Làng xóm Việt Nam 1
PHẦN THỨ NHẤT
DIỆN HÌNH VÀ TỔ CHỨC
Nhận diện một làng quê
Tôi sinh ra ở làng tôi. Nhỏ, tôi đi học ở làng, và ở làng cho đến lớn, cho đến một ngày ra tỉnh rồi tôi ra Hà Nội. Lâu lâu tôi lại về làng. Làng tôi vẫn như xưa, vẫn như hồi tôi còn để chỏm, ngày ngày cắp sách tới ông đồ, ăn mày đạo Thánh dăm ba chữ. Làng tôi không thay đổi gì, từ hình thể đến dân làng. Có khác chăng đó là những thằng bạn thả diều, đánh bi của tôi từ thuở nhỏ đã lớn, những cái đĩ thằng cu, xưa kia đầu chốc, cởi truồng, đã thay hình đổi dạng thành những cô gái làng xinh đẹp đỏm dáng, thành những cậu trai làng khỏe mạnh cần cù thương yêu miếng đất mảnh vườn, xoắn xuýt với thửa ruộng mẫu ao... còn những cô gái làng xưa, nay đã có chồng, có cô lại con dắt con díu, con bồng con mang.
Ngắm lại những cô gái xưa tôi thầm yêu trộm nhớ đã là những thím nọ, mợ kia với chiếc áo hở lườn, với đôi vú thỏng dưa gang, vừa vội vã đi hớt bèo cho lợn, vừa vội vã tắm cho ba bốn đứa con thơ, tôi giật mình thấy thời gian đi mau chóng.
Câu ca dao ở đâu phảng phất tới với tôi:
Anh đi em chửa có chồng
Anh về con dắt, con díu, con bỗng, con mang
Con thì chẻ nứa đan sàng
Con thì cắp sách, con mang cạnh sườn!
Và những thằng bạn thuở nhỏ của tôi, thường cùng tôi vật nhau lúc chăn trâu, thường tôi ê-a quyển "Hán tự Tân thu" cũng đã là những anh chồng ngoan ngoãn chăm lo vườn tược ruộng nương, có anh đã có hai ba con!
Anh nào anh ấy bộ mặt nghiêm trang đứng đắn, đi ra khỏi ngõ là áo dài khăn lượt trông thật đạo mạo.
Những người lớn thì đã bắt đầu già. Có người tóc điểm hoa râm, có người mắt đã bắt đầu đeo kính. Còn các cụ già, nhiều cụ đã không còn nữa! Các cụ đã ăn xôi nói theo danh từ hài hước quê mùa! Hỏi thăm các cụ, các người thản nhiên trả lời: Các cụ đi với ông sáu Tấm!
Ấy cái khác của làng tôi chỉ có thế! Còn đâu vẫn vào đấy.
Cổng làng
Đầu làng vẫn chiếc cổng xây, hai bên hai rặng tre kéo dài, dài cho đến hết vòng làng. Trên cổng làng chiếc mái hơi cong cong và dưới mái mấy chữ nho đóng khung trong một hình chữ nhật hầu như gần mờ nhạt hết, nét mực đen trên nền trắng cũng đã đổi màu vì phong sương với lớp rêu lờ mờ phủ.
Hai bên cổng, thành hình hai cột trụ, vẫn đôi câu đối tự bao giờ, chữ không còn hẳn rõ mực, nhưng vì đắp nổi lên, nên trải qua bao mưa gió, rêu phủ lờ mờ, đôi câu đối vẫn rõ ràng với người tỉnh mắt.
Đường làng
Con đường từ ngoài đi vào làng cũng vẫn chẳng khác xưa, đi từ đường cái lớn, ngòng ngoèo trên những bờ ruộng, xuyên qua cổng đầu làng, đi vào trong làng, rồi dần dần đi suốt làng cho tới cổng cuối làng. Cổng cuối làng cũng chẳng khác gì cổng đầu làng, nếu không có những chữ đại tự ghi trên cổng, không giống những chữ đại tự ở cổng đầu làng cũng như đôi câu đối hai bên thành cổng mà nội dung khác hẳn đôi câu đối ở cổng đầu làng.
Đến đây con đường lại chui qua cổng cuối làng để ra đồng ruộng, bỏ mặc hai rặng tre, hai bên cổng, của lũy tre làng ngơ ngác.
Con đường đi như dường luyến tiếc làng tôi uốn éo qua mấy bờ ao, mấy bờ ruộng cho tới mãi xa xa mới chịu ẩn mình dưới những ruộng mạ con gái xanh mơn mởn ở hai bên.
Con đường làng này, không phải nó đã đi thẳng một mạch từ đầu làng tới cuối làng đâu. Vào trong làng nó đã tách ra làm năm bảy nhánh đi vào năm bảy xóm lượn qua những bờ ao vườn chuối để đi đến tận từng nhà.
Có một nhánh đường đi thẳng một mạch từ con đường chính tới cửa đình làng, rồi đi men đình để vào một xóm mé trong. Lại có một nhánh, sau khi tách rời khỏi con đường chính, đi ngay vào chiếc giếng giữa làng có lẽ để thăm ngó các cô gái làng kín nước và để nghe các cô nói chuyện bông đùa với nhau, gán cho nhau những anh trai làng xem chừng có ý ngấp nghé các cô! Tiếng cười các cô giòn giã, giọng nói các cô trong trẻo ngây thơ!
Giếng làng nằm dưới một gốc đa lớn bóng vùng rất xa làm râm mát cả một khu. Cây đa không biết mọc tự bao giờ và mọc ở đó tới đến bao giờ? Khi tôi lớn lên cây đa đã có, và mẹ tôi cũng đã bảo tôi hồi nhỏ mẹ tôi cũng hàng ngày ra giếng gánh nước và nghỉ mát dưới gốc đa. Rễ đa lủng lẳng muốn ăn xuống tới đất, nhưng chỉ lủng lẳng vậy thôi, khó bao giờ mà ăn xuống đất được, vì lũ trẻ con chúng tôi đời đời thường níu lấy rễ cây đánh đu, khiến cho rễ cứ trụi dần và chỉ dài tới một mức nào là hết cỡ.
Cây đa ở giếng làng như có vẻ hiền từ. Dưới gốc đa loáng thoáng vài ba chiếc bình vôi, thỉnh thoảng có người tới cắm dăm ba nén hương! Và chỉ có thế thôi, không có bàn thờ, cũng không có bình vôi treo lủng lẳng vào các rễ phụ như ở cây đa đầu làng.
Cây đa đầu làng
Cây đa đầu làng quả thật dễ sợ hơn cây đa trên bờ giếng. Cây đa trên bờ giếng đã già, nhưng cây đa đầu làng lại cổ thụ hơn. Trông to lớn vô cùng với nhưng rễ phụ ăn hẳn xuống đất cũng đã biến thành những thân cây khác. Dưới gốc cây rễ bò lổm ngổm, khi nổi trên mặt đất, khi lửng lơ nửa chìm nửa nổi tạo nên những cái hốc ăn sâu vào rễ cây, hoặc ăn sâu xuống mặt đất. Các cụ bảo rằng trong các hốc đó có ngựa ngài ở, và các cụ giải thích ngựa ngài là những cặp rắn có mào, có khi là những cặp rắn trắng toát với mào đỏ chót. Không biết các cụ có đã trông thấy ngựa ngài thật không nhưng nghe lời các cụ tả, khi thế này, khi thế khác, và các cụ bảo ngựa ngài có phép biến hóa, muôn hình vạn trạng.
Ngay ở gốc cây đa, không biết ai đã xây từ bao giờ một bàn thờ nhỏ, với bài vị có bốn chữ Đại thụ linh thần. Bàn thờ có bát hương, hàng ngày hương nghi ngút cháy, và chân hương bao giờ cũng chật ních, màu đỏ xen lẫn màu xám của tàn hương. Lại có bình hoa, thường thấy cắm mấy bông huệ, mùi thơm quyện với mùi hương theo gió lan tủa ra xa. Hai bên mé bàn thờ là những bình vôi không biết của ai mang tới đặt ở đấy, to nhỏ đủ hạng, vôi ở miệng bình đã khô, và nhiều bình vôi màu trắng đã ngả sang một màu khác, màu tro nhạt hoặc màu vàng xám.
Và cả ở những rễ cây cũng lủng lẳng theo những hình vôi, mỗi cơn gió mạnh lại đưa đi đưa lại, các cụ bảo đêm hôm trông như những chiếc đầu lâu của bọn giặc Cờ Đen khi bị giết và bị bêu đầu.
Ở bàn thờ, còn có mấy đài rượu, mấy trăm vòng hoa ngũ sắc, và ở bên cạnh có treo những đôi hài xanh đỏ, những chiếc nón chóp, nón thượng bằng giấy trắng hoặc giấy màu với những quai tua sặc sỡ. Đấy là những nón của các bà, các cô, các cậu trú ngụ tại cây đa.
Gặp những ngày có gió, gió rung lá đa, gió lùa vào những cành đa rít lên như những tiếng hú, đêm khuya nghe rất ghê rợn. Rồi những lá vàng rụng xuống, lác đác, lạnh lùng như tiếng thì thầm của những âm hồn đang cùng nhau to nhỏ ở các cành đa.
Những câu chuyện về cây đa đầu làng
Theo lời các cụ, những đêm khuya thanh vắng có các bà các cô đánh võng trên cành cây, tiếng kẽo cà kẽo kẹt vang đi rất xa, lại có bà vừa đánh võng vừa ru con, tiếng hát véo von thật là thánh thót. Có cụ nói rằng, áo các bà xanh đỏ lờ mờ ẩn hiện những đêm sáng trăng xuống. Ai đi về đêm, bắt gặp các bà các cô đánh võng đều phải nín thở cắm đầu cắm cổ chạy cho mau. Lại có người bảo, sáng sớm, những người đi làm đồng hoặc đi chợ qua gốc đa, có khi gặp bóng hai ba cô áo màu tha thướt tóc vấn đuôi gà, tung tăng đi từ cổng làng đến gốc đa thì biến mất.
Nghe nói mà rợn gáy! Thủa còn nhỏ, tôi không bao giờ dám đi qua gốc đa vào lúc chạng vạng tối, hoặc khi trời chưa sáng hẳn và cũng không bao giờ, khi có việc đi qua đầu làng tôi lại dám dừng chân đứng lại nơi này. Phải qua đó là tôi rảo cẳng bước cho mau. Còn khi tôi đã lớn, ra tỉnh và Hà Nội ở, thỉnh thoảng có dịp về làng, cũng rất ít khi tôi đi qua nơi đây vào lúc tối trời. Có một đôi lần qua đó, chỉ thấy âm u vắng vẻ với một sự yên lặng tĩnh mịch đến lạnh người. Gió đông nổi lên, lá trên cây xào xạc, mùi hương lẫn mùi hoa huệ ở bàn thờ đưa ra thoang thoảng giữa gió khuya...
Đêm khuya, nếu có tiếng chó cắn nhát gừng về phía đầu làng, các nhà các cụ bảo các con:
Các bà các cô lại đi thăm làng!
Cây đa đầu làng cứ xanh tốt và sự hãi hùng của dân làng vẫn tồn tại đời này qua đời khác đối với những câu chuyện đã được kể lại về cây đa, về những ông bình vôi, về bàn thờ và nhất là về các bà, các cô, các cậu...
Dân làng hãi hùng nhưng dân làng vẫn kính cẩn không ai dám buông một lời nhạo báng, và cũng chẳng ai bảo ai là mê tín dị đoan.
Những ngày rằm, mồng một, những ngày lễ lạc, nếu người ta có cúng lễ ở nhà, nếu người ta có lên lễ ở chùa, thì ở gốc đa này, nơi bàn thờ cũng có nhiều bà nhiều cô trong làng mang đồ tới lễ bái. Những hôm đó, quang cảnh gốc đa đỡ vắng vẻ âm u.
Cây đa đầu làng, thường làng nào cũng có, và có lẽ cây đa nào cũng tương tự giống nhau. Câu ca dao ta có nhắc tới cây đa:
Đầu làng có một cây đa
Cuối làng cây gậy, ngã ba cây dừa
Dù anh đi sớm về trưa
Xin anh nghỉ bóng mát cây dừa nhà em!
Bóng mát cây dừa có lẽ có người đi sớm về trưa dừng chân nghỉ cho đỡ mệt nhất là trai gái làng, còn bóng mát cây đa, quả thật ở làng tôi, tôi không thấy mấy ai dừng chân nghỉ bước! Qua đấy người ta ngả nón đi cho mau, và ngày xưa người ta còn cưỡi ngựa, tôi còn được nhắc lại là người ta vẫn xuống ngựa dắt đi qua bàn thờ hẻo lánh này. Hẻo lánh vì cây đa ở đầu làng ngoài lũy tre xanh, hẻo lánh vì tuy gọi là đầu làng, nhưng khi đi khỏi cổng làng chưa phải là có nhà cửa dân làng ngay, hai bên đường làng ở nơi đây còn có mấy ao cá, mấy vườn cây vắng vẻ.
Ông bình vôi
Ở trên có nói tới các bình vôi đặt ở gốc đa bờ giếng cũng như gốc đa đầu làng.
Đây là phong tục dân quê.
Dân Việt Nam thường ăn trầu, và mỗi miếng trầu gồm một miếng lá trầu không, có quệt chút vôi cuộn tròn lại, công việc này gọi là têm trầu, một miếng cau một miếng vỏ cây.
Do sự ăn trầu của toàn dân Việt Nam trước đây nên mỗi nhà đều có một bình vôi, và tục còn cho rằng bình vôi tượng trưng cho quyền nội tướng của bà nội trợ nên được gọi tên là ông bình vôi. Bình vôi đựng vôi, vôi trên mép khô dần vì mỗi khi lấy vôi ra nhiều, người ta lại quệt vào mép bình. Sau một thời gian, miệng bình vôi nhỏ dần, cho đến ngày bị lấp hẳn và bình vôi không dùng được nữa.
Bình vôi này, người ta không đem vứt đi, vì xưa nay vẫn được tôn trọng là ông bình vôi, mà người ta đem đặt tại miếu thờ, tại gốc đa, gốc si, gốc đề, nơi có thờ, hoặc tại bên các đình chùa.
Do đó các cây đa đầu làng, dân làng thường mang những bình vôi cũ tới để, và có người lại đem buộc hẳn lên các rễ đa treo lủng lẳng.
Lũy tre làng
Cây đa cách lũy tre làng đến ngoài chục thước, những cây tre ngả đầu xuống, những cành đa như vươn tay ra, đôi bên cũng còn cách nhau một quãng khá xa.
Lũy tre làng tôi giống bất cứ lũy tre làng nào, bao bọc chung quanh làng, hai rặng tre hai bên đi từ cổng đầu làng tới cổng cuối làng.
Tre già thì măng mọc, luôn luôn lũy tre lúc nào cũng xanh tốt, và chịu đựng đủ nắng mưa gió rét.
Tre mọc rất dày, lũy tre che chở cho làng. Bên trong lũy tre đôi nơi có ao cá, có vườn rau, hoặc có khi một vài ngôi nhà không cách xa lũy tre là mấy.
Có những gia đình ở gần lũy tre, đất cát ăn liền với lũy tre; những gia đình này đôi khi có người trổ một chiếc cổng gai để tiện đường ra ngoài ruộng, khỏi phải đi qua cổng làng. Chiếc cổng gai này, ban ngày tuy mở nhưng ban đêm bao giờ cũng đóng kín để đề phòng bọn đạo tặc.
Nếu ai có dịp đi qua cánh đồng nhìn vào làng tôi gặp lúc chiếc cổng tre giương lên, một cô gái làng chít khăn mỏ quạ, mặc ăn cánh nâu non, yếm mỡ gà với khuôn mặt trái xoan, với hai con mắt long lanh sáng, điểm thêm nụ cười chúm chím như hoa hàm tiếu, tuy vậy cũng để lộ mấy chiếc răng cửa đen nhức như hạt huyền và đều đặn như hạt lựu giữa đôi môi tươi thắm, ắt phải có cảm tưởng như được ngắm một bức tranh linh động giữa thiên nhiên. Cô gái làng có thể đang đứng bên cột tre, một tay giơ cao vịn vào cành tre. Cô đứng làm gì?
Ai có biết, nhưng nhìn cô thấy đáng yêu với vẻ ngây thơ. Có khi cô lại cất tiếng hát vài câu ca dao, tiếng vang êm ái nghe thật là quyến rũ:
Chẳng tham ruộng cả ao sâu
Tham vì anh tú tốt râu mà hiền,
Chẳng tham ruộng cả ao liền,
Tham vì cái bút cái nghiên anh đồ.
Hỡi ai là anh tú, hỡi ai là anh đồ, nghe cô ca lòng có động lòng chăng tá?
Cô gái quê quả thật là bông hoa của đồng ruộng!
Cô đã làm cho bao chàng trai say mê, và chính cô cũng đã từng bao lần tơ lòng rung động trước nỗi niềm tha thiết của những trai làng!
Chiếc cổng ở giữa lũy tre, thường là chiếc cổng tán cho nên lúc đóng mở không phải đẩy ra đưa vào, mà phải giương lên hạ xuống. Cả chiếc cổng là một khung tre, có những cành tre buộc chặt níu vào thành khung, giữa khung treo chiều ngang là một thanh tre nguyên ống để giữ cho khung cổng được chắc chắn.
Chiếc khung tre này hình chữ nhật, to bằng chiếc cổng gỗ với cả hai cánh, phía trên, được buộc vào một thanh tre ngang, buộc không chặt lắm, nhưng dây chắc để cổng có thể giương lên hạ xuống dễ dàng. Cổng giương lên có chiếc cột đỡ, chiếc cột tre đóng chắc vào giữa thành mé dưới cổng và cao bằng chiều dọc cổng. Khi cổng hạ xuống, cột tre này được lồng vào một chiếc cọc đóng dưới đất qua một lỗ đục suốt thân cột để giữ cho người ở mé ngoài không thể tự mở lấy cổng được.
Thường thường ban đêm, có thêm những cành tre gai đắp vào cổng cho cổng thêm chắc chắn. Chiếc cổng tre tuy đơn sơ nhưng rất đắc dụng và kẻ gian phi cũng không phải dễ dàng gì mà qua lọt được cổng này.
Cánh đồng làng
Cô gái quê đứng trước chiếc cổng tăng vẻ đẹp cho lũy tre làng, và ở nơi đây nhìn ra cô thấy cánh đồng làng bát ngát, những thửa ruộng nối liền những thửa ruộng, tùy theo từng tháng trong năm đây là những ruộng lúa đã chín vàng, cây lúa bông nặng trĩu ngả đầu xuống bờ ruộng hoặc đây là những ruộng mạ mới cấy, mạ xanh mơn mởn như tơ nõn. Theo những luồng gió, hương lúa hương mạ mát dịu hoặc thơm phức bốc lên. Trên không trung vài con cò trắng vụt bay qua, rồi bỗng sà xuống một thửa ruộng giữa cánh đồng.
Xa xa, vút tầm mắt, một ngôi làng với lũy tre xanh bao bọc, như một chiếc cù lao nổi bật trên đồng ruộng.
Cảnh một làng quê Việt Nam, làng tôi cũng như hầu hết trăm nghìn làng khác ở trung du và trung châu, bên ngoài thường tương tự như nhau. Các tác giả ngoại quốc rất chú ý tới làng mạc của chúng ta, và dưới ngòi bút của họ làng quê chúng ta thường được tỉ mỉ tả lên với những thưa ruộng, với lũy tre xanh tốt.
Ruộng nương... Thật là linh hoạt, và quang cảnh vui tươi. Không một chút gì giống những đồng lầy đất nước chúng ta. Ở đây, mỗi mẫu đất ẩm thấp đều được trồng trọt, chăm nom và có người. Trong khoảng không đầy một mẫu đất, có thể đếm được tới trăm chiếc nón chóp của dân làng. Khắp mọi chỗ, người dân quê đều làm việc, gập mình xuống, cấy lúa. Hoặc hái trong tay, họ gặt lúa. Nơi khác, họ đang cày ruộng, đi sau những con trâu. Lại có những con trâu khác nghỉ ngơi, đầm mình trong nước sâu hơn chỉ lòi lên những chiếc đầu với sừng và mình đen, ở trên ngồi chồm hỗm một chú bé trần truồng. Thỉnh thoảng một đàn cò trắng vụt bay lên. 1
Tác giả tả cánh đồng một làng quê Việt Nam có thể là làng tôi, mà cũng có thể là bất cứ làng ai cũng được.
Cánh đồng làng nào mà chẳng vậy, bao giờ chẳng có người làm đồng, bao giờ không có mấy chú bé chăn trâu, và nhất là những đàn cò trắng, đồng quê ở đâu mà không có!
Làng tôi nằm trong lũy tre xanh, giữa cánh đông bát ngát...
Sông làng
Làng tôi lại có một con sông, không phải, đúng ra là một con ngòi nhỏ. Con ngòi này, chỉ rộng hơn một con kênh, không chảy qua làng, chỉ lượn qua cánh đồng làng như muốn đem làn nước bạc tương phản với lúa xanh xanh.
Con ngòi tuy nhỏ nhưng rất có ích cho làng tôi. Đồng ruộng nhờ nó thêm màu mỡ, dân làng, nhiều gia đình sống thêm về nghề kéo vó, đánh cá ở dòng ngòi. Một vài người, tuy có nhà đất trong làng, nhưng vì đặt lờ, đặt lưới, giương vó đêm đêm ở con ngòi, lại có thêm ruộng nương ở bên kia ngòi, đã cất hẳn một ngôi nhà lá ở bờ ngòi để tiện việc làm ăn. Và mỗi lần đi qua ngòi, họ đi qua một chiếc cầu khỉ rung rinh soi mình ngoằn ngoèo trên dòng nước.
Không ở trong làng nhưng họ vẫn là người làng, họ vẫn sống theo nếp sống của dân làng. Họ vẫn đi lễ chùa làng, tham dự những tuần ước vọng ở đình làng, và gặp ngày phiên chợ làng, vợ con họ vẫn có mặt để bán hoa màu hoặc để mua sắm những vật dụng cần thiết như những người khác trong làng. Con cái họ vẫn đi học trong làng, và ngày xửa ngày xưa khi làng còn có các ông đồ dạy học, chính họ cũng đã làm học trò của những ông đồ này.
Chợ làng
Tôi đã nói đến chợ làng tôi! Chợ làng tôi không to lắm, cũng không ở hẳn trong làng mà ở ngoài lũy tre xanh, bên cạnh đường làng. Chợ có một quán chính năm gian, còn la liệt ở chung quanh quán là những ngôi lều tranh nhỏ, rộng không quá hai thước vuông.
Cũng như các chợ khác, chợ làng tôi họp một tháng sáu phiên, cách bốn ngày lại đến ngày phiên chợ. Sở dĩ như vậy, vì ở vùng tôi có nhiều làng có chợ, phiên họp phải xích ngày đi để khỏi trùng nhau đến nỗi hai chợ cùng họp một ngày.
Ngày phiên chợ làng tôi vui lắm. Trong làng ai có hoa màu gì muốn bán đều mang ra chợ, cũng như ai đan được ít rổ, rá, bện được ít chổi lúa, phất trần, hoặc làm thêm được bất cứ thức gì trong phạm vi tiểu công nghệ gia đình đều mang ra chợ bán. Hoặc có ai nuôi được lứa gà, lứa vịt đã lớn, hoặc nhà ai có đàn chó con mới đẻ, cân bán bớt, họ cũng đều nhân phiên chợ này mà tiêu thụ đi.
Lại những người buôn thúng bán bưng, mấy cô hàng xén, cứ đúng ngày phiên là có mặt ở chợ làng tôi. Những người làng trên xã dưới, có hàng hóa gì, họ cũng mang tới chợ để bán, rồi mua đổi lấy những đồ ăn thức dùng khác.
Đường làng ngày phiên chợ thật đông. Tác giả L'indochine en Zlggzags, ông Billotey đã tả quang cảnh này, không biết có phải đúng vào phiên chợ làng tôi không:
Trên chính con đường, cả một đoàn người nối đuôi nhau đi. Phải chăng họ từ phiên chợ trở về, những người dân quê gánh nặng và đông đảo ấy? Họ bước thoăn thoắt vội vàng chiếc đòn gánh tre trên vai cứ lủng lẳng thõng xuống như hai đĩa cân, hai rổ sảo giống như hai chiếc ly hoặc, những thúng mủng. Trong những thúng, mủng này chồng chất nghìn thứ khác nhau, thóc, gạo, chuối, rau cỏ, hạt, cau,trầu, rơm, nồi đất buộc rất tài tình và nhiều thứ khác nữa. 2
Thì đã nói các làng quê giống nhau mà! Giống nhau về hình thức đã đành, mà còn giống nhau về sinh hoạt nữa.Đê làngLàng ven đồiTrên sông làngChợ quê nghèo(Ảnh: Trần Lê Sinh)Những điểm tương đồng và dị biệt giữa các làng quê
Đã ai có dịp đi thăm nhiều làng quê chưa nhỉ, và đã có những ai đi sâu vào trong những làng quê ắt phải nhận thấy những ngôi đình làng, ngôi chùa làng, bãi tha ma ở cuối hoặc đầu làng, cầu quán bên đường làng để khách bộ hành vào nghỉ chân cũng như những thợ làm đồng buổi trưa vào nghỉ mát, một vài ngôi miếu trong làng đều hao hao tương tự giống nhau, nếu có khác chỉ là những điều dị biệt rất nhỏ. Tới làng này, người ta có cảm tưởng như đã đi qua một lần nào nếu người ta đã có dịp đi thăm những làng khác vùng quê. Những làng ở trung châu hầu như cùng làm theo một kiểu mẫu, xếp theo một bức họa đồ tuy những làng ở men sông nước có khác những làng ở giữa cánh đồng bát ngát. Sự khác biệt cũng có thể có ở giữa một làng ở trung châu với một làng trung du nằm trườn mình bên một sườn đồi.
Tôi nhớ lại một bài học thuộc lòng tôi đã dùng dạy các trẻ em ở các lớp sơ học về làng tôi:
Làng tôi bé nhỏ xinh xinh,
Chung quanh có lũy tre xanh rườm rà
Trong làng san sát nóc nhà,
Đình làng lợp ngói có và cây cau
Chùa làng rêu phủ mái nâu
Dân làng thờ Phật để cầu bình an.
Chợ làng có quán năm gian,
Ngày phiên thiên hạ buôn hàng rất đông.
Giếng làng có mạch nước trong.
Có cây đa mát bóng vùng rất xa,
Trường làng rộng rãi bao la,
Chúng tôi đi học trường nhà rất vui.
Với đầu đề "Làng tôi", bài học thuộc lòng trên đã tả lên bất cứ một làng nào vùng quê Bắc Việt ở trung châu, cũng như miền ở Bắc Trung Việt. Chung quanh làng bao giờ cũng có lũy tre, dù làng nằm bên bờ sông hay trườn mình bên cạnh sườn đồi.
Lũy tre che chở cho làng rất chắc chắn, nhiều khi lũy tre dày đến năm sáu thước, tre mọc san sát nhau súng bắn không qua.
Ngoài tác dụng che chở cho làng chống cướp bóc, lũy tre còn cung phụng cho dân làng vật liệu để làm nhà, làm lạt, đan rổ rá và tạo nhiều đồ dùng thường nhật khác.
Nhất xã, nhị, tam thôn
Không phải mỗi làng chỉ có một lũy tre, có làng có đến hai ba lũy tre, mỗi thôn có một lũy tre riêng.
Miền Bắc và miền Trung có nhiều làng nhất xã, nhị tam thôn, nghĩa là một làng có ba bốn thôn khác nhau, ở cách nhau một quãng đường, và giữa những thôn này và đồng ruộng, thí dụ như làng Kim Đôi, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc) nhất xã tam thôn: các thôn Ngọc Đôi, Quỳnh Đôi và Kim Đôi. Trong trường hợp một xã đôi ba thôn, mỗi thôn có lũy tre riêng và mỗi thôn có sinh hoạt riêng với giếng của thôn, đình làng thôn, và đi vào trong thôn phải đi qua cổng thôn xây dựng cũng như cổng làng, chỉ mấy chữ đại tự khắc mé trên nói lên đó là cổng của thôn nào. Gọi là sinh hoạt riêng, nhưng sinh hoạt vẫn phải phù hợp với sinh hoạt chung của làng, lệ làng vẫn là lệ làng chung, và những người lãnh đạo làng xã đều do các thôn bầu chung lên.
Có nhiều làng không phải nhất xã nhị tam thôn, một xã chỉ là một xã, nhưng ngoài xã chính ra, làng lại có thêm một ấp nhỏ, ấp này vẫn ở trên địa phận làng, nhưng ở xa làng chính, do một vài người trong làng vì sinh kế lập nên với sự thỏa thuận của hương lý trong làng: một vài người giàu có, có nhiều ruộng, tọa lạc ở chỗ quá xa làng, họ lập nên ấp và mượn tá điền ngụ canh, hoặc bên bờ sông ở cách xa làng một số người làng sinh sống về nghề đánh cá, cùng nhau lập ấp ở bên sông.
Một thí dụ tượng trưng cho ấp làng có thể kể được làng Thị Cầu huyện Võ Giàng tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc).
Làng này có một ấp ở giáp mé sông Cầu gọi là Tân Ấp. Tân Ấp thành lập bởi một vài người làng, và có nhiều người ở nơi khác tới cư ngụ.
Làng Thị Cầu có một viên lý trưởng chịu trách nhiệm về toàn xã, nhưng có hai viên phó lý, một để giúp việc lý trưởng về các công việc ở ngay làng và một ở Tân Ấp để giúp việc lý trưởng trông coi các công việc riêng thuộc về ấp này. Trong một xã có hai ba thôn khác nhau cũng vậy cả làng chỉ có một lý trưởng, nhưng mỗi thôn đều có thể có một phó lý riêng.
Xóm
Một làng có thể có nhiều xóm, và một thôn cũng vậy. Mỗi xóm là một khu làng, có một con đường đi vào tít trong xóm, dân xóm làm nhà ở hai bên, cổng ngõ quay ra đường xóm. Mỗi xóm cũng có cổng riêng gọi là cổng xóm.
Làng xã Miền Nam
Miền Nam làng xã hơi khác. Dân làng ở rải rác trên địa phận làng, không hợp nhau thành xóm, và chung quanh làng không có lũy tre xanh. Làng ở miền Nam thường rộng lớn hơn các làng miền Bắc, và chia làm nhiều ấp, và mỗi ấp ở đây có thể coi như một thôn miền Bắc có khi địa thế lại rộng và dân cư lại đông hơn một làng miền Bắc hoặc miền Trung.
Làng Khánh Hậu thuộc quận Thủ Thừa, tỉnh Long An có tất cả sáu ấp:
Ấp Dinh A
Ấp Dinh B
Ấp Mới
Ấp Thủ Tựu
Ấp Nhơn Hậu
Ấp Cầu
Sáu ấp chung hợp lại một làng, (xã), có một chủ tịch xã, riêng mỗi ấp có một trưởng ấp để trông nom công việc hàng ấp. (Ấp ở Nam coi như thôn ở Bắc vậy).
Đại để việc tổ chức ấp xã ở miền Nam, tuy có khác, nhưng cũng không khác bao nhiêu đối với các thôn xã miền Bắc và miền Trung.
Đất lề quê thói, sự khác biệt tất nhiên phải có để phù hợp với hoàn cảnh địa lý, với khí hậu và với dân tình, nhưng tuy có khác mà vẫn là giống nhau vì những đặc tính chung của dân tộc.
Người miền Bắc vào Nam cũng như người miền Nam ra Bắc, khi phải sống theo nếp sống nơi đồng ruộng, người ta hòa đồng rất dễ dàng, và ở đất nước Việt Nam không có sự khác biệt về ngôn ngữ, về phong tục tập quán bao nhiêu giữa nơi này và nơi khác. Một người gốc ở ải Nam Quan gặp một người gốc Cà Mau, đôi bên không có gì không hiểu nhau, không giống như ở nhiều quốc gia, người miền này nói, người miền kia không hiểu.
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc đồng nhất, thực dân dù có dùng chính sách chia để trị thì người Việt Nam bao giờ cũng chỉ biết thương yêu nhau, và ngoại tộc càng muốn chia rẽ, người Việt Nam lại càng đoàn kết hơn.
Nguồn gốc làng xã Việt Nam
Tôi trở lại ngôi làng tôi.
Làng tôi có đã từ bao giờ không ai biết. Có tò mò hỏi, các cụ chỉ trả lời:
- Làng có từ khi có làng chứ còn có từ bao giờ nữa. Chỉ nói lẩn thẩn!
Có làng nghĩa là từ khi bắt đầu có người ở, có thể đầu tiên chỉ là một gia đình, rồi hai ba gia đình kéo nhau tới làm ăn, kiếm ăn được, trông trọt dễ thế là người nọ rủ người kia, đông mãi hơn lên rồi thành làng. Làng thành rồi là làng có mãi, mặc những cuộc thay đổi hưng vong.
Làng xã Việt Nam là một cơ cấu vững bền trải qua những cuộc biến thiên của lịch sử nước nhà. 3
Làng xã Việt Nam có từ ngàn xưa, và làng Việt Nam là làng Việt Nam. Nhiều tác giả ngoại quốc như các ông Luro, Ory, Pasquier và Rouilly cho rằng cơ cấu làng xã là một cơ cấu bắt nguồn từ Trung Quốc 4 và ý kiến này cũng đã có nhiều tác giả Việt Nam chấp nhận, như ông Trần Văn Trai trong luận án tiến sĩ văn khoa năm 1942 ở Paris với nhan đề Gia đình phụ hệ Việt Nam. 5
Các tác giả trên đã căn cứ theo sự phân chia công điền công thổ tại nước ta, giống như phép tỉnh điền trong Chu lễ của người Trung Hoa, mặc dầu sự phân chia này không hoàn toàn giống hẳn như theo Chu lễ. Hơn nữa trong “Lịch triều Hiến Chương” của Phan Huy Chú từ quyển XXIX đến XXXII và "Quốc dụng chí" cũng có nhắc tới cách phân chia công điền công thổ của người Trung Hoa.
Ý kiến trên thực ra không thể đứng vững được. Nguyễn Hữu Khang trong luận án Tiến sĩ về "Làng xã Việt Nam, nghiên cứu lịch sử, pháp lý và kinh tế" đã bác bỏ ý kiến trên và cho rằng "Tất cả các nhà xã hội học đều đồng ý công nhận con người đã luôn luôn sống thành tập thể.
Ngay từ ngày xửa ngày xưa, con người, sinh vật tập thể, đã cùng với đồng loại họp nhóm, dù chỉ là do thiên tính.
Tập thể nguyên thủy, những bộ lạc đầu tiên nhất người ta đã tìm thấy, cũng những bộ lạc cổ xưa nhất, dù họ đã tụ hội trên ý tưởng quyến thuộc, liên hệ vì một ông tổ chung, có thực hoặc tưởng tượng, hay trên những đặc tính tương đồng hoặc dính dáng về sinh hoạt, hay, sau hết, chỉ bởi sự kiện đồng cư ở một nơi, đều chứng tỏ sự cần thiết thiết yếu và khởi thủy này của con người. 6
Người Việt Nam cũng như bất cứ dân tộc nào khác trên thế giới, lúc đầu tiên đã cùng nhau tụ hội rồi hợp thành làng. Có người là có làng, và đã có làng là có sinh hoạt cá nhân cũng như tập thể.
Khi hỏi về làng tôi, như trên đã trình bày, các cụ trong làng không biết làng có từ bao giờ, và cũng không hề bao giờ các cụ nghĩ tới lúc sơ khởi của làng mình.
Cũng có đôi cụ thỉnh thoảng nói với con cháu:
Làng ta trước đây là đất hoang rồi các cụ tới khai phá lập nên làng. Thì cũng như các ấp sau này được lập nên.
Những điều trên chứng tỏ rằng làng Việt Nam, làng tôi cũng như bất cứ làng nào khác, không phải đã thành hình vì rập theo khuôn mẫu của người Trung Hoa. Người Việt Nam sống họp nhau thành làng là do thiên tính của con người muốn sống quây quần tụ họp, và thiên tính này chính là thiên tính sinh tôn.
Hình thể làng xã
Nói về làng xã, ông Nguyễn Văn Huyên trong quyển “Văn Minh Việt Nam” 7 có phân biệt các làng theo hình thể. Theo ông, làng Việt Nam thường tọa lạc bên cạnh các dòng nước, và ở đằng xa trông như một túp cây xanh mọc hỗn độn nào tre, nào mít, nào muỗm, nào cây gạo, cây dừa v.v...
Làng ăn theo chiều dài
Những làng này có thể dài ngoẵng, nhà cửa cất dọc đường cái hoặc dòng sông như các làng Phù Đổng và Đông Viên nằm liền nhau theo bờ sông Đuống tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc) trên một chiều dài gần mười cây số, các làng Yên Sở, Đắc Sở ở Hà Đông (Hà Nội) làng Tiên Mỗ ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phú) v.v…
Tỉnh Thừa Thiên có làng Quế Chữ và Thanh Thủy cũng là những làng dài ngoẵng trên ba cây số, làng Quế Chữ dọc theo một dòng sông, còn làng Thanh Thủy đọc theo đường cái
Miền Nam cũng có nhiều làng ăn theo chiều dài, như các làng Phú An và An Hóa tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre) nằm dọc theo sông Ba Lai không dưới 16 cây số từ Đông sang Tây, làng Long Bình tỉnh An Giang, nằm theo kinh Rạch Lớn trên 8 cây số v.v...
Làng nằm rải rác
Cùng với những làng dài ngoẵng lại có những làng rải rác thành những cụm nhỏ nằm thành hàng theo những doi đất dọc theo bờ Nam Hải, như các làng Thần Huống và Lũng Đầu, phủ Thái Ninh, tỉnh Thái Bình giữa sông Trà Lý và sông Diêm Điền, làng Quất Lâm ở phủ Xuân Trường tỉnh Nam Định (Hà Nam Ninh), các làng Cổ Ngãi và Đại Dư ở cửa sông Bassac và rất nhiều làng khác ven bờ biển Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Làng tựa ven đồi
Lại có những làng tựa vào đồi như các làng Vân Khám, Long Khám và Khả Lễ ở Bắc Ninh (Hà Bắc), Chi Lai và Tiên Hội ở Kiến An, (Hải Phòng) làng Phú Trà ở Quảng Nam, làng Phú Thành ở Bình Định, làng Vĩnh Tế ở Châu Đốc, làng Ba Chúc ở An Giang v.v... Tựa vào đồi núi như vậy, dân làng sống bằng ruộng nương ở chân núi.
Các loại làng khác
Cũng phải kể tới loại làng thiết lập ở cạnh các đồn binh để dân làng tiện việc buôn bán với quân lính và gia đình như các làng Hòa Lạc ở Sơn Tây, ấp Suối Hoa ở Thị Cầu (Bắc Ninh, Hà Bắc).
Lại còn một loại làng thành lập ở ngã ba ngã tư các trục giao thông.
Đại loại về mặt hình thức làng mạc có thể phân loại như vậy, tuy nhiên cũng còn nhiều làng không thuộc hẳn về loại này, thiết lập một cách rất đặc biệt với dân cư lẻ tẻ, thôn xóm rải rác...
Dù hình thức làng thế nào mặc dầu, các ngôi làng xa trông đều na ná giống nhau như đã nói ở trên, và nếp sống ở làng này cũng không khác làng kia bao nhiêu, nhất là khi các làng đó lại ở cùng một vùng.
Được thành hình như ngày nay, mỗi ngôi làng đã trải bao cuộc hưng vong của đất nước kề từ lúc bắt đầu thành lập.
Việc thành lập làng xã
Về việc thành lập làng xã, như trên đã nói, có người là có làng, và làng lập nên là có người, nhưng nếu xét kỹ, một làng Việt Nam được tạo nên, rất có thể qua nhiều giai đoạn và bởi nhiều đường lối khác nhau.
Có thể đầu tiên chỉ là một thôn nhỏ, rồi thôn này bành trướng lên thành xã, và xã lại chia làm nhiều thôn, do đó có các xã lớn, nhất xã nhị tam tứ thôn như đã trình bày.
Xã thôn là một đơn vị dân cư họp thành trải qua nhiều đời khai thác đất đai để trồng trọt Xã thôn ở Việt Nam rất nhỏ. 8
Việc khai thác đất đai có thể phân biệt:
a) Dân chúng khai thác.
Trong những ngày đầu khai thác, một hay mấy gia đình cùng chung lưng đấu cật để đấu tranh với thiên nhiên, giành lấy sự sống. Trải qua nhiêu đời con cháu những gia đình này sinh sôi nảy nở nhiều thêm, số ruộng đất được khai thác nhiều thêm, thôn xã dần dần hình thành. 9
b) Đồn điền.
Đây là những đồn điền do binh sĩ khai phá. Theo các sử gia đây là một hình thức mới mẻ xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ XV. Có lẽ đây là một lối bành trướng bắt chước theo người Tàu dùng cánh tay của quân lính để khai khẩn những đất đai biên giới (est, sans doute, un mode d’expansion imité des Chinois qui utillsèrent les bras des soldats pour coloniser les temtoires des frontières) 10
Xưa kia trong những thời bình, binh sĩ được dùng trong việc khai phá đất hoang, và nước ta đã tìm có riêng một loại quân lính về công tác này, dưới triều nhà Lê mang danh là Thục điền binh, những đất đai khai khẩn được là những đồn điền. Đồn điền thuộc quyền sở hữu của Quốc gia, nhưng một phần được chia cho các làng xã tân lập tại những nơi đây và những đất đai dành cho làng xã biến thành công điền công thổ của dân làng.
Lúc đầu, khi đồn điền mới khai phá, có một vài gia đình, thường là vợ con binh sĩ, tới sinh sống, dần dần đông lên mới thành xóm, rồi thành làng. Khi đã có một làng tại đồn điền, đoàn Thục điền binh sẽ được đi tới một nơi khác để thành lập một tiền đồn mới tiếp tục công việc lập đồn điền.
c) Lao trại.
Lao trại là một hình thức đặc biệt của đồn điền.
Những Thục điền binh sử dụng sức lực của tù nhân để giúp đỡ mình trong công việc khai khẩn đất hoang. Mục đích của chính quyền xưa, khi lập ra các lao trại, là để trừng phạt một số các tội phạm. Các tội nhân tới các lao trại sẽ được hoàn lương, và như vậy lao trại đã được lưỡng lợi trong một lúc: hoàn lương cải thiện những phạm nhân và có nhân công để khai khẩn đất hoang. Ấy là chưa kể chính quyền đã lánh xa cho dân chúng những người bất hảo, có hại cho an ninh trật tự.
Những phạm nhân tới các lao trại có thể mang gia đình đi theo và họ lập làng ở đây. Làng xã lập xong họ được tự do sinh sống lương thiện, không ai còn nhắc tới quá khứ của họ nữa.
Lao trại một khi biến thành làng, làng sinh hoạt như bất cứ một làng nào khác, và lao trại không còn là lao trại nữa. Và những lao trại khác sẽ được thành lập xa hơn ở những nơi đất đai chưa khai phá.
d) Nông trại
Các chính quyền Việt Nam luôn luôn nghĩ tới việc canh nông, lập ra các vị Dinh điền sứ có nhiệm vụ tìm kiếm đất đai để dân chúng cầy cấy. Những vị Dinh điền sứ kêu gọi những người tình nguyện đi lập làng ở những nơi đất cát phì nhiêu. Cụ Nguyễn Công Trứ đã thành công trong nhiệm vụ Dinh điền sứ. Cả vùng Phát Diệm, Kim Sơn cũng như cả huyện Tiền Hải đã do công lao của cụ tạo nên.
e) Một ấp mới
Nhiều khi làng xã đã có rồi nhưng đất đai quá rộng, nhiều dân làng có ruộng nương ở tận cuối địa phận đồng làng, hoặc những dân làng quá cùng túng, ruộng nương ít làm không đủ ăn, những người này hoặc để tiện trông nom ruộng nương của mình, hoặc vì lý do sinh sống, tìm cất một căn nhà nhỏ ở nơi mình có ruộng hoặc ở ven sông làng hay ven rừng làng để đánh cá làm củi, kiếm kế sinh nhai thêm. Lúc đầu chỉ có một gia đình, rồi dần dà có các gia đình khác tới, số người gia tăng mãi. Cho đến một ngày để tiện việc tổ chức họ xin phép thành lập một ấp mới hoặc một thôn mới của làng. Sau nữa, ấp hoặc thôn lớn rộng mãi, biến thành một làng riêng.
Dù do cách nào, dưới năm hình thức trên, làng xã một khi đã thành lập cũng đều trở nên tương tự như nhau về mặt hình thể vật chất với lũy tre xanh bao quanh làng cũng như về mặt sinh hoạt với mọi tổ chức trong làng.
Tên làng
Làng đã lập thành, phải có một tên. Tên này có thể là một tên cũ, có từ khi mới có đồn điền, lao trại hay nông trại, cũng có thể là một tên sau này dân làng kén chọn lấy, để đặt cho văn vẻ.
Tên làng có thể dựa theo một sự kiện nào do những người đầu tiên đặt rất nôm na như Gốc Sộp ở Thái Nguyên (Bắc Thái), vì nơi đây dân chúng quy tập chung quanh một gốc cây sộp, Rạch Dừa vì ở đây làng nằm bên một con rạch lại có trong dừa lúc ban đầu v.v... hay được kén chọn theo kinh sách đề đặt theo điền tích văn vẻ.
Làng thôn Việt Nam thường có hai tên, một tên văn vẻ dùng trong văn thư giấy má, còn một tên nôm na dân làng và dân các xã lân cận gọi với nhau, thường gọi là tên tục.
Tên tục này có thể gọi trạnh ở chính tên làng mà ra.
Thí dụ:
Làng Vị là tên tục của làng Phương Vĩ huyện Võ Giàng, Bắc Ninh (Hà Bắc).
Làng Đọ là tên tục của làng Mỵ Độ huyện Việt Yên, Bắc Giang (Hà Bắc).
Làng Son là tên tục của làng Giá Son huyện Yên Dũng, Bắc Giang (Hà Bắc).
Tên tục này, có khi gọi khác hẳn tên chính làng.
Thí dụ:
Làng Cói là tên tục của làng Hội Hộp, huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên.
Làng Doi là tên tục của làng Ngư Đại, huyện Võ Giàng tỉnh Bắc Ninh.
Làng Xưa là tên tục của làng Song Lư, huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang.
Trên đây là những làng mang tên tục một chữ, có làng mang tên tục hai chữ, như:
Chợ Cầu là tên tục của làng Kiều Thụy, phủ Thường Tín, Hà Đông (Hà Tây).
Đầu Dàng là tên tục của làng Đặng Cầu, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên (Hải Hưng).
Tên làng thường là hai chữ, nhưng cũng có khi mang tên ba bốn chữ. Phần nhiều đây là những làng trước họp với làng khác, sau tách ra nên để phân biệt, sau tên làng cũ có thêm một chữ để phân biệt làng nọ với làng kia. Thí dụ: Bần Yên Nhân, Trà Khúc Thượng, Vân Xa Đông, Phú Thọ Hòa, Tân Phú Trung v.v...
Việc thay đổi làng xã
Nhiều làng trước nhỏ sau to vì thành lập được nhiều thôn, hoặc có khi một hai thôn tự động cùng nhau xáp nhập lại thành một làng. Lại có nhiều làng trước to sau nhỏ, vì một hai thôn thấy mình đủ khả năng tự lập tách rời khỏi làng cũ để biến thành một làng riêng.
Khi hai ba làng xáp nhập làm một, các đàn anh trong các làng cũ sẽ cùng nhau thỏa thuận để sự tổ chức của làng mới phù hợp với hoàn cảnh xáp nhập; Khi một thôn tách khỏi một làng cũ để thành một làng mới, sự tổ chức cũ của thôn sẽ sửa đổi theo đúng tổ chức của một làng.
Việc xáp nhập cũng như sự tách khỏi làng cũ này phải được chính quyền hàng tỉnh chấp nhận và đề nghị với triều đình. Dưới thời Pháp thuộc tại Bắc Việt, việc sáp nhập hoặc tách rời này phải do nghị định của viên Thống sứ, người thay thế viên Kinh lược Việt Nam.
Làng Việt Nam giống nhau trên những nét đại cương giống nhau từ lũy tre đến cổng làng, giống nhau từ ban kỳ mục tới việc thờ cúng theo nghi lễ - những làng ở miền Nam có hơi đôi chút khác biệt như trên đã nói.
Làng thủy cơ
Từ trên tôi mới chỉ nói đến những làng trên cạn, những làng này thường không khác nhau bao nhiêu, nhưng cũng có một loại làng khác hẳn với những làng đã nêu trên. Đó là những làng thủy cơ, thiết lập ở trên mặt nước còn được gọi là làng vạn, hay làng chài, gồm những người làm nghề chài lưới hay chở đò.
Theo nguyên lý thì làng chài nào cũng phụ thuộc với một xã thôn ở trên đất. 11 Và như vậy làng chài chỉ là một thôn của một làng khác. Thực ra thì làng chài vốn là làng riêng mà nhà nước chỉ bắt theo về một xã thôn trên đất để tiện việc thu thuế, cho nên những dân thủy cơ tuy phải đóng sưu thuế cho lý trưởng mà vẫn không có liên lạc gì với xã thôn ấy cả. Làng thủy cơ thường là một đơn vị hành chánh độc lập, có đủ tổ chức như một xã thôn, hoặc thường thuộc vào một tổng với các làng ở cạn, hoặc nhiều làng họp thành một tổng thủy cơ riêng. 12
Đã gọi là làng phải có đình làng để làm nơi dân làng hội họp, và cũng phải có nơi để thờ cúng vị thành hoàng. Đình làng thường được xây trên một miếng đất làng đã mua được của một làng khác. Nhiều làng, đất không có, ngôi đình chỉ là một chiếc thuyền lớn hay cái nhà bè. Thành hoàng được thờ phụng ở đây, và khi có việc hội họp dân làng cũng tới đây.
Làng thủy cơ nhiều khi là những làng lưu động, thường cả làng di chuyển từ nơi này qua nơi khác, chiếc đình làng cũng được di chuyển dời theo. Mỗi khi có cuộc làng thiên cư như vậy, dân làng phải lễ cáo thần linh.
Vì làng thủy cơ là những làng sinh sống về nghề chài lưới hoặc chở đò, nên xưa kia Triều Đình thường cho phép những làng này được giữ độc quyền sinh sống trên một khúc sông.
Ngày nay, thỉnh thoảng ta còn gặp những làng chài được khai thác một khúc sông nào, nhất là ở Bắc và Trung Việt, nhưng phải đóng thuế hàng năm cho nhà nước.
Về hình thể, làng thủy cơ đương nhiên không giống những làng cạn, nhưng về sinh hoạt, về tổ chức, thì ở đây sự sinh hoạt tập thể, cũng như việc tổ chức làng cũng chẳng khác gì những làng cạn, vì ở cạn hay ở nước thì cũng đều là người Việt Nam, con Tiên cháu Rồng, với những tục lệ từ ngàn xưa của dân tộc.
Và có thể nói rằng người dân ở trên cạn hay người dân ở làng chài, họ đối với nhau bao giờ cũng vẫn có tình thân mật, không bao giờ họ kỳ thị nhau. Tinh thần tập thể vốn là tinh thần cố hữu của người Việt Nam. Tấm lòng hiếu khách, yêu mến bà con họ hàng cũng là một đôi biểu hiện tinh thần ấy. 13
Vì hiếu khách, vì tinh thần tập thể nên dù ở cạn hay ở nước, người ta vẫn thương yêu nhau.
Có nhiều trường hợp những người ở làng chài vui lòng mua đất tậu ruộng lên ở những thôn xóm trên cạn.
Kết luận:
Làng tôi chỉ một làng Việt Nam với tất cả những gì của làng xã Việt Nam.
Tôi nhớ lại làng tôi, tôi nhớ đến cổng làng, mặc dầu cổng làng tôi không có gì đặc biệt hơn cổng làng khác, thi sĩ Bàng Bá Lân, trong bài thơ Cổng làng chắc ông tả cổng làng ông, mà khi đọc lên tôi cứ tưởng ông tả cổng làng tôi và khi thấy ông nhớ tới làng xưa, tôi không khỏi nao nao trong dạ:
Chiều hôm đón mát cổng làng,
Gió hiu hiu đẩy mây vàng êm trôi.
Đồng quê vờn lượn chân trời,
Đường quê quanh quất bao người về thôn.
Sáng hồng lơ lửng mây son,
Mát trời thức giấc, véo von chim chào.
Cổng làng mở rộng ồn ào,
Nông phu lững thững đi vào nắng mai.
Trưa hè bóng lặng nắng oi,
Mái gà cục cục tìm mồi dắt con,
Cổng làng vài chị gái non,
Dừng chân uể oải chờ cơn gió nồm.
Những khi gió lạnh mưa buồn,
Cổng làng im lỉm bên đường lội trơn.
Những khi trăng sáng chập chờn,
Kìa bao nhiêu bóng bên đường thiết tha.
Ngày mùa lúa chín thơm đưa,
Rồi Đông gầy chết, Xuân chưa vội vàng,
Mừng Xuân ngày hội cổng làng,
Lá rơi chen chúc bao nàng ngây thơ.
Ngày nay dù ở nơi xa,
Thăm quê, về đến cây đa đầu làng.
Thì bao nhiêu cảnh mơ màng
Hiện ra khi thoáng cổng làng trong tre. 14
Con người có cái mặt, làng quê Việt Nam có cổng làng. Thấy cổng làng là hình dung ngay được cả ngôi làng với bao nhiêu cảnh sinh hoạt quanh năm ở trong làng, suốt ngày này qua ngày khác, khi nắng, khi mưa, khi gió rét... Người dân Việt Nam yêu quê hương làng mạc, ít ai muốn rời xa xóm làng.
Sống ở làng, sang ở nước. Phải rời bỏ làng mình thật là một điều bất đắc dĩ đối với dân ta.
Ở làng sống với lệ làng, đó là điều mong mỏi xưa nay của người dân quê Việt Nam. Đừng ai quan niệm rằng người dân quê không muốn sống ở làng không muốn theo lệ làng, muốn đấu tranh để phá bỏ lệ làng, quan niệm như vậy là sai và nói như vậy tức là ngụy biện.
Người dân quê muốn giữ lệ làng, muốn theo lệ làng để bảo vệ thuần phong mỹ tục, để duy trì nền đạo đức của dân tộc.
Chẳng bao giờ người dân quê lại nghĩ những hình thức sinh hoạt cũ một phần là bọn bóc lột tạo ra nó chỉ có hình thức cộng đồng tập thể chứ không có nội dung. 15
Tại sao khi đã có hình thức cộng đồng tập thể lại không có nội dung, nhất là khi cái nội dung đó lại tiềm tàng trong tâm khảm của mọi người, và mọi người đều hoan hỷ lấy lệ làng làm mực thước trong cuộc sinh hoạt hàng ngày.
Đổi một ngôi làng bé nhỏ đơn sơ lấy một thành phố đồ sộ huy hoàng, có lẽ chẳng mấy người dân quê ưng thuận!
Chú thích:
1 | La rizière... Qu›etle est vivante, gaie d›aspect! Elle ne res semble en rien au marais de chez nous. Chaque lopin de terre humide est ici cultivé, soigné, peuplé. Dans moins dun hectare vous comptez les chapeaux coniques de cent villageois. Partout, des gens travaitlent, penchés, repiquant les pieds de riz. Ou, serpe à la main, ils récoltent. Ailleurs, des hommes labourent, dernère les buffles. D›autres buffles au repos, se baignent dans leau plus profonde d›où émergent seulement leurs têtes encomées et leur échine noire oùs ‹accroupit un enfant nu. À chaque instant se lève un voi d‹aigrettes blanches. PIERRE BILLOTEY, - L›lndochine en Zigzags. - Albin Michel éditeur, 1929. Text of Footnote. |
2 | Sur la route elle-même, tout un peuple circule à la queue leu leu. Reviennentlls de la Foire, ces campagnards si nombreux, si chargés?lls trottinent, pressés portant sur l›épaule le fléau de bambou auquel pendent, comme les plateaux d›une balance, deux vanneries en forme de coupe ou des paniers cylindriqué, Là-dedans s›amoncellent mille denrées disparates, paddy, riz décortiqué, bananes, herbes graines sinconnues, noixd›arec, feuille de bétel, paille, marmites en terre cuite adroitement ficelées ét bien d›autres choses, encore. |
3 | La Commune annamite est une institution qui a survécu aux vicissitúde de I›Histoirede notre pays. NGUYỄN HỮU KHANG Docteur en droit. La Commune Annamite. Etudes historique, juridique et économique. |
4 | Luro trong Couls d›Administration Annamite, Oly trong La Commune Annamite au Tonkin, Pasquier trong I›Annnam d›Autregois và Roailly trong La Commune Annamite. |
5 | La Famille Patriarcale annamite. |
6 | Tous les sociologues s›accordent pour reconrlaitre que I›homme a touiours vécu en société. Dès les temps les plus reculés, I›homme, animal social, a formé avec ses semblables des groupements, fussent ils instindifs. La horde primitive, les groupements les plus anciens que I›on ait pu retrouver, comme les plus primitifs, qu›il ssoientfondés sur une idée de parenté. de rattachhement à un ancêtre commun, réel ou imaginai re, oou sur le caractère identique ou connexe des activités ou, enfin, sur le pur fait de I›habitat en un même lieu, démontrent ce besoin essentiel et originaire de I’homme). |
7 | La civilisation annamite. - Collection de la Diredion de I›Instrudion publique de L›Indochine. 1944. |
8 | Nguyễn Hồng Phong. - Xã thôn Việt Nam. - Nhà xuất bản Văn Sử Địa, Hà Nội, trang 127, 158. |
9 | Nguyễn Hồng Phong - Xã thôn Việt Nam. - Nhà xuất bản Văn Sử Địa, Hà Nội, trang 127, 158. |
10 | Nguyễn Hữu Khang - La Commune Annamite, Etudes historiqué, juridiques et éconnomiques. Librairie du Recueil Sirey, Paris, 1946. |
11 | Đào Duy Anh - Việt Nam văn hóa sử cương. Nhà Xuất bản Bốn Phương. |
12 | Đào Duy Anh - Việt Nam văn hóa sử cương. Nhà Xuất bản Bốn Phương. |
13 | A.Pazzi (tức nhà văn Vũ Hạnh) Người Việt cao quý. - Hồng Cúc dịch. Cảo Thơm xuất bản, Sài Gòn 1965. |
14 | Bàng Bá Lân. - Tiếng sáo diều, trong tập 'Thơ Bàng Bá Lân". - Nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê, Saigon. 1957. |
15 | Nguyễn Hồng Phong - Sách đã dẫn. |
Dân làng
Đã có làng thì phải có người, không có người ở, làng sẽ không thành làng. Người ở trong làng tức là dân làng.
Làng tôi dân cư đông đúc, đủ nam phụ lão ấu. Dân làng sống với nhau trong tinh thần cộng đồng sinh hoạt, ăn ở theo lễ nghi tập tục, kính già thương trẻ.
Cứ kể nếu phân biệt ra, dân làng có thể chia làm hai loại, đó là dân nội tịch và dân ngoại tịch.
Dân nội tịch
Dân nội tịch là những người giàu có, có chức tước, có danh vọng trong xã hội. Ngoài ra dân nội tịch còn bao gồm những kẻ trước giàu mà bây giờ nghèo, nhũng người buôn bán và những người có chút ít tài sản. Tóm lại chỉ những người có tài sản mới được coi là dân nội tịch, 1. nhưng cũng lại phải là những người dân bản xã. Những người tới ngụ cư, dù giàu có, dù đã có xin phép vào làng, chịu những sự đóng góp phu phen tạp dịch của dân làng cũng chưa được coi là dân nội tịch nếu chưa vào làng được ba đời.
Chỉ có dân nội tịch mới có quyền lợi dân đinh ở trong làng, được phép tham gia việc làng, được bầu giữ các chức vụ trong làng, được sung vào ban kỳ mục, được lên quan viên và quan hệ nhất là được chia công điền công thổ.
Dân nội tịch trong làng tự chia ra làm nhiều bực, mỗi bực đều có quyền lợi và nghĩa vụ khác nhau.
Chức sắc
Trước hết phải kể các hàng chức sắc gồm những bậc khoa mục chức tước, văn thì đậu tú tài hay có hàm cửu phẩm trở lên, võ thì đậu cử nhân hay có hàm suất đội trở lên.
Hương chức
Sau hàng chức sắc là các hương chức, còn đương làm việc hoặc đã mãn nhiệm kỳ, nhưng không bị cách chức: tân, cựu chánh, phó tổng, lý, phó trưởng, hương trưởng, khán thủ, trương tuần. Hàng chức sắc còn kể cả những người bỏ tiền ra mua nhiêu mua xã trong làng.
Thí sinh, khóa sinh
Kể đến các Thí sinh, khóa sinh hoặc người trúng tuyển khảo hạch ở những làng hiếm văn học. Dưới thời Pháp thuộc, được dự vào hàng thứ ba này những người đậu được bằng sơ học Pháp Việt trở lên. Những ai đậu cao hơn bằng sơ học Pháp Việt, có thể được xếp vào hạng chức sắc.
Quan viên
Ba hạng trên này hợp lại làm một, gọi là hội tư văn và gọi là quan viên. 2
Những người có chân quan viên được coi là danh giá trong làng; khi ra đình hội họp có quyền ăn nói. Các tư gia, mỗi khi có việc khao vọng hiếu kỷ đều mời tới các quan viên. Và cũng chỉ các quan viên mới được mời tham dự việc tế tự trong làng.
Tuy nhiên, muốn được dự hàng quan viên, trước hết phải có đủ lệ khao vọng, bằng không thì dù có chức tước gì cũng vẫn bị coi như hạng bạch đinh.
Lệ khao vọng này, theo Đào Duy Anh, nguyên trước đây lệ triều đình đặt rất giản tiện, đại để như đỗ tú tài thì khao một con gà, một đĩa xôi và ba quan tiền, đỗ cử nhân thì khao một con lợn, một mâm xôi và năm quan tiền v.v... Nhưng Phép vua thua lệ làng, nhiều làng tự đặt ra những lệ nặng hơn, rồi các đương nhân lại ganh đua nhau muốn làm hơn lệ làng, cỗ bàn linh đình tốn kém. Đúng ra người đứng khao chỉ cần nộp đủ lệ vọng ấn định bởi lệ làng là được dự hàng quan viên rồi, nhưng ai cũng e miệng tiếng chê cười, nên lệ khao vọng do đó thành một sự tiêu phá quá đáng, mời họ hàng làng nước ăn uống đến mấy ngày.
Ngoài ba hạng chức sắc, hương chức, và thí khóa sinh, dân nội tịch còn ba hạng nữa.
Lão hạng
Lão hạng gồm những người từ 50 hay 55 tuổi trở lên, tùy theo từng làng. Lão hạng cũng có lệ khao vọng và chỉ những người đã tuân theo đủ lệ làng mới được dự vào hạng lão, và được ngồi vào chỗ dành riêng ở đình.
Khi một cụ tới 60 tuổi, sau tuần khao thượng thọ và nộp vọng cho làng được miễn trừ hết phu phen tạp dịch và cả thuế má nữa.
Tuổi thọ rất được tôn trọng, ta có câu Triều đình thượng tước, hương đảng thượng xỉ, nghĩa là ở chốn triều đình, chức tước ở trên, còn chốn đình trung, tuổi tác ở trên.
Chính vì tuổi tác được xếp ở trên, nên những người đến tuổi lên lão, khi năm mươi hoặc năm mươi lăm tuổi, nhiều làng gọi là lên xỉ, và trong các cụ lên xỉ, có một cụ là trưởng xỉ. Cụ này nhiều tuổi nhất trong các cụ lên xỉ. Lên xỉ được dân làng tôn là Bô lão. Trong các hàng bô lão cũng có sự phân biệt các cụ thượng và các bô lão thường. Thường các cụ thượng là những cụ từ 80 tuổi trở lên. Nhiều làng tôn bốn cụ Thượng nhiều tuổi nhất là Tứ trụ, gọi là cụ thượng nhất, cụ thượng nhì, cụ thượng ba và cụ thượng tư.
Dân đinh
Dưới lão hạng là dân đinh.
Dân đinh gồm tất cả nam công dân ở trong làng từ 18 đến 49 tuổi, mỗi người là một xuất đinh. Hạng 18 tuổi ở nhiều xã, như ở làng Thị Cầu, huyện Võ Giàng tỉnh Bắc Ninh gọi là đại hạ, nghĩa là những người dưới nhất được tham dự vào chốn đình trung.
Ti Ấu
Dưới dân đinh là hạng ti ấu.
Ti ấu là hạng trẻ con, tuổi từ lên 6, lên 7 đến 17 tuổi. Hạng ti ấu không được tham dự đình trung nhưng được dự vào hàng phe, hàng giáp và hàng xóm. Tuy nhiên, không phải bất cứ ti ấu nào cũng được tham dự, muốn tham dự, trước hết phải lo đủ lệ làng nghĩa là bố mẹ phải xin cho con vào hàng phe, hàng giáp, hàng xóm, rồi xin vào làng, khi xin vào làng phải nộp lệ vong.
Với sáu hạng trên của dân nội tịch từ hàng chức sắc đến ti ấu ngôi thứ được phân chia để duy trì trật tự trong hương đảng. Trong làng có sổ hương ẩm, cứ chiếu theo sổ này mà định ngôi thứ. Trong ba bậc trên, các quan viên có thể vượt lên bậc cao hơn thứ bậc cũ, còn ngoài ra dân đinh cứ theo thứ tự ghi trong sổ mà tính ngôi thứ.
Dân ngoại tịch
Dân ngoại tịch gồm những kẻ cùng khó trong làng không có tài sản, không có học vấn khoa cử, và những người ngụ cư đã xin nhập tịch, như trên đã nói nhưng chưa đủ ba đời. Có nhiều làng, lệ làng rộng rãi dân ngụ cư sau khi nộp một món tiền lệ làng cũng có thể sung dân nội tịch được, nhưng chỉ được xếp vào hạng dân đinh, dù giàu có hoặc đỗ đạt, và khi lên lão không bao giờ được phép lên tới tứ trụ, mà chỉ được liệt vào hàng bô lão dù tuổi tác bao nhiêu.
Quyền lợi dân làng
Xét qua các đẳng cấp trên ở thôn xã ta thấy rằng chỉ có ba lớp trên trong hạng nội tịch họp thành các quan viên là quyền lợi nhiều và chiếm giữ các địa vị. Lão hạng cũng có quyền lợi, nhưng chỉ ở trong những buổi việc làng về tế tự, và khi ra đình được ngồi chiếu trên dành cho tuổi tác.
Lớp dân đinh cũng như dân ngoại tịch không được quyền tham dự vào việc làng, phải chịu sự chỉ huy của mấy lớp trên, và phải chịu phần gánh vác mọi việc phu phen tạp dịch trong làng. Trong phần gánh vác này, những người ngụ cư phải chịu gánh nặng hơn dân đinh bản xã.
Qua các điểm trên, ta thấy rằng, sự phân chia đẳng cấp trong thôn xã thật là phức tạp, và ranh giới giữa mọi đẳng cấp cũng thật nhiêu khê, nhưng thật tỉ mỉ. Có như vậy mới giữ được cái tinh thần ngôi thứ ở xã thôn, nó bảo đảm cho cái trật tự của làng xã.
Tuy đẳng cấp được phân chia, nhưng không phải ở hạng nọ không lên được hạng kia, ngoại trừ người ngụ cư. Tại các làng đều có tục mua nhiêu, mua xã. Người dân bạch đinh có thể bỏ tiền ra mua nhiêu, mua xã, và được xếp vào hàng quan viên. Sự kiện này cũng dễ hiểu. Tiền mua nhiêu xã sung vào quỹ làng, và số tiền này sẽ dùng vào công việc chung của làng, người dân bỏ tiền ra mua nhiêu xã tức là ghé vai vào gánh vác việc làng, để đền đáp sự ghé vai này, lẽ tất nhiên phải có quyền lợi gì để những người dân khác trông gương đó noi theo.
Ngoài ra, những kẻ hiếu học thi cử đỗ đạt cũng được xếp vào hàng quan viên, điều này chỉ là điều khuyến khích việc học.
Với quyền lợi của hàng quan viên và của lão hạng, với sự gánh vách mọi việc phu phen tạp dịch của lớp dân đinh và của dân ngoại tịch, ta nhìn thấy sự bất công, nhưng ta phải thấy qua sự bất công này cái tinh thần tập thể của dân làng; dân làng dành quyền chỉ huy cho lớp người có văn hóa, có khả năng, có uy tín và có kinh nghiệm vì tuổi tác. Và sự bất công ta nhận thấy lại chính là sự công bằng đối với dân đinh. Lớp quan viên và lão hạng chịu trách nhiệm chỉ huy công việc làng xã phải được hưởng quyền lợi xứng đáng với trách nhiệm nặng nề đó.
Có lẽ sẽ có người cho là không đúng vì tại nhiều xã thôn đã xảy ra những vụ dân đinh kiện các huynh trưởng trong làng.
Xin thưa: đây là nạn cường hào ác bá, và nạn này chỉ xảy ra ở những xã phong hóa suy đồi, con người bị mê hoặc bởi quyền lợi, nhất là dưới thời Pháp thuộc, chính quyền Pháp tìm cách mua chuộc lớp cường hào để công việc đô hộ đỡ gặp những chuyện chống đối, và dùng lớp cường hào để làm tay sai đè nén và bóc lột dân chúng.
Tại những nơi, nền đạo đức còn vững bền với những thuần phong mỹ tục, dân làng cùng nhau chung lưng đấu cật để lo sự hưng thịnh cho làng, các cấp chỉ huy trong làng đều là những người nghĩ tới làng, nghĩ tới dân làng, và dân làng chỉ biết tuân theo những hiệu lệnh của các cấp này mà họ tin là những người xứng đáng để họ tin cẩn. Họ chịu những sự gánh vác, họ nghĩ rằng đến phép vua, còn thua lệ làng, việc chịu đựng của họ chỉ là sự đương nhiên nếu họ muốn làng mạc yên ổn, không có trộm cướp, đê điều được trông nom cẩn mật v.v...
Và ở nơi đây, tầng lớp chỉ huy, với sự thấm nhuần đạo đức Đông phương, đã chẳng bao giờ trở thành những cường hào ác bá bóc lột dân làng.
Ta phải hiểu rằng tại nhiều xã thôn, những người nghèo được miễn sưu thuế, theo đúng lệ xưa, và ngay đến thời Pháp thuộc, số thuế mỗi làng phải gánh vác, tuy chính quyền tính theo sổ đinh, nhưng trong dân xã, người ta vẫn bổ bán với nhau giữa những người có khả năng đóng thuế và miễn cho hạng cùng đinh cũng như những người tàn tật già nua.
Tứ dân
Phân chia dân làng làm hai loại, nội tịch và ngoại tịch, nhưng trong hai hạng này đều gồm đủ sĩ nông công thương, bốn giới của dân cư. Đây là bốn giới phân biệt theo nghề nghiệp, không phải là bốn loại phân hạng của dân xã.
Theo ông Gerald C.Hickey thì những nhà điều tra gần đây cho rằng ở các làng tại Bắc và Trung phần sự phân hạng như thế 3. vẫn còn tồn tại trước thời kỳ chiến tranh, và tiếp tục có một ảnh hưởng đến sự chọn lựa về nghề nghiệp. Vì tính cách tương đối cô lập của Nam phần, nên cách phân hạng sĩ, nông, công, thương chưa bao giờ trở thành rõ rệt trong xã hội hương thôn của lên Nam. 4
Nhận xét trên không sát với sự phân hạng của dân làng. Có nhiều làng cả làng đều làm thợ, lại có những làng khác cả làng đều đi buôn. Thường ra trong một làng mỗi hạng trong tứ dân đều có một số ít.
Sự phân hạng theo đẳng cấp đối với các làng xã Việt Nam mới là một điều cần thiết, vì còn liên quan tới việc quản trị cộng đồng của thôn xã.
Phân chia giai cấp ở miền Nam
Ở miền Nam sự phân hạng dân chúng trước đây rất giản dị, tại các làng chỉ có các chủ điền và các tá điền. Chủ điền có ruộng nương, tá điền là người cầy cấy các ruộng nương của chủ điền và hàng năm nộp cho chủ điền một số tô tùy theo số lượng nhận khai thác.
Cũng có thể nói, trong làng chỉ gồm hương chức và dân đinh. Hương chức là những người giữ các chức vụ trong làng, còn dân đinh là tất cả những người khác ở trong làng. Thông thường các hương chức phần lớn là các chủ điền, vì chỉ những người này mới được dân đinh tín nhiệm bầu ra. Đôi khi dân chúng cũng bầu vào chức vụ trong làng những bậc khoa cử và trí thức.
Những người ngoại quốc, gần đây, nhất là người Mỹ khi khảo sát về dân chúng Việt Nam có lối phân hạng khác. Chúng tôi xin nhắc tại nơi đây để bạn đọc hiểu rõ sự phân hạng này tuy chúng tôi không hoàn toàn đồng ý. Theo họ dân chúng có thể phân biệt thành ba giai cấp: giai cấp thượng lưu, giai cấp trung lưu và giai cấp hạ lưu. Tuy có sự phân chia giai cấp nhưng đây chỉ là một cách phân chia để phân biệt ba hạng người trong xã hội, không phải là một sự phân chia để đấu tranh.
Trong khi nghiên cứu về xã Khánh Hậu, quận Thủ Thừa, tỉnh Long An, ông Gerald C. Hickey đã nói đến sự phân hạng theo đẳng cấp này:
Trên căn bản mức lợi tức kinh tế, phản ánh trong địa vị nghề nghiệp, số ruộng mà nông dân có hay mướn và nếp sống, người ta có thể chia Khánh Hậu ra làm ba giai cấp:
Thượng lưu, Thượng lưu và Hạ lưu. Trong mỗi giai cấp, lẽ tất nhiên là có sự khác biệt nhau, nhưng những người trong cùng một giai cấp đều có một số đặc tính thông thường đủ để chứng minh sự kết hợp của họ.
Giai cấp thượng lưu
Theo tác giả, giai cấp thượng lưu ở Khánh Hậu có thể nhận ra trong đám dân có trên 4 mẫu ruộng hoặc mướn trên 5 mẫu ruộng. Mức lợi tức kinh tế của những người này cho phép họ duy trì một nếp sống tiểu quý tộc. Ruộng nương của họ, họ cho mướn, hoặc thuê người làm. Họ có dư tiền làm công việc khác hoặc cho vay nợ. Ruộng nương sẵn, lại sẵn tiền, họ ở nhà gỗ mái ngói. Nếu nhà giàu ở miền Bắc có nhà ngói bể cạn cây mít, thì ở Khánh Hậu đây, giai cấp thượng lưu cũng vậy, và ở nơi đây, bể cạn lại càng cần hơn đề bảo đảm sự có nước dùng quanh năm, nhất là trong mùa nắng.
Đồ đạc trong nhà của giai cấp thượng lưu cũng lịch sự với những bộ ngựa, bộ phản, bộ tràng kỷ chân quỳ chạm trổ theo lời cổ xưa, với những bát đĩa sang trọng đồ Tây hoặc đồ Tàu.
Đàn ông ở giai cấp này thường mặc quần trắng áo dài đen, đầu để tóc, búi lại và đội khăn khi giao thiệp, còn thường ngày họ cũng mặc bộ quần áo bà ba trắng. Chân họ đi giày, dép hoặc guốc.
Y phục của đàn bà ở giai cấp này hơi khó phân biệt với các giai cấp khác. Ở nhà họ mặc áo bà ba trắng, quần đen. Ra đường họ đội nón hay quàng lên đầu một khăn lông. Những khi cần thiết họ cũng mặc áo dài đen hoặc trắng bằng thứ vải tốt.
Giai cấp trung lưu
Đây là những người ruộng nương ít hơn những người ở giai cấp thượng lưu, phần đông họ theo nghề canh nông, tuy cũng có đôi người làm tiểu công nghệ để kiếm thêm cho quỹ gia đình. Họ thường có từ hai đến bốn mẫu ruộng, hoặc thuê mướn từ hai mẫu rưỡi đến năm mẫu. Công việc canh nông cung cấp đủ ăn cho gia đình, và để sinh lợi thêm, ngoài tiểu công nghệ họ còn nuôi thêm tiểu gia súc như lợn, gà, ngỗng, vịt...
Nhà ở của giai cấp này thường là nhà gỗ mái lá, cũng có đôi nhà dành dụm làm nhà gỗ mái ngói. Đồ dùng trong nhà tuy không sang trọng cầu kỳ như đồ dùng của những gia đình thượng lưu nhưng cũng đẹp đẽ. Họ thường dùng những đồ chắc bền.
Về y phục họ cũng tiện dụng hơn giai cấp thượng lưu.
Lúc làm đồng họ ăn mặc đúng kiểu dân quê miền Nam: quần cụt, áo bà ba bằng vải đen, nón lá. Trông họ ta có thể lầm với những người nông dân nghèo ở giai cấp hạ lưu. Họ thường đi chân không khi đi làm đồng.
Trong khi giao thiệp, họ mặc đồ bà ba trắng và đi guốc, nhưng trong những trường hợp quan trọng họ cũng khăn đóng áo dài.
Ấy là đàn ông, còn đàn bà, họ ăn mặc tương tự như phụ nữ ở giai cấp thượng lưu. Ở trong nhà họ cũng quần đen áo bà ba. Ra ngoài, trong những trường hợp giao thiệp, họ mặc áo dài đen hoặc trắng, thường kén những thứ hàng ít đắt tiền hơn phụ nữ giai cấp thượng lưu.
Giai cấp hạ lưu
Giai cấp này gồm tất cả những người không ở hai giai cấp trên. Đây là những người thường không có ruộng nương, hoặc nếu có thì số ruộng cũng không đủ nuôi gia đình. Họ làm công cho những người ở hai giai cấp trên. Có nhiều người thất nghiệp ăn nhờ vào người khác hoặc làm những nghề nghiệp mà hai giai cấp trên không làm. Có người sống nhờ vào con cái, hoàn cảnh những người góa bụa, hoặc đi buôn thúng bán bưng.
Thường tất cả mọi người trong giai cấp hạ lưu đều bó buộc phải tham gia vào công việc sinh kế để góp phần vào sự no ấm cho gia đình, kể cả trẻ em: đàn ông con trai đi làm mướn, đàn bà làm tiểu công nghệ hoặc buôn bán loanh quanh, con cái đi ở mướn, đi chăn trâu, đi kiếm củi, đi câu v.v...
Nhà cửa của giai cấp này thường nhà gỗ mái tranh. Cũng có ít gia đình có nhà gỗ mái ngói, nhưng việc xây cất cũng giản dị hơn nhà cửa của hai giai cấp trên, lại chật hẹp chỉ đủ để gia đình trú ẩn.
Đồ đạc trong nhà thường là những đồ rẻ tiền mộc mạc, và bày biện một cách đơn sơ. Có khi là những đồ cũ mua lại hoặc xin được của những gia đình giàu có.
Giai cấp tại miền Bắc và miền Trung
Việc phân hạng xã hội như trên tại xã Khánh Hậu, quận Thủ Thừa tỉnh Long An, liệu có thể tiêu biểu cho sự phân hạng xã hội tại các làng khác ở miền Nam nước Việt chăng? Sự phân hạng này chỉ nhằm trên mặt xã hội, vì tại bất cứ xã nào, cũng vẫn còn có sự phân biệt giữa những người giữ các chức vụ trong làng và dân đinh.
Ở miền Bắc và miền Trung khi nói tới ba giai cấp, người ta thường căn cứ vào sự sang trọng phong lưu, và trình độ học thức và vào cách xử thế của con người. Những bậc thượng lưu là những người có học vấn, có địa vị, có uy tín và nhất là có đạo đức. Bậc thượng lưu không có quyền có những hành động hèn hạ của hạng hạ lưu. Giấy rách phái giữ lấy lề, một người được dân làng coi là bậc thượng lưu, dù ở trong hoàn cảnh túng thiếu cũng phải giữ lấy cái sĩ diện của mình, tỷ dụ như một ông đồ thường được dân làng kính trọng và coi vào bậc thượng lưu, không thể có những cử chỉ thô kệch, và cũng không bao giờ dù muốn kiếm tiền, hạ mình làm những công việc của hạng hạ lưu. Muốn đứng vững ở địa vị thượng lưu, con người phải giữ lấy cái giá trị của mình, phải đói cho sạch, rách cho thơm.
Những người ở giai cấp trung lưu, ở địa vị trung bình. Có thể là người có nhiều tiền, và cũng có thể là người không có tiền, nhưng đây là những người tuy có học nhưng trình độ không bao nhiêu, chỉ thông văn tự, không có địa vị gì ở trong làng, nhưng là những người lương thiện và giữ được đạo đức để khỏi bị liệt vào hạng hạ lưu. Giai cấp hạ lưu là những kẻ hèn hạ, nhân phẩm thấp kém, bị dân làng coi khinh, thường làm thuê làm mướn nhưng lại thiếu căn bản đạo đức. Đây lại gồm cả những kẻ có án tích, những kẻ gian lận trộm đạo trong làng, và cả những anh cùng đinh, suốt đời không bao giờ đóng nổi xuất thuế thân đến nỗi dân làng phải gom nhau gánh vác hộ.
Việc phân biệt làm ba giai cấp thượng lưu, trung lưu, và hạ lưu không ăn nhằm gì với việc phân biệt dân đinh thành nội tịch, ngoại tịch và chia đẳng hạng như trình bày ở trên. Một người ở giai cấp hạ lưu, vẫn có thể khi đến tuổi được dự việc làng nếu chịu khao vọng đủ lệ làng. Trong trường hợp này, thường thường các đương sự sau khi được dự vào việc làng, tư cách của họ cũng tự được sửa đổi để xứng với địa vị mới chốn đình trung và dần dần họ sẽ được người làng nhìn bằng con mắt khác và như vậy họ không phải ở giới hạ lưu nữa.
Tuy nhiên, không phải bất cứ người nào cũng được khao vọng. Nếu là dân ngoại tịch, nếu là dân nội tịch cùng đinh mà suốt từ lúc thập bát cho đến khi đáo tuổi khao vọng không đóng nổi thuế đinh của mình thì cũng không được phép khao để nhập đình trung. Lại cả những người làm những nghề quá hạ tiện như làm mõ ở một xã khác hoặc liệt vào hạng xướng ca vô loài cũng không được khao vọng để nhập đình trung.
Qua các điểm trên ta thấy rằng việc phân biệt ba giai cấp thượng lưu, trung lưu và hạ lưu ở miền Bắc và miền Trung không căn cứ vào khả năng kinh tế như người Mỹ nhận xét ở miền Nam.
Phân hạng theo tuổi tác
Phân hạng theo đẳng cấp hoặc phân giai cấp đều là những cách phân hạng nhắm vào địa vị, vào trình độ văn hóa, vào khả năng tài chính của mỗi người. Hai lối phân hạng này phải căn cứ vào những yếu tố bên ngoài mà không căn cứ vào chính con người.
Người dân quê chất phác, mặc cho ai muốn xếp hạng mình ra sao, bảo mình là trung lưu, bảo mình là bạch đinh cũng không hề gì. Phần đông họ không quan tâm tới những điều mà các hương chức cho là quan trọng vì đằng nào dân đinh, họ cũng chỉ là dân đinh, miễn là đừng ai khinh miệt họ khi họ không có điều gì đáng khinh miệt. Họ vui lòng chịu tất cả những sự gánh vác trong làng mà mọi người phải chịu. Nếu có điều họ quan tâm tới, đó là tuổi tác của mỗi người trong làng, và theo họ phải có già có trẻ và sự phân hạng của họ là sự phân hạng theo niên kỷ.
Đó là lối phân hạng thông thường ở các làng ngoài sự phân đẳng cấp.
Các cụ già
Trước hết phải nói đến các cụ già, tuổi đã cao, đầu râu tóc bạc. Dù giàu, dù nghèo, dù nam hay nữ, tuổi đời là tuổi trời, và đã được thọ thì được xếp vào hạng lão.
Tuổi già được kính trọng và càng cao niên bao nhiêu dân làng càng kính nể chừng nấy.
Các trẻ em trong bài học luân lý, cũng như trong những lời khuyên của phụ huynh đều có sự kính trọng người già. Ra đường gặp người già phải nhường bước, phải giúp đỡ. Một cụ già lỡ đánh rơi chiếc gậy, một em nhỏ gần đó phải nhặt lấy đưa cho cụ. Gặp người già, các em nhỏ phải chào kính, dù người đó giàu hay nghèo, dù người đó áo lành hay áo rách, dù người đó quen hay lạ, dù đây là một cụ ông hay một cụ bà.
Và các cụ già khi được các em nhỏ chào bao giờ cũng tươi cười gật đầu nhận sự chào kính và tỏ lời khen ngợi các em. Có cụ hỏi thăm em là con cái nhà ai rồi khen con nhà này con nhà khác ngoan ngoãn lễ phép.
Các em đối với các cụ già còn kính trọng huống gì người lớn. Những người không biết kính già nể tuổi thường bị mọi người chê cười cho là thiếu lịch sự.
Sự kính trọng người già được thể hiện trong những tiệc thọ, tiệc lão ở trong làng.
Nhiều làng mỗi khi xuân đến có tục rước lão và yến lão.
Rước lão
Đây là đám rước người già. Các cụ khi đến một tuổi nào, thường từ năm mươi tuổi trở lên, những làng đông dân đinh, từ sáu mươi tuổi, được dân làng tôn là Lão ông và Lão bà.
Trong ngày xuân dân làng tổ chức một đám rước để rước các cụ tới đình. Các lão ông và lão bà tự tập một nơi, dân làng mang âm nhạc cờ quạt tới rước. Đám rước đi suốt làng để các cụ nhận sự chào mừng của mọi người, các cụ đi theo thứ tự tuổi tác, các cụ nhiều tuổi đi lên trên, các cụ ông đi trước, hết các cụ ông rồi mới tới các cụ bà.
Các cụ mặc quần áo màu đỏ rực rỡ tượng trưng cho sự vui mừng. Các cụ ngồi trên cáng hoặc trên võng có dân đinh khiêng và có con cháu đi theo.
Có nhiều địa phương, các cụ tới họp tại đình làng, từ đó dân làng sẽ rước các cụ đi một vòng quanh xã, rồi lại trở về đình.
Tuổi già được trọng chung không kể nam nữ, tuy nhiên trong việc rước lão, nhiều nơi chỉ có các cụ ông được dự và được dân làng rước đón, còn các cụ bà tuy có thọ, tuy có được sự kính trọng của dân xã, nhưng cũng không được dân làng rước trong đám rước lão. Các làng này theo đúng lời dạy của người xưa là phụ nữ không dự việc làng.
Yến lão. Bữa yến dành thết các cụ gọi là yến lão.
Sau cuộc rước lão, các cụ được dân làng mời dự yến tại đình cứ bốn người một mâm.
Trong bữa yến, thường các cụ được xơi yến; cũng có nhiều làng, tuy gọi là yến lão nhưng đây chỉ là mâm cỗ sang trọng để mời các cụ xơi.
Trong bữa yến có bát âm cử nhạc, lại có ca nhi ngâm lên nhiều bài thơ hoặc ca trù chúc mừng các cụ có đốt pháo tưng bừng, và có cờ quạt, tàn tán cắm trước cửa đình phấp phới.
Yến dự xong, các cụ có phần mang về. Thường theo tục lệ, mâm yến các cụ thật là thừa thãi, các cụ chỉ ăn một phần, còn lại các cụ mang về chia cho con cháu để cùng hưởng lộc làng.
Kính già, già để tuổi cho, tuổi thọ là một điều hạnh phúc mọi người đều mong mỏi. Kính trọng người già để được sống bằng người già và để khi tới tuổi thọ cũng được sự tôn kính của lớp người tuổi trẻ.
Nhiều làng không có lệ rước lão và yến lão, nhưng các cụ già, tại bất cứ làng nào cũng đều có quyền lợi dành riêng cho tuổi mình, và ở chốn đình trung, chỗ ngồi của tuổi thọ bao giờ cũng là những chỗ ngồi danh dự. Xin nói thêm là các cụ già quê thường để tóc để râu mái tóc trắng xóa và chòm râu bạc phơ.
Những người lớn
Tính theo tuổi tác, dưới hàng các cụ là những người lớn.
Hai tiếng người lớn có vẻ mơ hồ và không có cương giới nào, nhưng ta phải hiểu đây là những người trẻ chưa qua, già chưa tới, những người tuổi chưa đến năm mươi, còn khỏe mạnh, chưa thể xếp vào hạng lão được, và những người này, ở trong làng phải kể là những người đã lập gia đình để phân biệt với hạng trai gái làng. Cũng có thể có những người chưa lập gia đình, nhưng cũng đã luống tuổi lỡ thì không thể cùng đứng với hạng trai gái đang xuân của làng được.
Đây là những phần tử đông nhất trong làng và đây cũng chính là những cột trụ của những gia đình trong làng. Họ đã có nhiệm vụ đối với làng xã, có bổn phận nặng nhọc đối với gia đình. Làng xã vững mạnh được chính nhờ sự đóng góp cả về mặt tinh thần lẫn vật chất của hạng người lớn này.
Họ không còn là những chàng trai mơ mộng, những cô gái ngây thơ nữa. Những cái bông lông của tuổi trẻ đã biến thành sự đứng đắn. Lập gia đình, họ lo về gia đình. Và dù cho họ có còn muốn giữ cái bông lông của tuổi trẻ, họ cũng không có quyền, và họ bị giữ gìn bởi chính người phối ngẫu với họ.
Một chàng đã có vợ mà còn muốn cợt ghẹo một cô gái ư? Lập tức chàng được trả lời.
Đã thành gia thất thì thôi,
Đèo bòng chi lắm tội trời ai mang!
Có khi cô gái chưa chồng lại nhắc cho chàng cái tính ghen tuông của vợ chàng:
Thấy anh, em cũng muốn chào,
Sợ rằng chị cả dắt dao trong mình.
Thế là anh chàng có vợ rồi, đâu còn dám giở chuyện nguyệt hoa. Anh phải lặng lặng quay đi, không biết có phải quay về với ai kia ở nhà không?Gái quê: Cô gái Cầu Lim(Ảnh: Trần Lê Sinh)Trai có vợ đã vậy, gái có chồng càng phải giữ gìn hơn. Đã có chồng, không được tỏ ý ong bướm lả lơi với bất cứ chàng trai nào, dù trai tân hay đã có vợ. Đàn ông ngoại tình còn khả dĩ tha thứ được, chứ đàn bà ngoại tình, phong tục không dung và pháp luật cũng trừng phạt rất là nghiệt ngã.
Chồng bắt được vợ ngoại tình ngày xưa có quyền gọt gáy bôi vôi, đóng cọc phơi nắng, và nghiệt ngã hơn lên quan, có khi quan xử bè chuối trôi sông.
Bè chuối trôi sông. Đây là một hình phạt hết sức nặng nề để xử những người đàn bà đã có chồng còn ngoại tình.
Người ta kết một bè chuối và trói ghì người có lỗi trên bè chuối này, có khi để ngồi, có khi để nằm. Trên bè chuối có một mâm cơm, một ấm nước, một âu trầu. Tay người này có thể cử động để tự ăn uống lấy được nhưng không tự cởi trói được.
Bè chuối mang phạm nhân được đầy ra giữa dòng sông, muốn trôi đi tới đâu thì trôi, mặc trời mưa nắng. Trên bè chuối có cắm bản án kể rõ tội lỗi của phạm nhân. Bè chuối theo dòng sông trôi đi, nếu vì sóng gió giạt vào bờ một xã nào, dân làng xã ấy sẽ lấy gậy, lấy sào đề đẩy bè chuối ra. Người đàn bà có tội phải chịu chết trên bè chuối, rồi diều hâu, quạ, kền kền sẽ cùng nhau xâu xé thân xác người này. Ta có thành ngữ đồ quạ mổ, đồ quạ rỉa, để rủa các cô gái lẳng lơ, chính vì những cô gái lẳng lơ bị quạ rỉa, quạ mổ khi mắc tội bè chuối trôi sông.
Kể ra, việc trừng phạt quả là nặng, nhưng người xưa muốn bảo toàn luân lý, muốn ngăn cản những trò trên bộc trong dâu thường phải nhắm mắt thi hành những hình phạt nặng nề này.
Những người đã lập gia đình sớm muộn rồi cũng có con, phải nghĩ đến gia đình, phải nghĩ đến con cái.
Đây là những người lớn. Những người lớn này, nếu mới lấy nhau chưa có con được gọi là anh đỏ, chị đỏ, 5 chữ đỏ nói lên sự vui mừng của cuộc hôn nhân hai người vừa kết hợp xong. Khi đã có con rồi, anh đỏ, chị đỏ được đổi là anh cu, chị cu, hoặc anh đĩ, chị đĩ tùy theo đứa con đầu lòng là con trai hay con gái. Và người ta dùng ngay tên đứa con đầu lòng để gọi bố mẹ. Thí dụ đứa con đầu lòng là con trai và tên là Nam, người ta sẽ gọi bố mẹ nó là anh cu Nam, chị cu Nam. Lối xưng hô đặc biệt Việt Nam này đã được nhiều tác giả ngoại quốc nói tới và cho rằng có nhiều điểm đáng lưu ý; Một là có sự nể nang giữa lớp người lớn với nhau khi họ đã có gia đình, con cái, hay là xác nhận một sự thay đổi vị trí của kẻ có con, làm cho kẻ đó và con của họ có một ràng buộc hiển nhiên, lại giữa kẻ đó với người bên ngoài cũng có một sự thông cảm tương giao rõ rệt. 6
Lớp người lớn, hoặc có vợ có chồng có con cái, hoặc vì luống tuổi lỡ thì, luôn luôn là lớp người nêu gương cho con trẻ, và mỗi khi hành động đều đoan chính nghiêm trang. Khi ra đường, y phục tề chỉnh không lôi thôi lốc thốc, và lớp người này gặp nhau thường chào hỏi nhau lịch sự. Trẻ con gặp người lớn cũng phải chào kính như khi gặp người già và những người lớn khi gặp người già cũng phải chào kính, và người già cũng lễ phép chào lại.
Trai gái làng
Lớp người này không đông bằng lớp người trên, nhưng chính là lớp người đã khiến cho xóm trên thôn dưới rộn ràng tiếng nói tiếng cười, và đây là lớp người mang đầy hy vọng trong lòng và nuôi nhiều mộng đẹp trong tâm tưởng.
Đây là những chàng trai, cô gái đang ở tuổi dậy thì, mới lớn lên, lòng còn trinh trắng, trai thì khỏe mạnh căng đầy nhựa sống với mọi sự hăng say, gái thì duyên dáng xinh tươi, má hồng môi thắm, mắt trong và đen lánh với tiếng nói dịu dàng, với nụ cười êm ái.
Họ chưa thành gia thất, chưa được liệt vào hạng người lớn, họ lại đã qua lứa tuổi đánh bi đánh đáo, chơi truyền, chơi ô, đã vượt khỏi bọn trẻ con.
Trong họ đã có những cái gì trẻ con chưa có, thể xác nảy nở hơn, tâm hồn phức tạp hơn. Gái lạ gặp trai lạ tự nhiên má đỏ hồng, đôi bên mang tai như bừng nang, và trai lạ thấy gái lạ như ngập ngừng muốn nói muốn không, nhìn cô gái chỉ thấy xinh như tơ, đẹp như ánh sáng, và tim dồn dập như càng đập mạnh.
Tuổi thọ bắt đầu tìm yêu đương, và ở đâu có họ là vui đấy, nhất là khi một bọn trai gặp gỡ cùng một bọn gái. Chàng trai này nhìn cô gái nọ, cô gái nọ bấm chí cô bạn kia cùng nhau cười rúc rích, rồi vì là người làng đôi bên trai gái trao đổi cùng nhau những câu chuyện không đâu. Họ gặp nhau lúc đi làm đồng, lúc đi chợ, cũng như lúc cùng sang chuyến đò làng bên sông.
Chợ chiều hẹn chuyến đò ngang,
Trai làng cùng với gái làng qua sông.
Ngập ngừng câu chuyện bông lông,
Hôm sau thành vợ thành chồng với nhau 7
Thực ra họ không thành vợ thành chồng dễ dàng như thế đâu! Còn phải các nghi thức của hôn lễ, còn hỏi còn cưới, còn đưa rể đón dâu, nhưng nói thành vợ chồng, là nói sự thành tựu ban đầu của đôi trai gái để đưa tới lứa đôi.
Nhạc sĩ Phạm Duy trong bản nhạc "Quê nghèo" có đoạn:
Làng tôi nghèo, nho nhỏ bên sông,
Gió bấc lạnh lùng thổi vào mái rạ.
Làng tôi nghèo, gió mưa tơi tả,
Trai gái trong làng vất vả ngược xuôi!
Làng quê Việt Nam đã mấy làng là trù phú, thường hình thức bao giờ trông cũng nghèo nàn nhưng trong cái nghèo nàn luôn luôn tiềm tàng một sức lực, chính sức lực này nó đã duy trì làng xóm, đã bảo tồn dân tộc và chính sức lực này đã là sức lực chống ngoại xâm khi cần thiết.
Còn trai gái trong làng, lẽ tất nhiên là phải vất vả ngược xuôi dù làng giàu hay làng nghèo. Trai vất vả ngược xuôi cày sâu cuốc bẫm để tạo cánh đồng chiêm nên những ruộng lúa vàng với mùi thơm lúa chín, với
Lúa rạp rạp ngả theo chiều gió thổi. 8
Trai lại còn vất vả ngược xuôi về làng việc nước, nào đê điều, nào canh gác, nào phận sự này, nào nhiệm vụ nọ, lo đường lo sá, lo giữ làng, lo bảo vệ cánh đồng v.v...
Còn gái làng thì ngược xuôi để buôn tần bán tảo trước là giúp đỡ mẹ cha, sau là gây chút vốn riêng, sắm bộ quần áo đi hội đi hè, hoặc nếu không buôn bán thì cũng hàng xay hàng xáo, hái dâu chăn tằm, dệt lụa quay tơ, hoặc phụ giúp công việc đồng áng, cắt cỏ cấy lúa, lo cơm nước thợ đồng...
Trai gái trong làng vất vả ngược xuôi, nhưng họ vất vả trong niềm vui, với tiếng cười giọng hát, với sự gặp gỡ trong làng ngoài ruộng, ngày phiên chợ, lúc sang sông.
Gặp nhau, đã quen thuộc, họ chào hỏi nhau. Tiện dịp họ mời nhau điếu thuốc miếng trầu. Miếng trầu là đầu câu chuyện. Gái ăn trầu cho môi thêm thắm, cho má thêm tươi, cho nụ cười thêm duyên dáng, cho lòng thêm ấm trong những buổi trời đông tháng giá. Còn trai ăn trầu vì tục lệ ăn trầu, ăn trầu cho chắc chân răng, ăn trầu để sẵn có trầu mời các cô gái làng e lệ nhưng tươi tắn. Thường mời trầu họ vui vẻ cùng nhai trầu để cùng say nhau, nhưng cũng có đôi khi, một vài cô gái từ chối một vài chàng trai mới quen lần đầu:
Mẹ em hằng vẫn khuyên răn
Làm thân con gái chớ ăn trầu người
Từ chối là từ chối vậy, nhưng rồi chị em nói vào mỗi người một câu, rút cuộc cô gái vẫn ăn trầu người. Cô chẳng nỡ từ chối khi chúng bạn cũng nhận trầu người và nhất là chàng trai ân cần mời mọc:
Trầu này, trầu ái, trầu ân,
Trầu nhân, trầu nghĩa, trầu mình, trầu ta,
Trầu này nhuộm thắm duyên ta,
Đầu xanh cho tới tuổi già không phai!
Nhận miếng trầu ăn, các cô thường mở lá trầu để xem mặn vôi hay nhạt, có người ăn nhiều vôi thì say, có người ăn ít vôi thì trầu không đậm. Nếu có cô nào nhận miếng trầu của chàng trai, không mở lá trầu ra xem, chúng bạn sẽ cợt đùa:
Ăn trầu phải mở trầu ra,
Một là thuốc độc, hai là mặn vôi.
Thương yêu nhau trai gái họ lấy miếng trầu làm mức đo lường, yêu nhau miếng cau sao cho xứng đáng với lòng yêu:
Yêu nhau cau bảy bổ ba,
Ghét nhau cau bảy bổ ra làm mười.
Có những cô gái ban ngày bận rộn vì công kia việc nọ, tối mới rảnh rang đi gánh nước ở giếng làng, rồi trong khi đi gánh nước cô đã gặp người yêu, có lẽ người yêu đã cố tình tìm gặp cô. Gặp người yêu cô mừng rỡ và cũng làm sao mời được người yêu xơi một miếng trầu.
Đêm qua trăng sáng mập mờ,
Em đi gánh nước tình cờ gặp anh.
Vào vườn trẩy quả cau xanh,
Bổ ra làm sáu trình anh xơi trầu.
Trầu này têm những vôi tàu,
Ở giữa đệm quế đôi đầu thơm cay.
Mời anh xơi miếng trầu này,
Dù mặn dù nhạt dù cay dù nồng.
Dù chẳng nên đạo vợ chồng,
Xơi năm ba miếng kẻo lòng nhớ thương.
Đã yêu nhau có bao giờ trai làng từ chối miếng trầu của gái làng. Mà có từ chối cũng không được vì lời mời mọc thật là khéo léo:
Tiện đây xơi một miếng trầu,
Gọi là nghĩa cũ về sau mà chào!
Có khi sợ chàng trai từ chối, cô gái phải khẩn khoản, và với những lời khẩn khoản khéo léo đó chàng trai nào đành tâm từ chối:
Trầu này trầu quế, trầu hồi,
Trầu loan, trầu phượng, trầu tôi, trầu mình
Trầu này trầu tính, trầu tình,
Trầu nhân, trầu ngãi, trầu mình với ta.
Trầu này têm tối hôm qua,
Trầu cha, trầu mẹ đem ra cho chàng.
Trầu này không phải trầu hàng,
Không bùa, không thuốc sao chàng không ăn?
Hay chàng chê khó chê khăn,
Xin chàng đứng lại mà ăn miếng trầu.
Trai gái trong làng thường qua miếng trầu mà nên duyên, và trong đám cưới, trầu cau bao giờ cũng dẫn đầu cho duyên cầm sắt:
Trầu đã có đây, cau đã có đây,
Nhân duyên chửa định trầu này ai ăn?
Trầu này trần túi, trầu khăn,
Cùng trầu giải yếm anh ăn trầu nào?
Đã mời nhau thời trầu nào anh chẳng xơi! Các cô gái làng trong lúc đi làm đồng, lúc đi chợ, luôn luôn các cô mang trầu cau trong người. Có cô để trầu trong túi áo, có cô gói trong chiếc khăn lụa nhỏ, có cô bọc giải yếm. Chàng cứ lựa chọn, chàng ăn trầu của cô nào? Trai gái gặp nhau là có tiếng cười tiếng hát, nhất là những khi cùng làm nơi đồng ruộng hoặc buổi tối cùng đập lúa trong sân. Cô nọ gán cô kia cho chàng trai này, cô kia gán cô nọ cho chàng trai khác. Và những chàng trai trong câu chuyện thường kẻ bưởi vơ vào, nào khen cô này duyên dáng, nào nói thương yêu cô nọ.
Thật là những câu chuyện bông lông, nhưng bông lông đề bắt đầu cho những lứa đôi tốt đẹp bách niên giai lão. Giả tỉ những chàng trai, những cô gái có cùng nhau lãnh đạm, đã có những bà già khêu lời mớm chuyện để trai gái làng phải đối đáp với nhau. Luân lý phương Đông theo Nho giáo dạy rằng, nam nữ thụ thụ bất thân, và các nhà đạo đức luôn luôn nói nam nữ hữu biệt, nhưng đây chỉ là thứ luân lý của Trung Hoa, và chỉ có hạng người trưởng giả ở nước Việt mới chấp nhận thuyết này, đám dân giả, đám đại quần chúng, họ luôn luôn đụng chạm với nhau, cùng làm cùng vui, làm sao mà bất tương thân cho được. Có điều gần nhau đấy, nam nữ không hữu biệt đấy, nhưng trai gái làng bao giờ cũng có một giới hạn giữa đôi bên, và những trò trên bộc trong dâu quả thật là hiếm xảy ra. Gần nhau họ thương yêu nhau, rồi lễ giáo sẽ tác thành cho họ như chim liền cánh, như cây liền cành.
Họ gặp gỡ nhau dễ dãi, họ trao đổi với nhau những lời thương yêu, nhưng khó mà họ dám cùng nhau phạm lỗi. Các bà già tuy mớm lời khêu chuyện cho họ, nhưng bao giờ các bà cũng canh chừng họ và chỉ cho họ buông thả với nhau tới một mức nào. Và chính các cô gái cũng giữ mình. Nếu có chàng trai thương yêu một cô nào, việc lứa đôi phải do cha mẹ định, các cô còn nhỏ, còn sống với cha mẹ:
Ngọc còn ẩn cội cây ngâu,
Con còn cha mẹ dám đâu tự tình.
Có lẽ có người bảo các cô giả hình giả trá, vì nhiều khi trong những câu nói, trong những câu hát các cô thật là ong bướm với đủ những lời lẽ nguyệt hoa. Các cô không giả hình giả trá đâu, cương vực lễ giáo luôn luôn được tôn trọng, và cặp trai gái nào thương yêu nhau đều phải nhờ cha mẹ tác thành.
Trong những lúc làm việc chung, thường trai gái trao đổi cùng nhau những câu hát, để tỏ lòng yêu đương để nói lên sự thầm yêu trộm nhớ của mình, hoặc để ngợi khen lẫn nhau:
Trúc xinh trúc mọc bờ ao,
Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh.
Trúc xinh trúc mọc đầu đình,
Em xinh em đứng một mình cũng xinh.
Cổ tay em trắng như ngà,
Con mắt em liếc, như là dao cau.
Miệng cười như thể hoa ngâu,
Cái khăn đội đầu như thể hoa sen.
Hai câu ca dao trên, trai làng dùng để khen gái làng, nhưng gái làng cũng lắm câu hát để khen trai làng:
Đêm qua trời sáng trăng rằm,
Anh đi qua cửa em nằm không yên.
Mê anh chẳng phải mê tiền,
Thấy anh lịch sự có duyên dịu dàng,
Thấy anh em những mơ màng,
Tưởng rằng đây đấy phượng hoàng kết đôi.
Thấy anh chưa kịp ngỏ lời,
Ai ngờ anh đã vội rời gót loan.
Thiếp tôi mơ mẩn canh tàn.
Chiêm bao như thấy có chàng đứng bên.
Tỉnh ra lẳng lặng yên thiên,
Tương tư bệnh phát liên miên cả ngày.
Khen nhau, nhớ nhau, họ có những mong ước:
Ước gì anh hóa ra hoa,
Để em nưng lấy rồi mà cài khen.
Ước gì anh hóa ra chăn,
Để cho em đắp em lăn em nằm.
Ước gì anh hóa ra gương,
Để cho em cứ ngày thường em soi,
Ước gì anh hóa ra cơi,
Để cho em đựng cau tươi trầu vàng.
Gần nhau, ca hát với nhau, làm việc với nhau, rồi thương yêu nhau, từ câu hát đến cuộc nhân duyên không xa gì mấy.
Mỗi năm cứ bắt đầu mùa thu tới, là trong làng có đám hỏi này, đám cưới khác. Hàng cau đắt, hàng trầu đắt, và pháo nổ và xác pháo hồng bay. Trai sung sướng mà gái cũng hài lòng. Một cặp trai gái này lấy nhau, những cô gái, những chàng trai khác đóng vai phù dâu, phù rể để rồi mươi ngày sau, nửa tháng sau, chính các cậu các cô sẽ là cô dâu chú rể với những cô phù dâu, những chàng phù rể khác.
Mùa thu bắt đầu lạnh, rồi mùa đông lạnh hơn, với cái lạnh, Tết càng gần, và những ngày gần Tết trong làng càng nhiều đám cưới, như hình trai gái họ muốn kết duyên trong Tết để được hưởng một mùa xuân đầy ân ái, hay là họ sợ xuân sang trời sẽ lạnh hơn!
Thường là những đám cưới trai gái trong làng lấy nhau. Rất ít có những cuộc phối ngẫu giữa gái làng với trai thiên hạ, hoặc giữa trai làng với gái thiên hạ. Các cô gái không muốn lấy chồng xa, các cô muốn chồng làng vợ nước. Các cô thường nói:
Lấy chó trong làng còn hơn lấy người sang thiên hạ.
Và cha mẹ các cô cũng không muốn gả con xa:
Có con mà gả chồng gần,
Có bát canh cần nó cũng mang cho.
Hoài con mà gả chồng xa,
Ăn một bữa cỗ lội ba quãng đồng.
Ta thường nói sống ở làng, sang ở nước, vợ chồng người làng lấy nhau sống ở trong làng bao giờ chẳng hơn, dù lấy chồng làng không danh phận gì, còn hơn lấy chồng thiên hạ với chức to phẩm lớn, kể cả những trai thành thị. Không bao giờ có cảnh:
Em là con gái thôn quê,
Người làng dạm hỏi em chê ngu đần.
Một em dỗi hai em dằn,
Thầy bu khuyên giải em rằng em không. 9
Chồng thiên hạ, các cô gái làng cũng không ưng nói chi là chồng ngoại quốc. Người Việt Nam, ở những gia đình phong độ cho việc lấy chồng ngoại quốc là một điều xấu, dù người chồng đó có chức tước gì. Phải lấy chồng ngoại quốc, người đàn bà lấy làm tủi nhục, dù người đàn bà ở giai cấp nào. Và những người lấy chồng ngoại quốc thường bị chê cười, nhất là khi người ngoại quốc ấy thuộc về các dân tộc làm phương hại đến quyền lợi vật chất hay tinh thần 10. của người Việt Nam. Trong ngôn ngữ Việt Nam ta có những thành ngữ Thằng ngố con đĩ để chỉ người Tàu và các bà vợ Việt, và sau này có danh từ Me để chỉ phụ nữ lấy chồng Tây phương: Me Pháp, Me Mỹ. Lớp me này rất bị chị em phụ nữ khinh bỉ, hành động lấy chồng Tây phương là một hành động mất gốc, lạc loài của hạng người đã đứt cội rễ. Chính các me này, thường là người trong lớp hạ lưu trụy lạc nhưng họ vẫn tự cảm thấy sự âm thầm tủi nhục, xót xa đau đớn, có khi còn hơn lớp phụ nữ đồng cảnh có trình độ học vấn và sinh trưởng trong những gia đình gọi là tử tế, lớp sau này đã bị văn hóa nước ngoài đầu độc, mất hết ý niệm quốc gia dân tộc, - rất may bọn này không nhiều!
Người Việt Nam phải phối ngẫu với người Việt Nam và trai gái làng, trời sinh ra để họ phải lấy nhau mới thuận cảnh, thuận tình.
Có nhiều cặp trai gái trong làng thương yêu nhau mà không lấy được nhau, vì cha mẹ ngăn cản, phần nhiều là cô gái bị ép duyên.
Tuy tục ngữ có câu:
Ép dầu ép mỡ
Ai nỡ ép duyên
nhưng sự ép duyên đôi khi vẫn xảy ra; hơn một cô gái đã từng than:
Mẹ em tham thúng xôi rền,
Tham con lợn béo tham tiền Cảnh Hưng.
Em đã bảo mẹ rằng đừng,
Mẹ ngắm mẹ nguýt mẹ bưng xôi vào.
Và nếu vì sự ép duyên, cô lại gặp người chồng không xứng đáng, thật buồn ơi là buồn:
Tiếc thay cái tấm lụa đào,
Áo rách chẳng vá, vá vào áo tơi.
Trời kia có thấu chăng trời.
Lụa đào mà vá áo tơi sao đành!
Tiếc thay hột gạo trắng ngần,
Đã vo nước đục lại vần lửa rơm!
Và trong trường hợp cô gái lấy chồng không xứng đáng, cô còn bị trai làng lời ra tiếng vào để trách nàng tình phụ đã không giữ nổi lời hẹn ước ba sinh:
Chê đây, lấy đấy sao đành,
Em chê cam ngọt lấy cành quýt hôi.
Quýt hôi bán một đồng mười,
Cam ba đồng một, quýt ngồi trơ trơ.
Nào khi gánh nặng anh chờ,
Qua cầu anh đỡ bây giờ quên anh!
Ấy là chưa kể, trường hợp một cô gái lớn tuổi bị bố mẹ ép gả cho một chú nhãi ranh:
Tham giàu em lấy thằng bé tí tì ti,
Làng trên xã dưới thiếu gì trai tơ.
Em đem thân cho thằng bé nó giày vò,
Mùa đông tháng giá nó nằm co trong lòng.
Cũng đã mang danh là gái có chồng.
Chín đêm trực tiết nằm không cả mười.
Nói ra sợ chị em cười,
Má hồng bỏ quá, thiệt đời xuân xanh.
Em cũng liều mình với thằng bé trẻ xanh,
Đêm nằm rờ mó quẩn quanh cho đỡ buồn.
Buồn tình, em lại bê thằng bé nó lên,
Nó còn bé mọn đã nên cơm cháo gì.
Nó ngủ, nó ngáy tì tì,
Một giấc đến sáng còn gì là xuân.
Chị em ơi! Hoa nở mấy lần!
Thật là chua cay mặn chát? Thật là độc ác mỉa mai! May thay, chuyện ép duyên tuy vậy cũng không nhiều, và ít chục năm gần đây, chuyện này có thể nói là đã hiếm.
Trai gái làng, thương yêu nhau, họ lấy được nhau đó là chuyện đã đành, là chuyện tốt đẹp cho cả đôi bên nhưng không phải bao giờ mọi việc cũng đều như ý người ta. Đã có những cặp trai gái thương yêu nhau, nhưng tình duyên lỡ dở, hoặc vì cha mẹ không thuận tình, hoặc vì lý do nào khác.
Họ phải buồn rầu chẳng được cùng nhau chấp cánh, liền cành.
Họ than van:
Đôi ta như chỉ mới xe,
Như măng mới mọc như tre mới trồng,
Đôi ta như lúa đòng đòng,
Đẹp duyên mà chẳng đẹp lòng mẹ cha.
Và đã có những chàng trai, những cô gái hờn duyên tủi phận tìm quên trong cửa từ bi:
Yêu nhau chẳng lấy được nhau,
Mài dao đánh kéo cạo đầu đi tu.
Có nhiều cặp trai gái làng đã cùng nhau thề thốt, nhưng rồi nàng tham vàng bỏ nghĩa, âu duyên mới nhạt tình xưa, khiến cho chàng trai thất vọng. Lẽ tất nhiên chàng oán hận:
Đồng tiền Vạn Lịch thích bốn chữ vàng,
Công anh dan díu với nàng bấy lâu.
Bây giờ nàng lấy chồng đâu,
Để anh mua biếu trăm cau nghìn vàng.
Trăm cau thì để tặng nàng.
Nghìn vàng thì để giải oan lời thề!
Kể cũng đau đớn và đáng chua xót cho chàng trai chung tình. Chàng yêu nàng với công dan díu bao lâu, vậy mà nàng phụ bạc. Nàng phụ bạc, nhưng chàng vẫn không giận, nàng lấy chồng, chàng nghĩ đến trăm cau để mừng, nhưng đồng thời chàng vẫn cũng nghĩ đến việc giải oan lời thề. Giải oan lời thề để nàng yên tâm sống với chồng mới, và cũng để chàng khỏi băn khoăn vì những lời thề thốt với nàng. Nàng tham vàng phụ nghĩa, nhưng có ngày vàng hết, mà nghĩa có bao giờ phai:
Tham vàng phụ nghĩa ai ơi,
Vàng thôi đã hết, nghĩa tôi vẫn còn!
Nếu có những cô gái làng đã phụ những chàng trai, thì cũng có nhiều chàng trai tham vàng bỏ nghĩa đã khiến cho nhiều cô gái khác phải ngậm tủi nuốt sầu. Các cô cũng đau đớn, cũng oán trách, và trong oán trách luôn luôn có sự nhớ thương:
Ai làm cho bướm lìa hoa,
Cho chim xanh nỡ bay qua vườn hồng.
Ai đi muôn dặm non sông,
Để ai chứa chất sầu đong vơi đầy,
Ai đi đường ấy xa xa,
Để em ôm bóng trăng tà năm canh.
Nước non một gánh chung tình.
Nhớ ai, ai có nhớ mình chăng ai?
Tóm lại, có gái phụ bạc thì cũng có trai phụ tình, và nỗi đau khổ của những người có công dan díu mà gặp cảnh tham vàng phụ nghĩa đã làm giàu cho ca dao đất nước. Rất nhiều câu ca dao nói lên sự đau đớn của họ, và những câu ca dao này luôn luôn được trai gái hét lên văng vẳng qua lũy tre xanh, vút tới bờ đê, khiến những ai có lòng phụ bạc cùng ai, ắt cũng tự lấy làm suy nghĩ.
Cũng có những đôi trai gái làng, họ không phụ bạc gì nhau, và cha mẹ đôi bên cũng không ngăn cản sự tác thành của đôi lứa, vậy mà duyên vẫn chẳng nên duyên. Đó chẳng qua chỉ vì chàng trai quá ngập ngừng nhút nhát, mãi cho tới khi cô gái lấy chồng mới dám thổ lộ nỗi lòng:
Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống ruộng cà hái nụ tầm xuân,
Nụ tầm xuân nở ra cánh biếc,
Em đã có chồng anh tiếc thay em!
Anh tiếc thay em, em cũng đành chứ biết làm sao được. Ván đã đóng thuyền, cô gái trước tấm chân tình của chàng trai cũng chẳng còn biết ăn làm sao nói làm sao. Cô chỉ trách chàng là sao quá chậm:
Vẻ gì một miếng trầu cay,
Sao anh không hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ.
Chim vào lồng biết sở nào ra?
Cô gái đã nói như vậy, chàng trai đành ôm mối hận lòng. Chẳng lẽ chàng lại xui cô lỗi đạo hay sao?
Cá cắn câu bắt đầu mà gỡ,
Chim vào lồng mở cửa mà ra.
Chàng trai ôm mối hận lòng là phải, vì một cô gái có lễ giáo có đời nào lòng chim dạ cá được. Đạo đức phương Đông ngăn cản cô, nếp sống thuần lương giữ gìn cô. Lấy chồng cô chỉ biết thờ chồng, vì cô thừa hiểu:
Ánh phong lưu son phấn đọa đầy,
Thay đen đổi trắng để ai rầy yêu thương?
Chuyện nhân duyên giữa trai gái làng lắm khi cũng thật kỳ ngộ, chồng một vợ một đã đành, nhưng cũng thường có cảnh chồng hai ba vợ. Cha mẹ luôn luôn khuyên con:
Trai tân gái rỗi thì chơi,
Đừng nơi có vợ, chớ nơi có chồng.
Song lẽ có nhiều cô gái quá yêu một chàng trai có vợ, cứ liều nhắm mắt đưa chân, chàng có vợ thì mặc vợ chàng, đã yêu chàng thì nàng cứ lấy, và đã lấy chàng, nàng đâu có sợ vợ chàng:
Măng non nấu với gà đồng,
Chơi nhau một trận xem chừng về ai.
Già gan cướp được chồng người,
Non gan hết vía rụng rời tay chân.
Có nhiều cô đã trót lỡ làm phận tiểu tinh, cam cảnh khổ sở, thường thốt ra những lời cay đắng. Các cô hằng khuyên chị em bạn gái chớ theo vết chân mình:
Đói lòng ăn nắm lá sung,
Chồng một thì lấy chồng chung thì đừng.
Đói no một vợ một chồng,
Một niêu cơm tấm dằn lòng ăn chơi.
Các cô nhớ lại những sự vất vả, nhớ lại những trận đòn ghen:
Thân em làm lẽ vô duyên,
Mỗi ngày một trận đòn ghen tơi bời.
Ai ơi ở vậy cho rồi,
Còn hơn lấy lẽ, chồng người khổ ta.
Cảnh làm lẽ thật là khổ, song vẫn có nhiều người lấy lẽ, các bà các cô thường ngụy biện khi bị chê bai:
Lấy chồng làm lẽ khỏi lo.
Cơm nguội đầy rá, cá kho đầy nồi.
Thà rằng làm lẽ thứ mười,
Còn hơn chính thất những người đần ngu.
Ăn nửa quả hồng, ăn góc quả hồng,
Còn hơn ăn cả chùm sung chát lè!
Một đêm quân tử nằm kề,
Còn hơn thằng mán vỗ về quanh năm.
Thực ra, đa nhân duyên, chính lỗi tại các chàng trai có vợ đã cố tình quyến rũ các cô chưa chồng.
Các chàng:
Có oản lại muốn ăn xôi,
Có thịt lại cứ muốn đòi thêm nem!
Và các chàng ngụy biện cho rằng:
Làm trai lấy vợ bé
Nhà giàu tậu nghé hoa!
Tôi tự thấy hơi lan man về trai gái làng, nhưng làm sao được, đây là thành phần tinh hoa nhất của làng và ở đâu có trai gái làng là ở đấy có bầu không khí vui vẻ, có tiếng cười giòn giã, có tiếng nói trong trẻo nên thơ. Trai gái làng trẻ trung đem phong vị hoạt động cho cả làng, và giả thử tại một làng này thiếu hẳn thành phần vui nhộn này, tôi không biết không khí làng đó sẽ lạnh lẽo tới bực nào, và làng đó sẽ có một vẻ nặng nề ra sao.
Có trai gái làng là có lời ca tiếng hát, có trai gái làng là có cảnh tưng bừng náo nhiệt, dù đây là ở đầu làng, bên bờ giếng, bên bờ đê, giữa cánh đồng trước sân đình hay bên cổng chùa.
Trai gái làng là sinh khí, là hoạt động, là ôn ào và là nguồn gốc của tất cả những cái gì làm cho người ta yêu đời.
Một cô gái góa sống trong cảnh buồn rầu đau đớn, nghĩ tới đoạn đường xa lăng lắc mình sẽ phải trải trong cảnh chăn đơn gối chiếc, bỗng thấy lòng ấm lại khi gặp một chàng trai lưu ý và hát ghẹo:
Cô kia khăn trắng tang ai?
Tang cha, tang mẹ đó hay tang chồng?
Tang chồng thì bỏ tang đi,
Tang cha tang mẹ ta thì tang chung!
Lời hỏi sao mà dễ nghe? Hỏi ai có thể làm ngơ cho được. Ở đây tôi không nhắc nhiều tới hạng gái góa, dù họ là những người góa phụ trẻ tuổi, nhất là tôi không muốn nhắc tới những hạng góa phụ mồ chồng chưa xanh cỏ đã nghĩ đến chuyện nguyệt hoa và đã từng làm đầu đề cho bao nhiêu câu ca dao chế giễu:
Ông chết thì thiệt thân ông,
Bà tôi sắp sửa lấy chồng nay mai.
Hỡi thằng cu bé! Hỡi thằng cu lớn!
Cu tí ,cu tị, cu tì ơi!
Con dậy, con ăn con ở với ông,
Để mẹ đi lấy chồng kiếm lấy em con!
Trai gái nên duyên bao giờ cũng là điều tốt đẹp nhưng góa bụa dở dang thật kể cũng đáng thương. Đạo đức phương Đông cay nghiệt; chồng chết thì phải thờ chồng, bước đi bước nữa là chịu tiếng chê cười.
Góa chồng lại lấy chồng đã chịu búa rìu của dư luận, trách chi những cô không chồng mà chửa, chỉ vì hứng gió nồm nam, ăn vụng chóng no, chẳng bị phép làng trừng phạt.
Không có chồng mà chửa thì phải vạ với làng, và bố mẹ cũng mang tai mang tiếng. Bởi vậy những cô gái nào trót lỡ lâm vào cảnh này thường phải trốn làng đi ở một nơi khác, cho đến khi mãn nguyệt khai hoa, cho hoặc gửi con đi, rồi có về làng mới dám về làng.
Phình phình ở giữa lớn ra,
Mẹ ơi con chẳng ở nhà được đâu!
Ở nhà làng bắt mất trâu,
Cho nên con phải đem đầu ra đi!
Lệ nộp vạ ở nhà quê, khi cô gái chửa hoang ở nhiều làng rất nặng. Bố mẹ cô gái phải nộp vạ bằng tiền rồi lại phải mổ trâu thết làng. Vạ tuy nặng nhưng nhiều cô gái vì cả nể vẫn cứ nhỡ nhàng to bụng không có một ông chồng để bảo đảm cho sự to bụng này.
Kể ra, lớp trai gái làng, tuy vậy cũng có nhiều điều phức tạp, nhưng dù sao đấy cũng là những thành phần không ai có thể bỏ qua được. Và đã tìm hiểu các người già, tìm hiểu các người lớn, càng cần tìm hiểu về trai gái làng cặn kẽ hơn. Bởi vậy, tuy ở đây tôi hơi lan man, nhưng có lẽ những điều tôi viết ra cũng còn thiếu sót nhiều lắm.
Trẻ con
Phân hạng theo niên kỷ, trẻ con là lớp cuối cùng. Tuổi trẻ con còn quá ít và về hình thức chúng cũng chưa đủ nở nang để làm trai gái làng.
Theo quan niệm Đông phương, nữ thập tam, nam thập lục, mới là trai gái làng, dưới tuổi này, nam hay nữ còn đều là trẻ con.
Đã gọi là trẻ con, chúng có cái quyền tự do của trẻ con mà người lớn, kể cả trai gái làng, không có được.
Trước hết, thuyết nam nữ thụ thụ bất thân không áp dụng với chúng. Con trẻ còn nhỏ, trai gái thường chơi đùa lẫn lộn với nhau, chúng không có sự phân biệt của người lớn.
Con trẻ lại được ngủ chung với bố mẹ. Theo tục Con trai mười sáu không nằm chung với mẹ. Con gái mười ba không ngủ lẫn với cha, dưới hai tuổi này, con trai, con gái muốn ngủ với cha hoặc mẹ đều được cả. Trong làng, con trẻ bất đầu hơi lơn lớn độ lên sáu lên bảy là được đi học, xưa tới trường làng hoặc tới lớp học của các ông đồ, khi chữ nho còn thịnh. Đi học, trai gái lẫn lộn, tuy rằng ở nhà quê trước kia, con gái rất ít được đi học. Vài ba chục năm gần đây, việc đi học của con gái đã trở nên hầu như thông thường không khác chi con trai.
Trẻ con chỉ đi học, đi chơi, chúng không phải chịu sự lo lắng của người lớn, đối với gia đình cũng như đối với làng xã. Tại nhiều làng, có lệ trẻ con cũng phải chịu đóng góp và được lấy phần việc làng vào những dịp tế tự, thì việc đóng góp đều do người lớn tức là cha mẹ hoặc các anh chúng phải lo thay.
Thường trẻ con nhà quê, đi học các ông đồ, chỉ học một buổi vào buổi sáng. Buổi chiều được nghỉ, chúng chơi diều, đánh khăng, đánh đáo, ấy là nói những trẻ còn nhỏ hoặc con nhà phú quý. Những trẻ đã hơi lơn lớn, nghĩa là vào khoảng lên tám lên chín, và trẻ con nhà nghèo, tuy buổi chiều nghỉ học, nhưng chúng đã bắt đầu có những công việc nhà, giúp đỡ cha mẹ những công việc vặt, và trong các công việc vặt này phải kể tới công việc chăn trâu.
Trẻ chăn trâu ở nhà quê gọi là lũ mục đồng, có đứa lớn có đứa bé, nhưng thường là vào khoảng tám chín tuổi đến mười sáu mười bảy.
Chúng lùa trâu ra đồng, cho trâu gặm cỏ ở bờ đê hoặc các bờ ruộng, những làng ở trung du thường cho trâu ăn cỏ ở sườn đồi.
Lũ trẻ mục đồng sống quây quần đoàn kết với nhau thành một bọn, chúng chăm sóc cho trâu, giữ cánh đồng làng cho trâu làng. Và trong lúc cùng chăn trâu như vậy, chúng hợp đoàn chơi những trò chơi riêng chia thành từng thôn từng giáp để cùng nhau ganh đua trong những trò chơi. Trong các trò chơi, đáng kể nhất là trò chơi tập trận. Đây chỉ là một cách bắt chước lịch sử. Vua Đinh Tiên Hoàng xưa, trước khi về với Trần Công để sau này dẹp yên Thập nhị sứ quân đã từng là một mục đồng và đã từng cùng chúng bạn mục đồng Cờ lau tập trận. Yết Kiêu, gia tướng hữu danh của Hưng Đạo Vương lúc nhỏ cũng đã từng chăn trâu bên bờ biển. Trò chơi tập trận luyện cho các em mục đồng cái tinh thần bất khuất, rất cần thiết cho con người Việt Nam để bảo tồn đất nước và dân tộc Việt Nam chống giặc xâm lăng từ phương Bắc kéo lại. Những trẻ mục đồng này, khi lớn sẽ là dân nước, là quân sĩ của quốc gia. Chúng phải gây lấy cái tinh thần đồng đội trong những cuộc tập trận và luyện lấy cái khí thế hào hùng để mai sau trở nên những người trai giữ nước và có thể trở nên những vị anh hùng cứu quốc: Các bậc anh hùng cái thế của Việt Nam phần nhiều xuất thân từ đồng ruộng và thường chỉ bắt đầu là những người dân quê áo vải như Đinh Bộ Lĩnh, Lê Lợi và Quang Trung.
Những lúc dắt trâu ra đồng, những lúc lùa trâu về chuồng, những lúc chăn trâu một mình, cưỡi trên mình trâu, các chú mục đồng thổi sáo hoặc hát lên những câu hát chứa đầy ý nghĩa và nói lên hoài vọng mai sau của các chú:
Ngày xưa Ninh Thích chăn trâu,
Mà rồi mang ấn công hầu trâu ơi!
Ngày nay mình nghé ta ngồi,
Mai sau ta có một thời hiển vinh?
Đối với con mắt những thị dân, có lẽ các em bé chăn trâu này phải vất vả khổ sở, nhưng riêng chính các em, các em lại nghĩ khác:
Ai bảo chăn trâu là khổ? Không! Chăn trâu sướng lắm chứ! Đầu tôi đội chiếc nón mê như lọng che, tay cầm cành tre như roi ngựa, ngất ngưởng ngồi trên mình trâu...
Ngoài công việc chăn trâu ra, trẻ em còn giúp đỡ cha mẹ trong nhiều công việc khác, trong đó có việc trông nom các em bé hơn. Các em gái bảy tám tuổi, thường được cha mẹ giao cho công việc trông em. Những em bé này thường lếch lếch bế đứa em, mũi dãi nhễ nhại cùng nhau chơi ở đầu xóm đầu đình. Trông các em bế em thật giống con cóc tha con nhái, nhưng các em lấy đó làm thường, vì ngoài các em ra, cũng không còn ai để mà săn sóc đến em các em nữa.
Trẻ con là tương lai của đất nước, nhưng trước khi là dân nước các em còn là con của cha mẹ, là anh chị của các em bé hơn. Bé các em có lo tròn phận sự của bé, lớn lên, các em mới thành những dân đinh xứng đáng của làng xã, do đó thành những công dân xứng đáng của quốc gia.
Từ trên, dân trong một xã hội đã được phân hạng theo mấy lối chung căn cứ vào những điều khác nhau. Phân hạng theo lối nào mặc dầu, dân làng vẫn là dân làng, và người dân sống ở trong làng chỉ mang được sự yên ổn hòa hợp với nhau vui vẻ chịu đựng mọi sự đóng góp vào làng xã để duy trì lấy lệ làng. Làng có mạnh nước mới mạnh. Những ai có tư tưởng phá hoại làng xã gieo mầm mống chia rẽ giữa dân làng, đấy chính là những kẻ không những chỉ phá hoại cái nền nếp của xã thôn mà còn chính là kẻ có tội với quốc gia nữa, vì phá hoại làng xã tức là phá hoại quốc gia.
Chú thích:
1 | Nguyễn Hồng Phong, - Sách đã dẫn. |
2 | Phan Kế Bính, - Việt Nam phong tục, - Đông Dương Tạp chí 1914, 1915. |
3 | Nghĩa là chia làm 4 hạng: sĩ, nông, công, thương. |
4 | Gerald C. Hickey với sự cộng tác của Bùi Quang Đa, - Nghiên cứu một cộng đồng thôn xã Việt Nam Xã Hội Học, - Phái đoàn cố vấn Đại học đường tiểu bang Michigan tại Việt Nam, 1960, Võ Hồng Phúc dịch. |
5 | Cách xưng hô tại nhiều làng vùng Bắc Ninh, như các làng Thị Cầu, Đáp Cầu huyện Võ Giàng v.v... |
6 | A.Palzi (tức nhà văn Vũ Hạnh) - Người Việt Cao quý. - sđd. |
7 | Vũ Quỳnh Bang, - Làng tôi, Bách Khoa số 49. ngày 1/15/1959. |
8 | Bàng Bá Lân, - Thơ mùa gặt. |
9 | Tú Mỡ, - Giòng nước ngược. |
10 | A.Paui. - Sách đã dẫn.Tổ chức Làng xã |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét