Mười năm 3
XI. Nhà ông Trương Ba ở cuối xóm. Ông được hương hỏa một cái dinh cơ năm gian nhà mái gồi nhưng tường hậu, hồi gạch, khu vườn thênh thang, lại còn cả cái ao nồng bùn, đến mùa thấy cá mè úi. Có người nói: “Từ khi tôi lớn lên, cấm thấy cái lão Trương có được hai khung cửi mà cũng cấm thấy lão phải đi vay nợ ai. Rượu tỳ tỳ, mũi đỏ như mũi ông tiên. Thế mà sướng!”.
Đột nhiên, có người con của con gái ông bà cố để hương hỏa từ
tỉnh xa về, đứng tên kiện. Rồi bên kia dựa vào thế đạo, hứa với nhà thờ là sẽ
đi đạo và cúng tất cả vườn ao nhà đất ấy để làm nhà tràng. Thế là bố con ông
Trương Ba thua kiện ngã ngửa ra. Nhà Chung cho thu xếp ở đợ lại mấy năm. Hoa
màu cá mú chẳng được xơ múi gì nữa. Ngặt đến nỗi một lần không biết có đứa nào
câu trộm góc ao bèo, người nhà thờ làng Đông xuống coi thấy ao bèo loãng, liền
báo phủ. Lính phủ về xích bố con ông Trương Ba chốt nằm “nhà pha” ở phủ mất hai
mươi bốn tiếng.
Đầu năm, ông Trương bán cái khung cửi. Những người trước kia
dửng dưng và ghét ông, bây giờ cũng ức thay. Nhưng ức cũng chẳng ăn ai. Thế lực
bên đạo người ta to như giời. Làng này, trước có người đánh chết vợ mà dựa vào
nhà thờ và đi đạo cũng êm ru cả.
Từ đấy, ba bố con đi làm mướn. Cái nhà ông Trương Ba ở bỗng rộng
ra, ám u hơn, cả ngày vắng tanh, chiều tối mới có bóng người lui lủi về như con
dơi bay vào vườn hoang.
Hôm ấy có một cuộc họp tổ cứu quốc. Nhà ông Trương Ba áp cánh
đồng, nếu có bị mật thám ập vào thì cũng dễ tháo.
Cái tiếng lệnh vỡ của bác cai Giắt đã oang oang từ ngoài sân:
“Chó nhà này đã vào nồi cả hay sao mà không thấy con nào ra chào tao!”. Người
sao vô ý, đến đâu là như đánh mõ đến đấy. Bác cai vẫn phải cái vui tính và bộp
chộp, Lạp bảo mãi mà không biết giữ gìn. Lạp lúc ấy ngồi trong nhà đương băn
khoăn. Lần nào mà Bân không về thì Lạp rất lo. Mình nói năng còn có phần kém
tin tưởng, huống chi hôm nay có việc quan trọng phải họp ban ngày. Ai cũng mất
công mất việc, “thuyết” mãi mới được Ba và Trung về với hai anh nữa. Còn cũng đều
vắng. Nghề canh cửi đương bước khó khăn. Lúc này phải băm bổ lắm, không dứt ra
được. Tuy vậy, cuộc họp vẫn đủ người.
Mọi người quây tròn quanh phản. Cai Giắt ngồi bậc cửa ngoái
vào lấy cái điếu cày, rít chuyền tay với nhau. Cai Giắt thở khà, trợn mắt, nói
khao khao trong khói:
- Anh Bân hôm nay có về không?
Lạp đáp “không”, cứng cỏi. Cuộc họp bắt đầu, cứ kẻ đứng người
ngồi như thế. Lạp nghiêm chỉnh, trịnh trọng:
- Thưa các đồng chí, bên Âu châu, quân Đồng Minh đã đại thắng,
Hồng quân Liên Xô đương tấn công sang tận nước phát xít Đức...
Mọi người chăm chú nghe. Những chuyện xa lạ đâu đâu dường như
sắp đem cái gì biến đổi ở đây đến nơi. Lạp giơ tay, vừa nói vừa bấm ngón cái và
ngón trỏ, đầu nghiêng nghiêng lắc lư hệt dáng anh Bân. Đó là tin tức Lạp đã đọc
được trong các báo Cứu quốc và Cờ giải phóng. Còn bên Đông Á thì quân Nhật cũng
thua liểng xiểng. Ngay cả ở Hà Nội, máy bay Đồng Minh đánh Nhật đã ném bom ba lần
rồi. Người thành phố chạy tàu bay về làng ta trú ối ra kia kìa, đã biết thế nào
là chiến tranh rồi. Cứ tình thế này, quân Đồng Minh sẽ đổ bộ vào Đông Dương.
Còn Pháp với Nhật thì càng ủng oẳng dữ. Chúng mới bắn nhau một trận ở chiến khu
của ta trên đường ngược. Nguyên vì Pháp muốn Nhật đánh ta, Nhật lại đẩy Pháp
vào đánh ta trước. Chung quy cả hai cùng sợ bị ta du kích. Thế là chúng đâm ra
bắn nhau. Hay quá, chết hàng trăm thằng.
Điếu thuốc đã vê sắp hút, thấy kể máy bay mới đến ném bom Hà
Nội, một anh nói chen:
- Gớm, tôi vừa nghe được chuyện này ở chợ. Chuyện là bên Đồng
Minh mới làm ra cái tàu bay có hai cái thân, bay nhanh như gió, ném xuống toàn
bom dây đã trúng vào nhà tri phủ Thuận Thành đương họp cùng mật thám Pháp - Nhật
bàn đi thu thóc và bắt Việt Minh, chết hết!
Thế là cuộc họp đâm lan man. Bởi vì mỗi người đi chợ về thì
cũng đem được vài chuyện tình hình mới.
Anh Ba gật gù:
- Thì ra bài hát của ta hệt sấm cụ Trạng Trình... Mỹ Tàu đổ bộ,
Nhật - Pháp đang bắn nhau.
- Hơn Trạng Trình ấy chứ. Bài hát ta còn tiên tri cả được rằng
Việt Minh đứng lên đánh Tây, đuổi Nhật cơ mà.
Từ nãy, cai Giắt coi bộ suy nghĩ, giờ mới gật gù hỏi:
- Anh Lạp nói quan sáu Đờ–gôn ở Ba Di theo Ăng–Lê đấy hả?
- Phải.
- Ờ thế thì đích thằng sáu Đờ–gôn người dong dỏng cao, hay phạt
lính lắm, tôi đã giáp mặt nó bên Ma Rốc.
Có người che miệng cười. Như không để ý, bác cai lại tiếp tục
suy nghĩ, lặng lẽ. Thỉnh thoảng rít ống thuốc, ngửa cổ khà một khói.
Đã kể xong phần tình hình, vui miệng, Lạp cũng cuốn luôn và
những mẩu chuyện quanh cái điếu.
- Các đằng ấy còn nhớ anh Tần chứ, Tần người thâm thấp, vạm vỡ,
mặc áo sơ mi trắng, về huấn luyện chúng mình hồi Bình dân.
- Có phải anh cu ở vùng trong ra quắp nhà Hai Tâm đi ấy
không?
- Đời nào, đấy là thằng mật thám Khiết. Còn đây là anh cán bộ
Tần...
Lạp sực nhớ việc giữ bí mật, thôi không nói nữa.
Cai Giắt vươn vai:
- Trước sau ta vẫn bảo ta đánh nó. Bí mật thế quái nào được.
Tớ càng mong chóng đến lúc đánh, chứ tàu bay còn bom đạn mãi đường sang Sài
Goòng, hàng lụa ta không vào Sài Goòng được, càng ế nữa thì sắp đến chết toi cả
nút chứ lại giời đất này!
Mỗi người nói một câu, lại ồn ào những chuyện khó khăn. Giá
thước lụa cứ tính theo từng xu, từng phiên. Ngoài chợ sao mà cái giống hàng quà
vặt càng ngày càng nhiều, ai cũng kêu hồi này ăn khỏe thế và kẻ ăn mày ở đâu
kéo ra mỗi hôm một đông, lượn từng đàn, như cá tìm mồi - những dấu hiệu đói kém
đến nơi.
Ngồi lâu đâm mỏi, cai Giắt vào trong phản kềnh xuống một tý.
Lúc mọi người về, không ai gọi, thế là bác làm một giấc đẫy. Đến lúc dậy, nắng
ngoài sân đã chếch hết xuống bờ ao. Mọi người đã về từ lúc nào, chỉ có Lạp và
Ba vẫn châu đầu thì thào.
Nghe tiếng cai Giắt ngáp, Lạp và Ba cũng vào phản hút thuốc.
Lạp định phê bình bác cai ngủ mất cảnh giác, nhưng rồi nể, lại nói:
- Vừa rồi đã bàn chúng ta sửa soạn hàng, lại sắp “đi chợ”. 1
- “Đi chợ”?
- Ừ.
- Tớ làm chân gì đấy?
- Tự vệ thì làm trật tự.
- À được. “Đi chợ” ở đâu?
- Chưa biết. Hôm nào đi mới báo.
Lạp và cai Giắt cùng về. Qua sân, cai Giắt nhìn xuống ao, nói
bô bô:
- Gớm chưa, cá úi đến tận chiều, có khiếp không.
Rồi nhặt hòn gạch thia lia xuống mặt ao bèo loãng. Mấy cái
đuôi cá chép đỏ au quẫy lên.
Ba nói:
- Lớp cá chép này năm kia nhà tôi thả còn lại một ít bây giờ
con nào cũng bằng cái “đòn ngồi”.
- Cá này mà xắt ba, con đem rán, con ăn ám thì tốn rượu lắm.
Nói xong, cai Giắt nháy mắt hỏi Ba:
- Vẫn chứ?
Ba chặc lưỡi:
- Thì vẫn!
- Đúng rồi. Sợ chó gì những thằng bên đạo. Nó cướp của mình
chứ mình móc cổ đứa nào! Đã thế... Nhân thể nhà hết cửi tớ đương thong thả. Ta
xiếc một mẻ chén chơi. Nhà có chũm đấy chứ, Ba?
Họ kéo ra, nghé nghiêng ngó mặt nước. Mấy cái cười mủm mỉm
nhanh chóng ăn ý đáp câu nói của cai Giắt.
Ba vác các thứ đồ lề đánh cá trên gác bếp xuống. Cai Giắt
loay hoay buộc mấy chỗ vó thủng. Vừa làm vừa pha trò:
- Phen này mà thằng nhà thờ làng Đông có bỏ tù, tớ phải đi
tìm cái đạo nào thế lực hơn để bỏ tù lại chúng nó mới được. Thằng Nhật theo đạo
gì nhỉ?
Lạp cười:
- Đạo Việt Minh!
Những câu nói đùa thúc họ bạo thêm. Chũm, vó vứt xuống ao, chớp
nhoáng mò một mẻ được hơn chục con cá chép xắt ba.
Vừa chặp tối, lão Trương đi làm về. Lão bước vào, áo phanh
khuy, quần lá tọa, chiếc khăn mặt đỏ vắt vai.
Cai Giắt reo:
- Ối kìa, bố tôi đã về. Hôm nay con đến chơi lại được bố thết
bữa chén cật lực thế này, chẳng mấy khi mà bố con anh em ta vui vẻ cả.
Kéo cái khăn mặt lau mắt toét, lão Trương đã đoán biết cái việc
gì của bọn Lạp và cai Giắt, mà thỉnh thoảng vẫn kéo nhau đến đây. Lão không tỏ
vẻ làm sao, cũng không nói sao. Ông lão cho là tế cờ làm giặc hay đi lễ bái,
bàn bạc hội đồng, họp làng, họp xóm cũng đều phải ăn uống như thế và như thế là
phải.
Lát sau, Nhàn cũng đi làm hồ về, thấy nhà tấp nập vậy, cô bảo
bố:
- Thầy chẳng can các anh ấy. Nhỡ một cái trên nhà thờ nó biết
bắt cá trộm thì có mà ngồi tù chật đồn.
Nhàn nghĩ đến năm ngoái, anh và bố đã có lần phải đi nằm “nhà
pha”.
Nhàn bảo Lạp:
- Anh Lạp cũng a dua thế à?
Lạp cười nói đùa:
- Phong trào lên cao quá! Cô ngồi đây đỡ tôi.
Nhàn ngồi mổ cá với Lạp. Nhàn có cảm tình và có lẽ đã bâng
khuâng yêu Lạp, mà Lạp không biết. Rồi tự dưng sốt ruột và ngượng, Nhàn đứng
lên, chạy đi buông cổng nêm chặt rõi rồi ra đầu hè, tự dưng khóc rưng rức. Con
gái thì khóc cũng như cười, chẳng biết thế nào, chẳng ai hỏi một câu, mọi người
cứ lúi húi làm cá ăn. Nhàn khóc một lát rồi lại vào trông nồi cá. Chẳng mấy
lúc, mâm rượu với cá chép luộc chấm muối đã bày lên ngồn ngộn giữa phản, trong
ánh chiếc đèn con nhập nhòe. Cửa, ngõ đóng kín hết, tảng như nhà đã ngủ cả.
Không ai tưởng trong nhà lão Trương Ba lại có cuộc rượu túy lúy, nửa đêm hãy
còn người gật gù.
Cai Giắt xếp bằng tròn, hai ống quần xoe lên tận bẹn. Mỗi tợp
rượu lại một húp cháo xoàn xoạt. Chắc là bên Tây người ta đánh chén cái lối vừa
ăn vừa uống thế. Trời lạnh mà mặt lão bóng nhẫy mồ hôi, miệng lèm bèm nói. Lão
Trương không hơi đâu nghe chuyện cai Giắt, mai lão còn phải đi dệt cửi sớm, lão
nằm ngủ rồi. Cai Giắt cũng không cần biết. Ba và Lạp cũng không phải người chịu
chuyện bác cai. Họ đã nghe những chuyện ấy cả mười mấy năm nay, từ khi bác cai ở
bên Tây về. Hai người thanh niên cũng đã ngáy khò khò. Bác cai lảm nhảm một
mình với cái bóng bác ấy trên vách. Và cái chai, con mèo, nồi cháo. Khà khà
khà... Cai cú gì tôi... Mười tám tháng sang bên Ma Rốc dẹp loạn Mạc Đình
Kim 2 tôi toàn đi dắt ngựa. Cai Giắt là tên anh
em đặt cho cái tích dắt ngựa đấy. Tôi về Ba Di thì thằng quan Tư bảo đăng khóa
nữa. Tôi lắc. Nó đá đít tôi, chửi: mày về An Nam bây giờ thì đi cu li xe chứ
mày làm gì. Tôi vẫn lắc. Quan Tư đá đít tôi cái nữa mới cho tôi mãn lính, tôi về.
Mẹ kiếp chứ. Thế nào nhỉ, này này Nước ta bị Tây cướp; đã bảy tám mươi năm, bây
giờ thì ông nắm thóp mày rồi, Tây ạ.
Một lúc thật lâu, im lặng.
Lạp thức giấc, vẫn thấy le lói sáng đèn. Mâm rượu sạch nhẵn,
lỏng chỏng không còn ai. Một con mèo mướp lom khom ăn xương cá. Ngoài vách cửa,
cái gì lù lù như người. Soi cao đèn lên thì thấy cai Giắt đứng trong góc. Ria
mép bê bết cháo. Thì ra bác ta tựa vào vách, ngủ đứng. Tội cái lão, đi lính
quen gác đứng, ngủ đứng thế này, thành tật rồi. Lạp hối hận lúc chiều đã không
đẩy cai Giắt về lên đầu hôm dệt bù một ngày vắng. Chỉ lại khó cho đứa nào bận
sau đến rủ cai Giắt. Phải bà vợ ác mó, lúc nào cũng quang quác.
Tuy vậy, không lay gọi, Lạp mặc cai Giắt đứng ngủ trong xó. Lạp
khẽ mở cửa, bước ra. Lạp phải về, mai đi dệt cửi sớm. Ngoài sân tối mò. Bỗng,
ngay bên cạnh cửa có tiếng nho nhỏ:
- Anh Lạp à...
- Cô Nhàn. Cô đứng làm gì khuya thế?
- Em gác cho các anh uống rượu. Em sợ lắm. Em chỉ sợ có đứa
báo nhà Chung nó xuống.
- Cô lo xa quá. Vào ngủ đi, mai còn phải đi làm chứ.
Lạp đã ra tới giữa sân.
- Anh Lạp...
- Gì?
- Lại sắp có “đi chợ”, hả anh?
- Sắp. Cô đi không?
- Thế nào em cũng đi.
Rồi Lạp chui qua cái khe cổng tán, bóng hút vào trong đêm.
Nhàn tần ngần, rồi Nhàn lại khóc. Bây giờ không phải khóc vì lo nhà thờ xuống bắt
được ăn trộm cá. Mà vì câu trả lời nhạt nhẽo của Lạp, rồi Lạp dửng dưng đi.
Nhàn buồn, tủi thân nữa. Chắc là Lạp yêu Hiền rồi. Lạp dệt cửi ngay ở nhà Hiền,
cũng chẳng trách được. Hiền, con nhà giàu, áo the, khuyên vàng. Còn Nhàn thì...
Nhàn thoáng nhớ nét mặt cau có của An dạo trước. Quân nhà giàu, coi người như mẻ.
Lạp đã đắm say chỗ giàu sang ấy, người ta đi lên chứ ai đi xuống. Nước mắt Nhàn
ràn rụa trên má. Nhàn đứng khóc trong bóng tối.
--------------------------------
Khi chuẩn bị khởi nghĩa, các cơ sở cứu quốc nói lóng “đi chợ”
là đi mít tinh tuyên truyền một nơi nào đó. |
|
Nhà ái quốc Ad Ebl Krim (lính ta gọi là Mạc Đinh Kim), ở Ma
Rốc nổi lên chống Pháp khoảng 1920 - 1925. |
XII
Bà Hương đang ngồi trước cây suốt ở đầu nhà. Thấy Lạp vào, bà
ngừng tay quay cái vè:
- Anh Lạp đấy à? Cơm dọn rồi, anh xuống mà ăn rồi hãy lên dệt
đầu hôm.
- Tôi vô phép bà rồi.
- Nói thật hay làm khách đấy?
Không đáp câu bà hỏi, Lạp lẳng lặng cởi áo, bước vào khung cửi.
Dù có thật chưa ăn, Lạp cũng không dám ăn cơm tối như thế, trong khi cả ngày Lạp
không dệt được một tấc. Hơn nữa, chỉ những nghe cái giọng bà Hương nói ngọt xớt
cũng đủ không thể nuốt cơm được. Hai hôm nay, Lạp bỏ cửi. Có gì đâu, vừa họp tổ
xong, Lạp phải đi liên lạc, sửa soạn, cổ động các giới cứu quốc “đi chợ”. Bà
Hương không hỏi, bà không đay, bà không nói tới việc Lạp bỏ cửi, bà chỉ ngọt nhạt
thế. Nhưng chì chiết như kim đâm vào tai. Mấy năm nay, từ khi còn dệt nhà Hai
Tâm, sự hoạt động với cái kiếm ăn hàng ngày vẫn là chuyện trái khoáy, không giải
quyết được. Nhưng vừa vào khung, Lạp đã nhãng chuyện bỏ cửi và những lời bà
Hương nói ngọt nhạt mát mẻ, Lạp băm bổ giựt thoi. Mũi thoi thoăn thoắt, cái vỏ
khổ và cuốn cửi chạy xồng xộc, long lên như ngựa lồng, khung cửi rung chuyển rầm
rầm. Không thì thôi, đã dệt Lạp là một tay băm bổ có tiếng.
Lạp miên man nghĩ. Nếu thế thì hiện nay lắm nơi còn hiểu biết
cao hơn vùng này. Như anh Bân nói đấy. Ở đồng sâu trong kia, cách mạng đã lan tới
giới phụ lão. Trong ấy có những ông già như lão Vựng nát rượu hễ thấy cán bộ là
hỏi rặt chuyện thế giới, hỏi được cả “quân Đức phát xít đã bị Hồng quân đuổi ra
khỏi đất Bạch Nga chưa?” (đến mình cũng chưa hiểu Bạch Nga ở đâu). Nếu thế thì
quý thật. Bây giờ, đâu đâu cũng tin tưởng và triển vọng. Đến như ở đây cũng rầm
rộ hơn ngày Ái hữu, mà ngày ấy thật chưa biết gì. Chỉ có cái hăng. Lại tiếc cho
thằng Lê, giá Lê còn ở nhà. Bây giờ khó hơn trước, phải bí mật, phải biết tổ chức.
Nhưng bây giờ, người hiểu, người tham gia chín chắn hơn. Mấy lần mít tinh xung
phong tuyên truyền ở chợ Cầu khác hẳn cái lần mít tinh “phản đối Nhật vào Đông
Dương” ở đầu làng, phải vừa đi rủ vừa nói dối cho người ta đến đông. Giờ đây,
người cứu quốc và cảm tình hàng tổng kéo đến. Phụ nữ cũng có, trước kia làm gì
có được phụ nữ, các cô như Hiền, như Nhàn...
Lạp xách đèn ra treo trên sợi thừng giữa khung cửi, gỡ cái
gùn trước cửa go. Bóng tối bên ngoài dịu hẳn lại trong khuya mà đằng xa còn đưa
lại tiếng tanh tách động khung cửi nhà ai. Từ nhà trên đưa xuống tiếng bà Hương
ánh ỏi nói nặng. Có lẽ bà mắng Hiền. Không nghe rõ, nhưng Lạp đoán theo thói
quen thường ngày là chửi bới ai thì chửi mắng Hiền đấy nhưng ý tứ là bà Hương lại
cạnh khóe con dâu.
Từ lúc Lạp ra khung, gian nhà êm ả thì những ý tưởng bồng bột
mở cờ trong tiếng ầm ầm khung dệt lúc nãy cũng bị đứt quãng. Những tiếng bóng
gió chì nghiến vợ An của bà Hương lại luẩn quẩn vào tai. Bao nhiêu tăm tối. Mẹ
chồng, nàng dâu, đời người phụ nữ trong nhà chồng chất những dằn vặt đầy ải
nhau, người nọ làm khổ người kia. Còn nhớ trước, mỗi khi thấy vợ bác cai Giắt
chửi chồng, Lê và Lạp thường nói: bao giờ cho hết những đau đớn ấy. Sự tin tưởng
nâng người ta lên trên những èo sèo khổ sở hàng ngày. Nhưng mà Lạp yêu Hiền thì
làm sao có được tin tưởng? Chẳng khi nào mẹ Hiền gả con cho đứa dệt cửi mướn. Vậy
thì làm thế nào?
Lạp không thể trả lời. Nhưng bà mẹ dễ tính của Lạp ở nhà thì
lúc nào cũng vui vẻ. Nhiều khi Lạp cũng bực mà cũng lại lây cái vui tính phổi
bò ấy. Bà lão đi khâu mướn, nhiều đêm con trai ngủ ở nhà, thấy nó hay nhắc nhỏm
đến cô Hiền, bà biết Lạp phải lòng cái ả con chủ nhà ấy rồi. Nhà bà Hương khá
giả thật, mẹ con bà thì nghèo thật. Nhưng bà chẳng thấy cách trở. Chẳng qua là
nhà mình chưa đến lúc giời mở cửa, chứ sức như thằng Lạp mà có vốn, có vợ đảm,
chỉ vài mươi năm thì cũng nhà ngói sân gạch như ai. Ở làng này thiếu đâu người
đương túng bấn, mà lấy được vợ được chồng có của là giàu có ngay. Nhà bà Hương ấy
xưa kia cũng vậy. Nghĩ thế, mẹ bảo Lạp: “Mày muốn làm rể bà Hương để tao đi nói
cho. Cứ nói thẳng, được hay không cũng chóng vánh ngay, chẳng phải mai mối gì”,
mấy lần mẹ Lạp nói thế. Lạp phải gạt đi vì nghĩ chuyện không dễ dàng như mẹ tưởng.
Nhưng từ khi Lạp tuyên truyền, đưa sách báo bí mật cho Hiền đọc,
Hiền đã dám đi họp tổ cứu quốc. Lạp rất vui: “Phải rồi, mai đây Việt Minh sẽ
làm cho Việt Nam độc lập, ta sẽ lấy được Hiền”. Từ ấy, Lạp như tìm được đường
đi, mỗi khi nghĩ đến tình yêu với Hiền, không còn ngậm ngùi bi quan như trước.
Đôi khi cũng lo, nhưng sự tin tưởng mai sau lại làm dịu được cái lo ấy.
Lạp xách đèn vào khung, lại dệt. Lần này, Lạp giật thoi đưa
thật thanh. Lạp gà gà mắt nhìn xuống mặt cửi, trông bóng cánh tay mình cử động,
tưởng đến đám mít tinh ở chợ sắp tới.
Lạp dệt dấn thêm một lần gõ dịp nữa, rồi đập văng làm hiệu
cho người nhà xuống gỡ cửi. Không muốn lại phải nghe thấy mấy câu mát mẻ xa gần
của bà Hương, Lạp xách guốc đi nhanh xuống ao rửa chân, trong khi Hiền và bà
Hương đương gỡ cửi, bọc hàng. Lạp đi về. Trăng sáng thênh thang trên làng xóm,
khêu gợi lòng người những ý nghĩ và bồi hồi. Thế là Lạp quay trở lại. Nhưng
cánh liếp cửa sổ khung cửi nhà Hiền đã đóng. Trăng vằng vặc như ban ngày, nhìn
sướng mắt như thấy người con gái mặc áo lụa.
Vừa nãy, Lạp đi ngay tránh nghe những câu nói mát con dâu của
bà Hương nhưng không ngờ bà ấy nói Lạp, ngay trước mặt Hiền. Lạp vừa bước ra
ngõ, bà vuốt cái cuốn cửi lép kẹp, chép miệng:
- Thợ cửi với thợ canh, rõ cái thân trên một bộ dưới một bộ
mà nay nghỉ mai nghỉ. Phiên này đổ ra chưa chắc đã nổi ba chục thước hàng. Cũng
đến vái ra ông thợ cửi này thôi.
Ít lâu nay, bà Hương hay nghiến ngả, dằn vặt người này người
khác, vu vơ. Bà Hương rền rĩ đau không nói ra được, như người ngồi phải cọc, là
vì vợ thằng An đần độn quá. Con nhà thế mà lại thộn. Bà Hương chỉ có một mình
An là trai, lại là vợ cái con cột không thể vắng sao tìm đến giăng được. Kể ra,
tính khắt khe thường tình của một bà mẹ chồng thì bà Hương cũng sẵn, nào uốn nắn
lời ăn nói, thưa gửi chỉ vẽ bếp núc, bảo chỗ phơi phóng cái quần cái áo, những
bắt bẻ ấy, bà Hương vẫn làm thường - mỗi người con gái đi làm dâu thì tự nhiên
phải qua cái cầu ấy mà thôi. Nhưng đằng này nàng dâu bà đờ đẫn quá đỗi, quá lắm.
Buổi kia vợ An về nhà ăn việc làng. Ông Cửu gửi con gái một
đĩa xôi, cái tỏi gà và đôi quả cau về biếu bà Hương. Vợ An bưng cái tráp đồ biếu
về thưa với mẹ chồng. Bà Hương nói khéo:
- Năm nay hàng ế, cỗ bàn làng nước hàn hâm cả, mà cụ bên nhà
lại vẽ vời quá, tôi chả dám nhận nhiều thế này.
Vợ An đứng im, không biết nói lại thế nào. Rồi đó bà Hương đi
chợ. Vợ An ngồi một lúc rồi cắp tráp, vẫn nguyên đĩa xôi và cái tỏi gà, quả cau
tươi đem về nhà mình. Bà Hương không nhận thì phải mang về, chứ sao! Phúc đời, ả
đương lù lù đi thì gặp bà mẹ chồng giữa đường.
Chuyện ngớ ngẩn đáng xấu hổ này, bà Hương chỉ biết rền rẫm
than thở với Hiền. Cô nàng dâu là cái đụn rạ, cái cục đất, cái đầu rau xó bếp.
Mua vàng phải vàng giả, mua người phải hình nhân hàng mã mất rồi. Bao nhiêu cái
hay cái giỏi thì những con chị nó cõng đi mất cả. Một người trăm khôn nghìn
khéo như bà Hương, chỉ vì cả tin, mắc phải cái gai, đau mà không dám thở ra.
Ngày An phải bắt, bà đã bán tào bán huyệt nhiều. Khi cưới An,
những ăn uống lễ nghĩa đã ngoạm nửa vốn, mà còn vay mượn thêm. Tháng lãi mười
phân cứ è ra. An thì vẫn nhong nhóng chưa tìm đâu ra việc. Bà lo lắm. Đi học
cũng như đi buôn, cái chữ Tây ế rồi, hiếm việc, nhiều người xô đi kiếm chữ Nhật,
việc dễ mà làm tốt tiền. Bà Hương rối cả ruột.
Nếu bình thường như ngày trước, hàng họ chạy tay thì cũng đỡ
lo. Nhưng đến phen thời buổi tao loạn, những lái lụa chững lại, chỉ về mua cầm
chừng. Gạo thì mỗi ngày một giá, ba trăm rồi hơn ba trăm, ngót bốn trăm, mà còn
có cơ nhích nữa. Ngoài đường, các nhà buôn thu thóc liên đoàn có tuần tráng
khiêng cân bàn theo đi cứ nhưng nháo hàng lũ nhòm ngó khắp các làng.
Mỗi ngày phiên tơ bây giờ một hốt hoảng. Nhà nào cũng gọ gẵng
làm lấy. Thợ tơ thợ cửi các nơi đến làm mướn đã bỏ đi lần lần.
Cơm chiều phiên tơ xong, cũng như mọi khi, Lạp lên nhà trên
vay tiền cửi. Nhưng hôm ấy còn có việc khác, Lạp nấn ná, vờ chữa chạy trong
khung. Vì Hiền chưa đi chợ lụa trong Hà Đông về. Hôm nay, Lạp đã dặn Hiền liên
lạc lấy tin của anh Bân ở vùng trong đưa ra chợ lụa cho Hiền. Tuy vậy, kỳ cạch
một lúc lâu trong khung rồi. Lạp ngại bà Hương sinh nghi “ngày phiên nghỉ mà
chăm chỉ quá, sao hôm nay hiếm thế”. Lạp lên nhà trên, bà Hương mời Lạp uống nước
“anh ngồi thong thả tôi nói câu chuyện”. Lạp chưa kịp đoán được chuyện gì, bà
Hương đã rót chén chè mạn đưa Lạp, rồi thong thả vừa cuốn lá trầu không, vừa nhẹ
nhàng nói:
- Hàng phiên này ế quá. Con Hiền nhà tôi chưa về chợ, nhưng
tôi cũng biết chợ búa rồi, chán lắm. Không có lái về mua. Tôi đã bảo chẳng lấy
tơ thêm nữa. Lứa hồ này đoạn, tôi cho khung trong dệt lấy, được thước nào hay
thước ấy, còn cái khung ngoài tôi định để nghỉ một dạo, nghe ngóng hàng họ ra
sao.
Lạp hiểu, bà Hương nghỉ cửi muốn duỗi Lạp ra. Trong đời đi dệt
mướn ăn cơm nếm, Lạp đã thường nghe cái lối thôi thợ khéo thế, cho nên Lạp nói
ngay:
- Bà không muốn mượn tôi nữa, vâng ạ.
Bà Hương cầm miếng trầu sắp ăn, ngừng lại, cười khanh khách:
- Có đâu! Hàng xuống quá, anh biết đấy, thì anh hãy chơi một
dạo, khi nào tôi gọi lại về hộ tôi.
Nhà bà Hương không làm thì Lạp đi nhà khác. Thợ còn làm nhà
này nhà khác và người làm chủ qua vài phiên hàng xuống, đã lại đi dệt mướn, xưa
nay làng này vẫn thế. Lạp cũng không lo. Chỉ tiếc ngẩn ngơ vì từ nay không được
lúc nào cũng trông thấy Hiền. Thôi, nhưng mà thế càng kín đáo. Lạp dửng dưng
nói:
- Bà tính cho phiên trước tôi vay lội mất hơn một đồng.
Bà Hương vẫn ngọt ngào:
- Để tôi đưa nốt anh.
Vừa hay, lúc ấy Hiền đi chợ về. Hiền đặt đẫy hàng đầu hè, xuống
ao rửa mặt, rồi vào khung cửi. Lạp biết ý, Lạp cũng vờ xuống nhà ngang lấy cái
áo. Hiền nói to, làm tự nhiên như công việc:
- Người trong ấy bảo phiên chợ Cầu này thì họ ra, anh Lạp ạ.
- Thế à...
Hiền rút ở thắt lưng ra xấp báo Cứu quốc đặt xuống đầu phản.
Lạp nhặt ngay lấy, cầm lẫn trong bọc quần áo đi ra. Đã biết trước mẹ thôi Lạp từ
phiên này, lúc ấy Hiền đứng đầu hè với bà Hương vừa dỡ tơ trong đẫy ra, vừa
thoáng nhìn theo Lạp. Chợt nhớ còn sót một tài liệu, Hiền nói “À quên có người
nhắn anh Lạp...” rồi chạy theo ra ngõ.
Ngoài ngõ, Lạp gặp An đi tỉnh về, Lạp nói:
- Nhà hết cửi, tôi nghỉ ít lâu, An ạ...
Hiền hấp tấp đến đưa Lạp một mảnh giấy. Lạp lừ mắt, nhưng
cũng không kịp cản cử chỉ vô ý của Hiền. Lạp vội hỏi trá: “Lại giấy má ai đòi nợ
tôi đấy chứ gì”, rồi bỏ mảnh giấy vào túi, đi thẳng.
An khẽ thở dài, khoan khoái. Khoan khoái hết một cái ám ảnh,
một cái bứt rứt, mà lâu nay phải cánh nánh nghĩ, mỗi lúc ra vào gặp Lạp. Thế là
Lạp không dệt cửi nhà này nữa. Thoát!
An hỏi em gái:
- Thằng chúa chổm ấy nợ ai mà người ta phải viết giấy thúc thế?
Hiền thật thà:
- Không, anh ấy nói đùa.
An hiểu ngay.
- À...
Tiếng à này là một tiếng thở dài, lo, lại lo. Chao ôi, ở
trong nhà này chắc chúng nó giấu sách báo bí mật, mà cả con Hiền này cũng nho
nhoe rồi. An vừa cất được sự khó chịu, lại hốt hoảng hơn. An nghiêm mặt:
- Này Hiền, mày có biết tao là thế nào không?
Hiền ngước mắt, ngạc nhiên vì câu hỏi lạ.
Song An cũng lúng túng chẳng khác dạo trước, khi An bị Nhàn hỏi
anh vào hội cứu quốc chưa. An cố nói ra mẽ:
- Tao biết thừa những cái việc chúng nó làm ở làng này. Việt
Minh chứ gì! Tao bảo thật, tao là Việt Minh hạng gộc kia, tao đã từng phải Tây
bắt nằm xà lim. Chúng nó đã nước gì với tao, nhưng mà chúng nó dại. Tao cấm mày
không được dây vào mà chết cả lũ.
- Em biết chuyện gì đâu!
- Nếu thế thì tốt. Chúng nó chúa ngu, chúa hớ hênh. Cứ hung
hăng hão đến lúc có làm sao thì lại co vòi, tao lạ gì.
Hiền nhìn anh, rồi nói nửa khoe nửa nghịch:
- Anh có biết hôm nọ Việt Minh diễn thuyết to lắm ở chợ Cầu
không?
Không ngờ Hiền hỏi thế, An đương lên mặt, lại luống cuống:
- Chợ Cầu... à, chợ Cầu... Tao đã bảo đừng dây với chúng nó
mà. Rồi tao mang các thứ sách báo về cho mà xem. Làng này chúng nó không có những
thứ ấy.
Hai anh em đã vào tới trong sân. Vợ An, tay cắp một đệp quần
áo vừa giặt dưới ao lên đương phơi trên dây mây ngang sân. Bà Hương bước ra,
rút một cái quần vừa rũ, cau có nói:
- Tôi đã bảo mấy lần rồi, đừng ai phơi quần đàn bà trước cửa
mà. Ăn có chốn, ỉa có nơi chứ. Mà chốc nữa tối, phơi sương thế này, mặc vào chỉ
hóa hủi. Nhà tôi xưa nay không ai hóa hủi.
An im thít. Trong bóng xâm xẩm tối, Hiền không trông rõ sắc mặt
anh, nhưng Hiền thấy An cúi lom khom, bước vào nhà. Hiền thương hại anh quá.
Cũng lúc ấy, Lạp hấp tấp ra nhà ông Trương Ba, quẳng mấy cái
quần áo đấy, rồi nhảo đi luôn. Lạp đi, Ba và Nhàn cũng đi ngay. Họ đi phân phát
báo Cứu quốc và báo tin phiên này “đi chợ” Cầu cho các tổ.
Thế là lại “đi chợ” Cầu! Mít tinh ở chợ Cầu. Những chức dịch
làng ấy, phần đã được thuyết phục, phần thì bị cảnh cáo mất vía, tê liệt.
Việt Minh mấy tổng với mấy nghìn con người đi chợ sẽ được
nghe cán bộ nói, được xem truyền đơn, được trông thấy cờ Việt Minh, thấy gươm,
kiếm, thấy cả khẩu súng lục. Cái chợ tan về còn kể và đồn đại đi những chuyện
xuất quỉ nhập thần, Việt Minh càng nổi lừng lẫy.
Nhưng tình hình dạo này có vẻ căng. Mới thêm một đám lính Nhật
dắt mấy chục con ngựa trốn bom Mỹ về trú trong bãi nhãn đầu cánh đồng. Làng nào
hương lý cũng sửa sang điếm tuần, lại lấy thêm bảo an cắt canh gác.
Thư anh Bân bảo Lạp phải xem lại thái độ bọn tình nghi một lần
nữa, trước khi chọn đưa người đi dự mít tinh.
Lạp tìm Chúc.
Buổi tối ngày phiên tơ, thợ tơ thợ cửi đã nghỉ chơi cả. Dẫu
hàng ế, dù sao thì cũng đông người ngoài đường, khác những tối mọi ngày. Ở hai
cái quán đầu làng, tiếng cười nói oang oang. Thức nhắm tối nay có cả thịt chó.
Đằng kia, đám hàng nước chè tươi cũng xúm xít quanh một bàn cờ thế bày bên cạnh.
Tiếng quân cờ đập chan chát. Những phao đèn lắc lư, le lói, chốc chốc gió lộng
chao vào, như nhắc người ta ngoảnh ra nhìn bóng tối ở ngoài dầy đặc. Nhưng
trong này vẫn túi bụi, rượu, ngồm ngoàm, cộp quân cờ, văng tục văng giác, tranh
nhau to tiếng.
Chúc đương uống rượu, không để ý Lạp vừa đến ngồi khuất phía
hóc cột bên kia. Trong câu chuyện ồn ào, Chúc lè nhè:
- Ở đâu có Bình dân là có thế cả. Chúng tớ làm mít tinh hàng
vạn người ở bên Xiêm là thường. Cứ kể có cái thời Bình dân cũng vui.
Tiếng hỏi:
- Có vui như bên ta hồi chủ nhà dệt Vũ Văn An thuê thợ đi mít
tinh tiễn lão thống sứ Sa Tiền về Tây, rồi lại tiệc trà cướp kẹo ở Quần Ngựa
không?
- Mít tinh mà ăn cướp á? Thế là phản động tờ rốt kít rồi.
Cái thằng Chúc lại khiêu khích chửi tờ rốt kít, chẳng hiểu mô
tê! Bực quá, Lạp không nhịn được, bật cười ha ha, Chúc trông sang thấy.
- À, à, Lạp, đồng chí Lạp. Hôm nọ có đi mít tinh chợ Cầu chứ?
Lạp giật mình. Thằng này hỏi moi móc ra mặt rồi. Nghe Chúc hỏi,
mọi người ngồi đấy lại xoay về chuyện mít tinh chợ Cầu hôm nọ. Nào súng lục,
nào kiếm, nào mã tấu... “Úi giời, cái cờ đỏ vừa lóe lên, choáng cả mắt, một chị
Việt Minh đeo kính râm không biết ở đâu hiện ra, đẹp ơi là đẹp”. Mỗi miệng thêm
một câu, cái đám mít tinh bí mật ở chợ Cầu càng rực rỡ thiêng liêng.
Chúc lại hỏi:
- Này đồng chí Lạp, à à... đến cái hôm ăn cưới thằng cu An
tôi mới lại được nghe đằng ấy thuyết chính trị. Thế ra đồng chí vẫn tranh đấu lắm
nhỉ?
Lạp sôi ruột lên rồi. Nắm tay nhấp nhổm muốn phóng một đấm tống
vào mặt thằng chó. Nhớ việc phải đi dò tình hình, Lạp bình tĩnh lại. Nhưng hơi
rượu vẫn bốc đập rừn rựt hai bên thái dương.
Cuối cùng, Lạp đứng lên:
- Này Chúc! Tờ rốt kít là thế nào?
- Nó là phá hoại.
- Ờ thế thằng phá hoại thì phải tội gì?
- Tội đả đảo! Đả đảo tờ rốt kít!
- Không phải. Tội phang một búa vào giữa sọ chết tươi.
- Ờ ờ...
- Mày là thằng tờ rốt kít!
- Ơ kìa đồng chí Lạp!
- Ông cấm mày gọi ông là đồng chí.
- Thế thì ông réo mày là thằng cu Lạp. Chứ sao, cứ vai trong
họ thì mày phải chắp tay chào tao là ông trẻ, nhưng ông không thèm chấp.
Chúc xô mọi người, đứng lên. Chúc thấp bé hủn hoẳn, Lạp chỉ
vươn qua cái bàn đã cao gấp đôi Chúc. Nhiều người xô lại can. Chúc vừa bước lùi
ra, miệng còn nói cứng: “Đây, ông trẻ nhà mày đây mày làm gì tao”, chân say đã
loạng choạng, rồi ngã bổ ngửa ra đằng sau. Tiếng vỗ cột, vỗ tay, reo ầm ầm.
Lạp về nói với Ba:
- Tao vừa suýt quạng thằng Chúc. May quá, giữ được!
- Gì thế?
- Nó khiêu khích.
- Liệu có lộ không?
- Không.
Ba nói:
- Để nó đấy, hôm nào mít tinh trót lọt xong, xin thủ tiêu nó
đi. Giờ làm cái này đã.
Lạp và Ba vác mấy cái đòn gánh, đòn ống ra giữa sân. Họ hì hục
buộc, đẽo, dưới bóng trăng mờ.
Lão Trương Ba ngồi trong này trông ra. Lão biết tỏng những việc
hai người đương làm. Nhưng chẳng bao giờ lão hỏi. Lúc nào lão cũng ngồi lỳ Bụt
mọc. Giời bẩm sinh ông không thích nói, chứ còn chẳng lúc nào mà ông không
nghĩ, từ khi bị nhà thờ bên đạo cướp mất ơ cả cửa nhà, ông càng nghĩ đến cháy
tóc, vuốt mãi, hói trọc cả đầu, tóc rơi từng nắm đầy tay, có khổ ông không.
Lúc ấy, lão Trương từ từ ra góc sân. Lạp đương rút ở ruột cái
ống đòn càn ra một mảnh vải rộng, trông kỹ thì là một lá cờ đỏ. Ông lão say rượu
đứng ngây xem họ moi ra nhét vào đầu ruột ống cái đòn càn - như những chiếc đòn
càn của thợ gặt nhưng trong ruột đòn nào cũng có cờ, có thanh kiếm, thanh quất.
Không hiểu họ lấy ở đâu, chuyên chở đi đâu. Lão vẫn thường trông thấy chúng nó
làm như thế. Có lẽ bọn này muốn đi làm giặc. Cho nên mới có cờ, có kiếm. Ở làng
này, ngày xưa lúc mới lớn, ông chẳng lạ những người làm giặc. Ngoài đồng làng
có thửa ruộng hình thanh đao là đất phát võ, đời nào làng cũng có người nổi tướng.
Xưa kia khi Tây mới sang, khối người làng này đi làm giặc, các cụ trong họ nhà
ông đi làm giặc đánh Tây cũng nhiều. Đêm nào cũng kéo cờ lên ở ngoài đồng, rồi
bắc loa loa vào các làng “bớ ba quân thiên hạ...” 1 Có
nhiều cụ đi rồi bị chết chém trên cổng tỉnh, có cụ đi mất giỗ. À bây giờ đến thời
chúng mày cũng đi làm giặc. Ừ, muốn đi đâu thì đi, được làm vua, thua làm giặc.
Nhưng ông không thích đi với lũ trẻ ranh. Ông muốn theo đám giặc nào mà bắt
quân nhà thờ bên đạo phải trả lại cho ông cái nhà này thôi. Có lẽ hỏi chúng nó
có thể biết cũng nên, ừ, ông hỏi.
Ông lão đứng thở khè khè, như rắn hổ mang phun. Sau thèm hỏi
quá, cất tiếng:
- Chúng mày... đi đâu?
Ba gắt:
- Vào ngủ đi!
Lạp ngoảnh lên, cười:
- Đi chợ, bố ạ.
Ông lão nói to như hét:
- Chợ búa gì! Chúng mày đi làm giặc.
Họ cũng đã quen nghĩa tiếng “làm giặc” hiền lành của ông lão
Trương. Nhưng tính Ba cục, không nói nhẹ với bố được vài ba câu, Ba quát:
- Điên hay sao thế này!
- Tao không báo quan về bắt chúng mày đâu. Tao chỉ hỏi xem đứa
nào, thằng giặc nào, đưa được tao ra tòa Áo Đỏ cho tao kêu ba tòa quan lớn kiện
bọn cha cố đòi cái nhà này.
Ba cáu quá:
- Có vào ngay không tôi phang cho một đòn gánh bây giờ.
Lão Trương lặng lẽ, lử khử vào nhà.
Có tiếng chó sủa lắc rắc ngoài bờ tre. Ba và Lạp vội vứt đống
đòn càn xuống mé bờ ao. Những chuyện khích bác lúc nãy ở quán rượu và những câu
nói quái gở của ông lão, làm cho hai gã thanh niên này nơm nớp đối phó. Một
bóng người vào trong ngõ.
Lạp nhìn ra, thở phào, bảo Ba:
- Cai Giắt!
Họ vào ngồi đầu phản, châm đóm hút thuốc để giải cơn phấp phỏng.
Cai Giắt thật. Lâu không gặp cai Giắt. Bọn Lạp cũng không dám đến nhà, sợ bà ấy
tưởng đến rủ chồng bỏ cửi đi chơi đá gà, lại sinh sự. Mãi lúc nãy Lạp mới bảo
Nhàn ra máy cai Giắt vào. Bác cai cũng không vào ngay được mà phải lên đèn, dệt
đoạn một cuốn cửi rồi mới đi. Bác cai ngồi ghé bên phản, cúi mặt rúc điếu cày,
cái mặt gầy dài ngoằng, làm cho bộ ria râu trên dường như càng rậm và vênh ra
hơn mọi khi. Cai Giắt thở khà, hỏi trong khói thuốc:
- Đi chợ nào?
- Vẫn chợ Cầu.
- Mất cả buổi thì tớ khó đi.
Lạp nói:
- Phải một công đôi việc chứ. Chợ Cầu thì ngô đậu, gà chó nhà
quê mang ra nhiều, mít tinh xong, thấy cái gì hơn ta chịu khó mua về, bán chợ
nhà, làm tý lãi cò con bù vào nửa buổi mất công.
- À à... mẹo đấy. Thế thì tớ vác lấy vài con chó chợ Cầu, chó
chợ Cầu làm được giá lắm. Giờ thì phải về, mai còn dậy sớm lên quắn cửi gà gáy
cái đã.
Lạp dặn:
- Buôn chó có lãi thì khỏi lo vợ mắng rồi. Còn nhiệm vụ đây
này: tảng sáng đã có mặt ở chợ. Thấy đông người đến chỗ gốc mít, có cờ treo rồi,
một nữ đồng chí chít khăn vuông, đeo kính đen đến trèo lên bàn, thì anh rút kiếm
trong đòn ống ra, trông tôi đứng đâu thì đứng đấy, đứng làm bảo vệ.
- Tớ cầm cái đòn ống kia về hả?
- Ừ. Dặn anh nào thấy thằng Chúc đi chợ thì phải báo ngay...
Ba lấy cho cai Giắt một cái đòn càn, “Kiếm đây!”. Cai Giắt đứng
dậy, xách đòn lùi lũi về.
Lão Trương đã ngủ từ nãy. Nhưng Ba và cô Nhàn còn ngồi một
lúc lâu châu đầu nghe Lạp đọc báo Cứu quốc, tờ báo giấy xanh trải giữa phản.
Lạp hỏi Nhàn:
- Cô Nhàn nhỉ, mùa này ở chợ Cầu có cái gì buôn được? Buôn
chó phải quảy vác lôi thôi quá.
- Em cũng không để ý, không biết.
- Phiên này mà chưa có cửi thì cũng phải đi tảo cái ăn, không
có thì đói đến nơi.
- Anh thôi cửi nhà bà Hương rồi à?
- Người ta phế từ hôm đầu phiên rồi.
Nhàn cười, hỏi mát:
- Thợ cửi quý như anh mà bà Hương cũng thôi nhỉ?
Lạp chép miệng, lặng lẽ.
Nhàn mỉm cười một cách tinh nghịch, thú vị. Đêm ấy, Lạp ngủ
nhà Ba để mai đi sớm cho tiện. Nằm vơ vẩn một lúc không chợp mắt được. Lúc tính
toán việc mai được phân công và bộ phận đi rải truyền đơn trong chợ với Hiền,
lúc lại buồn lo nỗi thất nghiệp, cuộc đời vẫn chẳng ra đâu vào đâu.
Phiên chợ Cầu, buổi sáng mùa đông ấy. Còn tối đất, nhưng trên
các đường làng xa, người về chợ đã tấp nập, bởi tiếng cười nói, tiếng gà vịt
chen nhau trong bu, tiếng lợn ủn ỉn, tiếng chó sủa, đôi khi tiếng bò rống, những
tiếng ấy từ bốn phía cánh đồng xôn xao trong bóng sương mù mịt.
Bọn họ có ba người: Lạp, Ba và Nhàn. Để đi được bí mật, họ
băng tắt cánh đồng rồi mới lên đường cái đá. Lạp và Ba vác đòn càn, quấn thừng
néo đầu đòn, như lái chó, như thợ gặt. Nhàn quảy thúng.
Ba người vừa đi vừa chuyện. Nhàn chợt hỏi Lạp:
- Anh Lạp không rủ chị Hiền cùng đi à?
Lạp đương mải nghĩ, không để ý câu hỏi, rồi trả lời.
- Kệ cô ấy chứ. Mà nguyên tắc, tôi không được phân công.
Câu nói lạnh nhạt làm cho người con gái đương yêu, đương
ghen, đương tủi bỗng như người sảy chân vớ được cọc vịn, vui hẳn lên. Mặc dầu
trời sương, không trông rõ mặt nhau, nhưng Nhàn có cảm tưởng như Lạp vừa nói
xong những lời dửng dưng ấy thì Lạp đương quay sang nhìn mình, Nhàn tự dưng ngượng
nghịu, mặt nóng hôi hổi.
Sương trắng xóa đương vỡ từng mảng kéo qua cánh đồng mênh
mông mãi ra và trời dần dần sáng. Những tiếng nói, tiếng cười, những con lợn
kêu và đòn gánh kĩu kịt càng náo nhiệt hơn, dần dần rõ lên từng đám đông với gồng
gánh từ các bờ tre kéo ra. Không ai biết ai là đi chợ hay đi mít tinh bí mật,
người người tuôn về chợ Cầu.
Lạp khoái chí nhìn Nhàn và Ba, nói to:
- Đông quá! Đông quá!
Ba hiểu ý câu nói thích thú của Lạp. Nhàn liếc sang, đuôi mắt
dưới vành nón vừa chạm cái nhìn sáng rợi của Lạp. Nhàn tưởng Lạp từ nãy vẫn
nhìn Nhàn như thế, nỗi sung sướng kín đáo của Nhàn vẫn giữ từ lúc sương chưa
tan, bây giờ càng chan chứa, càng lồ lộ trên đôi má con gái giữa trời gió rét
mà ửng đỏ khác thường.
--------------------------------
Thật ra là câu ngày trước gọi loa tập trung quân: Bớ ba
quân thượng hạ. |
XIII
Hồi này, tàu bay Mỹ đến ném bom luôn mấy hôm, thành phố và tỉnh
Cầu Đơ nháo lên, người ta xô nhau chạy đồ đạc về các vùng quê. Nhà vợ chồng dì
Bốn cùng với bạn hàng quen, nào những nhà ký Rượu, nhà Vĩnh Lợi buôn đồ sắt,
nhà bánh ngọt Phúc Long, đều xe hòm xiểng về gửi nhà bà Hương. Cái xóm yên tĩnh
bỗng lạch cạch, nhộn nhạo vì những chiếc xe bò chất đầy đồ đạc chở đến. Mấy cô
con gái tỉnh, quần lĩnh mới, chuỗi hột vàng chóe lẩn vào trong cổ áo tấc phin,
ríu rít áp tải xe. Người làng Hạ nói đùa: “Tiểu thư đi bộ đẩy xe bò thế này thì
điềm giặc dã loạn lạc đến nơi là phải”.
Bà Hương đi chợ lụa. Hiền bận khách khứa mất một buổi. Con
gái tỉnh vốn chẻo lẻo thạo ăn nói, vừa mới về, ba bốn cô đã quấn quít thân nhau
ngay. Họ ríu rít đủ thứ chuyện. Chuyện may cắt quần áo và vải vóc, chuyện đánh
nhẫn hay lập lắc, hạt vàng, chuyện chụp ảnh...
Đến xế trưa, xếp đồ đạc xong, bọn các cô đã về phố rồi, mà Hiền
còn bâng khuâng. Không, Hiền không nghĩ cám cảnh quê mùa và ao ước được như họ
đâu. Những người con gái tươi cười như bông hoa, ở nơi phồn hoa đến rồi lại đi
bỗng dưng làm cho Hiền chạnh nghĩ về đời người con gái như hạt mưa sa, giờ còn ở
nhà, đến khi lấy chồng lại đi những đâu, vào cửa nhà ai, làm sao biết trước được.
Rồi thì Hiền quanh quẩn so sánh. Đất tỉnh thành nhàn hạ có phấn sáp, lụa là đắp
lên người nõn nà ra chứ như các ả ấy mà đầu hôm sớm mai như gái vùng này thì được
mấy lúc mà tã ra như mụ mũi thung gắp cứt ngoài đồng.
Ngồi mà nghĩ thì còn liên miên đủ đường kia nỗi nọ. Hiền
trông ra đường cái, bóng nắng đã chụm tròn dưới gốc cây cau. Giữa trưa phiên tơ
mà đường làng vắng ngắt. Đôi lúc có người cung cúc đi như chạy, cái đãy hàng vẫn
trĩu trên lưng, cồ lên mấy chục thước lụa ế đeo về.
Hiền càng sốt ruột. Ý nghĩ về mấy cô gái tỉnh với những so
sánh đã chìm vào nỗi lo lắng làm ăn. Xem chừng phiên này cũng khó khăn. Bây giờ
mà bà Hương vẫn chưa về. Ngôi nhà chỉ vẩn vơ thêm, vả lại, ngày phiên cũng quen
thong thả. Mấy phiên nay, từ hôm đi mít tinh chợ Cầu về, không gặp Lạp. Không
hiểu anh ấy kiếm được chỗ dệt cửi chưa. Nghĩ thế, Hiền đội nón, đi ra ngõ.
Giữa Hiền và Lạp cũng chưa lần nào đã nói với nhau nửa lời rằng
ai phải lòng ai. Nhưng cái cảm về nhau đến tự nhiên, dần dà, một lúc nào đó,
cũng không bao giờ nghĩ được hẳn hoi. Cũng không bao giờ Hiền ngỡ mình lại có
thể về làm nàng dâu bà lão đi khâu mướn. Hiền để ý Lạp vì bằng chà bằng lứa, vì
gần gũi trong khung dệt. Lạp hay cười, mỗi khi cười, con mắt lim him một vẻ vừa
yêu yêu vừa ghét ghét, khiến cái liếc của người con gái nào đụng đến cũng như
phải vướng lại. Đấy cũng là người con trai đầu tiên Hiền tơ tưởng.
Hiền vào nhà ông Trương Ba. Lạp hay đến đấy. Hiền giả như đi
tìm gặp cô Nhàn. Hiền gỡ cành giong rấp ngõ vào sân. Nhưng nhà không có ai. Hiền
lại ra đặt lại giong ngõ như cũ.
Ngoài đường không một bóng người. Hiền chợt nghiêng nón quay
lại, thấy Lạp đương từ phía ngoài đồng vào. Lạp mừng quá, vẫy tay luôn mấy cái.
Hiền đi chậm lại. Đằng đầu xóm có một đám người về chợ.
Lạp vừa hỏi:
- Cô Hiền không đi chợ lụa à? Thế mà tôi cứ tưởng cô đi chợ!
Bọn mấy bà về chợ cùng tới. Hiền hỏi:
- U tôi về chưa, hả các bà?
- Ấy bà Hương vừa rẽ về nhà đấy.
Một bà chép miệng:
- Hàng ế lại đem về!
Hiền buồn thỉu trong người. Thế là đã ba phiên hàng ế phải
mang về. Hiền bảo Lạp:
- U về chợ rồi, tôi phải về.
Câu nói và vẻ nhợt nhạt của Hiền không hiểu vì tại Hiền ngượng
gặp Lạp với đám người đi qua, hay vì được tin hàng ế, nhưng trước vẻ bối rối của
Hiền, Lạp không dám nài. Lạp chỉ nói:
- Chiều phiên sau, cô ra nhà ông Trương, tôi hỏi cái này nhé.
Một tiếng “vâng” thoảng trong khua nón, Hiền đã quay đi.
Hiền về, chưa trông thấy mẹ, nhưng đã nhìn ở đầu phản lù lù
cái đẫy hàng. Hiền mở cuộn hàng ế nguyên như phiên trước, những góc gấp mở ra mở
vào nhiều đã nát gãy nếp. Hiền uể oải xách đẫy bỏ lên cái mặt hòm phản trong
nhà. Nửa tháng nay chỉ có tiêu ra, còn hàng thì chất đống đấy. Đằng sau bếp, bà
Hương đương léo xéo chửi con lợn rũi: “Cha đẻ cái giống ăn không làm hại...” Mẹ
lại đương nói bóng gió vợ An. Hiền không chạnh lòng, mà còn mát ruột. Đi làm
dâu mà đụn rạ nhường ấy cũng đáng được ăn chửi thôi.
Bà Hương lên nhà, Hiền đoán cũng sắp được nghe thêm mấy câu
chửi, chửi thật, hoặc chửi bắc cầu như nhiều lần bà đương tức giận chuyện đâu
đâu. Nhưng không, trông thấy con gái, bà Hương dịu mặt và im.
Trong nhà, lặng lẽ như nhà hoang. Bó hàng ế mang về như con
bò ngã quị trên mặt hòm. Chẳng ai hỏi han chợ búa như mọi khi. Không cơm nước
gì, buổi tối lẳng lặng chìm nghỉm. Chỉ có muỗi kêu o o. Hiền lấy rổ tơ ra ngồi
đầu hiên, quay thầm.
Không biết đi đâu về, như đã đoán biết hàng ế, An lẳng lặng
vào thẳng buồng. Hai vợ chồng ở trong buồng tối om, cũng im thật, không nghe đụng
đậy, như đã đi ngủ sớm.
Bà Hương bắc cái ghế đẩu ra ngồi trước hè cạnh rổ tơ. Bà
Hương thì thào bảo Hiền:
- Này Hiền ạ...
Hiền nghe giọng mẹ hơi khác.
- Trưa nay tao tạt vào nhà dì Bốn.
- Mẹ có gặp con gái dì Bốn với mấy cô về đây chạy tàu bay gởi
đồ hôm nọ không?
- Lúc tao vào thì các cô ấy đi rồi. Thấy dì Bốn bảo thế. Có
hai cô con gái ông ký Rượu đấy.
Hiền nói:
- Con gái tỉnh nói như thia lia, chẳng nhớ cô nào ra cô nào.
- Họ về xem binh tình.
Nghe cách nói úp mở của mẹ, người con gái đương thì tinh ý về
mặt chuyện ấy. Hiền hỏi vờ:
- Hàng ế chết ấy mà, binh tình gì!
Bà mẹ cũng không chú ý con gái hiểu như thế nào, bà điềm
nhiên nói tiếp:
- Tao cũng không biết, thấy dì Bốn nói thế. Đấy, cái nhà cậu
anh cô ta, hồi cưới thằng An có về, lại hồi nọ đi với chú Bốn về hỏi nhờ nhà để
gửi đồ chạy bom ấy mà.
Hiền nhớ lại hôm đầu phiên có mấy người tỉnh về, Hiền đương dệt
cửi. Bạn bè anh An thường đi lại. Hiền không biết hết được. Thấy có một anh xuống
nhà ngang xem dệt, biết có phải người ta không. Trai tỉnh bạo dạn có khác, con
mắt đá đưa như liếc dao. À ra thế. Hiền bâng khuâng, chưa biết rồi câu chuyện
ra thế nào, thì bà Hương đã lại nói:
- Cả ông cả bà ấy sang nhà dì Bốn, chèo kéo mãi tao cũng đã
sang chơi. Chả là dì Bốn đánh tiếng. Nhà hai ông bà, có cậu ấy là nhớn. Cửa
hàng sầm uất nhất nhì phố. Trước kia thì là ty rượu, một mình trông hơn chục
cái đại bài hàng huyện. Lại buôn nước chanh, rượu bia, thùng chất lên tận nóc.
Mấy tháng nay cậu ta ra buôn ngoài, phát đạt lắm. Vì nhà có môn bài gạo, cho
nên được đi khắp các vùng quê cân thóc nhà nước, bao nhiêu kẻ thầy đầy tớ phục
dịch vào đấy mà cũng chưa đủ. Chú với dì Bốn nói ở tỉnh chẳng thiếu, nhưng thời
buổi này, trông mỹ tự con gái đấy mà có khi toàn hoa nhài nở đêm. Nhà người ta
vốn nền nếp ăn học, chỉ cần người nội trợ, nết na. Tao xem thì tao cũng thấy phải.
Tính đếm đến việc nhà bây giờ, con gái lớn thì phải đi lấy chồng, tao chưa già
cũng là già, mà con người ta làm ăn buôn bán chỉ có thì, có buổi. Tao phải lo
cho mày một phần, còn phần nữa thì mày cũng biết rồi, cái nhà này cầm đoạn mại
đã đến hạn phải chuộc. Nói cho rõ nhẽ là không phải bán con lấy tiền chuộc nhà
đâu. Mà tao nghĩ cũng bởi phúc đức run rủi vong linh thày mày phù hộ cho nên mới
gặp được may như thế, chứ giờ hàng họ thế này thì đào đâu ra tiền chuộc nổi.
Mày thử nghĩ xem.
Đêm hôm ấy, Hiền quay tơ khuya lắm, không muốn đi ngủ, cũng
không thắp đèn. Guồng tơ cuốn trong bóng tối, thỉnh thoảng chiếc vày tơ cạch một
cái, gãy thành tiếng động nhỏ, như tiếng chuột chạy.
Câu chuyện mẹ nói lúc chặp tối, càng đêm khuya êm đềm lặng lẽ,
lại càng làm cho Hiền nghĩ mênh mang, thế này thế kia, không biết đâu là mối.
Có lúc Hiền nhớ lại, tính lại những người con gái làng đi lấy chồng xa. Ai giàu
sang thì năng đi lại, thăm hỏi làng nước. Những người đói khó thì mất mặt, họa
hoằn Tết nhất giỗ chạp mới thấy nhò về. Những đám khá giả như dì Bốn, ngày cưới
dì ấy, Hiền còn bé, không nhớ hết. Chỉ nghe mẹ thường kể cỗ nhà gái mà to lắm,
nức tiếng đồn ngả những hai bò, một lợn. Lúc nhà trai ở tỉnh về đón dâu, không
biết bao nhiêu dây chăng từ đầu xóm vào đến cổng nhà cô dâu. Cứ giam tiền ra để
gỡ dây lấy lối cho ông cầm hương tiến đi trước cũng vơi đến mấy túi bạc hào.
Bao nhiêu năm nay, mỗi khi giỗ Tết bên họ ngoại, vợ chồng con cái dì Bốn lại lũ
lượt, rực rỡ về làng. Dì ấy càng đẻ càng đẹp nõn ra. Làm gì mà chẳng mỡ, chẳng
phấn, chẳng duôn duốt, quanh năm ngày tháng ngồi nhà bán hàng thu tiền, rét thì
đã áo bông áo kép, nóng thì mát rời rợi, thằng quít kéo quạt luôn tay, khi đẻ
đái thì mỗi đầu con một vú ẵm bú mớm... Cuộc đời người đàn bà lấy chồng phong
lưu sung sướng, lần lượt diễu qua. Lại một việc hay hay mà Hiền nhớ đến là lệ
làng ta, phàm như con gái lấy chồng thiên hạ thì người rể ngoại phải nộp cheo
làng khá to. Lệ ấy đã làm cho nhiều đám trai lạ đeo đuổi gái làng này công lênh
lắm mà rồi cũng đành chịu không thể lấy nổi vì không lo nổi. Tùy từng lúc làng
có việc, khi góp tiền chữa đình, khi xây văn chỉ, có người đã cúng cả một đôi
nghê sành đứng trên đầu cột trụ ngoài cổng cái. Các xóm lát gạch đường cái, lệ
làng định rằng phải lát gạch nghiêng mà toàn bằng gạch lễ cheo. Mỗi đám cưới,
ngoài lễ lạt xôi thủ đủ lệ bộ ra, lại cáng vào tiền nộp cheo hai mươi thước đường
gạch lát, còn được hơn nữa là tùy tâm. Nhiều đám ganh nhau, chẳng mấy anh rể
ngoại nào chịu kém. Ờ, bây giờ làng khoán đường gạch cheo cho các đám cưới rể
người thiên hạ... Những chuyện cưới xin cheo hỏi phới phơi trong đầu cô Hiền ngồi
quay tơ thầm.
“Còn việc nhà này... Cũng là phúc đức run rủi, có vong linh
thày mày...” Việc nhà này, việc nhà này. Cái lo nhất là hàng ế. Từ khi An phải
bắt việc hội kín đến lúc chạy tiền được tha về rồi cưới vợ, việc làm ăn trong
nhà như bị ma ám, không việc gì ra việc gì. Nhà thì đến hạn phải chuộc. Anh An
hôm nào cũng đi không lại về không, chưa tìm đâu được sở nào, hiệu nào có việc
làm. Mẹ nói là phúc đức mới gặp được thế này, có lẽ...
Hiền không dám nghĩ thẳng: gả bán con gái để lấy tiền chuộc
nhà. Chạm đến, Hiền thình lình hốt hoảng, mủi lòng. Không, không phải thế, Hiền
không đến nước cô Kiều vì thằng bán tơ làm cho cửa nhà tan nát mà phải bán
mình. Đây mới ướm lời vừa duyên phải lứa, còn đắn đo, còn tư lự, được hay không
ở duyên số, ôi chà, nào đã ra sao. Những đoạn chuyện nhà xám ngắt đã làm đứt
quãng những tơ tưởng đầm ấm lúc nãy.
Phía bên bờ ao, cánh gà vỗ đồm độp, rồi tiếng gà gáy rộn lên.
Hiền nhìn ra sáng trăng đương còn ngập sân. Rồi chuồng nọ đáp chuồng kia gà ngỡ
trời tảng sáng, nổi tiếng gáy ran, truyền đi, nghe lúc gần lúc xa, eo óc, thăm
thẳm. Nhưng chắc cũng khuya rồi. Hiền xếp guồng tơ rồi bước ra sân.
Tiếng gà trong đêm cuối xuân, khua động, rạo rực, thổn thức
lòng người. Hiền nhớ năm trước, những tối tháng Hai chèo hát. Khi tan về, đêm
trăng vằng vặc thế này, cũng một tiếng gà ngỡ sáng gáy lên cả vùng gà gáy te
te. Hiền nghĩ đến Lạp. Hiền bỗng im nghe. Tuy không động tĩnh gì khác, nhưng Hiền
như nhớ lệ, Hiền đi về phía cổng vào ngõ, kiễng chân nhìn ra đường cái bên
ngoài cửa sổ khung cửi. Nhiều đêm sáng trăng như đêm nay, Lạp dệt đoạn đầu hôm,
ra về, nhưng còn đứng lại ngoài ngõ. Mà Hiền thì trong cửa sổ. Chưa hề hẹn nhau
như thế, nhưng hình như tình ý xui khiến nhau ra đứng đấy. Ánh trăng chếch vào
cửa sổ. Lạp nhìn lên thấy Hiền cười, mà Hiền cũng nhìn thấy Lạp cười.
Hai bên nhìn nhau cười im lặng như thế phút chốc đến lúc vệt
trăng chếch xuống xóa cái cửa sổ sáng trăng thì Hiền thò tay ra kéo liếp che cửa.
Rồi Hiền rón rén nhìn ra. Còn thấy bóng Lạp một lúc thật lâu đứng đấy.
Nhưng mà từ tối tới giờ lan man bao nhiêu chuyện, lúc này
nghĩ đến Lạp, thấy như một chuyện đâu đã xa, vừa êm ái, vừa mơ hồ, không nói
nên lời được.
Hiền vào giường nằm. Đầu óc vẫn liên miên. Lại thấy mơ màng
nhộn nhịp phố xá kẻ đi người lại. Hiền tưởng đến hồi mình đã con bồng con mang,
ngày giỗ thày, mẹ con áo quần bảnh bao ríu rít về quê chơi với bà ngoại. Có khi
Hiền thấy mình đương đi với mấy chị chạy bom về gởi đồ đạc hôm nọ, cũng mặc chải
chuốt lối tỉnh như họ, tay đeo vòng huyền, cầm một bức ảnh mới chụp. Rồi Hiền
chợp mắt giữa những giấc mơ xôn xao.
Chiều phiên chợ lụa sau, đến hẹn của Lạp. Lạp lên nhà ông
Trương Ba đợi Hiền. Lúc bóng nắng đã chạy qua ao, lần lượt, ông Trương, rồi Ba,
rồi Nhàn đi làm về vẫn không thấy hút Hiền tới.
Nấn ná đến khi nắng đã tắt hẳn. Lạp bần thần đi.
Nhàn bảo:
- Anh Lạp độ này chưa có cửi thì vội gì, ở chơi cái đã nào.
Hay còn mải đi tìm cô Hiền đòi ăn trầu đấy.
Lạp gắt:
- Không được nói nhảm!
- Không nói nhảm đâu. Em nói thật.
Rồi Nhàn cười tủm tỉm, lại ngẩn ngơ nhìn theo Lạp lủi thủi
đi. Nhàn đã mong manh biết chuyện có nhà ở tỉnh về đánh tiếng hỏi Hiền. Dù kín
tới đâu, thì những đồn thổi về các việc cưới xin và trai gái giăng gió các cô
bao giờ cũng hong hóng chuyện và thính tai.
Lạp không để ý câu đùa kháy của Nhàn. Lạp không để ý, bởi Lạp
còn mải đi tìm cửi dệt. Lạp vẫn chưa có cửi, lâu nay bữa no bữa đói thất thường.
Cơn thất nghiệp lay lắt, cơ chừng khó khăn hơn cả chuyến hàng ế năm trước. Tình
hình thời thế nóng lắm, công ăn việc làm cũng nóng lắm. Chạy quanh bao nhiêu
giày vò trước mặt.
Lạp đảo lên xóm trên, qua cửa nhà Hiền. Thấy đi vào trong ngõ
nhà bà Hương một người mặc áo sa, đội nón chóp dứa dắt cái xe đạp - trông kỹ là
bác Bốn trai. Bác Bốn có việc gì mà về tối thế?
Lạp đâm ra áy náy cái câu nói đùa khó hiểu lúc nãy của Nhàn.
Hay là có chuyện gì? Nhưng Lạp lại tự gạt đi. Lạp biết độ này nhà bác Bốn chạy
bom Mỹ đem nhiều đồ đạc về gửi nhà bà Hương. Người giàu săn sóc của, dáng hẳn
bác này lại về vì những việc ấy. Lạp nghĩ có lẽ Hiền đi chợ bán lụa về muộn
không tới chỗ hẹn được.
Yêu Hiền, dù rằng chỉ nghĩ mà chưa bao giờ đã nói, nhưng Lạp
tin có thể lấy được Hiền. Lạp tin, vứt đi tất cả những ngăn cách trước mắt để
mà tin. Nhưng cứ như cái nhìn đánh giá của bà Hương và cả thằng An nữa thì cái
quân nghèo xác như Lạp là của thiu thối, không đáng để mắt. Khéo lắm thì vơ váo
được con thợ tơ, thợ hồ ở đâu đến ngụ cư mà thôi. Lạp đã yêu Hiền, Lạp yêu với
một đinh ninh: “Rồi đây xã hội thay đổi, loài người không còn giai cấp thì tình
yêu không có bờ rào. Phải không?”. Những tin tưởng mơ hồ cụ thể ấy lắm phen phấp
phới như cờ bay loạn trong óc, làm cho Lạp không ngủ được. Chẳng khác năm trước,
Lê gác chân lên bụng An đọc báo Tin tức và hào hứng hô to: “Tao sẽ làm báo, tao
sẽ viết văn”.
Năm hôm sau, lại phiên tơ. Buổi chiều, Lạp lên đợi Hiền. Lần
này, Lạp không vào ngồi nhà lão Trương, Lạp ra ngoài cánh đồng, ngó vào quãng
đường từ trên xóm xuống. Hiền mà đi qua, Lạp sẽ thấy ngay. Lạp ngồi từ lúc nắng
còn đọng trên đầu ngọn lúa, đến khi mặt trời đã lui hui lặn, trong xóm nhá nhem
tối. Lạp từ từ đứng dậy. Lạp vào nhà lão Trương xem ngộ Hiền đã đến mà Lạp
không thấy chăng.
Nhàn vồn vã hỏi:
- Anh Lạp đi đâu về thế? Đã biết chuyện chưa? Khéo vẽ, anh giấu
em mãi. Sắp cưới chị Hiền rồi, phải không?
Lần này, Lạp không mắng Nhàn “nói nhảm”, mà Lạp im lặng nhìn
vào mắt Nhàn, khiến Nhàn lúng túng, ngượng.
Rồi Lạp nói lửng lơ:
- Ai biết đâu chuyện nhà người ta!
Nhàn cười nhạt:
- Thế ra “công anh đắp đập, be bờ; đan lờ thả lưới, bây giờ
tay ai” hả?
- Nhảm nào!
Nhàn lại nhanh nhảu, hớt lẻo, tai ác:
- Anh chưa biết thật ư? Chết thật, chị Hiền sắp lấy chồng
ngoài tỉnh. Vợ chồng bác Bốn làm mối. Cưới ngay trong vòng tháng này thôi.
Lạp nhớ cái xe đạp và bác Bốn áo sa, chiều phiên trước vào
ngõ bà Hương. Lạp rời rã. Lúc ấy, mặt Lạp chắc hoảng hốt lắm, nhưng trời đã tối,
Nhàn không thấy. Lạp lặng một lát, mới hỏi:
- Cô nghe đích xác không?
- Chả nhẽ em nói vu để anh chửi em à?
- Hỏi thật, không đùa đâu. Việc này có quan hệ đến công việc.
Cô nên dò hỏi thêm, cô ấy lấy ai, việc như thế nào?
Nói xong thế mà Lạp tự ngượng vì đã nói vậy, đã nói dối để
“làm cho oai”, Lạp đi ngay. Nhàn “vâng ạ”, giọng tinh quái và nhìn theo đến tận
lúc Lạp lật đật ra khuất.
Đêm ấy, Lạp buồn chân, đi loăng quăng khắp các ngõ. Khuya, Lạp
về đầu nhà bà Hương đứng dưới cái cửa sổ khung cửi mà những đêm sáng trăng, mỗi
khi Hiền thò tay khép lại thì hai đứa lại nhìn thấy nhau. Đêm nay bức tường tối
đen. Lạp quanh quẩn đến khi sương xuống ẩm hai vai áo, Lạp mới đi. Mặc dầu bây
giờ sương đã làm nhạt hơi người, chó trong xóm chỉ còn sủa lắc rắc. Lúc này,
sao Lạp thấy Hiền xa xôi ở đâu không phải ở đây. Lạp mới tỉnh ra Lạp đã quá vu
vơ tin tưởng. Bấy nay chỉ ta lại ký giao kèo với ta chứ nào ai đã nợ nhau mà nhớ
nhau, và nào có thề bồi ràng buộc. Lạp tủi, ức, mắt mở trắng đêm.
Chỉ hôm sau thì Nhàn đã hỏi ra đủ ngóc ngách câu chuyện.
- Đúng rồi, anh Lạp ạ. Cưới ngay trong tháng này đấy. Nhà chồng
là bạn buôn với nhà bác Bốn, nhà ông ký Rượu. Anh ta trước cũng đi học, mới ra
buôn. Mấy tháng nay đi cân thóc tạ liên đoàn cho Tây, cho Nhật giàu lắm. Nghe
như bà Hương thách to, mà đằng kia cũng theo được hết. Nhà giai đón dâu không
ăn uống nhưng hoa tai vòng hột, cặp áo sa tanh đủ cho cô dâu, lại hàng nghìn tiền
mặt dẫn cưới với ba cái lễ nhà thờ. Người ta bảo cái cô Hiền cũng đậm vừa vừa
thôi, nhưng bà Hương thì kết lắm. Bà ấy già đời ở góa, khôn chán, cho cưới con
bây giờ đã chuộc được nhà, lại có khoản tiền to giắt lưng. Giời đất tối tăm
này, ai biết thế nào, người ta phải phòng thân chứ. Mà cô Hiền lấy được đám ấy
cũng là tu chín kiếp, yên lắm rồi, chỉ thương...
Nhàn còn nói nhiều, nhưng Lạp nghe bập bỗng, tiếng được, tiếng
chăng. Ba từ nãy lặng im, giờ mới nói:
- Tu đến ba mươi kiếp cũng mặc xác thiên hạ! Song ta chỉ lo
cô ấy đã mấy lần dự mít tinh, lại đã đi liên lạc vào vùng trong, bây giờ về tỉnh
nhỡ đem việc bí mật nói lộ thì sao. Nghe những đứa ty rượu với cái quân thu
thóc liên đoàn toàn là giống chó má mật thám cả, Lạp thấy thế nào?
Nhàn hỏi móc:
- Thế không cho người ta đi lấy chồng à?
Lạp nói bàng hoàng:
- Không, không, nhưng ta cần biết. Cô Nhàn ạ, nhờ cô nhắn cô
Hiền ra cho chúng tôi hỏi.
- Chắc như đinh đóng cột rồi, hỏi han gì nữa! Tôi không vào
đâu.
Ba bảo em:
- Mày cứ gọi cô ấy ra đây. Chúng tao hỏi vì việc khác kia.
Nhàn phụng phịu:
- Các anh bảo ai thì bảo, nhà ấy thì em đã cấm cửa, không
thèm vào.
Lạp và Ba không hiểu sao Nhàn tự dưng lại bướng vậy. Không ai
biết đã từ lâu Nhàn không vào nhà bà Hương nữa. Tuy vậy, rồi Nhàn cũng nói:
- Được, em nhờ có đứa lôi nó ra.
Nhưng Nhàn đã mấy lần nhờ nhắn, chẳng thấy tin tức gì. Cũng
không gặp Hiền thò mặt đi đâu. Thế là chịu.
Có tối khuya, Lạp lẩn thẩn đến dưới cửa sổ. Nhưng dạo này
hàng ế, chẳng mấy khung cửi lên đèn đầu hôm, cửa sổ khung cửa nhà nào cũng tối
bưng. Lạp lại đứng đến lúc sương xuống ướt cả tóc rồi lạnh cả hơi người, chó
không sủa nhúc nhắc nữa, lại mới tha thủi đi.
Thế rồi đầu tháng ấy cưới cô Hiền. Mười lăm cái xe tay lùn từ
tỉnh về đón dâu, đỗ dài một dòng đầu làng. Nhưng đám cưới cô Hiền nhanh như chớp
ảnh, nhiều người xóm bên mà không biết. Chẳng có chăng dây đón ngõ, cũng không
cỗ bàn thết làng trên chạ dưới, không mảy may giống đám cưới dì Bốn ngày trước
và cũng không như có lúc như Hiền và những đồn thổi đã tưởng tượng linh đình.
Bà Hương nói:
- Thời buổi khó khăn quá, tôi không dám bày vẽ.
Không bày vẽ như đám cưới An, bà Hương thật người quả quyết
tính việc. Nhà gái chỉ ngả một con lợn làm cỗ dấm ghém mời bà con họ gần. Nhà
trai về đón dâu, trầu nước rồi đi ngay. Có kẻ độc miệng nói: “Bà Hương bán con
gái để chuộc nhà, nên cưới xin mới làm nhậy như xi la ma”. Lại có người tán rộng:
“Bà lão Hương khôn đổ máu ra đấy, bán con để tránh đói, gả trúng ngay vào cái
anh cân thóc tạ liên đoàn. Cho dù hàng ế gạo kém mấy nữa thì cứ đổ của nhà ra
mà ăn”.
Mười lăm cái xe tay đón dâu trở về tỉnh. Phu xe một loạt nón
chóp, áo nâu, quấn xà cạp điều, bước một, thủng thỉnh. Vô khối trẻ con các xóm
đổ ra xem. Và những cô con gái đứng bên kia bờ ao, nhìn ra, thèm ngẩn ngơ nhưng
người thì chép miệng, người chửi bâng quơ một câu. Hiền bước lên xe, cúi mặt, mặt
đầm đìa nước mắt. Cho hay, cô dâu Hiền khóc lúc đón dâu như nhiều cô khác ở
làng này đi lấy chồng xa mà thôi, chẳng ai quan tâm.
Tổ thanh niên cứu quốc hay họp nhà ông Trương Ba thế là mất một
tổ viên, từ hôm ấy.
Ít lâu sau, có một chuyến vào vùng trong lấy tài liệu, hẹn ở
chợ tơ Hà Đông. Lạp lên nhà ông Trương Ba bàn với Nhàn:
- Chỉ có cô đi được. Nhưng mà hôm ấy lại không tiện chuyến
bán lụa. Đương lúc kiếm ăn khó thế này mà bỏ buổi làm thì không được. Làm thế
nào bây giờ?
Nhàn cười:
- Anh tưởng em vẫn đi làm à? Mấy phiên nay có nhà ai hồ cháo
gì đâu. Em chơi rong hai phiên rồi. Em đi được, anh ạ.
Nhàn đi đến xế trưa đã về.
Lạp cũng không có việc, vẫn dông dài. Lạp nằm khoèo ở nhà ông
Trương từ lúc Nhàn đi, cho tới bấy giờ. Ông Trương và Ba vắng nhà từ sáng sớm.
Đi dệt cửi hay đi đập đá, đội đất, kéo vó, rào vườn hoặc làm gì, không ai hỏi
ai, không ai buồn biết việc của nhau. Người nào cũng phải sục lấy việc, khó
khăn đến nơi, đói đến nơi rồi.
Nhà vắng. Con mèo đuổi từng đàn chuột chạy đụng cả vào chân Lạp.
Lạp giật mình, ngồi dậy. Rồi lại nằm xuống, nhưng không ngủ được. Từ ngày Hiền
lấy chồng tỉnh, đôi lúc nghĩ, Lạp thấy chớp đảo như người mất cắp. Mỗi lần về
nhà, bà mẹ Lạp vẫn nói vu vơ dễ rơi ra: “Đã bảo mà, mày không chịu khó, để người
ta nhanh tay phỗng tay trên mất”. Lạp vừa bực, vừa thương. Bà mẹ không hiểu cơn
cớ chi trên đời. Chuyện buồn lại xẩy ra giữa lúc cạn việc, tiền hết. Lạp càng dễ
cáu kỉnh, có lúc đùng đùng bỏ nhà đi.
Lạp chồm dậy, ra nhảy tùm xuống ao, vùng vẫy mấy cái rồi chạy
lên sân, hoa tay múa võ lung tung. Bỗng mắt lóa lóa chớp giựt, đầu quay chong
chóng, Lạp lảo đảo đứng lại, ngồi xuống, một lúc mới hồi hồi. Lạp tưởng mình phải
cảm. Sau mới nhớ từ sáng chưa có hột nào vào bụng. Trách gì! Chiều nay cũng
chưa biết trông hạt cơm vào đâu. Mẹ Lạp khâu vá mướn, ăn cơm buổi nhà chủ, Lạp
cũng chẳng nỡ ăn vọ của mẹ. Ừ, mình túng kiết thế này thì làm sao mà nó lại
khươm được, nó không thiết mình cũng phải. Lạp nằm thẳng dẵng, bàn tay bóp cánh
tay. Các bắp thịt cánh tay hình như đã nhẽo ra. Vô phúc mà gặp con Hiền bây giờ,
có thể hăng máu đâm chết nó ngay giữa đường. Trong im lặng, trên hóc cột, một
con mối hớp trượt con muỗi, tiếng mối chép miệng nhạt như một tiếng thở dài. Lạp
thấy mình căm tức vô lý, cũng thở dài khượt một cái, chép miệng ba, bốn cái.
Cành giong rấp ngõ động sột soạt. Lạp ngoảnh ra, Nhàn đã vào
đến trong sân. Nhàn quảy gánh không, với một bó buồm vỉ để dưới trôn quang. Lạp
đoán có các thứ báo, tài liệu giấu trong ấy. Lạp ngồi vội dậy, cơn đói làm hai
mắt hoa chợt tối xẩm, gượng hỏi:
- Cô đi chóng nhỉ? Có gì không?
Trong quanh gánh chỉ có buồm vỉ. Nhàn lấy nón quạt bay bay những
sợi tóc dính mồ hôi trên mặt. Mắt Nhàn long lanh hẳn lên. Có lẽ bởi Nhàn vừa đi
đường xa về, nóng bức và còn có lẽ đôi mắt đến gần người mình yêu, bao giờ cũng
dợn lên khác thường. Lạp cúi xuống, nhấc bó buồm. Nghe sau lưng, tiếng gọi khẽ
như tiếng thở dài:
- Anh Lạp...
Lạp quay lại. Chỉ thấy Nhàn đỏ mặt, làn môi thơ thới định nói
gì. Lạp đã bắt được cái bối rối không tự nhiên của Nhàn. Trên màu áo đồng lầm đổi
vai đã bạc sạm vẫn lồ lộ khuôn mặt tròn trắng, đôi mắt dao cau. Chưa bao giờ Lạp
trông thấy Nhàn đẹp như lúc trên thái dương Nhàn bết mấy sợi tóc mồ hôi thế. Bẩm
tính hồn nhiên yêu tin giống mẹ, Lạp phảng phất một cách bâng khuâng chua chát
rằng dễ thường Nhàn phải lòng mình đã lâu mà không biết. Nghĩ thế, nhưng Lạp
không thấy vui hơn. Lạp mở bó buồm ra. Một cuộn báo Cứu quốc xanh lè gói tròn bằng
cái ống tơ lăn xuống đất. Hai người cúi vội xuống nhặt bó báo. Tay Nhàn nóng rừ
nắm phải tay Lạp và hai người cùng nhấc cuộn báo lên. Nhàn vẫn cầm gói báo, cả
tay Lạp, Nhàn lừ con mắt nhìn Lạp:
- Anh Lạp, anh yêu chị Hiền lắm, phải không?
Lạp cau mặt, nhìn xói vào mắt Nhàn, khiến Nhàn rùng người.
Bàn tay Lạp bóp lằn đỏ tay Nhàn. Mà Nhàn không biết đau, Nhàn nghiêng người,
nghiêng mặt, xốn xang như sắp ngả vào cơn mê. Lạp rít răng:
- Cô không được hỏi thế, không được hỏi thế!
Nói xong câu ấy, như hả cơn đau, Lạp chợt nhận ra mình đương
bóp tay Nhàn. Vừa ngượng, vừa cố ý, Lạp khẽ nới tay nắm, mắt dịu dàng đưa vào mắt.
Người con gái khôn ngoan và đương yêu nọ biết đấy là cái nắm tay và con mắt phải
duyên nhau rồi. Mồ hôi càng vã bết tóc trán, hai tay bỗng toát lạnh.
Lạp nói:
- Sao mặt nhợt thế?
Lạp không biết Nhàn đương xúc động quá. Và Lạp cũng không biết
từ hôm qua và suốt từ sáng tới giờ, Nhàn chỉ nước lã cầm hơi. Cơn bồi hồi và
cơn đói đương nôn nao làm cho Nhàn muốn lả.
Vẫn nắm tay Nhàn, Lạp nói nhỏ:
- Từ giờ em không hỏi thế nữa nhé.
Ngước to đôi mắt vẫn lay láy, rừng rực, Nhàn mỉm cười nhợt nhạt,
hơi gật đầu.
XIV
Canh cửi tơ sợi không có, cả làng đói đến nơi rồi. Các tổ cứu
quốc nháo nhào chạy ăn, chẳng lúc nào sinh hoạt được. Tình hình rối tung. Mà
không thấy ai đến liên lạc. Lạp muốn vào vùng trong xem sao. Mấy lần toan đi,
nhưng còn nấn ná, tính toán. Lạp chỉ ngại mẹ ở nhà một mình (dù Lạp ở nhà mà
không có việc làm như bây giờ thì cũng chẳng nuôi nổi mẹ). Nhưng mẹ Lạp bảo:
“Mày là thằng con giai mà tháo vát để đâu, đớn quá, ai lại chịu chơi dài, võ
vàng người ra như thế. Lật đất lên mà kiếm miếng chứ. Đâu có việc thì cứ đi,
người ta mà áo quần còn rách, còn cần người khâu vá thì tao có cái ăn, đừng lo
tao!”.
Lạp đến nhà ông Trương, bảo Ba:
- Tao phải vào trong ấy tìm việc làm, mà cũng để xem làm sao
mà không thấy ai liên lạc ra. Lại cái thằng Trung, đi biến từ ngày ấy, cũng phải
vào xem nó thế nào.
Ba bảo Lạp:
- Có gì nhắn tớ vào với. Nằm mèo cả phiên không có cửi rồi.
- Có gì tao sẽ về bảo.
Trở ra bờ ao, Nhàn đã đợi Lạp dưới gốc táo. Hai người nắm tay
nhau, đứng yên một lúc. Không ai nói, không biết nói gì. Mãi sau, Nhàn bảo:
- Trong ấy mà có việc làm thì anh về bảo em đi với.
Lạp ừ. Rồi Lạp kéo tay Nhàn lại. Nhàn rũi ra, nghiêng má về đằng
kia. Mái tóc vướng ngả vào thân cây táo. Lạp rướn lên, đè má mình vào một bên
má nóng hồng của Nhàn, Nhàn để yên. Rồi Lạp nghiêng môi hôn vào má Nhàn. Hai
người giật mình, ngơ ngác, buông nhau ra, như sợ hãi, như xấu hổ vì họ vừa gây
lên trong khoảng vườn vắng ấy một tiếng động lạ.
Lạp bàng hoàng nói: “Em ở nhà nhé”. Rồi Lạp bước đi, trong
khi Nhàn vẫn đứng tựa gốc táo, sửa lại mái tóc, Lạp quay đầu lại còn trông thấy.
Suốt ngày hôm ấy đi Lạp vẫn cảm thấy môi nóng ran, Lạp không muốn uống cả ngụm
nước, sợ nhạt mất cái miệng còn hơi ấm của ai. Bây giờ Lạp mới thật biết thế
nào là phải lòng nhau, trước kia, chẳng qua chỉ là tơ tưởng cái bóng, là giấc mộng,
là ngủ mê.
Ba tháng sau.
Chỉ ba tháng mà dài dằng dặc, làng Hạ biến đổi quá. Như một
cái đầm lá sen, cẳng tàn rụi, xơ xác, tan tác, ngao ngán trên mặt nước mờ sương
cuối mùa thu.
Thật ra thì làng Hạ đã dần dần vào cảnh đói mấy tháng nay rồi,
từ những phiên chợ mà các đãy lụa cứ phải đeo về kìn kịt và các khung cửi đã bắt
đầu ruỗi thợ ra. Ông lão Trương kém mắt đã hết việc trước, rồi đến Ba ngồi nhà.
Nhàn thì sáng nào cũng sắm nắm ra đầu làng đón việc, đi đến non trưa lại về
không. Xưa nay, cả nhà đi làm mướn ăn cơm người, hết phiên hết tiền, bây giờ ngồi
nhà thì cũng chỉ đỏ lửa bếp được ít hôm.
Ba đi cả ngày, cả đêm. Có khi về, áo sống bê bết bùn như vừa
làm thợ đấu vác đất. Ba nằm lử cả đêm. Có khi say khướt, đem về cho em mấy miếng
thịt chó luộc, rồi thiếp luôn mấy hôm không dậy. Nhàn hãi không dám nghĩ rõ là
anh đi đánh bạc, hay anh đi ăn trộm, ăn cướp.
Các làng làm nghề, làm ruộng đều lâm vào vòng khốn đốn. Không
có mấy hàng gạo ở chợ, tháng Mười vừa gặt xong, các nhà buôn của liên đoàn thóc
gạo đã về mua vét hết - có xe tải, lính phủ áp tải đi. Không thấy ai lên liên lạc,
đổi báo đọc - một cuộn báo bí mật, hàng tháng nay Ba vẫn nhét ở đầu hồi nhà,
không rờ đến. Những tổ cứu quốc dưới làng, và ở đây nữa, đói đánh khụy rồi.
Ông Trương tha thẩn ngoài vườn, đi quanh rồi vào ngồi trong một
góc nhà, tựa đầu vào vách. Cả đêm ông lão cũng ngồi như thế.
Buổi sáng, trời đất đã vàng lóe như mặt người đói. Mỗi người ở
nhà, ở các bờ bụi, ao chuôm lừ khừ ra đi lẫn lộn vào đám những người đói ở đâu
đâu đến đi qua làng, người nối dòng dài, mỗi ngày càng nhiều, không biết từ đâu
đến rồi đi đâu, những đâu.
Nhàn ra chợ từ sớm. Nhiều cô con gái trong làng cũng đi chợ sớm
như Nhàn. Mới vài buổi trước, trông còn đỏ đắn bây giờ mặt các cô trắng đục như
tờ giấy bản. Không phải đi chợ, mua sắm, mà chỉ đi đến chỗ tụ hội đông đúc để
thấy người, thấy cái gì ăn được và xem có gặp may mắn khác hôm qua không.
Cái chợ sầm uất mọi khi đã khác hẳn. Từ đầu làng trở xuống,
những ngôi hàng nước chè tươi, những quán thịt cầy và cả cái hàng phở ở nhà bên
có hội Ái hữu ngày trước mà chiều chiều thợ cửi thợ tơ vẫn rập rìu, tấp nập,
vào chơi, đánh cờ thế, đố mía, bàn chuyện chính trị, sách báo, bây giờ đã trống
trơ một khoảng đất đến một ngọn rau dền cơm vừa nhỏi lên cũng không thể lọi,
người ta đã vặt ngay.
Bói không thấy một hàng gạo. Chỉ có vài mẹt cám. Cám là thức
ăn sống người nhất chợ, ai cũng tranh nhau chúi vào. Mẹt cám hết bay biến. Còn
lại các hàng củ chuối. Từng đống củ chuối cao tú ụ bằng cây rơm, một lúc cũng vợi.
Củ chuối thái mỏng, trộn muối bỏ vào chậu, rắc rau húng lên trên, mỗi bát một
hào. Nhưng khách mua cũng chẳng mấy, chỉ rặt những người vêu vao, lượn lờ như
con gà quanh thúng thóc. Những đám người quằn quại, lúc nhúc, rách rưới, tanh
hôi từ cống bùn rãnh ao nào ngoi lên, cứ lào xào, phờ phạc, đều đều như sóng
đánh, tịnh không một tiếng quát tháo, tiếng cười, mặc cả, chửi bới, say rượu
đánh nhau, bò rống, lợn éc.
Cuối bãi chợ có một thứ hàng mới mà mỗi hôm mỗi nhiều, đó là
những cái khung cửi như bộ xương con trâu, con voi từ các làng khênh đến, xếp
chồng đống, ngổn ngang bên cạnh những rui mè cột nhà, những mái rạ, mái lá dỡ
ra bán làm củi. Rồi lủng củng nham nhở bốn phía những khám thờ, những ngai, ỷ,
bài vị, đẳng, tam sự ngũ sự, câu đối, hoành phi, bát hương, nồi đồng - cả đến
cái hòm sơn then, cái ống quyển đựng bằng sắc, gia phả, những đống sách gánh
sách chữ Nho, những cuốn thư thếp vàng nghênh ngang trong ánh nắng bụi lầm, giữa
những đám người vừa quảy đến, đặt xuống, mắt hõm đương thở dốc, lơ láo hóng kẻ
đến mua. Người bán, người xem đờ đẫn, sờ mó những bộ xương đứng, bộ xương ngồi ấy,
không một ai cất nhời hỏi một câu, rồi dần dần lảng. Nhưng ở một đống rác cạnh
đấy thì bâu nhâu người ra bới. Mấy đứa bé trần truồng, mặt choắt, trán nhăn rúm
như những cụ già sắp xuống lỗ, chúng nó ngồi giữa đám vỏ ốc, hút tùn tụt cả cứt
ốc lẫn đất vào trong miệng rồi vứt đánh toách một cái, chiếc vỏ rỗng còn lăn
long lóc, đứa khác đã quơ tay ra nhặt lên, hút lại.
Gần đây, dưới bóng mát gốc nhãn, có ba người bị trói ngồi. Gốc
nhãn ấy, những ngày chợ bình yên, người ta buộc những xích ống một con chó bán,
một con lợn đực đi lẹo thuê. Bây giờ phiên nào cũng trói một xâu, một xốc người
vào. Đó là những kẻ cướp giựt, người ta bắt, đem gô lại đấy. Hễ tuần phiên tóm
được người nào lại trói cánh khuỷu, ghì vào gốc cây. Rồi càng nhiều người cướp
giựt, phiên nào cũng buộc kín các gốc cây, đến nỗi chỉ còn trói được có hai tay
người bằng cái dây cây cóc mẩn, buộc thòng lòng vào lưng người bị trói ở trong.
Người ta không buồn chạy, không đủ sức chạy.
Cái lão quét chợ, mọi khi, mặt phù đã sưng phệnh lên, nhưng
tay nắm một con dao. Lão hầm hầm ấn từng người ăn cắp xuống, lão gọt gáy. Lưỡi
dao mấp xuống gáy, có khi một mảng tóc lóc theo một dòng máu lõa ra. Có người
kêu thét, vừa được cởi ra thì lỉu xuống, chết.
Nhàn đương đứng giữa chợ, Nhàn đi từ từ, quanh quanh một lượt.
Chợ sớm nay lại có thêm một món ăn mới. Hàng bán bánh khô dầu. Vẫn nghe nói,
khô dầu là bánh, bánh thì ăn được, bây giờ mới thấy chợ này có. Nhàn chỉ nhìn
qua, không đậm mua. Khô dầu là phân bón ruộng. Người ta lại bảo ăn khô dầu thì
cứng bụng lại, no luôn vài ngày, rồi chết trương lên, nhưng nhiều người cũng cứ
mua. Nhàn lại len vào các đám đông người, lượn vòng chợ. Đi vào đám đông ngửi
hít mùi khói, mùi quà bánh, để chờ, để hóng một sự cầu may, như bắt được tiền,
như có người đón đi làm hồ, đi quay tơ, như sắp có người cho miếng bánh đúc chấm
tương, một bát cháo bột se - những thứ mong ước vớ vẩn thì vô cùng tận, không
thể nhớ để đâu cho hết.
Nhàn ước ra như vậy, và rân rấn nước mắt. Chao ôi, trước nay
thì chỗ đông nào cũng thấy vui, Nhàn đi chen chúc, đi vui, đi sướng. Nào chèo
hát tháng Hai, tháng Ba, nào thợ tơ thợ cửi ríu rít chiều ngày phiên, nào mít
tinh cờ đỏ sao vàng chợ Cầu, nào Tết nhất, nào đi đón hàng, đón thợ. Sao giờ bỗng
dưng lại hóa như thế này? Giờ thì lúc nhúc hôi thối, chen chúc nhau vào ngỡ có
bắt được cái gì ăn. Ai gục xuống đấy, thì người khác xéo lên.
Nhàn đứng lại trước một hàng nộm củ chuối. Mấy người đương
chúi cổ và xì xụp. Một mụ rách rưới ở đâu lòa xòa đến, nhìn người đương ăn cứ
nói ráo hoảnh xem tướng từng người, tựa cách bói sáng như thế cũng giúp cho mụ
ta có cái thú vị chăm chú như mình đương được ăn.
- Cái nhà cô ngồi ngoài còn khá. Nhưng sao rách thế. Con gái
con đứa mà ngồi ăn để cả đồ lề ra thế kia! Nhà chị này thì đuối rồi. Má sị quá.
Nuốt miếng chuối mà nghẹn lắc cổ như gà các cụ ngày xưa bảo là điềm chết đấy. Gớm,
thời buổi đói kém mà con mẹ này béo quay ra, không sợ bị quở quang à? Béo tốt
thế thì việc cóc gì phải nốc củ chuối cho hại người. Ấy cái giống củ chuối, người
nào béo ăn vào lại róc người ra, người nào gầy, ăn nó đầy người lên, thế mới thật
là lúc đói thì giời cũng ra tay cân phúc cân tội. Còn cái nhà này ngắc ngoải đến
nơi rồi, cố nuốt bát nộm đi mà hưởng mùi đời, già lắm cũng chỉ đặng được đến
phiên chợ sau thì cho mày đôi năm mươi về với các cụ.
- Cha tiên nhân con mẹ ranh! Cút đi cho bà bán hàng!
Bà hàng xua xua tay chửi rồi sẵn cái gậy, gõ cốp cốp vào hai
cái đầu gối to xù xụ của mụ nọ. Mụ ngã bệt ngay xuống, ngồi nguyên đấy. Thấy thế,
sợ quá, bà bán hàng không dám nện nữa. Mụ ngồi ăn vạ, lại chỉ trỏ người này gầy,
người nọ béo, người kia sắp chết.
Nhàn hoảng hốt. Mụ ta sắp xem xét gầy béo đến cả Nhàn. Ai mà
nói gầy, nói ốm, Nhàn sợ lắm. Nhàn đi thẳng.
Gầy... Béo... Sắp chết... Tròng mắt Nhàn lại đỏ hoe. Những tiếng
khủng khiếp! Nhàn nghĩ đến anh Ba. Anh héo hắt chóng quá. Người nhợt nhạt, mỗi
hôm một khác.
Nhàn vào hàng củ chuối. Nhàn mua ăn một hào, còn thì gói lá
mang về phần anh Ba.
Nhàn lần cạp quần ra tờ giấy một hào cuốn tròn như cái tăm
nhét vào tận giữa lưng. Bất kỳ đến nước thế nào thì vẫn còn có đồng hào găm
trong người, tính đàn bà con gái bao giờ cũng căn cơ. Một hào này, một hào bát
nộm củ chuối với muối vừng, rau thơm. Cái vị chan chát vừa mỡ, vừa thơm ấy làm
cho Nhàn nuốt đến đâu tỉnh ruột đến đấy.
Bỗng sau lưng tràn đến những tiếng ồn ào. Nhàn vội trút cả
bát nộm còn lại vào bọc áo, rồi quay ra nhìn. Đông lắm, đông nghịt những người
cao lỏng khỏng đương loi thoi, quây quanh, dúi nhau vào đánh đấm túi bụi. Họ vừa
đánh vừa dẫn đến gốc nhãn một người kẻ cắp. Nhàn nhìn rõ mặt lão quét chợ. Ai
nghe nói bắt được lão quét chợ ăn cắp cũng cố đuổi xem mặt đến tận gốc nhãn.
Hai người, ba người, rồi bốn năm người xốc láo lên đánh, loay hoay, lúi húi, có
lúc ngã chồng cả đống lên nhau. Nhưng mà, thôi thế là đến cái lão quét chợ hay
đi bắt người cướp giựt và gọt gáy người ta, bây giờ lão cũng bị người ta đem gọt
gáy. Cái chợ đâm ra vô cai quản, người ở các đống rác, các xó nhua nhúa mọc ra,
vừa cười vừa mếu khác thường. Những hàng quán, từ miếng củ chuối đến người
khiêng hương án, án thư đi bán đều hấp tấp khiêng, vác, chạy. Chỉ còn lại tiếng
lao xao, xô đẩy rầm rầm.
Nhàn chạy khỏi đám đòn vỡ chợ.
Trong nhà vẫn lặng lẽ như sáng sớm. Anh Ba chưa về. Góc
trong, ông Trương ngồi quay mặt vào vách. Có phải đức Phật xưa cũng ngồi quay mặt
vào tường như thế ít lâu rồi hóa; ông lão cũng muốn được như đức Phật chăng?
Kéo ra cũng không được, trông thấy gáy ông lão mỗi hôm lại hũm sâu hơn thì biết
người đã rộc lắm. Rồi cả Nhàn và Ba cũng không ai đả động đến. Ông cứ ngồi đấy
rồi hôm nào ông đi. Già thì chết, chết đói cũng như chết bệnh, thế vậy thôi.
Nhàn ôm trong bọc áo nắm nộm củ chuối ra sau vách cất lên hóc cột.
Thấy phía bóng cửa hơi xẩm tối, Nhàn quay lại. Ba đã về đứng
sững đấy. Ngoài sân ánh nắng vàng rực ửng vào, mặt Ba càng xám như đất. Hai con
mắt Ba trắng nhả, trô trố như sắp bật con ngươi ra. Khiếp quá, Nhàn hớt hải lại
phía Ba, trong khi Ba từ từ bước vào bóng tối ẩm ướt gian nhà trống. Đến chân cột,
Ba giơ tay bíu. Nhưng ngón tay không đủ sức nắm, tuột xuống cả người Ba đổ
theo. Nhàn trông thấy gáy anh Ba mất một miếng da, lòi máu đỏ hon hỏn.
Nhàn kêu lên:
- Ối anh ơi!
Lão Trương quay mặt lại. Nhưng chân lão không mở thẳng ra được
nữa. Ông lão bò đến chỗ người con trai vừa ngã phục xuống. Ông quờ tay lên mặt
con. Ngón tay run đụng vào tảng mặt lạnh ngắt. Ông lão bảo con gái:
- Hàm nó cứng rồi.
Ông lão chúi đầu như thế, khóc “hô hô” hai tiếng, rồi im bặt.
Nhàn khép cái vạt áo rách toang cho Ba, thấy ở ngực, ở cánh tay anh từng đám bầm
máu. Trời, anh Ba đi ăn cắp ở chợ, bị đánh, bị gọt gáy. Nhàn đưa tay lên mặt
anh. Vừa lúc ấy, Ba mở hai mắt trắng nhợt. Môi co lại, miệng Ba từ từ há, nhả
ra một tờ giấy bạc. Nước bọt, vệt răng cắn đã làm cho mảnh giấy đỏ buồm, đen xỉn,
dính bệt lại. Mắt Ba nghiêng nhìn Nhàn, tay Ba nhấc lên, rồi lại buồn bực,
buông vật xuống. Nhàn cúi mặt khóc, không dám nhìn anh nữa. Nhàn hiểu hết nông
nỗi ghê gớm này. Ba bị đem gọt gáy. Nhưng Ba vẫn ngậm được tờ bạc hào, không chịu
buông, về đến tận nhà mới nhả ra.
Bỗng Ba nói ráo hoảnh:
- Cái ống báo tao cất trong mái đầu hồi, thằng Lạp về báo nó
thế. Tao chết thì đêm mày vác tao lên bỏ ở cầu chợ cho hàng chợ nó phải chôn.
- Anh chỉ nói dại!
- Dại à...
Rồi tay Ba lại vật vã quật xuống. Một lúc, Nhàn không thấy mắt
Ba chớp. Ba nằm thế, Ba chết. Hai người còn lại ngơ ngẩn, chưa muốn biết cái
xác nằm đây là một người chết, nhưng trong nhà thì vắng hẳn hơn lúc nãy. Ngoài
kia nắng to. Bốn phía các xó luồn hổng hắt một ánh sáng mờ vào các chân cột,
vào hai bố con ngồi lù lù, như pho tượng nổi bóng lên. Ông lão Trương lại quay
vào vách chiêm bao các kiếp trước, kiếp sau, luân hồi quả báo. Đây là cảnh xuống
đến cửa Âm Phủ, cả nhà lão chết rồi, các vong hồn đương đứng trước ngục để vua
Diêm Vương gọi vào, trong kia nào vạc dầu, nào rắn rết, hổ báo đương cắn xé,
tùng xẻo những người trên dương gian có tội. Từ khi nhà thờ trên làng Đông lấy
mất nhà, đầu óc ông lão mụ mị, day dứt hình thù những tòa án áo đen, áo đỏ, những
âm ty, những phúc tội, bây giờ, đứa con độc tự của lão chết đói chết đòn thế
này. Những nét co giãn trên mặt lão càng rũa ra như đống bùn, xạm ngặt.
Chỉ còn Nhàn tỉnh. Thương lo, làm thế nào chôn được anh.
Khiêng lên chợ, bỏ trên đấy để hàng xứ phải kéo đi chôn, như người chết đường
thì chẳng nỡ. Nhưng làm thế nào chôn được anh? Ông Trương không còn nhấc nổi đầu
gối. Xóm giềng bây giờ thì như cò gặp bão, mỗi người bạt mỗi xó. Nhàn nghĩ đến
bác cai Giắt.
Nhưng Nhàn ngần ngừ. Dạo xưa, còn sinh hoạt, một lần bác cai
được cắt đi gác cho phụ nữ họp, bác đã cáu tiết bỏ về. Bác bảo bác ghét lũ đàn
bà. Bây giờ đến, biết bác cai có còn nghĩ đến anh em. Nhà ông Trương có họ với
nhà lý Dĩ, Nhàn nhất định không vào, thà đến bác cai.
Bác cai Giắt vừa đi đâu về. Lâu nay, cai Giắt lúc nào cũng
cái đòn gánh trên vai, không mấy lúc ở nhà. Bác quảy thuê cho bọn buôn muối lậu.
Lại có khi lên tỉnh kéo xe, mấy hôm mới lại trở về cái làng u ám. Vừa trông thấy
bác cai, Nhàn khóc. Bác cai hỏi:
- Cái gì, cái gì thế?
Bác cai gái thấy Nhàn đến thì xăm xăm ngay ra. Từ độ bình thời,
bác gái đã ghét anh em nhà này. Mỗi lần chúng nó đến lại thấy lão cai bỏ cửi
canh, đùng đùng đi, chẳng được tích sự gì. Bây giờ ả này nhò đến, chỉ lại quấy
nhiễu, xin xỏ. Thời buổi chết đến nơi, cha bỏ con, vợ bỏ chồng, ai thương nổi
ai. Bà phải ra xem sao, kẻo cái lão ấy chúa nhanh nhảu đoảng, cởi ngay ruột ra
được. Bác cai gái trân trân nhìn Nhàn. Nhàn vẫn khóc:
- Bác ơi! Anh cháu chết rồi.
Bác cai kêu lên:
- Ối giời, cái thằng Ba ấy à?
- Vâng.
- Khổ chưa, tôi phải ra xem sao cái nào.
- Này, nhà này...
Cai Giắt biết ý vợ. Bác bèn xắn quần lên, cởi phăng cái thắt
lưng dạ cá có bím, ném vào trong nhà. Bác gái biết thế là chồng không còn có gì
trong người. Bác gái quay vào, nói một mình:
- Giời đất này, người như con kiến, chết thì lấp đi, lại còn
gọi ai, khóc ai.
Cai Giắt đến nhìn Ba nằm co quắp dưới đất, mắt mở trợn, đằng
gáy hoét đỏ bầm như một lỗ thủng. Cai Giắt nói:
- Chết trước khỏi chết sau, rồi còn chết cả làng.
Nói xong câu cứng rắn ấy, bác bặm miệng lại, trong hố mắt tối
om chảy xuống hai dòng nước mắt. Cai Giắt lơ láo, ngước ra vườn, kêu:
- Ái chà! La ghe 1 thì
chết đâu chôn đấy, giờ cũng đương la ghe. Chôn nó ở góc vườn kia. Bây giờ chẳng
sợ cóc thằng Nha Chung nào, cho thằng Ba được ở nhà ở cửa, bao giờ qua cái nạn
này, nếu có họp, gọi nó về họp cũng gần. Còn bố thì cứ ngồi đấy, không phải
khóc, không phải đứng dậy, con đi mượn cái cuốc, con đào sẵn cả cho bố cái hố,
bao giờ bố muốn ra nằm cạnh nó thì ra.
Ra đến giữa sân, cai Giắt đứng lại. Cai Giắt kéo vạch cạp quần,
như người đương bị con rận cắn, đương bắt rận. Không, bác cai Giắt móc trong cạp
quần ra tờ giấy bạc một đồng, vuốt phẳng, đưa Nhàn:
- Mày cầm lấy.
Nhàn ngẩn ngơ cầm một lát sau vẫn còn nghĩ bùi ngùi, nhìn
theo.
Hồi làng nước mới thiếu đói, nhưng những nhà đi làm mướn như
nhà Nhàn thì đã cũng kiệt lắm. Bố con khuân hết giường, phản, nồi, mâm, đồ thờ
ra chợ bán. Lão lý Dĩ là người họ cành dưới, đến bảo: “Bán tào bán huyệt bán cả
ông vải, bêu riếu thế rồi thời bình ra chỗ đình trung ăn nói thế nào”. Nói
xong, lão lý Dĩ đi, chẳng cho được một xu và cũng không lần nào tới nữa.
Bác cai Giắt chẳng qua chỉ là người cùng làng, chơi với nhau
vì cùng hội cùng thuyền Ái hữu, cứu quốc mà thôi. Nghĩ thế, Nhàn lại ràn rụa nước
mắt.
Bác cai Giắt nói ác khẩu, chứ bác chẳng đang tâm đào thêm một
cái hố cho lão Trương chờ chết. Nhưng, từ hôm chỗ đất vườn ấy có một nấm mồ của
con trai ông lão, mỗi buổi sáng, sớm lắm, lão Trương bò ra vườn, tay lết theo một
cái sống dao cùn. Lão Trương ra đào một hố, bên cạnh mộ của Ba. Lão ấn dao, móc
từng vốc đất lên. Lâu dần thành lỗ to, đấy là lão đào cái huyệt. Nhàn bảo bố
không được làm thế. Nhưng lão đáp: “Mày chẳng làm nổi việc này”, rồi lại lẳng lặng
móc đất. Gáy lão hoắm xuống, kéo trĩu cái đầu tóc búi càng to ra, nặng trễ. Ông
lão thợ cửi ngoài sáu mươi tuổi ấy đã lâu chẳng ăn uống gì, ngồi xúc đất bằng
hơi sức còn lại của một người trước kia vóc vạc lực lưỡng, cả đời không biết ốm.
Nhàn đưa cho bố miếng củ chuối, ông lão lắc đầu.
Một buổi sáng, lão Trương bảo Nhàn:
- Hôm nay thì tao về.
Ông lão lại nói:
- Tao mà về rồi thì mày đốt cái nhà này đi, đốt đi. Mày để
tao nằm cạnh thằng Ba, đắp cao cho tao một tí. Đã lâu tao giữ không cho thứ gì
vào bụng, chắc không còn hôi thối nữa. Con ơi, sinh con mà không nuôi được con là
tội ở bố mẹ, từ nay chỉ còn có một mình con ở lại trần gian, bố con ta phải lìa
nhau, thôi thì ông giời thu xếp cho thế nào cũng được.
Ông lão Trương nức lên, từ từ quay mặt vào vách. Nhàn đỏ hoe
mắt, gắt: “Nói dại!”. Rồi Nhàn ngoảy ra. Nhàn lại tha thẩn đi ra các đống rác,
bờ bụi ao chuôm ngoài chợ, nhặt cái ăn như mọi ngày.
Nhàn về, trông vào chân vách, không thấy bố. Nhàn ra vườn, thấy
ông lão dưới hố. Một chân co, một tay áp má, như người ngủ. Đàn kiến đắp vào lỗ
tai, có những con kiến lửa đương bò ra bò vào trong các kẽ tay ông lão.
--------------------------------
Tiếng Pháp (la guerre) là chiến tranh. |
XV
Nhàn còn ở có một mình.
Trời lại dần dần vào mùa thu. Có những đêm thời tiết đột ngột
đổi, gió nổi rào rào trên ngọn xoan, ngọn tre, những người đói trong làng nằm
thúng thắng ho. Già lão chỉ đợi trở trời như vậy, là chết. Một đêm ông lão Vựng,
bố anh Lê, ngồi chết ở gốc cây mít ngoài góc chợ với mấy người nữa. Thế là lại
một ông thợ cửi già dệt lĩnh mười bàn giỏi nhất làng Hạ không còn.
Mặt trăng nẫu vàng như một cái lỗ thủng chuyển động trên vòm
trời mù sương. Đêm thăm thẳm hút vào một vùng chết chóc.
Bảy đồng rưỡi bạc một đấu gạo. Mà một ngày quảy thuê không được
nổi năm hào công. Khảo giá với nhau thế thôi, chứ gạo ở chợ làng cũng không có,
phải nửa buổi lên chợ Cầu họa may mới được nhìn mặt hạt gạo. Đồng bạc với mấy
hào giắt lưng chỉ mua nổi nắm nộm củ chuối ăn dần. Quần áo lướp tướp như khoác
lá chuối. Cũng không còn biết xấu hổ. Lắm lúc người đói dường như người dở hơi,
cả ngày nằm ngách xó luồn bắt con kiến, con muỗi mắt, cắn mấy con chấy vuốt
trên đầu xuống nhấm ăn. Có lần, một mụ ở chợ ngắm Nhàn, bảo: “Cô này khéo lắm
chỉ hai phiên nữa thì được về với các cụ”. Nhàn tất tưởi, vừa đi vừa khóc. Nhàn
nắn cổ tay, cổ chân, vuốt má, vuốt mặt. Nhàn không bao giờ ngỡ mình đã phù nề.
Có lúc ra bờ ao, soi mặt xuống nước, vuốt tóc, cười. Má phị, nặng, mọng, đùng đục,
soi bằng được, Nhàn hơi nhích cười. Nhàn chỉ trông thấy cái cười.
Những lúc ấy, Nhàn nhớ Lạp.
Nhàn lại lần xuống nhà mẹ Lạp. Mẹ Lạp không phải người vùng
này. Ở làng Hạ trước kia, cuối năm thường có những bác thợ khâu tay đến may quần
áo Tết cho các nhà. Một bà thợ khâu già và cô cháu gái, hai bà cháu năm nào
cũng từ Phủ Đình ra khâu đồ Tết ở làng Hạ. Mẹ Lạp ngày trước là cô cháu gái bà
thợ khâu già ấy.
Một năm xưa hàng ế, bố Lạp theo người ta đi phu sang làm đường
bên Lào rồi không thấy về nữa. Mẹ Lạp chờ chồng nuôi con, đi khâu vá cho các
nhà trong làng. Khi còn trẻ, tinh mắt nhanh tay thì đến độ khâu hàng Tết, nhiều
nhà chèo kéo, nhưng rồi về già, mắt kém, người ta chỉ gọi bà đến vá quần áo vặt
vãnh. Tuy vậy, quanh năm vẫn có việc.
Nhưng bây giờ không phải như hôm Lạp vào vùng trong, bà mẹ phổi
bò dễ tính tưởng là dù đói hay no thì quần áo lành rồi cũng có ngày rách, có
ngày sẽ phải mượn vá. Bây giờ cả làng rách như tổ đỉa không ai buồn nhìn ai. Bà
mẹ Lạp đành ro ró cả phiên ngồi nhà.
Mấy bận Nhàn xuống nhà mẹ Lạp. Mẹ người khô rạc, cổ tay cổ
chân bằng cái đốt mía. Bà ngồi giữa nhà, áo và váy nâu, mắt đeo một miếng kính
trắng có hai sợi chỉ buộc vào tai thay cái gọng, vẫn rõ ra bà thợ khâu, áo vá
trăm mụn, miếng vá nào cũng gọn, sạch. Tay lần tràng hạt, miệng bà lẩm nhẩm kể
hạnh. Thấy Nhàn, bà nói:
- Cô xuống chơi.
Nhàn bước vào, ngượng nghịu, ngồi ngoài đầu hè. Rách quá,
Nhàn không dám đến cạnh bà. Nhưng bà vồn vã:
- Cô vào đây.
Rồi bà kể lể:
- Cô Nhàn ạ, cái thằng Lạp nhà tôi chỉ bông lông, đứng núi
này trông núi khác. Nói thực với cô, bao nhiêu đám nhỡ rồi đấy. Lần này nó mà về
tôi lên nói với các cụ xin cô cho nó. Cảnh nhà khó với nhau dễ ăn nói. Nó cũng
sắp về rồi.
Lại mong, như bà cả đời mong chồng bà làm đường bên Lào sắp về.
Bà mẹ lần tràng hạt, chốc lại buông tay, chuyện. Nhàn ngồi nghe mẹ kể hạnh, rồi
chuyện và mong con. Người đàn bà dễ tính, dễ quên, bao giờ cũng hy vọng. Chốc
chốc, lại dừng tay: “Thế nào nó về tôi cũng lên nói với các cụ trên ấy”. Nghe
thế, Nhàn chỉ muốn khóc. Nhà Nhàn có còn ai đâu. Nhàn tưởng như mẹ Lạp là một
bà tiên, khô như con hạc thờ không bao giờ chết, mẹ ngồi niệm Phật phù hộ cho
người yêu Nhàn chóng về.
Nhàn lại nhớ Lạp, nhớ quá. Nhàn ra gốc táo hôm Lạp đi, Nhàn đứng
ngả đầu, nghiêng má vào thân cây táo ngả chỗ Lạp đã đè má Nhàn xuống. Nhàn ngồi
tựa gốc cây táo hàng ngày. “Anh Lạp ơi! Anh về, anh về, em dù có làm sao cũng
còn được gặp anh một lần”. Không bao giờ Nhàn dám nghĩ hẳn đến tiếng chết. Bây
giờ Nhàn trữ cả một bánh khô dầu. Có người bảo: mỗi ngày nhấm một tý khô dầu
thì sẽ no lâu, không có hại. Cái gì no được, sống được, là Nhàn tin. Không bao
giờ Nhàn tưởng mình nhắm mắt mà không được gặp lại Lạp.
Nhàn cố cầm hơi. Mỗi khi nhớ, lại ra ngồi gốc cây táo. Thế
nào rồi hai người cũng lấy được nhau. Yêu nhau lấy nhau đã đành, lại còn cái số
nàng dâu được mẹ chồng quý mến như thế, thì mấy ai so được. Vợ chồng sẽ lên một
khung cửi. Ngày phiên đi chợ, xách về một xâu lòng bò. Chẳng mấy chốc đã sinh một
con, con gái, con gái đầu lòng nó giúp mẹ được sớm, sai được trăm thứ việc. Mà
bấy giờ thì sướng quá nữa, bấy giờ nước ta đã độc lập. Việt Minh đã đánh Pháp,
đuổi Nhật đi rồi. Nhàn ơi! Cố sao cho qua cái bước đau đớn này.
Nhàn không thể ngồi yên dưới gốc táo. Nhàn bứt những cái lá
táo già, giữa mùa khô xơ xác. Nhàn ăn thử mấy cái lá đắng xè miệng. Trong vườn,
những thân chuối, đu đủ vào bụng người từ lâu, vườn chỉ còn cỏ ấu, cỏ xước, cỏ
mần chầu vàng xác ngọn không nhai được. Mà Nhàn thì cần sống, thế nào rồi hai
người cũng sẽ lấy được nhau...
Nhàn bỏ ra một mẩu khô dầu, nhấm một miếng. Rồi Nhàn đến nằm
dưới chân vách, bên cạnh xó luồn. Khi nào nằm đấy, Nhàn cũng nhớ chuyện bố kể
lúc còn bé, mẹ Nhàn mới chết, bố thường đem để Nhàn ngồi ở chỗ ấy. Giữ Nhàn
không bò được ra sân, bố lấy thừng buộc cổ chân Nhàn vào cái cột. Khi nay, mười
chín tuổi đầu, Nhàn lại nằm một mình ở cái xó luồn như trẻ con chơi. Nhàn nằm
im, mở to mắt, tựa mèo rình chuột. Thật thì dạo nọ Nhàn có rình con mèo. Nhàn
muốn bẫy ăn thịt con mèo. Rồi con mèo bỏ đi mất. Nhà không còn gì ăn, cả những
đàn chuột cũng đi đâu nốt.
Một con nhện ấp trứng trên vách từ từ bò xuống, nhún nhẩy gọng
chân. Bàn tay người quơ lên, di nát hai tảng răng con nhện. Nhàn vặt ăn từng miếng
chân, cho đến hết cái mình con nhện. Nhàn vẫn ăn nhện. Trẻ con mắc bệnh đái dầm,
phải ăn nhện mới khỏi, thịt nhện ăn được. Một dòng đen đen kéo đến quấn ngang
cái bọng cứt con nhện vừa vứt đấy. Nhàn trông kỹ đàn kiến gió đến tha mồi. Nhàn
lại lấy đầu ngón tay nhấp nước bọt, nhấp từng con kiến, từng con kiến, đưa lên
miệng. Nhàn cố ăn. Nhàn không thể chết.
Dần dần trời tối. Nhàn vẫn nằm ở xó luồn ấy. Chỉ còn có đất
thì nằm chỗ nào cũng thế. Một mình ở nhà, ngoài vườn hai cái mả mới, người lẫn
với ma, đêm nào Nhàn cũng thiêm thiếp, không biết mình thật ngủ hay thức.
Văng vẳng tiếng ai gọi. Nhàn giật mình trông ra sân. Những tiếng
o o giun dế trong tai làm cho Nhàn có ý nghĩ ngỡ là tiếng ma trêu. Nhàn nhắm
nghiền mắt. Lại văng vẳng: “Có ai nhà không?” Rõ ràng tiếng người. Nhàn mở mắt,
lại trông ra. Một hình thù lù lù vào, như bóng nhà đổ, như bóng tối ụp xuống đầu.
Người đường âm kéo về bắt Nhàn! Nhàn nhắm mắt, chắp hai tay, vái bóng tối. Tiếng
hỏi to:
- Ba có nhà không?
Nhàn bỗng cứng tay lại.
- Anh Lạp phải...
Lạp đã vào tới giữa nhà, đụng vào tay Nhàn.
- Nhàn à!
Lạp ngồi xuống, nắm tay Nhàn. Lạp không dám hỏi, nhưng thấy
Nhàn nằm dưới đất trong gian nhà trống trơn, bước chân vào không vướng một vật
gì, thế là Lạp hiểu. Lạp ôm Nhàn. Hai người ôm nhau trong bóng tối im lặng,
không ai thấy ai. Một câu nói thế nào bây giờ cũng chỉ thêm đau đớn, đến nỗi khi
Nhàn thổn thức: “Thày em với anh Ba chết cả rồi”, thì sau tiếng khóc ấy, hai
người lại im.
Một lúc lâu, Lạp như tỉnh lại, hỏi:
- Nhà có lửa không?
- Không.
- Em ngồi dậy, giữ cái đẫy này.
Nhàn hoảng hốt giơ tay. Sợ như Lạp đi mất. Bàn tay mở ra, nắm
lại, cố nắm xem thực hay chiêm bao. Không thấy Lạp, Nhàn quờ vào một cái túi vải
như cái đẫy đeo hàng của các làng tơ cửi, một đẫy nặng gạo. Nhàn run quá. Nhàn
dìm hẳn mặt vào trong miệng đẫy, hít một hơi dài cái mùi cám và gạo thơm, đã
lâu lắm, như từ thuở bé, giờ mới lại được ngửi thấy. Một nỗi vui sướng thơ mơ
tràn ngập đưa Nhàn trở về thuở bé, những khi đầu mùa gặt, trẻ con rủ nhau ra đồng
rút trộm lúa nếp về ngồi nướng làm cốm ăn. Mùa lúa mới ngan ngát cánh đồng, lẫn
tiếng cười giòn tan, tiếng hú ma nghịch ngợm, tiếng vỗ tay cùng chơi nhảy tênh
tênh, bao nhiêu lâu nay Nhàn mới được thanh thản trở về gặp lại mùa lúa thơm và
những ngày thơ trẻ. Nhàn vốc ra một nắm gạo, Nhàn nhai rau ráu.
Lạp đã cầm một cái que đóm lửa về. Trong ánh lửa, Nhàn trông
thấy Lạp mặt phị, mình gầy rộc. Cái quai hàm bạnh nổi gồ lên như hai miếng
xương tạc và cái mặt bóp, dài hoắt. Hệt mặt anh Ba dạo trước. Bất giác, Nhàn nắm
chặt đẫy gạo, trân trân nhìn gáy Lạp. Nhớ cái gáy chảy máu của anh Ba. Nhưng đầu
Lạp tóc tốt um che kín lấp xuống gáy.
Trông mắt Nhàn lơ láo, Lạp nói:
- Em đừng sợ, đừng sợ.
- Vâng, em không sợ.
- Nhà còn cái nồi nào không?
- Anh làm gì?
- Nấu cháo.
Nhàn rút trên cọc vách xuống một cái niêu con, rồi bẻ nan
vách chất đóm đốt lên một đống lửa giữa nhà.
Niêu cháo và ánh lửa đỏ đã xua đi bóng tối ẩm ướt, u uất.
Nhàn trở lại tươi tỉnh trông thấy. Tính nhanh nhảu, tinh nghịch bẻo lẻo thường
ngày của Nhàn bồi hồi dậy như ngọn đèn bùng lên. Và như trong chiêm bao, Nhàn
ngồi yên nhìn Lạp chạy đi chạy lại, bẻ thêm phên rách, ra soi đóm mang vào cái
vung vỡ để đổ cháo.
Cháo vừa đổ, còn khói, Lạp đã bưng lên, Nhàn chúm môi vừa húp
vừa xuýt xoa, Lạp ngồi đổ cháo ra vung, thổi cho Nhàn húp. Hai mắt Nhàn thao
láo trong khói cháo, vành môi trên cong dúm lại như muốn cuốn hút hết cả bấy
nhiêu cháo nóng bỏng vào miệng. Có mấy tháng Lạp đi mà đã tang thương ra thế
này.
Ở vùng trong cũng đương đói. Nhưng làng vừa làm ruộng vừa làm
công nghệ, Vạn Phúc, La Khê, La Cả, Tây Mỗ, Đại Mỗ và làng Bùng đồng chiêm,
làng nào cũng đói nhao, không còn một hạt thóc, người chết đường nhiều hơn người
chết trong nhà, dù sao cũng còn một phần dựa vào ruộng cầm cự. Trong khi ấy,
phong trào cứu quốc lan tràn khắp các xóm. Nhiều lần, mật thám tỉnh và Hà Nội,
lính phủ về vây bắt cũng không thể dập tắt tin tưởng và gan dạ của người ta chỉ
có đổi đời mới có cái sống. Đến như hồi này điêu linh thế, mà Lạp vẫn trông vào
đồng chí ở vạ vật được. Nông dân và thợ còn tựa nhau, giúp nhau. Không còn việc,
Lạp vẫn được anh em cấp đỡ, vẫn quanh quẩn trong làng.
Khi Lạp vào trong ấy thì Trung đã thoát ly đi địa phương
khác, sau một trận mật thám Pháp về khủng bố. Bân cũng lại đi rồi. Có người nói
Bân đi học quân sự ở chiến khu.
Một lần, liên đoàn thu thóc về cân thóc tạ. Các tổ cứu quốc
hô hào người làng ra phá hai cái cân bàn của liên đoàn đem về đặt giữa cửa
đình. Trên phủ cho lính về canh gác, liên đoàn lại bắc cân lên trước sân đình.
Làng lại phá, ném cân xuống ao. Sau đó, nhiều người các xóm bị bắt. Lạp là người
lạ không ở được. Anh em đã chung nhau góp cho Lạp được một túi hơn ba cân gạo để
Lạp đi. Năm trước, ở đây về, Bân đưa một túi sách báo. Năm nay, ở đây về quê,
có một túi gạo. Lạp nhịn ăn hơn một ngày, đeo túi gạo, đi suốt đêm. Lạp về nhà.
Nhà chỉ còn một khoảng đất trống không. Lạp đứng trên nền đất của bố mẹ Lạp đã
hàng đời ăn ở đấy, Lạp còn nhớ như in từ cái chân cột, chỗ con chó đá, chỗ kê
cái chạn bát, dưới chân Lạp còn hôi hổi hơi người. Mẹ Lạp chết từ hôm nào rồi.
Cái nhà không có chủ, người ta đã đến dỡ đem đi hết.
Lạp lên đây ngay.
Từ nãy, Lạp lặng lẽ nhìn Nhàn. Nhàn húp hết mấy cái vung
cháo, Lạp không biết, Lạp cũng không tưởng đến cả mình cũng đương đói thắt ruột
lại từ hai hôm nay.
Bấy giờ khuya lắm. Mặt trăng úa đỏ vừa ngả xuống dưới mái tranh
thì Nhàn buông cái mảnh vung đựng cháo. Nhàn nhìn ra, Nhàn nghĩ ra, đã khuya rồi.
Cũng khi đó, Nhàn trông Lạp và tự dưng ngượng nghịu. Mảnh trăng kia đã từng ngả
xuống dưới mái tranh, vào những đêm mát trời tháng Hai, tháng Tám, thường là
lúc tan chèo. Lạp vẫn lặng lẽ nhìn Nhàn. Cái khiếp sợ đói khát lúc nãy đã tan
cùng với đống lửa đã tắt, chỉ còn một chút ánh than hồng ửng lên. Mặt Nhàn anh
ánh, Lạp trông Nhàn đẹp chẳng khác trước. Lạp ngồi sát lại Nhàn. Mẹ chết, người
yêu đói, cả nhà chết đói. Những chuyện ghê gớm, Lạp cố không muốn nghĩ nữa.
Than tàn hết. Trăng đã lặn. Hai người ngồi trong im lặng đêm
mùa thu thăm thẳm hun hút. Lạp đặt tay lên mái tóc xù cứng, hôi rối mà Lạp tưởng
tay mình đương lần trên lối đường ngôi rẽ giữa và hai mái tóc mượt người yêu
vén gọn sang hai mé thái dương.
Lạp nói:
- Em đừng khóc nữa.
Nhàn xúc động quá, lả đi. Chân tay lạnh ngắt, không nhích nổi
được. Nếu nghĩ thế một lúc nữa thì Nhàn đến nghẹn thở, không chịu được, phải gục
vào Lạp mà chết, chao ôi, chết cũng được rồi.
Một cái mắt nứa nổ bục trong đống than tro, tia lên mấy đốm
hoa cải. Ánh sáng lóa vào mắt Nhàn ngời ướt lóng lánh. Lạp cúi xuống, ôm hai
vai Nhàn. Nhàn run rẩy, lật đật bàn tay bám chặt Lạp. Hai mắt Nhàn nhắm nghiền.
Anh ơi! Hôm nay là cưới chúng mình. Bao nhiêu ước mơ đã thành
ra cái thật hôm nay. Làng nước vừa cỗ bàn xong, đã say, đã ngả nghiêng về cả.
Ngoài cửa buồng chỉ còn lại mấy bà ngồi têm rốn hộ mấy miếng trầu dưới ngọn đèn
ba dây. Anh đã cởi tấm áo the mới ra treo trên cột. Chắc các bạn phù rể đã ép
mình uống hơi nhiều, say mặt mình đỏ thế. Em buông hai cánh màn nâu xuống chiếc
chiếu hoa ban chiều ông đô già nhất xóm vừa vào trải lấy khước cho đôi vợ chồng
mới... Đôi chiếu hoa đỏ quá, rực rỡ quá. Em thẹn quá. Ô lạ, anh và em đã yêu
nhau là thế mà sao như còn xa lạ đêm nay. Em nhấc chiếc chiếu hoa kia để gối đầu.
Em nằm im tận trong cùng giường. Anh còn đứng làm gì đấy? Anh nhìn lên con gián
chạy trên rui nhà. Anh làm như anh không biết có em. Anh cũng có vẻ ngượng.
Này, nếu tay anh quay lại thì vừa đụng lá màn còn mở. Tay anh đương quay lại mở
cửa màn... Anh ơi! Đêm nay hai vợ chồng ta...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét