Thứ Ba, 4 tháng 1, 2022

Ký ức Đông Dương 3

Ký ức Đông Dương 3

Ở PHNÔM PÊNH

Hà Nội - Phnôm Pênh không xa. Ăn sáng Hà Nội thì buổi trưa đã có thể đi dạo Chợ Mới gọn ghẽ, sạch sẽ, náo nhiệt của Phnôm Pênh. Và khi qua các khu hàng hoa quả, hàng cá, hàng bách hóa Chợ Mới thì vừa độ máy thu thanh “tờ-răng-di-to” của các bà hàng người Việt đương mở nghe tin mười một giờ rưỡi của Đài tiếng nói Việt Nam.
Quả là chỉ có những ngăn cách giả tạo của tình thế còn làm xa cách đường sá Phnôm Pênh và Hà Nội, hai Thủ đô láng giềng mà thôi.
Sân bay Gia Lâm như một vườn hoa nhỏ.
Nhưng xung quanh Gia Lâm, những cánh đồng vụ mười lúa đầy màu xanh già đương muốn tràn cả vào đường bay. Và cuốn tròn lấy cái sân bay nhỏ bé, là những con đường thiên lý Hải Phòng, đường đê từ cống Xuân Quan xuống, các đường ngoại thành, đường liên tỉnh Hưng Yên, Hà Bắc, Hải Dương. Từng đoàn ô tô vận tải kềnh càng tỏa đi khắp một vùng châu thổ sông Hồng đương xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, tiếng rền rền không dứt cùng với bụi đỏ tung mù cánh đồng từ sáng sớm.
Rồi những khoảng ruộng xanh rờn cất cao lên, mờ tít xa.
Miền Bắc đã bọc trong mây mù dày đặc như trông thấy cả một ngày thu muộn trên đỉnh núi. Nhưng từ Thượng Lào xuống thì mây sáng lên hòa nắng trắng bông trên nền rừng biếc.
Rồi sông Mê Kông đỏ thuộm, uốn cong một vành cung. Thành phố Viêng Chăn bé bỏng như cái dải áo nép cạnh bờ. Trông rõ từng mái nhà sắt tây ở các xóm lao động chi chít ánh lên từng mảnh sáng.
Trên trời Lào, đôi chốc, lốm đốm máy bay quân sự như những con châu chấu trắng lừ đừ bay trên nền rừng im lặng.
Chúng tôi ghé xuống sân bay Vát-tay lên Thủ đô Viêng Chăn nước Lào. Nếu Gia Lâm chỉ là cái bến bay nhỏ bé bình thường thì Vát-tay là một cái quái thai, không bình thường. Cũng dễ hiểu, sân bay Vát-tay do người Mỹ vừa làm, mới tinh. Những bãi lầy và cỏ nước còn rối rít quanh cả chân tường.
Cách Viêng Chăn mười cây số, Vát-tay nằm giữa đồng nước và rừng thưa - nước Lào của rừng núi. Ngay cuối phố xá Viêng Chăn đã là ra đến cửa rừng. Buổi trưa ấy vắng, có một lính thợ người Mỹ cao và gầy chui từ trong bụng chiếc máy bay nào đó ra, tay áo xắn quá khuỷu, lem luốc dầu mỡ, chiếc mũ lưỡi trai mi-ca lật ngược xuống cái gáy cũng đỏ hắt như cổ gà chọi, anh ta hồng hộc phóng xe mô tô băng qua cái sân xi măng lặng ngắt không một bóng hành khách.
Cái sân bay Vát-tay dân sự và quân sự này có thể điển hình cho cuộc chiến tranh miễn cưỡng của đế quốc Mỹ vận tải đến nước Lào hiền hậu mà kề ngay cửa ngõ Viêng Chăn đã chỉ toàn một màu xanh rừng.
Sự cần thiết nhất ở đây là những công cuộc vỡ đất khai hoang đem sức người mà đẩy lui bớt cái mầu xanh rừng hoang dại kia đi và một cuộc đời Lào lành mạnh. Thế nhưng, giữa chốn triền miên những rừng, những núi sâu và khuất trong lục địa châu Á này bỗng dưng lại rơi đến một cái sân bay hiện đại ầm ĩ mà không có hành khách, mà không một người Lào nào cần đến cái ầm ĩ vô lý ấy. Thế nhưng, dưới đất thì máy bay quân sự đỗ hàng loạt, trên trời thì vè vè như bọ dừa bay. Những chiếc khu trục bay đôi, liệng thấp, liệng cao.
Hai chiếc T.28 của không quân Mỹ mới “cho” quân Phu-mi Nô-xà-vẳn đương diễu võ dương oai trên trời Viêng Chăn 1 . Trong bốn mươi phút trưa 24 tháng 10, ghé qua sân bay Vát-tay, tôi đã trông thấy từng đoàn Đa-kô-ta Mỹ cửa hổng, một lỗ tròn, cắn đuôi nhau bay đi, và chỉ có thể bay đi tiếp tế cho các đồn xa. Chắc chắn rằng công việc phi pháp mà náo động và tốn của ấy của người Mỹ chỉ đổ lửa vào phá hoại con đường độc lập, hòa bình và trung lập của nhân dân Lào và càng không mảy may dính líu đến một đám công nhân khuân vác người Lào đương ngồi dưới chân một bức tường hút thuốc lá và ngó ra xem máy bay một cách vô cùng thản nhiên.
Hai tháng trước, nhà báo Pháp, Gioóc Sap-pha 2 đã đi đường Hà Nội tới Phnôm Pênh qua Vát-tay. Anh ta có nhận xét: “Sân bay Gia Lâm nhỏ bé, cỏ mọc đầy, nước đọng từng vũng, chiếc máy bay Ủy ban quốc tế đứng trong mưa. Còn sân bay Viêng Chăn của Lào thì hiện đại.”
Hôm nay, tôi cũng đi trên đường mà Gioóc Sap-pha vừa đi.
Đúng, tôi cũng thấy cái sân bay Gia Lâm của ta nhỏ bé, trước và nay vẫn thế, nhỏ bé và khuất nẻo. Bởi vì miền Bắc xã hội chủ nghĩa của Việt Nam chưa muốn có một Gia Lâm lớn hơn. Chúng ta không tốn phí không cần thiết, một ngày nào cần đến, Hà Nội sẽ có sân bay rất Hà Nội.
Chỉ tiếc người phóng viên tư sản kia nhìn mà không hiểu được Gia Lâm và cuộc sống cuồn cuộn quanh cái sân bay Gia Lâm bình thường. Nếu anh ta đã thấy được như thế, thì chắc không dễ dàng đem so sánh cái sân bay Gia Lâm nho nhỏ và khiêm tốn của Việt Nam giữa cánh đồng tháng Tám xanh mướt chân trời, chi chít nước làng xóm và đường sá đương tấp nập làm ăn, xây dựng, với cái xa hoa và độc ác lạc lõng của sân bay Vát-tay của Mỹ ở nước Lào trong những cánh rừng thưa và lầy lội mà tôi để mắt kỹ lắm, thỉnh thoảng mới thấy quanh đấy có một chiếc lều canh nương đã đổ nát. Người dân Lào chỉ cầu mong một đời sống bình yên và tự chủ đã kinh tởm cái văn minh giết người của đế quốc Mỹ, và bỏ đi từ năm trước rồi. Người dân Lào đã cương quyết đi chiến đấu cho hạnh phúc, cho một nước Lào thật sự độc lập, hòa bình và trung lập.
Cũng một cảnh ấy, nhưng Gioóc Sap-pha đã chỉ thấy cái bề ngoài, nghĩa là chẳng thấy gì.
Rồi lại sông Mê Kông uốn khúc, tỏa đi từng dòng lớn. Từ trên cao, đã có thể nhìn rõ được nước Mê Kông thì sáng trong, nước Tôn-lê Sáp thì xanh biếc màu lá. Và thế là một thành phố thứ hai trên ngã tư Mê Kông đã hiện ra: Phnôm Pênh.
Mấy năm nay, có nhiều khách đến Phnôm Pênh. Quả nhiên là Phnôm Pênh đã trở nên một cái gì, mà nếu không biết thì cứ áy náy. Đúng như thế, có thể họ vì nhiều cớ, trong đó cũng muốn tò mò xem Cam-pu-chia trung lập đang tích cực bảo vệ độc lập và chủ quyền mình. Nhưng cũng thật là buồn cuời (và đáng thương hại nữa), họ đến đây, cũng như nhiều người khách khác đã đến “xem” những nước xã hội chủ nghĩa trước khi đến, họ đã đặt tên sẵn nào là vào “sau màn sắt”, “sau màn tre” gì đó. Cho nên, cứ mỗi người nói một phách. Như anh phóng viên Đơ-vác (Thụy Sĩ) thì chán chường: “Cả đến xe ô tô ở Phnôm Pênh cũng có mùi nước đái”. Nhưng cô Ly-ly A. Bây (Tây Đức) thì lại chửi vỗ vào mặt Đơ-vác bằng câu: “Phnôm Pênh có nửa triệu dân và có thể tự hào là một trong những Thủ đô sạch sẽ và đẹp nhất châu Á”.
Thế là thế nào? Cố nhiên, một người từ Hà Nội tới có lối nhìn của Hà Nội. Khi đã biết Cam-pu-chia thì trước nhất, tôi phải liệt ngay những phóng viên báo chí tư sản kia đến đây đã chỉ làm công việc hú họa và dựa dẫm của người nhắm mắt sờ voi, không thể mảy may tin được những cái ồ, cái à vô tội vạ của họ.
Tôi làm quen với Phnôm Pênh chỉ vì Phnôm Pênh đã gợi trong tôi nhiều điều đáng nghĩ. Ở Phnôm Pênh có cái thú đi dạo bờ sông Tôn-lê Sáp.
Trên sông Tôn-lê Sáp, đậu vô số tàu biển nước ngoài. Những chuyến tàu biển ấy sẽ nhổ neo từ bến Phnôm Pênh xuống Tân Châu, qua Mỹ Tho rồi ra biển lối Vũng Tàu. Thế thì bất cứ người Bắc hay người Nam, hễ ai là người Việt mà đã có lần đứng trên bến Phnôm Pênh đều phải thèm thuồng và bâng khuâng nhìn con tàu sung sướng kia sắp được đi qua quê mình...
Sáng Phnôm Pênh cuối mùa mưa, sáng nào cũng giống nhau, sáng rất sớm, im lặng, trải rộng nền trời nhạt không một gợn mây. Từ phía bờ sông hắt tỏa lên một màu hồng phai, in như cắt những hình tháp thẫm màu, tròn cao và những mái nhà lượn sóng.
Đài kỉ niệm Cam-pu-chia độc lập như một con hổ dáng cao đứng co hai chân trước, ngẩng đầu, đứng thủ thế.
Những vòm nóc Chợ Mới vàng khè, úp tròn xuống như một cái tổ ong, mà từ tinh mơ, người đến chợ đã ồn ào, tấp nập, chen chúc. Thành phố vốn quen thức khuya, mấy tiệm ăn thức sáng đêm, đến lúc ấy mới đóng cửa. Lác đác những cái xe vội đi chợ, anh xích lô lực lưỡng thồ những khay bánh bao, phanh ngực áo, tóc dựng đứng, tất cả đạp hết tốc lực.
Hầu như tất cả những con đường lớn đẹp ở Thủ đô đều kẻ thẳng ra bờ sông. Bởi thế, cứ đi dọc xuống ngã tư Tôn-lê Sáp - Mê Kông - Bát-sắc thì ta có thể thấy hết dáng dấp Phnôm Pênh.
Phnôm Pênh, đầy di tích lịch sử, thành phố vừa cổ, mà cũng vừa mới. Khách rất dễ hòa hợp nhìn thấy những ngọn tháp xoáy, những đường trang trí hoa đá quấn quanh đền chùa, ăn nhịp với nếp nhà Quốc hội, với toàn cảnh hội trường Sa-đô-múc, một công trình nổi tiếng của kiến trúc sư Van.
Mô-ly-van. Trong công viên, giữa những bồn hoa, những hàng cây cắt gọn, mới tinh, nổi cao một cây bồ đề xù xì to lớn, xòe rộng cành lá mỡ màng và cây đại già cong queo cổ quái nở hoa tím - chỗ nào cũng cây đề cây đại, đặc biệt vẻ am thanh cảnh vắng cửa thiền.
Phnôm Pênh mới là Phnôm Pênh lịch sử, tuy nhiên, Phnôm Pênh cổ kính khác Hà Nội. Ở Hà Nội, dường như cổ tích và đời sống bây giờ, di tích lịch sử và những đường phố mới, những nhà cửa đương ở, tất cả đều lẫn lộn, gắn bó, nương tựa nhau, đời này qua đời khác.
Ta hãy dạo một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm. Ta trông thấy trong ánh sáng nê-ông quảng cáo điện ảnh và bên tấm biển tranh ảnh giới thiệu sinh hoạt thời sự trong và ngoài nước, ta cũng thấy ngay đấy là tháp chùa Báo Thiên, là tam quan vào đền Bà Kiệu, là cầu Thê Húc. Rồi đi quá lên phía trên thì là Hàng Đào, Hàng Bạc, Cầu Gỗ và những đường ngang quanh quẩn các rạp hát Kim Lan, Kim Phụng, Chuông Vàng. Ngày và đêm của Thủ đô ta đương dồn dập thay đổi cứ ồn ào trôi qua lòng ngõ nhỏ chi chít những căn nhà một tầng mỏng mảnh dán vào nhau, có đầu mái vấu chuôi vồ và một hàng chấn song gỗ tiện che cái gác xép tôi tối thì trổ xuống ngay lối cửa ra vào. Những nếp nhà cổ từ bao giờ ấy đứng giữa cái náo nhiệt của những cuộc họp khu phố, những buổi liên hoan thanh niên đi nghĩa vụ quân sự và người Hà Nội đi xây dựng Chủ nghĩa Xã hội khắp nơi trên miền Bắc từ rừng xuống biển. Những sinh hoạt chợ búa, những cửa hàng, những cuộc vui bây giờ mà trông chỗ nào cũng như vẫn phảng phất cái bóng dáng hàng Giấy, hàng Hương, hàng Hài, hàng Bạc, hàng Buồm, cổ sơ với người thợ thủ công, người chủ thuyền, người lái buôn, với hàng hàng nho sĩ, cống sinh, cô hàng sách, cô hàng tấm, cô hàng xén thời trước vẫn còn đâu đây.
Nhưng Cam-pu-chia và Phnôm Pênh thì không thế, Phnôm Pênh đượm một màu xưa khác hẳn. Tuổi của Thủ đô Phnôm Pênh đã già nhiều thế kỉ, nhưng nhà cửa thành phố mới thì xây cất chưa được bao năm. Dáng cổ kính của Chùa Tháp, của khu Hoàng Cung hợp với những công trình mới nhất của thành phố hơn là với mấy khu nhà trước khi Cam-pu-chia độc lập. Cái đó tất nhiên rồi.
Cam-pu-chia miên man những đồng lầy, rừng già, rừng nước Biển Hồ, những triền cánh tay Mê Kông, những đồng lúa Bát-tăm-băng mênh mông, đâu đâu cũng đương bạt ngàn thiên nhiên, thì bỗng dưng, ở một góc rừng Xiêm-rạp, một bờ hồ Ba-ti, ở ven sông Tôn-lê Sáp, trên ngọn đồi, thấy nguy nga, hiện ra một Ăng-co, một chùa Tháp, một đền Ta-Phron cổ xưa, vĩ đại, hấp dẫn đến nỗi đã bao năm nay, từ khi các di tích lịch sử Cam-pu-chia nổi tiếng thế giới thì người các nước trên thế giới đã tấp nập kéo đến đây ngắm nghía và nghiên cứu từ cái lỗ thủng đục trên phiến đá, không biết tổ tiên của người Khơ-me tài giỏi đến như thế nào đã kéo được từng tấm đả tảng nặng hàng tấn thành những pho tượng cao sáu mươi nhăm thước, thành sáu mươi tư mặt người ngó ra bốn phương trời, một nụ cười bất tuyệt của tháp Bay-ôn. Giữa cái hoang sơ của đất trời, ấy là một vẻ đẹp rất xưa riêng của Cam-pu-chia.
Nhưng Phnôm Pênh còn có những khuôn mặt yêu kiều khác nữa. Ta có đi dọc bờ Tôn-lê Sáp, mới rõ cái sầm uất sông nuớc của Phnôm Pênh - Trên bến lớn trước khu Hoàng cung, có những chiếc tàu từ các sông Mê Kông, sông Bát-sắc qua miền Nam nước ta lên đây, mùa nước nào cũng lên được, những tàu Nhật, tàu Thụy Điển, tàu Anh nghìn tấn trở ra đậu một dãy, bên kia.
Qua xuống sông Bát-sắc thì đến cầu Mô-ni-vông, (xưa gọi là cầu Sài Gòn, có lẽ vì qua cầu lối ấy đi về Sài Gòn). Bến sông Bát-sắc bên chân cầu Mô-ni-vông nước đỏ cuồn cuộn chảy xôn xao, thuyền bè các tỉnh hàng đoàn tải về đem cho Thủ đô đủ thức ăn vật dùng, từ trái cây, chiếc hỏa lò, đến hũ mắm. Cũng sầm uất như cảnh thuyền bè xưa kia tấp nập từ Lục tỉnh lên cầu Bông, cầu Mống, cầu Ông Lãnh dưới Sài Gòn. Vẻ đẹp nơi đô hội bao giờ cũng là vẻ đẹp của sức sống, của sự hoạt động và trí thông minh con người. Nói đến Hà Nội cũ, phải nói đến người thợ thủ công. Nói đến Sài Gòn, đến Phnôm Pênh thì như đã trông thấy đông vui những thuyền bè và người nông dân, người thợ đem giàu có, an lành thịnh vượng và vẻ đẹp đến cho thành phố.
Phnôm Pênh có nhiều cửa hàng sang trọng. Những hiệu nữ trang lát kính lớn bốn phía; những hàng máy thu phát thanh rầm rĩ; những hiệu cao lâu ồn ào mà tiếng hô gọi món ăn cất lên như tiếng hát đối đáp. Người bán hàng bách hóa, hàng vải lụa, ngồi trầm ngâm, lim dim như con bói cá rình mồi. Có khách vào thì chợt mở mắt và đứng dậy.
Thông thường, dạo đường phố, phải chú ý những cái lạ mặt, lạ tai ấy. Nhưng tôi chẳng tò mò, tôi không cần biết đến những cạnh tranh ly kỳ và bẩn thỉu của nghề buôn Nhật hay Anh, Mỹ, hay Tây Đức. Những cú húc nhau của chúng có thể cũng đem lại vô số tiện nghi cho một vài người nào đó, nhưng tất nhiên nó cũng làm khó khăn cho các nghề thiết dụng của Cam-pu-chia lúc này đương tích cực đấu tranh chống sự xâm lấn của hàng hóa nước ngoài. Mới đây, Cam-pu-chia hạn chế và cấm nhập đường, sữa là một ví dụ. Có thế thì công cuộc chăn nuôi và ruộng mía, cây thốt nốt Cam-pu-chia mới phát đạt được.
Đúng thế, tôi muốn được thấy và tôi quý tất cả. Cam-pu-chia thật Cam-pu-chia. Một quả chuối, một trái cam, một bát hủ tíu ngon, một miếng đường thốt nốt, một cây gỗ mun, gỗ sao, một cái xiên dệt trong làng, một con cá vồ cá mảng Biển Hồ, một gánh lúa tốt nhất cánh đồng vựa thóc Bát-tăm-băng, một chút vàng đãi ở Pa-lanh, lớn và nhỏ chi cũng được, nhưng tôi chỉ muốn và thiết tha những gì của Cam-pu-chia. Bởi vì, đấy, chỉ có đấy mới thật sự là công sức, là tiền rừng, bạc biển của cải đem lại giàu có, thịnh vượng cho Cam-pu-chia.
Người ta nói phải về nông thôn Khơ-me và đến các làng nổi đánh cá trên Biển Hồ, sẽ thấy rõ tiềm lực hùng hậu của đất nước này. Đúng như vậy.
Nhưng không phải chỉ có ở trong làng mà ở Phnôm Pênh ngày nay cũng thấy được nguồn sống dồi dào ấy.
Tôn-lê Sáp buổi chiều đông đúc. Cầu Mô-ni-vông buổi sáng tấp nập. Những ngày những đêm Chợ Mới.
Rải rác, đâu cũng có.
Ánh đèn Chợ Mới trắng đêm không phải chỉ có khách chơi mới cần tìm phòng ngủ và hàng cao lâu mở cửa đêm. Mà cuộc sống lao động thâu đêm ở Chợ Mới và các bến sông. Những chiếc xe xích lô lững lờ khắp phố, ta chợt thức giấc lúc ba bốn giờ sáng trông xuống đường, vẫn thấy xe lượn như lúc chập tối.
Đông đúc, chen chúc, tấp nập.
Những công nhân khuân vác ở ga xe lửa, bến ô tô, bến sông chiều chiều tắm sông rồi lên các tiệm cơm “kinh tế”, ngồi chơi đen kịt vỉa hè, đêm đến nằm “đếm sao” và ngủ trên cầu tàu.
Những chiếc thuyền lớn ghé đậu bên kia cầu Mô-ni-vông, thuyền chở bắp, chở chuối, chở trái cam, chở cá khô, chở lúa. Người lái thuyền cởi trần chít khăn chéo, da đen quánh như mật, cánh tay và ngực nổi bắp, xà-roỏng quấn sặc sỡ, hùng dũng như hình người Khơ-me tạc trên đá tường các đền cổ. Những người nông dân và dân chài mạnh mẽ, chăm lo làm ăn ấy, tất cả đám đông ấy đời đời nay đã đem tài sức, đem của đến nuôi sống, làm giàu cho thành phố.
Tôi đã thấy.
Những người Khơ-me trí thức và lao động, đông đúc, chuyên cần trong công việc kiến thiết của Phnôm Pênh, ở trường học, ở công trường, ở bến tàu, ở trên sông. Những trường trung, tiểu học ở Phnôm Pênh, những trường Đại học Kinh tế, trường Thuốc, trường Luật, trường Thương nghiệp và Viện kỹ thuật đào tạo cán bộ kỹ thuật đương xây dựng.
Cách đây hai mươi năm, tôi đến Phnôm Pênh. Tôi không thấy người Khơ-me, không thấy nhà trường. Bây giờ tôi thấy cả. Người Khơ-me đương làm việc và đấu tranh cho đời mình và quyết định vận mệnh Tổ quốc. Rõ ràng là có độc lập và tự chủ mới có thể có được thực chất đời sống dân tộc.
Các bạn bảo tôi kể cảm tưởng Cam-pu-chia.
Có lẽ nên nói trước nhất là Phnôm Pênh chỉ cách Sài Gòn 240 cây số, không đến một giờ đường bay (về tới biên giới Xoài Riêng - Tây Ninh chỉ hơn một trăm cây). Nhưng những phóng viên báo chí phương Tây đến Sài Gòn, đến Viêng Chăn, ban đêm không dám ló đầu ra khỏi nhà. Nếu họ sang Cam-pu-chia thì tha hồ đi. So sánh ấy thật thú vị.
Tôi sẽ nói chưa đủ về một thành phố mới nổi “ăn diện vào hạng nhất nhì châu Á” như Phnôm Pênh. Nhưng dù Phnôm Pênh náo nhiệt phồn hoa thế nào,những trái ngược, những đau khổ, những phù hoa giả ấy, tôi biết, tôi hiểu và phải kể đến. Vì đó cũng là một bộ mặt của Phnôm Pênh. Tuy nhiên, biết và nhớ là hai việc không giống nhau.
Tôi chỉ nhớ những gì tôi nhớ nhất. Âu cũng là thường tình. Những cảnh và người đã gây tình cảm Cam-pu-chia cho tôi.
Tôi làm sao quên cái cầu Mô-ni-vông trên sông Bát-sắc san sát thuyền bè. Một buổi sáng, cùng bạn về thăm làng Khum-Thom, chúng tôi ngồi ăn hủ tíu ở đầu cầu.
Lúc ấy, tôi tha thiết nhớ lại cầu Sài Gòn. Dòng sông và cái cầu thì chắc vẫn thế. Nhưng ở chỗ bây giờ là những nếp chợ trái cây sạch sẽ, đồ sộ thì vào quãng năm 1943, đương giữa cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Cứ chiều nào cùng vậy, lúc mặt trời đương lặn đỏ khé, có một đoàn tù binh người Anh hay người Mỹ (tôi không phân biệt được) ra sông tắm. Bọn lính Ấn Độ của bù nhìn Săng-đa Bò thì cầm mẩu côn gỗ cùng với lính Nhật xách súng cắm lưỡi lê đi áp tải xung quanh. Những tù binh người Anh, người Mỹ chi đó, đều cởi trần, quần cộc, lưng và ngực đỏ hắt lên như con tôm khô, mà họ mới cao ơi là cao, gầy ơi là gầy. Sau một ngày làm việc chí chết, bây giờ họ bước kheo khư, rã rượi, sắp muốn rơi tay, rơi vai xuống. Thế mà thèm quá, họ vẫn che mắt lính Nhật, tìm cách đổi nốt một cái áo, cái kính lấy mồi thuốc lá của những người Khơ-me và người Việt thất nghiệp hôm nào cũng ra đây thơ thẩn xem tù binh Mỹ tắm nhưng thật ra là ra đây để đổi chác kiếm miếng ăn. Có khi người thất nghiệp xán đến chỗ tù binh đã bị lính Nhật đâm thủng cánh tay, và tôi nhớ có lần một người tù binh Mỹ, không biết tại sao, bị lính Nhật cầm báng súng đập lên đầu, người tù binh chìm nghỉm dưới sông, không ngoi lên nữa.
Tôi cứ nhớ những cảnh thảm ấy làm gì? Không đâu, những hình ảnh ấy đã khêu gợi cho tôi nghĩ đến một cái khổ cùng với ý nghĩa một cái khổ và những tủi nhục, những căm hờn của người thất nghiệp và người mất nước, ở đây cũng như ở quê tôi, xưa kia thì đâu đâu cũng ghê gớm một nỗi khốn cùng và đau đớn thế.
Cái vui cũng như cái đau, không bao giờ quên được. Vì vậy mà cái vui hôm nay, dù chỉ thoáng qua, đã in sâu trí nhớ, bởi nó thấm thía từ trong cùng cực.
Cũng như hôm nay, viết lại những ngày vừa qua ở Phnôm Pênh, tôi nhớ tỉ mỉ một mẻ cá vừa trông thấy bác chài đánh được trên sông.
Tôi yêu chiếc thuyền tròn xoe làm bằng gốc cây thốt nốt già bổ đôi có người đàn bà chèo ve vé, vội vã câu lên cả một đàn cá mại nhỏ, kiếm bữa chiều.
Tôi nhớ những cái nhà sàn nghỉ trưa trên mặt sông Tôn-lê Sáp và những nhà hàng nổi ban đêm ở Kép Nhỏ trên sông Mê Kông. Và, lại kia tấp nập cảnh sông bến của Phnôm Pênh, những gánh khoai, gánh cam, cả những lồng chim của người nông dân ngoại thành đã trảy, đã đem từ những vườn tược xum xuê bờ sông đem vào bán.
Trên sông Tôn-lê Sáp vào ngã tư Mê Kông, chiếc ca-nô lướt sóng giữa những vùng bờ nước ngập lưng nhà, lưng cây, nước từ Biển Hồ đương ra Mê Kông.
Trên sông đêm lộng gió, lấp lánh ánh đèn xa. Chốc chốc, một thuyền thả vó kéo, bác chài, miệng phập phèo điếu thuốc; người vợ thì ngồi lái cuối thuyền, đứa con nhỏ đương ngủ, quấn chăn kín lên tận cổ.
Có những em bé gánh bốn ống bương đầu nút lá, những ống nước thốt nốt ngọt vừa trích đêm qua trên cây xuống (có khi là những ống rượu thốt nốt), em bé quảy vào ngồi bán ở cửa ga, ở bờ sông.
Biết bao nhộn nhịp mà vui của đám đông trên bến dưới thuyền. Những chiếc đò chèo mười, chèo hai mươi giữa dòng Mê Kông. Người đàn bà đen giòn và mỉm miệng cười chào khách đương đội bình nước từ phía sông lên. Không phải các chị ấy chỉ có một bộ váy áo đen đủi ngày trước, bây giờ các chị mặc váy màu, áo hoa tím sáng và khi chị nhẹ nhàng bước lên thang nhà thì một tay chị nhấc nghiêng mép váy, duyên dáng, óng ả.
Biết bao nhộn nhịp mà vui.
Cái vui nhất là tôi đã thấy người Khơ-me ở một thành phố Khơ-me. Những người công dân của Pa-ri, Luân Đôn, Nữu Ước, Thủ đô của những quốc gia lâu đời và cũng là sào huyệt những thủ chỏm của đế quốc thực dân, cũ cũng như mới, chắc sẽ cho là câu nói ấy ngớ ngẩn. Nhưng người Phnôm Pênh và người Hà Nội thì tôi tin rằng họ trân trọng câu nhận xét của tôi. Còn người Lào ở Viêng Chăn thì ngẫm nghĩ và đứng dậy. Trước sau thì người Viêng Chăn thế nào cũng nhận ra nỗi đau khổ vô lý người nước ngoài ở đâu đâu đã đem đến phá rối đời họ, những cảnh nhố nhăng mà tôi đã thoáng thấy, như cái sân bay Vát-tay chẳng hạn.
Những cái vụn vặt tưởng như bình thường chẳng có gì đáng để ý, mà sao cứ nhớ. Có gì đâu, tuy nó vụn vặt và tầm thường, nhưng thật thiết tha phong vị quê hương và con người Cam-pu-chia. Tất cả những hoạt động của đời sống Khơ-me hôm nay, trên đường cố gắng đấu tranh giành độc lập và tự chủ kinh tế ở chính những hình ảnh dành dụm này là để cho một ngày gần đây có được Học viện kỹ thuật Phnôm Pênh mở cửa nhận hàng nghìn học sinh mỗi khóa, và những thành tích của nhà máy dệt, của nhà máy xi măng ở Cha-crây Ting, của nhà máy lọc đường thốt nốt ở Kông-pông Spơ, của đập nước Kam-chảy, mà khi làm xong sẽ hoàn thành luôn cả nhà máy thủy điện đầu tiên cung cấp điện đủ dùng cho nửa Cam-pu-chia. Như vậy thì, những sự thực, những ước mong ấy lại không thể nào là vụn vặt, là bình thường!
Cảm tưởng Cam-pu-chia của tôi? Ấy là cái gì Cam-pu-chia nhất, nghĩa là cái gì đáng nhớ nhất, quý nhất, hy vọng nhất mà tôi chúc và kỳ vọng nhân dân Cam-pu-chia sẽ tới được. Tôi tưởng những điều ấy khi tôi đương nói.
Tôi nhớ một đêm kia, ở Kép Nhỏ cách Phnôm Pênh mười sáu cây số, ở giữa dòng Mê Kông. Nửa đêm đi ca-nô nhìn lên xa xa thấy Phnôm Pênh trắng bạch. Trên đường từ Phnôm Pênh men sông về biên giới xuống Sài Gòn, ô tô vút như sao sa. Chiếc đèn chiếu cao ở nóc lầu chỉ huy sân bay Pô-chen-tông cứ đều đặn ánh sáng một lằn dài hắt đi hắt lại. Hệt như đêm đen trên mặt biển, ta trông thấy ánh đèn từ Phnôm Pênh chiếu ra của con tàu Cam-pu-chia, giữa vô vàn sóng gió âm mưu tối tăm hơn cả đêm tối của đế quốc Mỹ và bọn phản quốc Khơ-me, bọn lâu la Thái Lan và miền Nam Việt Nam. Nhưng con tàu can đảm và khôn ngoan vẫn tiến.
--------------------------------

1

Hơn một tuần lễ sau hôm tôi qua Viêng Chăn hãng thông tin Pháp AFP đưa tin: Sáng 10-11-1963 một máy bay khu trục T.28 đương tập nhào lộn thì bổ xuống khu nhà phái đoàn quân sự Pháp ở Viêng Chăn. Phi công và ba vợ sĩ quan Pháp ở dưới đất đều chết. (Mỹ đưa trái phép vào Lào 3 chiếc T.28. Một chiếc đã mất tích. Nay một chiếc rơi cháy).

2

Phóng viên báo Thế giới ở Paris viết phóng sự về Đông Dương trên báo Thế giới tháng 8/1963.

TRỞ LẠI PHNÔM PÊNH
Từ năm1943, hơn ba mươi năm đã qua, tác giả có nhiều dịp đến Phnôm Pênh. Năm 1979, trở lại Phnôm Pênh chỉ thấy rỗng không. Phnôm Pênh bị hủy diệt khủng khiếp. Cực kỳ bàng hoàng, tự thấy không còn chữ nghĩa nào ghi lại nổi. Phải viết thành cái ký sự liêu trai “nghe ma nói mấy lời” này.
° °
Tôi đi không nhớ mấy ngày rồi. Trông ra thấy đến đường Kông-pông Năng vào thành phố. Đi mãi cũng phải về được. Những người trở về. Nhưng chẳng bao giờ còn về. Ngẫm từ mình. Bây giờ chỉ còn một mình mình lầm lũi trờ về mà thôi. Tha Ra, Tha Ra đâu?
Tôi còn nhớ, tôi vẫn nhớ đường này. Bến đò đằng sau dinh tháp cố đô Uđom nhô lên trên làn cây thốt nốt xanh rợ xa xa kia. Ngay bên tay phải, một làng người Chăm tựa lưng vào Mê Kông ở thành dãy dài, trắng xóa một đỉnh tròn nhà thờ đạo Hồi. Xóm nhà người Chăm bao đời thế này.
Năm trước, ông già cởi trần lực lưỡng đen thui đứng chèo thuyền độc mộc sang sông. Thuyền đánh cá, thuyền lấy củi. Xóm người Chăm sống bằng sông và bờ rừng. Ông già bước lên thang giữa căn nhà sàn mảnh khảnh, lát gỗ lim chắc chắn, đen bóng. Trước nhà một luống cúc vạn thọ hoa vàng sẫm, dãy phố nhà sàn đều tăm tắp, mảnh lụa đào che cửa và những cây vạn thọ như nhau.
Bây giờ tôi vẫn nhận ra dãy phố vuông vắn y nguyên, sau lưng dòng sông lấp lánh. Nhận ra, mà ngờ ngợ. Bởi thiếu màu đào, không có cúc vạn thọ, nhà lẫn lộn với mặt đất, trông kỹ mới phân biệt được chấn song phơi quần áo và bóng người ủ rũ. Tất cả mờ nhạt. Dãy phố người Chăm không phải dãy phố người Chăm, vẫn như xưa mà không phải như xưa. Như cái bóng của dãy phố như có như không.
Tôi là Nu Xuông. Nhà tôi ở bên kia cầu Mô-ni-vông. Ở đấy, ai cũng biết tôi. Nhưng không mấy người đến thành phố tôi lại đế ý quãng sông chỗ ấy có một dãy nhà sàn chen chúc mặt nước như những dãy nhà sàn của người Việt bên kia cầu Chang Va. Tôi làm nghề đạp xích lô. Sinh thời, bố tôi chài lưới. Bố tôi sống nhờ sông nước. Đến đời tôi, tôi sống vì đường phố của thành phố tôi.
Hôm ấy, cách đây bốn năm rồi, bốn năm xa lăng lắc, thăm thẳm. Tôi và vợ tôi tíu tít đi qua cầu. Tha Ra hớn hở cõng thẳng Nu Xom trên lưng.
Mẹ tôi nói:
- Tha Ra để con nhỏ ở nhà, mẹ trông cho.
Tha Ra cười:
- Mẹ ạ, trẻ con cũng phải được đi hoan hô Phnôm Pênh giải phóng.
Buổi trưa, chúng tôi trở về kể chuyện mẹ tôi nghe: người Phnôm Pênh ra đường như nước Mê Kông tràn bờ, chúng tôi nhảy lên hoan hô thế nào.
Thình lình, một người lạ cầm súng vào nhà tôi, mắt vằn đỏ, nói:
Máy bay Mỹ sắp đến ném bom Phnôm Pênh. Yêu cầu mọi người ra khỏi thành phố ngay.
Có thể như thế. Đế quốc bao giờ cũng ghét cách mạng. Mẹ tôi bế cháu ngồi lên xích lô, đợi tôi đưa cùng đi.
Người kia hầm hầm nói:
Không được, cái xe phải để lại. Nhanh lên.
Mẹ tôi vui tin tự nhiên.
- Thôi được, các con ra ngoài làng tìm chỗ tránh máy bay rồi chốc nữa về đón mẹ. Đừng bận tâm về mẹ. Mẹ ngồi đây đợi. Các con đi ngay đi.
Tha Ra địu con lên lưng và chúng tôi đi.
Chúng tôi không được trở lại như mẹ tôi tưởng thế. Cả thành phố bị đuổi đi.
Bốn năm đã qua.
Bây giờ Phnôm Pênh trước mặt. Phnôm Pênh đương đến trước mặt tôi, mỗi lúc một gần. Nhấp nhô những nóc nhà chênh vênh khấp khểnh phố Mô-ni-vông. Vòm xi măng tròn nóc Chợ Mới. Tôi trông thấy ngã tư đường. Tôi đã thấy khoảng bãi trống trước cửa chợ - ban ngày, chỗ này chen chúc xe xích lô, xe thổ mộ, xe tắc xi đỗ đợi khách. Tôi thường ghếch cái xích lô của tôi đứng đấy. Đấy là cái chợ đủ thứ hàng quán ăn uống, người đông vui suốt đêm, đến tảng sáng vẫn chén lai rai được.
Trước mặt tôi không một bóng người. Chỉ có dãy phố trống hốc, bông ghế, bông gối rơi ra, ngập đến lưng các tường phòng, gió thổi lên, bông bay mù mịt như hoa lau trong rừng.
Nỗi kinh rợn chưa bao giờ thấy. Tôi không nghĩ được ra một ngày thấy Phnôm Pênh khác lạ đến như thế. Nhà thành phố tôi, hè phố tôi, đường cái, chợ búa, trường học, nhà thương, công viên, cái xe đạp để người thành phố tôi ở, người thành phố tôi đến, người thành phố tôi đi, đi chơi, chẳng có cái gì cả. Chẳng khi nào thấy thành phố tôi không có người. Thế mà quanh tôi bây giờ lạnh tanh, im phăng phắc. Phải thành phố hay cái bóng thành phố. Tôi sờ lên vai áo tôi, cả tôi đây, không biết có phải tôi hay chiếc bóng tôi.
Cái gì cũng không phải thật, mà như thật, cỗ xe ép mía đứng chơ vơ một mình ở ngã ba đầu chợ, không có trẻ con xúm xít quanh. Những chiếc xe bán quà, lắc chuông inh ỏi. Không bao giờ tiếng chuông lạnh lẽo thế. Nó là cái xe ma. Chiếc ghế tựa đệm lòi bông tại sao lại nằm ngửa giữa đường? Chiếc ghế bao giờ cũng chỉ thấy ở trong nhà, bây giờ cái ghế cô đơn lạ lùng này, thế thì nó là cái ghế ma. Những sợi bông gòn bay trắng lả tả quanh chiếc ghế ma. Quán hủ tíu nổi tiếng ở Tác Mau lúc nào cũng đông khách. Tôi trông thấy cánh cửa mở toang, nồi nước dùng bắc cao dưới bức tường trắng toát. Tôi giơ tay vịn vào vách. Bỗng tường vách mủn ra, rơi theo tay. Quán lạnh tanh, nó là cái quán ma ở.
Tôi tha thẩn đi.
Làm sao tôi lại cảm thấy mỗi lúc vào sâu thành phố, mỗi lúc tôi thấy một đông người, khác hẳn lúc nãy.Thành phố đương thật nhiều người.
Những người áo đen quần đen. Đàn bà cắt tóc ngắn váy đen. Cả thành phố bao trùm người đi trong một màu đen nhờ nhệch lũ lượt, nhanh nhanh, nét mặt loáng thoáng lướt như gió.
Tôi bị rùng rùng cuốn theo, hối hả, lật đật trong dòng người lặng im, đen ngòm. Nhưng tôi đã thật háo hức. Đường cái có nhiều người thế này, biết đâu tôi lại gặp được Tha Ra. Có thể Tha Ra về thành phố trước tôi.Có thể Tha Ra dắt thằng Nu Xom đương đi tìm tôi.
Tôi tìm Tha Ra trong đám người bề bộn, cố nhìn mặt từng người đi qua. Nhưng tôi nhận ra khi thật đông người, đám người không tiếng nói, không tiếng cười, không tiếng la hét, không tiếng chửi rủa, tôi không nghe tiếng sột soạt quần áo, không nghe tiếng bước chân đất bước, người đông mà lặng rợn, lặng không, dần dần tôi thấy ra như không phải đây là người đi, mà đấy là dòng nước, là con sông đen kịt đương cuồn cuộn chảy đi đâu. Tôi đi theo, cũng không biết người ta đi đâu. Đi mãi rồi tôi lách ngược lại, cũng không nhận được lối ở đâu người ta đi ra giữa dòng người chen chúc thế kia.
Người từ các phố ra nhiều lắm, người đùn đùn chen nhau đi đầy trong các phố hẹp không có bờ hè. Tôi nhớ cuối phố này có cái trường học. Hay ta vào xem. Biết đâu chẳng gặp Tha Ra đưa thằng Nu Xom đi xin học.Năm nay Nu Xom đã lớn được mười tuổi rồi.
Cửa trường thông thống lối đi, ai vào cũng được.Mùi hôi ghê gớm từ đằng cuối sân xông ra. Mùi hôi thối nặng nề, biết ngay là mùi người chết. Bốn năm nay, chỗ nào cũng ngửi được mùi người chết, đến nỗi tôi quen mũi, biết ngay. Người đi tới đâu, gió Mê Kông thổi lên, gió xua nhạt mùi hôi đi, ra đến đường cái chỉ còn làn người miên man chập chờn, cũng như là gió lung lay, cũng như gió không có mùi vị gì nữa. Nhưng vào đây khủng khiếp quá. Cái sân nhỏ, những bức tường cao, nặng trịch mùi thối xác chết. Tôi đứng lại, ói lên đến cổ, nôn thốc ra. Nhưng trong người tôi đã lâu không còn gì. Tôi chỉ nôn ra toàn nhớt dãi, nôn mãi đến muốn lòi cuống họng ra.
Rồi tôi cố bước vào. Trong ghê gớm, tôi đi tìm hy vọng của tôi.
Tôi nhận thấy đằng xa có những người như từ dưới đất nhô lên, đi đờ đẫn sờ soạng rồi bước nhanh dần. Tôi tới chỗ bắt đầu người ta đi ra. Tôi ngạc nhiên vì thấy những người ấy đã từ dưới hố bước lên thật. Những cái hố to như mặt ao, đen ngòm, không biết sâu đến đâu. Một người đứng lên, trèo ra khỏi hố, người khác ngồi dậy, đứng lên, trèo theo. Người nằm chồng đống lên nhau trong hố, bây giờ lần lượt nhỏm lên, trèo lên.Người dưới hố trèo lên.
Tôi cũng không ngạc nhiên nữa. Bởi tôi đã nhớ ra những cái hố như thế này nhan nhản khắp nơi, chỗ nào cũng có. Và cả nước tôi đã xuống nằm trong hố. Bây giờ, những người chết đương đi ra, những người dưới hố lên.
Tôi cất tiếng gọi:
- Các người ôi, cho tôi đi với.
Những bóng đen phấp phới đi như gió. Trước mặt tôi, những ánh mắt không biết bao nhiêu ai oán, bao nhiêu hận thù, những con mắt và hàm răng lồi ra trắng nhả… Tôi ôm mặt, tôi nhớ, tôi rú lên.
Chẳng biết tôi ngã xuống như thế bao nhiêu lâu. Tôi ngồi dậy, tôi mở mắt. Tôi thấy những bước chân liên liến qua đầu tôi, không một tiếng động. Tôi không dám nằm nữa. Tôi vịn tay vào bờ tường.
Tôi lần lần ra khỏi cái trường ngày xưa có trẻ con học, bây giờ cái hố vùi bao nhiêu là người. Tai tôi nghe trẻ con cười nói ríu ran. Tôi mở to mắt. Chỉ thấy dòng người nhấp nhô đen sẫm. Tiếng trẻ thơ ấy chỉ là tiếng của những năm trước còn sót lại trong tai tôi. Buổi sáng, những đứa trẻ ngồi lên xích lô, tôi đưa chúng nó đến trường. Tôi chợt lại nghe tiếng, những tiếng chờ đợi của tôi. Nu Xom con tôi, có phải con tôi?
Tôi nhớ con tôi. Tiếng cười nói ríu rít kia là tiếng con tôi. Nu Xom! Nu Xom! Con tôi đâu? Tha Ra ở đâu bây giờ? Hay là tôi trở lại cái hố chôn người trong trường học, nhìn từng người trong hố xem có gặp? Hay là tôi đi khắp nơi, tìm những cái hố khác? Hay là tôi về nhà?... Có ai thấy vợ tôi đi ra trong những bóng đen im lặng thất thểu kia không?
Tôi đã ra khỏi cái ngõ phố có trường học thành nhà tù và hố chôn người, đi xa, đi như chạy, mà mùi mồ hôi còn làm tôi ngạt thở. Tôi như con vật bị sặc nước, cứ tự nhiên ngoi mãi về phía thoáng đãng. Hai đầu gối tôi, môi tôi run lên bần bật. Đến nỗi tôi phải vịn tay vào tường, bước lần lần. Tôi nhìn ra dòng người đi đen ngòm lạnh toát cả thành phố. Tôi thở dài. Mỗi lúc một nhiều người chết ra đông thế này, có bao nhiêu người bị đem về giết ở đây. Tôi hốt hoảng nhìn, tôi nhìn ra tìm, tìm xem mà lại không muốn thấy trong dòng bóng ma đương kia có em Tha Ra của tôi, có bé Nu Xom của tôi, cầu trời đừng cho… Tôi đương trở về thành phố tìm gặp con tôi, vợ tôi, mẹ tôi.
Sao người lạnh thế này? Cái lạnh dần dà lan khắp người tôi, lên đầu tôi. Tôi cũng là thây người đương đi đòi mạng ngoài đường kia. Không, tôi đương sống. Chúng mày mấy lần giết tao, tao vẫn còn sống. Tôi sống sót trở về. Tôi không phải những người bị chúng nó đánh chết vứt xuống hố. Tôi sống. Tôi là người sống trở về.
Tôi không thể bước đi được nữa. Tôi đứng lại bên đường, dựa vào tường một tòa nhà, tôi thở. Sông Mê Kông mơn man đưa lên những ngọn gió mát ngọt. Những ngọn gió của dòng sông mẹ. Bây giờ tôi mới thấy đáng lẽ thành phố phải đầy mùi người chết, trong tôi cũng u ám mùi người chết rồi, tôi cùng đi với đám xác im lặng ngoài kia. Nhưng con sông mẹ, con sông mẹ hiền đã nuôi dưỡng tôi từ tấm bé thành phố bốn mặt sông tỏa gió lên, rửa sạch tất cả và tôi tỉnh lại.
Trong cổng, bước ra một người. Đấy là một người lực lưỡng. Tôi lại nhận ra trên lưng người ấy khoác khẩu súng. Hốt hoảng, tôi chạy. Khẩu súng, cái gậy, thanh sắt còn làm run gáy tôi đến bây giờ.
Người ấy gọi to:
- Anh đi đâu?
Ôi, tiếng người, tiếng người. Lần đầu tiên từ lúc đặt chân vào thành phố, bây giờ mới nghe tiếng người, tiếng người cất lên giữa những thây người lểu đểu chen chúc đông nghịt đường. Tiếng người, tiếng người ấm áp làm sao.
Tôi không sợ khẩu súng nữa. Tôi đứng lại. Tôi lễ phép chắp tay:
- Thưa ông, tôi về Phnôm Pênh tìm vợ tôi. Tôi tìm con tôi. Tôi tìm mẹ tôi. Đây là thành phố quê tôi. Ông ở đâu về?
Người ấy đỡ hai vai tôi:
- Anh có vẻ mệt. Vào đây nghỉ một lúc đã.
Đã lâu lắm mới lại gặp lời mời mình, nói những tiếng tử tế. Mấy năm nay, những tiếng ngọt ngào quanh mình biến mất rồi. Thoạt nghe ngỡ ngàng, nhưng nhớ lại, thấy yên vui khác thường.
Tôi rụt rè hỏi:
- Ông là ai?
- Tôi là bộ đội giải phóng.
Rồi tôi hỏi:
- Trong nhà này có hố chôn người không?
Anh bộ đội giải phóng cười:
- Có mỗi một cái hố mới đào để đợi chôn Pôn Pốt thôi.
Tôi sửng sốt.
- Thế à?
Anh giải phóng lại cười.
- Bây giờ thành phố của chúng ta rồi.
Tôi nhìn lên tòa nhà cao. Tôi nhận ra nhà này rồi. Đây là khách sạn “Hoàng gia” to nhất thành phố. Nó sừng sững những bức tường vàng đồ sộ. Tôi trông lên tòa nhà. Tôi không có cảm tưởng gì về nhà đó. Ngày trước có khi tôi đã đưa khách tới kề những bậc thềm nhà cao ấy, song tôi chưa được bước chân vào nơi sang trọng này bao giờ. Nhưng rồi tôi yên tâm hơn. Có người đứng cạnh tôi. Hơi ấm con người với con người cho tôi thấy sự sống, cho tôi thấy thật có người ở trước mặt tôi.
Anh bộ đội giải phóng đưa tôi vào khách sạn.
Tôi lần đi khắp tầng nhà dưới. Cửa buồng đóng im ỉm, mà như ở trong có người. Tôi nghe tiếng đụng đậy. Rõ ràng tiếng đụng đậy, lào xào. Tiếng gió quẩn chân người bước, không phải tiếng chuột chạy, tiếng chuột gặm. Phải rồi. Có khi anh giải phóng không biết. Mình chả vừa nói ngoài đường người đi nhiều lắm anh có trông thấy không. Anh ấy nói làm gì có, rồi lại cười.
Cả tầng một, tầng hai đầy tiếng lào thào bên trong những cánh cửa. Có lẽ đấy là những người chết đương sốt ruột vì chưa ai mở cửa cho đi ra được. Có lẽ.
Tôi lên tầng ba. Buồng số... Buồng số... Cánh cửa buồng số 5 mở hé. Tôi đẩy khẽ, bước vào. Căn buồng tường vôi trắng, xinh xắn. Cửa sổ trông xuống sân trước mênh mông vườn cây. Một giàn hoa ti-gôn đỏ dịu. Một cây đề cổ thụ, vòm lá xanh nõn óng ánh từng chiếc bên cửa.
Trong buồng, một cái giường kê sát tường. Tôi trông thấy trên giường có một cái xác, mặt xám ngắt, ngực và chân máu đọng trên quần áo và máu đen còn tím cả từng đám trên tường 1 .
Tôi rụt rè hỏi:
- Ông là ai?
Cái xác dõng dạc trả lời:
- Tôi, Mai-cơn Can-oen, bốn mươi bảy tuổi, Giáo sư Kinh tế phương Đông, trường Đại học Luân Đôn.
- À, ông là nhà báo Anh.
- Phải, giáo sư Mai-cơn Can-oen là tôi. Pôn Pốt bắn tôi đúng nửa đêm, giờ cuối cùng của ngày 23 vừa rồi.
Cái xác bỗng khóc hu hu.
- Trời ơi! Nếu không, thì sáng hôm sau tôi đã về Luân Đôn, thành phố của tôi.
Cái xác vẫn nức nở.
Tôi hỏi:
- Tại sao người ta mời ông đến làm khách rồi lại bắn ông?
- Giản dị quá. Chỉ vì hai câu nói thôi. Câu thứ nhất. Họ chỉ cho tôi cánh đồng và bảo rằng đến mùa gặt, các công xã vừa gặt vừa hát. Tôi cãi: “Cánh đồng ngập máu, ca hát làm sao được” 2 . Câu thứ hai là câu của tôi. Tôi đi qua cánh đồng, tôi hỏi: “Đâu rồi, những người lính của các ông thường giải nông dân ra đồng làm?” 3
Cái xác nhà báo Anh lại khóc, tiếng nức nở vang động.
Tiếng khóc của ông ấy khiến tôi nhớ vợ tôi. Tha Ra của tôi, thằng Nu Xom con tôi. Tôi không thể nghỉ ở đây với một người chết nằm khóc vì bị giết vào đêm sau cùng, trước khi được rời Phnôm Pênh. Vả lại, đây là khách sạn, đây không phải nhà tôi.
Tôi cứ nhìn cái xác ông nhà báo Anh một cách thương hại. Đây không phải nhà tôi. Mà đây cũng không phải nhà ông ta, nhà ông ta tận Luân Đôn kia.
- Sao ông không về Luân Đôn? Bây giờ không còn chúng nó ở đây nữa đâu.
- Tôi không đi được.
- Tại sao?
- Cả hai chân tôi bị bắn gãy rồi.
Rồi ông lại kể:
- Đến nỗi chỉ một việc nhỏ trong phòng này tôi cũng không làm được. Chúng nó đã vào ăn cắp hết đồ đạc của tôi mà tôi đành chịu. Ông xem hộ trong ngăn kéo còn gì của tôi không?
Tôi lục tủ. Không còn gì. Trong ngăn ở cái bàn đầu giường có tập báo cáo in rô-nê-ô của Pôn Pốt. Nhấc tờ giấy lên, thấy lăn ra cái bàn chải răng cán nhựa đỏ có chữ Zeep vàng chóe. Chắc bàn chải này ông nhà báo mua nó ở Luân Đôn trước chuyến đi Cam-pu-chia. Cái bàn chải để dưới mấy tờ giấy báo cáo. Chúng nó lấy đồ đạc của ông mà không biết còn chiếc bàn chải lọt dưới tờ giấy.
- Cái bàn chải răng ấy của tôi! Xin ông cứ giữ, tôi biếu ông làm kỷ niệm, ông cầm lấy, ai hàng ngày cùng phải có cái bàn chải đánh răng. Chúng ta còn gì nữa đâu.
Ông nhà báo Anh nói làm tôi mủi lòng, ừ, quả thực tôi cũng có còn gì đâu. Ông ấy cũng chẳng còn gì nữa. Tôi cầm chiếc bàn chải răng, tôi lẩm nhẩm cám ơn ông rồi tôi lập cập đi ra. Tôi mệt lả người, nhưng tôi không dám nghỉ lại. Nghỉ lại đây, tôi sẽ chết mất. Tôi lại đi, tôi còn phải đi về nhà tôi. Tôi phải về với vợ con tôi.
° °
Thành phố ngổn ngang người đi mà cứ chập chờn thành phố không người. Mà cũng không phải cái bóng. Nó là cái gì không có thật. Nó là ma hay sao?
Ở một chỗ nào có khói lên. Khói dọn vệ sinh thành phố hay là thành phố bấy lâu không có người ở, mạng nhện đã chăng lên một tấm màn bao da, nhìn tường khói trước mặt? Chỉ có những con nhện đu đưa là có thật. Những con nhện sống. Xa xa, nghe tiếng chim tu hú. Con tu hú đương gọi nắng mùa hè. Những con tu hú còn sống. Chúng nó giết hết người, nhưng những con chim trên trời chúng nó không với tay lên giết hết được.
Không biết thật là khói hay là mạng nhện phủ lên thành phố. Tôi lần mò xuống vùng ngoại ô phía Nam. Thành phố này tôi thuộc như lòng bàn tay tôi. Chỉ nghe gió sông thổi lên mặt, gió tràn đầy mặt mũi tôi, cũng biết được mình đương đi tới chỗ nào. Gió nhẹ nhẹ, ấy là có bóng dãy phố chắn đằng kìa. Tháp chùa trên đồi Pênh che mất một quãng gió sông vào giữa thành phố.Đến ngã tư ngã năm thảnh thơi, làn gió lại ùa thênh thang khắp người, mát từ bàn chân trở lên. Mẹ tôi sinh ra tôi bên kia cầu Mô-ni-vông. Từ lúc biết đi kiếm miếng ăn nuôi thân, tôi đã quảy rượu thốt nốt bán rong khắp các ngõ phố.
Tiếng cuốc kêu khắc khoải. Những con cuốc cũng còn sống. Tôi nhớ phía bãi sậy bên bờ sông, vào mùa hạ, cuốc ra ăn đàn. Nó kêu ra rả đến tối khuya. Nhưng ngày trước, phải đi gần đến nơi mới nghe được, vì những tiếng ồn ào thành phố. Bây giờ đâu cũng im như cánh đồng giữa trưa. Ở chân đồi trung tâm Phnôm Pênh mà cũng nghe bìm bịp kêu gọi con nước.
Có tiếng cuốc, thế là đã đến đám sậy bờ sông gần nhà tôi.
Tôi đã trông thấy nhà tôi trong lùm lá cây ổi, lá ổi mùa này xơ xác. Quãng sông đến chỗ ấy có một cụm nhà sàn mọc trên mặt nước. Nhà tôi ở trên bờ, như cái phố dưới nước vắt mẩu đuôi lên cạn, chỗ đầu ngã năm bên này cầu.
Thành phố Phnôm Pênh bờ sông, trên sông có những phố mặt nước quanh co trong dãy nhà sàn, ban đêm thật kỳ lạ. Người chơi bời xuống những tiệm ăn rực rỡ như cái kiệu hoa trên mặt nước. Tôi đã ghếch xe đón khách chơi về gần sáng. Bây giờ, trông ra tiệm nhảy “Trăng sáng” vẫn còn hình cái bè nhấp nhô. Tầng lầu đã đâu mất. Trên bè chập chờn mặt nước thấy thấp thoáng bóng người. Ôi, lại những bóng người chết nhớ nơi ăn chốn chơi đã về nhảy nhót ngoài ấy.
Quanh các phố mặt nước, đêm đêm là hội đèn, những chiếc thuyền nhỏ lách ngõ này sang ngõ khác, vòng vèo theo ánh đèn như sao sa. Thuyền chè khoai, thuyền bún sáo, chim nướng, cá nướng, thuyền hủ tíu... Một chiếc thuyền nhô ra trong ánh đèn. Người đàn bà và đứa con nằm ngủ bình yên giữa sạp thuyền. Anh chài buông chèo lấy lưới quăng. Được mỗi mẻ cá, bán ngay cho những nhà trên bè, đèn sáng lấp lánh cửa sổ mặt nước.
Bây giờ chỉ còn những cái cọc sàn. Cả dãy phố bị đốt, đen sì những hàng cột nhà cháy dở.
Tôi đã đứng trước cửa nhà. Cái nhà tôi, đích là nhà tôi, nhà tôi mờ mờ trong làn khói xanh. Rồi tôi lại ngỡ không phải. Tôi ngỡ chiêm bao. Nhưng rồi tôi bước vào, gan bàn chân mát hơi những hòn đá quen thuộc, tôi biết thật nhà tôi đây rồi. Cây roi, cây ổi sân nhà, từng chùm roi rụng đỏ quanh gốc cây. Quả ổi chín vàng. Những cành ổi nặng quả bao nhiêu giờ lá cũng xơ xác. Tôi nhìn quen mắt như thế, nhiều mùa đã qua. Bây giờ cũng thế. Tôi không cần nhìn cũng đi qua được hẻm nách nhà, trong ấy có một chiếc chum đại đựng nước mưa hứng ở mái nhà. Sợi dây ống cao su đỏ kéo nước trong chum vào bếp vẫn vắt đấy, cả cái chậu nhựa xanh gài thành chum, nguyên thế.
Vẫn tất cả mà sao lại ngờ ngợ. Tôi nhận ra những đám cỏ. Chỉ có những đám cỏ là mới. Ngày trước, vườn không có cỏ. Bây giờ cỏ ken đầy mặt đất. Cỏ vờn khắp sân, lên cây, lên tường, lên mái nhà. Phải trông qua những làn cỏ xanh như khói mới thấy ra được nhà tôi.
Cỏ cao quá, cứng quá, tôi không còn sức rẽ cỏ ra được, tôi như con chồn, tôi bò vào trước hiên nhà. Tôi trông lên, sợi dây điện phơi áo chăng ngang hiên, vẫn còn cái khăn mặt của tôi và cái mũ xanh đỏ của thẳng Nu Xom phơi trên dây từ bốn năm trước.
Chiếc xích lô của tôi bên canh bậc cửa. Nửa vành bánh vẫn chôm ghếch nguyên như hôm tôi định đạp xe đưa mẹ đi. Bây giờ nhìn cái xe dưới mái hiên vẫn hệt thế, tôi bỗng có cảm tưởng mình mới chỉ đi lúc nãy.
Mẹ tôi ủ rũ ngồi trên đệm xe. Cái váy gấu nâu xám, vai vắt chiếc khăn rằn. Mẹ tôi ngồi đợi chúng tôi từ ngày ấy.
Tôi gọi:
- Mẹ ơi. Con đã về!
Mẹ tôi không nói gì. Mẹ tôi vẫn ngồi như thế. Tôi trông thấy hai bàn tay mẹ tôi, hai bàn chân mẹ tôi và mặt mẹ tôi đen như miếng than củi đước. Mẹ tôi ngồi chết khô đấy từ bốn năm nay.
Tôi lại gọi:
- Mẹ ơi!
Mẹ tôi vẫn chẳng nói gì cả.
Tôi ngồi xuống cái sàn xe, tựa vào đôi chân bé bỏng của mẹ tôi, đôi chân quắt như ống sậy và cũng chẳng có mùi gì. Tôi khóc.
Tôi ngồi khóc một lúc lâu. Đến khi ngẩng đầu lên, trông thấy một người đương vạch cỏ, bước vào. Người đàn bà váy đen áo đen, cũng như trăm nghìn người đàn bà tôi gặp ngoài đường. Nhưng tôi nhận ngay ra người ấy là vợ tôi. Chỉ dáng người thôi, tôi đã biết Tha Ra, rõ Tha Ra. Bao nhiêu ngày đêm rồi, tôi nằm mê. Tha Ra, Tha Ra. Nhưng rồi tôi lại quáng mắt hay sao. Phải Tha Ra hay mới chỉ là cái bóng Tha Ra ngả vào trước, còn Tha Ra sắp vào, hay là Tha Ra còn ở chiêm bao?
Tôi ôm hai vai Tha Ra. Cái bóng Tha Ra, tôi cũng ôm cái bóng ấy. Phải đâu Tha Ra. Nét mặt thoang thoáng, nhưng giống lắm, nhưng không phải. Hai vai tôi, vai Tha Ra khúc khuỷu như hai cái cọc lồ ô. Tha Ra của tôi, vai Tha Ra của tôi ngày xưa không phải thế. Ôi, em ơi, có phải là bộ xương của em tìm về nhà, cũng như bộ xương của mẹ ngồi đã bốn năm ở đầu hè đợi các con?
Tôi lại ứa nước mắt.
Tha Ra nắm cánh tay tôi. Tha Ra hỏi tôi một câu cũng hệt ý nghĩ của tôi.
- Có phải Nu Xuông không? Phải anh Nu Xuông của em không?
Tôi im lặng.
- Con chúng ta đâu?
- Nu Xom chết rồi.
- Con chết bao giờ?
- Bốn năm rồi.
- Ở đâu?
- Ở rừng Stung Treng.
Chúng mình đi gọi con về chứ. Bốn năm rồi, thế là năm nay Nu Xom lên mười, đi học được rồi - tôi nghĩ thế.
- Làm sao người chết còn sống lại?
- Tha Ra có thấy người đương đi đầy đường ngoài kia không?
Tha Ra nhìn ra rồi lắc đầu.
Tha Ra không nhìn thấy. Tôi thấy bao nhiêu người mà Tha Ra không trông thấy gì. Không, không, Tha Ra là người, là ma, Tha Ra vẫn là Tha Ra.
Tôi bảo em ra chum lấy nước rửa mặt. Tha Ra với tay nhấc khăn mặt vắt trên dây, dáng tay nhẹ như mọi khi em vẫn rút khăn mặt như thế.
Tha Ra thả cái khăn mặt xuống chậu nhựa. Chiếc khăn như bột tan chảy mủn trong nước.
- Thôi, chúng mình rửa mặt bằng tay vậy.
Tôi sờ tay vào túi, đụng cái bàn chải răng của ông nhà báo Anh cho lúc nãy.
- Có phải bàn chải mình đánh răng đây?
Tha Ra ngước mặt lên. Răng Tha Ra trắng rợn, như con mắt và hàm răng trắng nhởn lúc nãy. Sao răng người mà trắng đến thế!
Tha Ra cầm bàn chải và đánh răng. Tha Ra nhấc bàn chải trong miệng ra, thấy máu ứa ra trên mặt bàn chải. Máu ở bàn chải của ông nhà báo Anh hay máu miệng Tha Ra?
Tôi cầm bàn chải ấy rồi tôi đánh răng tôi. Máu trong miệng tôi cũng nhỏ ra từng giọt đỏ tươi xuống chậu nước. Em ơi, máu em, máu tôi, máu con tôi, máu mẹ tôi hay máu ông nhà báo Mai-cơn Can-oen bị bắn chết ở phóng số 5 khách sạn Hoàng Gia? Mắt tôi mờ đi, tôi ngước lên. Thấy gì đâu. Tha Ra đâu? Con đâu? Tôi đâu, tôi đâu? Thành phố của tôi đâu?
--------------------------------

1

“Cái chết của Mai-cơn Can-oen ở Phnôm Pênh” - Bài của E-li-da-bét Bếch-cơ đăng trên báo“Bưu điện Hoa Thịnh Đốn”, 25 tháng 12 năm 1978.

2

Những câu của M.Can-oen nói. Theo bài báo của E.Bếch-cơ.

3

Những câu của M.Can-oen nói. Theo bài báo của E.Bếch-cơ.

TRỞ LẠI CAM-PU-CHIA
Đã lâu, năm 1963 - có lần tôi đến Căm-pốt, đứng trên bãi biển Kép nhìn về Hà Tiên.
Biển Hà Tiên nước tôi ngay trước mắt mà ngày ấy tôi đã phải đi vòng suốt nước Lào đến cực Nam Cam-pu-chia, thế mà cũng chỉ mới nhìn thấy Hà Tiên chứ không tới được. Hôm nay, tôi mới thật được thỏa thuê từ các vùng biên giới đến đây.
Từ Xa Mát tỉnh Tây Ninh lên Kông-pông Chàm.
Các bạn đã đi đường này bảo, qua hết cánh đồng trước mặt đã sang tới nước bạn.
Không thấy cánh đồng chỉ rặt cỏ tranh bốn phía.
Giữa đám cỏ tranh có một hàng giải khát. Hai cô bán hàng, áo bà ba trắng, duyên dáng hàng chợ như những chị em ta hay gặp ở chợ Hóc Môn, chợ Tân Định dưới kia. Không ngờ nơi đèo heo mà tiếng dữ còn ghê rợn đến hôm nay, mà cỏ tranh còn vờn qua đầu và quang cảnh tan hoang còn ngổn ngang quanh mình lại được gặp những nụ cười. Trong quán có cà phê đá, trà đá. Trời đương nắng đổ lửa.
Những ám ảnh, những ghê rợn, những bóng hình đã qua. Bây giờ sang bên cái ụ cao đầu chiến lũy đất, trông lên thấy trên ấy, bộ đội đã trồng khắp mặt lũy những dây khoai lang, lá non bò lòng thòng xuống vách hào.
Hai vọng gác nhìn sang nhau: một bên cờ đỏ sao vàng, một bên quốc kỳ hình năm ngọn tháp vàng. Hai lá cờ bay giữa trạm kiểm soát chỉ có một cây tầm vông chắn ngang. Xe bên nào qua, bộ đội bên ấy qua nhấc cái dóng tre hờ hững đơn sơ rồi giơ tay chào người đồng chí qua biên giới.
Những đường biên giới. Bao giờ tôi cũng tưởng tượng một cách ngây ngô: đường biên giới phân chia nước này, nước khác là không có thật - thế mà biên giới là có thật và thật là khác nhau. Bến Thà Dừa bên này, tỉnh lỵ Nong Khai bên kia sông Mê Kông giữa Lào và Thái Lan. Từ Bra-ti-sla-va sang bên kia cầu tới thành Viên Thủ đô nước Áo, bên ấy có quân đội Tây Âu và binh lính Mỹ. Ga Nhị Liên phía Trung Quốc, ga Chu-mu-it-ti-ga. Đường lạc đà, bên Mông Cổ, ga Bằng Tường kia và ga Đồng Đăng đây, dây thép gai bề bộn và đau lòng.
Còn như Xa Mát bên này, làng Ban Phnom nước bạn bên kia, hôm nay tĩnh mạc như tờ, nhưng ba tháng trước còn đầy khủng khiếp.
Xuống Xoài Riêng sang phổ huyện Gò Dầu - qua những nơi tan hoang từ dọc đường bên kia đến đây vì giặc Pôn Pốt, càng yêu thương quang cảnh đông vui ấm áp lạ thường. Bên sông Gò Dầu, thuyền đò san sát. Nhà sàn chăng cột chi chít mặt nước. Những dãy phố, những hàng quán nghìn nghịt người, những ruộng lúa chín vàng đang vào vụ gặt, những khoanh cũi đập lúa nhấp nhô giữa mặt ruộng vàng óng. Những cánh đồng nước xanh om, đều tăm tắp như những khung xanh. Lại không ai tưởng mới mấy tháng trước, có những trái đạn cối đã nhảy sang đây, một vùng mà cuộc sống sông nước, đò giang, phố và bến lúc nào cũng khao khát bình yên.
Tôi qua Châu Đốc. Vừa ra đầu thành phố đã thấy kênh Vinh Tế phù sa cạn đục lờ. Nhưng xa nữa chỉ còn đồng hoang rợn cỏ.
Người Chăm, người Chà “Châu Giang” ở ngoại ô, trước cửa nhà trồng hoa cúc vạn thọ. Những nhà sàn cao, thang nhà dựng đứng. Bao lâu nay, đền đài vắng ngắt. Cả đến tháng ra-ma-đam có lễ a-lat (ơn trời) cũng không bóng người. Cả làng Chăm đã chạy giặc. Ngày lễ thứ sáu bây giờ mới thấy trên sàn nhà có người trải chiếu, cả nhà ngồi trang nghiêm bái về La-mêc thành phố thánh ở hướng Tây.
Đạn đại bác còn in vết trên tường chợ và vết thủng trên các nóc nhà chung quanh. Ngay gần chỗ bị tàn phá, có đám cưới, trước cổng dán tấm giấy hồng viết ba chữ “Lễ tuyên hôn” to tướng. Tiếng cười, tiếng hát trong nhà sàn kề mặt nước. Những nhà ven kênh Vĩnh Tế dạo nọ phải sơ tán, dỡ đi, vừa được lợp lại, lại vui.
Ngày trảy hội “vía bà” núi Sam đông quá. Hội núi Sam, trước nay, người cả hai biên giới nô nức về. Mấy năm nay bặt hẳn. Bây giờ người trảy hội đông như bật lên, bù lại những năm mất hội. Cơ man các đoàn trai trẻ lên núi, đem theo túi bánh và thức ăn, vai vác đàn ghi-ta - một nét mới của hội “vía bà” núi Sam. Hội núi Sam bây giờ là ngày thanh niên chơi núi của An Giang và của tỉnh Tà-keo nước bạn.
Nhìn lại biên giới hai nước có lẽ chỉ còn sống sót vài cây thốt nốt đứng chơ chỏng.
Người trốn tránh đi đâu bây giờ mới loáng thoáng trở về dựng lều ở tạm trong vườn hoang. Trên mặt ao trước nhà, những bông hoa sen, đã mấy mùa nở, mấy mùa tàn tự nhiên. Bây giờ cánh sen đỏ thắm, bên những dây rau muống mới cấy, đã lên lá xanh eo éo.
Những hàng cây thốt nốt. Ở sông đào Vĩnh Tế hay bến phà Niếc Lương cũng như nhau. Người bên kia sông, bên này sông, người Việt hay Khơ-me, qua những cánh đồng liền hai nước, đời đời đã đi lại, chợ búa, trai gái hò hẹn, những đám cưới, ngày hội xa đến đâu cũng là gần. Thế mà năm năm tan nát cả.
Trên nét mặt mỗi người tôi gặp, người nào cũng còn thoáng ngơ ngác, còn phảng phất những nét đau của những ngày tháng rùng rợn vừa qua.
Ven đường từ Xuông lên Chúp, cánh đồng lác đác tra ngô, trong khi các làng biên giới phía dưới, ruộng còn bỏ cỏ mọc cao vượt đầu người. Trong cỏ còn nhiều mìn địch cài lại. Hôm nào cũng có trâu chết vì giẫm phải mìn. Các làng đã bị dồn cả vào phía trong. Xưa nay, những cánh đồng nuôi người, bây giờ chỉ thấy một giống cỏ lác. Gió lùa quanh bờ hào, những ụ súng bỏ không đã lở tở đổ từng mảng.
Bụi đỏ cuốn lên trong nắng. Những chiếc xe vừa bon qua. Tiếng con chim rừng xa kêu “bắt tép kho cà”, “khó khăn khắc phục”, ở rừng Việt Bắc hay ở đây cũng một con chim ấy.
Trong bụi cỏ có bức tường đổ, vườn chuối chết cháy đỏ hắt. Tấm biển căm thù “Ở chỗ này, phản động Pôn Pốt giết cả xóm 320 người...”, “Chỗ này, hố chôn 152 người...”, “Ở đây...” Không biết con số nói về người Việt hay người Khơ-me.
Nhìn đến cuối chân trời vẫn những cây thốt nốt trần trụi như những chiếc ô xơ xác bị gió trở lật ngược.
Từ trong bụi cây, lò dò ra một con bò. Cam-pu-chia vốn đất nhiều bò, nhiều ngựa. Con bò bơ vơ này ở đâu ra? Nhìn kĩ, không phải bò hoang. Trong bụi rậm có những trẻ em chăn bò đương lấp ló nhìn ra.
Phải rồi, những em bé. Có phải các em đương muốn ra làm quen, mà còn e ngại với những người và chiếc xe vừa được đẩy lên qua khúc đường bị nước mưa làm ngập, dừng lại nghỉ đấy.
Bắt đầu làm quen với làn da cháy nắng của con người đất nước này. Những em bé đó, em trai em gái, lát sau đã xúm quanh chúng tôi. Các em, quần áo kỳ lạ làm sao. Những áo bà ba đen rách tơi, dài quá đầu gối. Đến đỗi thoạt trông không biết các em có mặc quần hay chỉ có cái áo dài trùm kín gối.
Rồi sau tôi biết tại sao các em bé hay mặc quần áo người lớn. Tôi được thấy những hố chôn người, có cả đống quần áo và dép bị lột lại. Những em bé gặp trên đường đã mặc quần áo của người chết. Cả nước một kiểu quần áo. Đến người lớn cũng không có gì thay, trẻ con lấy đâu ra cái mặc. Trẻ con cứ lụng thụng trong cái áo, tay rộng dài, hàng khuy xương dừa to thô lố.
Nước Cam-pu-chia vừa thoát chết còn đầy rẫy những lạ lùng đến rợn người.
Lát sau các em bé chăn bò đã mạnh dạn hơn, trèo cả lên thành xe ngồi.
Chúng tôi lấy bánh mì, cùng ăn với các em. Câu chuyện bắt đầu vui, mặc dầu quanh quẩn chỉ có mấy tiếng Khơ-me lõm bõm mới học được. Chỉ vậy đã khiến người qua đường có thể hiểu được ít nhiều đau khổ ghê gớm của những em bé tội nghiệp.
- On sa ri, em gái?
Bé gái gật đầu.
- On po ro, em trai?
Chú bé có đuôi tóc đỏ hoe cười nhe hàm răng sún.
- Au me, bố mẹ?
Bé trai, bé gái không cười. Rồi hai em cùng lắc đầu. Tôi trỏ tay vào làng:
- Au me?...
Hai em bé lại lắc đầu. Bố mẹ các em không còn? Bị giết? Bị ốm chết? Phải vào đội khổ sai đi tỉnh khác? Hay là các em quê ở nơi nào bị lùa đến đây? Không biết. Chỉ thấy những khuôn mặt xanh xám ngắt.
Em bé gái có bàn tay cụt hai ngón. Không hiểu tại sao em bé cụt ngón tay. Có điều chắc chắn phải là bởi một rủi ro đau đớn nào.
Xa xa, tiếng chim ríu rít. Nghe chim kêu, tưởng như con chim hiền lành ở đâu cũng có ấy đã phải trốn khỏi nơi này mấy năm, bây giờ mới dám cùng nhau trở lại.
Từ Xoài Riêng ra biên giới, chỗ nào cũng những cảnh hoang tàn mới được loáng thoáng thu dọn.
Một mẩu tường nham nhở hàng gạch mốc rêu. Có chỗ, còn cả một ô gạch hoa cạnh bụi cây cháy xém. Đôi ba vết chân người mới giẫm gãy túm cỏ gà.
°
° °
Cả nước vẫn rộn rã dọn nhà.
Trên các nẻo đường tất bật người đi lại. Những chiếc xe bò bánh to kềnh càng, người đàn ông lầm lũi phanh áo, ngửa ngực kéo. Đằng sau lũ trẻ lùi lũi chạy theo. Không thấy có đàn bà. Vợ anh ấy chết hay lạc mất rồi. Trên thùng xe chất một bu gà, một bộ quần áo đen xỉn và cái chiếu cuốn. Tất cả ảm đạm như đống củi mục. Ngoài thành xe treo chiếc nồi nhôm bóng. Cái nồi mới được phát. Mấy năm nay mới lại được có cái nồi riêng thổi cơm, nấu nước. Người ta trở về làng với cái nồi mới sáng trắng trong ánh nắng gay gắt.
Bọn Pôn Pốt đã nói như điên: ‘‘Làm cuộc thay đổi độc đáo triệt để nhất thế giới”. Có nghĩa là chúng nó quấy trộn cả nước lên. Chúng xóa gia đình, chia người già, người trẻ, trẻ em, trai gái thành đội. Các làng, các huyện đổi tên ra con số. Người vùng này phải chuyển đi ở vùng khác. Tỉnh Ốt-đa Miên-chây phía Bắc đi hơn năm trăm ki-lô-mét xuống làm ruộng dưới Tà-keo. Các thành phố, các thị xã lên phá hoang vùng rừng núi phía Tây. Người Chăm và các dân tộc thiểu số ở rừng thì dồn về các tỉnh Cô-công, Puốc-xát phía biển. Không nhà nào được ở yên. Bỏ chợ, bỏ tiền, bỏ chùa, bỏ giấy khai sinh, khai tử…
Bởi vậy, niềm vui đầu tiên sau giải phóng: Người ta ngày đêm đi hàng trăm, hàng nghìn ki-lô-mét trở về làng. Rồi thì cha mẹ, anh em, vợ chồng đi tìm nhau.
Cả nước này, mấy năm qua, ai có đi làm mới được ăn và phát cho một quần, một áo - quang cảnh tiêu điều ấy y hệt ở Trung Quốc. Ở đây, đất thuộc địa Bắc Kinh còn kém Bắc Kinh một bậc. Bởi vậy, cảnh “đồng phục” còn thảm hơn bên kia nhiều. Đàn ông mặc áo bà ba vải thâm. Đàn bà, váy thâm, áo thâm, tóc cắt ngắn hở gáy. Ai cũng đen trùi trũi.Trên đầu đội chiếc nón cói Hải Nam. Người đi chân đất hoặc mang đôi dép râu, đế bằng lốp xe tải, dày hai đốt ngón tay. Cả nước một khuôn, một số phận: quần áo, xống váy đen. Dép lốp, mũ cói. Và một cái hố chôn chung.
Bây giờ còn lại khắp nơi trên đường, người đi lũ lượt đen dài. Ở những chợ vừa được nhóm lại còn xơ xác. Kông-pông Chàm hay Niếc Lương, hay ngã ba Kông-pông Thom, trăm nghìn người chỉ một màu đen ngòm như thế. Suốt một ngày đường, chỉ gặp một thanh niên mặc áo may ô trắng, tay xách chiếc đàn ghi-ta, mặt đàn gỗ đỏ bóng. Anh ấy người làng Kông-pông Bếch. Cái áo trắng và chiếc đàn vừa được một bà con người Khơ-me bên Tây Ninh gửi sang cho.
Thật ghê gớm, cả nước chỉ còn lại một màu đen lam lũ. Cả nước đen đủi và đầu tóc và chân tay sứt sẹo giống nhau. Cuộc sống thê thảm đến không thể nào cắt nghĩa nổi.
Trên những con đường liên tỉnh, nhễ nhại nắng, không một bóng cây. Những cây ô môi, cây mù u cổ thụ, những cây sau sau to lớn, hai người ôm chưa kín thân, tất cả đã đứng chết khô. Đường từ Phnôm Pênh xuống Tây Ninh hơn hai trăm ki-lô-mét, mọi cây cao bóng mát hai bên đường đều chết đứng như thế. Giặc đã giết cả cây. Chúng bắt dân phải xem lại, thấy cây nào trong vườn, ngoài đường không phải cây ăn quả, đều chặt bỏ. Chúng đang làm thế ở Phnôm Pênh. Chúng định giết tất cả những dãy phượng, ô môi, lim, mù u khắp các phố.Chúng đã trồng dừa khắp các phố. Chúng định dừa lên độ năm năm thì bỏ hết các cây khác. Nhưng những cây dừa đem trồng hàng loạt, vẫn còi cọc, lỏa tỏa, chưa cao nổi ngang người. Rồi thành phố được giải phóng. Thế là cây cối ở Phnôm Pênh mới chỉ bị đánh dấu chỗ cưa như vết thắt cổ, được thoát chết.
Suốt ngày đằng đẵng nắng, chúng tôi đi giữa những thân cây hai bên đường chết đứng.
Qua ngã ba Suông đến đầu làng Xtâng, gặp một cái chợ lác đác người. Trông thấy đầu xóm, có miếng vải dù che làm rạp trong bóng cây xoài. Trong rạp, bàn ghế, mâm đĩa, thịt gà và xôi nóng khói nghi ngút, cạnh những hũ rượu thốt nốt trắng sữa. Đấy là một đám cưới.Ngày nào cũng gặp đám cưới. Đến gần công trường làm đường ra cầu Prếch-đam, đám cưới còn có cả máy nổ của công trường cho mượn, quay băng tụng kinh vang khắp làng.
Thấy xe qua trên đường, người dưới đám cưới vẫy lên lia lịa. Không quen nhưng biết đấy là cán bộ cách mạng Khơ-me, là cán bộ, bộ đội Việt Nam, những người anh em ta. Cam-pu-chia - Việt Nam xa-ma-kì- chăy-dô: Cam-pu-chia - Việt Nam đoàn kết muôn năm. Xuống đây, xuống đây, xôi mới đơm, rượu mới cất, con bò choai mới ngả thịt. Ngày vui của vợ chồng mới cưới, của hai họ đôi bên. Nhưng cũng là niềm hân hoan của mọi người, của đất nước thoát khỏi bàn tay tội ác khủng khiếp.
Gần tới sông Mê Kông, bên kia, tỉnh lị Kông-pông Chàm. Chúng tôi nghỉ lại ở làng Kông-pông Bếch.
Buổi chiều, trông sang, thấy một dải hoa phượng đỏ rập rờn ngang trên nóc nhà, như mọi thành phố bến. Nhưng hôm sau qua Kông-pông Chàm, tôi chỉ gặp những đường phố rỗng không. Hoa phượng trên thành phố đỏ rợn như những vòng hoa tang phủ nấm mồ chung của những người dân thường đã bị giết, vẫn còn bao nhiêu hố chôn người ở đấy.
Ngày đi cật lực của chúng tôi được kết thúc bằng một cuộc thoải mái tắm sông.
Sông Mê Kông xuôi trên nghìn dặm đến quãng này mang vẻ phẳng lặng dị kỳ. Tôi đã có dịp được qua nhiều quãng khác nhau trên con sông hùng vĩ này, kể từ chỗ đầu nước Mè Khỏng vào rừng núi thượng nguồn tỉnh U-đom-xay. Trên Bắc Lào, Mê Kông là cô bé đang tuổi thiếu niên, nghịch ngợm, không chịu đi đứng ngay ngắn, chốc lại vật vã vào bờ đá. Xuống đến Xê-phan-đon, mặt nước trải ra bốn nghìn hòn đảo, như rừng xanh trong nước. Đến đồng bằng miền Nam Việt Nam. Mê Kông mênh mang tẻ chín nhánh rẻ quạt, sóng đưa ngược từ cửa biển vào, các ngách nước như hồ lớn đẩy ra những khóm lục bình lênh đênh trôi ngang lên tận thành phà.
Đến Kông-pông Chàm này, Mê Kông là cô gái đang thì đẹp dịu và hiền. Dòng sông viền cát trắng phau, trườn mình giữa những vườn mít, vườn xoài, miên man qua không biết bao nhiêu bãi ngô xanh rờn.
Dấu vết cuộc chiến đấu giải phóng thành phố còn rải rác hai bên bờ sông. Những chiếc tàu tuần sông của địch bỏ lại bị mắc cạn, nằm nghiêng trên bãi, cát ngập vào tận sàn. Gần chỗ bè gỗ bến tắm, một khẩu cao xạ Trung Quốc còn đứng ngon lành giơ họng trong ụ. Những cây thầu dầu lá phấn trắng và những dây cỏ gà ngẩn ngơ vươn lên quanh cả băng đạn.
Kông-pông Bếch đêm nay vào tuần trăng tròn. Ánh trăng mượt mà rải trên vườn xoài, vườn chuối trải ra đến cánh đồng ngô đã nảy lá lăn tăn, óng ánh như sóng trăng và lặng im, êm đềm lạ lùng.
Trên hiên nhà sàn giữa vườn nhìn ra, trong im lặng không thể hiểu được những gì ghê gớm hôm qua xảy ra cũng ở nơi đất lành chim đậu này. Khi chiều, người trong xóm cho biết đằng kia mới thấy thêm một hố chôn người.
Bỗng trong ánh trăng, vờn lên tiếng trống. Tiếng trống những đêm “dù kê” xưa kia bây giờ nghe như chiêm bao. Có khi trai gái hát đối suốt đêm chưa cạn lời, đêm sau lại nối. Tiếng trống những đêm “dù kê”, đêm nay. Đúng rồi. Thế mà ngỡ không phải thật. Chỉ vì tiếng trống thanh quá, tưởng có, tưởng không, mơn man như tiếng gió lay ánh trăng trên lửa địa ngục vừa tắt.
Tôi dạo theo bóng trăng dọc bờ sông trên bến Kông-pông Chàm. Dòng Mê Kông phẳng lặng. Những chiếc thuyền ván dài như cái độc mộc, một người đứng chèo, dáng cao cao thành một nét đen thẫm ngang qua ánh trăng. Bên kia sông, lửa lom đom, rải rác. Biết đấy là những người trên đường trở về làng, đêm ghé thuyền nghỉ, thổi cơm trên bãi. Dòng sông cũng tấp nập tối ngày như trên mặt đường. Khắp đất nước, người trở về, người đi tìm nhau chưa ngớt.
Có tiếng bìm bịp kêu, đêm dịu dần vào khuya. Tiếng chim lẫn trong gió sông thổi lên, bây giờ mới mát rượi.
Sáng hôm sau, đến thăm ủy ban xã ven sông. Thật cũng không có việc phải tới. Nhưng, hôm trước gặp một đơn vị quân giải phóng công tác ở đây có kể cho nghe những khó khăn, những mới lạ về công việc thành lập chính quyền làng này. Tôi muốn được tận mặt thấy quang cảnh và những con người trên đất nước hồi sinh.
Kông-pông Bếch cũng như mọi làng giặc chạy qua.Chúng lại lùng giết người một chặng nữa. Người bị giết, người bị lùa đi, bối rối, loạn xạ.
Những người làng bị dồn đi nơi khác đương lần lượt trở về.
Bộ đội giải phóng đến công tác chọn người ra làm việc xã tự quản. Khi cả làng đã vào nề nếp, đội công tác họp toàn xã, giải thích nhiệm vụ và quyền lợi người công dân. Mọi người bỏ phiếu bầu ra ủy ban.
Hầu hết người làng không biết chữ. Phiếu được đánh dấu bằng vật gì quen thuộc. Hạt ngô là ông Sơng, hạt đậu đen là anh Xnung, hạt bí là cô Thì Đa, hạt đậu xanh là bà Tha Ra...
Bỏ phiếu xong cả làng vào một đêm hội múa lăm thôn, Kông-pông Bếch cũng thế.
Tôi đi qua các xóm lặng lẽ, thanh vắng. Chiếc nhà sàn nhỏ đứng giữa vườn, thanh gỗ bắc thẳng lên gian giữa. Nếu không tinh ý, khó biết đấy là căn nhà mới được dựng lại. Bởi mới mà cũ. Đây là những người bị cưỡng bức đi từ bốn năm trước, giờ trở lại, kiếm mảnh gỗ, đệp lá thốt nốt, chữa lại cái chân thang, lợp khoảng mái nhà dột. Chiếc cầu qua lạch nước vào sân được lắp miếng ván gỗ mới. Có người về không còn nhà, đã đi nhặt nhạnh đâu đấy được chiếc chân kê cột đá, một chum nước, tấm gỗ làm sàn, làm vách.
Nhưng đã rõ ra những tổ ấm của người ở. Có những chú gà con túc tích chạy theo đàn trước cửa. Có trẻ em đánh võng dưới sàn. Thấy khách lạ đi qua, các em nhỏm đầu nhìn ra.
Xã đã vận động các nhà trồng rau đậu và cây chóng được hái. Những khóm chuối đã bén chân, cạnh vết tước bẹ, tàu lá lên xanh tốt, bên cây đu đủ. Những luống khoai nước, khoai riềng đã hay hay mắt.
Trên đường đến trụ sở, tôi được nghe thêm một chuyện về chủ tịch Hiêng. Tối qua, chủ tịch Hiêng sang làng bên dự đám cưới. Có người đến bảo: “Đừng đi, phỉ hẹn về đón đường giết đấy.” Nhưng chủ tịch Hiêng cứ đi đám cưới và sáng sớm đã về trụ sở tiếp chúng tôi.
Chủ tịch Hiêng đến trụ sở trước khách. Anh đã cầm lái đầu máy kéo “Công nông” đỏ chóe đến bờ sông rồi đi sang đò. Dưới bến sau trụ sở, chốc lại có chuyến đò ngang tạt vào. Người bên sông sang bãi xới ngô, người lên trụ sở có công việc.
- Hôm qua chủ tịch Hiêng đi ăn cưới, không sợ phỉ à?
Chủ tịch Hiêng người bé nhỏ, hốc hác. Vẫn bộ quần áo đen lam lũ như mọi người. Nhấc khẩu súng trên lưng xuống, anh cười và trả lời:
- Nó không phải phỉ.
- Thế nó là ai?
- Nó là quân Pôn Pốt còn sót lại.
- Thế nó là phỉ đấy!
Nhưng chủ tịch Hiêng đã cắt nghĩa:
- Cũng không phải phỉ. Có đứa theo Pôn Pốt chạy vào rừng. Chúng nó là người nơi khác, không biết đường, không quen ai. Ngồi trong rừng thì chết đói cho nên phải ra cướp cái ăn. Mình khéo gọi, nó ra với mình.Chúng tôi đã gọi được mấy đám. Bây giờ bận quá, chưa đi gọi nốt được.
Việc tưởng khó mà chủ tịch xã chỉ thấy giản dị có thế.
Trụ sở xã trong vườn xoài, chen giữa các nhà trong xóm. Trẻ em từ trên sàn nhảy xuống sông tắm, đùa cười vang động quanh nhà. Ở đâu có tiếng trẻ cười nói ở đấy có niềm vui. Dưới gầm sàn mấy nhà, những khung cửi dệt bỏ xó đã lâu, mới được lôi ra. Cả những những con cúi đánh sợi chỉ màu, không biết người trong xóm mua ở đâu hay vẫn giấu giếm được.
Một chị để trần lưng, ngồi trên khung cửi cắm cúi đưa thoi. Sợi nâu sáng đỏ nhạt, sợi ngang, sợi dọc, đan qua, đan lại. Chị đứng dệt những tấm vải may xà-rông. Đây là vuông vải váy mầu đầu tiên từ bốn năm nay. Mai kia rộn ràng trên đường làng và các phiên chợ những tấm váy hồng sáng dịu - mầu vốn được ưa chuộng của chị em Khơ-me.
Chủ tịch Hiêng, phó chủ tịch Chúa và đồng chí trưởng công an xã, cùng đi ra đồng. Tất cả đều vác xới như mọi người. Các xóm đang xới cỏ ngô cỏ đậu, vun luống thuốc lá. Ai nấy vẫn chỉ có bộ quần áo đen. Người người mải miết vun đất, san luống, trên lưng khoác súng. Đấy là đội viên đội tự vệ của xã.
Chủ tịch Hiêng đã từ Xtung Treng trở về làng, bây giờ vẫn chưa biết tin vợ con ở đâu, sống hay chết. Phó chủ tịch Chúa, cả nhà đã bị chúng đem cắt tiết, chỉ mình Chúa chạy thoát.
Tôi đã qua nhiều vùng, nhiều cánh đồng, nhưng chưa đâu thấy người ta đông vui như ở cách đồng Kông-pông Bếch. Trên bãi ven xóm, ven làng ngô đã lên xanh.Mọi người mới trở về, ùa ra đồng gieo ngô, không cần biết ruộng xóm nào, nhà nào. Trên cánh đồng, lúa mố trải dài xanh mờ. Không một khoảng bỏ hoang. Cả những miếng bãi thừa thẹo bên lạch nước cũng được đánh luống tra đậu, trồng thuốc lá. Trong đầu xóm, những giàn hóp đã được bắc sẵn như giàn hoa, đợi đưa dưa leo bắt lên.
Đường qua cánh đồng, người lũ lượt đi chợ, tấp nập, đông vui. Những chị đội hũ dầu lạc, hũ mắm, vắt vẻo hai tay, bước thong dong. Rồi người đội rau lang, rau muống, vác bó hom sắn. Người xách lồng có mấy con ngỗng con - ngỗng giống mang về nuôi. Những xe bò chở đồ đất nung. Đủ thứ nồi, hỏa lò, chảo, khuôn bánh, chõ xôi, cái ang, cái vò...
Những chiếc xe bò kéo đôi, bánh lênh khênh, chất đầy đồ đất nung ngất ngư qua nhịp cầu bắc ngang lạch nước, dưới bóng cây me hoa vàng lăn tăn rơi.
Có hai thanh niên lực lưỡng, vác xới đến giơ tay bắt tay tôi và tự giới thiệu:
- Thưa ông, chúng tôi trước ở Phnôm Pênh. Chúng tôi là sinh viên luật trường đại học Phnôm Pênh.
Các cậu ấy cũng đen gắm đen gúi với bộ quần áo đen nhờ nhệch bụi, không cách nào phân biệt được họ với mọi người trong làng, nếu các cậu ấy không nói tiếng Pháp.
Rồi tôi ngờ ngợ, nhớ ra hình như đã gặp một cậu đi đường cầm cái đàn ghi-ta mới. Phải rồi, cậu này. Tôi hỏi:
- Làm thế nào sống được tới hôm nay?
Cả hai người cùng cười, nét mặt bâng khuâng.
- Thưa ông, tôi không hiểu sao nữa. Nhưng tất nhiên, đã bốn năm, hôm nay tôi mới lại dám nói một câu tiếng Pháp. Tôi bị đuổi ra khỏi thành phố, bị vào đội lao động, lên đây làm ruộng. Mấy lần ốm tưởng chết. Anh này cũng giống như tôi. Cái may mắn trời cho là không cấp trên nào biết tông tích chúng tôi. Nếu người ta biết, chắc chết rồi.
Đột nhiên, tôi hỏi:
- Tối hôm qua, các cậu đánh trống phải không?
- Vâng, trống và đàn, và múa hát.
- Đêm nào cũng múa lăm thôn?
- Thưa vâng.
- Thế khi còn Pôn Pốt?
- Không ai dám bước chân khỏi nhà, từ chập tối.
Một cậu nói:
- Thưa ông, tiếng trống vui đêm trên đất nước chúng tôi, quanh năm ở đâu cũng nghe. Tôi được nghe như thế từ thủa bé. Chúng tôi đã lớn lên trong tiếng trống những đêm hội hát “dù kê”. Chỉ có ma quỷ, bọn mất giống người ấy mới cấm tiếng trống mà thôi.
Nhớ tiếng trống múa lăm thôn đầm ấm vòm lên ánh trăng bến nước đêm qua.
Chúng tôi đã về tới trụ sở xã. Dòng sông trắng xóa ngay sau lưng. Người đi nương, ra cánh đồng, người đáp thuyền lên trụ sở có việc. Thuyền sang ngang mà người cứ đứng chong chỏng cả đám. Tiếng cười nói vang vang.Khói thuốc lá um từng đám trên đầu thuyền, từ ngang sông lên trước cửa trụ sở.
Sang sông qua Kông-pông Chàm, tôi ăn sáng với một đơn vị vượt sông của bộ đội giải phóng. Lữ đoàn này, trong cuộc tổng công kích đã bắc cầu cho các đợt qua sông Mê Kông của quân giải phóng vào Kông-pông Chàm tới Phnôm Pênh.
Giặc bỏ Kông-pông Chàm, hốt hoảng chạy hết. Những chiếc giang thuyền nằm chết trên bãi cát, những thuyền buồm bị bắn cháy trơ lườn như bộ xương cá, những hầm hào nham nhở…
Bến phà bộ đội giải phóng vượt sông chiến đấu, bây giờ là bến đợi - đúng nghĩa tên gốc:Kông-pông: bến, Chàm: đợi. Chưa bao giờ như bây giờ, bến đợi người bên này sông sang bên kia sông làm cỏ ngô. Từ sáng sớm đã vun vút sang ngang những thuyền độc mộc đủ loại, thuyền gỗ, thuyền thân thốt nốt bổ đôi, có cả đuôi tôm gắn máy - cơ hồ còn sót lại thứ thuyền gì qua lại được thả tất xuống sông, người đứng đò ngang đông chen vai, tiếng cười nói vang mặt nước.
Chỉ đến lúc trông thấy cái tàu chiến mắc cạn, ống khói nghiêng như bị gió thổi rạp xuống, mới nhớ đây đã từng là mặt trận và trận tấn công chiếm Kông-pông Chàm của quân giải phóng đã phá vỡ tuyến phòng ngự Phnôm Pênh.
Những đám nổi lửa thổi cơm lập lòe mép nước đêm hôm qua, đã xuống bè xuôi về quê từ lúc mờ sáng. Mấy đứa trẻ gầy leo khoeo cởi truồng đứng giữa bè, nhìn lại bến vẫn chỉ thấy một màu hoa phượng đỏ rực và im lặng hoang vắng.
Trên bến thị xã, một đám các cô bộ đội nữ Cam-pu-chia mặc quân phục đương xuống phà.
Cũng trạc tuổi ấy, nếu váy áo đen tuyền, trông ai cũng như ai, con gái cũng như bà già, nhưng đi đã nhiều đường đất, tôi gặp rất ít ông già, bà già. Những kham khổ ròng rã đã làm các cụ chết vãn cả rồi hay sao. Vâng, bà già chống gậy cũng như nhiều nạ dòng, cũng như cô gái mười bảy, nếu cùng trong váy áo lam lũ, ai cũng chỉ một màu xám ngắt giống nhau.
Những cô gái mười bảy hai mươi trong bộ quần áo chiến sĩ thì khác hẳn. Trước nhất, ở đôi mắt ngời sáng. Chiếc mũ lưỡi trai đội nghiêng, hơi làm dáng một chút đấy. Ống tay áo sơ-mi ka-ki xanh nhạt xắn cao, đôi cánh tay đen giòn.
Cô bộ đội đến, chào giơ tay ngang mũ rồi mỉm cười lễ phép hỏi chúng tôi:
- Các đồng chí về Phnôm Pênh hay các đồng chí lên Xiêm Riệp?
- Chúng tôi chỉ đi đến Chơng Prâng.
Cô ấy im lặng.
Rồi nói:
- Tưởng về Phnôm Pênh, cho chúng em đi nhờ xe.
- Đồng chí về Phnôm Pênh?
- Vâng, em về Phnôm Pênh rồi đi Xoài Riêng.
- Đồng chí đi công tác?
- Không. Em đi tìm mẹ em.
Rồi cô kể cô tên là Út, quê ở thị xã Xoài Riêng. Bốn năm trước, cô bị bắt ra khỏi nhà, vào đội lao động nữ, phải lên làm ruộng trên Xiêm Riệp.
Từ đấy, bặt tin gia đình. Em có còn sống? Anh trai đi đâu? Mẹ thế nào? Bọn lính canh tra hỏi có biết chữ không, cô chỉ lắc đầu. Nếu bảo biết chữ chắc chết. Ngày ngày, cô đi chăn bò. Bốn năm chăn bò, ngày mưa cũng như ngày nắng. Không còn biết năm tháng nữa.
Xiêm Riệp được giải phóng. Những người sống sót đều xin theo bộ đội. Cô Út vào bộ đội từ ngày ấy.
Bây giờ Út được đơn vị cho về Xoài Riêng tìm mẹ. Cả mấy cô cùng đi với nhau.
Tôi hỏi:
- Các cô cùng về Phnôm Pênh?
- Vâng.
Tôi không hỏi thêm. Nhưng chắc chắn những cô Ô Pênh, cô Van Na ấy cũng đương đi tìm gia đình. Khắp các con đường trên đất nước đâu cũng ngổn ngang người trở về làng, người đi tìm người nhà.
Đường nắng chang chang, chiếc xe bò lắc lư lăn bánh. Nắng trưa mỗi lúc thu tròn bóng thì trên mặt đường cũng thưa dần. Cây che mát ven đường không còn nữa, xe phải tìm vào tránh nắng trong cửa rừng. Hai gọng càng buộc treo ngang lên, chiếc xe đứng giơ càng thành hai cái ghế ngồi. Cả nhà núp bóng cây ô môi, thổi cơm trưa ăn.
Những chiếc xe và lũ lượt người xúm quanh đi trên những con đường hun hút, thăm thẳm nắng. Hai bên đường, đã lâu không người đi lại, cỏ tranh mọc thành rừng, lởm nhởm quanh vùng cây bị đẽo vỏ khoanh quanh gốc đứng chết khô.
Nhưng không. Chúng không thể đánh chết được cả một dân tộc. Cây thốt nốt cũng như người, không thể chết được. Những cây thốt nốt mà từ thân cây tàu lá, chùm quả và dòng nước ngọt trong thân đều cho cái sống nuôi người. Cây thốt nốt tự nhiên như sự sống của dân tộc Khơ-me dũng cảm.
Khác nào, chúng không thể làm thịt hết trẻ con. Bây giờ lại thấy những em bé chăn trâu, chăn bò, nghe tiếng xe ngoài đường, chạy ào ra giơ tay. Những bàn tay vẫy như gió đưa cành lá non, vượt lên trên sự hủy diệt.
Lại gặp đám cưới. Cứ ra đường lại trông thấy đám cưới. Cả đất nước đang tỏ rõ niềm vui to lớn của đời người bằng những cuộc sum họp lứa đôi. Cái bạt dù che nắng trong gốc cây trước nhà. Những chiếc bàn kê ghép lại. Người chen vai ngồi, ồn ào ăn uống. Ông cụ ôm chiếc trống cơm, mỗi khi vỗ tay vào mặt trống lại nghiêng đầu hất bộ râu trắng lên. Chiếc dây song treo mười sáu cái kẻng đồng, dùi gỗ gõ liên tiếp. Tiếng phách, tiếng trống nổi lên… giàn nhạc plêng-xiêm rộn rã bắt đầu.
Chú rể quấn xà-roỏng màu điều, cổ áo sơ-mi trứng sáo thắt cà vạt hoa vàng. Và, cũng hớn hở chẳng khác đám trẻ thấy xe chạy qua, người trong tiệc cưới đứng lên, mặt đỏ gay, giơ tay vẫy chúng tôi. Ai cũng biết mỗi người đương khẩn trương mỗi việc trên đất nước đương phải làm lại tất cả. Nhưng cứ vẫy, vẫy gọi, vẫy mời. Cái vẫy tỏ niềm vui con người.
Dưới đò bờ sông, thủng thỉnh đi lên hai nhà sư áo vàng. Đi trên đất Chùa Tháp cả mấy hôm rồi cũng không thấy một chỏm chùa, không bóng một tấm áo vàng nhà chùa. Nhưng cũng như vô vàn cây thốt nốt khắp nơi, cũng như tiếng trẻ hồn nhiên lại gặp, tấm áo vàng nhà sư, không biết đây là áo mới hay áo nhà chùa đã cất giấu được trước khi các sư sãi phải tập trung đi lao động khổ sai. Chấm áo vàng, những chấm áo vàng tươi, nhởn nhơ.
Huyện Chơng Prâng giữa ngã ba hai tỉnh Kông-pông Chàm và Kông-pông Chnăng.
Tôi đến với đội công nhân sửa đường đầu làng Pa-thia ra bến Prek-đam. Chúng tôi nghỉ lại đấy. Cơm xong trời vừa tối và trăng đã lại lên. Cữ này đương tuần trăng. Dưới trăng bình yên, tôi được cái thú lang thang trong yên tĩnh, cứ việc dừng lại, ngả lưng dưới ánh trăng.
Trăng sáng mênh mang trong lán cỏ của công trường, trông ra bóng trăng lao xao trên từng chiếc lá. Chốc chốc nghe tiếng xoài rụng, như quả xoài đương lăn ngay ngoài màn. Đom đóm đàn lập lòe phía bờ tre. Anh em nói đằng ấy cũng có cái hố chôn chung. Trên bờ hố còn thấy nhiều áo trẻ con. Người làng cũng không biết trẻ con ở đâu chúng nó đem đến giết chỗ ấy.
Những đàn đom đóm bay, gió lập lòe rập rờn lúc bốc cao, lúc là xuống mặt cỏ.
Đêm càng khuya càng lặng im. Tiếng xe ô tô qua ngoài đường cái đã vãn. Thỉnh thoảng, chỉ còn nghe lạch cạch, vẫn cái bánh xe bò của người trở về quê, có lẽ người ta cố đi đêm cho được quãng đường mát. Thế nhưng ngoài đường cái đầu xóm lại rộn lên tiếng trẻ con cười hát và tiếng gầu nước bờ giếng, người tắm giội nước ào ào... Trẻ con rỡn trăng, người trong xóm ra giếng tắm dưới trăng. Cũng không biết trẻ trong xóm ra đùa chơi hay trẻ con ở những xe bò nghỉ ghé đêm ven đường. Tiếng gàu kéo nước, tiếng tắm gội, tiếng trẻ đùa cười, những tiếng yên lành, tiếng cuộc đời.
Người chơi trăng khuya tới lúc nào mới chịu đi ngủ, lúc nào tiếng kéo nước tắm mới ngớt. Vị rượu thốt nốt ngọt lành lúc nãy vẫn thơm man mác. Tiếng hát, tiếng trống vờn lên, lại có múa lăm thôn ở đâu rồi.
Những nếp nhà mà công trường làm đường đương ở, những cái nhà kỳ quái. Thật không ai rõ là nhà gì, bởi nhà còn đương làm dở dang. Nền nhà còn chưa đắp.Chỉ biết vật liệu làm nhà đều đã bị dỡ từ các nhà trong làng ra. Chiếc cột gỗ được bào lại, vết đục hốc cột cũ còn lồi lõm trên những rui mè, cầu phong. Gạch ngói cũng thế, hòn mới hòn cũ loang lổ vàng khè, đen sạm, khấp khểnh.
Hình như là trại lính, cả huyện Chơng Prâng đã phải về đắp nền, dỡ nhà trong làng ra làm. Người ở công trường kể dạo mới đến, chỗ nào cũng phảng phất mùi thối xác chết, mà không rõ ở đâu.
Ruồi nhặng ghê gớm, kinh khiếp. Nhiều không biết cơ man nào, khắp nước rùng rợn ruồi nhặng. Nhiều đến vốc tay được. Quanh bữa ăn, nhặng vù vù đen ngòm, xanh lè từng đám đậu vào bát đĩa, vào mặt. Chớp mắt, nhấp nháy, ruồi tưởng mồi động đậy, đậu cả vào mắt, rồi ruồi đuổi theo đũa, chui vào miệng.
Phải ăn cơm ở đầu nhà và chập tối mới dám dọn. Nhưng ruồi nhặng ở đây cũng không biết sợ bóng tối. Đầu tiên, mọi người còn xua xua, sau, xua không xuể, mà ăn càng dềnh dàng, nhặng càng kéo đến nhiều, đành chỉ có cách ăn nhanh. Có hôm đã phải tính ăn cơm lúc trời tối hẳn. Nhưng anh em bảo ăn lúc nào nó cũng đến. Tôi không tin. Rồi quả nhiên, bữa cơm đầu tiên, tôi thấy nhặng bay trong bóng tối, nghe vù vù rồi cứ từng nắm, lép nhép bay vào mặt, vào miệng...
Công trường làm đường này thật bồng bột trong quang cảnh dữ dội đặc biệt thế. Những khuôn mặt nắng cháy. Người trong làng cũng hăng hái ra làm giúp. Người quảy đất, người máy ủi, máy xúc, người trồng cỏ dưới nắng lửa táp.
Quãng đường này, từ Kông-pông Chàm về Phnôm Pênh bị đứt ba ki-lô-mét trong trận lụt lớn mùa thu năm ngoái.
Cam-pu-chia - Việt Nam xa-ma-ki chay-dô! Cam-pu-chia - Việt Nam đoàn kết muôn năm! Các bạn Khơ-me ai cũng nói câu ấy, ai cũng thuộc, tôi cũng thuộc.
Chủ tịch xã Xang Xôm cũng lên công trường, có sức lực của người xã Pa-thi góp vào đội tự vệ, anh Út, anh Chít, anh Sâng, anh Chàng mà tôi làm quen từ hôm mới đến cũng có mặt. Mọi người, vai quảy cỏ, vai vẫn khoác súng như mọi khi. Trên lưng đê, những chiếc xe ủi lăn rầm rầm. Người trong làng, cả trẻ con cũng kéo ra xem máy làm. Có những đứa đứng nhìn trong bóng mát cây ô môi. Có đứa thích quá, chạy ràn rạt theo xe lăn trên đê nắng.
Chợ ở đầu xóm mỗi lúc một đông. Cái chợ như người ốm vừa được vực lại, còn xào xạc, nhưng đã ra cái chợ. Các chị bắc bếp nướng chuối, rán chuối. Người bán mớ cá và những bó măng chua. Một khay mật thốt nốt trắng sùi bọt. Có người bày trên mảnh lá buông, những chiếc gương soi, con chỉ đỏ và kim băng. Cả những cái chũm, cái nơm bắt cá, chiếc chảo đất, cái hũ đựng nước cũng được để ra dọc đường cái. Một bà có tuổi, váy đen bạc, trải miếng ni-lông đặt các thứ hành hẹ, thịt lợn, xoong nước dùng, bánh phở và rá, húng dổi. Biết ngay đấy quán hủ tiếu. Khói lên ngào ngạt thơm mùi nước dùng và mùi chuối rán.
Người trên đường tạt vào ngồi làm bát hủ tiếu. Có người bước tới, tay xách cái xoong mới. Có người đặt xuống cạnh mình những hom sắn và bộ lưới vừa mua được. Cả góc chợ xúm lại hỏi mua lưới ở đâu, lấy hom sắn ở đâu.
Chợ thị xã Kông-pông Chàm, chợ ngã ba Xuông, ngã ba Kông-pông Thom, chợ cây số 6 Phnôm Pênh hay chợ trên bến Niếc Lương, đâu cũng như vậy, còn phờ phạc, nhưng vui.
° °
Đêm sáng trăng, trẻ con ra đường chơi đến tận khuya. Người kéo nước giếng tắm rào rào mãi khuya còn nghe. Có lúc, một quả xoài rơi ngay ngoài liếp, tôi chợt thức. Không biết lúc ấy mấy giờ, ánh trăng trong leo lẻo. Nhìn ra cánh đồng đương đợi mưa để lấy nước cày, đồng trăng mênh mông, bóng cây thốt nốt ban đêm trông càng rõ, như những chiếc dù che.
Tiếng gà gáy xa xa. Gà gáy nửa đêm hay gà gáy sáng. Tiếng gà đối đáp xôn xao dần lên. Lắng nghe đâu có tiếng mõ tụng kinh chùa nào cúng sớm thế, khuya thế. Hay mõ cúng ông Tà - hòn đá thần tài - trước cửa mỗi nhà. Chủ đã trở lại, người ta cúng cho ông Tà được biết đường trở về.
Tô Hoài
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ngôi nhà rường bản Trăng Tác phẩm Ngôi nhà rường bản Trăng của nhà văn Cao Chiến vừa được trao Giải nhì Cuộc thi Truyện ngắn hay năm 202...