Thứ Ba, 4 tháng 1, 2022

Khách nợ 2

Khách nợ 2

Vợ chồng trẻ con

Hai vợ chồng nó lấy nhau từ tháng Mười hai năm ngoái. Tháng Ba đi hỏi, tháng Mười đón dâu. Nhà trai, nhà gái cùng giết bò, giết lợn. Nhà trai còn đón cả nhà trò bên Bắc về hát. Ăn uống linh đình.

Hôm cưới một người kép xách đàn đi với cô đầu sang tận bên làng nhà gái, ngồi trước hương án, đàn hát - vừa hát thờ, và để “các cụ bên ấy cùng nghe vui chung”. Hai họ vui vầy, tưng bừng.

Nhưng chỉ hai họ là vui những nỗi vui ăn uống, đàn hát ấy, mà cô dâu chú rể thì mỗi người lại vui, buồn ra một thể khác.

Chú rể thú lắm, hả hê sung sướng, như mở cờ trong bụng. Bởi vì khắp nhà mấy hôm nay ồn lên, ken ních những người. Lại đốt pháo, mổ bò. Các bạn của chú rể kéo đến chơi đầy sân, đầy vườn. Cả những đứa mọi khi vẫn thù, vẫn giã nhau với chú, bây giờ cũng theo người nhà len lén ăn cỗ.

Song chú rể rộng lượng, chẳng để ý gì. Với ai, chú cũng cười. Trong túi chú xưng xoẻng tiếng tiền. Chú đi nhặt pháo sì, đánh hú, ngồi xem bò thui. Và chú nhảy tâng tâng.

Có gì đâu. Ấy là một thằng nhãi, vừa chẵn mười tuổi. Người quen vẫn gọi nó là cu Phúc. Bố mẹ nó, ông bà xã Ngưỡng lấy vợ cho nó. Vợ nó là cái Ngói, con ông bà hương Cải. Cái Ngói mười hai tuổi. Không ai lại có lúc nghĩ rằng chúng nó còn non nớt quá. Người ta chỉ biết so đôi tuổi hợp, thế là có những người khăn đóng áo dài bưng đến nhà cái Ngói một mâm chè mạn.

Bắt đầu, người ta chế cái Ngói là vợ thằng cu Phúc. Nó chửi những đứa nói như thế. Rồi một hôm, nhà bỗng ồn ào những bà con xa gần. Người ta đi tậu bò, người ta đi mua lợn. Cái Ngói cũng theo mẹ, đi rửa và thái tong rổ lớn dưa cải. Ngày cưới đã đến đấy. Họ nhà trai sang rước dâu được giờ lành, từ lúc gà mới gáy sang canh và trời chưa tan sương. Cái Ngói mặc áo the mới ngồi ôm mặt khóc thút thít.

Mấy đứa bạn cái Ngói, cái Bi, cái Đáo, vào buồng dỗ Ngói và dắt Ngói ra. Nó khóc um lên. Nó gọi bà hương Cải ầm ĩ. Rồi nó chun lại, khiến cho mấy cô kia phải lôi hai tay. Làm như người ta dọa sắp đem giết thịt nó. Chị em kèm riết nó hai bên nách kéo đi. Bởi các cô và các cụ sợ Ngói chạy tụt mất. Nó khóc e é giữa những nếp áo mới, giữa đám cưới đi dài, lặng lẽ trong khói hương và bóng đêm còn âm u.

Chú rể Phúc thì len lỏi trong đám bạn, cười rúc rích. Lúc nãy nó đương ngủ ngon lành ở giữa đống rơm thui bò thì có thằng lại tìm kéo tai nó dậy, lôi nó đi đón dâu. Mắt nó vẫn còn cay sè và đông cứng những nhử, cậy chưa hết. Nghe thấy nói sang bên ấy cũng ăn cỗ, cu cậu cười nhắm tít mắt lại, hấp tấp đi liền. Quên cả mang giầy. Lúc đã đến gần nhà gái, mới sực nhớ ra, nó toan chạy lại lấy. Nhưng các ông, các cụ bảo không được, phải kiêng trở về như thế. Một anh phù rể đành đi chân đất, tụt giầy ra nhường cho chú rể vậy.

Sáng ra, suốt ngày và cả đêm ấy nữa, cô Ngây, cô Bí, cô Đào, mấy cô bạn phải ở lại bên nhà trai với cô dâu. Vì nếu các cô kia mà về thì cô dâu cũng nhất định vừa khóc vừa chạy theo, ai can cũng chẳng nổi. Các bạn phù dâu ngủ chung giường cô dâu trong đêm đầu tiên về nhà chồng. Họ đánh tam cúc với nhau. Ông xã Ngưỡng bỏ tiền ra cho các cô vui chơi.

Ôi chao! Chú rể có để ý đâu đến điều vặt ấy! Cứ tu rượu tì tì. Mắt Phúc hoa lên, rồi lại rúc đầu vào đống rơm. Nó cù nhau với mấy ranh con khác.

Nhưng rồi mấy hôm sau, những cô bạn phù dâu của Ngói ra về. Mình Ngói ở lại, cũng quen dần. Không phải người ta bắt cóc nó, mà chẳng phải người ta hùa nhau đem nó đi chọc tiết, giết thịt. Nó ở nhà này, nó về nhà mình cũng tự do thế mà thôi.

Thành thử nó trở nên có hai nhà để ở, hai bố, hai u để gọi. Và nó có một người bạn mới, thằng chồng. Hai đứa trẻ đánh bạn với nhau. Ngói và Phúc chưa hiểu hơn - và có thể chưa biết tới - hai chữ rành rõ ấy.

Ngày lại ngày qua, mùa đông nghiêng đi, cho mùa xuân về.

°
°     °

Mùa xuân đã trở về, sang đầu tháng Hai. Mọi làng đều vào đám.

Ngoài vườn, trên các lối xóm, những cây xoan gầy, thân mốc trắng, giơ lên những cẳng tay đen đủi, trơ trụi, đã trổ từng túm lá tơ. Trong những đám lá nhỏ, xanh rờn vân vân ấy, nhoi ra từng chùm nụ be bé. Gặp mưa bụi li ti, những chùm nụ nở hoa. Hoa xoan nhỏ cánh chấu, tim tím, trăng trắng, vừa nở lại rụng phơi phới trong mưa xuân.

Làng Nghĩa Đô cũng vào đám lệ. Cờ bay phấp phới trước cửa đình. Trẻ con xoạc cẳng nện trống thòm thòm cả ngày. Sáng mười hai, anh cả Phúc - giờ, vợ con đứng đắn rồi, làng xóm phải gọi thế cho được tề chỉnh - cùng với vợ về bên nhà ông nhạc ăn cỗ.

Hai đứa ăn mặc trang nhã như ngày Tết. Phúc thấp hơn vợ, bé loắt choắt. Và đôi vợ chồng là đôi chuột nhắt tí hon. Phúc đội vành khăn lượt chít, sùm sụp, lấp xuống đến nửa trán. Trên khoáy, chùm tóc hoa roi dài lòng thòng như cái đuôi đỏ của con ngựa bạch. Bởi đầu nó vừa cạo hôm qua, trắng phau như mông ngựa bạch thật. Nó mặc áo the ba chỉ, ống trùm kín nửa bàn tay. Cái thắt lưng nhiễu điều đỏ chót còn dài hơn hai vạt áo xòe xuống gần đất. Nó bước tung tăng, chốc chốc lại thò tay vào túi đếm mấy đồng hào mới. Nó cười tủm, khịt mũi, nhe mấy cái răng sún, hổng, đen xỉn.

Phúc ta thích chí vì được diện bộ bốp và được tiền mẹ cho. Thực chẳng phải thích vì được đi cạnh vợ.

Cái Ngói cũng làm đỏm tệ. Bộ tịch của cô bé ra lối đứng đắn hơn chồng. Nó cũng mặc áo the ba chỉ mà hai vạt trước thắt quả găng gọn gàng. Dải thắt lưng hoa hiên bay phất phơ trước gió. Cái váy lĩnh xùm xòe phần phật trong gió mỗi bước đi nhẹ. Ngói vấn khăn nhiễu bóng. Nhưng cô ả lại trùm mỏ quạ tùm hụp một tấm khăn vuông láng thâm. Chỉ nom thấy cặp môi ăn trầu đỏ loét và thỉnh thoảng, hàm răng nhuộm cánh kiến màu cánh gián. Nó đi làm điệu ve vẩy hai tay mềm mại. Cái nón to vành kẻ Chuông đội trên đầu, chốc chốc, gió lại đánh ngật ra đằng sau.

Anh chồng đi trước, nóng nẩy, thỉnh thoảng lại rút giày ra chạy một mạch, rồi thở hổn hển, đứng lại đợi vợ. Nắng mới hoe lên dịu dàng óng ả. Đường cái sạch sẽ, sáng gọn. Bên lề, hoa tầm xuân nở màu đào trên nền cỏ xanh mướt. Những đốm bướm trắng rờn lung linh thành những chấm hoa lung linh trong ánh nắng.

Đi đến đầu làng, Phúc nhìn xuống đình, thấy đỏ khé những cờ. Bao nhiêu trẻ con đương chạy lăng xăng và người lớn xúm đen xung quanh đám thò lò.

Trông thấy đám bạc, Phúc ta mê tít. Phúc quay lại, bảo Ngói:

- Có canh ty không?

- Hẩy?

- Thò lò ấy mà.

Cái Ngói bĩu môi, nguýt:

- Thèm vào. Có đồng nào cúng đồng ấy. Rồi lại ăn cắp của người ta.

Phúc nhe hàm răng sún ra cười. Đúng là đã có lần nó ăn trộm tiền của Ngói. Ấy là hôm trước Tết vừa rồi, Phúc chơi tam cúc nướng nhẵn tiền. Đêm ngủ, nó lần thắt lưng vợ, ăn cắp được hai hào. Giá Phúc chỉ lấy có thế thì cái Ngói không biết. Khốn Phúc lại tham, lần thêm. Vợ hắn chợt thức, túm ngay được tay cu cậu đang rờ. Hai đứa liền đấm đá nhau một trận khá kịch liệt trên giường. Nhưng Phúc cũng đã xơi trôi được hai hào, không chịu buông.

Bây giờ, Phúc biết gạ gẫm tiền của vợ chẳng ăn thua nào. Nó bèn rẽ xuống cửa đình và nói với lên:

- Cứ về trước! Bảo mấy u rằng “đằng này” còn đi đằng này cái đã. - Nói xong, Phúc chúi đầu vào đám thò lò.

Nó đặt một bạc xuống khe chiếu “tam tứ”. Đánh cầu tài một cái chơi. Người quay cái ngồi đằng đầu chiếu nhấc bồ-hụp cái thúng nhòi đậy chiếc đĩa có con thò lò. Trong giữa chiếc đĩa trắng, con thò lò sáu mặt nằm phơi mình lên mặt “nhất” có một chấm đỏ tươi. Phúc thua. Tai chú mình đã hơi đỏ. Lần sau, Phúc đánh đuổi khe “nhất nhị”. Nhưng thò lò mở mặt “lục”. Phúc lại thua. Nó đứng ngẩn ngơ nhìn người ta vơ mất đồng hào của nó, bỏ gọn vào cái đấu lớn để trước mặt. Tai Phúc đỏ, má Phúc cũng đỏ.

Và chỉ một lúc sau, Phúc mất sạch sáu hào. Tai, má, cả mũi, cả tay Phúc đều đỏ gay. Vành khăn chụp xuống kín mặt, để hở cái quả đầu dưa trắng toát và núm hoa roi râu ngô. Người bên cạnh thấy Phúc đứng ơ ra, liền nói:

- Thằng này đứng chầu rìa thì lui ra, lấy chỗ cho người ta đánh chứ!

Mọi người chen lấn chỗ đứng, vô tình đun dần dần Phúc ra ngoài vòng. Bấy giờ Phúc mới kịp nhớ mình còn phải đến nhà bố mẹ vợ. Vội vàng, nó rút giầy, lếch thếch chạy vào trong xóm.

Cái Ngói ở trong cổng ngăn đi ra. Trông thấy Phúc, hỏi:

- Hết nhẵn rồi chứ?

Phúc tiu nghỉu, đi lên nhà trên. Thấy ông bà hương Cải, Phúc liền làm bộ nghiêm chỉnh, chắp hai tay cúi xuống, nói như hát chèo:

- Lạy thày ạ, lạy u ạ!

Ông hương Cải cười:

- Anh cả lên uống rượu với thày. Kìa khăn anh cả lại chít xuống cổ thế kia?

Bấy giờ “anh cả” mới sờ lên cổ thì thấy cái khăn đóng chòng lọng xuống cổ thực. Lúc nãy vội vàng, quên, Phúc đã nguyên thế mà chạy về.

Một bà cô ông hương Cải, hỏi Phúc:

- Năm nay cháu bao nhiêu tuổi nhỉ?

Phúc chưa tính xong câu trả lời, cái Ngói đã láu táu trước:

- Cháu hơn nó hai tuổi. Năm nay cháu mười hai ạ.

Mọi người đều cười, cười râm ran. Ăn cơm uống rượu xong. Phúc chuếnh choáng mặt, mắt đỏ tía lên, trừ cái đầu vẫn trắng hếu. Nó đứng xỉa răng trước hiên, trông thấy cái Ngói dưới bếp, chợt nó nghĩ ra một điều.

Phúc nháy vợ xuống sau vườn, tán:

- Có tiền cho mượn mấy hào, ngày kia phiên chợ “đằng này” bán trứng gà, thì giả ngay.

Ngói chao mặt đi:

- Thừa của nó đổ xuống sông cũng chẳng cho những ngữ ấy vay. Chẳng biết dơ!

Phúc tức lắm, mắm môi, nhìn vợ chằm chằm. Nó giơ quả thụi lên trước mặt vợ, nói rít trong cổ:

- Ở đây ông nể một tí, chốc nữa về nhà, mày biết tay ông.

Rồi cu Phúc ngoay ngoảy, hầm hầm lên nhà ngồi uống nước.

Khách nợ

Lái Khế béo tròn như quả mít. Đầu lão bịt một vành khăn tai chó, hai tai khăn vểnh như đôi tai trâu. Trẻ con tưởng lão mới mọc hai chiếc sừng bò trên đầu. Lái Khế mặc một tấm áo nâu dày cộp, chó cắn có thể gẫy được răng. Ngang lưng cuốn một vòng thắt lưng điều cũ, rách xơ xác. Tay lão ta xách một cây hèo lua tua mấy sợi tơ đỏ.

Sớm mai đó, lái Khế lên khỏi bậc đá cửa đình làng Nghĩa Đô, sương mới bắt đầu tan. Bữa nay, hai mươi chín tháng Chạp, phiên chợ cuối năm. Con đường từ Bạc xuống, quành qua cánh đồng sau lưng làng tới tấp những người xuống chợ.

Trong làng đã lác đác vài người đi chợ. Mấy đứa trẻ, mấy bà mặc váy, thắt lưng bó que, có cả một bác lôi chó đi chợ bán. Con chó nọ hết sức phản đối. Lưng nó không chùn lại. Nhưng cái xích ống đã đóng vào cổ chó, bác ta vẫn lôi tuồn tuột được nó. Vừa lôi, bác vừa bước tất tưởi. Chợt trông thấy lái Khế đi lững thững, nách kẹp cái hèo hoa, bác kéo con chó, co cẳng chạy.

Bác nói thực lớn, cả bọn đàn bà đi trước cũng nghe tiếng:

- Lái Khế đấy!

Một mụ hỏi:

- Nó về nhà ai, nhẩy?

Bác nọ, lối thông thạo, đáp:

- Lại về nhà hương Cay. Bỏ bu anh hương Cay!

Khắp vùng này, ai nghe đến hai chữ “lái Khế” cũng khiếp như nghe tiếng cú rúc đầu nhà. Nhất là những người có nợ Bá Khoản trên Bạc. Bởi lái Khế là nặc nô đi đòi nợ cho nhà Bá Khoản. Gọi cho sang trọng thì gọi lão là ông khách nợ. Không hiểu tại sao, người ta lại trêu lão mà gọi là lái Khế. Thực lão chẳng buôn đường, bán kẹo gì bao giờ. Lão đi ở cho nhà Bá Khoản đã mấy chục năm nay. Ba mươi Tết nào lão cũng được cụ Bá cho vác hèo đi quanh hoạnh họe đòi nợ và ăn vạ những nhà có nợ ở các làng.

Bấy giờ lái Khế xăm xăm vào trong xóm. Rồi, quả nhiên, tạt về phía bên ngõ nhà ông hương Cay.

Nhà hương Cay không có cửa mà cũng chẳng có một que hàng rào. Lái Khế nhòm khắp chỗ, chẳng thấy bóng ai.

Lão nhòm cả xuống gầm phản. Chiếc phản đã mọt rủng, mối đùn dưới gậm từng đống đất to xù. Cầm cái hèo, lão đi xét thật nhanh, gõ đốp đốp vào các bức vách. Từng tảng đất vách, trấu trắng ngã xuống, lăn lóc. Rồi lão ra sân. Mảnh sân um những cây ké dại thấp lè tè, đốm hoa vàng sọng. Quanh năm, dáng chẳng ai bước vào đây. Rõ cảnh bần hàn quá, mà khô như nhà hoang. Bỗng lái Khế cong cổ lên, gọi thực to:

- Ới hương Cay! Hương Cay ơi!

Tiếng lão ồm ồm, ông ổng, nghe nhức tai. Lão gọi vu vơ. Chẳng thấy ông hương Cay ở mô tê. Trong cái hàng rào râm bụt đằng sau nhà, có đôi ba chiếc đầu trẻ con thò ra ngó lơ láo rồi lại thụt mất, theo với tiếng chân chạy huỳnh huỵch.

Lái Khế quay vào trong nhà, đặt chiếc hèo lên án thư. Lão ngồi lù lù trên tấm phản giữa. Lão ngồi ngáp rền mấy cái. Mới sáng ra lão đã ngáp. Đêm qua lão đánh chắn, thức khuya quá. Ai ngáp nghĩa là gọi con buồn ngủ tới. Con buồn ngủ đến đậu ngay hai bên mi mắt lão. Đôi mi nặng quá, cơ hồ lão phải trĩu xuống. Lão ngắm quanh quất, ý muốn tìm cái chiếu... Nhưng không có. Lão liền ôm cả cái ổ rạ dưới đất lên xếp lênh nghênh trên phản. Rồi lão chui người vào giữa ổ rạ, đầu và chân tay thò ra, cong queo như một con bò thui. Một chốc, tiếng ngáy đã vang rờn rờn...

Mỗi năm, lão thường đến nhà hương Cay đòi nợ một lần, vào ngày phiên chợ cuối năm. Món nợ hơn mười đồng bạc. Không phải ông Cay nợ Bá Khoản. Khi bà cụ mất, trước mặt con và chủ nợ, bà cụ giối lại rằng: “Tôi không dám ăn cướp công ông bà đâu. Con tôi rồi nó phải chu tất. Con ơi! Mày nhớ lấy nhời mẹ...”. Món nợ được viết văn tự miệng sang tên như thế. Nó thành một thứ nợ lưu cữu truyền kiếp. Cho nên, có năm Bá Khoản quên dặn lái Khế, mà lái Khế cũng sang đòi như lệ thường. Lão đã đi nhẵn ngõ, nhớ cả ngõ có mấy hòn gạch. Vợ hương Cay sợ lão lắm. Sợ lão đánh, sợ lão “bĩnh” các trò ma ra nhà, ra cửa. Bởi thế, bao giờ gần Tết, thấy lão lù lù đi ngoài ngõ vào, bà ta phải ra đon đả, cười cười, nói nói: “Kìa ông đã sang. Mời ông vào chơi...” Rồi mụ xuýt xoa như khấn: “Năm nay hàng họ ế ẩm lắm. Nhờ ông về nói với cụ Bá thư thư cho nhà cháu đến sang Giêng ngày rộng tháng dài. Thôi gọi là...” Lão cúi cái đầu gáo dừa xuống nhìn hai hào bạc trắng nằm trong lòng bàn tay bà hương. Lão gión lấy, đút vào hầu bao, buộc thắt nút lại.

Sang năm, ngày rộng tháng dài, con nợ có trả được hay chưa, lão không cần biết.

°
°     °

Đến lúc lái Khế bừng thức dậy, mặt trời đã xế.

Ánh nắng nhạt luồn khe vách thủng, đọng từng miếng nhỏ lỗ chỗ trên nền đất tối. Lão vươn vai mấy cái. Cùng với tay giơ lên, miệng lão kêu “Ối giời ơi!” rầm rĩ. Cái thói của lái Khế bao giờ cũng vậy, vừa vươn vai vừa gọi giời.

Lão ngơ ngác ngó quanh nhà. Lão biết vợ chồng hương Cay chưa về. Lão ngồi ngẩn, đôi mắt liu diu, bộ suy nghĩ ráo riết.

Lão nhớ rằng nhà này vốn không phải là nhà trây lười với khách nợ. Đã từng đi đòi nợ cho chủ hàng trăm cửa, lão thuộc từ con chó đá đầu thôn đầu ngõ, đến cái bát ăn trong nhà. Bởi vì nhà nào gàn bướng keo cú, lão “đóng đô” cho mấy ngày liền. Tới khi phải lễ sống mà dâng bạc, lão mới chịu đi. Ừ, đã đành là nhà này không thể làm gì có tiền trả nợ cụ Bá. Nhưng năm nào chẳng thế, lão vừa tới cửa, không để nói lôi thôi, mụ vợ vẫn đưa biếu lão ít nhất cũng là hai hào. Khổ chủ đây không phải là một thứ khổ chủ quen lẩn khách nợ.

Nhưng năm nay, hẳn hoi là vợ chồng hương Cay định trốn lão nặc nô này. Họ lẩn đi đâu từ sáng sớm. Đi chợ? Đi chợ tất cũng phải có lúc về. Đi xa? Ba mươi Tết là hôm nay, ai còn đi khỏi nhà. Vậy thì vợ chồng nhà nó đi đâu? Mặt trời còn bóng. Rồi mặt trời nghiêng ra phía trước cửa. Nhà vẫn vắng tanh. Cả cái xóm lẻ ấy cũng vắng tanh vắng ngắt. Ngoài bờ ao, có tiếng đàn bà nói léo xéo và tiếng cọ lá dong sàn sạt. Xa xa, những hơi thở vang động của ngày phiên chợ miên man tới, mơ hồ như có như không.

Lái Khế đứng trên phản. Hai chiếc mễ già nua rên rỉ, cút kít dưới tấm ghế. Tấm ghế mọt lắc lư, chao đi chao lại như chiếc thuyền thúng.

Tự nhiên, lão vén quần đái một bãi ra giữa nhà.

Thế rồi buổi chiều bắt đầu ngả xuống. Chiều hôm nay rét mướt căm căm, nhưng thiếu gió bấc. Sương hôm đã lấp lên. Tiếng nói cười của những người đàn bà vo gạo nếp và cọ lá dong muộn ngoài bờ ao cũng không còn nữa. Nhưng thay vào đấy, văng vẳng tiếng cãi nhau đòi nợ. Và đây đó những tràng pháo nhỏ cúng Tất niên lạch tạch vẳng lên. Cái thanh vắng của một chiều hăm chín bắt làm ba mươi đó, nứt vỡ ra.

Lão không thể kiên tâm đợi thêm được. Ra vợ chồng nhà thằng này chí tình trốn khách nợ. Lái Khế, phải giở thủ đoạn của mình để thị uy với những quân ôn vật này. Lão đứng phắt dậy. Tấm phản đổ sập xuống như một cái bẫy chuột. Cả chiếc án thư cụt chân cũng giật mình nghiêng ngả chuyển răng rắc.

Chợt lão trông thấy ngoài sân, thấy ngồi sau bụi ké, một con chó vàng. Con chó gầy hốc hác, vêu bốn chiếc xương hông. Ngắm con chó thảm hại, lão lẩm bẩm:

- Con chó nhà nó cũng đói sùi bọt mép ra thế kia, mình còn hòng ăn cóc gì. Thôi, xéo.

Chiều đã muộn. Lão lái còn phải về trình cụ Bá, rồi mới được về nhà ăn Tết.

Lái Khế cố để ý một lần nữa xem có món gì khả dĩ có thể xách về được chăng. Cái phản mọt, cái án thư gãy một chân. Giường thờ, lơ láo một chiếc bát hương nhỏ. Trên vách một ống tre buộc lủng lẳng. Dáng là cái ống đựng quyển sổ biên ngày kỵ ông vải. Không có một nén hương, một mẩu nến, một trăm vàng. Một mảnh tranh gà cho trẻ con chơi cũng không nốt. Tết, Tết chẳng gợn một bóng vía ở nơi lạnh lẽo này. Nhưng lão nghĩ ra rồi. Lão xách chiếc bát hương xuống, đổ cát đi. Lão lấy chiếc ống đựng sổ. Rồi một tay cầm chiếc hèo hoa, kèm ống sổ, nách bên kia cắp cái bát hương, lão đi ra ngõ.

Tới đầu ngõ, lái Khế ghé bờ rào hàng xóm gọi với:

- Bác ấy ơi, bác ra cho tôi nhờ.

Một cái đầu đàn bà lấp ló.

- Nhà bác hương Cay đi đâu thế bác?

- Chắc ông ấy đi chợ.

- Gớm hai vợ chồng cùng đi chợ mất mặt từ sáng.

Người đàn bà nhăn nhó, cười, pha trò nhạt:

- Bà ấy xuống âm ti tháng trước rồi, chỉ còn ông ấy một mình thôi...

Không khỏi ngạc nhiên, nhưng đứng tần ngần một tí, rồi lái Khế nói:

- À nhờ bác, lúc nào hương Cay về, bác bảo sang nhà lái Khế chuộc bát hương, bài vị nhé. Mai mồng Một năm mới, không có nó thì ông vải không về được đâu.

Rồi lão rảo bước ra đường.

Bỗng khoặc một tiếng dưới chân. Vội ngoảnh lại: con chó vàng khặc khừ ban nãy chạy theo, độp trộm lão một đợp vào bắp chân. Lông nó xù dựng lên, gớm chết. Bọt mép phòi ròng ròng. Và hai mắt nó đỏ ngầu tựa hai miếng tiết bò.

Lái Khế thở xì một tiếng, giơ thẳng cái hèo hoa, phết vun vút xuống đầu con chó. Con chó chồm lên, ngoạm miếng nữa vào tay lão, rồi, nhanh như biến, cúp đuôi xuống, lưỡi đỏ thè lè, hục hặc chạy đi mất.

Lái Khế cau có chửi con chó cắn trộm mấy câu. Lão cúi xuống xem vết chó cắn. Tay chỉ hơi sờn da, còn chân thì may, nhờ cái quần nâu dày, bắp chân lão chỉ bị ngoạm một mảnh nhỏ. Máu chảy rơm rớm. Trời lạnh, lão hơi xon xót. Nhưng chẳng hề chi, lái Khế vốn lành da.

°
°     °

Sẩm tối, ông hương Cay dò về nhà.

Trên lưng, ông cõng thằng Ớt. Từ độ mẹ chết, thằng bé quấy quá. Thực ra, lúc chiều đã có lần ông hương ló đầu về. Nhưng nghe tiếng lái Khế còn ho khoạc khoạc trong nhà, ông lại ù té chạy. Không có xu nào biếu nó, ông không dám về. Ông sợ nó đánh.

Bước chân vào nhà, ông đánh hơi thấy mùi hăng hăng. Ông bèn sang bên hàng xóm xin ít lửa và nhân tiện lấy cái đèn. Sáng sớm, lúc đi trốn khách nợ, có cái đèn, cái vò gạo và cái điếu ăn thuốc ông đã đem gửi bên này. Những việc hằng năm vẫn gửi ấy, đã thành kinh nghiệm và thói quen. Hàng xóm kể lại cho ông nghe những điều lái Khế nói lúc nãy. Ông hương nức lên mấy tiếng, hai tròng mắt đỏ hoe nước mắt.

Ông lật đật đi về, rồi ông lại sang.

- Nó đái ỉa cả ra nhà tôi đấy, lấy bát hương bài vị nhà tôi, lại dắt mất cả con chó vàng ốm của tôi đi rồi.

- Hoài của.

Nhưng người vợ nói:

- Bấy giờ tôi không thấy nó lôi chó mà!

Anh chồng bảo:

- Chẳng nó thì ai vào đấy!

Ông hương Cay thở dài:

- Thế là bố con tôi mất cái thịt Tết.

°
°     °

Hôm mùng bảy hạ nêu, lái Khế uống một bữa rượu say. Lão quát con, chửi vợ rầm. Rồi lão gục xuống chiếu, ngủ ngáy khò khò...

Ngủ được một giấc ngắn, lão tỉnh dậy ngay. Quái, sao đầu nặng như mới đeo thêm cái cối xay. Khéo mình bị men rượu bốc lên đầu. Chống khuỷu tay, đứng dậy. Khuỷu tay lão quỵ gập xuống, lái Khế lăn ngay ra. Một cơn sốt kéo đến hun đốt ruột gan, da thịt lão. Sốt đến nỗi lão phải rên hu hú, và tuy trời lạnh buốt, mồ hôi trán cứ vã ra.

Vợ lão lấy gừng và rượu đánh gió cho lão. Nhưng mụ vừa mó tay vào chân, lão đã giẫy nẩy, đẩy ra. Da lão sởn vẩy ốc lên. Lão sợ ai đụng vào người, sợ cả gió, cả cánh cửa mở.

- Đóng hết cửa lại cho tao. Đóng lại. Gió lùa vào thì ông chết tươi ngay bây giờ đây này.

Dần dần, càng sốt già. Lão sốt cuồng. Lão sốt, múa cả hai chân, hai tay lên. Vợ lão khiếp quá, cứ chạy quanh quẩn từ trong nhà ra ngoài sân, lại từ ngoài sân vào trong nhà. Mụ rụt rè không dám chạy đi gọi ai. Năm mới chưa động thổ, bà con anh em nào dám đến thăm người bệnh.

Bấy giờ cái mặt lão lái Khế đỏ xuống tận quanh cổ. Hai tay lão cũng đỏ tía. Mắt lão trợn ngược lên, đục ngầu, thắm đòng đọc. Sốt lâu quá. Lão cứ phải luôn há miệng. Cái lưỡi thè ra thê lễ. Lão lái Khế có cái dáng của con chó vàng ốm của nhà ông hương Cay hôm nọ. Đúng là giống một con chó dại.

Đến chiều, nóng ruột không thể đừng được, mụ lái phải ra kể bệnh chồng cho ông lang trên đầu chợ nghe.

- Hỏng! Hỏng! Hỏng!

Rồi tiếp:

- Lão nhà bị chó cắn. Mau mau về xem có phải bị chó cắn không?

Lúc mụ về đến nhà thì lão lái Khế đã không còn là lão lái Khế. Lão mê rồi. Quần áo, lão xé toang, không còn dính một mảnh vào người. Lão không biết rét. Mụ vợ đi vào, lão chồm ngay lên. Mụ chạy tụt ra. Vồ trượt vợ, lão ngã lăn như một quả dừa rụng.

Hôm sau, lái Khế chết. Lão chết điên, cứ móc hai bàn tay vào họng. Vợ con đứng ngoài cửa nhòm vào. Tịnh không có một người tới thăm. Cụ Bá Khoản nghe tin lái Khế chết, cho tiền mua cái áo quan gỗ tạp.

Đám ma lái Khế, bốn người khiêng cái hòm ra bãi tha ma sau làng. Theo sau quan tài, vợ lão khóc ti tỉ. Thằng con lếch thếch đi bên cạnh mẹ. Bố nó cao lớn thế mà nó gầy đét như chiếc tăm.

Sài Goòng, mùa mưa 1942

Chớp bể mưa nguồn

Chiều hôm ấy, tất cả làng Nghĩa Đô nháo lên về câu chuyện bà Móm tự tử. Đầu tiên, cái tin hỏa tốc bùng đến tai họ:

- Bà Móm tự tử.

- Ở đâu?

- Chết ở ngoài ao giếng.

Người ta ào ào kéo đi xem. Hóa ra không phải. Câu chuyện xoay nghiêng ra thế này: Chẳng biết có một điều gì bực dọc, bà Móm giận con trai và nàng dâu. Không giận vừa vừa, mà bà lại giận quá. Thế là cơn tức bừng bừng lên. Bà xắn hai mép váy, xăm xăm chạy ra ngoài cái ao giếng đất. Bà la vang cho bốn bên hàng xóm và cho vợ chồng thằng cả Mí biết rằng bà đương đi đâm đầu xuống ao đây. Không có ai ra can bà. Vậy bà nhảy phóc xuống ao thực. Đánh ùm một cái. Rồi bà bíu hai tay vào cái cọc cầu ao. Bà rúc đầu vào giữa bụi cây cúc tần mọc lòa xòa xuống vệ nước. Không phải để hắt hơi. Bà ngoác mồm ra kêu thật to. Kêu như có nhà ai cháy ở trong xóm. “Ối làng nước ôi! Ối làng nước ơi!”.

Làng nước chạy đến rầm rập. Ai cũng chưng hửng. Người ta hốt hoảng chạy đến, không cốt để xem bà lão tự tử cái kiểu hài như thế. Tay bíu vào cái cọc, đầu ngóc lên ở trong bụi. Miệng la om sòm. Những người khó tính văng ra mấy câu chửi. Họ chớ thây, điềm nhiên đứng xem bà lão kêu. Vợ chồng anh cả Mí tưởng là mẹ cãi nhau tay đôi với ai đó ở đầu ngõ, rủ nhau đóng kín cổng lại. Ở dưới mặt nước, bà lão vẫn kêu ông ổng. Hơi lọt qua những kẽ khe răng hểnh, làm cho những tiếng vỡ ra phều phào. Ai cũng tưởng, bà chỉ kêu được vài chục câu thì chối cổ, phải lóp ngóp bò lên. Chẳng ngờ, họng bà lão khỏe quá. Bà lão chúi trong nước vẫn kêu rầm rầm. Mãi về sau, có người sốt ruột, xuống kéo bà lão lên, đưa hộ về nhà. Bà lão liền lên ngay. Ở dưới nước một lúc, đã thấy chán!

Bây giờ bà lão Móm ngồi đấy, ngay phía ngoài đầu hè. Váy áo vẫn ướt sũng. Cái màu nâu bệch, dúng thêm vào nước và bùn, thâm xỉn lại. Khuôn mặt nhăn nheo xịu xuống.

Đôi vành mắt khép lại. Tất cả những nếp nhăn trên khuôn mặt cằn đều chảy giạt xuống phía cằm, chiếc cằm méo mó, thủng một hõm mồm. Cái mồm móm mém ấy, thế mà kêu to. Giá cứ yên lặng mãi, thoạt nhìn, người ta tưởng đấy cũng là một đống rạ nát như những đống rạ nát ở xung quanh. Chợt bà lão Móm nheo mắt, kêu é một tiếng, hai tay bà xốc váy lên. Ở dưới bụng chân, lủng lẳng, lắc lư một con đỉa trâu. Nó to mòng mọng như quả chuối bụt. Ra nó theo bà lão từ dưới ao lên. Máu bà lão đựng vào trong bụng nó, làm cho bụng con đỉa tròn xoe đỏ máu to kềnh.

Bà lão rứt chú đỉa trâu ra. Máu cũng tuôn theo tay. Bà quẳng con đỉa ra giữa sân. Một anh gà ở đâu chạy đến, xỉa thử một mỏ, rồi đứng hiếng một mắt lên trời mà ngẫm nghĩ. Một lát, chừng như đã ngẫm nghĩ xong, anh gà cung cúc tha chú đỉa ra phía đằng sau nhà.

Bà lão Móm đi lấy vôi khoanh vào chỗ đỉa cắn một vòng tròn. Rồi bà lão lại về ngồi chỗ cũ. Bà bắt đầu một cuộc chửi. Trước hết bà chửi con đỉa. Con đỉa nó hút máu bà. Thứ, bà chửi đứa con dâu. Thứ nữa, bà chửi đứa con trai. Rồi bà chửi đến những đứa nào lúc nãy kéo bà lên, không để cho bà được chết.

Hai vợ chồng anh cả phải sang thổi cơm nhờ bên hàng xóm. Và cũng ăn nhờ ngay ở nhà người ta.

°
°     °

Ngày tháng Tám năm ngoái, thằng Mí lù lù dẫn ở đâu về cái báo chướng của nó về. Cái báo chướng ấy là một con đàn bà. Nó gặp “người ta” ở một đám hát trống quân bên làng Phú Gia. Chắc là hai đứa bắt chim nhau. Rồi con kia theo thằng này về nhà. Ở lì với nhau. Thành vợ chồng từ đấy.

Ôi thiên địa! Bà lão Móm ngạc nhiên không thể tưởng tượng được. Bà không thể tưởng tượng được rằng ở trên đời lại có một con đàn bà đốn mạt như thế. Chẳng cưới xin gì hết, nó đường hoàng đến nằm vạ nhà người ta. Bà càu nhàu phản đối. Thỉnh thoảng Mí lại bênh vợ - cũng là vợ ư? - mà cự bà kịch liệt. Nó cự bà cố chấp. Bà khoảnh. Bà ác. Nó lại giải nghĩa rằng bà không có tiền lấy vợ cho nó, thì nó phải lấy như thế đấy. Cái thằng bất hiếu, mở miệng ra nói toàn những câu chối tai.

Bà khoảnh gì? Bà ác gì? Bà không có tiền lấy vợ cho nó à? Bà đâu có muốn thế. Chẳng qua là cái ông trời cay đắng kia chưa muốn cho bà khá. Thôi thôi vứt đi ráo con gái con trai, con trai lấy vợ hoang, là vất đi ráo! Nhà bà không có cái giống ấy. Ngày xưa, bà đi lấy chồng, nghèo khó lắm. Vậy mà hàng xóm cũng được nhai bỏm bẻm miếng trầu. Làng nước cũng nhận được năm chục viên gạch thay tiền cheo...

Trong nhà, sinh ra lắm sự ủng oẳng. Cũng may về phần kinh tế, ai cũng độc lập cả. Người ta chỉ trong một nhà, còn người ta ăn riêng của nhau. Đồng tiền, phân bạc chia rẽ nhau ra. Bà mẹ đi khâu vá mướn kiếm ăn. Hai vợ chồng người con cũng làm lấy nuôi miệng. Không ai phải nhờ lụy ai. Thành thử cả nhà cứ cãi nhau suông. Phần nhiều, chỉ vì những câu chuyện rất cỏn con. Người ta cãi nhau cho ầm nhà.

Cứ trông thấy mặt vợ thằng Mí là bà lão Móm đã lộn ruột lên rồi. Bà ghét nó về cái gì? Đủ thứ. Ví dụ như bà ghét cái áo cánh của nó mặc. Áo đâu mà áo hồ lơ xanh lè. Chỉ có nhà thổ, chỉ có nhà trò, mới hồ lơ cái áo chướng mắt như thế. Con này đích là ở hai cái phường ấy.

Áo đâu mà lại may chẽn vào người, xung quanh gấu tròn xoe, không xoe không chiết. Thực là dơ dáng. Bà đây đã già đời cầm kéo, cầm kim, cũng chưa thấy ai mặc cái áo lố lăng như nó mặc. Bà lão nói bô bô tất cả những ý nghĩ của mình lên đấy chứ. Con vợ nó tím mặt lại. Thằng chồng nó tái mặt lại. Chúng nó đối lại rằng bà hủ lậu. Cả đời, bà chưa bước chân qua cái đất Hà Nội, bà biết đâu những sự tân thời bây giờ. Bà chỉ nói vu vơ. Bà chẳng biết cóc khô gì hết.

Tức quá, bà lão chửi tế lên một độ. Chúng nó im. Chỉ có chửi là chúng nó phải câm. Chúng nó sợ miệng bà. Cái miệng móm mém mà nói loe loe.

°
°     °

Một hôm. Đâu sau cái ngày bà Móm tự tử hụt được độ nửa tháng. Buổi chiều, vợ cả Mí đi làm về, bỗng kêu đau chân. Nguyên từ một phiên chợ nay chị ả đi đường, giẫm phải cái vỏ hến vỡ. Nó cắm vào gan bàn chân. Máu loang ra. Chị ta nhổ mảnh vỏ hến rồi nhét đất vào chỗ vết đau, để cho máu cầm lại. Cũng coi làm thường.

Chẳng ngờ vết đau loét mãi ra. Hôm nay nó nhức nhối. Một thứ nước vàng lầy nhầy theo vết loét chảy ra. Chị ả thấy kệnh kệnh dưới bàn chân. Đi đứng có vẻ khó khăn. Rồi chị không thể đi được nữa. Ấy là khi vết đau bắt đầu tấy. Nó sưng lên vù vù. Đầu tiên, cái gan bàn chân to như chiếc bát úp và đỏ lừng lững. Cả đến cái bụng chân cũng béo ra. Nó thấy cứng cứng như có tụ máu. Chị ả nhăn nhó ngồi ôm chân cả ngày. Rồi mủ, rồi máu tươi do chỗ đau cứ phòi lên. Người ta bảo rằng bị sưng bắp chuối. Người ta bảo rằng mụ lên đầu gối ông voi. Mụ đành nằm mà rên hừ hừ. Sung sướng cho bà lão Móm! Bởi vì, nhân dịp này, bà lão có thể trả thù được con mụ. Nó nằm chỏng đấy, không lạch đi đâu được. Bà lão có thể bắc ghế lên mà chửi rủa, mà nhiếc móc nó. Nó không thể lảng đi đâu được. Nó phải nghe đầy hai lỗ tai.

Thế rồi, bà lão Móm làm như vậy thực. Mỗi buổi sáng, từ lúc trở dậy, bà nhiếc, móc nó, cho tới khi bà cắp thúng đi khâu. Chiều về, bà ngồi ngang trước bậc cửa mà chửi. Bà chửi mãi đến lúc bà đi ngủ. Cô ả nằm bệt trong giường. Không dám hé răng. Chắc cũng chối tai lắm. Nhưng mà đau quá, không thể nói được.

Bà lão tha hồ nói. Đủ các câu nhảm nhí và đủ các kiểu chửi. Anh cả Mí cãi nhau với mẹ, không thể địch lại được. Bà lão thắng thế, càng chửi già. Người đau nằm kia, tiếng của bà lão bay vào choi chói, nghe như đóng đinh vào lỗ tai, nghe nhức như vết nhức dưới chân.

Được nửa tháng, vết đau của nó bắt đầu dịu xuống. Nó chán phồng lên, thì nó tẹt xuống. Mụ đàn bà tin như thế, và mặc kệ. Cũng như mụ mặc kệ cho bà lão dở hơi muốn nói đông nói tây gì thì nói, tùy sở thích. Nhưng ở chính chỗ đau dưới bàn chân, lại nổi bờ lên cao vờ vờ. Những đường trăng trắng bò xung quanh miệng. Cái miệng đỏ hoe, sâu vào, thành một cái lỗ tun hút. Lúc nào cũng nực lên một mùi thối lặm. Bây giờ nó hóa ra một vết sâu quảng. Bà lão Móm lại rủa cái vết sâu quảng của nó. Nó tập tễnh đi ra cửa. Nó đã chán tai nghe chửi, từ bữa nằm giường. Nghe lắm, như nghe hát hay. Không thấy cảm động và tức tối nữa. Nhưng thực nó đã ngán cái cảnh nhà này rồi. Bởi vậy, một bữa kia, nó khập khiễng tếch đi mất.

Khi anh chồng biết vợ mình đi, chắc không bao giờ trở lại nữa, thì buồn ỉu mặt xuống. Bà lão mừng rơn, bà bảo con:

- Cái ma cái quái nó vào nhà mày đấy. Mày lại còn thương tiếc nó nỗi gì!

°
°     °

Sau ngày vợ đi được vài tháng, anh cả Mí cũng ra đi nốt. Không phải là đi tìm vợ, mà anh đi làm ăn. Ở làng nước, vào hồi này, cơm gạo cũng khó kiếm lắm. Vả lại, anh chán và sợ bà mẹ lắm điều quá. Vợ anh đi rồi không có ai để cãi nhau, bà lão cứ hục hặc với anh. Cãi nhau đã thành nghiện!

Người ta đồn rằng anh cả Mí đi Sài Goòng, và người ta lại đồn rằng vợ anh cả Mí đem cái chân sâu quảng vào nằm nhà thương, người ta cưa cụt ngoéo chân đi rồi.

Bà lão Móm cũng chỉ được nghe làng nước đồn đại mơ hồ như thế. Bây giờ thì bà lão ở một mình trong cái nhà rộng thênh thênh. Có những buổi chiều mùa hè, từng tảng mây trắng đùn lên ở phía chân trời Tây. Không có cơn mưa. Nhưng có chớp dây chớp dợ ở trong những đám mây. Có ì ầm tiếng sấm ở đâu đâu. À, đấy là chớp bể, đấy là mưa nguồn.

Bà lão đứng trong cổng ngó trông ra.

Chao ôi! Chớp bể mưa nguồn. Chắc ở bên Sài Goòng đương mưa to lắm.

Bà Móm ôm mặt, hu hu khóc: “Ối con ơi!...”.

Lá thư tình đầu tiên

Cô Mì mười tám tuổi. Đến tuổi ấy, từ mùa xuân trở đi, đôi mắt người con gái trong thẳm và đen lay láy. Cô nhìn sang hai bên, con mắt lừ đừ đưa nghiêng nghiêng. Ôi chao là say sưa. Miệng hoa múm mím. Mỗi khi mỉm cười một nụ cười nhỏ, đôi má hây khẽ gợn lúm xuống hai nét vòng yêu.

Mì là cô gái đẹp nhất làng. Tất cả những người con trai đều công nhận thế. Và anh nào cũng ngấp nghé muốn phải lòng. Nàng chẳng kiêu kỳ chi đâu, nhưng yêu được nàng cũng không phải dễ. Bởi vì nàng nhan sắc. Bởi vì nàng lại biết chữ nữa. Sự biết chữ của một người con gái ở làng Nghĩa Đô quả là một tài hoa hiếm có. Nàng viết thư hộ những người hàng xóm. Nàng đọc truyện Hoàng Trừu vanh vách. Nàng thông thạo về đường “tiểu thuyết” lắm. Bởi vậy, đã xảy ra một chuyện tức cười về chữ nghĩa khó khăn ấy. Có một người con trai khác xóm phải lòng Mì. Một bữa kia, chẳng biết làm thế nào, anh chàng đưa đến tay Mì một bức thư. Mì đọc. Rồi Mì đi nói với các chị em bạn:

- Nó không biết chữ, nhờ ai viết cho cái thư, người ta lại thiểm, đi chép ở trong truyện ra. Truyện ấy tôi xem rồi. Đã dốt đặc cán mai, lại còn ti toe, điệu bộ.

Và nàng chép miệng:

- Không biết chữ, nhục thế đấy!

Những lời nói chẳng hay cho người con trai nọ cứ lọt ra ngoài và lan đi khắp ngã ba, ngã bảy.

Anh Cuông cũng rõ câu chuyện như mọi người. Nhưng anh còn biết rõ thêm hơn nhiều. Bởi Cuông có cô Nghiên, cô em con nhà chú, là bạn thân của Mì.

Cũng bởi rằng anh Cuông yêu cô Mì. Cuông là một gã trai mới lớn. Thường là anh vẫn được trông thấy Mì, mỗi buổi chiều, dù hai người ở cách hai xóm. Chiều chiều, Mì sang chơi nhà Nghiên. Cũng chiều chiều, lúc hoàng hôn đã đỏ sạm, mọi người đều rời khung cửi, Cuông ra đứng ngẩn ngơ trước ngõ. Hễ thoáng thấy cái thắt lưng lụa bạch của Mì phất phơ đằng đầu xóm, anh chàng đã đỏ bừng mặt, chân tay tự dưng líu ríu lại. Và khi Mì sắp đến nơi thì Cuông ngượng nghịu lẳng lặng thụt vào cuối ngõ. Đến lúc Mì đã đi khỏi, Cuông mới lại nhô ra cúi lom khom nhòm theo, nét mặt ra chiều đờ đẫn. Giá bấy giờ có ai chợt đến trông thấy Cuông thì Cuông vội đứng ngay ngắn, hai tay chắp ra đằng sau, mặt ngẩng lên trời, giả như đương tơ mơ nghe tiếng diều sáo vo vo trên cao.

Ấy buổi chiều nào cũng tương tự như buổi chiều nào. Nếu không có một sự gì mới mẻ khác, chẳng biết cuộc “tình duyên một vế” này còn kéo dài đến tận bao giờ!

Cuộc đổi thay vào những đêm có hát chèo bên làng Thượng. Một hôm, cô Nghiên nói chuyện với anh Cuông:

- Cái hôm hát trò Lục Vân Tiên ấy mà. Em đi xem với chị Mì, anh nhớ không?

- Ừ, lúc bấy giờ tao len qua chỗ cửa đình chứ gì.

- Vâng. Lúc chị Mì thấy anh đi qua, lại bảo em thế này chứ: “Anh ấy hay nhỉ?”.

Cuông bừng người, thấy như từng đốt xương đốt sống một đương rung. Cuông hấp tấp hỏi dồn:

- Sao? Sao thế?

- Chị ấy cười, bảo: “Anh ấy có vẻ hay phạm. Chiều nào cũng đứng ngoài ngõ. Trông thấy em lại đi vào”.

Cuông ngơ ngác, lẩm bẩm chối bâng quơ:

- Quái nhỉ? Tao có đứng ngoài ngõ đâu!

Nhưng trong lòng anh nghĩ khác. Trong lòng anh có hoa đương nở.

- Thế là cắn rồi. Bây giờ chỉ thả một cái thư là ăn thua đấy. Nhưng chết một cái, mình lại cóc biết chữ. Nó mà hỏi đến, mình cũng mít đặc như cái anh cu kia thì bỏ xừ.

Cuông thở dài ở đoạn này. Anh nghĩ lơ mơ.

- Có lẽ cũng đến phải đi học chữ quốc ngữ!

°
°     °

Một phiên chợ Bưởi, Cuông xách một con gà mái lên chợ bán. Con gà hư quá, phải cho ăn bún rất nhiều, mà đẻ trứng lại cách nhật, há mỏ ra kêu cục te cục tác cùng đường.

Bán gà xong, anh đến một hàng xén. Anh có ý tránh những hàng có cô gái ngồi bán. Anh vào hàng một ông cụ già kèm nhèm mắt. Và anh mua một quyển “Lên Sáu” năm xu. Cuông thu gọn lỏn ngay quyển sách vào bụng áo, chẳng một ai nhìn thấy. Rồi anh ung dung về làng.

°
°     °

Cuông học chữ quốc ngữ liền từ tối hôm ấy. Thằng Tế cháu anh, học trò lớp bét ngoài trường làng, dạy anh. Mỗi phiên, anh trả công thằng bé một xu, nó bằng lòng ngay.

Bắt đầu, anh lẩm nhẩm những cái chữ to thô lố - gọi là chữ cái có khác - một cách nhọc nhằn và hơi chán nản. Nhưng anh chỉ gắng, chịu khó vài bữa, đã học sang đến nửa vần bằng ba be bê bi rồi.

Tối đến, dệt cửi đầu xong, Cuông mang đèn ra ngoài hiên. Thằng Tế đã đợi sẵn ở đấy. Anh ngồi xổm, chăm chú chỉ từng chữ, theo ngón trỏ tay của thằng bé. Học đuổi nhau như vậy một lát, anh đã thuộc. Thằng bé đi ngủ, anh ngồi gật gù lẩm nhẩm một mình. Khi đã thuộc kĩ, có thể gấp sách lại mà vẫn đọc được, anh mở vở ra. Anh nằm nhoài xuống, cong hai chân lên. Bút và mực để sẵn đấy. Anh mắm môi, nheo mắt, nghiêng đầu tô từng cái gậy một. Hết hàng gậy này xuống hàng gậy khác. Cầm thì cầm úp ngòi bút xuống, chấm mực vừa phải và vạch cho khỏe. Nhiều lúc tức ê ẩm cả bụng, cả ngực mà anh vẫn chịu khó nằm thẳng duỗi ra. Viết xong một trang, anh mới bò dậy, thở phèo một cái rõ mạnh, rồi gấp sách lại, đi ngủ.

°
°     °

Anh Cuông chịu khó học. Nhưng anh giấu giếm cẩn thận việc học của anh. Bạn bè không ai biết.

Mùa đông đã sang những ngày cuối. Cuông ngồi học phải quàng chăn lên tận cổ. Nhưng anh cũng sắp thành công rồi.

Trong giấc ngủ, lẫn với bóng dáng hình ảnh cô Mì, lòng anh xốn xang hi vọng.

Thế rồi, đến một đêm đầu mùa xuân. Cái Tết đầm ấm, cái phong thái nhàn nhã hãy còn phảng phất trong mọi gia đình. Cuông khuân sách vở, bút mực ra ngoài hiên. Nhưng tối nay không có cu Tế. Anh ngồi gật gưỡng, ngả đầu, mắt nhìn đăm đăm vào ngọn đèn. Thoáng mơ màng một vẻ nghĩ ngợi. Anh xếp bằng tròn hai chân ngồi nghiêm như ông Phật, qua hàng giờ im lặng.

Anh xé ở cuối vở ra một trang giấy. Anh đặt lên trên bìa sách. Vuốt hai mép cho thực phẳng, rồi từ từ nằm bò xuống. Cái bút chấm vào lọ mực tím cứ hí hoáy đưa ngòi bút. Chiếc ngòi bút sắt, bên ánh đèn, lấp loáng màu mực, đưa đi theo dòng kẻ, như ngượng nghịu reo lên cồn cột vì được gặp mặt tờ giấy trắng. Một chữ, lại ngừng. Một chữ viết, lại rụt rè xóa. Song Cuông đưa bút rất nắn nót, tề chỉnh. Có khi cố gắng và đam mê công việc quá, Cuông ngoẹo cổ, trợn lồi mắt lên, méo xệch để đẩy nét chữ O cho thực được tròn trặn.

Mặt giấy đầy dần dần được ba dòng, rồi bốn dòng, đến bốn dòng rưỡi thì anh buông bút xuống, bâng khuâng ngó ra ngoài vườn. Bấy giờ đã khuya lắm rồi. Vườn tre và vườn dứa lắng xuống một chút ánh trăng xế dịu dàng.

Cuông cúi xuống, hai tay nâng tờ giấy, trầm ngâm nhìn mươi hàng chữ nằm ngổn ngang, trong những đường kẻ xanh. Nhưng khi anh lắp bắp đọc lại nho nhỏ, thì mắt anh sáng lên. Những tiếng chữ lẫn với tiếng ư a bật ra miệng và cả ở đôi mắt, một cách khó nhọc, nhưng rất kính cẩn, thiêng liêng. Thành thử, những hàng chữ xấu xí và bề bộn cũng lây được ít nhiều khí sống mạnh mẽ, trở nên quý giá và đẹp đẽ.

Anh Cuông đã đọc lại xong. Ồ, đó là một bức thư ngắn - mà dài cho người viết - để gửi cho người yêu. Thư của Cuông gửi cho em Mì. Thư rằng:

Em Mì. Bấy lâu nay tôi vẫn trộm nhớ thầm mong em lắm, chẳng biết em có biết cho không, tôi viết thư này là chính của tôi viết cho em đấy, em Mì ơi. Gió đưa tờ giấy lên mây, gió đưa thư này bay đến nhà em. Em mà bắt được em nên trả lời. Trăm năm xin quyết cùng nhau chung một lời vàng đá.

Cuông viết thư

Thực là một công trình ghê gớm của Cuông. Anh đọc lại một lần nữa, rồi hơ giấy lên ngọn đèn cho chóng khô mực. Bấy giờ anh mới cẩn thận gập lại làm tư, để vào trong quyển vở, đem nhét xuống gối đầu giường.

Đã vào canh một, gà gáy lên te te. Vừng giăng đã khuất hẳn.

°
°     °

Thế là Cuông cắm cúi học từ ngày vào mùa đông đến ngoài Tết Nguyên đán, thì viết tròn được lá thư đưa cho Mì.

°
°     °

Nhưng lá thư tình đầu tiên ấy, không bao giờ được gửi cho ai. Bởi vì, ngày đầu xuân đó, cô Mì đi lấy chồng. Cô lấy chồng người bên làng khác. Tất nhiên là Cuông không hay biết gì cả. Cho đến khi cái Nghiên lại nói chuyện với anh thì đã muộn, người ta rước dâu rồi. Anh không thể dám oán ai. Bởi vì anh chưa có ai để mà oán hận.

Lá thư tình vô duyên nằm buồn thiu trong mép bím anh được mấy hôm. Những nếp gấp đã lên nước mồ hôi và đen xỉn lại. Một đêm, anh châm đèn lên, kề tờ giấy vào ngọn lửa mà đốt đi. Đôi mí mắt nặng sụp xuống.

Rồi dần dần mọi người xung quanh đều không hiểu sao tự nhiên mà Cuông thông thạo và viết nhoang nhoáng được chữ quốc ngữ. Ai cũng khen Cuông sáng dạ.

Nhưng anh buồn lắm. Cả ngày anh chỉ giải khuây mối hận kín đáo bằng cách đọc truyện Kim Vân Kiều .

Một hôm, anh nói với cô em:

- Truyện Kiều hay lắm. Trong ấy có nhiều câu buồn ghê!

Nghiên cười:

- Độ chị Mì còn ở nhà, chị ấy cũng thích đọc Truyện Kiều . Hoài của, giá ngày trước em làm mối chị Mì cho anh nhỉ!

1942

Đi tắm đêm

Văn bắt đầu kể câu chuyện như sau:

Nghỉ hè năm ấy, Hiếu rủ tôi và Căn, Bích, Hiên về quê anh ta nghỉ mát. Nhân thể vừa thi trượt xong, chán không buồn ở Hà Nội, tôi nhận lời ngay. Quê Hiếu ở ngay bên bờ sông Đuống, cách núi Thiên Thai độ hơn một cây số. Đang ở Hà Nội đông đúc được thả về quê mát mẻ, tôi thấy người khỏe hẳn lên, quên khuấy ngay cả cái buồn hỏng thi. Lại thêm được một lũ bạn đùa như quỷ sứ làm cho tôi giá có khóc cũng phải cười.

Làng ven sông có một phong cảnh khá nên thơ. Chiều chiều rợp nắng, chúng tôi thường ngồi thuyền đi dạo mát trên sông Đuống. Dòng sông đào lờ đờ chảy giữa hai bên bờ chen nhau những hàng dâu mát rượi, những rặng tre lả ngọn quyện trên mặt nước. Đằng xa, nổi lên nền lá xanh một dịp cầu tre mảnh khảnh. Cảnh trí như hệt một bức tranh thủy mặc.

Nhà Hiếu gần một bến nước. Người vùng ấy gọi là bến Đá vì ở đấy có mấy phiến đá rất lớn. Bến Đá là chỗ rửa ráy, giặt giũ của cả xóm. Bởi thế chúng tôi thường được ngắm những cô gái làng ra bến quảy nước. Gái sông Đuống xinh chẳng kém gì gái Lim, lại thêm được cái tính chua ngoa thì không đâu bằng! Tụi Căn, Bích - hai kiện tướng trong làng “môi mép” - cũng phải chịu thua. Họ ví von rất khéo đến nỗi không mở mồm nói vào được nữa. Thế nào cũng bị chặn cứng lưỡi. Một là các cô giỏi biện bác, hai là giọng của các cô rất hay. Chúng tôi đành đứng ngẩn ra cả lũ nghe các cô ví. Họ xỏ xiên cay độc mà chúng tôi cũng đành khóa miệng. Nhưng sự thất bại của chúng tôi một phần lớn tại Hiếu. Vì Hiếu là người hiền lành, sợ các cô. Anh thường ngăn cản chúng tôi trong các cuộc đấu khẩu. Mà chúng tôi cũng vì nể Hiếu, nên lắm phen cũng phải nín thít. Ở xóm có độ bốn năm cô, chúng tôi phải kiêng mặt.

Độ ấy vào khoảng trung tuần tháng Năm, một đêm sáng trăng. Trừ Hiếu hay đi ngủ sớm, còn chúng tôi bắc ghế ra sân ngồi chơi. Bỗng lắng nghe tiếng cười đùa từ bờ sông vẳng lại. Căn tò mò ra cửa nghe ngóng. Một lát Căn hớt hải chạy về, rủ chúng tôi đi chơi. Tôi hỏi đi đâu. Anh để ngón tay lên ngang miệng làm dấu bí mật và dẫn chúng tôi ra ngõ, đi về phía bờ sông, chỗ có tiếng cười ban nãy đưa lại.

Anh bắt ai nấy đều phải yên lặng và theo mệnh lệnh của anh, vì anh tuyên bố sẽ có một cuộc vui rất lý thú. Chúng tôi ngậm miệng, kẻ trước người sau đi nương vào bóng những cây trúc mọc sát vệ đường, về phía bờ sông. Không biết là trò quỷ quái gì, nhưng cũng cứ đi. Chừng hơn trăm thước đã trông thấy bến Đá. Một dịp cười giòn tan từ dưới nước hắt lên. Chúng tôi tiến mấy bước nữa, rồi đứng lại. Trời ơi! Có anh nào đoán được chúng tôi trông thấy những gì không? Bích, Hiên và tôi đứng ngây người. Căn có vẻ ranh mãnh leo tót ngay lên một cây khế to, dòm xuống. Trên mặt sông, bốn cô gái đang tắm, các cô đang đùa với sông. Cho đến hôm nay, trông mặt hồ Tây này, tôi còn nhớ cảnh ấy như tối hôm qua.

Những thành vai trắng nõn, tóc buông lòa xòa trên mặt nước, gợn những vòng vàng vì ánh trăng. Tôi tưởng như gặp một lũ hồ ly trắng phau trong những chuyện thần kì, hay ít nhất cảnh này cũng phải ở trong mộng. Nhưng nghe tiếng nói thì tôi lại nhớ là gái làng, và đây, sự thực, sự thực như tôi và các anh. Các cô đùa nghịch tự nhiên vì không biết có ai nhìn trộm. Cô nọ té nước cô kia, đuổi nhau í ới cả một góc sông. Đến khi các cô rục rịch sắp lên, chúng tôi lủi về hết. Chỉ còn Căn nấp trên cây khế. Các cô kéo về qua cửa nhà Hiếu. Chúng tôi nhận mặt được cả bốn cô đều là “của” ngoa ngoắt nhất xóm.

Căn thao thức không ngủ. Thỉnh thoảng đang nằm chúng tôi lại bị hắn dựng dậy, vừa lay, vừa nói rít lên:

- Chúng nó đẹp như tiên sa...

Rồi hắn vùng chạy ra sân. Trăng sáng trong im lặng. Căn chắp tay sau lưng đứng ngửa mặt nhìn trăng, nhìn trời, rồi lại quay vào. Suốt đêm cứ lủng củng như thế! Có lẽ anh chàng bị “cảm” nặng quá! Ngày hôm sau, Căn chơi gì cũng chán, chỉ mong đến tối. Câu chuyện đêm qua, Căn yêu cầu chúng tôi đừng nói gì cho Hiếu biết, vì Hiếu biết thì thế nào hắn cũng gàn.

Đến đêm, khi nghe tiếng cười ánh ỏi phía sông, nhưng chúng tôi không anh nào muốn đi xem cả. Vì chúng tôi sợ người trong xóm biết thì ê mặt. Rồi chúng tôi không đi. Chỉ có Căn không bỏ. Năm sáu đêm liền đêm nào hắn cũng mò mẫm.

Một đêm chúng tôi còn thức, chỉ có Hiếu đã ngủ. Căn vừa đi... xem được một lúc thì có tiếng huỳnh huỵch từ phía sông chạy lại và văng vẳng tiếng cười rít lên.

Chúng tôi còn ngơ ngác, chợt cánh cửa mở tung. Căn ướt lướt thướt chạy vào. Anh vừa thở vừa bảo Hiên ra đóng cửa. Chúng tôi nhìn Căn, không nhịn được cười: đầu tóc, quần áo chỗ nào cũng ướt như chuột lột.

Hiên và Bích xúm lại hỏi. Căn không trả lời và đứng im, chỉ tay ra ngõ. Một lát sau có tiếng cười của các cô đi tắm về. Nhưng lần này tiếng cười dữ dội và ồ ạt như muốn ném vào trong này. Căn tái mặt vào thay quần áo. Một câu hát bỗng nổi lên giữa những tiếng cười:

Lạ chi mà phải đi dòm

Để người quân tử lăn tòm xuống sông.

Căn tức ngây người. Anh rủ rỉ kể chuyện. Ồ thì ra cái anh chàng ma quái ấy trèo lên cây khế, cho rõ, mới trèo lên tận ngọn, để thỏa lòng nhìn hoa. Chẳng ngờ cành khế giòn. Đang leo... leo... bỗng cành khế gãy, ném thẳng anh chàng xuống nước. “Người quân tử lăn tòm xuống sông” vội lội vào bờ, quàng chân lên cổ, chạy một mạch về.

Căn cay đến tím ruột. Mấy đêm sau, tuy các cô vẫn đi tắm như thường mà Căn không dám đi... xem nữa. Chúng tôi nói pha, anh chỉ mỉm cười. Từ buổi ấy, anh đi ngủ rất sớm. Có lẽ để tránh những tiếng cười, câu ví như ném muối vào mặt, mỗi khi các cô đi tắm về.

Và chừng như anh suy nghĩ lung lắm thì phải!

Bẵng đi một dạo, trời tối không có trăng, các cô không đi tắm đêm. Căn đã nguôi nguôi, lại vui vẻ như thường. Và ngược lại tâm tình lúc trước, Căn có phần nô giỡn hơn xưa. Quá nữa, anh chàng lại mong đến tuần trăng để lại đi... xem. Chúng tôi thường hỏi pha:

- Thế mà vẫn chưa chừa?

Anh chỉ mỉm cười vơ vẩn, nói một câu mà anh thường nói:

- Cóc cần!

Đến tuần trăng. Các cô, đêm khuya, sau những buổi giã gạo hay dệt vải, lại ra bến Đá tắm. Một buổi tối Căn bỗng nhiên nói luôn mồm:

- Sướng quá! Thì... nghĩ ra rồi.

Câu nói không đầu không đuôi khiến cho Hiếu cũng phải làm lạ, hỏi chúng tôi. Tôi không biết hơn Hiếu, cả Bích, Hiên cũng vậy. Đêm ấy Căn không đi ngủ sớm với Hiếu như mọi tối. Chúng tôi hỏi:

- Thức để đi xem chắc?

Căn cười mũi:

- Mấy chẳng đi, đã bảo tôi cóc cần mà!

Bích hó háy:

- À ra thế kia đấy.

Hiên lấy giọng hát nhại:

Lạ chi mà phải đi dòm

Để người quân tử lăn tòm xuống sông...

Căn phá lên cười:

- Để rồi các anh xem đứa nào lăn tòm xuống sông.

Tôi nói kháy:

- Thách đấy!

- Không phải thách. Tối nay có đứa biết tay tôi!

Đợi xem tối nay đứa nào biết tay anh Căn!

Đêm ấy trăng sáng quá. Vì sáng quá, chỗ nào cũng trắng ánh trăng, nên phong cảnh nhuốm một vẻ rờn rợn.

Bấy giờ vào khoảng nửa đêm. Vừa nghe tiếng ầm ĩ ngoài sông, Căn đã lùi lũi đi. Chúng tôi nhìn nhau cười. Nhưng rồi Căn về ngay, khoác đi một cái áo dài trắng. Không hiểu anh ra làm trò gì.

Thế rồi chỉ mười lăm phút sau, Căn lại lù lù về, lần này về với một bọc to tướng. Chúng tôi ra xem. Ô hay! Một đống, những áo, những quần, những thắt lưng. Chúng tôi đã trông thấy cái thâm ý của anh rồi.

Thì ra anh chàng chơi khăm. Lúc các cô nàng mải đùa nhau tíu tít dưới nước, không ngờ ở trên bờ có kẻ ma mãnh đã nhẹ tay đỡ mất tất cả các xống áo. Thật là không ai ngờ. Căn lại cẩn thận khoác áo trắng lẫn ánh trăng. Mà ngờ thế nào được!

Đây cũng giống như những chuyện chú tiều ăn cắp cánh tiên, nhưng đằng này chú tiều phu không được nhã sự và “sự thực” mất một tí. Căn lật đật dắt chúng tôi lại trèo lên một cây nhãn to ngay trước cổng để xem “thế sự xoay vần ra sao”.

Đường đi từ trong xóm ra bến Đá là một con đường cụt, đến bến là hết, không rẽ đâu cả. Từ nhà Hiếu ra bến, hai bên đường có mấy nếp nhà nhỏ và vườn rau. Thế mới rầy rà. Nấp trong cây nhãn bùm tum, không ai ngó thấy mà chúng tôi có thể nhìn ra xa đến bến được. Tuy anh nào cũng phàn nàn về lối chơi ác, nhưng ai lại cũng ngầm bằng lòng vì sự “trả thù” đích đáng ấy.

Trăng sáng vằng vặc như ban ngày. Các cô vẫn đùa ì òm dưới nước. Lúc sau, một cô lên trước bỗng kêu thất thanh, rồi nhảy tùm ngay xuống. Rồi bốn cái thân hình trắng nhễ trắng nhại lướt thướt chạy lên.

Như những nàng tiên trần truồng đi tìm cánh, các cô lẳng lặng đi hết gốc cây này qua bụi cỏ khác. Sau chừng hiểu chắc là có đứa nào nghịch ác, các cô đứng lặng nhìn nhau.

Bấy giờ trời trong xanh không gợn mây. Ánh trăng tha hồ tò mò. Các cô, khép nép nhưng khép nép cũng vô hiệu. Các anh hãy tưởng tượng giản dị như thế này. Trên một phiến đá lớn kề ngang trước mặt nước, trong trăng sáng, nước dưới ánh trăng cũng sáng, bốn thiếu nữ trắng như ngà, loay hoay cô nọ dựa cô kia. Các cô muốn tránh ánh trăng sáng quá, nhưng cái ánh trăng hóm hỉnh, chỗ nào cũng có. Chợt một cô chỉ tay về phía cổng, chỗ cây nhãn của chúng tôi, bốn cái mặt đều ngó về phía ấy. Bỗng mấy tiếng rú nổi lên, các cô ôm mặt, nhảy đại cả xuống sông.

Tôi tưởng các cô trông thấy chúng tôi. Nhưng Căn đã ôm bụng, mắm môi nhịn cười và chỉ tay xuống dưới bờ giậu phía sau lưng: thì ra cái áo trắng dài đã được cắm vào một cái cọc giậu dưới bóng cây, ban đêm xa trông hệt như hình người đứng. Các cô cứ bì bõm dưới nước, không ai dám ngó mặt lên nữa. Chúng tôi nghĩ thương hại bảo Căn cất cái áo bù nhìn đi. Căn cười:
- Mấy khi được dịp thế này. Mà giá bây giờ có cất cái áo đi, dử thính các cô cũng chẳng dám lên để dẫn xác đi qua đây về nhà.
Văn ngừng kể. Cả bọn cười rũ rượi.
Thịnh hấp tấp:
- Thế sao nữa, hở anh?
Văn:
- Chúng tôi không biết ra sao nữa. Vì bấy giờ đã khuya quá, khuya hơn thế này nhiều. Đến gần hai giờ sáng. Chúng tôi buồn ngủ đến díp cả mắt lại mà trông xuống sông vẫn thấy những cái bóng người lập lờ và lặng im.
- Tội nghiệp, dễ thường các cô ấy phải ở đến sáng?
Hải trợn mắt:
- Ồ, đến sáng? Đến sáng thì chết. Sao nữa?
- Rồi chúng tôi về đi ngủ, cũng lấy cả cái áo dài trắng về. Đời nào các cô dám ở tô hô đến sáng. Nó lại ác một cái, trừ con đường độc đạo đi qua nhà Hiếu - mà cố nhiên các cô sợ người rình không dám đi qua - muốn vào trong xóm, không còn lối nào khác. Có lẽ rồi các cô lội qua dọc sông, xé rào một vườn rau nào đó, chui lên rồi lần vào đầu xóm trên. Vì thấy chó trong xóm cứ cắn đổ xô về một phía. Hôm sau, mụ chủ vườn nheo nhéo chửi mãi đứa kẻ trộm chui qua vườn giẫm nát mấy luống rau.
Trúc đoán:
- Có lẽ các cô bò?
Văn reo lên:
- Chính thị. Vì sợ sáng trăng mà đi cao lênh khênh quá!
Chúng tôi ra xem: mấy luống cà, luống cải đổ có cả vết chân lẫn vết tay. Từ đấy các cô kệch không đi tắm đêm, mà cũng chừa không dám ví von với chúng tôi nữa. Có lẽ các cô đoán ngờ ngợ. Hễ gặp đâu, mặt các cô đỏ như cà chua chín rồi lẩn mất.
1942
Tô Hoài
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Gió Cửa Hà" - Những ký ức còn nguyên thổn thức

"Gió Cửa Hà" - Những ký ức còn nguyên thổn thức “Gió Cửa Hà” dập dềnh những nỗi niềm. Tâm sự ấy là của một nhân vật trữ tình muố...