai đây nhờ ơn vua lộc nước sẽ là quan này quan nọ.

Chính vì vậy mà các ông Tân khoa khi vinh quy bái tố được đón rước rất trọng thể. Ta gọi đám rước này là đám rước ông Nghè7

Đám rước ông Nghè đến nhà, rồi ông Nghè chọn ngày lành tháng tốt mở tiệc khao hàng huyện. Các ông Cử Nhân, Tú Tài thì khao hàng Tổng và hàng Xã.

Nhiều ông Nghè rất nghèo, nhưng đám khao cũng rất linh đình. Họ hàng, bạn bè, làng nước ai cũng tới mừng và giúp đỡ về nền tài chính cho ông Nghè trong trường hợp cần thiết.

Khao vọng xong, những vị Tân khoa, nếu đỡ từ cử nhân trở lên, ở nhà chờ lệnh vua đi nhận chức, còn các ông Tú Tài, thì nghỉ ngơi ít ngày rồi lại tiếp tục đèn sách để đợi khoa sau.

Tục lệ xưa như vậy, tục lệ sau này đã đổi dần.

Dưới thời Pháp thuộc, những thí sinh đậu từ bằng Sơ Học Pháp Việt trở lên cũng có mở tiệc ăn mừng, nhưng trong phạm vi nhỏ hơn ăn khao thời xưa. Với các văn bằng Sơ học Pháp Việt trở lên, các làng xã xưa có lệ miễn cho các đương sự về sự phu phen, tạp dịch, bởi vậy, tuy không có lệ khao linh đình, nhưng cũng bỏ hẳn được những bữa tiệc ăn mừng và lệ vọng nộp cho hàng xã.

Và tới ngày nay, với mọi sự biến chuyển do thời cuộc gây nên, những tục lệ xưa cũ hầu như mất cả, nên những người đỗ đạt, dù Cử nhân, Tiến sĩ cũng không ai nghĩ đến sự khao vọng nữa. Có lẽ cũng còn một đôi làng giữ lại lệ xưa, dành những quyền hạn cho các người đỗ đạt, nhưng trong trường hợp này người ta cũng chỉ mở một bữa tiệc mừng mời một số ít người thân đến để chia vui.

Tại các thành thị, nhiều gia đình khi con cái đỗ đạt, có mở tiệc mừng nhưng chỉ trong phạm vi trong nhà, và nếu có mời bạn bè, đó chỉ là bạn học của cô hoặc cậu tân khoa.

7 Muốn biết rõ hơn về “Vinh quy bái tổ” xin xem trong Nếp cũ: CON NGƯỜI VIỆT NAM của tác giả, chương Văn học và Thi cử. Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

Khao chức việc

Trước đây được dân chúng bầu vào những chức vụ Chánh, Phó Tổng, Lý, Phó Trưởng cũng như vào những chức vụ khác trong các ban hương lý kỳ mục là những điều vinh dụ và theo quan niệm của ta xưa như thế là có công danh.

Có công danh thì phải khao, có khao mới có uy tín làm việc trong dân trong xã.

Bởi vậy, những vị Chánh, Phó tổng cùng các chức việc hàng xã, trước khi nhận việc, thường mở tiệc khao linh đình, trừ những trường hợp đặc biệt mới có người nhận việc trước khi khao.

Cũng như trong bất cứ việc gì quan trọng, trước khi khao họ cũng mở lịch xem ngày, kén ngày tốt để công việc mai sau không gặp điều gì trắc trở.

Trong tiệc khao có cỗ bàn linh đình.

Trước hết đương sự phải có cơi trầu trình ban kỳ mục trong làng để xin phép khao và mời ban kỳ mục tới dự lễ khao.

Được lời ban kỳ mục, đương sự lại phải tìm đến ban tư văn để mời. Ban tư văn gồn các tay văn học trong làng, các chức sắc đã được thưởng phẩm hàm. Ban tư văn sẽ dự lễ khao và sẽ soạn thảo các văn tế thần hoặc tổ tiên người đứng khao.

Được sự chấp nhận của ban kỳ mục và ban tư văn rồi, đương sự làm lễ cáo gia tiên.

Đến ngày khao, đương sự phải có lễ vật ra đình để cúng lễ đức Thành Hoàng. Có khi có cuộc tế lễ long trọng, việc tế lễ sẽ do ban tư văn phụ trách.

Nếu đương sự muốn tế gia tiên, ban tư văn cũng sẽ phụ trách. Các văn tế thần cũng như văn tế gia tiên đều do ban tư văn soạn thảo.

Mỗi lần tế xong, tại đình cũng như tại nhà, đương sự đều phải có phần biếu riêng ban tư văn, hay ít ra cũng phải có một mâm cỗ dành riêng mời nhân viên trong ban này.

Nhiều khi trong khi khao có cuộc rước văn bằng.

Văn bằng do quan trên gửi tới còn để tại phòng Hội đồng làng hoặc tại nhà một vị chức sắc nào. Ngày khao đương sự mới đưa kiệu, nhờ họ hàng cùng các con em tới rước văn bằng về cáo với tổ tiên trong tiệc khao. Bạn bè, làng nước được mời tới dự đám khao đều có đồ mừng. Các tay văn tự thì mừng những bức đại tự, mừng liễn, mừng câu đối, còn các bà con khác mừng trầu cau, trà rượu hoặc có khi mừng tiền.

Tiệc khao rất tốn kém nếu muốn mời đủ mọi hạng khách trong làng trong tổng, nhất là đối với những việc hàng tổng. Nhiều người đã vì tiệc khao phải cầm bán nhà cửa ruộng nương.

Có người không đủ năng lực tài chính để tổ chức tiệc khao, khi nhận một chức vụ của hàng xã hàng tổng, chỉ lo cho đủ lệ làng, lệ tổng và mời ăn chiếu lệ, bãi bỏ hết mọi việc tế lễ rước xách, tuy vậy cũng vẫn có sự tốn kém.

Ngày nay người ta không làm lễ khao khi nhậm chức vụ, nhưng người ta vẫn có một tiệc để mời bằng hữu, làng nước. Tiệc mừng này chính là tiệc khao của thời xưa.

Để tiết kiệm, nhiều khi tiệc mừng chỉ là một tiệc trà. Tuy vậy, cũng có những vị đại diện xã, những uỷ viên xã, muốn lấy uy tín với dân chúng, khi mở tiệc mừng trước ngày nhận chức việc thường mời viên quận trưởng tới dự tiệc. Tiệc trà ngày nay, thường được tổ chức sau lễ bàn giao chức vụ giữa hai vị tân, cựu chức việc.

Khao Trùm, khao trưởng xóm

Tại nhiều địa phương, dân chúng tổ chức thành từng xóm, có trưởng xóm riêng, hoặc thành từng chòm từng khóm, các ông trùm đứng đầu.

Những chức vị trưởng xóm hoặc ông trùm không phải là những chức vị chánh thức đối với hệ thống cai trị, và cũng không có ghi trong hương ước, chỉ là những chức riêng của xóm, của chòm, của khóm.

Những chức vị này thường do dân trong xóm, trong chòm, trong khóm tự cử ra để đại diện cho xóm,chòm, khóm trong mọi công việc giao thiệp với dân làng.

Được cử vào các chức vị này cũng là một vinh dự, và cũng kể là có công danh; cũng được miễn những đều phu phen tạp dịch. Và như vậy tất nhiên phải có khao, tuy việc khao chỉ thu hẹp trong phạm vi xóm, chòm, khóm của mình. Các đương sự để chính thức hoá với dân làng chức vị của mình, thường có mâm cỗ riêng hoặc phần biếu riêng cho các vị hương lý, kỳ mục trong làng.

Bà con bạn bè tới dự tiệc khao cũng có đồ mừng như khi dự đám khao của các vị chức sắc hàng xã.

Khao đi làm quan

Người thi đỗ khao lúc vinh quy, nhưng khi được bổ đi làm quan, thường cũng có tiệc khao trước khi đi nhậm chức, tuy việc khao không linh đình bằng tiệc khao lúc vinh quy bái tổ.

Đương sự cũng cáo gia tiên, lễ thần linh tại đình, mời họ hàng làng nước như một chức việc trong làng khao trước khi lĩnh chức vụ.

Giàu nghèo gì, trước khi đi làm quan ai cũng cố khao dân làng, không khao to thì khao nhỏ.

Chính vì bữa khao này mà ngày xưa, khi vị quan lên đường nhận chức được dân làng tiễn đưa với cờ kiệu thật trọng thể.

Ngày nay, mặc dầu chịu ảnh hưởng văn minh Tây phương, ta cho khao vọng là cổ hũ, nhưng các công chức mỗi khi đi nhận một chức vụ, thường gia đình cũng có lễ cúng gia tiên và có bữa tiệc nhỏ từ giã những người thân tình.

Khao phẩm hàm

Các Chánh, phó Tổng, Hương lý sau khi làm việc một thời gian nếu mẫn cán có công thường được tưởng thưởng. Triều đình cho tưởng lục hoặc ban cho phẩm hàm. Việc ban thưởng “tưởng lục” hoặc “phẩm hàm” này cũng tựa như chính phủ đương thời tặng “tưởng lục” và “bội tinh” vậy.

Sự ân thưởng này cũng như ngày nay, có người khi mãn chức việc mới nhận được, có người tưởng thưởng ngay trong khi tại chức. Được tưởng thưởng, các đương sự lại khao làng xã. Nhiều người đi làm việc cho nhà nước khi được tưởng thưởng phẩm hàm cũng về tại làng khao.

Việc khao cũng giống như khi nhậm chức việc, nếu có khác thì chỉ khác ở chỗ rước sắc của Triều đình thay vì rước văn bằng. Sắc để tại huyện hoặc tại văn phòng hàng tổng. Rước sắc long trọng hơn rước văn bằng.

Rước sắc bằng cờ kiệu mượn của làng sau khi đã làm lễ khấn và xin phép thần linh được ứng hiệu qua “quẻ âm dương” sự ưng thuận, và được các kỳ mục không cản trở.

Trong đám khao cũng lại có tế lễ với các trò vui tùy theo khả năng tài chính của gia chủ khi các hương kỳ mục đòi hỏi.

Những người được ân thưởng phẩm hàm sau lễ khao này được dân làng gọi tên theo phẩm tước mới. Ông Bá nếu được thưởng Bá hộ, ông Cửu nếu được thưởng Cửu phẩm, ông Hàn nếu được thưởng Hàn lâm, v.v....

Nếu còn đang tại chức, dân làng sẽ gọi thêm cả chức vụ: ông Lý Bá, ông Tổng Cửu...

Được thưởng phẩm hàm, sau khi khao xong sẽ được dự vào ban tư văn trong làng, nếu phẩm hàng thuộc hàng văn giai, và được có ngôi thứ trong làng tùy theo phẩm hàm cao thấp, không kể văn giai hay đội trưởng.

Đối với những người được tưởng lục và bội tinh sau naỳ, không ai khao vọng gì, nhưng thường các đương sự cũng có mời bằng hữu, tới nhà hoặc đi hiệu ăn mừng một Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

bữa. Ở vùng quê, cũng còn nơi có người làm tiệc mời bà con họ hàng và cáo gia tiên.

Khao quan viên

Có những người thi đậu Tuyển Sinh, Khoá sinh, hoặc dưới thời Pháp thuộc đậu Sơ Học Yếu Lược, Sơ Học Pháp Việt, theo lệ nhiều làng, đậu những bằng nhỏ này không được xung ngày vào ban tư văn, phải chờ tới một tuổi nào, thường thường là năm mươi tuổi, mới được dự vào hàng quan viên trong ban đó. Nói vậy, không phải cứ đúng tuổi của lệ làng là đã thành một quan viên trong làng. Cần phải có khao, to thì mời cả làng xã, nhỏ thì cũng phải mời đủ ban tư văn trong làng, sau đó mới được kể là quan viên, và từ đó sẽ được hưởng mọi quyền lợi của các vị quan viên.

Khao nhiêu, khao xã

Tại các làng qưê thời phong kiến, người dân bạch đinh phải chịu rất nhiều phu phen tạp dịch, nào đi tuần tráng, nào đắp đê đắp tường, nào những khi quan đi kinh lý phải vác cờ khiêng kiệu. v.v....

Muốn tránh những công việc trên hoặc phải là tay văn học, hoặc là các chức sắc trong làng, trong ban kỳ mục, hoặc phải đến tuổi được miễn, hoặc phải là học trò còn đang theo đuổi bút nghiên. Một khi đã thôi học, chỉ được coi là văn học nếu có đỗ đạt, ít nhất cũng là bằng Tuyển sinh hoặc Khoá sinh, và sau này dưới thời Pháp thuộc, ít nhất phải có bằng Sơ học Yếu Lược hoặc Cơ Thủy, tùy từng làng có nhiều hay ít người đỗ đạt, và tuy đã có văn bằng nhưng cũng phải đủ lệ khao vọng.

Người dân bạch đinh, muốn tránh phu phen tạp dịch phải mua những chức hàm trong làng, đó là các chân Nhiêu, chân Xã, cũng như các chân Phủ, Huyện hàm nhà nước thường ban cho nhiều người vậy. Mỗi chân Nhiêu, chân Xã phải nộp một món tiền theo lệ làng, và các chân Nhiêu chân Xã mỗi làng đều có lệ hạn định đến một số nào.

Mua được nhiêu, được xã rồi, lại phải khao. Lệ khao tuy không linh đình như khao nhận việc, khao phẩm hàm, khao quan viên... nhưng cũng phải có cỗ bàn mời một số các chức sắc trong làng.

Lẽ tất nhiên, có khao thì có lễ, lễ gia tiên ở nhà và lễ Thành Hoàng ở đình.

Các ông Phủ, Huyện hàm cũng về làng làm tiệc khao dân làng và mời bạn bè.

Khao thượng thọ

Từ trên, mới trình bày qua về các lệ khao khi có danh vọng, nhưng nếu danh vọng là đáng quý, thì tuổi thọ càng đáng quý hơn, bởi vậy, các cụ ta còn có lệ khao vọng khi các cụ đạt đến được một tuổi thọ nào đó, tùy theo địa phương, nhưng ít nhất cũng phải từ năm muơi tuổi trở lên.

Thọ là một trong ba điều hạnh phúc cố hữu của ta. Trong ba điều hạnh phúc đó thì Phúc là công danh chức tước, Lộc là con cháu đông đàn, còn Thọ chính là tuổi thọ.

Người ta ăn mừng công danh, ăn mừng khi sinh con cái, thì lẽ tất nhiên phả có ăn mừng khi Trời ban cho tuổi thọ, vì sống lâu chính là điều hạnh phúc quý báu. Ai cũng muốn sống lâu, và vì muốn sống lâu nên người già rất được dân ta quý trọng.

Ta có câu: “Triều đình thượng tước, hương đảng thượng xỉ” nghĩa là địa vị ở triều đình do chức tước còn chỗ ngồi ở dân xã do tuổi tác.

Được hưởng tuổi tác thì ta ăn khao: năm mươi tuổi là Ngũ tuần khánh thọ, sáu mươi tuổi là Lục tuần khánh thọ, rồi Thất, Bát tuần khánh thọ..., nôm na ta gọi là, ăn khao năm mươi, ăn khao sáu mươi....

Làng Thị Cầu huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh trước đây, có tục ăn khao khi 55 tuổi, bọi là lên Xỉ, tức là lên cái tuổi đã có chiếu ngồi khi ra chốn đình trung.

Lễ khao thượng thọ

Đến tuổi khao người ta thường lo khao cho đủ lệ làng, những người nghèo túng

cũng cố lo nộp lệ vọng với làng để được dự hàng nơi đình trung, - và đây thực là một điều bất đắc dĩ đối với các đương sự, vì ai chẳng muốn lễ khao cho linh đình để đẹp mày, đẹp mặt với xóm làng.

Thường thường lễ khao được tổ chức vào dịp đầu năm.Theo Phan Kế Bính trong "Việt nam Phong Tục" thì hôm ăn mừng, trước hết là lễ gà xôi, hoặc tam sinh, hoặc lợn bò đem ra đình lễ thần, gọi là bái tạ thần hưu, nghĩa là tạ ơn thần thánh đã phù hộ cho cha mẹ được sống lâu.

Cùng với lễ ở ngoài đình, con cái cũng có lễ cáo gia tiên, và trong bản văn khấn cáo này phải tỏ sự biết ơn gia tiên đã phù hộ cho cha mẹ được trường thọ. Trong suốt mấy ngày ăn khao, hàng ngày phải có lễ cúng trên bà thờ, ngày hai lần như trong ngày Tết và trên bàn thờ đèn nhang phải được thắp đều.

Lễ Thượng Thọ là lễ ăn mừng của các cụ già, song chính con cái cũng phải mừng, mừng được cha mẹ sống lâu để cho các con phụng dưỡng.

Sau lễ tại đình và lễ cáo yết gia tiên, con cháu phải mừng cha mẹ.

Chúc thọ

Lúc này cha mẹ ăn mặc lịch sự ngồi trên sập đặt chính giữa nhà để con cháu lễ bái. Sập này có trải chiếu gọi là Thọ tịch. Con cháu sẽ dâng rượu gọi là "hiến tửu" và sau đó dân quả đào gọi là "bàn đào chúc thọ" theo tích bà Tây Vương Mẫu ngày xưa hiến vua Hán Vũ Đế mấy quả đào tiên nói rằng đào này ăn vào sẽ sống lâu.

Dâng rượu, dâng đào rồi, con cháu lễ bái trước mặt hai cụ, mỗi người lạy mừng hai lạy rưỡi.

Rồi mâm tiệc bưng lên để hai cụ xơi.

Trong lúc con cháu lễ mừng có khách khứa chứng kiến để nhận rõ hạnh phúc của hai cụ và sự hiếu thảo của con cháu.

Sau con cháu đến lượt họ hàng bạn bè chúc mừng. Rồi pháo nỗ làm tăng cảnh tưng bừng cho buổi lễ.

Hai bên tường nhà treo đầy câu đối, những bức đại tự và những bài thơ mừng hai cụ. Có nhiều nhà cho mời ca nhi tới ngâm những bài thơ, những câu đối này.

Có khi chính cụ ông là một tay văn tự, cũng tự soạn những bài thơ hoặc ca trù để ca nhi hát theo tiếng sênh tiếng phách.

Bữa tiệc khao thường rất linh đình. Tiếng phảo không ngớt nổ. Các bạn bè nhiều người ngay trong bữa tiệc đã soạn những bài hát, bài thơ để mừng các cụ ăn khao.

Buổi tối có khi có hát chèo, hát tuồng để con cháu và dân làng mua vui. Đây là hình thức chúc thọ theo lối xưa.

Theo tục lệ, thường chỉ các cụ ông ăn mừng thượng thọ, còn các cụ bà chỉ mừng theo sự mừng của chồng, nhưng trong những trường hợp các cụ ông đã chết trước khi tới tuổi thượng thọ của các cụ bà, con cháu cũng làm lẽ mừng.

Ăn sinh nhật

Ăn sinh nhật tức là ăn mừng ngày sinh của mình. Tục này ta bắt chước theo người nước ngoài, nhưng ta chỉ ăn sinh nhật khi tuổi đã hơi cao, có con cháu đề huề. Ta ăn sinh nhật để mừng bước sang một tuổi mới, và đây chính là mừng vì Trời, Phật đã ban cho tuổi thọ, theo quan điểm xưa.

Trong ngày lễ sinh nhật, có lễ cáo gia tiên, sau đó còn cái lễ mừng cha mẹ. Có mời bạn bè họ hàng tới dự tiệc mừng.

Người xưa, chỉ nam giới có tục ăn sinh nhật, các cụ bà chỉ ăn sinh nhật khi chồng đã qua đời, vì theo tục lệ Á đông, mọi việc của người vợ đều phụ thuộc vào người chồng, khi chồng còn sinh thời, cái mừng của chồng chính là cái mừng của vợ vậy. Thẳng hoặc có cụ bà nào ăn sinh nhật khi cụ ông còn sống, lễ sinh nhật cũng giảm tiết Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

rất nhiều, không như lễ sinh nhật của cụ ông.

Mừng sinh nhật của cha mẹ cũng như mừng thọ cha mẹ, chính là con cái tỏ lòng kính yêu cha mẹ, cầu chúc cho cha mẹ được sống lâu để được luôn luôn phụng dưỡng.

Ngày nay, tại các đô thị, người ta ăn sinh nhật theo lối Âu Tây, những nhà giầu có không những chỉ ăn sinh nhật bố mẹ mà còn ăn sinh nhật của các con nữa. Đấy là "phú quý sinh lễ nghĩa", chứ như người nghèo khó, dù có nhớ đến ngày sinh nhật của các con thì cũng chỉ đành để trôi qua, đâu dám bày vẽ ra cho tốn kém.

Thực ra ăn sinh nhật cha mẹ, để cha mẹ kỷ niệm ngày mình ra đời và đồng thời để có dịp gia đình sum họp, thực cũng là một điều hay và đầy ý nghĩa vậy.

Truy Phong phụ mẫu và tiên tổ

Xưa, những người làm quan từ “tứ phẩm” trở lên, được nhà vua ban sắc, phong tặng cho cha mẹ, ông bà, cụ kỵ tùy theo phẩm tước của mình: "Nhất phẩm" được triều đình truy phong đến cao tổ, tức là các cụ, "nhị phẩm" được truy phong đến ông bà, tam, tứ phẩm được truy phong đến cha mẹ.

Trong sắc phong nhà vua kể công trạng chức tước của người làm quan, rồi suy ân sắc phong đến cha mẹ, ông bà hay các cụ.

Sắc phong báo về dân làng, dân làng phải tổ chức đi rước sắc về nhà gia chủ.

Nếu các người được sắc phong, cha mẹ vị quan, còn sống, sẽ có lễ khao dân làng theo thể thức như khao phẩm hàm.

Ngày nay không có lệ truy phong đến bố mẹ, nhưng đối với những người có công với quốc gia chẳng may thất lộc có thể truy tặng các hình thức khen thưởng xứng đáng.

Lễ phần hoàng

Thường các vị tam, tứ đại được sắc phong, vì đều đã qua đời nên con cháu phải làm lễ phần hoàng nghĩa là Lễ đốt sắc để cáo với các cụ được truy phong.

Trước hết bản sắc của vua phong được sao ra một tờ giấy màu vàng, màu giấy của sắc chính. Hai bản sắc chính và sao đều đặt vào một chiếc khay rồi đệ lên bàn thờ. Trên bàn thờ đã có bày đầy đủ đồ tế tự.

Vị quan đã làm hiển thanh danh phụ mẫu, đốt hương khấn lễ, đọc bản văn nói rõ duyên do sự phong tặng của triều đình cho cha mẹ, ông bà và các cụ, đồng thời cũng đọc cả chức tước vua phong cho các vị này. Sau đó một người đọc bản sắc của nhà vua.

Lễ xong, bản sao tờ sắc được đem đốt, còn bản chính chủ nhân giữ lại thờ.

Lễ đốt sắc này gọi là "lễ phần hoàng" nghĩa là đốt tờ sắc mầu vàng.

Làm lễ ở nhà xong, chủ nhân lại sửa lễ ra đình để cáo yết thần linh.

Sau mọi cuộc tế lễ, chủ nhân khoản đãi dân làng khách khứa cũng như các việc khao mừng khác.

Việc con làm nên được phong tặng đến cha mẹ cũng là một điều hay, khuyến khích cha mẹ trong việc dậy dỗ, gây dựng con cái và cũng lại có ý khuyên người làm con phải cố gắng làm rạng rỡ tổ tiên để tổ tiên cũng được hưởng sự vinh quang.

Yến lão với tục trọng tuổi già

Nhân trong chương “khao vọng” có nói tới việc khao thượng thọ mà ý nghĩa là mừng tuổi trời ban cho, tưởng không thể bỏ qua được tục Yến lão của ta, một tục lệ để tôn trọng tuổi già.

Ta có câu "kính lão đắc thọ", và cũng có câu "Kính già, già để tuổi cho" để chứng tỏ tuổi già ở nước ta rất được tôn trọng. Với sự tôn trọng này, tục lệ có nhiều cuộc lễ dành riêng cho những người già lão và trong các tục này có tục Yến lão.

YẾN LÃO tức là bữa yến để thết các cụ già.

Tại nhiều làng để tỏ lòng kính trọng các cụ già, trong dịp đầu năm thường có tổ chức một bữa tiệc riêng để mời các cụ, cả cụ ông lẫn cụ bà, tuổi từ lục tuần trở lên tới dự. Bữa tiệc rất thịnh soạn và thường có món yến là một món ăn rất quý.

Hàng năm ngày Yến Lão được ấn định bởi dân làng. Tới ngày đó, một số các dân đinh trong làng, theo lần lượt hàng năm phải mang bánh trái, đồ lễ tới đình, trước là để lễ thần, sau là để các cụ dùng. Có làng, theo tục lệ dân đinh phải đóng góp để lấy tiền làm bữa yến này, bữa yến sẽ do một người phụ trách sửa soạn. Có thể không có món yến, nhưng vẫn gọi là "bữa yến" vì mâm cỗ rất sang trọng.

Các cụ, dân làng kính trọng gọi là Lão ông và Lão bà. Ðám rước này gọi là RƯỚC LÃO. Các lão ông và lão bà tụ tập tại một nơi để dân làng mang âm nhạc, cờ quạt tới rước. Ðám rước sẽ đi suốt làng để các cụ nhận sự chào mừng của dân xã. Trong lúc rước, các cụ đi theo thứ tự tuổi tác, các cụ nhiều tuổi đi lên trên. Các cụ đều mặc quần áo màu đỏ rực tượng trưng cho sự vui mừng, ngồi trên cáng hoặc ngồi trên võng có dân đinh khiêng và có con cháu đi theo.

Có nhiều địa phương, các cụ tới họp tại đình làng, từ đó dân làng sẽ rước các cụ đi một vòng quanh, rồi lại trở về đình.

Về tới đình, các cụ ngồi dự yến, cứ bốn người một mâm.

Trong bữa tiệc yến có bát âm cử nhạc, lại có ca nhi ngâm lên nhiều bài thơ hoặc ca trù chúc mừng các cụ. Có đốt pháo tưng bừng. Và mé cửa đình cờ quạt, tàn, lọng bay phất phới.

Yến dự xong, các cụ lại có phần mang về, thường theo tục lệ, mâm yến các cụ thật là thừa thãi, các cụ chỉ ăn một phần, còn lại các cụ mang về chia cho các cháu để cùng hưởng lộc làng.

Tục lệ yến lão nói chung tại các nơi thì như vậy, nhưng mỗi làng tùy theo địa phương vẫn có sự khác biệt. Có nơi gọi mâm yến là MÂM CỖ NGỌC như ở làng Ðầu Ðàng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên; có nơi mân yến chỉ là mâm cỗ thường, nhưng các cụ được hưởng phần xôi gà dành riêng rất lớn như ở làng Thị Cầu huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh trước đây.

Mâm cỗ ngọc

Làng Ðầu Ðàng là tên tục xã Ðặng Cầu, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên có tục Rước lão và Yến lão. Mâm yến ở đây gọi là "mâm cỗ ngọc".

Rước lão được tổ chức vào mồng 8 tháng Giêng âm lịch mỗi năm.

Sáng hôm đó các cụ già mặc áo thụng màu lam có thêu năm chữ “Phúc”, “Lộc”, “Thọ”, “Khang”, “Ninh” tập trung tại đình làng, được dân làng rước từ đình, qua văn miếu, qua chợ rồi lại về đình để mọi người chào mừng các cụ. Trong lúc đi rước các cụ trên 100 tuổi được trai tráng khiêng võng rước đi. Các cụ cao niên nhất đi võng Đào che bốn lọng, con cháu đi chung quanh.

Về tại đình, các cụ an tọa tại hai bên tả hữu bàn thờ theo ”niên sỉ”, bốn người một chiếu. Mâm cỗ ngọc được bưng ra. Mâm cỗ rất lớn, xôi đơm đầy mâm ú ụ, có quả trứng khổng lồ do trứng gà đổ vào bong bóng trâu, một nồi cháo thật lớn để các cụ xơi.

Tại sao không gọi là mâm Yến lại gọi là Mâm cỗ ngọc?

- Vì tục làng này, mâm cỗ không có yến, mà chỉ có mâm xôi lớn bằng gạo nếp cái thơm, trắng tinh như ngọc.

Mâm cỗ ngọc hậu hĩ như vậy, nhưng thường các cụ chỉ ăn cháo, còn xôi gà các cụ lấy phần mang về để cho con cháu thừa hưởng lộc thánh. Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

Mâm cỗ xuân

Làng Thị Cầu, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh trước, hàng năm vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch có lệ cúng thần.

Nhân dịp này, các cụ ông từ 50 tuổi được dân làng cất lên bực “Niên sỉ”, tục ở đấy gọi là lên XÔN.

Lên XÔN, các vị phải có một cỗ xôi con gà và trầu cau, hoa rượu để lễ thần. Xôi nấu bằng gạo nếp thơm hảo hạng, còn con gà do nhà nuôi lấy và phải kén từ trước giữ cho tinh khiết.

Làng này có tục thi cỗ xôi. Cỗ xôi nào nặng cân, gạo ngon thơm và con gà to béo thì được chấm nhất. Mỗi con gà đều ngậm nơi mỏ một bông hoa màu đỏ, thường là hoa hồng nhung hoặc hoa lựu.

Cỗ xôi con gà cúng lễ thần xong dùng làm cỗ để các cụ xơi. Được dự vào bữa cỗ này tất các các cụ đã lên Xôn rồi.

Thứ bậc về tuổi tác ở đây chia làm ba bậc, phân ngôi thứ ngồi ở bàn Thượng, bàn Trung và bàn Hạ.

Bàn Thượng lại phân làm ba: Bàn Nhất, Bàn Nhì và Bàn Ba.

Tại bàn Nhất, chỉ có các cụ trên 80 tuổi, dân làng tôn là các cụ Thượng; bàn Nhì dành cho các cụ tuổi từ 70 đến 80; bàn Ba dành cho các cụ tuổi từ 60 đến 70.

Các cụ tuổi từ 55 đến 60 ngồi ở bàn Trung, còn các cụ từ 50 đến 55 tuổi ngồi ở bàn Hạ. Bàn Trung và Bàn Hạ không phân chia thêm như Bàn Thượng.

Khi 55 tuổi, các cụ có lệ khao làng gọi là “lên Xỉ”, tức là đến cái tuổi được dự bàn Trung và được sự kính trọng hơn của dân làng.

Sáu mươi tuổi, các cụ khao lục tuần thượng thọ, 70 tuổi khao thất tuần thượng thọ, 80 tuổi khao bát tuần thượng thọ, v.v....

Sau khi khao bát tuần thượng thọ, các cụ được quyền mặc áo đỏ và được dân làng xưng hô gọi là cụ Thượng.

Cũng như khi lên Xôn, khi lên Xỉ, và những khi khao Thượng thọ, các cụ đều có cỗ xôi gà ra đình thần và sau dùng làm cỗ và chia phần

°
°     °

Thường mỗi bàn ngồi bốn cụ. Số xôi gà được chia cho các bàn, bàn Thượng nhiều hơn bàn Trung, bàn Trung nhiều hơn bàn Hạ. Tại bàn Thượng Nhất có khi chỉ có một cụ, và năm nào dân làng có nhiều người lên Xôn, lên Xỉ và khao Thượng thọ, mỗi bàn có thể được nguyên một cỗ xôi gà. Các cụ thường xơi rất ít, còn để chia phần mang về cho con cháu.

Thường thường dân làng cũng dành một số cỗ xôi gà chia cho trẻ con trong làng, phân ra làm bốn cho trẻ con bốn giáp trong làng: Ðông, Bắc, Già, Giữa. Giáp nào chia phần cho trẻ con giáp đó. Xôi nắm thành nắm có nhét thịt gà vào giữa. Lúc chia, trẻ con đứng ở dưới hai người lớn bưng mâm xôi chia cho mỗi trẻ một nắm.

Làng Thị Cầu không có lệ rước lão cũng như không có lệ chia phần cho các cụ bà dù nhiều tuổi đúng theo câu "phụ nữ bất dự đình trung"

ÐAU ỐM

Từ lúc lọt lòng mẹ cho đến khi vào lòng đất, mỗi người sinh ra không phải lúc nào cũng mạnh khoẻ, cứ ăn rồi lớn cho tới già, tới chết.

Ðá còn có khi đổ mồ hôi, con người dù cường tráng tới đâu cũng có lúc đau ốm, huống chi, lúc nhỏ bé yếu ớt, tránh sao được những khi trái giò trở trời, lúc cảm hàn cảm nhiệt. Lại có những giai đoạn con người phải chịu đau đớn để vượt qua những thời kỳ nọ bước sang thời kỳ kia: Từ trẻ nhỏ sang thời thời kỳ dậy thì, từ đứng tuổi sang thời kỳ già lão. Những thời kỳ thay đổi này đều có những triệu chứng. Lúc dậy thì, trai gái đều bị sốt nóng, các cụ già gọi là “sốt vỡ da”, lúc bắt đầu già yếu cũng có những cơn bệnh báo trước sự suy nhược của cơ thể, nhất là đối với phụ nữ phải vượt qua giai đoạn hết thời sinh nở, máu huyết không còn. Còn con trẻ trứng nước, mỗi sự thay đổi đều có quặt quẹo, đau ốm không nhiều thì ít: khi biết lẫy, khi biết bò, khi mọc răng, v.v....

Tóm lại đã sinh ra ở đời thì phải có khi đau ốm, khi đau nặng, lúc đau nhẹ, khi đau bộ phận này, khi yếu bộ phận khác, người khoẻ thì ít bệnh, người yếu thì dễ đau.

Ðau ốm thì phải chạy chữa, và muốn chạy chữa, phải biết nguồn gốc của sự ốm đau: người đau bụng vì trúng thực không chữa cùng một lối như người đau dạ dày, người ho vì sưng phổi không chữa giống người ho vì sưng cuống họng. ...

Theo y học ngày nay, con người bị đau ốm là vì nhiễm độc, là vì có vi trùng phát sinh ra bệnh tật. Người xưa, theo quan điểm y học, triết học cũ thường có những suy nghĩ và việc làm mà ngày nay ta cho là thần bí, mê tín, thiếu cơ sở khoa học.

Nguồn gốc bệnh tật theo khoa học

Chúng ta bỏ qua các nguồn gốc huyền bí của bệnh tật, theo quan niệm người xưa mà nói về các nguồn bệnh ngày nay được khoa học công nhận cùng nêu lên sơ qua một vài lối chữa chạy cổ xưa của cha ông ta. Ở đây, tôi không nói đến y học, vì tôi biết được gì đâu mà nói, nhưng tôi chỉ nhắc lại những điều tai nghe mắt thấy, hoặc những điều đã đọc qua ở một số tài liệu nào.

Tai nạn

Tai nạn thường xảy đến bất ngờ. Người ta có thể buổi sáng vẫn còn khoẻ mạnh, mà buổi trưa đã có thể vì tai nạn mà bị đau. Tai nạn đó có thể do đụng chạm vấp ngã, do các con vật có nọc độc như rắn rết, chó dại cắn, bị bỏng, bị chìm xuống nước v.v... Gặp mỗi tai nạn, dân ta có lối chữa riêng. Dưới đây xin ghi mấy lối chữa cổ truyền vẫn được áp dụng, còn ứng nghiệm hay không, kẻ viết không dám nói chắc, xin tùy bạn đọc suy ngẫm, tìm hiểu thêm.

Chữa ngã

Nếu ai ngã cây, ngã đu, ngã nóc nhà mà bị chết ngất thì trước đây dân gian thường lấy nhựa cây xanh, một loại cây giống như cây si để chữa. Lấy độ một thìa nhỏ nhựa, hoà vào với một chén rượu già (rượu cao độ) cho uống thì sẽ hồi.

Nếu bị gãy chân, gãy tay, đến các thầy thuốc, các ông ấy sẽ bó bằng xương gà, xương sẽ liền.

Ðồng bào miền Nam có một lối chữa đặc biệt, có thể gọi được là “chữa mẹo” cho những người bị gãy chân, gãy tay:

Dùng rau bợ, giã với dấm thanh và đường thẻ, rồi đem buộc vào chân tay, nhưng gãy chân tay bên nọ, lại buộc vào cùng chỗ ở trên tay bên kia. Lối chữa mẹo này, tôi đã được có người nói cho biết là hay lắm, nhưng chưa thí nghiệm bao giờ.

Ðồng bào tỉnh thành ngày nay, mỗi khi ngã dù chết ngất hay bị què, đều được người nhà chở tới bệnh viện để nhờ bác sĩ chữa.

Chữa đứt gân hay thịt - Nếu bị tai nạn, gân hoặc thịt bị đứt dân gian thường bắt một con chuột đốt lấy than, tán nhỏ ra với hạt cau, dịt vào thì khỏi.

Có khi vì đứt chân tay chảy máu, đồng bào miền Nam dùng lá cây “bóng nước”, gọi là cây hoa móng tay, giã ra dịt vào, máu sẽ cầm. Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

Ta lại thường dùng thuốc lào, tinh rêu cạo ở cây cau, mạng nhện hoặc bồ hóng để cầm máu.

Chữa rắn cắn

Những người làm việc ở đồng áng vườn tược, ở ven đồi núi thường có thể bất hạnh bị rắn cắn. Muốn chữa, trước đây người ta lấy dây cây chìa vôi tiá, hái ở đằng ngọn, cả lá cả dây một nắm. Nắm lá và dây này, người bị rắn cắn tự nhai lấy, nuốt nước còn bã đắp vào chỗ cắn sẽ khỏi.

Người bị rắn cắn cũng có thể lấy ngọn nghể răm và hạt cau, hai thứ đem nhai nhỏ, nuốt nước còn bã đắp vào chỗ bị cắn như trên.

Theo đồng bào miền Nam, họ có một lối chữa rắn cắn ngay tại chỗ: Khi bị rắn cắn, đưa tay quơ ra đằng sau gặp bất cứ cây gì bứt một nắm lá, nhai đắp vào chỗ bị rắn cắn, nọc độc sẽ không chạy được vào máu, và sau đó sẽ nhờ các thầy chữa giúp. Ở vùng quê miền Nam có nhiều người chuyên môn chữa rắn cắn theo những bài thuốc dân gian cổ truyền có hiệu nghiệm.

Những lối chữa trên có vẻ như không thích hợp với khoa học. Người thành thị thường hoài nghi các lối chữa cổ truyền của ta, nên bị rắn cắn họ đều tìm tới các bác sĩ, các bệnh viện để tiêm thuốc.

Chữa rết cắn

Rắn cắn thường nguy hiểm chết người, còn rết cắn chỉ đau buốt mà thôi.

Theo kinh nghiệm các cụ nói, nếu bị rết cắn ban đêm, sáng ngày khi có tiếng gà gáy tự nhiên khỏi buốt. Ban ngày nếu bị rết cắn, lấy dãi gà bôi vào sẽ khỏi. Cũng có thể, nếu bắt đúng con rết cắn mình, đem con rết đốt cháy thành thàn, lấy than đó hòa với dầu lạc, dầu vừng rồi bôi vào chỗ bị cắn sẽ khỏi.

Chữa chó dại cắn

Theo khoa học Âu Tây, bị chó dại cắn chỉ có cách đi tiêm để ngừa nọc độc khỏi chạy vào các cơ quan nhu yếu của cơ thể, nhưng các cụ ta có một môn thuốc chữa thật kỳ lại. Môn thuốc này năm 1914 được công bố trên “Đông Dương Tạp Chí” số 34 ngày 5-2-1914, còn hiệu nghiệm hay không, kẻ viết những trang này chưa thấy ai thí nghiệm bao giờ. Môn thuốc như sau; được ghi ra để bạn đọc tham khảo thêm:

Bắt một con mãn và một con cóc lớn, đem buộc con cóc lên đầu con mãn, đem hai con ấy trói lại, để trên hòn đá tảng hay hòn gạch, cối đá, rồi lấy chày hoặc vồ, nện làm sao một nhát chết cả hai con thì thuốc hay, nếu phải hai nhát thì thuốc kém hay.

Khi hai con đã chết rồi, bỏ vào cối giã nhỏ như giã giò rồi lấy vải tốt bọc thịt hai con ấy vắt cho chảy thành nhựa ra, được bao nhiêu cho uống ngần ấy, nhưng phải làm sao đổ được vào miệng con bệnh. Uống vào độ nửa giờ là khỏi bệnh.

Chữa bỏng

Bị bỏng rất rát, và người bị bỏng nhiều có thể bị chết được.

Ta có những lối cổ truyền chữa bỏng rất thần tình, những lối này, chính kẻ viết đã thấy ứng nghiệm:

- Lấy nước mắm bôi vào chỗ bỏng. Người bị bỏng sẽ thấy mát và chỗ bỏng sẽ không sưng phồng lên.

- Lấy lá trầu không, giã nhỏ đắp vào những chỗ bị bỏng.

- Lấy cây bóng nước giã lấy nước bôi vào những chỗ bị bỏng sẽ không bị rát và chóng khỏi.

Ngày nay nhiều người bị bỏng còn dùng kem đánh răng thoa vào chỗ bị bỏng, họ cũng có cảm giác dễ chịu như chữa theo các lối cổ truyền trên.

Ngoài ra, cũng theo lối cổ truyền, người ta dùng lá cây bỏng, loại cây có hoa, khi bó tới thì nổ, gọi là “bóng nổ”, giã nhỏ đắp vào cũng khỏi, hoặc có khi dùng dầu ta

thắp đền nhào với đất và muối rồi đắp lên, chỗ bỏng sẽ dễ chịu và da không tuột.

Các lối chữa bỏng về cổ truyền còn nhiều, nhưng vì có nhiều điều kẻ viết chưa chắc chắn và cũng không hiểu cách chữa thế nào nên không dám ghi ra đây, như cách dùng nước vôi, cách dùng nước tro, v.v....

Chữa hóc

Nhiều khi, có người ăn uống vô ý hoặc trẻ em vì tham ăn bị hóc xương. Các cụ ta có mấy lối chữa hóc sau đây:

- Ai hóc xương gà, xương cá, v.v... lấy lá đậu ván ở chỗ dây khuất mặt trời, đem giã nhỏ ra, cho một ít muối vào, rồi trộn với giấm thanh, xong gói vào giấy bản, ngậm vào mồm độ 30 phút là khỏi.

- Dùng vỏ cây đậu ván, chế thuốc cũng như trên, nghĩa là cũng đem giã nhỏ, trộn với muối và giấm thanh rồi ngậm vào mồm. Theo kinh nghiệm xưa khi bóc vỏ cây đậu ván nếu bóc xuôi xuống thì xương trôi xuống, nếu bóc ngược thì xương trôi ra.

Chỉ khát

Những người đứt chân đứt tay, đánh nhau vỡ đầu, chảy máu nhiều thường khát nước.

Muốn chỉ khát, dùng lá bạc than, lá cóc mẳn (khổ sâm) và cây cỏ nước (ngư tất nam) sắc nước cho uống thì khỏi ngay.

Chữa ngộp nước

Những người vô ý ngã xuống nước, bị ngộp ta thường cầm hai chân quay cho ọc nước ra thì khỏi, nhưng chỉ người mới bị ngộp mới chữa được, những người bị chìm lâu thường không chữa được.

Ngày nay với phương pháp hô hấp nhân tạo, việc chữa bị chết đuối thường có hiệu quả hơn.

Trên đây, là một ít cách chữa các bệnh tật do tai nạn gây nên theo lối cổ truyền. Còn nhiều cách khác nữa với nhiều biến chứng của bệnh do tai nạn, nhưng chúng tôi nghĩ chỉ nên giới hạn qua mấy cách trên thường được nhiều người nhắc tới.

Viết ra những trang này, chúng tôi mong được các nhà Tây Y học lưu ý, may ra có thấy điều gì hữu ích trong những điều được nêu lên chăng. Tuy nhiên việc chữa trị theo Tây y với thuốc tốt và phương pháp hiện đại vẫn hiệu nghiệm hơn.

Trái gió trở trời

Nhiều người đang khỏe mạnh, trời thay đổi thời tiết hoặc có khi bị luồng gió là bị đau bị cảm. Các cụ nói chung là "trái gió trở trời".

Trái gió trở trời gây ra chứng cảm là thông thường nhất.

Chữa chứng cảm này, các ông lang thường cắt cho thang thuốc cảm về sắc uống.

Có nhiều người vì ở xa xôi không tiện tìm ông lang thường dùng lối "đánh gió" để trị cảm. Người ta dùng các loại dầu như Nhị Thiên Đường, Bảo Tâm, v.v... để bôi xoa, cũng có khi người ta dùng cách xông hoặc chườm.

Đánh gió

"Đánh gió" có nghĩa là xoa vào người để trục xuất gió ra khỏi. Ta thường cho rằng người trúng gió bị cảm, muốn chữa khỏi phải đánh gió:

Lấy cám đem rang cho cháy rồi bọc vào một chiếc khăn, xoa khắp người bệnh nhân, xoa xuôi trở xuống. Đánh gió bằng cám, còn gọi là đánh cám, xong, bệnh nhân đổ mồ hôi, tự thấy bệnh nhẹ hẳn đi.

Hoả thang rượu với gừng, lấy gừng này xoa khắp người.

Luộc một quả trứng, nhét vào giữa quả trứng một đồng tiền bằng bạc hoặc một nắm tóc, có khi cả hai thứ, rồi bọc tất cả trong một chiếc khăn xoa lên khắp người bệnh nhân. Sau khi đánh gió cho bệnh nhân rồi, lúc giở khăn ra người ta thường thấy đồng Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

tiền bạc mang mầu ám khói và mớ tóc rối tung. Các cụ bảo rằng đấy là trong khi đánh gió, gió đã bị đồng tiền, nắm tóc và quả trứng hút ra nên đồng tiền như bị ám khói và tóc bị rối. Đánh gió xong, người bệnh cảm thấy nhẹ nhõm. Ngày nay ta còn có phương pháp gọi là cạo gió nhữa.

Xông

nghĩa là làm cho hơi hay khói nhiễm vào người để làm cho nhẹ bệnh đi.

Những người bị cảm thường xông bằng nước lá. Người ta dùng lá tre, lá bưởi, lá ngải cứu hoặc một vài thứ lá khác có tinh dầu bỏ vào nồi đun cho sôi lá rồi bắc ra, bỏ vung đi, bịt miệng nồi bằng một miếng có chọc nhiều lỗ thủng hoặc bằng một miếng vải thưa để cho hơi bốc lên được. Người ta ngồi trước nồi nước lá sôi ấy, mặt cúi xuống nồi nước, và cả người được trùm kín bằng một chiếc khăn mỏng. Như vậy hơi nước trong nồi bốc lên, nhiễm vào người đau làm mồ hôi đổ ra và gió độc cũng tiết ra theo.

Thường xông xong, người đau cảm thấy dễ chịu và có nhiều khi khỏi bệnh.

Chườm

Chườm nghĩa là áp một vật gì nóng hay lạnh vào người . Những người bị cảm nhức đầu, hoặc bị chứng đau bụng thường dùng lối chườm để chữa bệnh. Chườm có nhiều cách:

Đỗ đen đem ra nóng, bọc vào một chiếc khăn áp lên đầu sẽ khỏi nhức đầu.

Dùng một vài vị thuốc đem sao nóng, bọc trong một chiếc khăn chườm vào bụng sẽ khỏi đau bụng.

Những người nhức đầu thường hay xông lá ngải cứu hoặc chườm bằng lá ngải cứu. Người ta lấy ngải cứu quấn chung quanh đầu.

Cũng có khi để chữa nhức đầu, người ta đốt quả bồ kết ngửi hơi khói hoặc cắt một quả chanh bôi vôi dán vào thái dương mỗi bên một nữa, một lúc sau có thể khỏi.

Đại khái mấy lối trên thường đựợc dân ta dùng để chữa những chứng trái gió trở trời. Đôi khi song song với việc chữa bệnh, người ta còn làm một số việc khác nữa cũng nhằm để thuyên giảm bệnh.

Những bệnh sinh ra bởi vi trùng

Về những bệnh mà ngày nay ta cho là có vi trùng sinh ra, thì xưa các cụ cho là các cơ thể trong người suy kém. Mỗi khi cơ thể suy kém phát sinh ra những bệnh riêng nhiều khi vì hàn nhiệt mà sinhra, có bệnh ngoài da, có bệnh bên trong lục phủ ngũ tạng.

Vốn không phải là một y sĩ, và cũng không có kiến thức nhiều về cơ thể con người, ở đây tôi chỉ trình bày sơ qua một số các bệnh tật thông thường và những lối chữa cổ truyền, có lối lưu truyền tới ngày nay và còn đang được áp dụng, có lối này nay không được ai theo chữa nữa . Dù sao thì vẫn có tác dụng giúp bạn đọc hiểu thêm.

Đau đầu

Bệnh đau đầu nhức nhói khó chịu, nhiều khi xông chườm đều không khỏi. Phải tới các ông lang, các ông lang xem mạch, bốc thuốc. Cũng có khi ông lang cho thuốc cao dán vào hai bên thái dương.

Đau răng

Ta thường nói "Thứ nhất đau mắt, thứ nhì đau răng", chỉ giắt răng cũng đã khổ, đừng nói đến đau răng. Đau răng có thể là mộng răng sưng lên, có khi là vì sâu răng..

Sưng mộng răng tức là sưng ở lợi, nơi răng mọc lên. Đối với trẻ nhỏ, người ta dùng mật ong bôi vào, đối với người lớn có thứ thuốc riêng xát vào. Hoặc cũng có khi dùng lá cao dán bên ngoài.

Sâu răng là chính những cái răng bị sâu, ngày xưa người ta nhuộm răng và ăn trầu Xông

thì ít bị sâu răng, nên thỉnh thoảng có người bị sâu răng thì thường dùng rễ một thứ cây rất đắng gọi là rễ Tế tân mà ngậm, hoặc dùng thuốc bôi vào răng.

Xưa, có những người đi nhổ răng răng, họ thường bảo là trong răn có con sâu ăn cho nên đau, họ bôi thuốc, cho ngậm thuốc một lúc nhổ ra sẽ có những con dâu bò trong nước. Dân ta chất phác thường tin mấy ông thầy dạo này. Có khi họ còn bôi vào răng một chất thuốc gì, rồi họ ghé mồm vào thổi mạnh một cái, chiếc răng sâu rơi ra, nhưng thường những người nhổ răng dạo này, họ chỉ nhổ những chiếc răng tiền hàm hoặc răng sữa của trẻ em, họ không dám nhổ những răng hàm, răng cấm và răng nanh. Có lẽ họ có một “thuật” gì nên dân chúng rất tin họ.

Đau mắt

Đau mắt, xưa thường dùng những thuốc cổ truyền trong có chất xạ hương. Có người lại lấy chất hoàng liên tra vào mắt. Cũng có khi người ta dùng cách xông để chữa mắt.

Người đau mắt, xưa thường đeo một màng che mắt bằng the hoặc bằng vải thưa.

Cũng có người đánh mắt. Họ dùng cuống lá trầu không hoặc ngọn thài lài chấm vào thuốc có chất xạ hương rồi họ vạch mắt người đau ra, khe khẽ xát vào những đường trong mắt. Có người dùng đầu lưỡi đánh mắt cho nhau. Đây là cách làm thiếu vệ sinh.

Ngoài ra, cũng có người dùng thuốc cao dán hai bên đuôi con mắt.

Ngày nay, đau mắt rất nhiều thuốc chữa. Xưa kia, nhiều người thiếu thuốc đã bị “mục tật” vì đau mắt. cũng có người đau mắt chữa không phải đường nên hoá ra toét mắt, và mọc lông quặm, tức là lông mắt mọc đâm vào mắt do bệnh đau mắt hột sinh ra. Những người có lông quặm phải nhờ người nhổ, nhưng nhổ chiếc này, chiếc khác lại mọc lên.

Đau bụng

Ta dùng từ đau bụng để chỉ chung tất cả các chứng đau các bộ phận ở trong bụng như dạ dày, ruột, gan. v.v....

Có người đau bao tử, được mệnh danh là đau tức, lại có người đau bụng kinh niên cũng vì bao tử hoặc vì đau ruột già. Các cụ xưa có một bài thuốc trị đau bụng kinh niên dùng tới tám vị thuốc. Bài thuốc này rất được lưu truyền, xin chép lại sau đây để bạn đọc rộng đường tham khảo:

1- Hột cà gai phơi khô: 2 lạng.

2- Hoàng đàn, tức là vỏ nhãn cạo hết vỏ vàng ngoài đi, chỉ còn nhục thôi. Lấy nước vo gạo ngâm một đêm rồi ngày lại phơi khô. Phơi khô, 9 ngày như vậy rồi ngâm một lạng.

3- Qưế chi khâu giao: 5 đồng cân, gọt vỏ không sao;

4- Bách hợp hai lạng, quạt lò than để lên, trông thấy cháy hết thì gặp ra, đừng để cháy xác quá. Sau đó cân lấy một lạng.

5- Mộc hương bắc: 3 đồng cân.

6- Hồi hương: 3 đồng cân sao qua.;

7- Bồ kết bỏ hột lấy toàn nhục, cũng đốt như bách hợp, 3 đồng cân;

8- Đinh hương: 3 đồng cân sao qua.

Tất cả tám vị trên hợp lại tán nhỏ, rây kỹ rồi nhào với nước cơm, viên ra thuốc tễ bằng hột đậu đen.

Lúc đói ăn 12 viên, ngày ăn hai lần.

Theo lời lưu truyền, bệnh nhẹ sau một tễ thuốc trên sẽ khỏi, bệnh nặng cần phải 2 tễ.

Về chữa bệnh đau bụng, ca dao có câu

"Đau bụng lấy bụng mà chườm, Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

Nhược bằng không khỏi hắc hương với gừng

Theo câu ca dao này, nhiều khi đau bụng gọi là lên bão, nhờ người khác áp bụng vào một lúc nóng bụng sẽ khỏi. Trẻ con lên bão, mẹ áp bụng vào bụng con rồi người ta nhổ bão ở đầu tóc mẹ, con sẽ khỏi: “Nhổ bão” nghĩa là tìm những mớ tóc trên đầu rồi giật mạnh, nghe những tiếng kêu “lắc rắc”. Nhiều người đau bụng cũng dùng lối “nhổ bão” chữa.

Nếu đau bụng không phải là đau bão, thì uống hắc hương với gừng là những vị thuốc nóng sẽ khỏi.

Nếu vì đi tả hoặcđi lỵ mà đau bụng thì lại có thuốc chữa bệnh tả hoặc bệnh lỵ. Khi đau bệnh kiết lỵ thì dùng lá mơ lông ăn với trứng gà sẽ khỏi.

Nếu trẻ con dưới 12 tuổi bị đi lỵ, người ta dùng 3 đồng cân khổ sâm tức lá có mẳn và 3 đồng cân hột vải trộn lại đem sao rồi sắc đặc cho uống sẽ khỏi.

Ngoài vài môn thuốc kể trên về đau bụng, tất nhiên còn nhiều môn thuốc khác nữa. Lại cũng có người mời ông lang cắt thuốc chén để uống, sau khi bắt mạch để tìm hiểu căn bệnh.

Khản cổ

Bị khản cổ, người ta dùng rễ Sơn căn thảo quả hoặc quả Kha tử ngậm thì khỏi.

Mụn nhọt

Mọc mụn nhọt ta thường dùng thuốc cao. Có hai thứ thuốc cao. Lúc mụn nhọt mới mọc dùng thuốc cao tan dán vào chỗ mụn nhọt thành mủ, rồi dùng Thuốc cao hút mủ dán vào để hút cho hết mủ ra.

Trẻ con có mụn nhọt, dùng hạt cải đắp vào, sẽ hút hết mủ.

Có khi người ta dùng hương hơ vào chỗ nhọt, nhọt sẽ thui đi.

Cũng có người uống thuốc bên trong cho độc tiêu đi, nhọt mụn sẽ lặn.

Mụn nhọt thường mọc lên về mùa nóng. Để phòng ngừa mụn nhọt, người ta thường dùng những đồ ăn, đồ uống có lương tính, ta gọi là mát như đậu đen, rau má, v.v....

Lở, ghẻ

Đây là những bệnh ngoài da, mọc lên thành những mụn nhỏ.

Chữa bệnh ghẻ, có thuốc ghẻ trong có chất diêm sinh được dùng để bôi vào các mụn ghẻ. Người ta còn khêu những mụn ghẻ ra để nhổ cái ghẻ, vì chính cái ghẻ là vi trùng của bệnh ghẻ, lấy cái ghẻ đi, bệnh ghẻ sẽ khỏi.

Chữa bệnh ghể, cũng có thể dùng lá nghể răm đun nước tắm. Nước lá nghể răm sẽ làm chết những vi trùng ghẻ.

Còn bệnh lở, người ta dùng chất Tam thiên đơn màu đỏ hoà với thủy ngân để bôi.

Người ta cũng dùng các lá cây đắng như cây bồ cu về đun nước để tắm trị lở. Có người lấy mực xanh bôi vào các chỗ chốc lở cũng trị được bệnh này.

Quai bị

Mắc bệnh quai bị, người xưa có khi lại dùng chiếc quai bị cũ hơ nóng xoa vào chỗ bị bệnh.

Lên ổ gà

“Lên ổ gà” tức là nổi hạch ở nách rất đau, người ta dùng quả trứng luộc chín bóc ra còn nóng, ốp vào nách.

Trên đây là một số ít các bệnh tật thông thường được nêu lên cũng như những cách chữa cổ truyền về các bệnh tật này, những cách này từ trước vẫn được mọi người theo, còn sự hiệu nghiệm hay không, cũng còn tùy từng người, tùy từng bệnh. Bạn đọc nên coi đây như những tài liệu để nghiên cứu và suy ngẫm, còn việc chữa bệnh theo các lối cổ truyền này cũng nên hỏi lại nhiều người để tránh mọi hậu quả nếu có sự lầm lẫn.

Ngoài các bệnh tật nêut rên, còn nhiều bệnh khác, các con bệnh thường phải mời

các ông lang tới xem mạch cho đơn để chữa bệnh.

Đông y không phải dở, nhiều bệnh hiểm hóc, với thuốc Bắc, thuốc nam, các ông lang đã chữa được và đã cứu được nhiều người.

Ta có câu: Đói ăn rau, đau uống thuốc, lâm bệnh, lẽ tất nhiên phải tìm thầy chữa thuốc. Và khi chữa thuốc cần phải kiên nhẫn bệnh mới khỏi được. Ít nhất thuốc phải dùng tới ba thang mới thấy sự hiệu nghiệm, cũng như cơm phải ăn ba bát mới thấy no: cơm ba bát, thuốc ba thang.

Nếu thuốc thang, bệnh vẫn không thuyên giảm, con bệnh qua đời, người xưa cho đó là “số mệnh”. Các ông lang thường nói:

"Chữa được bệnh, không chữa được mệnh!”.

TANG MA

Ta có câu "sinh tử hữu mệnh", sống chết có số, và những người đau ốm, như chương trên đã nói, các thầy thuốc xưa "chữa được bệnh, không chữa được mệnh", theo họ thì khi “số” đã đến thì không thuốc thang nào chữa khỏi, và cũng không có sự cầu cúng lễ bái nào được hiệu nghiệm.

Ở đời thì ai cũng phải chết, cái chết là một “ngưỡng cửa” mà ai cũng phải bước qua để từ giã cõi đời.

Chết thì phải chôn, tất cả lễ nghi điều hành việc chôn cất là tang lễ, và đám chôn người chết gọi là “đám ma” hoặc “đám xác”.

Việc tang đối với người Á đông rất quan trọng. Mạnh tử xưa dạy rằng:

"Dưỡng sinh tang tử vơ hám, vương đạo chi thủy giả nghĩa là đạo trị thiên hạ cần nhất là khiến dân nuôi người sống và tang người chết mà không có điều gì di hám".

Việc ta được coi là quan trọng chính là vì sự liên quan giữa người sống và người chết. Người sống xót thương người chết vì người chết chính là người thân của người sống; người sống lại thờ kính người chết vì người chết chính là cha mẹ tổ tiên người sống.

Cha mẹ sống phải phụng dưỡng, cha mẹ chết phải tang ma, việc tang ma bắt đầu cho việc thờ phụng.

Cụ Dương Bá Trạc khi xưa bàn về tang lễ đã viết:

"Lễ tục nước ta trọng nhất là tang tế. Ngày nay tuy phong hội đã đổi thay, công việc phiền phức, sự sinh hoạt của người mình phải tức bực bộn bàng, thế tất phải theo thời biến thông, không thể nào câu thủ cổ lễ cả được. Nhưng cái tang tế để ràng buộc cái lòng hiếu kính của người ta, dù bao giờ cũng là những điều quốc túy rất hay, cần phải giữ gìn lắm... "

Tóm lại “tang lễ” là cần thiết và quan trọng đối với dân ta. Tang lễ chấm dứt cuộc đời thể xác của con người để đưa con người vào cõi sống vô hình. Có thể nói rằng tan lễ là cái gạch nối giữa thế giới hữu hình và thế giới vô hình.

Việc tang lễ ngày xưa rất nhiều tập tục phức tạp. Ngày nay đã giảm lược rất nhiều nhưng ta vẫn cần biết qua về những nét sinh hoạt xưa.

Ta thường nói "sống gửi thác về", phải chăng chết rồi mới thật là “sống” ở một thế giới vĩnh viễn, và có lẽ phải chăng vì quan niệm như vậy mà con người Việt nam không sợ chết, thản nhiên chờ cái chết và đôi khi lại sửa soạn cho ngày chết nữa?

Các cụ già, thường sau khi ăn khao thượng thọ là nghĩ đến và sửa soạn cho sự chết. Các cụ sắm sẵn cỗ hậu, và ở những gia đình khá giả, các cụ lo xây sinh phần, miền Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

Nam gọi là kim tĩnh.

Cỗ hậu còn được gọi là cỗ thọ, chính là cỗ áo quan sau này các cụ sẽ nằm vào đó để con cháu đưa tới chỗ yên giấc ngàn thu. Sở dĩ cỗ áo quan được gọi là “cỗ hậu” , vì nó dùng về sau khi các cụ đã qua đời. Có nơi gọi là cỡ “hậu sự”. Còn từ “cỗ thọ’ để chỉ sự sống lâu của các cụ, khi các cụ dùng đến cỗ thọ, tuổi các cụ đã già. Hơn nữa, cũng gọi là cỗ thọ vì ở đầu áo quan thường có khắc chữ thọ.

Lo lắng “cỗ thọ” cho mình, các cụ thường chọn thứ gố qúy. Trong khi các áo quan thường đóng bằng gỗ gạo ở miền Bắc, gỗ dầu ở miền Nam, các cụ thường lựa gỗ vàng tâm, gỗ này rất tốt, chôn dưới đất ẩm ướt không bị mục, và do đó xương cốt không bị hư hại.

Các cụ cho sơn son thiếp vàng để trang hoàng cho cỗ tho, và về sau nhiều cụ dùng xi đánh bóng, hàng ngày các cụ tự trông nom lấy, giữ cỗ thọ khỏi bị mọt hoặc có khe hở.

Cũng có cụ nghĩ tới cả chiếc quách bọc ngoài áo quan và đồ khâm liệm khi các cụ lâm chung.

Các cụ cho in trong quan ngoài quách dấu hải hội tức là dấu của nhà Phật với sự tin tưởng là sau này khi trăm tuổi các cụ vào nằm trong đó sẽ được sự yên tĩnh về tâm hồn.

Lo cỗ thọ mới chỉ là một việc, các cụ còn lo tới cả ngôi huyệt tương lai của mình nữa, do đó mới có việc xây sinh phần.

Các cụ hoặc nhờ thầy địa lý hoặc tự đi tìm lấy một ngôi đất làm chỗ yên giấc nghìn thu của mình, kén đất, định hướng để sau này linh hồn các cụ được thư thái và con cháu các cụ được hơn người.

Chỗ đất các cụ đã chọn, các cụ xây “sinh phần”.

Xây sinh phần cũng như sắm cỗ thọ, bao giờ các cụ cũng xây đôi và sắm đôi, dành cho cả cụ ông lẫn cụ bà.

Những cỗ thọ đã sắm sẵn thường được kê dưới gần bàn thờ để chờ khi dùng đến. Tuy cỗ thọ tượng trưng cho sự chết, nhưng cỗ thọ kê ở dưới bàn thờ không bao giờ gợi lên ý tưởng kinh sợ như đối với các dân tộc khác.

Sống thì phải lo đến sự chết, người biết lo xa phải biết lo tới những giây phút cuối cùng của mình, và sẵn sàng đón nhận cái chết theo quy luật chung.

Các cụ thuật lại rằng, nhữnt cỗ thọ kê sẵn, nếu đêm hôm trước có những “tiếng động” phát ra ầm ỹ, ngày hôm sau, chủ nhân cỗ thọ thế nào cũng qua đời. Đây chỉ là một sự suy tưởng chiêm nghiệm, và chủ nhân các hàng xăng (hòm) cũng nói rằng đêm hôm trước cỗ hòm nào phát ra “tiếng động” thì ngày hôm sau thế nào cũng có người tới mua đi.

Có sống thì có chết. Sinh thì dưỡng, tử thì táng, đó chỉ là lẽ thông thường, người hiểu biết, về già có ai sợ chết.

Về tang lễ cũng như về phần nhiều các lễ nghi khác, dân Việt Nam ta, vì chịu ảnh hưởng văn hoá của người Trung hoa, nên được cử hành theo phong tục nhưng đã được Việt Nam hoá, có ghi chép trong "Thọ Mai gia lễ" và trong "Gia lễ chỉ nam". Ngày nay lễ nghi đã giảm đi rất nhiều, chỉ còn giữ lại những lễ chính để người con hiếu có thể qua những lễ này tỏ bày lòng hiếu kính và sự thương xót của mình.

Lúc lâm chung

Nếu người bệnh sức lực càng suy yếu, bệnh tình càng trầm trọng và xem chừng không thể qua khỏi được, ấy là người bệnh đang hấp hối.

Lúc này, con cháu phải đem người bệnh ra giữa nhà, đầu người bệnh đặt về hướng Đông, để chứng tỏ rằng cha mẹ chết vì lẽ quang minh chính đáng.

Sau đó mọi người trong nhà phải im lặng, để xem người bệnh có trối chăng điều gì. Có khi người bệnh nói không ra tiếng, con cái phải ghé tai để lắng nghe những lời cuối cùng của người sắp chết, những lời này đều được ghi chép đề sau này cố tuân theo.

Sau đó con cháu hỏi xem người bệnh có tự đặt lấy tên thụy còn gọi là tên hèm, tức là tên sau này dùng để khấn khi cúng giỗ. Tên này còn được gọi là "tên cúng cơm".

Nếu người bệnh không tự đặt lấy tên cúng cơm, vì quá suy yếu, hoặc vì mê man, con cháu phải tìm tên đặt rồi báo cho người biết. Tên đàn ông dùng chữ Trung, chữ Trực, tên đàn bà dùng chữ Trinh, chữ Thuận.

Đồng thời con cháu cũng dùng trầm hương lau rửa sạch sẽ cho người bệnh và thay quần áo sạch cho người. Thường, người ta mặc cho người bộ quần áo lễ hoặc bộ quần áo mới nhất của người ưa dùng .

Con cháu phải cắt canh nhau ngồi bên cạnh người bệnh để chờ giây phút cuối cuồng của ông chao. Nếu người bệnh lịm đi, phải lấy bông hoặc nén hương đang cháy đặt vào trước lỗ mũi, hễ bông hoặc khói hương không động đậy nữa tức là người bệnh đã qua đời. Lúc đó, người canh chừng cầm chiếc đũa đặt ngang mồm người chết để "cài hàm" cho hai hàm răng khỏi nghiến vào nhau.

Tục cũ, trước khi người bệnh tắt thở, phải lấy một miếng lụa hoặc vải trắng dài 7 thước để lên mặt, sau kết thành hình người gọi “hồn bạch” để hồn người chết nhập vào đó.

Người canh chừng phải biết đúng giờ người chết qua đời để còn nhờ các thầy Tự, thầy Pháp xem ngày bấm giờ, ngõ hầu biết người qua đời chết được giờ lành hay gặp phải giờ dữ, có trùng tang, có quỷ tinh ám ảnh gây tai hại chết chóc cho con cháu. Gặp trường hợp “giờ dữ”, tang chủ phải mời các thầy phù thủy “yểm phép” cho bùa để tống thần trùng, đuổi quỷ tinh. Bùa này dán ở áo quan hoặc chôn ở chung quanh mộ..

Khi người bệnh chết hẳn, người nhà khiêng xác đặt xuống đất trong giây lát rồi lại khiêng lên giường có ý để cho người chết hấp thụ sinh khí may ra có sống lại.

Trong “Việt Nam Phong Tục” Phan Kế Bính cho rằng việc đặt người chết xuống đấy là lấy nghĩa: Ta bởi đất mà sinh ra, khi chết lại trở về đất.

Khi người chết được khiêng trở lại lên giường rồi, con cháu phải có miếng vải hoặc giấy đắp mặt cho người chết. Ý nghĩa là để người chết khỏi “thấy” con cháu buồn.

Khi người bệnh đã chết

Người bệnh đã chết hẳn, lúc ấy người nhà chiêu hô, tức là hô to để “gọi” người chết. Người con trai cầm lấy áo của người chết, tay trái cầm cổ áo, tay phải cầm vạt lưng áo, leo lên mái nhà, gọi lên ba lần: "Ba hồn bảy vía cha đâu về với con" hoặc "Ba hồn chín vía mẹ đâu về với con". Gọi xong tụt xuống bằng lối sau, bước vào nhà treo chiếc áo lên cửa.

Sự “chiêu hô”, người ta hy vọng lời kêu gọi của con cái sẽ khiến cha mẹ động lòng quay trở lại dương trần (!).

Chiêu hô rồi, người nhà mới khóc lóc. Lúc này, mọi người mới thật hết mọi hy vọng người chết sống lại.

Lễ chiêu hồn

Con cháu cử hành “lễ chiêu hồn” để hồn phách người chết về hưởng sự cúng bái tế lễ của con cháu.

Có hai cách chiêu hồn:

- Hoặc dùng một tàu lá chuối róc hết lá. Một thầy Tự đọc chú mời hồn người chết nhập vào đó. Một miếng vải trắng trên đó thầy Tự đã ghi bùa được gắn vào tầu lá chuối. Bao giờ nhập quan đem ra thờ. Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

- Hoặc thắt hồn bạch, bằng tấm vải loại dài 7 thước nói trên (7 thước ta tính thành 2 thước 80 ngày nay). Tấm vải được thắt thành hình người đem ra thờ khi thể xác đã nhập quan.

Chiêu hồn xong, tang gia lập tang chủ thường là người con trưởng để tham dự mọi việc tế lễ.

Lại phải cử một người hộ lễ để chỉ bảo mọi người nghi thức về tang lễ. Thường là một người thân trong nhà hoặc một bạn bè thạo về nghi lễ.

Lễ mộc dục

Đây là “lễ tắm” cho người chết trước khi nhập quan.

Trong lễ này phải có 1 con dao, 1 vuông vải, 1 sợi dây, 1 cái lược thưa, 1 cái gáo múc nước hoặc 1 cái thìa, ít đất lấy ở đít ông đồ rau, 1 nồi nước ngũ vị và 1 nồi nước nóng khác. Nồi nước ngũ vị nấu bằng 5 vị sau đây: Bạch đàn, tùng diệp, quất diệp, mộc hương diệp, và đỗ diệp.

Lúc tắm phải quây màn cho kín. Tang chủ vào quỳ xuống khóc mà khấn xin tắm gội để rửa hết bụi trần.

Khấn rồi, tang chủ lễ rồi đứng lên cho ngay. Việc tắm gội phải do chính con cái người chết: Cho do con trai tắm, mẹ do con gái tắm.

Lúc tắm lấy vuông vải nhúng vào nước ngũ vị lau mặt, rồi lau mình, đoạn lấy lược chải tóc, rồi dùng sợi dây buộc tóc lại. Kế lau đến hai chân, hai tay, rồi dùng dao cắt móng tay, móng chân, người xưa nhất là các cụ ông thường để móng tay dài, hơn nữa trong lúc ốm đau, móng chân, móng tay mọc dài ra. Cắt xong gói lại, móng chân để dưới mé chân, móng tay để mé dưới tay.

Tất cả các đồ dùng trong lễ “mộc dục” kể cả nước nữa phải đem chôn đi.

Lễ mộc dục xong, lại khiêng người chết lên giường.

Lễ phạn hàm

Đây là lễ bỏ tiền và gạo nếp vào mồm người chết.

Lấy một ít gạo nếp và 3 đồng tiền mài cho sáng, bỏ vào miệng người chết rồi rút chiếc đũa ngáng hàm ra.

Các cụ giải nghĩa rằng:

Nắm gạo để người chết dùng thay bữa, còn ba đồng tiền sẽ dùng để “đi đò” cùng là tiền “giải khát” trong lúc đi đường ở cõi âm.

Những gia đình phú quý thường dùng 3 miếng vàng sống và 9 hạt ngọc trai trong lễ “phạn hàm”.

Lễ phát mộc

Lễ Phát mộc là lễ chém vào áo quan để trừ ta mà, theo quan niệm cũ.

Người xưa tin rằng trong chiếc áo quan, dù là cỗ hậu sự sắm trước, hay cỗ áo quan mua ở hàng về, đều có quỷ tinh lẩn khuất để ám ảnh người chết, gieo tai hoạ cho tang gia. Bởi vậy trước khi làm lễ nhập quan phải khử trừ hết lũ ma quỷ đó bằng lễ “phát mộc”, chém vào áo quan ba nhát.

Người thầy Tự cầm một nắm hương đang cháy, đọc chú, thư phù trên một con dao, rồi dùng dao này chém khẽ vào đầu, cuối và bên cạnh, bên trong áo quan tất cả ba nhát. Vừa chém người này vừa “niệm chú”, đại ý câu chú là “tống khứ các thầnt rùng, quỷ tinh và mọi loại tà ma không được phiền hà người chết và quấy nhiễu người sống bất cứ ở tuổi nào đi phương hướng nào”. Chú có lúc niệm khẽ, có lúc quát tháo để thị uy. Người thày Tự cũng dùng những nén hương để phù phép trong lòng áo quan.

Tục còn cho rằng, ngoài việc đuổi thần trùng và quỷ tinh, lễ phạt mộc còn có mục đích đuổi các mộc tinh vẫn ẩn nấp trong cây gỗ từ khi còn ở trong rừng cho đến khi cây gỗ bị hạ rồi xẻ đóng làm áo quan, còn lẩn khuất trong áo quan.

Khi lễ “phạt một” kết thúc, người nhà tang chủ ném một nắm gạo, muối ra đường để tống tiễn mọi loại ma quỷ, kể cả mộc tinh.

Lễ khâm niệm

Đây là lễ đội khăn, quấn vải cho người chết.

Khâm chính nghĩa là mảnh vải bọc thây người chết. Trong lễ khâm liệm thì khâm là đội khăn, lấy luạ hoặc bông đút nút lỗ tai, rồi lấy hai miếng lụa trong đỏ ngoài đen, mỗi miếng dài 1 thước 2 tấc ta tức 44 phân ngày ngày nay, giữa để ít bông, khâu giáp lại, bốn góc có khâu giải, đậy lên mặt người chết rồi buộc đằng sau cho chặt.

Lại lấy giấy gấp vuông thật dày để vào lòng bàn tay cho các ngón tay đều duỗi ra, lấy dải buộc chặt lại, sau đó lồng vào một chiếc bao; bàn chân cũng vậy. Rồi lại mặc quần áo như lúc sống.

Hai tay đã lồng trong bao để duỗi thẳng áp vào hai bên đùi, rồi dùng dải thắt ngang lại cho chặt.

Liệm nghĩa là mặc quần áo mới cho người chết. Mặc quần áo như vậy là tiểu liệm, còn lấy vải bọc mình người chết gọi là đại liệm.

Trong công việc liệm người ta dùng một tấm vải hay lụa bọc dài suốt người còn thừa thì trùm chân và ba mảnh ngang làm đai thắt, như vậy là “tiểu liệm”, hoặc năm tấm ngang là “đại liệm”.

Khi bắt đầu khâm liệm tang chủ cũng quỳ khấn để xin khâm liệm.

Lễ nhập quan

Lễ đặt người chết vào trong áo quqan gọi là lễ nhập quan. Theo tục ta xưa, trong quan tài thuờng đặt một mảnh ván đục sao Bắc đẩu để trừ tà ma. Việc “nhập quan” phải chọn giờ, tránh tuổi. Trong ngoài áo quan đều có dán bùa. Người ta thường bỏ vào áo quan một cỗ tổ tôm cũ, một quyển lịch Tàu, hoặc quyển lịch ta có đóng dấu triều đình càng hay, hoặc một tàu lá gồi để “trấn áp” ma quỷ.

Trước khi “nhập quan”, trong áo quan thường có rải một lượt trà khô, bỏng gạo hoặc bất cứ thứ gì khác có thể hút nước được của người chết tiết ra.

Khi “nhập quan”, con cái sắp hàng quỳ ở trước quan tài để khóc và lễ. Những người giúp việc cũng quỳ với tang chủ ở đàng sau, rồi tang chủ khấn xin “nhập quan”.

Tang chủ khấn xong lễ một lễ rồi đứng lên. Con cháu phân nam nữ đứng sang hai bên, trai bên trái, gái bên phải. Những người giúp việc khiêng xác bỏ vào quan rồi khiêng ra đặt ở giữa nhà, đầu hướng về Nam.

Bắt đầu từ lúc “nhập quan”, con cái khóc lóc.

Trước khi khiêng quan ra gữa nhà, những người giúp việc xem xét chỗ nào hở thì lấy giấy hoặc quần áo cũ của người chết độn vào cho kín, đoạn đậy nắp áo quan lại gắn sơn đóng đinh cho kín.

Khi đã rước quan ra giữa nhà rồi, con cháu phải trải rơm ở hai bên linh cữu, thay phiên nhau ngồi hầu suốt đêm ngày.

Trên nắp linh cữu lúc đó có bát cơm và quả trứng luộc gọi là cơm bông.

Lễ nhập quan rồi, nhưng chưa phát tang. con cháu được phép lấy vợ, lấy chồng gọi là “cưới chạy tang”.

Kể từ lúc người chết tắt thở cho đến khi đưa đám, linh cữ còn quàn ở trong nhà, người nhà phải luôn luôn canh chừng, để không cho một sinh vật nào, (mèo, chó, chuột) nhảy qua để tránh "quỷ nhập tràng".

Người xưa, tin rằng, một sinh vật nào nhảy qua xác chết, nó sẽ mang theo “quỷ” để nhập vào người chết, tức là “quỷ nhập tràng”. Người chết sẽ vùng “đứng dậy”. Lại cần phải có pháp sư để trừ quỷ. Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

Lễ thành phục

Lễ này tức là lễ để con cháu bắt đầu mặc tang phục. Lễ này gồm có:

- Thiết linh sàng và linh toạ.

- Lập minh tinh

- Mặc tang phục.

Thiết linh sàng và linh toạ

Linh sàng là giường dành cho vong hồn người chết .

Khi đặt linh cữu đã yên, là lễ thiết linh sàng và linh toạ: Nhà giàu có phong lưu thì đặt linh sàng ở phía Đông có đủ mùng màn; nhà nghèo túng chật hẹp chỉ đặt linh toạ ở trước cữu.

Mỗi sáng và mỗi tối, tang gia làm lễ "chiêu tịch điện" để mời vong hồn dậy ăn và mời vong hồn đi ngủ.

Lập minh tinh

Trước khi phát tang, có lễ lập minh tinh. "Minh tinh là một thứ cờ làm biệt hiệu của người chết. Cờ ấy làm bằng lụa đỏ có chữ tên họ cùng thụy hiệu và chức tước phẩm hàm của người chết viết bằng phấn trắng".8 Cũng có thể làm bằng cànht r dựng bên phía đông linh sàng.

Trên minh tinh phải tính số chữ theo bốn chữ: Quỷ, khốc, linh, thính, đừng để chữ cuối cùng rơi vào hai chữ quỷ và khốc e có tà ma trùng quỷ hoặc có thêm người chết.

Các cụ ta xưa, nhiều khi biết mình sắp chết thường tự viết lấy minh tinh. Cụ Phan Thanh Giản trước khi tự sát đền nợ nước cũng đã viết minh tinh lấy. Cụ viết như sau:

"Hải nhai lão thư sinh tánh Phan chi cữu”

Nghĩa là:

"Linh cữu của học trò già nơi ven biển họ Phan” 9

Về minh tinh chính tay cụ Phan viết lấy, cụ không dùng hai chữ phủ quân. Đây chính là sự nhũn nhặn khiêm tốn của các nhà nho ta xưa.

Mặc tang phục

Minh tinh đã lập rồi, mới đến phần chính của lễ thành phục để con cháu mặc tang phục.

Các mũ áo, đồ tang đặt trước án thờ, nến hương nghi ngút. Con cháu và thân quyến người chết cứ theo ngũ phục, nghĩa là năm độ xa gần quyến thuộc mà mặc đồ tang, rồi quỳ lạy khóc lóc trước bàn thờ.

8 Đào Duy Anh, - Việt Nam Văn Hoá sử cương, trang 194

9 Tài liệu của Lãng Nhân trong “Giai thoại Làng Nho”.

Trong các lễ về tang ma thường người chủ tang đều phải khấn khứa và mỗi lễ nếu tế lại có văn tế riêng, tế theo nghi thức cổ truyền có kèn trống.

Phường kèn trống

Sống dầu đèn, chết kèn trống. Câu này chứng tỏ trong đám tang phải có kèn trống, và kèn trống đây tức là nhạc , mà nhạc thì bao giờ cũng cần cho lễ nghi.

Trong đám tang ông già bà cả thường có phường kèn trống, trừ những người gia đình quá túng thiếu hoặc trong những trường hợp bất khả kháng.

Kèn trống nổi lên trong lúc tế lễ cùng với phường bát âm nối điệu nam thương hoặc nam ai, đem sự bi thảm cho đám tang và điều hoà mọi công tác của tang chủ cũng như các chấp sự viên.

Mỗi khi có người tới phúng viếng, con cháu khóc lên là có điệu kèn trống nổi theo, như muốn báo cho người chết biết có bạn bè thân thuộc tới viếng lễ.

Và cũng nhờ có kèn trống báo hiệu nên tang chủ và con cháu người chết, đang lúc mắc bận mới biết có người tới viếng.

Phường kèn trống ngồi ở một nơi gần áo quan, mỗi khi khách tới phúng viếng là thấy ngay.

Phúng viếng

Bạn bè thân thuộc của người chết hoặc của con cháu người này, khi nhận được “hung tin” tới chia buồn cùng tang quyến và phúng viếng hoặc phúng điếu nghĩa là đem lễ vật tới hỏi thăm nhà có tang.

Người chết sau khi đã nhập quan và tang chủ đã làm lễ ‘thành phục”, con cháu khóc lóc, bạn bè thân thuộc mới bắt đầu tới phúng điếu. Trước đó, cũng có người tới, nhưng chỉ là để hỏi thăm và chia buồn cùng tang chủ chứ chưa có lễ viếng và cũng chưa lễ trước linh cữu.

Lễ phúng viếng thường là trầu cau, trà rượu, hoặc những tay văn tự thì dùng những bức trướng hoặc những câu đối, trong nêu lên những đức tính tốt của người chết.

Con cháu cũng có câu đối để khóc ông bà cha mẹ. Những trướng đối của bạn bè thường làm bằng lụa, bằng da màu xanh, vàng, trắng, còn những câu đối của con cháu chỉ viết bằng chữ xanh hoặc bằng chữ đen trên vải trắng.

Ở thôn quê, người trong làng xã thường dùng tiền để phúng viếng, một cách trực tiếp giúp đỡ thiết thực tang chủ trong lúc cần thiết.

Tang gia có người ghi tất cả những đồ viếng của mọi người, để sau này tang chủ theo đó mà cám ơn, hoặc khi một người khác có việc thì phúng viếng giúp đỡ lại.

Khách đến phúng viếng lễ trước linh sàng hai lễ rưỡi nếu người chết còn quàn tại nhà, lễ bốn lễ rưỡi nếu đám tang đã cử hành và lễ chôn cất đã xong.

Khách lễ linh sàng, tang chủ hoặc con cháu khác của người chết phải đáp lễ, nghĩa là lễ lại khách.

Phải đáp lễ một nửa số lễ khách lễ người khuất, khách lễ hai lễ đáp lại một lễ, khách lễ bốn lễ đáp lại hai lễ.

Lễ xong linh sàng, khách cũng vái lại người đáp lễ mình.

Trong lúc khách lễ có kèn tróng và con cháu khóc lóc.

Về lễ phúng điếu, trong những năm gần đây, theo người Âu, các thị dân dùng hoa tươi hoặc hoa cườm để viếng. Lại cũng có người đăng báo phúng điếu và chia buồn cùng tang quyến.

Báo tang

Thực ra ta không có lệ báo tang. Khi một người chết, người thân thuộc biết tin nói chuyện cùng người khác, thế là chỉ một buổi sáng, cả làng đều biết, và không ai bảo ai, người ta đều đi hỏi thăm tang quyến. Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

Tang chủ chỉ cần trình với hội đồng hương chức để xin phép động thổ đào huyệt.

Theo tục lệ sau này, nhiều người có giấy “cáo phó” hoặc đăng “cáo phó” trên báo, rồi khi tang lễ xong lại có giấy cám ơn từng người hoặc đăng báo cám ơn những người đã phúng điếu, đưa đám, chia buồn, v.v....

Thổi kèn giải

Phường kèn xưa thường có những bài riêng để con khóc cha, vợ khóc chồng, anh em khóc nhau, cháu khóc ông bà v.v.....

Trong khi người chết còn quàn tại trong nhà, con cháu thường thuê phường kèn trống và bát âm cử những bài để khóc ông bà, cha mẹ, anh chị em, v.v... Mỗi câu khóc riêng thường có tiền thưởng. Điệu nhạc này rất buồn.

Lễ chuyển cửu và yết tổ

Đây là một lễ trọng hơn các lễ khác và đầy ý nghĩa.

Trước khi rước linh cữu ra đồng an táng, cữu được rước tới từ đường để yết tổ. Tại đây người trưởng tộc thắp hương để khấn với tổ tiên báo tin người chết tới yết tổ.

Tại những gia đình nghèo, nhà thờ chật hẹp, tang chủ có thể chỉ rước “hồn bạch” tới yết tổ, hoặc người chết có phẩm tước thì rước mũ áo đại trào tới.

Yết tổ xong, linh cữu lại được khiên về chỗ cũ.

Chuyển cửu có nghĩa là xoay lại quan tài. Tại những gia đình không có nhà thờ tổ riêng, tang gia chỉ xoay quan tài đi một vòng rồi lại đặt về chỗ cũ, động tác này nói lên sự yết tổ của vong hồn người khuất.

Trong lễ chuyển cữu, thường việc xê dịch linh cữu phải do toàn con cháu trong nhà, có ý con cháu nâng giấc người khuất như hầu hạ khi còn os61ng.

Nghi thức chuyển cửu

Lễ chuyển cữu và yết tổ là lễ quan trọng trong tang lễ, do đó xin trình bày dưới đây nghi thức về lễ này để bạn đọc hiểu thêm.

Lễ này do tang chủ đứng chủ lễ theo sự điều khiển của người hộ lễ, đúng các tập tục sau:

Con cháu lúc đó đã tụ tập ở trước từ đường. Một người chấp xướng.

- Tự lập: Tang chủ bước vào trước án từ đường. Con cháu khác đừng đàng sau, hoặc ở hai bên mé trước án thờ.

-Cử ai: Con cháu đều khóc.

- Ai chỉ: Thôi khóc.

-Giải quy: Tất cả đều quỳ xuống.

- Quán tẩy chấp sự: Những người chấp sự rửa tay trong một thau nước, hoặc dùng rượu xoa tay và mặt.

- Châm tửu: Một người chấp sự rót rượu.

- Hiến tửu: Qùy dâng rượu.

- Chúc cao văn: Tang chủ qua bên hữu khấn : “Sắp rước linh cữu ra nhà mồ, nay đến yết tổ, cẩn cáo”.

- Phủ phục: Tang chủ lễ hai lễ. Con cháu khác lễ theo.

- Hưng, bình thân: Tang chủ đứng ngay người lên. Con cháu khác cũng đứng lên.

- Điểm trà: Một chấp sự viên dẫn nước trà lên án. Tang chủ lùi bước ra ngoài.

- Phụng hồn bạch thăng xa: Người nhà bưng hồn bạch lên kiệu.

Nghi thức yết tổ

Lúc kiệu đi, con cháu đi theo khóc. Lúc kiệu đến, thì đỗ trước sân nhà thờ tổ về phía Tây trong sang hướng Đông. Đợi trong nhà thờ khấn xong, bưng hồn bạch vào. Bấy giờ các chấp sự viên với chủ tang vào trong nhà thờ. Ở đây, phải theo nghi lễ sau:

Chấp sự viên xướng:

- Tựu vị: Tang chủ mỗ gậy bước vào trước án từ đường.

- Cúc cung bái: Lễ hai lễ.

- Hưng, bình thân: Đứng lên.

- Châm tửu: Một chấp sự viên rót rượu dẫn lên.

- Chúc cáo văn: Tang chủ quỳ bên tả khấn: “Cháu vì cha hoặc mẹ mất, nay đưa ra nhà mồ, lấy lòng cung kính, xin đem yết tổ, cẩn cáo”.

- Phủ phục: Lễ bốn lễ.

- Hưng, bình thân: Đứng lên, bước ra đứng bên cạnh xe hồn bạch.

- Thỉnh linh bạch nhập từ đường: Người nhà bưng hồn bạch vào, con cháu tất cả theo vào đứng bên.

- Cúc cung bái: Lễ bốn lễ (Bốn lễ này thay cha hoặc mẹ mới chết).

- Bình thân tiểu cước: Tang chủ lùi một bước rồi lễ bốn lễ nữa. (Bốn lễ này là của Tang chủ, cháu lễ tổ).

- Lễ tất: Lễ xong.

- Thỉnh nghênh linh bạch hoàn cựu sở: Hồn bạch lại được rước ra linh xa.

Tang chủ và con cháu khóc lóc rước đi.

Phát dẫn

Ngày đưa ma gọi là ngày đưa đám hoặc ngày phát dẫn.

Trước khi đưa đám con cháu làm lễ khiển điện, tức là đến lễ người chết lần cuối cùng để từ biệt.

Cũng có lễ cúng Lộ thần để xin phép cho đám tang lên đường.

Linh cữu được rước lên đại dư, tức là cỗ đòn, hoặc xe tang. Một chiếc nhà táng phủ lên trên áo quan. Chiếc nhà táng mang hình ngôi nhà hoặc chiếc thuyền bát nhã.

Cỗ đòn do các đô tùy khiêng. Ở thành thị dùng xe tang hoặc do ngựa kéo, hoặc là xe hơi.

Bà con họ hàng, bạn bè và con cháu đều đi đưa.

Cha chết con trai chống gậy tre đi trước hoặc đi sau tùy tục địa phương. Đúng ra thì cha đưa, mẹ đón, nghĩa là đám tang cha, con đi theo sau áo quan, còn đám tang mẹ, con chống gậy đi trước. Mẹ chết con trai chống gậy vông.

Cây tre tượng trưng sự cương trực của người cha, còn gậy vông tượng trưng nết thuần hậu của người mẹ.

Nếu người con trai nào đã chết trước đi rồi, con người này phải chống gậy thay cha, nếu có người con trai nào đi vắng, mũ gậy sẽ đặt ở trên đầu đòn.

Người chết không có con trai, việc chống gậy do người ăn thừa tự đảm nhiệm.

Trong lúc đám tang đi đường, con gái, con dâu, lăn đường khóc lóc. Các cháu chắt, chị em gái, chị em dâu, cũng khóc lóc đi theo đám tang.

Một vài người thân thích đi kèm linh cữu gọi là “hộ tang”, cũng như ngày nay mấy người bạn thân cầm chiếc dây xe tang đi bên linh cữu vậy. Những người khác đi đưa, đi đằng sau gọi là “tống tang”.

Nghi trương đi đường

Một đám tang theo đúng tục lệ với đủ lễ nghi thuở xưa, trong lúc phát dẫn được dàn theo nghi thức sau đây:

1 – Đi đầu là hai Phương tướng bằng giấy, cốt tre đan, có bốn mặt hình dung dữ tợn, cầm gươm giáo. Đây là hai thần tướng đuổi tà ma trong lúc đi đường. Có khi phương tướng này được thay bằng hai người thật, mặc quần áo có bùa dấu, đeo mặt nạ, tay cầm khí giới để dẫn đạo đám tang.

Có nhiều đám tang dẫn đầu không phải là hai phương tướng mà là bốn thiên tướng và một vì Thần hổ, do một đoàn hát bội đóng. Ta gọi đây là Phường tuồng dẫn đường Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

trị huyệt.

Bốn vị phương tướng và Thần hổ đi đầu có những điệu múa và những câu hát. Điệu múa là “bùa phép”, và câu hát là “câu chú” trấn an dọc đường, xua đuổi tà ma.

Tới huyệt, vị Thần hổ và 4 thiên tướng lại nhảy múa chung quanh huyệt để “vẽ bùa” và “yểm chú”.

Sau khi “vẽ bùa”, “yểm chú” khắp nơi huyệt và chung quanh, năm người đóng vai trị huyệt này đều vội vã bỏ ra về, mỗi người đi một đường, mà không ai trở lại con đường lúc đi. Tục cũ tin rằng những tà ma, trùng quỷ bị xua đuổi ở dọc đường cũng như ở ngôi huyệt, căm giận mấy vai phường tuồng, chúng họp nhau đón đường để “trả thù”.

Những vai phường tuồng này, khi về đến nhà cũng vội vàng thay quần áo, rửa mặt cho hết nét vẽ để trở lại người thường ngay, ý hẳn tránh sự “báo thù” của ma quỷ.

2 – Sau hai phương tướng là Thế kỳ. Đây là một bức hoành có treo đôi đèn lồng để chức tước và huy hiệu của người chết. Trên thế kỳ viết bốn chữ "Hổ sơn vân ám" nghĩa là Núi hổ mây che hoặc "Dĩ lĩnh vân mê" nghĩa là Núi Lĩnh mây mờ, tùy theo người chết là cha hay mẹ tang chủ.

3 – Thứ ba là Minh tinh đặt trên bàn thờ con cháu và bạn bè phúng điếu.

4 – Sau minh tinh là đối tướng của con cháu và bạn bè phúng điếu.

5 – Kế đến là một hương án bày giá hương, độc bình, mâm ngũ quả, có khi thêm đèn nến thành một bộ “ngũ sự” hoặc “thất sự”.

6 – Sau hương án là thực án, tức là các hương án trên có bày đồ lễ: lợn quay, xôi gà, bánh trái, hoa quả, v.v...

7 – Phường kèn và phường bát âm

8 – Các đồ minh khí gồm biển đan, triện, đèn lồng. Biển, đan triện bằng gỗ hoặc bằng giấy, trên có viết hai chữ Trung tín nếu là đàn ông, Trinh thuận hoặc Trinh tiết nếu là đàn bà.

9 – Linh xa, có rước hồn bạch. Ngày nay trên linh xa có đặt ảnh người qua đời. Thời trước, những người có chức tước trên linh xa có mũ áo đại trào. Có khi mũ áo được rước riêng trên một chiếc kiệu.

10 – Cờ cônb bố, đèn chữ Á và nếu có mũ áo đại trào của người chết, các nghi trượng sự thần gồm cờ, quạt, tàn, lọng, đồ lộ bộ, chiêng, trống, võng, lọng và có cả trống lớn, - những nghi trượng này chỉ dành cho những người có chức tước.

Các gia đình thường chỉ có phường kèn và “phường bát âm” nói trên.

11 – Đại dư rước linh cữu.

12 – Sau linh cữu là các con cháu đi tống táng có chiếc màn trắng gọi là Bạch mạc hoặc phương du để che mưa nắng.

13 – Sau nữa, nếu người chết là một Phật tử, có long kiều còn gọi là cầu bát nhã do các vãi đội vừa đi vừa tụng kinh để cầu cho vong hồn người chết khuất sang Tây phương cực lạc.

Có khi có một vài nhà sư đi sau long kiều. Sau này tại các đô thị ta thấy các nhà sư dẫn đầu đám tang.

14 – Nối tiếp long kiều, là bạn bè và những người thân đi đưa đám.

Trong lúc đám tang đi đường có rắc vàng thoi và vàng giấy, tục cho rằng có ma quỷ níu vào quan tài, phải rắc vàng để tống khứ chúng.

Tất cả nghi trượng trên là của một đám tang gia đình phong lưu, đối với những gia đình thường có nhiều điều tỉnh giảm, và thường chỉ gồm mấy thứ minh tinh, nhà táng, đèn biển sơ sài, lác đác vài câu đối của con cháu, nhưng dù sơ sài tới đâu, - có khi chỉ có chiếc áo quan trần trên cỗ đòn với mấy người khiêng, - đối với các gia đình Phật

giáo vẫn có các vãi đi tụng kinh, niệm Phật hộ phúc và có nhà sư mặc áo cà sa, gõ mõ đi theo cầu nguyện.

Nhiều đám tang của những gia đình phú quý, giữa đường có nhà trạm để nghỉ chân và9 dể làm lễ đề chủ, tức là một lễ đặc biệt của những bậc sang trọng, thường mời một vị hưu quan hoặc một tay văn tự tới làm lễ.

Lễ hạ huyệt

Đám tang đi từ nhà tới huyệt, hoặc nếu có lễ đề chủ thì từ trạm đình cữu tới huyệt.

Ngày nay, tại thành thị, sau khi đám tang khởi hành một quãng, tang gia thường ngừng lại để cảm ơn những bạn bè đi đưa và mới những người này lên xe hơi, hoặc quay lại vì đường đi bộ quá xa xôi.

Tới huyệt, tang gia làm lễ cúng thổ thần để xin phép an táng người chết. Rồi một tuần tế, gọi là Tế hạ huyệt.

Cúng thổ thần xong là lễ hạ huyệt. Thầy điạ lý phân kim định hướng chờ giờ hạ huyệt.

Huyệt đã lấp rồi, nếu người chết là Phật tử, các và vãi mỗi người cầm một nắm hương tung kinh niệm Phật đi quanh một, rồi mỗi người cầm một hòn đất ném vào mộ gọi là “dong nhan”.

Theo tục mới ngày nay, ảnh hưởng của Âu tây, đến mộ thường có điếu văn trước khi lấp huyệt. Điếu văn đọc xong, các thân bằng cố hữu, mỗi người ném một nắm đất hoặc một nhánh hoa xuống mộ, rồi các người khác ném theo. Sau đó các đô tùy lấp mộ.

Mộ lấp xong, có hai chiếc biển phù phất áp hai bên nhà táng lúc đưa đám, được cắm lên giữa đỉnh mộ.

Cùng trong lúc ấy, chiếc nhà táng được tang gia đem hoả thiêu, nhưng thường có người cướp lấy từng mảnh mang về. Tục cũ tin rằng cướp được mảnh giấy nhà táng thì “khước”.

Ngoài chiếc nhà táng bị cướp lúc đốt, bát cơm bông cũng bị người ta tranh nhau cướp mang về cho các trẻ em ăn tin sẽ khỏi sài đẹn đau yếu.

Xin nói thêm là tại huyệt, đối với những đám tang sang trọng thường có dựng một nhà trạm gọi là "trạm tế hạ huyệt", nơi cử hành lễ hạ huyệt.

Hạ huyệt xong, ở miền Nam có tục người nhà cắm hương ở các ngôi mộ chung quanh, với ý nghĩa gây cảm tình với những người đã yên nghỉ trước ở nơi đây, cho người chết.

Tế thành phần

Mộ đắp xong, con cháu vào qùy lạy làm lễ thành phần. Ở đây con cháu phải lễ bốn lễ thay vì hai lễ như ở nhà.

“Tế thành phần” xong, con cháu ra về.

Thần chủ hoặc hồn bạch được rước lên linh xa. Một người trong hiếu chủ dẫn trước linh xa trông về nhà mà khóc, còn những người khác theo sau.

Lễ phản khốc

Linh xa về đến nhà, thần chủ hoặc hồn bạch được rước vào linh toạ.

Rồi lễ phản khốc, tức khóc lại, được cử hành. Nếu lúc đi đưa đám có tế đề chủ, thì bản văn tế đọc lúc trước giờ đây được hoá đi.

Có nhà không làm lễ phản khốc, con cháu vào lễ tạ bốn lễ yên vị. Xong rửa ráy chân tay sạch sẽ đợi làm lễ ngu tế.

Tế ngu

Tế ngu cốt cầu cho hồn phách người chết được yên ổn nơi bên kia thế giới. Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

Trước ki làm “lễ tế ngu”, con cháu phải vào tế tổ để cáo yết tổ tiên.

Tế ngu có sơ ngu, tái ngu, và tam ngu.

Ngày hôm đưa ma trở về tế ‘sơ ngu”

Ngày hôm sau tế “tái ngu”, và hôm thứ ba tế “tam ngu”.

Về tái ngu và tam ngu, Đào Duy Anh trong “Việt Nam Văn Hoá Sử Cương” có viết:

"Sau gặp ngày thu nhật (ất, đinh, tỵ, tân, quý), thì làm lễ tái ngu, gặp ngày cương nhật (thân, bính, tuất, canh, nhâm) thì làm lễ tam ngu".

Sau khi chôn

Mồ mả đã đắp rồi, ba ngày sau khi chôn, mỗi buổi chiều con cái đem cơi trầu đến mộ mà khóc, gọi là ấp mộ, đem hơi nóng của tình gia đình làm cho mộ đỡ lạnh lẽo.

Đến ngày thứ ba, có lễ mở cửa mả. Con cháu đắp lại ngôi mộ cho tốt đẹp. có nhà còn mời thầy phù thủy về “yểm bùa trừ ma qủy”.

Ngày thứ ba này, vùng quê gọi là "Ba ngày" có làm cỗ bàn mời bà con thân thuộc.

Trong ta lễ của ta thường có bày ra cỗ bàn mời họ hàng làng nước, sau khi đã cúng lễ người khuất. Cỗ bàn nhiều khi rất linh đình.

Có nhiều người, bố mẹ lúc sống coi thường chẳng ra gì, lúc chết làm ma to tát để khoe khoang và để che mắt thế gian. Thật đúng là

"Lúc sống thì chẳng cho ăn,

Đến khi chết xuống làm văn tế ruồi”.

Kể từ ngày thứ tư trở đi, con cái không ra thăm một nữa, trừ những ngày “sóc vọng”, nhưng ở nhà hai buổi vẫn có cúng cơm cho đến tuần tốt khốc.

Những gia đình theo Phật giáo, sau đám tang cứ 7 ngày lại làm một tuần chay có mời tăng ni tới làm lễ tụng kinh tại nhà, hoặc xin làm lễ tụng kinh tại chùa.

Tuần chay đầu tiên gọi là tuần Sơ thất, sau đó là Nhị thất cho tới tuần Thất thất còn gọi là "Chung thất".

Rồi đến một trăm ngày gọi là tuần Tốt khốc, kể từ ngày đó trở đi, con cháu thôi không khóc nữa.

Từ khi an táng cho tới 100 ngày (có gia đình chỉ tính đến 50 ngày, con cháu 2 bữa phải có cơm canh cúng. “Tuần tốt khốc”, con cháu cúng lễ lần chót, và từ đấy không phải dâng cơm ngày hai bữa nữa.

Nhiều gia đình chỉ dâng cơm ngày 2 bữa đến ngày “chung thất”, nhưng đến “Tuần tốt khốc” vẫn có lễ.

Tuần tốt khốc còn gọi là tuần Bác nhật và nôm na là tuần Trăm ngày.

Nếu người chết còn quàn tại một nơi nào chưa chôn, con cháu không được làm lễ Tốt khốc, và chỉ được cúng ngày hai bữa như chiêu tịch điện. Buổi cúng trăm ngày cũng là buổi cúng cuối cùng.

Một năm sau, đúng ngày người qua đời, con cháu cúng giỗ đầu gọi là "lễ tiểu thường", một năm sau nữa thì làm "lễ đại tường" tức là giỗ hết.

Sau lễ tiểu tường, tang phục con cháu bỏ bớt sô gai, và sau lễ đại tường, con cháu không mang tang nữa.

Ta còn gọi ngày này là ngày “giỗ đoạn”. Tuy nhiên, tang vẫn chưa coi là hết hẳn, phải đợi đủ 27 tháng, làm lễ “trừ phục”, lúc đó mới coi là đoạn hẳn tang.

Từ đó về sau, hàng năm, tới ngày người qua đời, con cháu lại cúng giỗ. Ngày giỗ về các năm sau gọi là ngày “cát kỵ”. Người ta còn gọi ngày giỡ là ngày "Chung thân chi tang" vì mỗi khi tới ngày đó người sống lại nhớ biết bao kỷ niệm của người chết.

Con cháu chỉ cúng giỗ tổ tiên cho đến năm đời, sau đó thần chủ được đem chôn đi và chỉ còn thờ chung ở từ đường.

Trong khoảng “tiểu trường” và “đại trường” cứ đến Tuần Trung Nguyên, người ta đốt mã cho người chết. Năm đầu là mã biếu, năm sau mới là mã cúng cho người chết dùng.

Cải táng

Người chết đã an táng, có khi nơi an táng là ngôi mộ vĩnh viễn, nhưng người xưa thường sau ba năm, khi con cái đã đoạn tang, hoặc vài năm nữa, thường lo tới việc cải táng.

Việc cải táng còn gọi là "cát táng", trái với lúc mới chết an táng, còn gọi là "hung táng". Từ “cát táng”, để chỉ rằng sự an táng lại do con cháu tìm được nơi đất tốt để xương cốt ông cha yên nghỉ.

Khi cải táng phải làm lễ bốc mả: mả hung táng được đào lên, xương cốt được con cháu nhặt lấy, lau rửa bằng nước vị hương, đoạn xếp vào một cái tiểu sành, rồi đậy thật kín. Những nhà giàu có thường dùng quan quách như khi “hung táng”.

Sự cải táng không cần thiết nếu khi hung táng con cháu đã kén chọn được đất tốt, hoặc chôn vào sinh phần của chính người chết đã chọn lấy.

Sự cải táng có nhiều cớ:

1- Hoặc khi cha mẹ chết, nhà nghèo túng không sắm được quan tài tốt, nên phải “hung táng”, rồi sau đó một thời gian “cải táng”, sợ quan tài xấu hài cốt của cha mẹ bị hư mục.

2 – Hoặc khi cha mẹ chết, chưa chọn được đất tốt, lúc chọn được thì “cải táng”.

3 - Hoặc khi cha mẹ chết trong lúc tha hương, con cháu phải tạm chôn nơi đất khách quê người, rồi sau vì theo quan niệm hiếu của người chết, phải lo cất cốt về nơi sinh quán để vong hồn cha mẹ được hài lòng.

4- Hoặc vì cha mẹ chết vì bệnh thời khí phải chôn vội vàng, sau cần “cải táng” để trọn đạo hiếu.

5 – Hoặc vì cho rằng mồ mã không yên nên phải “cải táng” để trong nhà khỏi sinh hoạ hại.

6 – Hoặc vì con cháu cần phú qúy nên nhờ thầy địa lý tìm “cái huyệt” mà cải táng để mong “mộ kết”.

Ngoài các cớ trên, theo lối cũ thường vì lý do hiếu kính, và vì sự cầu mong phát đạt, một ngôi mộ thường cần được “cải táng” trong các trường hợp:

- Mả vô vớ sút thành đường

- Mả cỏ khô héo chết.

- Trong nhà có sự dâm loạn, phong thanh mất.

- Trai gái hoá điên cuồng, hình hại, hoả tai, chết chóc.

- Người mất, của mất sinh ra kiện tụng nhau mãi.

Qua mấy trường hợp trên ta thấy rằng: Mả sút lẽ tất nhiên bên trong động tới xương cốt cần phải cải táng, nếu không cũng phải xem xét và đắp lại.

- Cỏ khô hiếu tức là nơi đất đó không tốt, e có hại tới hài cốt.

- Ba điều sau vì tín ngưỡng. Ta thường nói "Sống về mồ mả, ai sống về cả bát cơm".

Tục cải táng ở miền Bắc rất phổ thông. Từ Hoành Sơn trở vào Nam, việc “cải táng” chỉ là một trường hợp hạn hữu. Khi nào con cháu cho là “mồ động” thì mới cải táng. Chôn cất xong là xong.

Ngày nay, chịu ảnh hưởng Tây Phương, việc cải táng không có, dù đó là người gốc miền Bắc hay miền Nam. Người ta cũng nghĩ rằng người chết được nằm yên dưới mồ là xong. Hơn nữa mồ mả lúc đầu được làm cẩn thận, chắc chắn.

Người xưa, không phải ai ai cũng cho “cải táng” là một điều bắt buộc của phong Phong Tuc Tap Quan Viet Nam

tục. Có người nghĩ nên cải táng vì thể xác con người không trong sạch, cải táng để rửa xương cốt.

Việc tang ma bắt đầu từ lúc con người còn chút hơi thở cuối cùng, cho đến khi mồ yên mả đẹp con cháu mới yên tâm,và từ đây, hàng năm tiết Thanh Minh, con cháu lại đi thăm mộ, đắp một cùng với tất cả những ngôi mộ khác của gia đình.

KẾT LUẬN

về đời sống gia đình

Gia đình là nền tảng của xã hội, nhưng gia đình bắt đầu từ cá nhân.

Xét qua mọi sinh hoạt gia đình, qua mọi biến cố vui buồn, ta thấy nguồn gốc của mọi sinh hoạt đều do cá nhân, do sự cần thiết của cá nhân tạo nên.

Người đứng đầu gia đình là gia trưởng, có bổn phận duy trì và bảo vệ gia đình, chịu trách nhiệm về hết thảy những hành vi của mọi người trong gia đình, chính trách nhiệm này đã khiến mối liên quan giữa mọi người trong gia đình ngày càng rõ rệt và sự thân thiết của mọi người trong gia đình bất diệt.

Ngày xưa, nếu người gia trưởng phạm tội, con cái bị bắt làm nô tì, và nếu một người trong gia đình phạm tội phản quốc, tất cả gia đình phải liên đới chịu trách nhiệm.

Luật lệ khắt khe, lại thêm tục lệ ràng buộc, mọi người trong gia đình luôn luôn phải cùng nhau lo giữ vững lấy nếp nhà, bảo vệ hạnh phúc chung, cùng xây dựng sự thịnh vượng chung, như thế tức là thực hiện sự đoàn kết, nó là cái căn bản, truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Như đã trình bày trong “Đời sống bản thân”, để giữ vững tinh thần đoàn kết, ngay trong từ nếp sống cá nhân, bản thân luôn luôn phải hy sinh cho các sinh hoạt cộng đồng, và gia đình, đơn vị nhỏ nhất quy tụ nhiều cá nhân, lại phải hy sinh cho các sinh hoạt cộng đồng khác, nghĩa là sinh hoạt của các đơn vị bao trùm trên đơn vị gia đình, tuy nhiên, trước khi lo tròn những trách nhiệm trong đơn vị bao trùm, gia đình phải chu toàn cho những cá nhân trong đơn vị mình trước: Người xưa gọi là tề gia.

Dân tộc ta trải bao nhiêu cuộc thăng trầm mà không bị tiêu diệt hoặc đồng hoá, chính vì tinh thần đoàn kết mà tinh thần này bắt đầu từ gia đình, trong đó mọi người luôn luôn có một sự hoà hợp nhường nhịn rất tế nhị. Đây cũng là nét bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam.

Gia đình chi phối cá nhân, nhưng chi phối để bảo vệ tất cả các cá nhân trong gia đình, nghĩa là bảo vệ quyền lợi chung của gia đình.

Có cá nhân mới có gia đình, nhưng gia đình có vững, cá nhân mới bền. Bởi vậy, nhiều sinh hoạt gia đình chỉ bắt đầu từ một cá nhân, mà các cá nhân khác đồng liên đới hưởng thụ hoặc chịu đựng.

Gia đình có bền vững thì xã hội mới trường tồn.

Tài liệu than khảo:
- Đào duy Anh – Việt Nam Văn Hoá Sử Cương – Nhà xuất bản Bốn Phương, 1961
- Vũ Bằng – Miếng ngon Hà Nội – Nam Chi Tùng Thư, 1960.
- Phan Kế Bính – Việt Nam Phong Tục – Đông Dương tạp chí, 1914-1915
- Lois Bezacier – L’art Vietnamien
- Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái – Đại Nam quốc sử diễn ca.
- Bửu Cầm – Học chế ở Việt Nam qua các thời đại – Văn hoá Nguyệt san, 33 và 34, tháng 8, 9-1958.
- G. Coulet – Cultes et Religions de L’Indochine Annamite.
- Chu Ngọc Chi – Thọ Mai Gia Lễ
- Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh – Việt Nam, Quê Hương yêu dấu, Tác giả xuất Phong Tuc Tap Quan Viet Nam
bản 1967.
- Dương Quảng Hàm – Việt Nam văn học sử yếu – Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, 1956.
- James B. Hendry. – Công cuộc nghiên cứu một cộng đồng thôn xã Việt nam – Phần hoạt động kinh tế Nguyễn Đình Thuần dịch.
- Gérald C. Hickey, với sự cộng tác của Bùi Quang Đa – Nghiên cứu một cộng đồng thôn xã Việt nam – Xã hội học – Võ Hồng Phúc dịch.
- Guard et Durant – Connaissa.... Việt Nam
- Revue Horizon – L’évelution de la Littérature Vietnamienne depuis les caracltères Nôm jusqu’à l’écriture romanisée, Ed, Spéciale 1958.
- Thân Trọng Huề - Học luật lệ An nam. Đông Dương tạp chí, 1915.
- Trần Trọng Kim – Việt Nam Sử Lược, Tân Việt.
- Thái Văn Kiểm – Những nét đan thanh – Nhà xuất bản Thanh Long, 1957.
- Nguyễn Văn Kiểm – Tân Châu – Nhà in Nhất Trí Tân Châu, 1966.
- Lê Thành Khôi – Historie de L’Asie de Sud-Est. Collection Que sais je?
- Dương Đình Khuê – Les Chefs d’Oeuvre de la Littérature Vietnamienne – Imp. Kim Lai.1966.
- Vũ Ngọc Liễn – Moeurs et contumes du Viet Nam.
- Mai Văn Lương - La Chanson Populaire – Indochine, No 78, 25-02-1942
- André Massong – Historie de Viet Nam Collection Que sais je?.
- Paul Mus – Việt Nam, sociologie d’une guere – Ed, du Seuil.
- Ministère De Affaires Étrangères du Viet Nam – Réatités Vietnamiennes.
- Từ Quyên Đặng Văn Nhâm – Đại cương nghệ thuật kiến thiết nhà cửa ở Việt Nam – Bách Khoa số 12 và 13, ngày 1 và 15-07-1957.
- Lãng Nhân – Giai thoại làng Nho – Nam Chi tùng thư, 1967.
- Nguyễn Nhân – Tổ chức Tiểu học, Cao đẳng Tiểu học và Trung học Đông dương. Những lý do của một chương trình – Tri Tân tạp chí số 59, 10, 66, 89, 91, 97, 101, 102, 103, và 104, năm 1942-1943
- A. Pazzi – Người Việt Cao Qúy- Hồng Cúc dịch. Cảo Thơm xuất bản.
- Chiêu Dương Nguyễn Các Phụng – Sơn nhân nhàn bút. Nhà in Vạn Lợi, 1959.
- Viên Tài Hà Tấn Phát – Văn công, Thọ mai gia lễ. Hồng Dân, 1961.
- Phạm Quỳnh – Le paysan Tonkins à travers le parler populaire.
- E. Tavernier – La Famille Annamite.
- Trần Văn Tùng – Việt Nam les hommes d’ “Au delà du Sud” Editions de la Baconnière. Neuchatel (Suisse), 1957.
- Thạch Lam – Hà Nội, ba mươi sáu phố phường. Phượng Giang, 1959.
- Nghiêm Thẩm – Esquisse d’une Etudes sur les Interdictions chez les Vietnamiens – Tủ sách viện Khảo Cổ, 1965.
- Tản Đà – Tản Đà ẩm thực.
- Thạc Nhân – Xã hội Việt Nam với vấn đề lễ nhạc – Nguyệt san Xã hội số 6 tháng 4-1966
- Thạc Nhân – Xã hội Việt nam với vấn đề gia tộc – Nguyệt san Xã hội số 10, tháng 8-1966.
- Nguyễn Thiệu – Quan niệm về giáo dục.
- Dương Bá Trạc – Gia lễ giản yếu
- Pierre Varet – Au pays d’Annam, les Dieux qui neurent – Edition Eugène Fiuière Paris.
- Lloyd W. Woodruff, với sự phụ tá của Nguyễn Ngọc Yên – Nghiên cứu một cộng đồng thôn xã Việt Nam.
Toan Ánh
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thời thơ ấu 2XXXX

Thời thơ ấu 2 Chương 8 Ông tôi đột nhiên bán ngôi nhà cho lão chủ quán, sau khi tậu một ngôi nhà khác ở phố Kanatnaia. Phố này không lát...