Làng xóm Việt Nam 5
Đám rước mục đồng ở làng Phong Lệ
Đây chỉ là một đám rước của mục đồng, nhưng đám rước này lại liên quan tới cả xã Phong Lệ, tỉnh Quảng Nam. Đám rước này chính cũng là một hình thức của Hội làng nêu lên một sắc thái hội làng với nét độc đáo riêng. Tuy tác giả đem tục rước mục đồng đặt trong khuôn khổ một truyện ngắn, nhưng những nét chính của tục rước mục đồng đã được nêu lên đầy đủ, và đọc qua bài này, ai nấy đều có thể hiểu rõ đám rước này.
Nông về nhà thì trời đã chạng vạng. Lùa trâu vào chuồng và gài khổng 4 xong, hắn đi ngay vào bếp như thường lệ.
Cả nhà vừa ăn cơm xong, chị bếp đang vén tém mấy đĩa thức ăn thừa trước khi bày ra mâm để bữa cơm của chị và hắn ở xó bếp này xem đỡ phần bạc bẻo.
Chị gọi hắn: "Chú Nông vô ăn cơm rồi có đi làm việc láng"!
Hắn mỉm cười náo nức nghĩ đến ngày mai, ngày vui nhất của giới chăn trâu, phải đợi ba năm mới xảy ra một lần cho bọn làm nghề hạ tiện này. Không giấu được niềm vui, hắn khoe: "Chị Ba hợ, 5 năm nay tui làm Trùm phụ 6 khỏi phải cầm cờ như kỳ năm Dậu, gớm! có gì đâu mà cái cắn nắm tràm cả tay, lại thêm gió cứ vật mình ngã oành oạch như vật nhái, đứa nào đủ sức cầm cờ được ba lần hát mục đồng thì về già qua Giáng Động dự hát vật nhất định sẽ ăn giải". 7
Chị Ba nói sau tiếng cười: Giải gì thì còn ham chớ giải hát vật ai có khôn cũng xin vái! Hơn được, chẳng thấy no béo gì, còn rủi ro có thua thì là hết một đời! Chú không nghe nói hễ ai thua thì về nhà đau chết liền hay sao?".
Hắn mỉm cười không đáp. Điều này hắn cũng có nghe người ta đồn nhiều nhưng hắn còn nửa tin nửa ngờ. Hắn thầm nghĩ: "Ừ, thì năm Dậu ấy quả có ông Biện Lương bị thua vật rồi sau đó qua đời thật, nhưng nghe nói năm ấy trước khi vật, ông bị phát bệnh thình lình song sợ bỏ cuộc đấu thì làng bắt vạ nên phải ráng ra dự cuộc đấu, vậy chắc gì ông ta không chết vì bệnh hành! Với lại ông ta đã già, gân sức yếu ớt nên vật thua, nội dự keo vật cũng đủ đáng "gần đất xa trời" rồi, huống hồ về nhà nghe người ta nói ra nói vào, con cháu cằn nhằn cưởi nhưởi nữa, riêng chuyện lo sợ cũng đủ chết rồi".
Gà trong xóm mới gáy lượt đầu, đình Thần Nông đã đông đặc người ta. Tất cả hào lý đều tề tựu đông đủ, không ai muốn thần thấy họ lơ là với vị thần đỡ đầu cho hoa màu đất ruộng của họ.
Về phía mục đồng, anh nào anh nấy đều trong ngoài hai mươi tuổi, mặt mày rám nắng sạn đen. Đằng sau những chiếc áo dài đi mượn, các bắp thịt cuồn cuộn của họ như muốn phá lớp vải cũ kỹ để chui ra ngoài, tìm lại màu trời, ánh nắng quen thuộc của chúng. Nhắm chừng mọi người đã tập trung đông đủ ông Xã Mộc giữ chức Trùm mục, cất tiếng gọi to:
Mấy ông Trùm chỉ, 8 thường chỉ lo phần trật tự. Trùm phụ đâu? Sắp hàng mục đồng lại thử coi? Năm nay có hai mươi sáu lá cờ tư đó, lựa người cầm cho tử tế nghe! Kiếm riêng năm mươi hai đứa thiệt mạnh để lo cái khoản đó!
Nông và Tí trọn dạ to một tiếng. Hai đứa chúm chím cười nhìn nhau. Lần đầu tiên, một vị hào mục trong làng gọi đến chúng một cách trang trọng như vậy. Chúng lúng túng trong bộ áo đen khăn xếp chạy tới chạy lui để dắt người này lên, kéo kẻ kia xuống. Bọn mục đồng nhao nhao như một buổi chợ đang đông. Anh nào cũng tưởng mình cao hơn bạn nên rất bất bình khi bị kéo xuống đưa lên, đổi chỗ đứng trong hàng.
Trong đình Thần Nông, đèn đuốc sáng như ban ngày, hương trầm bốc khói nghi ngút. Phía trước điện thờ, một cỗ kiệu hai đòn khiêng, giăng hoa kết lá trông rất đẹp. Đó là công trình của hai anh thợ trong Vĩnh Điện, được làng mời ra từ ba hôm nay để lo phần trang hoàng cỗ kiệu thần.
Ba hồi chiêng trống vang lên. Tiếng ồn ào ngớt dần dần rồi im phăng phắc. Thỉnh thoảng mới vang ra vài tiếng nói nghèn nghẹn của mấy ông già không kèm nổi cơn ho. Vị trùm mục đứng trước điện thờ lâm râm khấn vái. Sau lưng ông, bốn mục đồng giữ phần khiêng kiệu khăn áo chỉnh tề như trình diện với Thần. Khi Trùm mục lui ra, hai viên Trùm chỉ và Trùm phụ vào làm lễ, tiếp đến những mục đồng khiêng kiệu. Lại một hồi chiêng và trống, vị Trùm mục tiến lên thỉnh bài vị ở điện thờ cung kính nâng ngang mày, quì xuống đặt vào trong kiệu rước. Trùm chỉ và Trùm phụ duyệt lại hàng ngũ mục đồng. Ba bên bốn bè, cờ xí giăng giăng.
Chiếc kiệu được chuyển ra sân đình. Lại một hồi chiêng trống nữa. Toàn thể mục đồng hướng vào điện thần, chắp tay xá ba cái. Một hồi sênh nổi lên, báo hiệu đám rước khởi hành.
Toán mục đồng cầm đuốc và vác lễ kỳ của làng đi trước, kế đến là kiệu thần và chiêng trống, sau nữa là phường bát âm và cờ xí của tư nhân.
Đoàn rước lặng lẽ băng qua cánh đồng. Thỉnh thoảng vài tiếng sênh lắc cắc nhắc đoàn người rước thần giữ không khí trang nghiêm. Nông và Tí trọc chạy tới chạy lui nhắc bảo sơ sài cho có lệ. Trong ánh trăng lờ mờ của đêm tàn, trong làng chỉ mới có một ít người lớn thức giấc, đứng ở ven xóm nhìn ra. Xa xa, vài tiếng chó sủa bâng quơ.
Đến cồn Thần thì đã cuối giờ Sửu. Trăng đã mờ hẳn. Ánh sao hôm còn lấp lánh chân trời. Phía trước tảng đá trắng giữa cồn, nơi mà dân làng tin là chỗ Thần giáng ba năm một lần, ở đấy đã được trải sẵn một chiếc chiếu hoa sặc sỡ, còn thơm mùi mới. Nông nhìn tảng đá trơn láng, bất giác cảm thấy rờn rợn. Ngày thường thả trâu ăn tại đây, hắn ngồi chơi hàng giờ trên tảng đá ấy mà vẫn dửng dưng xem thường, giờ đây, nhìn vẻ kính cẩn của vị Trùm mục, thêm vào đó không khí im lặng của toàn thể mục đồng, Nông thấy tảng đá như có một linh hồn huyền bí.
Chiếc kiệu rước Thần hạ xuống bên tảng đá từ nãy. Trên chiếc chiếu hoa, vị Trùm mục đang khấn lâm râm. Hình ảnh bóng đen quì khấn giữa hai ánh đuốc bập bùng khiến Nông thấy rờn rợn.
Một chặp sau, Trùm mục đứng thẳng dậy hân hoan nâng chiếc đĩa, bên trong có hai đồng tiền, một sấp một ngửa, đưa ra cho vòng người đứng quanh xem qua rồi nói thấp giọng:
Ngài đã giáng.
Một hồi sênh lại nổi lên. Trùm chỉ và Trùm phụ chạy tới chạy lui sắp xếp lại hàng ngũ. Sau ba hồi chiêng trống, tiếp theo là một loạt trống cơm, rồi đến phường bát âm trong khúc nhạc mừng. Nghi lễ này cũng báo hiệu cho dân làng biết giờ rước Thần đã đến. Gõ ba tiếng sênh làm hiệu, vị Trùm mục dõng dạc xướng lớn:
"Chúng mục đồng Phong Lệ ta! Xin cho tốt lúa, tốt gieo! Vũ thuận phòng điều, 9 đồng reo một tiếng!". Đám mục đồng hợp thanh reo to: "Giá h. ạ..ạ ạ... ! Giá hạ, ạ.ạ...ạ?" 10 Tiếng reo như kéo dài mãi không fứt người này hô chưa dứt, người khác đã nối hơi theo. Cùng với tiếng reo, đoàn mục đồng cầm cờ nối đuôi nhau chạy theo vị Trùm mục quanh đi lộn lại chung quanh cồn Thần. Tiếng sênh vang đến đâu đám đông kính cẩn giạt ra đến đấy. Những cây cờ của tư nhân, chủ cờ không chịu để cờ mình thiếu bất cứ màu nào, bất chấp cả mỹ thuật, khiến hàng trăm màu phất phơ lồng lộn như những con vật dị kỳ oằn oại trong ánh sáng lờ mờ. Khi đoàn cờ dừng lại theo hiệu lệnh của Trùm mục thì đám mục đồng đã mướt mồ hôi, tuy trời vẫn còn lạnh sương đêm.
Trên cánh đồng trơ trụi, người bốn phía xóm đổ ra mỗi lúc một thêm đông đảo. Nông bắt đầu thấy lo ngại.
Chân trời ửng sáng lờ mờ. Mấy bó đuốc vác theo dự trữ cũng đã tàn gần hết. Tí trọc chạy lại dẹp lũ trẻ đang lấn chen, làn roi mây cứ vun vút.
Tiếng trống tiếng chiêng mỗi lúc càng thêm lôi cuốn. Âm nhạc dặt dìu như những lời mời mọc. Lũ trẻ cố chen lấn để được thấy tận mặt bọn nhạc công cùng các thứ nhạc khí lạ mắt, chúng bất chấp những làn roi hung hăng của Tí trọc, có đứa còn lom khom chui xuống dưới kiệu thần để xê dịch theo đoàn rước. Nông không ngớt xô làn sóng người, cứ ngăn được chỗ này thì chỗ khác lại tràn tới. Gặp những người quen, Nông chỉ kịp chào vội bằng một nụ cười với nét mặt nhễ nhại mồ hôi, rồi tíu tít đi làm phận sự.
Đoàn rước tuy gồm toàn là những mục đồng vạm vỡ nhưng cũng phải cố gắng hết sức mới giữ được hàng ngũ xê dịch của mình. Trời đã hừng sáng. Đoàn rước đi từ từ. Tiếng chiêng tiếng trống, tiếng reo hò "Giá hạ" thứ âm thanh hỗn tạp. Thỉnh thoảng một vài đứa trẻ bị chèn ép, khóc vang lên lâu lâu lại có mấy tiếng đàn bà gọi con ơi ới...
Mặt trời đã lăn quá nửa ngọn tre. Ánh nắng hơi gắt, mùi hơi người bốc ra rất khó thở. Gió như bị người ta ngăn lại, giận dữ vượt thoát lên cao, hung hăng trút căm hờn vào những lá cờ sặc sỡ, vật nhau nghe phành phạch trên không trung làm mấy chú mục đồng phải mắm miệng, chung nhau hai người một cây, gồng các bắp thịt rắn chắc mới kềm nổi thế cầm cho vững chắc. Đặc biệt trong đám rước này, lệ quen là các tư nhân có ruộng đất nhiều hay những người làm ăn khá giả đi xa làng, ngoài việc gửi tiền về lo cúng tế, họ còn đua nhau làm những lá cờ rất to, bất kể kích thước, mỗi lá cờ là một tờ trình về sự giàu có của họ nên chẳng ai chịu thua ai. Cờ phần nhiều may mắn bằng nỉ màu lại còn đính thêm những hình nhân tượng trưng cho nông nghiệp như người đi cày với con trâu, đôi ba người đập đất, đi cày... chẳng hạn, ngoài ra người ta còn thi nhau cả trong việc làm cán cờ cho đáng giá, thành thử toàn thể lá cờ hết sức nặng nề.
Qua khỏi cánh đồng, đoàn rước chỉ còn phải đi một đoạn đường công hương nữa là về đến đình.
Đám rước đi vào cổng đình, Nông và Tí trọc phải nhờ thêm hai mục đồng nữa phụ lực mới xô nổi đám trẻ bu hai bên cổng. Sân đình kín mít người ta. Đây toàn là những người đội lễ vật đến cúng nên ai nấy đều khăn đóng áo dài tề chỉnh cả. Tuy không bảo nhau nhưng bọn mục đồng cũng cảm thấy hãnh diện khi cả làng đều tỏ ra tôn trọng ngày lễ đặc biệt của chúng.
Mà thật thế, lễ rước mục đồng này là một lễ rất quan trọng. Dù cho đó là quan to chức lớn đi chăng nữa khi gặp đám rước cũng phải tránh ra một bên để cho đám nước đi chứ không thể nghênh ngang hống hách được. Phép vua còn thua lệ làng là vậy. Những vị quan hay vợ quan nếu ra cái điều mình "phụ mẫu chi dân" lên tiếng nạt nộ, thì bọn mục đồng có thể nổi xung lên mà ăn thua đủ, chẳng coi vào đâu hết. Cho nên, ai tới làm quan ở vùng này cũng đều phải tôn trọng cuộc lễ của đám người nghèo mạt. Quanh năm cơ cực, chỉ được có một ngày sướng, thì họ phải hưởng cho đã đời, vì mai lại đầu tắt mặt tối vì công việc.
Đoàn rước dừng lại trong sân đình. Người ta chỉ giạt ra vừa đủ chỗ đặt cái kiệu. Phải khó khăn lắm Nông mới đón được chỗ đứng cho đoàn. Giao việc cho Tí trọc Nông đi ra sau đình. Suốt buổi mai hò hét, hắn thấy khô cổ quá. Vục đầu vào gáo nước lạnh hắn ngước mắt nhìn trộm về phía nhà dọn: hàng trăm mâm xôi nho nhỏ bày la liệt trên mấy bộ ván phần lớn còn bốc hơi nghi ngút, mỗi mâm lại còn kèm theo một con gà luộc. Nông chợt có ý nghĩa khôi hài mộc mạc: cả một lũ gà trụi lông đang ấp trứng trong ổ! Hắn thấy dẹp mớ nước miếng ứa ra trong miệng lúc này có phần khó hơn là dẹp đám người tràn vào hàng ngũ đám rước khi sáng. Cả đời chăn trâu của bọn Nông, chỉ có dịp này người ta mới dành những Phần ngon lành cho bọn chúng không phải vì lý do thừa thãi.
Toán người phục vụ cho buổi lễ đang lăng xăng mang những tế phẩm đặt lên bệ thờ. Bọn chăn trâu thích thú thấy mình được làm "sự chủ" trong khi những nhà tai mắt lại phải lui tới lăng xăng.
Các chú mục đồng biết giá trị của mình ngày hôm nay nên không nói cười thô tục như thường bữa. Tí trọc và Nông thì thụp lạy trước bàn thờ làm lễ cáo với Thần nhiệm vụ mình đã chấm dứt.
Trên các bệ thờ đã tràn ngập xôi với gà! Từ trước đến nay, vị thần này ứng mộng không cho phép cúng heo hay trâu bò, vì vậy sau khi cúng, "lộc thần" không bị tản mát một cách hợp pháp vào các cửa đàn anh trong làng. Điều này có làm cho các vị tiên chỉ, thứ chỉ trong làng hơi buồn đôi chút.
Vị Trùm mục bái tất xong. Các mâm tế phẩm nhất tề bị triệt hạ.
Nông nhìn các bạn, lòng rộn lên một nỗi vui mừng, nhưng khi trông ra thềm, thấy bóng mặt trời đã xế chiều, hắn không nén được tiếng thở dài chua xót. Sau bữa tiệc thịnh soạn này, bọn chăn trâu như hắn lại trở về làm bạn với con vật lừ đừ hôi hám, cuộc sống quanh năm chỉ luẩn quẩn ăn uống nơi xó bếp rồi nghỉ ngơi ở chái chuồng trâu...
Ba gian đình được trải chiếu kín cả trong lẫn ngoài. Từng nhóm mục đồng ăn uống nói cười vui vẻ. Ở gian giữa các vị đàn anh trong làng, tuy ngồi trước rượu thịt ê hề nhưng họ không dám nhậu nhẹt tự nhiên đầy thẩm quyền như trong các ngày lễ khác, ai nấy cảm thấy như mình đã xâm phạm quyền lợi của mục đồng. Ngày hôm nay, theo tục lệ của làng, chỉ có bọn mục đồng là có quyền "ăn nói" ở đây, chữ "ăn nói" được hiểu rất sát theo nghĩa đen, rất là "mục đồng".
Hội xã Long Sơn
Xã Long Sơn thuộc quận Tân Châu tỉnh Châu Đốc (An Giang) đã có song song từ lâu hai tục lệ đặc biệt:
Ông lên
Du hồ, chưng cộ bát tiên.
A. Tục ông lên.
Hàng năm cứ đến ngày 15, 16 tháng giêng âm lịch, mấy người xác ở đây được các anh hồn, hiển thánh của: Lào Ỳa, Quan công, Quan Bình, Châu Xương nhập vào, thương ngồi nghinh oai vệ trên kiệu biểu diễn từ chùa ông Lào Ỳa lên tận Châu Thành Tân Châu. Ông thì nằm bàn chông, ông thì xỏ xiên quay ngang miệng, ông ngồi trên hai lưỡi gươm bén kê ngang ghế dựa. Mấy ông ấy đều mặc đồng phục bằng vải tây đỏ, đôi mắt lúc nào cũng lờ đờ xa trông dường như đã thoát tục.
Với một sức tin tưởng vô biên các vị thiêng liêng, đồng bào ở chợ Tân Châu đều đặt hương án trước nhà như long trọng tiếp rước các vị vua chúa hay các công thần thời xưa. Mùi trầm hương nghi ngút làm cho mấy ông lên hăng say xuống kiện, cầm gương lịnh nhảy múa theo tiếng trống tung tung... Qua những bàn hương án các vị này ngưng lại, lấy gươm rọc lưỡi, máu tuôn xối xả, thị dân trịnh trọng lấy giấy vàng đưa cho người thấm vào máu để làm bùa hộ mạng từ đầu năm đến cuối năm (có người cho rằng máu của ông lên, ruồi lằng không dám bu vào).
Sau cuộc phát bùa máu, mấy vị ông lên còn dừng lại chùa Ông ở chợ Tân Châu để qua hai kỳ thí nghiệm: di hỏa thang và tắm dầu phộng sôi, ngõ hầu tỏ cho đồng bào biết là ông lên thật.
Người địa phương quan niệm rằng cái tục Ông lên là cuộc tảo thanh lũ tà ma yêu quái thường nhiễu hại dân ở đây, cũng như chánh phủ thanh trừng bọn tham quan ô lại vậy. Và thường năm phải thi hành đều đều như vậy mới tránh được bệnh trời tức là bệnh thổ tả.
B. Lệ du hồ, chung cộ bát tiên
Đồng thời với cái tục Ông lên, người xã Long Sơn còn cái lệ bất di bất dịch là du hồ chưng cộ bát tiên. Được thế là nhờ nền kinh tế ở đây thật dồi dào và sự đoàn kết chặt chẽ của đồng bào. Hơn nữa là xóm huyện đã đào tạo được nhiều tay thờ chuyên bong ghe du hồ và xây hòn non bộ chưng cộ rất khéo. Để phụ họa và cái lệ đặc biệt này, họ còn tổ chức một giàn trống xuất sắc gọi trống Tiều.
Sau cả tuần lễ chuẩn bị xong các nghi thức cuộc giải trí, đến chiều ngày 15 tháng giêng âm lịch, giàn Trống Tiều bắt đầu nổi lên vang dội khắp miền quê làm cho các ngành sinh hoạt đều ngưng hẳn. Mọi người đều nô nức sửa soạn những bộ đồ vía để đón tiếp một thú tiêu khiển hiếm có sau ngày tân xuân. Bởi vậy người ta cho lệ du hồ chưng cộ này là ngày Tết thứ nhì của quận Tân Châu.
Khi mặt trời sắp chen lặn thì cùng lúc chị Hằng Nga từ từ vén màn ngó xuống chốn trần gian. Ngọn gió nhẹ nhàng lướt qua mặt nước nhấp nhô những làn sóng bạc. Trên lòng rạch Cái Vừng vượt lên năm bảy con thuyền bong rất mỹ thuật. Các ngọn hoa đăng sáng ánh một vùng, xa trông như một thành nổi. Đồng thời trên bộ tiến lên năm, mười chiếc cộ. Một chiếc cộ một hòn non bộ mà trên đó ngất nghểu một vị Bát tiên, người xem lầm tưởng là cảnh non bồng.
Thật không có chi ngoạn mục cho bằng: trên sông Tiền hiện lên đàn ghe du hồ, trên bộ thì đàn cộ đèn nối đuôi nhau từ từ tiến lên quận lỵ giữa biển người hòa với tiếng trống Tiều inh ỏi dường như đoàn quân chiến thắng vẻ vang đang ồ ạt vào khải hoàn môn trong tiếng hoan hô nhiệt liệt của toàn dân.
Lễ vía bà tại xã Vĩnh Tế
Làng Vĩnh Tế thuộc quận Châu Phú, tỉnh Châu Đốc (An Giang), là một làng rộng lớn, dân cư trù phú. Làng ở chân núi Sam, tên chữ gọi Vĩnh Tế sơn. Núi Sam là một ngọn núi khá cao ở cách tỉnh lỵ Châu Đốc năm cây số, trên con đường Châu Đốc đi Tịnh Biên.
Ở chân núi Sam, về mé bên kia đường có miếu bà Chúa Xứ, xây lưng ra mặt đường, và mặt tiền nhìn xuống ruộng, hướng Đông Bắc.
Trong miếu có thờ một thần tượng cao 1 thước 25 nặng hơn một tấn.
Theo những lời truyền khẩu thì miếu này xây vào khoảng năm 1825 và sự tích bà Chúa Xứ như sau:
Trước kia trên đỉnh núi Sam có một pho tượng cổ từ đệ lục đệ thất thết kỷ, tọa ngự trên một bệ đá xanh, đó là tượng Bà.
Tục truyền rằng, cách đây chừng 140 năm, quân Xiêm xâm lấn nước ta, gặp tượng Bà, định đem về nước làm quốc bảo.
"Chúng đã cạy tượng Bà lên khỏi bệ đá xanh, và định khiêng xuống núi, nhưng dầu bao nhiêu người, chúng cũng không khiêng nổi, tượng linh có sức nặng vô cùng.
Chúng tức giận dùng súng đồng bắn tương Bà gãy một cánh tay. Thủ phạm bị trừng phạt, hộc máu chết tại chỗ.
"Không khiêng được tượng, chúng đành về nước, bỏ tượng Bà ở giữa núi rừng lặng lẽ hoang vu". Sau người Việt Nam ta tìm thấy tượng, có ý cung kính thờ phụng, định dời đi nơi khác lập miếu khói hương, nhưng với bao nhiêu người lực lượng cũng không khiêng nổi.
Mọi người lấy làm bối rối, thì Bà nhập đồng cho biết Bà là bà Chúa Xứ và dạy phải chọn chín cô trinh nữ, tắm gội sạch sẽ lên đỉnh núi cao rước Bà về.
"Linh hiển thay, các cô đồng nữ đặt tay vào khiêng tượng nhẹ nhàng, đi không mệt nhọc rồi đến một nơi, tượng trì lại không khiêng nổi nữa, đành phải hạ tượng Bà tại đó.
Các bô lão cho rằng Bà muốn ở đó, nên lập miếu Bà ở chân núi Sam hiện nay. Miếu lá dung lên bắt đầu từ đó" 11
Miếu là về sau được dân làng kiến trúc miếu ngói thay thế, rộng rãi và đẹp đẽ.
"Tại miếu Bà, ngày đêm nhang đèn nghi ngút.
"Ngày đêm thường có người đến lễ bái, chiêm ngưỡng nhất là xin xâm.
"Lễ Vía Bà nhằm ngày 25 tháng tư âm lịch mỗi năm.
"Cuộc lễ thường kéo dài trong ba ngày (24, 25, 26 tháng tư)
"Trong ngày lễ, thiện nam tín nữ bốn phương tề tựu về đông đảo. Dân chúng từ Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ cho đến Sài Gòn, Mỹ Tho v.v... cũng tựu về.
"Cảnh núi Sam bỗng trở nên náo nhiệt. Cây chen đá, lá chen hoa, đang ngủ say trong cảnh tĩnh mạch, bỗng dưng bừng mắt dậy. Rộn rịp! 12
Trên đây là bốn hội làng đơn cử ra với mỗi nơi một sắc thái riêng biệt qua các địa phương từ Bắc vào đến Trung, Nam. Rất tiếc không thể trình bày thêm nhiều hội làng khác trong khuôn khổ tập sách này. Một dịp khác, soạn giả sẽ mong được trình bày về nhiều hội làng hơn với các hèm của chư thần qua các thần tích với nhiều điều thật là đặc biệt của nhiều địa phương.
Chú thích:
Bàng Bá Lân. Miền Nam | |
Phan Kế Bính. - Việt Nam Phong tục | |
Sự thật tục lệ thả diều có ở rất nhiều nơi, thí dụ như Vũ Dương, Bắc Ninh. Xin xem bài Chơi diều trong Phong lưu đồng ruộng của soạn giả T.A. | |
Khổng: tiếng miền Trung gọi cổng chuồng trâu. | |
Hợ: trợ ngữ từ tương đương tiếng Này của miền Bắc, tiếng À miền Nam. | |
Trùm phụ: chức phụ tá cho Trùm chỉ trong việc giữ trật tự đám rước mục đồng. | |
Hát Vật: Song song với lễ mục đồng ở Phong Lệ (một xã ở tỉnh Quảng Nam) làng bên cạnh là Giáng Động có tục đấu vật, đô vật chỉ chọn những ông già năm sáu mươi tuổi. | |
Trùng chỉ: người chỉ huy cuộc rước thần. | |
Vũ Thuận Phong Điều:mưa thuậ gió hòa. | |
Giá Hạ: xe giá xuống. Ý nói Thần Nông cưỡi xe giá từ trên trời đã xuống. Lời reo này tỏ ý mừng đón Thần | |
Thần liên Lê Văn Tất. - Sự tích miếu Bà núi Sam. - Nhà xuất bản Phong Vân Châu Đốc, 1960 | |
Thần liên Lê Văn Tất. - Sách đã dẫn |
Tết làng
Sơ lược
Xuân là của cả muôn người, và xuân đến với Tết, nên Xuân đâu người ta cũng đón Tết lúc xuân sang, nhưng phong vị Tết mỗi nơi một khác. Nếu ở thành thị, Tết đến với sự xa hoa xán lạn, với cảnh nhộn nhịp tưng bừng, thì ở làng quê Tết đến một cách êm ái thắm dịu hơn.
Và Tết đến, tục lệ hàng năm cũng trở lại với mọi người. Có Tết là có bánh chưng xanh, có vại dưa hành có câu đối đỏ, có chè lam, có ngũ vị, có cành đào, có hoa cúc, có cây nêu, có tam cúc...
Tết về nhớ bánh chưng xanh,
Nhớ tràng pháo chuột nhớ tranh lợn gà.
Nhớ cành đào thắm đầy hoa
Nhớ giây phút đợi giao thừa nghiêm trang.
Nhớ ngũ vị, nhớ chè lam,
Nhớ cây nêu, nhớ khánh vang tiếng sành.
Nhớ tam cúc tẹt, nhớ... mình!
Nhớ cân mứt lạc, nhớ khoanh giò bì.. 1
Mấy câu thơ trên của thi sĩ Bàng Bá Lân đã gợi lại biết bao hình ảnh Tết làng quê nơi đất Bắc, những hình ảnh này so với Tết làng quê miền Trung, miền Nam, tuy có khác nhưng đó chỉ là đại đồng tiểu dị.
Người Việt Nam ở đâu thì cũng vẫn những phong tục ấy, nhất là những phong tục liên quan về xuân và Tết, thì ngàn xưa tới nay, từ miền Bắc qua các miền Trung, miền Nam không bao giờ thay đổi.
Vẫn sửa soạn hân hoan đón Tết xứng đáng với vẻ tưng bừng của ngày xuân mới, rồi giây phút thiêng liêng của một năm mới đến với lễ giao thừa.
Và trước đó, nào sắm Tết, nào đi chợ Tết, nào bán hàng Tết, nào lo quần áo Tết, lo câu đối Tết, và nhất là lo tranh, pháo Tết cho con trẻ. Người ta bận rộn cho đến ba mươi Tết, và ngày hôm nay người ta càng bận rộn hơn vì còn phải lau quét lại bàn thờ lần chót, trước khi cúng mời các cụ về hưởng Tết.
Trước Tết và sau Tết, có bao nhiêu tục lệ đã chi phối đời sống người dân quê, và những tục lệ này đều được mọi người cố công gìn giữ tuân theo dù trong hoàn cảnh nào.
Những sửa soạn trước tết
Tết đến sau ngày ba mươi tháng chạp, nhưng ở nhà quê ngay từ đầu tháng này người ta đã thấy cái không khí của Tết.
Mọi người đã nghĩ đến những hàng Tết và những phiên chợ Tết. Những phiên chợ của tháng cuối năm này như nhộn nhịp hơn với hàng lá dong để gói bánh chưng, với hàng bánh ngũ sắc, hàng đường, hàng mật nhiều hơn những phiên chợ quanh năm. Rồi ngày Tết càng gần đến, chợ làng càng tấp nập và thêm nhiều hàng mới: hàng tranh pháo, hàng bánh chưng, hàng hoa tươi, hàng đồ mã với mũ ông công và đặc biệt nhất là hàng ông đồ bán chữ...
Ngày Tết càng gần, cảnh chợ Tết càng tưng bừng.
Đây là những ngày người ta sửa soạn Tết và người ta nghĩ đến bổn phận của mọi người trong ngày Tết.
Người ta đong sẵn gạo nếp để gói bánh chưng, người ta mua sẵn lá dong mang về hoặc đem luộc rồi quấn vào các cột nhà, hoặc cứ để nguyên để khi gói bánh có được màu xanh của lá.
Người ta mua vàng hương để ngày Tết cúng tổ tiên, và những người thuộc ngành thứ phải mua đồ lễ trong đó có vàng hương để gần Tết tới nhà gia trưởng.
Bố mẹ phải lo Tết thầy học cho con. Các con bệnh cũng phải sắm cái gì để biếu Tết ông lang.
Lại bánh mứt ngày Tết, mỗi thứ mua sẵn một ít trước là để cúng tổ tiên, sau là để gia đình cùng thưởng thức lúc đầu xuân.
Các vị gia trưởng phải lo đến bàn thờ gia tiên. Phải lau chùi quét dọn cho sạch sẽ. Những đồ thờ, bình hương đỉnh đồng, đài rượu, đài đèn đều được đem đánh bóng nhoáng.
Những đôi liễn mới được treo ra, những đôi câu đối đỏ được dán lên cột. Lại còn hoa Tết, lại cành đào ngày Tết để trừ tà.
Những anh chàng rể cũng không quên biếu Tết bố mẹ vợ, nhất là những chàng rể chưa cưới.
Người ta bận rộn, người ta nghĩ đến Tết và những ngày trước Tết mấy hôm, nhà nhà trong làng bắt đầu gói bánh chưng. Xóm này, xóm kia tiếng lợn bị chọc tiết kêu eng éc.
Nhà quê có tục đụng lợn để gói bánh, gói giò ngày Tết. Ba bốn gia đình chung nhau tiền mua một con lợn, ngày gần Tết đến đem mổ thịt chia nhau lấy thịt gói bánh, giã giò và làm cỗ Tết.
Lại có những người chơi hội (họ, hụi) giò, bánh chưng ngày Tết. Mươi mười hai người, thường là các bà, họp nhau, một người đứng chủ hộ, những người kia đóng tiền cho chủ hội mỗi tháng một số tiền. Người chủ hội dùng tiền này sinh lời rồi Tết đến, cho mua gạo lợn mổ thịt gói bánh giã giò trao cho các chân hội viên. Số tiền đóng thường cũng không nhiều nên số bánh chưng, giò mỗi người chỉ có vào khoảng hai chục chiếc bánh và hai cân giò. Lối chơi hội giò bánh như trên rất bành trướng tại các làng quê, nhất là ở những làng thợ thuyền và buôn bán, vì với hội giò bánh này, ngày Tết đến người ta yên trí có bánh chưng với giò.
Việc sửa soạn Tết cho đến ngày ba mươi Tết vẫn chưa xong, vì còn nhiều gia đình, đêm hôm ba mươi còn đang ninh nồi bánh chưng sôi sình sịch.
Làng sửa soạn tết
Từ trên mới trình bày các tư nhân trong làng sửa soạn Tết, gia đình nào lo cho gia đình nấy, nhưng ngoài cái Tết riêng của mỗi gia đình, dân làng còn phải nghĩ đến cái Tết chung của cả làng.
Cái Tết chung đây, tức là Tết ở đình làng và ở chùa làng.
Tại đình làng
Ông cai đám và ông thủ từ phải lo lau dọn bàn thờ ở đình, bắt tuần phiên cắm cờ ở sân đình và ngày ba mươi Tết, một cây cờ đại trên một cột cờ rất cao, và một số các cờ ngũ hành ở trước cửa đình.
Nếu làng có mở hội xuân, các tuần phiên lại được lệnh làng đi chặt tre để sửa soạn cây đu của hội làng.
Tại chùa làng và sự tích cây nêu
Đây là ở đình, còn chùa thì nhà sư trụ trì cũng lo lau dọn bàn thờ. Trước sân chùa có dựng một cây nêu, trên cây nêu có ngọn phướn, chiếc khánh sành lủng lẳng, chạm vào nêu vang leng keng và một bó vàng.
Các tư gia cũng có trồng cây nêu, nhưng không có ngọn phướn.
Ngoài cây nêu ra, trước sân chùa, ngoài cửa tang quan còn có rắc vôi bột vẽ cung tên để đuổi ma quỷ.
Nhiều tư gia cũng rắc vôi bột vẽ cung tên như ở chùa. Việc trồng cây nêu và rắc vôi bột vẽ cung tên do sự tích sau:
Nguyên ngày xưa có một thời quỷ sứ quấy nhiễu dân gian nhiều quá. Dân gian thấy vậy kêu với đức Phật, Phật liền giáng lâm bắt lũ quỷ sứ.
Quỷ sứ van lạy xin tha và từ sau xin chừa không dám quấy nhiễu đất của Phật.
Quỷ sứ hỏi dấu hiệu của nhà Phật để biết đường tránh. Đức Phật bảo nơi nào có cột phướn cây nêu và có rắc vôi trắng đó là đất Phật.
Từ đó, Tết đến tại chùa có trồng cây nêu ngọn phướn và rắc vôi bột vẽ cung tên để đuổi ma quỷ. Trong dân gian, theo lời Phật dạy cũng trồng cây nêu và cũng rắc vôi bột, nhưng để dọa lũ quỷ sứ, vôi bột khi rắc lại vẽ thành hình cung tên.
Ngoài việc lau dọn bàn thờ tại đình chùa, ban kỳ mục phải sắm sửa đồ lễ cúng giao thừa và để cúng trong mấy ngày Tết. Nếu dân làng mở hội xuân, ban hội đồng phải lo trù liệu mọi sự sửa soạn cho hội xuân này.
Mấy tục lệ của ngày 30 tết
Ngày 30 Tết là ngày cuối cùng của năm. Người ta đã sửa soạn Tết cho đến ngày hôm nay, và sáng ngày có nhiều nhà còn bận rộn vì nồi bánh chưng luộc chưa xong, vì bàn thờ trang hoàng chưa hết. Người ta vội vàng hấp tấp cố làm gấp những việc còn đang dở dang để trước ngày Tết mọi việc phải xong.
Ngoài chợ làng, trên đường làng, sáng ngày ba mươi Tết vẫn còn mọi sự nhộn nhịp và người người như vội vàng sợ thời gian trôi quá mau, nhưng chỉ nhộn nhịp cho đến quá trưa, từ quá trưa về chiều chợ làng đã vắng vẻ và đường làng cũng thưa người qua lại. Có còn bóng người chăng? Đó chỉ là những người đi gửi Tết trễ tràng, đang rảo bước mang vàng hương và đồ lễ tới nhà gia trưởng, hoặc một vài em nhỏ đang cùng nhau đốt một vài chiếc pháo để cùng vui nốt buổi chiều cuối năm.
Cuối năm trời thường lạnh, có khi lại phơn phớt mưa phùn, cảnh chiều ba mươi có một màu sắc đặc biệt. Phải chăng trời đất luyến tiếc năm cũ, hay tạo hóa thương hại cho mấy người du tử ở phương trời đang vội vàng trên đường về quê mẹ để hưởng sự xum họp gia đình của mùa xuân.
Trên sông nước trong khoang thuyền chở vội,
Giữa bọn người về tết chuyện ba hoa,
Một lũ khách lạnh lùng ôm khăn gói
Mắt mơ màng theo tiếng pháo xa xa 2
(Anh Thơ)
Ngày ba mươi Tết qua đi, và năm mới sẽ sang nhưng trong ngày này, người dân còn nhiều tục lệ mà họ không muốn bỏ, có tục lệ ngày nay vẫn còn và có những tục lệ chỉ còn là những hình ảnh xa xăm.
Rước các cụ
Dân Việt Nam ta thờ phụng tổ tiên, và đối với chúng ta, tổ tiên luôn luôn gần gũi con cháu, nhất là trong những ngày giờ vui buồn của gia đình.
Tết cũng là một dịp để gia tiên về cùng con cháu và chính cũng để đón tiếp hương hồn tổ tiên mà mọi người đã sửa soạn bàn thờ, lo sắm Tết, lo gửi Tết.
Tại nhiều làng, như làng Đáp Cầu, huyện Võ Giàng tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc), chiều ngày ba mươi Tết người ta có tục rước tổ tiên về thờ. Người gia trưởng mang vàng hương tới các ngôi mộ khấn mời hương hồn người nằm trong mộ về hưởng Tết. Nhân dịp này, người ta đắp lại cho cao nấm mộ, cuốc hết những cây dại mọc bên mộ để rễ những cây này khỏi xâm phạm tới hài cốt. Người ta cắm một nắm hương trên mộ. Đây là một dịp để con cháu săn sóc lại phần mộ gia tiên, quanh năm bận rộn vì sinh kế, ít khi có thì giờ để con cháu lưu ý tới mồ mả tiền nhân.
Cúng gia tiên
Nhiều nơi khác, rước các cụ, người ta không ra hẳn mộ, mà người ta chỉ thắp hương khấn vái ở bàn thờ trong nhà. Đó là lệ cúng cơm chiều ba mươi Tết.
Lúc này, cỗ bàn đã có, bánh trái đã xong, gia trưởng cúng khấn để mời hương hồn các cụ về ăn Tết với con cháu.
Lẽ tất nhiên, trước khi cúng gia tiên, người ta phải có lễ cúng Thổ công, vị đệ nhất chi chủ, để xin phép ngài cho hương hồn nội ngoại tổ tiên gia chủ về ăn Tết.
Súc sắc súc sẻ
Tối hôm ba mươi Tết, ngày xưa tại các làng xã, những trẻ em nghèo họp nhau thành từng bọn, rủ nhau đi chúc Tết, tuy mới có là chiều ngày ba mươi. Mỗi bọn các em có một chiếc ống đựng tiền, thường là ống tre. Các em tới từng gia đình và các em cùng nhau hát, vừa hát vừa lắc ống tiền:
Súc sắc súc sẻ,
Nhà nào còn đèn còn lửa,
Mở cửa cho chúng tôi vào.
Bước lên giường cao,
Thấy đôi rồng ấp;
Bước xuống giường thấp
Thấy đôi rồng chầu;
Bước ra đằng sau,
Thấy nhà ngói lợp;
Voi ông còn buộc,
Ngựa ông còn cầm;
Ông sống một trăm,
Linh năm tuổi trẻ.
Vợ ông sinh đẻ,
Những con tốt lành,
Những con như tranh,
Những con như rối.
Tôi ngồi xó tối,
Tôi đối một câu.
Đối rằng:
Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Nêu cao pháo nổ bánh chưng xanh.
Các em vừa súc sắc súc sẻ vừa hát trong lúc gia đình chủ nhân chăm chú nghe, và sau câu hát đầy lời chúc tụng trên, gia đình nào cũng tặng các em một số tiền. Tục cho rằng, các em đến đem sự may mắn lại. Không gia đình nào để các em ra không. Cũng có gia đình lại cho các em cả bánh mứt. Các em dùng tiền này chia nhau để mua pháo ngày xuân.
Đêm ba mươi tết
Trời tối quá! Bên ngoài trời tối quá!
Những cây nêu tiếng khánh khẽ khua thầm,
Những cung vôi trong sân như mờ xóa,
Những giấy điều trước cửa dán đên thâm.
°
Quanh bếp ấm nồi bánh chưng sùng sục,
Thằng cu con dụi mắt cố chờ ăn.
Đĩ nhớn mơ chiếc váy sồi đen rức,
Bà lão nằm tính tuổi sắp thêm năm.
°
Bỗng tiếng pháo đẹt đùng xa nổ báo
Ngoài đình trung làng đã tế giao thừa.
Cả nhà vội giật mình không ai bảo
Cùng đứng lên thăm bánh chín hay chưa 3
Bài thơ trên của nữ thi sĩ Anh Thơ đã tả đúng cái cảnh đêm ba mươi Tết ở làng quê, với một đôi tục lệ của dân Việt Nam. Chiều ba mươi Tết có những tục lệ của buổi chiều, thì đêm ba mươi Tết lại có những tục lệ riêng của ban đêm, những tục lệ đã lưu truyền từ ngàn xưa trong tín ngưỡng của dân ta, mà trong đó nhiều tục thật có lắm điều hay hay.
Đòi nợ tết
Ta có câu:
Khôn ngoan đến cửa quan mới biết,
Giàu có ba mươi Tết mới hay!
Người khôn ngoan đến cửa quan, trước những lời vặn hỏi của nha lại và của chính vị quan sẽ đủ lý lẽ để trả lời, đủ bình tĩnh để không lúng túng, còn người giàu kẻ nghèo, ai muốn rõ ai, ngày ba mươi Tết có thể biết được, vì ta có tục đòi nợ Tết. Cái tục này thật là tai hại đối với những người làm ăn kém may mắn, mang công mắc nợ. Thật là khổ sở, nếu Tết đến mà chưa lo được đủ tiền trả nợ. Chủ nợ sẽ thằng thúc họ cho đến tận lúc giao thừa.
Người ta sở dĩ đòi nợ cho đến Tết là vì ngày hôm sau là ngày đầu năm, người ta kiêng không dám hỏi nợ người bị hỏi nợ như vậy sẽ bị giông quanh năm, và có thể sẽ làm ăn không phát đạt được. Đòi nợ ngày mồng một Tết, không những con nợ không trả, mà có khi con nợ còn mắng cả chủ nợ vì đã không biết kiêng cho mình.
Hơn nữa, món nợ năm này bước sang năm sau dã biến thành món nợ cũ, và nợ cũ lẽ tất nhiên khó đòi hơn những nợ mới cho vay.
Ai đã từng sống ở các làng quê, hẳn đã thấy đêm ba mươi Tết, có nhiều người cầm đèn chống gậy đi vào các xóm để tìm các con nợ.
Đón giao thừa
Giao thừa là giờ phút giao tiếp giữa hai năm cũ và mới. Đêm hôm ba mươi Tết người ta không đi ngủ sớm. Người ta thức để chờ đợi giây phút thiêng liêng của một năm: giây phút giao thừa.
Trong lúc này có nhà còn đang ninh nồi bánh chưng sình sịch và trẻ con còn đang quây quần quanh bếp ấm để chờ nồi bánh chín.
Trên giường thờ, nhà nào cũng khói hương nghi ngút với đèn nến soi tỏ rõ những đồ thờ, những nghìn vàng mặt gương lấp lánh, những cành hoa giấy sặc sỡ ngũ sắc, và những đồ lễ bày trên những chiếc mâm bồng đã được lau chùi trông như mới. Nén hương sào dài ngất nghểu cắm giữa bình hương và dưới chân nén hương sào là một vòng hương vòng mắc trên một chiếc trụ đang cháy tỏa một mùi thơm ngát.
Năm mới sắp sang, mọi người hồi hộp chờ đợi với bao nhiêu niềm hi vọng. Người ta được thêm một tuổi, và với giờ phút giao thừa, năm cũ sẽ ở lại cùng với tất cả mọi sự không hay, và năm mới đến sẽ mang nhiều điều tốt lành lại.
Trong đầu óc, có người nhẩm tính lại quãng đời một năm qua với những sự làm ăn hoặc dễ dàng hoặc vất vả, và người ta mong năm sau làm ăn sẽ tiến phát bằng năm bằng mười năm cũ.
Giờ phút lặng lẽ trôi với trời tối đen như mực, và ở miền Bắc, với cái rét lạnh điểm thêm những hạt mưa phùn cuối năm lớt phớt. Cũng những giọt mưa này, nhưng qua giao thừa đó sẽ là những giọt mưa xuân đem sinh khí lại cho cỏ cây và muôn vật, đem màu tươi lại cho muôn hoa...
Giờ phút giao thừa thật là được nghiêm trang chờ đợi.
Tổng cựu Nghinh tân
Giây phút thiêng liêng chờ đợi đã tới! Đã đến giờ giao thừa, bắt đầu từ giờ Tý.
Từ các nhà tư, đến xóm, ngõ, đình, chùa, nơi nơi đều có lễ trừ tịch. Trừ tịch là giây phút cuối cùng của năm cũ và cũng sắp là giây phút đầu tiên của năm mới.
Người ta làm lễ trừ tịch để bỏ đi hết những điều xấu dở cũ kỹ của năm cũ và để đón những điều mới mẻ tốt đẹp của năm mới.
Lễ trừ tịch còn mang tên là lễ giao thừa, vì lễ cử hành vào đúng lúc giao thừa.
Đây là lễ tống cựu nghinh tân, tiễn cũ và đón mới. Cũ đây, ngoài những điều xấu dở cũ kỹ, người ta còn tiễn đưa vị đương niên hành khiển đại vương của năm cũ, và mới đây, ngoài những điều mới mẻ tốt đẹp, người ta còn đón rước vị tân đại vương hành khiển của năm mới.
Tục ta tin rằng mỗi năm có một ông Hành khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc lại cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn ông cũ và đón ông mới. 4
Tại tư gia, làm lễ giao thừa, người ta bày hương án cúng ở giữa sân. Đồ lễ gồm bánh trái, trong đó phải có bánh chưng, trầu rượu, vàng hương. Người đứng cúng là gia chủ.
Cúng lễ xong người ta đốt một tràng pháo. Tiếng pháo mang sự vui mừng lại, tăng sự hân hoan cho ngày Tết, và tiếng pháo cũng trừ được ma quỷ. Theo các sách cũ chép lại thì giống ma núi gọi là Sơn tiêu, thường phạm tới người làm cho đau ốm, người ta đốt pháo để chúng tránh xa.
Chính ra, người ta đốt pháo từ chiều ba mươi Tết, ngay sau khi cúng gia tiên.
Cúng lễ giao thừa xong, các gia chủ cũng cúng khấn Thổ Công, vị thần cai quản trong nhà, mà chủ nhà phải cúng lễ mỗi khi có sự cúng bái gì.
Tại các thôn xóm, các vị thủ chỉ thôn hoặc trưởng xóm làm lễ giao thừa tại điếm sở, hoặc tại nơi công quán. Trong lúc cúng lễ có đánh trống đốt pháo. Có nơi, tuy là thôn xóm, nhưng người ta có tế giao thừa với nghi thức đầy đủ của một buổi tế.
Tế giao thừa xong, dân thôn xóm cũng có lễ cúng Thổ thần hàng thôn hoặc hàng xóm.
Tại đình làng cũng có lễ hoặc tế giao thừa. Ở đây ông Tiên chỉ hoặc ông Thủ từ làm chủ lễ. Cùng với lễ giao thừa dân làng cũng làm lễ cúng đức Thành hoàng bản xã.
Tại các chùa cũng có lễ cống cựu nghinh tân.
Giờ phút này, tiếng chuông, tiếng trống, tiếng pháo vang lên, nơi này như trả lời cho nơi khác, nhất là tiếng pháo nổ khắp tứ phía trong làng. Nhà giàu, nhà nghèo cũng có đốt một bánh pháo trước là để tống cựu nghinh tân, sau là để mừng xuân.
Đi lễ đêm 30 tết
Sau khi cúng giao thừa ở nhà xong, người dân quê có tục đi dự lễ giao thừa tại thôn xóm, tại đình làng. Rồi người ta vào lễ thần tại đình, và lễ Phật tại chùa. Cũng có nhiều người đi lễ các đền miếu trong làng. Người ta đi lễ để cầu Phật, Thần phù hộ cho một năm may mắn cho bản thân và cho cả gia đình.
Kén hướng xuất hành
Ngoài trừ trường hợp đi dự lễ giao thừa tại thôn xóm hoặc đình làng, trong khi đi lễ các đền miếu hoặc chùa chiền, người ta thường kén hướng và kén giờ để xuất hành. Kể từ lúc giao thừa, người ta đã bước sang năm mới, xuất hành người ta kén hướng để cầu mong sự may mắn quanh năm.
Có nhiều người, dự lễ giao thừa tại thôn xóm xong, họ trở về nhà để ngày hôm sau hoặc mồng hai, mồng ba Tết, hôm nào tốt ngày mới kén hướng xuất hành.
Hái lộc
Đi lễ đêm ba mươi Tết, lúc trở về ta có tục hái một cành cây hoặc một cành hoa về cài vào cửa, tục gọi là hái lộc, cành hoa hoặc cây này gọi là cành lộc. Hái lộc là có ý xin lộc của trời đất, Phật Thần ban cho. Có người mang cành lộc về cắm vào bình hương bàn thờ thay vì cài ở trước cửa.
Cành lộc thường là cành đa, cành đề, cành si, trước các đình đền chùa miếu thường có các cây cổ thụ này. Và những cây này thuộc loại cây sống lâu, hái cành lộc ở các cây này, người ta mong lộc của Trời Phật Thần Thánh ban cho sẽ được lâu bền.
Hương lộc
Có nhiều người trong lúc xuất hành đi lễ, thay vì hái cành lộc, lại xin lộc bằng cách đốt một nén hương sào hoặc một bó hương nhỏ đứng khấn vái trước bàn thờ, rồi mang hương đó về cắm tại bàn thờ gia tiên hoặc bàn thờ Thổ công.
Ngọn lửa tượng trưng cho sự phát đạt. Lấy lửa từ các nơi thờ tự mang về, tức là xin lộc của Phật Thánh để Phật Thánh, phù hộ cho làm ăn được phát đạt quanh năm.
Trong lúc mang nắm hương từ nơi thờ tự trở về, nhiều khi gặp gió, nắm hương bốc cháy, đó là một điềm tốt báo trước sự may mắn quanh năm.
Xông nhà
Thường cúng giao thừa ở nhà xong, người gia chủ mới đi dự lễ giao thừa tại thôn xóm hoặc đình hay đi lễ đình chùa nhưng có nhiều người lại ra đi từ trước giờ trừ tịch để dự lễ giao thừa tại thôn xóm hoặc đình làng, hay đi lễ đình chùa, rồi mới trở về lễ giao thừa ở nhà.
Những người này muốn tự xông nhà lấy.
Xông nhà tức là vào nhà một người nào hay chính nhà mình trước nhất trong một năm khi chưa có người nào khác tới.
Tục ta tin rằng người xông nhà dễ vía mang sự dễ dàng may mắn lại cho gia đình mà người đó tới xông nhà.
Nếu không xông nhà ấy, người ta phải nhờ một người khác trong thân bằng cố hữu tốt vía để sáng sớm ngày mồng một Tết đến xông nhà trước khi có khách khác tới chúc Tết.
Người xông nhà thường đốt một bánh pháo để mừng nhà chủ, và trong trường hợp chính người nhà tự xông nhà lấy, người ta cũng tự đốt một bánh pháo đề đón sự may mắn đầu năm. Xác pháo đỏ tượng trưng cho nhiều điều tốt đẹp, vì màu đỏ chỉ sự vui mừng.
Tục lệ ngày Nguyên Đán
Sau lễ giao thừa, hoặc sau khi đi lễ về, người ta đã sống với năm mới. Người chờ đợi sáng ngày mồng một với một giấc ngủ ngắn ngủi của đêm giao thừa.
Mồng một tới, và đây là ngày thứ nhất của Tết Nguyên Đán, Tết gọi như vậy là vì nguyên bắt đầu, đán là buổi sớm mai. Tết Nguyên Đán mở đầu cho một năm mới và tất cả mọi cảnh vật đêu mới mẻ với xuân sang.
Chúc tết
Tại các làng quê, ngày mồng một Tết có tục chúc Tết tại đình làng. Sáng hôm đó, tại đình các vị chức sắc, các nhân viên trong hội đồng kỳ mục cùng nhau tế tựu để làm lễ đức Thành hoàng, và sau đó mọi người chúc Tết ông Tiên chỉ và chúc Tết lẫn nhau. Ông Tiên chỉ làm lễ đức Thành hoàng và đọc bản văn chúc Tết:
Năm cũ đã qua,
Năm mới đã đến,
Bước vào đình trung.
Tôi xin kính chúc:
Trước tôi chúc Thánh cung vạn tuế tại thượng dương dương, bảo quốc hộ dân, lưu ân tích phúc.
Tôi lại chúc ký lão sống tám chín mươi, thọ tăng thêm thọ.
Tôi lại chúc quan viên trùm lão, niên tăng phú quý nhật hưởng vinh hoa.
Tôi lại chúc quan lại binh viên ta đốt pháo xông tên, công thành danh toại.
Tôi lại chúc đồng trang thượng hạ, già sức khỏe, trẻ bình yên, nhờ đức vua, nhà no người đủ, các xướng Thiên Thu Vạn Tuế. 5
Với bản văn chúc Tết, sau khi chúc Thánh cung vạn tuế, tức là chúc đức Thành hoàng bản xã, ông Tiên chỉ đã chúc Tết tới hết mọi tầng lớp trong dân xã.
Bản văn đọc xong, ông Tiên chỉ lễ trước bàn thờ, sau đó các chức sắc quan viên lần lượt vào lễ. Đồng thời một tràng pháo nổ mừng xuân.
Cúng lễ và chúc Tết ở đình xong, mọi người lại ra về, ai về thôn xóm người nấy, vì ở thôn xóm cũng có cuộc chúc Tết của hàng thôn, hàng xóm, và những phường nghề nghiệp hoặc buôn bán, các phường viên cũng chúc Tết ông Trùm hoặc bà Trùm của phường.
Hàng thôn, hàng xóm, mọi người họp nhau ở điếm sở hoặc ở nhà công quán, hoặc ở nhà ông Thủ chỉ nếu thôn xóm không nơi điếm sở hoặc nhà công quán.
Tại nơi đây, thường một người đứng lên chúc Tết ông Thủ chỉ hoặc ông Trùm:
Thiều quang đãng dật
Thực khí nhân huân,
Ngũ lão ban đồng kiên lão,
Tam đa chúc hiệp hoa phong,
Tam đạt tôn chữ Sỉ làm đầu 6
Ai cũng mừng ông Trùm tuổi thọ.
Sách có chữ rằng:
"Tuệ hữu tứ thời Xuân tại thủ,
Nhân kiêm ngũ phúc Thọ vi tiên".
Mừng ông Trùm đầy Phúc Lộc kiêm tuyền
Lại gồm chữ "Hương trung thượng thọ"
Tước lộc thế mà danh lợi thế,
Dẫu nghìn năm còn tiếng thơm dai.
Thảnh thơi thọ vực xuân đài,
Đâu đâu cũng hoan hài ca vũ. 7
Với lời chúc tụng đầy tốt đẹp trên, ông Thủ chỉ hoặc ông Trùm, tự lấy làm sung sướng và cũng có lời chúc lại bà con trong thôn xóm hoặc các phường viên.
Chúc Tết xong, thường ông thủ chỉ, hoặc ông Trùm mời mọi người uống chén rượu mở hàng thưởng xuân.
Khi mọi người kéo nhau tới nhà ông Thủ chỉ, hoặc ông Trùm thường có lệ đốt một bánh pháo mừng. Tại các nơi điếm sở công quán, cũng giống như ở đình, người ta cũng đốt một bánh pháo sau khi cúng để mừng Tết lẫn nhau.
Chúc Tết ở đình và thôn xong, mọi người đều trở về nhà đề lo cái Tết của gia đình mình.
Tại các gia đình, sớm ngày mồng một Tết, người ta lo cúng gia tiên và cúng Thổ công. Sau buổi cúng đầu năm này, con cháu chúc Tết ông bà cha mẹ.
Các cụ ngồi ở nhà thờ để con cháu tới lạy mừng chúc Tết. Mỗi người lạy các cụ hai lạy rưỡi rồi chúc các cụ một năm mạnh khỏe bình yên khang thái. Nhận lễ và lời chúc Tết của con cháu, các cụ hân hoan sung sướng. Xin nói thêm, trong lúc này, các cụ ăn mặc trịnh trọng với những bộ quần áo đẹp nhất của ngày Tết, các con cháu cũng vậy.
Chúc Tết các cụ, con cháu thường dâng các cụ một món quà Tết như bánh trái hoặc một món tiền đặt trong một phong giấy hồng. Tiền này gọi là tiền mở hàng, đem may mắn lại cho các cụ quanh năm.
Con cháu chúc Tết các cụ xong, các cụ cũng chúc Tết lại con cháu những điều tốt đẹp, nào là nhất bản vạn lợi, nào là làm ăn phát đạt bằng năm bằng mười năm ngoái, nào là vạn sự như ý, nào là sinh đẻ con trai v.v... Và các cụ cũng mở hàng lại cho con cháu một món tiền gọi là tiền mừng tuổi, người giàu thì mừng tuổi nhiều, người nghèo cũng mừng tuổi tượng trưng một vài đồng tiền, miễn sao có sự mừng tuổi để con cháu gặp được may mắn tốt đẹp.
Suốt trong mấy ngày Tết, ngoài các cuộc chúc Tết nêu trên, người trong làng gặp gỡ nhau, tới lễ Tết nhà nhà đều chúc nhau những điều thịnh vượng. Dân trong làng, tuy hàng ngày gặp gỡ nhau, nhưng ngày Tết gặp nhau họ đều như hân hoan mừng rỡ. Bao nhiêu những sự tị hiềm trong năm cũ hầu như mất hết, gặp nhau ai cũng niềm nở với ai, và ai cũng chúc cho ai toàn những điều mình mong mỏi.
Đấy là chỉ nói ở phạm vi trong làng, vì ngoài việc chúc Tết ở trong làng, các hương chức lý dịch còn hợp nhau đi chúc Tết quan sở tại. Và cũng có những người làng này sang làng khác để chúc Tết bạn bè và đồng thời để lễ gia tiên nhà bạn.
Anh em bạn thăm nhau, mỗi người đưa nhau một cánh danh thiếp đỏ, đề mấy chữ tên. 8
Mừng tuổi hoặc lì xì
Với Tết, với Xuân, người ta được thêm một tuổi. Thêm tuổi tức là thêm thọ, và đây là một điều đáng mừng và ngày Tết từ lớn chí bé thường ai cũng nhắc tới tuổi mình.
Bà lão nằm tính tuổi sắp thêm năm. 9
Các em bé thêm tuổi là thêm lớn. Chính vì vậy, nên trong lúc chúc Tết, ta có tục mừng tuổi, và như trên đã trình bày, người ta mừng tuổi bằng tiền. Tiền mừng tuổi phong bao trong những giấy hồng, thường có tiền lẻ, vì người ta có ý tiền đó sẽ sinh sôi nẩy nở thêm nhiều và sẽ đem lại may mắn cho con cháu.
Tiền mừng tuổi cũng gọi là tiền mở hàng để lấy may. Bạn bè gặp nhau cũng thường mở hàng cho nhau để cầu chúc cho nhau những sự phát đạt.
Tiền mở hàng người ta thường cất đi để giữ lấy cái may mắn.
Miền Nam, mừng tuổi cho các trẻ em gọi là lì xì.
Ngoài ông bà cha mẹ mừng tuổi cho con cháu, trong ngày Tết, các chú bác cô dì cậu mợ cũng mừng tuổi cho các cháu. Và những bạn bè trong làng, khi tới nhà nhau lễ Tết, chúc Tết, người ta cũng thường mừng tuổi cho con các bạn bè, hoặc khi một người bạn tới chúc Tết, có em nhỏ đi theo, chủ nhà thường mừng tuổi cho em để em hay ăn chóng lớn, học hành thông minh sáng láng, khỏe mạnh và ngoan ngoãn.
Và những người làng khi gặp gỡ nhau ở ngoài đường cũng mừng tuổi nhau, nhưng chỉ mừng tuổi nhau trong lời nói.
Các cô gái đội vàng hương ôm váy
Miệng tươi cười mừng tuổi những người qua. 10
Mừng tuổi những người qua, người ta thường dùng những câu thật là sáo nhưng trong hoàn cảnh ngày Tết lại là những câu thật chân thành:
Năm mới mừng tuổi bác năm nay đẻ con trai, đắc tài sai lộc bằng năm bằng mười năm ngoái.
Năm mới mừng tuổi cô năm nay cho chúng tôi ăn trầu.
Năm mới mừng tuổi cụ năm nay mạnh khỏe bình yên v.v...
Lễ tết
Dân ta thờ phụng Tổ tiên. Người ta thờ phụng tổ tiên nhà mình, lại tôn trọng cả tổ tiên nhà người khác. Do đó tại các vùng quê có tục đi lễ Tết. Nhân ngày Tết, người trong cũng đến nhà nhau, không phải là chỉ để chúc Tết như người thành thị mà chính là để lễ Tết. Việc lễ Tết là việc chính, chúc Tết xã giao là thứ yếu.
Con cháu phải đến lễ Tết tại nhà gia trưởng, các nhân viên trong hội đồng kỳ mục đến lễ Tết nhà ông Tiên chỉ, cũng như đến lễ Tết tại nhà những nhân viên khác trong ban hội đồng. Bạn bè đến lễ Tết nhà nhau, và dân làng hàng xóm cũng vậy, nhất là các người có họ hàng với nhau, việc đến lễ gia tiên nhà nhau là gần như bắt buộc.
Thường các gia chủ đi lễ Tết, nhưng vì làng xã rộng, và việc lễ Tết không thể bỏ sót được, nên một mình các cụ đi không hết, các cụ cắt con cháu đi thay.
Đến mỗi nhà, người đi lễ Tết phải lễ trước bàn thờ bốn lễ và ba vái. Lễ Tết xong lại chúc Tết, rồi nhà chủ mời khách xơi miếng trầu hớp nước, có khi lại ép ăn bánh ăn mứt mở hàng.
Trong khi đi lễ Tết, quần áo phải chỉnh tề, đầu phải đội khăn, ăn mặc lôi thôi là một sự bất kính không những đối với giới vô hình ngự trên các bàn thờ, mà cả với các chủ nhà mình tới lễ Tết.
Thường khi một người tới lễ Tết nhà nào, nhà nấy sẽ có một người khác tới đáp lễ, vì khi người ta đã lễ tổ tiên nhà mình, mình cũng phải lễ lại tổ tiên nhà người ta. Tuy nhiên cũng có những trường hợp không cần có sự đáp lễ trên: con rể đến lễ Tết nhà bố mẹ vợ, học trò đến lễ Tết nhà thầy, người làm công đến lễ Tết nhà chủ, người chịu ơn đến lễ Tết nhà người đã ra ơn cho mình.
Đàn ông đi lễ Tết, đàn bà cũng đi lễ Tết. Trong một gia đình chỉ cần một người tới lễ Tết một nhà, nhưng khi là chỗ thân tình, thường cả hai vợ chồng cùng đến, đi cùng một lúc hoặc đi hai buổi khác nhau.
Người ta đi lễ Tết trong suốt ngày mồng một và mồng hai rất đông, bước sang ngày mồng ba, người ta thường đi lễ đền chùa nhiều hơn, tuy vậy có những người là con cháu trong ba ngày Tết chưa kịp đến lễ tại một nhà gia trưởng, hoặc nhà ông chú bà bác, thì sáng sớm ngày mông bốn người ta còn vội vàng tới lễ Tết để kịp trước khi các nhà này hóa vàng tiễn các cụ.
Các trẻ em tuổi đã hơi lớn hơn, trong ngày Tết cũng phải đi lễ Tết các nhà họ hàng.
Khi lễ Tết người ta chỉ lễ bàn thờ gia tiên mà không lễ bàn thờ Thổ công.
Hiếu khách
Người Việt Nam vốn xưa nay hiếu khách, với ngày Tết tinh thần hiếu khách càng tỏ rõ hơn. Mỗi người tới lễ Tết đều được gia chủ niềm nở chào mời, và người khách sau khi đã lễ gia tiên nhà chủ xong, thế nào cũng phải cầm miếng trầu, uống hớp nước. Khách không thể từ chối, vì từ chối sẽ làm giông (rủi) nhà chủ.
Nhiều nhà bày bánh mứt chè lam mời khách, khách muốn từ chối cũng không được. Có chủ nhân lại ép khách nếm bánh chưng nhà mình, tuy rằng ngày Tết ở nhà quê nhà nào cũng có bánh chưng. Mời được khách nếm miếng bánh, được khách khen ngợi bánh ngon, người chủ nhà cho là điểm tốt.
Bánh chưng ngày Tết thường được mời ăn với giò lụa hoặc cá kho. Mời khách nếm bánh chưng ngày Tết các bà nội trợ cũng có ý muốn khoe tài bếp núc của mình. Giò ngày Tết thường là giò gia chủ đánh đụng lợn giã lấy và gói lấy. Khách khen ngon làm cho chủ nhân vui sướng.
Có người sẽ bão rằng như vậy đâu phải là hiếu khách mà đây chỉ là tính khoe khoang của chủ nhà.
Đúng, nhưng sự khoe khoang chỉ có một phần, còn chính là nhà chủ muốn mời khách ăn bánh của nhà mình, và người dân quê rất lấy làm hân hạnh được tiếp các bạn bè thân sơ ở các làng xa tới Tết nhà mình và mời dùng một bữa cơm Tết với mình. Trong những ngày hội xuân mở tại các làng quê, những người trong làng thường lấy làm sung sướng khi mời được những người quen biết tới xem hội làng vào nhà mình uống nước ăn trầu hoặc dùng cơm rồi nghỉ ngơi, nếu hội kéo dài nhiều ngày.
Trong ngày Tết, có nhiều người vì lòng hiếu khách thường dành bánh trái để mời khách, đúng với câu nhịn miệng thết khách.
Khai bút
Các ông đồ, các tay văn tự, nhân dịp Tết thường chọn ngày giờ tốt để khai bút. Các ông làm một bài thơ, hoặc viết một câu đối.
Thơ hoặc câu đối này, làm xong có khách tới lễ Tết các ông đọc cho nhau nghe rồi cùng ngâm vịnh.
Các học trò nhân ngày Tết cũng kén giờ hoàng đạo khai bút để cầu học hành tấn tới, thi cử đỗ đạt. Tục lệ khai bút của học trò, dưới thời Pháp thuộc, tuy đi học chữ quốc ngữ và chữ Pháp, vẫn được giữ. Tôi còn nhớ một bài thơ khai bút, lúc học ở trường làng, được thầy giáo đọc cho để học trò dùng khai bút trong ngày Tết:
Mồng một tháng kiến dần
Cảnh sắc một màu xuân.
Cỏ hoa đà mừng mặt,
Mưa móc nhẹ đưa chân.
Lớn khôn hơn một tuổi,
Mạnh giỏi chúc hai thân.
Học hành ta tấn tới,
Thi đỗ cũng có phần.
Gánh nước đầu năm và nhất bản vạn lợi
Nhân ngày mồng một Tết, tại các làng quê, và ở ngay cả các thành thị nữa, có những người nghèo túng đi gánh nước ở giếng làng tới các nhà trong làng. Gánh nước đầu năm này được mọi gia đình đón nhận niềm nở, dù trong nhà không thiếu nước. Người ta tin rằng, đầu năm có người gánh nước tới nhà, quanh năm của sẽ vào trong nhà như nước. Người gánh nước, sau khi đổ nước vào vại, vào chum, vào lu nước của nhà chủ thường được chủ nhân trả mở hàng một món tiền gấp năm gấp mười giá gánh nước, và người gánh nước cũng chúc chủ nhân những điều may mắn quạnh năm.
Có người lại cầu kỳ, hôm ba mươi Tết đi tìm người gánh nước dặn ngày mồng một Tết phải gánh nước tới nhà mình trước nhất để cái lộc đầu tiên sẽ được đổ vào nhà mình.
Cùng một ý nghĩa như gánh nước, sáng ngày mồng một Tết, tại nhiều làng có những người đàn ông tới các nhà chúc Tết, mang theo những mảnh giấy đỏ có viết mấy chữ Nhất bán vạn lợi, một vốn một vạn lời, hoặc Đại cát. Người chúc Tết trao mảnh giấy đó cho chủ nhà với những lời chúc tụng, chủ nhà nhận mảnh giấy sẽ mở hàng cho người chúc Tết một món tiền.
Giông (rủi)
Giông nghĩa là gặp sự không may quanh năm.
Ngày đầu năm, người ta tránh mọi sự có thể giông.
Một đứa trẻ không ngoan ngoãn trong ngày Tết, phải mắng hoặc phải đòn bị giông sẽ phải mắng phải đòn quanh năm.
Đầu năm cãi nhau, quanh năm sẽ cãi nhau.
Mọi người đều giữ gìn trong mọi cử chỉ, luôn luôn vui vẻ với mọi người, tránh mọi sự cau có, tránh những lời gắt gỏng, tránh những tiếng tục tằn, và tránh tất cả những cái gì có thể là một điềm gở báo trước một sự không may. Người ta kiêng tiếng khỉ, tiếng chết. Người ta lại kiêng mặc quần áo trắng, đội khăn trắng, trừ những người có tang, vì màu trắng là màu tang tóc. Và những người có đại tang, trong ngày mồng một Tết cũng kiêng không đến bất cứ nhà một người nào, e mang sự không may lại cho gia đình người đó.
Kiêng quét nhà
Trong ngày Tết Nguyên đán, người dân quê kiêng quét nhà. Nếu nhà bẩn quá, người ta chỉ quét sơ, vun rác vào một xó, đợi ba hôm động thổ rồi mới đem đổ.
Quét nhà đổ rác ngày mồng một Tết, người ta sợ quét và đổ đi mất Thần Tài
Tranh tết
Nói đến Tết, không thể bỏ qua tranh Tết được, tranh Tết không phải chỉ riêng trẻ con chơi, người lớn cũng chơi tranh Tết, duy tranh Tết của người lớn có khác với tranh Tết trẻ con.
Tranh tết người lớn
Để đón xuân về, người ta trang hoàng nhà cửa, và trong những đồ trang trí phải kể tranh Tết. Đây là những tranh nhắc lại những điền tích trong truyện cổ, đề cao tinh thần độc lập cũng như nền đạo đức của phương Đông.
Có người treo giữa phòng khách một bức tranh Anh hùng độc lập tượng trưng bởi một con ó đậu trên mỏm đá cao.
Hoặc có người treo trên vách bốn bức tranh về bốn mùa, tượng trưng bởi bốn loại cây có hoa hay không có hoa: mai, lan, cúc, trúc. Cũng có khi là bức tranh trúc tước vẽ con chim sẻ đậu trên cành trúc, hoặc bức tranh Lã Vọng, vẽ Khương Thái Công câu cá ở Tây Kỳ.
Những tranh trên ta thường thấy ở những gia đình trí thức, còn ở những gia đình bình dân đó là những bức tranh vẽ những cảnh trong các truyện Tàu: Tang Quác, Chinh Đông, Chinh Tây... hoặc cũng có khi là những cảnh trong các truyện Việt Nam: Thạch Sanh, Nhị Độ Mai, Quan Âm Thị Kính...
Cũng có khi là những tranh vẽ những đoạn sử của dân tộc: Phù Đổng Thiên Vương đổi giặc Ân, An Dương Vương và truyện Mỵ Châu, Trọng Thủy, Sơn Tinh và Thủy Tinh v.v...
Tất cả những bức tranh giới bình dân ưa thích thường gồm từng bộ, mỗi bộ bốn tờ và một tờ có ba hình ảnh, tổng cộng mỗi bộ mười hai hình ảnh.
Tại những gia đình khá giả và trí thức trong làng, những tranh treo ngày Tết thường là những tranh Tàu, nghĩa là tranh do người Tàu sản xuất và bán tại Việt Nam, có khi là một bức như bức tranh Lã Vọng, hoặc bức tranh Anh hùng độc lập, có khi thành bốn bức, ta gọi là tứ bình. Bốn bức này có thể tả cảnh bốn mùa như mai, lan, cúc, trúc hay vẽ về nghề nghiệp như ngư, tiều, canh, độc...
Có nhà, thay vì tranh Tàu, treo những bức tranh cổ cũng những đề tài trên, những bức tranh cổ này có thể do người Việt Nam vẽ, có thể do người Tàu vẽ, và là của gia truyền của từng gia đình. Những bức tranh cổ gia truyền này, ngày thường được gói cất đi, chỉ được đem treo vào dịp Tết, hoặc vào những dịp chủ nhân tiếp khách lạ.
Lại có người trong giới trí thức không ưa treo tranh Tàu, ngày Tết cũng treo tranh, nhưng đây là những tranh in mộc bản, sản xuất tại Việt Nam, cũng với những đề tài trên.
Tranh Tết của những gia đình bình dân cũng có hai loại: tranh Tàu và tranh bản xứ. Tranh Tàu in trên giấy trắng với kỹ thuật tinh vi hơn và chỉ vẽ lại những cảnh nhắc trong truyện Tàu. Tranh bản xứ in mộc bản, nét vẽ trông thô sơ, cũng vẽ những cảnh trong truyện Tàu, nhưng bên những bức tranh này, có rất nhiều những bộ tranh vẽ những sự tích ghi trong các truyện Việt Nam.
Nhiều người dân quê tinh thần quốc gia rất mạnh, ngày Tết chỉ chơi tranh Việt Nam với những bức vẽ về lịch sử Việt Nam hoặc về các sự tích trong các truyện Việt Nam.
Tranh trẻ em
Đây là những bức tranh đặc biệt Việt Nam, nhắc lại những sinh hoạt hàng ngày của dân quê Việt Nam, hoặc đôi khi những truyện cổ tích Việt Nam, hoặc những điều người Việt Nam mong mỏi và cầu chúc cho nhau.
Nhiều tác giả ngoại quốc đã nhắc tới loại tranh này với những sự phân tích tâm lý rất tỉ mỉ về người Việt Nam.
Tiến lộc
Những tranh trẻ em này, thường chỉ những trẻ em nhà quê ưa thích, các trẻ em ở thành thị, bị ảnh hưởng bởi sự chung đụng với ngoại quốc, nhất là với Tây phương dưới thời Pháp thuộc, không chơi tranh Tết hoặc nếu có chơi tranh Tết thì đây cũng là những bức hình cắt trong sách báo Tây phương.
Vả chăng ở thành thị các em cũng không có chỗ nào để dán tranh, không như các em ở nhà quê, ngày Tết đến, ngoại trừ nhà thờ và phòng khách của người lớn, các nơi tường vách khác đều là các chỗ đề các em dán tranh.
Bước chân vào một nhà dân quê trước hoặc sau Tết ít ngày, mới đến cổng ta thấy ngay hai bức tranh đối nhau:
Hai bức tranh này là hai bức tranh Tiến tài, Tiến lộc vẽ hình hai vị thần mũ áo triều phục văn quan, một vị mang biển Tiến tài, một vị mang biển Tiến lộc. Tục cho rằng dán hai bức tranh này ngoài cổng, tài lộc sẽ kéo vào trong nhà, và với năm mới, hai vị thần Tiến Tài, Tiến Lộc sẽ mang sự thịnh vượng lại.
Cũng có nhà dán ngoài cổng không phải hai bức tranh Tiến Tài, Tiến Lộc, mà là hai bức tranh Vũ Đinh Thiên Ái. Đây là hai vị thần y phục vô tướng, mỗi vị vác một thanh long đao. Hai vị thần này trừ tà ma quỷ quái. Người ta dán hai bức tranh này, ngoài cửa để ma quỷ không dám vào trong nhà quấy nhiễu.
Vào trong nhà, trên các vách tường có thể, ta thấy la liệt những tranh:
Tranh đàn gà mẹ con, tượng trưng cho sự phúc đức đa đinh. Và đây cũng nói lên một cảnh sinh hoạt của người dân đồng quê: nuôi gà. Bức tranh lai còn tượng trưng cho tình mẹ thương con, con gà mái mẹ ấp ủ đàn con, sẽ vì đàn con mà chống lại một bạo lực.
Tranh con gà trống. Con gà trống tượng trưng cho sự bất khuất không sợ kẻ thù, đồng thời nó cũng biểu hiện một đức tính cao quý là chữ Tín: hàng ngày nó gáy canh không bao giờ sai. Gà trống là bạn của dân quê, nó đánh thức mọi người dậy đúng giờ đúng khắc để lo việc làm ăn.
Tranh Lý ngư vọng nguyệt, hai con cá chép đối nhau, nhìn bóng trăng. Tranh này nhắc lại sự tích Cá chép vượt vũ môn để hóa rồng. Đây là một sự khuyến khích các trẻ em phải cố gắng học hành để một mai thi đỗ cũng như cá chép vượt vũ môn vậy. Và tranh này cũng nhắc nhở người ta sự cần cù kiên nhẫn: con cá chịu khó còn vượt được vũ môn để hóa rồng thì con người ta hễ muốn là được, nhưng cần phải biết lập chí.
Tranh đàn lợn mẹ con cũng nhắc lại một cảnh sinh hoạt đồng quê: nuôi lợn. Ngoài ra tranh này, cũng như tranh đàn gà mẹ con, nói lên sự con đàn cháu đống và sự quây quần của gia đình.
Tranh đánh ghen với lời chú thích Nhân lão tâm bất lão, người già lòng chẳng già. Tranh vẽ cảnh vợ cả đánh ghen cùng vợ lẽ có ông chồng già ở giữa. Đây chỉ là một cảnh sống của dân quê. Người đàn ông thường hay muốn vườn thêm hoa nên trong nhà mới sinh cảnh cả lẽ ỷ eo. Bức tranh có ý khuyên các bà vợ cả không nên ghen tuông, và các ông chồng cũng không nên đa mang vợ nợ con kia khiến cho cảnh gia đình lục đục. Nhưng nhân lão tâm bất lão, cả sông đông chợ, lắm vợ nhiều con, bức tranh dù muốn nêu điều gì, cũng không sao ngăn được người đàn ông năm thê bảy thiếp.
Tranh hứng dừa vẽ một người lên cây dừa hai quả ném xuống cho người ở dưới giơ váy lên hứng quả dừa. Người ở dưới mải mê hứng quả dừa, đã không nghĩ rằng khi tốc váy lên thì để hở cả cơ đồ ra, và quả dừa chỉ là lợi nhỏ, hở cơ đồ của mình ra là hại lớn.
Tranh đánh đu tả một cảnh hội Tết với cây đu, người thời lên đứng kẻ nhòm trông.
Tranh nông phu ngồi gốc cây với chiếc cày bên cạnh và con trâu nằm trước mặt.
Tranh Tờ tiền vẽ những đồng tiền xếp liền nhau. Dán tranh này trong nhà, người ta tin làm ăn sẽ kiếm ra tiền.
Mấy bức tranh trên dán trên vách nhà nói lên phần nào những nét sinh hoạt của dân Việt Nam. Dưới đây là những bức tranh lịch sử và cổ tích các em thường mua về dán trong dịp Tết:
Tranh vua Đinh Tiên Hoàng cưỡi trâu cầm cờ lau, nhắc lại lúc nhà vua còn nhỏ, cùng lũ mục đồng cờ lau tập trận. Có điều hơi ngộ nghĩnh là vua Đinh cưỡi trâu cầm cờ lau nhưng lại mặc giáp trụ, tức là hình ảnh của nhà vua khi dẹp loạn Thập nhị sứ quân.
Tranh vua Đinh Tiên Hoàng cầm cờ lau, cởi trần, chống kiếm đứng trên lưng con rồng. Đây là sự tích Chú chém cháu, cháu nhảy xuống sông, con rồng nó đỡ, nhắc lại truyện vua Đinh Tiên Hoàng đi chăn trâu của chú, đã giết trâu để khao lũ mục đồng, bị ông chú đuổi chém chạy đến bờ sông, gặp lúc đường cùng, nhảy xuống sông thì có con rồng vàng đưa lưng lên đón đỡ.
Lại còn một bức tranh nữa cũng về tích này vẽ nhà vua đứng trên lưng rồng ở dưới sông, còn ông chú ở trên bờ chắp tay lạy.
Tranh bà Trung Trắc cưỡi ngựa cầm gươm, mình mặc giáp trụ, sau lưng có cắm bốn lá cờ.
Tranh Thạch Sanh bắn chim đại bàng, Thạch Sanh cứu công chúa dưới hang, Thạch Sanh giết mãng xà vương v.v...
Tranh Ngưu Lang Chức Nữ, vẽ Ngưu Lang ngồi dưới gốc cây, có con trâu nằm trước mặt ở một bên bờ sông Ngân, đàn quạ đang bắc cầu ô Thước, còn Chức Nữ ở bên kia bờ sông ngồi dệt vải, tay đang đưa thoi. Tranh này nhắc lại sự tích vợ chồng Ngâu.
Tục truyền tháng Bảy mưa Ngâu,
Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền.
Một là duyên, hai là nợ,
Mối xích thằng ai gỡ cho ra?
Vụng về cũng thể cung nga,
Trăm khôn nghìn khéo chẳng qua mục đồng. 11
Tranh Chuột đỗ Trạng nguyên vinh quy bái tổ, ngựa anh đi trước, kiệu nàng đi sau. Và đám rước vinh quy này mang chim mang cá tới biếu chú mèo. Trên bức tranh có đề mấy hàng chữ:
Thử bối đệ ngự: chí, chí, chí, nghĩa là đàn chuột dâng cá kêu chí chí chí.
Miêu nhi thủ lễ: mưu mưu mưu, nghĩa là chú mèo giữ lễ: meo, meo, meo.
Lại có hàng chữ nôm ở góc trái phía trên:
Tác lạc: nghĩa là làm vui.
Khôn khôn khôn đã có dễ
Đỗ cao cưới vợ tiếng rằng hời.
Bức tranh này còn gọi là bức tranh Đám cưới chuột.
Tranh Thầy đồ cóc dạy học, trên bức tranh có bài cổ thi:
Xuân du phương thảo địa,
Hạ thưởng ngọc hồ trì,
Thu ẩm hoàng hoa tửu,
Đông ngâm bạch tuyết thi.
Tranh vẽ Thầy đồ cóc ngồi trên sập, có hai học trò cóc
đang kể bài hai bên phía trước. Dưới có ba con cóc đang viết, một con quạt siêu nước. Lại có một con cóc bị ba con cóc khác nọc ra đánh đòn. Chắc đây là chú cóc lười không thuộc bài.
Hai bức tranh Đám cưới Chuột và Thầy đồ cóc thường nhà nào cũng thấy có dán, và các trẻ em dường như thích những bức tranh này lắm.
Kể ra về loại tranh lịch sử và cổ tích còn nhiều: tranh Táo quân, tranh Quan Âm Thị Kính, tranh Lý Thường Kiệt v.v...
Và dưới đây là một số các bức tranh thuộc loại nêu lên những điều người Việt Nam mong mỏi và cầu chúc cho nhau:
Tranh Trường sinh, vẽ một cụ già râu dài, tay cầm quạt lông, cởi trần hở rốn, trên vai gánh một cành cây có treo lủng lẳng hai bên hai quả đào, một bên mang chữ trường và một bên mang chữ sinh. Trường sinh nghĩa sống lâu. Trên bức tranh cũng có một bài thơ nôm đại ý nói về sự sống lâu.
Tranh Bình an cũng vẽ một cụ già tay cầm quạt lông, cũng râu dài, cởi trần hở rốn và cũng gánh một cành cây mang hai quả đào viết hai chữ Bình an. Bức tranh cũng có một bài thơ nôm đại ý nói về sự bình an.
Hai bức tranh Trường sinh và Bình an dán đối nhau. Tranh Song hỉ vẽ hai đứa trẻ độ lên ba lên bốn tuổi, đầu còn trái đào, ăn mặc lễ phục, chân đi hài, một đứa cầm chiếc gậy đầu rồng, ở đầu có mặc chiếc đèn lồng, còn một đứa bưng chiếc khay trên đặt hai chữ Hỷ dính liền nhau. Đấy là song hỷ, chỉ hai điểm mừng là Phúc và Thọ.
Tranh Phúc Lộc Thọ, vẽ một cụ già cưỡi con hươu, có con dơi bay ở vai bên trái. Tay phải cụ già cầm một quả đào tiên.
Cụ già tượng trưng cho Thọ, con hươu tượng trưng cho Lộc, còn con dơi tượng trưng cho Phúc.
Kể ra, với ngày Tết, ở chợ quê, người ta còn bày bán nhiều loại tranh khác, và loại tranh nào cũng được các em ưa thích cả. Trên đây chỉ là một số các bức tranh nêu ra để các bạn đọc có một ý niệm về tranh ngày Tết của trẻ em đồng quê thời trước, cho tới năm 1944.
Dưới thời Pháp thuộc, các hàng tranh vẫn giữ nguyên nếp cũ với những tranh xưa, nhưng có vẽ bán thêm nhiều loại tranh mới về văn minh tiến bộ và về các danh nhân thế giới như Lê Nguyên Hồng...
Xin nhắc lại đây là những tranh mộc bản, in bằng mực đen, nhưng được các nhà sản xuất dùng phẩm tô màu sặc sỡ xanh, đỏ, tím, vàng...
Tranh được các bà hàng tranh bày bán vào dịp Tết, tranh bày la liệt trước mặt nhà hàng cứ hai bức tranh một, đối nhau.
Thỉnh thoảng mới có những bức tranh đơn độc như tranh Táo quân, tranh Thổ công tranh Tam da... Đặc biệt tranh Táo quân có hai loại cùng một hình, một loại in trên giấy vàng, chỉ in đen không tô màu, còn một loại in trên giấy trắng có tô màu ngũ sắc như các tranh khác. Cùng với các loại tranh trẻ em, các bà hàng tranh thường có bán thêm những bộ tranh của người lớn đã nói ở trên, với đủ sự tích, mỗi bộ bốn tờ với mười hai bức tranh.
Về loại tranh trẻ em, cũng có loại tranh Tàu vẽ những hình em bé nghịch trái đào, em bé ôm con vịt v.v... nhưng trẻ quê đâu có tiền mà chơi tranh Tàu, vừa đắt lại vừa không hợp với sở thích của các em.
Tục chơi tranh Tết ngày nay không còn ở vùng quê nữa, nhất là đối với các trẻ em, vì người lớn vẫn có thể mua những bức tranh Tàu về trang hoàng nhà cửa. Chỉ các em là thiệt thòi, nhất là ở các làng quê, chơi tranh quả là một cái thú của tuổi thơ khi Tết đến.
Câu đối
Tết đối với các làng quê phải có câu đối, nhất là trước đây hai chục năm. Cho đến ngày nay ở thành thị, vẫn còn nhiều người chơi câu đối Tết.
Chính vì những người chơi câu đối Tết, mà mỗi độ Xuân sắp về tại các chợ quê lại có các ông đồ bày hàng bán chữ, viết những đôi câu đối, có khi viết sẵn theo trong sách, có khi viết theo khách hàng đọc ra.
Câu đối viết trên giấy hồng điều, chữ mực tàu đen nhánh hoặc chữ kim nhũ vàng óng ánh. Cũng có khi câu đối được viết trên giấy đỏ có dát vàng lốm đốm.
Ngày Tết, thiếu câu đối chưa là đủ Tết. Trong nhà dù trang hoàng thế nào, thiếu những đôi câu đối đỏ, Tết vẫn phảng phất thiếu một cái gì.
Chơi câu đối, người ta chọn từng đôi cho hợp với cảnh, bởi vậy, nhiều người tự nghĩ lấy câu đối, viết lấy hoặc thuê các ông đồ viết giúp.
Câu đối cũng như tranh Tết, người ta dán từ ngoài cổng vào đến trong nhà.
Ngoài cổng ngõ, câu đối được dán hai bên trụ cổng.
Môn đa khách đáo thiên tài đáo
Gia hữu nhân lai vạn vật lai.
Lược dịch:
Cửa nhiều khách đến nhiều tiền đến.
Nhà có người vào lắm vật nào.
Đôi câu đối trên thường được dân ở nơi cổng ngõ và nói lên lòng hiếu khách của người dân quê Việt Nam. Người ta mong có khách để được tiếp đãi, không phải là khách sẽ mang tài lợi hại, nhưng khách tới trong nhà sẽ có vẻ tấp nập và sự vui mừng, đó là biểu hiện của sự thịnh vượng.
Bước qua khỏi cổng, vào tới trong sân, đến trước hiên nhà, nơi đây có hòn non bộ, có vườn hoa cây cảnh, hoặc không có gì nữa thì ở ngay hai bên cột hai hàng hiên cũng có dán một đôi câu đối:
Sơn thủy thanh cao xuân bất tận,
Thần tiên lạc thú cảnh trường sinh.
Lược dịch:
Phong cảnh thanh cao xuân mãi mãi,
Thần tiên vui thú cảnh đời đời.
Đôi câu đối nói lên vẻ thanh nhàn của chủ nhân, nhưng thực ra có khi chủ nhân vẫn quanh năm đầu tắt mặt tối. Chủ nhân chơi đôi câu đối này chỉ vì sự cảm thông với đất trời khi xuân trở lại, vì xuân năm nay đi, sang năm lại còn xuân khác, và xuân còn đến, tại sao chủ nhân không hưởng cái lạc thú trường sinh của đất trời.
Rồi vào đến trong nhà, dịp Tết, nhà nào ít nhất cũng có đôi ba đôi câu đối, hoặc viết trên giấy đỏ, hoặc viết trên những đôi liễn bồi có vẽ hoa cỏ hoặc chim phụng chim loan.
Thiên tăng tuế nguyệt, niên tăng thọ,
Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường.
Lược dịch:
Trời thêm năm tháng, tuổi thêm thọ,
Xuân khắp đất trời, phúc khắp nhà.
Ý nghĩa đôi câu đối trên thật giản dị và hợp với tâm hồn chất phác của dân quê.
Và đôi câu đối sau đây, ta thường thấy ở nhiều gia đình.
Tổ tôn công đức thiên niên thịnh,
Tử hiến tôn hiền vạn đại xương.
Lược dịch:
Công đức tổ tôn nghìn năm thịnh,
Hiếu hiền con cháu vạn đời ngay.
Vì xuân đến cùng với Tết, nên nhiều đôi câu đối nhắc đến xuân:
Xuân như cẩm tú, nhân như ngọc,
Khách mãn gia đình, tửu mãn tôn.
Lược dịch:
Xuân như cẩm tú, người như ngọc,
Khách chật trong nhà, rượu kết chung.
Có khi nhắc đến xuân lại là một câu đối nôm:
Ngoài cửa mừng xuân nghênh Ngũ Phúc,
Trong nhà chúc Tết hướng Tam Đa.
Cũng có đôi câu đối, tuy nhắc đến xuân, nhưng vẫn nói tới phúc lộc và lễ nghĩa là những điều cẩn trọng trong nền luân lý Á Đông, mà dân tộc Việt Nam luôn luôn gìn giữ.
Phúc sinh lễ nghĩa gia đường thịnh,
Lộc tiến vinh hoa phú quý xuân.
Lược dịch:
Phúc đem lễ nghĩa trong nhà thịnh,
Lộc nảy vinh hoa phú quý xuân.
Xuân đến người dân quê cầu một mùa xuân như ý, cũng như hàng ngày người ta mong mỏi sự bình an. Một đôi câu đối có thể nói lên sự cầu mong này:
Niên niên như ý xuân,
Tuế tuế bình an nhật
Lược dịch:
Năm năm xuân như ý,
Tuổi tuổi ngày bình an.
Lại cũng có đôi câu đối có giọng tâng bốc chủ nhà và khen chủ nhà chỉ có những khách tài ba tới mừng xuân:
Nhập môn tân thị kinh luân khách,
Mãn tọa dai đồng cẩm tú nhân:
Lược dịch:
Vào cửa toàn khách kinh luân
Ngồi chơi toàn người cẩm tú.
Chơi xuân, tiếp khách nhưng người dân quê bao giờ cũng nhớ đến tiên tổ, lo điều nhân đức, cũng như nghĩ đến cháu con, làm điều tốt đẹp. Các cụ xưa sợ con cháu quên những điểm này, nên có để lại đôi câu đối sau đây ta thường bắt gặp tại những gia đình đạo đức miền quê:
Niệm tiên tổ, quật tu quyết đức,
Khải hậu nhân, trường phát kỳ tường.
Lược dịch:
Nhớ tiên tổ, đem điều nhân đức,
Tin cháu con, bền sự lạ hay.
Cùng với ý nghĩa trên liên quan tới việc lo điều nhân đức, nhiều nhà treo những đôi câu đối sau:
Thảo ốc an cư, tích kim quang đắc đức,
Bố y tùy phận cầu phúc đức lai tài.
Lược dịch:
Nhà có ở yên, tích kim quang, được đức,
Áo vải an thân, cầu phúc đức, đến tài.
Với đôi câu đối trên ta thấy dân ta luôn luôn chú trọng tới phúc đức, ở nhà cỏ, mặc áo vải, muốn có tài phải cần có phúc đức.
Thiên địa vô tư, tích thiện tư nhân thiện,
Thánh hiền hữu giáo, tu thân khả dĩ vinh.
Lược dịch:
Trời đất vô tư, làm điều thiện tự nhiên được thiện
Thánh hiền có dạy, lo tu thân có thể được vinh.
Cầu phúc đức phải lo làm điều thiện, và làm điều thiện lại gặp điều thiện, cũng như muốn được vinh hiển thì phải tu thân. Người dân quê Việt Nam, trong khuôn khổ đạo đức luôn luôn lo tu thân tích thiện.
Treo đôi câu đối trên trong nhà, cha mẹ muốn răn dạy con làm điều lành và cần phải sửa mình luôn luôn.
Và những người biết tích thiện tu thân tự nhiên sẽ gặp những điều tốt đẹp. Với năm mới sẽ được hưởng sự bình an hạnh phúc và với ngày xuân, điều vinh hoa phú quý sẽ lại. Những điều may mắn trên, bình an và phú quý ai không mong mỏi, và cầu chúc cho nhau. Bởi vậy, tại nhiều nhà thường treo đôi câu đối:
Tân niên hạnh phúc bình an tiến,
Xuân nhật vinh hoa phú quý lai.
Lược dịch:
Năm mới, hạnh phúc bình an đến,
Ngày xuân, vinh hoa phú quý về.
Người dân quê cho rằng nếu họ được hạnh phúc bình an và vinh hoa phú quý đó là do Trời Đất thương mà ban cho. Người ta không quên Trời Đất, và dưới đây là một câu đối nhắc đến sự rộng lượng của Đất, Trời:
Địa sinh tài, thế nghiệp quang huy,
Thiên tứ phúc, gia thanh hiện tái.
Lược dịch:
Đất sinh tài: nghiệp đời xán lạn,
Trời ban phúc, nhà tiếng tốt tươi.
Khi đã được Đất, Trời ban tài cho phúc, sự phú quý vinh hoa sẽ gia tăng với phúc đức:
Phúc mãn đường, nên tăng phú quý,
Đức lưu quang, nhật tiến vinh hoa.
Lược dịch:
Phúc đầy nhà, năm thêm giàu có.
Đức ngập tràn, ngày một vinh hoa.
Ngoài những đôi câu nhắc nhở đến đạo đức như trên, có những đôi câu đối đề cập tới những cảnh nước nhà với những cây mai cây trúc báo điềm tài lợi lộc quyền là điều người ta hằng mong đợi:
Trúc báo bình an, tài lợi tiến,
Mai khai phú quý, lộc quyền lai.
Lược dịch:
Trúc giữ bình yên, thêm tài lợi,
Mai khai phú quý, lại lộc quyền.
Trúc với lai là hai cây cảnh thường được trồng trước cửa nhà. Với xuân sang lá trúc xanh tươi, hoa mai trắng toát điểm trang cho vườn cảnh trước nhà, và với lá trúc xanh, hoa mai nở, người dân quê tin rằng năm mới sẽ thêm tài lợi và lộc quyền.
Đại để những đôi câu đối xuân thường luôn luôn mang ý nghĩa tốt đẹp, và đôi khi nhắc nhở con người ta đến điều đạo đức. Trên đây chỉ là một số những đôi câu đối được đan cử ra trong hàng trăm nghìn câu đối cổ khác.
Ngoài ra, đôi khi vào một gia đình tổ tiên trước đây đã có một sự nghiệp, ta có thể được đọc một đôi câu đối trong đó con cháu đã khéo léo ghi lại sự nghiệp của ông cha và ý muốn noi theo nghiệp nhà:
Tiên tổ phương danh lưu quốc sử,
Tứ tôn tích học hiển gia phong.
Lược dịch:
Tiên tổ danh thơm ghi sử nước,
Cháu con tích học nổi cơ nhà.
Câu đối thường treo ở hai bên bàn thờ gia tiên, nhưng nếu trong nhà có thờ các vị Thần, Phật, mỗi bàn thờ đều có câu đối riêng. Dưới đây là một đôi câu đối treo ở bàn thờ Phật:
Liên tọa đài tiền hoa hữu thực,
Bồ đề thụ thượng quả thanh nhàn.
Lược dịch:
Tòa sen đài trước hoa đầy đủ,
Cố thụ bồ đề quả thanh nhàn.
Câu đối đỏ tăng vẻ tưng bừng cho ngày Tết và đem màu xán lạn lại trong nhà trước cảnh xuân. Người dân quê đón Tết với hương hoa, bánh trái, nhưng không bao giờ họ quên câu đối đỏ.
Pháo
Nếu tranh mang màu sắc cho ngày Tết, nếu câu đối đem ý đẹp cho mùa xuân, thì pháo mang cả màu sắc lẫn sự vui tươi tới cho con người trong dịp xuân sang Tết đến.
Có câu đối có tranh, thì phải có pháo. Cả ba, nếu người ta muốn đón Tết một cách trang trọng với đủ cả màu sắc của dân tộc, trong buổi thanh bình người ta không thể thiếu được một. Thiếu một thứ, phong vị ngày Tết chưa hoàn toàn dù trong nhà đầy bánh chưng xanh, đầy thịt mỡ dưa hành, dù ngoài sân đủ nêu cao, đủ hoa đào tươi thắm.
Bởi vậy, pháo không thể thiếu được!
Thường bắt đầu sang tháng chạp, lác đác thỉnh thoảng người ta đã được nghe tiếng pháo ở cổng làng, ở chợ làng, ở trước đình làng v.v... của một vài trẻ em ưa pháo đốt chơi.
Ca dao có câu rằng:
Thừa tiền mua pháo đốt chơi,
Pháo nổ lên trời, tiền vứt xuống ao!
Ca dao muốn nói sao thì nói, ngày Tết người ta cứ đốt pháo, dù biết rằng tiền mua pháo là tiền vứt xuống ao!
Còn gì vui bằng tiếng pháo ngày Tết! Còn gì đẹp bằng sắc pháo đỏ ngày xuân! Và còn gì hương vị bằng mùi thuốc bốc lên khi pháo nổ, nhất là gặp những ngày xuân mưa dầm gió lạnh!
Vậy thì Tết đến người ta phải đốt pháo!
Pháo được đốt nhiều bất đầu từ lúc chiều ba mươi Tết khi mọi nhà trong làng đèn hương cúng tổ tiên. Rồi tiếng pháo lác đác kéo dài cho đến nửa đêm.
Lúc này là lễ trừ tịch, tiếng pháo lại vang nổ nhiều gấp năm gấp mười lúc buổi chiều. Nhà nào ít nhất cũng đốt một bánh pháo. Cùng với tiếng pháo liên thanh, còn những tiếng pháo đùng nổ to, giữa tiếng lạch tạch của những tràng pháo nhỏ.
Pháo đốt rộ lên một lúc, tiếng pháo lại thưa cho đến sáng. Khi mọi người trong làng làm lễ đầu năm thì pháo lại nổ nhiều.
Phải nói thêm rằng, trong đêm ba mươi Tết, trời tối đen như mực, những tàng pháo đốt lên lóe lửa giống như những bông hoa cà hoa cải, điểm trang cho đêm tối.
Ngoài những lúc cúng giao thừa, cúng các cụ, người ta còn đốt pháo để mừng nhau.
Khách đến xông nhà, mừng nhà chủ, đốt một bánh pháo và nhà chủ để mở hàng mừng khách cũng đốt một bánh pháo.
Con cháu chúc Tết ông bà cha mẹ xong, đốt pháo!
Học trò đến mừng Tết thầy, đốt pháo!
Dân đến mừng Tết hương chức, đốt pháo!...
Nhiều người cầu kỳ, kén pháo để đốt ngày xuân. Người ta kén pháo toàn hỏng để xác pháo đỏ rắc đầy sân đem vui mừng lại quanh năm. Người ta lại kén pháo kêu đều, kén pháo nổ to, và kén pháo điện quang để khi đốt lên hoa lửa bắn ra.
Pháo giữ một vai trò quan trọng trong ngày Tết của dân quê. Giàu nghèo gì, cũng phải có bánh pháo để mừng xuân, cũng như phải có tranh Tết để dán trên tường, đúng như lời ông Tú Xương:
Đì đẹt ngoài sân trọng pháo chuột,
Om xòm trên vách bức tranh gà.
Có nhiều làng có tục thi đốt pháo như ở làng Thị Cầu vào ngày mồng ba Tết. Hôm đó, một quả pháo đại thật lớn được treo trên cột cờ, rồi dân làng dùng những quả pháo nhỏ đốt ném lên để đốt quả pháo đại. Ai ném đốt được quả pháo lớn thì được thưởng.
Nguyên làng này trước đây có nghề làm pháo, dân làng nhà nào cũng làm pháo, nhưng chỉ làm pháo đùng ngòi ngang, nghĩa là ngòi dùi ngang bụng pháo, không dùi dọc đầu pháo như pháo tràng. Pháo này gọi là pháo nến, vì trông giống cây nến.
Để ném đốt quả pháo đại, họ tự làm lấy những pháo nến, thuốc pha riêng và giấy làm pháo là loại giấy bắt lửa. Quả pháo nổ lên, lửa ở thuốc pháo bắt vào giấy pháo, bắn sang ngòi quả pháo đại và như vậy quả pháo đại bắt nổ. Nói như vậy nhưng dùng pháo nhỏ đốt được quả pháo đại thật khó khăn, có nhiều năm không có người nào đốt nổi, ông cai đám phải cầm hương đốt.
Tóm lại, kể từ chiều ba mươi Tết, người ta đốt pháo, và luôn trong mấy ngày Tết, tiếng pháo như điểm cho cung bực của phong vị ngày xuân. Sáng ngày mồng bốn Tết, người ta cũng đốt pháo nhiều nhân dịp cúng hóa vàng tiễn các cụ.
Cành đào
Ngày Tết người ta còn có tục chơi cành đào, nhất là tại miền Bắc và miền Trung, về mùa xuân có hoa đào nở.
Hoa đào màu đỏ nhạt rất hợp với cảnh xuân.
Người chơi hoa đào thường kén giống bích đào, là giống đào chỉ có hoa đỏ tươi mà không có quả.
Tục tin rằng hoa đào trừ được ma quỷ. Đây là do tích cũ về hai vị thần Uất Lũy và Thần Trà:
Xưa ở dưới gốc cây đào lớn núi Độ Sóc có hai vị thần là Thần Trà và Uất Lũy cai quản đàn quỷ. Quỷ nào làm hại dân gian bị trừng phạt ngay.
Ngày nay, cành đào ngày Tết tượng trưng cho hai vị thần trên. Ma quỷ trông thấy cành đào phải tránh xa.
Dân các làng quê, Tết đến mỗi nhà cắm một cành đào ở bàn thờ, thường là thứ đào ăn quả, dân quê không cầu kỳ, như người chơi hoa đào. Người ta chặt cành đào ở cây đào ngoài vườn, hoặc nếu trong vườn không có, thì người ta xin ở một nhà hàng xóm hoặc bất cứ một nhà nào ở trong làng.
Nhà có cây đào không bao giờ tiếc người làng, và ở đây ta lại thấy tinh thần hòa đồng tương trợ của người dân Việt nơi đồng ruộng.
Cành đào chặt về, người ta đốt phía dưới rồi cắm vào bình có nước, đào sẽ tươi tốt trong mấy ngày Tết, sẽ trổ hoa và nảy lá.
Cành đào cắm trên bàn thờ tăng vẻ huy hoàng của bàn thờ và chính là bảo vệ cho tổ tiên về hưởng Tết, vì ma quỷ thấy cành đào sẽ không bén mảng tới, và như vậy tổ tiên không bị quấy nhiễu trong những ngày Tết.
Cỗ đơm
Trong dịp Tết đến, ông bà cha mẹ còn sống con cháu thường phải biếu Tết như trên đã nói.
Đối với ông bà cha mẹ đã khuất núi, người con trưởng giữ việc khói hương, ngày Tết phải có cỗ bàn cúng các cụ. Những người con thứ phải gửi Tết từ trong năm, những ngày Tết đến họ vẫn phải làm cỗ mang tới nhà trưởng để cúng ông bà cha mẹ. Cỗ này gọi là cỗ đơm.
Cỗ đơm làm vào ngày mồng hai Tết. Trong ngày nguyên đán con cháu chỉ đến lễ nhà gia trưởng và cỗ bàn trong ngày đầu năm này, người gia trưởng phải lo.
Ngày mồng hai Tết, những người con thứ mang cỗ đơm tới nhà người gia trưởng, người gia trưởng đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên, rồi hết một tuần nhang, những cỗ bàn này được dọn xuống để tất cả con cháu cùng ăn.
Thường con cháu đều ở trong làng, nên ngày mồng hai Tết là dịp để đại gia đình gặp gỡ nhau, cùng nhắc lại những kỷ niệm của ông bà cha mẹ đã khuất.
Những người con gái đã đi lấy chồng cũng có cỗ đơm về cúng ông bà bố mẹ, và khi lấy chồng khác xã thường ngày mồng ba các con gái mới mang cỗ đơm về cúng gia tiên nhà mình. Những người đi xa vắng hoặc lấy chồng ở những nơi xa xôi, ngày Tết không về được và không có cỗ đơn để cúng gia tiên vẫn gửi đồ lễ và tiền về nhờ người gia trưởng làm cỗ cúng cha mẹ.
Việc làm cỗ đơm ngày Tết có một ý nghĩa rất đẹp trước hết là để con cháu tỏ lòng biết ơn tổ tiên, và sau nữa là để anh chị em chú bác cô dì nhân dịp này được cùng nhau toàn gia sum hợp.
Giàu nghèo, ngày Tết, tại các làng quê xưa, người ta cũng có mâm cỗ đơm để cúng ông bà cha mẹ. Mâm cỗ có thể đơn sơ nhưng cũng đủ nói lên lòng tưởng nhớ của con cháu đối với ông bà cha mẹ đã khuất. Mâm cỗ dù không linh đình nhưng bao giờ cũng có trầu cau rượu, vàng hương là những đồ lễ mà đã gọi là cúng bái thì không thể thiếu được.
Cúng tiễn ông vải
Trong ba ngày Tết, ngày hai lần, người ta có mâm cơm cúng các cụ, và luôn luôn trong mấy ngày này, đèn hương trên bàn thờ được đốt liên tiếp.
Đến sáng ngày mồng bốn người ta làm lễ cúng tiễn ông vải. Cũng có nhà, gặp phải ngày xấu không hợp tuổi của người gia trưởng, phải cúng tiễn các cụ trước hoặc sau một ngày.
Tất cả ở các làng quê, thường là ba ngày, và nhà nào cũng cúng các cụ trong ba ngày, không như ở tỉnh, nhất là ở Sài Gòn ngày nay, có nhà chỉ cúng tổ tiên một hai ngày là đã có lễ cúng tiễn.
Hóa vàng
Sau lễ cúng tiễn ông vải là hóa vàng.
Bao nhiêu vàng mã đã cúng trong ngày Tết, do người gia trưởng mua hay do các ngành thứ đem gửi Tết đều được đem đốt sau tuần cúng tiễn các cụ.
Khi vàng đốt gần hết người ta đổ vào đống tro vàng một chén rượu cúng. Tục tin rằng có như vậy ở dưới cõi âm, các cụ mới nhận được vàng và vàng mã mới biến thành vàng tiêu được.
Rồi người ta đem hai cây mía đã mua trong năm và đã dựng ở hai bên bàn thờ gia tiên để thờ trong ba ngày Tết, ra hơ trên những đang tàn vàng còn đang đỏ ối.
Hai cây mía đó, người ta bảo là gậy các cụ. Các cụ sẽ dùng hai cây mía này để gánh vàng về cõi âm, và cũng dùng làm khí giới chống lại bọn quỷ sứ muốn ăn cướp vàng.
Lễ hóa vàng chấm dứt ngày Tết tại các gia đình. Do đó sáng ngày mồng bốn, các con cháu thường tề tựu tại nhà gia trưởng để cùng nhau ăn uống kết thúc ngày Tết.
Sau bữa cơm Tết này, những con cháu làm ăn nơi xa, lại ai đi phương nấy.
Trong lễ hóa vàng đúng ra là trong lễ tiễn các cụ cũng có đốt pháo.
Viếng mộ đầu xuân
Tại nhiều làng, người ta không đi thăm mộ trước Tết, người ta đợi đầu xuân, sau khi hóa vàng tiễn các cụ mới cùng nhau đi viếng mộ đầu xuân.
Làng Thị Cầu, tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc) có tục đi viếng mộ vào ngày mồng bốn tháng Giêng, và nhân dịp này, người ta tảo mộ.
Sáng hôm đó, mọi nhà trong làng đều làm lễ gia tiên từ tinh mơ. Sau cuộc lễ, có đốt pháo, hóa vàng rồi nhà nhà đều rủ nhau đi thăm mộ.
Phần đông gia đình, già trẻ lớn bé đều đi viếng mộ hết. Gia đình nào cũng mang theo hương để cắm lên mộ, vàng để đốt tại mộ, và nhất là mang theo cuốc xẻng để đắp lại các nấm mộ cho cao, vun lại các nấm cho đẹp, đánh nhổ đi hết các khóm cây dại mọc lẫn vào mô.
Ở nghĩa địa, chân núi Thiềm Sơn, đủ nam phụ lão ấu với áo màu sặc sỡ của ngày xuân.
Có nhiều người lại đốt cả pháo, như muốn xua đuổi cái lạnh lẽo của nơi mộ địa bằng pháo và cũng như muốn để cho hương hồn người khuất được chia vui thêm với người sống nhân dịp xuân về.
Thăm mộ là một tục rất đẹp và rất có ý nghĩa. Tục này còn, gia đình còn và con người sẽ không bao giờ mất gốc.
Viếng mộ đầu xuân
Tại nhiều làng, người ta không đi thăm mộ trước Tết, người ta đợi đầu xuân, sau khi hóa vàng tiễn các cụ mới cùng nhau đi viếng mộ đầu xuân.
Làng Thị Cầu, tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc) có tục đi viếng mộ vào ngày mồng bốn tháng Giêng, và nhân dịp này, người ta tảo mộ.
Sáng hôm đó, mọi nhà trong làng đều làm lễ gia tiên từ tinh mơ. Sau cuộc lễ, có đốt pháo, hóa vàng rồi nhà nhà đều rủ nhau đi thăm mộ.
Phần đông gia đình, già trẻ lớn bé đều đi viếng mộ hết. Gia đình nào cũng mang theo hương để cắm lên mộ, vàng để đốt tại mộ, và nhất là mang theo cuốc xẻng để đắp lại các nấm mộ cho cao, vun lại các nấm cho đẹp, đánh nhổ đi hết các khóm cây dại mọc lẫn vào mô.
Ở nghĩa địa, chân núi Thiềm Sơn, đủ nam phụ lão ấu với áo màu sặc sỡ của ngày xuân.
Có nhiều người lại đốt cả pháo, như muốn xua đuổi cái lạnh lẽo của nơi mộ địa bằng pháo và cũng như muốn để cho hương hồn người khuất được chia vui thêm với người sống nhân dịp xuân về.
Thăm mộ là một tục rất đẹp và rất có ý nghĩa. Tục này còn, gia đình còn và con người sẽ không bao giờ mất gốc.
Động thổ
Với buổi cúng tiễn các cụ, Tết như đã hết tại các gia đình nhưng Tết làng chưa hết, và dân làng, tuy hết Tết, nhưng vẫn chưa bắt đầu làm việc được, nhất là công việc nhà nông phải động chạm tới ruộng đất.
Người ta phải chờ làng làm lễ Động Thổ.
Động thổ nghĩa là động đến đất, và lễ động thổ là lễ động đến đất. Và trong khi động đến đất phải có lễ cúng Thổ thần để trình xin bắt đầu động đến đất cho một năm mới.
Hàng năm, thường sau ngày mồng ba Tết, tại các làng có làm lễ động thổ để cho dân làng có thể bắt đầu bới cuốc xới.
Chính ra thì ngày lễ động thổ không nhất định là ngày nào, nhưng để tiện giúp dân chúng làm ăn, các làng thường cử hành lễ này sau ba ngày Tết.
Các bậc ký lão và quan viên được cử làm chủ tế và bồi tế. Lễ vật gồm có hương đăng, trầu rượu, y phục và kim ngân đồ mã.
Trong buổi lễ Thần Đất, ông chủ tế với nguyên áo thụng xanh cuốc mấy nhát xuống đất để lấy một cục đất đặt lên bàn thờ, tường trình với Thổ thần xin cho dân làng được động thổ.
Sau buổi lễ động thổ này, dân làng mới được động tới đất. Ai cuốc tới đất trước lễ động thổ bị dân làng bắt vạ.
Trong ba ngày Tết nếu không may có ai qua đời, tang gia không được chôn ngay, phải chờ làng làm lễ động thổ xong mới được đào huyệt làm ma.
Lễ khai hạ
Tết tuy hết từ ngày mồng bốn, nhưng có thể nói là người ta vẫn còn nghỉ Tết, vì chưa ai bắt đầu làm việc. Mọi việc nông tang và buôn bán còn đình lại, chờ đến lễ khai hạ xong.
Lễ khai hạ còn gọi là lễ hạ nêu, nghĩa là hạ cây nêu xuống. Cây nêu trồng trong năm khi sửa soạn đón Tết, được giữ cho đến ngày mồng bảy tháng giêng, mới được hạ xuống sau một cuộc cúng lễ trời đất, ở ngoài sân. Đồng thời người ta cũng cúng gia tiên, cúng Thổ công và cúng Thần tài.
Tại đình làng, dân làng cũng làm lễ Khai hạ để sau đó mọi người trong làng bắt đầu làm việc.
Kể từ ngày mồng tám, mọi công việc trong làng dần dần trở lại, tuy người ta vẫn tiếp tục chơi xuân đúng với câu ca dao.
Tháng giêng là tháng ăn chơi.
vì vào đầu xuân, thực ra công việc đồng áng đã vợi.
Cờ Bạc
Nói đến Tết của dân quê Việt Nam không thể bỏ qua cờ bạc ngày xuân.
Người dân quê quanh năm vất vả, Tết là dịp nghỉ ngơi và mùa xuân là mùa nhàn nhã nên trong lúc nghỉ ngơi nhàn nhã này người ta hay tìm những thú tiêu khiển.
Trong những thú tiêu khiển của dân làng quê phải kể đến cờ bạc. Người dân quê Việt Nam cũng như bất cứ người dân quê nơi nào khác, tuy không có máu mê cờ bạc, nhưng gặp cờ bạc thì cũng đánh chơi giải trí.
Gọi là giải trí, vì thực ra trong những môn cờ bạc ngày xuân, rất ít môn có tính cách bóc lột.
Gặp nhau, người ta hỏi thăm nhau đã khai xuân chưa, tức là đã chơi canh bạc nào chưa. Người ta khai xuân để bói xem sự may rủi quanh năm qua canh bạc đầu xuân. Canh bạc đầu xuân mà may mắn được, người ta tin rằng năm đó sẽ làm ăn dễ dàng và sẽ gặp những điều may. Thua bạc ở canh khai xuân này, năm đó sẽ là một năm không mấy tốt đẹp.
Cờ bạc đầu xuân có loại có tính cách gia đình như tứ sắc, tam cúc, tổ tam, đánh bắt, và có loại ăn thua lẫn nhau như sóc đĩa, đánh chắn, thò lò, súc sắc.
Các nhân viên trong ban kỳ mục tuy quanh năm không cho phép dân làng đánh bạc, nhưng Tết nhất, chơi xuân, các ông cũng tỏ ra dễ dãi, không cấm đoán, nhất là những cuộc giải trí trong nhà giữa gia đình và bạn bè. Về các canh bạc đầu năm, các ông có ra lệnh cấm đoán, nhưng lệnh ra chỉ để mà ra, thường ngày Tết các ông cũng không khe khắt, mặc cho dân làng vui xuân trong mấy ngày đầu năm. Có khi tuy các ông ra lệnh cấm, nhưng chính các ông cũng tổ chức một vài canh để mua vui và để thử thời vận với nhau.
Cờ bạc lẽ tất nhiên bị quan trên cấm đoán, nhưng lệnh quan là phép vua, và vui xuân là lệ làng. Ở đây tôi không nói đến những hạng cường hào ác bá, nhân dịp xuân tổ chức đánh bạc để lấy hồ, và tôi chỉ xin nhấn mạnh đến hai chữ vui xuân. Có nhiều canh bạc vui xuân rất lớn, nhưng những con bạc này, sau một hai canh vui xuân, lại ai làm việc nấy, không tiếp tục cờ bạc quanh năng như bọn cờ bạc nhà nghề.
Những tục lệ đặc biệt về tết tại một vài làng quê
Từ trên nói về Tết làng, chỉ nói những điều chung cho tất cả mọi làng, nhưng nhiều làng có những tục lệ đặc biệt về Tết, nhân đây cũng xin nhắc sơ qua để bạn đọc cùng biết.
Lễ trình nghề
Các làng Đồng Vệ và Bích Đại, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên (Vĩnh Phú), có tục lễ trình nghề vào các ngày mồng bốn và mồng năm tháng giêng.
Theo lệ các làng này, vào các ngày trên, mỗi nhà nông trong làng, ngoại trừ những người có tang được miễn, phải làm một con trâu giả bằng rơm đem ra sân đình làng để làm lễ. Trâu giả được buộc vào một cái cày có lưỡi bằng gỗ, rồi một người đàn ông kéo trâu đi quanh sân đình, một người đàn ông khác cầm cày đi theo; trong lúc đó một thiếu nữ dưới 17 tuổi bưng một thúng trấu theo sau rắc vãi, giả làm thóc giống.
Lại có hai người đàn ông cải trang làm đàn bà và hai người cải trang làm con trai đi theo.
Lễ trình nghề để dân làng trình với đức Thành hoàng nghề nghiệp canh nông của mình cầu xin ngài phù hộ cho mưa thuận gió hòa, gặt hái được nhiều lúa.
Trong buổi lễ này, cả làng đều có mặt tại sân đình.
Chợ thịt heo ngày tết
Làng Mỹ Lợi thuộc quận Vĩnh Lộc tỉnh Thừa Thiên có tục bán thịt heo ngày Tết.
Trong những ngày sửa soạn Tết, dân làng này cho làm những chòi cao, vào khoảng ba mươi chiếc ở nơi đất trống đầu chợ.
Những chòi cao này chính là những quán bán thịt heo Tết vào các ngày 29 và 30 cuối năm.
Trong những ngày này bao nhiêu heo lớn trong làng đều được đem mổ thịt để bán cho dân làng dùng trong dịp Tết, và ở mỗi chòi là nơi bày bán một con heo khổng lồ.
Dân làng, sắm Tết đều dành đến ngày phiên chợ thịt heo đặc biệt này mới mua thịt để gói bánh, làm cỗ Tết. Phiên chợ rất vui và rất náo nhiệt. Gia đình nào cũng có người có mặt tại phiên chợ, vì nhà nào Tết mà không cần đến thịt heo.
Cả dân chúng một vài xã lân cận, biết lệ làng Mỹ Lợi cũng kéo nhau đến đây sắm thịt heo ăn Tết.
Rồi Tết đến, xuân sang. Những cái chòi dùng để bán thịt heo phiên chợ Tết, trong buổi đầu xuân sẽ biến thành những chòi để dân làng đánh bài chòi. Đây là một thứ cờ bạc đầu xuân, và những người đánh bài, mỗi người ngồi trên một chiếc chòi, một chòi trung ương và các chòi chung quanh. Lối đánh bài chòi tựa tựa như tổ tôm điếm và bắt nguồn từ tỉnh Bình Định. Bài chòi có tính cách mua vui và giải trí nhiều hơn là sát phạt, và người ta cũng chỉ chơi vào dịp đầu xuân.
Chợ tết xã Vĩnh Mỹ
Vĩnh Mỹ cũng là một xã thuộc quận Vĩnh Lộc tỉnh Thừa Thiên.
Xã này có tục họp chợ vào các ngày mồng một và mồng hai Tết, nhưng đặc biệt chợ lại không họp ngay ở địa điểm chợ mà lại họp ở một cồn cát trắng cách đó vào khoảng 1.500 thước, và mang tên là chợ Cồn.
Dân làng đi chợ Cồn để mua bán thì ít, nhưng để vui xuân thì nhiều. Trong phiên chợ này, những người buôn bán mang hàng tới bán không cầu mong bán đắt hàng, mà chỉ vì lệ làng. Người ta tin rằng người buôn bán trong làng có đi bán hàng tại chợ Cồn đầu năm thì quanh năm mới buôn may bán đắt.
Gọi là đi chợ để vui xuân, vì nhân dịp này những cặp trai gái trong làng hò hẹn gặp gỡ nhau và nhiều người đi chợ, chỉ mua bán tượng trưng.
Về điểm tại sao phiên chợ đầu xuân không hợp ở vị trí chợ làng, lại đi họp ở cồn cát thì được các cụ giải thích:
Chợ của xã Vĩnh Mỹ, trong những đêm mồng một, mồng hai Tết có người âm về họp chợ, và do đó đêm khuya, người ta từng nghe tiếng ồn ào của một phiên chợ mà không thấy người. Vì trong hai ngày này, người âm họp chợ nên trần gian phải trả chợ cho họ mà kéo nhau tới họp ở chợ Cồn.
Lời giải thích như vậy, ai muốn tin thì tin, ai không tin cũng không sao, nhưng có điều hiển nhiên là dân xã Vĩnh Mỹ, trong mấy ngày Tết, họp chợ để vui xuân, người ta vẫn họp ở cồn cát mà không họp ở chợ làng. Đây là một tục lệ, đã gọi là tục lệ thì đố ai làm trái được!
Mấy tục tết của làng Yên Đổ
Làng Yên Đổ, quê của cụ Tam Nguyên Nguyễn Khuyến, thuộc huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam (Hà Nam Ninh), ở cách Nam Định về phía Bắc chừng 15, 16 cây số, là một làng văn vật, và đã sản xuất ra nhiều tay văn học. Xưa kia với dịp Tết đến Xuân về, làng này có nhiều tục lệ đặc biệt. Những tục lệ này đã được ông Nhuệ Giang, ghi trong tập Yên Đổ tùng biên xuất bản tại Sài Gòn năm 1967, mà chúng tôi xin trích nguyên văn dưới đây đề bạn đọc cùng rõ.
“Tục họp chợ Đồng làng Yên Đổ”
“…
Tục truyền ngày 25 tháng chạp, nhân dân làng Yên Đổ muốn kỷ niệm công đức của tiền nhân có một phiên chợ Đồng vào cuối năm ngay tại cánh đồng bàng Yên Đổ.
Hầu hết các dân cư lân cận đều đến dự họp rất đông.
Mỗi năm trước ngày 24 tháng chạp, các hàng quán đã được dựng lên san sát trên các cánh đồng khô ráo, rồi đến sáng tờ mờ ngày 24, các vị thân hào, các nhà buôn bán, trẻ con, người lớn, thanh niên phụ nữ trong khắp các vùng lân cận đã tề tựu rất đông.
Sự gặp gỡ của mọi người đã được phô diễn trong cảnh tưng bừng náo nhiệt, trong buổi tất niên cùng nhau trao đổi những lời chúc tụng vào dịp tân xuân sắp tới”.
Thi thơ và nếm rượu tại tường đền
“Buổi sớm hôm đó là một cuộc thi văn thơ đã được các vị bô lão trong làng tổ chức ngay tại ngôi đình cạnh chợ. Các nhà văn sĩ, văn hào các nơi đều đến tập họp tại nơi Tường Đền để dự cuộc thi.
Các vị khoa mục trong làng Yên Đổ và các làng gần đó làm giám khảo, những thí sinh nào trúng giải thưởng sẽ được hoan hô và được ban tặng phần thưởng rất hậu. Thực ra là một cuộc thi tao nhã và hào hứng với mục đích khuyến khích các bạn thư sinh cố gắng dùi mài kinh sử, tranh khôi đoạt giáp sau này.
Sau cuộc thi thơ, các vị trúng giải đều được mời nếm rượu ở Tường Đền cùng các vị bô lão trong làng để kén rượu tốt (ngon nhất) dùng vào việc tết tự trong buổi đầu năm.
Đến sau gặp hồi tao loạn, thực dân Pháp đặt cuộc đô hộ tại Việt Nam, cụ Tam Nguyên đã có bài thơ về cảnh chợ Đồng như sau: (Tuy là bài thơ tả cảnh chợ Đồng giáp Tết, lời lẽ tự nhiên, nhưng ngụ ý rất khéo về thời thế mà lúc đó không thể nói rõ hơn được nữa)”.
Thơ chợ đồng
Tháng Chạp, hai mươi bốn, chợ Đồng,
Năm nay chợ họp có đông không?
Gió trời, mưa bụi còn hồi rét,
Nếm rượu Tường Đền được mấy ông?
Hàng quán người về nghe xáo xác,
Nợ nần năm hết hỏi lung tung.
Dăm ba ngày nữa tin xuân tới,
Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng.
"Lệ săn cuốc tại làng Yên Đổ
“Làng Yên Đổ, một xã 10 thôn, địa thế rộng, phần đông chuyên nghề canh đọc (đọc sách và làm ruộng). Ruộng nương thường bị chim quác, lông đen mỏ trắng, đến quấy phá làm hư hại mùa màng.
Nên năm mới, vào ngày 3 và ngày 5 tháng giêng là ngày nghỉ Tết đầu xuân, cầy cấy đã xong, dân làng có tổ chức cuộc săn cuốc, để trừ bớt giống chim phá lúa, một cổ tục tù xưa.
Trong ngày đó, nhân dân trong làng, trừ đàn bà và trẻ em phải trông nhà, đều đi dự cuộc săn cuốc.
Các vị bô lão đi giữa đám đông, còn đi đầu và đi cuối đều là những trai tráng khỏe mạnh, kẻ khua cồng, người đánh lệnh, chen lẫn những tiếng hò reo inh ỏi, làm náo động cả một vùng, khiến cho những chim cuốc lủi trong bụi rậm, phải kinh hoảng bay chạy tứ tung, tìm nơi ẩn lánh, sa vào đám đông liền bị bắt sống.
Ai bắt được chim đem nộp làng, liền được tiền thưởng do các điền chủ treo giải.
Cuộc thi văn thơ, phiên họp chợ Đồng và lệ săn chim cuốc trên đây thực có ý nghĩa: xây dựng văn nghệ, phát tiền thương mại và khuyến khích thể thao, thuần phong mỹ tục của làng Yên Đổ vậy”.
Nhuệ Giang
Yên Đổ Tùng biên
Trên đây là mấy tục lệ địa phương của mấy làng đơn cử ra để giúp bạn đọc có một ý niệm sơ lược về Tết làng với những phong tục của từng làng. Mỗi làng đều có mỗi phong tục riêng, thay đổi tùy theo dân tình, tùy theo hoàn cảnh địa dư của mỗi nơi và nhất là tùy theo vị Thành hoàng được dân làng thờ phụng.
Những tục lệ đặc biệt của các làng xã nhiều lắm, nhưng chúng tôi chỉ giới hạn kể ra vài bốn nơi nói trên vì phạm vi chật hẹp của chương sách.
--------------------------------
Bàng Bá Lân. Thơ B.B Lân | |
Cô Anh Thơ. - Bức trang làng quê | |
Cô Anh Thơ. - Bức trang làng quê | |
Phan Kế Bính. - Sách đã dẫn. | |
Nguyên Văn Ngọc. Tục ngữ phong dao - Nhà xuất bản Bốn Phương. Saigon, 1957-1958. | |
Thời gian thong thả Cỏ cây, người người tươi thắm. Tuổi già được đầy đủ năm điều Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh Tam đa chúc nhau thêm phong phú Ba điều đạt (Phúc, Lộc, Thọ) thì Sỉ (Thọ) đứng đầu. | |
Nguyễn Văn Ngọc. Sách đã dẫn. | |
Phan Kế Bính. Sách đã dẫn. | |
Cô Anh Thơ. Sách đã dẫn. | |
Cô Anh Thơ. Sách đã dẫn. | |
Tản Đà. |
Dân làng đối với người chết
Sơ lược
Ta có tục thờ phụng tổ tiên, do đó đối với người chết ta có một sự kính trọng, và không bao giờ ta xâm nhập tới mồ mả cũng như không bao giờ ta nhắc tới người đã qua đời với sự oán hận.
Chết là hết, dù người chết đó có là kẻ thù của ta, kể cả kẻ thù ngoại quốc.
Người Trung Hoa xưa kia bao phen xâm lấn Việt Nam, và có những tướng lĩnh đã bỏ mình nơi trận địa đất Việt, nhưng khi chết đi, nếu những tướng lĩnh này được Hoa kiều lập đền thờ, người Việt Nam không bao giờ ngăn, cả đến những tướng lĩnh đã từng chiến thắng người Việt Nam, đền thờ của họ cũng vẫn được người Việt mặc nhiên coi như không nghĩ đến đây là nơi thờ tự một kẻ thù cũ, như đền thờ Mã Viện tại phố Hàng Buồm, Hà Nội, Mã Viện đã chiến thắng quân Hai Bà Trưng, nhưng Mã Viện đã chết, người Việt Nam không thù hằn người chết.
Người Việt Nam vẫn giết chết kẻ thù rồi thờ kẻ thù liền đó, bởi vì họ quan niệm rõ một sự cách biệt giữa cái giá trị thuộc về sự sống với cái giá trị thuộc về sự chết. Khi kẻ thù đã chết kẻ thù không còn là cái đối tượng lúc trước cần phải tiêu trừ. Bây giờ là cái tinh anh còn lại của một con người đã có tài năng, đã có sự nghiệp, có một cuộc sống nào đó. Cho nên khi người Việt Nam giết Sầm Nghi Đống rồi lại lập miếu thờ họ Sầm không phải là trọng vọng tên giặc cướp, mà chính là hoài niệm một kẻ có bản lĩnh bị họ trừ khử vì sự tự vệ chính đáng. Trả lại cho kẻ bị thiệt thòi kia một chút an ủi tinh thần, đó là một thứ nghi lễ của một dân tộc có nền văn minh độc đáo. 1
Đối với kẻ thù, người Việt Nam còn có lượng bao dung sau khi kẻ thù không còn nữa, và trong sự bao dung có lẫn phần kính trọng cái tinh anh con người của kẻ thù, huống chi lại đối với chính người Việt Nam, nhất là khi đây lại là những người trong họ ngoài làng.
Thực vậy, dân làng đối với người chết ở trong làng không có họ xa thì họ gần, không thì là chỗ quen biết, hoặc tiền nhân những người mình quen biết, vì người trong một làng ai có lạ ai.
Quý người sống làm sao thì người ta quý người chết như vậy.
Tha ma
Người sống có nhà cửa, người chết có mồ mả và mồ mả của dân làng thường quy tụ ở một bãi tha ma.
Mỗi làng, đầu làng hoặc cuối làng, có một khu đất rộng để làm chỗ tha ma mộ địa, trong làng có ông già bà cả mất thì đem chôn tại đó.
Những làng ở gần đồi núi, bãi tha ma thường ở chân núi, còn những làng ở đồng bằng, dân làng cũng dành một khu đất cao để an táng người chết.
Ở nơi đây gò đống ngổn ngang, những ngôi mộ nằm như bát úp, không hàng lối, những ngôi mả dài bên những ngôi mộ tròn, những ngôi mộ xây bên những nấm mả đắp.
Bãi tha ma thường không có địa giới rõ ràng, khu đất rộng nằm ở chân núi hoặc ở đầu, cuối làng không biết rộng bao nhiêu.
Dân làng mỗi khi có đám ma, lúc đào huyệt, tìm huyệt đất nào trống thì đào, không kể gì thứ tự trước hoặc sau. Có ngôi mộ đào ngang, có ngôi mộ đào dọc, có ngôi mộ đào chênh chếch. Không phải không có lý do mà mỗi ngôi mộ đào theo một hướng khác nhau. Đó là theo sự chỉ dẫn có các thầy tự, thầy pháp đã xem trong lịch để biết năm nào, người chết khi chôn phải quay đầu về hướng nào mới hợp và linh hồn mới được yên.
Cũng có làng bãi tha ma được xây chung quanh và có lối vào bằng một hoặc hai cổng. Những cổng này không có cánh cửa chỉ hai bên có hai cột trụ và mỗi bên cột trụ có một vế câu đối đại ý nói về sự yên nghỉ của những người chết.
Nơi tha ma này được gọi một tên trang trọng hơn là nghĩa địa.
Thường người trong làng chết, người nhà thường mai táng tại nghĩa địa làng, nhưng cũng có nhiều người không chôn thân nhân ở nghĩa địa lại chôn ở ruộng hoặc vườn riêng của mình để tiện việc săn sóc mồ mả.
Lại cũng có người vì kén đất, nhờ thầy địa lý tìm nơi huyệt tốt để an táng ông bà cha mẹ, những người này để mộ cha mẹ không phải ở tha ma làng mà ở một nơi nào đã được thần địa lý tìm kiếm trước. Các thầy địa lý bảo rằng những ngôi mộ chôn đúng vào những huyệt tốt sẽ phát, và con cháu sẽ khá giả, hoặc học hành thi đỗ, hoặc làm ăn giàu có, tùy theo sự phát của ngôi mộ về danh hoặc về lợi.
Ai đã có dịp đi thăm một bãi tha ma Việt Nam ắt hẳn phải nhận thấy có những ngôi mộ mới chôn, nấm dài, cỏ chưa mọc và những ngôi mộ đã sang tiểu nấm tròn. Lại có những lỗ huyệt cũ của những ngôi mộ đã cải táng.
Người ta thường kén đất tân, nghĩa là đất mới chưa có ai chôn cất trước để an táng người thân, bởi vậy tại những huyệt cũ đã cải táng, không có ai dùng lại, và lỗ huyệt cứ bỏ trống với những mảnh ván hôi tức là những mảnh ván của chiếc áo quan cũ, đã mục vứt lay lắt bên cạnh.
Những ngôi mộ nơi nghĩa địa phần nhiều là mồ có chủ, nhưng cũng có những ngôi mồ vô chủ không ai trông nom và bị hoang phế. Những người nằm trong những ngôi mộ này cũng không được ai cúng vái
Am chúng sinh
Để giảm bớt phần nào sự khổ cực của những linh hồn kém may mắn không người cúng vái, mỗi làng đều xây tại nơi mộ địa một cái am năm ba gian hoặc một cái bệ lộ thiên, để thờ cúng những ai nằm trong mồ mả vô chủ.
Am này gọi là Am chúng sinh và có mang ba chữ Hàn lâm sở.
Am này có một bà đồng lo việc đèn hương thờ cúng. Mỗi khi trong làng có đám tang, các tang chủ cũng thường có đồ lễ tới cúng nơi am. Đồ lễ này cúng xong, tang chủ để lại cho bà đồng được hưởng.
Để có tiền dầu đèn hương khói tại am, bà đồng trông chờ ở sự từ tâm của người làng đối với những vong hồn vô thừa tự. Ngoài ra, bà thường bày một cái nong ra cạnh đường đi, trước mặt Hàn lâm sở, vì am này thường xây ở lối vào nghĩa địa, bên đường làng, để quyên giáo. Trên nong có một bát hương cắm vài ba nén hương đang cháy và có những thoi vàng hồ vung vãi. Khách qua lại ai cũng cúng một vài đồng tiền để làm phúc, trong lúc đó bà đồng ngồi trong am đánh trống kể kệ.
Thường ngày cũng có đôi ba bà trong Hội Chư bà tới am để giúp đỡ bà đồng trong công việc chuông mõ kinh kệ, hoặc đèn nhang tại am, nhất là những ngày có đám tang ở trong làng.
Cúng bách linh
Vì đây là nơi cúng tất cả những vong hồn vô thừa nhận, nên hàng năm vào dịp ba tháng hè là bà đồng có cũng cháo trong những ngày rằm và mồng một để các cô hồn được thừa hưởng. Lễ cúng này gọi là cúng bách linh. Đồ lễ có vàng hương hoa quả, nhưng đặc biệt nhất là có cháo hoa nấu bằng gạo.
Bà đồng thường nấu một nồi cháo, múc ra bát để ở bàn thờ, nhưng ngoài ra còn múc vào các bồ đài lá đa, - những lá đa cuộn tròn lại, gài trên đầu một chiếc que tre, - cắm hai bên dọc đường.
Tục bảo rằng cháo ở bàn thờ có quan âm tới hưởng còn các cô hồn thì cướp cháo ở lá đa. Trong lễ cúng bách linh cũng có một mẹt những bánh kẹo hoa quả, mà ta tin rằng các cô hồn chia nhau cùng hưởng.
Cúng bách linh được cúng trong ba tháng hè vào các ngày rằm và mồng một, hoặc vào các kỳ lễ lạc như Tết Đoan Ngọ, hoặc kỵ làng v.v..
Làm chay
Vào tháng bảy, dân làng hoặc dân trong thôn xóm, nhân dịp xá tội vong nhân, thường tổ chức làm chay tại am chúng sinh. Chi phí về làm chay có thể do quỹ làng đài thọ, hoặc có thể do các nhà từ tâm hùn góp.
Làm chay cúng liền hai ba ngày có khi năm bảy ngày, và dân làng thiết lập đàn tràng ngay tại cửa am.
Trước khi cúng đàn chay, có cuộc chiêu âm hồn gọi là rước linh.
Rước linh do một vị hòa thượng cầm gậy tam xích đi đầu, đi khắp đám tha ma mộ địa. Theo sau vị hòa thượng có các vãi, số vãi trong làng rất đông, xếp hàng đôi hàng ba đi theo sau, hai vãi đi trước nhất cầm hai cành phướn nhỏ hoặc cầm nén hương đang cháy. Sau các vãi là vài ba người đạo tràng vừa đi vừa đánh trống khua não bạt.
Vị hòa thượng lâm râm đọc kinh, các vãi đi sau đọc theo. Tất cả đi như một đám rước, đi khắp bãi tha ma từ góc này qua góc nọ, từ hàng mộ dọc tới hàng mộ ngang.
Tục bảo rằng, các âm hồn vô thừa nhận đi theo đám rước này về đàn để được cúng lễ.
Khi đám rước đi khắp mọi nơi bãi tha ma, vị hòa thượng mới quay trở lại đàn. Lễ cúng lúc đó mới bắt đầu.
Đàn tràng chia làm ba lớp. Lớp trên cùng là tượng Phật. Ở nơi này đồ lễ là đồ chay gồm vàng hương trầu cau và hoa quả. Lớp thứ hai cúng bách linh. Ở đây, đồ lễ ngoài thanh bông hoa quả và trầu rượu còn có thêm đồ mặn, như gà vịt hoặc có khi có cả lợn. Lớp thứ ba ở ngoài cùng là những đồ mã cúng cho các cô hồn và các quan âm, có hình nhân, voi, ngựa, thuyền bè v.v...
Lễ cúng bắt đầu bằng lễ phát tấu tụng kinh cầu nguyện cho vong hồn chúng sinh được siêu sinh tịnh độ, được giải thoát khỏi kiếp cô hồn đi đầu thai kiếp khác, kinh được tụng suốt ngày đêm. Các bà vãi chia nhau lần lượt tụng kinh theo vị hòa thượng và lễ kinh, nghĩa là trong lúc có người tụng kinh thì có những người lễ Phật.
Sáng ngày hôm sau là lễ dâng lục cúng, sau đó là lễ cát đoạn và các lễ phóng sinh thí thực như lễ cúng kỳ an hàng năm.
Sáng ngày thứ ba có lễ chạy đàn phá ngục.
Trong các đồ mã bày ở lớp thứ ba có một nhà ngục bằng giấy, lúc chạy đàn, người ta chạy chung quanh nhà ngục này.
Chạy đàn, có mấy người đạo tràng đóng các vai Đường Tăng, Đại Thánh, Sa Tăng và Bắt Giới, các nhân vật chính trong tích "Tây Du thỉnh kinh" chạy chung quanh đàn, vừa chạy vừa tụng kinh. Rồi ông thầy dùng gậy tầm xích đâm phá các cửa ngục, có ý cứu cho chúng sinh thoát khỏi sự giam cầm dưới âm ty.
Sau lễ chạy đàn là lễ tạ rồi vàng mã được đem hóa.
Với lễ làm chay phá ngục mọi người tin rằng có cô hồn được hưởng lễ cúng khỏi bị đói khát và những oan hồn được giải thoát
Lệ đàn
Am chúng sinh được xây ở mọi làng, nhưng tại các làng đã là nơi trận địa, có các tử sĩ bỏ mình trong việc can qua, ngoài am chúng sinh của dân làng, nhà vua còn cho lập một đàn thờ để thờ các chiến sĩ vong thân, cả quân nhà lẫn quân địch. Đàn này gọi là Lệ đàn, tức là ngày nay là đàn chiến sĩ, duy có hơi khác là ở lệ đàn có sự cúng lễ, và ở nơi đây thờ tất cả những người chết trận trong cuộc chiến đã xảy ra tại chỗ.
Có thể nói được rằng lệ đàn cũng là một thứ am chúng sinh, nhưng là am chúng sinh dành riêng cho anh hồn các chiến sĩ.
Việc cúng lễ tại lệ đàn, hàng năm nhà vua sai quan về tế, thường là các quan sở tại được phái về cúng lễ và làm chay cầu siêu cho các vong hồn tử sĩ. Trong dịp tế lễ này, các hội thiện thường góp tiền để cúng sau buổi tế chính thức của quan triều đình. Các hội thiện đây, chính là hội thiện nơi làng sở tại, và việc cúng này được dân làng tham dự, cũng như khi có việc làm chay tại am chúng sinh.
Tục ta tin rằng am chúng sinh và lệ đàn là những nơi rất thiêng liêng, mọi người đều thành tâm với việc làm chay và cúng lễ tại các nơi này.
Ta đối với người chết, luôn luôn có sự kính trọng và động chạm tới mộ địa là một điều dân làng quê rất kiêng. Người ta có thể di chuyển nhà cửa dễ dàng, chứ di chuyển một ngôi mộ là việc vạn bất đắc dĩ. Trong trường hợp vì một lý do gì một bãi tha ma phải thiên đi nơi khác, xưa kia, những người giàu tranh nhau làm phúc mua tiểu để đựng những hài cốt vô chủ và gạch mua để đậy lên trên những chiếc tiểu khi chôn xuống bãi tha ma mới. Và dân làng, nam phụ lão ấu đều tham dự đám rước bách linh từ nơi tha ma cũ tới nơi mộ địa mới.
Ta thờ phụng tổ tiên, ta tin ở quỷ thần. Đối với ta người chết chỉ chết về thể xác nhưng linh hồn vẫn còn, vẫn có tri giác như người sống. Và dương sao âm vậy, người sống, có ăn uống, có nhà ở, tại cõi âm người chết cũng có cuộc sống của cõi âm và cũng cần ăn uống, cần nhà ở như người sống.
Ăn uống do người sống cúng lễ, và nhà ở chính là ngôi mộ, chính là chiếc nhà táng của con cháu đã đốt cho trong đám tang, hoặc nhà của con cháu cúng và hóa trong những dịp đốt mã vào ngày rằm tháng bảy, năm người chết mới qua đời, và năm liền sau, và nếu người chết đã tạ thế sau rằm tháng bảy thì vào hai năm sau nghĩa là hai năm có giỗ đầu và giỗ hết.
Ở âm phủ cũng có kẻ khổ người sướng như trên dương trần. Người có con cái giữ hương hỏa thì hồn phách có nơi đi về, người bất hạnh vô thừa tự không có ai cúng bái thì giống như những người vô gia cư trên dương thế.
Chính vì lý do trên mà tại nơi mộ địa nào ở làng quê cũng có am, có đàn, có người khói hương thờ phụng, để cho các u hồn oán quỷ dù vô thừa tự cũng thỉnh thoảng được hưởng sự cung cấp.
Tảo mộ
Chăm nom mồ mả của người chết, người sống hàng năm thường có những ngày tảo mộ.
Theo tục người Tàu, họ đi tảo mộ vào dịp Tết Thanh Minh, và họ gọi 1 tảo mộ này là hội Đạp Thanh.
Người Việt Nam đi tảo mộ cũng có nơi vào dịp Thanh Minh, nhưng cũng có nhiều nơi vào cuối năm hoặc đầu năm, như đã trình bày ở chương "Tết làng".
Ta đi tảo mộ với mục đích sửa sang cho ngôi mộ được sạch sẽ. Bởi vậy khi đi tảo mộ người ta mang theo cuốc xẻng để vun lại nấm mộ, để dẫy hết những cỏ dại, những cây hoang mọc trèo lên mộ có thể phạm tới hài cốt người nằm trong mộ được.
Tất cả những nấm mồ có người trông nom trong dịp này đều được sửa sang và đều có cấm mấy nén hương đang cháy để chứng tỏ ngôi mộ không phải là mồ vô chủ.
Những nấm mộ không có người trông nom, cỏ hoang leo mọc, hương lạnh khói tàn, nấm thấp dần, lâu ngày có thể mất được. Nhiều người đi tảo mộ, gặp những ngôi mồ vô chủ động mối từ tâm thường cắm một nén hương để u hồn người nằm trong mộ đỡ bị lạnh lẽo.
Trong dịp đi tảo mộ, nhiều gia đình trong làng mang theo cả mâm cỗ để tạ những ngôi mộ mà theo thuyết phong thủy đã bị động khiến cho con cháu bị đau ốm hoặc có sự lủng củng trong nhà.
Đi tảo mộ để thăm nom mồ mả của ông cha, và như vậy con người không bao giờ quên được tổ tiên.
Chú thích:
1 | A.Pazzi. Người Việt cao quý - Sách đã dẫn. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét