Đảo hoang 3
Phần bốn
1. Mùa gió bấc đưa thuyền bè và những đàn sếu, đàn bồ nông về phía nam. Mùa gió nồm đưa thuyền bè và những đàn sếu, đàn bồ nông về phía bắc. Bây giờ gió bấc đương thổi về phía nam. Cái bè của An Tiêm, gió đưa xuống phía nam. Mấy ngày bè trôi mà chưa qua hết bờ sậy. Đêm sáng trăng, An Tiêm đẩy bè ra xa bờ cho gió đưa đi suốt đêm. Đến sáng, trông vào bờ, tan sương rồi mà vẫn bát ngát những cây sậy. Phía trong, thoai thoải bãi vào những cánh đồi lưa thưa cây, như cảnh trí nơi cửa sông Cái xanh ngút trời ngày trước khi thuyền đi qua, đã khiến An Tiêm nghĩ mừng thầm: có lẽ hết sậy, ở bờ trong kia chắc có cái gì khác. Ngày ngày An Tiêm vẫn cho bè trôi. Đêm đến, lại đẩy bè rúc vào ngủ trong bụi sậy. Ngày nào cũng trông thấy những ngọn núi lô xô đằng xa, trong giữa đảo mà lung linh như đứng ngay đầu bãi, nước cắt phẳng lỳ ngang bóng chân đá. Nắng to, ánh núi mỗi lúc một loang lổ theo nắng, chiều mới đọng lại một vệt xanh lam sẫm cho đến tối, núi mờ vào trong sương, nhưng núi vẫn không mất bóng. Trông kỹ vẫn thấy những bụi sậy ken dài, xanh nhạt, nối nhau liền biển phẳng lặng. Không một bóng chim. Giữa trời nước này, tìm đâu ra cái ăn! Thế mà, nhiều hôm, An Tiêm vẫn cho bè trôi đều, không phải nướng thịt. Bởi nhiều cá nhảy lên bè, cá nhảy lên bè luôn. Những con vược, đầu và miệng to ngoác. Cá ngừ lừ lừ, cá măng dài ngoẵng. Cá đi từng đàn, có khi lăn tăn như sóng cả một vùng biển, có lúc ăn nổi, chợt đụng mạn bè, quăng mình lên cao rồi ngã nhua nhúa vào lòng bè, loang loáng như mưa nặng hạt, như cầu vồng xanh đỏ xuống. An Tiêm nhặt cá, xé ra ăn tươi ngay. Không cần để trừ bữa, chốc nữa lại bắt được khối cá nhảy lên. Chắc mẹ con Nàng Hoa ở nhà đã được hái dưa đỏ ăn rồi. An Tiêm nghĩ mình đi đã lâu. Nhưng đường nước quanh co, biết như thế cũng chưa xa.
Đi mãi cũng phải khác, chẳng bao lâu, bãi sậy nhạt dần. Rồi cái bè bơi xoai xoải
được vào gần bờ, rồi sát bờ. Sang đến quãng mép nước có những tảng núi đuổi
nhau như sắp chúi xuống biển, rồi xô lại đứng soi bóng chông chênh, ngấp nghé.
Đêm nay An Tiêm mới được lên bờ ngủ trong một hốc đá. Sáng hôm sau, An Tiêm vào
núi, tìm nguồn nước. Miền này đã hết bãi phẳng như bờ biển sậy. Trông xa xa thấy
những vệt mỏng trắng xóa thả xuống lưng chừng núi. Đấy là những con suối mùa hạ
còn sót lại. Quá trưa, An Tiêm xách ra được một con tê tê nướng ăn bữa mai. Hai
bên đầu cái lao trúc thì xỏ mấy ống nước suối, quảy xuống bè. Lại đi nữa. Qua một
chặng, bờ đảo lổn nhổn núi khép lại, tưởng đến đây đã tận cùng, nhưng đi vào lại
thấy mở ra, rồi bờ nước, rồi đá tảng, rồi rừng lại rừng, cứ lạnh lùng điềm
nhiên, mở đóng trên mặt nước trước mặt không ai bao giờ có thể đoán biết hết.
Buổi sớm, mù sương vừa tan, An Tiêm trông vào bờ, lại thấy xanh man mát. Lúc đầu,
tưởng lại đến những bờ sậy giống chỗ nhà mình ở. Nhưng nhìn kỹ đây là rừng cây.
Bè vẫn lênh đênh suốt đêm, An Tiêm ngủ sáng trăng trên biển. Trưa hôm sau mới
vào được gần bờ. Đấy là một cảnh rừng cây thấp chạy dọc dài, mỗi lúc nhìn kỹ,
rõ ra những bãi cỏ bờ rừng xanh rờn lẫn đá đen, kề ngay mí nước. An Tiêm quyết
định đẩy bè vào chỗ này, thử lên xem ra sao. An Tiêm ghé bè vào chỗ bờ nước phẳng.
An Tiêm lội xuống mấy bước, tới một tảng đá. Mặt biển không động một vẩy sóng,
nước lặng im như bàn tay xòe ra. Cẩn thận, An Tiêm cắp nách cái lao trúc, lại
xách cái ốc tù và lủng lẳng. Đứng trên tảng đá, An Tiêm nhìn vào bãi. Cái lạ
lùng đầu tiên An Tiêm trông thấy ở đây cũng có những dây dưa đỏ - hệt những dây
mà Gái nhặt được hạt của chim biển đánh rơi rồi đem trồng, đã được ăn quả mùa vừa
qua. Những dây dưa đỏ ở đây bò lan trên mặt cát, nhưng bây giờ đã tàn mùa dưa,
dây đã héo, chỉ còn sót lại đôi ba chiếc lá vàng ấy. Nhưng An Tiêm đã bàng
hoàng cả người. Bãi dưa đỏ đây rồi. Cả rừng dưa ở đây rồi. Những con chim đã
tha miếng dưa từ đây tới. Những con chim đã bay từ đây đến nơi ta ở. ờ, đây rừng
dưa dại hay dưa người trồng? Ngộ chỉ là dưa dại? An Tiêm phân vân.
An Tiêm nhảy xuống, lội vào bãi, xăm xăm bước tới. Vào một quãng, An Tiêm chợt
sững lại. Thoáng thấy tiếng vù vù vun vút như tiếng những mũi tên bay. Không phải,
đấy là tiếng chim xô cánh. An Tiêm nấp vội vào tảng đá rồi nhìn ra trước mặt.
Trên một chỗ bãi trũng đằng kia, có đàn chim liệng lên xuống. Chim giỡn nhau,
chim chọi nhau, chim xúm xít giằng nhau, đánh nhau. Bỗng một "hòn đá
đen" vùng lên. Con gấu. Lại trông rõ đấy là con gấu đương bưng một quả dưa
đỏ, nhai sồn sột, tận đằng này cũng nghe tiếng. Đàn chim cứ đâm chúi vào, rúc
vào con gấu, chúng sà vào tận mũi gấu. Chúng đậu ngay trên tay, trên tai, trên
đầu gấu. Chúng giựt miếng dưa ở tay gấu, ở mõm gấu, táo tợn không biết sợ là thế
nào. Mỗi lần cướp được miếng dưa, chim lại quáng quàng bay vội lên không. Chim
sợ mất mồi hơn sợ gấu - nhưng mấy con chim khác cũng nhào theo. Giằng nhau hết
trên ấy, chúng lại nhảo xuống. Con gấu vừa nhồm nhoàm rớt dãi nhai dưa, vừa xua
tay đuổi lia lịa. Một tay xua, một tay giữ dưa. Những con chim ghê gớm đã lại
luồn xuống tận nách gấu, dứt lấy miếng dưa ở tay dưới. Chim gào quạc quạc, vỗ
cánh độp độp, con gấu lầm lỳ như tảng đá đen, chốc lại vung tay lên. An Tiêm lẳng
lặng quay lại. Con gấu không làm gì nổi con chim, nhưng khi gấu ăn, cũng là lúc
nó ghen mồi, đương dữ. Đây không có chỗ lùi, không phóng được lao. Con gấu mà bị
thương xô đến, cắn trả thù, đây không có chỗ tránh. An Tiêm đã vòng ra phía xa.
Trông những tàu lá vàng khè giắt trong khe đá, biết đằng ấy cũng có dưa, thấy
những quả dưa đen bóng còn sót lại. Nhưng An Tiêm chưa chú ý. Không phải An
Tiêm lo con gấu đến. Trong tay An Tiêm đã có hai cái lao trúc. Gấu nào cũng phải
liệu hồn. An Tiêm mải đi sục tìm cái khác, những dấu vết khác. Đây là dưa dại,
dưa rừng tự nhiên hay dưa người trồng? An Tiêm giật mình. Ngay sau một lớp đá tảng,
có mấy khúc gỗ cháy dở. An Tiêm cúi xuống, vồ lấy khúc gỗ. An Tiêm giụi tay mấy
cái, bóp đầu khúc gỗ, đưa lên mũi ngửi, xem đấy phải than hay đấy là cái gỗ mủn,
đấy phải mùi than thật không. Tàn than đen xỉn lả tả rơi xuống, rõ ràng là tàn
than...
Có đống lửa ai đốt từ lâu. Than còn bết đầu gỗ và mặt đá hoen lửa còn vệt nhạt
trắng. Nước mưa mấy mùa đã bào qua, lốt cỏ mọc trùm gần hết mẩu củi dở. Chỉ có
con người mới đốt được nên lửa, chỉ con người mới có lửa. Người trên đảo này
hay người dưới thuyền lên đốt lửa? Người nào? Có phải Mon? ở đảo hay dưới biển
lên, Mon hay ai thì cũng chỉ có người mới đốt được đống lửa, chỉ người mới có lửa,
chỉ con người mới có lửa. ở đây đã có vết chân người đến, đây không hoang dại.
Nghĩ thế, An Tiêm hồi hộp nhìn ra. An Tiêm nhìn ra, lại thấy con gấu. Không nhận
ra có phải con gấu lúc nãy không? Gấu đen trùi trũi, ngồi im dưới một tảng đá.
Con gấu ấy lại đương nhai một quả dưa đỏ, cả quả dưa đỏ. Chốc, gấu lại húc ngập
cả đầu vào lòng quả dưa. Không còn một con chim nào xúm đến ăn vọ mồi của gấu.
Có lẽ con gấu này khác, chim chưa biết. Gấu này đi mót dưa chỗ khác, chỗ này gần
quá. Lúc An Tiêm thấy nó, gấu cũng nhìn ngay thấy An Tiêm. An Tiêm đứng thẳng
lên, một tay giơ cái lao. Nếu gấu xông đến, An Tiêm phóng ngay. Nhưng gấu đã
buông quả dưa đương ăn rồi chạy khuất vào chỗ ngoắt ngoéo mấy tảng đá. An Tiêm
hạ lao xuống. An Tiêm còn đương nhìn trước, nhìn sau, đã thấy con gấu trở lại.
Không phải một, mà hai con gấu đương chạy lại phía An Tiêm. Đích, cả con gấu
đương ăn dưa đằng kia. Đàn chim đuổi miếng dưa mồi vẫn còn trong tay gấu, cứ
kêu quàng quạc, bay sát sạt trên đầu gấu. Không thể một lúc đánh nhau với hai
con gấu. Hai con gấu muốn hầm hè với người đến tranh dưa. Gấu ghen ăn ác lắm.
Nghĩ vậy, An Tiêm nhảy vút trở lại rồi chạy thẳng ra bờ biển. Hai con gấu rùng
rùng đuổi theo. An Tiêm chỉ kịp lội ào xuống nước được vài bước thì hai con gấu
đã xô đến ngay trên bờ, sau lưng. An Tiêm tưởng hai con gấu sắp bơi xuống nước.
Nhưng không con gấu nào dám thò nửa bàn chân xuống. Gấu sợ nước. Hai con gấu cứ
nhảy cuồng nhảy quanh trên bờ cát, lúc bò, lúc đứng, bối rối múa chân lên,
không ra tức tối, không ra sợ hãi. An Tiêm thong thả, lội ra đứng trên bè nhìn
lại hai con gấu. Nhưng chẳng lẽ cứ ngồi ở ngoài biển nhìn vào trêu tức gấu. An
Tiêm thấy cần phải tránh đi. Có khi vùng trên còn dưa, vùng trên nhiều dưa hơn,
nhiều dấu vết người hơn. Biết ở đây thế, ta hãy tìm xem các nơi quanh đây đã.
An Tiêm đẩy bè ra. Chẳng mấy lúc, gió lại mơn man hây hẩy cái bè trôi xa. Trông
vào bờ, không thấy gấu nữa. Cố trông cũng không có. An Tiêm đoán có khi thấy
người đã bỏ đi, gấu lại vào trong bãi tìm ăn dưa rồi. Không phải gấu vào tìm ăn
dưa. Gấu anh và Gấu em đương chạy về.
Hai anh em nó cung cúc chạy về. Anh em gấu đương chạy thật nhanh về. Mọi khi,
ra bờ biển mót dưa, thường đến tối, có khi tối mịt, gấu mới tha thẩn mò về. Bây
giờ non trưa đã về tới gốc thông. Mon cũng vừa ở ngoài rừng về, đương ngồi thổi
lửa trong lều. Gấu anh xộc tới, một tay giơ, một tay ôm vai Mon, giựt Mon đứng
dậy. Mon không hiểu chuyện gì. Gấu giựt mạnh, móng víu xước chảy máu cả vai
Mon. Rồi Gấu anh lè lưỡi ra, trong lúc Gấu em rối rít chạy quanh. Mon biết đấy
là dấu hiệu anh em gấu muốn rủ Mon đi đâu, mọi khi vẫn thế, hình như thế. Mon
đi ngay. Mon cắp hai cái lao, đeo dao, giắt hòn đá đánh lửa vào cạp khố rồi chạy.
Hôm ấy sáng trăng. ánh trăng lổ đổ mình cây, mặt đất loang thành những mảng
sáng soi đường, Gấu anh lon ton đi trước. Có lúc chợt nghĩ, Mon ngờ ngợ, chậm
chân lại. Nhưng một điều Mon tin: đã mấy năm ở chung, người và gấu tuy không
nói được với nhau, nhưng hiểu nhau hết, đây chắc cũng chuyện vui thích mà thôi.
Chuyện gì vui thích? Xưa nay chỉ có anh em gấu rủ đi chén khoái ong. Nhưng
khuya rồi, khoái ong lấy đâu trong ban đêm ra. Mà đi xa thế này. Nhưng Mon vẫn
đi. Mon cắm cúi đi giữa anh em gấu, Mon lại bước nhanh, không nghĩ ngợi. Tới bờ
biển, vừa nửa đêm. Trăng thượng tuần ngả về chân biển đằng kia, đằm đằm như cây
đình liệu rực cháy. Mặt biển óng vàng kéo dài một vệt từ trăng liền xuống ánh
nước. Mon đi vơ cành cây và cỏ rác, chất một đống, đánh lửa đốt lên. Mon nằm xuống
trên tảng đá, Mon phân vân nhìn anh em gấu đứng sững như hai gốc cây. Mon lại
nghĩ: chúng nó dẫn mình ra đây làm gì. Có việc gì? Có gì lạ? Chịu không đoán được.
Mon bỗng nhớ năm trước có đàn gấu đi theo định rủ anh em nhà này về ở rừng. Mấy
đêm, gấu cứ đứng hai chân trước lên, trông ra đàn như thế. Hay là, lại có đàn
nào rủ rê? Nhưng Mon tự cười mình ngay: Làm sao có đàn gấu ngoài biển vào rủ
chúng nó được. Một chốc, cơn buồn ngủ mơ màng phất phơ đến trong làn gió nhẹ, đậu
trên mí mắt, Mon ngủ luôn. Khi Mon thức giấc, trời đã sáng. Nhưng còn sớm lắm.
Mặt biển vẫn ủ mọng hơi nước trong đêm. Mon vẫn thấy hai con gấu đứng. Hai con
gấu đứng cả đêm đấy chắc? Kỳ thật. Nước triều đã xuống sâu, giạt bọt rác theo
ra tận xa. Mon nhìn làn nước nổi bong bóng, lẫn cát lẫn bùn, lênh láng phía ấy.
Trông ngấn cát còn hơi ẩm trên bãi, Mon không biết thế nào bây giờ? Hai con
quái kia, chúng mày rủ tao ra đây làm gì? Chợt Mon để ý bờ cát, ngờ ngợ. Mon đứng
dậy, bước lại phía ấy.
Lạ thật, Mon trông thấy trên bờ cát, chỗ con nước thấp có những vết như cái đầu
gậy nhọn đâm lỗ chỗ xuống. Đến gần, thấy vết chân... vết chân người... vết chân
người... phải không... Mon chưa tin. Mon chạy xô ngay đến chỗ hai con gấu đứng.
Mon nhìn xuống xem lại dấu chân gấu. Chân gấu, chân trước năm ngón có vuốt nhọn,
gót tròn. Chân sau, giống chân người, gót gấu cũng dài như chân người, nhưng đầu
ngón chân có móng nhọn, mỗi bước đều hằn khoằm xuống đất. Mon trở lại chỗ vết
nghi ngờ. Đây chân người thật không có vết vuốt. Bàn dài, năm ngón in hờ đều
trên cát, không nặng xuống bằng bàn chân. Mon ngẩng lên, trông theo hướng vết
chân trong làn cỏ. Mon đến nhìn làn cỏ, con nước đêm qua không lên tới, thấy rõ
ràng cả những ngọn cỏ gãy vệt chân xéo. Mon lần theo cỏ đến một tảng đá. ở đây
càng rõ nữa. Tất cả hằn vào mảng rêu trên đá, bàn chân to bè, ngón cái to và
choãi chếch ra, bốn ngón kia xít lại. Thật chân người. Chao ôi, vì thế này anh
em gấu chạy về gọi, vì thế này mà anh em đi gọi ta. Mon cuống quít, rú lên:
- Chúng mày ơi! Chúng mày ơi! Rồi đến ôm tai hai con gấu đẩy xềnh xệch lại. Mon
chỉ tay vào chỗ rêu trên tảng đá có vết chân người, Mon hét to:
- Có người đến đây! Có người đến đây! à ra hai thằng này tinh. à ra hai thằng
này khôn lắm! Mày trông thấy người, mày chạy về gọi tao. Thế thì người đến đây
đi đâu rồi?
Mày có giỏi thì mày phải biết người ta đi đâu rồi? Trong khi Mon cuống quít hỏi
dồn, hai con gấu cứ im lặng, thè lưỡi. Những con mắt ti hí, nhìn Mon chòng chọc.
Không nói, nhưng hình như chúng nó đã hiểu câu nói của Mon và biết tuy Mon sừng
sộ thế nhưng không phải Mon cáu giận, mà đấy là Mon đương sung sướng quá, thế
là các chàng gấu cũng lây ngay cái vui rối rít của người. Bỗng nhiên, hai chàng
quay ra, khuỳnh chân trước, bắt kiểu lên đài vật, thế rồi giở miếng tỳ vai chèn
vai nhau, đẩy lăn trên cát, như vào sới vật ở gốc thông. ấy khi nào những con gấu
vui nhất, thường thế. Mon hỏi như quát:
- Người ta đi đâu rồi? Chúng mày biết không? Hai con gấu vẫn vật nhau, lăn lộn,
gầm ghè trên cát.
Mon hỏi chán rồi thôi, quay ra nhìn vơ vẩn. Cũng chẳng biết làm thế nào hơn cho
chúng nó hiểu, xưa nay vẫn thế. Nhưng Mon chợt nghĩ: cả đêm qua chúng nó đã đứng
ngóng ra bể, hay là rồi người ấy lại xuống bể. Có thể vì thế mà chúng nó cứ đứng
trông ra. Phải rồi. Đúng thế đấy. Phải rồi, có thế mà mình không nghĩ ra...
Nhưng Mon nhìn ra khơi. Vẫn chỉ thấy một ngấn nước lằn ngang, thăm thẳm như từ
sáng sớm. Mon đã nghĩ ra một mẹo. Ngay lúc ấy, Mon chạy vào trong rừng thưa.
Hai con gấu thấy Mon đi, vội buông nhau ra, hối hả chạy theo. Mon vác ra bờ biển
những khúc cây thật to. Gấu cũng bắt chước ngay, chúng loay hoay tìm gỗ, cành
cây, kéo theo ra. Chỉ một lúc đã được đống to tướng. Mon nói:
- Chúng mày biết không, đốt lửa lên, đốt lên làm hiệu. Nó chưa đi xa đâu, có phải
không chúng mày? Mon lẩm bẩm:
“Hỏi chúng mày cũng bằng hỏi cái đầu gối", rồi lấy hòn cuội trong cạp khố
ra đánh lửa châm vào đống củi. Lửa bén, cháy lên ngọn. Rồi Mon và hai gấu lại hối
hả vào rừng tìm lấy cây ra, chất thêm nữa. Suốt đến trưa, đến chiều, Mon hì hục
vác cây, nhễ nhại mồ hôi. Hai con gấu xù xì đen ngòm trông tối cả mắt, không biết
trời nóng bức đến như thế nào, chỉ biết tất tưởi khuân cây. Đống củi đã thành
gò, khói cuồn cuộn. Cả Mon và hai gấu vào đứng tránh nắng trong bóng rừng, nhìn
ra làn khói đen sẫm nghi ngút suốt một quãng bờ biển. Ngọn lửa dướn lên, khói
tuôn ngất trời. Lửa và khói, đêm và ngày, cho người xa nhau, người tìm nhau,
cho người trông thấy lửa, thấy khói mà đi, mà đến. Ngọn lửa bao giờ cũng đem lại
nguồn vui và tin cho người. Tự nhiên, như tình cảm khi mong nhớ, khi buồn khi
vui, người ta tìm đến lửa. Lửa sinh ra tất cả đời người. Lửa đem cái ước mong lại.
Ai xa cũng phải nhìn thấy khói ở đây. Ai ở xa cũng nhìn thấy khói. Chất củi nữa!
Chất củi nữa cho khói bốc mù mịt khắp gầm trời thế gian này, cho ai cũng biết
chúng mình đương đốt lửa mà tìm đến. Đêm ấy cả một gò củi cháy trên bờ biển,
đêm càng khuya càng sáng thật xa, tận giữa khơi cũng thấy. Ai lênh đênh trên biển,
ai lặn lội đâu trong rừng hay trên núi, cũng phải thấy ánh lửa đây. Ai ở đâu?
Ai hay là bố mẹ? Mon và hai con gấu nằm trong cửa rừng, đêm xuống êm dịu, ánh lửa
đằng kia như trăng suông, thế mà Mon vẫn bồn chồn, đứng ngồi không yên. Hai con
gấu mê mải khuân cây suốt ngày bây giờ nằm phủ phục, ngủ thở sùi bọt mép như nước
sôi. Chẳng phải gấu mải ngủ đâu, đấy là gấu đã yên trí, gấu ngủ yên. Không đứng
suốt nhìn ra biển như đêm qua. Chỉ còn Mon khắc khoải, không ngủ được đẫy giấc.
Chốc chốc, nghe một tiếng củi nổ to ầm đằng kia, Mon choàng mắt, tưởng có người
bước đến. Mon lại hớt hải lên mỏm đá, nhìn ra. Trăng khuya ánh xuống nước rừng
rực như cục tàn lửa, ngoài khơi. Dải rừng vẫn im lìm, kéo lê thê trước mặt. Mon
đứng thừ một lúc rồi lại bần thần ngả mình xuống ngay mặt đá, khép mắt đợi ngủ.
Một chốc, lại tỉnh. Suốt đêm như thế. Rồi trời sáng. Sáng mát rợi. Biển lặng
trong suốt đến chân mây. Trên mặt nước đượm hơi đêm, còn vơ vẩn như khói lan.
Mon nhìn ra biển. Đột ngột, thấy một chấm đen. Hay là hoa mắt. Mon giụi mắt. Mắt
tóe ra nhiều chấm, rồi thu lại vẫn còn một chấm đen ấy. Vẫn cái chấm đen. Mon lại
giụi mắt. Chấm đen vẫn ở chỗ ấy. Không phải hoa mắt. Cái gì? Ngày trước, bố kể
chuyện ngoài biển có cá ông voi, những khi cá ông voi đi ăn đàn, cá ông voi dựng
một bên vây lên, dựng đuôi lên, nom xa ngỡ một dãy thuyền giong buồm trên mặt
nước. Đến khi đuôi cá, vây cá ông voi cụp xuống, mặt biển lại lặng tờ như
không.
Đấy là cái thuyền người hay đây là mảnh đuôi cá ông voi nhô lên. Mon đã trông
thấy cá lợn còn biết nhô lên đùa giỡn, đây có phải nó không? Chấm đen to dần. Đấy
là bè của An Tiêm trở lại. Hôm ấy gió đưa An Tiêm lên xa, An Tiêm lại xuống nhặt
dưa. Những bãi trên ấy cũng nhiều chim biển đến tìm. Nhưng An Tiêm không gặp
con gấu nào ra bãi. An Tiêm cũng thấy rải rác trên bãi ấy những đống lửa còn
sót lại tàn than, như nơi đầu tiên gặp. Mỗi lần thấy thế, An Tiêm lại bồi hồi.
Vẫn là những đống lửa lâu ngày, hàng năm hàng mấy năm rồi, chỉ còn vết trắng mờ.
Nhưng An Tiêm hồi hộp lạ thường. Chắc chắn trên đảo phía này có người, có dấu vết
người đến. Những ý nghĩ vui sướng lạ lùng rộn lên. Dù là người dưới biển lên đốt
lửa kiếm cái ăn xong lại xuống thuyền đi, hay người ở núi ra, không biết, nhưng
biết thế là đây có người. An Tiêm vẫn băn khoăn nghĩ về chỗ bãi có những dây
dưa đỏ lần đầu An Tiêm lên. ở đây có cảm tưởng ấm áp vết chân và hơi người, như
mỗi khi nhìn phía bên kia núi, biết đằng xa ấy có sông Cái chảy giữa hai bờ
núi, một bên Tam Đảo, một bên Tản Viên, lần nào trông về đất quê, bao giờ cũng
thấy như phía ấy có hơi người tỏa ra, ấm áp hơn. An Tiêm muốn quay lại, tìm vào
trong núi. Nếu tính cẩn thận, thì đêm xuống ngủ bè rồi ngày lên tìm. Chắc bây
giờ con gấu đã đi rồi. Những con gấu lang thang trong rừng và gấu chỉ ở rừng
sâu, không phải chỗ trú chân của gấu ở bãi biển. Thế là An Tiêm quay lại. Hai
đêm trở lại, nhìn vào vẫn chưa nhận ra chỗ bờ biển ấy. Có lẽ chưa tới. Mỗi lần
thức giấc. An Tiêm lại ngửa mặt xem sao. Một đêm, chợt cảm thấy sáng loáng như
có cái đuôi sao đổi ngôi quệt dài xuống sau gáy. An Tiêm ngồi hẳn dậy. An Tiêm
thấy ánh sáng trong bờ xa. Không, có thể là ánh lửa. Không bao giờ ông sao mọc
thấp trên mặt biển như thế, mà ông sao cũng không lung lay chuyển động giống ngọn
lửa như thế. An Tiêm thức bơi suốt đêm đến sáng. Bè về ngược gió.
An Tiêm khoắng cả lao trúc, cành củi, có lúc khua cả hai tay xuống nước. Được
cái trời lặng, bè cứ từ từ đi. Bơi đến trưa, lại gặp những con chim biển lềnh bềnh
nhấp nhô trên sóng. Thật rõ có người rồi, ánh sáng đốm lửa đêm qua bây giờ đã
thành một cuộn khói cao, đọng lại như một đám mây đen nhỏ lúc sắp có mưa bóng
mây. Phải có người đốt lửa mới nên như thế. An Tiêm náo nức quá. Có người đương
ở trong kia. An Tiêm cố bơi... Mon không trông thấy đuôi cá ông voi bao giờ.
Nhưng Mon đoán chắc đấy không phải đuôi cá ông voi. Mon trông thấy nhô lên một
cái chấm đen lúc thấp lúc cao, như bóng người. Trời xanh trong, nắng sớm đã
chói lọi, mỗi lúc một rõ. Mon đứng im. Hai con gấu bíu hai bên vai Mon. Mon
không để ý mồ hôi Mon ròng ròng khắp người. Hai mắt cứ thao láo nhìn ra - bây
giờ thì chắc là cái thuyền, cái bè to bằng cái vết chàm đương từ từ vào. Nhưng,
đến quá trưa, hình như chấm đen ấy lại đứng nguyên chỗ. Từng đợt sóng lăn tăn
vào, tưởng cái vết ấy vào theo, nhưng không, sóng qua rồi mà vết đen trên biển
vẫn đứng. Mắt trông không thấy thay đổi. Mon lại không tin như lúc nãy, không
tin đấy là cái thuyền. Mon đương hoang mang những ý nghĩ, cái nhìn cứ lúc thế
này lúc thế khác. Lúc sau, nhìn lại, nhận ra cái thuyền đứng. Thuyền ở yên đấy.
Người trên thuyền cũng đứng chong chóng như cái sào, không nhúc nhích - không
biết người hay cái sào đấy? Quả nhiên là An Tiêm đương đứng như thế, không dám
bơi vào thêm. Trong kia vẫn mù mịt khói, thật có người, nhưng An Tiêm không thấy
người mà lại thấy rõ hai con gấu đứng dựng hai chân nhìn ra.
Hai vệt đen thẫm hệt như hôm nọ. Thế là thế nào? Đằng kia, vẫn nghi ngút khói.
Có người đấy không? Hay là người rừng? Các cụ kể xưa kia người ta cũng ở cả
trong rừng lẫn lộn với mọi loài khác, nhưng khi con người còn ở trong rừng như
thế thì người hình như chưa biết đốt lửa, không biết nướng thịt, mà cũng không
biết thổi cơm nấu canh và lắm khi đói, người rừng còn ăn thịt lẫn nhau. Có lẽ
đây là người rừng. Người rừng lông lá như gấu. Thế ra hôm trước ta đã gặp phải
người rừng mà không biết. Bây giờ người rừng lại đương đứng nhìn ra. Hóng mồi
chắc? Trông cung cách hệt như hôm trước. Người rừng đợi mình, nó đợi mình vào,
nó đợi mình vào để ăn thịt mình. Nghĩ thế An Tiêm đẩy bè quay ra. Giữa lúc ấy,
từ mặt nước xa xa trong kia vọng ra một tiếng hú... hú... hú ú... a a a... Tiếng
vang mặt nước, theo làn sóng chập chờn uôm đến xung quanh bè. Người rừng hú a?
An Tiêm đứng lên, quay mặt vào bờ, hai tay nâng cái ốc tù và nghiêng mắt, rúc một
hồi dài: Tu... tu... tí... u... tu... Hú... ú... à... Lập tức, An Tiêm trông thấy
hai người rừng - hay hai con gấu, tách đôi ra, một con nhảy sang một phía, ở giữa
trơ lại một người rừng khác.
Người ấy nhô lên, giơ tay vẫy vẫy. Rồi những tiếng hú lại liên tiếp vọng ra. Thế
là An Tiêm cuống quít khoắng tay xuống nước, bơi vào. Những tiếng hú đối đáp chốc
chốc nổi lên. Trông đã hơi rõ: hai con người rừng và một thằng người thật. Rõ một
thằng người thật. Người thật khác gấu, khác người rừng, một người với hai con gấu,
hai người rừng - người biết hú, người này không phải người rừng, người này là
người thật nên mới biết hú.
- Hú ú ú... a...
- Hú ú ú... a... Cái bè từ từ vào.
- Tí... u... tu... hu...
- Hú... à...
- Moon... à...
- Bốốố... à...
Thế là An Tiêm nhảy ngay xuống biển. Quên hẳn hai con gấu có thể xông ra xé tan
xác như chơi. An Tiêm ào ào bơi vào. Trên bờ, Mon luống cuống, luống cuống chạy
quanh. Hai con gấu cũng nối nhau theo Mon. Cả ba đứa cứ chạy quanh. An Tiêm đã
lên bờ. An Tiêm đã đến đứng trước mặt Mon. Mon đấy ư? Thằng Mon đấy ư? Thằng
này là thằng Mon ư? Thằng Mon lạc nhà bao nhiêu năm nay, bây giờ nó đây, nó là
người thế này đây ư? Hai bố con xô lại, níu chặt vai nhau. Nước mắt An Tiêm
giàn giụa trên mặt, trong lúc An Tiêm cười như mếu. Bây giờ An Tiêm mới biết đời
mình gian truân đến thế mà vẫn còn nước mắt để dành cho lòng thương yêu con.
Mon đã cao bằng bố. Tóc nó đen nhánh, rối một nắm dài xuống quá lưng. Lông mày
lông má trổ ra vàng xuộm như mặt con đười ươi. Trong cái khố trần, bắp chân nó
nổi chão, nó đã trở nên người lớn thật sự. ờ, nó bây giờ đã ngoài mười lăm, mười
bảy rồi, nó cũng bằng những năm An Tiêm đi ở ngoài Ninh Hải. Nhưng bấy lâu một
mình trong rừng, quả là nó tinh nhanh, tháo vát. Nó gian nan bấy lâu mà vẫn lớn,
nó đã cao hơn mình, thật nó hơn mình. An Tiêm cứ vừa nghĩ vừa cười, vừa đầm đìa
nước mắt. Hai con gấu nằm yên. Chúng gò lưng, hai chân trước duỗi thẳng, bệt
mõm xuống cát. Con mắt lim him ngước nhìn hai bố con. Những con mắt im lặng, những
con mắt đương lay láy cùng nghĩ, chung cái sướng với hai bố con gặp nhau. Thế
là bố con đùng đùng dắt nhau đi, quên cả hai chàng gấu nằm đấy. Nhưng hai gấu
đã chồm dậy, nhảo theo. Chạy có nửa buổi, đã về tới nơi Mon ở dưới gốc cây
thông. Mon nói:
- Bố ơi. Cái thang nhà mình có tám khấc ngày trước con vẫn giữ được. Cái thang
bố giẫm chân lên đấy. Cái thang này đã cứu con. Từ khi ấy, đi đâu con cũng vẫn
giữ cái thang nhà ta. Nửa đêm, con đương khóc, con lại nghĩ đã có bàn chân cả
nhà bước lên cái thang này thì con nín và con lại ngủ yên được. Bố ạ, bố xem
nhà của con... Cũng một cái nhà ngoãm dáng dấp những cái nhà ở Bãi Lở, dù đây
chỉ là cái nhà sơ sài trên lưng cây. Cha mẹ thường ít khi để ý, nhưng con cái
đã bắt chước ý ăn nhẽ ở của xung quanh từ lúc nào. Mon học theo bố, làm từ cái
ngoãm đẽo. Thật cảm động, An Tiêm trông thấy trên vách trong, những cái dây
lòng thòng nút từng nút đánh dấu ngày, dấu tháng, dấu năm - như bố mẹ đã buộc
cái dây như thế từ khi ra đảo. ở một góc nhà, có con rùa nằm ngủ im như tảng đá
- cũng giống con rùa để xem điềm trời mưa nắng như khi nhà ở rừng hay khi ở Bãi
Lở đã nuôi. Nhưng lạ lùng nhất, An Tiêm thấy những con dao to dao nhỏ vàng ngời
cắm trên vách. Có con to bằng dao phát, lưỡi dài và cong. Có con nhỏ như dao bổ
cau. An Tiêm sờ vào dao, càng ngạc nhiên, hỏi:
- Cái gì đây? Vàng hả? Mon đáp:
- Vàng đãi được trong suối Sáng đấy, bố ạ. Rồi Mon kể cho bố nghe cái đêm năm
trước trông thấy con suối lóng lánh vàng chảy. Sáng ra, Mon khỏa chân có đốm
cát vàng trên bàn chân, Mon nhớ người ở Bãi Lở hay đi đãi vàng trong cát ở các
khe đầu nguồn chảy ra sông Cái. Người Bãi Lở đến đấy lấy vàng làm khuyên tai,
đánh vàng cổ hay đi đâu cũng giắt nguyên cả cục vàng trong người để trừ tà lấy
khước. Mon đãi được từng vốc vàng, lấy đá cuội giọt ra đủ thứ dao. Nhưng dao
vàng chóng mòn, chỉ vài lần chặt đã oằn lên tận sống. Dù thế cũng là đã có những
con dao, thật tiện lợi. Mon lại còn để dành được mấy hòn vàng, vẫn cất trong
góc nhà, vẫn đợi để rồi cho cái Gái làm khuyên tai.
Mỗi việc Mon kể, mỗi lúc trông thấy một vật trong nhà, nút dây ngày tháng, những
ngoãm cây, ống đựng nước, chỗ nuôi con rùa để xem mưa nắng, những sọ dê núi và
cái gạc hươu, gạc nai treo đầu cột, những miếng thịt sấy khô lủng lẳng trên lửa,
cái khố dứa dại, cái gì ở nhà Mon, ở tay Mon làm ra cũng khiến An Tiêm bồi hồi,
vừa thương vừa quý con và An Tiêm lại bồn chồn muốn về ngay để kể ngay cho Nàng
Hoa nghe chuyện bao năm con lạc rừng, con thui thủi ở một mình mà con đã nên
người thế này. An Tiêm cười, nói:
- Thế là con có nhiều dao hơn bố. Con ạ, hôm bố đi tìm con, bố để lại ở nhà chỉ
còn có cái sống con dao ngày trước thôi. Không ngờ con tôi lại nghĩ ra cách đẽo
dao đá, làm được dao vàng... Mải chuyện quên cả ăn, mặt trời đã xuống sau rừng.
An Tiêm nói:
- Tính đến hôm nay, bố đi đã ngoài ba tuần trăng. Bây giờ gặp con thì phải về
ngay, để mẹ và em con khỏi mong. Sớm mai, bố con mình cùng về. Ta để cái bè lại
đây. Đương gió bấc, bè ngược sóng đi khó lắm. Mà bố đã nhìn hướng bè sang đây
quanh co lâu thế nhưng đi bộ thì chỉ trèo qua chặng núi kia, chắc đến nơi thôi.
Mon hỏi:
- Bố à, còn hai thằng gấu...
- ạ, hai con gấu tinh như người, khôn quá. Mon khoe:
- Chúng nó cũng là đô lò con đấy, biết vào sới đánh vật, bố à. Lúc nào nhớ nhà,
con lại ra gốc thông mở hội vật với chúng nó. An Tiêm bàn:
- Ta để gấu lại trông nhà. Về bên ấy vài hôm thôi. Cho mẹ con thấy mặt con. Rồi
bố con ta bàn xem cả nhà nên sang đây hay ở bên ấy hơn. Bố thấy đất nước chỗ
này cũng hay lắm. Con làm thế nào bảo gấu chịu khó trông nhà, bố con mình đi
vài hôm thôi.
- Con bảo chúng nó được, bố à.
- Chúng nó biết nghe tiếng người a? Mon cười:
- Nó phải tội không biết nói, nhưng nghe giỏi tiếng người đấy. Mon chạy đến, dựng
hai con gấu đứng dậy. Mon len vào giữa, xoa tai gấu rồi quát to:
- Chúng mày trông nhà cho tao, trông cẩn thận đấy. Rồi Mon nằm sấp xuống sàn đặt
cằm lên hai bàn tay duỗi, lim him hai con mắt, giả vờ như gấu ngủ.
- Thế thế... trông nhà thế... Tao đi vài hôm tao về... Mon trỏ An Tiêm rồi
khoát tay ra xa. Cứ như nói với người chưa hiểu hết câu, Mon lại xoa tai gấu, lại
nói:
- Bây giờ tao về gặp mẹ tao, em tao đã. Vài hôm nữa, có khi cả nhà tao cũng
sang bên này ở với chúng mình cũng nên, bố bảo thế.
Nói xong, Mon nghiễm nhiên coi như hai con gấu đã hiểu. An Tiêm thấy con nói
chuyện xong xóc với hai con gấu, An Tiêm thật xúc động và cảm phục. Con mình giỏi
quá, thế nào mà hai con gấu quấn quít ở với Mon và trò chuyện với Mon nữa! Đã
đành nuôi chúng từ nhỏ, nó cũng chỉ như con chó thôi, nhưng làm sao biết bảo nó
cùng đi kiếm ăn, bảo được nó đêm nào cũng biết ngủ trong nhà, bỏ thói quen ở rừng.
Mon còn nói:
“Những đêm rét, có hai con gấu nằm hai bên, không phải đắp chăn vỏ sui, bố ạ".
Mon kể cho An Tiêm nghe thế... và gấu còn biết lấy khoái ong, gấu biết đấu vật
kéo tay. Có lúc An Tiêm giơ tay muốn vuốt đầu hai con thú dữ đã ở với con mình
bao năm, như người thân thích, nhưng, tay An Tiêm vừa giơ lên lại thôi. An Tiêm
chưa quen, Nàng Hoa và cái Gái mà thoạt trông thấy bọn gấu này, chắc cũng ngần
ngại- có khi còn hãi nữa. Con đã hơn mình thật. Sớm hôm sau, An Tiêm và Mon bước
ra. Mon lấy con dao vàng giắt lên thắt lưng, như mọi khi đi rừng. Nhưng hai con
gấu không đi theo. Hai con gấu chỉ đứng trong lỗ cửa nhìn ra. Rồi, hai con gấu
nằm xuống - như Mon ra cách cho gấu, hai chân trước duỗi dài, mõm kề sát mặt đất,
đôi mắt lim him. Mọi khi phải trông nhà, gấu vẫn nằm thế. Hai con gấu đã nằm hệt
như Mon bảo. Như để Mon biết chúng mình đương nghe lời đằng ấy đấy. Chúng mình
biết rồi, đằng ấy gặp được bố. Đằng ấy đương bận lắm. Đằng ấy cứ làm, cứ đi, đi
đâu thì đi, đã có chúng mình giữ nhà cho. Mon cười to rồi cúi xuống, vuốt tai cả
hai con gấu. An Tiêm cũng trông lại lần nữa. Rồi hai bố con bước nhanh vào rừng
cây âm u. Mon đi sau bố. Lúc này Mon mới nhìn kỹ bố. Từ hôm qua, nằm cạnh bố mà
tưởng bây giờ mới nhìn. Nhiều khi, người ta cùng trong một nhà, sinh sống hàng
ngày, tự nhiên không bao giờ ai nhìn ai lâu thế đâu.
Sao bây giờ trông kỹ lại, như chẳng phải bố mình. Rồi có lúc lại thấy đúng bố
mình. Bố đã già thật rồi. Bố đã già đến thế à? Tóc bố dài xõa giữa lưng, ngày
trước dày đen một đệp, bây giờ chỉ thấy lơ thơ lốm đốm bạc. Hai bên tóc mai đã
bạc hẳn như bông. Ngày trước, chưa bao giờ Mon thấy thế. Râu ria mọc kín mặt bố,
cả đến hai bên lông mày cũng đã có như giắt bông. Nhưng khắp mình các bắp tay,
lốt xăm chàm mới vẫn vằn lên và răng bố đen nhoáng, chắc hằng ngày bố vẫn xuống
biển săn cá, bước bố đi còn khỏe lắm, nhanh như vượn. Bố con men bờ biển lên
hòn núi cao rồi đi theo một triền núi. Trông ra trước mặt, vẫn lại thấy mênh
mang biển. An Tiêm trỏ tay phía trái, hỏi Mon:
- Con có thấy xanh xanh đằng xa không?
- Có thấy mờ mờ như mây thôi.
- Đây là bãi sậy bờ biển. Nhà ta ở vùng cạnh bãi sậy ấy. Nói nghe chóng vậy mà
mấy ngày trèo rồi mấy đêm ngủ rừng, vẫn chưa xuống được bờ núi phía bãi sậy.
Có lẽ chỉ có làn mây mờ thấp sát mặt biển với lòng mong ước đã thành bóng cái
bãi sậy trong mắt An Tiêm mà thôi. Rồi lại trèo núi không biết đến mấy ngày nữa
mà trông ra vẫn biển xanh, trước mặt vẫn dốc núi. Đôi lúc cũng thoáng thấy được
bóng mờ chân trời. An Tiêm lại nói: chỗ bãi sậy nhà ta đấy. Có hôm mưa núi rả
rích, phải nghỉ lại, đào củ mài hay tìm bắt dế núi, sên núi làm cái ăn. Rồi lại
đi. Tuy vậy, Mon không sốt ruột, vẫn thấy đi mãi cũng được, Lâu lắm Mon mới lại
được trèo núi với bố, vừa vui chân vừa vui chuyện, quên cả ngày và đường xa. Thế
rồi, ngày kia cũng xuống được chân núi. An Tiêm đã nhận ra những quãng rừng
quen quanh nơi ở. Hai bố con bồn nhanh như chạy. Đến chân đồi cây vàng tâm, An
Tiêm ngẩng mặt, hú gọi lên. Nghe tiếng hú đáp ngay xuống. Rồi bóng cái Gái thấp
thoáng trong những gốc cây ra. Bấy giờ đương giữa trưa, ngoài bãi gió táp lên
cát nóng bỏng rộp chân. Bỗng cái Gái quay thoắt vào. Gái đã trông thấy Mon. Rồi
tiếng gọi mẹ ơi ới. Cả Nàng Hoa cũng từ trong bóng mát những đám cây vàng tâm hớt
hải ra. Thấy Mon,. Nàng Hoa ngã khuỵu ngay xuống. An Tiêm và Mon chạy vội lên.
Mon vực Nàng Hoa dậy rồi ngồi xuống, đặt mẹ tựa vào người, hai tay ôm mẹ. Lát
sau, Nàng Hoa mới mở mắt, thều thào nói:
- Con đấy ư?
- Con đây, Mon con đây. Mon con về với mẹ rồi.
Mon thấy nao nao trong lòng. Trông mẹ còn lạ hơn, già hơn bố. Tóc mẹ đã rụng
thưa trên đỉnh đầu và bạc xuống cả hai mái. Còn cái Gái thì cao ngồng. Gái mặc
cái váy khép vạt cồng kềnh từng nan nâu nan mây vồng trước vồng sau. ại chao,
cái Gái đã nhớn thế kia! Mặt nó trắng hồng, hai mắt sáng tươi cười và tóc nó
dài mượt xõa kín xuống tấm lưng trần lực lưỡng. Nó là người lớn hẳn hoi rồi.
Mon chưa biết đấy, cái Gái bây giờ toàn đi săn bắt hươu một mình, chỉ đi một
lúc đã vác được hươu về. Khi đến mùa hoa, con hươu đực trở lại khu rừng cỏ non
kéo theo đàn hươu cái. Hươu đực đi trước, cặp gạc nghênh ngang trên đầu... Gái
nấp sau tảng đá. Gái giả hươu, giác bật một tiếng thật sắc. Hươu đực này tưởng
đấy là tiếng giác của hươu đực khác đến phá đàn. Cơn ghen hăng lên, xông thẳng
đến chỗ tiếng giác. Cái Gái quờ tay nắm ngay được chân con hươu xô quá đà không
quay lại kịp. Cái Gái bây giờ nó thế đấy... Mon rút trong bao khố ra con dao
vàng chóe. Mon đưa cho Gái:
- Cho mày con dao này mà đi rừng. Tao còn mấy hòn vàng bên kia nữa, để cho mày
mai kia làm khuyên đeo. Gái cầm con dao, giơ lên ngắm, mắt sáng long lanh, vẻ lạ
lắm, rồi cười khanh khách, gài luôn vào cạp váy. Mon vào nhà, Mon đi trước. Cả
nhà theo sau Mon. Mon nghển đầu lên lỗ đá. Mon tưởng nhà mình lại vào ở hang
đá. Nhưng trèo vào trong, Mon mới biết đấy là tường đá và nom thấy cái nhà ở giữa
khoảng đất trống, lại có hố nước thành cái giếng, bên cạnh những dây dưa đỏ đã
tàn, héo queo trên mặt đất. Thật giống y như cái nhà mình khi ở Bãi Lở. Cũng có
giếng chân đồi, có dây bí leo quanh nhà. ở gốc thông, Mon cũng đã bắt chước làm
nhà thế này, mà chưa giống lắm. Cả nhà cùng ăn, thật vui. Ai cũng mong ngày gặp
gỡ, nhưng đến có ngày vui hôm nay thì lại không ai ngờ. Dưa đỏ, nấm hương, thịt
nai hun, Mon thích nhất ăn cá lờm nướng. Trong bờ biển bãi sậy, nhiều giống cá,
Mon không được ăn bao giờ. An Tiêm cầm mấy hạt dưa, ngắm nghía, rồi nói:
- Những hạt dưa này đã làm cho nam bắc tìm được nhau, cha mẹ con cái gặp nhau.
Gái nói:
- Nhờ con chim tha hạt nữa, bố à. An Tiêm gật gù:
- ừ, vì trời mở cửa cho những con chim tha hạt dưa đến, phải rồi. Cả đêm, Mon kể
cho bố mẹ và em nghe chuyện năm trước những con chim đánh rơi hạt dưa ngoài
bãi. Thật lạ lùng, chuyện Mon kể cũng từa tựa chuyện đàn chim bay qua đây đánh
rơi những hạt dưa trên lưng đồi, chỗ gốc cây vàng tâm ngoài kia mà cái Gái đã
chạy ra nhặt được. Nhưng Gái chỉ muốn nghe Mon kể nhiều nhất về chuyện Mon cứu
được hai con gấu rồi Mon đem gấu về nuôi, Mon ở cùng với anh em gấu thế nào. Từ
lúc mới về, nghe bố kể lại, Gái đã hỏi:
- Sao bố không bảo anh Mon đem hai con gấu về đây? Bố cười, nói đùa:
- Sợ mới thoạt thấy thì cả nhà đến phải trèo lên cây hết. Phải về nói chuyện
trước đã. Lần sau cho chúng nó về. Mon bảo cái Gái:
- Bây giờ chúng nó còn phải trông nhà cho tao!
Rồi Mon bắt đầu kể lại hôm Mon đi rừng sáng sớm tạnh mưa, thấy con trăn mốc núc
chết gấu mẹ, còn hai con gấu mới đẻ chưa mở mắt, bết lông, nằm còng queo dưới
khe đá. Kể rồi, lại kể lại. Càng kể Gái càng muốn nghe. Gấu kiếm củi. Gấu vác
nước. Gấu bấm lá ngót. Gấu leo cây lấy khoái ong. Gấu nhặt trám. Hai đô gấu tì
vai vào sới vật khỏe lắm. Gấu đàn đến rủ, gấu không đi, gấu chỉ ở với Mon. Đêm
rét, ba đứa nằm xúm lại. Mon rúc vào giữa hai thằng gấu... Kể lại, kể lại nữa...
Kể nữa... Gái nghe tỉnh hai con mắt, không biết buồn ngủ. Gái thương hai con gấu
quá. Gái muốn gặp chúng nó. Lại hỏi: hôm nào anh cho gấu về. Trả lời rồi, lại hỏi
nữa. Gái muốn gặp ngay hai con gấu mà anh Mon kể. Những con gấu ngoan quá. Thật
khuya, vẫn chưa ai ngủ. Đến khi ve kêu mới biết trời đã sáng từ lúc nào. Mấy
hôm liền, khói bếp nghi ngút suốt ngày đêm, ăn uống, trò chuyện, đầm ấm thế. Một
sáng, An Tiêm bước ra đầu nhà. An Tiêm lùi phắt ngay lại. An Tiêm thấy một con
gấu đen sì nằm cạnh tảng đá bờ giếng. Hai hòn đá rấp cổng vẫn nguyên chỗ mà
không hiểu làm thế nào con gấu đã tìm lối chui qua lỗ hay bò vượt tường đá vào
đây từ đêm qua. Thấy An Tiêm bước ra, gấu nghển đầu nhìn, nhưng gấu không trỗi
lên, mà gấu lại lặng lẽ cúi, nằm nguyên như thế, hai chân duỗi thẳng trước mặt,
mõm vục trên đất, như không biết có người đến. An Tiêm ngờ ngợ... An Tiêm vào gọi:
- Mon à, có con gấu. Hình như... Mon nhảy ra bờ hè. Đấy là Gấu em. Mon nhận ra
ngay. Làm thế nào, xa thế mà Gấu em theo sang được. Gấu theo hơi người đi qua rồi
ngửi vết chân cứ thế lần theo, người đi trước mấy ngày đường cũng biết. Thấy
Mon ra. Gấu em ngồi ngay dậy, bước lại, giơ chân trước, vịn lên vai Mon, Gấu em
vịn vai Mon. Gấu em sang làm gì? Gấu anh đâu sao không thấy? Mon nhìn ra ngoài
lỗ tường đá, cũng không thấy Gấu anh. Mon xách hai tai Gấu em, lắc lắc. Có việc
gì thế? Việc gì cần kíp thế? Mày sang làm gì? Thế nào mà mày đi theo được, giỏi
thế, tài thế. Gấu anh đâu? Đột nhiên, Mon nhìn hai con mắt đen láy của Gấu em.
Hai con mắt cũng chăm chắm nhìn Mon. Mon thấy trong hai con mắt lóng lánh đương
như có điều gì lo lắng, bối rối - con mắt sáng trong tựa hai giọt nước mắt sắp
rơi. Cả Nàng Hoa và Gái cũng đã ra. Mon vẫn nắm tai gấu, quay lại bảo Gái, bảo
gấu, rối rít:
- Gấu em đây. Thằng gấu em đây này. Tao mới kể chuyện đến mày đêm qua. Em tao
đây, cái Gái đấy. Gái hỏi:
- Thế thằng Gấu anh đâu? Mon ngơ ngác:
- Chưa thấy. Có lẽ nó còn đi sau. Gái bảo:
- Anh nói tiếng gấu với nó đi. Hỏi xem Gấu anh đâu. Gấu anh đi sau hả? Mon cười:
- Làm gì có tiếng gấu! An Tiêm ngẫm nghĩ, rồi nói:
- Giống vật đã biết ở với người là khôn lắm. Nó không nói được mà nó nghĩ được
như người đấy. Anh em gấu đã ở với con từ khi còn tấm bé, nó đã biết trông nhà,
bây giờ lại biết tìm đường theo sang tận đây, mà chỉ có một con sang, chắc có
điều gì...
Mon choáng váng nghĩ một điều mà từ nãy không muốn nghĩ đến. Mon bối rối:
- Nó sắp khóc kia kìa, bố ơi! Con phải về xem sao, bố ơi, con phải về bên ấy
xem sao...
- Phải đấy, ta về bên ấy, bố cùng đi với con. Nàng Hoa nói:
- Cho mẹ con tôi đi với. Gái nói:
- Bố ơi! Con đi với! An Tiêm nhìn Nàng Hoa, nhìn Gái rồi nhìn Gấu em, do dự.
Nhưng Mon đã hốt nhiên mừng rỡ hoa chân múa tay:
- Bố cho cả nhà sang nhé!
Thế là tất cả nhà đi. Đi xa đến đâu, qua bao nhiêu rừng, qua bao nhiêu núi bây
giờ cũng thành thói quen hằng ngày và thông thường rồi. Mấy cái lao trúc, con
dao cùn của An Tiêm, con dao vàng của Mon, và cái sừng trâu cọ lửa. Lúc sau, cả
nhà đã chui qua lỗ tường đá rồi An Tiêm bê hai hòn đá tảng lấp lỗ cổng lại. Gấu
em tất tưởi đi trước. Mon, rồi Gái, rồi Nàng Hoa và An Tiêm theo sau. Mọi người
để ý xem con gấu đi như thế nào. Nhưng gấu đã đi đúng lối vừa đi qua. Con gấu
thuộc đường như con ngựa, xa đến đâu cũng thuộc. Nhưng con ngựa còn thua gấu,
ngựa phải mất một lần đi qua mới bén lối, còn gấu chỉ việc đánh hơi lướt trên cỏ,
trên vệt chân ở lối đi đã theo dấu người được. Gấu em vùn vụt đi trước. Trông
nó đi nhanh hơn mọi khi, Mon càng sốt ruột. Mọi khi, qua rừng phẳng lặng, gấu
bước thũng thĩnh. Chỉ có mỗi một lần anh em gấu đi nhanh, đấy là cái lần gấu về
rủ Mon ra bãi biển rồi gặp bố. Không bao giờ gấu đi nhanh thế này. Chuyện gì đã
xảy ra rồi. Tối đến, cả bọn ngủ lại giữa rừng. Đến sáng ra, Gấu em dậy sớm nhất.
Gấu em lại đi trước. Chẳng bao lâu giữa trưa ấy, bọn người có con gấu đi trước
đã từ lưng núi đổ xuống cánh rừng thưa gần nơi Mon ở. Rồi đến gần, rồi đến nơi.
Mon trông thấy những tảng đá bên gốc cây thông xù xì đen, đã rõ bên trên có
hình túp lều như tổ chim. Nhưng đến nơi thì chỉ thấy những tảng đá không có túp
lều. Một cảnh tan hoang hiện ra. Túp lều chỉ còn là những cái cột vầu gỗ đổ lổng
chổng, mỗi chiếc ngã giúi một xó. Cả đến những hòn đá kê bếp tro giữa mặt sàn
cũng bật lên, lăn mỗi hòn một nơi. Nàng Hoa hỏi:
- Chỗ con ở đây à? Mon ngơ ngác:
- Con ở chỗ này... Nàng Hoa ngạc nhiên:
- Chỗ này thì con ở thế nào...
- Đấy là chỗ cái lều mà con kể chuyện cả nhà nghe. Không biết tại sao... An
Tiêm trèo lên, bước dò dẫm vào giữa cái lều đổ. An Tiêm kéo Mon lại cạnh một
phiến đá. An Tiêm nói:
- Con trông này, dãi trăn vấy khắp cả mặt đá. Mỗi tiếng An Tiêm nói, Mon nghe
ghê khiếp quá, rợn quá. Mon kêu lêu:
- Trời ơi! Lại con trăn! Con trăn lại phá lều con ư? An Tiêm nhìn quanh rồi
nói:
- Có con trăn đi tìm mồi đã quăng mình qua đây. Lúc nó bắt được mồi, nó rún
mình, cái đuôi nó quật đổ tất cả cột lều. Con trăn này to lắm, nó đập đuôi lấy
đà mà bật cả đá lên. Mon bặm môi, nói nho nhỏ:
- Con trăn về ăn thịt mất Gấu anh rồi.
Một cảnh rùng mình hiện ra trước mắt. Có một con trăn đói quăng mình đi lùng mồi
qua rừng. Hai con gấu nằm trên nhà. Con trăn đói ngửi thấy hơi lạ. Con trăn
ngóc lên, thò đầu vào lều. Thế là cái đuôi trăn đập xuống lấy đà quăng mình
lên. Con trăn và hai con gấu vật lộn, vùng vẫy tung cả cái lều. Nhưng Gấu anh
đã mắc vào vòng núc của con trăn không gỡ ra được, vòng núc con trăn thít lại,
thít lại. Gấu em thoát được ra rừng. Gấu em chạy thẳng đi tìm Mon. Mon trông ra
đằng lối suối Sáng thấy một vũng máu đã khô đen. Gấu anh đã bị trăn tha ra suối
rồi núc nghiền thành mồi ăn ngay chỗ ấy. Mon tưởng lại gấu mẹ ngày trước. Cái
lúc mình con trăn siết lại, xương gấu mẹ gãy răng rắc. Mon nhắm mắt, không dám
nghĩ nữa. Mon thờ thẫn quay lại. Gấu em vẫn đứng ngây. Thấy Mon đến gần, Gấu em
giơ một chân lên vai Mon. Vậy là gấu đương có điều nghĩ. Gấu đã biết Mon rõ mọi
chuyện đau thương vừa xảy ra. Nàng Hoa rơm rớm nước mắt, nói:
“Thương quá! Thương quá. Các con ơi!" Gái bước lại trước mặt Gấu em, Gái cầm
một chân Gấu em, đặt cái chân gấu lên vai mình. Hai chân gấu để lên vai hai anh
em, cùng chia sẻ nỗi đau đớn. Bóng biển xanh ngắt. Bàn tay gấu đen nhánh trên
cái vai người rám nắng đỏ sạm. Câu chuyện đêm trước anh tao kể, anh em thằng gấu
thật giỏi, thật ngoan, chỉ muốn đi gặp xem mặt anh em mày ngay, thế mà giờ chỉ
còn có một mình mày.
2
Thế là lại dọn nhà. Cả nhà bây giờ đưa nhau ra bờ biển gần
phía Mon ở, ngay kề đầu rừng trông xuống vùng bãi mà năm trước có những con
chim lạ bay qua đánh rơi hạt dưa, Mon đã nhặt ươm vào khe đá. Từ năm ấy đến giờ,
đã lan thành bao nhiêu bãi dưa. Chẳng bao lâu, trước cánh rừng trúc cạnh cửa suối
Sáng đã mọc lên nếp nhà mới. Nếp nhà năm gian có giại che và cả đến những cái
giát phên nằm cũng bằng hóp đá. Mái nhà lợp vầu úp, nhà đơn sơ như nhà sàn, nhà
đất ven sông Cái. Đây là một cái nhà được vẻ nhất từ khi ra đây.
An Tiêm thường bảo các con: Nghe các cụ truyền lại, đời trước không có dao búa,
không biết làm nhà, người ta phải tựa núi ở mái đá chung đụng với mọi loài
trong rừng. Bây giờ người đã biết làm nhà, biết cấy lúa, biết nuôi con trâu,
con lợn, vậy cái gì cũng phải cho tươm tất. Bây giờ đã thấy Mon, đã thôi nương
náu trong rừng, đã đến ở trông ra biển, vậy lại càng phải tươm tất, nền nếp.
Nhà ở thật thảnh thơi. An Tiêm và Mon đắp lò, đào hố lấy đất nung nồi, trã,
bát, đọi. Đất đây quánh làm được đồ ăn thức đựng, làm được bánh ngói, làm được
cái khánh, con cá treo Tết. Và Tết đến, bây giờ cũng vui hơn trước. Mon đào đất
thó, nặn khuôn, cùng Gái chơi đập pháo đất, tiếng pháo đất kêu toác như nứa nổ
suốt ngày. Mẹ con lấy cuốn trúc xâu lại lỗ tai để đeo khuyên rồi đi lấy tổ cánh
kiến về nhuộm răng cánh gián, nhuộm cả răng đen cho cả nhà. Bố con đi tìm lá
chàm về ngâm, đợi ngày nắng thì xăm chàm lại mình. Rồi ai cũng có vòng tay, có
khuyên vàng. Nàng Hoa thổi lửa rèn vàng kỳ cạch được mấy bộ. Hai mẹ con ăn trầu
bỏm bẻm, đeo khuyên, đeo vòng sáng ngời ra đứng xem bố con An Tiêm và Gấu em
vào sới, như Tết ngày trước xem đánh vật ở ven sông Cái. Không có trống, Mon thổi
ốc tù và. Vừa vật vừa hò la, cuộc vật nhộn nhịp đấy. Nàng Hoa nói:
- Ta chưa có ruộng cấy, chưa nghe tiếng chày cối giã gạo, còn thì cũng chẳng
kém Bãi Lở đâu. Chỉ có bốn người và một con gấu, mà tưởng đương đám hội to, ai
cũng nghĩ như vậy. An Tiêm nói:
- Nhà ta tưởng vỡ rồi lại lành. Số phận làm người đã khiến cho cha mẹ con cái lại
được gặp nhau. Ngẫm lại từ khi ra chỗ hoang vắng, ở mái đá núi trọc rồi xuống rừng,
trải cơ man nào khó khăn và tai nạn rồi bây giờ cả nhà đầy đủ lại vượt núi vượt
rừng tới được chỗ bờ bãi phẳng này. Đã được điềm lành thế, đã không chết, thì
thế nào cũng còn có ngày nhà ta trở về lại đất quê, ngày đêm đinh ninh thế thì
thế nào cũng về được đất quê. Một ngày kia, An Tiêm bảo Nàng Hoa và các con:
- Tôi nghĩ ra được việc này hay lắm. Ta đã may nhờ con chim đuổi mồi đánh rơi hạt
mà nên nguồn gốc cha mẹ tìm được con, lại còn được ăn giống dưa quí. Giống dưa
quí này vỏ cứng, cùi dày, vùi cát hàng tháng không hỏng. Để ý mà xem, lúc đương
mùa dưa cũng đương mùa gió nồm. Gió nồm từ phía nam thổi vào, ta thả dưa xuống
bể thì dưa trôi vào bờ. Dù cho quả thối quả lành thế nào, sẽ có thuyền vớt được,
thế nào cũng có người trong bờ vớt được mà đoán ra ngoài khơi bể còn có nhà ta.
Đã bao nhiêu năm bặt tin, không thuyền bè nào qua lại, chắc quê nhà đã nhiều
thay đổi. Ai còn ai mất, có ai còn biết, còn nhớ có nhà An Tiêm ngoài đảo hoang
này không Càng lâu thì lòng mơ ước trở về càng nung nấu. Những năm trước, ước
sao tìm được con, bây giờ Mon đã về, tất cả mọi lo lắng mong mỏi lại dồn vào ý
nghĩ trở về. Cả nhà ai cũng một ý nghĩ:
“Xưa kia, ở Bãi Lở, có dân hàng trại biết chặn nước để vỡ đất ven sông. Đất này
tốt chẳng khác Bãi Lở, chỉ ước được một hạt thóc con chim đánh rơi, hạt thóc sẽ
thành cót thóc, cót thóc thành đồng bãi phì nhiêu. Bây giờ chỉ ước trở về. ở
nơi làm ăn thật, quờ chỗ nào cũng thấy của, lại càng thiết tha nhớ quê. Chúng
tôi muốn trở về rồi đem người ra đây mở đất lấy của nuôi người thật sung túc.
Nhớ lại khi nhà mình đến Bãi Lở, làm ăn đầu tắt mặt tối mà ngày đêm như hát như
hội. œớc gì đất này rồi cũng được như vậy. Rậm người hơn rậm cỏ".
Mỗi năm, quả dưa đỏ già rồi thối rữa ra, mưa trôi hạt đến đâu lại mọc thêm những
bãi dưa mới đến đấy. Đàn chim biển nhớ mùa dưa tụ tập lại rập rờn bay về. Nhiều
dưa quá, chim không phải tranh ăn đuổi mồi như ngày trước nữa. Rồi, không biết
từ năm nào, có lẽ từ khi có mùa dưa đỏ, vô khối các loài chim khác ở đâu kéo đến.
Những con bách thanh, những đàn khướu mun, những đàn iểng, những đàn vẹt, đàn
gi đá, con bạc má lẻ loi
- những loài chim ngắn cánh, khéo nỉ non tiếng hót mà không bay xa được, không
hiểu sao cũng ra đến tận đây. Làm thế nào chim đến tận khơi xa, không biết. Hay
là con bọ nẹt, con ve đẻ ra con chim, trẻ con cũng không biết. Một ngày ấm trời,
bỗng có tiếng khướu đột ngột hót vang. Ai cũng lấy làm lạ lắm. Nhưng không phải
đã hết lạ lùng đâu, lại có những con yểng cổ vàng, mình đen biếc bay đến đứng
ngơ ngẩn cất tiếng kêu trong gió, nom thật lạ. Rồi sáng sớm thấy dấu chân con
chim choi choi nước đi kiếm ăn từ tinh mơ trên bãi cát. Tiếng chim thánh thót
hay tiếng đàn dã tràng chui lỗ óc ách dưới chân bên mép nước như những ống khèn
ai bắt đầu dạo. Những buổi sáng đợi nắng, tưng bừng đầy tiếng chim. Nhiều chim
hót quá, bây giờ phải lúc thật tĩnh mới nghe được tiếng ve kêu. Tuy thế, tiếng
ve núi ngân sớm, ngân chiều, vẫn báo được giấc nghỉ giấc ăn đúng như tiếng kêu
của con bìm bịp. Tiếng ve, cái tiếng đầu tiên của vật sống nghe được trên đảo,
bao giờ nghe cũng bùi ngùi nhớ lại đêm bão lũ ống khủng khiếp ấy. Rồi ai cũng
đoán có nhiều chim thế là vì từ năm đem thả dưa cho trôi vào bờ, con chim nhảy
xuống mặt nước tìm khoét ăn quả dưa có chỗ rữa. Mỗi năm dưa trôi về một nhiều,
càng nhiều chim ra biển nhảy chuyền ăn dưa, quả này sang quả khác, cứ chuyền
dưa bay mãi, có con chết bơ vơ trên sóng, có con ra được tới đây. Đấy là đoán vậy,
đoán theo mong ước của mình, ước cho những quả dưa trôi vào đến đất, những quả
dưa như cái cầu nối, bây giờ chim đi được rồi người cũng đi được, bây giờ người
chưa đi được nhưng cứ đến mùa thả dưa trông hút những quả dưa trôi, lại tưởng
như hơi người, trầm hương và mùi trầu cau trong kia đương phả ra ấm áp khắp đảo.
Cũng có thể các loài chim đã chuyền ra như người đoán. Những quả dưa thả nổi
trên mặt biển, đen kềnh trên sóng như lưng cá lờm.
Con chim biển đến khoét thủng một lỗ vỏ dưa rồi mổ cùi, mổ ruột. Quả dưa như
cái thúng tròn trôi, suốt ngày đêm trên thúng bâu nhâu cả đàn chim, cho đến khi
tan hết quả dưa, đàn chim lại đi tìm quả khác. Mỗi năm, đến mùa dưa, từng gò đống
dưa lăn lóc như những tảng đá đen. Những quả dưa to, có quả to đến đỗi Gấu em
khoét ruột ăn hết rồi, no kếnh bụng, mệt quá, hai mắt díp lại không kịp chui đầu
ra, cứ thế ngả đầu ngủ luôn trong lòng quả dưa rỗng. Suốt men biển, dưa trong
bãi đều được cắt đem thả hết xuống nước, những quả dưa đưa tin về. Mỗi mùa dưa
tới, công việc gửi hy vọng về đất lại rộn ràng lên. Quả dưa lềnh bềnh trôi theo
gió nồm đưa vào bờ bến, không biết bờ bến nào, nhưng mỗi quả dưa đem theo bao
nhiêu mong ước, bao nhiêu chờ đợi. Mỗi mùa dưa đỏ tới với chiêm bao đất quê phảng
phất. Một sáng sớm, mặt trời chưa lên mà biển đã đỏ rực. Nghe tiếng rào rào
ngoài khơi, như có cơn mưa nặng hạt xuống khắp vùng biển đằng ấy. Trông ra, thấy
giữa trời nước, mọc lên một cánh rừng tre rừng trúc trổ lủa tủa trong những tiếng
vi vút, tiếng ào ào như xối nước, như chuyển động dăng dài ra trong ánh nước rực
rỡ. Gái reo to:
- Nhiều thuyền quá! Nhiều thuyền quá! Nhưng An Tiêm và Mon che tay, im lặng nhìn
mãi. Mặt nước gợn sóng rào rào, lủa tủa. An Tiêm cười, bảo các con:
- Đàn tôm rồng đi ăn về trước lúc mặt trời lên đấy thôi. Tôm ăn nổi, râu rồng
thò lên chẳng khác rừng cây. Đàn tôm ăn xuống sâu xa sẫm vũng biển, rồi không
thấy nữa. Nhưng cả nhà còn đứng nhìn biển một lúc lâu, bâng khuâng như nỗi nhớ.
Mùa nắng đã qua, sắp hết những trận mưa rào, lại hái dưa mới. Buổi chiều, An
Tiêm trông ra biển giật mình. Trời hoàng hôn như ám khói, mỗi lúc một sẫm đặc,
rồi những cơn gió đen cuồn cuộn nổi lên. Đứng trên mỏm đá, An Tiêm nghênh ốc tù
và thổi gọi vào rừng từng hồi dài. Mỗi người đương mỗi việc quanh đấy. Nàng Hoa
phơi mảnh vỏ sui. Mùa rét này, phải buộc thêm mấy cái chăn đắp. Mon và Gái lúi
húi ngoài cửa suối, be bờ, đãi vàng làm vòng. Tết sắp đến. Tết này định ăn Tết
to. Gấu em một mình đi hái lá ngót cho bữa ăn tối, đương lững thững về. Nghe tiếng
tù và của An Tiêm, tất cả chạy lại. Trời đen thẫm đương lan xuống mặt biển. Rồi
từ thinh không mù mịt, thòng ra những lằn cột trắng nhởn như những chiếc ngà voi
khổng lồ thả xuống. An Tiêm nói to:
- Rồng cuốn nước! Rồng cuốn nước! Rồng về cuốn nước! Cây nước sắp đổ vào đây!
Chạy đi! Chạy đi!
Ngay sau nhà ở có cái hốc núi, cũng là nơi trú ẩn. An Tiêm đã định thế. Từ khi
đến ở chỗ bờ biển này, mấy phen bão cạn, bão nước ấp đến, lần nào cũng cầm cái
chết trong tay, nhưng rồi qua khỏi cả, nhờ hốc núi ấy. An Tiêm đã sửa sang cái
hang. Cái hang được phá cho rộng cửa, càng vào trong càng tun hút ngược lên.
Bão nước, bão gió không thể kéo được cả quả núi. Nước dâng không thể lên được
hang dốc ngược, cái sống chắc chắn ở trong này. Lúc ấy, cả nhà đã đến ngồi trước
cửa hang. Không trông thấy biển trước mặt, xung quanh lạnh toát hơi nước, xa
xa, tiếng nước ầm ầm réo, những cái vòi rồng ghê rợn đương cuốn cả biển lên trời.
Rồi cây nước đổ từ trên trời xuống, tan cả núi, cả rừng, tan hoang. Cả nhà chui
vào hang, ngồi sát nhau mà không thấy nhau. Mon và Gái nằm co lại, mỗi đứa ôm một
bên sườn Gấu em. Lúc lúc một tối, một lạnh, lạnh thít người. Trong chốc lát,
quên hẳn trời vừa nắng rát gáy, oi chết được. Từng làn gió đen nối nhau kéo
qua. Cái lạnh lùa vào hang, mỗi lúc một giá buốt thêm. An Tiêm giơ tay quờ lên
mặt con. Mặt đứa nào cũng ướt đầm đìa. Mồ hôi toát ra hay hơi nước, hơi sương,
hay nước mắt chúng nó. Gió đen cuốn đổ cây nước xuống, sóng biển đương dềnh
lên, dâng lên, mặt biển sôi sục trắng xóa, cả cái đảo chao đi. Đến mờ sáng, trời
đất bỗng im phắc, ghê rợn, ai cũng vật vờ sắp ngất. An Tiêm chui ra cửa hang, lẩy
bẩy đứng lên. An Tiêm kêu lên:
- Tan bão rồi, cả nhà ơi! Những cơn gió đen cuồn cuộn suốt đêm qua đã biến từ
lúc nào. Trời trở lại mờ mờ rồi đỏ ửng như thường ngày rồi trời sáng. Tiếng quằng
quặc như sặc nước của những con chim biển bay qua trên đầu đi kiếm ăn sớm, lại
giống buổi sáng mọi ngày. Mon đứng dậy, ngơ ngác về nhà. Cái nhà có bốn phía tường
đá che vẫn vững nguyên. Mon đi thẳng xuống bờ biển. Không nhớ cơn khủng khiếp
đêm qua là mê hoảng hay thật. Gấu em lũn cũn đi theo Mon. Nhưng Mon vừa ra tới
mí nước đã chạy đùng đùng trở lại. Mon kêu:
- Dưới bể có cái chão to, bố ơi! An Tiêm cũng kêu lên:
- Thế thì có thuyền đắm đêm qua rồi. Đêm qua có thuyền đắm ngoài biển! Tất cả
cùng chạy ra. Không phải bị hốt hoảng vì ngỡ thuyền đắm... thuyền đắm... Mà xôn
xao vì có cái gì ở đâu giạt đến, của ai, của người ở nơi khác, một mẩu chão, một
người, gì cũng được, cho ta nhìn thấy một người, một dấu vết của người. Bao
nhiêu năm mới lại nghe tiếng có thuyền đắm. Ngày mới ra, bão cạn thuyền đắm,
Mon mới hơn mười tuổi. Đêm đầu tiên lên đảo. Cả đoàn thuyền quân quan chết hết,
có những cái cột buồm gãy giạt vào bờ. Mon trông thấy. Hay đây lại là đám quân
quan nào bị đắm thuyền? Biển đã trầm lại, trong con nước thấp còn thấy những
đám bọt sóng lớp nhớp như hàng nghìn con trăn dài vừa quăng mình quần nhau qua
đây, bỏ lại tầng tầng những rớt dãi và mồ hôi gớm chết. Xuống tới mép nước,
trông thấy trong đám bọt biển đen như đất, có mẩu chão và mảnh gỗ - không phải
cây gỗ, mà những mảnh lớn gỗ đẽo, đích những tấm gỗ mạn thuyền to. Mon nhìn ra:
- Có khi ngoài gờ đá kia còn mắc nhiều thứ. Thế là Mon lội xuống, sải tay bơi
ra. Khe đá như những chiếc răng to tướng lổn nhổn chổng ngược. Gấu em không dám
theo, cứ quay đầu quay đuôi chạy quanh trên bãi cát. Mon đã bíu tay nhô lên
trên tảng đá. Mon quay mặt vào, gọi to:
- Bố ơi! Bố ơi! Mon vẫy rối rít. Lập tức, An Tiêm cũng lao xuống nước, bơi ra.
Vài sải tay bắt nước đã tới gờ đá. An Tiêm trèo lên chỗ Mon đứng, thấy trước mặt,
một xác người nằm úp. Nước thủy triều đã xuống xa. Mỗi cơn sóng nhẹ óc ách đưa
vào, chỉ đu đưa dưới chân đá. Cái xác người nhợt nhạt như khúc gỗ lim 299 300
tuột vỏ giắt vào đá. Xác đàn ông, mình trần. Chiếc quần vải trắng bệch đã toang
mất một bên ống. An Tiêm xốc cái xác lên:
- Người còn mềm, có nhẽ còn sống. Rồi An Tiêm cõng vào bờ. Trên vai An Tiêm,
người nằm nghiêng, trong miệng người ấy, nước ra ồng ộc. An Tiêm đặt xuống bãi
phẳng. Ngắm kỹ trên mặt xám nhợt còn thấy sáng sáng, thoáng một nét mấp máy từ
mắt xuống má. An Tiêm nói:
- Người này còn sống. Chốc nữa thì tỉnh thôi. Rồi An Tiêm trông ra khơi, nói:
- Chắc lúc thuyền đắm còn bơi được, sau mới kiệt sức ngất đi. Mon nói:
- Cho ăn gừng cho chóng tỉnh. Mon chạy ra suối Sáng, bới những củ gừng dại mọc
từng búi trên bờ. Mon đập nát gừng rồi nắm lại trong vốc tay, vắt nước xuống mặt
người thiêm thiếp. Cả Nàng Hoa với Mon và Gái và Gấu em xúm quanh cái xác - biết
đấy là cái xác hay đấy là người thoi thóp?
Ai nấy phấp phỏng hy vọng, cảm giác còn ngạc nhiên như lúc nãy nghe Mon gọi ra
xem cái chão thuyền đắm. Không ai biết ghê xác chết. Bao nhiêu năm nay mới lại trông
thấy một người lạ. Sốt ruột, bồn chồn mong cho người ấy sống lại. Con người,
thêm thấy con người, không thể nói hết nên lời. Người này còn trẻ. Mắt ti hí mà
tóc đen dựng đứng, nước da xám nhờ, hai chân ngắn, nhưng cánh tay và vai lực lưỡng,
dáng người sông nước. Dáng hẳn một nhà chài hay một thuyền chở của cải ở cõi
nào qua bể Đông, nửa đêm, thuyền bị lao vào xoáy nước, giong đi, cuốn đến ngoài
kia thì vỡ thuyền. Mặt trời đã lên, đem hơi nóng trở lại bãi cát, tự dưng môi
người ấy đụng đậy. Sống rồi! Được thấy một người. Được trông thấy một người! Những
con người đơn chiếc như thấy được cái cầu vồng nối đường đất quê ra. ại, mà người
ấy sống, người ấy vừa sống lại... Những đường chuyển động mờ mờ trên môi, trên
mặt. Rồi người ấy tóp tép miệng. Cái môi tím bợt hếch lên, như trẻ con cười nụ.
Hai mắt từ từ mở. Con mắt nhợt nhạt mở 301 302 ra. Rồi lơ láo nhìn quanh. Trí
nhớ dần dần nối lại. Đây là đâu? Đây như đâu đâu không phải ở đường sông. Nhưng
người ấy vừa nghe chính tiếng mình chép miệng. Thế là đương sống. Người ấy mở mắt.
Không, không phải ta sống. Thế là cơn gió đen lại ngùn ngụt đùn lên, sóng biển
cũng đen như gió, như núi. Người ấy hét một tiếng rồi nhắm nghiền mắt, lại thiếp
đi. Nhưng dù như thế, người ấy đã sống lại. Bố con An Tiêm cõng người ấy lên đồi,
về nhà. Không thể kể xiết được nỗi vui, từ lúc trông thấy một con người. Người
bị nạn còn mê man nằm đấy, nhưng ai nấy đều tíu tít sửa soạn, như chốc nữa, nhà
có khách - nhà có khách đến. Mon lại chạy đi bới gừng. An Tiêm bảo Gấu em:
- Đi lấy mật ong! Đi lấy mật ong! Mật ong ăn nóng người thì chóng khỏe lại. Gấu
em có nghe thủng câu An Tiêm nói hay không, không biết, nhưng nó bước ngay ra cửa,
vừa đi vừa quay đầu lại, lúc lắc hai cái tai.
Nàng Hoa và Gái đi hái lá ngót. Mon lại vắt nước gừng vào mặt người ấy. An Tiêm
dặn Mon ngồi trông rồi vác ống ra suối Sáng múc nước. Mon ngồi nhìn người ấy.
Ngày ra đây, Mon còn bé. Từ đấy, không trông thấy ai, chỉ thấy bố mẹ và em. Bao
năm ở rừng một mình lủi thủi với anh em gấu, có lúc Mon không nhớ trên thế gian
này còn có người nữa, mà ngỡ mình bằng như con gấu mà thôi. Kịp khi gặp lại bố,
Mon mới nhớ mình còn là người. Người biết làm nhà ở, biết lo, biết nghĩ, biết
hát. Và đến bây giờ, Mon mới trông thấy một người, người lạ sống trên mặt đất
không phải ruột thịt của mình. Đã bao nhiêu năm nay... Mon ngắm nghía. Người
đàn ông này, da rám nắng, tóc rậm cứng và đen óng. ở đâu giạt đến, không biết
có phải người đất quê hay người đâu. Nhưng hai ngón chân cái không chầu vào
nhau, không giống chân ta. Cái mặt nó dài ngoẵng, răng nó trắng... Mon bó gối
ngồi nghĩ, mắt mơ màng trông xa. Xa kia, mặt biển phẳng lặng, ngấn nước chân biển
như sợi chỉ mỏng mảnh căng, tưởng thổi phù một cái thì đứt. Thế mà sao đêm qua
biển hung dữ như thế?
Mon không nhìn lại, nhưng lé đuôi mắt, thấy mắt người ấy đương mở. Hai con mắt
lơ láo rồi lại nhắm ngay lại.
- Người này phải có thịt ăn thì mới ngồi dậy được. Có khi nó đói cũng nên. Vào
rừng kiếm con hươu, con ạ. Mon xách hai cái lao, chạy bong vào rừng. An Tiêm ngồi
ngắm nghía người bị nạn. An Tiêm nghe tiếng người ấy rên khẽ. Nhưng không thấy
mở mắt. Thật thì người ấy lại mở mắt. Con mắt hé hờ dưới cặp mí ướt. Người ấy
trông lên, lại thấy cái mặt ma xồm xoàm lông lá ngay ở đuôi mắt. Đây là đâu? Có
lẽ An Tiêm đã đoán biết những cái nghĩ bối rối của nó. An Tiêm không quay lại.
An Tiêm cứ ngồi trông ra và lẳng lặng nói, như nói chỗ trống không:
- Đừng sợ. Đừng sợ mà. Rồi mày ở đây với chúng tao. An Tiêm nói đi nói lại thế.
Nhưng hai mắt người ấy vẫn nhắm nghiền. An Tiêm đứng dậy ra chỗ khác. Có lẽ người
ấy quá sợ. Làm sao sợ, thật khó hiểu, có khi vì anh ta không nghe hiểu tiếng
mình nói:
- Tỉnh dậy. Đừng sợ mà. An Tiêm nhẹ nhàng ngồi xuống, giơ một bàn tay, sờ lên mặt
người ấy. Bàn tay An Tiêm vừa đụng, người ấy vùng lên, chồm dậy. Hai đầu gối
người ấy quì rập xuống, nhưng hai mắt vẫn nhắm. Trông nét mặt nhợt tím, tiếng
lưỡi líu lại và cả thân hình người ấy đương giụi xuống trước mặt, An Tiêm hiểu
Mon đã đoán đúng: người này sợ. Cái sợ khủng khiếp làm người ấy sắp chết. An
Tiêm nói:
- Đừng sợ. Nhưng người ấy vẫn quì gục xuống. Mọi người trong nhà đã về. Nàng
Hoa và Gái bỏ xuống những bó lá ngót xanh rợi. Mon chạy sầm sầm đến. Lưng Mon
vác cả một con hươu choai. Cái lao phóng ngang ức con hươu, máu hươu chảy đỏ
vai Mon và rỏ từng giọt dài theo khoeo chân người chạy. An Tiêm nói to:
- Nhiều thức ăn đây rồi. Thôi đứng dậy. Lại đây tao nướng thịt hươu thật thơm
cho mày ăn đấy. Rồi An Tiêm giơ tay nhấc nó, ấn ngồi xuống. Nó ngồi thượt hai
chân. Con mắt mở gà gà. Bây giờ người ấy trông thấy những cảnh vây quanh mình
còn khiếp hơn nữa.
Những người rừng, mặt sừng sẹo, lông lá; những ma rừng trần truồng, đóng khố,
cái khố cỏ vàng sạm. Những người đàn bà trần trùng trục, da đen nhánh, không giống
da người. Những cái váy bùng nhùng, váy da dê núi hay da trăn. Con ma già nhất,
râu tóc bẩn như trộn đất, quát một câu, giúi xuống, bắt người ngồi một chỗ. Thế
là chúng nó xồ đến. Ma sắp bắt ăn thịt người rồi. Người ấy úp hai bàn tay lên mặt,
dúm hẳn vai lại. Ngoài kia, rồ lên một tiếng hích hích, khặc khặc. Qua khe ngón
tay, một cái gì đen kịt như bóng tối xông đến. Đấy là Gấu em. Không phải gấu
xông đến cấu cắn nó. Mà gấu mang thức ăn về cho nó. Gấu em ôm cái bọng khoái
ong to về. Gấu mang mật ong về cho người ăn. Nhưng con mắt người khiếp sợ không
trông thấy. Người ấy úp hai bàn tay lên mặt rồi nằm sấp xuống đất. Mon buông bịch
con hươu xuống. Tay Mon còn nhớp máu hươu. Mon bước đến, giằng bàn tay người ấy
đương bịt lên mắt. Thế là người ấy cong cổ hú một hồi ghê rợn, lại ngất đi.
Nhưng lần này không ai bối rối vì người ngất. An Tiêm thở dài:
- Nó hoảng hốt đấy thôi. Mon nói:
- Người này hèn quá, người này trong bụng không có lá gan.
Gấu em vẫn đứng yên. Hai con mắt Gấu em ti hí tinh quái đen nhánh nhìn mọi người.
Gấu cố đoán việc gì đương xảy ra. Nhưng việc đương xảy ra ấy thật khó hiểu,
không giống những tiếng Mon thường nói để sai gấu đi lấy khoái ong, đi vác nước,
đi ngắt rau ngót... Gấu đứng yên, một tay giơ cái khoái. Không biết đưa cho ai.
Mật ong rơi từng hạt vàng óng xuống đất. Gái bước đến, đỡ cái khoái trong tay gấu.
Rồi ngồi xuống. Gái lẳng lặng nhá từng mảng, một lúc ăn hết cả bọng. Gấu em lùi
lại, đứng tựa tảng đá, thè lưỡi liếm bàn chân trước còn dính mật. Xung quanh im
lặng, chỉ nghe tiếng lưỡi gấu mải miết liếm túc tắc lòng bàn chân. An Tiêm nói:
- Mặc nó nằm đấy rồi nó lại tỉnh. Bây giờ ta đi làm thịt hươu ăn mừng người mới
đến. Thế là mỗi người lại tíu tít mỗi việc, chạy lên chạy xuống. An Tiêm và Mon
vác con dao vàng ra làm thịt hươu.
Riêng có Gái ăn nhiều khoái ong quá, say lử, nằm ngủ thiếp ngay bên tảng đá. Gấu
em vẫn đứng cạnh đấy, một chân vẫn đưa lên mõm. Gan bàn chân gấu đỏ hỏn thế mà
liếm mãi, vẫn còn dính mật. Thế rồi người ấy lại tỉnh. Người ấy rón rén bò ra.
Người ấy rón rén bò ra xa. Bấy giờ đã xế trưa. Những con ve kêu muộn, ánh ỏi
trong nắng. Một lúc, Gấu em ngẩng đầu lên. Cái Gái vẫn say mật ong, nằm ngủ thiếp.
Gấu em nhìn ra nắng. Rồi Gấu em đến bên cạnh Gái. Gấu em bỗng kêu khặc khặc mấy
tiếng. Gái mở bừng mắt. Gái hỏi:
- Cái thằng người đâu rồi? Gái trông ra thấy người ấy đang thấp thoáng lấp vào
chân rừng. Người ấy trốn vào trong rừng. Cái quần rách còn có một ống. Đôi lúc,
ngã hụt xuống hố, lại ngóc lên. Trông thất thểu thảm hại, chỉ đuổi nhanh vài bước
cũng kịp. Hốt nhiên, người ấy quay đầu lại. Trông thấy Gấu em và cái Gái đi
sau, người ấy ngã sấp, không ngóc lên được nữa. Gái bước tới, Gái xốc nó lên
lưng, cõng về. Có Gấu em lũn cũn theo sau. Tới đầu nhà, vừa hay An Tiêm với
Nàng Hoa và Mon đương nhìn xuôi ngược, phân vân chưa biết Gái đi đâu, Gái đã
cõng được người ngất ấy về tới. Gái đặt xuống đất. Người ấy đã tỉnh, lảo đảo
hai đầu gối rồi lại quỵ xuống. Gái bảo:
- Nó là ma, không phải là người. Nó muốn đi làm con ma trong rừng. An Tiêm nói:
- Ta phải dỗ dần cho nó tỉnh lại. Lạc vào nơi bơ vơ thế này, ai cũng phải sợ
thôi. Gái cãi bố:
- Anh Mon cũng lạc thế, anh Mon có sợ đâu. An Tiêm cười:
- Chưa ai bảo cho người này biết có cái gan, để bỏ được cái sợ. An Tiêm xốc người
ấy vào nhà, đặt xuống mặt cái giát trúc. Cho tới đêm, rồi sáng, vẫn nằm nguyên
một chỗ. Sáng hôm sau, người ấy ngồi dậy. Thoạt trông thấy, lạ lùng không tưởng
tượng được. Cái người hôm qua khác hẳn người này. Người này đờ đẫn, mặt trắng bệch
ra như mặt nạ gỗ. Mớ tóc đen cứng của người khỏe mạnh thế mà chỉ một đêm đã xám
đến tận chân tóc. Hai con mắt hôm qua lim him nhắm, bây giờ cứ mở tráo trâng,
không biết nhắm nữa. Mí mắt đã cứng lại, con ngươi dại đi, hai tròng mắt cứ trô
trố muốn long ra. An Tiêm bưng cái ống tre đựng nước đến.
- Uống nước này! Người ấy giơ tay, nhưng chưa cầm tới cái ống, tay đã buông xuống.
Mỏi quá, hay sợ quá, dại cả tay rồi. An Tiêm đưa cả đầu ống nước vào mặt. Người
ấy ngoạp miệng ra ừng ực một thôi dài. An Tiêm mừng, nói:
- Đấy, đấy... Hôm qua mày ngủ. Bây giờ mày uống nước được. Thế là mày sống. Con
gấu còn ở với chúng ta được nữa là... Nghe An Tiêm nói, người ấy cứ lẩm nhẩm rồi
lại úp mặt xuống đất. Suốt ngày, người ấy ngồi rục đầu một xó. Hai mí mắt lúc
nãy căng rách, muốn rơi con ngươi xuống, bây giờ mới sụp lại, đóng khít lại. Từng
nạm tóc rụng xuống quanh chỗ nằm, như những nút bùi nhùi. Cả ngày, cả nhà lại tấp
nập. Như một sự lạ, một niềm vui to lớn. Người mới đến đã lại người dần. Chắc rồi
còn khỏe mạnh hơn. Rồi cũng bằng mọi người ở đây. Cả đến Gấu em cũng lây vui. Gấu
em lại cắm cúi đi đâu từ sáng sớm. Nhưng ai cũng biết Gấu em đi đâu rồi. Một
lúc, thấy gấu lại ôm về một cái khoái ong to. Gấu đi, trong ánh nắng, cả nạm
lông trước ngực cũng dây mật óng ánh. Về đến nhà, tay gấu cầm cái khoái mật
vàng ngời, lại giơ lên. An Tiêm đã nướng được miếng thịt hươu. An Tiêm cầm miếng
thịt thơm còn xèo xèo mỡ, nói:
- †n đi, ăn cho sống người, mày biết không? Con mắt nó mờ mịt dửng dưng nhìn miếng
thịt, như không thấy. An Tiêm hỏi:
- Mày nhớ nhà lắm, phải không? Người ấy ngước mắt, ngơ ngẩn. An Tiêm nói:
- Bây giờ nhớ cũng không làm gì. Phải tìm cách sống đến ngày trở về, thế mới là
hay. Người ấy đứng dậy, lểu đểu bước. Mới đấy mà đã tiều tụy trông thấy, như bộ
xương biết đi lẩy bẩy. Cái khiếp, cái lo, cái buồn tàn phá con người ta. An
Tiêm ngồi im trông người ấy rồi lắc đầu thương hại. Thằng người ấy thất thểu
đi. Gấu em lặng lẽ bước theo. Người ấy vẫn mở mắt nhìn mà không trông thấy. Mon
tức, nói:
- Bắt nó nhịn vài ngày, đến lúc đói ăn mới cho, xem sao nào. Nói rồi Mon đeo
dao, cầm hai cái lao trúc, vào rừng. Gấu em vứt cái khoái ong, quay lại, lon
ton chạy theo Mon. Đến trưa, Gái đi nhặt trám trong rừng về. Gái trông thấy người
ấy vẫn tựa gốc cây đứng như lúc sáng. Đến gần, Gái thấy hai con mắt người ấy nhệch
ra. Một bàn tay người ấy chới với về phía biển. Gái bước lại, giơ tay đập vào
vai:
- Này anh ả! Lại có mật ong nữa, anh ả ăn không? Người ấy tự dưng đổ xiêu đi.
Gái chạy đi gọi bố. Bố và mẹ đương ở ngoài cửa suối Sáng rũ sợi dứa. Những chiếc
kim xương cá lờm và sợi dứa dại mỏng như tơ có thể làm nên mảnh vải dứa, khâu thành
xống áo, bền chắc hơn áo vỏ cây sui và áo sợi móc. Mon và Gấu em cũng vừa về đến
đấy, nghe tiếng Gái, chạy lại. Gái hớt hải:
- Nó... An Tiêm ngừng tay đập sợi, ngoảnh lên hỏi con gái:
- Nó vẫn đứng chơi đấy à? Gái đáp:
- Nó chết rồi. An Tiêm thở dài:
- Đáng tiếc, ta không làm được cho nó khỏi sợ. An Tiêm đến trước cái xác rũ
nghiêng xuống. An Tiêm đứng lặng một lúc, trầm ngâm nhìn. Con người ta lại có
thể vì sợ hãi mà đến chết như thế này ư? Cát mịn dưới chân lún dần. Cành cây
gió đánh lắc lắc đâu quanh, cảnh hoang rợn, càng hoang rợn khác mọi khi
- bởi vì có cái xác người chết bên mình. Bỗng cái xác rướn lên, thở phì một
cái, hai bên mép nhoe nhoét cả nước dãi. Hệt người thắt cổ, lúc cái dây cổ được
nới ra thì cái xác đùn hắt nốt chút hơi đọng trong người. Nhưng đây hình như
không phải thế. An Tiêm ghé áp vào. Hai con mắt người ấy vẫn nhắm nghiền. An
Tiêm cảm thấy hơi thở ở mũi người ấy phào phào xuống tóc mình và rõ ràng tiếng
đùng đục nhộn nhịp trong ngực. An Tiêm vẫy tay gọi cả nhà lại. An Tiêm nói:
- Nó chỉ ngộ gió thôi, chưa chết đâu. Gái hỏi bố:
- Sợ quá mà như chết thật a? An Tiêm thong thả xốc người ấy lên vai, vác vào
trong nhà. Cả đêm hôm ấy, chốc chốc, An Tiêm lại lấy đọi nến trám vào soi. Vẫn
thấy ra mặt người tỉnh, không phải mặt người chết. Và trong nhà không có cái rợn
hơi người chết. An Tiêm yên tâm. An Tiêm nghĩ: thế thì người này sống, không chết.
Các con An Tiêm cứ băn khoăn không thể tưởng có người lại vì sợ quá đến chết.
An Tiêm thì nghĩ rõ ràng: đã là một con người thì không bao giờ có thể chỉ vì sợ
mà chết. Thế rồi, những ngày sau, người ấy dần dần tỉnh. Rồi tỉnh táo hẳn.
Quang đãng, sáng sủa dần trên nét môi. Cái quai hàm chốc lại động đậy nhai.
Lông mày co nhíu...
Một con người, một khi đã xua đuổi được cái chết, thì sự sống trở lại, khỏe khoắn,
tươi tốt, nhanh chóng - nhất là đối với một người trẻ tuổi, đấy là điều rõ ràng
như vào mùa mưa thì nước suối đầy. Rồi đến khi người ấy ăn lại bữa mới ghê gớm!
Không ai có thể tưởng được đã có khi con người này có lúc không nuốt nổi ngụm
nước mà bây giờ thì cái gì cũng vơ vào miệng, nhai ngấu nghiến, lúc nào cũng
đói, vừa ăn xong, bụng đã lại sôi ong óc... Cả nhà phải tất tả đi kiếm ăn cho
nó. Thế mà có lúc thèm quá, nó nhổ ăn cả cỏ. Cả nhà kiếm về đủ thứ: măng tươi,
măng khô, mật ong, hạt dẻ, thịt hươu khô, thịt hươu sấy. Một lon to tiết hươu
tươi đòng đọc cũng uống đến cạn một hơi mới chịu buông tay xuống. Tóc nó bây giờ
không rụng nữa. Tóc óng mỡ ra, cứng lại, tóc mới mọc - từ trong chân tóc, tóc lại
thẳng, tua tủa, đen nhánh. Người ấy đứng dậy, bước ra tận bãi cát. Lại không ai
có thể tưởng đấy là người hôm nào chết trôi, chết hoảng. Bây giờ người ấy đi giữa
mọi người - đi thanh thả với cả nhà An Tiêm và Gấu em. Có hôm, người ấy nhảy xuống
biển, bơi ra khơi xa tít, tay bắt sải nhanh như cánh chim biển lướt trên sóng.
Rồi lại quay vào, chạy thoắt lên bờ, không một vẻ mệt nhọc, phởn phơ như không,
khuỳnh tay làm keo vật với Mon. Có khi cả buổi cứ nhảy nhót hò hét trên mặt nước
với một đàn cá lợn - vùng vẫy tung hoành chẳng khác loài cá. Mon dạy người ấy học
nói tiếng mình. Đến khi nói được, người ấy trỏ tay ra biển:
- Tôi ở hòn đảo ngoài xa kia...
Người trai trẻ ấy ở trên một vùng những hòn đảo giữa biển. Người ở đảo quanh
năm sinh sống vừa trên bờ vừa dưới biển, bởi vậy, ai cũng thạo biển như việc đi
lại trên mặt đất. Anh kể chuyện một hôm có đoàn thuyền của người ở đảo đi trên
biển. Cơn bão cạn cuốn đến, giong đoàn thuyền trôi tán loạn ra biển lớn, rồi
thuyền vỡ, rồi người ấy giạt đến đây. Người ấy nói:
- Mới đầu, tôi sợ quá... Gái hỏi:
- Bây giờ còn sợ không? Người ấy cười, không trả lời, mà nói câu khác:
- Tôi tên là Ma Li... Cái tên nghe lạ tai. Đất nước ta không ai tên như vậy. Thế
nhưng nghe mãi, cũng quen tai, rồi Ma Li thành tiếng thân thuộc. Ma Li gọi An
Tiêm và Nàng Hoa là bố mẹ. Ma Li là anh em với Mon, cái Gái và Gấu em. Ma Li
hơn tuổi, làm anh nhất. Từ đấy, Ma Li ở lại trên đảo với cả nhà An Tiêm. Có lần,
Ma Li bàn với An Tiêm:
- Bố ạ, tôi đóng một cái bè...
- Đóng bè làm gì?
- Ta sẽ đi qua bể, tìm về quê.
- Về quê, về quê à?
- ở quê tôi, ai cũng biết đóng bè đi qua bể, tôi biết đóng... Không, An Tiêm
không ngại vượt biển. Ai đêm ngày nung nấu thiết tha với đất quê và muốn trở về
nhất, thì phải nói người ấy là An Tiêm. Không, An Tiêm không sợ nguy hiểm. Ra
đây được thì phải về được. Chắc như thế. Nhưng từ khi tìm được bờ bãi vỡ được đất
trồng dưa và làm nhà ở thì An Tiêm lại nghĩ, nghĩ đi nghĩ lại. ở đây cũng như đất
quê, cũng như Bãi Lở xưa kia. Bãi Lở đất hoang đã thành nơi trù phú, đảo hoang
này cũng sẽ thành nơi trù phú. Rồi cũng có khi có tin đất quê. Rồi có khi có
người đất quê đến, con chim đến được, rồi con người cũng đến được.
3
Lại có đến mấy năm nữa qua. Mặt đất phương trời cứ thăm thẳm.
Phải đợi mỗi năm, đến mùa dưa, mới lại tấp nập đôi chút. Suốt ven một bên sườn
đảo bây giờ đã thành những bãi dưa đỏ. Đến mùa dưa, vợ chồng con cái lại lăn lộn
ngày đêm trên các bãi. Mỗi năm một ở bãi lâu hơn, bởi mỗi năm dưa lại mọc thêm,
lại hái, lại xếp, lại đem dưa thả xuống biển. Mỗi mùa mỗi quả dưa xuống biển là
tiếng gọi ra chân trời: có chúng tôi ở ngoài này. Ma Li thạo cắt dưa ngay rồi.
Cả đến Gấu em bây giờ cũng giỏi hái dưa và biết chịu khó thả xuống biển những
quả dưa. Gấu em cắt nhanh hơn tất cả. Một bên chân trước Gấu em kéo về phía
mình cái dây có quả dưa nặng trĩu, một chân giơ vuốt cứa. Thế là quả dưa chềnh ềnh
lăn ra vệ cỏ. Cứa độ nửa buổi, được một đống dưa, Gấu em dừng lại, ngồi ăn một
quả. Rồi, thong thả, Gấu em lẳng lặng vần từng quả dưa ra thả xuống nước. Sóng
đánh mấy lần lăn lên lăn xuống, rồi chẳng mấy lúc, gió đã thổi đẩy quả dưa nhấp
nhô ra xa. Mê mải suốt mùa dưa, ở luôn bãi, cắt dưa ăn rồi hái dưa thả xuống biển.
Đêm đến, tìm một tảng đá, đốt lửa lên, ngủ lại trên bãi. Hôm sau, lại ăn dưa, lại
hái dưa, lại thả dưa xuống biển. Trên mặt biển, từng đàn chim đuổi theo những
quả dưa, bay tụ thành nhiều đám, trông xa đến tận chân trời vẫn thấy bóng chim
nhấp nhô bay lên bay xuống. Những quả dưa được thả xuống từ đảo hoang, theo gió
nồm, dưa lênh đênh trôi theo luồng nước hàng tháng trên biển rồi vào đến đất.
Người các vùng cửa sông, cứ đến mùa gió nồm, thỉnh thoảng lại vớt được dưa. Từ
xưa đến nay, chưa ai trông thấy quả dưa to đến vậy. Lúc bổ ăn, ngọt thơm. Đương
cơn nóng bức được miếng dưa thấy mát khỏe hẳn lên, khác hẳn các thứ dưa hồng,
dưa gang, dưa bở thường có. Các cụ già sực nhớ ra:
- Ngày trước có người vào cửa sông nói rằng ở ngoài bể có giống dưa vỏ xanh ruột
đỏ, hạt đen như răng nhuộm, được ăn một miếng thì khỏi bệnh sốt ác và hết khát
cả ngày. Mới chỉ nghe nói mà không được biết, có lẽ nó là quả dưa đỏ này đây.
Từ đấy, cứ đến mùa gió, người các cõi lại đua nhau lội ra những vùng lầy ngoài
cửa sông để đón dưa, tìm nhặt dưa. Sông Cái nhả ra lớp lớp phù sa đỏ mênh mang.
Những quả dưa xanh đen trôi vào đến làn nước đỏ xuộm. Các loại cá và chim biển
ra khoét ăn mất đã nhiều, thế mà mỗi năm càng nhiều dưa giạt vào. Bây giờ, cả đến
người các vùng ở sâu trong dọc sông, nghe đồn đến mùa gió có dưa trôi cũng kéo
ra vớt. Tiếng đồn: ra biển thấy được quả dưa to quá phải dìu vào những dìu cá
ông voi rồi hai người làm rọ xỏ đòn ống mới khiêng nổi quả dưa to về, đến khi
khoét dưa ăn hết ruột, còn cái vỏ ngoài, con lợn nái thấy chỗ mát chui vào
trong ấy nằm ngủ giữa trưa nắng. Người ta kể chuyện quả dưa to kỳ lạ đến như thế.
Khắp các cõi trong mười lăm bộ nước Văn Lang đã nghe vang lừng tiếng ngoài cửa
sông Cái vớt được giống dưa lạ. Chẳng bao lâu, ở Phong Châu cũng nghe biết. Một
năm, quan quân các cõi ven biển, từ bộ Ninh Hải đến bộ Dương Tuyền, bộ Cửu
Chân, bộ Hoài Hoan được lệnh cho nhà chài ai vớt được dưa lạ thì đem vào tiến
vua. Tháng bảy năm ấy có một thuyền đầy dưa đỏ của người kẻ bể vớt được, ngược
sông Cái lên Phong Châu. Quan quân ra bến khuân dưa vào thành. Đương mùa tháng
bảy, trong vườn vua nuôi nhiều ngỗng. Những con ngỗng cao lênh khênh trắng bạch
rỉa lông bên ao cũng chỉ đứng đến ngang lưng những quả dưa vừa được khiêng qua.
Nhà vua và các quan xúm quanh những quả dưa lạ, to bằng cái thúng, vỏ xanh đen
biếc. Rồi, quả dưa được bổ ra, chia cho mọi người trong cung. Mới chỉ đúng một
miếng, ai cũng nức nở khen dưa ngọt quá. Một mưu sĩ tâu rằng:
- Xin để ý mà xem, cái cuống quả dưa nào cũng có vết cắt phẳng. Con dao cắt dưa
sắc lắm nên mới được một nhát ngọt như vậy. Dưa trôi vào nhiều thế thì tất dưa
này phải có người hái, phải có người thả xuống bể, quyết không phải tình cờ dưa
ở bãi ngập nước đứt dây trôi đến bờ cõi ta. Năm nào cũng thấy dưa về, mỗi năm một
nhiều, thật là điềm lạ.
Nhưng điềm lạ thế nào thì cũng rõ được một điều: bên cõi có dưa lạ ấy phải đông
vui giàu có thì mới sinh được giống dưa quí thế, to thế, người cõi ấy phải được
thảnh thơi lắm mới nên được hội hè có phong tục thả dưa hằng năm thế! ở ngoài
khơi xa có còn cõi đất nào phong lưu thử đi dò hỏi xem. Nhà vua có ý như vậy.
Trong triều bấy giờ còn mấy người tường câu chuyện ngày trước có nhà ông An
Tiêm phải tội bị đày ra ngoài đảo. Các quan ở Văn Lang và ngoài các bộ ngày ấy,
có người chết đã lâu, có người già yếu đã về dưỡng lão ngoài cõi. Câu chuyện thật
như thế nào cứ bùng nhùng như gà mắc tóc, không mấy ai rõ đầu đuôi. Thành thử
chuyện trước An Tiêm bị oan cũng chỉ mang máng thế. Nhưng rồi câu chuyện mơ hồ
trong mọi người cứ nên hình dần, mỗi khi đến cuối mùa gió nồm, có những quả dưa
lạ trôi về. Chuyện bàn tán trong thành ngoài cõi, mỗi nơi một câu góp lại, lan
tràn trong những lời nghi hoặc của nhiều người. Những lời bàn tán:
- Có phải trời cho những quả dưa này trôi báo hiệu có gió mùa về. Quả dưa trôi
cũng như con rùa biết xem mưa nắng được đấy.
- Của cải ở đâu bỗng dưng giạt đến là điềm trời cho bờ cõi ta yên vui.
- Nghe nói các đời vua thường đem đày người qua cửa sông bỏ cho chết đói ở
ngoài bể khơi, có phải thế không? Hay người đi đày ngày xưa giờ còn sống, đã
làm được nhiều của cải hơn ta, đem thả của cải về cho ta biết.
- Có như thế không, ai biết được! Nhưng các cụ lại kể rằng ngày trước, những
người phải đi đày, và cả những toán quan quân giải người đi đày hình như cũng
chưa ai đã lần nào đi đến nơi về đến chốn, chỉ thấy đi mà không thấy về. Có lần
mới ra qua cửa sông, sóng thần đã nổi như rồng, như cá sấu của trời ngông
nghênh không ai trị được, không ai thoát khỏi nanh vuốt sóng gió, thế là chết cả.
Mỗi khi mùa gió nổi, có những quả dưa giạt về, lại sôi nổi lời đồn đại:
- Có ai còn nhớ những người bị đày ra bể?
- Hình như có cả nhà ông An Tiêm.
- ông An Tiêm là ai?
- ông An Tiêm ngày trước làm quan cõi Bãi Lở.
- ông An Tiêm đương trị dân ở Bãi Lở, một năm đem người về hội ở Phong Châu,
người Bãi Lở giật được giải đấu vật, cả giải cỗ, giải cơm thi, tiếng đồn xưa
nay chưa cõi nào được tài thế, không biết làm sao mà rồi lại phải tội, nhà vua
đày cả nhà ra bể. Chỉ còn nhớ có vậy thôi. Những đồn thổi dai dẳng mãi trong
dân gian, rồi một hôm đến tai vua. Nhà vua ra hỏi các quan việc An Tiêm ngày
trước bị đày như thế nào. Người mưu sĩ nọ tâu rằng:
- Tôi nghe ngày ấy cả đến đoàn thuyền áp tải cũng không thấy còn về. Tôi cũng
chỉ biết có thế. Trước An Tiêm trị dân lâu năm ở Bãi Lở. Các vùng từ ven sông
Cái cho vào đến chân núi Tản Viên, ngày nay còn có vè kể công đức, chắc người ở
đấy có thể biết. Hay là thử cho người đi xem ai còn biết hơn không?
Vua Hùng nghe phải. Bèn cho người về Bãi Lở. ít lâu sau, một hôm quân quan xuôi
thuyền từ Bãi Lở về, đưa theo hai cụ già. Một cụ nước da bánh mật, râu như cước,
thật đẹp lão. Đôi lông mày đã bạc trắng, nhưng con mắt vẫn anh ánh tinh tường
và hai chân bước cứ vững phăng phăng. Hỏi ra, cụ đã ngoài trăm tuổi. Chỉ còn nhớ
tuổi ước thế chứ cũng không biết thật mình được trăm bao nhiêu tuổi trời. ạng cụ
cùng đi cũng đã ngoài bảy mươi. Nhưng sánh với cụ trên trăm tuổi thì tuổi tác
và dáng dấp ông này còn kể là trẻ vậy. Hai cụ già Bãi Lở vào hầu vua Hùng. Nhà
vua hỏi:
- ở ngoài cõi biết chuyện An Tiêm ngày xưa thế nào?
- Vì chúng tôi biết, nên mới về đây.
- Vậy nói đi.
- Nhà vua có tha tội chết mới dám nói.
- Chuyện cũ ngày trước bỏ qua đã lâu, các người cứ nói tự nhiên. ạng già ngoài
trăm tuổi ấy mới nói rằng:
- Bấy giờ tôi hơn bảy mươi mà ông lão này mới còn ngoài bốn mươi. Được tin chủ
tướng tôi và vợ con phải tội đi đày, dân Bãi Lở tôi đưa nhau về kêu oan.
Nhà vua sợ náo động, nửa đêm bắt đoàn thuyền chở tù rời bến, chúng tôi không
hay biết gì cả. Dân cho tôi và ông này ngồi một cái thúng đuổi theo. Giữa tuần
trăng thì kịp thuyền chủ tướng tôi. Chúng tôi áp cái thúng vào mạn thuyền to rồi
được một người lính giúp cho lên thuyền. Chúng tôi dâng chủ tướng cái nón và
đôi giày cỏ. Trong nón và trong giày có giấu con dao và cái sừng trâu cọ lửa để
chủ tướng tôi phòng cơn hiểm nghèo. Rồi chúng tôi trở về, đem theo cả người
lính chèo thuyền sợ quan làm tội phải trốn. Người lính ấy trốn rồi mà vẫn chưa
hết cơn lo, đến nửa đường thì lên cơn động kinh, ngã xuống sông chết. Về sau,
nhiều lần chúng tôi có người về kinh đô dò la xem tin tức chủ tướng tôi ra sao,
được biết đoàn thuyền quân quan đưa người đi đày chuyến ấy gặp phải sóng thần
cũng không còn ai sống sót về được. Chúng tôi chưa tin, lại cho người ra hỏi tận
cửa sông. Người ngoài cửa sông cũng kể chuyến thuyền ấy đã chết bão cả ngoài
khơi. Từ đấy bặt tin. Chốc đấy mà đã ra mấy chục năm trời, nhưng người Bãi Lở
chúng tôi không bao giờ quên được công đức to lớn của chủ tướng tôi. Nhà vua
sai bổ quả dưa cho hai ông già Bãi Lở ăn. Rồi lại hỏi:
- Có thấy giống dưa này ở đâu bao giờ chưa?
- Chưa thấy bao giờ.
- Mỗi năm, cứ đến mùa gió nồm thổi, lại thấy từ ngoài bể có dưa này theo gió
trôi vào. Quả nào cũng tròn đẹp, cuống được cắt ngay ngắn, như hằng năm có người
ngoài ấy gửi gió đưa dưa về biếu. Chắc hẳn ngoài cõi còn người ở nên mới có người
trồng dưa gửi dưa nhiều thế này. ạng già ngoài trăm tuổi ngước mặt lên, long
lanh mắt, hất chòm râu bạc ra đằng sau vai, nói to:
- Có phải nhà vua nghĩ có thể chủ tướng tôi còn sống nên gọi chúng tôi về để hỏi
tin không?
- Ta có nghĩ thế.
- Vậy xin nhà vua cho người Bãi Lở chúng tôi được ra bể tìm. Chúng tôi xin đi
tìm chủ tướng tôi.
- Các người già rồi. Còn sức vượt bể không?
- Người đồng bãi chúng tôi, uống rượu rồi chết như đi ngủ, không biết thế nào
là tuổi già. Vả chăng, chỉ còn có người già Bãi Lở như bọn tôi thì mới được tường
mặt chủ tướng tôi.
- Nếu thế thì được. Nhà vua cho một cỗ mười thuyền sắm sửa ra biển. Lại hẹn cho
hai ông già Bãi Lở nghe có gió bấc thổi xuống thì trở lại, khi ấy giong buồm về
phương nam, thuyền gặp gió bấc sẽ đi như chạy trên sóng. Người ở Bãi Lở lại được
một phen xôn xao. Ai cũng tranh nhau:
- Cho tôi đi tìm chủ tướng. Cả những người trai trẻ chưa hề biết mặt An Tiêm
cũng đòi đi tìm. Bấy lâu, công đức An Tiêm đã được kể truyền miệng như cổ tích
trong những cuộc chơi, tháng giêng tháng tám ở lò vật, ở những buổi đi săn và
không nhà nào không thuộc. Có nhiều xóm lập miếu thờ An Tiêm như thờ thần đất.
Nhưng ông cụ trên trăm tuổi già nhất Bãi Lở kia đã phất ống tay áo lên, nói:
- Trời tạnh mưa thì trời lại nắng, cho nên hôm nay người Bãi Lở mới được đi tìm
chủ tướng. Chúng tao ngày trước đã theo thuyền đưa chủ tướng ra tận cửa bể, bây
giờ chúng tao lại ra bể đón chủ tướng. Chỉ hai chúng tao được đi thôi.
Làng trên chạ dưới hãy trông chờ. Đừng nói dại, đi sông nước lành ít dữ nhiều,
nhưng lần này đi thì ngày ra cửa bể quyết không phải là ngày đưa ma chúng tao.
Tinh tướng chủ ta to lắm. Ngày ra cửa bể lần này là ngày đại hồng phúc cho cõi
ta, các người ạ. Mười chiếc thuyền chiến đi việc quan không phải nhiều, nhưng
thuyền vượt cửa sông ra khơi, cái sống treo sợi tóc thì đấy là sự trọng đại.
Người Phong Châu kéo ra xem trên đầu bến sông Cái, đông như ngày hội. Có lẽ còn
đông gấp bao nhiêu lần ngày trước, cái khi cánh thuyền đày cả nhà An Tiêm đã nhổ
neo lúc canh hai rồi một sáng ra, người Bãi Lở và người kinh đô tụ hội kéo tới
tìm. Tiếng đồn vua sai quân quan giong thuyền ra bể tìm quan An Tiêm dậy khắp
trong thành ngoài cõi. Thuận gió, hơn tuần trăng đã ra tới cửa sông. Bốn bề, những
bờ đá phong rêu đỏ hắt, những bãi cây sậy xanh đặc, thẳng tắp ngang mặt nước đỏ
đục từ cửa sông Cái tuôn ra. Rồi đoàn thuyền đi vào nơi mênh mông sóng ngất trời.
Phải đến cuối tuần trăng, thuyền mới ra khỏi vùng nước phù sa đỏ bọc quanh bãi
biển rồi đoàn thuyền bắt đầu lênh đênh vào màu xanh ngày đêm. Những con chim biển
đương tíu tít lượn quanh cột buồm, bỗng hốt hoảng bay trở lại đất liền. Mới lúc
nào, bây giờ đã mịt mù không thấy gì nữa. ở nơi rốn biển nào không biết, những
cơn bão mùa nắng còn rớt lại, đôi khi cồn tới, kéo mặt biển lên cao hàng trượng
rồi lại vật xuống. Những làn mây phần phật bay đưa đến những cơn gió xám đen.
Những lúc hiểm nghèo ấy, đoàn thuyền chụm lại, giết gà xem điềm chân, đánh
chiêng rền mặt nước, đốt ném từng khiêng trầm xuống biển, rồi tất cả ra nằm phủ
phục trên bồng cầu trời cho tai qua nạn khỏi. Suốt cả đêm, những cơn gió đen
ngùn ngụt qua, tiếng nước đổ ì ầm, nghe rợn lạnh đến tận gáy. Tuy nhiên, tai nạn
đã tràn phía biển khác, ở trước mặt. Hôm sau, buổi sáng lại dịu dàng. Cơn khủng
khiếp đêm qua biến mất. Đoàn thuyền rụt rè trương những tấm buồm cói vỉ lên,
chưa tin hẳn đã tốt trời ngay như thế. Một lát, làn gió phất phơ đưa thuyền đi
trong mưa lấm tấm như bụi bay và lại nghe những tiếng giã gạo đầm ấm, quen thuộc,
yên vui từ cửa khoang sau thuyền vang xuống mặt nước. Trong khi ấy. Ngoài đảo
hoang lại bắt đầu những ngày hiu hắt rét mướt mưa dầm. Trên bãi dưa chỉ còn dây
và lá khô hôm nào mới vàng xuộm cả một vùng, giờ đã khô sạm. Chim biển hết cái
ăn, đã thưa về. Có khi bay qua cũng chỉ đảo cánh lượn một vòng. Lũ khướu sợ lạnh
sớm nhất, đã bỏ vùng rừng thưa bờ biển lành vào tránh rét trong những bụi cây
chân núi. Những con chim bé nhỏ đi tìm nơi nương tựa trong khe đá, gốc cây cho
tới khi nào có gió nồm mới lại phởn phơ ra bay lượn với những ngày ấm áp bờ biển.
Mọi loài đều chuyển động khi sắp sửa mùa lạnh tới. Ven rừng, những con trăn to
những cây gỗ nhấp nhánh, gió may đã đánh se làn mỡ trên da, cũng thôi ra phơi
mình hóng mồi trong bóng nắng. Thế là từng đàn trăn lại đã đến độ rời những
thung lũng ẩm ướt, những bãi phẳng thoáng đãng, ở đấy suốt ngày đêm mùa nắng,
trăn đã ra đuổi mồi, bây giờ cả đàn đi tìm chỗ ẩn náu trên hốc đá cao. Chúng nó
quăng mình đi rào rào qua rừng như tiếng con lũ đột nhiên réo giữa mùa kiệt. Mấy
hôm trở trời, sương mù dâng lên vùi kín đảo, tới khi mặt trời lên cao mới lại
thấy chỏm núi xanh xa nhấp nhô ra.
Không phải chỉ có loài vật ở đảo mới biết tránh cái rét buốt mà cả nhà An Tiêm
cũng phải lo. Sắp tới, mưa rét và sương mù có khi dầm dề, rừng và biển gào thét
mù mịt chặp vào nhau. Mọi công việc lặng lẽ âm thầm mùa lạnh. Cả nhà đi vác đá
về đắp thêm tường, như khi nhà còn ở bên bãi sậy. Cái nhà bây giờ cũng khác trước.
Mùa đông năm ngoái có cơn rét khác thường, đắp cả áo, vỏ sui mà vẫn buốt thót
lưng, suốt tháng chỉ quanh quẩn quanh lửa. An Tiêm nói:
“Người già thì sợ rét, các cụ nói chẳng sai. Năm nay ta phải nghĩ cách cho ấm
hơn mới được". Ma Li bày cách, An Tiêm bắt chước làm thêm một gian nhà có
nền sâu dưới mặt đất. Rét đến, ở lòng đất ấm hơn trên mặt. Đốt lửa sưởi trong
lòng đất giữa nhà ấm đượm bốn phía, cả nhà vào ngồi quây quần trong hầm. Gian
nhà hầm vừa được miết xong, bốn bên nhẵn bóng. Thức ăn dự phòng gác la liệt
trên đầu, từng miếng thịt hươu, thịt nai xả dài bằng sải tay treo lủng lẳng so
le từ gác bếp xuống, có những miếng mới đã ám khói đen kịt. Thường năm nào cũng
chén thịt sấy cả mùa lạnh, khi có nắng ấm mới lại xách lao đi rừng. Vừa rồi,
tìm được một rừng báng. Cây báng thẳng đuỗn, cao hơn cây cọ, nõn lắm nước hơn cọ.
Thân báng cũng xốp, đẽo ra, bột báng ăn thay củ mài, củ nâu được và ủ lại cho
lên men, làm rượu uống còn thơm nữa. Từ năm ấy, mùa rét được ấm bụng. Đã làm được
mấy mẻ, còn cất nữa. Cả mấy chiếc bong bóng nai đực và lợn rừng gác trên bếp
cũng được lấy xuống đem đựng, thành những bìu rượu. Rét cắt ruột, có cái sưởi,
uống vào trong bụng cũng đỡ lạnh. Tất cả chờ đợi cái giá buốt đến. Từ tháng bảy,
tháng tám mọi việc đã đầy đủ thế. Mỗi ngày bố con An Tiêm mê mải ra công đánh
hươu lấy thịt để dành, đến chiều mới thấp thoáng từ bóng núi tối sẫm bước ra.
Đã nghiệm mỗi lần về muộn thế, sao cũng được con giống. Quả như rằng, nhìn kỹ
thấy bố con bước đi lặc lè, một con nai nằm vắt cong lưng giữa cái đòn ống.
Gấu em cung cúc theo sau, người nó đen sẫm, lẫn hẳn vào bóng tối. Đằng cuối biển,
mặt trời đỏ hỏn như cái bánh xe lăn từ từ xuống ngấn nước rồi chìm vào khói
sóng. Nàng Hoa và Gái nấu thịt xong, giong đuốc ra suối gọi, ba bố con An Tiêm
đã xả hết con nai, xách từng miếng thịt đem về. Mon cầm theo miếng gan đỏ thẫm
để nướng chén ngay. Chập tối đã chớm lạnh. Cả nhà xuống ngồi quây ở cái nền nhà
lòng đất, trong nhà mới êm đềm làm sao! An Tiêm với Mon và Ma Li bày cái bát mắt
vầu, cái bát đàn loe miệng múc uống rượu báng. Đằng sau, Gấu em tựa lưng vào bờ
đất nhẵn, đưa bàn chân lên liếm hờ như con mèo rửa mặt khan. Lúc rỗi, khi trời
lạnh, gấu cứ liếm tay thế, mải miết và cặm cụi như mẹ ngồi khâu. Gái ngồi bên,
chất thêm củi vào đống sưởi. Ngọn lửa đùng đùng rừng rực. Trên tấm giát tre,
Gái và mẹ tước lá dứa dại làm vải. Những chiếc lá dứa ngâm dưới suối đã rữa ra,
còn một đệp xơ trắng, mang xuống suối rũ rồi chuốt thành từng sợi tơ mảnh, cuộn
ống vào những hòn cuội đẽo dài ngoẵng, chất một đống, đã được mấy chục ống to
tơ dứa. Bên ánh lửa bếp, Nàng Hoa và Gái căng ngang sợi dây trên đầu hai gạc
tre. Mỗi người cầm đôi kim xương cá, làm những con thoi lách thoăn thoắt đưa
qua sợi ngang. Năm trước đã dệt được mấy tấm vải bằng sải tay. Thế là có vải dứa.
Bao giờ xong được chục sải thì xé ra may mặc cho cả nhà. Công việc tuốt sợi dệt
tơ dứa tối nào cũng làm bên lửa như thế. Tiếng củi nổ, tiếng lửa ngùn ngụt reo.
Từ ngoài, Gái vác đệp xơ dứa mới vào quấn ống đá cuội. Gái nói to:
- Ngoài rừng sáng trăng, mẹ ạ. Nàng Hoa hỏi:
- Trời lạnh thì trăng sáng hơn, tháng này tháng mấy rồi, mình ơi?
- Phải xem nút buộc mới nhớ được. Không ai nhớ tháng mấy. Từ khi tìm gặp lại được
Mon, cái vui trong nhà tràn đầy không biết thế nào, nhưng cũng sau khi ấy, cuộc
sống ở đây lại tựa hồ phẳng lặng tưởng cứ thế không bao giờ còn khác.
Rồi đột nhiên, người đắm thuyền giạt đến. œớc mong đất quê lại lóe lên, nhưng
hy vọng đã triền miên theo mọi công việc phẳng lặng ngày lại ngày. Nhớ thì vẫn
nhớ biết bao, nhưng không ai muốn khơi gợi đến nữa. Nếu không có lúc đem cái
nút đánh dấu năm tháng, có lẽ không còn biết đời người dài ngắn thế nào. Không
biết vì sao An Tiêm cứ nghĩ ngợi bồn chồn. An Tiêm nhìn Mon. Ngày ra đây, nó mới
hơn mười tuổi. Bây giờ, hai vai nó lực lưỡng như hai cái bành tai đá, râu quai
nón rậm kín cả cái cằm bạnh. Tóc Nàng Hoa đã bạc, rụng thưa cả đỉnh đầu, con
cái Gái đã nên cô gái lớn khôn.
Nghĩ thế, An Tiêm cảm thấy thật nặng nề và thoáng buồn. Nhưng An Tiêm không bao
giờ nghĩ vẩn vơ. An Tiêm không muốn vợ con nhìn được nét mặt tư lự của mình. An
Tiêm đứng dậy, bước ra ngoài. An Tiêm trèo lên đứng bờ tường đá. Bấy giờ đêm xuống
đã lâu, trời rừng mát dịu, không một làn gió nhỏ. Thinh không, mặt trăng sáng
xanh, ánh sáng loãng dần ra. Sương in lên nền sáng trăng, tỏa trắng mờ cả bốn
phía chân trời. An Tiêm bỗng bắt một cái rùng mình, thật lạ. Thoảng trong làn
sương nghe đâu có một tiếng rền rền. Vừa thoạt nghe đã rợn. Tiếng mơ hồ như một
vuốt chân sắc cứa vào người, chói lên. Không phải tiếng sấm, không phải tiếng
cá lợn đùa, tiếng đuôi cá ông voi đập trên mặt nước, tiếng những chiếc càng tôm
rồng bơi xô xát vào nhau. Không, đây nghe trong mơ hồ một tiếng quen đến lạ
lùng. Tiếng đưa từ biển vào, rền quen đến nỗi chưa rõ tiếng gì mà cái tiếng đã
bắt thẳng vào trí nhớ, dội lại, sống lại cả bao nhiêu những cảnh, những niềm,
những tiếng xa xôi ngày xưa mà An Tiêm chưa kịp nhớ rõ, nhưng thật đã thấm cảm.
Tiếng mơ màng qua làn sương mỏng, lúc đầu thoang thoảng ngỡ đâu cơn chớp bể mưa
nguồn. Nhưng mùa nắng hết đã lâu, không còn mưa nguồn và sấm lạnh mưa rào nữa.
Cái tiếng cứ mơ mơ, mỏng tanh, phơ phất theo làn gió xa, khi bên ngày khi bên
đêm, khi canh khuya, khi rạng sáng, rồi một lúc, bỗng nổi dồn từng cơn ập ình,
tiếng ập ình đổ òa ra thành tiếng rền vọng đi. An Tiêm nhảy vụt từ đầu tường xuống,
chạy thẳng vào nhà. Chân An Tiêm chệnh choạng, tay vịn vào cột, tưởng không bước
nổi. Trong ánh lửa bếp, Mon ngẩng lên, thấy mặt bố phừng đỏ trong làn râu tóc
bung ra trắng xóa và mắt long lanh, khác hẳn vẻ điềm tĩnh của bố mọi khi. Lấy
làm lạ, Mon đứng dậy, trèo lên mặt đất, đến trước An Tiêm. An Tiêm nói như
quát:
- Cả nhà ơi! Tiếng trống! Nàng Hoa hốt hoảng đứng lên. Gái cũng theo mẹ.
- Cái gì thế?
- Tiếng trống! Tiếng trống! Mình ơi! Cả nhà cùng kêu:
- Trống đâu? Trống ở đâu?
Trong im lặng mênh mông, xa xa ngoài mặt biển đương nổi lên tiếng trống rền rền.
Nghe đã rõ hẳn tiếng trống đồng. Tiếng trống đồng! Tiếng trống đồng! Tiếng trống
đồng uy nghiêm lan trong bóng đêm mặt nước đương gợi lên trong mỗi người, gọi dậy
trong mỗi người... Những dải đất xanh rờn. Một con sông nước đỏ, hai rìa bờ cát
tõe tựa như con giải, lúc nào cũng lồng lộn đòi đổi dòng. Nhưng trên hai bờ con
sông dữ, quanh năm một cảnh làm ăn thảnh thơi và chiều đến, đêm đến, đêm trăng
sáng mỏng mảnh như lụa đã nghè, đã chuội. Những chiếc trống đồng đặt một loạt
trên những đôi gióng tre bắc qua bến. Tiếng trống vang xuống mặt nước, lan xa.
Tiếng trống hội cơm mới. Tiếng trống các làng vật. Đâu đâu cũng nô nức, mê mải
thi đấu khi nhàn hạ, đợi làm mùa có hội mải chơi thâu đêm. Đêm trăng sáng, những
tiếng bi ly... những chiếc dùi trống gỗ mít, gỗ chò chỉ cứng mà mịn, bọc da
báo, da hổ đấm xuống mặt đồng, cứ rung lên ngân lên mãi. Rồi mùa gặt hái lại tới.
Làng làng ra vít từng bông thóc, bó tròn từng lượm thóc chồng đống. Trong tiếng
trống nhịp ba giục giã, lại người uống rượu, người vào sới vật mừng cơm mới.
Các lão bà cũng bê hũ rượu nếp cẩm ra. Những keo vật suốt mùa mát trời cho đến
áp Tết, rền vang tiếng trống trên bờ sông Cái, đương là lúc này đây, đương lúc
này đây. Bây giờ, trên bến nước quê nhà, trời trong, thanh vắng. Bây giờ có còn
gì không, hay nước lũ cuốn hết Bãi Lở rồi. Trên thế gian này có còn đất Bãi Lở
không. Tiếng trống từ xa lắm rền đến.
Tiếng trống này từ trong chiêm bao rền đến... Mọi người bàng hoàng theo tiếng
trống gióng mơ màng giữa làn sương, tiếng trống lắc lư bay từ đầu con nước xuống
cuối con nước khiến cho Mon cũng ngứa chân tay, muốn sắp bước vào sới. Gái quay
sang hỏi mẹ ngày trước có phải đến khi hội làng, hội vua, người ta mặc xống váy
màu điều màu lục rực rỡ như con cào cào đi trảy hội và cũng nghe tiếng trống
như thế, phải không, lâu ngày con quên rồi. Mẹ im lặng. Bố im lặng. Ngày còn trẻ,
An Tiêm nhớ lại khi từ Ninh Hải về mới đặt chân đến Phong Châu... Mỗi người một
ý nghĩ, những ý nghĩ bề bộn hình ảnh ngày trước đến xóa đi, không biết mình
đương lưu lạc ở nơi hoang vắng. Nhưng tiếng trống bỗng im bặt. Ai cũng chới với
như đương đi, chợt hẫng tay vịn trên cầu noi. Bóng trăng chỉ còn thu lại đỉnh đầu,
bốn phía khoảng không đã mù mịt hẳn. Có 339 340 gió, cơn gió nhẹ đưa tiếng trống
về phía khác. Hay chỉ là mê thấy tiếng trống. Cũng không tin được ở tai mình,
An Tiêm khẽ hỏi Nàng Hoa:
- Mình ơi, phải tiếng trống đấy không? Phải mình cũng nghe tiếng trống ư?
- Có, mình ạ.
- Hay tôi chiêm bao?
- Không phải mình chiêm bao đâu.
- Tiếng trống lại im bặt rồi, có phải không mình? Lúc ấy, Mon nhớ lại khi bố đi
tìm Mon, bố đứng bè ngoài khơi, Mon ở trong bờ. Mon nói to:
- Đốt lửa lên, đốt lửa lên. Cho ở ngoài bể mà có người thì trông thấy, bố ạ. Có
thế mà giờ An Tiêm mới nhớ ra. Năm trước, Mon đã đốt lửa cho bố nhìn thấy, ngày
trông khói, đêm trông ánh lửa, Mon đã làm thế. Cái bè vầu của An Tiêm đương
phân vân giữa trời nước, thì trông thấy khói trong bờ. Và cái đận vợ chồng đi
theo đường nước lũ phá từ trong rừng ra bờ biển, đêm nào cũng đốt lửa, những
mong Mon ở đâu, trông thấy mà đến. ánh lửa! Chỉ có ánh lửa! ánh lửa nuôi người
và nói được tiếng gọi nhau của người ra biển khơi... Thế là ngay lúc ấy, cả nhà
dỡ luôn những đống củi quanh bờ đá, khuân ra bãi cát. Đầu tiên, đốt một đống lấy
cái soi sáng lối đi. Rồi mọi người cứ tấp nập ném thêm cây vào. Cả Gấu em cũng
chịu khó. Hai chân trước cắp hai cây gỗ, Gấu em đi đứng người lên, kéo lê lộc cộc
theo thêm hai cây gỗ, ra tận bãi lửa. Lửa bốc đỏ khé bờ biển. Trong ánh lửa, cả
sương và cả khói cuồn cuộn, tuôn tràn, đưa đi. Ngọn lửa phần phật quăng lên
thành gió, tiếng gió hy vọng, tiếng gió phấp phỏng, tiếng gió kêu: có chúng
tôi, có người trong này đây. Từ lúc ấy, vợ chồng con cái An Tiêm và Ma Li không
vào nhà, cứ ngồi cả quanh đống lửa. Không ai buồn ngủ, không ai cảm thấy sương
lạnh xuống đã ẩm tóc và lạnh hai vai. Tất cả cứ chăm chắm nhìn lửa rồi lại ngước
mắt, lại nghe ra phía biển. Bùng... By ly... By ly... By ly... y... y...
Bùng... Tiếng trống nổi lên dữ dội đột ngột, râm ran kề bên. Như trống đã vào đến
ven biển. Bỗng chốc lại bảng lảng tận đâu rồi bỗng chốc tự dưng lại ập tới.
Nhưng không, rõ ràng lần này không phải khoảng cách, không ngỡ chiêm bao nữa,
tiếng trống nổi rền đến nỗi ai cũng đều nghe ra tiếng trống thật rồi. Tiếng trống
trầm bổng như người đánh đu tiên trong hội trống, đu tiên và tiếng trống đương
gióng lên giữa biển hay trên trời. Người ngồi trong ánh lửa bờ biển hóng tai
lên nghe, tưởng có trăm nghìn cỗ xe trâu đổ từ trời cao xuống. Chưa trông thấy
gì, nhưng mỗi lúc tiếng trống uy nghiêm gióng lên, âm vang đi, lại tưởng trăm
nghìn vạn cỗ xe trâu sầm sập đổ xuống, không lúc nào ngớt. Cả nhà An Tiêm mừng
đến nỗi nghe tiếng trống cứ ngẩn ngơ đứng nhìn ra, không biết ngồi xuống nữa.
Cho đến sáng. Trời tang tảng, đã vang rõ hẳn những tiếng trống sôi lên khắp mặt
biển. Tuy nhiên, bóng nước vẫn mù mịt, không trông thấy gì hết. Rồi mặt trời đỏ
đục hoe lên đằng chân nước xa kia rồi. Sương lần lần mỏng rồi tan, như mọi buổi
sáng. Những người thức suốt đêm căng mắt nhìn ra vẫn tỉnh như không và lòng
mong mỏi cứ tưởng mỗi tiếng trống nện xuống lại rung tan nhanh làn sương. An
Tiêm và Mon với Ma Li lấy tù và ra thổi. Khói bốc dày đặc trong tiếng ốc tù và
u uất. Bóng những chiếc thuyền như lưng con cá ông voi đen sẫm đã phơi lừng lững
trên mặt nước, lúc đầu còn nhấp nhô như hòn đảo mờ, sau càng nổi hình đoàn thuyền,
cả tiếng trống lủa tủa rộn rịch, lẫn tiếng reo hò - bây giờ nghe được cả tiếng
người reo hò. Mặt trời đã cao quá sải tay, làn sương chỉ còn bảng lảng qua. Mười
cái thuyền đã tới gần bờ, nghe tiếng trống, tiếng người lẫn lộn xôn xao, nhưng
cũng chưa rõ tiếng. Rồi, từ trên thuyền, những cái chão như những con trăn
quăng mình được ném xuống. Hàng loạt người nhảy theo, có người sải tay bơi, có
người hấp tấp nắm chão lội nước gò lưng cúi một dãy, kéo thuyền.
Những chiếc thuyền vào đã bềnh hẳn lên. Lại từng đám người líu tíu tranh nhau
nhảy xuống, lội ào vào. Trông rõ thấy ở tay mỗi người vác một ngọn mác, nhiều
người khoác vai chiếc nỏ chiến và ống tên, đương xô lên bờ. Có hai cụ già từ
trong hàng quân lội ra, lên bãi trước. Đấy là hai cụ già Bãi Lở. Từ hôm đoàn
thuyền ra qua cửa sông, đêm nào thuyền nào cũng gióng trống suốt đêm trong khói
trầm. Tiếng trống cho quân quan đỡ nhớ nhà, tiếng trống đánh tiếng của sự sống.
Cả những đêm động biển, thuyền như lao vào vực thẳm, người cứ giết gà xem điềm
chân từng lúc, trống vẫn nổi giữa tiếng nước réo. Càng ra xa, tiếng trống càng
dồn dập. Một hôm, mọi người nghển đầu trông ra, rồi tất cả các thuyền đều hò
ran trên sóng: Thấy đảo rồi! Thấy đảo rồi! Hòn đảo nhô lên đằng mép nước, bé
như cái chũm cau, đi đến trưa thì thấy hòn đảo to bằng cái chóp nón.
Các cụ già Bãi Lở vốn quen sông nước, các cụ bảo: chèo thuyền vòng quanh, ở đâu
có người trong đảo cũng phải nghe tiếng trống mà ra. Thế rồi nửa đêm qua, hốt
nhiên thấy có ánh lửa đằng xa trước mũi thuyền. Lúc đầu, ngỡ trăng lên, rồi lại
ngỡ sao chổi, nhưng sau biết đấy là lửa, lửa to, lửa rừng rực như lửa cây đình
liệu, thế là trống trong các thuyền và cả tiếng ốc tù và cứ rúc lên thâu canh.
Nghe kỹ, trong bờ cũng vẳng ra tiếng tù và... tu... tu... Như người đi rừng tìm
nhau. Hai cụ già Bãi Lở xem cả hai chân con gà trống vừa được mổ rồi bước ra,
quì xuống sạp đầu mũi thuyền, vái lên trời, khấn:
- Có phải lửa kia khói kia, tiếng tù và kia báo chủ tướng ta còn sống. Trời xui
khiến ta được gặp chủ tướng. Trời xui khiến cho ta lần này được gặp chủ tướng.
Rồi đổ cả một thúng trầm đương cháy thơm xuống nước. Đến lúc những chão đã neo
được thuyền vào, hai cụ cũng nhảy xuống, lên theo. Hàng trăm quân quan đã lên hết
bờ. Tiếng tù và rúc ánh ả. Một bọn lom khom kéo thuyền, còn một bọn chạy lên
phía đống lửa sáng sớm vẫn còn khói nghi ngút. Không trông thấy gì. Chỉ có một
đám lửa trơ trọi lởm nhởm trên đống đá mốc xám. Nhưng, rồi đống đá mốc ấy rùng
rùng đứng dậy. Hốt nhiên, cả bọn quan quân đương tiến, đứng phắt lại, hạ cánh nỏ
trên vai xuống. Loạt tên lắp răm rắp xuống máng. ạng cụ Bãi Lở hơn trăm tuổi,
xua tay, nói:
- Khoan! Khoan! Người đấy!
- Không phải, người rừng! Người rừng! Con gấu nữa!
- Con gấu to quá.
- Con gấu với người.
- Người rừng! Người rừng!
- Không được bắn!
- Ma! Ma!
- Khoan! Khoan! Không được bắn!
- Người rồi! Tiếng tù và người thổi! Người thổi tù và! Cả bọn quân quan lặng lẽ
nhưng nghiêm, tay giương nỏ, bước lên. Bây giờ, đã trông rõ có ba người đàn ông
mình xăm chàm vằn vèo và hai người đàn bà váy áo lá lướp tướp. Những mớ tóc dài
xuống đến bắp chân và mặt những người đàn ông thì râu rậm rịt quấn lẫn cả tóc,
chẳng khác mặt con gấu đương bò thủng thỉnh đằng sau. Hai ông già Bãi Lở chạy
ra đầu hàng quân, hướng về phía trước quì sụp, rạp mặt xuống bãi cát. Cùng kêu
to:
- Chủ tướng ôi! Chủ tướng ôi! Phải chủ tướng đấy không? An Tiêm tất tả bước đến,
nâng hai ông già lên rồi quay lại, nước mắt đầm đìa, bảo Nàng Hoa:
- Mình ơi, các cụ Bãi Lở nhà ta đây...
- Chủ tướng ôi! Năm xưa, hai chúng tôi đưa chủ tướng ra cửa sông... Thế mà An
Tiêm bấy lâu những tưởng đất Bãi Lở đã chìm trong cơn lũ rồi. Bây giờ, chỉ thoạt
trông thấy hai ông lão, đã có thể biết ngay Bãi Lở vẫn hiên ngang trong cõi đời
này. Cả nhà không ai cầm được nước mắt. An Tiêm nói:
- Các con ơi! Đây là cụ già Bãi Lở đã cho ta giày cỏ và nón, chiếc sừng trâu
kéo lửa và con dao rựa. Những của báu đó bấy lâu giúp cho nhà mình chống chọi
được muôn vàn khó khăn. Đến nay, cái sừng trâu đã mòn một nửa, vẫn còn, con dao
vẫn còn cái sống dao và tấm lòng ta thì vẫn đinh ninh như ngày ra đi. Cái chết
không thể đến được. Ta không muốn chết thì không thể chết được, có nhẽ thế...
Viên quan coi đạo thuyền vòng tay bái An Tiêm, cung kính nói:
- Chúng tôi được nhà vua cho ra đón chủ tướng về.
Tiếng trống rền rền vang vang... Bùng... bi... bùng... Nơi hoang vắng xưa rày
chưa bao giờ được nghe biết quang cảnh tưng bừng kỳ lạ, nhiều tiếng cười nói,
tiếng chân chạy, tiếng trống, tiếng vần cối gỗ, cối đá, tiếng nồi, chõ xủng xoảng
nhộn nhạo đến như thế, lạ thế. Từ trên thuyền khiêng xuống những chiếc chiêng đại,
trống đại da đồng đỏ hau, vàng chóe, những chum rượu tăm còn nút kỹ lá chuối
khô, từng khiêng thóc nếp, thóc tẻ vàng mượt và những dó cói đựng đầy đỗ xanh.
Trong khi đó, hai ông lão theo An Tiêm vào nhà. Từ lúc lên bãi, mỗi bước đều
khiến tất cả mọi người ở đất quê ra xiết bao kinh ngạc. Tưởng nơi hoang dã, thế
mà không! Người ở đến đâu, ra cơ ngơi rõ người ở đến đấy. Những bãi dưa tàn lá
úa. Những mỏm đá phơi cá, phơi nước biển lấy mặn ăn. Quanh nhà, những tấm lước
dây móc đánh cá, ngả nghiêng những chiếc cần lưỡi câu vàng chóe. Nhà thật
thoáng, nhà ở ngoài nội Phong Châu, chỉ khang trang đến thế. Phên cửa trúc đan
trông ra, có mấy con rùa đương nằm sưởi nắng. ống vầu, bìu da hươu và bong bóng
đựng nước, đựng rượu, xếp cao ngang góc cột. Những xâu thịt lòng thòng tỏa xuống
khắp vách. Góc trong, một khung sợi móc dệt đương mắc. Nồi, trã, bát cả chồng,
hàng trăm người ăn cũng có đủ. Hai ông già kêu lên:
- Quả như xưa nay chủ tướng đã nói rằng đâu có người thì đấy có tất cả. An Tiêm
cười sảng khoái, hỏi hai ông già:
- Có khi nào các già nghĩ rồi một khi ta cho người Bãi Lở ra mở đất nơi này
không?
Mon và Ma Li dẫn lính vào rừng. Một chốc, đã khiêng về bốn con nai to. Cối giã
gạo và bếp cơm, chõ đồ xôi bắc la liệt ngay đầu suối Sáng. Tiệc hạ bốn con nai ở
đây linh đình hơn cả tiệc vua mổ mười trâu đãi các cõi. Cho đến tối, trong nhà,
trên bãi, người ăn uống vẫn ngả nghiêng. Cả quan lẫn lính mừng khôn xiết kể. Mừng
lệnh vua ra đã được trọn vẹn, bây giờ chỉ còn tính đường về. Trống đồng nổi, tiếng
rền không lúc nào dứt. Đến tận khuya, những đám vật vẫn liên miên quần thảo
trên sới ngay giữa bãi cát. Trống thúc âm vang, An Tiêm lên sới vật. An Tiêm vật
với ông đô già trạc tuổi bảy mươi. Cụ già nhất trên trăm tuổi thì khoan thai cầm
trịch. Những người đương thui nai ở đầu suối cũng nghển cổ lại xem hai cái đầu
bạc phơ phơ, đương xắn tay áo vào sới. Hai cụ đứng khuỳnh ngang chân. Rồi, cái
dùi trống ở tay cụ cầm trịch thúc xuống mặt trống, đầu tiên còn thong thả. Hai
tay đô từ từ hoa hai cánh tay rám nắng, đẹp như hai cánh phượng. Hai cụ uy nghi
bước ra bái tổ, lên đài "quấn chỉ", ngón tay quấn chéo như hoa lan
chín, rồi bá vai nhau xong, quay ra. Tiếng trống thúc vào trận đã say say. Thế
là, gân chân và khoeo tay nổi cuộn như rắn quấn. Nhẹ như không, An Tiêm đảo
nghiêng mình một cái, vai đương tỳ bỗng rút về một phía, ông cụ bảy mươi ở Bãi
Lở kia đã ngửa mặt trên mặt cát. Tiếng reo nổi như sấm. Cụ già trên trăm tuổi nọ
buông dùi trống, quì xuống nói:
- Chủ tướng ôi, không ngờ trải bao năm sương gió, chủ tướng vẫn khỏe như ông hổ,
ông trăn, thật đại hồng phúc cho dân chúng tôi.
Những cuộc đấu vật rậm rịch đến tận tối xoay chung quanh hàng chục, hàng chục đống
lửa được đốt lên, soi trên các mâm lót lá dong lá chuối bừa bộn từng tảng thịt,
bên những ụ xôi, ụ cơm trắng, những bát đàn đất nung và những ống mắt tre, những
ống mắt vầu làm chén đựng rượu đã được bày dàn ra. Không lúc nào dứt tiếng trống
thúc hội vật. Đám vật của bọn trai trẻ càng sôi lên nữa. Sức Mon đương độ. Suốt
chiều đến khuya, Mon và Ma Li lẳng ngã có đến hàng chục quân quan. Không người
nào chịu được một cái khóa tay của Mon, thế là cả người bị hất ngửa tênh hênh bụng.
Ai nấy trầm trồ sức khỏe hai cánh tay như trăn núc của tiểu chủ tướng. Ai đâu
biết được cánh tay Mon ghê gớm đến thế bởi những cuộc vật đã bao năm với anh em
gấu. Có một lúc, đương cuộc vật nô nức, Mon chợt nhớ đến Gấu em. Từ lúc nào,
không trông thấy Gấu em. "Thằng này đi đâu rồi"
Mon nghĩ. Nhưng rồi, chưa kịp tìm gấu, tiếng trống đã lại giục giã và mùi hương
trầm, hơi trầu cau nồng nàn bốc trên đầu, trên mặt mọi người, với tiếng hò reo
đinh tai thúc người lên sới, Mon lại mải mê cuốn vào đám chơi. Tiếng hí, tiếng
hò la, tiếng gieo mình xuống cát, tiếng trống, tiếng cồng đến canh khuya, cả
đêm, trong ánh lửa rừng rực hòa ánh trăng lạnh trắng. Đôi khi, chợt im, đâu đấy
lại vẳng tiếng khèn réo rắt luồn trong làn sương pha mỏng xuống giữa đêm. Cuộc
chơi vui quá. Bao nhiêu mong mỏi, bây giờ được thấy, lại thấy người, lại được
trở về đất quê. Những đêm ấy không biết có đêm. Nàng Hoa cầm miếng cơm xôi nếp
đỗ xanh, đưa lên miệng, nước mắt trào xuống. Gái hỏi:
- Xôi ngon thế, sao mẹ khóc? Nàng Hoa cười mếu máo:
- Nửa đời người, bây giờ mới lại được trông thấy hạt cơm. Rồi hai mẹ con cùng
ăn ngon lành. Tảng sáng, hai ông cụ Bãi Lở vào nói:
- Thưa chủ tướng, hôm nay rước người trở về, rước người cùng cả nhà về đất quê.
Chúng tôi đã đem đủ mọi thức, chủ tướng cho thay xống áo rồi ta lên thuyền. An
Tiêm đưa mắt nhìn khắp đảo, rồi nói:
- Con trai ta sẽ cạo hết râu sữa đi cho rõ trang thanh niên, để người trong cõi
khỏi chỉ trỏ xem lạ mà thôi. Lính đưa dao cạo đến. An Tiêm lại nói:
- Còn thì hãy khoan cả mọi thứ. Chúng tôi không chàm mình, cứ để mình trần thế.
Chúng tôi không ai thay xống áo mới, ngày ra đi thế nào, ngày về vẫn thế. œớc vọng
khi đi thế nào thì ngày về vẫn đinh ninh thế. Cả đến cái sừng trâu đánh lửa của
hai già cho vẫn còn giữ, chúng tôi cũng biết giắt lưng đem về, tất cả. Bây giờ
không phải mảnh sừng ấy đánh ra lửa mà mảnh sừng trâu thành một tình một nghĩa
với chúng tôi không bao giờ phai nhạt. Nàng Hoa đỡ hai bọc mo cọ trên mái xuống.
Xống áo, váy và thắt lưng, hai ba cái đúc vá làm một, đã bao năm cất đi, thế mà
còn ra hình thù, mặc dầu các cửa tay và gấu đã xổ bợt như xơ mướp, mặc dầu đã mấy
lần, Nàng Hoa và Gái đem vá víu, cố công phơi phóng, rồi lại cất đi, năm này
qua năm khác. Xống áo cũng bạc nhạt như râu tóc, nhưng, bây lâu mọi người chỉ
soi gương bằng mặt giếng, mặt suối, thì cái ăn mặc ấy cũng làm thường. Nhưng,
thật lạ, hàng hàng quan quân, áo quần, thắt lưng, khăn mới rộn ràng, thế mà cả
trăm người đều kính cẩn quay lại nhìn vợ chồng bố con An Tiêm rách rưới đương tề
chỉnh trong hương trầm nghi ngút, một vẻ oai nghiêm, lẫm liệt, đáng kính, đáng
phục. Những cái xống áo rách nát kia không ai để ý đến nữa. Viên quan coi đạo
thuyền bước tới, vòng tay, bái:
- Thưa chủ tướng, thuyền đã sắp xong, xin đợi lệnh người. An Tiêm quay lại Ma
Li:
- Bây giờ con cùng về với cả nhà? Ma Li cười:
- Thưa vâng. Lúc ấy, Mon hoảng hốt kêu:
- Thằng Gấu em đâu?
Cả nhà mới nhớ ra. Hình như từ bao giờ không thấy gấu. Thế là Mon với Ma Li và
An Tiêm, cả Nàng Hoa và Gái rồi tất cả quan quân chia nhau đổ đi các ngả rừng.
Tìm đến nửa buổi, tiếng ve núi kêu trưa đã ran ran. Các toán trở về đều nói
không thấy. An Tiêm bảo với hai ông già và quan coi thuyền:
- Các người ôi! Anh em nhà gấu này đã ở với con trai tôi từ lúc gấu nó còn nhỏ,
đã cùng trải hoạn nạn, cái sống cái chết đã nếm mùi cùng người, gấu nó cũng bằng
hàng con cái tôi rồi, nay trở về, không nỡ bỏ gấu lại, thế nào cũng phải tìm
cho được. Có khi vì nó chưa bao giờ quen người đông đến thế này, nó lại vốn
không thích ăn thịt nên nó đi tìm quả trám, tìm khoái ong cũng nên. Các bác
giúp tôi, cố tìm được nó cho tôi. Suốt ngày hôm ấy, cũng không thấy.
Rốn lại hôm nữa. Lại tìm khắp nơi. Cũng không thấy. Từ lúc có những chiếc thuyền
lớn cập bờ, cả nhà đổ xô xuống. Gấu em thấy không còn mắt ai hay nhìn mắt mình
như thường khi. Rồi, cả hàng rừng người đổ lên bờ cùng với những tang trống lớn,
chạy đi, chạy lại, rối loạn mắt. Ma Li, Mon và Gái tíu tít trong đám mới đến.
Những người mới đến cũng quấn lấy hai đứa, hết bọn này sang bọn khác, lúc đánh
vật, lúc ăn uống. Gấu em tha thủi về nhà, bò xuống nằm ở cái gian thấp dưới
lòng đất. Gấu em đặt mõm lên trên hai bàn chân trước duỗi thẳng, mắt hé mở, buồn
bã và dửng dưng nhìn ra, có lúc hóng xem Mon hay Gái vào không. Nhưng chẳng thấy.
Tiếng trống cứ rờn rợn, Gấu em sợ tiếng trống ấy. Tiếng rền rung cả hai mang
tai. Mỗi lần tiếng trống bắt đầu nổi, Gấu em lại giật mình. Khi tiếng trống
thúc, Gấu em bồn chồn. Gấu đứng lên, gấu lại nằm xuống. Gấu quay mõm trông vào
tường đất. Phía nào cũng chỉ nghe tiếng ình ình. Trong bóng tối nhấp nhem, ánh
lửa ngoài bãi, Gấu em lủi thủi bò vào rừng. Gấu em đến chỗ cái hang đá mà cả
nhà hôm nọ chạy bão cạn, Gấu em chui vào hang, chui vào tận cùng hang. Gấu em lẩn
thẩn bò lên ngách thượng, chỗ hai bên đá hẹp lại, chỉ đặt vừa cái mõm. Gấu em nằm
im. Trong khi ấy, ba ngày đêm liền, mọi người đi tìm gấu khắp rừng mà không thấy.
Thế rồi buổi sáng đoàn thuyền ra khơi. Những cánh buồm cói giong lên. Mon và
Gái còn đứng mui bồng cố trông lại. Khi ta ở lâu, cả khi không biết chú ý nơi ấy
nhưng đến lúc rời nó thì bỗng nhỡ, lại thương. Mon và Gái, chẳng những đương
quyến luyến nơi mình đã lớn thành người, mà bấy giờ cả hai anh em đương cố
nghĩ, cố hiểu vẫn không hiểu được - bây giờ Gấu em ở đâu. Gấu em đi đâu? Cái
Gái òa khóc. Thuyền đã ra xa, càng xa, trông lại chỉ thấy bờ nước phẳng lặng,
nước gần lẫn với rừng và thuyền càng ra xa thì những cánh rừng, những đỉnh núi
xanh sẫm cứ nhạt dần, thụt thấp dần xuống ngang mặt nước.
Lúc ấy, ở bãi cát trong bờ, xuất hiện một chấm đen. Rồi trông rõ đấy là Gấu em.
Gấu em kia, Gấu em đương đi ra. Gấu đứng trên bãi. Gấu em kia, Gấu em nhìn ra.
Gấu em đứng thẳng, như những lúc trông ngóng. Như gọi, như vẫy. Mon và Gái và
Ma Li khoa tay rối rít. Trên thuyền nào cũng có từng đám người đương ra ngoài
mui, rồi thả từng ôm trầm nghi ngút khói thơm xuống nước. Hai ông già người Bãi
Lở vừa xem bói chân gà xong, đương cùng bố mẹ Mon quì rạp xuống đầu khoang. Buồm
đã ăn gió, bói đã được quẻ, không thể quay lại được, thuyền đi thẳng căng, lướt
nhanh ra khơi, trong tiếng trống rền rã. Gấu em vẫn đứng ngóng ra. Đoàn thuyền
đã xa hẳn. Gấu em luống cuống lội xuống nước. Gấu em ngẩng đầu lên. Những chiếc
thuyền vẫn đi. Gấu em gầm đầu xuống mặt nước. Như thể Gấu em đương há mõm, sắp
uống, muốn uống cạn nước biển Đông - ước sao uống được cạn nước bể Đông, bắt
đoàn thuyền đương đem đi những người thân yêu của mình kia phải đứng lại đấy,
cho mình ra theo.
4
Trên các bãi phù sa lầy đỏ cửa sông Cái, vào những ngày ấm trời,
có từng đàn hàng nghìn hàng vạn con mòng, con sếu về tránh rét, lặn lội kiếm ăn
suốt mùa đông ở đấy, bây giờ cất cánh lên phương bắc, bay rợp bóng như cơn mưa
che cả một quãng sông. Bấy giờ lại đương còn những ngày thanh thả đầu năm. Rải
rác, trên nguồn đã bắt đầu có mưa mới, sông Cái dâng đỏ, làn nước cuồn cuộn truồi
lên truồi xuống. Cảnh ấy lại là thường, mà chưa bao giờ những làng, những bến rải
rác ven sông được thấy đoàn thuyền như thế từ cửa sông vào. Thật thì người ta
đã trông ngóng, chờ đợi từ khi đoàn thuyền vâng lệnh vua Hùng vượt biển ra tìm
xem ngoài ấy nhà An Tiêm có còn sống hay không. Kịp đến khi đoàn thuyền trở lại
qua cửa sông Cái, bồng bềnh vào dòng nước đỏ, những cánh buồm cói được gió đông
ào ạt rẽ nước đưa lên thì người bên sông cứ đổ ra xem mỗi ngày một nhiều. Những
tin vui tin lạ rỉ tai bay đi nhanh hơn cả những con thuyền ngược gió. Bấy giờ
đương còn mùa hội hè ở khắp các bộ, các cõi.
Từ cửa sông lên, dập dìu từng đoàn người thong thả việc gặt hái, đương đi chơi
xuân trảy hội, đi ăn cỗ uống rượu vùng này sang vùng khác. Bên sông vẳng ra,
không biết đấy tiếng sáo trúc hay tiếng gió thổi, không biết người đi chơi hay
người tò mò ra xem đoàn thuyền. Đám người tất tả, nô nức, xem ngóng. Như bao
lâu đã chờ sẵn đâu ở các làng xóm quanh đấy, bây giờ túm tụm ra nhìn những chiếc
thuyền lớn đang ngược gió đông lên. Và những câu chuyện truyền lại... Biết bao
nhiêu tin tức lạ lùng dồn dập tỏa ra như những làn sóng xô vào hai bên bờ. Người
ta đồn rằng nhà vua đã cho quan quân ra biển và đã thấy ông An Tiêm ở nơi hoang
vu rồi rước ông An Tiêm về. Lạ thay, cả nhà ông An Tiêm ngày xưa phải ra đi bao
nhiêu người, bây giờ vẫn bấy nhiêu người trở về. Không ai già đi, chẳng ai biết
tuổi. Người ở nơi mặt đất phương trời thần tiên ấy không biết trên đời có cái
già, cái tuổi, cái chết. Con trai ông An Tiêm ngày đi chưa được mười tuổi, giờ
hiên ngang cao lớn đứng đụng đầu cành đa. Chàng trai ấy đã nuôi bảo được mọi
loài thú trong rừng, dạy cho thú rừng cũng biết thuần người như con trâu, con
gà, con lợn. Voi vác củi. Hổ đi kiếm thịt. Khỉ gánh nước cả ngày. Đêm đến, mọi
loài rủ nhau kéo về ngủ bầy quanh nhà người ở.
Còn cô con gái ông An Tiêm thì đẹp đến đỗi hai hàm răng đen bóng soi gương được,
con gái các cõi không cô nào có thể ví tày. Hai mẹ con ở nơi thanh vắng ấy mà bổ
cau bằng con dao vàng, có lông nhím để têm trầu, miếng trầu cánh phượng, cả đời
người không trông thấy mà tay khéo như trần gian có một. Tưởng người đi chỗ
hoang vu thì người sẽ khô héo đến chết. Nhưng không phải thế, quân quan đã thấy
được ở đảo một cơ ngơi huy hoàng, những lâu đài tráng lệ như ở cõi tiên. Người
đi người vẫn tốt tươi, những con chim đã tha hạt dưa đỏ đến cho người trồng,
người được ăn hoa quả mà sống. Rồi mọi loài trong rừng ra thần phục người, cứ vậy
cho đến ngày nay. Lại còn biết thả dưa đưa tin vào cửa sông, bảo các cõi trong
bờ biết đấy dưa của ông An Tiêm gửi, ông vẫn mạnh khỏe, ông gửi dưa cho ta bấy
lâu. Trong này ta được giống dưa ngon mà ăn, lại đem trồng nên bãi. Đấy là những
lời đồn cùng những ước mơ của người ta, không ai biết có thật đến đâu và không
biết còn muốn những mong mỏi ấy tốt đẹp đến ngần nào nữa. Chỉ thấy đoàn thuyền
rước cả nhà An Tiêm trở về, càng vào sâu trong dòng sông thì những đám người rủ
nhau ra các bến xem càng đông. Cả từng bọn đương trần lưng mò con trai, con hến
trong những vũng sông đọng đầu bãi cũng ngẩng lên, ngơ ngẩn nhìn ra. Ngày ngày,
những chiếc thuyền cửa theo dòng, những thuyền chài, những đò ngang, những
thúng câu ve vé xuôi ngược, gặp đoàn thuyền An Tiêm thuyền nào cũng bám theo,
đuổi theo, kéo thành bọn dài, đi một lúc mới chịu rời ra. Lắm khi An Tiêm ra đứng
khoang cái, có lúc gặp quãng mắc cát hay lúc cạn gió, cả Nàng Hoa và An Tiêm với
Mon, Gái và Ma Li cùng xúm xít vào chân chèo chân lái, chân đốc chân mũi, chạy
lên chạy xuống rầm rập, lẫn lộn trong đám quan quân chèo thuyền, trong những tiếng
hò, tiếng xô cất cao. Đi kênh thì cạn Đi với gió đông Dô ta Dô tà... An Tiêm
nhìn ra khoang cái, thấy những chiếc thuyền tíu tít đến, tiếng hí tiếng reo tiếng
hò tiếng xô váng mặt nước. Trong lòng man mác cảm động tự thấy trên đời không
thể cái tình nào ví được bằng tấm lòng đối với quê hương. An Tiêm bảo Mon:
- ở bãi bây giờ người rậm hơn cỏ, khác hẳn ngày ta ra đi, làng chạ nhiều hơn
trước, đông vui hơn ra tận cửa sông. Mon nói:
- Con nhớ ngày ấy đã có những đàn mòng, đàn sếu bay rợp cửa sông như bây giờ.
- Phải, khi ta ra đi cũng vào đầu năm, trời ấm, những con mòng con sếu bay
đi... Gái nói:
- Quanh cửa sông trên cát cũng có nhiều bãi dưa kia kìa. An Tiêm nói:
- Có lẽ giống dưa của ta thả về. Nàng Hoa thở dài. Nơi nào đã từng ở qua rồi
nhìn lại cũng thường nhớ thương. Nàng Hoa bâng khuâng nhớ ngoài kia, mùa này,
các bãi dưa đương bỡi, dây mọc lan khắp, lá xanh om. Nàng Hoa nói mơ màng:
- Phải, có khi là dưa của ta. Ngày kia, mặt trời gác núi, mới chập choạng tối,
nhìn ra trước mặt, lại thấy chân trời hửng sáng. Tuần trăng đã bắt đầu hôm thuyền
vào cửa sông. Không thể trăng non đã lên sớm như vậy. Mon hỏi:
- Cái gì sang sáng đằng kia? Quan coi thuyền bấm đốt ngón tay nhẩm tính rồi
nói:
- Cứ được hây hẩy gió cả đêm thế này, có thể hai đêm nữa thì ta đến được Phong
Châu. Mon không còn nhớ cái bến kinh đô ấy thế nào. Mon lại hỏi:
- Bến sông mà sáng đến thế kia à?
- Đấy là sáng lửa cây đình liệu. Mon reo lên:
- Lửa đình liệu đốt suốt đêm như hội ngày xưa ấy a? An Tiêm nói:
- Phải đấy! Rồi An Tiêm hỏi quan coi thuyền:
- Bây giờ đương còn hội phải không? Quan coi thuyền thưa:
- Vâng, đương còn hội... Cụ già Bãi Lở nói:
- Năm nay hội kinh đô khác mọi năm, chưa giã đám đâu.
Thuyền qua lại dưới sông mấy hôm nay bảo được tin chủ tướng về, nhà vua còn cho
hội ăn mừng dài ngày ra. Chắc có thế, đèn đuốc mới sáng đến như kia được. Suốt
đêm, chân trời viền một đường trắng nhờ. Thuyền càng đi lên thì đêm đêm chân trời
cứ dần dần đỏ hựng như hoàng hôn lùi vào trong khuya. Trong thành ngoài nội lô
xô những cây đình liệu và những đống củi chất cao như gò nối nhau rừng rực từ
chặp tối đến sáng. Tiếng reo, tiếng hí, tiếng trống và tiếng chiêng không lúc
nào ngớt. Hội đầu năm ấy, vẫn hội vật, hội cơm thi, hội cỗ nén, vẫn như bao năm
trước, nhưng mấy năm nay có thêm ngoài sông thi bơi chải. Nhà vua năm nào cũng
cho các đội thuyền tranh giải. Có khi cả đêm, đuốc giong trên sông Cái từng dãy
thuyền đua, ngấn nước đỏ ngầu ngoằn ngoèo, vun vút, sùng sục, ầm ầm như rồng lửa
uốn khúc. Trên mặt sông Cái nước chảy xiết, những chiếc bè vầu đại đã được ghép
néo lại, nối cao bằng đầu người, dài rộng cả một khoảng. Trên mặt bè, nguy nga,
san sát những tòa nhà bóng kề mặt nước cho nhà vua ra xem thi bơi, có gác cao
cho các quan lên ngồi chấm giải, có sân chầu, sân tiệc, bốn phía đình liệu đốt
sáng suốt đêm ra đến giữa sông. Đoàn thuyền đưa cả nhà An Tiêm về cập bến lúc
giữa trưa. Thuyền đậu, thuyền bơi, các nhà đò, đến hàng trăm, hàng nghìn chiếc,
tưng bừng, sôi nổi, từ xa đã xúm xít vây lấy, đông quá, vui quá, làm cho người
lạ tưởng như bến kinh đô bây giờ to lớn quá, thuyền bè ngổn ngang dài tới nửa
buổi đường nước, quân quan phải khó nhọc lắm mà chỉ dẹp được một đường cho đoàn
thuyền An Tiêm vào kề được bè ngự. Những chiếc trống đồng phơi mặt bóng lỳ từng
dãy trên những giàn tre bắc sát mặt nước, dài như cầu vồng, như phù kiều ngang
sông. Lớp lớp người cởi trần vai vắt vuông lụa điều đứng trên gióng thúc dùi xuống
mặt trống. Tiếng đồng ầm ỳ ngang dọc vang âm như đẩy mặt sóng đỏ rực cồn lên.
Lúc ấy, ba đội thuyền của ba cõi tranh giải đương ganh đua nhau trong đợt cuối.
Những đội thuyền thi rời bến xuôi xuống rồi chốc nữa ngược lên vào tranh giải
qua dưới vọng lâu. Nhà vua chống gậy trúc, đương mải sắm nắm ra đón cả nhà An
Tiêm.
Con sông Cái mênh mang chảy qua đất nước này, chưa bao giờ được thấy một quang
cảnh vừa lạ lùng, vừa cảm động đến như thế. ấy là cái lúc ở dưới thuyền lên, An
Tiêm đĩnh đạc đi trước, Nàng Hoa và Mon cùng Gái và Ma Li bước sau bố mẹ. Nét mặt
già héo của nhà vua bỗng hớn hở trông thấy. Còn cả nhà An Tiêm bước ra, tưng bừng
như mặt trời vừa phá toang những đám mây cài, lại rực rỡ như bất cứ lúc nào giữa
ban ngày. Vua Hùng nắm tay An Tiêm đưa lên thềm bè. Rồi lại ra dắt tay từng người
vào ngồi chiếu miến trải trong rạp. Bốn phía chen chúc những cánh thuyền hân
hoan lướt đến xem mặt cả nhà An Tiêm, cùng lúc tiếng chiêng rền dậy mặt nước.
Mon trông lại. Bố mẹ đã già, tóc phơ phơ như nạm cước ở con cước mới nhả, nhưng
thần thái vẫn quắc thước như ngày ở nơi hoang vu. Mon đương trạc tuổi tay bơi lực
lưỡng kia, nhưng Mon đứng cao lớn hơn hẳn một đầu. Có lẽ cái Gái cũng đương
chung một ý vui ấy với anh. Gái nhìn mẹ, Gái mỉm cười. Đôi má người con gái
đương độ đỏ hồng và trên miệng cười chợt hé hàm răng đen rưng rức như hạt na.
Người nào cũng sống áo rách bợt hết cửa tay; gấu và dải áo phải buộc túm bằng
dây rừng, vai áo bạc mờ như đổ muối. Nhưng da dẻ ai cũng hồng hào đỏ lịm bồ
quân, khỏe mạnh đến tưởng như chưa ai được thấy trên đất nước này có những cụ
già, người trai và cô con gái ở đâu sức lực đến như thế. Lúc ấy, xống áo mới
vua ban được đưa đến. Bây giờ cả nhà mới thay. An Tiêm và Nàng Hoa cùng các con
tuyệt đẹp trong bộ áo điều mới, khăn mới. Váy mới, áo nhiễu mới nổi cát vân
lên. Gái bước ra. Lập tức, lại tiếng đồn dậy khắp đất Phong Châu rằng nhà vua mới
rước được người tiên ở ngoài bể về. Nhà vua nắm tay An Tiêm, nói:
- Mừng lắm, mừng lắm. Làm thế nào ông được khỏe mạnh đến thế này! An Tiêm vuốt
râu, cười:
- Nơi hoang vắng ấy với các cõi ta cũng là một đất một nước. Người ta đầu đội
trời chân đạp đất, có người có sức thì có của. Tâm sự bao nhiêu năm nay của tôi
chỉ có vậy thôi. Nhà vua im lặng rồi nói:
- Chuyện cũ đã rồi, ta bỏ qua. Hôm nay ông về đây... Giữa lúc ấy, ba nhịp trống
đồng từ những giàn trống bắc ngang sông cùng gióng một lúc. Những chiếc trống vừa
rước lò đúc ra, mới đánh thử rồi đưa xuống đặt vào gióng trên sông, tiếng đanh
tiếng rền tiếng ngân như sấm mới tháng ba mừng An Tiêm trở về. Nhà vua tưng bừng
khoát tay đứng lên nói:
- ... Phường trải thi ngược nước sắp lên đến rồi. Vừa đó, những chiếc thuyền rẽ
sông tới trước mặt. Mỗi con thuyền đen trùi trũi tủa hai bên mạn mỗi bên năm chục
tay bơi, giữa một tay lái bắt như đuôi cá, cả trăm người lưng trần bóng nhoáng
như cá trắm quẫy trên mặt nước, chân duỗi chăm chắm, tay khoa đều tăm tắp như
trăm vây cá cùng khỏa một lúc. Giữa khoang cái mỗi thuyền có một ông đầu râu
tóc bạc, áo the lam vắt vai, để lộ cái lưng vuông bè như cánh phản lim, đóng khố
điều, hai tay hoa lên thúc trống dồn nhịp như giã gạo. Trong khi đó, anh trai
ngồi đằng đuôi én ngoáy lái cùng cả trăm mái chèo cắt nước dồn dập theo nhịp trống.
Những đội thuyền nối nhau lao đến vọng lâu. Nhà vua đã nhảy xuống chiếc thuyền
gỗ chò chỉ bóng mỡ. Chiếc thuyền chiến đầu rồng nghển đuôi én cong ngoắt, đầu mạn
trổ lồi hai mắt cá và hàm răng cá sấu ngay chỗ chân thang lên. Cả mình cái thuyền
ngự thênh thang như con ba ba thần nổi trên mặt sóng. Nhà vua đã đưa cả nhà An
Tiêm với hai ông lão Bãi Lở cùng xuống thuyền đi đốc giải. Tiếng trống thúc
trên các thuyền thi bỗng nhiên im bặt giữa lúc chiếc thuyền đốc giải trăm tay
chèo của nhà vua vút ra như một mũi lao phóng. Nhà vua mời An Tiêm ra thúc trống
cho thuyền vào tranh giải. An Tiêm khoan thai đứng giữa khoang cái, tay cầm
dùi, tay giơ chiếc trống khẩu phủ vuông nhiễu lụa. Tất cả các trống trong thuyền
rền theo. Các tay chèo ở thuyền đua cứ vun vút qua. Thuyền qua trước bè ngự,
trước thuyền An Tiêm đánh trống thúc giải rồi những đội thuyền đua rẽ ngang mặt
sông ngay chỗ ấy sang tận bờ bên kia, bơi quanh tròn cái cột cờ cắm trên cọc rồi
đảo ngoặt lại, đội thuyền nào trở lại, về được bè ngự trước nhất, đội ấy tranh
được giải. Đấy là những quãng tranh giải khó nhất, khó hơn cả lúc tranh lèo mê
mải ngược nước. Đã chớm mùa nước, sóng sông đỏ ngầu vật vã truồi đi truồi lại,
chiếc thuyền dài nhào vào sóng, nhồi lên lún xuống như đò đồng, con thuyền năm
mươi đôi bê chèo, khi đột ngột rẽ ngang dòng nước, khác nào giơ mạn cho sóng cản,
thuyền như chui từ trong sóng ra. Chiếc nào ra được, ấy là sống. Nhiều chiếc lật
úp giữa sóng. Sôi nổi nhất, rầm rộ nhất là lúc các đội thuyền tạt ngang sông
như thế. Nhưng không phải mỗi chiếc chỉ chui ra một mình mà cả đội phải vượt được
sóng, toàn vẹn đến trước bè ngự rồi mỗi thuyền cử một cặp chèo đầu bước lên bè
lĩnh giải trên khói sóng sông Cái đỏ hồng trong tiếng hí, tiếng hò loạn mặt
sông... Những phường chải theo nhau lao vào ngọn sóng như đàn én liệng trong
sương mù. Tiếng trống khẩu của An Tiêm vừa gióng lên, tất cả gióng trống đồng
trên mặt nước đều rền lên với tiếng hí như ngựa phi của các tay chèo, rộn rã,
sôi sục, mải miết, hào hứng quá. Những chiếc thuyền cắn mạn nhau vun vút. Những
mái chèo rẽ nước, gạt sóng bạt khói lên cao ngất, mù mịt. Trong nháy mắt, cả đội
thuyền bơi đều như con giải mười khúc đã bỏ xa những đội khác. An Tiêm dán mắt
nhìn cảnh tranh đua hào hứng ấy rồi hỏi:
- Giỏi quá, đội thuyền cõi nào lên nhanh thế vậy? Quan chấm giải thưa:
- Bẩm, thuyền Bãi Lở... An Tiêm kinh ngạc:
- Bãi Lở a? Cụ già Bãi Lở đứng sau lưng, bước ra, chắp tay:
- Thưa vâng. An Tiêm ngửa mặt lên trời, nói:
- Khi ta ra đi, ngày đêm lúc nào cũng lo đất Bãi Lở khó lòng sống qua được con
nước mới, ngỡ mình như ong chúa, ong chúa bay đi thì đàn vỡ. Không ngờ người
Bãi Lở vẫn đội trời đạp đất hiên ngang giữa cõi trần ai.
Ngày ta còn ở đấy, mới trị được nước mà chưa ai thạo nước, bây giờ tài sông nước
người Bãi Lở lại đứng đầu các cõi thế này, còn hơn cả khi trước, hơn cả khi trước.
Thật cao hơn cái nghĩ của ta.
Cụ già Bãi Lở cung kính nói với An Tiêm:
- Chủ tướng ôi, chủ tướng còn nhớ khởi đầu cõi ta ra sinh sống được trên bờ bãi
ven sông, không còn phải ẩn náu chui rúc vào hang hốc mái đá nữa, chỉ vì đêm
ngày người cõi ta phải lo nghĩ nạn trâu nước, phải có gan xem mặt nước cũng như
mặt đất, có thế mới biết tung hoành mà trị trâu nước được. Người già chúng tôi
thường nói lại lời chủ tướng rằng có lăn lộn mới thành người được. Tối hôm ấy,
trên tòa bè ngự mặt nước, nhà vua mở tiệc mừng cuộc trùng phùng của cả nhà An
Tiêm cùng với cỗ thết phường chải giật giải bơi. Từng thuyền chở đầy trai gái
các cõi về hát mừng. Tiếng hát, tiếng sáo, tiếng khèn réo rắt với thuyền chèo
quanh bè tiệc suốt đêm. Thui trâu, nướng rùa, rơm đốt đỏ từng nạm ngay kề đầu
bè.
Cỗ cũng làm trên mặt nước ấy. Hàng mấy trăm mâm cỗ bát đóng giàn được khiêng
ra, suốt cả một dải bè đã kết liền thành sàn giải chiếu dài nhìn đến cạn tầm mắt
chưa thấy hết mâm cỗ. Tiếng ốc tù và bốn phía trên sông thổi cong cả sóng nước.
Lửa đình liệu đêm nào cũng rừng rực, đêm nay những cây đình liệu càng rực rỡ
tàn bay như sao sa. Cách kinh đô mấy ngày đường, người dưới bộ Dương Tuyền về
phía nam nhìn lên đêm nay thấy được lửa tiệc vua. Tiếng trống đồng âm mặt nước
lên tận nguồn bộ Lục Hải, xuống đến các cửa biển ngoài Ninh Hải, trống giong
tin hội lớn, lửa đốt sáng đêm khắp các cõi mừng ngày trở về của những người thật
xứng tên là người. Con sông Cái chảy ngang các cõi, chứng kiến cả đất nước đoàn
viên đương mở hội mừng. An Tiêm cả cười bảo Mon cùng đem chén đến trước chiếu
hai ông lão cao tuổi đầu Bãi Lở. Mỗi lần, cụ này đưa chén mừng cho cụ kia, hai
ông lão đổi chén cùng uống cạn lẫn chén của nhau rồi cứ mỗi hơi lại vén râu cười
ha hả kể lại từng khúc chuyện đời người từ khi cùng nhau bắc bếp gây dựng nên đất
Bãi Lở, đến khi chủ tướng phải ra đảo, lại đuổi theo giấu giếm đưa con dao, cái
lửa. An Tiêm vỗ vai ông lão trên trăm tuổi:
- Cho tôi con dao cái lửa, ông lão cao kiến hơn tôi nhiều.
Đôi lúc chợt nghĩ, An Tiêm vẫn ngờ ngợ tưởng như tiệc rượu vua ban đêm nay trên
bè ngự nối lại tiệc mừng họp mặt với người Bãi Lở
- thế thì khác nào đêm năm xưa xuống hội ở kinh đô. Lại có lúc cái vui cái phúc
trùng nhau đến thế này! Mon nhìn ra mặt sóng. Trên nước đầu mùa đỏ rực, làn
sóng truồi đi truồi lại, bóng núi Tản Viên, núi Tam Đảo xanh sẫm sừng sững hai
ven sông. Lúc này, riêng Mon có một tâm sự. Từ lúc quãng trên sông đội thuyền
Bãi Lở đi đầu, nghe ông lão nói đấy thuyền Bãi Lở, nghe bố reo:
“Bãi Lở a?", lòng Mon bỗng nhiên lại mênh mang nhớ đảo. Đứng đây, nơi Mon
đã đi từ ngày tấm bé giờ trở lại, nỗi nhớ đảo của Mon cứ lẫn lộn với những câu
chuyện cổ tích của bố mẹ kể khi ở nhà ngục trong bức tường đá, khi ở thuyền gặp
bão, khi những ngày khốn khổ trên đảo. Sự tích trầu cau, chuyện ông Gióng. Đời
bố ngày bé lăn lóc trên bờ biển ở Ninh Hải...
Những câu chuyện cũ ấy vẫn in từ lúc trẻ thơ qua khi trải cuộc sống ở đảo, đến
nay vẫn như nguyên. Và từ lâu, đã dần dần thành một ước muốn khác, ước muốn
riêng của Mon. Mon muốn một ngày kia ngoài đảo hoang xa ấy, tay mình sẽ gây dựng
được nên như Bãi Lở, đất ấy sẽ có những người hiên ngang như những trai tráng đội
thuyền phường chài Bãi Lở mà Mon trông thấy lúc nãy. Năm năm, người các cõi ở đảo
sẽ về kinh đô dự hội cơm thi cơm nén, hội vật, hội bơi chải... Nghĩ thế, cảm thấy
vô cùng hào hứng. Kể từ khi còn ở ngoài mênh mông, Mon đã nhiều lần nói ước mơ
này với bố mẹ
- ước mơ cứ mỗi ngày một khắc khoải và đến bữa tiệc trên bè đêm nay thì càng
tha thiết, càng bồi hồi.
* * *
Năm sau, đến mùa gió bấc thổi, Mon được trở lại đảo, như mong ước. An Tiêm hỏi
Ma Li:
- Con muốn tìm về đảo cũ hay thế nào thì tuỳ ở con. Ma Li nói:
- Cho con đi với Mon. Nhà vua mở tiệc lớn tiễn. Nhà vua nói:
- Ngày trước, Mai An Tiêm đã có công đi mở đất Bãi Lở ở đầu nguồn. Bây giờ,
ngươi hãy nối chí cha, đi dựng phên giậu phía nam cho đất nước.
Mon trở lại đảo cùng một đoàn hơn ba mươi chiếc thuyền. Thật là một đám rước từ
sông Cái ra biển Đông mà cả đất nước biết tiếng. Bằng cả một làng ra đảo. Người
Bãi Lở có, lại nhiều người các cõi khác được lời rao gọi, trai gái đều hăm hở
đi. Nhiều người đem cả nhà cùng đi, cả con trẻ, chó con và gà lợn. Thuyền nào
cũng chất chật ba khoang những vò giống, các giống lúa, giống đậu, giống vừng,
giống kê. Có người đánh cả vừng cây cau non, cuộn dây trầu không, hom dâu, trứng
tằm, men rượu và lưới mảng. Có thuyền lại tải trâu, thoi dệt, nồi ươm và khuôn
đúc cày. Chẳng khác nào ngày trước, An Tiêm đem người đi lập làng ở Bãi Lở. Quá
nửa tháng, ra tới cửa sông. Lại đến mùa có từng đàn chim mòng, chim sếu hàng
nghìn con bay về đọng như một mảng mây nước rợp bóng dòng sông. Những đàn chim
phương bắc xuống phương nam tránh rét đậu xuống những bãi cát lầy đỏ, những bãi
rêu đá đỏ hắt. Đoàn thuyền đã ra khơi. Những loài chim quen ăn ven biển đã đảo
cánh trở lại bờ rồi. Chặp tối, các tay chèo trên thuyền đương đổi bọn chèo lái,
thuyền nào cũng nhộn nhịp tiếng hò. Phách nhất chèo mở mái ra Phách nhì chân dặm
Phách ba reo hò Phách tư bớt dặm khoan chèo Dô ta... Dô tà... Mon nhớ đêm ngày
trước thuyền ra biển. Chỉ nghe những tiếng dô ta... dô tà... quen thuộc ấy ở
trong sông. Đến khi ra giữa trời nước, không còn thấy bờ, thuyền nào cũng ngày
đêm âm thầm đi, chặp tối và đêm trăng cũng không dám cất tiếng hò hát. Đi vào
chốn bơ vơ, ai cũng khiếp đảm. Bây giờ mon nghe tiếng hò thâu đêm trên biển.
Không trông thấy bờ, nhưng lúc nào cũng cảm được hơi đất từ trong bờ tỏa sau, ấm
áp sau lưng. Cuối tuần trăng ấy, cả đoàn thuyền đã đỗ một dãy dài kề bãi cát bờ
đảo phía nam. Mon và Ma Li cho gọi mấy trăm con người trên thuyền xuống và nói
rằng:
- ở đảo này, chúng tôi có một bạn chí thiết chẳng khác ruột thịt. Mon kể cho mọi
người nghe câu chuyện anh em gấu từ khi ở rừng, rồi Gấu anh gặp nạn, rồi Gấu em
theo cả nhà ra bờ biển, cho tới ngày trở về, không hiểu tại sao tìm mấy hôm
không thấy Gấu em đâu, đến khi thuyền ra khơi lại thấy Gấu em đứng trông theo.
"Từ bấy tới nay, cả nhà tôi vẫn nhớ thương không nguôi được"
- Mon thở dài. Nghe chuyện, ai nấy đều mủi lòng và nói:
- Chủ tướng ôi, con vật trong rừng mà cũng có nghĩa đến như thế thật đáng quí,
chúng tôi phải đi tìm Gấu em về ở với làng ta. Ngày hôm ấy, Mon cùng một cánh
trai tráng đi tìm Gấu em. Mon lặn lội về cả những nơi ở trước, những nơi xưa đã
cùng Gấu em tới. Trèo mấy ngày mới đến được mé đảo có núi trục, chỗ những cây cọ
rừng đầu tiên thấy. Đã có khi Mon và Gấu em đến đấy lấy cọ về cho mẹ phơi làm vải.
Rồi ra đi theo dọc suối, những chỗ anh em gấu cùng đi đãi vàng với Mon. Nhớ những
quãng nước trôi ra nhiều mảy vàng, cẳng chân đen sì của gấu vừa mò xuống, mảy
vàng đã lấm tấm lấp lánh lên tận khoeo. Không thấy Gấu em đâu. Mon nhớ còn một
nơi chưa lục đến - chỗ cái hang đề phòng chạy bão cạn gần nhà. Mọi lần đến hang
đá. Biết đâu, Gấu em bây giờ chẳng một mình ở hang ấy. Mon và những người đi
theo giong đuốc, soi khắp. Không thấy gì. Đứng im, chỉ nghe tiếng nước ở nhũ đá
rỏ tanh tách, càng lặng ngắt. Trở ra, cả bọn trèo qua dốc núi xuống sườn đá bên
này. Đã sang đầu mùa nắng. Khơi xa ngăn ngắt trong xanh. Nhưng chốn này chẳng
còn là nơi mà bao năm qua Mon chỉ quen mắt không thấy vết người. Bây giờ đã
khác. Những chiếc thuyền đương xôn xao vào đậu bến. Trên cát, những mảng lưới
phơi đầu thuyền. Ngoài bãi, mắt lưới lấp lánh ánh nắng. Những chiếc thúng câu
cá và mảng đánh cá trôi ve vé như lá tre ngoài kia. Những mảnh buồm cói cánh
dơi, như những đàn bươm bướm rập rờn trong nắng. Ngay chân núi, rầm rầm một đàn
trâu bồn. Những con trâu chạy nhô nhốp, đương nhởn nghịch, có lúc chợt đứng lại,
ghé đầu chọi đùa nhau, có lúc khua sừng lách cách như gõ mõ đá. Đẽo gỗ, đục đá,
làm cột nhà sàn, đục cối, đóng cối, trình tường, những tiếng ký cách quen tai
suốt một dọc bờ biển.
Tận mép nước xa tít, những bãi dưa đã lại vào mùa mới, lá xanh lên hơn hớn như
khói. Mon đăm đăm nhìn ra một vùng trời nước mênh mang liền nhau trước mặt. Lại
nghe cả sườn núi bên này cũng vang động tiếng bò rống, tiếng trâu nghé ngọ. Rồi
tiếng trẻ cười. Tiếng chó sủa. Con gà gáy trưa, tiếng gáy thật trong óng. Đâu
đây, rền lên tiếng trống. Tiếng đồng như giọt nắng vàng long lanh xuống. Những
tiếng dội của cuộc sống đảo hoang đương cựa mình chuyển thành cõi đất phì nhiêu
mà rồi đây những xóm làng đầu tiên được dựng lên ở bến nước cửa suối Sáng ra biển.
Tựa lưng vào sườn núi Mon đương ngồi nhìn xuống. Mon đã đi từ sau hội năm mới ở
Phong Châu. Hội năm nào cũng sôi nổi, tưng bừng những sới vật cả nghìn người
xem, những đám thổi cơm thi, những lều thi cỗ cơm nén, cuộc bơi chải trên sông
Cái. Khắp nước ngày đêm vào hội linh đình, tràn ra suốt tháng và các cõi, hội
hè là niềm vui về cái ước muốn của thường tình người ta. Nhưng Mon không mảy
may lưu luyến. Thế là Mon cùng Ma Li và mọi người ra đi... Bố mẹ và em tiễn xuống
tận đầu bến. Bố bảo Mon:
- œớc muốn của bố con ta đã toại nguyện. Con đem người đi lần này phải làm nên
công nên của mà bố con ta đã mơ ước từ ngày mới đặt chân lên đỉnh núi trọc
ngoài ấy, con nhớ không? Mon lạy bố mẹ và thưa:
- Con xin được nối chí cha mẹ. Gái cứ nhắc đi nhắc lại, mắt rơm rớm:
- Thế nào anh cũng cố đi tìm Gấu em, tội nghiệp nó. Bất giác, Mon nhìn lên bóng
trái núi lừng lững xanh. ạ hay, ô hay, Mon để ý sao thấy hòn núi hệt hình con gấu.
ờ, hệt hình Gấu em. Bao nhiêu năm nay, Mon vẫn thấy hòn núi này ở đây nhưng giờ
mới trông ra thấy núi giống hình gấu, con gấu đương cúi xuống uống nước, như
năm ngoái, lúc thuyền đã ra khơi. Hay là cái núi vừa mới giống con gấu? Biết tại
hòn núi giống bóng con gấu hay lòng thương nhớ làm cho mắt nhìn núi như con gấu
anh em. Lưng núi loang lổ đá trắng. Mới cách năm mà thương nhớ đã khiến gấu già
bạc cả lưng rồi. Bao giờ mới lại gặp được? ánh nắng mờ như sương phủ dưới chân.
Nước óng ánh, nước mắt. Gấu khóc từ ngày anh em mình lạc nhau? Từ ngày ấy, Gấu
vẫn cúi xuống uống nước biển, cố uống cho cạn biển khiến những chiếc thuyền
đương đi phải đứng lại, cho người trở về với gấu?
Biển xanh không cùng, vô cùng, sao mà uống cho cạn được. Kia kìa, Gấu em đứng,
hai chân trước phục xuống, mõm vươn dài trên mặt biển. Một làn sương ở đâu thả
đến. Làn sương bay qua, vẫn thấy Gấu em quỳ uống nước. Như vẫn uống nước như thế
từ năm trước, từ khi mình đi. Mon bồi hồi trong lòng. Gấu đương muốn uống cạn
biển. Một cơn khát suốt đời. Uống cho hết nước biển Đông, cho thuyền dừng lại,
cho ta gặp nhau. Nhưng bây giờ Mon đã trở về, tha thiết. Sao chẳng thấy em?
Không, ta sẽ gặp. Gấu em thích ăn dưa đỏ, có khi đến mùa dưa này ra bãi lại gặp.
Lần ấy về, Mon đào vách núi chỗ ấy làm tường, dựng nhà ngay bên sườn núi hình gấu.
Những đêm lạnh. Mon đốt sưởi ngồi bên tường đất đến khuya. Hơi đất núi đượm lửa,
cảm thấy được tựa vào gấu, nằm gối đầu trên cánh tay ấm của gấu như những mùa lạnh
trước. Nhiều đêm nghĩ vẩn vơ, không chợp mắt được. Mon lại cùng Ma Li vào rừng
đẵn vầu. Hai người theo suối đi mãi vào một khoảng rừng phía bên kia núi. Một đỗi
xa, đến một quãng, Mon nhận ra đây gần nơi rừng năm xưa Mon bị bão nước ống
trôi sang đây. Trí nhớ trở về những kỷ niệm đầu tiên, dù xa đến đâu, nhưng mỗi
khi chợt nghĩ, lại như được phủi bụi đi, mỗi lúc một rõ. Một gốc thông. Một bụi
dây bìm leo quấn với dây củ mài. Những lùm hoa tầm xuân hồng nhạt. Những tảng
đá đen đá trắng. Đi đến chỗ nào, Mon lại kể cho Ma Li nghe chuyện cũ như thế.
Những vật vô tri cũng có sự tích. Ma Li cũng tưởng mình được sống trong cảnh
gian khổ lạ lùng ngày trước với Mon. Mon nói:
- Ma Li à, chỗ bãi cỏ vàng vàng kia... Sáng sớm hôm ấy, vừa mưa xong, tôi vào
đây kiếm cái ăn... tôi thấy vết chân gấu... tôi thấy con trăn núc chết gấu mẹ ở
chỗ kia... Tôi trông thấy anh em gấu con trong cái khe đá... Lúc ấy, Ma Li chợt
đứng lại, kêu lên:
- Vết chân gấu... Vết chân gấu... Mon cũng sững lại, không nhúc nhích. Mon đã
nhận thấy hình như có vết chân gấu mờ mờ trong những túm cỏ xơ xác. Hay là mắt
mình ngỡ như thế. Mình đương nghĩ chuyện ngày trước mà. Nhưng không phải. Rõ hằn
bốn móng khoắm xuống, móng chân gấu. Một móng sau hơi gảy bụi lên làm mờ mờ lá
cỏ úa, - bụi ấy như mơ màng trải lên cả một vùng bàng hoàng. Hai người rón rén
dò theo vết cỏ. Đến trước một cái khe hoắm vào đá thành chỗ ngồi được. ờ, cái
khe đá này ngày trước... Mon đã phóng lao... Con trăn chạy chết vào rừng...
Rồi Mon đến dưới khe ôm hai anh em gấu về nuôi. Mon trông lên vòm đá. Bỗng Mon
thấy một con gấu ngồi thu lu trên ấy, ngay trước mặt Mon. Ma Li cũng trông thấy
con gấu ấy. Ma Li hấp tấp quay lại, nhảy tót lên cây, chĩa cái lao định phóng
xuống giết con thú dữ để cứu Mon. Mon cứ đứng sững sờ. Mon nói khàn không rõ tiếng:
- Có phải Gấu em không? Phải em không? Con gấu vươn mình, nhảy xuống, bước ra.
Con gấu đến trước mặt Mon, đứng lên, một tay đặt lên vai Mon. Thằng Gấu em đây.
Không biết đấy là hai con mắt nó long lanh sung sướng hay đấy là hai giọt nước
mắt. Mon cũng cảm thấy nhòa nhòa trên mắt mình, không nhìn rõ được. Chỉ mới ít
lâu mà sao Gấu em lại lụ khụ, tha thủi hẳn đi như thế. Đám lông bờm mọi khi đen
nhánh bây giờ đã rụng trụi xuống, trơ một mảng da bả vai xám ngắt, nhăn nheo -
như bóng núi gấu già ngoài kia. Mon vòng tay ôm Gấu em. Im lặng một lúc. Rồi
quay lại, gọi Ma Li:
- Gấu em đây rồi, Ma Li ơi! Ma Li loay hoay tụt từ trên cây xuống, bước lại.
Chưa hết sững sờ. Tay vẫn nắm chặt cây lao trúc. Mon quàng vai Ma Li, kéo lại.
Một bên Gấu em, một bên Ma Li, Mon nói:
- Gấu em của chúng mình đây rồi, đây rồi. Thật là Gấu em đã yếu, một chân phải
bước khập khiễng. Nhưng hai con mắt vui sướng cứ long lanh. Gấu em bám lấy cổ
Mon. Mon và Ma Li bá vai gấu, bước về phía bờ biển. Dường như tất cả những người
trong đất quê ra lập nghiệp ở đảo, đã nghe tiếng đồn bay như gió thổi, lúc ấy
đã chạy ùn tới. Tiếng reo hét, tiếng hò la, tiếng ốc tù và rúc gọi nhau về mừng
chủ tướng gặp được Gấu em, vang động, ánh ỏi, ầm ầm cả một vùng từ rừng xuống
bãi. Gấu em lại nghe những tiếng kỳ lạ ghê gớm ấy. Nhưng không còn cảm thấy sợ
và buồn tủi như lần trước. Không hiểu tại sao.
Cũng như không bao giờ ai hiểu được tại sao Gấu em ốm yếu trở về nằm chỗ khe
đá, nơi mẹ chết, nơi ngày trước Mon đã đưa gấu về nhà. Nó trở lại đấy vì tình cờ,
hay vì một thoáng nhớ nào. Không ai có thể biết. Tất cả đi về phía biển, chỗ
núi hình gấu. Hòn núi đá hình gấu kia như tấm lòng mong nhớ của Gấu em, của Mon
- của cả Gái nữa - muôn thuở vẫn sừng sững đấy. Bây giờ lại gặp nhau. Tình
nghĩa đi vào trong thương cảm, mãi mãi như bóng núi. Về sau, Mon cho lập trại,
lập làng ở bờ biển quanh chân núi. Mỗi hôm, mặt trời ngả sau núi, bóng núi lại
che xanh thẫm trên các xóm. Chỗ doi đá hình mõm gấu vươn dài uống nước, thành
cái bến - thuyền bè các nơi đi đến tấp nập, nhất là tới mùa trảy dưa đỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét