Ký ức phiên lãng 1
Bạn đọc đang cầm trên tay bản in mới nhất, đầy đủ và hoàn thiện
nhất do chính bố tôi, Nhà văn Tô Hoài đọc và sửa chữa trước lúc đi xa một thời
gian.
Đã từ lâu từ khi cầm bút bố tôi là người cẩn thận và luôn có
trách nhiệm với câu chữ nên mỗi bản in dù là in lại nhưng ông luôn đọc, cắt gọt,
chỉnh sửa, “uốn nắn”, tỉ mẩn như người dệt vải. Khi ông trao lại cho tôi để xử
lý nhập liệu với một bản thảo chi chít màu mực, chữ, từ, câu mà ông thêm bớt
đan xen ngang dọc. Cha tôi là vậy, sự cẩn trọng, kỹ lưỡng trong nghề viết như mối
nợ tình với ông.
Các tập sách này xuất bản tôi xin ghi nhận và cảm ơn sự nhiệt
tình, tâm huyết của các bạn ở Nhà xuất bản Văn học cùng công ty sách Phương Nam
như một sự tri ân với cha tôi. Hy vọng bạn đọc sẽ đón nhận và hài lòng khi các
tập sách này ra đời. Chân thành cảm ơn độc giả.
Nguyễn Phương Vũ
HÀ NỘI - QUẢNG CHÂU, Air Việt Nam bay một tiếng ba mươi phút.
Cất cánh bờ sông Hồng chân Tam Đảo, uống một lon bia thì trông thấy thành phố
Quảng Châu bên sông Châu Giang với núi Bạch Vân mùa đông mù mịt. Trong các
phương tiện đi lại ngày nay, con ngựa, con thuyền, tàu thủy, tàu hỏa, chiếc xe
và đôi chân người thì cái tàu bay đã làm cho kẻ lữ hành nhãng mất cảm tưởng xa
gần nơi đến nơi đi.
Quảng Châu tôi chưa bao giờ được tới mà đã sẵn gần gũi rồi. Dẫu
cho dọc đường dưới kia có nhọc nhằn ngày đi đêm nghỉ biết mấy thì phương trời
này với tôi không phải từ hồng hoang.
Khi mới biết mặt chữ, những trang vỡ lòng đã cho chúng tôi
thuộc làu làu những Lĩnh Nam, những Ngũ Lĩnh, những Lĩnh Nam trích quái ,
những quân quan tuần thú phương nam trong sử sách mà bao nhiêu năm về sau còn cảm
thấy trập trùng thiên sơn vạn thủy khi nghe bài hát Nhị Lang Sơn.
Thành Phiên Ngung bây giờ là một thị trấn vệ tinh của Quảng Châu. Trên đại lộ
giữa Quảng Châu hiện đại, năm 1983 mới phát hiện mộ Nam Việt Vương - mối tình
bi thảm Mỵ Châu - Trọng Thủy xa gần nguồn gốc từ đây.
Công viên đồi Hoàng Hoa, mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái (1904 -
1924), bia khắc năm ông hy sinh, tôi khi đó mới chập chững biết đi. Trước mặt,
doi đất Sa Diện bờ Châu Giang, địa phận tô giới Pháp - Anh ngày trước, khách sạn
Victoria vẫn như xưa. Phạm Hồng Thái ném bom định giết Mec-lanh toàn quyền Đông
Dương rồi băng ra sông Châu - chỗ ấy ngã ba kênh đào, liệt sĩ đã bỏ mình giữa
nơi sông nước mênh mang này. Đến đây, hôm nay mới thấy, nhưng chúng tôi đã nghe
được kỳ tích anh hùng Phạm Hồng Thái từ tuổi thanh niên. Lịch sử thế nào, con
người và thời gian thì vừa ngắn ngủi vừa lâu dài.
Nơi Bác Hồ đã sáng lập và làm báo Việt Nam Thanh niên
Cách mệnh Đồng chí Hội ở phố Văn Minh, một phố cũ như Hàng Đường, Hàng Giấy
Hà Nội. Nhà ở và cửa hàng chen khít, một cổng ngách sâu vào nhà trong. Nghĩ về
hang đá Pác Bó ở rừng Hà Quảng Cao Bằng hơn hai mươi năm sau. Thì đây đã là một
hang Pác Bó giữa nơi phồn hoa, Người vì lý tưởng, sá gì ở chỗ nào, thế nào.
Không phải vì đường bay gần mà bởi chưa bao giờ thấy xa. Từ
thành phố xuống huyện Phật Sơn tạt ra cảng Phòng Thành, mà từ Phòng Thành sang
Mũi Ngọc bên Trà Cổ, liền một đỗi bờ cát ven biển. Ở Phật Sơn có chi họ Đường,
họ Chu đã lâu đời chuyển vùng xuống các Châu Bắc Sơn, Tràng Xá bên Lạng Sơn,
Thái Nguyên. Nhiều phen cơ sở cách mạng ở Phật Sơn bị khủng bố trắng, các chiến
sĩ cộng sản Trung Quốc đã sang náu mình bên kia biên giới. Cũng như đầu thập kỷ
40, trong khởi nghĩa Bắc Sơn, trung đội đệ nhị Cứu quốc quân Việt Nam đã rút
lên biên giới, Sang trú chân ở Phật Sơn, cho đến khi Bác Hồ qua Hoa Nam về Pác
Bó, Người đã chỉ thị cho trung đội trở về gây lại cơ sở du kích từ Đông Bắc
lên.
Biết ngần nào chìm nổi của nỗi niềm đất nước và đời người,
đây chỉ là khoảnh khắc chắp nối bất chợt mà thôi. Trong kháng chiến chống Pháp,
tôi ở Việt Bắc làm phóng viên báo. Thời chiến, không có đường thư, tin tức chỉ
nhắn nhau. Thấy tờ báo, như thấy mặt người. Tôi nhận được thư cả của những người
không quen biết nhờ chuyển. Có thư rất xa, tận Sài Gòn, thư của bạn bè cùng
trang lứa đi Vệ quốc đoàn.
Có anh Hợp và chị Na. Họ đều tưởng như chỉ tôi có thể nhận
thư, chuyển thư được. Biết làm sao với một tệp thư của hai người. Cô Na đem con
bé tản cư lên làm đồi trồng sắn ở trung du. Anh Hợp ở một đơn vị chủ lực. Năm ấy
bộ đội ra chiến trường Đông Bắc. Bước vào thu đông năm 1950, Hồng quân Trung
Hoa tấn công vũ bão xuống Hoa Nam. Bộ đội Việt Nam tiến lên hội quân đón bạn,
chặn tàn binh Quốc dân Đảng đuổi chúng dạt sang miền rừng hoang vu bắc Miến Điện.
Ở chiến dịch ấy, nhà văn Trần Đăng đã hi sinh và nhiều đồng đội đã ngã xuống.
Có thể có chiến sĩ Hợp người làng tôi. Vì từ dạo ấy không nhận được thư Hợp nữa.
Người ta như có thần, không hiểu thế nào mà cô Na cũng biết tin Hợp đi chiến dịch
ra biên giới. Người làng tôi kể rằng cô Na địu con lặn lội sang Đông Bắc. Tôi
cũng không bao giờ còn nhận được thư Na. Cô Na trôi dạt tận đâu, cô đã hóa đá Vọng
Phu đứng bồng con ở mỏm núi trên Kỳ Lừa Đồng Đăng hay cô là hòn đá trông chồng
trên núi ngoài Phòng Thành, ở Giang Bình bờ Biển Đông. Bao nhiêu mưa nắng đã
qua.
Ký ức của tôi mờ mờ làn mưa bụi Quảng Châu, đèn đường sáng sớm
vừa tắt, trên phố trước mặt, xe đạp, xe máy, ô tô nhộn nhịp đưa trẻ con đến trường,
người đi làm. Tôi còn mang máng khi chú dì tôi lại sang Côn Minh, bấy giờ tôi
khoảng lên mười, cái Nhâm và cái Châu độ năm, sáu tuổi. Tôi hỏi: Chúng mày đi
đâu? Chúng nó ngẩn ngơ nói: Em về Vân Nam. Sáng sớm ấy hình như mưa dầm hay
cũng mưa bụi mờ mịt thế này, tiếng còi tàu hỏa rầu rĩ rúc qua cầu Long Biên ngược
Lào Cai. Chú Phùng tôi làm y tá ở lãnh sự quán Pháp bên Côn Minh. Chú dì sang
Vân Nam từ khi chưa có tôi, và hai em Nhâm, Châu đều được sinh ra bên ấy. Mẹ đẻ
cái Châu ở ga Ổ Minh Châu, đặt tên là Châu. Ông bà toan trở về ở quê. Nhưng của
cải chẳng có bao, ông lại nghiện hút, bà buôn xuôi ngược đường Vân Nam đi biệt
cả tháng dường như cũng chẳng mấy lời lãi, thế là được ít lâu, vợ chồng con cái
lại bồng bế nhau trở lên Côn Minh.
Ông bà mất đã lâu ở bên ấy. Sang Vân Nam, dì tôi sinh được cậu
con trai, em Phùng Gia Bảo mà tôi thường được nhận thư. Gia Bảo chưa được thấy
đất nước, cũng không biết tiếng Việt. Bây giờ Gia Bảo đã ngoài năm mươi, vợ con
đều ở Côn Minh. Cái Nhâm, cái Châu thì rời sang Quảng Châu, lấy chồng người làm
thợ xe, người lái xe tải. Tuổi cũng bảy mươi cả, có còn thì cũng đã tóc bạc da
mồi. Tôi chỉ biết mình có người ruột thịt ở thành phố này mà không còn bao giờ
gặp, cái buồn thế nào khó nói lên lời. Không nghĩ có khi được đến Quảng Châu,
mà chúng nó đi từ khi còn chưa đến tuổi biết chữ, có lẽ cũng quên hết tiếng quê
rồi.
Lại cũng còn bao nông nỗi. Ông khách Sồi ngày trước bán thịt
lợn ở chợ. Cái gia đình người Quảng Đông này đến ở xóm nách đình làng đã mấy đời.
Chú Lâm con rể làm hàng phở đầu dốc chợ. Năm 1954, khi tôi trở về Hà Nội, gặp lại
chú Lâm, mở quán bánh cuốn ở phố Hàng Giấy. Hỏi thăm, ông bà Sồi mất đã lâu,
chôn ở tha ma Mả Mái đầu đồng làng tôi. Ít lâu sau, vợ chồng chú Lâm cũng về cả
Quảng Châu. Hơn mười năm đã qua, biết bây giờ ở đâu, những người đã ngụ gần hết
đời ở quê tôi.
Nhưng mà sự vật thì khác. Thành phố Quảng Châu đây đã một
nghìn tuổi mà đương sức xuân. Các dòng cầu vượt kẻ vòng kẻ thẳng chằng chịt
trung tâm, như mọi đô thị lớn trên thế giới. Những công trình xây cất đồ sộ,
vuông vức, quy mô. Trên hè phố, cô thiếu nữ váy chẽn, dóng chân mảnh mai, tay cầm
điện thoại di động, bước nhanh.
Quảng Đông, sáu mươi sáu triệu dân, mấy năm nay, nhiều người
các huyện ra thành phố. Dân số thành phố Quảng Châu sáu triệu, có 34 trường đại
học. Ngồi cái xe xinh xinh như xe loan cho cô gái áo hồng yểu điệu lái dạo
trong công viên Trung Hoa Gấm Vóc, thăm bảo tàng từ đường dòng tổ họ Trần, ra
sông Thẩm Quyến nhìn nhà tầng trên phố phường Hồng Kông bên kia. Đâu cũng ngan
ngát mùi hoa mộc.
Mười lăm năm trước, chỉ có mươi nhà chài ven sông Thẩm Quyến,
bây giờ là thành phố Thẩm Quyến, ba triệu rưỡi người khắp nước tới định cư.
Ngày 1 tháng 7 năm 1997 tới đây, chính phủ Anh phải trả lại cho Trung Quốc đất
Hồng Kông. Thật thích ứng đến tài tình, thế là đã nguy nga kề nhau hai thành phố
Hồng Kông - Thẩm Quyến, khác nào đương đứng đầu cầu Trường Giang giữa hai thành
phố Vũ Xương, Hán Khẩu. Dường như bên kia cũng thoảng sang mùi hoa mộc. Những
cây mộc trong chậu cảnh, những gốc mộc cổ thụ. Hoa trắng như hạt nếp đơm xôi
trong khe đá. Ở nước ta, cây mộc thanh cảnh trước sân, trong hiên nhà hậu chùa.
Hương mộc tinh khiết vương ra ngoài lối đi. Cây mộc Quảng Châu được trồng nền nếp,
như một nét trang trí và sinh hoạt. Cái tự nhiên thành hương đồng cỏ nội gắn bó
xa xưa với hôm nay. Ý thức quê kiểng như thế được thể hiện tế nhị mọi nơi. Ở đại
tửu điếm Bàn Khê trong Quảng Châu, ở cao lâu Tinh Đô ngoài Thẩm Quyến, trên lối
ven núi khu du lịch Bạch Vân, trong công viên tĩnh mịch các cụ ngồi đánh cờ
nghe chim khướu hót ở Sa Diện, đâu cũng những bồn lớn um tùm cây móc diều, cây
song cây mây trồng đứng. Đốt, lá xanh ngăn ngắt, như vừa đánh ở bờ rào ngoài vườn
đem vào.
Cả đến thổ ngơi và thiên nhiên trong quang cảnh hiện đại cũng
được an bài giữa phong tục và truyền thống. Đường cầu vượt cao tốc 161 cây số
Quảng Châu - Thẩm Quyến, xe chạy một giờ 140 cây số. Ngôi nhà 67 tầng ở Thẩm
Quyến lừng lững cao nhất Trung Quốc. Quảng Châu đương xây hầm đường tàu điện ngầm.
Các cửa hàng lớn nửa trên mặt phố nửa dưới lòng đất từng gian có người bán hàng
hợp với khách chưa quen siêu thị nhiều tầng kiểu mới. Ở tửu quán, trong phòng
tiệc Quý Tân thượng hạng hay vào quán bụi Dương Minh trả tiền xuất đi lấy thức
ăn thức uống, cô nhà bàn áo hoa đào, trước cửa quán thướt tha rặng lệ liễu, cao
cao cây bồ liễu, khách ngỡ vào thủy đình nào trong Hồng Lâu Mộng .
Trên tường leo những dây móng rồng mùa đông còn rậm lá, vẫn đâu đây thoang thoảng
hương hoa mộc - mà Quảng Châu gọi là quế hoa.
Thành phố mới, cực mới, mà dung dị đượm bóng xưa. Hãy tưởng
tượng khi ta viếng mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái trên đồi Hoàng Hoa. Thì nhìn thấy
sau lăng một rặng tre gai thường có ở lũy tre làng. Cây ngái, cây si, gốc và
cành sần sùi cổ quái. Ven lối, bờ rào dâm bụt chẳng khác ở Nghệ An, có những bụi
cây ráy và cỏ đuôi phượng, có tiếng chim khướu thánh thót trên cành cây chàng
ràng hạt rụng đỏ lay láy. Hoa cỏ và con chim quê ta. Không biết có phải đấy là những
lần thăm mộ, con của người là cụ Phạm Thành Nguyệt đã đưa sang như phong tục ta
trồng cỏ trồng hoa ngày tảo mộ, hay những người ngưỡng mộ gương liệt sĩ đã chăm
lo phần mộ cho người nằm xa quê được như ở đất quê.
Sáng sớm tôi ăn sáng trong hàng vằn thắn, nhìn người đông đúc
qua lại ngoài phố. Cụ già xách lồng chim khướu, trời lạnh che mảnh vải trắng,
đi dạo vườn hoa. Trong mái đình, tiếng thanh la não bạt “lốc bốc xoảng… bốc xoảng”,
như ngày nào xem tuồng Tàu ở trong nhà hội quán phố Hàng Buồm, ở cao lâu đường
Cây Mai trong Chợ Lớn. Cứ cảm thấy ngờ ngợ như sắp gặp ông bà Sồi bán thịt lợn,
nhà chú Lâm hàng phở đầu dốc chợ. Ở Bắc Kinh, ở Liêu Ninh, những khuôn mặt trắng
phương phi của người Hoa Trung, Hoa Bắc khác vẻ thanh tú mà lại khắc khổ của
người phương nam, tôi trông ai cũng như quen quen. Có bà cụ áo bông xanh bạc
vai, người thấp bé, ngước nhìn tôi rồi lẩm bẩm chẳng biết nói gì. Có phải đấy
là em Nhâm, em Châu tôi? Có phải nó nhìn ông lão vẻ hao hao anh nó ngày xưa?
Làm sao có thể thế được, nhưng tôi cứ ngỡ.
Ở nhà hàng Bản Khê, bạn mời khai vị rượu Thiệu Hưng. Cái rượu
Chiết Giang thường gặp trong sách Lỗ Tấn. Mới biết rượu Thiệu Hưng là loại rượu
cho ngày rét mướt áp Tết Nguyên đán, siêu rượu bắc ở hỏa lò ra uống nóng, mỗi
chén lại ngâm một quả ô mai. Tôi rưng rưng nỗi niềm được nếm rượu Thiệu Hưng
quê nhà của đại văn hào. Nhấp ngụm rượu, tôi bỗng nghĩ đến tấm áo xường xám màu
hoa đào đã cất bao nhiêu năm trong cái giỏ mây của bà Mã Phảy ở Lũng Nghìu, Khơ
Đa biên giới Lạng Sơn. Năm xưa, cái áo xường xám màu hoa đào đẹp nhất, Mã Phảy
đã mặc mỗi khi đi với Phùng Trí Kiên, có biệt danh là Mã Gầy. Ông cũng lấy họ của
Mã Phảy, khi hai người ra Hồng Kông, vào Quảng Châu. Bà lão Tường Lâm trong
truyện Lỗ Tấn đã uống rượu Thiệu Hưng vào ngày áp Tết, ngoài kia tiếng pháo nổ
trong tuyết sa. Cái mụ cô hồn Tường Lâm vô phúc và những cô hồn Mã Phảy, những
cái Nhâm cái Châu, tôi nhớ mà không bao giờ còn gặp lại ai, mà bà lão Mã Phảy vẫn
giữ cái áo, mụ Tường Lâm vẫn hỏi người ta rằng người chết có linh hồn không, mà
tôi vẫn ngậm ngùi về tuổi thơ những đâu đâu.
Rượu Thiệu Hưng! Rượu Thiệu Hưng! Lỗ Tấn, ông ác lắm, ông viết
cho người ta nhớ làm gì. Trời Quảng Châu chất ngất nhà nhà lèn trong mưa bụi,
mưa trắng mờ bóng trăng rằm vần vụ trong sương, cái rét se lòng lại khiến phải
hâm thêm cái rượu nóng Thiệu Hưng.
1996
Kỷ niệm Ấn Ðộ
TÔI TỪ THÀNH PHỐ BOM-BAY sang miền Tây Băng-gan đến
Can-cút-ta, ngang Ấn Độ rồi lên vùng núi Hy-ma-lay-a phía Bắc.
Mênh mông Ấn Độ, biết đi đến thế nào là biết được! Thế mà mới
chỉ một bước chân cũng có thể hiểu mình đương ở đâu. Khi thấy một cánh tay múa
lên rập rờn như sóng trong tiếng trống “tra ba la”… Khi thấy những con người hiền
hậu, mơ màng... Dặm đường và bãi cỏ gió cuốn sáng trăng. Sông Hằng lấp lánh mé
ánh trăng đêm. Đêm Ấn Độ hắt bóng đại dương tím man mác, trăng sao chấp chới
như sắp rơi lung tung cả xuống đầu... Khách đáp máy bay, tàu hỏa cũng dùng cơm
chay như bữa ăn ở trong làng. Có lẽ vì đường đương qua các vùng sông Hằng. Có lẽ
những chúng sinh này đương hành hương qua đất Phật phát tích. Có lẽ cũng chẳng
vì nỗi gì. Ở đây, người ăn chay, người ăn mặn đều nhiều như nhau.
Nhưng, một so sánh bâng quơ bỗng đến với tôi. Phải vì nắm cơm
nếp đậu đen, miếng đậu xanh ướp lạnh tẩm mật ong hay chiếc bánh dừa đường phèn,
dễ gợi hứng người ta nên ăn chay trường, mà tôi chợt nhớ nửa đêm ấy qua vùng trời
I-ran đến đây.
Cái lão Ca-tơ đương làm ồn thế giới vì chuyện năm mươi người
Mỹ bị cụ giáo chủ Khô-mê-ni giam cả ngót năm nay ở Tê-hê-ran. Lão cáo già này
đã giở đủ ngón: cắt ngoại giao, cúp buôn bán, cướp tiền I-ran gửi ngân hàng nước
ngoài, rồi hạm đội 6, hạm đội 7 xông đến cửa vịnh Ba Tư. Rồi máy bay biệt kích
Mỹ đào tường khoét ngạch chui vào I-ran.
Cả đêm tôi bình yên tới sân bay Tê-hê-ran, hôm sau đọc báo mới
biết đêm qua có năm chiếc Si-núc và một C.130 rơi (hay bị bắn rơi) ở sa mạc Đa
E-ka-via, chết mấy trăm lính Mỹ. Đến bây giờ, những điều cay hơn ớt đó vẫn là một
bí ẩn: Mỹ đi cướp tù thất bại bởi “trục trặc kỹ thuật” hay vì không quân I-ran
đã phục kích trúng.
Ở đâu, có lẽ chỉ nhộn nhạo ở xung quanh lão Ca-tơ bên Mỹ. Còn
sân bay quốc tế Tê-hê-ran đêm ấy vẫn một màu đèn xanh dịu. Cô phục vụ đưa khách
lên xuống có quầng mắt tím huyền bí và hoang dại, nụ cười nở vàng trên cặp môi
màu nghệ. Bữa ăn nhẹ trên máy bay của hành khách dường như cũng là nét cười mỉa
cái công phu trò trẻ cấm chợ ngăn sông của đế quốc Mỹ: bởi ở Tê-hê-ran vẫn có
cam Ma-rốc đưa lên, có giấy lau miệng nhập từ La Hây bên Hà Lan.
Đến cách Can-cút-ta trên sáu trăm ki-lô-mét mà vẫn nắng chẳng
kém dưới cửa biển. Bóng cây xanh rờn mà gió nóng lùa từng đợt như hun vào mặt.
Từ Ba-đô-gra trở lên, qua những cánh đồng đầu nguồn châu thổ
sông Hằng. Mỗi nơi một thời tiết, một sinh hoạt khác nhau. Ở đây thật nóng nực,
nhưng váy áo những cô gái làm đồng lại đỏ gắt lẫn với màu hoa phượng. Người ta
trân trọng những phong tục đáng yêu. Khách đến mùa hạ được quàng cổ một tràng
hoa huệ trắng. Tay áo lại còn lồng thêm một chuỗi hoa nhài trắng nõn.
Cây cỏ sao mà hệt ở những Thái Bình, Nam Định hay An Giang
quê mình. La liệt các xó xỉnh, mọc những rau rền đất, cà độc dược, lục bình,
hoa vòi voi xanh. Tha hồ trẻ con chơi đồ lá thầu dầu tía, cây ké có quả gai, trẻ
chăn trâu quê ta hay ngắt để ném trộm vào mái tóc những cô thợ cấy, khó mà gỡ
ra. Hoa ô môi hồng, hoa bằng lăng tím, cây mít lúc lỉu quả trong vườn. Những
trái xoài chín đỏ lịm như mận. Lại có hoa ô môi vàng, mỗi cánh một mảnh hình
tím tỏa trong nắng vàng hơn nắng.
Có lúc dừng xe, chúng tôi vào làng uống nước.
Đâu cũng vườn ruộng, làng mạc, sông nước, đi suốt ngày vẫn thế.
Bang Tây Băng-gan hơn hai trăm triệu người châu thổ sông Hằng sinh sống trên 35
vạn ki-lô-mét vuông - đồng bằng to hơn tất cả những đồng bằng trên thế giới.
Ngày mai, ngày kia ra sông Hằng thì rồi sao. Vùng sông Hằng
có người đến sớm vào thời kỳ đầu tiên trên trái đất, người a-ri-an với truyền
thuyết chạy nạn hồng thủy tới định cư từ giữa thiên niên kỷ thứ hai trước Công
nguyên - nguyên một vùng đất lành ấy đã sinh sôi biết bao nhiêu ông thánh, ông
Phật đạo Bà-la-môn, đạo Phật, đạo Hồi. Triết lý đã từ cuộc sống con người rồi mới
thành đạo - có người mới có thánh. Như nước ta, từ cổ xưa, biết bao ông Thành
hoàng làng được hương khói thờ phụng không phải chỉ là những ông tướng của vua
Hùng hay thời Bà Trưng, thời Lý, Trần... Vô khối người bình thường, những người
lội ao bắt cá, người đi cày, người ăn mày, người nghèo đi ăn trộm bị đánh chết,
gặp giờ linh đã hiển thánh. Đạo nào được sinh ra cũng bởi lòng mong muốn và niềm
tin của con người. Triệu triệu ông Thánh, ông Phật đã ở lẫn với người rồi hóa
qua các đời như thế.
Mỗi ông Phật sinh ra ở hai bên sông Hằng đã thành một đạo, một
đời rồi. Phải như câu tục ngữ Việt Nam hằng hà sa số đầu tiên có ngụ
ý này chăng. Mới chỉ nghỉ chân uống nước ở ngoại ô Ba-đô-gra mà đã được nghe sự
tích những mấy ông Phật.
Trung tâm đạo Bà-la-môn ở Vác-xi-ni trên bờ sông Hằng đây. Biết
bao người đã nhờ cách sống của mình được nhiều người bắt chước mà thành đạo. Phật
không ở trong chùa, Phật ở bụng người, tay người, nghĩ điều lành chưa đủ mà phải
làm điều lành. Ở Vác-xi-ni có ông Phật Nam-đơ lái đò, ông Phật thợ dệt Ka-bu,
ông Phật Sa-da-na bán thịt, ông Phật Xinh làm nghề cạo râu, ông Phật Ra-vi-đát
thì đi chữa giày.
Chúng tôi ngồi trong bóng vườn dừa trông ra thành phố xôn xao
người đi trong nắng trưa. Một bác thợ cởi trần ngồi xổm cạo râu cho một người
ngồi xếp bằng trên mặt đất. Những người ngủ trên tấm ghế bố dưới gốc cây. Hai
cô hát xẩm, bập bùng tiếng trống cơm. Một chiếc xe buýt sơn xanh mới, trên kính
cửa viết một câu đùa hóm hỉnh: “Xe này không dừng lại ở Luân Đôn”. Và những chiếc
xe kéo bánh gỗ chở khách vừa đủng đỉnh vừa bối rối giữa đám ô tô hiện đại sang
trọng. Châu Á chúng ta ở quãng này hầu như còn triền miên kỷ niệm quá khứ và
nét mặt người đi đường vẫn thoáng mơ màng như còn có cuộc sống ở đâu ngoài hành
tinh cũng nên.
Người trong làng kể chuyện xưa có ông thợ Ra-vi-đát, sau
thành Phật, ngày đêm tay dao, tay da, với các thợ bạn, cặm cụi chữa giày, đóng
giày. Thiếu thốn, khổ cực. Nhưng chữa giày cho người nghèo ông không bao giờ lấy
tiền. Một hôm, có ông phật giả làm người đi đường vào chữa giày. Ra-vi-đát thấy
khách mặc áo rách, bèn không lấy tiền chữa. Ông khách cho Ra-vi-đát một hòn đá.
Nói đá ấy có phép làm nên nhà cửa, vàng bạc. Ra-vi-đát ngồi nghe khách dặn dò,
tay vẫn khâu giày. Ít lâu sau, ông Phật trở lại. Ngỡ Ra-vi-đát đã có nhà đẹp,
quần áo lành và người hầu hạ. Nhưng vẫn thấy Ra-vi-đát và các thợ bạn ngồi chữa
giày trong lều như dạo trước. Hỏi đến hòn đá có phép lạ, Ra-vi-đát nói hòn đá ấy
vẫn ở chỗ mái lều mà khách đã gài lên đấy.
Những người làng mời chúng tôi nước dừa và tặng tràng hoa
nhài rồi hát bài hát ca tụng ông Phật chữa giày Ra-vi-đát cho chúng tôi nghe:
Có một nơi tên là Be-gum-pa-ra
Ở đấy không biết cái gì là đau khổ
Ở đấy không ai phải lo không có công việc
Không sợ, không có điều gì hối hận, không có cái chết.
Ai cũng là bạn
Trời biết người và người cũng biết trời
Hãy tìm đến Be-gum-pa-ra
Ở đấy có niềm vui mãi mãi
Sự trung thực mãi mãi
Hãy tìm đến Be-gum-pa-ra
Ai có hỏi thì nói
Tôi là bạn thợ giày Ra-vi-đát...
Tôi đương đi trong một vùng đất trời hằng hà sa số những Phật
là Phật - xứ sở của sông Hằng bủa khắp đồng bằng mà nhánh Giam-na này của con
sông thần tiên chảy vào qua đến tận ngoại ô thủ đô Tân Đê-li.
Tôi gặp được sự thông cảm của hai đất nước, như từ trong tâm
hồn. Cứ không dưng mà cũng thấy. Một câu giản dị đã thành tục ngữ từ lâu, mà chỉ
ở Ấn Độ mới có thể có:
Tên anh, tên tôi là Việt Nam
Sự thông cảm giữa chúng ta phải có gốc tích từ bao đời mới
nên được những lời lẽ phong dao tục ngữ chí tình đến như thế. Có phải như năm
trước, tôi đã có lần qua các vùng Trung Ấn, làng nào cũng thấy hao hao như các
làng ven kênh lạch miền Nam nước mình. Áo bà ba trắng đóng khuy nách. Đôi giày
da như giày Gia Định, giày mõm nhái. Cái xà rông quấn vổng lên. Một lá xuồng
sào chống rung rinh lướt qua kênh...
Không phải chỉ bây giờ. Ai nhớ được từ thế kỷ thứ hai sau
Công nguyên, đã có những nhà sư Tây Trúc sang tu ở nước ta. Các hòa thượng
Ma-ha-kì-vực, Ca-ma-la-thập, Ca-li-a-na-nu-xi. Đến năm 580, nhà sư Tỳ-ni-đà-lưu-chí
người Tây Thiên Trúc đến Việt Nam, lập ra phái Thiền Tông, tu tại chùa Pháp Vân
huyện Gia Ninh phủ Thuận An - Hà Bắc bây giờ.
Năm trăm năm sau, Lý Thái Tông đã làm thơ viếng vị cao tăng:
Cõi Nam đầu bước tới
Nghe đã đượm mầu thiền
Tin Phật, mau thêm rộng
Nguồn tòng, khéo hợp duyên
Non già ngời bóng nguyệt
Cõi nhã nức mùi sen 1
Sử sách cũng ghi từ nghìn năm trước, đã có các nhà sư nước ta
tìm về cội gốc thiền học đạo. Ba người đánh cá và một người làm ruộng đi tu, là
Từ Đạo Hạnh quê Từ Liêm, Nguyễn Giác Hải, Nguyễn Minh Không ở Hà Nam. Ba nhà sư
đã cùng nhau lặn lội sang Ấn Độ.
Bây giờ vẫn còn truyền lại bài kệ của người chở đò đã đọc và
biếu gậy, chúc các vị sư lên đường:
Đạo lý đương nhiên là con đường của mọi người
Các ông chịu khó đi học xa... 2
°
° °
Tôi vẫn trên đường từ Can-cút-ta đi vào chân núi vùng
Hy-ma-lay-a.
Đường đưa tôi vào rừng thưa rồi lên núi đột ngột ngay giữa
cánh đồng. Không một khoảng cách mua sim, ruộng trằm, ngổn ngang đồi trọc như
trung du ta. Hy-ma-lay-a từ phía Ấn Độ lên, chân núi vòng kiềng ra hơn ba nghìn
ki-lô-mét từ Ca-sơ-mia xuống Pun-giáp sang miền Tây Băng-gan. Phía bên kia, các
nước Nê-pan, Xích-kim, Bu-tan, Băng-la-đét, Trung Quốc... Núi xếp so le trập
trùng thành các mái nóc nhà trái đất - lại vào những núi non hằng hà sa số khác
của đất nước mênh mông này.
Đi từ Đắc-di-linh đến thị trấn Pha-lút xa nhất, cũng chỉ
ngoài trăm ki-lô-mét. Ở San-đa-phu, vùng giáp giới ba nước, từ Nê-pan xuống
Xích-kim, sang Bu-tan toàn qua trên cao ngoài ba nghìn thước lưng Hy-ma-lay-a.
Những nơi cuối cùng vẫn còn người ở. Thân cây, cả đến những bụi trúc và đám sậy
núi ở đấy cũng khoác một nệm rêu đen sì.
Đắc-di-linh cũng tương tự các vùng cao nguyên nước ta. Như ở
Phù Yên lên Tà Sùa, đi về Chống Chia hay Chống Pác Cừ. Buổi chiều ngồi uống rượu
ngô trong làng Mông, mùi củi thông sưởi thơm vấn vương vách gỗ. Nghe xa thật
xa, tiếng suối. Như vào giữa hoang vu rừng nguyên sinh, mà thật sự là hoang vu.
Nhưng bàn tay người Anh trước kia đã làm những gì ở Đắc-di-linh
khác hẳn cách thực dân Pháp báo hại nước ta.
Quanh Đắc-di-linh trông ra đâu cũng lốm đốm bóng nhà. Rừng đại
ngàn, mà đường ô tô vẫn thuôn qua những chỏm núi lớn có thác nước, nước bay phơ
phất như buông mành. Ở Đắc-di-linh chỗ nào có người ở, chỗ ấy đều thành phố xá.
Hai mươi lăm thị trấn trên núi cao - những thành phố nhỏ xinh. Từng dãy phố vắt
vẻo, nhấp nhô mảnh tường, mái cột bê tông trên gờ đá cạnh đầu bờ ruộng bậc
thang. Có lẽ người ở đây còn hơi hướng phong tục cũ nay ở mai đi của thời di
cư, bây giờ vẫn chưa thích làm nền chỗ phẳng mà nhà thường đứng nửa sàn cắm cọc
xi măng nửa đất. Nhà hai ba tầng, có đèn nê-ông và ống dẫn nước tới, nhưng tầng
dưới nép vào sườn đá, cửa sổ như ló từ núi ra.
Một đường xe lửa bé bỏng nhất thế giới dài trên một trăm
ki-lô-mét nối các thành phố trên sườn núi. Mỗi ngày nhiều chuyến, tàu chở người
đi chơi ngắm cảnh. Đầu máy chạy than, khói phọt phọt. Tới ngã ba, người trưởng
tàu nhảy xuống cắm cờ đỏ cho hai phía đường biết có tàu đương qua. Đến một mỏm
cao, tàu dừng lại. Chỗ ấy ngắm lên lưng trời thấy những dải núi phủ băng đỉnh
Hy-ma-lay-a. Người xúm xít xem tàu chạy. Người thuê ống nhòm ngắm núi. Trẻ con
ăn quà ngô rang, đậu đen tẩm ớt với đinh hương rồi reo à à trong tiếng còi inh ỏi,
khi vừa trông thấy đoàn tàu nhô lên, có đầu đẩy, đầu kéo ba toa xinh xắn như
tàu chạy chơi ở vườn trẻ. Bởi vì, cả bề ngang đường sắt cũng vẫn nguyên sáu
mươi phân, vẫn đường sắt và con tàu năm 1860 - một trăm hai mươi năm nay như thế,
người ta cố ý để thế, để làm cảnh chơi núi.
Những dãy phố đằng xa lấp dần vào sương mù. Đoàn tàu nhấp nhô
lượn khúc dưới. Đoạn đường trên ngập trong khói tỏa. Tiếng máy phành phạch gõ
nhịp tàu lên dốc.
Hai bên đường liền những nương chè bậc thang, xanh rì lên tận
mỏm cao. Chè đen Đắc-di-linh nổi tiếng thế giới. Giống chè thấp cây, mỗi lùm
tròn như những chiếc thúng úp. Đường chiều đã xuống sương, nhộn nhịp những cô
gái Tây Tạng đi hái chè về. Áo đen váy điều, gò má cao đỏ rực. Chiếc giỏ mây đựng
chè, quai đeo lên trán. Lên dốc, bước nặng, các cô cài ngón tay lên mang tai đỡ
quai cho nhẹ.
Từ các nương chè ra, những con ngựa nhỏ chen chân bước cung
cúc. Trên lưng mỗi con ngựa đeo hai chiếc thùng nhôm. Ngựa mê mải đi. Nhưng những
người đuổi ngựa còn chạy nhanh hơn. Ra tới ngã ba, ngựa như đã biết lệ, dừng lại.
Trên mặt đường nhựa, vệt sữa trắng như kẻ vôi xuống vòng quanh chốn thùng. Đây
là những con ngựa thồ sữa tươi ra chợ chiều. Người Tạng đem sữa đi chợ bán đổi
- như kiểu chợ đổi vải ở ta. Chợ sữa ngã ba đường chỉ lao xao một lúc. Trong chốc
lát, những con ngựa ấy thồ về bó mướp đắng, xâu gừng, xâu ớt. Chiếc thùng nhẹ
bây giờ xách tay, người trở về hẻm núi sương tuôn ra mỗi lúc một dầy. Không biết
người ta vào trọ xóm trong núi đợi chợ sớm mai hay đi đêm về tận nhà.
Tất cả đã vữa ra, trắng mờ trong sương. Chiếc xe phải bật đèn
vàng, vạch ra một làn sáng đục. Con đường như qua giữa dòng sông sương. Các dãy
nhà hai bên đường đã tối nhá nhem lẫn với đá.
Đây vẫn đường vào Hy-ma-lay-a miền Tây Băng-gan. Thủ đô
Găng-tốc nước Xích-kim ngay trước mặt, cách năm mươi ki-lô-mét. Dường như đến
đây đã thấy Xích-kim. Bởi đã thấy những ngón tay, cánh tay múa điệu
“khang-chen-gia-gia” uốn dẻo tuyệt vời của các cô gái Xich-kim vùng chân núi mà
chợ nào cũng gặp. Ở chợ sữa ban nãy đã thoáng những ngón tay múa và tiếng trống
bập bùng.
Đi vùng nghỉ mát Bun-xô-kinh nước Bu-tan, rẽ đường bên phải,
đây qua lại những ngã ba biên giới. Chúng tôi ngược lên Đắc-di-linh. Vẫn loáng
thoáng người về chợ đi hai bên đường. Thoạt nhìn khó biết đấy là người Tạng,
người Nê-pan, người Bô-ti-át hay người Xéc-ba. Cả đến những cô gái ngồi trong cửa
sổ một cánh, tối om, trông ra. Cô nào cũng nét mặt bầu bĩnh, giống nhau chiếc cằm
nhọn đến xinh.
Trong sương nghe rào rào tiếng thác nước. Đã qua cả hai ngọn
sông Ba-la-son, sông Ti-ta - những dòng nước đầu nguồn của sông Hằng thiêng
liêng dưới kia.
Tiếng nước chảy hay mưa nhỏ, hay sương nặng trong khuya,
không biết. Có lúc tất cả lặng im giữa rừng thông. Mây mù lẫn ánh trăng sáng bạc
đã kéo các đỉnh núi lên ngang nhau.
°
° °
Sáng sớm, con khướu mun không biết sợ người vào đậu vắt vẻo
thành cửa sổ. Tiếng thánh thót, nhẹ như hơi núi, như không. Các dãy phố, chỗ
chen khít, chỗ lưa thưa nhà tựa lưng đá. Những mái tôn trắng lẫn lộn những chỏm
nhà vàng, nhô lên một cây phướn dài vải xám. Đấy là chùa của người Tạng.
Phố núi buổi sáng vắng lạnh, người đi co ro trong tấm áo bông
nâu già. Ở một ngã tư, lại gặp người đánh ngựa tới chợ sữa, cởi xuống những chiếc
thùng nhôm đặt giữa đường. Con ngựa đứng chong chỏng bên cô chủ người Tạng gò
má cao đỏ mọng.
Trong vườn hoa giữa phố, nhiều người ngồi xúm xít hơn. Đây là
những người ra muộn không kịp lên mỏm núi Hổ xem mặt trời mọc trên đỉnh
Ka-chen-giôn-ga, bây giờ đến đây. Ở đây, chốc nữa cũng thấy ánh nắng trên đỉnh
núi cao nhất thế giới.
Ở những tàu ngựa phía trong, các tay dắt ngựa thuê đương thắng
yên cương cho những con ngựa thấp nhỏ đã được dắt ra dưới gốc thông. Trên đường
quanh núi sương phủ, nghe tiếng cười nói, tiếng móng ngựa gõ mặt đường.
Đầu ngã ba, một người còm nhỏm đội mũ phớt, mặc áo bông xanh
dài, vạt trước nhờn kệp vết dầu mỡ. Người ấy ngồi trước hai chiếc khay gỗ bày
trước mặt. Ông thợ chữa giày và đóng móng ngựa người Tạng ra ngồi hàng sớm thế.
Và ở đầu dốc, những bà già người Tạng đã treo lên vách đá bày bán váy áo, khăn
quàng lông cừu, da cừu. Trời chợt hé nắng, từng mảng nắng thấp thoáng mỗi màu
khác nhau. Nương chè xanh rờn. Nóc chùa vàng nghệ. Trên vách đá đỏ ối tấm len của
bà già bán quần áo.
Mấy cửa hàng ăn ở một phố hẻm gác tấm bảng gỗ mộc, chữ viết
phẩm xanh: Hàng ăn Tây Tạng, hàng ăn Nê-pa-li... Khói um trong tiếng băm thịt
hay băm rau. Cứ bục bục như tiếng bật bông... Hàng quán của người Nê-pan vui
lúc chặp tối. Hàng người Tạng thì đông khách buổi trưa.
Những chiếc cải bắp treo. Thùng gỗ đựng hành lăn lóc. Một mẹt
ướt tươi, quả quắt queo. Những bó củ cà rốt, cà tím. Những quán ăn nhậu khác của
người ở núi ra chợ.
Một ông cụ râu tóc bạc mờ, run rẩy đặt trước mặt chiếc âu đồng.
Rồi thì lần luợt bỏ ra những bình vôi, lọ mật ong, khay đinh hương, những xếp
lá trầu và cau tươi, cây vỏ với những khẩu trầu vuông vắn đã têm sẵn. Các hàng
bán trầu ăn ở đây nhiều như quán nước vỉa hè và đầu làng ở ta. Người nào đi chợ
sớm cũng ghé vào mua miếng trầu có mật ong đinh hương nhai cho ấm miệng.
Những phố hẹp chen chúc hàng quán cho người về chợ. Như vào một
ngõ hẻm ngốt người ở Can-cút-ta. Khói bếp lùa ra với tiếng trẻ con vừa tắm vừa
đùa ở vòi máy nước. Đến khi thấy có nhiều hiệu ảnh, mới nhớ đương trên đường đi
lên các đỉnh núi. Những hiệu ảnh treo bán các tấm hình núi băng có chữ ký kỉ niệm
của các đoàn thám hiểm. Ngọn Ê-vơ-rét 8.848 mét, ngọn Lốt 8.513 mét, ngọn
Ma-ka-lu 8.483 mét.
Trời đã hửng nắng. Giữa phố, càng đông người đứng xúm từng
đám nhìn lên đỉnh núi có những vùng băng lấp ánh nắng vạc thành một vệt đen thẫm.
Anh hàng ống nhòm đã đến từ lúc nào. Chiếc ống nhòm dài như cái sào nứa nghiêng
đầu lên. Người xúm xít ghé mắt.
Phố rộn ràng hẳn lên trong ánh nắng. Một đám rước Phật có múa
đeo mặt nạ và các nhà sư che lọng đi qua. Những chú bé người Tạng đầu cá trê trọc
lốc, cánh tay trần trong tấm áo cà sa nâu, xếp hàng đi hát đồng ca, tiếng ê a
trầm trầm.
Lại những quán ăn cột nhà đen nhẫy mồ hôi và bồ hóng. Giữa chợ,
chất đống những quả xoài đỏ hồng như đào chín. Những cụm phong lan mọc cả trong
khe đá trước cửa. Giống lan núi, lá cứng như cánh quả thông, hoa vàng rực - lan
Ta-dát chân núi Hy-ma-lay-a giống hệt phong lan trên núi đá Vằn Chải ở cao
nguyên Đồng Văn.
Mới xế trưa mà mây mù đã nặng dần. Rồi trắng xóa. Rồi chỉ
mình lại trông thấy mình. Tiếng chim sẻ chì chiết than vãn. Tiếng ve núi đằng đặc.
Tiếng ngựa lóc cóc dưới đường cái. Nghe thế mới biết đương còn ngày.
Hàng bán hương cũng nhiều như hàng trầu cau. Các thứ hương Ấn
Độ thơm nhiều mùi kì dị. Chúng tôi ghé vào một hàng hương ven đường bên cạnh tảng
đá. Ông lão bán hương người Tạng, đầu bạc, mắt xếch, sâu thẳm. Ông lão thẫn thờ,
ngơ ngẩn và im lặng.
Tôi đã không còn cảm tưởng lạ mắt như mấy ngày mới đầu ở đây:
không đến La-sa mà được gặp nhiều người Tạng. Rồi tôi biết thêm là gặp người Tạng
không phải đến Tây Tạng, là gặp những nỗi đau khổ lang thang. Những người Tạng
hàng ngày tôi gặp, làm nghề dắt ngựa, người xách thùng sữa, người chữa giầy vốn
không phải quê Đắc-di-linh cũng không phải là những người nghèo ở Xích-kim, ở
Nê-pan lên đây. Hơn hai mươi năm nay, người Tây Tạng bỏ nước men núi chạy sang
Đắc-di-linh có tới mấy chục vạn người.
Những nóc chùa Tạng mái cao, vàng chóe.
Người Tạng bày bán hương trên mặt chiếc bàn gỗ, nén hương mùi
hoa nhài trên chiếc âu đồng, thoang thoảng. Cái chậu nhôm đựng trầm. Những bó củi
thơm dựng tựa vào tường. Ông lão dị dạng khô khẳng, mặt đen mốc. Cũng ví được
ông lão như bó củi đứng đấy. Khô hốc hác, có thể đốt cháy được...
Anh nhà thơ Đi-ốp mua một thẻ hương. Anh nói sẽ đem thẻ hương
này về Đa-ca bờ Đại Tây Dương cho hàng phố được biết mùi hương Ấn Độ.
Chúng tôi ngồi thắp chơi một nén trong phòng rồi ngắm vòng
khói xanh uốn éo lên. Nhưng chẳng thấy thơm. Châm một nén nữa, vẫn làn khói lơ
lửng không có mùi.
Chúng tôi bàn tán trước mặt ông lão bán hương mà không có
cách gì hỏi ra lẽ được. Có thể loại hương này thơm nhạt mà mình không biết,
không quen nên chưa ngửi thấy, có thể như thế. Tôi nói mà tôi cũng ngờ ngợ. Tôi
nói như thế chỉ vì tôi thương ông lão người Tạng nghèo quá. Hương thật nhạt, có
thấy mùi đâu, có lẽ nó là những cây hương luyện bằng mạt cưa của những thứ mùn
cưa gỗ tạp mà ông già đã đi vơ váo trong rừng cỏ về. Ông bán hương giả cho những
người xa lạ, một đời chỉ một lần thoáng qua Đắc-di-linh thế thôi. Tôi nghĩ thế,
nhưng tôi cứ nhìn những kẽ tay, kẽ chân ông lão nhăn nheo đến mốc trắng ra, tôi
lại không muốn nghĩ như thế.
Ông lão lọm khọm như người rũ xuống. Tay ông cầm lên một thẻ
hương. Ông run run đưa thẻ hương mới ấy cho Đi-ốp. Thẻ hương này bọc giấy bóng
cẩn thận, có vẽ nhãn hiệu làn khói tỏa và địa chỉ nơi sản xuất ở Bom-bay. Không
như những nén hương bọc giấy báo lúc nãy.
Đi-ốp rút ra, thắp nén hương mới. Mùi hoa nhài như uốn lên
theo làn khói mơ màng.
Đi-ốp gật gù:
- Phải rồi, phải rồi...
Không hiểu anh nói “phải rồi” nghĩa thế nào. Bởi vì cũng
không ai đoán được những nén hương lúc nãy có mùi hay chỉ là hương mạt cưa. Đi-ốp
lại còn đồng ý với tôi, cho rằng ý kiến của tôi là đúng, đấy là mùi hương lạ,
mình chưa biết ngửi. Anh sẽ đem những que hương chưa thấy mùi thơm ấy về Đa-ca.
Dẫu sao, chúng tôi thương ông già người Tạng, nghèo khó, tha hương.
°
° °
Ở Đắc-di-linh có tục sáng sớm lên núi Hổ nhìn mặt trời mọc
trên đỉnh Hy-ma-lay-a, để lấy điềm may trong ngày trong tháng.
Tôi dậy bốn giờ sáng. Phố núi còn mù mịt đẫm sương. Nhưng các
bến đã lác đác xe ra. Lại đã thấy những đám hành khách co ro đầu đường - như đợi
chuyến xe đi chợ sớm.
Từ đây đến mỏm núi Hổ xa trên hai mươi ki-lô-mét. Không biết
từ xó xỉnh nào, những chiếc xe cứ chạy ra, nối nhau lùi lũi chạy trong sương
mù, ô tô tung bạt cửa, bên trong lố nhố người ngồi quấn choàng trắng. Trên mỏm
núi Hổ, nhô lên một tòa nhà nhiều tầng, cửa kính bốn phía. Tòa nhà trong sương
như một lâu đài cổ. Người đi nhìn mặt trời mọc đã đến đông từ bao giờ. Người đứng
ngoài hiên, người vào các buồng nhà kính. Nhiều người trùm những tấm khăn trắng,
những chiếc khăn mỏng, ngồi thu lu ngoài mỏm đá. Tẩu thuốc phì phèo cho ấm, khói
phả lẫn vào sương mù.
Phong tục lên núi Hổ ngắm mặt trời có từ lâu hay chỉ mới có từ
khi người Tạng di cư đến, vì nhớ nhà mà đi nhìn núi, tôi không biết.
Đứng đây trông thấy cả mười ba đỉnh núi tám nghìn thước trên
Hy-ma-lay-a. Ngược lên vùng Đin-bô-chi quãng lưng trời ấy, các làng người
Xéc-ba trồng khoai và lúa sa-pam vào mùa hạ rồi lại về làng đợi vụ lên dỡ
khoai, gặt lúa.
Trở lên nữa, chỉ còn đá và băng nghìn năm, gió thổi lúc nào
cũng trên một trăm năm mươi ki-lô-mét/giờ xáo động cuốn đi từng núi băng.
Trông lên không thể thấy, nhưng người ta cứ tưởng tượng ra
trên ấy có những đoàn leo núi - một năm chỉ có một quãng thời gian hiếm hoi
trèo được, vào khi vừa dứt gió bấc, núi có lúc yên đợi gió nồm.
Những đoàn thám hiểm lên Hy-ma-lay-a…
Công việc thể thao và khoa học thật mạo hiểm chỉ toàn dùng sức
lực trực tiếp của con người. Huy hiệu hội nghiên cứu Hy-ma-lay-a ở Đắc-di-linh
là chiếc cuốc chim, chiếc cuốc chim và đôi bàn chân tượng trưng sức mạnh con
người dũng cảm.
Ai cũng đã biết tiếng những đoàn thám hiểm Hy-ma-lay-a. Người
Anh Giôn Hin lên tới Ê-vơ-rét trên biên giới Tây Tạng Nê-pan. Người Ý Ac-đi-tô
Si-ô đến đỉnh K2 cao 8.613 thước. Người Pháp Giăng Phơ-răng-cô tới Ma-ka-lu.
Người Nhật Y-kô Ma-ki đến Ma-nao-sa-lu 8.159 thước. Và những ngọn trên tám
nghìn thước khác, người Thụy Sĩ, người Úc, người Đức, người Mỹ đã cắm cờ.
Nhưng ít ai biết những đoàn thám hiểm lên được tới các đỉnh
cao ấy bao giờ cũng phải nhờ những người vận tải đi cùng - những người Xéc-ba,
dân tộc vùng núi Sđa-khum-bu giáp biên giới Nê-pan và Đắc-di-linh, những người
nhỏ con mà có sức khỏe leo núi dai dẳng, ròng rã được cả tháng. Đoàn thám hiểm
lên được tới đỉnh núi, cả đời được tiếng và chỉ leo lên một lần, không bao giờ
leo lên đấy nữa. Nhưng những người Xéc-ba làm nghề khuân vác thuê, mùa nào năm
nào cũng leo lên leo xuống, cả đời leo không biết đâu đỉnh núi cũ đỉnh núi mới,
mỗi đoàn thám hiểm thuê hàng trăm người Xéc-ba đi khiêng lều bạt, máy móc, đồ đạc,
lương thực và phục dịch từng trạm. Những người Xéc-ba không bao giờ được nêu
tên trên báo trên sách ấy đã đi với các nhà leo núi từng chặng, tới tận chặng
sau cùng. Chỉ thiếu một việc là không được đứng vào chỗ cắm cờ chụp ảnh với các
ông chủ ở nơi đỉnh cao nhất.
Những đoàn thám hiểm lên Hy-ma-lay-a...
Tháng tư năm 1980 mới đây, đoàn thám hiểm ngọn An-na-puốc-na
của người Pháp Mô-rit Héc-dô có một người trượt băng sa xuống vực...
“ Chúng tôi dựng bạt ở 6.200 thước - những mái lều xóm
trại số 3 chúng tôi chìm nghỉm giữa lặng im, đối mặt với thiên nhiên dữ dội.
Bây giờ hãy còn ban ngày. Gió vẫn gầm lên. Đo được gió dương 120 ki-lô-mét/giờ.
Đột nhiên, một tiếng rít rung chuyển từ đằng xa dội đến.
Chúng tôi biết đây là núi băng đổ. Trên đỉnh An-na-puốc-na, ngày đêm lúc nào
cũng có núi băng đổ thình lình, chúng tôi có thể bị chết vùi. Mọi người hấp tấp
xếp ba lô đồ đạc rồi nằm úp xuống, kéo áo len trùm kín mặt. Bụi băng hết sức
nguy hiểm đối với cuống họng.
Nhưng may mắn, núi băng ấy đã đổ xuống thành hai dòng thác trắng
ngùn ngụt, mà trại số 3 lọt vào đúng giữa. Một vùng bụi băng trắng xóa bao phủ
chúng tôi đến mười lăm phút, rồi những tiếng gầm đinh tai chợt im. Chúng tôi ngồi
dậy. Có người chui ra từ trong đống tuyết ngập ngang ngực. Chúng tôi hú gọi
nhau…”
(Nhật ký của Mô-rít Héc-dô)
Mù mịt trên kia đương có những đoàn thám hiểm...
Dễ thường ở mỏm núi Hổ dưới đây, có những bà mẹ, những người vợ
người Xéc-ba đương ngồi trông lên, đợi sương tan. Trên đỉnh núi, có chồng con
mình trong đoàn leo núi. Như vợ con người dân chài ngóng ra biển.
Trời tảng sáng. Người đến mỏm núi mỗi lúc một đông hơn, đợi
sương tan. Nếu sáng sớm sương phủ, không thấy mặt trời mọc, đấy là điềm không
vui. Phải gặp mặt trời mọc mới là gặp may.
Đã trông rõ hơn những mảnh chân khoác trắng ngoài mỏm núi. Một
đám các bà, các chị người Tạng. Có lẽ họ đã ra ngồi đấy từ khuya - lặng im như
tảng đá.
Bây giờ tôi nhận ra trong đám đi ngóng mặt trời mọc trên
Hy-ma-lay-a có nhiều người Tạng. Có phải những người xa quê lúc nào cũng ao ước
thấy được mặt trời mọc phía đất quê. Ừ như thế đấy, đứng đây có thể trông mặt
trời lên trên Hy-ma-lay-a, phía dưới là Bu-tan, phía trên là Tây Tạng. Tây Tạng!
Tây Tạng! Mặt trời lên từ phía quê mình. Ông lão vá giày đóng móng ngựa. Người
xách thùng sữa ra chợ. Bà cụ bán quần áo lông thú cạnh vách đá ga xe lửa.
Những người đứng đợi trông mặt trời.
Trong một khoảnh khắc, sương ửng lên như một làn mây da cam.
Bao nhiêu người trên núi reo lên một tiếng, tôi không thể nghe biết ra thế nào.
Tất cả quay mặt về đằng ấy. Làn sương tan rất nhanh, mây và sương chen nhau
loáng thoáng. Tiếng người reo không ngớt. Tiếng trống phập phình, phập phình.
Tiếng tụng kinh như hát.
Giữa những làn ánh sáng tím ngắt, nẩy lên vừng mặt trời đỏ
tròn xoe. Ánh nắng hắt lại bóng núi đứng thành những vạch tối vạch sáng âm thầm,
uy nghi một mầu tím bao quanh mặt trời.
Vừa thấy những tia sáng tím kỳ lạ ấy, những người đúng trên mỏm
núi tung chăn, tung áo, tung khăn lên nhảy múa, kêu rầm rĩ, những nhà sư áo cà
sa vàng sẫm, cánh tay để trần cầm bát nước hồng hoàng đã mài sẵn, đỏ như son.
Người ta chen đến. Nhà sư lấy ngón tay trỏ, thấy ai cũng chấm một chấm hồng
hoàng vào giữa trán - cái chấm mừng cho gặp điều cầu được ước thấy.
Sáng nào cũng chỉ có thể hy vọng, thấy hy vọng. Những vết hồng
hoàng được chấm lên trán mọi người. Hai bạn nhà thơ Xê-nê-gan và Pa-let-xtin
cao hứng thế nào, trong lúc bốn phía đọc kinh xôn xao, các bạn nắm tay nhau nhảy
quanh phòng kính và hát “Quốc tế ca”, giọng rất vang, rất hùng tráng. Nhà sư áo
vàng cứ tiến đến, khoan thai giơ tay chấm nước hồng hoàng hạnh phúc lên trán
chúng tôi.
Rồi những cô thiếu nữ người Tạng gò má đỏ hồng bưng ra những
khay hạt đinh hương. Ai cũng đón tay nhặt mấy hạt nhai cho thơm miệng làm khước.
Đám vui mặt trời mọc mỗi lúc một rộn ràng. Bây giờ đã trông
rõ những tảng băng trên núi. Chưa bao giờ tôi được trông núi từ xa mà ngẩng lên
vẫn thấy lừng lững núi trên đầu. Những mỏm cao nhất trên mái nhà trái đất nhấp
nhô như những suối băng chảy. Cả triền Hy-ma-lay-a mênh mông dài trong ánh nắng
thành một nền trắng ngần.
Cuộc đón mặt trời gặp may thành một đám rước tỏa xuống chùa
dưới lưng núi. Tiếng tụng kinh của đồng nam đồng nữ trong chùa nghe vang động.
Lại những cô gái Tạng đứng cầm bát hồng hoàng bôi lấy khước vào trán mọi người
và mời uống sữa ngựa. Ô tô đi qua cũng phải dừng lại. Các cô trèo lên xe, chấm
vào trán cho mỗi người một chấm đỏ.
Chỗ nào cũng nhìn thấy cửa I-ga-cho-linh, trước cửa treo hai
mươi bốn chiếc chuông đồng và quanh đấy một đám người vẫn chăm chú đứng nhìn
lên phía núi mặt trời mọc, phía ấy có đất nước quê mình.
1980
--------------------------------
Ngô Tất Tố (1894 - 1953) dịch. |
|
Khuyết danh (Văn thơ Lý Trần tập II - Nhà xuất bản Khoa học
xã hội, 1979). |
Ghi chép về Đa-mát
RỒI DẦN DẦN, những hình thù mấp mô trần trụi của một thành phố
Ả Rập cũng thành ra quen mắt. Trên bước đường, không ai giữ mãi được cái thật
muốn của riêng mình để mà chỉ thích hay không thích. Đôi khi đến lúc nào đấy, lại
còn say mê trở lại nữa. Những thành phố Ả Rập triền miên tường đá xám đá trắng,
những mảng tròn mảng vuông. Còn nhớ giữa đêm mùa hạ ở Bát-đa năm ấy, cả thành
phố lên sân gác thượng với bóng đêm có hơi đất và trăng sao quanh mình.
Buổi chiều, nắng vàng rượi, tôi vào Đa-mát. Gió cuốn bụi đất
mù mịt tưởng như đỏ hắt cả một vùng Trung Đông theo đến đây. Lại một thành phố Ả
Rập, tường và nhà như những hàng gạch mộc chắp lại, lác đác trổ ra những cánh cửa
sơn xanh, sơn đỏ và trên cửa sổ, lắc lư chùm đèn, khung gỗ mun - có phải những
cây đèn thần A-la-din?
Nửa đêm, cùng bạn lên núi nhìn xuống Đa-mát. Không thấy những
nhà cửa xù xì ban ngày với người ngồi trên gác thượng giữa những sống áo phơi
loang lổ chung quanh. Người trên núi như ở đầu dây chuỗi đèn pha lê quàng xuống
thành phố tráng lệ, ánh đèn xe vun vút, những ngôi sao xanh đỏ tíu tít đổi
ngôi. Những thần thoại kỳ ảo nghìn đêm lẻ bây giờ mới lướng vướng hiện về trong
bóng đêm.
Năm 1832, nhà thơ Pháp La Mác-tin đến Đa-mát.
Mắt tôi như đắm vào những quang cảnh và chân trời lạ lùng. Đó
là Đa-mát với những mái đền tròn xoe, những nóc đài cao và nắng chiều xuống
trên dòng sông xanh biếc lấp lánh lượn qua thành phố. Và ngoài kia là sa mạc đến
chân trời.
Nửa thế kỷ sau, Hăng-ri Đơ Rê-nhi-ê gửi Đa-mát hai câu thơ sống
mãi.
Đa-mát: Mùa hoa hồng đã tàn mà hương hồng còn vương lại.
Tôi yêu những kỷ niệm kín đáo nhưng có sức mạnh như ánh kiếm:
Đa-mát.
Về đêm, tôi hiểu những câu thơ này hơn.
Ở ngã ba đường trước mặt, trong ánh đèn, bóng người tự vệ đứng
cầm súng. Người ta bảo di chuyển theo rặng núi này tới được cao nguyên Gô-lan.
Quân đội I-xra-en đã chiếm lấn đến đấy, cách Đa-mát có khoảng sáu mươi cây số.
°
° °
Trên ba ngàn năm trước Công nguyên, Đa-mát đã được khai sinh,
chữ của người A-ra-mê-en từ thời ấy: Đa-mát, thành phố thiêng. Từ cửa ô Va-lon
vào đến trung tâm Đa-mát, nhiều nơi vẫn như cổ xưa. Cả dãy phố ở đẽo vào núi ẩn
hẳn cửa nhà vào hõm đá, hõm đất. Ở Mu-buốc-la người ta vẫn nói tiếng A-ra-mê-en
tiếng cổ thời chúa Giê-su ra đời. Trên cột đền Ba-chu các nhà khảo cổ tìm ra
nhiều tranh khắc và mẫu chữ U-ga-rít, chữ tượng hình có 30 dấu và nét khác nhau
từ thế kỷ 14 trước Công nguyên. Sau này, người Hy Lạp và người La Mã làm lại,
thành chữ La tinh bây giờ.
Vùng Đa-mát đã chứng kiến sự hình thành của nền văn minh triết
học các đạo Ki-tô, đạo Hồi... Dấu vết của mười hai dân tộc lớn đã đến ở đây,
người Phê-ni-xiêng, người Hy Lạp, người Ba Tư, người La Mã, người Ả Rập, người
Thổ... Di tích các thời kỳ khác nhau ấy ngày nay vẫn còn ở con người, ở mọi
sinh hoạt đời sống. Vùng An Sa-mát có lối múa gươm và cưỡi ngựa không đâu ở
Si-ri có. Các khung dệt vải và cách nhuộm màu mỗi nơi một kiểu. Điệu múa điệu
nhảy ở Đa-bếch, ở Ta-lúp, ở A-lép, ở Hom... những nơi này không xa nhau mấy mà
cách ăn mặc, giọng nói thật khác nhau. Mới thoạt trông váy áo đã biết người ấy ở
Hô-ren, ở Gu-ta hay ở Son-grat...
Từ Đa-mát đến đất thánh Giê-ru-sa-lem có một giờ bay. Ngay
bên kia thung lũng, thành phố Ba-bếch um tùm những cây sến nghìn năm in bóng lá
trong quốc kỳ Li Băng. Vùng Đa-mát, nơi giao lưu ba lục địa, biết bao nền văn
minh đã qua, mà bây giờ thỉnh thoảng còn khám phá dấu vết một thành phố cổ
trong lòng đất, dưới sa mạc...
°
° °
Quả nhiên rồi người mới đến lại có những thói quen mới. Một
ngày kia, thấy khoảng không và những bức tường trơ trụi, dần dần quen mắt.
Trong các thung lũng A-lép, Y-lép, Đa-mát... thành phố và làng mạc, những mái
nhà sân thượng, những đình tháp đền đài tròn, không đâu tìm ra một bóng cây,
cũng thấy là được.
Người ta đứng ngồi núp vào tường. Bóng tường và bóng người
hòa làm một. Cả thành phố như vậy. Vào những nơi thờ phượng lại càng dễ cắt
nghĩa được những phong tục sinh sống của người Ả Rập đã hàng triệu năm ở vùng mặt
đất nhăn nhúm, trong lòng đầy của cải dầu lửa này.
Các phố Đa-mát, đâu đâu cũng chen chúc những người, và nhà và
những bức tường. Trời đã nhạt nắng. Hoàng hôn xám mờ như tấm tranh thủy mạc.
Nhưng mà trên bức tranh nét bút đơn sơ ấy có thấp thoáng những
tòa nhà trụ sở quân Liên Hiệp Quốc “kiểm soát cao nguyên Gô-lan” và những chiếc
xe trắng cờ xanh chạy loăng quăng. Nhưng bọn I-xra-en chẳng thi hành nghị quyết
nào của Liên Hiệp Quốc. Từ 14 năm nay, I-xra-en vẫn nằm lỳ trên cao nguyên
Gô-lan nhòm xuống Đa-mát.
Sông Ba-ba-đa mải miết chảy qua thành phố, hai bên bờ san sát
những nếp nhà trọc lốc, sầm uất các hàng ăn uống. Những con gà quay đỏ hắt treo
cạnh cây đèn lồng. Hàng hoa, hàng vàng bạc, đồ cổ, chen chúc từng ô cửa nhỏ. Những
sọt cà chua, dưa hấu, những thồ quả ô liu xanh ngắt. Trên đầu hè, từng chồng
bánh đa xếp cao cạnh những vò rượu, quanh một ông già áo choàng đen bán cà phê
quế. Chậu thau đồng, chiếc bình đồng, khay chén sứ trắng. Người ngồi xúm xít uống
rượu, uống cà phê.
Một người dắt mấy con cừu chen đi. Lại người cưỡi la thủng thỉnh
bước vào giữa đám đông.
Những kiểu phố chợ hổ lốn loăng quăng đủ thứ hàng và người của
các thành phố châu Á, châu Phi - lạ mắt với dân du lịch phương Tây. Ở Đê-li cũ,
ở Viêng Chăn, ở Sa-mac-can, ở Hàng Ngang, Hàng Đào... Cửa hiệu vàng bạc cạnh
hàng vải, hàng đồ cổ. Người đi trên hè dưới đường, những chiếc xe Tô-y-ô-ta ba
bánh len lỏi, lọc xọc, tải hành và táo xanh, mận xanh. Mỗi lúc đường một chật hẹp,
chen chúc hơn. Rồi đến những hàng bán tràng hạt treo từng cụm vàng hổ phách
trên tường đá, đường cụt hẳn.
Người đeo mạng che mặt, áo dài đen, con la thồ vắt cương đứng
lại ngoài tường đá. Người và la từ xa tới, bụi đường còn trắng mờ quanh gấu áo.
Trong khung cửa trước mắt mở ra một khoảng sàn rộng lát đá. Bỗng như thấy lại
sa mạc giữa phố phường lậm lụi. Những nếp nhà thờ đạo Hồi thật đồ sộ mà rỗng
không, nhưng người ta lấy cái rỗng không làm thiêng liêng. Có phải vì gốc đạo
này sinh ra từ những vùng sa mạc, nhìn đâu cũng chỉ thấy suốt đời mênh mông.
Cái mênh mông ấy mang hình ảnh những mong ước đời đời của con người.
Trên sân thấp thoáng bóng áo choàng đen bước vội vội. Trên đầu,
tiếng tụng kinh ra rả, vời vợi. Vào mãi trong đền vẫn thăm thẳm như thế. Từng
gian một, trống rỗng như ngoài sân. Lũ lượt tín đồ ngồi nhắm mắt tựa đầu vào
chân tường. Nghĩ về trăng sao trên ngân hà thiên hà nào. Mỗi tôn giáo có mội
triết lý thần bí, một lối suy tưởng, một hình ảnh cho con người ghi nhớ. Không
biết ai đầu tiên đã nghĩ ra cái trống không trong khoảng sân, trong đền mà phép
thánh đã hóa ra cái thiêng liêng cho con người run rẩy trước định mệnh, gởi nỗi
lo và sự chờ đợi vào đấy.
Đấy là Đa-mát. Đa-mát cổ kính trong yên vui và trong lo toan,
cũng trong sẵn sàng.
°
° °
Phải đi từ Đa-mát tới Pan-mia mới cảm hết được vẻ cổ kính và
lạ lùng của đất nước Si-ri mà thế kỷ trước, La Mac-tin đã thấy.
Trong những mảng nắng trên sườn đồi quanh thành phố, từng đàn
cừu đi như sóng đất, nhìn rõ những dấu chân chi chít, líu tíu quanh con chó lài
đương chồm lên dồn cừu về chuồng trại trước khi tắt nắng. Rồi lại chỉ còn cát
vàng rợn đến chân trời.
Pan-mia cách Đa-mát hơn ba tiếng đường bay máy bay Y-AC 47,
ngót sáu trăm cây số sa mạc sâu vào lục địa. Đàn lạc đà ròng rã hàng tháng mới
tới được. Pan-mia thành phố cây cọ. Cũng có nghĩa là thành phố mơ ước của những
đoàn người qua sa mạc, lúc nào cũng ngong ngóng đến được nơi có bóng cây và giếng
nước.
Vào Pan-mia, người ta được trở lại với hàng trăm thế kỷ lịch
sử cuộc sống con người. Xung quanh tường đá lỗ chỗ tổ ong, những cây cọ và chà
là lơ lửng, lúp xúp.
Những con lạc đà bước lững thững qua cửa di tích đền Ben như
vẫn từ 31 năm trước Công nguyên, khi đền Ben mới xây dựng, vẫn những đàn lạc đà
nhịn khát từ đâu về đây, lững thững như thế qua ngoài tường đá, trước những bức
tượng, những bàn đá lễ chúng sinh, những cột đài kỷ niệm chiến thắng, những bức
tranh hoành tráng trên nắp quan tài đá. Tượng người chết được tạc ngồi bưng
chén cà phê, tay tựa gối, bụng phệ bóng qua nếp áo, chân đi ủng hoa. Xúm xít
quanh chúa đất, một lũ quan hầu, nét mặt trầm ngâm mỗi người một vẻ. Đấy chính
là cái chết đương sống, thật là thần tình.
Thành cổ Pan-mia cho ta thấy được nghệ thuật thật sự đã ra đời
từ khi có loài người. Trên ba nghìn năm trước công nguyên, những nghệ sĩ tài
năng đã tạc được tất cả mọi cảnh đời sống với những ước mơ xa vời.
°
° °
Từ Pan-mia, lại vượt sa mạc, đến một vùng đất nước trái ngược
hẳn quang cảnh của nền văn minh hôm nay. Nhà máy thủy điện Táp-ka của Liên Xô
xây dựng giúp Si-ri - nhà máy có công suất điện loại lớn nhất thế giới.
Trên sông Ơ-prát, thành phố Táp-ka hiện lên đều tăm tắp hàng
loạt những dãy phố nhà tám tầng. Cây chà là và tàn lá cọ ven đường chỉ cao lửng
thửng ngang gác ba. Thành phố trẻ, người đến ở mới trồng cây.
Trên mặt hồ, đằng kia nhô lên tòa nhà khách sạn du lịch, đường
đá đỏ hồng, đê sông Ơ-prát kẻ chỉ sau lưng. Năm trước tôi đã gặp sông này qua
Bát-đa, nước đục lờ chảy giữa bờ cỏ có những quán rượu bán cá nướng bốc khói
nghi ngút thơm. Bây giờ đến đây đương mùa cạn, nước Ơ-prát trong xanh. Những bụi
sậy ven nước càng xanh ngắt.
Ai đoán được chỗ nhà máy thủy điện ở vùng Táp-ka mười năm trước
chỉ là vùng đất cằn, nối tiếp với khoảng cách sa mạc từ Đa-mát lên, từ Pan-mia
lên và từ đây sang biên giới I-rắc. Ngày xưa, đoàn lái buôn và lạc đà khát nước
ngày đêm thụt chân trên cát đường trường, chỉ mong nhìn thấy đằng chân trời những
chòm cây cọ thành Pan-mia. Đến được đấy mới gặp cái sống. Bây giờ, giữa hoang
vu, con người đã làm ra hồ nước và những con kênh, và những cánh đồng lúa mạch.
Trong phòng trưng bày của nhà máy, treo gần kín tường một tấm
bảng đồng lớn, khắc dòng chữ:
Đời đời tình hữu nghị Si-ri - Liên Xô...
Tháng tám, ở Y-an-ta trên Hắc Hải, tôi ngồi viết lại những
trang ghi chép này về Đa-mát.
Tháng tám, tháng chín Y-an-ta vào thu, thấp thoáng mưa như
mưa ngâu. Cả đêm nghe vẳng tiếng còi tàu rúc hiệu vào bến ra bến dưới cảng. Những
cánh rừng bạch dương đã bắt đầu vàng, vàng suốt mùa thu. Cả chuỗi lá đã vàng từ
hôm mới đến, nửa tháng rồi vẫn vàng nguyên thế.
Mùa thu Y-an-ta đẹp đến nỗi lúc nào cũng dường như bỡ ngỡ mới
gặp nhau.
Nhưng mà cuộc sống con người trên trái đất thì đương quay cuồng,
quay cuồng...
Ghi lại một vài việc trong tháng.
Kỷ niệm bom nguyên tử ném xuống Nhật.
Ngày 6 tháng 8 năm 1945, một quả bom nguyên tử của Mỹ ném xuống
thành phố Hi-rô-si-ma, chết 30 vạn người.
Từ khi có lịch sử loài người, hơn một nghìn năm qua, chỉ kể
những cuộc chiến tranh đã được sử sách ghi lại, ước lượng có trên một vạn rưỡi
cuộc chiến tranh và chết chừng hơn bốn tỷ người - bằng số người hiện sống trên
trái đất.
Bây giờ, chỉ trong vài phút, có thể chết hết loài người: 5 vạn
tấn nguyên tử đã được tích trữ trong kho, 30 vạn bom, mỗi quả bằng quả bom đế
quốc Mỹ ném xuống Hi-rô-si-ma.
Báo Đời sống công nhân (Thụy Sĩ)
Thế giới sôi sục chống Ri-gân ra lệnh sản xuất bom N.
Ở Hy Lạp nhà thơ nổi tiếng thế giới Y-a-nit Rít-xôt ra lời
kêu gọi:
...“Chúng ta có thể tưởng tượng ra một thành phố sau trận bom
nơ-tơ-rông như thế này: hàng chục vạn, hàng triệu người chết khắp nơi, ở phố, ở
công viên, trong nhà, trên xe lửa, tắc xi, xe buýt, trên thuyền... trong khi
đó, đài phát thanh đến giờ ca nhạc, vẫn truyền đi một bài hát dí dỏm. Trong khi
đó, giữa tủ kính, những người mẫu bằng nhựa mặc áo mốt vẫn đứng cười... Và tất
cả trẻ em đã chết rồi, trong khi những con ngựa gỗ trong công viên vẫn tiếp tục
vòng quay… Loài người không thể để cảnh khủng khiếp ấy xảy ra...”
Báo Tin tức Mát-xcơ-va đưa tin:
“Con báo tuyết mẹ I-ly - một giống báo rất hiếm, năm trước bắt
được trên núi ở Kiếc-ghi đưa về vườn thú Mát-xcơ-va - mới sinh được ba con. Tên
là Ô-lin, Ô-ri-on và Ô-lít. Tháng mười này Ô-lít được đưa sang làm quà tặng vườn
thú Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ)”
Thời sự và cuộc sống con người hôm nay, mỗi lúc cứ bồng bột
những giằng co quyết liệt. Bóng tối chồm lên, muốn xóa đi những thư thái và những
mơ ước bình thường của chúng ta.
°
° °
Cao nguyên Gô-lan cách bờ Tây Địa Trung Hải chưa đầy năm mươi
cây số. Vùng đồi đất núi lửa cũ nhưng bây giờ lúc nào cũng mát trời, mỗi năm chỉ
thấp thoáng vài ngày tuyết. Đất trồng lúa mạch, ngô, táo, nho, ô liu. Ngựa và cừu
đi hàng đàn. Trong rừng thưa, mỗi gốc cây một đỗ ong. Cá chép được nuôi ở hai hồ
lớn Ti-bê-ri và Ma-sa-đê.
Qui-nây-tra, tỉnh lỵ cao nguyên. Trong cuộc chiến tranh 1967,
quân I-xra-en tràn sang, phá trụi thành phố. Mười bốn vạn dân của 163 làng trên
cao nguyên Gô-lan phải bỏ chạy hết. Bọn I-xra-en chiếm lỳ từ ngày đó rồi đưa
người đến, chia cao nguyên thành mười kia-bút - kiểu ấp chiến lược thời Mỹ Thiệu
ở miền Nam.
Các bạn Si-ri nói hôm nay đưa khách đi Qui-nây-tra để chúng
tôi được chứng kiến tận nơi một tội ác của I-xra-en.
Nhưng đi từ khu Đa-mát cổ qua vùng Đa-mát mới rồi ra khỏi
thành phố chỉ thấy nhộn nhịp yên vui. Nhà nhà chen nhau giữa màu xám xi măng,
có ô vuông cửa sổ xám. Những cây đề lá xanh, bên cây liễu đỏ thướt tha. Đỉnh
núi xa xa băng đóng từng vệt trắng dài.
Quanh vườn, ngôi nhà ở giữa, sân thượng vuông bằng kín mít. Lại
lố nhố trẻ con ngồi chơi trên nóc nhà. Ngoài cánh đồng, từng đám trẻ áo đỏ đùa
chạy trên những bờ cỏ hoa dại vàng li ti. Người cưỡi la đi gieo hạt, thong thả
bước một trên luống cày. Các chị váy áo hoa dài tím đội vò nước từ ven đường bước
ra.
Bạn bảo chúng ta tới Qui-nây-tra rồi, mà chưa dấu hiệu gì cho
hay biết về nơi bị chiến tranh tàn phá. Đường vẫn tấp nập người đi và hớn hở những
trẻ con và những con la gầy bé nhỏ có hai cái tai to tướng. Những rừng ô liu,
những cánh đồng ngô...
Trên gác tầng bốn tòa nhà bệnh viện thành phố. Nhà đã bị bom
đánh, các trần lỗ chỗ còn lủng lẳng như sắp rơi ra từng tấm xi măng. Đứng đấy
nhìn ra, thấy được Qui-nây-tra hoang tàn.
Bọn I-xra-en phá nhà, đặt mìn rồi cho xe húc, cuối cùng ném
bom. Mười bốn năm đã qua. Cả thành phố đen sì những đống vụn xi măng cọc sắt.
Bốn phía ngoại ô, những vườn ô liu xanh rờn. Một ổ súng máy
in hình khoảng tường trắng bên kia. Mỗi nhà trong nông trại kia-bút của
I-xra-en đều đặt súng, họng hướng sang Si-ri như thế. Rồi thì dây thép gai. Những
mảnh chiến lũy gỗ sơn trắng, sơn đỏ đặt các ngả đường. Phía nào cũng một cảnh
giống nhau: ở giữa, trạm gác kéo cờ xanh Liên Hiệp Quốc. Bên kia, lính I-xra-en
xách súng đứng dưới lá cờ xanh lồng cánh. Chỉ có xe Liên Hiệp Quốc qua được hai
bên.
Đây cách biên giới Li Băng có hai mươi bốn cây số. Chốc lại
nghe tiếng bom nổ vang động không rõ phía nào. Sớm hôm qua súng phòng không
Si-ri vừa bắn rơi một máy bay lên thẳng I-xra-en trên thung lũng Bê-ka đằng
kia. Máy bay ném bom I-xra-en vẫn đương nối nhau gầm rú kẻ khói trên bầu trời
thành phố.
Giữa Qui-nây-tra hoang tàn, những bông huệ dại, như trẻ con
không biết gì cả, cứ khoe màu vàng hơn hớn. Cơn gió xôn xao đến từ các trại
lính Si-ri, lính Liên Hiệp Quốc, lính I-xra-en từ vườn ô liu các kia-bút đưa lại.
Cũng từ phía ấy, đàn chim sẻ rập rờn lướt trên bãi mìn và dây thép gai bay tới
bên này.
Ở đây, cuộc sống thật can đảm và dữ dội. Cái chết và mọi thủ
đoạn giết người kề bên vết chân những con la thồ người đi gieo hạt đỗ đến những
luống cày sát bờ rào trại lính I-xra-en. Cả cao nguyên chạy giặc lang thang mười
bốn năm nay, hàng chục triệu người Ả Rập, ở Pa-let-tin, hơn ba mươi năm đã qua,
mấy thế hệ nối tiếp phải lang bạt đi ở lều trại tỵ nạn Liên Hiệp Quốc cứu trợ
khắp Trung Đông. Nhưng lúc nào cũng đinh ninh trông ngóng có ngày trở về.
Trong căn phòng được dựng lại giữa nhà thị chính đã bị đánh sập,
ông thị trưởng Qui-nây-tra mời khách uống cà phê - pha kiểu Ả Rập không đường
và thoảng mùi quế.
Chúc gặp nhau lần sau, cao nguyên Gô-lan đã được giải phóng.
Mọi người im lặng. Lần sau... Tôi tin các dân tộc ở Si-ri, ở
Pa-let-tin, cũng như dân tộc Việt Nam. Đã thành sự thật những cuộc gặp lại lần
sau ở Hà Nội, ở Sài Gòn...
Hoa cỏ dại gió thổi vàng rực lên, trong tiếng máy bay địch vẫn
gầm rú.
°
° °
Ở Đa-mát về, qua sân bay quốc tế Bây-rút.
Mới bốn giờ chiều, mà không một bóng máy bay lên xuống. Hơn
mười năm trước, tôi đã có dịp đến Bây-rút, sân bay lúc nào cũng vui như chợ
phiên. Cứ ba phút một máy bay cất cánh hạ cánh. “Thụy Sĩ của phương Đông” bây
giờ không có gì. Thành phố im rợn giữa nắng, như phấp phỏng một trận pháo kích,
một cơn ném bom.
Sân bay Bây-rút bị máy bay I-xra-en dội bom tháng trước, vừa
mới được mở cửa lại.
Áp-ga-ni-xtan mùa xuân này
BÂY GIỜ, các nhà khảo cổ vẫn tìm thấy hầu như cả vùng Tây Nam
châu Á dấu vết mọi sinh hoạt từ thời thượng cổ. Những nền văn minh đã qua còn
vô vàn dấu vết đứng trên mặt đất cho đời này chiêm ngưỡng. Một hiện tượng hiếm
có. Bức tường đất luyện. Mảnh đồ dùng đá đẽo. Những cung điện, đền đài...
Phía tây bắc Áp-ga-ni-xtan còn lại chứng tích từng vùng canh
tác, chăn nuôi bốn nghìn năm trước công nguyên. Ở Kan-đa-hai, cánh đồng, máng
nước. Trong lòng đất vùi những đồng tiền Kút Cham và những đồ vật của đế quốc
La Mã đem tới, việc buôn bán và giao lưu đã có từ những thời rất xa.
Văn hóa Kút Cham, thế kỷ thứ nhất, ngày nay còn nguyên cả từng
làng, từng phường, với tường bọc quanh nhà. Như vừa có động đất, có nạn chạy giặc,
bỏ y nguyên lại tất cả.
Cả nước Áp-ga-ni-xtan trập trùng núi đất núi đá vằn đen vằn
vàng giữa những cánh đồng cỏ lốm đốm từng đàn cừu đi qua. Ở Ben-gram, cách
Ka-bun hơn sáu mươi cây số, dưới chân pháo đài Hin-đu Quých, đứng sừng sững một
thành phố cổ bên dòng suối nước xanh như ngọc.
Quả vậy, văn hóa Kút Cham, đến thế kỷ thứ Năm bị chiến tranh
hủy hoại hết. Người Sat-ra-nít ở I-ran tràn sang. Các dân tộc du mục phía bắc
xuống. Tuy nhiên, văn hóa Kút Cham đã trở thành truyền thống khởi thủy văn hóa
Áp-ga-ni-xtan và toàn tây nam Á.
Nhưng đất nước Áp-ga-ni-xtan rực rỡ văn hóa Tây Nam Á cao cao
khuất nẻo trên mái nhà thế giới giữa các triền núi cao nhất trái đất, từ
Hy-ma-lay-a sang triền Thiên Sơn, Áp-ga-ni-xtan đã tối tăm trong các thế lực
các triều đại vua chúa. Thế kỷ 19 thực dân Anh tới, mù mịt hẳn.
Năm 1918, Lê-nin đã viết:
“Thực dân Anh, sau khi hoàn toàn chiếm Áp-ga-ni-xtan - một
bàn đạp cho chúng có điều kiện mở rộng vùng ảnh hưởng và chiếm đất ra khắp
Trung Á, tiêu diệt độc lập dân tộc của các nước này. Nhưng, trước nhất, chúng
dùng Áp-ga-ni-xtan làm cơ sở cho chúng tấn công nước Nga Xô-viết”.
Đúng như Lê-nin nhận xét, ở đấy lúc nào cũng sẵn sàng những
âm mưu chống phá Liên Xô, dằng dặc từ hơn nửa thế kỷ nay. Nhưng chưa có cơ hội.
Trách chi, Cách mạng tháng Tư 1978 thành công, mắt xích Áp-ga-ni-xtan của đế quốc
vây thành trì cách mạng ở thế giằng co ngót sáu mươi năm nay, bị vỡ, chúng đã
phải điên lên.
Những ngày trứng nước của cách mạng Áp-ga-ni-xtan thật sự
nghiêm trọng. Năm mươi trại huấn luyện biệt kích nuôi hai mươi nghìn kẻ cướp ở
dọc biên giới lăm le tấn công vào. Chúng đã rắp kế hoạch chia Áp-ga-ni-xtan
thành hai nước: nửa phía bắc gồm những tỉnh các dân tộc theo đạo Hồi phái
Su-mít. Phía nam một nước theo đạo hồi Chi-ít. Và những thủ đoạn gây đổ máu
liên miên giữa các dân tộc Put-tun, Tru-men, Ha-gia-na, Tắc-dích… trong đại gia
đình các dân tộc Áp-gan.
Nhà trưng bày võ khí bắt được của địch ở Gia-la-la-bát, thành
phố biên giới với Pa-ki-xtan. Tận mắt ai cũng thấy tội ác của bọn Mỹ, Anh, Tàu
Bắc Kinh, Tàu Đài Loan, Tây Đức, Ai Cập, I-xra-en, rốc-két, bom hóa học Mỹ. Mìn
lỏng Đài Loan, Ai Cập. Liên thanh Mỹ. Moóc-chi-ê Anh. Súng phòng không Trung Quốc.
Một tấm ảnh chụp Zi-nhi-ep Rê-gien-ky, cố vấn an ninh của tổng thống Ca-tơ chụp
năm 1980. Tên cao bồi già ấy đứng cầm tiểu liên Trung Quốc chĩa sang
Áp-ga-ni-xtan, giữa một chợ trời súng ở đầu mốc biên giới Pa-kit-xtan với tỉnh
Gia-la-la-bát.
°
° °
Những ngày đầu cách mạng, đất nước nào cũng tương tự những dữ
dội và những trái ngược.
Ở Cu Ba, khởi nghĩa vừa thành công, máy bay lên thẳng của biệt
kích Mỹ và bọn phản động cất cánh từ Mai-a-mi sang ném bom, hạ xuống bắn lung
tung giữa đại lộ bờ biển thủ đô Ha-ba-na. Nhưng suốt dọc biển nhìn sang Mỹ, tên
lửa của quân đội cách mạng Cu Ba đứng đều từng quãng, từng dãy, như lính gác.
Những vết đạn còn lỗ chỗ tường trụ sở phường giữa thủ đô A-đi
A-bê-ba ở E-ti-ô-pi. Các chiến sĩ tự vệ, súng cắm lưỡi lê, gác trên khắp các đầu
phố.
Ở Ăng-gô-la... ở Ni-ca-ra-goa... Ka-bun cũng vậy, hôm nay và
hôm qua, cuộc chiến đấu chằng chịt, xen kẽ. Như mới hôm qua. Mà thật mới hôm
qua. Đầu phố, một xe ô tô chở khách bị biệt kích đốt, bốn bánh lật ngược. Ở ngoại
ô phía bắc, một trường tiểu học bị mìn nhét trong đốt nối ống dẫn nước. Một nhà
thờ, biệt kích phá phòng rao giảng. Cái vỏ mìn vẫn treo lơ lửng đầu lỗ tường hổng,
nhãn hiệu USA 1978 Aréa control. Mìn hóa học của Mỹ ngay giữa Ka-bun. Trong khi
đế quốc Mỹ lu loa, tru tréo: Liên Xô rải chất độc hóa học ở Áp-ga-ni-xtan.
Áp-ga-ni-xtan đương đổi mới và cũng đương lẫn lộn những lạc hậu.
Ở đây, cách mạng sôi sục tiến tới, trong khi mọi thủ đoạn chống phá của địch
cũng dữ dằn hơn ở đâu hết.
Đồng chí lái xe đã có tuổi. Bộ râu ngoắc, khăn trắng tầy vố.
Quần áo trắng cháo lòng lụng thụng, như mọi người trên đường. Nhưng cũng có cái
khác. Một chuỗi đạn súng ngắn vắt ngang ngực. Còn đồng chí phiên dịch Sa-lêch
khẩu súng Mát báng gập của đồng chí ấy dựng ngay bên thành xe.
Tôi không hỏi. Tôi đã thấy những quang cảnh tương tự năm trước,
trên sân bay và các ngã tư, ngã năm ở A-đi A-bê-ba. Và ở đất nước tôi, trên ba
mươi năm trước, chính quyền cách mạng vừa thành hình. Những ngày Hà Nội rực cờ
Tổng khởi nghĩa cách đây gần nửa thế kỷ, còn rọi bóng cho tôi nhìn Ca-bun hôm
nay với niềm tin mãnh liệt: Cách mạng, cách mạng đã tới châu Mỹ, châu Phi, tới
những đất nước khuất nẻo này.
Ca-bun sôi nổi và quyết liệt, thật đặc biệt. Sân bay quốc tế,
máy bay Bô-ing 727 của hãng hàng không Áp-ga-ni-xtan đậu một dãy. Những chiếc
xe chở khách du lịch chạy đi chạy lại, cửa kính xanh treo tranh kim lóng lánh.
Cùng lúc, nhộn nhịp máy bay lên thẳng của quân đội liên tiếp bay. Chiến sĩ bộ đội
Áp-gan, phù hiệu đỏ chói ve áo, cầm nghiêng súng. Trên nét mặt đen sạm lẫn lộn
nét hớn hở, nét trang trọng, nét hiên ngang của người du mục vào thành phố làm
cách mạng.
Một đoàn xe quân cảnh bọc sắt từ từ qua một phố có một căn
nhà đổ rụi. Cái phố như hàm răng hổng một lỗ.
Đồng chí Sa-lếch bảo tôi:
- Tuần trước, chúng tôi đã tiêu diệt biệt kích núp trong nhà ấy.
Tôi cũng không hỏi lại. Đồng chí Sa-lếch có lẽ vẫn chưa yên
tâm vì sự lặng im của tôi. Đồng chí giơ cho tôi xem những tấm ảnh chụp ở một trại
giam biệt kích. Bọn biệt kích râu tóc rậm rịt, quấn khăn, quần áo cũng lụng thụng
như đồng chí lái xe ngồi trước mặt tôi, như mọi người đi bên đường.
- Anh có phân biệt được bọn biệt kích này người nước nào?
Tôi lắc đầu.
Đồng chí Sa-lếch cười:
- Anh không thể tưởng tượng được. Bảy thằng trong ảnh, năm đứa
người Ý, hai đứa da màu Nam Phi. Anh ngạc nhiên lắm sao. Chúng nó chỉ cần để
râu, rồi quấn khăn, mặc quần áo Áp-gan. Trên biên giới Pa-kit-xtan đầy rẫy ổ lê
dương biệt kích như thế. Bọn giết người chuyên nghiệp khắp thế giới được đế quốc
Mỹ mộ đến. Hôm nào anh tới đấy, sẽ biết.
Đêm Ka-bun thiết quân luật, lặng lẽ. Tiếng máy bay ầm ầm đã
qua từ lúc hoàng hôn. Nhưng trong khuya, nghe tiếng hát i ô trong cửa sổ nhà ai
bên kia vườn. Chợt nhớ đêm nay thứ bảy - ngày nghỉ trong tuần của đạo Hồi. Người
ta thường đàn hát chơi suốt đêm.
Đêm Ka-bun, thảnh thơi và phấp phỏng.
°
° °
Và cuộc sống hàng ngày, biết bao ý nghĩa khác nhau. Ka-bun,
chữ cổ, nghĩa là ánh sáng. Nhưng thành phố Ả Rập, chỉ có nhà vuông góc không
mái, tường xám tường nâu mờ mờ. Cuộc sống bây giờ mới đương thật có ánh sáng,
mà con người mong ước từ thời cổ sơ.
Bởi vì, tất cả Áp-ga-ni-xtan trái ngược như Ka-bun là ánh
sáng mà chưa có ánh sáng. Không phải vì trên đất nước đương vào cuộc cách mạng
hiện đại, lại trông thấy chiếc rìu đã hơn năm nghìn năm ở bảo tàng lịch sử.
Không phải vì mặt tượng Phật ở đây cũng như mặt người Áp-gan. Mũi cao, miệng cười
cong, mắt một mí, mắt liếc tréo. Không phải vì Ka-bun có cái phố bán toàn chim
yểng, chim sáo, chỗ nào người ta cũng đặt chõng ngồi uống nước chè bát, nghe
chim hót, chim học nói. Và thấy bãi cỏ thì thấy trẻ con quần thảo, đá bóng. Và
trên mỏm núi bên kia sông, tòa lâu đài mùa hè của nhà vua, đã thành hiệu ăn đồ
sộ của thành phố, người ra vào tấp nập.
Thật âm thầm bí ẩn trong cái chàng mạng choàng trên người đàn
bà lững thững đi trước mặt. Thật kỳ lạ trên đất nước mà những thành phố như những
chấm xanh cây giữa hoang vu. Nhưng cái oái oăm đau lòng ấy là Áp-ga-ni-xtan nhiều
hơi đốt, nhiều dầu lửa đã khai thác, thế mà tới hôm nay, cả đất nước vẫn còn là
một cao nguyên chăn nuôi của người du mục, không sáng đèn, không một thước đường
xe lửa.
Cuộc sống ở đây đương thật sự chờ những đổi mới mà cách mạng
sẽ mang đến. Tuyết rơi trắng trên dãy núi Ốc-noi-i, núi Hen-đô-cốt bao quanh
thành phố. Tuyết càng trắng bông, trắng ngần, các vùng cằn cỗi màu đất. Ở một
vườn táo đã trụi hết lá, người ta lấy xẻng bới rãnh đất làm tuyết khơi ra những
hầm táo đỏ từ mùa thu hái xuống vẫn ủ trong lòng đất, bây giờ lấy lên đem ra chợ.
Các chợ, các phố, cũng như ở mọi nơi đô hội các nước đương
phát triển, đường sá ngổn ngang hàng quán không tên - các thức ăn uống và mọi
thứ cần thiết phục vụ lẫn nhau.
Người bán mía tiện khẩu rồi bọc giấy bóng từng gói. Những mâm
đựng bánh ngô. Người thợ và người cắt tóc ngồi trong nắng...
La, lừa, dê, cừu, bò, và trẻ em nhiều hơn xe ngựa, xe đạp, ô
tô. Phố nào cũng có bác thợ chụp ảnh đứng trước ống kính nhìn ra người đi, hai
tay thu trong bọc, cả chiếc chăn dạ khoác trên mình. Bên kia, một đoàn lạc đà nằm
ngóc cổ, đợi tải củi.
Trên đường, lũ lượt đàn la, đàn lạc đà chở củi về các đầu phố.
Những con lạc đà lùi lũi quì hai chân trước. Người đến khiêng những cành củi xếp
đặt giữa vấu lưng lạc đà. Củi đã được chất hết lên, lạc đà đứng dựng hai chân
sau, nghiêng đôi mắt ti hí hiền lành, mồm vẫn nhai tóp tép. Khắp đầu phố, đầu
chợ, lổm ngổm những đàn la đứng, những đàn lạc đà nằm.
Đàn la, đàn lạc đà ngất nghểu qua các nhà thờ gồ ghề đá xám,
lại sặc sỡ, như có hàng cây hoa nở ngang tường, người đi xúm xít dưới. Nhìn kỹ,
không phải hoa. Đấy là các thứ váy áo, đủ thứ, đủ màu. Có những áo vét-tông, áo
khoác dạ còn tươm như mới. Có những cái đã rách lướp tướp. Tất cả được vắt lên
tường nhà thờ, treo vào sợi dây thép, dây ni-lông, dài suốt phố. Xa trông như
những cây hoa nở.
Những thứ ấy của các cửa hàng quần áo cũ. Tận các nước Tây Đức,
Pháp, Nhật, Mỹ nhập về. Có vậy mới lắm thế.
Những của thải ấy, nghề ấy, những chợ trời này từ trước kia
còn sót lại, nên có hay không, tôi không biết. Nhưng những hiện tượng ấy thật
đáng cười, đáng nghĩ. Thế là trên thế giới mấy lâu nay mới ra đời những công ty
buôn quần áo cũ ở những nước công nghiệp hàng đầu. Khách hàng là người những
vùng nghèo khó. Cái nghề buôn bán quần áo cũ của các nước giàu có thế ấy mà
phát tài, trở nên cuộc sát phạt cạnh tranh của các nhà tư bản kếch sù, đến độ
chúng nó phải nuốt nhau, thành các công ty siêu quốc gia. Người nghèo đến cùng
cực phải mặc sống váy thừa của người ta, thế mà bọn triệu phú cũng nghĩ được
cách moi ra lời lãi, ăn uống trên đống đồ lề vứt đi ấy.
Còn thấy bao nhiêu ám ảnh như thế trên đường phố Ka-bun.
Trong sương mờ mờ lũ lượt người hai bên bờ sông trần trụi. Khói lò đỏ rực, bên
cạnh xếp từng dãy xiên thịt đợi nướng. Chả cừu Ka-lôp ngon nhất. Người vừa đi vừa
nhai nhồm nhoàm, từ những căn nhà chen chúc lưng núi đi xuống. Ngoài cửa ô còn
nhiều đất hoang mà người ta lại lên ở trên sườn núi chi chít đến thế kia. Rồi
tôi mới biết đây là những dãy phố nấm mái tôn mái bạt của người nghèo. Dựng nhà
trên núi không mất tiền thuê đất, mua đất của nhà giàu. Nhưng cả vùng ấy không
có điện. Mới chặp tối, nhà phố và sườn núi đã mù mịt lẫn vào nhau. Những người
đàn bà về muộn, lố nhố như nấm mọc, lùi lũi leo lên dốc.
Những người đàn bà quàng chàng mạng âm u thấp thoáng. Chốc lại
gặp, mơ hồ như có như không. Vuông chàng mạng vàng nhạt, tím nhạt, xám nhạt, sợi
thô đếm được. Chàng mạng phủ từ đỉnh đầu xuống mặt, xuống gáy, xuống vai rồi tỏa
ra, thành tấm lưới quây tròn đến tận chân. Chỉ còn trông được bàn chân mà đoán
chơi xem đấy là người nạ giòng, người còn trẻ, hay người già... Cứ chàng mạng
kín mít thế, xách túi đi chợ. Người chàng mạng bồng con ngoài chàng mạng. Những
cái nấm người lướt thướt đi lại, qua phố, vào hiệu. Không ai nhìn ra người, mà
chỉ có cái bóng lặng lẽ.
Lò than trong ngõ phố đương lên lửa đùng đùng, trên đặt vạc
thuốc nhuộm. Những lò nhuộm chàng mạng. Chàng mạng màu nghệ, màu xám phơi lủng
lẳng trên sợi dây thép căng cao cao. Như những xác thắt cổ, gió đánh lắc lư.
Con ma cuộc sống cũ lởn vởn.
°
° °
Nhưng không phải Áp-ga-ni-xtan chỉ có những lạ mắt rầu rĩ ấy.
Không, Áp-ga-ni-xtan ngày nay đương cực kỳ khí thế.
Áp-ga-ni-xtan - đất nước trên núi cao, quanh năm người theo cừu,
cừu theo cỏ, mùa đông xuống thung lũng, mùa hạ, người và cừu lũ lượt đưa nhau
lên tận phía bắc Hin-đu Quých, để lại những làng mạc và thị trấn cô đơn dọc triền
sông.
Tôi đã được dự một cuộc mít tinh tình cờ thật náo nhiệt hào hứng
mà trước nay tưởng chỉ được gặp ở đất nước Cu Ba sôi nổi. Hôm ấy, tôi lên thành
phố Gia-la-la-bát trên biên giới Pa-kít-xtan. Thăm nhiều nơi, rồi tới trồng cây
cam lưu niệm ở một hợp tác xã trồng cam.
Vườn cam chín đỏ. Từng hàng cây thủy tiên cánh trắng nhị vàng
nở hoa viền luống cam. Hoa thủy tiên thơm thanh lạ lùng. Ở Hà Nội ngày trước,
vào dịp Tết, thủy tiên được gọt củ, hãm đợi nở vào giao thừa - người chơi hoa
nâng niu từng nhánh trong bát hoa. Ở đây, thủy tiên trồng giữ đất cho gốc cam,
như cỏ tóc tiên. Những người chủ vườn đưa tặng khách cả một bó hoa thủy tiên,
cuống xanh mọng, cành đơn trắng ngần.
Mỗi loài cây loài hoa sinh ra ở đâu thường có số phận khác
nhau. Ở Áp-ga-ni-xtan, công viên và vườn nhà ai cũng trồng húng quế, hoa li ti
tím ngát. Ngoài chợ, hoa húng quế bày bán cạnh hoa lay-ơn. Ở La Ha-ba-na, người
điệu cốc-tay bao giờ cũng thả một nhánh lá húng quế vào cốc rượu. Ở nước ta,
không ai để ý đến hoa cây húng quế và chỉ biết có lá húng. Lá húng quế để ăn với
thịt chó, tiết canh vịt..., thật hợp vị và chỉ chuộng húng quế thế thôi.
Tôi ôm thủy tiên và bó hoa húng quế vừa được tặng vào thành
phố, xem những phố xá Gia-la-la-bát gần biên giới căng thẳng khác ở Ka-bun thế
nào. Bỗng thấy cờ đỏ rực xanh thẫm trên ngã tư đường lẫn với người rầm rập kéo
ra.
- Thành phố hôm nay có kỉ niệm gì?
- Không.
- Sao đông người thế?
- Người đến chào khách Việt Nam đấy.
- Ồ.
- Anh sẽ nói. Cho chúng tôi được nghe tiếng Việt Nam.
Tôi lại chỉ biết “ồ” một tiếng ngạc nhiên và cảm động. Ngay ở
góc ngã tư, ngẫu nhiên cuộc gặp mặt của những người thân thiết. Không giống một
đám mít tinh nào như thường thấy. Các em gái trên đường đi học về, đứng lại. Những
ông già râu tóc bạc phơ, miệng ngậm ống điếu. Ở giữa đám có cụ vẫn ngồi nguyên
trên lưng con la, thõng hai chân xuống. Người ùn lại, trong khi xung quanh vẫn
một vẻ tấp nập của phố xá đương đông. Người ra vào các cửa hàng bán hành, củ cải
đỏ, hoa lơ. Quán chả nướng, khói thịt, khói nướng bánh nghi ngút trên ống thông
hơi. Những người đương giở tay việc nhà trèo lên sân thượng nhìn ra.
A-lếch dịch cho tôi biết đồng chí bí thư Đảng ủy quận 26
đương nói: Có bạn Việt Nam tới... - đồng chí ấy nói - Việt Nam - Áp-ga-ni-xtan,
hai đất nước châu Á trên tuyến đầu chống mọi thủ đoạn của trùm sò đế quốc Mỹ và
tay sai.
Các chị kéo đến, đông nghịt từ lúc nào. Tưởng như bây giờ tôi
mới thật được trông thấy người phụ nữ trên đất nước này. Mọi khi, chỉ gặp những
cái bóng chàng mạng ẩn hiện. Cả bao nhiêu học sinh và các chị trong thành phố tới,
tươi cười rực rỡ suốt bên kia đường. Những cô gái mặc sơ-mi trắng, váy đen. Đôi
má đỏ hồng. Đôi mắt nửa Ả Rập, nửa Ấn Độ, xám mờ thăm thẳm, tình tứ. Không, những
nấm chàng mạng u tối đã mờ đi. Không, đất nước Áp-ga-ni-xtan nghìn năm chìm đắm
đã được giải phóng rồi.
Các cụ đến nắm tay tôi. Các em học sinh dắt tay tôi. Chúng
tôi như một vòng nhảy múa ùa vào trụ sở Đảng ủy quận 26.
Bí thư Đảng ủy là bác sĩ Khum-man Mô-ha-mét. Đồng chí nói:
- Tôi là bác sĩ phụ trách nhà an dưỡng của công đoàn thành phố.
Tôi mới được bầu làm bí thư Đảng quận 26. Nghề chuyên môn giúp tôi hiểu đời sống
xã hội để làm công tác Đảng.
- Lực lượng Đảng viên quận ta thế nào?
- Quận 26 chúng tôi có 244 đảng viên đảng Nhân dân Cách mạng
Áp-ga-ni-xtan, 42 đảng viên công tác kỹ thuật, như tôi. Còn tất cả trong các
ngành xã hội và ở công trường... Chúng tôi có 113 đoàn viên thanh niên.
- Về phụ nữ...
- Rất nhiều khó khăn. Quận 26 chưa thành lập được đoàn thể phụ
nữ. Hầu hết chị em không biết chữ, sống quanh quẩn trong nhà. Đúng, những người
ra đón đồng chí ban nãy là các cô giáo và học sinh, lực lượng phụ nữ cách mạng
nhất của chúng tôi.
Công trường nhà máy ép dầu ô-liu - nhà máy đầu tiên tỉnh
Gia-la-la-bát xây dựng trên địa phận quận 26. Cánh đồng, thung lũng, vùng đồi,
đâu cũng xanh rờn những rặng ô liu. Giống ô-liu miền núi đồi có vị ngon, khác
ô-liu ven Địa Trung Hải. Trước kia, đến mùa hái quả, các công ty nước ngoài đến
mua buôn ô-liu rồi máy bay chở về châu Âu. Gia-la-la-bát không hề biết mặt cái
hộp ô-liu tỉnh mình. Cũng như Áp-ga-ni-xtan không có đường xe lửa và còn ít nơi
có điện, mặc dầu Áp-ga-ni-xtan khai thác được hơi đốt và dầu xuất khẩu!
Nhà máy sẽ hoàn toàn tự động. Bây giờ, trên vùng đất đồi trắng
mờ, mở ra một công trường nửa thủ công. Cả tỉnh gửi thợ giỏi về xây đựng nhà
máy. Các ông lão râu bạc phơ, đầu quấn khăn tày rế. Bên những cái hồ lô máy trộn
xi-măng, từng toán thợ cầm bay trát tường, đánh vữa, vặn chão.
Lán mái cho thợ ở nhấp nhô khắp ngoài đồi.
Ông lão thợ xây Ô-lam Ra-bi vừa trên dòng tường bước xuống,
kéo tôi vào lều uống trà.
Ông Ra-bi khoát tay, nhìn ra ngoài đồi:
- Đồng chí Việt Nam! Nhà máy của Gia-la-la-bát chúng tôi.
Tôi vào thăm nhà nghỉ của công đoàn quận. Đây xưa kia là biệt
thự của một gia đình hoàng tộc. Nhà trên đồi, bao quanh vườn trúc và những cây
dâu cổ thụ, trông xuống cánh đồng đương gặt, một dòng sông nhỏ viền quanh. Tôi
hỏi chuyện một công nhân sắp chữ nhà in đương nghỉ ở nhà an dưỡng. Ông đã trên
năm mươi tuổi. Lần đầu tiên, người thợ già được đến đây. Tất cả những người
công nhân ở nhà an dưỡng ra đón khách tung hoa hồng, hoa thủy tiên, hoa húng quế
trên lối đi. Chưa ai từng được ra vào chỗ này - cả đến đồng chí bác sĩ Khum-man
Mu-ha-mét phụ trách nhà an dưỡng cũng thế. Thời ấy, bọn quý tộc khoe giầu chỉ
thuê bác sĩ riêng người Anh, người Pháp.
Bữa cơm ấy các bạn Gia-la-la-bát thết tôi trong cung điện mùa
đông của vua Áp-ga-ni-xtan. Tòa ngang dãy dọc này chẳng có gì hách lắm đâu, mà
chỉ có vẻ lố lăng, hợm của. Đá hoa cương đỏ, thảm nhung xanh, đèn pha-lê
chùm... Có thể, ông Chad nọ tàn ác như vua thời Trung cổ, nhưng nó cũng chỉ là
tên bạo chúa độc ác và ngu xuẩn ở sâu trong ruột châu Á.
Nhưng cái vui nhất là nhà trí thức Mô-ha-mét, ông thợ nề
Ô-lam Ra-bi, những người xã viên làm vườn cam, các cô giáo trường trung học,
ông già cao tuổi nhất thành phố, những người có tên nôm na, những At-mêt No,
A-đun Ba-ba, chưa ai bao giờ được vào đây. Bây giờ đương ngồi uống vốt-ka Ba
Lan, ăn thịt cừu nướng trên cái bàn của vua chúa ngày trước.
Ngoài phố, các cô giáo còn đưa khách về trường xem nam học
sinh đá bóng thi. Bây giờ mới được đá bóng. Người xem đông quá. Chạng vạng,
chúng tôi mới trở lại Ka-bun.
Đất nước Áp-ga-ni-xtan trải ra trong hoàng hôn phẳng lì như một
phiến đá vàng mờ. Tuyết trắng như thác đổ xuống trên các rẻo núi. Dòng sông trắng
xóa chảy trên triền đá. Gia-la-la-bát thoáng một chút xanh lơ trong bóng thung lũng
ô-liu.
Một đội bốn máy bay lên thẳng cất cánh, lẫn vào xanh cây
thành phố. Máy bay lên biên giới tuần đêm.
Thế mà, cuộc sinh sống vẫn bình thường. Lúc nãy tôi đã đến
câu lạc bộ thiếu niên, nghe các em đọc thơ và múa hát. Xe ô tô vui vui cửa kính
lóng lánh trang kim từ các trường ngoại ô vào. Cuộc sinh sống bình yên, người
cưỡi la, người dắt lạc đà, con lừa đèo hai bên lưng hai bó củi. Tất cả đi về
phía biên giới trong bóng chiều êm ả, như cuộc sống êm đềm ở đây.
Nhưng mà vẫn phải nhớ, phải biết có những chợ trời bán đủ các
thứ súng ở ngay bên kia. Thị trấn Pôn-la-va của Pa-kít-xtan nằm áp biên giới,
nơi phản động Áp-ga-ni-xtan đóng đại bản doanh. Bọn phóng viên báo chí tư sản
Anh, Mỹ đều lấy tin phát tin đi thế giới, ghi cả đánh tin ở Pôn-la-va, như việc
làm dĩ nhiên. Trắng trợn như không!
Và năm mươi trại huấn luyện biệt kích gom đủ đầu trâu mặt ngựa
lê dương quốc tế: Mỹ, Ý, Anh, Ai Cập, I-xra-en... ẩn núp rải rác trên một nghìn
cây số với Pa-kít-xtan và chín mươi cây số biên giới với Trung Quốc.
Cuộc sống vẫn bình thường. Nhưng mà khẩu súng lục và băng đạn
của đồng chí lái xe và khẩu Mat báng gập của A-lếch thật vẫn đương cần.
°
° °
Mỗi ngày Ka-bun mải mê và miên man từ mỗi việc bình thường.
Buổi sáng, mặt trời lên, cả triền núi tuyết trắng bỗng hồng lên, cực kỳ! Dưới
đường, những đàn lạc đà chăm chỉ và nhẫn nại, từ ngoại ô vào đã trút hết củi
trên lưng xuống cửa chợ. Rồi nằm xếp hai chân trước, hai chân sau, nhai bã trầu
sùi bọt mép, mắt ti hí mơ màng, đợi chủ còn vào chợ mua bán.
Góc phố kia, có đám người đương làm nhà. Trong phố, nhiều nhà
đương đắp tường, dựng cột. Người cùng phố làm giúp, xúm đông như hội. Nếp nhà
giản dị, cổ kính, tường đất luyện. Cột, dầm, sàn gỗ đẽo rìu trắng lốp, sần sùi.
Xứ sở trên cao, vài năm mới được một trận mưa. Đến tháng cuối năm mới phải gạt
tuyết phủ trên nền đất mái bằng gác thượng xuống.
Tường đất vây quanh khoảng sân rộng. Núp hai tấm cửa gỗ, một
đám trẻ đứng chơi, đứa trong đứa ngoài, cười nắc nẻ. Từng nếp nhà, một gian một,
áp lưng vào tường.
Trong nhà, không giường ghế. Những tấm nệm da cừu, da lạc đà
trải kín nền.
Ở đâu, công việc xây nhà làm nhà ở cũng là chuyện hạnh phúc
yên vui. Tôi đi vào trong yên vui ấy với mọi người. Đám cỗ mừng nhà mới, thức
ăn bày la liệt giữa sàn. Những cừu luộc, cừu thui nguyên cả con trên chiếc mâm
đồng lớn. Người ăn cầm dao đến xẻo từng miếng đặt vào đĩa mình. Tiếng đàn phảng
phất chỗ nào, không nhìn thấy người gảy. Những đám hoa thủy tiên cuống dài xanh
ngắt mọc như cỏ trước sân. Cánh hoa đơn tròn xoe trắng mát, thơm ngất ngư.
Đêm nghe đàn từ biệt Ka-bun, đêm nay. Tiếng đàn thảnh thơi.
Nhớ ngôi nhà tấn công biệt kích đổ sụp cũng ở đầu phố đây. Cái trường tiểu học
bị chúng nó đặt mìn không xa căn phòng đầm ấm này bao nhiêu. Nhưng mà tiếng đàn
cứ vờn lên, nhởn nhơ.
Đàn và trống kiểu Ấn Độ ở Ka-bun, Áp-ga-ni-xtan giữa ngã ba
ngã năm thế giới, các nền văn hóa giao lưu - nhạc Ấn Độ ở Áp-ga-ni-xtan cũng
như múa và nhạc châu Phi ở Cu Ba.
Trống xéc-tô, trống ta-bia, lòng tay, cùi tay, ngón tay người
nghệ sĩ úp xuống, nâng lên, dẻo như múa, nảy lên những tiếng rền ngẩn ngơ tuyệt
diệu. Mỗi chốc đổi cung, người đánh trống lại rút chiếc búa đồng nhỏ, nới vành
đai da cừu. Đàn xấc-to, đàn đa-vi, tựa đàn bàu tiếng nguyệt.
Ba người đàn ông đàn và trống. Đến tận quá nửa đêm, vẫn lửng lơ
tiếng đàn như gần như xa, tiếng trống nhấm nhẳn. Khách nghe mê mải, như ba người
đàn, trống mê mải. Trên bộ ria rậm đen, người nghệ sĩ có đôi mắt chao chát,
đong đưa, những con mắt đàn ông rất say, rất tình, rất đĩ ấy quyện vào tiếng
đàn, tiếng trống quấn lấy người nghe người đàn người trống đêm nay.
Xtan có nghĩa là nơi ở. Áp-ga-ni-xtan, nơi ở của người
Áp-gan. Hin-đu-xtan, quê của người Hin-đu. U-dơ-bê-ki-xtan, nơi ở của người
U-dơ-bếch. Ca-dắc-xtan, nơi người Ca-dắc ở. Xtan, quê ở, quê thương, nơi nhớ,
nơi đợi, nơi chờ của đời người. Đa-ghet-xtan, Pa-kít-xtan, những xtan quê hương
con người. Mong muốn của con người từ nghìn xưa, trong tiếng xtan yên vui ấy.
Đó là cảm tưởng của tôi, khi quay mặt lại chào Ka-bun giữa những
vằn núi, hoa tuyết nở trắng ngàn trên đỉnh.
Tô Hoài
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét