Thứ Hai, 20 tháng 2, 2017

Tác phẩm múa: Cánh chim và ánh sáng mặt trời

Tác phẩm múa: Cánh chim 
và ánh sáng mặt trời
Biểu diễn : NSND Chu Thúy Quỳnh
PGS. NSND Thái Ly - nhà biên đạo tài năng tiêu biểu của nền nghệ thuật múa hiện đại Việt Nam. Sự nghiệp sáng tác của ông vô cùng lớn lao. Ông đã sáng tạo những tác phẩm Múa có giá trị nghệ thuật cao, phản ánh chân thực cuộc sống hào hùng của dân tộc, phản ánh tinh thần thời đại. Tác phẩm của NSND Thái Ly hàm chứa những tư tưởng sâu sắc mang tính nhân văn và tính thời đại, được trình bày trong một cấu trúc hoàn chỉnh với sự sáng tạo ngôn ngữ Múa mới mẻ, mang đậm sắc thái dân tộc và hiện đại. Các tác phẩm của biên đạo Thái Ly là những cái mốc mở ra những thời kỡ sỏng tạo mới của lịch sử nghệ thuật Múa Việt Nam.Cánh chim và ánh sáng mặt trời là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của NSND Thái Ly và cũng là tác phẩm múa solo hay nhất của nghệ thuật múa Việt Nam. Trong điệu múa này tính dân tộc được xuyên thấu tác phẩm từ nội dung đến hình thức thể hiện, trước hết trong tìm tòi sáng tạo ngôn ngữ múa. Có thể nói sự kết hợp hài hoà giữa tính dân tộc và tính hiện đại đã tạo nên thành công cho điệu múa đặc sắc này.
Vào đầu những năm 60 của thế kỉ XX, đất nước ta bị chia cắt làm hai miền Nam, Bắc. Nhân dân miền Nam sống trong cảnh nặng nề, đau thương. Nguyện vọng của nhân dân ta là được giải phóng, được sống tự do trong một đất nước thống nhất. Là người nghệ sĩ yêu nước, có cảm quan chính trị nhậy bén, cảm nhận được nỗi đau của dân tộc, nghệ sĩ Thái Ly thể hiện ước vọng của nhân dân mình trong tác phẩm Cánh chim và ánh sáng mặt trời. Điệu múa này được sáng tác, dàn dựng năm 1962 cho Trường Múa Việt Nam.
Nội dung điệu múa mang tính triết lí được thể hiện bằng hình tượng nghệ thuật mang chất thơ trữ tình bay bổng. Thông qua hình ảnh một con chim rũ những giọt sương đêm và khi bình minh rực sáng thì tung cánh bay lên cao, cao mãi trên bầu trời rộng bao la, tác giả muốn nói lên khát vọng tự do của con người. Cánh chim và ánh sáng mặt trời mang tính khái quát và biểu trưng cao với ý tưởng sâu sắc về cuộc sống, về dân tộc. Ánh sáng mặt trời như biểu trưng cho ánh sáng của tự do. Cái tứ này được diễn đạt tinh tế, kín đáo đem đến cho người xem sự liên tưởng nhiều chiều thú vị.
NSND Đoàn Long đã nhận xét: Ở đây, biên đạo không chỉ giới hạn ở chỗ tìm cho điệu múa một cái tên mang tính văn học gợi cảm, đầy hình ảnh. Đằng sau cái tên ấy là một “tứ” giàu chất thơ. Đó là niềm tin son sắt, là nỗi khát khao cháy bỏng như cánh chim muốn thoát khỏi đêm đen mịt mùng, đôi cánh rộng mở phóng khoáng, vùng vẫy nơi bầu trời quê hương lồng lộng, đầy hương sắc và nắng gió [1, tr.17].
Nhà biên đạo đã dùng thủ pháp cách điệu, nhân cách hoá loài chim để nói lên tâm tư, suy nghĩ và khát vọng của con người.
Điều quyết định tạo nên sức sống bền vững cho Cánh chim và ánh sáng mặt trời trong gần 50 năm qua chính là ở sự tìm tòi sáng tạo ngôn ngữ biểu hiện mang đậm sắc thái dân tộc, đồng thời chứa đựng hơi thở thời đại để chuyển tải ý tưởng sâu sắc mang tính nhân văn của tác giả. NSND Thái Ly đã sáng tạo ngôn ngữ múa theo một xu hướng mới, lấy múa cổ điển Châu Âu làm ngôn ngữ chính kết hợp hài hoà với chất liệu múa Khơme và những động tác quan sát được từ cuộc sống sinh hoạt của các loài chim để tạo thành ngôn ngữ múa vừa mang sắc thái Khơme, vừa hiện đại.
Tài năng của nhà biên đạo là đã hoà trộn, tổng hợp các chất liệu múa thành một ngôn ngữ sống động, một phương tiện diễn đạt giàu sức biểu hiện và có hiệu quả nghệ thuật cao. Thành công của Cánh chim và ánh sáng mặt trời còn ở chỗ đã tạo nên được một tổng thể hài hoà giữa các yếu tố âm nhạc, múa, thiết kế mĩ thuật sân khấu và nghệ thuật biểu diễn của diễn viên. Trong quá trình xây dựng tác phẩm, biên đạo Thái Ly trao đổi kĩ lưỡng phong cách nghệ thuật, ý tưởng sáng tạo của mình với các nhạc sĩ, hoạ sĩ và diễn viên, gợi cho họ những cảm hứng, niềm đam mê để họ phát huy trí tưởng tượng tích cực tham gia vào quá trình sáng tạo tác phẩm.
BD Nguyễn Thành Công K27/7 Trường CD Múa Việt Nam
Nhạc sĩ Xuân Hoà cho biết: “Tôi bắt đầu công việc với một sự miệt mài say mê bởi đề tài của anh đưa ra cuốn hút tôi… Ngoài chất thơ của hình tượng múa, tôi đã dụng ý đưa đậm chất triết lí trong phần biểu hiện của âm nhạc: “Ý niệm về con người vươn tới tự do” để tạo thêm sức nặng chiều sâu của tác phẩm” [2, tr.16].
Tác phẩm âm nhạc do nhạc sĩ Xuân Hoà sáng tác dựa trên chất liệu âm nhạc truyền thống Khơme đã trở thành một tác phẩm độc lập nổi tiếng, góp phần quyết định cho thành công của điệu múa. Với năng khiếu cảm thụ âm nhạc tinh tế, biên đạo Thái Ly đã xử lí âm nhạc một cách tài tình, tạo nên sự hoà quyện trọn vẹn giữa múa và âm nhạc trong từng giai điệu, tiết tấu, hoà thanh.
Hoạ sĩ thiết kế mĩ thuật Trần Viết Lý đã góp phần tạo nên chất lượng nghệ thuật cho điệu múa. NSND Đoàn Long đánh giá: Mĩ thuật phục trang cũng tạo ra một bản sắc độc đáo. Một cái mũ, một cái xây, hai miếng vải voan mỏng cùng những chi tiết trang trí ở cánh tay và đôi chân đã tạo ra một sự hài hoà, hợp lí vừa giữ được nét riêng của bản sắc dân tộc vừa tạo ra sự thoáng nhẹ, phù hợp với một dáng điệu múa. Biên đạo Thái Ly đã biết sử dụng những yếu tố đó, tổ chức chúng trong sự sáng tạo riêng của mình [1, tr.17].
Đáng tiếc là hiện nay phục trang của điệu múa này không còn nguyên vẹn như makét ban đầu, nó đã bị giản lược đi và điều này phần nào ảnh hưởng đến chất lượng của tác phẩm.
Các diễn viên đã hoàn thành xuất sắc kĩ thuật múa và nghệ thuật biểu diễn, góp phần sáng tạo nên hình tượng múa đặc sắc cho tác phẩm. Tài năng của các nghệ sĩ Thanh Tùng, Chu Thuý Quỳnh đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả Việt Nam và nước ngoài. Các thế hệ nghệ sĩ Lã Tiến Thêm, Hà Thế Dũng, Phúc Hùng… cũng đã thể hiện thành công tác phẩm Cánh chim và ánh sáng mặt trời.
Cấu trúc của Cánh chim và ánh sáng mặt trời mới mẻ, khúc triết và hợp lí được bố cục thành ba phần trong sự liên kết chặt chẽ, hài hoà:
Phần một: Giai điệu âm nhạc chậm chạp, nặng nề, u uất. Ánh sáng tập trung rọi chiếu vào hình tượng một cánh chim lẻ loi. Những tạo hình, động tác múa dân tộc Khơme hoà vào những tư thế, động tác Alônggiê, Tômbê của múa cổ điển Châu Âu được láy đi, láy lại. Cánh chim quằn quại như cố vươn lên nhưng lại đổ xuống, hai tay buông thõng trong hơi thở nặng nề diễn tả sự đè nén, u uất của cánh chim trong đêm dài giá lạnh.
Biên đạo Thái Ly đã kết hợp những tư thế, động tác Pátxê, Alônggiê, Tômbê, Atituýt… của múa balê với những động tác sinh hoạt rỉa lông, rỉa cánh của các loài chim được cách điệu hoá để xây dựng khúc múa đặc trưng của loài chim đang rung cánh, rũ những giọt sương đêm rơi xuống. Những đoạn múa chuyển tiếp được xử lí thông minh, khéo léo để tạo ý tứ, nội dung và sự liên kết các phần của điệu múa.
Phần hai: Nét nhạc chuyển sang rộn rã với tiết tấu nhanh allegro, là sự chuyển biến tâm trạng sang một sắc thái mới, đó là cánh chim trước rạng đông. Đôi chân thoăn thoắt chuyển động theo tiết tấu stacato tiến về phía trước, ra giữa sân khấu rồi quay ngoắt lại vỗ mạnh đôi cánh như đang ghìm nén những cảm xúc xốn xang, rồi cánh chim vươn lên trong một loạt động tác bật bàn tay mau lẹ từ thấp lên cao của múa Khơme gợi lên sự thức tỉnh mạnh mẽ. Nối tiếp là những bước múa ung dung, khoáng đạt hoà trong những tiếng chim hót thánh thót. Đó là ước vọng của cánh chim cũng là ước vọng của con người muốn thoát khỏi cảnh nặng nề tăm tối, vươn lên cuộc sống mới.
Phần ba: Âm nhạc vang lên trong sáng, đầy hứng khởi. Con chim với tâm trạng tràn đầy hạnh phúc và niềm tin đón ánh sáng mặt trời đang dâng lên sưởi ấm con người và cỏ cây, hoa lá.
Khúc múa sinh động của đôi cánh tay lần lượt đưa sang hai bên kết hợp với dáng người và chuyển động đầu được thực hiện liên tục từ thấp lên cao trong tiết tấu âm nhạc nhanh dần như cánh chim vươn lên theo ánh sáng mặt trời. Cánh chim bỗng tràn đầy sinh lực biểu hiện trong khúc múa đầy hứng khởi gồm nhiều động tác kỹ thuật khó nhảy lớn, nhảy quay, dừng lại ở các tạo hình tư thế lớn. Hàng loạt các động tác múa balê Arabétscơ, Gơrăng giơttê ăngtuốcnăng, Atituýt gắn kết với những dáng dấp, đường nét điêu khắc của múa truyền thống Khơme trên tuyến múa vòng tròn tạo nên cao trào của điệu múa.
Với nghệ thuật kết cấu múa tinh xảo, biên đạo Thái Ly và nhạc sĩ Xuân Hoà đã khắc hoạ được hình tượng nghệ thuật về một cánh chim vươn đôi cánh rộng bay trên bầu trời bao la, trong ánh sáng mặt trời của một ngày mới.
Điệu múa được kết thúc bằng hình tượng cánh chim trong ánh sáng rực rỡ hoà cùng những âm thanh rộn ràng, bay bổng, đầy cảm xúc lan toả trong không trung.
Chúng tôi đồng tình với đánh giá của PGS.TS.NSND Lê Ngọc Canh: “Cánh chim và ánh sáng mặt trời là tác phẩm múa đơn hay nhất, khó nhất của nghệ thuật múa Việt Nam” [3, tr.44].
Cánh chim và ánh sáng mặt trời là tác phẩm tiêu biểu mang tính dân tộc, hiện đại phù hợp với phương hướng phát triển nghệ thuật múa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng được thẩm mĩ và nhu cầu thưởng thức của khán giả đương đại. Đây là tác phẩm có sức sống lâu bền, vượt qua thời gian. Ngay từ khi ra đời điệu múa đã được khán giả Việt Nam đón chào nồng nhiệt và đã được hoan nghênh nhiệt liệt tại nhiều nước ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ.
Ngày nay, trong các cuộc thi tài năng biểu diễn múa Việt Nam (năm 1997, 2002, 2008) nhiều thí sinh đã chọn Cánh chim và ánh sáng mặt trời để làm tiết mục dự thi bởi kỹ thuật chuẩn mực và hình tượng nghệ thuật đặc sắc của nó.
Có thể nói Cánh chim và ánh sáng mặt trời là tác phẩm mẫu mực, kinh điển và là di sản quý giá của nghệ thuật múa Việt Nam.
Năm 1996, Cánh chim và ánh sáng mặt trời trong chùm tác phẩm xuất sắc của NSND Thái Ly được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Tài liệu tham khảo:
1. Đoàn Long (1994), “NSND Thái Ly với Cánh chim và mặt trời”, Nhịp điệu, (1), tr. 17.
2. Xuân Hòa (1994), “Kỷ niệm một thời làm nghệ thuật”, Nghệ sĩ Nhân dân Thái Ly, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam - Hội Nghệ sĩ Múa Tp Hồ Chí Minh xb, Hà Nội, tr.16.
3. Lê Ngọc Canh (1993), “Thái Ly - khát vọng tự do, khát vọng cái đẹp”, Văn hóa nghệ thuật, (5), tr. 44.
Quỳnh Anh
Theo https://www.muavietnam.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bộ phim Đất rừng phương Nam: Một số điều “lấn cấn” về nội dung và nghệ thuật cùng với phản hồi của cục điện ảnh “Đất rừng phương Nam” củ...