Thứ Ba, 4 tháng 1, 2022

Mười năm 2

Mười năm 2

VI. Người long đong trước nhất, từ hôm bọn Lê khiêng cái bảng “Hội Ái hữu thợ dệt” vào vùng trong, là Chúc. Vì ông hàng phở đã sang đòi cái phản, cái ghế cho thuê. Và, Ái hữu không còn ở đây đỡ cho tiền ăn, Chúc cũng phải chạy ăn từng bữa. Mà người nào cũng méo mặt làm suốt ngày, cuối phiên mới có tiền, không phải hôm nào Chúc cũng xoay ra tiền.

Mấy người đâm ra hay cãi nhau vặt:

- Mày hay chơi tờ rốt kít, nhưng chính cái đồ mày là đồ tờ rốt kít, chỉ nói mép. Mày không phải chính trị phạm, cắn gót chính trị phạm không đáng.

Chúc kêu lên:

- Đã thế thì mai ông bỏ chúng mày. Đừng tưởng, ông vô khối chỗ.

Nói thế, nhưng Chúc vẫn ở đây. Và vẫn được thương hại, cho cái ăn. Mỗi hôm, Chúc dạy ê a vài chữ, lại nói chuyện ngày trước ở tù, chuyện phiêu lưu bên Xiêm và Chúc lại thăm dò nghiêng nghé, đánh tiếng sắp lấy vợ. Không có gì khác, chỉ mỗi một thay đổi là ông chủ trọ dó và ông hàng phở đã lấy lại cái phản và gian nhà. Chúc phải vào làng ở nhờ nhà mấy đứa trẻ mà Chúc mới được người ta bảo kèm học.

Trong xóm ấy có một chị chê chồng đương cần tiền để giả của. Từ hôm vào xóm, Chúc lại nghĩ cách nào sinh ra có tiền để giả của đậy cho chị chê chồng kia. Chúc lại giơ tay, hùng hổ tuyên bố nhất quyết sắp tự do kết hôn. Nhưng, chẳng qua cũng chỉ thêm trò cười cho những cửa miệng, chế giễu anh Chúc ở cái xó làng Hạ ấy.

Nửa năm đã trôi qua, túng bấn lặng lẽ, nhạt nhẽo. Bên châu Âu thế nào, không biết gì cả, trời đất mù mịt.

Rồi lại một thay đổi khác nữa đến. Không phải ông hàng phở gọi cho mượn phản, cũng không phải Chúc đã kiếm được tiền giả của cho cái ả mà Chúc muốn lấy.

Ấy là một hôm, An đến bảo Chúc:

- Các anh ở ngoài tòa báo bị bắt hết cả. Anh Tần cũng bị rồi.

An nói xong, đi ngay, không đứng lại, tưởng như nói thế mà mật thám cũng nghe tiếng được. Lúc vắng người trưa hôm ấy, Chúc đem nhìn lại cái thẻ thuế thân mà lão lý Dĩ bán cho Chúc dạo trước - những cái thẻ thân của người làng đi phu bên Tân thế giới, không gửi thẻ đi được, năm nào lão lý cũng giữ và đem bán lại - Chúc ngắm cái thẻ giả rồi lấy móng tay cái miết lại chỗ lão ta tẩy tuổi. Chúc cúi xem cái thẻ thân một lần nữa, rồi gập lại, cất vào túi. Chúc đờ đẫn, ngao ngán nhìn ra sân, một lúc thật lâu mà mắt để vào đâu, không trông thấy cái gì cả. Chúc sốt ruột muốn đi.

Bọn Lạp nghe tin dữ ấy, nhưng không nao núng, không sợ. Thường đã nghe các anh nói: đời cách mạng, khi ở tù cũng là cơ hội học tập, đợi dịp lại ra trường đời tranh đấu. Chỉ có một cái tiếc là từ nay anh em không còn có người về giảng giải thuyết lý. Cả cái Ái hữu cũng chuyển đi rồi. Từ hôm Lạp về, đến hai tháng, không nghe tin tức Lê ở trong ấy ra sao. Làng nước lại buồn teo.

Phía bờ rào cây dâm bụt, có bóng người đi vào. Mấy người giật mình nhìn ra. Hai người đàn ông quần nâu áo nâu, xách tay nải như những lái lụa chợ Hà Đông. Khi vào tận trong mới nhận ra một người là Lê. Mừng, mà cũng lạ cách ăn mặc của Lê. Lê buông tay nải xuống, hỏi:

- Đủ mặt anh em đấy chứ? Trung đâu? Lạp đâu?

Mọi người chưa hết tần ngần. Ái chà chà, cái thằng Lê, chỉ mất mặt ít lâu, nó đã xoay xở đâu ra vốn liếng, áo quần với tay nải xúng xính lên mặt ông lái Lê thế kia.

Lê nói:

- Giới thiệu đây là anh Bân, anh em ta cả. Chúng tôi ra đây có việc cần bàn. Các cậu biết tin phát xít Nhật vào Đông Dương rồi chứ? Nhật vừa nện Pháp một đòn trẹo mạng mỡ ở Lạng Sơn, thằng Pháp phải mở cửa cho Nhật vào. Nhật là thằng phát xít hạng nặng cũng như phát xít Đức, Ý, ta biết rồi. Phong trào Đông Dương đả đảo phát xít Nhật đương lan rộng khắp các giới.

Lê lấy trong tay nải ra một tệp truyền đơn. Anh tên là Bân nói:

- Đây, cái này để đấu tranh đả đảo phát xít Nhật. Các miền tơ cửi vùng trong đều đã làm mít tinh bí mật, người dự rất đông, cả thợ lẫn chủ đều hoan nghênh. Ai cũng hoan nghênh. Phát xít Nhật vào Đông Dương đem theo toàn của giả, đồng hồ bán cân, lụa là vải vóc bằng tơ chuối, tơ dứa dại rẻ như bèo, đấy các loại tơ bóng tơ mờ của thằng Nhật đã bóp chết nghề tằm tơ của ta. Đông Dương đã đói khổ rồi còn đói khổ nữa. Cho nên chúng ta phải tranh đấu.

Hai bó truyền đơn đã đặt ra trên phản. Những tờ giấy bằng bàn tay, in đá, chi chít chữ mực tím. Trông giờn giợn, thinh thích, là lạ. An cầm truyền đơn, đọc nhỏ. Mỗi người một tờ, lẩm nhẩm. Chúc nhấc lên, nhìn qua, lại bỏ xuống, bảo An: “Mày không được đọc bô bô như thế!”. Rồi Chúc hỏi Bân:

- Cái này Ái hữu phát hay sao?

Bân đưa mắt nhìn Lê, Lê nói:

- Thằng Tây giải tán các hội Ái hữu rồi. Đằng này khác.

Chúc nói vẻ hiểu biết, tự nhiên “À, thế thì là của Đệ Tam quốc tế”. Lê cũng không trả lời Chúc.

Rồi Bân xách một tay nải lên lại đi ngay. Sau đó, Lê nói:

- Anh Bân cũng như anh Tần, rồi anh ấy sẽ ra liên lạc với ta ngoài này. Còn thằng Khiết thì từ ngày quắp được con Hai Tâm chúng nó tránh mặt ra ở ngoài tỉnh Đơ, không ai thấy mặt nữa. Cái thằng chỉ liến thoắng lỗ miệng thế mà hỏng. Nào, bây giờ chúng ta bàn cách đấu tranh.

Rồi Lê trình bày kế hoạch đi giải truyền đơn. Lê nói khúc chiết, rành mạch. Mọi người nhìn Lê, kính phục: mới chỉ đi có ít lâu mà đã giỏi hẳn lên. Họ hình dung ra những vùng trong Hà Đông phong trào đã lên có gốc chi bộ, có tổ chức công đoàn, có cứu tế đỏ từ thời gian những năm 1930, đến khi Bình dân thì từ Hỏa Lò, từ Côn Lôn, chính trị phạm kéo về nhan nhản, cho nên các làng chỉ chớm Ái hữu một cái là kéo được cả thợ lẫn chủ, cách mạng lên rầm rầm khắp làng và bây giờ lại chuyển ngay sang những tổ chức phản đế bí mật. Lê vừa được đến những đất có tinh thần ấy nên đã chóng thông hiểu công tác như vậy.

Lê nói xong, Chúc bảo ngay:

- Không được rải truyền đơn ở đây. Làm như thế là không đúng phương pháp. Ta ở chỗ này, lại rải truyền đơn ngay ở chỗ này, khác nào gọi đế quốc về khủng bố.

Nhưng lý lẽ của Chúc không còn thiêng. Vả lại, họ đương chờ đợi, đương nhây nhẩy muốn hoạt động. Chống thuế, chống nạn mù chữ, lập Ái hữu, diễn kịch, hội họp, tranh cãi chính trị, phải tiến hơn nữa, thay đổi xã hội, tiến tới nữa. Mặc Chúc gàn, mọi người cãi:

- Phải cắt nghĩa cho ai cũng hiểu sự dã man của phát xít Nhật. Ở đâu cũng phải đọc truyền đơn này.

- Cứ bỏ truyền đơn ở đây.

Chúc khẩn khoản:

- Các cậu phải nghĩ kỹ. Có vào tù các cậu mới biết cái lúc mật thám đánh đau quá, chỉ đợi nó hỏi một câu là gật đầu. Có trải lúc ấy mới biết sợ.

An cãi:

- Nhưng chúng ta phải rèn luyện bằng tranh đấu. Vào con đường chính trị, người cách mạng không thể tránh được ngồi tù. Xít–ta–lin đã bao nhiêu năm bị đế quốc Nga đày đi ăn tuyết rừng Xi–bê–ri đấy.

Lê nghe thích lắm. Cả bọn náo nức. Chúc lại nói:

- Các cậu còn muốn tôi cho ở làng không?

Không ai trả lời, Chúc lại nói:

- Chúng mày dải truyền đơn, mai lính phủ về thì cái thằng bị tóm trước nhất là thằng tao mang cái thẻ giả trong người này.

Một anh nói:

- Người gì mà nhát hơn cáy, lúc nào cũng sợ!

Sớm hôm sau, họ chia nhau đi các làng, cổ động. Chúc nằm đắp chiếu, không ăn cơm. Chúc ngủ hay Chúc sợ đến phát ốm? Không, một lát, Chúc trở dậy, đi ra, đi vào loanh quanh. Quãng đời tha phương cầu thực của Chúc đã qua cứ hiển hiện lại. Đói khổ và nhà tù đã dìm mất cả tuổi trẻ, mỗi lần nghĩ lại, bao giờ Chúc cũng vừa sợ, lẫn với thèm tiếc. Lần cuối cùng, phiêu bạt đến đất Xiêm, Chúc đã có một gian cửa hàng giầy và lấy được một người vợ Xiêm. Rồi lại tan nát cả! Làm thế nào cho yên bây giờ?

Cái ngã ba đường ngay chỗ cầu ngói ở cửa đình ra, không hẹn mà nên, từ bao đời là chỗ thợ tơ cửi mấy làng hay tụ tập đấy, mỗi buổi chiều phiên chợ lụa nghỉ dệt. Đã quen lệ, chiều đến, cơm nước xong, vài chén ngà ngà rồi thì ra góp mặt ở cái chợ người, rồi muốn đi chơi đâu mới đi. Hôm ấy, chặp tối, người tấp nập ra ngã ba. Từng cánh bá vai bá cổ, tiếng cười đùa vang các ngõ, guốc khua lóc cóc ngoài đường. Trung, Lạp, An, mỗi anh lảng vảng ra gác một ngả. Lạp đứng chỗ đường qua cánh đồng vào nhà lý Dĩ, lối này dễ có chánh tổng, lính phủ về đi tuần. Nhiều anh khác, đi liên lạc từng ngả gác một.

Ngã ba đường đã nhộn nhạo khá đông. Nhiều người đã biết trước tối nay “có sự”. Cũng có anh chỉ tình cờ đi chơi mát. Nhưng số người cố ý đi thì nhiều. Đã lâu, không được hội họp, họ mong mỏi. Mấy người vỗ tay, gọi to: “Anh chị em! Lại nghe nói chuyện”. Một anh đã trèo tót lên vai một anh khác. Mọi người xô lại nhìn cái người đương vắt vẻo ngồi công kênh, thì trông rõ ra thằng Lê, con lão Vựng. Hai bên và trước sau, có bốn người cầm gậy đứng làm bảo vệ. Lê nói to:

- Thưa anh chị em tơ cửi chúng ta...

Lê nói thuộc làu như đọc trong tờ truyền đơn ra. Độ dập bã trầu, Lê nói xong, giơ nắm tay hô: “Đả đảo phát xít Nhật xâm chiếm Đông Dương... Ủng hộ Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế...” rồi nhảy từ trên vai xuống đám người đứng lẫn vào giữa những tiếng hô và tiếng nói ồn ào.

Lạp gác, tẩn mẩn, đã dán lên các gốc cây nhãn được mấy tờ truyền đơn. Bỗng nghe tiếng hô và vỗ tay đằng ngã ba. Đương đến chỗ rầm rộ. Mấy người đi giữa đường cũng vội vội lại. Cái hàng nước cửa đình đông thế, mà nghe như: “có tiếng người kêu ngoài ngã ba” cũng chạy cả về phía ấy. Tiếng hô và vỗ tay hút người lại.

Giữa khi ấy, một cái bóng đi nhanh ra. Đứng gác trong gốc cây, Lạp trông rõ. Đằng ngã ba đường ồn ào thế sao lại có người hấp tấp trở ra. Bóng người rẽ vào xóm nhà lý Dĩ. Lạp ngồi xuống, nhìn nghiêng cho rõ cái người nhỏ bé bước cung cúc, đúng dáng đi của Chúc, Chúc đi đâu? Nhớ lại hôm qua, trong cuộc bàn, Chúc sợ mít tinh, Chúc sợ bị bắt.

- Hay là Chúc vào nhà lý Dĩ?

Lạp nhảy ra, gọi:

- Chúc! Chúc!

Tiếng gọi mất vào bóng tối, Lạp không kịp nghĩ lâu, đám đông mít tinh đã tản ra ào ào. Lập tức, Lạp cũng như những anh đương gác các ngả đường, đi lẫn lộn vào và dúi truyền đơn vào tay từng người. Rồi họ đi dán truyền đơn ở cửa đình, gốc cây, cọc lều chợ. Riêng An nghĩ ra sáng kiến, bọc hai tờ vào một hòn gạch. An ném vào trong cổng các nhà lý trưởng, chánh hội, phó lý, mỗi nhà một hòn gạch truyền đơn rơi xuống sân. Chó các xóm sủa rộn rã, xa xa, chẳng bao lâu đã khuya.

Buổi sáng bàng hoàng mở ra trong tiếng khung cửi lách cách và tiếng còi tàu hỏa bên kia sông vút dài về phía thành phố. Mấy anh ra xem lại những chỗ tối hôm qua. Các tờ truyền đơn ở chợ đã bị bóc. Có nhiều tờ, dán nhựa chuối không dính, hay là tại mới áp giấy đã hốt hoảng quay lại, buông tay ra, thế là rơi xuống chân tường. Có tờ dán ngược, mà không biết. Nhưng có điều là họ thấy còn lại tờ truyền đơn nào cũng bé quá trên những mặt tường loang lổ, những cửa đình rộng mốc thếch. Khác trong tưởng tượng đêm qua thấy mỗi tờ truyền đơn như rực rỡ đỏ lóe, đứng đâu cũng trông thấy. 

Ở chợ, có người đương đọc, được vài chữ đã mắt trước mắt sau bỏ đi. Lê tức lắm, xăm xăm tới, nói to:

- Cái gì nào? Xem cái gì nào?

Rồi làm tự nhiên, đọc bô bô: Hỡi quốc dân đồng bào... Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế... Một đám người đứng lại nghe, ngơ ngác.

Lê nghe Lạp nói đằng sau lưng:

- Lê ạ, có người lên nhắn ông Vựng bố mày ốm.

Lê không hỏi lại. Hai người còn chuyện truyền đơn. Đến tận trưa mà trai tuần các làng chưa tìm bóc hết, vẫn còn có cái người ta đọc được. Vừa nãy, lý Dĩ khăn áo, tất tả đi, chắc lên trình phủ. Lê hỏi:

- Mày trông thấy thằng Chúc vào nhà lý Dĩ. Nó đi báo lý Dĩ hử?

- Chẳng có nhẽ.

- Biết đâu ma ăn cỗ. Gọi nó ra mà hỏi.

- Nó sợ co vòi, lẩn như chạch!

- Chúng ta sẽ lôi nó ra hỏi.

Lát sau, Lê về nhà. Lúc nãy vẻ mặt Lê thản nhiên, nhưng thực trong bụng Lê thương bố. Chao ôi, có phải rằng bố con Lê hay chửi nhau, mỗi người chui rúc một góc làng, là không tình nghĩa, cạn tàu ráo máng đâu. Không, cả năm Lê không nhìn mặt bố, nhưng bao giờ ngày giỗ mẹ, Lê cũng về thắp hương, đưa tiền cho bố làm giỗ. Hai bố con lại êm thấm với nhau cho tới hôm nào lão Vựng sinh sự chửi bới, Lê mới bỏ đi. Và, dù bố con đánh nhau kịch liệt nhiều lần, ai cũng biết, nhiều người lại nói bênh Lê:

- Chỉ tại cái lão quái ác ấy tệ lắm kia, con nó đánh cho cũng phải.

Khi Lê nổi nóng đỏ gân mắt lên thì Lê chẳng kể gì nữa, nhưng rồi Lê lại thương và ngày giỗ mẹ, ngày Tết, Lê lại đem tiền về đưa bố.

Nghe nói bố ốm, Lê cũng xót. Ở xa, nghĩ lúc thương lúc giận. Từ khi nhớn lên, biết nghĩ, nhớ lại những dạo bố đầy đọa Lê và nhà tan nát vì bố, nhiều khi Lê nghiến răng, đã cầm con dao dọa cắt đứt gân chân bố ra, rồi lại quẳng con dao đi.

Mẹ Lê xưa kia là một cô gái Thái Bình lên ở quay tơ. Nghe nói mẹ cũng nhan sắc, thợ cửi vùng này một thời lắm anh chết mệt. Bố Lê, thợ dệt lĩnh mười bàn khéo nhất làng. Đầu năm, nhà nào cũng ganh nhau đưa tiền cọc kéo bố Lê về khung cửi nhà mình. Chị thợ tơ và anh thợ cửi lấy nhau rồi vay mượn đâu được ít tiền dênh dáo lên một khung cửi, chẳng mấy lúc mà tay chân sẽ làm cho mồm miệng được ung dung, cũng như khối nhà trong làng này đã như thế. Nhưng mà việc đời ít khi trơn tru như ta nghĩ. Mẹ Lê mắn đẻ, cứ sòn sòn năm một. Đẻ được sáu anh em Lê thì mẹ Lê ốm hậu sản rồi mẹ Lê mất. Lê bé nhất, mới ẵm ngửa. Bố Lê đâm nát rượu từ đấy. Rồi mắt lại kém, không dệt được như xưa kia. Làm chẳng đủ nuôi con thì phải bán con đi, lấy cái nuôi mình. Các anh chị Lê, chỉ trong vòng mấy năm, mỗi đứa phải đi một cửa. Bố đã nghĩ mẹo đem bán con xa tận bên kia sông, để cho chúng nó không biết đường trốn về, khỏi lo phải đền lại tiền người ta. Bố Lê chỉ giữ lại có một mình Lê, giọt máu sau rốt của mối tình đầu gối tay ấp. Nghĩ đến, Lê lại thương thân và cám cảnh nhà, ruột xót như bóp muối.

Ông Vựng ở một mình trong miếng đất của làng, sau đền. Lê đã trông thấy ánh đèn le lói qua vách. Lạ sao, bảo ông lão ốm mà nghe vẫn tiếng rượu làu bàu nói, như mọi khi. Lê nhìn vào thấy ông Vựng nằm sấp mặt, rì rầm nói xuống khe giường. Ông lão rên hay ông lão nói? Lê bước vào, ông lão im, rồi ngồi dậy. Hai mắt đỏ đòng đọc, mặt bóng nhoáng như xoa mỡ. Ông lão đương say. Lê muốn đi ngay. Trong bụng đã nổi cơn bực bội. Nhưng đã trót vào, Lê ngồi xuống bậc cửa, lặng lẽ nhìn bố. Ông Vựng vẫn nói những câu đương nói một mình:

- U nó có biết cái thằng Lê bất hiếu bất mục, nó cậy khỏe, nó đánh tôi đấy. Chẳng may u nó thất lộc sớm đi. Con cái u nó để lại cho tôi cũng như là cái của, mà cũng như là cái nợ. Nhà mà có ra thì con cái là của, nhà mà túng kiết thì nó là cái nợ. Nên phải bán cái nợ đi, lấy của về để nuôi cái mồm. Ông đẻ ra mày mà ông không bán nổi mày à? Ông chỉ tiếc ông dại ông không đem bán mày từ thuở bé để đến bây giờ mày đánh ông, đêm ngủ mà ông nằm thò chân ra, là mày đòi cắt gân ông. Giỏi thật, con cắt gân bố. Ông với mày còn sống ở đời này, rồi có ngày ông cũng đến chết oan gia về mày.

Lê quát:

- Im thôi, nói rồ mãi!

Ông Vựng ngước nhìn cúi xuống, hai tay ôm đầu gối. Ông lại nhìn Lê trừng trừng, như mới biết có Lê về. Rồi ông Vựng lại nói một hơi:

- Anh Lê đấy à? Chào anh Lê. Tôi bảo cho anh biết, bây giờ anh nhớn rồi, tôi không còn sức quảy anh sang sông bán cho những người hiếm con được nữa, nhưng tôi là bố anh, tôi khôn lắm, tôi vẫn bán nổi anh. Bán mà lấy tiền đong gạo, uống rượu chứ lại chịu chết mốc mép ra hay sao? Hà hà hà... Mày nói giỏi lắm, tao đã ra tận ngã ba cầu ngói nghe mày đứng nói “nhật trình” đấy. Thế mà mấy tháng nay tao tưởng mày chết rấp ở đâu. Tối hôm qua, mà tao đến thò cổ ra gọi mày, ắt bốn cái thằng cầm côn hầu hạ xung quanh mày xông ra đánh tao bẹp đầu. À, thế ra bây giờ mày làm quan. Làm quan mà không cho bố được nửa đồng gãy, quan láo thế. Nhưng này tao biết mày mới chỉ làm quan bóng tối thôi, quan hội kín đấy. Ông lên báo phủ rằng mày làm hội kín thì ông được món tiền uống rượu. Tao bán mày thế. Mày cưỡi lên cổ người ta, mày nói “nhật trình” ghê lắm. Tao phải bán mày cho các ông Tây ông ấy trị mới được. Không có thì rồi có ngày mày cắt gân tao, có ngày tao tù tội vì mày. Người ta sẽ về xích cổ lôi mày đi. Nhưng tao khôn lắm. Không, tao bán mày để cái giống nhà tao tuyệt tự à, tao chết mất giỗ à? Tao không bán mày lấy thưởng, tao gọi mày về đây, tao báo cho mày biết. Tao phải đánh tiếng ốm sắp chết mới lừa nổi mày về để tao nói thế đấy. Thằng Lê, mày bảo thế thì bố mày có khôn không?

Lê nghe bố nói từng tiếng lạnh gáy. Lê không thể ngồi hơn, Lê vùng chạy. Ông lão Vựng chồm lên, đuổi theo, ngã lăn. Nhưng, vẫn quen ông lão nát rượu, vừa đi vừa ngã, không ai tới nhấc lên.

Ngay lúc ấy, Lê chạy tìm Lạp, kéo Lạp ra. Lê kể lại những câu khủng khiếp của bố lúc nãy. Rồi Lê lắc đầu:

- Không còn gì nữa. Tao chết hay là bố tao chết, có thế thôi.

Lạp can:

- Đừng liều. Phải xem ông nói tỉnh hay say đã nào. Tao nghe ông nói tỉnh đấy.

- Làm sao mà u tao lại chết, để cho cái lão này toi trước đi có phải không. Giời ơi!

- Không liều được. Hay là mày lại vào vùng trong với anh Bân ít lâu.

- Tao sẽ...

- Không được. Để mai tao gặp tận mặt ông nghe rõ ràng thế nào. Vào nằm xuống ngủ đi.

Nhưng thấp thỏm cho đến sáng, Lê lại trở dậy, ngồi bó gối, lẩm bẩm:

- Ừ, hay là tớ đi?

Những ý muốn, những ước vọng lớn lao lại sôi nổi lẫn lộn với muôn vàn lo lắng.

Mờ sáng, Lạp đi, một lúc sau về, nói:

- Thằng Chúc nó không ra, nó bảo muốn bàn gì vào đây mà bàn. Đích là thằng khốn nạn vào lý Dĩ xin lão này làm chứng cho lúc ấy nó không đi mít tinh. Nó đã nhận bảo con lý Dĩ học, nó ở hẳn nhà lý Dĩ.

Lê và Lạp nhìn nhau, lo lắng.

Phía cánh đồng vang lại những tiếng độp độp như đập lúa. Cả ba người nhìn ra thấy bụi mù đằng xa đương đùn lên, lấn dần, lấn dần thành một vệt đỏ xuộm dài về phía làng Hạ.

- Lính phủ về.

Hai người lính phủ cưỡi ngựa về nhà lý trưởng làng Hạ.

Lê bảo Lạp:

- Thế này thì tớ lại phải vào vùng trong!

- Ừ, đi ngay đi. Có gì, sẽ tìm nhau sau.

Lê đi luôn lúc ấy. Lê đi khỏi một lát, hai người lính cơ trên phủ cưỡi ngựa về nhà lý Dĩ cũng trở ra. Họ về lấy đem đi những tờ truyền đơn mà hôm qua lý Dĩ lên báo phủ, đã sợ không dám mang theo.

Trưa hôm ấy, Lạp sang xóm dưới, vào nhà chủ mà ông Vựng dệt mướn ở đấy. Lúc ấy ông lão chưa có một giọt rượu nào trong người. Ông lão đẩy cái đòn ngồi, bước ra khung cửi đờ đẫn hỏi Lạp:

- Thằng Lê nhà tôi hồi này nó có tiền không?

- Ông đi báo lính phủ về bắt nó đấy à?

- Nói ma nào!

- Đêm hôm qua ông bảo nó thế.

Lão Vựng cười ngây ngô:

- Anh không biết tao à? Từ chập tối đến đêm thì tao phần âm, thuộc về ông ma men, phần dương chỉ có ban ngày thôi. Chấp chi thằng già nói nhằng. Con tao mà làm sao thì tao cũng chết thôi. Anh có phong lưu cho giựt vài hào. Hôm qua thằng Lê về đấy à? Có gặp thì nhắn nó tối nay về tao bảo.

Không chuyện gì cả. Chỉ vì ông lão say. Lê đi rồi. Những tờ truyền đơn ta vừa đấu tranh rải khắp vùng đương làm nhộn nhạo suy nghĩ mọi người. Còn làm gì nữa? Nhưng thiếu anh em, thiếu Lê, Lê đi rồi.

Lê cuốc bộ vào làng vùng trong, phải trú vào gốc cây rơm ngủ đêm giữa đường. Gần đến nơi, Lê ghé quán nghỉ chân uống bát nước. Hàng nước đông người, mà lạ quá, ai cũng ngồi im như Bụt mọc. Vẻ lo lắng, ngơ ngác trên mặt, trong con mắt. Chuyện gì? Tây đoan về bắt rượu lậu, vùng này chẳng mấy khi không có Tây đoan lùng và làng nào, lúc nào cũng có người bị tịch biên nhà, ruộng và người đi ngồi tù rượu. Lê chột dạ, khẽ hỏi. Bà hàng nói nhỏ, mắt còn nhác ra phía đường cái:

- Vừa có ô tô tỉnh về bắt đi nhiều người. Anh vào làng bây giờ à? Mật thám gác hết rồi, không vào được đâu.

- Bà có thấy những ai phải bắt không?

- Cánh nhà anh Bân bị xích đi một dãy, cả đồ lề chai lọ gì với giấy má cồng kềnh.

Bây giờ Lê mới nhìn ra vết bánh ô tô hằn trên lớp bụi ven đường.

Thế là bơ vơ. Lê lầm lũi đi trở lại. Còn biết về nhà ai. Không, Lê đã chán kiếm ăn bằng nghề dệt lắm. Dệt cửi mướn, đấy, một đời bố Lê phải bán con lấy ăn còn lại cái bệnh rượu. Khôn ngoan, chân chỉ thì đến như lão nhiêu An, cả đời tất tưởi, đi ỉa cũng sợ mất việc, phải chạy vội. Một đời ky cóp xây được cái tường hậu. Ngày phiên tiêu hoang nhất mới dám mua xâu lòng bò về nhắm rượu. Lê khinh tất cả những kẻ gọi là có máu mặt trong làng này. Không, từ khi hiểu những bất công của xã hội do đâu sinh ra, từ khi trông thấy được loài người phải tiêu diệt những bất công ấy mà tiến lên chủ nghĩa cộng sản thì Lê đã cho cái thoi, sợi cửi để kiếm cơm nhờ nó, chẳng qua chỉ tạm bợ, trợ thời. Lê tự thấy phải hiểu biết nhiều hơn nữa, Lê phải biết viết báo, biết làm thơ và hoạt động.

Mỗi lần nghĩ thế, Lê lại nôn nao muốn bỏ hết, muốn bay nhảy ngay. Cái do dự nhất xưa nay là đi đâu, làm gì. Đi đâu, làm gì cũng phải kiếm ra cái ăn mới sống, mới hoạt động được. Nghề cách mạng không làm ra tiền. Điều này không cho Lê dám quả quyết. Nhưng bây giờ về đâu? Lê không lo lắm. Dù không thể về làng, không thể vào vùng trong, túi Lê có năm đồng bạc Lê vẫn giữ, không dám tiêu. Nhưng Lê không thích vào nhà máy dệt Vũ Văn An mà Lê biết xin làm dễ. Bởi vì, Lê đã chán ngắt cái nghề dệt - dù là làm ở một nhà máy. Lê muốn xông xáo, muốn một cái gì khác. Một ý nghĩ chỉ mới chớm nở, nhưng đã hằn trong đầu: Lê đi, phen này Lê đi xa.

Lê sẽ đi Hải Phòng. Không quen ai, nhưng Lê đi Hải Phòng. Đêm ấy, trằn trọc trên cái bệ đất hàng cơm ven đường giữa quãng đồng ù ù gió giải đồng lùa vào bốn phía mát rời rợi, Lê tưởng tượng ra thành phố cửa bể Hải Phòng hằng đọc thấy tin tức ở các báo, có nhiều nhà máy và biết cơ man thợ thuyền giác ngộ đã từng tranh đấu nổ ra những cuộc đình công. Đấy là nơi hoạt động, nơi tranh đấu. Hy vọng và chí hướng Lê đặt vào đấy.

VII

Ở đầu cầu sắt giữa thành phố Hải Phòng, không biết từ bao năm nay, đã dựng lên một cái bảng sắt tây cao, to tướng, sơn đen, chi chít những dòng chữ trắng yết các điều kiện mộ người đi phu Nam Kỳ.

Có người mách Lê ra bến tàu chỗ Sáu Kho tìm việc. Nhưng không một xe goòng, một chiếc cút kít nào cần người. Mà, chỉ thấy ở ngay bến tàu ấy, lúc nào cũng có vô khối người đứng hóng đồ ăn thừa của thủy thủ trên những cái lỗ tròn tròn trong thân những chiếc tàu buôn, khi họ dọn bếp, rửa đĩa bát thì ném xuống. Hàng trăm người ngửa cổ lên hóng một miếng xương, một nắm lá cải bắp rơi xuống chỗ đứng. Lê không hòng lách chân vào đâu được. Cảm tưởng bồng bột về Hải Phòng cứ nhợt nhạt dần. Có người mách đi đọc cái bảng ở đầu cầu Sắt.

Lê chẳng lạ sự đi phu Nam Kỳ, đi Tân thế giới, đi sang Lào. Khắp mặt các lớp tuổi trong làng, những tao hàng ế, chẳng mấy người không đi phu mộ. Đến bọn trẻ, trạc tuổi Lê, cũng lác đác đi. Những đứa dỗi nhà, đứa chê vợ. Những người dệt cửi kém không ai mượn. Trước nay, Lê hiểu đi cao su là trợ thời, qua thì, đi vài năm cũng chỉ đeo về được mỗi cái bệnh sốt rét. Bây giờ, Lê đương đói bụng và hết tiền, Lê lại nghĩ khác: ở chỗ đồn điền cao su, tất nhiên vất vả, có làm mới có ăn nhưng ở đấy cũng hàng vạn người phu, người thợ. “Đây là nơi nhiều thợ thuyền”. Tuy là những ý nghĩ lúc sa chân lỡ bước, nhưng Lê vốn người giàu hy vọng. Nếu bác cai Giắt vui tính, dù bị vợ mắng như tát nước vào mặt mà vẫn tìm được cách nghĩ ra cái vui, thì Lê, trong khi bi đát nhất, cũng: “Ừ, thử đi cao su một phen. Ta sẽ vào hoạt động trong những người phu đồn điền cao su. Ta sẽ viết báo, làm thơ, làm cách mạng”.

Lê đến bàn giấy nhà mộ phu. Lê được phát một đồng bạc. Một ngón tay trỏ Lê đi xuống nhà đợi ở ngay sau tường. Công việc nhanh chóng vì sau lưng Lê còn một lũ sắp hàng đôi thành dãy dài, đương đùn dần vào.

Hơn ba trăm con người tứ chiếng, từ Thái Bình, Nam Định lên đến Hà Đông, Sơn Tây, những người ra đất Hải Phòng này kiếm ăn mà cạn túi, xúi quẩy, sắp chết đói, đều vào hỏi việc các nhà mộ phu. Ngày nào cũng ùn ùn kéo đến, người và người chồng đống lên nhau, ăn, ngủ thối hoắc năm gian nhà vây quanh ở giữa một cái chuồng xí và một mái bếp khói hun suốt ngày. Chỗ nào cũng lúc nhúc người như ở boong tàu Long Môn bên Thái Bình sang, những năm đói người kéo đi tha phương cầu thực.

Được ba hôm, Lê ngấy quá. Cái nhẹ dạ lúc đầu bây giờ thành quả báo. Trước kia, ở làng có mấy lần Lê phải đi phu đắp đê sông Cái, cũng chỉ lam lũ, bẩn thỉu năm bữa nửa tháng là cùng. Đời dệt cửi mướn sớm đi tối về của Lê khi còn ở làng không bao giờ đến nước này. Lê toan trốn. Nhưng bốn phía tường cao lởm nhởm cắm mảnh thủy tinh. Cái cổng sơn hắc ín đen kịt lúc nào cũng lù lù đóng kín. Thẻ thân của Lê thì nhà giấy họ giữ cả.

Lê đương đứng trước chuồng xí. May lúc ấy chỉ có một mình Lê đợi. Cái chuồng xí, choen hoẻn, nếu ngồi xuống không khéo thì hai đầu gối gập vào tường. Lúc nào người đi ỉa cũng phải rồng rắn nối đuôi chầu vào. Mấy ngày xảy ra đánh nhau tranh chỗ chuồng xí. Quái này, Lê đợi một lúc vẫn thấy cánh cửa im ỉm. Toan gọi, nhưng chợt ngờ, Lê bèn áp tai nghe. Ở trong có tiếng lục đục, ấm ứ. Bây giờ trời vừa xâm xẩm tối. Lê chột dạ. Chuột chạy hay là người, hay là kẻ trộm? Thắt cổ tự tử à? Hay thua bạc, đem nhau vào bóp cổ, cướp tiền? Lê tức tốc đấm cửa. Thình lình, bên trong bật lên tiếng đàn bà tru tréo. Lê quát:

- Ban ngày ban mặt, quân chó đểu nào thế? Có ra không ông đánh bỏ mẹ bây giờ!

Cửa chuồng xí bỗng bật oàng. Từ trong xổ ra một quả đấm tống vào mắt Lê lòe đom đóm. Đến lúc Lê mở được mắt thì đã thấy nhiều người kéo ra xúm lại, vừa vờ vừa thật, hỏi. Lê thật thà:

- Chúng nó đem nhau vào cui trong chuồng xí.

- À thế rồi nó mới ra đấm vào mặt cho đằng ấy không mở được mắt, không trông thấy đứa phải gió nào chứ gì.

- Lính mới mày chưa biết, cái nhà xí cũng là nhà thổ nhà xăm. Mày ăn đấm là phải!

Mọi người cười ồ. Có người văng tục. Lê cáu quá, chửi vung. Nếu như ở làng mà đương cơn điên tiết thế, nhất định có thằng vỡ đầu. Nhưng bây giờ Lê chỉ bầm mặt, cố nhịn. Mấy hôm nay Lê thấy cả rồi. Anh thợ cửi hay cáu cũng dần dần bớt cáu, bởi nếu không thì phát điên mất. Họ ăn cắp rồi chửi nhau như hát hay. Đánh bạc bán áo, bán cả vợ. Không ra cái nhà Vạn Bảo cầm đồ, không ra sòng bạc, không phải nhà thổ, cái chuồng xí mà hóa ra tất cả.

Hôm sau, Lê còn đương tần ngần, chán ngán thì có một ả đến trước mặt Lê cười nhoẻn. Lê chỉ nhác trông, tính Lê không hay đậm đà với phụ nữ. Thì ả này cũng chẳng khác những chị em cùng ở chung gian “trại con gái” bên kia. Biết đấy nhưng không theo họ sang tán tỉnh, chàng màng bao giờ. Con gái làng Hạ, cô kém mã nhất cũng bằng mười những đứa đương lượn lờ trước mặt đây. Bây giờ ả nọ cười một cái rồi thả một câu trống không:

- Cảm ơn cái hôm qua, nhể!

Lê cau có:

- Cái gì?

- Hôm qua không có anh thì thằng phải gió ấy nó hiếp em rồi.

Lê “à con mẹ này” và Lê nhìn kỹ lại mới nhận ra chị ta chỉ chừng trong ngoài đôi mươi. Lê xẵng:

- Để cho nó lôi được vào cái lỗ chó ấy lại còn oan nỗi gì!

Chị ả phân trần:

- Anh không biết à? Thằng ấy là thành hoàng làng ở đây. Nó là người nhà ông cai nhà giấy. Em thề có ông giời, em vừa mới xuống đi đái thì nó ập vào.

- Chó cũng chẳng tin được!

- Anh chẳng tin thì giời tru đất diệt anh.

Rồi ả cười ngặt nghẽo. Lê đã phát cáu vì lối chuyện nhũng nhẵng.

- Cút!

- Cái anh ả này không biết nói đùa!

Ả quay đi, còn bỏ lại một cái nguýt.

Một đôi khi, bên đàn bà ở “trại con gái” cũng được phép ra phố. Có lần ả nọ mua vào cho Lê một đẵn mía. Những khi ấy, Lê lân la trò chuyện đứng đắn được. Lê biết ả quê ở Thái Bình. Trời ơi, ả cùng quê với mẹ Lê, thảm thương chưa!

Ả chỉ cho Lê trông thấy thằng du côn hay ngồi cửa chuồng xí rình ập vào hiếp người. Thằng ấy gầy ngẳng, tóc vuốt gọng kính quíp xuống gần hết cái gáy xanh mướt như dân nghiện chính tông. Ngữ nó, còn gầy hơn cả thằng Chúc, chưa đủ sức chịu nổi một cái đá của Lê. Lê nói:

- Không nên để cho bị áp bức như thế.

- Không để mà được!

- Phải tranh đấu!

- Khốn nhưng chưa tranh thì nó đã đấu cho chạy vãi cứt ra.

Chị ta nói, cười một vẻ ngây ngô, chưa hiểu câu của Lê. Lê nói một cách khác:

- Rồi chị xem. Tôi còn ở đây, tôi sẽ cho nó một trận.

Nhưng đã mấy hôm chưa có dịp.

Thế rồi có chuyến tàu thủy của sở mộ ra đưa phu vào Nam. Mấy trăm con người đương chờ, cùng với hàng nghìn người ở các nhà đợi khác từ các tỉnh đổ đến, được dồn cả xuống tàu.

Rồi đến Ô Cấp vào Sài Goòng lên Tân Đáo ở xóm Chiếu. Đến đấy sở mộ mới chia phu cho các hãng. Lê lên hãng cao su Dầu Tiếng.

Ba tháng qua.

Khó lòng ai có thể nhận ngay ra anh Lê thợ cửi làng Hạ mấy tháng trước. Cũng như mọi người nhập tịch dân cạo mủ, chỉ ít ngày, Lê bị cơn sốt rét đầu tiên.

Lê đi lừ khừ từ nhà thương về làng 2, nơi Lê ở. Vừa dứt cơn sốt chiều hôm qua, nhưng Lê hãi quá, không dám nằm thêm. Nhà thầu mỗi ngày chỉ cho húp hai bát nước cháo. Đến chết vì đói chứ chẳng đợi phải chết sốt rét. Thà liều mò về, rồi sớm mai, thầy “xu” 1 đi đốc phu, vào nhà thấy, nó phang vỡ đầu, có phải điệu ra cắn gốc cây cao su mà chết cũng còn là con ma no được bát cơm vào bụng. Lê sợ cháo quá.

Rừng cao su đã im, đã vắng, buổi chiều càng im vắng. Không khi nào nghe được trong rừng một tiếng chim kêu. Cành nọ khít liền cành kia, gốc tăm tắp, hàng trăm nghìn, vạn cây một loạt, lá xanh thẫm ken kín vòm trời quanh năm không hở một kẽ bóng sáng. Bấy giờ tháng chạp, đương mùa lá cao su rụng. Những chiếc lá úa đỏ như giọt máu rơi. Từng tốp dân cạo mủ đi làm tầm chiều, quét lá, đốt lá. Thấp thoáng trong làn khói, chốc lại nhô ra dưới gốc cây một cái mặt sốt rét vàng bệch.

Mới mấy ngày ốm nằm xó mà Lê trông cảnh trước mắt đã là lạ. Mấy ngày nghĩ lại, dài bằng mấy năm...

Lê vào hãng, mới tập việc xong, đi làm ăn công vài tuần. Xưa nay, ở làng dù khó nhọc thế nào, cũng là làm quanh quẩn trong nhà, không xam nắng gió. Bốn giờ sáng, nghe kẻng gọi điểm số đi làm. Anh em “làng” 2 và bác Bốn cùng nhà đã ra sân đợi điểm hết rồi. Lê đương cơn rét run, không ngóc lên được. Một thầy “xu” đi kiểm phu, bước vào, thấy một đống nằm lù lù. Nó quật xuống một roi. Cả người Lê cong nhảy lên.

- Làm sao?

- Thưa, tôi sốt.

- Đi nhà thương khám. Vờ thì chết mẹ mày.

Hôm mới đến, Lê đã nghe người ta xì xào về cái nhà thương, có thày 53 không phải là “chiếc mê” 2 mà lại đứng khám người ốm, người nào chết đến bụng rồi may ra mới hòng lọt được qua tay thày ấy.

Lê bước vào buồng giấy nhà thương. Một người đứng tuổi, nghểnh bộ ria ngạnh trê hỏi giọng Bắc:

- Sao?

- Sốt ạ.

Vút... vút... Lê còn đương lạ chỗ, bỗng hai ngọn hèo bất ngờ quật xuống. Lê chúi vai. Vút, vút mấy cái nữa, Lê ngã ngồi phịch vào góc tường. Lão 53 xô đến, hất giầy thúc vào đít Lê.

- Mày to như con trâu thế này mà cũng bịnh à? Gớm thật, không trị không được. Ra chạy thử tao xem năm vòng rồi vào đây tao cho xuống nhà thuốc.

Lê bị đẩy ra cửa, lại dúi dụi xuống. Lão 53 phóng thêm một đá, Lê ngã lăn, không dậy được. Bấy giờ có hai dân cạo mủ khác cũng lờ rờ tới xin khám bệnh, vừa bước vào bàn giấy, lão bảo:

- Khiêng thằng này xuống nhà thương.

Hai người đó vác Lê xuống rồi chuồn thẳng, không trở lên cho lão 53 khám. Lê nằm mê man, đến khi tỉnh thì mỗi ngày được một bát cháo loãng, Lê sợ quá. Muốn về thì về. Nhà thương ấy như cái chuồng gà, cứ tự nhiên con nào ra con nào vào.

Về đến nhà, bác Bốn chưa về. Dáng hẳn hôm nay kỳ tiền cuối năm, bác còn đi mua sắm. Hôm ấy hai mươi tám Tết rồi. Mấy nghìn dân trút nhựa tan tầm làm chiều, về tới nhà điểm, đã ăn uống xong và ra lĩnh tiền. Kỳ tiền cuối năm, phởn phơ, khác những kỳ tiền mọi khi, chủ hãng phát tiền chứ không cho “tích kê” 3 . Và cũng khác mọi lần, không thấy thịt chó bày bán ê hề từ cửa bàn giấy về quanh các làng. Người ta dành tiền để tiêu Tết. Nhưng cũng khác mọi khi, các mụ cai sùng sục đi khắp, gặp ai thì nhìn móc vào mặt người ta xem có phải là con nợ không. Rồi vào từng nhà, lột quần áo người nợ lôi ra.

Những người không có nợ - hay trốn được nợ - thì đi sắm Tết. Người mua cái quần cụt, người được cái áo. Còn đồng nào thì mua “tĩnh nước mắm kho cá để dành ra ngoài Tết ăn”. Thôi thì bao nhiêu những nông nỗi đau khổ cả năm đến lúc này cũng tạm khuây, chỉ còn thấy chỗ nào cũng túm tụm bàn tán và chè chén mấy ngày xuân. Thỉnh thoảng, năm ba người quần trắng áo thâm dắt nhau nhởn nhơ trong lô cao su, chẳng khác chim sổ lồng. Thế mà đến tận đêm vẫn lác đác ánh đuốc chạy nhấp nhô cạo nhựa. Đấy là những người cạo “phạm cây” phải phạt làm bù.

Bác Bốn đã về. Tay bác xách một vò nước mắm to và một bó hương tăm bọc giấy đỏ. Đó là tất cả cái sửa soạn Tết của bác Bốn. Năm nào cũng vậy, bác chỉ sắm cốt yếu có bó hương. Thắp một nén hương, khói hương bay lên, như gửi theo được lời khấn khứa của người tha hương về quê cha đất tổ. Hy vọng của bác Bốn chỉ có thế. Một sự tình cờ mà hãng xếp Lê ở chung nhà với bác Bốn, một dân cạo mủ ở rừng đã ngoài mười năm trời. Một tình cờ nữa, bác Bốn cũng quê Hà Đông. Lê cũng chưa lần nào đã được qua huyện quê bác, nhưng bác Bốn hỏi chuyện người phu trẻ cứ như hai nhà hàng xóm ở cạnh nhau.

- Kìa Lê đấy à? Thế nào mà mày đã về?

Hỏi xong câu ấy, bác Bốn mới kịp ngắm hình dạng Lê, biết lỡ lời, bác cười: “Ờ nhỉ, ờ, cháo tao nấu còn bằng vạn cháo nhà thương”. Rồi, không hỏi, bác dóm luôn bếp, nấu cháo cho Lê. Lê mặc bác lúi húi, lặng lẽ cảm động sự săn sóc của người bạn luống tuổi không biết tại sao lại tên là Bốn.

Lê húp xong bát cháo hành, toát mồ hôi, nằm lịm, khoan khoái. Bác Bốn cũng đã tắt bếp, lên ngồi thu lu trên phản. Im lặng, chỉ có tiếng mọt cọt kẹt ngay dưới gậm chân. Gian bên cạnh, sau vách gỗ, một đám xóc đĩa đương sát phạt gay go. Bác Bốn thắp lên mấy nén hương.

Đi đất khách quê người phải thắp hương sớm từ hôm nay cho khói lên nối cầu vồng nhau thì mới coi như đem được bát nước nén nhang của ta về quê.

Rồi chỉ còn bốn cái chấm đỏ và mùi hương tăm thơm ngát. Không ai nói, hai người đều đương nhớ quê.

Lê trằn trọc. Cơn sốt đã lui, cũng lấy đi mất cả giấc ngủ. Hai con mắt Lê ráo trong. Đêm này ở quê nhà là đêm trước phiên chợ Tết đấy. Chưa bao giờ Lê được một cái Tết vui, chiều cuối năm thường là những buổi chiều mà bụng và mắt anh em Lê trong veo. Bố Lê còn đi trốn nợ, tối ba mươi cũng chưa dám về. Nhưng rồi pháo nổ tì tạch, làng xóm quần áo xúng xính, thấy người ta vui thì bọn trẻ nhà nghèo cũng vui lây. Phải rồi, những đêm này làng nước nhộn nhịp à uôm trong khói hương, khói bếp lẫn sương mù âm sâm. Tiếng con lợn bị chọc tiết kêu eng éc bên kia bờ ao. Ông vải đã về ngồi trên giường thờ rồi mà người réo nợ chửi nhau vẫn inh ỏi cuối xóm. Từ gà gáy, người ta gọi nhau đi chợ Cầu bán tranh Tết. Rét bỏ cha, nhưng mà mê. Con trai, con gái gồng quảy lều chiếu, cọc, cơm nắm áo tơi líu ríu từng bọn qua cánh đồng sương chưa tan.

Lê chưa bao giờ nhớ quê như bây giờ. Thật ra thì Lê chẳng thiết nhớ những cái Tết vui của người ta. Nhưng ở đây chơ vơ, cùng khổ, đời người xám như cái mào con gà dây. Không hiểu tại sao Lê lại đâm đầu đi phu cao su? Sao không tìm việc trên tỉnh, đi kéo xe, đi ở, đi phu thùng phu đấu, sao không nghĩ ra thế? Bây giờ ốm mòn ở chốn cùng đường tận lối này, đành là chết. Lê không chịu chết như thế. Ốm khỏi, nhất định Lê trốn.

Một lần, Lê hỏi bác Bốn:

- Thế này mà bác ở mãi được à?

Bác Bốn cười dúm mặt:

- Cũng quen cả.

Lê rất ghét câu ấy của bác Bốn. Nhưng, một lần kia, bác kể Lê nghe tại sao bác đi cao su thì Lê thương bác ấy quá. Ngày trước, bác làm thợ nề, bác can vào một vụ ăn trộm gạch xây tường của chợ tỉnh, phải ở tù. Năm ấy, các hãng mộ phu khan người, họ được cho vào nhà pha lấy người đi làm đồn điền. Bác phải bắt đi phu cao su từ năm ấy. Không thẻ thân, không “công ta”4, bác đứng xếp hàng thứ tư thì được tên là Bốn. Không dám trốn đi đâu và bác cũng không nghĩ có ngày lại về làng được. Chung thân ở và sẽ nằm xuống nơi rừng xanh đất đỏ này. Như thế, đã hơn mười năm qua.

Nhưng Lê lại hỏi câu khác:

- Bác này, dạo trước ta có Nam Kỳ khởi nghĩa đánh Tây, thế ở đây thế nào?

Bác không đáp. Có lẽ bác không hiểu. Ấy là Lê nhớ lại khi còn ở vùng trong ngoài kia đã có lần dự mít tinh nửa đêm giữa cánh đồng hô hào ủng hộ Nam Kỳ khởi nghĩa. Và khi Lê quyết định vào sở mộ, thì bốn chữ Nam Kỳ khởi nghĩa còn phảng phất trong Lê. Nhưng rồi thì cái nhà đợi khốn khổ, rồi ông chủ hãng, thầy cai, thầy “xu”, cái “công ta” ba năm đằng đẵng những cảnh đấm đá, chửi, rượu, giết nhau, đánh bạc, thắt cổ, sốt rét ốm quá nhảy xuống suối, những khủng khiếp ấy quần cho đầu óc Lê nhược, Lê ốm, đến nỗi nhạt, quên cả Nam Kỳ khởi nghĩa đã từng bồi hồi trong đầu. Sự cùng cực làm con người ta suy sụp quá đỗi.

Cổ và đầu bác Bốn mốc đen, sù sì, như một cái gốc cao su nhô lên hai vai áo cháo lòng. Đôi mắt trắng nhả, lờ đờ. Có lúc Lê thấy hàng mấy ngày bác cũng không nói. Lê đoán vì bác ấy buồn quá, đâm lỳ cả người ra. Cũng như bố Lê, khổ quá hóa ra tàn nhẫn, bán cả con để ăn. Thì cũng thế thôi.

Lát sau, bác Bốn mới chậm rãi hỏi lại, đột ngột:

- Nam Kỳ khởi nghĩa cộng sản ấy à?

Lê ngạc nhiên, hấp tấp:

- Ờ ờ... Thế nào nào... Vâng... Nam Kỳ...

Nhưng bác ấy đã lại ngớ ra, cúi xuống, trĩu cổ xuống. Như muốn tránh một cái gì ném vào đầu. Rồi từ trong bóng tối, bác xuýt xoa nói một mình:

- Thế nào à? Đừng có dại mả! Đêm “gạc đang” 4 Tây đen đi rình, nghe từng nhà. Thì thào cái gì, thì thào cái gì... Biết bao đứa mất xác thế rồi.

- Bác bảo sao cơ?

Không có tiếng đáp. Giữa hai người trùm một quãng im lặng, chết gí xuống, có khi cứ như thế cả đêm.

Đám đánh bạc bên vách bỗng nổi to tiếng. Nhưng dường như họ vẫn nhớ có thằng Tây đen gác ngoài kia cầm gậy, đi rà rà cả đêm. Nó sẽ vào ném cái gậy xuống giữa chiếu. Tiếng cãi nhau lào xào dẹp xuống.

Đã khuya lắm. Nằm mãi, đầu nặng, Lê ngồi lên. Lê nghển nhìn sang gian bên vách. Cảnh đám bạc bên ấy, Lê vẫn trông quen mắt, đêm cuối tháng nào họ chẳng sát phạt nhau đến sáng. Chừng hai chục cái đầu tối ngòm xúm quanh chiếu. Ba bốn người cởi truồng nồng nỗng ngồi góc đằng kia. Họ ngồi xổm, truồng lễ mễ mà mặt vẫn nhăn nhó, đăm chiêu theo tiếng bạc, một tay cầm hai đồng tiền cứ mài miệt trên cằm tìm cặp râu, nhổ tanh tách. “Lại có thằng bán quần! Tết nhất đến nơi rồi...” Lê cũng thường thấy những cảnh như thế. Thua hết tiền, trụt quần ra bán ngay tại trận rồi cởi truồng thế mà về, mai mượn quần đi làm. Hồi nọ, Lê khinh những kẻ bài bây ấy. Nhưng có lần Lê được nghe người ngoài chợ nói ngày trước dân cạo mủ Dầu Tiếng đã nổi lên giết cai, phá chợ, đánh lính thì Lê lại thấy là Lê chưa rõ bao nhiêu sự tình ở đây.

Lê hỏi bác Bốn:

- Bác ơi, bác có nghĩ ta sẽ trốn không? Nhiều người đã trốn rồi mà.

Không thấy bác Bốn nói. Lát sau trở dậy, bác châm thêm tiếp theo những nén hương vừa cháy hết. Rồi bác lại nằm xuống, im lặng trong khói hương và bóng tối. Có lẽ lúc này bác chợp ngủ. Nhưng Lê cũng không hỏi lại nữa.

Từ trong bóng rừng tối thăm thẳm, tiếng kẻng sắt gõ bốn giờ sáng gọi phu dậy điểm danh, rền rền vang khắp các làng.

Đám bạc biến mất lúc nào không biết.

Giờ đây, rộng khắp các cánh rừng âm u bao nhiêu con người, dù cả đêm ngủ hay không ngủ được cũng đương bò dậy, hoặc từ chiếu xóc đĩa dụi mắt đứng lên, ai nấy ra khỏi bếp, ăn quàng miếng cơm, rồi lên sân sở sắp hàng điểm danh. Tiếng chân chạy giữa những tiếng kẻng liên hồi rền rền trên đầu.

Bác Bốn chỉ kịp hỏi Lê:

- Hôm nay mày có đi làm được không?

- Được.

Rồi mỗi người chạy nhanh theo một kíp ra ngồi điểm. Ngọn roi vi vút lên xuống, quất đen đét bên cạnh những chiếc đèn bão lắc lư soi vào từng mặt. Các thầy “xu” vừa gõ roi vào đầu, vừa gọi số từng người.

Lát sau, họ đứng lên, ùa ra tranh nhau xách “xô” vào lô, cạo đến quá trưa mới về trút nhựa. Dù sao, thế cũng là xong một buổi làm, buổi làm cuối cùng một năm.

Hai đầu gối Lê mỏi rã rời. Nhưng, với một ý định trong đầu, Lê bước nhanh về nhà. Lê cởi cái quần đùi dây nhựa xám, thắng bộ quần áo vải mới nguyên màu trắng kềnh kệch vừa lĩnh vào kỳ tiền giữa tháng, chưa dính một giọt mủ. Lê nghĩ thầm: “Áo mới chưa dây nhựa, mã tà không thể biết được”.

Bác Bốn đi đâu, Lê không thể đợi chào bác. Một người nào mà biết Lê sắp trốn, nó sẽ đi báo lấy tiền thưởng. Lê phải chuồn nhanh. Lê nhìn lại lần cuối cùng cái dãy nhà tàu ngựa liền vách dài hàng mấy trăm gian, cái làng số 2, mà mỗi một người phu sớm chiều đi về như chui vào tổ ong. Lê quay đi. Một tiếng gọi khẽ:

- Lê ơi! Lê ơi!

Lê giật mình. Bác Bốn xách cái cuốc bước ra. Bác đến trước mặt Lê, nói nhỏ:

- Cầm theo cái quần áo cũ đi nữa. Có khi phải dùng đến.

Bác đã biết Lê trốn! Lê bập tay vào vai bác, lôi bác vào nhà.

- Bác đi với tôi, đi với tôi.

Bác lắc đầu. Bác đưa cho Lê hai tờ giấy năm đồng và nói:

- Đi đi, chả có chợ tan thì vắng người, lính nó dễ nhận mặt.

Lê nắm chặt tay bác Bốn - con số 4. Giờ Lê mới biết, đêm qua, bác thức có nghe tiếng Lê hỏi, nhưng đã không trả lời.

Từng toán dân cạo mủ đi sắm Tết. Mỗi gánh kĩu kịt hai “tĩnh” nước mắm, lại kèm chiếc “tay cầm” bằng đất mới nung đỏ tươi. Váy nái, áo chồi hoa màu cậy quanh năm nhét bị, bây giờ mới giở ra, đi tong tả. Những của lạ đút vò đã đem ngoài quê vào tận đây. Nếu không có những cái mặt sốt rét xám ngoét thì những nhởn nhơ ấy cũng ra vẻ Tết làng đầm ấm.

Lê cắm cúi bước vội. Một quãng, bỗng gặp cái ả Thái Bình ở Hải Phòng ngày nọ. Ả cùng mấy người dân mủ đi chợ Tết, gánh nào cũng trĩu những trái thơm, dưa đỏ, cá khô, nước mắm, rượu dâu.

Lê cúi, tránh mặt. Nghe nói ả ấy đã thành vợ ba lão cai 53. Ngay hôm mới trình giấy, 53 đã ngắm nghía, chấm ả. Thế là ả được về nhà cai ở làm bếp. Người xuýt xoa bảo ả tốt phúc, người thì chửi.

Ả Thái Bình trông thấy Lê thì đỗ gánh lại, gọi. Ả nghiêng nón quạt, nửa thân tình, nửa chỏng lỏn, ỡm ờ:

- Sao độ này còm thế?

Nghe cái giọng “bà”, Lê lộn ruột. Nhưng Lê cố nén, muốn đi ngay. Thế mà cơn tức lên làm Lê không nhấc chân được, Lê trân trân nhìn ả. Ả lại nói:

- Có sốt rét lên nhà thương mà xin thuốc!

Nhà thương! Cái nhà thương! Máu điên mới sôi lên nhé. Lê giật quai chiếc nón ả đương phe phẩy, rồi thẳng tay, Lê tương một quai hàm, cái mặt ả liệng đi. Cứ thế, không nói không rằng, Lê đánh tới tấp. Ả ngã khụy xuống. Lê vẫn đánh. Nhiều người đi qua, đỗ gánh, lấy nón quạt mồ hôi, đứng xem.

Đi khuất một quãng, Lê chạy thật nhanh.

Lê đảo vào chợ, mua mấy ổ bánh mì và một trái thơm. Rồi Lê xuống bến, đi lẫn trong đám người về chợ, đương ồn ào qua đò. Mấy chú mã tà đứng trong bóp gác, mắt hau háu, người huýt sáo, người gõ kết kết cái dùi cui. Lê mặc quần áo mới không dây nhựa, như người làng về chợ, không ai có thể ngờ là phu trốn.

Qua sông rồi, Lê đi miết. Lê đi đến xế chiều, tạt ngang rừng, ngồi dưới một gốc cây ca–pốc. Mặt trời đỏ ối cả một vùng đương lặn về phía cái đài nước nhà máy hãng cao su Dầu Tiếng bên kia sông, càng làm thẫm thêm chỏm núi Bà Đen đằng trời Tây Ninh. Lê tự thấy khoan khoái vừa vượt thoát cái thành trì của bọn tư sản bóc lột thế giới. Lê lại thấy hăng (cái hăng hái mấy lâu nay đã nhạt), và khoái nhất lúc tẩn ả Thái Bình. Hà hà... đòn thù, đánh kẻ thù của nhân loại. Lê nằm ngay ở gốc cây ca–pốc đêm ấy, trằn trọc thương bác số 5 , con người thành con số, rồi Lê ngủ thiếp. Sáng hôm sau, Lê trở ra bìa rừng. Lê có hai ý định. Đến một tỉnh gần đây kiếm kế làm ăn. Hay là cứ đi thế này, may ra gặp anh em “Nam Kỳ khởi nghĩa” còn ẩn náu ở đâu.

Nhưng Lê không có thẻ thuế thân. Lê không dám ra đường cái to. Lê len lỏi đi, được hai hôm, gặp một con sông rộng, trông sang lút bờ bên kia. Cơn mưa kéo đến, Lê chạy một lúc thì quạng vào một dãy phố. Trời mưa như trút nước. Lê chúi vào một mái hiên, ngủ mệt không biết gì là gì. Mờ sáng, Lê thức giấc, hích cái cùi tay đụng vào sườn mấy con chó cùng nằm đầu hiên. Lê giật mình, choàng dậy. Những con chó, có lẽ đã quen ở xó với nhau, vẫn ngủ im.

Lê đương nằm đầu hè phố Soài Riêng. Đã đi sang nước Cao Miên lúc nào không biết.

Lê bần thần nhìn đằng kia. Một lũ chó đương nhông nhông đến. Không biết từ đâu tới, xó xỉnh nào ở Cao Miên, những con chó không ai nuôi cũng lang thang rất nhiều. Bấy giờ còn sớm, chưa nhà nào mở cửa, chưa có người đi đường. Đường cái nhan nhản những chó. Con chó lại gầy vêu, lưng dài thưỡn, nghiêng mũi lên, hít đánh hơi, ghếch chân đái một bãi, xong lại thõng lưng buồn rầu qua. Một mụ chó cái đi tới, sáu bảy nhách chó con đuổi theo, nhay bên đớp vú mẹ rồi ủng cẳng cắn nhau. Nhớ độ trước, những buổi sáng trong làng, Lê đi dệt cửi từ tinh mơ. Đường cái và ngõ xóm nào cũng nhông nháo hàng đàn chó. Lê tẩn mẩn nghĩ trên thế giới này, ở chỗ nào, buổi sáng cũng có nhiều chó chạy ra đường, hễ người đi làm sớm thì đều gặp chó, phải thế chăng.

Nghĩ thế, Lê nhớ ra phần tiền canh ty thịt chó ăn Tết, Lê đã đóng với mấy cha dân mủ ở cạnh vách. Bao nhiêu mã tà, cai, “xu”, súng ống, gậy, xích của hãng ở làng số 2 chắc đương nháo đi tìm Lê. Sáng nay bác Bốn đương thắp hương, hay làm gì, hay đã bị thằng 53 lôi lên tra hỏi? Buổi sáng mùng một Tết, một người thợ cửi, quê ở tận đâu đâu, phút chốc lưu lạc vào đây, ngồi suy nghĩ giữa một đàn chó hoang trú mưa trên hè phố Soài Riêng. Những chua chát, buồn tủi, những táo bạo, đổi đời...

Trời đã sáng rõ. Con đường cái ngủ yên qua một đêm mưa, thức dậy trong tiếng xe bò kéo lạch xạch vẳng lại. Một chiếc xe bò có cũi chằng dây thép cao ngất ngưởng đi tới. Lệ thường, mỗi sáng lại có mấy chiếc xe to tướng của sở cảnh sát lượn qua các phố để bắt chó hoang đem vứt ra cánh đồng. Mấy người mã tà và người nhà tù áo vằn đi sau xe, rõi mắt nhìn bên đường. Người vừa ùa lên thì cả đàn chó, tưởng như vẫn ngủ, vùng chạy tán loạn. Còn trơ ra giữa bờ hè một mình Lê.

Những người chức trách nhận ra có một người trong đám chó. Lê chưng hửng. Thế nào đây? Hai chiếc dùi cui quật xuống vai, đẩy Lê oằn oại chạy ra; bước theo cái xe cũi, về bóp cảnh sát.

Một trang đời sắp mở ra thế nào đây.

--------------------------------

1

Tên gọi tắt chữ Pháp (surveillant): cai, xếp đồn điền cao su.

2

Tiếng Pháp (infirmier): người y tá.

3

Những tấm thẻ thay tiền dùng để đong gạo, nước mắm, cá mắm của sở buôn về bán lại cho phu.

4

Giấy giao kèo ký với chủ hãng từng thời hạn ba năm, năm năm.

5

Người gác (gardien) các khu nhà trong hãng cao su.

VIII

Làng Hạ vào những ngày áp Tết ấy.

Rả rích mưa chừng nửa tháng nay rồi. Suốt ngày đêm, hơi sương, hơi rơm rạ ẩm, nước mưa, bóng đêm lẫn lộn, đường cái và cánh đồng lúc nào cũng mù mịt. Một cơn gió trĩu nước ào đến, rũ xuống, tiếng lộp độp, sột soạt, như tiếng áo tơi cọ vào nhau của những người lặn lội đi chợ xa. Giữa rét mướt, ẩm ướt một mùa đông càng tê tái, giá buốt, cái Tết dần dà đến trong nhà mỗi người một cách vui, buồn, mong đợi, lo sợ khác nhau.

Bà Hương, mẹ An định dạm vợ cho An. Chưa rõ đám nào, bà đương đánh tiếng. Những cô làng trên chạ dưới, những con gái bà lý, bà bá, những cô lái đảm đang người vùng trong đeo cái đãy lụa to hơn người, ngày phiên chợ đi ve vé, đon đả, chẻo lẻo, bà Hương đã ngắm nghía, tính toán. Thế nào thì cũng phải nhất định một đám. Bà Hương đã nghĩ: “Nó muốn chơi đâu thì chơi, thế tất rồi cũng đến vợ cái con cột cha mẹ kiếm cho, chẳng đi đâu mà ngại”. Bà không mảy may để ý những chuyện chim chuột lăng nhăng của An.

Buổi trưa ấy, vẫn mưa gió sầm sập. Trời thấp, tối, mây đen kéo qua cánh đồng cuồn cuộn trên đỉnh đầu. Một cái ô tô căng bạt kín, đất bùn đỏ vấy khắp đỉnh mui trở xuống, như một con lợn khổng lồ rũi đất từ phía tỉnh chạy đến đầu làng thì đỗ. Một bọn áo the, quần nâu từ trên xe nhảy xuống. Có cả mấy người Tây mặc áo vàng. Họ xăm xăm rấn qua cánh đồng mù mịt đi về phía làng Hạ. Vài người cắt cỏ trời mưa trên đê trông thấy, đoán Tết nhất đến nơi mật thám thính mặc giả người thường về bắt bạc hay bắt rượu lậu.

Nhưng không. Bọn mật thám vào làng Hạ, sục khám nhà An, nhà ông lão Vựng, nhà Trung, phá cửa, đập lung tung cả nắp hòm phản, chạn bát, ngăn kéo, chọc mái nhà, hóc cột. Họ bắt đi An và Chúc. Trung xé rào hàng xóm, chạy được. Lạp dệt cửi tận cuối xóm, Lạp trốn ra bờ tre. Nhiều người sợ vạ lây, như bác cai Giắt, đương mưa gió cũng ù té ra cánh đồng. Chẳng ai biết mật thám về bắt người vì nỗi gì.

An và Chúc bị giải tỉnh, mỗi người phải giam một xà lim. An bị ấn vào một khoảng tường vuông bằng sải chân, có mười lăm người đứng. Trên cái cửa sắt phía ngoài thả xuống một cái vỉ đựng hơn một chục nắm cơm nắm, tay người nhua nhúa ngóc cả về phía ấy. An nằm một góc, dí mũi thở vào một khe cửa. Một người bó gối cạnh lưng An, trông cảnh tranh cơm, chép miệng lắc cái đầu chõ rối xù:

- Đủ cả, du côn, mật thám. Còn gì nữa!

Rồi anh ta nằm ngửa xuống nhìn lên xà nhà đen sì những cái giầm sắt đã gỉ. Anh lẩm nhẩm nói trống không với An:

- Vào đây phải coi chừng. Mật thám lúc nhúc quanh người sẵn sàng bô báo. Liệu giữ mồm giữ miệng kẻo rồi thì mười trận điện tòi ra một câu phản cung đấy.

An không hiểu. An đương mơ màng về con đường vào làng, như đã đi xa bao nhiêu năm, tha thiết chưa bao giờ nhớ làng như lúc này. Con đường ấy có bụi cúc tần đội trên đầu từng nạm dây tơ hồng vàng óng. Hai bên bờ ao, đêm sáng trăng thì bóng nước lóng lánh như những chiếc gương nhỏ, ngát mùi thơm mát hoa súng, bèo cái, lá trang. Những hàng cây xoan cao giơ những cánh tay gầy guộc, bốn mùa thay đổi, mùa thì những túm lá xanh rờn, mùa thì từng nạm hoa phơn phớt tím, vừa nở vừa rơi. Bên kia một lượt cầu ao các nhà dưới bóng cây ngâu, cây bưởi, mà mỗi buổi An đi đâu về trông thấy những người con gái ra vo gạo, cọ đòn hồ, rửa xong rồi còn vẩn vơ đứng trên cầu lơ đãng lững lờ khỏa chân xuống nước, như chờ đợi, mắt liếc ra đường cái thì vừa lúc An lững thững qua, hôm nào cũng vậy. Nghĩ thế thì An nhớ, buồn cồn cào.

Trong bóng tối mờ mờ, một người lồm cồm bò tới, vươn cổ lên, như một con cáo đánh hơi rồi khẽ hỏi An:

- Anh bị việc gì?

- Tôi không biết.

- Chính trị hay là gì chứ?

- Có lẽ...

- Một mình thôi à?

An không biết thực hư thế nào mà trả lời. Một tiếng xì xào khác:

- Hôm nay nữa xong cung. Còn đợi ra tòa là yên chí tù vài năm, về lại hoạt động như thường, sợ đéo gì.

Câu nói sỗ ấy làm An nhớ những lần anh Tần bảo ở tù cũng là trường học đào luyện. Xít–ta–lin cũng đã phải đi đày nhiều lần sang Si–bê–ri. Thì An lại hơi yên tâm và ngủ chập chờn. An mơ thấy như trong chuyện Hai buổi chiều vàng 1 .

Một buổi chiều vàng nắng mùa thu kia, năm năm sau, An trở về làng. Nước ao vẫn trong, con đường hoa xoan phớt tím vẫn lấm tấm cánh nở cánh rơi như thế. Nhưng những người con gái trên cầu ao thì không còn, thì đã khác xưa. Biết làm thế nào? An mơ mộng lững thững đi giữa buổi chiều vàng nắng năm năm sau.

Mơ đi mơ lại thế rồi trời hửng sáng. Các xà lim thức rất sớm. Đêm nào cũng vậy, đến gà gáy thì ai cũng mở mắt đợi sẵn giờ làm việc buổi sáng của sở mật thám. Để ngóng số phận mình hôm nay ra sao. Vẫn mưa rả rích. Chỉ nghe nước rỏ tí tách ngoài tường. Tiếng giầy cộp cộp vang dài vào cái hành lang hẹp trổ ra một dãy cửa xà lim. Những con số, những tên người gọi lên, không đoán được gọi đi đâu, cánh cửa xà lim lặng lẽ mở.

Hôm nay An không còn chỉ lo vẩn vơ, mà An khiếp đảm nằm sóng sượt trên sàn xi măng.

Từ phía ngoài cánh cửa xà lim đưa vào tiếng kêu rên, không còn ra tiếng người mà là tiếng giãy giụa của một sinh vật ngắc ngoải. Không trông thấy, nhưng nghe rõ mồn một. Mỗi lúc tiếng rú hơi ngớt thì lại nghe, ken két, ken két tiếng cái máy quay điện. Tiếng mơ hồ nho nhỏ ấy vừa ẽo ợt lên thì những tiếng rú, tiếng nấc ằng ặc lại hồng hộc dữ dội gấp mấy ban nãy. Giữa những hỗn độn, chen vào những câu hỏi, câu chửi cụt ngủn, nhắc đi nhắc lại. Mày có quen nó không? Gặp nó ở đâu? Những thằng nào? Bắt liên lạc mấy lần, đóng nguyệt liễm mấy lần? Tổ mày có mấy người? Nông dân cứu quốc hay thanh niên cứu quốc? Thằng nào tuyên truyền, tổ chức? À, không này... không này... Lại chối này... Két két két... ối ối...

Hai bên thái dương An co lại. Mỗi lúc tiếng thét đau đớn bốn phía tường vang tới, An không thể hình dung được ở ngoài, cảnh tra tấn ghê gớm đến như thế nào, lại càng khiếp. Mày có khai không? Mày khai thì ông thôi, mày gan thì ông thi gan với mày... Này... két két két... Trời ơi! Lát sau, cánh cửa xà lim hé mở, một người loạng choạng vào, ngã rụi xuống, đè vật lên cả mấy người khác. Chốc chốc, một người lại ngã vào. Cho đến trưa thì xà lim lại chật ních người, như ban sáng nhưng bây giờ toàn người nằm lịm như chết.

Rồi buổi chiều như buổi sáng.

An đã sốt rủn người ra rồi.

Một ngày, hai ngày. An vẫn nằm đợt lượt, đợi đòn, ăn đòn.

Chặp tối, cái giờ yên tĩnh nhất. Nhưng cũng không mấy đêm yên tĩnh. Những lúc vội, cần dọa, mật thám lại quay điện, đánh, đổ nước ộc vào mũi cả người bị đánh đêm. Anh tóc xù, đã ngơi cơn đau, lại ghé vào tai An: “Đủ cả du côn, đầu bò. Liệu đấy, mật thám lúc nhúc quanh người”. An không còn dửng dưng như nghe lần đầu hôm trước. Xà lim bên kia đưa sang tiếng tụng kinh đều đều. Nghe kỹ thì ra Ngũ tự kinh của Việt Minh. Bóc lột ta đến xương... Chúng vơ vét bạc vàng... Còn bắt phu bắt lính... Trong đám rì rào chuyện, tụng kinh, than thở, khuyên bảo nhau vững tinh thần ở quanh mình thì ai là người tử tế, ai là mật thám vờ giả làm người bị bắt nằm xà lim đón chuyện để bô báo, ai là người, ai là con rắn, con chó? An càng rối óc tơi bời.

An vẫn nằm đợi lượt.

Ngày chủ nhật, tù được thả ra cái sân toen hoẻn bằng lỗ mũi trước cửa trại giam để nhặt cỏ. Mỗi người chỉ nhổ một ngọn đã vừa sạch cả sân. An vào loại những người chưa xong cung, không được ra chơi. Nhưng cửa xà lim mở và An ngồi ở trong trông ra mọi người mặt mũi càng hốc hác, đi đứng dưới bóng nắng.

Một anh bé nhỏ, đen như đồng hun, già cấc, đứng áp vào tường, từ nãy giơ tay nói, nhiều người đến xúm quanh.

- Các đồng chí, đồng bào cứ gan là xong tất. Làng tôi ấy à, cả làng cộng sản. Nhưng nó đánh mãi tôi cũng thế, tôi nói tôi không biết ai là cộng sản. Trông cổ, tay, chân tôi, đố đếm được bao nhiêu vết sẹo kìm đốt, vết dây thép trói treo lên xà nhà, sẹo chồng lên sẹo. Tôi đây đã hai lần bị làm án, chỉ đợi ra tòa thế mà nó lại gọi ra đánh lại. Đánh lại thì đau thấy ông vải. Nhưng tôi cũng chỉ có mỗi một câu rằng không biết, tôi không biết. Các ông chó săn đế quốc đành chịu tôi đấy.

Anh bé loắt choắt mà nói cứ hơn hớn. Có người im, có người cười. Cái lão gác già cạnh sân trại giam cũng cười lây. Ngay cả những người làm mật thám ở đây, nghe những tiếng “chó săn, đế quốc, cộng sản, phản đế, cứu quốc Việt Minh”, cũng nhàm tai, không khó chịu, không vui, thỉnh thoảng còn có thể cười đại khái vì không có cái gì để tiêu khiển, như hôm nay, lão mật thám già ấy cười hê hê.

Một anh ngồi tựa cửa, chép miệng:

- Ba mươi tám trận đòn, chân tay, ngực, đeo toàn mề đay sẹo thế kia.

- Anh ấy nói bạo thế giữa sân không sợ người ta tra tấn nữa à?

- Đánh nữa cũng vậy. Giờ chỉ còn một cách bỏ tù hay là tha.

Anh chàng nọ càng được thể, chủ nhật nào cũng ra sân nói bô bô, có hôm còn hỏi: “Phát xít Nhật vào Đông Dương rồi, hỗn với các ông Tây lắm, sao Tây không dám đánh Nhật, lại sai các ông đánh mãi chúng tôi làm gì?” Nói đến thế mà bọn gác cũng câm miệng hến.

Góc sân bên này, một đám khác cứ đùa. Những cái đầu trọc lóc rụm vào nhau.

An chịu cái gan họ. Những người ấy cũng mới bị quay điện, bị tọng nước vào mũi, trên lưng trên ngực còn nổi con chạch tím bồ quân, mặt còn nhợt nhạt. Mà họ đã dễ nhãng đi. Họ có một cái gì khác đương nghĩ trong lòng, mà An không biết thế nào. An cứ lúc lắc, cứ bâng khuâng, có lúc nhẹ như bấc, có lúc nặng trình trịch, không biết yên ở đâu.

Một người đi qua trước cửa, đứng lại. Người ấy mặc quần áo số, đầu trọc, gầy khô. An trông đôi mắt lau láu dưới cặp lông mày sâu róm của người ấy, hơi ngợ đã gặp ở đâu. Phải rồi, anh Bân - cái người ở vùng trong năm trước đi với Lê ra đưa truyền đơn phản đối Nhật vào Đông Dương. Bân như đã biết là An, Bân nói nho nhỏ:

- Nó đánh đừng nhận gặp, đừng nhận gặp, không biết tôi.

Rồi Bân lại từ từ ra chỗ nhà xí. An trông thấy hai cổ chân Bân có một cái xích, cái xích lạch cạch trên sàn xi măng. Tay An nắm lấy khung cửa mà run bật lên. Bân bị bắt từ bao giờ? Chắc đã thành án nên mới mặc áo có số tù. Có dính líu đến việc An bị bắt? An muốn nắm cái khung cửa, mà chân không đứng được. Anh Bân đã trở lại, bước qua. Lần này Bân nhìn An, khuôn mặt tối mỉm cười, làm cho An đỡ nôn nao. Có người ngồi nhìn ra nói:

- Tay này dạo nọ cũng gan lỳ tướng quân như cái ông tướng lùn choắt vừa khoe cả làng cộng sản ngoài sân. Đã thành án rồi, chẳng biết có việc gì mà lại phải lôi về xà lim thế này.

Một buổi sáng, cửa xà lim mở. Có tiếng gọi vào:

- Nguyễn Văn An.

Anh đầu chõ bù xù tiễn An một câu: “Tinh thần nhé!” Mấy người nữa cũng nói thế. An không thấy sợ lắm như mọi khi ngồi nghĩ. An bị giải sang một tòa nhà khác, mùi giấy thơm và tủ gỗ sang trọng, như vào tòa sứ. An có cảm tưởng trong mình An càng hôi thối cứt đái.

Trong phòng giấy, một người Tây mũi lõ, mắt bi ve, nói tiếng ta như ta:

- Mấy hôm nay đã thấy đòn săng–tan thế nào rồi chứ? Trông sức vóc anh thì tôi đoán chẳng thể chịu đòn mà theo được cộng sản, mà chẳng gì dại thế.

Nghe những câu nửa cợt nửa thật ghê rợn. An đứng im, cúi mặt.

- Hỏi câu nào thì nói cho thật, các quan sẽ tha cho. Từ nay về mà chừa. Có chơi lập hội Ái hữu phải không?

- Vâng.

- Thằng Bân đến xui lập tổ phản đế nữa phải không?

An choáng người. À Bân. Nhưng cũng bình tĩnh: 

- Không biết ạ.

- Nói dối rồi. Đấy, nói dối một cái là quan mật thám biết ngay. Có muốn quan đưa cái thằng Bân ra đây để nó nhận cho mày phải mười năm tù không? Được, để câu nói dối ấy đấy, nghe hỏi câu khác. Mấy lần thằng Bân đem truyền đơn đến? Nó đi mấy người, những ai, tên là gì?

An bắt đầu run đầu gối.

- Tôi không biết, tôi chỉ chơi Ái hữu ở làng thôi.

- Vờ vịt vừa chứ, Ái hữu, ái hung gì. Các cậu toàn họp cộng sản...

- Thưa, không...

Một cái nhếch râu, cười nhạt. Nét mặt ve vãn của người mật thám chợt đổi khác.

- À được. Tao giới thiệu mày một thằng đồng “chuột” nhé.

Nó vẫy tay. Chúc bước vào. Nó bảo Chúc:

- Mời ông ngồi xuống ghế sa–lông.

Rồi nói:

- So sánh thì ông Chúc oai thế kia mới là cộng sản chính cống chứ thằng ranh con mới nứt mắt này đã biết gì. Ông Chúc bảo cho nó rõ thế.

Chúc nhấp nháy, bỏ kính. Dáng điệu Chúc không oai như người mật thám nói. Mà Chúc rúm ró, dấp dính, không láu táu như mọi khi, như cuống, như sợ, Chúc nói:

- Anh An ạ, chúng ta cũng không làm gì quan trọng mà phải giấu. Chống thuế hay lập Ái hữu thì cũng chẳng có tội. Nên khai ra, kẻo bị đòn oan.

An vừa sợ, vừa giận. Vẻ mặt, giọng nói Chúc giống với thằng ty tiện hàng ngày của Chúc, gợi lại cái công anh em nuôi nó từ ngày ấy. An nói:

- Tôi chẳng có gì mà giấu.

Người mật thám nói:

- Khai thì được về. Sáng mai ông Chúc được về ăn Tết đấy.

An chợt nhớ nhà, đau nhói trong lòng. Nhưng An vẫn nói:

- Quan hỏi gì thì tôi đã nói rồi.

Người mật thám lắc đầu.

- Mày dốt quá, chưa biết ăn của ngọt. Thôi được.

Chúc, có lẽ tự thấy hết việc, lủi ra. An còn đương ngơ ngác giữa cái phòng choáng lộn những tủ Tây, lọ hoa, bộ sa–lông bóng nhoáng, chưa đoán được mọi khi mình vẫn nghe tiếng kêu khóc ở đâu, chẳng lẽ lại ở chỗ bàn giấy sang trọng này, thì thình lình hai người ra vật An ngã xuống, trói An ngay giữa tấm thảm hoa. Một người nắm tóc giữ đầu An. Người mật thám Tây lai lúc nãy ngồi ghế sa–lông, một chân giầy Tây chặn lên ngực An. Cái hòm điện con con, màu gỗ vàng nghệ, vẫn để trên mặt bàn, nom tưởng hộp đựng máy chữ. Hai sợi dây loăn xoăn cặp vào hai vành tai An.

Người mật thám gạt mẩu tàn thuốc vào cái khay bạc trước mặt, rồi đưa điếu thuốc lá lên miệng rít một hơi dài. Trong khi ấy, tay quay hòm điện. Két két két... An lộn người, vật xuống, kêu rống. Két két... Tiếng kêu ằng ặc, quẩn giữa đám nước bọt phòi ra. An khò khè như một người sặc nước sắp chết. Hai mép sùi từng đống dãi rớt, đặc sệt. Ruột gan An cuộn lại, không biết gì nữa.

Một bát nước lã dốc ồng ộc vào mặt An. An tỉnh, mở mắt. Chỉ thấy loáng thoáng có người kéo lê An ra.

Cửa xà lim lại hé, An rũ xuống.

Suốt đêm, An đau dằn từng khớp xương. An nghĩ: nếu không nói thì thằng Chúc đã nói hết, mật thám sẽ đánh mình đến chết. Nhưng, Bân và cái cười phảng phất lại hiện ra “Đừng nhận gặp, không biết tôi, không biết...”. Khát nước quá, An chúm miệng, tắc tắc lưỡi như cá bắt mồi. Nhưng có người bảo: “Cố nhịn, đừng uống nước ngay mà rồi hại người lắm”. Quá nửa đêm, không biết ai làm thế nào tuồn được vào một bát nước lã cùng một tiếng thì thào: “Uống mà giữ lấy tinh thần. Báo một tin thắng lợi: Hồng quân đại thắng đã đuổi được phát xít Đức ra khỏi Liên Xô rồi”. An không biết thế nào là thắng lợi! An đương nghĩ có lẽ ở chốn này, tuy mỗi người một nơi, một cảnh vào đây, nhưng ai cũng hiểu cái nông nỗi dằn vặt “khai hay không khai” khi bị những đòn đầu tiên. An cứ uống nước, nước mát như thạch đá thấm vào ruột, An tỉnh hơn và nhớ câu nói của Bân.

Buổi sáng, An lại phải lên chỗ tra tấn. Không thể ngờ đã thấy Khiết ngồi đấy. Cái này là cái chết hay cái sống? Khiết ở xà lim lên hay Khiết ở ngoài vào. Trông Khiết vẫn như ngày trước, khăn xếp, giầy tây đương ngồi cái phản ở hội Ái hữu trên chợ.

Khiết bắt tay An. Khiết nói:

- Lâu lắm mới gặp. Khỏe chứ? Chắc anh đương đánh câu hỏi về tôi. Thưa anh, tôi bây giờ làm việc ở sở này. Nhà tôi có hai anh em làm cách mạng. Anh tôi bị án khổ sai chung thân, đi Côn Lôn rồi. Tôi đành phải trở về lo việc gia đình, nếu không thì nhà tôi tuyệt tự, cái nỗi tôi thế, nhà tôi chỉ có thể cho cách mạng được một người. Thôi, ta nói chuyện nhé. Tôi nghe anh bị bắt, tôi xin quan chánh cho tôi gặp anh. Tôi muốn bảo thật anh mấy câu. Thằng Bân thì giỏi. Nó bị bắt cùng với tôi năm ngoái. Tôi phục nó bằng bố tôi sống lại. Nhưng đế quốc người ta vững như núi, mình thì không có lấy một con dao cùn. Giỏi thế chứ giỏi nữa thằng Bân rồi cũng đến rũ tù, bỏ xương ngoài Côn Lôn như anh tôi mà thôi. Nhà đằng ấy khá giả, tội gì chịu mất đời. Tôi vừa gặp bà Hương, bà khóc quá, rõ khổ.

- U tôi lên đây à?

- Ừ, bà Hương đã được gặp cả quan Chánh. Quan thương bà lắm.

- Anh Khiết này, tôi biết gì mà khai.

- Thì cứ kể từ khi có Ái hữu, làm gì, gặp ai đứa nào nói gì... Hãy nghe tôi. Đến giờ làm việc rồi, tôi phải về bàn giấy. Lúc nào được ra, ghé tôi chơi, nhà tôi mong gặp các anh lắm. Lạy anh ạ.

Khiết đã ra khỏi, An vẫn lảo đảo như người mất hồn.

Người mật thám Tây đã đứng sững trước mặt. Điếu thuốc lá phì phèo. Hôm qua, An nằm dưới đất, điện quay lộn ruột gan, An ngửa mặt sắp ngất, thấy chập chờn cái chấm thuốc lá đỏ ấy, giờ trông lại còn rùng mình. Hôm nay, người mật thám bắt đầu ngọt ngào. Nhưng An cũng không thấy bớt sợ. An đã hiểu lão ta đương cười, bỗng lừ mắt vật An ra quay điện, cũng thế.

- Bà mẹ anh rất phúc hậu, anh vô phúc quá, có một người mẹ quý thế mà không biết thương mẹ. Giờ chỉ có hai đường: anh muốn tù theo cộng sản hay muốn được về ăn Tết? Mẹ anh nói muốn anh được về để bà đi dạm vợ cho anh. Anh tính thế nào?

- Bẩm, tôi muốn được về ăn Tết...

- Tốt. Tôi cũng muốn anh được về ăn Tết. Vậy anh khai tất cả những việc anh đã dại dột làm từ khi nghe thằng Bân lập hội Ái hữu rồi hội phản đế. Làm gì, đi đâu, với những ai... Anh biết anh Khiết chứ? Cộng sản có nòi đấy. Thế mà giờ cũng là người của tôi. Người ta biết hiểu lẽ phải. Anh có nghĩ thế không?

- Tôi nghĩ...

- Tôi cho anh hai hôm nằm nghĩ. Nhớ trận điện hôm qua chứ? Nghỉ hai hôm mà lại bị quay điện, cơn đau gấp mười.

- ...

- Đừng “đình dù” quá. Cộng sản bên Nga đương thắng quân Đức thật đấy. Nhưng đợi cho đến lúc nó sang được tận đây cứu cộng sản An Nam thì bấy giờ tôi cũng làm cộng sản, vẫn còn kịp chán. Đừng nho nhoe mà mất đời. Mời anh cút về nghĩ cho kỹ nhé.

Đêm hôm ấy, ngoài trời đen kịt, từng cơn gió ào ào, nước mưa lướt thướt, vướng vài mái lô cốt trại giam, như những con gấu rừng đương chạy, vấp phải một con vật địch thủ, chồm lên, rít lên những tiếng khủng khiếp. Tuy vậy, trong xà lim vẫn hầm hập hơi người. Không ai chợp mắt được. Vì mưa gió quanh nhà gây cho những người tù biết bao nhiêu ao ước viển vông theo những luồng gió từ ngoài mênh mông kia đương quật đến rồi lại vùng đi.

An nằm móp người vào khe tường, không thể chợp mắt. Những lời vừa dọa, vừa vuốt tởm lợm của Khiết, của người mật thám Tây lai vẫn day dứt gậm nhấm, đau buốt. Chốc chốc, bốn phía chòi gác vang xuống những tiếng kẻng sắt gõ cầm canh đối đáp nhau. Ở khe cửa ngoài, kẻ dọc dài một vệt ánh sáng loang lổ của ngọn đèn canh đầu hành lang hắt vào. Mưa gió vật vã, tơi bời...

Bỗng vang lên một hồi còi gắt. Thoạt tưởng của bọn đi “ráp” đêm bắt người về. Nhưng sau nghe rộn rịch, lạch cạch lưỡi lê, lẫn tiếng chân chạy và mưa rơi lép nhép quanh nhà. Sổng tù? Có lẽ. Tiếng còi lại rít lên. Tiếng các nhà giam, tiếng cửa mở rầm rầm. Loang loáng đèn bấm và mũi súng chĩa vào từng buồng gọi điểm số. Mãi đến sáng vẫn còn khám. Các xà lim không được thả người ra đi đái. Việc gì ghê gớm xảy ra?

Sau lưng An, hai anh đương áp má vào tường, chốc lại giơ tay vỗ bành bạch. Tất cả phòng đều quay lại, tần ngần, chăm chú, nghe truyền tin. Đấy quả là một đài truyền tin đương làm việc. Mỗi cái vỗ tường bên này đối đáp với tiếng vỗ tường xà lim bên kia thành những ký hiệu đơn giản mà người nghe đoán ra được. Ở chỗ cùng tận này, lúc nào sự gắng sức và thông minh của con người cũng tạo được cách góp sinh hoạt bình thường cho đời sống. Một lỗ khoét chéo vào tường thay cái điếu hút thuốc lào, những con rệp săn được trong khe cửa, khe sàn đem bóp đít cho nó vỡ máu ra rồi dán một dãy xác rệp lên tường thành hình chữ một bài thơ cảm đề tứ tuyệt. Và không biết từ năm nào, bao giờ, ai truyền cho ai, hễ người nào phải giam ít lâu cũng biết cách vỗ tay vào tường, trò chuyện với gian bên cạnh.

Một anh giơ tay, quay ra:

- Biến rồi. Số 9. Chui cửa sổ.

Tiếng thì thào to nhỏ. Có một số tù đã thành án vừa giải ở trại giam sang để đối chất với đám bị lấy cung mới. An ngờ ngợ hay là Bân đã trốn được, Bân đã biến. Một người đoán hệt như An nghĩ, nói:

- Đích cái nhà ông Bân gan liền rồi!

An quay vào, nhìn người nói chính là cái anh hôm trước bảo “tay ấy gan lỳ tướng quân”, khi Bân đi qua. Một lúc sau, mọi người được ra đi đái, gặp trên các hành lang nhộn nhạo lính canh có súng lắp lưỡi lê. Trở về ai cũng biết tin tù sổng. Tù nhân Bân mới sang xà lim số 9, giam một mình, bị cùm chân nằm ngửa, thế mà nửa đêm đã vắt thang dây leo chấn song, thoát ra.

Bân vượt ngục, Bân đã vượt ngục. An tưởng tượng, trên cánh đồng mù mịt mưa và sương, Bân đương vỗ cánh bay như một con vạc ăn đêm, mỗi lúc một xa tít.

Cũng lúc ấy, An nảy một ý kiến: “Gỡ được rồi! Khai cho Bân!” Nghĩ thế, An nhẹ hẳn. Và cũng thấy mình đương bay bổng về làng Hạ.

Sáng lại như mọi khi. Tiếng cửa sắt rít nặng nề. Tiếng giầy bước lạo xạo trên sân cuội. Tiếng gọi vọng vào các cửa. Tiếng hỏi, tiếng khóc, tiếng rên, rú. Hòm điện quay két két két... Lại bắt đầu mọi việc thường ngày.

An lại đứng trước mặt người mật thám Tây lai. Người mật thám nhếch râu cười, quẳng cái đuôi thuốc lá, bình thường như không một việc gì mới xảy ra. Và, vẫn giọng nói rỡn leo lẻo, kinh rợn:

- Hãy khai thật, đừng có viết chửi mật thám chỉ bắt nạt Việt Minh không dám đánh Nhật mà tôi không bằng lòng nhé.

- Quan cho tôi một tờ giấy.

Người mật thám bỗng reo:

- A, anh là người có chữ, một tri thức. Xin lỗi, tôi quên. Người trí thức thì viết vào giấy dễ hơn nói bằng miệng, tôi biết. Tôi sẽ cấp cho anh một tờ giấy, nhiều tờ giấy và cái bút. Anh có thể ngồi ra kia mà viết. Sàn đá hoa ở đây sạch hơn sàn xà lim nhiều.

Một hôm, An được tha.

Khắp vùng, ai cũng biết. Cũng như, không ai còn lạ, người ta kể là cái tủ chè, bộ nến đỉnh, đôi khuyên vàng, một lứa lợn của bà Hương, chuyến ấy đã đội nón lên tỉnh cả.

--------------------------------

1

Hai buổi chiều vàng, truyện ngắn của Nhất Linh.

IX

Khi An bị bắt, Lạp và Trung đã lánh vào làng vùng trong. Rồi ở lại dệt cửi luôn trong đó. Bây giờ, đã trở lại yên tĩnh. Cái dạo mà mật thám vây mấy làng vùng trong, Bân bị bắt, Lê không dám vào làng rồi bỏ đi Hải Phòng, đã cách đây lâu rồi. Làng nước và công việc làm ăn cùng với mọi hoạt động bí mật cũng lại đã như thường.

Quả như nhiều anh em đã nói phong trào và công nghệ vùng trong khá hơn vùng ngoài. Có những nhà giàu hàng mười khung cửi, không lèo tèo có hai ba khung đã hết đất như ở các làng ngoài. Hơn nữa, làm cửi đấy, lại làm ruộng đấy, nghề nọ tựa nghề kia, ai cũng quần nâu áo vải, không màu mỡ diêu cua như đất làng Hạ gần tỉnh, mà bên trong nhà ai cũng của ăn của để. Thợ cửi, thợ hồ và thóc đầy bồ, đến bữa, ba mâm ngồi la liệt khắp sân gạch. Chiều ngày phiên tơ ra đầu làng tấp nập như giữa buổi chợ. Từ khi Ái hữu bị cấm, cái bảng hội Ái hữu lâm thời tỉnh mà Lê và Lạp xe vào, đã dỡ xuống, khiêng về trong xóm để úp mặt có chữ, kê làm bàn ngồi viết cho anh em học tối. Ái hữu tàn, các tổ phản đế, rồi tổ cứu quốc lại đặt ra những tổ chức nho nhỏ gọi là hội đọc sách, hội thư viện, hội học tối, hội chơi họ, không ai biết mà cấm được. Nhiều ông chủ hai, ba khung cửi đi chợ tơ về, tay xách xâu thịt trâu, tay dây ếch, nách cắp tờ báo. Buổi tối, chủ và thợ đọc báo oang oang. Xóm nào cũng lập lòe đèn các nhóm học tối.

Họ lại nhớ Lê. Nếu Lê ở lại, biết rõ rồi sau phong trào ở đây lại lên và lại hoạt động thế này, chắc Lê không đi.

Bây giờ Lê ở đâu?

Lại một việc này khiến càng tiếc Lê, tiếc quá. Một đêm, Lạp và Trung đi nghe cán bộ về nói chuyện tình hình. Sau đó, một anh trong tổ rủ “đi đằng này có việc”. Họ đến một nhà ở cuối xóm. Có người đã ngồi đợi. Một người ra bắt tay Lạp, hỏi:

- Còn nhớ tôi không?

Lạp đã nhận ra anh Bân. Lạp sững sờ, ngạc nhiên. Vẫn nghe thì thào dạo trước Bân đã bị bắt với cả cơ quan có máy chữ, giấy mực in, Bân đã bị án tù chung thân đi Côn Lôn. Bây giờ Bân vẫn đây. Bân nói:

- Anh lạ lắm phải không? Tôi bị bắt kia mà. Thôi đấy là việc khác. Tên tôi nay tên là Tư Bản, anh Bản. Giờ ta bàn chuyện cần thiết hơn.

Bân hỏi tình hình vùng làng Hạ. Rồi Bân nói:

- Lạp không vướng tên bị bắt thì nên về ngoài ấy ngay. Trung bị bắt hụt thì hãy ở trong này. Phong trào ở đâu cũng đương cần chúng ta.

Thế là, Trung ở lại. Vài hôm sau, Lạp trở về làng Hạ. Trong khăn gói có một bó truyền đơn và bốn tờ báo Cứu quốc, báo Cờ Giải phóng 1 , đó là của cải đưa về gây vốn cách mạng cho làng quê. Đi đường, Lạp càng nhớ Lê. Giá bây giờ mà có cái thằng Lê lúc nào cũng hăng hái ấy vẫn ở nhà.

Lạp về làng tìm việc. Không phải lâu, Lạp vốn thợ giỏi, Lạp chỉ ở nhà với mẹ có hai hôm, bà Hương đã đến gọi làm.

Lạp đi dệt cửi cho nhà An.

Nhưng An không có nhà. An đã được tha, bà Hương vẫn quá sợ, không dám cho An ở nhà. Bà gửi An ngoài tỉnh lỵ Hà Đông ở nhà dì Bốn - em họ bà Hương, nhà ngoài tỉnh có cửa hàng bánh ngọt.

Cạnh nhà dì Bốn, có ông ký Rượu là bạn hàng, thường năng sang. An cũng chơi với Chính, con ông ký, bằng trạc An.

Chính học hết năm thứ hai trung học thì ở nhà, làm sổ sách cho cửa hàng ông ký. Ông ký, đại lý bán rượu, lại buôn gạo và gần đây xin được cái môn bài muối, thì Chính lại thêm việc. Những nhà có môn bài gạo, tùy hạng to nhỏ, mỗi tháng lĩnh gạo về bán, lại được Liên đoàn Thóc Gạo Bắc Kỳ cho đi thu mua thóc giá nhà nước quy định. Phát tài đủ thứ, lãi bán, lãi mua, lãi phát xay. Chính càng bận sổ sách. Nhưng mà tối Chính vẫn đi chơi, vẫn đi phất phơ dông dài.

An thường có hai điều nghĩ khác nhau về Chính và An. Cửa hàng rượu và nghề buôn gạo của nhà Chính có nền nếp, giàu có, Chính có chỗ dựa, tương lai dễ chịu trông thấy trước. Không lắng đắng như An. An sẽ làm gì? Chẳng lẽ đèn sách mười năm trời rồi lại trở về cái thoi, sợi cửi như Lạp, như Trung, như Lê ư? Không thể.

Suốt ngày Chính mân mê lau xe đạp. Lau sạch rồi, treo xe lên, lại hạ xuống, ngắm nghía, tháo rời ra lắp lại, lau lại. Cứ tiêu khiển một cách tẩn mẩn thế. Vừa hí húi làm, vừa hát ông ổng, lắm khi lâm ly:

Đi có để hình bóng

Có nhớ thương em để bên lòng 2 ...

Chính cũng có nhiều cái thích và mong ước. Chính khoái nhất thể thao, thèm đi học trường Cao đẳng Thể dục Đông Dương ở Phan Thiết. Lại cũng muốn vào học trường Sĩ quan trù bị Đông Dương để được đội mũ chào mào và đi ủng có gót sắt thúc ngựa. Nhưng nhà neo, ông ký Rượu không để Chính đi đâu xa, mà chỉ cho Chính đi xem đá bóng, xem thi bơi và đi chợ phiên hội chợ ngoài Hà Nội mà thôi. Chính bảo: “Mình khoái thằng Nhật vì cái tính nó rất hắc. Hễ uất cái gì, nó mở bụng ngay. Buổi sáng trở dậy, cả nước Nhật, từ Thiên hoàng trở xuống đều cúi đầu chào mặt trời. Lấy con vợ Nhật mới thật sướng. Đi về cứ ngồi ngay râu ra cho vợ tháo giầy, cởi áo, rửa mặt hộ, đúng luật phụ nữ nâng khăn sửa túi”. Chính hay nói và đậm nhất chỗ “lấy vợ Nhật” thú vị ấy.

Chính có nhiều nhân tình. Quần áo đưa giặt là, mỗi cái Chính đánh dấu số nhà của một người yêu, rồi cộng lại, ngắm nghía, thú vị. Chính chịu khó chim gái. Cô con gái ông phán Kho Bạc đi xe nhà. Chính bỏ thư vào cánh xe. Cô ấy cau mặt, nhổ một bãi nước bọt. Lần sau, Chính vẫn đuổi theo, cười, ném cái thư khác.

An ghen thầm cái số đào hoa của Chính. Nhưng, thật tâm, An không thích đứa thanh niên thả rông ngày tháng chơi bời trống rỗng. Tuy không thích, nhưng An vẫn đi chơi với Chính, đó cũng là tâm lý của An khi đó. An vừa qua một chặp sợ quá. An muốn ru mình trong mọi sự yên lành. Từ buổi chiều hôm mưa gió ra khỏi cái xà lim số 3, An thở dài: “Thôi không bốc giời nữa”.

Thế rồi ít lâu sau An về làng, bà Hương cũng thấy ở ngoài ấy tốn kém và tần phiền. Mà bây giờ bà Hương cũng đỡ sợ rồi.

Lạp trông thấy An, hấp tấp ở khung cửi dưới nhà ngang bước lên, nói:

- An, An về đấy à? An đã ở hẳn nhà chưa?

An nghiêm mặt:

- Tôi không chơi với các anh. Nói riêng cho mà biết, tôi đã bị tên vào sổ đen. Đừng gặp tôi nữa.

Vẻ lạnh ngắt của An và những tiếng “anh, tôi” Lạp hiểu và những cái đó đủ đuổi Lạp xuống khung cửi. Lạp đứng ơ ra. An vào buồng, mồ hôi toát đầm trên trán. Vừa tức, vừa sợ, lại vừa thấy cũng ta đây vì câu nói sai và bịp.

An quyết không chơi với bọn Lạp. An không ưa Chính, nhưng thói rong chơi “đào hoa” thì An mắc míu học được ở Chính. An lao vào vòng lăng nhăng hơn trước.

Ngày lại ngày qua... Ngày lại ngày, lặng lẽ theo nhau, những công việc làm ăn trong làng, trong nhà. Cơm chiều xong, Lạp ra khung cửi. Hàng tháng An cũng chẳng bước chân xuống nhà ngang và khung cửi đằng đầu vườn. Hai người không mấy khi gặp nhau. Thảng hoặc mà gặp thì cũng chỉ lầm lầm nhạt nhẽo xa lạ. Không ai tưởng được rằng đã có khi họ thân nhau, bàn những chuyện xây dựng xã hội và đêm ngày kề dùi, kề vế, ôm vai bá cổ đi lượn các ngõ.

An đứng trong cổng, mỗi buổi chiều ăn cơm xong. An tiêu khiển bằng cái thú nhìn mọi người thưa thớt qua lại ngoài đường xóm, bên kia bờ ao. Một cách giết thì giờ có ý nghĩa. Vì, mấy lâu nay, An để ý chiều nào cũng vào quãng ấy, cô Nhàn đi làm hồ về qua ngõ.

Nếu có người thóc mách rằng An yêu Nhàn, chắc An có phần ngượng. Và nếu Hiền, em gái An mà biết thế, Hiền bĩu môi dè bỉu anh. An cũng không nghĩ mình yêu Nhàn. Chỉ là cái “tính đào hoa” thấy gái thì chấp chới. Nhàn không đẹp. Nhưng người con gái đương xuân nào chẳng có lúc bóng bẩy hồng đôi má. Nhàn là con nhà nghèo, ngày ngày cái áo vắt vai, đi làm hồ mướn. Nhưng An không định chuyện xa xôi. Khi ở tỉnh, An vào chợ phất phơ cô hàng xén, cô bán thịt lợn và một cô còn đi học. Trong túi An sẵn mấy cái thư viết giống nhau chỉ khác mỗi cái tên “Thưa em Thúy Nga (em Mộng Hương, em Tuyết Lan...) yêu quý”. Về quê, ở làng bên, có hai cô phải lòng An. Thì, ở xóm này, vào những lúc ở nhà, An cũng nên có người yêu. Bây giờ không muốn nghĩ một sự gì. Bây giờ chỉ chơi.

Mỗi hôm, ăn cơm xong, An ngậm cái tăm ra đứng trước cửa. Đầu tiên mà An để ý Nhàn là vì có một lần, Nhàn vào chơi với Hiền. Nhàn hỏi: “Thưa anh, chị Hiền có nhà không ạ?” Rồi Nhàn cúi mặt, đôi mắt bồ câu lừ đừ như say giầu thuốc. Cứ thế, Nhàn mủm mỉm đi vào trong sân, không đợi nghe An trả lời. An tự đặt câu hỏi: “Tại sao cô ấy hỏi rồi đi ngay? Trêu trước người ta ư?” Cái tật tự phụ của một gã trai đĩ tính bồn chồn nổi lên.

An đón ngoài cổng đợi Nhàn, mỗi chiều, từ lần ấy.

Nhàn cũng hay vào nhà An chơi với Hiền. Có em gái thì anh chỉ có lợi, tha hồ làm quen với các bạn em. Với Nhàn, tuy đã có chào hỏi, nhưng chưa được dịp. An phải giữ kẽ với em gái và với Lạp, ngộ như Lạp để ý. Làm sao cho người ta không thể biết cậu An bờm xơm với con gái nhà ông Trương Ba nghèo rớt mùng tơi.

Nhưng, đoán qua nét mặt và miệng cười ý nhị của Nhàn - An cho mình có từng trải - An đoán Nhàn đã mê mình rồi. Sự tự tin làm An rắp tâm theo đuổi Nhàn.

Hôm ấy, Tết rằm tháng Bảy. Tiếng chuông, tiếng mõ bên chùa vang âm suốt từ sáng sớm. Nhà neo nhất cũng quấy được mẹt bánh đúc dừa. Các khung cửi trong làng đều bọc mặt hàng, Nhàn cũng nghỉ một buổi hồ. Thợ tơ, thợ hồ đi chơi, đi chùa.

Lúc nãy, Nhàn vừa đến rủ Hiền. Nhưng Hiền đã cắp tráp sang chùa với mẹ. Chỉ gặp An, Nhàn nói với An:

- Chị Hiền về, nhờ anh bảo chị ấy vào chơi nhà em, em đợi. Chào anh.

- Tết mà vội à? Các cô hội họp gì mà cần nhau thế?

Nhàn chối:

- Không, chơi thôi, anh ạ.

An xoắn lấy, nói lỡm:

- Tôi cũng chơi có được không?

Nhàn nhìn An, dịu dàng, hơi ngỡ ngàng, cười:

- Anh chỉ nói đùa.

- Thật đấy! Nhưng mà ở đây không tiện. Chốc nữa, ta gặp ở ngõ ngoài bờ tre nhé!

Nhàn đã ra ngõ. An nhìn theo. Có vẻ “cắn” rồi.

Câu hẹn lửng lơ nhưng chắc nịch. Có thể thế. An cứ ra bờ tre, An sẽ đi qua nhà Nhàn trước để Nhàn trông thấy.

An mặc áo cánh lụa chuội mỡ gà, chải lại cái đầu lật bóng mượt. An bước thong thả qua bờ rào nhà Nhàn, đưa mắt vào trong ngõ. Nhưng An lại hốt hoảng nhìn thẳng ra và hấp tấp như vội đi chuyện gì. An trông thấy Lạp trong sân nhà Nhàn với mấy người lạ.

Không biết Nhàn có nhìn thấy An không. Thất vọng một phần rồi, nhưng An cứ đi thẳng ra bờ tre. An ngồi xuống bãi cỏ bên đìa nước. Tiếng trống và tiếng cái tiu cái cảnh chập cheng cúng “vong nhân xá tội” từ ngoài đền, tiếng mõ tụng kinh trong chùa vẳng ra, như rót vào tai. Trong xóm, trẻ con đùa nhau, cười ròn tan. Những vang động gọn ghẽ xa đưa đến lại càng lắng sâu vẻ êm ả của cánh đồng buổi chiều. Trên mặt nước đụng đậy con niềng niễng bơi dưới cái lá trang. An thờ thẫn như không nhìn thấy gì cả.

Mấy người lạ với Lạp ở trong sân nhà ông Trương Ba mà trước An cũng hay hội họp ở đấy, đã gợi cho An những hình ảnh An đã cố quên. Nghĩ xa xôi thì buồn, mà nghĩ gần thì sợ. Những chuyện đã qua, không trở lại nữa. Đường đời đã đi đến ngã ba, mỗi người đi về phía mình.

Thằng Lê phiêu lưu vào miền Nam. Nó là thằng hăng lắm. Cái gì cũng thích kịch liệt, hễ không như ý thì nổi khùng lên. Không chừng đã hóa ra thằng tờ rốt kít hăng máu vịt. Chưa bao giờ An tự hỏi mình đi tới đâu. An còn ăn nhờ mẹ, và ngày ngày êm đềm qua, hốt nhiên cũng đôi lúc thấy trống trải. Sự dễ dãi và tránh cái khó ấy vỗ về dìm người ta xuống. Thằng Chúc thì từ ngày được tha, ít người thấy mặt. Nó dạy trẻ con học và ở liền nhà ông lý Dĩ. Nó đã lấy thẻ thân mới và lấy vợ - một ả thợ tơ dưới Nam. Bây giờ Chúc cờ bạc, rượu, thuốc phiện. Người ta xì xào từ khi y phải bắt về, Chúc làm gì lén lút, thỉnh thoảng đi đâu vài ngày. Nó có lẽ thành mật thám chỉ điểm lộ mặt như thằng Khiết rồi. Nếu không thì tiền đâu mà ăn hút chơi vung vinh? Còn Lạp, và Trung và Ba? Chúng nó lại phải vùi đầu đuổi theo cái thoi chạy qua mặt hàng, ngồi dệt cửi đến mọc sẹo đít - thằng nào rồi khá thì khá, nghèo thì nghèo, như mọi người đã bao đời trong làng này. An toàn nghĩ những chuyện nhạt nhạt buồn buồn như thế.

Nhưng An vừa thấy Lạp trong sân ông Trương Ba với mấy người. “Chúng nó không phải như mình đã tưởng tượng, có thể...” Một người tinh ý như An đã mang máng biết, mà không dám, không muốn biết rõ hơn. Và ngay lúc ấy, An cũng gạt những điều lăng quăng đi, An quay nhìn vào cổng đồng. An mong hóng mơ hồ. Một lúc lâu.

Thoáng trong bờ giếng đi ra cái dải lưng lụa trắng hoa cau quen thuộc của Nhàn. An trông lại, chớp mắt trông lại. Thật rồi, không phải hoáng. Nhàn đương ra cổng đồng, bóng người mờ trên lan hoa cỏ may.

Tâm trạng Nhàn cũng khó hiểu, chính Nhàn cũng không tự hiểu. Nhàn đương phơi phới. Một người con gái biết có người tơ tưởng mình. Nhàn cũng không nghĩ cách rõ ràng mình đương đi đến chỗ hẹn. Họ nào đã hẹn hò nhau. Nhưng ý tứ và lời nói lững lờ lúc nãy đã sinh vương vấn. Tình yêu nhẹ nhàng, êm đềm lướt qua, không cắt nghĩa được. Phảng phất tình ý, nhưng Nhàn vẫn muốn tưởng như những bước chân đương đi ra bờ tre này chỉ là tình cờ.

An đi trở vào để vừa gặp Nhàn dưới vòm tre, như đã hẹn lại như không hẹn. Nhàn hỏi:

- Anh An đi đâu đấy?

An cười tự nhiên:

- Đợi cô ở đây thôi.

Nhàn lúng liếng quay mặt, không đáp được câu nói mạnh bạo. Rồi An đột ngột:

- Những ai lúc nãy ở trong sân thế?

Nhàn trả lời khẽ, giọng không tự nhiên:

- Có ai đâu.

- Tôi trông thấy có thằng Lạp.

Nhàn cúi, không nhìn An:

- À... Anh Lạp vẫn ra chơi với anh Ba em.

Câu chuyện không có chốt, gặp chăng hay chớ. Họ nói, hỏi, không định. An áy náy, lại hỏi:

- Còn mấy người lạ nữa kia mà. Ai thế?

- Dạ.

Nhàn lễ phép “dạ”, mà không nói. Nhàn lơ đãng nhìn những chiếc lá trang tròn xanh trên mặt đìa nước. An hơi bực mình. Đôi mắt Nhàn lay láy. Hôm nay ngày Tết rằm, Nhàn mặc áo cánh lụa mới. Hai cửa tay áo chặt, lẳn, tròn. Chiếc yếm cổ thìa trắng ôm quanh cái cổ trắng ngần. An vừa khó chịu, lại đá chút ghen tức.

Nhưng Nhàn đã quay lên, nhìn An:

- Anh An ạ, anh Lạp ấy mà...

An cười nhạt “À thằng Lạp...” rồi giọng cáu kỉnh:

- Thì sao?

Nhàn hỏi lại An:

- Ngày trước em thấy anh chơi thân với anh Lạp.

An đã ra ý hốt hoảng, càng tỏ vẻ khó chịu:

- Hỏi để làm gì?

- Em thấy anh Lạp tốt.

An vặn:

- Sao biết?

- Hình như dạo ấy các anh chơi có mục đích. Chống thuế, diễn kịch, lập Ái hữu, nghiệp đoàn, thanh niên dân chủ, phản đế, có phải không? Anh ạ, em bấy giờ còn ít tuổi chưa biết, nhưng bây giờ thì biết mục đích ấy rồi.

Nói xong, Nhàn cười hồn nhiên. Nhưng An không trông thấy cái cười hồn nhiên ấy nữa. Những tiếng “mục đích, Ái hữu, thanh niên dân chủ” ở miệng người con gái không biết chữ mà An vẫn coi thường ấy, nói ra gọn ghẽ, quả tình làm An rất ngợ. Bây giờ thì không khó chịu, không lờ mờ ghen tuông, mà An giật mình, không còn nhơn nhơn như lúc nãy. An bỗng thấy mình khó xử, lúng túng. An khe khẽ nói:

- Họ vẫn về họp ở nhà chứ gì?

- Thế thì anh biết rồi.

An đáp nhanh:

- Biết.

- Anh cho em hỏi câu này nhé. Làng ta đã có nhiều người vào Việt Minh, em có nên vào không?

Bị câu hỏi hóc, rụt rè mà thẳng thừng, An băn khoăn. An lơ đãng nhìn cái lá trang, chặc lưỡi, vẫn ra lối ta đây hiểu biết, trả lời dõng một:

- Tùy từng người.

- Sao anh chưa vào Việt Minh?

Câu chuyện đâm đuểnh đoảng hẳn. Nhàn nhận thấy vẻ lạnh lùng của An, nhất là khi An trả lời: “Anh vào thì em biết thế nào được!” Giọng nói chủng chẳng, khinh khỉnh. Nhàn cảm thấy tủi, Nhàn im rồi toan quay về.

Nhưng An lại hỏi nhỏ, nhẹ:

- Những anh nào hay đến nhà... em?

Tiếng “em” êm ái làm cho Nhàn cảm động. Nhàn nói:

- Anh gì ấy, em không thuộc tên.

Không hiểu sao, An nghĩ ngay đến Bân. An hỏi:

- Có phải người thâm thấp, da ngăm ngăm, lông mày sâu róm và mắt sắc lắm?

Nhàn cười:

- Anh quen anh ấy rồi a?

Nhàn bỗng thấy An xám mặt, lạnh nhạt khó chịu hơn cả lúc nãy. Đương vui vẻ trở lại, Nhàn như bị vấp hẫng một cái. Lẽ nào người ta lại có thể vì mình nghèo mà khinh mình? Không đời nào! Nhàn quay về. An gọi:

- Nhàn...

Nhàn không trở lại.

Nhàn không biết An mới là người đương tủi đương sợ, tưởng mình bị khinh. Bân! Đúng là Bân! Bân lại về đây. Vùng này lại hoạt động. An hốt hoảng ngồi thụp xuống bờ ruộng. Ngọn lúa đòng đòng thơm thoảng bao phủ trên đầu An. An không muốn ai nhìn thấy An lúc này. An nhắm mắt sợ cả Nhàn, nếu như Nhàn quay lại, An không dám cất mặt lên. An nằm xuống cỏ, lót tay đỡ đầu, ngửa mặt nhìn ông trăng rằm, không biết từ lúc nào, đã lan tròn xoe, trắng bệch như cái mẹt bánh đúc đặt cuối cánh đồng. Hơi sương, hơi lúa thơm gây gây.

Tối hẳn, An mới về trong xóm. Anh đi nhanh qua nhà ngang thấy Hiền đương buộc cái xuôi, treo cửi sắp nối cửi. An nghe tiếng Hiền hát.

... nhà tan nước mất...

Con chó vện thấy An, xô ra nhảy rít mừng, làm cho Hiền im tiếng.

An cho là mình nghe nhầm. Cái Hiền cũng biết bài hát cách mạng à? An xua đuổi những ám ảnh ghê gớm. An đi thẳng vào buồng, không thắp đèn. Như con dơi chui vào hốc cột.

--------------------------------

1

Cứu quốc, cơ quan tuyên truyền của Tổng Bộ Việt Minh. Cờ giải phóng, cơ quan tuyên truyền của Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương. Hai tờ báo in li tô, phát hành bí mật.

2

Một bài hát theo điệu Trung Quốc (hay Nhật Bản) phổ biến ở các thành phố miền Bắc bấy giờ.

X

Rồi sang tháng tám, tháng Chín. Lác đác trong làng có vài đám cưới, đám hỏi. Mùa cưới hỏi đã tới. Lại như quen thói bao đời nay, năm nào, khi mùa cưới hỏi đến, thì người trong làng hay bàn tán, đoán già đoán non, sắp đám này, sắp đám khác.

Năm trước, bà Hương đã nhất định. Nhưng rồi bà vẫn còn trằn trọc suy tính. Bà cũng biết thằng An phải lòng phải bề khối đứa. Nhưng không bao giờ bà để ý những cái trẻ con chim chuột ấy. Và ngẫm xưa nay, trai gái giăng gió với nhau mà thành vợ thành chồng thì trăm đám vứt đi cả trăm. Cho nên, bà Hương vừa không để ý, đã không lo, lại còn ghét. Nghe đồn nọ kia, bà chỉ cười. Trong bụng đánh giá: “Thứ cái của giăng há ấy mà lại đòi lọt vào cửa nhà này!”, nhưng bà không nói. Bà cố để ý tìm “một đám”. Ông Hương chẳng may thất lộc rồi, bà không thể lòa xòa thế nào xong thì thôi. Làng này chẳng còn, bà Hương nhìn sang làng bên, con gái vùng trong đi chợ bán lụa, phiên nào bà cũng gặp, bà biết mặt, bà thuộc tính nết tất cả. Song bà cũng chưa đậm đám nào. Lấy vợ xem tông, lại còn nhìn cha, mẹ, gốc gác các người trước đã.

Ngày kia, An đi xem mặt vợ.

Bà Hương đã chấm được một đám làng bên. Đám này gia thế lắm. Con gái út cụ Cửu, xưa nay chỉ làm ăn trong nhà. Mấy người chị đều lấy chồng giàu ngoài tỉnh. Như vậy được rồi. Bà kỹ tính, nhưng lại cả tin, dòng dõi, gia thế, con chị con em.

An cùng đi xem mặt vợ với hai anh bạn học trường phủ, một buổi chiều chủ nhật. Họ làm như những người tỉnh thành, các nơi thỉnh thoảng vẫn về làng công nghệ xem nghề tơ cửi.

Mọi việc đã được bà Hương và mối lái sửa soạn cả. Khi đi, cô Hiền cười ghé tai dặn anh: “Anh vào nhà mà thấy cô nào ở nhà dưới lên sửa cửi là đúng đấy. Phải tinh nhé, nhà người ta có những mấy chị em sàn sàn nhau”.

Bọn An vào, người nhà ra đánh chó, rồi lên nhà trên pha nước cuống quít, rộn rã. An để ý có một người con gái đương ngồi trên song hành sửa cửi. Không biết có phải “cô ả” không, cũng áo cánh lụa bịt tà như mọi cô con gái trong vùng này hay mặc diện buổi chơi phiên chợ lụa. À, bảnh hơn, có vành khăn nhiễu hoa dâu. Cô này nhỏ nhắn, bàn tay trắng muốt, lách, gỡ thoăn thoắt giữa hai mặt cửi. Cô hơi cúi, An nhìn thoáng, không được kỹ. Chỉ thấy cái cằm nhỏ hơi lẹm. Từ lúc nào, cũng không thấy ai ở dưới nhà lên sửa cửi nữa, nhưng không biết có phải thật “cô ả” không.

Về nhà, bà Hương hỏi:

- Anh nghĩ thế nào?

An điềm nhiên trả lời mẹ:

- Mặc u!

An cũng chẳng biết nghĩ thế nào và cũng chẳng nghĩ thế nào thật. Mấy hôm sau, làng nước đều biết mồng mười tháng Một này cưới anh An nhà bà Hương lấy cô gái út cụ Cửu. Người ta đồn rinh rược lên, cả đến ngoài chợ, ngoài hàng nước ai cũng nghe. Có một điều ít người biết. Bà Hương vốn kín đáo nhưng cũng khéo màu mỡ. Thật tình bà Hương chưa lo đủ tiền cưới cho con. Chuyến chạy tiền cho An được tha ở sở mật thám về đã sạt khối của rồi. Lại từ nửa năm nay, hàng họ đứng, mỗi phiên chợ lụa về, giá cả như có chân chạy, chênh nhau nhanh trông thấy từng phiên, từng ngày. Các khung dệt xôn xao cả lên. Vốn của bà Hương cũng toang ngoảng dần.

Nhưng, việc cưới vợ cho con trai, bà Hương nghĩ đã lâu rằng không ai để dành tiền cưới vợ cho con, mà lo trước cũng chẳng được, việc đời phải như thế rồi.

Bà Hương ra tỉnh nhờ dì Bốn bầu chủ vay tiền. Bà phải viết đoạn mại cái thổ nhà đất đương ở. Thế là bà Hương cầm một trăm rưỡi bạc, lãi mười phân.

Đám cưới to. Bà Hương muốn khoe tài đảm người đàn bà góa nuôi con, gây dựng cho con. Nhà có tiệc gọi cả cô đầu phố phủ về hát. Mổ bò mời làng, lại ngả theo một con lợn làm cỗ bát những mâm khách tỉnh. Thôi thì hàng thôn, hàng xã, các bà con dây mơ rễ má, người thì trả nợ miệng, người thì bạn buôn bán, lại còn các bạn học, bạn chơi của An, tỉnh có, quê có, rầm rập suốt ba ngày.

An khó nghĩ về mâm cỗ để anh em trong làng riêng mâm thì dễ dị nghị, bên khinh bên trọng. Nhưng cùng chén với các bạn tỉnh của An e cũng khó. Cuối cùng, An xếp ba mâm liền. Đằng nào cũng thế, một đời một lần cũng cần để “các cậu” làng này “biết bạn mình các nơi không phải những tay xoàng”. Lạp và Chúc đều được An mời. Lạp định không đi. Nhưng Lạp thợ dệt cửi nhà bà Hương, không đến dự không tiện. Vả lại, dù sao thì An và Lạp, bình thường mà nói cũng bạn trai làng. Một lẽ nữa, Lạp muốn được ngắm cô Hiền đi đón dâu về, Hiền mặc áo the hoa đóng khuy, đeo đôi khuyên vàng.

Ngoài cửa, xếp chồng mấy cái xe đạp. Lạp lầm lầm đi qua vừa ức bọn khoe của, lại vừa tủi thân. Vào mâm, Lạp nhìn hai bên, đều những mặt khó chịu. Chúc lăng xăng với mấy thằng bạn An ngoài tỉnh, nghé nghiêng vuốt cái “cà là vạt” tròng ở cổ, cái quần “phô tích so”, làm bộ tay thành thạo. Chúc lại líu ríu như khướu hót “U Đon là một tỉnh bên Xiêm... tôi hoạt động trước ở đấy... Đệ Tam... Đệ Tứ... Tôi bị vua Xiêm bắt...” Rõ thằng phét lác nguy hiểm. Chắc nó không dám khoe bây giờ nó hút thuốc phiện, đi chơi nhà thổ với chỉ điểm mật thám Khiết. Chuyện ba hoa của Chúc cũng kéo được mấy cái đầu tò mò châu lại. Lạp ngồi xa ra góc mâm đằng này.

Một anh xắn ngược tay áo sơ mi, cầm chén rượu xăm xăm chạy đến, giơ lên trước mặt An:

- Tối hôm nay chú rể không thể bước nổi vào buồng được. Nhất định hạ chú rể gục ở đây. Nào mời đại huynh cạn với đệ chén mở màn.

- Mỗi người một chén với chú rể!

- Một chén!

Những chén rượu nhâu nhâu giơ đến. Chú rể An luống cuống. Tiếng ồn ào loạn xạ sang cả bàn tổ tôm gian giữa.

Lạp uống một ngụm rượu rồi cúi xuống, ăn ngồm ngoàm không nhìn ai. Bọn con nhà giàu, bọn tỉnh thành không nghĩa lý gì hết. Họ nói kiểu cách xa lạ. Chỉ thỉnh thoảng, Lạp lại phải trông thấy mặt cái thằng Chúc, như con chó ngoe nguẩy cạnh những người bạn ngoài tỉnh của An.

Góc đằng kia nghe lõm bõm có ai đương nói... Đồng Minh... Mặt trận thứ hai... Lạp nghếch tai. À nó chuyện thời sự chiến tranh. Một cậu nói to.

- Tin mới nhất tao vừa đọc báo ban sáng.

Đầu đằng này có người hóng lại:

- Tin gì thế?

- Hồng quân đã vượt biên giới đánh vào nước Lỗ rồi.

- Thật không?

- À à... Đáo để nhỉ?

- Thiết giáp của Hồng quân đương đánh nhau với liên quân Đức - Ý - Lỗ ở ngoại ô thành Bucarest.

Cả ba mâm rượu quay ra bàn tán xôn xao về cái tin mới nhất. Thôi thì tranh nhau khoe cái lạ, cái mới mà mình biết, chỉ mình mình biết. Lại ồn ồn như chợ vỡ. Lúc nãy, nhiều người còn giữ ý với bàn tổ tôm các cụ bên cạnh, bây giờ hơi men đã choáng mặt, người ta đua nhau nói các tin tức mới.

- Tao thì chưa dám đánh cá cược quân Lỗ. Nhưng quân Ý thì có tiếng tồi nhất thế giới. Chỉ nghe ca–nông mà đã run khoeo. Ấy là chưa kể, nếu Anh Mỹ đổ bộ vào nước Ý.

- Cái thằng Anh - Mỹ chỉ men men, không dám đổ bộ vào châu Âu đâu.

- Chiến thuật người ta thế!

- Đáo để thật!

- Bố bảo cũng không dám!

Có tiếng nghêu ngao ồ ồ:

Đi có để hình bóng

Có nhớ thương...

Mặt Chính đỏ phừng, vừa múa cái chén, vừa hát. Chính đương tán về “nước Nhật Bản lùn mà giỏi...” nhưng một tiếng thét thật to, khiến mọi người quay giật lại, quên mất cả trò ngộ rượu của Chính.

- Tờ rốt kít phá hoại!

Chúc đứng lên phản trước mâm cỗ, hét tướng. Cái kính trắng cận thị vướng tay rơi xuống chiếu. Nhưng Chúc vẫn nhoi vai lên, hai vũng mắt thâm xì nheo nheo.

- Đả đảo tờ rốt kít!

Rồi Chúc ra bộ giương vây nghênh mắt kính nhìn đảo cả ba mâm rượu.

Những câu hô to ấy ở miệng Chúc hôm nay không còn nghĩa mà lại như dở hơi, chứ bốn năm trước, khi Chúc mới về làng, ai cũng phục. Nhớ hôm Chúc thộp ngực áo Lạp với An và Lê, sấn sổ hỏi: “Các anh là Đệ Tam hay Đệ Tứ?”, thì bọn này mừng quớ lên vì được gặp một tay chính trị phạm.

Lúc đó, An cũng đương nghĩ về Chúc - An bị bắt, An còn biết Chúc rõ hơn nữa - An nhìn Chúc, lại nhìn Lạp, hơi cau mặt. Mâm rượu bỗng trùm một không khí lạc lõng sờ sợ. Không mấy ai biết Chúc là thế nào. Bọn bạn tỉnh của An ngơ ngác, anh nọ bấm anh kia. Nhưng Lạp nghịch xỏ, quay cho Chúc lòi cái đuôi dốt, Lạp hỏi:

- Phá hoại cái gì đấy?

Chúc lại giơ nắm đấm:

- Tờ rốt kít phá hoại. Nó phá hoại cho nên lính phát xít Ý mới đánh nhau tồi thế.

Nhiều người cười ồ. Một người lẩm bẩm nhăn mặt. Thế là các mâm những ông bạn tỉnh, lại nhao nhao giễu cợt:

- Phải đấy! Phải! Líp líp lơ!

- Các cậu đừng đùa. Ở nhà quê mà hiểu được như anh bạn đây là khá lắm.

Lạp ngứa cổ thấy cần phải nói. Mặt Lạp bừng bừng. Tức khí, vẻ bị khinh lẫn cả vẻ khinh người, Lạp nói:

- Này các anh vừa rồi nói chuyện bên Tây, bên Tàu, nhưng còn thiếu chuyện Đông Dương chưa anh nào kể. Thanh niên làng chúng tôi cũng có thể kể cho các anh nghe những chuyện thời sự ấy. Thằng Pê–tanh bên Pháp đầu hàng Đức, thằng toàn quyền Đờ–cu bên này thì quì gối lạy Nhật. Dân ta gãy cổ dưới hai tầng áp bức. Sưu cao thuế nặng, trồng đay thu thóc, sắp chết đói đến nơi rồi. Các anh ở tỉnh có biết không? Dân ta có chịu chết đói như thế không?

Cả ba mâm rượu lại im, lần này im bặt. Những điều mà cái anh trai làng mặt mũi ngộc nghệch, hốc hác, mặc cái áo lụa sống cứng cành cạch kia, đã gợi nên trong đầu bọn người tỉnh thành những hình ảnh xám ngắt. Chúc gật gù: “Giỏi! Giỏi!”, không biết là nói tỉnh hay rượu nói. Còn cái anh Chính vừa hát bài ta theo điệu Nhật kia, thấy nói đến Nhật một cách căm hờn như vậy, Chính vụt im, tỉnh một phần rượu và bặm môi lại.

Những anh đương lảo đảo say cũng bỗng phát sợ. An cau mặt đến sau lưng Lạp, cười nhạt, ghé tai thì thào:

- Mình biết cậu vẫn đi họp. Nhưng ăn cỗ không phải chỗ nói như vậy. Mình van cậu... 

Những con bài tổ tôm ở gian bên không biết chuyện gì cả vẫn quẳng xuống chiếu đèn đẹt. Tuy Lạp đã im, nhưng An chưa yên tâm hẳn. Bây giờ thì An sợ đến cả Chúc. Nhưng Chúc cắm cổ liên hồi gắp và uống. Dường như đã vào cơn say ăn. Chúc cúi mặt xuống bát, không nhìn ra xung quanh.

Cuộc rượu tàn, nhạt nhẽo. Mọi người ra về. Chúc say khướt, nằm úp mặt xuống chiếu, chốc lại cong cổ lên nôn thốc. Người nhà phải lấy vôi bôi trắng hai gót chân và đắp chiếu kín đầu, đẩy Chúc nằm cuốn tròn vào góc nhà.

An đi một quãng tiễn các bạn về tỉnh. Lạp ngồi nán lại. Từ lâu, Lạp không chú ý đến An. Nhất là từ khi An nói thẳng với Lạp, An không muốn gần anh em nữa thì dù sau này có lần anh Bân bảo nên gặp lại An, Lạp cũng ngại, tuy Lạp dệt cửi ngay ở nhà An. Nhưng hôm nay Lạp thấy rồi nên nói cho An rõ và rủ An vào thanh niên. Có khi chính mình hồ đồ và còn đa nghi. Cái khi An chưa bị bắt, hồi còn Bình dân, chống sưu, lập Ái hữu, viết báo, An đã hăng hái.

Lạp ghé sang chầu rìa bên chiếu tổ tôm một chốc. Nhưng trong bụng đương có điều không yên, Lạp cứ thấp thỏm nhìn xuống nhà ngang. Trời đã xẩm tối, Lạp không đoán được Hiền đi đón cô dâu về chưa 1 .

Bà Hương ngồi têm trầu với các bà đằng gian đầu hồi, bỗng gọi xuống nhà ngang:
- Hiền ơi, lên sắp đèn chiếu tổ tôm các cụ nhà trên nhé.
Hiền và cô dâu mới xách hai chiếc đèn ba dây lên. Ba gian nhà treo đèn sáng trưng.
Hiền về rồi. Lạp ngồi châu đầu vào đám tổ tôm mà tai vẫn nghe tiếng quần lĩnh sột soạt đến sau lưng. Hiền tới gần Lạp mới quay mặt lại. Hiền đứng trước Lạp, khăn sa tanh mới, nền áo cánh lụa để ánh cái cạp cánh sen trên chiếc quần lĩnh nhóng nhánh. Ánh đèn lồng lộng, trông Hiền lừ đừ như ở trên dòng nước trôi đến, khiến Lạp lóa cả mắt, đâm luống cuống. Nhưng Hiền đã cười hỏi:
- Lúc chiều anh thuyết họ cái gì mà to tiếng thế?
Ra Hiền về từ lâu, cũng nghe biết cả.
- Có gì đâu. Tôi bộp vào mặt cho người ta hết khinh thường nhà quê...
Đằng kia, chẳng biết vô tình hay giữ ý, bà Hương nói với sang:
- Này con, đem thêm cây vỏ này mà vào buồng ngồi têm trầu với cái Cả cho nó vui có chị có em.
Hiền sang đám các bà têm trầu, cầm cây vỏ và cả cái đèn con vào buồng cô dâu. Lạp cũng không ngồi lại nữa. Trong người xao động. Lạp đương muốn ra đường đi nghĩ ngợi một mình. Vả lại, đón An nói chuyện ngoài ngõ tiện hơn. Lạp lững thững bước trong bóng mờ, trên trời long lanh những ngôi sao sắc rợn như những mảnh thủy tinh. Vẫn phảng phất mùi thơm quần áo mới của Hiền, thoảng hơi băng phiến.
Hơi rượu gây cho Lạp một mối buồn dịu dàng. Lạp tưởng tượng Lạp sắp lấy Hiền. Song Lạp cũng đủ tỉnh và nghĩ ngay được khó lòng bà Hương chịu gả con gái cho thằng thợ cửi. Lạp không nghĩ nữa. Nhưng giấc mộng thú vị cứ trở lại, Lạp gạt đi, nó lại hiển hiện, day dứt. Lúc nãy cô dâu vào buồng, Hiền cũng bước vào. Thấy thế mà lòng xốn xang. Nhưng bao giờ thì Lạp lấy nổi được Hiền? Chua chát, vui, buồn lẫn lộn. Lạp trông lên trời, thấy những ông sao lóng lánh giống đôi khuyên vàng của Hiền.
Ra đến ngã ba đầu xóm. Lạp gặp An đi tiễn bạn về, An hỏi trước:
- Lạp về à?
Lạp không trả lời câu hỏi ấy, Lạp rút trong túi ra một quyển sách nhỏ.
- Quyển này, An xem chưa?
Tuy nhá nhem, nhưng An cũng trông rõ quyển sách con con, bìa có bốn chữ đỏ Bắc Sơn khởi nghĩa, dưới vẽ hai chữ V và M quàng lên nhau. Tuy cố bình tĩnh, mà giọng run run, luống cuống:
- Có... à mình có biết, biết... nhưng chưa... chưa xem. Sách này mà cậu dám để trong người à?
- Tôi mà cất tài liệu thì đến bố "chó" cũng không đánh hơi ra được? Tôi muốn nói nốt chuyện ban nãy với An. An có còn nhớ anh Tần không?
- Có
- Anh ấy giờ chỉ huy du kích ở chiến khu.
- À...
Nhưng tiếng Hiền ánh ả đằng xa:
- Anh An đấy phải không?
An vụt nhanh nhẹn hẳn lên, quay lại hỏi:
- Hả, hả? Cái gì thế?
Hiền chạy ra.
- U bảo anh về xem gà để tối nay nấu cháo hầu chiếu tổ tôm, em không biết đâu...
Được cớ, An hấp tấp vào nhà.
Mấy hôm sau, một hôm, Lạp ở khung cửi ra, gặp An trước cổng. Lạp nhìn trước sau, không có ai, nói nhỏ:
- Trưa mai, An đi đằng này với tôi nhé.
An điềm nhiên lẳng lặng nói:
- Độ này mình bận lắm
Rồi An vội vã về. Lát sau, An lại ra. An dắt xe đạp đi qua đầu hồi nhà ngang. Hiền đang quạt hồ trong ấy, hát véo von.
Nhà tan nước mất, còn nhiều nỗi lo...
An giật mình. Cái Hiền nó hát bài chính trị từ hôm nọ! An dắt xe đạp, bước nhanh như có người đuổi. Chao ôi, những như cái Nhàn, cái Hiền mà cũng hát thế, cũng biết thế, thì hội kín ngồi cả trong nhà mình rồi. An lại thấy hình như mật thám lại sắp về vây nhà. Mà trong nhà An, chắc thằng Lạp đã đem giấu không biết bao nhiêu báo sách bí mật, An lại thấy hiện ra cái mơ nốt còng hai tay lại và chùm xiềng cùm chân dằn người nằm ngửa xuống xà lim. Cái hòm điện đặt trước mặt thằng mật thám lai...
An sợ quá, ngỡ thật.
Chú thích:

1

Tục lệ vùng này: cưới buổi trưa, cô dâu lễ tơ hồng xong lại trở về nhà mình, đến chặp tối thì nhà trai cho hai cô phù dâu sang đón.

Hà Nội 1957
Tô Hoài
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đội Mũ Lệch Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu Hai năm nay, Cả Lĩnh làm ăn phát đạt. Chẳng thế mà hắn ta lại dựng ngay ở phố chính một tòa nhà ...