Thứ Ba, 4 tháng 1, 2022

Ký ức Đông Dương 2

Ký ức Đông Dương 2

TRÊN CAO NGUYÊN BÔ-LA-VÊN

Pác-Xế, tỉnh lỵ Cham Bát-xác nằm giữa cánh đồng Mường Cần phì nhiêu, những cánh rừng ngây ngất xung quanh núi Ba Chiêng, núi Xa Lâu đỉnh phẳng như xén và núi Giăng Màn lẫn lộn trong màn sương buông ngang; thoạt mới trông đã thấy ra quang cảnh giàu có Nam Lào.
Quãng ấy, sông Xê Đôn từ cao nguyên Bô-la-vên chảy xuống Mê Kông, từng khúc Xê Đôn uốn lên như rỡn, như múa mừng gặp sông mẹ. Thật là thú vị, khách ngồi dưới bóng cây táo cổ thụ đợi máy bay, như ở vườn nhà.
Bô-la-vên, vùng cao nguyên mênh mang hàng vạn ki-lô-mét vuông sừng sững và đột ngột giữa đồng bằng như một huyền thoại. Bô-la-vên mơ màng và sâu thẳm ý nghĩa như huyền thoại! Nhưng trên dãy núi Tê-vê-rê-đa xanh như khói trước mặt, ai biết mới năm năm trước, máy bay B.52 không quân đế quốc Mỹ đã đêm ngày ném bom xuống đấy, rung chuyển rừng núi. Những trận chiến đấu ác liệt, mà quân đội nhân dân Lào và tình nguyện quân Việt Nam đánh cho bọn quân đánh thuê người Thái Lan không thể một phút đặt chân được lên cao nguyên.
Bây giờ Bô-la-vên chỉ có mênh mông im lặng.
Thấp thoáng, nhà mái tôn trong cỏ tranh, cỏ tranh cao ngang cây và mây trắng ngổn ngang từng mảng trước mặt thấp xuống ngang cây. Những chiếc xe bò mải miết xuống Pác-xế, trên chất bắp cải, khoai tây, dưa gang, su su… cả những ôm hoa thược dược, hoa hồng đỏ hây.
Buổi sáng trên đồi A Chau Đê giữa thị trấn Pác Xoong. Sông suối vờn trắng quanh làn cỏ tranh. Ai đã từng xuôi ngược nước Lào từ Nam lên Bắc, đến cao nguyên này sẽ dễ dàng có một nhận xét lý thú: trên đất nước Lào không sao để ý phân biệt kịp thời được con đường và dòng sông, bởi chi chít những nhánh sông từ lưng Trường Sơn xuống phía Tây, đan ngang qua nước Lào ra hòa vào sông mẹ Mê Kông, những mạng lưới đường nước ấy còn nhiều hơn đường đất, cứ đứt quãng lại chắp nối với đường đất. Người ta đi trên đường, rồi người ta đi trên nước, đường đất và đường nước nối nhau tự nhiên cứ thế chi chít khắp nơi.
Có lẽ vì được đất đai và nước hài hòa thế mà cao nguyên Bô-la-vên đất đỏ sẫm. Rừng sa nhân và nương ngô bạt ngàn của người dân tộc Nha Hớn, người dân tộc La-vên. Và từ ngày trước, cà phê các đồn điền Bô-la-vên đã nổi tiếng nước ngoài.
Giữa thành phố mà chỉ có lặng im, không có gì cả. Xưa kia, Pác Xoong đã từng là phường phố mà bây giờ hoàn toàn hoang tàn. Nhìn mãi tít vào trong thung lũng mới thấy thấp thoáng một mái nhà, có bóng người đụng đậy trước cửa. Rất lâu, nghe tiếng pang, pang xa xa đưa đến. Người đương chặt củi. Chỉ nghe mỗi tiếng chặt củi, không một tiếng gì khác.
Mới hôm qua, tôi ở Pác-xế đi trong quang cảnh chợ cửa sông trên bến dưới thuyền ngổn ngang những xe bò dưa hấu từ Pác Xoong xuống. Bây giờ lại đương qua một vùng rừng vàng, hình ảnh lẫn lộn nơi trù phú xưa kia và những công cuộc phát triển ngày nay, đâu đâu cũng thấy được những tội ác, tàn lụi và những cái mới đương chen lấn nhau. Người đi với biết bao suy nghĩ.
Hồi đầu thế kỷ, khi Pháp mới xâm lược Đông Dương, nó đã chú trọng ngay tới những tài nguyên khác thường của cao nguyên Bô-la-vên. Ở đây mỗi gò đất đỏ xuộm đầy hàng trăm thước, màu mỡ như xắn ra được, từ các khuỷu sườn đồi. Bởi vậy bọn thực dân Pháp đã không chịu chỉ cướp của giết người quanh các cánh đồng và cửa sông. Nó đã đánh hơi thấy bao nhiêu của cải tiềm tàng nơi rừng hoang. Thế là vùng đất đỏ bắt đầu được khai phá thành từng dải đồn điền cà phê. Những người nông dân nghèo tận đồng bằng sông Hồng, sông Mã miền Bắc Việt Nam cũng lũ lượt kéo sang Lào bán sức kiếm miếng ăn. Những cơ ngơi huy hoàng của kẻ cướp và chúa đất thời ấy bây giờ họa hoằn còn dấu vết ở một mảnh tường đá chơ vơ cạnh đồi, ở vài cây cà phê, mít và cây chè còn lại, tất cả như đương cố sống nghểnh lên trên đám cỏ tranh, để cho cuộc sống mới biết đến ta.
Tưởng như cả đến mỗi làn mây trắng ngà bay trên cao nguyên đầy truyền thuyết này cũng mang lại những cổ tích và mỗi phong tục cổ vẫn còn lại trong từng gốc cây mà người nào cũng nhớ, ai cũng ao ước. Ai làm được nhà cho trăm người con trai đến ở, nhà ai nhiều chiêng nhất, nhà ấy giàu… Mồ mả người Bô-la-vên xưa nay chôn cất cả ở đầu xóm. Trên nấm mộ cũng cất lên nhà một gian tề chỉnh, theo phong tục có trâu, bò, lợn, gà buộc quanh. Bô-la-vên, tiếng La-vên có nghĩa: chỗ người La-vên ở, người sống và người chết cùng quây quần ở.
Bô-la-vên! Bô-la-vên! Trên vùng đồi của núi trông ra bốn phía cao nguyên một màu xanh chắn ngang tầm mắt. Đường đi A-tô-pư vẫn hun hút màu xanh ấy, trên màu xanh giàu có và đất đỏ phì nhiêu kia đã bắt đầu mọc lên những công trình mới mẻ của nước Lào độc lập.
Các đội sản xuất của các nông trường rải rác trong thung lũng. Những mái nhà tranh mới ở chụm dưới gốc mít cổ thụ, những cây mít rừng đã có tuổi trăm năm trở ra. Những đàn bò nông trường nhấp nhô đi lẫn vào trong lùm cỏ như sóng cỏ xanh và sóng lưng bò vàng nhau.
Nông trường 08 ở Mạc Nao, cuộc sống mới đã trỗi dậy từ 1978. Sáu đội sản xuất gồm hơn tám trăm công nhân ở với gia đình. Đầu năm nay, trồng xong 460 héc-ta cà phê, 60 héc-ta chè, 10 héc-ta canh-ki-na thí điểm… Nông trường nuôi đợt đầu trên năm trăm bò… Gà lợn lúc nhúc táo tác quanh các khu nhà ở. Trước cửa mỗi nhà, xanh mướt vườn lúa mố và những luống khoai tây và cả những cụm hoa hồng, hoa lay ơn.
Tôi ghé vào đội 1. Cái vui tai đầu tiên, ấy là trong nhà trẻ ríu rít những tiếng cười, tiếng trẻ hờn. Rồi những tách chè ngon của Bô-la-vên được đưa mời khách.
Vẫn giữa những phì nhiêu còn đơn sơ mà những công trình con người dựng lên chưa thấm tháp được là bao. Gió ào ào qua một vạt cỏ tranh nhô lên tấm biển xi măng mốc rêu. Hàng chữ Pháp đắp nổi: Thành phố Pác Xoong. Nhưng trước mặt vẫn không thấy nhà cửa đâu. Chỉ có cỏ tranh, cỏ tranh… Máy bay B.52 giặc Mỹ đã san bằng cả thành phố giữa cao nguyên này. Chỉ còn mấy nền nhà, cái khung cầu chợ. Ngoài đầu ô, vài nhà người dân tộc Nha Hớn và ở chợ, một bà già người Việt quê ở Phủ Lý, trước làm phu đồn điền, bây giờ đi buôn hoa trái xuống Pác-xế.
Người ta kể, cho đến năm 1975, Pác Xoong cũng đã vắng vẻ, nhưng vẫn còn một dãy phố, một cái chợ, một đài nước. Nhưng rồi cuộc xâm lược của đế quốc Mỹ tràn đến. Bọn đánh thuê Thái Lan vượt sông Mê Kông sang. Lính bù nhìn Thiệu nống lên. Máy bay B.52 rải thảm cả vào rừng núi, hỗ trợ cho bọn đánh thuê tiến lên Pác Xoong. Pác Xoong chỉ còn có một tấm biển xi măng trơ trọi giữa rừng cỏ tranh như thế. Nhưng quân xâm lược cũng không đặt chân tới được.
Ngày nay, phía ngoài thành phố đã bị tàn phá, trông sang bên kia đồi có nghĩa trang liệt sĩ Lào-Việt - mối tình đoàn kết quốc tế thiêng liêng. Những nấm mồ chiến sĩ tượng trưng cho hình ảnh và tinh thần bước mở đầu cuộc sống Bô-la-vên hôm nay. Thường ngày có người đến đặt hoa mới viếng các liệt sĩ.
Đứng cửa núi Pác Xoong mà thấy ra đêm cao nguyên trong vắt, nhẹ thênh, ngỡ là tất cả đất trời thênh thang tụ lại ở chỗ chơi vơi này. Tự nhiên, trời không cơn mà mưa, mưa như không biết từ đâu tới. Tiếng dào dạt thật xa rồi thật gần. Cao nguyên bỗng ấm áp lên trong mưa đêm.
Thấy trên các phía lên đồi thấp thoáng ánh đèn trong mưa. Người xách đèn đi tới. Điều lạ lùng là ban ngày chỉ có hoang vắng, thế mà, đêm đến, người ở đâu kéo ra lắm thế. Đây là các nhóm người Nha Hớn, người La-vên, thanh niên các nông trường, các cơ quan huyện, các bạn ấy nghe tin có khách xa đến, rủ nhau lên múa hát vui với khách - phong tục quý của đất nước Lào, mà cả đến những nơi khuất nẻo này cũng vẫn đượm nếp sống đẹp như giữa Thủ đô Viêng Chăn.
Đã quá nửa đêm, cuộc múa lăm vông vẫn đầm ấm trong tiếng mưa. Tiếng hát, tiếng khèn, tiếng chiêng trộn lẫn tiếng mưa. Trên sàn nhà khách, những vòng múa hát cứ nối tiếp triền miên tưởng không bao có thể dứt, không biết đến đêm, mưa đêm. Bộ gõ rộ lên, bộ gõ bằng da trâu làm lấy. Lăm vông ở một vùng hẻo lánh mà đã thấy khéo. Những chắp tay cám ơn, đôi mắt đắm đuối qua hai bàn tay chắp. Những làn mắt đan vào nhau, tìm nhau, tiễn đưa và gặp lại, thấy ở bước nhảy, ở những cánh tay, ngón tay. Ở cuộc múa ở Sây Khay trên Viêng Chăn, tôi đã được nghe nói lăm vông Nam Lào múa phóng khoáng kiểu cách riêng, bây giờ mới được thấy tận nơi.
Chúng tôi nghỉ một vòng, ngồi uống rượu và nếm ngô luộc - lớp ngô đầu mùa, ngọt như mật, mỗi bắp to dài bằng cánh tay.
Đồng chí Nơn, bí thư huyện, người dân tộc Nha Hớn, cũng trạc tuổi tôi, trải qua hai cuộc kháng chiến, tóc đã bạc, nhưng vẫn múa dẻo. Bước ra vòng múa, chắp tay kéo áo, lịch sự với cô gái mời múa, như một chàng trai trẻ.
Bây giờ chúng tôi ngồi nói chuyện.
- Huyện tôi có bốn tà sẻng (xã) với 85 làng. Hơn hai vạn nhân khẩu, không kể người các nông trường, công trường nhà nước.
- Tình hình bây giờ thế nào?
- Thế nào à? Đi học từ năm 1976 tới nay, đã ăn mừng xóa xong nạn mù chữ cả huyện.
- Thưa đồng chí, tình hình có gì nữa?
- Chúng tôi có hợp tác xã thí điểm của 51 nhà ở Huổi Cong.
- Khó khăn ra sao nhỉ?
- Nào ngô, nào lợn gà, các nhà không ăn hết mà không có chợ, không ai lên mua, chẳng nhẽ phải đưa xuống tận Pác-xế, xa quá không đi được.
Đồng chí Nơn cười hồn nhiên. Cái cười vui lây sang cả khách và chung quanh. Chúng tôi cùng cười. Ngoài vòng lăm vông cũng cười hát với những mùa xuân của đời người đã về trên cao nguyên trong đêm đầm ấm hơi mưa.
VIÊNG CHĂN HÔM NAY
Giữa mùa mưa, cơn mưa cơn nắng cứ nối nhau từng quãng, xanh thẫm rừng Lào.
Trên sông Mê Kông, trông sang phố huyện Xi Xiêng Mai bên kia, trông thấy liên tiếp một dãy nhà sàn mái tôn úp xuống kề mép nước.
Tiếng một bài hát Thái thánh thót như chui lên từ dưới mặt nước đương vần vũ, đỏ ngầu. Nước lũ tràn vào đã lụt khắp tỉnh Nong Khai và vùng Đông Bắc Thái Lan - bờ Mê Kông phía ấy, thấp chênh hẳn xuống.
Và nước cũng mấp mé vào thành phố Viêng Chăn.
Trên đảo Đon Chăn giữa sông, những vườn cây rậm rạp mọi khi, bây giờ chỉ còn phơ phất mấy chòm lá đương bị ngọn sóng đánh táp đi. Mỗi lúc nhìn ra đầu phố, những chiếc sà lan neo đấy hôm qua còn lấp ló, bây giờ đã bềnh lên, trông rõ cửa bồng với chiếc ván gỗ bắc cầu.
Nước Mê Kông mênh mang lên, nước Mê Kông thong thả xuôi đi. Những cây me, những cây bàng, những cây đề cổ thụ dọc bờ sông, nước lên cuốn quanh gốc. Nhưng vòm lá vẫn xanh om.
Người trong phố ra những cái sa la - quán nghỉ chân, cỏ sàn gỗ ngang ra mặt nước, nhìn nước lên trước mặt. Như mỗi buổi chiều nắng, cả nước Lào đâu cũng thấy mặt trời lặn bên Tây sông.
Cây đại trước cửa chùa nở hoa trắng lốm đốm mặt nước. Những chiếc thuyền đuôi cá từ ngoại ô tíu tít vào bến, đưa lên bờ những buồng chuối, những mớ rau cải sớm. Cuộc sống thành phố ấy thật bình thường bên cạnh nước mấp mé lụt lội đến nơi.
Viêng Chăn không lặng lẽ thế đâu. Mê Kông nguồn từ Tây Tạng, cùng gốc với Dương Tử và sông Hằng, dài ba nghìn ki-lô-mét thân mình. Thế mà đã có cả một nghìn tám trăm năm mươi ki-lô-mét đường nước qua đất Lào. Nhưng cũng không thể đem cái lo toan của con người ở với sông suối dữ dội vùng sông Hồng quê tôi đến đây mà trông, mà nghĩ về nước lên ở con trường giang này.
Đến mùa mưa, nước Mê Kông dù có lên tràn bờ rồi nước cũng lại rút, xưa rày vẫn thế.
Con trạch đê chạy dọc bờ sông thành phố mới đắp năm ngoái. Công trình của nhân dân lần đầu tiên biểu hiện sức mạnh con người chống nạn nước. Bởi vì Mê Kông vốn chưa bao giờ cần có con đê. Năm 1966, nước ngập Viêng Chăn.
Cả thành phố một tháng chạy lên trú vùng đất cao quanh Tháp Luông.
Năm nay, lại có nước lớn. Nhưng cách mạng bảo: Thành phố chúng ta không thể bị lụt. Cả thành phố đã đi chặn nước.
Viêng Chăn như lặng tờ. Nhưng thật ra Viêng Chăn đương sôi nổi. Viêng Chăn thế đấy.
Viêng Chăn của cảnh đẹp và di tích lịch sử, có sức sống với dáng dấp riêng của mình. Mọi sinh hoạt bình thường, xe cộ, chợ búa, cửa hàng cửa hiệu bên những hoạt động của cán bộ, các cơ quan, bộ đội, công nhân nhà máy, tự vệ dân quân khu phố, học sinh nhộn nhịp ra canh giữ, đắp thêm những quãng đê yếu. Từng đoàn ô tô đầy người với tiếng hát, tiếng trống. Không phải tiếng ngũ liên rợn sông Hồng vào mùa nước, mà tiếng nhịp bằng hai bàn tay đệm thoang thoảng cho tiếng hát.
Những tiếng trống bập bùng trên đoàn xe từ xa xa ra bờ sông. Tiếng động cơ rền trong tiếng hát và tiếng trống. Đoàn người hộ đê vừa đi vừa hát. Cuốc, xẻng vác vai cũng trở thành tiếng trống đệm tiếng hát.
Nước Lào chống lụt trong tiếng trống và tiếng hát bồng bột.
Trong nét hiền hòa của con người và thiên nhiên - ngay những ngày mưa và cả mùa mưa tầm tã, những mưa cơn mưa trận ở đây cùng đượm một khuôn mặt, một ánh mắt dìu dịu mỗi người tôi gặp - vẻ hiền hòa trầm tĩnh, kiên nghị.
Và một tình cảm cách mạng thật hồn nhiên.
Tôi đã hiểu như thế, từ lúc gặp ở sân bay Vạt Tày, một cô gái Viêng Chăn vừa đi học nước ngoài về.
Tôi hỏi:
- Cô xa nhà đã mấy năm?
- Em xa nhà từ năm em lên mười.
- Đến bây giờ là bao nhiêu năm?
- Mười bốn năm.
- Em về thăm mẹ mấy lần rồi?
- Ngày ấy, em ra vùng giải phóng Sầm Nưa, học văn hóa xong, em đi học bác sĩ.
- Đến bây giờ mới trở lại Viêng Chăn?
Cô cười thùy mị và gật đầu. Cô ghi vào sổ tay tôi một cách tự nhiên “Cô Bun Hiêng, bác sĩ, số nhà 82 Sây Khay...”. Lúc chia tay, vẫn nụ cười hiền và lặng lẽ ấy, cô thong thả xách va-li ra cửa ga, rồi cô lặng lẽ qua dưới bóng những cây bàng, như người đi chợ về. Không thấy một thoáng ngơ ngác của người đi mười bốn năm mới trở lại thành phố quê hương.
Ấy chỉ là cái trông thấy. Viêng Chăn còn bao nhiêu bề ngoài ngỡ như trái ngược. Công việc khẩn trương của một thành phố hộ đê, người đã sắp đẩy cả thuyền ngoài sông vào trong phố mà tất cả cứ tưng bừng trong tiếng hát. Như cô bác sĩ Bun Hiêng đi học tốt nghiệp về phục vụ, biết bao xôn xao, sôi nổi, thiết tha mà lại thể hiện trong những bước đi thanh thản, bình lặng.
Viêng Chăn - những tán bàng xanh mởn, con đường hoa ban đỏ, những đầu đao mái chùa cong như những ánh lửa nhỏ rỡn lên. Cốt cách của thành phố cổ kính xưa nay vẫn một nét, chỉ có một ấy, trước bao biến cố trái ngược ngoài đời.
Những ngược đời, những nghịch cảnh mà tôi đã thấy ở miền Nam đất nước tôi và ở Viêng Chăn càng cho tôi thấm thía rằng cách mạng Việt Nam cũng như cách mạng Lào, sau hơn ba mươi năm chiến đấu chống kẻ thù chung, chúng ta có những niềm, những thông cảm, những suy nghĩ và tâm sự như nhau từ Việt Bắc, từ Hà Nội hay từ khu căn cứ trung tâm của kháng chiến Lào ở Hua Phăn đến Viêng Chăn giải phóng ngày nay.
Viêng Chăn có nhiều xe kiểu du lịch của Tây Đức và Ý. Ở đống rác bờ sông, có cả xác ô tô. Một dạo, các nước phương Tây đổ hàng hóa vào đây, khoe của với rừng núi, các hãng đem ô tô đển bán chịu cho trả dần vừa biếu phiếu mua xăng. Kỳ lạ, và bởi kỳ lạ vậy nên mới có những cảnh trái khoáy: một thành phố hành chính bé nhỏ, khuất nẻo ở một nước nông nghiệp còn cày cuốc và chọc lỗ gieo hạt, xung quanh phố xá vẫn còn đất chưa khai phá, thế mà có vô khối những xe Fi-át 1974 đỏ nổi đuôi ở cửa chợ Hôm, chợ Mai, chợ Vạt Tày chen nhau với hàng trăm cải sam-lô, cái xe lôi từ mồ ma thời Pháp thuộc hơn ba mươi năm trước thấy ờ Sài Gòn, ở Phnôm Pênh mà nay vân lĩnh kĩnh đi trên đường phố nước Lào. Ô tô mác mới có nhiều, nhưng cũng chưa nhiều bằng những cái xe lôi cổ lỗ ấy.
Ngót trăm năm thực dân Pháp chiếm nước Lào, cả nước Lào không có nổi hai trường trung học. Trên hai mươi năm đế quốc Mỹ tràn vào Lào, phố xá Viêng Chăn chưa có cống rãnh và hè phố thành hệ thống. Bên dãy nhà sàn ngập ngụa trong lầy lội nhoi lên những tầng nhà ăn, nhà ngủ hiện đại. Cao lầu Tầu Tân Đào Viên, hiệu ăn Nhật Také, những khách sạn Apollo, Inter... tiệm nhảy Lex... đứng giữa ao rau muống. Đêm mưa, hôm tôi mới tới, đêm trên lầu khách sạn Apollo, khuya vẫn chưa chợp mắt. Ngờ đâu đây vẫn còn xập xình nhạc hộp đêm. Hóa ra tiếng ễnh ương, chẳng chuộc kêu trong mưa đầu mùa hạ.
Trong đêm tối, lại hiện ra một nước Lào đau thương đứng im giữa bóng rừng. Thế mà, thời đế quốc Mỹ ở Viêng Chăn, có lúc chỉ riêng sứ quán Mỹ, nhân viên ngoại giao và tình báo các loại đội lốt hành chính đã lên tới con số nghìn. Chẳng ai lạ những mưu kế hòng đánh phá cách mạng Lào, khống chế và thủ tiêu những lực lượng dân tộc tiến bộ, nuôi phỉ Vàng Pao. Đây là những thủ đoạn hiểm độc to lớn. Bây giờ, người Viêng Chăn vẫn kể nhiều chuyện lặt vặt về người Mỹ đến Viêng Chăn. Họ công tác ở những ngành nào không biết, nhưng ai cũng làm ba việc giống nhau: một buôn lậu thuốc phiện; hai là buôn vàng đem về thị trường vàng Sài Gòn; ba là quanh năm thuê thợ mộc đóng giường tủ, bàn ghế bằng gỗ tếch, gỗ trắc, đóng từng kiện hàng tạ hàng tấn đồ gỗ như thế gửi về Mỹ, mà gửi theo cách gửi hàng ngoại giao (khỏi bị thuế và cước). Ai ở Viêng Chăn cũng đều biết ba việc làm quá quen ấy của người Mỹ thời Mỹ ở Viêng Chăn. Thời ấy, Viêng Chăn như cái chợ đầu bến cưa rừng cho kẻ cướp Mỹ đi buôn.
Dọc bờ sông hôm nay, còn lác đác những nhà hàng khách ngồi ăn uống kề ngay trên mặt nước. Những quán buổi chiều người ăn chơi ra hóng mát, ngắm mặt trời lặn bên kia sông. Nhưng, cũng bây giờ vẫn còn thấy, trong cảnh nghèo khó của người lao động, có nét ủ dột riêng: khắp phố phường, đi rều rễu những chiếc xe ô kính hàng rong quà vặt đựng múi bưởi, khâu mía, nắm lạc luộc, cái chuông lắc buồn bã... chỉ thấy đi không thấy dừng lại bán.
Hình thù những ngày tháng ê chề cũ...
Nhưng không phải Viêng Chân chỉ có thế. Một Viêng Chăn thật Viêng Chăn của cô bác sĩ Bun Hiêng, kể cả trong những ngày tháng cũ, cũng không chỉ rặt những éo le và phù phiếm bề ngoài.
Viêng Chăn với truyền thống nghìn năm phát triển của dân tộc Lào trên hai bờ sông Mê Kông lúc nào cùng tỏ rõ sức sống của mình.
Thành phố trong rừng cây, Viêng Chăn mang hình bóng những thành phố bờ sông đẹp một vẻ Lào, tất cả các con đường trong thành phố đều chạy ra mép nước.
Ngót hai nghìn ki-lô-mét đường nước, Mê Kông chỉ có sông nhánh từ một phía Trường Sơn đổ ra: Nậm Khan, Nậm Ngừm trên Bắc xuống, sông Sê-ban-hiêng sông Sê Đôn dưới Nam rồi cái chấm cùng hùng vĩ là thác Ly-phi - thác Khôn, cả một dòng sông lớn ào ạt luồn sáu đợt núi ra, tiếng nước quanh năm rền như sấm.
Các thành phố Lào, các trung tâm kinh tế, văn hóa đều ngồi trên bờ nước. Những dòng sông cả nước trở thành con đường giao lưu. Từ sông trục Mê Kông vào các sông nhánh, bao nhiêu đường nước chằng chịt, man mác. Từ thuở xưa, trên những đường nước ấy, người đi vừa trèo vừa hát đường trường. Bài khèn sông Nậm U, bài khèn xuôi sông Sê-ban-hiêng, với những giọng khắp hát theo bờ sông xuôi ngược. Tiếng đồn hát khắp Nậm Ngừm - tiếng hát Nậm Ngừm, khắp Khỏng - tiếng hát sông Mê Kông, tiếng hát sông Mê Kông dạt dào xuống tận vùng Khỏng-sê-đôn bốn nghìn hòn đảo rải trên mặt nước.
Viêng Chăn trong mùa mưa nước Lào. Mỗi ngày mỗi đêm, khi mưa khi không chợt nắng, chợt rào rào. Hoa lá cũng như theo mưa nắng mà đậm nhạt từng lúc. Những cây ban hoa đỏ. Những tán bàng xanh mởn. Những vừng hoa sen nở đỏ thậm. Xanh lá xanh mượt, xanh thăm thẳm như kéo dài qua dòng sông sang tận bên kia nước Thái Lan có rặng tếch mờ như khói trong làn hoa vàng rắc phấn. Viêng Chăn, Viêng Chăn trước thiên nhiên vẫn nguyên khuôn mặt đáng yêu tưởng như đã tự bao giờ. Bởi vậy, những nét khỏe của cuộc sống mới tô đậm vào trời đất ấy, là một điều tự nhiên.
Trong bóng chiều, bóng cây xanh ngắt xanh ngơ, những chị em đi hộ đê về, áo hồng, váy lượn sóng gấu tím. Các cô thong thả bước, vai vác cuốc, cánh tay trần. Lời hát ngày xưa rằng:Chớp trên trời sáng trắng như cánh tay em đung đưa - bây giờ vẫn trông thấy trong hình dáng em, em đi mà đã như em vui múa.
Viêng Chăn, thành phố những chùa những tháp công trình nghệ thuật dân gian. Từ những năm 1641 - 1642, đoàn thuyền của lái buôn Hà Lan Giê-nít Van Oen-stôp ngược sông Mê Kông lên Viêng Chăn đã được dự một đêm hội thuyền, người phương Tây có công nghiệp sớm cũng phải ngạc nhiên trước cảnh hùng vĩ “Khi trời vừa tối, hàng mấy trăm chiếc thuyền người chèo người đốt đuốc, cuộc bơi thi bắt đầu quanh những chiếc thuyền thắp nến sáng như kiệu hoa, thế là cả dòng sông mênh mông rực rỡ như nổi lửa lên”.
Truyền thống huy hoàng ấy đã soi tỏ lịch sử nước Lào. Cho tới ngày nay, lúc nào đời sống đất nước này cũng là lịch sử một dân tộc cả nghìn năm phát triển trên bờ sông Mê Kông, từ những thời kỳ chum đá tiền sử, tới cốc đời tụ hội thành mường. Biết bao câu chuyện cổ tích kỳ ảo còn kể lại rằng hai mươi hai đời vua từ Khum Lò tới Phạ Ngừm quần tụ cho đến khi bị mất nước cũng là ngót trăm năm. Cả dân tộc với những người con nước Lào trên khắp đất nước đã chiến đấu vô cùng gian khổ, ác liệt tới ngày ra đời nước Cộng hòa Nhân dân Lào - quốc gia đầu tiên trong lục địa Đông Nam Á tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Những truyền thống cổ kính như lòng mong ước và mơ ước của dân tộc, của tâm hồn Lào mà bọn cướp nước, dù chúng mặc áo lái buôn thế kỷ trước hay bọn đế quốc, bọn phản động quốc tế hiểm độc thời nay không bao giờ có thể hiểu được.
Tháp cổ Thạt Luổng - nơi để di cốt những người tu hành, tượng trưng cho đỉnh cao nhất công trình của người giữa thế gian. Quanh sân cỏ xanh mướt, bước lên tầng hai, suốt bờ tường nở từng cánh sen mọc châu tuần vào ba mươi ngọn tháp. Đứng đây ngước mặt nhìn ngọn tháp cao mọc giữa mười hai cánh hoa quỳ, ngọn tháp như ngọn nến vàng thắp lên trời, vẳng tiếng khánh reo trong gió. Nhưng cây cọ cổ thụ cùng ra đời với tháp từ những thế kỷ trước, giữa ngôi nhà sàn thênh thang “một nghìn cửa” - cái sa la lớn nhất các chùa trên đất Lào.
Trên sân sa la nghìn cửa giữa vùng cỏ xanh biếc, những tàu lá cọ như những chiếc dù che. Bao nhiêu năm đã qua, mỗi năm lại đến một cuộc vui đêm ngày của đám hội chùa Thạt Luổng đã cắt nghĩa được tâm tình con người với những nét yêu, nét tin vô vàn.
Có thể nhận ra những nét tin yêu ấy ở đâu cũng có. Một cánh cửa, một bệ tượng Phật ngồi trên cánh sen, những lá cọ, những bông lúa nếp, cành lá ban vừa trông thấy trong bức tranh và nét khắc, ngước mắt ra sân vẫn thấy những người ấy, cây ấy, lá ấy. Phật ngồi niệm, tay bấm hư vô, tay buông thư thái. Phật đi cất bước như người đi ngoài đường. Mọi hình tượng của tín ngưỡng cũng là quang cảnh đời sống và tâm tư con người. Pho tượng thần mưa óng ả trong chùa Phạ Kèo, cả dáng thân mình chảy dài như dòng nước, hai tay buông, năm ngón năm giọt nước rơi giữa mùa mưa nước Lào. Mùa mưa nước Lào, vẻ ngoài ủ dột ấy của thiên nhiên nhưng lại chính đương chứa đựng một mùa mong đợi, mùa sinh sôi...
Mùa mưa và cánh đồng, công việc đồng áng cùng với tiếng hát tiếng khèn, tiếng trống ở những thiêng nà - nhà lều coi ruộng, thân thiết, gần gũi người và cuộc sống hôm nay.
Năm ngoái, nước Lào bị hạn. Các cụ già đến trăm tuổi cũng như chưa thấy một lần mất mùa mưa như thế. Cả nước đi làm thủy lợi. Làng xóm vốn quen canh tác đơn giản, buông cây lúa xuống ruộng chỉ còn đợi gặt hay chịu mất. Bây giờ cách mạng kêu gọi người ta biết đi đắp bờ, khơi nguồn, đem nước vào ruộng - những con kênh đất đỏ còn ngang dọc trên nhiều cánh đồng. Thế là vụ gặt tưởng mất lại đến như những năm được mùa.
Chỉ có cách mạng mới biết làm như vậy, người ta bảo thế. Cách mạng với khí thế lao động sôi nổi, hoàn toàn mới. Viêng Chăn đã lập lại và phát triển được hàng trăm xí nghiệp, lo tự túc vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Nhà máy thủy điện Nậm Ngừm hoàn thành đợt hai, thêm điện cho thành phố và công nghiệp, các trạm bơm ngoài cánh đồng tỉnh Viêng Chăn. Hàng trăm xí nghiệp tư đã được công tư hợp doanh. Các nhà máy bia, nước ngọt, gỗ dán, thuốc lá, chủ và thợ đều trong công việc với tinh thần mới, khí thế của lực lượng công nhân trẻ nước Lào.
Đứng trong sân cỏ trông lên tường chùa Si-sa-vẹt, từ các hiên quanh chùa, vách nào cũng thấy những bức vẽ, dầu là sự tích Phật Ra-may-a-ra hay Phật Véc-san-ta-ra, thì trông đấy người xem tranh cũng nghĩ ngay tới những sinh hoạt hàng ngày của đời sống dân gian. Nền tranh vẽ hàng đàn voi đi, voi đứng, như con trâu, con dê trong chuồng. Đường sá đất Lào là sông nước, đi đâu một bước cũng ngồi thuyền, vậy là trên tường cũng ngổn ngang những tranh vẽ thuyền. Đêm Lào là đêm của múa hát, tường chùa cũng thấy múa hát. Trên tường chùa cũng như cảnh trong làng, êm ả những nhà sàn người ngủ nằm nghiêng trông ra, trẻ con chơi ngoài hiên đầu cầu thang, người ngồi cửa sổ nhìn xuống tàu ngựa, ruộng cấy.
Tôi đứng trông ra cửa chùa trên bờ sông. Những chiếc xe vận tải đưa đất từ ngoại ô vào, những đoàn thanh niên đi hộ đê, vừa đi vừa lấy tay vỗ lên mặt xẻng làm nhịp trống và cất tiếng hát. Như cũng thoáng bắt gặp những cảnh nhộn nhịp ấy trên những nền tranh tường chùa.
Viêng Chăn đương vào những nét mới của thời đại. Cuộc sống cổ kính trầm tĩnh hòa hợp những hành động sôi nổi, thiết tha. Lại nhớ dáng cô bác sĩ Bun Hiêng nhanh nhẹn và trầm lặng, gắn bó bao nhiêu với hình ảnh con người Viêng Chăn ngày nay.
Có hai cô trong đội tự vệ đường phố, súng khoác vai, đứng trong mái sa la dưới bóng cây đề trước cửa chùa Vạt Chăn. Chập tối, những toán thanh niên tự vệ các phố bắt đầu triển khai đi tuần sông.
Bên kia, phố Thái huyện Xi Xiêng Mai đã lên đèn, sáng xanh ngập trên mặt nước.
Dòng sông và ánh mắt những người thanh niên tự vệ thành phố Viêng Chăn, bình tĩnh và hiền hòa, vẻ đẹp của người Viêng Chăn trong niềm tin kiêu hãnh.
NHÌN QUÊ
I.
Cuối bãi biển Kép tỉnh Kam-pốt có một cái phố nhỏ nằm im trong hàng dừa - dừa Kép đã nổi tiếng đẹp, trông xa như một bức mành buông viền sát ngay bên bờ cát trắng mát. Đấy là những quán hàng bình thường cho khách chơi biển.
Ở đấy, nhìn sang được Hà Tiên, trông thấy cả bóng dừa và cát trắng bên Hà Tiên, cũng như đây.
Bỗng dưng tôi trông thấy Hà Tiên trong vòm cây mờ khói sóng vịnh Thái Lan một ngày chợt nắng rất hiếm hoi giữa mùa mưa Kam-pốt nặng nề. Đây đến đấy, ca-nô đi ngót một tiếng.
Bóng dừa và mép cát mà tôi thấy kia là đảo Kim Dự, đó cửa vào Hà Tiên.
Kim Dự này là núi chốt then
Xanh xanh dựng đứng cửa Hà Tiên 1
Hà Tiên ở đầu kênh Vĩnh Tế có cảnh đẹp Tô Châu và hồ Đông. Tôi chưa bao giờ được đến những Đại Tô Châu, Tiểu Tô Châu, những hang Thạch Động và chơi trăng trên hồ Đông. Tôi chưa hề đi dạo dưới hàng dừa Hà Tiên nổi tiếng như dừa Kép, chưa lần nào được nghe, tiếng hát trong vườn hồ tiêu của người gái Hà Tiên đẹp đã nức lờí đồn đại. Tôi chưa có may mắn tới Hà Tiên. Nhưng văn chương quả là có thần đã làm cho cảnh với người bất tử và tuyệt vời, cứ khiến tôi những tưởng từ ngày nào đã biết:
Bãi khói dưới không hương lạ bủa
Hồ gương trong có gấm thêu rơi 2
Và ô hay, làm sao cứ vương vấn mãi với tâm hồn Nguyễn Cư Trinh man mác một đêm trăng rải hồ Đông:
Đêm đến, ai mài giũa ra hai hòn sáng rõ
Một cho nhà trời, một cho cõi nước
Nước nói trời học đúc mâm bạc
Trời ngỡ nước điểm trang trước gương ngọc 3
Mà đây về tới đấy, về tới Hà Tiên đất nước Tổ quốc tôi chỉ cách có vài mươi phút đường biển!
Tôi đến ngồi một nhà hàng ngay bên một gốc dừa ngả xuống mặt biển, cho được trông thật rõ Hà Tiên. Hà Tiên với mình chỉ cách có một khoảng nước xanh này mà thôi nhỉ? Trước cửa nhà hàng, một người đàn bà Việt từ bờ bể xách một giỏ cua ghẹ lên đi về phía chúng tôi. Những con cua ghẹ lớn, mai xanh, thịt đặc biệt ngọt thơm. Trong vịnh Thái Lan, thì ở Kép, ở Hà Tiên hay ở Rạch Giá, đâu cũng có. Tưởng như ở đây, hay ở Rạch Giá, ở Hà Tiên lúc này đương mùa chơi mát trên bãi bể, cũng đều có người đàn bà và những em nhỏ xách giỏ cua ghẹ vẫn ngâm sẵn dưới bể, thấy khách lạ thì rón rén tới, ngọt ngào hỏi khách có mua không.
Người đàn bà ấy quần áo đen, khuôn mặt hốc hác, lặng lẽ đến trước mặt tôi. Đôi mắt ngơ ngác lo âu. Biết đâu đây chẳng phải là một người đàn bà vốn dĩ hiền lành, một người mẹ của cô gái Hà Tiên trong vườn hồ tiêu nào đó, xưa nay chỉ biết có nghề bán cua bờ biển, thế mà cũng phải bỏ quê Hà Tiên, quê Rạch Giá, vừa trốn khỏi một cái ấp chiến lược nào đó, chạy đi, đành sống tha hương. Cái tiếng nói nhỏ nhẹ, thanh thả của các chị, các em Nam bộ, cái tiếng nghe thương nghe nhớ, như trưa nghe tiếngầu... ơ, ví dầu... êm ái ru con một ngày rất xa rồi, đã bao nhiêu năm nay, một làng vắng vẻ đầu rừng miền Đông. Tôi bỗng rưng rưng dại cả người và nghẹn ngào.
Những ngày này tôi đương trên đường xuống miền Nam Cam-pu-chia, mỗi bước đi cũng mỗi nhích gần về miền Nam đất nước tôi. Trong không khí, có một cái gì náo nức và bí mật và thiêng liêng nữa. Như ở những ngày cuối năm sắp qua năm mới, như sắp gặp ai quen. Sự mong ngóng bồn chồn, thần bí, không cắt nghĩa được. Quả là tôi đương có cảm tưởng tôi sắp gặp ai, nhưng thật là ai thì không làm sao nghĩ ra. Trước kia, tôi cũng có những người quen đến làm ăn ở đất Cần Vọt này. Nhưng bây giờ sắp gặp ai đây, thì lại không phải từ xa xôi những khuôn mặt cuộc đời nghèo khó ngày cũ của tôi hiện trở lại. Thế thì gặp ai, tôi chịu không nghĩ ra. Mà chỉ cứ phảng phất người nào mình quen biết, không hẹn mà sắp gặp cũng nên. Mỗi bước đi, mỗi bước đưa dần cái mong ước gặp gỡ lại. Tôi bắt đầu nhìn kỹ người đi trên đường. Tôi ngắm những nếp nhà tranh sơ sài của những đồng bào Nam bộ của tôi bỏ quê lên đây nương náu. Ở chợ, tôi ngơ ngác chờ, tìm nghe một tiếng nói của người mình. Tôi trông mặt, tôi đoán dáng, đoán vóc người.
Nhưng rồi chẳng gặp. Nhưng rồi lại hy vọng, lại tưởng sắp gặp.
Không, không gặp ai đâu, nào tôi có gặp ai đâu. Ấy chỉ là một nỗi tơ tưởng, khát khao đất nước quê hương mình mà mỗi bước anh đi đương mỗi lúc một gần lại, thì đất nước quê hương anh lại hiển hiện như đứng lên cho anh sắp thấy mặt, anh chỉ sắp được thấy mặt mà thôi.
Thế là thế nào? Lý trí và lương tâm con người bình thường và ngày tháng không thể yên lòng hiểu như thế được, có phải vừa một năm trước đây, tôi có dịp ra Hải Ninh. Từ bờ biển Trà Lộ ra, tôi đi trên mỏm đầu chữ S ven biển Tổ quốc trông sang đất Trung Quốc, không một bỡ ngỡ, rồi đặt chân sang đây cũng không một chút bỡ ngỡ. Thế mà hôm nay tôi phải đành ngồi bên ngoài cái mỏm cuối chữ S ven biển Tổ quốc chấm đậm bằng cái chấm Hà Tiên kia, nhìn sang mà không đến được, mà chưa đến được. Tôi ngồi đây, nghĩ các bạn Cam-pu-chia thiệt quý khách, đã giúp tôi đi trong nhân dân và trên đất nước bạn, chí tình và tôi cũng không có cảm tưởng một chút ngỡ ngàng, nhưng cứ nghĩ thế thì, cái đau Bắc Nam một dải bị chia cắt cứ càng ngấm lại càng đau và càng rõ không để yên cho cái vô lý ấy tồn tại được.
Tôi vẫn ngồi đây, ở quán nước cuối bãi Kép mà thấy Hà Tiên xanh xanh lùm cây thưa trải dài trên mặt biển, mỗi lúc nhìn một bồi hồi: Hà Tiên đấy. Ta phác một đường tay trái đi lên, theo kênh Vĩnh Tế từ Hà Tiên sang Châu Đốc rồi suốt Tịnh Biên, Hồng Ngự, Tân Châu đến tận các chợ Trời bây giờ nhan nhản ở Gò Dầu Hạ. Tôi không thể tả được những sôi nổi, đau đớn, chấn động trong lòng khi tôi lại nhìn theo tay phác lên kia.
Quê hương tôi kia, mà không đến được!
Trong đau đớn hôm nay đứng đây, à tôi nhớ những Châu Đốc, Hà Tiên, những Tịnh Biên, Hồng Ngự, Tân Châu, Gò Dầu Hạ... những tên quê hương cũng là tên những trận chiến thắng trong thông cáo của nhân dân giải phóng quân miền Nam, tôi thường nghe quen. Nhân dân miền Nam đương lấp bằng cái vô lý hôm nay.
II.
Chúng tôi đến Tà-keo.
Tà-keo giáp giới Châu Đốc. Tà-keo của Cam-pu-chia cũng từa tựa cảnh thị trấn miền Nam, cũng tiệm ăn, quán trà, cũng chợ, cũng bến sông.
Hương nói đùa: “Còn hai mươi ba cây, hay là ta ráng một chút, về bên Tịnh Biên. Đất Châu Đốc ta có canh chua tuyệt diệu như canh chua cá vồ Phnôm Pênh đấy”.
Phải, chẳng lâu la gì đâu, chỉ đi dấn hai mươi ba cây số nữa là đến huyện lỵ Tịnh Biên, đến Châu Đốc và Châu Đốc lại kề sông Bát-sắc, sông Bát-sắc ở đấy nước đỏ ngầu chảy xiết, ghe thuyền qua lại ồn ã, mải miết, cũng như ta thấy lúc sáng ngay dưới cầu Mô-ni-vông trên Phnôm Pênh. Và cả nhánh sông Sla-kou đầu tỉnh Tà-keo chúng tôi vừa tới cũng đương vội vã xuôi thẳng về thị xã Châu Đốc. Một chùm hoa lục bình tím bơ vơ trôi đây, chốc lát đã về tới kia. Hai mươi ba cây số! Những con số cứ chích vào người! Bằng nửa đường lên Sơn Tây. Bằng Hà Nội qua Hà Đông, chưa đến Vân Đình, chưa được phần đường Phủ Lý. Hai mươi ba cây số!
Nhưng chúng tôi vẫn lại chỉ có thể đứng đây nhìn về Tịnh Biên.
Đầu thị trấn Tà-keo, một dải nước trên đồng lầy đương lên. Chiếc đò dài lướt, có một người con gái đứng chon von đầu đò, khăn “rằn” phất phới, bóng dừa và thốt nốt lủa tủa đằng xa. Chị ấy nói gì, tôi không rõ, chỉ vẫn nghe cái giọng người con gái Nam bộ êm ái hết sức dễ thương. Đò về đằng kia mà tôi cứ tưởng đò ấy, cô em đương khoan thai cho lướt sang Tịnh Biên và chỉ ngay bên mép nước đã là Tịnh Biên, là Châu Đốc, là đất mình rồi.
Đây sang đấy, một việc thường. (Mà sao ta không thể). Chuyện những ngày cũ nhắc lại vẫn còn nghe tiếng thở dài. Ngày ấy, có lần đi tìm công việc làm, tôi đã đáp xe thổ mộ lần lần từ Sài Gòn lên Cam-pu-chia. Có gì đáng nói đâu, cái cảnh một người chạy vạy kiếm kế sinh nhai qua ngày. Con ngựa lọc cọc kéo lên Củ Chi, rồi Trảng Bàng, rồi Gò Dầu Hạ. Công việc không xong, tôi phải lần sang Xoài Riêng. Sang Xoài Riêng thì cũng như từ Tà-keo này về Tịnh Biên, chỉ uống rốn một ấm chè hay chịu khó đợi sang bên kia làm ly cà phê đá nhân thể, là đến nơi thôi. Lần tôi đi ngày ấy là như thế. Bây giờ thì từ miền Bắc phải đi vòng hàng nghìn cây số nhưng đến đây thì cũng đến được mà chỉ vài bước trở về miền Nam đất nước mình lại không về được. Thế thì cái vô lý ấy làm sao mà sống được!
Lại như Hương, đồng chí Hương cùng đi trong bọn chúng tôi. Hương đã từng chiến đấu ở miền Nam trước, có lần Hương lên chiến trường miền Đông, đã từng trèo qua dãy Bảy Núi kia.
Trông thấy Bảy Núi, phải nhớ ngay nhà thơ Cử Trị. Hơn chín mươi năm nay, những câu thơ buồn cất lên từ bến An Giang (Châu Đốc) của một tâm hôn yêu nước vẫn còn xót xa day dứt lòng người.
“Linh đinh bèo nước biết là đâu
Đậu bến An Giang thấy những sầu
Bảy Núi mây liền chim nhíp cánh
Ba dòng nước chảy cá vênh râu...” 4
Bảy Núi, một dãy chùm bóng núi sừng sững ngay cuối cánh đồng Tà-keo, miết dài một vệt thẫm xanh, trông còn gần hơn cả núi Kam-chảy sau lưng.
Bảy Núi, Bảy Núi của Châu Đốc thân yêu ta đó. Năm xưa đất Bảy Núi làm vườn trồng chuối, thờ đạo Hiếu Nghĩa, trai gái để tóc dài, nhưng đều dốc một lòng yêu nước và kháng chiến. Bây giờ Bảy Núi ra sao? Một câu hỏi khắc sâu không lúc nào rời lòng những ai đã biết Bảy Núi. Bởi vì, ở vùng Thất Sơn bây giờ, địch lập ấp chiến lược vào tận chân núi và ta phá ấp chiến lược khiến địch ở chỗ nào cũng không thể yên. Cái trại huấn luyện “đặc biệt” của địch ở Thất Sơn luôn luôn có hàng chục tướng tá Mỹ túc trực đã mấy lần bị quân và dân Châu Đốc tấn công. Thế ra Bảy Núi vẫn tiếp tục và phát triển, càng ngày càng dũng mãnh, tinh thần yêu nước và kháng chiến. Phải chăng, có phần của người Bảy Núi muốn đem lại nỗi vui cho câu thơ buồn của Cử Trị và rửa hờn cho cha ông ta đã đổ máu chống quân cướp nước?
Bảy Núi hiên ngang trước mặt chúng tôi khiến chúng tôi cảm động như còn nhìn thấy cả người trên núi vẫy xuống. Và tôi trông lại thoáng thấy cả nỗi ngây ngất ấy ánh trong mắt Hương. Hương đã qua Bảy Núi năm nào...
Con đường, con đường cứ ngang nhiên và vô tình dẫn người đi. Buổi sáng, ở Kép, chúng tôi cách Hà Tiên bốn mươi ba cây số, rồi gần hơn còn cách Hà Tiên hai mươi ba cây số, những cột cây số chỉ rành rành, rồi mười ba, rồi mười, những chữ số cứ rập rờn trêu tức làm sao.
Kông-pông Trách rồi Tà-ni, Túc-miết, Cha-húc, Tram Sa-sa...
Nhánh sông Mak-prang nho nhỏ vừa qua ngang dưới chân chúng tôi cũng đương mải miết chảy về Giang Thành trên kênh Vĩnh Tế.
Đã đến đường rẽ Tan-hon ra biên giới.
Tôi nhìn ra, thì chỉ thấy vẫn lơ thơ nhà và vườn cây, như làng mạc ở những vùng đồng bằng khác. Trạm biên phòng của quân đội Khơ-me, mái tôn bạc, xinh xắn bình yên. Đã thưa bóng thốt nốt, cái dáng cây thốt nốt vừa e lệ vừa cứng cỏi đứng giữa đường như cô gái Khơ-me mới lớn, đến đây đã thấy vắng hơn, mà dừa, lá dừa đan lên san sát chân trời. Nghe xa, không có tiếng súng, không một làn khói đùn, như tôi hằng tưởng cảnh tượng bên kia biên giới Cam-pu-chia thật khác thế. Đồng chí Đoàn Bá Từ, phóng viên thường trú của Thông tấn xã nước ta ở Cam-pu-chia, anh đã nhiều dịp đi trong đoàn nhà báo nước ngoài ở Cam-pu-chia, được Chính phủ Cam-pu-chia mời đến xem tận nơi xảy ra những vụ binh lính miền Nam với cố vấn Mỹ xâm phạm và nhũng nhiễu biên giới Cam-pu-chia. Chúng đã giết người cướp trâu bò, có khi ném bom, lủng cả cột biên giới. Anh đã thấy tội ác và những thủ đoạn trơ tráo của giặc. Và anh thấy một sự thật đáng suy nghĩ là ở biên giới Cam-pu-chia, Việt Nam nếu quân địch không càn quét đến, nhân dân miền Nam Việt Nam không phải phẫn nộ và dũng cảm chống càn quét, khi không có bóng giặc thì nhà cửa, ruộng vườn, kênh lạch đâu đâu cũng chỉ có cày cuốc làm ăn, chỉ có bà con ta với ta, bên kia hay bên này biên giới, hai dân tộc Khơ-me và Việt Nam cũng chỉ là một người nông dân cần cù. Nhưng khi giặc tới thì nhân dân miền Nam đã đứng dậy và trong cái lặng lẽ và cần cù hàng ngày ấy đã nhảy ra những anh hùng. Cuộc chiến đấu thiên la địa võng không có mặt trận mà chỗ nào cũng là mặt trận, chỗ nào cũng khủng khiếp cho chúng, bởi vì chỗ nào cũng có nhân dân, tôi hiểu cái êm lặng nhưng khác thường ở vùng bên kia biên giới là như thế.
Đây này, chính ngày 29 tháng 10, khi chúng tôi trở lại Phnôm Pênh, đọc báo, biết tin quân giải phóng và nhân dân Châu Đốc đêm ấy đã phá tan ba ấp chiến lược huyện Tịnh Biên.
III.
Tôi đã nghe bạn nói lên Bô-ko thì trông thấy đảo Phú Quốc ở ngoài khơi vịnh Thái Lan, đối mặt tỉnh Rạch Giá.
Bô-ko - tiếng Khơ-me nghĩa là cái vai bò, nơi nghỉ mát trên dãy núi Kam-chảy cao hơn một nghìn thước ngoảnh mặt trông ra vịnh Thái Lan. Đường dốc hơn hai mươi cây số vắt ngang qua những rừng, những suối. Chốc chốc, chúng tôi lại đến một mỏm núi chênh vênh, nhìn hắt xuống thung lũng kề sát mặt biển.
Lên Bô-ko thì ngó được đảo Phú Quốc, tôi đã nghe nói thế! Nhưng đến khi thật trông thấy thì vẫn là bất ngờ. Vừa vượt một thôi đường dốc rừng, trông ra, mặt biển đã dâng bát ngát đầy mắt. Đảo Phú Quốc án ngữ ngay trước mặt. Một đầu núi chàm biếc nhô lên, rồi lô xô một cánh đồng vàng lợt, rồi lại đợt đợt núi mờ xanh vào trong xa. Đầu tiên, tôi không tin mắt tôi. Hạnh phúc đến sớm quá, khiến mình ngơ ngác. Không, chính là Phú Quốc trước mặt đấy. Chao ôi, Phú Quốc đây ư? Phú Quốc hiện ra như một cái gì ngậm sầu nuốt tủi những nhớ những mong. Trong một cảnh ngộ thế này, tôi cứ ngây nhìn Phú Quốc chơi vơi giữa biển. Lòng không buồn mà mắt rơm rớm lúc nào không biết.
Cũng là may, không ngờ. Cữ này, Kam-pốt, cái túi đựng mưa của Cam-pu-chia, đương mưa nhiều, nhiều nhất mùa mưa. Mưa đã dọa chúng tôi từ trên đường tới Kam-pốt, mưa giăng xám trời, che hẳn núi Sam bên Châu Đốc, và mờ cả núi Kam-pốt chảy ven đồng. Mưa Cam-pu-chia lặng lẽ, đột ngột mà xối xuống rất dữ, rất phũ. Nhưng chúng tôi càng tới, khi qua Kam-pốt rồi trên đường lên đây thì trời đất cứ tỉnh dần. Khi lên đến lưng núi thì quanh tôi chỉ còn lại một buổi chiều đẹp, bâng khuâng hết sức hiếm có. Chiều rồi mà còn trông thấy cả biển xa lẫn chân trời.
Mỗi khi đường vắt bên này núi, vắt bên kia núi, lại thấy Phú Quốc đuổi theo, nhấp nhô đốm biếc, đốm vàng ngang tầm mắt. Và mỗi lần như thế Phú Quốc hiện ra một vẻ mới, một hình thù mới, như một con rùa, một con giải, nổi lên mênh mông, đương ườn dài chân tay trên mặt biển sương chiều.
Chiều đã muộn rồi mà trở đi trở lại, vẫn Phú Quốc. Lúc thì Phú Quốc lấp bóng ngay đầu núi, lúc thì Phú Quốc dang rộng giữa mù khơi, có khi Phú Quốc loáng thoáng sau những mảnh sương, từng mảnh sương, những mảnh sương bay luồn qua khe rừng thưa. Mỗi lúc một dáng. Mỗi phía một khác. Phú Quốc chiều ấy khoe mình, hết sức khoe mình trước những con mắt khát khao đương ròi rõi tình quê của chúng tôi.
Trời biển đã mờ chập vào nhau. Mà chúng tôi còn cố níu nhìn Phú Quốc. Trên mỏm đá đen kỳ lạ nổi tiếng đầu chùa Năm-thuyền cheo leo nhìn xuống, rõ ràng tôi vẫn thấy nhòa nhòa bóng Phú Quốc bơi lại phía này.
Đêm nay tôi thức, tựa lưng và cái đầu nặng trĩu vào Phú Quốc. Trong tôi nhơ nhớ dung nhan Phú Quốc nguy nga và âm thầm những đồi, núi, những rừng, ruộng. Có vạn chài đánh cá, như vạn chài vịnh Hạ Long, vạn chài Mũi Né, những vạn chài ở khắp các cửa biển quê ta. Có quân giải phóng với nhân dân. Có phải ngồi một mình giữa biển kia, đêm đêm Phú Quốc không ngủ? Nhưng Phú Quốc không vò võ, không ngậm sầu nuốt tủi. Phú Quốc và cả miền Nam đương sôi sục trầm mình ngày đêm vào cuộc chiến đấu giải phóng.
Gió biển đêm từ ngoài khơi thổi lên đầu núi, lùa dài qua những khu cửa lớn, sôi lên, réo lên. Gió của Phú Quốc. Tôi thức nghe gió Phú Quốc vào đây. Như nói rằng Phú Quốc vẫn thức, Phú Quốc hùng vĩ giữa đêm tối, thở hơi thở của mảnh đất tuyệt vời từ biển cả và bao phủ lên chúng tôi.
Sáng sớm đã bổ ra sân thượng khách sạn, tôi lại vội vã nhìn Phú Quốc.
Một đêm đợi sáng để lại trông ra Phú Quốc, thật là dài. Trong đêm ấy, một giờ một phút ở Phú Quốc, ở Rạch Giá, ở Hà Tiên và trên hai sườn biển bao quanh miền Nam thân yêu, những gì đã xảy ra? Những trận đánh, những cuộc mít tinh ồ ạt biểu dương sức mạnh vô địch của quần chúng. Nhà máy điện của địch ở giữa trấn trên đảo bị tấn công sập đổ. Những kho xăng cháy ngất trời.Cả ngàn thuyền tiếp tế, tải quân chuyển động trên sông, trên biển. Những ấp chiến lược bị phá, cả đàn máy bay lồng lộn đêm tối, và những đèn chiếu, những phuy-đê xanh đỏ đầy trời… gì nữa, gì nữa. Đêm miền Nam cách mạng và kháng chiến bây giờ đương hừng hực bời bời.Một đêm đã qua thế nào? Phú Quốc tuyệt nhiên không giống hôm qua đâu.
Thật đấy, Phú Quốc buổi sáng nổi bóng xanh một màu xanh mới nhất. Nắng lóe lên, xóa vội những đám mù trắng mỏng lững lờ còn sót lại. Rồi một màu xanh khác trong muốt cứ đậm dần lên và thế là cả một thinh không xanh xanh cũng hòa lẫn xuống với nền xanh nước ấy.
Lúc này, rừng biếc Phú Quốc và đồng vàng óng, rõ nét hơn chiều qua.
Không cần ống nhòm cũng thấy mặt bể buổi sáng. Nước lượn vằn vèo từng luồng quanh đảo. Nhưng quanh đảo Phú Quốc không có thuyền đánh cá như những buổi sáng lặng biển quen thuộc và bình thường. Không một bóng thuyền đánh cá.
Chỉ có những chiếc xuồng máy của địch canh biển chạy quanh, từng chiếc đi mỗi phía, cô độc, thui thủi, lừ đừ như những con bọ dừa bơi trên mặt nước bây giờ lại vàng ánh trời.
IV.
Tôi về Kép, đến cuối bãi biển Kép, và ngồi đây, ngồi nguyên dưới gốc cây dừa ngả trông sang Hà Tiên. Trong ánh nắng đan bóng dừa, tôi đã thấy Hà Tiên bên này và bây giờ lại thuộc bóng Phú Quốc xa xa. Những hòn đảo to nhỏ lấm tấm trên biển Thái Lan vẫn hoạt động. Một lần nữa Phú Quốc rạng rỡ dáng mới. Khác nào Phú Quốc vẫn vờn theo chúng tôi, còn cố vờn theo chúng tôi, trước khi chia tay.
Từ đây nhìn ra thì thấy Phú Quốc ngả dài cả bốn mươi tám cây số thân mình mượt mà trên mặt biển, uy nghi phủ phục như một con rồng trong tranh cổ, đầu thì cất cao, rõi mắt vào đây. Dưới chân, biển vẫn xanh, càng xanh, xanh sáng một vệt dài kẻ phóng ra biển Đông.
Chúng tôi sắp giã từ bóng đảo và Hà Tiên, với cả miền Nam anh hùng, để đi ngược lên phương Bắc, để trở về Tổ quốc. Cái vô lý của chuyến đi ngược đường lại bồn chồn trong lòng. Nhưng đi trở lại hàng nghìn cây số, mà tôi đinh ninh rằng một ngày gần đây, nếu thăm Cam-pu-chia, mình sẽ ra chơi Phú Quốc và về Hà Nội theo đường vào Rạch Giá rồi lên Sài Gòn. Nhất định thế.
Chúng tôi sắp đi, tình cờ gặp một chuyện.
Buổi trưa ấy, ở nhà hàng Xanh da trời trên bãi biển, khách ăn đương đông.
Người bạn Khơ-me cùng đi, bỗng cười, bảo chúng tôi:
- Này, trong các anh, có ai đã đánh trận Điện Biên Phủ thì nên đến làm quen với lão quan năm thầy thuốc kia. Người quen cũ đấy.
Câu hài hước thình lình hướng tôi nhìn sang góc cửa sổ, có một đám người Âu, cả đàn ông đàn bà và trẻ con đương ngồi quanh bàn ăn. Trước mặt họ, cả một bàn dài là những thức ăn cho khách chơi bể, đầy tú ụ, bày ràn rạn, kềnh càng và phức tạp một cách thú vị, nào những cua ghẹ mai xanh luộc để cả con, những đĩa tôm, những mực tươi, những đĩa sò nướng cứ vắt chanh vào mà hút tươi nguyên xi như thế. Chen giữa mấy cái gáy béo nung núc đương cắm cúi, mải miết ăn, đột ngột nổi gồ lên một cái đầu hói đỏ gấc, to đến bằng quả bí đại.
- Lão ta đấy.
- Thì ra, năm trước, lão ta là quan năm thầy thuốc trong quân đội Pháp ở chiến trường Điện Biên Phủ “khủng khiếp”. Lão ta đã giơ cả hai tay run rẩy dưới mảnh cờ hàng vải trắng, lão chui hầm ra đứng cúi đầu trước các chiến sĩ quân đội ta. Từ ngày được thả, giải ngũ, lão ta xin đến trú ngụ kiếm ăn ở đất này và làm việc cho cái nhà thương tư Boát-Si-E. Đã được bảy, tám năm nay.
Người bạn Khơ-me của tôi có nhận xét:
- Hồi mới về đây ông ấy gầy lắm. Bây giờ thì béo rồi.
Ngẫu nhiên mà câu chuyện vừa bi đát vừa hài hước về số phận một con người ấy gợi lên trong tôi những hình ảnh rất khác nhau, nhưng rành rọt. Kia là Hà Tiên, là Phú Quốc, là miền Nam thân yêu của chúng ta. Nhân dân miền Nam đương nắm cổ dẫn bọn Mỹ xâm lược vào con đường tới Điện Biên Phủ, lại “một Điện Biên Phủ khủng khiếp”!
Vậy thì lo trước rằng khi ấy chẳng có cái nhà hàng Xanh da trời nào chịu chứa chấp người Mỹ ngồi ăn nữa đâu.
Chú thích:

1-2

Hai bài thơ Nôm, “Đảo Kim Dự” và “Nam phố trùng ba” của Mạc Thiên Tứ (1718-1780).

3

Bài “Đồng hồ ấn nguyệt” của Nguyễn Cư Trinh. Ca Văn Thỉnh dịch.

4

Bài “Bến An-giang” của Phan Văn Trị tức Cử Trị (1830-1910) làm khi qua Châu Đốc, lúc ấy ba tỉnh miền Tây Nam kỳ vừa mất vào tay giặc Pháp (Theo “Thơ văn yêu nước Nam bộ cuối thế kỷ 19”. Bảo Định Giang sưu tầm và chú thích).

Tô Hoài
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...