Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017

Bóng thời gian “Chiều” trong tân nhạc

Bóng thời gian “Chiều” trong tân nhạc
Đề tài kỳ này bàn về “Chiều” trong tân nhạc. Quanh đi quẩn lại, vẫn chỉ có hai thầy trò: Thầy Nguyễn Túc và trò là Cai em tán róc với nhau thôi.
- Thưa thầy, em thấy đề tài trong tân nhạc thì miên man bất tận, nhưng một trong những đề tài nhìn thấy rõ và được nhắc nhiều phải nói đến hình ảnh  của buổi chiều.
Thầy Nguyễn Túc:
- Chính thế! Chiều là hình ảnh rất  dễ thương, dễ nhớ và dễ chịu nhất đấy, cậu ạ!
- Dạ, chính vậy! Có nhẽ buổi chiều được nhiều người nhớ đến  trong tân nhạc từ cách đây mấy chục năm, phải nói đến “Chiều quê” của Hoàng Quý. Có những câu như:
“Quê nhà tôi chiều khi nắng êm đềm
Chạy dài trên khóm tre, đàn chim ríu rít ca
Bao người ra ngồi hay đứng bên thềm
Đợi chồng con mắt trông về phía trời xa...”
- Chính thế đấy! Chiều quê còn có nhiều nét, nhiều cảnh ngoạn mục khác nữa cơ! Như những nét sau này:
“Sáo diều êm nào khác lời thơ
Lúa vàng reo, ngàn muôn sóng nhấp nhô
Ôi, chiều quê chiều sao xiết êm đềm
Nhìn xem tơ khói vương, chờ giây phút mến thương
Bao người ra ngồi hay đứng bên thềm
Chuyện trò chung với nhau, đời sống thần tiên...”
- Thưa thầy, nhạc sĩ Thu Hồ cũng có “Chiều quê” với nhịp điệu Rhumba/Bolero nghe thật hiền hòa thân thiết:
“Chiều vương, sáo êm ru say hồn quê
gió vi vu lay tình quê, lòng tha thiết mong ngày về.
Chiều quê, tình quê
nào ai đang vui nắn khúc say mơ
mơ tiếng tiêu đây hồn núi sông
ai lắng nghe theo dòng nước trong
chiều quê...”
- Cậu thấy bài này có gì đặc biệt không?
- Dạ, cứ như em thấy thì bài này chỉ tả cái tình quê thuần túy là tình quê thôi chứ không có dính dáng gì đến ái  tình sốt cả. Không thấy cô thôn nữ giặt lụa ven sông, không thấy cô gánh gạo trên đê trong cảnh chiều tà...
- Chính thế đó! Mà hình như người nghe cứ tưởng tượng ra trong cảnh chiều ấy lại có cả hình ảnh người con gái quanh quẩn đâu đó. Phải không nào?

- Dạ,  thầy nhận xét như vậy là  tinh tế lắm! Thế mới gọi là thú vị tình thâm! Em xin kể tiếp nhá!
- Kể đi!
- Người Việt Nam chúng ta, không ai là không từng nghe bản “Nương chiều” của Phạm  Duy. Em cũng đã từng ở trên làng Thượng Pleiku, Kontum mà sao chẳng nhón được nét nào để viết thành ca khúc. Mà cứ nghe bố già Phạm Duy tả cảnh nương chiều em đã thấy mê rồi.
- Cậu mê cảnh hay mê người?
- Dạ, cả hai:
“Chiều ơi! Lúc chiều về rợp bóng nương khoai
trâu bò về rục mõ xa xôi, ơi chiều!
Chiều ơi! Aùo chàm về quẩy lúa trên vai,
in hình vào sườn núi chơi vơi, ới chiều.”
- Tôi thích nhất là câu: ”Áo chàm về quẩy lúa trên vai, in hình vào sườn núi chơi vơi, ới chiều” đấy, cậu ạ! Như một bức tranh linh động vẽ  cô  thôn nữ áo chàm gánh luá, bên sườn núi chơi vơi. Cảnh vừa êm ả, vừa đẹp lại vừa tình, vừa thơ mộng nữa chứ lị! Cậu có đồng ý không?
- Dạ, đồng ý quá đi í chứ! Đến cái đoạn chót này mới lại càng ô mê ly nữa thầy ơi!
- Mê ly như thế nào nói coi!
- Dạ, như thế này:
“Chiều ơi! Lúc chiều về mọc ánh trăng tơ
cho ngày muà bài hatù nên thơ, ơi chiều
Chiều ơi! Mái nhà sàn thở khói âm u
cô nàng về để suối tương tư, ới  chiều!”
- Chính thế đấy! Tôi thấy Phạm Duy viết “mọc ánh trăng tơ” rồi “mái nhà sàn thở khói âm u”  thì thực là hay quá sức. “Mọc ánh trăng tơ” thì chữ “mọc” rấùt mới, rất đẹp. Còn mái nhà sàn mà lại nhân cách hoá để “thở khói âm u” nữa thì hay tuyệt, cậu ạ!
- Em thì lại  hơi khác thầy một tí. Em thích câu ”cô nàng về để suối tương tư” cơ! Suối là  vật vô tri vô giác mà cũng động lòng ôm mối tương tư thì phải nói là gỗ đá  cũng ngẩn ngơ trước sắc đẹp của nàng thì  phải hiểu là cô con gái này rất đẹp.
Mà Phạm Duy có tả gì về nàng con gái miền Thượng này đâu cà! Đến suối mà còn   phải tương tư thì thầy thử nghĩ coi, em đây mà nhòm thấy nàng, làm sao không ốm tương tư, ốm lăn ốm lóc?
- Cậu thì nhòm ai mà chả ốm! Này,  tôi biết Phạm Duy còn bài “Chiều về trên sông”: Chiều buông trên giòng sông Cửu Long, như một cơn ước mong, ơi chiều...” Thái Thanh ca rất là ướt át. Nhưng ta nên tiếp tục với nhạc sĩ khác được không?

- Dạ được. Hoàng Thi Thơ có “Chiều cố đô”  nhắc đến chiều trên dòng Hương Giang, cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ, cô em tà áo tím  ngập ngừng bên chiếc nón bài thơ:
”Chiều cố đô...Ôi những chiều cố đô,
Dòng Hương Giang êm trôi, nước xanh xanh một mầu
mang về vạn ngàn câu thơ...”
Lam Phương ít nhất có 3 bài, bài nào cũng hay cũng rất phổ biến vì dễ nghe, dễ hát, dễ nhớ qua những lời bình dị, mộc mạc dễ thương.
Như bài ”Chiều Tây Đô”:
“Một đêm anh mơ mình ríu rít đưa nhau về, thăm quê xưa với vườn câu thề. Bàn tay anh đan dìu em bước trên cỏ khô, đi trong hoang vắng chiều Tây Đô”.
Như  “Chiều tàn”: “ Chiều tàn, trời man mác nắng thơm lành đã dần phai. Màn đêm, sao chưa buông còn thẩn thơ, tựa đời mơ bóng ai, bóng đôi chim non tìm tìm đường về, ngại ngùng tung cánh theo làn gió đông vừa sang...”.
Đến “Chiều hành quân” thì thật là tuyệt vời với hình ảnh người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà dãi nắng dầm mưa trên đường hành quân gian khổ. Thầy thử nghe:
”Một chiều hành quân qua thôn xưa lúc nắng xuân chưa nhạt mầu. Chạnh lòng tìm người em gái cũ, em tôi đã đi phương nào.  Nghẹn ngào nhìn qua hàng tre xanh, ngắm bóng chim đua trên cành. Giờ này tìm đâu hình bóng cũ, em ơi em về đâu?”
- Nghe rất là thấm thiá mà cũng thật buồn, thật đau xót nữa...Nắng xuân còn đọng trên cành lá mà tìm em, em đã đi đâu mất tăm rồi. Nhìn đôi chim đua hót trên cành âu yếm mới thấy mình lẻ loi! Cậu có nghĩ như thế không?
- Dạ không. Em thì em lại nghĩ khác. Em nghĩ là người em gái chờ đợi lâu quá không thấy anh về xin cưới hỏi gì cả, mà tuổi xuân đâu có bao lâu, không đi lấy chồng lỡ thành gái già thì ai còn mơ ước nữa. Thế cho nên, em mừng cho người em gái đã dứt khoát ra đi xây dựng cuộc đời. Còn đời anh lính chiến, em biết đến bao giờ anh mới giải ngũ cưới em?
- Ừa, nghe cũng có lý lắm đấy chứ! Được lắm! Tiếp đi...
- Dạ tiếp thì em thấy bài này không nhắc nhở, nói năng chi đến phái nữ mà sao cứ như có người con gái nào đó quanh quẩn bên cạnh mình, thầy ạ!
- Lạ nhỉ! Ai vậy?

- Dạ, đó là nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng với “Bước chân chiều chủ nhật”. Chàng thất tình thế nào em không biết nhưng dứt khoát là không đưa hình ảnh của nàng vào nét nhạc lời ca, mà chỉ tả  những là “chiều tàn, mây tím giăng ngang, phố phường chìm trong tiếng đời nỉ non, nghe bâng khuâng rời rạc, bước chân khắc khoải, bước chân đếm chờ mong, đếm bao nỗi buồn niềm thương...”.
- Nói ý như vậy là nói gì cà?
- Dạ, còn nói gì nữa. Đau muốn chết đi ấy chứ! Một mình đi trong chiều chủ nhật, trong khi phố phường tấp nập rộn ràng bao cặp sánh đôi. Còn mình thì “solo”, nhìn đâu cũng chỉ thấy hoang vắng, quạnh hiu, đi giữa đám đông người nhưng anh chỉ cố moi tìm có hình bóng em thôi.
- Thế em đi đâu nhỉ?
- Dạ, em đi với kép khác rồi chứ đâu có chờ có đợi làm chi...
- Vậy là đau lắm!
- Đau là cái chắc. Nhưng có đau thế mới sáng tác được bài hát thấm thía đến như rứa, thầy ạ!
- Chả bõ bèn gì!
- Đó là theo ý thầy, chứ như em là kẻ đứng ngoài rìa cũng thuơng cảm người đồng điệu lắm đấy thầy ạ!
Thầy nghe nhá:
“...Ôi tiếng chân đi trong chiều chủ nhật
nghe quá bâng khuâng, nghe sao rời rạc
như từng hạt mưa rớt đều mái hiên
nhịp chân vương bóng đêm,
 khuất dần cuối đường phố yên”
- Vậy là chàng bước một mình trên hè phố đông người mà  tưởng chừng như đang đi trong sa mạc Sahara. Nghe buồn thật ấy chứ!
- Dạ, chưa hết! Chàng còn tả tiếp đoạn này nghe thê thiết hơn:

“Bước chân khắc khoải đi trong ngày vui vừa hết, thôi luyến lưu mà chi
bước chân nhuốm hoàng hôn, bước chân đếm chờ mong
đếm bao nỗi buồn niềm thương……”
- Sợ nhỉ! Vừa bước vừa đếm như thế thì bao giờ mới xong. Mà lại  “đếm chờ mong”, “đếm nỗi buồn” toàn là những thứ trừu tượng không à! Mệt lắm đấy nhá!
- Vậy mà chàng vẫn thích đấy, thầy ạ! Đấy là cái thú cô đơn của kẻ thất tình nên chàng tiếp:

“Tôi thích lang thang trong chiều chủ nhật
nghe tiếng chân vang lên từng điệu nhạc
để lòng nhẹ ru với thành phố êm
vì ngày mai nắng lên, phố phường xoá nhoà bước êm”
Em nghĩ là thầy nghe xong đoạn này cứ  đinh ninh rằng nhạc sĩ nói đến Saigon chiều chủ nhật, phải không?
- Chứ còn gì nữa!
- Em lại nghĩ khác thầy một tí. Đỗ Kim Bảng viết “Để lòng nhẹ ru với thành phố êm” như có ý nhắc đến một thành phố trên cao nguyên nên mới có “thành phố êm”. Vì êm như thế nên bước chân mới “vang lên từng điệu nhạc” được. Rồi có êm như thế, người nhạc sĩ cô đơn mới “để lòng nhẹ ru với thành phố im” cho tâm hồn chùng xuống, khắc khoải với ngày vui gần hết.
- Lỉnh kỉnh quá nhỉ! Thế cậu có biết gì về người nhạc sĩ này không?
- Dạ, em biết chàng một thời gian dậy học tại Dalat, vóc dáng như em, hiền hoà như em, cùng để ý đến một hoa khôi Dalat như em và cả hai chúng em đều không có được cái hân hạnh đưa em về xứ mẹ!
- Vui nhỉ! Nhưng như vậy là hỏng bét à?
- Vui quái gì mà vui. Đau gần chết í chứ! Nhưng chết trong lòng một ít thôi. Rồi đường ai nấy đi. Chàng lại hát “Bước chân chiều chủ nhật”...
- Còn cậu?
- Dạ, còn em thì đám ngực “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”!
- Lỗi gì?
- Dạ, lỗi là “đũa mốc mà chòi mâm son”, không tự lựa sức mình nên mới sinh  chuyện.
- Lạ nhỉ! Thế ông giáo sư hào hoa phong nhụy kia cũng có thớ lắm đấy chứ! Cậu là Cai đã đành phận mỏng cánh chuồn chứ ông giáo sư nào có thua kém ai đâu?
- Em đoán, về phần ông ấy là do cái số vô duyên. Còn em là số mạt rệp!
-    Thôi, tiếp đi! Cậu hay tán róc, vòng vo tam quốc quá à!
- Thì thầy hỏi, em mói giả nhời đấy chứ! Tiếp nữa, Y Vân có bài “Chiều mưa công viên” cũng ướt át lắm:
- ”Chiều mưa công viên ghế đá buồn tênh. Chiều mưa rét mướt, cỏ non trăm cánh. Ai thương ai dưới mưa buồn không? Mưa trong đôi mắt chờ  trông…” .
Sang đến đoạn sau mới thấy buồn hơn nữa:
”Chiều mưa công viên, bốn hướng chạy quanh, chiều mưa khép kín, hàng cây đối bóng, ai trông ai dưới mưa buồn không? Mưa như mưa đã ngàn năm...”
- Buồn thật í chứ! Ngồi trong công viên chiều mưa đã buồn, rồi lại “bốn hướng chạy quanh”, “chiều mưa lại khép kín”, chả có ai trông ai đợi ai chờ ai dưới mưa thì làm sao không buồn cho được? Thế nhưng cái bài này Y Vân muốn nói gì hả cậu?
- Dạ, còn nói gì nữa. Chàng chỉ  còn biết thở than ai oán một mình chứ biết than thở cùng ai! Chỉ có một mình  chàng ngồi trong công viên đầy mưa gió thôi à!
- Tôi chắc là cậu ấy ướt như chuột lột, dám bị cảm mạo lắm à! Nhưng không hiểu tại sao nghệ sĩ lại hay tả cảnh mưa hả cậu?
- Cứ như em hiểu thì phải có mưa thì nó mới gọi là...ướt át, mới trữ tình, mới thành chuyện để diễn tả tâm tư. Còn như tạnh ráo, khô queo thì lấy đâu ra cái chất thơ mộng để viết thành điệu nhạc lời ca nữa?
- Ừa, tôi quên mất điều này đấy! À này, tôi nghe người ta nói Nguyễn Đức Quang cũng viết một bài về chiều qua  Ninh Hoà hay Tuy Hoà gì đó. Cậu có biết không?
- Dạ biết. Đó là bài “Chiều qua Tuy Hoà”. Từ Tuy Hoà nhìn ra núi vọng phu thấy nàng đứng đầu non hoá đa,ù ôm  thằng cu con đứng đợi chồng ve.à Đây là một bài hát ngắn nhưng có mấy câu mà Phạm Duy phải khen nức nở là Nguyễn Đức Quang viết lời thật thần sầu. Câu ấy ở ngây đoạn mở đầu của bài ca:
“Ngày xưa tôi đã đi qua Tuy Hòa, trời xanh le lói bao mộng mơ. Đàn chim tung cánh bay bay đầu gió, và đâu dây tiếng sông bồi phù sa.
Ôi, những chiều mây vắt ngang lưng đèo, vọng phu đưa mắt cũng buồn theo.”
Thầy cứ tưởng tượng cái cảnh mây vắt ngang lưng đèo nom nó buồn thế nào rồi. Đằng này, trên đỉnh đèo lại còn có cả một pho tượng đa,ù  giống như hình  người chinh phụ trẻ,  bồng đứa con thơ đứng ở đầu non trông ngóng chồng về. Thầy thấy cái cảnh này buồn và đẹp chứ? Chưa hết, nhạc sĩ  còn nhân cách hoá pho tượng, như pho tượng cũng có linh hồn giống như người  trên dương thế, “đưa” con mắt nhìn  giải mây lãng đãng vắt ngang đèo mà lòng cũng buồn vời vợi, theo với mây đưa, với nỗi quạnh hiu tơi tả...
Đấy, cái hay cái đẹp cái tình của người nghệ sĩ gửi tấm tình mình trong nét nhạc lời ca nó là như rứa! Thầy có đồng ý không ạ!

- Cậu nói vậy thì tôi cũng biết vậy thôi chứ tôi có phải là văn sĩ, thi sĩ đâu mà bàn chuyện văn chương chữ nghĩa với cậu được!
- Thì thầy cũng là nhạc sĩ lão thành, là bạn của Văn Phụng, Nhật Bằng, Đan Thọ, Phạm Nghệ, Anh Ngọc... thì thầy cũng trong giới văn nghệ sĩ chứ đâu có xa gì!
Thầy chỉ tảng lờ, coi như “Em hổng có biết” để chuồn thôi cho đỡ trách nhiệm, đỡ bị ai bàn ra tán vào lắm chuyện...Chứ thầy khôn thấy mồ đi ấy chứ!
- Thôi, sang  bài nào khác đi.
- Vâng, đây là bài “Chiều nay không có em” của Ngô Thụy Miên, khẳng định là chiều nay anh đi mộït mình nên phố đông người cũng coi như phố vắng hoe. Bởi không có em nên không lấy ai để giận hờn, không có ai để cùng ngắm áng mây trôi. Cũng bởi không có em mà cuộc đời anh mất vui, như lá khô, như ta với ta ngày dài, là mùa đông buốt giá, lẻ loi. Sau khi tả oán kỹ như thế rồi, Ngô Thụy Miên tóm tắt:
”Dù mai tình lên khơi như sóng gào, không có em cho phố vắng dấu chân hẹn hò, không có em mùa thu thôi lá vương bay, mùa đông buốt giá qua đây, vòng tay ấy ôi sao lẻ loi...”
Em nhận xét thế này: Nói thế nào thì nói, tả thế nào thì tả, chung quy đây cũng vẫn chỉ là một cách tán em để em mủi lòng thương tình, để em chui vào rọ! Em nào càng dễ tin, dễ yếu lòng thì lại càng chóng vào trong bẫy sập! Mà một khi bẫy đã sập rồi thì còn chi để nói nữa, em ơi! Đấy, cái trò đời là thế, tuy không  dùng danh từ nặng nề, quá đáng  nhưng cũng tương tự.
- Này, cậu cay cú gì cuộc đời, thất vọng gì về tình mà nói năng tuyệt vọng, thảm thương như vậy?
- Dạ cũng có chút chút thôi à! Nhưng em nhận xét chung nó là vậy. Thầy không đồng ý là  quyền của thầy!
- Tôi cũng đồng ý đấy chứ! Nhưng sao mà phải nặng nề  đến vậy?
- Thì thầy nghĩ lại mà xem. Theo đuổi em đứt hơi, tán tỉnh em hết nước hết cái, bao nhiêu tài năng thi ca vũ nhạc kịch, Anh Pháp Việt toán lý hóa trưng dụng hết để ra quân. Thế mà bỗng đâu có “Khách biên đình” ghé chơi là bao nhiêu công lao trôi xuống sông xuống biển hết trọi. Nàng đã ôm đồ theo khách biên đình đi về chân trời tím! Thử hỏi làm sao không đứt ruột cho được hả thầy?
- Ừa, cứ coi như vậy là đúng đi. Thế nhưng cậu vừa nhắc đến “Khách biên đình” là ông khách nào vậy?
- Dạ, em nhắc đến Truyện Kiều, đoạn tả nàng Thúy đang ở  lầu hồng thì có một khách từ biên thùy sang chơi. Người khách này lạ lắm. Đây là tướng mạo quân vụ:
“Lầu thu gió mát trăng thanh
Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi
Râu hầm hàm én, mày ngài
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao
Đường đường một đấng anh hào
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài
Đội trời đạp đất ở đời
Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông
Giang hồ quen thói vẫy vùng
Guơm đàn nửa gánh, non sông một chèo
Qua chơi nghe tiếng nàng Kiều
Tấm lòng nhi nữ cũng siêu anh hùng...”

Đấy, thầy mới nghe qua đã thấy dễ nể chưa? Huống chi gặp mặt thì còn mết đến độ nào! Người khách biên đình này đi đến đâu là sinh chuyện đến đấy. Hoá nên, cỡ chúng em có bồ mà gặp chàng là coi như ra rìa, đi chỗ khác chơi liền! Khách này nguy hiểm là vậy!
- Tưởng ai chứ gặp ông khách biên đình cỡ Từ Hải thì nguy hiểm quá đi ấy chứ lị! Chẳng những Thúy Kiều mê mà ngay đến như tôi đây cũng còn mê như điếu đổ í chứ! Nhưng thôi, tiếp tục  kẻo lại lạc đề.
- Dạ tiếp! Trịnh Công Sơn có:
 “Chiều một mình qua phố” âm thầm nhớ nhớ tên em, có khi nắng khuya chưa lên mà một loài hoa chợt tím. Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ nhớ tên em, gót chân đôi khi đã mềm, gọi buồn cho mình nhớ tên”.
Em thấy ông này viết cũng bí hiểm lắm, thầy ạ! Nào là “nắng khuya chưa lên” mà”một loài hoa chợt tím”!  thì em mù tịt, khong hiểu nhạc sĩ muốn nói gì! Có nhẽ chỉ tả nỗi buồn tím ngắt đó thôi! Rồi là “Gotù chân đôi khi đã mềm” để “gọi buồn cho mình nhớ tên” thì chung quy cũng chỉ vì không được gặp ,không được nắm lấy cái bàn tay, không được hun một miếng nên đau khổ thèm thuồng đến như vậy thôi!
Chứ được một tí thì đâu đến nỗi thất vọng, cô đơn, kể khổ  như rứa!
- Cậu nói nghe được đấy! Còn “Chiều” nào nữa không?
- Dạ, còn nhiều lắm ạ! Như “Chiều làng em” của Trúc Phương có câu:
“Quê em nắng vàng nhạt cô thôn,
 giải mây trắng dật dờ nơi cuối trời
bâng khuâng tiếng hò qua xóm vắng
khói lam buồn như muốn ngừng thời gian.
Một chiều anh mới đến
bóng dừa nghiêng gió ru thềm
tìm về đôi cánh mầu
mắt em nhìn nói ngàn câu...”
- Hình như cái bài này chơi theo điệu Rhumba, thong thả nhẹ nhàng cũng như hình ảnh chiều quê có mây trắng dật dờ, có tiếng hò trong thôn vắng, có khói lam buồn như muốn thời gian ngừng lại. Rồi có anh tới chơi xóm làng em, bóng dừa nghiêng thấp thoáng, gió ru xao động bên thềm. Còn đôi mắt em chỉ có nhìn anh thôi, chưa nói năng câu gì mà đã như nói đến gần một ngàn câu!
- Thưa thầy, nếu như  nàng mà lại  nói nữa thì sao ạ?
- Còn sao nữa. Vậy là trên ngàn câu rồi còn gì nữa! Hiểu chưa?
- Dạ, em hiểu nhưng vưỡn còn hơi théc méc...
- Gì nữa?

- Em không biết là hai cô cậu này có quen nhau từ trước không mà ra vẻ tình tứ, quyến luyến quá đi thôi.
- Quen trước hay quen sau kệ người ta, việc gì đến cậu! Sao cậu hay thắc mắc quá vậy? Tiếp đi.
- Bài tiếp là một bài quá nổi tiếng, ai cũng thuộc ít nhất dăm câu. Aáy là bài “Nắng chiều” của Lê trọng Nguyễn. Nổi tiếng đến nỗi người ta quên tên tác giả, mà gọi tác giả là “Ông Nắng Chiều” cho tiện sổ sách. Em nhớ hồi 1957-1958, có ngày nghe bài hát này gần chục lần trong các chương trình ca nhạc cuả hai đài Saigon và đài Quân Đội. Đặc biệt là bài này có 4 câu thơ trước khi nhập đề nhưng chẳng thấy ai ngâm. Thơ như thế này:
“Thuyền trăng chở khách chiến trường lại
Bên bờ thấm lệ chiếc áo nâu
Cờ reo chiến thắng đò xuôi mái
Trăng vui trăng cũng rụng xuống cầu”
Rồi theo nhịp Boléro mà ca rằng:
“Qua bến nước xưa lá hoa về chiều
lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa
khi đến cuối thôn chân bước không hồn
nhớ sao là nhớ đến người ngày thơ.
Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy
dịu dàng nhìn anh, đôi mắt long lanh
anh nhớ bước em khi nắng vương thềm
má em màu ngà, tóc thề nhẹ rung...”
Trong mấy câu trên, em để ý thấy có câu”Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy, dịu dàng nhìn anh đôi mắt long lanh” mà em cho là rất tình rất thi vị. Bởi nếu đổi lại một chút thành”Anh nhớ trước đây dáng em...mập ù” thì chả còn ra cái thống chế  gì nữa cả!
- Ừa, phải mảnh mai một chút, thon thả một chút mới ăn tiền. Tôi đồng ý. Còn gì nữa không?
- Dạ còn. Bài hát này có đoạn giữa kể lể khi anh về, chẳng thấy em đâu, không biết em trôi dạt phương nào để cho anh như kẻ mất hồn, thẫn thờ trong chiều vắng. Để rồi kết luận”:
“ Anh nhớ  sót sa dưới tre la ngà
gợn buồn nhìn anh, em nói mến anh
mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi
nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi...”
- Bài này hay sức đi ấùy chứ! Tôi để ý trong tân nhạc, hiếm có bài nào thịnh hành như thế đấy, cậu ạ! Còn nói về cái hay, cái đẹp thì mỗi bài một vẻ, một nét  riêng. Như bài “Chiều mưa biên giới” mà không hay à?
- Dạ, thầy nói em mới nhớ. Nguyễn Văn Đông viết:
“ Chiều mưa biên giới anh đi về đâu?
Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu
kìa rừng chiều âm u rét mướt
chờ người về vui trong giá buốt
người về bơ vơ.
Tình anh theo đám mây trôi chiều hoang
trăng dù khuyết mấy hoa không tàn
cờ về chiều tung bay phất phới
gợi lòng ngày thương thương nhớ nhớ
bầu trời xanh lơ.”
Tả cảnh chiều mưa nơi biên giới như vậy là tới lắm rồi đấy, thầy ạ! Thầy có để ý ngay câu đầu không? “ Chiều mưa biên giới anh đi về đâu?”. Anh không biết về đâu  hết nhưng có điều chắc chắn là nếu anh đi tiếp nữa là anh sẽ qua biên giới, không có thông hành, dám bị bắt lắm à! Thế cho nên mới có câu tiếp “Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu”, như thể nhòm ngó, trông chờ ai vậy! Thầy thử nghĩ coi, nơi giang đầu thì có ma nào chờ ngóng nữa!
Vẫn chuyện chiều mưa nơi biên giới, anh không biết về đâu  nên đoạn dưới lại có câu hỏi rằng:
”Về đâu anh hỡi mưa rơi chiều nay
lưng trời nhớ sắc mây pha hồng
đường rừng chiều cô đơn chiếc bóng
người tìm về trong hơi áo ấm
gợi niềm xa xăm”
Người thanh niên trong bài hát này, hiển nhiên không phải là một nhà thơ đi tìm vần thơ sầu rụng, cũng không phải là một văn nhân. Nhưng câu gần cuối cho chúng ta biết chàng là một  quân nhân ngoài chiến trận, đóng đồn biên giới, nhớ về hậu phương có hình bóng người yêu. Rồi kết luận rằng thì là cuộc đời còn tơ vương công hầu khanh tướng thì còn nhiều gian truân, nhiều mưa bay gió cuốn, còn nhiều anh ơi!
Tự nói như thế hay có ai mớm lời cho như thế cũng chỉ là để nói cho có vẻ lả lướt, vi vút thế thôi. Chứ đời lính chiến, cho dù là sĩ quan đánh giặc, được thăng cấp tại mặt trận đi chăng nữa thì binh nghiệp cũng không thể tiến mau tiến mạnh tiến xa lên hàng cờ có sao lấp lánh được! Thầy nghĩ thế nào?
- Còn nghĩ gì nữa. Cậu nói hết cả rồi còn gì!
- Thế em tiếp nhá! Cũng là chiều, nhưng chiều này là “Chiều trên phá Tam Giang” của  Trần Thiện Thanh, lời thơ Tô Thùy Yên.
Từ đầu dến giờ, thầy có nhận thấy một điều gì lạ không?
- Không! Gì vậy?
- Là bài nào cũng dính tí đàn bà phụ nữ vào mới xong. Hình như đàn bà phụ nữ là một cái gì nó ám ảnh  triền miên nên không văn nghệ sĩ nào thoát khỏi cái vòng kiềm toả ấy. Thiềng thử hễ mô tả đến cái tình là y như có tí đàn bà túc trực ở đấy rồi!
- Thì bởi!
- Thầy nói sao?
- Thì bởi!
- Bởi thế, bài “Chiều trên phá Tam Giang” cũng không thoát khỏi ngoại lệ:
“Chiều trên phá Tam Giang
 anh chợt nhớ em
nhớ ôi niềm nhớ ôi niềm nhớ đến bất tận
em ơi! em ơi!”
 Sau khi ca một khúc, gọi tên em không thấy em đâu, chàng vẫn ngồi trên phá Tam Giang ca tiếp:
“Giờ này có thể trời đang mưa
em đi dưới hàng cây sướt mướt
nhìn bong bóng nước chạy  trên hè như đoá hoa nở vội
giờ này em vào quán nước quen
nơi chúng ta thường hẹn
rồi bập bềnh tâm trí
trên từng đợt tiếng lao xao”
Còn về phần em, em cũng nghĩ đến một tương lai bất trắc khi người yêu đi gữa chiến tranh, biết có ngày trở về xây tổ ấm...
“ ...Nghĩ đến một điều em không rõ
nghĩ đến một điều em sợ không dám nghĩ
đến một người đi giữa chiến tranh
lại nghĩ tới anh
lại nghĩ tới anh
nghĩ tới anh...”
- Đi bên cạnh chiến tranh đã nguy hiểm rồi, nói chi đến “đi giữa chiến tranh” nữa! Chết như bỡn í chứ!
- Vâng, quả thế đấy! Bạn bè em nhiều đưá đã nằm trong Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa hoặc nghĩa trang vùng chiến thuật. “Lấy chồng thời chiến chinh, mấy người đi trở lại” là vậy!
- Cậu có trở lại  rồi đấy thôi!
- Em là lính tiếp vận, gần chiến trường chứ không chiến đấu. Nhưng cũng may là em chưa nằm trên đồi cao nơi Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà...
- Aáy, cuộc đời sống chết cũng còn là cái số nữa. À này! Nói đến “Chiều” thì hình như cậu có viết lời cho bản nhạc “Chiều biên khu” với Tuấn Khanh phải không? Cậu ký tên là gì í nhỉ!
- Dạ, tên Châu Ngân là tên 2 đứa học trò ghép lại. Bài này rất ăn khách hồi thập niên 1960. Em còn bài “Chiều rừng” nữa. Nhưng bài sau này không ai biết sốt cả. Thầy nhắc dến em thì em cũng phải có bổn phận đáp lễ nhắc đến bài “Chiều vắng bên sông” của Nguyễn Túc:
 “Chiều nay bên sông, sao có riêng mình tôi?
buồn trông mây nước, mây trắng lững lờ trôi.
Hàng cây trút lá với sương thu bay về.
dòng nước vẫn êm trôi, trôi mãi đến nơi đâu?”
Như vậy là thầy trò ta đã “mặc áo thụng vái nhau” mấy vái rồi đấy!
- Ừa, vái thế đủ rồi. Thêm nữa dám bị phạng lắm à!
  Nãy giờ mải nghe, mải nói mà tôi quên nhắc cậu một bài hát rất nổi tiếng từ nhiều  năm nay. Không nhắc đến coi như là thiếu sót không thể tha thứ được.
- Xin thầy nhắc em bài đó.
- Đó là bản “Chiều” nhạc Dương Thiệu Tước, thơ của Hồ Dzếnh.
- Vâng, em nhớ chứ nhưng muốn để gần chót mới lạm bàn.
- Bàn ngay đi kẻo quên thì khốn!
- Em có nhận xét nhỏ này, xin nói trước kẻo quên: Aáy là chuyện đề tên những người góp công sáng tác. Chẳng hạn như bài “Lệ đá” nhạc Trần Trịnh, lời Hà Huyền Chi thì người ta quên béng đi hay cố tình lờ đi cái tên của người viết lời, viết thơ, soạn chung với nhạc sĩ. Như “Lâu đài tình ái” thì chỉ giới thiệu Trần Thiện Thanh và phe lờ nhà thơ Mai Trung Tĩnh đặt lời. Như “Chiều biên khu” thì lờ tịt Châu Ngân. Như “Còn một chúg gì để nhớ” thì quên Vũ Hữu Định...Như...
- Như gì nữa? Cái đó là chuyện thường xẩy ra trong xứ ta thôi, chứ các nước văn minh, không ai làm vậy cả. Họ tôn trọng quyền tác giả, ghi rõ tên người sáng tác, trả tác quyền...

- Vâng, thầy nhắc làm em nhớ đến hồi làm BBC bên Luân Đôn. Mỗi khi ban Việt ngữ dùng một bản nhạc nào thì nhân viên phụ trách đều phải ghi tên bài hát, tên người hát để cuối năm họ cộng tất cả lại xem đã dùng hết bao nhiêu thời lượng rồi tính thành tiền, gửi thư trả cho người viết nhạc, ca bài hát đó. Đại ý là như vậy. Còn như  với chúng ta, ta lờ phắt đi  coi như không có chuyện gì cả! Có ai cầu chứng, giữ bản quyền đâu? Có ai bị thưa kiện đâu? Ai là người bênh vực nghệ sĩ? Hiệp hội nào bảo vệ tác quyền? Không có ai cả! Nên vấn đề này vẫn là một vấn đề không lối thoát.
- Thôi, cậu có nói đến hết ngày cũng không hết chuyện đâu. Ta trở lại bài
“Chiều” đi.
- Vâng. Bản “Chiều” có những câu rất mới.
- Mới ở chỗ nào?
- Dạ, chỗ này: “Trên đường về nhớ đầy”. Nhớ mà lại “nhớ đầy” thì thầy tưởng tượng ngay ra là nhớ thế là “đầy” rồi, không thể ít mà cũng không quá nhiều đến nỗi  đầy tràn. Đầy đây là đầy đủ, vừa đầy, không thể thêm hay bớt. Chữ “đầy” đặt ở đây là rất đắc ý.
Rồi đến câu” Chiều chậm đưa chân ngày” thì tác giả đã nhân cách hoá buổi chiều, coi buổi chiều như một người để “chậm đưa chân ngày”, tiễn nhau trong cảnh hoàng hôn xế bóng. Nghe như có vẻ buồn buồn nên có câu tiếp theo:”Tiếng buồn vang trong mây, tiếng buồn vang trong mây”. Nhắc hai lần cho đậm thêm cái ý “buồn”. Mà tiếng buồn này lại “vang trong mây” cơ đấy nhá! Thế mới tình chứ lị!
- Này, tôi chưa thấy tả gì đến bóng dáng người con gái là tại làm sao vậy?
- Dạ, không sao ạ! Đến đây, tác giả vẫn muốn in sâu đậm cái buồn của buổi chiều nên mô tả những là :
”Chim rừng quên cất cánh, gío say tình ngây ngây
có phải sầu vạn cổ, chất trong hồn chiều nay
Tôi là người lữ khách
mầu chiều khó làm khuây
ngỡ lòng mình là rừng
ngỡ lòng mình là mây
nhớ nhà châm điếu thuốc
khói huyền bay lên cây”
Câu hỏi của thầy là sao không thấy bóng dáng người con gái nào trong nhạc. Theo em, câu” Tôi là người lữ khách” đã nói lên đầy đủ cái nỗi cô đơn của khách thui thủi một mình, không có ai cặp kè hay tháp tùng bên cạnh. Chính vì cô đơn như rứa nên chàng mới than trời như bọng đấy chứ! Chứ nếu có một cô một bà nào cùng bước thì mọi chuyện đã đổi khác rồi!
- Ưà, cậu nói nghe cũng có lý đấy! Có nhẽ vì cô đơn như thế nên chàng mới châm điếu thuốc để cho khói huyền bay lên cây, gọi là để “nhớ nhà”! Nhưng ta phải hiểu là nhớ “nhà tôi” thì hợp cách!
- Dạ, chính thế!
- Này cậu Cai. Nãy giờ, cậu giảng giải hơi nhiều rồi đấy nhá! Bi chừ tôi đố cậu chơi được không?
- Thầy đố em kí gì cơ?
- Đố nhạc! Nhưng không đó theo lối thông thường là nghe bản nhạc, hỏi tên bản nhạc, tên nhạc sĩ, tên ca sĩ, thòng câu “bao nhiêu người đoán trúng” . Chuyện ấy xưa rồi. Bây giờ tôi đốù cậu thế này: Tôi đọc tên bản nhạc, cho cậu biết luôn tên người sáng tác. Cậu chỉ việc ca ngay một vài câu đầu của bản nhạc đó, chứng tỏ là cậu cũng biết chút đỉnh về âm nhạc Việt Nam. Được không?
- Dạ, cũng có thể được. Nhưng thầy đố vậy có thưởng hay không ạ?
- Có thưởng chứ! Nếu đáp trúng tất cả, tôi đãi đi ăn “lân” ở “Băm Bu” “Ôn I-u ken ít”.
- Dạ, nghe được quá! Nhưng sao thầy kẹo quá, bắt đáp trúng hết mới cho đi ăn một bữa!
- Thế cậu muốn ăn mấy bữa. Vừa phải thôi chứ! Tôi về hưu rồi, tiền đâu mà đãi cậu như nhà mạnh thường quân...Hùynh thanh Phương được?
- Thôi thế cũng được. Thầy đố đi...
- Đố nhá! Nghe cho kỹ rồi hẵng giả nhời. Vẫn trong chủ đề nói về “Chiều” thôi chứ không đi đâu xa cả: “Chiều vàng” của Nguyễn Văn Khánh!
- “Trên đồi xanh, chiều đã xuống  dần
 mặt trời lấp lánh sau đồi chiều vàng
riêng mình ta ngồi ngắm quanh trời
lạnh lùng nghe tiếng chim chiều gọi đàn
buồn xa vắng buồn, lòng thầm...”
- Đúng rồi! Tiếp. Sau chiều vàng là “Chiều tím” của Đan Thọ, thơ Đinh Hùng!
- “Chiều tím, chiều nhớ thương ai, người em tóc dài
sầu trên phím đàn, tình vương không gian
mây bay quan san, có hay?
Đàn nhớ từng cánh hoa bay, vần trăng viễn hoài
mầu xanh ước thề, dòng sông trôi đi
lúc chia tay còn nhớ chăng?”
- “Chiều đông” của Phạm Duy, thơ Cung Trầm Tưởng!
-“ Chiều đông tuyết lũng âm u
bâng khuâng chiều tới tiếp thu trời buồn
ngày đi tầu cũng đi luôn
ga thôn trơ nỗi băng nguồn héo hon...”
- “Áng mây chiều”  của Dương Thiệu Tước!
- “Trời hoàng hôn nắng vàng xao xuyến
kià làn mây gió quyến xa đưa
mây trôi lững lờ, hồn ai luống ngẩn ngơ...”
- Được rồi! “Bóng chiều tà” của Nhật Bằng!
- “Chiều ơi về đâu
chiều đi lòng nhớ bao nỗi u sầu
chiều sương im lắng buồn
mờ xa đôi cánh chim lùa theo gió
chiều xa ngoài khơi
thuyền theo dòng nước về chốn xa vời
cành hoa phai sắc tàn
còn đâu trăng sáng mơ bên vườn lan...”

- Cậu nhớ thế là “gút” lắm rồi. Trí nhớ vậy là còn tốt lắm, chứ cái hồi tôi bằng tuổi cậu, tôi  đã quên nhiều lắm rồi!
- Em cũng vậy đó. Cái hồi em bằng tuổi thầy bây giờ, em cũng quên khá bộn...Nhưng thôi, thầy hỏi tiếp đi kẻo nguội điện.
- (Thầy Nguyễn Túc tủm tỉm cười, lờ đi): Tiếp. Bài này lâm ly lắm. Chiều không ở phố xá thị thành mà là “Chiều lên bản Thượng” cơ đấy! Bài của Lê Dinh.
- “Gió cuốn theo chiều xuống qua bao đồi nương
nắng úa trên ngành lá khi ánh chiều  buông.
Tiếng hát cô...”
- Thôi, được rồi! Tiếp, bài này lâu năm lắm rồi,không biết cậu còn nhớ không? “Chiều tiễn biệt” của Ưng Lang và Châu Kỳ.
- Dạ nhớ! “ Chiều nay mưa giăng nét sầu
sông nước lững lờ, xuôi thuyền về đâu?
Chiều nay mưa gió dãi dầu
hoa lá phai mầu, gợi niềm thương đau...”
- Trí nhớ của cậu khá lắm! Tôi hỏi thử  câu này: Hồi xưa, cậu có mấy cô bồ? Tên các cô ấy là gì nào?
- Cái này hơi khó đấy thầy ạ! Tưởng dễ mà lại không dễ đâu! Em tính nhẩm, hình như có dăm côâ gì đó. Nhưng mà thầy định nghĩa thế nào là “bồ” mới được chứ?
- Cái này cũng khó lắm đa! Cũng còn tùy “quan niệm” đấy cậu ạ! Theo tôi thuộc trường phái “cổ điển”, dung hoà mí lị phái “bán cổ điển” và phái “hiện đại” thì nói một cách trung dung là: Hễ có thư từ, hẹn hò đi chơi mí nhau, ôm nhau, hôn hít nhau thì tôi coi đó là “bồ bịch “ rồi. Còn như đi xa hơn nữa thì tùy hoàn cảnh, tùy đối tượng, tùy may rủi hên sui...Tôi chưa có cái hân hạnh và vinh dự đó!
- Vậy thì em  thuộc trường phái “bán cổ điển”, có mấy cô này: Em Hạnh, em Hiên, em Cúc, em Lan... Em tuần tự bắt bồ với mấy cô này theo công thức “1+1=1”, vẫn chỉ là 1, lăng ba vi bộ  thôi chứ không di sâu vào lãnh vực tình cảm hay vào vòng cấm địa, không để lại “kỷ vật” nào cho em sốt cả!
- Thế còn thầy?
- Tôi í à? Tôi chỉ muốn nói tới Hiện Tại mà thôi. Chuyện cũ đã rơi vào quá khứ, có ôm cũng chẳng được nữa. Thì tại sao mà mình lại cứ “đập cổ kính ra tìm lấy bóng”?
- Thầy nghĩ như thế là chí lý, chí tình và chí khôn đấy ạ! Chứ cứ như em thì chỉ là ôm ấp bóng ngày qua, chả bổ béo gì mà còn hao tổn tinh thần nữa chứ lị!
- Thế Hiện Tại của thầy thế nào?
- Miễn bàn, “secret love”, “mind your business”! Tiếp nhá! Bài này nữa cũng lâu lắm: “Tiếng chuông chiều thu” của Tô Vũ!
- “ Lá thu nhẹ rơi rơi,
nắng thu vàng phai phai
ai về âm thầm nẻo cũ bâng khuâng tình xưa...”
- Khá lắm! Tiếp nhá hay ngưng?
- Ngưng thì sao ạ?
- Ngưng thì hỏng ăn. Cậu xin ngưng thì lỗi  ở như cậu!
- Dạ, xin tiếp! Thầy khó quá!
- (Cười). Vậy đó, chơi được thì chơi, không chơi tui chơi với người khác! Tiếp: “Chiều thương đô thị” của Song Ngọc và Hoài Linh! Boléro.
- “Hôm xưa tay nắm tay, anh hỏi tôi rằng:
”Những gì trong đời, ta ghi sâu vào tâm tư
không tan theo cùng hư vô
không theo tháng năm phai mờ,
tình nào tha thiết anh ơi?”
- “Chiều bên giáo đường” của Lê Trọng Nguyễn.
- Em nhớ nhưng chợt quên lửng đi. Thầy cho em vài giây được không?

- Tôi nhắc khẽ thôi:” Vàng rơi bên gót chân son mềm...”
- Đúng rồi :“ Trên lối đi về xứ hoa duyên
tà áo trinh nguyên tung bay nụ cười thân ái...”
Nói thực với thầy, em rất hãi bài này vì những câu” gót chân son mềm”, “xứ hoa duyên”, “tà áo trinh nguyên”. Nhất là “tà áo trinh nguyên” thì quả thật là em không hiểu cái tà áo này nó trinh nguyên ở cái khổ nào cà?
- Người nhạc sĩ, nghệ sĩ  tô son điểm phấn, đánh bóng nhân vật của mình cho nó thêm nõn nà, mê đắm lòng người chứ ai biết được trinh nguyên ở chỗ nào đâu! Cậu chớ có théc méc những chuyện không phải của mình, e có hại cho sức khoẻ giống nòi đấy cậu ạ!
- Thầy nói vậy thì em cũng biết vậy, nhưng cái tính của em nó hay théc méc vớ vỉn như thế hoá nên bạn bè nhiều người không ưa, bảo em hay tọc mạch, bới bèo ra bọ, tán róc, chả ra đâu vào đâu cả...
- Thế mà độc giả hình như lại...chịu cậu đấy thì phải!
- Em cũng chỉ cầu mong được khối độc giả thầm lặng cứ lẳng lặng đọc rồi cười mà không cần cho ý kiến gì sốt cả. Cứ êm ru bà rù như thế là OK Salem rồi, thầy ạ!
- Câu hỏi chót đây nhá! “Bóng nhỏ đường chiều” của Trúc Phương!
- May quá! Em nhớ thế này:
“Ai biết ai vì đời, cùng ngược xuôi chung lối mòn
ngày anh hai mươi tuổi, em đôi tám trăng tròn
đêm lạnh còn chăn đơn gối le...”û
- OK! Thôi ta đi ăn “Băm-Bu” “Ôn I- U Ken Ít”, “Sê-ni-o” được trừ 10%, cũng đỡ khổ!
- Thầy để tiền đấy cho em trả!
- Tiền tôi, tôi trả. Mắc mớ gì mà lại phải để tiền đấy để cậu trả dùm? Nhưng cậu phải để tí tiền típ lại...
- Sao vậy, thầy? Tưởng thầy đã bao sân là bao suốt sổ chứ!
Đúng, nhưng tôi phải nhắc cậu một câu trong “Chiều bên giáo đường” nên trừ đi một hai điểm. Cậu cho típ 2 đôn là đẹp rồi!!
(Cai tôi thở dài). Thôi cũng được. Vậy thưa thầy, ta đi cho sớm sủa...
Thưa bạn đọc,
Như bạn đọc đã rõ, thầy trò chúng tôi phải mất nhiều ngày giờ và hơi sức mới sưu lục được mấy chục bài có chủ đề về “Chiều” để cống hiến độc giả!

Nếu có điều chi mà quý vị khen thưởng, xin cho thầy trò tôi biết để được tháp tùng đi ăn “Băm-Bu”.
Còn như có điều chi  quý vị  không khứng ý thì xin vui lòng tha cho làm phúc, giơ cao đánh khẽ dùm, coi như “bẩy, tám, chín cũng bỏ làm mười” thì thầy trò chúng tôi rất lấy làm cảm kích, cám ơn bạn đọc vô cùng!
Vậy xin hẹn bạn đọc vào một kỳ tới!
Thôi nhá! “Bai” hỉ!.               
 Lê văn Phúc
Theo http://www.gio-o.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...