Ký ức Đông Dương 1
Bạn đọc đang cầm trên tay bản in mới nhất, đầy đủ và hoàn thiện
nhất do chính bố tôi, Nhà văn Tô Hoài đọc và sửa chữa trước lúc đi xa một thời
gian.
Đã từ lâu từ khi cầm bút bố tôi là người cẩn thận và luôn có
trách nhiệm với câu chữ nên mỗi bản in dù là in lại nhưng ông luôn đọc, cắt gọt,
chỉnh sửa, “uốn nắn”, tỉ mẩn như người dệt vải. Khi ông trao lại cho tôi để xử
lý nhập liệu với một bản thảo chi chít màu mực, chữ, từ, câu mà ông thêm bớt
đan xen ngang dọc. Cha tôi là vậy, sự cẩn trọng, kỹ lưỡng trong nghề viết như mối
nợ tình với ông.
Các tập sách này xuất bản tôi xin ghi nhận và cảm ơn sự nhiệt
tình, tâm huyết của các bạn ở Nhà xuất bản Văn học cùng công ty sách Phương Nam
như một sự tri ân với cha tôi. Hy vọng bạn đọc sẽ đón nhận và hài lòng khi các
tập sách này ra đời. Chân thành cảm ơn độc giả.
Nguyễn Phương Vũ
CẢ ĐẤT NƯỚC MÚA LĂM VÔNG
>Các chiến sĩ quân đội nhân dân Lào - hình tượng tiêu biểu
những con người của xã hội mới trên đất nước Lào đang đổi mới hôm nay.
Đi đến các đơn vị quân đội nhân dân Lào, qua các làng mạc,
các thành phố, trên những dọc đường sông nước đò giang khắp nước, đâu tôi cũng
thấy rực rỡ những hình ảnh ấy.
Ở lịch sử chiến đấu của một quân đội cách mạng, ở tinh thần mỗi
chiến sĩ và tinh thần cách mạng mỗi chiến sĩ đương bồng bột trong tuổi trẻ cả
nước. Ở mọi người mà tôi tiếp xúc, chan chứa tình cảm và tấm lòng nhân dân đối
với chiến sĩ, một tình thương mến, một tấm gương tỏa sáng từ đơn vị Lát Sa Vông
đầu tiên của quân đội cách mạng Lào.
Tinh thần mới ấy thực sự được bắt nguồn từ truyền thống độc lập
quật cường của dân tộc được cách mạng hun đúc, đương đi sâu và phát triển trong
mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp nhân dân. Nước Cộng hòa Nhân dân Lào đương sôi nổi đứng
lên xây dựng và bảo vệ đất nước, mà lực lượng trụ cột là tuổi trẻ cách mạng.
Kể chuyện đất nước, kể chuyện tuổi trẻ đất nước là kể chuyện
các chiến sĩ. Tôi đã đến với các chiến sĩ đáng yêu đấy.
Mỗi ngày ở Lào, tôi càng thấy hòa lẫn sâu sắc trong tâm hồn
con người sôi nổi cuộc sống cách mạng, bao giờ cũng đượm bóng dáng truyền thống
lịch sử của dân tộc, của quê hương. Chỉ có con người thuần phác ấy trong vẻ hiền
hòa của cánh đồng, của chùa tháp tĩnh mịch và của cây vườn cây rừng Lào xanh một
màu xanh bồng bột lạ lùng.
Trung đoàn X, một trong những đơn vị đương làm nhiệm vụ bảo vệ
Thủ đô - các chiến sĩ của Thủ đô Viêng Chăn.
Doanh trại bộ đội thấp thoáng trong vườn xoài như một làng
ven nội. Một con suối đục nước mưa mới chảy quanh xóm. Các chị trong xóm ra xúm
xít kéo vó. Hoa sen nở đỏ thẫm trên mặt ao thả cá mới đào năm ngoái.
Chúng tôi ngồi trong phòng ban chỉ huy trông ra Viêng Chăn,
nghe kể chuyện lịch sử trung đoàn. Cả hai mươi năm phát triển của trung đoàn
anh dũng này là hai mươi năm chiến đấu tiến vào Viêng Chăn, cho tới khi thực sự
tiến vào giải phóng Viêng Chăn.
Trung đoàn trưởng Sai-nha Súc Cham-pa quê trên Luông
Pha-bang, người đã có mặt ở trung đoàn từ những ngày đầu tiên. Khi đó, anh là một
thanh niên vừa rời làng quê trên phía Bắc đất nước tìm ra vùng giải phóng gia
nhập quân đội cách mạng.
- Vâng, rồi các đồng chí sẽ đến với từng đơn vị của anh em
chúng tôi. Nhưng tôi cũng phải phác qua vài nét để các đồng chí hình dung trước
được. Trong tình hình hiện nay, quân đội nhân dân Lào chúng tôi trên cả nước
đương trong hòa bình, lại cũng đương trong tư thế chuẩn bị chiến đấu. Nhiệm vụ
thật phức tạp và nặng nề. Bởi vậy, phải kể đến hai mặt công tác và sự phát triển
của quân đội cách mạng trong tình hình mới. Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng chiến
đấu và chúng tôi cũng ra sức công tác chính trị, xây dựng lực lượng dự bị và
tăng gia sản xuất tự túc. Thành tích sáu tháng đầu năm nay của chúng tôi đã đạt
được những việc đáng kể. Trước nhất, chúng tôi hoàn thành kế hoạch diễn tập chiến
đấu. Chúng tôi giúp các làng, các phố trong vùng đóng quân xây dựng tổ chức
thanh niên, phụ nữ, chúng tôi lập cho xã và khu phố nhiều đại hội dân quân tự vệ.
Đợt tuyển quân đầu năm, thanh niên thành phố xung phong nhập ngũ rất đông, hơn
cả chỉ tiêu cần lấy. Chúng tôi vỡ đất cày ngay trong vùng này thôi, mùa vừa rồi,
thu lúa nương, lúa ruộng được năm mươi hai tấn. Đại hội nào cũng đào ao thả cá,
nuôi trâu bò và lợn gà vượt kế hoạch dự định.
Những con số, những công việc mang ý nghĩa của một quân đội
cách mạng, vừa tiêu biểu tinh thần mới, vừa trở thành sức hút mạnh mẽ đối với
xung quanh.
- Mỗi đơn vị trung đoàn chúng tôi đều là hình ảnh sự họp mặt
của các dân tộc cả nước. Đơn vị nào cũng có thành tích, được nhiều huân chương
đơn vị và cá nhân. Xin mời các đồng chí đến tiểu đoàn 1. Đến đây, có thể thấy
rõ hơn lịch sử chiến đấu của trung đoàn chúng tôi. Trong hai mươi năm, tiểu
đoàn này đã đánh trên ba trăm trận. Tiểu đoàn 1 đã vào Viêng Chăn hoạt động từ
năm 1973 - trước giải phóng hai năm - và bây giờ làm nhiệm vụ bảo vệ Viêng
Chăn. Nó chính là tinh thần Viêng Chăn mới, Viêng Chăn cách mạng.
Doanh trại tiểu đoàn 1 trong một vườn cau chen lẫn những bụi
trúc. Chúng tôi qua các cánh rừng thưa. Có lẽ ở đây gỗ nhiều hơn tre trúc. Cứ
trông nhà cửa thì có thể đoán biết. Các nhà trong làng và doanh trại nhà nào
cũng sàn gỗ vách gỗ tốt đen bóng.
Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn I là Thong Sa-vát và chính trị
viên Luông Chay, cả hai đều rất trẻ, nước da đen cháy. Câu chuyện được kể trong
nét mặt tươi tắn; đôi lúc chợt đăm đăm, mỗi khi các đồng chí nói đến những bước
gian khổ phải vượt qua, những đồng đội đã ngã xuống trong chiến đấu.
- Tiểu đoàn chúng tôi được thành lập ở Sầm Nưa năm 1957. Hồi ấy,
cũng vào giữa mùa mưa như thế này. Có lẽ không đâu trên thế giới có quân đội
cách mạng trải những hoàn cảnh khác thường đặc biệt như quân đội cách mạng Lào.
Chúng tôi đã liên tiếp, lúc cầm súng, lúc ngồi bàn hội nghị, rồi lại cầm súng rồi
lại hội nghị quân sự phối hợp… Hai mươi năm nay trải nhiều cuộc đấu tranh chính
trị, tham dự nhiều chiến dịch lớn, nhưng một điều đặc biệt mà chúng tôi luôn
luôn phấn đấu là lúc nào tiểu đoàn chúng tôi cũng giữ được đủ quân số và trong
tiểu đoàn bao giờ cũng bao gồm thành phần ba dân tộc Lào Lùm, Lào Thênh, Lào Sủng.
Chúng tôi thường nói: tiểu đoàn 1 là nước Lào đoàn kết và chiến đấu, trong bất
kỳ hoàn cảnh nào. Ồ, nói thế thì có vẻ lộ bí mật quân sự, nhưng mà đúng như thế.
Những nụ cười nở trên khuôn mặt đen sạm của những ngày gian
khổ đã qua.
Đúng là câu chuyện trải dài trên hai mươi năm xây dựng và chiến
đấu, lịch sử tiểu đoàn 1 cũng như lịch sử quân đội Lào, khúc khuỷu quanh co
trên con đường sự nghiệp của đất nước tiến tới vinh quang ngày nay của dân tộc.
- Thử thách đầu tiên của chúng tôi thật là lạ lùng. Tiểu đoàn
của chúng tôi vừa thành lập xong, được lệnh vào đóng trong thành phố Luông
Pha-bang năm ấy, theo hiệp định chính trị ký kết với đối phương. Thế là trận
đánh thứ nhất không phải trận đánh bằng súng, mà đó là cuộc vật lộn giằng giựt
người bằng tư tưởng và chính trị. Bấy giờ, trên mặt trận chính trị, cách mạng
đã đấu tranh tiến tới thắng lợi trong một số hiệp định ràng buộc đối phương.
Theo hiệp định, đơn vị chúng tôi được vào đóng trong vùng của đối phương. Thế
là khởi đầu trận đánh không có tiếng súng, nhưng trận đánh đã diễn hết sức quyết
liệt, gay gắt, lay động đến tư tưởng hành động mỗi chiến sĩ và mỗi chiến sĩ bắt
buộc phải đối phó. Không phải chúng tôi chỉ bị quân đội đối phương vây bọc bốn
phía, mà lúc đầu, ở khu giải phóng vào thành phố, hoàn cảnh đổi khác, nhiều cái
hấp dẫn vô cùng đã lôi cuốn người ta. Chúng tôi luôn luôn bị bao trong những âm
mưu, thủ đoạn mua chuộc, những dụ dỗ, những dọa dẫm, những ép buộc, đủ thứ. Đối
phương ngày ngày dùng mọi cách làm tan rã tinh thần đơn vị chúng tôi. Chúng tôi
sống trong cảnh nghẹt thở oái ăm như thế, vừa nửa năm trời. Giữa lúc ấy, tình
hình chính trị lại căng thẳng. Chúng tôi được lệnh tức khắc rời ra vùng giải
phóng. Chúng tôi bí mật rút quân. Ôi, biết bao nhiêu khó khăn. Không có tiếng
súng mà vô cùng vất vả, mà lúc nào cũng lo mất người.
Những lời nói mộc mạc ở những con người mộc mạc - mỗi lời các
đồng chí kể càng làm tôi hiểu biết vô vàn nỗi khó khăn, dằn vặt và thấy được
các chiến sĩ phải hết sức quyết tâm đi đến dứt khoát, mỗi con người mới có thể
giữ được tinh thần chiến sĩ. Tinh thần đó thể hiện bằng một cái lắc đầu, một
thái độ khinh bỉ trước những lời đường mật rủ rê, “ở đây có cơm xôi ngon, có nước
dừa uống, có cô gái xinh, lấy vợ rồi ở nhà, tội gì mà đi đâu…”, “ở đây có chức
tước, làm quan to quan bé, có tiền bạc… Hãy ở lại đây, tội gì mà đi đâu chịu
gian khổ, nước Lào độc lập hay không độc lập thì có khác gì đâu, cũng chẳng sao
mà.”
“Các chiến sĩ đã quay mặt đi. Có thể sắp chóng mặt đến nơi.
Nhưng không thể nghe thêm một lời tỉ tê giết người như thế nữa!
“Đến bây giờ, mỗi lần nhớ lại, còn giật mình. Chúng tôi đã biết
thế nào là cái nguy hiểm của lời đường mật.
“Rồi tình hình đổi khác. Chúng tôi phân tán từng bộ phận, bí
mật về Sầm Nưa. Có chiến sĩ đi lạc, chỉ còn một người chạy trong rừng, nhưng
cũng nhất quyết không trở lại thành phố. Đến cuối năm ấy, tập hợp lại được đủ
các đại đội. Chúng tôi kiểm điểm, tự hào, thấy thế là đã thắng một trận lớn.
Các chiến sĩ trên đường rút quân, cả các chiến sĩ rút lẻ loi, không ai quay lại,
tất cả đều tìm được về nơi tập kết ở Sầm Nưa.
“Từ đấy, chúng tôi thực sự bước vào cuộc sống chiến đấu và từ
đấy tới nay, mười tám năm liền, tiểu đoàn 1 đã có mặt trong hầu hết các chiến dịch
lớn, các chiến dịch giải Hua Mường, Mường Hiềm, Nà Khăng…
“Các đồng chí hỏi những kỉ niệm chiến đấu sâu sắc nhất của
đơn vị? Trước nhất, chúng tôi phải kể đến chiến dịch Phu Cút 1964. Đối với cả
tiểu đoàn, đối với mỗi chiến sĩ, chiến dịch Phu Cút, một thử thách to lớn, cả
chiến dịch là một tấm gương chiến đấu vô cùng dũng cảm. Bảy ngày đêm liền, chúng
tôi và địch giằng giựt nhau từng sườn núi. Cuối cùng, đến khi chúng tôi chiếm
được núi, thì từ trên đỉnh núi trở xuống đã bị bom lở tan hoang và cả rừng cây
bao quanh bị cháy rụi hết. Địch tỏa ra, phản công liên tiếp. Chúng tôi bị lộ giữa
một vùng trơ trụi, tình thế vô cùng bi đát. Nhưng tinh thần hy sinh cực kỳ dũng
cảm của trung đội trưởng Khăm Sinh đã thúc đẩy chúng tôi. Đồng chí Khăm Sinh
lúc ấy đã bị thương gãy bả vai. Nhưng Khăm Sinh nhất định vẫn đứng chỉ huy quân
đội. Khăm Sinh hô trung đội tiến lên, trong khi ấy anh xông thẳng vào họng đại
liên địch. Địch hoàn toàn tan rã, rút chạy thẳng.
“Năm 1961, chúng tôi đánh chiếm Sa-la Phu-khum rồi chuyển
quân đi nơi khác.
“Mười năm sau, năm 1971, chúng tôi trở lại chiếm Sa-la
Phu-khum lần nữa. Lần ấy, đóng hẳn lại. Rồi từ Sa-la Phu-khum chúng tôi tấn
công sang chiếm Ca Xỉ, Văng Viêng, mở rộng địa bàn, hướng mũi tiến vào Viêng
Chăn - tỏ rõ sức mạnh hơn hẳn đối với đối phương.
“Trong khi ấy, một cuộc hiệp thương chính trị mới lại bắt đầu.
“Khí thế quân đội cách mạng bấy giờ rất bồng bột. Đi đến đâu
cũng được nhân dân hết sức giúp đỡ. Nghe tin bộ đội đã về, ai cũng tin tưởng
chiến thắng tới nơi. Các làng xóm mấy năm nay chạy tản cư vào rừng sâu, bây giờ
trở về làng cũ, đón quân đội.
“Nhưng không phải chỉ có dễ dàng chờ đợi chiến thắng đâu.
Nhân dân đã biết rõ ràng như thế, vì trong khi đó, địch vẫn phản công mạnh mẽ.
Nhiều trận đánh quyết liệt xảy ra. Nhưng ai nấy đều không lùi bước. Tinh thần ủng
hộ quân đội cách mạng, đi dân công, đi tải thương, cung cấp cái ăn, cho con em
nhập ngũ, những việc làm vì tinh thần yêu nước cao cả ấy của mọi người càng đem
cho chúng tôi niềm tin toàn thắng đến nơi rồi, và chúng tôi càng hăng hái chiến
đấu.
“Đối phương định phá thế chủ động của ta trong đàm phán.
Nhưng tình thế ngày ấy đã không còn cho phép họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn.
Chúng tôi được nhân dân hết lòng ủng hộ, càng hoạt động ráo riết. Nhiều đơn vị
khác đã tiến sâu vào vùng tạm chiếm với chúng tôi và chỉ một thời gian ngắn,
chúng tôi đã có đầy đủ cơ sở nhân dân, cơ sở du kích võ trang ở cả sáu huyện
xung quanh Viêng Chăn. Chúng tôi đã ở thế bao vây được Viêng Chăn”.
- Có lẽ các đồng chí vào đến ngoại ô Viêng Chăn từ khi hiệp định
chính trị 1973 được ký kết?
- Đúng như thế. Chúng tôi có mặt ở ngoại ô Viêng Chăn lúc ấy,
đầy đủ các ban chỉ huy đại đội. Rồi đầu năm 1973, chúng tôi được lệnh tiến vào
Thủ đô Viêng Chăn làm nhiệm vụ bảo vệ các đồng chí lãnh tụ và cán bộ vào thành
phố thi hành hiệp định.
- Các đồng chí lại vào thành phố?
- Chúng tôi lại vào thành phố như đã vào Luông Pha-bang hơn
mười năm trước.
- Nhưng bây giờ các đồng chí đã có kinh nghiệm đấu tranh
chính trị rồi.
- Vâng, chúng tôi có kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm chiến đấu.
Máu các chiến sĩ tiểu đoàn 1 đổ mười năm qua trên các chiến trường đã dạy chúng
tôi thế nào là người yêu nước chân chính. Chúng tôi vào Viêng Chăn với tinh thần
nhân dân đưa đà cách mạng tiến công vào Viêng Chăn. Ở giữa thành phố chung đụng
với đối phương, chúng tôi đấu tranh ngoan cường như ở ngoài chiến trường. Chúng
tôi giữ vững vị trí, bảo vệ có thành tích mọi công tác của cách mạng trong đấu
tranh chính trị. Chúng tôi đã thắng.
Thế là tiểu đoàn 1 đã ở ngay Viêng Chăn từ đấy cho tới khi
thành lập nước Cộng hòa Nhân dân.
- Từ trong Viêng Chăn, chúng tôi đón các đơn vị bạn vào giải
phóng Thủ đô, đón Đảng và Chính phủ về Thủ đô, thành lập nước Cộng hòa Nhân
dân. Chúng tôi là một trong những đơn vị đầu tiên của quân đội nhân dân Lào được
vinh dự sống trong những ngày đầu Thủ đô giải phóng. Trong những ngày Viêng
Chăn cực kỳ phấn khởi ấy, chúng tôi đi giữa cả vạn nhân dân thành phố xuống đường
hoan nghênh Đảng và Chính phủ. Chúng tôi lại nghĩ lại mười năm trước ở Luông
Pha-bang. Chúng tôi thấy vô cùng tự hào. Lòng tự hào của nhân dân về đất nước độc
lập, tự do, và lòng tự hào của mỗi chiến sĩ đã trưởng thành trong chiến đấu.
°
° °
Tôi đến một đơn vị khác cũng đương bảo vệ Thủ đô - tiểu đoàn
5.
Tiểu đoàn 1 cũng như tiểu đoàn 5 đã giúp chúng tôi hiểu thêm
một sự thật. Các chiến sĩ quân đội cách mạng đã làm nên lịch sử. Ngày nay, lại
những con người làm nên lịch sử ấy đương tham dự mọi công cuộc đổi mới của xã hội
bằng tinh thần chiến sĩ.
Tiểu đoàn 5 khác hẳn tiểu đoàn 1 - một vẻ đặc sắc khác của
quân đội Lào.
Nếu từ ngày thành lập rồi trải qua chiến đấu, lúc nào tiểu
đoàn 1 cũng nung nấu tinh thần tiến vào giải phóng Viêng Chăn, thì tiểu đoàn 5
là một tiểu đoàn quen thuộc riêng của chiến trường rừng núi Bắc Lào.
Chính trị viên tiểu đoàn Bun Lợt tiếp chúng tôi. Tiếng nói
anh nhỏ nhẹ và nét mặt dịu hiền xa xôi như lúc nào cũng thấy lại thoáng bóng
núi rừng.
Thật vậy, cả một chuỗi thời gian mười năm dài dặc từ 1962 tới
1972, nhiều đơn vị tác chiến khác đã tham dự các trận đánh vang dội khắp nước
Lào, từ Xiêng Khoảng xuống A-tô-pơ miền Nam, trong khi ấy, tiểu đoàn 5, một
trong những đơn vị chủ lực của căn cứ địa cách mạng, phụ trách bảo vệ và chiến
đấu trong phạm vi các tỉnh Bắc Lào. Nhiệm vụ chính của đơn vị là phòng phỉ, tiễu
phỉ, vận động quần chúng xây dựng cơ sở, năm này qua năm khác, từ các vùng dân
tộc Dao, dân tộc H’mông, suốt từ Hua Phần sang Phong Sa Lỳ.
Đến giữa năm 1972, cách mạng Lào có chuyển biến lớn, cả nước
tiến quân xốc tới. Lần đầu tiên, tiểu đoàn 5 được lệnh rời Sầm Nưa, vượt Xiêng
Khoảng, ra Sa-la Phu-khum đánh chiếm Văng Viêng rồi chốt ngay địa bàn ấy, sửa
soạn bàn đạp cho các đơn vị chuẩn bị vào bao vây Viêng Chăn.
Tháng 5 năm 1975, cùng các đơn vị bạn, tiểu đoàn 5 tiến vào
Viêng Chăn, giải phóng thành phố Thủ đô.
Tình hình những ngày đầu giải phóng còn hết sức phức tạp. Một
số trong bọn phản động chạy sang Thái Lan bên kia sông, mưu trở lại quấy rối và
thực sự chúng đã hoạt động quấy rối.
Tiểu đoàn 5 được làm nhiệm vụ trấn một mặt thành phố trông ra
sông Mê Kông. Xưa kia, trấn giữ căn cứ địa cách mạng cả nước, bây giờ bảo vệ Thủ
đô cả nước, vẫn nhiệm vụ ấy. Chiến công đầu tiên của tiểu đoàn 5 trong nhiệm vụ
bảo vệ Thủ đô: bắn đắm một giang thuyền của bọn phản động toan đổ bộ chiếm đảo
Đon Tằm ngay trước mặt Viêng Chăn.
Tuy nhiên, chúng vẫn chưa từ bỏ những mưu đồ trắng trợn.
Tháng 4 năm 1977 - mới năm ngoái đây thôi, bọn phản động Lào ẩn
náu bên Thái Lan, được đế quốc Mỹ giúp, đã táo tợn đổ bộ vào đảo Xiềng Xụ và đảo
Đon Tằm ngay hai đầu thành phố Viêng Chăn. Có cả máy bay T.28 trợ lực.
Tiểu đoàn 5 được lệnh tiêu diệt chúng.
Chỉ trong một đêm, mà thật sự chỉ có ba mươi phút chiến đấu
lúc tờ mờ sáng, các chiến sĩ vừa bắn pháo, vừa xung phong đổ bộ, đánh tan bọn
phản động trên cả hai đảo.
Địch bỏ chạy, không kịp cưỡng bức người theo.
Từ bấy đến giờ, không thấy chúng nho nhoe trở lại nữa.
Kể đến thành tích chiến đấu của tiểu đoàn, chính trị viên Bun
Lợt cười và nói một cách tự nhiên:
- Ngày trước, chúng tôi giúp dân và tiễu phỉ trên biên giới,
bây giờ công tác của chúng tôi ở thành phố cũng vẫn như ở vùng biên giới thôi.
Công việc ngày trước cũng như bây giờ, chúng tôi cũng ở với nhân dân, cùng nhân
dân làm mọi việc, trước nhất là tổ chức dân quân tự vệ cho từng địa phương, từng
xã. Vì nhận thức được nhiệm vụ như vậy và làm như vậy, chúng tôi tới đâu cũng
được nhân dân thương mến, coi như con em trong nhà. Nhân dân đã tìm và phát động
những người giữ súng, thu được hơn một trăm khẩu súng của lính ngụy bỏ lại, đem
đến đưa cho bộ đội. Ở Viêng Chăn nhưng chúng tôi vẫn luôn luôn nhớ khi ở chiến
khu trong rừng núi. Chúng tôi giữ vững lòng tin chúng tôi là quân đội của nhân
dân.
Bộ đội của nhân dân. Những chữ quen thuộc đến tha thiết ấy
nói về quân đội nhân dân Lào thật không gì thấm thía hơn thấy trong thực tế
công việc hàng ngày của mỗi chiến sĩ. Tôi càng hiểu sâu được ý nghĩa đó, như
hôm đến nông trường Nọng Thà của quân đội. Thật nhịp nhàng một cách tự nhiên thấy
được thế nào là bộ đội đánh giặc, bộ đội giúp dân giữ làng, bộ đội cày cấy,
nuôi trâu, nuôi gà tự túc. Các chiến sĩ làm việc đêm ngày, hôm qua cầm súng,
hôm nay đi vớt bèo chăn lợn. Máy móc phương tiện hiện đại chưa có mấy, nhưng
tinh thần và sự xốc vác đã tạo nên những thắng lợi bước đầu, bước quyết định.
Chỉ hơn một năm, nông trường Nọng Thà đã nuôi được ngót nghìn lợn, có cả lợn và
có gà vịt, có trứng bán ra ngoài chợ.
Đến với tiểu đoàn 1, tiểu đoàn 5 hay đến với nông trường Nọng
Thà, đâu cũng tỏ rõ một tinh thần: tinh thần vì đất nước xốc vác công việc.
Quân đội trong mọi công tác cách mạng đương là tấm gương tinh
thần cho tuổi trẻ khắp nước noi theo.
Trong những ngày đi đến với các đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ
Viêng Chăn, tôi đã được tới một đơn vị đặc biệt: đại đội nữ pháo binh của quân
đội nhân dân Lào.
Đại đội nữ pháo binh. Không phải một đơn vị bình thường, mà
có thể thế giới có một không hai, trong những đơn vị và chiến sĩ giải phóng. Từ
những năm còn chiến đấu ở khu giải phóng Sầm Nưa cho tới nay, đã có tới hơn bốn
mươi đoàn khách nước ngoài đến thăm đại đội.
Một đại đội nữ của binh chủng pháo đã trải mười tám năm oanh
liệt chiến đấu. Trong quân đội cách mạng của sự nghiệp giải phóng của nhiều dân
tộc trên thế giới, đại đội pháo binh nữ Lào là một hiện tượng đặc sắc và hiếm
quý. Đại đội pháo binh nữ của quân đội nhân dân Lào.
Đối với chính nước Lào, lại càng đặc biệt. Từ nước Lào phong
kiến với hình ảnh xưa cũ, những cô gái chỉ biết ngồi quay sợi trên nhà sàn, những
cô gái chỉ biết kính cẩn dâng hoa, nhấc tảng đá thiêng trước bàn thờ Phật, đến
những bước phát triển của nước Lào cách mạng, có những chiến sĩ nữ cầm súng như
nam giới. Câu chuyện hình thành đơn vị nữ pháo binh đã công phu, đã sâu sắc như
quá trình đặc biệt của cách mạng Lào.
Bua Khăm, người nữ chiến sĩ đã nhập ngũ và chiến đấu ở đại đội
pháo binh nữ từ những ngày đầu đã kể rằng đại đội pháo binh nữ được thành lập
trong một cánh rừng ở Xiêng Khoảng. Khi ấy, Bua Khăm mới là một đội viên. Bây
giờ Bua Khăm là đại đội trưởng của đại đội pháo binh nữ ấy.
Bua Khăm đã lập gia đình và mới sinh một bé gái đầu lòng năm
ngoái. Đồng chí nữ đại đội trưởng áo hồng váy thêu - như váy áo thường thấy của
một cô gái trong làng. Nhưng đôi mắt sắc nét, mặt linh lợi, quả quyết với một vẻ
hiên ngang và tự tin của người chiến sĩ ròng rã gần mười năm vào sinh ra tử
hàng trăm trận đánh - mà trận đánh mới nhất, mới tháng Tư năm ngoái, ở ngày
trên bờ sông Mê Kông này - trận đại đội pháo binh nữ phối hợp với tiểu đoàn 5,
giải phóng Xiềng Xụ và đảo Đon Tằm.
Đại đội trưởng Bua Khăm kể:
- Đại đội chúng tôi được thành lập ngày 3 tháng 7 năm 1969 ở
Xiêng Khoảng. Những trận đầu tiên tấn công địch của đại đội chúng tôi đã xảy ra
ở những vùng núi tranh, những cánh đồng Xiêng Khoảng. Trận thứ nhất chúng tôi
tham dự mà tôi còn nhớ mãi là trận tấn công tiêu diệt vị trí Phù Đóc May - Phù
Đóc May nghĩa là núi Hoa, cái tên núi thật xinh đẹp, thế mà địch đã xây vị trí
trên núi ấy rất kiên cố.
Biết bao nhiêu khó khăn và bỡ ngỡ của trận đầu.
“Nhưng chúng tôi biết rằng trận đầu ra quân nhất định phải
đánh thắng và trận thắng đầu tiên sẽ tạo được tinh thần và quyết tâm tiêu diệt
địch, mở ra được nền nếp xây dựng truyền thống đơn vị. Thật vô cùng gian khổ.
Chúng tôi tháo đại bác 72, khiêng từng mảnh, từng bộ phận, khiêng từng quả đạn
vào tới vị trí mới lắp lại. Có nơi phải leo nửa ngày đường mới tới chỗ đắp nền
đặt được súng. Thế mà vượt được hết và chúng tôi đến vị trí tập kết đúng giờ
quy định. Chúng tôi bắn trong ba mươi phút rồi thực hiện hợp đồng tác chiến,
chúng tôi cùng bộ binh xung phong vào tiêu diệt hoàn toàn đồn địch, bắt sống được
nhiều tù binh.
“Quả nhiên, trận đầu đánh thắng ấy đã kích thích mạnh mẽ tinh
thần chúng tôi. Chống máy bay, chống pháo địch, không sợ gì hết. Có hôm, ban
ngày hành quân qua đồi tranh, bị máy bay địch phát hiện, chúng tôi tập trung lại,
bắn đuổi được một tốp máy bay địch, rồi di chuyển nhanh. Đến khi chúng trở lại
đông hơn, hùng hổ hơn, chúng ném bom, bắn loạn xạ xuống vùng đồi hoang. Chúng
tôi đã đi xa rồi.
“Chúng tôi tham dự chiến dịch Phu Biềng rồi lại đi mở chiến dịch
Phu Phà Tẹc. Suốt chiến dịch Phu Phà Tẹc là mùa mưa. Rừng núi ướt như người, mà
thiếu thốn tất cả, đến nỗi quần áo thay cũng đã ướt sẵn. Nhưng chúng tôi hành
quân chiến đấu, có khi đi hàng tuần rồi đánh liền một trận hai ngày ròng rã, có
lần tiêu diệt đồn địch có công sự ngầm đến bảy thước.
“Trên mặt trận Luông Pha-bang, ta mở chiến dịch giải phóng Xiềng
Ngần rồi Xiềng Ngần được giải phóng. Đại đội nữ pháo binh chúng tôi được lệnh
ban chỉ huy mặt trận phái vào công tác tuyên truyền nhân dân trong thị trấn mới
giải phóng. Hôm đầu tiên tiến vào, người các làng các phố ra đón, ra xem đông
nghịt. Thấy bộ đội toàn đàn bà, họ nhìn rất tò mò. Nhưng rồi không nhà nào cho
chúng tôi được lên nhà. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau, cười. Đã hiểu vì sao.
Chúng tôi căng bạt ngủ ngoài trời và mắc võng dưới sàn. Chúng tôi biết ở các
vùng tạm chiếm sâu, nhân dân còn nặng mê tín. Họ sợ đàn bà lạ đường đột vào
nhà, là điềm đem đến cho gia đình những điều không tốt lành.
“Sáng hôm sau, có đông trẻ em đến xem bộ đội giải phóng.
Chúng tôi vẫy tay tập hợp các em. Trẻ con thân thiết ngay với bộ đội. Chúng tôi
dạy các em hát những bài ca cách mạng. Chúng tôi đưa các em ra suối rửa mặt, tắm
sạch sẽ. Rồi cắt móng tay gọn ghẽ cho các em. Rồi áo em nào rách chúng tôi lấy
kim chỉ ra vá, đính khuy tươm tất. Tiếng hát ríu rít vang xa. Chẳng mấy lúc, trẻ
em đến càng đông.
“Buổi chiều hôm ấy, chúng tôi đã tổ chức được một cuộc mít
tinh nhân dân trong xóm.
“Đồng chí đại đội trưởng lên nói chuyện. Chị mặc quân phục, đội
mũ lưỡi trai, đeo súng ngắn.
“Bà con vừa ngạc nhiên vừa kính phục, đứng nghe từ đầu đến cuối.
Đồng chí ấy nói chuyện cho bà con biết đế quốc Mỹ là kẻ thù của nhân dân Lào,
chúng rất nham hiểm, chuyên đi xúi giục người Lào đánh người Lào. Muốn thắng được
đế quốc Mỹ, nhân dân Lào phải một lòng đoàn kết, trung thành với cách mạng, quyết
tâm đánh Mỹ và bọn tay sai bán nước.
“Chưa bao giờ ở đây có đám mít tinh đông thế, lại thấy bộ đội
nữ lên nói trước mọi người giỏi như thế, hay như thế. Tối hôm ấy, chị em chúng
tôi được mời tất cả lên nhà nghỉ, nhà nào cũng đến mời.
“Rồi chúng tôi đi khắp các phố trong thị trấn và xung quanh.
Chúng tôi vận động nhân dân thành lập các ủy ban địa phương, tìm người tốt ra tổ
chức các đoàn thể thanh niên nam nữ. Nhân dân rất hoan nghênh và vẫn chưa ngớt
lạ lùng, làm sao mà lại có những người con gái công tác cách mạng được tài giỏi
thế, đã cầm súng giết giặc được lại biết làm cán bộ chẳng khác nam giới.
“Đêm hôm chúng tôi rời Xiềng Ngần, nhiều nhà có con gái đã
đưa đến cho con đi với chúng tôi làm bộ đội. Chúng tôi chỉ nhận có ba mươi người.
Có cô cứ nằng nặc đi theo, đòi được đi, chúng tôi phải nhận thêm.
“Chúng tôi được lệnh tham gia chiến dịch mới.Vùng chiến đấu của
chúng tôi bây giờ ra đến tận Sa-la Phu-khum trên đường tiến vào Viêng Chăn.
“Từ Khang Phay ra Sa-la Phu-khum, đi mười ngày đêm liền. Vai
vác đạn và các bộ phận của đại bác tháo rời cùng với những bao gạo đủ ăn cả
tháng. Chúng tôi tranh thủ chỉ đi trong rừng sâu, tránh đường cái và làng xóm.
Thời kỳ ấy các chiến dịch của ta mở ra càng ngày càng lớn, trong khí thế cách mạng
tiến về Viêng Chăn. Đế quốc Mỹ điên cuồng đánh đòn liều. Dưới làn mưa tầm tã,
máy bay B.52 từng loạt rải bom suốt ngày đêm vào các làng ven đường, vào rừng,
và trên khắp các sông suối. Chúng tôi vẫn động viên nhau hăng hái tiến vào mặt
trận.
“Địch dàn quân chặn ở Sa-la Phu-khum, có cả xe tăng. Chúng
tôi đưa đại bác luồn vào phía sau vị trí của địch. Chập tối, vừa hành quân qua
đường cái lớn thì xe địch vận động tới. Đồi cỏ tranh trông trênh, chúng tôi
không kịp đi tiếp, sợ lộ. Chúng tôi nằm phục xuống đồi cỏ. Xe địch mở đèn sáng
loáng và cứ thế chúng đi qua, không biết gì hết.
“Chúng tôi tiến sâu vào nữa, đến một nơi sườn núi dốc toàn
đá. Trèo một quãng cao, rồi nhìn lên, thấy vị trí địch vẫn lồ lộ trên đầu. Lại
khiêng súng trèo nữa. Tìm mãi, được một mép núi có vị trí cao hơn chỗ địch đóng
quân bên kia. Chúng tôi dừng lại, đào công sự, cắt một tổ canh ngoài đề phòng địch
tấn công bất ngờ.
“Chúng tôi đợi giờ nổ súng.
“Tôi còn nhớ hôm ấy ngày 22 tháng 2 năm 1973, chờ cả đêm, lại
chờ một ngày nữa. Đến sáu giờ chiều hôm ấy, khắp các mặt trận, một lượt nổ
súng.
“Chúng tôi đánh suốt đêm và cả ngày hôm sau. Các binh chủng
hiệp đồng chiến đấu đã tiêu diệt được tất cả các vị trí đóng quân của địch, bắt
nhiều tù binh, bắt được cả ba chiếc xe tăng.
“Chúng tôi nhận nhiệm vụ giải phóng một số tù binh về hậu
phương. Chúng nó cứ vừa đi vừa khóc, vừa van lạy. Chúng nó kể: Con đã được nghe
người ta nói cách mạng có lính đàn bà, đi trận gặp lính đàn bà thì phải buộc
cái váy hay buộc tóc vào súng, các bà ấy bắn sẽ không trúng được mình. Nhưng
con không tin có lính đàn bà, không ngờ hôm nay lại gặp các bà. Có đứa mếu máo
nói: Nếu biết bên cách mạng có các bà ở trận này chúng con không dám đánh,
chúng con phải chạy đã lâu rồi.
“Chiến dịch này kéo dài hơn ba tháng. Bom B.52 Mỹ thả ngày
càng liên miên, dữ dội.
“Nhưng cuộc chiến vẫn tiếp diễn.
“Trận sau cùng là trận Mường Xủi. Chúng tôi đánh tiêu diệt
hai tiểu đoàn lính dù Thái sang giúp đỡ bọn phản động.
“Ban chỉ huy mặt trận ra lệnh:
- Các đồng chí pháo binh phải tiêu diệt chúng nó ngay tức khắc.
Nếu trận đánh của các đồng chí kéo dài quá nửa giờ, các đồng chí phải chịu kỷ
luật.
- Làm thế nào, chúng tôi có một đại đội mà đánh được cả tiểu
đoàn chúng nó?
- Chúng nó mới xuống dù, chúng ta bất ngờ đánh ngay, nhất định
được.
“Thế là chúng tôi đợi đánh quân dù.
“Quả nhiên vậy, địch xuống dù bối rối, loạn xạ, hàng trăm đứa
đông như kiến, ngay trước mắt chúng tôi. Có chỗ chỉ cách nơi chúng xuống dù độ
trăm thước.
“Chúng tôi lập tức nổ súng, triển khai tất cả các khẩu đội. Địch
hốt hoảng không kịp chống đỡ. Thế là chúng nó tan chạy. Các trận địa của các
đơn vị khác, đâu cũng bắt được tù binh lạc đến.
“Đại đội nữ pháo binh được huân chương anh dũng hạng nhất về
trận chiến thắng đấy.
“Tháng 7 năm 1975, đại đội chúng tôi tới Sa-la Phu-khum chuẩn
bị vào giải phóng Viêng Chăn.
“Trước kia, chúng tôi đã đánh địch ở Sa-la Phu-khum, bây giờ
có dịp trở lại. Chúng tôi vào các làng bản đã từng quen, bà con ai nấy mừng rỡ:
bộ đội cách mạng khỏe thế này, bộ đội nữ vẫn đông vui thế này, nhất định lần
này ta giải phóng Viêng Chăn.
“Sang tháng Tám, chúng tôi được lệnh tiến vào Viêng Chăn.
Nhưng chúng tôi thực hiện kế hoạch chậm mất một ngày. Chẳng phải vì khó khăn
gì, mà chỉ bởi nhân dân ở Sa-la Phu-khum và Ca Xỉ, mọi người biết tin bộ đội tiến
quân, cả mấy làng kéo đến tiễn. Thế nào mà lễ tiễn đưa thành cuộc vui hát múa một
đêm một ngày rồi mới được đi.
“Sau đó, chúng tôi vào Viêng Chăn và đóng quân ở đây từ ngày ấy.”
Khách đến thăm đơn vị, thoạt đầu, chắc không ai có thể nghĩ
chỗ này là doanh trại bộ đội.
Cứ tưởng như một xóm ngoại ô quen thuộc mà ta thường gặp bốn
phía thành phố. Những bụi trúc lá xanh ngăn ngắt chen lẫn đám cây rừng mọc xô bồ
tự nhiên. Bên kia, một vườn xoài cạnh một dãy cây mạy sắc - cây tếch, hoa vàng
phơi phới trên nóc lá. Bên trái, một dãy chuồng lợn. Tiếng gà mẹ túc túc gọi
đàn con ra kiếm ăn trên bờ ao cá.
Một chiếc máy bay lên thẳng của không quân Lào bay qua. Những
con ngỗng nghe thấy tiếng máy bay trên trời lại thấy khách lạ đi tới, cứ nghếch
lên kêu quắc quắc từng tiếng. Ngoài vườn, ruộng lúa đã cứng cây, xanh mởn.
Trước cửa mỗi nhà, những cái váy gấu đỏ sậm, những chiếc áo hồng,
áo xanh phơi trên sào. Cạnh đấy, xúm quanh vòi nước, ríu rít tiếng trẻ con tắm.
Các cô tóc buông, tóc tết, nét mặt hiền hậu, tha thướt, lặng lẽ vào ra những
căn nhà vách gỗ, cửa sổ vuông gọn.
Nếu không trông thấy thỉnh thoảng có một chiếc xe tải cỡ lớn
qua cổng doanh trại đến đỗ trước sân, một lái xe nữ mặc quân phục xanh lá cây,
đội mũ lưỡi trai bóng nhoáng, mái tóc trễ ngang gáy, nhanh nhẹn bước ra khỏi ca
bin, vẫn ngỡ đây đương trong xóm, trong làng, chứ không phải doanh trại.
Đại đội trưởng Bua Khăm mỉm cười, kể tiếp:
- Trận đánh mới nhất của đại đội chúng tôi là tháng Tư năm
ngoái đây thôi. Trận đánh chiếm lại đảo Xiềng Xụ, đội nữ pháo binh chúng tôi được
tham chiến, phối hợp với tiểu đoàn 5.
Thế mà doanh trại cứ êm ả như trong làng. Chị em ở đây chẳng
khác chị em ngồi khung cửi có guồng sợi dưới nhà sàn, khi ta đến bất cứ làng
nào.
Vẫn những chị em đó. Nhưng nét truyền thống và cái mới đã hòa
hợp trong một tinh thần người phụ nữ Lào. Người phụ nữ Lào đã thay đổi cuộc sống
mòn mỏi cũ mà đại đội pháo binh nữ là một tiêu biểu sức mạnh và tinh thần kiên
cường của chị em. Sức mạnh của cái mới phát huy trên truyền thống dân tộc tuyệt
vời nền nã, yêu thương, như người xưa mà cũng rất hiện đại.
°
° °
Những con người dũng cảm của đất nước và của dân tộc - những
nhân tố quyết định con người mới Lào. Phong trào cách mạng và tinh thần mới
đương rầm rộ khắp nước. Không phải chúng ta chỉ thấy ở Viêng Xay, trung tâm kháng
chiến Lào, và ở các khu giải phóng đã biến đổi trong quá trình cách mạng từ ba
mươi năm nay và cũng không phải chỉ có ở Viêng Chăn đương đổi mới mà trên khắp
đất nước Lào.
Đến các đơn vị quân đội, tôi đã đến với các chiến sĩ, bởi vì
hơn đâu hết, ở đâu có bộ đội, ở đấy bộc lộ sức sống phát huy tinh thần mới, ở đấy,
trong tình cảnh thắm thiết quân dân, thấy được sức mạnh vĩ đại của dân tộc Lào
anh em.
Tiểu đoàn 2 anh hùng không ở những doanh trại vườn cây quanh
Thủ đô của các đơn vị bảo vệ thành phố. Tiểu đoàn 2 vẫn như trong thời chiến,
có nhiệm vụ cơ động trên mọi miền đất nước. Trong chiến đấu chống Mỹ, tiểu đoàn
2 đã hành quân chiến đấu suốt năm suốt tháng ròng rã từ Nam Lào trên cao nguyên
Bô-la-vên lên đến Luông Nậm Thà biên giới phía Bắc. Bây giờ, nơi trú quân của
tiểu đoàn 2 cũng như trên đường hành quân của đơn vị, vẫn nguyên hình ảnh những
ngày tháng chiến đấu ở khu giải phóng. Tất cả đã trở thành kỷ niệm và truyền thống
rèn luyện của tiểu đoàn.
Tiểu đoàn trưởng Khăm Phăn ba mươi tám tuổi, quê ở Nam Pắc Xế.
- Tiểu đoàn 2 chúng tôi chưa khi nào được nghỉ trọn vẹn một
tháng. Cả khi trú quân cũng là lúc sẵn sàng nhiệm vụ đột xuất, sẵn sàng lên đường.
Tiểu đoàn 2! Tiểu đoàn 2! Ba chữ “Tiểu đoàn 2” đã gắn liền với
lịch sử chiến đấu quân sự của cách mạng Lào từ ba mươi năm nay mà Thao Tu, nhà
quân sự tài năng đã là tiểu đoàn trưởng đầu tiên, làm cho tiểu đoàn 2 nổi tiếng
khắp nước. Tiểu đoàn trưởng Thao Tu chỉ huy đánh phá vòng vây địch giữa Cánh đồng
Chum, đưa tiểu đoàn 2 tiến về khu giải phóng.
Tiểu đoàn 2 đã có mặt trên các chiến dịch khắp nước.
Cả nước và khắp nơi, một thời, những bản tin, những tín điện,
những tờ báo lớn trên thế giới, mỗi khi nói đến chiến trường Lào chống đế quốc
Mỹ, nghe thật quen những tên chiến dịch đã xảy ra ở Phu Cút, Mường Ngăm, Cánh đồng
Chum, Mường Sủi, Long Chẹng, Mường Ca Xỉ, Sa-la Phu-khum… Những tên bình thường,
những sa la ở ngã ba đường, ở đầu suối, một mường giữa cánh đồng, đã được tiểu
đoàn 2 đưa vào lịch sử rực rỡ thành tích của quân đội và nhân dân Lào. Những
cái tên xa xôi mà thân thiết đã in khắp trên mình tiểu đoàn với những chiến
công chói lọi, hầu như suốt cả cuộc đời chiến đấu của đơn vị, lúc nào cũng nghe
quấn quít trở đi trở lại.
Chính trị viên tiểu đoàn Vi Lay đã đưa tôi đi khắp cả một
vùng, những nơi tiểu đoàn trú quân. Tôi có một dịp tốt đẹp thấy được ý nghĩa lịch
sử và thiêng liêng, tinh thần quân đội cách mạng từ nhân dân mà ra và sống
trong đùm bọc, che chở của nhân dân, trong chiến thắng hôm nay cũng như trải
bao gian nguy, từ những ngày cách mạng còn trong trứng nước.
Những cánh rừng thưa, những nương lúa trổ xanh ngát và những
ruộng dâu cây cao, mới nhìn tưởng như những cây dại. Những cây dâu ở Lào mà Việt
Nam cũng có, nhưng cây dâu trên đất Lào to lớn hơn nhiều. Những cây đề lực lưỡng,
những cây me, những lá bàng, lá đại mập mạp trong những trận mưa cứ chốc lại đổ
xuống, chốc lại nắng, rồi lại mưa, mưa tưới cho cây mỗi lúc một phổng phao hơn
nữa, xanh tốt hơn nữa.
Một con suối chảy vòng dưới chân núi, nước mưa mới còn đỏ ngầu.
Ngoài đầu làng, xúm xít mấy em bé và mấy chị kéo vó trong mưa.
Chính trị viên tiểu đoàn Vi Lay nói:
- Chúng ta đương đi theo suối Son.
- Ồ, đây là suối Son!
- Vâng, suối Son trước kia là một vùng tạm chiếm sâu, bị kìm
kẹp bốn phía, thế mà lúc nào ở suối Son cũng có cơ sở cách mạng. Trong những thời
kỳ đấu tranh chính trị trước đây, mỗi lần có người của ta vào Viêng Chăn dự hội
nghị hiệp thương với các phe phái chống đối, bao giờ các cơ sở cách mạng của ta
ở suối Son cũng bí mật tổ chức người theo để bảo vệ.
- A,…
- Cách đây mười tám năm, bọn phản động theo lệnh đế quốc Mỹ
phá hoại hiệp định. Chính phủ liên hiệp bị tan vỡ. Chúng đã trắng trợn bắt giam
đồng chí Xu-pha-nu-vông và nhiều đồng chí lãnh đạo khác của cách mạng hơn một
năm trời ở nhà giam Phôn Kèn. Rồi, những người lính gác trại giam được giác ngộ,
đã đưa được tất cả các đồng chí vượt ngục ra vùng tự do. Trải bao nhiêu gian
nguy, sáu tháng ròng rã, lọt qua hết vòng vây địch, ra tới được khu giải phóng.
Nhưng mở đầu cuộc đi vô cùng vất vả ấy, nơi trú chân đầu tiên để chuẩn bị kế hoạch
ra khỏi khu giải phóng, chính là ở suối Son này.
Tôi đã đến quãng suối Son mà mười tám năm trước, Chủ tịch
Xu-pha-nu-vông và các đồng chí sau khi vượt ngục Phôn Kèn ở Viêng Chăn ra, đã ở
với cơ sở cách mạng ở đây suốt một tuần lễ để sửa soạn vượt vùng địch ra khu giải
phóng.
Suối Son đến đây thành thác nước đổ xuống một quãng rừng
thưa, gồ ghề những tảng đá lớn trải ngang mặt suối tuôn rào rào, như lúc nào
cũng đương có cơn mưa lớn giữa rừng.
Các đồng chí cùng đi với tôi hôm nay kể chuyện hồi ấy đương
mùa khô, nước suối Son kiệt dòng, chỉ còn róc rách trong khe đá. Mùa mưa và mùa
khô ở Lào hoàn toàn trái ngược nhau. Đến mùa khô, sông suối hết nước, cả đến
sông lớn Mê Kông nước cũng có khúc lội bộ qua được.
Trên quãng giữa suối, những tảng đá chồng nhau mở ra ngay bên
bờ một cửa hang lớn có thành mái che. Đồng chí Xu-pha-nu-vông và các đồng chí
cùng vượt ngục đã nghỉ trong hang ấy. Thật kỳ lạ, ngay từ gà gáy đêm hôm các đồng
chí thoát khỏi nhà giam Phôn Kèn, địch huy động quân đi lùng, bao vây từ các ngả
quanh Viêng Chăn, suốt đến mấy tỉnh bên cạnh, phía Bắc và cả phía Nam, đều
trong vòng kiểm soát của chúng. Vùng suối Son nằm lọt trong vòng vây ép dữ dội.
Nhưng ở trong hang đá suối Son, các đồng chí đã được nhân dân
đưa cơm nước và sửa soạn cho mọi thứ để đi đường. Những đôi dép nhẹ, quần áo,
lương ăn, và cơ sở cách mạng chọn người đưa đường tin cẩn, chọn người đi bắt
liên lạc với quân giải phóng về đón, thật tỉ mỉ, thật chi tiết. Trước khi chia
tay, cả mấy xóm xung quanh suối Son đã kéo vào rừng. Một lễ ba xỉ, lễ buộc chỉ
vào cổ tay chúc tốt lành long trọng và thân thiết đã được tổ chức ngay bên suối.
Mỗi người đến đều nâng tay các đồng chí lãnh đạo và đều buộc một sợi chỉ mới lấy
ở guồng sợi trên sàn đem xuống buộc tay các đồng chí cách mạng yêu quý của đất
nước. Các bà, các chị, khăn lễ màu vàng sẫm vắt ngang vai, kính cẩn cúi buộc chỉ,
nói những lời chúc kính cẩn như đọc kinh. Chúc cho đi đường bình yên. Chúc cách
mạng thắng lợi. Rồi, ngay trong rừng sâu, trước hang đá bên dòng suối Son, những
vòng múa lăm vông với rượu tiễn, với bao lưu luyến đến quá nửa đêm mới có thể
bước chân đi. Quang cảnh bất ngờ không thể tưởng tượng đã diễn ra trong vòng
lùng sục ngặt nghèo của địch.
Hôm thăm suối Son rồi trở lại Viêng Chăn, tôi có dịp được gặp
đồng chí Chủ tịch Xu-pha-nu-vông. Trong câu chuyện thân mật, khi chúng tôi nói
chúng tôi vừa ở suối Son về, đồng chí Chủ tịch ngồi im như lặng nhớ lại những
ngày cũ. Rồi đồng chí nói: Những ngày ấy đối với tôi là những ghi nhớ sâu sắc
mãi mãi trong đời, bởi vì tôi đã thấy được ở suối Son tình cảm và hành động của
nhân dân đối với cách mạng và thấy được thật sự cuộc cách mạng mà Đảng Nhân dân
Cách mạng Lào đương tiến hành là của nhân dân, có nhân dân mới có cách mạng, có
sự nghiệp của cách mạng.
Trên các tảng đá, trong tiếng nước chảy, hoa rừng bờ suối Son
nở vàng hây bốn phía.
Tôi đang đứng giữa vô vàn những tưởng tượng ra cảnh thân
thương của người cách mạng với nhân dân trong vòng vây trùng điệp của đế quốc,
với bao gian khổ ngày ấy. Cuộc cách mạng của nhân dân Lào đã bắt sâu trong lòng
và trong tình cảm con người đến như thế, rõ ràng ngày thắng lợi hôm nay đã được
cắt nghĩa từ thuở ấy, trong tin tưởng mãnh liệt và hồn nhiên như sự sống của
con người.
Ở suối Son ra, tôi qua một xóm. Từ lúc nghe câu chuyện tình cảm
của nhân dân đối với cách mạng, mỗi lúc trông thấy một nếp nhà, tôi lại tưởng
như thấy lại câu chuyện tiễn đưa giữa rừng của bà con trong xóm còn như mới hôm
qua.
Xóm ấy là xóm Nà Nhàng - như tên mọi làng êm đềm trên các
cánh đồng nước Lào. Vào qua xóm cũng thấy như vậy. Một gốc me, một gốc đề cổ thụ,
những chiếc thang lên nhà gỗ tốt đã đen bóng. Một cái chum nhỏ đựng nước mưa kề
ngay dưới mái hiên đầu thang, có đậy vung cẩn thận, chiếc gáo dừa treo đầu cột.
Trong khung cửa sổ nhỏ giữa vách, một cô gái áo hồng đương mang những tấm áo đệm
hoa phơi lên thành cửa, lơ đãng nhìn khách qua đường. Tôi nhìn tất cả với một
tình cảm thắm thiết. Nơi này và những người làng hiền hậu ấy đã rất cách mạng
và làm cách mạng từ trong những ngày gian khổ.
Một đám những cô gái kéo vó bên bờ suối. Một bà già trong xóm
bước ra. Một người trông thấy các đồng chí bộ đội, gọi to:
- Đồng chí Khăm Phăn!
- Đồng chí Vi Lay!
Mặc dầu còn phải ra khỏi quãng đường lầy giữa rừng trước lúc
trời tối, chúng tôi không thể từ chối được những lời mời ân cần. Chúng tôi ghé
vào xóm Nà Nhàng.
Cả xóm tíu tít ra mời bộ đội và khách xa lên ngôi nhà ngay đầu
xóm. Chẳng mấy lúc, các bà các chị ở những xóm xung quanh đã đến ngồi kín góc
sàn đằng kia. Và mỗi lúc một đông hơn. Khách lạ, nhưng các đồng chí bộ đội thì
đã qua lại luôn, như người nhà. Điều rất vui là nghe nói khách xa từ Việt Nam tới,
những người vừa bước lên thang gác mới tới đã hớn hở nói: Việt Nam! Việt Nam à…
Một cụ già nói với chúng tôi:
- Hôm nay có đám cưới ở làng trong nên người xóm này đi vắng
nhiều, nếu không còn đông nữa.
Cái sàn nhà khách đã chật người, mà chốc lại có người lên
thêm.
Một lát, mấy cô gái váy áo mới đã bưng lên những quả dừa mọng
nước, chặt núm chặt đuôi, bày giữa nhà. Lại mang ra chiếc mâm bồng xinh xinh,
trên đặt những bó hoa chăm-pa - hoa dại, hoa cúc vạn thọ, và những quả trứng gà
vừa luộc, còn bốc khói.
- Có bộ đội Lào và khách quý Việt Nam đến chơi, xóm Nà Nhàng
xin chúc hai dân tộc Lào - Việt muôn năm, xin chúc khách đi đường mạnh khỏe.
Thế là lễ ba xỉ bắt đầu.
Tôi không thể tưởng tôi lại được hưởng cái vui sướng lạ lùng ấy.
Vừa nãy, nghe kể chuyện lễ ba xỉ tiễn các đồng chí lãnh tụ cách mạng Lào trong
suối Son, bây giờ chính mình lại được chan hòa trong lễ ba xỉ thân thiết ấy với
người suối Son. Tiểu đoàn trưởng Khăm Phăn và chính trị viên Vi Lay ngồi xếp bằng
chân trên chiếu như mỗi chúng tôi. Lần lượt, các bà, các ông cụ, rồi các cô gái
trong xóm bước vào, ngồi nghiêng mình xếp một bên chân. Những sợi chỉ mới lấy ở
guồng sợi ra được buộc nhẹ nhàng vào cổ tay của mỗi người khách.
Ngoài đầu xóm, mấy cụ già vừa đi ăn cỗ cưới về, nghe có khách
Việt Nam tới, bước vội lên nhà, buộc thêm sợi chỉ lên một bên cổ tay khách đã dầy
cộm một tệp chỉ.
Những bàn tay giơ ra. Những sợi chỉ tình nghĩa buộc lại. Những
bàn tay bên cạnh nâng những bàn tay lên, biểu hiện đoàn kết và kính mến. Ríu
rít, thì thầm những lời chúc, lời mong ước. Sam bay hạnh phúc. Sa ma khi đoàn kết,
Lào - Việt sa ma khi chông cha lơn, Lào - Việt đoàn kết muôn năm.
Tình cảm Việt - Lào sâu ắc ấy ở một làng Nà Nhàng, cũng như
chúng tôi đã được sống trong niềm vui những làng khác bên đường, theo chân mãi,
lưu luyến mãi.
Ở Lào, đám cưới thường được tổ chức vào tháng chẵn và vào nửa
đầu tháng. Không ai cưới nhau khi trăng khuyết. Tình đoàn kết Việt - Lào đầy hy
vọng như trăng non rồi trăng tròn của tục lệ đáng yêu ấy.
Trở lại Viêng Chăn buổi chiều. Viêng Chăn vẫn rộn rã tiếng
hát và tiếng trống của những đoàn người, đoàn xe đi hộ đê. Trên máy bay từ
Luông Pha-bang về, nhìn bên kia sông tỉnh Nọng Khai, Thái Lan trắng xóa nước
trước mắt. Phố xá, nhà cửa huyện lỵ Xi Xiêng Mai nổi lên như một hòn đảo. Nước
Mê Kông đã ùa vào cả miền Đông Bắc Thái Lan, mà nước vẫn còn lên. Những chiếc
thuyền đậu bờ sông, mui cao bồng bềnh hơn mặt đường, như những chiếc thuyền cắt
giấy trong phim hoạt họa dán lên mặt nước.
Chúng tôi vào nhìn nước lên trong một phố hẻm đầu ô trổ ra
sông. Nhưng trên bờ dưới bến, vẫn mọi cảnh hàng ngày thấy. Trên cái sa la hóng
mát của phố có đám cột chìa ra sông đã ngập nước gần sát mặt sàn. Người ra nhìn
nước lên, đứng lô nhô. Một cây me cổ thụ, nước ngập quanh gốc. Các làng ngoại ô
đưa rau quả vào bán trong thành phố. Những chiếc thuyền chở những buồng chuối
ngự. Có thuyền đầy một khoang bưởi. Một thuyền dưa hồng neo vào sát mép đê. Người
lội ra víu thuyền vào, đổ hoa quả la liệt trên khắp sân chùa. Trong chùa, một vị
sư già, áo cà sa vàng sẫm, ngồi trên cao cất tiếng sang sảng đọc kinh thường nhật
ngày rằm. Các cụ già trong xóm, khăn vàng kính cẩn vắt vai, ngồi la liệt khắp
chiếu, giỏ hoa đặt trước mặt. Lễ Phật và nghe kinh, mọi người kính cẩn ngồi đến
tận lúc lên đèn. Viêng Chăn rộn ràng trong cuộc sống mới, cả trong những lúc khẩn
trương chống lụt như thế, vẫn thảnh thơi một vẻ riêng.
Ở trụ sở trong ngõ phố có đội tự vệ túc trực canh đê. Mọi người
biết tin bạn Việt Nam tới thăm, đèn bật sáng trưng. Cơn mưa từ chiều đã lác đác
nặng hạt, đe dọa mưa to. Nhưng có bạn đến là vui rồi. Trước sân căng lên một
chiếc dù - loại dù của Mỹ dùng thả lương thực và đồ dùng xuống các đồn lẻ. Chiếc
dù vàng tỏa kín mảnh sân vuông vắn giữa vườn xoài.
Mỗi khu phố Viêng Chăn có một đội dân quân tự vệ được trang bị
đầy đủ. Tự vệ phố Sây Khay đã tự sắm sửa lấy súng và mọi phương tiện.
Đội dân quân đã tới, ngồi đứng đông khắp gian phòng rộng. Cả
chủ tịch khu phố cũng vừa đến. Các chiến sĩ dân quân tự vệ đều là thanh niên
trong phố tham gia. Công nhân xưởng cưa, nhà máy diêm, đạp xe lôi, lái tắc xi,
thầy giáo, nhà chài đánh cá, người làm ruộng… Mỗi người một nghề nhưng cùng một
tinh thần hăng hái. Đội tự vệ thành lập đã được ba năm, vẫn nguyên một khí thế
sôi nổi khẩn trương như những ngày đầu.
Ba năm nay, trung đội phụ trách trật tự, trị an rất đắc lực.
Như cả Viêng Chăn, trong khu phố không xảy ra một vụ mất mát, kể cả những cái
trộm vặt và không cãi nhau đánh nhau lộn xộn. Ngoài đường phố, đội tự vệ ở Sây
Khay chịu trách nhiệm an ninh một dọc ngót mười ki-lô-mét bờ sông Mê Kông đến
giáp đảo Đon Chăn.
Trên đất nước Lào, niềm vui biểu hiện thật lòng bao giờ cũng
là những những cuộc chơi hết mình cùng nhau múa hát, cả đất nước trong múa hát.
Ở đâu các bạn cũng múa hát. Những toán thanh niên đi hộ đê về,
quần áo lấm bùn đất vẫn tươi cười gõ lên xẻng bắt nhịp, vừa đi vừa hát.
Tiếng trống lăm vông. Vòng múa lăm vông. Tiếng trống rập rờn
qua mấy vòng múa, các cô dân quân váy đẹp gấu tím óng ánh kim tuyến ra mời
khách dẫn đầu lọp - đợt múa. Cuộc họp mặt đã thành cuộc múa mà tất cả mọi người
đến đây đều cuốn vào.
Những bước chân, những bàn tay uốn một vòng trống lại giục, lại
lượn vòng nữa. Những cặp mắt óng ánh nhìn quanh mình không phải chỉ vì bước nhảy,
mà vì tình nghĩa và tấm lòng mến khách.
Ai đến sau cũng cứ tự nhiên từng đôi bước vào vòng, đám vui mỗi
lúc thêm đông, thêm náo nhiệt.
Một chiếc xe díp Mỹ từ ngoài ngõ xồng xộc vào, phanh đứng
ngay cạnh đám chơi. Một chị nhanh nhẹn rời tay lái xe, bước ra.
Đồng chí chủ tịch khu phố giới thiệu:
- Chị Pênh đây là chỉ huy phó trung đội tự vệ.
Thế là Pênh vào đợt múa. Đôi mắt lừ đừ, hai cánh tay vờn,
Pênh yểu điệu tình tứ theo nhịp trống Nam Lào rộn ràng.
Tôi hỏi qua bàn tay chào nghiêng:
- Cô Pênh làm gì?
- Em làm ruộng.
Làm ruộng, lái xe díp và múa lăm vông bàn tay rỡn lên như
sóng. Từ hôm đến Viêng Chăn - thành phố giải phóng được ba năm, đương gỡ mình
tiến lên trong cuộc sống mới, hôm nay tôi cảm thấy gặp thật một hài hòa đẹp đẽ
của nếp sống con người với cuộc sống hôm nay.
Pênh nói:
- Tình đoàn kết Lào - Việt thì múa một nghìn vòng vẫn chưa
nói hết những điều muốn nói. Đáng nhẽ vui suốt đêm được, nhưng mà bây giờ sắp
phải đi canh nước. Em vừa họp trên thành phố về, có lệnh trực suốt sáng. Chúng
em xin hẹn hôm nào nước xuống, anh còn ở đây, ta lại mở cuộc vui như hôm nay.
Đã gần nửa đêm, cả đội dân quân bắt tay chúng tôi. Trong một
thoáng mắt, đã chia mỗi toán đi mỗi ngả ra bờ sông, giữa lúc trận mưa lớn rào
rào xuống.
Tôi trông những người dân quân đi trong mưa. Đột nhiên nhớ ra
vùng phố Sây Khay đây rất gần sân bay Vạt Tày. Sân bay dân dụng quốc tế Vạt
Tày, mười lăm năm nay, nhiều lần tôi có dịp qua lại. Những năm Viêng Chăn còn
chìm đắm trong vùng tạm chiến. Đứng trên gác phòng đợi của sân bay, nhìn ra thấy
lính tráng nhung nhăng quần áo vằn vện của bọn Ku-pra-xít, Xi-hổ và những cái
T.28 lượn lờ trên trời. Trông vào thành phố, chỉ thấy những rặng dừa lơ thơ,
không thấy người.
Hôm nay, Viêng Chăn cách mạng đã thắng lợi. Gặp gỡ những người
chiến sĩ, những người con yêu quý của Tổ quốc trong niềm vui chan chứa với đội
dân quân tự vệ của thành phố trên con đường và cạnh cái sân bay bây giờ là của
mình, của những con người bình thường trong phố này, mới thấy sâu sắc được
Viêng Chăn thật là Viêng Chăn.
MÙA THU LUÔNG PHA-BANG
Viêng Chăn - Luông Pha-bang, máy bay
An-24 bay bốn mươi phút tới vùng trung tâm Bắc Lào. Thế mà đường bộ phải vượt
trên bốn trăm ki-lô-mét. Cứ nghĩ vậy đã có thể tưởng ra núi đèo trập trùng như
thế nào.
Từ hồ Nậm Ngừm ngược lên, chỉ còn rợn mắt một màu xanh rừng.
Cho đến vùng trời Huổi Sài tỉnh Hua Không giáp với Miến Điện, còn hai ngày đường
nữa, thế mà đường bay cũng chỉ hơn nửa giờ. Lại vẫn xanh, cả đến những cánh rừng
sau cơn mưa chợt hửng, cứ xanh bừng lên. Từ đây đi lên, một vùng Tây Bắc cho tới
ngã ba biên giới Miến Điện - Thái Lan, chỉ gặp thấp thoáng vài ba cánh đồng ở Nậm
Bạc, ở Nậm Thà, ở Mường Sinh. Rừng, hàng ngìn ki-lô-mét rừng, rừng đương mùa
thu, trong mưa xối xả, các cánh rừng càng bồng bột nổi sóng xanh màu xanh lạ
lùng. Không ai có thể tưởng ra được màu xanh kỳ lạ và ngỡ ngàng ấy của rừng Lào
mùa mưa.
Đầu đằng kia, Viêng Chăn mưa tầm tã, vậy mà, trời Luông
Pha-bang rực rỡ nắng lồng cả vào trong thung lũng. Ngang xuống rặng núi bên kia
sông, đỉnh rừng nhô qua cửa sổ, nhìn rõ từng gốc cây trắng xanh bóng nắng.
Sân bay Luông Pha-bang vốn chỉ là một sân bay dã chiến của đế
quốc Mỹ mở vội vã ra giữa rừng cỏ tranh - có một đường băng hơn nghìn thước, một
bốt lính. Không có nhà ga.
Những năm ấy, và càng những năm về sau, cuộc chiến đấu của
quân đội cách mạng Lào phát triển, khu du kích và khu giải phóng mở đến tận Xiềng
Ngần, cửa ngỏ vào Luông Pha-bang. Các thành phố phía Bắc này đều bị chơi vơi giữa
vòng vây rừng và khu du kích, ở đâu địch cũng hối hả xây sân bay làm con đường
sống cho những thị trấn bị phong tỏa.
Bây giờ, sân bay Luông Pha-bang đổi thay khác hẳn. Trước kia,
ở đây là những nơi tung ra tội ác. Trước kia, đấy là lối chạy chết. Bây giờ, đấy
là con đường cho mọi người đi, đến thuận tiện trong cuộc sống xây dựng.Từ tội lỗi
trở thành điều lành, sân bay Luông Pha-bang bỗng nhiên mang một vẻ đẹp mơ màng
mà tôi chưa thấy quang cảnh như thế ở bất kỳ cái ga trời nào những nơi tôi đã
được qua. Sân bay ở Luông Pha-bang, ở Sà-và-nà-khẹt, ở Xê Pôn dưới Nam Lào, nó
sao mà gần gũi, nó như cái sân trước của nhà mình, bước ra thì lên cửa máy bay.
Thật như thế, người Luông Pha-bang đáp máy bay xuống Thủ đô
Viêng Chăn như đi chợ, mang theo những cặp lá trầu không xanh óng, những túi nilông
đựng cải xoong, những trái chanh, và cả một cái lồng nhốt con ngỗng. Người ta bảo
giống cải xoong nước suối đá quanh Luông Pha-bang và chanh vườn dọc sông Mê
Kông quãng trên này mới thật đậm, mới lên hết vị rau ngon, chanh ngon đến thế.
Các bạn Luông Pha-bang bảo tôi không vội vã. Trời chốc mưa chốc
nắng thế, không biết giờ bay có đúng được không. Cứ lúc nào nghe tiếng máy bay
đến ta ra sân bay cũng vừa. Khách đợi đi đứng tránh nắng mưa dưới cánh máy bay,
cạnh cái bọc hàng gửi chất la liệt.
Khi chiếc máy bay vừa cất cánh lên rồi vút đi, trả lại một
vùng tĩnh mạc của sân bay, lại nghe tiếng mõ trâu đạc lóc cóc ở một bụi lau nào
gần đấy. Một con gà trong đồi cất tiếng gáy trưa - không biết gà rừng hay gà
nhà. Tiếng bánh xe lam đưa khách rời sân bay nghe rào rạo, xa xa qua cầu Nậm
Khan sang phố.
Trông lên thấy nhà hai bên đường mới biết đã ra khỏi rừng
cây, vào thành phố. Ở dưới dòng sông Mê Kông, sông Nậm Khan trông lên phố cũng
chỉ thấy bạt ngàn những bụi tre trúc, cây dừa, đôi chỗ có một bậc dốc xuống bến
như bất cứ làng nào ven sông. Đến khi thấy thấp thoáng chỏm tháp chùa đỉnh núi
Phu Xỉ, mới biết đấy đã vào tới trung tâm Luông Pha-bang. Tất cả các thị trấn,
các thành phố nước Lào như đều mọc ra giữa rừng cây.
Luông Pha-bang, thành phố trong vườn dừa và trong bóng xanh rờn
vườn chùa những cây chăm-pi - cây hoa ngọc lan.
Con sông Nậm Khan từ thượng nguồn chảy ra đến đấy còn làm
duyên uốn mình một quãng rồi mới chịu hòa vào sông Mê Kông. Trong dải đất hẹp
giữa hai triền sông gặp nhau, chỗ đầu nhọn vút ấy là thành phố cổ Luông
Pha-bang có núi Phu Xỉ sừng sững giữa phố, mà ra ngó thấy như trái núi mọc đầu
nhà. Ở Luông Pha-bang, trông phía nào cũng thấy triền núi và chi chít những
nương lúa xanh nhạt dưới bóng mây và nghe tiếng mõ trâu gõ lãng đãng đi qua và
những mái chùa kiến trúc Bắc Lào năm lần mái nghiêng chồng lên nhau.
Luông Pha-bang, “thành phố Phật vàng”, thành phố trong màu
xanh bóng núi, chỉ có hơn hai vạn người nhưng có tới trên năm mươi ngôi chùa.
Những rặng cây tếch hoa vàng, những vườn dừa và hoa ngọc lan trắng muốt. Phố
trung tâm lượn quanh chân núi Phu Xỉ. Mái chùa cao, ngói mốc đen, ba lần, năm lần
xếp chồng nhau.
Khác chùa hai mái ở Viêng Chăn, khác chùa trong Xiêng Khoảng
chỉ có một mái đứng - mỗi nơi một kiểu nhưng đâu cũng một kiến trúc Lào, mái và
tường rêu phong đen sẫm, không ngói đỏ ngói vàng sặc sỡ như ở một đôi chùa lai
Thái, lai Miến dưới kia.
Ở đây cũng như Viêng Chăn, nhưng nghệ thuật ở đây càng thuần
Lào hơn, những pho tượng, những tấm khắc trên cửa, những bức tranh vẽ tường, những
sự tích chùa chiền vẫn chẳng khác mọi sinh hoạt nhân gian ngoài đời sống.
Pho tượng Phật nằm trên bệ thờ chùa Xiêng Thoong khác nào cô
gái Lào nằm ngủ nghiêng người, tay áp má, tay duỗi trên thân mình thật đẹp, hai
bàn chân thanh thản xếp bên nhau. Chắn hẳn nhà nghệ sĩ tài hoa nào thời ấy đã
khéo gửi hình ảnh người mình yêu vào muôn thuở như thế.
Cuộc sống thường ngày trong công cuộc làm ăn và rong chơi,
ngoài đời có múa hát, trong tranh có múa hát, có người và cá sấu múa giỡn, cả
trong gian nguy vẫn múa hát. Múa trên hoa sen lá sen, múa trên lưng ngựa, trên
đầu voi, trên đầu quỷ…
Những sự tích nhà Phật trên những tranh vẽ tường chùa Vạt May
khác đâu mọi cảnh ta hằng thấy ở khắp nơi trên đất nước này: lều chợ bên sông,
cạnh hồ sen, người bán cá, bán chuối, người giã gạo, người vác nước. Cả đến cái
nhà tô lên đấy cũng hệt ngôi nhà trong làng: nhà bậc thang, đầu mái tranh đặt
chiếc chum hứng nước mưa với chiếc gáo múc treo đầu cột.
Bức tranh hay tấm gỗ khắc nào cũng viền voi, ngựa, trâu và lá
cỏ, lá sen - đâu cũng gặp những cái hàng ngày như thế, cảnh nhà cửa vẽ trên tường
chùa cũng như những dãy phố dài đều đặn từng nếp nhà nửa hai tầng nửa sàn có cửa
sổ trông ra núi Phu Xỉ.
Chiếc trống chùa trên núi Phu Xỉ mặt da trâu, đanh gỗ lởm chởm
như những con ốc nhồi bám quanh tang trống. Gác trống cất giữa mỏm đá cao nhất.
Không biết ngày đêm từ bao đời, cứ cách quãng ba giờ, nhà sư giữ chùa lại thong
thả điểm một hồi. Tiếng trống rơi xuống thành phố: Tiếng thu không, tiếng nửa
đêm, tiếng thức giấc, tiếng rạng sáng, làm cho thành phố dòng sông như nửa tỉnh
nửa mơ trong tiếng đạo, tiếng đời.
Trèo hết ba trăm hai mươi tám bậc đá, lên đến đỉnh núi Phu Xỉ:
Trông xuống bốn phía lại vẫn thấy nhà và phố ngập trong bóng dừa, bóng núi và
hai dòng sông bắt chéo trước mặt sau lưng.
Khách lững thững trên đường phố Luông Pha-bang một buổi sáng
mát sau trận mưa suốt đêm.
Những trận mưa rả rích tưởng như chưa bao giờ hết nước. Thế
mà mưa lại dứt hạt lúc nào không biết. Vừa tạnh, trời đất lại ráo trong như mới
nguyên. Trong óng đến nỗi tưởng như mình vừa bước tới, thấy được con đường, mái
chùa, nếp nhà còn ướp nguyên trong hơi nước mưa và mùi hoa chăm-pi. Cả thành phố
sau mưa thơm mùi hoa ngọc lan. Những cây ngọc lan cổ thụ, sân chùa, vườn chùa
nào, đường phố nào cũng có. Mùi hoa chín trong nước mưa thơm nhè nhẹ, không nồng
nàn như hương ngọc lan ban đêm. Một dải ngát thoảng như chảy theo người đi,
trôi xuống những dòng sông tỏa bốn phía thành phố. Người bước thanh thản trong
vườn hoa thơm và thành phố hiền hòa, thành phố giữa mường của vườn cây, của những
cánh đồng, những con sông.
Chợt nghe tiếng giã gạo, tiếng vang thong thả từng chày.
Thành phố giữa mường của vườn cây, của những cánh đồng, những
dòng sông của các dân tộc anh em quây quần. Không đâu thấy được bức tranh đoàn
kết dân tộc tuyệt đẹp như Luông Pha-bang. Cánh đồng và làng dừa của các dân tộc
Lào Lùm. Những rừng vùng đầu suối, các dân tộc Lào Thênh. Trên rặng núi xung
quanh, như vạc ra những con đường đất đỏ ối qua cánh rừng xanh ngắt tới những
bãi bằng trống không, đấy là nơi ở của các dân tộc Lào Sủng - những làng xóm
người H’mông từ sáng sớm mù mịt sương đã nghe tiếng khèn nhấp nhô với đám người
xuống chợ thành phố xem hội thuyền.
Người nghỉ chân trong những sa la trên ngã ba sông xem đoàn
thuyền tập để bơi trong ngày hội bơi chải sắp tới.
Từ sáng sớm, lũ lượt người lên rước thuyền - những cái độc mộc
sơn then thếp vàng dài hơn ba mươi thước và những chiếc thanh la rộn rã mở đường.
Hàng trăm người xúm đẩy thuyền xuống sông. Cả mấy chục chiếc đang mải miết bơi
tập. Mỗi thuyền năm mươi lăm tay bơi, bê chèo sơn đỏ khé cùng hòa vang động suốt
ngã ba Mê Kông - Nậm Khan.
Thành phố đương sửa soạn ngày hội. Hội mừng ngày mùa. Hàng
năm, cắm xong cây lúa xuống ruộng, người ta coi như hết việc đồng. Mùa mưa cứ
thong thả đến. Lúa ruộng, lúa nương bây giờ đã xanh bồng bột như cả ngàn rừng
cây. Cả nước đã làm mùa xong trước mùa mưa. Bây giờ mở hội. Vui đến độ những
làng H’mông đỉnh núi cũng nô nức về xem bơi chải.
Tôi đã trông thấy trên sông phía Pác Xường - cửa sông Nậm Xường
ra Mê Kông, một cái bè kết bằng những ống bương tươi vừa ngả xuống. Đầu bè cắm
quốc kỳ Cộng hòa Nhân dân Lào, nền xanh rừng và màu đỏ cách mạng phấp phới.
Trên mảng ngổn ngang những rọ măng, những bu gà và cả chăn đắp. Ba thanh niên
người H’mông áo chẽn đội mũ dạ đứng chênh vênh đẩy mảng xuôi. Những chàng trai ấy
từ trên núi xuống, làm mảng bơi về Luông Pha-bang xem hội. Người Lào Sủng vốn
không ưa sông nước. Thế mà dám đáp mảng ròng rã mấy ngày về hội bơi.
Luông Pha-bang - nơi tụ tập tiêu biểu sức sống và tình yêu
thương của các dân tộc trên miền Bắc đất nước.
Về xem hội bơi chải, người đi qua khắp các làng ở vùng cánh đồng.
Men bờ sông Nậm Khan qua cầu, khách đến làng Pha Nom. Một làng nhỏ khiêm tốn
cũng như Luông Pha-bang, phải bước vào các xóm trong làng mới thấy được cái đẹp
- cũng như duyên thầm của người con gái Lào, nếu chỉ thoáng qua, có khi chưa hiểu
thật được. Làng Pha Nom yên lặng trong cây. Qua bên kia rặng trúc xanh rì,
loáng thoáng trước mắt những chân cột nhà sàn bắt đầu cuộc sống rộn ràng một
làng dân tộc Lự làm ruộng và có nghề canh cửi cổ truyền.
Tôi nhớ ở Lai Châu năm trước, có lần đi công tác trên cao
nguyên Sìn Hồ rồi vòng xuống “vùng thấp” cửa sông Nậm Na, giữa đường vào nghỉ
chân làng đồng bào Lự.
Những cô gái Lự đi nương về, váy đỏ gấu điều lả tả, rực rỡ
trong nắng chiều. Bộn rộn khắp cả nhà, tiếng gà cục tác, tiếng người gọi lợn và
khói bếp xanh sẫm đọng ngay trên mái. Làng người Lự thật đầm ấm.
Các cụ già người Lự ở Pha Nom đây kể rằng người Lự đến đất
này, cùng với người Lào chung một cánh đồng, có đến ngoài ba, bốn trăm năm rồi,
không ai nhớ được chính xác. Đời người lưu lạc qua rừng qua suối đến chỗ đất phẳng
kiếm miếng ăn, con người cũng không còn nhớ tên mình, biết đâu tên làng tên đất,
tới chốn này gặp tình anh em và có cái sống thì dừng lại, làm nhà ở bên những tảng
đá nhấp nhô như những cái vú đá, thì gọi là làng Pha Nom - làng vú đá, thế
thôi. Người Lự, vốn khéo tay và cần cù, có ruộng thì cấy lúa, phá được nương
thì gieo mố, đi làm ngoài nương ngoài đồng về ngồi sàn đầu nhà lại chẻ mây đan
ghế, uốn song tết mâm. Đêm đến, thắp đèn lên, bật bông, nhuộm chỉ, dệt váy, dệt
khăn vắt đem bán chợ. Nhưng xưa kia, bị đè nén trong xã hội cũ, người Lự chẳng
được làm như việc bây giờ ta ngồi tưởng tượng mà tính gọn ra thế. Cả làng Pha
Nom thời ấy đều phải làm một nghề - đàn ông cũng như đàn bà, quanh năm phải vào
kinh đô Luông Pha-bang làm tôi tớ trong các cung vua. Làng Pha Nom chuyên nghề
đi hầu các vua chúa, đời này qua đời khác, suốt đời bước cắm mắt xuống đầu ngón
chân.
Làng Pha Nom bây giờ khác rồi.
Từ những năm cách mạng Lào còn trong bóng tối gian khổ, làng
Pha Nom đã được ánh sáng tới, nhen nhúm được cơ sở cách mạng, có người đi khu
giải phóng. Hôm nay, các lứa tuổi trẻ Pha Nom đi bộ đội, đi cán bộ, đi học các
nơi: Pha Nom, một vùng khuất nẻo xanh bóng trúc, trong làng dừa lủa tủa bờ Nậm
Khan, tiếng chim tăng ló kêu nghe xa thẳm vào im lặng, tưởng như nơi hoang dã
xưa nay chỉ có thế, vậy nhưng Pha Nom không cô đơn, ở Pha Nom có thanh niên xuống
Thủ đô Viêng Chăn học đại học. Pha Nom lại có cả thanh niên làm phi công lái
các đường bay quốc tế của hãng Hàng không Lào. Pha Nom có thanh niên đi học ở
Hà Nội và ở các nước bạn trên thế giới.
Pha Nom như thế đấy. Và đấy cũng là hình ảnh bình thường của
bất cứ nơi khuất nẻo nào ở nước Lào bây giờ. Viêng Chăn cũng như Luông
Pha-bang, cũng như ở Phôn Hồng, ở Na Nhàng, thiên nhiên như muôn thuở, nhưng
con người thì thật sôi động và cuộc đời đương đổi thay.
Có khách đến, làng Pha Nom mở hội giới thiệu những công trình
lao động sáng tạo của một làng canh cửi. Tôi đã có lần được thấy những sản phẩm
đặc sắc này ở chợ Mới và những cửa hàng ở Viêng Chăn. Những cô gái Pha Nom
đương gấp lại những tấm vải màu mới vừa dệt đổ ở cuốn cửi ra. Vuông vải may áo
mặc thường ngày, nhuộm chàm và nhuộm lá rừng, cũng đỏ tươi, cũng hoa hiên, đẹp
nền nã, ý nhị, bền màu đến tận lúc rách. Những tấm phe thua quàng vai màu xanh lồng
chỉ kim tuyến lóng lánh các ngày hội. Những gấu váy thêu và những tấm khăn phủ
mặt bàn, mặt tủ, phòng khách. Những túi đeo vai dệt hình con gà, đàn chim sặc sỡ,
thật duyên dáng và thơ ngây mà khách du lịch nào đến nước Lào cũng phải tìm mua
cho được để đeo ngay lên vai.
Cô gái Pha Nom hiền hậu, má đỏ hây, áo sơ mi hồng, cổ áo ve
to kiểu mới. Tưởng như mình đến làng nào ở ngoài thành phố Pra-ti-sla-va, gặp
những cô gái Slô-vắc xúng xính rực rỡ váy áo dân tộc ra mời khách.
Những cô nàng Pha Nom đương bật bông, đánh con cúi, xe chỉ.
Những tấm thổ cẩm thêu hoa màu lục, màu hồng được các cô đem soi lại từng sợi dệt,
trước khi giao hàng cho công ty du lịch. Những tiếng cười, những con mắt chứa
chan. Cái vui và công việc rộn rã ấy không phải chỉ thấy ở nơi tiếp khách. Mà
qua người làng có thể bắt gặp tình cờ trong mỗi nhà, cũng một cảnh quen mắt.
Trên sàn, một bà già guồng sợi, quay mặt ra, chắp tay mỉm cười chào khách. Dưới
sàn, cô gái trong khung cửi cắm cúi đưa thoi, bỗng ngừng thoi đưa mắt nhìn
khách lạ. Người vào làng bây giờ chỉ có bạn, không phải bọn nhộn nhạo đi bắt
lính, không phải lính tráng đi bắt phu, đi sục cái ăn hay đi bắt gái làng ra hầu
hạ vua quan. Những con mắt gặp nhau chỉ thấy có quyến luyến. Cuộc sống mới bây
giờ yên vui và êm đềm như con thoi đưa, chẳng có gì bất trắc. Người ta đinh
ninh biết rằng dệt từ giờ tới chiều thế nào cũng được cuốn cửi.
Làng Pha Nom có nghề dệt thổ cẩm cổ truyền, làng bây giờ
không phải như làng ngày trước, cả đời người đàn bà chỉ biết lê quanh cây bật
bông và cái chum lá nhuộm. Đời người chỉ biết có dệt áo, dệt váy, dệt chăn đệm,
may màn. Con gái đẹp làng Pha Nom bây giờ không phải cả đời quanh quẩn ở làng,
đợi ngày lễ bước vào sân cỏ rón rén múa cho cả nhà cả họ mua vui. Không, hàng dệt
Pha Nom bán chợ và xuất khẩu. Nghề dệt đương thành một công nghệ. Cô gái Pha
Nom bây giờ đi cán bộ, đi học xa. Cô gái Pha Nom ấy cười đáp lời anh bạn Lào
cùng đi với chúng tôi, rằng: “Có, Pha Nom chúng tôi bây giờ đã bỏ phong tục se
duyên thiên hạ, cũng nhiều chị em lấy chồng xa, lấy chồng đi cán bộ tận Viêng
Chăn”.
Ruộng hai bên đường đương lên xanh óng. Lúa này, chỉ đến hôm
hội bơi chải đã vào đồng. Các làng quanh thành phố vào tổ đổi công từ hai năm
nay, đã cấy được hết các chân ruộng.
Đồng chí Chít-ta-vông, người Lào Sủng, phụ trách nông nghiệp
tỉnh, nói:
- Tỉnh Luông Pha-bang chúng tôi đã có mười hai hợp tác xã lập
thủ. Người H’mông chúng tôi trên núi bây giờ cũng đương đợi. Chỉ còn đợi cán bộ
về chỉ dẫn cách vào hợp tác xã.
“Đảng chúng tôi nói nước Lào có mười một tỉnh, tỉnh nào cũng
đầy đủ có rừng, có ruộng, có đường nước, có đường bộ, có các dân tộc anh em
đoàn kết, như thế thì làm gì cũng được.
“Tôi thấy Đảng chúng tôi nói đúng. Tỉnh Luông Pha-bang có cả
ba vùng dân tộc: Lào Lùm, Lào Thênh, Lào Sủng. Ba vùng dân tộc đoàn kết là một
sức mạnh. Đồng bào chúng tôi nói: Ba dân tộc đoàn kết, làm gì cũng được. Từ khi
giải phóng, không nhà nào đói ăn, làng nào cũng làm trường học, người trong
làng ra Luông Pha-bang, đi Viêng Chăn như đi chợ. Chưa bao giờ chúng tôi được
yêu vui như thế”.
Mờ mờ sáng. Mở cửa sổ buồng khách sạn, trông ra vùng đồi trước
mặt.
Ở nơi xó núi cùng trời này, nhưng đấy là một khách sạn hiện đại
xây theo các khe lượn quanh đồi. Nghe nói kiến trúc sư Pháp vẽ kiểu. Sương mờ
giăng xuống, mùa thu đã bắt đầu thực sự. Trên mặt đầm nước những đóa hoa sen vừa
nở rữa đêm qua, cánh rụng đỏ thắm mặt nước. Mùi cỏ tranh khô bốc vào khung cửa
buồng máy điều hòa vừa im tiếng. Tất cả cho tôi cái ý niệm tương phản dữ dội của
cuộc sống trái đất đầu thế kỷ này. Chủ nghĩa xã hội càng phát triển thì bọn đội
lốt nó càng lộ mặt và bị vạch mặt. Bọn phản bội ấy cùng với đế quốc chống phá
cách mạng, không phải chỉ bằng súng đạn, bằng vu cáo, mà còn biết bao thủ đoạn
tinh vi. Những lời lừa lọc khôn khéo cùng với mọi kiểu sống thật mới, đột ngột
len lỏi cả vào đến những nơi hoang sơ này. Mấy cô gái lái ô tô nhởn nhơ đường
phố Viêng Chăn…Một kiểu đồng hồ Thụy Sĩ mặt vuông trên cổ tay cô gái H’mông gặp
ở chợ Phôn Hồng… Những tấm quảng cáo ở ngã ba đường của hãng dầu Sen vỏ sò…
Nhưng mà thôi, chúng đã cút khỏi đất này, không bao giờ có thể
trở lại. Mọi huyễn hoặc ấy không thể là cuộc sống tốt lành cho người ta. Ai
cũng biết thế.
Đèn điện thành phố trên núi Phu Xỉ, đã mờ vào làn mây mỗi lúc
mỗi xuống thấp. Bắt đầu một ngày đầu thu trời mát rợi.
Hôm nay, ngược sông hơn hai mươi ki-lô-mét, tôi lên thăm chùa
động đá ở sông Nậm U - một thắng cảnh vùng Luông Pha-bang. Hàng năm, đầu năm mới,
người vùng này lên lễ chùa hang. Trên núi ấy có hai chùa và hàng nghìn pho tượng
lớn nhỏ, tượng Phật bằng gỗ tạc, bằng đồng đúc. Có tượng từ các đời trước, có
tượng của khách thập phương cúng dường đem đến hàng năm.
Đương mùa nước lớn, nhưng dòng Mê Kông trên này hẹp, có những
quãng thác ngầm nước chảy xoáy như trong đèn cù.
Lại còn một câu chuyện người Mỹ để lại đây, mà cả vùng Pác U
vẫn kể. Quãng đầu 1975, trước khi Luông Pha-bang được giải phóng, có một bọn Mỹ
vào du lịch Lào. Cả trai cả gái, đi chùa hang có đến trăm đứa. Chúng đem theo
những dọc tẩu và bàn đèn thuốc phiện mua ở chợ Viêng Chăn. Chúng ở lại mấy
ngày, ăn ngủ thuốc xái, tiêm xì ke, hỗn độn trong cáisa la của chùa giữa rừng.
Đến hôm đi, chúng lấy cắp đi tất cả những pho tượng bằng đồng. Bây giờ chùa
hang cửa sông Nậm U không còn một cái tượng đồng nào.
Thuyền vẫn ngược nước lên. Tưởng như trông vào đâu bây giờ
cũng chỉ còn một màu xanh hoang vu. Không thấy nhà, mà dễ dàng nhận ra làng xóm
và phân biệt được trên hai bờ sông, cứ cách rừng một quãng lại qua làng. Chỗ
người ở có những bụi trúc xanh biếc.Những vườn bưởi quả rám nắng vàng ửng. Trên
xa, lớp lớp những rặng dừa. Đôi chỗ bờ dốc, một thang gỗ bắc đứng xuống mép nước.
Mấy đứa trẻ tắm đùa rồi chạy vào bờ lau, cất lên những chiếc lờ cá vừa sập hom.
Dòng sông cứ miên man xuôi, con thuyền ngược ngỡ tới chỗ kia
thì cộc núi, đến lúc ngoảnh lại, thấy những tháp chùa vàng trong thành phố cũng
đã nấp bóng vào núi mà không biết dòng sông xuôi vào đâu. Thuyền ngược cũng như
người và đường đi vào núi, mỗi bước núi lại mở ra cho chân bước và con sông cứ
lặng lờ vào giữa những cánh rừng, những làng mạc liên tiếp.
Đã qua Pác Xường. Pác Xường! Pác Xường! Một cửa suối chảy ra
sông lớn, đôi dòng phân vân, quãng ngã ba sông nào chẳng vậy. Nhưng qua đấy, đất
lịch sử đời người, đời chiến sĩ, nhớ hôm trước thăm tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 2.
Những đơn vị anh hùng của quân đội nhân dân Lào đã vào giải phóng đến Pác Xường.
Cũng như đại đội pháo binh nữ đã võ trang tuyên truyền vào Xiềng Ngần. Xiềng Ngần,
Pác Xường phía này, những cửa ngõ tiến vào Luông Pha-bang. Tôi chỉ được nghe
các chiến sĩ kể lại chuyện chiến đấu ngày trước, thế mà trong tình cảnh qua Pác
Xường bỗng dưng thấy như chính mình đương trở lại chiến trường cũ, nơi đã từng
bị giặc chiếm đóng. Nơi ấy, quân đội cách mạng, các đồng chí Lào đã từng đổ
máu. Pác Xường, cửa sông chiến trường ngày trước đương bình yên hôm nay. Trong
cửa sông đã từng nhuộm máu chiến sĩ, tôi trông thấy có chiếc thuyền độc mộc từ
một bến nhỏ trổ ra xuôi về thành phố, trong khoang chất đầy những trái bưởi,
dưa hồng và những đệp trầu không lá chín xanh già xếp bên cạnh.
Một bà cụ buông mớ tóc bạc, miệng móm mém nhai trầu, thong thả
tay chèo.
Lại một đoàn thuyền độc mộc khác lướt xuôi. Vẫn những chiếc
thuyền đưa người về Luông Pha-bang xem bơi chải và đi chợ ngày hội. Tiếng trẻ
con cười đùa, nghe lẫn lộn trong tiếng nước réo hai mạn, không biết trẻ đùa
trong thuyền hay trẻ đùa trên bến.
Chùa hang trên bờ Mê Kông trông sang cửa Pác U giữa vách đá dựng
đứng trên làn nước chảy xiết. Tiếng sóng uôm vang âm thầm vào các hang sâu.
Chùa trên chùa dưới, những tảng đá hình voi hình ngựa và tượng ngồi đứng trông
ra sông. Một cái tháp cổ nhìn xuống mặt nước như tạc lồi từ vách đá ra. Phong tục
người đi lễ thường leo ra đầu núi ấy, dang tay ôm cái tháp đá. Nếu hai bàn tay
ai đụng được đầu ngón vào nhau, thế là người ấy được phúc. Cái cớ để mong ước
cũng tương tự như ở mọi nơi lễ bái, thờ cúng của các tín ngưỡng trên thế gian
này. Vệt tay vòng và chỗ ngồi của người đi ướm tìm điều may mắn, không biết từ
bao giờ, đã nhẵn bóng như chùi vào đá.
Những bậc đá đưa lên chùa trên hang cao nhất, dưới bóng những
cây chăm-pa. Mùa này, những cây hoa đại ấy rợp lá, đương chớm hoa. Lối đi thơm
mùi cây, mùi nụ của những khóm đại già mọc ra từ vách đá. Tượng Phật âm u giữa
những giọt thạch nhũ. Tiếng nước rỏ mà nghe trong vắt. Lại chợt nghĩ đến câu
chuyện bọn kẻ trộm người Mỹ năm trước chui rúc ăn nằm trong cái sa la thanh vắng
ở cửa chùa của rừng kia.
Nhưng bây giờ, nơi thanh vắng tuyệt vời này không hề có một
nét vẩn nào gợi lại chuyện ấy. Chỉ nghe ầm ầm tiếng sóng dưới chân. Như những
tiếng náo nức xa xôi ngoài đời.
Qua ngã ba sông lên làng Pác U, Pác U cũng như Pha Nom, như
Tha La và xóm ngoại ô Sây Khay nữa - đâu cũng cảm thấy như nhau một êm đềm đơn
sơ. Buổi trưa đương rực rỡ nắng. Nhưng trong làng mát những cụm hóp đá xanh um.
Cây mít cổ thụ. Vườn bưởi sai lúc lỉu quả chín già đã vàng. Bên bờ sông, một
nhà gỗ dài lợp mái tôn - các trường học mới làm năm ngoái.
Nhiều người đứng đầu sàn nhìn khách vào xóm. Một ông già chạy
ra, tíu tít lấy ghế mời chúng tôi nghỉ chân rồi cụ đi hái bưởi mời khách. Bưởi
rơn rớt chua chấm mắm cáy dầm ớt gió. Bọn trẻ con nhanh thế, đã đi hái đâu đem
đến một chậu đầy ổi. Hình như đám trẻ ấy đương bẫy chim đằng ven rừng. Có cậu tất
tả chạy về còn xách theo cái lồng bẫy nhốt hai con chim tăng ló. Con tăng ló bộ
mã xanh vàng như màu vàng anh, có cặp mỏ phàm ăn to bè, rất ngộ nghĩnh, khoét
ngoạm được những miếng ổi chín.
Chẳng mấy lúc, người trong xóm kéo đến, vui chuyện râm ran.
Xóm ở đầu rừng, nhà sàn thấp, cột ngoãm, vách dứng tre, không
ván gỗ đẹp như những nhà cửa khang trang vùng ngoại ô. Nhưng thật trái ngược, mọi
người ở đây đều mặc váy áo đẹp. Những cô gái áo hồng, cổ bẻ, cặp váy tím sẫm.
Ông cụ, áo lụa gốc. Mấy người đàn ông lực lưỡng cởi trần ngồi hút thuốc và lặng
lẽ đan lưới. Cái phên thóc phơi ngoài nắng đã được đậy một tấm lưới mà lũ gà
con vẫn cố rúc vào mổ... Nhiều gà quá. Nhưng đây không phải làng nghèo, mà sao
nhà cửa cứ như tạm bợ thế này.
Tôi đến một nhà cuối xóm, lên sàn cửa ngồi. Hai vợ chồng, một
lũ con bé xúm xít quanh khách. Anh hút tẩu thuốc, miệng nhả khói, tay đan lưới.
Tôi ngẩng nhìn cái ngoãm cột sàn và thang gác xù xì.
Chủ nhà dường như đoán được ý khách.
- Làng này lính ngụy mấy lần đến đốt, tàu bay Mỹ thả bom hai
lần, cháy hết cả rồi.
Anh chỉ tay vào cánh rừng cạnh làng:
- Sang năm thì có nhà mới. Gỗ đã được kéo về ngoài kia.
Tôi lại được thấy một quang cảnh hôm nay bình yên, nhưng mới
hôm qua, đây là mặt trận. Những con người gặp tình cờ đương thong thả và yên
vui sinh sống đã là những người hôm qua còn đánh giặc.
Một ông già dưới bếp lên, vào ngồi chơi cùng đi với mấy nhà
sư áo vàng rộm mặt nước. Ông già cầm tay tôi nói: “Ngày trước, tôi đã đi dân
công theo bộ đội Pa-thét đến Việt Nam”.
- Cụ đã đến tận Việt Nam?
Ông già cười:
- Không xa đâu. Theo sông Nậm U này đi lên thì đến.
Trong chiến dịch Tây Bắc và chiến dịch Điện Biên Phủ ngày trước,
thường có nghe tin máy bay Pháp đánh phá chặn đường hành quân và tiếp tế của bộ
đội và dân công trên sông Nậm U. Phải sông Nậm U này, ngược nước lên đến Phong
Sa Lỳ, có một nhánh tạt qua Lai Châu vào Điện Biên. Chính suối Nậm Rốm chảy qua
Mường Thanh giữa chiến trường Điện Biên Phủ là một nhánh của sông Nậm U: Nước Nậm
Rốm Điện Biên đổ vào Nậm U, chảy đến Luông Pha-bang thì ra Mê Kông. Dòng sông
miên man đi khắp nước Lào trước mặt tôi kia có cả nước suối Nậm Rốm từ Điện
Biên đến đây…
Trời biển sông nước trăng sao muôn thuở quanh ta đều là những
ví dụ, những mong ước, những hy vọng mà con người thường kể đến. Người con trai
và người con gái Luông Pha-bang nói những lời ước hẹn, thường hẹn rằng: Có núi
Phu Xỉ giữa thành phố kia làm chứng cho tấm lòng đôi ta. Núi Phu Xỉ như thời
gian, như mãi mãi. Hai dân tộc Lào-Việt trải bao đau thương, đã cùng một quyết
tâm, một ý chí từ bao đời nay, nước Nậm Rốm ở Điện Biên đổ vào Nậm U chảy đến
ngã ba sông Mê Kông Cửu Long này. Không bao giờ khác như thế được.
Thuyền tôi chèo nhởn một vòng vùng cửa sông, qua dưới những
vách đá. Lại gặp những mảng người H’mông xuôi về Luông Pha-bang xem hội bơi chải.
Tôi thẩn thơ cúi nhìn những đợt sóng nước đương luồn quanh, hình như tôi muốn
xem có thể đoán biết được đâu là nước Nậm Rốm từ Lai Châu tới. Thật nực cười.Mối
tình thiêng liêng của hai dân tộc, hai tấm lòng như một dòng sông đã hòa vào
nhau, làm sao mà tìm thấy được khác.
BẾN THÀ ĐỪA
Nhà máy thủy điện Nậm Ngừm, đi về phía thành phố Văng Viêng
khu giải phóng, cách Viêng Chăn trên tám mươi ki-lô-mét.
Nậm Ngừm nằm trên ngã ba sông Nậm Ngừm và sông Nậm Ly. Điện
thành phố Viêng Chăn lấy từ đấy. Và một phần điện Nậm Ngừm được xuất khẩu sang
các tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Bốn đường dây cao thế tải điện đi Nong Khai bên
Thái Lan qua sông ngang trên bến Thà Đừa.
Hồ nhân tạo Nậm Ngừm cạnh nhà máy thủy điện, dài rộng tới bảy
mươi ki-lô-mét vuông. Trên máy bay nhìn xuống, nước tỏa mênh mông vào các triền
núi lòng hồ như búp bê hoa quỳ trắng muốt trên nền đá xanh biếc.
Đâu có làn nước thì thấy cuộc sống sông hồ ở đấy. Có lẽ từ
năm có hồ nhân tạo ở đây đã thấy từng đàn nhạn nước về bay thấp lẫn với mặt
sông. Phía trước, một làn mây mù bay vướng đỉnh núi, mưa rơi mù mịt góc hồ chân
rừng bờ bên kia.
Đoàn thuyền chúng tôi đương bơi ngang một hồ có tới hơn trăm
hòn đảo rải rác - những đỉnh núi xưa kia bây giờ thành những hòn đảo chơi vơi.
Chúng tôi đi trong hồ tìm đến hai hòn đảo mà người Viêng Chăn
và nhiều khách nước ngoài thăm Cộng hòa Nhân dân Lào đã biết tiếng: Đon Thao và
Đon Nang - đảo Chàng và đảo Nàng.
Đảo Chàng và đảo Nàng, chàng và nàng.
Tình yêu thương của con người ta, trong xa cách, thường đem nỗi
nhớ, niềm hy vọng và niềm tin yêu của mình đặt tên cho thiên nhiên, một ngọn
núi, một quãng đèo, một khúc sông.
Ở Thanh Hóa, ở Lạng Sơn có hòn đá Vọng Phu - người đàn bà đội
nón bồng con đứng ngóng chồng. Trên một quãng đường ra bán đảo Crum, trên bờ Bắc
Hải, một đỉnh núi được đặt tên là “mặt hoàng hậu Ca-tê-rin Hai”, khuôn mặt người
đẹp đã vào sử sách. Đầu bãi biển Nha Trang có hai hòn đá: hòn Vợ và hòn Chồng.
Trong đất núi đá chất ngất ven Luông Pha-bang, máy bay lượn
theo hướng núi xuống đường băng, không biết ai thương nhớ ai tha thiết đến nhường
nào mà núi này được đặt tên là Phu Thao, Phu Nang - núi Chàng và núi Nàng.
Nước Lào, đất nước của những cuộc múa hát, tiếng khèn và tiếng
trống, đất nước tình yêu và thương nhớ, dường như ngước nhìn đâu cũng thấy mình
và thấy ta, ai thương ai nhớ. Núi Phu Xỉ giữa Luông Pha-bang tượng trưng cho một
niềm tin, một ràng buộc những hẹn ước và thề bồi đã thành câu hát: Anh đi, có núi
Phu Xỉ làm chứng… Em thề có núi Phu Xỉ… Bao giờ có Phu Xỉ hết đá…
Đảo Chàng và đảo Nàng trong hồ Nậm Ngừm là hai cái tên mới được
đặt. Tôi không hỏi ai đã đặt tên và tại sao hai hòn đảo trong hồ lại được có
cái tên đẹp, tên thương đến như thế. Nhưng tôi hiểu hai chữ Anh và Em ấy chỉ có
thể được nghĩ ra từ một tấm lòng thương yêu và một niềm tin, từ những yên vui
cuộc đời và những mong muốn hạnh phúc.
Khi Viêng Chăn được giải phóng, có biết bao nhiêu rác rưởi và
những khó khăn của xã hội cũ để lại. Ở Lào xưa kia không biết có nạn mại dâm.
Nhiễm độc lối sống Mỹ thời ấy, thành phố Lào nhan nhản gái điếm, nạn nghiện ngập
lang thang - những con người tội lỗi, những gia đình đau khổ.
Chính quyền cách mạng đã gọi những bụi đời, gái điếm, người
nghiện đến. “Các anh, các chị ơi! Xã hội chúng ta quý trọng con người và con
người xã hội mới phải biết quý trọng lao động, mọi người trong xã hội mới đều
làm việc và sống khỏe mạnh, thật thà, tươi vui. Các anh, các chị có muốn được
như thế không?”.
Viêng Chăn lúc ấy có cả nghìn người bệnh tật và nghiện hút. Cả
nghìn con người hư hỏng đó đều nói: “Chúng tôi muốn được sống tốt đẹp như vậy”.
Thế là những con người bấy lâu nay bị xã hội ruồng bỏ được
đưa lên hồ Nậm Ngừm. Mấy hòn đảo trong hồ từ đấy có tên là đảo Chàng và đảo Nàng
mà không biết ai đã đặt ra. Chỉ biết đấy là những cái tên thơ mộng và thương
yêu. Và cuộc sống ở đây giản dị có thế này: học tập đường lối của xã hội tiến
lên, học văn hóa, học nghề, để đến khi trở về, ai nấy có được nhận thức mới,
không ai còn mù chữ và mỗi người đều biết một nghề.
Thuyền chúng tôi lướt đi giữa làn nước mênh mang, nhưng thật
vui mắt. Chốc chốc, một đàn cá thấy động nước, úi lên, nhảy lao xao lấp lánh cả
một vùng. Những thanh niên người đảo Chàng đen bóng, ngồi lái máy nổ đuôi tôm
trên những chiếc thuyền độc mộc lao vun vút trước mặt. Đây là thuyền các đội sản
xuất đi trồng sắn, đi trại chăn nuôi gà, vịt, đi trại cua và đi làm nương ở các
đảo mới. Có thuyền đi đốt than và đánh cá về.
Xa xa, một nếp nhà giữa nương sắn. Xưởng máy khâu của chị em
đảo Nàng sắp dọn sang đây. Chỉ vì nhà máy thủy điện Nậm Ngừm mới lắp xong được
thêm hai tuyếc bin. Hồ chứa sẽ dâng thêm mười thước. Khu xưởng may bị mấp mé nước,
phải đưa sang cho được cao ráo hơn.
Mỗi lúc thuyền càng lướt sâu vào những cụm đảo xanh rờn. Tôi
vẫn chưa hết bỡ ngỡ nghĩ trước kia, chỗ này là những ngọn núi. Nhưng phân biệt
ra chỗ nào đảo không người chỗ nào đảo Chàng, đảo Nàng cũng thật dễ. Bởi màu
xanh trên những hòn đảo ấy không phải màu xanh hoang vu của những lùm cây còn
sót lại mà đấy là màu lúa nương xanh thậm và những vạt đồi sắn xanh rờn đều tăm
tắp. Và màu xanh vườn cây, cây xoài, cây tếch, những bụi trúc, bụi chuối đã được
trồng chen giữa những gốc sắn, những mái nhà lợp tranh, lợp tôn vuông vắn. Những
bến nước mới được xẻ ra, đất đỏ ối. Từng đám khói bếp trên mái nhà lan xuống mặt
nước, chưa trông thấy người đã biết ở đây đầm ấm rồi.
Người đón chúng tôi tận đầu bến lên đảo Nàng là chị Kham Tao.
Kham Tao quê dưới Nam Lào. Kham Tao được về công tác đây từ năm kia, lúc ấy mới
có đợt người đầu tiên đến.
Chúng tôi lên xưởng đan tre mây. Chị em ngồi làm việc trong một
khu nhà rộng thoáng. Đầu hiên, đặt thùng nước và cốc uống. Từng đám xúm xít đan
mũ, lợp nón. Mọi việc vẫn làm bình thường. Chúng tôi chỉ là người qua thăm tình
cờ.
Đồi bên cạnh, tiếng máy khâu đều đều.
Khi chúng tôi rời bến, các cô đang ngồi giặt dưới mảng vẫy
tay theo đến tận lúc thuyền khuất sau vườn sắn bên đảo Chàng.
Bên này rộn ràng hẳn lên. Nếu công việc của nữ êm đềm trong
nhà thì những chàng trai đảo Chàng có mặt rải rác hầu khắp trên hồ. Đánh cá,
làm gỗ, đốt than, làm nương, làm nhà…
Qua trạm xá, đến xưởng rèn. Những cái bễ đỏ rực. Người ra vào
tới tấp. Xưởng rèn này làm lấy mọi dụng cụ cho đảo dùng, không phải mua ở
ngoài: dao, búa, cuốc, xẻng, chân chì lưới…
Đồng chí Si-chanh Si-ri-vông trong ban phụ trách đương ở lò
rèn ra đón khách.
- Nhiều anh làm xưởng rèn đã hết hạn ở trại, xin ở lại làm việc.
Bây giờ các anh ấy đã là công nhân nhà nước như chúng tôi.
Trên đỉnh đồi giữa đảo, đương cất một nhà hội trường lớn - hội
trường chung cho cả khu vực đảo Chàng và đảo Nàng. Các tốp thợ mộc, thợ tre
đương làm mải miết. Dưới bến một mảng vầu được kéo lên. Trong khi ấy, trên nền
sân khấu cuối hội trường, giữa những khúc gỗ, những đống tre, những buộc tranh
ngổn ngang, đội văn nghệ của hai đảo đương tập các tiết mục vui “Ngày hội nước
xuống” sắp tới. Đội văn nghệ tập luyện khẩn trương và hào hứng. Cuối năm nay có
hy vọng đội văn nghệ của đảo được về Viêng Chăn biểu diễn ở hội chợ thành phố.
Múa hát, ở đây cũng như ở nơi khác, ở sân trụ sở tự vệ dân
quân phố Sây Khay, ở trước cửa doanh trại đại đội nữ pháo binh mỗi chiều thứ bảy,
hay ở đảo Chàng đảo Nàng, nơi mà những đau khổ cuộc đời đọng lại đương được suy
nghĩ, đấu tranh, lao động để biến đổi con người, niềm vui tươi và mong ước biểu
hiện trong một câu hát, một dáng tay, đâu cũng vẫn một nét đáng yêu như thế.
Các cô gái đảo Nàng đương múa và hát bài “Ca ngợi Đảng nhân
dân cách mạng Lào”. Bàn tay nhẹ nhàng uốn lên theo nhịp trống lướt đi. Những
bàn tay, những con người hôm nay trên đảo Chàng và đảo Nàng, cái tên thơ mộng
và thơ mộng thực, thơ mộng và yêu đời, làm việc vì cuộc đời.
Tôi đã ghi vào sổ lưu niệm của đảo một câu rằng: Những trái
núi trước kia bây giờ còn lại là những hòn đảo con con trong hồ nước, thế mà những
bàn tay lao động của những con người đương làm lại cuộc đời mình đã biết chăm
chút cày cuốc, vun xới cho những mảnh đất còn sót lại đó thành luống sắn, nương
lúa mới, Đảng và Chính phủ Lào đã không bỏ một con người, không sót một dúm đất
còn lại trên mặt nước, sự nghiệp lớn của cách mạng Lào đầy truyền thống nhân đạo
đã trân trọng từ những chi tiết sâu xa ấy của đời sống xã hội. Dù chỉ còn một
người bơ vơ vì những đày đọa của xã hội cũ, cách mạng cũng đem lại cho người ấy
một niềm tin, một cuộc sống xứng đáng cuộc sống.
Tôi hỏi Si-chanh Si-ri-vông:
- Còn những người cai nghiện ở chỗ nào?
Si-ri-vông cười:
- Đã lâu không có người đến đây cai nghiện. Cái nhà cai nghiện
ngày trước ở gần bếp ấy. Bây giờ bỏ không rồi!
Anh kể cho tôi nghe về người cai thuốc phiện sau cùng rời khỏi
đảo này là một anh chàng dân tộc H’mông. Quê anh ta trên núi bị dồn về Phôn Hồng.
Khi giải phóng, anh được Chính phủ cho về nhà. Tất cả các làng người Lào Sủng
được trở về quê cũ. Anh lại về làng Xiêng Khoảng.
Nhưng vợ anh bảo: Anh bỏ được cái lính rồi nhưng anh chưa bỏ
được thuốc phiện. Bây giờ anh phải bỏ được nghiện thì về làng mới còn sức mà dắt
con trâu ra nương. Nghe nói Chính phủ có cái nhà chứa nghiện giỏi lắm.
Thế là anh đến đây xin cai nghiện. Vợ anh và hai con cùng đi
theo. Ở đảo Chàng và đảo Nàng đã quen cảnh đồng bào vùng cao đến cai nghiện thường
đem cả nhà đi theo. Khi khỏi nghiện lại đưa nhau cùng về. Vợ chồng anh ấy về đã
lâu. Hôm đã khỏe mạnh trở về quê, hai vợ chồng đi hết một buổi bắt tay mọi người
trên khắp các đảo rồi mới xuống thuyền.
Chúng tôi trở ra, trời và nước vẫn xanh trong. Trận mưa nặng
hạt thoảng qua lúc quá trưa bây giờ đã dạt sang bên này núi. Trông về Nậm Ngừm,
cái đê ngăn nước vạch một nét thẳng ngang chân rừng. Trên mặt đê, bụi nước cuộn
ngùn ngụt như khói. Đương mùa nước lớn, cửa đập đã mở hết các cống xả. Nước xuống
reo như thác, bụi nước trắng mù mịt ướt mát cả một vùng.
Một kỹ sư thủy điện đưa chúng tôi thăm nhà máy. Còn một tuyếc
bin nữa đương được sửa soạn dựng. Cả điện tiêu dùng, điện công nghiệp, điện xuất
khẩu, điện cho thủy lợi cánh đồng Viêng Chăn sắp bước vào hợp tác hóa, nguồn điện
ở đây còn sức dự trữ lớn hơn nhiều đối với con số đã được sử dụng.
Nguồn thủy điện ở Lào thật cực kỳ phong phú. Cả một bên mình
nước Lào nằm tựa dãy Trường Sơn, tỏa ra biết bao nhiêu sông suối. Nghìn năm
nay, những sông con chảy ra sông mẹ đã thành đường đi lại cho cả nước. Rồi đây,
cách mạng Lào đưa đất nước tiến lên công nông lâm nghiệp, những sông con vẫn chảy
vào sông mẹ. Nhưng khoa học hiện đại sẽ đem lại cho chúng một sức sống vô cùng
to lớn. Con sông con suối nơi kia còn là dòng nước nhởn nhơ, đến đây đã thành
dòng điện, lúc nãy là hoang sơ, bây giờ trở nên một sáng tạo của con người mà
sông Nậm Ngừm là một biểu hiện rực rỡ đầu tiên.
Nậm Ngừm chảy qua giữa huyện Phôn Hồng đâu đâu cũng thấy cánh
đồng và những làng dừa. Đến một làng ở Lào thường chỉ cần để ý cây dừa mà biết
làng này đói hay no. Vào một nhà, chủ bổ dừa mời khách, biết nhà ấy có của ăn của
để. Trồng dừa phải mất công xem nom từ lúc dừa còn đương bén lá đuôi lợn. Dừa
không phải thứ cây mọc thả dài. Nhà có người làm ra việc mới có cây dừa, thế là
nhà ấy có bát ăn. Tôi đã thấy hầu khắp nước Lào, trong làng và trong phố nhà
nào cũng trồng dừa.
Trên các cánh đồng ở Phôn Hồng, từ năm ngoái, mương máng đã
được đào cho mai kia điện đưa nước thủy điện Nậm Ngừm về làm hai vụ. Từ đây ra
cửa Nậm Ngừm, cánh đồng huyện Phôn Hồng phì nhiêu kéo liền hàng trăm ki-lô-mét
đường liền. Tỉnh Viêng Chăn có thung lũng cánh đồng Phôn Hồng bao quanh to nhất.
Những cánh đồng đất nước Lào. Người làm ruộng, làm rẫy, đánh
cá, trồng bông, trồng dâu nuôi tằm. Ít khi người làng cần ra đến chợ. Cánh đồng
và trong làng là một, cánh đồng và làng mạc đã thành phong tục, đượm một thân
thiết nối nhau như trong nhà ngoài sân.
Mùa cày cấy vừa xong, quanh những cột nhà sàn thiêng nà - cái
lều ruộng, còn lấm láp vết thừng buộc trâu, đó là những vết tích công việc vất
vả cày cấy và đó cũng là hình ảnh những ngày vui làm mùa đương còn hớn hở trên
những vùng lúa bắt đầu xanh rờn.
Bởi vì cánh đồng khó nhọc cũng lại là cánh đồng vui. Cấy và
cày ngày ngày chưa xong, cho nên con trâu, cái bừa hôm nào cũng phải để lại dưới
cột lều ruộng, mai còn làm. Và người cũng ở lại lều ruộng, cũng bởi mai còn
làm. Dưới gầm sân thiêng nà sắp sẵn bó mạ và gác cái cày, buộc con trâu. Trên
vách thiêng nà treo cái khèn, cái trống. Tiếng hát, tiếng khèn, tiếng trống rập
rờn các cánh đồng nước Lào vào mùa cày. Mỗi quãng ruộng lại thấy những thiêng
nà, có trai gái, ngủ đêm lại, đợi buổi cày, buổi cấy ngày mai và đợi buổi tối,
người các thiêng nà sang chơi các thiêng nà, vui hát vui múa, lều ruộng nào
cũng xiết bao rộn ràng. Những lều ruộng - những thiêng nà của đồng ruộng Lào
vào mùa cày cấy, những bài thơ tình dài không bao giờ kể được.
Thác chảy như tiếng guồng tơ quay
Nước đầu núi rơi lấp lánh như mắt em chớp
Chớp trên trời sáng trắng như cánh tay em đung đưa…
Đi trên những khoảng ruộng xanh mướt huyện Phôn Hồng, đôi chốc
lại gặp một quãng rừng thưa cây tếch hoa vàng mờ và những làng xóm đầy bóng dừa
liên tiếp hai bờ Nậm Ngừm ra tận cửa sông vào Mê Kông.
Rồi mai kia, mùa gặt tới, cả nhà lại ra thiêng nà, các tổ đổi
công, các nơi đã có hợp tác xã, cả làng lại ra gặt. Kho lúa chất giữa ruộng -
sáu tháng mùa khô ở làng không có mưa, khói cơm chiều và đàn vịt đàn ngỗng la
đà nhặt thóc rụng, vừa chập tối đã lại ríu rít tiếng khèn vào vòng múa lăm vông
đưa cái vui gặt hái đến trên cánh đồng. Niềm vui thật đơn sơ, thật thân thương,
như buổi chiều lặng lẽ, mấy đứa trẻ đứng quanh váy mẹ nhìn mẹ cất vó trong ruộng
mưa mới như những tên làng gắn bó với nơi ở, những pác ngọn, những nậm, những
pa, con suối, con cá, cánh rừng.
Ngoài cửa sông Nậm Ngừm, vẫn một dải những cánh đồng từ Phôn
Hồng xuống, đến đây đồng ruộng, bờ sông đã lẫn với những vườn cây rậm rạp như rừng.
Bao nhiêu cây ăn quả, vừa tưởng đây thiếu cây ăn quả, vừa tưởng đây thiếu cây
gì, lại thấy có cây ấy: những vườn dứa, những cây me, những vườn ổi, vườn xoài,
vườn mít, những cây táo mọc hoang, xó xỉnh nào cũng thấy.
Đã ra đến bến Thà Đừa trông sang Nong Khai bên Thái Lan. Ở
Nong Khai có đường xe lửa của U Don, Cò Rạt. Chỉ một đêm xuống tới Băng Cốc. Và
người Nong Khai qua sông sang bên này còn kịp vào buổi chợ sớm Viêng Chăn.
Bến Thà Đừa. Bến Thà Đừa, một bến đò thông thường như ta thấy
ở bất cứ một bến sông nào, không một vẻ tấp nập, cũng không lạ và hiện đại như
thủy điện Nậm Ngừm, không như cảnh đẹp của chùa hang sông Pác U, không như một
làng êm đềm trù phú.
Nhưng đây là bến cửa ngõ, địa đầu biên giới có đường thông
thương sang bên Thái Lan. Dù vắng, dù đông, trên núi hay trong cánh đồng, khi
ta đến những bến sông, những nhà ga, những con đường, những cửa khẩu qua biên
giới mỗi đất nước bao giờ cũng gợi trong lòng điều gì băn khoăn.
Năm trước, đọc báo thấy tin về bến Thà Đừa, phía bên Thái Lan
lúc mở lúc đóng, không mấy lúc yên. Có khi, lính Thái bắn sang khiêu khích. Đã
có lần tàu tuần sông của Thái phạm đường ranh giới, giữa sông, dám đuổi thuyền
đánh cá các làng ven bãi, bị pháo tiểu đoàn 5 của quân đội nhân dân Lào bắn đắm,
trôi dạt vào đầu bãi đảo Đon Tằm trên Thà Đừa.
Bấy giờ bến Thà Đừa, trên sông mênh mang đỏ ngầu cữ nước lớn,
nhưng sóng nước mơ màng đượm vẻ lững lờ.
Trời lất phất mưa thu. Bên nước, một cây me già đứng lặng im,
quả chín nâu thẫm trong lá lăn tăn xanh rờn. Như bất cứ cái bến bình thường nào
và hình như khác những bến bình thường không có sóng gió, trên bến Thà Đừa xanh
cây và nước hợp nhau như lồng bóng. Mấy người khách đến bến đợi sang sông ngồi
cạnh hai cô hải quan rỗi việc đứng trong cửa thờ ơ nhìn xuống dòng sông. Bốn
năm con đò máy đậu chen trên mặt nước. Trong chiếc cờ nhỏ cắm trên mui, có thể
nhận ra đò Lào, hay đò Thái. Một chiếc khác đương sang bên này, tiếng máy nổ
ngang sông.
Khách sang đò về bên Nong Khai mới đến, lại tíu tít xuống, vừa
cười vừa nói với lại những người đứng trên bờ đi chuyến sau. Người bên Thái
sang đi chơi, đi mua sắm, đi buôn, có người mua về bên Nong Khai hai con ngỗng
bỏ vào cái bu xẹp, lại xách theo mấy chiếc mâm ăn cơm cao chân bằng mây của người
Lự đan thường thấy bán ở chợ Viêng Chăn.
Nhìn những cô gái bước xuống đò sang sông, gấu váy sẫm bồ
quân, áo cánh đỏ thật ngỡ ngàng không thể đoán được đấy là người ở bờ bên nào.
Quang cảnh thanh bình trên bến Thà Đừa của nước Lào trong
tinh thần và ý nghĩa to lớn của đất nước trước cuộc sống. Nước Lào hòa bình của
cuộc sống mới.
Nước Lào quyết giữ cho ngót hai nghìn ki-lô-mét đường nước Mê
Kông, dù cho dòng chảy phía Bắc có hung hăng, phía Nam có dịu hiền nhưng phía
nào Mê Kông qua nước Lào cũng trôi theo tiếng khắp khỏng - tiếng hát thân
thương của dòng Mê Kông bình yên qua các bến làng, bến phố, bến cát, bến núi.
Những dây tải điện cao thế xuất khẩu từ nhà máy thủy điện Nậm
Ngừm qua sông trên bến Thà Đừa. Tôi nhìn trong mưa bay, những làn dây xa vút
sang Thái Lan, mờ mờ liên tiếp những ngọn cột lẫn trong mưa, hình ảnh những suy
nghĩ miên man…
Tô Hoài
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét